Les Justes
Tác giả : Albert Camus
Dịch giả : Trần Phong Giao
Thể loại : Kịch – Sân khấu
----------------------------------
Kịch Những người trung thực được trình diễn lần đầu tiên ngày 15 tháng Chạp năm 1949, trên sân khấu hi viện Hébertot (giám đốc Jacques Hébertot) dưới quyền đạo diễn của Paul Ettly, trang trí và y phục của de Rosnay.
Các vai:
Nhân vật Tài tử
DORA DOULEBOV Maria Casarés
BÀ CÔNG TƯỚC Michèle Lahaye
IVAN KALIAYEV Serge Reggiani
STEPAN FEDOROV Michel Bouquet
BORIS ANNENKOV Yves Brainville
ALEXIS VOINOV Jean Bommier
SKOURATOV Paul Ettly
FOCA Moncorbier
LÍNH GÁC NGỤC Louis Perdoux
MÀN MỘT
Trong căn phòng của tổ chức khủng bố.
Buổi sáng.
Màn kéo lên trong im lặng. Dora và Annenkov trên sân khấu. Có tiếng chuông gọi cửa, một hồi. Annenkov dang tay ngăn Dora lại khi nàng tỏ vẻ muốn nói. Chuông cửa reo hai hồi, liên tiếp.
ANNENKOV - Đúng anh ấy rồi.
Annenkov đi ra. Dora đợi, vẫn bất động. Annenkov trở vào cùng với Stepan, người mà chàng khoác tay trên vai.
ANNENKOV - Đúng rồi! Anh Stepan đây.
DORA, tiến về phía Stepan và nắm lấy tay anh.- Thật sung sướng quá, anh Stepan ơi!
STEPAN - Chào chị, Dora.
DORA, ngắm nghía Stepan - Ba năm, rồi đấy.
STEPAN - Phải ba năm rồi. Đúng ngày mà tôi sửa soạn tới nhập vào tổ cùng các bạn thì bị bọn chúng bắt.
DORA - Chúng tôi chờ đợi anh. Thời gian trôi qua và tim tôi ngày càng thắt lại. Chúng tôi không còn dám nhìn lẫn nhau.
ANNENKOV - Lại thêm một lần, phải dọn nhà đi nơi khác.
STEPAN - Tôi biết.
DORA - Thế còn ở đó thì sao anh Stepan?
STEPAN - Ở đó?
DORA - Trong ngục ấy?
STEPAN - Bọn này vượt ngục mà.
ANNENKOV - Phải. Chúng tôi rất vui mừng khi anh tin anh đã trốn được sang Thuỵ-Sĩ.
STEPAN - Thuỵ-Sĩ cũng là một ngục tù, Boria ạ.
ANNENKOV - Anh nói sao? Ít nhất dân bên đó cũng được tự do đấy chớ.
STEPAN - Ngày nào trên mặt đất này còn có một người làm thân nô lệ, ngày đó tự do vẫn còn là một thứ ngục tù. Tôi được tự do nhưng tôi không ngừng nghĩ đến nước Nga và lớp dân nô lệ.
Im lặng.
ANNENKOV - Stepan này, tôi rất vui mừng thấy Đảng đã phái anh tới đây.
STEPAN - Buộc phải vậy mà. Tôi ngộp thở. Hành động, cần phải hành động... Nhìn thẳng vào Annenkov. Chúng ta sẽ hạ sát hắn phải không?
ANNENKOV - Điều đó thì chắc rồi.
STEPAN - Chúng ta sẽ giết tên đao phủ đó. Anh là tổ trưởng, Boria, tôi phục tòng anh.
ANNENKOV - Đâu cần phải hứa ra lời như vậy, Stepan. Chúng ta cùng là anh em cả.
STEPAN - Phải có kỷ luật chứ. Tôi đã học được điều này trong tù. Đảng xã-hội cách-mạng cần có một kỷ luật. Có kỷ luật, chúng ta sẽ giết tên công-tước[1] và đánh đổ bạo quyền.
DORA, tiến về phía Stepan - Hãy ngồi xuống, Stepan. Chắc anh phải thấm mệt sau chuyến đi dài này.
STEPAN - Không bao giờ tôi mỏi mệt cả.
Im lặng. Dora ngồi xuống.
STEPAN - Đã sẵn sàng chưa, anh Boria?
ANNENKOV, đổi giọng - Từ một tháng nay, hai người trong bọn mình đã theo dõi các di chuyển của lão công-tước. Dora thì đã thu thập đầy đủ các vật dụng cần thiết.
STEPAN - Đã soạn thảo tuyên-ngôn chưa?
ANNENKOV - Rồi. Toàn thể nước Nga sẽ được biết là tên công-tước Serge đã bị hành quyết bằng bom bởi tổ chiến đấu của đảng xã-hội cách-mạng để thúc đẩy công cuộc giải phóng dân tộc Nga. Hoàng-triều cũng sẽ được biết là chúng ta cương quyết áp dụng chính sách khủng bố cho đến khi nào ruộng đất được trả lại cho nhân dân. Phải, Stepan ạ, phải, tất cả sẵn sàng rồi! Cơ hội sắp tới đó.
STEPAN - Nhiệm vụ tôi làm gì?
ANNENKOV - Khởi sự, anh phụ giúp Dora. Anh thay thế Schweitzer, người trước đây phụ giúp Dora.
STEPAN - Anh ấy bị giết rồi à?
ANNENKOV - Phải.
STEPAN - Cách nào?
DORA - Vì tai nạn.
Stepan nhìn Dora. Dora quay mắt nhìn nơi khác.
STEPAN - Rồi sau đó?
ANNENKOV - Rồi thì chúng ta sẽ tính sau. Anh phải sẵn sàng thay thế chúng tôi khi cần, và giữ liên lạc với Trung-ương Đảng-bộ.
STEPAN - Đồng chí của mình có những ai?
ANNENKOV - Anh đã biết Voinov bên Thuỵ-Sĩ. Tuy anh ấy còn trẻ nhưng tôi thấy tin được. Anh chưa biết Yanek nhỉ.
STEPAN - Yanek nào?
ANNENKOV - Kaliayev. Chúng tôi còn gọi anh ấy là Thi-sĩ.
STEPAN - Đâu phải là tên của một tay khủng bố.
ANNENKOV, cười - Yanek lại nghĩ khác. Anh ấy cho rằng thơ là cách mạng.
STEPAN - Chỉ có bom đạn là cách mạng thôi. (Im lặng.) Dora này, chị có tin là tôi sẽ giúp chị được việc không?
DORA - Tin chứ. Chỉ cần cẩn thận sao cho khỏi bể cái ống.
STEPAN - Nếu như nó bể?
DORA - Chính vì làm bể cái ống mà Schweitzer chết đấy. (Một lát.) Tại sao anh lại cười, Stepan?
STEPAN - Tôi cười đấy à?
DORA - Đúng thế.
STEPAN - Đôi lúc tôi vậy đó. (Một lát. Stepan ra dáng nghĩ ngợi.) Dora này, một trái bom thôi có đủ làm sập căn nhà này không?
DORA - Một trái thì không. Nhưng cũng đủ làm hư hại.
STEPAN - Phải bao nhiêu trái thì mới đủ làm nổ tung kinh thành Mạc-tư-khoa?
ANNENKOV - Anh điên à? Anh nói chi lạ vậy?
Có người nhận một hồi chuông. Cả ba cùng lắng nghe và chờ. Chuông reo hai hồi. Annenkov bước ra phòng trước rồi trở vào cùng với Voinov.
VOINOV - Stepan!
STEPAN - Chào anh.
Hai người bắt tay nhau. Voinov lại gần Dora và ôm hôn nàng.
ANNENKOV - Mọi việc êm đẹp cả chứ, Alexis?
VOINOV - Vâng
ANNENKOV - Chú đã xem xét kỹ quãng đường từ dinh công tước đến rạp hát chưa?
VOINOV - Bây giờ tôi có thể vẽ ra được. Đây này! (Tay vẽ.) Các khúc quanh này, các quãng đường hẹp này, các chỗ đường bị vướng này... xe sẽ chạy qua phía dưới cửa sổ nhà mình đây.
ANNENKOV - Hai cái dấu thập nhỏ này là cái gì?
VOINOV - Một quảng trường nhỏ mà ngựa sẽ chạy chậm và cái hí-viện mà xe sẽ dừng lại. Theo ý tôi, hai chỗ này là tốt hơn cả.
ANNENKOV - Đưa coi!
STEPAN - Còn bọn chó săn?
VOINOV, ngần ngại - Nhung nhúc một bầy.
STEPAN - Chúng có làm anh khó chịu không?
VOINOV - Tôi thấy mất tự nhiên.
ANNENKOV - Chẳng ai có thể tự nhiên được trước mặt chúng. Đừng có rối trí là được.
VOINOV - Tôi có sợ sệt gì đâu. Tôi không quen nói dối, vậy thôi.
STEPAN - Ai mà chẳng nói dối. Điều cần là biết nói dối sao cho khéo.
VOINOV - Chẳng dễ đâu. Hồi còn là sinh viên, bạn bè thường chế riễu tôi vì tôi không biết dấu diếm. Tôi nói thẳng những gì tôi nghĩ. Sau chót, họ tống cổ tôi ra khỏi Đại học.
STEPAN - Sao vậy?
VOINOV - Trong giờ học Sử, giáo sư hỏi tôi Pierre Đại-đế đã kiến tạo nên thành Saint-Pétesbourg như thế nào?[2]
STEPAN - Câu hỏi hay đấy.
VOINOV - Tôi trả lời: bằng máu và roi da. Vì thế tôi bị đuổi.
STEPAN - Rồi sao nữa?
VOINOV - Tôi hiểu được rằng chỉ tố giác sự bất công thôi thì chưa đủ. Còn phải dâng hiến cả cuộc đời mình để mà đánh đổ sự bất công. Giờ đây, tôi là người sung sướng.
STEPAN – Vậy mà anh còn nói dối?
VOINOV – Tôi còn nói dối. Nhưng tôi sẽ không nói dối nữa ngày mà tôi liệng trái bom.
Tiếng chuông gọi cửa. Hai hồi, đoạn một hồi. Dora xông ra.
ANNENKOV – Yanek đấy.
STEPAN – Đâu có đúng mật hiệu.
ANNENKOV – Yanek khoái đổi mật hiệu vậy đó. Anh ta có mật hiệu riêng mà.
Stepan nhún vai. Có tiếng Dora nói bên phòng trước. Dora và Kaliayev cùng vào, tay nắm tay. Kaliayev cười.
DORA – Yanek. Đây là anh Stepan đến thay thế Schweitzer.
KALIAYEV – Xin chào người anh em.
STEPAN – Cám ơn.
Dora và Kaliayev ngồi xuống, đối diện với những nhân vật khác.
ANNENKOV – Yanek này, anh tin chắc sẽ nhận được ra ngay cái xe ngựa mui trần bốn bánh đó chứ?
KALIAYEV - Chắc chứ, tôi đã được thỏa thuê quan sát cái xe đó tới hai lần rồi lận. Cho nó hiện ra ở đằng xa, lẫn giữa cả ngàn cái xe khác, tôi cũng nhận ra ngay. Tôi đã ghi nhận đầy đủ mọi chi tiết. Đây này, chẳng hạn như một trong những tấm kính của chiếc đèn phía bên trái đã bị sứt mẻ.
VOINOV – Còn bọn lính kia?
KALIAYEV - Cả đám. Nhưng tôi bắt bồ cả rồi. Tụi chúng thường mua thuốc lá của tôi mà. (Cười.)
ANNENKOV – Pavel đã xác nhận lại tien mật báo chưa?
KALIAYEV – Trong tuần này lão quận-công sẽ đi xem hát. Lát nữa đây Pavel sẽ biết đích xác ngày nào và sẽ trao tin cho người gác cửa. (Quay lại phía Dora và cười.) Chúng ta gặp may rồi đó, Dora ạ.
DORA, nhìn Kaliayev – Anh không bán hàng rong nữa à? Bây giờ rõ ra vẻ công tử lắm rồi. Nom anh lịch sự trai thật. Anh không tiếc gì cái áo da cừu xác xơ đấy chứ?[3]
KALIAYEV, cười - Thật đấy, anh rất hãnh diện về việc đã làm. (Nói với Stepan và Annenkov.) Tôi đã bỏ ra hai tháng để quan sát bọn bán hàng rong, hơn một tháng để tập dượt trong căn phòng nhỏ bé của tôi. Các bạn đồng nghiệp không mảy may nghi ngờ gì về hành tung của tôi cả. Họ còn nói: “ Cha này bảnh quá ta. Hắn dám bán cả ngựa của nhà vua nữa ấy chứ. “ Rồi tới phiên họ bắt chước lại tôi.
DORA – Đương nhiên là anh cười bằng thích.
KALIAYEV – Em dư biết là tôi không sao nhịn cười cho nổi. Sự cải trang này, cuộc đời mới này… Tất cả đều làm tôi vui thích.
DORA – Còn em thì em không thích cải trang chút nào. (Chỉ tay vào áo.) Và này, bộ đồ thải xa xỉ này! Lẽ ra Boria phải nghĩ ra cho em một thứ gì khác. Một nữ kịch sĩ! Chà, tâm hồn em đơn giản lắm mà.
KALIAYEV - Mặc chiếc áo đó trông em rất đẹp.
DORA - Đẹp nỗi gì! Lẽ ra em phải ưng là cô gái đẹp. Nhưng thôi, đừng nên nghĩ tới điều đó nữa.
KALIAYEV - Tại sao vậy? Dora ơi, mắt em lúc nào cũng buồn. Phải vui lên chứ, phải kiêu hãnh lên chứ. Cái đẹp có đó, niềm vui có đó! “Nơi thanh vắng hồn anh mơ ước tới em…
DORA, tươi cười – Anh khát khao một mùa hè vĩnh cửu…”
KALIAYEV - Ồ! Dora, em còn nhớ mấy câu thơ đó. Em cười đó ư? Anh thật sung sướng vô ngần…
STEPAN, ngắt lời - Thật phí thời giờ, Boria này, tôi nghĩ là ta nên dặn người gác cửa chứ?
Kaliayev nhìn Stepan với vẻ ngạc nhiên.
ANNENKOV - Phải đấy. Dora, cô xuống dưới nhà nhé? Đừng có quên món tiền thưởng. Sau đó, Voinov sẽ giúp cô sắp xếp các vật dụng trong phòng.
Dora và Voinov mỗi người đi ra một ngả. Stepan tiến lại gần Annenkov, bước đi quả quyết.
STEPAN – Tôi muốn được ném bom.
ANNENKOV – Không được, anh Stepan. Những người ném bom đã được chỉ định rồi.
STEPAN – Tôi van anh. Anh biết rõ việc đó đối với tôi quan hệ dường nào.
ANNENKOV – Không được. Qui tắc là qui tắc. (Im lặng một lát.) Tôi không ném bom, tôi đây này, và tôi chờ đợi ở đây. Qui tắc nghiêm ngặt buộc phải như vậy.
STEPAN – Ai sẽ ném trái bom thứ nhất?
KALIAYEV – Tôi. Voinov ném trái thứ hai.
STEPAN – Anh ấy à?
KALIAYEV – Anh ngạc nhiên lắm sao? Vậy là anh không tin tôi sao!
STEPAN - Cần phải có kinh nghiệm.
KALIAYEV – Kinh nghiệm à? Anh dư biết là chẳng ai ném bom được hơn một lần rồi sau đó… Chưa có ai ném bom tới hai lần cả.
STEPAN - Cần phải có một bàn tay cương quyết.
KALIAYEV, chìa bàn tay ra – Nhìn đây. Bộ anh tưởng bàn tay này sẽ run lên hay sao?
Stepan quay nhìn nơi khác.
KALIAYEV – Nó sẽ không run đâu. Sao! Giáp mặt tên bạo chúa mà tôi sẽ ngần ngại ư? Làm sao anh có thể nghĩ tới điều đó? Và dẫu cho tay tôi có run lên nữa, tôi cũng có cách khác chắc chắn giết được lão công tước kia mà.
ANNENKOV – Cách nào?
KALIAYEV – Reo mình vào dưới chân ngựa.
Stepan nhún vai rồi tới ngồi ở phía cuối sân khấu.
ANNENKOV – Không được, điều đó không cần thiết. Phải tìm cách thoát thân. Tổ-chức cần đến anh, anh phải tự giữ lấy mình.
KALIAYEV – Tôi sẽ tuân lời, anh Boria! Thật vinh hạnh, vinh hạnh biết bao cho tôi! Ồ! Tôi sẽ xứng đáng mà!
ANNENKOV – Stepan này, anh sẽ ở dưới đường, trong lúc Yanek và Alexis rình đợi cỗ xe. Anh sẽ đi qua đi lại đều đặn trước cửa sổ nhà mình và chúng ta sẽ giao ước một ám hiệu. Dora và tôi sẽ chờ đợi ở đây để tung ra bản tuyên ngôn. Nếu chúng ta gặp may một chút, lão quận-công chắc sẽ bị hạ.
KALIAYEV, phấn khởi - Chắc mà, tôi sẽ hạ y. Nếu thành công thì thật sung sướng biết bao! Lão quận-công thì chẳng đáng kể gì. Còn phải đập lên cao hơn nữa.
ANNENKOV - Trước hết là lão quận-công.
KALIAYEV - Thế nhỡ thất bại thì sao, Boria? Anh thấy không, mình phải bắt chước bọn Nhật-bản chứ.
ANNENKOV – Anh nói sao?
KALIAYEV – Trong thời chiến, bọn Nhật-bản không bao giờ đầu hàng. Chúng tự sát.
ANNENKOV – Không, đừng nghĩ đến tự sát.
KALIAYEV - Vậy thì nghĩ đến cái gì?
ANNENKOV - Một lần nữa, lại nghĩ đến khủng bố.
STEPAN, nói phía góc phòng - Muốn tự vẫn, phải là người tự ái nhiều lắm. Người làm cách mạng chân chánh không thể tự ái được.
KALIAYEV, quay phắt người lại - Người làm cách mạng chân chính là gì? Tại sao anh lại nỡ đối xử với tôi như vậy? Tôi đã làm gì anh chứ?
STEPAN – Tôi không ưa những người lao mình vào cách mạng bởi vì họ buồn chán.
ANNENKOV – Coi kìa, Stepan!
STEPAN, đứng lên và đi xuống phía hai người - Phải, tôi tàn nhẫn thật đấy. Nhưng đối với tôi, hận thù không phải là một trò đùa. Chúng ta làm cách mạng không phải là để ngưỡng mộ lẫn nhau. Chúng ta làm cách mạng là để thành công.
KALIAYEV, dịu dàng - Tại sao anh lại lăng mạ tôi? Ai bảo anh là tôi buồn chán chứ?
STEPAN – Tôi không biết. Anh thay đổi mật hiệu, anh khoái chơi trò bán hàng rong, anh ngâm thơ, anh tính reo mình xuống chân ngựa, và giờ đây, anh tính tự vẫn… (Nhìn thẳng vào Kaliayev.) Tôi không tin anh được.
KALIAYEV, tự chế ngự - Anh chưa hiểu tôi đó thôi, anh bạn ạ. Tôi yêu đời. Tôi không hề buồn chán. Tôi tham gia cách mạng vì tôi yêu đời đó.
STEPAN – Tôi không yêu đời, nhưng yêu sự công bằng nó còn cao cả hơn cuộc sống nữa.
KALIAYEV, với một vẻ cố gắng rõ rệt - Mỗi người phụng sự lý tưởng công bằng theo khả năng riêng của mình. Phải nhìn nhận rằng chúng ta có điều dị biệt. Nhưng chúng ta phải thương yêu lẫn nhau, nếu chúng ta còn có thể yêu thương.
KALIAYEV, giận dữ - Vậy chứ anh làm gì trong bọn này?
STEPAN – Tôi tới đây để giết một người, không phải để yêu thương người đó mà cũng không phải để suy tôn sự cách biệt của y.
KALIAYEV, dữ dội – Anh sẽ không giết y một mình và cũng không phải nhân danh cái gì cả. Anh sẽ giết y cùng với chúng tôi và nhân danh toàn dân Nga-la-tư. Đó là lý do biện minh cho hành động của anh.
STEPAN, cũng gay gắt - Tôi không cần biện minh. Tôi đã được biện minh, cho mãi mãi về sau, vào một đêm, cách đây ba năm, trong ngục thất. Và tôi sẽ không để cho...
ANNENKOV - Thôi đi! Anh điên rồi sao? Anh có biết chúng ta là gì của nhau không. Là anh em, hoà đồng với nhau, cùng hướng về mục đích là trừ khử những tên bạo chúa, để giải phóng quê hương! Chúng ta cùng nhúng tay vào máu, và không cái gì có thể chia rẽ chúng ta. (Im lặng. Annenkov nhìn hai người.) Lại đây, Stepan, chúng ta phải giao ước mật hiệu...
Stepan ra.
ANNENKOV, nói với Kaliayev - Đừng nghĩ ngợi gì cả, Stepan đã đau khổ nhiều. Để tôi khuyên nhủ anh ấy.
KALIAYEV, mặt tái đi - Anh ấy đã làm nhục tôi, Boria.
Dora vào.
DORA, nhìn vẻ mặt Kaliayev - Có chuyện chi vậy?
ANNENKOV - Không có chi cả.
Annenkov ra.
DORA, nói với Kaliayev - Có chuyện chi vậy anh?
KALIAYEV - Chúng tôi đã gây lộn rồi đó. Stepan chẳng ưa gì anh cả.
Dora ngồi xuống. Im lặng. Một lát.
DORA - Em nghĩ là anh ấy chẳng ưa ai cả đâu. Khi công việc xong xuôi rồi, chắc anh ấy sẽ trở nên vui tính hơn. Anh cũng đừng buồn.
KALIAYEV - Anh buồn thật đấy. Anh cần được tất cả anh em yêu thương. Anh đã rời bỏ tất cả để tham gia Tổ-chức. Làm sao anh chịu đựng nổi sự lạnh nhạt của anh em? Đôi lúc anh có cảm tưởng là các bạn không ai hiểu anh. Có phải là lỗi tại anh không? Tính anh vụng về, anh cũng biết thế.
DORA - Kể anh em đều thông cảm và yêu thương anh đấy chứ. Riêng Stepan thì có khác.
KALIAYEV - Không đâu. Anh biết Stepan đã nghĩ về anh như thế nào. Chính Schweitzer đã nói ra điều đó: " Quá phi thường để có thể là một người làm-cách-mạng." Anh mong muốn giải thích cho các bạn rõ anh chẳng có gì là phi thường cả. Họ cho anh là người hơi khùng, quá hồn nhiên. Vậy mà, cũng như họ, anh tin theo lý tưởng. Cũng như họ, anh muốn hiến thân. Chính anh đây, anh cũng có thể tỏ ra khôn khéo, lầm lì, che giấu tình cảm, được việc. Có điều này, cuộc đời đối với anh vẫn thật là tươi đẹp. Chính vì lẽ đó mà anh thù ghét chế độ độc tài. Làm sao giải thích cho họ được? Cách mạng chứ gì, hẳn đi rồi! Nhưng làm cách mạng là vì cuộc đời, là để dâng hiến cho cuộc đời cái cơ hội cải thiện, em hiểu thế chứ?
DORA, phấn khởi – Em hiểu… (Giọng thấp hơn, sau một lúc im lặng) Ấy vậy mà, chúng ta sắp ra tay tàn sát.
KALIAYEV – Ai, chúng ta à? … À, ý em muốn nói… không phải như thế đâu. Ồ không đâu! Không phải như vậy đâu. Vả lại, chúng ta giết người là để xây dựng một xã hội trong đó sẽ không còn có ai phải nhúng tay vào máu! Chúng ta chịu nhận làm kẻ sát nhân để cho sau cùng trên trái đất này chỉ có những bàn tay trong sạch.
DORA - Thế nếu không được như vậy?
KALIAYEV – Em im đi, em dư biết là không thể như thế được mà. Nếu như thế thì Stepan lại có lý. Và ta lại phải nhổ lên mặt cái đẹp mất rồi.
DORA – Em nhiều tuổi đảng hơn anh. Em biết không có gì là đơn giản cả. Nhưng anh có lòng tin… Chúng ta ai nấy đều cần lòng tin cả.
KALIAYEV - Lòng tin ư? Không. Chỉ có một người có lòng tin thôi.
DORA – Anh có sức mạnh của tinh thần. Và anh sẽ gạt bỏ được mọi trở ngại để đi tới đích. Tại sao anh lại tình nguyện xin ném trái bom đầu tiên?
KALIAYEV – Có thể nào cứ nói đến chuyện khủng bố mà không dự phần chăng?
DORA – Không.
KALIAYEV - Phải có mặt ở ngay hàng tiền đạo.
DORA, tỏ vẻ nghĩ ngợi - Phải. Có hàng tiền đạo và có phút cuối cùng. Chúng ta phải nghĩ tới điều đó. Đó là lòng can đảm, lòng hăng sau mà chúng ta cần có… mà anh cần phải có.
KALIAYEV- Từ một năm nay, anh không nghĩ đến gì khác nữa. Chính vài cái lúc đó mà anh còn sống tới ngày nay. Và giờ đây anh biết là anh mong muốn được bỏ mình tại chỗ, ngay cạnh xác lão quận-công. Đổ máu ra cho đến tận giọt cuối cùng, hoặc là cháy bùng lên như ánh chớp, trong ngọn lửat của bom nổ, rồi không còn để lại một vết tích gì. Em có hiểu tại sao anh lại tình nguyện xin ném bom không? Xả thân cho lý tưởng, đó là phương cách duy nhất để đạt tới lý tưởng. Đó là cách tự biện minh.
DORA – Em cũng vậy, em cũng ao ước cái chết đó.
KALIAYEV - Phải, đó là một hạnh phúc có thể làm người ta mơ ước. Ban đêm, đôi lúc anh lại trằn trọc trở mình trên tấm nệm rơm của bọn bán hàng rong. Một ý nghĩ cứ dằn vặt anh: bọn chúng nó đã biến chúng ta thành kẻ sát nhân. Nhưng cùng lúc đó anh lại nghĩ rằng anh sắp chết, và rồi lòng anh lắng xuống. Em thấy không, lúc đó anh mỉm cười, rồi lại ngủ thiếp đi như trẻ con.
DORA - Thật đúng thế đó, anh Yanek ạ. Giết người rồi chết. Nhưng theo ý em, còn có một hạnh phúc lớn lao hơn nữa. (Một lát, Kaliayev nhìn Dora. Nàng chớp mắt nhìn xuống.) Lên máy chém.
KALIAYEV, nồng nhiệt – Anh đã nghĩ tới. Chết ngay trong cuộc mưu sát là vẫn còn để lại một cái gì chưa hoàn tất. Giữa cuộc mưu sát và đoạn đầu đài, trái lại, còn có cả một cái gì vĩnh cửu, có lẽ là cái vĩnh cửu duy nhất của con người.
DORA, giọng nói hối hả, cầm lấy tay của Kaliayev – Chính tư tưởng đó phải giúp sức anh. Chúng ta trả nhiều hơn là chúng ta vay đó.
KALIAYEV – Em muốn nói gì?
DORA – Chúng ta bắt buộc phải giết người, phải thế không anh? Chúng ta cương quyết hi sinh một mạng sống và chỉ một mạng sống mà thôi.
KALIAYEV – Đúng.
DORA – Nhưng tiến đến cuộc mưu sát rồi sau đó lại bước lên đoạn đầu đài, có nghĩa là đem hiến đời sống của mình tới những hai lần. Chúng ta trả nhiều hơn là chúng ta vay đó.
KALIAYEV – Em nói đúng, như vậy là phải chết tới hai lần. Cám ơn em, Dora. Chẳng một ai có thể trách cứ chúng ta được. Giờ đây, anh thật vững dạ tự tin. Im lặng. Chi đó, Dora? Em không nói gì sao?
DORA – Em còn muốn giúp anh hơn nữa. Thế nhưng…
KALIAYEV – Nhưng?
DORA – Không, em điên mất rồi.
KALIAYEV – Em nghi ngờ anh đó sao?
DORA - Ồ, không đâu, anh yêu quý của em, em đã nghi ngờ chính em đó thôi. Từ sau cái chết của Schweitzer, em hay có những ý nghĩ khác thường. Vả lại, em đâu phải là người để nói cho anh biết về những khó khăn.
KALIAYEV – Anh ưa thích những gì khó khăn. Nếu em mến anh, thì em hãy nói đi.
DORA, ngước nhìn Kaliayev – Em biết. Anh là người can đảm. Chính vì thế mà em lo ngại. Anh vui cười, anh hăng hái, anh phóng mình hi sinh, trái tim đầy nhiệt huyết. Nhưng trong vài giờ nữa, anh phải tỉnh mộng, và hành động. Có lẽ ta nên bàn đến chuyện đó trước là hơn … để tránh một bất ngờ, một suy nhược…
KALIAYEV – Anh sẽ không mất tinh thần đâu. Em cứ nói thẳng ra đi.
DORA – Này nhé, cuộc mưu sát, đoạn đầu đài, cái chết hai-lần, đó là chuyện dễ. Nội tấm lòng nhiệt thành của anh là đủ. Nhưng trên hàng đầu… (Nàng ngưng nói, nhìn chàng và tỏ vẻ ngần ngại.) Trên hàng tiền đạo, anh sẽ trông thấy y…
KALIAYEV – Thấy ai?
DORA – Lão công-tước.
KALIAYEV- Chỉ thoáng một giây.
DORA - Một giây đồng hồ mà anh sẽ nhìn vào y! Ồ! Yanek, anh phải biết rõ điều đó, anh phải sửa soạn trước mới được! Một người trước hết là một người. Có thể lão công-tước có những tia nhìn trắc ẩn. Anh sẽ trông thấy lão ta gãi tai hoặc là mỉm cười vui vẻ. Biết đâu là mặt lão lại không có vết xước dao cạo nhỏ. Và nếu như đúng lúc đó mà y lại nhìn anh…
KALIAYEV – Đâu phải là anh giết hắn. Anh tiêu diệt chế độ phong kiến chuyên chế kia mà.
DORA - Hẳn đi rồi, hẳn đi rồi. Nhiệm vụ của mình là đập tan chế độ độc tài. Em sẽ chế tạo trái bom và lúc gắn kín cái ống, anh biết đấy, vào lúc khó khăn nhất đó, khi thần trí căng thẳng đó, thì em lại cảm thấy trong lòng xốn xang một niềm vui sướng lạ lùng. Nhưng em không trông thấy lão công-tước và mọi việc thật ra sẽ chẳng dễ dàng đâu, nếu như, ngay lúc đó, lão ta lại ngồi trước mặt em. Còn anh, anh sẽ giáp mặt lão ta. Thật gần sát mặt…
KALIAYEV, gay gắt – Anh sẽ không nhìn vào y.
DORA – Sao vậy? Anh sẽ nhắm mắt lại ư?
KALIAYEV – Không. Nhưng nhờ trời, lòng thù hận sẽ dâng lên đúng lúc và sẽ bịt kín mắt anh mù đi.
Có tiếng chuông gọi cửa. Một hồi. Hai người đứng im. Stepan và Voinov vào.
Có tiếng nói bên phòng trước. Annenkov vào.
ANNENKOV - Người gác cổng đấy. Ngày mai lão công-tước sẽ đi coi hát. (Nhìn mọi người.) Tất cả cần chuẩn bị sẵn sàng, Dora ạ.
DORA, giọng thật đục – Vâng. (Nàng chậm chạp bước ra.)
KALIAYEV, nhìn Dora bước ra, rồi quay lại dịu dàng nói với Stepan – Tôi sẽ giết y. Vui mừng mà giết y.
MÀN HAI
Chiều hôm sau.
Vẫn trong căn phòng của tổ chức khủng bố.
Annenkov đứng bên cửa sổ. Dora ngồi bên cạnh bàn.
ANNENKOV - Họ đã giữ đúng vị trí. Stepan vừa đốt thuốc hút.
DORA - Đến mấy giờ thì lão công-tước sẽ đi ngang?
ANNENKOV - Lát nữa thôi. Nghe kìa. Có phải tiếng xe ngựa đó không? Không phải.
DORA - Anh hãy ngồi xuống. Thử kiên nhẫn xem nào.
ANNENKOV - Thế còn những trái bom?
DORA - Anh hãy ngồi xuống. Chúng ta không thể làm được gì khác nữa đâu.
ANNENKOV - Có chứ. Mong muốn được như các anh ấy.
DORA - Vị trí của anh là ở đây. Anh là tổ trưởng mà.
ANNENKOV - Tôi là người chỉ huy. Nhưng Yanek tài giỏi hơn chúng tôi nhiều, thế mà anh ấy lại là người, có thể...
DORA - Sự nguy hiểm đồng đều cho cả bọn. Cả người ném bom lẫn người không ném bom.
ANNENKOV - Rốt cuộc thì cái nguy là cái nguy chung. Nhưng trong lúc này đây. Yanek và Alexis đang đứng trên hoả-tuyến. Tôi biết là tôi không thể sát cánh bên các anh ấy. Thế mà, đôi lúc, tôi lo sợ là mình đã nhận vai trò chỉ huy của mình một cách quá dễ dàng. Nói cho cạn lẽ, bị buộc không phải ném bom thì kể ra cũng là điều dễ chịu.
DORA - Như thế đã sao chưa? Điều quan hệ là anh làm những gì phải làm, và làm cho đến nơi đến chốn.
ANNENKOV - Cô mới bình tĩnh làm sao!
DORA - Tôi đâu có bình tĩnh: tôi sợ hãi đó anh. Đã ba năm rồi tôi hoạt động cùng với các anh, đã hai năm rồi tôi chế tạo bom. Tôi đã làm đầy đủ bổn phận và tôi tin rằng tôi không có khuyết điểm nào.
ANNENKOV - Hẳn đi rồi, Dora.
DORA - Vậy mà, tôi lo sợ đã ba năm nay, cái nỗi lo sợ mà mình chỉ tạm quên đi trong giấc ngủ, để rồi buổi sáng thức giấc là lại chạm trán ngay với nó. Thế là tôi phải ráng cho quen đi. Tôi đã tập giữ được bình tĩnh vào đúng lúc mà tôi lo sợ nhiều nhất. Thật chẳng có gì đáng tự hào cả.
ANNENKOV - Trái lại, nên tự hào lắm chứ. Tôi thì tôi chẳng chế ngự được cái gì cả. Cô có biết rằng tôi hằng luyến tiếc những ngày vui thuở trước, cuộc sống tưng bừng, đàn bà con gái... Thật đấy, tôi khoái đàn bà, rượu, những đêm hoan lạc, không bao giờ dứt đó.
DORA - Tôi cũng ngờ anh vậy đó, Boria. Chính vì vậy mà tôi yêu quý anh nhiều đó. Tâm hồn anh còn chưa tê cóng. Dẫu cho là nó còn đam mê khoái lạc thì cũng còn hơn là nỗi im lặng kinh hoàng thường ngự trị vào đúng ngay chỗ của tiếng kêu gào đòi hỏi.
ANNENKOV - Cô nói sao? Cô mà nói thế ư? Có thể nào thế được?
DORA - Nghe kìa.
Dora vùng đứng lên. Có tiếng xe ngựa, đoạn im lặng.
DORA - Không. Không phải xe lão ta. Tim tôi đập dữ. Anh thấy không, tôi có bình tĩnh chút nào đâu.
ANNENKOV, đi tới bên cửa sổ - Coi chừng, Stepan vừa ra hiệu. Đúng lão ta rồi.
Quả thật có tiếng xe ngựa từ xa, dần dần tiến lại gần, chạy ngang dưới cửa sổ rồi xa dần. Im lặng hồi lâu.
ANNENKOV - Trong vài giây nữa...
Cả hai cùng lắng nghe.
ANNENKOV - Lâu làm sao.
Dora phác một cử chỉ. Im lặng hồi lâu. Có tiếng chuông vang vọng, nơi xa.
ANNENKOV - Vô lý thật. Lẽ ra Yanek phải liệng bom rồi mới phải... Chiếc xe hẳn đã chạy tới nhà hát rồi. Còn Alexis? Coi kìa! Stepan trở lui và chạy về phía rạp hát kìa.
DORA, gieo mình vào tay Annenkov - Yanek bị bắt rồi. Chắc chắn là anh ấy bị bắt rồi. Mình phải làm cái gì mới được.
ANNENKOV - Khoan đã. (Lắng nghe.) Không. Hết thật rồi.
DORA - Làm sao lại như vậy được? Yanek bị bắt khi chưa ra tay kịp sao? Anh ấy sẵn sàng hi sinh, tôi chắc lắm mà. Anh ấy muốn bị bắt giam và đem ra toà xử. Nhưng phải là sau khi giết lão công-tước đã chứ! Không như thế được, không, không thể như thế được!
ANNENKOV, nhìn ra ngoài - Voinov kìa! Lẹ lên!
Dora ra mở cửa. Voinov vào, nét mặt biến sắc.
ANNENKOV - Alexis, nói đi, mau.
VOINOV - Tôi không hiểu gì cả. Tôi đợi trái bom thứ nhứt nổ. Tôi trông rõ chiếc xe quẹo ở khúc quanh mà chẳng thấy Yanek làm gì cả. Tôi lo cuống lên. Tôi tưởng là phút chót anh đã thay đổi kế hoạch nên tôi ngần ngại. Thế rồi, tôi bỏ chạy về đây...
ANNENKOV - Còn Yanek?
VOINOV - Tôi không thấy anh ấy.
DORA - Chắc anh ấy bị bắt rồi.
ANNENKOV, vẫn nhìn ra ngoài - Yanek kìa?
Dora lại ra mở cửa. Kaliayev vào, mặt đầm đìa nước mắt.
KALIAYEV, vẻ nhớn nhác - Xin anh em tha lỗi cho tôi. Tôi không thể nào làm được.
Dora bước lại gần Kaliayev và nắm lấy bàn tay chàng.
DORA - Không sao đâu.
ANNENKOV - Chuyện gì đã xảy ra vậy?
DORA, nói với Kaliayev - Không sao đâu anh. Đôi khi, vào giây phút chót, tất cả đều sụp đổ.
ANNENKOV - Nhưng không thể thế được.
DORA - Hãy để cho anh ấy yên đã. Không phải mình anh đâu, Yanek à. Schweitzer cũng thế, mới lần đầu, anh ấy cũng không ném được đâu.
ANNENKOV - Yanek này, anh sợ hãi à?
KALIAYEV, hốt hoảng - Sợ hãi, không đâu. Anh không có quyền nói thế.
Có tiếng chuông nhận theo mật hiệu. Annenkov ra dấu cho Voinov bước ra, Kaliayev mệt lả. Im lặng. Stepan vào.
ANNENKOV - Thế nào?
STEPAN - Có mấy đứa trẻ trong xe lão quận-công.
ANNENKOV - Có trẻ con à?
STEPAN - Phải. Hai đứa cháu trai và cháu gái lão ta.
ANNENKOV - Theo tin của Orlov thì lão công-tước chỉ đi có một mình.
STEPAN - Còn có cả mụ vợ lão ta nữa. Tôi thiển nghĩ dễ chừng, đối với nhà thơ của chúng ta, như vậy có khi quá đông người. Cũng may là bọn cớm không hay biết gì cả.
Annenkov thì thầm nói với Stepan. Mọi người đều nhìn Kaliayev lúc đó ngước mắt nhìn lên Stepan.
KALIAYEV, vẻ nhớn nhác - Tôi không thể đoán trước... Mấy đứa nhỏ, nhất là mấy đứa nhỏ. Anh có nhìn lũ trẻ nhỏ bao giờ chưa? Cái tia nhìn nghiêm trang mà chúng thường có đó...Một giây đồng hồ trước đó, đứng trong bóng tối, nơi góc quảng trường, tôi đã không khỏi thấy lòng mình sung sướng. Khi ánh đèn của chiếc xe bắt đầu lấp lánh nơi xa, tôi thề với anh là trái tim tôi đã đập rộn lên vì vui mừng đó. Tiếng tim đập này càng lúc càng rộn ràng theo với nhịp bánh xe mỗi lúc một gần, gây xúc động rộn ràng khắp cơ thể tôi. Tôi cứ muốn nhẩy chồm ra. Tôi nghĩ là tôi đã cười. Và tôi tự nhủ " rồi, rồi"... Anh hiểu thế chăng? Chàng thôi nhìn Stepan và trở lại dáng điệu buồn nản. Tôi chạy lại gần cái xe. Chính vào lúc đó mà tôi nhìn thấy chúng. Hai đứa bé, chúng nó không cười. Chúng ngồi thẳng cứng và nhìn vào khoảng không. Trông chúng mới buồn bã làm sao! Đờ đẫn trong bộ lễ phục, tay chúng đặt trên đùi, thân hình thẳng đơ, ngồi hai bên khung cửa xe. Tôi không nhìn thấy bà công-tước. Tôi chỉ thấy lũ nhỏ thôi. Nếu như chúng quay nhìn tôi, tôi nghĩ là tôi đã ném bom. Để ít ra cũng là dập tắt cái tia nhìn buồn thảm ấy. Nhưng chúng vẫn luôn nhìn về phía trước mặt chúng. Chàng ngửng nhìn những người khác. Im lặng. Giọng chàng càng thấp hơn. Thế là tôi không còn biết chuyện gì xẩy ra nữa cả. Tay tôi lại trở nên yếu ớt. Chân tôi run lên. Một giây sau, đã quá muộn rồi. (Im lặng. Chàng cúi nhìn dưới đất.) Dora em, tôi có mơ ngủ không, dường như lúc bấy giờ có tiếng chuông ngân thì phải.
DORA - Không đâu, Yanek, anh không ngủ mơ đâu.
Dora để bàn tay lên cánh tay Kaliayev. Anh ngửng đầu lên và thấy tất cả các bạn đều quay lại nhìn mình. Kaliayev đứng lên.
KALIAYEV - Hãy nhìn tôi đây, hỡi các anh em, hãy nhìn tôi đây, Boria này, tôi đâu phải là người hèn, tôi đã không hề lui bước. Tôi thật không ngờ lại có mấy đứa nhỏ. Mọi việc xẩy ra nhanh chóng quá. Hai khuôn mặt nhỏ nghiêm trang và trong tay tôi gói nặng khủng khiếp này. Phải ném cả cái khối nặng đó lên người chúng. Vậy đó. Thật thẳng. Ồ, không! Tôi không thể nào ném được. Chàng đảo mắt nhìn từ người này sang người khác. Ngày trước, những khi chạy xe ở quê nhà, xứ Ukraine, tôi phóng nhanh như gió, không sợ hãi gì cả. Tôi không hề sợ gì khác là sợ lỡ đụng phải một em nhỏ. Tôi mường tượng ra sự xô đụng, cái đầu mỏng manh đó đập mạnh xuống đường, nát văng tung toé... Chàng im lặng. Các bạn hãy giúp tôi. Im lặng. Tôi đã muốn tự sát. Tôi trở về đây bởi vì tôi nghĩ rằng tôi còn cần phải tường trình cho các bạn rõ, vì duy các bạn là những người có thể phán xét được tôi, vì các bạn sẽ chỉ cho tôi biết là đúng hay sai, vì các bạn thì không thể nào nhầm lẫn được. Nhưng các bạn lại không nói gì hết.
Dora lại bên Kaliayev, đến đụng vào người chàng. Kaliayev nhìn mọi người đoạn nói với giọng buồn thảm.
Tôi đề nghị với các bạn như thế này. Nếu các bạn quyết định là cần phải giết cả mấy đứa trẻ, tôi sẽ chờ lúc vãn hát và một mình tôi sẽ liệng trái bom vào xe. Tôi biết là tôi sẽ không liệng trật. Các bạn chỉ việc quyết định, tôi sẽ tuân lệnh Tổ-chức.
STEPAN - Tổ-chức đã ra lệnh cho anh hạ sát tên công-tước.
KALIAYEV - Đúng thế. Nhưng Tổ-chức đã không buộc tôi giết hại trẻ con.
ANNENKOV - Yanek có lý đấy. Chi tiết đó không được dự trù.
STEPAN - Yanek phải tuân lệnh Tổ-chức.
ANNENKOV - Tôi là người chịu trách nhiệm.Mọi việc cần được tiên liệu để cho không ai còn phải do dự về việc mình phải làm. Bây giờ chỉ còn cách quyết định xem là chúng ta sẽ bỏ qua luôn cơ hội này hay là ra lệnh cho Yanek sẽ hành động vào giờ vãn hát. Alexis, chú nghĩ sao?
VOINOV - Tôi không rõ nữa. Tôi nghĩ là gặp trường hợp đó, tôi cũng làm hệt như Yanek. Nhưng tôi không tự tin mình lắm. (Thấp giọng.) Tay tôi run lên.
ANNENKOV - Còn Dora?
DORA, hăng hái - Chắc tôi cũng lui bước, như Yanek vậy. Tôi có thể nào khuyên bảo người khác điều mà tôi không thể làm được chăng?
STEPAN - Các đồng chí có biết quyết định đó sẽ ra sao không? Hai tháng trời theo đuổi, trải qua và thoát được bao nhiêu là nguy hiểm, hai tháng trời như vậy là mất công toi. Egor thế là bị bắt oan. Rikov bị treo cổ thật là vô ích. Rồi lại phải bắt đầu lại hay sao? Lại phải rình mò, mưu tính, tinh thần lại phải căng thẳng không ngừng trong nhiều tuần lễ dài đằng đẵng nữa, rồi mới tìm ra một cơ hội thuận tiện khác hay sao? Các đồng chí điên cả rồi à?
ANNENKOV - Anh đã biết rõ là trong hai ngày nữa, lão công-tước lại sẽ đi coi hát.
STEPAN - Hai ngày mà chúng ta có thể bị tóm cổ, như chính anh từng nói đó.
KALIAYEV - Tôi đi đây.
DORA - Khoan đã. (Với Stepan.) Anh, anh Stepan, anh có thể nào mở rộng mắt mà thẳng cánh chĩa súng bắn vào một đứa trẻ?
STEPAN - Tôi có thể bắn như thế được nếu là Tổ-chức ra lệnh cho tôi.
DORA - Tại sao anh lại nhắm mắt lại?
STEPAN - Tôi ấy à? Tôi nhắm mắt lại à?
DORA - Phải.
STEPAN - Nếu vậy là để dễ tưởng tượng ra cảnh đó và để biết rõ nguyên nhân mà trả lời chị.
DORA - Anh hãy mở mắt ra và hiểu rằng Tổ-chức có thể mất hết uy quyền và ảnh hưởng nếu Tổ-chức dung thứ, chỉ một lần thôi, cho bom đạn của Tổ-chức xé xác trẻ con.
STEPAN - Tôi chẳng hơi đâu mà nghĩ đến những chuyện ngơ ngẩn ấy. Ngày nào chúng ta quyết định gạt sang một bên những đứa trẻ đó đi, ngày đó, chúng ta sẽ là chủ tể thế giới và cách mạng sẽ thành công.
DORA - Ngày đó cách mạng sẽ bị toàn thể nhân loại ghét bỏ.
STEPAN - Chẳng sao nếu chúng ta yêu cách mạng đủ thiết tha để buộc toàn thể nhân loại phải chấp nhận cuộc cách mạng đó và cứu vớt nhân loại khỏi bản thân nó cùng ách nô lệ của nó.
DORA - Và nếu nhân loại từ khước cách mạng thì sao? Và nếu toàn thể nhân dân, khối nhân dân mà vì họ anh đang tranh đấu, lại không chấp nhận cho con cháu họ bị giết thì sao? Lại phải khủng bố chính ngay họ nữa sao?
STEPAN - Phải, nếu cần như thế, và cứ khủng bố cho đến khi nào họ mở mắt ra. Chính tôi đây, tôi cũng yêu thương nhân dân.
DORA - Tình yêu thương không có bộ mặt đó.
STEPAN - Ai bảo vậy?
DORA - Tôi, Dora.
STEPAN - Chị là đàn bà và chị có ý tưởng đáng buồn về tình yêu.
DORA, lớn tiếng - Nhưng tôi có một ý tưởng đúng sự nhục nhã là thế nào.
STEPAN - Tôi đã tự biết thế nào là nhục nhã, chỉ một lần thôi, và do lỗi của kẻ khác. Khi người ta đánh đập tôi bằng roi da. Bởi vì người ta đã đánh tôi bằng roi da. Đòn roi da, các đồng chí biết nó ra sao không? Véra lúc đó ở gần tôi và chị ấy đã tự tử để phản đối. Tôi thì tôi còn sống. Giờ đây, việc gì mà tôi còn nhục nữa.
ANNENKOV - Stepan, mọi người ở đây đều quý mến và kính nể anh. Nhưng dẫu anh có viện lý lẽ nào đi nữa, tôi không thể để cho anh nói rằng chúng ta muốn làm gì cũng được. Hàng trăm đồng chí của chúng ta đã bỏ mình để cho người khác hiểu rằng không phải ai muốn làm gì cũng được.
STEPAN - Không gì cấm đoán điều có thể phụng sự cho lý tưởng của chúng ta.
ANNENKOV, giận dữ - Thế ta có quyền, như Evno đã đề nghị, nhập bọn công an để hoạt động hai mang được không? Anh có làm như vậy không?
STEPAN - Có, nếu cần như vậy.
ANNENKOV, đứng lên - Stepan, chúng tôi sẽ bỏ qua những điều anh vừa nói đó, nhân danh những gì mà anh đã làm cho anh em và cùng với anh em. Nhưng anh cần nhớ lấy điều này. Vấn đề là phải biết, lát nữa đây, chúng ta có liệng bom vào hai đứa nhỏ đó hay không?
STEPAN - Mấy đứa nhỏ! Các đồng chí chỉ có mấy tiếng đó trên đầu lưỡi. Vậy các đồng chí không thể hiểu sao? Chính vì Yanek không giết hai đứa nhỏ đó mà hàng ngàn đứa trẻ Nga khác sẽ bị chết đói trong nhiều năm nữa đây. Các đồng chí đã từng thấy trẻ con chết đói bao giờ chưa? Tôi thì tôi đã thấy. Và cái chết vì bom thật là cả một sự huyền diệu bên cạnh cái chết vì đói. Nhưng Yanek có thấy trẻ con chết đói bao giờ đâu. Anh ấy chỉ trông thấy hai con chó làm trò của lão quận-công. Các đồng chí có phải là người không chứ? Các đồng chí chỉ sống trong nội cái khoảnh khắc đó thôi hay sao? Nếu vậy các đồng chí hãy chọn lấy lòng bác ái và hãy chỉ chạy chữa sự đau khổ của từng ngày một, chứ đừng chọn con đường hoạt động cách mạng mà mục đích là chạy chữa tất cả những nỗi đau khổ, bây giờ và mai sau.
DORA - Yanek nhận giết lão quận-công vì cái chết của y có thể làm cho đến sớm hơn cái thời gian mà các trẻ em Nga không còn chết đói nữa. Việc đó đã chẳng dễ dàng gì. Nhưng cái chết của hai đứa cháu lão công-tước sẽ không ngăn cản cho bất cứ đứa trẻ nào khác khỏi chết đói. Ngay trong sự phá hoại, cũng phải có một trật tự, phải có những giới hạn.
STEPAN, giận dữ - Không có giới hạn nào cả. Sự thực là các đồng chí không tin tưởng ở cách mạng. (Tất cả mọi người đều đứng lên, trừ Yanek.) Các đồng chí không tin gì ở cách mạng hết. Nếu quả thật các đồng chí thật sự tin tưởng, trọn vẹn tin tưởng ở cách mạng, nếu các đồng chí chắc chắn là với những hi sinh của chúng ta, với những thắng lợi của chúng ta, chúng ta sẽ xây dựng một nước Nga được giải thoát khỏi ách độc tài chuyên chế thành một quê hương của tự do để rồi sau chót sẽ lan rộng ra khắp trái đất, nếu các đồng chí không nghi ngờ rằng lúc bấy giờ, con người, được giải thoát khỏi bọn thống trị và những thành kiến của nó, sẽ ngửng bộ mặt của những thần linh thật sự lên mà nhìn bầu trời, thì cái chết của hai đứa nhỏ có nghĩa lý gì không? Như thế các đồng chí sẽ công nhận mọi thứ quyền hạn, tất cả mọi quyền hạn, các đồng chí nghe chưa. Và nếu cái chết của hai đứa nhỏ làm các đồng chí chùn bước, ấy là các đồng chí đã không tin chắc về quyền hạn của mình. Các đồng chí không tin tưởng gì ở cách mạng cả.
Im lặng. Kaliayev đứng lên.
KALIAYEV - Stepan, tôi xấu hổ vì tôi thật đó, tuy nhiên tôi không thể để anh nói tiếp. Tôi nhận giết người để lật đổ độc tài. Nhưng phía sau những lời anh vừa nói, tôi lại thấy dấu hiệu một chính thể chuyên chế mà, nếu nó ngự trị được, sẽ biến tôi thành một kẻ sát nhân trong khi tôi cố gắng được là một người thi hành công-lý.
STEPAN - Anh có không được là người thi-hành công-lý thì điều đó cũng chẳng có gì đáng kể, nếu như công lý được thực hiện, dẫu bởi những kẻ sát-nhân. Anh và tôi, chúng ta chẳng là gì cả.
KALIAYEV - Chúng ta là một cái gì và anh biết rõ như vậy bởi vì chính là nhân danh lòng kiêu ngạo mà bây giờ anh còn đang nói đó.
STEPAN - Lòng kiêu ngạo của tôi chỉ là việc của riêng tôi. Nhưng lòng kiêu ngạo của nhiều người, sự phản kháng của họ, nỗi bất công mà họ phải chịu đựng, những cái đó, chính là việc của tất cả chúng ta.
KALIAYEV - Người ta không phải chỉ sống bằng công lý.
STEPAN - Khi họ bị cướp mất cơm gạo, họ sẽ sống bằng cái gì, nếu không là bằng công lý?
KALIAYEV - Bằng công lý và lương tri.
STEPAN - Lương tri ư? Có lẽ tôi cũng biết nó đấy. Nhưng tôi cố tình không biết đến nó và làm cho hàng ngàn người khác không biết đến nó, để đến một ngày nó sẽ có một ý nghĩa cao cả hơn nhiều.
KALIAYEV - Phải biết chắc là ngày đó sẽ tới để chối bỏ tất cả những gì làm cho một người chấp nhận cuộc sống.
STEPAN - Tôi chắc.
KALIAYEV - Anh không thể chắc thế được. Muốn biết, anh hay tôi, ai là người có lý, có lẽ phải cần hi sinh tới ba thế hệ, nhiều trận chiến tranh, nhiều cuộc cách mạng khủng khiếp. Khi trận mưa máu đó đã thấm khô trên nền đất, anh và tôi đều đã tan vào cát bụi từ lâu.
STEPAN - Lúc đó những người khác sẽ đến và tôi chào đón họ như những anh em.
KALIAYEV, hét lên - Những người khác... Phải rồi! Nhưng tôi, tôi yêu thương những ai đang sống ngày hôm nay cùng tôi. Chính vì họ mà tôi tranh đấu và tôi chịu chết. Và cho một thiên đường xa vời, mà tôi không tin là có chắc, tôi sẽ không đến đập lên mặt những anh em của tôi. Tôi không làm tăng thêm nỗi bất công hiện hữu cho một sự công bằng đã chết. (Giọng thấp, nhưng cương quyết.) Các bạn này, tôi muốn nói thẳng với các bạn và ít nhất là nói cho các bạn rõ một điều mà một người nông dân tầm thường nhất cũng có thể nói được: giết hại trẻ con là trái với danh dự. Và, nếu một ngày kia, tôi còn sống, mà cách mạng phải tách rời ra khỏi danh dự, thì tôi sẽ bỏ rơi cách mạng. Nếu các bạn quyết định, lát nữa đây, tôi sẽ đến cổng rạp hát, nhưng tôi sẽ nhào vào chân ngựa.
STEPAN - Danh dự là một món xa xỉ dành cho những kẻ lên xe xuống ngựa.
KALIAYEV - Không. Danh dự là bảo vật cuối cùng của hạng người nghèo khó. Anh biết rõ như vậy và anh cũng biết là có danh dự trong cách mạng. Chính vì danh dự đó mà chúng ta ưng thuận chết. Chính danh dự đó đã có ngày hun đúc anh dưới trận roi da, Stepan, và chính nó thúc đẩy anh lên tiếng ngày hôm nay.
STEPAN, hét lên - Im đi. Tôi cấm anh không được nói đến điều đó.
KALIAYEV, nóng nảy - Tại sao tôi lại im đi? Tôi đã để cho anh nói rằng tôi không tin tưởng ở cách mạng. Như thế có nghĩa là anh đã bảo rằng tôi có thể ám sát tên công-tước không vì mục đích nào cả, rằng tôi chỉ là một kẻ sát-nhân. Tôi đã để cho anh nói mà không đập vỡ mặt anh ra.
ANNENKOV - Yanek!
STEPAN - Đôi khi, thà giết không vì lẽ gì còn hơn không giết đủ.
ANNENKOV - Không một ai ở đây đồng ý với anh cả. Đã quyết định xong rồi.
STEPAN - Vậy thì tôi xin phục tòng. Nhưng tôi còn nhắc lại là việc khủng bố không thích hợp với những người tế nhị. Chúng ta là những kẻ giết người và chúng ta đã tự ý trở thành sát-nhân.
KALIAYEV, mất tự chủ - Không. Tôi đã chọn cái chết để cho sự bạo tàn không thắng được. Tôi đã chọn để là người không -phạm-tội.
ANNENKOV - Yanek và Stepan, thôi đi! Tổ-chức quyết định vụ sát hại mấy đứa nhỏ là không cần thiết. Lại tiếp tục cuộc theo dò. Chúng ta phải sẵn sàng bắt đầu lại trong hai ngày nữa.
STEPAN - Và nếu lần sau lại vẫn có mấy đứa nhỏ?
ANNENKOV - Chúng ta sẽ chờ một cơ hội khác.
STEPAN - Và nếu mụ vợ lão công-tước đi cùng với chồng?
KALIAYEV - Tôi sẽ không tha mụ ta.
ANNENKOV - Nghe kìa.
Có tiếng xe ngựa. Không dừng được, Kaliayev tiến lại gần cửa sổ. Những người khác chờ đợi. Chiếc xe lại gần, chạy ngang dưới cửa sổ rồi biến hẳn.
VOINOV, nhìn Dora đang đi lại phía mình - Ta bắt đầu lại, Dora....
STEPAN, vẻ khinh bỉ - Phải, Alexis, bắt đầu lại... Nhưng cũng phải làm một cái gì cho danh dự chớ!
MÀN BA
Vẫn trong căn phòng của tổ chức khủng bố, vẫn vào buổi chiều, hai ngày sau
STEPAN: - Voinov làm gì nhỉ? Lẽ ra anh ấy phải đến đây rồi chứ.
ANNENKOV: - Chú ta cần được ngủ. Vả lại còn nửa giờ nữa kia mà .
STEPAN: - Tôi đi thăm dò tin tức nhé.
ANNENKOV: - Không. Cần phải giới hạn những bất trắc.
Im lặng.
ANNENKOV: - Yanek, sao anh không nói năng gì cả?
KALIAYEV: - Tôi không có gì để nói hết. Anh đừng nghĩ ngợi.
Tiếng chuông gọi cửa.
KALIAYEV: - Voinov đấy.
Voinov vào.
ANNENKOV: - Chú ngủ được đấy chứ?
VOINOV: - Có, ít thôi.
ANNENKOV: - Chú ngủ được suốt đêm đấy chứ?
VOINOV:- Không.
ANNENKOV:- Cần ngủ mới phải. Có nhiều cách mà.
VOINOV:- Tôi cũng đã cố ngủ. Phải cái tôi mệt quá.
ANNENKOV: - Tay chú đang run kìa.
VOINOV: Không.
Mọi người đều quay nhìn Voinov.
Có gì mà các bạn lại nhìn tôi như thế. Bộ người ta không thể bị mỏi mệt hay sao?
ANNENKOV: - Ai mà chẳng bị mỏi mệt. Chúng tôi lo cho anh đó thôi.
VOINOV: bất chợt cao giọng giận dữ - Nên lo cho tôi từ ngày hôm kia mới phải. Nếu đã liệng bom từ hai ngày trước, thì chúng ta đâu còn bị mệt nữa.
KALIAYEV: - Tha lỗi cho tôi. Tôi đã làm cho công việc trở nên khó khăn hơn.
VOINOV: (giọng thấp hơn)- Ai nói như vậy? Tại sao lại khó khăn hơn? Tôi bị mệt, chỉ có vậy thôi.
DORA: - Bây giờ thì mọi việc sẽ nhanh chóng lắm. Trong một giờ nữa, tất cả rồi sẽ xong xuôi.
VOINOV: Phải, rồi sẽ xong xuôi. Trong một giờ nữa…
Voinov quay nhìn chung quanh. Dora bước lại gần Voinov và nắm lấy tay chàng. Voinov để Dora nắm lấy bàn tay, đoạn giận dữ giật mạnh tay ra.
VOINOV: - Boria, tôi cần nói với anh.
ANNENKOV: - Nói riêng à?
VOINOV: - Nói riêng.
Hai người nhìn lẫn nhau. Kaliayev, Dora và Stepan đi ra.
ANNENKOV: - Có chuyện gì vậy?
Voinov nín lặng.
VOINOV: - Tôi thấy xấu hổ, Boria ạ.
Im lặng.
VOINOV: - Tối xấu hổ thật đấy. Tôi cần phải cho anh biết sự thật.
ANNENKOV: - Chú không muốn ném bom nữa sao?
VOINOV: - Tôi sẽ không thể liệng bom được nữa.
ANNENKOV: - Chú sợ à? Chỉ có vậy thôi sao? Có gì đâu mà phải xấu hổ.
VOINOV: - Tôi sợ và tôi thấy nhục nhã vì đã sợ.
ANNENKOV: - Nhưng mới hôm kia, chú còn vui vẻ và vững mạnh. Khi chú ở đây đi ra, mắt chú ngời sáng.
VOINOV: - Tôi vẫn lo sợ đấy. Ngày hôm kia, tôi đã thu hết can đảm, có vậy thôi. Khi nghe tiếng xe ngựa chạy đằng xa, tôi tự nhủ: “Ráng lên! Chỉ một phút nữa thôi”. Tôi nghiến chặt răng lại. Tất cả các bắp thịt tôi đều căng thẳng. Tôi sẽ liệng trái bom hết sức mạnh tưởng chừng như nội sự va chạm của trái bom thôi cũng đã đủ để giết chết tên công tước. Tôi đợi chờ tiếng nổ thứ nhất để làm nổ tung tất cả cái tiềm lực đang dồn nén trong tôi lúc đó. Thế rồi, chẳng có gì cả. Chiếc xe chạy đến chỗ tôi. Xe chạy mới nhanh làm sao! Nó vượt qua mặt tôi. Chừng đó tôi mới hiểu là Yanek không ném trái bom. Đúng lúc đó, một cái lạnh kinh khủng tràn ngập khắp người tôi. Và bất chợt, tôi cảm thấy yếu ớt như một đứa trẻ.
ANNENKOV: - Không sao cả, Alexis ạ. Sinh lực lại dồn về, sau đó.
VOINOV: - Đã hai bữa nay rồi, sinh lực vẫn không trở lại. Lúc nãy tôi đã dối anh, cả đêm qua tôi không hề chợp mắt. Tim tôi đập mạnh quá. Ồ, tôi thất vọng quá, Boria ơi.
ANNENKOV: - Chú không được thất vọng. Bọn tôi ai nấy cũng đã đều như chú cả. Chú sẽ không ném bom. Một tháng đi nghỉ ở Phần Lan, rồi chú sẽ về hoạt động trở lại với anh em.
VOINOV: - Không. Đó là cả một cái gì khác kia. Nếu giờ đây tôi không ném bom, thì sẽ không bao giờ tôi còn ném nữa.
ANNENKOV: - Sao vậy?
VOINOV: - Con người tôi không hợp với việc khủng bố. Giờ đây tôi mới nhận ra điều đó. Thà tôi rời bỏ Tổ chức lại là tốt hơn. Tôi sẽ tham gia vào các uỷ ban, phụ trách tuyên truyền.
ANNENKOV: - Thì vẫn nguy hiểm như thường.
VOINOV: - Đúng, nhưng ta có thể nhắm mắt mà hoạt động. Ta không hay biết gì cả.
ANNENKOV: - Chú muốn nói sao?
VOINOV: cuồng nhiệt – Ta không hay biết gì cả. Dự những phiên họp, thảo luận tình hình, và sau đó chuyển lệnh cho người khác thi hành, thật là việc dễ. Tất nhiên, tính mệnh mình cũng bị đe doạ, nhưng một cách mò mẫm, không trông thấy gì cả. Còn như, vào lúc chiều tà xuống trên thành phố, ta đứng giữa đám đông người đang rảo bước trở về nhà để tìm gặp lại mâm cơm nóng, bầy trẻ nhỏ, hơi ấm của người vợ, đứng câm lặng như vậy, với bom trĩu nặng nơi tay, và biết trước rằng trong ba phút nữa, trong hai phút nữa, trong vài giây nữa, ta sẽ lao mình tới trước một chiếc xe bong loáng, thì thật là một nỗi kinh hoàng. Và giờ đây tôi biết rõ là không thể nào lại làm cái công việc đó mà lại không cảm thấy mất hết sinh lực. Vâng, tôi xấu hổ thật, anh ạ. Tôi đã nhằm lên quá cao. Tôi cần phải hoạt động ở đúng chỗ của tôi. Một chỗ thật khiêm tốn. Cái chỗ duy nhất mà tôi xứng đáng.
ANNENKOV: - Chẳng có chỗ nào là khiêm tốn cả. Chung cuộc vẫn là nhà tù và trụ thắt cổ.
VOINOV: - Nhưng ta không nhìn thấy những thứ đó như trông thấy rõ ràng cái người mà mình sắp giết. Phải tưởng tượng mới thấy được nhà tù và trụ thắt cổ. May mắn thay, tôi lại không có óc tưởng tượng. (Cười bối rối.) Tôi không làm thế nào thật sự tin là có bọn lính kín. Đối với một tay khủng bố thì thật là kỳ, anh nhỉ. Khi nào bị đạp cái đầu tiên động vào bụng thì tôi mới tin. Trước đó thì không.
ANNENKOV: - Thế vào tù thì sao? Trong tù người ta biết và người ta thấy. Không còn quên được nữa.
VOINOV: - Trong tù, không cần phải quyết định gì cả. Phải, đúng đấy, không còn phải quyết định điều gì! Chẳng còn phải tự nhủ: “Nào! Đến lượt mày, nhất định là mày, chính mày phải quyết định về cái giây phút mà mày sẽ nhào tới trước.”. Giờ đây tôi tin chắc là nếu tôi bị bắt, tôi sẽ không tìm cách vượt ngục. Muốn vượt ngục, còn cần phải có mưu mô, còn cần phải có sáng kiến. Nếu ta không vượt ngục, những kẻ khác sẽ là người giữ quyền chủ động. Họ làm cả mọi việc.
ANNENKOV: - Đôi khi, họ làm việc để treo cổ chú lên.
VOINOV: vẻ thất vọng – Đôi khi. Nhưng nếu thế tôi thấy chết còn đỡ khó khăn hơn là nắm trong tay mạng sống của mình và mạng sống của một người khác cùng là quyết định xem lúc nào thì mình phải quẳng cả hai mạng sống đó vào trong lửa đỏ. Không, Boria ạ, cách duy nhất để tôi chuộc lại lỗi lầm, chính là chấp nhận con người thật của tôi.
Annenkov im lặng.
Ngay đến những người hèn nhát cũng có thể phục vụ cách mạng. Chỉ cần tìm chỗ đứng cho họ.
ANNENKOV: - Vậy thì, chúng ta đều hèn cả lũ. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội để mà kiểm chứng. Chú muốn làm gì tuỳ ý.
VOINOV: - Tôi muốn bỏ đi ngay khỏi nơi này. Tôi cảm thấy tôi không còn có thể giáp mặt với các bạn được nữa. Nhưng anh sẽ nói cho họ rõ.
ANNENKOV: - Tôi sẽ nói với các bạn.
Tiến lại gần Voinov.
VOINOV: - Anh hãy nói với Yanek rằng không phải lỗi tại anh ấy đâu. Và rằng tôi quý yêu anh ấy, cũng như tôi quý yêu tất cả các anh.
Im lặng. Annenkov ôm hôn Voinov.
ANNENKOV: - Vĩnh biệt, chú em. Tất cả rồi sẽ đâu vào đó. Nước Nga rồi sẽ có hạnh phúc.
VOINOV: bỏ đi - Ồ, phải, cầu cho nước Nga được hạnh phúc.
ANNENKOV: - Vào đi các bạn.
Tất cả cùng vào với Dora.
STEPAN: - Có chuyện chi vậy?
ANNENKOV: - Voinov sẽ không ném bom. Chú ấy bị kiệt sức. Sợ bị hỏng việc.
KALIAYEV: - Lỗi tại nơi tôi, phải không, Boria?
ANNENKOV: - Voinov nhờ tôi nói là chú ấy rất quý yêu anh.
KALIAYEV: - Chúng ta còn gặp lại Voinov nữa hay không?
ANNENKOV: - Có thể. Trong khi chờ đợi, chú ấy tạm rời khỏi Tổ chức.
STEPAN: - Sao vậy?
ANNENKOV: - Chú ấy sẽ được việc hơn trong các uỷ ban.
STEPAN: - Voinov yêu cầu vậy à? Anh ta sợ lắm sao?
ANNENKOV: - Không. Do tôi quyết định cả.
STEPAN: - Còn một giờ trước cuộc mưu sát mà anh làm chúng ta thiệt mất một người sao?
ANNENKOV: - Một giờ trước cuộc mưu sát, tôi đã phải quyết định một mình. Bây giờ đã quá muộn để mà bàn cãi. Tôi sẽ thay thế Voinov.
STEPAN: - Đúng lý, tôi mới là người thay thế Voinov.
KALIAYEV: nói với Annenkov – Anh là tổ trưởng. Bổn phận anh là phải ở lại đây.
ANNENKOV: - Một cấp chỉ huy đôi khi có bổn phận phải hèn nhát. Nhưng với điều kiện là, khi có hoàn cảnh, y phải chứng tỏ lòng cương nghị. Tôi đã quyết định rồi, Stepan, anh thay chỗ tôi trong thời gian cần thiết. Lại đây, anh cần biết rõ các huấn lệnh.
Hai người đi ra. Kaliayev ngồi xuống. Dora bước lại gần chàng và chìa bàn tay ra. Nhưng nàng lại đổi ý.
DORA: - Không phải lỗi tại anh đâu.
KALIAYEV: - Anh đã làm phiền lòng anh ấy, rất nhiều. Em có biết hôm nọ anh ấy nói gì với anh không?
DORA: - Anh ấy không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng anh ấy là người sung sướng.
KALIAYEV: - Đúng, nhưng anh ấy đã nói với anh rằng ngoài đoàn thể chúng ta ra, anh ấy không thể nào tìm thấy hạnh phúc ở đâu khác. Anh ấy bảo: “Có chúng mình, Tổ chức. Ngoài ra, chẳng có gì nữa cả. Đúng là một đoàn nghĩa sĩ”. Nghĩ thật tội nghiệp, Dora nhỉ!
DORA:- Rồi anh ấy sẽ trở lại.
KALIAYEV: - Không đâu. Anh tưởng tượng ra điều mà mình sẽ cảm thấy nếu ở địa vị anh ấy. Mình sẽ thấy mình tuyệt vọng.
DORA: - Thế giờ đây, anh không tuyệt vọng sao?
KALIAYEV: vẻ buồn rầu - Giờ đây ư? Anh ở bên các bạn và anh cảm thấy sung sướng cũng như Voinov đã từng sung sướng trước đây.
DORA: chậm rãi – Đó là một hạnh phúc lớn.
KALIAYEV: - Đó là một niềm vui sướng thật lớn lao. Chẳng hiểu em có nghĩ như anh không?
DORA: - Em cũng nghĩ như anh. Đã thế tại sao anh lại buồn? Mới hai ngày trước, nét mặt anh thật là rạng rỡ. Anh cứ như người đi dự dạ hội. Thế mà bữa nay…
KALIAYEV: đứng lên, dáng điệu nóng nẩy - Bữa nay, anh đựoc biết những gì mà trước đây anh chưa hề biết. Em có lý đấy, chẳng phải chuyện dễ dàng đâu. Anh đã tưởng giết người là một việc dễ, chỉ cần có ý muốn, cộng với lòng can đảm, là đủ. Nhưng anh đâu có lớn lao dường đó và giờ đây anh biết chắc là trong thù hận không thể có hạnh phúc. Tất cả sự tồi tệ đó, tất cả sự tồi tệ đó, trong anh và nơi những người khác. Sự giết người, hèn nhát, sự bất công…. Ồ bắt buộc, bắt buộc là anh phải giết y… Nhưng anh sẽ còn đi tới cùng! Đi xa hơn cả lòng thù hận nữa!
DORA: - Xa hơn nữa? Còn có gì đâu.
KALIAYEV: - Có tình yêu.
DORA: - Tình yêu? Không, tình yêu đâu có phải là điều cần thiết.
KALIAYE: - Ồ, Dora, làm sao em có thể nói như vậy được, em là người mà anh đã hiểu rõ tâm hồn…
DORA: - Máu đã đổ quá nhiều, bạo hành tàn nhẫn đã nhiều. Những kẻ thật tâm tôn trọng lẽ công bằng đâu có quyền nghĩ tới tình yêu. Họ được huấn luyện như em đây, đầu ngửng cao, mắt nhìn thẳng. Trong những tâm hồn kiêu hãnh đó, tình yêu đến để làm gì? Một cách dịu dàng, tình yêu làm cho đầu người ta cúi thấp, Yanek ạ. Thế mà chúng ta, cổ chúng ta lại cứng quá trời.
KALIAYEV: - Nhưng chúng ta mến yêu nhân dân.
DORA: - Chúng ta mến yêu nhân dân, thật đấy. Chúng ta mến yêu nhân dân bằng một tình yêu rộng lớn không có điểm tựa, một thứ tình yêu khốn khổ. Chúng ta sống xa rời tình yêu, giam mình trong những căn phòng, lạc lõng trong những tư tưởng của chúng ta. Còn nhân dân, nhân dân có yêu mến chúng ta không? Nhân dân có biết là ta yêu mến họ không? Nhân dân nín thinh. Sự im lặng của họ, im lặng làm sao, im lặng làm sao…
KALIAYEV: - Nhưng tình yêu là như thế đó, là hiến dâng tất cả, hi sinh tất cả mà không hi vọng được đền bù.
DORA: - Có thể lắm. Đó là tình yêu tuyệt đối, là niềm vui tinh khiết và cô đơn, thật ra cũng là tình yêu rạo rực trong lòng em. Tuy nhiên, một đôi lúc, em thường tự hỏi xem tình yêu có còn là gì khác nữa không, xem tình yêu có thể nào thôi không còn là một cuộc độc thoại, và xem, đôi khi có thể nào tình yêu lại có một hồi âm. Em tưởng tượng thế này, anh có thấy chăng: mặt trời ngời sáng, đầu người cúi xuống một cách dịu dàng, trái tim từ bỏ lòng kiêu hãnh, những cánh tay rộng mở. Chà. Yanek ơi, nếu như ta có thể quên được, dẫu chỉ trong một giờ thôi, cái nỗi thống khổ của thế gian này mà buông xuôi tất cả. Chỉ một giờ ngắn ngủi dành cho lòng vị kỷ mà thôi, anh có thể nào nghĩ tới điều đó hay chăng?
KALIAYEV: - Có chứ, Dora, cái đó gọi là lòng âu yếm.
DORA: - Anh đoán được hết, anh yêu của em, cái đó gọi là lòng trìu mến. Nhưng anh có thật biết nó hay không? Thế anh có yêu công lý với tấm lòng trìu mến đó không?
Kaliayev nín thinh.
Thế anh có mến yêu nhân dân với sự buông thả đó, với lòng trìu mến đó, hay là, trái lại, với ngọn lửa cuồng nhiệt của lòng hờn oán và của lòng phẫn nộ. (Kaliayev vẫn nín thinh.) Anh thấy đó. (Nàng bước lại gần chàng, và nói giọng rất nhỏ.) Còn em, anh có yêu em với tấm lòng trìu mến đó chăng?
Kaliayev ngước nhìn nàng.
KALIAYEV: sau một lát im lặng – Không bao giờ và không có ai yêu em như anh đã yêu em.
DORA: - Em biết. Nhưng mình cứ yêu nhau như những người khác có hơn không?
KALIAYEV: - Anh đâu phải là bất cứ ai. Anh yêu em như anh hiện hữu.
DORA: - Anh yêu em hơn yêu công lý, hơn yêu Tổ chức?
KALIAYEV: - Anh không tách rời em, Tổ chức và công lý.
DORA: - Vâng, nhưng anh hãy trả lời em đi, em van anh, anh hãy trả lời em đi chứ. Anh có yêu em trong nỗi cô đơn, với lòng trìu mến, với lòng ích kỷ hay không? Anh có còn yêu em không nếu như em là người bất công?
KALIAYEV: - Nếu em bất công mà anh còn có thể yêu em thì đó không phải là em mà anh yêu.
DORA: - Anh có trả lời đâu. Anh hãy nói cho em rõ là anh có yêu em không nếu em không có chân trong Tổ chức?
KALIAYEV: - Vậy chứ em ở đâu?
DORA: - Em nhớ lại thuở còn đi học. Em vui cười. Thuở đó em tươi đẹp. Em bỏ hàng giờ đi lang thang và mơ mộng vẩn vơ. Anh có còn yêu em không nếu em nhẹ dạ và vô tư?
KALIAYEV: ngần ngại và nói giọng thật thấp – Anh thèm đến chết được nói với em là có.
DORA: - Vậy thì, hãy nói có, anh yêu của em, nếu như anh nghĩ vậy và nếu điều anh nghĩ là thật. Có, đối diện với công lý, trước mặt sự khốn cùng và nhân dân bị gông xiềng nô lệ. Có, có, em van anh, thây kệ những đứa trẻ hấp hối, những ai bị treo cổ và những ai bị đánh đòn tới chết…
KALIAYEV: - Em im đi, Dora.
DORA: - Không, thế nào cũng phải có một lần thổ lộ tâm can. Em đợi chờ anh lên tiếng gọi em, em Dora đây, đợi anh gọi em phía trên cái cuộc đời đầy rẫy bất công này…
KALIAYEV: giọng tàn nhẫn – Em im đi. Lòng anh chỉ tơ tưởng đến em thôi. Nhưng lát nữa đây, anh không được phép run lên.
DORA: ngỡ ngàng – Lát nữa à? Phải rồi, em lỡ quên đi mất…(Nàng cười mà như mếu máo.) Không sao, vậy là tốt rồi, anh yêu của em. Anh đừng giận nhé, em thật không biết điều. Cũng tại mỏi mệt đó. Cả em nữa, lẽ ra em cũng không thể nói như vậy được. Em yêu anh cũng với một tình yêu hơi cố định, trong công lý và trong những ngục tù. Mùa hè, Yanek ơi, anh còn nhớ chứ? Nhưng mà không, lại chính là một mùa đông vĩnh viễn. Chúng ta không thuộc về thế giới này, chúng ta là những người trung thực. Có một thứ nhiệt tình nó không phải để dành cho chúng mình.( Quay lại.) Chà! Tội nghiệp thay cho những người trung thực!
KALIAYEV: nhìn nàng với vẻ tuyệt vọng - Phải, đó chính là số phận của chúng ta, tình yêu thì vô vọng. Nhưng anh sẽ giết lão quận công và lúc đó sẽ có sự yên ổn, cho em và cũng như cho anh.
DORA: - Sự yên ổn! Bao giờ chúng ta mới thấy nó?
KALIAYEV: giọng giận dữ - Ngày mốt.
Annenkov và Stepan cùng vào. Dora và Kaliayev bước rời xa nhau.
ANNENKOV: - Yanek!
KALIAYEV: - Có ngay. (Chàng thở mạnh.) Rồi, rồi…
STEPAN: lại gần Kaliayev – Vĩnh biệt, người anh em, tôi ở bên anh.
KALIAYEV: - Vĩnh biệt, Stepan. (Chàng quay lại phía Dora.) Vĩnh biệt em, Dora.
Dora bước lại gần chàng. Hai người đứng sát bên nhau nhưng không đụng vào người nhau.
DORA: - Không, đừng nói lời vĩnh biệt. Hẹn tái ngộ. Hẹn tái ngộ, anh yêu của em. Chúng ta sẽ gặp lại nhau.
Kaliayev nhìn nàng. Im lặng.
KALIAYEV: - Xin hẹn tái ngộ. Anh… Nước Nga sẽ huy hoàng.
DORA: nghẹn ngào trong nước mắt - Nước Nga sẽ huy hoàng.
Kaliayev làm dấu thánh trước tượng thánh mẫu.
Stepan tới bên cửa sổ. Dora không nhúc nhích, mắt vẫn nhìn ra lối cửa.
STEPAN: - Anh ấy đi mới hiên ngang làm sao. Tôi đã lầm, chị ạ, khi không tin ở Yanek. Tôi không ưa sự nhiệt thành của anh ấy. Anh ấy đã làm dấu Thánh, chị có thấy không? Anh ấy mộ đạo hở chị?
DORA: - Yanek không hành đạo.
STEPAN: - Tuy vậy, anh ấy có lòng tín ngưỡng. Chính cái đó đã chia cách chúng tôi. Tôi cục cằn hơn anh ấy, tôi biết rõ như vậy. Đối với chúng tôi là những người không tin ở Thượng đế, thì phải có tất cả công lý hoặc là cam chịu thất vọng.
DORA: - Đối với Yanek, ngay chính công lý cũng là tuyệt vọng rồi.
STEPAN: - Phải, một tâm hồn yếu đuối mà. Nhưng bàn tay thì thật mạnh. Anh ấy có sức mạnh khác hơn tâm hồn. Chắc chắn là anh ấy sẽ giết tên công tước. Như vậy là tốt, rất tốt là khác. Phá hoại, đó là điều cần thiết. Nhưng sao chị không nói gì vậy? (Chăm chú dò xét Dora.) Chị yêu anh ấy sao?
DORA: - Cần có thời gian để có thể yêu. Chúng ta chỉ có vừa đủ thời giờ để phục vụ công lý.
STEPAN: - Chị có lý. Có quá nhiều việc để làm; phải phá huỷ cái xã hội này từ gốc tới ngọn… Sau đó…(Lại gần cửa sổ.) Tôi không thấy họ đâu nữa, họ đến nơi rồi.
DORA: - Sau đó…
STEPAN: - Chúng ta sẽ yêu thương nhau.
DORA: - Nếu chúng ta còn sống.
STEPAN: - Những người khác sẽ yêu thương nhau. Đằng nào thì cũng vậy.
DORA: - Stepan, anh hãy nói “thù hận”.
STEPAN: - Sao?
DORA: - Hai chữ đó, “thù hận”, anh hãy nói lên.
STEPAN: - Thù hận.
DORA: - Được lắm. Yanek nói hai chữ đó rất kém.
STEPAN: sau một lát im lặng, rồi đi về phía Dora – Tôi hiểu: chị khinh tôi. Tuy nhiên, chị có thật chắc là chị có lý đấy không? (Một lát im lặng, rồi với một giọng giận dữ mỗi lúc tăng dần). Tất cả các bạn ở đây đều mặc cả cái việc mình làm, nhân danh cái tình yêu bỉ ổi. Nhưng tôi, tôi không yêu thương cái gì cả và tôi thù ghét, phải, tôi thù ghét đồng loại! Tôi làm gì đây với tình yêu của họ? Tôi đã biết tình yêu đó trong nhà tù, cách đây ba năm. Và đã từ ba năm nay, tôi mang nó trên người tôi. Chị muốn cho tôi mủi lòng và muốn tôi kéo lê trái bom như một cây thập tự giá chứ gì? Không! Không! Tôi đã đi quá xa, tôi đã biết quá nhiều… Chị hãy nhìn đây…
Stepan xé rách áo sơmi. Dora chớm bước lại gần chàng. Nàng lùi lại khi trông thấy những vết lằn roi da.
Đây là những dấu vết! Những dấu vết của tình yêu của bọn chúng! Giờ đây chị còn khinh bỉ tôi nữa không?
Dora bước lại gần Stepan và bất chợt ôm hôn chàng.
DORA: - Có ai khinh bỉ sự đau đớn bao giờ? Tôi cũng yêu thương anh.
STEPAN: nhìn nàng và nói không rõ tiếng – Hãy tha lỗi cho tôi. Dora. (Một lát. Quay nhìn chỗ khác.) Có thể tại vì mệt mỏi. Bao năm dài đấu tranh, khắc khoải, bọn mật thám, tù ngục… và để chấm dứt, cái này đây. (Chàng chỉ các vết roi da.) Tôi còn tìm đâu thấy sức để mà yêu thương? Nhưng ít nhất tôi cũng còn đủ sức để thù hận. Như vậy dẫu sao cũng còn hơn là không cảm thấy gì nữa cả.
DORA: - Phải, như vậy vẫn còn hơn.
Stepan ngước nhìn nang. Đồng hồ điểm bảy giờ
STEPAN: đột ngột quay phắt lại – Lão công tước sắp đi qua.
Dora bước lại gần cửa sổ và dán mắt vào cửa kính. Im lặng hồi lâu. Và rồi, từ nơi xa, có tiếng xe ngựa. Xe chạy đến gần, chạy ngang qua.
STEPAN: - Nếu chỉ có mình lão…
Xe chạy xa dần. Một tiếng nổ dữ dội. Dora giật bắn người lên, giơ tay ôm lấy đầu. Im lặng hồi lâu.
STEPAN: - Boria đã không phải ném bom. Yanek đã thành công. Thành công! Ôi nhân dân! Ôi hạnh phúc!
DORA: gục đầu vào người Stepan, nức nở - Chính chúng ta đã hạ sát anh ấy. Chính chúng ta đã giết anh ấy. Chính tôi đây.
STEPAN: hét lên – Chúng ta đã giết ai? Yanek à?
DORA: - Lão quận công.
MÀN BỐN
Một xà lim trong Tháp Pougatchev, tại nhà tù Boutirki.
Buổi sáng.
Khi màn kéo lên, Kaliayev ở trong xà lim và đang nhìn ra cửa. Một người lính gác và một người tù, tay xách cái thùng nước, bước vào.
LÍNH GÁC: - Lau đi. Và nhanh tay lên.
Người lính đến đứng về phía cửa sổ. Foka bắt đầu lau chùi, mắt không nhìn lên Kaliayev. Im lặng
KALIAYEV: - Tên bác là gì, hở bác.
FOKA: - Foka.
KALIAYEV: - Bác có án rồi hả?
FOKA: - Hình như vậy.
KALIAYEV: - Thế bác đã làm gì nên tội?
FOKA: - Tôi đã giết người.
KALIAYEV: - Bác bị đói ăn hả?
LÍNH GÁC: - Khẽ chứ.
KALIAYEV: - Sao?
LÍNH GÁC: - Khẽ chứ. Tôi đã để cho mấy chú tán chuyện mặc dầu có lệnh cấm. Biết điều thì nói khẽ chứ. Bắt chước lão già coi.
KALIAYEV: - Bác bị đói ạ?
FOKA: - Không, tôi khát.
KALIAYEV: - Rồi sao?
FOKA: - Rồi, có một cái rìu. Tôi đã đập phá tan hoang. Dường như tôi đã giết mất ba mạng.
Kaliayev nhìn Foka.
FOKA: - Thế nào, công tử cậu không còn gọi tôi là bác nữa hả? Cậu ngán rồi hả?
KALIAYEV: - Không. Tôi cũng giết người mà bác.
FOKA: - Mấy mạng?
KALIAYEV: - Tôi sẽ nói cho mà biết, nếu như bác muốn biết. Nhưng hãy trả lời tôi trước đã, bác đã ân hận về những gì đã xẩy ra, có phải thế không nào?
FOKA: - Hẳn đi rồi, hai mươi năm tù, giá đắt đấy chứ. Nó để lại cho mình nhiều ân hận.
KALIAYEV: - Hai mươi năm. Tôi bước vào đây hai mươi ba tuổi và ra tù thì tóc đã hoa râm.
FOKA: - Ồ! Với cậu thì có thể sẽ đỡ hơn. Quan toà thì cũng có hạng thế này hạng thế nọ. Còn tuỳ nơi hắn đã lấy vợ chưa, và lấy ai. Vả lại cậu là công tử mà. Đâu có phải trả cùng giá như bọn cùng đinh khốn khổ. Cậu sẽ thoát cho mà xem.
KALIAYEV: - Tôi không tin. Và tôi cũng không muốn thoát. Tôi sẽ không thể nào chịu đựng được sự nhục nhã trong hai mươi năm trời.
FOKA: - Nhục nhã? Nhục cái gì chứ? Phải rồi, đó là những ý nghĩ của hạng công tử. Thế cậu đã giết mấy mạng?
KALIAYEV: - Một thôi.
FOKA: - Cậu nói sao? Đâu có đến nỗi nào.
KALIAYEV: - Tôi đã giết quận công Serge.
FOKA: - Quan lớn quận công hả? Ê! Sao cậu gớm thế. Đã thấy tay mấy cậu công tử này chưa! Nguy lắm hả, nói nghe coi?
KALIAYEV: - Nguy đấy. Nhưng cần phải vậy.
FOKA: - Sao vậy? Cậu sống ở trong triều hả? Chuyện rắc rối về đàn bà, chứ gì? Bảnh trai như cậu thì…
KALIAYEV: - Tôi là đảng viên đảng xã hội.
LÍNH GÁC: - Khẽ chứ.
KALIAYEV: cao giọng hơn – Tôi là đảng viên đảng xã hội cách mạng.
FOKA: - Sao nhiễu chuyện thế. Mà việc gì lại phải là đảng viên đảng veo gì như cậu vừa nói đó. Cậu chỉ việc ngồi yên là mọi việc đều tốt đẹp cả mà. Đất này là của mấy người quý tộc mà.
KALIAYEV: - Không, đất này là của bác. Đã có quá nhiều cơ cực và quá nhiều tội ác. Bao giờ có bớt cơ cực đi, bấy giờ sẽ có bớt tội ác. Nếu đất này mà được tự do thì bác đã chẳng ở chốn này.
FOKA: - Đúng và không đúng. Nghĩ cho cùng, có tự do hay không, uống rượu quá chén thì cũng chẳng hay hớm nỗi gì.
KALIAYEV: - Chẳng hay hớm nỗi gì thật đấy. Có điều là người ta uống rượu vì người ta bị sỉ nhục. Rồi sẽ có lúc chẳng cần phải uống rượu nữa, chẳng có ai tủi nhục nữa, cả hạng quý tộc, lẫn hạng cùng đinh. Tất cả chúng ta sẽ là anh em và lẽ công bằng sẽ làm cho tâm hồn chúng ta trong suốt. Bác có hiểu điều tôi nói không?
FOKA: - Có, đó là nước của Chúa.
LÍNH GÁC: - Khẽ chứ.
KALIAYEV: - Không nên nói như vậy, bác ơi. Chúa chẳng làm được cái quái gì cả. Tạo lập công lý là việc của chúng ta. (Một lát im lặng.) Bác không hiểu sao? Thế bác có biết truyện Thánh Dmitri không?
FOKA: - Không.
KALIAYEV: - Ông Thánh có hẹn với chính Chúa trong cánh đồng cỏ hoang, và đang lúc vội tới chỗ hẹn thì ông gặp một nông dân với chiếc xe bị sa lầy. Thế là Thánh Dmitri giúp người nông dân. Bùn thì đặc quánh, chỗ lún thì sâu. Phải hì hục mất đến cả giờ. Và khi xong việc, Thánh Dmitri chạy vội đến chỗ hẹn, Nhưng Chúa không còn ở đó nữa.
FOKA: - Thế rồi sao?
KALIAYEV: - Thế rồi có những kẻ bao giờ cũng đến nơi hẹn chậm trễ vì có quá nhiều xe bò bị sa lầy và có quá nhiều người anh em để mà giúp đỡ.
Foka lùi lại.
KALIAYEV: - Có gì vậy?
LÍNH GÁC: - Nói khẽ chứ. Còn mi, lão già này, nhanh tay lên.
FOKA: - Tôi ngờ lắm. Tất cả những chuyện đó không phải chuyện thường. Người ta đâu có ý làm cho mình bị vào tù vì những chuyện ông thánh với cái xe bò. Vả lại, còn có chuyện khác…
Người lính gác cười.
KALIAYEV: nhìn người lính - Chuyện gì nữa?
FOKA: - Thế người ta làm gì những người giết các quan lớn quận công?
KALIAYEV: - Người ta treo cổ chúng.
FOKA: - A!
Rồi ông lão bỏ đi, trong lúc người lính gác cười lớn tiếng hơn.
KALIAYEVL - Ở lại đây nào. Tôi đã làm gì bác?
FOKA: - Cậu đâu có làm gì tôi. Dẫu cho cậu có là hạng quý tộc đi nữa thì tôi cũng không muốn lừa dối cậu. Ta tán dóc, cho qua thời giờ, thì được, nhưng nếu cậu bị treo cổ thì không được rồi.
KALIAYEV: - Tại sao?
LÍNH GÁC: cười – Nói đi, lão già, nói đi…
FOKA: - Bởi vì cậu không thể nói với tôi như một người anh em được. Chính tôi là người treo cổ những tên tử tù bị xử giảo.
KALIAYEV: - Vậy chứ bác, bác không phải là tù khổ sai à?
FOKA: - Chính vì thế đó cậu. Họ biểu tôi làm việc đó, và, mỗi lần treo cổ một người, họ bớt cho tôi một năm tù. Việc cũng bở đấy chứ.
KALIAYEV: - Để tha tội cho bác, bọn chúng bắt bác phạm thêm tội ác nữa sao?
FOKA: - Ồ, đâu có phải là tội ác, vì đây là làm mướn mà. Vả lại, bọn họ thì cần cóc gì. Nếu cậu muốn biết ý kiến của tôi thì bọn họ không phải là người ngoan đạo đâu.
KALIAYEV: - Và bác đã làm mấy lần, mấy lần rồi?
FOKA: - Hai lần.
Kaliayev lùi lại. Hai người kia đi ra cửa, người lính gác đẩy lão Foka ra.
KALIAYEV: - Vậy ra bác là đao phủ đấy?
FOKA: trên ngưỡng cửa - Thế thì, cậm ấm, còn cậu là gì?
Foka ra. Người ta nghe thấy tiếng bước chân, những khẩu lệnh. Skouratov vào, ăn mặc lịch sự, cùng vào với người lính gác.
SKOURATOV: - Để mặc chúng tôi. Chào anh. Anh không biết tôi à? Tôi, thì tôi biết anh. (Cười) Nổi tiếng rồi đó, hả? (Nhìn Kaliayev.) Cho phép tôi tự giới thiệu nhé? (Kaliayev không nói gì.) Anh không nói gì à? Tôi hiểu. Hầm tối, hả? Cực thật đấy, tám ngày trong hầm tối. Bữa nay, chúng tôi sẽ thôi không giam anh trong hầm tối và anh sẽ có khách tới thăm. Tôi đến đây cũng là vì việc đó. Tôi đã cho lão Foka đến gặp anh. Đặc biệt, có phải thế không? Tôi nghĩ là lão ta sẽ có thể làm cho anh lưu tâm. Anh hài lòng chứ? Sau tám ngày tối tăm, đựoc nhìn thấy mặt người cũng dễ chịu chứ, không à?
KALIAYEV: - Cũng còn tuỳ mặt.
SKOURATOV: - Nói hay, đúng chỗ. Anh biết cái gì anh muốn. (Một lát.) Nếu tôi không lầm, bộ mặt tôi làm anh khó chịu?
KALIAYEV: - Phải.
SKOURATOV: - Anh thấy rõ là tôi thất vọng. Nhưng đó là một sự hiểu lầm. Trước hết, ánh sáng không được tỏ. Trong một cái hầm, chẳng ai có thể dễ gây cảm tình được cả. Vả chăng anh cũng chưa biết tôi là ai. Đôi khi, một bộ mặt mới ngó thì khó chịu. Thế rồi, khi ta được biết tấm lòng
KALIAYEV: - Đủ rồi. Ông là ai?
SKOURATOV: - Skouratov, giám đốc an ninh.
KALIAYEV: - Một tên đầy tớ.
SKOURATOV: - Để hầu hạ anh. Nhưng vào địa vị anh, tôi sẽ tỏ ra ít kiêu hãnh hơn. Có thể rồi anh cũng sẽ bớt kiêu hãnh đấy. Người ta bắt đầu bằng cách muốn có công lý và người ta chấm dứt bằng cách tổ chức bộ máy cảnh sát. Vả chăng, sự thật chẳng làm tôi sợ hãi. Tôi sẽ đối xử thẳng thắn với anh. Tôi quan tâm tới anh và tôi giúp anh phương tiện để xin ân xá.
KALIAYEV: - Ân xá cái gì?
SKOURATOV: - Sao, ân xá cái gì à? Tôi giúp anh được toàn mạng.
KALIAYEV: - Ai đã yêu cầu ông điều đó?
SKOURATOV: - Người ta không ai hỏi xin mạng sống cả, anh bạn thân ơi. Người ta nhận lấy mạng sống. Thế chưa bao giờ anh ra ơn cho ai hay sao? (Một lát.) Thử nhớ lại coi.
KALIAYEV: - Tôi từ chối ân huệ của ông, dứt khoát một lần.
SKOURATOV: - Ít nhất anh cũng hãy nghe đã. Mặc dầu bề ngoài, tôi không phải là kẻ thù của anh. Tôi chấp nhận là anh có lý trong điều mà anh suy tưởng. Ngoại trừ về vụ ám sát…
KALIAYEV: - Tôi cấm ông không được dùng chữ đó.
SKOURATOV: nhìn Kaliayev – A! Thần kinh yếu hả? (Một lát.) Thành thật mà nói, tôi muốn giúp anh.
KALIAYEV: - Giúp tôi? Tôi sẵn sang thanh toán món nợ phải trả. Nhưng tôi sẽ không chịu đựng cái lối thân mật của ông đối với tôi. Hãy để tôi yên.
SKOURATOV: - Bản cáo trạng tội anh…
KALIAYEV: - Tôi đính chính.
SKOURATOV: - Sao cơ?
KALIAYEV: - Tôi đính chính. Tôi là một tù binh, không phải một bị cáo.
SKOURATOV: - Thế cũng được. Tuy nhiên, đã có nhiều tổn thất, phải vậy không? Ta hãy gạt sang một bên ngài công tước và lý do chính trị. Ít ra, đã có người bị chết. Và cái chết mới thảm làm sao!
KALIAYEV: - Tôi liệng trái bom lên chế độ bạo tàn của các ông, chứ không liệng lên một người.
SKOURATOV: - Hẳn đi rồi. Nhưng chính người đó đã lãnh trái bom. Và cái đó không thích thú cho ông ta chút nào. Anh có biết không, này anh bạn thân, khi người ta tìm thấy cái xác, thì thiếu cái đầu. Biến mất, cái đầu! Về phần những gì còn lại, người ta chỉ nhận ra đúng một cánh tay và một phần của cái đùi.
KALIAYEV: - Tôi đã thi hành một bản án.
SKOURATOV: - Có thể, có thể. Không ai trách cứ anh về bản án. Một bản án là cái gì chứ? Đó là một chữ mà người ta có thể tranh luận trong nhiều đêm dài. Người ta trách anh… không, chắc anh không thích chữ này… tạm cho rằng, một việc làm tài tử, hơi lộn xộn, mà những kết quả, những kết quả, thì không thể nào bàn cãi được. Tất cả mọi người đều trông thấy những kết quả đó. Anh cứ hỏi công tước phu nhân thì rõ. Có máu, anh biết chứ, rất nhiều máu.
KALIAYEV: - Ông im đi.
SKOURATOV: - Được. Tôi chỉ muốn nói là nếu anh cứ khăng khăng nhắc tới bản án, khăng khăng rằng chính là đảng và chỉ có đảng thôi đã phán xử và thi hành, rằng ngài công tước đã không bị giết chết bởi một trái bom mà bởi một tư tưởng, thì như thế anh không cần được ân xá. Tuy nhiên, giả sử là chúng ta trở lại với sự việc hiển nhiên, giả sử là chính anh đã làm nổ tung cái đầu của ngài công tước, thì mọi việc sẽ thay đổi cả, phải thế không? Như vậy thì anh lại cần được ân xá. Tôi muốn giúp anh việc đó. Hoàn toàn vì thiện cảm, anh cứ tin thế đi. (Cười.) Biết làm sao được, tôi không quan tâm tới các tư tưởng, tôi, thì tôi quan tâm đến con người.
KALIAYEV: giận dữ - Con người tôi ở trên ông và các quan thầy của ông. Các ông có thể giết tôi, nhưng không thể phán xử tôi. Tôi biết là ông muốn đi tới đâu rồi. Ông kiếm một yếu điểm của tôi và chờ đợi nơi tôi một thái độ hổ thẹn, những giọt nước mắt và sự ăn năn. Ông sẽ không thâu được cái gì đâu. Tôi là gì, điều đó không liên hệ gì tới ông. Cái liên hệ tới ông, đó là lòng thù hận, lòng thù hận của tôi và của các anh em tôi. Lòng thù hận đó sẵn sàng đến với các ông.
SKOURATOV: - Lòng thù hận? Lại thêm một tư tưởng nữa. Cái không phải là một tư tưởng, là vụ giết người. Và các hậu quả của nó, cố nhiên. Tôi muốn nói tới sự ăn năn và hình phạt. Tới đó, chúng ta đến trọng tâm của vấn đề.Vả lại, cũng chính vì thế mà tôi chọn nghề công an. Để được ở ngay trung tâm của mọi việc. Nhưng anh đâu thích những điều tâm sự. (Một lát. Tiến lại gần Kaliayev.) Tất cả những điều mà tôi muốn nói, là nhắc anh không được giả bộ quên đi cái đầu của ngài công tước. Nếu anh lưu ý tới điều đó, tư tưởng sẽ không còn giúp ích gì cho anh nữa. Chẳng hạn anh sẽ thấy xấu hổ, thay vì lấy làm hãnh diện về việc mình làm. Và kể từ lúc mà anh cảm thấy xấu hổ anh sẽ mong ước được sống để chuộc lại lỗi lầm. Điều quan trọng hơn cả là anh quyết định sống.
KALIAYEV: - Và nếu như tôi quyết định sống.
SKOUROTOV: - Ân xá cho anh và các bạn anh.
KALIAYEV: - Ông đã bắt giam họ chưa?
SKOURATOV: - Chưa. Chính vì chưa bắt giam được họ. Nhưng nếu như anh quyết định sống, chúng tôi sẽ bắt giam họ.
KALIAYEV: - Tôi có hiểu rõ chưa đây?
SKOURATOV: - Chắc hẳn đi rồi. Anh đừng có vội giận. Cứ suy nghĩ kỹ đi. Trên bình diện của tư tưởng, anh chẳng thể nào tố giác các bạn anh. Trên bình diện của sự hiển nhiên, trái lại, đó là anh đã giúp họ. Anh sẽ giúp họ tránh được những điều phiền phức mới, và, cùng lúc đó, anh giật được họ thoát khỏi trụ thắt cổ. Trên tất cả mọi điều đó, anh tìm được sự bình an cho tâm hồn. Trên rất nhiều phương diện, đây là một dịp tốt.
Kaliayev nín thinh.
SKOURATOV: - Thế nào?
KALIAYEV: - Các bạn của tôi sẽ trả lời ông, không bao lâu nữa đâu.
SKOURATOV: - Lại tội ác nữa! Rõ thật hiển nhiên, giết người là một chí hướng. Thôi được, nhiệm vụ của tôi thế là xong. Lòng tôi thật buồn. Nhưng tôi thấy rõ là anh tha thiết với tư tưởng của anh lắm. Tôi không thể nào tách rời anh ra khỏi nó được.
KALIAYEV: - Ông không thể nào tách rời tôi ra khỏi anh em của tôi được.
SKOURATOV: - Thôi chào anh. (Làm ra vẻ bỏ đi, rồi, quay trở lại.) Trong trường hợp đó, tại sao anh lại tha chết cho bà công tước và hai đứa cháu bà?
KALIAYEV: - Ai bảo ông vậy?
SKOURATOV: - Người chỉ điểm cho các anh cũng đưa tin cho chúng tôi nữa. Ít nữa, cũng một phần… Nhưng tại sao anh lại tha cho bà công tước và hai đứa cháu?
KALIAYEV: - Việc đó không ăn nhằm gì tới ông hết.
SKOURATOV: cười – Anh tưởng vậy sao? Tôi sẽ nói cho anh rõ vì đâu. Một tư tưởng có thể giết một ông công tước, nhưng nó khó lòng giết được những trẻ nhỏ. Đó chính là điều mà anh đã khám phá ra. Như vậy, một vấn đề được đặt ra: nếu tư tưởng không thể khiến ta sát hại trẻ con, thì nó có đáng để ta giết một công tước hay chăng?
Kaliayev phác một cử chỉ.
SKOURATOV: - Ồ! Anh đừng trả lời tôi! Anh sẽ trả lời cho công tước phu nhân.
KALIAYEV: - Bà công tước?
SKOURATOV: - Phải, bà ấy muốn gặp anh. Và tôi đến đây cũng là để xem trước là cuộc nói chuyện có thể có được không. Nó có thể có được. Nó còn có thể làm cho anh thay đổi ý kiến không chừng. Công tước phu nhân là người có đạo. Linh hồn, anh thấy đó, là sở trường của bà ta.
Skouratov cười.
KALIAYEV: - Tôi không muốn gặp bà ta.
SKOURATOV: - Tôi rất tiêc, ý bà ấy muốn vậy. Vả lại dẫu sao anh cũng phải vì nể bà ấy đôi chút chứ. Người ta còn nói sau cái chết của ông chồng, bà ta không còn được tỉnh trí hoàn toàn.
Chúng tôi không muốn làm cho bà phật ý. (Ra tới cửa.) Nếu anh thay đổi ý kiến, anh đừng có quên đề nghị của tôi. Tôi sẽ trở lại. (Một lát. Lắng tai nghe.) Bà ấy kia rồi. Sau cảnh sát, đến tôn giáo! Rõ ràng là người ta cưng chiều anh thật. Nhưng cái gì cũng liên hệ với nhau cả. Hãy tưởng tượng đến Chúa mà không có nhà tù. Cô đơn biết chừng nào!
Skouratov ra. Người ta nghe thấy nhiều tiếng nói và những khẩu lệnh.
Bà công tước vào, đứng bất động và nín lặng.
Cánh cửa mở rộng.
KALIAYEV: - Bà muốn gì?
BÀ CÔNG TƯỚC: để lộ mặt ra - Cậu nhìn đây.
Kaliayev nín lặng.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Rất nhiều thứ chết theo cùng với một người.
KALIAYEV: - Tôi đã biết điều đó.
BÀ CÔNG TƯỚC: với vẻ tự nhiên, nhưng với một giọng nói tiều tuỵ - Những kẻ sát nhân đâu biết tới điều đó. Nếu chúng biết như thế, làm sao chúng còn giết người được?
Im lặng.
KALIAYEV: - Tôi đã trông thấy bà. Giờ đây tôi muốn được yên thân.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Không. Đến lượt tôi cũng phải trông thấy cậu.
Kaliayev lùi lại.
BÀ CÔNG TƯỚC: ngồi xuống, tựa như kiệt sức – Tôi không thể nào sống cô đơn được. Trước đây, nếu tôi đau đớn, nhà tôi có thể trông thấy sự đau đớn của tôi. Lúc đó đau đớn là chuyện dễ chịu. Giờ đây… không, tôi không thể nào sống đơn chiếc được, câm lặng được… Nhưng tôi nói với ai? Những người khác đâu có biết tới. Họ làm ra vẻ buồn rầu. Họ buồn rầu, trong một hai tiếng đồng hồ. Rồi họ đi ăn - rồi ngủ. Nhất là ngủ… Tôi nghĩ là cậu ắt phải giống tôi. Cậu không ngủ được. Tôi chắc chắn như vậy. Và nói với ai về tội ác, nếu không là nói với kẻ sát nhân?
KALIAYEV: - Tội ác nào? Tôi chỉ còn nhớ đến một việc thi hành công lý.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Cũng một giọng đó! Cậu có cùng một giọng nói y hệt ông nhà tôi. Tất cả mọi người đàn ông đều chung một giọng khi nói đến công lý. Ông ấy bảo: “Thế là công bằng!” và người khác phải nín thinh. Có thể là ông ấy đã lầm. Cậu đang lầm…
KALIAYEV: - Ông ây hiện thân của sự bất công tối thượng, nỗi bất công đã làm cho nhân dân Nga rên siết từ bao thế kỷ nay. Làm điều đó, ông đã được hưởng toàn những sự ưu đãi. Dẫu cho tôi có lầm lẫn chăng nữa, nhà tù và cái chết là tiền công của tôi.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Phải, cậu đau khổ. Nhưng nhà tôi, cậu đã giết ông ấy.
KALIAYEV: - Ông ấy chết đột ngột. Một cái chết như vậy không là gì cả.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Không là gì ư? (Giọng thấp hơn.) Thật thế. Người ta đã lôi cậu đi ngay lập tức. Hình như cậu đã diễn thuyết giữa đám cảnh binh. Tôi hiểu. Việc đó có thể giúp ích cậu. Tôi, tôi đến nơi vài giây sau. Tôi đã trông thấy. Tôi đặt lên một cái cáng tất cả những gì mà tôi có thể thu nhặt được. Máu ôi là máu. (Một lát.) Bữa đó tôi mặc áo trắng…
KALIAYEV: - Bà im đi.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Tại sao? Tôi nói ra sự thật. Cậu có biết nhà tôi đã làm gì hai tiếng đồng hồ trước khi chết không? Ông ấy ngủ. Trong một ghế bành, hai chân duỗi lên một cái ghế dựa… như mọi khi. Ông ấy ngủ, còn cậu, cậu đợi chờ ông ấy, trong buổi chiều tàn khốc… (Bà khóc.) Giờ đây cậu hãy giúp tôi.
Kaliayev lùi lại, cứng người.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Cậu còn trẻ. Cậu không thể là người xấu được.
KALIAYEV: - Tôi đã không có thời giờ để trẻ.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Tại sao cậu lại cứng người như vậy? Không khi nào cậu thấy thương xót cho chính cậu à?
KALIAYEV: - Không.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Cậu lầm. Sự xót thương làm cho mình đỡ khổ. Tôi, thì tôi chỉ còn có lòng thương xót cho chính bản thân tôi.(Một lát.) Tôi đau đớn lắm. Đáng lẽ cậu phải giết tôi cùng với ông ấy thay vì tha cho riêng tôi mới phải.
KALIAYEV: - Không phải tôi tha chết cho bà đâu, nhưng là tha cho mấy đứa nhỏ đi cùng ông bà.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Tôi biết. Tôi cũng không yêu thương chúng bao nhiêu. (Một lát.) Chúng là cháu họ về đằng ông công tước. Thế chúng không có tội như bác chúng hay sao?
KALIAYEV: - Không.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Cậu có biết chúng không? Đứa cháu gái tôi có tâm địa xấu. Nó không chịu tự tay đem của bố thí cho người nghèo khổ. Nó sợ phải đụng vào người họ. Như vậy nó không bất công sao? Nó bất công. Ông nhà tôi ít nhất ông ấy còn thương đám dân cày. Ông cụng ly cùng bọn họ. Thế mà cậu đã giết ông ấy. Chắc chắn là cả cậu nữa cũng bất công. Mặt đất thật là hoang vắng.
KALIAYEV: - Bà phí công vô ích. Bà cố gắng làm cho tôi xuống tinh thần và làm tôi thất vọng. Bà sẽ không thành công đâu. Xin để tôi yên.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Thế cậu có muốn cùng tôi cầu nguyện, sám hối… Chúng ta sẽ không còn cô độc nữa.
KALIAYEV: - Bà hãy để mặc tôi sửa soạn đón chờ cái chết. Nếu như tôi không chết, thì chừng đó tôi sẽ trở thành một kẻ sát nhân.
BÀ CÔNG TƯỚC: đứng lên- Chết? Cậu muốn chết à? Không. (Bước tới gần Kaliayev, trong một dáng mất bình tĩnh). Cậu phải sống, và phải ưng thuận trở thành một kẻ sát nhân. Cậu đã không giết ông ấy sao? Chúa sẽ phán quyết cậu.
KALIAYEV: - Chúa nào, Chúa của tôi hay Chúa của bà?
BÀ CÔNG TƯỚC: - Chúa của Hội Thánh.
KALIAYEV: - Hội Thánh chẳng có gì để làm ở đây cả.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Hội Thánh thờ phụng một vị Chúa tể , chính Ngài, đã chịu cảnh ngục tù.
KALIAYEV: - Thời thế đã đổi thay. Và Hội Thánh đã lựa chọn trong di sản của đấng Chúa tể.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Chọn lựa, cậu muốn nói gì?
KALIAYEV: - Hội Thánh đã giữ lấy cho riêng mình cái ơn Thánh sủng và phó mặc cho chúng tôi chăm lo thực thi bác ái.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Chúng tôi, những ai vậy?
KALIAYEV: hét lên - Hết thẩy những ai mà các người đem treo cổ đó.
Im lặng.
BÀ CÔNG TƯỚC: dịu dàng – Tôi không phải là kẻ thù của cậu.
KALIAYEV: với dáng thất vọng – Bà là kẻ thù của tôi, cũng như tất cả những người cùng một dòng dõi, cùng một bè đảng với bà. Có một điều còn hèn mạt hơn là một kẻ sát nhân, đó là bức bách một người phải phạm tội, người đã không sinh ra đời để mà phạm tội. Bà hãy nhìn tôi. Tôi thề với bà là tôi không sinh ra để giết người.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Hãy đừng nói với tôi như nói với quân thù của cậu. Cậu nhìn đây. (Bà đi tới đóng cánh cửa lại.) Tôi xin để tuỳ cậu. (Bà khóc.) Máu chia cách chúng ta. Nhưng cậu có thể gặp lại tôi trong Chúa, ở ngay chính nơi bất hạnh. Ít nữa cậu hãy cầu nguyện cùng tôi.
KALIAYEV: - Tôi từ chối. (Bước lại gần bà công tước.) Tôi chỉ có lòng trắc ẩn đối với bà, thế mà bà vừa xúc động đến tim tôi. Giờ đây bà sẽ hiểu lòng tôi vì tôi không giấu diếm bà điều gì nữa cả. Tôi chẳng còn trông đợi gì về cái hẹn gặp mặt Chúa. Nhưng, chết đi, tôi sẽ giữ đúng cái hẹn tôi đã hẹn với những người mà tôi yêu thương, những người anh em lúc này đây đang nghĩ đến tôi. Cầu nguyện có thể là phản bội họ.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Cậu muốn nói gi?
KALIAYEV: vẻ say sưa – Không gì cả, nếu chẳng phải là tôi sắp được sung sướng. Tôi phải đương đầu với cuộc đấu tranh dài và tôi sẽ cầm cự được. Nhưng khi mà bản án đã tuyên và việc hành quyết đã sẵn sàng, lúc đó, dưới chân đoạn đầu đài, tôi sẽ xây lưng lại bà cùng cái thế gian kinh tởm này và tôi sẽ đi tới mối tình yêu tràn ngập tâm hồn tôi. Bà có hiểu tôi chăng?
BÀ CÔNG TƯỚC: - Không có tình yêu nào xa lìa khỏi Chúa.
KALIAYEV: - Có. Tình yêu cho con người.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Con người thì đê tiện. Còn làm gì khác là huỷ hoại con người hay tha thứ cho nó.
KALIAYEV: - Chết cùng với nó.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Người ta chết một mình. Ông nhà tôi chết một mình.
KALIAYEV: vẻ thất vọng - Chết cùng với nó. Những kẻ đang yêu nhau phải chết cùng nhau nếu họ muốn cùng nhau xum họp lại. Sự bất công chia cách; nỗi tủi nhục, nỗi đớn đau, điều tàn ác mà họ làm cho kẻ khác, tội ác chia cách. Sống là một cực hình bởi vì sống chia cách.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Chúa quy tụ lại.
KALIAYEV: - Không phải trên mặt đất này. Mà các hò hẹn của tôi lại ở trên mặt đất này.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Đó là những cuộc hẹn hò của lũ chó. Mũi gầm xuống đất, luôn luôn đánh hơi, mãi mãi thất vọng.
KALIAYEV: quay nhìn ra cửa sổ - Gần đây thôi, tôi sẽ biết điều bà vừa nói đó. (Một lát sau.) Nhưng có thể nào, ngay từ bây giờ, người ta hình dung ra hai kẻ từ khước mọi niềm hoan lạc, yêu thương nhau trong sự khổ đau lại không thể định lấy một cuộc hẹn hò nào khác với cuộc hẹn hò của khổ đau sao? (Kaliayev nhìn bà công tước.) Có thể nào người ta tưởng tượng rằng cũng một sợi dây thừng đó lại không phối hợp hai kẻ đó lại được hay sao?
BÀ CÔNG TƯỚC: - Tình yêu nào mà kinh khủng như vậy?
KALIAYEV: - Bà và những người như bà chẳng bao giờ cho phép chúng tôi yêu nhau cách khác.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Tôi cũng yêu thương người mà cậu đã giết.
KALIAYEV: - Tôi hiểu điều đó. Vì thế mà tôi tha thứ cho sự tàn ác mà bà và các người như bà đã đối xử với tôi. (Một lát.) Bây giờ, bà hãy để tôi yên.
BẦ CÔNG TƯỚC: đứng lên- Tôi sẽ để cậu yên. Nhưng tôi đến đây là để dẫn dắt cậu trở về với Chúa, bây giờ tôi biết vậy. Cậu chỉ muốn tự phán xét và tự cứu rỗi lấy mình. Cậu không thể làm được việc đó. Chúa thì có thể làm được, nếu như cậu sống. Tôi sẽ xin ân xá cho cậu.
KALIAYEV: - Tôi van bà, bà đừng làm thế. Bà hãy để cho tôi được chết, nếu không tôi sẽ oán ghét bà đến chết.
BÀ CÔNG TƯỚC: - Tôi sẽ xin ân xá cho cậu, với người và nơi Chúa.
KALIAYEV: - Không, không, tôi cấm bà làm như thế.
Kaliayev chạy tới cửa để bất chợt gặp lại Skouratov nơi đó. Kaliayev lùi lại phía sau, nhắm mắt lại. Im lặng. Kaliayev lại mở mắt ra nhìn Skouratov.
KALIAYEV: - Tôi đang cần ông.
SKOURATOV: - Anh thấy rõ là tôi hài lòng. Chi vậy?
KALIAYEV: - Tôi thấy lại cần phải khinh bỉ.
SKOURATOV: - Đáng tiếc! Tôi tới để đợi anh trả lời đề nghị của tôi.
KALIAYEV: - Bây giờ ông có rồi đó.
SKOURATOV: đổi giọng – Chưa, tôi chưa nhận được câu trả lời. Anh hãy nghe cho rõ. Tôi đã làm cho cuộc gặp mặt giữa anh và bà công tước được dễ dàng để ngày mai có thể đăng tin này lên trên các báo. Bài tường thuật sẽ thật chính xác, ngoại trừ một điểm. Bài đó sẽ ghi chép lời thú nhận ăn năn bối cảnh của anh. Các bạn anh sẽ nghĩ là anh đã phản bội họ.
KALIAYEV: điềm tĩnh - Họ sẽ không tin đâu.
SKOURATOV: - Tôi sẽ chỉ ngưng không cho bài báo đó nếu anh chịu thú tội. Anh còn có một đêm để quyết định.
Skouratov leo trở lên phía cửa.
KALIAYEV: lớn tiếng hơn - Họ sẽ không tin bài báo đó đâu.
SKOURATOV: quay lại - Tại sao? Họ không phạm tội bao giờ sao?
KALIAYEV: - Ông không biết lòng thương yêu của họ.
SKOURATOV: - Không. Nhưng tôi biết người ta không thể tin cậy ở tình huynh đệ trong suốt một đêm dài, mà không có lấy một phút nản lòng. Tôi chờ đợi phút yếu đuối đó. (Skouratov khép cánh cửa phía sau lưng lại.) Anh đừng hấp tấp. Tôi là người kiên nhẫn.
Hai người vẫn còn đối diện.
MÀN NĂM
Trong một căn nhà khác, nhưng cùng một kiểu kiến trúc.
Một tuần lễ sau. Ban đêm.
Im lặng. Dora đi đi lại lại.
ANNENKOV: - Cô đi ngủ đi, Dora.
DORA: - Tôi lạnh.
ANNENKOV: - Cô lại nằm xuống đây. Lấy chăn mà đắp.
DORA: vẫn đi – Đêm thì dài. Tôi thấy lạnh quá, anh Boria.
Có tiếng gõ cửa. Một tiếng, rồi hai tiếng.
Annenkov bước ra mở cửa. Stepan và Voinov cùng vào, Voinov bước lại gần Dora và ôm hôn nàng. Dora ghì chặt Voinov vào sát người nàng.
DORA: - Alexis!
STEPAN: - Orlov bảo có thể là đêm nay đấy. Tất cả các hạ sĩ quan không bị trực cũng được triệu tập. Vì vậy mà Orlov cũng sẽ có mặt.
ANNENKOV: - Anh gặp Orlov ở đâu?
STEPAN: - Anh ta sẽ đợi chúng tôi, Voinov và tôi, tại tiệm ăn đường Sophiaskaia.
DORA: đã ngồi xuống, dáng mệt mỏi – Đêm nay đấy, Boris ạ.
ANNENKOV: - Chưa có gì là tuyệt vọng, còn tuỳ quyết định của Nga hoàng.
STEPAN: - Quyết định tuỳ thuộc ở Nga hoàng nếu như Yanek đã cầu xin ân xá.
DORA: - Yanek đã không xin ân xá.
STEPAN: - Thế tại sao anh ấy lại gặp bà công tước nếu không phải là để xin được ân xá? Bà ấy đã cho nói cùng khắp mọi nơi là anh ấy đã hối lỗi. Làm thế nào mà biết được sự thật?
DORA: - Chúng ta biết anh ấy đã nói gì trước Toà và những gì anh ấy đã viết cho chúng ta. Yanek há chẳng đã nói là anh hối tiếc vì chỉ có mỗi một mạng sống để ném lên cái chính quyền độc tài chuyên chế như một lời thách đố? Người ta nói ra điều đó có thể nào van xin ân xá, có thể nào hối lỗi được không? Không, người đó đã muốn, người đó đang muốn được chết. Cái gì người đó đã làm sẽ không bị chối bỏ đâu.
STEPAN: - Anh ấy đã lầm khi tiếp bà công tước.
DORA: - Chỉ có anh ấy có quyền phán xét hành động đó thôi.
STEPAN: - Theo kỷ luật của chúng ta, anh ấy không được gặp bà ấy.
DORA: - Kỷ luật của chúng ta là giết, không là gì hơn nữa. Giờ đây anh ấy tự do, bây giờ mới được tự do.
STEPAN: - Chưa đâu.
DORA: - Anh ấy được tự do. Anh ấy có quyền làm những gì mà anh ấy muốn, vào lúc gần chết. Bởi vì anh ấy sắp chết, các bạn hãy lấy thế làm vừa lòng.
ANNENKOV: - Dora!
DORA: - Thật đấy. Nếu anh ấy được ân xá, còn thắng lợi nào hơn. Phải chăng việc đó sẽ là bằng cớ chứng tỏ rằng bà công tước đã nói thật, rằng anh ấy đã ăn năn và rằng anh ấy đã phản bội! Trái lại, nếu anh ấy chết, các anh sẽ tin anh ấy và các anh sẽ còn có thể quý yêu anh ấy. (Ngước nhìn mọi người.) Tình yêu của các anh khó thật.
VOINOV: bước lại gần Dora – Không, Dora. Không bao giờ chúng tôi ngờ vực anh ấy cả.
DORA: đi đi lại lại - Phải… Có lẽ… Các anh hãy tha lỗi cho tôi… nhưng nghĩ cho cùng, cần quái gì! Chúng ta sẽ được biết, đêm nay… A! Tội nghiệp cho Alexis, anh còn trở lại đây làm gì?
VOINOV: - Để thay thế anh ấy. Tôi đã khóc, tôi đã hãnh diện khi đọc lời biện thuyết của anh ấy trước toà. Khi tôi đọc: “Cái chết là sự phản kháng tối thượng của tôi chống đối một thế giới bằng máu và nước mắt…” tôi thấy người tôi run lên.
DORA: - Một thế giới bằng máu và nước mắt… anh ấy đã nói như vậy, là đúng đấy.
VOINOV: - Anh ấy đã nói vậy… Chà, thật cam đảm biết bao, Dora nhỉ! Rồi tới đoạn cuối, trong tiếng kêu lớn của anh: “ Nếu tôi xứng đáng với sự phản kháng của con người chống đối bạo lực, thì cái chết hãy hoàn tất cho công nghiệp của tôi bằng sự thanh khiết của tư tưởng.” Tôi quyết định đến đây ngay lúc đó.
DORA: dấu mặt trong hai bàn tay - Thật vậy, anh ấy đã ước muốn sự thanh khiết. Nhưng sự hoàn tất mà anh ấy nói đó mới cay đắng làm sao!
VOINOV: - Chị đừng khóc, Dora. Yanek đã yêu cầu đừng ai khóc than cái chết của anh. Ồ, giờ đây tôi thật hiểu rõ anh ấy. Tôi không thể nào ngờ vực anh ấy. Tôi đau khổ vì tôi đã đớn hèn. Vả lại, tôi đã ném trái bom ở Tìlis. Giờ đây tôi đâu có khác gì Yanek. Khi tôi hay tin anh ấy bị kết án, tôi chỉ có một ý muốn: thay chỗ Yanek bởi vì tôi đã không thể sát cánh bên anh.
DORA: - Có ai thay thế được anh ấy chiều nay! Anh ấy sẽ trơ trọi một mình, Alexis ạ.
VOINOV: - Chúng ta phải nâng đỡ anh ấy bằng lòng kiêu hãnh của chúng ta, cũng như anh ấy nâng đỡ chúng ta bằng gương sáng của anh. Chị đừng khóc.
DORA: - Nhìn đây. Mắt tôi khô mà. Nhưng kiêu hãnh, ồ, không, sẽ chẳng bao giờ tôi còn có thể kiêu hãnh được nữa!
STEPAN: - Dora, chị đừng coi tôi là người xấu. Tôi mong ước Yanek được sống. Chúng ta cần tới những người như anh ấy.
DORA: - Anh ấy thì lại không mong được sống. Và chúng ta phải mong ước cho anh ấy chết đi.
ANNENKOV: - Cô điên rồi.
DORA: - Chúng ta phải mong ước như vậy. Tôi hiểu lòng anh ấy. Có như vậy anh ấy mới được yên ổn. Ồ phải, anh ấy phải chết! (Giọng thấp hơn.) Nhưng hãy chết cho mau.
STEPAN: - Tôi đi đây, Boria. Đi nào, Alexis, Orlov đang đợi chúng ta.
ANNENKOV: - Đồng ý, và hãy mau mau mà trở về.
Stepan và Voinov bước ra cửa. Stepan liếc nhìn về phía Dora.
STEPAN: - Rồi chúng mình sẽ biết. Anh hãy săn sóc cô ấy.
Dora đứng bên cửa sổ. Annenkov nhìn nàng.
DORA: - Chết! Trụ thắt cổ! Lại chết nữa! A! Boria!
ANNENKOV: - Đúng thế, cô em nhỏ bé của tôi. Nhưng không có giải pháp nào khác cả.
DORA: - Anh đừng nói thế. Nếu giải pháp duy nhất là cái chết thì chúng mình không đúng đường rồi. Con đường đúng là con đường dẫn tới sự sống, tới ánh mặt trời. Người ta không thể cứ bị lạnh hoài…
ANNENKOV: - Con đường đó cũng đưa tới sự sống. Tới sự sống cho những người khác. Nước Nga sẽ trường tồn, con cháu chúng ta sẽ được sống. Cô hãy nhớ lại lời Yanek từng nói: “Nước Nga sẽ huy hoàng.”
DORA: - Những người khác, con cháu chúng ta… Vâng. Nhưng Yanek thì ở trong tù và sợi thừng treo cổ thì buốt lạnh. Anh ấy sắp chết. Có thể anh ấy đã chết rồi để cho người khác được sống. A! Boria, và nếu người khác lại không sống thì sao? Và nếu như anh ấy chết uổng?
ANNENKOV: - Cô im đi.
Im lặng
DORA: - Sao mà lạnh quá. Ấy là đang mùa Xuân đấy. Có nhiều cây trong sân nhà tù, tôi biết thế. Anh ấy chắc phải trông thấy những hàng cây?
ANNENKOV: - Hãy chờ xem sao. Cô đừng run lên như thế.
DORA: - Tôi lạnh tới mức có cảm tưởng là đã chết rồi. (Một lát.) Những cái đó làm mình già đi mau quá. Boria ạ, chẳng bao giờ mình có thể là những trẻ thơ được nữa. Với vụ giết người thứ nhất, tuổi thơ vội bay đi. Tôi ném trái bom và trong một giây đồng hồ, anh thấy chứ, trọn vẹn một cuộc đời sụp đổ. Phải, kể từ nay mình có thể chết được rồi. Chúng ta đã thành nhân.
ANNENKOV: - Nếu vậy chúng ta sẽ chết trong khi tranh đấu, cũng như mọi người.
DORA: - Các anh đã đi nhanh quá. Các anh chẳng còn là người nữa.
ANNENKOV: - Sự cùng khổ và cơ cực cũng đi nhanh như thế. Chẳng thể nào có chỗ lòng kiên nhẫn và sự trưởng thành trong cõi đời này. Nước Nga đang hối hả.
DORA: - Tôi biết. Chúng ta rước vào mình nỗi khổ cực, nỗi khốn cùng của đời này. Cả anh ấy nữa, anh ấy cũng đã rước nó vào mình. Can đảm biết chừng nào! Nhưng đôi lúc tôi tự nhủ đó là một niềm kiêu hãnh sẽ bị trừng phạt.
ANNENKOV: - Đó là một niềm kiêu hãnh mà chúng ta phải trả bằng mạng sống. Không ai có thể đi xa hơn được. Đó là một niềm kiêu hãnh mà chúng ta có quyền được có.
DORA: - Có chắc là sẽ không có ai đi xa được hơn không? Đôi lúc, nghe Stepan nói mà tôi bắt sợ. Có thể sẽ có những kẻ khác sẽ đến, những kẻ sẽ nhân danh chúng ta mà tự cho phép họ được nhúng tay vào máu và những kẻ đó sẽ không phải trả bằng mạng sống của họ.
ANNENKOV: - Như vậy là hèn nhát đó, Dora.
DORA: - Biết đâu? Đó có thể là công lý. Và như vậy sẽ chẳng còn ai dám nhìn vào mặt nó.
ANNENKOV: - Dora!
Dora nín thinh.
ANNENKOV: - Thế cô nghi ngờ sao? Tôi không nhận ra cô nữa đấy.
DORA: - Tôi lạnh. Tôi nghĩ đến anh ấy lúc này đang phải ráng kìm giữ cho đừng run lên để khỏi tỏ ra là mình sợ hãi.
ANNENKOV: - Cô không đồng lòng với chúng tôi nữa sao?
DORA: gục vào người Annenkov - Ồ, Boria, tôi đồng lòng với các anh. Tôi sẽ đi đến tận cùng. Tôi thù hận độc tài và tôi biết là chúng ta có thể làm được khác hơn. Nhưng tôi đã lựa chọn con đường tranh đấu với tấm lòng hân hoan và tôi theo đuổi nó với một tấm lòng buồn bã. Sự khác biệt là ở đó. Chúng ta là những tù nhân.
ANNENKOV: - Cả nước Nga này bị nhốt trong tù. Chúng ta sẽ phá tan các bức tường của nhà tù đó ra từng mảnh vụn.
DORA: - Hãy giao cho tôi trái bom để liệng và rồi anh sẽ biết. Tôi sẽ bước đi giữa lò lửa đỏ mà chân vẫn đi những bước nhịp đều. Thật là dễ, chết vì các mâu thuẫn thật trăm ngàn lần dễ hơn là sống với các mâu thuẫn đó. Anh có yêu, anh có từng yêu lần nào chưa, Boria?
ANNENKOV: - Tôi đã yêu, nhưng quá lâu rồi nên tôi không còn nhớ nữa.
DORA: - Đã bao lâu rồi?
ANNENKOV: - Bốn năm.
DORA: - Anh điều khiển Tổ chức đã mấy năm rồi?
ANNENKOV: - Bốn năm. (Một lát.) Giờ đây, thì tôi yêu Tổ chức.
DORA: bước lại gần cửa sổ - Yêu, phải, nhưng được yêu!... Không, phải bước tới. Ta muốn dừng lại, Bước tới! Bước tới! Ta muốn dang hai tay ra và buông thả thân mình. Nhưng nỗi bất công bẩn thỉu dính chặt vào mình như là thứ nhựa bẫy chim. Bước tới! Thế là chúng ta bị buộc phải cao thượng hơn bản chất của chính chúng ta. Những con người, những khuôn mặt, đó là những cái mà ta ao ước được yêu. Tình yêu thay vì công lý! Không, phải bước tới. Bước tới, Dora! Bước tới, Yanek! (Khóc.) Nhưng với Yanek, cái đích đã gần kề.
ANNENKOV: ôm lấy Dora trong vòng tay – Anh ấy sẽ được ân xá.
DORA: ngước nhìn Annenkov – Anh dư biết là không. Anh dư biết là không nên như vậy.
Annenkov quay nhìn chỗ khác.
DORA: - Có lẽ giờ đây anh ấy đã ra ngoài sân. Tất cả đất trời bỗng nhiên im lặng. Boria, anh có biết họ treo cổ người ta ghê gớm như thế nào không?
ANNENKOV: - Ở đầu một sợi dây thừng. Thôi đi, Dora!
DORA: như không nghe lời Annenkov – Tên đao phủ nhẩy chồm lên vai. Cái cổ gãy gục. Có ghê gớm không?
ANNENKOV: - Có. Theo một phương diện. Hiểu theo phương diện khác, đó là hạnh phúc.
DORA: - Hạnh phúc?
ANNENKOV: - Cảm thấy bàn tay một người trước khi chết
Dora buông mình rơi xuống một cái ghế bành. Im lặng.
ANNENKOV: - Dora, rồi đây mình sẽ phải đi. Chúng ta cần nghỉ ngơi đôi chút.
DORA: ngỡ ngàng- Đi? Với ai?
ANNENKOV: - Với tôi, Dora.
DORA: nhìn Annenkov – Đi! (Nàng quay nhìn ra cửa sổ.) Bình minh rồi đó. Yanek giờ đã chểt rồi, tôi dám chắc như vậy.
ANNENKOV: - Tôi là anh của Dora.
DORA: - Phải, anh là anh của tôi, và tất cả các anh đều là những người anh mà tôi quý mến. (Người ta nghe thấy tiếng mưa rơi. Trời rạng sang. Dora thấp giọng nói.) Ngay cái tình huynh đệ đôi lúc mới cay đắng làm sao!
Có tiếng gõ cửa. Voinov và Stepan vào. Tất cả đều đứng im. Dora lảo đảo nhưng cố trấn tĩnh với một vẻ gắng gượng rõ rệt.
STEPAN: thấp giọng – Yanek đã không phản bội.
ANNENKOV: - Orlov được thấy chứ?
STEPAN: - Phải.
DORA: vững vàng bước tới – Anh ngồi xuống. Kể đi.
STEPAN: - Để làm gì?
DORA: - Hãy kể lại tường tận. Tôi có quyền được biết. Tôi đòi hỏi anh phải kể lại. Rõ từng chi tiết.
STEPAN: - Tôi cũng không rõ nữa. Vả lại, bây giờ, mình phải đi thôi.
DORA: - Không, anh phải kể lại. Người ta báo cho anh ấy biết trước hồi nào?
STEPAN: - Lúc mười giờ tối.
DORA: - Người ta treo cổ anh ấy hồi mấy giờ?
STEPAN: - Lúc hai giờ sáng.
DORA: - Và trong suốt bốn tiếng đồng hồ, anh ấy đã chờ đợi sao?
STEPAN: - Phải, không nói một lời nào. Thế rồi mọi việc xẩy ra rất nhanh. Bây giờ thì xong cả rồi.
DORA: - Bốn giờ liền không nói lấy một tiếng? Khoan đã. Anh ấy ăn mặc ra sao? Anh ấy có mặc áo choàng không?
STEPAN: - Không. Anh ấy mặc toàn đồ đen, không khoác áo choàng ngoài. Và anh ấy đội một chiếc mũ nỉ đen.
DORA: - Thời tiết lúc đó ra sao?
STEPAN: - Đêm tối đen. Nền tuyết thì bẩn. Vả lại, mưa đã biến nền tuyết thành bùn lầy dẻo quánh.
DORA: - Anh ấy có run không?
STEPAN: - Không.
DORA: - Orlov có bắt gặp tia nhìn của anh ấy không?
STEPAN: - Không.
DORA: - Vậy mắt anh ấy nhìn cái gì?
STEPAN: - Orlov bảo là anh ấy nhìn tất cả mọi người mà như không trông thấy gì cả.
DORA: - Thế rồi, thế rồi?
STEPAN: - Thôi mà, Dora.
DORA: - Không, tôi muốn biết. Ít ra cái chết của anh ấy cũng thuộc về tôi.
STEPAN: - Người ta đọc cho anh ấy nghe bản án.
DORA: - Trong lúc đó, anh ấy làm gì?
STEPAN: - Chẳng làm gì cả. Chỉ có một lần, anh ấy đã lắc lắc cái chân để vẩy một chút bùn dính vào giầy.
DORA: úp mặt vào hai bàn tay - Một chút bùn nhơ!
ANNENKOV: đột ngột – Sao anh biết rõ điều đó?
Stepan nín thinh.
ANNENKOV: - Anh đã dò hỏi Orlov tất cả phải không? Tại sao?
STEPAN: quay mắt nhìn sang nơi khác - Giữa Yanek và tôi có một cái gì.
ANNENKOV: - Cái gi?
STEPAN: - Tôi thèm khát đựoc như anh ấy.
DORA: - Rồi sao, Stepan, rồi sao nữa?
STEPAN: - Linh mục Florenski bước tới đưa cây Thánh giá ra trước mặt anh ấy. Anh ấy đã từ chối không hôn Thánh giá. Và anh ấy đã tuyên bố: “Tôi đã từng nói với cha rằng tôi đã hết mắc míu với cái sống và tôi sòng phẳng với cái chết.”
DORA: - Giọng anh ấy ra sao?
STEPAN: - Y hệt giọng nói thường ngày. Bớt đi cái vẻ say sưa và nôn nóng mà chị đã biết.
DORA: - Anh ấy có lộ vẻ sung sướng không?
ANNENKOV: - Cô điên à?
DORA: - Có, có, tôi chắc thế, anh ấy đã lộ vẻ sung sướng. Bởi vì thật quá bất công khi đã từ chối sự sung sướng trong cuộc sống để dễ sửa soạn hi sinh đời minh, mà anh ấy lại không được hưởng sự sung sướng cùng lúc với cái chết. Anh ấy đã sung sướng và anh ấy đã bình thản bước tới trụ thắt cổ, có phải vậy không?
STEPAN: - Anh ấy bước tới. Phía dưới, có tiếng hát trên sông, cùng tiếng đàn phong cầm. Lúc đó có tiếng chó sủa.
DORA: - Đúng lúc đó anh ấy đã bước lên…
STEPAN: - Anh ấy bước lên. Anh ấy đã đi sâu vào đêm tối. Người ta chỉ mơ hồ trông thấy tấm vải liệm mà tên đao phủ đã bọc kín lấy người anh.
DORA: - Thế rồi, thế rồi…
STEPAN: - Những tiếng động lịch kịch.
DORA: - Những tiếng động lịch kịch. Yanek ơi! Rồi sao nữa…
Stepan nín thinh.
DORA: giận dữ - Tôi hỏi anh, sao nữa. (Stepan vẫn lặng thinh.) Nói đi, Alexis. Rồi sao nữa?
VOINOV:- Một tiếng động kinh hoàng.
DORA: - A… a… (Nàng lao mình vào bức tường.)
Stepan quay đầu sang phía khác. Annenkov, vẻ mặt không một biểu hiện tình cảm, khóc.
Dora quay lại, nhìn mọi người, lưng dựa vào tường.
DORA: giọng nói khác hẳn, lạc lõng – Các anh đừng khóc. Không, không, các anh đừng khóc! Các anh thấy rõ đây là ngày vinh hiển. Một cái gì đang dâng lên trong giờ phút này, cái gì đó là chứng tích của chúng ta, những người đã vùng lên phản kháng: Yanek không còn là một kẻ sát nhân. Một tiếng động kinh hoàng. Chỉ cần một tiếng động kinh hoàng và thế là anh ấy đã được trở về với niềm vui tuổi thơ. Các anh có còn nhớ tiếng cười của anh ấy hay không? Đôi lúc anh ấy cười lên vô cớ. Anh ấy trẻ trung biết bao! Giờ đây hẳn anh ấy đang cười. Anh ấy hẳn đang cười, mặt gục xuống nền đất.
Nàng đi lại gần Annenkov.
DORA: - Boria, anh là anh của tôi phải không? Anh đã bảo là anh sẽ giúp tôi phải không?
ANNENKOV: - Phải.
DORA: - Vậy thì anh hãy giúp tôi điều này. Hãy giao cho tôi trái bom.
Annenkov nhìn nàng.
DORA: - Phải, lần tới đây. Tôi muốn được ném bom. Tôi muốn là người đầu tiên được ném bom.
ANNENKOV: - Cô cũng rõ là chúng tôi không muốn có mặt đàn bà trên hàng tiền đạo.
DORA: hét lên - Giờ đây, tôi có còn là đàn bà nữa không?
Mọi người đều nhìn nàng. Im lặng
VOINOV: giọng dịu dàng - Nhận đi, Boria.
STEPAN: - Phải đấy, nhận đi.
ANNENKOV: - Đến lượt anh mà, Stepan.
STEPAN: nhìn Dora – Anh chấp thuận đi. Giờ đây, chị ấy cũng như tôi.
DORA: - Anh sẽ giao bom cho tôi, đồng ý chứ? Tôi sẽ ném bom. Và sau đó, một đêm lạnh lẽo…
ANNENKOV: - Đồng ý, Dora.
DORA: khóc – Yanek ơi! Một đêm lạnh lẽo, và cũng sợi dây thừng treo cổ đó! Bây giờ, tất cả đều sẽ dễ dàng hơn.
-- Hết --
[1] Trong nguyên tác: le grand-due. Quận-công Serge thuộc hàng cao nhất của tước "công". Có nơi dịch grand-due là thượng-công. Tôi dịch đơn giản là quận-công hoặc công-tước.
[2] Pierre ler le Grand,1672-1725, Nga-hoàng. Saint-Pétesbourg, tên cũ của thành Petrograd, nay đổi thành Léningrad.
[3] touloupe, loại áo da cừu lật trái của nông-dân Nga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét