Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Đói- Knut Hamsun

cover

Tên truyện : Đói

Nguyên tác : Hunger

Tác giả : Knut Hamsun

Dịch giả : Thái Bá Tân

Thể loại : Văn học nước ngoài

Nhà xuất bản : Lao Động

Năm xuất bản : 1994

Số quyển / 1 bộ : 1

Hình thức bìa : Bìa mềm

----------------------------------

Giới thiệu tác giả

clip_image005

Knut Hamsun (1859-1952)

Knut Hamsun được trao giải vì tác phẩm đồ sộ Nhựa của đất viết về những người nông dân Na Uy gắn bó hàng đời với đất đai, trung thành với những truyền thống cổ xưa. Với những trang văn xuôi mang tính "chủ quan", với chất trữ tình, sự phá vỡ trật tự hành động, và văn phong tinh tế, nhạy cảm mang chất thơ thuần khiết nhất, K. Hamsun được coi là nhà khai sáng nền văn xuôi hiện đại.

Knut Hamsun (4/8/1859-19/2/1952)

Giải Nobel văn học 1920

* Nhà văn Na Uy

* Nơi sinh: Lom (Na Uy)

* Nơi mất: Grimstad (Na Uy)

Knut Hamsun (tên thật là Knut Pedersen) xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo có sáu con ở miền Trung Na Uy. Năm lên ba, K. Hamsun đã phải theo cha mẹ đi làm tá điền cho một ông chú ngoại; lên chín tuổi, đi ở cho chú, bị chú đánh đập, bỏ đói, phải bỏ trốn, rồi sống cuộc đời lang thang, làm nhiều nghề như bán hàng rong, phụ thợ giầy...

K. Hamsun bắt đầu viết văn từ năm 1877, nhưng suốt hơn 10 năm không được dư luận để ý. Trong thời gian này ông sang Mỹ hai lần, tìm mọi cách để kiếm kế sinh nhai, bị bệnh lao, và năm 1890 lại phải về nước. Sau đó viết tiểu thuyết Đói (1890) kể về những đau khổ của một nhà văn đói rét với lối văn mang màu sắc tự nhiên chủ nghĩa và trở nên nổi tiếng không chỉ ở Scandinavia mà cả nhiều nước phương Tây khác.

Ông chịu ảnh hưởng của Dostoievski, Nietzsche và Byron, phủ nhận lối sống của chủ nghĩa tư bản hiện đại, đề cao tính chất thần bí của tâm hồn, ca ngợi chủ nghĩa điền viên cổ sơ. Tất cả đều xuất phát từ động cơ phi lí tính. Đây cũng là nguyên nhân khiến ông hợp tác với chủ nghĩa phát xít Đức trong Thế chiến II và bị xử tội phản quốc khi chiến tranh kết thúc.

Ngoài hàng loạt tiểu thuyết được sáng tác đều đặn, K. Hamsun còn viết kịch - từ 1895 đến 1898 ông hoàn thành bộ ba Nơi cổng vương quốc, Trò đời, Hoàng hôn, tuy nhiên không thành công lắm. Phần lớn thơ K. Hamsun sáng tác đều bị ông đốt khi chưa in, nhưng năm 1904 ông đã công bố tập Bản hợp xướng hoang dã có thể sánh với những tác phẩm văn xuôi hay nhất của ông.

K. Hamsun là nhà văn làm đổi mới văn xuôi Na Uy và là người luôn cố gắng thể hiện đời sống tâm hồn vô thức. Tác phẩm Nhựa của đất (1917), kêu gọi trở về với ruộng đồng, đã mang lại cho ông giải Nobel năm 1920. Trong bài phát biểu tại lễ trao giải, đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển nói: "Những ai muốn tìm trong văn học sự mô tả chân thật hiện thực đều tìm thấy trong Nhựa của đất câu chuyện về cuộc đời của mỗi một con người, dù anh ta ở nơi đâu, lao động ở nơi đâu".

Năm 1918, K. Hamsun mua một trang trại ở miền Nam Na Uy, sống tại đây, vừa viết văn vừa làm ruộng vườn. Nhưng càng về sau, tư tưởng của K. Hamsun càng trở nên phản động. Năm 1934 ông công khai ủng hộ chủ nghĩa quốc xã; đã gặp Hitler tại Đức, bị hàng ngàn độc giả trả lại sách để phản đối. Cuối chiến tranh ông và vợ bị bắt và xử phạt gần 80.000 USD (năm 1947), nhưng không phải ngồi tù vì ông đang bị bệnh tâm thần. Mặc dù vậy, dư luận xã hội Na Uy và thế giới có thái độ phân biệt rõ ràng giữa lập trường chính trị của ông trong những năm chiến tranh và di sản văn học quý giá mà ông để lại cho thế hệ sau.

* Tác phẩm:

- Con người bí ẩn (Den gaadefulde, 1877), tiểu thuyết.

- Bjorger (1878), tiểu thuyết.

- Cuộc sống tinh thần của xã hội Mỹ hiện đại (Fra det moderne Amerikas Sandsliv, 1889), tiểu luận [The intellectual life of modern America].

- Đói (Sult, 1890), tiểu thuyết [Hunger].

- Từ cuộc sống vô thức của tâm hồn (Fra det ubevidste sjaceleliv, 1890), tiểu luận.

- Những điều bí ẩn (Mysterier, 1892), tiểu thuyết.

- Biên tập viên Linge (Redactør Linge, 1893).

- Đất mới (Ny jord, hoàn tất năm 1893).

- Quý ngài (Pan, 1894), tiểu thuyết.

- Nơi cổng vương quốc (Ved rigets port, 1895), kịch.

- Trò đời (Livets spil, 1896) [Game of life].

- Hoàng hôn (Aftenrøde, 1898), kịch [Sunset].

- Victoria (Victoria, 1898), tiểu thuyết.

- Munken Vendt (1902), kịch thơ.

- Bản hợp xướng hoang dã (Det vilde kor, 1904), thơ [The wild chorus].

- Dưới ngôi sao mùa thu (Under hoststjernen, 1906), tiểu thuyết [Under the autumn star].

- Benoni (1908), tiểu thuyết.

- Kẻ lang thang chơi đàn không dây (En vandrer spiller med sordin, 1909), tiểu thuyết [A wanderer plays on muted strings].

- Niềm vui cuối cùng (Den sidste gläde, 1912), tiểu thuyết.

- Những đứa con của thế kỉ (Børn av tiden, 1913), tiểu thuyết [Children of the age].

- Thị trấn Segelfoss (Segelfossby, 1915), tiểu thuyết [Segelfoss town].

- Nhựa của đất (Markens grøde, 1917), tiểu thuyết [Growth of the soil].

- Những người đàn bà bên giếng (Konerne ved vandposten, 1920), tiểu thuyết.

- Chương cuối (Siste kapitel, 1923), tiểu thuyết.

- Những kẻ lang thang (Landstrykere, 1927), tiểu thuyết bộ ba, quyển 1 [Vagabonds]; Tháng Tám (August, 1930), quyển 2; Cuộc sống vẫn đi (Men livet lever, 1933), quyển 3 [The road leads on].

- Vòng đã khép (Ringen sluttet, 1936), tiểu thuyết [The Ring is Closed].

- Theo lối mòn hoang (På gjengrodde stier, 1949).

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

- Tiểu thư Victoria (nguyên tác: Victoria, tiểu thuyết), Đào Minh Hiệp dịch, Sở Văn hóa - Thông tin Phú Khánh, 1989.

- Đói, gồm 2 tiểu thuyết: Đói (Sult) và Tiểu thư Victoria (Victoria), Thái Bá Tân dịch, NXB Lao Động, 1994.

- Cái giá của tình yêu, Thái Bá Tân dịch, NXB Lao Động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2002.

- Những kẻ nô lệ ái tình, Dương Tường dịch, in trong Truyện ngắn chọn lọc - tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 1998; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004.

- Tiếng gọi của sự sống (truyện ngắn), Ngô Tự Lập dịch, in trong Đôi mắt lụa, NXB Văn Học, 1998; 100 truyện ngắn hay thế giới, NXB Hội Nhà Văn, 1999.

- Tiếng gọi đời thường, Phạm Viêm Phương dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004; Truyện ngắn hay thế giới, NXB Thanh Hóa, 2004.

- Nô lệ của tình yêu, Đào Minh Hiệp dịch, in trong Truyện ngắn đặc sắc các tác giả được giải thưởng Nobel, NXB Văn Học, 2004.

- Đói, Thái Bá Tân dịch, in trong Tạp chí Văn học nước ngoài số 5 năm 2004. 

Giới thiệu

Harald Hjärne, Chủ tịch Uỷ ban Nobel Viện Hàn lâm Thụy Điển

Căn cứ vào các qui chế của Quĩ Nobel, Viện Hàn lâm Thuỵ Điển đã trao giải Nobel văn chương năm 1920 cho nhà tiểu thuyết người Na Uy - Knut Hamsun, với tác phẩm Nhựa của đất (1917) (Markens grøde). Sẽ là thừa nếu đưa ra một tuờng trình chi tiết về quyển sách mà chỉ trong một thời gian ngắn đã được phổ biến rộng rãi khắp mọi nơi, cả bằng nguyên tác và bản dịch.

Qua sự độc đáo về cốt truyện và phong cách, cuốn tiểu thuyết đã dấy nên sự quan tâm vô cùng sống động ở nhiều nước và được tiếp nhận nồng nhiệt bởi nhiều tầng lớp độc giả khác nhau. Mới đây, một nhà điểm sách hàng đầu và bảo thủ người Anh đã viết rằng quyển sách này chỉ mới xuất hiện ở Anh năm nay nhưng đã được dư luận ngợi khen là một kiệt tác. Lí do của thành công không thể phủ nhận này chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của giới phê bình văn học trong một thời gian dài, nhưng ngay từ bây giờ, với những ấn tượng đầu tiên, thiết tuởng cần chỉ ra những lí do ấy, ít nhất là những nét chính.

Bất chấp những ý kiến hiện nay về thời đại chúng ta, những ai cho rằng trong văn học, cái cao hơn tất cả là sự tái hiện trung thành hiện thực thì sẽ thấy trong Nhựa của đất, sự tái hiện một cuộc sống là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của bất cứ xã hội nào nơi con người sinh sống và tạo dựng. Những miêu tả này không bị bóp méo bởi bất cứ hoài niệm nào về một quá khứ văn minh lâu dài. Hiệu quả tức thì ở chỗ khơi lên cuộc đấu tranh gay gắt ngay từ đầu giữa con người tích cực (dĩ nhiên trong những điều kiện bên ngoài khác nhau) bền bỉ chống lại một thiên nhiên bất phục và khắc nghiệt. Khó lòng hình dung sự đối lập nào choáng ngợp hơn giữa cuốn sách này với những tác phẩm thường được gọi là "cổ điển".

Tuy nhiên, ta vẫn có thể gọi tác phẩm này một cách chính tắc là cổ điển, nhưng theo nghĩa sâu xa hơn, nếu ta dùng tính ngữ này thể hiện một điều gì đó khác hơn và nhiều hơn một lời ngợi khen mơ hồ. Cái cổ điển, trong nền văn hóa mà chúng ta thừa kế từ xa xưa, chỉ phần nào là cái hoàn thiện buộc ta bắt chước, còn phần nhiều là những gì có ý nghĩa, được rút ra trực tiếp từ đời sống và tái hiện dưới dạng một giá trị bền vững với cả các thời đại sau. Theo ý niệm này, những gì không có ý nghĩa, những gì tự chúng không quan trọng, chỉ có thể xem như cùng một loại với những gì được chính thức coi là tạm bợ hay khiếm khuyết. Nhưng ngoài ra, bất cứ điều gì quí giá trong cuộc sống con người, dù có vẻ bình thường, đều có thể xếp vào cùng một phạm trù với cái khác thường và cái sáng láng, với một ý nghĩa và dạng thức giá trị tương đương, chừng nào nó được hiển bày lần đầu tiên trong ánh sáng đích thực của nó. Với ý nghĩa này, không hề nói quá nếu cho rằng trong Nhựa của đất, Hamsun đã mang đến cho thời đại chúng ta cái cổ điển có thể so với cái đẹp nhất mà chúng ta từng có. Trong khía cạnh này, cái cổ xưa không có đặc quyền bất khả xâm phạm đối với các thế hệ sau, vì cuộc sống luôn luôn mới và phong phú vô tận, và có thể được tái hiện dưới những hình thức mới bởi những thiên tài mới.

Tác phẩm của Hamsun là một bản hùng ca về lao động, trong đó tác giả nói về lao động bằng những áng thơ hoành tráng. Đây không phải là chuyện phân công lao động vốn chia rẽ những con người mà là chuyện lao động cần cù, tập trung, thứ lao động mà trong hình thức thuần khiết nhất của mình tạo nên toàn bộ con người, xoa dịu và mang lại gần nhau những tâm hồn chia cách, bảo vệ và gia tăng thành quả của mình trong một quá trình đều đặn và liên tục. Sức lao động của người tiên phong và người nông dân đầu tiên, với tất cả những khó khăn, dưới ngòi bút của nhà thơ, mang tính cách một cuộc đấu tranh anh hùng không hề thua kém chút nào so với cái vĩ đại của sự hi sinh lẫm liệt cho tổ quốc và chiến hữu. Cũng như nhà thơ nông dân Hesiod miêu tả lao động trên đồng ruộng, Hamsun đặt lên hàng đầu trong tác phẩm người lao động lí tưởng, người hiến trọn cuộc đời và sức lực mình cho việc vỡ đất và vượt qua những trở ngại mà con người và thiên nhiên dựng lên để chống lại anh. Nếu Hamsun đã vứt bỏ sau lưng mọi hoài niệm nặng nề về văn minh, thì tác phẩm của ông cống hiến một cách hiểu chính xác về nền văn hóa mới mà kỉ nguyên chúng ta đang chờ đợi sẽ nảy sinh từ tiến trình lao động chân tay như một sự tiếp nối nền văn minh cổ xưa.

Hamsun không đưa ra cái gọi là "loại hình nhân vật" trên sân khấu của ông. Các nhân vật nam và nữ của ông đều sống động, ngay cả trong những tình huống khiêm nhường nhất. Vài người trong số họ, những người tốt nhất, có những mục tiêu và tư tưởng mà chúng ta không thể hình dung, ví dụ nổi bật là nhân vật chính, người nông dân trầm lặng và lao động không mệt mỏi. Những người khác thì buông xuôi phó mặc, bất an và thậm chí hoang mang bởi những khát vọng ích kỉ và ý nghĩ xuẩn ngốc. Tất cả họ đều mang dấu ấn của dòng máu Na Uy, tất cả đều bị nhào nặn bởi những "quả của đất". Một trong những đặc tính của các ngôn ngữ cùng gia đình Scandinavie chúng ta, đó là cùng một từ biểu thị những sắc thái ý nghĩa rất khác nhau thông qua những hình ảnh mà chúng gợi nên. Khi người Thụy Điển chúng ta nói "quả của đất", ta nghĩ ngay đến một thứ gì đó màu mỡ, dồi dào, ngon lành, nhất là ở một vùng nông nghiệp nào đó đã được canh tác lâu đời. Tư duy trong tác phẩm của Hamsun không đi theo chiều hướng này. "Đất" ở đây là một vùng đất hoang sơ hung hiểm, gồ ghề sỏi đá. Trái quả của nó không tự rơi xuống như là lộc của trời, trái quả của nó là tất cả những gì có thể nảy mầm và lớn lên trên một mảnh đất khô cằn, dù tốt hay dở, đẹp hay xấu, giữa con người hay động vật cũng như trong rừng hay trên đồng ruộng. Đây là những loại quả mà tác phẩm của Hamsun mang lại cho mùa gặt của chúng ta.

Tuy nhiên, người Thuỵ Điển chúng ta, hay ít nhất là nhiều người Thuỵ Điển, không cảm thấy xa lạ về những phong tục, tập quán được miêu tả ở đây. Ta phát hiện nơi đây, bầu không khí miền Bắc với một phần hoàn cảnh tự nhiên và xã hội, với nhiều điểm tương đồng hai phía biên giới (giữa Na Uy và Thuỵ Điển, ND). Hơn nữa, Hamsun cũng miêu tả những người Thụy Điển bị lôi cuốn đến vùng đất mới khai phá và hầu hết bọn họ, không nghi ngờ gì nữa, đều bị hấp dẫn bởi ảo ảnh về thành công kinh tế, bởi những thành phố dọc theo bờ biển Na Uy xuất hiện nơi chân trời như cám dỗ về cuộc sống trần thế huy hoàng, nó quyến rũ những trái tim dễ xiêu lòng muốn thoát khỏi cảnh lao động nặng nhọc của vùng đất này.

Những tái hiện tâm lí đó, cũng như nhiều tái hiện khác, đầy tính người, hoàn toàn không làm giảm mà càng củng cố thêm ấn tuợng nhờ nội dung mang tính cổ điển của câu chuyện. Chúng xua đi nỗi sợ có thể nảy sinh trong ta khi nhìn thấy ánh sáng chân lí với cái giá phải trả là sự thật. Chúng đảm bảo tính chân thực trong từng chi tiết, của hình ảnh và nhân vật. Tính toàn nhân loại của chúng không bỏ sót một ai. Bằng chứng là tác phẩm đã được đón nhận bởi những người có tính cách, ngôn ngữ và phong tục khác nhau. Hơn nữa, bằng nụ cười hài hước nhẹ nhàng khi tái hiện những sự việc đau buồn nhất, tác giả chứng tỏ lòng cảm thông đối với số phận con người và bản tính con người. Nhưng trong câu chuyện, ông không bao giờ xa rời sự trong sáng nghệ thuật toàn bích nhất. Phong cách của ông loại bỏ mọi trang trí màu mè, chỉ tập trung vào tính chân thực và sự rõ ràng, và người đọc có thể phát hiện trong đó, dưới một hình thức độc đáo và mạnh mẽ, tất cả sự phong phú về sắc thái trong ngôn ngữ mẹ đẻ của nhà văn.

Thưa Ngài Knut Hamsun! Khi đương đầu với thời tiết khắc nghiệt cũng như nỗi mệt mỏi sau chuyến đi dài - mà trong thời gian này lại càng thêm bội phần cực nhọc - để đến nhận giải thuởng trao tặng cho Ngài, Ngài đã mang lại niềm vui lớn cho Viện Hàn lâm Thuỵ Điển, niềm vui nhất định sẽ được chia sẻ bởi tất cả mọi người có mặt trong buổi lễ trọng đại này. Thay mặt Viện Hàn lâm, trong khoảng thời gian ngắn ngủi cho phép, tôi đã cố gắng trình bày ít nhất những lí do chính tại sao chúng tôi đánh giá cao tác phẩm vừa được đăng quang của Ngài như vậy. Vì vậy, giờ đây, với tư cách cá nhân, tôi không muốn nhắc lại với Ngài những gì tôi đã nói. Tôi chỉ còn mỗi việc thay mặt Viện Hàn lâm chúc mừng Ngài và hi vọng Ngài sẽ giữ mãi những kỉ niệm về cuộc gặp gỡ của chúng ta, và đó sẽ là mối dây thắt chặt mối quan hệ giữa Ngài với chúng tôi trong tương lai.

Trần Tiễn Cao Đăng và Tân Đôn dịch

1.

Chuyện xảy ra vào những ngày khi tôi còn ôm bụng đói đi lang thang trên các đường phố Christiania, cái thành phố bao giờ cũng in dấu ấn rất sâu trên mỗi người dân của nó...
Tôi nằm không ngủ trên tầng thượng sát mái, nghe phía dưới chuông đồng hồ điểm sáu giờ. Trời đã sáng và bắt đầu có tiếng bước chân đi lại nhộn nhạo trên cầu thang. Trên tường, cạnh cửa ra vào phòng tôi có dán những tờ "Tin buổi sáng" cũ; tôi đọc rõ mẩu tin của người coi đèn hải đăng và những dòng chữ in to, nét đậm, quảng cáo thứ bánh mì thơm ngon của ông Fabian Onxen.
Vừa mở mắt, theo thói quen tôi nghĩ ngay tới việc hôm sau tôi sẽ có được điều vui. Thời gian gần đây, tôi sống khá vất vả; đồ đạc lần lượt dọn đến ở với "Ông bác cầm đồ". Tôi trở nên hay khó tính, cáu bẳn, có khi suốt mấy ngày liền phải nằm một chỗ vì đau đầu. Thỉnh thoảng gặp may, tôi nhận được năm curon nhờ đăng một bài nhỏ ở một tờ báo nào đó.
Trời mỗi lúc một sáng hơn, và tôi bắt đầu nằm đọc tin rao vặt trên các tờ báo dán bên cửa. Thậm chí tôi đọc được cả những hàng chữ mảnh kéo dài như những hàng răng đang nhe ra, báo rằng "ở cửa hàng ông Anđerxơn, cửa bên phải, khách hàng có thể mua được những tấm vải liệm tốt nhất". Cái tin này cứ bám riết lấy tôi hồi lâu; và khi tôi nhỏm dậy mặc quần áo, chuông đồng hồ phía dưới đã điểm tám tiếng.
Tôi mở cửa sổ nhìn xuống sân, thấy chiếc dây thừng phơi quần áo và một khoảng đất trống. Xa hơn một chút là bộ xương của chiếc lò rèn đã bị cháy xém, xung quanh có một số người nào đó đang xúm lại bới tìm than. Tôi tì tay lên bậu cửa sổ, đưa mắt nhìn ra xa. Rõ ràng hôm nay là một ngày nắng đẹp. Mùa thu đã đến, cái mùa ẩm lạnh, kì lạ; vạn vật thay đổi màu sắc và tàn úa dần. Tiếng ồn ào nổi lên trên các phố, như kêu gọi tôi đi ra khỏi nhà. Căn phòng tôi đang ở trống rỗng, một nửa sàn nhà kêu lên rầu rĩ dưới từng bước chân tôi bước; trông nó chẳng khác gì một chiếc quan tài tồi tàn, đáng kinh tởm. Không có lò sưởi, không có cả một chiếc khoá tử tế trên cửa. Ban đêm tôi thường phải lót tất ướt dưới lưng để sáng dậy chúng khô hơn một tí. Vật an ủi duy nhất của tôi là chiếc ghế xích đu màu đỏ mà đêm đêm tôi vẫn ngồi để suy nghĩ về đủ mọi chuyện. Khi có gió thổi mạnh, hoặc cửa ra vào phía dưới không đóng, sàn nhà và bốn bức tường phòng tôi thi nhau rên lên rầu rĩ, còn tờ "Tin buổi sáng" cạnh cửa thì rách thêm một miếng to bằng nắm tay.
Tôi rời cửa sổ, bắt đầu lục tìm trong chiếc túi cạnh giường xem có gì ăn được không. Không tìm thấy gì, tôi lại tới đứng bên cửa sổ.
"Chỉ có trời mới biết hôm nay mình có thể kiếm được việc mà làm không?" - tôi nghĩ. Tôi đã mất hết hào hứng và sự cương quyết sau khi nhận được rất nhiều những câu từ chối, những cái xua tay thẳng thừng; sau khi bao hi vọng tan thành mây khói và mọi cố gắng đều kết thúc bằng sự thất bại. Cuối cùng, tôi thử xin vào làm thủ quỹ, nhưng hoá ra tôi đặt vấn đề quá chậm; vả lại, tôi cũng chẳng đào đâu được năm mươi curon để đặt cọc. Nghĩa là lúc nào tôi cũng bị một cái gì đấy ngăn trở. Rồi tôi xin vào đội cứu hoả. ở đấy người xin việc như tôi có hơn năm chục, anh nào cũng ưỡn ngực, phồng má để tỏ ra mình là một người khoẻ mạnh và dũng cảm hiếm có. Người tuyển chọn đi giữa chúng tôi, xem xét kĩ lưỡng từng người, hỏi chuyện, nắn bắp cơ, nhưng khi lại gần tôi, ông ta chỉ lắc đầu và lúng búng nói rằng công việc cứu hoả không phải dành cho những người mang kính. Lần sau tôi lại tới, không mang kính, mặt cúi gầm, nhưng ông ta vẫn đi ngang và chỉ mỉm cười vì đã nhận ra tôi. Thêm vào mọi điều bất hạnh khác, bộ quần áo tôi mặc đã sờn cũ đến mức có lẽ ông kia không cho tôi là một người tử tế.
Chao ôi, tôi đang xuống dốc từ từ và không gì cản lại nổi. Cuối cùng, tôi hoàn toàn chẳng còn một cái gì nữa, thậm chí cả chiếc lược hay một cuốn sách nhỏ để đọc khi đau buồn cũng không. Mùa hè, ngày nào tôi cũng đi đâu đó, như ra bãi tha ma hay vào công viên, nơi có một lâu đài nhỏ, tôi có thể ngồi ở đấy và viết các bài gửi đăng báo. Tôi viết liên tục hết dòng này đến dòng khác, và trong các bài báo ấy tôi nghĩ ra đủ các chuyện lạ kì cùng các trò chơi bất thường của óc tưởng tượng bệnh hoạn của tôi. Vô cùng thất vọng, tôi bắt đầu chọn các đề tài trừu tượng. Những bài này tôi viết một cách khó nhọc trong nhiều giờ liền, nhưng chẳng tờ báo nào chịu in. Viết xong bài này, tôi đã vội bắt tay vào viết bài khác và ít khi chán nản nếu bị toà soạn từ chối. Tôi cố thuyết phục mình rằng sẽ có lúc tôi gặp may. Và quả thật, thỉnh thoảng tôi viết được cái gì đó đáng giá, và người ta trả cho tôi năm curon vì cái công việc mà tôi chỉ làm trong nửa ngày.
Tôi rời cửa sổ đi lại chậu rửa mặt, dấp nước lên hai đầu gối chiếc quần sờn cũ của tôi để chúng trông có vẻ mới hơn. Làm xong việc này, như thường lệ, tôi cho giấy và bút chì vào túi quần rồi bước ra khỏi phòng. Trên cầu thang tôi cố bước thật khẽ để khỏi làm bà chủ nhà chú ý - tôi nợ tiền nhà đã mấy hôm nay nhưng chẳng có đồng nào để trả.
Chín giờ. Tiếng xe lăn và tiếng người nói vang lên khắp nơi. Ðó là một bản đồng ca buổi sáng hỗn độn gồm tiếng chân người bước và tiếng réo của roi ngựa. Cái âm thanh đường phố lập tức làm tôi hoạt bát hẳn lên, tôi thấy tự tin hơn. Dạo chơi vào buổi sáng sớm giữa không khí trong lành làm gì? Tôi cảm thấy mình rất khoẻ mạnh, khoẻ mạnh như một đô vật, có thể ghé vai giữ lại được cả chiếc xe đang chạy. Một tình cảm lạ lùng, hiếm có nào đó xâm chiếm người tôi, làm tôi thấy hài lòng, nhẹ nhõm. Tôi quan sát những khuôn mặt đang đi lại gần, liếc nhìn các tấm bảng treo trên cổng, đón bắt những cái nhìn người ta ném cho tôi từ những chiếc xe đang phóng ngang, nhận thấy những điều nhỏ nhặt nhất, và không bỏ qua cả những việc ngẫu nhiên nhanh chóng xuất hiện và cũng nhanh chóng mất đi.
Thật là một ngày tuyệt diệu; có điều được ăn cái gì đó thì tốt biết mấy! Tôi hoà mình vào buổi sáng vui sướng này; hạnh phúc làm tôi ngây ngất; bỗng dưng tôi hứng lên, cất giọng hát to. Cạnh một quầy thịt có một phụ nữ tay xách giỏ đang chọn mua giò cho bữa ăn trưa. Khi tôi đi ngang, bà ta đưa mắt nhìn tôi. Từ miệng bà ta chỉ chìa ra một chiếc răng. Những ngày gần đây tôi trở nên khó tính đến mức tôi thấy khuôn mặt của người phụ nữ này thật đáng kinh tởm. Chiếc răng dài, vàng khè lòi ra khỏi miệng như ngón tay út; khi ngước lên nhìn tôi, ánh mắt của bà ta còn bận nghĩ về khúc giò. Ngay lập tức, tôi thèm ăn, cơn buồn nôn đã dâng lên tận cổ. Tới chợ, tôi cúi xuống uống no nước từ vòi công cộng. Sau đó tôi ngẩng đầu, nhìn lên tháp chuông nhà thờ Ðấng cứu thế - kim đồng hồ chỉ mười giờ.
Tôi còn tiếp tục đi lang thang trên phố rất lâu, chẳng suy nghĩ điều gì; sau đó tôi dừng lại ở một góc phố, cũng chẳng có mục đích nào cụ thể, rồi rẽ sang một phố nhỏ, dù tôi hoàn toàn không có việc gì để làm ở đấy. Tôi như trôi theo dòng nước, tắm táp giữa buổi sáng trong lành, lang thang một cách vô tư bên những con người vui vẻ. Trời đẹp và trong, còn tâm hồn tôi thì chẳng bị khuấy đục bởi bất kì một điều nào.
Trong suốt mười phút liền, một ông già thọt chân đi khập khiễng trước tôi. Một tay lão ta xách chiếc túi, còn toàn thân thì như căng ra vì cố bước thật nhanh. Nghe tiếng thở hổn hển của lão, tôi nghĩ tôi có thể xách giùm chiếc túi. Tuy nhiên, tôi vẫn không đuổi kịp ông già. Tới gần Grenxơn, tôi gặp Hanx Pauli. Hắn cúi chào tôi rồi vội bỏ đi. Sao hắn vội vậy nhỉ? Tôi có định vay tiền hắn đâu, dù chỉ một curon. Thậm chí nếu có thể, tôi sẵn sàng trả lại hắn chiếc chăn tôi mượn cách đây mấy tuần. Chỉ cần hoàn cảnh khá hơn lên một chút là không ai có thể trách tôi không chịu trả lại chiếc chăn ấy. Có lẽ hôm nay tôi sẽ bắt tay vào viết một bài báo về đề tài tội phạm trong tương lai, hoặc về tự do tư tưởng hay về một cái gì đấy quan trọng; và bài báo ấy sẽ mang lại cho tôi ít nhất cũng được mười curon... Tôi bỗng có nhu cầu phải viết ngay lập tức, vì các ý nghĩ đang kéo đến dồn dập trong đầu. Tôi quyết định tìm một chỗ thích hợp trong công viên để ngồi viết, viết một mạch không nghỉ cho đến khi bài báo hoàn thành mới thôi.
Nhưng ông già thọt vẫn cứ đi trước mặt tôi, người co rúm lại mỗi lần đặt chân xuống đất. Cuối cùng tôi phát cáu, trong khi ông già vẫn cứ luôn khập khễnh về phía trước. Hình như điều này sẽ kéo dài không bao giờ kết thúc. Rất có thể lão đi cùng đường với tôi, nếu thế, lúc nào lão cũng luôn ở trước mặt tôi. Tôi bực mình đến mức cảm thấy hình như mỗi lần đến chỗ rẽ, lão cố ý dừng lại để chờ tôi rẽ về hướng nào, sau đó lão nâng chiếc túi và rảo bước vượt lên phía trước. Tôi vừa đi vừa quan sát con người tàn phế bất hạnh này và càng thấy ghét lão hơn. Tôi cảm thấy lão như đang làm hỏng dần tâm trạng vui vẻ của tôi, đồng thời làm xấu cả một buổi sáng đẹp trời bằng cái chân thọt của mình. Lão giống một con châu chấu khổng lồ què chân cố bay đâu đó mà không bay được, và đang choán hết cả hè phố; khi tới đỉnh đồi, tôi không muốn nhìn thấy lão thêm nữa nên dừng lại bên một tủ kính, chờ lão đi khuất. Nhưng mấy phút sau, khi đi tiếp, tôi lại nhìn thấy lão trước mặt - lão cũng dừng lại như tôi. Không nghĩ ngợi nhiều, tôi bước nhanh ba bốn bước về phía trước rồi vỗ mạnh vào vai lão.
Lão đứng sững lại như bị điện giật. Chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau.
- Nếu có thể, hãy cho tôi ít tiền uống sữa! - Cuối cùng lão nói rồi ngoẹo đầu sang một bên.
Thế đấy, tôi lại rơi vào cái hoàn cảnh thế này đây! Tôi cho tay vào các túi lục lọi rồi nói:
- À, sữa à... Hừm!... Ông biết đấy, thời buổi này kiếm tiền không phải dễ, mà tôi thì chẳng biết có đúng ông đang gặp khó khăn không.
- Tôi chưa hề ăn gì từ hôm qua, khi rời Ðramen tới đây.
- Ông là thợ thủ công à?
- Vâng, tôi là thợ làm áo lông cừu.
- Sao?
- Thợ làm áo lông cừu. Ngoài ra, tôi còn biết đóng ủng nữa.
- Thế thì là việc khác, - tôi nói. - Ông hãy đứng đây chờ tôi một phút, tôi chạy lại đằng kia lấy tiền và sẽ cho ông mấy ere(1).
Rồi tôi chạy một mạch đến phố Pilestredet, trên tầng hai một ngôi nhà ở đấy có một cửa hiệu cầm đồ, mặc dù tôi chưa phải tới đây bao giờ. Tới cổng nhà, tôi cởi áo gilê, cuộn lại, kẹp dưới nách. Sau đó tôi bước lên cầu thang, gõ cửa. Vào phòng, tôi cúi chào rồi đặt chiếc áo lên quầy.
- Một curon rưỡi, - người cầm đồ nói.
- Ðược, cảm ơn ông, - tôi đáp. - Tất nhiên tôi sẽ chẳng đem nó bán cho ông làm gì, nếu nó không quá chật...
Tôi cầm tiền và hoá đơn đi ra phố. Thật là một ý nghĩ tốt đẹp - cầm cố chiếc áo gilê! Tôi sẽ còn thừa tiền để ăn một bữa thật no, và đến tối tôi sẽ viết xong bài báo về tội phạm trong tương lai. Lập tức tôi cảm thấy cuộc đời cũng không đến nỗi u ám lắm. Tôi vội chạy tới gặp ông già để nhanh chóng thoát khỏi lão.
- Ðây, cầm lấy, - tôi nói. - May mà ông hỏi xin tôi đấy!
Lão cầm tiền, ngơ ngác nhìn tôi. Vì sao lão cứ giương mắt nhìn tôi thế nhỉ? Tôi thấy hình như lão đặc biệt chú ý tới hai đầu gối chiếc quần của tôi, và sự trâng tráo này làm tôi vô cùng khó chịu. Không lẽ cái lão già lang thang này dám xem tôi là một thằng ăn mày chỉ vì quần áo tôi quá cũ? Tôi đang chuẩn bị viết một bài báo để lấy mười curon cơ mà! Và nói chung, tương lai chẳng có gì làm tôi lo sợ, tôi sẽ tự thu xếp được mọi chuyện. Có gì đặc biệt, nếu vào một ngày đẹp trời như hôm nay tôi cho ai đó ít tiền? Tôi không thích cách thức lão nhìn tôi, và quyết định trước khi bỏ đi, phải nói vài câu cho lão biết.
- Ông bạn thân mến ạ, ông có một thói quen rất xấu là cứ nhìn chằm chằm vào đầu gối người vừa cho ông cả một đồng curon.
Lão tựa lưng vào tường, cúi đầu, miệng há hốc. Hình như trong đầu lão xuất hiện ý nghĩ gì đó. Chắc nghĩ tôi định đùa cợt, lão sợ sệt đưa lại tiền cho tôi.
Tôi giẫm mạnh chân xuống đất, bắt lão phải giữ lại số tiền ấy. Hay lão nghĩ vừa rồi tôi vất vả thế chỉ để đùa chơi? Suy cho cùng, chính tôi nợ lão đồng curon ấy, bây giờ tôi mới nhớ ra, và lão phải biết rằng tôi là một người tử tế, tử tế từ đầu đến chân. Tóm lại, đó là tiền của lão... Thôi, chẳng cần ơn huệ gì hết, lão cứ giữ lấy, tôi rất vui. Tạm biệt!
Rồi tôi bỏ đi. Cuối cùng tôi đã thoát được ông già tàn tật kia, bây giờ sẽ chẳng có ai quấy rầy tôi nữa. Tôi lại tới phố Pilestredet và dừng lại cạnh một cửa hàng thực phẩm. Tủ kính đầy các thức ăn ngon lành. Tôi quyết định đi vào mua một vài thứ gì đó mang theo.
- Một miếng pho mát và một chiếc bánh mì kiểu Pháp, - tôi nói rồi đặt lên quầy nửa curon.
- Pho mát và bánh mì với tất cả số tiền này à? - Bà bán hàng nói với vẻ giễu cợt, vẫn không ngước lên nhìn tôi.
- Vâng, cả năm mươi ere, - tôi bình tĩnh đáp.
Tôi nhận gói hàng, cúi chào bà già bán hàng to béo một cách cung kính rồi bước nhanh về phía ngọn đồi, nơi có công viên. ở đấy tôi tìm một chiếc ghế trống ngồi xuống rồi bắt đầu ăn nghiến ngấu. Lập tức tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Ðã lâu tôi chưa được ăn bữa nào ngon và nhiều thế này. Dần dần tôi bình tĩnh trở lại, thoải mái hơn, như khi ta được tự do khóc hết nước mắt. Một chốc sau, tôi phấn chấn hẳn lên. Bây giờ đối với tôi là việc quá dễ dàng nếu chỉ viết một bài báo về đề tài đơn giản là vai trò của tội phạm trong tương lai. Ðể làm việc này, chỉ cần liếc mắt nhìn lại lịch sử một chút là đủ. Tôi thấy tôi có khả năng làm những việc khác to lớn hơn rất nhiều. Tôi muốn được vượt qua những khó khăn ghê gớm, và rồi tôi quyết định sẽ viết một tác phẩm ba chương về sự cảm nhận triết học. Tất nhiên tôi sẽ không quên đập vỡ tan tành một vài luận điểm của Kant(1) về vấn đề này... Tôi đang định lấy bút mực ra viết thì bỗng phát hiện thấy mình không có bút chì. Tôi đã để quên nó ở hiệu cầm đồ, chả là vì nó luôn nằm trong túi áo gilê.

2.

Trời ơi, sao tôi cứ luôn gặp rủi thế này? Tôi tự nguyền rủa mình mấy câu rồi đứng dậy, bắt đầu đi đi lại lại trên các con đường nhỏ trong công viên. Xung quanh rất yên tĩnh. Phía xa xa, cạnh Lầu Hoàng gia, có mấy bà già đang đẩy xe nôi, ngoài ra, tôi chẳng nhìn thấy ai nữa. Tôi không viết được một tác phẩm triết học ba chương chỉ vì trong túi không có một chiếc bút chì hai xu! Hay tới hiệu cầm đồ xin lại bút chì? Làm thế, có thể tôi vẫn kịp viết được khá nhiều trước khi hàng đoàn người kéo về đây đi dạo. Tác phẩm triết học này của tôi rất quan trọng, biết đâu đấy, có thể nó sẽ liên quan tới hạnh phúc của cả nhân loại! ít ra tôi nghĩ rằng nó là cái rất cần cho nhiều người trẻ tuổi. Nếu suy nghĩ một cách chín chắn, tôi thấy nói chung tôi chẳng phải đập lại Kant làm gì, chỉ cần biết né tránh một chút khi nói về thời gian và không gian. Nhưng còn Renan, cái thằng cha linh mục già nua ấy thì tôi quyết không tha... Nghĩa là cách này hay cách nọ, tôi phải viết được một số trang nhất định nào đó: tôi còn nợ tiền nhà. Sáng nào bà chủ cũng chăm chú nhìn tôi khi chúng tôi gặp nhau ở cầu thang, và điều này cứ ám ảnh tôi suốt ngày, cả những lúc đáng lẽ tôi hạnh phúc nhất. Phải chấm dứt mọi chuyện. Rồi tôi nhanh nhẹn rời công viên đi về phía hiệu cầm đồ để xin lại chiếc bút chì.
Khi từ trên đồi đi xuống, tôi vượt qua hai người đàn bà. Vô tình tôi chạm tay áo vào một người. Tôi ngước nhìn và thấy một khuôn mặt đầy đặn nhưng hơi nhợt nhạt. Cô ta bỗng đỏ bừng mặt, trở nên xinh đẹp hơn rất nhiều. Tôi không biết vì cái gì, có thể vì lời nói mà một người đi ngang nói với cô ta, cũng có thể vì những ý nghĩ thầm kín nào đó. Hay vì tôi đã chạm vào người cô ta? Bộ ngực cao của cô ta dâng lên, cô ta bóp chặt chiếc cán dù. Có chuyện gì thế nhỉ?
Tôi dừng lại, để cô ta đi trước. Tôi không thể đi tiếp như thế được vì mọi chuyện có vẻ như rất lạ lùng. Tôi đang khó chịu, bực mình vì chiếc bút chì, vì sau một thời gian dài nhịn đói, bữa ăn no vừa rồi đang làm tôi bị kích động. Các ý nghĩ của tôi quay cuồng, điên loạn. Tôi bỗng có một ý muốn kì cục là làm cho cô gái này hoảng sợ, đuổi theo cô ta và gây ra một vài sự khó chịu nào đó. Nghĩ thế, tôi lại rảo bước đi nhanh, vượt qua cô gái rồi bất ngờ quay lại để hai người mặt đối mặt với nhau. Tôi đứng yên, nhìn thẳng vào mắt cô ta, và liền ngay lúc ấy tự nghĩ cho cô ta một cái tên dễ nghe, lạ lùng mà tôi chưa bao giờ nghe tới - Ilaialy! Khi cô ta đã lại rất gần, tôi hất đầu nói rõ từng tiếng:
- Thưa tiểu thư, tiểu thư đang để mất một cuốn sách.
Khi nói câu này, tôi nghe tiếng tim tôi đập mạnh.
- Sách? - Cô ta hỏi người đàn bà đi cùng, rồi cất bước đi tiếp.
Nhưng sự kiên trì giận dữ vẫn chưa buông tôi ra, và tôi lại đi theo cô ta. Tất nhiên ngay lúc ấy tôi đã ý thức được rằng mình vừa làm một việc điên rồ, nhưng tôi không đủ sức làm chủ mình nữa. Sự hồi hộp cứ đẩy tôi về phía trước. Tôi cố kìm hãm mình, tự trách mình là một thằng ngốc, nhưng tất cả đều vô ích, và tôi vẫn bám lấy người đàn bà trẻ kia với bộ mặt ngốc nghếch. Khi vượt qua cô ta, tôi hắng giọng, ho một tiếng rất to. Bây giờ tôi thong thả đi trước cô ta, cách mấy bước. Tôi cảm thấy cô ta đang nhìn tôi sau lưng; vô tình tôi cúi đầu xấu hổ vì đã xử sự với cô ta một cách tồi tệ như vậy. Dần dần, tôi bị hoàn toàn chi phối bởi cái cảm giác rằng tôi đang ở nơi nào đó rất xa đây, và rằng không phải tôi, mà là ai đó đang cúi đầu đi trên mặt đường lát đá này.
Mấy phút sau, khi cô gái đến gần hiệu sách Pasa, tôi đã đứng ngay bên tủ kính đầu tiên. Tôi bước lại, nói:
- Thưa tiểu thư, tiểu thư đang để mất một cuốn sách.
- Cuốn sách nào? - Cô gái hỏi, vẻ hoảng sợ. - Ông ta nói về sách nào ấy nhỉ?
Rồi cô gái đứng lại. Tôi vui mừng một cách độc ác khi thấy cô ta bối rối; sự lúng túng để lộ qua đôi mắt cô ta làm tôi thích thú. Cô ta không hiểu sự điên rồ nào đang chi phối tôi. Cô ta chẳng có cuốn sách nào cả, thậm chí một tờ giấy cũng không, tuy thế cô ta vẫn sờ túi, nhìn xuống đôi tay, lắc đầu, ngoái lại phía sau và căng bộ óc đáng yêu của mình, cố nghĩ xem cuốn sách tôi đang nói là cuốn sách nào. Má cô ta lúc đỏ bừng, lúc tái nhợt, nét mặt luôn thay đổi. Tôi nghe rõ tiếng cô ta thở gấp; thậm chí những chiếc cúc trên áo cô ta cũng nhìn tôi như những con mắt hoảng sợ.
- Ðừng để ý đến anh ta nữa, - bà đi cùng kéo áo cô ta. - Anh ta say rượu đó mà! Lẽ nào cháu không thấy rằng anh ta đang say?
Mặc dù lúc ấy tôi không phải là mình và hình như ai đó đang điều khiển tôi, tôi vẫn nhìn thấy hết mọi chuyện xảy ra xung quanh, không bỏ qua một điều gì. Kia là một con chó màu hung to lớn đang chạy tắt qua phố để tới một vườn hoa nhỏ và từ đó chạy tiếp về phía Tivôli. Nó đeo một chiếc vòng da nhỏ ở cổ. Xa hơn một chút, cũng trên phố này, một cửa sổ ở tầng hai mở toang, một cô hầu gái ló đầu ra, xắn tay áo lau kính. Không gì lọt qua sự chú ý của tôi. Ðầu óc tôi đang rất tỉnh táo, trí nhớ làm việc tốt, mọi ấn tượng ăn sâu vào tôi mạnh và rõ ràng như những chớp sáng trong đêm. Cả hai người đàn bà đang đứng trước tôi đều đội mũ cắm lông chim màu xanh và quàng khăn lụa Scốtlen. Tôi có cảm giác như họ là bà con với nhau.
Họ bỏ đi, đến đứng cạnh cửa hàng nhạc và nói chuyện với nhau. Tôi cũng đứng lại. Sau đó họ quay trở lại, đi theo con đường vừa tới đây, ngang qua tôi, rẽ sang phố Ðại học rồi đi về phía quảng trường Thánh Ulaf. Trong suốt thời gian ấy, tôi luôn bám sát họ. Một lần họ ngoái lại nhìn tôi với vẻ hoảng sợ pha lẫn tò mò, nhưng họ không chau mày và mặt không có vẻ khó chịu. Họ chịu đựng sự gan lì của tôi một cách rất kiên nhẫn, khiến tôi phải xấu hổ cúi nhìn xuống đất. Sau đó tôi chẳng còn muốn làm phiền họ thêm nữa. Tôi đứng nhìn theo họ với vẻ biết ơn, chờ đến lúc họ rẽ đâu đó và biến mất.
Tới cạnh một ngôi nhà lớn bốn tầng mang biển số hai, họ ngoái lại nhìn lần nữa rồi đi vào nhà. Tôi đứng tựa người vào chiếc đèn đường đốt bằng hơi ga cạnh vòi phun nước và lắng nghe tiếng chân họ bước trên cầu thang. Ðến tầng hai, tiếng bước chân tắt hẳn. Tôi rời cột đèn, nhìn lên các ô cửa sổ. Bất chợt một chuyện kì lạ đã xảy ra - ở phía trên có tiếng rèm kéo sột soạt, sau đó cửa sổ mở và một cái đầu nhỏ nhắn nhô ra. Ðôi mắt xinh đẹp của cô ta đã dừng lại trên người tôi.
"Ilaialy!" - tôi khẽ thì thầm và tự cảm thấy mình đang đỏ mặt. Tại sao nàng không lên tiếng gọi ai? Sao nàng không ném xuống đầu tôi cái chậu hoa hay cho người xuống đuổi tôi đi? Cả hai chúng tôi đều đứng yên và nhìn thẳng vào mắt nhau trong suốt một phút. Từ cửa sổ, các ý nghĩ được phóng xuống hè phố, nhưng chúng tôi không nói với nhau một lời nào. Rồi nàng quay người. Tôi như bị sốc, đến mức khẽ run lên. Tôi còn kịp nhìn thấy đôi vai nàng, lưng nàng và rồi nàng đi khuất vào phòng. Nàng đi một cách thong thả, đôi vai nhô lên hạ xuống như muốn ra hiệu cho tôi. Và tôi đón nhận dấu hiệu kì diệu ấy bằng toàn bộ cơ thể mình. Tôi bỗng cảm thấy đợt sóng vui sướng chạy khắp người. Ðứng thêm chốc nữa, tôi quay lại bước đi giữa phố.
Tôi không dám nhìn và không biết nàng có tới bên cửa sổ lần nữa hay không. Vừa suy nghĩ về việc này, tôi vừa cảm thấy bắt đầu lo lắng, bồn chồn. Có thể đúng lúc ấy nàng đang đứng quan sát từng bước đi của tôi, mà tôi thì không thể chịu đựng nổi khi bị ai đó theo dõi. Tôi cố giữ thật thẳng người, đi một mạch không dừng lại. Ðất dưới chân đang rung mạnh, tôi bước không vững vàng lắm, chính vì do cố đi sao cho uyển chuyển và đẹp. Vì muốn tỏ ra bình tĩnh và lãnh đạm, tôi đã vung vẩy tay một cách ngốc nghếch, mũi hếch cao lên trời. Nhưng tất cả đều vô ích. Lúc nào tôi cũng cảm thấy có ai đang nhìn sau lưng. Cuối cùng, tôi lẩn vào một phố nhỏ bên cạnh và từ đó đi thẳng đến Pilestredet để lấy bút chì.
Tôi nhận lại áo không chút khó khăn gì. Người chủ hiệu cầm đồ mang chiếc áo gilê tới và cho tôi lục tìm các túi. Ngoài bút chì, tôi còn tìm thấy mấy chiếc hoá đơn chứng nhận những đồ vật tôi đã cầm đồ trước đó. Tôi nhét chúng vào túi quần rồi cảm ơn ông chủ hiệu nhã nhặn. Mỗi lúc tôi càng thấy thích ông ta hơn và muốn tỏ cho ông ta biết tôi là một người tử tế. Tôi bước mấy bước về phía cửa ra vào nhưng liền quay lại như thể quên cái gì. Tôi nghĩ tôi có trách nhiệm phải giải thích mọi chuyện một cách tỉ mỉ cho ông ta rõ. Rồi tôi lên tiếng hát khe khẽ để làm ông ta chú ý. Sau đó tôi giơ bàn tay đang giữ chiếc bút chì lên.
- Tất nhiên tôi sẽ chẳng bao giờ chịu đi một quãng đường xa để quay lại đây vì chiếc bút chì xấu này, - tôi nói, - nếu nó không phải là một vật đặc biệt, rất đặc biệt. Chính nhờ cái bút chì chuột gặm và ngắn cũn này mà tôi đã trở thành người như hôm nay, nghĩa là đã thành công và tìm được chỗ đứng cho mình trong cuộc sống...
Tôi ngừng nói. Ông chủ hiệu lại gần quầy hàng.
- Thế à? - Ông ta nói và nhìn tôi với vẻ tò mò.
- Chính nhờ cái bút này, tôi đã viết xong một tác phẩm triết học đồ sộ gồm ba tập, - tôi bình thản nói tiếp. - Không lẽ ông chưa nghe nói tới cuốn sách ấy.
Ông chủ hiệu cầm đồ có cảm giác như có nghe tên tôi và tên tác phẩm ấy.
- Vâng, - tôi nói. - Ðó chính là cuốn sách tôi viết! Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi tôi muốn tìm lại chiếc bút chì này. Ðối với tôi, nó là vô giá, thân thiết như một người bạn nhỏ. Tôi rất biết ơn ông và sẽ không bao giờ quên lòng tốt của ông. Vâng, vâng, đúng thế, không bao giờ quên. Xin hứa danh dự với ông như thế. Tôi là người tử tế. Ông rất đáng được đền ơn một cách hào phóng.
Nói rồi tôi đi về phía cửa, với vẻ như người có quyền sinh quyền sát trong tay. Ông chủ hiệu cầm đồ lịch sự cúi chào tôi, và một lần nữa tôi ngoái lại, nói: "Tạm biệt!".
Trên cầu thang, tôi gặp một người đàn bà đang xách vali đi lên. Thấy tôi có vẻ quan trọng, bà ta rụt rè đứng sang bên nhường đường. Như cái máy, tôi cho tay vào túi định tìm cái gì đấy có thể cho bà ta, nhưng không tìm thấy gì, tôi đành cúi đầu đi ngang. Một chốc sau, tôi nghe tiếng bà ta gõ cửa nhà ông chủ tiệm cầm đồ. Cửa nhà ông ta được chắn thêm bằng một lưới thép, và tôi nhận ra ngay tiếng rung của nó khi có bàn tay người chạm vào.
Mặt trời chiếu sáng từ phía nam; đã gần trưa. Người trên thành phố mỗi lúc một đông. Ðây là giờ đi dạo, người đi thành từng đám đông, cúi chào nhau với nụ cười trên môi, như những làn sóng đuổi nhau trên phố Carlơ Juhan. Tôi rụt cổ, cố thu hẹp mình lại rồi nhanh chóng vượt qua một tốp người quen đang đứng cạnh trường Ðại học và quan sát dòng người. Sau đó tôi leo lên đồi, tới công viên Hoàng gia, và chìm sâu trong những suy nghĩ bất tận.
Chao, những con người tôi vừa gặp mới nhẹ nhàng và vui vẻ làm sao! ý nghĩ của họ thật trong sáng. Họ đi trên đồi một cách dễ dàng như đi trên sàn nhảy bóng nhoáng của đêm vũ hội. Tôi chưa thấy người nào có vẻ buồn trong mắt, đôi vai họ không bị gánh nặng nào đè, và hình như trong tâm hồn thanh thản của họ không có mối bận tâm nào, không bóng dáng một nỗi đau bí ẩn nào. Và bước đi giữa những con người ấy là tôi, một anh chàng trẻ tuổi mới chỉ bắt đầu sống nhưng đã không còn biết thế nào là hạnh phúc. ý nghĩ này cứ bám chặt lấy tôi và tôi cảm thấy mình là nạn nhân của một sự bất công ghê gớm. Tại sao những tháng gần đây tôi phải sống khó khăn cùng cực như vậy? Tâm hồn vốn trong sáng của tôi như thể bị đem đánh tráo, ở đâu tôi cũng gặp những thất vọng cay đắng. Chỉ cần tôi ngồi lên một chiếc ghế hay định cất bước đi đâu đó là lập tức hàng loạt những chuyện ngu ngốc bần tiện xuất hiện. Chuyện vớ vẩn của một nhà quý tộc nào đó cũng có thể kích thích đầu óc tôi, bắt tôi suy nghĩ hồi lâu. Chuyện gì đã xảy ra với tôi? Nhưng tại sao lại trừng phạt tôi mà không phải ai đó đang sống tận Nam Mỹ? Càng nghĩ, tôi càng thấy khó hiểu, khó hiểu vì sao chính tôi bị Chúa chọn làm người để trừng phạt. Kể cũng lạ, đời này thiếu gì người mà Chúa lại chọn chính tôi, chứ không phải ông chủ hiệu bán sách Pasa hay anh nhân viên tàu thuỷ Henneken chẳng hạn?
Tôi vừa đi vừa suy nghĩ về tất cả những điều này, nhưng không quyết định được gì. Tôi cố tìm các chứng cớ xác đáng để phản bác lại sự bất công của Chúa khi bắt tôi phải trả giá cho tất cả lỗi lầm của những người khác. Khi tôi tìm được một chiếc ghế trống và ngồi xuống, câu hỏi này còn tiếp tục giày vò tôi, không cho suy nghĩ tới điều khác. Từ cái ngày tháng năm ấy, khi các bất hạnh bắt đầu ập đến, tôi cảm thấy sức lực từ từ rời bỏ tôi. Tôi trở nên uể oải, không còn nghị lực và mục đích phấn đấu, như một đàn thú dữ bé nhỏ nào đó chui vào người tôi và đang cắn xé tất cả những gì trong đó. Hay đơn giản là Chúa đã quyết định bắt tôi phải chết? Tôi đứng dậy, đi đi lại lại quanh chiếc ghế.
Vào giây phút ấy, toàn bộ cơ thể tôi nhức nhối một nỗi buồn đau không sao chịu nổi. Cả đôi tay cũng âm ỉ, tê tái, mà tôi thì không biết giấu chúng vào đâu. Thêm vào đó, tôi lại vừa ăn no, ăn quá no, nên trong người khác thường. Tôi bồn chồn không biết làm gì, cứ thơ thẩn quanh chiếc ghế. Nhiều khuôn mặt đi ngang qua tôi, xuất hiện và biến mất như những bóng ma. Cuối cùng có hai người đàn ông ngồi xuống chiếc ghế của tôi. Họ châm xì gà hút và bắt đầu nói chuyện với nhau rất to. Tôi khó chịu, định lên tiếng nhắc họ, nhưng thay vào đó, tôi chỉ quay người bỏ đi về phía đầu kia công viên, nơi tôi tìm được một chiếc ghế trống và ngồi xuống.
Ý nghĩ về Chúa lại xuất hiện lần nữa trong đầu tôi. Tôi cho rằng Chúa thật đáng trách vì luôn cản trở tôi mỗi lần tôi định tìm việc làm, vì Ngài làm hỏng hết mọi chuyện, mặc dù cái tôi cần chỉ là miếng bánh mì mà thôi. Tôi phát hiện thấy một điều là chỉ cần nhịn đói liên tục mấy ngày, lập tức sẽ có dấu hiệu đầu tôi bị vơi dần và trở nên trống rỗng. Nó nhẹ hẳn đi, đến mức tôi chẳng còn cảm thấy sức nặng của nó trên vai, và hình như mỗi lần tôi nhìn ai đó, đôi mắt tôi mở to
quá mức.
Tôi ngồi trên chiếc ghế công viên suy nghĩ về tất cả những điều này, và mỗi lúc một thêm oán trách Chúa đã bắt tôi phải chịu quá nhiều điều bất hạnh liên tục như vậy. Nếu Ngài định thử thách tôi, đặt hết chướng ngại vật này đến chướng ngại vật khác trên đường tôi đi, định bắt tôi phải về bên Ngài, định làm trong sạch tâm hồn tôi, thì tôi có thể mạnh dạn tuyên bố rằng Ngài đã nhầm. Tôi ngước mắt nhìn lên trời, suýt nữa khóc to vì phẫn nộ. Rồi tôi nói hết với Chúa tất cả những gì tôi nghĩ, để tâm hồn tôi được nhẹ nhõm.
Nhớ lại những gì được dạy từ bé, tôi nghe bên tai văng vẳng một giọng nói đều đều, không to, đang đọc Kinh Thánh. Tôi bắt đầu tự nói chuyện với chính mình, thỉnh thoảng lại lắc đầu một cách mỉa mai. Tại sao tôi phải luôn quan tâm tới việc tôi ăn gì, uống gì và khoác cái gì lên cơ thể trần tục của tôi? Lẽ nào Ðức Chúa Trời không nuôi tôi, tên nô lệ của Ngài như Ngài đang nuôi con chim, và không ban phước lành cho tôi sao? Ngón tay Chúa đã chạm các dây thần kinh của tôi, rồi lặng lẽ, hầu như không nhận thấy, Ngài ngoéo tay kéo dứt từng sợi một. Sau đó là một lỗ hổng lớn do tay Ngài, tay Ðức Chúa Trời, để lại cùng một vết thương sâu trong não tôi. Nhưng chạm ngón tay vào người tôi xong, Ngài bỏ đi, không gây thêm điều ác nào nữa. Ngài thả cho tôi đi, đi với vết thương chưa lành miệng. Và Chúa chẳng làm điều ác nào với tôi cả, vì nghìn đời nay Ngài là Ðấng cứu rỗi của chúng ta...

3.

Gió mang đến tai tôi tiếng nhạc và tiếng hát của những người sinh viên - nghĩa là đã ba giờ. Tôi lấy giấy và bút chì ra muốn viết một cái gì đó, bỗng từ túi tôi rơi ra một tập vé cạo râu mua trước chưa sử dụng. Tôi đếm, thấy còn sáu vé tất cả.
- Lạy Chúa! - Vô tình tôi kêu lên. - Nghĩa là tôi còn có thể đến ông thợ cạo cạo mặt tôi vài tuần nữa để giữ vẻ ngoài tử tế.
Cái gia tài nhỏ bé này lập tức làm tôi phấn chấn hẳn lên. Tôi vuốt ve thật kĩ từng tấm vé rồi cho ngay vào túi.
Nhưng viết thì tôi không tài nào viết nổi. Tôi viết mấy dòng, sau đó chẳng nghĩ thêm được gì nữa. Các ý nghĩ đang ở đâu đó rất xa, không sao tập trung được. Mọi cái đều làm tôi phân tán, sao nhãng chú ý; từ bốn phía trên trang giấy, muỗi bay đến không cho tôi viết. Tôi thổi, cố đuổi chúng đi, phồng má ra thổi nhưng chẳng ích gì. Một con quay người, bám chặt vào tờ giấy, đến mức những cẳng chân mảnh khảnh co gập lại. Không làm sao thoát được chúng. Bao giờ chúng cũng tìm được cái để bám và cứ nằm lì một chỗ ở đấy cho đến khi chán, bay đi mới thôi.
Những con vật hút máu bé nhỏ ấy làm tôi phải bận tâm hồi lâu; tôi ngồi bắt chéo chân lên nhau, lặng lẽ quan sát chúng. Sau đó tôi nghe có tiếng kèn Clarinet và rồi ý nghĩ tôi bắt đầu chuyển sang hướng khác. Buồn vì không viết được báo, tôi nhét giấy vào túi rồi ngả người xuống lưng ghế. Những lúc thế này, đầu óc tôi tỉnh táo một cách lạ lùng, nhiều ý nghĩ tinh tế xuất hiện, và tôi không hề cảm thấy mệt mỏi chút nào. Tôi ngồi, ngả người về phía sau, nhìn bộ ngực và đôi chân mình. Tôi thấy mỗi lần mạch máu giật, chân tôi cũng giật theo. Tôi ngẩng đầu lên một chốc, tiếp tục nhìn và bỗng có cảm giác lạ lùng từ trước tới nay chưa thấy. Một đợt sóng kì diệu chạy qua các dây thần kinh của tôi, như thể một luồng sáng bỗng loé lên trong người tôi. Tôi nhìn đôi giày dưới chân và thấy như vừa được gặp lại một người bạn cũ, như một bộ phận nào đó của cơ thể tôi vừa nhập lại với tôi. Hai mắt tôi bỗng rưng rưng, và tôi nghe như đôi giày cũ vừa ngân lên một tiếng khe khẽ trong tim. "Ðó là dấu hiệu của sức khoẻ giảm sút, - tôi nghiêm khắc tự nói với mình, rồi nắm chặt tay, tôi nhắc lại: - Dấu hiệu của sự yếu mệt!" Tôi bắt đầu tự cười giễu mình về những cảm giác ngốc nghếch kia. Tôi nói to những từ cương quyết, khoẻ mạnh. Tôi chớp chớp mắt để kìm giữ những giọt nước mắt sắp trào ra. Và như thể chưa bao giờ nhìn thấy đôi giày của mình, tôi bắt đầu quan sát chúng kĩ lưỡng, xem chúng có hình thù thế nào, mỗi lần tôi bước đi thay đổi ra sao, da đã sờn nhiều chưa, vân vân. Tôi phát hiện thấy chúng cũng có khuôn mặt riêng của mình nhờ những đường nhăn trên lớp da và hai má giày trăng trắng. Một phần cơ thể tôi đã được chuyển sang cho đôi giày này. Chúng phả lên người tôi một mùi gì đấy rất thân quen, như hơi thở của chính tôi vậy...
Tôi ngồi yên khá lâu dưới ấn tượng của những cảm giác tương tự, có lẽ không ít hơn một giờ. Sau đó, một ông già bé nhỏ đến ngồi xuống đầu kia của chiếc ghế tôi đang ngồi. Vừa ngồi xuống, ông ta vừa thở dài một cách nặng nhọc và nói:
- Vâng, vâng, thế đấy!
Vừa nghe tiếng ông ta, lập tức đầu óc tôi tỉnh hẳn. Tôi để cho đôi giày được yên, thậm chí tôi thấy như cái cảm giác mờ ảo tôi vừa trải qua đã xảy ra rất lâu trước đó, có lẽ cách đây phải một vài năm, và bây giờ nó đang từ từ biến mất khỏi trí nhớ của tôi. Tôi quay sang nhìn ông già.
Tôi thì liên quan gì tới con người bé nhỏ này? Chẳng liên quan gì cả. Tôi chỉ chú ý một tí tới việc ông ta đang cầm tờ báo, một tờ báo cũ có trang quảng cáo, hình như đang gói một vật gì đấy. Tôi bỗng tò mò không sao chịu nổi và không thể rời mắt khỏi tờ báo đó. Một ý nghĩ điên rồ chợt đến với tôi, ý nghĩ rằng đấy là một tờ báo đặc biệt, có một không hai. Sự tò mò mỗi lúc một tăng và tôi bắt đầu nhấp nhổm trên ghế. Có thể tờ báo đang gói những tài liệu, những giấy tờ nguy hiểm nào đó được đánh cắp từ kho lưu trữ ra. Rồi tôi nghĩ tới một âm mưu bí mật, quan trọng đang hình thành.
Ông già bé nhỏ ngồi yên, suy nghĩ điều gì. Tại sao ông ta không giở tờ báo ra như mọi người mà lại cuộn lại? Ðiều ấy nghĩa là gì? Hình như trên đời này không gì có thể bắt được ông ta chịu bỏ cái gói kia ra. Thậm chí đến cho nó vào túi cũng không dám. Tôi dám đem đầu của tôi ra mà thề rằng cái gói ấy không thuộc loại bình thường.
Tôi đưa mắt nhìn ra xa. Chỉ riêng việc tôi không có cách nào biết được điều bí mật ấy cũng đủ làm tôi vô cùng tò mò và ấm ức. Tôi cho tay vào túi định tìm cái gì đấy có thể làm món đổi chác với ông già, vào hùa với ông ta; nhưng tìm mãi tôi chỉ thấy mấy chiếc vé cạo mặt. Tôi rút chúng ra nhưng lại vội giấu chúng vào chỗ cũ. Bỗng nhiên tôi trở nên mạnh bạo, vỗ mạnh vào chiếc túi áo rỗng và nói:
- Ông có muốn hút một điếu xì gà không?
Không, cảm ơn, ông ta không hút. Buộc phải bỏ thuốc vì bệnh đau mắt, ông ta hầu như mù. Cảm ơn ông!
- Thế mắt ông đau lâu chưa? Có lẽ ông bị cấm không được đọc? Thậm chí cả báo?
- Vâng, thật tiếc là cả báo cũng vậy!
Ông già quay mặt về phía tôi. Mắt ông bị che bởi một lớp màng trắng, vì vậy mà trông như hai viên thuỷ tinh. Ông ta có cái nhìn màu trắng, khó chịu đến mức kinh tởm.
- Ông không phải người vùng này? - Ông ta hỏi.
- Vâng... Nhưng không lẽ ông không đọc được cả những dòng đầu đề to trên tờ báo mà ông
đang cầm?
- Ðược, nhưng vất vả lắm... Tôi hiểu ngay rằng ông không phải người ở đây. Tôi đoán qua giọng nói. Ðơn giản thôi, chả là vì tôi có đôi tai rất thính. Ðêm đêm, khi mọi người đi ngủ, tôi nghe được cả tiếng người thở ở phòng bên... à, tôi muốn hỏi ông điều này: ông sống ở đâu?
Lời nói dối lập tức hiện ngay trong đầu tôi. Tôi nói dối một cách vô ý thức, không nhằm âm mưu nào cả.
- Ở quảng trường Thánh Ulaf, nhà số hai.
- Thật à? Ðâu chứ quảng trường Thánh Ulaf thì tôi biết rõ từng viên đá. ở đấy có đài phun nước, mấy cột đèn, một cây to - tất cả tôi nhớ hết... Ông nói nhà số mấy?
Bị giày vò bởi sự tò mò về tờ báo, tôi đứng dậy, quyết định sẽ chấm dứt câu chuyện này ở đây. Bí mật của tờ báo nhất định phải được làm sáng tỏ.
- Một khi không đọc được, tại sao ông còn...
- Hình như ông nói ông sống ở nhà số hai? - Ông già hỏi tiếp, không thấy sự hồi hộp của tôi. - Ngày xưa tôi biết hết tất cả những người sống ở đấy. Thế chủ nhà của ông là ai?
Ðể khỏi phải dài dòng, tôi liền nói ngay cái tên đầu tiên mà tôi chợt nghĩ ra lúc ấy.
- Happôlati.
- À, Happôlati! - Ông già nhắc lại một cách trôi chảy cái tên khó đọc ấy, rồi gật đầu.
Tôi ngạc nhiên nhìn ông ta. Ông ta ngồi với vẻ mặt rất nghiêm túc và đang trầm tư suy nghĩ điều gì. Tôi vừa phịa ra một cái tên ngu ngốc, lập tức có người bám vào nó và tỏ vẻ trước đây đã nghe nói tới nó nhiều lần. Trong lúc ấy, ông già đặt gói báo xuống ghế. Tôi cảm thấy những đợt sóng tò mò lại dồn dập dâng lên trong tôi. Tôi nhận thấy trên tờ báo có hai vết mỡ to.
- Chủ nhà của ông có phải là thuỷ thủ không? - Ông già bé nhỏ hỏi, giọng không hề có chút giễu cợt nào. - Tôi nhớ hình như ông ta là thuỷ thủ.
- Thuỷ thủ? Xin lỗi, chắc ông nhầm với ông em ông ta, J.A.Happôlati.
Tôi định nói thế để làm ông già cụt hứng, nhưng ông ta đã tin một cách dễ dàng mọi chuyện.
- Tôi biết. Ông này là một người làm ăn khá lắm, - ông già nói.
- Vâng, thông minh và phát đạt lắm, - tôi đáp. - Ông ta còn là đại lí nhận bán đủ các thứ hàng: quả viết quất nhập từ Trung Quốc, lông chim và len từ nước Nga, ngoài ra, còn có da thú, gỗ, mực...
- Ha, ha! Quỷ tha ma bắt ông ấy đi! - Ông già vui vẻ ngắt lời tôi.
Câu chuyện trở nên buồn cười. Bị lôi cuốn, tôi nói dối hết điều này đến điều khác. Tôi lại ngồi xuống, tạm quên tờ báo và các giấy tờ bí mật, rồi tôi bắt đầu tranh luận một cách hăng hái, và luôn ngắt lời ông già. Sự cả tin của ông này làm khơi dậy trong tôi một sự đểu cáng nào đó: tôi rất muốn nhấn chìm ông ta trong lừa dối và bẻ gẫy mọi chống đỡ của ông ta, nếu có.
- Thế ông đã nghe nói đến cuốn sách Kinh chạy điện mà Happôlati sáng chế ra chưa?
- Chạy điện... ông nói gì tôi chưa hiểu lắm.
- Một cuốn sách Kinh có những dòng chữ phát điện sáng rực trong bóng tối! Ðây là một công trình phải đầu tư hàng chục triệu curon, rất nhiều thợ đúc chữ, thợ in và thợ cơ khí làm việc với lương tháng rất lớn. Tôi nghe nói có bảy trăm người tất cả.
- Thì tôi đã nói rồi mà! - Ông già đáp lại khe khẽ.
Rồi ông ta im lặng, tin hết mọi lời tôi nói mà không hề do dự. Ðiều này làm tôi ít nhiều thất vọng, vì tôi muốn ông ta phải cáu lên khi nghe tôi nói thế.
Tôi còn phịa thêm hai chuyện cực kì phi lí nữa, và rồi, như phát điên lên, tôi ghé tận tai ông ta thì thầm rằng trong suốt chín năm liền Happôlati là bộ trưởng ở Ba Tư.
- Chắc ông không hình dung nổi làm bộ trưởng ở Ba Tư là thế nào đâu, đúng thế không nào? - Tôi hỏi. - ở đấy bộ trưởng còn quan trọng hơn vua ở nước ta, chẳng kém Sultan là mấy. Thế mà ở chức vụ cao sang ấy, Happôlati chưa bao giờ lỡ lầm gì cả.
Sau đó, tôi nói về Ilaialy, về con gái của nàng, một nàng tiên, một công chúa có ba trăm nô tì hầu hạ và nằm nghỉ trên chiếc giường gồm toàn những bông hồng vàng. Nàng là người phụ nữ xinh đẹp nhất mà xưa nay tôi chưa hề gặp. Tôi nói sai thì Chúa cứ giết tôi đi - đúng là không ai có thể sánh cùng nàng.
- Không lẽ nàng đẹp đến mức ấy? - Ông già cúi đầu lơ đãng hỏi.
- Ðẹp? Nàng tuyệt vời, dịu dàng và đầy quyến rũ! Ðôi mắt nàng mịn như nhung, tay trắng ngà! Cái nhìn của nàng cũng mê hoặc như cái hôn, và khi nàng lên tiếng gọi tôi, giọng nàng làm trái tim tôi ngây ngất như cốc rượu. Mà sao nàng lại không xinh đẹp? Thế ông nghĩ nàng cũng giống một cô ả bàn giấy hay một mụ lao công ở sở phòng cháy chữa cháy chắc? Tôi nói ông biết, nàng là một thiên thần, một công chúa như trong các chuyện cổ tích.
- Vâng, hẳn thế, - ông già đáp, hầu như hờ hững.
Sự bình tĩnh của ông ta làm tôi nản chí. Tôi đang say sưa với chính giọng của mình và tranh cãi một cách hoàn toàn nghiêm túc. Tôi chẳng còn nghĩ gì nữa về những giấy tờ bị đánh cắp, về âm mưu bí mật của một quốc gia thù địch nào đó. Cái gói nhỏ bọc báo đang nằm trên ghế giữa tôi và ông già, nhưng bây giờ tôi không hề muốn nhìn nó để biết cái gì được giấu bên trong. Tôi đang bị kích thích bởi những câu chuyện nhảm nhí do tôi phịa ra, các câu từ tuyệt vời dồn dập xuất hiện trong đầu tôi, máu đập mạnh trong huyết quản, và tôi tiếp tục nói dối một cách hào hứng.
Nhưng ông già có vẻ như muốn bỏ đi. Ông ta nhấp nhỏm đứng dậy, và để khỏi kết thúc câu chuyện quá đột ngột, ông hỏi:
- Chắc ông Happôlati kia giàu lắm nhỉ?
- Tôi không biết, - tôi đáp một cách cáu kỉnh. - Tôi chẳng biết quái gì cả. Nếu theo các chữ cái mà đoán thì tên ông ta là Juban Arnot Happôlati.
- Juban Arnot Happôlati, - ông già nhắc lại, chẳng chút bối rối vì thái độ khó chịu của tôi.
Rồi ông im.

4.

- Giá ông được thấy vợ ông ấy, - tôi tức giận nói tiếp. - Một mụ thật to béo... Ông không tin rằng vợ ông ấy béo à?
Không, tất nhiên ông già không thể phủ nhận điều ấy. Vợ một người như Happôlati cũng có thể béo lắm chứ...
Ðáp lại mỗi trò khiêu khích của tôi, ông già có thái độ hết sức nhẹ nhàng và nhã nhặn. Khi nói, ông cân nhắc kĩ từng lời, như sợ nói thừa làm tôi tức giận.
- Quỷ tha ma bắt ông đi! Chắc ông nghĩ tôi đang nói nhăng nói cuội với ông chứ gì? - Tôi hét to, không tự chủ được nữa. - Chắc ông cho là trên đời này chẳng có thằng quái nào tên là Happôlati hả? Ðây là lần đầu trong đời tôi gặp một lão già bướng bỉnh và đáng ghét như ông! Có chuyện gì xảy ra vậy? Biết đâu ông lại chẳng nghĩ rằng tôi là một thằng ăn mày, quần áo đẹp nhưng trong túi thì đến điếu thuốc cũng chẳng có? Tôi không quen bị hiểu nhầm như thế, và xin báo ông biết rằng tôi, ôi lạy Chúa, tôi sẽ không tha thứ cho bất kì ai ai dám đối xử với tôi như thế!
Ông già đã đứng dậy. Ông há miệng, lặng lẽ nghe tôi nói liền một mạch, sau đó vớ lấy cái gói bọc báo từ ghế lên rồi bỏ đi, hầu như chạy nhanh trên con đường nhỏ bằng những bước chân ngắn, già lão của mình.
Còn tôi vẫn ngồi yên nhìn theo và thấy lưng ông ta mỗi lúc một còng thêm. Không biết vì sao, nhưng tôi có cảm giác như trong đời tôi chưa hề thấy một chiếc lưng nào bần tiện, trơ tráo như thế, và tôi hoàn toàn không thấy xấu hổ khi thầm nguyền rủa theo ông ta như vậy...
Mặt trời sắp lặn, lá cây khẽ xào xạc, các bà già đẩy xe nôi ngồi cạnh bờ rào đã chuẩn bị cho cháu về nhà. Tôi cảm thấy thanh thản và bàng quan. Sự hồi hộp trước đấy đang lắng dần. Tôi mệt mỏi, chân tay rã rời, và buồn ngủ. Mặc dù hôm ấy tôi ăn quá nhiều bánh mì, nhưng hầu như không để lại hậu quả gì. Tôi khoan khoái ngả người xuống lưng ghế, nhắm mắt lại, càng buồn ngủ hơn. Tôi khụt khịt mũi mấy cái, sắp thiếp đi thì người gác công viên đi lại, để tay lên vai tôi, nói:
- Ở đây không được ngủ.
- Vâng, tất nhiên, - tôi đáp và lập tức đứng bật dậy.
Nhưng cũng liền lúc ấy tôi ý thức thấy tôi đang ở trong tình thế tuyệt vọng. Cần phải làm một việc gì đó, quyết định một điều gì đó! Tôi đã thất bại trong việc kiếm cho mình một chỗ làm. Các thư người ta giới thiệu tôi thì quá cũ, ở đấy có chữ kí của những người ít ai biết đến, thành ra chẳng thể trông đợi nhiều ở chúng.
Thêm vào đó, bị từ chối quá nhiều, tôi đã để mất lòng tin vào chính bản thân mình. Trong khi đó tôi vẫn nợ tiền nhà và phải kiếm bằng được số tiền này đâu đó. Những cái còn lại tạm thời có thể để nguyên như cũ.
Tình cờ, tôi cầm giấy bút và viết vào mỗi góc tờ giấy con số "1848". Giá gì tôi có được một ý nghĩ, một cảm hứng hay để mách cho tôi các câu từ tôi muốn viết! Ðã có lúc, vâng, trước kia đã có lúc tôi viết liền một mạch không chút khó khăn cả một bài báo dài và hay!
Tôi ngồi yên trên ghế và vẫn viết lên giấy con số "1848", viết dọc, viết ngang, viết trăm nghìn kiểu khác nhau, viết để chờ nguồn cảm hứng xuất hiện. Một vài mẩu suy nghĩ lởn vởn trong đầu tôi; cảnh hoàng hôn chỉ làm tôi thêm buồn chán. Mùa thu đã đến và bắt đầu trói chặt vạn vật bằng giấc ngủ... Tôi tự thấy mình như con sâu nhỏ đang chết dần giữa một thế giới sắp chìm trong giấc ngủ. Giật mình vì một nỗi sợ không giải thích nổi, tôi chợt đứng bật dậy và bước nhanh những bước dài theo lối đi nhỏ. "Không! - Tôi kêu to, tay nắm chặt thành nắm đấm. - Không thể kéo dài mãi thế này được!" Rồi tôi lại ngồi xuống cầm bút và quyết định bằng bất kì giá nào cũng phải viết bài báo tôi muốn viết. Tôi không được phép buông tay. Số tiền nợ thuê nhà lởn vởn trước mắt.
Chậm chạp, rất chậm chạp, các ý nghĩ của tôi bắt đầu trở nên đâu vào đấy. Tôi cố tập trung chú ý, thận trọng cân nhắc từng từ và đã viết xong mấy trang mào đầu. Những trang này có thể làm phần mở đầu cho bất kì bài báo nào - về ghi chép dọc đường hay về điểm tình hình thời sự - tuỳ tôi lựa chọn.
Sau đó tôi vắt óc nghĩ nội dung cho bài báo đang viết; tôi muốn tìm ai đó, cái gì đó đáng viết, nhưng tìm mãi mà chẳng thấy gì. Vì cố mãi không thành, suy nghĩ của tôi lại bắt đầu lẫn lộn. Bộ não từ chối không chịu làm việc, còn đầu thì mỗi lúc một trống rỗng, và lần nữa, tôi không cảm thấy sức nặng của nó trên vai. Hình như cả người tôi cũng trống rỗng, trống rỗng từ đầu đến chân.
- Trời ơi! - Tôi kêu lên tuyệt vọng, sau đó còn nhắc lại mấy lần như thế, không đủ sức nói thêm gì nữa.
Gió thổi mạnh trong bụi cây, trời trở xấu. Tôi ngồi thêm một lúc, lơ đãng nhìn tờ giấy, rồi gấp nó lại, thong thả cho vào túi. Lạnh, thế mà bây giờ tôi chẳng còn áo gilê. Tôi cài cúc áo khoác đến tận cổ rồi cho hai tay vào túi. Sau đó tôi đứng dậy, bỏ đi.
Ước gì lần này tôi gặp may, chỉ duy nhất một lần này thôi! Bà chủ nhà đã hai lần nhìn tôi với vẻ muốn đòi nợ, còn tôi thì buộc phải bối rối cúi chào rồi tìm cách nhanh chóng đi ngang. Tôi không thể chịu đựng thêm thế này được. Khi bà ta nhìn tôi lần nữa như vậy, tôi sẽ thú thật hết mọi chuyện và trả phòng lại, vì dù sao tiếp tục mãi thế này là không thể được.
Tới cổng công viên, tôi lại nhìn thấy ông già bé nhỏ trước đấy đã hoảng sợ bỏ chạy vì thấy tôi tức giận. Chiếc gói bí hiểm đã được mở tung, nằm cạnh ông ta trên ghế - hoá ra đó chỉ là một gói thức ăn tạp nham mà bây giờ ông ta đang ăn. Tôi muốn lại gần để xin lỗi về thái độ khiếm nhã của mình, nhưng không thể làm được điều đó, vì trông cách ông ta ăn thật bần tiện. Mười ngón tay già nua nhăn nheo như mười chiếc móng gớm ghiếc vồ lấy những miếng bánh mì cặp thịt đầy mỡ. Tôi cảm thấy muốn buồn nôn, nên đã lẳng lặng đi qua. Ông già không nhận ra tôi. Ðôi mắt ông ta lướt qua tôi, nhưng nét mặt không một chút thay đổi.
Tôi đi tiếp.
Theo thói quen, tôi dừng lại trước một bảng báo công cộng, đọc các quảng cáo thuê người làm. Tôi mừng rỡ khi tìm thấy một chỗ rất thích hợp với mình: một nhà kinh doanh ở Grenlansleret cần thuê một người biết tính toán giỏi để làm việc mỗi lần hai giờ vào buổi tối; tiền công theo thoả thuận. Tôi ghi địa chỉ và thầm cảm ơn Chúa. Tôi sẵn sàng nhận bất kì loại tiền công nào, dù ít ỏi nhất. Ðối với tôi, năm mươi ere cũng đủ, thậm chí cả bốn mươi. Ðiều kiện nào tôi cũng chấp nhận.
Trở về nhà, tôi thấy trên bàn có một mẩu giấy. Bà chủ nhà yêu cầu tôi hoặc thanh toán tiền nhà trước, hoặc phải giải phóng phòng càng sớm càng tốt. Bà ta yêu cầu tôi đừng giận, vì bà ta không còn cách nào khác. Chúc ông mọi điều tốt lành - bà Gunnersen.
Tôi viết thư gửi Crixti, nhà kinh doanh kia, 31, Grenlansleret, dán phong bì rồi ném vào thùng thư ở góc phố. Sau đó tôi lên phòng, ngồi xuống ghế xích đu và bắt đầu suy nghĩ. Bên ngoài trời mỗi lúc một tối dần. Sự mệt mỏi đè nặng lên người tôi.
Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy sớm. Khi tôi mở mắt, trời hãy còn tối và chỉ một chốc sau tôi mới nghe phía dưới chuông đồng hồ điểm năm tiếng. Tôi muốn ngủ tiếp, nhưng không được, thậm chí cả mơ màng cũng không, vì hàng ngàn ý nghĩ đã chui vào đầu tôi.
Bỗng nhiên tôi nghĩ ra mấy câu rất hay, thích hợp cho một bài kí hay một bài văn châm biếm. Ðó là một dịp may hiếm có xưa nay tôi ít gặp. Tôi nằm yên thầm nhắc lại những câu ấy và thấy chúng thật tuyệt. Sau đó các câu khác xuất hiện. Tôi tỉnh hẳn, ngồi dậy vớ bút giấy trên chiếc bàn kê sát giường. Như thể có mạch nước ngầm phun mạnh trong tôi, câu chữ nối đuôi nhau xuất hiện rồi trải dài trên trang giấy. Một cốt truyện được hình thành, các tình tiết thay đổi, các câu đối thoại và các sự kiện đan quyện lại với nhau. Tôi thấy mình thật hạnh phúc. Như một thằng điên, tôi luôn tay viết hết trang. ý nghĩ kéo đến nhanh và nhiều tới mức tôi không kịp viết, dù đã cố gắng hết sức. Tôi như chìm trong biển ý nghĩ ấy, ngây ngất vì đề tài đang viết, và mỗi câu từ được chép lên giấy cứ như tự chúng xuất hiện.
Trạng thái kì diệu ấy kéo dài lâu, rất lâu, và cuối cùng, khi tôi ngừng viết đặt bút xuống, trên đầu gối tôi đã có mười lăm hoặc thậm chí hai mươi trang giấy kín đặc chữ. Nếu những trang giấy này quả thật có ít giá trị nào đó, nghĩa là tôi đã được cứu thoát! Tôi đứng bật dậy khỏi giường và bắt đầu mặc quần áo. Trời mỗi lúc một sáng hơn, hầu như đã có thể đọc được tin quảng cáo của người coi đèn biển trên tờ báo dán bên cửa ra vào. Bên cửa sổ thì đã sáng đến mức ngồi viết lúc này trở thành một việc đầy thích thú. Và tôi lập tức ngồi chép lại sạch sẽ những gì đã viết.
Trí tưởng tượng của tôi được chắp cánh bởi một màn dày gồm ánh sáng và các màu sắc. Liên tiếp ngạc nhiên vì các thành công của mình, tôi tự nhủ rằng chưa bao giờ tôi được đọc cái gì hay thế này. Hạnh phúc làm tôi ngây ngất, niềm vui làm tôi rạo rực. Nâng tập giấy trên tay, tôi thầm đoán chúng ít nhất cũng đáng giá năm curon. Sẽ chẳng có ai trả ít hơn năm curon, ngược lại, có thể nói một cách mạnh dạn rằng, nếu tính đến nội dung, thậm chí mười curon cũng còn quá ít. Tôi không có ý định bán rẻ một bản thảo đặc biệt như thế này. Theo tôi biết, tác phẩm tốt bây giờ không phải dễ tìm lắm. Và rồi tôi quyết định sẽ đòi mười curon.
Trong phòng sáng hẳn, tôi nhìn về phía cửa ra vào, và đã có thể đọc một cách dễ dàng những dòng chữ mảnh như những bộ xương người, thông báo rằng "ở cửa hàng ông Anđerxơn, cửa bên phải, khách hàng có thể mua được những tấm vải liệm tốt nhất". Thêm vào đó, chuông đồng hồ phía dưới điểm bảy giờ từ lâu.
Tôi rời cửa sổ đến đứng chính giữa phòng. Nếu cân nhắc kĩ mọi khía cạnh, việc bà Gunnersen đuổi tôi ra khỏi phòng lúc này không có gì đáng ngại, thậm chí còn tốt nữa là khác. Căn phòng này không phù hợp với tôi chút nào; rèm che cửa sổ là những tấm vải xanh quá giản dị, còn tường thì có quá ít đinh, muốn treo quần áo cũng chẳng biết treo vào đâu. Còn chiếc ghế xích đu trong góc thực ra chỉ là cái mô phỏng đáng thương hại của một chiếc ghế xích đu thực sự, một vật đáng buồn cười, không hơn. Thêm vào đó, nó lại quá thấp đối với một người lớn như tôi, và quá chật, đến nỗi mỗi lần muốn đứng dậy, phải vất vả lắm tôi mới kéo người ra nổi, khó như rút chân ra khỏi chiếc ủng chật vậy. Tóm lại, căn phòng này không thích hợp cho công việc trí óc, và tôi chẳng muốn ở lại đây thêm ngày nào nữa. Không, không bao giờ! Tôi chịu đựng, im lặng và tự giam mình trong cái hang này chừng ấy đủ lắm rồi.
Ðang ngây ngất vì niềm vui và hi vọng, vẫn chưa hết hào hứng nghĩ về tác phẩm tuyệt vời của mình mà tôi chốc chốc lại rút từ trong túi ra đọc lại, tôi quyết định không bỏ phí thời gian vô ích, và liền bắt tay vào thu xếp đồ đạc. Tôi lấy chiếc túi vải - trong đó có một đôi cổ áo sạch được gói trong một chiếc khăn mùi soa màu đỏ - và tờ báo nhàu nát tôi vẫn dùng để bọc chiếc bánh mì mang về nhà. Tôi đem tờ báo ấy gói chiếc chăn mỏng và mang theo tất cả số giấy viết còn lại. Sau đó tôi cẩn thận xem xét mọi ngóc ngách trong phòng để biết chắc không quên gì. Rồi tôi đến gần cửa sổ, nhìn ra ngoài. Buổi sáng hôm ấy trời u ám và ẩm ướt. Cạnh chiếc lò rèn bị cháy không có người nào, còn sợi dây thừng đẫm nước ngoài sân thì được kéo căng từ tường này sang tường khác. Tất cả những cái ấy tôi đã nhìn thấy từ trước, vì vậy tôi vội rời cửa sổ, cắp chiếc chăn dưới nách, cúi chào tờ báo có tin quảng cáo của người coi đèn biển và ông chủ hiệu bán vải liệm, rồi tôi đưa tay mở cửa.
Bất chợt, tôi nhớ tới bà chủ nhà. Cần phải báo cho bà ta biết việc tôi ra đi, kể cả việc tôi là một người tử tế. Ngoài ra, tôi còn muốn cảm ơn bà vì mấy ngày tôi sử dụng căn phòng quá thời hạn. Cái ý thức rằng bây giờ tôi đã được cứu thoát lớn đến mức trong thư để lại, tôi hứa trong một ngày gần đây sẽ mang đến cho bà ta năm curon. Tôi muốn bà ta biết rằng người thuê nhà của bà ta là một người cao thượng thế nào!
Tôi đặt bức thư lên bàn.
Ðến bên cửa, tôi đứng lại nhìn vào phòng lần nữa. Cảm giác đang được trở lại với cuộc sống hạnh phúc làm tôi sung sướng. Tôi rất biết ơn Chúa và cả toàn thế giới. Tôi quỳ xuống bên giường nói to những lời cảm ơn Ngài đã ban cho tôi cái hạnh phúc vĩ đại sáng nay. Tôi biết, vâng, tôi biết rằng cơn đột hứng kì diệu tôi vừa trải qua và đưa lên trang giấy là một phép lạ thực sự của Chúa, là sự trả lời của Ngài trước tiếng kêu cứu của tôi hôm qua. "Lạy ơn Chúa! Lạy ơn Chúa!" - Tôi kêu to và oà lên khóc, ngây ngất vì chính những lời nói của mình. Chốc chốc tôi phải im lặng lắng tai nghe xem có ai từ dưới đi lên không. Cuối cùng, tôi đứng dậy, lặng lẽ đi xuống theo chiếc cầu thang dài rồi tới cửa chính mà không bị ai nhìn thấy.
Ðường phố ướt đẫm vì cơn mưa ngắn lúc rạng sáng. Bầu trời trên thành phố nặng nề và thấp; mây dày che kín mặt trời. Bây giờ là mấy giờ nhỉ? Theo thói quen, tôi đi tới Toà thị chính và thấy đồng hồ ở đấy chỉ tám giờ rưỡi. Nghĩa là tôi phải đi dạo lang thang những hai giờ nữa, vì rõ ràng là không nên đến toà soạn trước mười giờ, thậm chí mười một giờ. Rỗi rãi tôi sẽ đi khắp các phố và suy nghĩ cách nào có thể kiếm được cái gì đó cho vào bụng. Nói chung, tôi không sợ tối nay phải ôm bụng đói đi ngủ. Những ngày đói khát như thế, lạy Chúa, đã qua rồi! Mọi cái đã chấm dứt như một giấc mơ hãi hùng. Từ nay cuộc sống của tôi sẽ khác, khác hẳn!

5.

Dưới nách tôi là chiếc chăn mỏng màu xanh. Nó làm tôi cảm thấy bất tiện: không thể cứ ôm khư khư cái gói này mà xuất hiện trước mọi người được. Người ta sẽ nghĩ gì về tôi? Tôi nghĩ tới việc tìm một chỗ nào đó để giấu nó trong một thời gian. Bỗng nhiên, tôi nảy ra ý nghĩ tới Sambơ, nhờ người ta lấy giấy gói chiếc chăn của tôi lại. Lúc ấy nó sẽ là một cái gói khả dĩ, tôi sẽ không phải xấu hổ vì nó. Tôi bước vào cửa hàng và trình bày ý muốn của tôi với một trong những người bán hàng.
Anh ta đưa mắt nhìn chiếc chăn, rồi nhìn tôi. Tôi có cảm giác như anh ta nhún vai khinh bỉ khi nhận chiếc chăn từ tay tôi. Ðiều này làm tôi tự ái.
- Cẩn thận! Cái anh này! - Tôi kêu lên. - Trong chiếc chăn này có hai lọ cổ cực kì quý giá. Tôi sắp gửi tới Sairnơ!
Sự láu lỉnh của tôi lập tức mang lại kết quả mong muốn. Bây giờ anh chàng bán hàng có bộ mặt của một người biết lỗi, như cầu xin tôi tha thứ vì đã không nghĩ ra rằng đây là một chiếc gói quý giá như vậy. Khi gói xong, tôi cảm ơn anh ta với vẻ quan trọng như thể tôi đã nhiều lần gửi tới Sairnơ những chiếc gói tương tự. Anh chàng thậm chí còn tiễn tôi một quãng và mở rộng cửa trước tôi.
Sau đó tôi đi ra chợ, hoà lẫn vào đám đông. Tôi cố đi gần những người bán hoa trồng trong những chiếc chậu nhỏ. Những bông hồng to, đỏ rực và ẩm ướt vì sương mù buổi sáng như trêu chọc tôi, khiến tôi nảy ra ý định muốn nhổ một bông. Tôi hỏi giá, lợi dụng điều đó để tiến lại gần hơn. Nếu có tiền, tôi sẽ mua một bông hồng mà không cần nghĩ ngợi gì. Ðể bù lại sự chi phí lãng mạn ấy, tôi có thể tước bỏ một cái gì đấy trong các nhu cầu thiết yếu cho bản thân.
Mười giờ, tôi đi đến toà soạn. Ông chủ bút chưa tới. Một người nào đó cầm kéo đang lục lọi một đống báo cũ. Anh ta bảo tôi để bản thảo lại. Tôi cho anh ta biết đây không phải là một bản thảo bình thường và tha thiết yêu cầu anh ta đưa tận tay cho ông chủ bút, tôi sẽ trở lại sau để nghe ý kiến ông ấy.
- Ðược, - người cầm kéo nói, và lại chúi đầu vào đống báo.
Tôi có cảm giác thái độ của anh ta đối với tác phẩm của tôi quá ư hờ hững, tuy thế, tôi giữ im lặng và cúi chào anh ta với vẻ lãnh đạm cố ý, rồi đi ra ngoài.
Bây giờ tôi sẽ có rất nhiều thời gian rỗi. Giá gì trời quang đãng hơn một chút! Thời tiết đến tệ - không gió, cũng chẳng lạnh. Các bà tính cẩn thận đã mở sẵn ô dù, còn những chiếc mũ trên đầu đàn ông có cái vẻ gì đấy vừa buồn vừa ngộ nghĩnh. Tôi lại đi ra chợ, lại ngắm hoa và cây cảnh. Bỗng có ai đấy đặt tay lên vai tôi. Tôi ngoái lại nhìn. Thì ra đó là "Cô gái đỏ". Anh ta chúc tôi một buổi sáng tốt lành.
- Một buổi sáng tốt lành? - Tôi hỏi lại, muốn càng chóng thoát khỏi anh ta càng tốt. Tôi không thích cái anh chàng có biệt danh "Cô gái đỏ" này lắm.
Anh ta tò mò nhìn chiếc bọc lớn được gói cẩn thận tôi đang giữ dưới nách và hỏi:
- Anh ôm cái gì thế?
- Tôi vừa ở cửa hiệu Sambơ, mua ít vải may áo, - tôi đáp với giọng thờ ơ. - Tôi chán mặc cái bộ quần áo cũ này lắm rồi. Không thể ăn mặc cẩu thả mãi được.
Anh ta lại ngạc nhiên nhìn tôi, rồi sau một lúc im lặng, hỏi:
- Nhưng nói chung công việc thế nào?
- Không thể tốt hơn được nữa!
- Tìm được việc làm rồi chứ?
- Việc làm? - Tôi nhắc lại, vờ ngạc nhiên. - Xin báo anh biết rằng bây giờ tôi là kế toán của hãng buôn Crixti.
- Thế cơ à! - Anh ta nói, hơi lùi lại. - Lạy Chúa! Thế thì tôi mừng cho anh lắm. Nhưng cũng cẩn thận, đừng phung phí tiền cho bất kì một kẻ ăn mày nào anh gặp. Chào anh.
Ði được một quãng, anh ta bỗng quay lại, lấy gậy chỉ vào chiếc bọc của tôi, rồi nói:
- Xin phép giới thiệu anh tới hiệu may vẫn may quần áo cho tôi. Anh sẽ chẳng tìm được hiệu nào may đẹp như hiệu Isacxen đâu!
Tại sao anh ta cứ xỏ mũi vào việc của tôi thế nhỉ? Tôi may ở hiệu nào thì liên quan gì tới anh ta? Tôi rất bực mình. Cái anh chàng vô duyên, rỗng tuếch này làm tôi khó chịu, và không cần giữ ý tứ, tôi thẳng thừng nhắc anh ta về khoản tiền mười curon mà anh ta vay tôi từ lâu chưa trả. Nhưng anh ta chưa kịp trả lời, tôi đã lấy làm hối hận vì đòi lại món nợ cũ. Tôi xấu hổ cúi nhìn xuống đất. Vừa lúc ấy có một bà đi ngang chúng tôi, tôi né sang bên nhường đường, và nhân dịp này bỏ đi thẳng. Nhưng tôi biết đi đâu, chờ ở đâu bây giờ? Ði vào quán cà phê với cái túi trống rỗng là điều không thể được, mà tới nhà người quen vào giờ này thì bất tiện. Thành ra tôi cứ lang thang không mục đích giữa các phố, từ chợ đến Grenxơn, nơi tôi dừng lại đọc hết tờ "Tin buổi chiều" vừa được treo lên bảng báo công cộng; rồi tôi đi tiếp theo phố Carlơ Juhan, sau đó rẽ về phía nhà thờ Ðấng cứu thế. ở đây tôi tìm được một chỗ yên tĩnh trong nghĩa trang, cạnh một tháp chuông nhỏ.
Không khí ở đây ẩm ướt. Xung quanh rất yên tĩnh. Tôi ngồi suy nghĩ, ngủ gật và run lên vì lạnh. Liệu tôi có dám chắc bài kí tôi vừa viết dù nhỏ, nhưng là một kiệt tác không? Có trời mới biết nó có những mặt yếu nào. Nếu suy nghĩ một cách kĩ lưỡng, tôi thấy người ta rất có thể từ chối không in nó, từ chối thẳng thừng! Có lẽ nó cũng chỉ loại nhàng nhàng, nếu không nói là quá tồi. Ai có thể bảo đảm cho tôi rằng hiện giờ nó chưa bị vứt vào sọt rác?... Trạng thái tâm hồn thanh thản không còn nữa, tôi đứng bật dậy, chạy ra khỏi nghĩa trang.

Ở Akersgaten, tôi nhìn qua tủ kính một cửa hàng và thấy kim đồng hồ mới chỉ một giờ. Ðiều này làm tôi hết sức buồn bã, vì tôi nghĩ chắc đã muộn hơn nhiều. Ðến gặp ông chủ bút trước bốn giờ là một việc làm vô ích. Tôi bắt đầu lo lắng về số phận bài kí của tôi. Càng nghĩ, tôi càng thấy rằng tôi không thể viết được một cái gì hay ho trong cơn đột hứng điên rồ sáng nay, vì lúc ấy hầu như tôi chưa tỉnh ngủ hẳn, đầu óc còn quay cuồng, ý nghĩ rối loạn. Nghĩa là lúc ấy tôi đã tự huyễn hoặc mình, tự vui sướng một cách vô lí. Hẳn là thế!... Tôi bước nhanh theo phố Ullevônxvâyen, ngang qua đồi Thánh Henry, qua một vài bãi trống rồi rẽ theo những phố hẹp lạ lùng cạnh một xưởng cưa, qua mấy khu vườn, mấy chỗ xây dựng dở dang, rồi cuối cùng ra một đường phố lớn chạy dài tít tắp.
Ðến đây tôi dừng chân và quyết định quay trở lại.
Ði bộ nhiều làm tôi ấm người. Trên đường quay lại, tôi đi khá chậm, mũi luôn chúi xuống đất. Tôi gặp hai chiếc xe chở cỏ đi ngược chiều. Các tay đánh xe nằm sấp trên cỏ, nghêu ngao hát. Cả hai đều chân trần, mặt bầu bĩnh và vô tư. Từ xa, tôi đoán trước thế nào họ cũng lên tiếng trêu chọc hay cười giễu tôi, và quả thật, khi đến gần, một gã hỏi to xem tôi đang ôm gì dưới nách.
- Chiếc chăn, - tôi đáp.
- Mấy giờ rồi? - Gã hỏi tiếp.
- Tôi không biết chính xác, có lẽ gần ba giờ.
Rồi cả hai phá lên cười. Bỗng nhiên tôi cảm thấy tai tôi bị roi quất mạnh, nóng rực, chiếc mũ trên đầu bay xuống đất. Hoá ra chúng không thể yên tâm đi tiếp khi chưa trêu chọc tôi điều gì đó. Tức giận một cách bất lực, tôi ôm tai xuýt xoa, nhặc chiếc mũ ở bờ mương lên rồi rảo bước đi tiếp. Ðến đồi Thánh Henry, tôi hỏi giờ một người đi đường, và được đáp rằng đã hơn bốn giờ.
Hơn bốn giờ! Ðã hơn bốn giờ rồi cơ à? Tôi cố đi nhanh hơn, hầu như chạy về phía toà soạn. Ông chủ bút chắc sẽ ở đấy lâu, cũng có thể đã về nhà! Thế mà tôi lúc thì nhởn nha, lúc lại phải co chân mà chạy suýt bị xe đè chết, vượt hết người này đến người nọ, nhanh như ngựa phi, như một kẻ mất trí, chỉ mong sao đến kịp. Lao vào nhà, tôi nhảy mấy bước hết cầu thang rồi gõ mạnh vào cửa.
Không ai trả lời.
"Ông ấy về rồi! Về rồi!" - tôi nghĩ. Tôi lắc cửa, cửa không khoá, tôi gõ thêm lần nữa, rồi bước vào phòng.
Ông chủ bút đang ngồi sau bàn, mặt hướng về cửa sổ, tay cầm bút - ông đang viết cái gì đó. Tôi chào, hổn hển thở. Ông quay lại, nhìn tôi và lắc đầu.
- Tôi chưa có thời gian để đọc bài kí của ông.
Tôi mừng rằng ít nhất người ta còn chưa vứt bài báo của tôi. Tôi nói:
- Vâng, tất nhiên, tôi hiểu. Mà rồi cũng chẳng cần vội. Có thể vài ngày nữa tôi lại tới...
- Vâng, vâng, tôi sẽ đọc. à mà tôi có địa chỉ của ông cơ mà!
Nhưng lúc ấy tôi quên nói rằng từ nay tôi chẳng còn địa chỉ nào nữa.
Cuộc tiếp kết thúc, tôi cúi chào, lùi lại rồi đi ra khỏi phòng. Lòng tôi lại tràn đầy hi vọng: nghĩa là chưa mất gì, ngược lại, tôi sẽ còn đạt được nhiều điều, nếu việc này trôi chảy. Và lần nữa trong đầu tôi lại xuất hiện đủ các ý nghĩ viển vông. Tôi mơ thấy bên ngai vàng của mình, thượng đế quyết định thưởng cho tôi mười curon vì bài báo kia...
Chỉ cần bây giờ tôi kiếm được một chỗ ngủ qua đêm nay. Tôi vắt óc nghĩ cách đạt được điều đó. Việc này làm tôi quan tâm đến mức đứng sững lại giữa phố. Tôi quên tôi đang ở đâu, và đứng trơ một mình như hòn đảo đá cô đơn giữa bốn bề sóng vỗ. Người bán báo chìa cho tôi một tờ "Viking". Tò mò, rất đáng tò mò! Tôi ngẩng đầu rùng mình - trước mắt tôi lại là hiệu Sambơ.
Tôi vội giấu chiếc gói rồi ngơ ngác nhanh chóng rẽ về phía nhà thờ, vừa đi vừa sợ ai đó có thể nhìn thấy từ cửa sổ. Tôi đi qua Ingebret, qua Nhà hát; đến Logen, tôi lại rẽ và đi tới bờ biển, tới cảng. ở đây, tìm được chiếc ghế trống, tôi ngồi xuống và lại chìm trong suy nghĩ.
Tôi biết tìm chỗ ngủ ở đâu bây giờ? Liệu có cái hang nào che tạm cho tôi đêm nay không? Lòng tự trọng không cho tôi quay về phòng cũ. Thậm chí cả trong ý nghĩ của tôi cũng không cho phép mình không giữ đúng lời nói. Không, không bao giờ tôi làm thế. Tôi chỉ bối rối mỉm cười khi hình dung trước mắt mình chiếc ghế xích đu màu đỏ. Tôi tưởng tượng thấy mình đang ở trong một căn phòng lớn có hai cửa sổ ở Hegđehaughen, là nơi có thời tôi đã sống. Trên bàn là một mâm đầy gồm rất nhiều những miếng bánh mì cặp thịt dày cộm, sau đó chúng biến thành những miếng bít tết rất ngon, rất hấp dẫn, còn bên cạnh là một chiếc khăn trắng tinh, một đống bánh mì và một chiếc đĩa bằng bạc. Tiếp đến cửa mở, bà chủ nhà bước vào, mời tôi uống thêm một cốc trà...
Thôi đi, chỉ mơ ước viển vông! Tôi bắt đầu tự an ủi mình rằng nếu bây giờ ăn no, đầu tôi sẽ lại rối lên và tôi buộc phải vật lộn vất vả với những ý nghĩ điên rồ, lẫn lộn. Cái tạng người của tôi là thế, ăn vào chỉ thêm khổ mà thôi. Lạ lùng thật!
Cũng có thể tôi sẽ tìm được chỗ ngủ cho mình muộn hơn một chút, trước khi đêm đến chẳng hạn! Chẳng việc gì phải vội. Bét ra, tôi cũng tìm được một góc nào đấy trong rừng. Tất cả các vùng ngoại ô thành phố đều thuộc quyền sử dụng của tôi, vả lại trời cũng chẳng lạnh lắm.
Biển đứng lặng. Những con tàu và những chiếc xà lan mũi tù nặng nề đi lại trên mặt biển bằng phẳng màu xám, làm nước toé hai bên; khói dày bay ra từ các ống khói như những cuộn bông, còn tiếng máy ù ù chối tai thì vang lên như những nhát búa đánh vào lớp không khí ẩm ướt. Bầu trời lại bị mây che kín, gió lặng, chiếc cây tôi đang tựa sau lưng sũng nước, còn chiếc ghế đá tôi ngồi thì nhớp nháp và lạnh. Thời gian cứ trôi. Tôi bắt đầu thấy buồn ngủ, người mệt mỏi, cái lạnh chạy xuyên qua sống lưng. Một chốc sau tôi thấy mắt díp lại. Và tôi thiếp đi...
Khi tôi tỉnh dậy, trời đã tối hẳn. Ðầu óc đang mụ lên vì ngái ngủ và vì lạnh, tôi đứng bật dậy, vớ lấy chiếc gói đi thẳng. Tôi đi mỗi lúc một nhanh để tự sưởi ấm mình, tay vung mạnh, hai chân cọ vào nhau - chân tôi tê dại vô cảm giác. Một chốc sau tôi đến bên chòi canh cứu hoả. Kim đồng hồ chỉ chín giờ, nghĩa là tôi đã ngủ thiếp mấy giờ liền.

6.

Tôi phải đi đâu, làm gì bây giờ? Phải tìm chỗ ngủ qua đêm. Tôi đứng, đưa mắt quan sát trạm cứu hoả và để ý xem có thể lợi dụng lúc người gác ngủ quên, chui vào đâu đấy được không. Tôi bước lên mấy bậc, tìm cách bắt chuyện với ông ta. Lập tức ông ta đứng nghiêm, giơ cao chiếc đao và tỏ ý sẵn sàng nghe tôi. Chiếc đao được giơ cao lên ấy chĩa thẳng lưỡi thép sắc ngọt vào tôi, như đang chém đứt các dây thần kinh của tôi. Tôi tê dại người vì sợ, nỗi sợ khi đứng trước một người có vũ khí, và rồi, như cái máy, tôi từ từ lùi lại. Tôi lặng lẽ lùi xa, xa hơn nữa. Ðể cứu vãn danh dự, tôi đưa tay lau trán như thể vừa đánh rơi vật gì đó, rồi chuồn thẳng. Ra tới hè phố, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hẳn lên, như quả thật vừa tránh khỏi một mối hiểm hoạ lớn. Tôi rảo bước đi nhanh.
Vừa đói, vừa lạnh, và mỗi lúc một thêm thất vọng, tôi vật vờ đi theo phố Carlơ Juhan. Vừa đi, tôi vừa to tiếng chửi rủa mà không hề sợ người khác có thể nghe thấy. Ðến Toà thị chính, cạnh con sư tử bằng đá đầu tiên, tôi chợt nhớ tới một người quen, một hoạ sĩ trẻ tuổi mà có lần ở Tivôli đã được tôi cứu không bị một cái tát vào má. Sau này tôi cũng có tới chơi nhà anh ta. Tôi bật ngón tay một cách vui vẻ rồi đi tới phố Turdensongaten, tìm ngôi nhà có tấm bảng "K.Zahary Bartel" và gõ cửa.
Chính anh hoạ sĩ ra mở cửa cho tôi; người anh ta sặc mùi bia và thuốc lá lợm giọng.
- Chào anh, - tôi nói.
- Chào anh, anh đấy à? Sao anh lại nghĩ tới việc đến thăm tôi vào lúc muộn mằn thế này? Dưới ánh đèn, anh sẽ chẳng nhìn thấy gì được trên tranh tôi đâu! Từ lần gặp anh cuối cùng tới nay tôi có vẽ thêm một bức miêu tả đống rơm và chữa lại mấy bức khác. Mời anh tới vào ban ngày, xem tranh lúc này chỉ là việc vô ích.
- Dù sao, anh cứ cho tôi ngó một tí, - tôi nói. Tôi cũng chẳng nhớ tôi đang nói về bức tranh nào.
- Ðiều ấy không thể được! - Anh kia đáp. - Anh sẽ chỉ thấy một màu vàng. Vả lại. - anh ta cúi gần tôi và hạ thấp giọng tới mức thì thầm: - Vả lại, hôm nay tôi có khách phụ nữ. Tôi không tiếp anh được.
- À, thế thì là chuyện khác.
Tôi lùi lại, chúc anh ta một đêm tốt lành rồi bỏ đi.
Chỉ còn một lối thoát duy nhất là vào rừng. Chà, giá đất không ẩm ướt thì tốt quá! Tôi vuốt ve chiếc chăn và dần dần quen với ý nghĩ rằng đêm nay tôi sẽ ngủ ngoài trời. Việc tìm chỗ ngủ trong thành phố quá lâu và quá vất vả nên tôi rất mệt, cái gì cũng thấy đáng ghét. Thật dễ chịu khi ta lang thang giữa phố một cách thanh thản, cam chịu số phận và không một ý nghĩ nhỏ trong đầu. Ngang qua trường Ðại học, tôi ngước lên thấy đã mười một giờ, và đi về phía ngoại ô. ở Hegđehaughen, tôi dừng lại trước tủ kính một cửa hiệu bán thức ăn. Cạnh một chiếc bánh mì kiểu Pháp có một con mèo đang nằm ngủ, với chiếc bát đựng mỡ lợn và chiếc lọ thuỷ tinh đựng dấm. Tôi đứng nhìn những món ăn ngon lành ấy một chốc, nhưng vì không có tiền, tôi đành quay người đi tiếp. Tôi đi rất chậm, vượt qua bờ rào và đi, đi mãi, hết giờ này đến giờ khác, cuối cùng tới được khu rừng ngoại ô.
Từ đường, tôi rẽ sang bên và ngồi xuống nghỉ. Sau đó tôi dạo quanh tìm cho mình một chỗ thích hợp, bẻ lá, lót thành chiếc giường trên một chiếc gò nhỏ, nơi đất không ẩm lắm. Tôi giở gói, lấy chăn ra. Vì đi đường xa quá mệt, tôi ngã vật ngay xuống đống lá. Tôi trở mình, cọ quậy nhiều lần cho đến khi nằm thấy tiện mới thôi. Một tai tôi vẫn đau, thậm chí còn sưng lên do bị roi quất, thành ra tôi chỉ được nằm nghiêng một bên. Ðôi giày được tôi cởi, gói lại bằng tờ giấy xin ở cửa hiệu Sambơ, và đặt dưới đầu làm gối.
Xung quanh tất cả chìm trong bóng tối. Yên tĩnh, thật yên tĩnh. Chỉ tít trên cao có tiếng u u không bao giờ tắt của gió. Tôi nằm yên rất lâu lắng nghe tiếng u u đều đều, buồn bã và kéo dài vô tận ấy, đến mức cảm thấy trong người bồn chồn khó tả...
Tôi nhỏm dậy, nằm xuống rồi lại nhỏm dậy, đi giày, thơ thẩn dạo trong bóng tối, sau đó lại nằm xuống, vật lộn với sự sợ hãi cho đến tận sáng, và mãi khi mặt trời sắp mọc, tôi mới thiếp đi được.
Khi tôi mở mắt, mặt trời đã lên cao. Tôi có cảm giác như đã gần trưa. Tôi xỏ chân vào giày, lấy tờ giấy gói chăn và lên đường quay lại thành phố. Như hôm qua, mặt trời bị mây che khuất, tôi bị lạnh và ướt như con chó hoang. Hai chân tôi tê cứng, mắt chảy nước như bị loá vì chói.
Hoá ra đã ba giờ chiều. Cái đói giày vò tôi mỗi lúc một mạnh, tôi yếu mệt tới mức suýt xỉu. Nhưng tôi cứ đi tiếp, chốc chốc lại cảm thấy buồn nôn. Sau đó, tôi rẽ vào một nhà ăn công cộng, đọc bản thực đơn treo trước cửa, nhún vai một cách kiểu cách như thể trên đời này tôi chẳng ghét gì bằng thịt bò và thịt lợn. Rồi tôi đi về phía ga xe lửa.
Ðầu óc tôi quay cuồng. Tôi đi tiếp, cố không để ý tới việc đầu tôi đang quay cuồng - mỗi lúc một khó chịu hơn, nhưng cuối cùng tôi phải ngồi xuống bên một chiếc cầu thang. Tôi cảm thấy mọi cái trong người tôi bị đảo lộn, và hình như trong óc, một chiếc màng mỏng nào đó đã bị thủng. Hai lần suýt ngất đi, nhưng tôi đã không ngất. Tôi còn nhớ rõ hôm qua tôi bị roi quất vào tai, mãi đến giờ vẫn đau, và khi một người quen đi ngang, tôi đã nhận ra ngay và đứng dậy chào.
Có chuyện gì xảy ra thế nhỉ? Cái cảm giác đau đớn mới mẻ này nghĩa là gì? Không lẽ do tôi nằm ngủ trên đất lạnh? Hay vì tôi chưa ăn sáng? Nói chung không nên sống một cuộc sống khốn cực thế này. Thề có Chúa làm chứng, tôi hoàn toàn không hiểu vì sao tôi phải chịu hình phạt ghê gớm này. Bất chợt tôi nghĩ thậm chí rất đơn giản là tôi có thể trở thành một kẻ lừa đảo. Tôi có thể cầm cố chiếc chăn của Hanx Pauli để lấy một đồng curon, đủ ăn ba bữa thật no, sống thêm được chừng nào hay chừng ấy và chờ vận may khác. Còn về chiếc chăn thì tôi sẽ tìm cách nói dối Pauli. Nghĩ thế, tôi đã đi về phía hiệu cầm đồ, nhưng khi đến nơi, tôi chần chừ lắc đầu và quay lại.
Càng đi, tôi càng thấy vui và tự hài lòng với ý nghĩ rằng tôi đã vượt qua được sự cám dỗ ghê gớm đó. Tôi nghĩ rằng tôi vẫn còn là một người tử tế, rằng tôi là một ngọn hải đăng sáng rực vươn cao trên mặt biển, và điều này làm tôi rất tự hào. Bán đồ vật của người khác để ăn uống, để lương tâm bị cắn rứt, để phải xấu hổ tự nguyền rủa mình là thằng ăn cắp ư? Không, không bao giờ! Không bao giờ! Tôi, không thể có một ý nghĩ như thế được. Có thể nói rằng tôi chưa bao giờ nghĩ vậy. Ðúng thế, người ta không thể buộc tội một người chỉ vì người đó trong giây lát bỗng có những ý nghĩ không tốt thoáng qua, nhất là khi đang đau đầu kinh khủng và mệt suýt chết vì lúc nào cũng phải mang kè kè một chiếc chăn người khác dưới nách.
Sớm hoặc muộn rồi cũng tìm được một lối thoát nào đó! Thực ra, tôi chỉ mới viết thư xin việc gửi ông chủ hiệu ở phố Grenlansleret, chứ đã đến nhà ông ta đâu? Có phải tôi đã suốt ngày gọi điện cho ông ta mà vẫn bị từ chối đâu? Chỉ đơn giản là tôi chưa tới gặp ông ta, và vì vậy chưa biết kết quả. Có thể mọi việc sẽ đâu vào đấy, có thể lần này hạnh phúc sẽ mỉm cười với tôi. Ai biết đấy, hạnh phúc bao giờ cũng đến bất ngờ. Nghĩ thế, tôi quyết định đi ngay tới Grenlansleret.
Cơn sốt cuối cùng làm tôi hầu như kiệt sức. Tôi vừa vất vả lê chân đi, vừa nghĩ tới việc sẽ ăn nói thế nào với ông chủ hiệu kia. Chắc ông ta là một người tốt bụng. Nếu gặp lúc đang vui vẻ, ông ta có thể cho tôi tạm ứng trước một curon tiền công, thậm chí không cần chờ hỏi. Những người như họ thường có những hành động khác đời và đáng yêu.
Ðến cổng, tôi nhổ nước bọt vào tay rồi xoa lên đầu gối để chiếc quần đang mặc trông có vẻ tử tế hơn. Sau đó tôi giấu chăn sau một chiếc hòm trong góc tối rồi bước vào cửa hiệu.
Trong hiệu có một người đang ngồi dán những chiếc hộp bằng báo cũ.
- Tôi muốn gặp ông Crixti.
- Chính tôi đây, - người kia đáp.
Thế à! Tôi là người thế này, thế này, tôi đã gửi thư cho ông và muốn biết liệu có hi vọng nào không?
Ông ta nhắc tên tôi mấy lần rồi phá lên cười, hỏi một cách châm biếm:
- Thưa ông, ông có vui lòng xem lại cách ông vẽ con số trong thư không ạ? Ông đã đề năm ông viết thư là 1848.
Ông ta lại cười oang oang.
- Vâng, thế thì rất đáng tiếc, - tôi lúng túng đáp. - Thú thật lúc viết tôi có hơi đãng trí, không chú ý lắm.
- Xin ông biết cho, tôi cần một người không bao giờ nhầm lẫn với các con số, - ông chủ hiệu nói. - Tôi rất lấy làm tiếc, vì nét chữ của ông thật đẹp. Nói chung tôi thích bức thư của ông, nhưng...
Tôi chờ một lúc, khó tin bởi câu vừa rồi là của ông ta.
Ông ta lại quay sang bận bịu với những chiếc hộp bằng báo.
- Vâng, rất tiếc, nhưng xin ông hãy tin rằng những nhầm lẫn như thế sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Vả lại, cũng không thể vì một sai sót nhỏ mà xem tôi là người hoàn toàn không phù hợp với công việc tính toán.
- Tôi không xem ông là người như vậy đâu, - ông ta đáp. - Nhưng lúc ấy tôi xem nó khá quan trọng, nên lập tức đã nhận người khác.
- Nghĩa là ông thuê người khác rồi? - Tôi hỏi.
- Vâng.
- Ôi, lạy Chúa! Và bây giờ ông không thể làm gì cho tôi được ư?
- Hoàn toàn không. Tôi rất lấy làm tiếc, nhưng...
- Chào ông! - Tôi nói.
Tôi bỗng cảm thấy vô cùng tức giận. Vớ vội chiếc chăn trong góc tối, tôi nghiến chặt răng đi ra phố, xô đẩy, chen lấn hết người này đến người khác mà không hề xin lỗi. Khi cuối cùng một ông dừng lại, phê bình tôi nghiêm khắc, tôi liền ngoái đầu nhìn và quát tận tai ông ta một câu vô nghĩa nào đó, giơ nắm đấm sát mũi ông ta rồi đi tiếp, bị chi phối bởi cơn cuồng giận không sao kìm nổi. Ông kia lên tiếng gọi cảnh sát. Lúc ấy tôi rất muốn được đánh nhau với cảnh sát. Tôi cố tình đi chậm chờ cảnh sát đuổi bắt, nhưng chẳng thấy ai.
Thế là bao nhiêu cố gắng tìm việc của tôi đã kết thúc một cách tồi tệ. Tại sao tôi lại viết 1848? Tôi cần con số đáng nguyền rủa ấy làm gì? Bây giờ tôi đã đói đến mức ruột gan đau quặn. Thêm vào đó, hôm nay tôi sẽ chẳng hi vọng tìm được cái cho vào bụng. Cùng với thời gian, tôi thấy tâm hồn và cơ thể tôi trở nên trống rỗng dần. Càng ngày tôi càng để danh dự mình bị xúc phạm. Tôi bắt đầu nói dối mà không hề thấy lương tâm cắn rứt, tôi không trả tiền thuê phòng cho bà chủ đáng thương, thậm chí còn nảy ra cái ý nghĩ đê tiện nhất là ăn cắp chăn người khác - và lần nữa, không hề hối hận, không hề xấu hổ chút nào! Tôi đang bị thối rữa từ bên trong, mọi cái đều mưng mủ. Còn trên kia, trên chín tầng mây, Chúa đang ngồi chăm chú theo dõi tôi để cái chết đến với tôi theo đúng ý Ngài - chậm chạp, từ từ và không sao cưỡng lại nổi. Còn dưới địa ngục thì lũ quỷ dữ đang vò đầu bứt tai cáu giận vì mãi vẫn không thấy tôi phạm một tội lỗi khủng khiếp nào đó để Chúa ném tôi xuống với chúng...
Tôi rảo bước nhanh, hầu như chạy, sau đó đột ngột rẽ trái và một chốc sau đã ở trước mặt một cổng ra vào lộng lẫy, đèn sáng trưng. Lúc ấy tôi đang ở trạng thái giận dữ tột độ, tôi không suy nghĩ, không dừng lại, dù chỉ một phút. Nhưng chiếc cổng lộng lẫy này trong giây lát bỗng ăn sâu vào trí nhớ tôi. Bằng cái nhìn nội tâm, tôi thấy rõ từng chi tiết nhỏ, từng hoa văn trang trí của nó. Tôi chạy vào cổng và nhanh chóng leo lên cầu thang. Ðến tầng hai, tôi dừng lại, kéo chuông thật mạnh. Tại sao tôi dừng lại ở tầng hai chứ không phải ở tầng khác? Tại sao tôi lại giật chiếc chuông ở xa cầu thang nhất?
Một bà còn trẻ mặc áo màu xám viền đen ra mở cửa. Bà ta ngạc nhiên nhìn tôi một chốc, lắc đầu nói:
- Không, hôm nay chúng tôi không có gì để cho đâu.
Rồi bà ta tỏ ý muốn đóng cửa.

7.

Tại sao chính bà ta lại ra gặp tôi? Bà ta tưởng tôi là kẻ hành khất. Bỗng nhiên, tôi trở nên lãnh đạm và bình tĩnh một cách lạ lùng. Tôi bỏ mũ cúi chào lễ phép và rồi, như không hề nghe bà ta vừa nói gì, tôi lên tiếng một cách hết sức lịch sự:
- Thưa bà, xin lỗi vì tôi giật chuông quá mạnh, tôi chưa quen với nó. Hình như ở đây có một người bệnh cần người đẩy xe chở ông ta đi dạo, phải không ạ?
Bà kia đứng im trong giây lát, chắc là để cân nhắc lời nói dối ngốc nghếch của tôi, trong khi vẫn không biết nên nghĩ về tôi thế nào.
- Không, - cuối cùng bà ta đáp. - ở đây không ai ốm cả.
- Lẽ nào lại thế được nhỉ? Một ông đã đứng tuổi. Ông ấy cần người đẩy xe cho ông ấy dạo chơi, một ngày hai giờ, mỗi giờ bốn mươi ere.
- Không.
- Thế thì một lần nữa tôi xin lỗi bà vậy, - tôi đáp. - Có thể ở tầng một cũng nên. Tôi muốn giới thiệu cho ông ấy một người có thể làm công việc đó. Ðó là một người quen của tôi mà tôi muốn giúp đỡ. Tên tôi là Veden Iarlơxbec.
Tôi lại cúi chào và lùi một bước về phía sau. Bà kia đỏ bừng mặt, và vì lúng túng, bà ta vẫn đứng yên một chỗ nhìn theo tôi cho đến khi tôi đi xuống cầu thang.
Tôi bình tĩnh trở lại, đầu óc tỉnh táo dần. Câu nói của bà kia rằng hôm nay không có gì để cho tôi, tác động lên tôi mạnh như khi bị đổ một gáo nước lạnh xuống đầu. Tôi đã xuống dốc tới mức thoạt nhìn, ai cũng có thể nghĩ tôi là một thằng ăn xin đang tìm cách moi thức ăn của người khác để sống.
Ở Melergade, tôi dừng lại cạnh một quán ăn và hít lấy hít để mùi thịt bò rán ngon lành từ đấy bay ra. Tôi đã cầm nắm đấm cánh cửa định đi vào, mặc dù không biết vào để làm gì, nhưng đã kịp thời nghĩ lại và bỏ đi. Ðến quảng trường, tôi đưa mắt tìm chỗ ngồi nghỉ, nhưng tất cả các ghế đã có người ngồi, thành ra tôi cứ đi quanh quẩn nhà thờ, tìm kiếm một cách vô ích chỗ có thể ngồi tạm. "Vâng, tất nhiên! - tôi cau có thầm bảo mình. - Tất nhiên. Tất nhiên!" Rồi tôi đi tiếp. Ðến vòi phun nước cạnh góc chợ, tôi dừng lại uống no nước, rồi lại lê chân đi, gặp tủ kính nào cũng dừng lại ngắm rất lâu, và gặp chiếc xe ngựa nào phóng nhanh cũng đưa mắt nhìn theo. Ðầu tôi nóng bừng hai bên thái dương. Có tiếng gì đấy lạ lùng đang đập mạnh. Bụng nước tôi vừa uống chẳng mang lại lợi ích gì - thỉnh thoảng tôi phải cố lắm mới không nôn oẹ giữa đường. Cuối cùng tôi đến khu nghĩa trang cạnh nhà thờ Ðấng cứu thế.
Tôi ngồi xuống, co hai chân trước ngực, đầu gục xuống tay. ở tư thế ấy tôi dễ chịu hơn chút ít. Lúc này tôi không còn cảm thấy có cái gì đang cuồn cuộn trong ngực nữa.
Một anh thợ xây đang bò lổm ngổm, khắc những dòng chữ gì đó trên tấm đá cách tôi không xa. Anh ta mang kính đen, làm tôi bỗng nhớ tới một người quen mà tôi gần như đã quên. Anh này làm việc ở ngân hàng, và có lần chúng tôi đã gặp nhau trong quán cà phê.
Giá tôi thắng được cảm giác ngượng ngùng để đến với anh ta! Tôi sẽ nói thật với anh ta về việc tôi sống khổ sở và kiếm miếng ăn khó khăn thế nào. Tôi có thể đưa cho anh ta tập vé cạo mặt... ồ, quỷ quái thật, thế mà tôi quên mất rằng tôi đang có tập vé này! Số vé ấy đáng giá gần một curon cơ mà! Và rồi, vô cùng hồi hộp, tôi bắt đầu lần các túi tìm kho báu ấy của mình. Tìm một lúc vẫn không thấy, tôi đứng bật dậy, người lạnh toát vì hốt hoảng. Cuối cùng tôi tìm thấy nó ở đáy chiếc túi bên hông, cùng một số tờ giấy còn trắng hoặc đã viết nhưng không có chút giá trị nào. Tôi đếm sáu tấm vé ấy mấy lần liên tục, từ đầu đến cuối rồi ngược lại. Tôi chẳng cần chúng lắm - bây giờ tôi không thích cạo mặt nữa, cái tính của tôi là vậy. Tôi sẵn sàng đánh đổi chúng để lấy nửa đồng curon, tức là một đồng xu bóng nhoáng được đúc bằng thứ bạc Côngxbec! Nhà băng đóng cửa vào lúc sáu giờ. Tôi có thể chờ anh bạn kia của tôi cạnh quán cà phê. Anh ta sẽ tới đấy vào bảy hoặc tám giờ.
Rất lâu, tôi lấy làm vui mừng với ý nghĩ ấy. Thời gian trôi, trong tán lá bụi cây dẻ cạnh tôi gió thổi xào xạc; ngày đã ngả về đêm. Nhưng liệu chìa một tập sáu chiếc vé cạo mặt cho một người trẻ tuổi làm việc ở nhà băng có bất tiện không? Biết đâu anh ta chẳng có trong túi một lúc những hai tập vé dầy, lại còn mới và sạch hơn vé của tôi? Tôi cho tay vào các túi, hi vọng tìm được cái gì đấy phụ thêm cho anh ta, nhưng chẳng tìm được thấy cái gì. Hay đưa cho anh ta chiếc cà vạt? Tôi có thể không cần đến nó, chỉ cần cài cúc cổ áo khoác thật chặt, là điều tôi vẫn làm vì do không còn áo gilê nữa. Nghĩ thế, tôi cởi cà vạt, thắt thành một chiếc nơ to có thể che hết nửa ngực tôi. Tôi cọ, phủi nó một cách cẩn thận rồi lấy một tờ giấy trắng gói lại cùng tập vé. Sau đó tôi rời nghĩa trang đi vào thành phố.
Ðồng hồ ở Toà thị chính chỉ bảy giờ. Tôi đến gần quán cà phê, đi đi lại lại dọc bờ rào sắt và chăm chú nhìn tất cả những người ra vào quán. Cuối cùng, gần tám giờ, tôi thấy anh bạn người quen trẻ tuổi của tôi ăn mặc sạch sẽ và lịch sự, đang đi về phía quán. Thấy anh ta, không hiểu sao trái tim tôi bỗng đập rộn lên như con chim nhỏ. Không chào hỏi gì, tôi chạy bổ tới anh ta.
- Cho tôi vay nửa đồng curon, anh bạn, - tôi nói một cách trắng trợn. - Anh có thể cầm cái này làm tin. - Nói đoạn tôi giúi chiếc gói vào tay anh ta.
- Không! - Anh ta đáp. - Có trời làm chứng, tôi không có một xu nào cả. - Rồi anh ta lật ngược ví ngay trước mũi tôi. Ðêm qua tôi tiêu quá tay, nên bây giờ đang không biết đào đâu ra tiền đây. Hãy tin rằng quả thật tôi chẳng còn xu nào.
- Không sao, không sao, anh bạn ạ, - tôi đáp, hoàn toàn tin lời anh ta nói.
Tất nhiên anh ta sẽ không phạm tội nói dối vì một điều nhỏ nhặt như thế. Thậm chí hình như tôi còn thấy đôi mắt xám của anh ta rưng rưng khi lục tìm cái túi mãi mà chẳng thấy gì. Tôi lùi lại.
- Thế thì xin lỗi, - tôi nói. - Chả là tôi đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn chút ít.
Tôi đã đi được một quãng khá xa khi anh ta gọi theo, nhắc tôi về chiếc gói nhỏ.
- Anh cứ cầm lấy! Cầm lấy! - Tôi đáp. - Anh hãy làm ơn cầm lấy mà dùng. Chỉ mấy thứ lặt vặt thôi mà, nhưng đó là tất cả những gì tôi có ở đời này.
Tôi cảm động vì chính những lời mình vừa nói ra. Giữa cảnh hoàng hôn này, chúng vang lên thật buồn. Và tôi đã oà lên khóc...
Gió thổi mạnh hơn, mây đen bay nhanh trên bầu trời, trời càng tối, càng lạnh. Tôi vừa khóc vừa đi giữa phố, mỗi lúc một thương mình hơn; thỉnh thoảng không kìm được, tôi lại kêu lên:
- Trời ơi, sao tôi khốn khổ thế này? Trời ơi!
Thêm một giờ nữa trôi qua, trôi qua một cách chậm chạp, tưởng như vĩnh viễn đứng yên một chỗ. Tôi ở Turgade khá lâu, lúc thì ngồi trên bậc cửa cạnh nhà ai đó, lúc trốn trong hẻm khi có người đi qua. Qua tủ kính được chiếu sáng, tôi lơ đãng nhìn từng đám người chen chúc nhau mua bán trong các cửa hiệu. Cuối cùng, tôi tìm được cho mình một chỗ thích hợp sau bờ rào được làm bằng những tấm gỗ ngăn cách giữa nhà thờ và khu chợ.
Tôi không dám đi vào rừng vì sợ chết dọc đường - đêm ấy tôi yếu lắm, mà đường vào rừng lại quá xa. Tôi quyết định tìm cách ngủ lại đây, không đi đâu cả. Nếu lạnh quá, tôi sẽ chạy quanh nhà thờ cho ấm, chẳng việc gì phải xấu hổ. Rồi tôi ngả người vào bờ giậu, mơ màng ngủ.
Xung quanh yên tĩnh dần, các cửa hiệu đã đóng cửa, tiếng người đi trên phố thưa thớt, cuối cùng ánh đèn trong các cửa sổ tắt...
Tôi mở mắt và thấy ai đó đang đứng trước mình. Hàng cúc lấp lánh đập vào mắt tôi, và tôi hiểu đó là một nhân viên cảnh sát. Tôi không nhìn thấy mặt ông ta.
- Chào anh! - Ông ta nói.
- Chào ông! - Tôi hoảng sợ đáp lại và lúng túng bò dậy.
Ông ta đứng yên một lúc rồi hỏi:
- Anh sống ở đâu?
Theo thói quen, không cần nghĩ ngợi, tôi nói ngay địa chỉ cũ của tôi, nơi cách đây không lâu tôi sống trong một phòng nhỏ sát mái.
Ông tiếp tục im lặng.
- Tôi đã làm điều gì không tốt chăng? - Tôi lo lắng hỏi.
- Không, hoàn toàn không, - người cảnh sát đáp. - Nhưng ông nên về nhà thì hơn. ở đây ông chết rét mất.
- Vâng, có lẽ thế thật! Hôm nay trời khá lạnh.
Tôi chúc ông một đêm tốt lành, rồi vô tình đi về ngôi nhà cũ của mình. Chú ý cẩn thận, tôi có thể leo lên gác mà không làm ai đó thức giấc. Chiếc cầu thang có tám bậc, chỉ hai bậc cuối cùng là có khả năng kêu lên khi tôi giẫm chân xuống.
Ðến cửa, tôi cởi giày rồi đi vào nhà. Trong nhà im lặng. ở tầng hai, tôi nghe có tiếng đồng hồ kêu tích tắc thong thả và tiếng một đứa bé khóc tỉ ti. Ngoài ra, tôi chẳng còn nghe một tiếng động nào nữa. Tôi tìm cửa phòng mình, nâng then và theo thói quen, không cần chìa khoá, tôi bước vào phòng và nhẹ nhàng đóng cửa lại.
Trong phòng không có gì thay đổi, các rèm che cửa sổ mở toang, giường để trống. Tôi nhìn thấy trên bàn một mẩu giấy, có lẽ đó là tờ giấy tôi để lại. Bà chủ nhà thậm chí không thèm để ý tới nó kể từ khi tôi bỏ đi. Tôi đưa tay sờ mẩu giấy hình vuông màu trắng và ngạc nhiên khi thấy đó là bức thư. Thư của ai? Tôi đưa lại gần cửa sổ, giương mắt nhìn trong bóng tối, và cuối cùng đọc thấy tên tôi. "À, thư bà chủ nhà cấm tôi trở về đây", - tôi nghĩ.
Rồi thong thả, rất thong thả, tôi lại ra đi, một tay xách đôi giày, tay kia cầm bức thư, chiếc chăn kẹp dưới nách. Tôi rón rén bước đi và cắn chặt răng khi đặt chân lên những bậc cầu thang rền rĩ. Tôi đi hết cầu thang một cách an toàn rồi ra đến cổng.
Tôi lại đi giày, lúng túng buộc dây hồi lâu, sau đó ngồi nghỉ một lúc, mắt nhìn bâng quơ về phía trước, tay vẫn giữ bức thư.
Sau đó tôi đứng dậy bỏ đi.
Ngoài phố có một cây đèn đốt hơi ga. Tôi lại gần, đặt bọc chăn xuống chân cột rồi thong thả, rất thong thả mở bì thư.
Trong bì thư như bỗng có ánh lửa loé ra, vô tình tôi kêu lên một tiếng yếu ớt, vô nghĩa và sung sướng. Thư của ông chủ bút! Bài báo của tôi được chấp nhận và đã đưa xuống nhà in! "Chỉ một vài chỗ chữa lại không đáng kể... vài lỗi chính tả... Viết rất thông minh... sẽ đăng vào số ngày mai... Mười curon".
Vừa khóc, vừa cười, tôi chạy như điên giữa phố, sau đó tôi dừng lại, quỳ xuống lẩm bẩm tạ ơn các thánh thần những gì tôi cũng chẳng hiểu... Trong khi đó thời gian vẫn trôi.
Suốt đêm hôm ấy, tôi lang thang khắp nơi, phát điên lên vì sung sướng, miệng luôn nhắc đi nhắc lại:
- Thông minh! Nghĩa là một kiệt tác nho nhỏ, một bài báo thiên tài. Và mười curon!

8.

Hai tuần sau, một chiều nọ tôi đi ra khỏi nhà.
Tôi lại ngồi trong nghĩa trang và viết bài cho một trong những tờ báo. Tôi viết đến mười giờ, trời bắt đầu tối (1), chốc nữa người gác cổng sẽ đóng cửa nghĩa trang. Tôi đang bị giày vò bởi cái đói, cái đói ghê gớm. Mười curon kia, rất tiếc, chẳng kéo dài được bao lâu. Tôi không ăn đã hai, thậm chí ba ngày nay, và đang rất yếu mệt, đến mức cầm bút viết cũng khó. Trong túi tôi có một chiếc dao nhíp gãy và một chùm chìa khoá, nhưng không có một đồng xu nhỏ.
Vì nghĩa trang đóng cửa, tất nhiên tôi phải về nhà. Nhưng trước nỗi sợ vô hình đối với chỗ ở của mình - phòng làm việc bỏ hoang vừa tối, vừa trống của một người thợ gò thùng mà tôi được phép sử dụng ngày nào hay ngày ấy - tôi đã đi lang thang vô định, ngang qua Toà thị chính, tới bờ biển, tới nhà ga, ở đấy cuối cùng tôi ngồi xuống một chiếc ghế trống.
Lập tức các ý nghĩ ảm đạm bỗng biến đâu mất, tôi quên tất cả mọi đau khổ của mình và cảm thấy thanh thản hẳn lên khi được ở bên mặt biển bình lặng và tuyệt đẹp giữa cảnh hoàng hôn. Theo thói quen, tôi muốn đọc lại những gì tôi mới viết. Ðầu óc bệnh hoạn của tôi lúc ấy xem nó là một trong những bài hay nhất của tôi từ xưa tới nay. Tôi rút tập bản thảo từ túi ra, gí sát tận mắt để đọc cho rõ, hết trang này đến trang khác. Xung quanh thật yên tĩnh; biển như được quét một lớp sơn sáng màu xanh da trời, chim chóc bay lượn đó đây. Một nhân viên cảnh sát đi đi lại lại phía xa, ngoài ra tôi chẳng thấy người nào. Cả bến cảng đang chìm trong im lặng.
Tôi ngồi kiểm tra lại tài sản của tôi: chiếc dao nhíp bị gãy, chùm chìa khoá, nhưng không một đồng xu nhỏ. Bỗng nhiên tôi túm lấy túi áo và lần nữa rút tập giấy ra. Ðây là một động tác có tính chất máy móc, một cơn đột hứng thần kinh vô ý thức. Tôi chọn một tờ giấy trắng chưa viết và rồi - có trời mới biết được lúc ấy tôi muốn gì - tôi cẩn thận cuộn tròn nó lại, gấp hai đầu thành chiếc túi nhỏ như thể đang đựng cái gì bên trong. Sau đó tôi ném lên mặt đường phố. Chiếc túi giấy bay chao chao một chốc rồi rơi xuống nằm yên một chỗ.
Cái đói đã đến mức không thể nào chịu nổi. Tôi nhìn chiếc túi giấy màu trắng căng phồng như đang chứa đầy những đồng xu bạc, và cả bản thân tôi cũng thấy hình như nó không phải hoàn toàn trống rỗng. Tôi vui sướng hẳn lên và thầm đoán đang có bao nhiêu tiền trong đó. Nếu đoán đúng, tất cả số tiền này là của tôi! Tôi hình dung thấy phía dưới là những đồng mười curon to nặng, chững chạc - cả một túi đầy tiền! Tôi nheo mắt nhìn nó và muốn chạy tới nhặt lên.
Bỗng tôi nghe có tiếng ho của người cảnh sát; không hiểu sao tôi cũng lên tiếng ho theo. Tôi đứng dậy, hắng giọng ho to ba lần, cốt để cho anh ta nghe thấy. Khi lại gần thế nào anh ta cũng sẽ vồ lấy chiếc túi giấy! Tôi thích thú với trò đùa này, xoa tay sung sướng và lẩm bẩm nguyền rủa. Ta sẽ xỏ mũi mày dắt đi, đồ chó! Vì cái tội lỗi này, mày sẽ phải xuống địa ngục! Do đói, người tôi lâng lâng, chao đảo như say rượu.
Mấy phút sau, người cảnh sát đi lại, cái giày bằng sắt của anh ta nện lên mặt đường nhựa chan chát. Anh ta không có vẻ bận vì đang có cả một đêm dài trước mặt, và chỉ nhìn thấy chiếc túi bằng giấy của tôi khi đã đến rất gần. Kia, anh ta đứng lại nhìn chiếc túi. Còn chiếc túi thì phơi mình trắng hếu giữa đường như khêu gợi - chắc phải đầy tiền trong đó? Ðầy những đồng tiền bằng bạc? Và anh ta đã cúi xuống nhặt lên. Hừm, nhẹ lắm! Hay bên trong là những chiếc lông chim quý dùng để cắm lên mũ?... Bằng đôi bàn tay to khoẻ, anh ta cẩn thận mở chiếc túi, ghé mắt nhìn bên trong. Còn tôi thì phá lên cười, cười như một thằng điên, hai tay vỗ mạnh xuống đùi. Tuy thế vẫn không một tiếng động nào phát ra từ tôi - tôi cười thầm, tiếng cười như tiếng khóc bị nén lại...
Tiếng đế giày lại vang lên trên phố, người cảnh sát đi tiếp dọc bờ biển. Tôi ngồi với đôi mắt rưng rưng, suýt nghẹt thở vì vui mừng một cách bệnh hoạn. Sau đó tôi bắt đầu nói thành tiếng. Tôi kể cho chính tôi nghe về chiếc túi giấy, bắt chước anh chàng cảnh sát tội nghiệp ghé mắt nhìn vào nắm tay, miệng luôn nhắc đi nhắc lại: "Hắn khẽ ho khi ném chiếc túi xuống!". Một chốc sau, tôi thêm vào câu này mấy từ hóm hỉnh khác, và cuối cùng nó trở nên độc đáo hơn nhiều.
Cụ thể là: "Hắn hắng giọng ho một cái - he! he! he!".
Cái trò chơi chữ này làm tôi mệt, vả lại đã quá muộn, tôi không còn thấy vui vẻ nữa. Tôi buồn ngủ, buồn ngủ một cách dễ chịu, và không còn muốn cưỡng lại cảm giác đó. Trời mỗi lúc một tối, gió thổi nhẹ, và mặt biển bằng phẳng đã bắt đầu gợn sóng. Các cột buồm in rõ trên nền trời, còn bản thân các con tàu to lớn đen sẫm thì trông xa như những con quái vật đang nín thở chờ bắt tôi. Sự buồn chán của tôi không còn nữa, thay vào đó là cái đói. Bây giờ tôi cảm thấy trong người tôi là một sự trống rỗng dễ chịu, chẳng có gì làm tôi lo lắng; tôi lấy làm thích với sự cô đơn của mình. Tôi cho hai chân lên ghế và nằm xuống - tận hưởng sự cô đơn của mình bằng cách này dễ chịu hơn nhiều. Không một đám mây nhỏ nào làm u ám tâm hồn tôi, không một ý nghĩ đau buồn nào giày vò tôi, tôi cảm thấy tất cả các ước mơ của tôi đã thành sự thật. Tôi nằm ngửa, mắt mở to, như tự tách khỏi mình, ý nghĩ bay đâu đấy xa, thật xa, tới những miền cực lạc.
Vẫn như trước, không một tiếng động nào quấy nhiễu sự thanh thản của lòng tôi. Bóng râm nhẹ nhàng che mắt tôi khỏi thế giới bên ngoài, và tôi từ từ chìm sâu vào sự lặng yên tuyệt đối. Khi đêm đến, những con tàu sẫm tối ma quái kia sẽ nuốt tôi vào bụng và đưa tôi đi tới những vùng đất xa lạ, nơi không hề có ai sinh sống. Chúng sẽ đưa tôi đến lâu đài của công chúa Ilaialy, ở đấy tôi sẽ được đón tiếp sang trọng đến mức xưa nay chưa hề có ai được tiếp sang trọng như thế. Còn nàng thì ở trong một gian phòng rực rỡ xây bằng đá cẩm thạch, ngồi trên chiếc ngai gồm toàn những bông hồng vàng. Nàng chìa tay cho tôi khi tôi bước vào, còn khi tôi lại gần cúi chào, nàng nói to âu yếm: "Thưa hiệp sĩ, xin có lời chào đón chàng. Em mừng vì chàng đang ở lâu đài và đất nước của em! Em chờ chàng đã hai mươi năm nay, và trong suốt hai mươi năm ấy, đêm nào em cũng nhắc tên chàng; khi chàng đau khổ, em khóc, và khi chàng ngủ, em gửi đến cho chàng những giấc mơ đẹp nhất...". Rồi nàng cầm tay dẫn tôi đi theo các hành lang dài với hai bên người đứng rất đông hô "Ura!" chào tôi; chúng tôi đi qua những khu vườn đầy ánh sáng, nơi có ba trăm cô gái trẻ đang vui cười nhảy múa, rồi tới một gian phòng lộng lẫy được làm bằng ngọc bích trong suốt. ở đây tất cả đều tắm trong ánh nắng, từ khắp nơi bay ra tiếng nhạc du dương và mùi hương ngào ngạt. Tôi cầm tay nàng trong tay tôi, cảm thấy máu trong tim đang bốc nóng hừng hực vì sự quyến rũ thần kì của nàng. Tôi ôm nàng vào lòng, nhưng nàng khẽ thì thầm: "Không phải ở đây! Ta đi tiếp nữa!". Rồi chúng tôi bước vào một gian phòng màu hồng, nơi tất cả đều được làm bằng đá hồng ngọc - tôi chìm trong những tia sáng tuyệt diệu. Sau đó nàng vòng tay ôm tôi, tôi cảm thấy hơi thở nàng nóng hổi và nghe tiếng nàng khe khẽ: "Chàng yêu quý của em, hôn em đi! Hôn nữa... Hôn nữa đi!...".
Nằm ngửa trên ghế, tôi nhìn thấy cả trời sao, và ý nghĩ tôi bay vút lên cao trên ấy...
Tôi ngủ thiếp, nhưng người cảnh sát đã đánh thức tôi dậy, bắt tôi sống tiếp cuộc sống có thật đói khổ. Cảm giác đầu tiên của tôi là một sự ngạc nhiên mơ hồ, rằng tôi đang nằm ngoài trời, nhưng chẳng bao lâu sau cảm giác đó được thay bằng nỗi buồn cay đắng. Tôi suýt khóc lên vì bất lực, vì tôi vẫn còn sống. Trong khi tôi ngủ, trời mưa, quần áo ướt sũng, làm tôi lạnh buốt người. Ðêm rất đen, phải vất vả lắm tôi mới nhìn rõ người cảnh sát.
- Thế đấy... - anh ta nói. - Bây giờ thì đứng dậy!
Tôi lập tức đứng dậy. Nếu anh ta bảo tôi nằm xuống, tôi sẽ làm theo ngay. Tôi đang ở trong trạng thái bị ức chế và hoàn toàn bất lực, vả lại lúc ấy cái đói đã kịp thức dậy, bắt đầu giày vò tôi.
- Anh ngốc kia, gượm đã! - Người cảnh sát nói to theo tôi. - Anh quên mũ kìa! Ðược, bây giờ thì đi đi!
- Tôi cũng có cảm giác như... như để quên cái gì đó... - tôi ấp úng nói. - Cám ơn ông. Chào ông.
Rồi tôi đi tiếp.
Chao, ước gì bây giờ được ăn một miếng bánh mì! Một miếng bánh mì đen để vừa đi vừa gặm! Và tôi nghĩ trên đời có những loại bánh mì đen đặc biệt ngon, và được ăn chúng, quả không gì bằng. Cái đói làm tôi kiệt sức. Tôi muốn chết, tôi khóc to vì tuyệt vọng. Sự đau đớn của tôi là vô cùng vô tận. Bất chợt tôi đứng lại giữa phố, giẫm mạnh chân xuống đất và bắt đầu nguyền rủa. Hắn gọi tôi là gì nhỉ? Thằng ngốc? Ðược, tôi sẽ cho cái thằng cảnh sát ấy biết tôi là thằng ngốc thế nào? Rồi tôi quay người chạy ngược trở lại. Tôi bừng bừng tức giận. Tôi vấp ngã, nhưng không hề để ý tới điều ấy, tôi lại lổm ngổm bò dậy chạy tiếp. Ðến sân ga, tôi mệt quá, không còn đủ sức chạy tới cảng. Vả lại cơn giận cũng nguôi dần. Cuối cùng, tôi dừng lại thở lấy hơi. Thì đã sao, nếu một anh cảnh sát nào đó nói một điều gì đó? Vâng, nhưng tôi không cho phép anh ta nói như thế! Tất nhiên! - Tôi tự cãi lại mình. - Nhưng bắt đền anh ta được sao?... ừ, mà đúng thế thật. Tôi thầm nhắc lại rằng quả không thể bắt đền anh ta được. Rồi tôi quay trở lại.
"Trời ơi, vì cớ gì tôi bị trừng phạt thế này? - Tôi đau xót tự hỏi. - Sao tôi phải thè lưỡi như con chó để chạy lang thang giữa các đường phố ẩm ướt vào một đêm tối trời như đêm nay?" Cái đói vẫn giày vò, không chịu để tôi yên. Chốc chốc tôi lại nuốt nước bọt để lừa nó, và hình như điều ấy cũng mang lại kết quả. Ðã nhiều tuần nay tôi không được ăn no, bây giờ sức khoẻ giảm sút trông thấy. Mỗi lần bằng cách này hay cách khác tôi kiếm được năm curon thì chúng cũng chỉ kéo dài được mấy ngày, không đủ phục hồi sức để đón một cơn đói mới. Tồi tệ nhất là cái lưng và đôi vai. Ngực tôi thường đau nhói, nhưng tôi có thể chống lại được bằng cách cào cho thật nhiều hay cúi gập người về phía trước. Nhưng với lưng và vai thì thật khốn khổ. Tại sao số phận quá tàn nhẫn với tôi như thế? Lẽ nào tôi không có quyền sống như anh chủ hiệu bán sách cũ Pasa hay như ông đại lí tàu biển Henneken? Lẽ nào tôi không có đôi vai và đôi tay lao động khoẻ mạnh? Lẽ nào tôi không sẵn sàng làm một anh bổ củi ở Melergade để kiếm miếng bánh mì ăn? Lẽ nào tôi là một thằng lười? Lẽ nào tôi không chịu đi tìm việc làm, không nghe các bài giảng ở lớp, không viết các bài báo, không đọc, không làm quần quật ngày đêm như một thằng điên? Lẽ nào tôi không biết tiết kiệm, không ăn chút bánh mì và sữa khi có việc làm sung túc, và chỉ ăn một mình bánh mì khi ít tiền hơn và hoàn toàn nhịn đói khi không còn đồng xu nào dính túi? Lẽ nào tôi dám sống trong khách sạn hay trong một căn hộ lớn ở tầng một? Không, tôi sống ở một phòng nhỏ sát mái, sau đó ở phòng xưởng của một người gò thùng mà mùa đông bị bỏ hoang hoàn toàn vì nó bị chìm trong tuyết. Không, tôi không hiểu một chút gì cả.
Tôi vừa đi vừa nghĩ về tất cả những điều này, lòng tôi không hề vấn vương một tí độc ác, ghen tị hay đau buồn nào.
Tôi dừng lại trước một cửa hiệu bán thuốc vẽ, chăm chú nhìn tủ kính. Tôi định đọc những dòng chữ cầu kì trên các hộp đóng kín, nhưng vì tối quá, không đọc được. Cái ý muốn kì quái mới mẻ này làm tôi thêm buồn. Tôi gần như tức giận vì không đọc được để biết loại thuốc vẽ nào đang có trong hộp. Tôi gõ mạnh lên mặt kính, rồi bỏ đi. Ði được một quãng trên phố, tôi thấy một người cảnh sát. Tôi rảo bước đi lại thật gần rồi bỗng nhiên nói:
- Bây giờ là mười giờ!
- Không, chỉ mới hai giờ thôi, - ông kia ngạc nhiên chữa lại.
- Không, mười giờ, - tôi cãi lại. - Bây giờ là mười giờ. - Rên lên vì tức giận, tôi bước thêm mấy bước về phía trước rồi giơ nắm đấm lên nói: - Này, tôi nói để ông biết: bây giờ là mười giờ!
Ông ta trợn tròn mắt nhìn tôi chăm chú và rất lâu, chắc là cố đoán chuyện gì đã xảy ra với tôi. Sau đó ông ta khẽ nói:
- Ít ra thì đã đến lúc ông phải về nhà. Ông có cần tôi tiễn không?
- Không, cảm ơn. Tôi ngồi quên quá lâu ở quán cà phê. Cảm ơn ông.
Khi tôi đi khỏi, ông ta còn giơ tay chào theo kiểu nhà binh. Vẻ lịch sự ấy của ông ta đã làm tôi hoàn toàn bất lực. Tôi oà lên khóc vì cảm giác xấu hổ rằng tôi không có nổi năm đồng curon để cho ông ta. Tôi đứng lại đưa mắt nhìn theo rất lâu, tự lấy tay đập lên trán mình, giàn giụa nước mắt. Tôi nguyền rủa bản thân tôi cùng sự nghèo đói của tôi. Tôi tìm những tiếng chửi tồi tệ nhất, những cái tên xấu xa nhất để trút lên đầu mình. Cứ thế kéo dài cho gần đến nhà mới thôi. Tới cổng, tôi chợt phát hiện thấy rằng tôi đã để mất chùm chìa khoá.
"Dễ hiểu thôi, - tôi buồn bã thầm nghĩ. - Thế thì làm sao mà chẳng mất được? Mình sống trong sân, cạnh chuồng ngựa. Gác hai là phòng làm việc của ông thợ gò thùng. Ban đêm cổng đóng chặt, không ai, không ai trên đời này có thể mở được nó, thế thì thử hỏi làm sao mình không để mất chìa khóa được. Mình ướt như con chó, lại đói nữa, đói một tí thôi, nhưng cũng đủ để cảm thấy hai đầu gối bủn rủn. Vâng, thế thì làm sao mà không để mất chìa khoá được?..." Rồi tôi phá lên cười, cười một cách hằn học vì đói và yếu mệt.
Tôi nghe có tiếng ngựa giẫm chân trong chuồng, nhìn thấy cửa sổ ở tầng trên, nhưng không mở được cổng để đi vào. Vô cùng mệt mỏi và buồn bực, tôi quyết định quay lại cổng để tìm chìa khoá.
Trời lại mưa, nước mưa chảy xuống bả vai của tôi. Ðến Tòa thị chính, tôi chợt nảy ra một ý nghĩ tuyệt vời, nhờ cảnh sát mở cổng hộ. Tôi đến gần một viên cảnh sát và tha thiết nhờ ông ta cùng đi với tôi để nếu có thể thì mở hộ chiếc khóa.
Ðược thôi, tất nhiên, nếu có thể mở được. Nhưng rất tiếc lại không mở được, vì ông ta không có dụng cụ mở khóa. Những thứ ấy chỉ cảnh sát hình sự mới có.
- Tôi biết làm thế nào bây giờ?
- Có lẽ ông phải ngủ qua đêm ở khách sạn thôi.
- Nhưng tôi không thể vào khách sạn được, vì bây giờ tôi không mang theo tiền. Ông biết đấy, tôi rời nhà chỉ để ra quán cà phê một chốc thôi mà...
Chúng tôi đứng với nhau thêm lúc nữa bên cầu thang của Tòa thị chính. Ông cảnh sát nhìn tôi suy nghĩ, lưỡng lự. Trời vẫn mưa như trút.
- Chỉ còn một cách là ông phải vào phòng trực của đồn cảnh sát báo rằng đêm nay ông không biết ngủ ở đâu, - ông ta nói.
Báo rằng tôi không biết ngủ ở đâu? Tôi chưa hề nghĩ tới điều đó. Ôi, một ý nghĩ thật tuyệt vời! Tôi vội vàng cảm ơn ông cảnh sát vì lời khuyên quý giá này. Nghĩa là tôi chỉ đơn giản bước vào và nói rằng tôi không có chỗ ngủ?
- Vâng, chỉ đơn giản như thế...
- Tên anh là gì? - Người trực ban hỏi.
- Tangen... Andrêas Tangen.
Tôi cũng chẳng biết vì sao tôi nói dối. Các ý nghĩ đang rối tung trong đầu tôi, và trái với ý muốn, chúng bắt tôi tìm mọi cách láu lỉnh. Tôi chỉ cần một giây để nghĩ ra cái tên xa lạ ấy, và lập tức nói ra ngay. Tôi nói dối khi không hề có một lí do nào cần thiết.
- Anh làm nghề gì?
Thế là tôi rơi vào một tình cảnh không lối thoát.
Hừm. Lúc đầu tôi định nói tôi làm nghề gò thùng, nhưng không dám, vì cái tên tôi vừa phịa ra không hợp chút nào với cái nghề ấy, thêm vào đó, tôi lại còn đeo cặp kính trên mũi. Vì vậy tôi lấy hết sức trâng tráo, bước thêm một bước về phía trước và nói một cách đắc thắng, dõng dạc:
- Tôi là nhà báo.
Người trực ban cảnh sát rùng mình, nhưng vẫn ghi tên tôi vào sổ, còn tôi thì đứng một cách quan trọng trước anh ta, như thế tôi là một bộ trưởng gặp hoàn cảnh éo le nhỡ không có chỗ ngủ qua đêm. Việc tôi chần chừ không trả lời ngay cũng không làm anh kia nghi ngờ. Dù sao thì cũng là một trường hợp hiếm có: một nhà báo mà đứng bên Tòa thị chính, không mái nhà che mưa trên đầu!
- Thưa ông Tangen, ông làm việc ở tờ báo nào ạ?
- Tờ "Tin buổi sáng", - tôi đáp. - Rất tiếc là đêm nay tôi đi ra khỏi nhà...
- Thôi, ông không cần giải thích... - Anh ta ngắt lời tôi rồi mỉm cười: - Còn trẻ, ai chả thế, đi ra khỏi nhà... Chúng tôi hiểu chứ. - Rồi anh ta đứng dậy, lịch sự cúi chào tôi và nói với một nhân viên cảnh sát khác: - Dẫn ông đây vào phòng dự trữ. Chúc ông ngủ ngon!
Cảm thấy da nổi gai vì sự trâng tráo của mình, tôi bóp chặt tay, cố tỏ ra bình tĩnh.
- Ðèn hơi chỉ sáng mười phút thôi, - người cảnh sát đứng ở cửa nhắc tôi.
- Sau đó thì tắt à?
- Vâng, sau đó thì tắt.
Tôi ngồi xuống giường và nghe tiếng khóa vặn trong ổ. Trong phòng đèn sáng, khá ấm áp. Có mái nhà che đầu, tôi sung sướng lắng nghe tiếng mưa rơi bên ngoài. Giá gì có được một căn phòng xinh xẻo thế này! Tôi chẳng mong ước gì hơn thế! Tôi cảm thấy trong lòng thanh thản hơn rất nhiều. Ngồi trên giường với chiếc mũ cầm tay, mắt nhìn ngọn đèn trên tường, tôi thầm nhớ lại mọi chi tiết của cuộc đụng chạm đầu tiên này của tôi với cảnh sát. Vâng, đây là lần đầu tôi dính đến họ, và tôi đã lừa họ một cách dễ dàng sao! Nhà báo Tangen, được đấy chứ? Làm cho tờ "Tin buổi sáng"! Bằng cái tờ "Tin buổi sáng" đó, tôi đã đánh đúng tim anh chàng trực ban kia!
"Thôi, ông không cần giải thích!" Giải thích cái gì? Mải vui vẻ bạn bè trong quán cà phê, tôi quên ở nhà chìa khóa và chiếc ví với mấy nghìn curon! "Hãy dẫn ông đây vào phòng dự trữ!"...
Nhưng kia, chiếc đèn hơi đã tắt, tắt đột ngột, không hề báo trước. Tôi ngồi trong bóng tối, không nhìn thấy cả đôi tay mình, cả những bức tường trắng trong phòng - không thấy gì hết. Chỉ còn lại một việc là đi ngủ. Và tôi bắt đầu cởi quần áo.
Nhưng tôi không chợp mắt nổi, giấc ngủ không chịu đến với tôi. Một lúc lâu tôi nằm nhìn trân trân vào bóng tối dày đặc, vô cùng vô tận và thần bí. ý nghĩ tôi không bao quát nổi nó. Tôi nhắm mắt, bắt đầu khe khẽ hát. Tôi trăn trở trên giường để xua đuổi các cảm giác nặng nề, nhưng tất cả đều vô ích. Bóng tối muốn nuốt chửng mọi ý nghĩ của tôi không chịu lùi một giây. Nếu bỗng nhiên tôi tan ra, hòa vào thứ bóng đen này thì sao? Tôi ngồi dậy trên giường, đưa hai tay xua xua trước mặt.
Tôi hoàn toàn bị cơn kích thích thần kinh chi phối và dù cố đến đâu, tôi cũng không thoát được nó. Và rồi tôi ngồi yên, đầu sục sôi những ý nghĩ kì quái nhất. Tôi tự an ủi mình, tự ru mình bằng những bài hát ru, cố gắng đến mức người toát mồ hôi. Tôi nhìn chăm chăm vào bóng tối dầy đặc, dầy đặc đến mức chưa từng thấy. Tôi hoàn toàn không chút nghi ngờ, rằng đây là một thứ bóng tối đặc biệt, một sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên mà xưa nay chưa ai gặp phải. Những ý nghĩ ngu ngốc, khó tin nhất chui vào đầu tôi, mọi cái xung quanh đều làm tôi khiếp sợ. Ðây, trên tường, ngay trên giường tôi có một lỗ hổng nhỏ, nó làm tôi rất chú ý. Ðó là một lỗ đinh lớn, tôi nghĩ thế, một dấu hiệu để lại trên tường. Tôi đưa tay sờ, thổi thổi vào nó. Tôi cố xác định xem nó sâu bao nhiêu. Không, đây là một lỗ hổng ma quái, huyền bí, cần phải đề phòng nó. Bị thu hút bởi ý nghĩ đó, lại bị chi phối bởi sự tò mò và nỗi sợ, tôi đứng dậy khỏi giường, lần tìm chiếc dao nhíp nhỏ và đo độ sâu của lỗ hổng, để tin chắc rằng nó không xuyên qua phòng bên.
Sau đó tôi lại nằm xuống, lại cố ngủ, nhưng thay cho điều ấy, một lần nữa tôi lại phải vật lộn với bóng tối. Bên ngoài mưa đã tạnh, không còn nghe một tiếng động nào nữa. Hồi lâu tôi nằm im vểnh tai nghe và không thể bình tĩnh trở lại chừng nào chưa nghe có tiếng chân bước ngoài phố - có lẽ đó là người cảnh sát đi ngang. Rồi tôi bắt đầu bật ngón tay và phá lên cười. Ha, ha! Quỷ quái thật! Tôi chợt nghĩ ra một từ mới, hoàn toàn mới. Tôi nhỏm dậy và nói: "cuboa". Trong ngôn ngữ không hề có từ này, tự tôi nghĩ ra nó. Như bất kì từ nào khác, có trời chứng giám, nó cũng được tạo thành từ các chữ cái. Vâng, anh bạn ạ, anh đã sáng tạo ra một từ mới... "Cuboa"... Nó có một ý nghĩa hết sức to lớn đối với ngữ pháp.
Cái từ ấy hiện lên rất rõ trước mắt tôi trong bóng tối.
Lúc này tôi đang ngồi co ro trên giường, mắt mở to, tự lấy làm ngạc nhiên về sự khám phá của mình, và thả sức cười vì sung sướng. Rồi tôi khẽ bảo mình: Người ta có thể nghe tiếng mình lắm chứ, và mình thì lại muốn giữ bí mật phát minh của mình! Vì đói, tôi cảm thấy điên rồ thật sự: cái đau không còn tác dụng với tôi nữa; còn ý nghĩ thì không gì kìm giữ nổi. Nó hoạt động khá căng thẳng để cố hiểu nghĩa của cái từ tôi vừa tạo ra. Không, nó hoàn toàn không có nghĩa là "Chúa" hay "con thú". Tại sao nó phải có nghĩa là "con thú"? Bóp chặt hai nắm tay, tôi nhắc lại: Sao nó phải có nghĩa là "con thú"? Nếu suy kĩ, nó cũng không thể có nghĩa là "chiếc khóa treo" hay "mặt trời mọc" được. Nhưng thôi, tìm nghĩa cho nó không khó lắm. Tôi sẽ chờ. Rồi thời gian sẽ quyết định. Còn bây giờ cứ ngủ đã.
Tôi nằm xuống giường và mỉm cười một cách lặng lẽ, không suy nghĩ thêm gì nữa. Nhưng mấy phút sau, tôi lại thấy lo lắng. Cái từ tôi mới nghĩ ra kia không để tôi yên, chốc chốc nó lại xuất hiện và cuối cùng chiếm hết mọi ý nghĩ của tôi, làm tôi trở nên rất nghiêm túc. Tôi đã quyết định một cách dứt khoát những gì nó không được phép mang ý nghĩa, nhưng cuối cùng nó là gì thì tôi vẫn chưa xác định nổi. "Ðiều ấy không quan trọng lắm!" - Tự nói to với mình, rồi tay này nắm tay kia, tôi nhắc lại rằng điều ấy không quan trọng. Nhưng ý nghĩ rằng dù sao nó vẫn phải mang một nghĩa nào đó đã không cho tôi ngủ. Tôi hoàn toàn bất lực trước một từ hiếm có thế này.
Cuối cùng tôi lại ngồi dậy, đưa hai tay bóp chặt đầu và nói: "Không, nó hoàn toàn không có thể có nghĩa là "sự di tản" hay "nhà máy thuốc lá" được! Nếu nó có thể có nghĩa một cái gì đấy tương tự thì từ lâu tôi đã chấp nhận và chẳng còn băn khoăn gì nữa. Không, rõ ràng là cái từ này được tạo ra để chỉ một cái gì đấy thuộc về tinh thần: như tình cảm, trạng thái tâm lí"... ừ, làm sao từ nãy đến giờ ta không nghĩ ra nhỉ? Rồi tôi bới óc tìm ra một khái niệm tinh thần nào đó. Bỗng nhiên tôi có cảm giác như nghe có giọng nói ai đấy, như ai đang xen vào ý nghĩ tôi, và tôi khó chịu nói to: "Lại chuyện gì thế nữa? Ðồ ngốc! Cút đi! Sao nó có thể nghĩa là "cuộn sợi" được?". Sao tôi có thể cho phép nó có nghĩa là "cuộn sợi", khi ngay từ đầu tôi đã phản đối điều đó? Không gì thì tôi cũng là người nghĩ ra từ ấy và tôi có toàn quyền được đặt nghĩa cho nó. Mà tôi thì hình như còn chưa đưa ra quyết định của mình...

9.

Nhưng các ý nghĩ của tôi mỗi lúc một trở nên bị kích động thêm. Cuối cùng tôi nhảy ra khỏi giường và bắt đầu tìm vòi nước. Tôi không khát, nhưng đầu tôi đang nóng hừng hực và tự kéo tôi đến vòi nước. Uống no nước, tôi lại nằm xuống và quyết định lần này sẽ ngủ bằng được. Tôi nhắm mắt, bắt mình phải bình tĩnh trở lại. Sau đó, tôi nằm yên, không động đậy mấy phút. Người tôi nóng bừng, tôi cảm thấy máu chảy mạnh, dồn dập trong huyết quản. Chà, nghĩ mà ngộ, thật là tuyệt vời khi cái anh chàng nọ ghé mắt tìm tiền trong cái hộp giấy ấy! Hắn còn khẽ ho nữa. Biết đâu đến tận giờ hắn vẫn dạo lang thang ở đấy? Hay hắn đang ngồi trên chiếc ghế của tôi?... Biển xanh lấp lánh xà cừ... Những con tàu...
Tôi mở mắt. Nhắm mà làm gì, một khi biết chắc sẽ không ngủ được. Lại vẫn cái bóng tối ấy bao quanh tôi, vẫn một màu đen vô cùng vô tận mà ý nghĩ tôi không xuyên qua nổi. Biết ví nó với cái gì được nhỉ? Tôi đem hết sức cố tìm một từ nào đó thật đen để xác định nó, đen đến mức nói từ ấy ra, miệng tôi sẽ trở nên đen nhẻm. Trời ơi, tối làm sao? Và tôi lại bắt đầu suy nghĩ về bến cảng, về những con tàu, về những con quái vật màu đen đang rình mò tôi. Chúng đang muốn dụ dỗ, kéo tôi từ đất liền ra biển, tới những đất nước màu đen xưa nay chưa ai biết tới. Tôi có cảm giác như tôi đang ở trên tàu, đang lênh đênh giữa biển, đang bốc thành hơi bay lên cao rồi lại rơi xuống, rơi xuống... Tôi kêu lên một tiếng thất thanh, tay bóp chặt thành giường. Ðó là một chuyến bay nguy hiểm. Tôi rơi xuống vèo vèo như một bao tải đựng đầy đá. "Thế là cái chết đã đến, - tôi thầm nghĩ. - Bây giờ mày sẽ chết!" Tôi nằm im suy nghĩ về cái chết không tránh khỏi một lúc rồi ngồi dậy, tự hỏi một cách nghiêm khắc: "Ai dám nói rằng mày sẽ chết?". Một khi tôi nghĩ ra từ ấy thì tôi có quyền quyết định nó có nghĩa là gì... Tôi nghe rõ tiếng mình nói, nghe cả những ý nghĩ điên rồ trong đầu. Vâng, đó là một sự điên rồ, một sự nói mê do quá yếu và mệt, nhưng tôi vẫn còn tỉnh táo. Bỗng nhiên tôi chợt có ý nghĩ rằng tôi đã hóa điên. Vô cùng hoảng sợ, tôi nhảy khỏi giường, loạng choạng đi về phía cánh cửa, định mở nó nhưng không được. Mấy lần tôi đem toàn thân ẩy mạnh để nó bật tung; rồi bất lực, tôi úp trán vào tường, rên lên thành tiếng, vừa cắn ngón tay vừa khóc to, miệng không ngớt lẩm bẩm nguyền rủa...
Xung quanh thật im lặng, chỉ giọng nói của tôi vang lên, va vào các bứt tường đá một cách bất lực vì không sao lọt nổi ra ngoài. Hai chân đã không còn đỡ được cơ thể tôi nữa. Tôi ngã xuống sàn nhà. Rất cao trên đầu, tôi nhìn thấy một hình vuông màu xám, nhờ nhờ trắng, và tôi nghĩ có lẽ trời đã sáng. Ôi, tôi thở phào một cách nhẹ nhõm. Tôi nằm xoài chân tay trên sàn nhà, khóc vì sung sướng với những tia sáng yếu ớt ấy. Ðó là những giọt nước mắt biết ơn, và như một thằng điên thật sự, tôi liên tiếp gửi những cái hôn về phía cửa sổ. Nhưng cũng chính lúc ấy tôi chợt tỉnh và ý thức được điều mình đang làm. Lập tức mọi sự buồn bã biến mất, sự tuyệt vọng và đau đớn cũng biến mất. Tôi chẳng cần một cái gì; có cố nghĩ tôi cũng chẳng biết mình cần gì, dù chỉ một điều nhỏ. Tôi ngồi trên sàn, hai tay khoanh trước ngực, kiên nhẫn chờ một ngày mới.
"Thật là một đêm kinh khủng! Cũng lạ là không ai nghe tiếng mình kêu khóc!" - Tôi ngạc nhiên thầm nghĩ. à, vì tôi ở phòng dự trữ, xa các phòng khác. Một bộ trưởng tình cờ không có chỗ ngủ, có thể nói như vậy. Lúc này tôi cảm thấy thật sảng khoái, nhẹ nhõm. Tôi chăm chú nhìn về phía cửa sổ, nơi bình minh đang hé rạng; tôi lấy làm thích thú khi tưởng tượng thấy mình là một nhân vật rất quan trọng, là Phôn Tangen, và tôi cố đi đứng như một người có địa vị như tôi phải có. Trí tưởng tượng của tôi vẫn làm việc như trước, nhưng tôi đã bình tĩnh hơn nhiều. Thật là một sự đãng trí hiếm có, vì nó mà tôi để quên chiếc ví đầy tiền của mình ở nhà. Ngài bộ trưởng có cho phép tôi giúp ngài thu xếp một chỗ ngủ cho ngài không ạ? Rồi với vẻ hết sức quan trọng, tôi chững chạc bước lại gần giường, nằm xuống.
Trời đã sáng đến mức tôi nhìn rõ các bức tường và một chốc sau thì cả nắm đấm cánh cửa. Ðiều này làm tôi đỡ buồn tẻ. Bóng tối đơn điệu và dày đặc đến mức tôi không nhìn thấy cả chính mình, đã từ từ tan ra. Máu trong người tôi chảy đều hơn, và chẳng bao lâu tôi cảm thấy hai mắt tôi bắt đầu nhắm lại.
Tiếng gõ mạnh vào cửa làm tôi chợt tỉnh. Tôi vùng dậy, vội vàng mặc quần áo. Qua đêm, quần áo tôi vẫn chưa khô hẳn.
- Xin mời ông xuống tầng dưới gặp trực ban, - người cảnh sát bảo tôi.
"Nghĩa là lần nữa lại phải làm các thủ tục hình thức". - Tôi lo sợ nghĩ bụng.
Tôi đi xuống, bước vào một căn phòng rộng, trong đó đã có ba hay bốn mươi người lang thang, không nhà đang ngồi. Theo thứ tự, họ được ghi tên vào sổ và phát cho một phiếu ăn trưa. Người trực ban chốc chốc lại hỏi anh cảnh sát đứng cạnh:
- Phát phiếu ăn rồi chứ? Ðừng quên nhé, chắc họ đang đói lắm.
Tôi nhìn những tờ phiếu ấy thầm ước cũng được nhận một tờ như vậy.
- Andreas Tangen, nhà báo!
Tôi bước lên một bước và cúi chào.
- Xin ông cho biết vì sao ông lạc vào đây?
Tôi giải thích hoàn cảnh của mình, nhắc lại câu chuyện tôi phịa ra đêm qua. Nghĩa là tôi nói dối không chút ngượng ngập, nói dối một cách chân thành: tôi ngồi quá lâu ở quán cà phê, quên chìa khóa ở nhà...
- À, ra thế, - người trực ban nói và mỉm cười. - Thế ở đây người ta đón tiếp anh tử tế chứ?
- Như đối với một bộ trưởng, - tôi đáp. - Vâng, bộ trưởng!
- Thế thì tốt, - ông ta nói và đứng dậy. - Chào ông.
Tôi bước ra ngoài.
Chà, ước gì mình được một phiếu ăn như thế! Ðã ba ngày nay tôi chưa hề ăn gì vào bụng! Giá có được một mẩu bánh mì! Nhưng không ai dám đề nghị cho tôi phiếu ăn, mà tự hỏi thì tôi sợ và xấu hổ. Nếu tôi làm thế, lập tức sẽ bị nghi ngờ. Rồi người ta sẽ tìm bới đời riêng của tôi, biết được tôi là ai, và sẽ bắt tôi vì tội nói dối. Ngẩng cao đầu, hai tay đút túi quần, tôi bước ra khỏi Tòa thị chính một cách kiêu hãnh, như chính tôi là một nhà triệu phú.
Mặt trời bắt đầu sưởi ấm, đã mười giờ, cả quảng trường đầy xe ngựa và người đi bộ. Ði đâu bây giờ? Tôi vỗ vào túi, nắn tập bản thảo trong đó - mười một giờ tôi sẽ thử đến gặp ông chủ bút. Tôi đứng nhìn cuộc sống đang diễn ra sôi động trước mặt. Gặp nắng, quần áo tôi bắt đầu bốc hơi. Cái đói lại thức dậy; ngực đau nhói, cái đau chạy khắp cơ thể, yếu thôi, nhưng đủ để châm mạnh vào tôi như những mũi dao sắc. Không lẽ tôi không thể tìm được một người bạn, một người quen, không tìm được bất kì người nào để yêu cầu giúp đỡ? Tôi bới lục trong trí nhớ, cố nghĩ ra ai đấy có thể cho tôi mười xu, nhưng nghĩ mãi mà chẳng tìm đâu ra một người như thế. Trong khi đó hôm nay lại là một ngày tuyệt đẹp! Xung quanh là ánh nắng ấm áp, rực rỡ. Như biển, bầu trời xanh trải rộng trên đầu, trùm lên những dẫy núi đẹp...
Tôi về tới nhà mình từ lúc nào không biết.
Ðang đói cồn cào, tôi cúi xuống nhặt một mẩu gỗ, đưa lên miệng nhá. Nó làm cơn đói dịu bớt. Tại sao trước đấy tôi không nghĩ tới điều này nhỉ?
Cổng vào nhà không khóa. Theo thói quen, người trông ngựa chào tôi, chúc tôi một buổi sáng tốt lành.
- Hôm nay trời mới đẹp làm sao! - Ông ta nói.
- Vâng, - tôi đáp.
Ngoài ra tôi chẳng biết nói gì thêm. Hay hỏi vay ông ta năm curon chăng? Nếu có, ông ta sẽ cho vay thôi. Vả lại có lần tôi đã viết thư giùm ông ta.
Người trông ngựa đứng yên, hình như muốn hỏi điều gì.
- Trời đẹp thật, hừm... vâng... nhưng hôm nay cũng là ngày tôi phải thanh toán tiền cho bà chủ, ông có thể làm ơn cho tôi vay năm curon được không? Chỉ mấy ngày thôi. Tôi nhớ một lần ông đã giúp tôi.
- Thú thật, tôi không thể... ông Ienx Clai ạ, - tôi nói, - bây giờ tôi không có tiền. Muộn hơn một chút, có thể chiều nay chăng?...
Nói rồi tôi lê chân bước lên cầu thang về phòng mình.
Tôi nằm vật xuống giường và bắt đầu cười. May mà ông ta hỏi vay tôi trước. Danh dự của tôi đã được cứu thoát! Năm curon ư, ông bạn thân mến? Lạy Chúa, cứ đà này thì rồi ông sẽ hỏi xin tôi năm nghìn curon hay một ngôi nhà nghỉ ngoại ô cũng nên!
Nghĩ tới những đồng năm curon ấy, tôi lại cười, mỗi lúc một to.
Tuyệt thật. Năm curon! Khéo chọn người để vay đấy! Tôi cảm thấy vui vẻ một cách không cưỡng lại nổi. Chà, quỷ quái thật, mùi gì mà ngon lành thế này? Mùi thịt rán! Tôi mở rộng cửa để xua cái mùi đáng ghét ấy ra khỏi phòng.  , bồi, nửa suất bít tết! Tôi quay sang nói với chiếc bàn ọp ẹp của tôi, chiếc bàn mà khi ngồi viết, tôi phải đưa gối đỡ mới giữ vững. Rồi tôi cúi chào thật thấp:
- Tôi là Tangen, bộ trưởng Tangen. Rất tiếc, tôi ngồi quá lâu ở quán cà phê... bỏ quên chìa khóa ở nhà...
Và như con chim tuột khỏi lồng, các ý nghĩ của tôi lại bùng lên, điên loạn. Tôi biết tôi đang nói lẫn lộn, liền chú ý nghe kĩ những lời mình nói. Tôi tự bảo mình: "Mày đang nói những câu chẳng ăn nhập gì với nhau cả!". Tuy vậy tôi vẫn hoàn toàn bất lực với chính mình. Tôi không ngủ, mà tiếp tục lảm nhảm như đang trong mơ. Ðầu tôi nhẹ tênh. Tôi không hề cảm thấy đau đớn, buồn bực; không gì làm vẩn đục lòng tôi. Tôi đang bay trong không khí.
Mời vào! Xin mời vào! Em thấy đấy, tất cả những cái này đều được làm bằng hồng ngọc. Ilaialy! Ilaialy! Một thứ lụa mỏng, tuyệt vời! Chà, ngực nàng mới nhô cao làm sao! Hôn em đi, anh yêu! Hôn nữa! Hôn nữa! Ðôi tay em lấp lánh vàng như hổ phách, đôi môi em nóng bỏng... Này bồi, tôi đặt món bít tết cơ mà...
Mặt trời chiếu qua cửa sổ, tôi nghe rõ tiếng ngựa chăm chú nhai mạch. Còn tôi thì nhá mẩu gỗ, sung sướng như một đứa trẻ. Thỉnh thoảng tôi lại đưa tay sờ tập bản thảo. Chưa một lần nghĩ tới nó, nhưng tôi linh cảm thấy nó còn ở trong túi và mạch máu trong người cho tôi biết về sự hiện diện của nó.
Tập bản thảo bị thấm ướt, tôi giở nó ra phơi dưới nắng. Sau đó tôi bắt đầu đi đi lại lại trong phòng. Xung quanh tôi quang cảnh đáng buồn sao! Từng mẩu tôn nhỏ nằm ngổn ngang trên sàn nhà, không một chiếc ghế, không một chiếc đinh nhỏ trên bốn bức tường trần trụi. Tất cả đã được đem đến hiệu cầm đồ, tất cả đã bị ăn hết sạch. Cả gia tài tôi chỉ là mấy tờ giấy nằm trên bàn, bụi phủ một lớp dày. Còn chiếc chăn màu xanh trên giường là của Hanx Pauli cho tôi mượn cách đây mấy tuần.
Hanx Pauli! Tôi bật ngón tay. Hanx Pauli Peterxơn có thể giúp tôi! Và rồi tôi cố nhớ lại địa chỉ của anh ta. Làm sao tôi không nghĩ tới anh ta nhỉ? Tất nhiên anh ta sẽ lấy làm phật ý vì tôi không nhờ anh ta giúp đỡ từ trước. Tôi vội vàng đội mũ, thu dọn các trang bản thảo và chạy nhanh theo cầu thang xuống tầng một.
- Này, ông Ienx Clai, - tôi nói to vào phòng ông coi ngựa. - Tôi tin chắc chiều hôm nay tôi có thể giúp được ông.
Tới Tòa thị chính, tôi nhìn đồng hồ, thấy đã mười hai giờ và quyết định tới tòa soạn ngay lập tức. Ðến bên cổng tòa soạn, tôi đứng lại để xem các trang bản thảo đã được xếp ngay ngắn chưa. Tôi cẩn thận vuốt chúng lại lần nữa, cho vào túi rồi gõ cửa. Khi bước vào, tôi nghe rõ tiếng tim tôi đập mạnh.
"Người cầm kéo" vẫn bận cái công việc cũ của mình như thường lệ. Tôi rụt rè hỏi về ông chủ bút. Ông kia không trả lời. Hắn vẫn ngồi yên tìm chọn các mẩu tin ngắn ở báo của các thành phố khác.
Tôi lại gần, nhắc câu hỏi của mình lần nữa.
- Ông chủ bút chưa tới, - cuối cùng hắn đáp, thậm chí không thèm ngước lên nhìn tôi.
- Thế bao giờ ông ấy tới ạ?
- Tôi không biết chắc chắn, hoàn toàn không biết.
- Tòa soạn mở cửa đến mấy giờ?

10.

Không được trả lời, tôi buộc phải rút lui. Suốt cả buổi nói chuyện, người - cầm - kéo không hề nhìn tôi lần nào. Hắn đã nhận ra tôi qua giọng nói. "ở đây mày đã bị khinh ghét thế đấy, - tôi tự bảo mình, - đến mức mày hỏi, người ta không thèm trả lời". Lẽ nào ông chủ bút ra lệnh cho hắn đối xử với mình như vậy? Thật ra mà nói, sau cái bài báo nổi tiếng mang lại cho tôi mười curon ấy, tôi đã đổ lên đầu ông ta hàng đống các bài khác. Tôi tới đây gần như hàng ngày, mang theo những trang viết nhảm nhí mà ông ta buộc phải đọc và trả lại cho tôi. Có lẽ ông ta muốn kết thúc chuyện này, và đã ra lệnh cho hắn... Tôi đi tới trung tâm thành phố.
Hanx Pauli là một sinh viên từ vùng nông thôn tới, ở tầng mái của một ngôi nhà năm tầng, có nghĩa Hanx Pauli là một người rất nghèo. Nhưng nếu có một đồng curon, anh chàng sẽ chẳng ngần ngại gì mà không cho tôi. Tôi có thể tin chắc rằng nó đã nằm trong tay tôi. Vừa đi tới chỗ anh ta, tôi vừa mừng thầm vì đồng curon ấy. Cửa vào ngôi nhà đóng kín, tôi buộc phải rung chuông.
- Tôi muốn gặp sinh viên Peterxơn, - tôi nói rồi định bước vào. - Tôi biết anh ấy ở đâu.
- Sinh viên Peterxơn à? - Người hầu gái hỏi. - Có phải sống ở tầng mái không? Anh ấy dọn đi chỗ khác rồi.
Ði đâu thì cô hầu không biết; nhưng trước khi đi, có nhờ chuyển thư đến cho ông Hermanxen ở Tunbutgaten, nhà số...
Vẫn còn hi vọng, tôi lại đến Tunbutgaten tìm địa chỉ của Hanx Pauli. Chẳng biết trông chờ vào đâu nữa, đành phải bám lấy những gì có thể bám được. Tôi đi ngang qua một công trường xây dựng, nơi một tốp thợ mộc đang bào các tấm gỗ. Trong đống vỏ bào, tôi chọn hai miếng sạch nhất, cho vào miệng một miếng, còn miếng kia đút túi dự trữ, rồi đi tiếp. Tôi phải rên lên vì đói. Trong cửa kính một hiệu bánh, tôi nhìn thấy một chiếc bánh mì khổng lồ, giá những mười ere, nghĩa là chiếc bánh to nhất có thể mua được với số tiền ấy...
- Tôi muốn biết địa chỉ anh sinh viên Peterxơn.
- Phố Bert Anker, nhà số mười, tầng sát mái... Ông tới chỗ ấy à? Nếu vậy có thể nhờ ông chuyển hộ cho mấy bức thư này được không?
Thế là tôi lại quay vào trung tâm thành phố, bằng chính con đường mà tôi đã tới đây, lại đi ngang tốp thợ mộc lúc này đang ăn bữa ăn trưa nóng, ngon lành; ngang qua hiệu bánh vẫn với chiếc bánh mì vĩ đại ấy.
Cuối cùng, khi đến được phố Bert Anker, tôi mệt quá, suýt gục xuống. Cửa vào nhà không đóng, tôi đi lên theo một chiếc cầu thang dài và thẳng đứng cho đến tận mái nhà. Tôi rút các bức thư khỏi túi, cầm tay, định bước vào và sẽ làm Pauli ngạc nhiên sung sướng. Tất nhiên, anh chàng sẽ không từ chối giúp đỡ tôi, khi tôi trình bày hết hoàn cảnh của mình, tất nhiên không, Pauli là người tốt bụng, tôi biết thế, và bao giờ cũng...
Trên cửa phòng Pauli có mảnh giấy ghi hàng chữ: "H.P. Peterxơn, sinh viên khoa thần học đã về quê thăm nhà".
Tôi ngồi phịch xuống, ngồi ngay trên nền sàn trần trụi, không đủ sức làm một cử động nhỏ vì yếu mệt và thất vọng. Như cái máy, tôi nhắc đi nhắc lại mấy lần: "Về quê thăm nhà! Về quê thăm nhà!". Sau đó tôi im lặng. Hai mắt tôi khô khốc, trong đầu không một ý nghĩ, một tình cảm nào. Tôi thờ thẫn nhìn những bức thư và ngồi yên bất động.
Mười phút trôi qua, cũng có thể nhiều hơn, hai mươi hoặc ba mươi phút, nhưng tôi vẫn tiếp tục ngồi yên, không một cử động nhỏ. Trạng thái đờ đẫn ấy giống một cơn mơ ngủ. Bỗng tôi nghe có tiếng bước chân trên cầu thang.
- Anh sinh viên Peterxơn trước sống ở đây, tôi mang thư đến cho anh ấy, - tôi nói.
- Anh ấy đi rồi, - người đàn bà đáp. - Nhưng sau hè sẽ quay lại. Còn thư thì nếu muốn, ông có thể gửi lại tôi.
- Cảm ơn, bà thật tốt bụng, - tôi nói. - Khi quay lại, anh ấy sẽ nhận chúng từ tay bà. Những bức thư này chắc quan trọng lắm. Chào bà.
Bước ra khỏi phố, tôi dừng lại chính giữa phố, rồi bóp chặt nắm đấm nói to:
- Ðược, thưa Ðức Chúa từ tâm, tôi sẽ cho Ngài biết tay! Bây giờ thì tôi rõ Ngài là người thế nào! - Và rồi trong cơn giận dữ tột độ, tôi nghiến răng, giơ tay lên trời dọa: - Quỷ tha ma bắt tôi đi, nếu tôi không làm được điều đã nói!
Ði thêm mấy bước, tôi lại dừng lại. Bỗng nhiên, thay đổi giọng, tôi nhẫn nhục khoanh hai tay trước ngực rồi khẽ hỏi bằng giọng hết sức dịu dàng, thành kính:
- Thế con đã cầu xin Ngài chưa, con trai
của ta?
Nhưng câu này vang lên thật giả dối.
- Chữ Ngài viết hoa đấy, - tôi nói tiếp. - N viết to, to như chiếc tháp chuông vậy. Con đã cầu xin Ngài chưa, con trai của ta? - Rồi cúi đầu, tôi buồn bã đáp: - Chưa!
Cả câu này nghe cũng không thật.
Mày không biết giả vờ, đồ ngốc ạ! Ðáng lẽ mày phải nói: "Vâng, con đã cầu xin Ðức Chúa của con!". Và phải nói câu này sao cho thật não lòng càng tốt. Nào, thử làm lại lần nữa nào! Ðấy, bây giờ tốt hơn rồi đấy. Nhưng khi nói, mày đừng quên thở dài, thở dài thật to vào, như con ngựa kiệt sức vậy. Thế, thế được đấy!
Tôi vừa đi vừa tự dạy mình cách giả vờ, và khi điều này làm tôi chán, tôi giận dữ giậm mạnh chân xuống đất, mắng mình là thằng ngốc, làm ai đi ngang cũng ngạc nhiên, lấm lét nhìn tôi.
Trong suốt thời gian ấy, tôi vẫn nhai miếng vỏ bào và đi liên tục không dừng lại lần nào. Thậm chí tôi không nhận thấy tôi đã ở sân ga từ bao giờ. Kim đồng hồ trên đỉnh tháp Ðấng cứu thế chỉ một giờ rưỡi. Tôi dừng lại lưỡng lự trong chốc lát. Trán tôi nhễ nhại mồ hôi, chảy xuống cả mắt.
- Có nên đi ra bến tàu không? - Tôi tự hỏi mình. - Tất nhiên là nên, nếu có thời gian.
Tôi cúi đầu tự chào mình rồi đi ra cảng.
Tàu vẫn đậu trong cảng, biển gợn sóng lấp lánh dưới ánh mặt trời. ở đây không khí nhộn nhịp, còi tàu vang to, phu khuân vác luôn đi lại khắp nơi, lưng cõng những chiếc hòm bằng gỗ, còn từ những chiếc phà có tiếng hát vui vẻ bay lại. Cách tôi không xa, có một người đàn bà bán bánh rán, bà ta gí chiếc mũi đen nhẻm của mình sát những chiếc bánh. Chiếc bàn nhỏ trước mặt bà ta chất đầy thứ bánh ngon lành, nhưng tôi quay mặt đi với vẻ khinh bỉ. Cái mùi bánh bẩn thỉu ấy đang bay khắp bến cảng! Phải có gió mạnh xua đi mới được! Tôi quay sang một người ngồi cạnh, tìm cách chứng minh rằng không thể để ai muốn bán bánh rán ở đâu thì bán... Ông không nghĩ thế à? Ðược, nhưng chắc ông sẽ đồng ý với tôi rằng... Nhưng ông kia hình như đã nhận thấy có điều gì không bình thường nên không để tôi nói hết, vội đứng dậy bỏ đi. Tôi đứng dậy đi theo, quyết làm cho ông ta thấy rằng ông ta không đồng ý với tôi là sai.
- Về phương diện vệ sinh mà nói, điều này không thể chấp nhận được, - tôi vừa nói vừa vỗ vai ông ta.
- Xin lỗi, tôi là khách xa mới tới, tôi không hiểu gì về vệ sinh cả, - ông ta nói, trợn tròn mắt vì hoảng sợ.
- A, nếu ông là khách từ xa mới đến thì lại là chuyện khác... Tôi có thể giúp được gì cho ông không? Dẫn ông đi xem thành phố nhé? Không à? Tôi sẵn sàng giúp ông điều ấy mà không cần được đền bù gì cả...
Nhưng rõ ràng là ông ta muốn nhanh chóng thoát khỏi tôi, nên vội vàng bước sang bên kia phố.
Tôi quay lại chiếc ghế, ngồi xuống. Tôi hoàn toàn thất vọng. Tiếng đàn phong cầm quay tay của ai đó đang vang đến từ xa càng làm tôi khó chịu thêm. Nấc lên từng tiếng, nó chơi một điệu nhạc của Vebe(1), và với điệu nhạc ấy làm nền, một cô bé đang hát một bài hát thật buồn... Tiếng nấc não lòng của chiếc đàn thấm qua người tôi, các dây thần kinh của tôi rung lên như hòa cùng tiếng nhạc, và rồi tôi ngả người xuống ghế, khe khẽ hát theo bài hát buồn bã ấy.
Chao, một người đói như tôi thật chẳng có tình cảm nào mà không trải qua! Các âm thanh ấy xâm chiếm tôi, tôi hòa tan vào chúng, chảy thành dòng như suối. Tôi hình dung rất rõ thấy mình là một dòng nước chảy ngược lên cao, cao quá cả những ngọn núi cao nhất, thành một điệu vũ giữa khoảng không bao la xanh biếc...
- Xin ông cho con một xu! - Con bé vừa hát kia chìa chiếc đĩa sắt xin tôi. - Chỉ một xu thôi ạ.
- Ðược, có ngay! - Tôi mơ màng đáp rồi đứng bật dậy, đưa tay sờ các túi.
Nhưng cô bé kia lại nghĩ là tôi định giễu nó, liền bỏ đi, không nói thêm một lời nào nữa. Tôi không thể chịu nổi sự rút lui lặng lẽ và nhẫn nhục ấy. Nếu bị nó mắng, tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Tôi đau đớn gọi theo nó.
- Hiện giờ chú không có một đồng xu nào cả, nhưng chú không quên cháu đâu, chẳng bao lâu nữa, có thể ngày mai, chú sẽ có tiền. Tên cháu là gì? Một cái tên rất đẹp, chú sẽ nhớ. Thôi, ngày mai nhé...
Nhưng tôi thừa hiểu rằng nó không tin tôi, mặc dù nó đứng im không nói gì. Rồi tôi òa lên khóc, khóc vì cả một đứa bé ăn mày ngoài phố cũng không tin tôi. Tôi gọi nó lần nữa, nhanh chóng cởi cúc áo ngoài, định cho nó chiếc áo gilê của tôi.
- Chờ chú một phút, - tôi nói. - Cháu cầm lấy chiếc áo gilê này làm tin...
Nhưng thật tiếc, từ lâu tôi chẳng còn chiếc áo ấy nữa.
Tại sao tôi lại nghĩ tới chiếc áo chết tiệt ấy nhỉ? Ðã hơn tuần nay tôi có được mặc nó trên người đâu. Chuyện gì đang xảy ra với tôi? Cô bé kia vì hoảng sợ đã lùi xa. Tôi không thể giữ nó thêm được nữa. Mọi người kéo đến khá đông, cười nói rất to. Một nhân viên cảnh sát rẽ đám đông đi tới, hỏi chuyện gì đã xảy ra.
- Chẳng có chuyện gì cả, - tôi đáp. - Hoàn toàn không! Chỉ đơn giản là tôi muốn đem chiếc áo gilê của tôi cho đứa bé, hay đúng hơn là cho bố nó... Chẳng có gì đáng để các ông cười. ở nhà tôi còn một chiếc nữa.
- Không được gây lộn xộn ngoài phố! - Người cảnh sát nói. - Bước khỏi đây ngay! - Và rồi anh ta ẩy tôi đi, nhưng một phút sau lại gọi theo: - Khoan, đây có phải là giấy tờ của anh không?
- Vâng! Quỷ tha ma bắt tôi đi! Ðó là một bài báo rất quan trọng của tôi. Làm sao tôi lơ đãng thế nhỉ?
Tôi nhặt tập giấy lên, kiểm tra xem có mất tờ nào không, rồi ngay lập tức đi tới tòa soạn, thậm chí không ngoái đầu nhìn lại lần nào... Ðồng hồ trên tháp Ðấng cứu thế chỉ bốn giờ.
Cửa tòa soạn đóng chặt. Tôi đi xuống theo cầu thang, run lên như một tên trộm thực sự rồi rụt rè đứng trước cổng ra vào. Biết làm gì bây giờ? Tôi tựa lưng vào tường, đưa mắt nhìn xuống chân, xuống những viên đá và suy nghĩ. Ngay sát chân tôi là một chiếc kim băng lấp lánh, tôi cúi xuống nhặt nó lên. Hay mình thử cắt hàng cúc trên áo khoác đem vào hiệu cầm đồ? Liệu người ta mua bao nhiêu? Không, vô ích thôi. Suy cho cùng, cúc vẫn là cúc. Tuy vậy, nhìn kĩ, tôi thấy chúng hầu như còn mới. ít ra thì đó cũng là một ý nghĩ tốt. Tôi sẽ cắt chúng khỏi áo và mang tới hiệu cầm đồ. Hi vọng sẽ kiếm được ít tiền nhờ năm chiếc cúc kia làm tôi vui hẳn lên, tôi tự bảo mình: "Thấy không, rồi mọi việc sẽ đâu vào đấy cả". Liền sau đó, tôi hăng hái lấy dao cắt chúng ra, từng chiếc một. Vừa làm điều ấy, tôi vừa nói không thành tiếng:
"Vâng, xin lỗi, quả là tôi đang gặp khó khăn, tạm thời thôi... Ông nói sao, cúc quá sờn à? ồ không! Xin ông tin rằng trên đời này không ai giữ cúc cẩn thận hơn tôi đâu! Báo ông biết chiếc áo khoác của tôi bao giờ cũng để hở không cài cúc, ấy là cái tính của tôi như thế, tôi quen thế... Còn nếu ông không muốn thì thôi... chẳng sao cả... Tôi chỉ cần đổi chúng lấy mười xu thôi... Không, lạy Chúa, có ai nói về ông đâu? Buông tôi ra, ôi, làm ơn buông tôi ra... Thôi được, ông cứ đi gọi cảnh sát đi! Tôi sẽ đứng đây chờ ông gọi cảnh sát tới. Tôi không ăn trộm cái gì của ông cả... Tốt, tốt lắm, chào ông, chào ông! À, tên tôi là Tangen, tôi ngồi quá lâu ở quán cà phê..."

11.

Trên cầu thang có tiếng chân người bước. Lập tức tôi quay lại với thực tế. Ðó là "Người cầm kéo". Thấy hắn, tôi vội vã cho nắm cúc vào túi. Hắn muốn đi ngang, thậm chí không thèm đáp lại cái chào của tôi. Bỗng nhiên hắn chăm chú ngắm nghía các móng tay của hắn. Tôi chặn đường hắn và hỏi về ông chủ bút.
- Ông ấy chưa đến.
- Ông nói dối! - Tôi đáp. Và với một sự trâng tráo đến tôi cũng phải ngạc nhiên, tôi nói tiếp: - Tôi nhất thiết phải gặp ông ấy. Chuyện rất quan trọng. Có tin tức đặc biệt.
- Ông có thể nói qua tôi được không?
- Không! - Tôi cắt ngang và nhìn hắn một lượt từ đầu đến chân.
Ðiều này đã mang lại hiệu quả. Hắn liền mời tôi lên gác và mở cửa phòng. Tôi hồi hộp đến ngạt thở. Ðể lấy lại bình tĩnh, tôi nghiến chặt răng, gõ cửa, rồi bước vào phòng ông chủ bút.
- Ông đấy à? Chào ông, - ông chủ bút nói. - Mời ông ngồi.
Nếu ông ta thẳng tay đuổi tôi ra khỏi cửa, tôi còn cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi thấy nước mắt rưng rưng sắp trào ra. Tôi nói:
- Xin lỗi...
- Mời ông ngồi, - ông chủ bút nhắc lại.
Tôi ngồi xuống và bắt đầu giải thích rằng tôi đã viết xong một bài báo mới mà tôi rất muốn được đăng ở báo ông. Tôi viết rất lâu và mất khá nhiều công sức vì nó.
- Tôi sẽ đọc, - ông chủ bút nói rồi cầm bài báo. - Tôi biết những bài ông viết đều rất công phu, có điều ông quá say sưa. Nếu ông bình tĩnh chút nữa thì tốt hơn. Nhưng dù sao tôi cũng sẽ đọc bài này.
Nói rồi, ông lại cúi xuống bàn làm việc của mình.
Còn tôi thì vẫn ngồi yên. Hay hỏi vay ông một curon chăng? Hay giải thích cho ông biết vì sao khi viết, tôi quá bốc như vậy? Tất nhiên ông sẽ giúp tôi, vì đây có phải là lần đầu ông ta giúp tôi đâu!
Tôi đứng dậy. Hừm! Tôi nhớ lần cuối cùng gặp ông, ông có kêu về khó khăn tài chính, thậm chí còn cho bà thủ quỹ đi đâu đấy kiếm ít đồng tiền lẻ cho tôi. Có lẽ bây giờ cũng vậy. Không, tôi không thể làm thế được. Lẽ nào tôi không thấy ông ta đang bận?
- Ông cần điều gì nữa chăng? - Ông chủ bút hỏi.
- Không, - tôi đáp, cố sao để giọng nói có vẻ dứt khoát. - Bao giờ thì tôi có thể đến gặp ông ạ?
- À, lúc nào tiện thì đến thôi, cứ cho là hai ngày nữa chẳng hạn.
Tôi không thể nói nên lời cái yêu cầu bức thiết của tôi. Hình như vẻ lịch sự của con người này là vô cùng vô tận, và tôi không thể không kính trọng nó. Thà chết đói còn hơn hỏi vay tiền ông ấy. Và rồi tôi bước ra khỏi phòng.
Tôi không lấy làm tiếc rằng đã rời tòa soạn mà chưa hỏi vay được một curon, thậm chí cả khi ra đến cửa, cơn đói lại thức dậy cắn xé tôi. Tôi moi từ túi ra chiếc vỏ bào thứ hai rồi cho vào miệng. Tôi lại cảm thấy dễ chịu. Tại sao tôi không làm điều này sớm hơn nhỉ?
- Thật xấu hổ! - Tôi nói to. - Không lẽ mày có thể nghĩ tới việc ngửa tay xin con người ấy một curon, và bằng cách ấy đặt ông ta vào tình thế khó xử? - Rồi tôi bắt đầu nguyền rủa mình vì ý nghĩ trâng tráo, nhục nhã ấy. - Lăn xả vào người ta, xuýt làm người ta ngã, chỉ vì mày, một kẻ đáng khinh bỉ, cần một đồng curon nào đó! Hãy cút khỏi đây ngay, nhanh lên! Nhanh lên, đồ ngốc! Ðược, ta sẽ cho mày biết tay!
Và để trừng phạt mình, tôi bắt đầu chạy, chạy hết phố này đến phố khác, chạy đuổi theo chính bản thân mình. Và mỗi lần chạy chậm, tôi lại quát lên giận dữ. Một chốc sau tôi có mặt ở Pilestredet. Cuối cùng, tôi dừng lại, suýt òa lên khóc vì không đủ sức chạy tiếp. Toàn thân tôi run lên bần bật. Tôi ngồi xuống một bậc đá nào đó.
- Không, hãy đợi đấy! - Tôi nói. Và để trừng phạt mình đến nơi đến chốn, tôi lại đứng dậy, không cho phép ngồi tiếp. Tôi cười giễu và lấy làm sung sướng trước sự bất lực của chính mình. Cuối cùng, sau mấy phút đứng như thế, tôi gật đầu cho phép mình ngồi xuống, nhưng không phải ngồi ở chỗ gồ ghề nhất trên bậc đá.
Ôi lạy Chúa, được ngồi nghỉ mới thích làm sao! Tôi lau mồ hôi trên trán và hít thật sâu không khí trong lành vào ngực. Tôi đã phải chạy quá nhiều! Nhưng tôi không hề vì thế mà thương hại mình. Ðáng đời tôi lắm! Sao tôi dám nghĩ tới việc vay tiền? Thì đấy, nhận lấy! Sau đó tôi dịu dần và nói chuyện với mình cũng dịu dàng hơn, thậm chí còn dỗ dành như bà mẹ dỗ dành đứa trẻ. Ðiều này làm tôi cảm động, chả là vì tôi quá mệt, quá bất lực. Rồi tôi khóc. Ðó là những tiếng khóc lặng lẽ, bị nén sâu trong lòng, khóc không nước mắt...
Tôi ngồi yên một chỗ độ mười lăm phút hay còn hơn thế. Nhiều người đi ngang, nhưng không ai để ý đến tôi. Trẻ con chơi quanh tôi, còn trên ngọn cây bên kia phố, một con chim nhỏ nào đấy đang hót.
Một người cảnh sát tiến lại gần tôi.
- Anh ngồi ở đây làm gì? - Ông ta hỏi.
- Tôi ngồi làm gì ư? - Tôi hỏi lại. - Chỉ ngồi thế thôi, ngồi cho thích.
- Tôi đã theo dõi anh suốt nửa giờ liền. - Ông ta nói. - Có đúng là anh đã ngồi đây nửa giờ không?
- Khoảng chừng ấy, - tôi đáp. - Thì sao ạ?
Tôi đứng dậy rồi bỏ đi.
Ðến quảng trường, tôi dừng lại nhìn hai bên phố. Ngồi cho thích! Thế mà cũng gọi là trả lời! Ðáng lẽ phải nói cách nào đó cho thật cảm động, thí dụ tôi ngồi đây vì mệt quá. Ngốc, mày đúng là một thằng ngốc, chẳng bao giờ học được cách giả vờ! Vì tôi quá mệt! Và thở cũng phải thở hổn hển vào, như con ngựa kiệt sức ấy!
Tới trạm cứu hỏa, tôi lại dừng lại vì một ý nghĩ điên rồ lại xuất hiện trong đầu tôi. Tôi bật ngón tay cười to, làm những người đi ngang rất ngạc nhiên. Tôi nói:
- Không, mày phải đến gặp ngay mục sư Lêvinxơn. Ðến ngay lập tức! Cứ thử đi, chẳng còn gì mà sợ mất. Vả lại, thời tiết đang rất đẹp.
Tôi rẽ vào hiệu sách Pasa, hỏi mượn cuốn danh bạ địa chỉ để xem mục sư Lêvinxơn sống ở đâu, rồi đi thẳng đến nhà ông ta.
- Nào, bây giờ thì mày phải dũng cảm lên mới được, - tôi nói. - Ðùa thế đủ rồi! Mày nói sao, lương tâm à? Nhảm nhí, nghèo như mày thì nói đến lương tâm làm gì? Mày đang đói, mày có một việc quan trọng, mày chỉ yêu cầu cái tối cần thiết. Mày phải cúi đầu thật thấp và nói bằng giọng thật tha thiết. Không muốn à? Thế thì ta chẳng còn là bạn của mày nữa, nhớ lấy. Hãy nghe đây: Mày đã bị giày vò đau khổ bởi lo lắng, mày phải đêm đêm vật lộn với các quyền lực của bóng tối, với những con quái vật khổng lồ lặng lẽ, mày đang chết đói, đang thèm rượu và sữa, thế mà mày chẳng có gì cả. Công việc của mày tồi tệ lắm. Ðấy, mày đang đứng dậy với hai bàn tay trắng. Nhưng cũng may là mày còn tin vào lòng từ thiện, mày sẽ phải khoanh tay nhẫn nhục và trở nên ranh ma hơn cả quỷ Sa-tăng. Không thích thú gì đâu, nhưng mày sẽ nhận được một cuốn sách Kinh và hai curon gọi là để kỉ niệm...
Tôi dừng lại trước cửa nhà mục sư và đọc: "Tiếp khách từ mười hai giờ đến bốn giờ chiều".
- Nào, bây giờ thì dẹp mọi trò ngốc nghếch sang một bên, - tôi nói. - Ðây không phải chuyện đùa. Nào, cúi đầu xuống, thấp nữa...
Tôi rung chuông.
- Tôi có thể gặp mục sư được không ạ? - Tôi nói với cô hầu gái; nhưng không thể nói thêm câu: "nhân danh Chúa".
- Mục sư đi vắng, - cô gái trả lời.
Ði vắng. Ði vắng. Thế là toàn bộ kế hoạch của tôi sụp đổ! Tất cả những lời nói tôi chuẩn bị sẵn đều vô ích! Vậy thì cần quái gì tôi phải đi xa thế này? Tôi không còn đủ sức bước thêm một bước nào nữa.
- Ông có việc quan trọng lắm à? - Cô hầu
gái hỏi.
- Ồ không, - tôi đáp. - Chuyện vặt vãnh thôi mà! Chỉ đơn giản là hôm nay trời rất đẹp, tôi quyết định đi dạo một chốc và ghé vào đây thăm mục sư để tỏ lòng tôn kính đối với ông.
Tôi vẫn đứng yên, cô kia cũng vậy. Tôi cố tình ưỡn ngực để cô ta chú ý tới chiếc kim băng sáng loáng đang cài áo khoác của tôi thay cúc áo. Tôi nhìn cô ta với vẻ van xin để cô ta hiểu được lí do thật sự đưa tôi đến đây là gì, nhưng cô gái tội nghiệp ấy đã không hiểu gì cả.
- Vâng, hôm nay là một ngày đẹp trời. Thế bà mục sư có ở nhà không ạ?
- Có, nhưng bà bị bệnh thấp khớp, phải nằm một chỗ, không dậy nổi... Hay ông để lại mảnh giấy chăng?
- Ồ không! Chỉ đơn giản là thỉnh thoảng tôi thích đi dạo, thích được hít thở không khí trong lành. Mà hôm nay thời tiết lại quá đẹp.
Nói rồi tôi bỏ đi. Tán dóc thêm làm gì? Vả lại đầu tôi đã bắt đầu quay cuồng. Không phải chuyện đùa, tôi có thể ngã gục. Tiếp khách từ mười hai giờ đến bốn giờ! Tôi đến chậm những một tiếng đồng hồ. Giờ ban phát lòng từ thiện đã hết!
Tới quảng trường, tôi ngồi xuống một chiếc ghế đá cạnh nhà thờ. Trời ơi, sao tương lai đời tôi u tối thế này? Tôi không khóc. Tôi không đủ sức làm điều ấy. Mệt mỏi đến cùng cực, tôi ngồi yên bất động, ngồi để cái đói thả sức giày vò tôi. Từ bên trong, cả người tôi đang bốc lửa, đặc biệt là ngực. Tôi lại nhá mẩu vỏ bào, nhưng bây giờ nó không còn làm dịu cơn đói như trước. Ðôi hàm của tôi đã quá mỏi do nhai một cách vô ích, vì vậy bây giờ tôi không bắt chúng làm việc nữa. Tôi đầu hàng. Thêm vào đó, miếng vỏ cam héo khô mà tôi nhặt được từ mặt đường đưa lên miệng nhai đang làm tôi muốn nôn. Tôi đang ốm, hai tay nổi những đường gân xanh.
Mà thử hỏi tôi chờ cái gì nhỉ? Suốt ngày tôi tìm mọi cách có được một đồng curon, cái có thể giúp kéo dài sự sống trong tôi thêm mấy ngày nữa. Suy cho cùng có khác gì nhau khi phải chết sớm hoặc muộn hơn một ngày? ở địa vị tôi, người tử tế chắc từ lâu đã về nhà nằm chờ chết, thế có hơn không? Các ý nghĩ của tôi bỗng trở nên sáng sủa hơn. Bây giờ tôi phải chết! Lúc này là mùa thu, cả thế giới đang chìm trong giấc ngủ uể oải. Tôi đã thử hết mọi phương tiện, tìm hết cách để cố sống, nhưng vô ích. Giờ tôi mang ý nghĩ về cái chết trong lòng, và mỗi lần có tia hi vọng may mắn nào đó, tôi vội dẹp đi, buồn bã tự bảo mình: "Ðồ ngốc, mày là người đang chết". Chỉ cần viết một vài bức thư để lại, thu dọn mọi thứ rồi chuẩn bị đón cái chết. Cũng cần tắm rửa sạch sẽ và xếp lại chăn giường. Tôi sẽ lót dưới đầu hai tờ giấy chưa viết, hai tờ sạch nhất mà tôi có. Còn chiếc chăn xanh thì có thể...
Chiếc chăn xanh! Tôi bỗng giật mình, máu dồn lên đầu, tim đập mạnh. Tôi đứng dậy, vội vàng đi tiếp. Sự sống trỗi dậy trong tôi, chốc chốc tôi lại nhắc: "Chiếc chăn xanh! Chiếc chăn xanh!". Tôi đi mỗi lúc một nhanh như sợ ai đó đuổi theo, và một chốc sau đã ở nhà mình, tức là phòng làm việc của người thợ gò thùng.
Không một phút chậm trễ, không một chút do dự, tôi lại giường, cuộn chiếc chăn của Hanx Pauli lại. Một ý nghĩ tuyệt vời làm sao! Bây giờ thì tôi sẽ được cứu thoát. Tôi đã vượt qua được tính xấu hổ rụt rè của mình, tôi đã quyết định bất chấp tất cả. Nào tôi có là thần thánh gì đâu, cũng chẳng phải là một thằng ngốc nào đó. Tôi đang là người tỉnh táo...
Kẹp chiếc chăn dưới nách, tôi hăm hở đi đến phố Stenexgaten, nhà số năm.
Tôi gõ cửa rồi bước vào một gian phòng rộng, xa lạ. Chiếc chuông cửa treo ngay trên đầu tôi kêu rất to và dồn dập. Từ phòng bên, một người nào đó miệng đang ngậm đầy thức ăn bước ra đứng sau quầy.
- Xin ông cho tôi nửa curon để lấy chiếc kính này! - Tôi nói. - Mấy ngày nữa thế nào tôi cũng chuộc lại nó.
- Sao? Nhưng gọng kính của ông chỉ là kim loại bình thường, phải không?
- Vâng.
- Thế thì tôi không nhận nó đâu.
- Tất nhiên. Tôi nói đùa đó thôi. Còn chiếc chăn này thì quả thật tôi không cần tới nữa, tôi muốn thoát khỏi nó.
- Rất tiếc là tôi đang có cả một kho chăn cũ, - người chủ hiệu cầm đồ đáp, và khi tôi giở chăn ra, ông ta chỉ liếc qua và nói: - Xin lỗi, tôi không cần.
- Tôi cố tình cho ông xem mặt sau của nó đấy. Mặt trước trông còn mới lắm.
- Dù sao tôi cũng không thể nhận nó được, vì rõ ràng là không ai muốn bỏ ra mười ere để mua nó.
- Ðúng vậy, nó chẳng đáng giá chút nào, - tôi đồng ý với ông ta. - Nhưng tôi nghĩ cùng một chiếc chăn cũ khác, cũng có thể bán nó được.
- Không, không, vô ích thôi.
- Hay có thể ông cho tôi hai mươi lăm ere cũng được? - Tôi hỏi.
- Không, quả thật tôi không thể nhận nó, ông bạn thân mến ạ. Tôi chẳng cần nó làm gì cả.

12.

Tôi lại cắp chiếc chăn dưới nách đi về nhà.
Như không hề có chuyện gì xảy ra, tôi trải chiếc chăn xuống giường, vuốt phẳng, như thể vừa rồi tôi chẳng mang nó đi đâu cả. Khi quyết định làm cái việc phiêu lưu kia, có lẽ lúc ấy tôi không còn tỉnh táo. Và càng nghĩ, tôi càng thấy việc tôi đem chăn đi bán quả là ngốc nghếch. Chắc chắn đó là kết quả của một sự yếu đuối, một sự thoái hóa nội tâm nào đó. Tôi hiểu đó là một cái bẫy, tôi cũng hiểu rằng tôi đang mất trí nên đã đề nghị bán chiếc kính của tôi trước. Bây giờ tôi lấy làm mừng rằng đã không làm cái hành động tội lỗi ấy. Nếu không, những giờ phút cuối cùng của đời tôi sẽ bị đầu độc, trở thành đau khổ vì ăn năn hối lỗi.
Tôi lại đi lang thang khắp các phố.
Ðến nhà thờ Ðấng cứu thế, tôi lại ngồi xuống một chiếc ghế dài, đầu gục xuống ngực, bộ ngực bị dằn vặt bởi những lo lắng, hồi hộp vừa rồi, bộ ngực đau đớn vì đói. Trong khi đó thời gian cứ trôi.
Tôi ngồi như thế suốt một giờ ngoài trời. ở đây sáng hơn trong nhà. Vả lại, tôi thấy hình như ngoài trời, giữa không khí trong lành, tôi đỡ đau ngực hơn. Mà tôi cũng chẳng việc gì phải vội về nhà.
Tôi suy nghĩ, thiu thiu ngủ. Tình cảnh của tôi thật bi đát. Tôi cúi xuống nhặt một viên đá, lấy tay xoa sạch rồi cho vào miệng mút, và khi làm việc này, tôi ngồi yên bất động, thậm chí đến nháy mắt cũng không. Xung quanh có nhiều người đi ngang, tôi nghe có tiếng xe ngựa lăn, tiếng móng ngựa nện lên lòng đường và tiếng cười nói.
Tại sao lại không thử vận may với những chiếc cúc nhỉ? ồ không, chắc sẽ chẳng mang lại cái gì đâu, mà tôi thì đang ốm, ốm ra trò. Nhưng nếu cân nhắc kĩ, có lẽ có thử cũng chẳng sao, vì dù sao thì hiệu cầm đồ cũng nằm trên đường về nhà, cái cửa hiệu mà tôi thường ghé mắt nhìn vào.
Cuối cùng tôi đứng dậy, thong thả kéo lê chân đi dọc các phố. Trán tôi nóng bừng, cơn sốt đã bắt đầu và tôi cố bước thật nhanh. Tôi đi ngang một hiệu bánh mì với những ổ bánh ngon lành sau
tủ kính.
- Nào, ta dừng lại đây đã, - tôi nói với vẻ rắn rỏi giả tạo. - Hay thử vào xin một mẩu bánh mì? - ý nghĩ này vụt lên rất nhanh rồi bùng to như ngọn lửa. Có thể nói là tự nó xuất hiện, ngoài ý muốn của tôi. - Thôi đi! - Tôi khẽ nói và lắc đầu đi tiếp, vừa đi vừa cười giễu mình. Tôi thừa biết rằng vào hiệu bánh với mục đích ấy chỉ là việc làm vô ích.
Một đôi uyên ương đang thì thầm với nhau bên cổng ở một góc phố nhỏ. Xa hơn chút ít có một cô gái ló đầu qua cửa sổ vẻ lẳng lơ. Tôi đi chậm và thận trọng đến mức có thể nghĩ tôi đang muốn tìm kiếm cái gì đó, - cô gái lẳng lơ kia bước ra phố.
- Công việc thế nào, ông anh? Sao thế, anh ốm à? Trời ơi, anh ốm thật rồi! Như người mất hồn ấy!
Và cô ta vội vã chạy vào nhà. Như người mất hồn nghĩa là thế nào nhỉ? Không lẽ tôi sắp chết? Tôi đưa tay sờ vào má - đúng, tôi gầy quá! Hai má tôi hõm vào như hai chiếc hố. Khiếp thật! Rồi tôi đi tiếp.
Sau đó tôi lại dừng lại. Có lẽ tôi gầy thế này trông đáng sợ lắm. Ðôi mắt thì chui sâu vào sọ. Không hiểu bây giờ tôi giống cái gì nhỉ? Thật là một số phận không chê vào đâu được, nó đã biến tôi, một người sống, thành một bộ xương chết! Tôi lại bừng bừng tức giận. Nghĩa là tôi như một người mất hồn? Tôi có một cái đầu đáng giá, khắp đất nước này không thể tìm đâu một cái đầu thứ hai như thế, và tôi có hai nắm đấm - lạy Chúa - có thể đập vỡ sọ bất kì người nào, thế mà tôi phải chết đói ở chính trung tâm của thành phố Christiania nổi tiếng này! Lẽ nào có thể tưởng tượng nổi điều ấy? Tôi phải sống trong chuồng nuôi ngựa, làm việc quần quật từ sáng đến tối như con trâu đen. Vì đọc quá nhiều, mắt tôi gần thành mù, óc tôi teo lại vì quá đói, thế mà thử hỏi tôi được đền bù cái gì? Thậm chí cả những cô gái làm tiền ngoài phố thấy tôi cũng phải ôm mặt kêu lên: "Lạy Chúa!". Nhưng bây giờ thì không thể như thế được nữa, hiểu chưa? Không thể! Ðồ chó chết!... Tôi nghiến chặt răng, toàn thân run lên vì tức giận. Tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi, mắt rưng rưng, miệng luôn trút ra những tràng nguyền rủa. Cứ thế tôi lê chân đi tiếp, không thèm để ý những người xung quanh. Lại lần nữa tôi bắt đầu tự hành hạ mình. Tôi cố tình đập mạnh đầu vào cột đèn, bấm móng tay thật sâu vào đùi, cắn lưỡi thật đau mỗi lần tôi nói rời rạc không thành lời, và phá lên cười mỗi lần tôi thấy đau.
- Nhưng dù sao, ta phải làm gì bây giờ? - Cuối cùng tôi tự hỏi mình. Và giẫm mạnh chân mấy cái xuống đất, tôi nhắc lại: - Phải làm gì bây giờ?
Một người nào đó đi ngang mỉm cười bảo tôi:
- Anh phải yêu cầu để người ta bắt anh đi!
Tôi nhìn theo người ấy. Ðó là một bác sĩ sản khoa nổi tiếng có biệt danh là "Quận công". Thậm chí ông ta cũng không hiểu tình cảnh của tôi lúc này, mặc dù chúng tôi quen nhau và thường bắt tay nhau mỗi lần gặp. Tôi cụt hứng. Yêu cầu để người ta bắt tôi ư? Vâng, ông ta nói đúng, tôi đã hóa điên. Tôi nhận thấy sự điên rồ ấy trong máu và trong óc tôi. Hóa ra một cái kết cục như thế đang chờ tôi đấy! Vâng! Vâng! Và tôi đi tiếp bằng những bước chân chậm chạp của người đưa đám. Nghĩa là một số phận như thế đang chờ tôi!
Bỗng nhiên tôi dừng lại.
- Không, gì thì gì nhưng không để bị bắt, - tôi kêu to. - Không để bị bắt!
Vì quá sợ hãi, tôi lạc cả giọng. Tôi cầu nguyện, tôi van xin tất cả thánh thần để tôi không bị bắt. Vì nếu bị bắt, tôi lại sẽ bị giam trong phòng tối, nơi không có chút ánh sáng nào. Gì thì gì, nhưng không thể bị bắt! Chắc còn nhiều lối thoát nữa mà tôi chưa biết, chưa thử, nhưng tôi sẽ thử. Tôi sẽ có đủ kiên nhẫn, tôi không tiếc thời gian, tôi sẽ đi hết nhà này đến nhà khác không chút mệt mỏi. Thí dụ còn có cửa hàng âm nhạc Xixlê mà tôi chưa thử. Có thể ở đó tôi sẽ tìm được lối thoát... Tôi vừa đi vừa lẩm bẩm. Sau đó tôi lại thút thít khóc vì thương hại mình. Gì thì gì, nhưng không được để người khác bắt!
Xixlê! Biết đâu hạnh phúc đời tôi lại chính là ở đây? Tự nhiên cái tên ấy chui vào đầu tôi. Ông ta sống khá xa, nhưng tôi sẽ tới được. Tôi sẽ đi một cách thong thả, thỉnh thoảng mệt sẽ ngồi xuống nghỉ. Tôi biết khá rõ cửa hàng này. Trước đây, khi đang ở vào thời kì thịnh vượng nhất, tôi thường lại đây mua các bản nhạc. Sẽ thế nào nếu ta hỏi vay ông ta nửa curon? Không, ít thế có thể làm ông ta bất tiện. Tốt nhất cứ hỏi vay luôn một curon.
Tôi bước vào cửa hàng, nói là muốn gặp ông chủ. Người ta chỉ đường tôi đi tới phòng Xixlê. Trong phòng có một người đang ngồi, ăn mặc theo mốt mới nhất và đang lật lật những thứ giấy tờ gì đó.
Tôi ấp úng xin lỗi và trình bày hoàn cảnh của mình. Rằng do quá quẫn bách, tôi phải nhờ đến ông ta... rằng chẳng bao lâu nữa tôi sẽ trả lại... Ngay sau khi tôi nhận được tiền nhuận bút bài báo... Rằng ông ta sẽ cứu tôi, nếu..
Tôi chưa nói hết câu thì ông ta đã cúi xuống bàn làm tiếp công việc bỏ dở. Khi tôi im lặng, ông ta liếc nhìn tôi, khẽ lắc lắc cái đầu xinh đẹp và nói:
- Không!
Chỉ đơn giản "không". Không thêm một lời nào. Không giải thích.
Hai đầu gối tôi run run, tôi phải tựa vào một chiếc tủ nhỏ đánh vécni bóng nhoáng. Tôi quyết định thử một lần nữa. Tại sao tôi lại nghĩ đến ông ta, vì tôi sống ở Waterlan, cách đây rất xa cơ mà? Hông trái tôi nóng hừng hực, cả người tôi đầm đìa mồ hôi.
- Hừm... Xin ông hiểu cho, tôi rất yếu, - tôi nói. - Tôi ốm lắm. Chỉ vài ngày nữa tôi sẽ có tiền trả lại ông. Ông hãy làm ơn giúp tôi...
- Này anh bạn thân mến, sao anh lại chọn đúng tôi mới được chứ? - Ông ta nói. - Tôi chưa bao giờ thấy anh, có thể nói anh là người hoàn toàn xa lạ với tôi. Hãy đến tòa soạn mà vay. Ở đấy người ta biết anh mà.
- Nhưng tôi chỉ vay một hôm thôi ạ, - tôi nói. - Hôm nay tòa soạn đóng cửa, mà tôi thì rất đói.
Nhưng ông ta vẫn nhất quyết lắc đầu, thậm chí cả khi tôi ra đến cửa, ông ta còn tiếp tục lắc đầu.
- Chào ông! - Tôi nói.
Tôi lại đi tiếp, hết khu phố này đến khu phố khác, chốc chốc lại ngồi xuống bậc đá nghỉ. Có điều, không được để bị bắt! Nỗi kinh hoàng trước phòng giam tối om luôn ám ảnh tôi, không chịu để tôi yên, dù chỉ một phút. Hễ thấy có bóng cảnh sát là tôi vội rẽ ngang để tránh gặp họ.
- Nào, bây giờ ta thử đếm bước chân cho đến một trăm, - tôi nói, - và thử tìm vận may lần nữa! Thử vào cửa hàng này xem sao.
Rồi thế nào cũng có lúc thành công...
Ðó là một cửa hiệu nhỏ mà tôi chưa hề đặt chân tới. Ðứng sau quầy hàng là một người có vẻ ngoài giản dị. Sau lưng anh ta là cánh cửa có cái bảng treo bằng sứ. Hàng hóa được bày trên các giá. Tôi chờ cho đến lúc bà khách cuối cùng ra khỏi cửa hiệu. Bà ta là một phụ nữ sang trọng, còn trẻ, với hai lúm đồng tiền trên má. Mặt rạng rỡ hạnh phúc! Không muốn bị bà ta chú ý, tôi quay sang hướng khác.
- Ông cần gì ạ? - Người bán hàng hỏi.
- Tôi có thể gặp ông chủ được không?
- Ông ấy vào vùng núi Iotunhen rồi, - anh kia đáp. - Ông có chuyện quan trọng à?
- Tôi cần mấy ere để mua bánh mì, - tôi nói với nụ cười giả tạo. - Tôi đang đói, mà trong túi chẳng có gì cả.
- Nếu vậy thì tôi cũng không giàu hơn chút nào, - anh ta nói rồi bắt đầu trải các cuộn len lên quầy.
- Ôi, đừng bỏ rơi tôi trong giờ phút khó khăn này! - Tôi nói, toát mồ hôi lạnh. - Ông biết không, tôi sắp chết đói, đã mấy ngày nay tôi chưa được ăn gì vào bụng.
Với vẻ vô cùng nghiêm túc, anh ta lặng lẽ lộn ngược các túi áo của mình cho tôi xe.
Hóa ra tôi không tin lời anh ta nói?
- Tôi chỉ cần năm ere thôi, - tôi nói. - Hai ngày nữa tôi sẽ trả ông mười ere.
- Này anh bạn, anh muốn tôi ăn cắp tiền cửa hàng cho anh hả? - Người bán hàng giận dữ hỏi.
- Vâng, - tôi đáp. - Hãy lấy cắp cho tôi năm ere.
- Tôi không quen ăn cắp, - anh ta đáp rồi nói thêm: - Mà đến giờ tôi đóng cửa rồi đấy!
Tôi đi ra, đỏ bừng mặt vì xấu hổ và kiệt sức vì đói. Thôi, thế là đủ! Quá đủ! Suốt chừng ấy năm, cả những năm gian khó nhất, tôi đã chống đỡ được để giữ vững lòng tự trọng, thế mà bây giờ, tôi bỗng lăn nhanh xuống dốc và trở thành một kẻ ăn mày sơ đẳng nhất. Chỉ trong một ngày, tôi đã kịp làm bẩn tâm hồn tôi, thui chột các ý nghĩ cao đẹp trong tôi bằng sự trơ trẽn bần tiện của chính mình. Không chút ngượng ngập, tôi đã rên rỉ vòi tiền một anh bán hàng hạ đẳng. Mà rồi tôi được cái gì? Lẽ nào chẳng phải trước không bánh, bây giờ vẫn không đó sao? Chính tôi cũng tự thấy mình đáng khinh bỉ. Vâng, phải kết thúc mọi chuyện ngay lập tức! Chắc lúc này là lúc cổng vào sân nhà tôi sắp đóng, phải vội mới kịp, nếu không muốn nằm một đêm nữa ở đồn cảnh sát...
Ðiều này làm tôi tăng thêm sức. Tôi không muốn ngủ ở đồn cảnh sát một chút nào. Cúi gập người, tay ôm hông bên trái để dịu bớt cơn đau, tôi vật vờ đi tiếp, mắt luôn để ý nhìn lên hè phố để nếu gặp người quen thì lẩn tránh cho họ khỏi phải cúi chào tôi. Tôi đi tới trạm cứu hỏa. May quá đồng hồ nhà thờ Ðấng cứu thế mới chỉ bảy giờ, nghĩa là còn những ba giờ nữa cổng mới đóng. Thế mà tôi đã hoảng sợ vô ích!

13.

Vâng, tôi đã thử hết cách, đã làm những gì có thể làm được. "Thật là một ngày rủi ro, từ sáng đến giờ chưa gặp may lần nào" - tôi nghĩ. Nếu đem chuyện này kể người khác nghe, chắc sẽ không ai tin, còn nếu viết thành chuyện thì mọi người thế nào cũng cho là tôi phịa ra. Không, tôi không phịa một chút nào! Nghĩa là tôi không thể viết chuyện mình lên giấy được, nhất là với cái giọng sầu não này! Chà! Tởm quá! Ðừng quên rằng mày đang làm ta ngấy đến tận cổ? Một khi không còn chút hi vọng nào nữa, thì nghĩa là chẳng có gì để chờ đợi. à mà có thể ăn cắp của con ngựa một nhúm mạch được không nhỉ? ý nghĩ ấy lóe lên như một tia sáng nhỏ, tuy tôi biết cửa chuồng ngựa đã đóng chặt.
Ðiều này không làm tôi buồn lắm, tôi tiếp tục lê chân về nhà. Cũng may rằng chỉ bây giờ tôi mới thấy khát, và đây là lần đầu tiên trong ngày tôi tìm chỗ nào có thể uống no nước. Từ đây đến chợ quá xa, mà vào nhà riêng người khác thì tôi không muốn. Có lẽ tôi sẽ gắng được cho tới khi về nhà. Chỉ cần mười lăm phút nữa thôi. Mà thôi chưa biết có thể tôi sẽ phản ứng thế nào khi uống nước vào. Dạ dày tôi đã từ chối không chịu nhận bất kì cái gì, thậm chí nuốt nước bọt, tôi cũng thấy buồn nôn.
Còn những chiếc cúc thì sao? Tôi chưa thử vận may với những chiếc cúc ấy. Nghĩ thế, tôi mỉm cười. Biết đâu có thể lại tìm ra lối thoát ở đây? Không phải mọi hi vọng đã mất! Chắc chắn tôi sẽ bán được chúng để lấy mười ere, ngày mai tôi kiếm đâu đó mười ere nữa, còn ngày kia, thứ năm, tôi đã có tiền nhuận bút bài báo. Chỉ cần nghị lực và dũng cảm, rồi mọi việc sẽ đâu vào đấy! Làm sao tôi có thể quên không nghĩ tới những chiếc cúc này nhỉ? Tôi rút chúng từ túi ra, vừa đi vừa ngắm. Vì quá sung sướng, mắt tôi như mờ hẳn lại, chẳng còn nhìn rõ con đường đang đi.
Tôi biết rất rõ tầng hầm rộng này, nơi tôi thường tìm đến ẩn náu những đêm tối trời. Nó là bạn, nhưng đồng thời cũng là kẻ hút máu tôi! Tất cả tài sản của tôi đã lần lượt kéo nhau đến đây, tất cả các vật dụng gia đình bé nhỏ, tất cả các cuốn sách, không chừa cuốn nào! Những ngày bán đấu giá, tôi đều tới đây xem và rất sung sướng khi thấy các cuốn sách của tôi rơi vào tay những người tử tế. Nghệ sĩ Magenxen đã mua chiếc đồng hồ của tôi, và tôi hầu như lấy làm tự hào về điều ấy. Cuốn lịch với bài thơ đầu tiên của tôi được in do một người quen của tôi mua, còn một ông thợ chụp ảnh thì mua chiếc áo bành tô của tôi mà bây giờ ông ta cho thuê trong hiệu ảnh của mình. Tất cả đã được thu xếp khá tốt đẹp.
Tôi bước vào phòng, tay cầm nắm cúc. Lão chủ hiệu ngồi sau quầy hàng, đang viết gì đó.
- Tôi có thể chờ, tôi không vội, - tôi nói, sợ làm lão tức giận vì sự có mặt của mình. Giọng tôi nghe khản đặc, đến mức chính tôi cũng không nhận ra, còn tim thì đập thình thịch.
Lão lại gần tôi với nụ cười quen thuộc, đặt cả hai tay lên quầy rồi nhìn vào mặt tôi, không nói lời nào.
- Tôi có mang tới đây một vài thứ vặt vãnh, muốn nhờ ông xem, ở nhà chúng chỉ là những vật thừa vô ích... quả đúng thế... đây, những chiếc cúc này.
- Những chiếc cúc này thì sao? - Lão hỏi sau khi nhìn vào lòng tay tôi.
- Ông có thể nhận chúng và cho tôi vài ere được không ạ? Bao nhiêu tùy ông...
- Ông bảo tôi mua cúc? - Lão ngạc nhiên nhìn tôi. - Mua những chiếc cúc này?
- Vâng, với số tiền đủ cho một điếu xì gà hay ít hơn cũng được.  Tôi đi ngang và rẽ vào đây...
Lão chủ hiệu cầm đồ già phá lên cười, rồi không nói thêm một lời nào nữa, lão quay lại chỗ làm việc của mình. Tôi đứng yên tại chỗ. Nói chung, trước đấy tôi đã không tin rằng lão sẽ mua, tuy vậy tôi vẫn mơ hồ hi vọng. Bây giờ tiếng cười to ấy đang vang lên như lời kết án tử hình đối với tôi... Hay thử đưa thêm cho lão cả chiếc kính nữa?
- Tôi có thể đưa thêm cả chiếc kính này, tất nhiên... - Tôi nói rồi cởi kính khỏi mắt. - Tôi chỉ cần mười ere, hay năm cũng được.
- Nhưng ông biết rằng tôi không thể lấy kính của ông được. Tôi đã nói với ông rồi cơ mà!
- Nhưng tôi cần tiền mua một chiếc tem, - tôi nói không thành tiếng. - Tôi không thể gửi thư mà không dán tem. Một bức thư cần gửi. Hãy cho tôi một chiếc tem mười hay năm ere cũng được!
- Ông đi khỏi đây ngay! - Lão chủ hiệu nói rồi lấy tay xua tôi.
"Thôi, bây giờ muốn ra sao thì ra!" - Tôi tự bảo mình. Như cái máy, tôi đeo kính lên mắt, cầm lấy mấy chiếc cúc rồi ra đi, sau khi chúc lão kia ngủ ngon và khép chặt cửa sau lưng như thường lệ. Bây giờ thì chẳng còn biết làm gì! Ðến chân cầu thang, tôi dừng lại và ngắm nhìn mấy chiếc cúc lần nữa.
- Ông ấy hoàn toàn không muốn nhận chúng! - Tôi nói. - Dù chúng hầu như còn mới. Thật khó hiểu.
Trong khi tôi đứng suy nghĩ như thế thì một người nào đó đi tới rồi theo cầu thang bước xuống tầng hầm. Do vội vàng, người ấy khẽ chạm vào tôi. Cả hai chúng tôi cùng xin lỗi nhau, tôi ngoái lại nhìn theo.
- À , cậu đấy à? - Bỗng người ấy từ phía dưới gọi lên.
Rồi anh ta lại bước lên, và tôi đã nhận ra anh ta.
- Trời ơi, sao cậu thế này? Cậu làm gì ở đây?
- À, có chút việc. Còn anh, tôi thấy hình như anh cũng tới đấy.
- Vâng. Cậu mang gì đến?
Hai đầu gối tôi run run, tôi tựa lưng vào tường và ngửa tay cho anh ta xem mấy chiếc cúc.
- Trời đất ơi, - anh ta kêu lên. - Không, thế này thì quá lắm!
- Chào anh. - Tôi nói rồi định bỏ đi, vì nước mắt sắp trào ra.
- Khoan, gượm đã!
Chờ à? Tôi còn phải chờ gì? Chính bản thân anh ta chẳng phải đến hiệu cầm đồ đó sao? Có thể vì nhịn đói đã mấy ngày hoặc nợ tiền nhà, hôm nay anh ta phải mang nhẫn cưới của mình đến đây.
- Thôi được, nếu anh không bắt tôi chờ quá lâu... - Tôi đáp.
- Tất nhiên, - anh ta vừa nói vừa cầm tay tôi dắt đi. - Thú thật là tớ không tin cậu lắm, cậu ngốc nghếch và khác thường thế nào ấy. Cậu hãy đi cùng tớ!
Tôi hiểu anh ta muốn nói gì. Tôi đáp, cảm thấy ít nhiều bị xúc phạm.
- Không! Tôi không đi được! Tôi đã hứa là bảy giờ rưỡi sẽ có mặt ở phố Bert Anker, và...
- Bảy giờ rưỡi? Nhưng bây giờ đã tám giờ rồi! Cậu không thấy tớ đang cầm đồng hồ trên tay đấy à? Tớ mang nó xuống tầng hầm đây. Ði theo tớ, con chó đói lang thang kia! Tớ sẽ kiếm cho cậu ít nhất là năm curon!
Nói đoạn, anh ta xô tôi tới cửa hiệu cầm đồ.

14.

Cả một tuần trôi qua trong no đủ và vui sướng.
Tôi đã vượt qua tai nạn, được ăn trưa hàng ngày, sự sảng khoái mỗi lúc một tăng và tôi luôn nghĩ ra hết trò này đến trò khác. Tôi viết cùng một lúc cả ba hoặc bốn bài báo, đưa lên giấy tất cả các cảm hứng và ý nghĩ xuất hiện trong cái đầu tội nghiệp của tôi. Tôi có cảm giác rằng việc viết lách của tôi khá hơn trước rất nhiều. Bài báo cuối cùng mà tôi viết rất công phu và đặt nhiều hi vọng ấy đã bị ông chủ bút trả lại. Lập tức tôi xé tan nó ngay, vô cùng giận dữ và với cảm giác bị xúc phạm, xé mà không thèm đọc lại. Bây giờ tôi sẽ cố cộng tác với một tờ báo khác để có thể dễ được in hơn. Trường hợp xấu nhất, nếu cả điều này cũng không giúp được gì, tôi sẽ đăng kí xin làm thủy thủ. Tàu "Monach" đang đậu ở cảng, sắp rời bến, có lẽ tôi sẽ thu xếp được để làm việc cho nó và nó sẽ đưa tôi đến Arkhanghenxkơ hay một nơi nào đó. Nghĩa là tôi vẫn còn khối hi vọng.
Các bất hạnh tôi vừa trải qua không phải không để lại dấu vết gì. Tóc tôi bắt đầu rụng, thần kinh rệu rã, đầu đau nhức nhối. Ban ngày tôi ngồi viết, tay quấn đầy giẻ, chỉ đơn giản vì tôi không thể chịu nổi khi hơi thở của chính mình phả lên tay. Mỗi lần phía dưới Ienx Olai dập cửa chuồng ngựa quá mạnh hay ngoài sân có chó sủa, bỗng dưng tôi thấy lạnh buốt óc, và sau đó cái lạnh ấy chạy khắp cơ thể. Sức khỏe của tôi đã suy sụp một cách đáng kể.
Tôi làm việc căng thẳng hết ngày này đến ngày khác, tiết kiệm cả thời gian ăn trưa, và ăn xong lại cúi đầu xuống bàn viết ngay. Không chỉ cái bàn ọp ẹp mà cả giường tôi đều ngổn ngang những trang giấy viết kín chữ được tôi chữa đi chữa lại nhiều lần và ghép thành các bài báo. Tôi xoá chỗ này, thêm chỗ kia, các đoạn lủng củng cũng được chữa lại bằng những từ rất kêu. Cứ thế tôi viết, viết một cách khó nhọc hết câu này đến câu khác. Một chiều nọ, cuối cùng bài báo đã được viết xong hoàn toàn. Sung sướng và hạnh phúc, tôi nhét nó vào túi và vội đến gặp "Huân tước". Ðã đến lúc phải nghĩ tới việc kiếm tiền, vì túi tôi hầu như đã trống rỗng.
"Huân tước" yêu cầu tôi chờ một phút... Rồi ông lại cắm cúi viết tiếp cái gì đó.
Tôi đưa mắt nhìn quanh căn phòng chật hẹp: những bức tượng bán thân, những tờ tranh khắc gỗ, các mẩu báo cắt rời, một chiếc sọt rác thật lớn, tưởng có thể chứa nổi cả một người. Tôi cảm thấy buồn bã khi nhìn con rồng khủng khiếp ấy há to miệng, suốt đời há to miệng sẵn sàng nuốt vào cái bụng không đáy của nó tất cả các bài báo bị gạt bỏ, tất cả hi vọng của người khác.
- Hôm nay là ngày mấy nhỉ? - "Huân tước" bỗng hỏi tôi, vẫn không ngước đầu khỏi bàn.
- Hai mươi tám, - tôi đáp, thầm lấy làm mừng vì đã có thể giúp được ông điều gì đó.
- Hai mươi tám! - Ông lại viết tiếp. Cuối cùng, ông dán mấy phong thư, vứt vào sọt rác một số giấy tờ nào đó và đặt bút xuống. Chỉ sau đó ông mới quay ghế nhìn tôi. Thấy tôi vẫn đứng bên cửa, với vẻ nửa nghiêm túc, nửa đùa cợt, ông đưa tay chỉ vào một chiếc ghế, mời tôi ngồi.
Ðể ông khỏi thấy tôi không có áo gilê, tôi quay người, hé áo ngoài và rút tập bản thảo từ ngực ra.
- Ðây là bài báo không lớn lắm về Correggio(1), - tôi nói. - Nhưng rất tiếc nó được viết hơi khác thường...
"Huân tước" lấy từ tay tôi tập giấy rồi bắt đầu đọc. Ông quay mặt về phía tôi. Từ ngày còn trẻ, tôi đã được nghe tên tuổi con người này, và trong suốt nhiều năm qua, tờ báo của ông đã có một ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Còn bây giờ, trước tôi là con người bằng xương bằng thịt của ông. Tóc ông xoăn, đôi mắt xám có vẻ gì đấy như không chịu yên. Ông có thói quen chốc chốc lại khẽ khịt mũi. Bề ngoài ông giống một mục sư, có chiếc bút rất sắc có thể dùng để đánh người ta đến chảy máu. Nhìn ông, tôi cảm thấy ngạc nhiên và sợ hãi; và suýt khóc, tôi tiến thêm một bước lại gần ông, muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với tất cả những gì tôi học được ở ông. Tôi muốn ông chiếu cố, vì tôi chỉ là một người nghèo đáng thương rất cần được giúp đỡ...
Ông nhìn tôi, rồi với vẻ lưỡng lự, đặt bài báo của tôi xuống bàn.
Ðể ông từ chối mà không cảm thấy bất tiện, tôi chìa tay về phía trước, nói:
- Chắc bài này không phù hợp với báo ông?
Rồi tôi mỉm cười, làm ra vẻ tôi xem việc này chẳng có gì quan trọng.
- Chúng tôi chỉ có thể đăng các bài có tính chất đại chúng, - ông đáp, - ông biết độc giả của chúng tôi rồi đấy. Ông có thể viết đơn giản hơn một chút được không? Hay viết về đề tài khác, dễ hiểu hơn chẳng hạn?
Sự thận trọng của ông làm tôi ngạc nhiên. Tôi hiểu bài báo của tôi đã bị từ chối, nhưng đây là một sự từ chối hết sức lịch sự. Ðể không quấy rầy ông thêm, tôi vội nói:
- Vâng, tất nhiên, tôi có thể viết như thế.
Tôi đi về phía cửa khẽ ho và xin lỗi rằng đã làm phiền ông... Khi tôi cúi chào từ biệt, tay đã cầm quả đấm cánh cửa, ông nói:
- Nếu ông muốn, tôi có thể trả trước cho ông một ít, sau này có bài in sẽ trừ.
Tôi thấy đề nghị của ông ít nhiều có tính chất xúc phạm, nên vội đáp:
- Không, cảm ơn ông, hiện tôi vẫn có thể sống tàm tạm. Tôi rất biết ơn ông. Tạm biệt.
- Chào ông! - "Huân tước" đáp rồi quay ngang sang bàn làm việc của mình.
Suy cho cùng, tôi không đáng được cư xử một cách nhã nhặn như thế; tôi rất biết ơn ông điều đó. Tôi sẽ không tới gặp ông cho đến khi viết xong một bài báo mà chính tôi cũng rất hài lòng. Lúc ấy "Huân tước" sẽ ngạc nhiên và trả cho tôi mười curon. Tôi về nhà và lại bắt tay vào viết.
Những ngày tiếp theo, vào khoảng tám giờ, khi đèn hơi ngoài phố được thắp sáng, tôi thường ra khỏi nhà đi dạo quanh các phố để nghỉ ngơi chút ít sau một ngày làm việc căng thẳng. Tôi nhận thấy một điều lạ là cạnh cốt đèn gần cổng vào sân nhà tôi nhất bao giờ cũng có một người đàn bà mặc áo quần màu đen đang đứng, và khi tôi đi ngang người ấy thường nhìn theo tôi rất lâu. Tôi chú ý thấy cô ta hôm nào cũng mặc bộ quần áo ấy, vẫn chiếc khăn che mặt dày dài tới ngực ấy, và tay luôn cầm một chiếc ô nhỏ đầu cán có một vòng bằng ngà voi.
Ðêm này là đêm thứ ba tôi nhìn thấy cô gái ấy, vẫn ở chỗ cũ. Tôi vừa đi ngang, cô thong thả quay người và đi theo hướng ngược lại.
Trong đầu tôi liền nảy ra đủ các điều tưởng tượng. Tôi có ý nghĩ ngu ngốc rằng cô ta đến đây là vì tôi. Tôi muốn bắt chuyện với cô, hỏi cô định tìm ai chăng, cô có cần tôi giúp đỡ gì không, tôi có thể tiễn cô về nhà được không, dù rất tiếc, tôi ăn mặc hơi xoàng xĩnh. Biết đâu đi một mình giữa phố tối, cô chẳng cần người bảo vệ? Nhưng liền lúc ấy tôi bỗng băn khoăn, lo sợ rằng điều đó có thể kéo theo những chi phí tốn kém, như mời cô uống rượu, mời đi xe ngựa, vân vân, mà tiền thì tôi chẳng có đồng nào. Túi tôi trống rỗng, điều này đè nén tôi, khiến tôi không dám nhìn thẳng vào cô khi đi ngang. Cơn đói lại bắt đầu hành hạ tôi; từ hôm qua tới nay tôi chưa được ăn gì. Tất nhiên như thế là ít, vì trước đó tôi từng nhịn hàng mấy ngày liền. Nhưng bây giờ sức khoẻ tôi đang suy sút một cách đáng nghi ngờ, và tôi không còn có thể chịu đói lâu như trước. Mới chỉ một ngày, một ngày không ăn thôi, tôi đã khổ lắm rồi, và hễ uống nước vào là buồn nôn không sao chịu nổi. Thêm vào đó ban đêm tôi rất lạnh. Tôi mặc cả quần áo khi ngủ, thế mà vẫn lạnh cóng, cả khi ngủ thiếp vẫn thấy lạnh. Chiếc chăn cũ không còn đủ che cho tôi khỏi những cơn gió lùa, và cứ mỗi sáng dậy, gặp gió lạnh thổi từ sân vào, mũi tôi lại chảy nước ròng ròng.
Tôi vừa đi giữa phố vừa sợ có thể tôi sẽ gục trước khi kịp viết xong bài báo đang viết dở dang. Nếu có nến, tôi sẽ làm việc cả ban đêm, thêm hai giờ nữa, nếu đủ sức, và sáng mai tôi đã có thể tới gặp "Huân tước".
Không suy nghĩ dài dòng thêm nữa, tôi bước vào quán cà phê tìm gặp một người quen để hỏi vay mười ere mua nến. Tôi được phép đi khắp các phòng, các bàn, nơi đang có người ăn uống và nói chuyện vui vẻ. Tôi đi tận cuối cửa hàng, tới "phòng đỏ", nhưng không thấy người tôi muốn gặp. Bực mình và buồn bã, tôi ra phố, đi về phía lâu đài.
Quỷ quái thật, không lẽ những điều bất hạnh của tôi không bao giờ kết thúc? Tôi bước những bước dài, giận dữ, dựng ngược cổ áo khoác, bóp chặt nắm đấm trong túi quần và vừa đi vừa nguyền rủa số phận hẩm hiu của mình. Suốt tám tháng qua, tôi chưa có được một phút nào hạnh phúc thực sự, tuần nào tôi cũng nhịn đói, ốm đau và mất dần sức lực. Tuy thế, nghèo nhưng tôi vẫn là người tử tế, bao giờ cũng tử tế, tử tế trong mọi chuyện, ha ha! Ôi lạy Chúa, tôi mới đáng buồn cười làm sao! Rồi tôi lẩm bẩm nhắc lại chuyện tôi bị lương tâm giày vò thế nào khi lần nọ tôi đem chiếc chăn của Hanx Pauli tới hiệu cầm đồ. Tôi đã cười giễu một cách khinh bỉ cái lương tâm bệnh hoạn của tôi, tôi ghê tởm nhổ xuống đất, không ngớt tìm đủ từ xấu xa để mắng mỏ sự ngu ngốc của mình. Nhưng bây giờ thì khác rồi! Nếu đúng lúc này nhìn thấy chiếc ví nhỏ của một cô bé học sinh nào đó đánh rơi giữa phố, hay đồng xu của một bà quả phụ, chắc chắn tôi sẽ cúi xuống nhặt lên, vội vàng cho vào túi. Tôi sẽ làm điều đó không chút cắn dứt lương tâm, và suốt đêm sẽ ngủ một cách ngon lành. Không phải vô ích khi tôi chịu chừng ấy đau khổ, bây giờ lòng kiên trì đã cạn và tôi sẵn sàng làm tất cả.
Tôi đi mấy vòng quanh lâu đài rồi quyết định trở về nhà. Sau khi nấn ná một chốc trong công viên, cuối cùng tôi bước đi theo phố Carlơ Juhan.
Lúc này đã gần mười một giờ. Xung quanh là bóng tối nhờ nhờ, đâu cũng thấy người đi dạo, từng đôi hoặc từng tốp lớn ồn ào. Giờ phút vĩ đại, giờ phút của tình yêu đã đến, khi các tâm hồn hoà nhập với nhau, còn cuộc đời thì lâng lâng như trong câu chuyện cổ tích. Tiếng váy đàn bà kêu xột xoạt, tiếng cười ngây ngất, những bộ ngực nhô cao, những hơi thở nóng hổi, vồ vập. Phía xa, gần Grand, có ai đó khẽ gọi: "Emma!". Cả phố như một đầm lầy đang bốc hơi nóng hầm hập.
Vô tình tôi cho tay vào túi xem có tìm được trong đó vài curon không. Sự đam mê đang ngự trị xung quanh, thậm chí cả ánh đèn mờ đục và đêm yên tĩnh mơ mộng cũng bắt đầu tác động lên tôi. Khắp nơi đầy những tiếng thầm thì yêu đương, những vòng tay ôm nhau, những lời tỏ tình say đắm, những câu nói giữa chừng, những tiếng kêu nho nhỏ. Một vài con mèo giở trò với nhau, gào rất to trong ngõ phố Blumquizt. Thế mà tôi không có nổi hai curon trong túi! Thật nhục nhã, thật bất hạnh, rằng tôi đã trở nên nghèo đến thế! Rồi tôi lại nghĩ tới đồng xu cuối cùng của người đàn bà goá tội nghiệp mà tôi sẵn sàng ăn cắp, và chiếc mũ hay chiếc khăn lau mũi mà tôi không ngần ngại mang đến hiệu cầm đồ để đổi lấy mấy ere. Ðể tự an ủi và ban thưởng cho mình, tôi bắt đầu tìm những khuyết tật có thể có ở những con người hạnh phúc kia. Tôi giận dữ nhún vai, khinh bỉ nhìn theo những cặp trai gái đang lần lượt đi qua tôi. Ðó là những cậu sinh viên bụ sữa và hợm mình, cứ tưởng như chúng là những công tử châu Âu thực sự khi chúng chạm được cái tay vào vú một cô gái lẳng lơ nào đó. Cái bọn người trẻ tuổi ấy, bọn chủ nhà băng, thương gia hay bọn đĩ đực mạt hạng ấy không chừa cả vợ con của đám thuỷ thủ, cả những con búp bê béo quay từ các khu chợ bán lợn, những mụ mà chỉ cần một cốc bia là ai cũng có thể dẫn vào ngõ tối. Thật là những nàng tiên tuyệt trần! Giường ngủ của chúng chắc còn chưa sạch hơi một thằng cha làm nghề chữa cháy hay một gã trông ngựa nào đó vừa tới "thăm" chúng... Ngai vàng của chúng luôn để trống, ai cũng có thể lại gần, bất kì ai, xin mời!... Tôi phùng má nhổ nước bọt, không thèm nghĩ tới việc có thể té vào người khác. Tôi vô cùng khó chịu, vô cùng khinh bỉ những con người đang quyện vào nhau trước mắt tôi kia. Tôi ngẩng cao đầu, lấy làm hạnh phúc vì còn chưa để mình vấy bẩn.
Cạnh một gốc cây, thấy một cô gái nhìn tôi chăm chăm, tôi bước lại gần.
- Chào cô. - Tôi nói.
- Chào anh!
Cô ả đứng lại.
- Hừm... Cô làm gì ở đây muộn thế? Lẽ nào một cô gái trẻ như cô đi dạo một mình giữa phố vào giờ này không nguy hiểm? Không à? Vâng, nhưng chẳng nhẽ từ trước tới nay chưa có ai tìm cách bắt chuyện với cô, xúc phạm cô hay rủ cô về nhà.
Cô ả ngạc nhiên, cố nhìn mặt tôi để đoán tôi muốn gì. Rồi bỗng nhiên ả nắm tay tôi, nói:
- Nào, thì ta đi!
Tôi đi theo. Khi đi xa những tay đánh xe ngựa, tôi đứng lại, rút tay ra và nói:
- Này cô em thân mến ơi, anh chẳng có đồng xu nào cả, có lẽ để anh đi đường anh thì hơn.
Lúc đầu ả không muốn tin tôi, nhưng sau khi nắn hết các túi của tôi mà không thấy gì, ả liền hất đầu, bĩu môi gọi tôi là "chàng rách".
- Chào cô em! - Tôi nói.
- Gượm đã! - ả gọi theo. - Thế gọng kính của anh mạ vàng đấy chứ?
- Không.
- Thế thì mời ông anh đi đi!
Tôi đi.
Nhưng ả vội chạy theo, nói to:
- Thôi được, không có gì cũng đi!
Lời đề nghị này của một cô gái làm tiền khiến tôi cảm thấy bị sỉ nhục, và tôi từ chối. Vả lại, đêm đã khuya, tôi còn phải đến nơi khác. Cô ả cũng chẳng là người đáng để tôi phải hạ mình như thế.
- Nhưng em muốn đi với anh!
- Còn tôi thì không thể đi với cô trong hoàn cảnh thế này được.
- Chắc anh muốn đi với cô khác chứ gì?
- Không, - tôi đáp. Vâng, tôi chẳng có tí thích thú nào đối với việc này. Với tôi, các cô nàng này cũng gần như là đàn ông vậy. Sự nghèo đói đã làm tôi kiệt sức. Nhưng tôi vẫn hiểu rằng tôi là một thằng thảm hại dưới con mắt của ả kia. Tôi quyết định phải giữ thể diện.
- Tên cô là gì? - Tôi hỏi. - Mary à? Thế này nhé, Many, cô hãy nghe tôi nói đây! - Rồi tôi bắt đầu trình bày hoàn cảnh của mình. ả mỗi lúc một ngạc nhiên hơn.
Không lẽ ả nghĩ tôi là một trong những người đêm đêm lùng gái khắp các phố? Không lẽ tôi đã nói với ả điều gì bất nhã? Một người có ý định xấu trong đầu lẽ nào lại cư xử như tôi? Tóm lại, tôi đứng nói chuyện với ả rồi tiễn ả đi một quãng, cốt để xem sau đó ả sẽ làm gì. Tôi bảo ả rằng tôi là một mục sư, tên thế này, thế này... - Chúc cô ngủ ngon! Cô đi đi, và đừng phạm tội thêm nữa!

15.

Cả tôi cũng bỏ đi.
Tôi thích thú xoa xoa hai tay, thầm cảm phục mình đã nghĩ được một lối thoát tuyệt vời như thế. Vừa đi, tôi vừa nói to thành tiếng với chính mình. Thật hạnh phúc khi được đi giữa phố để làm những điều thiện! Rất có thể tôi đã cứu được cô gái tội lỗi kia trở lại con đường đứng đắn. Sau này nhớ lại, cô ta sẽ hiểu hết lòng cao thượng của tôi, và sẽ luôn nhớ tới tôi với lòng biết ơn chân thành, thậm chí cả trong giờ hấp hối. Ðúng, dù sao cũng phải cố giữ để thành người tử tế! Ðáng lắm!
Tôi đang ở trong trạng thái vui vẻ, tôi thấy tôi là người khoẻ mạnh, dũng cảm và sẵn sàng làm tất cả. Có điều, giá có ngọn nến, chắc tôi sẽ viết xong bài báo. Tôi vừa đi, vừa tung tẩy chiếc chìa khoá mở cổng mới làm. Tôi huýt sáo, khe khẽ hát và nghĩ cách làm sao có được một cây nến. Nhưng cuối cùng tôi chỉ nghĩ được một cách là ngồi viết dưới cột đèn thắp hơi ngoài phố. Tôi mở cổng sân nhà tôi rồi vào phòng lấy giấy.
Quay lại đường phố, tôi lặng lẽ khoá cổng và ngồi xuống cột đèn. Xung quanh thật yên tĩnh, tôi chỉ nghe tiếng chân nặng nề, thong thả của người cảnh sát đang đi ở phố hẹp bên cạnh, và tiếng chó sủa đâu đó từ đồi Thánh Henry vọng lại. Chẳng có gì quấy rầy tôi. Tôi bẻ ngược cổ áo, bắt đầu tập trung suy nghĩ. Tôi sẽ vô cùng hạnh phúc nếu đêm nay viết xong bài báo nhỏ này. Tôi đang dừng lại ở đoạn khó nhất, cần khôn khéo chuyển sang đoạn mới rồi dần dần tiến đến đoạn kết một cách nhẹ nhàng, thong thả, cảm động, nhưng câu cuối phải thật đột ngột, mạnh mẽ, như phát súng giữa đêm khuya hay như tiếng ào ào của núi tuyết lở. Chấm hết.
Nhưng tôi vẫn không nghĩ thêm được chữ nào. Tôi đọc lại toàn bộ từ đầu, đọc to từng chữ một nhưng vẫn không sao tập trung nổi ý nghĩ để viết tiếp một câu thích hợp. Trong khi ấy, một nhân viên cảnh sát đi tới, đứng chính giữa phố cách tôi một quãng và làm hỏng hết trạng thái làm việc của tôi. Hắn thì liên quan gì tới việc bây giờ tôi đang vắt óc cố nghĩ một câu thật hay cho bài báo sắp gửi "Huân tước"? Tôi ở dưới cột đèn suốt một giờ, người cảnh sát đã bỏ đi, cái lạnh châm vào da thịt tôi, tôi không thể tiếp tục ở đây thêm được nữa. Buồn bã và chán nản vì viết không được, tôi lại mở cổng đi vào phòng mình.
Trong phòng khá lạnh, vất vả lắm tôi mới nhìn thấy cửa sổ trong bóng tối dày đặc. Tôi dò dẫm đi đến giường, cởi giày và bắt đầu xoa mạnh hai chân cho ấm. Sau đó, tôi nằm xuống, vẫn để nguyên cả quần áo như mọi ngày.
Hôm sau, trời vừa hửng, tôi đã dậy, làm việc. Tôi ngồi đến tận trưa và viết được khoảng hai chục dòng. Nhưng vẫn không kết thúc nổi bài báo.
Tôi đứng dậy xỏ giày, và để chống rét, bắt đầu đi đi lại lại trong phòng. Cửa sổ phủ đầy sương. Tôi nhìn ra ngoài: tuyết rơi, cả sân và giếng bị che kín bởi tuyết trắng.
Như cái máy, tôi luôn chân đi lại khắp phòng, cào móng tay vào tường, cẩn thận áp trán vào cửa, gõ gõ ngón tay trỏ xuống sàn rồi chăm chú lắng nghe - tôi làm tất cả những điều ấy không vì một mục đích nào cả, làm một cách lặng lẽ, tập trung, như thể tôi vừa đánh mất một cái gì đấy rất quan trọng. Liền sau đó tôi cố tình nói to để chính mình có thể nghe thấy: "Ôi, lạy Chúa, ta điên, ta điên thật rồi!". Nhưng tôi vẫn tiếp tục làm những việc đã làm trước đó. Một thời gian sau - có lẽ phải đến hai tiếng đồng hồ - tôi làm chủ được bản thân mình, cắn môi và cố lấy lại bình tĩnh. Không thể kéo dài như thế này được! Tôi lục tìm chiếc vỏ bào, đưa miệng nhá và cương quyết cầm lấy bút chì.
Với một sự vất vả kinh khủng, tôi cố viết tiếp được hai câu ngắn, mỗi câu độ chục từ mà tôi cố rặn ra bằng được, cốt để chứng tỏ rằng công việc đang tiến triển. Ðầu tôi trống rỗng, sức lực rời bỏ tôi dần. Tôi ngồi yên, không làm nổi một cử động nhỏ, mắt mở to, trân trân vào những chữ mới viết, vào trang giấy đang viết dở, vào những chữ cái nguệch ngoạc, xiêu vẹo đang bò lổm ngổm trên giấy như những con thú bé nhỏ. Tôi nhìn, không đủ sức hiểu một điều gì, không một ý nghĩ trong đầu.
Thời gian cứ trôi. Tôi đã nghe tiếng ồn của đường phố, tiếng bánh xe lăn, tiếng vó ngựa và tiếng Ienx Olai đang nói chuyện với những con ngựa ngoài chuồng. Tôi hoàn toàn kiệt sức, và cử động duy nhất tôi làm được là khẽ mấp máy môi. Ngực mỗi lúc một đau thắt.
Hai mắt tối sầm, mệt quá, tôi lại ngả xuống giường. Ðể tay đỡ lạnh, tôi vuốt tóc từ trán và hai thái dương ra gáy. Trong khi vuốt, tôi thấy nhiều túm tóc bị nhổ, rơi xuống gối. Ðiều này không làm tôi lo lắng vì tóc trên đâu còn khá nhiều. Tôi cố giũ khỏi mình cơn ngái ngủ đang phủ kín người tôi như một đám mây mù, nhỏm dậy, vỗ tay xuống đầu gối, ôm ngực ho sặc sụa, và lại ngã xuống giường. Không đỡ hơn chút nào! Tôi bất lực nằm yên với đôi mắt mở to nhìn lên trần nhà. Tôi cảm thấy mình sắp chết. Sau đó tôi đút ngón tay trỏ vào miệng và bắt đầu mút. Có cái gì đấy đang cọ quậy trong đầu tôi - một ý nghĩ ngu ngốc, điên rồ xuất hiện. Có nên cắn không nhỉ? Không suy nghĩ lâu, tôi nhắm mắt và từ từ nghiến răng.
Tôi bỗng chồm dậy. Cuối cùng tôi chợt tỉnh. Một dòng máu từ ngón tay chảy ra, tôi thè lưỡi liếm sạch. Tôi không đau, mà rồi vết thương cũng vào loại vặt vãnh, nhưng nó đã làm tôi tỉnh lại. Tôi lắc đầu đi đến cửa sổ, tìm miếng giẻ băng vết thương. Mắt tôi rưng rưng, và không kìm được, tôi đã lặng lẽ khóc thương mình. Cái ngón tay gầy gò bị cắn ấy bây giờ trông mới thảm hại làm sao. Trời ơi, tôi đã đến nông nỗi này ư?
Trời tối dần. Rất có thể đêm nay tôi viết xong bài báo, nếu có nến. Ðầu tôi lại sáng, các ý nghĩ bắt đầu hoạt động như thường ngày, tôi cũng chẳng thấy đau lắm. Thậm chí cái đói không còn cào xé tôi dữ dội như cách đây mấy giờ, tôi có thể chịu đựng được cho đến sáng hôm sau. Nếu vào hiệu nói rõ hoàn cảnh mình, có thể người ta sẽ bán chịu nến cho tôi. Tất nhiên, nếu tôi đem danh dự ra hứa, người ta sẽ đưa nến cho tôi. ở đấy người ta biết tôi khá rõ. Vào thời hoàng kim, khi chưa lâm vào cảnh khốn cùng này, tôi vẫn thường tới đó mua bánh mì. Và rồi, lần đầu tiên trong suốt một thời gian dài, tôi sờ soạng, vuốt sạch quần áo mình trong bóng tối, giũ các túm tóc rụng khỏi cổ áo. Sau đó tôi đi xuống thang gác.
Tới cổng, tôi nghĩ bụng hay hỏi mua chịu bánh mì hơn? Tôi đứng lại suy nghĩ.
- Không, không bao giờ! - Tôi quyết định.
Không, với tình trạng cơ thể như bây giờ, tôi không được phép ăn bất kì cái gì, nếu không, tôi sẽ lại mơ thấy những giấc mơ kinh khủng, sẽ nói nhảm, cảm giác sẽ lẫn lộn; tôi sẽ không viết xong bài báo, trong khi rất cần đến gặp "Huân tước" chừng nào ông ta chưa quên tôi. Không, không bao giờ! Chỉ hỏi mua nến thôi! Với ý nghĩ ấy, tôi bước vào hiệu.
Một người đàn bà nào đó đang đứng mua hàng bên quầy. Tôi nhìn thấy rất nhiều các gói nhỏ đủ màu khác nhau. Người bán hàng biết tôi vẫn thường tới đây mua bánh mì, liền bỏ người đàn bà, lặng lẽ lấy báo gói một chiếc đặt trước mặt tôi, không hề hỏi một câu nào.
- Không, tôi chỉ cần một cây nến để thắp đêm nay, - tôi nói một cách nhỏ nhẹ và lịch sự vì sợ ông tức giận, không bán nến cho tôi.
Hình như những lời tôi vừa nói làm ông ngạc nhiên, - đây là lần đầu tôi hỏi mua không phải bánh mì mà là một thứ khác.
- Thế thì hãy chờ tôi một chút, - ông nói rồi quay lại với người đàn bà. Bà kia nhận hàng, đưa cho người bán năm curon, cầm tiền thừa rồi đi ra.
Chỉ còn lại mình tôi và ông bán hàng.
- Nghĩa là ông cần nến, phải không? - Ông nói.
Rồi ông mở hộp nến, lấy ra một cây. Ông nhìn tôi, tôi cũng nhìn ông, không đủ sức nhắc lại yêu cầu của mình.
- Vâng, tất nhiên, ông đã đưa tiền cho tôi rồi, - ông bỗng nói.
Nói một cách đơn giản rằng tôi đã trả tiền. Tôi nghe rất rõ từng lời. Sau đó ông bắt đầu lấy từ hòm ra từng đồng tiền bằng bạc to nặng, lấp lánh, hết đồng này đến đồng khác, rồi đưa cho tôi - ông trả lại tiền thừa, tiền thừa cho tôi từ năm curon của người đàn bà kia.
- Mời ông! - Ông nói.
Tôi nhìn những đồng tiền và hiểu ngay rằng người bán hàng đã nhầm, nhưng tôi vẫn đứng im, không phản ứng, không động não một chút nào. Bị choáng ngợp trước số tiền khổng lồ ấy, tôi ngớ người ra, và như cái máy, tôi đưa tay cầm lấy.
Tôi đứng bên quầy hàng, ngạc nhiên, đờ đẫn và thảm hại. Sau đó, tôi bước một bước về phía cửa, rồi đứng lại. Tôi nhìn trân trân vào bức tường trước mặt, - ở đấy có chiếc chuông nhỏ treo trên một sợi dây da, còn dưới chuông là mẩu dây thừng. Tôi cứ đứng thế và nhìn nó.
Thấy tôi nấn ná khá lâu, người bán hàng tưởng tôi muốn bắt chuyện, nên vừa xếp lại một tập giấy cứng trên mặt quầy, ông vừa nói:
- Thế là mùa đông sắp tới rồi.
- Hừm... Vâng... - tôi đáp. - Có vẻ như mùa đông sắp tới thật... ừ, mùa đông. - Một chốc sau, tôi nói thêm. - Cũng đúng thôi, đã đến lúc mùa đông phải đến. Vâng, đã đến lúc. Hình như thế...
Tôi lắng nghe những gì tôi đang nói, như thể người nói không phải tôi, mà là người khác.
- Ông nghĩ thế à? - Người bán hàng hỏi.
Cho tiền vào túi, tôi mở cửa bước ra ngoài. Tôi nghe rõ tiếng tôi chúc người bán hàng ngủ ngon và cả tiếng ông cũng chúc tôi như thế.
Tôi đi chưa được hai bước thì cánh cửa mở toang, và người bán hàng ló đầu ra gọi tôi. Tôi ngoái lại, không chút ngạc nhiên, không chút sợ hãi: tôi cầm gọn những đồng tiền trong tay chuẩn bị trả lại cho ông.
- Ông quên chưa lấy nến, - ông nói.
- À, cám ơn ông! - Tôi bình tĩnh đáp. Lần nữa, xin cám ơn ông!
Rồi tôi đi, với cây nến trong tay.
Ý nghĩ tỉnh táo đầu tiên của tôi là về tiền. Tôi đi tới chân cột đèn, đếm lại, nâng nâng những đồng tiền trong tay rồi mỉm cười. Ðây là cả một gia tài lớn, đủ để tôi sống lâu, rất lâu! Tôi lại cho tiền vào túi và đi tiếp.
Ðến hiệu ăn ở phố Sturgaten, tôi dừng lại, cẩn thận và tỉnh táo cân nhắc xem có nên vào ăn chút gì không? Từ phía trong vọng ra tiếng bát đĩa và tiếng dao nĩa va vào nhau. Sự cám dỗ quá lớn và tôi đã bước vào hiệu.
- Một đĩa bít tết! - Tôi nói.
- Một đĩa bít tết! - Cô hầu bàn đứng bên cửa sổ gọi vào nhà.
Tôi ngồi xuống một chiếc bàn nhỏ cạnh cửa ra vào, bắt đầu đợi. Cái góc tôi đang ngồi mờ mờ tối, ở đây tôi thấy yên tâm hơn và thả sức suy nghĩ tản mạn. Chốc chốc cô hầu bàn lại nhìn tôi với vẻ tò mò.
Vâng, thế là tôi đã làm cái hành động tội lỗi đầu tiên ấy, so với nó, những việc khác trước đó chỉ là điều vặt vãnh. Ðây là sự sa ngã đầu tiên, nhỏ bé thôi, nhưng cũng vô cùng to lớn... Vâng, quả thế, nhưng bây giờ thì không thể làm gì được nữa. Tất nhiên, tất cả phụ thuộc vào tôi, vì sau này có thể tôi sẽ hoàn lại tiền cho ông chủ hiệu. Nhưng như thế không có nghĩa tôi phải đi tiếp theo con đường ấy. Vả lại, tôi không bị bắt buộc phải sống trung thực hơn người khác, tôi chưa bao giờ có một lời thề như vậy...
- Sao, bít tết của tôi sắp được chưa?
- Vâng, có ngay bây giờ ạ!
Cô hầu bàn mở cửa nhìn vào bếp.
Nhưng nếu chuyện này bị phát giác thì sao? Nếu người bán hàng nghi ngờ, nếu ông ta nhớ lại chuyện tôi mua bánh mì, chuyện năm curon và số tiền thừa mà bà khách kia nhận lại? Chắc chắn ông ta sẽ nhớ ra ngay, khi lần đầu tôi lại đặt chân vào cửa hiệu. Lạy Chúa, lúc ấy rồi sẽ thế nào?... Tôi khẽ rụt vai lại.
- Mời ông, - cô hầu bàn lịch sự nói rồi đặt đĩa bít tết xuống. - Ông sang phòng bên có tốt hơn không? ở đây tối quá.
- Không, cảm ơn, tôi ngồi ở đây cũng được, - tôi đáp.
Thái độ lịch sự của cô hầu bàn làm tôi cảm động. Tôi lập tức thanh toán tiền bít tết, cứ cho tay vào túi, lấy được bao nhiêu đưa bấy nhiêu. Tôi bắt tay cô ta. Cô ta mỉm cười, còn tôi thì hai mắt rưng rưng, vừa cười vừa nói:
- Cô hãy dùng số tiền puốcboa này mua cho mình một điền trang nho nhỏ... ồ không, không cần cảm ơn!
Tôi bắt đầu ăn món bít tết, càng ăn càng thấy ngon miệng. Tôi nuốt từng miếng to, không kịp nhai, và dùng răng xé thịt như một người hoang dã.
Cô hầu bàn lại đến.
- Ông có muốn uống chút gì không ạ? - Cô ta hỏi, cúi thấp xuống người tôi.
Tôi ngước nhìn cô ta: cô ta nói rất khẽ, hầu như với vẻ bẽn lẽn, dưới cái nhìn của tôi, cô ta cúi
đầu xuống.
- Nửa chai bia hay một cái gì đó... của tôi chẳng hạn... ngoài ra... nếu ông muốn...
- Không, cám ơn! - Tôi đáp. - Ðể dịp khác. Tôi còn tới đây nữa.
Cô hầu bàn bỏ đi, đến ngồi sau quầy. Bây giờ tôi chỉ nhìn thấy đầu cô ta. Một cô gái lạ lùng!
Ăn xong, tôi liền đi ra cửa. Tôi cảm thấy buồn nôn. Cô hầu bàn đứng dậy. Tôi sợ ra ánh sáng, sợ lại gần cô gái trẻ ấy, cô gái không biết chút gì về sự nghèo đói của tôi. Vì vậy, tôi vội vàng chào cô ta rồi đi ra.

16.

Thức ăn bắt đầu có phản ứng. Tôi buồn nôn không chịu nổi. Hễ gặp góc tối nào là tôi vội vào, nôn thốc nôn tháo, và dạ dày lần nữa lại trống rỗng. Tôi bóp chặt nắm đấm, dẫm mạnh chân xuống đất cố chống lại và giận giữ cố nuốt lại vào bụng những gì sắp trào ra, nhưng mọi cố gắng của tôi đều vô ích...
Vô cùng tuyệt vọng, tôi đi giữa phố, vừa đi vừa nguyền rủa những kẻ độc ác - dù chúng là ai chăng nữa - đã nhẫn tâm hành hạ tôi như vậy. Tôi cầu cho chúng phải xuống địa ngục, phải suốt đời chịu đau khổ vì sự độc ác của chúng. Vâng, những kẻ ấy không hào hiệp một chút nào, đó là điều chắc chắn!... Tôi lại gần một người nào đó đang đứng nhìn vào tủ kính, yêu cầu cho tôi biết ngay rằng theo ông ta, cần phải cho một người đã nhịn đói lâu ngày ăn gì để không bị nôn.
- Ðây là vấn đề rất, rất quan trọng, - tôi nói. -  n bít tết thì dứt khoát không được rồi!
- Tôi nghe nói nên cho uống sữa nóng, người kia đáp, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. - Ông nói về ai thế?
- Cám ơn! Cám ơn! - Tôi đáp. - Có thể ông nói đúng. Uống sữa đun nóng là tốt nhất.
Rồi tôi bỏ đi.
Rẽ vào một quán cà phê gần nhất, tôi yêu cầu cho tôi sữa nóng. Người ta mang sữa nóng tới, tôi uống ừng ực từng ngụm lớn rồi trả tiền, đi về nhà.
Và lúc ấy đã xảy ra một chuyện hết sức lạ lùng. Tôi nhận thấy ngay sát cổng nhà tôi, dưới ánh sáng lờ mờ một người nào đó đang đứng tựa vào cột đèn - lại người đàn bà trẻ mặc quần áo đen! Không thể nhầm được. Ðây là lần thứ tư nàng tới đây. Nàng đang đứng yên bất động.
Ðiều này làm tôi ngạc nhiên, đến mức vô tình bước chậm lại. Ðầu óc tỉnh táo, nhưng tôi đang rất hồi hộp, các dây thần bị kinh kích thích mạnh. Như mọi lần, tôi đi ngang đến tận cổng và đang định đi vào nhà thì chợt đứng lại. Tôi bỗng cảm thấy táo bạo hẳn lên, rồi như cái máy, tôi bước lại gần, nhìn thẳng vào mặt nàng và cúi chào, nói:
- Chào cô!
- Chào anh, - nàng đáp.
- Xin lỗi, hình như cô đang chờ ai đó. Tôi biết cô từ lâu. Tôi có thể giúp được gì cô chăng? Nếu không, tôi xin lỗi.
- Vâng, quả tình tôi cũng chẳng biết.
- Trong sân này chẳng có ai ngoài tôi và mấy con ngựa. Ðây là xưởng làm việc của một người gò thùng. Nếu cô định tìm ai ở đây thì e cô đã nhầm.
Nàng quay người lại và đáp:
- Tôi không tìm ai cả. Chỉ đứng đây thế thôi.
Hoá ra nàng chỉ đứng chơi thế thôi, mà không phải một lần. Lạ đấy! Càng nghĩ, tôi càng thấy lạ. Cuối cùng tôi quyết định phải mạnh dạn hơn nữa. Tôi cho tay vào túi sờ tiền, rồi không nghĩ lâu, tôi đề nghị cùng nàng đi đâu đấy uống cốc rượu chẳng hạn... Mùa đông rồi mà, trời lạnh lắm... Chỉ một chốc thôi, tất nhiên nếu nàng đồng ý.
Ồ không, cảm ơn, không thể được. Không được! Nhưng nếu tôi vui lòng tiễn nàng một quãng thì lại là chuyện khác... Trời tối, vào cái giờ muộn mằn này đi một mình giữa phố Carlơ Juhan e không tiện.
- Rất vui lòng.
Rồi chúng tôi cùng đi. Nàng bên phải, tôi bên trái. Một cảm giác dễ chịu, khác lạ xâm chiếm lòng tôi, cảm giác có người đàn bà trẻ bên cạnh. Tôi nhìn nàng không chớp mắt. Mùi nước hoa thoang thoảng từ mái tóc, mùi ấm áp dễ chịu của cơ thể phụ nữ, hơi thở nhẹ thoáng qua khi nàng quay mặt về phía tôi - tất cả những cái ấy thấm vào tôi đến tận đáy sâu của tâm hồn. Tôi chỉ thấy mờ mờ dưới màng che một khuôn mặt trắng, đầy đặn và tuyệt đẹp, còn dưới áo khoác là bộ ngực nhô cao. Sự cám dỗ kì diệu đang được che đậy ấy làm tôi bối rối, đồng thời tôi cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc một cách khó tả. Không kìm được nữa, tôi khẽ chạm tay nàng, rồi ngực, và mỉm cười một cách ngốc nghếch. Tôi nghe rõ tiếng tim tôi đập mạnh.
- Cô là người lạ lùng, - tôi nói.
- Vì sao?
- Vì trước hết cô có thói quen tối tối đứng yên bất động cạnh chuồng ngựa, chỉ đơn giản vì cô thích thế chứ không có một lí do nào đặc biệt...
- Nhưng cũng có thể tôi có lí do để làm thế! Và lại, đêm khuya đi dạo thật thích. Bao giờ tôi cũng thích đi dạo vào ban đêm. Không lẽ anh ngủ trước mười hai giờ?
- Tôi ấy à? Trên đời này tôi không ghét gì bằng phải ngủ trước cái giờ ấy. Ha, ha!
- Ðấy, anh thấy chưa? Còn hôm nay tôi đi dạo thế này vì một lí do đơn giản là tôi chẳng có việc gì khác để làm. Tôi sống ở quảng trường Thánh Ulaf...
- Ilaialy! - Tôi khẽ thốt lên.
- Anh bảo gì cơ?
- Tôi chỉ nói: Ilaialy!... Cô kể tiếp đi!
- Tôi sống ở quảng trường Thánh Ulaf cùng mẹ tôi, nhưng bà bị điếc, nên mẹ con chẳng bao giờ nói chuyện với nhau. Không lẽ tôi thích đi dạo là điều lạ lùng?
- Hoàn toàn không, - tôi vội đáp.
- Nếu vậy vì sao?
Nghe giọng nói, tôi biết nàng đang mỉm cười.
- Chắc cô có chị em gái?
- Có, tôi có chị gái, nhưng sao anh đoán được điều ấy? Chị tôi đi Hămbuốc rồi.
- Lâu chưa?
- Cách đây năm tuần. Sao anh biết tôi có chị gái?
- Tôi chẳng biết gì cả, chỉ hỏi chừng thế thôi.
Chúng tôi cùng im lặng. Một người nào đó đi ngang, cặp đôi giày dưới nách, còn thì phố hoàn toàn vắng người. ở Tivôli, phía xa xa có một dãy đèn nhiều màu. Tuyết đã ngừng rơi, trời sáng.
- Ôi, lạy Chúa, không mặc bành tô, anh không lạnh ạ? - Nàng bỗng nhìn tôi, hỏi to.
Nói thật với nàng rằng tôi không có áo bành tô? Ngay từ đầu cho nàng biết mọi chuyện hay để sau này? Nhưng bây giờ tôi rất thích được đi bên nàng và không muốn nàng biết gì về mình. Vì vậy tôi nói dối:
- Không, không lạnh một chút nào! - Và để chuyển sang đề tài khác, tôi hỏi: - Thế cô đã bao giờ tới vườn thú Tivôli chưa?
- Chưa, - nàng đáp. - Hay lắm à?
Nếu nàng đồng ý tới đấy thì hay quá! ở đấy vừa sáng, lại vừa đông người. Nhưng không, chắc nàng sẽ phải xấu hổ vì bộ quần áo nhàu nát, và cái mặt mệt mỏi của tôi đã hai ngày nay chưa rửa. Thêm vào đó, nàng có thể phát hiện thấy tôi không có áo gilê. Nghĩ thế, tôi bèn đáp.
- Ồ không, ở đấy hoàn toàn chẳng có gì đáng xem. - Thật may là tôi cũng còn lại chút ít khả năng hùng biện.
- Có gì đáng xem trong cái vườn thú bé nhỏ ấy? Mà nói chung tôi không thích xem thú khi chúng bị nhốt trong chuồng. Những con thú tội nghiệp ấy biết hàng trăm con mắt tò mò đang nhìn chúng nên chúng sợ, mất tự nhiên. Không, tôi thích xem những con thú trong trạng thái bình thường của chúng, khi chúng ở trong hang, không bị ai quan sát, giương đôi mắt xanh uể oải nhìn quanh. Chúng liếm chân và suy nghĩ. ý kiến cô thế nào?
- Vâng, tất nhiên anh nói đúng.
- Chỉ những con thú hoang dã, hung tợn mới đáng chú ý. Khi chúng lặng lẽ mò đi trong bóng đêm, vượt qua rừng rậm huyền bí, nơi có tiếng chim hót, tiếng gió thổi, tiếng rú rợn người, tiếng ầm ầm dữ dội, nơi có mùi tanh của máu... Tóm lại, khi con thú cảm thấy hơi thở của thiên nhiên hoang dã...
Tôi không nói tiếp vì sợ làm nàng chán. Tôi lại thấy tôi chỉ là một thằng nghèo đáng thương, và cảm giác này làm tôi rất buồn. Nếu có được một bộ quần áo tử tế, tôi sẽ mời nàng đi Tivôli ngay! Kể cũng lạ, sao người đàn bà trẻ đẹp này lại có thể đồng ý đi dạo giữa phố Carlơ Juhan cùng một gã ăn mày rách rưới như tôi? Nàng đang nghĩ gì? Tôi đi theo nàng xa thế này để làm gì? Tôi không thấy mệt sao? Lẽ nào tôi không lạnh thấu xương mỗi lần có gió mạnh quất vào mặt? Lẽ nào không phải trong đầu tôi chẳng còn một chút đam mê nào nữa, chỉ vì suốt nhiều tháng nay tôi không được ăn no? Chính vì nàng mà tôi không được về nhà để uống sữa nóng, cái có lẽ phù hợp với dạ dày tôi lúc này. Tại sao nàng không quay lưng lại với tôi, không đuổi tôi đi?
Tôi đang ở tình thế tuyệt vọng. Sự tuyệt vọng ấy đẩy tôi đến cực đoan. Tôi nói:
- Ðáng lẽ ta không nên đi với nhau mới đúng. Chỉ riêng bộ quần áo tôi đang mặc cũng đủ làm cô xấu hổ trước mọi người. Ðúng thế đấy, tôi không đùa đâu.
Nàng ngạc nhiên nhìn tôi, rồi im lặng một chốc, nàng nói:
- Lạy Chúa!
Nàng không nói gì nữa.
- Tôi không hiểu ý cô thế nào? - Tôi hỏi.
- Ồ không, - nàng rảo bước đi nhanh.
Chúng tôi rẽ sang phố Ðại học, từ đấy đã có thể nhìn thấy các ngọn đèn trên quảng trường Thánh Ulaf. Nàng bắt đầu bước chậm hơn.
- Xin lỗi vì tôi hỏi quá sỗ sàng: trước khi chia tay, tôi có thể biết tên cô là gì không? Và nếu được, xin cô bỏ mạng che, cho tôi nhìn mặt một chút. Tôi sẽ rất biết ơn cô.
Im lặng. Tôi kiên nhẫn chờ.
- Anh nhìn thấy tôi rồi cơ mà! - Nàng nói.
- Ilaialy! - Tôi kêu lên.
- Anh đã đi theo tôi trong suốt nửa ngày, cho đến khi tôi về tận nhà. Lúc ấy anh say rượu,
đúng không?
Qua giọng nói, lại lần nữa tôi biết nàng đang cười.
- Vâng, - tôi đáp. - Vâng, rất tiếc là lúc ấy tôi say.
- Ôi, say rượu thật đáng sợ và đáng kinh tởm.

17.

Tôi buồn bã thú nhận rằng điều ấy quả đúng đáng kinh tởm.
Chúng tôi tới gần đài phun nước đứng lại nhìn những ô cửa sổ còn sáng ở ngôi nhà số hai.
- Anh không đi tiếp được nữa đâu, - nàng nói. - Cảm ơn anh đã tiễn tôi.
Tôi cúi đầu, không dám nói lời nào. Tôi cởi mũ và cứ đầu trần đứng thế. Nàng có chìa tay cho tôi bắt không?
- Sao anh không hỏi tôi có thích đi dạo với anh một chốc nữa không? - Nàng nói, vẻ đùa cợt, mắt nhìn xuống đôi tất của mình.
- Ôi, lạy Chúa, - tôi kêu lên. - Nếu cô đồng ý thì còn gì bằng.
- Ðược, nhưng chỉ một chốc thôi nhé!
Rồi chúng tôi cùng đi ngược lại.
Tôi không biết phải làm gì, nên đi tiếp hay đứng lại. Người đàn bà này đã làm đầu tôi rối tung. Tôi đang ở trạng thái ngất ngây, say đắm, tưởng có thể chết ngất vì hạnh phúc. Tôi liếc nhìn nàng và cảm thấy mạnh dạn hơn nhiều. Bằng từng lời nói, nàng đang cuốn hút tôi.
Trong chốc lát tôi quên về sự nghèo khó, sự bần tiện và tất cả hoàn cảnh thảm hại của mình. Tôi thấy máu chảy mạnh trong cơ thể như những ngày sung túc trước kia, khi còn tràn đầy sức lực.
- Nghĩa là hôm ấy tôi đi theo cô chứ không phải chị cô? - Tôi hỏi.
- Chị tôi? - Nàng ngạc nhiên hỏi lại.
Nàng đứng nhìn tôi, chờ trả lời. Ðấy không phải là một câu hỏi vô ích.
- Vâng, - tôi đáp. Hừm! Tôi muốn nói tới người trẻ hơn trong hai người đàn bà đi trước tôi lúc ấy.
- Trẻ hơn? Ha, ha! - Nàng bỗng phá lên cười to, cười một cách tự nhiên như đứa trẻ. - Anh ranh ma lắm! Anh nói như thế để bắt tôi nâng khăn che mặt lên chứ gì? Không được đâu, sẽ phải chờ lâu đấy. Anh phải bị trừng phạt.
Cả hai chúng tôi cùng cười đùa luôn miệng. Tôi chẳng biết lúc ấy tôi nói những gì, chả là vì tôi vui quá. Nàng nói một lần nọ, lâu lắm rồi, nàng nhìn thấy tôi trong rạp hát. Tôi đi cùng ba người bạn nữa, và đã cư xử như một người điên. Chắc hôm ấy tôi cũng say.
- Sao cô nghĩ thế?
- Vì anh cười quá to.
- Thế à? Dạo ấy tôi rất hay cười.
- Còn bây giờ?
- Bây giờ cũng thế, nhưng lúc đó cuộc sống của tôi thật đẹp.
Tới phố Carlơ Juhan, nàng nói:
- Thôi kệ!
Chúng tôi quay lại và lần nữa đi theo phố Ðại học. Khi tới gần đài phun nước, tôi bước chậm lại, không biết có được tiễn nàng xa hơn không.
- Bây giờ đến lúc anh phải về, - nàng nói rồi đứng lại.
- Vâng, đã đến lúc, - tôi đáp.
Khi cùng nàng đứng cạnh cổng, tôi lại ý thức một cách sâu sắc sự nghèo đói của mình. Làm sao một người không đồng xu dính túi như tôi có thể giữ được tâm hồn sảng khoái? Bẩn thỉu, mệt mỏi, tiều tuỵ vì đói ăn, rách rưới, tôi đứng trước người đàn bà trẻ đẹp này mà xấu hổ muốn chui xuống đất. Tôi co rúm người lại, vô tình còng lưng xuống, và nói:
- Tôi còn được gặp cô nữa không?
Tôi không chút hi vọng rằng nàng sẽ đồng ý cho gặp nữa. Thậm chí hầu như tôi mong nàng cương quyết từ chối để tôi bắt mình bình tĩnh trở lại và lại thành người lãnh đạm như trước.
- Có, - nàng đáp.
- Bao giờ?
- Tôi không biết.
Im lặng.
- Cô thử nâng khăn che mặt chỉ một giây, một giây thôi, được không? - Tôi nói. - Hãy cho tôi nhìn mặt cô. Một giây thôi. Nhìn mặt cô.
Im lặng.
- Ta có thể gặp nhau ở đây vào tối thứ ba
tuần sau?
- Vâng, nếu được.
- Vào tám giờ.
- Vâng.
Tôi đưa tay phủi tuyết trên vai nàng, cốt để được chạm vào người nàng. Sự gần gũi ấy làm tôi sung sướng.
- Nghĩa là anh không nghĩ về tôi quá xấu, - nàng nói, và lại mỉm cười.
- Không...
Bỗng nhiên, bằng một động tác cương quyết, nàng nâng khăn che mặt, và trong giây lát, chúng tôi đứng nhìn nhau.
- Ilaialy! - Tôi nói.
Nàng nhón chân quàng tay ôm cổ tôi rồi hôn tôi vào môi. Hôn một lần, chỉ một lần duy nhất, hôn thật nhanh vào môi tôi. Tôi cảm thấy ngực nàng nhô cao do thở mạnh và hồi hộp.
Nhưng liền lúc ấy nàng buông tôi ra, hổn hển nói:
- Chúc anh ngủ ngon!
Nàng quay người chạy lên theo cầu thang, không nói thêm một lời nào nữa...
Cửa vào nhà nàng đóng sập.
Hôm sau tuyết rơi nhiều hơn, từng bông to và ẩm. Xuống đất, chúng tan thành nước bẩn. Trời ẩm và lạnh.
Tôi tỉnh dậy rất sớm. ý nghĩ trong đầu tôi trở nên hoàn toàn lẫn lộn sau những xúc động đêm qua, nhưng tâm hồn tôi thì đang vô cùng phấn chấn. Như một người đang say, tôi nằm yên hồi lâu với đôi mắt mở to, hình dung Ilaialy đang bên cạnh. Tôi ôm chính bản thân mình và chìa môi hôn không khí. Cuối cùng tôi ngồi dậy, uống bát sữa, chốc sau ăn một đĩa bít tết. Tôi không thấy đói, nhưng thần kinh lại lần nữa bị kích thích cao độ.
Tôi đi tới cửa hàng bán quần áo may sẵn. Tôi bỗng nảy ra ý nghĩ rằng tôi có thể mua với giá rẻ một chiếc gilê cũ, để có cái mặc trong áo khoác. Theo cầu thang, tôi bước lên chợ chọn một chiếc gilê rồi bắt đầu ngắm nghía nó. Một người quen đi ngang gật đầu, lên tiếng gọi tôi. Tôi treo áo đi lại. Ðó là một anh thợ cơ khí đang trên đường đi làm.
- Nào, đi uống bia cùng tớ, - anh ta đề nghị. - Có điều phải nhanh nhanh mới được. Tớ vội lắm... à mà hôm qua cậu đi dạo với con bé nào thế?
- Anh không biết à? - Tôi đáp, thậm chí ghen vì anh ta dám nghĩ tới nàng. - Người yêu tôi đấy.
- Trời đất ơi! Khá lắm!
- Vâng, đêm qua chúng tôi đi dạo với nhau.
Anh chàng đớ người, tin tôi ngay.
Tôi nói dối để sớm kết thúc câu chuyện. Uống bia xong, chúng tôi bước ra phố.
- Tạm biệt!... à mà khoan, - anh ta nói. - Trước tớ có vay cậu mấy curon và lấy làm xấu hổ rằng đến giờ vẫn chưa trả được. Nhưng sắp tới mình sẽ trả.
- Cảm ơn, - tôi nói. Tôi không tin có lúc nào đó anh ta sẽ hoàn lại tôi số tiền ấy.
Thật là tiếc là ngay lập tức bia làm tôi chóng mặt, những đợt sóng nóng nào đó đang tràn qua khắp người tôi. Tôi bắt đầu nghĩ về cuộc gặp gỡ đêm qua và bỗng cảm thấy lo lắng. Ngộ nhỡ thứ ba tới nàng không đến thì sao? Biết đâu nàng sẽ nghĩ lại và nghi ngờ! Nhưng nghi ngờ gì mới được chứ?... ý nghĩ tôi bây giờ lại tập trung quanh những đồng curon. Tôi hoảng sợ, sợ cho chính mình. Tôi nhớ lại mọi chi tiết hành động tội lỗi mà tôi đã phạm trước đó. Tôi hình dung thấy cửa hiệu, quầy hàng và cánh tay gầy gò của tôi đang đút tiền vào túi. Rồi tôi tưởng tượng thấy cảnh sát đến bắt tôi. Hai chân và hai tay tôi phải đeo xích. Không, không thể cả hai, chỉ một tay thôi. Sau đó là phòng giam, người trực ban ghi biên bản, ngòi bút lia trên giấy sột soạt và cái nhìn chết người của ông ta. Thế nào, ông Tangen? Tiếp đến là buồng giam biệt lập, là bóng tối vĩnh cửu...
Hừm! Tôi bóp chặt nắm đấm, cố lấy lại dũng cảm và rảo bước đi nhanh; một chốc sau đã ở Sturtuvét. Tôi ngồi xuống.
Thôi, thôi đi, tôi không phải trẻ con, đừng loè tôi nữa! Ai có thể chứng minh được điều ấy? Vả lại, nếu muốn, ông bán hàng cũng không dám làm ầm lên vì ông ta còn quý chỗ làm của mình. Hãy làm ơn thôi đi cho, đừng gây ồn ào vô ích!
Nhưng dù sao số tiền này vẫn làm tôi cảm thấy nặng nề và không chịu để tôi yên. Tôi bới lục trong đầu, tìm mọi cớ để thuyết phục mình rằng bây giờ tôi hạnh phúc hơn nhiều so với những ngày đói ăn với lương tâm trong sạch. Còn Ilaialy nữa! Chẳng phải tôi đã kéo nàng xuống bùn lầy bằng đôi tay tội lỗi của tôi đó sao? Ôi, lạy Chúa! Ilaialy!
Bây giờ tôi thấy mình thật đáng kinh tởm. Rồi bỗng nhiên tôi đứng bật dậy đi thẳng đến bà bán bánh rán đang ngồi bên hiệu thuốc. Còn kịp trút bỏ sự nhục nhã khỏi mình và cho mọi người biết mình là ai! Vừa đi, tôi vừa vơ nắm tiền, cầm chặt trong tay, không sót đồng nào. Tôi cúi xuống như thể muốn mua bánh rồi chẳng nghĩ ngợi gì thêm, tôi giúi nắm tiền vào tay bà bán bánh, và bỏ đi ngay, không nói một lời nào.

18.

Sung sướng biết bao khi lại được làm người trung thực! Cái túi trống rỗng cho tôi cảm giác nhẹ nhõm. Vâng, thật hạnh phúc khi biết mình trong sạch. Phải nói rằng những đồng tiền kia đã làm tôi băn khoăn, khổ sở. Mỗi lần nghĩ tới chúng, tôi lại rùng mình. Gì thì gì, xưa nay tâm hồn tôi chưa bị vấy bẩn lần nào, chính hành động thấp hèn ấy đã làm danh dự của tôi hoen ố. Vâng, vâng, đúng thế! Lạy Chúa, thế là tôi đã thanh minh được với chính bản thân mình.
- Xin mọi người hãy noi gương tôi! - Tôi khẽ nói, đưa mắt bao quát cả quảng trường đang chật ních những người là người. - Hãy làm theo tôi! Tôi đã biến một bà lão bán bánh nghèo khổ thành người hạnh phúc! Một việc đáng làm đấy chứ? Ðúng lúc bà đang ở trong tình cảnh không lối thoát. Ðêm nay bầy con của bà không còn phải ôm bụng đói đi ngủ...
Tôi tự an ủi bằng những ý như vậy, và thấy cách xử sự của mình là không chê vào đâu được. Lạy Chúa, cuối cùng tôi đã thoát khỏi những đồng tiền bẩn thỉu ấy.
Ngất ngây và xúc động, tôi bước đi giữa phố, kiêu hãnh ngẩng cao đầu. Tôi run lên vì sung sướng khi nghĩ rằng tôi sẽ tới gặp nàng với tư cách là người trong sạch, và có thể mạnh dạn nhìn thẳng vào mắt nàng. Từ nay lương tâm tôi không còn bị cắn rứt, các ý nghĩ thoáng rộng, đầu óc nhẹ nhõm và tràn đầy ánh sáng rực rỡ. Tôi bỗng muốn đùa, muốn nghĩ ra vài trò ngu ngốc nào đó, như lật ngược cả thành phố đầu lộn xuống đất, hoặc gây nên một sự hỗn loạn khủng khiếp chẳng hạn. Như một người điên thực sự, tôi đi qua Grenxơn, hai tai tôi ù ù, niềm vui làm tôi ngây ngất. Và trong cơn vui ngây ngất ấy, tôi túm lấy một thằng bé sai vặt mà tôi gặp dọc đường, rồi báo cho nó biết tôi là ai, bao nhiêu tuổi. Nhưng thằng bé không nói lời nào. Tôi lại cầm chặt tay nó, nhìn thẳng vào mặt nó rồi bỏ đi, không thèm giải thích vì sao tôi làm thế. Tôi lắng nghe giọng nói và tiếng cười của những người đi ngang, nhìn mấy con chim đang nhún nhảy trên hè phố, quan sát những viên đá lát đường và thấy chúng xếp lại với nhau thành những hình rất kì lạ. Cuối cùng, tối tới quảng trường, nơi có toà nhà nghị viện.
Tôi đứng sững lại, nhìn những người đánh xe ngựa. Họ đi lại giữa quảng trường, trò chuyện với nhau, còn ngựa của họ thì đứng cúi đầu, khó chịu vì thời tiết xấu.
"Nào, đi thôi!" - Tôi khẽ nói rồi lấy tay tự đẩy mình về phía trước. Tôi bước nhanh đến chiếc xe đầu tiên và leo lên ngồi.
- Phố Ullevônxvâyen, nhà ba mươi bảy! - Tôi quát.
Chiếc xe lăn bánh.
Dọc đường, người đánh xe bắt đầu ngoái lại nhìn tôi đang ngồi dưới mái che bằng vải bạt. Không lẽ hắn cảm thấy có điều gì không bình thường? Không nghi ngờ gì nữa, bộ quần áo sờn cũ của tôi đã làm hắn chú ý.
- Tôi có việc phải đến gặp một người ở đấy, - tôi nói để người đánh xe khỏi hỏi lôi thôi. - Một việc rất cần.
Xe dừng lại bên nhà số ba mươi bảy. Tôi nhảy xuống, chạy theo cầu thang lên tầng ba rồi giật mạnh dây chuông, làm chiếc chuông rung lên rền rĩ.
Người hầu gái mở cửa. Tôi để ý thấy tai cô ta mang khuyên vàng, còn chiếc váy màu xám có những chiếc cúc đen. Cô ta nhìn tôi hoảng sợ.
- Tôi hỏi ông Hierunf, Joahim Hierunf có nhà không, cái ông làm nghề buôn len ấy mà, ai chẳng biết ông ấy!...
Cô hầu gái lắc đầu:
- Ở đây không có ai là Hierunf cả.
Rồi cô ta nhìn tôi, vẻ muốn đóng cửa lại. Cô ta nói cái tên ấy thật dễ dàng, không một chút mắc mớ, như thể biết con người tôi đang tìm kia là ai, có điều không muốn giúp tôi mà thôi. Vô cùng giận dữ, tôi quay người chạy xuống thang gác.
- Ông ấy không ở đây! - Tôi nói với người đánh xe ngựa.
- Không ở đây?
- Không! Cho xe tới phố Tômtegaten, nhà số mười một.
Sự lo lắng của tôi chuyển sang cả người đánh xe. Ông ta vội cho xe phóng đi ngay, chắc nghĩ bằng cách ấy có thể cứu được tôi thoát chết. Ông ta luôn quát to, thúc ngựa chạy nhanh hơn.
- Người ông cần tìm tên là gì? - Ông ta ngoái lại hỏi.
- Hierunf, làm nghề buôn len. Hierunf!
Ông đánh xe ngựa cũng có cảm giác như có biết người này. Có phải ông ấy hay mặc quần áo màu sáng không?
- Ông nói sao? - Tôi hỏi lại. - Mặc quần áo màu sáng à? Ông không điên đấy chứ? Ông tưởng tôi đùa chắc?
Cái bộ quần áo màu trắng ấy đã làm hỏng hết mọi chuyện. Tôi tưởng tượng Hierunf là người khác hẳn.
- Ông nói tên ông ấy là Hierunf?
- Vâng, đúng thế, - tôi đáp. - Thì sao, có gì đáng ngạc nhiên. Nó chẳng xấu hơn bất kì cái tên
nào khác.
- Có phải tóc ông ấy màu hung không?
Rất có thể tóc ông ta màu hung, và khi người đánh xe nói lên điều ấy, lập tức tôi cho rằng quả đúng như thế. Tôi thấy phải cảm ơn người đánh xe, vì ông ta thông minh đoán ra ngay người tôi đang tìm là ai?
- Nếu tóc Hierunf không phải màu hung thì mới là điều đáng lạ, - tôi nói.
- Hoá ra tôi đã chở ông ấy hai lần rồi đấy, - người lái xe nói. - Tay ông ấy cầm chiếc gậy bằng gỗ.
Lập tức tôi hình dung thấy Hierunf đang đứng trước mặt tôi, tôi nói:
- Ha, ha! Chưa bao giờ có ai thấy ông ta không cầm chiếc gậy ấy trong tay cả! Ðúng thế, ông cứ yên tâm rằng đúng như thế.
Vâng, tất nhiên đó chính là Hierunf mà người đánh xe này đã chở đi hai lần. Ông ta nhớ ngay mà...
Chúng tôi đi nhanh tới mức các đốm lửa toé lên dưới móng ngựa.
Dù đang rất hồi hộp, tôi vẫn tỉnh táo để ý hết mọi chuyện. Khi xe đi ngang một người lính gác, tôi nhận thấy anh ta đeo tấm biển nhỏ trên ngực có con số 69. Con số ấy làm tôi sửng sốt và cắm vào óc tôi như một cái dăm.
69, vâng, chỉ 69, chắc chắn tôi không quên!
Tôi ngả người xuống lưng ghế, để mặc trí tưởng tượng kì quặc của tôi tha hồ bay bổng. Tôi co người dưới tấm bạt che để không ai thấy tôi đang bĩu môi và bắt đầu nói chuyện với chính mình một cách ngu ngốc nhất. Sự điên rồ đang sôi sục trong đầu tôi. Tôi để nó tự do trào ra, biết trước tôi sẽ là nạn nhân của nó, cái mà tôi không đủ sức chống đỡ lại. Tôi bắt đầu cười, cười ngặt nghẽo không thành tiếng, dù hoàn toàn không có lí do gì để cười. Tôi là người đang vui, là thằng say khi uống hai cốc bia. Nhưng cuối cùng, dần dần cơn say ấy cũng qua và tôi bình tĩnh trở lại. Tôi thấy ngón tay bị cắn đau nhức nhối. Tôi cho nó vào nách để đỡ lạnh.
Xe tới Tômtegaten. Người đánh xe cho ngựa dừng lại.
Tôi thong thả bước xuỗng, không hề suy nghĩ điều gì, đầu tôi nặng trình trịch. Tôi đi qua cổng, vào sân rồi đến trước một cánh cửa. Tôi bước vào và thấy một lối đi có hai cửa sổ. Trong góc có hai chiếc hòm chồng lên nhau, cạnh tường là chiếc giường nhỏ không sơn có phủ thảm. Phía bên phải, trong phòng cạnh có tiếng ai đang nói về tiếng trẻ kêu, còn ngay trên đầu tôi, ở tầng hai, là tiếng búa gõ vào sắt chan chát. Vừa bước vào, tôi đã chú ý ngay tới tất cả những điều ấy.
Tôi thản nhiên đi khắp căn hộ tới một cánh cửa khác, rồi thong thả, không hề nghĩ tới việc chạy trốn, tôi mở nó và bước ra phố cạnh. Tôi ngước nhìn ngôi nhà mà tôi vừa đi xuyên qua, và đọc tấm bảng treo trên tường: "Nhà nghỉ cho khách vãng lai".
Không hề có ý định chạy trốn khỏi người đánh xe đang chờ tôi ở phía bên kia, tôi bình thản bước đi không chút lo sợ, không nghĩ rằng mình đã làm một việc gì đó không tốt. Hierunf, cái ông buôn len mà tôi tin là có thật và bỏ công tìm kiếm ấy, bỗng nhiên biến mất. Ông ta đã hoá thành hơi và tan đi cùng các ý nghĩ điên rồ khác. Bây giờ ông ta chỉ lởn vởn trước tôi như cái bóng mờ ảo, như một hồi ức xa xăm nào đó.
Càng đi, tôi càng trở nên tỉnh táo, tôi cảm thấy nặng nề và mệt mỏi, vất vả lắm mới lê nổi chân. Trong khi đó, tuyết vẫn rơi từng cụm lớn rất to và ướt. Cuối cùng, tôi tới Grơnlen, tới tận nhà thờ và ngồi xuống một chiếc ghế dài nghỉ lấy hơi. Những người đi ngang ngạc nhiên đưa mắt nhìn tôi. Tôi ngồi, chìm sâu trong trầm tư suy nghĩ.
Trời ơi, sao tôi phải khổ thế này? Cái cuộc sống khốn kiếp này đã làm tôi kiệt sức; tôi mệt mỏi đến tột độ, đến mức không còn đáng để đấu tranh kéo dài nó thêm nữa. Các tai hoạ kinh khủng dồn dập đổ lên đầu tôi, tôi bị đè bẹp và hiện chỉ là cái bóng của chính mình. Vai tôi nhô lên cao, khi đi tôi phải còng xuống để ghìm bớt cái đau trong ngực. Cách đây hai ngày, ngồi ở nhà mình, tôi quan sát kĩ cơ thể tôi và đã không cầm được nước mắt. Ðã mấy tuần nay tôi không thay áo sơ mi, cổ áo dày cộm, đen xỉn vì mồ hôi và cọ vào cổ tôi đến chảy máu, làm thành cái u nhỏ và dù không đau, tôi vẫn thấy thật buồn khi phải mang cái vết thương ấy trên người. Tôi không có gì để chữa nó, mà rồi tự nó sẽ lành. Tôi chỉ dùng nước rửa sạch, cẩn thận xoa xoa nó vài cái rồi lại mặc chiếc áo bẩn vào. Biết làm thế nào được...
Tôi ngồi trên ghế, lan man suy nghĩ đủ điều, lòng nặng trĩu. Tôi chán chính bản thân mình, thậm chí cả đôi tay tôi, tôi cũng thật kinh tởm. Ðôi tay yếu đuối, vô tích sự đến mức không thể chấp nhận nổi. Tôi bực bội nhìn những ngón tay thon gầy của tôi, tôi căm ghét cơ thể rệu rã của tôi. Tôi rùng mình khi nghĩ tới việc suốt đời phải nuôi sống, chăm bẵm cái cơ thể trần tục đáng ghét ấy. Trời ơi, mong sao tất cả những điều này nhanh chóng kết thúc! Tôi muốn chết làm sao!
Hoàn toàn bị chà đạp, khinh bỉ và lăng nhục trong con mắt của chính mình, tôi thẫn thờ đứng dậy, đi về nhà.
Dọc đường tôi lại nhìn thấy tấm biển quen thuộc treo trước cổng: "Hiệu Iomfru Anđerxơn, có bán những tấm vải liệm". Tôi nhớ tới căn gác xép tôi sống ở Hammerxborg, nhớ chiếc ghế xích đu nhỏ, những tời báo cũ dán bên cửa, tin quảng cáo của người coi đèn biển và mùi bánh mì mới của hiệu bánh Fabian Onxen. Chao, những ngày ấy sống còn sướng hơn bây giờ hàng chục lần. Có lần trong một đêm tôi viết xong một bài báo và được trả những mười curon. Còn bây giờ thì không! Hễ tôi cầm bút vào tay là lập tức các ý nghĩ chui ra hết khỏi đầu. Vâng, đã đến lúc phải chấm dứt mọi chuyện. Cứ thế tôi vừa suy nghĩ vừa đi, không dừng lại một lần nào.
Càng đến gần cửa hiệu tạp hoá, tôi càng cảm thấy lo sợ một cách mơ hồ. Rồi tôi quyết định dứt khoát rằng tự tôi sẽ thú nhận mọi chuyện. Ðây, tôi đang bước lên cầu thang, đến cửa tôi gặp một cô bé tay đang bê chiếc bát. Tôi chờ nó đi xa rồi bước vào cửa hiệu, khép chặt cửa lại. Tôi và ông bán hàng lại mặt đối mặt nhìn nhau.
- Hôm nay thời tiết chẳng ra gì, - ông ta nói.
Ông ta nói thế làm quái gì? - Sao không bắt tôi ngay? Vô cùng tức giận, tôi nói:
- Tôi tới đây không phải để tán với ông về thời tiết.
Thái độ của tôi làm người bán hàng tội nghiệp bối rối. Ông ta không biết phải cư xử thế nào, và tất nhiên không thể nghĩ rằng tôi đã ăn cắp của ông ta năm curon.
- Chẳng nhẽ ông không biết rằng tôi ăn cắp tiền của ông? - Tôi bực bội quát to, thở hổn hển và sẵn sàng dùng sức bắt ông ta phải có phản ứng, nếu còn chần chừ nghi hoặc.
Thế mà ông ta, cái ông già tội nghiệp ấy, vẫn đứng ngây người không chịu hiểu.

19.

Ôi, lạy Chúa, ta phải sống giữa những thằng ngốc thế đấy! Tôi trút lên đầu ông ta những câu chửi độc địa rồi giải thích một cách tỉ mỉ những gì đã xảy ra. Tôi chỉ chỗ hôm ấy tôi và ông ta đứng, tiền nằm ở đâu và tôi cầm lấy, bóp chặt trong tay thế nào. Cuối cùng ông ta hiểu, nhưng không hề có phản ứng gì. Ông ta chỉ lắc lắc đầu, lắng nghe tiếng bước chân bên kia tường, ra hiệu cho tôi khẽ hơn, và nói:
- Vâng, ông đã có một hành động không tốt!
- Khoan, gượm đã! - Tôi quát to, cốt để ông ta cũng tức giận như tôi. - Ông là một kẻ bán hàng hạ đẳng, làm sao ông biết được tôi hành động tốt hay xấu! Ðừng nghĩ tôi lấy số tiền ấy cho mình, tôi không định đem chúng ra tiêu, tôi là người trung thực, tôi không thể...
- Thế thì ông đã dùng số tiền ấy làm gì?
- Báo ông biết rằng tôi đã đem cho một bà già nghèo khổ, cho hết, không sót xu nào. Tôi là người thế đấy, trái tim tôi không là hòn đá, tôi thương những người nghèo khổ...
Người bán hàng có vẻ lưỡng lự. Ông ta không thật tin lắm rằng tôi là người tử tế. Cuối cùng
ông hỏi:
- Tại sao ông không trả lại cho tôi?
- Nhưng xin ông hiểu cho: tôi không muốn gây cho ông những điều phiền toái vô ích. Tôi thương ông, và quyết định tha cho ông, - tôi trâng tráo đáp. - Thế mà ông đền ơn cho tôi thế này đây! Tôi tới đây, bỏ ra chừng ấy thời gian giải thích ông hiểu mọi chuyện, còn ông thì không chút xấu hổ, đã chẳng chịu làm gì tôi cả. Thế thì thôi, xong nhé! Quỷ tha ma bắt ông đi! Chào ông!
Tôi bước ra, đóng sập cửa thật mạnh.
Nhưng khi về tới nhà mình, về cái hang chuột tối om ấy, bị ướt từ đầu đến chân, sự hùng hổ tự nhiên biến đâu mất. Và tôi lại thiểu não như trước. Tôi lấy làm tiếc đã xử sự như thế với ông già tội nghiệp. Tôi oà lên khóc, tay bóp chặt cuống họng để tự trừng phạt mình đã có một hành động bỉ ổi như vậy, và để tự hối lỗi nữa. Tất nhiên ông lão rất sợ bị mất việc làm, nên chắc sẽ không dám làm ầm lên vì năm đồng curon ấy. Tôi lợi dụng điểm yếu ấy để quát tháo, sỉ nhục ông ta; trong khi có lẽ ông chủ hiệu đang ở bên kia tường và có thể bước vào bất kì lúc nào để xem chuyện gì đang xảy ra. Ðúng là một hành động đê tiện hiếm có!
Chà, sao người ta không giữ tôi lại nhỉ? Nếu thế, mọi chuyện sẽ được kết thúc. Tôi sẵn sàng tự nguyện chìa tay cho người ta xích lại, không một cử chỉ nào chống đối, ngược lại tôi còn tạo điều kiện để bị bắt nhanh chóng hơn. Lạy Chúa, con xin đem đổi toàn bộ đời con để lấy một giây hạnh phúc! Cả cuộc đời con để lấy một mẩu bánh mì khô cứng! Hãy nghe lời cầu của con, dù chỉ một lần này!...
Tôi để cả quần áo ướt nằm ngủ. Tôi có ý nghĩ mơ hồ rằng đêm nay tôi sẽ chết, vì vậy tôi đem hết sức lực còn lại thu xếp lại giường nằm để sáng hôm sau nó không đến nỗi bừa bộn lắm. Rồi tôi nằm xuống, khoanh hai tay trên ngực.
Bỗng nhiên tôi nhớ tới Ilaialy. Làm sao suốt cả buổi chiều tôi không nhớ tới nàng lần nào nhỉ? Tâm hồn tôi lần nữa lại loé sáng, chỉ một tia nắng nhỏ bé thôi, nhưng cũng đủ làm tôi cảm thấy ấm áp. Mặt trời mỗi lúc một rực rỡ hơn. Ðó là thứ ánh sáng dịu dàng, âu yếm và ngọt ngào, làm tôi ngây ngất. Sau đó mặt trời nóng dần, nó đốt hai má tôi, thiêu cháy óc tôi bằng ngọn lửa giận dữ. Bây giờ trước mắt tôi là một ngọn lửa khổng lồ, cả đất cả trời đều bốc cháy. Rồi người, thú vật, sông núi, sa mạc và quỷ dữ - cả thế giới đang bốc cháy, rừng rực cháy trong ngọn lửa của ngày tận thế.
Sau đó tôi chẳng nghe hay thấy gì nữa...
Hôm sau tôi tỉnh dậy, người đầy mồ hôi. Tôi bị sốt nặng, run lên bần bật. Lúc đầu, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, tôi đưa mắt nhìn quanh và cảm thấy có cái gì đấy đang gãy vỡ trong tôi. Tôi sờ tay chân mình, rồi lấy làm ngạc nhiên vì cửa sổ ở tường này chứ không phải ở tường đối diện. Có tiếng móng ngựa từ dưới sân vọng lên, thế mà tôi cứ tưởng như từ trên xuống. Ngoài ra, tôi còn buồn nôn...
Mái tóc ướt và lạnh xoã lên trán. Tôi chống tay nhỏm dậy, nhìn xuống gối: trên gối cũng có các túm tóc ướt. Ðôi chân vẫn nguyên giày chưa cởi sau một đêm đã phồng to, vất vả lắm tôi mới cọ quậy nổi các ngón.
Lúc này đã xế chiều, có lẽ mặt trời sắp lặn, tôi dậy khỏi giường và bắt đầu đi lại trong phòng. Tôi bước từng bước nhỏ, thận trọng để khỏi ngã và để chân không đau. Tôi không cảm thấy quá đau khổ, không muốn khóc và nói chung chẳng buồn chút nào. Ngược lại, tôi thấy vui và không muốn một số phận nào khác.
Sau đó tôi đi ra khỏi nhà.
Một điều duy nhất làm tôi khó chịu là cái đói, mặc dù tôi ghê tởm thức ăn. Lần nữa tôi lại cảm thấy sự háu ăn thấp hèn đang cào cấu trong bụng, mà mỗi lúc một dữ dội hơn. Ngực tôi đau nhức nhối, không sao chịu nổi, như thể trong đó đang có một cuộc đâm chém âm thầm nào đó. Hình như có hàng chục con thú nhỏ thi nhau cắn xé ngực tôi, lúc bên này, lúc bên kia, sau đó chúng tạm nghỉ, rồi lại cắn xé tiếp một cách lặng lẽ, rứt từng miếng thịt lớn...
Tôi không ốm, nhưng kiệt sức và người đầm đìa mồ hôi. Tôi hi vọng sẽ nghỉ ngơi ở quảng trường, nhưng đường tới đó khá dài và vất vả. Thế mà tôi vẫn tới được. Tôi đứng giữa đường phố dẫn tới quảng trường. Nước mắt chảy cả vào mắt, kính mờ, làm tôi không nhìn thấy gì phải dừng lại để lau kính. Tôi không biết tôi đang đứng ở đâu, và cũng chẳng nghĩ tới điều ấy. Có tiếng ồn nào đó rất to nổi lên quanh tôi.
Bỗng ai đó kêu thất thanh: "Cẩn thận!". Tôi nghe tiếng kêu ấy, nghe rất rõ nên đứng né sang bên và bước nhanh về phía trước trong chừng mực đôi chân yếu ớt của tôi cho phép. Một chiếc xe chở bánh mì phóng qua, giận dữ như con quái vật trong cơn điên, bánh xe va vào vạt áo khoác của tôi. Nếu tôi nhanh hơn một chút, chắc mọi việc đã kết thúc một cách tốt đẹp. Vâng, lẽ ra tôi phải nhanh hơn, chỉ cần cố thêm một tí nữa thôi. Nhưng bây giờ thì quá muộn, chiếc xe đã lăn qua và chỉ đè dập các ngón chân của tôi. Tôi có cảm giác hai ngón vẹo hẳn sang một bên. Người đánh xe cho ngựa dừng lại, nhảy xuống, hốt hoảng hỏi tôi có sao không. Ô, may quá, chưa nặng lắm!... Có trời mới biết được, đáng sợ thật... Tôi tin là xương không gãy... Ôi, hãy làm ơn...
Tôi cố lê chân thật nhanh về phía chiếc ghế gần đó. Một đám đông tập trung lại nhìn, làm tôi rất khó chịu. Xe có chịu nghiến tôi chết đâu, dù tôi đang muốn từ giã cuộc đời này. Tệ hại nhất là chiếc giày của tôi đã bị hỏng, đế hầu như bong hẳn, còn mõm thì há ra như miệng cá sấu. Tôi giơ chân lên và thấy trong chiếc miệng cá sấu ấy có máu. Không sao, không ai có lỗi cả. Ông đánh xe chắc không hề muốn làm tồi tệ hơn cái hoàn cảnh vốn đã tồi tệ của tôi. Tôi có thể yêu cầu ông ta quẳng cho tôi một chiếc bánh, tất nhiên ông ta sẽ vui lòng làm cái điều nhỏ nhặt ấy.
Cái đói lại giày vò tôi hết sức khổ sở, tôi quả không biết phải làm gì để thoát khỏi sự háu ăn đáng xấu hổ ấy của mình. Tôi ngồi vặn vẹo trên ghế, co chân rụt cổ vào hai đầu gối. Khi trời tối, tôi lê bước tới Toà thị chính - có trời mới biết được tôi đã đến đấy bằng cách nào - và ngồi xuống trên bậc đá chân cầu thang của nó. Tôi xé chiếc túi khỏi áo khoác và đưa lên miệng nhá, một cách hoàn toàn vô ý thức, mắt nhìn trân trân vào chỗ trống. Tôi nghe tiếng trẻ cười đùa bên cạnh, chốc chốc lại đoán người nào đang đi ngang. Ngoài ra tôi không làm được gì khác.
Sau đó tôi bỗng nảy ra ý nghĩ đến chợ kiếm một miếng thịt sống. Tôi đứng dậy đi ra phía cuối chợ. Ðứng chờ một chốc bên dãy hàng thịt, tôi quay lại nhìn và giả vờ như mắng một con chó tưởng tượng nào đó, ra lệnh cho nó phải đứng yên tại chỗ, rồi mạnh dạn nói với người bán thịt đầu tiên tôi gặp.
- Xin ông làm ơn cho con chó của tôi một miếng xương! - Tôi nói. - Chỉ xương thôi, không cần thịt; chả là nó phải ngậm một cái gì đó trong miệng mà.
Người ta cho tôi một khúc xương, một khúc xương tuyệt vời, trên đó còn dính ít thịt. Tôi vội giấu nó vào ngực rồi cảm ơn người bán thịt nhiều và nhiệt tình đến mức ông ta phải ngạc nhiên nhìn tôi.
- Ồ, chẳng có gì phải cảm ơn, - ông ta nói.
- Ấy, ông đừng nói thế, - tôi lẩm bẩm đáp. - Ông thật tốt!
Rồi tôi bước đi, tim đập mạnh trong lồng ngực.
Tôi rẽ vào một ngõ hẻm và dừng lại cạnh một cổng ra vào nào đó đã gần sụp đổ. ở đây rất tối, tôi mừng thầm và lấy khúc xương ra, bắt đầu gặm.
Chẳng ngon chút nào. Nó bốc mùi máu đông khó chịu. Một chốc sau tôi thấy buồn nôn. Nôn xong, tôi thử gặm lần nữa. Nhưng lại nôn. Tôi giận dữ dùng răng bóc thịt ra và bắt mình phải nuốt vào bụng. Than ôi, tôi làm thế cũng chỉ vô ích. Vì vừa nuốt khỏi họng, lập tức những miếng thịt sống ấy bị tống ra ngoài. Bất lực và tuyệt vọng, tôi nắm chặt hai tay, khóc to và lại giận dữ gặm tiếp. Mặt tôi dàn dụa nước mắt, khúc xương trở nên bẩn và ướt vì những giọt nước mắt ấy. Vẫn nôn. Tôi kêu lên những tiếng nguyền rủa, rồi lại gặm, lại khóc và lại nôn.
Im lặng, xung quanh không một bóng người, đâu cũng chỉ bóng tối và sự yên tĩnh. Tâm hồn tôi đang ở trạng thái xúc động đáng sợ. Tôi thở một cách nặng nhọc, hổn hển. Nước mắt chảy dàn dụa, miệng nôn hết miếng thịt này đến miếng thịt khác, những miếng thịt lẽ ra có thể giúp tôi đỡ đói ít nhiều. Cố hết mọi cách vẫn không kết quả gì, tôi giận dữ và tuyệt vọng vứt khúc xương vào ngõ tối rồi kêu to một cách man dại bằng giọng khàn khàn đứt quảng, tôi không ngớt lời nguyền rủa Chúa trời, giơ cao hai cánh tay gầy gò, còng queo với những ngón tay như móng chim ác...  , Vaal, trên đời này chẳng làm quái gì có ngài, nhưng nếu có, tôi sẽ nguyền rủa ngài luôn miệng và trên cái thiên đường ấy của ngài, ngài sẽ bị thiêu cháy bằng chính ngọn lửa địa ngục. Tôi sẵn sàng phục vụ ngài, nhưng ngài đã ruồng rẫy tôi và từ nay tôi sẽ thù địch với ngài suốt đời.  , Apis, tôi biết tôi sắp chết, nhưng lúc này, đứng bên quan tài, tôi vẫn khinh bỉ nhổ vào mặt ngài!...
Im lặng.
Toàn thân tôi run lên vì hồi hộp và đau khổ; tôi vẫn đứng yên, không ngớt lẩm bẩm những lời nguyền rủa, khóc một cách cay đắng vì bất lực, đau khổ và vì cuồng giận tuyệt vọng. Cứ thế, tôi đứng cạnh cổng suốt nửa giờ, vừa khóc vừa tựa vào tường để khỏi ngã. Bỗng nhiên tôi nghe có tiếng người nói - có hai người đang lại gần tôi và trao đổi với nhau điều gì đó. Tôi vội rời cổng, lê chân đi dọc dãy nhà và lần nữa bước ra những đường phố được đèn chiếu sáng. Khi đi từ Yungxbaken xuống, trong đầu tôi bỗng xảy ra những điều hết sức kì lạ. Tôi có cảm giác như những căn lều tồi tàn ở cuối quảng trường và những nhà kho xiêu vẹo gần đó làm hỏng hết bức tranh chung. Chúng làm hỏng quảng trường, làm hỏng toàn bộ thành phố. Chà, phải hót những thứ đổ nát ấy đi mới được! Rồi tôi nhẩm tính trong đầu cần bao nhiêu tiền để chuyển về đây ngôi nhà đẹp đẽ của trường Ðại học Ðịa lí mà lần nào đi ngang tôi cũng đứng lại ngưỡng mộ. Có lẽ để làm được việc ấy, phải có bảy mươi hai hay thậm chí tám mươi hai nghìn curon mới đủ - một số tiền kha khá đấy, hề hề, một số tiền nho nhỏ để bắt đầu một công việc nho nhỏ! Khi gật đầu khẳng định số tiền nho nhỏ ấy, tôi thấy đầu tôi trống không và nhẹ tênh. Người tôi còn run, và thỉnh thoảng tôi vẫn khóc.
Tôi có cảm giác như sự sống rời bỏ tôi, bài hát đời tôi đã chấm dứt. Nhưng đối với tôi, điều ấy chẳng có gì quan trọng và tôi không hề quan tâm tới nó. Ngược lại, tôi còn đi tắt qua cả thành phố để tới cảng, nghĩa là mỗi lúc một xa chỗ ở của mình. Tôi hoàn toàn có thể nằm xuống mặt phố rồi chết. Quá đau khổ, tôi trở nên hững hờ với tất cả. Các ngón chân bị xe nghiến đau nhức nhối, cái đau ấy chạy ngược lên tận đùi, nhưng cả điều này cũng không làm tôi lo lắng. Tôi đã từng chịu những cái còn ghê gớm hơn nhiều.
Cuối cùng tôi ra tới cầu đường sắt. ở đây không tàu xe nào đi lại, không cả tiếng ồn, thỉnh thoảng mới có một vài người xuất hiện - một ngư dân hay một thuỷ thủ nào đó vừa dạo chơi, vừa đút tay vào túi quần. Tôi chú ý một ông già thọt chân khi đi ngang đã quay sang nhìn tôi rất chăm chú. Vô tình tôi chặn lão lại, ngả mũ chào và hỏi có biết tàu "Monach" đã rời bến chưa. Hỏi xong, không kìm được, tôi còn bật móng tay ngay trước mũi lão và nói thêm:
- "Monach"! Quỷ quái thật! Thế mà tôi quên nó mất!
Nghĩa là dù sao, ý nghĩ về con tàu ấy vẫn bám riết lấy óc tôi.
- Rất tiếc là tàu "Monach" đã rời bến.
- Ông có biết nó đi đâu không?
Lão nghĩ ngợi chốc lát, khẽ nhấc chân thọt lên, lắc lắc và nói:
- Không. Ông không biết nó chở gì à?
- Không, - tôi đáp.
Nhưng lúc ấy tôi đã kịp quên con tàu "Monach" và hỏi ông thọt kia từ đây tới Hommextran bao xa, theo cách tính của người xưa, tức là mấy dặm địa lí?
- Ðến Hommextran? Có lẽ...
- Hay đến Veblungxnes cũng được?
- Vâng, vâng: nghĩa là đến Hommextran, có lẽ..
- À mà này, để khỏi quên, xin ông cho tôi nhúm thuốc, - tôi lại ngắt lời lão. - Chỉ một nhúm nhỏ thôi.
Nhận được thuốc, tôi rối rít cảm ơn rồi bỏ đi. Tôi chẳng dùng nhúm thuốc ấy, mà nhét ngay vào túi. Ông già thọt chân đứng nhìn theo - có lẽ tôi đã có cái gì đó làm lão nghi ngờ. Lúc nào tôi cũng cảm thấy cái nhìn nghi ngờ ấy của lão. Tôi không thích như thế, và quay lại gần, nhìn thẳng vào mắt lão, nói:
- Ðồ rác rưởi!
Ðồ rác rưởi! Chỉ một chữ ấy thôi, ngoài ra không thêm một lời nào. Vừa nói, tôi vừa nhìn lão chăm chắm. Chắc cái nhìn của tôi phải đáng sợ lắm, cái nhìn của một người đã chết.
Nói xong, tôi đứng thêm chốc nữa rồi lê chân đi về phía nhà ga. Ông già thọt không hé miệng lần nào, chỉ đứng im đưa mắt nhìn theo.
Ðồ rác rưởi à? Tôi bỗng đứng sững lại. Làm sao tôi không nhận ra ngay nhỉ? Tôi đã gặp ông già thọt này rồi. ở Grenxơn, một buổi sáng đẹp trời. Hôm ấy tôi đem chiếc áo gilê tới hiệu cầm đồ. Tôi có cảm giác như từ ấy đến nay là cả một thế kỉ.

20.

Tôi đứng yên, suy nghĩ về điều này, lưng tựa vào tường của một ngôi nhà nơi quảng trường và phố Cảng giao nhau. Bỗng nhiên tôi rùng mình, định lẩn trốn. Nhưng tôi không kịp làm điều đó. Tôi trâng tráo ngước đầu lên - thực ra tôi chẳng còn cách nào khác - và thấy trước mình là "Huân tước".
Tôi cũng không hiểu vì sao tôi mạnh dạn như thế - thậm chí tôi còn bước lên phía trước một bước để "Huân tước" nhìn tôi rõ hơn. Tôi làm điều ấy không phải để ông thấy và thương hại tôi. Không, đó là cách tôi tự trừng phạt mình. Tôi muốn làm nhục mình, bắt mình phải giơ đầu chịu nhục. Tôi sẵn sàng nằm xuống đất, yêu cầu "Huân tước" dẫm lên mặt tôi, đè nát tôi ra. Thậm chí tôi còn không chào ông.
Hình như "Huân tước" đoán hiểu có chuyện gì đấy không ổn đã xảy ra với tôi. Ông đi chậm lại. Ðể ông dừng hẳn, tôi nói:
- Tôi muốn mang tới cho ông một cái gì đó, thế mà vẫn chưa viết xong.
- Thế à? - Ông hỏi lại, vẻ không tin lắm. - Nghĩa là ông viết chưa xong?
- Vâng, mãi vẫn chưa xong.
Tôi cảm thấy "Huân tước" đang thương hại tôi. Hai mắt rưng rưng, tôi khẽ ho để giữ bình tĩnh. "Huân tước" khịt khịt mũi, nhìn tôi không chớp.
- Thế ông có cái để sống chứ? - Ông hỏi.
- Không, - tôi đáp. - Tôi không có gì cả. Mấy ngày nay tôi nhịn đói, nhưng...
- Trời ơi, ông bạn thân mến, có thể để ông chết đói được chăng? - Nói rồi ông cho tay vào túi lục lọi.
Nhưng lúc ấy sự xấu hổ lại thức dậy trong tôi. Tôi lảo đảo quay lại bức tường, bám vào nó rồi im lặng nhìn "Huân tước" mở ví. Ông chìa cho tôi mười curon. Ông cho tôi mười curon một cách thật đơn giản, không nghĩ ngợi nhiều. Vừa đưa tiền cho tôi, ông vừa nhắc lại rằng không thể để tôi chết đói được.
Tôi lắp bắp định từ chối và không nhận ngay tờ giấy bạc.
- Tôi, quả thật, tôi xấu hổ... Vả lại, chừng này quá nhiều...
- Cầm lấy, nhanh lên, - ông nói và liếc nhìn đồng hồ. - Tôi phải lên tàu bây giờ, kìa hình như nó đang tới.
Tôi cầm tiền, lặng đi vì sung sướng và chẳng nói thêm được lời nào nữa, thậm chí cả cảm ơn cũng không.
- Ðừng ngại, - "Huân tước" nói trước khi bỏ đi. - Ông sẽ viết bài cho tôi mà!
Rồi ông đi.
Ðứng nhìn theo, tôi sực nhớ rằng quên chưa cảm ơn ông. Tôi muốn đuổi theo nhưng đôi chân quá yếu không bước nổi. Chắc tôi sẽ ngã dọc đường. Còn ông thì đi mỗi lúc một xa. Tôi muốn gọi theo nhưng không dám. Cuối cùng, tôi thu hết dũng cảm gọi to một hai lần; ông không nghe vì lúc ấy đã ở xa, vả lại giọng tôi quá yếu.
Tôi đứng giữa phố, chỉ biết nhìn theo và lặng lẽ khóc.
"Một việc hiếm có! - tôi thầm nghĩ. - Ông ấy cho mình những mười curon!"
Tôi đến đứng ở chỗ tôi vừa đứng và bắt đầu bắt chước từng động tác của ông. Tôi đưa tờ giấy bạc sát đôi mắt đẫm nước của tôi, xem kĩ cả hai mặt, rồi nói thật to rằng quả tôi đang có mười curon trên tay.
Một thời gian sau - có thể lâu, rất lâu sau đó, vì lúc ấy quanh tôi hoàn toàn vắng vẻ và yên lặng - tôi có mặt ở phố Tômtegaten, nhà số mười một. Chính ở đây tôi lừa người đánh xe ngựa, và ở đây, không bị ai nhìn thấy, tôi đã chui qua nhà này để sang phố khác. Tôi đứng một chốc, chợt tỉnh lại, tự lấy làm ngạc nhiên, rồi đi qua cổng, vào thẳng "Nhà nghỉ cho khách vãng lai". Tôi yêu cầu được ngủ lại đây, và lập tức được nhận một chiếc giường.
Thứ ba.
Nắng và yên tĩnh, một ngày tuyệt đẹp.
Tuyết đang tan. Khắp nơi cuộc sống diễn ra sôi động, đâu cũng thấy những khuôn mặt vui vẻ, những nụ cười. Những dòng nước mảnh phun cao trên đài phun nước, vàng rực vì nắng và xanh biếc vì màu xanh của bầu trời...
Gần trưa, tôi đi khỏi nhà số mười một phố Tômtegaten, nơi bây giờ tôi sống một cách khá sung túc nhờ mười curon của "Huân tước". Tôi đi vào trung tâm thành phố. Tôi đang trong trạng thái phấn chấn, vui vẻ, và từ trưa cho đến tận chiều, tôi dạo chơi giữa các phố nhộn nhịp nhất, vừa đi vừa quan sát những đám đông sặc sỡ. Còn lâu mới đến bảy giờ, tôi đã có mặt ở quảng trường Thánh Ulaf, và đưa mắt nhìn lên dãy cửa sổ ngôi nhà số hai. Một giờ nữa tôi sẽ gặp nàng! Tôi vô cùng hồi hộp. Chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi sẽ nói gì với nàng khi nàng đi từ cầu thang xuống? Chào cô? Hay chỉ mỉm cười thôi? Tôi quyết định sẽ mỉm cười thay cho lời chào. Tất nhiên tôi sẽ cúi chào nàng một cách lịch sự.
Sau đó tôi đi khỏi quảng trường, thầm xấu hổ vì đến quá sớm. Tôi bắt đầu đi theo phố Carlơ Juhan, hầu như mắt lúc nào cũng nhìn chiếc đồng hồ trên toà nhà trường Ðại học Tổng hợp. Tám giờ, tôi lại rẽ sang phố Ðại học. Dọc đường, không hiểu sao tôi cứ nghĩ là đã muộn, nên rảo bước đi nhanh hơn. Chân tôi vẫn đau, rất đau. Nếu không, tôi đã cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc.
Ðến đài phun nước, tôi dừng lại nghỉ lấy hơi, đứng rất lâu ở đấy và nhìn lên cửa sổ nhà số hai. Không thấy nàng xuất hiện. Không sao, tôi sẽ chờ, chẳng có gì phải vội. Rất có thể nàng bị giữ lại chút ít. Và tôi đứng chờ. Nhưng có phải tất cả những điều này là do tôi tưởng tượng ra không? Rất có thể tôi đã mơ thấy cuộc gặp gỡ vừa rồi với nàng, vì suốt đêm ấy tôi sốt nằm mê man bất tỉnh mà. Tôi phân vân suy nghĩ về điều này; mỗi lúc một thêm nghi ngờ.
- Hừm!
Có người nào đó ho sau lưng tôi.
Tôi nghe rõ tiếng ho ấy, nghe cả tiếng chân bước nhẹ, nhưng không ngoái lại mà vẫn nhìn chăm chắm vào chiếc cầu thang lớn.
- Chào anh!
Tôi quên cả cười, thậm chí không ngả mũ chào ngay do quá ngạc nhiên vì nàng đi từ phía ấy lại.
- Anh chờ lâu chưa? - Nàng hỏi, hơi thở dồn dập.
- Không, tôi vừa tới đây thôi, - tôi đáp. - Vả lại, nếu phải chờ chút ít cũng chẳng sao. Tôi cứ tưởng cô sẽ đi từ phía kia lại.
- Tôi vừa tiễn mẹ tôi xong. Hôm nay bà được mời ăn cơm khách.
- Thế à? - Tôi nói.
Chúng tôi cùng đi. Một người cảnh sát đứng ở góc phố nhìn chúng tôi.
- Bây giờ ta đi đâu? - Nàng hỏi và đứng lại.
- Ði đâu tuỳ cô.
- Chà, tự tôi phải chọn thì chán quá!
Im lặng.
Sau đó tôi nói, chỉ cốt để khỏi im lặng:
- Tôi thấy cửa sổ nhà cô tắt đèn.
- Vâng, tất nhiên! - Nàng sôi nổi đáp. - Cô hầu gái xin phép đi vắng. ở nhà chẳng có ai.
Chúng tôi dừng lại, cùng nhìn lên cửa sổ nhà số hai, như thể từ trước tới nay chưa hề nhìn thế bao giờ.
- Nếu vậy, về nhà cô có được không? - Tôi nói. - Nếu được, tôi sẽ ngồi ở bậc cửa.
Người tôi run lên, tôi lấy làm tiếc là đã cho phép mình nói một câu bạo dạn như thế. Nếu nàng giận, bỏ đi thì sao? Và mình sẽ chẳng bao giờ được gặp nàng nữa? Ôi, bộ quần áo rách rưới của tôi? Tôi chờ nàng một cách tuyệt vọng.
- Việc gì anh phải ngồi ở bậc cửa? - Cuối cùng nàng đáp.
Chúng tôi đi lên thang gác.
Hành lang khá tối, nàng nắm tay tôi, dắt đi. Không nhất thiết lúc nào cũng im lặng, nàng nói, có thể trò chuyện với nhau mà không sợ gì cả. Chúng tôi vào phòng. Nàng vừa thắp nến - không phải đèn mà là nến - vừa nói, pha chút đùa cợt:
- Có điều anh không được nhìn tôi đâu nhé. Tôi ngượng lắm. Tôi sẽ không bao giờ làm điều này nữa.
- Không làm điều gì cơ?
- Không bao giờ... Không, ôi lạy Chúa... Tôi sẽ không bao giờ hôn anh nữa.
- Không à? - Tôi nói và cả hai chúng tôi cùng cười.
Tôi chìa tay về phía nàng, nàng né tránh, chạy sang bên kia bàn. Chúng tôi đứng nhìn nhau, ngọn nến ở giữa.
Sau đó, nàng cởi khăn che mặt và mũ. Ðôi mắt sáng của nàng nhìn tôi không chớp, theo dõi từng cử động nhỏ của tôi, nàng sợ tôi không giơ tay đỡ khi nàng ngồi ngả người vào hôn tôi. Tôi lại định bắt nàng lần nữa, nhưng vấp chiếc thảm, ngã xuống. Tôi ngượng ngập bò dậy.
- Trời ơi, sao mặt anh đỏ bừng thế kia? - Nàng nói. - Ðau lắm à?
- Vâng, rất đau.
Rồi chúng tôi lại đuổi bắt nhau quanh bàn.
- Hình như anh đi cà nhắc?
- Vâng, một chân tôi bị đau, đau chút ít thôi.
- Lần trước anh đau ngón tay, bây giờ đau chân. Anh toàn gặp chuyện không may.
- Cách đây mấy ngày suýt nữa tôi bị một chiếc xe hòm chẹt chết.
- Suýt chẹt chết? Chắc anh lại say chứ gì? Lạy Chúa, anh sống buông thả quá, anh bạn ạ! - Nàng giơ một ngón tay lên doạ rồi trở nên nghiêm túc ngay. - Ta ngồi xuống đi! - Nàng nói. - Không, không phải bên bậc cửa đâu. Anh là người quá rụt rè, anh hãy ngồi kia. Còn tôi ngồi đây, được, như thế... Ôi, thật buồn khi đàn ông quá rụt rè! Tự tôi phải nói và làm mọi chuyện. Không trông chờ gì được ở anh cả. Thí dụ anh hoàn toàn có thể tựa lên tay ghế của tôi. Ðáng lẽ tự anh phải đoán ra điều ấy. Nếu tôi nhắc, chắc anh sẽ không tin. Vâng, vâng, tôi đã nhiều lần nhận thấy như thế, cả bây giờ cũng vậy. Nhưng anh đừng nói với tôi rằng lúc nào anh cũng bẽn lẽn như vậy, nhiều khi anh cũng ghê lắm. Thí dụ hôm anh say rượu, theo chúng tôi về tận nhà, lại còn trêu thế này nữa: "Thưa tiểu thư, tiểu thư đánh rơi cuốn sách. Chắc chắn tiểu thư đã đánh rơi cuốn sách!" Ha, ha! Hôm ấy trông anh thật đáng sợ!

21.

Tôi lúng túng nhìn nàng, tim đập thình thịch, máu dồn mạnh trong huyết quản. Thật hạnh phúc khi lại được ngồi trong căn phòng xứng đáng gọi là chỗ ở của con người, được nghe tiếng đồng hồ kêu tích tắc, được nói chuyện với một cô gái trẻ, yêu đời, chứ không phải một mình lẩm bẩm điều gì đó.
- Sao anh im lặng?
- Cô thật đẹp! - Tôi nói. - Cô đã chinh phục, hoàn toàn chinh phục tôi. Tôi bị đánh gục ngay tại chỗ. Không chạy đâu cho thoát. Cô là người đàn bà kì diệu nhất trong tất cả những người đàn bà... Ðôi khi đôi mắt cô toả sáng, tôi chưa bao giờ thấy cái gì toả sáng như vậy... như những bông hoa. Sao? ồ không, thậm chí tôi không thể ví nó với hoa, nhưng... Tôi yêu cô, rất, rất yêu cô, yêu và đau khổ. Tên cô là gì? Nhất định phải cho tôi biết tên cô là gì!...
- Thế còn tên anh? Lạy Chúa, suýt nữa tôi quên mất! Suốt cả ngày hôm qua tôi nghĩ tới việc phải hỏi tên anh là gì? Không, không phải suốt ngày, không phải suốt ngày tôi nghĩ về anh đâu.
- Cô muốn biết tôi gọi cô là gì không? Ilaialy! Cô thích cái tên này chứ? Nghe nó có cái gì đấy rất hay...
- Ilaialy?
- Vâng.
- Một cái tên nước ngoài à?
- Hừm... Không, hoàn toàn không.
- Vâng, nó cũng chẳng đến nỗi tồi lắm.
Sau hồi lâu trò chuyện, chúng tôi cho nhau biết tên thật của mỗi người. Nàng ngồi cạnh tôi trên đi-văng, lấy chân ẩy ghế ra xa. Rồi chúng tôi lại tiếp tục tán chuyện.
- Thậm chí hôm nay anh cạo râu, - nàng nói. - Nói chung trông anh khá hơn lần trước rất nhiều. Kể ra người anh hơi thấp một tí, nhưng đừng nghĩ rằng... Vâng, lần trước anh ốm yếu lắm, ngón tay lại buộc thứ giẻ gì đó rất bẩn. Thế mà anh còn nhất định đòi mời tôi đi uống rượu đâu đó nữa chứ! Không, chịu thôi, cám ơn.
- Nghĩa là cô không muốn đi chỉ vì vẻ ngoài tôi quá tiều tuỵ?
- Không, - nàng đáp và cúi đầu xuống đất. - Không, có Chúa chứng giám, không phải vì thế. Thậm chí tôi không nghĩ tới điều đó.
- Tất nhiên cô nghĩ tôi có thể sống và ăn mặc như cô tưởng chứ gì? - Tôi hỏi. - Lạy Chúa, nhưng tôi nghèo, rất, rất nghèo.
Nàng ngước lên nhìn tôi:
- Anh nghèo à?
- Vâng, rất nghèo.
Im lặng.
- Nhưng lạy Chúa, tôi cũng nghèo, - nàng nói và kiêu hãnh ngẩng cao đầu.
Mỗi lời của nàng làm tôi ngây ngất và thấm vào lòng tôi như những giọt rượu, dù nàng chỉ là một cô gái bình thường, khá đỏng đảnh và lắm lời. Nàng hấp dẫn tôi bằng mỗi lần tôi nói. Hơi thở nàng phả nhẹ vào mặt tôi.
- Cô biết không, chuyện là thế này... nhưng không được giận tôi đâu nhé... Ðêm qua nằm ngủ, tôi đã với tay về phía cô... vì tưởng có cô nằm bên cạnh. Sau đó tôi lại ngủ thiếp.
- Thật thế à? Hay nhỉ... - Im lặng. - Nhưng anh chỉ làm được điều ấy khi ở xa tôi, nếu không...
- Cô nghĩ khi ở gần tôi không dám sao?
- Vâng.
- Ðược! Chờ đấy. Tôi là người có thể làm mọi chuyện.
Nói rồi tôi vòng tay ôm lưng nàng.
- Chỉ thế thôi à?
Nàng cho tôi là người quá ư rụt rè, quá ư tử tế. Ðiều này làm tôi tức giận và cảm thấy bị xúc phạm. Tôi ưỡn ngực, rồi thu hết dũng, cầm tay nàng. Nhưng nàng đã bình tĩnh gỡ tay tôi và ngồi nhích xa một chút. Tôi lại hết dũng cảm, xấu hổ đứng dậy nhìn ra cửa sổ. Dù sao thì tôi cũng chỉ là một gã đàn ông đáng thương và không nên ngộ nhận về mình. Sẽ là chuyện khác nếu gặp nàng sớm hơn, khi tình cảnh của tôi chưa đến nỗi quá tồi tệ. Tôi cảm thấy chán nản.
- Ðấy, thấy chưa! - Nàng nói. - Anh đã thấy rằng chống lại anh rất dễ không? Chỉ cần nhíu mày một cái là anh tỏ ra bối rối, hốt hoảng rụt tay lại.
Nàng ranh mãnh mỉm cười và nhắm chặt mắt, như thể không chịu nổi khi bị người khác nhìn...
- Ôi, lạy Chúa! - Tôi kêu lên. - Ðược, bây giờ cô sẽ biết!
Rồi tôi ôm chặt hai vai nàng. Nàng điên chắc? Nàng tưởng tôi là một thằng nhãi chưa biết mùi đời chắc? Ðược, rồi xem!... Không ai có quyền nói trong những việc như thế này tôi thua kém người khác! Tôi còn hơn khối đứa! Ðã thế thì...
Nàng vẫn ngồi yên, nhắm mắt, và cả hai chúng tôi cùng im lặng. Tôi kéo mạnh nàng về phía mình, ôm chặt vào ngực, nàng vẫn không nói lời nào. Tôi nghe rõ tiếng tim tôi đập mạnh trong ngực.
Tôi hôn nàng.
Sau đó tôi mất hết tự chủ và lảm nhảm nói những lời ngốc nghếch nào đó, làm nàng bật cười. Tôi gọi nàng bằng những tên âu yếm, môi áp chặt môi, vuốt ve mặt nàng và hôn, hôn mãi. Tôi lần cởi một cúc trên áo nàng rồi cúc thứ hai, để lộ đôi vú, một đôi vú tròn, trắng, tuyệt trần dưới làn áo sơ mi mỏng.
- Ôi, cho anh ngắm cơ thể em nhé? - Tôi vừa nói vừa tìm cách cởi những chiếc cúc khác, nhưng vì quá luống cuống, tôi không cởi được, mà coócxê lại quá chật. - Anh chỉ nhìn một tí, một tí thôi...
Nàng quàng tay ôm cổ tôi, một cách từ từ và âu yếm. Hơi thở nàng phả vào mặt tôi dồn dập. Một tay nàng tự cởi nốt những chiếc cúc còn lại. Nàng có vẻ bối rối, cười to từng tiếng ngắn và nhìn tôi, muốn biết tôi có nhận thấy nàng sợ hãi không. Nàng tự cởi coócxê, người mềm nhũn và e lệ. Ðôi tay thô thiển của tôi cũng chạm vào dây đeo coócxê và những chiếc cúc ấy...
Ðể giảm bớt sự chú ý của tôi, nàng đưa tay trái vuốt ve vai tôi và nói:
- Tóc anh rụng nhiều quá!
- Vâng, - tôi đáp, định cúi xuống hôn ngực nàng.
Nàng đã nằm cạnh tôi, áo cởi toang. Nhưng bỗng nhiên nàng nhỏm dậy, khép áo lại như chợt tỉnh và hiểu rằng mình đã đi quá xa. Ðể che giấu sự xấu hổ của mình, nàng quay sang nói về việc trên vai tôi có nhiều tóc rụng.
- Sao tóc anh rụng nhiều thế?
- Tôi không biết.
- À, vì anh uống nhiều rượu quá đấy mà, chắc thế... Ðáng sợ thật. Anh xấu hổ à? Tôi không ngờ anh là người như vậy. Còn trẻ mà đầu đã hói!... Hãy làm ơn nói tôi nghe anh sống thế nào? Tôi tin là phải kinh khủng lắm. Nói đi, có điều phải nói thật, anh hiểu chứ! Mà rồi có giấu điều gì, nhìn mặt anh tôi sẽ hiểu ngay. Nào, anh nói tôi nghe đi!
Chao, tôi mệt làm sao! Ước gì được ngồi yên bên nàng, ngắm nhìn nàng, chứ không phải tốn công vô ích chơi cái trò chơi này. Bây giờ tôi chỉ là một người vô dụng, chỉ là miếng giẻ rách.
- Nào, anh kể đi, - nàng nhắc lại.
Nhân dịp này tôi đã kể nàng nghe tất cả về đời tôi, kể đúng như có thật. Tôi không cố tô vẽ cho thêm phần ảm đạm để nàng thương tôi. Không giấu cả việc tôi đã lấy năm đồng curon kia như thế nào.
Nàng ngồi nghe, mở to miệng, mặt tái nhợt hoảng sợ, mắt nàng lộ vẻ bối rối. Tôi muốn chữa lại lỗi lầm của mình, muốn xua đi cái ấn tượng nặng nề mà câu chuyện của tôi đã tác động lên nàng.
- Nhưng tất cả những chuyện ấy qua rồi và sẽ không bao giờ lặp lại nữa. Bây giờ tôi đã được cứu thoát!...
Nhưng nàng vẫn ở trong tình trạng sững sờ kinh ngạc, không biết phải làm gì.
- Lạy Chúa! - Cuối cùng nàng nói rồi im lặng. Sau đó nàng nhắc lại mấy lần nữa: Lạy Chúa!Lạy Chúa!
Tôi tìm cách cười đùa để nàng chú ý tới mình. Nàng đã kịp cài cúc áo lại, và điều ấy làm tôi khó chịu. Nàng cài cúc áo lại làm gì? Lẽ nào bây giờ trước mắt nàng, tôi trở nên xấu hơn, nếu tôi nói dối rằng tóc tôi rụng là do sống trác táng? Không lẽ nàng thích hơn nếu tôi là một thằng nát rượu?... Thôi, tán tỉnh như thế đủ rồi! Phải hành động cương quyết! Vâng, lúc đáng lẽ phải hành động cương quyết thì tôi lại rúc mặt xuống bùn bẩn.
Ðã đến lúc tấn công trở lại.
Và rồi không nói thêm lời nào nữa, tôi vật nàng xuống đi-văng. Nàng chống cự lại, nhưng không mạnh lắm, và có vẻ ngạc nhiên.
- Anh làm gì thế?... Ðừng!... - Nàng nói.
- Tôi làm gì ư?
- Ðừng... Ðừng anh!... Ðừng làm thế!
- Ồ không, không...
- Ðừng làm thế, anh nghe chứ? - Nàng kêu lên. Và để tôi cụt hứng, nàng nói thêm: - Anh biết không, tôi thấy anh như một người điên vậy.
Vô tình tôi dừng lại:
- Không đúng, cô không nghĩ như thế!
- Nhưng trông anh lạ lắm! Buổi sáng nọ, khi bám theo tôi, anh cũng say, đúng không?
- Không, lúc ấy tôi quá no. Tôi vừa ăn xong.
- Vâng, nhưng thế thì lại càng tồi tệ hơn.
- Thế cô thích tôi nghiện rượu hơn nghèo chăng?
- Vâng... Tôi sợ anh lắm! Hãy vì Chúa, bỏ tôi ra!

22.

Tôi lưỡng lự. Không, không thể dừng lại được, tôi đã để mất quá nhiều. Làm trò ngốc trên đi-văng giữa đêm khuya thế này đủ lắm rồi! Tôi có phải là một thằng nhãi mới lớn đâu! Bình tĩnh nào! Không được tán dài dòng thêm nữa!
Nàng chống lại khá cương quyết, cương quyết đến mức không thể nghĩ đó là vì do nàng ngượng ngùng, xấu hổ. Như thể vô tình, tôi xô đổ cây nến. Tất cả chìm trong bóng tối. Nàng chống cự một cách quyết liệt, tuyệt vọng, thậm chí còn khẽ kêu lên.
- Không, không được! Không được! Nếu muốn, anh hôn vào vú tôi cũng được. Thôi, thôi đi anh!
Lập tức tôi dừng lại. Những lời nàng vừa nói vang lên với vẻ hoảng sợ và bất lực làm tôi ngạc nhiên thực sự. Nàng muốn đền bù bằng cách cho phép tôi hôn vú nàng! Thật cảm động! Cảm động và thơ ngây! Tôi sẵn sàng quỳ trước nàng vì điều ấy.
- Nhưng tôi không hiểu... Không hiểu vì sao phải thế? - Tôi lúng túng nói.
- Tất cả cái trò chơi này nghĩa là gì?...
Nàng nhỏm dậy và bằng đôi tay run run thắp lại ngọn nến. Tôi lại ngồi xuống đi-văng, ngồi yên bất động. Bây giờ sẽ thế nào đây? Tôi cảm thấy thật buồn bã.
Nàng ngước nhìn chiếc đồng hồ trên tường và giật mình.
- Ôi, cô hầu gái sắp về bây giờ! - Nàng nói.
Ðó là điều đầu tiên nàng nghĩ tới.
Tôi hiểu ý nàng, liền đứng dậy.
Nàng vớ chiếc áo choàng, như sắp khoác lên người, nhưng rồi nghĩ lại, nàng bỏ nó xuống và lại gần lò sưởi. Mặt nàng nhợt nhạt, mỗi lúc một lộ vẻ lo lắng. Ðể nàng không buộc phải đuổi tôi ra khỏi cửa, tôi hỏi:
- Bố cô là quân nhân à?
Vừa nói, tôi vừa đứng dậy, chuẩn bị đi ra.
- Vâng. Làm sao anh biết?
- Tôi không biết. Bất chợt chỉ hỏi chừng
thế thôi.
- Lạ thật đấy.
- Ồ vâng. Cảm tính của tôi rất nhạy. Cô chẳng gọi tôi điên là gì?...
Nàng liếc nhìn tôi rất nhanh, nhưng không nói gì. Cảm thấy sự có mặt của tôi làm nàng khó chịu, tôi muốn kết thúc cảnh này càng sớm càng tối, và đi về phía cửa. Không lẽ nàng không bao giờ hôn tôi nữa? Thậm chí cả bắt tay cũng không? Tôi đứng lại, chờ đợi.
- Anh đã về rồi à? - Nàng hỏi, vẫn đứng yên bên lò sưởi.
Tôi không đáp. Bối rối và tự ái, tôi lặng yên nhìn nàng. Trời ơi, thế là tôi làm hỏng hết mọi chuyện! Có vẻ như nàng hoàn toàn không quan tâm gì tới việc tôi sắp rời nhà nàng, như đối với nàng, tôi không tồn tại nữa. Trước khi chia tay, tôi muốn nói một điều gì đấy thật quan trọng, thật sâu sắc có thể nâng tôi lên trước mặt nàng. Thế mà, đáng lẽ phải chia tay nàng một cách lạnh nhạt và kiêu hãnh như đã quyết định dứt khoát, tôi lại lần nữa nói những lời nhảm nhí không đâu vào đâu. Những lời cần nói không chịu đến; tôi cứ cư xử như một anh chàng rỗng tuếch, hời hợt. Trong đầu lại xuất hiện những từ hoa mĩ mòn sáo, sách vở.
Tại sao nàng không nói thẳng và rõ ràng để đuổi tôi đi? - Tôi tự hỏi. Vâng, tại sao? Chẳng việc gì phải giữ ý tứ. Thay cho việc nhắc khéo rằng cô hầu gái sắp về, nàng có thể nói một cách đơn giản là: "Thôi, bây giờ anh về đi vì đã đến lúc tôi phải đón mẹ tôi. Tôi không muốn anh tiễn đâu". Nàng không nghĩ đến điều ấy à? Chà, đó chính là cái nàng phải nghĩ tới mà làm theo. Tôi tự bảo mình như vậy. Tôi hiểu hết. Chỉ cần nàng cầm chiếc áo rồi lại bỏ xuống, là tôi hiểu ngay. Thì tôi đã nói là cảm tính của tôi rất nhạy, mà, không nhất thiết phải thành người điên mới hiểu được điều ấy...
- Ôi, hãy vì Chúa mà tha lỗi cho tôi đã gọi anh như vậy! Tôi chỉ buột miệng nói thế thôi! - Nàng khẽ kêu lên.
Nhưng nàng vẫn đứng xa, không lại gần tôi.
Tôi thì bướng bỉnh không chịu thua. Tôi cứ nói liến thoắng, tuy hiểu rất rõ rằng tôi đang làm nàng rất chán, và rằng không một lời nào tôi nói đạt được mục đích. Thế mà vẫn không sao dừng lại nổi. Tôi cho rằng không chỉ người điên mới có trái tim nhạy cảm; rằng có những người nhạy cảm cả với những điều nhỏ nhất, và chỉ cần một câu nói thô lỗ hay gay gắt nào đó cũng có thể giết chết họ. Tôi để lộ cho nàng biết tôi là một người như vậy. Vấn đề ở chỗ gần đây cái đói đã khêu dậy trong tôi một số tình cảm thái quá và tôi rất lấy làm tiếc, vâng, tôi rất lấy làm tiếc rằng... Nhưng cả việc này cũng có mặt tốt của nó, và nhiều lần nó đã giúp tôi không ít. Một anh trí thức nghèo có đầu óc quan sát nhanh nhạy hơn rất nhiều so với một anh trí thức giàu. Anh nghèo bao giờ cũng cần thận trọng mỗi bước đi và luôn có thái độ nghi ngờ đối với mỗi lời nói anh ta nghe được. Anh ta bắt lí trí và tình cảm của mình làm việc tích cực. Anh ta tinh tế, giàu kinh nghiệm, tâm hồn bị chấn thương nhiều lần...
Tôi nói khá lâu về tâm hồn bị chấn thương của tôi. Nhưng càng nghe, nàng càng có vẻ lo lắng hơn. Cuối cùng, nàng bẻ ngón tay một cách tuyệt vọng và nói:
- Ôi, lạy Chúa! Lạy Chúa!
Tôi thừa biết cái gì đang làm nàng sốt ruột. Tôi hoàn toàn không muốn làm nàng đau khổ, ấy thế mà tôi vẫn làm nàng đau khổ. Cuối cùng, nghĩ là những điều cần nói đã được nói, lại cảm động trước cái nhìn tuyệt vọng của nàng, tôi kêu lên:
- Còn bây giờ tôi đi! Ði ngay lập tức! Cô thấy tay tôi đang mở cửa đấy chứ? Vĩnh biệt! Cô nghe rõ không - Vĩnh biệt! Cô phải trả lời tôi chứ, một khi tôi chào từ biệt cô hai lần và có ý định ra về thật! Thậm chí tôi không yêu cầu cô cho biết bao giờ ta gặp lại, vì điều ấy làm cô khó chịu. Nhưng xin cho biết: Cô làm khổ tôi thế để làm gì? Tôi đã làm gì xấu đối với cô? Tôi có bao giờ cản đường cô đâu? Tại sao bỗng dưng cô ngoảnh mặt, như thể tôi và cô chưa hề quen nhau? Chính vì cô mà tôi mất ăn mất ngủ, còn bây giờ thì đang hoàn toàn tuyệt vọng. Có Chúa làm chứng, tôi không điên chút nào. Nếu chịu suy nghĩ một tí, cô sẽ thấy ngay rằng tôi là người bình thường, khoẻ mạnh. Nào, hãy chìa tay cho tôi! Hay cho tôi lại gần cô, được không? Tôi không làm gì đâu, đừng sợ! Tôi chỉ muốn được quỳ trước cô một giây, một giây thôi, cô cho phép chứ? Thôi được, tôi sẽ không làm điều ấy, cô nghe chứ, tôi sẽ không làm điều ấy. Nhưng hãy vì Chúa, xin cho biết cô sợ cái gì mới được chứ? Cô không thấy tôi đang đứng yên đây à, thậm chí không dám làm một cử động nhỏ nào! Chỉ đơn giản là tôi muốn quỳ xuống thảm, chỗ cái hoa văn màu đỏ cạnh chân cô. Nhưng cô hoảng sợ, nhìn mắt cô, tôi biết ngay cô hoảng sợ, vì vậy tôi vẫn đứng yên. Có đúng là khi xin phép cô, tôi đứng yên không? Tôi đã đứng yên và nói cô biết chỗ tôi quỳ xuống, kia, nó kia, chỗ có bông hồng màu đỏ. Thậm chí tôi chẳng lấy tay chỉ để làm cô sợ. Tôi chỉ hất đầu, đưa mắt nhìn vào chỗ ấy, nhìn như thế này này! Cô biết rất rõ tôi muốn nói tới bông hồng nào, có điều cô không cho tôi quỳ trước cô. Cô sợ tôi, không dám lại gần. Tôi không hiểu sao cô tàn ác đến mức có thể gọi tôi là người điên. Nhưng thực tâm cô không nghĩ như thế chứ? Chỉ một lần vào mùa hè, lâu lắm rồi, tôi quả có điên thật, nhưng lúc ấy vì tôi làm việc nhiều quá, quên cả ăn, hết ngày này đến ngày khác, đáng lẽ phải nhắc tôi mới được. Có Chúa làm chứng, đúng thế đấy! Nếu nói dối, tôi sẽ không cất nổi chân bước khỏi nơi này. Thế mà cô làm tôi phải lòng, cô hiểu chứ! Không phải vì nghèo đói mà tôi phải làm việc đâu. Tôi được phép vay tiền trả dần, một khoản vay rất lớn của ông Inghebret và Gravexơn. Không ít khi tôi có khá nhiều tiền, thế mà tôi vẫn không mua thức ăn. Tôi quên mà. Cô đang nghe tôi nói đấy chứ? Cô im lặng, cô không trả lời, cô không rời khỏi lò sưởi, mà chỉ đứng chờ tôi đi khỏi đây...
Nàng vội vàng lại gần tôi và chìa một tay. Tôi nhìn nàng, vẻ không tin. Nàng làm điều này có chân thành không? Hay chỉ cốt để thoát khỏi tôi càng sớm càng tốt? Nàng quàng hai tay quanh cổ tôi, hai mắt rưng rưng. Còn tôi thì cứ đứng thế và nhìn nàng. Nàng chìa môi cho tôi hôn nhưng tôi không tin. Ðó là chỉ một sự hi sinh, cốt để mọi chuyện nhanh chóng kết thúc.
Nàng nói điều gì đó, tôi nghe hình như là: "Nhưng dù sao tôi cũng yêu anh!". Nàng nói câu này rất khẽ và rời rạc. Cũng có thể tôi nghe không rõ, cũng có thể nàng nói câu gì khác hẳn. Cuối cùng nàng sôi nổi nhảy tới ôm cổ tôi, thậm chí còn nhún chân lên chờ tôi hôn và cứ đứng như thế gần một phút.
Tôi sợ chỉ đơn giản là nàng đã bắt mình phải tỏ ra dịu dàng với tôi chứ chẳng có tình cảm gì, nên tôi chỉ nói:
- Cô đẹp lắm!
Ngoài ra, tôi chẳng nói gì nữa. Tôi lùi lại, vấp vào bậc cửa và rồi cứ thế đi giật lùi ra khỏi phòng. Còn nàng thì ở lại.

23.

Mùa đông đến, lạnh, ẩm và hầu như không có tuyết. Mùa đông đến, kéo theo đêm sương mù vĩnh cửu, hàng tuần liền không một ngọn gió nhỏ. Trên đường phố đèn được thắp liên tục ngày này sang ngày khác, thế mà người đi đường vẫn cứ va vào nhau. Tất cả các âm thanh - tiếng chuông nhà thờ, tiếng lục lạc xe ngựa, tiếng người nói - như bị chôn vùi trong lớp không khí dày đặc. Một tuần, rồi hai tuần trôi qua mà thời tiết vẫn không thay đổi.
Tôi vẫn chưa chuyển chỗ ở.
Càng ngày tôi càng gắn bó hơn với những căn phòng có sẵn đồ gỗ của "Nhà nghỉ dành cho khách vãng lai", nơi tôi đang ở tạm, dù nghèo đói đến thế. Từ lâu tôi chẳng còn đồng tiền nào, nhưng vẫn cứ tiếp tục đến đây, như thể tôi có quyền làm thế, như thể nó là nhà riêng của tôi. Bà chủ tạm thời chưa nói gì, nhưng tôi vẫn cảm thấy khổ sở vì chưa trả được tiền cho bà ta.
Ba tuần trôi qua trong tình trạng ấy.
Ðã mấy ngày nay tôi bắt đầu viết trở lại, nhưng những cái viết xong tôi đều không thích. Tôi kiên nhẫn viết, viết từ sáng đến tối mà chẳng mang lại kết quả gì. Tôi bắt tay vào viết đề tài nào là đề tài ấy hoá ra nhạt nhẽo, trục trặc, và tất nhiên viết không thành.
Tôi thử viết cả trong căn phòng ở tầng hai, phòng tốt nhất của "Nhà nghỉ". Từ đêm đầu tiên đến đây, khi tôi có tiền và có thể thanh toán mọi khoản, không người nào quấy rầy tôi. Lúc nào tôi cũng hi vọng sẽ viết được cái gì đó, sẽ có tiền trả tiền phòng và các nợ nần khác. Ðó là nguyên nhân vì sao tôi làm việc tích cực như vậy. Ðặc biệt tôi bị lôi cuốn bởi một bài báo viết dở mà tôi đặt rất nhiều hi vọng. Ðó là một bài có tính chất cách ngôn về đám cháy ở một cửa hàng sách. ở đây có một vài ý rất sâu sắc, mà tôi muốn phát triển thật hay, thật cẩn thận rồi đem những gì viết được gửi cho "Huân tước" để trừ nợ. Ðể ông biết ông đã giúp đỡ một người thực sự có tài. Tôi không chút nghi ngờ rằng ông sẽ nghĩ đúng như thế. Có điều phải chờ lúc nào tôi có cảm hứng. Nhất định cảm hứng sẽ đến với tôi, tại sao lại không? Mà cũng không lâu nữa đâu. Bây giờ chẳng có gì cản trở tôi. Bà chủ nhà vẫn cho tôi ăn hàng ngày, mấy miếng bánh mì cặp thịt vào buổi sáng và buổi tối. Tôi đã bình tĩnh hơn nhiều. Khi viết, tôi không cần quấn giẻ vào tay như trước, và có thể từ tầng hai nhìn xuống mà không sợ chóng mặt. Về tất cả mọi phương tiện tôi khá hơn trước rất nhiều, và tôi lấy làm ngạc nhiên rằng không hiểu sao mãi vẫn không viết xong bài báo đó. Tôi không thể nào giải thích nổi điều ấy.
Nhưng rồi cuối cùng tôi đã gặp dịp để biết sức khoẻ tôi sút yếu và đầu óc tôi làm việc uể oải, kém hiệu quả thế nào. Hôm ấy bà chủ nhà mang đến một hoá đơn thanh toán nào đó và nhờ tôi kiểm tra lại. Hình như các phép trong đó không đúng, không phù hợp với sổ ghi chép của bà, nhưng bà không biết sai chỗ nào.
Tôi bắt tay vào tính toán. Bà chủ nhà ngồi đối diện nhìn tôi. Tôi cộng tất cả hai mươi con số với nhau, lúc đầu từ trên xuống dưới, rồi từ dưới lên trên, và thấy tổng số đúng như đã ghi. Tôi nhìn bà chủ. Bà ta đang chờ tôi trả lời. Bà ta đang có chửa, điều ấy không qua nổi đôi mắt tinh nhạy của tôi, dù tôi hoàn toàn không hề có ý định xoi mói việc riêng của người khác.
- Mọi cái đều đúng cả, - tôi đáp.
- Không, xin ông kiểm tra lại từng con số riêng biệt, - bà chủ nói. - Tôi tin chắc rằng tổng số chừng ấy là quá nhiều.
Và tôi bắt đầu rà lại từng con số: 2 bánh mì mỗi bánh 25 ere, bóng đèn - 18, xà phòng - 20, dầu - 32... Chẳng cần phải thông minh đặc biệt mới làm nổi những con tính đơn giản này của một cửa hiệu tạp hoá; thế mà dù rất cố gắng, tôi vẫn không tìm ra được chỗ sai bà chủ nói. Thêm vào đó hí hoáy tính toán mới mấy phút, tôi đã cảm thấy đầu óc quay cuồng, chẳng còn phân biệt nổi đâu là các khoản thu, đâu là chi; tất cả đều lẫn lộn. Cuối cùng, tôi quyết tâm tập trung tính bằng được phép tính: 35/16 pound(1) phó mát, mỗi pound giá 16 ere. Nhưng não tôi nhất định không chịu làm việc. Tôi ngồi yên đờ đẫn nhìn chữ "phó mát" trên trang giấy.
- Quỷ tha ma bắt nó đi, viết chẳng rõ ràng gì cả! - Tôi nói một cách tuyệt vọng. - Lạy Chúa! ở đây người ta viết: năm phần mười sáu pound phó mát! Ha, ha! Viết quái gì mà phức tạp thế! Ðây, bà nhìn xem!
- Vâng, - bà chủ nhà đáp. - Họ có thói quen viết như thế đấy. Ðây là thứ phó mát xanh ấy mà. Nghĩa là họ tính đúng à? Năm phần mười sáu - tức là năm phần của...
Tôi lại chúi đầu vào bảng thanh toán với những phép tính mà một tháng trước đây tôi chỉ giải một phút là xong. Người tôi đầm đìa mồ hôi. Tôi đem hết sức cố hiểu bằng được những con số bí hiểm kia. Tôi nhắm mắt với vẻ trầm ngâm suy nghĩ, nhưng chẳng ăn thua gì. Cái món phó mát chết tiệt kia đã làm tôi kiệt sức. Hình như có cái gì đấy nổ tung trong óc.
Tuy vậy tôi vẫn tiếp tục hí hoáy tính toán để giữ thể diện với bà chủ. Tôi mím môi, chốc chốc lại nói to một con số nào đó và đưa mắt nhìn lại một lượt các phép tính từ trên xuống dưới, như thể tôi phải làm việc rất căng và cuối cùng đã kiểm tra xong tất cả. Bà chủ vẫn ngồi chờ trả lời. Tôi nói:
- Tôi đã tính lại từ đầu chí cuối, và thấy tất cả đều đúng!
- Không lẽ lại thế? - Bà chủ hỏi. - Ông tin chắc chứ?
Nhưng tôi thấy rất rõ rằng bà ta không tin tôi. Bỗng nhiên tôi có cảm giác như trong giọng nói của bà xuất hiện một vẻ mỉa mai, xem thường đối với tôi mà trước đấy không thấy. Bà ta nói chắc tôi không quen làm các con tính có phần mười sáu, rồi chua thêm một câu rằng bà ta sẽ phải nhờ ai đó giỏi hơn kiểm tra lại hộ. Bà ta nói tất cả những lời này không chút giận dỗi, cũng không định làm nhục tôi. Bà ta nói một cách nghiêm túc và có cân nhắc. Khi ra tới cửa, không ngoái nhìn tôi, bà ta còn nói:
- Xin lỗi vì đã làm phiền ông.
Rồi bỏ đi.
Một chốc sau cửa bỗng mở và bà chủ nhà lại xuất hiện, chắc mới đi một quãng dọc hành lang.
- Có chuyện thế này, - bà ta nói. - Xin ông thông cảm, tôi muốn phải thanh toán với ông đôi việc. Hình như đến hôm qua là vừa trọn ba tuần ông dọn đến đây. Vâng, đúng ba tuần. Ông biết đấy, nuôi một gia đình lớn như gia đình tôi không phải dễ, vì vậy tôi không thể cho khách trọ chịu tiền lâu được...
Tôi ngắt lời bà ta:
- Thì tôi đã nói với bà rằng tôi đang viết một bài báo. Viết xong tôi sẽ có ngay tiền đưa bà. Xin bà yên tâm.
- Thế nhỡ ông không bao giờ viết xong thì sao?
- Bà nghĩ thế à? Ngay ngày mai hay thậm chí đêm nay cảm hứng sẽ đến với tôi. Vâng, rất có thể đêm nay; lúc ấy chỉ cần mười lăm phút là tôi viết xong. Tôi làm việc khác hẳn mọi người. Tôi không thể bắt mình một ngày viết được một số trang nào đó, mà tôi phải chờ cảm hứng. Và không một ai biết trước ngày giờ cái cảm hứng ấy đến. Nó đến bao giờ là tuỳ nó.
Bà chủ nhà bỏ đi. Nhưng hình như lòng tin của bà ta đối với tôi đã bị sứt mẻ tợn.
Còn lại một mình, tôi nhảy chồm dậy, vò đầu bứt tóc một cách tuyệt vọng. Không, đúng là không còn lối thoát nào nữa, hoàn toàn không! Ðầu óc tôi không chịu phục vụ tôi thêm nữa. Chẳng phải tôi đã thành thằng ngốc đó sao, một khi không còn làm nổi một phép trừ đơn giản về giá mấy lạng phó mát nào đó? Nhưng thử hỏi, nếu tôi biết tự đặt cho mình những câu hỏi thế này, lẽ nào tôi là một người điên thực sự? Lẽ nào không phải tôi, dù đang bận tính toán, vẫn nhận thấy một cách rất chính xác rằng bà chủ có chửa? Trước đây, tôi không biết gì về điều ấy, cũng chẳng nghe ai nói. Tự nó đến, ngoài ý muốn của tôi; tôi nhìn thấy bằng chính đôi mắt của mình và lập tức hiểu ngay mọi chuyện, mà lại đúng vào cái lúc tôi bất lực không làm nổi phép tính phần mười sáu kia. Làm sao có thể giải thích nổi tất cả những điều này?
Tôi đến bên cửa sổ, nhìn ra phố. Cửa sổ ngoảnh ra đường Vogmansgaten. Trẻ con đang chơi trên hè phố, những đứa trẻ nghèo của một đường phố nghèo. Chúng ném cho nhau bắt một chiếc chai không và kêu ré lên vui thích. Một chiếc xe ngựa chậm chạp đi ngang, chở đầy các đồ đạc gia đình. Chắc ai đó đã bị quẳng ra phố, nên mới phải dọn đi vào cái thời gian rất không thích hợp thế này. Tôi hiểu ngay mà. Trên xe chất đống chăn màn, gối và đồ gỗ, gồm những chiếc giường tủ mọt, những chiếc ghế ba chân, chiếu gai và các đồ lặt vặt khác bằng sắt. Một cô bé, còn bé tí, xấu xí, với chiếc mũi thâm bầm vì lạnh ngồi trên xe, đưa hai tay trần bám chặt càng xe để khỏi ngã. Dưới nó là một đống nệm trải giường ẩm ướt, đen xỉn mà ở nhà anh em nó đã từng nằm ngủ. Nó nhìn những đứa trẻ đang ném chai cho nhau trên hè phố...
Tôi nhìn xuống phố và hiểu một cách dễ dàng những gì đang xảy ra. Ðứng bên cửa sổ, tôi nghe rõ cô nấu bếp của bà chủ nhà đang khe khẽ hát trong bếp, ngay sát phòng tôi. Tôi biết bài cô ta đang hát, và lắng nghe xem cô ta có hát sai điệu không. Rồi tôi tự bảo mình rằng một người ngớ ngẩn không thể có những nhận xét như thế được. Nghĩa là, lạy Chúa, tôi vẫn bình thường, bình thường như bất kì ai khác.
Bỗng nhiên tôi nhìn thấy ngoài phố hai cậu bé đang cãi nhau. Tôi biết một đứa, đó là con trai bà chủ. Tôi mở cửa sổ lắng nghe chúng cãi nhau điều gì; lúc ấy dưới phố bọn trẻ tập trung lại rất đông, và chúng đang ngước nhìn lên một cách chăm chú. Chúng chờ gì thế nhỉ? Chờ được cho gì chăng? Một bông hoa khô, những chiếc xương, những mẩu thừa xì gà, hay những cái gì đấy có thể ăn hoặc dùng để chơi được? Chúng nhìn rất lâu lên cửa sổ phòng tôi, mặt tím bầm vì lạnh... Còn hai đứa kia vẫn cãi nhau. Từ miệng chúng tuôn ra những lời lăng mạ, những tiếng lóng và những câu chửi tục tĩu của thuỷ thủ có lẽ do chúng học được ở càng. Cả hai chửi nhau say sưa tới mức không nhận thấy bà chủ nhà đang chạy đến xem chuyện gì xảy ra.
- Mẹ ơi, - cậu con bà chủ mách. - Nó bóp cổ con, suýt nữa làm con chết ngạt! - Rồi quay sang đối thủ lúc này đang thích thú cười một cách độc ác, nó giận dữ kêu to: - Cút đi! Ðồ chó chết! Mày dám bóp cổ tao hả? Ðược, tao sẽ cho mày biết tay...
Nhưng bà mẹ chửa của cậu, với cái bụng chửa to tướng choán hết cả đường phố hẹp, đã túm tay cậu con mười tuổi của mình, định lôi đi.
- Câm! Câm ngay! Không được chửi như thế! Mày văng tục như bọn chuyên quan hệ với đĩ điếm không bằng! Ði về!
- Con không về!
- Về ngay!
- Không!
Tôi đứng bên cửa sổ và nhìn thấy bà chủ nhà của tôi đang vô cùng tức giận. Cái cảnh đáng kinh tởm kia làm tôi rất bực mình. Không đủ sức chịu thêm được nữa, tôi gọi to xuống, bảo đứa bé lên với tôi một chốc. Tôi gọi hai lần, để ngăn cái cảnh kia lại. Lần thứ hai tôi gọi rất to, bà chủ nhà nghe thấy, bối rối ngước lên. Nhưng liền lúc đó vẻ bối rối liền biến mất, và bà ta nhìn tôi một cách trâng tráo, với vẻ của một người thắng thế. Sau đó bà ta mắng con trai thêm mấy câu rồi bỏ đi. Bà ta nói với nó to đủ để tôi nghe thấy:
- Ðồ không biết xấu hổ, cứ đi mà cho người khác biết mày là một đứa đáng ghét thế nào!
Khi quan sát tất cả những cảnh trên, tôi không bỏ qua điều gì, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất. Khả năng quan sát của tôi rất tốt, tôi nhận thấy từng chi tiết nhỏ, và rồi sau đó lần lượt nghiền ngẫm suy nghĩ về chúng. Nghĩa là bộ não của tôi chưa bị tổn thương. ừ mà làm sao bị tổn thương được?
- Này, nghe đây, - tôi tự bảo mình. - Mày lo lắng khá lâu về đầu óc của mình, bây giờ thì đủ rồi chứ? Lẽ nào điên được khi mày có thể nhận thấy tất cả, kể cả những cái nhỏ nhặt nhất? Mày buồn cười lắm, ta có thể cam đoan như vậy. Vâng, ngộ thật. Tóm lại, ai cũng có lúc lầm lẫn, nhất là với những việc bình thương, đơn giản. Chẳng có gì quan trọng, đó chỉ là một sự ngẫu nhiên không đáng kể. Ta nói thật đấy, mày ngốc lắm. Còn về tờ hoá đơn thanh toán kia, cái khoản năm phần mười sáu phó mát thối ấy mà - ha, ha, ha, phó mát có hạnh nhân và hạt tiêu! - thì ta dám cam đoan rằng thứ phó mát ấy có thể dễ dàng làm người ta trở nên đần độn, và chỉ riêng cái mùi thối của nó cũng đủ đưa mày sang thế giới bên kia!... - Rồi tôi phá lên cười giễu tất cả các loại phó mát trên đời. - Nào, mày phải cho ta cái gì ăn được chứ! - Tôi nói. - Nếu muốn, cho ta năm phần mười sáu cân bơ ôliu tươi cũng được. Ðó lại là chuyện khác.
Tôi sặc sụa cười vì chính những trò đùa của mình, và tự thấy chúng khá độc đáo. Rõ ràng là tôi không có một chút khuyết tật nào. Tôi hoàn toàn khoẻ mạnh.
Tôi đi lại trong phòng, vừa đi vừa nói chuyện với mình và mỗi lúc một thêm vui vẻ. Tôi cười to, ngất ngây như đang say. Có thể nghĩ rằng tôi chỉ chờ cái giây phút vui sướng ngắn ngủi và lạ lùng này để khả năng làm việc quay lại với tôi. Tôi ngồi xuống bàn, cầm bút viết tiếp. Công việc khá trôi chảy, trôi chảy hơn rất nhiều so với trước, tuy không thật nhanh lắm. Nhưng những gì mới viết được, tôi thấy thật tuyệt. Thêm vào đó, tôi đã làm việc suốt một giờ liền vẫn không thấy mệt.

24.

Cuối cùng tôi đã viết đến đoạn quan trọng nhất trong bài báo có tính cách ngôn nói về đám cháy trong hiệu sách. Tôi thấy đoạn này quan trọng đến mức, tất cả những đoạn đã viết đều chẳng là gì so với nó. Tôi muốn nói tới một điều khác sâu sắc hơn, rằng cái bị cháy không phải là những cuốn sách, mà là những bộ óc người. Tôi muốn biến đám cháy ấy thành một đêm Varphôlômê thật sự.
Bỗng nhiên cửa phòng mở toang và bà chủ nhà xuất hiện. Bà ta xồng xộc chạy thẳng vào phòng, không đứng chờ bên cửa như mọi khi.
Tôi khẽ thốt lên như bất ngờ bị ai đánh.
- Sao? - Bà ta nói. - Tôi tưởng ông muốn nói gì với tôi, phải không? Có một người đến đây xin thuê phòng ở thường xuyên, tôi định giao căn phòng này cho ông ta. Còn ông đêm nay xuống tầng dưới ở với chúng tôi, có điều ông phải tự tìm lấy giường ngủ. - Và rồi không đếm xỉa gì đến tôi, cũng chẳng dài dòng thêm nữa, bà ta đưa tay thô lỗ gạt các tờ giấy của tôi từ trên bàn xuống.
Trạng thái phấn chấn của tôi lập tức biến mất. Tôi bừng bừng nổi giận và vội đứng dậy trong tuyệt vọng. Tôi lặng lẽ để bà ta thu dọn giấy tờ của tôi khỏi bàn. Tôi không nói một lời nào. Rồi bà ta cầm tập giấy giúi vào tay tôi. Không còn cách nào khác ngoài việc phải nhanh chóng rời khỏi phòng. Và cái giây phút cảm hứng quý báu kia đã mất đi vĩnh viễn. Tôi gặp người thuê nhà mới ở cầu thang. Ðó là một người còn trẻ, với hình một chiếc neo lớn màu xanh chạm trên cánh tay. Một người khuân đồ vác chiếc hòm lớn theo sau anh ta. Hình như anh ta là thuỷ thủ, nghĩa là khách ngẫu nhiên chỉ dừng lại một đêm. Tất nhiên anh ta sẽ không giữ phòng tôi lâu. Có thể sáng mai, khi anh ta đi khỏi đây, cảm hứng lại đến với tôi, năm phút cũng được - chừng ấy đủ để tôi kết thúc bài báo. Còn tạm thời bây giờ phải quy phục số phận...
Từ trước tới nay tôi chưa bao giờ đặt chân tới căn phòng của gia đình bà chủ, gồm ông chồng, bà vợ, bố vợ và bốn đứa con. Cô nấu bếp sống ở bếp, ăn ngủ luôn ở đó. Tôi miễn cưỡng lại gần, gõ cửa nhưng chẳng ai trả lời, dù tôi nghe bên trong có tiếng nói.
Khi tôi bước vào, ông chủ nhà không nói lời nào, thậm chí không đáp lại lời chào của tôi. Ông ta chỉ hờ hững nhìn tôi, như tôi hoàn toàn chẳng liên quan gì đến ông ta. Lúc ấy ông ta đang chơi bài với một người có lần tôi đã gặp ở cảng và với một người khuân đồ có biệt danh là "Mảnh kính". Một đứa trẻ còn bú đang bi bô trên giường, còn ông già, bố đẻ bà chủ thì ngồi trên chiếc ghế dài, hai tay ôm đầu như đang đau bụng hay đau ngực. Tóc ông bạc gần hết, ông ngồi, co rúm người như con rắn rình mồi.
- Xin ông cho tôi được ngủ qua đêm ở đây, - tôi nói với ông ta.
- Vợ tôi bảo thế à?
- Vâng. Phòng của tôi đã được giao cho một người mới đến.
Ông ta không nói gì thêm, lại quay sang chơi bài tiếp.
Hết ngày này sang ngày khác, ông ta cứ ngồi ở đây chơi bài với khách, không phải chơi ăn tiền, mà chỉ để giết thời gian, để tay chân đỡ buồn. Ngoài ra, ông ta chẳng làm một việc gì khác. Ông ta cử động một cách lười biếng và uể oải, trong khi bà vợ phải luôn chân chạy ngược chạy xuôi trên thang gác, chăm lo việc nhà và tìm khách. Bà ta thoả thuận trước với đám thuỷ thủ và phu khuân vác ngoài cảng, rằng cứ giới thiệu một khách trọ, họ sẽ được nhận một số tiền nào đó. Mà rồi, bản thân họ cũng thường ngủ qua đêm tại đây. Lần này chính "Mảnh kính" dẫn người khách kia tới.
Có hai đứa trẻ bước vào, hai cô bé mặt đầy tàn hương và tiều tuỵ, quần áo rách nát. Một chốc sau bà chủ nhà xuất hiện.
Tôi hỏi bà ta định cho tôi ngủ ở đâu. Bà ta đáp tôi có thể nằm ở đây cùng mọi người hay ra ngủ trên chiếc ghế ngoài hành lang, tuỳ tôi quyết định. Vừa nói, bà ta vừa đi lại trong phòng, thu xếp đồ đạc, và không quay sang nhìn tôi lần nào.
Nghe thế, tôi cúi đầu cam chịu, lặng lẽ đến đứng bên cửa, làm ra vẻ thậm chí tôi còn lấy làm thích khi được nhường phòng cho người khác. Tôi cố làm bộ vui vẻ để bà ta khỏi giận và không đuổi tôi ra đường. Tôi nói:
- Không sao, tôi sẽ tự thu xếp được thôi.
Rồi im lặng.
Bà ta vẫn tiếp tục đi lại trong phòng.
- Nói chung, tôi phải báo ông biết rằng tôi không thể cho khách chịu tiền thuê nhà và tiền ăn lâu được, - bà ta nhắc lại. - Tôi đã nói với ông điều đó.
- Vâng, thưa bà, nhưng chỉ hai ngày nữa là tôi viết xong bài báo, - tôi đáp. - Lúc ấy tôi sẵn sàng trả thêm cho bà năm curon nữa. Xin bà cứ tin như vậy.
Nhưng tôi thấy bà ta không tin tôi một chút nào. Còn tôi thì không đủ dũng cảm để tự ái bỏ nhà bà ta đi nơi khác. Tôi biết rất rõ cái gì sẽ chờ tôi, nếu đi khỏi đây.
Hai ngày nữa trôi qua.
Tôi vẫn ở chung với gia đình bà chủ trong căn phòng chật chội. Tôi nằm ngay trên sàn nhà, vì không thể ngủ ngoài hành lang - ở đấy không có lò sưởi nên rất lạnh. Gã thuỷ thủ mới đến vẫn ở phòng tôi và hình như trong thời gian tới chưa có ý định đi đâu cả. Trước bữa ăn trưa, bà chủ nhà tới bảo tôi rằng hắn đã trả tiền trước cả tháng. Hắn tới đây để thi hành hoa tiêu; thi xong hắn mới đi. Nghe thế, tôi hiểu ngay rằng tôi chẳng còn hi vọng được trở về phòng cũ nữa.
Tôi bước ra hành lang, ngồi xuống ghế. Nếu nói chung tôi viết được cái gì đấy, thì chỉ viết được ở chỗ yên tĩnh này mà thôi. Bài báo có tính cách ngôn kia chẳng còn làm tôi quan tâm. Trong đầu xuất hiện một tư tưởng mới, một kế hoạch tuyệt vời: tôi quyết định sẽ viết một vở kịch một hồi, gọi là "Ðiềm báo trước của cây thánh giá", cốt truyện lấy từ thời trung cổ. Tôi đã tìm được nữ nhân vật chính thích hợp, đó là hình ảnh lí tưởng của một cô gái tội lỗi cuồng tín, phạm tội ngay trong nhà thờ, không phải vì yếu đuối hay ham mê tình dục, mà vì căm ghét Ðức Chúa Trời. Vâng, cô ta phạm tội ngay trước bàn thờ Chúa! Ha! Ha!
Cùng với thời gian, cô gái ấy mỗi lúc một ám ảnh óc tưởng tượng của tôi. Cuối cùng cô ta hiện lên trước mắt tôi như một người sống thật và đúng như tôi mong muốn. Vẻ ngoài của cô gái tội lỗi này phải làm người khác kinh sợ: cao, rất gày, da hơi đen, và khi đi, đôi chân dài phải lộ ra khỏi váy. Ngoài ra, cô ta phải có một đôi tai to, vểnh hẳn ra ngoài. Tôi quan tâm tới sự trâng tráo đáng kinh ngạc của cô ta, cũng như cái quyết tâm sắt đá mà cô ta có trước khi thực hiện cái tội lỗi có mưu tính kia của mình. Vâng, cô ta thu hút toàn bộ sự chú ý của tôi. Ðầu óc tôi hình như to phình ra vì hình tượng xấu xí và lạ thường này. Tôi ngồi viết vở kịch ấy suốt hai giờ liền.
Sau khi viết được mười, hay có thể mười hai trang, viết một cách khó nhọc, có khi phải nghỉ rất lâu, hết xoá lại viết, tôi bắt đầu cảm thấy mệt, chân tay cứng đờ vì lạnh. Tôi đứng dậy đi ra phố. Thêm vào đó, suốt nửa giờ cuối cùng, đứa con bà chủ nhà khóc không dứt, làm tôi có ngồi thêm cũng chẳng viết được dòng nào. Vì vậy, tôi quyết định đi xa về phía Ðrammen và sẽ không quay lại trước khi trời tối. Tôi sẽ vừa đi dạo, vừa suy nghĩ thêm về vở kịch của mình. Trong buổi dạo lần ấy đã xảy ra một chuyện thế này.
Tôi dừng lại cạnh xưởng đóng ủng cuối phố Carlơ Juhan, gần Quảng trường nhà ga. Có trời mới biết vì sao tôi dừng lại cạnh xưởng đóng ủng ấy chứ không phải nơi khác. ý nghĩ tôi đang bay đâu đó rất xa, có lẽ ở phía tận cùng thế giới. Phía sau tôi có nhiều người qua lại, nói chuyện với nhau, nhưng tôi không nghe rõ họ nói gì. Bỗng nhiên có ai nói to với tôi:
- Chào cậu!
Ðó là một người quen cũ của tôi, biệt hiệu là "Cô gái đỏ".
- Chào cậu! - Tôi lơ đãng đáp lại.
Tôi không nhận ngay ra anh ta.
- Công việc thế nào? - "Cô gái" hỏi.
- Không sao... vẫn như cũ.
- Mà này, cậu vẫn ở chỗ Crixti đấy chứ?
- Crixti nào?
- Cậu không nhớ có lần nói với tớ là cậu làm kế toán cho hiệu buôn Crixti à?
- À... Vâng. Nhưng tớ thôi không làm ở chỗ ấy rồi. Không thể làm việc nổi với con người ấy. Chẳng bao lâu sau mình chia tay ông ta.
- Nhưng vì sao?
- Một lần tớ ghi chép sai, và thế là...
- Cố tình hả?
Cố tình? "Cô gái đỏ" công khai hỏi có phải tôi cố tình gian lận không? Anh ta hỏi điều ấy một cách nhanh chóng và với vẻ tò mò, không giấu giếm. Tôi nhìn anh ta, cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, nhưng không nói gì.
- Ồ quái gì phải tỏ ra này nọ. Chuyện ấy thì ai mà chẳng có, - anh ta nói, cốt để an ủi tôi.
Anh ta vẫn nghĩ tôi cố tình gian lận.
- Ai chẳng có... nghĩa là thế nào? - Tôi hỏi. - Anh muốn nói rằng ai cũng gian lận phải không? Này, anh bạn, nói thật đi, anh nghĩ tôi có thể làm cái điều bẩn thỉu ấy hả? Tôi mà thế hả?
- Nhưng tớ thấy hình như chính cậu nói...
Tôi hất đầu, quay lưng với "Cô gái" và nhìn về hướng khác. Bỗng nhiên tôi thấy một phụ nữ mặc quần áo đỏ đi cạnh một người đàn ông. Nếu không nói chuyện với "Cô gái", không tự ái vì sự nghi ngờ bần tiện của anh ta, không hất đầu quay sang hướng khác, có lẽ tôi đã không nhìn thấy bộ quần áo đỏ này. à mà nó thì liên quan gì đến tôi nhỉ? Nó có là áo của công chúa Naghen thì tôi cũng chẳng cần quan tâm tới.
Trong khi đó "Cô gái" vẫn tiếp tục nói để chữa lại sự hớ hênh kia của mình. Tôi hoàn toàn không nghe anh ta mà chăm chú nhìn người đàn bà mặc áo đỏ đang lại gần. Sự hồi hộp làm tôi thấy rạo rực, râm ran trong ngực như bị ai châm những mũi kim rất sắc. Tôi khẽ mấp máy đôi môi.
- Ilaialy!
Lúc này cả "Cô gái" cũng quay lại và nhìn thấy hai người kia đi ngang. Anh ta cúi đầu chào họ rồi đưa mắt nhìn theo. Tôi không cúi chào, cũng có thể cúi chào mà không biết. Chiếc áo đỏ đi tiếp theo phố Carlơ Juhan và cuối cùng biến mất.
- Người đàn ông kia là ai đấy nhỉ? - "Cô gái" hỏi.
- "Quận công" đấy, không nhận ra à? Ông ấy có biệt danh "Quận công". Cậu biết người đàn bà ấy không?
- Có, biết sơ sơ. Còn cậu?
- Không, - tôi đáp.
- Tớ thấy cậu cúi chào cô ta rất thấp.
- Thật ư?
- Cậu định nói cậu không cúi chào? - "Cô gái" vặn. - Lạ đấy! Cô ta lúc nào cũng nhìn cậu, chỉ nhìn cậu mà thôi.
- Sao cậu biết cô ấy?
Có thể nói anh ta hầu như không biết nàng. Một đêm thu nọ, khi đã rất muộn, có ba chàng trẻ tuổi bước ra từ quán ăn "Grand", không phải không chuếnh choáng hơi men. Họ gặp người đàn bà này ở Cammereyer và tìm cách bắt chuyện với nàng. Lúc đầu nàng không muốn đáp lại. Một người trong bọn họ, vốn coi trời bằng vung, đề nghị được tiễn nàng về nhà. Anh chàng hứa sẽ không chạm đến một sợi tóc của nàng, và chỉ muốn tiễn nàng về tận cửa để biết chắc nàng đã về tới nhà an toàn, nếu không, suốt đêm anh chàng sẽ trằn trọc không sao ngủ được. Vừa đi, anh chàng vừa nói luôn miệng, nói đủ các chuyện hươu cuội, tự nhận mình là Vondemar, Atterdac, thợ nhiếp ảnh. Dần dần, những câu chuyện nhảm nhí vui vẻ ấy làm nàng thấy buồn cười, còn anh kia thì vẫn không hề nản chí trước sự lạnh lùng của nàng. Cuối cùng nàng đã đồng ý cho tiễn về nhà.
- Sau đó rồi sao? - Tôi hỏi, suýt nghẹt thở vì hồi hộp.
- Sau đó à? à mà thôi, cần gì phải biết chuyện ấy. Dù sao thì cô ta cũng chỉ là một người đàn bà.
Cả hai chúng tôi cùng im lặng trong chốc lát.
- Quỷ quái thật, người kia lại chính là "Quận công" à? Thì ra hắn là người thế đấy! - "Cô gái" nói thêm, vẻ trầm ngâm. - Một khi cô ta đi với hắn thì cô ta sẽ không thuộc loại đắt giá lắm.
Tôi im lặng không nói gì. Tất nhiên "Quận công" sẽ quyến rũ được nàng. Tốt, tốt lắm. Việc quái gì ta phải buồn? Ta chúc cho cô nàng xinh đẹp ấy vui vẻ, thật vui vẻ! Và rồi tôi bắt đầu tự an ủi mình bằng cách nghĩ xấu về nàng, giẫm nàng xuống bùn đen một cách không thương tiếc. Tôi chỉ lấy làm khó chịu rằng trước đó đã ngả mũ chào đôi uyên ương ấy, nếu quả đúng tôi có làm như thế. Tại sao tôi lại ngả mũ chào những con người ấy? Tôi không thương tiếc nàng nữa, hoàn toàn không! Nàng không còn là một phụ nữ xinh đẹp, nàng đã sa ngã - Ôi, lạy Chúa, nàng sa ngã tới mức ấy ư? Rất có thể rằng vừa rồi nàng chỉ nhìn một mình tôi. Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Có thể nàng thực sự hối hận... Nhưng không vì thế mà tôi quỳ xuống trước nàng, chào nàng như một thằng điên si tình, nhất là thời gian gần đây nàng sa ngã đến thế. Ðược, cứ để "Quận công" nhặt lấy nàng! Xin mời! Sẽ có ngày ta đi ngang mà không thèm liếc mắt, có thể ta vẫn không thèm nhìn nàng cả khi nàng nhìn ta chằm chằm, với vẻ cầu khẩn, và trên người mặc bộ quần áo đỏ như hôm nay. Có thể như thế lắm! Ha, ha! Lúc ấy sẽ biết tay nhau nhé! Chắc đêm nay tôi viết xong vở kịch, và khoảng tám ngày nữa nàng tiểu thư xinh đẹp kia sẽ phải quỳ gối trước tôi! Cùng tất cả vẻ đẹp mà nàng có, ha ha, cùng tất cả!...

25.

- Tạm biệt! - Tôi nói một cách dứt khoát.
Nhưng "Cô gái" nắm tay tôi, hỏi:
- Bây giờ cậu đang làm gì?
- Làm gì à? Tất nhiên là tớ viết. Tớ còn có thể làm gì nữa? Tớ sống bằng nghề viết mà! Hiện giờ tớ đang viết một vở kịch lớn, gọi là "Ðiềm báo trước của cây thánh giá", về đề tài trung cổ.
- Thế cơ à? - "Cô gái" cảm phục một cách chân thành. - Cậu mà viết xong thì chắc chắn...
- Tớ chẳng quan tâm tới điều ấy! - Tôi đáp. - Tớ hi vọng tám ngày nữa các cậu sẽ được nghe tên tớ.
Nói rồi tôi bỏ đi.
Về tới nhà, lập tức tôi tìm bà chủ, hỏi mượn chiếc đèn. Tôi rất cần có đèn. Tôi định đêm nay không ngủ. Vở kịch đang sôi sục trong đầu, và tôi nghĩ chắc chắn đến sáng mai tôi có thể viết xong một phần khá lớn. Tôi trình bày yêu cầu của mình với bà chủ hết sức nhã nhặn, vì đã kịp thấy vẻ mặt bà lộ vẻ không hài lòng khi biết tôi lại về nhà bà. Tôi viết gần xong một vở kịch tuyệt vời, tôi nói, còn hai cảnh nữa là kết thúc. Tôi cho bà ta biết chắc sẽ có nhà hát nào đấy tự xin tôi cho phép diễn nó trước khi tôi đặt vấn đề với họ, và rằng bây giờ nếu giúp tôi, sau này tôi sẽ...
Nhưng bà chủ nhà không có đèn. Hồi lâu bà ta cố nhớ xem chiếc đèn cũ của bà ta ở đâu, nhưng không sao nhớ nổi. Nếu chờ đến mười hai giờ, có thể tôi sẽ được mượn chiếc đèn từ nhà bếp. Nhưng tại sao tôi không mua nến mà thắp?
Tôi im. Tôi không có nổi mười ere để mua nến, và bà ta thừa hiểu điều đó. Than ôi, thế là kế hoạch của tôi lại sụp đổ. Cô hầu bếp ngồi với chúng tôi trong phòng, dưới bếp chẳng có ai, nghĩa là thậm chí người ta không thắp đèn trong bếp. Tôi nghĩ thế, nhưng không nói thêm lời nào.
Bỗng cô hầu bếp nói:
- Hình như vừa rồi tôi thấy ông từ lâu đài quốc hội đi ra. Ông dự tiệc ở đấy à? - Rồi cô ả phá lên cười ngặt nghẽo vì câu pha trò của mình.
Tôi ngồi xuống, lấy giấy bút ra định làm việc ngay ở đây. Tôi giữ tờ giấy trên gối rồi nhìn chằm chằm xuống sàn nhà để khỏi phân tán tư tưởng. Nhưng mọi cố gắng của tôi đều vô ích, tôi vẫn không nặn ra được dòng nào. Hai cô bé con bà chủ bước vào và bắt đầu chơi đùa ầm ĩ với con mèo. Con mèo ấy to một cách lạ lùng và hầu như không có lông. Khi chúng thổi vào mắt nó, nước mắt nó chảy ra, lăn cả xuống mũi. Ông chủ và hai người khách nữa chơi bài trên bàn. Như thường lệ, chỉ một mình bà chủ làm việc - bà ta đang ngồi khâu. Bà ta biết chắc tôi không thể viết nổi ở một nơi ồn thế này, nhưng bà ta đã chẳng cần quan tâm gì tới tôi, thậm chí còn mỉm cười khi cô đầu bếp giễu tôi về việc dự tiệc trong lâu đài. ở nhà này ai cũng thù địch với tôi; hình như việc tôi phải nhục nhã nhường phòng mình cho người khác đã cho phép họ coi tôi như một người thừa. Cả đến cô đầu bếp, một cô gái xấu xí, bé nhỏ, mắt đen, trán thấp, ngực lép mà cũng bĩu môi cười giễu tôi khi mỗi tối tôi cầm bánh mì cho vào miệng. Cô ả thường hay hỏi tôi ăn trưa ở đâu, và vì sao không bao giờ ả thấy tôi xỉa răng khi ra khỏi hiệu "Grand". Rõ ràng ả biết về tình cảnh khốn cùng của tôi, và lấy làm thích thú khi nhắc tôi điều đó.
Tất cả những ý nghĩ ấy cứ chui vào đầu làm tôi không viết nổi một dòng nào cho vở kịch. Mọi cố gắng đều không mang lại kết quả. Ðầu tôi lại bắt đầu kêu ong ong, cuối cùng tôi phải bỏ không viết nữa. Tôi nhét giấy vào túi, ngước nhìn lên. Cô đầu bếp ngồi ngay trước mặt, tôi nhìn ả, nhìn đôi vai so và cái lưng hẹp của ả. Tại sao ả phải trêu chọc tôi nhỉ? Cứ cho như tôi được mời tới lâu đài thì đã sao? Việc gì ả phải bận tâm điều đó? Những ngày gần đây ả trêu chọc tôi càng trâng tráo hơn trước, nhất là khi tôi vấp ngã trên cầu thang, hay áo khoác vướng vào đinh bị rách. Như hôm qua chẳng hạn, ả đã nhặt những trang nháp tôi vứt ở hành lang rồi đem vào phòng đọc to cho mọi người nghe, vừa đọc vừa mỉa mai bình luận. Tôi nhớ tôi chưa bao giờ làm ả phật lòng, cũng chẳng hề nhờ vả ả điều gì. Ngược lại, đêm đêm, để khỏi phiền ả, tôi tự trải chăn đệm xuống sàn làm giường ngủ. ả còn cười giễu cả việc tóc tôi rụng nhiều. Sáng dậy, thấy tóc rụng đầy chậu rửa mặt, ả lại cười ré lên thích thú. Ðôi giày của tôi mòn vẹt, đặc biệt là bị chiếc xe đè nát, cũng là đề tài cho ả cười giễu tôi. "Ôi, lạy Chúa, thế này mà gọi là giày ư? - ả nói. - Chiếc nào cũng như cái ổ chó ấy!". Vâng, giày của tôi quả đúng đã hỏng, nhưng tạm thời tôi chưa có tiền thay đôi khác.
Tôi nhớ lại tất cả những điều này và lấy làm ngạc nhiên vì sao cô đầu bếp lại thù ghét tôi đến vậy. Trong khi đó các cô bé con bà chủ bắt đầu trêu chọc ông già đang nằm trên giường. Chúng chạy nhanh quanh ông lão rồi lấy cọng rơm chọc vào tai ông. Lúc đầu tôi không muốn can thiệp vào chuyện này. Ông lão không cử động được để thoát khỏi những trò chơi độc ác của chúng. Ông chỉ biết nhìn những kẻ hành hạ mình, những đứa cháu ngoại của ông, bằng con mắt giận dữ khi chúng cù ông và lắc đầu một cách bất lực để giũ các cọng rơm bị nhét vào ta rơi ra.
Ðối với tôi, cảnh ấy dần dần trở nên không sao chịu nổi, nhưng tôi không thể rời mắt khỏi nó. Ông chủ chốc chốc lại ngước đầu khỏi những quân bài, cười khen trò chơi của hai cô con, thậm chí còn lưu ý khách khứa cùng thưởng thức. Nhưng sao ông già cứ nằm yên? Sao không dậy đánh cho hai con bé mấy cái? Tôi bước một bước về phía giường.
- Kệ chúng! Kệ chúng! Lão già bị bại liệt! - Ông chủ kêu to với tôi.
Và tôi, sợ làm ông ta tức giận, sợ bị tống ra đường đang đêm, đành lặng lẽ quay về chỗ cũ và ngồi xuống. Sao tôi cứ phải xen vào việc gia đình người khác để có thể bị đe doạ tước mất chỗ ngủ và những miếng bánh mì? Chẳng việc gì phải vất vả với ông già nửa sống nửa chết ấy! Nghĩ thế, tôi cảm thấy cứng rắn hẳn lên, cứng rắn như đá vậy.
Hai con bé vẫn tiếp tục tra tấn ông già. Chúng lấy làm thích thú vì ông ngoại chúng không cọ quậy đầu được, chúng cứ việc chọc cọng rơm vào mắt, vào mũi ông. Ông già nhìn chúng với sự căm thù vô hạn, nhưng không thể nói một lời hay làm bất kì một cử động nào. Bất chợt ông đem hết sức nhỏm dậy, nhổ nước bọt vào mặt một đứa. Sau đó ông lại nhỏm dậy, nhổ vào đứa kia nhưng không trúng. Tôi thấy chủ nhà vội vứt bài xuống, chạy tới giường, mặt đỏ bừng vì tức giận. Ông ta quát:
- Con chó già kia, sao mày dám nhổ vào mặt con tao, hả?
- Vì chúng không chịu để ông ấy yên! - Không nhịn thêm được nữa, tôi nói xen vào.
Nhưng do lúc nào cũng sợ bị đuổi ra đường, tôi nói không cương quyết lắm. Toàn người tôi run lẩy bẩy.
Ông chủ nhà quay sang nhìn tôi:
- Giỏi đấy! Ai khiến anh xỏ mũi vào việc người khác? Câm ngay, nghe không? Biết điều thì câm đi, kẻo phiền đấy!
- Sao, ông mà cũng dám tỏ ra bất bình, hả? - Bà ta rít lên. - Xin mời cả hai im đi cho, kẻo tôi lại vứt ra đường hết bây giờ, hiểu chứ? Hừ, thế mà tôi lại còn uổng công sưởi ấm và nuôi béo con chó này nữa, mà thử hỏi để làm gì? Tôi không chịu thế đâu, nghe không?! Câm mồm, đồ rác rưởi! Mà lau mũi đi, kẻo tôi đến vặn đi bây giờ! Lạ lùng thật đấy! Từ ngoài phố mò vào, không đồng xu dính túi, đến mua hộp thuốc mỡ chống rận cũng không mua nổi, thế mà giữa đêm khuya dám làm ầm ĩ lên, dám cãi lại người khác. Tôi không cho phép thế đâu! Ai là người ngoài phải ra khỏi nhà này ngay! Trong nhà này phải được yên tĩnh! Tôi muốn thế đấy!
Tôi không đáp gì, thậm chí không dám mở miệng, chỉ lặng lẽ đến ngồi bên cửa và nghe chửi. Mà chửi thì ai cũng chửi, kể cả bọn trẻ con và cô đầu bếp. Cô ả cứ nhất định muốn biết do ai mà xảy ra cuộc cãi cọ này. Nếu vừa rồi tôi im lặng, chắc mọi chuyện đã kết thúc tốt đẹp. ừ mà đáng lẽ tôi không nên nói mới phải, nếu thế chắc sẽ không đến nỗi. Nhưng suy kĩ, thì tôi chẳng đã im lặng mãi đó sao? Bên ngoài trời rất lạnh, lại khuya khoắt thế này. Nào tôi có dám đấm bàn đấm ghế tự bào chữa cho mình đâu? Không, tôi không ngốc đến thế? Vì vậy tôi ngồi yên, và mặc dù người ta không cho ở nữa, nhưng tôi vẫn không rời khỏi căn nhà này. Tôi nhìn dán mắt vào tường, nơi có bức tranh vẽ Ðấng cứu thế; tôi nhẫn nhục im lặng, coi như không có những lời chửi rủa cay độc của bà chủ.
- Nếu bà muốn tôi đi khỏi nơi này, thì thưa bà, tôi đi ngay bây giờ! - Một trong số những người chơi bài nói.
Và ông ta đứng dậy. Người thứ hai cũng làm theo.
- Không, tôi không nói ông. Cả ông nữa. - bà chủ nhà vội thanh minh. - Ðã đến nước này thì tôi sẽ nói thẳng tôi muốn đuổi ai. Các vị thừa biết người ấy...
Bà ta cố tình dừng lại để tôi biết người đó chính là tôi. "Bình tĩnh! - Tôi thầm bảo mình. - Phải bình tĩnh mới được!" Bà ta chưa đuổi tôi, chưa nói thẳng cái từ ấy ra miệng. Mong sao tôi đừng tỏ ra quá kiêu, phải dẹp cái tự trọng kia đi, giờ không phải lúc! Hãy bịt tai lại... Chà, Chúa Giêsu trên tranh có mái tóc màu xanh lạ lùng quá... Rất giống một đám cỏ xanh... Hay nói chính xác hơn - giống một đám cỏ xanh dày bò mới gặm! Lập tức các ý nghĩ liên tiếp xuất hiện trong đầu tôi: cỏ xanh làm tôi nhớ đến một đoạn trong Kinh Thánh, nói rằng ngày tháng của con người giống cỏ xanh, bị cháy trụi. Sau đó tôi bắt đầu nghĩ về ngày tận thế, là khi vạn vật sẽ bị thiêu cháy trong lửa. Rồi tôi nghĩ tới trận động đất ở Lixabon, và thấy rõ mồn một trước mặt một ống nhổ nước bọt bằng gang kiểu Tây Ban Nha và một bộ đồ viết bằng gỗ đen như ở nhà Ilaialy. Chà, mọi thứ đều nhảm nhí cả! Cả đám cỏ xanh bị thiêu cháy! Ai cũng có một phần kết giống nhau là chiếc quan tài bốn tấm và miếng vải liệm của hiệu Anđerxơn, lối vào bên phải...
Tất cả những điều kiện trên hiện nhanh trong đầu tôi vào cái giây phút nguy kịch nhất, khi bà chủ nhà chuẩn bị đuổi tôi ra đường.
- Trời ơi, thậm chí đến nghe hắn cũng chẳng thèm nghe! - Bà ta lại rít to. - Tôi nói với ông đấy: Xéo khỏi đây ngay, xéo ngay, hiểu chưa? Hắn hoá điên rồi! Có đúng trời bắt tội tôi không? Cút đi! Muốn đi đâu thì đi, không dài dòng gì nữa!
Tôi nhìn về phía cửa, nhưng không phải để bước ra khỏi nhà, hoàn toàn không phải thế. Trong đầu tôi nẩy ra một ý nghĩ táo bạo: nếu trong ổ có chìa khoá, tôi sẽ khoá trái cửa lại rồi vứt chìa, thà chịu giam chung với mọi người, nhưng được ở lại trong phòng. ý nghĩ rằng bây giờ lại phải ra ngoài trời lạnh làm tôi khiếp sợ. Tiếc thay, trong ổ không có chìa khoá, nên tôi phải đứng dậy. Chẳng còn gì để chờ thêm nữa.
Bỗng nhiên, xen vào giữa những câu chửi của bà chủ nhà, tôi nghe có tiếng chồng bà ta. Tôi chững lại, ngơ ngác. Con người vừa đe doạ tôi lúc nãy bây giờ lại lên tiếng bênh tôi. Ông ta nói:
- Không được đuổi người ta ra đường giữa đêm hôm khuya khoắt thế này! Bà không biết điều đó sao? Làm thế sẽ bị luật pháp trừng trị đấy!
Tôi không biết luật pháp có trừng trị hay không, chắc là không, mà cũng có thể có, ai biết đấy, nhưng vừa nghe nói vậy, lập tức bà chủ nhà chững lại ngay. Bà ta nguôi dần và cuối cùng để tôi yên. Thậm chí bà ta còn mời tôi hai miếng bánh mì kẹp thịt, nhưng tôi không ăn - để tỏ lòng biết ơn với ông chủ nhà, tôi không ăn, nói là đã ăn ngoài phố.
Cuối cùng, tôi ra hành lang chuẩn bị chỗ nằm, bà chủ nhà đi theo, đứng bên bậc cửa, che hết ánh sáng bằng cái bụng to đến quái dị của mình. Bà ta nói to:
- Nhưng đừng quên đêm nay là đêm cuối cùng ông ngủ ở nhà tôi đấy!
- Vâng, - tôi đáp.
Ngày mai, nếu chịu khó, tôi sẽ tìm được chỗ ngủ đâu đó. Không chỗ này thì chỗ khác. Còn tạm thời tôi lấy làm mừng rằng đêm nay vẫn có mái nhà che đầu.
Tôi tỉnh dậy vào lúc năm hoặc sáu giờ sáng. Trời còn tối, nhưng dù sao tôi vẫn dậy ngay. Vì lạnh, tôi đã để cả quần áo mà ngủ. Uống xong ít nước, tôi lặng lẽ mở cửa, và cũng lặng lẽ như thế, tôi bước ra ngoài, thầm mong không phải chạm trán với bà chủ nhà.
Ngoài phố vắng tanh, thỉnh thoảng mới gặp một người cảnh sát trực qua đêm. Một chốc sau xuất hiện hai nhân viên đèn đường, họ lần lượt tắt tất cả các ngọn đèn đốt bằng hơi hai bên phố. Tôi đi lang thang không mục đích, ra tới phố Nhà thờ rồi đi về phía pháo đài. Tôi muốn ngủ, run lên vì lạnh. Do đi nhiều, lưng và hai chân đau nhức nhối. Cảm thấy rất đói, tôi ngồi xuống một chiếc ghế dài và bắt đầu ngủ gật. Suốt ba tuần liền tôi chỉ sống bằng những miếng bánh mì bà chủ nhà cho vào buổi sáng và buổi tối, còn một ngày một đêm nay tôi chưa có gì vào bụng, và cái đói lại bắt đầu hành hạ tôi. Phải nhanh chóng tìm một lối thoát nào đó. Tôi ngồi ngủ gật trên ghế với ý nghĩ ấy...
Tôi chợt tỉnh vì nghe có giọng nói của ai đó. Tôi đưa mắt nhìn quanh trời sáng hẳn, thành phố đã tỉnh dậy. Tôi đứng lên rồi đi. Mặt trời nhô lên khỏi ngọn đồi, cả khoảng không bao la được nhuốm một lớp hồng màu sáng. Một buổi sáng tuyệt đẹp sau nhiều tuần ảm đạm. Nó làm tôi vui lên và tạm quên những phiền muộn của mình. Bây giờ tôi cảm thấy hoàn cảnh của tôi chưa đến nỗi nào, nhiều lần trước đó tôi thấy còn tồi tệ hơn gấp bội. Tôi vỗ mạnh vào ngực rồi khe khẽ hát. Giọng tôi nghe thật buồn, thật yếu, đến mức tự tôi cũng cảm thấy muốn chảy nước mắt. Vả lại, hôm nay trời đẹp, bầu trời trong xanh rực rỡ tác động lên tôi quá mạnh, và rồi tôi oà lên khóc.
- Chuyện gì xảy ra với ông thế? - Một người đi ngang hỏi tôi.
Tôi vội bỏ đi ngay không đáp, hai tay che mặt.
Tôi ra tới cảng. Người ta đang bốc than lên từ một chiếc tàu lớn mang cờ nước Nga; tàu "Kôpegôrô". Hồi lâu tôi giải trí bằng cách đứng nhìn con tàu ngoại quốc ấy.
Có lẽ nó bốc hàng sắp xong vì bảng đo mực nước trên mạn tàu đã chỉ con số ba mét chiều nổi. Dưới chân ủng nặng nề của đám phu khuân vách, boong tàu kêu lên rền rĩ.
Mặt trời, ánh sáng, không khí có mùi mặn của biển - tất cả cái cuộc sống vui vẻ và thú vị này đã kích thích tôi, làm máu trong người tôi chảy mạnh. Bỗng tôi chợt có ý nghĩ rằng có thể ngồi ngay ở đây để viết thêm vài cảnh nữa cho vở kịch của mình. Rồi tôi rút giấy ra khỏi túi.
Tôi bắt đầu vắt óc tìm các câu từ để đặt lên môi cha tu sĩ - những câu từ giận dữ, thiếu kiên nhẫn. Thất bại! Tôi gác cha tu sĩ sang một bên để nghĩ lời cho quan chánh án khi ông ta nói với cô gái tội lỗi đã làm nhơ bẩn nhà thờ. Viết được nửa trang, tôi bỏ giấy bút xuống. Không được! Không có chất hào hùng tôi muốn có. Xung quanh tôi mọi người đang làm việc sôi nổi với đủ trăm thứ tiếng động khác nhau, chẳng ăn nhập chút nào với không khí ảm đạm, ngột ngạt của thời trung cổ mà vở kịch của tôi phải có. Thu dọn giấy tờ xong, tôi đứng dậy.

26.

Nhưng dù sao, tôi đã vượt qua điểm chết ấy, và tôi tin chắc từ bây giờ, công việc sẽ tiến triển tốt đẹp. Chỉ cần tìm được một chỗ nào đó yên tĩnh! Nghĩ thế, tôi dừng lại chính giữa đường phố, nhưng cố mãi vẫn không nhớ ra được một chỗ nào yên tĩnh trong cả cái thành phố to lớn này, một chỗ cho tôi ngồi tạm. Chẳng còn biết đi đâu, ngoài quay về "Nhà nghỉ cho khách vãng lai". Vừa nghĩ tới điều ấy, tôi đã co rúm người lại. Không, không thể thế được! Tôi tự bảo mình như vậy, nhưng chân vẫn bước về phía trước, theo con đường duy nhất còn lại. Tất nhiên là xấu hổ, là nhục nhã, tôi biết. Biết mà vẫn không sao làm khác. Công bằng mà nói, tôi cũng chẳng là anh cao đạo gì lắm. Tôi dám chắc trên đời này không ai nhẫn nhục hơn tôi. Và rồi tôi cứ thế đi tiếp.
Ðến cổng, tôi dừng lại cân nhắc lần nữa. Kệ, phải liều thôi, muốn ra sao thì ra! Suy cho cùng, bản thân việc đắn đo suy nghĩ cũng là điều đáng khinh rồi! Trước hết, tôi chỉ cần một chỗ ngồi tạm trong mấy giờ thôi. Sau nữa, thề có Chúa chứng giám, tôi sẽ không bao giờ đặt chân vào ngưỡng cửa nhà này nữa. Tôi bước vào sân, bước lên những hòn đá lát gồ ghề, lòng vẫn chưa hết do dự, và khi tới sát cửa, tôi suýt quay lại. Tôi nghiến chặt răng. Thôi đi, đừng sĩ diện hão! Trong trường hợp xấu nhất, có thể xin lỗi, nói quay lại để từ biệt - phép lịch sự bắt thế - và thống nhất ngày tôi sẽ trả món tiền còn nợ. Tôi mở cửa bước vào hành lang và đứng sững lại vì ngạc nhiên. Ông chủ nhà đầu không mũ, người không khoác áo đang đứng ghé mắt nhìn vào phòng qua ổ khoá trên cửa. Ông ta đưa tay ra hiệu tôi im lặng, rồi lại nhìn qua ổ khoá để xem cái gì đang xảy ra bên trong. Vừa nhìn, vừa cười. Rồi ông ta khẽ gọi tôi:
- Lại đây! Lại đây mà xem!
Tôi rón rén đi lại.
- Thấy gì không? - Ông ta nói, người rung lên vì không nén được cười to. - Nhìn lại, nhĩn kĩ vào! Hi, hi! Chúng đang vật nhau. Nhìn ông già nữa! Có thấy ông già chứ?
Trong phòng, trên chiếc giường ngay trước mặt tôi, dưới bức tranh vẽ Chúa Giêsu, tôi thấy bà chủ nhà và gã thuỷ thủ đang ôm nhau. Ðôi chân bà ta trắng hếu trên nền chiếc chăn màu sẫm. Còn trên một chiếc giường khác gần đó là bố bà ta đang ngồi tựa lưng vào tường. Ông già bại liệt tựa lên hai tay, nhìn trân trân, co rúm người vì đau khổ, và như thường ngày, không thể làm một cử động nào, dù nhỏ...
Tôi quay về phía ông chủ nhà. Tay bóp chặt mũi, vất vả lắm ông ta mới giữ được để không phá lên cười to.
- Nhìn thấy ông già chứ? - Ông ta thì thầm nói. - Ôi, lạy Chúa, anh nhìn thấy ông già chứ? Lão cứ phải ngồi để nhìn chúng làm tình với nhau! - Rồi ông ta lại cúi xuống nhìn qua ổ khoá.
Tôi lại gần cửa sổ, ngồi xuống. Cái cảnh độc ác kia lập tức làm mọi ý nghĩ của tôi chùng xuống, và giết chết mọi cảm hứng. Nhưng thử hỏi tất cả những chuyện này có quan hệ gì với tôi? Một khi chính ông chồng đã chấp nhận điều đó và thậm chí còn lấy làm thích thú, thì tôi chẳng có một lí do nào để phẫn nộ. Còn về ông già thì chắc chắn cũng không bận tâm tới. Chắc đây không phải là lần đầu ông già chứng kiến cảnh này, cũng chúng tôi ông đang ngồi ngủ hay đã chết - chỉ trời mới biết. Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên chút nào, nếu ai đó báo tin rằng quả là ông đã chết. Mà lương tâm tôi cũng không hề cắn rứt.
Tôi lại lấy giấy bút ra và cố tập trung suy nghĩ. Câu nói của quan toà bị đứt giữa chừng: "Ta làm theo lời dạy của Chúa và pháp luật, ta làm theo lời khuyên của các nhà thông thái, ta làm theo lương tâm...". Tôi nhìn ra cửa sổ và nghĩ làm theo lương tâm cụ thể là làm gì. Từ phòng có tiếng ồn khe khẽ vọng ra. ồ không, nó không liên quan gì tới tôi, hoàn toàn không. Có thể ông già đã chết, chết vào lúc bốn giờ sáng hôm nay. Nghĩa là tôi không mảy may quan tâm tới những gì đang xảy ra ở phòng bên. Nhưng quỷ quái thật, thế thì sao tôi cứ nghĩ tới nó? Không được! Phải bình tĩnh lại!
"Ta làm theo lương tâm..."
Nhưng hình như tất cả đang cố tình chống lại tôi. Ông chủ nhà vẫn không rời mắt khỏi lỗ khoá; chốc chốc lại bịt miệng cười thích thú. Tôi nhìn thấy người ông ta rung lên vì cười. Cả những gì xảy ra ngoài phố cũng làm tôi mất tập trung. ở bên kia phố, một đứa bé đang chơi ngoài nắng. Nó bình thản ngồi chắp các mẩu giấy lại với nhau. Bỗng nó đứng bật dậy, giận dữ kêu to điều gì đó. Nó lùi lại, đến đứng chính giữa phố, ngước nhìn lên một người có bộ râu màu hung vừa ló ra ở cửa sổ và từ tầng hai nhổ nước bọt xuống đầu nó. Tức quá không làm gì được, nó oà khóc rồi lên tiếng chửi rủa. Còn người râu hung thì đứng bên cửa sổ nhìn xuống và cười hô hố; cứ thế kéo dài trong năm phút. Tôi quay đi để khỏi phải nhìn nước mắt của thằng bé.
"Ta làm theo lương tâm..."
Tôi không sao viết nổi câu tiếp. Cuối cùng mọi thứ bắt đầu lẫn lộn. Tôi có cảm giác rằng cả những đoạn đã viết xong cũng chẳng có chút giá trị nào, và rằng toàn bộ dự định của tôi chỉ là một chuyện nhảm nhí. Vào cái thời trung cổ ấy làm gì có lương tâm. Người đầu tiên nói tới lương tâm là ông thày dạy múa trong kịch Sếchxpia. Nghĩa là toàn bộ bài nói của ông quan toà của tôi là không đúng. Nghĩa là có thể đem vứt những tờ đã viết? Tôi đọc lại toàn bộ một lần nữa và mọi nghi ngờ đều biến mất. Tôi tự thấy có nhiều đoạn rất hay, nhiều chỗ có giá trị cao về nghệ thuật. Và lần nữa tôi lại rạo rực muốn cầm bút viết tiếp để kết thúc vở kịch.
Tôi đứng dậy, đi tới cửa, không để ý ông chủ nhà đang ra hiệu tôi im lặng. Với quyết tâm không gì thay đổi được, tôi đi ra hành lang, theo thang gác lên tầng hai rồi bước vào phòng mình. Gã thuỷ thủ còn ở dưới kia mà, ngồi ở đây một chốc đã sao? Tôi sẽ không động đến các đồ vật trong phòng, thậm chí không lại gần chiếc bàn, mà chỉ ngồi trên ghế cạnh cửa. Ðối với tôi như thế là đủ... Tôi nhanh chóng lấy giấy đặt lên gối.
Mấy phút trôi qua thật tuyệt. Tôi viết liên tục không nghỉ. Các câu hoàn chỉnh, được nghiền ngẫm từ lâu cứ thế nối đuôi nhau xuất hiện. Tôi viết hết trang này đến trang khác, công việc tiến rất nhanh về phía trước. Chốc chốc tôi khẽ kêu lên sung sướng, ngây ngất với cảm hứng kì diệu của mình và hầu như chẳng biết gì khác. Lúc ấy tôi chỉ nghe tiếng kêu thán phục của chính tôi. Tôi bỗng nẩy ra một ý rất hay về chiếc chuông nhà thờ, nó sẽ phải vang lên ở một đoạn trong vở kịch. Ôi, thật kì diệu!
Bỗng có tiếng chân trên cầu thang. Tôi run lên vì sợ, khó khăn lắm mới giữ được để không ngã xuống. Tôi luôn trong tình trạng hốt hoảng, rụt rè, chờ đón mọi chuyện. Cái gì cũng làm tôi sợ. Các dây thần kinh rối tung vì đói. Tôi hồi hộp lắng nghe, bóp chặt bút chì trong tay và không thể viết thêm chữ nào nữa. Cửa mở. Hai người bước vào. Họ là những người tôi vừa nhìn thấy qua ổ khoá.
Tôi chưa kịp xin lỗi thì bà chủ nhà đã kêu lên, kinh ngạc như vừa từ mặt trăng rơi xuống.
- Trời đất ơi, lại gặp hắn ở đây!
- Xin lỗi! - Tôi nói và định giải thích thêm, nhưng người ta không cho tôi nói tiếp.
- Cút khỏi đây ngay! Thề có trời làm chứng, tôi sẽ gọi cảnh sát tới bây giờ!
Tôi đứng dậy.
- Tôi chỉ đến đây từ biệt bà, - tôi lẩm bẩm. - Tôi buộc phải chờ ở đây. Tôi không hề đụng đến các đồ vật, tôi chỉ ngồi ở cái ghế này thôi...
- Thôi cũng chẳng sao, - gã thuỷ thủ lên tiếng, - ầm lên làm quái gì! Ðể hắn yên!
Khi đi xuống cầu thang, tôi bỗng cảm thấy vô cùng căm ghét người đàn bà to béo đang đi phía sau để nhanh chóng tống tôi khỏi nhà. Tôi dừng lại trong giây lát, trong đầu sẵn sàng những câu chửi cay độc nhất mà tôi sắp sửa ném vào mặt mụ. Nhưng tôi đã kịp thời bình tĩnh trở lại và im lặng, im lặng vì biết ơn người đàn ông lạ mặt đang đi theo mụ và có thể nghe thấy hết cả. Mụ chủ nhà cứ bám chân tôi, miệng không ngớt nguyền rủa, làm tôi mỗi lúc một thêm tức giận.
Chúng tôi bước nhanh ra sân. Tôi đi chậm chạp, vẫn băn khoăn không biết có nên dính với mụ chủ nhà này không. Sự tức giận làm tôi nghẹt thở. Trong đầu tôi xuất hiện những ý nghĩ đẫm máu nhất. Tôi sẵn sàng giết mụ ngay lập tức, hoặc đạp vào cái bụng chửa của mụ. Tới cổng, tôi gặp người đưa thư, anh ta cúi chào nhưng tôi không đáp. Rồi anh ta quay sang mụ chủ nhà, hỏi điều gì đó về tôi, nhưng tôi vẫn không ngoái lại.
Tôi vừa bước ra phố, anh ta liền chạy theo, lại cúi chào và yêu cầu tôi chờ một chút. Anh ta đưa cho tôi một bức thư. Tôi lơ đãng bóc thư và từ đó rơi ra một tờ giấy mười curon, nhưng không có thư nào cả.
Tôi nhìn anh ta, hỏi:
- Chuyện gì thế này? Ai gửi cho tôi?
- Thú thật, tôi không biết, - người đưa thư đáp. - Một bà nào đấy nhờ tôi đưa hộ ông.
Tôi ngạc nhiên đến sững sờ. Người đưa thư đã bỏ đi. Tôi cho tờ giấy bạc vào bì thư, vò nát rồi quay lại đi về phía mụ chủ lúc này vẫn đứng nhìn theo tôi bên bậc cửa. Tôi ném cục giấy vào mặt mụ rồi quay người bước đi. Tôi không nói lời nào, không gây tiếng động nào, chỉ một lần ngoái lại nhìn và thấy mụ đang giở tờ giấy bạc nhàu nát...
Thế, thế mới gọi là biết cư xử một cách xứng đáng! Không chuyện trò, không thèm nói một câu với mụ đàn bà bẩn thỉu kia, mà bình thản vò nát một tờ mười curon rồ ném thẳng vào mặt mụ. Thế mới gọi là một người biết tự trọng! Ðáng đời chúng lắm, đồ chó má!...
Khi tôi đi tới góc quảng trường nhà ga và phố Tômtegaten giao nhau, tôi bỗng thấy đầu óc quay cuồng, tai ù ù, suýt nữa thì ngã xuống đất, và tôi phải tựa vào tường mới đứng vững. Tôi không thể đi tiếp, thậm chí không đứng thẳng lưng được. Tôi cảm thấy tôi đang từ từ ngất xỉu. Trạng thái bất lực này chỉ làm cơn giận điên cuồng của tôi tăng thêm. Tôi liên tiếp giẫm mạnh chân xuống đất. Tôi tìm mọi cách cố bắt mình tỉnh lại - tôi nghiến răng, nhíu trán, trợn mắt... và hình như có kết quả. ý nghĩ trong đầu sáng dần. Tôi hiểu cái chết không còn xa nữa. Tôi rút hai tay khỏi bức tường. Ðường phố vẫn nhảy múa trước mặt. Tôi bắt đầu thút thít khóc vì bất lực và cuồng giận, đem hết sức chống đỡ lại, cố đứng vững trên đôi chân của mình. Tôi không muốn ngã. Tôi muốn được chết đứng. Một chiếc xe ngựa chạy qua. Tôi thấy nó chở khoai tây, nhưng vì bướng bỉnh, tôi cứ bắt mình nghĩ rằng đó không phải khoai tây, mà là cải bắp, và tôi đã tự thề một cách độc địa rằng đó là cải bắp. Tôi nghe rất rõ tiếng nói của chính mình, biết mình sai nhưng vẫn cố tình xem cái điều ngốc nghếch kia là sự thật. Tôi còn giơ ba ngón tay lên cao và lóng ngóng nhân danh đức chúa cha, đức chúa con và thánh thần, thề rằng trong xe là những bắp cải.
Thời gian trôi. Tôi ngồi phịch xuống bậc đá gần nhất, lau mồ hôi trán và cổ, hít thở thật sâu để lấy lại bình tĩnh. Mặt trời đã lặn, đêm đến dần. Tôi lại bắt đầu suy ngẫm về hoàn cảnh của mình. Cái đói giày vò tôi không thương tiếc, mà chỉ vài tiếng nữa đêm băng giá sẽ đến. Phải nghĩ ngay lối thoát, chừng nào chưa muộn. ý nghĩ tôi lần nữa lại quay về với những căn phòng có đồ gỗ nơi tôi vừa bị đuổi đi. Tôi hoàn toàn không muốn tới đó, thế nhưng vẫn không sao thoát khỏi ý nghĩ ấy. Thật ra mà nói, mụ chủ nhà tống tôi ra đường là đúng. Làm sao tôi có thể trông chờ người ta cho chỗ ngủ khi không có tiền để trả? Thêm vào đó, tôi lại còn được ăn nữa. Ðêm qua, cả khi đang tức giận, mụ vẫn mời tôi hai miếng bánh mì kẹp thịt - mụ mời vì thương hại tôi, biết tôi đang rất đói. Vì vậy, tôi cứ ngồi ở bậc đá này mà oán trách mụ là không đúng. Và rồi tôi lặng lẽ cầu xin mụ tha thứ cho tôi đã cư xử thô lỗ với mụ. Ðặc biệt tôi lấy làm buồn về việc tôi đã tỏ ra vô ơn và ném tiền vào mặt mụ...
Mười curon! Tôi khẽ huýt sáo vì kinh ngạc. Ai nhờ người đưa thư trao cho tôi nhỉ? Chỉ bây giờ tôi mới thực sự nghĩ tới điều đó và lập tức hiểu hết mọi chuyện. Tôi co rúm người vì buồn và xấu hổ rồi khẽ nói mấy lần: "Ilaialy!", vừa nói vừa khẽ lắc đầu. Có phải chính tôi mới đêm qua còn quyết định kiêu hãnh lờ ngang khi gặp nàng và sẽ không thèm mảy may chú ý tới nàng không? Thế mà thay cho điều ấy, tôi chỉ làm nàng thêm thương hại và bố thí cho cái này! Không! Không! Không! Lẽ nào tôi có thể nhục nhã đến thế? Thậm chí trong mắt nàng tôi vẫn không tỏ ra được rằng mình là người tử tế. Tôi đã ngập sâu trong đê tiện, ngập đến gối, đến lưng, đến cổ, và chẳng đủ sức thoát ra nữa. Chẳng bao giờ! Thế là hết! Nhận mười curon như nhận của bố thí và không có điều kiện để quẳng chúng vào mặt con người từ thiện bí hiểm kia. Tôi đã vồ lấy số tiền ấy bằng cả hai tay, thế mà không dùng chúng để trả tiền nhà, dù đang vì nó mà đau khổ!...
Có cách nào lấy lại được mười đồng curon ấy không nhỉ? Ðến gặp mụ chủ nhà xin lại là điều vô ích. Phải tìm cách khác thôi. Sẽ tìm được, chỉ cần suy nghĩ, suy nghĩ thật nhiều. Có Chúa làm chứng, chỉ nghĩ bằng đầu thôi chưa đủ, mà phải bằng cả cơ thể mình. Và rồi tôi bắt đầu nghĩ một cách nghiêm túc.
Có lẽ đã gần bốn giờ chiều, nghĩa là hai giờ nữa tôi có thể đến gặp ông giám đốc nhà hát, nếu vở kịch viết xong. Tôi lấy tập bản thảo ra và quyết tâm bằng bất kì giá nào cũng phải viết nốt mấy cảnh còn lại. Tôi vắt óc suy nghĩ, người toát mồ hôi, đọc lại một lượt từ đầu, nhưng vẫn không viết thêm được một chữ nào. "Ngu ngốc thế đủ rồi, - tôi tự bảo mình. - Ðừng bướng bỉnh thế nữa!" Và rồi tôi bắt đầu nghĩ gì viết ấy, cốt để nhanh chóng kết thúc cho thoát nợ. Tôi cố thuyết phục mình rằng cảm hứng đã đến; tôi lừa dối tôi chẳng phải vất vả chút nào trong việc tìm từ. "Tuyệt! Một ý tưởng thật hay! - Chốc chốc tôi lại lẩm bẩm nói. - Chỉ còn việc chép lên giấy!"
Cuối cùng đoạn kết của vở kịch bắt đầu làm tôi nghi ngờ. Nó khác xa những cảnh đầu. Ngoài ra, lời cha tu sĩ không có gì là trung cổ cả. Tôi cắn bút chì, nhảy chồm dậy, cầm tập bản thảo và xé nhỏ từng tờ một, sau đó tôi vứt mũ xuống đất và lấy chân giẫm nát. "Thế là ta đã chết, - tôi khẽ bảo mình. - Thưa quý ông, quý bà, thế là tôi đã chết!" Ngoài câu này, tôi chẳng nói thêm được gì nữa và chỉ còn biết giẫm chân lên chiếc mũ.
Cách mấy bước có một người cảnh sát đang đứng theo dõi tôi. Anh ta đứng chính giữa phố và nhìn tôi không chớp mắt. Khi tôi ngẩng đầu lên, mắt chúng tôi gặp nhau. Có thể anh ta đứng đấy từ lâu và luôn theo dõi tôi trong suốt thời gian ấy. Tôi nhặt chiếc mũ, đội lên đầu rồi đi lại gần người cảnh sát.
- Anh có biết bây giờ mấy giờ không? - Tôi hỏi.
Suy nghĩ một chốc, anh ta cho tay vào túi lấy đồng hồ, mắt vẫn chăm chắm nhìn tôi.
- Bốn giờ, - anh ta đáp.
- Ðúng! - Tôi nói. - Bốn giờ, đúng thế. Tôi thấy anh biết công việc của anh đấy. Sau này tôi sẽ để ý cất nhắc anh.
Rồi tôi bỏ đi. Anh kia đứng ngẩn người vì ngạc nhiên, há to miệng nhìn theo, tay vẫn cầm chiếc đồng hồ. Tới "Royal" tôi ngoái đầu nhìn lại: anh ta vẫn đứng như thế.

27.

Ha, ha, với lũ chó ấy thì phải thế mới được! Ðồ vô lương tâm! Ðó là cách dạy cho chúng kính trọng người khác, bắt chúng phải run sợ... Tôi rất hài lòng với mình và lại bắt đầu khe khẽ hát. Trong trạng thái bị kích thích mạnh, quên cả đau, thậm chí không cảm thấy khó chịu chút nào và với lòng lâng lâng, tôi đi hết quảng trường đến chợ, rẽ sang nhà thờ Ðấng cứu thế và ngồi xuống một chiếc ghế dài ở đó.
Suy cho cùng thì trả lại mười curon kia hay không cũng đều thế cả. Người ta gửi cho tôi, có nghĩa chúng là của tôi, ai gửi hoàn toàn không quan trọng. Người đưa thư được lệnh đưa cho tôi, vậy thì tôi phải nhận. Chẳng nhẽ lại cho anh ta? Và quả là ngu ngốc nếu bây giờ tôi hoàn lại cho người gửi mười đồng curon khác chứ không phải mười đồng tôi đã nhận. Nếu vậy thì chẳng còn biết làm gì nữa.
Tôi cố gắng tập trung nhìn quảng trường sôi động đầy những người là người và nghĩ về những việc không liên quan gì đến tôi, nhưng điều này không mang lại mấy kết quả - mười đồng curon kia vẫn chẳng chịu chui ra khỏi đầu. Cuối cùng tôi bừng bừng tức giận, bóp chặt nắm đấm. "Nếu ta trả lại số tiền đó, nàng sẽ cảm thấy bị xúc phạm, - tôi tự bảo mình. - Thế thì còn gì nữa phải suy nghĩ?" Bao giờ tôi cũng rất cao đạo, không chịu nhận quà cáp. Trong những trường hợp ấy, tôi chỉ kiêu hãnh lắc đầu và nói: "ồ không, cảm ơn, rất cảm ơn". Và kết quả là gì? Tôi lại lang thang ngoài phố. Tôi không ở lại căn phòng ấm cúng của mình, mặc dù tôi có đầy đủ khả năng làm điều ấy. Tôi là người tự trọng, nên chỉ cần nghe một câu nào đấy khiếm nhã, là không chịu nổi và sẽ quẳng ngay những đồng mười curon vào mặt người nói rồi bỏ đi hẳn... Tôi tự trừng phạt mình, tự rời bỏ căn phòng của mình và lại lần nữa rơi vào tình cảnh khó khăn này.
Nhưng thôi, quỷ tha ma bắt chúng đi! Tôi không ngửa tay xin những đồng curon ấy, và chúng cũng chẳng ở trong tay tôi lâu. Liền sau đó tôi đưa chúng cho người khác, tôi trả tiền nhà cho những người xa lạ mà tôi sẽ chẳng bao giờ thấy lại. Tôi là người thế đấy, khi cần, có thể cho tới đồng xu cuối cùng. Nếu Ilaialy đúng là người như tôi tưởng, nàng sẽ không hối hận rằng đã gửi tiền cho tôi. Thế thì còn băn khoăn gì nữa? Ðiều ít nhất nàng có thể làm được là thỉnh thoảng gửi cho tôi mười curon. Vì cô gái tội nghiệp này yêu tôi mà, thậm chí yêu một cách tuyệt vọng. Hồi lâu tôi tự an ủi mình bằng ý nghĩ này. Không nghi ngờ gì nữa - nàng yêu tôi, tội nghiệp...
Năm giờ. Cơn kích thích thần kinh đã lắng, đầu tôi lại bắt đầu trống rỗng, chỉ còn tiếng ù ù trong đó. Tôi nhìn vào khoảng không bằng đôi mắt đờ đẫn và không hiểu sao lại nhìn thấy một hiệu thuốc trước mặt. Cơn đói tiếp tục cấu xé, làm tôi vô cùng khổ sở. Tôi cứ ngồi như thế, trân trân nhìn phía trước. Dần dần tôi nhìn thấy một hình người. Hình người ấy cứ rõ dần và cuối cùng tôi nhận ra đó là người đàn bà bán bánh rán bên hiệu thuốc.
Tôi hít thở thật sâu, ưỡn thẳng lưng trên ghế và bắt đầu nhớ lại. Vâng, tất nhiên đó chính là bà bán bánh rán lần trước, với cái bàn bánh ấy và vẫn ngồi ở chỗ ấy. Tôi huýt sáo mấy lần, bật ngón tay rồi đứng dậy khỏi ghế, đi về phía hiệu thuốc.
Khi lại gần, tôi nhìn bà ta một chốc rồi ngồi xuống cạnh. Tôi mỉm cười, gật đầu với bà ta như người quen.
- Chào bà, - tôi nói. - Chắc bà không nhận ra tôi nhỉ?
- Không, - bà bán bánh thong thả đáp rồi đưa mắt nhìn tôi.
Tôi mỉm cười còn niềm nở hơn, như thể bà ta đang đùa, giả vờ không nhận ra tôi. Rồi tôi lại nói:
- Chẳng nhẽ bà không nhớ tôi, người cách đây không lâu đã đưa cho bà mấy curon. Hình như hôm ấy tôi chẳng nói gì cả, chẳng nói một lời nào, tôi vẫn có thói quen như vậy. Khi tiếp xúc với người tử tế, chẳng cần đặt điều kiện hay mặc cả với nhau những điều vặt vãnh làm gì. Hề, hề! Tôi đúng là người đưa tiền cho bà đấy.
- Vâng, chính ông! Bây giờ thì tôi nhận ra...
Trước khi bà ta kịp cảm ơn, tôi đưa mắt chọn một chiếc ngon nhất và nói:
- Hôm nay tôi tới đây để lấy bánh.
Bà ta tỏ vẻ không hiểu.
- Ðể lấy bánh, - tôi nhắc lại. - Hôm nay tôi tới lấy bánh. Lúc đầu tôi chỉ lấy một ít thôi. Lấy cả một lúc không hết.
- Ông đến đây lấy bánh?
- Vâng, đúng thế! - Tôi vừa nói vừa cười to, như thể đáng lẽ ngay từ đầu bà ta phải hiểu ra điều đó.
Tôi đưa tay lấy một chiếc bánh rán to như bánh mì và bắt đầu ăn.
Thấy thế, bà kia nhảy chồm ra định cướp lại chiếc bánh, muốn tỏ cho tôi thấy rằng bà ta không cần biết gì đến việc hôm nay tôi đến đây, và nhất là với ý định lấy bánh của bà ta.
- Bà không đồng ý ư? - Tôi hỏi. - Thật bà không đồng ý ư? Thế thì buồn cười thật đấy! Không lẽ xưa nay từng có người cho bà một đống tiền mà không đòi lại cái gì? Không à? Bà thấy chưa? Mà bà thì biết đâu lại chẳng nghĩ rằng đó là tiền ăn cắp nên tôi mới cho bà một cách dễ dàng như vậy! Không? Bà không nghĩ? Thế thì tốt. Bà xem tôi là người tử tế như thế là rất tốt. Ha, ha! Ðúng bà là một người tốt thật!
- Nhưng sao ông lại đưa số tiền ấy cho tôi? - Bà ta kêu to phẫn nộ.
Tôi giải thích vì sao tôi đưa tiền cho bà ta, giải thích một cách bình tĩnh và có sức thuyết phục: rằng tôi vẫn có cái thói quen ấy, rằng tôi rất tin người... Rằng nếu ai đấy chìa cho tôi một tấm kì phiếu hay một tờ giấy biên nhận, bao giờ tôi cũng lắc đầu nói: "Thôi, thôi, không cần". Thề có Chúa làm chứng, tôi là người thế đấy.
Nhưng bà bán hàng không chịu hiểu tôi.
Tôi bèn quay sang giải thích theo cách khác. Tôi nói một cách nghiêm túc, không đùa cợt chút nào: Lẽ nào từ trước tới nay chưa ai trả tiền trước cho bà như tôi? - Tôi hỏi. - Ấy là tôi muốn nói tới những người giàu có, như quan tổng lãnh sự chẳng hạn. Chưa à? Thôi được, một khi bà chưa quen với lối trả tiền trước ấy thì cũng đành chịu. Nhưng ở nước ngoài người ta hay làm thế. Chắc bà chưa ra nước ngoài bao giờ chứ gì? Chưa? Ðấy, tôi biết ngay mà! Vậy thì khó nói chuyện với bà lắm.
Tôi lại nhón tay lấy mấy chiếc bánh nữa. Bà ta lồng lên tức giận, không chịu nhường cho tôi dù chỉ một phần nhỏ số bánh bà ta đang có, thậm chí còn cướp lại của tôi một chiếc, đặt vào chỗ cũ. Tôi cáu quá, đấm mạnh xuống bàn và doạ gọi cảnh sát. Ðấy là tôi còn thương bà, tôi nói, vì nếu muốn, tôi có thể làm bà mất vốn bằng cách lấy hết chỗ bánh này để trừ số tiền lớn trước đấy tôi đưa cho bà. Nhưng hôm nay tôi không định lấy hết, chỉ lấy một nửa thôi. Sau đó bà sẽ không bao giờ nhìn thấy tôi nữa. Thề có Chúa làm chứng, bà là người thế này thì tôi không muốn gặp lại chút nào...
Cuối cùng, bà ta chọn cho tôi mấy chiếc bánh, bốn hay năm chiếc gì đó, với cái giá còn hơn cắt cổ, bắt tôi cầm lấy và đi cho khuất mắt. Nhưng tôi vẫn tiếp tục tranh cãi, cố chứng minh rằng bà ta vẫn còn nợ tôi ít nhất một curon, đấy là chưa kể việc bắt tôi phải trả theo cái giá ăn cướp như vậy.
- Bà không biết những việc thế này có thể bị trừng trị theo pháp luật à? - Tôi nói. - Lạy Chúa, có thể bị tù chung thân đấy, bà già ngu ngốc ạ.
Bà ta ném thêm cho tôi một chiếc nữa rồi nghiến răng yêu cầu để bà ta yên.
Tôi bỏ đi.
Chà, một mụ lá mặt lá trái hiếm có! Tôi đi tắt qua quảng trường, vừa đi vừa to tiếng chửi bới bà bán hàng cùng sự trâng tráo của bà ta. Nhớ lại cuộc nói chuyện vừa rồi tôi thấy tôi tốt hơn bà ta rất nhiều. Trước con mắt của tất cả mọi người, tôi nhồm nhoàm nhai bánh và không ngớt nói to thành tiếng với chính mình.
Những chiếc bánh rán ngon lành thi nhau biến mất.  n bao nhiêu vẫn thấy thèm. Quả là tôi bị đói ghê gớm. Ôi, lạy Chúa, sao tôi ăn mãi không sao? Ðang cơn háu ăn ghê gớm, suýt nữa tôi ăn nốt chiếc bánh cuối cùng mà ngay từ đầu tôi quyết định để dành cho cậu bé ở phố Vogmansgaten, cái cậu bị lão râu hung từ tầng hai nhổ nước bọt xuống đầu. Thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến nó. Tôi không sao quên được khuôn mặt nó khi nó nhảy chồm dậy, ngước nhìn lên, khóc và nguyền rủa. Khi bị nhổ nước bọt vào đầu, nó quay sang nhìn cửa sổ phòng tôi, xem tôi có cười không. Tội nghiệp. Không hiểu tôi có tìm thấy nó không. Tôi vội vàng đi tới Vogmansgaten, ngang qua chỗ trước đấy tôi xé vở kịch, bây giờ vẫn còn các mẩu giấy vụn. Tôi cố tình né tránh người cảnh sát cách đây không lâu đã phải ngạc nhiên vì cách cư xử của tôi. Cuối cùng, tôi đến bên cánh cửa nơi buổi sáng đứa bé ngồi chơi.
Không thấy nó đâu. Cả phố hầu như vắng tanh. Ðã nhập nhoạng tối mà tôi vẫn không tìm được thằng bé. Chắc nó ở trong nhà. Tôi cẩn thận đặt chiếc bánh xuống bậc cửa, gõ mạnh vào cửa rồi bỏ chạy. "Tất nhiên nó sẽ nhìn thấy chiếc bánh, - tôi nghĩ. - Mở cửa ra, nó sẽ thấy ngay!" Rồi vui mừng với ý nghĩ rằng thằng bé có bánh ăn, nước mắt tôi chảy ra, giàn giụa trên má.
Tôi ra cảng.
Bây giờ không đói nữa, nhưng vị ngọt của bánh rán làm tôi buồn nôn. Trong đầu tôi lại lởn vởn đủ các ý nghĩ kì quái nhất: hay mình thử cắt các dây đang buộc những con tàu kia vào bờ xem sao? Sẽ thế nào nếu mình kêu to: "Cháy! Cháy!". Tôi đi tiếp theo bờ cảng, tìm thấy một chiếc hòm, ngồi xuống bắt chéo hai tay trước ngực và cảm thấy đầu óc mỗi lúc một lẫn lộn. Tôi ngồi yên, không dám động đậy vì sợ ngã xuống biển.
Ðưa mắt nhìn con tàu "Kôpegôrô" mang cờ nước Nga, tôi thấy có người nào đó đang ngồi cạnh tay vịn. Những chiếc đèn đỏ mạn trái tàu soi rõ mặt ông ta. Tôi đứng dậy, bắt chuyện. Nói chung tôi không hề có ý định bắt chuyện với người này, cũng chẳng muốn ông ta cho biết điều gì, ấy thế mà tôi vẫn hỏi:
- Tàu ông đêm nay rời bến phải không, ông thuyền trưởng?
- Vâng, chốc nữa thôi, - ông ta đáp.
Ông ta nói bằng tiếng Thuỵ Ðiển.
"Một người Phần Lan!" - tôi nghĩ.
- Hừm, thế ông có cần thuỷ thủ không?
Lúc ấy tôi hoàn toàn thờ ơ với việc ông ta đáp có hay không. Câu trả lời của ông ta không liên quan gì tới tôi. Nhưng tôi vẫn chờ được trả lời.
- Không. Thuỷ thủ thì không, nhưng một cậu thiếu niên giúp việc thì có thể.
Người giúp việc! Tôi rùng mình, vô tình cởi kính giấu vào túi rồi theo cầu thang bước lên boong tàu.
- Tôi chưa có dịp đi biển, nhưng có thể làm bất kì việc gì ông muốn, - tôi nói. - Tàu của ông đi đâu?
- Lúc đầu tới Lids, ở đó chúng tôi lấy than và sẽ đi tiếp tới Cadix.
- Không sao, - tôi nói và bắt đầu năn nỉ ông ta nhận tôi lên tàu. - Ðối với tôi, đi đâu cũng được. Tôi sẽ làm việc một cách tích cực.
Ông ta nhìn tôi một lúc, vẻ cân nhắc điều gì.
- Anh nói anh chưa bao giờ đi biển?
- Vâng. Nhưng xin ông cứ giao việc cho tôi, bất cứ việc gì, tôi sẽ làm được hết. Tôi chịu khổ và vất vả quen rồi.
Ông ta lại tỏ ra lưỡng lự. Mà tôi thì đã quen với ý nghĩ sẽ được nhận nên rất sợ bị từ chối.
- Thế nào, ông thuyền trưởng? - Cuối cùng tôi hỏi. - Xin hãy tin tôi, tôi sẵn sàng làm mọi việc. Vâng, chắc chắn như thế ạ. Tôi chỉ là thằng khốn nạn nếu không cố làm việc tốt để chiều ông. Nếu cần, tôi có thể làm hai ca liên tục. Làm việc nhiều chỉ có lợi cho tôi, vả lại tôi thích các công việc nặng nhọc.
- Thôi được, tôi nhận, - ông thuyền trưởng mỉm cười khi nghe tôi nói câu cuối cùng. - Nếu có chuyện gì, tới nước Anh ta chia tay nhau cũng chưa muộn.
- Tất nhiên! Tất nhiên! - Tôi sung sướng kêu lên, rồi nhắc lại lời ông, rằng nếu có chuyện gì, tới nước Anh chúng tôi sẽ chia tay nhau.
Và ông thuyền trưởng nhận tôi lên tàu...
Khi tàu rời bến, tôi đứng thẳng lưng, người ướt đẫm mồ hôi vì yếu mệt và hồi hộp. Tôi nhìn lên bờ, và thế là cuối cùng tôi từ biệt thành phố Christiania với trăm nghìn ô cửa sổ đã được thắp sáng.

-- Hết --

Không có nhận xét nào: