Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Kẻ Phản Ki-Tô

 

Nietzsche

Những điều kiện để hiểu được tôi, và cần thiết - tôi biết chúng rất rõ. Bạn phải nên chính trực về phương diện tinh thần tới độ rắn tới mức chịu đựng được sự nghiêm túc và nhiệt tình của tôi. Bạn cần phải thông thạo việc sống trên núi cao - nhìn xuống trận huyên thiên viễn vông thảm hại của chính trị và tính vị kỉ dân tộc ở dưới mình. Bạn cần trở nên lãnh đạm; bạn đừng bao giờ hỏi chân lí là hữu dụng hay là thảm hoạ. Mãnh lực ưu ái những vấn đề mà ngày nay không ai đủ dũng cảm truy vấn; dũng cảm với sự cấm chế; sự tiền định cho mê cung. Kinh nghiệm về bảy sự cô đơn. Đôi tai mới cho âm nhạc mới. Đôi mắt mới nhìn những gì xa xăm nhất. Một lương tri mới truy cầu những chân lí cho tới nay vẫn còn câm nín. Và ý chí tiết ước của phong cách kì vĩ: bảo trì khí lực, nhiệt tâm trong sự tiết chế. Kính ngưỡng tự thán; yêu tự thân; tự do vô điều kiện trước tự thân.

TỦ SÁCH TINH HOA TRI THỨC THẾ GIỚI

FRIEDRICH NIETZSCHE

KẺ PHẢN KI-TÔ

THỬ ĐƯA RA MỘT PHÊ BÌNH KI-TÔ GIÁO

DER ANTICHRIST DES CHRISTENTHUMS VERSUCH EINER KRITIK (1895)

Hà Vũ Trọng dịch

Tiến Văn hiệu đính

Thiện Tri Thức biên tập

NHÀ XUẤT BẢN TRI THỨC

Năm xuất bản: 2011

Dịch theo bản Anh ngữ The Portable Nietzsche do Walter Kaufmann dịch và biên tập, Penguin Books 1977; tham chiếu thêm bản The Anti-Christ, Ecce Homo, Twilight of the Idols, and Other Writings, do Aaron Ridley và Judith Norman dịch và biên tập, Cambridge Texts in the History of Philosophy, Cambridge University Press, 2005.

Bản điện tử tiếng Đức toàn bộ tác phẩm của Nietzsche: http://www.niatzschesource.org

Bản quyển tiếng Việt: © Thiện Tri Thức, 2011

“Gặp Phật giết Phật” hay về một cách đọc Kẻ phản Kitô của Nietzsche

SGTT.VN - “Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ” là một lối nói của thiền tông, gây kinh hãi không chỉ cho những tín đồ sơ cơ! Friedrich Nietzsche (1844 – 1900) càng như thế vì ông có lối nghịch ngôn, nghịch hành dị thường. Công kích ông khá dễ, vì tác phẩm của ông không thiếu những mâu thuẫn, nghịch lý. Ngộ nhận ông càng dễ hơn khi nhiều chữ ông dùng có vẻ cuồng bạo, khinh rẻ con người: “ý chí quyền lực”, “siêu nhân”, “đánh giá lại mọi giá trị”...

Ông tung hoành bút mực: những gì tưởng là cao cả, thiêng liêng đều bị ông đánh đổ hết và hầu như chúng không thể gượng dậy nổi. Rồi đến cả “Thượng đế”, ông cũng không từ! Trong 125 châm ngôn của quyển Khoa học vui tươi, ta tìm thấy câu khét tiếng: “Thượng đế đã chết!” Rồi ông nói thêm: “Thượng đế vẫn chết!” Vào cuối con đường sáng tạo – trước khi ông rơi vào điên loạn trong mười năm cuối đời – là cao điểm với tác phẩm Kẻ phản Kitô viết xong năm 1888, công bố năm 1895, với bản dịch tiếng Việt vừa ra mắt của Hà Vũ Trọng, được Tiến Văn hiệu đính và viết lời giới thiệu (NXB Tri Thức, 2011).

Trên lưỡi dao cạo

“Kẻ phản Kitô” ở đây không phải là tên gọi một nhân vật, một ngôi vị, mà đúng hơn là kẻ phê phán một thứ luân lý đã bị định chế hoá đến xơ cứng, “đã biến giá trị thành cái vô giá trị, biến chân lý thành dối trá, biến sự cương trực thành sự đớn hèn”. Sự sống dồi dào, mạnh khoẻ đã bị làm cho yếu đuối, bạc nhược, vì thế nền luân lý ấy, “Thượng đế” ấy cũng phải chết theo. Một nghịch lý nhưng không hẳn là nghịch lý: chỉ khi một “Thượng đế” như thế thực sự chết đi thì rồi mới có thể hồi sinh trong sự vĩ đại đích thực.

Thật là một cuộc mạo hiểm như đi trên lưỡi dao cạo khi muốn dõi theo bước chân của Nietzsche để thử nhìn cuộc đời từ một tầm cao dễ gây choáng váng như thế. “Ở đây không có sự rao giảng, không đòi hỏi đức tin (…) Tôi không phải là một con người, tôi là trái mìn” (Ecce Homo, 1888). Đối với người đọc, Nietzsche chờ đợi: “Bạn phải nên chính trực về phương diện tinh thần tới độ rắn đến mức chịu đựng được sự nghiêm túc và nhiệt tình của tôi” (Kẻ phản Kitô, Lời đầu). Đối với kẻ yêu thích ông, sùng bái ông, ông cũng cảnh cáo: “Các người tôn sùng ta, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu sự sùng bái ấy sụp đổ một ngày nào đó? Coi chừng, tượng đài sẽ đè chết các người đấy!” (Ecce Homo, lời tựa).

Triết lý với cây búa!

“Là một trái mìn”, rồi lại bảo rằng “triết lý với cây búa” (Hoàng hôn của những thần tượng, 1889), Nietzsche cho ta cảm tưởng ông là người dễ bùng nổ và phá phách. Nhưng không, ông sử dụng “cây búa” một cách tinh tế, sắc sảo, không phải để đập phá vô lối mà như một chiếc đũa thẩm âm để gõ vào từng ngẫu tượng, xem nó có thực chất hay rỗng ruột. Ông tìm những lý tưởng giả mạo, những chân lý nửa vời, trút bỏ, làm sạch chúng để thay bằng cái mới. Thay bằng gì thì ông chưa thật rõ, nhưng biết chắc một điều: con đường đến với chân lý đòi hỏi phải đập vỡ những gì phản chân lý hay nguỵ chân lý. Trước tiên, ông “gõ” vào chủ nghĩa nhị nguyên kiểu Platon, phân đôi “Thượng đế” và “thế gian”, dẫn đến chỗ khinh ghét, thù địch những gì là “tự nhiên”, là “trần thế”. Rồi ông quay sang phê phán nền luân lý xơ cứng, giáo điều của Kitô giáo kinh viện, trước khi phê phán cả phiên bản “Phật học châu Âu” dẫn đến chủ nghĩa hư vô, phủ nhận mọi giá trị và chân lý khách quan. Nietzsche nhận ra sự cấp bách của tình thế, vì tất cả những quan niệm ấy sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự sa ngã và “suy đồi” của con người. Ông như đã nhìn thấy trước thảm hoạ của hai cuộc thế chiến, “những cuộc chiến tranh như chưa từng có trên mặt đất” (Ecce Homo, chương cuối), khi cuộc chạy đua vũ trang và công nghiệp song hành với sự dối trá, khánh kiệt và bất lực của tư tuởng. Với ông, con đường khắc phục chủ nghĩa yếm thế, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa hư vô chính là “ý chí quyền lực” như tên gọi một tác phẩm dở dang của ông vào cuối đời. “Ý chí quyền lực” không phải là sự mê cuồng quyền hành và bạo lực như vẫn thường bị ngộ nhận. Một chi tiết đáng nhớ trong tiểu sử của ông: ngày 3.1.1889 ở Turin, khi thấy người lái xe ngựa đánh đập tàn nhẫn con ngựa, Nietzsche đã ôm chầm lấy cổ ngựa, gào khóc van xin người lái xe dừng tay lại. Ông ngã quỵ và không bao giờ hồi phục được nữa! Vậy, “ý chí quyền lực” đúng nghĩa là sử dụng ý chí dũng mãnh để vượt ra khỏi sự “suy đồi”, vươn đến một “nền triết học mới của tương lai” (nhan đề phụ của quyển Bên kia Thiện và Ác, 1886). Tương lai mới mẻ ấy sẽ ra đời khi con người đứng vững trên đôi chân của mình, khi lời răn “ngươi phải” trở thành “tôi muốn”. Con người cần học cách tự bay nhảy chứ không phải trông chờ sự thúc đẩy của “Thượng đế” và “tín điều”. Con người cần tháo bỏ xích xiềng, nhận ra sức mạnh đích thực của mình để luôn vươn tới, luôn “vượt ra khỏi chính mình” theo đúng nghĩa của chữ “siêu nhân”.

“Với lỗ tai tinh tế hơn, nền triết học mới mẻ tuyệt nhiên không phải là phản tín ngưỡng”

(Bên kia Thiện và Ác). “Tôi nói ngược như chưa từng có ai nói ngược như thế. Dù vậy, tôi không phải là một kẻ chỉ biết nói không. Tôi là một sứ giả mang lại tin mừng…” (Ecce Homo). Điều ông mong mỏi là một Thượng đế biết “phiêu bồng nhảy múa” (Zarathustra đã nói như thế, 1883 – 1885, bản tiếng Việt của Trần Xuân Kiêm), khổ vui với con người, nâng con người lên hơn là hạ thấp họ và bắt họ phải quỳ gối.

“Hương nguyện, đức chi tặc giả!”

Vì thế, Nietzsche đặc biệt thù ghét các định chế đạo đức giả: “Đừng phán xét, họ nói, nhưng họ tống xuống hoả ngục mọi thứ chắn đường lối họ. Giao cho Thượng đế phán xét, là chính họ phán xét; vinh danh Thượng đế, là họ vinh danh chính họ” (Kẻ phản Kitô). Không khác gì Khổng Tử vốn ôn tồn, lễ nhượng, đã nổi cơn thịnh nộ, mắng nhiếc lũ nho hương nguyện là bọn giặc của đạo đức. Bởi chúng chuyên nghề “nhân danh”. Bởi chúng là những kẻ phá hoại đạo đức và lý tưởng một cách tàn tệ hơn ai hết. Trước cổng thiên đàng và cửa thánh hiền, không có chỗ cho bọn giả hình, không có chỗ cho bọn “đức tặc”.

Bùi Văn Nam Sơn

LỜI GIỚI THIỆU

Trong muôn vàn tín ngưỡng mà con người dựng nên từ nhiều ngàn năm nay và còn hiện hành, có một dòng đặc thù: độc thần giáo, tức chỉ tôn thờ một vị thần duy nhất, tối cao, sáng tạo ra vũ trụ, chủ tể muôn loài, được các tiên tri loan báo và tương thông với loài người qua những sấm truyền được ghi chép thành kinh sách.

Dòng độc thần giáo này mang tính chất mạc khải, nhị nguyên, và loại biệt. Do đó không chấp nhận đối thoại, tương thuận, hoà đồng mà chủ trương chiến tranh, chiến thắng toàn diện, bất bao dung. Nguồn gốc của độc thần ở đây hiện rõ là thần của chiến tranh, dù trong phát triển phải thích ứng đã mang lấy cả những biểu tượng tuyên truyền về hoà bình để che giấu cái cốt lõi bạo động của nó.

Truyền thống độc thần giáo gồm ba hệ thống tín ngưỡng chính có tương quan di truyền và lịch sử với nhau. Đó là Do-thái giáo từ 3500 năm; Ki- tô giáo (với ba nhánh chính, Chính thống giáo, Công giáo La-mã, và Tin Lành với hàng trăm hàng ngàn hệ phái tách li trong hai ngàn năm nay); và Islam hơn 14 thế kỉ đến hiện tại.

Những đóng góp về văn hóa, xã hội của độc thần giáo như chủ nghĩa cá nhân, thể chế dân chủ, chinh phục tự nhiên bằng khoa học kĩ thuật trong suối lịch sử là rất lớn không ai phủ nhận được và những giá trị này còn bền vững với loài người, nhất là bi kịch, toán học, âm nhạc hòa âm phối khí. Tuy nhiên, đó cũng là nguyên nhân chính của các mâu thuẫn sâu sắc không thể hàn gắn giữa các tập thể người và hiện đang đe doạ sự sống còn của loài người và đời sống trên trái đất.

Tính nhị nguyên bất khả tương hợp giữa Thượng đế và loài người, giữa thiên định và tự do, giữa mạc khải và lịch sử, giữa niềm tin và lí trí đã tạo ra một sự căng thẳng trong tâm hồn và lối sống phương Tây mấy ngàn năm nay, mầm mống chính yếu và dai dẳng của bao cuộc chiến tranh tôn giáo, nhưng cũng là một động cơ của thám hiểm, chinh phục, kết nối địa cầu, và thúc đẩy khoa học, kĩ thuật học, khám phá vũ trụ.Từ hơn năm thế kỉ nay, với sự thống nhất của loài người trên trái đất, đã có những nỗ lực cải cách, phê phán độc thần giáo với di sản nặng nề về mạc khải và loại biệt của nó khiến chúng ta khó thể hoà đồng và chung sống.

Thời Phục hưng ở châu Âu với sự quay về những lí tưởng nhân bản của Hi-lạp cổ đại tiền Ki-tô giáo, thế kỉ 18 với thời kì Ánh sáng, và thế kỉ 19 với sự thông diễn phê phán về Thánh kinh, qua những nhà tư tưởng lớn như Ludwig Peuerbach, David Stxauss, Ernest Renan và những triết gia như Hegel, Marx, đạt tới đĩnh điểm là Nietzsche với tác phẩm Zarathustra nói thế (1883-85) và Kẻ phản Ki-tô (1888).

Không phải ngẫu nhiên mà sự phê phán tôn giáo cùng sự quay lại những giá trị cổ đại Hi Lạp có thành tựu cao nhất ở Đức. Chính ở Đức là nơi Martin Luther khởi đầu cuộc Cải cách tôn giáo vào năm 1517 với 95 luận đề và chủ trương đi thẳng vào văn bản Tân ước bằng nguyên gốc tiếng Hi-lạp. Từ đó, Đức và các nước theo Tin Lành trở thành cái nôi cho các ngành học về Hi-lạp cổ đại và có cơ sở để phê phán các giáo hội Ki-tô giáo. Nietzsche phê phán thiết chế đế quốc và giáo điều của thiết chế nhà thờ, nhưng rất tôn kính đức Giê-su.

Cuốn Kẻ phán Ki-tô này dịch từ Der Antichrist được tác giả chuẩn bị cho xuất bản vào năm 1888 là năm cuối cùng còn sáng suốt của Nietzsche vì sau đó là ông sống âm thầm, câm lặng cho đến khi qua đời vào 1900. Tuy nhiên, tác phẩm này phải đến 1895 mới được ra chào đời. Toàn tác phẩm là 62 tiết mục như một bài luận văn dài và một lời tựa.*

Nietzsche qua đời vào năm chót của thế kỉ 19, thuở sinh thời, kiệt tác Zarathustra chỉ bán được có 7 bản sách và chỉ được một nhóm thân hữu ít ỏi biết đến. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tầm vóc tư tưởng và ảnh hưởng của Nietzsche ngày càng toả sâu rộng trên toàn thế giới và mọi lãnh vực. “Triết học, thần học, tâm lí học của thế kỉ 20 không thể hiểu được nếu không xét đến tư tưởng của Nietzsche. Các triết gia Đức như Max Scheler, Karl Jaspers, và Martin Heidegger làm việc trong sự mắc nợ với Nietzsche, cũng như các triết gia Pháp Albert Camus, Jacques Derrida và Michel Foucault. Những trào lưu Hiện sinh, Giải cấu trúc, cả trong triết học và phê bình văn học, chịu ơn của Nietzsche rất nhiều. Các nhà thần học Paul Tillich và Lev Shestov thừa nhận món nợ của họ, cũng như nhà thần học “Thượng đế chết rồi” J. J. Altizer; và Martin Buber, nhà tư tưởng lớn nhất thế kỉ 20 của Do-tháì giáo, kể Nietzsche là một trong ba ảnh hưởng lớn nhất đời ông và dịch phần đầu của cuốn Zarathustra ra tiếng Ba-lan. Các nhà tâm lí học trong trường phái phân tích chiều sâu như Alfred Adler và Carl Jung chịu ảnh hưởng sâu xa của ông cũng như Sigmund Freud, đã nói về Nietzsche rằng ông là người có hiểu biết sâu sắc về tự thân hơn hết những ai đã từng sống và có thể sau này có sống. Những nhà tiểu thuyết như Thomas Mann, Hermann Hesse, André Malraux, André Gide, và John Gardner cùng vô số nghệ sĩ khác lấy cảm hứng từ ông và viết về ông cũng như những nhà thơ và nhà viết kịch George Bernard Shaw, Rainer Maria Rilke, William Butler Yeats, trong số những người khác. Nietzsche chắc chắn là một trong những triết gia ảnh hưởng nhất từng sống; và điều này không chỉ do sự độc đáo của ông mà còn do sự kiện rằng, ông là người viết văn xuôi sáng chói nhất của ngôn ngữ Đức”. **

Tiến Văn

* Cuốn Der Antichrist hoàn chỉnh bản thảo năm 1888, công bố năm 1895, ban đầu được Nietzsche manh nha như là phần đầu cho dự án của bộ sách gồm bốn phần: Ý chí quyền lực — Đánh giá lại mọi giá trị (Der Wille zur Macht: Versuch einer Umwertung aller Werte). Về nhan đề Der Antichrist, có gốc từ trong Tân ước (1 John), và chúng ta nên lưu ý trong bức thư gửi cho người bạn Peter Gast năm 1883, Nietzsche đã tự mô tả mình là “kẻ chống Ki-tô/Der Antichrist”, và còn nghiêm túc hơn khi xem mình là “đối thủ kinh khủng nhất của Ki-tô giáo”. Der Antichrist có phụ đề ban đầu là “Lời nguyền rủa Ki-tô giáo” (Fluch auf das Christenthum), đồng thời cũng do Nietzsche đề nghị sửa thành “Thử đưa ra một phê bình Ki-tô giáo” (Versuch einer Kritik des Christentbums) (ND.)

**Bernd Magnus, trong Encyclopedia Britannica, 1989, tập 24, mục từ “Nietzsche”.

TIỂU SỬ KRIEDRICH WTLHELM NIETZSCHE

(Sinh ngày 15.10.1844 tại Rocken, Saxony, Đức; mất ngày 25.7.1900)

Triết gia kiêm nhà bác ngữ học kinh điển nước Đức. Con của một mục sư kiền thành, ông theo học trường ngữ pháp (trung học) ở Schulpforta và sau đó học ngành kinh điển ở (các đại học) Bonn và Leipzig. Năm 1769 ông được phong chức giáo sư ngành kinh điển ở Basle (Thụy sĩ). Ông trở thành một trong những người ái mộ đầu tiên của nhà soạn nhạc kịch Richard Wagner (1868), làm bạn với ông này nhưng, vào năm 1876, đoạn tuyệt với ông ta. Nietzsche từ nhiệm chức giáo sư vào năm 1879 vì những lí do sức khoẻ. Bị Lou Andreas-Salomé từ khước, là người ông đã đề nghị hôn nhân, ông thu mình vào cuộc sống của một học giả lãng du: Sils- Maria, Sicily, Rapallo, Nice, Leipzig, Turin, nơi ông bị đột quỵ tinh thần nặng tiếp sau là bại liệt tăng tiến, có lẽ là do hậu quả của việc lây nhiễm bệnh giang mai mà ông mắc phải khi còn là sinh viên. Trong cuốn sách đầu tiên của ông Die Geburi der Trogodie aus dem Geiste der Musik (Leipzíg, 1872; bản dịch tiếng Anh của F. Golfling, The Birth of Tragedy out of the Spirit of Music (Sự sinh ra của bi kịch từ tinh thần âm nhạc), New York, 1956), Nietzsche thông giải mối quan hệ của con người và thế giới, đời sống và tinh thần như được trung gian bởi ảo tưởng, huyền thoại, tôn giáo. Trong những khoảnh khắc xuất thần kiểu Dionysus cá thể chìm ngập trong hữu thể của chủng loại. Nhập vào vòng quay vô cảm là cõi tự nhiên, công năng kiểu Apollo của con người xây dựng những hình tượng của cái vĩnh hằng, những ý tưởng kiểu Plato, những thiên đường kiểu Ki-tô giáo, vân vân, để an ủi. Với quyền năng cứ tính tuyển chọn và hạn định về mặt khái niệm của con người áp đặt những ý nghĩa phù hợp với thị hiếu về việc sống còn của mình. Fritz Mauthner và Ludwig Wittgenstein chịu ảnh hưởng mạnh về lí thuyết ngốn ngữ của Nietzsche.

Sự tuyên bố của Nietzsche rằng không có thế giới nào vượt ngoài thế giới này, rằng Thượng đế chết rồi trong Also sprach Zoralhustra, (Chemnitz, 1883; bản dịch R, J. Hollingdale, xuất bản ở Harmondsworth, 1969) đã được tiền hô trong tác phẩm Die frohliche Wissenschaft (Chemnitz, 1882); bản dịch tiếng Anh The Gay Science (Cái biết vui) trong The Complete Works of Friedrich Nietzsche (Toàn tập F. Nietzsche, biên tập O. Levy, xuất bản ở London, 1909-13) với nhận xét rằng niềm tin tôn giáo đã mất đi sự khả tín. Với sự nhạy cảm của máy đo địa chấn, Nietzsche trở thành tiên tri và người kí lục sự khởi đầu lịch sử của chủ nghĩa hư vô châu Âu. Tư tưởng của Jean-Paul Sartre và của Albert Camus xây dựng trên sự phân tích này. Bằng việc sáng tạo hình tượng Zarathustra, thầy dạy về sự lai lâm của con người siêu việt và, mâu thuẫn nữa, là của sự tái hồi vĩnh hằng, Nietzsche tin rằng trong triết học của ông, ông đã vượt thắng chủ nghĩa hư vô, ý nghĩa của lịch sử là sự xuất hiện, trong những khoảnh khắc hiếm hoi, của cá nhân ngoại lệ. Trong những ghi chú mà đến khi có sự xuất hiện của bản phê phán định bản của toàn tập (Friedrich Nietzsche, Werk. Kritische Gesamtausgabe biên tập do G. Colli và Montinari, Berlin, 1967-87, 30 tập) được biên tập dưới nhan đề Der Wille zur Macht (Ý chí về quyền lực) (Leipzig, 1888; London, 1909; bản dịch The Will to Power của W. Kaulmann và R. Hollingdale, New York) Nietzsche mổ xẻ Ki-tô giáo và chủ nghĩa xã hội như những tín ngưỡng của lớp “hạ nhân” nơi những biện hộ cho sự yếu đuối được phô diễn như những nguyên lí luân lí. Trong tác phẩm Zur Genealogie der Morals (Về phổ hệ luân lí) (Leipzig, 1887; London, 1910; bản dịch tiếng Anh của w. Kaufmann, On the Genealogy of Morals, New York, 1968) Nietzsche dã phơi bày sự đồng cảm, bác ái, niềm tin ở Thượng đế, vân vân như là những đức tính của “bầy đàn”. Nietzsche muốn chuẩn bị đường cho “Herrenmensch” (lớp người chủ tể), một loại hình mới về con người với những bản năng tướng cướp của y có thể thao túng quần chúng và tự là luật lệ cho chính mình.

Ảnh hưởng của Nietzsche đã là vô biên. Sự việc chủ nghĩa Quốc xã Đức tiếp nhận ông không hề là toàn diện bởi vì Nietzsche chối bỏ chủ nghĩa bài Do-thái, chủ nghĩa quốc gia Đức, và chủ nghĩa chủng tộc sinh học. Stefan George, Thomas Mann, Ernst Junger, André Gide, André Mairaux, W. B. Yeats, Edwin Muir, Herbert Read đều bị ông làm mê luyến. Ông cũng ảnh hưởng đến những nhà nhân loại học như L. Klages, A. Adler. A. Gehlen, những nhà hậu cấu trúc Michel Foucault, Gilles Deleuze, P. KlossaWski; và những triết gia mới (nouveaux philosophes) A. Glucksman, B. H. Lévy.

(Bài viết về tiết mục ‘Nietzsche’ của Wilfried van der Will trong 20th Century Culture - A Biographical Companion (Văn hoá thế kỉ 20: cẩm nang tiểu sử) do Alan Bullock và R. B. Woodings biên tập, nxb. Fontana, London và nxb Harpers Row, New York, 1983).

TÓM LƯỢC VÀ DẪN MỤC

1. Tính hiện đại là căn bệnh của cư dân Hyperboreanos chúng ta

2. Thiện là gì? - cường lực. Ác là gì? - nhu nhược và thương xót

3. Loại hình con người nào sẽ được tạo ra?

4. Không có sự tiến bộ trong nhân loại; loại hình con người cao đẳng hơn là một chủng loại cá biệt

5. Ki-tô giáo phát động cuộc chiến chống loại hình con người cao hơn

6. Sự bại hoại là suy đồi, và đánh mất những bản năng

7. Lòng thương xót là suy đồi, và là việc thực hành chủ nghĩa hư vô

8. Đối thủ của cư dân Hyperboreanos: nhà thần học; tinh thần thuần tuý là dối trá thuần tuý

9. Bất kì những gì nhà thần học cho là thật, tất là giả

10. Triết học Đức bị bại hoại do dòng máu thần học (Kant)

11. Một đức hạnh phải là tự biểu hiện và tự vệ cần thiết nhất của chúng ta

12. Giới giáo sĩ bị bại hoại do quyết định “những gì là cao hơn”

13. Những trực giác giá trị nhất đều là những phương pháp

14. Cư dân Hyperboreanos khiêm tốn hơn giáo sĩ, họ đặt con người giữa những động vật

15. Mọi khái niệm Ki-tô giáo đều là hư cấu thuần tuý

16. Thượng đế Ki-tô giáo là kẻ rón rén, rụt rè và khiêm tốn

17. Vương quốc Ki-tô giáo của Thượng đế là một vương quốc cách li, và dưới lòng đất

18. Thượng đế Ki-tô giáo: một công thức dành cho mọi phỉ báng lại thế giới

19. Thượng đế Ki-tô giao trộn lẫn bệnh hoạn vào trong bản năng của những chủng tộc tin vào ngài.

20. Phật giáo, tuy cũng là tôn giáo suy đồi khước từ thế giới, nhưng hiện thực hơn Ki- tô giáo gấp trăm lần

21. Trong Ki-tô giáo, những bản năng của kẻ bị áp chế và bệnh nhân nổi bật lên trên

22. Ki-tô giáo lôi cuốn kẻ man rợ hung hãn, Phật giáo lôi cuốn kẻ nhân từ và hiền hoà

23. Những gian dối giảo hoạt đằng sau ba đức tính của Ki-tô giáo-Tin, Yêu, Hi vọng

24. Ki-tô giáo là như một hệ quả từ bản năng quá khích của Do-thái để tồn tại

25. Lịch sử Israel (Do-thái giáo) minh hoạ cho sự biến chất những giá trị tự nhiên

26. Giới giáo sĩ ăn bám dùng khái niệm “Thượng đế chí thánh” để biện minh cho việc thực thi quyền lực

27. Giê-su bị đóng đinh bởi ngài công kích quyền lực giáo sĩ Do-thái

28. Tâm lí học về Đấng Cứu Chuộc là gì? Nó bị mờ ám bởi những hàm hồ và truyền thuyết

29. Đọc lịch sử của một “linh hồn” trong những phúc âm là điều phù phiếm tâm lí đáng khinh miệt

30. Ki-tô giáo là kết quả do mẫn cảm cực độ đối với thống khổ và phấn khích

31. Những đặc tính của Giê-su bị bóp mép do tính thô thiển suy đồi của những kẻ truyền bá phúc âm

32. Giê-su biểu tượng cách xa với mọi sùng bái, mọi văn hoá, mọi cuồng tín, mọi khoa học, và mọi biện chứng

33. Những khái niệm về tội hay phạt đều hoàn toàn không có trong tâm lí học về Giê-su

34. Đối với Giê-su, Nước Trời là một thực tại nội tâm, một trạng thái tâm linh

35. Vì vậy, Giê-su đã hành xử: chớ phản kháng, chớ bảo vệ bản thân - ngay cả chống lại kẻ ác

36. Tín đồ Ki-tô thờ phụng ngược lại với những gì Giê-su chủ trương

37. Trong giáo hội Ki-tô, chủ nghĩa man rợ bệnh hoạn cuối cùng chiếm quyền lực

38. Ngày nay là một người Ki-tô là bất chính

39. Tôi nêu ra lịch sử chân thực về Ki-tô giáo

40. Giê-su đã minh chứng cho thị kiến của ngài bằng cái chết, nhưng người Ki-tô đã bóp méo sự kiện này thành sự phẫn hận và phục thù

41. Đi vào học thuyết về “sự cứu chuộc”, về một con người trừ khử mọi tội lỗi

42. Ki-tô giáo hứa hẹn đủ thứ nhưng không hoàn thành điều gì

43. Bằng việc đặt giá trị sống vào thế giới bên kia, vào hư vô, Ki-tô giáo hạ giá trị toàn bộ đời sống

44. Phúc âm là những sách quyến rũ mà một dân tộc bị áp chế bảo lưu mọi luân lí cho bản thân

45. Những ví dụ về thói đạo đức giả và xuyên tạc Giê-su trong trước tác Ki-tô giáo

46. Thật vinh dự khi bị “người Ki-tô tiên khởi” chống đối

47. Điểm để nhận ra dân Hyperboreanos khi họ coi điều được sùng kính là Thượng đế ngang với cái phi lí và li tiện

48. Vấn đề chính đối với Thượng đế Ki-tô giáo: làm sao chống lại khoa học

49. Những khái niệm về tội lỗi và hình phạt được tạo ra để phòng thủ chống lại khoa học

50. Tiêu chí của Ki-tô giáo về chân lí: “đức tin dẫn đến chân phúc”

51. “Thế giới nội tâm'' của người Ki-tô rất giống thế giới nội tâm kẻ bệnh hoạn, kẻ kiệt sức

52. Giáo sĩ chiến đấu với loại hình cao hơn: “Hễ cái gì phát sinh từ sự viên mãn, dồi dào, sức mạnh, là điều ác”

53. Cái chết của những kẻ tuẫn đạo là sự quyến rũ tới tín ngưỡng

54. Những tinh thần vĩ đại là những kẻ hoài nghi; chỉ có kẻ nhu nhược cần đức tin

55. Lịch sử của những kiên tín (đức tin); kiên tín nguy hiểm hơn dối trá

56. Cuối cùng, đây là vấn đề cứu cánh mà người ta dối trá

57. Pháp điển Manu khiến luật Ki-tô giáo hổ thẹn

58. Người Ki-tô và người vô chính phủ: cả hai là những kẻ suy đồi, chỉ có khả năng đầu độc đời sống

59. Ki-tô giáo như cuộc chiến thắng bẩn thỉu đối với mọi đức tính thuần khiết của Hi- lạp và La-mã

60. Islam hơn hẳn Ki-tô giáo

61. Phong trào Cải cách của Đức đã lừa gạt châu Âu đánh mất mùa gặt của thời Phục hưng

62. Tôi lên án Ki-tô giáo: nó là kí sinh trùng, sự bại hoại lớn nhất trong mọi bại hoại mà người ta có thể quan niệm được.

LỜI ĐẦU

Cuốn sách này thuộc về số rất ít người. Có lẽ chưa người nào trong số họ hiện đang sống. Có thể họ sẽ là những độc giả hiểu được Zarathustra của tôi: làm sao tôi có thể tự ngộ nhận người nào là tri âm ngày nay được? Chỉ có cái ngày sau ngày mai sẽ thuộc về tôi. Một số người sau khi chết mới sinh ra đời.

Những điều kiện để hiểu được tôi, và cần thiết - tôi biết chúng rất rõ. Bạn phải nên chính trực về phương diện tinh thần tới độ rắn tới mức chịu đựng được sự nghiêm túc và nhiệt tình của tôi. Bạn cần phải thông thạo việc sống trên núi cao - nhìn xuống trận huyên thiên viễn vông thảm hại của chính trị và tinh vị kỉ dân tộc ở dưới mình. Bạn cần trở nên lãnh đạm; bạn đừng bao giờ hỏi chân lí là hữu dụng hay là thảm hoạ. Mãnh lực ưu ái những vấn đề mà ngày nay không ai đủ dũng cảm truy vấn; dũng cảm với sự cấm chế; sự tiền định cho mê cung. Kính nghiệm về bảy sự cô đơn. Đôi tai mới cho âm nhạc mới. Đôi mắt mới nhìn những gì xa xăm nhất. Một lương tri mới truy cầu những chân lí cho tới nay vẫn còn câm nín. Và ý chí tiết ước của phong cách kì vĩ: bảo trì khí lực, nhiệt tâm trong sự tiết chế. Kính ngưỡng tự thân; yêu tự thân; tự do vô điều kiện trước tự thân.

Vậy đó! Chỉ những người như thế là độc giả của tôi, những độc giả chân chính của tôi, những độc giả tiền định của tôi: số còn lại có quan hệ gì? số còn lại đó - đơn thuần là nhân loại! Người ta phải ở trên nhân loại, ở khí lực, ở linh hồn cao ngất - ở sự khinh miệt.

Friedrich Nietzsche

Bảy sự cô đơn liệt kê rõ hơn theo thứ tự: 1) Đôi tai mới cho âm nhạc mới. 2) Đôi mắt mới nhìn những gì xa xăm nhất. 3) Một lương tri mới truy cầu những chân lí cho tới nay vẫn còn câm nín. 4) Và ý chí tiết ước của phong cách kì vĩ: bảo toàn khí lực, nhiệt tâm trong sự tiết chế. 5) Kính ngưỡng tự thân. 6) Yêu tự thân; 7) Tự do vô điều kiện trước tự thân. (ND)

1

Ta hãy đối diện với tự thân. Chúng ta là cư dân xứ Hyperboreanos (Cực bắc)1; chúng ta biết rất rõ khoảng cách xa xôi mình đang sống. “Chẳng phải qua lục địa hay hải đạo mà có thể tìm đường tới xứ Hvperboreanos” - Pindar cũng đã sớm biết xứ này của chúng ta. Ngoài cực bắc, qua băng tuyết và cái chết - là đời sống, hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta đã phát hiện ra hạnh phúc, chúng ta đã tìm ra lối thoát khỏi mê cung bao ngàn năm. Còn ai khác phát hiện ra nó? Là người hiện đại chăng? “Ta đã lạc hướng rồi; ta là mọi thứ đã lạc hướng,” người hiện đại thở dài.

Tính hiện đại này là căn bệnh của chúng ta: bệnh hoà bình biếng nhác, bệnh thoả hiệp khiếp nhược, bệnh của mọi ô trọc mang đức hạnh của tiếng Vâng và tiếng Không (Ja und Nein) của hiện đại. Sự bao dung và tâm hồn đại lượng (largeur) này nó “tha thứ” tất cả bởi vì nó '‘hiểu” tất cả, là trận hoả phong2 thổi tới chúng ta. Thà sống trong băng tuyết còn hơn giữa những đức hạnh hiện đại và những trận gió nam khác!

Chúng ta có đủ dũng khí, chúng ta không né mình hoặc kẻ khác; nhưng từ lâu chúng ta không biết phải làm gì với dũng khí của mình. Chúng ta trở nên u ám, chịu mang danh là những kẻ theo thuyết định mệnh. Vận mệnh của chúng ta - là tràn trề, trương lực, tích lực. Chúng ta khao khát ánh chớp và hành động, rời xa hạnh phúc của kẻ nhu nhược, khỏi sự “an phận”. Trong bầu khí quyển của chúng ta là dông bão; thiên tính của chúng ta trở nên u ám - bởi chúng ta không thấy con đường nào. Công thức hạnh phúc của chúng ta: một Dạ, một Không, một đường thẳng, một mục tiêu.

2

Thiện là gì? Mọi cái nâng cao cảm xúc quyền lực trong con người, ý chí quyền lực, quyền tự thân.

Ác là gì? Mọi cái sinh ra từ sự nhu nhược.

Hạnh phúc là gì? Cảm giác quyền lực đang tăng trưởng và cảm giác trở lực được khắc phục.

Không phải sự thoả mãn mà cần thêm quyền lực; không phải hòa bình mà chiến tranh; không phải đức tính mà hiệu quả (đức tính trong văn nghệ Phục hưng, virtù, là đức tính phi luân lí hoá).

Kẻ nhu nhược và kẻ vấp ngã sẽ tiêu vong: đây là nguyên tắc đầu tiên về lòng bác ái của chúng ta. Và thậm chí nên trợ lực cho được tiêu vong.

Có gì tai hại hơn bất kì thói sa đoạ nào? Lòng thương xót chủ động đối với mọi kẻ vấp ngã và nhu nhược: Ki-tô giáo.

3

Vấn đề tôi đề xuất không phải sẽ tiếp nối nhân loại trong quá trình sinh vật (xem con người là một cứu cánh), nhưng là mẫu người nào sẽ được tạo ra, được muốn, có giá trị cao hơn, xứng đáng sinh tồn hơn, chắc chắn có tương lai hơn.

Ngay cả trong quá khứ, loại cao cấp đã thường xuất hiện - nhưng chỉ là may mắn ngẫu nhiên, như một ngoại lệ, chứ chưa từng là loại người được muốn. Trên thực tế, y là loại người bị kinh sợ nhất - và từ trước đến nay là thứ đáng sợ - và từ mối sợ hãi này, đã kì vọng, sinh ra và đạt được mẫu tương phản: loại gia súc thuần phục, động vật bầy đoàn, động vật người bệnh hoạn - tín đồ Ki-tô.

4

Loài người không đại biểu cho sự tiến hoá hướng tới cái tốt hơn hoặc mạnh hơn hoặc cao hơn theo nghĩa ngày nay thừa nhận. “Tiến bộ” chỉ là một quan niệm hiện đại, tức là một quan niệm hư giả. Ngưừi châu Âu của ngày nay hết sức thấp kém về giá trị đối với người châu Âu của thời đại Phục hưng: sự tiến hoá xa hơn thì đều không nhất thiết theo phương hướng siêu thăng, tăng tiến, hoặc mạnh mẽ hơn.

Nói theo nghĩa khác, những tình huống cá biệt thành công thường bắt gặp ở những địa phương và văn hoá đủ mọi loại thật dị biệt: ở đây chúng ta thực sự tìm thấy một loại hình cao hơn tương quan với loài người như một toàn thể, một loại siêu nhân. Những ngẫu nhiên may mắn hết sức thành công đó đã luôn có thể xảy ra và trong tương lai luôn có thể xảy ra. Và thậm chí mọi gia tộc, bộ tộc, hay dân tộc dưới những hoàn cảnh đặc định đều có khả năng thể hiện loại hồng tâm này.

5

Người ta không nên làm đẹp và tổ điểm cho Ki-tô giáo. Nó đã phái động một cuộc tử chiến chống lại mẫu người cao hơn này; nó đã tuyệt thông với mọi bản năng của mẫu người này, và từ những bản năng ấy nó đã chưng cất ra khái niệm sự dữ và Ma Quỷ: con người kiên cường với tư cách là con người điển hình bị hài tội, chịu “hình phạt đời đời”. Ki-tô giáo đã đứng về phe của mọi thứ nhu nhược, ti tiện, và với tất cả những kẻ vấp ngã; nó đã tạo ra một lí tưởng đối kháng với bản năng bảo tồn tự thân của đời sống tráng kiện. Thậm chí nó đã làm bại hoại lí tính của những tinh thần mạnh mẽ nhất qua việc giảng dạy người ta rằng những giá trị tinh thần tối cao là một thứ lội lỗi, một thứ sẽ dẫn tới lầm lạc - là những cám dỗ. Ví dụ bi thương nhất: sự làm bại hoại Pascal, kẻ tin vào sự bại hoại lí tính của ông là do tội nguyên tổ, trong khi thực ra nó bại hoại là do Ki-tô giáo thôi!

6

Một cảnh tượng thống khổ và kinh khiếp đã hiện bày trước mắt tôi: tôi đã kéo lại cái màn che sự bại hoại của con người. Trong miệng tôi, lời này ít ra thoát được mối hoài nghi: nó có thể bao hàm sự kết án luân lí của con người. Nó có nghĩa - cho tôi nhấn mạnh điều này một lần nữa - là thoát khỏi luân lí hoá tới mức độ tôi nghiệm ra sự bại hoại này mạnh mẽ chính xác nhất hễ ở đâu con người hết sức chủ tâm khao khát truy cầu “đức tính” và “thần tính”. Tôi hiểu sự bại hoại, như bạn sẽ đoán ra, theo ý nghĩa suy đồi (décadence): luận điểm của tôi cho rằng mọi giá trị mà nhân loại giờ đây tổng kết nỗi khao khát tối cao đều là những giá trị suy đồi .

Tôi gọi một động vật, một chủng loại, hay một cá thể là bại hoại khi nó đánh mất bản năng của mình; khi nó chọn lựa, khi nó chuộng những gì là bất lợi cho nó. Một lịch sử về “tình cảm cao thượng”, về “lí tưởng nhân loại” - và có thể tôi sẽ phải viết lịch sử về nó - gần như lí giải được tại sao nhân loại bại hoại đến thế. Tôi coi tự thân đời sống là bản năng về tăng trưởng, tính bền bỉ, tích luỹ cường lực, và quyền lực: ở đâu không có ý chí quyền lực thì chỉ có sự suy đồi. Tôi thấy mọi giá trị tối cao của con người đều thiếu ý chí này - cho nên những giá trị suy đồi và hư vô đã chế ngự nó bằng những danh nghĩa chí thánh.

7

Ki-tô giáo được gọi là tôn giáo của lòng thương xót (Mitleid)3.

Lòng thương xót đối nghịch với những cảm xúc tráng kiện nâng cao sinh lực của chúng ta: tác dụng của nó là ức chế. Chúng ta bị tước đoạt sức mạnh khi cảm thụ thương xót. Sự mất mát sức mạnh mà đau khổ vốn giáng xuống đời sống còn gia tăng và nhân lên do lòng thương xót. Lòng thương xót khiến cho khổ nạn lây nhiễm. Trong những hoàn cảnh nhất định, nó có thể dẫn đến sự hi sinh hoàn toàn tính mệnh và sinh lực - vượt quá mọi tỉ lệ với tầm mức của nguyên nhân (như trường hợp cái chết của [Giê- su) người thành Nazareth). Đó là suy xét thứ nhất, nhưng còn một suy xét nữa quan trọng hơn.

Giả sử chúng ta đo lòng thương xót bằng giá trị những phản ứng mà nó thường sản sinh; vậy thì mối nguy hiểm của nó xuất hiện dưới một ánh sáng rõ rệt hơn. Hoàn toàn nói chung, lòng thương xót cản trở mọi quy luật phát triển, vốn là quy luật chọn lựa. Nó bảo tồn những gì chín muồi cho huỷ diệt; nó bảo vệ những kẻ bị truất di sản và bị đời sống kết án; và bởi đầy dẫy mọi loại thất bại duy trì cho nó sống sót, nó cấp cho bản thân đời sống một diện mạo âm u và đáng ngờ.

Có một số người đã mạo muội gọi lòng thương xót là một đức hạnh (trong mọi luân lí cao quý, nó bị coi là một nhược điểm); và như thể hãy còn chưa đủ, nó còn được coi là tính mĩ đức, là căn cơ và uyên nguyên của mọi đức hạnh. Chắc chắn - và người ta nên luôn ghi nhớ - xuất phát điểm của nó là triết học hư vô và nó minh khắc lời phủ định đời sống lên tấm khiên của nó. Schopenhauer đã khẳng định đúng: lòng thương xót phủ nhận đời sống và nó còn làm cho đời sống đáng để phủ nhận.

Thương xót là thực hành chủ nghĩa hư vô. Xin nhắc lại: bản năng ức chế và lây nhiễm này làm cản trở những bản năng nhắm tới bảo tồn đời sống và đề cao giá trị của nó. Lòng thương xót nhân lên bất hạnh và bảo tồn mọi thứ gì là bất hạnh, và như vậy, là một công cụ chủ yếu làm gia tăng sự suy đổi: lòng thương xót khuyến dụ người ta hướng tới hư vô! Tất nhiên, người ta không nói là “hư vô” mà nói là “cõi bên kia”, hay “Thượng đế”, hay “đời sống chân chính”, hay Niết-bàn, cứu rỗi, vĩnh phúc...

Lối tu từ thanh bạch này trong lĩnh vực đặc chất luân lí tôn giáo có vẻ ít thanh bạch hơn nhiều ngay khi chúng ta nhận ra ở đầy khuynh hướng tự quấn bằng những ngôn từ cao cả: thù địch đời sống. Schopenhauer đã thù địch đời sống; do đó sự thương xót trở nên một đức hạnh đối với ông.

Aristotle, như chúng ta đều biết, đã coi thương xót là một trạng thái bệnh lí và nguy hiểm mà người ta được khuyên đôi lúc cần biện pháp điều trị bằng sự thanh luyện (Purgativ): ông đã hiểu bi kịch là một sự thanh luyện. Từ quan điểm của bản năng đời sống, một lối điều trị chắc chắn cần thiết đối với sự chồng chất bệnh lí và nguy hiểm đó của lòng thương xót, mà đại diện là trường hợp Schopenhauer (và bất hạnh là của toàn bộ sự suy đồi trong nền văn học nghệ thuật của chúng ta, từ St. Peterburg tới Paris, từ Tolstoy tới Wagner) - cần chọc thủng và làm cho nó vỡ bung ra.

Trong toàn bộ tính hiện đại bệnh hoạn của chúng ta, không có gì bệnh hoạn hơn lòng thương xót Ki-tô giáo. Chúng ta là những y sĩ không lưu tình khi vận dụng con dao mổ ở đây — đó là vai trò của chúng ta, đó là lòng nhân ái của chúng ta, đó là cung cách khiến chúng ta thành triết gia, chúng ta là cư dân HyperboTeanos!

8

Cần thiết nêu ra những ai chúng ta xem là phản đề của mình: đó là những nhà thần học và bất cứ những gì mang dòng máu các nhà thần học trong huyết quản - đây bao gồm toàn bộ triết học của chúng ta.

Bất cứ ai đã nhìn sát tai hoạ này, hoặc nói đúng hơn, đã từng chịu lệ thuộc vào nó và hầu như bị nó tiêu ma, sẽ không còn coi đây là chuyện nực cười (“tư tưởng tự do” của những nhà khoa học tự nhiên và những nhà sinh lí học khả kính, đối với tôi, mới là chuyện nực cười thực sự: họ thiếu thụ cảm trong những vấn để này, họ không chịu sự khổ nạn và tuẫn đạo cho chúng). Sự đầu độc này ở mức độ lớn rộng nhiều hơn người ta tưởng: tôi thấy thói ngạo mạn bản năng của các nhà thần học bất kì ở đâu ngày nay có ai tự coi mình là một “nhà duy tâm” — bất kì ở đâu tự phong với cơ sở là gốc cao hơn, khi quyền hạn nhìn vào thực tại từ một cao điểm bề trên và ngoài cuộc.

Nhà duy tâm giống hệt một loại giáo sĩ, y nắm mọi khái niệm cao cả trong tay (và không chỉ nắm trong tay mà thôi!); y đùa giỡn với chúng bằng một thái độ khinh miệt nhân từ đối với “lí tính”, “ý nghĩa”, “vinh dự”, “sống tốt”, và “khoa học”; y xem tất cả những thứ này ở dưới, cũng như rất nhiều những lực lượng nguy hại và quyến rũ mà trên đó “tinh thần” bay lượn trong một trạng thái thuần tuý “cho bản thân” - như thể sự khiêm nhường, trinh khiết, khó nghèo, hoặc, tóm gọn trong một từ: thánh thiện, đã không làm nguy hại đời sống hơn bất kì nỗi sợ hãi hay những thói xấu nào có thể tưởng tượng được.

Tinh thần thuần tuý là sự dối trá thuần tuý. Chừng nào giáo sĩ còn được coi là một mẫu người cao hơn - kẻ phủ nhận chuyên nghiệp, kẻ phỉ báng, và kẻ đầu độc đời sống - thì không có lời đáp cho câu hỏi: chân lí là gì? Vì chân lí đã bị người ta dựng ngược đầu khi mà kẻ chủ xướng ý thức hư vô và phủ nhận được chấp nhận với tư cách là đại biểu của “chân lí”.

9

Tôi khai chiến với lại bản năng thần học này: tôi đã tìm ra dấu vết của nó ở khắp nơi. Bất kì kẻ nào có dòng máu thần học trong huyết quản đều nhìn mọi thứ qua một giác độ méo mó và bất chính. Cái cảm tính (pathos) khai triển từ trạng thái này mệnh danh là đức tin: nó nhắm mắt lại với bản thân một lần và mãi mãi, cũng như sợ phải chịu đựng nhìn cái cảnh của sự lừa dối vô phương cứu chữa. Giác độ nhìn sai lầm này vào mọi sự vật được nâng lên thành một luân lí học, một đức hạnh, một khái niệm thần thánh; cái lương tri bị trói buộc vào với nhãn quan lầm lẫn và không có triển vọng nào khác được thừa nhận có giá trị xa hơn, một khi những thứ thứ mà người ta đã biến thành chí thánh với những danh xưng “Thượng đế”, “cứu chuộc”, và “vĩnh hằng”. Tôi đã đào sâu vào bản năng thần học ở khắp nơi: nó là hình thức thịnh hành nhất, ngấm ngầm nhất, một hình thức giả dối tồn tại trên mặt đất.

Mọi điều nhà thần học xem là chân thực hẳn nhiên là giả dối: gần như đâv là một tiêu chí của sự thật. Bản năng thâm sâu nhất bảo tồn bản thân của y, ngăn cấm y tôn trọng thực tại trong bất cứ điểm nào hoặc ngay cả việc biểu đạt. Ở đâu mà bản năng thần học mở rộng ảnh hưởng, thì những phán đoán giá trị bị dựng ngược đầu và những khái niệm “thật” và “giả” nhất thiết bị đảo ngược: hễ cái gì tai hại nhất cho đời sống thì ở đây được gọi là “thật”, hễ cái gì khích lệ, nâng cao, khẳng định, và biện hộ cho đời sống và tạo sự toàn thắng cho nó, thì bị gọi là “giả”. Khi những nhà thần học trải rộng quyền lực qua “lương tri” của những quân vương (hoặc của những dân tộc — ) thì chúng ta không cần phải hồ nghi những gì thực sự xảy ra dưới nền móng: ý chí cáo chung, ý chí hư vô ham muốn quyền lực.

10

Những người Đức hiểu ngay khi tôi nói rằng triết học Đức bị dòng máu thần học làm cho bại hoại. Mục sư Tin Lành là thuỷ tổ của triết học Đức; bản thản đạo Tin Lành hàm nghĩa peccatum originale (tội nguyên tổ)4. Định nghĩa về Tin Lành, sự bán thân bất toại của Ki-tô giáo - và của lí tính. Người ta chỉ việc nói “Chủng viện Tubingen”5 là hiểu ra cái gì thực sự là triết học Đức: một nền thần hạc xảo quyệt. Dân vùng Swabia6 là những kẻ nói dối giỏi nhất nước Đức: họ nói dối một cách hồn nhiên.

Tại sao sự đăng đàn của Kant lại được giới học thuật Đức chào đón hoan hỉ - trong số họ có đến ba phần tư là con của mục sư và thầy giáo - và từ đâu nước Đức có sự xác tín, thậm chí ngày nay vẫn còn dư âm, cho rằng một chuyển hướng tốt đẹp hơn đã khởi đầu với Kant? Bản năng thần học của giới học giả Đức đã đoán ra những gì một lần nữa lại có thể. Một lối rẽ mở để người ta có thể len lén trở lại cái lí tưởng cũ. Khái niệm về một “thế giới chân thực’’, khái niệm về luân lí như là yếu tính của thế giới (đây là hai sai lầm sa đoạ nhất từng có!), lại một lần nữa, nhờ chủ nghĩa hoài nghi tinh trí và giảo hoạt, nếu không thể chứng minh thì ít ra không còn có thể bác bỏ được nữa. Lí tính, quyền lợi của lí tính, không khuếch trương được xa lắm. Thực tại đã giảm thiểu thành chỉ còn là “hiện tượng” và một thế giới nguy tạo điêu ngoa, thế giới của tồn tại, được vinh danh là thực tại. Sự thành công của Kant đơn thuần là thành công của một nhà thần học: như Luther, như Leibnitz, Kant lại thêm là một sự trì trệ cho tính chính trực của nước Đức vốn từ trước cũng đã lao đao bất định.

11

Thêm một lời nữa chống Kant trong tư cách nhà luân lí học. Một đức hạnh tất phải là phát minh riêng của chúng ta, thiết yếu thể hiện nhân cách và đề kháng riêng của chúng ta: bất kì loại đức hạnh nào khác chỉ thuần là mối nguy hiểm. Hễ những gì không thuộc điều kiện cho đời sống đều tai hại đến đời sống: một đức hạnh nảy ra vỏn vẹn bằng tình cảm tôn kính dành cho khái niệm “đức hạnh”, như Kant hẳn có, là tai hại, “Đức hạnh”, “nghĩa vụ”, cái thiện tự thân”, cái thiện phi nhân cách và có hiệu quả phổ quát - là những ảo giác và biểu hiện của sự suy tàn, của đời sống cuối cùng kiệt quệ, của Hoa tính7 ở Konigsberg8. Những quy luật cơ bản tự bảo tồn và trưởng thành đòi hỏi sự đối lập - mọi người đều phát minh ra đức tính riêng của mình, mệnh lệnh tuyệt đối riêng của mình. Một dân tộc bị diệt vong khi nó lầm lẫn giữa nghĩa vụ riêng với nghĩa vụ chung. Không có gì huỷ hoại chúng ta xuyên suốt hơn, gần gũi hơn mọi nghĩa vụ “phi nhân cách”, mọi thứ hiến tế cho thần Moloch9 trừu tượng. Sao không ai nhận thấy mệnh lệnh tuyệt đối10 của Kant là nguy cơ đối với tự thân đời sống! Chỉ vì bản năng thần học đã bảo vệ cho nó!

Khi bản năng đời sống đòi chúng ta hành động và nó được chứng minh là chính đáng với khoái lạc đi kèm; thế nhưng kẻ theo thuyết hư vô này cùng với nội tạng giáo điều Ki-tô giáo lại xem khoái lạc là một phản bác. Cái gì có thể huỷ diệt chúng ta mau chóng hơn khi làm việc, suy tư, cảm thụ mà thiếu bất cứ nhu cầu nội tâm, thiếu bất cứ chọn lựa cá nhân sâu xa, và bất cứ khoái lạc nào? - như một người máy của “nghĩa vụ”? Đây mới đúng là công thức cho sự suy đồi, thậm chí cho sự ngu ngốc. Kant đã trở thành kẻ ngốc ngếch. Và con người này đã là kẻ cùng thời với Goethe! Con nhện tai ương này đã được coi là và vẫn còn là triết gia Đức!

Tôi thận trọng khi không nói ra những gì tôi nghĩ về người Đức. Chẳng phải Kant đã nhìn thấy cuộc Cách mạng Pháp là sự quá độ từ hình thức nhà nước vô cơ sang hữu cơ? Ông có tự vấn rằng sự kiện nào chỉ có thể giải thích theo bẩm chất luân lí của con người, một sự kiện sẽ chứng minh một lần và mãi mãi “con người tính vốn bản thiện”? Lời đáp của Kant: “Đấy là Cách mạng”. Thứ bản năng này sai lầm về mọi thứ, là bản năng phản tự nhiên, sự suy đồi của nước Đức như là triết học — chính là Kant!.

12

Tôi không kể mội vài kẻ hoài nghi - họ là loại hình chính đáng (anstandigen) trang lịch sử triết học: số còn lại đơn thuần không ý thức được những đòi hỏi cơ bản nhất của lương thiện trí thức. Mọi phần tử số đông cuồng nhiệt và kì nhân này họ hành xử giống như những đàn bà nhỏ nhen của chúng ta: họ xem những “tình cảm đẹp đẽ” là luận chứng thích hợp, xem cặp “ngực đồ sộ” là những ống bễ của thần linh, và xác tín đó là tiêu chí của chân lí. Cuối cùng, Kant đã cố gắng, bằng tính ngây thơ “kiểu Đức”, ông ban cho hình thức bại hoại vốn thiếu lương tâm trí thức này một địa vị khoa học. Với khái niệm gọi là “lí tính thực tiễn”, ông phát minh ra một loại lí tính đặc biệt dành cho những trường hợp khi người ta không cần bận tâm đến lí tính - ấy là, khi luân lí, khi cái mệnh lệnh thanh cao đó lên giọng, “các ngươi sẽ phải”“11.

Khi chúng ta xét thấy rằng trong hầu hết các dân tộc, thì triết gia chẳng qua là sự phát triển kế tiếp của loại hình tăng lữ, vậy thì di sản của tăng lữ này, sự ngụy tạo tự lừa dối này, không còn đáng ngạc nhiên nữa. Với những sứ mệnh thiêng liêng, chẳng hạn như cải thiện, cứu vớt, hay cứu chuộc nhân loại - y mang thần thánh trong lòng và là kẻ phát ngôn của những mệnh lệnh tuyệt đối từ cõi khác - và với một sứ mệnh như thể, y đương nhiên đứng ở ngoài mọi đánh giá thuần trí: bản thân y đã được thánh hoá bởi công tác như thế, và chính y là một loại hình trong trật tự cao cấp hơn! Khoa học đổi với tăng lữ có là gì? Y ở trên nó! Và tới nay tăng lữ vẫn còn thống trị! Y quyết định những khái niệm “thực” và “không thực”.

13

Chúng ta chớ đánh giá thấp điểm này: tự thân chúng ta, chúng ta là những tinh thần tự do, đã không là gì khác hơn là sự “đánh giá lại mọi giá trị”, một lời tuyên chiến nhập thể và chiến thắng mọi quan niệm truyền thống về cái “thực” và cái “không thực”. Những trực giác giá trị nhất được phát hiện ra sau cùng, nhưng những trực giác giá trị nhất đó lại là những phương pháp. Mọi phương pháp, mọi tiền đề về quan điểm khoa học hiện hành của chúng ta, đều bị chống đối hàng bao ngàn năm với sự khinh miệt sâu xa nhất. Vì chúng, con người đã bị loại trừ khỏi tập hợp của những người “chính phái” và bị coi là những “kẻ thù của Thượng đế”, những kẻ khinh miệt chân lí, và bị “quỷ ám”. Bất cứ kẻ nào có thiên hướng về khoa học, y là một Chiên-đà-la (Chandala)12.

Chúng ta đã bị toàn bộ cái cảm tính của loài người chống lại chúng ta - quan niệm của họ về chân lí nên phải thế nào, của việc phục vụ chân lí nên phải thế nào: mọi mệnh lệnh “các ngươi sẽ phải” cho đến nay đều nhắm chống lại chúng ta. Những mục tiêu của chúng ta, thực hành của chúng ta, cái phong cách bình tĩnh, cẩn thận, ngờ vực của chúng ta - tất cả những điều này bị coi là hoàn toàn vô giá trị và đáng khinh.

Sau cùng, người ta rất có thể phải hỏi đấy có thực sự là một thị hiếu thẩm mĩ đã duy trì con người mù quáng quá lâu hay không: một thứ hiệu quả như vẽ (picturesque) đã được chân lí yêu cầu, và người yêu tri thức bị trông mong phải tạo ra một ấn tượng mạnh lên các giác quan. Chính sự khiêm tốn của chúng ta đã xúc phạm đến thị hiếu của họ lâu dài nhất. Họ đã đoán trúng được điều đó, lũ gà trống của Thượng đế!

14

Chúng ta đã lĩnh hội theo cách khác. Chúng ta đã trở nên khiêm tốn hơn về mọi phương diện. Chúng ta không còn phái sinh con người từ “thần khí” hay “thần tính”, chúng ta đã đặt y trở lại giữa những động vật. Chúng ta coi y là con vật mạnh mẽ nhất bởi vì y là con thú tính nhanh nhất: tâm linh của y cũng là kết quả từ đó. Một mặt, chúng ta chống lại cái hư vinh tìm cách lại cất đầu lên ở đây - như thể con người là cái mục đích ẩn khuất lớn của cuộc tiến hoá của dộng vật. Con người tuyệt nhiên không phải là vương miện của sáng tạo: mọi tạo vật đứng cạnh y trên cùng cấp bậc của hoàn hảo. Và ngay cả nói điều này cũng là nói quá đáng: nói tương đối, con người là con vật sai sót nhất, bệnh hoạn nhất, và không con vật nào tự lạc ra khỏi bản năng của nó một cách nguy hiểm hơn. Nhưng dù tất cả những điều đó, tất nhiên nó vẫn là con vật thú vị nhất!

Về những động vật, Descartes đã là người đầu tiên táo bạo, với can đảm đáng phục, nhận thức rằng động vật như là cỗ máy (machina): toàn bộ sinh lí học của chúng ta gắng sức chứng minh cho xác nhận này. Và chúng ta nhất trí đủ để không ngoại trừ con người ra, như Descartes còn làm: trí thức của chúng ta về con người ngày nay chỉ đi xa tới mức khi chúng ta hiểu y một cách máy móc. Trước đây con người được ban cho một “ý chí tự do” như là của hồi môn từ một trật tự cao hơn: ngày nay chúng ta đã lấy đi cái ý chí này ra khỏi y, theo nghĩa chúng ta không còn công nhận ý chí này là một năng lực nữa. Thuật ngữ cũ “ý chí” giờ đây chỉ dùng để biểu thị một hợp lực, một loại phản ứng cá nhân thiết yếu đi theo sau một số kích thích có phần vừa mâu thuẫn vừa hài hoà: cái ý chí không còn “hành động” cũng không “điều động” nữa!

Trước đây, bằng chứng về gốc gác cao quý của con người, và về thần tính của y được phát hiện trong ý thức và “tinh thần” của y. Để trở nên hoàn hảo, y được khuyên nên rút lại các giác quan, theo kiểu con rùa, tuyệt thông với những cái trần tục, trút bỏ tấm liệm tử vong (sterbliche Huile)- lúc đó phần tinh hoa của y sẽ còn lại, là “tinh thần thuần tuý”. Ở đây chúng ta cũng đã xem xét lại: sự phát triển ý thức, “tinh thần”, đối với chúng ta khống gì khác hơn là triệu chứng của sự bất hoàn thiện tương đối của cơ thể: nghĩa là thử nghiệm, dò tìm, và sai sót - một sự thi triển tiêu hết một lượng về năng lực thần kinh không cần thiết. Chúng ta chối bỏ rằng bất kể cái gì được thực hiện hoàn hảo chừng nào nó còn được thực hiện một cách ý thức. “Tinh thần thuần tuý” là sự ngu muội thuần tuý: nếu chúng ta trừ hệ thống thần kinh và cảm giác đi - tức “tấm liệm tử vong” - chúng ta đã tính sai - vậy thôi!

15

Trong Ki-tô giáo, cả luân lí lẫn tôn giáo không có một điểm nào tiếp xúc với thực tại. Không gì ngoài những nguyên nhân tưởng tượng (như “Thượng đế”, '‘linh hồn”, “bản ngã”, “thần khí”, “ý chí tự do”-và ngay cả “ý chí không tự do'’), không gì ngoại trừ những hiệu quả tưởng tượng (“tội lỗi”, “cứu chuộc”, “ân sủng”, “trừng phạt” “tha tội”). Sự giao tiếp giữa những hữu thể tưởng tượng (“Thượng đế”, “chư linh”, “linh hồn”); một khoa học tự nhiên mang tính tưởng tượng (lấy con người làm trung tâm; không có dấu vết của quan niệm nào về những nguyên nhân tự nhiên); một tâm lí học tưởng tượng (toàn những tự ngộ nhận, những lối giải thích về cảm xúc chung chung thoải mái hoặc không thoải mái - chẳng hạn, về những trạng thái của hệ thống thần kinh đồng cảm (nervous sympaticus) - với sự trợ giúp của ngôn ngữ về kí hiệu mang đặc chất luân lí-tôn giáo như: “sám hối”, “lương tâm thống khổ”, “quỷ cám dỗ”, “thánh nhan Thượng đế”); một cứu cánh luận tưởng tượng (“nước Chúa”, “Phán xét Cuối cùng”, “sự sống đời đời”).

Cái thế giới bịa đặt thuần tuý này thấp kém xa so với thế giới của những giấc mộng trong mức độ mà cái thế giới sau phản chiếu thực tại, trong khi đó cái thế giới bịa đặt thì ngụy tạo, hạ giá, và phủ nhận thực lại. Một khi khái niệm về “tự nhiên” đã được phát minh như là đối nghịch với “Thượng đế”, thì “tính tự nhiên” đã trở thành đồng nghĩa với ‘'đáng hài tội” (verwerflich): toàn bộ thế giới bịa đặt này bắt rễ trong sự thù ghét với tính tự nhiên (hoặc thực tại!); nó là sự biểu hiện mối bực dọc sâu xa khi nhìn thấy thực tại.

Nhưng điều này giải thích mọi sự. Chỉ riêng ai là có lí do tốt để nói dối chạy trốn thực tại? Hắn là kẻ phải đau khổ vì thực tại. Nhưng đau khổ từ thực tại là một phần của thực tại đã trở thành âu sầu. Khi tình cảm đau khổ vượt trội tình cảm vui sướng, là nguyên nhân của luân lí và tôn giáo bịa đặt này: thế nhưng ưu thế đó cũng cung cấp công thức cho sự suy đồi.

16

Một sự phê phán quan niệm về Thượng đế của Ki-tô giáo tất yếu buộc chúng ta tới cùng một kết luận. Một dân tộc còn tin vào tự thân thì duy trì Thượng đế của nó. Qua Thượng đế, nó tôn kính những điều kiện tạo cho nó khả năng ưu thế, cho những đức hạnh của nó: nó phóng chiếu niềm hoan lạc nơi bản thân, và cảm xúc quyền lực của nó, thành một hữu thể mà người ta có thể dâng sự tạ ơn. Một kẻ giàu thì muốn ban cho những cái giàu có của mình; một dân tộc kiêu hãnh thì cần một Thượng đế: nó muốn hiến tế. Trong những điều kiện này, tôn giáo là một hình thức tạ ơn. Để tạ ơn bản thân, con người cần đến một Thượng đế. Vị Thượng đế như thế phải vừa có khả năng cứu giúp vừa làm hại, vừa là bạn và cũng là địch - ngài được sùng kính cho dù tốt hoặc phá hoại. Việc thiến hoạn phản tự nhiên với một Thượng đế làm cho ngài thành một Thượng đế chỉ có tốt lành mà thôi, ở đây sẽ phản nghĩa với tất cả những gì đáng mong muốn. Một Thượng đế ác cũng cần thiết không kém gì Thượng đế thiện: sau hết, chúng ta không mắc nợ hiện hữu của chính chúng ta vào sự bao dung và nhân từ.

Nếu như một Thượng đế không biết gì đến thịnh nộ, phục thù, ganh tị, chế nhạo, quỷ quyệt, và bạo động thì có đích điểm gì? Vị đó có lẽ chưa hề trải qua những nhuệ khí (ardeurs) hoan lạc của chiến thắng và huỷ diệt? Không ai hiểu được vị Thượng đế như thế: vậv cần ngài để làm gì?

Chắc chắn, khi một dân tộc đang tiêu vong, khi nó cảm thấy niềm tin của nó trong tương lai và hi vọng về tự do của nó đang tiêu trầm không thể đảo nghịch, và khi sự quy thuận bắt đầu xuất hiện như là nhu yếu chính và nó trở nên ý thức về những đức hạnh của kẻ bị khuất phục như là những điều kiện để bảo tồn tự thân, vậy thì Thượng đế của nó tất phải thay đổi nữa. Giờ đây, Thượng đế trở thành một kẻ rón rén, rụt rè và khiêm tốn; Thượng đế cổ suý “sự bình an tâm hồn”, bỏ hận thù, nhịn nhục, thậm chí hãy “yêu” bằng hữu và kẻ thù. Thượng đế thường xuyên thuyết giảng luân lí, ngài bò vào hang ổ của mọi đức hạnh riêng tư, ngài trở nên Thượng đế của mọi người, ngài trở thành một nhân cách riêng tư, một vị ngự khắp hoàn vũ.

Trước đây, ngài từng thay mặt cho một dân tộc, cho sức mạnh của một dân tộc; tất cả mọi thứ tiến công và khao khát quyền lực trong linh hồn của một dân tộc; giờ đây ngài chỉ thuần là một Thượng đế thiện.

Thưc vậy, không có lựa chọn nào khác đối với một Thượng đế: hoặc ngài là ý chí quyền lực, và vẫn cứ là Thượng đế của một dân tộc, hoặc ngài không có khả năng quyền lực, và rồi thiết yếu trở nên thiện.

17

Ở đâu ý chí quyền lực suy tàn dưới bất cứ hình thức nào, bao giờ cũng có sự thoái hoá sinh lí, một sự suy đồi (décadence). Thần tính của suy đồi bị thiến đi những đức tính và xung lực khí khái nhất để thiết yếu trở nên Thượng đế của kẻ thoái hoá sinh lí, của kẻ yếu đuối. Tất nhiên, họ không tự gọi mình là kẻ yếu; họ tự gọi mình là “kẻ thiện”.

Không có ám chỉ nào xa hơn tới những thời điểm trong lịch sử khi mà sự hư cấu nhị nguyên về một Thượng đế thiện và một Thượng đế ác bắt đầu khả dĩ. Cùng cái bản năng thúc đẩy kẻ bị khuất phục giảm thiểu Thượng đế của họ thành cái “thiện tự thân”, nó cũng thúc giục họ loại bỏ mọi phẩm chất tốt ra khỏi Thượng đế của những kẻ chinh phục; họ báo thù bằng cách biến Thượng đế của chủ nhân của họ thành quỷ. Thượng đế thiện và ác quỷ: cả hai là những sẩy thai của suy đồi.

Làm sao có kẻ ngày nay vẫn còn chịu được sự ấu trĩ của những nhà thần học Ki-tô giáo tới mức khi khăng khăng với họ rằng diễn tiến quan niệm về Thượng đế, từ “Thượng đế của Israel”, “Thượng đế của một dân tộc”, cho tới Thượng đế của Ki-tô giáo, là tinh yếu của mọi sự tốt lành, và tiêu biểu cho tiến bộ? Thậm chí cả Renan cũng làm điều này. Như thể Renan đã có cái quyền ấu trĩ! Rút cuộc, cái đối nghịch nhìn trừng trừng vào mặt bạn. Khi những tiền giả định về đời sống thăng tiến, khi mọi thứ mạnh mẽ, dũng cảm, làm chủ, và cao ngạo - đều bị loại trừ khỏi khái niệm về Thượng đế; khi ngài thoái hoá từng bước thành chỉ một biểu tượng đơn thuần, thành ra quyền trượng của kẻ kiệt sức, cái neo cứu hộ thứ nhì cho những kẻ đang chết chìm; khi ngài trở thành Thượng đế của những kẻ nghèo khó, của những kẻ tội lỗi, và đặc biệt của những kẻ bệnh hoạn, và cái thuộc tính “Đấng Cứu tinh” hay “Đấng Cứu Chuộc” cuối cùng còn lại như là thuộc tính duy nhất thiết yếu của thần tính - vậy một sự hoá thân như thế biểu thị cho điều gì? và cái việc giảm thiểu thần tính đó?

Tất nhiên, “Nước Chúa” đã được khuếch trương như thế. Trước đây, ngài chỉ có dân tộc của ngài, dân tộc “được chọn” của ngài. Rồi ngài giống như dân ngài, thành kẻ phiêu bạt và tha hương xứ lạ; và kể từ đó, ngài đã không định cư ở đâu - đến khi cuối cùng cảm thấy thân thuộc ở bất cứ đâu, một vị ngự khắp hoàn vũ - đến khi “số đông” và một nửa trần gian theo phe ngài. Tuy vậy, vị Thượng dế của '‘số đông”, nhà dân chủ trong số những thần linh, đã không trở thành một Thượng đế của lương giáo cao ngạo: ngài vẫn là một người Do-thái, ngài vẫn là một thần linh của những nơi hẻo lánh, thần linh của mọi xó xỉnh và nơi chốn hắc ám, của mọi khu không lành mạnh khắp thế giới!

Vương quốc khắp thế giới của ngài, như hằng có, là một vương quốc âm phủ, một bệnh viện, một vương quốc dưới lòng đất, một vương quốc cách li (ghetto). Bản thân ngài, hết sức xanh xao, hết sức yếu đuối, hết sức suy đồi. Ngay cả kẻ xanh xao nhất trong đám xanh xao cũng có thể khống chế ngài – những nhà siêu hình đáng kính của chúng ta, là những kẻ bạch tạng về khái niệm. Họ tự nhả tơ giăng mạng quanh ngài, cho đến khi chính ngài bị những vận động của họ thôi miên, ngài đã tự biến thành một con nhện, một metaphysicus (nhà siêu hình) khác. Giờ đây đến lượt ngài giăng cái thế giới từ bản thân ngài - sub specie Spinozae (dưới quan điểm Spinoza)13.

Già đây ngài tự biến hình thành cái gì đó ngày càng mỏng manh và xanh xao hơn; ngài trở thành một “lí tưởng”, ngài trở thành “tinh thần thuần tuý”, thành cái “Tuyệt đối” (Absolutum), thành một “vật tự thân”. Sự biến hoại của một thần linh: Thượng đế trở thành “vật tự thân”.

18

Khái niệm về Thượng đế của Ki-tô giáo - Thượng đế như là Thượng đế hảo hộ bệnh nhân, Thượng đế như là Thượng đế nhền nhện, như là tinh thần - là một trong những khái niệm bại hoại nhất về thần thánh đạt tới trên trái đất. Thậm chí có thể nó thể hiện dấu mực nước thấp trong quá trình sa sút của những loại hình thần thánh. Thượng đế đã thoái hoá thành một mâu thuẫn của đời sống, thay cho trở thành sự biến hình (Verklarung) và tiếng Vâng vĩnh hằng! Thượng đế thành ra sự tuyên chiến chống lại đời sống, chống lại tự nhiên, chống lại ý chí sinh tồn! Thượng đế - là công thức cho mọi phỉ báng chống lại “đời này”, và cho mọi dối trá về “đời sau”! Thượng đế - của sự thần thánh hoá hư vô, ý chí về hư vô được tuyên dương là thiêng liêng!

19

Sự việc những chủng tộc mạnh mê của Bắc Âu đã không loại bỏ Thượng đế Ki-tô giáo, nhất định là không vinh dự gì cho thiên phú về tín ngưỡng của họ - đó là chưa nóí về thị hiếu của họ. Không có bào chữa nào cho sự thất bại của họ đã không vứt bỏ được một sản phẩm bệnh hoạn và lão hoá như thế của suy đồi. Nhưng một lời nguyền rủa đã bao phủ lên thất bại này: họ đã hấp thu sự bệnh hoạn. lão hoá, và mâu thuẫn vào trong mọi bản năng của họ — và từ đó họ đã không sáng tạo nổi một thần linh nào khác. Gần hai ngàn năm - không xuất hiện một vị thần đơn độc mới mẻ nào! vẫn vậy, như thể sự tồn tại của ngài được biện minh, như thể ngài tiêu biểu cho cái tối hậu và tối đa của sức sáng tạo nên thần linh, của creator spiritus (tinh thần kẻ sáng tạo) trong con người, vị thần linh tội nghiệp này của thuyết độc thần đơn điệu (Monotono-Theismus) này của Ki-tô giáo! Sản phẩm lai tạp từ sự mục ruỗng này, sự pha trộn lẫn số không, khái niệm, và mâu thuẫn này, trong đó là mọi bản năng suy đồi, mọi sự hèn hạ và kiệt quệ của linh hồn tìm thấy sự phê chuẩn!

20

Tôi hi vọng việc kết án Ki-tô giáo của tôi không dính líu tới bất cứ bất công nào với một tôn giáo liên hệ và thậm chí có số tín đồ lớn hơn: Phật giáo. Cả hai cùng là những tôn giáo hư vô - cùng là những tôn giáo suy đồi - nhưng dị biệt của chúng hết sức nổi bật. Giờ đây trong vị thế so sánh chúng, người phê phán Ki-tô giáo biết ơn sâu xa những học giả về Ấn-độ.

Phật giáo mang tính hiện thực hơn Ki-tô giáo gấp trăm lần: việc đặt những vấn đề một cách khách quan và lãnh đạm vốn là một phần di sản của nó, bởi Phật giáo đến sau một phong trào triết học vắt ngang nhiều thế kỉ. Ngay khi nó xuất hiện, khái niệm về “Thượng đế” từ lâu đã bị trừ khử. Phật giáo là tôn giáo thực sự duy thực chứng (positivismus) trong lịch sử. Điều này thậm chí áp dụng với cả nhận thức luận (một loại hiện tượng luận nghiêm nhặt): nó không còn nói “đấu tranh chống tội lỗi”, mà hoàn toàn tôn trạng đúng mức thực tại, và “đấu tranh chống lại khổ đau”. Phật giáo được biện biệt sâu sắc với Ki-tô giáo bởi sự kiện rằng sự tự lừa dối của những quan niệm luân lí đã nằm lùi xa sau nó. Tromg thuật ngữ của tôi, nó siêu việt thiện và ác.

Hai sự kiện sinh lí học mà Phật giáo căn cứ và chú tâm: thứ nhất, một cảm giác mẫn cảm cực đoan, tự nó biểu hiện bằng lối cảm thụ tinh tế với nỗi thống khổ; và thứ hai. một loại tâm linh hoá quá độ, một quan tâm quá lâu tới những khái niệm và những trình tự luận lí làm tổn hại đến bản năng về nhân cách do tuỳ thuộc vào cái “phi nhân cách” (cả hai trạng thái mà ít ra một số độc giả của tôi, những người “khách quan” như bản thân tôi, sẽ biết được qua kinh nghiệm). Những điều kiện sinh lí học này dẫn đến một sự u uất, và đức Phật đã tiến hành để kháng lại điều này bằng những biện pháp dưỡng sinh. Để đối phó với nó, ngài khuyến khích sống ngoài trời, sống lang thang, tiết chế và kiêng cử trong ẩm thực; xa lánh mọi sự say sưa; xa lánh luôn tất cả những cảm xúc kích hoạt túi mật hoậc hâm nóng luồng máu; không lo lắng dù cho mình hoặc cho người khác. Ngài đưa ra những khái niệm vừa đem lại an tịnh vừa hoan hỉ, và phát minh ra những phương tiện để tự thân có thể cai mình khỏi mọi kẻ khác. Ngài hiểu rằng cái thiện và sự từ bi là để thăng tiến mang tính dưỡng sinh.

Việc cầu nguyện bị loại trừ, lối tu khổ hạnh (asketimus) cũng vậy; không có mệnh lệnh tuyệt đối nào, không có bất cứ hình thức cưỡng bách nào, không có ngay cả bên trong những cộng đồng tu viện (người ta luôn có thể rời bỏ). Mọi thứ này hẳn chỉ là sự gia tăng tính mẫn cảm quá độ mà chúng ta đã nhắc tới. Đây cũng là lí do ngài không đòi kẻ theo ngài phải tranh đấu với những ai suy nghĩ cách khác: giáo lí của ngài không chống lại gì hơn ngoài những tình cảm hận thù, ác cảm và phẫn hận (“Không phải bằng oán thù mà oán thù chấm dứt” - là điệp khúc phấn khích của toàn Phật giáo). Và điều này hoàn toàn đúng: những cảm xúc này quả là hoàn toàn không lành mạnh xét về mục đích dưỡng sinh cơ bản.

Để đối lại với sự cạn kiệt tâm linh mà ngài gặp gỡ, và nó vốn tự thể hiện trong tính khách quan quá độ (tức là, trong việc cá nhân mất đi sự quan tâm vào chính mình, trong sự mất đi một trọng tâm, mất đi “tính ích kỉ”), ngài chiến đấu bằng một nỗ lực nghiêm khắc để dẫn ngay cả những mối quan tâm tâm linh nhất về lại với bản ngã. Trong giáo huấn của đức Phật, tính duy ngã trở thành một nghĩa vụ: '‘một việc tất yếu”, câu hỏi “làm sao bạn có thể thoát khỏi biển khổ?” quy định và giới hạn toàn bộ giới luật tâm linh, (ở đây người ta có thể nhắc nhở đến người công dân thành Athen đã từng khai chiến chống mọi '“tính duy khoa hạc” thuần tuý - là Socrates, người đề cao tính duy ngã thành một nền đức lí ngay cả trong cõi vấn nạn).

21

Phật giáo tiền giả định một khí hậu thật ôn hoà, những phong tục cực thanh nhã và phóng khoáng, và sự vắng mặt của độc tôn quân sự; hơn nữa, cuộc vận động này phải khởi nguồn từ những tầng lớp cao hơn và thậm chí thuộc giới uyên bác. Hoan hỉ, bình tịnh, và thoát dục là mục tiêu tối cao, và mục tiêu này đạt được. Phật giáo không phải là tôn giáo người ta đơn thuần mong cầu sự hoàn hảo: hoàn hảo là trạng thái bình thường.

Trong Ki-tô giáo, những bản năng của kẻ bị chinh phục và kẻ bị áp chế nổi bật lên trên: ở đây những tầng lớp thấp nhất tìm sự cứu rỗi. Công việc ngụy biện (Casuistik) về tội lỗi, tự phê phán, toà thẩm tra lương tâm, được người ta theo đuổi như một thú tiêu khiển, như một phương thuốc chữa sự buồn tẻ; phản ứng cảm xúc đối với đấng quyền uy, được gọi là “Thượng đế”, không ngừng được nuôi dưỡng (bằng những phương tiện cầu nguyện); cái chí thiện được xem là không thể đạt đến được, mà như một tặng phẩm, như “ân điển”. Những hành vi công cộng bị bài trừ; cái buồng tối, nơi ẩn náu, là của Ki-tô giáo. Thân thể bị khinh miệt, việc vệ sinh bị từ khước vì xem như là nhục dục: giáo hội thậm chí chống lại sự sạch sẽ (biện pháp Ki-tô giáo đầu tiên sau khi trục xuất người Moor Islam, là lệnh đóng cửa nhà tắm công cộng, riêng ở Cordova có 270 cái). Việc độc ác với bản thân và với kẻ khác, mang tính Ki-tô giáo theo nghĩa nào đó, họ ghét tất cả những ai nghĩ khác; ý chí bách hại. Những quan niệm u ám và cuồng nhiệt chiếm ưu thế; những trạng thái khao khát cao độ nhất mang những danh nghĩa cao thượng nhất, đều mang chứng động kinh; chế độ ẩm thực được chọn lựa sao cho khích lệ những hiện tượng bệnh hoạn và kích thích quá độ hệ thần kinh. Cũng mang tính Ki-tô giáo nữa là sự hận thù đến chết chống lại những chúa tể của trần gian, chống lại kẻ “quý phái” - cùng với một cuộc ganh tị lén lút, âm thầm (người ta để lại cho họ “phần xác”, người ta chỉ muốn “phần hồn”). Sau chót, tính Ki-tô giáo, là sự hận thù đối với tinh thần, đối với kiêu ngạo, can đảm, và sự phóng khoáng của tâm linh; mang tính Ki- tô là sự hận thù các giác quan, các niềm vui của các giác quan, của niềm vui tự thân.

22

Khi Ki-tô giáo rời bỏ mảnh đất sinh sôi của nó, những tầng lớp hạ đẳng nhất, tầng âm phủ của thế giới cổ đại, và khi nó bắt đầu tìm kiếm quyền lực trong những giống dân rợ, nó không còn chạm trán với những con người kiệt quệ mà với những con người nội tâm hung hãn và tàn nhẫn - những con người cường tráng nhưng phá tán. Ở đây, sự bất mãn với bản thân, tự khổ, không vì tính mẫn cảm quá độ và cảm thụ với đau khổ, như tín đồ Phật giáo, mà trái lại, với một dục vọng lấn lướt để giáng đau khổ xuống và tìm một lối thoát cho những căng thẳng nội tâm bằng những hành vi và ý tưởng thù địch. Ki-tô giáo cần tới những khái niệm và những giá trị man rợ và để làm chủ của những giống dân rợ; ví dụ, việc hiến tế con đầu lòng, uống máu trong bữa Tiệc Li, khinh miệt tinh thần và văn hoá, khổ hình dưới mọi hình thức, vừa nhục thể vừa phi nhục thể, và nghi thức tế tự vô cùng xa hoa.

Phật giáo là một tôn giáo cho những người chín muồi, cho những chủng tộc nhân từ và ôn hoà, họ đã trở nên cực đoan tâm linh và mẫn cảm thái quá với khổ đau (châu Âu còn chưa thành thục với nó): Phật giáo là một cách dẫn đạo họ về với sự an tịnh và hoan lạc, về với một giới luật tinh thần, và sự đào luyện thân xác. Ki-tô giáo hẳn trở thành chủ nhân của bầy thú săn mồi: phương pháp của nó )à làm cho chúng bệnh hoạn; làm suy nhược là công thức Ki-tô giáo để thuần hoá, và để “khai hoá”. Phật giáo là tôn giáo dành cho sự kết thúc và mệt mỏi của văn minh; Ki-tô giáo là một tôn giáo còn chưa phát hiện ra văn minh - dưới những hoàn cảnh đặc định, nó mới có thể đặt để cơ sở cho một văn minh.

23

Phật giáo, tôi lặp lại, trăm lần điềm tĩnh hơn, chân thực hơn, khách quan hơn. Nó không còn đối mặt với nhu cầu làm cho khổ đau và sự cảm thụ về đau đớn thành đáng kính bằng việc lí giải chúng bằng thuật ngữ tội lỗi - nó đơn giản nói điều nó suy nghĩ: “Tôi đau khổ”. Với kẻ man rợ, tuy nhiên, khổ đau tự thân không đáng kính trọng: y đòi hỏi sự giải thích trước khi y thú nhận rằng mình đang đau khổ (bản năng của y hẳn sớm hướng tới việc chối bỏ đau khổ của mình và âm thẩm chịu đựng). Ở đây, từ “quỷ” là một chúc phúc: con người có một kẻ thù áp đảo và đáng sợ - con người bất tất phải hổ thẹn vì đau khổ dưới tay một kẻ thù như thế.

Dưới nền tảng cua Ki-tô giáo, có một số cái tinh tế thuộc phương Đông. Trên hết, nó biết rằng vấn đề hoàn toàn không quan trọng xem điều đó có chân thực hav không, trong khi lại rất mực quan trọng xem điều đó có được người ta tin là chân thực hay không. Chân lí và niềm tin rằng điều đó là chân lí: là hai lĩnh vực quan tâm hoàn toàn tách biệt nhau - hầu như là hai cõi đối nghịch nhau - người ta đi tới cõi này bằng những con đường hoàn toàn khác biệt. Nhận thức được điều này - đó gần như là định nghĩa của trí giả phương Đông: những tu sĩ Brahmin14 hiểu điều này; Plato hiểu điều này; và mọi học giả của trí tuệ huyền môn cũng hiểu. Nếu, ví dụ, nó làm cho con người hạnh phúc khi tin rằng họ đã được cứu chuộc khỏi tội lỗi, điều đó không cần thiết như một điều kiện con người có thật sự tội lỗi không, mà đơn thuần chỉ là y cảm thấy tội lỗi. Và nếu lòng tin nói chung là cần thiết trên hết, vây thì lí trí, trí thức, và sự tìm hiểu tất bị xem là bất tín nhiệm: con đường tới chân lí trở thành con đường cấm.

Hi vọng mãnh liệt là một yếu tố kích thích đời sống mạnh mẽ hơn bất cứ nhận thức đơn độc nào về hạnh phúc có thể có. Những kẻ đau khổ hẳn phải được một niềm hi vọng chống đỡ có thể chẳng hề mâu thuẫn bởi bất cứ thực tại nào hoặc bị khai trừ khỏi bất cứ sự hoàn tất nào - một hi vọng về cõi sau. (Chính bởi vì khả năng của nó là duy trì những kẻ bất hạnh thường xuyên hồi hộp, mà người Hi-lạp xem hi vọng là cái ác đầu trong mọi cái ác, là cái ác xảo quyệt thực sự: nó còn sót lại dưới đáy thùng chứa những cái ác!)15

Để làm tình yêu khả dĩ, Thượng đế tất phải thành một con người: để cho phép những bản năng thấp kém nhất tham dự, Thượng đế tất phải trẻ trung. Để kích thích nhiệt tình của những người nữ, một vị thánh đẹp đẽ phải được đặt ở tiền cảnh, và để kích thích nam giới, phải là một Maria đồng trình - giả thiết rằng Ki-tô giáo muốn trở thành chủ nhân trên mảnh đất, mà sự thờ phượng dục tình hoặc Adonis cũng đã thiết lập một khái niệm chung về sự thờ phượng. Việc đòi hòi tính trinh khiết gia tăng sự hăng hái và sự hướng nội của bản năng tín ngưỡng: nó làm cho việc thờ phụng được hưng phấn hơn, nhiệt tâm hơn, có hồn hơn.

Tình yêu là trạng thái trong đó con người nhìn sự vật như chúng triệt để không phải vậy. Sức mạnh của ảo tưởng đạt đến đỉnh điểm ở đây, cũng như sức mạnh làm dịu ngọt và chuyển hoá. Trong tình yêu, con người nhẫn nại hơn, con người gánh chịu tất cả. Một tôn giáo đã được phát minh, ở đó người ta có thể yêu: những gì tồi tệ nhất trong đời sống như vậv được khắc phục - thậm chí không còn nhìn thấy nữa.

Chẳng có gì ngoài ba đức tính của Ki-tô giáo: tin, yêu16 và hi vọng - tôi gọi chúng là ba xảo quyệt Ki-tô giáo. Còn Phật giáo thì quá chín muồi, quá ư thực chứng để mà xảo quyệt theo cái cách này.

24

Ở đây tôi mới chỉ chạm vào vấn đề khởi nguyên của Ki-tô giáo. Nguyên tắc thứ nhất cho việc giải quyết của nó: Ki-tô giáo chỉ có thể hiểu được căn cứ vào mảnh đất mà nó đã nảy nở - nó không phải là một phản vận động với bản năng Do-thái giáo, nó là hệ quả tất nhiên, một suy luận xa hơn trong luận lí kinh sợ của nó. Theo công thức của Đấng Cứu Chuộc: “ơn cứu rỗi phát xuất từ dân Do-thái”17. Nguyên tắc thứ hai: loại hình tâm lí học của con người Galilee ấy vẫn còn có thể nhận ra; nhưng chỉ trong dạng thoái hoá hoàn toàn (đồng thời cũng bị cắt xén và chất đầy những đặc trưng xa lạ) có thể dùng tới như đã từng sử dụng - như loại hình một Đấng Cứu Chuộc của nhân loại.

Người Do-thái là dân tộc kì lạ nhất trong lịch sử thế giới, bởi khi chạm trán với vấn đề tồn tại hay không tồn tại18, với tính hoàn toàn lạ lẫm, họ đã chọn lựa, bất kì giá nào: cái giá này là việc ngụy tạo triệt để mọi tự nhiên, mọi bản tính tự nhiên, mọi thực tại, và toàn thể thế giới nội tại cũng như thế giới ngoại tại. Họ xác định tự thân gay gắt chống lại mọi điều kiện mà một dân tộc cho đến nay đã có thể sinh tồn, và được phép sinh tồn; từ bản thân, họ đã tạo nên một phản-quan-niệm đối với những điều kiện tự nhiên: họ đã đảo hướng tôn giáo, sự thờ phượng, luân lí học, lịch sử, tâm lí học, lần lượt, thành một mâu thuẫn với những giá trị tự nhiên của chúng không thể chữa trị được. Chúng ta gặp cái hiện tượng tương đồng này một lần nữa và trong những quy mô phóng đại vô lường, tuy nhiên nó chỉ là một bản sao: giáo hội Ki-tô không thể xác nhận được dù mảy may với tính độc đáo khi so với “dân tộc của Thượng đế”. Đó chính là lí do dân Do-thái là dân tộc tai hoạ của lịch sử thế giới: ảnh hưởng nguy tạo của họ quá xuyên suốt với nhân loại tới đỗi ngày nay người Ki-tô cảm thấy chống Do-thái mà không nhận ra chính y là hậu quả cuối cùng của Do-thái.

Trong Phổ hệ luân lí, lần đầu tiên tôi đưa ra phân tích tâm lí học về những khái niệm đối lập của luân lí quý phái và luân lí phẫn hận - cái sau sinh ra từ tiếng nói Không với cái trước: nhưng đó là loại luân lí thuần tuý và giản đơn Do-thái - Ki-tô. Vì thế, nó có thể nói Không với mọi thứ trên mặt đất thể hiện xu thế thăng tiến đời sống, nói Không với mọi trưởng thành tốt đẹp, với cường lực, với vẻ đẹp, với khẳng định tự thân; bản năng của phẫn hận nơi đây đã trở thành thiên tính, phải phát minh ra một thế giới khác từ quan điểm của nó thì sự xác nhận đời sống này như là cái ác, như là thứ phải hài tội.

Xét về tâm lí, dân Do-thái là mội dân tộc được phú cho một sinh lực kiên cường nhất, và khi đặt vào những tình huống bất khả thi, và rút ra từ sự thận trọng thâm sâu nhất để bảo tồn tự thân, họ tự nguyện đứng về phe mọi bản năng suy đồi - không phải do bị những bản năng này chinh phục, mà do họ trực nhận ra một quyền lực trong những bản năng này, bằng vào đó người ta cá thể chống lại “thế giới” mà thắng được. Những người Do-thái là phản đề của kẻ suy đồi: họ phải đại diện cho những kẻ suy đồi tới mức ảo tưởng; với thiên tài đóng vai hề non plus ultra (không thể nào hơn được), hạ đã biết cách tự đặt mình vào vai đầu lĩnh mọi vận động của suy đồi (như Ki-tô giáo của Phao- lô) để tạo ra một cáí gì từ đó mạnh mẽ hơn bất cứ phe nào nói Vâng với đời sống. Suy đồi chỉ là một phương tiện cho loại hình con người đòi hỏi quyền lực trong Do-thái giáo và Ki-tô giáo,

là loại hình giáo sĩ: loại người nàv có mối quan tâm suốt đời là làm cho con người bệnh hoạn, và trong việc bóp méo sao cho những khái niệm về thiện và ác, thật và giả, để làm đời sống lâm nguy và vu khống thế giới.

25

Lịch sử Israel vô giá như là lịch sử điển hình của sự biến tính mọi giá trị tự nhiên. Tôi vạch ra năm điểm.

Từ khai thuỷ, đặc biệt vào thời đại các vua. Israel cũng còn đứng ở trong mối tương quan đúng đắn và tự nhiên với vạn vật. Yahweh của nó là biểu hiện của ý thức quyền lực, của niềm vui trong bản thân, của hi vọng cho tự thân: qua ngài, người ta trông mong chiến thắng và phúc lợi; qua ngài, thiên nhiên được tin cậy ban những gì con người cần đến - trên hết: mưa. Yahweh là thần của Israel và do đó là thần của công chính: là luận lí của mọi dân tộc nắm quyền lực trong tay và có một lương tri. Trong lễ hội, hai phương diện này trong sự tự khẳng định của một dân tộc đã biểu lộ: họ tạ ơn vì những số phận lớn lao đã đem họ lên đỉnh. Họ tạ ơn trong tương quan với chu kì mùa màng mỗi năm và với mọi phúc lành trong việc chăn nuôi gia súc và canh nông.

Tình trạng này còn là một lí tưởng rất lâu ngay cả sau khi nó đã bị huỷ bỏ một cách bi thảm với: cuộc bạo loạn từ bên trong và người Assyria xâm lăng từ bên ngoài. Tuy nhiên, dân tộc này bám chặt lấy cái thị kiến như là khát vọng tối cao về một vị vua vừa là người lính thiện chiến vừa là quan toà nghiêm khắc: trên tất cả, nhà tiên tri điển hình đó (cũng là nhà phê phán và trào phúng của thời điểm này), là Isaiah.

Nhưng mọi hi vọng còn chưa được thoả mãn. Vị thần cũ không còn có thể làm được điều mà ngài đã làm được trước đây. Họ phải buông cho ngài đi. Điều gì đã xảy ra? Họ thay đổi khái niệm về ngài - họ biến tính khái niệm về ngài: đây là cái giá họ trả để bám lấy ngài. Yahweh, thần của “công chính” - không còn là một với Israel, không còn biểu hiện cho tự tin dân tộc nữa: giờ chỉ là một vị thần chịu dưới những điều kiện nhất định.

Khái niệm về Thượng đế trở thành một công cụ trong tay những kẻ kích động thuộc giới tăng lữ, bây giờ họ giải thích mọi hạnh phúc là một phần thưởng, mọi bất hạnh là sự trừng phạt vì không vâng lời Thượng đế, là “lội lỗi”: cách thông giải cực kì gian dối đó, và cái gọi là ''trật tự luân lí thế giới”, từ đó những khái niệm tự nhiên về nguyên nhân và hậu quả bị lật úp một lần và mãi mãi. Khi thông qua sự thưởng và phạt, người ta đã loại bỏ tính nguyên nhân tự nhiên, họ cần đến một tính nguyên nhân phản tự nhiên: giờ đây mọi thứ phi tự nhiên khác cũng tiếp tục nối đuôi. Một vị thần đòi hỏi - thay thế cho một vị thần phù trợ, nghĩ ra những phương cách, vị thần trong sâu thẳm là từ ngữ cho mọi hứng khởi hạnh phúc về can đảm và tự tin.

Luân lí - không còn thể hiện những điều kiện cho đời sống và tăng trưởng của một dân tộc nữa. không còn là bản năng sông chủ yếu nữa, mà đã trở nên trừu tượng, trở nên đối lập với đời sống - luân lí là sự giáng cấp trí tưởng tượng có hệ thống, như “ác nhãn” nhìn vào mọi sự. Cái gì là luân lí trong Do-thái giáo, Ki-tô giáo? Sự tình cờ đã tước đoạt đi tính hồn nhiên của nó; cái bất hạnh bị bôi nhọ bằng khái niệm về “tội lỗi”; hạnh phúc bị xem là nguy hiểm, một “cám dỗ”; sự bất an sinh lí bị đầu độc bằng con sâu của lương tâm.

26

Khái niệm về Thượng đế bị ngụy tạo; khái niệm về luân lí bị ngụy tạo: giới tăng lữ Do- thái đã không dừng lại ở đây. Toàn bộ lịch sử Israel không còn sử dụng được nữa: liệng nó đi! Những giáo sĩ này đã hoàn thành một phép lạ về sự ngụy tạo mà đại bộ phận cuốn Kinh Thánh nằm trước mặt chúng ta giờ đây là chứng cứ về tài liệu. Bằng sự khinh bỉ vô song đối với mọi truyền thống, đối với mọi thực tại lịch sử, họ đã phiên dịch quá khứ của dân tộc họ thành tôn giáo; ấy là, họ đã biến nó thành một cơ chế cứu rỗi ngu xuẩn của tội lỗi trước Yahweh để bị trừng phạt; của lòng thương xót trước Yahweh để được thưởng ơn. Chúng ta hẳn kinh nghiệm hành vi ngụy tạo lịch sứ hết sức ô nhục này là thứ đau đớn hơn nhiều nếu việc thông giải lịch sử theo giáo hội đã không là gì ngoài việc làm điếc đặc chúng ta ròng rã hàng ngàn năm đối với những đòi hỏi tính chính trực in historicis (trong lịch sử). Và giáo hội đã được những triết gia phụ trợ: cái dối trá về “trật tự luân lí thế giới” xuyên suốt toàn bộ dòng phát triển của triết học hiện đại. “Trật tự luân lí thế giới” nghĩa là gì? Rằng có một ý Chúa một lần và mãi mãi, quy định những gì con người phải làm và những gì con người không được làm; rằng giá trị của một dân tộc, giá trị của một cá nhân, được đo lường tuỳ theo mức độ vâng phục ý Chúa nhiều hay ít; rằng ý Chúa tự biểu hiện trong vận mệnh của một dân tộc, của một cá nhân, là nhân tố ngự trị, nói cách khác, là sự trừng phạt và ban thưỏng căn cứ vào mức độ vâng phục.

Cái hiện thực đằng sau sự dối trá đáng thương này: một loại hình con người kí sinh, là giáo sĩ, phát triển mạnh chỉ nhờ vào hi sinh mọi dạng thức lành mạnh của đời sống, y sử dụng danh xưng Thượng dế một cách vô bổ: y mệnh danh một trạng thái trong đó giáo sĩ quy định giá trị sự vật là “Nước Chúa”; y gọi những thủ đoạn qua đó một trạng thái đạt được hay duy trì là “ý Chúa”; với thái độ vô sỉ máu lạnh, y thẩm định mọi dân tộc, mọi thời đại, mọi cá nhân, căn cứ theo chúng có giúp ích hay phản kháng lại quyền chủ tể của giáo sĩ hay không. Người ta nên nhìn xem chúng đang hoạt động: trong bàn tay chi phối của giáo sĩ Do-thái, thời đại kì vĩ trong lịch sử của Do-thái trở thành thời đại của suy đồi; cuộc lưu đày, với một bất hạnh trường kì, đã biến thành sự trừng phạt đời đời đối với thời đại kì vĩ đó - một thời đại trong đó, giới giáo sĩ vẫn chưa là cái gì cả. Tuỳ theo nhu cầu của họ, giáo sĩ đã tạo ra những kẻ ngoan ngoãn khốn khổ và những kẻ giả hình no căng hay họ làm cho những kẻ quyền thế, thường khi rất là anh dũng trong lịch sử Do-thái thành “những kẻ vô thần”; họ giản lược hoá tâm lí của mọi sự kiện lớn bằng việc giảm trừ nó thành công thức ngu xuẩn: “vầng phục hay không vâng phục Chúa”.

Tiến thêm bước nữa: “ý Chúa” (tức những điều kiện cho sự duy trì quyền lực của tăng lữ) tất mọi người phải biết. Vì mục đích này cho nên mới cần đến một “mạc khải”. Nói đơn giản: một sự ngụy tạo văn chương phi thường trở nên tất yếu, một “thánh điển” đã được phát hiện; nó được công bố với sự hào nhoáng vô cùng của hàng tăng lữ, cùng với thời kì sám hối và những tiếng kêu than suốt những ngày '‘tội lỗi” dài dằng dặc. “Ý Chúa’’ từ lâu dã được cố định: mọi bất hạnh đè xuống khi con người trở nên xa rời “thánh điển”. “Ý Chúa” cũng đã phơi mở cho Mai-sen. Điều gì xảy ra? Với sự nghiêm khắc và giáo điều, những giáo sĩ đã quy định một lần và mãi mãi điều họ muốn, “những gì ý Chúa muốn” là mọi loại tô thuế thập phân lớn và nhỏ mà họ được hưởng (đừng quên những miếng thịt ngon nhất, bởi vì giáo sĩ là kẻ ăn thịt bò), từ nay trở đi, mọi thứ trong đời sống đều đã được an bài tới mức giáo sĩ là thiết yếu - từ việc hôn nhân, bệnh hoạn, cái chết, chưa nói tới những việc “hiến tế” (bữa ăn), loại kí sinh trùng thần thánh xuất hiện để mà biến tính tất cả - nói theo ngôn ngữ của y: “thánh hoá”.

Người ta phải hiểu điều này: mọi tập quán tự nhiên, mọi thiết chế tự nhiên (nhà nước, trật tự pháp luật, hôn nhân, việc chăm sóc người bệnh và người nghèo), mọi yêu cầu khởi hứng từ bản năng đời sống - nói vắn tắt, mọi thứ chứa đựng giá trị nội tại đều tự làm thành ra vô giá trị, và phản giá trị đều do chủ nghĩa kí sinh của giáo sĩ mà ra (hay “trật tự luân lí thế giới”): giờ đây sự kiện này đòi hỏi thêm việc phê chuẩn - một quyền lực phong ban giá trị trở nên cần thiết để phủ nhận những gì tự nhiên của chúng, và để tạo nên một giá trị qua cách đó mà thôi. Giáo sĩ làm cho tự nhiên mất giá trị. mất linh thiêng: đây là cái giá trả cho sự tồn tại của y. Việc không vâng phục Thượng đế, tức là không vâng phục giáo sĩ, và “Luật”, bây giờ bị gọi là “tội lỗi”; phương tiện để “hoà giải với Thượng đế”, đúng cách là những phương tiện chỉ để đảm bảo thêm cho sự hoàn toàn phục tùng vào giáo sĩ: chỉ có giáo sĩ mới có thể “cứu chuộc”.

Xét về mặt tâm lí, “tội lỗi” trở nên không thể thiếu được trong bất cứ xã hội nào do giáo sĩ tổ chức: nó là nguyên lí đích thực của quyền lực. Người giáo sĩ sống nhờ tội lỗi, điều thiết yếu cho giáo sĩ là người ta phải “phạm tội”. Nguyên lí tối cao: “Thượng đế tha thứ cho những kẻ ăn năn” - nói đơn giản: những ai phục tùng giáo sĩ.

27

Trên vùng đất hoàn toàn giả dối như thế, nơi mọi thứ tự nhiên, mọi giá trị tự nhiên, và mọi thực tại đều bị chống đối bởi bản năng sâu xa nhất của tầng lớp thống trị, Ki-tô giáo đã trưởng thành - hình thức của kẻ thù chí tử chống lại thực tại chưa bao giờ được vượt qua. “Dân tộc thần thánh” này đã duy trì chỉ những giá trị của giáo sĩ, chĩ những lời của giáo sĩ đánh giá mọi sự vật, và với sự nhất trí gây kinh hoàng, đã phân biệt bản thân họ với mọi quyền lực khác trên mặt đất là “không thánh thiện”, là “thế tục”, là “tội lỗi” - dân tộc này đã sản sinh ra một công thức tối hậu cho bản năng của nó hợp lí tới độ tự phủ nhận: với tư cách Ki-tô giáo, nó phủ nhận ngay cả hình thức cuối cùng của thực tại, “dân tộc thần thánh” “Dân tộc được Chúa chọn”, là chính cái thực tại Do-thái. Trường hợp này được đứng hàng đầu: phong trào nổi loạn nhỏ vốn được chịu phép rửa với danh nghĩa Giê-su ở Nazareth tiêu biểu cho bản năng Do- thái một lần nữa - nói cách khác, bản năng giáo sĩ có thể không còn giữ vững giáo sĩ như một thực tại: nó còn phát minh ra một hình thức trừu tượng hơn của sinh tồn, ra một thị kiến còn không tưởng hơn về thế giới liên can đến cả tổ chức của giáo hội. Ki-tô giáo phủ nhận giáo hội.

Giê-su đã được hiểu, hay đã bị hiểu lầm, như là nguyên nhân của một cuộc nổi loạn; và tôi nhìn không ra là cuộc nổi loạn này chống lại ai, nếu không phải là chống lại giáo hội Do- thái - thuật ngữ “giáo hội” hiểu chính xác theo nghĩa mà chúng ta ngày nay sử dụng. Đó là cuộc nổi loạn chống lại “người thiện và người công chính”, chống lại “những chư thánh của Israel”, chống lại hệ thống tôn ti của xã hội - không chống lại sự bại hoại của nó, mà chống lại đẳng cấp, đặc quyền, trật tự, và công thức: đó là sự bất tín vào “con người cao hơn”, nói Không với tất cả những gì là giáo sĩ hoặc nhà thần học. Nhưng chế độ đẳng cấp đã bị chất vấn như thế, dù chỉ nhất thời, là con thuyền mà chỉ riêng dân tộc Do-thái mới có thể tiếp tục tồn tại giữa “nạn hồng thủy” - là cơ hội sống sót cuối cùng và gian nan mới có được, là cái tàn dư của sự tồn tại chính trị độc lập. Một (hành động) công kích vào nó là công kích vào bản năng thâm sâu nhất của một dân tộc, vào cái ý chí sống khốc liệt nhất từng xuất hiện ở bất cứ dân tộc nào trên địa cầu. Kẻ vô chính phủ thần thánh này đã chiêu tập những con người dưới đáy tầng, những kẻ ngoài lề xã hội và ‘‘những kẻ tội lỗi”, những lớp chiên-đà-la trong Do-thái giáo, để chống lại cái trật tự thống trị - theo cách nói, nếu như Phúc Âm đáng tin cậy, hẳn ngày nay ngài cũng sẽ bị lưu đày tới Siberia nữa - kẻ vô chính phủ thần thánh này là một tội phạm hình sự về chính trị trong chừng mực mà tội phạm hình sự về chính trị có thể khả dĩ trong một cộng đồng phi chính trị đến mức phi lí. Điều này đã đem ngài tới thập giá: câu minh khắc trên thập giá là bằng chứng. Ngài đã do phạm tội của ngài mà chết. Không có chứng cứ nào, dù vậy, người ta lại thường cho rằng ngài đã chết vì tội của người khác.

28

Đây lại là một vấn đề khác hoàn toàn cho dù ngài có ý thức về sự chống đối này hay không - và ngài có được công nhận là tiêu biểu cho sự chống đối hay không. Và chính điểm này đem tôi tới vấn đề tâm lí học về Đấng Cứu Chuộc.

Tôi thừa nhận rằng thật hiếm có cuốn sách nào lại đọc khó khăn như những cuốn Phúc Âm. Những khó khăn này của tôi khác với những khó khăn chứng minh cho tính ham hiểu biết của tinh thần Đức để có được một trong những thắng lợi đáng nhớ nhất. Đã qua lâu rồi, thời tôi cũng như mọi học giả trẻ khác rút ra hương vị tác phẩm của Strauss vô song bằng sự sắc bén của một nhà ngữ văn học tinh tế. Lúc ấy tôi được hai mươi tuổi: giờ đây tôi quá nghiêm trang về sự tình này. Đâu là điều tôi quan tâm đối với những mâu thuẫn trong “truvền thống”? Thoạt tiên, làm sao người ta có thể gọi những truyền thuyết các thánh là “truyền thống” được? Truyện kí về các thánh là loại văn chương cực kì hàm hồ: khi áp dụng những phương pháp khoa học khảo sát chúng mà hoàn toàn khiếm khuyết tài liệu khác, có vẻ như ngay từ khởi đầu đã hứng chịu sự thất bại - chỉ là lãng phí thời gian trong học thuật.

Điều tôi quan tâm là loại hình tâm lí về Đấng Cứu Chuộc. Loại hình này có thể đã chứa đựng trong những Phúc Âm cho dù bản thân chúng đã bị cắt xén hoặc bị nhồi nhét bằng những đặc trưng xa lạ: hệt như hình tượng Francis ở Assisi được bảo tồn trong dạng những truyền thuyết về ngài, bất chấp bản thân chúng. Không phải sự thật về việc ông dã làm, đã nói, và đã chết thực sự ra sao; mà vấn đề là: chúng ta vẫn còn nhìn nhận loại hình của ông có thể còn được phô ra nữa hay chăng, và có phải nó đã được “lưu truyền” hay chăng?

Những cố gắng mà tôi biết về việc đọc cho ra lịch sử của một ‘‘linh hồn” từ các sách Phúc Âm đối với tôi là bằng chứng về một sự phù phiếm tâm lí đáng khinh miệt.

Ông Renan19, một vai hề trong tâm lí học, đã đưa ra hai khái niệm cực kì không thích đáng để giải thích về loại hình Giê-su: khái niệm thiên tài và khái niệm “anh hùng” (héros). Thế nhưng, nếu có điều gì đó phi phúc âm thì nhất định là khái niệm về anh hùng. Chính việc phản đối lại mọi tính chiến đấu và mọi tình cảm đấu tranh đã trở thành bản năng ở đây: sự thiếu năng lực phản kháng ở đây đã trở thành luân lí (“chớ chống cự điều ác” - là câu thâm sâu nhất trong Phúc Âm, theo nghĩa nào đó là chìa khóa của chúng), sự được chúc phúc trong bình an, trong nhân từ, trong việc không có khả năng trở nên một kẻ thù. Sao gọi là “tin mừng”? Đời sống chân chính, đời sống vĩnh cửu đã tìm thấy rồi - không chỉ là lời hứa hẹn, nó ở ngay đây, nó ở bên trong các ngươi: sống yêu thương, trong yêu thương không có sự bài trừ và khước từ, không có trọng vọng địa vị. Mỗi người đều là con Thượng đế - Giê-su nhất định không tự nhận đặc quyền nào cho mình - và với tư cách là con Thượng đế mọi người đều bình đẳng với nhau. Và Giê-su được tạo thành một loại anh hùng! Hơn nữa, thật là ngộ nhận biết bao trong cái từ “thiên tài”! Toàn bộ khái niệm của chúng ta, toàn bộ khái niệm văn hoá của chúng ta vể “tinh thần” không có ý nghĩa gì trong cái thế giới mà Giê-su đang sống. Nói bằng ngôn ngữ chuẩn xác của nhà sinh lí học ngay cả một từ hoàn toàn khác cũng còn thích hợp hơn ở đây - là từ kẻ si ngây (idiot)20.

Chúng ta biết có một bệnh thái trong đó trạng thái xúc giác quá nhạv cảm tới nỗi co rút lại với bất kì việc tiếp xúc nào, và tránh nắm bắt một vật thể rắn nào. Người ta nên giải thích habitus (trạng thể) sinh lí học đó là hậu quả rốt ráo - là một bản năng mang sự thù ghét với mọi thực tại, là cuộc trốn chạy vào “cái không thể nắm bắt”, vào ‘‘cái không thể lí giải”, là ác cảm với mọi công thức, với mọi khái niệm về thời gian và không gian, với mọi thứ rắn chắc, mọi tập quán, cơ chế, giáo hội; là cảm xúc quen thuộc trong một thế giới không còn tiếp xúc với bất kì thực tại nào, một thế giới “nội tâm” đơn thuần, một thế giới “chân thực”, một thế giới “vĩnh hằng”. “Vương quốc của Thiên Chúa ở trong mỗi các ngươi”.

30

Bản năng thù ghét thực tại: hậu quả do tính mẫn cảm cực độ đối với nỗi đau khổ và phấn khích, nó không chịu đựng được sự ‘‘tiếp xúc” nào nữa, bởi nó cảm giác mọi tiếp xúc là quá sức sâu dậm.

Bản năng loại trừ mọi ác cảm, mọi thù địch, mọi giới hạn hay những phân chia trong tình cảm: hậu quả do tính mẫn cảm cực độ đối với nỗi đau khổ và phấn khích ấy trải nghiệm mọi phản kháng, thậm chí mọi xung lực đề kháng, cũng như nỗi đau đớn không thể chịu đựng (có thể nói, nó vừa tác hại, cũng như bản năng tự bảo tồn cảnh báo chúng ta); và tìm thấy hạnh phúc (hoan lạc) chỉ khi nào nó chấm dứt phản kháng với kẻ khác, gồm cả với điều ác hay với kẻ ác - tình yêu là cách sống duy nhất, là lối sống khả dĩ sau chót.

Đây là hai thực tại sinh lí học mà từ đó học thuyết về sự cứu chuộc đã phát triển. Tôi gọi đây là một hệ quả và khai triển cao cả của chủ nghĩa khoái Lạc (hedonismus) trên một căn bản bệnh hoạn hoàn toàn. Liên hệ gần nhất với nó, mặc dù có sự hỗn hợp giữa sinh lực Hi- lạp với năng lực thần kinh, là chủ nghĩa Duy khoái (Epicureanism), vốn là học thuyết ngoại giáo về sự cứu chuộc. Epicurus, là một kẻ suy đồi điển hình - mà tôi là người đầu tiên thừa nhận ra điều này. Nỗi sợ đau khổ, thậm chí về một đau khổ nhỏ nhoi vô hạn - chỉ có thể kết thúc không bằng cách nào khác ngoài một tôn giáo của tình yêu.

31

Tôi đã đưa ra đáp án cho vấn đề này rồi. Tiền đề của nó là loại hình Đấng Cứu Chuộc được bảo tồn chỉ trong dạng cực kì méo mó. Sự méo mó này rất có khả năng xảy ra trong mọi tình huống; có nhiều lí do tại sao một loại hình như thế lại không thể giữ được sự thuần tuý, hoàn chỉnh, và tránh bị thêm thắt. Kẻ đó phải bày ra dấu vết của môi trường trong đó ngài đã di động như một hình tượng xa lạ; và hơn nữa còn mang dấu ấn của lịch sử. Vận mệnh của cộng đồng Ki- tô giáo đầu tiên, từ đó loại hình này được làm giàu thêm, có hiệu lực trở về trước, với những đặc trưng chỉ có thể hiểu được dựa theo mục đích những luận chiến và cổ động sau đó.

Trong cái thế giới kì quặc và bệnh hoạn đó mà Phúc Âm đã du nhập vào chúng ta - như trong một cuốn tiểu thuyết Nga, một thế giới trong đó những cặn bã của xã hội, những rối loạn thần kinh, và chứng si độn “ấu trĩ” tất cả hội tụ — trong bất cứ tình huống nào, hẳn đã làm cho loại hình này bị thô thiển: để hiểu được điều gì về nó, đặc biệt là những môn đệ đầu tiên, họ đã phiên dịch nó thành cái thô sơ của họ bằng một tồn tại bị lồng vào trong những biểu tượng và những cái không thể hiểu - với họ, loại hình này không hiện hữu cho tới khi nó thay hình đổi dạng thành những dạng thức quen thuộc hơn. Nhà tiên tri, Đấng Cứu Tinh, Messiah, vị quan tòa tương lai, nhà thuyết giáo luân lí, kẻ làm phép lạ. John Tẩy giả - hết thảy đều có cơ hội để dựng sai loại hình này.

Cuối cùng, chúng ta chớ đánh giá thấp cái proprium (đặc thù) của mọi việc thờ phụng lớn lao nào, đặc biệt của mọi tôn phái: nó xoá sạch đi tính nguyên thuỷ, thường là những đặc trưng xa lạ gây rối, và những khí chất riêng của kẻ được thờ phượng - nó thậm chí không nhìn ra những tính chất đó. Thật tiếc đã không có một Dostoevski sống gần với kẻ thú vị nhất trong số mọi kẻ suy đồi này - tôi muốn nói có ai hẳn biết cách cảm nhận vẻ quyến rũ khích động này từ sự hỗn hợp của cái siêu phàm, cái bệnh hoạn, và cái ấu trĩ đó.

Một sự xem xét cuối: như một loại hình về suy đồi, loại hình Đấng Cứu Chuộc có thể thực sự đã là sự đa dạng và mâu thuẫn một cách đặc thù: khả năng này không thể loại trừ. Tuy vậy, mọi thứ gần như chống lại điều này: bởi truyền thống đúng là đã trung thành và khách quan một cách kì lạ trong tình huống này - và chúng ta có những lí do để giả thiết tình huống ngược lại. Đồng thời, có một mâu thuẫn hụt hẫng, một mặt, giữa người thuyết giảng trên núi, bên bờ hồ, và cánh đồng, đã xuất hiện như một đức Phật trên một thổ nhưỡng không giống chi với Ấn-độ, và mặt khác, với kẻ cuồng nhiệt hiếu động, ngài là tử địch của những nhà thần học và giáo sĩ, kẻ mà Renan đã ác ý vinh danh là le grand maitre en ironie (đại sư về châm biếm). Bản thân tôi không hoài nghi rằng phần lớn liều lượng mật đắng (và ngay cả cơ trí/esprít) trước hết đã trút vào trong loại hình vị Thầy từ trạng thái cổ suý cuồng nhiệt của Ki-tô giáo; rút cuộc, tính bất chấp thủ đoạn của mọi giáo phái khi họ biến người Thầy này thành sự biện hộ cho riêng họ, là điều ai cũng biết. Khi cái cộng đồng đầu tiên cần đến một nhà thần học để phán xét, tranh cãi, bất bình, hiềm thù, soi mói để chống những nhà thần học khác, nó đã sáng tạo ra một “Thượng đế” theo nhu cầu của nó - hệt như khi nó nhét vào miệng ngài mà không do dự, những khái niệm hoàn toàn phi phúc âm mà ngày nay nó không thể thiếu như: sự “Tái lâm”, cuộc “Phán xét cuối cùng”, và đủ mọi loại chờ đợi và hứa hẹn trong thời gian.

32

Nhắc lại, tôi chống đối bất cứ toan tính nào du nhập phần tử cuồng tín vào trong loại hình Đấng Cứu Chuộc: một từ impérieux (ngạo mạn) mà Renan sử dụng cũng đủ để annul (huỷ bỏ) loại hình này. “Tin mừng” đúng là hàm nghĩa không còn những đối nghịch nữa; nước trời thuộc về trẻ con; đức tin biểu hiện ở đây không phải là một đức tin đạt được qua sự tranh đấu - nó ở đó, nó đã ở đó từ khởi đầu; nó là tính ấu trĩ đã thoái lui vào cõi tâm linh. Trường hợp tuổi dậy thì bị đình trệ và không phát triển trong cơ thể như hậu quả do sự thoái hoá, vốn đã quen thuộc ít ra là với những nhà sinh lí học. Một đức tin như thế thì không phẫn nộ, không khiển trách, không đề kháng: nó không mang lại “gươm giáo” — nó hoàn toàn không dự kiến trước rằng có ngày nó có thể chia rẽ mọi sự. Nó không tự chứng minh bằng phép lạ hay bằng phần thưởng và hứa hẹn, nhất là không bằng “thông qua Thánh kinh”: mọi khoảnh khắc, chính đức tin là phép lạ, là phần thưởng, là bằng chứng, là “nước Chúa” của chính nó. Đức tin này cũng không cần tự biến thành công thức: nó sống, nó phản kháng lại mọi công thức. Đương nhiên, những ngẫu nhiên do hoàn cảnh, do ngôn ngữ, và do bối cảnh quyết định một phạm vi đặc định về những khái niệm: thời kì nguyên thuỷ của Ki-tô giáo họ chỉ sử dụng những khái niệm Do-thái - Sêmit (việc ăn và uống trong Bữa tiệc Li ở đây thuộc về khái niệm như thế, giống như mọi khái niệm Do-thái, đã bị giáo hội dùng sai một cách tồi tệ). Nhưng người ta nên coi chừng việc tìm ra hơn một ngôn ngữ kí hiệu trong việc này, là khoa kí hiệu học, là cơ hội cho những dụ ngôn. Đối với nhà phản hiện thực luận này, nhất quyết không một lời nào được hiểu theo nghĩa đen chính là cái tiền giả định về việc có thể cất tiếng lên hay chăng. Giữa người Ấn-độ hẳn ngài sẽ sử dụng khái niệm Sãrikhyam (phái Số luận), còn giữa người Trung Quốc, ngài dùng những khái niệm của Lão Tử - mà không hề thấy bất cứ dị biệt nào. Dùng câu nói có phần rộng rãi, người ta có thể gọi Giê-su là một “tinh thần tự do” - ngài không quan tâm đến mọi thứ gì xác định: từ ngữ giết chết, mọi thứ gì xác định đều giết chết. Khái niệm, kinh nghiệm về “đời sống” là cách duy nhất mà ngài biết, cự tuyệt mọi loại từ ngữ, công thức, luật lệ, tín ngưỡng, giáo điều. Ngài chỉ nói về cái thâm sâu nhất: ‘‘đời sống” hay “chân lí” hay “ánh sáng” - mọi thứ còn lại, toàn bộ thực tại, toàn bộ tự nhiên, tự thân ngôn ngữ, đối với ngài chỉ có giá trị của một kí hiệu, một dụ ngôn.

Chớ lầm lẫn ở điểm này, dù thành kiến của Ki- tô giáo hoặc giáo hội có cám dỗ đến đâu đi nữa: một con người biểu tượng như thế đặc biệt đứng ngoài mọi tôn giáo, mọi khái niệm sùng bái, mọi lịch sử, mọi khoa học tự nhiên, mọi kinh nghiệm về thế giới, mọi tri thức, mọi vấn đề chính trị, mọi tâm lí học, mọi sách vở, mọi nghệ thuật - “tri thức” của ngài chỉ là vô trí thuần tuý chính vì liên quan đến sự việc rằng những thứ như thế tồn tại. Ngài không biết gì về văn hoá ngay cả nghe nói đến, ngài không cần chống lại nó - phủ nhận chúng là điều ngài không thể làm. Cũng như vậy đối với nhà nước, với toàn bộ trật tự và xã hội dân sự, với lao động, với chiến tranh - ngài chẳng có lí do nào để phủ nhận “thế gian”; quan niệm của giáo hội về ‘‘thế gian” chẳng bao giờ chợt nảy ra với ngài. Biện chứng cũng không có; không có khái niệm về tín ngưỡng, một “chân lí”, có thể chứng minh bằng những lí luận (bằng chứng của ngài là “những ánh sáng” nội tâm, những cảm xúc nội tâm về hạnh phúc và những khẳng định tự ngã, tất cả chúng là “những bằng chứng về sức mạnh”). Một giáo thuyết như thế không có thể mâu thuẫn được, ngay cả nó không biết rằng có thể còn có những giáo thuyết khác; nó không thể tưởng tượng rằng có một sự phán đoán mâu thuẫn. Khi nó gặp một sự phán đoán đối nghịch, nó sẽ cảm thông sâu sắc và thương tiếc cho sự “mù quáng” này - bởi nó nhìn thấy “ánh sáng” - nhưng nó sẽ không đưa ra bất kì phản đối nào.

33

Quan niệm về phạm tội và trừng phạt hoàn toàn không có trong tâm lí học của “phúc âm”; cũng không có quan niệm về phần thưởng. “Tội lỗi” - bất cứ khoảng cách nào giữa Thượng đế và con người - đều bị trừ khử: đây mới đúng là “tin mừng”. Cái vĩnh phúc không được hứa hẹn, nó không bị cột vào điều kiện: nó là thực tại duy nhất - cái còn lại đều là chỉ dấu dùng để nói về cái vĩnh phúc.

Hậu quả của tình trạng như thế tự phóng chiếu thành một thực tiễn mới, cái thực tiễn phúc âm chân chính. Nó không phải là một “đức tin” đặc trưng của người Ki-tô: người Ki-tô hành động, đặc trưng của họ là bằng hành động khác biệt: không phản kháng lại, cả bằng ngôn ngữ hoặc trong tâm tư với những kẻ đối xử xấu với mình; bằng việc không phân biệt giữa người ngoại bang và người đồng hương, giữa người Do-thái và phi Do-thái (''người láng giềng” — thực ra là người đồng đạo. tức người Do-thái); bằng việc không giận dữ ai, bằng việc không khinh miệt ai; bằng việc không cho phép mình có mặt hay can dự vào những phiên toà (“không thề thốt”); bằng việc không li hôn vợ mình trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả có đủ chứng cứ người vợ bất trung. Mọi điều này, về cơ bản là một nguyên tắc; mọi điều này là những hậu quả của một bản năng.

Cuộc đời của Đấng Cứu Chuộc không gì khác ngoài thực tiễn này - ngay cả cái chết của ngài cũng không ngoài nó. Ngài không còn đòi hỏi bất cứ hình thức và nghi thức nào trong việc tương thông với Thượng đế - ngay cả không cần tới việc cầu nguyện. Ngài đã tuyệt giao với toàn bộ giáo lí Do-thái về việc sám hối và hòa giải; ngài biết rằng chỉ có trong thực tiễn sống ở đời người ta mới cảm thấy “thiêng liêng’’, ''vĩnh phúc”, “phúc âm”, và lúc nào cũng là “con của Thượng đế”. Việc “sám hối” và “cầu xin tha thứ” không phải là con đường đến với Thượng đế: chỉ có thực hành phúc âm dẫn tới Thượng đế, thực vậy, đấy là “Thượng đế”! Những gì mà phúc âm đã bác bỏ chính là những khái niệm Do-thái giáo về “tội lỗi”, “tha tội”, “đức tin”, “cứu rỗi qua đức tin” - toàn bộ học thuyết của giáo hội Do-thái đều bị phủ định trong “tin mừng”.

Bản năng thâm sâu về cách người ta phải sống như thế nào để cảm thấy “đang ở nước trời”, cảm thấy “vĩnh cửu”, vì chừng nào còn trong mọi hành vi khác người ta dứt khoát không cảm thấy mình “đang ở nước trời” — chỉ riêng điều này là thực tại tâm lí về sự “cứu rỗi”. Một cách sống mới, không phải một tín ngưỡng mới.

34

Nếu tôi có hiểu gì về nhà biểu tượng vĩ đại này, ấy là ngài đã chỉ chấp nhận những thực tại nội tâm là những thực tại, là “những chân lí” - và ngài xem cái còn lại, mọi thứ tự nhiên, thời gian, không gian, lịch sử, chỉ như những dấu hiệu, như cơ hội cho những dụ ngôn. Khái niệm về “con của loài người” không phải là một con người cụ thể thuộc về lịch sử, cá biệt và độc nhất, mà đúng hơn là một sự thể “vĩnh hằng”, một biểu tượng tâm lí được giải thoát khỏi khái niệm thời gian. Điều này lại thích dụng, theo nghĩa cao nhất, đối với Thượng đế của nhà biểu tượng điển hình này, với “nước Chúa”, với “nước trời”, và với tương quan “cha con với Thượng đế”. Không gì phi Ki-tô giáo cho bằng sự thô thiển của giáo hội xem Thượng đế như một ngôi vị, “nước Chúa” sắp đến, về một “nước trời” ở cõi bên kia, về “con của Thượng đế” như là ngôi thứ hai trong Ba Ngôi. Tất cả điều này là (nếu bạn thứ lỗi cho thành ngữ) một quả đấm vào mắt21 - ồ, trong mắt nào! - mắt của phúc âm - một sự khinh bạc mang tính lịch sử thế giới nhạo báng các biểu tượng. Nhưng cái mà những dấu hiệu về “cha” và “con” quy chiếu là hiển nhiên dù không phải với mọi người, tôi thừa nhận: từ “con” biểu đạt đi vào cảm thức toàn thể về sự biến hình của vạn vật (vĩnh phúc), từ “cha” biểu đạt chính cảm thức này, cảm thức về sự vĩnh cửu, cảm thức về sự hoàn hảo. Tôi hổ thẹn khi nhắc nhở lại những gì giáo hội đã làm đối với biểu tượng này: chẳng phải nó đã đặt một câu chuyện Amphitryon22 ngay trước ngưỡng cửa “đức tin” Ki-tô giáo? Và trùm lên đó giáo điều về sự “hoài thai vô nhiễm nguyên tội”? Nhưng bằng việc ấy mới là làm ô nhiễm sự hoài thai!

“Nước trời” là một trạng thái tâm linh - không phải là thứ gì đó từ “trên trái đất” hoặc “sau cái chết”. Toàn bộ quan niệm về cái chết tự nhiên đều thiếu trong phúc âm: cái chết không phải là nhịp cầu, không phải sự chuyển tiếp; nó thiếu là bởi nó thuộc về một thế giới hoàn toàn khác, chỉ có bề ngoài, và chỉ hữu ích trong chừng mực nó cung ứng những dấu hiệu. “Giờ khắc lâm chung” không phải là khái niệm Ki-tô giáo: “giờ khắc”, “thời gian”, đời sống vật thể và những khủng hoảng của nó thậm chí không tồn tại đối với người thầy của “tin mừng’'. ‘‘Nước Chúa” không phải cái gì người ta trông đợi; nó không có ngày mai hay ngày mốt, nó sẽ không tới trong “một thiên niên kỉ” - nó là một kinh nghiệm tâm linh; nó ở khắp nơi, nó không ở đâu cả.

35

Người mang tin mừng này đã chết như ngài đã sống, như ngài đã dạy - không phải để “cứu chuộc loài người”, mà để cho thấy cách người ta phải sống như thế nào. Di sản ngài để lại cho loài người là sự thực hành này; hành vi của ngài trước những phán quan, trước những tay sai, trước những kẻ buộc tội và mọi loại vu khống và khinh miệt — hành vi của ngài trên thập giá. Ngài không phản kháng, ngài không bảo vệ quyền của mình, không một nỗ lực ngăn chặn cái xấu xa nhất, trái lại ngài khiêu khích nó. Và ngài khẩn cầu, ngài chịu nạn, ngài yêu thương với những kẻ, và trong những kẻ làm điều ác với ngài. Toàn thể phúc âm đều chứa đựng trong những lời nói với tên cướp trên thập giá. “Đây quả thật là con người thần linh, là “con của Chúa”, tên cướp nói. “Nếu ngươi cảm thấy như thế”, Đấng Cứu Chuộc nói, “vậy ngươi đang ở trên thiên đường, vậy ngươi cũng là một đứa con của Chúa...” Không tự vệ, không giận dữ, không trách cứ - mà cũng đừng chống lại kẻ ác - hãy yêu nó.

36

Chỉ có chúng ta, chúng ta những tinh thần đã trở thành tự do, mới có những tiền đề cần để hiểu những gì mà mười chín thế kỉ đã hiểu sai: sự lương thiện đã trở nên bản năng và nhiệt tình, nó khai chiến chống lại “dối trá thần thánh” trên hết mọi dối trá khác. Những người trước đây đã bị lìa xa không biết chừng nào khỏi tính trung lập thân ái và thận trọng của chúng ta, lìa xa khỏi cái kỉ luật tinh thần kia mà chỉ nó mới có thể hình dung ra những điều xa lạ đến thế, tế nhị đến thế: với tính vị kỉ trơ tráo, người ta luôn muốn phần lợi nhất cho riêng mình; người ta đã kiến tạo nên giáo hội từ sự đi ngược lại với phúc âm.

Nếu có ai muốn tìm những dấu hiệu mà một thần tính mỉa mai đang nhúng tay vào trong một trò chơi lớn của thế giới, người ấy sẽ thấy những kí hiệu đó trong cái dấu hỏi khổng lồ gọi là Ki-tô giáo. Loài người quỳ gối trước cái đối lập của khởi nguyên, ý nghĩa, lẽ phải của phúc âm; trong khái niệm của “giáo hội”, loài người đã phong thánh đúng với những gì mà “người mang tin mừng” đã cảm thấy dưới ngài, sau ngài - mà bạn sẽ không tìm thấy một ví dụ nào lớn hơn về sự mỉa mai trong lịch sử thế giới.

37

Thời đại chúng ta tự hào về cảm quan lịch sử của nó: Nhưng làm sao nó có thể tin vào điều vô nghĩa cho rằng Ki-tô giáo khởi đầu với ngụ ngôn thô thiển về kẻ làm phép lạ và Đấng Cứu Chuộc này - và mọi thứ tâm linh và tính tượng trưng chỉ đại diện cho một sự phát triển sau này? Trái lại: lịch sử Ki-tô giáo, thực sự khởi đầu với cái chết trên thập giá, là lịch sử của sự hiểu sai, và ngày từng bước càng trở thành thô thiển hơn từ một cách tượng trưng nguvên thuỷ. Mọi sự truyền bá Ki-tô giáo tới những đám quần chúng ngày càng rộng hơn và ngày càng thô sơ hơn, ngày càng thiếu những tiền giả định mà từ đó nó đã phát sinh, ngày càng tất yếu gia tăng tính thô tục hoá và man rợ hoá Ki-tô giáo hơn: nó đã nuốt chửng những giáo thuyết và nghi thức của mọi giáo phái hạ tầng của imperium Bomanum (đế quốc La-mã) cũng như sự vô nghĩa của đủ mọi loại lí tính bệnh hoạn. Định mạng của Ki-tô giáo nằm ở trong sự thiết yếu là tín ngưỡng của nó phải trở nên bệnh hoạn, thấp kém, và thô tục cũng như những nhu cầu mà nó nhằm phải thoả mãn là bệnh hoạn, thấp kém, và thô tục. Trong giáo hội, rút cục, chính sự man rợ bệnh hoạn chiếm được quyền lực - giáo hội, thể hiện cho mối tử thù với mọi tính chính trực, với mọi sự thăng hoa của linh hồn, với mọi kỉ luật tinh thần, với mọi sự tốt lành và chân thật trong loài người. Những giá trị Ki-tô giáo - những giá trị cao quý: chỉ có chúng ta, chúng ta những tinh thần đã trở nên tự do, đã phục hưng sự đối lập này về những giá trị, là đối lập lớn lao nhất có được!

38

Tới điểm này, tôi không nén được tiếng thở dài. Có những ngày tôi vướng vào một cảm giác u ám còn hơn cả nỗi ưu uất u ám nhất - sự khinh miệt con người. Và để không bỏ hồ nghi gì về cái tôi khinh miệt, người tôi khinh miệt: con người ngày nay, mà số phận tôi phải gọi là những người đồng thời. Con người ngày nay - tôi cảm thấy ngạt vì hơi thở dơ bẩn của nó. Thái độ của tôi đối với quá khứ, giống như thái độ của mọi người yêu trí tuệ, là sự khoan dung lớn, tức là sự tự chủ độ lượng: bằng tính thận trọng u ám. Tôi đi qua thế giới nhà thương điên của cả ngàn năm, dù nó có được gọi là “Ki-tô giáo”, “tín ngưỡng Ki-tô”, hoặc “giáo hội Ki-tô” hay không - tôi cẩn thận không cho là nhân loại chịu trách nhiệm về những rối loạn tâm thần của nó. Nhưng cảm xúc của tôi bất ngờ thay đổi và phun trào vừa khi tôi đi vào thời hiện đại, thời đại chúng ta. Thời đại chúng ta biết rành hơn.

Những gì trước đây chỉ là bệnh hoạn thì ngày nay là bất chính (unanstandig) - ngày nay là một người Ki-tô là bất chính. Và ở đây khởi đầu sự buồn nôn. Tôi nhìn quanh: không một từ nào còn lại của cái trước đây gọi là “chân lí”, chúng ta không còn chịu được nữa khi nghe những giáo sĩ còn nhắc đến từ “chân lí”. Nếu chúng ta chỉ còn chút chính trực dù cho nhỏ nhoi nhất, chúng ta phải biết ngày nay một nhà thần học, một giáo sĩ, một giáo hoàng, không chỉ sai lầm trong mọi câu kẻ đó nói ra, mà đấy là những lời nói dối - và y không còn tha hồ nói dối từ sự “ngây thơ” hay “ngu dốt” nữa. Vị giáo sĩ cũng biết như mọi người khác rằng không còn có “Thượng đế” nào, ''tội lỗi” nào, “Đấng Cứu Chuộc” nào nữa - rằng “ý chí tự do” và “trật tự luân lí thế giới” đều là dối trá: tính nghiêm túc, sự tự vượt thắng thâm thuý của tinh thần, không còn cho phép ai làm như không biết tới điều này.

Mọi quan niệm của giáo hội đã được nhận ra đích thực là gì, những ngụy tạo cực kì hiểm ác tồn tại để làm hạ giá trị tự nhiên và những giá trị tự nhiên; bản thân giáo sĩ đã được nhận đích thực ra là gì, là loại kí sinh trùng nguy hiểm nhất, con nhện độc thực sự của đời sống. Chúng ta biết, ngày nay lương tri của chúng ta biết, những bịa đặt quái lạ của giáo sĩ và giáo hội thực sự đáng giá ra sao, mục đích của chúng là gì khi giảm trừ con người sang một trạng thái tự xúc phạm và cảnh tượng của nó gây buồn nôn: những khái niệm “thế giới bên kia”, “Phán xét cuối cùng”, “linh hồn bất tử”, và ngay cả “linh hồn” là những công cụ tra tấn, những cơ chế tàn bạo nhờ nó mà giáo sĩ trở thành chủ nhân, và duy trì địa vị chủ nhân.

Mọi người đều biết điều này, nhưng mọi thứ tiếp tục như trước. Đã đâu mất rồi cảm quan cuối cùng đúng đắn và tự trọng khi ngay cả những chính khách của chúng ta, là một loại người nói chung thường bất kể phương tiện, hành vi của họ hoàn toàn là những người phản Ki-tô giáo, nhưng ngày nay họ vẫn tự nhận là người Ki-tô và dự lễ chịu thánh thể? Một vương tử trẻ23 đứng đầu những trung đoàn, xem sự lộng lẫy là biểu hiện tính ích kỉ và cao ngạo của dân tộc — mà không hổ thẹn chút nào khi nhận mình là người Ki-tô! Vậy thì Ki-tô giáo phủ nhận ai? Những gì nó gọi là “thế giới”? Là một người lính, là một phán quan, là một người ái quốc; là kháng cự; là bảo vệ danh dự mình; là ham muốn đặc quyền; là kẻ kiêu ngạo. Mọi thực hành trong mọi lúc, mọi bản năng, mọi sự đánh giá khi người ta chuyển thành hành động hiện nay nhất thiết phản lại Ki-tô giáo: người hiện đại đúng là một quái thai của sự giả dối khi hắn bất chấp tất cả những thứ này mà vẫn không hổ thẹn tự nhận mình là người Ki-tô!

39

Tôi quay trở lại, tôi sẽ kể lịch sử đích thực của Ki-tô giáo. Chính từ ngữ “Ki-tô giáo” là một sự hiểu sai: thực sự, chỉ có một người Ki- tô, và ngài đã chết trên thập giá. “Phúc âm” đã chết trên thập giá. Cái được gọi là “phúc âm” từ khoảnh khắc đó thực ra là cái đối nghịch với phúc âm mà ngài đã sống: là “tin xấu”, một phản phúc âm (Dysangelium). Thật là giả trá tới mức phi lí khi tìm ra dấu ấn của người Ki-tô trong “đức tin”, chảng hạn, niềm tin vào sự cứu chuộc qua đấng Ki-tô: chỉ có sự thực hành Ki-tô giáo, sống như một con người đã chết trên thập giá, mới thật là người Ki-tô.

Một đời sống như thế ngày nay vẫn còn khả dĩ, thậm chí với một số người nhất định còn là tất yếu: Ki-tô giáo chân chính, nguyên thuỷ sẽ là khả dĩ trong mọi thời.

Không phải một đức tin, mà là một hành động; trên hết là sự vô vi nhiều điều, một trạng thái khác của tồn tại. Những trạng thái ý thức, bất kể niềm tin nào, chẳng hạn như coi điều gì đó là thực (như mọi nhà tâm lí học biết) là những vấn đề thuộc đẳng cấp thứ năm hoàn toàn không đáng kể so với giá trị của những bản năng: nói đúng hơn, toàn bộ khái niệm về tương quan nhân quả tâm linh là giả. Giảm thiểu Ki- tô giáo, giảm thiểu là người Ki-tô vào một loạt các chủ trương được coi là thực, vào chỉ là hiện tượng thuần tuý của ý thức, là phủ nhận Ki-tô giáo. Thực tế, chưa từng có người Ki-tô nào. Cái mà suốt hai ngàn năm qua được gọi là “Người Ki-tô”, chỉ là một sự tự ngộ nhận về tâm lí. Nếu người ta nhìn kĩ hơn, bất chấp mọi “đức tin”, chỉ có những bản năng điều khiển họ - và hỡi ôi những bản năng nào!

“Đức tin” trong mọi thời đại, chẳng hạn, với Luther, chỉ là cái áo khoác, một cái cớ, một tấm bình phong mà đằng sau là những bản năng đang diễn trò - một sự mù quáng giảo hoạt về sự thống trị của những bản năng nhất định. “Đức tin” - tôi đã từng gọi nó là sự giảo hoạt đặc thù của Ki-tô giáo - người ta luôn nói về đức tin, nhưng người ta luôn hành động chỉ theo bản năng.

Trong thế giới ý niệm của Ki-tô giáo, không có gì tiếp xúc mảy may với thực tại - và chính sự thù ghét mang tính bản năng đối với thực tại mà chúng ta nhận biết là động lực duy nhất, nằm trong căn nguyên Ki-tô giáo. Kết quả tiếp theo là gì? Ngay cả theo nghĩa tâm lí học (psychologisis), đây là sai lầm cơ bản, nó quyết định cái yếu tính, tức là thực thể. Bỏ một khái niệm, thế vào đó một thực tại - thì toàn bộ Ki- tô giáo sẽ trượt vào hư vô!

Nhìn từ trên cao, sự kiện kì quái nhất này - một tín ngưỡng mà vốn không chỉ tuỳ thuộc vào những sai lầm mà nó đã sáng tạo ra và còn biệt tài chỉ trong việc tạo ra chỉ những sai lầm tai hại đầu độc đời sống và tâm hồn - thực sự là trò diễn dành cho chư thần, chư thần này đồng thời là những triết gia và những người tôi đã gặp, chẳng hạn, trong những đối thoại trứ danh trên đảo Naxos24. Vào lúc họ (và chúng ta) qua cơn buồn nôn, họ đội ơn trò diễn xuất của người Ki-tô: có lẽ thiên thể nhỏ tội nghiệp mệnh danh là “địa cầu”' đáng được thần thánh đoái nhìn, và sự chiếu cố thần thánh, chỉ do trường hợp kì quái này thôi. Chúng ta chớ xem nhẹ người Ki-tô: người Ki-tô giả dối tới mức ngây thơ, vượt trên cả loài đười ươi - khi nói về người Ki-tô, thì lí thuyết nổi tiếng về nguồn gốc hoá ra còn lịch sự chán.

40

Tai biến của phúc âm được quyết định bằng cái chết — cái chết treo trên “thập giá”. Chỉ có cái chết, cái chết bất ngờ, nhục nhã. mà thông thường cây thập giá chỉ dành cho đám hạ lưu - và chính cái nghịch lí đáng ghê tởm này khiến cho các môn đệ đối diện với vấn nạn đích thực:

“Người này là ai? Điều này là gì?” Những cảm xúc hết sức xáo trộn và sỉ nhục, và họ hồ nghi rằng cái chết như thế có thể khước bác lí tưởng của họ. câu hỏi khiếp đảm: “Tại sao như thế?” - trạng thái này hết sức dễ hiểu, ở đây mọi thứ phải là cần thiết, phải có ý nghĩa, có lí trí, lí trí tối cao - tình yêu của một môn đệ không được để cho sự may rủi. Chỉ giờ đây kẽ nứt mới mở ra: “Ai đã giết ngài? Ai là kẻ thù đương nhiên của ngài? Câu hỏi này vọt ra như tia chớp. Lời đáp: giới cai trị của Do-thái giáo, tầng lớp cao nhất. Từ thời điểm này, người ta tự thấy bắt đầu phản kháng chống lại trật tự hiện hữu, và khi nhìn lại, người ta đã hiểu Giê-su phản kháng chống lại trật tự hiện hữu. Trước đó, tính chất phản kháng nói - Không, tính chất vô-vi đã thiếu sót trong hình ảnh của ngài, hơn nữa ngài lại đối nghịch với nó.

Hiển nhiên, cộng đồng nhỏ ấy đã không hiểu được cái yếu điểm và tính chất gương mẫu của cách chết này, sự tự do, vượt trội trên mọi cảm xúc phẫn hận: dấu hiệu cho thấy họ hiểu ngài quá ít! Sau hết, Giê-su không thể mong gì hơn từ chính cái chết của ngài ngoại trừ việc công khai phơi bày triệt để nhất, để minh chứng cho giáo huấn của ngài. Nhưng các môn đệ còn lâu mới tha thứ cho cái chết này - đã phải là nghĩa cao nhất mang tính phúc âm — hoặc ngay cả tự hiến cho một cái chết tương tự trong sự an định tâm hồn hiền hoà và thương yêu. Cảm xúc phản phúc âm hơn cả. chính là sự phục thù, lại lên hàng đầu. Vấn đề không thể nào kết liễu bàng cái chết này: nó cần đến “báo thù”, “phán xét” (thực vậy, có gì phản phúc âm hơn việc “báo thù”, “trừng phạt”, “cử hành phán xét”!). Một lần nữa, niềm trông đợi phổ biến về một vị Cứu Tinh lại ở phía trước; một thời khắc lịch sử được hình dung; “nước Chúa” đến để phán xét kẻ thù của ngài.

Nhưng trong cung cách này mọi thứ bị hiểu sai: “nước Chúa” là màn chót, là lời hứa hẹn!

Phúc âm chính là sự hiện diện, sự hoàn tất, thực tại của “vương quốc” nàv. Một cái chết như thế đã chính là “nước Chúa” rồi. Chỉ là ở điểm này, mọi khinh miệt và căm thù đối với phái Pharisee và những nhà thần học và đem nó vào trong mẫu người của vị Thầy - và khi làm như thế thì đã biến ngài thành một người Pharisee và nhà thần học! Mặt khác, việc sùng bái cuồng nhiệt của những linh hồn hoang mang này không còn chịu được quan niệm theo lời dạy phúc âm của Giê-su rằng mọi người đều bình đẳng như là con Thượng đế; sự trả thù của họ là đề cao Giê-su một cách thái quá, cách li ngài ra khỏi chính họ - hệt như người Do-thái từng trả thù đối với kẻ thù khi cách li Thượng đế ra khỏi chính họ và đề cao ngài. Thượng đế duy nhất và con trai duy nhất của Thượng đế - cả hai là sản phẩm của phẫn hận.

41

Và từ nay trở đi, một vấn đề phi lí hiện xuất: “Sao Thượng đế có thể cho phép điều này?” Lí tính rối loạn của cộng đồng nhỏ đã tìm ra một đáp án phi lí một cách ghê tởm: Thượng đế đã ban con trai ngài để thục tội, như một hiến sinh. Điều này lập tức đã kết liễu phúc âm! Cuộc hiến sinh chuộc tội này - dưới hình thức kinh tởm và man rợ, kẻ vô tội hi sinh cho tội của kẻ vi phạm. Thật là ngoại giáo gớm guốc!

Giê-su đã trừ khử chính quan niệm về “tội lỗi” - ngài phủ nhận mọi khoảng cách giữa Thượng đế và con người, ngài đã sống hợp nhất giữa Thượng đế và con người và đó là “tin mừng” của ngài. Và không phải là đặc quyền của ngài! Từ đó về sau, từng bước bắt đầu nhập vào loại hình Đấng Cứu Thế, giáo thuyết về cuộc phán xét và tái lâm, giáo thuyết về cái chết hiến sinh và giáo thuyết về sự phục sinh với toàn bộ quan niệm về “hạnh phúc đời đời”; và thực tại trọn vẹn và duy nhất của phúc âm, hô biến - thế chỗ bằng một trạng thái sau cái chết.

Với thái độ kiêu mạn của giáo sĩ đặc trưng cho mọi điều về ông, Phao-lô đã luận lí hoá khái niệm này, đã xuyên tạc một khái niệm, theo cách này: “Nếu đấng Ki-tô không phục sinh từ cái chết, thì đức tin của chúng ta là vô ích”. Và rồi lập tức, phúc âm đã trở nên thứ đáng khinh miệt nhất của mọi lời hứa không thể thực hiện, giáo thuyết vô sỉ về sự bất tử của cá nhân. Chính Phao-lô còn dạy giáo lí đó như là một phần thưởng.

42

Có thể dễ thấy những gì đã kết liễu bằng cái chết trên thập giá: một cái mới, một khởi điểm nguyên sơ hoàn toàn cho một cuộc vận động hoà bình mang tính phật giáo, cho một hạnh phúc trên trần thế thật sự, không chỉ được hứa hẹn. Vì điều này, như tôi đã nhấn mạnh, vẫn còn là sự dị biệt căn bản giữa hai tôn giáo của suy đồi: Phật giáo không hứa hẹn nhưng lại làm tròn; Ki-tô giáo hứa hẹn mọi thứ nhưng không làm tròn gì hết. Nối gót “tin mừng” là đến cái tin xấu nhất: thứ của Phao-lô. Phao-lô hiện thân cho mẫu người đối lập với “người mang tin mừng”: thiên tài về thù hận, về thị kiến thù hận, về luận lí khăng khăng về thù hận. Kẻ phản phúc âm này đã hi sinh biết bao thứ cho thù hận! Trước tiên, là Đấng Cứu Chuộc: ông đã đóng đinh ngài vào thập giá của riêng ông. Cuộc đời, gương mẫu, giáo thuyết, cái chết, ý nghĩa và chính nghĩa của toàn bộ phúc âm - không gì còn lại, một khi kẻ nguy tạo khởi hứng từ thù hận này thực hiện điều chỉ riêng ông mới có thể lợi dụng. Không phải thực tại, không phải sự thực lịch sử! Và một lần nữa, bản năng giáo sĩ của người Do-thái lại phạm vào cùng cái tội tày trời chống lại lịch sử - ông đơn thuần gạch bỏ ngày hôm qua của Ki-tô giáo và cả ngày trước hôm qua của nó; ông phát minh ra một loại lịch sử của riêng ông về Ki-tô giáo thời kì đầu. Xa hơn nữa: ông còn nguy tạo lịch sử của Israel một lần nữa sao cho nó có thể xuất hiện như là tiền sử về hành vi của ông: tất cả các tiên tri đều nói về “Đấng Cứu Chuộc” của ông. Sau này, giáo hội thậm chí còn nguy tạo lịch sử nhân loại thành tiền sử của Ki-tô giáo.

Loại hình Đấng Cứu Chuộc, giáo thuyết, sự hành đạo, cái chết, ý nghĩa về cái chết, ngay cả cái tới sau cái chết - không gì còn nguyên vẹn, không gì còn tương tự ngay cả với thực tại. Phao-lô chỉ hoán đổi trọng tâm của toàn bộ tồn tại ấy, vào sau tồn tại này - trong lời nói dối về Giê-su đã “phục sinh”, về cơ bản, ông không cần tới cuộc đời Đồng Cứu Chuộc - ông cần cái chết trên thập giá và thêm một chút nữa.

Khi xem xét một Phao-lô, quê quán của ông ở trung tâm khai minh của phái Khắc kỉ (Stoic), đã thành tâm khi ông tô vẽ một ảo giác làm chứng cứ rằng Đấng Cứu Chuộc vẫn còn sống, hay thậm chí tin vào câu chuyện chịu ảo giác này, hẳn là một điều ngây ngô (niaiserie) đích thực đối với một nhà tâm lí học: Phao-lô muốn mục đích, cho nên ông cũng muốn phương tiện.

Những gì chính ông không tin, thì những kẻ khờ dại mà ông đã gieo học thuyết của ông tin vào. Cái ông cần là quyền lực; với Phao-lô, giới giáo sĩ muốn nắm quyền lực một lần nữa - ông có thể dùng chỉ những khái niệm, học thuyết và biểu tượng để bạo nghịch với đại chúng và tổ chức bầy đoàn. Điều gì Muhammad sau này dã vay mượn từ Ki-tô giáo? Chính là phát minh của Phao-lô, những phương tiện cho sự chuyên chế của giáo sĩ, việc tổ chức bầy đoàn: niềm tin vào linh hồn bất tử - cũng là học thuyết về cuộc “Phán xét”.

43

Khi trọng tâm của đời sống không đặt vào đời sống mà vào “cõi bên kia” - vào hư vô - vậy thì người ta đã tước đoạt luôn cái trọng tâm của đời sống. Lời nói dối vĩ đại về sự bất tử của cá nhân hủy diệt tất cả lí tính, và mọi thứ tự nhiên trong bản năng - trong bản năng tất cả đều hữu ích và nâng cao đời sống hoậc đảm bảo một tương lai, giờ gây nên sự nghi hoặc, sống sao cho không còn chút ý nghĩa nào trong đời, điều này giờ trở thành “ý nghĩa” sống. Tại sao cần ý nghĩa chung, tại sao cần biết ơn dòng dõi và tổ tiên, tại sao cần hợp tác hoặc tín nhiệm; tại sao cần dự tính và xúc tiến mọi phúc lợi chung? Chỉ vì quá nhiều thứ “cám dỗ”, chỉ vì quá nhiều thứ đánh lạc hướng khỏi “chính đạo” - chỉ có “một thứ tất yếu”.

Rằng mọi người là một “linh hồn bất tử” bình đẳng với mọi người khác, rằng trong toàn thể của sinh vật, sự “cứu rỗi” của mỗi cá thể tự cho là mang ý nghĩa vĩnh hằng, rằng kẻ ti tiện và kẻ dở điên có thể tự đắc cho rằng quy luật tự nhiên không ngừng bị phá vỡ vì họ - như thế, mọi dạng vị kỉ ngày càng tăng lên một cách vô sỉ tới mức vô hạn không thể nào khinh miệt cho đủ. Thế nhưng Ki-tô giáo có được thắng lợi là nhờ vào lối tâng bốc tội nghiệp này về sự phù phiếm cá nhân: chính là nó đã quyến rũ mọi kẻ thất bại, đầu óc nổi loạn, ít được thiện cảm, toàn bộ lớp cặn bã và phế thải của loài người, họ đã quy phục nó. “Sự cứu rỗi của linh hồn” - nói đơn giản: “Thế giới xoay quanh tôi”.

Học thuyết độc hại “đòi quyền bình đẳng cho mọi người” - đã được Ki-tô giáo truyền bá triệt để nhất. Từ những góc ẩn khuất nhất của những bản năng đê hèn, Ki-tô giáo đã phát động cuộc chiến chí mạng chống lại mọi cảm quan tôn trọng và cảm xúc về cự li giữa người và người, tức là, chống lại tiền đề về sự nâng cao, về mọi tăng trưởng của văn hoá; từ sự phẫn hận của đại chúng nó rèn thành khí giới chủ yếu của nó chống lại chúng ta, chống lại mọi cái cao quý, hân hoan, cao thượng trên trái đất, chống lại hạnh phúc của chúng ta lớn lao nhất trên trái đất. Việc ban “sự bất tử” cho mọi kẻ (mang tên thánh) Phê-rô và Phao-lô, cho đến nay đã là toan tính hiểm ác nhất để hạ sát nhân tính cao quí.

Và chúng ta chớ đánh giá thấp cái tai hoạ từ Ki-tô giáo trườn vào vào trong chính trị. Ngày nay, không ai còn can đảm chiếm lấy đặc quyền, những quyền chủ nhân, tôn kính tự thân và những kẻ đồng đẳng - một cảm thụ về cách biệt25. Chính trị của chúng ta bệnh hoạn do thiếu cái can đảm này.

Quan điểm quý tộc đã bị làm suy yếu từ cõi âm phủ thăm thẳm qua lời dối trá về sự bình đẳng của những linh hồn; và nếu niềm tin vào “đặc quyền của đa số tạo nên và sẽ tạo nên những cuộc cách mạng - thì chính Ki-tô giáo, không hồ nghi, chính những phán đoán giá trị của Ki-tô giáo, mà mọi cuộc cách mạng này chuyển dịch thành máu và tội ác! Ki-tô giáo là một cuộc nổi loạn của mọi thứ bò trên mặt đất chống mọi thứ có độ cao: phúc âm của “thứ cấp” làm cho sự việc thấp hèn.

44

Những Phúc âm là chứng từ quý giá đối với sự hủ bại bất khả kháng trong cộng đồng đầu tiên. Bằng luận lí Khuyển nho (Logiker-Cynismus) của một rabbi, tuy nhiên chẳng thể khác, Phao- lô sau này đã hoàn tất một tiến trình suy đồi vốn đã bắt đầu bằng cái chết của Đấng Cứu Chuộc.

Người ta không có khả năng đọc những Phúc Âm này đủ thận trọng, mỗi lời là mỗi cam go. Tôi phải thú nhận - xin được thứ lỗi - rằng cũng chính nhờ vậy chúng là một lạc thú hảo hạng đối với một nhà tâm lí học — chúng là đối lập của mọi hủ bại ngờ ngệch, là tinh tế độc sắc, là kĩ xảo về sự hủ bại tâm lí. Những Phúc Âm tự đứng riêng. Toàn bộ Kinh Thánh nói chung không thể so sánh được. Chúng ta ở giữa người Do-thái: xem xét đầu tiên là làm sao không đánh mất hoàn toàn sợi chỉ. Lối mô phỏng về tính “thánh thiện” thực sự đã trở nên thiên tài ở đây, mà chưa từng có sách hay những người khác tới gần được, việc ngụy tạo này trong ngôn ngữ và động tác thành như một nghệ thuật, không phải là ngẫu nhiên của một tài năng cá nhân nào đó hoặc của một cá tính đặc thù nào đó. Điều này đòi hỏi cả một chủng tộc. Ki-tô giáo làm hoàn chỉnh toàn bộ Do-thái giáo, qua nhiều thế kỉ sửa soạn trong việc đào tạo và kĩ năng Do-thái thuộc loại nghiêm chỉnh nhất, đạt tới trình độ tài nghệ tối hậu là tài nghệ dối trá một cách thiêng liêng. Người Ki-tô giáo, sự dối trá đến mức tỉ lệ tối hậu (ultimo ratio), thì cũng lại là người Do-thái - chỉ có tăng thêm ba lần.

Cái quyết tâm căn bản, khi sử dụng chỉ những khái niệm, tượng trưng, và thái độ đã được chứng minh bằng thực hành của giáo sĩ; việc bác bỏ có tính bản năng mọi thực hành khác, mọi quan điểm khác về giá trị và sự hữu ích - đó không chỉ là truyền thống, đó là di sản: chỉ như là một di sản nó mới giống như chính tự nhiên. Toàn thể nhân loại, ngay cả những đầu óc ưu tú nhất trong những thời đại ưu tú nhất (ngoại trừ một người, kẻ đó có lẽ chỉ là phi nhân) đã tự cho phép họ bị lừa dối. Phúc Âm đã được đọc như một cuốn sách ngây thơ vô tội - không có biểu thị nhỏ nào về kĩ xảo đạt được trong trò diễn kịch. Tất nhiên, nếu chúng ta đã thấy, dù chỉ thoáng qua, tất cả những kẻ mê tín kì quặc và những vị thánh giả tạo này, hẳn là sự chấm dứt - và chính vì tôi không thể đọc hiểu những chữ mà không nhìn thấy những động tác, tôi chấm dứt họ. Tôi không thể chịu được cách mà họ ngước mắt lên. May thay, đại đa số xem sách chỉ là văn chương.

Chớ để mình bị lừa: “đừng phán xét”, họ nói, nhưng họ tống xuống hoả ngục mọi thứ chắn đường lối họ. Giao cho Thượng đế phán xét, là chính họ phán xét: vinh danh Thượng đế, là họ vinh danh chính họ; đòi hỏi những đức tính mà tình cờ họ có - hơn nữa, những đức tính họ cần là ở chóp đỉnh — họ tự cho mình cái bề ngoài cao thượng trong cuộc đấu tranh cho đức tính, cho cuộc chiến đấu để đức tính ngự trị. “Chúng ta sống, chúng ta chết, chúng ta hi sinh vì cái thiện” (“chân lí”, “ánh sáng”, “nước Chúa”): thực ra, họ làm những gì họ không thể không làm. Lén lút như kẻ hèn hạ, ngồi trong xó, sống một đời sống mờ ám trong bóng tối, và đưa tất cả những thứ này thành một bổn phận: cuộc sống khiêm tốn của họ xuất hiện như một bổn phận, và khiêm tốn chính là một bằng chứng thêm nữa về tín mộ. Ôi, cái thứ khiêm tốn, thanh sạch, của điêu ngoa! “Chính đức hạnh là chứng nhân của chúng ta”. Người ta sẽ đọc Phúc Âm như là những cuốn sách về sự quyến rũ bằng những biện pháp của luân lí: những kẻ nhỏ nhen này dành tiếng luân lí cho chính mình - họ biết tất cả về luân lí! Luân lí là cách hay nhất để xỏ mũi loài người!

Những gì thực sự xảy ra ở đây tất cả là tính tự phụ rất ý thức được chọn lại đóng vai khiêm tốn: một lần và mãi mãi người ta đã đặt bản thân, “cộng đồng”, “những kẻ tốt lành và công chính”, ở một bên, bên của “chân lí” - phần còn lại, là “thế gian”, ở bên kia. Đây là loại thảm hoạ nhất của chứng vĩ cuồng (GrössenWahn) từng hiện hữu trên trái đất: những kẻ hợm hĩnh dị dạng, nhỏ nhen, và những kẻ nói dối bắt đầu giành cho họ những khái niệm về “Thượng đế”, “chân lí”, “ánh sáng”, “thần khí”, “tình yêu”, “trí tuệ”, “sự sống” - như đồng nghĩa với bản thân họ, cứ như thế, để xác định tự thân chống lại “thế gian”: những người Do-thái tột đỉnh nhỏ nhoi, đáng đưa vào mọi loại nhà thương điên, xoay tất cả mọi giá trị quanh hình ảnh của họ, y như thể “người Ki-tô” là ý nghĩa, là muối, thước đo, cũng là Phán xét cuối cùng đối với mọi thứ còn lại. Toàn bộ tai ương có thể chỉ là một loại hình vĩ cuồng có huyết thống, huyết thống về mặt chủng tộc, đã tồn tại trong thế giới này: loại hình Do-thái. Vào khi kẽ nứt giữa người Do-thái và người Ki-tô mở ra, không có chọn lựa nào cho người Ki-tô ngoài việc áp dụng cũng những biện pháp bảo tồn này để chống lại người Do- thái, trong khi cho tới nay người Do-thái chỉ áp dụng những biện pháp này để chống lại mọi thứ không phải Do-thái. Người Ki-tô chỉ là người Do-thái với tín ngưỡng “phóng khoáng hơn”.

45

Tôi sẽ nêu ra một số ví dụ26 những gì mà những kẻ nhỏ nhen này đã nhồi vào đầu óc của họ, những gì họ đã đặt vào miệng người thầy của họ: không ngoại lệ, là thú nhận của “những linh hồn mĩ lệ”:

“Nơi nào không tiếp hoặc không chịu nghe lời các con, hãy ra khỏi chỗ đó, hãy phủi bụi nơi chân mình để làm bằng chứng cảnh cáo họ.” (Mark 6:11). Thật, ta bảo các con, vào ngày phán xét, dân thành Sô-đôm và Gâ-mô-rơ sẽ bị đoán phạt nhẹ hơn dân thành phố đó” (Mat-thi-ơ 10:15). Ôi chao là tin mừng!

“Còn hễ ai làm cho một trong những đứa nhỏ này đã tin, phải sa vào tội lỗi, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà bỏ xuống biển còn hơn. (Mác 9:42). Ôi chao là tin mừng!

“Còn nếu mắt ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy móc nó đi; thà rằng chỉ một mắt mà vào nước đức Chúa Trời, còn hơn đủ hai mắt mà bị quăng vào địa ngục, đó là nơi sâu bọ của chúng nó chẳng hề chết và là nơi lửa chẳng hề tắt.” (Mác 9:47-48). Không phải dụng ý ngay là con mắt.

“Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong những người đứng đây, có mấy kẻ chẳng chết trước khi chưa thấy nước đức Chúa Trời lấy quyền phép mà đến” (Mác 9:1). Nói dối giỏi, sư tử!27

“Nếu ai muốn theo ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta. Vì...” (Ghi chú của một nhà tâm lí học: Luân lí Ki-tô giáo tự bác bỏ khi nó nói “vì”: “nguvên nhân” bác bỏ của nó - vì thế nó trở thành người Ki-tô).

“Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét... Các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho ngươi mực ấy” (Mat-thi-ơ 7:1). Khái niệm về công chính và vị thẩm phán “công bình” như thế đó!

“Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu? Những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao? Lại nếu các ngươi tiếp đãi anh em mình mà thôi, thì có lạ gì hơn ai? Người ngoại há chẳng làm như vậy sao?” (Mat- thi-ơ 5:46-47). Nguyên tắc về “lòng bác ái Ki- tô giáo”: rốt cuộc, nó muốn được trả hậu hĩnh.

“Song nếu ngươi không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi” (Mat-thi-ơ 6:15). Rất là liên lụy cho người “Cha” được nêu đến như thế.

“Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Mat-thi-ơ 6:33). Mọi thứ này: đó là, thực phẩm, quần áo, mọi nhu cầu thiết yếu của đời sống. Một sai lầm, gọi như thế là khiêm tốn. Ngay trước điều này, Thượng đế xuất hiện như thợ may, ít ra trong một số hoàn cảnh nhất định.

“Ngày đó. hãy vui vẻ, nhảy nhót và mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi trên trời sẽ lớn lắm; bởi tổ phụ họ cũng đối đãi các đấng tiên tri dường ấy” (Lu-ca 6:23). Đám tiện dân xấc xược! Họ sánh mình với các vị tiên tri.

“Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của đức Chúa Trời, và Thánh linh đức Chúa Trời ở trong anh em sao? Vì có ai làm ô uế đền thờ của đức Chúa Trời, thì đức Chúa Trời sê phá huỷ họ; vì đền thờ của đức Chúa Trời là thánh, mà chính anh em là đền thờ” (Phao-lô, 1 Cồ-rinh-tô 3:16). Cái lối này người ta không thể nào khinh miệt cho đủ.

“Anh em há chẳng biết các thánh đồ sẽ xét đoán thế gian sao? Ví bằng thế gian sẽ bị anh em xét đoán, thì anh em há chẳng đáng xét đoán việc nhỏ mọn hơn sao?” (Phao-lô. I Cô- rinh-tô 6:2). Không mav, không chỉ là lời của kẻ loạn thần kinh. Kẻ lừa đảo ghê gớm này tiếp tục nói trắng trợn: “Anh em chẳng biết chúng ta sẽ xét đoán các thiên sứ sao? Huống chi việc đời nầy!”

“Có phải đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra rồ dại không? Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan đức Chúa Trời mà nhận biết đức Chúa Trời, nên ngài đành lòng dùng sự giảng rồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy... Không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng được kêu gọi. Nhưng đức Chúa Trời đã chọn những sự rồ dại ở thế gian để đối lại những kẻ mạnh; đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và yếu ớt ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, để chẳng ai khoe mình trước mặt đức Chúa Trời”. (Phao-lô, I Cô-rinh-tô 1:20-). Để hiểu đoạn này, một chứng từ rất tốt đối với tâm lí học của mọi luân lí Chiên-đà-la, người ta nên đọc phần đầu Phổ hệ luân lí của tôi: có một tương phản giữa luân lí cao quý và luân lí Chìên-đà-la, sinh ra từ sự phẫn hận và sự phục thù bất lực, lần đầu được phơi ra ánh sáng. Phao-lô là kẻ vĩ đại nhất trong mọi sứ đồ của sự phục thù.

46

Tiếp theo điều này là gì? Người ta nên đeo bao tay trước khi đọc Tân Ước. Khi tới gần cái quá nhơ nhuốc đến thế buộc người ta làm điều này. Chúng ta hẳn là không còn muốn chọn “những người Ki-tô tiên khởi” để kết giao cũng như người Do-thái Ba-lan - không phải vì chúng ta cần bác bỏ họ: mùi cả hai đều không ngửi được.

Tôi đã uổng công tìm khắp Tân Ước hòng nhận ra một điểm đồng tình: khổng có gì là tự do, nhân từ, vô tư, trưng thực trong đó. Ngay cả nhân tính còn chưa thấy bắt đầu ở đây - thiếu cả bản năng về sự sạch sẽ. Chỉ có những bản năng xấu trong Tân Ước, và không có đến cả can đảm để có những bản năng xấu này. Mọi thứ là hèn nhát, mọi thứ là nhắm mắt lại và tự dối mình. Mọi cuốn sách đều trở nên sạch sẽ chỉ sau khi người ta đã đọc Tân Ước: lấy một ví dụ. ngay sau khi đọc Phao-lô, tôi hết sức thích thú khi đọc Petronius, một nhà trào phúng hóm hỉnh nhất, cao cả nhất, người mà ta có thể nói những gì Domenico Boccaccio viết cho Công tước Parma về Cesare Borgia: “è tutto festo” (tất cả là ngày hội) - là sự lành mạnh bất hủ, niềm hoan lạc bất hủ và hoàn chỉnh.

Vì những kẻ mù quáng nhỏ nhen này tính toán trật ngay chỗ quan trọng nhất. Họ công kích, nhưng mọi điều họ công kích lại thành đặc sắc. Khi bị công kích bởi một “người Ki-tô tiên khởi” thì không bị ô danh. Trái lại: chính là vinh dự khi được “người Ki-tô tiên khởi” chống đối. Người ta không thể đọc Tân Ước mà không có niềm ham thích đối với những gì bị ngược đãi trong đó - chưa nói đến “sự khôn ngoan của trần gian này”, mà một kẻ ba hoa vô liêm sỉ cố phá hoại bằng việc “thuyết giáo xuẩn ngốc”.

Ngay cả người phái Pharisee và những kí lục Do-thái rút được lợi thế từ sự chống đối đó: chắc họ có gì giá trị đáng để bị hận thù theo một cách bất chính đến thế. Giả đạo đức - đúng là lời trách mắng từ miệng lưỡi “người Ki-tô tiên khởi”! Cuối cùng, họ là những người đặc quyền - thế là đủ - cái thù hận của Chiên-đà-la không cần thêm những nguyên cớ khác. “Người Ki-tô tiên khởi” - tôi e rằng, cũng là “người Ki-tô cuối cùng”, mà tôi còn phải sống để thấy - là, từ những bản năng thấp nhất, nổi loạn chống lại mọi đặc quyền: y sống, y chiến đấu cho ‘‘quyền bình đẳng”. Xem xét kĩ hơn, y không có chọn lựa. Nếu người ta muốn được “Thượng đế chọn” - hay một “ngôi đền của Thượng đế” hay một “thẩm phán của các thiên sứ” - vậy thì bất cứ nguyên tắc chọn lựa nào khác - chẳng hạn, căn cứ vào tính chính trực, tinh thần, kiên cường và tự hào, cái đẹp và tự do của tâm hồn - chỉ là “thế tục”, cái ác tự thân. Luân lí: mọi lời trong miệng của một “người Ki-tô tiên khởi” là dối trá; mọi hành vì mà y thi hành là một sự giả dối về bản năng - mọi giá trị của y, mọi mục tiêu của y đều tai hại; những người y ghét, cái y ghét, đều có giá trị. Người Ki-tô, nói riêng giáo sĩ Ki-tô, là một tiêu chí của giá trị.

Tôi có cần nói thêm rằng, trong toàn bộ Tân Ước chỉ có một nhân vật đáng kính trọng? Phi-la-tô (Pontius Pilate), quan tổng trấn La-mã. Khi nhận xử lí nghiêm túc một vụ việc Do-thái - ông không thể tự thuyết phục mình gánh nó. Thêm một người Do-thái hay bớt - có nghĩa lí gì? Sự khinh bỉ cao quý của một người La-mã, khi chạm trán với một sự lạm dụng vô liêm sỉ về từ “chân lí”, đã làm giàu Tân ước với câu nói duy nhất có giá trị - câu nói là chính sự huy diệt của Tân ước: “Chân lí là gì?”

47

Việc chúng ta không tìm thấy Thượng đế - dù trong lịch sử hoặc trong tự nhiên hay đàng sau tự nhiên - đây không phải là điều biện biệt chúng ta, mà là chúng ta trải nghiệm cái đã được tôn thờ như là Thượng đế (Gott), thì không “giống như Thượng đế” (göttlich), nhưng là thứ ti tiện, phi lí, tai hại, không chỉ như một sai lầm mà còn như một tội ác chống lại đời sống. Chúng ta chối bỏ Thượng đế như là Thượng đế. Nếu có ai chứng tỏ Thượng đế của ngờbi Ki-tô này cho chúng ta còn khó có thể tin vào y. Bằng một công thức: deus qualem Paulus creavit, dei negatio (Đấng Thượng đế như được Phao-lô tạo ra, là một sự phủ định về Thượng đế).

Một tôn giáo như Ki-tô giáo, vốn không có điểm nào tiếp xúc với thực tại, nó tan rã ngay khi thực tại thừa nhận quyền lợi của nó thậm chí ở bất cứ điểm nào, lẽ tự nhiên phải là tử thù với “sự khôn ngoan của thế gian này”, lức là khoa học. Nó sẽ tán dương mọi phương tiện mà kỉ luật tinh thần, thanh khiết và nghiêm khắc trong những vấn đề lương tri của tinh thần, sự trầm tĩnh cao quý và tự do của tinh thần, có thể bị đầu độc, phỉ báng, đưa tới ô danh. “Đức tin” như là mệnh lệnh là một veto (phủ quyết) chống lại khoa học - in praxi (trên thực tế), là sự dối trá bằng bất cứ giá nào.

Phao-lô đã hiểu rằng dối trá đó - “đức tin” - là cần thiết; sau này đến phiên mình, giáo hội đã hiểu Phao-lô. “Thượng đế” mà Phao-lô đã phát minh, là một Thượng đế “huỷ hoại trí tuệ của trần gian này” (đặc thù, là ngữ văn học và y học, là hai đối thủ lớn của mọi mê tín), thực vậy chỉ là quyết định cương quyết tự mình thực hiện của riêng Phao-lô: khi mệnh danh “Thượng đế” theo ý chí của ông, torah (giáo huấn), là Do-thái hoàn toàn. Phao-lô muốn huỷ hoại “trí tuệ của trần gian”: những kẻ thù của ông là những nhà ngữ văn học và những y sĩ ưu tú với học thuật ở Alexandria - chính họ là những người ông tuyên chiến. Thực vậy, một người không thể là một nhà ngữ văn hay y sĩ mà không đồng thời là một kẻ phản Ki-tô. Vì với tư cách là nhà ngữ văn, y nhìn vào phía sau “những sách thánh”; với tư cách y sĩ, nhìn vào phía sau sự sa đoạ về tâm sinh lí của của người Ki-tô điển hình. Người y sĩ nói “vô phương cứu chữa”; nhà ngữ văn nói, “lường gạt”.

48

Câu chuyện trứ danh mở đầu cuốn Kinh Thánh có thực sự đã được hiểu chăng? Câu chuyện về nỗi sợ hãi như là hoả ngục của Thượng đế đối với khoa học? Nó đã không được hiểu. Cuốn sách của giáo sĩ này tuyệt vời mở đầu, như thích hợp với sự khó khăn nội tại hết sức của giáo sĩ: y chỉ biết có một nguy hiểm lớn, vì vậy “Thượng đế” cũng chỉ biết có một nguy hiểm lớn.

Vị Thượng đế xưa, hoàn toàn “thần khí”, hoàn toàn thượng tế (Hohe-priester), hoàn toàn hoàn mĩ, đi dạo trong ngôi vườn của ngài; nhưng ngài buồn tẻ. Ngay cả các thần linh cũng hoài công chống trả với sự buồn tẻ28. Ngài phải làm gì? Ngài phát minh ra con người - con người là trò giải khuây. Nhưng hãy ngắm xem kìa! Con người cũng bị buồn tẻ. Lòng trắc ẩn vô hạn của Thượng đế trước nỗi buồn độc nhất trong mọi địa đàng: ngài sớm tạo ra những thú vật khác nữa. Sai lầm thứ nhất của Thượng đế: con người đã không thấy thú vật là trò giải khuây; y cai trị chúng, y thậm chí không muốn là “thú vật”.

Vì thế, Thượng đế đã tạo nên người đàn bà. Và thực vậy, điều này chấm dứt sự buồn tẻ - và cả những thứ khác nữa! Đàn bà là sai lầm thứ hai của Thượng đế. “Đàn bà tự bản tính là con rắn, Eva! – mọi giáo sĩ biết điều đó; ‘‘đàn bà đem tất cả tai ương vào trong thế gian” - mọi giáo sĩ cũng biết điều này. “Do đó, cũng chính từ đàn bà mà khoa học ra đời”. Chỉ từ đàn bà mà đàn ông biết mùi vị cây tri thức.

Điều gì đã xảy ra? Thượng đế xưa bị nỗi sợ như hoả ngục xâm chiếm, chính con người trở thành sai lầm lớn nhất của ngài; ngài đã tạo nên một đối thủ cho chính ngài; khoa học làm cho con người giống như Thượng đế29 - giáo sĩ và Thượng đế chấm hết khi con người có khoa học. Luân lí: khoa học thực chất là cái bị cấm kị - nó là cấm kị duy nhất. Khoa học là tội đầu tiên, hạt giống của mọi tội, là nguyên tội. Chỉ có điền này là luân lí. “Ngươi sẽ không biết” - nhất thiết theo sau.

Nỗi sợ như hoả ngục của Thượng đế không ngăn được sự tinh khôn của ngài. Ngài chống đối lại khoa học làm sao? Điều này dã từ lâu trở thành vấn nạn chính của ngài. Giải đáp: tống con người khỏi thiên đàng! Hạnh phúc, sự nhàn hạ, làm nảy sinh những ý niệm — mọi ý niệm là những ý niệm xấu. Con người sẽ không được suy tư. Và giới “gíáo-sĩ-như-thế” phát minh ra sự khốn cùng, cái chết, nguy cơ tử vong của việc hoài thai, mọi loại bất hạnh, tuổi già, khó khăn, và trên hết là bệnh hoạn — tất cả những phương tiện để chống lại khoa học. Sự khốn cùng không cho phép con người suy tư. Tuy thế - thật khủng khiếp! - lầu đài của tri thức bắt đầu vươn cao, chọc trời, đem tới buổi hoàng hôn của chư thần. Phải làm sao? Thượng đế xưa phát minh ra chiến tranh, ngài chia rẽ các dân tộc, ngài xắp xếp cho con người huỷ diệt lẫn nhau (giới tu sĩ luôn đòi chiến tranh). Chiến tranh - thuộc trong những thứ gián đoạn nghiêm trạng đối với khoa học! Thật khó tin! Tri thức, là sự giải thoát khỏi giỏi tu sĩ, tiếp tục phát triển bất chấp chiến tranh. Và Thượng đế xưa đi tới một quyết định tối hậu: “Con người đã trở nên có khoa học - không còn cách nào khác, chúng tất phải bị dìm chết.”

49

Tôi đã được hiểu. Phần mở đầu cuốn Kinh Thánh chứa đựng toàn bộ tâm lí học của giáo sĩ. Giáo sĩ chỉ biết một nguy hiểm lớn: đó là khoa học, khái niệm vững chãi về nhân quả. Nhưng khoa bọc nói chung chỉ phát đạt trong những hoàn cảnh thuận lợi — tất phải có dư thời giờ và tinh thần cho “tri thức” khả dĩ. “Vì vậy, con người phải bị làm cho không có hạnh phúc” - đây là luận lí của giáo sĩ trong mọi thời.

Giờ đã rõ ràng những gì được du nhập vào thế giới lần đầu tiên, phù hợp với luận lí này: “tội lỗi”. Quan niệm về tội và phạt, toàn bộ “trật tự luân lí thế giới”, được phát minh chống lại khoa học, chống sự giải phóng con người khỏi giáo sĩ. Con người không được nhìn ra bên ngoài, y phải nhìn vào bên trong bản thân; y không được nhìn vào sự vật một cách thông minh và cẩn thận như một kẻ hiếu học, y không được nhìn đâu cả - y phải đau khổ. Và y phải luôn luôn đau khổ sao cho bao giờ cũng cần tới giáo sĩ. Tống khứ bọn y sĩ đi! Cần một Đấng Cứu Thế. Quan niệm về tội và phạt, gồm học thuyết về “ân sủng”, về “cứu chuộc”, về “tha thứ” - nằm khắp chốn, và chẳng có thực tại tâm lí nào - được phát minh để huỷ diệt ý thức về nhân quả: chúng là một toan tính sát hại nhân và quả. Và không phải là một mưu toan sát hại bằng nắm đấm, con dao, bằng sự thành thật trong yêu và ghét! Mà được sinh ra từ những bản năng hèn nhát nhất, xảo trá nhất, thấp hèn nhất. Một toan tính của giáo sĩ! Một toan tính của kí sinh trùng! Một thứ ma-cà-rồng tái nhợt dưới mặt đất chuyên hút máu người!

Khi những hậu quả tự nhiên của một hành vi không còn “tự nhiên”, mà bị coi như có nguyên nhân là những bóng ma của mê tín, của “Thượng đế”, của “quỷ thần”, của ‘‘linh hồn”, như thể chúng thuần chỉ là những hậu quả “luân lí”, là phần thưởng, hình phạt, hướng dẫn, những phương tiện giáo dục, thì giả thiết về tri thức đã bị phá huỷ - và đây là tội ác lớn nhất đã phạm vào chống lại nhân loại. Tội lỗi, để nhắc lại một lần nữa, cái hình thức tự xâm phạm cao nhất này đã được phát minh để phong toả khoa học, văn hoá, mọi sự siêu thăng và tính cao quý của con người; giới giáo sĩ cai trị bằng sự phát minh về tội lỗi.

50

Ở điểm này, tôi sẽ không cho phép mình bỏ sót tâm lí học về “đức tin”, về những ‘‘tín đồ” - chính là vì lợi ích của những “tín đồ”, như phù hợp. Nếu ngày nay không thiếu những người không biết “lòng tin” là bất chính đến mức nào - hoặc một dấu hiệu về sự suy đồi, về ý chí sống bị bẻ gẫy - nhưng ngày mai họ ắt hiểu. Tiếng nói của tôi thấu tới ngay cả người ngãng tai.

Nếu tôi nghe không lầm, dường như người Ki- tô có một loại tiêu chí về chân lí mệnh danh là “bằng chứng của sức mạnh”. “Đức tin đem lại chân phúc: bởi vậy nó là thật”, ở đây người ta có thể bắt đầu phản bác cái đem lại chân phúc này không được chứng minh mà chỉ có hứa hẹn: chân phúc bám chặt vào điều kiện của “đức tin” - người ta sẽ được chân phúc bởi người ta tin. Nhưng những gì giáo sĩ hứa hẹn với tín đồ có thực sự xảy ra hay không ở một “cõi bên kia” vốn chẳng có kiểm chứng nào - làm sao chứng minh được nó? Cái gọi là “bằng chứng của sức mạnh” như vậy từ đáy tầng chỉ là một thứ đức tin khác, ấy là, kết quả mong đợi từ lòng tin thế nào cũng sẽ xuất hiện. Bằng công thức: “Tôi tin rằng đức tin đem lại chân phúc; bởi vậy nó là thật”. Nhưng điều này đưa chúng ta tới sự chấm dứt. Cái “bởi vậy” này hẳn là cái absurdum (phi lí) tự thân như là tiêu chí của chân lí.

Nhưng chúng ta hãv giả định, với sự khoan dung hơn, rằng đã có chứng minh là đức tin đem lại chân phúc (không chỉ mong muốn, không chỉ hứa hẹn do cái miệng có phần đáng hồ nghi): chân phúc - hay, nói một cách kĩ thuật hơn, cái lạc-thú-đời-đời phải chăng là một bằng chứng của chân lí? Điều này khác xa với sự vụ tới mức nó hầu như đưa ra một phản chứng; trong mọi trường hợp, mối hoài nghi lớn nhất về một “chân lí” phải nảy sinh khi những cảm xúc về lạc thú đi vào cuộc tranh luận với câu hỏi “Chân lí là gì?” Chứng cứ về “lạc thú” là một chứng cứ về “lạc thú” - không hơn: làm sao cả thế giới có thể cho rằng những phán đoán chân thực ắt phải cho lạc thú lớn hơn là những phán đoán sai lầm, và theo một sự hài hoà đã được thiết lập trước, nhất thiết phải theo sau bằng những cảm xúc thích thú?

Kinh nghiệm về mọi tinh thần nghiêm khác và thâm thuý đều dạy điều ngược lại. Ở mọi bước, người ta phải vật lộn để tìm tới chân lí; để đạt tới chân lí, người ta phải buông bỏ hầu như mọi thứ, và vì nó mà quả tim, tình yêu, và niềm tin cuộc sống của chúng ta đeo đẳng cách khác. Điều này đòi hỏi sự cao cả của linh hồn: phục vụ chân lí là việc phục vụ gian nan nhất. Rút cục, vậy ý nghĩa của chính trực trong những vấn đề tinh thần là gì? Là nghiêm khắc với tâm hồn mình, là khinh miệt những “tình cảm đẹp”, là làm cho mọi tiếng Vâng và tiếng Không là một vấn đề của lương tri. Đức tin đem lại chân phúc: bởi vậy nó dối trá.

51

Đức tin khả dĩ đem lại chân phúc trong những hoàn cảnh nhất định, nhưng chân phúc này không làm cho một quan niệm cố định thành một quan niệm đúng, và đức tin không di chuyển núi nhưng nó đặt núi vào những nơi không có núi - một cuộc dạo thoáng qua một nhà thương điên đủ soi sáng người ta về điều này. Tất nhiên, không đối với một giáo sĩ: vì y theo bản năng phủ nhận bệnh hoạn là bệnh hoạn, nhà thương điên là nhà thương điên. Ki- tô giáo cần bệnh hoạn hệt như văn hoá Hi-lạp cần sự thịnh mãn của sức khoẻ - làm cho mọi thứ bệnh hoạn là mục đích thật sự, là bí ẩn của toàn bộ hệ thống mang những thủ tục cứu rỗi do giáo hội dựng lên. Và bản thân giáo hội - chẳng phải là nhà thương điên công chúng đại đồng như lí tưởng chung cục sao? Cả trần gian như một nhà thương điên?

Con người có đạo, như giáo hội muốn, là một kẻ suy đồi điển hình; thời điểm khi cuộc khủng hoảng tôn giáo chế ngự một dân tộc thì lúc nào cũng được đánh dấu bằng những bệnh dịch tạo ra cho thần kinh; “thế giới nội tâm” của người có đạo xem giống hệt như “thế giới nội tâm” của kẻ khích động quá độ và kẻ kiệt sức; những trạng thái “cao nhất” mà Ki-tô giáo giương lên trên nhân loại như là giá trị của mọi giá trị đều là những dạng động kinh - chỉ có người điên hay những kẻ lừa đảo vĩ đại được giáo hội tuyên dương là thánh thiện in majorem dei honorem (để sáng danh Chúa). Tôi đã từng cho phép mình chỉ ra toàn bộ sự training (huấn luyện) về sám hối và đền tội của Ki-tô giáo (mà ngày nay được nghiên cứu nhiều nhất ở Anh) là một folie circulaire (chứng cuồng uất) được tạo ra có phương pháp, như thích hợp, trên một miền đất được chuẩn bị cho nó, tức là miền đất hoàn toàn bệnh hoạn. Không ai được tự do trở thành người Ki-tô: không ai “trở lại” đạo Ki-tô - người ta phải đủ bệnh hoạn cho nó.

Chúng ta là những kẻ khác, có can đảm sống tráng kiện và còn để khinh miệt - làm sao chúng ta có thể khinh miệt cho đủ một tôn giáo giảng dạy con người hiểu sai về thân thể! Nó không muốn trừ bỏ mê tín về linh hồn! Nó biến sự suy dinh dưỡng thành “vinh dự”! Nó chống sự tráng kiện như một loại kẻ thù, ma quỷ, và cám dỗ! Nó tưởng tượng rằng người ta có thể mang một “linh hồn hoàn thiện” trong xác chết của thân thể, và do dó nó thấy cần chế ra một quan niệm mới về sự “hoàn hảo” - một trạng thái nhợt nhạt, bệnh hoạn, ngu cuồng, được mệnh danh, là “thánh thiện”. Thánh thiện - chỉ là một loạt những triệu chứng của một thân thể bần cùng hoá, mất nhuệ khí, hủ bại vô phương cứu chữa!

Phong trào Ki-tô giáo với tư cách một phong trào châu Âu, ngay từ khởi đầu đã là một phong trào tập thể gồm những thành phần cặn bã và phế thải đủ mọi loại (những kẻ này muốn có quyền lực thông qua Ki-tô giáo). Nó không biểu lộ sự suy thoái của một chủng tộc, nó là kết hợp của những hình thức suy đồi tụ tập lại và tìm kiếm nhau từ khắp nơi. Nó không phải, như được cho rằng, là sự hủ bại của tự thân thời cổ đại, của thời cổ dại cao quý đã khiến Ki-tô giáo khả dĩ. Sự ngu xuẩn kinh viện duv trì những quan niệm như thế ấy ngay cả ngày nay chúng ta cũng không thể phản bác cho đủ gay gắt. Ngay ở thời điểm ấy, những tầng lớp Chiên-đà- la bệnh hoạn, đồi trụy trong toàn thể imperium (đế chế) theo Ki-tô giáo, thì loại người đối lập, là giới quý tộc đã hiện diện trong hình thức đẹp đẽ và trưởng thành nhất. Số đông đã trở thành làm chủ; tính quần chúng của những bản năng Ki-tô đã thắng lợi. Ki-tô giáo không phải là “dân tộc tính”, không phải chức năng của chủng tộc - nó hấp dẫn mọi loại người đã bị đời sống truất hữu, nó có đồng minh ở khắp nơi. Ki-tô giáo đặt cơ sở trên sự thù oán của kẻ bệnh hoạn, bản năng chống kẻ lành mạnh, chống chính sự lành mạnh. Mọi thứ đã diễn ra tổt đẹp, kiêu hãnh và hào hiệp, và cái đẹp hơn hết thảy, đã làm đau tai và nhức mắt Ki-tô giáo. Một lần nữa, tôi nhắc lại những lời vô giá của Phao-lô: “Đức Chúa Trời đã chọn những kẻ dại ở thế gian, những kẻ yếu ở thế gian, những kẻ hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian”. Đây chính là công thức; in hoc signo (trong dấu hiệu này)30 suy đồi đã chiến thắng.

Thượng đế trên thập giá - phải chăng những động lực kín đáo kinh khủng đằng sau biểu tượng này còn chưa được người ta hiểu ra? Mọi thứ khổ nạn, mọi thứ bị đóng đinh trên thập giá là hạnh thánh. Tất cả chúng ta bị đóng đinh trên thập giá, do đó tất cả chúng ta có hạnh thánh. Chỉ riêng chúng ta có hạnh thánh. Ki-tô giáo đã thắng, và một lối nhìn cao cả hơn đã bị làm tiêu ma - cho đến nay, Ki-tô giáo đã là sự bất hạnh lớn nhất của nhân loại.

52

Ki-tô giáo cũng đối lập với mọi tinh thần diễn ra tốt đẹp; nó chỉ có thể dùng lí lẽ bệnh hoạn làm lí lẽ Ki-tô giáo, nó về phía với mọi thứ ngu muội, nó nguyền rủa chống lại tinh thần, chống lại superbia (sự tự hào) của tinh thần lành mạnh. Bởi vì sự bệnh hoạn là yếu tính của Ki-tô giáo, trạng thái Ki-tô giáo điển hình, “đức tin”, tất cũng là một hình thức bệnh hoạn, và tất cả những con đường chính trực, thành thật, mang tính khoa học dẫn tới tri thức tất phải bị giáo hội bác bỏ như là những con đường cấm. Thậm chí hồ nghi là một tội lỗi.

Sự sạch sẽ về tâm lí hoàn toàn thiếu trong kẻ gíao sĩ - mắt của y đã tiết lộ - là một hậu quả của suy đồi: người ta nên quan sát những người nữ điên loạn và những trẻ em có khuynh hướng còi cọc, để thấy rằng khuynh hướng dối trá chỉ để dối trá và thiếu khả năng nhìn thẳng và bước đi thẳng thường xuyên ra sao là biểu lộ của suy đồi. “Đức tin” nghĩa là không muốn biết cái gì là thật.

Người mộ đạo, giáo sĩ trong cả hai giới tính, giả dối bởi vì y bệnh hoạn: bản năng của y đòi hỏi rằng sự thật không được thừa nhận quyền của nó ở bất cứ giá nào. “Hễ cái gì làm cho bệnh hoạn là thiện; hễ cái gì phát sinh từ sự viên mãn, từ dồi dào, từ sức mạnh, là ác” - kẻ tín đồ cảm nhận như thế. Không có chọn lựa nào ngoài sự dối trá - từ đó tôi có thể thấy ngay nếu một người là một nhà thần học tiền định. Một dấu hiệu khác về nhà thần học là y không có khả năng với ngữ văn học. Ở đây ngữ văn học hàm ý, theo nghĩa rất rộng, nghệ thuật đọc tinh tường - có thể đọc những sự kiện mà không xuyên tạc chúng bằng việc thông giải, không để cho dục vọng muốn hiểu làm mất đi sự cẩn trọng, kiên nhẫn, và sự tinh tế. Ngữ văn học như là ephexis (tạm treo phán đoán) trong việc thông giải - dù là vấn đề của sách vở, tin tức báo chí, vận mệnh, hay điều kiện thời tiết, chứ khoan nói tới sự “cứu rỗi linh hồn”. Phương thức mà một nhà thần học, ở Berlin cũng như ở Rome, thông giải một “đoạn Kinh” hay một biến cố - chẳng hạn, một sự chiến thắng của quân đội tổ quốc, dưới hào quang của Thánh thi David - luôn trơ trẽn tới nỗi một nhà ngữ văn chỉ đành vò đầu bứt tai. Và y phải làm gì khi những kẻ sùng tín và những con bò khác từ vùng Swabia31 với sự trợ giup của “ngón tay Thượng đế”, chuyển hoá cái thường nhật thảm hại và cái hương nguyện trong đời sống của họ thành phép lạ của ‘‘ân sủng”, của “quan phòng”, của “kinh nghiệm cứu rỗi”? Ngay cả nỗ lực khiêm tốn nhất của tinh thần, chưa nói tới sự chính đáng, cũng đủ mang những nhà thông giải này tới chỗ tự thuyết phục mình là hoàn toàn ấu trĩ và vô giá trị trong sự lạm dụng cái khéo léo của những ngón tay thần thánh. Chỉ cần có chút xíu lòng thương xót trong thân thể, chúng ta sẽ thấy một Thượng đế chữa bệnh cảm lạnh rất kịp thời hoặc ngài bảo ta chui vào chiếc xe ngựa ngay lúc mưa bão lớn bắt đầu đổ xuống, một Thượng đế hoang đường đến thế phải loại trừ ngay nếu ngài có hiện hữu. Thượng đế như thứ đầy tớ, như người đưa thư, như người làm lịch — trên cơ bản, là từ ngữ để chỉ sự ngu xuẩn nhất trong mọi cái ngẫu nhiên. Điều “Thiên Chúa quan phòng” thuộc vào dạng có khoảng một phần ba dân chúng trong “nước Đức có học” vẫn còn tin vào, hẳn là một phản bác về Thượng đế mạnh tới khó tưởng tượng có phản bác nào mạnh hơn. Trong mọi trường hợp, đó là một phản bác đối với người Đức!

53

Tới nỗi mà những kẻ tuẫn đạo chứng minh điều gì đó về chân lí nằm ở sự vụ xa với sự thật tôi sẽ bác bỏ chưa từng có kẻ tuẫn đạo nào liên quan gì đến chân lí. Khẩu khí một người tuẫn đạo ném điều mà y cho là chân lí vào mặt của thế giới cho thấy một mức độ thấp kém về tính liêm chính trí thức như thế, một sự trì độn đối với câu hỏi về chân lí tới mức người ta không bao giờ cần bác bỏ kẻ tuẫn đạo. Chân lí không phải cái mà người này có thể có còn người khác không có: chỉ có những nông dân và những sứ đồ nông dân như Luther mới có thể nghĩ như thế về chân lí. Người ta có thể chắc chắn rằng sự khiêm tốn, sự điều độ trong vấn đề này gia tăng cùng tỉ lệ với mức độ của lương tri trong những vấn đề tinh thần. Để có tri thức về năm điều và phải từ chối với bàn tay nhẹ nhàng để có tri thức khác.

“Chân lí”, như từ ngữ đã được hiểu bởi mọi tiên tri, mọi giáo phái, mọi tinh thần tự do, mọi nhà chủ nghĩa xã hội, mọi người trong giáo hội, là một chứng cứ đầy đủ rằng thậm chí còn chưa khởi đầu kỉ luật của tinh thần và sự tự vượt thắng để cần tìm ra chân lí dù nhỏ nhoi nhất.

Cái chết của những kẻ tuần đạo ngẫu nhiên đã là một bất hạnh lớn trong lịch sử: họ đã dụ dỗ. Theo sự suy đoán của mọi kẻ khờ dại, bao gồm cả phụ nữ và dân chúng cho rằng chắc phải có nguyên cớ gì khiến người ta đi tới cái chết (hoặc, ngay cả trong Ki-tô giáo sơ kì, đã phát sinh những trận dịch tìm cái chết) - sự suy đoán này đã gây những trở ngại vô cùng cho việc khảo sát, tinh thần khảo sát, và sự cẩn trọng. Những kẻ tuẫn đạo đã làm hại chân lí.

Ngay cả ngày nay, sự thô bạo của một cuộc bách hại để đem lại thanh danh cho một bè phái cách khác thuộc loại vô thưởng vô phạt nhất. Vì sao? Có phải giá trị của điều gì đó bị thay đổi nếu có ai đó hi sinh đời mình vì nó? Một sai lầm trở thành danh giá là một sai lẩm cám dỗ hơn rất nhiều. Các nhà thần học thân mến. các ngài có tin rằng chúng tôi sẽ ban cho các ngài cơ hội thành những kẻ tuẫn dạo vì sự dối trá của các ngài? Người ta bác bỏ một vấn đề bằng cách trân trọng gác lại - đó cũng là cách người ta bác bỏ những nhà thần học. Sự ngu xuẩn mang tính lịch sử của thế giới mọi kẻ bách hại chỉ như thế thôi, là họ mang lại vẻ ngoài danh giá cho cái lí tưởng mà họ chống đối - họ cho nó quà tặng về sự quyến rũ của sự tuẫn đạo. Ngay cả ngày nay những phụ nữ vẫn còn quỳ gối trước một sai lầm bởi người ta bảo rằng có kẻ nào đó đã chết trên thập giá vì nó. Thập giá có phải là một luận chứng không? Nhưng về tất cả những điều này, chỉ có một người đã nói những gì cần nói cho hàng ngàn năm - Zarathustra:

Họ viết những dấu hiệu bằng máu trên đường họ đi, và lời dạy xuẩn ngốc của họ cho rằng chân lí được chứng minh bằng máu. Nhưng máu là chứng cứ tồi tệ nhất cho chân lí; máu đầu độc ngay cả lời dạy thuần khiết nhất và biến nó thành hoang tưởng và thù hận của tâm hồn. Và nếu một người bước qua lửa vì lời dạy của y - việc đó chứng minh được gì? Quả thực, tốt hơn nếu lời dạy của các ngươi sinh ra từ lửa của chính các ngươi32.

54

Ta chớ nên bị lừa: những tinh thần cao cả là những kẻ hoài nghi. Zarathustra là một kẻ hoài nghi. Sức mạnh, sự tự do vốn sinh ra từ khí lực và siêu khí lực của tình thần, tự nó chứng minh bằng chủ nghĩa hoài nghi. Con người của kiên tín (Uberzeugung) thì càng không xứng đáng khảo xét trong những vấn đề cơ bản về giá trị và vô giá trị. Những kiên tín là những ngục tù. Những kẻ ấy không nhìn đủ xa, họ không nhìn bên dưới họ: nhưng để được phép tham dự vào cuộc tranh luận về giá trị và vô giá trị, người ta phải nhìn thấy năm trăm điều kiên tín phía dưới mình - phía sau mình.

Một người muốn điều cao cả và cũng muốn những phương tiện để tới cao cả, tất yếu là một kẻ hoài nghi. Tự do khỏi mọi loại kiên tín, để có thể nhìn một cách tự do, là bộ phận của sức mạnh. Niềm đam mê lớn, nền tảng và quyền lực tồn tại của y, còn được soi sáng, còn chuyên chế hơn tự bản thân y, và nó sử dụng toàn bộ trí lực của y; nó khiến y không do dự; nó cho y can đảm dùng những phương tiện không thiêng liêng; dưới những hoàn cảnh nhất định nó cho phép y những kiên tín. Kiên tín như là những phương tiện: có nhiều thứ chỉ đạt được bằng phương tiện của một kiên tín. Niềm đam mê lớn sử dụng và tận dụng những kiên tín, nó không khuất phục chúng - nó biết chủ quyền của chính nó.

Trái lại: nhu cầu đối với tín ngưỡng, đối với tiếng Vâng và tiếng Không vô điều kiện nào đó, theo phong cách Carlyle (Carlylism), nếu bạn lượng thứ cho tôi từ ngữ này, là một nhu cầu sinh ra từ sự nhu nhược. Con người của lòng tin, ‘‘tín đồ” thuộc mọi loại, tất yếu là người lệ thuộc - và không thể ấn định chính y là bất cứ mục đích nào. “Tín đồ” không thuộc về chính mình, y chỉ có thể là phương tiện, y phải bị tận dụng, y cần ai đó tận dụng y. Bản năng của y ban cái danh dự cao nhất cho một luân lí về sự tự chối bỏ; mọi thứ thuyết phục y theo chiều hướng này: sự thận trọng của y, kinh nghiệm của y, phù phiếm của y. Mọi loại tòng tin tự nó là một biểu hiện của tự chối bỏ, của tự tha hoá (Selbst-Entfremdung).

Cứ xem đại đa số con người cần tìm cái gì đó có quy tắc để ràng họ lại từ ngoài và cột chặt họ xuống ra sao; cưỡng bách, là sự hiểu nô lệ theo nghĩa cao hơn, là điều kiện duy nhất và tối hậu trong đó những kẻ nhu nhược về ý chí hơn, đặc biệt là đàn bà, có thể nảy nở - từ đó ta cũng sẽ hiểu sự kiên tín, và “đức tin”. Nó cho con người kiên tín một trụ cột. Không thấy nhiều thứ, không điểm nào vô tư. hoàn toàn bè phái, có quan điểm nghiêm khắc và thiết yếu trong mọi vấn đề về giá trị - chỉ điều này khiến loại người này có thể tồn tại. Nhưng nó làm cho y thành đối lập, kẻ đối địch, của những gì chân thực - của chân lí.

Một tín đồ không tự do có bất cứ lương tri nào đối với những vấn đề “thật” và “không thật”: ở điểm này, sự trung thực hẳn sẽ lập tức triệt tiêu y. Điều kiện bệnh lí trong cách nhìn của y biến những kẻ kiên tín thành những kẻ cuồng tín: Savonarola33, Luther, Rousseau, Robespierre, Saint-Simon: họ là loại hình đối lập với tinh thần cường tráng đã trở nên tự do. Tuy nhiên, tư thế làm cao của những tinh thần bệnh hoạn này, những kẻ mắc chứng động kinh về khái niệm này, gây ấn tượng đối với đại chúng: những kẻ cuồng tín sinh động như tranh; loài người ưa nhìn động tác hơn là nghe những lí do.

55

Tiến thêm bước nữa vào tâm lí học về sự kiên tín, về “đức tin”. Cách đây đã lâu, tôi đặt ra vấn đề phải chăng kiên tín có là kẻ thù nguy hiểm của chân lí hơn sự dối trá34. Giờ tôi muốn nêu câu hỏi quyết định: Liệu có trái nghịch nào giữa dối trá với kiên tín không? Cả thế giới tin rằng có; vậy còn điều gì cả thế giới không tin!

Mỗi kiên tín có lịch sử của nó, có những hình thức sơ bộ, thử nghiệm và sai lầm của nó: nó trở thành một kiên tín sau suốt thời gian dài không phải là thế, rồi sau khi chẳng là một kiên tín suốt thời gian dài hơn nữa. Sao vậy? Có thể nào sự dối trá thuộc những dạng phôi thai này của kiên tín không? Đôi khi chỉ là nhu cầu thay đổi ngôi vị cũng dủ: trong ngôi con trở nên kiên tín những gì trong đó ngôi cha vẫn còn là một điều dối trá.

Tôi cho dối trá là: không muốn thấy điều mình quả nhìn thấy, không muốn thấy điều như mình thấy. Dù cho dối trá xảy ra trước mặt nhân chứng hay không, không quan trọng. Dối trá thông thường nhất chính là điều mình tự dối trá với mình; dối trá với người khác thì tương đối là một ngoại lệ.

Vậy thì, không muốn thấy cái mình thấy đây, không muốn thấy như mình thấy đây, gần như là điều kiện trước tiên cho tất cả những phe đảng theo bất cứ nghĩa nào: vì con người phe đảng thiết yếu biến thành kẻ dối trá. Chẳng hạn, sử học nước Đức tin chắc rằng La-mã tiêu biểu cho chế độ chuyên quyền và những bộ tộc Đức đã đem tinh thần tự do vào thế giới, dị biệt giữa sự kiên tín này và dối trá là gì? Người ta có còn ngạc nhiên không khi mọi phe đảng, cũng như các sử gia Đức đã theo bản năng dùng những đại ngôn về luân lí, rằng luân lí sở dĩ tiếp tục tồn tại bởi vì con người phe đảng trong mọi miêu tả lúc nào cũng cần nó?

''Đây là kiên tín của chúng tôi: chúng tôi thú nhận trước toàn thế giới, chúng tôi sống vì nó, chết vì nó. Hãy kính trọng mọi kẻ có kiên tín!” Tôi đã từng nghe cái loại luận điệu đó thậm chí cả từ miệng những kẻ chống Do-thái. Trái lại. thưa quý vị! Một kẻ chống Do-thái nhất định không còn chút chính đáng nào bởi vì y dối trá như một vấn đề thuộc nguyên tắc.

Các giáo sĩ thì tinh vi hơn nhiều trong những vấn đề này, họ hiểu rất rõ sự phản bác nằm trong quan niệm về một kiên tín, tức là một sự dối trá thuộc vấn đề nguyên tắc bởi vì nó phục vụ cho một cứu cánh; vì thế, họ đã chấp nhận phương thức khôn khéo của người Do-thái khi sáp nhập ở điểm này khái niệm về “Thượng đế”, “Ý chí Thượng đế”, “mạc khải của Thượng đế”. Ngay Kant cũng vậy, cũng đi cùng con đường này với mệnh lệnh tuyệt đối của ông: ở đây, lí tính của ông trở nên thực tiễn. Có những vấn đề con người không có quyền phán quyết đúng hoặc không đúng; mọi vấn đề tối hậu, mọi vấn đề tối hậu về giá trị nằm ngoài tí tính con người. Hiểu được những giới hạn của lí tính đó mới là triết học chân chính. Thượng đế tự mạc khải cho con người để làm gì? Lẽ nào Thượng đế đã làm điều thừa thãi? Con người không thể tự biết được điều gì thiện điều gì ác, vì thế Thượng đế đã truyền dạy cho con người ý chí của ngài. Luân lí: giáo sĩ không dối trá; vấn đề “đúng” và ‘‘không đúng” không liên can gì đến những điều mà giáo sĩ bàn tới; những vấn đề này không cho phép người ta dối trá. Vì, để có thể dối trá, hẳn phải có khả năng quyết định cái gì đúng ở đây. Nhưng vì điều này con người không có khả năng; như vậy, giáo sĩ chỉ là phát ngôn viên của Thượng đế.

Lối tam đoạn luận của giáo sĩ kiểu đó tuyệt nhiên không chỉ riêng của Do-thái giáo và Ki- tô giáo; quyền dối trá và xảo quyệt về “sự mạc khải” thuộc về loại hình giáo sĩ, những giáo sĩ của suy đồi cũng như những giáo sĩ lương giáo (kẻ lương giáo là mọi kẻ nói tiếng Vâng với đời sống, đối với họ “Thượng đế” là từ chỉ tiếng Vâng mạnh mẽ nhất của vạn vật). “Luật”, “ý chí Thượng đế”, “thánh thư”, “linh hứng” - tất cả chỉ là những từ để chỉ những điều kiện mà giáo sĩ đạt được quyền lực; nhờ đó giáo sĩ duy trì quyền lực của họ; những khái niệm này có thể thấy được ở nền tảng của mọi cấu trúc về sự kiểm soát của giáo sĩ hoặc giáo sĩ triết học. “Sự dối trá thiêng liêng” - chung cho cả Khổng tử, pháp điển Manu, Muhammad, và giáo hội Ki-tô giáo: và hẳn cũng không thiếu ở Plato nữa. “Chân lí ở đó”: hễ ở đâu bạn nghe thấy lời này, nghĩa là giáo sĩ đang nói dối.

56

Cuối cùng, đây là vấn đề của cứu cánh mà dối trá phục vụ. Những cứu cánh “thiêng liêng” đều thiếu vắng trong Ki-tô giáo, đây là phản bác của tôi đối với phương tiện của nó. Chỉ có những cứu cánh xấu: đầu độc, phỉ báng, phủ định đời sống, khinh miệt thân thể, sự hạ giá và tự xúc phạm của con người qua quan niệm tội lỗi - do đó những phương tiện của nó cũng xấu. Tôi gặp cảm xúc ngược lại khi đọc Pháp điển Manu (Manusmrti), tác phẩm tâm linh và cao cả vô song: thậm chí khi nêu danh sách luật này cùng một lượt với cuốn Kinh Thánh hẳn là mang tội chống lại tinh thần. Bạn thấy ra ngay: có một triết học chân chính ẩn sau nó, trong nó, không chỉ là một mùi hôi hám của giáo nghĩa rabbi Do-thái và sự mê muội; nó ban cho ngay cả nhà tâm lí học tinh tế nhất có gì đó để nghiền ngẫm. Đừng quên cái điểm chính, sự dị biệt căn bản với mọi loại Kinh Thánh: ở đây những tầng lớp cao quý, những triết gia, và những chiến sĩ đứng trên đám đông: những giá trị cao quý ở mọi nơi, tình tự về sự hoàn hảo, một sự khẳng định đời sống, một niềm hoan hỉ toàn thắng trong bản ngã và trong sự sống - mặt trời rọi cả pho sách. Tất cả những thứ mà Ki-tô giáo đối xử một cách hạ cấp khôn dò - như việc sinh dục, người nữ, hôn nhân - ở đây được xem là nghiêm túc, với lòng tôn trọng, với thương yêu và tin cậy.

Thật sự, làm sao ta có thể đặt một cuốn sách vào bàn tay trẻ con và phụ nữ khi nó chứa đựng những lời hèn hạ như vầy: “cho được tránh khỏi mọi việc dâm dục, thì mỗi người dàn ông phải có vợ, mỗi người đàn bà phải có chồng... vì thà kết hôn còn hơn để cho lửa tình hun đốt”?35 Và làm sao có thể là người Ki-tô chừng nào quan niệm về immaculate conceptio (vô nhiễm nguyên tội) bị Ki-tô hoá, tức là, cái khởi nguyên của con người bị làm cho nhơ nhớp?

Tôi không biết có cuốn sách nào khác nói về người phụ nữ thật nhiều điều êm ái và độ lượng như Pháp điển Manu; những lão trượng râu bạc và những vị thánh đó có một cung cách nhã nhặn với phụ nữ có thể chưa bao giờ vượt trội hơn. “Miệng người nữ”, - có chỗ viết — “ngực thiếu nữ, lời cầu nguyện của em bé, làn khói tế sinh, lúc nào cũng thuần khiết”. Một đoạn khác: “Không gì tinh khiết hơn ánh mặt trời, cái bóng con bò, không khí, nước, lửa, và hơi thở của một thiếu nữ‘‘. Một đoạn cuối - có thể cũng là một dối trá thiêng liêng: ‘‘Mọi lỗ thông của thân thể phía trên rốn là thuần khiết, dưới rốn là ô uế. Chỉ nơi người thiếu nữ là toàn thân tinh khiết”.

57

Ta bắt được quả tang (in flagranti) cái phi thánh thiện của những phương tiện Ki-tô giáo nếu ta đem đọ cái cứu cánh của Ki-tô giáo với cái cứu cánh của Pháp điển Manu - nếu ta rọi thật sáng vào mối tương phản mạnh mẽ nhất này về những cứu cánh. Nhà phê bình Ki-tô giáo không thể tránh cái việc làm cho Ki-tô giáo trông đáng khinh miệt.

Một pháp điển như Manu ra đời như mọi bộ luật tốt lành khác: nó tổng kết kinh nghiệm, sự khôn ngoan, và luân lí thực nghiệm của nhiều thế kỉ; nó đúc kết: nó không tạo thêm gì. Việc soạn luật thuộc loại này với tiền đề là sự am hiểu những phương tiện đảm bảo thẩm quyền cho một chân lí đã dần dần thủ đắc và được trả giá đáng kể, hoàn toàn khác với những phương tiện cần thiết để chứng minh cho chân lí. Một bộ luật không liên can chi tới lợi ích, căn cứ, và phán quyết đúng sai, trong tiền sử của một pháp luật: nếu có, nó sẽ đánh mất cái giọng uy nghiêm của pháp lệnh, (điều răn) “ngươi nên phải” làm tiền đề cho việc phục tùng. Đó đúng là chỗ của vấn đề.

Ở một điểm nhất định trong dòng phát triển của một dân tộc, tầng lớp thận trọng nhất của nó, là những người có tầm nhìn xa nhất về phía sau và phía trước, tuyên bố kinh nghiệm dựa vào đó người ta nên sống, tức là - có thể sống - đã đi tới kết luận. Mục tiêu của họ là mang về một mùa gặt phong phú và toàn diện nhất bằng hết khả năng từ những thời kì thực nghiệm và những kinh nghiệm xấu. Vì thế, cái giờ đây phải bị ngăn cản hơn cả là việc đẩy xa thêm thực nghiệm, là sự liên tục trong trạng thái lưu hành những giá trị, chịu thử thách, chọn lọc, và phê phán những giá trị in infinitum (cho đến vô cùng). Một bức tường kép được dựng lên để chống lại điều ấy: một là, sự mạc khải, cho rằng lí tính trong những luật này không bắt nguồn từ con người, không phải do tìm và phát hiện ra dần dà sau nhiều sai lầm, mà bắt nguồn từ thần tính, và do đó nguyên vẹn, hoàn hảo, không có lịch sử, một quà tặng, một phép lạ, và đơn thuần đã được thống tri. Và thứ hai, truyền thống, cho rằng luật vốn đã tồn tại từ thời xa xưa và đó chính là điều bất kính, một tội phạm chống lại tiền bối, khi nêu bất cứ hồ nghi nào chống lại nó. Thẩm quyền của luật đã được thiết lập trên những luận điểm này: Thượng đế ban luật, các tiền bối sống luật. Lí tính cao hơn trong một biện pháp như thế nằm trong mục đích, từng bước, đẩy lùi ý thức khỏi những gì đã được thừa nhận là đời sống chính đáng (tức là, đã được chứng minh đứng đắn bởi một kinh nghiệm bao la và đã được thanh lọc gắt gao đầy nghiêm nhặt) để đạt được tính tự động hoàn hảo của bản năng - đây là tiền đề của mọi loại làm chủ, của mọi loại hoàn hảo trong nghệ thuật sống. Khi thiết lập một bộ luật theo cách của Manu nghĩa là ban cho một dân tộc cơ hội từ nay trở đi làm chủ, trở thành hoàn hảo - hướng tới nghệ thuật sống cao cả nhất. Để cho cứu cánh đó, nó tất phải làm thành vô thức: đây là mục tiêu của mọi dối trá thiêng liêng.

Trật tự đẳng cấp, luật pháp tối cao chủ đạo, chỉ là sự phê chuẩn một trật tự tự nhiên, một phép tắc tự nhiên thuộc loại hàng đầu, mà không có sự độc đoán nào, không “quan niệm hiện đại” nào có bất cứ quyền lực nào. Trong mỗi xã hội lành mạnh, có ba loại hình tuỳ thuộc vào nhau và chịu thu hút khác nhau về sinh lí học; mỗi loại hình có lối dưỡng sinh riêng, khu vực tác dụng riêng, cảm quan riêng về sự hoàn mĩ và sự làm chủ. Tự nhiên, không phải Manu, phân biệt những người tinh thần ưu việt, những người trội mạnh về cơ bắp và khí chất, và những người thuộc loại hình thứ ba, không nổi bật về cả hai mặt trên, họ là những người tầm thường - loại cuối cùng là đại đa số, loại đầu tiên là ưu tú.

Đẳng cấp cao nhất - tôi gọi họ là số cực thiểu - là hoàn hảo, cũng có đặc quyền cùa cực thiểu số: họ đại biểu cho hạnh phúc, cái đẹp, và từ ái trên trần gian. Chỉ những con người dồi dào tinh thần nhất đạt được vẻ đẹp: chỉ có họ là từ ái chứ không phải yếu đuối. Pulchrum est paucorum hominmn (Cái đẹp thuộc về thiểu số người): cái thiện là một đặc quyền. Mặt khác, không gì họ có thể thừa nhận ít cho bằng những phong cách xấu xa hoặc một cái nhìn bi quan, hoặc một con mắt làm xấu xí mọi vật - hoặc thậm chí sự bất mãn về cung cách toàn diện. Bất mãn là đặc quyền của những Chiên-đà-la; chủ nghĩa bi quan cũng vậy.

“Thế giới là hoàn hảo” - bản năng của kẻ dồi dào tinh thần nhất nói thế, bản năng nói tiếng Vâng; “sự bất toàn, bất cứ gì ở dưới chúng ta, ở xa, sự thụ cảm về khoảng cách - ngay cả giới Chiên-dà-la vẫn thuộc về sự hoàn hảo này”. Những người dồi dào tinh thần nhất, là kẻ mạnh nhất, tìm thấy hạnh phúc nơi mà những kẻ khác hẳn tìm thấy sự tiêu ma: trong mê cung, trong sự cứng rắn chống lại họ cùng những kẻ khác, trong những thử nghiệm; niềm vui của họ là tự chinh phục; lối khổ hạnh trong họ trở thành thiên tính, nhu cầu, và bản năng. Những nghĩa vụ gian nan là một đặc quyền đối với họ; đùa với những gánh nặng nghiền nát người khác, là trò giải trí. Tri thức - một hình thức khổ hạnh. Họ là loại người đáng kính nhất: điều này không ngăn trở họ là những người hoan lạc nhất và tử tế nhất. Họ cai trị không do họ muốn mà do họ tồn tại; họ không có tự do để trở thành loại người thứ nhì.

Đẳng cấp thứ hai: họ là những người bảo vệ luật, canh giữ trật tự và sự an toàn, những chiến sĩ cao quý. và trên hết quốc vương là hình thức tối cao của chiến sĩ, phán quan, và kẻ duy trì luật. Đẳng cấp thứ hai là cánh tay chấp hành của đẳng cấp tâm linh nhất, là những kẻ sát cánh nhất và tuỳ thuộc lớp người tâm linh kia, là những kẻ làm mọi việc thô thiển trong công tác cai trị cho họ - là tuỳ tùng, cánh tay mặt, và là những môn đệ đắc lực nhât của họ.

Mọi điều này, nhắc lại, không có gì là tuỳ tiện, không có gì là khiên cưỡng; bất cứ những gì khác đi là khiên cưỡng - khiên cưỡng phá hoại tự nhiên. Trật tự đẳng cấp, tôn ti trật tự, chỉ là để quy luật hoá luật tắc tối cao của sự sống; sự phân biệt ba loại hình là cần thiết cho việc bảo tồn của xã hội, để có khả năng tạo ra những loại hình cao hơn và cao nhất. Sự bất bình đẩng về phép tắc là điều kiện đầu tiên cho sự tồn tại của mọi phép tắc nào.

Phép tắc là một đặc quyền. Loại hình tồn tại của mỗi cá nhân là đặc quyền của y. Ta chớ đánh giá thấp những đặc quyền của lớp người tầm thường. Khi người ta càng trèo cao hơn, thì đời sống càng gian nan hơn; cái lạnh càng tăng, trách nhiệm càng tăng.

Một văn hoá cao cấp là một kim tự tháp: nó chỉ có thể trụ trên một cái nền rộng: tiền đề đầu tiên của nó là một sự tầm thường, mạnh mẽ và được củng cố. Nghề thủ công, thương mại, nông nghiệp, khoa học, bộ phận lớn nhất của nghệ thuật, toàn bộ tinh tuý của hoạt động nghề nghiệp, nói vắn tắt, chỉ có thể thích hợp với một lượng tầm thường về năng lực và ham muốn; dạng thức đó không thích hợp với những ngoại lệ; bản năng đòi hỏi ở đây ắt trái với chủ nghĩa quý tộc và chủ nghĩa vô chính phủ. Để trở thành một ích lợi công cộng, một bánh xe, một chức năng, cho cái người ta phải được tự nhiên hướng định: đó không phải là xã hội, đó là loại hạnh phúc duy nhất mà đại đa số có thể thụ hưởng để tạo cho họ thành những bộ máy thông minh. Với người tầm thường, sống bình bình là hạnh phúc của họ; làm chủ một thứ thôi. Sự chuyên môn hoá - là một bản năng tự nhiên.

Đối với một tâm linh thâm thuý hơn, cứu xét sự tầm thường như thế là một phản đối hoàn toàn không xứng đáng. Thực ra nó chính là cái thiết yếu đầu tiên trước khi nếu phải có những ngoại lệ; một văn hoá cao cấp hơn phụ thuộc vào nó. Khi con người ngoại lệ đối đãi với kẻ tầm thường còn dịu dàng hơn bản thân và những kẻ ngang hàng, đây không chỉ là lịch sự của tâm hồn36 - nó đơn thuần là bổn phận.

Những ai là kẻ tôi ghét nhất trong bọn vô lại ngày nay? Bọn vô lại chủ nghĩa xã hội, những sứ đồ Chiên-đà-la, họ làm suy mòn bản năng, lạc thú, cảm thức thoả mãn của người lao động về thân phận nhỏ nhoi của y, họ khiến cho y ganh tị và dạy y phục thù. Nguồn gốc của sự sai lầm không bao giờ là những quyền bất bình đẳng, mà là sự đòi '‘bình quyền”.

Điều gì xấu? Nhưng tôi đã nói điều này rồi: tất cả những gì sinh ra từ nhu nhược, từ ghen tị, từ sự phục thù. Kẻ vô chính phủ và kẻ Ki-tô có xuất thân giống nhau.

58

Thực vậy, có sự bất đồng về cứu cánh nào mà người ta dối trá: để duy trì hay để huỷ diệt. Vì ta có thể đặt ra một phương trình hoàn hảo giữa người Ki-tô và người vô chính phủ: mục đích và bản năng của họ chỉ hướng tới sự huỷ diệt. Chứng cứ cho mệnh đề này dễ đọc thấy trong lịch sử: nơi đó nó được viết minh bạch đến đáng sợ. Chúng ta chỉ cần làm quen với một pháp luật tôn giáo mà mục tiêu của nó là “vĩnh cửu hoá” điều kiện tối cao cho một đời sống phồn thịnh, một tổ chức lớn của xã hội - Ki-tô giáo tìm thấy sứ mệnh của nó khi đặt ra một mục tiêu cho một tổ chức như thế bởi nó dẫn tới đời sống phồn thịnh. Ở đó những thủ đắc từ lí tính, sau một thời kì dài thực nghiệm và bất ổn định, đã được đầu tư cho mối lợi dài hạn lớn nhất, và mùa gặt cũng lớn, dồi dào, và hoàn hảo hết sức; nhưng điều trái lại ở đây, là mùa gặt đã bị đầu độc qua đêm. Những gì dựng lên aere perennius (vĩnh cửu hơn đồng), imperium Romanum (đế chế La-mã), hình thức tổ chức nguy nga nhất dưới những hoàn cảnh khó khăn đã từng đạt được, khi so sánh với nó thì mọi cái trước và sau nó chỉ là vụng về, vá víu, và nghiệp dư - những người vô chính phủ thiêng liêng này đã tạo ra một “lòng thương xót” từ sự huỷ diệt ‘‘thế giới”, tức cái imperium Romanum, tới khi không còn viên đá nào nằm trên viên đá nào, tới khi ngay cả những người Teuton và những kẻ man rợ khác cũng có khả năng thành những chủ nhân của La-mã.

Người Ki-tô và người vô chính phủ: cả hai là những kẻ suy đồi, vừa không có khả năng gì ngoài việc làm tan rã, đầu độc, làm tàn tạ, và hút máu; cả hai bản năng hận thù trí mạng chống lại tất cả những gì đứng cao cả, bền vững, và hứa hẹn một tương lai cho sự sống. Ki-tô giáo là một thứ ma-cà-rồng của imperium Romanum: qua một đêm, nó đã phá tan công cuộc kì vĩ của người La-mã - đặt nền tảng cho một nền văn hoá lớn có thời gian.

Bạn chưa hiểu được lí? Cái imperium Romanum mà chúng ta biết, với lịch sử của những tỉnh hạt La-mã dạy chúng ta biết nhiều hơn, tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời này theo phong cách hùng vĩ mới chỉ là khởi đầu; công trình của nó thiết kế tự thân chứng tỏ qua hàng nghìn năm: cho tới nay, không ai xây dựng lại được như vậy, thậm chí không ai dám mơ công trình xây dựng đạt tới quy mô sub specie aetemi (thuộc loại vĩnh cửu) như thế. Tổ chức này đủ kiên định để chống cự những hoàng đế tồi bại: cái ngẫu nhiên về cá nhân vô can đến những vấn đề này - là nguyên tắc đầu tiên trong mọi kiến trúc hùng vĩ. Nhưng nó không đủ vững chãi để chống lại thứ bại hoại nhất, là chống lại người Ki-tô.

Con sâu lén lút này lẻn bò vào mỗi cá nhân trong màn đêm, trong sương mù và trong mơ hồ, nó hút cạn từ mỗi cá nhân sự nghiêm túc về những điểu chân thực và mọi bản năng về những thực tại - bọn hèn hạ, nhu nhược và ngọt xớt này dần dần làm tha hoá “những linh hồn” ra khỏi cơ cấu phi phàm này - những thiên tính quý giá, can trường, và cao quý từ đó họ đã tìm thấy sự nghiệp, sự nghiêm túc, và tự hào của mình trong sự nghiệp của La-mã. Sự lén lút của những kẻ dạy đời, một thứ hội kín, những quan niệm u ám như địa ngục, như cuộc tế sinh kẻ vô tội, như unia mystico (sự kết hợp huyền nhiệm) thông qua việc uống máu; trên hết, ngọn lửa phục thù dần dà được thổi bùng lên, từ sự phục thù của Chiên-đà-la - tất cả là những gì biến thành sự khống chế khắp La-mã, có cùng loại hình tôn giáo, trong hình thức có trước của nó, mà Epicurus đã tuyên chiến. Người ta nên đọc Lucretius để hiểu những gì Epicurus đã chiến đấu, không phải lương giáo mà là “Ki-tô giáo”, tôi muốn nói đó là sự bại hoại của những linh hồn do những khái niệm về tội lỗi, trừng phạt, và bất tử. Ông đã đấu tranh chống lại những giáo phái ngầm dưới đất, đúng như là hình thức tiềm ẩn của Ki-tô giáo: phủ nhận sự bất tử vào thời đó chẳng kém gì một sự cứu rỗi đích thực.

Và Epicurus lẽ ra đã thắng, mọi tinh thần khả kính trong Đế chế La-mã đều theo Epicurus. Và rồi Phao-lô xuất hiện - Phao-lô, niềm hận thù của Chiên-đà-la chống lại La-mã, chống lại “thế giới”, đã biến thành nhục thể, biến thành tinh thần; người Do-thái, đặc biệt là người Do-thái lang thang. Những gì ông đoán ra là người ta làm sao vận dụng được một phong trào giáo phái nhỏ của Ki-tô giáo, thoát li khỏi Do-thái giáo để nhóm lên một “ngọn lửa cho thế giới”; làm sao bằng biểu tượng “Thượng đế trên thập giá” người ta tập hợp được mọi kẻ ở đáy tầng, mọi kẻ nổi loạn ngấm ngầm, toàn bộ di sản từ cuộc bạo loạn vô chính phủ trong Đế chế, trở thành một lực lượng lớn lao. “Ơn cứu rỗi phát xuất từ dân Do-thái”. Ki-tô giáo như một công thức để vượt trội mọi loại giáo phái ngầm dưới đất - chẳng hạn như Orisis, Mẹ Cả, Mithras37 - và để liên kết chúng: thiên tài của Phao-lô nằm ở cái tầm nhìn thấu suốt này. Bản năng của ông đã cầm chắc ở đây khi ông dùng những quan niệm nào mà những tôn giáo Chiên-đà-la bị mê hoặc, và bằng bạo lực tàn nhẫn, ông đặt chúng vào trong miệng của “Đấng Cứu Thế” mà ông phát minh, ra, và không chỉ đặt vào miệng ngài - ông đã làm cho ngài biến thành thứ mà ngay một giáo sĩ của đạo Mithras cũng có thể hiểu được.

Đấy là cái thời khắc của ông ở Damascus: ông hiểu rằng ông cần niềm tin vào sự bất tử để tước đoạt giá trị của “thế giới”, rằng quan niệm về “hỏa ngục” hẳn sẽ làm chủ ngay cả trên La-mã - rằng với quan niệm “đời sau” có thể dùng để giết chết đời sống. Chủ nghĩa hư vô và chủ nghĩa Ki-tô: chúng hợp vần”38 và không chỉ hợp vần.

59

Toàn bộ nỗ lực của thế giới cổ đại thành uổng phí: tôi không có lời nào diễn đạt được cảm xúc của mình về điều quá đỗi lớn lao như thế. Và coi nỗ lực đó là sơ bộ, vừa mới chỉ là nền móng từ những nỗ lực cả ngàn năm đặt để bằng niềm tự tin như đá hoa cương - toàn bộ ý nghĩa của thế giới cổ dại thành uổng phí! Những người Hi-lạp đi đâu? Những người La-mã đi đâu?

Mọi tiền đề cho một nền văn hoá học thuật, mọi phương pháp khoa học, đều sẵn đó rồi; một nghệ thuật vĩ đại, vô song về việc đọc đã được thiết lập vững vàng rồi - cái tiền đề đó cho truyền thống văn hóa và cho sự thống nhất của khoa học; khoa học tự nhiên, liên minh với toán học và cơ học, cùng trên một quỹ đạo tốt đẹp - cái cảm thức về các sự kiện, cái cảm thức cuối cùng và giá trị nhất trong mọi cảm thức, đã có những học phái và truyền thống của nó hàng bao thế kỉ. Liệu điều này có được người ta hiểu ra không? Mọi sự thiết yếu đã được tìm ra, cho nên công cuộc đã bắt đầu: cái phương pháp, người ta phải nói lại cả chục lần, là những gì thiết yếu, cũng là những gì khó khăn nhất, và cũng trong thời gian lâu dài nhất đã bị những thói quen và sự lười biếng chống đối. Cái ngày nay chúng ta tái chính phục bằng tính tự chủ vô hạn - vì mỗi chúng ta vẫn còn những bản năng xấu, những bản năng Ki-tô giáo trong hệ thống của mình - nhãn quan tự do đối với thực tại, bàn tay thận trọng, kiên nhẫn và nghiêm túc trong những vấn đề tế vi nhất, thành thật hết mình trong tri thức - điều này đã từng có! Cách đây hơn hai ngàn năm trước! Và, hơn nữa, còn có cái cảm quan tinh tế về lịch thiệp và thị hiếu. Không phải việc dùi mài bộ óc! Không phải lối giáo dục của “Đức-ý-chí” (Deutsche) bằng cung cách thô lậu! Mà như là thân thể, như là động tác, như là bản năng - như là thực tại, vắn tắt. Tất cả thành vô ích! Qua một đêm, không còn gì ngoài một kí ức!

Người Hi-lạp! Người La-mã! Sự cao quý của bản năng, thị hiếu, sự nghiên cứu có phương pháp, thiên tài về tổ chức và quản trị, niềm tin ở ý chí vào tương lai con người, tiếng Vâng lớn với vạn vật, trở nên hiển hiện trong imperium Romanum, nhìn rõ với mọi ý nghĩa, phong cách hùng vĩ không chỉ còn là nghệ thuật mà đã thành hiện thực, chân lí, và đời sống. Và không bị chôn vùi qua một đêm bằng một thảm hoạ tự nhiên, không bị chà dạp bởi người Teuton và đám trâu bò khác, nhưng bị tàn phá bởi những con ma-cà-rồng tinh ma, lén lút, vô hình, thiếu máu. Không bị khuất phục - chỉ bị rút kiệt. Sự báo thù che giấu, sự ghen tị nhỏ nhen trở thành chủ nhân. Mọi thứ khốn cùng mà bản thân cam chịu, khổ sở vì cảm xúc tồi tệ, toàn bộ cái thế giới cấm khu (ghetto) của linh hồn đè lên trên ngay lập tức.

Người ta chỉ cần đọc bất kì tay sách động Ki- tô nào, chẳng hạn Thánh Augustine, để hiểu ra, để ngửi ra cả một đám nhơ nhớp đã ngự trên đỉnh như thế. Người ta hẳn sẽ tự đánh lừa mình nếu người ta giả thiết rằng có sự thiếu thông minh nào cho những người lãnh đạo phong trào Ki-tô: ồ, họ khéo lắm, khéo tới mức thánh thiện, những giáo phụ tốt lành này! Cái mà họ thiếu là một thứ hoàn toàn khác. Thiên nhiên đã làm ngơ đối với họ - và đã quên phú cho họ một khoản hồi môn khiêm tốn về bản năng đáng kính, chính đáng, và trong sạch. Giữa chúng ta, họ thậm chí chẳng là đàn ông nữa. Islam thì cả ngàn lần đúng trong việc miệt thị Ki-tô giáo: Islam còn giả thiết có đàn ông.

60

Ki-tô giáo đã đánh lừa chúng ta đánh mất mùa gặt của văn hoá cổ đại; sau này nó còn đánh lừa chúng ta nữa, đánh mất mùa gặt của văn hoá Islam. Thế giới kì diệu của văn hoá người Moor ở Tây-ban-nha, thực sự còn gần gũi với chúng ta hơn, tương đắc với cảm quan và thị hiếu của chúng ta hơn La-mã và Hi-lạp, đã bị giày xéo xuống đất đen (tôi không nói bằng loại bàn chân nào). Tại sao? Bởi vì nó nói tiếng Vâng với đời sống, ngay cả với những xa hoa hiếm hoi và tinh tế của đời sống Moor.

Sau này, những kẻ làm thập tự chinh đã chiến đấu với một cái mà trước nó đáng lí họ phải sấp mình trên đất - một nền văn hoá mà so với nó, ngay cả thế kỉ 19 của chúng ta cũng rất có thể phải cảm thấy quá nghèo nàn, rất “lạc hậu”. Chắc chắn, họ thèm muốn chiếm lợi phẩm; phương Đông giàu có mà. Chúng ta cũng không nên có thành kiến làm gì! Thập tự quân - chỉ là loại đạo tặc cao hơn, không có gì khác! Giới quý tộc Đức về cơ bản là giới quý tộc Viking, gặp được yếu tố” thích hợp của mình ở đây: giáo hội biết rõ rằng muốn có được giới quý tộc Đức thì phải làm gì. Giai cấp quý tộc Đức, luôn là “lính Hộ vệ Thụy-sĩ” của giáo hội, luôn phục vụ cho mọi loại bản năng thấp hèn của giáo hội, - nhưng được trả lương khá. Rằng giáo hội phải sử dụng thanh gươm của Đức, dòng máu và lòng can đảm của Đức để mở cuộc chiến chí tử chống lại mọi thứ cao quý trên thế gian! Có nhiều nhức nhối ở điểm này. Giai cấp quý lộc Đức hầu như thiếu vắng trong lịch sử về loại văn hoá cao cấp: ta có thể đoán ra nguyên do - Ki-tô giáo, rượu, là hai phương tiện lớn của sự bại hoại.

Thực tình chẳng nên có chọn lựa nào hết giữa Islam và Ki-tô giáo, cũng như chẳng có chọn lựa nào giữa một người A-rập và một người Do-thái. Cái quyết định đã được cho rồi; không ai còn tự do để chọn lựa thêm gì nữa. Hoặc người ta là một Chiên-đà-la, hoặc người ta không như thế. “Chiến đấu bằng dao chống La-mã! Hoà bình và thân hữu với Islam!”: hành động như thế, cái tinh thần tự do, cái thiên tài trong số hoàng dế của Đức kia, Prederick II. Sao? Một người Đức đầu tiên phải là một thiên tài, một tinh thần tự do, mới có được những tình tự chính đáng chăng? Tôi không hiểu làm sao một người Đức bao giờ lại có thể có tình tự Ki-tô giáo.

61

Ở đây đã trở nên cần thiết khơi dậy một kí ức còn nhức nhối hơn cả trăm lần đối với người Đức. Người Đức đã lừa châu Âu đánh mất mùa gặt văn hoá kì vĩ cuối cùng mà châu Âu có thể đem về - đó là cuộc Phục hưng. Sau chót người ta có hiểu được chăng, người ta có muốn hiểu Phục hưng là gì không? Việc đánh giá lại về những giá trị Ki-tô, là nỗ lực dùng mọi phương tiện, mọi bản năng, với mọi thiên tài, để đem lại những giá trị ngược lại, những giá trị cao quý đến chiến thắng.

Cho đến nay chỉ có cuộc chiến lớn này, cho đến nay chưa có một câu hỏi mang tính quyết định hơn về thời Phục hưng - câu hỏi của tôi là câu hỏi của nó - cũng chưa từng có một hình thức thẳng thắn hơn về tấn công, căn bản hơn, toàn bộ mặt trận được tiến hành nghiêm nhặt hơn chống lại trung tâm! Tấn công vào cái chỗ quyết định, vào chính cái chỗ ngồi của Ki-tô giáo, và đặt những giá trị cao quý lên ngai ở đó, tôi muốn nói là đưa những giá trị này vào những bản năng, vào trong những những nhu cầu và ham muôn thấp nhất của con người ngồi ở dó!

Tôi hình dung ra một khả dĩ với một ma lực hoàn toàn siêu phàm và mê luyến về sắc màu; dường như với tôi nó long lanh trong mọi rung động của vẻ đẹp tinh tế, rằng một nghệ thuật đang hoạt động trong đó, thần linh tới nỗi, thần linh một cách quỷ mị tới nỗi rằng người ta phí công tìm kiếm cả thiên niên kỉ cho một cơ hội thứ nhì như thế; tôi hình dung ra một cảnh tượng tài tình tới nỗi, đồng thời nghịch lí một cách diệu kì, rằng mọi chư thần trên đỉnh Olympus cũng phải có cơ hội phát ra tiếng cười bất tử: Cesare Borgio làm giáo hoàng. Tôi có được người ta hiểu không? Vậy thì, đó hẳn đã là chiến thắng duy nhất mà ngày hôm nay tôi mong mỏi: với điều này, Ki-tô giáo đã bị trừ bỏ.

Điều gì đã xảy ra? Một tu sĩ người Đức, Luther, đã tới La-mã. Tu sĩ này, bằng mọi bản năng báo thù của một giáo sĩ bị đắm thuyền trong hệ thống của mình, đã nổi cơn thịnh nộ ở La- mã chổng lại thời Phục hưng. Thay cho để hiểu biết, với sự biết ơn sâu xa nhất, biến cố lớn lao đã xảy ra ở đó: sự vượt thắng Ki-tô giáo ngay tại chỗ ngồi của nó, mối hận thù của ông chỉ hiểu bằng cách nào rút ra thức ăn của mình từ những cảnh tượng. Một nhà tu chỉ nghĩ về bản thân.

Luther thấy được sự hủ bại của chế độ giáo hoàng khi chính cái đối nghịch mới là rành rành hơn nữa: cái hủ bại xưa, cái peccatum original (tội nguyên tổ), Ki-tô giáo không còn ngồi trên ngai giáo hoàng. Mà là đời sống! Mà là sự đắc thắng của đời sống! Nhưng tiếng Vâng vĩ đại với mọi thứ cao cả, đẹp đẽ, vô uý! Và Luther đã phục hồi giáo hội: ông đã công kích nó.

Thời đại Phục hưng — thành biến cố không có ý nghĩa gì, một sự uổng công vĩ đại! Ôi, những người Đức này, họ đã làm chúng ta trả giá biết bao! Vô ích - luôn luôn là với việc làm của người Đức. Phong trào Cải cách. Leibnitz, Kant và cái gọi là triết học Đức, những cuộc chiến tranh “Giải phóng”, Đế chế (Reich) - mỗi lần là mỗi vô ích đối với điều gì đã đạt được, với điều gì không thể triệt hồi.

Họ là những kẻ thù của tôi, tôi thú nhận điều đó, những người Đức này: tôi khinh miệt họ mọi thứ nhơ nhớp về khái niệm và đánh giá, về sự hèn nhát trước mọi tiếng Vâng và tiếng Không lương thiện. Trong gần cả ngàn năm họ xáo trộn và làm hoang mang mọi thứ gì họ chạm tới; lương tri của họ mọi thứ đều là nửa vời - lòng chỉ đặt có ba phần tám! - từ đó mà châu Âu bệnh hoạn; lương tri của họ thuộc loại ô trọc nhất của Ki-tô-giáo, bất khả trị nhất và bất khả khước bác nhất: Tin Lành. Nếu chúng ta còn chưa trừ khử được Ki-tô giáo, đó sẽ là cái lỗi của người Đức.

62

Giờ đến lúc tôi đi tới chung cuộc và nói lên phán đoán của mình. Tôi lên án Ki-tô giáo. Tôi truy tố chống giáo hội Ki-tô bằng những lời buộc tội kinh khủng nhất từng thốt ra từ người buộc tội. Tôi coi nó là sự bại hoại lớn nhất trong mọi bại hoại quan niệm được, và nó quyết chí đi tới sự bại hoại cuối cùng nếu có thể. Giáo hội Ki-tô đã tiêm nhiễm sự bại hoại vào mọi thứ không để sót điều gì; nó đã biến mọi giá trị thành vô giá trị, mọi chân lí thành dối trá, mọi sự chính trực thành sự ti tiện của linh hồn. Thách ai dám nói với tôi về các ơn phúc “nhân bản” của nó đi! Hủy diệt bất kì đau khổ nào cũng là đi ngược lại với những lợi ích sâu xa nhất của nó: nó sống nhờ vào đau khổ, và tạo ra đau khổ để biến chính nó thành vĩnh hằng.

Con sâu của tội lỗi, chẳng hạn: với sự đau khổ này giáo hội đầu tiên đã làm giàu cho loài người! “Mọi linh hồn bình đẳng trước Thượng đế”, cái sai trái này, cái cớ của mọi đầu óc đê tiện hiềm thù (rancunnes), cái chất nổ từ một khái niệm sau đó đã trở thành cách mạng, tư tuởng hiện đại, và nguyên lí làm suy thoái toàn bộ trật tự xã hội - đó là thuôc nổ Ki-tô giáo. Những ơn phúc “nhân bản” của Ki-tô giáo! Để nuôi dưỡng từ trong humanitas (tình người) một sự tự mâu thuẫn, một nghệ thuật tự xâm phạm mình, một ý chí gian dối bằng mọi giá, một mối ác cảm, và khinh miệt với tất cả bản năng tốt lành và lương thiện. Đấy là một vài ơn phúc của Ki-tô giáo!

Chủ nghĩa kí sinh là lối thực hành duy nhất của giáo hội. với cái lí tưởng hoại huyết và sự “thánh thiện” của nó, giáo hội đã hút cạn mọi dòng máu, mọi thương yêu, mọi hi vọng đối với đời sống; cõi sau là ý chí để phủ định mọi thực tại; thập giá là dấu hiệu nhìn nhận ra cái âm mưu ngấm ngầm nhất từng có - chống lại sự lành mạnh, cái đẹp, bất kể những gì đã phát triển tốt lành, dũng cảm, tinh thần, linh hồn từ ái, chống lại chính sự sống.

Bản cáo trạng vĩnh viễn này với Ki-tô giáo, tôi sẽ viết trên mọi bức vách, bất cứ nơi nào có vách - tôi có chữ để làm cho ngay cả người mù cũng nhìn thấy được.

Tôi gọi Ki-tô giáo là lời nguyền rủa lớn duy nhất, là một bại hoại cực kì về cái nội tại, là một bản năng lớn về báo thù, mà với nó không có phương tiện nào đủ độc hại, lén lút, ngấm ngầm, ti tiện cho vừa - tôi gọi nó là vết chàm bất tử duy nhất của loài người.

Và thời gian được tính kể từ dies nefastus (ngày tai hại) đó - mà đại hoạ này giáng xuống - theo cái ngày đầu tiên của Ki-tô giáo! Tốt hơn sao chúng ta không tính từ ngày cuối cùng của nó? - từ ngày hôm nay? Đánh giá lại mọi giá trị!

SẮC LUẬT CHỐNG KI-TÔ GIÁO39

Ban hành vào Ngày Cứu rỗi, ngày đầu tiên của năm thứ nhất (30 tháng 9 năm 1888 theo cách tính lịch pháp sai lầm)40.

Chiến đấu chí tử chống lại sự sa đoạ: sự sa đọa là Ki-tô giáo

1. Điều thứ nhất. Mỗi loại hình của phản-tư nhiên là một sa đọa. Giáo sĩ là loại người sa đoạ nhất: y dạy sự phản-tự nhiên. Đừng tranh luận với những tu sĩ, chỉ có tống giam họ.

2. Điều thứ hai. Bất cứ tham dự nào trong việc phụng vụ giáo hội là công kích vào đạo lí công chúng. Nên khắc nghiệt với người Tin Lành hơn là với người Công giáo, khác nghiệt với người Tin Lành tự do hơn là với người Tin Lành chính thống. Tội ác của người Ki-tô gia tăng bằng việc bạn tới gần khoa học. Tội phạm trong những tội phạm, do đó là triết gia.

3. Điều thứ ba. Địa điểm ghê tởm nơi Ki-tâ giáo đã ấp ủ cái vỏ trứng chằn tinh của nó, phải bị san thành bình địa, và vì là địa điểm đồi bại trên mặt đất, nó phải là mối kinh hoàng cho toàn bộ hậu thế. Rắn độc phải được sinh sản lên trên.

4. Điều thứ tư. Kẻ rao giảng về sự trinh khiết là một sự kích động tới việc chống tự nhiên. Khinh miệt tình dục, làm cho nó dơ bẩn bằng khái niệm về sự “ô uế”, đây là những tội lỗi thực sự chống lại thần khí của đời sống.

5. Điều thứ năm. Tẩy chay việc ăn cùng bàn với một tu sĩ: người ấy bị rút phép thông công khỏi xã hội lương thiện. Giáo sĩ là giới Chiên-đà-la của chúng ta - y sẽ bị bài trừ, bỏ đói, đuổi vào mọi loại sa mạc.

6. Điều thứ sáu. Lịch sử “thánh” nên gọi cho xứng với cái tên, là lịch sử đáng nguyền rủa; những từ “Thượng đế”, “Đấng Cứu Thế”, “Đấng Cứu Chuộc”, '‘thánh nhân” nên được dùng như những từ lăng mạ, để chỉ những tội phạm.

7. Điều thứ bảy. Phần còn lại nhất thiết tiếp theo từ đây.

Kẻ phản Ki-tô

Notes

[←1]

Hyperboreanos (hay Thulean), một dân tộc văn minh và đầy tài năng trong thần thoại Hy Lạp và truyền thuyết, cư trú ở một vùng bang tuyết ở cực Bắc, họ trường sinh bất lão và tràn trề hạnh phúc vĩnh hằng. Nietzsche khéo nhắc đến Huperboreanos để gián tiếp tán dương di sản tiền Ki-tô giáo là lương giáo (Paganism) Ấn-Âu khi so sánh với tính cách “phương nam” kém cỏi của Do-thái-Ki-tô hiện đại, của truyền thống bình đẳng (egalitarian.)

[←2]

Sorocco, một loại hỏa phong cực kì nóng thổi từ vùng phía nam sa mạc Sahara ở châu Phi

[←3]

Nietzsche chơi cặp chữ tương tự, giữa Mitleid (thương xót) với Leiden (khổ nạn).

[←4]

Niềm tin Ki-tô cho rằng loài người được Thượng đế tạo dựng, nhưng vì tổ tiên loài người là Adam và Eve không vâng lời Ngài khi ăn trái cây biết điều thiện điều ác nên đã khiến cho tội lỗi và cái chết tràn ngập thế giới. Sự sa ngã này của con người được gọi là tội nguyên tổ. (ND)

[←5]

Tubingen ở thành phố Tubingen, Baden-Wuttemberg một trong những trường đại học cổ nhất nước Đức, có một lịch sử trường kì về tư tưởng cách tân, đặc biệt về môn thần học. Trong số những sinh viên kiệt xuất của Tubingen có Kepler, Schelling, Hegel, Holderin… Vào giữa thế kỉ 19, nhà thần học Tin Lành Ferdinand Christian Baur là người dẫn đầu “Trường phái Tubingen”. (ND)

[←6]

Swabia gồm phần lớn vùng phía Tây-Nam Baden-Wuttemberg, có trường Tubingen. Là vùng lịch sử và phương ngữ có đặc trưng khác với tiếng Đức tiêu chuẩn. (ND)

[←7]

Có lẽ Nietzsche chơi chữ lập lờ giữa Chinesenthum, ám chỉ tính an phận thủ thường của Hoa kiều, với lại Christenthum (Ki-tô giáo). ND

[←8]

Konigsberg, thành phố nơi Kant sinh ra, dạy học và sống suốt đời ở đó.

[←9]

Moloch, một vị thần mà các dân Israel, Canaan, và Phoenicia từng thờ phượng. Tục cúng thần là tế thiêu trẻ con.

[←10]

Một trong những định nghĩa về “mệnh lệnh tuyệt đối”: “Hãy hành động sao cho phương châm hành động của bạn nhờ ý chí mà trở thành quy tắc chung” trong Siêu hình học đạo đức.

[←11]

Mệnh lệnh mở đầu mỗi điều răn thuộc Mười điều răn của Do-thái giáo và Ki-tô giáo.

[←12]

Giai cấp mạt hạng trong đẳng cấp Ấn giáo.

[←13]

“Sub specie aeternitatis” (tiếng La-tinh): “Dưới quan điểm vĩnh cửu (nhìn thế giới như Thượng đế nhìn vào)” – Spinoza.

[←14]

Tu sĩ Braman (Bà-la-môn), đẳng cấp cao nhất trong Ấn giáo.

[←15]

Trong thần thoại Hi-lạp, Pandora là người đàn bà đầu tiên do thần Hephaetus tạo ra theo yêu cầu của cha là thần Zeus để trả đũa vụ một vị thần Titan là Prometheus lấy lửa của thần linh đem xuống trần cho loài người. Pandora được đem gả cho Epithamus là anh của Prometheus. Của hồi môn của Pandora là cái hộp chứa mọi điều xấu xa và độc ác. Khi Pandora mở nắp hộp ra, đủ mọi thứ khổ đau và tai họa đã đến với con người. Chỉ còn hi vọng sót lại trong đáy hộp.

[←16]

Trong ba đức tính mà người Ki-tô giáo gọi là Tin-Cậy-Mến này thì đức Yêu/Mến (Liebe) còn mang nghĩa là Bác ái (Charity).

[←17]

Phúc âm Gioan, 4:22

[←18]

Nietzsche mượn câu độc thoại của nhân vật Hamlet: “to be or not to be – that is the question” (tồn tại hay không tồn tại – đó là vấn đề) trong kịch Shakespeare, Hamlet, hồi 3, cảnh 1.

[←19]

Ernest Renan (1823 – 1892), triết gia và văn sĩ Pháp. Nổi tiếng nhất với những tác phẩm lịch sử Ki-tô giáo thời kì đầu và những lí thuyết chính trị. Nietzsche đang nhắc đến tác phẩm lừng danh của ông: Vie de Jésus (Đời của Giê-su), 1863, viết về một con người cao cả nhưng không có thần tính hoặc làm phép lạ.

[←20]

Nguyên văn: “das Wort Idiot”, ba từ này trong ấn bản đầu tiên 1895 đã bị em gái của Nietzsche là Elizabeth đục bỏ (do đó bản dịch Anh ngữ năm 1920 của H. L. Mencken thiếu mất ba từ này), và cho tới năm 1931 Josef Hofmiller đã công bố nhưng để chứng tỏ Nietzsche đã điên loạn khi viết cuốn sách này. Tất nhiên, từ ‘‘idiot” ở đây được Nietzsche dùng với ý nghĩa Kẻ si ngây (1869) của Dostoevski. (Nhân vật Myshkin trong cuốn tiểu thuyết này có nhiều tương đồng với Giê-su. Những mô tả của Nietzsche ở đây về bệnh thái của kẻ si ngây là ác cảm với lại thế giới vật chất - ND). Các tham chiếu về Dostoevski trong phân đoạn 31 này và phân đoạn 45 trong Hoàng hôn của các thần tượng cũng nên lưu ý. Từ "idiot” mang một ý nghĩa bất ngờ trong tác phẩm của Nietzsche sau khi ông khám phá ra Dostoevski năm 1887: xem tiết số 5 trong Trường hợp Wagner; tiết 7 trong chương 2 Hoàng hôn của các thần tượng; tiết 11, 26, 42, 51-53 trong Kẻ phản Ki-tô, tiết 2 của “Trường hợp Wagner'‘ trong Ecce Homo (Đây là Người); tiết 2 và 3 trong Nietzsche chống Wagner, những lá thư gửi giáo sứ triết học Brandes (là người đầu tiên đưa Nietzsche vào giảng dạy đại hoc) và kịch tác gia Strindberg, đề ngày 20/10 và 7/12/1888; và ghi chú số 734 trong Ý chí quyền lực. (Về từ nguyên, idiot phái sinh từ idiõtẽs trong Hi-lạp nghĩa là “người thiếu kĩ năng chuyên môn”, “một công dân riêng tư”, gốc từ idios: "cá nhân’, "cái riêng của mình’’, cùng gốc với idiom: "phong cách riêng", do đó idiot là kẻ sống theo cách của mình mà không bận tâm đến thế giới. ND)

[←21]

Thành ngữ Đức: “die Faust auf dem auge” (nắm đấm vào con mắt) trong nguyên văn ,để chỉ sự không tương hợp, hai thứ không khớp nhau.

[←22]

Amphitryon, nhân vật trong thần thoại Hi-lạp, trị vì xứ Thebes, chồng tương lai của Alcmene. Trong thời gian ông đi đánh trân, thần Zeus đã xuống trần giả dạng làm Amphitryon để ân ái với Alcmene, và nàng đã mang thai, sinh ra Heracles

[←23]

Ám chỉ hoàng đế Wilhelm II

[←24]

Nhắc tới cuộc gặp gỡ trong huyền thoại Hy Lạp giữa Dionysus và Adriadne trên đảo Naxos. Những đối thoại này của Niezsche vẫn chưa xuất bản khi ông viết Kẻ phản Ki-tô.

[←25]

Cảm thụ về cách biệt (Pathos der Distanz) là một khái niệm quan trọng đối với Nietzsche; chẳng hạn xem Beyond Good and Evil (Bên kia thiện ác) tr. 257, bản dịch của Judith Norman (Cambridge, 2002), và The Genealogy of Morality (Phổ hệ luân lí) I.2; bản dịch của Carol Diethe (Cambridge, 1994).

[←26]

Bản dịch tiếng Việt các trích đoạn ở đây dựa theo Kinh Thánh – Cựu ước và Tân ước, tái bản, Liên Hiệp Thánh kinh hội, NXB Tôn Giáo, 1998. (ND)

[←27]

Mô phỏng theo câu của nhân vật Demetrius: “Well roar’d, Lion!” (Rống giỏi lắm, Sư tử!) từ hài kịch Giấc mộng đêm hè của Shakespeare, hồi I, cảnh 5. Sư tử là biểu tượng Ki-tô giáo quen thuộc, cho tác giả Mác.

[←28]

Nietzsche mô phỏng câu “Ngay cả các thần linh cũng hoài công chống trả với sự ngu dốt”, trong vở kịch Trinh nữ ở Orleans của Schiller.

[←29]

Trong Sáng thế kí, 3:4:5, con rắn nói với người nữ: “… hễ ngày nào hai người ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác” (ND).

[←30]

Nietzsche nhại câu tiếng Latinh in hoc signo vinces (trong dấu hiệu này là chiến thắng) của hoàng đế Constantine I (272-337), là câu quân lệnh viết trên quân kì để kích động quân sĩ khi xuất chinh năm 322.

[←31]

Chỉ đại học Tubingen với trường phái phê bình Kinh Thánh nổi tiếng. Người đứng đầu phái này là F. C. Baur, và một trong những người chịu ảnh hưởng nặng của nó là David F. Strauss, ông người vùng Swabia, là người mà Nietzsche vưa yêu quý vừa gay gắt. Xem tiết 10 và 28.

[←32]

Zarathustra nói thế, II, “Về giới giáo sĩ”.

[←33]

Savonarola (1452-1498), giáo sĩ tuyên giáo dòng Dominican (Ý) và nhà lãnh đạo thành Florencetừ 1494 cho đến khi bị xử hỏa thiêu. Ông nổi tiếng về việc xướng xuất ra những vụ đốt sách, phá hủy loại nghệ thuật mà ông xem là vô luân, và ông thù ghét văn nghệ Phục Hưng. Ông kịch liệt rao giảng chống sự hủ bại luân lí của giáo sĩ đương thời. Đối thủ chính của ông là Giáo hoàng Alexandre VI. (ND)

[←34]

Xem Người, ơi là Người I, cách ngôn 54, và 483. Cách ngôn 483 có tiêu đề “Những kẻ thù của chân lí” – Kiên tín là kẻ thù nguy hiểm cho chân lí hơn cả dối trá.

[←35]

Tân Ước, I Cô-rinh-tô, 7:2,9

[←36]

Một câu trong tiểu thuyết Những ái lực hấp dẫn của Goethe.

[←37]

Osiris: Thần cai quản cõi âm phủ của thần thoại Ai Cập, da màu lục tượng trưng cho tái sinh. Mẹ Cả: nữ thần Cybele, Địa Mẫu của lương giáo. Mithras: một thiện thần của đạo Zoroastrianism của Ba-tư do Zarathustra sáng lập, đại biểu cho sự quang minh, đời sống sáng tạo, và cũng là trật tự, luật trời và chân lí.

[←38]

Hai danh từ cùng vần trong nguyên văn tiếng Đức: Nihilist và Christ.

[←39]

Bản văn này ít được phổ biến và cũng là đoạn kết của Der Antichrist, từng bị lẫn vào bản thảo Ecce Homo; thậm chí nó cũng không có trong bản dịch của Kauf- mann; ở đây bổ sung từ bản dịch mới của Judith Norman). Như để giữ bí mật, Nietzsche dã dán miếng giấy trắng che lại. “Sắc luật'' này tự thân có thể in thành tấm bích chương để dán lên vách, như Nietzsche đã nói trong tiết đoạn 62 ở trên: “Bản cáo trạng vĩnh viễn này với Ki-tô giáo, tôi sẽ viết trên mọi bức vách,...”. (ND)

[←40]

Nietzsche chỉ trích lối tính thời gian hay lịch pháp kể từ sự ra đời của Giê-su, Anno Domini (A. D.): năm của Chúa, tức là năm sinh của Giê-su.

Table of Contents

“Gặp Phật giết Phật” hay về một cách đọc Kẻ phản Kitô của Nietzsche

LỜI GIỚI THIỆU

TIỂU SỬ KRIEDRICH WTLHELM NIETZSCHE

TÓM LƯỢC VÀ DẪN MỤC

LỜI ĐẦU

Notes

Không có nhận xét nào: