Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

Tính chính trị của giải Nobel văn chương

                                                                                      15/10/2012

                                                           Nguyễn Hưng Quốc

Nhà văn Trung QuốcMạc Ngôn

Nhà văn Trung QuốcMạc Ngôn

Trước sự phản đối của một số người về quyết định trao giải Nobel văn chương cho Mạc Ngôn với lý do ông quá gần gũi với chính quyền, cơ hồ là phát ngôn viên của một chế độ độc tài và tàn bạo, Per Wastberg, một thành viên trong Viện Hàn Lâm Thụy Điển phát biểu trên trang mạng của tờ nhật báo Svenska Dagbladet là Viện không quan tâm đến quan điểm chính trị của các nhà văn:
“Tất cả các lựa chọn – vốn dựa trên chất lượng văn chương chứ không phải bất cứ điều gì khác – bao giờ cũng gây ra những tranh cãi nhất định.”
Trên nguyên tắc, tôi đồng ý hai điểm: Thứ nhất, văn chương không nhất thiết gắn liền với chính trị; và thứ hai, việc đánh giá văn chương phải độc lập với chính trị.
Tuy nhiên, trên thực tế, lời phát biểu của Per Wastberg lại làm nảy sinh ra hai vấn đề: Thứ nhất, có phải bao giờ Viện Hàn Lâm Thụy Điển cũng chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn văn chương hay không? Thứ hai, nếu chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn văn chương, có phải bao giờ họ cũng đánh giá chính xác hay không?
Xin nói về vấn đề thứ hai trước.
Trong bài “Tính chính trị văn chương của giải Nobel” đăng trên tạp chí The Antioch Review số 65 ra vào mùa xuân năm 2007, Jeffrey Meyers nhận định: trái ngược với sự kỳ vọng của nhiều người, ngay cả khi chỉ dựa trên tiêu chí văn chương, giải Nobel không phải lúc nào trao đúng người.
Meyers còn nói thêm: “Hầu hết các tác giả lớn của thế kỷ 20 đều không được trao giải.” (trang 214) Các tác giả lớn không được giải ấy, bao gồm, trước hết, những tên tuổi vĩ đại nhất của thế kỷ 19, những người còn sống và còn sáng tác đến đầu thế kỷ 20, như Leon Tolstoy, Anton Chekhov, George Meredith, Thomas Hardy hay Emile Zola. Trong thế kỷ 20 thì có ít nhất năm, sáu chục tài năng thuộc loại đứng đầu thế giới, nổi bật nhất là: Joseph Conrad, James Joyce, Virginia Woolf, D.H. Lawrence, George Orwell, W.H. Auden, Robert Frost, Wallace Stevens, Ezra Pound, Marcel Proust, Paul Valery, Andre Malraux, Anna Akhmatova, Vladimir Nabokov, Jorge Luis Borges, Rainer Maria Rilke, Franz Kafka, Stefan Zweig, v.v. Tất cả những người ấy đều không được giải.
Phân tích danh sách 103 người đoạt giải Nobel văn chương từ năm 1901 đến 2006, Meyers nhận thấy họ có thể được xếp thành bốn hạng:
Thứ nhất là những người có tầm vóc quốc tế. Thuộc hạng này, chỉ có 17 người, bao gồm: Kipling, Yeats, Shaw, Mann, O’Neill, Gide, Eliot, Faulkner, Hemingway, Camus, Sartre, Beckett, Solzhenitsyn, Montale, Bellow, Heaney và Naipaul.
Thứ hai là những cây bút quan trọng và nghiêm túc: Thuộc hạng này, có 26 người, bao gồm: F. Mistral, Carducci, Maeterlinck, Hauptmann, Hamsun, Brunin, Pirandello, Hesse, Russell, Lagerkvist, Mauriac, Churchill, Pasternak, Quasimodo, Saint-John Perse, Andric, Saferis, Neruda, Singer, Marquez, Brodsky, Paz, Grass, Coetzee, Pinter và Pamuk.
Thứ ba là những nhà văn hạng trung bình (third-rank) gồm 44 người.
Và thứ tư là những nhà văn tầm thường, đến bây giờ gần như hoàn toàn bị quên lãng, bao gồm 16 người.
Theo Meyers, chỉ có những người thuộc hai hạng trên cùng là xứng đáng. Nhưng như vậy thì chỉ có 43 người trên tổng số 103, tức là chưa tới một nửa.
Meyers không đưa danh sách những cây bút được xếp vào hạng thứ ba và thứ tư ở trên. Ông chỉ nhắc, đây đó, rải rác trog bài viết, một số tên như Jacinto Benavente, Galsworthy, Odysseus Elytis, William Golding, Seifert, v.v. Ở những nơi khác, nhiều nhà phê bình đã nhắc đến hiện tượng những nhà văn tầm thường mà vẫn được giải. Trong số đó, được bàn cãi và phê phán nhiều nhất là giải thưởng vào các năm: 1974 cho Elvyind Johnson và Harry Martinson, hai người Thụy Điển; 1997 cho Dario Fo, người Ý, người bị nhiều nhà phê bình chê là kém nhất trong số những người từng đoạt được giải Nobel; 2004 cho Elfriede Jelenik, người Áo (sau giải ấy một thành viên của Viện Hàn Lâm Thụy Điển, Knut Ahnlud, từ chức để phản đối sự chọn lựa của ban giám khảo); và 2009 cho Herta Muller, người Romania.
Liên quan đến vấn đề thứ nhất nêu lên ở đầu bài này, từ lâu đã có nhiều người nhận thấy và chứng minh không phải lúc nào Viện Hàn Lâm Thụy Điển cũng chỉ căn cứ trên tiêu chí thuần túy văn chương. Ngược lại, rất nhiều khi trong các sự lựa chọn của họ thấp thoáng rất nhiều yếu tố chính trị.
Trước hết, tính chính trị ấy liên quan đến vấn đề ngôn ngữ. Cho đến năm 2012 này, đã có 109 người đoạt giải. Chia theo ngôn ngữ, chúng ta thấy:

Ngôn ngữ
Số người đoạt giải

Tiếng Anh
26

Tiếng Pháp
13

Tiếng Đức
13

Tiếng Tây Ban Nha
11

Tiếng Thụy Điển
7

Tiếng Ý
6

Tiếng Nga
5

Tiếng Ba Lan
4

Tiếng Na Uy
3

Tiếng Đan Mạch
3

Tiếng Hy Lạp
2

Tiếng Nhật
2

Tiếng Tàu
2

Tiếng Ả Rập
1

Tiếng Bengali
1

Tiếng Séc (Czech)
1

Tiếng Phần Lan
1

Tiếng Hebrew
1

Tiếng Hungary
1

Tiếng Icelandic
1

Tiếng Occitan
1

Tiếng Bồ Đào Nha
1

Tiếng Serbo-Croatian
1

Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ
1

Tiếng Yiddish
1

Sự phân chia ở trên có tính chất tương đối. Người đoạt giải Nobel với tiếng Bengali chính là Rabindramath Tagore (năm 1913) sáng tác bằng cả hai thứ tiếng: Bengali và tiếng Anh, được người ta biết đến chủ yếu qua các bản tiếng Anh. Joseph Brodsky (năm 1987) được xếp vào bảng tiếng Nga nhưng ông viết bằng cả tiếng Nga lẫn tiếng Anh và cũng được biết đến qua các bản tiếng Anh. Samuel Beckett (1969) viết cả bằng tiếng Pháp và tiếng Anh và cả hai đều có tầm quan trọng cũng như được đánh giá cao gần như ngang nhau.
Nhìn vào bảng thống kê trên, chúng ta thấy ưu tiên thuộc hẳn về các ngôn ngữ Âu châu, đứng đầu là tiếng Anh. Có thể nói, những người viết hoặc được dịch ra tiếng Anh có cơ hội đoạt giải Nobel nhiều hơn hẳn những người khác. Nếu không viết và dịch sang tiếng Anh thì viết và dịch ra tiếng Thụy Điển. Nhiều người cho Ban giám khảo đặc biệt ưu ái đối với đồng hương của họ cũng như những người viết các ngôn ngữ gần gũi với tiếng nước họ, như hai thứ tiếng Na Uy và Đan Mạch (tổng cộng ba thứ tiếng này có đến 13 người đoạt giải, bằng tiếng Pháp và tiếng Đức, nhiều hơn tiếng Tây Ban Nha).
Khía cạnh thứ hai của tính chính trị trong giải Nobel là phái tính. Trong số 109 người đoạt giải, chỉ có 12 người là phụ nữ: Selma Lagerlof (2009), Grazia Deledda (1926), Sigrid Undset (1928), Pearl Buck (1938), Gabriela Mistral (1945), Nelly Sachs (1966), Nadine Gordimer (1991), Toni Morrison (1993), Wislawa Szymborska (1996), Elfriede Jelinek (2004), Doris Lessing (2007) và Herta Muller (2009).
Khía cạnh thứ ba là cơ chế lựa chọn. Nói chung, do số người và thời gian có giới hạn, ban giám khảo thường chỉ đọc kỹ những người được giới thiệu. Trên nguyên tắc, các Viện hàn lâm, các đại học, các hội văn nghệ và những người đã từng đoạt giải Nobel đều được quyền đề cử người vào tranh giải Nobel. Tuy nhiên, người ta thường chỉ quan tâm đến nơi người ta tin cậy nhất. Đó thường là các viện hàn lâm của Thụy Điển, Pháp và Tây Ban Nha. Các giáo sư và đại học Mỹ, ngược lại, rất hiếm khi tận dụng cơ hội và cái quyền để giới thiệu của mình. (Có lẽ họ ít quan tâm đến giải thưởng này; nhưng cũng có thể họ quá tự tin vào ngôn ngữ của họ, vốn đã được xem như một thứ quốc tế ngữ.) Tiếng nói của những người đã đoạt giải Nobel cũng có ảnnh hưởng rất đáng kể. Meyers cho Mann đã giúp Hermann Hesse, Martin du Gard giúp André Gide, Dag Hammarskjold giúp Saint-John Perse, Alexander Solzhenitsyn giúp Heinrich Boll, Saul Bellow giúp Isaac Singer, Brodsky giúp Dereck Walcott, Czeslaw Milosz giúp Wislawa Szymborska (tr. 218).
Nhưng quan trọng nhất là khía cạnh thứ tư: quan điểm chính trị. Ngay những năm đầu tiên của giải Nobel, hầu như ai cũng thấy người xứng đáng nhất là Leon Tolstoy; tuy nhiên, ban giám khảo đã bác bỏ đề nghị ấy với lý do Tolstoy có “tư tưởng thù nghịch một cách hẹp hòi đối với mọi biểu hiện của văn minh”. Họ cũng không trao giải cho Hardy với lý do ông có thái độ quá bi quan đối với cuộc sống; không trao giải cho Ibsen, người bị cho là chống lại các giá trị của giai cấp trưởng giả. Graham Greence bị từ chối vì quá gần gũi với các nhà độc tài như Fidel Castro và Omar Torrijos. Malraux bị từ chối từ quá khuynh tả. (tr. 216, 219 & 220)
Nhiều lúc thời điểm trao giải trùng hợp với các biến cố chính trị khiến người ta nghi ngờ động cơ thực sự của việc chọn lựa. Ví dụ, nhà văn Phần Lan Frans Eemil Silanpaa được trao giải vào năm 1939, lúc nước ông bị Liên Xô tấn công. Nhà văn Mỹ Saul Bellow đoạt giải đúng năm Mỹ kỷ niệm 200 năm ngày lập quốc. (tr. 219)
Và năm nay Mạc Ngôn, nhà văn Trung Quốc đoạt giải cũng đúng với thời điểm thế giới đang bàn đến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc với tư cách một siêu cường quốc.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

16x9 Image

Nguyễn Hưng Quốc

Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

AI ĐÃ VIẾT " PHÚC ÂM THEO JUDAS



                                                                                                        TỪ VŨ

"Phúc Âm Theo Judas" là một tập bản thảo với nội dung trình bầy một Judas rất gần gũi với Jésus và theo bản tài liệu này thì Judas được khai tâm bởi đấng Cứu Thế và chính Jésus đã "ra lệnh" cho Judas phải tố giác (bán) mình.
Bản thảo được khám phá trong một vùng sa mạc tại Ai Cập và đã được tổ chức Maecenas (Thụy-Sĩ) và National Geographic Society(Hoa Kỳ) tài trợ để khôi phục lại từ một tình trạng nát vụn tả tơi khoảng 1000 mảnh nhỏ .
Gần 2.000 năm sau, Judas, người bị căm ghét nhất trong lịch sử Giáo hội Thiên Chuá Chính Thức lại tái xuất hiện ....
Bản "Phúc Âm Theo Judas" sau khi công bố đã được các giới truyền thông, truyền hình, báo chí, các chuyên gia, nhà văn, lãnh đạo tôn giáo tranh cãi, phản biện, chỉ trích, đặt nghi vấn , đề cập tới rất nhiều kể từ 2006 cho tới ngày nay .
Như một tài liệu để mở rộng tầm kiến thức về tôn giáo, Newvietart xin được giới thiệu cùng qúy độc giả bản viết tổng hợp của Từ Vũ về các diễn biến xoay quanh việc khám phá tập bản thảo "Phúc Âm Theo Judas", một trong số hàng chục bản Phúc Âm đã bị mất tích nay tìm lại được và biết đâu đó có thể lại là một tài liệu qúy báu cho Giáo hội Thiên Chuá Vatican trong việc cách tân, cập nhật ... bản "Phúc Âm Hợp Quy Tắc" "Phúc Âm Chính Thức"- Évangiles canoniques: chỉ với 4 Phúc Âm ( Matthieu, Marc , Luc và Jean) đã được chọn lựa, xử dụng nhiều thế kỷ nay.
Cũng xin lỗi qúy độc giả về một số từ ngữ mới mà trong từ vựng Việt Nam chưa có, theo sự hiểu biết của chúng tôi, lần đầu tiên được xử dụng ở đây.


NEWVIETART.COM
Vào ngày 24 tháng 7 năm 2001, Rodolphe Kasser , người giữ chức giáo sư danh dự về bộ môn cooptologie - nghiên cứu về Cốp* tại Đại học Genève Thụy Sĩ (* Copte là tên của những người cư trú tại Ethiopie hoặc Ai Cập -hiện nay vẫn hiện diện- theo Ki-Tô giáo từ những thế kỷ đầu tiên sau dương lịch) , một chuyên gia lớn của thế giới về ngôn ngữ Copte - Hy Lạp, Ai Cập Kitô giáo - đẩy cửa một quán cà phê lớn tại thành phố Zurich Thụy Sĩ.
Vị giáo sư gìa - bảy mươi tuổi - thời gian gần đây bệnh parkinson đã tấn công ông, bàn tay phải của ông run run với bước chân khập khiễng bước vào quán. Ngay khi nhìn thấy ông già lê chân vào, nữ thương gia buôn bán nghệ thuật Frieda Tchacos lập tức đã nghĩ rằng: "Ông già này khó có thể sống sót được cho tới khi khôi phục lại toàn bộ tài liệu mà mình sẽ ủy thác cho ông ta !".
Rodolphe Kasser lắng nghe Frieda Tchacos nói, và ông hiểu rằng nghiên cứu mới của lịch sử Coptic sẽ lại làm cho ông ta tái ngộ với lịch sử của một thời đại nào xa xưa . Người nữ thương gia buôn bán nghệ thuật hỏi ông rằng ông có quan tâm đến việc chuyển dịch một "Codex" Cốp - nói một cách khác thì đó là một cuốn sách bằng giấy cói - đã rất cũ từ hơn mười tám thế kỷ nay với tựa đề là một "Phúc Âm Theo Judas", Phúc Âm của kẻ đã bán Chúa Jésus .
"Phúc Âm Theo Judas. Tựa đề của tập sách qủa thật là phạm thượng!. Nhưng chắc chắn đây là một trong những bản Phúc Âm (Evangile) thuộc về Duy Trì chủ nghĩa - Ngộ đạo (gnostique theo định nghĩa của tiếng Hy Lạp "γνώσις" là những người hiểu biết, nhận thức được những bí mật về tôn giáo)- trong Ki-Tô giáo ... Giáo sư Rodolphe Kasser tự nhủ . Lập tức, ông yêu cầu được xem bản tài liệu. Frieda Tchacos dẫn vị giáo sư già đi vào phố, tới một địa điểm được bà giữ kín. Tại đây, vô cùng cẩn trọng, người nữ thương gia đưa tập sách đựng trong một hộp bằng carton cho ông xem. Ngày hôm nay , Rodolphe Kasser thuật lại chuyện trong ngôi nhà riêng của ông tại Yverdon-les-Bains (Thụy Sĩ) chung quanh ông chất đầy hàng trăm cuốn sách viết về đạo cốp (copte), tự điển hy lạp, những quyển sách liên quan tới đức tin của những người theo Duy Trì chủ nghĩa Ki-Tô giáo - Ngộ đạo -, tôn giáo của rất nhiều người đầu tiên theo thiên chúa giáo). Ông Rodolphe Kasser nói tiếp : Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một bản thảo viết tay lại ở trong một tình trạng thảm hại tới như vậy. Tả tơi làm nhiều mảnh, các trang sách rời ra từng phần, chạm nhẹ vào là vỡ vụn ra... Tuy vậy, ngay ở trang đầu tiên, rất rõ ràng, tôi có thể đọc bằng tiếng cốp: "Phúc Âm Theo Judas".
Tôi giật nẩy mình vì tập văn bản biểu tượng cho một sự đa dạng trong lãnh vực tư tưởng đầu tiên của Ki-Tô giáo, tập văn tái xuất hiện sau hơn mười sáu thế kỷ. Nhất là, tôi tự cảm thấy thật hãnh diện khi được chọn lựa một cách ngẫu nhiên để khám phá, chuyển dịch kho báu vật của nhân loại này.
"Rodolphe Kasser chẳng phải tình cờ được chọn lựa. Vị giáo sư già đã nghiên cứ về Cốp - ngữ văn cổ đại hy-lạp được làm cho phong phú hơn với 7 chữ viết giản lược cổ Ai Cập - từ năm 1950, năm mà ông gia nhập École des Hautes Etudes ở Paris (Pháp) dưới sự chỉ đạo của một trong số chuyên gia tài năng hiếm hoi trên thế giới, Jean Doresse. Năm 1963, Rodolphe Kasser trở thành giáo sư thực thụ về bộ môn nghiên cứ về Cốp, những người Ki-Tô giáo đầu tiên sống ở Ai Cập , ông nghiên cứ và giảng dạy cho tới năm 1998. Năm 1964, ông cộng tác với viện khảo cổ Đông Phương của Pháp tại Le Caire, thủ đô nước Ai Cập, với hy vọng sẽ tái phát hiện ra được vị trí lừng danh "Kellia", nơi ước đoán đã có những tu viện đầu tiên của Ki-Tô giáo trong vùng châu thổ Ai Cập. Mặc dù chính quyền nước Ai-Cập ra lệnh cấm không cho bất kỳ một người nào được xâm nhập địa phận này nhưng mặc kệ, Rodolphe Kasser và một nhà khảo cổ người Pháp Jean Doresse cũng tìm ra được một chiếc xe jeep Land-Rover để lái vượt qua những vùng mà xe ủi đất đang làm việc. Hai người tới kịp thời để ngăn chận việc hủy hoại toàn bộ vùng này với kết quả là 28 Phúc Âm mà nhiều người biết đã được tồn tại, tái xuất hiện.
.
MỘT SỐ NGÀY THÁNG TRONG SUỐT 20 NĂM LƯU LẠC
CỦA MỘT BẢN THẢO QUAN TRỌNG TRONG LỊCH SỬ KI-TÔ GIÁO...
- Năm 1978 khám phá tại El Mineh trong một cuộc đào bới kho tàng bất hợp pháp. Chuyển nhượng cho Hanna, một người buôn bán đồ cổ tại Le Caire (Thủ đô nước Ai-Cập). Ông này đòi bán lại với giá 3 triệu dollars Mỹ.
- Năm 1982, người buôn bán đồ cổ Ai Cập Hanna liên lạc được với giáo sư đại học Université Michigan Hoa Kỳ Ludwig Koenen . Ông chụp hình và gởi cho giáo sư S. Kent Brown của viện đại học Université Brigham Young . Ông S.K.Brown nhìn nhận được ra rằng đây là một tài liệu của những người Duy Trì chủ nghĩa - Ngộ đạo Ki-Tô giáo viết giống hệt như những chữ viết trong các tài liệu tìm thấy ở Nag Hammadi. Giáo sư Ludwig Koenen muốn mua lại tập bản thảo này nhưng không đủ tiền .
- Năm 1983 James Robinson và Stephen Emmel thương lượng mua nhưng cũng thất bại.
- Năm 1984 , ngày 23 tháng 3 - Hanna, người buôn bán đồ cổ Ai Cập, mướn một cái cóp tại ngân hàng City Bank ở Hicksville New York . Bản thảo nằm trong đó cho tới năm 2000 chịu đựng sự huỷ hoại .
- Năm 2000, ngày 3 tháng 4 - Frieda Nussberger Tchacos là sở hữu chủ của bản codex và giao lại cho Beinecke Library của viện đại học Yale - Hoa Kỳ vì nơi đây có ý định muốn mua lại nhưng không thành côngtuy nhiên kể từ khi đó các chuyên gia có thể tiếp cận được với tập tài liệu .
- Năm 2000, ngày 9 tháng 9 - Frieda Nussberger Tchacos bán lại bản thảo cho một thương gia buôn bán đồ cổ , Bruce Ferrini. Ông này nghĩ rằng để lưu trữ được lâu dài tập bản thảo nên đã cất giữ trong tủ lạnh vì thế đã làm thiệt hại nặng nề hơn sau khi tập tài liệu đã bị lưu hãm 16 năm trong cóp ngân hàng. Vì không thể trả được tiền mua sách , sáu tháng sau những mưu đồ để khai thác, nên Frerini phải hoàn lại cho bà Frieda Nussberger Tchacos .
- Năm 2001, ngày 19 tháng 2 - bà Frieda Nussberger Tchacos trao tập bản thảo "Phúc Âm Theo Judas" cho Fondation Macecenas (Thuỵ Sĩ) một tổ chức mạnh thường quân và với sự hợp tác tài chánh của The National Geographic Society . Trước khi bản thảo được ủy thác cho bà Florence Darbre để phục chế lại "Phúc Âm Theo Judas " đã được thử nghiệm bằng chất carbonne 14 tại Đại học Arizona Tucson để xác định sự thực của bản thảo và sau 5 năm tận lực phục chế tập sách gồm có 66 trang được trao phó cho các ông Rodolphe Kasser et Gregor Wurst chuyển ngữ .
- Năm 2009 : Bản thảo "Phúc Âm Theo Judas được trả về để lưu giữ tại viện bảo tàng Copte ở Le Caire - Ai Cập.
Tập sách đã phục chế gồm 4 tài liệu :
1- Lá thư của Pierre gởi Philippe, một dịch bản khác cũng đã tìm thấy ở Nag Hammadi (phần dưới) - từ trang 1 tới trang 9.
2- Khải huyền thứ nhất của Jacques, một bạn khác cũng tìm được ở Nag Hammadi, ở đây được gọi là "Jacques" - từ trang 10 tới 30 ? .
3- Phúc Âm Theo Judas - từ trang 33 tới 58 : .
4. Những đoạn văn mà những người xuất bản gọi tạm là "Sách của Allogène" - từ trang 59 tới 66.
Toàn bộ tập bản thảo được đặt tên là : Codex Tchacos - tên của bà Frieda Nussberger Tchacos.
MỘT TẬP SÁCH CỐ Ý BÁNG BỔ ???
Khi đọc tập "Phúc Âm Theo Judas" viết trên giấy cói, sau khi những xúc cảm đã đi qua, Giáo sư Rodolphe Kasser chẳng ngạc nhiên chút nào về tựa đề quả thực là "cố ý báng bổ" đối với Ki-Tô giáo Chính Thống . Những thế kỷ đầu tiên sau Jésus-Christ, chỉ duy nhất những người theo theo Duy Trì chủ nghĩa của Ki-Tô giáo mới dám viết lại như thế, khác biệt với những bản phúc âm đầu tiên, những hình thái đam mê của Chúa. Họ khẳng định bằng cách đưa ra "sự ngộ đạo", "nhận thức được điều bí mật". Chẳng phải chính họ, vào thế kỷ thứ II, đã cho người ta được biết tới một "Phúc Âm Theo Marie-Madeleine", đại diện cho một sự am hiểu đối lập với tông đồ Pierre (một trong số mười hai thánh tông đồ của Chúa Giêsu), một sự giảng dạy rất gần Chuá Jésus, đề ra những "cuộc hôn nhân tinh thần" với Người (có lẽ vì thế mà tình tiết kỳ quặc về tình yêu của cuốn tiểu thuyết Da Vinci Code đã làm cho sách bán chạy)?. Những tín hữu Duy Trì chủ nghĩa của Ki-Tô giáo này là ai ? Một đồng nghiệp của giáo sư Rodolphe Kasser, giáo sư Marvin Meyer, chuyên gia nổi tiếng về thời khai sinh Ki-Tô giáo , cũng đã nghiên cứ thật rộng rãi . Trong bản giới thiệu về "Phúc Âm Theo Judas, ông ta thuật lại rằng làm thế nào trong năm mươi năm sau khi Jésus bị đóng đinh, hàng chục nhóm Ki-Tô giáo, những người truyền bá phúc âm như Simon - vị ngộ đạo đầu tiên, đối thủ của thánh (tông đồ) Pierre - , những trào lưu triết lý, những môn phái gần gũi và đôi khi cạnh tranh nhau, đã xuất hiện ở Judée (một vùng núi non về hướng nam nước Do Thái hiện nay) , sau đó lan tràn khắp vùng Trung Đông, bị đàn áp dữ dội bởi giới cầm quyền La Mã. Những người Ki-Tô giáo đầu tiên,trong đó có thánh Paul, chuyển biến thành 46 nhóm trên lộ trình tới Damas, đã được nghe rất nhiều chuyện thuật lại của các vị tông đồ, anh em của Jésus, những chứng nhân trong gia đình, những chuyện thần thoại liên quan tới sự phục sinh của Jésus. Những người này tập hợp lại những câu chuyện đó, sao chép lại, viết lại, không ngừng tường thuật lại những lời của Chúa, khai triển, làm phong phú thêm...rồi giải thích theo như họ hiểu . Họ tranh cãi với nhau để tìm biết về những câu hỏi như : Jésus là một người-khách tới trái đất này, hay là con của Thượng Đế? Phải chăng Jésus duy trì truyền thống của những người Do Thái hay Jésus mang lại một thông điệp mới? Phải chăng Thượng đế đã từ bỏ Jésus trên thập giá ? .......
TỰ DO TƯ TƯỞNG
Vào năm 66 (Dương Lịch), một biến cố lớn trong lịch sử tôn giáo đột ngột sảy ra . La Mã đàn áp và tiêu diệt một cuộc vùng dạy đòi độc lập của những người Do Thái tại Judée.
Một số những người Do Thái theo Ki-Tô giáo và "dễ thương" đã giải thích về sự hủy diệt của Jérusalem như một trừng phạt của đấng tạo hoá, đây cũng đúng là thời điểm để truyền bá một tôn giáo mới : đạo Ki-Tô . Đó là thời kỳ đặc biệt sôi động về trí tuệ và tinh thần, phong phú trong lãnh vực tư tưởng hy-lạp của học thuyết Pla-ton, của học thuật bí hiểm, đạo Oóc-phê (cổ Hy Lạp), của truyền thống tôn giáo Do Thái, một thời kỳ khai hoa nở nhụy của những văn bản, thư tín, phúc âm, thần thoại, vũ trụ luận. Đó là những thư tín của Paul, hoặc lời giảng của Simon ... những ngọn lửa của một đức tin mới.
Giữa những năm 70 và 90, những tập phúc âm đầu tiên được xuất hiện như phúc âm của Jean, Mathieu, Luc, Marc , những bản tường thuật khá chi tiết có khuynh hướng về cuộc đời của Jésus : Những văn bản tương lai được cho là "hợp quy tắc tôn giáo" của giáo hội Ki-Tô từ ngày khai sinh kéo dài cho tới ngày nay. Những bản phúc âm này khó quả quyết được là "hợp quy tắc tôn giáo", "chính xác", "không chính xác" hay "kém chính xác", "giả tạo" hoặc "viết lại" hơn những bản kế tiếp được người ta biết tới về sau này. Giữa năm 100 và 200, mười một bản phúc âm mới ra đời. Tất cả đã diễn tả những tường thuật khác biệt , những thị lực, những giải thích lời của Chúa và của các vị tông đồ hoặc các vị khác: Đó là những bản phúc âm của Marcion, Philippe, Pierre, Thomas, Jacques, Basilide, Ebionites, của những người Ai-Cập, của những người Hébreux, của những người xứ Nazaret, và Ascension d’Isaïe. Thêm vào 5 biên bản của các tông đồ - Jacques, Jean, Paul và Thècle, Pierre, André -, 5 bức thư - trong đó có một của Ponce Pilate - và 5 khải huyền của Jacques, Jean, Pierre, Paul, và Apocryphon của Jean ".
Suốt hai thế kỷ đầu tiên sau Jésus, giáo sư Rodolphe Kasser giải thích , đạo Ki-Tô đã bị truy hại, chia xẻ ra thành nhiều nhóm bí mật lén lút sinh hoạt . Không một "chính giáo" nào có khả năng áp chế được những nhóm khác, một tự do tư tưởng nào đó đã được thịnh hành, rất nhiều giáo hội Ki-Tô chung sống với nhau. Ngay giáo hội theo Duy Trì chủ nghĩa cũng phân chia làm nhiều đoàn thể và các nhóm nhỏ, khai triển qua nhiều triết lý rất khác biệt nhau, nhưng lại gắn bó thực chặt chẽ, khác hẳn với dòng gọi là "chính giáo" - giáo hội tại Vatican hiện nay.
Phải chờ cho tới khi vị hoàng đế ngoan đạo Constantine triệu tập hội đồng giám mục Nicée - tại Isbik Thổ Nhĩ Kỳ - vào năm 325, để đặt định ra quy tắc Ki-Tô giáo "Chính Thống" , "Phổ Thông". Một tập hợp bằng các văn bản giới hạn vào 4 phúc âm (các Phúc Âm Theo Jean, Mathieu, Luc và Marc), 7 điệp thư , những "chứng thư của các tông đồ", 14 điệp thư của Paul - tất cả những tài liệu khác còn lại , khởi đầu là những thuyết Duy Trì chủ nghĩa , đều được đánh giá như là những tài liệu không thể chấp nhận được. Cấm không được đọc trong các nhà thờ, cấm chỉ các tu sĩ không được sao chép lại. Hoàng đế Constantin đã chơi một con bài tháu káy, giáo sư Rodolphe Kasser phân tích. Vị hoàng đế này đã dựa trên một giáo hội ngầm , có thế lực ở các nơi trong vùng Trung Đông, Nam Âu châu cho tới thành phố Lyon (Pháp) để thống nhất lãnh thổ đang bị đe dọa của ông ta. Chính bản thân ông đã trực tiếp theo dõi vào việc thiết lập thể chế của một "quy luật giáo hội", một giáo điều Ki-Tô giáo "chính thống". Kể từ đó, một văn kiện được xem như có tính cách khiêu khích như "Phúc Âm của Judas" trở thành một tà thuyết...
A - PHÚC ÂM ƯỚP TRONG TỦ LẠNH
Như vậy là "Phúc Âm Theo Judas" đã phải chờ đợi chúng ta tới 16 thế kỷ; ông Rodolphe Kasser nói tiếp. Bản văn như đã nói ở trên, đang trong một tình trạng nát rách thê thảm bởi lẽ nó đã bị gãy vụn thêm một phần nữa bởi vì đã bị vất bỏ nằm trong cóp 16 năm trời, hao hụt rất nhiều trang và sau đó lại còn bị ướp lạnh lưu trữ ở nhà băng.
Chúng ta cần nên biết rằng cây cói mọc dọc theo sông Nil ở Ai-Cập, trong vùng ẩm thấp. Cây cói có những thân khoảng từ 3 tới 4 centimètre đường kính, người ta chặt cây rồi tách ra làm nhiều lá mỏng, sau đó xếp chồng lên nhau để cho nhựa cói trong khi chờ khô sẽ kết hợp lại được. Vì thế nên khi làm đông lạnh những tờ giấy cói sẽ bị tách rời nhau ra. Bản thảo qua tới tay bà Frieda Tchacos, rồi vào ngày 9 tháng 9 năm 2000 bà nhượng lại cho một thương nhân người Hoa Kỳ ở Akron - tiểu bang Ohio tên là Bruce Ferrini, với giá 1.250.000 dollars . Bà Frieda Tchacos nghĩ rằng đã bán được với giá rất hời nào ngờ rằng trong khi đó Bruce Ferrini thương lượng với chủ nhân cơ sở Microsoft, Bille Gates, vì nghĩ rằng chỉ có Bill Gates mới có đủ tiền bạc để vừa đưa cho anh ta để trả tiền mua tập sách lại vừa chịu các phí tổn cho việc phục hồi bản chép, chuyển dịch, lồng kính và triển lãm trước công chúng, trong lúc đó, Bruce Ferrini lại đông lạnh và bỏ bản thảo tập sách vào cóp nhà băng mà không biết được là ông ta đã làm một điều tai hại khi làm đông lạnh tập sách.
Phần Frieda Tchacos sau khi nhận được những tấm ngân phiếu không tiền bảo chứng của Bruce Ferrini bà hiểu ngay được rằng mình bị lừa và quyêt định lấy lại quyền sách. Bà thuật lại cảm nghĩ về chuyện đã diễn ra trong lúc đó : "Judas đã khước từ không cho tôi đi. Nhất định ông ấy níu tôi và hành hạ tôi. Tôi đã nghĩ là tương lai trước mặt tôi thật là đen tối... Judas đã chọn lựa tôi để tôi phục hồi lại sách. Judas đã lôi kéo tôi, điều động tôi để tôi đi đúng con đường cần phải đi..."
Bà Frieda Tchacos đã phải mất nửa năm trời mới lấy lại được tập bản thảo đã bán, trước khi lại bán cho tổ chức Maecenas - "mạnh thường quân" - và National Geographic Society đứng ra thực hiện việc phụ hồi lại bản thảo và công bố những bản dược điển (codex)được chuyển dịch.
Điều đầu tiên mà tôi nói với bà Frieda Tchaos, ông Radolphe Kasser nói tiếp, là phải cứu vớt những gì còn lại. Sau đó, tôi tình nguyện nhận việc chuyển ngữ mà không nhận thù lao. Qúy vị phải biết rằng những người làm việc trên những tài liệu loại này càng ngày càng hiếm hoi đi. Tôi đã phải bỏ ra ba năm trời để chuyển dịch lại 26 trang sách mà chúng tôi tưởng rằng đã biến mất vĩnh viễn .
TÀ GIÁO ???
Cũng như rất nhiều sử gia biết thì quyển sách "Phúc Âm Theo Judas" có từ lâu nay. Tập sách này đã được giám mục Lyon tên là Irénée, một trong những vị thần học đầu tiên của giáo hội khai sinh chính thống, đề cập tới vào năm 180 khi biên tập , soạn thảo Phúc Âm Chính Thức, Hợp Quy Tắc của Giáo hội .
Irénée - Thánh Irénée - người gốc Hy Lạp , sinh ra vào khoảng năm 130 tại Smyrna ở Tiểu Á, bây giờ là Izmir Thổ Nhĩ Kỳ. Là đệ tử của Saint Polycarpe người học trò của Jean một trong số 12 vị tông đồ của Jésus . Năm 177 ông được Polycarpe gửi đến đất Gaule (Pháp hiện nay) để thay thế giám mục Lyon, Pothin tử đạo vì bị Marc Aurèle bức hại (khoảng năm 200). Ông qua đời tại Lyon, theo Grégoire de Tours thì ông tử đạo tuy nhiên không có gì là chắc chắn về sự kiện này.
Đối với Irénée, duy nhất chỉ có 1 Kinh Thánh (do ông biên tập, soạn thảo) là sách tham khảo các kiến thức về Thượng đế (Thiên Chúa). Ông quyết liệt bảo vệ truyền thống Giáo Hội , truyền thống này được truyền lại cho các tông đồ và sau đó cho các giám mục . Chân lý tồn tại trong đức tin nơi Thượng đế (Thiên Chúa) và con trai Thượng đế : Chúa Giêsu Kitô . Bên ngoài Thánh Kinh mà ông là soạn thảo không thể có được sự cứu rỗi , đấy là phương châm của ông. Irénée ấn định các tiêu chí giải thích việc đọc Kinh Thánh. Chỉ có truyền thống của các tông đồ, tức là việc truyền giao hợp pháp quyền lực của đức tin. Irénée là người bênh vực vô điều kiện bốn phúc âm hợp quy tắc của Matthieu, Marc, Luc et Jean , ông công kích cực lực dòng Duy Trì chủ nghĩa trong một bản chuyên luận được gọi là "bác bỏ một sự kiện khoa học sai lầm","Adversus hœreses" - đối kháng lại những dị giáo :
" Về mặt khác, không thể có một số lớn hay nhỏ nào ngoài 4 Phúc Âm được. Thực vậy, vì chỉ có 4 (!) khu vực trên thế giới - kể từ năm 1492 khi Chrsistophe Colombe khám phá ra Mỹ Châu thì thế giới hiện nay gồm có 5 Châu : 5 Khu Vực - trong đó chúng ta đang hiện diện và 4 hướng gió chủ yếu, bởi vì lẽ rằng, về một phương diện khác, Giáo Hội được lan truyền khắp mặt đất , Giáo hội là cột xương sống chống đỡ Phúc Âm và Trí Tuệ của cuộc sống, thì lẽ tự nhiên chỉ có 4 cột trụ (tứ trụ), 4 hướng gió để thổi sự liêm chính và mang đến sự sống cho con người.............................
— trong Adversus hœreses 3.11.8.
Nói một cách khác thì Irénée là văn sĩ Ki-Tô giáo đầu tiên của Giáo hội Ki-Tô Chính Thức đã định để 4 Phúc Âm Chính Thức Hợp Quy Tắc .
Theo "Phúc Âm Theo Judas" thì chỉ có duy nhất một mình Judas mới hiểu được một Jésus thực sự mà thôi. "Phúc Âm Theo Judas" nhận định rằng Jésus không phải "Messie" - Chúa Cứ Thế " trong đức tin của người Do Thái, nhưng là người rao truyền lời của một Thượng Đế thực sự, Thượng đế của Ki-Tô giáo mà không là của Yahvé - Thượng đế của Do Thái - mà những tín hữu Duy Trì chủ nghĩa Ki-Tô giáo xem như là Thượng đế của sự Thù Hận và Giận Dữ, một vị thần trung gian. Vì vậy Judas đã nói với Jésus : "Tôi biết thầy là ai, và thầy từ đâu tới. Thầy xuất thân từ Vương quốc Bất Tử của Barbèlô
(http://en.wikipedia.org/wiki/Barbelo) . Và tên tuổi của người đã ủy nhiệm cho thầy tới, đệ tử tôi không xứng đáng để được nói lên . Judas, ngộ đạo hay "nhận biết", phân biệt tôn giáo Đền Miếu và Phúc Âm của đấng Cứu Thế . Judas biết rằng một Thượng đế của tri thức và của tinh thần - được đặt tên là "El" hay "Barbélô" - đến trước Cựu Ước. Đó chính là điểm tại sao trong bản phúc âm này Jésus là một người hay cười và Jésus đã tách rời Judas ra khỏi nhóm tông đồ để khai tâm cho Judas . Jésus nói với Judas : "Lại đây, ta sẽ truyền dạy cho anh những bí mật mà không một ai biết tới". Chính Jésus đã yêu cầu Judas giao mình cho đám thầy cả Do Thái, với mục tiêu theo như lời Jésus nói với Judas :" hy sinh con người mà ta xử dụng làm cái bọc ngoài che xác thịt " - để Jésus trở lại vương quốc thiên đàng tìm lại được thể chất thần thánh của Người .
Giáo sư Rodolphe Kasser nhận xét : Sự đảo ngược vai trò của Judas, phô diễn qua sự khai tâm bởi chính Jésus hay đọc được ý nghĩa "che dấu" của cuộc đời Chúa Cứu Thế, những nhận định về Yahvé như một Thượng đế giả mạo ... cho thấy rằng bản Phúc Âm này nằm trong truyền thống Ngộ giáo, cùng một lúc khác biệt thật xa Do Thái giáo và Ki-Tô giáo "Chính Thống"...". Chúng ta không bao giờ biết được sự giải thích này và biết bao nhiêu giải thích khác nữa đã truyền lại từ thời kỳ khai sinh của đạo Ki-Tô nếu nó đã không được viết bằng Cốp, và cất dấu từ thế kỷ thứ IV bởi những người Ki-Tô Duy Trì chủ nghĩa ở Alexandrie, như trường hợp những phúc âm đáng ngờ vực của Nag Hammadi, những phúc âm này cũng vậy, đã mất tung tích từ nhiều thế kỷ nay.
TỦ SÁCH TẠI NAG HAMMADI
Trong những năm 360, sau cuộc hội nghị của các giám mục ở Nicée và thiết lập kỹ lưỡng thể chế cho một Ki-Tô giáo Chính Thống thông qua giáo hội Roma duy nhất , với một lực lượng mạnh mẽ , có đẳng cấp : Giáo hội bảo vệ cho "đức tin thực sự" và cho sự thống nhất của đế quốc La Mã thì tất cả các trào lưu và các nhóm Duy Trì chủ nghĩa đều phải trở thành thiểu số và bị liệt kê vào bảng danh sách "TÀ GIÁO". E ngại vì những bản Phúc Âm của họ sẽ bị tố giác, những nhà tư tưởng Ki-Tô Duy Trì chủ nghĩa quyết định phải cứu vớt những bản thảo bị cấm đoán bởi giai cấp thứ bậc mới. Tại Ai-Cập dưới ảnh hưởng thế lực của giáo hội Duy Trì chủ nghĩa Alexandrie, họ đã để những bản Phúc âm này trong những chum đất nung đóng thật kín lại và đem chôn trong sa mạc. Nhờ thế mà 16 thế kỷ sau, những bản Phúc Âm như "Phúc Âm Theo Judas" hoặc những Phúc Âm khác bị chôn dấu này lại được tái xuất hiện. Vì vậy , vào năm 1945, tại Nag Hammadi, về hướng bắc Louxor, một nông dân tên là Mohammad Ali Sammam đã đào đưọc một chiếc chum cao khoảng một thước. Anh ta mở chum ra, khám phá thấy trong sự vô cùng thất vọng, 13 bản codex được gói rất chặt chẽ trong những chiếc bao da và nhiều tài liệu khác . Chàng nông dân vất bỏ tất cả trên đống rơm, vợ anh ta xé vài trang để mồi lửa. Vì sợ sẽ có chuyện không tốt xảy ra với cảnh sát nên anh nông dân này mang những bản thảo tìm được ủy thác cho một thầy tu ở trong làng. Thầy tu sững sờ khi trông thấy những bản thảo, cấp tốc gởi cho một sử gia Ai-Cập, ông Raghib. Ông này ngay khi nhận được vội vã đem tới đưa lại cho chính quyền tại Le Caire. Những người hữu trách Ai-Cập hiểu được ra ngay rằng họ đang nắm trong tay một kho tàng vô giá, và đã trao trách nhiệm cho Viện Bảo Tàng Cốp tại Le Caire . Nhờ thế mà những bản Phúc Âm này đã được sống sót .
" Tủ sách Nag Hammadi "ngay sau đã được nhà Ai-Cập học lừng danh của Pháp, Jean Doresse và giáo sư về bộ môn Cốp Rodolphe Kasser tới thăm viếng. Rất nhiều kho báu, nẩy lửa, nằm trong chum : 52 bản thảo trong đó có thêm 5 Phúc Âm mới, 4 cuốn khải huyền, rất nhiều "sách bí mật" của Jacques, Jean và "Thomas l'Athlète
(Livre de Thomas) , những tập biên bản của Pierre và của 12 Tông đồ ", một "Lời Chú Giải của linh hồn ", và một giải thích rất dài về chế độ Cộng Hoà của Platon".
Khám phá và sự giải thích của những tập sách này, sau đó, đã biểu lộ một giá trị lịch sử, tôn giáo và triết lý cực kỳ quý giá. Một mảnh, vạt hoàn toàn về tư tưởng Ki-Tô giáo đầu tiên vừa từ bóng tối tái xuất hiện, trình bầy với chúng ta một Jésus khác hẳn con trai của Thượng đế mà giáo hội chính thống của những "Vị Cha Nhà Thờ " đã và vẫn tôn dương.
Cũng tại Nag Hammadi, một bản phúc âm khác, quan trọng không kém, đưọc tìm thấy đó là bản "Phúc Âm Theo Marie-Madeleine" Marie-Madeleine hay Myriam de Magdala, một trong số rất hiếm hoi trong giới phụ nữ vào thời kỳ đó được đạt mức độ "tri thức", người đàn bà theo tông đồ Jean là người nữ sáng lập viên của thiên chúa giáo và nhân chứng đầu tiên trong sự phục sinh của Chúa Kitô. "Phúc Âm Theo Marie-Madeleine" đề cập , truyền tải tới chúng ta những những lời dạy của Chúa Giêsu và làm sáng tỏ nhiều điểm cũng như vén lên bức màn phủ rất kín về các quy định cấm đoán quyền phát biểu của giới phụ nữ , đặc biệt về quan hệ tình cảm riêng tư mật thiết giữa Chúa Giêsu và Marie - Madeleine . Sự việc này cũng được nói tới trong hai bản phúc âm khác : "Phúc Âm Theo Jean" và "Phúc Âm Theo Philippe" . Qúy vị độc giả có thể tìm đọc : « Tout est pur pour celui qui est pur» của Jean-Yves Leloup , Albin Michel xuất bản 9. 2005 - Jean-Yves Leloup là một giáo sĩ dòng Dominicain và Chính Thống giáo, tiến sĩ triết học, thần học và tâm lý học, giáo sư tại rất nhiều đại học ở Hoa Kỳ, Âu châu, Sri-Lanka ...)
PHÚC ÂM THEO THOMAS
"Phúc Âm Theo Thomas" hay còn được gọi là "Phúc Âm Theo Jésus" , phát hiện vào năm 1945 , đưa ra 114 câu nói mới lạ của Jésus , luôn luôn mở đầu bằng : Jésus đã nóiđược trình bầy như những câu châm ngôn triết lý , những giới luật về sự khôn ngoan và đức tin, một số rất khó hiểu, được viết sau đó mà không một chi tiết dẫn chứng . Trong bản phúc âm này Chúa Cứu Thế nói như một người hiền triết mà không như một người con trai của Thượng đế. Chúa như muốn để người ta hiểu rằng sự thần khải thần thánh của con người phải đi qua một sự quan hệ cá nhân với Thượng đế, việc làm nội tâm về tư tưởng của chính người đó, hoàn toàn độc lập với một giáo lý , một lễ thánh hay một giáo hội nào đó. Bản phúc âm cũng hoàn toàn không một chút gì đề cập tới chuyện về cái chết và sự phục sinh của Jésus . Jésus xuất hiện như một Người Thầy , cùng lúc mang lại Sự Giải Phóng và Tri Thức. Một số chuyên gia như nữ giáo sư đại học Hoa Kỳ Elaine Pagels đã phát hiện những thông tin đến trước cả những Phúc Âm "chính thức - không tà giáo" . Một số chuyên gia khác lại đặt câu hỏi tự hỏi rằng phải chăng sách của Thomas, thường thường được giới thiệu như "anh em song sinh về tinh thần" của Jésus, đã không phải được xử dụng như "nguồn Q", làm căn bản tài liệu cho những tác giả tường thuật và viết lại các Phúc Âm Jean, Mathieu, Luc và Marc. Ông Philip Jenkins, sử gia lừng danh về tôn giáo của Hoa Kỳ, nhận thấy rằng trong tập "Phúc Âm Theo Thomas " một sự gần gũi với Phật Giáo, và triết lý về một "Giác Ngộ" không cần Thượng đế :"Người ta thấy trong sách đề cập với một giọng rất cá nhân chủ nghĩa, một chân dung Jésus như một người thầy hiền triết hơn là một vị Cứu Thế hay Giải Nạn tử thiên đường gởi xuống...Đọc Phúc Âm của Thomas , chẳng một chút ngờ vực nào, phải hiểu ngầm rằng để nhập định và nhìn vào nội tâm (...) . Jésus của những phúc âm đáng ngờ vực đó có rất nhiều điểm chung với truyền thống tinh thần ở Châu Á. Khái niệm này tạo dễ dàng rất nhiều cho sự đối thoại với nhiều tôn giáo lớn khác, và làm suy yếu tất cả mưu đồ của Ki-Tô giáo "Chính Thống" về việc độc quyền nắm giữ sự Thần Khải " .
Một bản "codex" khác nữa cũng tìm thấy tại Nag Hammadi, "Phúc Âm Theo Sự Thực" . Bản phúc âm này được cho là của Valentinius hay là Valentin, một tín đồ Duy Trì chủ nghĩa Ki-Tô (Ngộ đạo) được đào luyện tại Alexendrie, tới rao giảng tại Rome nơi đây ông trở thành một vị giám mục vào năm 143. Valentin mô tả vũ trụ được tạo ra bởi Yahvé trong Cựu Ước, thế giới của chúng ta, là những sự Lo Âu, Lầm Lạc và Quên Lãng. Ông nhìn thấy trong đó "một thế giới của sự Bại Nhược", đầy dãy thú tính tự xâu xé nhau, những thiên tai hạn hán, con người vật chất và hung bạo, tự giết nhau, ám ảnh bởi xác thịt, khổ đau và đói khát, kinh hoàng khiếp sợ cái chết, tinh thần bị quật ngã vì giấc ngủ - một số những tín hữu Ki-Tô Duy Trì chủ nghĩa ngủ rất ít để lưu giữ tinh thần họ trong thiên chất. Một thế giới tạo ra bởi một Thượng đế mài miệt trong việc xua đuổi ra khỏi Thiên đàng và tước đi sự hiểu biết của loài người, dược sinh ra bởi một "Sai Lẩm Nguyên Thủy", vụn vặt - rất gần với cách nhìn của học thuyết Đác-Uyn mới, theo lời nhà văn Pháp Jacques Lacarrière, tác giả "một quyển sách đáng quan tâm về những người theo Duy Trì chủ nghĩa Ki-Tô giáo .
CÁC TÍN HỮU DUY TRÌ CHỦ NGHĨA (NGỘ ĐẠO) NÓI VỀ " ĐẠO "
Những chuyên gia lớn trên thế giới về tư tưởng Ki-Tô thời kỳ đầu tiên như các ông Marvin Meyer, Bart D. Erham, Elaine Pagels và G.R.S Mead, vào thế kỷ thứ XIX đều cùng chỉ định làm cách nào mà những trường phái và những nhóm Ngộ đạo Ki-Tô giáo đã đạt được ảnh hường tại Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Antioche , Rome, và ngay cả tại Lyon (Pháp) - và những thành phố lớn. "Một số tín hưũ Duy Trì chủ nghĩa , Elaine Pagels giải thích, đã đặt vấn đề rằng sự đau đớn, lao động và cái chết là do từ "tội lỗi nguyên thủy" mà đến. Một số người khác chiếu theo nhận định nữ tính của sự thần thánh, định nghĩa Thượng đế như Cha và Mẹ.". Đối với giáo sư Bart D. Ertman, tác giả tập tiểu luận "L’Evangile de Judas ; le christianisme mis sens dessus dessous" (Flammarion) , những tín hữu Duy Trì chủ nghĩa đầu tiên đã cắt nghĩa lại Cựu Ước để dễ dàng chỉ trích hơn sự khe khắt của những tín hữu Ki-Tô Chính Giáo : "Đối với họ, Quy Luật phát huy những giới luật khe khắt, lỗi lầm, sự phán xét, sự thù hận, hình phạt và cái chết(...) Phúc Âm phát huy tình yêu, lòng trắc ẩn, sự gia ơn, sự cưú rỗi và sự sống". Trong Duy Trì chủ nghĩa Ngộ đạo , chỉ có Tinh Thần của con người sẽ được cứu vớt để trở về vương quốc thiên đàng còn cơ thể sẽ bị hủy hoại và sự sống lại của một người chết là một " bất ngờ " của tất cả mọi khía cạnh vật chất, trái với những gì mà các vị tông đồ đã truyền dạy (cf. 1 Corinthiens 15). Chúa Jésus hiện ra chỉ như là một người đàn ông, vì vậy ông cần phải cởi bỏ hình hài bao bọc mình để trở về nước Trời, điều này hoàn toàn ngược lại với Tân Ước theo đó thì Jésus cùng lúc vừa là Thiên Chúa và vừa là con người. " Những tín hữu Duy Trì chủ nghĩa Ngộ đạo coi sự sống lại như môt tượng trưng hơn là sự thực, Jésus cười và nhảy múa, họ xem bà Marie-Madeleine như một nữ đệ tử cao cấp - trong tập thể những tín hữu Ngộ đạo (Duy Trì chủ nghĩa) những người đàn bà đóng một vai trò lớn . đề cập tới sự quan hệ mật thiết giữa Chúa Giêsu và Marie - Madeleine Họ cũng triển khai một triết lý trong đó linh hồn không bất tử tự căn bản của nó mà nó phải được hướng dẫn ngay từ bước đầu. Đối với họ, sự cứu rỗi diễn ra ngay tại thế gian này, "kinh nghiệm sống" được kể tới. Người này gọi là "Đạo = Đường", khuyên bảo là nên thực hiện lời nguyện giữ yên lặng trong 5 năm để tự thoát những điều kiện tinh thần lẫn vật chất trói buộc mình , như Basilide d’Alexandrie đã gọi Thượng đế là một " Cái gì không ". Những nhân vật khác như Valentin hoặc Carpocrate thì nghĩ rằng ngược lại phải đốt trọn tất cả đời sống hiện hữu, thiêu rụi tất cả những sự ham muốn của nó để chúng được giải thể , vượt thoát những áp lực đang ám ảnh chúng. Những ngươì này bênh vực những cặp trai gái tự do, những vui sướng về xác thịt, phá thai, những ăn chơi trác táng kiểu người La Mã, bị ảnh hưởng bởi Triết gia Epicurus và những phái ham chuộng khoái lạc Hy Lạp như Michel Onfray đã vạch ra trong nghiên cưú của ông về những "người Ki-Tô giáo theo chủ nghĩa khoái lạc". Đối với đa số những người Ki-Tô Duy Trì chủ nghĩa , duy nhất chí có Cứu Rỗi được bằng Tình Yêu và Đức Tin ngoài ra tất cả chỉ nằm trong cái gọi là đạo đức.
CẬN KỀ VỚI MỘT JÉSUS CỦA LỊCH SỬ
Theo Elaine Pagels, nữ giáo sư về Tôn giáo của Barnard College và viện đại học Princeton University (Hoa Kỳ) và là tác giả một nghiện cưú nổi tiếng về "Những Phúc Âm Duy Trì chủ nghĩa - Phúc Âm Ngộ Đạo" , những người đầu tiên theo Ki-Tô giáo đã phác thảo một sự tiến hoá có thể hướng tới một Cơ Đốc giáo bớt độc đóan hơn, niềm nở hơn và nhất là kém cứng ngắc hơn. Lịch sử gia về tôn giáo, ông Philip Jenkins đã viết về họ :" Đó là một phong trào sùng tín tự do vượt lên mọi sự độc đoán, họ tin theo Jésus với sự gạt bỏ những cơ chế và đẳng cấp thứ bậc của Người . Những tín hữu Ngộ đạo - Duy Trì chủ nghĩa - thực hành việc công bằng về quyền tiếp xúc, tham gia và mở rộng tầm kiến thức ... tới mức độ họ đã không ngần ngại phân phối những địa vị tăng lữ cho rất nhiều người trong những nghi lễ tôn giáo". Những người Duy Trì chủ nghĩa coi trọng sự phát minh và sáng tạo như một biểu tượng phân biệt của một người nào đó đã "Đạt", như lời Elaine Pagels nói, "Thánh thiện ngay khi còn sống". Một cách ngầm , người ta hiểu được rằng Jésus của lịch sử cảm nhận được một sự rất thoải mái với Duy Trì chủ nghĩa Ki-Tô giáo hơn là với một Giáo hội nặng nề và chức tước quyền bính chức nhân danh Người. Ngày, tháng, năm rất cũ kỹ của những bản thảo đã bị lạc mất này đã cho phép Ki-Tô Duy Trì chủ nghĩa tự đặt mình như một hình thức đích thực Cơ Đốc giáo nguyên thủy, và biết đâu rằng, có thể chính đó lại không là con đường THỰC SỰ duy nhất".
Khi được hỏi giáo sư Rodolphe Kasser, một người đã có rất nhiều năm trong cương vị là một vị mục sư Tin Lành , nghĩ gì về sự thất bại của những tín hữu Ki-Tô Duy Trì chủ nghĩa ?
- Các giáo lý của Ki-Tô Duy Trì chủ nghĩa bao gồm vũ trụ học của họ, với "El" * , vị Thượng đế tối cao, tạo hoá của những thứ đó đã tạo ra một thế giới (xấu) không được hoàn hảo (mauvais), hằng hà "Eons" **, những kiếp hóa thân khác nhau của Thượng đế, va chạm với ánh sáng thánh thần, đã làm cho người ta vô cùng không tài nào có thể hiểu nổi . Những việc đó đã chỉ để dành cho các bậc thức giả , những người đã thức tỉnh (ngộ đạo). Bằng sự phát triển về một kiến thức bí mật nhưu thế họ đã tỏ ra qúa ưu tú, vả lại tôi không chắc chắn rằng họ có ý định thiết lập một giáo hội...
Phần ông Jorge Luis Borgnes, một văn sĩ lớn của nước Argentine, người đã nghiên cưú rất nhiều về những tín hữu Ki-Tô Duy Trì chủ nghĩa và đã viết tác phẩm "Trois versions de Judas" - 3 phiên bản của Judas , lại nghĩ những người Ki-Tô Duy Trì chủ nghĩa quan niệm rằng thế giới bị vất bỏ cho cái Xấu, thế giới đã bị tạo ta bởi một "con tạo" thiếu sự hiện diện của một Thượng đế Thực sự và loài người tự cứu rỗi lấy bởi chính Đức Tin, Tình Thương Yêu và Tri Thức, đối với chúng ta dường như bớt ngoại lai và hợp lý hơn nếu như những người Ki-Tô Duy Trì chủ nghĩa đã trở thành những "Kitô hữu Chính thống".
TU BỔ, SỬA ĐỔI ... KINH THÁNH ?
Vì lẽ gì mà chúng ta cần phải từ bỏ chuyện khăng khăng bảo vệ ý nghĩ về một kẻ phản bộinguyên mẫu ? Để trả lời câu hỏi này, theo nữ giáo sư đại học Iowa Hoa Kỳ, bà Susan Gubar thì Judas trong kinh thánh ban đầu, rất có thể đã có một ảnh hưởng chính trị quan trọng nhưng không được tốt , tuy nhiên ông ta lại nói lên rõ rệt sự thực về đời sống của chúng ta. Ông ta là chứng nhân, bà Susan Gubar nói, "bản chất tình trạng đau lòng của con người" , "khả năng thất bại và tội lỗi của chúng ta" , về tư cách của chúng ta, cuối cùng là sự tuyệt vọng và ghét bỏ chính bản thân mình - năng lực đã ngăn trở chúng ta không vấp ngã và phạm tội lỗi một lần nữa. Nhiều người trong chúng ta, rất nhiều lần, đã chối bỏ việc thương yêu tha nhân . Nếu sự kiện này được công nhận là hiện thân của một nhân vật trong Tân Ước thì tại sao lại phải từ chối việc sửa đổi Thánh Kinh ?
Một giải pháp khác là sửa đổi Thánh Kinh ! Nhiều chuyên gia nghĩ rằng đó là một ý kiến cần đặt ra. Bà Regina M. Schwartz, giám đốc Viện Tôn giáo, Đạo đức và Bạo lực Chicago và là giáo sư Anh ngữ và Tôn giáo tại Đại học Northwestern , trong cuốn "The Curse of Cain: The Violent Legacy of Monotheism" (1997) đã lập luận rằng sự phê chuẩn sự hung bạo bởi Cựu Ước - thành qủa, lời bà nói, của độc thần giáo (monothéisme), cùng với sự cố chấp của nó - đã làm bộc lộ ra sự phá hoại mà chúng ta cần phải xóa bỏ văn bản và "đưa ra một Kinh Thánh khác để thay thế [...] tán dương cho sự đa thần hơn là chỉ duy nhất một vị thần (độc thần)".
"Bản Thánh Kinh Mới Sửa Đổi Lại"-The Restored New Testament: A New Translation with Commentary, Including the Gnostic Gospels, Thomas, Mary, and Judas - xuất hiện vào tháng 10 năm 2009 do Norton xuất bản dưới trách nhiệm của giáo sư đại học Willis Barnstone không chỉ có 4 Phúc Âm "Chính Thức"- "Hợp Quy Tắc" - mà còn bao gồm thêm 3 Phúc Âm Ki-Tô Duy Trì chủ nghĩa : Phúc Âm Theo Thomas và Theo Marie-Madeleine từ tủ sách Nag Hammadi và Phúc Âm Theo Judas.
Nhưng nếu chúng ta cứ phải viết đi viết lại Kinh Thánh thì cho tới khi nào chúng ta mới có thể ngưng được ? . Rất có thể đây là một trong những lý do mà Giáo hội Chính Thức khước từ việc soạn thảo, sửa đổi lại Thánh Kinh Tân Ước .
PHẢN ỨNG CỦA GIÁO HỘI THIÊN CHÚA GIÁO VATICAN
Ngay sau khi Phúc Âm của Judas vừa được tờ National Geographic công bố, người ta chờ một phản ứng chính thức của Benoît XVI về bản Phúc Âm mới này, và người ta không bị thất vọng khi Đức Giáo Hoàng Benoît XVI lên án một cách mạnh mẽ về Judas (18.10.2006) hiển nhiên ám chỉ tới văn bản Phúc Âm của Judas được công bố bởi National Geographic tại Hoa Kỳ và sau đó tại Pháp.
Nói chung thì các nhà lãnh đạo Giáo hội Thiên Chuá đã nhắc nhở với các tín hữu rằng bản văn là một "sự giả mạo" không làm nguy hại gì tới giáo lý của thiên chúa giáo. Vào dịp này, các nhà lãnh đạo giáo hội cũng lên án vai trò của một số cơ quan truyền thông đã tạo nên tình trạng lộn xộn trong những tranh luận thần học. Cha Raniero Cantalamessa , người thuyết giáo tại Nhà Giáo Hoàng, đã tung ra như "một qủa bom" :"Mọi người nói về sự phản bội của Judas mà không nhận ra rằng chúng tôi đang cố gắng để làm mới nó . Chuá Jésus bị bán thêm một lần nữa, không phải với những người cầm đầu của toà án Do Thái đổi lấy 30 đồng bạc, nhưng với những nhà xuất bản và các nhà sách để lấy hàng triệu đồng bạc..." Cha Cantelamessa cũng đề cập tới bản Phúc Âm của Thomas, một quyển sách bán chạy nhất ở Hoa Kỳ. Và cuốn Da Vinci code cũng được "chỉ điểm" với những lời kín kín hở hở. Theo lời Cha Cantelamessa thì "Những văn bản này xử dụng để làm sai lạc thông điệp của Giáo hội". Cha Cantelamessa kết luận : "Chúng ta đang ở trong một thời đại của truyền thông và các phương tiện truyền thông chú tâm nhiều đến sự mới lạ hơn là với sự thật."
Một phản ứng khác của giám mục chính thống giáo Ierissos ở Mont Athos và Ardameriou (Chalcidique, Nord) ngày 14.04.2006 trong một chương trình phát thanh của đài phát thanh chính thức của giáo hội chính thống giáo đã phát biểu : "văn bản này được các nhà thần học coi như là giả mạo, tôi nghĩ rằng đây là một âm mưu của bọn Do Thái để gây scandal ..." .
Giáo hội phản ứng như vậy cũng không phải là một sự ngạc nhiên tuy nhiên vào những thế kỷ trước thì kẻ thù của Giáo hội Vatican là những người Ki-Tô Duy Trì chủ nghĩa và ngày nay là những nhà báo hoặc là ... âm mưu của đám Do Thái giáo (! )...
Vào thời kỳ mà chúng ta đang sống này, thời kỳ mà con người luôn liên tục tìm kiếm những lý lẽ mới vì đã không còn tin tưởng vào phúc âm như đã nêu trong Tân Ước, vì thế người ta không ngạc nhiên khi nhiều cơ quan truyền thông đồng loạt đổ xô thông tin về việc tái xuất hiện Phúc Âm Theo Judas. Trong một tờ báo hàng ngày tại Anh có ấn bản lớn, tờ The Daily Mail, đăng vào ngày 2006/07/04 một bài có tựa đề là "Thánh Judas? . Bài báo đã viết : "Qủa thực rất đặc biệt trong tập bản thảo này , đó là Judas đã được phục hồi danh vị và trở lại hàng ngũ những vị tông đồ thực sự của Jésus Christ. Bài báo cũng giải thích thêm là lần đầu tiên về những hành động của kẻ phản bội và đặt lại câu hỏi về sự Phục sinh , nền tảng của đức tin Ki-Tô giáo.
Qua tựa đề của tờ Le Monde ngày 07.4.2006 : "Et si Judas n'avait pas trahi Jésus ?" - Và nếu như Judas đã không phản bội Jésus ? , kẻ thực hiện bài viết này cũng luẩn quẩn nghĩ :
Nếu như Judas không phản bội Jésus thì nhân loại có một Chúa Cứu Thế hay không nhỉ ?.
Câu hỏi luẩn quẩn này hình như, rất có thể, từ lâu có nhiều người cũng đã nghĩ tới !.
Tại La Sérénité-Troyes (Pháp) ngày 16 - 21 .03.2011.
_________________________________________________
Theo các tài liệu của Infologisme - Chemins-cathares.eu - Nouvel Observateur - Biblique - Frédéric Joignot - Patrice Rolin - Libération 7.4. 2006 - Coptica.ch/EvJudas-tra - Wikipedia : Évangile de Judas (http://fr.wikipedia.org/wiki/%C3%89vangile_de_Judas) - Rodolphe Kasser, Marvin Meyer, Gregor Wurst, The Gospel of Judas, National Geographic Society, avril 2006 - National Geographic số 80 tháng 5. 2006 - Phúc Âm của Juda do National Geographic Society xuất bản năm 5. 4. 2006 và chính bản sau khi đã phục hồi lại được triển lãm tại Washington Truyền hình trên National Geographic Channel 8.4.2006 , France 5 (Pháp)16.4.2006 - 3.2011 - ...- Le Monde 07.04.2006 - Joan Acocella « New Yorker » 3 . 8 . 2009 - ......
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật ngày 25.03.2011
. Trích Đăng Lại Vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com.
Top of Form
Bottom of Form