Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Hoạ sĩ Nga Isaac Levitan (1860-1900)

“Nếu cuộc đời này có phụ bạc anh thì anh vẫn còn một cuộc đời khác, một cuộc đời mà trong đó anh không cần phải tỏ tình với ai, không sợ bị ai từ chối, một cuộc đời tự anh xây lên cho mình bằng đam mê, bằng lao động không ngừng – cuộc đời đó là nghệ thuật” – Veresaev.
Đoạn trích trên từ một tiểu thuyết dường như viết về Levitan. Đẹp trai, nhạy cảm và trầm tĩnh nhưng suốt 40 năm cuộc đời của mình, ông luôn là kẻ cô đơn, cô đơn trong tình yêu, trong cuộc sống và trong chính cả tranh của ông nữa.
Levitan sinh năm 1860 trong một gia đình trí thức nghèo gốc Do thái ở thành phố nhỏ Kibarty, Lithuania. Từ 1873 đến 1885 anh theo học tại trường Hội họa, Điêu khắc và Kiến trúc Moskva [1] dưới sự dẫn dắt của các danh họa Nga Savrasov và Polenov. Mười tám tuổi anh đã đoạt được những giải thưởng lớn của quốc gia về mỹ thuật.
Ngày thu. Sokolniki  1879
Một ngày thu. Sokolniki (1879)
Levitan sớm bộc lộ sự cô đơn của mình trong tranh. Khi nhà sưu tập tranh nổi tiếng Tretyakov ngắm khá lâu và quyết định mua bức Một ngày thu. Sokolniki người ta bắt đầu biết đến chàng sinh viên trẻ Levitan. Con đường mùa thu trong công viên, lá vàng cô đơn càng cô đơn hơn với một bóng thiếu nữ lẻ loi bên đường, bộ trang phục màu đen của nàng càng dậy thêm nỗi buồn.
Rừng bạch dương 1889
Rừng bạch dương (1885)
Tranh Levitan buồn nhưng màu sắc vẫn tươi sáng rực rỡ, bạn đã bao giờ thấy lá hát, thấy nắng reo múa trên cây và cảm giác yên tĩnh bất ngờ của rừng trưa? Đó là những gì tôi cảm nhận từ bức Rừng bạch dương của ông, đây cũng là một bức tranh tôi rất thích của Levitan. 
Sau cơn mưa, (1889)
Sau cơn mưa (1889)
Sau cơn mưa là một trong những bức tranh tôi rất thích của Levitan, ai có thể vẽ mặt nước tuyệt vời hơn ông đã vẽ trong bức tranh này. Bến nhỏ sau cơn mưa sáng rõ với mặt nước … tuyệt vời. Còn nhớ có một lần tôi đọc người ta viết về tranh của Levitan thế này: “trong một cuộc triển lãm, ông vẽ những bông hoa súng trong cái lọ sành mộc mạc, những cánh hoa căng mọng nước tràn trề sức sống, sống động đến nỗi một khán giả đã lại gần sờ vào bức tranh để xem nó là thật hay giả” – nói như vậy quả là không quá, nó hoàn toàn trùng khớp với cảm giác của tôi khi tôi xem bức Sau cơn mưa.
Sau này chính vì nguồn gốc Do thái mà ông bị Nga hoàng trục xuất khỏi thủ đô dù tài năng của ông đã nổi danh trong cả nước và bản thân Nga hoàng rất mến mộ ông. Một bức tranh khá nổi tiếng của Levitan đã mang lại giải thưởng cho ông trong thời gian này. Nó càng thể hiện rõ sự cô đơn của ông trong cuộc sống.
Buổi chiều, Plyos vàng, 1889
Buổi chiều Plese vàng (1889)
Buổi chiều Plese vàng là một bức tranh ấn tượng trong trí nhớ của tôi, Levitan yêu thích hoạ sĩ phong cảnh Pháp Corot, nhưng với tôi ông là hoạ sĩ phong cảnh vĩ đại nhất. Ông được đánh giá là hoạ sĩ diễn tả bầu trời, không khí và tâm hồn Nga sâu sắc nhất. 
Qua vực nước sâu, 1892
Nước sâu (1892)
Từ 1892 tới 1895 Levitan đi dọc theo con sông dài Volga và vẽ được nhiều bức tranh phong cảnh đẹp của miền này. Có thể nói tranh của Levitan thẫm đẫm cảnh vật và con người Nga, tranh của ông Nga hơn bất kỳ một hoạ sĩ Nga nào khác nhưng nỗi cô đơn làm tranh ông thường vắng bóng người. 
Vladimirka, 1892
Đường Vladimirka (1892)
Vắng và vắng, đó là nỗi cô đơn luôn luôn mênh mang trong tranh của Levitan. Đường Vladimirka nhìn đã thấy mênh mang và buồn khôn tả, cả con đường rộng thênh thang, bầu trời mênh mang, mây xa tắp, đường chân trời nơi cuối đường, nó quá rộng, chỉ có một bóng áo đen của góa phụ côi cút trên đường – chỉ là cô đơn trong tranh ông. Vladimirka là con đường dẫn giải các tù nhân đi chôn vùi cuộc đời mình ở Sibêri giá lạnh, trong những lớp bụi đường kia như còn nghe tiếng xiềng xích va vào nhau.
Levitan dành được rất nhiều giải thưởng trong cuộc đời của mình, nhưng không tạo ra một trường phái nào cả. Về cuối đời Levitan càng u trầm hơn, sự hiểu nhẩm với người bạn thân nhất là nhà văn Sê-khốp đã khiến ông càng trầm lặng và buồn phiền.
Trên sự yên tĩnh vĩnh Hằng  1894
Sự yên tĩnh vĩnh hằng (1893)
Thêm một nỗi buồn nữa: Sự yên tĩnh vĩnh hằng, nơi ngọn đồi rộng bao la giao hòa trời đất. Levitan là bậc thầy trong diễn tả không gian, chỉ một khuôn vải mà trải ra mênh mang cả trời, cả nước, cả đất, cả mây – ông đặt tên bức tranh này là Sự yên tĩnh vĩnh hằng quả không sai. Trên ngọn đồi cô đơn nóc nhà thờ cổ ẩn mình dưới tán cây, ngọn lửa nhỏ vẫn lặng lẽ sáng trong ô cửa nhỏ, bên cạnh dãy nghĩa địa xiêu vẹo những cây thánh giá. Tôi thực sự ngưỡng mộ cách mô tả không gian tuyệt vời trong bức tranh này.
Tháng Ba, 1895
Tháng ba (1895)
Tranh của ông tươi mới, giản dị mà đẹp mộc mạc như những làng quê và bầu trời mênh mang của nước Nga vậy. Cảm giác như tuyết trong bức tranh Tháng 3 đang lắc rắc tan dưới vó con ngựa buộc trước hiên nhà.
Mùa xuân, con nước, 1896-1897
Nước mùa xuân
Rồi mặt nước mùa xuân không một chút xao động.
Mùa thu vàng, 1889
Mùa thu vàng (1895)
Bầu trời mùa thu trong trẻo, rừng bạch dương vàng rực trong nắng chiều, xa xa một cây bạch dương cô đơn soi bóng xuống dòng sông yên ả, mùa thu đang đến, một mùa thu rất Nga – đó là bức tranh nổi tiếng nhất của Levitan: Mùa thu vàng.
Yên tĩnh, 1898
Yên tĩnh, 1898
Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi và cô đơn của mình, Levitan đã vẽ lên rất nhiều tuyệt tác u buồn, những bức tranh u buồn nhưng lóe sáng.
Hồ, 1900
Hồ, 1900
Levitan trút hơi thở cuối cùng vì bệnh lao phổi vào một ngày nắng đẹp, khi trong vườn hoa tử đinh hương đang tỏa hương ngào ngạt và trên giá vẽ của hoạ sĩ là một bức tranh rất rực rỡ, tươi sáng mang tên Hồ.

Không có nhận xét nào: