Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Cái Trống Thiếc

clip_image002 

Nguyên tác: Die Blechtrommel

Tác giả: Günter Grass

                                                                                  Người dịch: Dương Tường

                                             GUNTER GRASS

                                            CÁI TRỐNG THIẾC

                                                   Quyển I

CÁI VÁY ỤP

Ờ phải: tôi đang nội trú ở một bệnh viện tâm thần. Tay y tá để mắt theo dõi tôi; có một lỗ nhòm ở cánh cửa và mắt của tay y tá lại mầu nâu không thể điện quang được tôi bởi vì mắt tôi màu xanh lơ.

Vậy thì người canh giữ tôi không thể là kẻ thù của tôi. Tôi đã thấy mên mến anh ta. Khi tay gián điệp rình sau cánh cửa ấy bước vào phòng tôi, tôi thường kể cho anh ta nghe vài mẩu đời tôi để anh ta hiểu tôi bất chấp cái lỗ nhòm. Anh chàng tốt bụng có vẻ khoái những chuyện tôi kể, vì tôi vừa cho anh ta nuốt chửng một chuyện khá hoang đường thì anh đã khoe ngay một kiểu nút dây do anh mới sáng tác để tự giới thiệu mình. Anh ta có phải là một nghệ sĩ hay không, cái đó còn phải xem đã. Tuy nhiên, các tác phẩm của anh ta, nếu đem triển lãm, chắc sẽ được báo chí hoan nghênh: thậm chí, có thể còn có một số người mua là đằng khác. Anh ta thắt nút những sợi dây tạp nhạp được gom nhặt và gỡ rối sau các buổi người nhà vào thăm bệnh nhân; anh ta bện chúng thành những vật còi cọc phức tạp, giâm vào thạch cao, để cho chúng cứng lại và lấy những kim đan cắm chúng lên những cái đế gỗ nhỏ.

Anh ta luôn ve vuốt ý nghĩ tô màu cho những tác phẩm của mình. Tôi ráng khuyên anh đừng có làm thế; tôi nêu cái giường kim loại láng trắng của tôi làm ví dụ so sánh và đề nghị anh thử tưởng tượng cái giường đó bị đem sơn lại lòe loẹt. Khiếp đảm, anh ta giơ hai bàn tay y tá của mình lên chắp vào nhau trên đầu, cố bắt bộ mặt đơ đơ của mình biểu lộ tất cả các vẻ kinh hãi rồi từ bỏ dự định tô màu nọ.

Thế là cái giường kim loại của tôi thành một vế so sánh. Đối với tôi, nó còn hơn thế nữa: cái giường của tôi, đó là mục tiêu, rốt cuộc, đã đạt, là niềm an ủi của tôi, và đó có thể là tôn giáo của tôi nếu như ban quản trị bệnh viện chấp nhận cho sửa đổi đôi chỗ: tôi muốn nâng cn song sắt lên để trốn mọi tiếp xúc.

Mỗi tuần một lần, ngày thăm bệnh nhân quấy rối cõi yên tĩnh trong đó tôi sống đằng sau những chấn song kim loại màu trắng. Vào ngày đó, kéo tới những người muốn cứu vớt tôi, những người tìm tiêu khiển trong việc yêu thương tôi, những người cần đến tôi để tự trân trọng, tự tôn vinh, tự biết mình. Sao mà họ mù quáng, bồn chồn, quê kệch! Họ lấy những móng tay như gọng kìm cào cào hàng song sắt láng trắng ở giường tôi, lấy bút bi hoặc bút chì vẽ nguệch ngoạc lên lớp vẹc-ni những hình người dài ngoằng khiếm nhã. Tay trạng sư biện hộ cho tôi vừa tới đã chụp chiếc mũ nilông lên cọc giường tôi và chào hỏi oang oang tuồng đến làm sập cả phòng bệnh. Chừng nào y còn ở lại trong phòng - lạ gì cái thói bẻm mép của dân thày cãi - hành vi bạo lực của y còn làm tôi mất thăng bằng và thư thái.

Sau khi đặt quà cáp lên chiếc bàn một chân phủ tấm vải sơn màu trắng kê dưới bức tranh thuốc nước vẽ cỏ chân ngỗng và kể lể chi tiết những kế hoạch cứu chữa mà họ đang hoặc sắp sửa thực thi, nhằm nhồi vào đầu tôi, đối tượng của những xoay sở không biết mệt của họ, ý thức về mức độ tận tâm của họ, những con người này lại thấy tràn trề yêu đời và từ giã tôi. Lúc đó, tay y tá của tôi mới đến; anh ta làm thông thoáng phòng rồi gom nhặt các sợi dây buộc những gói quà. Nhiều khi, thông phòng xong, anh còn có thì giờ vừa ngồi bên giường tôi gỡ dây vừa toả ra mênh mông im lặng đến nỗi cuối cùng, tôi gọi im lặng là Bruno và Bruno là im lặng.

Bruno Münsterberg - thôi không đùa nữa: đó là tên người y tá của tôi - mua cho tôi năm trăm tờ giấy viết. Nếu số dự trữ này không đủ, Bruno, vốn độc thân, không vợ không con, quê ở Sauerland, sẵn sàng đến cái xưởng giấy nhỏ một lần nữa (ở đây bán cả đồ chơi) kiếm cho tôi những gì cần thiết để hoàn thành bài tập hồi ký của mình, tôi hy vọng thế. Tôi ắt chẳng bao giờ có thể yêu cầu những người đến thăm tôi giúp cho việc ấy, không thể nhờ cha trạng sư chẳng hạn, hoặc Klepp cũng không được. Lòng yêu mến ân cần, lo lắng, chắc chắn sẽ ngăn các bạn tôi mang một vật nguy hiểm như giấy trinh bạch vào đây để phó mặc cho sự bài tiết ngôn từ của trí não tôi.

Khi tôi bảo Bruno: “Này! Bruno, anh có vui lòng mua giúp tôi năm trăm tờ giấy còn trinh không?” thì anh ta ngước nhìn trần nhà và chĩa ngón tay trỏ lên đó mà rằng: “Giấy trắng như thế kia ấy à, ông Oskar?”

Tôi thích cái từ “còn trinh” ấy và tôi bảo Bruno đến cửa hàng cũng cứ nói thế. Khi anh ta trở về vào cuối buổi chiều với xấp giấy, tôi thấy là anh ta đang có những khúc mắc trong lòng. Mấy lần, anh nhìn thật lâu lên trần nhà, nơi anh kiếm tìm mọi cảm hứng của mình, rồi lát sau bật ra: “Ông đã dặn tôi nói cái từ cần nói. Lúc tôi hỏi mua giấy trinh nguyên, cô bán hàng đỏ rừ mặt trước khi mang hàng ra cho tôi.”

Nỗi sợ phải lao vào một cuộc trò chuyện kéo dài về đề tài các cô gái bán hàng ở xưởng giấy khiến tôi đâm tiếc là đã dùng cụm từ giấy còn trinh: bởi thế tôi im lặng và chờ cho Bruno rời khỏi phòng; bấy giờ tôi mới mở cái gói bọc năm trăm tờ giấy ra.

Một lát sau, không lâu lắm, tôi thử nhấc xấp giấy khá cứng và nâng nó lên. Tôi đếm lấy mười tờ và cất số còn lại vào tủ nhỏ cạnh giường; tôi lấy chiếc bút máy trong ngăn kéo, cạnh quyển album ảnh: bút đầy mực. Tôi có đủ mực dự trữ và tôi bắt đầu.

Như thế nào đây? Người ta có thể bắt đầu từ đoạn giữa rồi, bằng một cung cách táo bạo, làm rối beng đoạn đầu và đoạn cuối. Người ta có thể chọn loại hình mô-đéc, xóa nhòa các thời kỳ và các khoảng cách rồi sau đó tuyên bố hoặc để cho tuyên bố là rốt cuộc, người ta đã giải quyết được vấn đề không gian-thời gian; Người ta cũng có thể tuyên bố ngay từ đầu rằng ngày nay, viết tiểu thuyết là điều bất khả, rồi, cách nào đó chính bản thân mình cũng không biết (nếu có thể ế), đẻ luôn ra một pho tiểu thuyết dày cộp để ra cái điều ta đây là tiểu thuyết gia cuối cùng còn tồn tại. Tôi cũng nghe nói là muốn tốt và hợp cách thì tiên chưng hãy nêu lên thành định đề: không còn có nhân vật chính của tiểu thuyết nữa vì không còn có những kẻ cá nhân chủ nghĩa, vì cá tính đã mất tiêu, vì con người là cô đơn, mà giờ mọi người đều cô đơn y hệt nhau, bị tước mất nỗi cô đơn cá thể và hợp thành một khối đoàn kết vô danh không có nhân vật chính. Chung quy, điều đó đâu phải là bất khả. Nhưng về phần chúng tôi - tôi đây, Oskar, và anh chàng y tá Bruno của tôi - tôi muốn khẳng định thẳng thừng: cả hai chúng tôi đều là nhân vật chính, những nhân vật chính khác hẳn, anh ta đằng sau lỗ nhòm, tôi đằng trước; và khi anh ta mở cửa là thôi rồi: bất chấp tình bạn giữa chúng tôi và nỗi cô đơn của mỗi chúng tôi, cái còn lại chỉ là một khối vô danh không có nhân vật chính...

Tôi sẽ bắt đầu từ thời điểm khá lâu trước khi có tôi; bởi vì chẳng ai nên mô tả đời mình mà không chừa thời gian trước cuộc tồn sinh của chính mình để tưởng niệm nửa số ông bà nội ngoại. Hỡi các vị đang sống một cuộc sống rối rắm cách xa cái bệnh viện tâm thần này, tất cả các vị, bạn bè và khách thăm hằng tuần, vốn không ngờ đến chuyện tôi tích trữ giấy, tôi xin giới thiệu với quý vị bà ngoại của Oskar.

Vào một buổi chiều tà tháng mười, bà ngoại tôi Anna Bronski đang ngồi xệp dưới đất trong mớ váy lòe xòe bên một ruộng khoai tây. Nếu đó là buổi sáng, ắt ta đã có thể thấy bà lấy cào vun những lá khoai thành từng đống nhỏ xinh bằng những động tác khéo biết chừng nào. Buổi trưa, bà đã ăn một lát bánh mì ướp mỡ lợn quết nước mật rồi cuốc xới nốt mảnh ruộng. Bây giờ đây bà đang ngồi xệp dưới đất trong mớ giữa hai cái thúng đã gần đầy. Trước những đế ủng dựng ngược hai mũi xáp gần nhau của bà, phập phù một ngọn lửa hen xuyễn đốt bằng lá khoai, tỏa trên mặt đất thoai thoải một làn khói bẹt ngập ngừng. Dạo ấy vào năm 1899. Bà tôi đang ở giữa xứ sở người Kashubes[1] gần Bissau, nhưng đúng ra là về bên phía nhà máy gạch. Bà ngồi bệt dưới đất, cách Ramkau không xa, đằng sau Viereck, mặt hướng con lộ Brenntau, giữa Dirschau và Karthaus, quay lưng lại cánh rừng Goldking sẫm tối, và với một nhành cây phỉ đã cháy thành than ở chỗ đầu nhọn, bà vùi những củ khoai tây xuống lớp tro nóng.

Sở dĩ tôi vừa đặc biệt nhắc đến cái váy của bà tôi, sở dĩ tôi đã nói khá rành rõ: “Bà ngồi xệp dưới đất trong mớ váy” - sở dĩ tôi đặt tên chương này là “Cái váy ụp”, đó là vì tôi biết rõ mình mang nợ cái món trang phục ấy những gì. Bà tôi không chỉ mặc một, mà những bốn cái váy chồng lên nhau. Không phải bà mặc một chiếc váy dài và ba chiếc váy ngắn; bà mặc bốn cái váy dài như nhau, cái nọ đỡ cái kia; bà mặc váy theo một hệ thống riêng, mỗi ngày lại đổi trật tự chồng váy. Cái hôm qua mặc ngoài cùng, hôm nay cho vào trong, dưới một lớp, cái thứ hai thành cái thứ ba. Cái thứ ba hôm trước giờ ôm sát người. Cái váy bữa qua tiếp xúc với da thịt bà tôi giờ phô ra họa tiết, nghĩa là chẳng có họa tiết gì: những chiếc váy của bà ngoại Anna Bronski đều thuần một sắc thái khoai tây như nhau. Hắn là cải sắc thái này hợp với màu da bà.

Ngoài cái sắc độ ấy, những cái váy của bà tôi còn khác thường ở tầm rộng quá mức của khổ vải. Chúng khum tròn thành hình chuông, phồng lên và kêu phần phật khi gió thổi, xẹp xuống khi tắt gió và cả bốn cái xòe ra phía trước bà khi bà đi xuôi gió. Muốn ngồi xuống, bà phải thu gọn chúng quanh mình.

Ngoài bốn cái váy thường xuyên phồng lên hoặc rũ xuống, quấn quanh hay dựng đứng, cứng sững và trống rỗng, bà tôi còn có một cái váy thứ Năm bên cạnh giường nằm. Cái này chẳng có gì khác với bốn cái kia, cũng màu khoai tây. Hơn nữa, cái váy thứ Năm không phải là bất di bất dịch. Giống như các chị em của nó - bởi vì váy vốn là giống cái mà - nó cũng phải phục vụ theo chế độ luân phiên, có mặt trong số bốn cái váy được mặc vào người và cũng như chúng, cứ đến phiên (nghĩa là năm tuần một lần vào ngày thứ sáu) lại phải giặt trong chậu, sáng thứ Bảy đem phơi trên dây trước cửa sổ nhà bếp và khi nào khô, đem là trên tấm ván là.

Cứ sau một ngày thứ Bảy bù đầu với công việc nội trợ - nào bếp núc, nào giặt giũ, là ủi - sau khi vắt sữa con bò cái và cho nó ăn, bà ngoại tôi ngâm mình từ đầu đến chân vào bồn tắm, bỏ lại một chút bản thân vào trong nước và bọt xà phòng, sau đó bước ra ngồi lên mép giường, mình quấn tấm vải hoa, lúc ấy, trên sàn trước mặt bà đã xếp sẵn bốn chiếc váy vừa mặc và chiếc váy sạch. Bà dưa ngón tay trỏ bên phải ấn lên mí mắt dưới bên phải, không hỏi ý kiến bất kỳ ai, kể cả ông anh trai Vincent; vì thế, bà quyết định khá nhanh. Đứng trên đôi chân trần, bà lấy ngón chân gạt sang bên cái có màu khoai tây bợt nhất trong số bốn cái váy. Bây giờ, cái váy sạch bèn được thế vào chỗ vừa bỏ trống.

Sáng Chủ nhật, bà đi lễ nhà thờ ở Ramkau và khai trương trật tự mới trong chồng váy để tỏ lòng tôn kính Chúa Jêxu - ý niệm của bà về Chúa Jêxu rất rõ rành. Bà tôi mặc cái váy mới giặt như thế nào? Đây không chỉ là một phụ nữ sạch sẽ mà còn là một phụ nữ hơi phù phiếm, cho nên bà trưng cái váy tươm tất nhất ra ngoài, đặc biệt vào những ngày nắng đẹp.

Vậy mà cái buổi chiều bà tôi ngồi bệt dưới đất đằng sau đống lửa lá khoai ấy lại nhằm đúng một ngày thứ hai. Cái váy mặc bên ngoài hôm Chủ nhật, sang ngày thứ hai, xích lại gần người bà thêm một lớp; trong khi dó cái váy hôm trước còn ấm hơi da thịt bà, giờ chít ngang hông, rủ xuống buồn bã bên ngoài những cái khác. Bà vừa huýt sáo bâng quơ vừa lấy cành phỉ cời tro moi ra củ khoai tây đầu tiên vừa chín tới. Bà đẩy củ khoai ra xa đống lửa cho gió làm nguội đi. Rồi dùng một que nhọn xiên củ khoai đen xì, vỏ xém giòn, nứt toác đưa lên gần miệng, đôi môi khô nẻ lúc này không huýt sáo nữa mà ráng thổi cho sạch tro và đất bám trên vỏ khoai.

Bà ngoại tôi cứ nhắm mắt mà thổi. Khi cho rằng thổi vậy là đủ, bà bèn mở một mắt ra, rồi cả mắt kia n những chiếc răng cửa thưa nhưng cực đẹp vừa cắn lại nhả ra liền; củ khoai bồn bột quá nóng, bốc hơi trong hốc miệng đang há ra của bà; bên trên hai lỗ mũi phập phồng nhả khói cùng khí lạnh tháng mười, đôi mắt bà trợn tròn nhìn vượt qua cánh, đồng về phía chân trời bị ngắt từng đoạn bởi những cột điện báo, trong đám này cao vọt lên ống khói nhà máy gạch.

Có một cái gì đang chuyển động giữa những cột điện báo. Bà tôi ngậm miệng, bặm môi lại, nheo mắt và bắt đầu nhấm nháp củ khoai. Có cái gì đó chuyển động giữa những cột điện báo; cái gì đó nhảy chồm chồm. Ba người đang chạy giữa những cột điện báo, cả ba đều hướng về phía ống khói nhà máy gạch, rồi họ lượn một đường vòng và một trong số đó chạy theo chiều ngược lại, tốc độ mỗi lúc một tăng. Anh ta vượt qua xưởng gạch. Vóc người anh ta thấp và bè bè; hai người kia thì cao, mảnh. Rồi sau xưởng gạch, họ lại chạy giữa những cột điện báo; nhưng tay thấp và bè bè chạy ngoắt ngoéo và có vẻ vội vã hơn hai tay cao, mảnh; và hai tay này lại quay trở lui về tận chỗ nhà máy gạch vì tay kia đã lại phóng đi như mũi tên khi hai tay nọ chỉ còn cách có hai mét; và tất cả lại xuất phát, rồi đùng một cái chẳng còn ai, thôi chả chơi nữa, tay thấp bé nhảy phốc một cái từ trên ống khói, biến mất đằng sau chân trời.

Họ dừng ở đó. Đây là lúc nghỉ giải lao. Hoặc là họ thay phục trang, hoặc là họ lại nặn gạch lấy tiền công.

Lợi dụng lúc nghỉ giải lao, bà tôi định xiên một củ khoai thứ hai nhưng trượt mất vì đúng lúc đó cái gã thấp bè bè lại nhô lên từ chân trời. Anh ta không hề thay đổi trang phục. Anh ta bước qua chân trời như thể bước qua một hàng rào, tựa hồ anh ta dần bỏ rơi những kẻ đuổi bắt mình giữa đám gạch hoặc trên quốc lộ Brennlau. Vậy mà anh ta vẫn có vẻ hối hả như trước, muốn đi nhanh hơn cả các cột điện báo. Anh ta bước những bước dài, đi xuyên qua cánh đồng; bùn bắn lên từ những đế giày, anh ta ra sức bứt mình khỏi lớp đất dính và mặc dầu bước rõ dài, anh ta vẫn c rề rề trên lớp đất dính. Đôi lúc tưởng như phần dưới của anh ta bị dán chặt xuống, thế rồi anh ta lại lơ lửng trên không một thoáng vừa đủ để lau mồ hôi trán trước khi lại cắm chân xuống cánh đồng mới cày ải bên cạnh năm sào khoai tây.

Và anh ta đã tới chỗ con đường trũng. Cái bóng thấp và bè bè của anh ta vừa khuất vào con đường trũng thì những cái bóng cao và mảnh của hai cha kia lại xuất hiện ở chân trời, có lẽ trong lúc vừa rồi, họ đã tranh thủ thăm xưởng gạch. Cao và mảnh chứ không gày, chân đi ủng, họ sải bước trên lớp đất dính hăm hở đến nỗi bà tôi một lần nữa lại xiên trượt củ khoai tây: bởi lẽ đâu phải ngày nào ta cũng có dịp thấy ba người lớn hẳn hoi, tuy vóc dáng có khác nhau, nhảy lò cò quanh những cột điện báo, đe dọa quật đổ ống khói nhà máy gạch, rồi, người đi đầu thấp, bè bè cách hai người kia cao, mảnh một quãng, cả ba hì hụi như nhau, kéo theo đế ủng một lớp bùn mỗi lúc một dày thêm, cùng xuyên qua cánh đồng vừa được Vincent cày ải hôm kia, để rồi khuất vào con đường trũng.

Vậy là không còn nhìn thấy ai nữa và bà tôi lại có thể xiên được một củ khoai tây. Bà thổi nhanh cho sạch đất và tro, rồi bỏ tọt cả củ vào trong mồm và nghĩ bụng (ví bằng bà có nghĩ gì) chắc đó là người xưởng gạch. Và bèn nhai tới nhai lui, đảo cả hàm, vừa lúc một người nhô ra khỏi con đường trũng. Một cái nhìn dữ dằn vượt qua bộ ria của anh ta; nhảy phốc hai bước, anh ta đã ở cạnh đống lửa. Cùng một lúc, anh ta ở cả đằng trước, đằng sau và hai bên đống lửa. Anh ta chửi thề. Rõ ràng là anh ta sợ, không biết đi đâu, không thể quay lui vĩ hai cha kia, cao và mảnh, đang rượt theo trong con đường trũng. Anh ta đập tay vào hai đầu gối, đôi mắt như sắp bật ra khỏi đầu: mồ hôi ròng ròng trên trán. Và hổn hển bộ ria mép rung rung, anh ta đánh liều bò bốn chân đến tận trước đế giày của bà tôi. Anh ta lại sát cạnh và nhìn bà tôi như thể anh ta là một con vật nhỏ. Bà thở dài: không thể tiếp tục nhai khoai tây được nữa. Bà thu chân về; bà thôi không nghĩ đến gạch, đến xưởng gạch, đến những thợ làm gạch nữa, mà vén cái váy, à quên xin cải chính, nhất loạt vén cả bố cái váy lên độ cao vừa đủ cho anh chàng thấp-bè-bè ấy (dứt khoát không phải là người xưởng gạch rồi) chui cả người vào. Giờ thì chẳng thấy anh ta đâu nữa, kể cả bộ ria mép, anh ta không còn cái vẻ của một con thú bị săn đuổi nữa, không phải người vùng Ramkau hay Viereck gì hết.

Anh ta đã biến mất dưới cái váy cùng với nỗi sợ của mình và thôi không đập tay lên hai đầu gối nữa, không thấp cũng chẳng bè bè nữa, tuy nhiên vẫn chiếm một chỗ cho riêng mình. Anh ta quên cả hổn hển, quên cả run và quên cả đập tay lên hai đầu gối. Và tất cả bỗng im lìm như trong ngày đầu tiên của cuộc Sáng Thế hay ngày Tận Thế, một làn gió mơn man ngọn lửa lá khoai, những cột điện báo lặng lẽ tự điểm danh, ống khói xưỏng gạch đứng sững trong tư thế nghiêm. Còn bà tôi thì đưa tay vuốt chiếc váy trên cùng cho phẳng phiu. Bà hầu như không cảm thấy người đàn ông qua bốn lần váy của mình; cái váy thứ ba thậm chí không hề biết là có một điều gì mới mẻ và khác thường đang xảy đến với làn da dưới lớp váy thứ tư. Phải, thật là khác thường, nhưng vì cái váy ngoài cùng đã được vuốt thẳng thớm còn cái thứ hai và thứ ba thì chẳng biết mô tê gì, nên bà bèn moi từ đống tro ra hai ba củ khoai tây, lấy bốn củ sống trong cái rổ đặt dưới khuỷu tay trái vùi vào tro nóng và dùng que cời cời cho khói bốc lên cuồn cuộn - thử hỏi bà còn biết làm gì khác nữa.

Những cái váy của bà tôi vừa mới được soạn lại cho tươm tất, làn khói sền sệt của ngọn lửa lá khoai, bị những động tác vung chân, đập tay và đảo tro làm chệch hướng, vừa mới nương theo gió chỉnh lại đường bay về phía đông-nam, thì đùng một cái, hai tay cao-mảnh nhô ra khỏi con đường trũng. Họ đuổi theo gã thấp-bè-bè lúc này đang ở dưới bốn lớp váy, và có thể thấy là hai tay cao-mảnh này, vì lý do nghề nghiệp, mang đồng phục cảnh sát.

Lao đi như hai mũi tên, họ suýt nữa vượt quá chỗ bà tôi. Một cha thậm chí đã nhảy qua đống lửa. Nhưng, chợt nhớ ra là mình mang ủng, họ bèn dùng ủng làm phanh hãm. Mình vận đồng phục, chân đi ủng, h trong khói, rồi vừa ho sặc sụa vừa tiến lại gần, đồng phục của họ kéo theo chút khói và họ vẫn tiếp tục ho khi nói với bà tôi; họ muốn biết bà có trông thấy tên Koljaiczek không, bởi chăng bà tất phải trông thấy hắn vì bà ngồi ngay cạnh con đường trũng mà hắn, cái tên Koljaiczek ấy, thì chạy trốn theo con đường trũng.

Bà tôi chẳng thấy tên Koljaiczek nào cả bởi vì bà không biết ai tên là thế. Hắn có làm ở xưởng gạch không, bà hỏi lại, vì bà chỉ biết cánh thợ làm gạch thôi. Nhưng hai tay đồng phục mô tả tên Koljaiczek như một kẻ không liên quan gì với gạch ngói cả, mà có dáng người thấp bè bè. Bà tôi chợt nhớ là có trông thấy một gã như thế chạy theo hướng này - củ khoai tây bốc khói đầu que xiên chỉ về phía Bissau và cứ theo như củ khoai tây thì Bissau ắt hẳn ở khoảng giữa hai cột điện báo thứ sáu và thứ Bảy tính từ xưởng gạch đổ về bên phải. Còn như cái gã trốn chạy ấy có phải là Koljaiczek không thì bà chẳng biết vì bà còn đang loay hoay với cái đống lửa mịt mù cháy chẳng ra cháy dưới chân, đầu óc đâu mà để ý đến những kẻ chạy qua hay dừng lại trong đám khói, vả lại, bà chẳng bao giờ bận tâm đến những người bà không quen biết; và bà chỉ quen những người ở Bissau, Ramkau, Vierick và xưởng gạch thôi - chừng nấy là đủ với bà.

Nói vậy rồi, bà khẽ thở dài, vừa đủ để khiến bọn đồng phục hỏi tại sao bà thở dài. Bà hất hàm về phía ngọn lửa, ý nói bà thở dài vì nó cháy tồi và phần nào cũng vì các người dừng lại trong đám khói nữa; rồi bằng những chiếc răng cửa thưa, bà cắn đôi củ khoai tây, bắt đầu nhai lấy nhai để, mắt trợn ngược lên.

Bọn cảnh sát không rút ra được thông tin gì từ cái nhìn trân trân lơ đãng của bà tôi. Họ phân vân không biết có nên tìm Bissau đằng sau những cột điện báo hay không. Để tỏ vẻ ta đây, họ thục vài nhát lê vào mấy đống lá khoai không chịu bén lửa bên cạnh. Bất chợt nẩy ra sáng kiến, họ đồng loạt lật nhào hai thúng đầy khoai tây mà bà tôi đang tì khuỷu tay lên; và phải một lúc lâu sau họ mới hiểu ra tại sao những củ khoai tây lăn ra trước mũi ủng của họ chứ không phải là một tên Koljaiczek. Nghi nghi hoặc hoặc, họ đi quanh đống khoai tây, làm như the Koljaiezek có thể trong nháy mắt đã chui vào trong đó; họ nhằm cẩn thận xọc lưỡi lê vào đó, nhưng chẳng thấy ai kêu vì bị đâm trúng. Sự nghi ngờ của họ không bỏ qua một bụi cây còi cọc, một lỗ chuột nhắt nào, rà soát một loạt hang chuột chũi rồi quay lại chĩa vào bà tôi đang ngồi xệp như mọc rễ dưới đất, miệng thở dài, mí mắt cụp xuống chỉ để lộ lòng trắng con ngươi và lẩm nhẩm đọc tên tất cả các thánh bằng tiếng Kashubes với một giọng lu loa than vãn vì nồi lửa không chịu bốc và hai thúng khoai tây thì đổ tung tóe.

Bọn đồng phục ở rốn lại nửa tiếng đồng hồ, lúc thì đứng cách xa đống lửa, lúc lại sán đến gần. Họ nhằm ống khói xưởng gạch, tính chuyện chiếm Bissau, rồi quyết định hoãn cuộc tiến công lại và xòe những bàn tay tím tái trên ngọn lửa cho đến khi bà tôi, vẫn không ngừng thở dài, cho mỗi gã một củ khoai tây nướng cắm trên đầu que xiên. Nhưng mặc dầu mồm đang bận nhai, họ vẫn còn rảnh đầu để chợt nhớ ra là mình đang vận đồng phục và thế là hấp! họ chạy một mạch đến đầu kia cánh đồng cách khoảng một tầm ném đá, xộc tới bụi kim tước bên rìa con đường trũng khiến một chú thỏ rừng chạy té ra, song có điều tên chú không phải là Koljaiczek. Họ trở lại bên đống lửa và những củ khoai bột ấm nóng mùi than hồng và bắt tay vào công việc hòa bình là xếp trả vào thúng những củ khoai tây mà vừa nãy, cúc cung tận tụy với nhiệm vụ, họ đã đổ tung tóe ra đất.

Mãi đến khi buổi chiều ép từ bầu trời ra được một cơn mưa nhỏ chênh chếch và một hoàng hôn đen như mực, họ mới hối hả, nhưng có phần miễn cưỡng, rời đi thám sát một cột mốc đằng xa đang chìm dần trong bóng tối. Hoàn thành nốt nhiệm vụ này là dủ, họ lại duỗi chân duỗi cẳng một chút và hơ những bàn tay ban phước lên đống lửa đang bị mưa làm lụi dần trong khói mù. Ho sặc sụa một thôi nữa trong khói xanh, ứa một giọt nước mắt nữa trong khói vàng, họ cất bước về phía Bissau, vừa ho vừ khóc. Nếu tên Koljaiczek không còn ở đây thì ắt là hắn đang ở Bissau. Đối với một cảnh sát thì bao giờ cũng chỉ có hai khả năng mà thôi.

Đám khói mãi không tan bao quanh bà tôi như một cái váy thứ Năm rộng mênh mông, thành thử cả bà tôi cùng những tên thánh bằng thổ ngữ Kashubes và bốn cái váy bà đang mặc cũng ở dưới váy như Koljaiczek.

Khi bọn đồng phục chỉ còn là những cái chấm lắc lư chìm dần trong chiều tà giữa những cột điện báo, bà tôi mới từ từ đứng dậy một cách khó nhọc, như thể bà đã mọc rễ và giờ đây gắng nhổ mình lên khiến đất vụn và rác rơi lả tả quanh người.

Koljaiczek cảm thấy lành lạnh khi bị phơi ra đột ngột dưới làn mưa. Anh vội cài lại khuy quần mà nỗi lo sợ cùng nhu cầu tìm kiếm một chỗ nương náu đã khiến anh cởi ra dưới những lớp váy. Những ngón tay anh làm việc nhanh thoăn thoắt vì anh sợ của quý của mình mau chóng trở nên buốt giá trong tiết thu đầy đe dọa.

Bà tôi tìm thấy dưới tro bốn củ khoai tây nóng sốt nữa, Bà cho Koljaiczek ba, còn một dành cho mình. Trước khi đưa lên miệng cắn, bà còn hỏi lại một lần nữa anh ta có phải là người xưởng gạch không mặc dầu bà biết rõ rằng Koljaiczek có thể từ bất cứ nơi nào đến, nhưng không phải dân làm gạch. Không cần đợi trả lời, bà giao cho anh ta cái thúng nhẹ hơn, còn mình thì còng lưng dưới cái kia, nặng hơn. Bà còn rảnh một tay để cầm cái cào và cái cuốc; rồi, với thúng khoai tây, cào và cuốc, bà giong buồm-bốn-váy xuôi về phía mỏ đá Bissau.

Không phải đích thị Bissau mà hơi chếch về mạn Ramkau. Vậy là họ bỏ lại xưởng gạch bên tay trái và đi về phía khu rừng đen với Goldkrug ở giữa và Brennlau phía sau. Ngay trước khu rừng, trong một dải đất trũng, là mỏ đá Bissau. Joseph Koljaiczek, vẫn thấp bè bè, theo bà tôi đến đó, không cách chi rời khỏi những cái váy của bà n

DƯỚI GẦM BÈ

Nằm dài như tôi đây trên chiếc giường kim loại vô trùng của bệnh viện tâm thần, dưới con mắt theo dõi của Bruno qua cái lỗ nhòm, mà tả lại những cuộn khói lê thê của một ngọn lửa lá khoai ở vùng Kashubes cùng với những vệt rơi nghiêng của cơn mưa tháng mười, quả là không đơn giản tí nào. Nếu không có cái trống nhắc mọi tình tiết phụ cần thiết cho việc kể lại câu chuyện này trên giấy trắng mực đen - nó là bộ nhớ hoàn hảo khi ta biết khéo léo vận dụng - và nếu không được viện cho phép gõ trống ba-bốn giờ mỗi ngày, tôi ắt thành một gã cha căng chú kiết không có gì để kể về ông bà nội ngoại.

Vậy cái trống của tôi kể rằng: vào cái buổi chiều tháng mười năm một ngàn tám trăm chín chín ấy, trong khi bên Nam Phi ông chú Kruger đang chải cặp lông mày chổi sể, thì tại đây, ở quãng giữa Dirschau và Karthaus, gần xưởng gạch Bissau, dưới một cơn mưa chênh chếch và bốn lớp váy đồng màu, giữa khói mù, lo âu nơm nớp cùng những tiếng thở dài đệm theo lời nguyện cầu bằng thổ ngữ Kashubes, bất chấp những câu hỏi ngu xuẩn của hai cha cảnh sát mắt cay sè vì khói, người đàn ông thấp bè bè tên là Joseph Koljaiczek đã khởi cuộc sinh thành nên mẹ Agnès của tôi.

Ngay đêm hôm ấy, bà tôi Anna Bronski thay đổi họ. Với sự cộng tác của một linh mục rất phóng khoáng trong hành lễ, bà trở thành Anna Koljaiczek và đi theo Joseph; không phải sang Ai Cập, mà là đến cái thị xã bên bờ sông Mottlau, tại đó Joseph kiếm được một chân đi bè và tạm thời yên thân về phía cảnh sát.

Tôi khoan chưa nói tên cái thị xã ở cửa sông Mottlau ấy chỉ cốt làm tăng thêm sự hồi hộp, mặc dầu đáng ra phải làm thế ngay vì đó chính là nơi sinh của mẹ tôi. Vào cuối tháng sáu năm một chín không không - bấy giờ vừa có sắc lệnh tăng gấp đôi chỉ tiêu đóng tàu biển, loại thiết giáp hạm - mẹ tôi ra đời dưới chòm sao Nhân Sư chiếu mệnh. Tự tin, lãng mạn, kiêu kỳ và phù phiếm. Ngôi nhà đầu đời, còn gọi là domus vitae, ở độ hoàng đạo vào giờ sinh: sao Song Ngư, bản tính dễ bị ảnh hưởng. Chòm Mặt Trời đối lập với sao Hải Vương, ngôi nhà thứ Bảy hay domus matrimonii uxoris, đem lại sự hỗn độn. Sao Kim đối lập với sao Thổ, gọi là hành tinh chua, như ai nấy đều biết, gây các bệnh gan và lá lách, nổi trội ở Nam Dương và chấm dứt ở Nhân Sư, được sao Hải vương cho lươn, thích cà dược, hành và bia, làm chua rượu, sống cùng với sao Kim ngôi nhà thứ tám tức ngôi nhà chết, dự báo chết bất đắc kỳ tử, còn như việc thụ thai trên cánh đồng khoai tây thì hứa hẹn một hạnh phúc đầy bất trắc dưới sự che chở của sao Thủy trong nhà của bà con họ hàng.

Đến đây, phải nhường chỗ cho lời phản đối của mẹ tôi: không bao giờ mẹ chịu nhận là mình được hoài thai ngoài cánh đồng khoai tây. Đành rằng ông già cũng có thử tòm tem thật - điều này thì mẹ thừa nhận; nhưng tư thế của cả hai đều không đủ thuận lợi để KoJjaiczek có thể làm Anna Bronski thụ thai.

“Chắc là vào ban đêm trong khi chạy trốn, hoặc trong thùng xe của bác Vincent hoặc thậm chí mãi về sau, khi đã được cánh chở bè ở Troyl cho tá túc.”

Đó là những lời mẹ tôi thường nói để xác định bước khởi đầu cuộc sinh tồn của mình, và bà tôi, người thừa biết đầu đuôi xuôi ngược ra sao, thì cứ kiên nhẫn gật đến sái cổ mà rằng: “Hẳn thế, con ạ, chắc là ở trong thùng xe hay có khi ở Troyl cũng nên, chứ đâu phải ngoài cánh đồng: bữa ấy mưa gió thấy mồ.”

Vinc là anh trai bà tôi. Sau khi vợ mất sớm, ông làm cuộc hành hương đến Czestochowa, ở đó Đức Mẹ Matka Boska Czestochowa[2]  đã ra lệnh cho ông phải xem Người là hoàng hậu tương lai của Ba Lan. Từ đó, ông luôn vùi đầu vào những quyển sách kỳ quái, phát hiện ở từng câu trong đó sự xác nhận những mục tiêu chính trị của Mẹ Chúa Trời và để mặc em gái trông coi trang trại cùng mấy mẫu đất. Jan, con trai ông, bấy giờ mới bốn tuổi, là một đứa bé ốm yếu, lúc nào cũng chực khóc; Jan chăn ngỗng, tích cóp ảnh màu và, ôi chao, quả là điềm báo trước! mới nứt mắt đã sưu tầm tem thư.

Bà tôi đưa Koljaiczek cùng những thúng khoai tây về cái trang trại một lòng một dạ với Đức Mẹ Nữ Hoàng Ba Lan ấy. Sau khi biết chuyện gì đã xẩy ra, ông Vincent liền chạy đến Ramkau kèo nèo cha xứ kỳ đến khi ông này đành phải đến làm lễ cưới cho Joseph và Anna. Vị linh mục ngái ngủ vừa mới ngáp ngắn ngáp dài ban phước xong và quay cái lưng giáo chức của mình ra về cùng với một lườn thịt lợn sấy hậu hĩ, là Vincent lập tức đóng ngựa vào chiếc xe hòm, xếp đôi vợ chồng mới lên chiếc ổ rơm lót bao tải, đặt thằng cu Jan run cầm cập và rấm rứt khóc bên cạnh mình trên ghế lái và ra hiệu lệnh cho ngựa thẳng tiến vào đêm tối: chuyến đi tân hôn đang hồi khẩn trương.

Khi xe tới cảng bốc gỗ của thị xã, đêm đã tàn nhưng trời vẫn còn tối. Những người bạn cũng dân chở bè như Koljaiczek, đón cặp uyên ương trên đường trốn chạy. Vincent đánh xe lộn lại và cho ngựa đi về hướng Bissau: một chị bò cái, một ả dê, một mụ nái sề với lũ lợn con, tám con ngỗng và chú chó canh đang chờ thức ăn, chưa kể cu Jan đang hâm hấp sốt cần một cái giường nằm.

Joseph Koljaiczek lặn biệt ba tuần, đủ để nuôi một bộ tóc mới có đường rẽ ngôi; ông cạo nhẵn ria, xoay giấy tờ căn cước mới sạch trơn không vết bợn và kiếm được một chân đi bè dưới cái tên Joseph Wranka. Nhưng tại sao Koljaiczek lại phải lấy giấy tờ căn cước của gã đi bè Wran đã bị đánh ngã nhào khỏi bè trong một cuộc ẩu đả và chết đuối ở sông Bug vào quãng trên Modlin một tí mà nhà chức trách không hề hay biết? Bởi lẽ sau một thời gian bỏ nghề đi bè, ông đã làm việc ở một xưởng cưa ở gần Schwetz, tại đó ông đã có chuyện xung đột với chủ xưởng. Đó là vì một cái hàng rào mà bàn tay khiêu khích của Koljaiczek đã sơn thành hai màu đỏ-trắng[3]. Chắc là để chứng tỏ ta đây không phải tay vừa. lão chủ xưởng cưa nhổ hai cái cọc rào, một đỏ một trắng, nện lên cái lưng nòi Kashubes của Koljaiczek những đòn trời giáng kỳ cho đến lúc hai cái cọc rào mang màu ái quốc đó nát vụn thành một đống đo đỏ trăng trắng. Chừng đó đủ khiến Koljaiczek uất máu đến nỗi ngay đêm hôm sau, hẳn là một đêm trời đầy sao, ông đã hòa lửa đỏ vào màu trắng của xưởng cưa mới toanh vừa quét vôi để tôn vinh một nước Ba Lan bị chia cắt song chính vì lẽ đó lại càng thống nhất hơn bao giờ hết.

Thế là Koljaiczek trở thành kẻ phạm tội phóng hỏa, mà không phải chỉ một lần, bởi lẽ những ngày sau đó, trên khắp miền Tây nước Phổ, các xí nghiệp cưa cũng như bãi gỗ, đều làm mồi cho ngọn lửa hai màu hừng hực tình cảm dân tộc. Như tất cả mọi lần liên quan đến tương lai đất nước Ba Lan, Đức Mẹ Maria Đồng Trinh đều can dự vào các vụ hỏa hoạn này và có những nhân chứng mục thị - những người này có lẽ chưa phải đã chết hết - tuyên bố là đã thấy Mẹ Đức Chúa Trời đội vương miện Ba Lan trên những mái nhà đang sập đổ của nhiều xưởng cưa. Nghe nói dân chúng, vốn cứ thấy cháy to là kéo đến, đã cất giọng hát bài ca ngợi Bogarodzica Mẹ Chúa Trời. Phải thừa nhận rằng những đám cháy của Koljaiczek là chuyện thiêng liêng: ở đó, người ta thường phát thệ.

Và trong khi Koljaiczek bị truy lùng ráo riết dưới tội danh đốt nhà thì gã chở bè Joseph Wranka tứ cố vô thân, hiền lành, vô vị, không tiền án tiền sự, không mấy ai biết đến cũng chẳng ai truy lùng, vẫn chia mớ thuốc lá nhai của mình thành những khẩu phần hàng ngày, cho đến một hôm, ngã tòm xuống sông để lại trong túi áo va-rơi ba khẩu phần thuốc lá cùng với giấy tờ tùy thân. Và vì gã Wranka chết đuối không nói được nữa mà cũng chẳng ai hỏi han lôi thôi gì về gã, nên Koljaiczek, vốn cùng khổ người và cùng kiểu đầu tròn xoay, bèn luồn mình vào chiếc áo va-rơi, rồi vào giấy-tờ-căn-cước-lý-lịch-không-tiền-án-tiền-sự của gã, bỏ thói quen hút tẩu chuyển sang nhai thuốc, tập nhiễm những đặc tính riêng nhất, thậm chí cả những lỗi phát âm, của Wranka. Trong những năm sau đó, trong vai một tay bè chịu thương chịu khó, tần tiện, hơi cà lăm, ông đã chở hàng rừng gỗ xuôi các dòng sông Niemen, Bobr, Bug và Vistula. Cũng cần nói thêm rằng Wranka đã từng leo được lên chức cai trong đội khinh ky binh của Thái tử, dưới quyền chỉ huy của Mackensen, vì Wranka chưa làm nghĩa vụ quân sự còn Koljaiczek, lớn hơn bốn tuổi, đã phục vụ trong pháo binh tại Thorn với một thành tích kém cỏi.

Những tên dữ dằn nhất trong đám đạo tặc, giết người, đốt nhà, ngay cả khi đang theo đuổi công việc bất lương của chúng, vẫn rình ngóng cơ hội kiếm được một nghề tử tế hơn. Một số tên đã gặp may trong cố gắng tìm kiếm ấy. Trong cái lốt của Wranka, Koljaiczek trở thành người chồng hiền đức, chừa hẳn cái tật phóng hỏa, chừa tiệt nọc đến độ chỉ nhìn thấy một que diêm, ông đã run lên. Những bao diêm vô tội bỏ vương trên bàn nhà bếp không tránh khỏi những cơn bạo lực của ông, ấy vậy mà đáng lý ông phải là người phát minh ra diêm mới đúng. Nhưng ông quang cái vật cám dỗ ấy qua cửa sổ. Bà ngoại tôi phải khó khăn lắm mới chuẩn bị được bữa ăn nóng sốt đúng giờ giấc. Nhiều đêm, gia đình phải ngồi trong bóng tối vì không có gì để thắp đèn.

Tuy nhiên Wranka này đâu phải là một bạo chúa. Ngày Chủ nhật, ông đưa Anna Wranka của mình đi chầu lễ nhà thờ ở phố dưới và cho phép bà đi dạo trong bốn chiếc váy như trên cánh đồng khoai tây xưa, với tư cách là vợ chính thức của ông. Mùa đông, khi các dòng sông đóng băng, và cánh chở bè không có việc làm, ông ngoan ngoãn ở lại Troyl. Nơi đây, chỉ có cánh chở bè, phu bến cảng và thợ đóng tàu trú ngụ. Ông trông coi đứa con gái nhỏ Agnès, cô bé có vẻ như thiên về ‘gien’ bố: lúc nào cũng trốn lủi, không dưầm giường thì trong tủ quần áo, hoặc khi nhà có khách thì ngồi thu lu dưới gầm bàn chơi với những con búp-bê nhồi cám.

Cô bé Agnès chỉ thích lẩn trốn và tìm thấy trong sự náu mình ấy một cảm giác an toàn như khi Joseph núp dưới bốn lớp váy của Anna, tuy nhiên với một niềm thích thú khác. Kẻ phóng hỏa Koljaiczek đủ từng trải để hiểu nhu cầu được che chở của con gái mình. Cho nên khi làm một chuồng thỏ ngoài cái gọi là ban-công của căn hộ một gian rưỡi, ông đã ghép thêm vào đó một cái túp vừa kích cỡ Agnès. Thuở bé, mẹ tôi ‘định cư’ luôn tại đó cùng với những con búp-bê và lớn lên trong đó. Về sau, khi đã đi học, nghe nói mẹ tôi đã vứt bỏ chúng và tỏ ra sớm có ý thức về cái đẹp mong manh bằng thú chơi mới: những viên thủy tinh, và lông chim nhuộm màu.

Bởi lẽ tôi đang nóng lòng muốn nói về cuộc tồn sinh của chính mình, nên xin được phép cho con bè gia tộc Wranka yên ả lướt nhanh tới năm 1913, khi mà con tàu Columbus được hạ thủy tại xưởng đóng tàu Schichau; đó là thời điểm mà cảnh sát, vốn nhớ dai, chẳng quên bất cứ cái gì, tìm lại được dấu vết của tên Wranka giả mạo.

Sự cố bắt đầu vào tháng 8/1913, khi Koljaiczek, như thường lệ hàng năm vào dịp cuối hè, áp tải một bè gỗ lớn từ Kiev theo các sông Priper, Bug, Modlin xuôi về đến sông Vistula. Mười hai tay chở bè xuất phát trên tàu kéo Radaune phục vụ xưởng cưa, từ Westlich Neufhar theo nhánh cụt của sông Vistula tới tận Einlage, sau đó ngược sông Vistula, qua Käsemark, Letzkau, Czettkau, Dirschau; tối đến, họ dừng lại nghỉ ở Thorn. Tại đây, tay chủ mới của xưởng cưa xuống tàu để giám sát việc mua gỗ ở Kiev. Bốn giờ sáng, khi tàu Radaune thả neo, mọi người mới biết ông ta đang ở trên tàu. Koljaiczek lần đầu tiên trông thấy ông ta vào lúc ăn sáng trong khoang bếp. Tất cả ngồi thành vòng tròn, người nhai kẻ nhấp từng ngụm nhỏ cà phê. Koljaiczek nhận ngay ra ông ta. Con người to ngang, hói trán ấy sai đi lấy vốtka rót vào những tách cà phê đã cạn. Trong khi một số người vẫn nhai và ở đầu đằng kia, người ta vẫn tiếp tục rót vốtka, ông ta tự giới thiệu: “Tôi xin thông báo để các anh em biết tôi là chủ mới của xưởưa; tên tôi la Dückerhoff; tôi không muốn có chuyện rắc rối lôi thôi.”

Theo yêu cầu của ông ta, các tay chở bè, theo thứ tự ngồi quanh, lần lượt xưng tên và nốc cạn tách rượu của mình, khiến cục hầu lên lên xuống xuống. Koljaiczek uống cạn rồi nói: “Wranka” đồng thời nhìn thẳng vào mắt Dückerhoff. Ông ta gật đầu như với những người trước, nhắc lại cái tên Wranka như đã nhắc lại tên những tay bè khác. Nhưng Koljaiczek cảm thấy có một âm sắc đặc biệt trong cách Dückerhoff đọc tên gã chở bè chết đuối, không phải là nhấn giọng nhưng có phần tư lự. Máy không ngưng chạy xình xịch, con tàu Radaune khéo léo tránh những doi cát với sự giúp đỡ của những hoa tiêu liên tục thay thế nhau, không mệt mỏi đè lên lớp sóng ngầu đục phù sa. Bên trái, bên phải, đằng sau những con đê, vẫn là miền đất ấy: nơi bằng phẳng, nơi nhấp nhô thung đồi, nhìn chung mùa màng đã gặt xong. Những hàng rào, những đường mòn, một khoảng trũng mọc đầy đậu chổi, lác đác đây đó vài nông trại biệt lập; một cảnh quan thích hợp cho những đợt xung phong của kỵ binh, cho một sư đoàn kỵ binh đánh thuê vòng bên trái vu hồi xọc vào, những khinh kỵ binh phốc ngựa qua hàng rào, phù hợp với ước mơ của những sĩ quan kỵ binh trẻ, với trận mạc trong quá khứ và trong tương lai, với bức tranh lịch sử anh hùng: những tên Tartar rạp mình trên bờm ngựa, những long kỵ trên chiến mã chồm lên, những hiệp sĩ Teuton gục ngã, vị tế sư trong chiếc áo lễ đẫm máu, không một vết xước trên tấm giáp che ngực, trừ một gã bị quận công Mazowsze hạ sát. Và những con ngựa đẹp hơn ngựa xiếc, cổ đeo đầy nhạc, những đường gân được vẽ rất tĩ mỉ, những lỗ mũi nở rộng, màu đỗ son, phun ra từng cụm mây nhỏ xuyên thủng bởi những ngọn giáo phất phơ cờ hiệu, gươm đao rạch trời và hoàng hôn, và ở nền đằng sau - bức tranh nào mà chả có nền - bám chắc trên đường chân trời là một làng nhỏ với những ống khói bình yên tỏa khói giữa hai chân sau của con ngựa ô, với những ngôi nhà lụp xụp mái rạ tường rêu; và trong những căn nhà tranh đó, những chiếc chiến xa nhỏ xinh mơ đến một ngày sẽ tới khi cả chúng cũng có thể xông ra góp mặt vào bức tranh, đằng sau những con đê của sông Vistula, như bày ngựa con tung tăng giữa đoàn siêu kỵ.

Qua khỏi Wloclawek, Dückerhoff dí ngón tay trỏ vào áo va-rơi của Koljaiczek: “Nói nghe nào, Wranka, có phải trước đây cậu đã từng làm việc ở xưởng cưa Schwetz? Vào cái năm xưởng bị cháy ấy?” Koljaiczek nặng nề lắc đầu như thể cổ ông bằng gỗ, đồng thời nhuốm được vào cái nhìn của mình một vẻ rầu rĩ và mệt mỏi đến nỗi Dückethoff không nỡ gặng hỏi thêm nữa.

Đến Modlin, nơi sông Bug đổ vào sông Vistula, tàu Radaune rẽ vào sông Bug và Koljaiczek cúi mình trên lan can tàu nhổ xuống nước ba lần như cánh chở bè thời đó vẫn thường làm theo thông lệ. Dückerhoff đứng bên với một điếu xì-gà và hỏi xin lửa. Chữ ‘lửa’ và chữ ‘diêm’ đi liền theo làm Koljaiczek sởn da gà. “Này! đằng ấy không việc gì phải đỏ mặt lên như thế khi tớ hỏi xin lửa. Đằng ấy là con gái hay sao vậy?”

Mãi đến khi đi khỏi Modlin một quãng khá xa, Koljaiczek mới hết đỏ mặt, hiển nhiên ông đỏ mặt không phải vì hổ thẹn mà đó là hồi quang muộn mằn của những xưởng cưa mà ông đã phóng hỏa.

Vậy là, ngược sông Bug, giữa Modlin và Kiev, qua kênh đào nối sông Bug với sông Pripet cho đến sông Dniepr, chẳng có lời lẽ gì đặc biệt bõ kể lại trong cuộc đối thoại Koljaiczek-Dückerhoff. Dĩ nhiên, theo lẽ thường, có thể đã xảy ra lục đục bất hoà giữa cánh chở bè với nhau, giữa cánh chở bè với đám thợ đốt lò trên tàu, giữa người cầm lái, đám thợ đốt lò và thuyền trưởng, giữa thuyền trưởng và các hoa tiêu thay đổi soành sạch. Tôi có thể dễ dàng mường tượng những cuộc cãi lộn giữa những tay chở bè người Kashubes và gã lái tàu quê quán ở Stettin, thậm chí cả bước sơ khởi của một dấy loạn: hội họp ở khoang sau, bốc thăm, trao đổi mật hiệu, mài dao kiếm. Nhưng thôi, xin đủ những thứ đó. Không có gây rối chính trị, không có ẩu đả giữa người Đức và người Ba Lan cũng chẳng có nổi loạn xuất phát từ những bất bình xã hội. Tàu Radaune ngày ngày vẫn ngoan ngoãn ăn than. Có một lần - hình như vừa qua khỏi Plock - nó mắc phải một doi c nhưng rồi tự gỡ ra được. Một cuộc tranh cãi ngắn nhưng gay gắt giữa thuyền trưởng Barbusch và tay hoa tiêu người Ukraina, có thế thôi, chẳng có gì khác được ghi trong nhật ký hàng hải.

Nhưng nếu như tôi có khả năng và điều kiện để xây dựng một cuốn nhật ký ghi lại những suy nghĩ và tình cảm thầm kín của Koljaiczek hoặc của Dückerhoff thì chắc hẳn sẽ có vô khối diễn biến ly kỳ: ngờ ngợ, cơ sở xác thực cho sự nghi ngờ, bán tín bán nghi và, gần như đồng thời, tạm dẹp mối hoài nghi, lưỡng lự rồi lại tiếp tục ngờ vực. Cả hai cùng e ngại nhau. Dückerhoff thậm chí còn sợ hơn là Koljaiczek vì đây đã là nước Nga. Dückerhoff rất có thể té nhào từ mạn tàu xuống sông như Wranka trước đây; cũng có thể - những bãi khai thác gỗ ở Kiev rộng mênh mông, anh dễ dàng bị lạc đồng thời mất luôn vị thiên thần hộ mệnh của mình giữa những trận đồ bát quái này - cũng có thể bất thình lình một đống gỗ thỏi đổ ụp xuống đầu y. Hoặc giả y có thể được cứu mạng. Mà người cứu lại chính là Koljaiczek! Koljaiczek có thể vớt ông chủ mới của xưởng cưa bị thần hộ mệnh bỏ rơi từ dưới sông Pripet hay sông Bug, hoặc vào giây phút chót, có thể kéo giật Dückerhoff lại, vừa vặn tránh khỏi đống gỗ thỏi đổ ập xuống. Thật đẹp đẽ nếu lúc này tôi có thể thuật lại cái cảnh Dückerhoff suýt chết đuối hoặc thiếu nước nát nhừ người, thở không ra hơi, một thoáng bóng của tử thần còn vương trong ánh mắt, thì thầm vào tai người đội tên Wranka: “Cảm ơn Koljaiczek, cảm ơn!” rồi sau một quãng ngừng bắt buộc: “Thế là hai ta dứt nợ với nhau... Cho qua nhé!”

Và với một nụ cười bối rối đượm vẻ thân ái thô kệch, họ nhìn thẳng vào tròng mắt nhau, mi chớp vội như để giấu một giọt lệ, trước khi sượng sùng xiết chặt bàn tay chai sạn của nhau.

Chúng ta đã từng thấy cảnh này diễn xuất tuyệt hảo, quay tuyệt hảo trong nhiều phim: cuộc hoà giải giữa hai người anh em thù địch, từ nay trở thành chiến hữu suốt đời, chia sẻ ngọt bùi cay đắng qua mọi gian lao

Nhưng Koljaiczek không kiếm được cơ hội nào để dìm chết Dückerhoff, cũng chẳng có dịp kéo giật y khỏi lưỡi hái của thần chết thể hiện dưới dạng thác gỗ đổ ầm ầm. Dückerhoff, một mực lo toan cho lợi ích của xưởng, chỉ mải mốt mua gỗ ở Kiev, giám sát việc đóng số gỗ ấy thành chín bè và, theo cổ lệ, phát thương cho đám thợ bè bằng tiền Nga để chi dùng trên đường về rồi đáp xe lửa đi xuyên Warsaw, Modlin, Deutsch-Eylau, Marienburg và Dirschau trở về cơ sở của mình; đó là một xí nghiệp cưa ở cảng gỗ nằm giữa các bãi đóng tàu Klawitter và Schichau.

Trước khi theo đám thợ bè từ Kiev xuyên qua kênh đào xuôi các dòng sông và cuối cùng, tới sông Vistula sau nhiều tuần làm việc vất vả, tôi cần phải ngẫm lại xem Dückerhoff có chắc là đã nhận ra tên phóng hỏa Koljaiczek trong cái lốt của Wranka hay không. Tôi đồ rằng chừng nào còn ở trên tàu kéo cung với anh chàng Wranka hiền lành, chăm chỉ, được mọi người yêu mến tuy hơi đần, tay chủ xưởng rất muốn tin rằng người bạn đồng hành ấy không phải là kẻ liều mạng Koljaiczek. Hy vọng ấy chỉ từ bỏ y khi đã đàng hoàng yên vị trên xe lửa. Và khi xe lửa về tới đích, tức là nhà ga trung tâm Danzig, Dückerhoff đã đi đến quyết định. Y thuê một cái xe chở riêng hành lý về nhà rồi tay không, thoăn thoắt đi tới đồn cảnh sát gần đấy bên bờ sông Wiehenwall, phốc qua các bậc thềm của cửa chính và, sau một lúc bồn chồn tìm kiếm, vào trúng cái văn phòng cần vào để trình một báo cáo ngắn nêu toàn sự việc. Y không đích thị tố cáo Koljaiczek-Wranka, mà chỉ yêu cầu làm sáng tỏ vụ này và cảnh sát hứa sẽ truy cứu.

Trong nhiều tuần sau đó, trong khi đám gỗ cùng những lều sậy và thợ bè trên đó tiếp tục xuôi dòng, y còn đến nhiều văn phòng, viết kín nhiều trang giấy nữa. Trước hết, có hồ sơ quân dịch của binh nhì Joseph Koljaiczek thuộc trung đoàn pháo binh dã chiến X miền Tây Phổ. Gã lính trơn này đã hai lần bị giam ba ngày ở bót cảnh sát vì đã hô những khẩu hiệu vô chính phủ bằng tiếng Đức pha tiếng Ba Lan trong cơn say. Những vết nhơ đó không hề thấy trong lý lịch của hạ sĩ Wranka phục vụ trong trungkhinh kỵ cận vệ 2 đóng tại Langfuhr. Anh chàng Wranka đã từng chói sáng vinh quang: là liên lạc viên tiểu đoàn trong những cuộc tập trận lớn, anh ta đã gây ấn tượng tốt với Thái tử; vốn luôn luôn có sẵn tiền trong túi, ngài bèn thưởng cho Wranka một đồng thaler[4]. Đồng thaler  này không được ghi trong hồ sơ quân dịch của hạ sĩ Wranka, mà do chính bà ngoại Anna của tôi rền rĩ nêu ra khi bà bị hỏi cung cùng với ông anh Vincent.

Và đó không phải là lý lẽ duy nhất bà đưa ra đe phản bác lời cáo giác vô căn cứ tội phóng hỏa. Bà còn trình ra nhiều giấy tờ xác minh rằng ngay từ năm 1904, Joseph Wranka đã xung vào đội cứu hỏa tình nguyện ở Danzig-Niederstadt, rằng trong những ngày đông tháng giá, khi cánh thợ bè nghỉ dài, ông đã tham gia dập tắt nhiều đám cháy lớn nhỏ. Lại có cả một giấy chứng chỉ xác nhận rằng hồi xảy ra vụ cháy lớn ở ga xe lửa Troyl vào năm 1909, anh lính cứu hỏa Wranka, chỉ nghe theo lòng can đảm của mình, không những đã dập tắt được lửa mà còn cứu thoát hai thợ cơ khí tập sự. Đại uý cứu hỏa Hecht, được mời đến làm chứng, cũng phát biểu theo tinh thần đó. Và ông ta rút ra kết luận sau đây, được ghi lại trong biên bản: “Làm sao anh ta, người đã anh dũng chiến thắng lửa, lại có thể là kẻ phóng hỏa cho được? Chao, tôi vẫn còn thấy hình ảnh anh ta đứng trên chiếc thang cứu hỏa khi nhà thờ Heubude đang cháy đùng đùng! Từ tro và lửa bước ra như Phượng Hoàng tái sinh, anh ta không những đã dập tắt lửa mà còn xoa dịu vết bỏng của thế gian, làm nguôi cơn khát của Thượng Đế! Tình thật, tôi xin nói với các vị: kẻ nào bôi nhọ thanh danh của người mang chiếc mũ cứu hỏa, cái kẻ được ưu tiên nhường đường ở các ngã tư, cái kẻ được các hãng bảo hiểm trân trọng. Cái kẻ luôn luôn có trong túi một dúm tro hoặc để làm bùa, hoặc vì lý do nghề nghiệp, cái kẻ định tố cáo con Phượng Hoàng rực rỡ kia phạm tội đốt nhà, tôi xin nói thẳng, kẻ đó đáng bị buộc một hòn đá vào cổ quăng xuống...”

Đại uý Hecht, như các bạn hẳn đã nhận thấy, là một cha xứ, một nhà hùng biện; mChủ nhật, ông lên giảng đài nhà thờ giáo xứ St. Barbara ở Langgarten và trong suốt thời gian điều tra vụ Koljaiczek-Wranka, ông không ngừng oanh tạc các tín đồ của mình bằng những ngụ ngôn về người lính cứu hỏa nhà trời và con quỷ đốt đền của địa ngục.

Nhưng vì đám thanh tra của đội cảnh sát hình sự không đến St. Barbara nghe giảng đạo và vì đối với họ, cái từ Phượng Hoàng có vẻ như một sự khi quân hơn là một minh oan cho Wranka, nên người ta coi những hoạt động của Wranka trong đội cứu hỏa tình nguyện như một căn cứ phụ để buộc tội.

Người ta thu thập chứng cứ từ các xưởng cưa, từ nơi sinh của cả hai người: Wranka ra đời ở Tuchel còn Koljaiczek thì chôn nhau cắt rốn tại Thorn. Đem khớp những lời khai của những thợ bè lớn tuổi và bà con xa của hai người, thì trật ra những mâu thuẫn nhỏ. Già néo đứt dây. Khi tiến trình điều tra đến đoạn này thì con bè lớn bắt đầu vào lãnh thổ Đức; từ Thorn trở đi, nó bị bí mật giám sát và các thủy thủ lên bờ đều bị theo dõi.

Mãi sau khi đi qua Dirschau, ông ngoại tôi mới nhận thấy mình “có đuôi”, ông vẫn chờ đợi thế. Tuồng như một trạng thái mụ mẫm sâu xa mấp mé chứng suy nhược thần kinh đã ngăn ông “cắt đuôi” ở quãng gần Letzkau hoặc Käsemark; ở cái vùng ông thuộc như lòng bàn tay này, với sự đồng loã của một vài tay thợ bè tận tình, ông thừa sức làm được điều đó. Từ Einlage trở đi, khi những bè gỗ va đập nhau từ từ trôi vào sông Vistula-Chết, một tàu đánh cá với đoàn thủy thủ đông quá mức cần thiết liền áp sát theo, cố gắng một cách lộ liễu để tỏ ra không lộ liễu. Ngay sau khi qua Plehnendorf, hai chiếc xuồng máy của cảnh sát cảng vụt lao ra từ đám sậy ven bờ và bắt đầu rẽ sóng tới lui trên làn nước càng gần đến cảng càng lợ của sông Vistula-Chết. Vòng vây cảnh sát vận đồng phục xanh lơ bắt đầu từ bên kia cây cầu dẫn tới Heubude và dăng khắp các bãi gỗ trông sang Klawitter, các xưởng đóng tàu nhỏ, cảng gỗ trải dài đến tận sông Mottlau, các cầu bến của các xưởng cưa, kể cả cầu tàu của công ty ông n gia đình đang chờ ông; khắp nơi đều thấy những bộ đồng phục xanh lơ; khắp nơi trừ Schichau, nơi đang tưng bừng cờ xí: hình như người ta chuẩn bị hạ thủy một con tàu. Những đám đông náo nức, cả những con hải âu cũng náo nức. Lễ chào mừng ai vậy? Chào mừng ông ngoại tôi?

Ông ngoại tôi trông thấy cảng gỗ đầy những bộ đồng phục xanh. Những chiếc xuồng máy xiết hẹp thêm, những vòng lượn đồng tâm và hắt những con sóng qua mặt bè. Ông hiểu tại sao người ta lại tổ chức những cảnh tốn kém này. Bấy giờ - và chỉ đến bấy giờ - nhịp tim xưa của kẻ phóng hỏa trong ông mới bắt đầu đập trở lại. Ông khạc gã Wranka nhu mì ra, trút cái lốt cứu hỏa tình nguyện, nôn phứt đi cái tật nói lắp và bỏ chạy, chạy miết trên các bè gỗ, trên những bề mặt rộng bập bênh, chân trần trốn chạy trên một thứ sàn gồ ghề, từ thoi gỗ này sang thoi gỗ khác, nhằm hướng Schichau, nơi phất phới cờ xí, nơi đang tưng bừng lễ hạ thủy với những diễn văn hoa mỹ, nơi không có ai hô bắt Wranka hay Koljaiczek. Chỉ còn mấy bước nữa, chỉ còn mấy thoi gỗ nữa thôi. Schichau kia rồi, ở đó người ta đang tuyên bố đại loại như: Ta đặt tên ngươi là TĐV[5] Colombus, chạy tuyến châu Mỹ, hơn bốn mươi ngàn tấn, ba mươi ngàn mã lực, phòng ăn hạng nhất và hạng hai, Tàu của Đức Vua, nhà bếp bên mạn tàu, phòng tập thể dục lát đá hoa, thư viện, tuyến châu Mỹ, Tàu của Đức Vua, thiết bị thăng bằng hiện đại, cầu dạo mát, Heil dir im Siegerkranz[6], cờ hiệu của cảng căn cứ. Hoàng tử Heinrich đứng cầm lái. Ông ngoại Koljaiczek tôi chạy chân trần hầu như không chạm các thoi gỗ, chạy về phía ban nhạc kèn đang tấu vang lừng, một đất nước có những hoàng tử như thế, từ bè này sang bè kia, dân chúng tung hô: Heil dir im Siegerkranz và tất cả các còi của các xưởng đóng tàu và các tàu đậu ở cảng, tàu kéo và du thuyền đều rúc, Colombus, châu Mỹ, Tự Do, và hai chiếc xuồng máy vẫn rượt theo ông, vui như điên, từ bè này sang bè kia những cỗ bè của Đức Vua, và chặn, đường rút của ông, tiếc thay, không còn vui được nữa rồi, ông đứng một mình trên bè gỗ, và ông đã nhìn thấy châu Mỹ, nhưng những chiếc xuồng máy lại chắn ngang. Không còn cách nào khác ngoài việc lao xuống nước và thế là người ta thấy ông ngoại tôi bơi về phía một bè gỗ đang trôi vào dòng sông Mottlau. Những chiếc xuồng máy buộc ông phải nhào xuống và lặn dưới nước và đoàn bè gỗ lướt trôi bên trên ông và cứ thế lướt đi không ngừng, bất tận, bè này sinh ra bè kia, bè của bè của người, tiếp nối vĩnh viễn đời đời chẳng cùng, bè.

Những chiếc xuồng máy tắt “ga”. Những con mắt ráo riết rà khắp mặt sông. Nhưng Koljaiczek đã biến mất tăm, rời xa ban nhạc kèn, rời xa còi xưởng còi tàu chuông tàu, rời xa tàu của Đức Vua, bài diễn văn khánh thành của hoàng tử Heinrich và những con hải âu ngơ ngác, lời tung hô Heil dir im Siegerkranz và xà phòng đen của Đức Vua dùng để chà cho trơn đường của tàu Đức Vua, rời xa châu Mỹ và tàu Coumbus, rời xa đám cảnh sát truy đuổi và xin đủ đoàn bè gỗ trôi hoài trôi hủy vô cùng tận.

Chẳng ai tìm thấy xác ông ngoại tôi. Mặc dầu tin chắc rằng ông đã chết chìm dưới các bè gỗ, ý thức tồn trọng toàn bộ sự thật vẫn buộc tôi phải trình thuật một số diễn giải khác cho rằng ông đã thoát hiểm một cách kỳ diệu.

Chẳng hạn, một số người nói rằng trong khi kẹt dưới đoàn bè, ông đã tìm ra một khoảng trống giữa những thoi gỗ, vừa đủ rộng để ông có thể thò hai lỗ mũi lên khỏi mặt nước, song phần trên lại đủ hẹp để che mắt bọn cảnh sát vẫn tiếp tục lùng sục từng chiếc bè cùng những lều sậy trên đó cho đến tối mịt. Rồi nhờ bóng đêm che chở - họ kể tiếp - ông tự phó mặc cho dòng nước cuốn đi cho đến lúc, kiệt lực nhưng còn sót chút may mắn, ông dạt vào khu vực xưởng đóng tàu Schichau ở bờ bên kia sông Mottlau; ở đó, ông tìm được một chỗ trú trong kho chứa sắt vụn; về sau, có lẽ nhờ sự giúp đỡ của mấy thủy thủ Hy Lạp, ông lọt được lên một trong những con tàu chở dầu nhớp nhúa đã từng chứa chấp nhiều kẻ trốn c

Theo một diễn giải khác: Koljaiczek là tay bơi cự phách lại có buồng phổi đặc biệt, nên chẳng những đã luồn vô tư dưới lớp bè mà còn lặn ngầm qua cả chiều ngang sông Mottlau tới bãi của xưởng tàu Schichau, ở đó ông lẳng lặng trà trộn vào đám đông phấn khích dự hội, hoà chung tiếng hô vang Heil dir in Siegerkranz, cùng hoan hô bài diễn văn của hoàng tử Heinrich. Rồi, lễ hạ thủy kết thúc thắng lợi, quần áo đã gần khô, Koljaiczek cùng với mọi người rời đám hội. Ngay tối hôm đó - đến đây, lại trùng hợp với dị bản thứ nhất - ông bí mật chuồn lên được con tàu chở dầu Hy Lạp nổi tiếng về thành tích bất hảo đó.

Để cho trọn vẹn, xin kể thêm một câu chuyện hoang đường thứ ba nữa: ông ngoại tôi, như một khúc củi rều, cứ thế trôi tuột ra biển, được mấy người dân chài vùng Bohrsack vớt lên rồi giao cho một tay đánh cá khơi người Thụy Điển ở ngoài vùng ba hải lý quy định. Sau đó, như thể do một phép mầu, ông bình phục và tới được Malmo, vân vân và vân vân.

Tất cả những cái đó chỉ là tào lao, là chuyện gẫu của đám dân chài. Tôi cũng chẳng mảy may tin những lời khai của các nhân chứng gọi là mục thị - loại này có thể gặp ở khắp các hải cảng trên thế giới, họ xưng xưng nói là đã thấy ông ngoại tôi ở Buffalo (Mỹ) ít lâu sau Thế chiến thứ nhất dưới cái tên Joe Colchic, nhà kinh doanh nhập khẩu gỗ từ Canada, có cổ phần trong nhiều nhà máy diêm, người sáng lập ra nhiều công ty bảo hiểm hỏa hoạn. Một triệu phú sống cô độc trong một nhà chọc trời, ngự sau một cái bàn giấy kếch xù, mười ngón tay đầy nhẫn kim cương rực màu lửa, huấn luyện cho gã vệ sĩ vận đồng phục lính cứu hỏa đi đều bước một-hai một-hai, hát bằng tiếng Ba Lan và được mệnh danh là Cận vệ của Phượng Hoàng - họ mô tả ông ngoại tôi như vậy.

BƯỚM VÀ ĐÈN

Một con người từ bỏ tất cả, băng qua đại dương, tới Mỹ và trở nên giàu có. Thôi được, về ông ngoại tôi như thế là tạm đủ, bất kể ta gọi ông là Goljaczek (theo tiếng Ba Lan), Koljaiczek (theo tiếng Kashubes) hay Colchic (theo tiếng Mỹ).

Với một cái trống thiếc tầm thường bán đầy ở quầy đồ chơi các cửa hàng bách hóa tổng hợp, thật chẳng dễ gì mô tả cho sinh động những đoàn bè gỗ trôi đầy sông đến tận chân trời. Tuy nhiên, tôi đã dùng tiếng trống gợi lên được hình ảnh khu cảng gỗ với hàng mớ củi rều lềnh bềnh trong vịnh hoặc mắc vào những đám sậy, tái tạo được những bến hạ thủy của các xưởng đóng tàu Schichau và Klawitter, kho chứa sắt vụn của nhà máy toa xe, bãi thải cùi dừa khô thối hoắc của nhà máy macgarin, tất cả các ngóc ngách của cái cù lao bến cảng này mà tôi thuộc như lòng bàn tay.

Ông chết rồi, ông không hề trả lời, không tỏ ra quan tâm chút nào đến các cuộc hạ thủy những con tàu nhà vua, đến sự suy sụp của một con tàu bắt đầu ngay từ lúc hạ thủy và đôi khi kéo dài suốt hai, ba chục năm, cụ thể là trường hợp của TĐV Columbus có dạo được gọi là niềm kiêu hãnh của hạm đội; dĩ nhiên, người ta đưa nó vào chạy tuyến châu Mỹ và về sau nó bị đánh chìm hoặc tự đánh chìm bằng cách đục thủng đáy, trừ phi có thể nó đã được đưa lên đà để cải biến, thay tên hoặc thải bỏ. Cũng có thể con tàu Columbus ấy, bắt chước ông ngoại tôi, chỉ nhào xuống nước và đến tận hôm nay cả cái khối bốn mươi tấn ấy với phòng ăn, phòng tập thể dục lát đá hoa, bể bơi và các phòng mát-xa vẫn còn vật vờ đâu đó tận sáu ngàn mét dưới đáy vụng Philppin hay Emden; ta có thể kiểm tra điều này trong sách “Weyer” hay trong các lịch hàng hải. Tôi cho rằng con tàu Columbus - thứ nhất hoặc thứ hai - đã tự đánh chìm bởi lẽ vị thuyền trưởng không còn mặt mũi nào tiếp tục sống sau một vết nhơ nào đó trên màu hạm kỳ.

Tôi đã đọc cho Bruno nghe đoạn kể về đoàn bè rồi yêu cầu y hãy thật khách quan trả lời câu hỏi của tôi.

“Một cái chết đẹp!” Bruno kêu lên phấn khích và ngay lập tức, với những đoạn dây xoắn nút, y bắt tay vào thể hiện hình tượng ông ngoại tôi chết chìm thành một sáng tác mới. Tôi đành bằng lòng với câu trả lời của y và từ bỏ những dự định ngông cuồng tìm đường sang châu Mỹ hòng kiếm chác chút của thừa tự.

Hai bạn tôi, Klepp và Vittlar, đến thăm tôi. Klepp mang đến một đĩa nhạc jazz: King Oliver cả hai mặt. Vittlar, với những cử chỉ điệu đàng, biếu tôi một quả tim bằng sô-cô-la tết một dải nơ hồng. Họ làm trò hề đủ kiểu, nhái lại nhiều cảnh trong vụ án của tôi và để làm vừa lòng họ, tôi làm bộ vui vẻ như những lần thăm hỏi khác, thậm chí còn cười tán thưởng những câu đùa ngớ ngẩn nhất. Trước khi Klepp kịp mở đầu bài thuyết trình tất yếu của hắn về quan hệ giữa nhạc jazz và chủ nghĩa Mác, tôi tranh thủ kể câu chuyện của tôi về người đàn ông bị kẹt dưới một đoàn bè gỗ dài bất tận, không thoát ra nổi; chuyện xảy ra vào năm 1913, không lâu trước khi cuộc chiến bắt đầu và không ai tìm thấy xác ông ta đâu cả.

Đáp lại những câu hỏi mà tôi đặt ra một cách thoải mái tự nhiên với giọng ngán ngẩm ra mặt, Klepp xoay cái bộ mặt phụng phịu trên cái cổ núng nính mỡ, cởi khuy áo rồi lại cài vào, làm ra cách đang bơi như thể chính hắn đang ở dưới bè vậy. Cuối cùng, hắn lắc đầu thoái thác và viện lẽ mới đầu giờ chiều, còn quá sớm để trả lời câu hỏi của tôi.

Vittlar thì ngồi cứng đơ, trong khi bắt chéo chân vẫn thận trọng không để nhàu những nếp “li” của chiếc quần kẻ sọc nhỏ, phô cái vẻ cao ngạo kỳ lạ chỉ có thể thấy ở những thiên thần nhà trời. “Tớ ở trên bè. Tớ thấy ở trên bè là tốt. Pền một nỗi bị muỗi đốt. Tớ ở dưới gầm bè. Cũng tốt. Chẳng có con muỗi nào đốt tớ. Thật dễ chịu. Tớ nghĩ tớ có thể sống thoải mái dưới gầm bè miễn là không muốn ở trên bè để bị muỗi đốt.”

Vittlar dừng lại một lát để gây hiệu quả, nhìn kỹ tôi từ đầu đến chân rồi, nhướn cặp lông mày vốn đã khá cao như mỗi lần hắn muốn ra bộ giống một con cú mèo và nhấn giọng theo cách rất tuồng: “Tớ đồ rằng người chết đuối dưới gầm bè, nếu không phải là ông ngoại cậu, thì cũng là ông chú cậu. Cảm thấy có nghĩa vụ đối với cậu trong tư cách là ông chú và, hơn thế nữa, là ông ngoại, ổng thà chết còn hơn vì không gì khổ hơn cho cậu là có một vị ông ngoại còn sống. Do vậy cậu không những là kẻ giết ông chú cậu mà còn là kẻ giết ông ngoại cậu. Tuy nhiên, như mọi đấng ông ngoại chân chính, ổng muốn phạt cậu một tí, ổng không cho cậu niềm thỏa mãn được hãnh diện chỉ vào một cái xác trương phềnh nước mà rằng: Hãy nhìn ông ngoại tôi chết đây này. Đó là một vị anh hùng! Ông đã lao mình xuống nước khi bọn chúng truy đuổi ông. Ông ngoại cậu đã giấu biệt xác của mình đi không cho ai thấy. Tại sao? Để cho hậu thế và thằng cháu ngoại của mình còn phải băn khoăn bận tâm về ổng dài dài.”

Rồi vụt đổi giọng, ra bộ ranh mãnh, hắn hơi ngả người về phía trước, vỗ về: “Châu Mỹ! Vui lên đi, Oskar! Cậu có một mục đích, một sứ mệnh trong đời. Cậu sẽ được trắng án, được thả. Và cậu sẽ đi đâu nếu không phải là châu Mỹ, nơi mà người ta có thể tìm thấy lại mọi thứ, kể cả một người ông bị mất tích!”

Câu trả lời của Vittlar, tuy đầy ý giễu cợt, thậm chí xúc phạm, vẫn cho tôi cảm giác xác thực hơn là cái kiểu dấm dẳn của Klepp bạn tôi, cứ lập lờ giữa sống và chết chẳng chút phân định rạch ròi, và hơn cả câu trả lời của gã y tá Bruno nữa; gã này thấy cái chết của ông ngoại tôi là đẹp chỉ vì một lý do duy nhất: ít bữa sau khi ông tôi mất, con tàu Columbuạ thủy. Cầu Chúa ban phước cho cái châu Mỹ của Vittlar, nơi bảo tồn những người ông. mục đích và lý tưởng mà tôi có thể vịn vào để vươn dậy nếu một ngày nào đó, chán châu Âu, tôi định quăng cả trống lẫn bút: “Tiếp tục viết đi, Oskar, hãy làm thế vì ông ngoại Koljaiczek của cậu, vị tỷ phú chán sống, nhà buôn gỗ ở Buffalo, ở Mỹ, người chơi nghịch diêm trong tòa nhà chọc trời của mình! ”

Khi, cuối cùng, Klepp và Vittlar chào và ra về, Bruno bèn thông gió triệt để cho căn phòng nhằm xua hết cái mùi khó ngửi của các bạn tôi. Rồi tôi lại vớ lấy trống, nhưng tôi không kể về nhưng thỏi gỗ bè giấu tử thi nữa; tôi gióng lên cái tiết tấu nhanh, hoạt mà mọi người phải nhất nhất hoà nhịp theo trong một thời gian dài từ sau tháng Tám năm 1914 ấy. Điều đó khiến tôi chỉ có thể nói qua loa về quãng đời, cho tới cái giờ tôi lọt lòng, của cái nhóm nhỏ dăm ba người chịu tang mà ông tôi để lại bên châu Âu.

Khi Koljaiczek mất tích dưới doàn bè, bà ngoại tôi cùng con gái là Agnès, ông Vincent Bronski cùng con trai là Jan bấy giờ mới bảy tuổi, đang đứng trên bến bãi xưởng cưa, giữa đám họ hàng bà con cánh thợ bè, lo lắng theo dõi. Đứng né một chút bên cạnh là Gregor, ông anh trai của Joseph, người được gọi lên tỉnh để thẩm vấn. Ông Gregor này bao giờ cũng sắp sẵn vẫn một câu bất di bất dịch để trả lời cảnh sát: “Tôi chả biết gì mấy về em trai tôi. Thực tình, tôi chỉ biết tên nó là Joseph. Lần cuối cùng tôi gặp nó, có lẽ nó chỉ mới mười hoặc mười hai tuổi là cùng. Nó thường đánh giày cho tôi và đi mua bia mỗi khi mẹ tôi và tôi muốn uống bia.”

Mặc dù nhờ đó người ta có thể xác định được rằng cụ cố bà tôi vốn thích uống bia, câu trả lời của Gregor vẫn chẳng giúp gì cho cảnh sát. Song sự hiện hữu của ông anh trưởng Koljaiczek lại là một hỗ trợ lớn cho bà ngoại tôi. Ông Gregor đã sống đa phần cuộc đời ở Stettin, Berlin, rồi cuối cùng ở Schneidemỹhl, lưu trú tại Danzig, kiếm được việc làm ở nhà máy thuốc súng và sau một năm, khi mọi rắc rối, như cuộc hôn nhân của bà tôi với người mạo danh Wranka, đã được làm sáng tỏ, ông bènưới bà; bà vẫn thiết tha với dòng họ Koljaiczek và ắt sẽ không lấy ông Gregor, hoặc chí ít cũng không sớm thế, nếu ông không phải là một người mang họ Koljaiczek.

Nhờ làm việc ở nhà máy thuốc súng mà Gregor không phải đi lính trong thời bình cũng như thời chiến sau này. Ba người vẫn ở trong cái căn hộ một gian rưỡi đã từng bao năm là chỗ nương náu của kẻ phạm tội phóng hỏa. Nhưng rồi hóa ra không phải mọi người mang họ Koljaiczek đều nhất thiết phải giống nhau, vì sau một năm chung sống, bà tôi buộc phải thuê một cửa hàng dưới tầng hầm một chung cư ở Troyl và kiếm thêm đồng rau đồng cháo bằng cách bán tạp phẩm, từ kim găm đến cải bắp, vì Gregor, tiếng rằng kiếm hàng đống tiền ở nhà máy thuốc súng, nhưng được bao nhiêu đều uống sạch trơn, không mang về nhà đến cả khoản tối thiểu cần thiết cho sinh hoạt gia đình. Khác với ông ngoại Joseph của tôi thi thoảng mới làm một tợp rượu mạnh, Gregor là một tay Lưu Linh thực sự, có lẽ bởi “gien” cụ cố bà tôi. Ông uống không phải vì buồn, cũng chẳng phải vì vui. Ngay cả khi ông có vẻ hoan hỉ - một điều hiếm thấy vì ông vốn mắc chứng sầu bi - ông cũng không uống vì vui. Ông uống vì ông là một người triệt để, thích đi đến cùng kiệt sự vật, với be rượu cũng như với mọi thứ khác. Bình sinh, chưa ai từng thấy Gregor Koljaiczek tha cho một giọt rượu nào còn nằm ở đáy cốc.

Mẹ tôi, hồi đó là một cô gái bầu bĩnh mười lăm tuổi, ngoài công việc nội trợ trong nhà, còn đỡ đần bà tôi ở cửa hàng - dán tem phiếu vào sổ cái, phục vụ khách hàng vào những ngày thứ Bảy và viết những bức thư vụng về nhưng giàu tưởng tượng độc đáo để thúc các khách nợ thanh toán. Tiếc rằng tôi không còn giữ được bức nào trong số đó. Sẽ tuyệt vời biết bao nếu tôi có thể trích dẫn ra đây một vài lời kêu than đau đớn đầy chất nhi nữ từ những bức thư đó của mẹ tôi - xin nhớ mẹ tôi hầu như mồ côi vì ông Gregor còn xa mới đạt tới tư cách hoàn hảo của một ông bố dượng. Quả thật, bà tôi và mẹ tôi phải hết sức vất vả mới giấu được cái “két” - gọi thế cho sang, chứ thực ra chỉ là hai cái đĩa sắt tây úp vào nhau trong đó chỉ có mấy đồng bạc còn chủ yếu là tiền đồng - khỏi con mắt cú vọ thèm khát và rầu rầu, rất Koljaiczek, của lão thợ làm thuốc súng. Chỉ đến năm 1917, khi Gregor Koljaiczek chết vì bệnh sốt rét, phần lãi của cửa hàng mới tăng lên chút đỉnh, nhưng cũng chả được bao nhiêu: thử hỏi, vào cái năm 17 ấy thì còn có gì mà bán với chác?

Căn phòng nhỏ - trống vắng từ khi ông thợ làm thuốc súng chết, vì mẹ tôi, vốn sợ ma, nhất định không chịu ở đó - về sau được xếp cho anh họ mẹ tôi là Jan Bronski hồi đó vừa hai mươi tuổi; sau khi tốt nghiệp trường trung học ở Karthaus và qua một thời gian tập sự ở trạm bưu điện huyện, Jan rời Bissau và cha để đi lập nghiệp với tư cách là viên chức Sở Bưu chính Danzig-I. Ngoài chiếc va-li, Jan mang theo một bộ sưu tập tem đồ sộ góp nhặt từ hồi bé thơ. Quý vị thấy đó, sự gắn bó của ông với bưu chính vượt xa mối quan tâm nghề nghiệp; thực vậy, ông có một thứ tình cảm ân cần riêng tư đối với ngành hành chính này. Chàng thanh niên lẻo khoẻo với dáng đi lòng khòng này, bù lại, có một khuôn mặt trái xoan xinh đẹp, có lẽ hơi quá dịu dàng và đôi mắt đủ xanh để khiến mẹ tôi - bấy giờ đã mười bảy - phải lòng. Đã ba lần Jan ra trước hội đồng tuyển quân, nhưng lần nào cũng bị trả về vì gày yếu đến thảm hại. Điều này nói lên quá rõ thể chất của Jan Bronski bởi hồi đó mọi kẻ thuộc giống đực còn tàm tạm đứng thẳng được đều bị dồn xuống tàu chở đến Verdun để chuyển tư thế từ thẳng đứng sang nằm ngang vĩnh viễn.

Chuyện huê tình của họ hẳn đã bắt đầu khi hai mái đầu trẻ kề bên nhau cùng xem những cuốn album tem, cùng ngắm nghía đường răng cưa và hình soi của những chiếc tem quý. Trong thực tế, nó bùng nổ khi Jan bị gọi tuyển lính lần thứ tư. Mẹ tôi, có việc lên tỉnh, đã theo ông đến tận quân khu và đứng chờ bên ngoài chòi gác của một tay dân quân. Hai người đã nhất trí với nhau rằng lần này Jan phải đăng lính bằng mọi giá để được đưa sang Pháp, ở đó không khí nổi tiếng là chứa nhiều thành phần sắt và chì có thể sẽ chữa lành hai lá phổi ọp ẹp của Jan. Có lẽ mẹ tôi đã đi đếm lại số khuy trên bộ đồng phục của tay dân quân và mỗi lần kết quả một khác. Tôi có thể dễ dàng hình dung hàng khuy của mọi bộ quân phục đều được sắp xếp sao cho khi đếm đến chiếc cuối cùng bao giờ cũng là Verdun, là Hartmannsweilerkopt, hoặc một dòng sông nhỏ nào đó, sông Somme hay sông Marne.

Khi, sau ngót một tiếng đồng hồ, gã thanh niên tuyển-lính-bốn-lần-không-đắt ra khỏi cổng quân khu, lao xuống các bậc thềm và ôm chầm lấy cổ mẹ tôi mà thì thầm cái câu rất êm tai hồi đó: “Đằng trước đằng sau đều không đạt. Trả về. Cho hoãn một năm!” thì lần đầu tiên mẹ tôi ghì chặt Jan Bronsski trong vòng tay và tôi không chắc có bao giờ họ hạnh phúc hơn thế trong vòng tay nhau.

Tôi không biết những chi tiết của mối tình thời chiến ấy. Jan bán một phần bộ sưu tập tem để thỏa mãn những yêu cầu của mẹ tôi, người vốn rất nhạy cảm với tất cả những gì hợp thời trang, đẹp và đắt tiền; nghe nói ông có một cuốn nhật ký mà tiếc thay, lại thất lạc mất. Xem ra bà ngoại tôi đã dung thứ cho mối quan hệ của đôi trẻ - rõ ràng vượt xa ranh giới tình cảm họ hàng - vì Jan Bronski vẫn trú tại căn hộ chật hẹp ở Troyl cho đến một thời gian ngắn sau chiến tranh. Chàng chỉ ra đi khi sự hiện hữu của một me-xừ Matzerath trở nên hiển nhiên, không thể chối cãi. Mẹ tôi hẳn đã quen me-xừ này vào mùa hè năm 1918, khi bà làm y tá phụ ở bệnh viện Silberhammer gần Oliva. Alfred Matzareth, quê ở vùng Rhine, nằm viện với một viên đạn xuyên qua đùi, chẳng bao lâu, do tính tình vui nhộn vốn là bản chất của người vùng Rhine, đã trở thành đối tượng ưu ái của các nữ y tá. Mới nhúc nhắc được tí chút, ông đã lò cò ngoài hành lang, vịn tay một cô y tá nào đó, giúp việc Agnès mẹ tôi trong bếp vì chiếc mũ nữ y tá xinh xinh sao mà hợp với khuôn mặt tròn trĩnh của mẹ và vì ông vốn là người mê nấu bếp, có thể chế biến tình cảm thành xúp.

Khi vết thương lành, Alfred, ở lại Danzig và kiếm ngay được chân đại diện cho một hãng văn phòng phẩm lớn ở Rhine vì ông đã làm việc ở đóồi trước chiến tranh. Chiến tranh đến hồi tàn. Người ta nặn ra những hòa ước bôi bác chỉ để có cớ gây thêm những cuộc chiến tranh mới: vùng lãnh thổ quanh cửa sông Vistula - được phân giới đại khái bằng một đường chạy từ Vogelsang trên sông Nehrung dọc sông Nogar đến Pieckel, xuôi theo sông Vistula đến Czankau, cắt thẳng góc tới tận Schonfliess, vòng quanh khu rừng Saskoschin đến Hồ Ottomin, bỏ Mattern, Ramkau và vùng Bissau của mẹ tôi lại một bên và quay về Biển Baltic ở điểm Klein-Katz - được tuyên bố là một Bang tự do dưới sự kiểm soát của Hội Quốc Liên. Ngay trong địa phận bang này, Ba Lan được một cảng miễn thuế: cảng Westerplatte gồm cả kho đạn dược, sở hỏa xa và một nhà bưu điện riêng trên Quảng trường Hevelins.

Trong khi tem bưu chính của Bang tự do loè loẹt những màu vàng, đỏ của huy hiệu phường buôn thì những người Ba Lan dán trên bì thư của mình những cảnh minh họa truyền sử về Casimir[7] và Bathory[8]  thuần một màu tím thê lương.

Jan Bronski theo Ba Lan nên chuyển sang làm ở Sở Bưu chính Ba Lan. Hành động này xem ra có vẻ hồn nhiên song nhiều người lại cho đó là một phản ứng với sự không chung thủy của mẹ tôi. Năm 1920, khi Marszalek Pilsudski đánh bại Hồng quân trước cửa ngõ Vacxava, cái phép thần kỳ mà ông Vincent Bronski cho là do Đức Mẹ Mary Đồng Trinh, còn các chuyên gia quân sự thì gán cho tướng Sikorski hoặc tướng Weygand, phải, vào cái năm rất đậm nét Ba Lan ấy, mẹ tôi đính hôn với Matzerath, công dân của Đế chế Đức. Tôi đồ rằng cuộc đính hôn này chẳng làm bà ngoại tôi thích thú gì hơn bác Jan. Để lại cho con gái cái cửa hàng dưới tầng hầm ở Troyl mà bà đã gây dựng nên phát đạt, bà rút về Bissau ở với ông anh Vincent, và trên lãnh thổ Ba Lan, lại sắn váy quai cồng quản lý cái nông trại với những cánh đồng củ cải và khoai tây như thời kỳ tiền-Koljaiczek. Để cho ông anh đầy lòng biết ơn mặc sức trò chuyện với Đức Mẹ Đồng Trinh-Hoàng Hậu Ba Lan, bà trở lại ngồi bệt dưới đất trong bốn chiếctrước đống lửa mồi bằng vỏ khoai tây khô mà hấp háy mắt nhìn về phía chân trời vẫn ngắt từng đoạn bởi những cột điện báo.

Mãi đến khi Jan tìm được và cưới nàng Hedwige của mình, một cô gái Kashubes sống ở thành phố nhưng vẫn có ruộng đất ở Ramkau, quan hệ giữa ông và mẹ tôi mới được cải thiện. Tình cờ gặp nhau trong một tối khiêu vũ ở tiệm cà phê Woyke, mẹ tôi giới thiệu Jan với Matzerath. Hai me-xừ rất khác nhau này, song lại đồng điệu về tình cảm đối với mẹ tôi, đâm ra thích nhau, mặc dầu Matzerath vẫn thẳng thừng nhận xét bằng cái giọng đặc sệt vùng Rhineland rằng việc Jan chuyển qua Sở Bưu chính Ba Lan là rồ dại

Jan nhảy với mẹ tôi, Matzerath nhảy với nàng Hedwige cao lớn, to xương có cái nhìn không thể hiểu nổi của một con bò cái khiến người ta tưởng như cô nàng có mang thường trực.

Năm 1921, vào thời kỳ lạm phát, khi mà người ta có thể dán giấy phủ tường một căn phòng ngủ với chi phí bằng giá một bao diêm, nghĩa là bằng không, Matzerath cưới mẹ tôi. Jan là một người làm chứng, còn người kia là một nhà buôn tên là Mühlen. Về Mühlen, tôi không biết gì nhiều để kể với các bạn. Sở dĩ phải nhắc đến ông ta, chỉ là vì vào đúng thời kỳ đồng mark củng cố được đưa vào cuộc, mẹ tôi và Matzerath đã mua lại của ông ta một cửa hiệu tạp hóa xập xệ, xơ xác vì bán chịu, ở khu ngoại ô Langfuhrr. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ tích luỹ được kinh nghiệm hồi giúp việc dưới tầng hầm ở Troyl, biết cách ứng xử khéo léo với mọi loại khách hàng quen mua chịu, lại có khiếu bẩm sinh về buôn bán cộng thêm tài đối đáp linh hoạt, mẹ tôi đã vực được cái cửa hiệu sắp chết chìm phất lên đến độ Matzareth có thể từ bỏ chức vụ đại diện ngành giấy - vốn chẳng phát đạt gì - để giúp việc trong cửa hiệu.

Hai người bổ sung cho nhau thật tuyệt. Sự thao lược của mẹ tôi từ sau quầy hàng tương xứng với tài giao dịch của ông chồng trong giới chào hàng và bbuôn. Một điều nữa khiến cuộc hôn phối của họ càng thêm hoàn hảo: niềm đam mê của Matzerath đối với nghệ thuật nấu ăn bao gồm cả việc rửa bát đĩa - một may mắn lớn cho mẹ tôi vốn chẳng chí thú gì công việc bếp núc.

Căn hộ kề liền cửa hiệu đành rằng cũng chật chội và thiết kế vụng, nhưng so với điều kiện ăn ở ở Troyl (mà tôi chỉ được nghe kể lại) thì có thể xem như vào bậc trung lưu, đủ khiến cho mẹ tôi cảm thấy thoải mái, chi ít là trong những năm đầu của đời sống vợ chồng.

Ngoài cái hành lang dài, hơi xệch xẹo, thường xuyên chất đống những hòm xà phòng mảnh, còn có một gian bếp rộng cũng ngổn ngang các loại hàng như đồ hộp, bột mì, hạt lúa mạch. Trung tâm của căn hộ dưới tầng trệt là phòng khách có hai cửa sổ nhìn ra phố và một mảnh vườn nhỏ đằng trước, mùa hè được điểm tô bằng những vỏ ốc biển Baltic. Giấy dán tường đậm một màu đỏ vang, còn chiếc xôfa thì bọc bằng vải màu tía. Một cái bàn có tấm nối thêm, tròn góc, bốn chiếc ghế tựa bọc da đen và một cái bàn tròn nhỏ cho người hút thuốc không ngừng bị chuyển chỗ, đứng dạng chân trên một tấm thảm xanh lơ. Một chiếc đồng hồ đen và vàng treo giữa hai cửa sổ. Sát cạnh chiếc xôfa màu tía là chiếc piano đen, thoạt đầu thuê sau rồi mua trả góp, với chiếc ghế xoay đặt trên một tấm da thú lông dài màu trắng đã ngả vàng. Đối diện với chiếc piano là tủ buyp-phê đen với cửa kính trượt nẹp đen có trang trí hình trứng; phần dưới, đựng bát đĩa và khăn bàn, có cửa chạm trổ đầy hình quả trái, bốn chân là những móng vuốt đen xì. Trên mặt tủ, giữa chiếc cốc pha lê đựng hoa quả giả và chiếc bình xanh được giải xổ số, là một khoảng trống mà sau này, tài buôn bán của mẹ tôi đã kịp lấp đầy bằng một máy thu thanh vô tuyến màu nâu nhạt.

Phòng ngủ rực sắc vàng và nhìn ra sân của khu chung cư bốn tầng. Quý vị có tin tôi hay không thì tùy, nhưng cái vòm của chiếc giường phu thê đích thị là màu da trời và dưới ánh sáng xanh lơ đó, một tấm hình nàng Madeleine đNa thắm thịt nằm trong hang đá, ăn năn sám hối, phóng một tiếng thở dài lên mép trên bên phải của bức tranh và xoắn hai tay vào nhau, đôi bàn tay nhiều ngón đến nỗi người ta cứ phải đếm đi đếm lại vì ngỡ đâu như không phải chỉ có mười. Phía trước giường phu thê là tủ lớn láng trắng có hai cửa gương, bên trái, một bàn phấn nhỏ, bên phải, một tủ com-mốt mặt cẩm thạch; thiết bị ánh sáng gắn vào hai nhánh đồng treo thõng từ trần xuống, không che chụp bằng xa-tanh như ở phòng khách mà bằng hai bán cầu sứ màu hồng nhạt từ đó chòi ra hai bóng đèn lung linh.

Hôm nay tôi đã khua trống suốt cả buổi sáng, hỏi nó xem những bóng điện trong phòng ngủ nhà tôi là bốn mươi hay sáu mươi oát. Đây không phải lần đầu tiên tôi đặt ra cho bản thân, cũng như cho cái trống của mình, cái câu hỏi cực kỳ quan trọng này đối với tôi. Đôi khi tôi phải mất hàng mấy tiếng đồng hồ mới quay về được với những chiếc bóng đèn ấy. Bởi vì tôi phải thoát ra khỏi cả một rừng bóng đèn bằng cách nện trống thật rền không khoa tay múa dùi và phải quên đi hàng ngàn nguồn sáng mà tôi đã nhóm, lên hay tắt đi, mới quay về được với những ánh quang của phòng ngủ nhà chúng tôi ở Labesweg.

Mẹ tôi sinh tôi ngay tại nhà. Khi bắt đầu đau đẻ, mẹ tôi còn ở cửa hàng, đang đóng đường vào những bao một “pao” và nửa “pao”. Đã quá muộn để đưa mẹ vào bệnh viện, đành phải gọi một bà đỡ lớn tuổi sắp thôi hành nghề, ở phố Hertastrasse gần đấy. Trong phòng ngủ, bà ta giúp cho mẹ con tôi tách rời khỏi nhau.

Vậy đó, ánh sáng đầu tiên đón tôi ra đời là hai ngọn đèn điện sáu mươi oát. Chính vì thế mà bao giờ tôi cũng thấy cái câu trong Kinh Thánh: “Cầu cho ánh sáng bừng lên, và thế là ánh sáng bừng lên” là khẩu hiệu quảng cáo đạt nhất của hãng bóng đèn Osram. Mọi sự trôi chảy, mẹ tròn con vuông, ngoại trừ điều tất yếu là vỡ đáy chậu. Tôi thoát ra khỏi tư thế lộn ngược, vốn được cả thai nhi lẫn các bà mẹ và bà đỡ ưa chuộng, để chui đầu ra trước, chẳng mấy

Xin nói ngay lập tức: tôi thuộc loại trẻ sơ sinh rất thính tai, với độ phát triển tâm lý hoàn chỉnh từ lúc lọt lòng, sau đó chỉ cần bổ khuyết thêm chút đỉnh. Tỉnh bơ, tôi rình ngóng những lời cha mẹ buột nói ra dưới hai bóng điện. Tai tôi cảnh giác cao độ. Đôi tai nhỏ xíu, gầy và bẹt ấy (mặc dầu vậy vẫn xinh xẻo) đã chộp được những phát biểu mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với tôi bởi lẽ đó là những ấn tượng đầu tiên của tôi. Và những gì tai nghe được, óc bèn phân tích đánh giá tức thì. Sau khi suy ngẫm về những điều nghe lỏm được, tôi quyết định một số điều cần làm và một số điều tuyệt đối không nên làm.

“Một đứa con trai. Lớn lên, nó sẽ thay chúng ta trông nom cửa hàng,” xừ Matzerath, tưởng mình là cha tôi, nói vậy. “Chí ít chúng ta cũng biết vì sao mình đã làm lụng đến mòn vẹt mười đầu ngón tay.”

Mẹ tôi thì lo chuyện tã lót cho tôi hơn là nghĩ đến cửa hàng. “À, tôi đã biết trước là con trai mặc dù đôi khi tôi vẫn nói là thị mẹt.”

Như vậy, từ rất sớm tôi đã làm quen với cái lôgic của đàn bà. Câu tiếp theo tôi nghe được là: “Khi nào bé Oskar lên ba, bé sẽ được một cái trống thiếc để chơi.”

Trong khi cân nhắc và so sánh những lời hứa ấy của phụ mẫu, tôi quan sát và lắng nghe một con bướm đêm bay lạc vào trong phòng. Tầm cỡ trung bình và đầy lông, nó ve vãn hai cái bóng điện sáu mươi oát và hắt những cái bóng lớn gấp bội đôi cánh dang rộng của nó, trùm lên căn phòng cùng mọi thứ bày biện trong đó một chuyển động rung rinh. Tuy nhiên điều khiến tôi quan tâm nhất không phải là trò chơi chập chờn sáng-tối, mà là tiếng rì rầm đối thoại giữa bướm và đèn: bướm ta liến thoắng như thể đang hối hả bộc bạch hết những điều mình hay biết, như thể không còn thời gian nào khác để tận hưởng những nguồn sáng này, như thể đây là lời tâm sự cuối cùng của bướm với đèn vậy. Và như thể sau sự xá tội do bóng đèn ban cho, sẽ chẳng còn dịp nào để mắc tội lỗi hoặc phạm điều rồ dại.

Ngày nay, Oskar ắt chỉ nói đơn giản là chú bướm đêm chơi trống. Tôi đã từng nghe thỏ, cáo và sóc đánh trống. Loài cóc có thể dóng trống gọi mưa. Người ta nói chim gõ kiến nện trống để xua bọn sâu bọ ra khỏi chỗ trú của chúng. Còn người thì gõ thanh la, chũm chọe và trống cái. Người ta tả súng bắn như trống dồn hoặc những hồi trống “tùng-bi-li” trên pháp trường. Người ta đánh trống tan trường, đánh trống tập hợp quân sĩ, đánh trống tiễn đưa người ra đi vĩnh viễn. Có những chú bé đánh trống và những tay trống đội trưởng quân nhạc. Có những nhạc sĩ viết concerto cho bộ dây và bộ gõ. Ấy là chưa kể những cố gắng tự thể hiện của Oskar trên trống. Nhưng tất cả những cái đó chẳng thấm tháp gì so với cuộc truy hoan trống mà chú bướm đêm đã diễn tấu trên hai chiếc bóng điện sáu mươi oát tầm thường nhân dịp tôi ra đời. Có những người da đen ở châu Phi chính cống hoặc những người đen khác ở châu Mỹ song chưa quên gốc Phi, với cái năng khiếu nổi tiếng của họ về tiết tấu, có thể bắt chước loài bướm đêm Phi châu (to hơn, đẹp hơn bướm đêm Đông Âu là cái chắc) chơi trống một cách say mê cuồng nhiệt mà vẫn quy củ chặt chẽ về nhịp phách; tôi thì chỉ có thể dựa vào tiêu chuẩn Đông Âu của mình mà ca ngợi chú bướm đêm màu phấn nâu, tầm cỡ trung bình xuất hiện vào giờ tôi sinh - đó chính là sư phụ của Oskar vậy.

Đó là vào những ngày đầu tháng chín. Mặt trời đang ở cung xử Nữ. Một cơn dông cuối hè cuốn theo hòm xiểng, đồ đạc đang xuyên đêm tiến lại gần Sao Thủy khiến tôi có thói hay chỉ trích, sao Thiên Vương cho đầu óc tưởng tượng, sao Kim khiến tôi tin vào sự tiện nghi và sao Hỏa thì cho tôi niềm tin vào tham vọng của mình. Cung Thiên Xứng, thăng lên trong phổ hoàng đạo đầu đời nơi chân trời đằng đông, khiến tôi nhạy cảm và thích phóng đại. Sao Hải Vương nhập vào phổ hoàng đạo thứ mười, tức giữa đời, cột tôi vào một thái độ trung dung giữa niềm tin vào những điều kỳ diệu và sự vỡ mộng. Chính sao Thổ, đối lập với sao Mộc trong phổ hoàng đạo thứ bến cho nguồn gốc của tôi thành khả nghi. Nhưng ai đã phái chú bướm đêm tới và, giữa lúc một cơn dông cuối hè đang la lối như một ông hiệu trưởng trường trung học, cho phép chú gieo trong tôi niềm đam mê đối với cái trống thiếc mà mẹ đã hứa sẽ cho tôi?

Trong khi bề ngoài, tôi la khóc và vào vai một đứa trẻ sơ sinh đỏ hỏn, trong bụng tôi đã quyết định chối bỏ mọi dự định của cha tôi, nghĩa là tất cả những gì liên quan đến cửa hàng, mà sẽ ưu tiên xem xét kế hoạch của mẹ tôi vào đúng lúc, cụ thể là vào dịp sinh nhật lần thứ ba của tôi.

Ngoài tất cả những toan tính ấy về tương lai của mình, tôi mau chóng nhận ra rằng mẹ tôi và xừ Matzerath này không đủ thông minh để hiểu và tôn trọng những quyết định, chống đối hay đồng tình, của tôi. Cô đơn, không người tri âm, Oskar nằm dưới hai bóng đèn điện và mường tượng là sự tình cứ tiếp diễn như thế này trong sáu, bảy mươi năm cho đến lúc, kết cục, một cú chập mạch làm tắt ngóm mọi nguồn sáng; thế là tôi mất hết hứng khởi ngay cả trước khi cuộc sống dưới hai bóng điện bắt đầu. Chỉ có viễn cảnh về cái trống mới ngăn được tôi khỏi bộc lộ mạnh mẽ hơn niềm khao khát muốn lộn trở về bào thai.

Vả lại, bà đỡ đã cắt cuống nhau, chẳng làm gì được nữa.

CUỐN ALBUM ẢNH

Tôi còn giữ được một kho báu. Suốt những năm xấu gồm toàn ngày chiếu theo lịch, tôi đã giữ gìn, cất giấu nó những lúc không giở ra xem; trong cuộc hành trình trên toa chở hàng, tôi ghì nó vào ngực và khi tôi ngủ, Oskar ngủ trên kho báu của mình: cuốn album ảnh này.

Không có cái nghĩa trang gia đình này mà nhờ đó mọi sự trở nên phân minh, rõ ràng như ban ngày, liệu tôi có thể làm gì được? Album có một trăm hai mươi trang. Trên mỗi trang, từ bốn đến sáu, hoặc đôi khi chỉ hai, tấm hình được dán cẩn thận, cái trên cái dưới hoặc cạnh nhau, phân bố đều đặn, chỗ đối xứng chỗ không, nhưng bao giờ cũng vuông thành đứng cạnh. Sách đóng bìa da, càng lâu ngày càng rõ mùi da thuộc. Đôi khi, trải mưa nắng phong sương, cuốn album của tôi bị xuống cấp, ảnh bong ra, nom thiểu não đến nỗi tôi phải vội vàng dán chúng trở lại vị trí quen thuộc.

Thử hỏi có cuốn tiểu thuyết nào hoặc giả có gì khác trên thế gian này có được cái quy mô hùng tráng như một album ảnh? Lạy Cha chúng ta trên trời - đấng amatơ không mệt mỏi chụp chúng ta từ trên cao mỗi sáng Chủ nhật dưới một ánh sáng ít nhiều thuận lợi và dán chúng ta vào cuốn album của Ngài - cầu sao Ngài dắt tôi vững vàng đi qua cuốn album này, đừng để tôi nán lại quá lâu ở những chỗ tôi ưa thích và ngăn cái sở thích của Oskar đối với những gì vòng vèo, ngoắt ngoéo, bởi tôi thường quá ham liên hệ từ ảnh đến người thật.

Hãy thử ngó qua xem: đồng phục đủ mọi loại, thời trang và kiểu tóc thay đổi, mẹ béo ra, bác Jan bệu ra, một số người tôi không biết nhưng tôi có thể đoán được. Chà, ai chụp tấm này đấy nhỉ? Nghệ thuật quả đang xuống cấp. Phải, dần dần ảnh nghệ thuật năm 1900 đổ đốn thành thứ ảnh thực dụng ngày nay. Hãy thử so tấm hình giàu chất tượng đài của Koljaiczek ông ngoại tôi với bức ảnh căn cước của Klepp bạn tôi mà coi. Chỉ cần đặt hai cái cạnh nhau, tấm ảnh ông tôi in màu nâu và tấm ảnh căn cước bóng loáng như đang kêu xin một cái dấu triện, cũng đủ thấy công cuộc tiến bộ đã đưa ta đến đâu trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Ấy vậy mà cái ảnh cấp tập đó lại đòi hỏi cả một lô xí xộ phương tiện hiện đại! Thực ra, về điểm này, tôi phải tự trách mình nhiều hơn là đổ lỗi cho Klepp bởi vì, với tư cách là chủ nhân cuốn album, lẽ ra tải giữ vững một số tiêu chuẩn nhất định chứ. Tôi biết, nếu quả có một ngày chúng ta phải nếm mùi địa ngục, một trong những tội hình ác độc nhất sẽ là nhốt vong hồn trần truồng vào một căn phòng với những tấm ảnh đóng khung thuở sinh thời của hắn. Nào, mau mau sang sề thật mùi mẫn vào: Ôi con người giữa những tấm ảnh chụp chớp nhoáng, những tấm ảnh căn cước! Ôi con người dưới ánh đèn “flash”, ôi con người đứng thẳng bên tháp nghiêng Pisa. Ôi con người photomaton phải vểnh cái tai phải lên nếu muốn xứng đáng được một tấm ảnh căn cước! Và... mà thôi, tắt giọng mùi mẫn được rồi. Có thể cái địa ngục này còn khả dĩ chịu được bởi vì những tấm hình tồi tệ nhất mới chỉ là trong mơ chứ chưa được chụp, hoặc giả nếu chụp rồi thì cũng chưa được rửa ra ảnh.

Những tấm ảnh này của Klepp và tôi được chụp và rửa vào những ngày đầu bọn tôi ở phố Jylicher-strasse, khi chúng tôi kết bạn với nhau nhân một buổi cùng ăn spaghetti. Dạo ấy, tôi đang ấp ủ mộng ngao du sơn thủy. Có nghĩa là tôi đang buồn chán đến nỗi tôi quyết định phải làm một chuyến du lịch và muốn vậy, phải xin hộ chiếu. Nhưng vì tôi chưa đủ tiền để chi phí cho một chuyến du lịch đàng hoàng bao gồm Roma, Napoli, hay chí ít là Paris, nên tôi lại lấy làm mừng vì sự thiếu hụt tài chính đó, vì còn gì bi đát hơn là lên đường trong tình trạng hầu bao lép kẹp? Nhưng tiền đi xem phim thì đủ. Thế nên vào thời kỳ đó, Klepp và tôi đến mọi rạp xi-nê có chiếu những phim Viễn Tây hoang dại phù hợp với khẩu vị của Klepp, hoặc những phim đúng yêu cầu của tôi trong đó Maria Schell sắm vai cô nữ y tá lã chã nước mắt và Borsche (vai bác sĩ phẫu thuật) sau mỗi ca mổ khó khăn lại đứng bên cửa sổ mở rộng chơi những bản xônat của Beethoven, bộc lộ rõ một ý thức trách nhiệm cao.

Chúng tôi rất bất mãn vì các buổi chiếu chỉ kéo dài có hai giờ. Có nhiều chương trình, phim bọn tôi muốn xem hai lần. Lắm khi, cuối buổi chúng tôi đứng lên, định ra mua vé xem tiếp. Nhưng vừa ra khỏi phòng, trông thấy đám người xếp hàng chờ trước cửa bán vé, chúng tôi lại đâm nản. Cả việc phải giáp mặt lần t với cô bán vé lẫn những cái nhìn trâng tráo của những người lạ hoặc chĩa vào mặt chúng tôi đều làm chúng tôi phát ngượng, hết muốn đứng vào cuối hàng.

Kết quả là hầu như sau mỗi buổi xem phim, bọn tôi đều đến một hiệu ảnh gần Quảng trường Graf-Adolf để chụp ảnh căn cước. Tại đây người ta đã biết chúng tôi, người ta chào đón chúng tôi bằng một nụ cười: chúng tôi là khách hàng vì vậy chúng tôi được tiếp đãi lịch sự. Phòng chụp vừa rảnh là một cô gái đưa chúng tôi vào liền - về cô gái này, tôi chỉ nhớ một điều là cô ta rất dễ ưa. Cô ta khéo léo chỉnh tư thế đầu chúng tôi cho đúng góc độ, đầu tiên là tôi rồi đến Klepp, và bảo chúng tôi nhìn cố định vào một điểm. Lát sau, một lóe chớp cùng lúc với một tiếng chuông báo hiệu là hình chúng tôi đã được ghi trên phim sáu lần liền.

Khóe miệng còn cứng đơ vì lấy dáng, chúng tôi được cô gái mời ngồi thoải mái vào hai chiếc ghế bành mây; với thái độ nhuần nhã (ăn mặc cũng nhã), cô đề nghị chúng tôi chịu khó chờ năm phút. Chúng tôi vui vẻ chờ. Bởi vì giờ đây chúng tôi đã có cái để chờ đợi - tấm ảnh căn cước của chúng tôi - và chúng tôi đang tò mò muốn xem nó ra sao. Đúng bảy phút sau, cô gái vẫn nhuần nhã nhưng không có gì đặc sắc đưa cho chúng tôi hai chiếc phong bì và chúng tôi trả tiền.

Chao, cái ánh đắc thắng trong cặp mắt hơi lồi của Klepp! Vừa nhận hai chiếc phong bì ảnh, chúng tôi tức thị có ngay lý do để đến quầy bia gần nhất bởi lẽ có ai mà lại thích ngắm ảnh hộ chiếu của mình ở giữa đường giữa chợ tấp nập, ồn ào, bụi bặm, làm cản trở giao thông. Cũng như chúng tôi luôn trung thành với hiệu ảnh nọ, bao giờ chúng tôi cũng chỉ đến quán bia ở đường Friedrichstrasse. Sau khi gọi bia, dồi xúc xích với hành và bánh mì đen, tranh thủ lúc các món nhậu chưa dọn ra, chúng tôi rải những tấm ảnh còn hơi ẩm lên mặt chiếc bàn tròn nhỏ và trong khi thưởng thức bia với dồi xúc xích vừa được mang đến, chúng tôi trầm ngâm ngắm vẻ mặt căng thẳng của chính

Bao giờ chúng tôi cũng mang theo những tấm hình chụp vào dịp xem phim lần trước. Như vậy, chúng tôi có cái để so sánh và một khi đã có cái để so sánh thì lại có cớ để gọi thêm một chầu bia thứ hai, thứ ba, thứ tư cho thêm phần rôm rả, hay, theo cách nói ở vùng Rhine, để tạo không khí.

Tôi không định nói là một người buồn vô cớ có thể giải buồn bằng tấm ảnh căn cước của chính mình; bởi vì nỗi buồn chân chính bao giờ cũng vô cớ; một nỗi buồn như thế, chí ít là nỗi buồn của bọn tôi, không thể truy tìm nguyên nhân cụ thể được và với tính chất vu vơ hồ như vô lối của nó, nỗi buồn này của chúng tôi đã lên tới một cường độ mãnh liệt không chịu nhường bước bất cứ cái gì. Nếu có cách gì bầu bạn được với nỗi sầu của chúng tôi, thì đó là thông qua những tấm ảnh, bởi vì trong những hình chụp chớp nhoáng hàng loạt ấy, chúng tôi tìm thấy một hình ảnh của chính mình dẫu không thật rõ ràng nhưng - đấy mới là điều chủ yếu - thụ động và trung lập. Điều đó khiến chúng tôi có thể tự do xử lý với chính mình; chúng tôi có thể uống bia, ngấu nghiến đả dồi xúc xích, vui chơi tung tẩy. Chúng tôi bẻ cong, gập đôi những tấm ảnh, rồi cắt vụn ra bằng chiếc kéo nhỏ mang theo cốt để làm việc ấy. Chúng tôi chồng chắp ảnh cũ ảnh mới vào nhau, biến mình thành độc nhãn hoặc ba mắt, đặt mũi vào chỗ tai, cho cái tai phải vểnh ra thay miệng đảm nhiệm chức năng nói hoặc im lặng, kết hợp trán với cằm làm một. Và không phải đứa nào dùng ảnh đứa nấy để dựng những tác phẩm lắp ráp đó: Klepp mượn nhiều nét của tôi và ngược lại. Như vậy, chúng tôi đã tạo ra được những sinh linh mới mẻ và - chúng tôi hy vọng thế - hạnh phúc hơn. Thi thoảng chúng tôi cũng cho đi một tấm.

Chúng tôi - đây chỉ nói riêng Klepp và tôi, chứ không nhằm các nhân vật tổng hợp được tạo nên bằng cách ghép ảnh - đâm có thói quen tặng ảnh bác bồi bàn mà chúng tôi gọi là Rudi mỗi khi gặp bác ta và điều này xảy ra ít nhất mỗi tuần một lần. Rudi, một tay có mười hai con chính thức và ít là tám con “gửi” thiên hạ, thông cảm nỗi sầu muộn của chúng tôi, bác ta có tới hàng tá ảnh chân dung nhìn nghiêng của chúng tôi và ảnh chính diện thì còn nhiều hơn thế; tuy nhiên, lần nào mắt bác ta cũng ánh lên vẻ thiện cảm kèm theo lời cảm ơn mỗi khi, sau hồi lâu bàn cãi và chọn lựa cẩn thận, chúng tôi đưa cho bác tấm ảnh.

Oskar không bao giờ tặng ảnh cho cô phục vụ ở quầy hoặc cô gái tóc đỏ bê khay thuốc lá; cho phụ nữ ảnh chả phải là một ý hay hớm gì, bởi lẽ ai mà biết được họ sẽ dùng nó vào việc gì. Nhưng gã Klepp béo tròn, hồn nhiên, có thể là mồi ngon cho phái đẹp, tính nó lại cởi mở đến khờ dại, chỉ cần có mặt phụ nữ là xổ hết gan ruột ra, chắc hắn đã giấu tôi đem cho cô ả thuốc lá một tấm ảnh; bằng chứng là hắn đã đính hôn rồi sau đó cưới cô ả chỉ vì hắn muốn lấy lại tấm ảnh đó.

Tôi đã đi trước và dành quá nhiều lời cho những trang cuối của cuốn album. Những tấm ảnh chụp chớp nhoáng ấy không đáng được như thế; tuy nhiên, nếu lấy làm một vế để so sánh thì chúng có thể cho quý vị thấy là tấm ảnh chân dung ông ngoại Koljaiczek của tôi ở trang đầu, cho đến bây giờ, vân còn gây một ấn tượng nghệ thuật trác tuyệt, hùng vĩ như thế nào đối với tôi.

Thấp và to ngang, ông đứng đó, đằng sau một cái bàn cà phê đầy nét chạm trổ. Tiếc thay, ông lại không chụp hình dưới dạng kẻ phóng hỏa, mà với danh tính là me-xừ Wranka lính cứu hỏa tình nguyện. Nhưng bộ đồng phục cứu hỏa vừa khít với tấm huy hiệu cứu trợ và chiếc mũ sắt cứu hỏa đem lại cho cái bàn dáng vẻ của một ban thờ, những cái đó hồ như có thể thay thế bộ ria của kẻ phóng hỏa. Cái nhìn của ông mới nghiêm trang làm sao, chất chứa đau buồn của những năm đau buồn. Cái nhìn kiêu hãnh bất chấp mọi bi kịch ấy dường như đã thành phổ cập trong những năm của Đế chế Đức; ta gặp lại nó trên gương mặt của người thợ làm thuốc súng Gregor Koljaiczek lúc nào cũng say khướt nhưng trong ảnh thì lại có vẻ như chưa uống gì. Tấm ảnh ông Vincent Bronskiở Czestochowa tay cầm một cây bạch lạp thờ nom đượm màu huyền bí. Một tấm chân dung thời trẻ của bác Jan Bronski ốm yếu là một kỷ lục của nhiếp ảnh buổi sơ khai về thể hiện vẻ âu sầu ngượng nghịu.

Phụ nữ thời ấy quả có vụng hơn trong việc tìm ra sắc diện phù hợp với tính cách của mình. Ngay cả bà ngoại tôi vốn là người đầy cá tính - về điểm này, quý vị hãy tin tôi - trong những tấm hình chụp không lâu trước Thế Chiến I, cũng màu mè làm duyên, dán lên môi một nụ cười ngẩn ngơ không mảy may gợi nhớ đến bốn cái váy lớn đùm bọc chở che của bà.

Trong những năm chiến tranh, họ vẫn tiếp tục cười nụ với tay phó nháy trong khi hắn ngó ngoáy nhún nhảy dưới tấm vải đen. Về thời kỳ này, tôi còn giữ một tấm khổ bưu ảnh “đúp”, bồi các-tông, chụp hai mươi ba nữ y tá của quân y viện Silberhammer, trong đó có mẹ tôi, rụt rè xúm quanh một ông bác sĩ quân y bệ vệ. Các nữ y tá này phần nào có vẻ thoải mái hơn trong một tấm ảnh về một cuộc vũ hội hóa trang dành cho các thương binh sắp khỏi. Mẹ tôi đánh bạo nháy mắt, dẩu môi, dáng vẻ ấy như muốn nói rằng, dù mẹ có mang cánh thiên thần và tết kim tuyến trên tóc, thì thiên thần cũng chẳng vì thế mà mất đi giới tính. Trong ảnh, Matzerath quỳ dưới chân mẹ trong một bộ trang phục mà ông hẳn rất lấy làm sung sướng nếu được mặc thường xuyên ngày này qua ngày khác: ông đội một cái mũ đầu bếp, tay vung một cái muôi. Nhưng khi vận bộ quân phục gắn tấm huân chương Thập Tự sắt hạng nhì thì ông cũng dõi về phía xa một cái nhìn bi tráng có dụng ý hắn hoi và trong mọi tấm ảnh, ông đều trội hơn cánh phụ nữ.

Sau chiến tranh, các gương mặt thay đổi. Đàn ông nom ra vẻ đã “về vườn”; giờ đến lượt cánh phụ nữ vươn lên hợp thời thế, đến lượt họ có lý do để phô một cái nhìn trang nghiêm; ngay cả khi mỉm cười, họ cũng không cố che giấu đi một thoáng buồn bởi họ đang tập đau buồn. U sầu đang là vẻ thích hợp với phụ nữ của thập kỷ 20. Bất kể ngồi, đứng hay nửa nằm nửa ngồi, với những lọn đen loăn xoăn bên thái dương, cách nào họ cũng gợi lên được hình ảnh kết hợp hài hòa giữa Đức Mẹ và kỹ nữ.

Tấm ảnh mẹ tôi năm hai mươi ba tuổi - chắc là chụp ít ngày trước khi mang thai - cho thấy một thiếu phụ với khuôn mặt tròn bình thản nghiêng nghiêng trên một cái cổ đầy đặn, rắn chắc. Nhưng dù nghiêng đầu hay không, bao giờ người xem ảnh cũng thấy như mẹ tôi đang nhìn thẳng vào mắt mình. Mẩy da chắc thịt, cái nét nhục dục ấy bị làm nhoà bớt bởi nụ cười rầu rĩ thời thượng và đôi mắt nhiều phần xám hơn là xanh; đôi mắt ấy nhìn vào tâm hồn những người cùng thời - và cả tâm hồn bản thân mình nữa - như thể đó là những vật thể rắn đại loại như cái tách uống trà hay chiếc bót thuốc lá. Nói cái nhìn trong đôi mắt mẹ tôi có hồn, theo tôi, vẫn chưa lột tả được hết.

Chẳng hay ho gì hơn nhưng dễ diễn giải hơn và, do dó, mang nhiều thông tin hơn, là những tấm ảnh tập thể của thời đó. Áo cưới hồi ký hiệp ước Rapallo mới đẹp làm sao, mới “ra” chất hôn lễ làm sao! Trong tấm ảnh cưới, Matzerath còn đeo cả một cái cổ cồn cứng. Nom ông oách ra dáng, trang nhã, gần như tri thức. Chân phải đưa ra đằng trước, trông hơi giống một tài tử điện ảnh thời bấy giờ, hình như là Harry Liedicke thì phải. Dạo ấy, người ta mặc váy ngắn. Áo cưới của mẹ tôi, trắng tinh và xếp rất nhiều nếp, chỉ xuống tới dưới đầu gối một tí, để lộ hai bắp chân thon thả và đôi bàn chân khiêu vũ xinh xẻo trong đôi giày trắng có khóa cài. Một số ảnh khác chụp cả họ nhà gái. Giữa đám người ăn mặc và lấy dáng như dân thành thị, bà ngoại Anna của tôi và ông anh Vincent được ân sủng của Chúa, bao giờ cũng nổi bật lên với cái cứng nhắc tỉnh lẻ và cái vẻ ngượng nghịu đáng tin cậy. Gốc gác từ cùng một cánh đồng khoai tây như cha đẻ, như bà cô ruột Anna và như cô em họ Agnès, Jan Bronski khéo giấu chất quê mùa Kashubes của mình đằng sau vẻ sang trọng hội hè của một nhân viên bưu chính Ba Lan. Nhỏ bé và mảnh khảnh giữa những người vạm vỡ choán phần lớn không gian, nhưng với cái nhìn khác thường và nét mặt đều dặn, đẹp như con gái, ông trở thành trung tâm của mọi tấm ảnh. Ngay cả khi ông đứng h ngồi ở rìa.

Từ nãy đến giờ, tôi cứ ngắm hoài một tấm ảnh chung, chụp sau lễ cưới ít bữa. Tôi đã phải lấy trống và dùi ra gõ để cố gợi lại trong tâm tưởng hình ảnh cái bộ ba chỉ thấy lờ mờ trên mảnh giấy cứng hình chữ nhật màu nâu dã phai.

Tấm ảnh hẳn đã được chụp trong căn hộ của gia đình Bronski ở phố Magdeburger, không xa Khu học xá sinh viên Ba Lan, vì ta thấy ở nền sau một mảnh ban-công đầy nắng với những chùm lá đậu leo phủ kín tới một nửa (kiểu ban-công này chỉ có ở các khu chung cư của người Ba Lan). Mẹ tôi ngồi, Matzerath và Jan Bronski đứng. Nhưng mẹ tôi ngồi như thế nào và hai người kia đứng như thế nào? Có lúc tôi đã ngớ ngẩn định vẽ đồ thị chòm sao Tam Hùng này - vì mẹ tôi có đầy dủ phẩm chất của một người đàn ông - bằng một chiếc thước kẻ, một chiếc thước góc và một chiếc com-pa mà Bruno đã ra ngoài phố mua giúp tôi. Bắt đầu từ góc giữa cổ và vai, tôi kẻ một hình tam giác; tôi phóng những hình chiếu, suy đoán ra những nét tương tự, vẽ những đường cung gặp nhau rõ rành bên ngoài hình tam giác - có nghĩa là trong đám lá đậu leo - và tạo nên một điểm, bởi vì tôi cần một điểm thuận lợi, một điểm xuất phát, một điểm tiếp xúc, một điểm nhìn.

Tất cả những gì tôi đạt được với cái trò kỷ hà siêu hình ấy là một loạt lỗ nhỏ xíu nhưng đến là khó chịu do mũi nhọn của chiếc com-pa tạo ra trên tấm ảnh quý. Tôi không khỏi tự hỏi: có cái gì đặc biệt nơi tấm ảnh này? Cái gì đã thúc bách tôi tìm kiếm - và thực tế, đã tìm thấy - những quy chiếu toán học và vũ trụ (đến là vô lý!) trong đó? Ba người: một người đàn bà ngồi, hai người đàn ông đứng. Mẹ tôi tóc đen lượn sóng, Matzerath tóc vàng rơm loăn xoăn, Jan tóc màu hạt dẻ chải bẹt từ trán ngược về phía sau. Cả ba cùng mỉm cười, Matzerath ngoác miệng rộng hơn Jan Bronski; và hai ông đều toe toét hơn mẹ tôi nhiều vì nụ cười của họ để lộ cả hàm răng trên trắng bóng trong khi mẹ tôi chỉ hơi nhếch mép mà mắt chẳng hề cười chút nào. Matzerath tì tay trái lên vai phải mẹ tôi; Jan thì chỉ dựa hờ tay phải vào lưng ghế. Mẹ tôi nhìn thẳng vào ống kính, hai đầu gối hơi nghiêng về bên phải, trên lồng đặt một quyển sách mà nhiều năm trước đây, tôi tưởng là một trong những cuốn album tem của Jan, sau đó đoán là một số báo thời trang và gần đây lại cho là một bộ sưu tập ảnh những ngôi sao màn bạc lấy từ các bao thuốc lá. Tay mẹ tôi, lúc bấm máy, có vẻ như sắp sửa giở từng trang của cuốn album, cả ba đều có vẻ vui sướng như thể đang chúc mừng nhau về khả năng miễn dịch đối với những bất ngờ thuộc loại chỉ xảy ra nếu một thành viên trong Tam Hùng bắt đầu hoặc đã có những bí mật riêng tư giấu kín trong lòng. Trong mối liên kết tay ba này, họ chẳng mấy cần đến một người thứ tư, cụ thể là vợ Jan - Hedwig Bronski hồi con gái mang họ cha là Lemke - thời gian này đang mang thai đứa bé sau này có tên Stephen; hoặc nếu có cần thì chỉ để nhờ chĩa máy vào họ nhằm làm vĩnh tồn niềm hạnh phúc tay ba của họ, chí ít là trên tấm ảnh.

Tôi đã bóc mấy tấm hình chữ nhật khác từ cuốn album đem đặt cạnh tấm này. Những tấm hình chụp mẹ tôi hoặc với Matzerath, hoặc với Jan Bronski. Không tấm nào phản ảnh cái giải pháp tối hậu, bất di bất dịch kia rõ ràng như tấm hình ở ban-công. Đây một tấm chụp riêng mẹ tôi với Jan - tấm này thoảng mùi bi kịch, mùi hám tiền, mùi phấn khích đến độ phè phỡn, một sự phè phỡn vì phấn khích. Mazerath và mẹ tôi: tấm này có cái không khí ngày nghỉ cuối tuần tại nhà của đôi vợ chồng, có tiếng sườn rán xèo xèo, đôi lời cằn nhằn trước bữa ăn tối, ngáp vài cái sau khi ăn tối, nói đùa dăm câu trước khi đi ngủ, bàn cãi tí chút về tờ khai thuế cho có bối cảnh trí tuệ của hôn nhân. Tuy vậy, tôi vẫn thích cái buồn tẻ được ghi lại trên ảnh ấy hơn tấm hình chớp nhoáng “mô-ve-gu” của những năm sau trong đó người ta thấy mẹ tôi ngồi trên lòng Jan ở trong Rừng Oliva gần Freudental; vì tấm ảnh cuối này với tính chất tục tĩu của nó - bàn tay của Jan biến mất dưới váy mẹ tôi – chỉ nói lên nỗi đam mê cuồng dại của cặp uyên ương bất hạnh này, chìm dắm trong ngoại tình ngay từ ngày đầu cuộc hôn nhân của mẹ tôi; Mazerath, tôi đoán thế, chính là người chụp ảnh bị lừa. Ở đây chẳng còn chút gì của cái trong áng nơi tấm hình ban-công, của cái tế nhị, thận trọng nơi những cử chỉ nhỏ nhẹ dường như chỉ có thể có khi cả hai người đàn ông cùng có mặt, đứng đằng sau hay bên cạnh mẹ tôi, hoặc cùng nằm dưới chân mẹ như trong tấm ảnh bãi tắm Heubude; xem ảnh kèm đây.

Còn một tấm ảnh nữa chụp ba nhân vật chính của giai đoạn đầu đời tôi hợp thành một hình tam giác. Tuy không tập trung bằng cảnh ban-công kia, nhưng tấm này cũng toả ra cái vẻ hòa bình căng thẳng như vậy, thứ hòa bình chỉ có thể ký kết giữa ba người. Bạn có thể chán phè những tình huống tay ba trong kịch, song nghĩ cho cùng, khi chỉ còn trơ hai người trên sân khấu, thử hỏi họ có thể làm gì ngoài việc đối đáp chí chết hoặc thầm ước có một người thứ ba? Trong tấm ảnh của tôi, ba người cùng có mặt. Họ đang chơi xì-cạt. Có nghĩa, họ đang cầm bài xoè ra đều tăm tắp như cái quạt, nhưng thay vì nhìn vào những con chủ bài của mình để tính nước thì họ lại dõi mắt vào ống kính. Bàn tay Jan đặt bẹt cạnh một mớ tiền lẻ, riêng ngón trỏ hơi giơ lên. Matzerath thì dũi dũi móng tay vào khăn bàn trong khi mẹ tôi chơi một trò nhỏ mà tôi thấy là khá đạt: mẹ rút một quân bài phô ra trước ống kính nhưng không để các đối thủ thấy. Thật dễ dàng xiết bao, chỉ bằng một động tác đơn giản - giơ môt quân Q “cơ” - là gợi lên được một biểu tượng không quá trắng trợn: ai mà chẳng sẵn sàng “xin chết” vì Nữ hoàng của trái tim?

Như mọi người đều biết, xì-cạt là kiểu bài chỉ chơi tay ba, nó không chỉ là một trò chơi tiện nhất cho mẹ tôi và hai chàng phò mã, đó là chốn nương náu của họ, nơi bao giờ họ cũng rút lui về mỗi khi cuộc đời đe dọa đẩy họ, cách này hay cách khác, vào những trò chơi tay đôi ngu xuẩn như bêzi hay sáu-sáu.

Về ba con người đã cho tôi ra đời, chừng nấy xem như là đủ. Trước khi kể về bản thân tôi, xin nói đôi điều về Gretchen Scheffler, bạn gái mẹ tôi, và ông chồng Alexander Scheffler chủ hiệu bánh mì. Chồng thì hói, vợ lúc nào cũng toe toét cười phô hai hàm răng ngựa, có đến một nửa bịt vàng. Chồng thấp tèồi trên ghế mà chân không chạm tới thảm trải nhà, vợ bao giờ cũng mặc những chiếc áo dài tự đan lấy với những họa tiết cực kỳ rắm rối. Trong những ảnh chụp sau này, ta thấy đôi vợ chồng Scheffler ngả ngốn trong những chiếc ghế nằm đặt trên boong tàu hoặc đứng cạnh những chiếc xuồng cứu hộ của tàu Wilhelm Gustloff thuộc tổ chức “Sức Mạnh thông qua Niềm Vui”[9] hoặc trên boong dạo của tàu Tannenberg (Tuyến hàng hải Đông Phổ). Năm này sang năm khác, họ đi đây đi đó và mang những đồ xú-vơ-nia từ Pillau, Na Uy, quần đảo Azores hoặc Italia an toàn về tới ngôi nhà của họ ở Kleinhammer-Weg, nơi chàng nướng bánh mì, nàng thêu áo gối. Khi nào ngừng nói, Alexander lại thè lưỡi liếm môi trên liên tục, một thói quen mà Greff, chủ hiệu rau quả, một người bạn của Matzerath ở bên kia đường, cho là tục tĩu và “mô-ve-gu”.

Mặc dầu đã có vợ, Greff vẫn ra dáng đoàn trưởng hướng đạo sinh hơn là một đức ông chồng. Trên một tấm ảnh, ta thấy giả to ngang, khỏe mạnh và nghiêm nghị trong đồng phục với quần soọc, mũ hướng đạo sinh và dây biểu chương đoàn trưởng. Đứng bên cạnh giả là một thiếu niên tóc vàng rơm, mắt khí quá to, trạc mười ba tuổi, cũng vận đồng phục tương tự. Tay Greff âu yếm quàng qua vai cậu thiếu niên. Tôi không biết cậu ta, nhưng sau này tôi có dịp làm quen và hiểu Greff qua cô vợ Lina.

Tôi ngợp trong đống ảnh chụp chớp nhoáng của đám khách du lịch theo chương trình “Sức khỏe thông qua Niềm vui” và những biểu hiện của thói gợi dục thiếu niên hướng đạo sinh. Xin được bỏ qua vài trang để nhảy cóc tới tấm ảnh chân dung đầu tiên của tôi.

Tôi là một đứa bé xinh trai. Tấm ảnh được chụp vào dịp lễ Hạ trần, năm 1925. Lúc ấy tôi được tám tháng, kém Stephan Bronski hai tháng; một tấm ảnh Stephan cùng khổ ở trang sau toát ra một vẻ tầm thường khôn xiết tả. Tấm hình của tôi làm theo kiểu bưu ảnh có mép viền lượn sóng, mặt sau có kẻ dòng để ghi địa chỉ. Chắc là được in với số lượng lớn cho gia đình h hàng tùy nghi sử dụng. Trong khung chữ nhật lớn, khuôn ảnh chính có hình quả trứng cực kỳ đối xứng. Trần truồng, tượng trưng cho lòng đỏ trứng, tôi nằm xấp trên một tấm da lông thú trắng có lẽ là quà tặng của một chú gấu Bắc cực tốt bụng cho một nhiếp ảnh gia Đông Âu chuyên chụp trẻ sơ sinh. Cũng như với biết bao ảnh thời kỳ ấy, người ta đã chọn cho tấm ảnh đầu đời của tôi một màu nâu nồng ấm không lẫn được mà tôi cho là “có tính người”, tương phản với cái lạnh lùng phi nhân tính của những tấm ảnh đen trắng ngày nay. Một vòm lá mờ ảo, có lẽ là “phông” giả, tạo thành một nền sẫm chỉ loáng thoáng điểm vài ba chấm sáng. Trong khi cái thân hình nhẵn nhụi, hồng hào của tôi nằm bẹp với vẻ tự mãn trên tấm lông thú, tận hưởng sự tiện nghi Bắc cực ấy, thì cái đầu trọc lốc như hòn bi-a cố nghểnh lên dõi đôi mắt long lanh nhìn đối lại ai đó đang ngắm sự trần truồng của tôi.

Quý vị có thể nói: một tấm ảnh trẻ sơ sinh bình thường như mọi tấm ảnh trẻ sơ sinh khác. Xin hãy thử nhìn kỹ đôi bàn tay mà xem. Quý vị sẽ phải thừa nhận rằng tấm chân dung đầu tiên của tôi khác hẳn tất thảy những kiểu ảnh chỉ có tác dụng ghi lại những mẩu đời xinh xẻo mà quý vị có thể thấy trong các album gia đình ở khắp nơi trên thế giới. Quý vị thấy hai bàn tay tôi nắm chặt. Quý vị không thấy những ngón tay nhỏ xinh mũm mĩm đùa nghịch với những túm lông như bất giác tuân theo một thôi thúc mơ hồ của bản năng thai nhi. Những nắm tay nhỏ xíu của tôi lơ lửng ngang tầm đầu tôi, với vẻ rất tập trung, sẵn sàng nện xuống. Nện xuống cái gì? Cái trống chứ còn cái gì nữa!

Ta chưa thấy nó trên tấm ảnh, cái trống mà, dưới những bóng điện bữa tôi lọt lòng, người ta đã hứa sẽ cho tôi vào dịp sinh nhật lần thứ ba, nhưng đối với bất kỳ người nào có kinh nghiệm ghép ảnh, việc đưa thêm vào một chiếc trống đồ chơi với cỡ tương ứng, là chuyện đơn giản xiết bao. Chẳng cần phải thay đổi tư thế của tôi, mà chỉ bỏ béng cái bộ da thú ngớ ngẩn mà tôi chẳng thèm mảy may để ý tới, là xong. Đó là một chi tiếtc lõng trong cái bố cục lẽ ra rất hài hòa ấy nhằm chào mừng cái tuổi tinh nhanh, sáng suốt khi mà những chiếc răng sữa đầu tiên sắp sửa nhú ra.

Ít lâu sau, người ta thôi đặt tôi nằm trên những tấm da gấu Bắc cực. Có lẽ tôi đã được một năm rưỡi khi người ta đẩy tôi trong một chiếc xe nôi bánh cao đi ngang qua một hàng rào gỗ phủ một lớp tuyết, và điều đó khiến tôi tin rằng tấm ảnh đã được chụp vào tháng giêng năm 1926. Ngắm kỹ hồi lâu, hình dáng thô của cái hàng rào cùng mùi hắc ín phả ra từ đó khiến tôi nghĩ tới khu ngoại ô Hochstriess với những trại lính rộng lớn trước kia đã từng là nơi đồn trú của khinh kỵ binh Mackensen và vào thời tôi, là trụ sở cảnh sát Bang tự do. Nhưng vì không nhớ ra ai đã từng ở khu ấy, nên tôi chỉ có thể kết luận là tấm ảnh đã được chụp vào một ngày mà song thân tôi đến đấy thăm một vài người nào đó mà sau này chúng tôi không bao giờ, hoặc rất ít khi, gặp lại.

Đứng hai bên chiếc xe nôi, cả mẹ tôi và Matzerath đều không mặc áo choàng ấm, mặc dù bấy giờ là tiết đông hàn. Mẹ vận một chiếc “blu” Nga có những họa tiết thêu hợp với cảnh trí đến nỗi người ta có thể tưởng tượng đây là gia đình Sa hoàng đang chụp hình ở nơi thẳm cùng rét mướt nhất của nước Nga, Rasputin đang cầm máy ảnh, còn tôi là hoàng nhi, trong khi đằng sau hàng rào gỗ kia, bọn cách mạng đang tự chế lấy bom và âm mưu lật đổ gia đình hoàng tộc chuyên chế của chúng tôi. Nhưng ảo tưởng đó tan biến ngay trước cái vẻ bề ngoài chỉnh chu, rất Đông Âu của Matzerath, nó báo trước (như ta sẽ thấy) một tiền đồ chủ tiệm. Chúng tôi đang ở khu ngoại ô Hochstriess yên tĩnh, cha mẹ tôi chỉ ra khỏi ngôi nhà của chủ nhân một lát thôi, là phải mang áo choàng, chỉ một thoáng đủ để nhờ vị chủ nhân chụp nhanh hộ một tấm hình cùng với bé Oskar có cái nhìn rất chi là láu cá, rồi sau đó, khoan khoái thưởng thức cà phê, bánh ngọt, kem đánh tơi trong phòng ấm.

Còn có cả một tá ảnh chụp Oskar hồi một tuổi, hai tuổi và hai tuổi rưỡi, cái nằm, cái ngồi, cái bò toài, cái chạy lon ton. Những tấm này không tồi, song tựu chung chỉ là tiền đề dẫn đến tấm ảnh chân dung cả người nhân dịp sinh nhật lần thứ ba của tôi.

Đến đận này thì tôi có nó rồi. Phải, tôi đã có cái trống của tôi. Nó lủng lẳng ngay trước bụng tôi, mới toanh, viền răng cưa sơn đỏ và trắng. Tôi cầm hai chiếc dùi bắt chéo trên mặt trống, vẻ cương quyết một cách trịnh trọng. Tôi mặc một chiếc áo chui đầu kẻ xọc, chân đi giày da bóng loáng. Tóc tôi dựng ngược như cái bàn chải sẵn sàng hành động và cặp mắt xanh của tôi ánh lên ý chí của một lãnh chúa quyết ra tay mà không cần tới thủ hạ. Chính trong tấm hình này, tôi đã đi đến một quyết định mà tôi thấy chẳng có lý do gì để thay đổi. Chính vào thời điểm đó tôi đã tuyên bố, đã quyết định, đã nhất quyết không bao giờ làm chính trị trong bất kỳ hoàn cảnh nào, càng không thèm làm anh lái buôn tạp phẩm, mà chỉ dừng lại đây thôi, mãi mãi vẫn nguyên xi như thế này - và tôi đã thực hiện đúng như thế; trong bao năm, tôi không chỉ giữ nguyên tầm vóc này mà cả bộ trang phục này nữa.

Những người nhỏ con và những người to con, Tí Hon và Khổng Lồ, David và Goliath, Ngón-Tay-Cái và Gargantua: tôi vẫn mãi là đứa trẻ lên ba, là chú bé Tí Hon, là người xứ Lilliput, là thằng lùn quyết không chịu lớn nữa. Tôi làm thế để khỏi phải học vấn đáp đại và tiểu giáo lý và để khi đến tuổi trưởng thành, cao trên một mét bảy, khỏi phải đối phó với người đàn ông vẫn tự gọi mình là cha của Oskar mỗi khi soi gương cạo mặt, ông sẽ ép tôi đi vào con đường kinh doanh tạp phẩm, lĩnh vực mà Matzerath hy vọng sẽ trở thành thế giới của tôi khi tôi hai mươi mốt tuổi. Để tránh cái máy thu ngân, tôi bám riết lấy cái trống của tôi và từ lần sinh nhật thứ ba trở đi, không chịu lớn thêm lên một đốt tay nào nữa. Tội giữ nguyên là thằng bé lên ba sớm khôn ngoan, lọt thỏm giữa đám người lớn cao vòi vọi, song lại đứng trên mọi người lớn, không chịu so bóng mình với bóng họ, hoàn chỉnh cả bề trong lẫn bề ngoài trong khi bọn họ, cho đến lúc kề miệng lỗ, vẫn băn khoăn hoài về chuyện “phát triển”; tự mình ngộ ra những gì mà bọn họ phải kinh qua bao khó khăn, thậm chí đau khổ, mới hiểu thấu và chẳng cần phải thay93;i cỡ giày cũng như cỡ quần năm này sang năm khác để chứng tỏ có một cái gì đang lớn.

Tuy nhiên - ở đây, Oskar phải thừa nhận một sự phát triển nào đó - có một cái gì đang lớn lên thật (và không phải lúc nào cũng theo chiều hướng có lợi cho tôi), cuối cùng vươn tới những tầm vóc Cứu thế; nhưng vào thời buổi ấy có người lớn nào thèm để tai lắng nghe Oskar, thằng bé đánh trống mãi mãi ba tuổi?

TAN TÀNH Ô CỬA KÍNH

Tôi vừa mới mô tả một tấm ảnh Oskar lấy cả người cùng với trống và dùi trống, và đồng thời tiết lộ những gì mà trong khi được chụp hình tại bữa tiệc sinh nhật, bên cạnh chiếc bánh gatô có cắm ba ngọn nến, Oskar đã dứt khoát quyết định sau ba năm nghiền ngẫm thật chín. Nhưng giờ đây, cuốn album đang nằm im bên cạnh tôi và tôi phải nói về một số sự kiện chẳng liên quan gì với nó. Những sự kiện này không giải thích tại sao tôi cứ tiếp tục ba tuổi mãi, nhưng đó là những điều đã xảy ra thật và, hơn thế nữa, lại do chính tôi gây ra.

Ngay từ đầu tôi đã thấy rõ và tự bảo: đám người lớn sẽ không hiểu mày đâu. Nếu mày thôi lớn một cách rõ rệt, họ sẽ bảo là mày chậm phát triển; họ sẽ mang tiền theo, lôi mày tới hàng tá bác sĩ và, nếu không phải tìm cách điều trị, thì cũng là một lời giải thích, cho khiếm tật của mày. Do vậy, để giới hạn các cuộc khám bệnh trong phạm vi có thể chịu đựng được, tôi cảm thấy mình buộc phải cung cấp một nguyên cớ khả dĩ nghe lọt tai để cắt nghĩa tại sao tôi thôi lớn, trước khi một ông bác sĩ nào đó kịp đưa ra lời giả của mình.

Một ngày nắng đẹp tháng Chín, sinh nhật lần thứ ba của tôi. Một không khí mơ mộng cuối hè; ngay cả Gretchen Scheffler cũng giảm âm lượng tiếng cười của mình. Mẹ tôi dạo trên dương cầm vài giai điệu trong vở Nam tước Digan. Jan đứng đằng sau, tay chạm nhẹ lên vai mẹ, làm bộ như đang lắng nghe nhạc. Trong bếp, Matzerath đã bắt tay vào làm bữa tối. Bà ngoại Anna cùng với Hedwig và Alexander kéo nhau đến ngồi với Greff vì tay chủ hiệu rau quả này biết nhiều chuyện, những chuyện về hướng đạo sinh đầy lòng dũng cảm và trung thành; và ở cuối phòng, chiếc đồng hồ chuông không bỏ qua một khắc nào của cái ngày tháng Chín như dệt bằng lụa mỏng này. Và vì tất cả bọn họ đều bận bịu chẳng kém gì cái đồng hồ chuông, tôi bèn rời nước Hunggari của ông Nam tước Digan, tạm biệt các hướng đạo sinh của Greff (họ đang thám hiểm dãy núi Vosges), bỏ qua căn bếp của Matzerath ở đó nấm Kashubes và trứng đánh với dạ dày bò đang xèo xèo trên chảo, theo hành lang ra cửa hàng, vừa đi vừa dạo khẽ trên trống một nét ngẫu hứng. Này đây tôi đã đứng ở quầy trong cửa hàng, bỏ lại xa đằng sau lưng tất cả: dương cầm, nấm và núi Vosges. Tôi nhận thấy cánh cửa xập dẫn xuống hầm kho vẫn để mở; chắc là Matzerath lúc xuống lấy một hộp mứt quả để tráng miệng, đã quên không đóng lại.

Phải mất một lúc tôi mới hiểu ra cái cửa xập ấy xui tôi làm gì. Không phải là tự sát, nhất định rồi. Như thế thì quá đơn giản. Tuy nhiên, phương án kia thì khó và đau đấy, nó đòi hỏi phải hy sinh và ngay từ buổi ấy, điều này đã làm tôi đổ mồ hôi trán như mỗi lần sau này khi người ta đòi hỏi tôi phải hy sinh. Quan trọng hơn cả là làm sao cho cái trống của tôi không bị hư hại gì; vậy phải mang nó thật cẩn thận xuống mười sáu bậc cầu thang mòn vẹt rồi đặt vào giữa những bao bột, tạo nên lý do tại sao nó vẫn nguyên vẹn. Rồi trở lên tới bậc thứ tám, không, thứ Bảy, không, kể ra bậc thứ Năm cũng được. Nhưng từ độ cao này thì không thể dung hòa hai kết quả: an toàn và vết thương hợp lý được. Thế là lại ngược lên đến bậc thứ mười - không, cao quá - cuối cùng, từ bậc thứ chnhào đầu xuống, kéo theo cả một cái giá đây những chai xirô phúc bồn tử và ngã sóng xoài trên sàn xi-măng của căn hầm kho.

Ngay trước khi bất tỉnh, tôi còn kịp nhận thấy thành công mỹ mãn của cuộc thử nghiệm: những chai xirô phúc bồn tử mà tôi cố tình kéo theo trong cú ngã va nhau loảng xoảng, đủ ầm ĩ để rứt Matzerath ra khỏi bếp, mẹ tôi ra khỏi dương cầm và số khách còn lại của bữa tiệc sinh nhật ra khỏi dãy núi Vosges và tất cả ùa ra cửa hàng, tới chỗ cánh cửa xập mở toang và lao xuống các bậc thang.

Trước khi họ tới, tôi còn kịp hít một hơi xirô phúc bồn tử, quan sát thấy đầu mình đang chảy máu và tự hỏi (trong khi bọn họ đang xuống cầu thang) cái mùi dìu dịu và buồn ngủ kia là từ đâu, từ máu của Oskar hay từ những trái phúc bồn tử ? Dù thế nào đi nữa, tôi cũng hài lòng vì mọi sự đã thông đồng bén giọt và nhờ sự lo xa của tôi, cái trống không hề sứt mẻ tí nào.

Tôi đồ rằng Greff đã bế tôi lên khỏi hầm. Mãi đến lúc vào phòng khách rồi, Oskar mới ngoi ra khỏi cái đám mây tạo nên bởi hai thành tố - một nửa là xirô và nửa kia là dòng máu trẻ của nó. Thày thuốc chưa đến, mẹ tôi tru tréo và vung tay đánh tới tấp vào mặt Matzerath bằng cả lòng và mu bàn tay, gọi ông là đồ sát nhân trong khi ông cố trấn an mẹ.

Vậy là bằng mỗi một cú ngã đành rằng cũng khá mạnh nhưng được tính toán kỹ từ trước, không những tôi đã cung cấp cho những người lớn lời giải thích quan trọng (được các thày thuốc xác nhận năm lần bảy lượt) cho việc tôi thôi lớn, mà ngoài ra, còn biến ông Matzerath hồn hậu, vô hại thành một ông Matzerath phạm tội (thực tình tôi đâu có dụng ý làm thế), ông đã quên không đóng cánh cửa xập. Mẹ tôi đổ hết tội lên đầu ông và trong nhiều năm sau, thi thoảng ông vẫn phải hứng chịu những lời trách mắng không thương tiếc của mẹ tôi.

Cú ngã làm tôi phải nằm nhà thương bốn tần lễ và sau đó, ngoại trừ những buổi khám bệnh hàng tuần tại nhà bác sĩ Hollatz, tôi được tương đối yên thân về phía ngành y. Ngay từ ngày đầu tiên trong vai trò người đánh trống, tôi đã phát thành công một tín hiệu cho thế giới; “ca” của tôi đã được làm sáng tỏ ngay cả trước khi những người lớn kịp nghĩ đến bản chất thật sự của tình trạng mà chính tôi đã gây ra. Từ nay về sau, cách giải thích chính thức sẽ là: vào dịp sinh nhật lần thứ ba, bé Oskar của chúng tôi bị ngã xuống cầu thang hầm kho, xương cốt tuy nguyên vẹn, nhưng không lớn được nữa.

Và tôi bắt đầu chơi trống. Nhà chúng tôi có bốn tầng. Từ tầng trệt đến tầng áp mái, tôi cứ lên lên xuống xuống, vừa đi vừa đánh trống. Từ Labesweg, tôi ra Quảng trường Max-Halbe, đến Neuschottland, đường Anton-Muller, phố Nữ thánh Marie, công viên Kleinhammer, nhà máy bia cổ phần, hồ Aktien, bãi cỏ xanh Frobel, trường Pestalozzi, Chợ Mới, rồi quay trở về Labeweg. Cái trống của tôi chịu đựng tốt sự căng thẳng ấy, nhưng những người lớn quanh tôi thì không, họ luôn luôn muốn cắt đứt nhịp trống của tôi, ngáng trở nó; nhưng tạo hóa đã phù trợ cho tôi.

Cái khả năng sử dụng trống để thiết lập một khoảng cách cần thiết giữa tôi và những người lớn đã phát triển nơi tôi ít lâu sau cú ngã, gần như đồng thời với sự xuất hiện của một chất giọng khiến tôi có thể hát và ngân rung ở một cao độ ghê gớm, có nghĩa tôi có thể hát-thét chói tai đến nỗi không ai dám tước đi cái trống làm đinh tai họ, bởi vì hễ nó bị giật khỏi tay tôi là tôi thét liền và khi tôi thét là nhiều thứ đồ quý giá vỡ tan tành. Tôi có cái khiếu hủy hoại thủy tinh bằng tiếng hát. Tôi thét vỡ bình hoa. Tôi hát nổ ô kính cửa sổ cho gió lùa mặc sức. Như một đóa kim cương tinh khiết - và bởi thế càng khắc nghiệt - giọng tôi bổ toác các tủ kính và, không hề mất đi chất hồn nhiên ngây thơ, xâm nhập vào tận bên trong phá phách bộ ly uống rượu thanh mảnh, hài hòa, phủ một lớp bụi mỏng - quà tặng của một người thân.

Chẳng bao lâu, những năng khiếu của tôi trở nên khét tiếng khắp phố,ường Brösener đến khu cư xá cạnh sân bay. Hễ bọn trẻ con hàng xóm trông thấy tôi - những trò chơi của chúng như “Một, hai, ba, cá trích ngâm giấm” hay “Đâu rồi, mụ phù thủy đen như hắc ín?”... chẳng hấp dẫn tôi chút nào - là cả dàn đồng ca mặt mày nhem nhuốc của chúng lại cất tiếng nheo nhéo:

Tan tành ô cửa kính

Uống bia tươi với đường

Cô Hai Mít má phính

Thổi kèn dưới hàng dương

Một bài vè ngớ ngẩn, vô nghĩa. Tôi chẳng lấy gì làm phiền, mà còn lấy luôn cái tiết tấu đơn giản nhưng không phải là không có duyên ấy hòa nhập vào điệu trống suốt từ đầu đến cuối, này bia tươi, này cô Hai Mít. Cứ thế khua vang trống, tôi diễu hành dọc phố và mặc dù tôi không phải là chàng Thổi Sáo dụ chuột thành Hameln, bọn trẻ vẫn lũ lượt đi theo tôi.

Ngay cả đến giờ, mỗi khi Bruno cọ cửa kính phòng tôi chẳng hạn, tôi vẫn dành một khoảnh khắc để dạo lại trên trống tiết tấu của bài vè đó.

Đáng bực hơn cái trò trêu chọc mang tính trữ tình ấy của bọn trẻ con và rầy rà hơn, nhất là đối với cha mẹ tôi, là cái thực tế tốn kém này: trong cả khu phố tôi, bất kỳ ô kính của sổ nào bị bọn du côn lớn hoặc nhỏ đập vỡ, người ta cũng nhất nhất đổ diệt cho tôi và giọng của tôi. Thoạt đầu mẹ tôi ngay thẳng và sòng phẳng đền những ô kính vỡ mà phần lớn là do súng cao su, rồi cuối cùng mẹ hiểu ra vấn đề và, lấy vẻ mặt lạnh lùng trong giao dịch doanh thương, mẹ yêu cầu ai đòi bồi thường phải đưa ra bằng chứng cụ thể. Và quả thật tôi bị kết tội oan. Vào thời kỳ ấy, không gì sai lầm hơn là gán cho tôi cái thói con nít mê đập phá, cái tật vô cớ thù ghét thủy tinh và đồ thủy tinh. Chỉ có những đứa chơi đùa mới phá hoại vì tinh nghịch. Tôi đây không bao giờ chơi cả. Tôi làm việc trên cái trống của tôi, còn về giọng tôi, những khả năng kỳ diệu của nó chỉ nhằm thực hiện quyền tự vệ chính đáng, chí ít là vào thời kỳ đầu. Chỉ đến khi quyền được đánh trống của tôi bị đe dọa, tôi mới dùng thanh đới của mình làm vũ khí. Nếu cũng bằng âm độ ấy và kỹ thuật ấy, tôi có thể xé nát những khăn bàn gớm ghiếc thêu rối tinh rối mù của Gretchen Scheffler hoặc xóa bỏ lớp vẹc-ni sẫm trên chiếc dương cầm, thì chắc tôi đã vui vẻ để yên cho các đồ thủy tinh. Nhưng giọng tôi hoàn toàn vô hiệu đối với khăn bàn và vẹc-ni. Tôi không tài nào xóa được những họa tiết trên giấy phủ tường bằng những tiếng thét, cũng không thể, bằng cách xát mạnh hai âm hú kéo dài theo cách tổ tiên ta ở thời kỳ đồ đá xát hai mảnh đá vào nhau, tạo nên nhiệt lượng đủ là xoè tia lửa cần thiết để đốt những tấm rèm nỏ như bùi nhùi, ám khói thuốc lá ở hai cửa sổ phòng khách nhà chúng tôi cháy bùng lên thành những hoa văn trang trí. Tôi chưa bao giờ hát đến gẫy chân một chiếc ghế nào có Matzerath hay Alexanderr Scheffler đang ngồi bên trên. Tôi những muốn tự vệ bằng những phương cách vô hại hơn, đỡ huyền hoặc hơn, song tôi không có vũ khí nào khác; chỉ có thủy tinh chịu khuất phục uy lực của tôi và do đó phải trả giá.

Cuộc trình diễn thành công đầu tiên của tôi trong lĩnh vực này xảy ra ít lâu sau bữa sinh nhật lần thứ ba của tôi. Tôi sở hữu cái trống đã được bốn tuần và đã cật lực dùng nó đến tơi tả. Tang trống sơn đỏ và trắng theo vạch răng cưa vẫn còn nối hai mặt trống với nhau, nhưng cái lỗ ở mặt trên đã lồ lộ; vì tôi không đụng đến mặt kia nên mỗi ngày nó một rộng thêm, tướp ra mọi phía thành những cạnh răng cưa lởm chởm. Những mảnh thiếc vụn, do dùi trống gõ bong ra, rơi vào bên trong và cứ mỗi nhát dùi nện xuống, lại ấm ức va nhau kêu loẻng xoẻng. Những vẩy men trắng, không kham nổi nỗi truân chuyên của đời trống, rơi lả tả xuống thảm trải phòng khách và sàn gỗ nâu đỏ của phòng ngủ.

Mọi người sợ tôi bị những cạnh sắc của lỗ thủng trên mặt trống làm dứt tay. Đặc biệt Matzerath, ông trở nên quan tâm quá đáng đến việc bảo đảm an toàn, lúc nào cũng nhắc tôi phải cẩn thận. Vì mỗi khi đánh trống, những cổ tay vung mạnh của tôi bao giờ cũng gần kề những cạnh sắc ấy, nên tôi phải công nhận rằng nỗi lo ngại của Matzerath không phải là vô căn cứ tuy có phần hơi thái quá. Dĩ nhiên họ có thể chặn trước mọi nguy hiểm bằng cách cho tôi một cái trống mới, nhưng đó không phải là ý định của họ, họ chỉ muốn tước đi của tôi cái trống cũ thân thương đã từng ngã cùng tôi, đi bệnh viện cùng tôi và trở về nhà cùng tôi, cái trống đã theo tôi lên gác xuống gác, diễu hành trên hè phố, qua các trò “Một, hai, ba, cá trích ngâm giấm” và “Đâu rồi mụ phù thủy” và “Cô Hạt Mít” - phải, họ muốn cướp nó đi mà chẳng đền bù gì cho tôi. Họ định mua chuộc tôi bằng một thỏi sô-cô-la ngu xuẩn. Mẹ tôi dẩu môi chìa nó cho tôi. Chính Matzerath, với vẻ mặt làm ra nghiêm nghị, là người giơ tay nắm lấy cái trống tiều tụy của tôi. Tôi lấy hết sức níu lại. Ông kéo mạnh. Sức tôi, vốn chỉ đủ để đánh trống, bắt đầu núng thế. Lần lượt từng lưỡi lửa trên tang trống từ từ tuột khỏi tay tôi. Đến lúc này Oskar, vốn xưa nay được xem là đứa bé lặng lẽ, hầu như quá ngoan là đằng khác, mới bật lên tiếng thét công phá đầu tiên của mình: miếng thủy tinh tròn nhẵn bóng che cho cái mặt màu mật ong của chiếc đồng hồ treo khỏi bụi và xác ruồi, bỗng nổ tung, mảnh rơi lả tả xuống sàn gỗ (vì thảm không đủ để trải tới tận dưới chân đồng hồ), nơi công cuộc phá hoại được hoàn tất. Tuy nhiên, phần bên trong của đồ vật cơ khí quý giá này không hề bị hư hại; cái quả lắc vẫn bình thản tiếp tục hành trình của mình và hai chiếc kim cũng vậy. Bộ chuông ngân mọi khi rất nhạy cảm, chỉ một chấn động nhỏ - chẳng hạn một chiếc xe tải chở bia chạy qua - cũng đủ khiến nó ré lên như con mụ bị thần kinh, thế mà nó không mảy may phản ứng với tiếng thét của tôi, chỉ có thủy tinh là vỡ, vỡ tan tành, vỡ triệt để.

“Vỡ đồng hồ rồi!” Matzerath kêu lên và buông cái trống ra. Chỉ thoáng nhìn, tôi đã xác định được là đích thị cái đồng hồ thì không sao, chỉ có mặt kính là đi tong. Nhưng đối với Matzerath cũng như với mẹ tôi và Jan Bronski (theo thường lệ vẫn đếnỗi chiều Chủ nhật) thì tổn thất có vẻ nghiêm trọng hơn nhiều. Mặt tái mét, họ lấm lét nhìn nhau, nhớn nhác, và vươn tay tới vật rắn gần nhất có thể bấu víu vào được - cái bếp lò, cây dương cầm, tủ buýp-phê... Họ đứng ngây ra, không dám động đậy. Jan Bronski mấp máy cặp môi khô, mắt đầy vẻ van lơn. Đến tận bây giờ, tôi vẫn tin rằng bác đang khấn thầm trong bụng một lời nguyện đại loại như: "Ôi con chiên của Chúa, Người cất bỏ những tội lỗi của thế gian này, miserere nobis". Ba lần như thế rồi tiếp theo là: "Lạy Chúa, con không xứng đáng được đón Người dưới mái nhà này, chỉ xin Người nói một lời..."

Dĩ nhiên là Chúa chẳng nói gì. Vả lại, đồng hồ không đi đứt mà chỉ vỡ mặt kính thôi. Tuy nhiên, có một cái gì thật kỳ khu và con nít trong tình cảm của đám người lớn đối với những cái đồng hồ của họ (về mặt này, tôi không bao giờ là con nít cả). Tôi sẵn sàng đồng ý rằng đồng hồ có thể là vật đáng kể nhất mà người lớn đã tạo ra. Người lớn vốn nuôi chí sáng tạo và đôi khi, với tham vọng, tính cần cù và tí chút may mắn, họ thực sự trở thành sáng tạo, nhưng bởi là người lớn, nên vừa mới tạo ra được một phát minh vĩ đại, họ đã tức thì biến mình thành nô lệ của nó.

Nói cho cùng, đồng hồ là cái gì mới được chứ? Không có người lớn thì nó chẳng là cái gì sất. Người lớn lên dây cho nó, chỉnh giờ nhanh lên hay chậm lại, mang nó đến ông thợ đồng hồ để kiểm tra, lau dầu và nếu cần thì sửa chữa. Cũng như trong các trường hợp chim cu ngừng hót quá sớm, lọ muối trên bàn ăn bị đổ, sáng sớm đã nhìn thấy nhện, gặp mèo đen đến từ bên tay trái, hoặc bức chân dung sơn dầu của ông bác treo trên tường bỗng rơi xuống vì chiếc đinh bị long, người lớn thường nhìn thấy trong gương và đằng sau một chiếc đồng hồ nhiều điều hơn là nó có thể báo hiệu.

Mẹ tôi tiếng là bồng bột song lại có cái đầu khá tỉnh và chính cái tính phù phiếm ấy thường khiến mẹ đi đến những diễn giải lạc quan về các tín hiệu hoặc điề báo, cuối cùng mẹ tìm ra lời để cứu vãn tình thế.

"Mảnh vỡ là điềm may!" mẹ nói lớn, bật ngón tay đánh tách rồi đi lấy xẻng và chổi hót lấy may mắn đó.

Nếu hiểu theo lời mẹ thì tôi đã mang đến cho cha mẹ, họ hàng bạn bè và cả nhiều người hoàn toàn xa lạ khá nhiều may mắn bằng cách hát hoặc hét vỡ tan những đồ thủy tinh thuộc về, hoặc đang được sử dụng bởi, những người toan cướp đi cái trống của tôi, nào ô kính cửa sổ, nào bát pha lê đựng đầy hoa quả giả, nào những cốc bia đầy, những chai bia rỗng hoặc những cái lọ nhỏ chứa hương mùa xuân mà người phàm tục gọi là nước hoa, tóm lại, bất cứ sản phẩm nào của nghệ thuật làm thủy tinh.

Để hạn chế thiệt hại (bởi tôi xưa nay vẫn là người yêu đồ thủy tinh mỹ nghệ), khi đêm đến, người ta định cất cái trống đi, không để tôi mang theo vào giường ngủ, tôi tập trung vào công phá một hoặc hai-ba bóng trong chùm đèn bốn bóng ở phòng khách của chúng tôi. Trong bữa sinh nhật lần thứ tư của tôi vào đầu tháng 9 năm 1928, tôi giáng một chưởng vào cả đám đông tụ tập đông đủ - cha mẹ tôi, vợ chồng bác Bronski, bà ngoại Koljaiczek, vợ chồng nhà Scheffler và vợ chồng nhà Greff, những người đã tặng tôi mọi thứ quà họ có thể nghĩ ra, nào lính chì, nào thuyền buồm, nào xe cứu hỏa nhưng không có cái trống nào, những người muốn tôi phí thì giờ với đám lính chì, với cái xe cứu hỏa ngu xuẩn, những người mưu toan tước đoạt của tôi cái trống cũ tả tơi nhưng thân tín, muốn cướp nó khỏi tay tôi, thay vào đó cái thuyền buồm vô dụng, trang bị lại không chuẩn - phải, tôi đã giáng một chưởng vào cả cái đám người chỉ nhằm một mục đích duy nhất là lờ tôi đi, không thèm đếm xỉa đến những ước muốn của tôi, ném họ vào bóng đêm tiền sử bằng một tiếng thét lia một vòng đập tan cả bốn chiếc bóng của chùm đèn.

Ôi, người lớn, người lớn! Sau những tiếng la khiếp hãi đầu tiên, sau những lời gần như tuyệt vọng cầu xin lại, họ quen dần với bóng tối và khi bà ngoại Koljaiczek của tôi, người duy nhất cùng với cu tí Stephan không kiếm chác được gì nhờ bóng tối, ra ngoài cửa hàng kiếm nến (Stephan khóc nhè vẫn bám riết váy bà) và mang ánh sáng trở lại, thì đám còn lại đã say la đà và cặp với nhau theo dạng thức râu ông nọ cắm cằm bà kia.

Như có thể dự đoán, mẹ tôi, coóc-xê xộc xệch, đang ngồi trên lòng bác Jan Bronski. Thật phát ớn khi nhìn thấy lão chủ hiệu bánh mì chân ngắn tũn, Alexander Scheffler, gần như lút giữa những lớp thịt ngồn ngộn của Greff nương nương. Matzerath thì đang mút những chiếc răng ngựa bịt vàng của Gretchen Scheffler. Chỉ có Hedwig Bronski là ngồi một mình chắp tay trên đầu gối, cặp mắt bò cái đầy vẻ thành kính trong ánh nến, bên cạnh nhưng không quá kề sát Greff-Rau-Quả, tay này tuy không uống gì mà vẫn hát với một giọng buồn man mác và đắm đuối. Quay về phía Hedwig Bronski, giả làm hiệu mời nàng hòa giọng song ca với mình và cả hai cùng hát một bài ca ngợi một huynh trưởng hướng đạo sinh tên là Rübezahl chết rồi mà hồn vẫn lẩn quất trên những ngọn núi Bohemia.

Người ta đã bỏ quên tôi. Dưới gầm bàn, Oskar ngồi với cái trống xác xơ, cố chắt nốt dăm ba nhịp thoi thóp cuối cùng. Điệu trống yếu ớt nhưng đều đặn của tôi xem ra lại rất phù hợp với trạng thái phiêu diêu ngây ngất của những người đang nằm, ngồi ngả ngốn khắp phòng. Bởi lẽ, như một lớp vẹc- ni, tiếng trống của tôi phủ lên mọi tiếng hôn hít, mút mát cuồng khấu.

Tôi vẫn ở dưới gầm bàn khi bà ngoại bước vào với cây nến như một thiên thần phẫn nộ, nhìn cái cảnh Sodom và Gomorrah[10] trong ánh nến, giận sôi lên đến nỗi những cây nến cầm trong tay run lên, gọi cả đám là lũ lợn bẩn thỉu và chấm dứt cả cảnh huê tình, lẫn cuộc du ngoạn trên núi của Rübenzahl bằng cách cắm chặt nến lên đĩa, lấy bộ bài xì-cạt trong tủ buyp-phê ra ném lên bàn, đồng thời không quên dỗ cu tí Stephan vẫn khóc nhèo nhẽo. Lát sau, Matzerath lắbóng mới vào đui cũ của chùm đèn, ghế được kê lại, bia lại mở bôm bốp; trên đầu tôi, bắt đầu một hội xì-cạt tính mỗi điểm ăn một phần mười fennich. Ngay từ đầu, mẹ tôi đã đề nghị nâng tiền cược lên một phần tư fennich, nhưng bác Jan cho là quá mạo hiểm và cuộc chơi tiếp tục ở mức cò con đó.

Tôi cảm thấy dễ chịu dưới gầm bàn, trong sự che chở của tấm khăn bàn. Khẽ dạo trên mặt trống, tôi hòa nhịp với những tiếng động trên đầu, theo dõi những diễn biến của cuộc chơi và đúng một giờ sau, thông báo: Jan Bronski đã thua. Bác lên bài rất tốt mà vẫn thua. Chẳng có gì là lạ: bác đâu có để tâm vào bài. Đầu óc bác còn mải nghĩ đến những điều hoàn toàn khác với bộ hoa vuông trên tay. Ngay từ đầu, trong khi vẫn nói chuyện với bà cổ uột, cố thuyết phục bà rằng cuộc truy hoan nho nhỏ trong bóng tối ban nãy chẳng có gì là ghê gớm cả, bác đã tụt một bàn chân đi tất ra khỏi giày, đưa qua đầu tôi, tìm (và tìm thấy) đầu gối mẹ tôi. Thế là mẹ tôi liền xích lại gần bàn hơn và Jan bỏ qua một lá bài Matzerath vừa đánh ra, dùng ngón, chân nâng gấu váy mẹ lên để luồn cả bàn chân (trong chiếc tất mới thay sáng nay) vào khoa khoắng giữa hai đùi mẹ. Tôi phải bái phục mẹ tôi: bất chấp sự khiêu khích bằng len ấy dưới gầm bàn, mẹ vẫn đi được những nước bài táo bạo bên trên tấm khăn bàn hồ cứng đồng thời liến thoắng trò chuyện rất hồn nhiên và thắng cuộc trong khi bác Jan, càng lúc càng xấn xổ hơn dưới gầm bàn, thua liền mấy ván ngon ơ mà ngay đến Oskar cũng có thể thắng với độ chuẩn xác trong cơn mộng du.

Lát sau, cu tí Stephan tội nghiệp nhập bọn với tôi dưới gầm bàn và, rất đỗi hoang mang không hiểu cái ống quần của cha nó đang làm gì dưới váy mẹ tôi, nó nhanh chóng quay ra ngủ.

Trời đang quang đãng bỗng chuyển sang vẩn mây. Chiều có vài cơn mưa rào nhẹ. Ngay hôm sau, Jan Bronski tới, lấy lại cái thuyền buồm thổ tả bác đã tặng tôi để đem đổi lấy một cái trống ở cửa hàng đồ chơi của lão Sigismond Markas. Chiều muộn, bác quay về, hơi ướt mưa, với một cái trống mới toanh thuộc cái kiểu dáng đã trở nên rất quen thuộc với tôi - những ngọn lửa đỏ trên nền trắng - và chìa ra cho tôi đồng thời thu hồi cái trống cũ tả tơi của tôi giờ chỉ còn giữ lại vài mảng sơn tróc lở. Và trong khi Jan lấy đi cái cũ và tôi nhận cái mới, cả bác ấy lẫn mẹ và Matzerath đều dán mắt vào Oskar; ôi chao, tôi suýt bật cười, dễ thường họ tưởng tôi một mực níu giữ truyền thống, tuân thủ nguyên tắc sao?

Không thốt ra tiếng thét mà tất cả chờ đợi, cũng chẳng cất tiếng hát "diệt thủy tinh", tôi từ bỏ cái thánh tích và cúc cung cả hai tay phụng sự linh vật mới. Sau hai tiếng chăm chú luyện tay trống tôi đã nắm được kỹ năng sử dụng.

Nhưng không phải tất cả những người lớn quanh tôi đều tỏ ra thông cảm như Jan Bronski. Ít lâu sau lần sinh nhật thứ Năm của tôi vào năm 1929 - hồi đó, người ta đang xôn xao bàn tán về một vụ vỡ nợ nhà băng ở New York và tôi tự hỏi không biết ông ngoại Koljaiezek của tôi với công cuộc kinh doanh gỗ ở vùng Buffalo xa xôi có liên đới chịu tổn thất không, lo sợ trước thực tế rành rành là tôi không lớn nữa, mẹ tôi dắt tay tôi đưa đến văn phòng ông bác sĩ Hollatz ở Brỹnsshofer-Weg và từ đó bắt đầu thành nếp khám bệnh thường kỳ vào thứ tư hằng tuần. Những cuộc khám bệnh của ông ta kéo dài đến phát cáu song tôi đành chịu đựng vì ngay ở cái tuổi ấu thơ ấy, tôi đã rất thích cái áo dài trắng của Xơ Inge phụ việc cho bác sĩ Hollatz, nó nhắc tôi nhớ đến những tấm ảnh thời chiến của mẹ tôi hồi làm nữ y tá. Nhờ tập trung cao độ vào nghiên cứu kiểu xếp nếp trên bộ đồng phục của Xơ mà tôi có thể bỏ qua hàng tràng lời dặn dò tuôn ra từ miệng ông, lúc thì nghiêm nghị hách dịch, khi lại ra dáng một ông bác đến là khó chịu.

Đôi mắt kính phản chiếu những thiết bị trong phòng - vô thiên lủng là crôm, kền, men mịn; những giá, ngăn, tủ kính chất đầy chai lọ có dán nhãn rõ ràng, ngâm rắn, cóc, kỳ nhông và phôi người, lợn và khỉ - Hollatz, cứ mỗi lần khám xong, lại đăm chiêu lắc đầu, lật giở những trang bệnh án, hỏi lại mẹ về cú ngã của tôi và trấn an mẹ mẹ bắt đầu nguyền rủa Matzerath phải chịu tội đời đời vì đã để ngỏ cánh cửa xuống hầm.

Sau nhiều tháng như vậy, một ngày thứ tư, có lẽ để tự thuyết phục mình và đồng thời thuyết phục luôn cả Xơ Inge rằng phương pháp điều trị của mình đã mang lại kết quả, bác sĩ Hollatz thử giật lấy cái trống của tôi; đáp lại tôi đã phá hủy phần lớn bộ sưu tập rắn, cóc và phôi các loại của ông ta.

Đây là lần đầu tiên Oskar thử nghiệm sức công phá của giọng mình đối với cả một loạt chai lọ thủy tinh đựng đầy và gắn nút cẩn thận. Thành công quả có một không hai và gây choáng cho tất cả những người có mặt, kể cả mẹ vốn đã biết quá rõ mối quan hệ riêng tư của tôi đối với đồ thủy tinh. Ngay từ tiếng thét đầu tiên còn kiềm chế, dè dặt, tôi đã phá toang cái tủ kính trong đó Hollatz lưu giữ những của lạ gớm chết của ông ta và làm văng một ô kính gần như vuông xuống sàn nhà lót vải nhựa, ở đó nó tan thành muôn mảnh mà vẫn giữ nguyên hình cũ. Rồi thả phóng cho lực thét, chẳng cần dè giữ gì nữa, tôi nhằm đám chai lọ, đập hết chai này sang lọ khác.

Chai lọ nổ bôm bốp như pháo. Chất cồn xanh xanh, đã hơi đông lại phần nào, chẩy ra bắn tung tóe, cuốn theo cái mớ nhợt nhạt với những cặp mắt rầu rĩ được ngâm tẩm trong đó, trút xuống sàn vải nhựa và tỏa đầy phòng một mùi nồng nặc đậm đặc đến mức tưởng như có thể sờ thấy được khiến mẹ buồn nôn và Xơ Inge phải vội vàng mở toang các cửa sổ.

Bác sĩ Hollatz đã khéo xoay sở biến tổn thất đó thành thắng lợi. Mấy tuần sau hành động bạo lực của tôi, ông cho đăng trên tạp chí Thế giới Y học một bài về tôi, “Oskar M., đứa bé có giọng diệt thủy tinh”. Nghe nói cái lý thuyết mà ông đốc-tờ Hollatz đã bôi ra được kín hai mươi trang tạp chí đã thu hút được sự chú ý của giới y học ở cả Đức lẫn các nước ngoài và dẫn đến một loạt bài của các chuyên gia, người t thành kẻ phản đối. Ông ta gửi biếu mẹ mấy bản của số báo có đăng bài đó và việc mẹ lấy thế làm tự hào khiến tôi suy nghĩ. Mẹ đọc đi đọc lại không biết chán một số đoạn cho vợ chồng Greff, vợ chồng Scheffler nghe, cho anh Jan của mẹ nghe và đều đặn sau mỗi bữa ăn tối, cho Matzerath nghe. Cả những khách hàng cũng phải nghe mẹ đọc và họ rất thán phục cái cách sáng tạo kỳ lạ của mẹ trong việc phát âm những từ kỹ thuật, về phần tôi, tôi hoàn toàn dửng dưng với việc thấy tên mình lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí. Tính hoài nghi đã thính nhậy trong tôi khiến tôi nhìn rõ thực chất cái tác phẩm nhỏ của bác sĩ Hollatz là gì: một bản thuyết trình dài hơi, không phải là không khéo nhưng không trúng vấn đề, của một tay thày thuốc đang nhăm nhe một học vị giáo sư.

Hôm nay đây, nằm trong bệnh viện tâm thần này, không còn đủ âm lực để hát vỡ một cái cốc đánh răng, để cho các tay bác sĩ cùng một giuộc với Hollatz ra ra vào vào, tiến hành trên cơ thể hắn các xét nghiệm gọi là Rorschach, xét nghiệm liên hợp và đủ mọi thứ xét nghiệm mà người ta có thể tưởng tượng ra hòng tìm được một cái tên thật kêu cho cái căn bệnh đã khiến người ta phải tống hắn vào viện, Oskar thích nghĩ về thời sơ sử của giọng mình. Vào những ngày đầu tiên ấy, nó chỉ đập vỡ thủy tinh khi cần thiết mà thôi, song đã làm là làm thật triệt để, còn sau này, khi nghệ thuật của hắn đến giai đoạn cực thịnh rồi suy đồi, hắn vận dụng nó ngay cả khi không bị hoàn cảnh bên ngoài bắt buộc. Không cưỡng nổi thói kiểu cách của một thời kỳ sau này, hắn bắt đầu ra giọng đơn thuần để vui chơi, nói cách nào đó, trở thành một tín đồ của nghệ thuật vị nghệ thuật. Hắn dùng thủy tinh như một phương tiện để tự biểu hiện và già đi trong quá trình đó.

THỜI GIAN BIỂU

Nhiều khi Klepp bỏ ra hàng mấy giờ liền để lập thời gian biểu. Việc hắn vừa làm thế vừa nhồm nhoàm nhai dồi tiết và hạt đậu lăng hâm lại, xác nhận cái lý thuyết đơn giản của tôi: bọn mơ mộng đều tham ăn tục uống. Và việc hắn tích cực lấp kín từng giờ khắc lại xác nhận một luận đề khác của tôi, cụ thể là: chỉ có những thằng đại lãn số dách mới có thể đẻ ra những phát minh tiết kiệm lao động.

Năm nay nữa, Klepp lại bỏ ra hơn hai tuần để lên lịch hoạt động của mình. Hôm qua, hắn đến thăm tôi. Hắn làm ra vẻ bí bí mật mật hồi lâu, rồi móc từ túi ngực ra một tờ giấy gấp kỹ càng, đưa cho tôi. Rõ ràng là hắn rất hài lòng với mình: lại một kế hoạch tiết kiệm lao động nữa.

Tôi đọc lướt bản viết tay của hắn, chẳng có gì mới mẻ cho lắm: mười giờ điểm tâm; suy tưởng cho đến giờ ăn trưa; ăn xong, ngủ trưa (một tiếng); rồi uống cà phê ngay tại giường nếu có thể; nằm trên giường thổi sáo (một tiếng); đứng dậy; vừa đi quanh phòng vừa thổi kèn túi (một tiếng); tiếp tục chơi kèn túi ngoài sân (nửa tiếng). Kế đó là một khoảng thời gian hai tiếng đồng hồ phân bố đan xen cách nhật: hôm nay uống bia nhắm dồi tiết thì hôm sau xem xi-nê; trong cả hai trường hợp - trước khi xem phim hoặc trong lúc nhậu bia - kín đáo tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Đức hoạt động bất hợp pháp (không quá nửa tiếng, chớ nên thái quá). Mỗi tuần ba tối chơi nhạc nhảy ở tiệm Kỳ Lân; ngày thứ Bảy, bia và tuyên truyền lui đến tối, buổi chiều dành cho tắm và mát-xa ở Grynstrasse, sau đó là bốn mươi lăm phút vệ sinh với gái ở "U 9", rồi cùng với nàng và một cô bạn của nàng uống cà phê, ăn bánh ngọt ở Schwab; cạo mặt và nếu cần cắt tóc trước khi tiệm đóng cửa; khẩn trương làm một "pô" ảnh photomaton; rồi bia, tuyên truyền Đảng và thư giãn.

Tôi tỏ vẻ thán phụthời gian biểu cẩn thận, khít khao của Klepp, xin hắn một bản và hỏi hắn làm gì khi, thi thoảng, xuất hiện những khoảng trống.

Dĩ nhiên, kể vậy cốt để dẫn đến trải nghiệm đầu tiên của Oskar với thời gian biểu.

Chuyện bắt đầu một cách vô hại ở vườn trẻ của Cô Kauer. Sáng sáng, Hedwig Bronski đến đưa tôi cùng Stephan đến chỗ cô Kauer ở đường Posadowski-Weg; tại đó, cùng với năm, sáu đứa nhóc khác - bao giờ cũng có mấy đứa ốm - chúng tôi phải chơi cho đến khi phát ớn đến tận cổ. May sao, cái trống của tôi được coi như một thứ đồ chơi, tôi không bao giờ buộc phải chơi xây cất bằng những miếng gỗ và chỉ khi nào cần một kỵ sĩ đánh trống đội mũ giấy, tôi mới phải cưỡi lên một con ngựa bập bênh mà thôi. Ngón trống của tôi nhằm vào cái áo lụa dài màu đen với vô vàn khuy cài của Cô Kauer.

Mỗi ngày mấy bận, tôi diễn trống cởi hết khuy áo của Cô, mở phanh ra rồi lại cài lại đâu vào đó. Người Cô gày đét, toàn những nếp nhăn, dám chắc là tôi không mảy may tơ tưởng đến thân thể Cô khi làm vậy.

Những cuộc đi dạo buổi chiều dọc những đại lộ giữa hai hàng cây hạt dẻ qua tượng đài Gutenberg, vượt gò Erbsberg tới tận rừng Jeschkentaler, thật tẻ nhạt mà dễ chịu, ngẩn ngơ mà trong sáng thiên thần đến nỗi ngay cả bây giờ, tôi vẫn ao ước lại được nắm bàn tay khô như giấy của Cô Kauer cùng đám bạn lau nhau dạo chơi như trong truyện tranh.

Thoạt tiên, cả bọn chúng tôi - khoảng sáu đến tám hay mười hai đứa - phải được thắng như thắng ngựa vào xe. "Càng xe" là một dải băng bằng len màu xanh nhạt. Mỗi bên buộc sáu dây cuơng bằng len có gắn lục lạc, đủ chỗ cho tổng cộng mười hai đứa. Cô Kauer cầm mớ dây cương và bọn tôi lon ton đi trước, leng keng leng keng, nhong nhong ếp ếp, ríu ra ríu rít, tôi uể oải dạo trống qua những dãy phố ngoại ô mùa thu. Thỉnh thoảng, Cô Kauer bắt giọng: Jêxu, vì Người chúng con sống, Jêxu, vì Người chúng con chết hoặc Sao Biển, ta chào ngươi. Chúng tôi hát vang bầu trời tháng Mười: Ôi, mẹ Mary, xin cứu giúp con và M-ẹ-ẹ-ẹ dịu hiền của Chúa, khiến những người qua đường rất xúc động. Khi chúng tôi đến những phố chính, xe cộ phải dừng lại nhường đường chúng tôi. Tàu điện, ô-tô, xe ngựa tất cả đứng im trong khi chúng tôi rước Ngôi Sao Biển qua đại lộ. Có tiếng sột soạt như vò giấy khi Cô Kauer vẫy tay cảm ơn viên cảnh sát đã điều khiển giao thông cho chúng tôi qua.

"Chúa Jêxu sẽ ban thưởng cho bạn", Cô hứa trong tiếng sột soạt của chiếc áo lụa.

Tình thật, tôi rất tiếc khi, vào mùa xuân năm lên sáu, Oskar phải cùng với (và bởi tại) Stephan từ biệt Cô Kauer và mớ khuy áo của Cô. Duyên do là vì chính trị: ở đâu có chính trị, ở đó có bạo lực. Chúng tôi vừa tới gò Erbsberg. Cô Kauer tháo dải-len-thắng-đái, cành lá lấp lánh và mạch sống mới xao động trong cây. Cô Kauer ngồi lên một bệ chỉ đường đầy rêu, ghi những nơi có thể đi bộ tới trong vòng một tiếng, một tiếng rưỡi hoặc hai tiếng. Như một thiếu nữ rạo rực những tình cảm khôn tả khi xuân về, Cô cất tiếng hát là-la-lá-la, đầu lắc lư từng chặp như một con gà mái tây, trong khi tiếp tục đan một dải thắng đái mới màu đỏ như lửa. Thật không may, tôi chẳng bao giờ được dịp mang nó vì đúng lúc đó, những tiếng la hét vang lên từ bụi rậm. Cô Kauer cuống quít đứng dậy, và chạy bổ vào lùm cây trên đôi chân sếu vườn, kéo theo sau cuộn len đỏ. Tôi chạy theo Cô và cuộn len, và cái mà tôi nhìn thấy sau đó còn đỏ hơn màu len: máu từ mũi Stephan chảy lênh láng và một thằng cu tên là Lothar, tóc xoăn, thái dương nổi gân xanh, đang dận đầu gối lên ngực thằng bé ốm yếu, thẳng cánh nện xuống mũi nó.

"Pô-lắc[11]!" nó rít lên giữa những cú đấm. "Đồ Pô-lắc!"

Năm phút sau, khi cô Kauer lại quây bọn tôi trong dải thắng đái màu xanh nhạt - riêng tôi được đi bên ngoài đểấn lại cuộn len - Cô lầm rầm một bài kinh thường được đọc giữa lễ Tấn phong và lễ Thánh thể: "Cúi đầu hổ thẹn, lòng đầy đau đớn và ăn năn..."

Chúng tôi xuống khỏi gò Erbsberg và dừng lại trước tượng Gutenberg. Chĩa một ngón tay dài ngoẵng về phía Stephan vẫn đang sụt sùi, ấp một chiếc mù-soa trên mũi, Cô dịu dàng nhận xét: "Nếu nó là một thằng bé Ba Lan, thì đó đâu phải lỗi tại nó".

Theo lời khuyên của Cô Kauer, Stephan được đưa ra khỏi vườn trẻ. Mặc dầu Oskar không phải là người Ba Lan và cũng chẳng ái mộ gì Stephan, nhưng nó tuyên bố nếu Stephan không được đi vườn trẻ nữa thì nó cũng chả thiết. Thế rồi lễ Phục sinh đến và người ta quyết định thử cho chúng tôi đến trường xem sao. Bác sĩ Hollatz ngẫm nghĩ đằng sau cặp kính gọng sừng, thấy là điều đó vô hại và nói to ý kiến đó lên: "Cái đó quyết không thể gây hại gì cho bé Oskar cả".

Jan Bronski đã tính cho Stephan đến trường công Ba Lan sau lễ Phục sinh, ai can cũng không chịu nghe. Năm lần bảy lượt, bác vạch rõ với mẹ tôi và Matzerath rằng bác là một viên chức Ba Lan, làm việc tốt ở Sở Bưu chính Ba Lan và được đãi ngộ xứng đáng. Chung cục, bác là người Ba Lan và Hedwig cũng sẽ mang quốc tịch Ba Lan ngay sau khi giấy tờ thủ tục xong xuôi, vả lại, một đứa bé sáng dạ như Stephan có thể học tiếng Đức ở nhà. Còn Oskar - bao giờ bác Jan cũng khẽ thở dài mỗi khi nói "Oskar" - nó cũng sáu tuổi như Stephan; đành rằng nó nói chưa được sõi lắm, nhìn chung, nó có chậm phát triển so với tuổi, còn về tầm vóc của nó... dào, nói mãi rồi, nhưng dù thế nào đi nữa cũng cứ nên thử, nói cho cùng, giáo dục là cưỡng bách - miễn là ban giám hiệu nhà trường không phản đối.

Ban giám hiệu nhà trường tỏ ý ngần ngại và yêu cầu có giấy chứng nhận của bác sĩ. Hollatz nói rằng tôi là một đứa trẻ khỏe mạnh tuy về hình thể chỉ bằng đứa lên ba - ông ta phải thừa nhận thế - và tôi nói chưa được tốt lắm, nhưng ngoài ra, trí khôn của tôi không kém một đứa 5-6 tuổi bình thường, ông cũng nói điều gì đó về tuyến giáp trạng của tôi.

Tôi phải qua đủ mọi kiểu khám và xét nghiệm. Nhưng tôi đã quen với cái trò đó và tôi đón nhận nó một cách dửng dưng, thậm chí hòa nhã, nhất là khi không có ai định tước cái trống của tôi: người ta vẫn kinh hoàng nhớ đến cuộc hủy diệt bộ sưu tập cóc, rắn và phôi của Hollatz.

Chỉ khi ở nhà, vào buổi sáng hôm đầu tiên đến trường, tôi mới ở thế buộc phải sử dụng đến chất kim cương của giọng mình: Matzerath, cực chẳng đã, yêu cầu tôi để cái trống ở nhà, không được mang nó qua cổng trường Pestalozzi.

Cuối cùng, khi ông dùng đến vũ lực, toan đoạt lấy cái không thuộc về ông, chiếm hữu một thứ nhạc cụ mà ông không biết chơi, hơn nữa lại chẳng có chút tình cảm gì với nó, tôi bèn đập tan một cái lọ cổ, thấy bảo là đồ "gin". Khi cái lọ cổ "gin" nằm trên thảm dưới hình thức những mảnh vỡ "gin", Matzerath, vốn rất quý nó, giơ tay toan đánh tôi. Nhưng đúng lúc ấy, mẹ tôi chồm lên và bác Jan, vừa ghé qua cùng Stephan với chiếc Sừng Phồn Thịnh truyền thống[12], cũng xông vào can.

"Alfred, tôi xin, tôi xin!" bác nói theo cái cách bình tĩnh, ngọt như mía lùi của bác và Matzerath khuất phục trước ánh mắt xanh của bác Jan và xám của mẹ tôi, đành hạ tay xuống đút vào túi quần.

Trường Pestalozzi là một tòa nhà hộp mới ba tầng, gạch đỏ, mái bằng trang trí bằng bích họa theo lối cạo sáng trên nền tường sẫm, do Hội đồng quản trị khu ngoại ô xây dựng dưới áp lực ráo riết của Đảng Xã hội Dân chủ hồi đó còn hoạt động rất mạnh. Tôi cũng hơi thích cái nhà hộp này, trừ cái mùi của nó và những hình lực sĩ thiếu niên trong các bích

Trên vạt sỏi ngoài cổng trường, có mấy cái cây quắt queo một cách trái tự nhiên đến nỗi người ta sửng sốt khi thấy chúng bắt đầu xanh lá; chúng được chống đỡ bằng những cọc sắt nom như gậy phép của đức giám mục. Từ khắp phía, đổ về những bà mẹ, tay ôm Sừng Phồn Thịnh, tay lôi xềnh xệch những thằng bé - thằng khóc mếu, thằng ngoan ngoãn mẫu mực - theo sau. Chưa bao giờ Oskar thấy nhiều bà mẹ cùng hướng về một điểm như thế, cứ như là họ đang trên đường đến một cái chợ ở đó họ có thể chọn mua đứa con đầu lòng hoặc thứ hai của mình vậy.

Từ cửa vào, tôi đã thoáng ngửi thấy cái mùi được mô tả biết bao lần của trường học, cái mùi thân mật hơn mọi thứ nước hoa trên đời. Ở sảnh ngoài, có bốn, năm bể tròn lớn bằng granít được gắn trên nền gạch lát, không theo hàng lối trật tự nào. Từ dưới đáy, nước từ nhiều nguồn khác nhau đồng loạt phun lên. Nhìn bọn trẻ vây quanh bể nước, trong đó có những thằng trạc tuổi tôi, tôi lại nhớ đến con lợn nái của bác Vincent ở Bissau, nó thỉnh thoảng vẫn nằm nghiêng một bên mạn sườn cho lũ con khát sữa hùng hổ tấn công vào bầu vú.

Lũ trẻ cúi mình trên thành bể với những tia nước dựng đứng, rũ tóc xuống, há mồm cho nước phọt vào. Tôi không dám chắc là chúng chỉ đùa nghịch hay uống thật. Thi thoảng, hai thằng đứng dậy gần như đồng thời, phồng má rồi, với một tiếng ọc ọc nghe ghê người, nhổ vào mặt nhau ngụm nước bể âm ấm chắc chắn là có lẫn nước bọt và vụn bánh mì. Lúc bước chân vào sảnh ngoài, tôi đã vô tư liếc mắt qua khe cửa để ngỏ của phòng tập thể dục ở bên cạnh, trông thấy con ngựa da, những sào và dây tập leo, cái xà đơn khủng khiếp luôn luôn đói thèm một vòng lộn. Tất cả những cái đó khiến tôi khát ghê gớm và cũng như lũ nhóc kia, tôi những muốn tợp một ngụm nước cho đã. Nhưng thật khó mà hỏi xin mẹ bế Oskar-tí-hon lên ngang tầm một trong những tia nước kia. Ngay cả nếu tôi có đứng lên cái trống cũng không vươn tới được. Nhưng khi nhảy vội tới ngó qua thành bể, tôi nhận thấy những mẩu thừa bánh mì bèo nhèo chặn luồng chảy của nước và đáy bể đầy một chất cặn nhầy độc hại, thì cái cơn khát liền tiêu tan: tôi đã tích luỹ nó trong tưởng tượng nhưng với một cường độ thể xác trong khi lang thang qua cái sa mạc các thiết bị phòng tập thể dục.

Mẹ dẫn tôi lên những cầu thang đồ sộ xây cho người khổng lồ, qua những hành lang âm vang tới một phòng có treo phía trên cửa một cái biển đề 1-A. Trong phòng đầy những thằng bé trạc tuổi tôi. Các bà mẹ chúng túm tụm sát mé tường đối diện cửa kính vào lớp, tay ghì chặt những chiếc Sừng Phồn Thịnh nhiều màu phủ một lớp giấy lụa vốn đã thành truyền thống trong ngày đầu tiên đến trường. Những cái Sừng Phồn Thịnh cao vượt đầu tôi. Mẹ tôi cũng mang một cái.

Khi mẹ dẫn tôi vào phòng, đám dân đen cười ồ lên và đám mẹ dân đen cũng cười theo. Một thằng béo phục phịch định đánh trống của tôi. Không muốn giở đến võ đập thủy tinh, tôi buộc phải đá nó mấy cú vào ống đồng, làm nó ngã đập cái đầu chải mượt vào một cái bàn học sinh. Vì tội đó, tôi bị mẹ bợp tai mấy cái. Thằng quỷ con gào lên. Tôi thì không. Tôi chỉ gào khi có ai định tước cái trống của tôi. Xấu hổ vì màn trình diễn đó trước đám đông, mẹ đẩy tôi ngồi vào cái bàn học sinh đầu tiên ở dãy cạnh cửa sổ. Dĩ nhiên là cái bàn đó quá cao. Nhưng ở đằng sau, bàn còn cao hơn và bọn dân đen mặt đầy tàn nhang còn thô kệch hơn.

Tôi đành vậy và bình tĩnh ngồi vì chẳng có lý do gì để mất bình tĩnh. Mẹ tôi, hình như còn rất bối rối, tìm cách lẩn vào giữa các bà mẹ khác. Trước mặt những người cùng hội cùng thuyền, có lẽ mẹ cảm thấy hổ thẹn về cái gọi là trạng thái chậm phát triển của tôi. Các bà này cứ làm như thể lũ ngựa con của họ (theo ý tôi thì chúng lớn quá nhanh) là một cái gì đáng lấy làm hãnh diện lắm vậy.

Tôi không thể nhìn cánh đồng cỏ Frobel qua cửa sổ vì cũng giống như cái bàn học sinh nọ, thành cửa sổ không vừa tầm tôi chút nào. Chán quá. Nếu không tôi đã có thể phóng mắt ra cánh đồng cỏ, ở đó, theo như tôi biết, các hướng đạo sinh, dưới sự dắt dẫn của Greff-Rau-Quả, đang dựng lều, chơi bài lăngxcơnê và làm việc thiện, đúng với tư cách hướng đạo sinh. Chẳng phải là tôi thích gì cái cách họ ngợi ca thái quá cảnh sống lều trại. Điều hấp dẫn tôi là quan sát Greff cũn cỡn trong chiếc quần soọc. Giả mê cái đám thiếu niên mặt trắng bệch, mắt to, mảnh mai ấy đến nỗi không ngần ngại mặc bộ đồng phục của Baden-Powell, người cha của hướng đạo sinh.

Bị cái thứ kiến trúc dở hơi ấy che khuất cảnh tượng ngoạn mục mong muốn, tôi đành ngước mắt lên trời và lát sau, thấy lòng dịu lại. Những đám mây không ngớt hình thành và trôi về phía tây nam, như thể cái hướng này có một lực hấp dẫn đặc biệt đối với mây vậy. Tôi kẹp chặt cái trống giữa hai đầu gối và cạnh bàn mặc dầu nó chẳng bao giờ thoáng nghĩ đến chuyện lang bạt xuống mạn tây nam làm gì. Đầu Oskar dựa vào lưng chiếc ghế đóng liền bàn. Đằng sau tôi, cái đám được gọi là đồng môn của tôi gầm gừ, rống lên, cười, khóc và náo loạn. Chúng vo giấy ném tôi, nhưng tôi không buồn ngoảnh lại; tôi thấy những đám mây êm ả trôi về hướng đã định còn đáng nhìn hơn là cái lũ ngu độn nhăn nhó, động kinh nọ.

Lớp 1-A im bặt khi một người bước vào tự giới thiệu mình là Cô Spollenhauer. Tôi thì không cần phải im bặt vì tôi vốn đã im sẵn, chờ đợi sự việc xẩy đến trong một trạng thái gần như trầm ngâm hoàn toàn. Nói thật tình, Oskar hầu như không hề nghĩ đến những gì có thể sẽ xẩy đến với nó bởi lẽ nó đâu có cần giải trí. Vậy ta hãy nói rằng nó không chờ đợi mà chỉ ngồi ở bàn học của mình, khoan khoái biết rằng cái trống đang ở đúng chỗ thuộc về nó và mải mê ngắm những đám mây trôi sau những ô kính cửa sổ vừa được lau chùi bóng loáng vào dịp lễ Phục sinh.

Cô Spollenhauer mặc một bộ đồ nhiều góc cạnh khiến Cô có cái dáng vẻ khô khốc của đàn ông. ảm giác ấy càng được tô đậm thêm bởi cái cổ áo chật cứng bó quanh yết hầu, làm hằn những nếp nhăn sâu nơi cổ. Vừa bước chân vào lớp trong đôi giày bẹt, Cô đã cảm thấy cần tỏ ra chan hòa và hỏi: "Nào, các con thân yêu, ta có thể hát một bài được không?"

Một tiếng gầm đáp lại và hẳn Cô hiểu đó là sự biểu đồng tình bởi vì Cô lập tức bắt đầu bằng một giọng kiểu cách the thé: "Đây là tháng Năm vui vẻ" mặc dầu bấy giờ mới là giữa tháng Tư. Việc Cô Spollenhauer chưa chi đã báo sang tháng năm đủ khiến cho địa ngục bùng nổ. Không cần đợi hiệu lệnh bắt đầu, không cần thuộc lời, bất chấp nhập điệu bài hát, đám dân đen đằng sau tôi bắt đầu gào rú, làm long cả vữa trát tường.

Bất kể màu da vàng bệch, những búp tóc loi xoi và cái cà-vạt đàn ông lấp ló sau cổ áo Cô, tôi vẫn thấy thương hại Cô Spollenhauer. Rứt ra khỏi những đám mây - hiển nhiên là hôm nay chúng không phải đến trường - tôi đứng bật dậy, rút cặp dùi trống ra khỏi dây đeo quần, và mạnh mẽ, dõng dạc dóng trống theo nhịp của bài hát. Nhưng đám dân đen không thèm nghe cũng chẳng đếm xỉa gì đến những cố gắng của tôi. Chỉ có Cô Spollenhauer gật đầu động viên tôi, mỉm cười về phía các bà mẹ đứng thành hàng nép vào tường, nháy mắt riêng với mẹ tôi. Xem đó là một hiệu lệnh tiến tới, tôi tiếp tục gõ trống, thoạt đầu còn nhẹ nhàng đơn giản, rồi trổ hết nghệ thuật, phô diễn mọi tiết tấu phức tạp nhất. Đám dân đen đằng sau tôi từ lâu đã ngừng tiếng gào rú man rợ. Tôi vừa bắt đầu tưởng tượng ra rằng cái trống đang dạy dỗ, giáo dục bọn đồng môn của tôi, biến chúng thành học trò của tôi, thì Cô Spollenhauer tiến lại gần bàn tôi. Cô quan sát đôi tay tôi và cặp dùi trống hồi lâu, thậm chí không có vẻ gì là khiếm nhã cả; với một nụ cười lơ đãng như thể quên cả mình đang ở đâu, Cô vỗ tay hòa theo nhịp trống của tôi. Trong một lúc, Cô trở thành một cô gái luống tuổi không đến nỗi khó coi, quên phắt chức trách chuyên môn sư phạm của mình và giàu tính người, có nghĩa giống như trẻ thơ, tò mò, phức tạp và vô lu

Tuy nhiên, khi Cô không bắt được vào nhịp với tôi, Cô lại rơi trở về cái vai trò thường ngày, nghiêm chỉnh ngay ngắn một cách đần độn, và, tệ hơn nữa, với đồng lương rẻ mạt; Cô lấy lại tư thế như các nhà giáo thỉnh thoảng vẫn phải cố làm vậy và nói: "Chắc hẳn con là bé Oskar. Chúng ta đã nghe nói nhiều về con. Con đánh trống mới hay làm sao! Có phải không các con? Oskar của chúng ta là một tay trống cự phách, đúng không nào?"

Bọn trẻ con gào rú, các bà mẹ tụm lại gần nhau hơn nữa, Cô Spollenhauer lấy lại chủ động: "Nhưng bây giờ ta hãy để cái trống vào tủ đã; chắc nó mệt rồi và muốn ngủ. Rồi khi nào học xong, con sẽ lấy lại.”

Trước cả khi xổ ra hết những lời đạo đức giả tầm phào ấy, Cô đã xoè những móng tay nhà giáo được cắt rất sát toan nắm lấy cái trống của tôi - mà lạy Chúa, nó đâu có mệt và buồn ngủ! Tôi giữ vững, ghì chặt tang trống hai màu trắng-đỏ giữa hai ống tay áo nịt. Thoạt đầu, tôi nhìn chằm chằm vào Cô nhưng rồi thấy Cô vẫn giống cái mô hình một giáo học trường công, tôi bèn nhìn xuyên suốt qua Cô. Bên trong Cô Spollenhauer, tôi tìm thấy đủ chất liệu lý thú cho ba chương đồi bại, song vì cái trống của tôi đang lâm nguy nên tôi đành rứt ra khỏi đời sống nội tâm của Cô và, dõi cặp mắt xoi mói vào khoảng giữa hai xương bả vai của Cô, tôi phát hiện ra trên làn da nhẵn mịn một cái bớt to bằng đồng xu với một túm lông dài mọc kín.

Tôi không biết đích xác là do Cô cảm thấy mũi khoan của tia nhìn hay vì giọng tôi đã gại vào mắt kính bên phải của Cô như một lời cảnh cáo nhẹ nhàng: dù sao đi nữa, Cô cũng ngừng cuộc thị uy đã khiến các khớp ngón của Cô căng ra đến trắng trợt. Có vẻ như Cô không chịu nổi cú gại trên mục kỉnh, nó làm Cô sởn gai ốc. Cô rùng mình buông cái trống của tôi ra và, ném một cái nhìn trách móc về phía mẹ tôi lúc này chỉ muốn chui xuống đất, Cô tuyên bố: "Mày là một thằng bé Oskar độc ác, con ạ." Rồi, để cái trống không hề buồn ng cho tôi, Cô quay đằng sau và rảo bước trên đôi giày gót bẹt tới bàn mình, lấy trong cặp ra một cặp kính khác, chắc là kính đọc, giựt phắt khỏi sống mũi cặp kính đã bị giọng tôi gại lên như kiểu người ta lấy móng tay cào trên cửa kính, với một cái nhăn mặt như hàm ý rằng tôi đã làm uế tạp mục kỉnh của Cô, đeo cặp kia lên, rướn thẳng người khiến các đốt xương kêu răng rắc và một lần nữa thò tay vào cặp, tuyên bố: "Bây giờ, ta sẽ đọc thời gian biểu cho các con nghe!"

Lần này, Cô lôi từ trong cặp ra một tệp phiếu. Giữ lại một cái cho mình, Cô phân phối số còn lại cho các bà mẹ trong đó có mẹ tôi và truyền đạt tỉ mỉ cho lớp học đã lại nhộn nhạo: "Thứ hai: tôn giáo, tập viết, số học, trò chơi; Thứ ba: số học, thư pháp, học hát, cách trí; Thứ tư: số học, viết tập, vẽ, vẽ; Thứ Năm: địa dư, số học, tập viết, tôn giáo; Thứ sáu: số học, trò chơi, thư pháp; Thứ Bảy: số học, hát, trò chơi, trò chơi".

Cái sản phẩm trang trọng này của một hội đồng sư phạm, được tuyên đọc bằng một giọng nghiêm nghị không bỏ sót một chữ nào, vang lên như một định mệnh khôn bề xoay chuyển. Nhưng rồi nhớ lại những điều đã học ở Trường Sư phạm, Cô Spollenhauer bỗng dịu dàng và ngọt xớt: "Và bây giờ, các con thân yêu," Cô bốc lên trong niềm hoan hỉ đầy tinh thần tiến bộ, "Tất cả chúng ta hãy đồng thanh nhắc lại. Nào: Thứ hai?"

Cả lũ gào "Thứ hai."

"Tôn giáo?" Và bọn vô đạo được rửa tội rống lên "tôn giáo". Riêng tôi thì kìm giọng, chỉ nhấn các âm tiết trên trống.

Đằng sau tôi, dưới sự kích động của Cô Spollenhauer, bọn tà giáo lại gầm lên: "Tập viết!" Tùng-tùng, trống tôi rền vang. "S-ố h-ọ-c!" Thêm hai nhát nữa.

Trước mặt tCô Spollenhauer lải nhà lải nhải, đằng sau tôi: đám dân đen gào rú. Ngậm bồ hòn làm ngọt, tôi gõ các âm tiết với mức độ vừa phải và mọi sự cứ tiếp tục như thế cho đến khi Cô Spollenhauer, chẳng biết bị con quỷ nào chọc bậy, nhảy dựng lên, rõ ràng là nổi đoá, nhưng không phải với bọn tácta đằng sau tôi; không, chính tôi là kẻ đã khiến đôi má Cô đỏ bừng giận dữ; cái trống nhỏ tội nghiệp của Oskar đã thành vật chướng ngại của Cô, thành duyên cớ tranh chấp khiến Cô hận tôi.

"Oskar, nghe ta này: Thứ Năm, địa dư?" Bỏ qua hai chữ Thứ Năm, tôi gõ hai tiếng "địa dư", hai tiếng " số học" và hai tiếng " tập viết"; với từ "tôn giáo", tôi không gõ hai nhát đơn mà, theo nguyên lý thần học sùng kính, khấn hai tiếng kẹp ba (tượng trưng Chúa Ba Ngôi).

Nhưng tai Cô Spollenhauer đâu có phân biệt được những tinh tế ấy. Đối với Cô, mọi điệu trống đều tởm lợm như nhau. Một lần nữa Cô xoè mười móng tay cắt ngắn và một lần nữa chúng định túm lấy cái trống của tôi.

Nhưng trước cả khi Cô chạm tay vào nó, tôi đã phóng tiếng thét diệt-thủy-tinh, phá tan những ô kính trên cùng của ba cái cửa sổ to quá khổ của lớp học. Tiếng thét thứ hai xóa sổ hàng ô kính ở giữa. Không còn bị chắn lối, không khí êm dịu của mùa xuân tràn vào lớp. Với tiếng thét thứ ba, tôi tiêu diệt nốt những ô kính dưới cùng, song tôi phải thừa nhận rằng cú đó là thừa, đơn thuần do rửng mỡ, có thể nói vậy, vì mụ Spollenhauer đã thu móng vuốt về ngay từ lúc những ô kính trên cùng và ở giữa hy sinh. Thay vì công phá những ô kính cuối cùng còn lại, đơn thuần vì thói chơi hiểm, đáng ngờ về phương diện nghệ thuật, lẽ ra Oskar nên hành động khôn ngoan hơn, để mắt đến mụ Spollenhauer đang rút lui vô trật tự.

Có trời biết mụ kiếm đâu ra cái roi ấy. Dù sao chăng nữa, nó đột nhiên xuất hiện nơi tay mụ, rung lên trong không khí lớp học lúc này đã trộn lẫn với không khí mùa xuân. Mụ khoa roi vun vút trong không khí hỗn hợp ấy, ướm thử độ mềm dẻ của nó, kích cho nó thèm khát được làm trầy da toác thịt, thèm khát tiếng gió rít veo veo, thèm khát tiếng rèm loạt xoạt mà một cây roi vung lên có thể gợi nên. Và đây, nó quật xuống bàn tôi mạnh đến nỗi một tia tim tím phọt lên từ lọ mực của tôi. Rồi khi tôi không chịu chìa tay ra hứng đòn, mụ bèn quật vào cái trống. Mụ đánh cái trống thân yêu của tôi! Mụ, cái mụ Spollenhauer ấy dám đánh bảo vật của tôi! Vì cớ gì mà mụ đánh? Ừ, cứ cho là mụ ngứa tay muốn đánh, một cái gì, nhưng sao lại nhằm cái trống của tôi? Thế còn cái bọn nhà quê đằng sau tôi thì sao? Có nhất thiết phải là cái trống của tôi không? Thử hỏi mụ - một kẻ không biết gì, hoàn toàn không biết tí gì về nghệ thuật chơi trống - mụ có quyền gì mà tấn công và đánh đập cái trống của tôi? Cái ánh long lanh trong mắt mụ là gì vậy? Một con thú sẵn sàng tấn công? Nó xổng ra từ vườn thú nào, nó đang thèm khát gì, nó tìm kiếm con mồi nào? Cũng một con thú loại ấy chiếm lĩnh. Oskar không biết từ đáy vực nào, nó dâng lên, xuyên qua đế giày, qua gan bàn chân, lên nữa và lên nữa, tiếp quản thanh đới và thúc ép Oskar bật lên một tiếng gầm đủ mạnh, để "phi kính hóa" cả một cái nhà thờ Gôtích lung linh ánh khúc xạ của hàng trăm cửa sổ.

Nói cách khác, tôi dồn lực vào một tiếng kêu kép, đập tan thành bụi cả hai mắt kính của mụ Spollenhauer. Cặp mày của mụ hơi chảy máu, mắt hấp háy qua hai trồng kính rỗng không, mụ rờ rẫm lùi lại và cuối cùng, bắt đầu thút thít một cách thảm hại, mất hết tự chủ, chẳng xứng với một nhà giáo dục chút nào, trong khi bọn dân đen đằng sau tôi chìm vào một im lặng khiếp đảm, có đứa răng đánh đàn cầm cập, một số đứa khác chui xuống gầm bàn. Mấy thằng lỉnh từ bàn này sang bàn khác về phía các bà mẹ. Các bà này, khi nhận thức được mức độ tổn hại, nhìn quanh tìm thủ phạm và như sắp sửa nhảy bổ đến xé xác mẹ tôi ra làm nhiều mảnh. Hẳn họ đã làm thế nếu tôi không ôm trống lao tới để yểm trợ mẹ.

Vượt qua Cô Sollenhauer mù dở, tôi rẽ đường tới bên mẹ đang bị đám Nữ thần tóc rắn uy hiếp, nắm tay mẹ kéo ra khỏi lớp 1-A lúc này đầy gió lùa. Những hành lang đầy âm vang, những cầu thang đáẻ con nòi khổng lồ. Cùi bánh mì trong những bể phun nước bằng granít. Trong phòng tập thể dục mở cửa, những đứa trẻ run sợ dưới xà đơn. Mẹ vẫn còn cầm tấm phiếu ghi thời gian biểu. Ra khỏi cổng trường Pestalozzi, tôi giật lấy nó từ tay mẹ và bỏ vào mồm nhai đến nát bét.

Có bác thợ ảnh đứng giữa hai cột cổng trường chờ các học sinh mới cùng mẹ chúng. Oskar đồng ý để bác bố trí một kiểu chụp nó cùng cái Sừng Phồn Thịnh vẫn nguyên vẹn qua cả vụ lộn xộn. Mặt trời ló ra, các lớp học lao xao trên đầu. Bác thợ ảnh xếp Oskar đứng trước một tấm bảng đen làm phông, trên đó viết: Ngày đầu tiên đi học của tôi.

RASPUTIN VÀ VẦN CHỮ CÁI

Tôi vừa mới kể cho Klepp bạn tôi và Bruno người coi sóc tôi (cả hai chỉ nghe bằng nửa tai) về trải nghiệm đầu tiên của Oskar với một thời khóa biểu học sinh. Trên tấm bảng đen mà người thợ ảnh dùng làm phông nền truyền thống cho những bức ảnh khổ bưu thiếp chụp những thằng nhỏ sáu tuổi mang cặp sách và Sừng Phồn Thịnh (tôi nói) có ghi dòng chữ: Ngày đầu tiên đi học của tôi.

Dĩ nhiên, chỉ có những bà mẹ đọc được dòng chữ này, họ đứng đằng sau anh thợ ảnh, còn náo nức hơn cả lũ con của họ. Bọn trẻ đứng trước tấm bảng đen, giỏi lắm cũng phải một năm sau mới đọc vỡ được những chữ ấy, hoặc vào dịp lễ Phục sinh khi nhà trường mở lớp 1 mới, hoặc ngay trên tấm ảnh cũ của chúng. Lúc đó, và chỉ đến lúc đó, chúng mới đọc được rằng những bức ảnh đáng yêu ấy đã được chụp vào ngày đầu tiên chúng đến trường.

Lời chứng đó cho một chặng mới trong đời được ghi bằng kiểu chữ Sütterlin[13]  bò suốt chiều ngang tấm bảng đen với những góc cạnh tua tủa. Tuy nhiên, những nét vòng thì lại quá mềm, quá tròn trặn. Thực ra thì kiểu chữ Sütterlin này được chỉ dẫn đặc biệt để dùng cho những phát ngôn hàm súc ngắn gọn, gây ấn tượng, như khẩu hiệu, biểu ngữ chẳng hạn. Và còn có một số tài liệu mà thú thật tôi chưa bao giờ thấy, nhưng tôi hình dung là chỉ có thể viết bằng kiểu chữ Sütterlin: tôi nghĩ đến những giấy chứng nhận tiêm chủng, bằng thể thao và án tử hình viết tay. Ngay từ dạo ấy, tôi đã có thể nhận dạng kiểu chữ Sütterlin tuy tôi không đọc được nó: với lỗ mũi tôi, nét vòng kép ở chữ N viết theo kiểu Sütterlin mở đầu dòng ghi trên bảng đen, có cái mùi hiểm độc của dây gai, nhắc đến giá treo cổ. Ngay cả như thế, tôi vẫn muốn đọc được cụ thể từng chữ, chứ không phải chỉ đoán láng máng thôi. Xin đừng có ai nghĩ rằng sở dĩ tôi nổi trống với khí thế cách mạng và đập kính bạo liệt như thế trong buổi đầu gặp gỡ với Cô Spollenhauer, là do tôi đã thông thạo vần chữ cái. Ồ, không đâu, tôi quá biết rằng cái trực giác của tôi về kiểu chữ Sütterlin là chưa đủ, rằng tôi thiếu cả đến những điều sơ đẳng nhất của kiến thức học đường. Chỉ có điều không may là phương pháp trau dồi kiến thức của Cô Spollenhauer không hấp dẫn đối với Oskar thôi.

Do đó, khi rời trường Pestalozzi, tôi tuyệt nhiên không hề quyết định rằng ngày đầu tiên đi học của tôi cũng là ngày cuối cùng, rằng tôi đã chán ngấy sách, bút cùng những cung cách của các thày, cô giáo. Tuyệt đối không có thế. Ngay cả khi anh thợ ảnh đang ghi lại hình tôi để lưu truyền hậu thế, tôi đã nghĩ thầm trong bụng: Đấy, mày đang đứng trước một tấm bảng đen, dưới một dòng chữ chắc là đầy ý nghĩa và có thể báo trước nhiều điều. Mày có thể dựa vào các mẫu tự mà đoán định dòng chữ ấy và gợi lên những liên tưởng như biệt giam, tạm giam, quản chế và đem-treo-cả-bọn-nó-lên-cùng-một-giá, nhưng mầy đâu có đọc được chữ nào. Vậy mà, mặc dù sự dốt đặc của mày khiến mây mù phủ kín bầu trời, mày vẫn quyết tâm không bao giờ đặt chân trở lại ngôi trường có thời gian biểu này nữa. Ôi, Oskar, mày sẽ học vỡ lòng vần chữ cái lớn, nhỏ của mày ở đâu bây giờ?

Thực ra, đối với tôi một vần chữ cái nhỏ cũng là nhiều rồi, nhưng căn cứ vào cái thực tế rành rành không thể chối cãi là sự tồn tại của những kẻ to xác tự xưng mình là người lớn, tôi suy ra rằng đã có vần chữ cái nhỏ, ắt phải có vần chữ cái lớn. Vả chăng, người ta cứ ra rả chứng minh sự tồn tại của một vần chữ cái lớn và một vần chữ cái nhỏ bằng sách giáo lý lớn và sách giáo lý nhỏ, bảng cửu chương lớn và bảng cửu chương nhỏ, và trong những cuộc đi thăm chính thức của các chính khách, tùy theo số lượng các vị quyền chức và các nhà ngoại giao có mặt, mà người ta nói đến nghi lễ lớn hay nhỏ.

Mấy tháng tiếp theo, cả Matzerath lẫn mẹ đều không tỏ ra băn khoăn gì về chuyện học hành của tôi. Họ đã thử cho tôi đến trường và về phần họ, cuộc thử nghiệm duy nhất ấy - khá nhục nhã đối với mẹ - là quá đủ rồi. Họ ứng xử hệt như anh Jan Bronski, mỗi khi cúi nhìn tôi lại thở dài và đào bới những chuyện cũ như sự kiện bữa sinh nhật lần thứ ba của tôi. "Cái cửa sập! Tại anh không đóng nó lại, đúng không nào? Anh ở trong bếp và trước đó anh đã xuống hầm, đúng không nào? Anh mang lên một hộp mứt quả để tráng miệng, đúng không nào? Anh đã để ngỏ cửa hầm, đúng không nào?"

Tất cả những điều mẹ buộc tội Matzerath đều đúng, tuy nhiên, như các bạn biết đấy, lại không đúng chút nào. Nhưng ông vẫn cam nhận và thậm chí có khi còn khóc vì tâm hồn ông thi thoảng cũng khá nhạy cảm. Vào những lúc ấy, mẹ và Jan Bronski lại phải dỗ ông, và họ gọi tôi, Oskar đây, là cây thập tự mà họ phải vác, một định mệnh phũ phàng và chắc là không thể đổi thay, một thử thách mà họ không biết vì sao họ phải đương đầu.

Hiển nhiên là không thể trông chờ sự giúp đỡ nào từ phía những người vác thập tự đang chịu thử thách nặng nề và nạn nhân của số phận ấy. Ngay cả anh gái Hedwig, người vẫn thường đưa tôi đến Công viên Steffens chơi nghịch cát với bé gái Marga hai tuổi của anh, cũng không thể làm gia sư cho tôi. Anh ấy tốt tính thật đấy nhưng đần độn như một ngày dài. Cũng không thể trông cậy vào Xơ Inge của anh sĩ Hollatz được, Xơ không tốt tính cũng chẳng đần độn, nhưng Xơ không chỉ có phận sự mở cửa mà thật sự là người phụ tá không thể thiếu của ông anh sĩ và do đó, làm sao có thì giờ dành cho tôi được.

Một ngày mấy bận, tôi lên lên xuống xuống cầu thang của ngôi nhà chung cư bốn tầng - có tới hơn trăm bậc - đến mỗi chiều nghỉ đều dạo trống thỉnh vấn. Tôi ngửi thấy bữa trưa của mười chín hộ thuê nhà có những món gì, nhưng tôi không gõ cửa nhà nào cả: tôi hiểu rằng người thày tương lai của tôi không thể là ông già Heylandt hay anh thợ sửa đồng hồ Laubschad, càng không thể là bà béo Kater hay Mamăng Truczinski mặc dầu tôi rất mến Mamăng.

Ở tầng sát mái có Meyn, nhạc công thổi t’rompet. Meyn nuôi bốn con mèo và lúc nào cũng say khướt. Anh chơi nhạc nhảy ở tiệm Zingler và những đêm Nô-en, anh cùng năm người khác cũng say như anh vừa lội tuyết vừa chơi những bài thánh ca Giáng sinh chống lại giá rét. Một hôm, tôi bắt gặp anh trên tầng áp mái: anh mặc quần đen, áo sơ mi trắng dạ hội, nằm ngửa, hai chân trần vần vò một chai rượu gừng đã cạn và trong tư thế ấy, chơi t’rompet hay tuyệt vời. Miệng vẫn ngậm chiếc kèn, anh chỉ khẽ đảo mắt liếc về phía tôi và tin cẩn cho tôi vinh dự làm người đệm trống. Đối với anh, chiếc kèn cũng có giá trị như cái trống đối với tôi. Cuộc song tấu của chúng tôi khiến bốn con mèo của anh phải chuồn lên mái và làm rung cả mấy cái ống máng.

Chơi xong, chúng tôi đặt nhạc cụ xuống và tôi rút từ trong áo nịt ra một số báo Neues Nachrichten cũ, vuốt thẳng ra, ngồi bệt xuống cạnh nghệ sĩ t’rompet Meyn, chìa cái bài tập đọc ấy ra xin anh dạy cho kỳ thuộc vần chữ cái cả lớn lẫn nhỏ.

Nhưng Meyn vừa buông kèn đã lăn ra ngủ tít thò lò. Đầu óc anh chỉ công nhận có ba nơi trao gửi: chai rượu gừng, chiếc kèn t’rompet và giấc ngủ. Quả thật là trong một thời gian dài sau đó - chính xác là cho đến khi anh gia nhập ban nhạc của đoàn kỵ binh SA và tạm thời bỏ rượu - chúng tôi đã thường xuyên song tấu với nhau mà không cần tập trước, rất ngẫu hứng, trong căn gác xép, phục vụ một cử toạ gồm những ống khói, mái ngói, bồ câu và mèo, nhưng chưa bao giờ anh dạy cho tôi điều gì với tư cách là thày giáo.

Tôi cũng đã thử cơ may với Greff-Rau-Quả. Không mang theo trống (vì Greff không thích nó), tôi sang thăm giả nhiều lần trong cái cửa hàng bên kia đường. Tiền đề cho việc học tập toàn diện, đến nơi đến chốn, dường như đã đầy đủ: khắp chỗ trong căn hộ hai phòng, cả trong cửa hàng, dưới và đằng sau quầy, cho đến hầm khoai tây tương đối khô ráo, la liệt những sách là sách, truyện phiêu lưu mạo hiểm, sách hát, Der Cherubinische Wandersmann (Kẻ lãng tử thiên thần), các tác phẩm của Walter Flex, Đời giản dị, Daphnis và Chloé của Wiechert, sách chuyên khảo về nghệ thuật, hàng chồng báo thể thao và những họa báo đầy ảnh những thiếu niên gần như khỏa thân, phần lớn (không hiểu vì lẽ gì) đang đuổi theo một trái bóng giữa những cồn cát, phô những bắp thịt bóng nhẫy dầu.

Ngay từ hồi đó, Greff đã gặp rắc rối trong việc buôn bán. Các thanh tra của Phòng Cân Đo không hài lòng lắm về những quả cân của giả. Người ta nói đến chuyện gian lận. Greff phải nộp phạt và mua những quả cân mới. Đầu óc giả đang nặng trĩu lo lắng phiền muộn; chỉ còn niềm vui duy nhất là sách báo, những cuộc họp mặt hướng đạo sinh và những cuộc du ngoạn cuối tuần.

Giả đang hí hoáy trên những tấm nhãn ghi giá hàng nên hầu như không để ý thấy tôi vào. Lợi dụng lúc giả đang bận, tôi nhặt ba, bốn miếng các-tông trắng vớ một cây bút chì đỏ và, nhằm thu hút sự chú ý của giả, làm ra vẻ hết sức miệt mài chép lại những tấm nhãn kia bằng mẫu tự Sütterlin theo kiểu riêng của tôi.

Nhưng rõ ràng là Oskar quá bé đối với giả, không có nước da trắng và cặp mắt tròn to hợp sở thích của giả. Tôi buông cây chì đỏ, chọn ra một cuốn sách đầy ảnh bán khỏa thân rất hấp dẫn đối với Greff và giả vờ xem rất chăm chú, xoay nghiêng hình các thiếu niên uốn mình, hoặc duỗi dài để giả có thể nhìn thấy.

Nhưng khi không có khách hàng nào hỏi mua củ cải đỏ hoặc bắp cải, thì ông chủ tiệm rau quả chỉ để mắt tới những tấm nhãn ghi giá. Tôi cố làm cho giả quan tâm đến sự có mặt của Oskar mù chữ bằng cách đóng sập mạnh bìa cứng hoặc giở nhanh, các trang cho kêu soàn soạt.

Nói cho nhanh: Greff không hiểu tôi. Khi có hướng đạo sinh trong cửa hàng - vào buổi chiều, bao giờ cũng có hai, ba cậu đội phó quanh giả - Greff chẳng mảy may để ý đến Oskar. Và khi Greff có một mình, giả có thể cáu tiết nhảy chồm lên, ra lệnh: "Oskar, cháu có để yên cuốn sách đó không nào. Dù sao, cháu cũng không thể hiểu đầu cua tai nheo nó ra sao. Cháu còn quá nhỏ, lại quá đần. Cháu sẽ làm hỏng sách mất thôi. Cuốn sách này giá hơn sáu florin đấy. Nếu cháu muốn chơi thì kia, vô khối bắp cải và khoai tây đấy."

Giả lấy lại cuốn sách đồi bại từ tay tôi và lật giở từng trang, mặt ráo hoảnh, bỏ lại tôi giữa đám khoai tây cùng mấy đại diện của gia đình bắp cải - cải trắng, cải đỏ, cải xoăn, cải Bruychxen - trong nỗi cô đơn tội nghiệp vì tôi không mang trống theo.

Còn có cô vợ Greff nữa và sau lần bị ông chồng cự tuyệt, tôi thường tìm đến phòng ngủ của họ. Hồi ấy, Lina Greff đau bệnh nằm lì trên giường hàng tuần liền, hôi rình mùi áo ngủ mục rữa, đôi bàn tay vẫn năng hoạt động nhưng chẳng bao giờ sờ đến một cuốn sách khả dĩ dạy cho tôi được điều gì.

Trong những tuần lễ tiếp theo, Oskar không phải không cảm thấy một chút gì tựa như thèm muốn khi nhìn bọn trẻ cùng lứa tuổi với những cặp sách đeo lủng liểng miếng xốp hoặc giẻ lau bảng. Tuy nhiên, nó nhớ là chưa bao giờ có những ý nghĩ đại loại như: mày làm mày chịu, Oskar ạ, lẽ ra mày phải làm bộ vui vẻ với lề thói nhà trường, lẽ ra mày không nên gây thù chuốc oán với mụ Spollenhauer. Những thằng nhà quê kia đang vượt lên trước mày. Chúng nó đã thuộc làu vần chữ cái lớn hay chí ít cũng thông thạo vần chữ cái nhỏ trong khi mày thậm chí chưa biết cầm tờ báo Neues Nachrichten thế nào cho đúng chiều.

Một chút gì tựa như thèm muốn, tôi vừa mới nói vậy, có thế thôi, không hơn. Chỉ cần thử mùi tí ti là đủ khiến tôi ớn trường học mãi mãi. Đã bao giờ quý vị thử ngửi những miếng xốp xơ xác, giặt dối dá cột vào những tấm bảng đá học trò tróc lở, những miếng xốp không hiểu bằng cách nào mà lưu cữu được hết thảy mọi mùi của các giờ tập viết, số học, mùi mồ hôi của những thỏi viết bằng đá đen, những thỏi viết thấm nước bọt, rít kèn kẹt, nguệch ngoạc, ngập ngừng? Thỉnh thoảng, khi bọn trẻ trên đường đi học về để cặp xuống đất để chơi bóng đá, tôi thường cúi xuống những miếng xốp lau bảng bốc hơi dưới nắng và chợt nghĩ: nếu quỷ Xatăng có thật, hẳn nách nó cũng có mùi khăn khẳn như thế.

Dứt khoát là nhà trường với những bảng đá đen và xốp lau bảng như vậy chẳng khiến tôi khao khát chút nào. Nhưng mặt khác, sẽ là thái quá nếu nói rằng Gretchen Scheffler, người ít lâu sau đảm nhiệm việc giáo dục Oskar, là sự đáp ứng thỏa đáng cho những ước mơ của nó.

Mọi thứ trong nhà vợ chồng Scheffler phía sau cửa hiệu bánh mì ở đường Kleinhammer-Weg đều khiến tôi ghê răng. Những tấm trải giường mang tính trang trí, những cái gối thêu gia huy, những con búp-bê Kathe Kruse rình rập ở các góc đi văng, những con thú bằng vải lăn lóc khắp nơi, những đồ sứ cần phải nhẹ tay, những đồ lưu niệm từ các chuyến viễn du bày la liệt, những đồ thêu, đan, móc, bện, ren... đang làm dở. Một nơi mùi mẫn hết chỗ nói, điệu đàng, nhỏ hẹp đến ngạt thở, mùa đông thì sưởi ấm quá mức cần thiết, mùa hè thì ngộ độc vì hoa. Tôi thấy chỉ có một cách giải thích duy nhất: Gretchen không có con. Ôi, giá cô có một đứa bé để đan áo cho nó, ôi, cô sẽ sung sướng biết bao nếu có được một bé em xinh xỉnh xình xinh để cô có thể yêu đến kiệt cùng, để quấn tã cho nó bằng những đồ do cô đan, móc, phủ lên nó nào đăng-ten, nào ruy-băng, nào những nụ hôn bằng mũi đan chéo.

Đó là nơi tôi đến học vần chữ cái lớn và nhỏ. Tôi cố gắng hết sức mình để tránh làm vỡ các đồ sứ và đồ lưu niệm. Tôi để cái giọng diệt-thủy-tinh của tôi ở nhà và mím miệng nhẫn nhịn khi Gretchen phát biểu rằng tôi đánh trống thế là đủ rồi và, với một nụ cười phô hai hàm răng ngựa bịt vàng, cất cái trống khỏi đầu gối tôi, đặt vào giữa đám gấu nhồi bông.

Tôi đánh bạn với hai con búp-bê Kathe Kruse, ghì chúng vào lòng, vuốt ve hàng lông mi che cặp mắt lúc nào cũng tỏ vẻ kinh ngạc của chúng, như thể trong cơn si mê cuồng dại. Mục đích của tôi khi phô bày tình yêu (có vẻ rất chân thành chính vì nó hoàn toàn giả dối) với hai con búp-bê như vậy, là nhằm đan một cái lưới quanh trái tim đan - hai mũi lên hai mũi xuống - của Gretchen.

Kế sách của tôi không đến nỗi dở. Chỉ sau hai lần đến thăm là Gretchen cởi mở trái tim mình, có nghĩa cô tháo nó như tháo một chiếc tất, vạch cho tôi thấy cả một sợi dài nối đi nối lại nhiều chỗ. Cô mở tất cả các tủ và hòm lớn, hòm nhỏ và bày ra các thứ linh tinh, quần áo trẻ sơ sinh, yếm dãi đủ cho một đợt sinh năm, ướm vào người tôi, bắt tôi mặc thử rồi lại cởi ra.

Đoạn cô khoe tôi những huy chương thiện xạ mà Scheffler giành được ở Câu lạc bộ Cựu chiến binh cùng những tấm ảnh đi kèm (một số giống hệt ảnh ở nhà tôi). Thế rồi cô lại quay trở về với mớ quần áo trẻ con và cuố tìm một vật be bé xinh xinh - họa có trời biết là cái gì - cô moi ra mấy cuốn sách. Đó chính là điều Oskar nhăm nhe. Nó hết lòng trông chờ cô tìm thấy sách dưới đống tã; nó đã nghe cô nói chuyện về sách với mẹ nó; nó được biết, trong thời gian đính hôn và cả sau khi lấy chồng sớm (họ cưới gần như đồng thời), hai người vẫn háo hức trao đổi sách với nhau và chăm chỉ mượn sách ở thư viện bên cạnh Cung Điện ảnh, hy vọng mở rộng chân trời và tô điểm hào quang cho hai cuộc hôn nhân tiểu chủ - tạp hóa và bánh mì - của họ

Gretchen chẳng có gì nhiều nhặn để dạy tôi. Giống như mẹ tôi đã bỏ đọc sách vì Jan Bronski, cô cũng thôi không đọc nữa mà dành hết thời gian vào đan lát, hiển nhiên là cô đã đem những cuốn sách đẹp của câu lạc bộ sách (mà cả hai đã là thành viên trong nhiều năm) cho những người còn đọc vì họ không bận đan cũng chẳng có chàng Jan Bronski nào.

Sách dù dở cũng vẫn là sách và thiêng liêng. Những gì tôi tìm thấy ở đó chỉ có thể gọi là sách linh tinh, chắc hẳn phần lớn đến từ tủ sách của Theo anh trai cô, người thủy thủ đã hy sinh trên con tàu Dogger-Bank. Bảy hay tám cuốn trong bộ Biên niên ký hàng hải đầy những tàu đã đắm từ lâu, Các cấp bậc trong Hải quân hoàng gia, Paul Beneke, Anh hùng hải quân - những thứ này khó có thể là món ăn tinh thần mà trái tim Gretchen thèm khát. Tôi dám chắc rằng cuốn Lịch sử thành phố Danzig của Erich Keyer và cuốn Một cuộc đấu tranh vì Rôma (kể về một người tên là Felix Dahn chiến đấu với sự trợ giúp của Totila và Teja, Belisarius và Narses) sở dĩ đến mức cũ nát, sờn gáy long bìa như thế này là do bàn tay người anh thủy thủ. Theo tôi, thuộc sở hữu riêng của Gretchen chỉ có một cuốn sách kế toán của Gustav Freytag về Bên có và bên nợ, một cuốn của Goethe Những ái lực chọn lọc[14] và một cuốn dày cộp đầy tranh minh họa mang đầu đề Rasputin[] và đàn bà.

Sau hồi lâu phân vân - phạm vi lựa chọn quá hạn hẹp nên không thể quyết định nhanh chóng được - tôi nhặt đại lên, trước tiên là quyển Rasputin sau đó là quyển Goethe. Tôi cũng chẳng ý thức được là mình chọn cái gì, mà chỉ nghe theo cái tiếng nói bên trong quen thuộc.

Sự hòa hợp đầy mâu thuẫn giữa hai thứ ấy sau đó đã có ảnh hưởng quyết định đến đời tôi, chí ít là cuộc đời mà tôi muốn sống riêng rẽ khỏi cái trống của mình. Cho đến tận hôm nay - khi mà Oskar, với lòng ham học, đã dần dà cày hết tủ sách của bệnh viện tâm thần - tôi vẫn coi khinh Schiller cùng đồng bọn mười lăm phút, chỉ chao đảo giữa Rasputin và Goethe, giữa pháp sư và học giả của Thế kỷ ánh sáng, giữa con người với tâm địa đen tối chuyên bỏ bùa cho đàn bà và bậc thi bá sáng láng thích để đàn bà bỏ bùa cho mình. Nếu có thời kỳ tôi nghiêng về Rasputin hơn và sợ tính không khoan nhượng của Goethe, thì đó là do một chút nghi ngờ đại loại như thế này: Nếu mày, Oskar, sống và chơi trống vào thời Goethe, hẳn ông ta sẽ nghi là mày phản tự nhiên và lên án mày là hiện thân của phản tự nhiên; còn về cái bản chất tự nhiên quý giá của ông mà, về cơ bản, mày vẫn luôn ngưỡng mộ và cố noi theo mặc dầu đôi khi nó trương ra những bộ điệu hết sức phản tự nhiên - ông nuôi dưỡng nó bằng bánh mật ong và nếu ông có để mắt đến mày, đồ quỷ con tội nghiệp, thì chỉ là để nện lên đầu mày mấy nện bằng cuốn Faust hoặc một cuốn bự trong bộ Lý thuyết về màu sắc của ông mà thôi.

Nhưng thôi ta hãy trở lại với Rasputin. Với sự trợ giúp của Gretchen Scheffler, ông đã dạy tôi cả vần chữ cái lớn lẫn vần chữ cái nhỏ, dạy tôi biết ân cần với đàn bà và an ủi tôi những khi Goethe xúc phạm tôi.

Cùng một lúc vừa học đọc vừa làm bộ ngu dốt, thật chẳng dễ gì. Thậm chí còn khó hơn cả đóng vai một thằng bé đái dầm như tôi đã từng làm trong nhiều năm. Bởi vì nói cho cùng, việc đáầm mỗi buổi sáng chỉ đem lại bằng chứng thuần tuý vật chất về một khuyết tật mà thực ra tôi không cần đến. Còn như giả đò ngu dốt có nghĩa là che giấu sự tiến bộ nhanh chóng của mình, là tiến hành một cuộc đấu tranh thường xuyên với niềm tự hào trí tuệ mới chớm. Tôi có thể ngầm nhún vai cho qua chuyện người lớn coi tôi là đứa "dấm đài", nhưng nếu năm này qua năm khác vẫn là một thằng đần dưới mắt họ, điều đó là một xúc phạm đối với Oskar cũng như với người dạy dỗ nó.

Lúc tôi thu hồi được mớ sách dưới đống tã lót, Gretchen mừng rỡ reo lên, cô đã linh cảm thấy thiên chức của mình là nhà giáo. Tôi đã gỡ rối được cho người đàn bà vô sinh tội nghiệp này thoát ra khỏi đống len và làm cho cô hầu như hạnh phúc. Thực ra, cô muốn tôi chọn cuốn Bên có và bên nợ làm sách tập đọc hơn, nhưng tôi một mực không rời Rasputin, đòi hỏi Rasputin khi cô đưa ra một cuốn sách vỡ lòng phổ thông vào buổi học thứ hai của chúng tôi và cuối cùng quyết định lên tiếng khi thấy cô cứ tiếp tục lôi ra những truyện Cổ tích như Chú Lùn Mũi dài hay Tôm Bé tí hon. "Rasputin!" tôi kêu lên, hoặc có khi: "Rasusin!" Thi thoảng, Oskar chơi bài ngu tới số: "Rasu, Rasu!" Mục đích là để cô Gretchen hiểu thật rõ rành tôi thích tập đọc cái gì, đồng thời vẫn không biết gì về thiên tài văn học bắt đầu thức dậy nơi tôi.

Tôi học đều đặn và mau chóng, không phải cố gắng gì nhiều lắm. Một năm sau, tôi có cảm giác như mình đang sống ở St. Peterburg; trong những phòng riêng của Sa hoàng, chúa tể của mọi nước Nga, phòng trẻ của hoàng tử Nga thường xuyên đau yếu, giữa những giáo hoàng và những kẻ âm mưu, mục thị chứng kiến những cuộc truy hoan của Rasputin. Câu chuyện hấp dẫn tôi và tôi sớm nhận ra đây là một gương mặt trung tâm. Điều đó thật hiển nhiên bằng vào những tranh khắc đương đại rải rác từ đầu đến cuối sách, minh họa Rasputin râu rậm, mắt đen như than giữa những nàng tươi trẻ không mặc gì ngoài đôi tất đen. Cái chết của ông gây sốc mạnh đối với tôi: người ta đầu độc ông bằng bánh ga-tô tẩm thuốc độc và rượu pha thuốc độc; rồi khi ông đòi thêm bánh ga-tô, họ bèn rút súng lục bắn ông và khi đạn chì trong ngực khiến ông thèm khiêu vũ, họ trói ông lại, thả xuống sông Neva qua một cái lỗ khoét giữa lớp băng. Tất cả những hành động đó đều do đám sĩ quan nam giới làm. Các bà các cô ở thành St. Peterburg ắt chẳng đời nào cho lão Rasputin thân yêu của mình ăn bánh ga-tô tẩm thuốc độc, mặc dầu họ sẵn sàng cho lão bất kỳ cái gì khác mà lão muốn. Cánh phụ nữ đặt lòng tin vào Rasputin, còn cánh sĩ quan thì phải loại bỏ ông nếu họ muốn lấy lại lòng tự tin ở bản thân.

Có gì là lạ nếu không phải chỉ mình tôi khoái chuyện sống và chết của vị pháp sư-lực sĩ? Dần dà, Gretchen nhen nhóm lại cái thú đọc sách. Đôi khi, giữa lúc cao giọng đọc, cô bỗng như xụp đổ hoàn toàn; chỉ một từ "truy hoan" cũng đủ làm cô run lên và cô thốt ra hai tiếng đó trong một hơi thở hổn hển; khi cô nói "truy hoan", cô thực sự sẵn sàng vào cuộc truy hoan mặc dù chắc chắn cô chỉ có một ý niệm rất lơ mơ về chuyện đó.

Chuyện xoay ra một hướng sàm tục khi mẹ tôi theo tôi đến phố Kleinhammerweg dự buổi học của chúng tôi trong căn phòng phía trên cửa hiệu bánh mì. Đôi khi, buổi tập đọc biến thành một cuộc truy hoan và cái đó trở nên một mục đích tự thân, bài học của bé Oskar bị quên phắt. Cứ đến câu thứ ba là hai bà lại song tấu cười ngặt nghẽo, cười đến khô cả môi. Dưới ma lực của Rasputin, hai bà mỗi lúc một sáp lại gần nhau hơn; họ bắt đầu ngọ nguậy trên nệm đi văng và áp đùi vào nhau. Cuối cùng, tiếng cười chuyển thành tiếng rên. Mười hai trang sách Rasputin vào quãng giữa chiều đã đưa đến những kết quả họ không mấy ngờ tới, nhưng lại rất vui vẻ chấp nhận. Dù sao đi nữa, chắc Rasputin cũng không phản đối; trái lại, có thể tin rằng ông sẵn sàng phát không những phước lộc như vậy đời đời.

Chung cuộc, khi cả hai bà vừa "lạy Chúa, lạy Chúa" vừa ngồi lại cho ngay ngắn và bối rối sửa lại tóc tai, mẹ tôi tỏ ra hơi áy náy: “Cậu chắc là bé Oskar không hiểu gì chứ?". "Đừng có ngớ ngẩn," Gretchen trấn an mẹ, “cậu không tưởng nổi là mình đã vất vả như thế nào với nó mà nó học không vào. Thành thật mà nói, nó sẽ không bao giờ biết đọc đâu.”

Để chứng minh sự ngu dốt thâm căn cố đế của tôi, cô nói thêm: "Cậu thử tưởng tượng xem, Agnès, nó đã xé nhiều trang ở quyển Rasputin rồi vo lại, thế là mất tăm. Đôi lúc mình cảm thấy muốn bỏ cuộc. Nhưng khi thấy nó xiết bao hạnh phúc với cuốn sách, mình cứ để cho nó xé, nó phá. Mình đã dặn Alex đến Nô-en kiếm cho bọn mình một quyển Rasputin mới."

Như quý vị hẳn đã đoán ra, rất từ từ, trong vòng ba, bốn năm - Gretchen vẫn tiếp tục dạy tôi suốt thời gian ấy và cả ít lâu sau nữa - tôi đã lấy đi được hơn nửa số trang của cuốn Rasputin. Tôi xé từng tờ rất cẩn thận trong khi làm ra vẻ phá hoại bừa bãi, vo nhỏ lại và giấu vào trong áo chui đầu. Rồi khi về nhà, trong cái góc dành riêng để chơi trống, tôi vuốt thẳng lại, xếp thành một chồng và bí mật đọc một mình, không có sự hiện diện của bất kỳ người phụ nữ nào. Tôi cũng làm thế với cuốn Goethe mà cứ bốn buổi một, tôi lại lớn tiếng đòi Gretchen đọc "Goethe". Tôi không muốn chỉ tập trung vào một mình Rasputin vì chẳng mấy chốc tôi đã sớm nhận ra điều này: trên thế gian này, mỗi Rasputin đều có một Goethe của mình, mỗi Rasputin đều kéo theo sau mình một Goethe hoặc nếu quý vị muốn, mỗi Goethe đều kéo theo sau - hoặc thậm chí tạo ra một Rasputin để sau này có thể lên án hắn.

Với cuốn sách không đóng của mình, Oskar rút về căn gác xép ở tầng áp mái hoặc nấp sau những khung xe đạp trong hăng-ga của ông già Heiland, đảo trộn những tờ rời của Rasputin và Những ái lực chọn lọc như đảo bài tây, tạo thành một cuốn sách mới. Nó ngồi đọc cuốn sách đặc biệt đó và mỉm cười ngỡ ngàng nhìn theo nàng Ottilie khoác tay Rasputin, yểu điệu dạo gót qua những khu vườn ở miền Trung nước Đức trong khi Goethe ngồi cạnh một tiểu thư quý tộc, nàng Olga phóng đãng, phóng xe trượt tuyết qua St. Peterburg mùa đông, từ cuộc truy hoan này sang cuộc truy hoan khác.

Nhưng thôi, ta hãy trở về với căn phòng học của tôi ở đường Kheinhammer-Weg. Mặc dù tôi có vẻ như chẳng tiến bộ chút nào, Gretchen vẫn thích thú như cô thiếu nữ khi ở bên tôi. Nhờ có tôi (tuy nhiên, phần nào cũng do bàn tay lông lá vô hình của vị pháp sư Nga), cô tươi trẻ phây phây ra thậm chí còn truyền cái sinh lực mới tìm thấy sang cả những chậu cây cảnh và xương rồng nữa. Giá trong những năm ấy, thi thoảng Scheffler thấy nên cất tay khỏi mớ bột bánh mì để nhào thứ bột khác ấm hơi người! Cô Gretchen ắt sẽ sung sướng để cho ông nhào và vần vò mình, đánh với lòng trắng trứng và cho vào lò. Biết đâu chả ra lò được một cái gì. Chưa chừng cuối cùng lại tòi ra một đứa bé cũng nên. Thật đáng tiếc. Lẽ ra cô phải được hưởng niềm vui đó.

Vậy là sau khi say sưa đọc Rasputin, cô ngồi đó, đôi mắt bốc lửa và tóc hơi bù rối; hàm răng ngựa bịt vàng đụng đậy nhưng chẳng có gì nhai và cô thở dài lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, rồi trở nên tư lự. Vì mẹ tôi đã có anh Jan của mình nên không cách nào giúp được cô, phần tiếp theo của công cuộc giáo dục tôi ắt đã có thể kết thúc bi thảm nếu Gretchen không có một trái tim hồ hởi lạc quan.

Có khi cô chạy tọt vào bếp rồi trở lại với cái cối xay cà phê. Ghì nó như ghì một người tình, cô vừa xay vừa hát với một vẻ say mê rười rượi, "Mắt huyền" hay "Sarafan đỏ", và mẹ tôi cũng hát theo. Đem cặp Mắt huyền vào bếp, cô cho nước vào đun; rồi khi nước sắp sôi trên bếp ga, cô chạy xuống cửa hàng bánh mì và, bất chấp sự phản đối của Scheffler, vơ một lô bánh ngọt mang trở lên, bày lên bàn nào tách đĩa, nào cốc ăn kem, nào âu đựng đường, nào dĩa ăn bánh và rắc hoa păngxê vào những kẽ bàn. Cô rót cà phê, vừa hát nho nhỏ vài điệu trong nhạc kịch Hoàng tử Nga, vừa mời bánh. "Một chàng thủy thủ đứng trên bờ sông Volga", bánh vòng Francfort rắc mảnh hạnh đào, "Trên ấy có nhiều thiên thần không?" bánh hoa đường trên mặt phủ kem đánh tơi, "dịu dàng biết mấy, dịu dàng biết mấy", và trong khi họ nhai, câu chuyện lại lộn về Rasputin, nhưng bây giờ họ một khoảng cách cần thiết và một khi đã chén bánh đẫy tễ, họ thậm chí có thể hoàn toàn chân thành lên án sự thối nát sâu thăm thẳm của đời sống cung đình dưới thời Sa hoàng.

Những năm ấy tôi ăn quá quá nhiều bánh ga-tô. Như quý vị có thể thấy trong những tấm ảnh, tôi không cao thêm chút nào mà chỉ béo phục phịch thôi. Sau những giờ học thừa mứa chất ngọt ở phố Kleinhammer-Weg, tôi thường lẻn vào cửa hiệu nhà chúng tôi và chờ cơ hội. Hễ thấy Matzerath vừa quay đi một cái là tôi lập tức buộc dây vào một miếng bánh mì, nhúng vào thùng cá trích muối cho đến khi ngấm đẫm nước mắm mới kéo lên. Quý vị không thể tưởng tượng được đó là liều thuốc gây nôn tuyệt vời đến thế nào đối với một kẻ đã ăn quá nhiều bánh ngọt. Nhiều khi, với hy vọng gầy bớt đi, Oskar nôn vào cầu tiêu nhà mình một lượng ga-tô nhà Scheffler đáng giá tới một florin Danzig. Vào thời bấy giờ, cần nấy là ói tiền.

Tôi còn trả công dạy dỗ của Gretchen theo một cách khác nữa. Vốn mê đan, móc, khâu, may quần áo trẻ con, cô dùng luôn tôi làm manơcanh tiệm may. Tôi phải mặc thử những cái yếm dãi be bé, những cái mũ be bé, những cái quần be bé và những cái áo măng-tô be bé có hoặc không đính mũ, đủ mọi kiểu, mọi màu, mọi loại vải.

Tôi không biết mẹ tôi hay cô Gretchen, nhân dịp sinh nhật lần thứ tám của tôi, đã biến tôi thành một tiểu Sa hoàng đáng đem xử bắn. Hồi ấy, lòng sùng bái của họ đối với Rasputin đã tới đỉnh. Trên một tấm ảnh chụp hôm ấy, tôi đứng bên cạnh chiếc bánh sinh nhật với tám cây nến không chảy cắm xung quanh; tôi mặc một chiếc áo blu thêu kiểu Nga với một chiếc mũ Cozăc đội lệch trên đầu, hai băng đạn bắt chéo trước ngực, quần trắng ống thụng và ủng ngắn cổ.

Cũng may là cái trống của tôi cũng được phép có mặt trong ảnh. Một điều may mắn nữa là Gretchen - có lẽ theo yêu cầu của tôi - đã may cho tôi một bộ đồ mà, nhờ kiểu cắt trang nhã và đầy ái lực chọn lọc của thế kỷ 19, vẫn gợi ên được tinh thần của Goethe trong cuốn album của tôi, do đó chúng thực sự hiện hữu của hai tâm hồn trong lồng ngực tôi và khiến tôi, chỉ với một cái trống duy nhất, mà có thể cùng một lúc ở cả hai nơi: St Peterburg và Weimar, đi tới vương quốc của các Bà Mẹ đồng thời vẫn tiến hành các cuộc truy hoan với các nương nương.

CA KHÚC - TRÁI PHÁ TẦM XA

Nữ bác sĩ Hornstetter - người hầu như ngày nào cũng ghé thăm tôi một lúc vừa đủ để hút hết một điếu thuốc lá, người có nhiệm vụ chữa bệnh cho tôi nhưng lại được tôi điều trị vì sau mỗi lần thăm bệnh, bà ra về đỡ căng thẳng hơn lúc đến, người thuộc loại ít giao tiếp và chỉ thân với điếu thuốc lá của mình - cứ một mực cho rằng tuổi thơ của tôi bị biệt lập, tôi quá ít chơi với những đứa trẻ khác.

Ờ, về những đứa trẻ khác thì có thể bà nói đúng. Đúng là tôi quá bận bịu với những bài học của Gretchen Scheffler, quá bị giằng xé giữa Goethe và Rasputin, đến nỗi dù có muốn đến mấy cũng không kiếm đâu ra thì giờ để chơi nhảy vòng tròn hoặc trốn tìm. Nhưng bất cứ khi nào tôi bắt chước một ông học giả nào đó bất chợt quay lưng lại với sách, tuyên bố đó là tha ma của ngôn ngữ, và tìm về với đời thường thì tôi lại chạm trán với bọn quỷ con ăn thịt người ở cùng khu nhà và sau một thoáng ngắn tiếp xúc với chúng, tôi cảm thấy rất sung sướng được quay về an toàn với bài tập đọc của mình.

Oskar có thể rời căn hộ của cha mẹ bằng hai lối: hoặc qua cửa hàng rồi ra phố Labesweg, hoặc qua cửa trước đến chân cầu thang. Từ đây, nó có thể, hoặc ra thẳng ngoài ố, hoặc leo bốn tầng gác đến căn phòng áp mái, nơi tay nhạc công Meyn đang thổi t’rompet, hoặc nữa, lựa chọn cuối cùng là ra sân. Đường phố lát đá cuội. Sân rải cát nện là nơi cho thỏ sinh sản và cho mọi người làm vệ sinh thảm. Ngoài những cuộc song tấu năm thì mười họa với Meyn say khướt, căn phòng áp mái còn cho tầm nhìn bao quát cảnh vật xung quanh và đem đến cái ảo giác thú vị về tự do mà những kẻ leo tháp đều tìm kiếm, nó khiến những người sống trên tầng áp mái trở nên mơ mộng.

Đối với Oskar, sân chứa đầy nguy hiểm, còn tầng áp mái thì an toàn cho đến khi Axel Mischke cùng đồng bọn trục nó ra khỏi đó. Sân có chiều rộng bằng cả khu nhà, nhưng chỉ sâu bảy bước, phía sau có một hàng rào gỗ quét hắc ín, trên phủ dây thép gai, ngăn cách với các sân khác. Từ tầng áp mái, có thể nhìn rất rõ cái mê cung bên trong khối nhà giới định bởi bốn phố: Labesweg phía sau, Herta và Louise hai bên, và Nữ thánh Marie cách một quãng ở đằng trước. Trong cái hình chữ nhật lớn bao gồm nhiều khoảng sân xệch xẹo ấy, còn có một xưởng sản xuất kẹo chống ho và mấy xưởng sửa chữa vặt. Đây đó trong các sân, hiện rõ những cây lớn cây nhỏ đánh dấu nhịp mùa đi. Các sân, bất kể rộng hẹp và hình dạng khác nhau, đều có thỏ và dụng cụ để đập thảm. Thỏ thì ngày nào cũng có mặt và hoạt động, nhưng còn thảm thì theo nội quy của khu chung cư, chỉ được làm vệ sinh vào những ngày thứ ba và thứ sáu. Vào những ngày này, mới thấy rõ quy mô thực sự của khối nhà. Từ trên tầng áp mái, Oskar nhìn và nghe thấy rõ mồn một: hơn trăm tấm thảm các loại, thảm lớn trải phòng, thảm dài trải hành lang, thảm nhỏ trải chân giường, được xát bằng dưa bắp cải, rồi chải, đập thật kỹ cho đến khi hiện lên thật rõ các họa tiết. Một trăm mụ nội trợ, cánh tay để trần tròn trĩnh, tóc chít gọn trong một nút khăn, khuân từ các nhà ra hàng núi thảm, quăng đám tội đồ ấy lên những giá nhục hình, vớ lấy những chày đập và không gian bỗng tràn ngập những tiếng dập dồn như sấm.

Oskar chúa ghét cái khúc nhạc ngợi ca sự sạch sẽ ấy. Nó đấu tranh với tiếng ồn đó bằng cái trống của mình; tuy nhiên, ngay cả trên tầng áp mái cách xa nguồn sấm, nó vẫn chịu thua. Một trăm mụ đàn bà đập thảm có thể công phá cả bầu trời và xén cụt cánh những con én trẻ; chỉ với dăm bảy cú đập, họ đã làm đổ nhào ngôi đền nhỏ mà cái trống của Oskar đã dựng lên trong không khí tháng Tư.

Những ngày không làm vệ sinh thảm, bọn trẻ con trong khu chung cư tập thể dục trên những giá gỗ dùng để đập thảm. Họa hoằn lắm tôi mới ra sân. Nơi duy nhất tôi cảm thấy tương đối an toàn là cái hăng-ga của già Heilandt. Ông già này chỉ cho mình tôi được vào cái kho ngổn ngang những ốc vít, ròng rọc, máy khâu gãy, xe đạp thiếu bộ phận này nọ, và những hộp xì-gà đựng đầy những chiếc đinh cong queo hoặc đã uốn thẳng lại. Đó là một trong những bận bịu chính của già: khi nào không nhổ đinh khỏi những cái hòm cũ thì già lại lọ mọ bên chiếc đe, cặm cụi uốn thẳng mớ đinh đã thu hồi ngày hôm trước. Ngoài việc thu hồi đinh, già còn là người giúp việc dọn nhà khi cần, làm thịt thỏ vào dịp lễ và nhổ bã thuốc lá nhai khắp nơi trong sân, trên cầu thang và trên tầng áp mái.

Một hôm, khi bọn trẻ con, theo cách của trẻ con, nấu xúp cách hăng-ga của già Heilandt không xa, Nuchi Eyke yêu cầu già nhổ vào nồi xúp ba lần. Già chấp thuận, mỗi lần lại hắng giọng một tiếng, rồi biến vào trong hăng-ga tiếp tục gõ búa uốn thẳng lại những chiếc đinh quằn. Axel Mischke cho thêm gạch nghiền nhỏ vào xúp. Oskar đứng ngoài cuộc, nhưng tò mò theo dõi. Axel Mischke và Harry Schlager đã lấy chăn, mền và quần áo cũ dựng một cái lều để ngăn người lớn khỏi nhòm ngó vào món xúp của chúng. Khi món xúp gạch bắt đầu sôi, Honschen Kollin bèn dốc túi, góp vào hai con ếch sống vừa bắt được ở Hồ Aktien. Susi Kater, đứa con gái duy nhất ở trong lều, bĩu môi vì thất vọng, cay đắng khi hai con ếch biến mất tăm trong nồi xúp một cách thảm hại, thậm chí không cố làm một cú nhảy cuối cùng xem như tiếng hót thiên nga. Bất chấp sự có mặt của Susi, Nuchi Eyke mở khuy quần, tè vào bữa tiệc nhất món. Axel, Harry và Honschen Kollin cũng làm theo. Cũn-Cỡn định chứng tỏ với các anh lớn mười tuổi là nó cũng làm được, nhưng không đạt. Mọi con mắt đổ dồn về Susi và Axel đưa cho nó một cái chậu men màu xanh da trời. Oskar đã định đi nhưng nán chờ đến lúc Susi (chắc chẳng mặc gì dưới váy) ngồi xổm lên cái chậu, đầu gối khép chặt, đôi mắt vô hồn nhìn vào khoảng không, và cuối cùng nheo mũi lại khi một tiếng tong tong khe khẽ nơi đáy chậu báo hiệu là Susi đã đóng góp phần mình vào bữa xúp.

Đến đây thì tôi bỏ chạy. Đáng ra tôi không nên chạy; đáng ra tôi nên bình tĩnh đi cho đàng hoàng. Mắt chúng còn để cả vào cái chậu kia, nhưng vì tôi chạy nên chúng mới nhìn theo. Tôi nghe thấy tiếng Susi: "Nó chạy đi làm gì nhỉ, chắc là nó chỉ điểm bọn ta". Cái đó giáng mạnh vào lưng tôi và tôi vẫn còn cảm thấy nó xuyên qua người khi tôi leo hết bốn cầu thang tới căn áp mái và dừng lại để lấy hơi.

Hồi ấy, tôi bảy tuổi rưỡi. Susi có thể là chín tuổi. Cũn-Cỡn thì chỉ lên tám; Axel, Nuchi, Honschen và Harry khoảng mười hoặc mười một. Còn có Maria Truczinski nữa. Nó lớn tuổi hơn tôi một chút, nhưng nó không bao giờ ra sân chơi; nó chơi với búp-bê ở trong nhà bếp của Mamăng Truczinski hoặc với cô chị lớn Guste phụ việc ở vườn trẻ Tin Lành.

Có gì là lạ nếu cho đến nay tôi vẫn không chịu nổi cái tiếng đàn bà đái vào bô ở trong phòng ngủ? Ngồi trên tầng áp mái, Oskar xoa dịu vỗ về tai mình bằng cách đánh trống. Nó vừa mới bắt đầu cảm thấy rằng tiếng xúp sôi ùng ục đã lùi xa đằng sau lưng, thì cả bọn chúng, tất cả những đứa đã góp phần mình vào nồi xúp, đột nhiên xuất hiện, đứa chân đất, đứa đi dép lê. Nuchi bê cái nồi. Chúng quây thành một vòng tròn quanh Oskar, Cũn-Cỡn đến sau cùng. Chúng hích nhau, thì thào qua kẽ răng: “Làm tới đi!" Sau cùng, Axel túm lấy Oskar từ phía sau và khoa cánh khuỷu nó. Susi cười, lưỡi hơi thè lè giữa hai hàm răng đều đặn ươn ướt, và nói tại sao lại không nhỉ, tại sao lại không nên. Nó cầm lấy chiếc cùi dìa nhỏ từ tay Nuchi, chùi vào đít quần rồi nhúng vào nồi xúp đang bốc hơi. Như một bà nội trợ đảm, nó chậm rãi quấy, thử xem xúp có sánh không, múc một cùi dìa đầy, thổi cho nguội và cuối cùng tọng nó vào mồm Oskar, phải, nó ấn cả cái cùi dìa vào mồm tôi. Suốt ngần ấy năm, tôi chưa bao giờ ăn một cái ì như thế, cái vị của nó còn lưu cữu mãi trong cổ họng tôi.

Mãi đến khi những người bạn cực kỳ quan tâm đến chế độ ăn uống của tôi rời khỏi tầng áp mái vì Nuchi nôn vào nồi xúp, tôi mới bò tới góc sân phơi quần áo ở đó lúc bấy giờ chỉ phất phơ vài tấm đ’ra, và mửa ra mấy cùi dìa xúp đo đỏ trong đó. Lạ thay, chẳng thấy chút vết tích nào của ếch cả. Tôi trèo lên một cái tủ kê ngay bên dưới cửa sổ mái để mở. Miệng vẫn lạo xạo chút bụi gạch, tôi nhìn ra mấy cái sân đằng xa và cảm thấy một thôi thúc muốn hành động. Nhìn về phía những cửa sổ xa xa của những ngôi nhà phố Nữ thánh Marie, tôi thét và hát nhằm chính hướng ấy. Tôi không thấy được kết quả gì; tuy nhiên, tôi hoàn toàn tin vào khả năng công phá tầm xa bằng giọng hát đến nỗi từ đó, khoảng sân này và tất cả các sân khác trở nên quá nhỏ đối với tôi. Khát thèm khoảng cách, không gian, toàn cảnh bao quát, tôi quyết định lợi dụng mọi dịp rời khỏi khu ngoại ô Labesweg, hoặc một mình hoặc cùng với mẹ, để thoát khỏi những săn đuổi của bọn nấu xúp trong mảnh sân đã trở nên quá nhỏ hẹp.

Thứ Năm nào mẹ tôi cũng vào thành phố để mua sắm. Thông thường, mẹ vẫn cho tôi đi cùng. Bao giờ mẹ cũng đem tôi theo khi cần mua một cái trống mới ở cửa hàng Sigismund Markus trong ngõ Binh Công Xưởng gần Chợ Than. Thời kỳ này - từ bảy tuổi đến năm lên mười - cứ hai tuần tôi chơi nát một trống. Từ mười đến mười bốn tuổi, không đầy một tuần, tàn một đời trống. Sau này, tôi trở nên khó lường hơn: tôi có thể chỉ trong một ngày biến một cái trống mới thành đồ đồng nát, nhưng cũng có giai đoạn, trong một trạng thái tinh thần cân bằng, tôi có thể chơi liền ba, bốn tháng một cách từ tốn, tự chủ nhưng không kém phần mạnh mẽ mà trống vẫn hầu như nguyên vẹn, trừ một vài vết nứt trên lớp sơn.

Nhưng ta hãy quay lại những ngày mà, theo chu kỳ, tôi thoát ra khỏi sân nhà chúng tôi với những cuộc đập thảm, những tên nấu xúp của nó, nhờ mẹ tôi cứ hai tuần một lần đưa tôi đến cửa hàng Sigismund Markus, ở đó tôi đượcọn một cái trống mới. Đôi khi, cái trống cũ của tôi vẫn còn tương đối tốt, nhưng mẹ vẫn cho tôi đi theo. Tôi rất khoái những buổi chiều đó trong khu phố cổ rực rỡ sắc màu, ở đó bao giờ cũng có một vẻ gì tựa như bảo tàng và luôn luôn vang ngân những hồi chuông từ nhà thờ này hay nhà thờ nọ.

Những chuyến đi của chúng tôi thường đơn điệu một cách thú vị. Bao giờ cũng có mấy thứ phải mua ở các cửa hiệu Leiser, Sterfeld hay Machwitz; sau đó chúng tôi đến chỗ Markus. Từ lâu, Markus đã có thói quen ngợi khen tâng bốc mẹ tôi lên đến mây xanh. Hiển nhiên là bác ta mê mẹ, nhưng theo như tôi biết thì bác chưa bao giờ đi quá cử chỉ riết chặt bàn tay "đáng giá vàng cân" (theo lời mô tả nồng nàn của bác) và lặng lẽ áp môi lên đó trong một nụ hôn thành kính - trừ cái lần bác quỳ gối tỏ tình mà lát nữa tôi sẽ kể tới.

Ngoài cái thân hình đầy đặn, chắc khỏe, mẹ còn thừa hưởng ở bà ngoại Koljaiczek thói phù phiếm dễ thương hòa hợp với tính hồn hậu, tốt bụng, thế nên mẹ chịu đựng được thái độ xoắn xuýt săn đón của Markus. Hẳn là trong chừng mực nào đó, mẹ cũng xiêu lòng trước những đôi tất dài bằng lụa - thuộc loại hàng không đủ quy chuẩn nhưng phẩm chất rất tốt - mà bác bán cho mẹ với giá rẻ đến mức có thể nói đó thực chất là quà tặng. Đó là chưa kể những cái trống mà, cứ đều đặn hai tuần một lần, bác đưa qua mặt quầy cho tôi với những giá không đáng kể.

Đều đặn cứ đúng bốn rưỡi, mẹ lại nhờ Sigismund trông tôi một lúc, vì trời đã về chiều mà mẹ còn có mấy việc quan trọng phải làm cho xong. Miệng tủm tỉm một nụ cười kỳ lạ, Markus nghiêng đầu và với lời lẽ hoa mỹ, hứa sẽ gìn giữ tôi, Oskar, như con ngươi của mắt mình để mẹ yên tâm giải quyết những việc quan trọng nọ. Thoáng giễu cợt nhẹ nhàng trong giọng bác không làm mẹ tổn thương, nhưng đôi khi cũng khiến mẹ đỏ mặt, ngờ ngợ rằng Markus biết thực chất đó là việc gì.

Về phần mình, tôi biết tỏng những việc mà mẹ bảo là quan trọng và nhiệt tình thực hiện đến thế. Một thời gian, mẹ cho tôi đi theo đến một nhà trọ rẻ tiền trong Ngõ Thợ mộc, ở đó mẹ để tôi lại với mụ chủ rồi biến lên gác đúng ba khắc đồng hồ. Không một lời, mụ chủ (chuyên uống cà phê pha rượu) đặt trước mặt tôi một cốc xô-đa vị tởm lợm và tôi ngồi đó đợi cho đến lúc mẹ trở lại, bộ dạng hồ như không có gì thay đổi. Mẹ chào tạm biệt mụ chủ - mụ không buồn ngẩng đầu lên khỏi cốc cà phê pha rượu - và nắm tay tôi dắt đi. Mẹ chẳng bao giờ ngờ rằng nhiệt độ nơi bàn tay mẹ khiến tôi nảy sinh những ý nghĩ này nọ. Bàn tay tôi nằm gọn trong bàn tay mẹ nóng rực, chúng tôi đi đến tiệm cà phê Weitzke ở phố Thợ len. Mẹ gọi môka, Oskar gọi kem chanh và chúng tôi ngồi đợi (không lâu) cho đến khi bác Jan Bronski "tình cờ" đi qua; bác đến nhập bọn với chúng tôi và một cốc môka thứ hai được đặt lên mặt bàn đá hoa mát rượi.

Họ nói trước mặt tôi mà như thể không có tôi ở đó và câu chuyện của họ khớp với những gì tôi đã biết từ lâu: hầu như thứ Năm nào mẹ và bác Jan cũng gặp nhau bốn mươi lăm phút ở một phòng trọ trong ngõ Thợ mộc do bác Jan thuê và trả tiền. Hẳn là chính bác Jan không muốn mẹ đem tôi đến ngõ Thợ mộc rồi đến tiệm cà phê Weitzkei. Đôi khi bác rất e thẹn, e thẹn hơn cả mẹ nữa kia; mẹ thì thấy chẳng việc gì phải ngăn không cho tôi chứng kiến đoạn vĩ thanh khép lại giờ khắc ái ân của họ vì mẹ luôn luôn - ngay cả sau đó nữa - tin chắc đó là quyền chính đáng của mình.

Vậy là theo yêu cầu của bác Jan, hầu như chiều thứ Năm nào tôi cũng ở lại với Sigismund Markus từ bốn rưỡi cho đến gần sáu giờ. Tôi được phép xem suốt lượt, thậm chí còn đánh thử, bộ trống của bác - thử hỏi Oskar có thể cùng một lúc chơi mấy cái trống ở đâu khác ngoài nơi này? Trong khi chờ đợi, tôi có thể ngắm gương mặt buồn thiu của Markus. Tôi không rõ những ý nghĩ của bác từ đâu đến, nhưng chúng đi đâu thì tôi biết chắc: chúng đang lượn lờ trong ngõ Thợ mộc, khẽ cào trên những cửa phòng đánh số, hay ngồi thu lu như chàng Lazare[16]  tội nghiệp dưới gầm cái bàn mặt đá ở tiệm cà phê Weitzke. Chờ đợi cái gì? Những mảnh vụn chăng?

Mẹ và bác Jan chả để lại chút mảnh vụn dư thừa nào. Tuyệt không. Họ tắc lẻm hết sạch. Cơn háu ăn của họ không lúc nào vợi đi, nó cắn cả đuôi của chính mình. Họ quá mải mốt nên cùng lắm, họ chỉ coi những ý nghĩ của Markus dưới gầm bàn như những vuốt ve không đúng lúc của một luồng gió lùa mà thôi.

Vào một trong những buổi chiều ấy - hẳn là vào tháng chín gì đó vì mẹ rời cửa hàng của Markus trong bộ đồ mùa thu màu gỉ sắt - tôi thấy Markus chìm đắm trong suy nghĩ đằng sau quầy. Không biết cái gì đã thôi thúc tôi vớ lấy cái trống mới mua và đi vào cái ngõ Binh Công Xưởng mát rượi và mờ tối như một đường hầm. Hai bên ngõ san sát những tủ kính lộng lẫy, nào đồ kim hoàn, nào sách, nào món ăn đặc sản. Nhưng dù có hấp dẫn đến mấy, những thứ đó cũng nằm ngoài tầm của tôi. Chúng không giữ được chân tôi và tôi tiếp tục đi hết ngõ, ra Chợ Than. Giữa vầng sáng bùi bụi, tôi đứng đối diện với Binh Công Xưởng. Mặt tiền màu xám ba-zan của Xưởng lỗ chỗ những vết đạn thần công từ nhiều cuộc bao vây khác nhau, ghi lại lịch sử của thành Danzig cho khách vãng lai chiêm ngưỡng. Những quả đạn thần công ấy chả có gì là lý thú đối với tôi, vì tôi biết rằng chúng không tự nguyện gắn mình vào tường, rằng ở thành Danzig có một người thợ xây làm công ăn lương của cả Sở Xây dựng lẫn Sở Bảo tồn Đền đài di tích, hai sở này có nhiệm vụ gắn những quả đạn của các thế kỷ trước lên mặt tiền các nhà thờ và tòa thị chính, đặc biệt lên tường mặt trước và mặt sau của Binh Công Xưởng.

Tôi quyết định đi tới Nhà Hát thành phố; tôi có thể nhìn thấy cái cổng có mái và hàng cột dẫn vào Nhà Hát, chỉ cách Binh Công Xưởng một cái ngõ tối. Đúng như tôi chờ đợi, Nhà Hát đóng cửa - phòng bán vé cho đêm diễn chỉ mở từ bảy giờ. Tính sẵn đường rút, tôi vừa dạo trống vừa phân vân rẽ sang ngả trái. Thế rồi Oskar chợt thấy mình đang ở giữa tòa Tháp Công Lý và cổng phố Langgasse. Tôi không dám qua Cổng vào phố Langgasse rồi rẽ trái đến phố Thợ len, vì hẳn là mẹ và bác Jan Bronski đang ngồi đó; và ví dù họ có chưa tới đó thì chắc họ cũng vừa kết thúc cái công việc quan trọng ở ngõ Thợ mộc và đang trên đường đến giải nồng với ly môka bên cái bàn mặt đá.

Tôi không nhớ là tôi đã làm thế nào để đi qua Chợ Than, luồn lách giữa những chuyến xe điện leng keng hối hả lao qua lao lại dưới vòm cổng, rít ken két khi ngoặt đường "cua" hướng tới Chợ Than, Chợ Gỗ và nhà ga trung tâm. Có lẽ một người lớn, một cảnh sát thì phải, đã nắm tay tôi, dắt qua trùng trùng hiểm nguy của dòng xe cộ qua lại.

Tôi đứng trước ngọn Tháp Công Lý, tường gạch vút lên trời. Chả là do ngẫu nhiên, trong một thoáng buồn chán, mà tôi đem nhét cặp dùi trống vào giữa phần xây và nẹp sắt của cánh cửa. Tôi ngước mắt dọc theo mép tường nhưng thật khó mà nhìn được suốt mặt tiền vì lũ chim bồ câu không ngừng bay ra từ những hốc tường và cửa sổ để dừng một thoáng ngắn, vừa độ nghỉ của một con chim câu, trên những đầu ống máng hoặc lầu canh trước khi lao xuống, buộc tôi phải đưa mắt nhìn theo.

Hoạt động bay tới bay lui cũa lũ chim câu làm tôi bực mình. Không cách nào nhìn thấu đỉnh điểm của bức tường vươn lên bầu trời nên tôi đành thu luồng mắt về và, để xua tan nỗi bực dọc, tôi bắt đầu kiên quyết dùng cặp dùi trống làm đòn bẩy. Cánh cửa nhượng bộ. Không cần phải mở thật rộng, Oskar đã lách được vào bên trong tháp, leo lên cầu thang xoáy trôn ốc, luôn luôn đưa chân phải lên trước rồi kéo chân trái theo sau. Nó lên tới những gian ngục đầu tiên và tiếp tục leo nữa, qua phòng nhục hình với những dụng cụ tra tấn được lưu giữ cẩn thận và mang nhãn chỉ dẫn rõ ràng. Đến đây, nó bắt đầu đưa chân trái lên trước rồi kéo chân phải theo sau. Lên cao hơn chút nữa, nó ghé mắt nhìn qua một cửa sổ chấn song, ước lượng độ cao, xem xét bề dày của tường xây và xùy đuổi mấy con bồ câu. Đến khúc quành sau, nó lại gặp vẫn những con bồ câu ấy. Nó bèn trở lại cách bước chân phải trước và sau một lần đảo chân nữa, lên tới đỉnh tháp. Mặc dầu hai chân đã nằng nặng, nó vẫn cảm thấy có thể tiếp tục leo mãi, leo mãi được. Nhưng cầu thang đã bỏ cuộc trước. Trong một lóe chớp, Oskar chợt hiểu ra sự phi lý và vô ích của việc xây dựng những ngọn tháp.

Tôi không biết Tháp Công Lý trước kia (và cả hiện nay nữa, vì sau chiến tranh nó vẫn đứng vững) cao bao nhiêu. Tôi cũng không muốn hỏi Bruno, tay y tá trông nom tôi, kiếm hộ một cuốn sách nghiên cứa về các công trình Gô-tích xây bằng gạch ở Đông Đức. Tôi đoán chừng, từ chân đến đỉnh, nó hẳn phải cao tới bốn mươi lăm mét.

Tôi buộc phải dừng lại - vì cái cầu thang thiếu dũng khí của lòng tin - trên một hành lang bao quanh đỉnh tháp. Tôi ngồi xuống, đút chân vào giữa những gióng lan can và cúi mình về phía trước. Cánh tay phải ghì chặt một gióng lan can, tôi ghé mắt qua đó nhìn xuống Chợ Than, trong khi tay trái nắm chắc cái trống để yên trí rằng nó vẫn an toàn sau khi đã cùng tôi làm trọn cuộc leo tháp này.

Tôi không muốn làm quý vị phát chán với việc mô tả toàn cảnh Danzig - thành phố cổ kính với hàng trăm tháp và gác chuông mà người ta nói là còn dạt dào hơi thở của thời Trung cổ - cái đó quý vị có thể thấy trên hàng tá bưu ảnh in rất đẹp. Tôi cũng sẽ không phí thì giờ nói về những con bồ câu mặc dầu nhiều người vẫn coi đó là chất liệu văn học. Đối với tôi, bồ câu chả là cái quái gì, thậm chí còn kém cả hải âu về ngôi thứ. Cái con "chim bồ câu hòa bình" của các người chỉ có giá trị như một nghịch lý. Tôi thà gửi gắm một thông điệp hòa bình vào một con diều hâu hay thậm chí một con kền kền còn hơn là giao cho một con bồ câu bởi nó đích thị là giống vật hay gây gổ nhất dưới bầu trời của Thượng Đế. Nói gọn một câu cho nhanh: có nhiều chim bồ câu trên Tháp Công Lý. Nhưng có ngọn tháp tự trọng nào mà không có bồ câu?

Dù sao đi nữa, cũng không phải lũ bồ câu níu mắt tôi, mà là một cái gì khác: Nhà Hát thành phố mà tôi thấy đóng cửa khi tôi từ Binh Công Xưởng đi đến đây. Cái tòa nhà hộp với mái vòm ấy nom rất giống một cái cối xay cà phê phóng to lên một cách quái gở theo phong cách tân cổ điển. Ngôi đền Thi Ca này chỉ thiếu một cái tay quay để nghiền từ từ mọi thứ trong đó - đào kép và khán giả, kẻ chạy cờ và người nhắc vở, phông màn và đạo cụ, Goethe và Schiller - thành bột li ti như cám. Tòa nhà này làm tôi phát phiền, nhất là những cửa sổ có cột hai bên trong sảnh, lấp lánh những tia nắng xế của chiều tà càng lúc càng pha thêm sắc đỏ.

Trên ngọn tháp này, ba mươi mét cao hơn Chợ Than với những xe điện cùng đám công chức tan sở lũ lượt về nhà, chót vót bên trên cửa hiệu của Markus và tiệm cà phê Weitzke với hai cốc môka trên cái bàn mặt đá hoa, tít bên trên mẹ và bác Jan Bronski, bên trên tất cả các sân, tất cả những cái đinh quằn và được uốn thẳng lại, tất cả lũ trẻ con nấu xúp - trên ngọn tháp này, tôi, kẻ cho đến nay chỉ la thét khi có đầy đủ lý do chính đáng, giờ trở thành một kẻ la thét vô cớ. Cho đến ngày tôi nảy ra ý nghĩ leo lên đỉnh Tháp Công Lý, tôi đã phóng những nốt công phá lên kính, thủy tinh, bóng đèn, chai bia, nhưng chỉ trong trường hợp có người muốn tước đoạt cái trống của tôi; giờ đây, trên đỉnh tháp, tôi cất tiếng thét mặc dầu cái trống của tôi không hề bị đe dọa, kể cả từ xa.

Chẳng ai định cướp đi cái trống của Oskar, tuy nhiên nó vẫn thét. Không có con chim câu nào làm rớt phân lên trống của nó. Gần bên tôi có gỉ đồng trên những lá đồng, nhưng không hề có kính. Vậy mà Oskar vẫn thét. Mắt những con bồ câu long lanh một ánh đo đỏ, nhưng không có con nào nhìn nó bằng một con mắt thủy tinh; thế mà nó vẫn thét. Nó nhằm cái gì mà thét? Đối tượng nào ở đằng xa? Phải chăng nó muốn áp dụng phương pháp khoa học vào cái thí nghiệm nó đã làm văng mạng trên tầng áp mái sau khi nếm mùi xúp bột gạch? Oskar nghĩ đến thứ thủy tinh nào? Oskar muốn thí nghiệm với loại thủy tinh nào, bởi mục tiêu phải là thủy tinh mới được?

Chính những ô kính cửa sổ lấp lánh ánh nắng chiều của Nhà Hát thành phố, cái cối xay cà phê-kịch-nghệ ấy, đã thu hút những âm sắc hiện đại chủ nghĩa gần như kiểu cách mà tôi đã thử nghiệm lần đầu trên tầng áp mái nhà chúng tôi. Sau mấy phút thét nhiều tiếng ở độ cao khác nhau không gây hiệu quả gì, tôi chợt phát ra được một tiếng hầu như vô thanh và một lát sau, Oskar đỏ bừng mặt tự hào và vui sướng nhận thấy hai ô kính giữa cửa sổ cuối sảnh đã thôi không phản chiếu ánh tà dương nữa, để lại hai hình chữ nhật đen ngòm chắc chẳng bao lâu sẽ phải nhờ đến tay người thợ lắp kính.

Tuy nhiên, còn phải kiểm tra kết quả cho chắc ăn. Như một họa sĩ hiện đại, sau bao năm mầy mò, cuối cùng, tìm ra bút pháp mong muốn, bắt tay vào hoàn thiện nó và bộc lộ hết độ chín của tài năng bằng cách liên tục cho ra hàng chục tác phẩm theo phong cách mới, tất cả đều táo bạo và đẹp như nhau, tôi cũng lao vào thao diễn.

Trong vòng không đầy mười lăm phút đồng hồ, tôi giải tán kính của tất cả các cửa sổ trong sảnh và một số cửa lớn. Một đám đông tụ tập bên ngoài Nhà Hát, nhìn từ đây, họ có vẻ rất khích động. Nhưng ngay cả những trò ngu xuẩn nhất cũng thu hút đám đông. Những kẻ ngưỡng mộ nghệ thuật của tôi chả gây ấn tượng gì đặc biệt đối với tôi. Cùng lắm họ chỉ khiến Oskar rèn nghệ thuật của mình vào kỷ luật, cố gắng đạt tới thuần khiết hơn về hình thức. Tôi đang sắp sửa phanh phui lõi cốt của sự vật bằng một thử nghiệm táo bạo hơn nữa, cụ thể là phóng một tiếng kêu đặc biệt qua hành lang thông thống, qua lỗ khóa một buồng hạng lô, lọt vào bên trong nhà hát còn tối om, một tiếng kêu nhằm đánh vào lòng kiêu hãnh của tất cả những người thuê bao rạp: cỗ đèn chùm với toàn bộ những đồ trang kim bóng loáng, nhiều mặt phản chiếu và khúc xạ ánh sáng của nó, phải, tôi đang sắp sửa làm thế thì chợt nhìn thấy một đốm vải màu nâu gỉ sắt trong đám đông bên ngoài Nhà Hát: mẹ tôi trên đường từ tiệm cà phê Weitzke trở về, mẹ đã ống suất môka của mình và đã chia tay với bác Jan Bronski.

Ngay cả như thế, cũng vẫn phải thừa nhận rằng Oskar đã phóng một tiếng nhằm vào cỗ đèn chùm của Nhà Hát. Nhưng hình như không đạt mục đích vì ngày hôm sau báo chí chí nói đến những cửa sổ và cửa ra vào bị vỡ toang hết kính vì những lý do bí hiểm không ai hay. Trong mấy tuần liền, các nhà cung ứng lý thuyết khoa học và nửa khoa học xổ ra những chuyện nhăng cuội quái đản chiếm nhiều cột trên trang cuối các báo hằng ngày. Tờ Neueste Nachrichten nói đến những tia vũ trụ. Các nhân viên đài quan sát địa phương – hẳn nhiên là những người thạo tin nhất - thì bảo do những vết trên mặt trời.

Còn tôi thì lao xuống cầu thang trôn ốc thật nhanh, mở hết tốc độ có thể của đôi chân ngắn, và, thở không ra hơi, nhập vào đám đông bên ngoài Nhà Hát. Không thấy bộ đồ mùa thu màu nâu gỉ sắt của mẹ tôi đâu cả, chắc là mẹ đã ở cửa hàng của Markus, đang kể về sự hủy hoại do giọng tôi gây nên. Và Markus, vốn coi cái giọng kim cương cùng cái gọi là tình trạng chậm phát triển của tôi là chuyện đương nhiên, hẳn đang lắc đầu lè lưỡi và xoa hai bàn tay vàng bệch vào nhau.

Vừa bước chân vào cửa hiệu, cái cảnh bày ra trước mắt khiến tôi quên phắt mọi thành công của mình với tư cách là ca sĩ. Sigismund Markus đang quỳ dưới chân mẹ, và tất cả những con vật bằng bông, gấu, khỉ, chó, búp-bê nhắm mắt mở mắt, xe cứu hỏa, ngựa bập bênh và cả những anh rối đứng canh cửa cũng như thể sắp quỳ xuống cùng bác. Bác cầm hai tay mẹ trong đôi bàn tay loăn xoăn những túm lông hung hung trên mu của bác, và bác khóc.

Nom mẹ cũng rất trịnh trọng vì mẹ dành sự chú ý thích đáng cho tình thế này. "Không, Markus," mẹ nói, "em xin đấy, Markus. Đừng làm thế ở đây, ngay trong cửa hàng."

Nhưng Markus cứ tiếp tục mãi không thôi. Có vẻ như bác hơi đẩy lên quá mức, nhưng cái âm sắc cầu khẩn van xin trong giọng bác th tôi không bao giờ quên được: "Đừng làm thế nữa với Bronski, hắn làm cho Sở Bưu chính Ba Lan. Hắn về phe Ba Lan, thế là không tốt. Đừng có đặt cược vào bọn Ba Lan, nếu cần chọn bên nào thì hãy ủng hộ người Đức, vì thế họ đang lên, sớm muộn họ cũng sẽ thắng. Và giả sử như họ thắng mà Matzerath phu nhân vẫn cặp với Bronski? Nếu em muốn Matzerath thì tốt, em vốn đã có anh ta. Hoặc giả hãy cho tôi một ân huệ là chọn Markus này, hắn vừa mới được ban thánh thể mà. Chúng mình sẽ đi Luân Đôn, ở đó tôi có nhiều bạn bè và vô khối cổ phiếu, nếu em quyết định đi cùng tôi, hoặc nếu em không muốn đi với Markus cũng được, bởi vì em khinh tôi, vậy thì cứ khinh tôi đi. Nhưng tôi quỳ hai gối xin em đừng có cặp với Bronski nữa, hắn thật điên khùng nên mới khư khư bám lấy cái Sở Bưu chính Ba Lan trong khi bọn Ba Lan đang sắp bị người Đức quét sạch."

Đúng vào lúc mẹ tôi, rối trí trước bao khả năng và bao điều bất khả, sắp sửa oà lên khóc, thì Markus trông thấy tôi ở cửa ra vào và hùng hồn chỉ cả năm ngón tay về phía tôi: "Tôi xin em, Agnès. Chúng ta sẽ mang nó theo đến Luân Đôn. Nó sẽ sống như một hoàng tử nhỏ."

Mẹ quay về phía tôi và thoáng nở một nụ cười. Có thể mẹ nghĩ đến những cửa sổ mất kính ở sảnh Nhà Hát hoặc có thể ý nghĩ về thành Luân Đôn làm mẹ phấn khích. Nhưng tôi ngạc nhiên thấy mẹ lắc đầu và nhẹ nhàng nói như từ chối một lời mời nhảy: "Cảm ơn Markus, nhưng không thể được. Thật sự không thể được ... vì Bronski."

Cái tên ông bác tôi như một tín hiệu nhắc vở khiến Markus đứng bật dạy và cúi gập người làm đôi. "Tôi xin lỗi," bác ta nói. "Từ đầu đến giờ, tôi vẫn nghĩ thế. Không thể được là vì anh ta."

Lúc chúng tôi rời cửa hàng thì chưa đến giờ đóng cửa, nhưng Markus cứ khóa lại từ bên ngoài và đưa chúng tôi đến bến xe điện. Nhiều khách qua đường Và một số cảnh sát vẫn còn đ bên ngoài Nhà Hát. Nhưng tôi chả sợ tí nào, tôi đã quên hẳn chiến tích của mình. Markus cúi xuống sát tôi và thì thầm, với chính mình thì đúng hơn là với tôi: "Cái thằng bé Oskar! Nó đánh mấy tiếng trống mà điên đảo cả Nhà Hát."

Bác khoát tay trấn an mẹ tôi khỏi băn khoăn vì đống thủy tinh vỡ. Rồi xe điện tới và khi chúng tôi bước lên toa đầu, bác thốt ra điều khẩn cầu cuối cùng bằng một giọng rất khẽ để người khác khỏi nghe thấy: "Thôi nếu đã vậy, thì xin hãy nghe tôi: hãy ở lại bên Matzerath vốn đã là của em và đừng có cặp với cái gã Ba Lan ấy nữa."

Bây giờ đây, nằm hoặc ngồi trên cái giường bệnh viện này, nhưng dù ở tư thế nào cũng không ngừng gõ trống, khi Oskar thăm lại ngõ Binh Công Xưởng và Tháp Công Lý với những dòng chữ nguệch ngoạc trên tường các gian ngục tối cùng các dụng cụ tra tấn được tra dầu cẩn thận, khi một lần nữa hắn nhìn xuống ba cái cửa sổ bên ngoài sảnh của Nhà Hát thành phố rồi sau đó lại quay về ngõ Binh Công Xưởng và cửa hàng của Sigismund Markus, tìm kiếm những chi tiết của một ngày tháng chín, hắn không thể không tìm đất nước Ba Lan luôn thể. Tìm bằng cách nào? Bằng đôi dùi trống. Hắn cũng tìm đất nước Ba Lan cả bằng tâm hồn nữa chứ? Hắn tìm bằng mọi cơ quan của bản thể hắn, nhưng tâm hồn không phải là một cơ quan.

Tôi tìm đất nước của những người Ba Lan bị mất vào tay những người Đức, chí ít cũng vào thời điểm này. Ngày nay, những người Đức đã bắt đầu tìm cách chiếm lại Ba Lan bằng tín dụng, bằng máy ảnh. Leica và la bàn, bằng radar và đũa thần, bằng các phái đoàn và các hội sinh viên vận lễ phục. Một số mang Chopin trong trái tim mình, một số khác lại mang những tư tưởng phục thù. Lên án bốn lần đầu phân chia đất Ba Lan, họ lại đang ráo riết âm mưu một cuộc chia cắt thứ Năm. Trong khi chờ đợi, họ đáp chuyến bay Air France sang Vacxava để đặt vòng hoa tưởng niệm ở chỗ xưa kia là trại Ghetto với vẻ ăn năn hối hận thích đáng. Rồi một ngày tới, họ sẽ tìm lại Ba Lan bằng tên lửa và rốc-két. T tôi tìm Ba Lan trên cái trống của tôi. Và đây là lời trống của tôi: Ba Lan mất nhưng không phải là mãi mãi, tất cả đã mất nhưng không phải mất mãi mãi, Ba Lan không vĩnh viễn mất[17].

KHÁN ĐÀI

Chính trong khi hát vỡ hết kính cửa sổ trong sảnh Nhà Hát thành phố, tôi đã tìm kiếm và tìm thấy cuộc tiếp xúc đầu tiên của mình với nghệ thuật sân khấu. Mặc dù bị phân tán bởi sự săn đón của Markus, mẹ tôi hẳn đã nhận thấy mối liên hệ trực tiếp giữa tôi với nhà hát, bởi vì khi mùa Giáng sinh đến, mẹ đã mua bốn vé xem hát: cho chính mẹ, cho Stephan và Marga Bronski và cho Oskar, và ngày Chủ nhật cuối cùng của mùa Vọng, mẹ đưa chúng tôi đi xem một vở mừng Giáng sinh, cỗ đèn chùm bên trên dàn nhạc phô hết vẻ huy hoàng và tôi lấy làm mừng là tiếng hát của tôi đã không đập tan nó.

Ngay từ thời kỳ đó, đã có quá nhiều trẻ con. Ở những dãy ghế hạng ban-công, trẻ con đông hơn các bà mẹ, còn ở khoang cạnh dàn nhạc, hạng cao cấp dành cho những người giàu có vốn cẩn trọng hơn trong việc sinh sản, tỷ lệ ấy gần như cân bằng. Tại sao trẻ con lại không thể ngồi yên nhỉ? Ngồi giữa tôi và cu Stephan tương đối chỉnh chu, Marga tụt khỏi ghế, mặt ghế trống tự động bật lên, nó định trèo trở lại nhưng thấy đánh đu ở lan can thú hơn, loay hoay thế nào bị kẹp giữa mặt ghế gập và lưng ghế, bắt đầu la ầm lên tuy chỉ một thoáng và không to hơn lũ tiểu yêu xung quanh vì mẹ tôi đã khôn ngoan nhét đầy kẹo vào cái mồm đang ngoác ra của nó. Miệng mút kẹo và mệt nhoài vì đánh vật với cái ghế, buổi biểu diễn vừa bắt đầu một lúc thì Marga quay ra ngủ, nhưng cứ hết một hồi lại phải đánh thức nó dậy để vỗ tay, điều mà nó làm hết sức nhiệt tình.

Hiển nhiên, vở diễn, Tôm Tí Hon, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với tôi và chinh phục tôi ngay từ đầu. Đạo diễn rất thông minh: không thấy Tôm Tí Hon đâu cả, chỉ thấy tiếng chú nói và thấy những người lớn chạy như đèn cù đuổi theo chú. Chú vô hình nhưng rất năng nổ. Này đây, chú ngồi trong tai ngựa, để cha bán cho hai y du thủ du thực được khá tiền. Chú hiên ngang đi dạo trên vành mũ của một trong hai y đó. Sau đó, chú chui vào một hang chuột rồi vào một vỏ ốc sên. Chú nhập bọn với một băng cướp, mai phục với chúng, rơi vào một đống rơm, bị một con bò nuốt cùng với một ngoạm rơm vào dạ dày. Nhưng con bò bị giết vì can tội nói bằng giọng Tôm Tí Hon. Tuy nhiên, dạ dày bò, trong đó có Tôm, bị vứt ra một đống rác và bị một con sói nuốt chửng. Tôm khéo léo dụ sói đến cướp nhà kho của cha chú và đúng lúc sói bắt đầu dở trò thì chú la rầm lên. Đoạn kết thì giống như trong truyện cổ tích: cha Tôm giết chết con sói ác, mẹ lấy kéo rạch bụng sói và Tôm Tí Hon nhảy ra, có nghĩa là khán giả nghe thấy tiếng chú reo lên: "Ôi, cha ơi, con đã ở trong một hang chuột, trong dạ dày một chị bò cái, trong bụng một con sói và bây giờ thì con sẽ ở lại nhà với cha!"

Đoạn kết làm tôi cảm động và khi tôi ngước nhìn mẹ, tôi thấy mẹ lấy mù-soa che mũi; giống như tôi, mẹ đã nhập thân vào hành động trên sân khấu. Mẹ là người dễ xúc động và trong mấy tuần sau, nhất là phần còn lại của mùa Giáng sinh, mẹ luôn ghì chặt tôi vào lòng, hôn hít và - lúc thì với giọng cười cợt, khi thi với vẻ ưu tư - gọi tôi là Tôm Tí Hon. Hoặc: Tôm Tí Hon bé xíu của mẹ. Hoặc: Tôm Tí Hon tội nghiệp, tội nghiệp của mẹ.

Mãi đến mùa hè 1933, tôi mới có dịp trở lại nhà hát. Câu chuyện đâm dở do một sự hiểu lầm về phía tôi, nhưng nó để lại một kỷ niệm sâu sắc trong tôi. Trong tai tôi đến giờ, vẫn còn vang lên những đợt sóng âm thanh dập dồn như sấm. Không, tôi không nói quá đâu, toàn bộ câu chuyện xảy rở Nhà Hát Opêra-trong-rừng ở Zoppot, nơi mà mùa hè năm nào, thiên nhiên cũng có dịp hòa đồng với suối nhạc Wagner dưới trời đêm.

Thực ra, chỉ có mình mẹ là thích ôpêra. Matzerath thì thậm chí ôpêret cũng không thưởng thức nổi. Jan theo đuôi mẹ, cũng rất mê các aria, tuy nhiên, trái với cái bề ngoài ra dáng nhạc sĩ, bác hoàn toàn điếc nhạc. Nhưng bác quen anh em nhà Formella, vốn trước là bạn đồng môn ở trường trung học Karthaus, hiện ở Zoppot và trông nom các đèn pha chiếu sáng con đường ven hồ và đài phun nước bên ngoài nhà Casino, đồng thời phụ trách luôn việc tạo hiệu quả ánh sáng cho Nhà Hát Opera-trong-rừng.

Đường đến Zoppot chạy qua Oliva. Một buổi sáng trong Công viên Lâu đài, cá vàng và thiên nga, mẹ và bác Jan Bronski trong Động Thì Thầm trứ danh. Sau đó, lại cá vàng và thiên nga nữa, rõ ràng là ăn cánh với một tay phó nháy. Trong khi chụp ảnh, Matzerath kiệu tôi lên vai, tôi đặt cái trống lên đầu ông, sau này dán vào album hễ giở ra xem lại phì cười. Thế rồi tạm biệt cá vàng, tạm biệt thiên nga, tạm biệt Động Thì Thầm. Không phải chỉ trong Công viên Lâu đài mới là Chủ nhật, mà cả ở bên ngoài cổng, trên chuyến xe điện đi về Glettkau, cả trong nhà Casino của Glettkau, nơi chúng tôi ăn trưa trong khi biển Baltic, như kẻ vô công rồi nghề chẳng có việc gì làm, cứ mời chào mọi người xuống tắm; đâu đâu cũng là Chủ nhật. Khi chúng tôi theo con đường dạo mát dọc bãi biển tới gần Zoppot, Chủ nhật ra đón chúng tôi và Matzerath phải trả tiền vào cửa cho cả bọn.

Chúng tôi tắm ở Bãi Nam vì nghe nói đỡ đông hơn trên Bãi Bắc. Đàn ông thay đồ trong những phòng nam giới. Mẹ đưa tôi vào một phòng thay đồ nữ, ở đó mẹ (vốn đã bắt đầu sồ sề) lồng khối thịt của mình vào một bộ đồ tắm màu vàng rơm. Tôi thì phải ở truồng. Để tránh hàng nghìn con mắt trên bãi tắm, tôi lấy cái trống che của quý và sau đó nằm sấp trên cát. Nước biển Baltic mời gọi nhưng tôi không muốn xuống tắm mà ưng bắt chước con đà điểu giấu chim vào trong cát. Cả Matzerath và Jan Bronski nom đều lố bịch đến mức bi hài với cái bụng bắt đầu phệ, đến nỗi tôi thấy nhẹ cả người khi chiều đế chúng tôi trở về phòng tắm, thoa dầu lên những chỗ rám nắng và mặc lại những bộ đồ Chủ nhật của mình.

Cà phê và bánh ngọt ở tiệm "Sao Biển". Mẹ muốn gọi một phần thứ ba ở cái bánh năm tầng. Matzerath phản đối, Jan thì vừa đồng ý vừa phản đối. Mẹ gọi phần bánh của mình, cho Matzerath cắn một miếng, bón cho Jan một thìa và sau khi bồi dưỡng cho hai chàng, tọng nốt chỗ bánh kem bơ ngọt lừ còn lại vào dạ dày, từng thìa một.

Ôi bánh kem bơ thần thánh, ôi buổi chiều Chủ nhật từ quang đến hơi vẩn mây, li ti những hạt đường kính! Những nhà quý tộc Ba Lan đeo kính râm màu xanh lơ ngồi trước những ly nước ngọt mà họ không hề đụng tới. Các bà các cô mân mê những móng tay nhuộm tím và gió biển phả đến chúng tôi mùi băng phiến của những áo choàng lông thú mà họ thuê trọn mùa. Matzerath cho việc thuê áo như vậy là vớ vẩn. Mẹ cũng muốn thuê một cái, dù chỉ cho một buổi chiều. Jan thì quả quyết rằng giới quý tộc Ba Lan thật đáng ngán quá xá: mặc dầu nợ nần ngày càng chồng chất, họ đã thôi không nói tiếng Pháp mà chuyển sang trò chuyện bằng thứ tiếng Ba Lan thông tục nhất.

Chúng tôi không thể ngồi mãi ở tiệm "Sao Biển” mà ngắm những cặp kính râm màu xanh và những móng tay màu tím của giới quý tộc Ba Lan. Với cái bụng ních đầy bánh ngọt, mẹ cần vận động. Chúng tôi quay lại Công viên Casino, ở đó tôi phải cưỡi một con lừa và làm mẫu cho một "pô" ảnh nữa. Cá vàng và thiên nga - thiên nhiên còn nghĩ được ra cái gì khác nữa! - rồi lại cá vàng và thiên nga, phải chăng để cho nước ngọt còn có chỗ đắc dụng?

Giữa những cây thủy tùng được cắt tỉa (chúng không rì rào như người ta thường mô tả), chúng tôi gặp anh em nhà Formella, phụ trách ánh sáng của khu vực Casino và Nhà Hát Opera-trong-rừng. Thoạt tiên, Formella-em tuôn ra những chuyện cười đã gặp trong quá trình hoạt động chuyên nghiệp thiết kế ánh sáng. Formella-anh đã thuộc lòng tất cả những chuyện đó, nhưng vì tình anh em,ười đúng chỗ, phô ra bốn cái răng vàng (hơn người em một cái). Chúng tôi đến quán của Springer làm tí rượu gừng, tuy mẹ thích uống Kurfurst hơn. Rồi, vẫn không ngừng mở kho chuyện cười vô tận, Formella-em hào phóng mời chúng tôi ăn tối ở tiệm Papagei. Tại đây, chúng tôi gặp Tuschel, người sở hữu một nửa vùng Zoppot, một phần Nhà Hát Opera-trong-rừng và năm rạp chiếu bóng, đồng thời là sếp của anh em Formella. Ông rất hân hạnh được làm quen với chúng tôi cũng như chúng tôi rất hân hạnh được làm quen với ông. Tuschel không ngừng xoay xoay một chiếc nhẫn ở ngón tay, nhưng nó không phải là nhẫn ước hoặc nhẫn thần vì chẳng thấy có gì xảy ra, trừ việc Tuschel cũng xoay ra kể chuyện tiếu lâm, vẫn những chuyện chúng tôi đã nghe từ miệng Formella chỉ khác cái là rắc rối hơn vì ông ta ít răng vàng hơn. Mặc dầu thế, cả bàn đều cười rộ vì lẽ chính Tuschel kể chứ không phải ai khác. Chỉ có mình tôi là vẫn nghiêm trang, cố làm ông ta cụt hứng bằng nét mặt vô cảm của mình, ôi, những nhịp cười ran ran (tuy là giả tạo), như những ô kính kiểu đít chai ở vách ngăn che chỗ chúng tôi ngồi ăn, chúng mới khéo gây cảm giác sung mãn làm sao! Tuschel cảm kích ra mặt, kể thêm vài chuyện vui nữa, gọi Goldwasser, thứ rượu mạnh đặc sản của Danzig, rồi, lâng lâng trong hơi rượu và tiếng cười, đột nhiên xoay nhẫn theo chiều ngược lại. Lần này thì có chuyện xảy ra thật. Tuschel mời tất cả chúng tôi đến Nhà Hát Opera-trong-rừng; tiếc rằng ông không cùng dự được, ông có cuộc hẹn, đại loại như thế, nhưng ông xin chúng tôi vui lòng nhận chỗ, chỗ dành riêng, ghế đệm bọc da hạng lô, cháu bé có thể ngủ trong đó nếu cháu mệt; và với một chiếc bút chì máy bằng bạc, ông viết mấy chữ theo tự dạng Tuschel trên một tấm danh thiếp Tuschel; cái này sẽ mở tất cả các cửa - và quả đúng như thế.

Những gì xảy ra tiếp theo có thể kể gọn trong vài câu: một buổi tối mùa hè ngào ngạt hương thơm, Nhà Hát Opera-trong-rừng bán hết vé, đầy người nước ngoài. Trước cả khi mở màn, muỗi đã kéo đến. Và chỉ tới khi con muỗi cuối cùng - nó bao giờ cũng đến muộn một chút, ra cái điều lịch sự mà - báo hiệu sự có mặt của mình bằng một tiếng vo ve khát máu, cuộc biểu diễn mới thực sự bắt dầu. Đó là vở Người Hà Lan Bay. Một con tàu, nom có vẻ trộm vặt hơn là cướển, trôi vào từ khu rừng đã cho Nhà Hát Opera-trong-rừng cái tên của nó. Các thủy thủ bắt đầu hát với cây rừng. Tôi ngủ thiếp đi trên ghế nệm bọc da của Tuschel và khi tôi thức dậy, các thủy thủ vẫn hát, hay có thể đó là những thủy thủ khác: "Hoa tiêu, hãy canh chừng…" nhưng Oskar lại quay ra ngủ một lần nữa, trong lúc thiu thiu còn sung sướng nhận thấy mẹ để hết tâm trí vào Người Hà Lan, cùng lướt trên sóng cả, ngực phập phồng xúc động theo, đúng tinh thần Wagner chân chính. Mẹ không nhận thấy Matzerath và anh Jan của mẹ đã lấy tay che mặt và đang xẻ những khúc gỗ các cỡ khác nhau và cả tôi nữa cũng đang tiếp tục truồi qua kẽ ngón tay Wagner. Rồi bỗng nhiên Oskar tỉnh ngủ hẳn vì có một người đàn bà đứng một mình giữa rừng, la thét. Nàng có mái tóc vàng và nàng la thét bởi vì một ngọn đèn chiếu (chắc là do Formella điều khiển) làm nàng loá mắt. "Không!" nàng kêu. "Khốn khổ thân tôi!!" và: "Ai làm tôi đau đớn thế này?" Nhưng Formella, người đang làm nàng đau đớn, vẫn không chịu xoay đèn chiếu sang hướng khác. Tiếng kêu của người đàn bà cô đơn - về sau, mẹ gọi nàng là một ca sĩ độc tấu - nhỏ dần thành một tiếng thổn thức nghẹn ngào, để rồi lại cất lên trong một chuỗi nốt cao vút tựa những tia óng ánh bạc vọt lên từ một đài phun nước, khiến lá cây cũng phải sớm tàn úa nhưng lại chẳng làm gì được luồng đèn chiếu của Formella. Một giọng xuất sắc nhưng vô tác dụng. Đã đến lúc Oskar phải can thiệp, định vị cái nguồn sáng ác độc kia và, tiêu diệt nó chỉ bằng một tiếng kêu tầm xa duy nhất, thậm chí còn trầm hơn cả tiếng vo ve dai dẳng của đàn muỗi.

Thực tình tôi đâu có định gây ra một cú chập mạch, tóe lửa, tắt điện tối om và một vụ cháy rừng tuy được dập tắt nhanh chóng nhưng đã gây kinh hoàng như thế. Tôi chẳng được lợi gì: chẳng những tôi bị lạc cả mẹ lẫn hai đấng trượng phu giật mình tỉnh giấc trong cơn hỗn loạn, mà còn mất luôn cả cái trống nữa.

Cuộc gặp gỡ lần thứ ba này của tôi với sân khấu đã khiến mẹ tôi nẩy ra ý nghĩ cho tôi vào rạp xiếc (sau tối hôm ở Nhà Hát Opera-trong-rừng, mẹ đã bắt đầu "thuần hóa" được Wagner những bản cải biên dễ trên dương cầm). Điều này được thực thi vào mùa xuân năm 1934.

Oskar không có ý định làm nhàm tai quý vị bằng những chuyện về các tài tử đu bay lao vút trong không trung như những vệt ánh bạc, về những con hổ dữ tợn hoặc về sự khéo léo khôn tả của những chú hải cẩu. Không có ai lộn cổ từ trên vòm rạp. Không có nhà dạy thú nào bị cắn đứt bộ phận cơ thể nào. Và lũ hải cẩu chỉ làm đúng những gì chúng được dạy: tung hứng với bóng và được thưởng cá trích tươi mà chúng đớp ngay trên không. Tôi mắc nợ rạp xiếc nhiều giờ hạnh phúc và một sự kiện tối hệ trọng trong đời tôi là cuộc gặp gỡ với Bebra, nghệ sĩ hề nhạc chơi bản Jimmy the Tiger trên những cái chai và chỉ huy một nhóm người tí hon.

Chúng tôi gặp nhau ở khu chuồng thú. Mẹ và hai chàng kỵ sĩ của mẹ đang để cho lũ khỉ chơi trò khỉ với họ. Hedwig Bronski - trời đi vắng, bữa ấy lại nhập bọn - đang chỉ cho hai đứa con xem đàn ngựa con. Sau khi một con sư tử ngáp với tôi, một con cú thách tôi đọ mắt với nó và tôi đã chớp mắt trước. Oskar tiu nghỉu lỉnh đi, tai nóng bừng, lòng tự ái bị tổn thương sâu sắc; nó lủi vào giữa hai cái nhà lăn, cái vàng cái trắng: ở đây, ngoài mấy chị dê lùn buộc ở cọc, chẳng có con vật nào khác.

Ông mặc quần có dải đeo, đi dép lê, tay xách một xô nước. Mắt chúng tôi giao nhau khi ông đi qua và ngay lập tức, chúng tôi nhận ra nhau, ông đặt xô nước xuống, nghiêng cái đầu to sang một bên và tiến về phía tôi. Tôi đoán ông phải cao hơn tôi đến mười phân.

"Chà, nhìn thử coi!" Có một nốt thèm muốn trong cái giọng the thé của ông. "Ngày nay, bọn trẻ lên ba đã dám quyết định thôi lớn". Thấy tôi không trả lời, ông nói tiếp: "Tên ta là Bebra, hậu duệ trực hệ của Hoàng tử Eugene. Cha của người là vua Louis XIV, chứ không phải là một y người vùng Savoie như người ta nói xằng." Tôi vẫn im, nhưng ông bất cần, cứ liến láu: "Đến kỳ sinh nhật thứ mười, ta mới quyết định thôi lớn. Muộn còn hơn không.

Thấy ông thành thật như thế, tôi cũng tự giới thiệu, song không ba hoa gì về tộc phả của mình. Tôi chỉ là Oskar, thế thôi.

"Tốt, Oskar thân mến, chú mày chắc phải mười bốn, mười lăm rồi. Có khi mười sáu cũng nên. Sao, mới chín tuổi rưỡi thôi ư? Chú nói thật đấy chứ?"

Đến lượt tôi đoán tuổi của ông. Tôi cố tình đoán thật thấp.

"Anh bạn trẻ thật khéo nịnh. Ba mươi lăm là chuyện ngày xưa. Tháng tám này, ta sẽ mừng sinh nhật lần thứ Năm mươi ba. Ta vào cỡ tuổi ông nội chú đấy."

Oskar khen những miếng nhào lộn kiểu hề xiếc của ông, ca ngợi tài năng âm nhạc của ông. Điều đó khơi dậy tham vọng trong tôi và tôi bèn biểu diễn một ngón nhỏ của riêng mình. Ba bóng đèn là mục tiêu đầu tiên. "Bravo, bravissimo[18]!" Me-xừ Bebra reo lên, và muốn nhận Oskar vào gánh xiếc ngay tắp lự.

Cả cho đến nay, thỉnh thoảng tôi vẫn còn tiếc là mình đã từ chối. Tôi thoái thác nói: "Ông Bebra, ông biết đấy, em thích làm khán giả hơn. Em bí mật luyện ngón nghề của mình, tránh xa mọi tiếng vỗ tay hoan hô. Nhưng em thích vỗ tay hoan hô những tiết mục của ông." Me-xừ Bebra giơ một ngón tay trỏ nhăn nheo lên, răn bảo tôi: "Oskar thân mến ạ, hãy tin lời một người đồng nghiệp từng trải. Loại chúng ta không có chỗ trong đám khán giả đâu. Chúng ta phải biểu diễn, chúng ta phải điều khiển cuộc chơi. Nếu không, những kẻ khác sẽ điều khiển chúng ta. Và lúc đó, họ sẽ không nhẹ tay đâu."

Mắt ông trở nên già như những ngọn đồi và tiếng thì thầm của ông như trườn vào trong tai tôi: "Đấy, họ đang đến đấy. Họ sẽ tiếp thu cánh đồng cỏ nơi chúng ta dựng rạp. Họ sẽ tổ chức những cuộc rước đuốc. Họ sẽ dựng những khán đài, đứng đầy trên đó và từ trên những khán đài đó, họ sẽ rao giảng thảm họa của chúng ta. Hãy cẩn thận, bạn trẻ ạ. Hãy giữ sao để luôn luôn ngồi trên khán đài, chứ đừng bao giờ đứng trước khán đài."

Nghe thấy có ai gọi tên tôi, Me-xừ Bebra nhấc cái xô lên: "Họ đang tìm chú mày đấy, bạn trẻ ạ. Chúng mình sẽ gặp lại nhau thôi. Chúng mình quá nhỏ bé nên chẳng thể lạc nhau đâu. Bebra này luôn luôn nói: những người nhỏ bé như chúng mình bao giờ cũng có thể kiếm được một chỗ ngay cả trên những khán đài đông đúc nhất. Phải, Bebra hậu duệ trực hệ của Hoàng tử Eugeile nói thế đấy!"

Miệng gọi Oskar, mẹ bước ra từ sau một cái nhà lăn vừa kịp để nhìn thấy Me-xừ Bebra hôn lên trán tôi. Rồi xách xô nước lên, ngúng nguẩy đôi vai, ông đi về phía nhà lăn của mình.

"Các người thử tưởng tượng xem," mẹ giận dữ nói với Matzerath và vợ chồng Bronski, "nó đi đánh đu với bọn lùn. Và một thằng quỷ lùn lại hôn lên trán nó. Hy vọng là điều đó không có ý nghĩa gì."

Với tôi thì cái hôn trên trán ấy mang rất nhiều ý nghĩa. Những biến cố chính trị xảy ra trong những năm sau đó xác nhận những lời tiên tri của ông: thời kỳ của những cuộc rước đuốc và diễu hành qua khán đài đã bắt đầu.

Tôi nghe theo lời dặn dò của Me-xừ Bebra, còn mẹ tôi cũng phần nào làm theo lời cảnh báo mà Sigismund Markus đã nói với mẹ ở ngõ Binh Công Xưởng và ngày thứ Năm nào cũng tiếp tục nhắc lại. Mặc dầu mẹ không đi Luân Đôn với Markus - mà có đi thì tôi cũng không phản đối - mẹ đã ở lại với Matzerath và chỉ gặp Bronski có mức độ thôi, nghĩa là ở phố Thợ mộc do Jan chi và trong những chầu xì-cạt tại nhà ngày càng tốn kém hơn cho Jan vì bao giờ bác cũng thua. Theo lời khuyên của Markus, mẹ đã đặt cược Matzerath tuy không tăng mức lên gấp đôi và năm 1934, Matzerath đã vào Đảng. Nhưng tuy gia nhập các lực lượng trật tự tương đối sớm, ông vẫn không bao giờ leo cao hơn cái chức đội trưởng. Cũng giống như mọi sự kiện bất thường khác, lần đề bạt này là một dịp để làm một chầu xì-cạt trong gia đình. Chính bữa đó, khi nhắc lại những nhận xét mà bấy lâu ông vẫn cảnh báo Jan Bronski về chuyện bác ấy làm việc ở Sở Bưu chính Ba Lan, Matzerath lần đầu tiên đã lên giọng nghiêm nghị pha lẫn chút lo lắng.

Ngoài chuyện đó ra thì chẳng có thay đổi gì lớn. Bên trên chiếc dương cầm, bức chân dung Beethoven, tặng phẩm của Greff, bị cất khỏi cái đinh, và thay vào đó, cũng treo vào cái đinh ấy, là một tay Hitler mặt mũi cũng u ám như thế. Matzerath, vốn chẳng thích loại nhạc trang nghiêm, muốn tống khứ hẳn tay nhạc sĩ điếc ấy đi. Nhưng mẹ tôi yêu những bản xô-nát chậm rãi của Beethoven, mẹ đã tập hai, ba bản trong số đó trên cây dương cầm nhà chúng tôi với nhịp độ còn chậm hơn cả chỉ định, nên mẹ khăng khăng một mực là nếu Beethoven không ngự bên trên đi văng thì cũng phải trên tủ buýp-phê. Thế là bắt đầu cuộc đối đầu ảm đạm nhất trong mọi cuộc đối đầu: Hitler và bậc thiên tài, mặt đối mặt mắt chọi mắt. Đôi bên chẳng bên nào thích thú với tình thế này.

Từng bước một, Matzerath tích cóp nên bộ đồng phục đảng viên của mình. Nếu tôi nhớ không nhầm thì bắt đầu là cái mũ mà cả vào lúc đẹp trời, ông cũng thích đội thật nghiêm chỉnh, với "quai gió" thít dưới cằm đàng hoàng. Một thời gian, kèm theo mũ, ông mặc sơ mi trắng, cà-vạt đen hoặc blu-dông da với băng tay đen. Rồi ông mua chiếc sơ mi nâu đầu tiên và chỉ một tuần sau đó, ông lại muốn mua quần cưỡi ngựa màu rêu và đôi ủng cao. Mẹ phản đối việc mua sắm đó và phải mất mấy tuần nữa, bộ đồng phục mới hoàn tất.

Mỗi tuần đều có nhiều dịp để diện đồng phục, nhưng Matzerath thấy chỉ cần dự các cuộc biểu tình ngày Chủ nht trên Đồng cỏ tháng Năm cạnh Cung Thể thao là đủ. Nhưng trong những dịp này, ông rất nguyên tắc, không khoan nhượng, ngay cả lúc thời tiết xấu nhất cũng dứt khoát không chịu mang ô khi mặc đồng phục. "Nhiệm vụ là nhiệm vụ, schnaps là schnaps", ông nói. Câu đó thành cơm bữa, chúng tôi nghe đến nhàm tai. Mỗi sáng Chủ nhật, sau khi chuẩn bị đồ ăn cho bữa chiều, ông ra khỏi nhà. Điều này đặt tôi vào một tình thế lúng túng vì Jan Bronski nhanh chóng nắm lấy tình thế chính trị mới và, với tư cách là thương dân chính hiệu, lại năng đến thăm mẹ tội nghiệp của tôi bị bỏ mặc trong khi Matzerath đi diễn tập và diễu hành.

Liệu tôi có thể làm gì khác ngoài việc lánh đi? Tôi không muốn quấy rầy hoặc nhòm trộm hai người trên đi văng. Ngay sau khi ông bố vận đồng phục của tôi vừa đi khuất và trước lúc ông thường dân, mà hồi đó tôi đã coi là bố đẻ, kịp đến, tôi lẳng lặng ra khỏi nhà và vừa dạo trống vừa đi về phía Đồng cỏ tháng Năm.

Quý vị sẽ hỏi tôi: tại sao lại nhất thiết phải là Đồng cỏ tháng Năm? Xin hãy tin tôi: ngày Chủ nhật, chẳng có trò vè gì ngoài cảng, đi dạo trong rừng thì tôi không khoái lắm và hồi đó, nội thất Nhà thờ Thánh Tâm chưa hấp dẫn tôi. Kể ra cũng còn có đám hướng đạo sinh của Greff, nhưng thú thật là dù quý vị có gọi tôi là tên cảm tình Đảng, tôi vẫn thích những hoạt động ở Đồng cỏ tháng Năm hơn cái món khiêu dâm ức chế của các cuộc họp bạn hướng đạo sinh.

Bao giờ cũng có một bài diễn văn, hoặc của Greiser[19] hoặc của Löbsack, trưởng ban đào tạo của quận. Greiser không bao giờ gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Y quá ôn hòa và sau này bị thay thế ở cương vị gauleiter (quận trưởng) bởi một tay người xứ Bavaria cứng rắn hơn tên là Forster[20]. Nếu không vì cái lưng gù của Löbsack thì tay người Bavaria kia khó lòng ngoi lên được ở cái hải cảng mắc này của chúng tôi. Công nhận giá trị của Löbsack, coi cái bướu của y như một dấu hiệu của trí thông minh sắc sảo, Đảng cử y làm trưởng ban đào tạo của quận. Y rành công việc của mình. Trong khi Forster chỉ biết hô "Trở lại Reich[21]." bằng cái giọng Bavaria trọ trẹ, thì Löbsack để tâm đi sâu vào chi tiết. Y nói thạo mọi thổ ngữ của Danzig, kể những chuyện vui về Bollerman và Wullsutzki[22] và biết cách trò chuyện với cánh công nhân bốc dỡ hàng ở cảng Schichau, dân vô sản ở Ohra, đám trung lưu ở Emmaus Schidlitzt. Bürgerwiesen và Praust. Thật thú vị khi nghe con người nhỏ bé này (bộ đồng phục nâu làm cái bướu của y càng thêm nổi bật) đối đáp với những lời chất vấn yếu ớt của những đảng viên Xã hội hoặc sự hùng hổ của mấy cha Cộng sản say bia.

Löbsack có chất dí dỏm. Chất dí dỏm ấy, y chắt ra từ cái bướu mà y gọi bằng đúng tên của nó; dân chúng bao giờ cũng khoái cái đó. Tôi thà mất cái bướu chứ không đành lòng nhìn Cánh tả lên nắm chính quyền, y khẳng định. Rõ ràng y chẳng dễ gì để mất cái bướu của mình, nó đã cố định ở đó. Vậy là cái bướu thắng và tổ chức của y cũng thắng theo - từ đó có thể rút ra kết luận: một cái bướu là cơ sở lý tưởng cho một ý tưởng.

Khi Greiser, Löbsack hoặc sau này Forster nói, họ đều đứng trên khán đài mà nói. Đó là cái thứ khán đài mà ông Bebra nhỏ con đã ca ngợi. Do vậy, từ lâu tôi đã coi Löbsack, y-gù-đầy-tài-năng-diễn-thuyết-trên-khán-đài, như một sứ giả của Bebra, người mặc đồng phục nâu đứng trên khán đài chiến đấu vì sự nghiệp của Bebra và cũng là sự nghiệp của tôi.

Khán đài là cái gì? Bất kể nó được xây dựng cho ai, một cái khán đài phải có sự đối xứng. Và cái khán đài ở Đồng cỏ tháng Năm của chúng tôi rành là đối xứng. Từ đằng sau ra đằng trước, sáu chữ thập ngoặc xếp cạnh nhau, rồi một ấy cờ phướn, rồi đến một hàng ngang lính SS vận quân phục đen, quai mũ nghiêm chỉnh nịt dưới cằm, rồi hai hàng SA tay nắm chặt khóa thắt lưng trong khi hát hoặc trong khi diễn giả nói, rồi mấy hàng ghế cho các đồng chí Đảng mặc đồng phục ngồi; đằng sau bục diễn giả, lại các đồng chí Đảng, các lãnh tụ các hội phụ nữ với vẻ mặt h-i-ề-n m-ẫ-u, các đại diện của Thượng viện, các khách từ Reich, và chánh cẩm hoặc đại diện của ông ta.

Phía trước của khán đài được làm trẻ lại bởi Đoàn Thanh niên Hitler hay chính xác hơn, bởi các đội kèn đồng của Đội Thiếu niên Hitler và Đoàn Thanh niên Hitler địa phương. Trong một số cuộc biểu tình, một dàn đồng ca hỗn hợp, cũng được bố trí rất đối xứng, hô những khẩu hiệu hoặc hát những bài ca ngợi gió đông "tốt hơn mọi ngọn gió khác để làm tung bay cờ" (xem lời ca).

Bebra, người đã hôn trán tôi, cũng từng nói: "Oskar, đừng bao giờ làm khán giả đứng trước khán đài. Chỗ của những người như chúng ta là ở trên khán đài."

Thông thường, tôi có thể kiếm được một chỗ trong đám các bà thủ lĩnh các hội phụ nữ. Khốn thay, trong các cuộc mít-tinh, các bà không bao giờ ngơi tay vuốt ve tôi vì mục đích tuyên truyền. Tôi không thể len vào giữa đám kèn trống dưới chân khán đài vì chính cái trống của tôi bị các nhạc công nhà binh từ chối. Tôi cũng đã thử tìm cách tiếp xúc với trưởng ban đào tạo Löbsack, nhưng thất bại. Thật đáng buồn, tôi đã nhìn nhầm người. Y chẳng phải là sứ giả của Bebra như tôi đã kỳ vọng và mặc dầu mang trên lưng cái bướu đầy hứa hẹn, y hoàn toàn không hiểu nổi tầm cỡ thực sự của tôi.

Một ngày Chủ nhật, tôi lên khán đài, đến trước mặt y (y đang đứng bên bục diễn giả), giơ tay chào theo kiểu của Đảng, ngước nhìn thẳng vào mặt y một lúc, rồi nháy mắt thì thầm: "Bebra là lãnh tụ của chúng ta!" Nhưng chẳng hề có một sự khải thị nào cả. Không, y cũng vỗ vỗ tôi y hệt các bà của các hội phụ nữ Quốc à cuối cùng sai người đưa Oskar xuống khỏi khán đài, vì đã đến giờ y phải đọc đít-cua. Tôi được giao cho hai đại diện của Liên đoàn Thiếu nữ Đức, các mụ này suốt buổi mit-tinh cứ hỏi về cha mẹ tôi hoài.

Bởi vậy chả có gì lạ là vào mùa hè năm 1934, tôi bắt đầu vỡ mộng về Đảng - mà hoàn toàn không phải vì cuộc đảo chính Roehm. Càng ngắm cái khán đài từ phía trước, tôi càng nghi ngờ tính đối xứng của nó mà cái bướu của Löbsack không đủ để giảm thiểu. Dĩ nhiên, sự chỉ trích của Oskar trước hết nhằm vào đám nhạc công đánh trống thổi kèn. Và trong một cuộc biểu tình vào một ngày Chủ nhật oi ả tháng 8 năm 1935, tôi đã đọ sức với ban kèn đồng ngồi dưới chân khán đài.

Matzerath ra khỏi nhà lúc chín giờ. Tôi đã giúp ông đánh bóng đôi ghệt da màu nâu để ông kịp xuất phát đúng giờ. Mới sáng ra mà trời đã nóng không chịu nổi và ngay cả trước lúc ông ra ngoài nắng, chiếc áo sơ mi đảng viên của ông đã có những vệt mồ hôi sầm sẫm loang dần ở dưới nách. Đúng chín rưỡi, Jan Bronski đến trong bộ đồ mùa hè, mỏng và sáng màu, chân đi giày màu xám nhạt rất nhã, có đột nhiều lỗ, đầu đội mũ rơm. Jan chơi với tôi một lúc, nhưng ngay cả trong khi chơi, mắt bác vẫn không rời mẹ (mẹ đã gội đầu từ đêm qua). Tôi mau chóng nhận ra rằng sự có mặt của mình khiến hai người khó nói chuyện: có một cái gì cứng đơ trong tư thế của mẹ và một vẻ lúng ta lúng túng trong cử chỉ của Jan. Rành là bác cảm thấy gò bó trong chiếc quần mùa hè của mình. Vậy nên tôi tìm đường lỉnh, theo dấu chân của Matzerath, mặc dầu tôi không lấy ông làm mẫu mực. Tôi thận trọng tránh những phố có đông người vận đồng phục đang trên đường đến Đồng cỏ tháng Năm và lần đầu tiên, tiếp cận bãi tập từ phía sân quần vợt bên cạnh Cung Thể thao. Nhờ đi đường vòng như thế, tôi có dịp nhìn bao quát được phía sau khán đài.

Quý vị đã bao giờ thấy một khán đài từ đằng sau chưa? Tôi xin mạo muội gợi ý: tất cả mọi người, nam cũng như nữ, đều nên làm quen với hậu cảnh của một khán đài trước khi được để đứng ở đằng trước nó. Tất cả những ai đã từng nhìn kỹ một cái khán đài từ phía sau, sẽ tự khắc miễn dịch với mọi trò phù thủy được tiến hành dưới bất kỳ hình thức nào trên các khán đài. Điều này cũng áp dụng với hậu cảnh ban thờ của các giáo đường, nhưng đó lại là chuyện khác sẽ bàn sau.

Oskar, vốn sẵn thiên hướng thích đi sâu triệt để, không chỉ bằng lòng với việc nhìn thấy cái xấu xí trần trụi của giàn giáo. Nhớ lời của ông thầy Bebra, nó đi về phía khán đài. Công trình này vốn được xây dựng nhằm phô mặt trước cho thiên hạ chiêm ngưỡng, nhưng lần này, nó tiếp cận mặt sau thô kệch của nó. Ghì chặt cái trống bất ly thân, nó lách mình giữa những cây cột thẳng đứng, va đầu vào một cái xà ngang chòi ra, bị một cái đầu đinh làm xước đầu gối. Nó nghe thấy tiếng ủng của các đồng chí Đảng cồm cộp trên đầu và lát sau, tiếng giày nhẹ nhàng hơn của đại diện các hội phụ nữ. Cuối cùng, nó tới chỗ mà cái nóng tháng Tám lên đến độ ngột ngạt nhất. Dưới chân khán đài, về phía trong, nó tìm được một góc kín, từ đó, khuất sau một tấm gỗ dán, nó có thể tha hồ thưởng thức phần âm thanh hay ho của cuộc tập hợp chính trị mà không bị những cờ xí và đồng phục làm vướng mắt.

Và như vậy tôi ngồi thu lu bên dưới bục diễn giả. Bên trái, bên phải và trên đầu tôi là những tay trống trẻ của Đội Thiếu niên và những tay trống lớn hơn của Đoàn Thanh niên Hitler, hấp him mắt - tôi chắc thế - dưới ánh nắng chói lòa. Và rồi đến đám quần chúng. Tôi ngửi thấy họ qua những kẽ giữa những ván gỗ. Họ đứng đó, chen vai thích cánh trong những bộ đồ Chủ nhật. Họ đi xe điện hoặc cuốc bộ đến, một số mang theo cả vợ chưa cưới xem như một bữa chiêu đãi, tất cả những người đó đều muốn có mặt vào lúc người ta đang làm lịch sử, cho dù có phải mất cả buổi sáng.

Không, Oskar tự nhủ, không thể để họ đến uổng công. Nó ghé mắt vào một lỗ hổng ở ván gỗ và thấy một đám nhộn nhạo đang từ Đại lộ Hindenburg tiến lại gần. Họ đang đến! Những hiệu lệnh vang lên trên đầu nó, tay nhạc trưởng vung gậy chỉ huy, các nhạc công đưa những chiếc kèn bóng loáng lên môi và chỉnh lại mỏ kèn. Rồi ban quân nhạc trẻ bắt đầu pòm pem pí pem nghe phát gớm. “Tội nghiệp Brandt chiến sĩ SA, tội nghiệp Quex đoàn viên Thanh niên Hitler[23], các người đã chết vô ích," Oskar chua xót nghĩ thầm.

Như để xác nhận khúc ai điếu của Oskar tưởng niệm những tử sĩ của phong trào, một hồi ca-rùng cà-rùng dồn dập trên mặt trống da bê trộn vào lổn nhổn với tiếng t’rompet. Phóng mắt nhìn theo lối đi xuyên qua đám đông dẫn tới khán đài, tôi lờ mờ thấy những bộ đồng phục từ đằng xa đang tiến lại. "Hỡi dân chúng", Oskar cất tiếng, "hỡi dân chúng của ta! Giờ thì hãy nghe ta đây!"

Trống tôi đã ở tư thế sẵn sàng. Với phong thái uyển chuyển thiên thần, tôi vung dùi dạo một tiết tấu van-xơ vui vẻ đầy chất nghệ thuật, gợi lên hình ảnh thành Vienna và sông Danube, càng lúc càng vang to hơn cho đến khi trống cái 1 và trống cái 2 của ban nhạc thiếu niên bị hút vào điệu van-xơ của tôi và cả các trống định âm của bọn lớn hơn cũng bắt vào khúc dạo đầu của tôi với trình độ kỹ thuật không đồng đều. Dĩ nhiên, đây đó vẫn có những đứa ngoan cố, hơn nữa, lại điếc đặc, cứ tiếp tục bùm-bum, bùm-bum, trong khi tôi đang lái chúng vào tiết tấu ba phách mà người bình dân rất yêu thích. Oskar đã sắp sửa bỏ cuộc thì bọn t’rompet chợt bừng tỉnh và, ôi Danube, sông Danube, tiếng sáo vút lên sao mà xanh rười rượi! Chỉ có hai tên cầm đầu đội kèn và đội trống là không chịu tuân phục điệu van-xơ nữ chúa và tiếp tục hô những lệnh dở hơi của chúng. Nhưng tôi đã phế truất chúng, âm nhạc lúc này là của tôi. Đám bình dân tỏ ra đầy lòng biết ơn. Những nhịp cười rộ lên ở ngay gần khán đài, đây đó, tôi nghe thấy tiếng hát, và, ôi Danube đẹp xanh, và trên khắp quảng trường cho đến tận Đại lộ Hindeunburg, xanh rười rượi, và Công viên Steffens, xanh rười rượi, tiết tấu của tôi nhảy nhót, được chiếc micrô trên đầu phóng lên cực đại. Và khi, tay vẫn say sưa đánh trống, tôi ắt vào cái lỗ ván nhìn ra khoảng trống, tôi thấy là dân chúng khoái khúc nhạc van-xơ của tôi, họ đang tung tăng nhảy nhót như có cái gì giậm giựt trong bắp chân; đã có chín cặp - và kìa! một cặp nữa - vào cuộc khiêu vũ, quyện vào nhau bởi điệu van-xơ nữ chúa. Lạ thay, chỉ có Löbsack là bất bình với nhịp ba của tôi; y xuất hiện, theo sau là một lô một xốc quan chức Đảng vận đồng phục nâu, Forster, Greiser, Rauschning và một số khác, lối đi của họ đến khán đài bị đám đông làm nghẽn. Löbsack đứng đó tức sôi lên. Y đã quen được nghênh đón đến khán đài trong tiếng nhạc hành khúc ngang bằng sổ ngay. Những âm thanh phù phiếm này làm lung lay niềm tin của y vào dân chúng. Qua lỗ ván, tôi quan sát nỗi đau của y. Một luồng gió thổi qua cái lỗ. Mặc dầu có nguy cơ bị đau mắt mất thôi, tôi đâm ra thương hại y và chuyển sang một điệu charleston[24]: Jimmy the Tiger. Tôi bắt vào cái nhịp mà Hề Bebra đã gõ trên những chai nước khoáng rỗng, nhưng bọn nhạc công thiếu niên phía trước khán đài không biết điệu charleston. Chúng thuộc một thế hệ khác, làm sao chúng biết được điệu charleston và Jimmy the Tiger? Cái mà chúng đang thì thùm trên trống - ôi Bebra, bạn thân yêu của tôi! - không phải là Jimmy the Tiger, đó đích thị là bát nháo và đội kèn thì đang thổi khúc Sodom và Gomorrah. Mặc kệ, đội sáo nghĩ vậy. Thằng trùm đội kèn chửi thề vung tứ linh. Ấy thế nhưng bọn nhạc công trống-kèn-sáo đã chơi hết mình, đem lại niềm vui cho trái tim Jimmy trong cái nóng ngột ngạt của tháng tám hùm beo này, và cuối cùng hàng ngàn đồng chí đồng bào thân mến chen chúc quanh khán đài cũng hiểu ra đó là chú hổ Jimmy kêu gọi dân chúng tham gia vào điệu nhảy charleston.

Tất cả những ai lúc nãy chưa nhảy, vội vàng giành lấy những bạn nữ cuối cùng còn có thể giành được. Riêng Löbsack phải nhảy với cái bướu của mình vì xung quanh y, chẳng còn một đại biểu nào của phái đẹp và các thủ lĩnh phụ nữ khả dĩ giúp được y thì lại ở tít xa, trên những chiếc ghế gỗ cứng của khán đài. Mặc dầu vậy, theo lời khuyên của cái bướu, y vẫn nhảy, cố gỡ thể diện cho cái khúc nhạc Jimmy gớm ghiếc và cứu những gì còn có thể cứu được

Nhưng tình thế đã đến nước không thể cứu vãn được nữa. Các đồng chí đồng bào vừa nhảy vừa rời khỏi Đồng cỏ Tháng Năm và chẳng mấy chốc, nơi đây đã vắng teo. Các đồng chí đồng bào đã cùng chú hổ Jimmy biến vào những khoảng đất rộng của Công viên Steffens gần đấy. Tại đó, họ tìm thấy rừng sâu mà Jimmy đã hứa hẹn; tại đó, hổ đi lại trên những bàn chân có móng vuốt bằng nhung, một cánh rừng thế phẩm cho các con trai con gái của dân tộc Đức mới vài phút trước đây còn chen chúc quanh khán đài. Bay biến rồi luật pháp và trật tự. Những phần tử có đầu óc văn hóa hơn thì rút về Đại lộ Hindenburg, ở đó cây cối được trồng lần đầu tiên vào thế kỷ XVIII, ở đó vẫn những cây ấy bị chặt hạ vào năm 1807 khi thành phố bị quân của Napoléon bao vây rồi một loạt cây mới lại được trồng vào năm 1810 để chào mừng Napoléon. Trên mảnh đất lịch sử ấy, đám người khiêu vũ vẫn còn có thể lợi dụng phần nhạc của tôi vì không ai tắt micro ở phía trên tôi. Tiếng trống tôi vang xa đến tận Cửa Oliva. Chung cuộc, các chàng trai ưu tú ở dưới chân khán đài, với sự giúp sức của chú hổ xổng chuồng của Jimmy, đã xua được tất thẩy khỏi Đồng cỏ Tháng Năm trừ những bông cúc.

Ngay cả khi tôi để cái trống của mình hưởng những phút nghỉ ngơi xứng đáng, những tay trống thiếu niên vẫn cứ tiếp tục. Phải một lúc sau nữa, ảnh hưởng âm nhạc của tôi mới nhạt dần.

Oskar không thể rời chỗ ẩn náu ngay lập tức: các nhân viên SA và SS bỏ cả hơn tiếng đồng hồ hết đá vào các ván gỗ lại chọc khuấy các kẽ hở, làm thủng lỗ chỗ những bộ đồng phục nâu và đen. Hình như họ đang tìm một cái gì bên dưới khán đài, có lẽ một tên Xã hội hoặc một toán Cộng sản phá hoại. Tôi sẽ không kể những thủ thuật và thao tác lẩn tránh của tôi. Chỉ cần nói rằng họ không tìm thấy Oskar vì họ đâu phải là đối thủ của nó.

Cuối cùng, tĩnh lặng ngự trị trong cái mêung bằng gỗ này của tôi; chỗ này ước chừng rộng bằng cái bụng con cá voi trong đó Jonah[25] đã ngồi ba ngày trời với chiếc áo tông đồ bê bết mỡ cá voi trên lưng. Nhưng Oskar đâu phải là thánh tông đồ, nó đã bắt đầu thấy đói. Chẳng có Thượng Đế để phán bảo: "Hãy đứng dậy và đi đến Nineveh, truyền đạo cho thành phố lớn đó". Cả đối với tôi nữa, Thượng Đế cũng chẳng cảm thấy cần phải làm cho một quả bầu mọc lên để rồi sau đó lại cho một con sâu đục ruỗng nó. Tôi chẳng hơi đâu mà khóc thương quả bầu, Kinh Thánh hay thành Nineveh cho dù nó có mang tên Danzig đi nữa. Tôi nhét cái trống rất chi là phi-Kinh Thánh vào dưới áo chui đầu và tập trung vào những vấn đề rắc rối của tôi. Thận trọng né tránh những xà dầm trên đầu và những cái đinh chồi lên, tôi tự lực lần mò ra khỏi những khúc ruột của một cái khán đài dành cho những cuộc mít-tinh và biểu tình các loại, song ngẫu nhiên lại có kích thước của một con cá voi nuốt thánh tông đồ vào bụng.

Ai rỗi hơi để ý đến một thằng nhóc ba tuổi miệng huýt sáo đi men Đồng cỏ Tháng Năm hướng về phía Cung Thể Thao? Đằng sau sân quần vợt, bọn đồng diễn với tôi ở chân khán đài đang vừa đeo trống, kèn, sáo vừa nhảy lò cò. Bị phạt rồi, tôi nhận xét khi thấy chúng nhảy lóc cóc theo nhịp còi của thằng trùm. Tách hẳn khỏi bộ sậu xúm xụm lại của y, Löbsack đang đi tới đi lui, một mình với cái bướu của mình. Quay đằng sau trên gót ủng mỗi lần tới đầu mút, y dần dần tróc hết rễ dám cỏ và hoa cúc trên đường đi.

Bữa trưa đã dọn lên bàn khi Oskar về tới nhà. Có hămbơgơ với khoai tây luộc, bắp cải đỏ và bánh pút-đinh sôcôla với kem vani làm món tráng miệng. Matzerath chẳng nói chẳng rằng. Mẹ thì nghĩ tận đâu đâu. Buổi chiều, có một cuộc cãi vã trong gia đình về chủ đề ghen tuông và Sở Bưu chính Ba Lan. Tối đến, một cơn dông giải nồng, rồi mưa rào đột ngột với khúc độc tấu trông tuyệt vời bằng mưa đá làm bè đệm. Cái trống đã mệt nhoài của Oskar lúc này có thể nghỉ ngơi và lắng nghe

NHỮNG MẶT CỬA HÀNG

Trong nhiều năm, chính xác ra là cho đến tháng 11 năm 1938, tôi và cái trống của tôi đã bỏ ối thời gian nấp dưới các khán đài, quan sát những cuộc biểu tình thành công hoặc không mấy thành công, phá vỡ một số cuộc mít-tinh, làm cho nhiều diễn giả điên đầu, biến những bài hát ngợi và hành khúc thành các điệu van-xơ và fôc-xt’rốt.

Giờ đây tôi là một bệnh nhân trong một bệnh viện tâm thần và tất cả những cái đó đã trở thành lịch sử, thành chuyện cũ rích, đồ đồng nát, mặc dầu vẫn còn được bàn luận đến luôn. Tôi đã có đủ độ lùi cần thiết để đánh giá đúng đắn hoạt động đánh trống của mình dưới các khán đài. Tôi không bao giờ có ý tự xem mình như một người kháng chiến: có đáng kể gì nếu như tiếng trống của tôi đã phá vỡ sáu, bảy cuộc mít-tinh và làm loạn nhịp bước của dăm ba đoàn người diễu hành? Cái từ "kháng chiến" ấy đã trở nên rất thời thượng. Người ta nói nào là "tinh thần kháng chiến", nào là "giới kháng chiến". Thậm chí người ta còn bàn đến “kháng chiến hướng nội" hoặc "di cư tinh thần" nữa. Ấy là chưa kể những con người can đảm và không khoan nhượng tự gọi mình là Chiến sĩ Kháng chiến bởi lẽ họ đã chịu phạt vì đã không che kín đèn phòng ngủ khi có báo động không kích trong thời kỳ chiến tranh.

Ta hãy ngó nhìn một lần nữa bên dưới những khán đài của Oskar. Có phải Oskar đã đánh trống vì nhân dân không? Phải chăng, theo lời khuyên của ông thầy Bebra, nó đã giành quyền chủ động và kích thích dân chúng nhảy trước khán đài? Phải chăng nó đã làm rối trí Löbsack, người trưởng ban đào tạo sắc sảo và đầy bản lĩnh? Có phải chính nó, vào một ngày Chủ nhật (với bữa ăn nhất món) tháng 8 năm 1936 và nhiều lần sau đó, đã phá vỡ những cuộc tập hợp của Đảng áo nâu bằng một cái trống tuy sơn đỏ và trắng nhưng không phải là Ba Lan?

Vâng, tôi đã làm tất cả những điều đó. Nhưng có phải vì thế mà tôi, cái thằng đang nằm trong nhà thương điên này, là một Chiến sĩ Kháng chiến không? Tôi phải trả lời: không, và tôi hy vọng cả quý vị nữa, những người không bị nhốt trong bệnh viện tâm thần, cũng đừng nhìn tôi như một cái gì khác hơn là một gã lập dị, gã này, vì những lý do riêng tư, hơn thế nữa, mang tính chất mỹ học, đồng thời cũng bởi tâm niệm lời dạy của ông thày Bebra, đã khước từ kiểu cắt may và màu sắc của các bộ đồng phục, tiết tấu và âm điệu của loại nhạc thường được chơi ở các khán đài, do đó đã tấu lên tí ti phản kháng trên cái trống vốn chỉ là một thứ đồ chơi trẻ con.

Vào thời kỳ ấy, với một cái trống đồ chơi cà khổ, bạn có thể khiến những người trên và trước một khán đài nghe mình và phải nói rằng tôi đã hoàn thiện cái ngón này như đã hoàn thiện giọng ca tầm xa diệt-thủy-tinh. Bởi vì tôi không chỉ dùng tiếng trống tấn công các cuộc biểu tình sắc nâu. Oskar còn nấp cả dưới các khán đài của bọn Đỏ và bọn Đen, của bọn Hướng đạo sinh và bọn Áo Xanh, của tổ chức Chứng Nhân Jehovah và băng Râu Đỏ, của Những Người Ăn Chay và Phong trào Thanh niên Ba Lan vì Tầng Ozone Sạch. Tha hồ cho họ muốn hát gì, đánh trống khua chiêng điệu gì, hô hào rao giảng gì, trống tôi vẫn át giọng tất.

Phải, công cuộc của tôi là hủy hoại. Và những gì cái trống của tôi không thắng nổi thì giọng tôi diệt nốt. Cho nên, cùng với những cuộc tấn công ban ngày vào sự đối xứng của các khán đài, tôi bắt đầu hoạt động cả ban đêm: mùa đông 1936-37, tôi sắm vai kẻ cám dỗ.

Chính bà ngoại Koljaiczek đã cho tôi những cẫn đầu tiên về nghệ thuật cám dỗ đồng bào tôi. Mùa đông khắc nghiệt năm ấy, bà tôi mở một quày bán trong khu chợ mỗi tuần họp một lần ở Langfuhr; bà ngồi đó trong bốn chiếc váy, rao mời bằng một giọng ảo não: "Trứng tươi mới, bơ vàng óng, ngỗng choai choai không béo không gày." Phiên chợ vào ngày thứ ba, bà đáp chuyến tàu chợ trên đường ray hẹp từ Viereck; ít phút trước khi đến Langfuhr, bà thay đôi dép đi trên tàu bằng một đôi guốc thô xấu xí, xách hai cái làn đi về phía quầy hàng trong phố Bahnhof-strasse. Phía trên quầy có treo tấm biển: Anna Koljaiczek, Bissau. Dạo ấy, trứng mới rẻ làm sao! Một gulden[26] được những hai tá rưỡi và bơ Kashubes còn rẻ hơn cả macgarin. Bà tôi ngồi giữa hai mụ hàng cá, mụ này rao: "Cá thu!" mụ kia mời: "Mua cá bơn tươi đi!"

Cái rét làm cho bơ rắn như đá, giữ cho trứng tươi lâu, biến vẩy cá thành lưỡi dao cạo và tạo việc làm cho một người đàn ông độc nhãn tên là Schweirdtfeger: bác ta hơ nóng gạch trên một ngọn lửa than, gói vào giấy báo rồi cho các bà bán hàng ở chợ thuê.

Cứ đng đầu mỗi giờ, Schweirdtfeger lại đẩy một viên gạch nóng vào dưới bốn cái váy của bà tôi. Bác ta dùng một cái xẻng bẹt bằng sắt đẩy cái gói bốc hơi dưới những gấu váy chỉ hơi vén lên một tí, trút nó khỏi xẻng và thu hồi hòn gạch của giờ trước lúc này đã gần lạnh.

Sao mà tôi thèm được như những viên gạch gói trong giấy báo ấy, những cái kho chứa và ban phát hơi ấm ấy! Cho đến bây giờ, tôi vẫn ước ao được là một viên gạch nung nóng, luôn luôn được thay thế bằng chính mình, nằm dưới những cái váy của bà tôi. Quý vị sẽ hỏi: Oskar tìm kiếm cái gì dưới những cái váy của bà ngoại nó? Nó muốn bắt chước ông ngoại Koljaiczek của nó và giở trò luông tuồng với bà lão chăng? Hay nó tìm sự quên lãng, một mái ấm, một cõi Niết Bàn tối hậu?

Oskar xin trả lời: tôi tìm châu Phi dưới những cái váy hoặc có lẽ là Napolmà - như quý vị đều biết - ai cũng muốn được thấy trước khi chết. Đó là đường phân thủy, tụ điểm của mọi dòng nước; nơi đây, những ngọn gió đặc biệt thường xuyên thổi, hoặc chẳng có ngọn gió nào hết; nơi đây, khô và ấm mà lại có tiếng mưa xào xạc; nơi đây, những con tàu cập bến hoặc nhổ neo ra khơi; nơi đây, Oskar ngồi bên Chúa Trời, cha chúng ta, vốn yêu sự ấm áp; nơi đây, quỷ Xatăng lau cái ống nhòm của hắn và các thiên thần chơi trò bịt mắt bắt dê; dưới những cái váy của bà tôi, bao giờ cũng là mùa hè, ngay cả vào thời điểm phải thắp nến trên cây Nô-en hoặc đi lùng những quả trứng cho ngày lễ Phục sinh, ngay cả vào dịp Lễ Các Thánh. Không ở đâu tôi có thể thuận hòa với quyển lịch hơn là dưới những chiếc váy của bà ngoại tôi.

Nhưng bà hiếm khi cho tôi nương náu dưới cái lều của bà, và ở ngoài chợ thì lại càng tuyệt đối không. Tôi ngồi bên cạnh bà trên một cái hòm, nhận một chút gì như là hơi ấm từ cánh tay bà và nhìn những viên gạch đến rồi đi. Chính ở đây tôi đã học những thuật cám dỗ người của bà tôi. Đồ nghề của bà là cái túi tiền cũ của ông Vincent Bronski buộc vào một sợi dây. Bà vứt nó lên mặt tuyết đã rắn lại trên vỉa hè. Không ai ngoài bà tôi và tôi có thể nhìn thấy sợi dây lẫn với cát xám do xe và người qua lại rắc lên mặt tuyết trơn.

Các bà nội trợ đi đi lại lại. Mặc dầu hàng của bà tôi giá rất rẻ, họ vẫn không muốn mua; họ thích được cho không, hoặc nếu có thể, thêm thắt chút ít. Với tâm thế ấy, một bà nào đó có thể cúi xuống định nhặt cái hầu bao của ông Vincent, những ngón tay bà ta đã chạm vào nó. Bấy giờ bà tôi men giật lưỡi câu, kéo cái con cá ăn mặc đẹp đẽ nhưng hơi bối rối về phía quầy mình: "Thế nào, bà thân mến, bà ưng thứ gì: một chút bơ giàu kem vàng óng hay mớ trứng tươi, một gulden hai tá rưỡi?"

Đó là cách bà Anna Koljaiczek bán hàng. Tôi học được ở đó ma thuật của cám dỗ, không phải cái kiểu cám dỗ đã kéo bọn con trai mười bốn tuổi ở chung cư chúng tôi xuống hầm nhà chơi trò thày thuốc-bệnh nhân với con Susi Kater đâu. Cái đó không mảy may cámỗ tôi. Tôi tránh nó như tránh hủi từ sau cái lần bọn tiểu yêu Axel Mischke và Nuchi Eyke, trong vai người hiến xêrum, và Susi, trong vai bác sĩ, bắt tôi, bệnh nhân, phải nuốt những thứ thuốc tuy không đầy sạn cát như món xúp gạch nhưng để lại một dư vị như cá thối rữa. Cám dỗ của tôi là phi vật thể và giữ khoảng cách với nạn nhân của nó.

Khá lâu sau khi đêm xuống, một hoặc hai giờ trước lúc các cửa hiệu đóng cửa, tôi trốn mẹ tôi và Matzerath lỉnh ra phố trong đêm đông. Đứng dưới một vòm cửa khuất gió, tôi phóng mắt qua con phố im lặng, hầu như vắng tanh nhìn sang những mặt cửa hàng bày những món ăn đặc sản, quần áo giày dép, đồng hồ, nữ trang, các thứ hàng vừa hấp dẫn vừa dễ mang. Tất cả các mặt cửa hàng đều không sáng đèn. Quả thật, tôi ưng nhằm những cửa hàng tôi tối nằm ngoài quầng sáng của những ngọn đèn đường, vì ánh sáng thu hút mọi người, kể cả những kẻ bình thường nhất, trong khi chỉ những người xuất sắc mới thích nấn ná trong khoảng tranh tối tranh sáng.

Tôi không quan tâm đến loại người la cà ngó nghiêng vào các tủ kính sáng choang, chú ý xem nhãn ghi giá hàng hơn chính bản thân hàng, hoặc những kẻ đứng soi mình vào mặt kính cửa hàng để xem mũ đội có ngay ngắn không. Loại người tôi rình ngóng trong những đêm rét khô, những đêm mà không trung đầy những bông tuyết lớn lặng lẽ, hoặc dưới vầng trăng mùa đông như sáp ong, là những người dừng chân nhìn vào các tủ kính cửa hàng như thể đáp lại một lời kêu gọi; mắt họ không láo liên vô mục đích mà nhanh chóng cố định, ngay trên một vật duy nhất.

Tôi là người đi săn, họ là con mồi của tôi. Công việc của tôi đòi hỏi phải kiên nhẫn, lạnh lùng và con mắt tinh tường chuẩn xác. Có đủ những điều kiện ấy rồi, đến lượt giọng tôi ra chiêu hạ thủ con mồi, không đau đớn cũng chẳng chút đổ máu... Bằng cách dụ dỗ. Dụ dỗ kiểu gì?

Dụ dỗ ăn cắp. Bằng tiếng kêu vô thanh nhất của mình, tôi cắt một đường tròn trên mặt kính cửa hàng ngang tầm với ng bên dưới, gần món hàng yêu thích. Rồi bằng một nhấn giọng cuối cùng, tôi hích nhẹ cho khoanh kính tròn vừa cắt rơi vào phía bên trong tủ bày hàng với một tiếng lanh tanh nhanh chóng tắt lịm, tuy nhiên đó không phải là tiếng thủy tinh vỡ. Oskar đứng ở quá xa không nghe thấy cái âm thanh đó. Nhưng người thiếu phụ mặc chiếc măng-tô nâu đã sờn và quàng khăn lông thỏ thì nghe thấy và đồng thời trông thấy cái lỗ tròn; nàng giật thót người làm chiếc khăn choàng lông thỏ rung rung và sắp sửa định bước đi qua lớp tuyết nhưng rồi lại đứng sững, có lẽ vì tuyết đang rơi dày hơn và mọi sự đều được phép khi tuyết đang rơi miễn là tuyết rơi dày. Tuy nhiên, nàng vẫn nhìn quanh, hoài nghi những bông tuyết, như thể đằng sau những bông tuyết, không phải chỉ là những bông tuyết khác mà còn có một cái gì khác nữa. Và nàng vẫn còn nhìn quanh khi rút bàn tay phải ra khỏi chiếc bao tay cũng bằng lông thỏ. Thế rồi nàng thôi không nhìn quanh nữa và thò tay qua cái lỗ tròn, gạt khoanh kính, vừa rớt trên đối tượng thèm muốn, và lần lượt rút từng chiếc một của đôi giày da lộn màu đen qua cái lỗ mà không làm xước gót hoặc cứa tay vào cạnh thủy tinh sắc. Một cái bên trái, một cái bên phải, đôi giày biến vào trong túi áo măng-tô của nàng. Trong một thoáng vừa đủ cho năm bông tuyết rơi, Oskar trông thấy một gương mặt xinh đẹp nhưng không có cá tính; có lẽ - nó chợt nghĩ - đây là một người mẫu của đại thương xá Sternfeld. Rồi nàng lẫn vào màn tuyết rơi, thoáng hiện trở lại một lần nữa trong quầng sáng vàng vàng của ngọn đèn đường tiếp theo và cuối cùng, dù là người mẫu tự do hay cô dâu mới, nàng cũng biến mất hẳn.

Công việc hoàn thành - và xin hãy tin tôi: rình núp chờ đợi mà không được đánh trống rồi dùng giọng khoét gọn một miếng tròn xoay trên mặt kính băng giá, là một công việc khó khăn gian khổ - tôi cũng lên đường về nhà, không có chiến lợi phẩm, nhưng với một ngọn lửa nóng rực và một ớn lạnh trong tim.

Thuật dụ dỗ của tôi không phải bao giờ cũng thành công rõ rệt như vậy. Một trong những tham vọng của tôi là biến một cặp tình nhân (hay vợ chồng) thành một cặp kẻ trộm. Hoặc cả hai đều không muốn, hoặc khi chàng đã thò tay thì nàng liền giật lại; hoặc giả nàng là người cả gan dám làm, trong khi chàng quỳ xuống van nài, kết quả là nàng nghe theo nhưng từ đó coi khinh chàng mãi mãi. Có lần tôi dụ dỗ một cặp tình nhân trẻ, trong tuyết rơi, nom họ lại càng trẻ măng. Lần này là một cửa hàng nước hoa. Chàng đóng vai người hùng và lấy một lọ nước hoa Cologne. Nàng khóc thút thít và nói nàng không muốn. Nhưng chàng muốn nàng phải thơm tho và cứ làm theo ý mình. Nhưng khi đến cột đèn gần nhất, cô gái trẻ kiễng chân lên hôn chàng - cử chỉ của cô trắng trợn như thể định trêu ngươi tôi - cho đến khi anh chàng đành quay lại đặt lọ nước hoa về chỗ cũ.

Tôi cũng đã nếm trải nhiều kinh nghiệm tương tự với những ông già mà bước chân thoăn thoắt của họ trong đêm lạnh hứa hẹn với tôi một cái gì, song kết quả lại không như tôi chờ đợi. Họ dừng lại thèm thuồng trước một cửa hàng bán xì-gà, trong khi ý nghĩ lại lang bang tận La Havana, Brazil, hay quần đảo Brissago. Nhưng khi giọng tôi hoàn thành lát cắt quen thuộc và một lỗ tròn hiện ra ngay trước một hộp "Black Wisdom" thì một con dao nhíp bỗng gập đánh tách trong tim họ. Thế là họ quay đằng sau, chống gậy sang đường và rảo bước qua trước vòm cửa nơi tôi đứng mà không hề nhìn thấy tôi, tạo cho Oskar một cơ hội để cười vẻ mặt nhớn nhác của họ, phải, nom họ như vừa bị quỷ dữ nhát cho một trận run bắn người vậy. Nhưng có một thoáng lo lắng trong nụ cười của tôi vì các ông già tội nghiệp ấy – phần lớn các ông nghiện xì-gà thâm căn cố đế đều rất già - rõ ràng đã đổ mồ hôi lạnh và điều đó dễ khiến các ông đột quỵ vì cảm hàn, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi.

Phần lớn các cửa hàng trong khu ngoại ô này của chúng tôi đều đã mua bảo hiểm chống trộm cắp và mùa đông năm ấy, các công ty bảo hiểm phải trả những khoản bồi thường lớn. Tuy tôi không bao giờ tạo điều kiện cho những vụ cướp bóc quy mô lớn và cố ý khoanh những lỗ thật nhỏ chỉ đủ lọt một hay hai vật ra khỏi tủ bày hàng, nhưng những vụ trộm được báo cáo nhiều đến nỗi cảnh sát hầu như không lúc nào được nghỉ ngơi, vậy mà vẫn bị báo chí chỉ trích kịch liệt. Từ tháng 11/1936 tháng 3/1937 khi Đại tá Koc thành lập một Chính phủ Mặt trận Dân tộc ở Vacxava, sáu mươi tư vụ trộm hụt và hai mươi tám vụ trộm thành công đã được thống kê. Dĩ nhiên, đa số những bà già, con sen, thày cô giáo về hưu nọ đâu có năng khiếu ăn trộm và thường thường, cảnh sát có thể thu hồi lại vật mất cắp ngay ngày hôm sau; hoặc giả tay đạo chích nghiệp dư, sau khi được món đồ bấy lâu ao ước, lại bị nó hành cho mất ngủ cả đêm, và sáng ra không nghĩ được điều gì đáng làm hơn là đến gặp cảnh sát mà rằng: "Ừm, tôi xin lỗi. Điều này sẽ không bao giờ tái diễn. Bỗng dưng hiện ra một cái lỗ ở mặt kính và khi tôi mới hoàn hồn được nửa phần thì đã thấy mình ở cách đó ba khối nhà và bàng hoàng phát hiện ra một đôi găng da bê đẹp tuyệt trần, chắc là đắt tiền lắm, nằm gọn trong túi áo ba-đờ-xuy của mình."

Bởi chừng cảnh sát không tin rằng trên đời lại có phép lạ, nên cả những kẻ bị bắt với tang vật lẫn những người tự nguyện đến thú tội đều bị phạt giam từ bốn đến tám tuần.

Thi thoảng tôi cũng bị giam trong nhà vì đương nhiên mẹ ngờ rằng cái giọng diệt-thủy-tinh của tôi có liên quan đến đợt phạm tội này, tuy mẹ rất thận trọng, không thừa nhận với bản thân, càng không nói gì với cảnh sát.

Đôi khi, Matzerath lên mặt tuân thủ pháp luật, nghiêm nghị tra hỏi tôi. Tôi không chịu trả lời, lẩn tránh một cách ranh ma đằng sau cái lá chắn tạo nên bởi cái trống và trạng thái chậm phát triển của đứa trẻ mãi mãi ở tuổi lên ba. Sau những cuộc hỏi cung như vậy, bao giờ mẹ cũng kêu lên: "Chỉ tại cái lão lùn đã hôn lên trán nó. Xưa nay Oskar có bao giờ thế đâu. Ngay lúc trông thấy thế, tôi đã biết là sẽ có chuyện mà."

Tôi phải thừa nhận là Bebra có một ảnh hưởng lâu dài đối với tôi. Ngay cả những đợt phạt giam tại gia cũng không ngăn nổi tôi "trốn trại" khoảng một tiếng gì đó, bất cứ lúc nào có thể; thời gian đó đủ cho tôi cất giọng khoét cái lỗ tròn khét tiếng trên mặt kính một cửa hàng và biến một thanh niên đầy triển vọng, ngẫu nhiên bị những hàng bày cám dỗ, trở thành chủ nhân của một chiếc cà-vạt màu vang đỏ bằng lụa tinh chất.

Nếu quý vị hỏi tôi: phải chăng cái ác đã sai khiến Oskar gia tăng thêm sự cám dỗ vốn đã rất mạnh của một tủ kính cửa hàng bóng loáng, bằng cách mở một lỗ có thể thò tay qua? thì tôi phải trả lời: Vâng, đó là cái ác. Dù chỉ là do tôi nấp trong bóng tối của những cửa vào: hẳn ai cũng biết cửa vào nhà là nơi trú ngụ ưa thích của cái ác. Mặt khác - đây không phải nhằm giảm nhẹ tính chất hiểm độc của những hành động đó bởi giờ đây tôi chẳng còn cơ hội hoặc ham thích cám dỗ ai - tôi buộc phải nói với bản thân cũng như với Bruno tay y tá trông nom tôi: Oskar, mày không chỉ thỏa mãn những ước muốn nhỏ bé và trung bình của những kẻ lặng lẽ đi trong mưa tuyết, những con người, nam và nữ, yêu thích một vật nào đó trong mơ ước; không, mày còn giúp họ thấu hiểu bản thân mình nữa. Nhiều phu nhân ăn vận sang trọng, nhiều ông già lịch sự phong nhã, nhiều bà độc thân lớn tuổi nhờ sùng đạo mà giữ mình được trẻ lâu, ắt sẽ không bao giờ biết được tên trộm ẩn trong tâm mình nếu như mày không cất giọng để dụ dỗ họ ăn cắp; đó là chưa kể là giọng mày đã làm thay đổi cách nhìn của những công dân chính trực trước đó vẫn coi tên vụng về nhất trong bọn ăn trộm vặt như một tội phạm nguy hiểm.

Tôi đã rình ông ta nhiều tối liền. Đã ba lần ông không chịu nhượng bộ, nhưng đến lần thứ tư thì trở thành tên trộm mà cảnh sát không bao giờ truy lùng ra. Ông là ai? Tiến sĩ Erwin Scholtis, vị Công tố ủy viên đáng sợ của Tòa Đại hình. Nghe nói ông đã trở thành một luật gia hiền hòa, khoan dung, gần như nhân đạo trong việc quyết án, chính bởi vì ông đã hiến tế cho tôi, á thần của giới đạo chích, bằng cách ăn trộm một cái chổi cạo râu bằng lông lừng chính cố

Một đêm tháng 1/1937, tôi đứng hồi lâu run rẩy bên kia đường trông sang một hiệu kim hoàn được coi là một trong những cửa hàng vàng bạc đá quý lớn nhất của tỉnh mặc dầu nó nằm khuất ở cái phố ngoại ô yên tĩnh với hai hàng cây thích này. Cái tủ kính bày những đồ trang sức và đồng hồ thu hút một số con mồi mà tôi ắt sẽ bắn gục không chút do dự nếu như họ đang ngó vào những tủ bày hàng khác như tất lụa, mũ nhung hoặc rượu mùi.

Đó là do tác động của đồ kim hoàn. Anh bỗng trở nên kỹ tính, chậm phản ứng, chỉnh nhịp của mình theo những chuỗi hạt bất tận. Tôi không đo thời gian bằng phút nữa mà bằng năm-ngọc-trai, xuất phát từ nguyên lý là chuỗi hạt trai sống lâu hơn cổ người đeo nó, cổ tay rồi sẽ nhăn nheo nhưng vòng ngọc thì không, và những lăng mộ cổ vẫn còn đầy nhẫn trong khi những ngón tay đã tiêu từ lâu. Tóm lại, trong đám dòm-tủ-kính, tôi xét thấy người này thì quá kênh kiệu còn kẻ kia lại quá tầm thường không đáng đeo đồ châu ngọc.

Tủ kính mặt ngoài cửa hiệu kim hoàn của Bansemer không bày quá nhiều đồ. Mấy cái đồng hồ chọn lọc, đồ Thụy Sĩ hảo hạng, một bộ nhẫn cưới trên nền nhung xanh da trời và ở chính giữa là sáu-bảy mặt hàng thượng thặng. Một con rắn cuộn ba khúc làm bằng vàng nhiều màu, cái đầu chạm tinh vi với hai viên xa-phia làm mắt, được tôn giá trị và rực rỡ thêm bởi một viên hoàng ngọc và hai hột xoàn. Bình thường, tôi vốn không thích nhung đen, nhưng cái miếng nhung đen trên đó Bansemer đặt con rắn thì thật là hợp, cũng như miếng nhung xám toát ra một sự tĩnh lặng khêu gợi dưới những đồ bạc chạm trổ hết sức hài hòa. Một chiếc nhẫn gắn hạt ngọc đẹp đến mức có thể dám chắc nó sẽ làm lu mờ bất cứ bàn tay đẹp nào đeo nó và ngày càng đẹp hơn cho tới khi nó đạt đến độ bất tử vốn là đặc quyền của châu ngọc.

Những chuỗi hạt không ai đeo vào mà không bị trừng trị vì mọi cái cổ mang chúng đều sẽ lộ rõ nét thô kệch. Và cuố trên một nệm nhung vàng nhạt được tạo hình đơn giản như một cái cổ, là một bộ dây chuyền cực nhẹ. Kết cấu tinh vi mà như đùa giỡn, một mạng tơ tưởng chừng chỗ nào cũng có thể đứt. Con nhện nào có thể nhả tơ vàng để bắt bảy viên hồng ngọc, sáu nhỏ một lớn, trong mạng lưới này? Và con nhện ấy đâu, nó mai phục cái gì? Chắc chắn không phải để bắt thêm những viên hồng ngọc, mà nhằm một người nào đó thì đúng hơn; một người bị hút mắt vào những viên hồng ngọc sa lưới nằm đó như những giọt máu đóng khuôn - nói cách khác: tôi nên cho ai bộ dây chuyền ấy cho phù hợp với kế hoạch của tôi và của con nhện nhả tơ vàng?

Đêm mười tám tháng giêng năm 1937, một đêm mưa tuyết tỏa ra cái mùi như dự báo tuyết còn tiếp tục rơi, một đêm thuộc loại dành cho ai muốn đổ thừa cho tuyết phải chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì có thể xảy ra, tôi trông thấy, trên lớp tuyết đã rắn lại xào xạo dưới chân người, Jan Bronski đang đi sang đường cách vị trí quan sát của tôi không xa; tôi thấy bác đi qua hiệu kim hoàn không hề ngước nhìn lên, rồi bỗng nhiên ngập ngừng, đúng hơn, dừng sững lại như tuân theo một hiệu lệnh. Bác quay lại hay bị cưỡng bức quay lại - và kia, Jan Bronski đang đứng trước cái tủ bày hàng giữa lặng lẽ đám cây thích tuyết phủ trắng xóa.

Ông bác Bronski đẹp trai, quá đẹp trai, bao giờ cũng hơi ốm yếu, phục tùng trong công việc và tham lam trong tình yêu, một con người đần độn đắm đuối vì sắc đẹp, Jan Bronski, người sống bởi da thịt mẹ tôi, người mà cho đến nay tôi vẫn nửa tin nửa ngờ là đã sinh tôi nhân danh Matzerath, bác đang đứng trong chiếc pa-đờ-xuy trang nhã có lẽ do một tay kéo Vacxava cắt may và trở thành một pho tượng chân dung của chính mình, một biểu tượng hóa đá. Giống như Perceval[27], bác cũng đứng trong tuyết, chỉ khác cái là Perceval tập trung chú ý vào những giọt máu trên tuyết, còn Jan thì lại dán mắt vào những viên hồng ngọc của bộ dây chuyền vàng.

Lẽ ra tôi đã có tể lên tiếng hoặc gõ trống khuyến cáo bác đi khỏi. Cái trống ở kề bên tôi. Tôi có thể cảm thấy nó dưới áo măng-tô. Tôi chỉ việc cởi một cái khuy áo là nó sẽ lộ ra trong đêm giá lạnh. Tôi chỉ việc thò tay vào túi áo măng-tô là đôi dùi sẽ sẵn sàng hành động. Chàng săn Hubert[28] ghìm mũi tên của mình lại khi con hươu vô thường hiện ra trong tầm ngắm. Saul trở thành thánh Paul. Attila[29] quay lui khi Giáo hoàng Leo[30] giơ ngón tay có đeo nhẫn lên. Nhưng tôi đã bắn mũi tên của tôi đi, tôi không cải giáo, tôi không quay lại, tôi, Oskar, vẫn là thợ săn quyết hạ con mồi, tôi không cởi khuy áo măng-tô cho cái trống phơi mình ra trong đêm giá lạnh, tôi không bắt chéo đôi dùi trên mặt trống trắng toát một màu trắng đông hàn, tôi không biến cái đêm tháng giêng này thành một đêm đánh trống, mà chỉ lặng lẽ cất tiếng kêu vô thanh, kêu như kiểu một ngôi sao kêu (có lẽ thế) hoặc như một con cá dưới biển sâu có thể kêu. Tôi phóng tiếng kêu trước tiên vào đêm giá rét cho tuyết mới, cuối cùng có thể rơi, rồi phóng vào mặt kính, kính đậm đặc, kính quý, kính rẻ tiền, kính trong suốt, kính ngăn cách, kính giữa hai thế giới, lớp kính huyền bí, trinh bạch ngăn Jan Bronski với bộ dây chuyền vàng hồng ngọc, khoét một lỗ vừa đúng cỡ chiếc găng của Jan mà tôi biết rất rõ. Tôi đẩy cho khoanh cắt rơi vào trong như một cái cửa xạp, như cửa thiên đường hay cửa địa ngục: và Jan không nao núng, bác rút bàn tay đeo găng da sang trọng ra khỏi túi pa-đờ-xuy, đưa về phía thiên đường; từ thiên đường (hay địa ngục), bàn tay ấy lấy về một bộ dây chuyền với những viên hồng ngọc có thể làm hài lòng tất cả các thiên thần trên đời, kể cả những thiên thần sa ngã. Bàn tay nắm đầy hồng ngọc và vàng quay trở về trong túi và bác vẫn đứng đó cạnh cái tủ kính há miệng mặc dầu nán lại đó là rất nguy hiểm, mặc dầu chẳng còn những viên hồng ngọc nhỏ máu để nhắc bác, hoặc Perceval, hướng mắt về đâu.

Ôi Cha và Con và Thánh Thần! Đã đến lúc giải tán thánh thần, chớ; điều gì xảy đến với Jan, người cha. Oskar, đứa con, cởi khuy áo măng-tô, nhanh chóng nắm lấy dùi và thúc trống lên tiếng gọi: Cha! cha! cho đến khi Jan Bronski quay lại và chậm rãi, quá sức chậm rãi đi sang đường và tìm thấy Oskar, ở lối cửa vào.

Thật tuyệt vời: đúng lúc Jan - vẫn còn đờ đẫn trong cơn mê dại nhưng đã sắp giải cơn - quay lại nhìn tôi thì tuyết bắt đầu rơi. Bác giơ một tay ra đón tôi, không phải bàn tay đeo găng đã sờ vào những viên hồng ngọc, và dẫn tôi về nhà, lặng thinh nhưng không hề bối rối. Ở nhà, mẹ đang lo cho tôi và Matzerath, với vẻ nghiêm khắc thường ngày, đang dọa trình cảnh sát tuy không thật bụng định thế. Jan không giải thích gì cả; bác không ở lại lâu và cũng chẳng muốn chơi bài xì-cạt, mặc dầu Matzerath đã đặt bia lên bàn mời bác. Khi ra về, bác vuốt ve Oskar và Oskar hoang mang không hiểu là bác xin nó giữ kín chuyện hay chỉ là biểu biện tình thân.

Mấy ngày sau, Bronski tặng mẹ tôi bộ dây chuyền. Chắc chắn là mẹ thừa biết nó ở đâu ra nên mẹ chỉ đem ra đeo khi Matzerath vắng nhà. Mẹ đeo nó cho riêng mình mẹ hoặc vì bác Jan Bronski và có thể vì tôi nữa.

Ít lâu sau chiến tranh, tôi đem nó ra chợ đen ở Dussendorf đổi lấy mười hai tút Lucky Strikes và một cái cặp da.

CÓ GÌ LÀ LẠ

Bây giờ, nằm đây, trong cái bệnh viện tâm thần này, tôi thường tiếc cái năng lực ngày xưa khi tôi có thể phóng giọng mình qua đêm đông làm tan chảy băng giá kết thành hoa trên ô cửa sổ, khoét những lỗ trên tủ kính cửa hàng, vẽ đường cho kẻ cắp. Tôi sẽ khoái biết bao nếu có thể, chẳng hạn, giải tán mặt kính của cái lỗ nhòm ở cửa phòng tôi để Bruno người canh giữ tôi có thể quan sát tôi trực tiếp hơn.

Tôi đã đau khổ biết bao về việc bị mất đi năng lực ấy trong cái năm trước khi tôi phải nhập viện! Thi thoảng, tôi thử phóng một tiếng kêu vào khu ngoại ô Dussendorf khốn khổ, nơi tôi sống. Khi thấy chẳng ăn thua gì, bất chấp mọi cố gắng, tôi, kẻ xưa nay vốn ghê tởm bạo lực, những muốn nhặt một hòn đá mà ném vào cửa sổ một nhà bếp nào đó. Tôi rất thèm ra oai một cú, nhất là để cho Vittlar, chuyên gia bày tủ hàng, biết tay. Đã quá nửa đêm khi tôi trông thấy hắn đằng sau tủ kính của một cửa hàng thời trang đàn ông hoặc có lẽ một cửa hàng nước hoa. Mặc dầu rèm cửa che khuất từ thắt lưng trở lên, tôi vẫn nhận ra hắn ở đôi tất xanh xanh đỏ đỏ. Và mặc dầu hắn là (hay có thể là) môn đồ của tôi, tôi vẫn hết lòng khao khát có dịp hát cho tan tành tủ hàng của hắn, bởi lẽ dạo ấy và cả đến bây giờ, tôi vẫn không biết nên gọi hắn là ông thánh Jean hay tên phản Chúa Judas.

Vittlar thuộc dòng quý tộc, tên cái hắn là Gottfried. Sau cú ra giọng thất bại nhục nhã, tôi khẽ gõ lên mặt kính vẫn nguyên vẹn để khiến hắn chú ý đến tôi và hắn bước ra phố mấy phút để chuyện gẫu với tôi, tự chê bai những ngón trang trí của mình, và lúc đó, tôi đành gọi hắn là Gottfried vì lẽ giọng tôi không thể thực hiện được cái phép màu khiến tôi có đủ tư cách để gọi hắn là Jean hay Judas.

Cái thành tích ở cửa hiệu kim hoàn đã biến Jan Bronski thành một tên trộm và mẹ tôi thành kẻ oa trữ một bộ dây chuyền hồng ngọc, đã tạm thời kết thúc đợt luyện giọng của tôi trước các tủ kính bày những hàng hấp dẫn. Mẹ tôi trở nên ngoan đạo. Tại sao? Hẳn là việc dan díu với Jan Bronski, bộ dây chuyền lấy trộm, nỗi đau khổ ngọt ngào của đời một người đàn bà ngoại tình đã khiến mẹ thèm khát các phép bí tích tôn giáo. Tội lỗi trở thành thông lệ mới dễ dàng làm sao! Ôi, những ngày thứ Năm ấy: hẹn hò trên phố, gửi bé Oskar ở chỗ Markus, "tập luyện" hay một thôi đến thỏa mãn ở phố Thợ mộc, môka và bánh ngọt ở tiệm cà phê Weitzke, quay lại đón thằng bé cùng với dăm ba lời tán tụng của Markus kèm theo một gói chỉ tơ bán với giá gần như là cho không và lại lên chuyến xe điện số 5. Miệng tủm tỉm mà đầu óc nghĩ tận đâu đâu, mẹ tôi vui thích với quãng đường từ cửa Oliva qua Đại lộ Hindenburg, hồ như không để ý thấy Đồng cỏ Tháng Năm nơi Matzerath diễn tập các buổi sáng Chủ nhật. Mẹ thấy ghê cả răng khi đến đoạn đường vòng qua Cung Thể thao - sao mà cái tòa nhà hộp này có thể xấu xí đến thế ngay sau khi người ta vừa trải qua những giây phút đẹp đẽ! - một khúc cua nữa rồi kìa, đằng sau hàng cây bụi bặm là trường Conradinum với những học sinh đội mũ đỏ - thật tuyệt vời nếu như bé Oskar khi mười hai tuổi rưỡi cũng đội một cái mũ đỏ với một chữ “C" vàng óng, vào năm thứ nhất trung học, bắt đầu nghiền tiếng La-tinh, ra dáng một học sinh chính quy của trường Conradinum, một học sinh chuyên cần tuy có lẽ hơi vênh váo một chút.

Qua cầu chui, khi xe điện tiếp tục tiến về phía Reichskolonie và trường Helene Lange, những suy nghĩ của Matzerath phu nhân về trường Conradinum và về những cơ hội vô vọng của Oskar con trai bà tiêu tan dần. Một vòng cua nữa về phía tay trái, qua Nhà thờ Christ với cái gác chuông hình củ hành, rồi đến Quảng trường Max-Halbe, chúng tôi xuống ngay trước cửa hiệu tạp hóa Kaiser. Sau khi liếc nhìn vào tủ kính của kẻ cạnh tranh, chúng tôi rẽ vào phố Labesweig, đoạn đường vác thánh giá của mẹ. Lòng ngổn ngang trăm mối: tâm trạng bực bội chớm nở, đứa con dị dạng, lương tâm cắn rứt, sự nôn nóng muốn bắt đầu làm lại tất cả, giằng xé giữa thòm thèm và chán ngấy, giữa ác cảm và quý mến hồn hậu đối với Matzerath - mẹ tôi mệt mỏi lê bước dọc con phố Labesweig cùng với tôi và cái trống của tôi và gói chỉ tơ rẻ đến mức như là quà tặng, đi về phía cửa hàng, về phía những bó lúa mạch, dầu hỏa bên cạnh thùng cá trích, nho khô, nho tươi, hạnh đào và các loại gia vị, về phía những là bột bánh Bác sĩ Oetker, rau-mùi-tây-rửa-trắng, xúp Maggi và canh Knorr, dấm Kühne, cà phê Haag, mứt ngũ quả, về phía hai dải giấy bẫy ruồi phết mật ong, kêu vo vo ở hai âm độ khác nhau, phất phơ trên quầy hàng và về mùa hè, cứ hai ngày phải thay một lần, trong khi mẹng tâm hồn cũng phết mật ong suốt cả năm, hè cũng như đông, không ngừng cuốn hút hàng đàn tội lỗi vo ve ở các cung bậc cao, thấp, để rồi thứ Bảy nào cũng đến Nhà thờ Thánh Tâm xưng tội với Đức cha Giám mục Wiehnke.

Cũng như các chiều thứ Năm mẹ đem tôi lên phố tuồng như để chia sẻ gánh nặng tội lỗi với mình, các ngày thứ Bảy mẹ dẫn tôi đi trên những phiến đá chính giáo qua cửa nhà thờ, sau khi đã nhét cái trống của tôi dưới áo chui đầu hoặc áo măng-tô; bởi vì nếu không để tôi mang trống theo thì đừng hòng bắt tôi làm gì: tôi sẽ không nhúc nhích, không chạm tay vào trán, ngực và hai vai để làm dấu thánh giá, tôi sẽ không uốn đầu gối như là để xỏ giày và sẽ không ngồi yên ngoan ngoãn trên cái ghế gỗ nhẵn bóng để cho mấy giọt nước phép khô dần trên sống mũi.

Tôi vẫn còn nhớ ngôi nhà thờ này từ buổi lễ rửa tội cho tôi: đã có tí tranh cãi về cái tên tục người ta đặt cho tôi, nhưng cha mẹ tôi nhất quyết chọn Oskar và Jan, với tư cách là cha đỡ đầu, cũng tán đồng. Thế rồi Cha Wiehnke thổi vào mặt tôi ba lần - thấy bảo là để đuổi quỷ Xatăng ra khỏi tôi. Người ta làm dấu thánh giá, áp bàn tay, rắc muối và thực hiện nhiều biện pháp khác chống Xatăng. Đến miếu đường rửa tội, cả đoàn lại dừng. Tôi đứng yên trong khi người ta đọc kinh Credo và Cha chúng ta cho tôi. Sau đó, Cha Wiehnke thấy cần phải nói thêm một lần nữa: Vade retro Satanas (Cút đi, Xatăng) và chạm tay vào mũi, vào tai tôi, những tưởng làm như thế tức là khai mở các giác quan cho thằng bé Oskar, trong khi nó đã biết tỏng mọi sự ngay từ đầu. Rồi Cha muốn nghe tôi lớn tiếng trả lời một lần cuối và Cha hỏi: "Con có khước từ Xatăng không? Và mọi việc làm của nó? Và mọi vẻ lộng lẫy bề ngoài của nó?"

Trước khi tôi kịp lắc đầu – bởi lẽ tôi không hề có ý định khước từ - bác Jan đã thay tôi nói ba lần: "Con xin khước từ."

Mặc dù tôi không nói gì để cắt đứt quan hệ với Xatăng, Cha Wiehnke vẫn xức dầu thánh lên ngực và giữa hai bả v. Bên bồn nước thánh, lại kinh Credo một lần nữa, rồi cuối cùng, người ta nhúng tôi vào nước ba lần, xức dầu thánh lên da đầu tôi, quấn tôi vào một chiếc áo dài trắng để lấy vết, ban cho bác Jan cây bạch lạp phòng những ngày tăm tối, rồi tiễn chúng tôi ra về. Matzerath trả tiền, Jan bế tôi ra bên ngoài nhà thờ nơi chiếc taxi đang đợi trong thời tiết từ quang đến có mây và tôi hỏi tên Xa tăng trong tôi: "Mọi sự ổn cả chứ?"

Xatăng nhảy tâng tâng và thì thào: "Cậu thấy các cửa kính nhà thờ ấy chứ? Toàn bằng thủy tinh hết, toàn thủy tinh!"

Nhà thờ Thánh Tâm được xây dựng vào những năm đầu của Đế chế Đức, do đó, về phong cách, có thể coi là Tân-Gôtích. Vì phần xây gạch nhanh chóng đen xỉn lại và lớp đồng bọc cái tháp nhọn trên nóc cũng mau chuyển sang màu gỉ đồng truyền thống, nên chỉ những con mắt sành sỏi mới nhận ra sự khác biệt giữa nhà thờ xây kiểu Gôtích trung cổ với nhà thờ kiểu Gôtích hiện đại. Xưng tội thì ở nhà thờ kiểu cổ hay kiểu mới đều theo cùng một cách. Cũng y như Đức Cha Giám mục Wiehnke, hàng trăm Đức Cha Giám mục khác sau giờ làm việc ngày thứ Bảy, hàng trăm cha xứ khác ngồi vào phòng nghe xưng tội, áp một cái tai giáo chức đầy lông vào tấm lưới đen bóng để các tín đồ ra sức rót vào đó những chuỗi hạt-tội-lỗi sặc sỡ, lần lượt hết hạt này đến hạt khác.

Trong khi mẹ tôi, qua kênh nghe của Đức Cha Wiehnke, thưa trình những gì mình đã làm và bỏ qua không làm, những tư tưởng, lời nói và hành động của mình lên cấp tối cao của Giáo hội là quyền lực duy nhất mang lại sự cứu rỗi, thì tôi, vốn chẳng có gì để xưng tội, tụt khỏi cái ghế gỗ quá nhẵn nhụi đối với sở thích của tôi và đứng chờ trên sàn đá lát.

Tôi phải thừa nhận rằng sàn đá của các nhà thờ Thiên chúa giáo, cái mùi của một nhà thờ Thiên chúa giáo, trên thực tế, tất cả những gì thuộc về đạo Thiên chúa cho đến nay, vẫn làm tôi mê đắm như cách các cô gái tóc đỏ làm tôi mê đắm tuy tôi vẫn muốn thay đổi màu tóc của họ; rằng Thiên Chúa giáo luôn luôn đem lại cho tôi nguồn hứng khởi muốn báng bổ, điều đó chứng tỏ hoàn toàn rằng tôi đã được rửa tội thành một tín đồ Thiên Chúa giáo, tuy phù phiếm, nhưng dứt khoát, không cách chi hủy bỏ được. Nhiều khi, giữa lúc đang làm những việc hết sức thông tục, chẳng hạn như đánh răng hay thậm chí đang đi ngoài, tôi bỗng bắt chợt thấy mình lẩm bẩm luận về lễ Mi-xa đại loại như sau: Trong Thánh Lễ Mi-xa, việc Chúa Jêxu đổ máu được lặp lại, Người lại đổ máu để chuộc tội lỗi của chúng sinh. Chén máu của Chúa Jêxu, khi nào máu Chúa đổ, rượu vang liền thay đổi, trở thành máu Chúa đích thực, ngắm nhìn máu tối linh của Người, tâm hồn ta được rẩy máu của Jêxu, dòng máu quý, được gột rửa trong máu, máu chảy trong lễ ban thánh thể, nhục thể vấy máu; tiếng của máu Chúa Jêxu vang khắp các bầu trời, máu Chúa Jêxu tỏa một mùi thơm trước mặt Thượng Đế.

Quý vị phải công nhận rằng tôi vẫn giữ được một giọng tương đối thiên-chúa-giáo. Trước kia, tôi không bao giờ chờ tàu điện mà không đồng thời nghĩ đến Đức Mẹ Marie Đồng Trinh. Tôi gọi Người bằng rất nhiều tên đầy ơn phước, Trinh Nữ của các trinh nữ, Mẹ Nhân Từ Khoan Dung, Người đầy thiên ân trong các người nữ, Người xứng đáng với mọi sự kính yêu, Người đã mang thai Chúa, Mẹ dịu hiền, Mẹ Trinh bạch, Nữ Đồng Trinh quang vinh, hãy cho con tận hưởng sự ngọt ngào của cái tên Jêxu mà Người đã nâng niu trong dạ, bởi tên ấy là công bình và xứng đáng, chính trực và cứa rỗi, Nữ Hoàng của Thiên giới, nhiều lần ơn phước...

Đôi khi, nhất là vào những ngày thứ Bảy khi mẹ đưa tôi đến Nhà thờ Thánh Tâm, cái từ "ơn phước" ấy như một liều thuốc độc ngọt ngào ngấm vào tim tôi đến nỗi tôi thầm cảm ơn Xatăng không những vẫn sống sót sau lễ rửa tội của tôi mà còn cho tôi phương thuốc giải độc khiến tôi có thể vừa đi trên nền đá lát của Nhà thờ Thánh Tâm vừa báng bổ như một tín đồ Thiên Chúa giáo mà vẫn đứng thẳng.

Jêxu, mà nhà thờ này lấy tim Người làm tên gọi, chỉ hiển hiện trong các phép bí tích trên các tấm hình nhiều màu sắc về con đường vác thánh giá; ngoài ra còn có ba pho tượng màu thể hiện Người ở những tư thế khác nhau.

Một pho bằng thạch cao sơn. Người đứng trên một cái bệ vàng óng, tóc dài, vận một chiếc áo dài xanh, chân đi dép. Người phanh ngực áo và bất chấp mọi quy luật tự nhiên, phô ra ở chính giữa ngực mình một trái tim màu đỏ cà chua với vòng hào quang bao quanh, cách điệu, ròng ròng máu, để nhà thờ có thể lấy tên của bộ phận này.

Lần đầu tiên xem xét vị Jêxu có trái tim cởi mở này, tôi không khỏi bối rối nhận thấy một sự giống nhau giữa Đấng Cứu Thế và người cha đỡ đầu, bác và có thể là cha đẻ của tôi, Jan Bronski. Cũng đôi mắt xanh mơ màng đầy vẻ tự tin hồn nhiên ấy. Cũng cái miệng-nụ-hồng-mới-nở chúm chím lúc nào cũng như muốn hôn ấy. Cái nỗi đau rất đàn ông làm hằn nét đôi mày! Đôi má đầy đặn đỏ hồng hồng đòi được trừng phạt! Cả hai đều có cái bộ mặt mà đàn ông chỉ muốn đấm vào mũi, nhưng nữ giới thì lại ao ước được mơn trớn vuốt ve. Và đây nữa, đôi bàn tay như tay đàn bà được chăm chút cẩn thận, mệt mỏi, dị ứng với lao động, phô những vết xây xát như những kiệt tác của một thợ kim hoàn cung đình. Cái đôi mắt Bronski được vẽ lên mặt chúa Jêxu, đôi mắt chứa chất sự ngộ nhận của kẻ làm cha, khiến tôi bối rối sâu sắc. Chẳng phải mắt tôi cũng có cái nhìn xanh biếc chỉ có thể gây phấn khích mà không có khả năng thuyết phục đó sao?

Oskar rời khỏi trái tim ứa máu để tiến vào gian giữa, lướt nhanh từ chặng đầu của con đường Thánh Giá khi Chúa Jêxu vác Thánh Giá lên vai, đến chặng bảy nơi Người gục ngã lần thứ hai rồi đi tiếp tới ban thờ chính nơi treo pho tượng Jêxu thứ hai. Chúa Jêxu này nhắm mắt - có lẽ vì mệt hoặc để tập trung tư tưởng hơn. Chà, những bắp thịt mới oách làm sao! Ứng cử viên vô địch mười môn phối hợp này khiến tôi quên phắt Bronski-Thánh-Tâm. Mỗi lần mẹ xưng tội với Đức Cha Wiehnke là một lần tôi đứng thành kính ngắm vị lực sĩ trên ban thờ chính. Quý vị có thể tin rằng tôi đã cầu nguyện: Hỡực sĩ rất quý mến, tôi nói với chàng, lực sĩ của các lực sĩ, vô địch thế giới về môn treo trên Thánh Giá bằng đinh đúng quy chuẩn. Không một lần co giật hoặc rùng mình! Ngọn đèn thường trực còn rùng rình chứ chàng thì tuyệt đối nghiêm và đạt điểm tối đa có thể. Đồng hồ bấm giờ tích tắc tích tắc. Thời gian của chàng được tính bằng máy điện toán. Trong kho đồ thờ, những ngón tay không sạch sẽ lắm của ông bõ nhà thờ đang đánh bóng chiếc huy chương vàng. Nhưng Jêxu thì không phải để giật giải. Lòng sùng tín đến với tôi. Tôi quỳ xuống hết mình, làm dấu thánh giá trên cái trống của tôi và cố gắng liên kết những từ như "ơn phước" hay "bảy chặng khổ hình" với Jesse Owens[31] và Rudolf Harbig[32] và Thế Vận Hội Olympic năm ngoái ở Berlin; nhưng không phải bao giờ tôi cũng thành công vì tôi phải công nhận rằng Jêxu đã không chơi sòng phẳng fair play với hai tay kẻ trộm. Buộc phải loại chàng, tôi ngoảnh sang bên trái, lại nuôi những hy vọng mới: tôi trông thấy pho tượng thứ ba của chàng lực sĩ nhà trời ở phía trong của nhà thờ.

"Ta hãy nhìn kỹ ba lần rồi hãy cầu nguyện", tôi lắp bắp. Đặt chân lên những phiến đá lát theo môtíp bàn cờ vua, tôi đi về phía ban thờ bên trái. Cứ mỗi bước, tôi lại tự bảo: Chúa đang nhìn theo mày đấy, các thánh đang nhìn theo mày, thánh Pierre bị đóng đinh trên thánh giá lộn đầu xuống, thánh André bị đóng đinh vào một cây thập tự nghiêng - do đó mà có thành ngữ "thập tự Thánh André”. Có thập tự Hy Lạp và thập tự La-tinh còn gọi là thập tự Khổ Hình. Người ta in hình những thập tự kép, thập tự chống, thập tự chia độ trên vải, bưu ảnh và trong sách. Tôi đã thấy những chữ thập chân to, chữ thập mỏ neo, chữ thập ba múi khắc thành hình nổi đan chéo nhau. Chữ thập Moline mỹ miều, chữ thập Malta lắm kẻ ao ước, chữ thập ngoặc bị cấm trong khi chữ thập de Gaúlle, thập tự Lorraine, được gọi là thập tự Thánh Antoine trong những trận hải chiến. Cũng chữ thập Thánh Antoine ấy được đeo cùng với một dây chuyền, chữ thập kẻ trộm xấu xí, thập tự Giáo hoàng ba tầng đường bệ, và thập tự Nga còn gọi là thập tự Lazare. Ngoài ra còn có Chữ Thập Đỏ và Chữ Thập Xanh, chống nghiện rượu. Hoàng thập tự là thuốc độc, Thập tự chinh xương máu tơi bời, thập cẩm là tạp pí lù, thập thành dĩ thập thành... Và như thế, tôi trở lui, để Thánh giá lại phía sau, quay lưng lại với chàng lực sĩ bị đóng đinh câu rút và tiến đến chỗ Chúa Jêxu hài đồng đang ngả mình trên đùi trái của Đức Mẹ Marie Đồng Trinh.

Oskar đứng cạnh ban thờ bên trái ở lối đi bên trái gian giữa. Đức Mẹ Marie có cái sắc diện hẳn là giống hệt cái vẻ ỉu xìu của mẹ nó hồi còn là cô gái bán hàng mười bảy tuổi ở Troyl những khi không có tiền đi xem xi-nê đành ngắm gỡ những tấm áp-phích có hình Assta Nielsen mê mải như bị hút hồn. Người không để tâm đến Jêxu mà đang nhìn chú bé kia bên đầu gối phải của mình. Để tránh hiểu lầm, tôi xin gọi ngay là Jean-Baptiste. Cả hai đều vào cỡ tôi. Chính xác ra, Jêxu có lẽ cao hơn độ hai phân gì đó mặc dầu theo kinh sách thì Chúa hài đồng còn ít tháng hơn Jean-Baptiste. Nhà điêu khắc thích đùa đã thể hiện đấng Cứu Thế thành một đứa bé lên ba trần truồng hồng hào. Còn Jean - vì sau này phải ra sa mạc - thì mang một tấm da sống màu sô-cô-la lờm xờm phủ kín nửa ngực, bụng và cái vòi tưới nước.

Lẽ ra Oskar nên ở lại bên ban thờ chính hoặc quanh quẩn gần phòng xưng tội còn hơn là đánh đu với hai thằng bé có cái nhìn già trước tuổi giống nó một cách dễ sợ ấy. Dĩ nhiên, mắt chúng xanh lơ và tóc chúng màu hạt dẻ. Nếu ông thợ cắt tóc-điêu khắc gia húi cua cho hai thằng bé Oskar của ông và cắt béng những búp tóc loăn xoăn ngớ ngẩn kia đi thì giống hoàn toàn không chệch một ly.

Tôi sẽ không dài dòng về chú bé Baptiste đang chĩa ngón trỏ của tay trái về phía Jêxu như thể đang đếm xem ai được chơi trước: "một, hai, ba, bốn..." Bỏ qua cái trò chơi trẻ con ấy, tôi nhìn kỹ Jêxu và nhận ra hình ảnh của chính mình. Đây có thể là anh em sinh đôi của tôi: kích thước bằng nhau, chim cũng hệt như nhau hồi ấy chỉ làm độc một chức năng vòi tưới. Chúa hài đồng nhìn thế giới bằng cặp mắt xanh cô-ban của tôi (cũng là của Bronski) và - đây là điều làm tôi cáu nhất - bắt chước đúng những cử chỉ của tôi.

Bản sao của tôi giơ cả hai cánh tay lên, hai bàn tay nắm lại theo cái cách gợi ý người ta nhét vào đó một cái gì, như cặp dùi trống của tôi chẳng hạn. Nếu nhà điêu khắc làm thế và thêm một cái trống thạch cao đỏ-trắng trên cặp đùi nhỏ hồng hồng kia, thì đích thị là bản thân Oskar ngồi trên đầu gối Đức Mẹ Đồng Trinh, đánh trống tập hợp giáo đoàn. Trên đời này có những cái - dù thiêng liêng đến đâu chăng nữa - cũng không nên để y nguyên như thật.

Ba bậc trải thảm dẫn đến Mẹ Đồng Trinh trong trang phục màu bạc và xanh lam, đến tấm da sống lờm xờm màu sô-cô-la của Jean-Baptiste, đến Chúa Jêxu hài đồng màu giăm-bông luộc. Phía trước là một ban thờ với những cây nến thiếu máu và những bó hoa đủ mọi giá. Cả ba - Mẹ Đồng Trinh màu xanh lam, Jean màu sô-cô-la và Jêxu màu hồng - đều có vòng hào quang to bằng cái đĩa ăn gắn ở sau đầu - những cái đĩa đắt tiền dát vàng lá.

Nếu không có những bậc trước ban thờ, chắc chẳng bao giờ tôi trèo lên làm gì. Dạo ấy các bậc lên xuống, quả đấm cửa, mặt kính cửa hàng có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với Oskar và mặc dầu bây giờ nó không cần cái gì ngoài cái giường bệnh viện, nó vẫn chưa hẳn dửng dưng trước những thứ đó. Nó thả mình cho lực hấp dẫn ấy từ bậc này đến bậc khác, vẫn đứng trên tấm thảm ấy. Nó sáp lại đủ gần ba nhân vật để gõ gõ khớp ngón lên đó theo cách vừa sàm sỡ vừa kính trọng. Nó có thể lấy móng tay cạo cạo để lộ thạch cao dưới lớp sơn. Những nếp ở tấm áo choàng của Đức Mẹ Đồng Trinh kéo dài vòng vèo xuống tận những ngón chân đặt trên lớp mây. Khuôn ống chân lấp ló của Đức Mẹ cho thấy rằng nhà điêu khắc đã đắp da thịt trước rồi mới trùm xiêm y lên sau. Khi Oskar sờ cái vòi tưới (đáng lẽ đã phải cắt bao quy đầu song lại chưa) của Chúa hài đồng, vuốt ve nó và kín đáo ấn ấn như định vẩy, nó bỗng thấy cợn một cảm giác mới lạ vừa khoái vừa bối rối nơi cái vòi tưới của chính nó; thế là nó để cho của quý của Jêxu được yên với hy vọng cũng được đáp lại như vậy.

Dù đã cắt bao quy đầu hay chưa, tôi cũng cứ để mọi sự nguyên như thế, lôi cái trống ra khỏi áo chui đầu, nhấc nó khỏi cổ mình và thận trọng quàng vào cổ Jêxu, không để chạm vào làm sứt mẻ vầng hào quang. Do tầm vóc thấp bé, muốn làm thế tôi cũng phải vất vả một chút. Tôi phải trèo lên pho tượng và đứng trên lớp mây thay cho đế tượng.

Chuyện này không xẩy ra vào tháng giêng năm 1936 trong lần đầu Oskar đến nhà thờ sau lễ rửa tội mà là vào Tuần lễ Thánh cùng năm. Suốt mùa đông, mẹ nó đã phải cật lực mới xưng hết tội dan díu với Jan Bronski. Do đó, Oskar có bao nhiêu ngày thứ Bảy để nghĩ cho chín, duyệt lại kế hoạch, tước xén, điều chỉnh, xem xét từ mọi góc độ và cuối cùng, gạt bỏ tất cả những phương án trước để thực thi một phương án mới một cách trực tiếp và đơn giản nhất, với sự trợ giúp của những chặng đường vác Thánh Gíá, vào ngày thứ hai của Tuần lễ Thánh.

Vì mẹ tôi cảm thấy cần phải xưng tội trước khi lễ Phục sinh đến thời điểm cao trào nhộn nhịp nhất, nên vào buổi chiều ngày Thứ hai Khổ Hình, mẹ dắt tôi đi dọc theo phố Labesweg đến Chợ Mới, Elsenstrasse, xuôi phố Nữ thánh Marie qua cửa hàng thịt của Wohlgemuth, rẽ trái đến Công viên Kleinhammer, qua cái cầu chui lúc nào cũng rỉ ra nhỏ giọt một thứ nước vàng vàng gớm chết, vượt qua bờ dốc đường xe lửa tới Nhà thờ Thánh Tâm.

Chúng tôi đến muộn. Chỉ còn hai bà già và một thanh niên mặt mày nhớn nhác đợi bên ngoài phòng xưng tội. Trong khi mẹ tôi xem xét lại lương tâm - ngón tay cái thấm nước bọt lần giở cuốn sách kinh như thể đang soát sổ cái tìm những số liệu cần thiết cho tờ khai man thuế - tôi nhót khỏi chiếc ghế băng và cố tránh luồng mắt của Trái Tim Nhỏ Máu và Lực Sĩ trên Thánh Giá, tôi tiến về ban thờ bên trái

Mặc dầu phải làm cấp tập, tôi vẫn không bỏ qua bài Nhập lễ. Ba bước: Introibo ad altare Dei[33]. Chúa mang niềm vui đến cho tuổi trẻ. Kéo dài câu Kyrie, tôi nhấc cái trống khỏi cổ và trèo lên bệ mây, không dây dưa với cái vòi tưới nữa, dứt khoát không. Ngay trước câu Gloria, tôi đã quàng cái trống lên vai Jêxu, thận trọng không làm hư hại vòng hào quang. Bước khỏi bệ mây - xá tội, khoan dung và tha thứ - nhưng trước hết phải ấn đôi dùi trống vào tay Jêxu, hai bàn tay vừa khéo để cầm dùi trống, và một, hai, ba bậc đi xuống, tôi ngước mắt nhìn lên trời, còn tí ti thảm nữa, rồi cuối cùng nền đá lát và một cái ghế cầu kinh cho Oskar và nó quỳ hai gối lên chiếc nệm nhỏ, hai bàn tay đánh trống chắp trước mặt - Gloria in Excelsis Deo - và hiếng mắt qua đôi bàn tay chắp lại theo dõi Chúa Jêxu cùng cái trống, chờ đại phép lạ xảy ra: liệu Jêxu có đánh trống không hay là không biết đánh hay không được phép đánh? Nếu không đánh thì không phải là Jêxu đích thực, trong trường hợp đó, Oskar này mới là Jêxu thật.

Một khi đã muốn thấy phép lạ thì phải biết chờ đợi. Thì tôi đợi! Chí ít lúc đầu tôi cũng đã kiên nhẫn chờ đợi, mặc dầu mức độ kiên nhẫn có lẽ còn chưa đủ, bởi vì tôi càng nhắc đi nhắc lại câu nguyện "Lạy Chúa, mọi con mắt đang chờ Người" (thay "lỗ tai" bằng "con mắt"), thì càng thấy thất vọng trong khi quỳ trên chiếc ghế cầu kinh. Quả là Oskar đã tạo cho Chúa mọi cơ hội, nhắm mắt lại trên cơ sở giả định rằng Chúa hài đồng Jêxu, sợ những động tác đầu tiên của mình có thể vụng về, sẽ khởi động thoải mái hơn khi biết không có ai nhìn; nhưng rồi cuối cùng, sau Tín điều thứ ba, sau Đức Chúa Cha, Người Tác Tạo nên Trời và Đất và muôn vật hữu hình và vô hình, và Đức Chúa Con duy nhất được sinh ra, được Người sinh ra chứ không phải tạo ra, Con đích thực của Cha đích thực, cùng với Người là một, thông qua Người, vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, đã xuống trần, mang lốt người trần, biến thành người trần, đã chịu đau đớn, bị chôn xuống đất, sống lại, lên trời, ngồi bên tay hữu* Đức Chúa Cha, cùng những người chết, bất tận, tôi tin ở, cùng với Đức Chúa Cha, nói bằng, tin ở Giáo hội duy nhất Thánh, Thiên Chúa giáo và...

Phải, đạo Thiên Chúa chỉ còn sót lại trong lỗ mũi tôi mà thôi. Lòng tin của tôi gần như bị gột rửa sạch rồi. Nhưng điều tôi quan tâm không phải là cái mùi. Tôi muốn một cái gì khác cơ. Tôi muốn nghe cái trống của tôi, tôi muốn Jêxu chơi một điệu trống nào đó cho tôi nghe, tôi muốn một phép lạ nho nhỏ, khiêm tốn thôi. Tôi đâu có đòi hỏi nổi sấm để khiến cha xứ Rasezeia phải hộc tốc chạy tới và Cha Wiehnke phải ì ạch lê khối mỡ của mình đến chứng kiến phép lạ; tôi đâu có yêu cầu một phép lạ lớn lao đến mức phải gửi biên bản đến Tòa Giám mục ở Oliva, buộc Đức Giám mục phải trình tiếp lên Vatican. Không, tôi đâu có tham vọng lớn thế. Oskar đâu có muốn được phong thánh. Nó chỉ muốn một phép lạ nhỏ, riêng tư, một cái gì nó có thể nghe thấy và trông thấy, cốt vạch rõ một lần dứt khoát cho nó thấy là nên đánh trống để ủng hộ hay chống đối; nó chỉ muốn có một tín hiệu bảo cho nó biết trong cặp song sinh có đôi mắt xanh, giống nhau như tạc này, đứa nào, trong tương lai, đáng được gọi là Jêxu hơn.

Tôi ngồi và chờ đợi. Tôi cũng bắt đầu lo lắng. Mẹ chắc đang ở trong phòng xưng tội, bây giờ dễ thường đã qua điều răn thứ sáu rồi. Cái ông lão thường vẫn tập tễnh quanh các nhà thờ, lúc này đang tập tễnh qua ban thờ chính, rồi qua ban thờ bên trái, cúi chào Đức Mẹ Đồng Trinh và hai chú nhỏ. Có thể lão trông thấy cái trống nhưng không hiểu. Lão lẹp xẹp đi tiếp và tiếp tục già đi.

Thời gian qua đi và Jêxu vẫn không chịu đánh trống. Tôi nghe thấy những tiếng nói từ phía ban đồng ca. Mong rằng đừng ai chơi đại phong cầm bây giờ, tôi lo lắng nghĩ thầm. Nếu họ diễn tập chuẩn bị cho lễ Phục sinh, thì tiếng đại phong cầm sẽ át mất những tiếng trống ngập ngừng, yếu ớt đầu tiên.

Nhưng không ai đụng đến đại phong cầm. Mà cũng chẳng đánh trống. Phép lạ không xảy ra. Tôi đứng dậy khỏi nệm quỳ, khớp gối kêu răng rắc. Chán ngán và buồn bực, tôi bước trên tấm thảm, kéo lết chân lên từng bậc một, bỏ qua mọi câu kinh đã thuộc, trèo lên đám mây thạch cao, xới lộn mấy bông hoa giá trung bình. Lúc này, tôi chỉ muốn lấy lại cái trống của mình từ thằng nhóc cởi truồng đần độn kia thôi.

Tôi xin nói thẳng và sẽ còn tiếp tục nhắc lại: thật là sai lầm khi cố công cố sức dạy nó điều gì. Không hiểu làm sao mà tôi lại nẩy ra cái ý ấy. Dù sao mặc lòng, tôi thu về đôi dùi, nhưng để lại cái trống. Thoạt đầu còn nhẹ nhàng, nhưng rồi với cái nôn nóng của một ông thày nôn nóng, tôi bày cho chú bé Jêxu rởm thấy phải làm như thế nào. Cuối cùng, lại đặt dùi vào tay nó, tôi cho nó cơ hội phô bày những gì nó đã học được ở Oskar.

Trước khi tôi kịp giựt cả trống lẫn dùi khỏi tên ngoan cố nhất trong các thứ học trò bất chấp vòng hào quang của nó, thì Cha Wiehnke đã ở đằng sau tôi - tiếng trống của tôi đã vang khắp chiều dài chiều rộng của nhà thờ - cha xứ Rasczeia đã ở đằng sau tôi, mẹ đã ở đằng sau tôi, ông lão già đã ở đằng sau tôi. Cha xứ kéo tôi xuống, Cha Wiehnke bợp tai tôi, mẹ nhìn tôi mà khóc, Cha Wiehnke xì xầm mắng tôi, Cha xứ quỳ một gối rồi nhổm lên lấy cặp dùi khỏi tay Jêxu, lại quỳ một gối với cặp dùi rồi lại nhổm lên vươn tới cái trống, gỡ cái trống ra khỏi Chúa hài đồng Jêxu, làm nứt vòng hào quang, va phải cái vòi tưới bé xíu, làm bể một miếng mây, lật đật xuống các bậc và lại quỳ một gối một lần nữa. Cha không chịu trả lại trống cho tôi, điều đó làm tôi càng cáu hơn trước, buộc tôi phải đá Cha Wiehnke và làm mẹ tôi xấu hổ; quả thật còn nhiều điều khác khiến mẹ phải xấu hổ: tôi đấm đá, cắn xé, cào cấu cả Cha Wiehnke lẫn Cha xứ, cả ông già lẫn mẹ tôi và cuối cùng vùng ra khỏi tay họ. Thế là tôi chạy đến trước ban thờ chính, cảm thấy Xatăng đang nhảy nhót trong tôi và thì thào hệt như hôm làm lễ rửa tội cho tôi: "Oskar, nhìn quanh mà xem. Cửa sổ khắp nơi. Toàn thủy tinh, toàn thủy tinh hế

Và vượt qua chỗ tay Lực sĩ trên Thánh Giá vẫn bình thản không co giật một thớ thịt nào, tôi cất tiếng hát hướng vào ba cửa sổ cao của phòng ngách hình vòng cung, có hình mười hai vị thánh tông đồ trên nền đỏ, vàng và xanh. Nhưng tôi không nhằm thánh Marc nay thánh Matthew, mà nhằm con chim bồ câu đứng lộn ngược bên trên họ, đang mừng lễ Hạ trần: tôi nhằm Đức Chúa Thánh Thần. Thanh đới của tôi rung lên, chất kim cương của giọng tôi tấn công con chim. Không ăn thua. Phải chăng lỗi tại tôi? Hay là do sự can thiệp của tay Lực sĩ không ai thắng nổi? Phải chăng đó là phép lạ chẳng ai hiểu nổi? Họ trông thấy tôi run lên và lặng lẽ phóng âm lực của mình về phía phòng ngách hình vòng cung và tất cả, trừ mẹ tôi, đều tưởng tôi đang cầu nguyện, trong khi tôi chỉ muốn đập vỡ cửa kính. Nhưng Oskar đã thất bại, thời vận của nó chưa đến. Tôi ngồi phịch xuống nền đá lát và khóc cay đắng vì Jêxu đã thất bại, Oskar đã thất bại, vì cả Wiehnke lẫn Rasczeia đều hiểu lầm tôi và đang tuôn ra những điều vớ vẩn về chuyện sám hối. Chỉ có mẹ là đủ thông minh để hiểu những giọt nước mắt của tôi, mặc dầu mẹ không khỏi mừng thầm vì đã không có ô kính nào bị vỡ.

Hồi mẹ bế tôi lên, nhận lại trống và dùi từ tay Cha xứ và hứa với Cha Wiehnke sẽ bồi thường thiệt hại, kế đó, được Cha làm dấu xá tội, muộn một chút, vì tôi đã làm ngắt quãng buổi xưng tội. Cả Oskar cũng được ban phước chút đỉnh mặc dầu tôi cũng chả thiết lắm.

Trong khi được mẹ bế ra khỏi Nhà thờ Thánh Tâm, tôi tính trên đầu ngón tay: hôm nay là thứ hai, mai thứ ba rồi đến thứ tư, thứ Năm Thánh, thứ sáu Thánh, thôi bỏ: nhân vật này thậm chí không biết đánh trống, thậm chí không cho mình đập vỡ vài mảnh kính cho hả, hắn giống mình nhưng lại là rởm. Hắn sẽ đi xuống mồ trong khi mình vẫn tiếp tục đánh trống và đánh trống, nhưng sẽ không bao giờ ao ước được trải nghiệm một phép lạ nữa.

THỰC ĐƠN NGÀY THỨ SÁU THÁNH

Lập lờ hai mặt là cụm từ thích hợp để diễn tả những tình cảm của tôi giữa ngày Thứ Hai Khổ Hình và ngày Thứ Sáu Thánh. Một mặt, tôi hận chú bé Jêxu tượng thạch cao đã không chịu đánh trống; mặt khác, tôi lại hài lòng vì đã giữ được độc quyền sở hữu cái trống. Nếu như, một mặt, giọng tôi đã xịt ngòi trong đợt tấn công những cửa sổ nhà thờ, thì mặt khác, những ô kính nhiều màu còn nguyên vẹn ấy đã bảo toàn được chút lòng tin Thiên Chúa giáo còn sót lại nơi Oskar để tiếp tục làm nguồn cảm hứng cho nhiều báng bổ hung tợn sau nầy của nó.

Và còn điều này làm đậm thêm nghịch lý đó: một mặt, trên đường từ Nhà thờ Thánh Tâm về nhà, tôi đã hát vỡ tan một cửa sổ áp mái chỉ cốt để thấy là mình vẫn còn khả năng đặc biệt ấy, nhưng mặt khác, từ đó trở đi, thành công của tôi trong lĩnh vực phàm tục lại khiến tôi đau đớn nhận ra sự bất lực của mình trên địa hạt linh thiêng. Hai mặt, tôi đã nói thế. Vết cắt chia dai dẳng, tôi không bao giờ hàn nổi và cho đến bây giờ vẫn hoác ra trong tôi, mặc dầu bây giờ tôi đâm lạc lõng ở cả chốn linh thiêng lẫn nơi phàm tục, đành loạng quạng bên rìa, trong một trại thương điên.

Mẹ tôi bồi thường những thiệt hại gây cho ban thờ bên trái. Công việc làm ăn buôn bán trong dịp lễ Phục sinh khá phát đạt mặc dù Matzerath, vốn theo đạo Tin Lành, một mực đòi phải đóng cửa hàng ngày Thứ Sáu Thánh. Mẹ tôi, bình thường, bao giờ cũng làm theo ý mình, riêng những dịp Thứ Sáu Thánh thì nhượng bộ, thuận tình đóng cửa, nhưng bù lại, vì những lý do Thiên Chúa giáo, đòi quyền được đóng cửa hàng vào ngày lễ Thánh Thể[34], thay những đồ hàng trang trí tủ kính bằng một hình Nữ Thánh Đồng Trinh có bóng điện thắp sáng và tham gia đám rước ở Oliva.

Chúng tôi có một tấm biển bằng các-tông với dòng chữ "Đóng cửa mừng ngày Thứ Sáu Thánh” trên một mặt và "Đóng cửa mừng Lễ Thánh Thể" mặt kia. Vào ngày Thứ Sáu Thánh liền sau cái ngày Thứ Hai Khổ Hình lỡ cả trống lẫn giọng ấy, Matzerath treo mặt có dòng chữ "Đóng cửa mừng ngày Thứ Sáu Thánh" ra ngoài, và ngay sau khi ăn điểm tâm, chúng tôi đáp tàu điện đi Brösen. Để tiếp tục duy trì mạch từ ngữ tôi đã dùng: quang cảnh ở Labesweig cũng hai mặt. Những người Tin Lành đi lễ nhà thờ còn những tín đồ Thiên Chúa giáo thì lau rửa tủ kính, mặt hàng, cửa sổ bóng loáng và đem ra sân sau tất cả những gì từa tựa như một cái thảm mà đập thật mạnh thật vang đến mức tưởng chừng hàng ngàn Đấng Cứu Thế đang cùng một lúc bị đóng đanh trên hàng ngàn cây Thánh Giá.

Tuy nhiên, Gia Đình Thánh chúng tôi - gồm mẹ tôi, Matzerath, Jan Bronski và Oskar - bỏ lại sau lưng cuộc đập thảm mùa Khổ Hình, đáp chuyến xe điện số 9 xuôi đường Brösener-Weig qua sân bay, bãi tập cũ và bãi tập mới, dừng ở một đường tránh gần nghĩa trang Saspe chờ chuyến xe ngược chiều, tuyến Neufahrwasser-Brösen, đi qua. Nhân lúc chờ đợi, mẹ thốt lên những suy nghĩ buồn thảm, tuy bằng lời lẽ nhẹ nhàng. Xinh xắn, lãng mạn và quyến rũ thay cái nghĩa trang nhỏ hoang phế này với những bia mộ xiêu vẹo, đầy rêu dưới những cây thông khẳng khiu, mẹ nói.

"Tôi những muốn sau này sẽ nằm ở đây nếu như nghĩa trang này còn hoạt động", mẹ mơ màng thổ lộ. Nhưng Matzerath chê đất ở đây quá nhiều cát, lại đầy cây ké gai và yến mạch dại. Jan Bronski thì cho là tiếng ồn của sân bay và những khúc ngoặt bẻ ghi gần đấy của xe điện có thể phá rối sự yên tĩnh của cái nơi lẽ ra rất thanh bình này.

Chuyến xe Neufahrwasser-Brösen vòn chúng tôi, người lái rung chuông hai lần và xe chúng tôi đi tiếp, bỏ lại sau lưng Saspe và khu nghĩa trang, hướng tới Brösen, bãi biển này, vào cuối tháng Tư năm ấy, nom thật cảm cảnh: các quầy giải khát bịt kín bằng ván gỗ, sòng casino đóng chặt, lối đi dạo ven biển dọn hết cờ quạt, những dãy dài nhà tắm trống không. Trên bảng khí tượng, vẫn còn thấy những dòng ghi bằng phấn từ năm ngoái: không khí: 65; nước: 60; gió: đông bắc; dự báo: từ quang đến có mây.

Thoạt đầu, bọn tôi định đi bộ đến Glettkau, nhưng rồi, chẳng ai bảo ai, tất cả cùng hướng theo chiều ngược lại để ra đập chắn sóng. Biển Baltic mênh mông và lười nhác liếm vào bờ cát. Suốt cho tới tận cửa hải cảng, từ cây hải đăng trắng đến ngọn đèn tín hiệu trên đập chắn sóng, không thấy một bóng người. Một trận mưa hôm trước đã in lên cát mẫu hình đều tăm tắp của nó, giờ chúng tôi lấy vết chân mình xóa đi, xem như một trò chơi thú vị. Mẹ và tôi cởi cả giày cả tất. Matzerath nhặt những miếng gạch tròn nhẵn bằng cỡ đồng gulden, say sưa ném thia lia trên mặt nước xanh, coi bộ đầy ham hố. Jan Bronski vụng hơn trong trò chơi này; tranh thủ giữa những cú ném, ra sức kiếm hổ phách; quả nhiên bác đã tìm được mấy mảnh và một cục to bằng hột anh đào mà bác dành tặng mẹ. Mẹ thì cứ luôn luôn ngoái nhìn lại như thể phải lòng những dấu chân của chính mình. Mặt trời chiếu nhẹ nhàng cẩn trọng. Trời mát, trong và bình lặng; có thể nhận ra ở phía chân trời một dải là bán đảo Hela và vài ba vệt khói tan dần; thỉnh thoảng, những tầng trên của một con tàu buôn nhấp nhô trên đường chân trời.

Người trước kẻ sau lác đác, chúng tôi tới những khối granít đầu tiên của đập chắn sóng. Hai mẹ con tôi xỏ tất đi giày lại. Mẹ giúp tôi thắt dây giày trong khi Matzerath và Jan nhảy từ phiến đá này sang phiến đá khác, tiến về phía biển. Những đám rong biển mọc lởm chởm từ những khe dưới chân đập. Oskar những muốn chải chúng, nhưng bị mẹ cầm tay lôi đi theo hai người đàn ông đang đùa nghịch như những đứa học trò nhỏ. Mỗi bước, cái trống lại va vào đầu gối tôi; ngay cả ở đây, tôi cũng không chịu rời nó.

Mẹ mặc một cái áo măng-tô mùa xuân màu xanh nhạt với lớp vỏ ngoài màu dâu tây. Những khối đá granít gây khó khăn cho đôi giày cao gót của mẹ. Như mọi Chủ nhật và ngày lễ, tôi mặc cái va-rơi lính thủy có khuy vàng mỏ neo. Dải băng trên chiếc mũ lính thủy của tôi là từ túi đồ lưu niệm của Gretchen Scheffler, ghi mác "S.M.S. Seydlitz", hễ có gió là bay phất phới. Matzerath cởi phanh cúc áo bành-tô nâu. Jan, vốn bao giờ cũng là hiện thân của thời trang, mặc một chiếc áo choàng "unxtơ" cổ nhung óng ánh.

Chúng tôi lóc cóc đi đến tận tháp đèn tín hiệu ở đầu đập chắn sóng. Ngồi dưới chân tháp là một ông già mặc áo may chần, đầu đội cát-két công nhân bốc dỡ bến cảng. Bên cạnh, ông là một bao tải dùng để đựng khoai tây trong đó có một cái gì không ngừng cựa quậy, ông già - chắc là người Brösen hay Neufahrwasser gì đó - cầm một đầu dây phơi quần áo; đầu kia, rong biển bám đầy, chìm trong nước sông Mottlau - làn nước lợ chưa hòa vào biển cả vỗ bì bõm vào chân đập đá.

Tất cả chúng tôi đều tò mò muốn biết ông già đội cát-két "cửu vạn" đang câu gì với một cái dây phơi quần áo bình thường và rõ ràng là không có phao. Mẹ tôi hỏi ông bằng một giọng trêu chọc thân ái, gọi ông là "chú". Chú cười nhe những chân răng ố thuốc lá; không giải thích gì, ông nhổ toẹt một quệt dài bã thuốc lầy nhầy xuống đám bùn nước lõng bõng giữa những tảng granít bê bết hắc ín và dầu ma-dút dưới chân đập. Mớ bã thuốc lềnh bềnh mãi cho đến khi một con hải âu liệng xuống, khéo léo tránh những tảng granít, đớp lấy rồi bay đi, kéo theo sau mấy con khác kêu quàng quạc.

Chúng tôi đã định đi vì ngoài này rét căm căm, có chút nắng cũng chẳng lại mấy nả, thì đúng lúc đó, ông già đội cát-két "cửu vạn" bắt đầu tay nọ nối tay kia kéo sợi dây vào. Mẹ vẫn muốn đi khỏi, nhưng không cách nào bẩy được Matzerath nhúc nhích; ngay cả Jan, thường ngày vẫn nhất nhất chiều theo mọi ý muốn của mẹ, lần này cũng không ủng hộ lập trường của mẹ. Oskar thì bất cần, đi hay nán lại cũng vậy thôi. Nhưng chừng nào mọi người còn nán lại thì nó cứ quan sát đã. Trong khi ông già "cửu vạn" vẫn đều đặn tay nọ nối tay kia vừa kéo vừa gạt bỏ rong biển, thu sợi dây về giữa hai chân mình, tôi nhận thấy con tàu buôn cách đây khoảng nửa giờ chỉ lấp ló phần thượng tầng bên trên đường chân trời, lúc này đã đổi hướng đi: ngập sâu trong nước, nó đang quay mũi đi vào cảng. Chắc là một tàu Thụy Điển chở quặng sắt nên mới ngập sâu thế, Oskar đoán.

Tôi quay mắt khỏi con tàu Thụy Điển khi lão "cửu vạn" đứng dậy. "Nào thì ta thử ngó xem nó là cái gì." Lão nói những lời này với Matzerath và Matzerath chẳng hiểu mô tê gì, cứ gật đầu bừa. "Ta thử ngó tí coi," lão "cửa vạn" nhắc đi nhắc lại luôn miệng trong khi tiếp tục kéo dây vào, lúc này càng ráng sức mạnh mẽ hơn. Lão hì hụi trên những phiến đá đi xuống phía đầu dây đằng kia và vươn cả hai cánh tay vào vũng nước ngầu bọt giữa hai khối granít, chụp lấy một cái gì đó - mẹ tôi quay mặt đi nhưng không kịp - lão chụp lấy một cái gì, đổi tay, vừa kéo vừa bê, quát mọi người xê ra nhường lối, rồi quăng vào giữa chỗ chúng tôi một cái gì nặng trịch ròng ròng nước, một tảng gì to đùng sống động: đó là một cái đầu ngựa, một cái đầu ngựa thật còn tươi, đầu một con ngựa đen với một cái bờm đen, mà chắc là mới hôm qua hay hôm kia, nó còn hí, bởi vì cái đầu chưa rữa, chưa bốc mùi hoặc nếu có bốc mùi thì chỉ là mùi nước sông Mottlau thôi; nhưng mọi thứ trên đập chắn sóng đều có mùi như vậy.

Ông già đội mũ công nhân bốc dỡ - lúc này nó đã tụt ra sau gáy - đứng chạng chân trên đống thịt ngựa, từ đó những con lươn xanh nhạt lao ra như điên. Lão quây cuồng vất vả để bắt chúng vì giống lươn trườn rất nhanh và khéo, nhất là trên đá nhẵn và ướt. Cùng lúc ấy, bọn hải âu cũng đã quang quác trên đầu. Chúng lao xuống, từng tốp ba bốn con xúm lại tấn công một con lươn cỡ nhỏ hoặc vừa, không chịu để bị xua đi vì đập chắn sóng là lĩnh vực của chúng. Tuy nhiên, lão "cửu vạn", vung tay đập thẳng cánh giữa đám hải âu, cũng nhékhoảng hai tá lươn nhỏ vào cái bao tải mà Matzerath, muốn tỏ ra đắc lực, đã banh sẵn miệng ra cho lão. Quá bận bịu, Matzerath không trông thấy mẹ tái mét mặt và phải vịn tay rồi ngả đầu lên vai và cái cổ áo nhung của Jan.

Nhưng khi mớ lươn nhỏ và nhỡ đã bỏ gọn trong bao tải, lão "cửu vạn" (trong khi làm việc, chiếc mũ đã rơi khỏi đầu lão) bắt đầu túm những con to hơn màu đen sậm tiếp tục bò ra từ cái đầu ngựa . Đến lúc này, mẹ tôi phải ngồi xuống, bác Jan cố tìm cách để khiến mẹ quay đầu đi nhưng mẹ không chịu; mẹ tiếp tục giương cặp mắt bò cái trừng trừng nhìn thẳng vào cuộc giải phẫu tử thi lúc nhúc mà lão "cửu vạn" đang tiến hành.

"Nhìn xem," lão thở hổn hển, nói nhát gừng. "Thử ngó coi." Bằng chiếc ủng cao su, lão bành miệng con ngựa ra và nhét một cái gậy gộc vào giữa hai hàm khiến những cái răng to tướng vàng khè như đang cười. Rồi khi lão "cửu vạn" - đến bây giờ tôi mới thấy đầu lão hói như một quả trứng - ấn cả hai tay vào họng con ngựa và lôi ra hai con lươn cùng một lúc, cả hai đều to và dài bằng cả cánh tay người, thì miệng mẹ tôi cũng há hốc; mẹ ói ra toàn bộ bữa điểm tâm - lòng trắng trứng lổn nhổn, lòng đỏ tướp ra thành những sợi dài lẳn với những miếng bánh mì đẫm cà phê sữa, ộc ra trên lớp đá xây đập. Sau đó mẹ nôn khan nhưng chẳng còn gì để tháo ra nữa vì đó là tất cả những gì mẹ đã ăn trong bữa sáng, bởi lẽ mẹ đã quá chuẩn trọng lượng và muốn xuống cân bằng mọi giá. Mẹ thử đủ các chế độ ăn uống mà không theo triệt để một chế độ nào. Mẹ ăn giấu. Mẹ chỉ chuyên cần với những buổi tập thể dục ngày thứ ba ở Hội Phụ Nữ; về điểm này, mẹ vững như đá tảng bất chấp Jan và thậm chí cả Matzerath cười giễu khi mẹ khoác cái túi đồ thể thao ra nhập bọn với những mụ già kệch cỡm đi tập trong bộ xa-tanh bóng màu xanh và tuy nhiên vẫn chẳng gầy đi tí nào.

Cả lần này nữa, mẹ cũng không nôn ra được quá nửa pao và dù có cố ọe đến mấ cũng chỉ giảm trọng lượng được chừng nấy mà thôi. Chẳng có gì ngoài chút dãi xanh lầy nhầy, thế mà đám hải âu vẫn xà đến. Chúng đã chực sẵn khi mẹ bắt đầu nôn, chúng lượn thấp dần, lướt xuống êm ru; không hề băn khoăn vì nỗi sợ phát phì, chúng chí chóe trên bữa điểm tâm của mẹ, không cách chi xua đi được - vả lại còn ai khác nghĩ đến chuyện xua đuổi chúng khi mà Jan Bronski sợ hải âu đến nỗi phải đưa cả hai tay lên che cặp mắt đẹp màu xanh lơ.

Chúng cũng chẳng buồn để ý đến Oskar, kể cả khi nó đưa trống vào cuộc đấu với chúng, kể cả khi nó nện dùi trống một thôi dài trên lớp vẹc-ni trắng nhằm đánh bạt màu trắng của chúng. Ngón trống của nó hóa ra vô hiệu và chỉ làm cho lũ hải âu trắng hơn bao giờ hết. Còn Matzerath thì chẳng mảy may quan tâm đến mẹ. Ông cười ha hả, nhái theo lão "cửu vạn"; ăn to nói lớn, thần kinh vững như thép, đó là tính cách của ông. Lão "cửu vạn" đã sắp xong. Đến màn kết, khi lão kéo một con lươn gộc từ tai con ngựa ra, kèm theo một mớ lầy nhầy trắng trào ra từ óc, thì chính Matzerath cũng mặt xanh mày xám nhưng vẫn tiếp tục ra vẻ ta đây. Ông mua của lão "cửu vạn" hai con lươn bự và hai con nhỡ với giá rẻ mạt mà vẫn còn kèo nèo đòi bớt nữa.

Lòng tôi tràn đầy mến phục đối với bác Jan. Nom bác như sắp khóc, tuy nhiên bác vẫn đỡ mẹ tôi đứng dậy, quàng một tay qua sau lưng dìu mẹ đi, tay kia đưa ra đằng trước để giữ thăng bằng. Nhìn mẹ lò cò trên đôi giày cao gót nhảy từ phiến đá này sang phiến đá kia, thật là tức cười. Cứ mỗi bước, đầu gối mẹ lại khuỵu xuống, ấy thế mà mẹ cũng vào được đến bờ mà không hề bị trẹo chân.

Oskar nán lại với Matzerath và lão "cửu vạn" lúc này đã đội chiếc cát-két trở lại. Lão bắt đầu giải thích tại sao cái bao tải lại đầy muối thô: đó là để lươn giãy giụa quằn quại trong muối cho đến chết và để hút hết chất nhầy khỏi da và ruột chúng. Vì khi bỏ lươn vào muối, chúng không thể không giãy giụa và chúng cứ giãy giụa như thế cho đếết, để lại chất nhầy trong muối. Muốn chế món lươn hun khói thì trước hết phải làm thế. Đó là điều mà cảnh sát và Hội Bảo vệ súc vật cấm ngặt, nhưng chẳng ăn thua gì... Làm sao mà khử được chất nhầy của lươn nếu không làm thế? Sau đó, những con lươn chết được chà xát thật cẩn thận bằng than bùn khô rồi treo trong một cái thùng đặt trên bếp lửa đốt bằng gỗ dẻ gai để hun khói.

Matzerath cho rằng cho bọn lươn giãy giụa trong muối là hợp lẽ công bằng bởi chúng chả rúc vào tận trong đầu con ngựa đó sao? Và vào cả xác người nữa, lão "cửu vạn" chêm vào. Người ta bảo giống lươn này đặc biệt béo sau trận thủy chiến Skagerack. Và mấy hôm trước đây, một tay bác sĩ ở bệnh viện kể với lão về một phụ nữ có chồng tìm khoái lạc với một con lươn sống. Nhưng con lươn bám chặt trong đó không chịu nhả, thành thử phải đưa mụ ta vào bệnh viện, và nghe nói sau đó, mụ bị tuyệt đường sinh nở.

Vậy là lão "cửu vạn" thắt cái bao tải với mớ lươn giầm muối lại và gọn gàng xốc lên vai. Lão quấn cái dây phơi quần áo quanh cổ và hì hụi đi về phía Neufahrwasser trong khi con tàu buôn vào cảng. Con tàu có trọng tải độ mười tám tấn, không phải là tàu Thụy Điển mà là tàu Phần Lan, và chở gỗ chứ không phải quặng sắt. Lão "cửu vạn" mang bao tải hình như có bạn bè trên tàu vì lão đang vẫy về phía đó, miệng la lớn một điều gì đó. Trên con tàu Phần Lan, một số người cũng vẫy lại và la một điều gì đó. Nhưng tôi không hiểu tại sao cả Matzerath cũng vẫy và la "Ơ hầy, tàu vào kìa" hoặc một điều vớ vẩn tương tự. Là người vùng Rhine, ông có biết chi về tàu bè và chẳng hề quen ai là người Phần Lan cả. Cơ mà cung cách của ông vốn thế: bao giờ ông cũng vẫy khi những người khác vẫy, la hét và vỗ tay khi những người khác la hét, cười và vỗ tay. Điều đó giải thích tại sao ông vào Đảng tương đối sớm, khi mà điều đó chưa thật cần thiết, chưa mang lại lợi lộc gì mà chỉ làm ông tiêu phí những buổi sáng Chủ nhật.

Oskar chậm rãi đi theo Matzerath, lão già người Neufahrwasser và con tàu Phần Lan quá tải. Thỉnh thoảng tôi ngoái nhìn lại vì lão "cửu vạn" đã để lại cái đầu ngựa ở chân tháp đèn tín hiệu. Nhưng không còn nhìn thấy nó nữa vì lũ hải âu đã che kín mất rồi. Chỉ còn là một mảng trắng lấp lánh trên mặt biển xanh, một đám mây mới được gột sạch có thể bay lên không trung bất cứ lúc nào, cất tiếng kêu trùm lên cái đầu ngựa không còn hí nữa.

Khi thấy chán ngấy, tôi vùng chạy khỏi lũ hải âu và Matzerath, vừa chạy vừa nắm tay đấm lên mặt trống, vượt lên lão "cửu vạn" lúc này đang hút một cái tẩu cán ngắn, và đuổi kịp mẹ tôi và bác Jan ở chỗ bắt đầu đập chắn sóng. Bác Jan vẫn đỡ mẹ như ban nãy, nhưng giờ một tay bác đã biến mất dưới cổ áo măng-tô của mẹ. Matzerath không thể nhìn thấy thế cũng như không thể thấy mẹ đang thọc một tay vào túi quần Jan: ông còn ở mãi tít đằng sau chúng tôi, mải gói bốn con lươn bị lão "cửu vạn" lấy đá nện chết ngất vào một tờ giấy báo tìm thấy giữa khe đá nơi chân đập.

Khi Matzerath đuổi kịp chúng tôi, ông ve vẩy cái bọc lươn của mình và khoe: "Lão ta đòi một gulden rưỡi, nhưng tôi trả một chẵn, thế là xong."

Nom mẹ đã khá hơn và lúc này lại có thể thấy cả hai tay mẹ. "Đừng có hòng tôi ăn món lươn của anh,” mẹ nói. "Từ nay đến chết, tôi sẽ không bao giờ đụng đến cá nữa, nhất là lươn thì lại càng không."

Matzerath cười ha hả: "Đừng làm to chuyện thế, mèo con. Trước nay, em vẫn biết người ta bắt lươn như thế nào, thế mà em vẫn ăn lươn đấy thôi. Kể cả lươn tươi. Để rồi xem nương nương sẽ thấy thế nào khi tên tiện bộc của nàng pha chế chúng với tất cả các thứ gia vị, rau thơm, hành tỏi tiêu ớt cùng chút nộm đi kèm."

Jan Bronski - lúc này đã kịp thời rút tay ra khỏi cổ áo măng-tô của mẹ, không nói gì. Suốt dọc đường đến Brösen, tôi đánh trống liên tụ để họ khỏi quay trở lại chuyện lươn nữa. Tới bến xe điện và cả khi đã lên xe, tôi vẫn tiếp tục đánh để ngăn ba người lớn trò chuyện. Mấy con lươn nằm tương đối yên. Đến đoạn đường tránh ở Saspe, không phải dừng vì chuyến xe ngược đã ở đó. Quá sân bay một quãng, Matzerath, bất chấp tiếng trống của tôi, bắt đầu kêu đói. Mẹ không phản ứng gì, chỉ lơ đãng nhìn vượt qua và xuyên qua chúng tôi cho đến khi bác Jan mời mẹ một điếu Regatta. Trong khi bác đánh lửa cho mẹ và mẹ đặt đầu vàng của điếu thuốc lên môi, mẹ mỉm cười với Matzerath vì mẹ biết ổng không thích mẹ hút thuốc ở nơi công cộng.

Đến quảng trường Max-Halbe, chúng tôi xuống và dù sao mặc lòng, mẹ vẫn khoác tay Matzerath chứ không khoác tay bác Jan như tôi chờ đợi. Jan đi cạnh tôi và hút nốt điếu thuốc của mẹ.

Trong khu Labesweig, các bà nội trợ theo dạo Thiên Chúa vẫn tiếp tục đập thảm. Trong khi Matzerath mở cửa căn hộ của chúng tôi, bà Kater, ở tầng tư cạnh phòng nghệ sĩ t’rompet Meyn, vượt qua chúng tôi lên cầu thang. Một cái thảm nâu cuộn tròn vắt trên vai, bà ta giơ hai cánh tay to tướng hồng hào lên đỡ, phô những túm lông nách màu râu ngô xoắn lại và dính bết mồ hôi. Hai đầu thảm võng xuống đằng trước và đằng sau bà. Bà có thể vác một gã đàn ông say rượu trên vai như thế, nhưng chồng bà không còn sống nữa. Khi cái khối mỡ ấy đi qua chúng tôi trong cái áo thụng đen bóng mặc trong nhà, mùi nồng nặc từ bà ta xộc vào mũi tôi - nước tiểu, dưa muối và đất đèn trộn với nhau - chắc bà ta đang thấy tháng.

Lát sau, tiếng đập thảm thình thịch từ dưới sân vọng lên. Nó rượt theo tôi khắp các phòng, nó truy đuổi tôi riết đến nỗi, rốt cuộc tôi phải trốn vào tủ quần áo trong phòng ngủ, ở đó, các áo măng-tô, pa-đờ-xuy mùa đông mới đủ sức dìm đi cái âm lượng gớm ghiếc của tiếng ồn tiền-Phục sinh.

Nhưng không phải chỉ có bà Kater cùng tiếng đập thảm khiến tôi phải lánh nạn vào tủ quần áo. Mấy người lớn - mẹ tôi, bác Jan và Matzerath - chưa cởi áo ngoài ra, đã bắt đầu bàn cãi về thực đơn ngày Thứ Sáu Thánh. Nhưng họ vẫn không ngã ngũ được về món lươn. Như thường lệ, mỗi khi cãi vã về chuyện gì, họ đều nhớ đến tôi và cú ngã trứ danh của tôi từ cầu thang hầm kho. Đó là do lỗi của anh, tại anh tất cả, Bây giờ tôi sẽ làm món xúp lươn, đừng có yểu điệu thục nữ thế, Anh muốn làm cái gì thì làm miễn là không phải lươn, có bao nhiêu đồ hộp ở dưới hầm, mang ít nấm lên nhưng nhớ đóng kỹ cái cửa sập đừng để chuyện ấy hoặc điều gì tương tự xảy ra một lần nữa, Tôi đã nghe đến phát ngán cái đĩa hát cũ rích ấy rồi, chúng ta sẽ có món lươn, dứt khoát thế, nấu với sữa, mù-tạc, mùi tây và khoai tây luộc, điểm chút lá nguyệt quế và hạt đinh hương, Đừng, Alfred, tôi xin chú, nếu cô ấy không muốn thì đừng làm lươn nữa, Anh đừng có nhúng mũi vào, tôi mua lươn để vứt đi à, tôi sẽ moi hết ruột rửa thật sạch, không, không, Rồi xem khi dọn lên bàn, ai sẽ ăn và ai sẽ không ăn...

Matzerath đóng sập cửa phòng khách và biến vào bếp. Chúng tôi nghe thấy ông cố ý khua nồi xoong kêu loảng xoảng, ông giết lươn bằng hai nhát dao bắt chéo hình chữ thập đằng sau cổ và mẹ tôi, vốn quá giàu tưởng tượng, phải ngồi xuống đi văng và bác Jan cũng lập tức ngồi theo. Một lát sau, họ đã nắm tay nhau, thì thầm trò chuyện bằng tiếng Kashubes. Lúc ấy, tôi chưa chui vào tủ quần áo. Trong khi ba người lớn phân khoảnh định vị như vậy trong căn hộ thì tôi vẫn ở trong phòng khách. Có một cái ghế trẻ con cạnh bếp lò bằng gạch men. Tôi ngồi đó, hai chân đu đưa, trong khi Jan nhìn tôi chằm chằm. Tôi biết mình đang cản trở họ mặc dầu họ không thể làm gì quá vì Matzerath đang ở ngay phòng bên, mối đe doạ vô hình nhưng hiển nhiên với những con lươn ngắc ngoải mà ông vung lên như một ngọn roi. Và như vậy họ trao tay nhau, nắm bóp và co kéo hai mươi ngón tay, bẻ khục tay cho nhau. Đối với tôi, đó là giọt nước làm tràn cốc. Mụ Kater kia và tiếng đập thảm tra tấn còn chưa đủ sao? Nó chả đã xuyên qua mỗi bức tường, mỗi lúc một gần lại, tuy không tăng âm lượng, đó sao?

Oskar tụt xuống khỏi ghế, ngồi trên sàn cạnh cái bếp lò một lúc, tránh một cách quá lộ liễu rồi, dốc hết tâm trí vào cái trống, lẻn qua ngưỡng cửa và sang phòng ngủ.

Tôi để hé cửa phòng ngủ và hài lòng nhận thấy là không có ai gọi tôi lại. Tôi phân vân một lúc không biết nên trốn xuống gầm giường hay chui vào tủ quần áo. Tôi ưng tủ quần áo hơn vì nếu chui gầm giường sẽ bẩn bộ đồ lính thủy xanh lơ hào nhoáng.

Tôi vừa đủ cao để với tới chiếc chìa khóa tủ; tôi vặn một vòng, mở cánh cửa gương và lấy dùi trống gạt những móc treo quần áo rét sang bên. Muốn với tới và chuyển dịch những cái áo pa-đờ-xuy nặng nề, tôi phải đứng lên cái trống. Cuối cùng, tôi đã dẹp được một khoảng trống ngay giữa tủ quần áo tuy không rộng lắm nhưng cũng đủ để Oskar trèo vào ngồi thu lu trong đó. Tôi còn khắc phục kéo được hai cánh cửa gương vào và lấy một chiếc khăn san tìm thấy dưới đáy tủ chặn lại chỉ để hở một khe bằng ngón tay cho thoáng khí và khi cần, có thể nhìn ra ngoài. Tôi đặt cái trống lên đầu gối, nhưng không đánh dù là rất khẽ, mà chỉ ngồi yên hoàn toàn thụ động đắm mình trong làn hơi ấm tỏa ra từ đám quần áo mùa đông.

Thật tuyệt vời làm sao lại có cái tủ ở đây với những đồ len dạ dày dặn quây kín khiến tôi có thể tập trung tư tưởng hầu như hoàn toàn để buộc những ý nghĩ thành một bó đem tặng cho một nàng công chúa trong mơ đủ thông minh để nhận món quà của tôi với một niềm thích thú vừa trang nghiêm vừa kín đáo.

Như thường lệ, mỗi khi tôi tập trung và lợi dụng những năng khiếu huyền bí của mình, tôi thường đưa mình trở về văn phòng của bác sĩ Hollatz ở Brunshöfer-weg và nhấm nháp cái phần duy nhất thú vị của những buổi khám bệnh thường kỳ ngày thứ Tư. Tôi không quan tâm đến ông bác sĩ với cung cách khám bệnh ngày càng trở nên tỉ mẩn mà chủ yếu là nghĩ đến Xơ Inge, phụ tá của ông. Chỉ có Xơ là được đặc quyền cởi quần áo và mặc lại quần áo cho tôi; chỉ có Xơ là được phép cân và lấy số đo và làm các xét nghiệm cho tôi; tóm lại, chính Xơ Ingà người thực hiện tất cả những thí nghiệm trên cơ thể tôi mà bác sĩ Hollatz chỉ định. Mỗi lần làm xong, Xơ Inge lại thông báo, không khỏi pha chút châm biếm, là thí nghiệm thất bại, điều mà Hollatz biến báo thành "thành công từng phần". Tôi ít khi nhìn vào mặt Xơ Inge. Mắt tôi và trái tim người đánh trống đôi khi hồi hộp của tôi gắn trên màu trắng hồ cứng sạch bong của bộ đồng phục nữ y tá, trên cái kết cấu không trọng lượng mà Xơ mang trên đầu như một cái mũ mềm, trên cái trâm giản dị điểm một chữ Thập đỏ. Xơ có một thân thể dưới lớp vải không nhỉ? Quan sát những nếp li bao giờ cũng mới trên đồng phục của Xơ, thật là dễ chịu! Bộ mặt già đi đều đều và đôi bàn tay xương xương mặc dầu được chăm chút cẩn thận khiến ta thấy Xơ Inge dù sao cũng vẫn là đàn bà. Đành rằng Xơ không cường vượng chất đàn bà như cái mùi phả ra từ mẹ tôi khi Jan, hoặc thậm chí Matzerath, giải y mẹ trước mặt tôi. Người Xơ toàn mùi xà phòng và thuốc gây buồn ngủ. Biết bao lần tôi đã ngủ thiếp đi khi Xơ bắt mạch cho cái thân hình bé nhỏ mà người ta cho là mắc bệnh của tôi: một giấc ngủ nhẹ nhàng sinh ra từ những nếp "li" của vải trắng, một giấc ngủ bọc trong axit carbônníc, một giấc ngủ không mộng mị gì hết trừ một điều là đôi khi cái trâm của Xơ tự dưng phình ra thành một cái gì có mà trời biết: một biển cờ xí, ánh hoàng hôn trên dãy núi Alpes, một cánh đồng hoa thuốc phiện sẵn sàng nổi loạn chống lại ai hoặc cái gì có mà trời biết; chống lại những người da đỏ, những trái anh đào, những cú đổ máu cam, những cái mào gà trống, những hồng huyết cầu, cho đến khi một màu đỏ choán hết tầm mắt tôi làm nền cho một đam mê mà, dạo ấy cũng như bây giờ, đều là hiển nhiên song không thể gọi tên, vì cái từ "đỏ" cỏn con chả nói lên được gì, đỏ máu cam cũng vô nghĩa, và vải cờ thì sẽ phai màu, và nếu mặc dầu vậy, tôi vẫn nói “đỏ” thì đỏ bác bỏ tôi và lộn lần áo trong ra ngoài thành đen. Đen là Phù thủy, đen làm tôi sợ đến xanh mặt, xanh lam và xanh lơ, xanh lơ là xanh đích thực nhưng tôi không tin nó, còn quý vị thì sao? Xanh lam tượng trưng cho hy vọng, xanh lam là cỗ quan tài nơi tôi gặm cỏ, xanh lam che phủ tôi, từ xanh đến tái, rồi trắng trợt, trắng làm hoen vàng và vàng nhuộm tôi xanh lơ, xanh lơ tôi lờ xanh lam, xanh lam nở thành đỏ và đỏ là cái trâm của Xơ Inge; Xơ mang một chữ thập đỏ, nói xác, Xơ mang nó trên cổ áo của bộ đồng phục nữ y tá; nhưng hiếm khi, trong tủ quần áo cũng như ở bất cứ nơi nào khác, tôi có thể chú tâm lâu vào cái biểu tượng đơn sắc nhất ấy trong các biểu tượng.

Một tiếng huyên náo kinh khủng từ phòng khách ào tới đập vào cửa tủ, đánh thức tôi khỏi giấc ngủ chập chờn hướng về Xơ Inge vừa mới bắt đầu. Tỉnh táo nhưng miệng khô đắng, tôi ngồi ôm cái trống trên đầu gối giữa đám áo rét các cỡ và các kiểu may khác nhau, hít cái mùi đồng phục Đảng của Matzerath, cảm thấy sự hiện diện của gươm, thắt lưng da và dây đeo súng bao trùm đến nỗi không cách chi trở lại với những nếp "li" của đồng phục nữ y tá nữa: fla-nen và len rủ xuống bên cạnh tôi; trên đầu tôi là những mốt mũ thời thượng trong bốn năm qua; dưới chân tôi là giày lớn giày nhỏ, ghệt đánh xi, gót giày có hoặc không đóng đinh đầu to. Một chùm tia sáng yếu ớt lọt vào gợi lên toàn bộ cảnh đó và Oskar lấy làm tiếc đã để hở một khe giữa hai cánh cửa gương.

Những người ở trong phòng khách kia có cái gì hiến cho tôi? Dễ thường Matzerath đã bắt chợt đôi tình nhân trên đi văng, nhưng điều đó rất khó có thể xảy ra vì Jan luôn luôn thận trọng giữ một cái lề an toàn, như khi chơi bài xì-cạt. Có lẽ - tôi đoán, và quả nhiên sự việc xảy ra như thế thật - Matzerath, sau khi giết lươn, moi lòng ruột, rửa sạch, nấu nướng, thêm gia vị: hành, tỏi, ớt, rau thơm... và nếm thử thành phẩm, đã mang liễn xúp lươn với khoai tây luộc đặt lên bàn phòng khách và, khi hai người kia không hề tỏ ý muốn ngồi vào bàn, bèn dấn thêm một bước là ca ngợi món đặc sản của mình, liệt kê tất cả các thành phần và ê a kể công thức nấu như tụng kinh. Thế là mẹ bắt đầu hét. Mẹ hét bằng tiếng Kashubes. Matzerath không hiểu cũng như không thể chịu nổi thứ thổ ngữ này, nhưng ông vẫn buộc phải nghe và thừa biết mẹ đang nhằm nói gì. Xét cho cùng, mẹ có thể la hét về cái gì khác ngoài chuyện lươn, từ đó dẫn đến cú ngã của tôi từ cầu thang xuống hầm - kết cục tất yếu của bất cứ cái gì khiến mẹ tôi bắt đầu la hét. Matzerath cãi lại. Họ đều thuộc vai của mình, Jan xen vào can. Không có bác ấy, ắt không có chuyệnồi II: c’rach một cái, nắp đàn dương cầm được lật lên; không bè, thuộc lòng, cả ba, đồng thời nhưng không đồng thanh, gào lên khúc "Hợp xướng người đi săn" trong vở Freischutz: "Có cái gì trên đời giống như..." Và giữa tiếng om xòm đó, nắp đàn dương cầm sập xuống đánh rầm, cái ghế ngồi đàn đổ đánh rầm rồi mẹ chạy vào phòng ngủ. Soi thoáng một cái vào gương tủ áo, - tôi nhìn thấy tất cả qua khe hở - mẹ gieo mình xuống chiếc giường cưới bên dưới cái tán xanh lơ, và khóc, và vặn xoắn hai bàn tay vào nhau với số ngón ngang ngửa với số ngón của nàng Madeleine sám hối trong tấm phiên bản màu đóng khung vàng treo ở phía đầu pháo đài hôn nhân này.

Hồi lâu, tôi chỉ nghe thấy tiếng mẹ dấm dứt khóc, tiếng giường cọt kẹt nhè nhẹ và tiếng rì rầm khe khẽ từ phía phòng khách. Jan đang xoa dịu Matzerath. Rồi Matzerath nhờ Jan vào dỗ mẹ tôi. Tiếng rì rầm bặt dần, Jan vào phòng ngủ. Hồi III: Bác đứng cạnh giường, hết nhìn mẹ lại nhìn nàng Madeleine sám hối, rón rén ngồi xuống mép giường, đưa tay vuốt ve lưng và mông mẹ - chả là mẹ đang nằm sấp mà - nói với mẹ những lời êm ái vỗ về bằng tiếng Kashubes - và cuối cùng, khi lời nói tỏ ra vô tác dụng, luồn tay vào dưới váy cho đến khi mẹ thôi thút thít và bác thì có thể rời mắt khỏi nàng Madeleine-nghìn-ngón-tay. Đó là một cảnh bõ xem lắm. Nhiệm vụ hoàn thành, Jan đứng lên, lấy mù-soa lau đầu ngón tay và cuối cùng, cất cao giọng nói với mẹ, lần này thì không dùng tiếng Kashubes, và nhấn từng chữ cho Matzerath ở trong bếp hay trong phòng khách cũng nghe thấy: "Nào, lại đây, Agnès. Ta hãy quên toàn bộ chuyện này đi. Alfred đã vứt hết lươn vào cầu tiêu từ lâu rồi. Giờ chúng ta sẽ chơi một chầu xì-cạt thật xôm, mỗi điểm một phần tư pfennig nếu cô muốn và sau khi cho qua mọi sự, Alfred sẽ làm cho chúng ta món nấm với trứng đánh lộn và khoai tây rán."

Đáp lại, mẹ tôi chẳng nói gì, chỉ đứng dậy, vuốt phẳng lại tấm khăn trải giường màu vàng, soi gương sửa lại tóc cho gọn gàng và theo sau bác Jan ra khỏi phòng ngủ. Tôi rời mắt khỏi khe cửa tủ và lát sau, đã nghe thấy họ trang b

Đoán chắc rằng cuộc bài xì-cạt gia đình này sẽ còn kéo dài đến tận đêm khuya, với một quãng dừng ngắn để ăn nấm với trứng đánh lộn lòng trắng lòng đỏ và khoai tây rán, tôi không chú ý theo dõi các ván bài mà cố quay trở lại với Xơ Inge và bộ đồng phục trắng gây buồn ngủ của Xơ. Nhưng tôi không tìm về được với niềm sung sướng ở văn phòng bác sĩ Hollatz. Không những xanh lam, xanh lơ, vàng và đen cứ dai dẳng chen lấn vào màu đỏ của cái trâm chữ Thập Đỏ, mà cả những sự kiện sáng nay cũng tiếp tục quyện lẫn vào: cứ khi nào cánh cửa dẫn đến phòng khám và Xơ Inge mở ra, thì không phải chỉ hình ảnh tinh khiết và nhẹ lâng của chiếc áo nữ y tá hiện ra trước mắt tôi, mà cả lão "cửu vạn" ở chân tháp đèn tín hiệu trên dập chắn sóng Neufahrwasser thò tay lôi những con lươn từ cái đầu ngựa ròng ròng nước, và những gì phô chút màu trắng để tôi có thể gắn với Xơ Inge chỉ là những cánh hải âu tạm thời che lấp cái đầu ngựa cùng đám lươn trong đó, cho đến khi vết thương lại hoác ra nhưng không ứa máu đỏ mà đen như con ngựa đen, và biển xanh rờn trong khi con tàu Phần Lan chở gỗ góp chút màu gỉ vào bức tranh và những con hải âu - xin miễn nói với tôi về bồ câu - sà xuống như một đám mây bao quanh vật tế thần, đầu cánh quyện vào nhau và ném con lươn vào Xơ Inge, Xơ bắt lấy nó, chào mừng nó rồi biến thành một con hải âu, một con hải âu chứ không phải bồ câu, nhưng dù sao cũng là Chúa Thánh Thần mang hình dáng một con hải âu sà xuống như một đám mây trên đống thịt để mừng lễ Hạ Trần.

Tôi đành bỏ cuộc và rời khỏi tủ quần áo. Tức tối đẩy cánh cửa tủ bước ra, tôi thấy mình vẫn nguyên vẹn không thay đổi trong gương. Dù sao tôi cũng rất mừng là bà Kater đã thôi đập thảm. Ngày Thứ Sáu Thánh đã kết thúc đối với Oskar, nhưng phải sau lễ Phục sinh, Khổ Hình của nó mới bắt đầu.

THUÔN THUÔN ĐẰNG CHÂ

Và cả Khổ Hình của mẹ tôi nữa. Ngày Chủ nhật Phục Sinh, chúng tôi cùng vợ chồng Bronski về Bissau thăm bà ngoại và ông bác Vincent. Sau đó, bắt đầu những đau khổ của mẹ - những nỗi đau mà tiết xuân tươi thắm cũng không xoa dịu nổi.

Không phải là Matzerath đã ép mẹ ăn cá trở lại. Hoàn toàn do tự nguyện và bởi một ý chí thần bí nào đó nhập vào, đúng hai tuần sau lễ Phục sinh, mẹ bắt đầu nhồi nhét cá xả láng bất cần giữ eo gì nữa, đến nỗi Matzerath phải kêu lên: "Lạy Chúa, đừng có ăn nhiều cá đến thế, như thể ai bắt ép mình vậy!"

Mẹ lót dạ bằng cá xạc-đin hộp trong bữa điểm tâm, rồi hai giờ sau, nếu trong cửa hàng không có khách lại vục vào cái hòm gỗ dán đựng cá trích cơm Bohnsack, đến bữa trưa, mẹ đòi cá bơn rán hoặc cá thu nấu xốt mù-tạc và tà tà chiều, lại nhăm nhăm cái chìa mở đồ hộp: lươn nấu đông, thịt cá trích cuốn, cá trích hun khói, và nếu Matzerath từ chối không rán hoặc luộc thêm cá cho bữa tối, mẹ chẳng phí hơi cãi vã mà lặng lẽ rời bàn ăn ra ngoài cửa hàng và trở lại với một khoanh lươn hun khói. Thế là chúng tôi ăn mất ngon bởi vì mẹ cứ lấy dao vét đến hạt mỡ cuối cùng bám vào da lươn cả bên trong lẫn bên ngoài, và nói chung, bây giờ mẹ thuần ăn cá bằng dao. Suốt ngày, chốc chốc mẹ lại nôn. Lo lắng và bất lực, Matzerath hỏi: "Mình nghén hay sao vậy?"

"Đừng có nói vớ vẩn," nếu có đáp lời thì mẹ chỉ nói vậy. Một ngày Chủ nhật, khi món lươn xanh xốt kem khoai tây được dọn ra, bà ngoại Koljaiczek đập lòng bàn tay xuống bàn và lớn tiếng: "Nào, nói xem, Agnès, có chuyện gì vậy? Nói cho chúng ta nghe nào. Tại sao con cứ ăn cá khi mà nó không hợp với con mà con không chịu nói tại sao và cứ hành động như đứa mất trí thế?" Mẹ chỉ lắc đầu, gạt mấy củ khoai tây sang bên, v một con lươn đẫm nước xốt lên và bắt đầu ăn với một quyết tâm không nao núng. Jan Bronski không nói gì. Một lần tôi bất chợt thấy hai người trên đi văng, họ cầm tay nhau như mọi khi và quần áo họ xộc xệch - cái đó cũng bình thường thôi nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên là mắt Jan có ngấn lệ và mẹ đang đờ đẫn vô cảm bỗng chuyển sang cuồng nhiệt: mẹ bật dậy, vớ lấy tôi, nhấc bổng tôi lên và ghì chặt tôi, đủ cho tôi thấy cả một vực thẳm trống rỗng không gì có thể lấp nổi trừ một khối lượng khổng lồ cá luộc, cá rán, cá hun khói và cá hộp.

Mấy hôm sau, tôi thấy mẹ ở trong bếp, lần này không chỉ ngấu nghiến món cá xạc-đin hộp chết tiệt, mà còn đổ dầu từ những hộp cá mẹ để dành vào một cái xoong nhỏ. Mẹ hâm chỗ dầu ấy trên bếp ga rồi uống kỳ hết. Đứng ở cửa bếp, tôi bàng hoàng đến rơi cả trống.

Ngay tối hôm đó, mẹ được đưa vào Bệnh viện thành phố. Matzerath khóc lóc rền rĩ trong khi chờ xe cấp cứu. "Tại sao mình không muốn đứa bé ấy? Nó là của ai thì có quan trọng gì? Hay là vẫn vì cái đầu ngựa chết tiệt đó? Giá như chúng ta đừng bao giờ ra chốn ấy! Mình không thể quên được chuyện đó sao, Agnès? Tôi đâu có chủ tâm làm thế."

Xe cấp cứu đến, người ta khiêng mẹ ra. Trẻ con người lớn xúm lại trên vỉa hè. Người ta chở mẹ đi. Hóa ra mẹ chẳng thể quên con đập chắn sóng cũng như cái đầu ngựa, mẹ đã mang theo ký ức về con ngựa - bất kể nó tên là Hans hay Fritz. Mọi bộ phận của cơ thể mẹ đều giữ lại ký ức đau xót về cuộc đi chơi ngày Thứ Sáu Thánh ấy, và vì sợ nó lại tái diễn, các cơ quan lục phủ ngũ tạng đều quyết làm cho mẹ phải chết và mẹ hoàn toàn nhất trí với chúng.

Bác sĩ Hollatz đoán mẹ mắc chứng vàng da và ngộ độc cá. Tại bệnh viện, người ta phát hiện ra mẹ đã có mang ba tháng và cho mẹ nằm một phòng riêng. Trong bốn ngày, những ai trong chúng tôi được phép vào thăm đều thấy mặt mẹ võ vàng vì đau đớn và nôn mửa; đôi lúc mẹ mỉm cười với tôi qua cơn buồn nôn.

Mặc dù mẹ cố hết sức làm vui những người đến thăm, cũng như giờ đây tôi ráng làm ra vẻ hài lòng khi có người vào thăm, mẹ vẫn không thể ngăn nổi những cơn buồn nôn theo chu kỳ đến xâm chiếm cái cơ thể đang từ từ rạc đi của mẹ mặc dù nó chẳng còn gì để hư hao nữa ngoại trừ, chung cuộc, vào ngày thứ Tư của cuộc hấp hối cực nhọc này, chút hơi tàn mà mỗi chúng ta đều phải trút ra để được nhận giấy chứng tử.

Tất cả chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm khi trong người mẹ chẳng còn gì để gây những cơn buồn nôn đã hủy hoại sắc đẹp của mẹ. Một khi được lau rửa và đặt nằm đó trong chiếc áo liệm, mẹ lại phô ra vẻ mặt tròn trĩnh quen thuộc và tinh ranh một cách hồn nhiên. Nữ y tá trưởng khép mắt cho mẹ vì Matzerath và Jan đều khóc nhòa cả mắt.

Tôi không thể khóc vì những người khác, đám đàn ông và bà ngoại, Hedwig Bronski và thằng cu Stephan mười bốn tuổi, tất cả đều khóc. Vả lại, cái chết của mẹ không hề làm tôi bị bất ngờ. Oskar vốn thường xuyên theo mẹ lên phố các chiều thứ Năm và đến Nhà thờ Thánh Tâm các ngày thứ Bảy, nó cảm thấy như từ nhiều năm, mẹ đã tìm cách để phá vỡ cái tam giác này sao cho Matzerath (mà có lẽ mẹ ghét) phải gánh mọi trách nhiệm còn Jan Bronski, Jan của mẹ, thì có thể tiếp tục công việc ở Sở Bưu chính Ba Lan mà tự an ủi rằng: nàng đã chết vì ta, nàng không muốn ngáng trở ta, nàng đã hy sinh bản thân mình.

Với tất cả sự tính toán lạnh lùng, hai người - mẹ tôi và Jan - khi cần, có thể tìm ra một cái giường ân ái không bị quấy rầy, nhưng mặt khác, họ lại tỏ ra rất có năng khiếu thơ mộng: chẳng cần giàu trí tưởng tượng gì lắm cũng có thể xem họ như một cặp Romeo-Juliet hoặc như chàng hoàng tử và nàng công chúa trong truyện cổ tích không đến được với nhau vì dòng sông quá s

Trong khi mẹ tôi, đã được kịp thời làm phép rửa tội tối chung, nằm ngoan ngoãn chịu lời cầu nguyện của linh mục, lạnh ngắt và hoàn toàn vô cảm đối với mọi sự, tôi có thể rảnh rang quan sát các nữ y tá mà hầu hết đều theo đạo Tin Lành. Họ chắp tay khác với người theo đạo Thiên Chúa, có thể nói là tự chủ hơn, họ đọc kinh Cha chúng ta với nhiều chữ đi chệch khỏi bản gốc của đạo Thiên Chúa và không làm dấu thánh giá giống như bà ngoại Koljaiczek, vợ chồng bác Jan và chính tôi. Ông bố Matzerath của tôi - thi thoảng tôi cũng gọi ông như vậy mặc dù tư cách cha đẻ của ông chỉ thuần túy là giả định - cầu nguyện không giống những tín đồ Tin Lành khác; thay vì chắp hai tay trước ngực, ông để các ngón chạy cuồng loạn từ đạo giáo này sang đạo giáo khác ở đâu đó gần hạ bộ và hiển nhiên là ông thấy ngượng khi có ai nhìn ông cầu nguyện. Bà ngoại tôi quỳ bên giường lâm chung cạnh ông anh Vincent, bà cầu nguyện to và cuồng nhiệt bằng tiếng Kashubes, trong khi ông Vincent chỉ mấp máy môi, có lẽ bằng tiếng Ba Lan, nhưng đôi mắt thì mở to như đang linh nghiệm vậy. Tôi những muốn nổi trống. Xét cho cùng, tôi phải cảm ơn mẹ về tất cả những cái trống sơn màu đỏ-trắng này. Để làm đối trọng với những điều ước của Matzerath, khi tôi nằm trong nôi mẹ đã hứa cho tôi một cái trống thiếc; và sau này, đôi khi vẻ đẹp của mẹ, hồi mẹ còn thanh mảnh, không cần phải tập thể dục để giữ eo, đã là chủ đề và mô-típ biến tấu của tôi trên trống. Cuối cùng tôi không thể tự kiềm chế được nữa và bên giường lâm chung của mẹ, tôi tái tạo một lần nữa trên cái trống của tôi hình ảnh lý tưởng của vẻ đẹp mẹ tôi với cặp mắt xám. Nữ y tá trưởng lập tức phản đối và tôi rất ngạc nhiên khi thấy chính Matzerath là người ủng hộ tôi và khẽ khàng xoa dịu bà ta: "Hãy để mặc nó, Xơ ạ. Hai mẹ con nó thương yêu nhau lắm".

Mẹ có thể rất vui tươi, mà cũng có thể rất ưu tư, lo phiền. Mẹ có thể mau quên, tuy nhiên mẹ lại có trí nhớ tốt. Mẹ có thể đuổi tôi ra khỏi buồng tắm, song lại sẵn sàng tắm chung với tôi. Khi tôi hất vỡ cửa kính, mẹ đã sẵn sàng mát-tít để gắn. Đôi khi mẹ lỗi bc mặc dầu còn nhiều chỗ an toàn để đặt chân. Đôi khi mẹ như không còn biết đến tôi, song mẹ lại định thần lại: ngay cả khi mẹ khép lòng lại, mẹ vẫn là một cuốn sách mở đối với tôi... Mẹ sợ gió lùa, song lại luôn luôn gây dông tố. Mẹ sống nợ và không thích đóng thuế. Tôi là mặt trái của đồng- tiền-mẹ. Khi mẹ chơi con bài tim, bao giờ mẹ cũng thắng. Khi mẹ chết, những ngọn lửa trên tang trống của tôi nhạt đi một ít, nhưng màu sơn trắng càng trắng hơn bao giờ hết và sáng lóa đến nỗi đôi khi Oskar phải nhắm mắt lại.

Người ta không chôn mẹ tôi ở Saspe như đôi khi mẹ đã tỏ ý muốn thế, mà ở cái nghĩa trang nhỏ yên bình tại Brenntau. Yên nghỉ ở đó đã có cha dượng của mẹ, người thợ thuốc súng Gregor Koljaiczek, mất năm 1917 vì bệnh cúm. Đám tang khá đông, đó là điều tự nhiên vì mẹ vốn là một thương nhân được mến mộ; ngoài các khách hàng thường xuyên, còn có các đại diện và nhân viên của các nhà bán buôn, thậm chí một số người cạnh tranh cũng có mặt như người của cửa hàng cao cấp Weinreich và bà Probst ở cửa hàng thực phẩm phố Hertastrasse. Nhà thờ của nghĩa trang Brenntau không đủ chứa tất cả mọi người. Sực nức mùi hoa và mùi quần áo đen ướp băng phiến. Trong cỗ áo quan để ngỏ, mặt mẹ tôi vàng bệch và tiều tụy. Suốt cuộc tang lễ dài dằng dặc, tôi không sao dẹp nổi cái cảm giác rằng đầu mẹ có thể bật dậy bất cứ lúc nào, rằng mẹ lại sắp ói thêm một chút nữa, rằng còn có một cái gì trong bụng mẹ cần được trút ra: không phải chỉ là cái thai ba tháng (nó cũng như tôi không biết phải cảm ơn người cha nào về sự tồn tại của mình); không, tôi nghĩ, không phải chỉ nó muốn ra và, giống như Oskar, cũng đòi một cái trống, mà còn cả cá nữa, nhưng không phải xạc-đin cũng không phải thờn bơn, không, tôi nghĩ đến một khúc lươn, mấy thớ thịt lươn trắng xanh, lươn từ trận thủy chiến Skagerrak, lươn từ đập chắn sóng Neufahrwasser, lươn cho ngày Thứ Sáu Thánh, lươn từ cái đầu ngựa, thậm chí có thể là từ người cha Joseph Koljaiczek của mẹ đã chết đuối dưới gầm bè, làm mồi cho lươn, lươn của lươn của ngươi, bởi ngươi vốn là lươn, nay lại trở về lươn...

Nhưng mẹ tôi không ói. Mẹ kìm lại, không nôn nốt chỗ lươn ấy ra: rõ ràng mẹ cố ý mang nó theo xuống mồ bởi cuối cùng, nó có thể mang lại bình an.

Khi người ta nhấc cái nắp quan tài lên, sắp sửa đậy lên gương mặt vừa chán ngán vừa kiên quyết của mẹ, bà ngoại Anna Koljaiczek bèn chặn lại. Đạp lên những vòng hoa đặt quanh áo quan, bà gieo mình xuống ôm chầm lấy con gái và xé toạc tấm khăn liệm đắt tiền và rền rĩ khóc than bằng tiếng Kashubes.

Nhiều người, sau đó, nói là bà đã nguyền rủa ông bố hờ Matzerath của tôi, gọi ông là kẻ giết hại con gái bà. Người ta còn bảo là bà cũng nói về cú ngã của tôi ở cầu thang hầm kho nữa. Bà tiếp nối câu chuyện của mẹ và không bao giờ cho phép Matzerath được quên cái gọi là trách nhiệm của ông về cái gọi là tai nạn của tôi. Bà không ngừng nhắc đi nhắc lại những lời kết tội đó, mặc dầu Matzerath, bất chấp mọi suy tính chính trị và gần như miễn cưỡng, vẫn tỏ ra hết sức tôn kính bà và suốt những năm chiến tranh vẫn cung đốn cho bà nào đường, nào cà phê, nào mật ong tổng hợp, nào dầu hỏa.

Greff-Rau-Quả và Jan Bronski (bác khóc the thé như đàn bà) đỡ bà ngoại tôi rời khỏi quan tài để đám phu nhà đòn đậy nắp lại và, cuối cùng, có thể mang cái bộ mặt muôn thủơ của những người hộ tang khi họ nhấc áo quan lên vai.

Ở cái nghĩa trang Brenntau nửa thành thị nửa nông thôn, với con đường trồng cây du du chạy giữa hai vạt cánh đồng, với ngôi nhà thờ nhỏ nom như bộ đồ chơi cho vườn trẻ, với cái giếng và bày chim nhỏ linh hoạt, Matzerath dẫn đầu đám tang và tôi theo sau. Chính khi đó là lần đầu tiên tôi thấy khoái cái hình quan tài. Từ đó trở đi, tôi đã có nhiều dịp nhìn ngắm thứ gỗ sẫm màu dùng vào việc hậu sự. Quan tài của mẹ tôi màu đen. Nó hẹp dần về đằng chân một cách hài hòa tuyệt vời. Trên đời này, còn có hình dạng nào khác phù hợp đến thế với sự cân đối của cơ thể người?

Giá như ường cũng hẹp lại như thế ở đằng chân! Giá như mọi chỗ nằm thường ngày cũng như đột xuất của chúng ta đều có thể thon lại chính xác như thế ở đằng chân! Bởi vì tha hồ cho chúng ta giở mọi điệu bộ, cái kích cỡ phô phang của đầu, vai và thân chúng ta rồi cũng thon lại ở dưới chân và toàn bộ thân thể phải dựa trên cái đế nhỏ hẹp đó.

Matzerath đi ngay sau áo quan. Ông cầm chiếc mũ cao thành ở tay và mặc dầu đang đau buồn và đi chậm rãi, vẫn cố giữ sao cho đầu gối thẳng đuỗn. Bao giờ tôi cũng thấy ái ngại cho ông khi nhìn ông từ đằng sau: cái chỏm đầu gồ lên và hai mạch máu phập phồng thòi ra từ cổ áo lên mãi tận đường ngôi.

Tại sao lại là Mamăng Truczinski dắt tay tôi chứ không phải Gretchen Scheffler hay Hedwig Bronski? Bà cụ ở tầng hai khu chung cư của chúng tôi và hình như không có tên cái vì tôi thấy mọi người đều chỉ gọi bà là Mamăng Truczinski.

Đi trước quan tài là Đức cha Wiehnke cùng một bõ nhà thờ mang hương. Mắt tôi lướt từ gáy Matzerath sang những cái cổ hằn những nếp nhăn của những người khiêng quan tài. Tôi phải đấu tranh để dẹp đi một khát khao cuồng khấu: Oskar muốn trèo lên cỗ áo quan. Nó muốn ngồi đó mà đánh trống. Nhưng không phải đánh trên cái trống thiếc mà cái chính là nó muốn dùng dùi trống gõ lên nắp áo quan. Nó muốn cưỡi thật cao, lắc lư theo nhịp đi uể oải của những người khiêng đòn. Nó muốn đánh trống vì những người đưa tang đang nhắc lại những lời cầu nguyện theo Cha Wiehnke. Và khi hạ huyệt, nó muốn đứng vững trên nắp áo quan. Trong khi cử hành các nghi thức - thuyết giáo, đổ chuông, vẩy bình xông hương và nước thánh, nó muốn đánh bài La-tinh của nó trên ván gỗ trong khi người ta hạ nó xuống huyệt cùng với quan tài. Nó muốn đi xuống huyệt cùng với mẹ và cái thai chưa lọt lòng. Và nó muốn ở lại đó trong khi những người còn sống ném những nắm đất xuống, không, Oskar không muốn trở lên nữa, nó muốn ngồi trên phần dưới thon nhỏ của áo quan, ngồi đó mà đánh trống nếu có thể, đánh dưới mặt đất, đánh đến khi đôi dùi rữa nát rụng khỏi tay nó, đánh cho đến khi mẹ vì nó và nó vì mẹ đều cùng rữa nát ra, trao gửi thịt da cho đất và những cư dân của đất; bằng chính những đốt xương của mình, Oskar những muốn đánh tiếp cho cái thai nếu có thể và được phép.

Không có ai ngồi trên áo quan cả. Trần trụi trơ khấc, nó đu đưa dưới hàng liễu rủ và du du của nghĩa trang Brenntau. Giữa những dãy mồ, đàn gà đốm của ông bõ nhà thờ lách chách mò tìm sâu, gặt những gì chúng chẳng hề gieo. Rồi qua hàng cây phong. Tay tôi trong tay Mamăng Truczinski. Trước tôi là Matzerath, ngay sau tôi là bà ngoại với Greff và Jan dìu hai bên; rồi ông bác Vincent Bronski dựa trên cánh tay Hedwig, rồi Marga và Stephan nắm tay nhau, rồi vợ chồng nhà Scheffler. Theo sau là bác thợ chữa đồng hồ Laubschad, già Heilandt, nghệ sĩ t’rompet Meyn không mang theo kèn và tương đối tỉnh táo.

Mãi đến khi xong xuôi và bắt đầu sang đoạn phân ưu, tôi mới nhận thấy Sigismund Markus. Vận đồ đen, vẻ bối rối, bác hòa vào đám người muốn đến nắm tay Matzerath, tôi, bà ngoại tôi, vợ chồng Bronski và thầm thì đôi điều. Thoạt đầu, tôi không hiểu Alexander Scheffler muốn gì Markus. Họ chẳng quen biết nhau mấy, dễ thường trước đó họ chưa từng nói chuyện với nhau bao giờ cũng nên. Thế rồi Meyn về hùa với Scheffler. Họ đứng cạnh một hàng rào cao ngang thắt lưng làm bằng cái thứ gỗ xanh xanh mau phai màu và có vị đắng nghét khi ta miết nó giữa những ngón tay. Bà Kater và đứa con gái Susi (nó lớn quá nhanh và đang lấy mù-soa che miệng cười) ngỏ lời chia buồn với Matzerath đồng thời đưa tay xoa đầu tôi - làm sao họ không kìm được cái cử chỉ ấy nhỉ? Tiếng cãi vã đằng sau hàng rào to dần nhưng còn chưa rõ lời. Meyn-t’rompét dí ngón tay trỏ vào ve áo com-lê đen của Markus mà đẩy, rồi túm một bên cánh tay Sigismund trong khi Scheffler nắm lấy bên kia. Cả hai đều rất thận trọng không để Markus, đang phải đi giật lùi, vấp phải những rìa mộ; cho nên họ đẩy bác đến tận con đường chính và chỉ cho bác lối cổng nghĩa trang. Markus có vẻ như cảm ơn họ đã mách bảo và bắt đầu đi ra; bác đội cái mũ lụa lên đầu, không ngoảnh lại nhìn Meyn và tay chủ hiệu bánh mì, mặc dù họ vẫn nhìn theo bác.

Cả Matzerrath lẫn Mamăng Truczinski đều không trông thấy tôi lảng xa khỏi họ và đá người phân ưu. Làm như mót đi giải, Oskar lỉnh ra sau, qua chỗ người phu đào huyệt cùng gã phụ việc. Rồi, giẫm bừa lên bụi trường xuân, nó chạy tới hàng cây du du, đuổi kịp Sigismund Markus trước khi bác ra khỏi nghĩa trang.

"Phải bé Oskar đấy không?" Markus ngạc nhiên nói. "Nói nghe xem, họ đang làm gì Markus đây? Xưa nay Markus này có làm gì họ đâu mà họ nỡ đối với Markus như vậy?"

Tôi không biết Markus đã làm gì. Tôi nắm lấy tay bác, bàn tay nhâm nhấp ướt mồ hôi, và dẫn bác qua cánh cổng bằng sắt uốn và ở đó, hai chúng tôi, người cung cấp trống cho tôi và tôi, người đánh trống, có thể là người đánh trống của bác, bắt gặp Leo Schugger, một kẻ cũng tin là có thiên đường như chúng tôi.

Markus biết Leo, mọi người trong thành phố đều biết Leo. Tôi có nghe nói về gã, tôi biết là vào một ngày nắng đẹp, hồi gã còn ở chủng viện, tất thảy - thế giới, các phép bí tích, tôn giáo, trời và đất, sống và chết - đã xáo trộn trong đầu gã đến mức là sau đó, thế giới, qua cái nhìn điên dại của gã, cứ mãi mãi là rạng rỡ và hoàn hảo.

Công việc của Leo Schugger là xuất hiện sau các cuộc lễ tang - không có ai qua đời mà gã không biết - vận một bộ đồ đen bóng rộng thùng thình, đeo găng trắng, đợi những người đi đưa đám. Cả Markus và tôi đều biết rằng việc gã đứng đó ngay trước cổng nghĩa trang Brenntau, găng trắng xăm xắn, mắt xanh ươn ướt và miệng nhớt dãi ròng ròng, chờ đám tang trở ra, là đúng với chức năng nghề nghiệp của gã.

Đó là một ngày giữa tháng Năm, nắng ráo, sáng trong. Cây cối và hàng rào đầy chim. Đàn gà mái cục tác tượng trưng cho vĩnh cửu bằng và thông qua những lứa trứng của chúng. Tiếng vo ve trong không trung. Lớp sơn mới màu xanh không vẩn bụi. Một chiếc mũ cao thành cũ cầm nơi tay trái đi găng, Leo Schugger di chuyển nhẹ nhàng như khiêu vũ bởi nét duyên trời cho, bước tới bên Markus và tôi, chìa năm ngón tay đi găng mốc ra. Đứng ng để cưỡng lại sức gió, mặc dầu không hề có gió, gã nói một chặp, bắn cả nước bọt, trong khi Markus, mới đầu còn ngập ngừng, rồi kiên quyết đặt bàn tay trần của mình vào chiếc găng biết cử động. “Trời đẹp quá nhỉ! Giờ cô ấy đã đến cái nơi mà mọi thứ đều rẻ như bèo. Anh có trông thấy Đức Chúa Trời không? Habemus ad Dominum. Người, vừa qua đây, Người đang vội lắm. Amen."

Chúng tôi nói "amen". Markus nhất trí là trời đẹp và thậm chí còn nói là có trông thấy Chúa Trời.

Đằng sau, tiếng lao xao của những người đưa đám tiến lại gần. Markus buông tay khỏi chiếc găng của Leo, còn đủ thì giờ để "boa" cho gã một ít, nhìn tôi một cái nhìn kiểu Markus rồi chạy vội về phía cái taxi đang đợi bác ở bên ngoài phòng bưu điện Brenntau.

Tôi còn đang nhìn theo đám bụi bao bọc cuộc chạy trốn của Markus thì Mamăng Truczinski nắm lấy tay tôi. Họ đi thành từng đoàn và từng nhóm nhỏ. Leo Schugger phân ưu với tất cả mọi người, nhấn mạnh vào tiết trời đẹp, hỏi mọi người có thấy Đức Chúa Trời không và như thường lệ nhận được những khoản "boa" lớn nhỏ khác nhau. Matzerath và Jan trả công những người khiêng cữu, người đào huyệt, ông bõ nhà thờ và Cha Wiehnke; với một tiếng thở dài bối rối, Cha để cho Leo Schugger hôn tay mình rồi bằng bàn tay được hôn đó, vẩy nước phép theo đám tang đang từ từ giải tán.

Trong khi đó, chúng tôi - bà ngoại, ông anh Vincent của bà, vợ chồng con cái nhà Bronski, Greff không đi cùng vợ, Gretchen Scheffler - ngồi lên hai cỗ xe ngựa. Chúng tôi đi qua Goldkrug theo đường rừng và qua biên giới Ba Lan gần đấy để về Mỏ đá Bissau dự bữa cỗ tang buổi tối.

Nông trại của ông Vincent Bronski nằm trong một con thung*. Phía trước có rặng bạch dương, thấy bảo là để tránh sét. Cánh cửa kho lúa được tháo khỏi bản lề, đặt trên những niễng gỗ và trải khăn bàn lên. Một số người hàng xóm cũng đến. Phải mất một lúc cỗ bàn mới soạn xong. Chúng tôi ngồi ăn ở lối cửa kho lúa. Gretchen Scheffler bế tôi trên lòng. Thoạt tiên là món béo, rồi món ngọt, rồi lại đến món béo nữa; rượu khoai tây, bia, ngỗng quay, lợn sữa quay, bánh ngọt với xúc xích, bí xào chua ngọt, bánh put-đinh với kem chua, về chiều, gió hây hẩy, tiếng chuột chạy, tiếng bọn trẻ nhà Bronski rậm rịch cùng lũ nhóc hàng xóm chiếm lĩnh sân kho.

Cùng với những ngọn đèn dầu, cỗ bài xì-cạt xuất hiện trên bàn. Rượu khoai tây vẫn để nguyên tại chỗ. Có cả rượu trứng nhà làm cho thêm phần rôm rả. Greff không uống rượu, chỉ hát. Những người Kashubes cũng hát. Matzerath ra bài đầu tiên, Jan thứ hai và tay đốc công xưởng gạch thứ ba. Mãi đến lúc bấy giờ tôi mới ngỡ ngàng nhận thấy là thiếu vắng mẹ tội nghiệp của tôi. Họ chơi đến đêm nhưng không ai thắng được bằng một bộ "cơ". Sau khi Jan hỏng ăn một bộ "cơ" thiếu con 4, tôi nghe thấy bác nói nhỏ với Matzerath: "Vào tay Agnès nhất định ăn chặt bộ này."

Rồi tôi tụt khỏi đùi Gretchen Scheffler, ra ngoài với bà ngoại và ông bác Vincent. Họ ngồi trên một cái càng xe ngựa, ông Vincent đang rì rầm điều gì với các vì sao bằng tiếng Ba Lan. Bà ngoại không còn nước mắt để khóc nữa, nhưng bà để cho tôi chui vào dưới váy bà.

Giờ đây có ai cho tôi chui vào dưới váy? Ai cho tôi náu khỏi ánh sáng ban ngày và ánh đèn? Ai ban cho tôi cái mùi bơ mềm hơi khăn khẳn mà bà tôi thường trữ cho tôi dưới váy để tôi ăn cho lên cân?

Tôi ngả thiếp đi dưới bốn lần váy của bà, gần kề nguồn sinh thành ra mẹ tội nghiệp của tôi và cũng lặng yên như mẹ, tuy không đến nỗi bí hơi như mẹ trong cái hòm thuôn thuôn đằng chân của mẹ.

CÁI LƯNG CỦA HERBERT TRUCZINSKI

Người ta nói không gì thay thế được một người mẹ. Không lâu sau đám tang, tôi bắt đầu cảm thấy nỗi thiếu vắng mẹ tôi. Không còn những chiều thứ Năm đến thăm cửa hàng Sigismund Markus, không ai dẫn tôi đến với bộ đồng phục trắng của Xơ Inge, và nhất là những ngày thứ Bảy càng khiến tôi đau đớn nhận chân ra rằng mẹ đã chết: mẹ không đi xưng tội nữa.

Thôi rồi khu phố, thôi rồi văn phòng bác sĩ Hollatz và thôi rồi Nhà thờ Thánh Tâm. Tôi mất hết hứng thú với các cuộc biểu tình. Và làm sao tôi có thể nhử khách qua đường tới những tủ kính cửa hàng khi mà ngay cả cái ngón nghề cám dỗ cũng trở nên nhạt nhẽo không còn hấp dẫn Oskar nữa? Không còn mẹ để đưa tôi đi xem kịch ở Nhà hát Stadt vào dịp lễ Giáng Sinh hoặc đi đến rạp xiếc Krone hay Busch. Siêng năng nhưng mặt ủ mày chau, tôi quay về dùi mài kinh sử, lầm lũi đi qua các phố ngoại ô thẳng tắp đến đường Kleinhammer-weg, thăm Gretchen Scheffler; ở đây, cô Gretchen kể cho tôi nghe về những cuộc hành trình đến miền đất của mặt trời lúc nửa đêm do "Sức Mạnh thông qua Niềm Vui" tổ chức, trong khi tôi liều mạng so sánh Goethe với Rasputin, hoặc giả khi tôi chán ngấy cái sự luân phiên bất tận hết tăm tối lại huy hoàng mà xoay sang nghiên cứa lịch sử. Những cuốn chuẩn mực của tôi, Một cuộc chiến đấu vì Roma, Lịch sử thành Danzig của Keyser và Lịch Hàng hải của Kohler, đem lại cho tôi một thứ bán kiến thức bách khoa. Cho đến hôm nay, tôi vẫn có thể cung cấp cho quý vị những con số chính xác về việc xây dựng, hạ thủy, hoàn thiện, trang bị hỏa lực và quân số của tất cả các tàu đã tham gia trận Skagerrak, đã bị chìm hay hư hại trong dịp ấy.

Tôi đã gần mười bốn tuổi, tôi yêu thích sự cô đơn và rất hay đi dạo. Cái trống luôn theo tôi nhưng tôi tiết kiệm, ít dùng đến, vì sau khi mẹ mất, việc cung cấp trống thiếc một cách đều đặn cũng tr vấn đề.

Bữa ấy là vào mùa thu 1937 hay mùa xuân 1938 nhỉ? Chỉ nhớ là tôi đang đi dọc Đại lộ Hindenburg về phía thành phố, không xa tiệm cà phê Bốn Mùa. Lá đang rụng hay chồi non đang hé, dù sao đi nữa cũng có một cái gì đang diễn ra trong thiên nhiên lúc đó - lúc tôi gặp người bạn và thầy Bebra của tôi, hậu duệ trực hệ của Hoàng tử Eugène vậy là cháu của vua Louis XVI.

Đã ba, bốn năm nay chúng tôi không gặp nhau, tuy nhiên còn cách nhau khoảng hai mươi bước, chúng tôi đã nhận ra nhau, ông không đi một mình mà khoác tay một người đẹp phương Nam thấp hơn Bebra độ hai phân rưỡi và cao hơn tôi chừng ba ngón tay mà ông giới thiệu với tôi là Roswitha Raguna, người mộng du nổi tiếng nhất nước Italia.

Bebra mời tôi vào tiệm Bốn Mùa uống với họ một tách cà phê. Chúng tôi ngồi trong phòng có bể cá cảnh và mấy mụ già rỗi mồm xì xầm: "Nhìn bọn lùn kìa, Lisbeth, thấy không? Chắc chúng ở đoàn xiếc của Krone. Chúng mình phải đi xem mới được."

Bebra mỉm cười với tôi, phô cả ngàn nếp nhăn li ti hầu như không nhìn thấy được.

Gã bồi bàn mang cà phê đến cho chúng tôi cao lêu đêu. Trong khi Signora Roswitha gọi thêm một miếng bánh ngọt, gã đứng cạnh đó như một cái tháp mặc đồ đen.

Bebra ngắm tôi: "Chàng Diệt-Thủy-Tinh của chúng ta coi bộ không vui. Có gì trục trặc vậy, chú mình? Tại thủy tinh ngoan cố hay giọng đã yếu đi?"

Trẻ và bồng bột như tôi đây, Oskar muốn lập tức chứng tỏ là nghệ thuật của mình vẫn đang ở đỉnh cao phong độ. Tôi nhìn quanh tìm mục tiêu và đã tập trung vào mặt kính lớn phía trước của bể cá với những con cả cảnh cùng những loài cây mọc dưới nước. Nhưng tôi chưa cất tiếng thì Bebra đã nói: "Không, không, anh bạn. Bọn ta tin chú. Chúng ta đừng có phá hoại gì, đừng gây lũ lụt, đừng làm cá chết, được không?"

Tôi ngượng ngùng xin lỗi, đặc biệt với signora Roswitha lúc này đã rút ra một cái quạt nhỏ xíu và đang quạt lấy quạt để.

"Mẹ em đã chết," tôi nói để giải thích. "Đáng lẽ bà ấy không nên làm thế. Em không thể tha thứ cho bà ấy. Người ta thường nói: người mẹ thấy tất cả, người mẹ tha thứ tất cả. Đó là cái khẩu hiệu tào lao dành cho Ngày Bà Mẹ thôi. Đối với bà ấy, em bao giờ cũng chỉ là một thằng lùn. Nếu có thể thì ắt bà đã trừ bỏ quách thằng lùn đi cho rồi. Nhưng bà không thể trừ bỏ được em, bởi vì trẻ con, kể cả những thằng lùn, đều được khai trên giấy tờ, không thể xóa toẹt đi một cách đơn giản được. Hơn nữa, em lại là thằng lùn của bà ấy nên trừ bỏ em cũng tức như hủy hoại một phần của bản thân bà. Hoặc là ta, hoặc là thằng lùn, bà tự nhủ, và cuối cùng bà tự kết liễu mình; bà bắt đầu ăn toàn cá, chỉ cá thôi ngoài ra không gì hết, thậm chí cá tươi cũng không, bà đuổi tất cả những người tình và giờ đây, khi bà yên nghỉ ở Brenntau, mọi người đều nói, những người tình và cả những khách hàng đều nói: ‘Thằng lùn đã đánh trống đưa nàng xuống mồ. Vì Oskar, nàng đã không muốn sống nữa, nó đã giết nàng.’ "

Tôi đã phóng đại lên khá nhiều. Tôi muốn gây ấn tượng với Signora Roswitha. Đa số, nhất là bác Jan, đều cho là tại Matzerath mà mẹ tôi chết. Bebra nhìn thấu tâm can tôi.

“Chú hơi quá lời đấy, bạn trẻ ạ. Chỉ vì ghen mà chú đâm giận người mẹ quá cố của chú. Chú cảm thấy nhục vì chính những người tình chán ngắt kia, chứ không phải chú, đã đẩy bà đến chỗ chết. Chú thật hão và độc ác - như một thiên tài tất phải thế."

Rồi với một tiếng thở dài và một cếc về phía Signora Roswitha: “Đối với những người bé nhỏ như chúng ta, sống trót lọt được, không phải là chuyện dễ. Giữ được nhân bản mà không phải lớn lên về kích thước bề ngoài, thật là một nhiệm vụ phức tạp, một cái nghề gay go!”

Roswitha Raguna, nàng mộng du của thành Napoli có làn da vừa nhẵn mịn vừa nhăn nheo mà tôi đoán chừng mười tám cái xuân xanh nhưng chỉ thoáng sau, đã chiêm ngưỡng như một bà lão chín mươi, Signora Roswitha vuốt vuốt bộ com-lê trang nhã may kiểu Ăng-lê của Me-xừ Bebra, chiếu cặp mắt Địa Trung Hải màu đen anh đào về phía tôi và nói bằng một giọng mịt mùng, hứa hẹn kết trái, một giọng làm tôi xúc động và biến tôi thành đá: "Carissimo Oskarnello! Tôi rất thông cảm nỗi đau buồn của bạn. Andriano, hãy đi với chúng tôi: Milano, Parigi, Toledo, Guatemala!"

Tim tôi chao đi. Tôi nắm lấy bàn tay thiếu nữ trăm tuổi của nàng Raguna. Biển Địa Trung vỗ dào dạt bờ tôi, những cây ô-liu rì rào bên tai tôi: "Roswitha muốn thay thế mẹ. Roswitha sẽ thông cảm. Roswitha, người mộng du vĩ đại, nhìn thấu tâm can mọi người, hiểu tâm tư thầm kín nhất của mọi người, trừ của bản thân mình, mamma mia, chỉ trừ bản thân mình, Dio!”

Kỳ lạ thay, nàng Raguna vừa mới bắt đầu dò đọc những ý nghĩ của tôi, X-quang tâm hồn tôi bằng tia nhìn mộng du của nàng, thì đột nhiên rụt tay lại. Phải chăng trái tim háo hức mười bốn tuổi của tôi đã làm nàng khiếp hãi? Phải chăng nàng vừa chớm cảm thấy rằng với tôi Roswitha, dù thiếu nữ hay lão bà, vẫn có nghĩa là Roswitha? Nàng thì thầm bằng tiếng Napoli, run lên, làm dấu thánh giá liên tục như thể phát hiện thấy trong tôi vô số điều ghê sợ và lặng lẽ lấy quạt che mặt.

Bối rối, tôi yêu cầu giải thích, đề nghị Me-xừ Bebra nói một điều gì. Nhưng ngay cả Bebra, mặc dù là con cháu trực hệ của Hoàng tử Eugène, cũng hoang mang, ông bắt đầu lắp bắp và cuối cùng, tôi nghe vỡ ra như thế này: "Thiên tài của chú mày, bạn trẻ ạ, cái khía cạnh thần thánh nhưng chắc chắn cũng là ma quỷ trong t của chú mày, đã làm Roswitha của ta bàng hoàng và cả ta nữa cũng phải thừa nhận rằng ở chú mày có một cái gì quá mức, một cái gì bùng nổ xa lạ đối với ta, tuy chưa đến nỗi là hoàn toàn không hiểu được. Nhưng, bất luận tính cách của chú mày như thế nào," Bebra trấn tĩnh lại, "hãy cứ đi với chúng ta, hãy gia nhập đoàn ảo thuật của Bebra. Với một chút cố gắng tự khép mình vào kỷ luật, chú mày sẽ có thể kiếm được một công chúng, ngay cả trong điều kiện chính trị hiện tại".

Tôi hiểu ra ngay. Bản thân Bebra, người đã khuyên tôi bao giờ cũng cố ở trên khán đài và đừng bao giờ ở trước nó, đã bị đẩy xuống hàng "bộ binh" quèn mặc dầu bác vẫn ở trong giới xiếc. Và quả thật, ông không hề thất vọng khi tôi lễ phép tỏ ý tiếc là không thể nhận lời mời của ông được. Signora Roswitha thở phào nhẹ nhõm đằng sau cái quạt và lại phô đôi mắt Địa Trung Hải với tôi một lần nữa.

Chúng tôi tiếp tục chuyện gẫu một lúc nữa. Tôi nói gã bồi bàn mang cho chúng tôi một cái cốc không và ra "giọng" mở một hình trái tim trên thành cốc. Bên dưới nhát cắt, giọng tôi khắc thêm dòng chữ với những nét hoa lá trang trí: "Oskar tặng Roswitha". Tôi trao cho nàng cái cốc và nàng rất hài lòng. Bebra trả tiền, để lại một món "boa" hậu hĩ và chúng tôi đứng dậy.

Họ tiễn tôi đến tận Cung Thể Thao. Tôi chỉ một chiếc dùi trống về phía cái khán đài trần trụi ở đầu đằng kia Đồng cỏ Tháng Năm và - bây giờ thì tôi nhớ ra rồi: đó là vào tháng hai 1938 - kể cho sư phụ Bebra của tôi nghe về sự nghiệp đánh trống dưới gầm các khán đài của tôi.

Bebra nở một nụ cười bối rối, mặt Raguna tỏ ra nghiêm nghị. Khi nàng đứng tách ra mấy bước, Bebra, thay lời tạm biệt, nói nhỏ vào tai tôi: "Ta đã thất bại, bạn trẻ ạ. Làm sao ta còn có thể là sư phụ của chú được nữa? Chính trị, chính trị thật là chán ngắt

Rồi ông hôn lên trán tôi như hồi cách đây mấy năm khi tôi gặp ông giữa đám xe lăn. Nàng Roswitha giơ bàn tay như bằng sứ và tôi cúi mình trên đó rất trang nhã, gần như quá lịch lãm đối với cái tuổi mười bốn của tôi.

"Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau, con trai ạ," Me-xừ Bebra nói. "Dù thời thế thế nào, những người như chúng ta cũng không mất nhau."

"Hãy tha thứ cho các bậc cha chú của mình", Signora thuyết giảng. "Hãy làm quen với cuộc sống của chính mình để trái tim mình tìm thấy sự bằng an và Xatăng thì bối rối.”

Tôi có cảm giác như Signora đang làm lễ rửa tội cho tôi lần thứ hai, và cũng lại phí công vô ích. Vade retro Satanas[35] - nhưng Xatăng không cút. Tôi rầu rầu nhìn theo và, lòng trống rỗng, giơ tay vẫy khi họ chui vào một cái taxi rồi biến mất hẳn trong đó - vì loại xe Ford được thiết kế cho người lớn nên chiếc taxi chở các bạn tôi đi nom như không có người, như đang chạy vòng vòng kiếm khách vậy.

Tôi cố nài Matzerath đưa tôi đi xem đoàn xiếc Krone biểu diễn nhưng không sao lay chuyển nổi ông; ông chìm đắm hoàn toàn trong nỗi đau nhớ tiếc mẹ tội nghiệp của tôi mà chưa bao giờ ông chiếm hữu hoàn toàn. Nhưng có ai hoàn toàn chiếm hữu được mẹ? Ngay cả Jan Bronski cũng không; nếu có thì chỉ là tôi thôi bởi vì chính Oskar là người đau khổ nhất vì mất mẹ, sự thiếu vắng ấy đã đảo lộn đời sống hàng ngày của nó, thậm chí đe dọa chính lý do tồn tại của nó. Mẹ đã bỏ rơi tôi. Chẳng thể chờ đợi gì ở các bậc cha chú của tôi. Thày Bebra của tôi đã tìm được thày mình ở nơi ngài Bộ trưởng Tuyên Truyền Goebbels. Gretchen Scheffler thì dốc hết tâm lực vào công việc Cứu tế Mùa Đông. Làm sao không ai đói, không ai rét. Tôi chỉ còn biết quay về với cái trống của mình thôi, tôi tấu n cô đơn của mình trên mặt trống xưa trắng tinh, giờ đã mỏng đi vì dùng nhiều. Tối đến, Matzerath và tôi ngồi đối diện nhau, ông lần giở cuốn sách nấu ăn của ông, còn tôi than thở trên cái trống của tôi. Đôi khi ông úp mặt vào cuốn sách nấu ăn mà khóc. Jan Bronski ngày càng ít đến chơi hơn. Vì tình hình chính trị, cả hai người đều nghĩ cứ nên thận trọng thì hơn, làm sao biết được gió sẽ thổi chiều nào. Những chầu xì-cạt thưa hẳn đi; mỗi hội chơi đều bắt đầu vào tối khuya dưới ánh đèn treo trong phòng khách và tránh mọi bàn cãi chính trị. Bà ngoại Anna của tôi dường như đã quên đường từ Bissau đến nhà chúng tôi ở phố Labesweg. Bà giận Matzerath và có lẽ cả tôi nữa vì có lần tôi nghe thấy bà nói: "Agnès của tôi chết vì nó hết chịu nổi tiếng trống."

Mặc dù cảm thấy có phần trách nhiệm về cái chết của mẹ, tôi vẫn một mực bám riết lấy cái trống bị miệt thị của mình với một nghị lực tuyệt vọng. Nó không chết như một người mẹ có thể chết: tôi có thể mua một cái mới, hoặc nhờ già Heilandt hay bác thợ đồng hồ Laubschad chữa hộ, nó hiểu tôi, nó luôn luôn mang đến cho tôi câu trả lời đúng, nó khăng khít với tôi như tôi khăng khít với nó.

Vào thời kỳ ấy, căn hộ đã trở nên quá nhỏ đối với tôi, phố phường trở nên quá dài hoặc quá ngắn đối với cái tuổi mười bốn của tôi. Ban ngày, chẳng có cơ hội để chơi trò cám dỗ trước các tủ kính cửa hàng, còn ban đêm thì sự cám dỗ mình để đi cám dỗ người khác lại chưa cấp thiết đến độ khiến tôi phải đi rình trong bóng tối các cửa vào. Tôi chỉ còn nước lên lên xuống xuống bốn tầng gác khu nhà chung cư của chúng tôi theo nhịp trống; tôi đếm được một trăm mười sáu bậc, đến mỗi chiều nghỉ lại dừng lại để ngửi những mùi thoát ra khỏi năm cửa chính của mỗi tầng, bởi lẽ, giống như tôi, các mùi cũng cảm thấy gò bó trong những căn hộ hai phòng.

Thoạt đầu thỉnh thoảng tôi cũng gặp may với Meyn-t’rompét. Tôi thấy anh ta nằm say mèm giữa đám khăn trải giường phơi la liệt trên tầng áp mái. Và đôi trong tình trạng ấy, anh thổi cây kèn của mình với một nhạc cảm kỳ diệu đến độ khiến trống tôi tràn đầy hoan lạc thật sự. Tháng Năm năm 1938, anh thôi uống rượu gừng và gặp ai cũng nói: "Tôi đang bắt đầu một cuộc đời mới." Anh trở thành một thành viên của ban nhạc Kỵ đoàn SA. Đi ủng, mặc quần cụt ống đũng da và hoàn toàn tỉnh táo, anh lên xuống cầu thang thoăn thoắt năm bậc một. Anh vẫn nuôi bốn con mèo trong đó có con được đặt tên là Bismarck[36] vì như mọi người đoán chừng, thi thoảng rượu gừng cũng chiếm thế thượng phong khiến anh khao khát âm nhạc.

Tôi ít khi gõ cửa bác thợ đồng hồ Laubschad, một con người trầm lặng giữa hàng trăm cái đồng hồ. Việc đó có vẻ như là một sự lãng phí thời gian trên quy mô quá lớn, nên mỗi tháng tôi chỉ có thể làm không quá một lần.

Già Heilandt vẫn còn cái lán xưởng ở trong sân. Già vẫn uốn thẳng lại những cái đinh quằn. Quanh đây vẫn nhiều thỏ và con cháu dòng giống của chúng như ngày xưa. Nhưng bọn trẻ con thì đã thay đổi. Bây giờ chúng mặc đồng phục, thắt cà-vạt đen và thôi không nấu xúp bột gạch nữa. Chúng đã cao lớn gấp đôi tôi và tôi hầu như không biết tên chúng. Đó là thế hệ mới; thế hệ tôi đã thôi không đến trường và đang học nghề. Nuchi Eyke là một thợ hớt tóc tập sự. Axel Mischke chuẩn bị để trở thành một thợ hàn ở xưởng đóng tàu Schichau. Susi đang học việc bán hàng ở thương xá tổng hợp Sternfeld và đã có bồ. Làm sao mọi sự có thể thay đổi nhanh thế trong vòng có ba-bốn năm! Cái giá đập thảm vẫn còn đó và nội quy chung cư vẫn cho phép đập thảm vào các ngày thứ ba và thứ sáu, nhưng bây giờ họa hoằn mới thấy tiếng đập mà nghe ra có phần bối rối: từ khi Hitler lên cầm quyền thì máy hút bụi cũng lên ngôi; các giá đập thảm bị bỏ mặc cho lũ chim sẻ tha hồ đậu.

Tôi chỉ còn có khu cầu thang và tầng áp mái. Dưới mái ngói, tôi miệt mài đọc. Trong cầu thang, khi nào cảm thấy cần có người bầu bạn, tôi lại cánh cửa thứ nhất bên trái của tầng hai và Mamăng Truczinski bao giờ cũng sẵn sàng mở. Từ khi Mamăng nắm tay tôi ở nghĩa trang Brenntau và dắt tôi đến bên huyệt mẹ tôi, bao giờ Mamăng cũng mở khi Oskar lấy dùi trống gõ vào cánh cửa.

"Đừng có gõ to thế, Oskar. Herbert còn đang ngủ, đêm qua nó lại bị một phen khốn đốn, người ta phải lấy xe cấp cứu đưa nó về nhà đấy." Bà kéo tôi vào nhà, rót cà phê-hạt-muồng trộn sữa và cho tôi một miếng đường nâu ở đầu một sợi dây để nhúng vào cà phê mà mút. Tôi uống cà phê, mút đường và để cho trống nghỉ.

Mamăng Truczinski có cái đầu tròn nhỏ với mái tóc màu xám tro mỏng và thưa đến nỗi thấy cả da đầu hồng hồng nhẵn bóng. Những sợi tóc lưa thưa chụm lại về phía sau gáy thành một búi; cái búi ấy được giữ chặt bằng những kim đan và chỉ suýt soát bằng một viên bi-a, nhưng có thể nhìn thấy từ mọi phía, bất kể bà xoay người theo tư thế nào. Sáng sáng, Mamăng Truczinski thoa cặp má tròn trĩnh (khi bà cười, nom chúng như được dán lên mặt) bằng thứ giấy lấy từ những gói rau diếp quăn, vừa đỏ lại vừa thôi màu. Thần thái bà tựa như một con chuột nhắt. Bốn con của bà tên là: Herbert, Guste, Fritz và Maria.

Maria bằng tuổi tôi. Nó vừa học xong tiểu học và hiện ở với gia đình một viên chức tại Schidlitz, học làm công việc nội trợ. Fritz làm ở một xưởng toa xe lửa, ít khi thấy ở nhà. Anh ta có hai, ba cô bồ thay phiên nhau tiếp anh trên giường của mình và thường đi nhảy với anh ở tiệm "Trường đua ngựa" ở Ohra. Anh ta nuôi thỏ trong sân, giống "Vienna xanh", nhưng người chăm nom chúng là Mamăng Truczinski, vì anh còn bận chăm nom các cô bồ. Guste, một tâm hồn trầm lặng khoảng ba mươi tuổi, là nữ tiếp viên của khách sạn Eden gần ga trung tâm. Chưa chồng, chị ở trên tầng thượng tòa nhà chọc trời Eden cùng với các nhân viên khách sạn. Không kể Fritz thi thoảng về ngủ lại nhà, chỉ còn có Herbert, người con trai cả, ở nhà với mẹ. Herbert làm bồi bàn ở ngoại ô cảng Neufahawasser. Đã đến lúc phải nói về anh. Bởi lẽ trong một thời gian hạnh phúc ngắn ngủi sau khi mẹ tội nghiệp của tôi qua đời, Herbert đã là mục đích của đời tôi; cho đến nay, tôi vẫn gọi anh là thân hữu của tôi.

Herbert làm việc cho Starbusch, chủ tiệm bar "Thụy Điển" đối diện Nhà thờ của các thủy thủ Tin Lành. Khách hàng, như ta có thể đoán qua cái tên tiệm, phần lớn là người Xcăngđinavia. Nhưng cũng có nhiều người Nga, Ba Lan từ cảng tự do cùng đám công nhân bốc dỡ từ Holin và thủy thủ của các tàu chiến Đức ghé thăm cảng. Làm bồi bàn ở cái nơi tứ chiếng quốc tế này không phải là không nguy hiểm. Chỉ có kinh nghiệm tích luỹ được ở "Trường đua ngựa" - cái tiệm nhảy hạng ba ở Ohra nơi Herbert đã làm việc trước khi đến Neufahrwasser - mới khiến anh có thể chế ngự được cái tháp Babel[37] ở bar "Thụy Điển" với thứ thổ ngữ Hạ Đức ngoại ô của anh pha trộn với dăm ba câu tiếng Ăng-lê và Ba Lan. Ngay cả như thế, mỗi tháng anh cũng phải một, hai lần về nhà bằng xe cấp cứu, ngoài ý muốn của anh nhưng được cái là miễn phí.

Sau đó, Herbert phải nằm xấp trên giường mà thở rốc mấy ngày vì anh nặng ngót nghét một tạ. Những hôm ấy, Mamăng Truczinski luôn mồm ca cẩm trong khi luôn chân luôn tay chăm sóc anh. Mỗi lần thay băng xong, bà lại rút một chiếc kim đan ở búi tó ra gõ gõ lên mặt kính một tấm ảnh có sửa thêm treo đối diện với giường Herbert. Đó là ảnh một người đàn ông để ria, mắt nhìn đăm đăm, rất giống một vài người để ria ở những trang đầu cuốn album ảnh của tôi.

Tuy nhiên, cái ông mà Mamăng Truczinski lấy kim đan chỉ vào không phải là thành viên của gia đình tôi, đó là cha của Herbert, Guste, Fritz và Maria.

“Rồi một ngày kia, anh cũng sẽ kết thúc giống như bố anh thôi,” bà cằn nhằn anh chàng Herbert đang rên rẩm. Nhưng bà không bao giờ nói rõ ràng là người đàn ông trong bức ảnh lồng khung sơn mài đen kia đã chết như thế nào, đã đi tìm và gặp cái kết thúc của mình ở

"Lần này thì xảy ra chuyện gì?" bên trên đôi cánh tay khoanh trước ngực, bộ mặt chuột nhắt với mái tóc tro xám hỏi.

“Như mọi khi. Bọn Thụy Điển và Na Uy." Cái giường cót két khi Herbert chuyển thế nằm.

"Như mọi khi, như mọi khi. Đừng có nói với tôi rằng vẫn là những thằng ấy. Lần trước là những gã ở tàu tập huấn, tên nó là gì hả, nói nghe nào, à phải rồi, tàu Schlageter. Đúng là thế rồi mà anh thì định bịp tôi là bọn Thụy Điển với Na Uy.”

Tai Herbert - tôi không nhìn thấy mặt anh - đỏ đến tận vành. "Cái bọn Đức chết tiệt bao giờ cũng sủa ăng ẳng và hùng hùng hổ hổ."

"Mặc kệ họ. Việc gì đến anh? Những lần họ được phép rời tàu vào thành phố, tôi thấy họ cũng đàng hoàng đấy chứ. Anh lại lên lớp họ về Lênin hay thuyết giáo về Nội chiến Tây Ban Nha chứ gì?"

Herbert không trả lời nữa và Mamăng Truczinski lệt xệt đôi dép quay vào bếp với món cà phê-hạt-muồng của bà…

Lưng Herbert vừa khỏi một cái là anh cho tôi xem ngay. Anh ngồi trên chiếc ghế bếp, đai đeo quần buông thõng trên đùi, và cởi chiếc sơ mi len một cách chậm rãi như thể bị những ý nghĩ nghiêm trọng ngáng trở.

Lưng anh tròn, luôn luôn chuyển động. Những bắp thịt cứ cuồn cuộn, cuồn cuộn. Một phong cảnh hồng hồng lấm tấm những vết tàn nhang. Hai bên cột sống lút trong mỡ, rậm rì một lớp lông bù xù chạy từ xương bả vai xuống đến tận bên dưới cái quần đùi len mà cả trong mùa hè, Herbert cũng vẫn mặc. Từ cổ xuống đến cạp quần đùi, lưng Herbert đầy những sẹo dày xen giữalông, lấn cả những vết tàn nhang. Những cái sẹo nhiều màu, từ xanh đen đến lam nhờ nhờ, kết thành nếp, rất ngứa khi thay đổi thời tiết. Tôi được phép sờ những cái sẹo ấy.

Cái thằng tôi đang nằm đây, ngó ra ngoài cửa sổ, cái thằng tôi đã nhiều tháng nay cứ phải nhìn hoài những nhà phụ của cái bệnh viện tâm thần này và, qua chúng, khu rừng Oberrath đằng sau, thử hỏi tôi đã được sờ những gì nhạy cảm hơn, rắn hơn, xúc động hơn những cái sẹo trên lưng Herbert Truczinski? Vào cùng loại này, tôi có thể xếp: bộ phận kín của một số đàn bà và con gái, cái dương vật của chính tôi đây, cái vòi ô-doa bằng thạch cao của Jêxu hài đồng và cái ngón tay đeo nhẫn mà khoảng hai năm trước đây, con chó ấy đã tìm thấy ở một cánh đồng lúa mạch đen và mang về cho tôi, mà mới năm ngoái, tôi còn được phép giữ, đành rằng phải bỏ vào một bình bô-can để tôi không đụng được tới, nhưng vẫn rõ nét và trọn vẹn đến nỗi tới giờ, tôi vẫn có thể cảm thấy và đếm từng đốt của nó với sự trợ giúp của cặp dùi trống. Bất cứ lúc nào tôi muốn nhớ lại cái lưng của Herbert Truczinski, tôi lại ngồi trước cái ngón tay được bảo quản trong bô-can mà đánh trống, nhờ cái trống giúp cho trí nhớ. Khi nào tôi thèm dựng lại hình ảnh thân thể một người đàn bà - điều này không xảy ra thường xuyên lắm - Oskar, vì chưa tin chắc vào cảm nhận của mình về cái bộ phận giống thẹo ở đàn bà, cứ tái tạo lại những vết sẹo của Herbert Truczinski là xong. Nhưng tôi cũng có thể nói ngược lại: tiếp xúc đầu tiên của tôi với những vết sẹo trên cái lưng rộng của bạn tôi, ngay từ bấy giờ, đã hứa hẹn rằng tôi sẽ được biết và tạm thời chiếm hữu những khoảnh khắc làm cứng ngắn ngủi vốn là đặc trưng của người đàn bà sẵn sàng ân ái. Cũng giống như vậy, những biểu tượng trên lưng Herbert đã sớm hứa hẹn tới cái ngón tay đeo nhẫn và trước cả khi những sẹo của Herbert hứa, thì chính đôi dùi trống của tôi, từ bữa sinh nhật lần thứ ba của tôi đã hứa sẽ mang đến nào sẹo, nào cơ quan sinh dục và cuối cùng là ngón tay đeo nhẫn. Nhưng tôi phải trở lại xa hơn nữa, khi tôi còn là một cái bào thai, trước cả khi Oskar được gọi là Oskar, cái nhau của tôi, khi tôi ngồi chơi với nó, đã lần lượt hứa với tôi nào ống, nào sẹo của Herbert, nào những cái miệng núi lửa thi thoảng bùng nổ của đàn bà - trẻ và không còn trẻ lắm - và cuối cùng, cái ngón tay đeo nhẫn; đồng thời, trong một phát triển song song khởi đầu với cái vòi ô-doa của Chúa Jêxu hài đồng, nó cũng hứa với tôi về cái của quý của chính tôi mà tôi bao giờ cũng mang theo, bất di bất dịch - cái tượng đài đỏng đảnh cho sự bất túc và những khả năng hạn chế của tôi.

Hôm nay, tôi trở lại với cặp dùi trống của tôi. Còn về những cái sẹo, những bộ phận mềm nõn, cái vũ khí chẳng mấy khi ngỏng đầu lên kiêu hãnh của tôi, giờ đây tôi chỉ còn nhớ đến chúng một cách gián tiếp qua cái trống của tôi. Tôi sẽ phải đến tuổi tam thập nhi lập trước khi có thể mừng lại sinh nhật lần thứ ba của mình. Hẳn quý vị đã đoán ra: mục tiêu của Oskar là quay trở về đầu nguồn; đó là mục đích duy nhất đằng sau toàn bộ cố gắng đại ngôn này và lý do duy nhất khiến tôi phải dài dòng về những cái sẹo của Herbert Truczinski.

Trước khi tôi tiếp tục mô tả và diễn giải về cái lưng của bạn tôi, có lẽ cũng cần nêu một nhận xét mào đầu: trừ một vết cắn nơi ống đồng do một ả điếm ở Ohra gây nên, phía trước thân thể cường tráng của anh không hề có tí ti sẹo nào hết, một tấm bia tuyệt vời mà người ta chỉ có thể đánh trúng từ đằng sau. Chỉ có lưng anh là mang dấu tích những nhát dao găm Phần Lan và Ba Lan, những vết dao xỉa của bọn "cửu vạn" ở đảo kho Speicherinsel và dao thủy thủ của bọn học viên sĩ quan ở các tàu huấn luyện.

Khi Herbert ăn trưa xong - mỗi tuần ba lần, có món bánh khoai tây mà không ai có thể làm vừa mỏng, vừa giòn lại không mỡ như Mamăng Truczinski - khi Herbert gạt cái đĩa ăn sang bên, tôi liền đưa cho anh tờ Neueste Nachrichten (Tin giờ chót). Anh hạ đai đeo quần xuống, cởi sơ mi và trong khi anh đọc báo, tôi tra hỏi cái lưng của anh. Trong những cuộc tra hỏi ấy, Mamăng Truczinski thường nán lại bên bàn với chúng tôi: bà tháo len từ những chiếc tất cũ, đóng góp những nhận xét đồng tình hay - phản đối và thể nào cũng xen vào một đôi câu về cái ch khủng khiếp - cứ cho là thế - của người đàn ông trong tấm ảnh có sửa thêm được lồng kính treo trên tường đối diện với giường ngủ của Herbert.

Bắt đầu cuộc thẩm vấn, tôi dí ngón tay vào một trong những cái sẹo. Hoặc giả đôi khi tôi lấy một chiếc dùi trống di vào.

“Ấn lại đi, chú bé. Anh chưa nhận ra cái nào. Có vẻ như nó đang ngủ."

Và tôi ấn lại, mạnh hơn một chút.

"À, cái ấy! Đó là một gã người Ukraina. Gã gây lộn với một cha người Gdingen. Thoạt đầu, họ ngồi cùng bàn thân thiết như anh em ruột. Thế rồi gã người Gdingen nói: Ruxki (người Nga). Gã Ukraina phật ý; muốn nói gì gã cũng được nhưng đừng có gọi gã là Ruxki. Gã đã chở gỗ xuôi sông Vistula và nhiều sông khác trước đó và gã có một xấp tiền nhét trong ủng. Gã đã tiêu nửa số tiền trong ủng để đãi những chầu rượu ở quán Starbusch thế mà cái cha người Gdingen kia lại gọi gã là Ruxki. Và anh phải can hai gã ra, theo cái cách nhẹ nhàng và nhã nhặn của anh. Mà Herbert này thì bưng bê đầy cả hai tay. Thế rồi gã Ukraina gọi anh là đồ Pôlắc vét đĩa và cái cha Pôlắc làm việc trên tầu nạo vét bùn thì chửi anh câu gì nghe như là Nazi ấy. Hừm, chú bé, em lạ gì Herbert Truczinski này; một phút sau, thằng cha mặt mày xanh xao làm ở tàu nạo vét, hình như là thợ đốt lò, đã nằm gập đôi người cạnh phòng để áo ngoài. Anh đang sắp sửa dạy cho gã Ukraina biết sự khác nhau giữa một gã Pôlắc vét đĩa và một công dân thành Danzig là thế nào, thì gã đã xơi anh từ đằng sau - và duyên do cái sẹo là thế."

Khi Herbert nói "và duyên do cái sẹo là thế", bao giờ anh cũng nhấn mạnh lời của mình bằng cách lật giở các trang báo và ực một hớp cà phê-hạt-muồng. Và tôi lại được phép ấn cái sẹo tiếp theo, có khi một lần, có khi hai.

"À, cái này! Cái này chẳng có gì ghê gớm lắm. Đó là hồi cách đây hai năm khi hạm đội phóng ngư lôi từ Pillau đến bỏ neo ở đây. Lạy Chúa, chúng nghênh ngang, ra vẻ ta đây sang trọng, làm các em chíp hôi mê như điên. Đến bây giờ anh vẫn không biết thằng cha Schwienel ấy làm thế nào mà vào được Hải quân. Hắn là người Dresden, hãy ráng mà hiểu, chú bé Oskar của anh, người Dresden. Nhưng mà chú không hiểu đâu, chú không thể biết là khi một thủy thủ có gốc gác từ Dresden, điều đó nghĩa là thế nào đâu."

Những ý nghĩ của Herbert cứ lẩn quẩn mãi với cái thành phố tươi đẹp bên bờ sông Elbe - quá dai dẳng đối với ý thích của tôi. Để kéo những suy nghĩ đó trở lại Neuefahrwasser, tôi lại ấn vào cái sẹo mà anh cho là chẳng có gì ghê gớm lắm.

"Phải, như anh đã nói. Hắn là lính truyền tin hạng hai trên một tàu phóng ngư lôi. Ăn to nói lớn. Hắn định vây vo với một tay người Xcôtlen thuộc loại trầm tĩnh, tàu của tay này đang đậu ở ụ tàu khô để sửa chữa. Bắt đầu ba hoa về Chamberlain[38], về ô, về những thứ đại loại như thế. Anh khuyên hắn, rất bình tĩnh theo phong cách của anh, nên dẹp cái thứ chuyện tào lao ấy lại, nhất là vì tay Xcôtlen nọ chẳng hiểu cái cóc khô gì mà chỉ lấy ngón tay chấm rượu schnaps vẽ lên mặt bàn. Vậy nên anh bảo hắn để cho tay kia yên, cậu đâu có ở nhà mình, anh nói, cậu là khách của Hội Quốc Liên mà. Đến đây, gã Fritz-phóng-ngư-lôi bèn gọi anh là “tên Đức giẻ rách", mà lại nói bằng thổ ngữ Xăcxông nữa cơ chứ. Lập tức, anh thoi cho hắn vài cú, làm hắn im mồm. Nửa giờ sau, anh đang cúi nhặt một đồng tiền bị lăn xuống gầm bàn và không trông thấy gì bởi dưới gầm bàn tối om, thì tên Xắcxông rút dao ra, xỉa cho anh một nhát."

Herbert cười khanh khách, lật giở những trang báo Neueste Nachrchten và nói thêm: "Và thế là thành sẹo", đẩy tờ báo sang cho Mamăng Truczinski đang làu bàu, rồi vịn mép bàn chuẩn bị đứng dậy. Rất nhanh, trước khi Herbert kịp ra ngoài - nhìn mặt, tôi cũng biết anh định đi đâu - tôi ấn một cái sẹo đen đen tim tộng bằng cả chiều dài một cây bài xì-cạt, trên đó còn thấy cả vết chỉ khâu.

"Herbert phải đi đây, bé con ạ. Anh sẽ kể bé nghe sau." Nhưng tôi lại ấn tiếp và bắt đầu làm mình làm mẩy như đứa lên ba; miếng ấy bao giờ cũng trúng.

"Thôi được. Cốt cho chú yên. Nhưng anh sẽ kể tóm tắt thôi." Herbert lại ngồi xuống. "Đó là vào mùa Giáng Sinh năm 1930. Chẳng có việc gì làm ở cảng cả. Đám công nhân bốc dỡ nhênh nhang ở các góc phố, đánh cuộc xem ai nhổ xa nhất. Sau lễ chầu nửa đêm - bọn anh vừa pha rượu punch xong - bọn Thụy Điển và Phần Lan từ Nhà thờ dành cho thủy thủ ở bên kia đường đổ ra. Anh thấy họ có vẻ không giầu thiện ý lắm. Anh đang đứng ở cửa, nhìn những gương mặt sùng đạo kia mà tự hỏi tại sao bọn họ lại vân vê những chiếc khuy có hình mỏ neo như thế. Và đây chuyện đã nổ ra: dao thì dài mà đêm thì ngắn, ờ phải, Phần Lan và Thụy Điển bao giờ cũng hầm hè nhau. Có trời biết tại sao Herbert Truczinski cứ phải dây với những nhân vật ấy. Chắc ở hắn ta có một cái ốc bị long, bởi vì cứ khi nào có chuyện là y như rằng Herbert phải can dự vào. Thế, đó là lúc anh chọn để ra ngoài, ông già Starbusch trông thấy anh và nói lớn: "Herbert, cẩn thận đấy!" Nhưng Herbert có nhiệm vụ phải làm: anh phải cứu mục sư, tội nghiệp chàng trai bé nhỏ mới tốt nghiệp chủng viện ấy, anh ta vừa từ Malmö tới và đây là lễ Giáng Sinh đầu tiên anh ta làm lễ với cánh Phần Lan và Thụy Điển trong cùng một nhà thờ. Cho nên ý định của anh là xòe cánh ra che chở cho anh ta về đến nhà không trầy da xước thịt. Anh vừa đặt tay lên áo ngoài của mục sư thì bỗng cảm thấy một cái gì lạnh buốt ở lưng và anh tự nhủ Chúc Mừng Năm Mới, mặc dù mới chỉ là Nô-en thôi. Khi tỉnh lại, anh thấy mình đang nằm trên quầy bar và dòng máu đỏ tươi của anh đang chảy vào những cốc bia miễn phí và Starbusch đang ở đó với túi thuốc Chữ Thập Đỏ của ông, cố buộc tạm cho anh một cái gọi là băng cấp cứu."

"Cái gì," Mamăng Truczzinski vừa nói vừa giận dữ rút cái kim đan khỏi búi tó, "cái gì khiến aỗng dưng quan tâm đến một ông mục sư khi mà từ bé đến lớn, anh không bao giờ đặt chân vào một ngôi nhà thờ?"

Herber phẩy tay bác bỏ sự bất bình của bà và, kéo theo sau sơ mi và đai đeo quần, anh đi ra cầu tiêu. Anh có vẻ bực mình, điều đó biểu hiện ở cả dáng đi lẫn giọng nói khi anh buông sõng: "Và thế là thành sẹo." Anh bước đi như thể muốn dứt khoát bứt khỏi cái nhà thờ nọ cùng những cuộc so dao gắn với nó, như thể cầu tiêu là nơi mà ở đó người ta có thể là, trở thành hoặc vẫn còn là một nhà tự do tư tưởng vậy.

Vài tuần sau, tôi thấy Herbert lầm lì, không bụng dạ nào để tôi phỏng vấn những cái sẹo của anh. Anh có vẻ chán nản, nhưng lưng anh không băng như thường lệ. Thực tế, tôi thấy anh nằm trên cái đi văng phòng khách, chứ không dưỡng thương trên giường của mình; tuy nhiên, anh có vẻ bị thương nặng. Tôi nghe thấy anh thở dài, kêu cầu đồng thời nguyền rủa Chúa Trời, Marx và Engels. Thỉnh thoảng, anh vung nắm đấm lên không rồi lại để nó rơi xuống ngực mình; lát sau, nắm đấm kia cũng vào cuộc và anh tự đấm ngực mình như một tín đồ Thiên Chúa giáo, kêu mea culpa, mea maxima culpa.[39]

Herbert đã đánh chết một thuyền trưởng người Latvia. Tòa án đã xử anh trắng án - anh đã hành động ở thế tự vệ chính đáng, như vẫn thường xảy ra trong nghề của anh. Nhưng mặc dù được trắng án, gã Latvia kia vẫn là một người Latvia chết và đè nặng lên tâm trí anh như cả một tấn gạch, tuy rằng tay thuyền trưởng, theo người ta nói, là một gã nhỏ bé gày gò, lại có bệnh dạ dày nữa.

Herbert không trở lại làm việc nữa. Anh đã báo trước cho chủ. Starbusch, sếp của anh, đã đến thăm anh mấy lần. Ông ngồi cạnh chỗ anh nằm hoặc ngồi với Mamăng Truczinski ở bàn bếp. Ông rút trong cặp ra một chai gin stobbe cho Herbert và cho Mamăng Truczinski nửa pao cà phê xanh từ cảng miễn thuế. Bao giờ ông cũng cố thuyết phục Herbert trở lại làm việc hoặc cố thuyết phục Mamăng Truczinski thuyết phục con trai bà. Nhưng Herbert rất kiên quyết - anh không muốn làm bồi bàn nữa, nhất là làm bồi bàn ở Neufahrwasser đối diện với Nhà thờ cho thủy thủ. Thực tế, anh hoàn toàn không muốn làm bồi bàn, vì làm bồi bàn có nghĩa là bị xỉa dao vào người và bị xỉa dao vào người có nghĩa là một ngày kia, buộc phải đánh chết một gã thuyền trưởng người Latvia để chỉ vì anh muốn giữ khoảng cách với gã để ngăn một con dao Latvia khỏi cộng thêm một cái sẹo Latvia vào những sẹo Phần Lan, Thụy Điển, Ba Lan, Danzig và Đức nhằng nhịt ngang dọc trên lưng Herbert Truczinski.

"Tôi thả đi làm thuế quan còn hơn là tiếp tục làm bồi bàn ở Neufahrwasser". Herbert nói. Nhưng anh cũng không đi làm thuế quan.

NIOBE

Năm 1938, thuế hải quan tăng lên và biên giới giữa Ba Lan và thành phố tự do Danzig tạm thời bị đóng cửa. Bà ngoại tôi không thể đáp chuyến tàu trên đường ray hẹp bề ngang để đến chợ Langfuhr hàng tuần và phải đóng quầy hàng ở đó. Nói cách nào đó, bà phải ngồi trên đống trứng của mình mà chẳng hề muốn ấp. Ngoài cảng, cá trích bốc mùi tanh lên đến tận trời, hàng họ chất đống và các nhà chính khách họp mặt, đi đến thỏa thuận. Trong khi đó, anh bạn Herbert của tôi, thất nghiệp, nằm trên đi văng, bất bình với bản thân, và nghiền ngẫm những rắc rối của mình.

Tuy nhiên, làm cho thuế quan thì có lương và có cái ăn. Có đồng phục xanh để mặc và có một đường biên giới đáng để giữ gìn. Herbert không đi làm cho sở thuế quan, cũng không muốn làm bồi bàn nữa, anh chỉ muốn nằm trên đi văng mà ngẫm sự đời.

Nhưng đã là đàn ông thì phải làm việc. Và không chỉ riêng Mamăng Truczinski nghĩ vậy. Mặc dầu bà bỏ ngoài tai lời khẩn cầu của Starbusch xin bà thuyết phục Herbert trở lại hầu bàn ở Neufahrwasser, bà vẫn nhất quyết bẩy anh ra khỏi cái đi văng ấy. Bản thân anh cũng mau chóng chán ngấy cái căn hộ hai phòng, những suy ngẫm của anh trở nên hoàn toàn hời hợt, rồi một hôm, anh bắt đầu soi dõi mục Tuyển Người Giúp Việc trên tờ Neueste Nachrichten và thậm chí, cực chẳng đã, trên cả tờ Vorposten (Lính Gác) của bọn Quốc Xã nữa.

Tôi những muốn giúp anh. Lẽ nào một người như Herbert lại phải kiếm một công việc khác với nghề nghiệp thích hợp của mình ở khu ngoại ô cảng này? Lẽ nào anh lại bị đẩy đến nước phải đi bốc vác, làm việc vặt, chôn cá chết? Tôi không thể hình dung Herbert đứng trên những bến sông Mottlau nhổ vào lũ hải âu, trở nên nghiện ngập suốt ngày nhai thuốc lá. Tôi bỗng nảy ra ý nghĩ là Herbert và tôi có thể canh ty với nhau: mỗi tuần một lần, tập trung tinh lực làm việc hai giờ là chúng tôi có thể làm nên chuyện. Với cái giọng vẫn còn hiệu quả kim cương, với sự tinh khôn được mài sắc qua kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này, Oskar có thể khoét những tủ kính bày hàng với những đồ đáng giá, đồng thời đứng canh gác trong khi Herbert nhanh tay làm gọn. Chúng tôi không cần mỏ hàn, không cần chìa khóa vạn năng, không cần túi đồ nghề. Chúng tôi không cần quả đấm sắt hay súng. Xã hội đen và liên doanh của chúng tôi là hai thế giới không cần tiếp xúc với nhau. Và Mercure, ông thần của kẻ trộm và doanh thương, sẽ phù hộ cho chúng tôi bởi vì tôi đây, sao Trinh Nữ chiếu mệnh, tôi nắm con dấu của ông mà thi thoảng tôi vẫn đóng lên những vật cứng.

Sẽ là không hợp tình hợp lý nếu bỏ qua đoạn này.

Tôi sẽ kể vắn tắt thôi, nhưng xin đừng coi đây là lời thú tội. Trong thời gian Herbert thất nghiệp, hai chúng tôi đã tiến hành hai vụ trộm hạng trung ở những cửa hàng thực đặc sản và một vụ lớn ngon lành ở một cửa hàng lông thú: ba khăn choàng lông cáo xanh, một bộ da hải cẩu, một bao tay lông cừu Ba Tư, và một cái măng-tô da ngựa con rất xinh tuy không đắt giá ghê gớm lắm mà mẹ tội nghiệp của tôi, nếu còn sống, chắc chắn sẽ thích mặc.

Điều làm chúng tôi bỏ nghề kẻ trộm không phải là cái mặc cảm phạm tội không đúng chỗ (tuy đôi lúc nó cũng làm chúng tôi không yên), mà là do việc tiêu thụ đồ ăn cắp ngày càng khó khăn. Để "tẩy" hàng cho được giá, Herbert phải quay về Neufahrwasser vì đó là nơi có thể gặp những mối tốt nhất. Nhưng từ khi nơi này tất yếu nhắc anh nhớ đến tay thuyền trưởng người Latvia đau dạ dày, anh cố "tẩy" hàng ở mọi chỗ khác, dọc phố Schichau, ở nhà máy Hakel, ở khu Bürgerwiesen, tóm lại ở mọi chỗ trừ Neufahrwasser, nơi các mặt hàng lông thú dễ bán như tôm tươi. Quá trình "tẩy” hàng chậm đến nỗi cuối cùng, mớ thực phẩm đặc sản phải ở lại hẳn trong bếp của Mamăng Truczinski và thậm chí anh đã cho, hoặc định cho, bà chiếc bao tay lông cừu Ba Tư.

Khi Mamăng Truczinski trông thấy cái bao tay, thì không còn là chuyện đùa nữa. Bà đã lặng lẽ nhận những thức ăn, có lẽ cùng chia sẻ cái tín niệm dân gian cho rằng ăn cắp đồ ăn là chính đáng.

Nhưng cái bao tay kia có nghĩa là xa xỉ và xa xỉ có nghĩa là phù phiếm và phù phiếm có nghĩa là vào tù. Đó là những ý nghĩ đơn giản và lành mạnh của Mamăng Truczinski; bà nheo cặp mắt chuột nhắt, rút một chiếc kim đan ra khỏi búi tó và vừa vung chiếc kim đan vừa nói: "Rồi anh sẽ kết thúc như cha anh thôi,” đồng thời đưa cho Herbert của tờ Neuste Nachichten hoặc tờ Vorposten, ý nói: "Bây giờ thì đi kiếm lấy một việc làm đi, là tôi nói một việc làm tử tế cơ, nếu không đừng hòng tôi nấu cho mà ăn nữa."

Herbert nằm thêm một tuần nữa suy ngẫm trên cái đi văng của mình; anh đâm cực kỳ khó tính, tôi không sao gạ được anh cho hỏi chuyện đám sẹo hoặc rủ anh đến thăm những tủ kính cửa hàng đầy hứa hẹn. Tôi tỏ ra rất thông cảm. Tôi để anhm nháp nỗi đau khổ của mình đến tận cặn và dành phần lớn thời gian đến với bác thợ đồng hồ Laubschad và những cái đồng hồ ngốn thời gian của bác. Thậm chí tôi còn thử vận may với bác nhạc công Meyn, nhưng bác đã cai rượu và dành hoàn toàn cây t’rompet của mình cho những điệu nhạc ưa chuộng của Kỵ Đoàn SA; bác ăn mặc chỉnh tề, đi lại nhanh nhẹn, trong khi bốn con mèo của bác, tàn tích của một thời say sưa tối ngày nhưng đầy nhạc hứng tuyệt vời, bị bỏ đói khốn khổ, sống như chó. Mặt khác, đêm khuya về nhà, tôi hay thấy Matzerath ngồi, mắt đờ đẫn, trước một dãy ly schnaps - sinh thời mẹ tôi, ông chỉ uống khi có bầu có bạn. Ông thường lần giở cuốn album ảnh, cố gắng (như tôi bây giờ) làm sống lại hình ảnh mẹ tôi trong những khuôn chữ nhật nhỏ rửa không được tốt lắm; đến nửa đêm, ông khóc đến độ bi ai rồi bắt đầu huênh hoang với Hitler hoặc với Beethoven, cả hai vẫn được treo đó, gườm gườm nhìn vào mắt nhau; ông dùng cách xưng hô thân mật, anh anh tôi tôi, và dường như nhận được câu trả lời từ người nhạc sĩ thiên tài - nên nhớ ông ta điếc - trong khi vị Puhrer bài rượu thì lặng thinh bởi vì Matzerath, một nhóm trưởng quèn, đâu có xứng đáng với Thiên Cơ.

Một ngày thứ ba - sở dĩ tôi nhớ chính xác thế là nhờ cái trống của tôi - Herbert, rút cục, đã có quyết định dứt khoát. Anh đóng bộ vào, có nghĩa nhờ Mamăng Truczinski lấy cà phê nguội chải cái quần ống loe màu xanh, xỏ đôi giày thể thao, ấn mình vào chiếc va-rơi khuy mỏ neo, choàng chiếc khăn lụa trắng (mua từ cảng miễn thuế hải quan) được rẩy nước thơm Cologne (cũng từng nằm mãi trên đống rác miễn thuế hải quan của cảng tự do) và thế là anh đứng đó sẵn sàng đi, cứng đơ và vuông vức dưới chiếc mũ lưỡi trai màu xanh.

"Con thử đi xem có kiếm được việc gì làm không," Herbert nói, kéo lệch cái mũ lưỡi trai, tạo ra một vẻ hơi ngổ ngáo. Mamăng Truczinski buông tờ báo xuống bàn.

Ngày hôm sau, Herbert kiếm được một chỗ làm và một bộ đồng phục. Không phải màu xanh hải quan mà là xám đậm: anh trở thành một người gác ở Bảo tàng Hải qu

Giống như tất cả những gì đáng được bảo tồn ở cái thành phố cũng hoàn toàn xứng đáng được bảo tồn này, những vật báu của Bảo tàng Hải quân chiếm cả một tòa nhà quý tộc, vốn cũng từng là bảo tàng và còn giữ lại một cổng đá có mái che và một mặt tiền có nhiều bình trang trí rất phóng túng. Bên trong, với rất nhiều đồ gỗ sồi chạm trổ và những cầu thang xoáy trôn ốc, dành cho những hồ sơ được lập danh mục rất cẩn thận về lịch sử của cái thành phố cảng xưa nay vẫn tự hào về khả năng làm giàu và giữ được giàu thiên ức vạn tải giữa những láng giềng hùng mạnh nhưng phần lớn là nghèo. Chao, những đặc quyền mua được từ tay các hiệp sĩ Nhật Nhĩ Man hoặc từ tay các quốc vương Ba Lan và được ghi chép công phu trong những tài liệu biên soạn công phu! Những tranh khắc màu thể hiện biết bao cuộc vây hãm mà cái pháo đài ở cửa sông Vistula đã phải gánh chịu! Đây, Stanislaw Lesczczinski, chạy trốn tên phản vua, tới trú giữa những bức tường của thành phố. Bức sơn dầu mô tả chính xác ông ta khiếp đảm như thế nào. Tổng giám mục Potocki và đại sứ Pháp de Monti cũng sợ mất vía vì quân Nga do tướng Lascy chỉ huy đang bao vây thành phố. Tất cả những cảnh này đều được chú giải cụ thể và người ta có thể đọc tên của các tàu Pháp dưới lá cờ hình hoa huệ tây. Một chú thích với mũi tên cho ta biết vua Stanislaw

Lesczczinsski đã chạy trốn tới Lorraine trên tàu này, khi thành phố đầu hàng vào ngày 3 tháng tám. Nhưng phần lớn các hiện vật trưng bày là các chiến lợi phẩm trong những cuộc chiến tranh thắng lợi bởi cái lẽ đơn giản là những cuộc chiến tranh thất bại thì hiếm khi hoặc không bao giờ cung cấp chiến lợi phẩm cho các bảo tàng.

Niềm kiêu hãnh của bộ sưu tập là thớt tượng gỗ gắn ở mũi một con thuyền buồm lớn vùng Florence. Con thuyền này, tuy cảng gốc là Bruges, nhưng lại thuộc về Portinari và Tani, hai thương gia người Florence. Tháng 4 năm 1473, hai thuyền trưởng và cướp biển của thành phố Danzig là Paul Beneke và Martin Bardewick, trong khi tuần tiễu ngoài hải phận Zilơn cách cảng Sluys không xa, đã chiếm được con thền buồm này. Thuyền trưởng, các sĩ quan và đoàn thủy thủ khá đông, tất cả đều bị giết bằng gươm, còn thuyền và hàng được đưa về Danzig. Một bức bình phong vẽ cảnh "Phán Xét Cuối Cùng" của họa sĩ Memling[40]  và một bồn đựng nước thánh bằng vàng - cả hai đều do Tani đặt làm để hiến một nhà thờ ở Florence - đã được đem về trang trí cho Nhà thờ Đức Mẹ Maria. Ngày nay, theo tôi được biết, bức "Phán xét Cuối Cùng" dành cho sự thưởng ngoạn của những con mắt Thiên Chúa giáo ở Ba Lan. Không ai biết cái hình gắn ở mũi con thuyền kia, sau chiến tranh, xô dạt nơi nao. Nhưng vào thời tôi, nó nằm ở Bảo tàng Hải quân này.

Một hình đàn bà bằng gỗ màu xanh, nở nang, khỏa thân, cánh tay giơ lên và hai bàn tay trễ nải chắp vào nhau phô rõ từng ngón, mắt sâu màu hổ phách phóng tia nhìn bên trên bộ ngực quả quyết vươn ra phía trước. Người đàn bà nơi mũi thuyền này là một kẻ mang tai họa. Thương gia Portinari đã đặt một nghệ nhân nổi tiếng chuyên khắc hình trang trí mũi thuyền tạo nên nàng theo mẫu một cô gái Florence được ông ta bao. Cái hình tượng xanh mướt vừa được gắn vào chỗ của nó dưới rầm néo buồm thì cô gái đã bị đưa ra xử về tội hành nghề ma thuật, theo tục lệ thời ấy. Bị tra hỏi trước khi lên dàn thiêu, cô đã tố cáo người lái buôn bảo trợ mình cùng tay nghệ nhân điêu khắc đã lấy các số đo của cô rất thiện nghệ. Nghe nói Portinari đã treo cổ tự tử vì sợ bị hỏa thiêu. Còn nhà điêu khắc thì bị chặt cả đôi bàn tay tài hoa để cho y không bao giờ còn có thể biến những mụ phù thủy thành hình tượng gắn trên mũi thuyền. Trong khi các phiên tòa còn đang diễn ra ở Bruges, gây chấn động lớn vì Portinari là một đại phú, thì con thuyền mang cái hình tượng kia rơi vào bàn tay hải tặc của Paul Beneke. Tani, thương gia thứ hai, gục dưới lưỡi rìu của bọn cướp biển. Paul Beneke là nạn nhân tiếp theo: mấy năm sau, do thất sủng trước sự phán xét của giới quý tộc ở thành phố quê hương, hắn bị dìm chết trong sân của Tháp Công Lý. Sau cái chết của Beneke, những con thuyền được gắn cái thớt tượng kia ở đằng mũi thường bốc cháy trước c ra khỏi cảng và ngọn lửa lan cả sang các tàu thuyền khác. Mọi thứ đều cháy trừ cái hình trang trí mũi thuyền, nó có khả năng chịu lửa và, nhờ những đường cong tuyệt mỹ, luôn luôn tìm được những kẻ ái mộ trong số các chủ tàu, thuyền. Nhưng hễ người đàn bà này vừa vào vị trí của mình trên một con tàu là y như rằng nổ ra nổi loạn và các thủy thủ, vốn xưa nay ôn hòa, xoay ra chém giết lẫn nhau. Cuộc chinh phạt Đan Mạch không thành công của hạm đội Danzig dưới sự chỉ huy của vị tướng tài Eberhard Ferber vào năm 1522 đã dẫn tới sự thất sủng của Ferber và cuộc khởi nghĩa đẫm máu trong thành phố. Đành rằng các sách lịch sử có nói đến những cuộc xung đột tôn giáo - năm 1523, một mục sư Tin Lành tên là Hegge dẫn đầu một đám đông tấn công đập phá bẩy nhà thờ xứ - nhưng chúng tôi cứ thích đổ trách nhiệm cho cái hình trang trí mũi thuyền về tai họa kia mà di hại còn kéo dài nhiều năm sau: ai nấy đều biết Nàng Xanh làm đẹp cho mũi tàu của Ferber.

Năm mươi năm sau, khi Stefan Batory hoài công bao vây thành phố, Kaspar Jeschke, cha trưởng tu viện Ohra, đã lên án người đàn bà tội lỗi đó trong những bài thuyết pháp xám hối. Vua Ba Lan, được thành phố Danzig này dâng nàng như một tặng phẩm, đã mang nàng theo khắp các nơi hạ trại và đã nghe theo những lời khuyên xấu xa của nàng. Người đàn bà gỗ ấy đã làm hại những chiến dịch Thụy Điển chống thành phố này đến mức nào và dính dáng đến đâu với vụ bắt giam lâu dài Tiến sĩ Aegidius Strauch, một người sùng đạo đã âm mưu cùng bọn Thụy Điển và cũng đòi phải đốt người đàn bà xanh khi mà nàng đã lọt trở vào trong thành, những điều đó chúng tôi không biết. Có một lời đồn đại khá mập mờ rằng một thi sĩ tên là Opitz[41], chạy trốn từ Silesia, được phép cư trú tại thành phố mấy năm, nhưng đã chết sớm vì đã tìm thấy cái hình khắc độc hại đó trên một gác xép và định làm thơ ca ngợi nàng.

Mãi đến cuối thế kỷ 18, vào thời kỳ Ba Lan bị chia cắt, mới có những biện pháp hữu hiệu chống lại nàng. Người Phổ, sau khi dùng vũ lực chiếm thành phố, đã ếu chỉ của vua Phổ cấm ngặt cái "hình gỗ Mobe". Lần đầu tiên nàng được chỉ đích danh trong một tài liệu chính thức và đồng thời được chuyển đến, hay đúng hơn, bị giam vào Tháp Công Lý, nơi mà Paul Beneke đã bị dìm chết trong sân và từ đó tôi đã thử lần đầu tiên hiệu quả tầm xa của giọng mình. Có lẽ khiếp sợ trước những sản phẩm tinh vi của trí tưởng tượng con người mà tôi đã có dịp kể qua (nàng bị giam ở phòng tra tấn), nàng đã im re không giở giói gì suốt cả thế kỷ 19.

Năm 1925, khi tôi trèo lên đỉnh Tháp Công Lý và ra giọng công phá những cửa sổ Nhà hát thành phố, thì, ơn Chúa, Niobe - tên dân gian là "Con Miu Xanh" - đã được mang đi khỏi phòng tra tấn từ lâu rồi. Nếu không thì ai mà biết được liệu cuộc tấn công của tôi vào tòa kiến trúc tân-cổ điển kia có thể thành công hay không?

Chắc Giám đốc Bảo tàng phải là một gã ngu dốt từ nơi khác đến nhập cư vào thành phố nên mới đi rước lấy nàng Niobe hiểm độc đang được khống chế trong phòng tra tấn và, ít lâu sau khi lập quy chế Thành phố Tự do, đem nàng về đặt trong cái Bảo tàng Hải quân tân lập này. Chẳng bao lâu sau, ông ta chết vì nhiễm độc máu: vị quan chức quá hăng hái này đã tự chuốc lấy hiểm họa khi đóng một cái biển chỉ dẫn rằng cô gái trưng bày bên trên là một hình trang trí mũi tàu có tên là Niobe. Người kế tục ông, một con người thận trọng biết rõ lịch sử của thành phố, muốn thải Niobe; ý của ông ta là đem cô gái nguy hiểm bằng gỗ ấy tặng cho thành phố Lübeck. Và chỉ nhờ nhân dân Lübeck từ chối mà cái thành phố nhỏ bên bờ sông Trave đã tồn tại qua các cuộc không kích gần như nguyên vẹn, nếu không kể những ngôi nhà thờ bằng gạch bị phá.

Và như thế, Niobe hay "Con Miu Xanh" ở lại Bảo tàng Hải quân và trong khoảng thời gian mười bốn năm, đã gây ra sự lìa đời của ba vị giám đốc - trong đó không có ông thận trọng, ông này đã xin chuyển đi nơi khác, sự viên tịch của một giáo sĩ già đứng dưới chân nàng, cái chết bạo liệt của một sinh viên trường cơ khí và hai học sinh vừa tốt nghiệp trường trung học Thánh Pierre và sự ra đi mãi mãi của bốn nhân viên bảo tàng tận tụy, trong đó ba người đã có gia đình. Tất cả, khi họ được tìm thấy, đều có bộ mặt biến dạng, kể cả chàng sinh viên cơ khí, và trong ngực có những vật nhọn thuộc loại chỉ có thể thấy ở những bảo tàng hải quân: dao găm thủy thủ, lao móc săn cá voi, mũi xiên được chạm tinh vi của Bờ Biển Ngà, kim khâu buồm; chỉ có cậu học sinh cuối cùng là buộc phải "tự túc", thoạt tiên dùng con dao nhíp của mình rồi đến cái com-pa học sinh, bởi vì trước đó không lâu, tất cả các vật nhọn trong bảo tàng đều được cột chặt vào dây xích hoặc cất trong tủ kính.

Mặc dầu trong tất cả những trường hợp trên, cảnh sát cũng như nhân viên điều tra tử nạn đều nói đến "tự tử bi thảm", trong thành phố vẫn lan truyền một tin đồn, được phản ánh cả trên mặt báo, rằng: "Con Miu Xanh đã tự tay làm chuyện đó". Người ta thực sự ngờ Niobe đã cho mấy ông mấy cậu nọ xuống âm phủ. Dư luận không ngớt bàn cãi. Các báo dành nhiều cột đặc biệt cho ý kiến bạn đọc về "vụ Niobe". Chính quyền thành phố cho đó là thói mê tín dị đoan lỗi thời và nói rằng họ không hề có ý định hành động hấp tấp trước khi có bằng chứng dứt khoát là điều hung ác siêu phàm đã thực sự xảy ra.

Như vậy bức tượng xanh vẫn tiếp tục là hiện vật hàng đầu của Bảo tàng Hải quân vì Bảo tàng Quận ở Oliva, Bảo tàng thành phố ở đường Fleischergasse cũng như ban quản trị khách sạn Artus đều từ chối không nhận con điên ấy.

Bảo tàng đang thiếu người gác. Và không phải chỉ riêng họ là không muốn dây với trinh nữ bằng gỗ ấy. Các khách vào xem Bảo tàng cũng tránh gian trưng bày cô gái có cặp mắt hổ phách. Trong một thời gian dài, đằng sau những cửa sổ kiểu Phục Hưng cung cấp ánh sáng ngang cần thiết cho bức tượng xanh, là im lặng tuyệt đối. Bụi chồng chất từng lớp. Các chị em lao công làm vệ sinh thôi không đến nữa, còn các phó nháy, trước kia hăm hăm hở hở không tài nào dẹp nổi, thì một tay đã chết ít lâu sau khi chụp Niobe; đành r đó là một cái chết tự nhiên thôi, các đồng nghiệp của anh ta đã khớp các sự việc lại và họ thôi không cung cấp ảnh chụp cái hình trang trí mũi thuyền giết người ấy cho báo chí ở Thành phố Tự do, ở Ba Lan, Đức và cả ở Pháp nữa, và thậm chí còn đi đến chỗ loại bỏ Mobe ra khỏi hồ sơ của họ. Từ đó trở đi, họ chỉ dồn mọi cố gắng vào việc chụp hình các cuộc đến và ra đi của các tổng thống, thủ tướng và các vị vua lưu vong, vào các triển lãm gà vịt, các Đại hội toàn quốc của Đảng, các cuộc đua ô-tô và lũ lụt mùa xuân.

Tình hình là như thế khi Herbert Truczinski, sau khi đoạn tuyệt với nghề bồi bàn đồng thời nhất quyết không đi làm hải quan, mặc vào người bộ đồng phục màu xám da chuột của nhân viên bảo tàng và ngồi vào cái ghế da cạnh cửa cái gian phòng được đặt cho cái tên dân dã là "khuê phòng của Miu".

Ngay hôm đầu tiên Herbert nhận việc, tôi theo anh đến bến xe điện ở Quảng trường Max-Halbe. Tôi lo cho anh.

"Về nhà đi, Oskar. Anh không thể đưa em đi theo được." Nhưng tôi cứ đứng đó với cái trống cùng cặp dùi, lì đến nỗi cuối cùng, Herbert phải nhượng bộ: "Thôi được, nhưng chỉ đi đến cổng Cao rồi phải quay về nhá. Ngoan nào." Đến cổng Cao, tôi không chịu đáp tàu số 5 bởi nó sẽ đưa tôi về nhà. Herbert lại phải nhượng bộ, cho tôi theo đến tận phố Đức Chúa Thánh Thần. Trên bậc thềm Bảo tàng, một lần nữa anh lại toan bỏ tôi lại. Rồi với một tiếng thở dài, anh đành mua một vé vào cửa cho trẻ con. Thật ra tôi đã mười bốn tuổi và lẽ ra phải trả cả tiền nhưng khi người ta không biết thì nào có mất gì!

Chúng tôi có một ngày yên tĩnh, dễ chịu. Không có khách đến xem, không có thanh tra. Thỉnh thoảng tôi dạo trống một lát; thỉnh thoảng Herbert lại ngủ độ một tiếng. Niobe phóng tia nhìn hổ phách vào thế giới và chĩa cặp vú nhằm một mục tiêu không phải là chúng tôi. Chúng tôi không để ý đến nàng. "Cô ta không phải ’týp’ của anh," Herbert nói, vẻ miệt thịNhìn coi, những lớp mỡ kia. Nhìn coi, cô ả đã hai cằm rồi kìa."

Anh nghiêng nghiêng đầu và trở nên mơ màng: "Xem kìa, mông gì mà như cái tủ quần áo. ’Gu’ của Herbert này thiên về những em xinh xắn, thanh mảnh cơ."

Tôi lắng nghe Herbert mô tả ’týp’ của anh và nhìn hai bàn tay to như cái xẻng của anh mô phỏng những đường cong của một mẫu người nhỏ bé, yêu kiều thuộc phái đẹp mà trong nhiều năm, thực tế là cho đến tận bây giờ và thậm chí dưới lớp ngụy trang của một bộ đồng phục nữ y tá, vẫn còn là lý tưởng của tôi về đàn bà.

Đến ngày thứ ba sống và làm việc ở Bảo tàng, chúng tôi mạo hiểm di chuyển khỏi cái ghế bên cạnh gian phòng. Lấy cớ làm vệ sinh - mà quả là phòng cũng không đẹp mắt thật - chúng tôi đi tới đi lui, phủi bụi, quét mạng nhện trên mặt gỗ sồi, dần dà tiến đến chỗ bức tượng gỗ màu xanh đổ bóng dưới ánh mặt trời. Sẽ là không chính xác nếu nói rằng chúng tôi hoàn toàn dửng dưng với Niobe. Nét đẹp của nàng tuy nặng nề nhưng đâu có xồ xề và nàng thẳng thắn phô nó ra không chút rụt rè. Nhưng chúng tôi không nhìn nàng với con mắt thèm muốn. Đúng hơn, chúng tôi nhìn nàng theo cách của những kẻ sành điệu, sắc sảo xem xét đánh giá mọi chi tiết. Herbert và tôi là hai nhà thẩm mỹ say cái đẹp một cách tỉnh táo, cái đẹp trừu tượng. Chúng tôi giơ ngón cái đo ướm các kích thước cân đối nữ. Đùi Niobe hơi ngắn; ngoài cái đó, chúng tôi thấy các số đo chiều dài của nàng đáp ứng đúng với lý tưởng cổ điển; tuy nhiên, về chiều ngang: hông, vai và ngực thì phải xét theo tiêu chuẩn Hà Lan chứ không theo tiêu chuẩn Hy Lạp.

Herbert nghiêng nghiêng ngón tay cái: "Ả này mà lên giường thì khác nào con ngựa cái, Herbert không kham nổi. Herbert đã đấu vật chán chê ở Ohra và Fahrwasser rồi, chả cần đến nữ đô vật nữa." Herbert có khẩu vị tinh tế. "Ờ, nếu là một em xinh xẻo nắm gọn trong lòng tay được, liễu yếu đào tơ đến độ phải gượng nhẹ để khỏi làm em gẫy đôi thì Herbert không phản đố

Kể ra, nếu đi vào chuyện thực tế thì chúng ta ắt chả phải chê gì cả Niobe lẫn cái thân hình đô vật của nàng. Herbert thừa biết là mức độ hăng hái hay thụ động mà anh thích hay không thích ở phụ nữ khỏa thân hay bán khỏa thân, không chỉ hạn chế ở ’týp’ thanh mảnh mà loại trừ ’týp’ mũm mĩm hay mập mạp; có những cô gái mảnh dẻ không thể nằm yên lấy một phút và những phụ nữ to bằng cánh phản mà phẳng lặng như mặt nước ao tù. Chúng tôi đã cố tình đơn giản hóa, thu gọn toàn bộ vấn đề vào hai vế và nhục mạ Niobe trên nguyên tắc. Chúng tôi đã thô bạo với nàng một cách khó bề tha thứ. Herbert bế tôi lên để tôi có thể lấy dùi trống gõ vào vú nàng, làm bốc ra những đám mạt cưa phi lý từ những lỗ mọt của nàng (nàng đã được phun thuốc, làm sao có mọt?). Trong khi tôi gõ, chúng tôi nhìn vào đôi mắt hổ phách của nàng. Không động đậy, không nháy, cũng chẳng thấy giọt nước mắt nào... Mắt nàng không hề nheo lại, toé ánh căm thù hoặc hăm dọa. Hai viên hổ phách nhẵn bóng, vàng vàng (chứ không đo đỏ), phản chiếu toàn bộ gian phòng với mọi thứ trong đó, tuy bị biến dạng bởi mặt cầu lồi. Hổ phách là lừa bịp, ai lạ gì! Chúng tôi cũng biết sự gian trá của cái sản phẩm nhựa cây được phong là châu báu này. Tuy nhiên, ngoan cố phân loại tất cả những gì là nữ thành hai vế: hăng hái và thụ động theo cái cách máy móc của đàn ông chúng tôi, bọn tôi lý giải sự vô cảm rành rành của Niobe theo một cách có lợi cho bọn tôi. Chúng tôi cảm thấy an toàn. Với một tiếng cười độc ác, Herbert ấn ấn móng tay vào bánh chè của nàng, mỗi nhát đều làm đầu gối tôi đau mà nàng không hề nhướn một sợi lông mi. Ngay dưới mắt nàng, chúng tôi chơi đủ các trò nhí nhố. Herbert mặc cái áo khoác ngoài của một đô đốc hải quân Anh, đội cái mũ đồng bộ của ông ta, tay cầm chiếc ống nhòm. Với một cái áo gi-lê đỏ và một bộ tóc giả, tôi cải trang thành tiểu đồng của vị đô đốc. Chúng tôi diễn lại trận Trafalgar, ném bom Copenhagen, đánh tan hạm đội của Napoléon ở Aboukir, vòng hết mũi đất này đến mũi đất khác, lấy những tư thế lịch sử rồi đương đại. Tất cả những trò đó ngay dưới mắt Niobe, hình trang trí đầu mũi tàu được gọt đẽo theo những kích thước của một nữ phù thủy Hà Lan. Chúng tôi tin rằng d có thấy chúng tôi làm thế, nàng cũng dửng dưng.

Giờ đây tôi biết rằng tất cả mọi thứ đều quan sát, rằng không có gì là khuất mắt và rằng ngay cả giấy phủ tường cũng nhớ dai hơn chúng ta. Không phải Chúa ở trên trời là nhìn thấy tất cả. Một cái ghế bếp, một cái mắc áo, một cái gạt tàn thuốc gần đầy hoặc tượng chân dung bằng gỗ của một người đàn bà tên là Niobe, đều có thể là nhân chứng không quên cho mọi hành động của chúng ta.

Chúng tôi cùng đến làm việc ở Bảo tàng Hải quân được hai tuần hay nửa tháng gì đó. Herbert tặng tôi một cái trống và hai lần đem lương tuần (gồm cả trợ cấp nguy hiểm) về nhà cho Mamăng Truczinski. Một ngày thứ ba - Bảo tàng đóng cửa ngày thứ Hai, nhân viên thu ngân đã từ chối bán vé trẻ con và dứt khoát không cho tôi vào. Herbert hỏi tại sao. Cộc cằn nhưng không phải thiếu thiện ý, bác thu ngân cho chúng tôi biết có một ông bố đưa đơn khiếu nại, đề nghị từ nay không cho trẻ con vào bảo tàng nữa. Bác ta không phản đối nếu tôi ở dưới này chờ bên cạnh cửa bán vé; bác bận công việc, lại goá vợ nữa nên không trông tôi được, nhưng dù thế nào đi nữa, bác cũng không muốn để cho tôi vào "khuê phòng của Miu", vì tôi không có khả năng chịu trách nhiệm về các hậu quả.

Herbert đã sắp sửa chịu phép, nhưng tôi lại thúc anh, khích anh. Một mặt, anh đồng ý là bác thu ngân có lý, mặt khác, anh nói tôi là lá bùa mang lại may mắn cho anh, là thiên thần bảo hộ của anh, sự ngây thơ trẻ con của tôi che chở cho anh. Tóm lại, Herbert gần như kết bạn với bác thu ngân và thuyết phục được bác để cho tôi vào Bảo tàng Hải quân "một lần cuối" - câu này là của bác thu ngân.

Một lần nữa, anh bạn to lớn của tôi lại dắt tay tôi leo cái cầu thang xoáy trôn ốc trang trí cầu kỳ, mới lau dầu, lên tầng hai, nơi Niobe ở. Buổi sáng đã yên tĩnh, buổi chiều còn yên tĩnh hơn. Herbert ngồi lim dim mắt trên chiếc ghế da với những đầu đinh vàng. Tôi ngồi dưới chân anh. Cái trống của tôi im lìm. Chúng tôi hấp háy mắt nhìn đám tàu thuyề các loại: thuyền buồm lớn, nhỏ, thuyền buồm dọc, thuyền một cột buồm, thuyền năm cột buồm, tầu hộ tống nhỏ, sà-lúp, tàu chạy dọc bờ biển, tàu hải quân, tất cả treo trên panô gỗ sồi, đợi khi thuận gió để lên đường. Chúng tôi tập hợp hạm đội trên sa bàn, cùng nó đợi gió hây hẩy lên, chúng tôi sợ cái yên tĩnh bao trùm trong "khuê phòng”. Chúng tôi làm tất cả những cái đó để tránh phải nhìn và sợ Niobe. Chúng tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả để được nghe thấy tiếng mọt nghiến, chứng rằng bên trong thớt gỗ xanh này đang bị ăn mòn và đục ruỗng một cách chậm chạp nhưng chắc chắn, rằng Niobe có thể chết! Nhưng chả nghe thấy con mọt nào cả. Người ta đã rây thuốc chống mọt cho cái thân thể bằng gỗ này, làm cho nó thành bất tử. Chúng tôi chỉ còn bấu víu vào cái hạm đội sa bàn, cái hy vọng điên rồ vào một ngọn gió thuận. Chúng tôi bày trò chơi do sợ Niobe, chúng tôi làm hết sức mình để lờ nàng đi, quên nàng đi và lẽ ra chúng tôi đã có thể đạt được mục tiêu nếu như ánh nắng chiều không đột nhiên rọi thắng vào con mắt hổ phách bên trái của nàng, làm nó rực cháy.

Tuy nhiên, sự bốc lửa ấy lẽ ra không làm chúng tôi ngạc nhiên. Chúng tôi không lạ gì những chiều nắng trên tầng  hai của Bảo tàng Hải quân, chúng tôi thừa biết mấy giờ đã hoặc sắp điểm khi ánh nắng lọt vào dưới gờ cửa và thắp sáng những con tàu. Những ngôi nhà thờ xung quanh cũng góp phần phân đoạn theo thời khắc tiến trình của ánh nắng trong đó bụi xoáy lộn, gửi những hồi chuông lịch sử của chúng đến bạn bầu với những sưu tập lịch sử của chúng tôi. Có gì là lạ khi ánh nắng cũng mang tính chất lịch sử, trở thành một mục trong bộ sưu tập của Bảo tàng và chúng tôi bắt đầu ngờ là nó đã âm mưu với đôi mắt hổ phách của Niobe.

Nhưng buổi chiều hôm ấy, chúng tôi không có hứng chơi hoặc làm những trò khiêu khích dấm dớ, con mắt rực lửa của Niobe càng khiến chúng tôi ngạc nhiên gấp bội. Ngao ngán, chúng tôi chờ nốt nửa tiếng nữa: Bảo tàng đóng cửa vào năm giờ đúng.

Hôm sau, Herbert đi làm một mình. Tôi theo anhđến Bảo tàng, nhưng tôi không thích chờ bên cạnh cửa bán vé, mà tìm một chỗ ở bên kia đường. Tôi ngồi cùng cái trống trên một quả cầu bằng granít đằng sau có một cái đuôi dài cho người lớn làm tay vịn. Khỏi cần phải nói là bên kia cầu thang cũng có một quả cầu tương tự với một cái đuôi bằng gang tương tự. Thỉnh thoảng tôi mới đánh trống, nhưng đã đánh, thì đánh to dữ dội, để phản kháng những người qua đường, phần lớn là nữ, cứ thích dừng lại nói chuyện với tôi, hỏi tên tôi và đưa bàn tay nhơm nhớp mồ hôi vuốt mái tóc ngắn nhưng đẹp và hơi lượn sóng của tôi. Buổi sáng qua đi. Đầu phố Đức Chúa Thánh Thần, con gà mái bằng gạch đỏ-đen của Nhà thờ Nữ Thánh Mary với cái tháp nhọn màu xanh lục đang ấp trứng dưới các gác chuông to xụ. Những con bồ câu đẩy nhau ra khỏi những hốc trên tường tháp và đậu xuống cách tôi không xa. Chúng líu lô líu lường nói những chuyện nhăng nhít gì với nhau; chúng hoàn toàn không biết con gà mái còn ấp bao lâu nữa, hoặc cái gì sẽ nở ra từ đó, hoặc liệu cái cuộc ấp kéo dài bao thế kỷ này có phải chính là một mục đích tự thân hay không.

Đến trưa, Herbert ra. Từ cái cạp lồng mà Mamăng Truczinski lèn chặt đến nỗi không đóng lại được, anh moi ra một ổ xăng-uých với một khúc dồi tiết bằng ngón tay và đưa cho tôi. Tôi cảm thấy miệng không muốn ăn. Herbert gật đầu như cái máy động viên tôi. Cuối cùng tôi ăn, còn Herbert thì không ăn mà chỉ hút thuốc. Trước khi quay về Bảo tàng, anh đến một tiệm bar ở phố Brothänken (tôi cũng đi theo) làm mấy ly rượu gừng. Tôi nhìn cái cục hầu của anh khi anh cạn ly. Tôi không thích cái cách anh nốc rượu. Khá lâu sau khi anh đã lên cái cầu thang xoáy trôn ốc, khá lâu sau khi tôi đã trở về chỗ quả cầu granít, Oskar vẫn còn thấy cục hầu của Herbert bạn nó lên lên xuống xuống.

Ánh chiều trườn qua cái mặt tiền đa sắc nhạt thếch của Bảo tàng. Nó nhảy từ gờ này sang gờ kia, cười lên các nữ thần và sừng phồn thịnh, nuốt chửng những thiên thần mũm mĩm đang với tay ngắt hoa, xông vào giữa một cuộc các-na-val ở nông thôn, chơi bịt mắt bắt dê, trèo lên một cái đu kết hoa hồng, đem lại vẻ tôn quý cho một nhóm trưởng giả mặc quần ống thụng đang bàn chuyện làm ăn, chiếu vào một con hươu đang bị đàn chó đuổi riết, và cuối cùng, lên tới cửa sổ tầng hai, ở đó mặt trời được phép, trong một thoáng ngắn ngủi mà cũng là vĩnh viễn, chiếu sáng một con mắt hổ phách.

Tôi từ từ tụt khỏi quả cầu granít. Cái trống của tôi va mạnh vào nó, mấy mảng sơn tróc ra, rơi xuống lấm tấm trắng-đỏ trên bậc thềm đá.

Có thể tôi đã xướng một điều gì, có thể tôi đã lẩm nhẩm một lời cầu nguyện hay một danh sách: một lát sau, xe cấp cứu xịch đến trước cửa Bảo tàng. Người qua đường xúm quanh cửa vào. Oskar lẻn được vào trong cùng với tổ cấp cứu. Tôi tìm được lối lên cầu thang nhanh hơn họ, mặc dầu sau những sự cố trước đây, lẽ ra họ đã phải thuộc đường đi lối lại trong tòa nhà.

Tôi phải cố hết sức mới nhịn được cười khi trông thấy Herbert. Anh đang lủng lẳng phía trước Niobe, anh đã định nhảy với nàng. Đầu anh phủ lên đầu nàng. Hai cánh tay anh quấn lấy hai cánh tay nàng giơ cao và chắp vào nhau. Anh cởi trần đến thắt lưng. Chiếc sơ mi của anh, sau đó được tìm thấy, gấp gọn ghẽ trên chiếc ghế da ở cạnh cửa. Lưng anh phô hết cả bộ sưu tập sẹo. Tôi đọc, đếm các hình. Không thiếu cái nào cả. Nhưng cũng không thấy phác họa một hình mới nào.

Tổ cấp cứu chạy tới ngay sau tôi, phải khó khăn lắm mới gỡ được Herbert ra khỏi Niobe. Trong cơn cuồng dục, anh đã giựt một cái rìu thủy thủ hai lưỡi khỏi dây xích an toàn; một lưỡi, anh chém vào Niobe còn lưỡi kia, trong đà tấn công điên dại, cắm ngược trở lại vào chính anh. Thành thử, ở phần trên, sự liên kết thật là hoàn hảo, nhưng bên dưới thì, than ôi, anh không kiếm được chỗ để cắm neo và từ dải khuy quần để mở, dương vật của anh thòi ra, còn cứng ngắc và bối rối.

Khi người ta phủ lên Herbert tấm mền có dòng chữ "Sở Cấp Cứu Thành Phố”, Oskar, như mỗi lần hứng một mất mát, lại quay về với cái trống của mình. Nó vẫn còn dùng nắm tay để đánh trống khi những người gác Bảo tàng dắt nó ra khỏi "Khuê phòng của Miu", xuống cầu thang và cuối cùng, ẩn nó vào một xe cảnh sát đưa nó về nhà.

Ngay cả đến bây giờ, trong cái nhà thương điên này, khi nhớ lại cái vụ mưu toan ân ái giữa xác thịt với gỗ, Oskar vẫn buộc phải đánh trống bằng hai nắm đấm để một lần nữa khảo sát cái lưng sần sùi, nhiều màu của Herbert, cái mê cung nhằng nhịt sẹo vừa rắn đanh vừa nhạy cảm, những vết sẹo dự báo và tiên tri, những vết sẹo rắn hơn, nhạy cảm hơn mọi thứ. Như một người mù, Oskar đọc những dòng chữ nổi trên cái lưng ấy.

Mãi đến đoạn này, khi họ gỡ được Herbert ra khỏi bức tượng vô cảm, thì Bruno, gã y tá coi giữ tôi, mới xuất hiện với cái đầu quả lê chán ốm của gã. Gã khéo léo cất tay tôi khỏi cái trống, treo trống lên cột trái phía cuối cái giường sắt của tôi và vuốt phẳng lại mền cho tôi.

"Chà, ông Matzerath," gã dịu dàng trách tôi, "nếu ông cứ tiếp tục đánh trống to thế, người ta sẽ nghe thấy ông đánh quá to. Ông có muốn nghỉ một chút hoặc đánh khẽ đi một tí không?”

Phải, Bruno, tôi sẽ thử đọc cho cái trống của tôi một chương tĩnh lặng hơn mặc dầu đề tài của chương này đòi hỏi một dàn nhạc gồm những kẻ khát khao, cuồng khấu.

LÒNG TIN, HY VỌNG, TÌNH YÊU

Xưa một nhạc sĩ tên là Meyn; anh chơi kèn t’rompet tuyệt hay không lời nào tả xiết. Anh sống trên tầng năm một khu chung cư, ngay sát mái; anh nuôi bốn con mèo, một con tên là Bismarck và anh uống rượu gừng từ sáng đến đêm. Cứ thế, cho đến khi tai họa làm anh tỉnh rượu.

Ngay cả đến giờ, Oskar vẫn không thích tin vào điềm báo. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng hồi ấy, có khá nhiều điềm báo tai họa. Tai họa, đi những đôi ủng ngày càng lớn hơn, đang đến gần bằng những bước ngày càng dài hơn. Chính vào thời kỳ đó, anh bạn Herbert của tôi đã chết vì một vết thương nơi ngực do một người đàn bà bằng gỗ gây nên. Người đàn bà không chết. Nàng được đưa xuống niêm phong dưới hầm của Bảo tàng, nói là để phục chế lại, dù thế nào cũng cần được bảo tồn. Nhưng người ta không thể nhốt tai họa trong một căn hầm. Nó thoát theo đường cống, tràn vào các ống dẫn ga và xâm nhập mọi hộ gia đình cùng với khí ga. Và không ai, khi đặt nồi xúp trên ngọn lửa xanh, lại ngờ rằng tai họa đang nấu sôi bữa ăn tối của mình.

Khi Herbert được an táng tại nghĩa trang Langfuhr, một lần nữa tôi lại gặp Leo Schugger mà tôi đã làm quen ở Brenntau. Miệng xớt dãi, anh ta chìa đôi găng trắng mốc thếch ngỏ lời phân ưu - những lời rối rắm xáo trộn cả vui lẫn buồn - với tất cả những ai có mặt trong đám tang: Mamăng Truczinski, Guste, Fritz và Maria Truczinski, bà Kater to béo, già Heilandt, người giúp Mamăng Truczinski làm thịt những con thỏ của Fritz vào những ngày lễ, ông bố hờ Matzerath của tôi, người đã bao hẳn một nửa chi phí cho tang lễ (thi thoảng ông cùng biết tỏ ra hào phóng như vậy), thậm chí với cả Jan Bronski vốn chỉ quen Herbert sơ sơ và đến dự chỉ cốt gặp lại Matzerath và có lẽ cả tôi nữa trên mảnh đất trung lập của một nghĩa trang.

Khi đôi găng của Leo Schugger chấp chới về phía Meyn-t’rompét trong trang phục nửa SA nửa dân sự, thì cũng là lúc diễn ra một điềm báo tai họa khác.

Đột nhiên hoảng hốt, đôi găng trắng của Leo bay lên, kéo anh ta về phía mộ. Người ta nghe thấy anh ta thét lên và những lời chữ tơi tả vương vãi trong không khí nghĩa trang chẳng có gì liên quan với chuyện phân ưu cả.

Không ai tách ra khỏi Meyn-t’rompét, người được Leo nhận ra và chú ý đặc biệt. Vậy mà anh trơ khấc giữa đám người đưa tang. Anh bối rối mân mê cây kèn t’rompet mà anh chủ tâm mang theo và đã chơi tuyệt vời trên mộ Herbert. Tuyệt vời bởi vì Meyn đã làm cái điều mà lâu nay anh không làm, anh đã trở lại với chai rượu gừng của anh, bởi vì anh cùng tuổi với Herbert và cái chết của Herbert, trong khi làm tôi và cái trống của tôi im tiếng, đã khiến anh xúc động sâu sắc.

Xưa có một nhạc sĩ tên là Meyn, anh chơi t’rompet tuyệt vời không lời nào tả xiết. Anh sống trên tầng năm một khu chung cư, ngay sát mái; anh nuôi bốn con mèo, một con tên là Bismarck và anh uống rượu gừng từ sáng đến đêm, cho đến cuối 1936 hay đầu 1937 gì đó, anh gia nhập Kỵ đoàn SA. Chơi t’rompet trong dàn nhạc, anh ít phạm lỗi hơn trước nhiều, nhưng tiếng kèn của anh chẳng còn tuyệt vời đến mức không lời nào tả xiết nữa, bởi vì, khi anh xỏ vào cái quần cưỡi ngựa với cái đũng bằng da, anh bỏ chai rượu gừng và từ đó, tiếng kèn của anh tỉnh táo và to, có thế thôi, không hơn.

Khi binh nhì SA Meyn mất người bạn cố tri Herbert Truczinski, người đã cùng anh, trong những năm 20, tham gia một nhóm thanh niên cánh tả, khi bạn anh đến lúc phải nằm trong lòng đất, Meyn vớ lấy chiếc kèn và chai rượu gừng của mình. Bởi anh muốn chơi tuyệt vời chứ không tỉnh táo; những ngày trong ban nhạc kỵ binh dù sao cũng chưa hủy được cái tai âm nhạc của anh. Tới nghĩa trang, anh tợp nốt ngụm rượu cuối cùng và trong khi chơi, anh vẫn giữ nguyên chiếc măng-tô dân sự bên ngoài bộ đồng phục SA, mặc dù anh đã định chơi trong đồng phục nâu, nhưng, dĩ nhiên, không đội mũ.

Xưa có một nhân viên SA, trong khi chơi t’rompet tuyệt vời đến mức không lời nào tả xiết trước mộ bạn, vẫn để nguyên chiếc măng-tô dân sự trùm ra ngoài bộ đồng phục Kỵ binh SA. Khi Leo Schugger, một nhân vật có mặt ở mọi nghĩa trang, tiến đến để ngỏ lời chia buồn, ai nấ;u nhận phần phân ưu của anh ta. Chỉ riêng gã SA là không được cái đặc quyền nắm bàn tay đi găng trắng của Leo bởi vì Leo nhận ra gã SA, thét lên một tiếng sợ hãi và rụt về cả găng lẫn lời phân ưu. Gã SA về nhà với chiếc kèn lạnh và không một lời phân ưu. Trong căn phòng áp mái của chung cư chúng tôi, gã tìm thấy bốn con mèo của mình.

Xưa có một gã SA tên là Meyn. Để lưu dấu cái thời gã uống rượu gừng tối ngày và chơi t’rompet tuyệt vời không lời nào tả xiết, Meyn vẫn nuôi bốn con mèo, trong đó một con tên là Bismarck. Một hôm, trở về từ đám ma người bạn cố tri Herbert Truczinski, tỉnh rượu và buồn bã vì có kẻ đã không chịu ngỏ lời phân ưu với mình, gã SA thấy mình hoàn toàn cô đơn với bốn con mèo. Lũ mèo cọ mình vào đôi ủng kỵ binh của gã và Meyn cho chúng một lô đầu cá trích gói trong giấy báo. Thế là chúng buông tha cho đôi ủng. Ngày hôm đó, căn phòng nồng nặc mùi mèo hơn mọi khi, mùi của bốn con mèo, tất cả đều đực, một con tên là Bismarck mình đen chân trắng. Nhưng Meyn không còn rượu ở trong nhà, vì thế mùi mèo lại càng không chịu nổi. Kể ra gã có thể mua chút rượu ở cửa hàng chúng tôi nếu gã không ở tít tầng năm, ngay sát mái. Nhưng hơn cả nỗi ngại phải lên xuống cầu thang, gã còn sợ cả hàng xóm nữa: trước mặt họ, gã đã nhiều lần lớn tiếng thề rằng không bao giờ một giọt rượu gừng còn lọt qua đôi môi nhạc sĩ của gã nữa, rằng gã đã bước vào một cuộc đời mới triệt để không chè chén say sưa, rằng từ nay trở đi, phương châm của gã là trật tự quy củ và có mục đích, đoạn tuyệt với những cơn say sưa của một thời tuổi trẻ bừa bãi và vô mục đích.

Xưa có một người tên là Meyn. Một hôm, khi anh ta thấy mình hoàn toàn cô đơn trong căn phòng áp mái với bốn con mèo đực, một con tên là Bismarck, anh thấy mùi mèo trở nên đặc biệt ghê tởm, vì sáng hôm ấy anh đã gặp chuyện khó chịu và cũng vì anh không còn rượu gừng trong phòng. Khi cơn khát rượu và nỗi bực mình và cùng với chúng, mùi mèo đã lên đến một độ nào đó, thì Meyn, một nhạc công chuyên nghiệp, một thành viên của Kỵ đoàn SA, vớ lấy cái que cời lửa dựa vào cái bếp lò lắt và quật túi bụi vào lũ mèo cho đến lúc có thể đoán chắc rằng cả lũ, kể cả con tên là Bismarck, đã chết đứ đừ, mặc dầu mùi mèo trong phòng vẫn không hề bớt nồng nặc đi tí nào.

Xưa có một bác thợ đồng hồ tên là Laubschad sống ở tầng hai khu chung cư của chúng tôi trong một căn hộ hai phòng có cửa sổ nhìn xuống sân. Bác thợ đồng hồ Laubschad không có vợ, có chân trong Tổ chức Cứu tế Quốc-Xã và Hội Bảo vệ Súc vật. Bác là một người nhân hậu thích giúp đỡ tất cả những con người mệt mỏi, súc vật ốm cũng như những cái đồng hồ hỏng. Một buổi chiều, bác thợ đồng hồ đang ngồi tư lự bên cửa sổ, ngẫm nghĩ về đám tang người hàng xóm mà bác đã dự sáng hôm đó, thì bỗng trông thấy Meyn, gã nhạc sĩ ở tầng năm cùng nhà, xách một cái bao tải đầy đến nửa, hình như ướt ở dưới đáy và nhỏ giọt tong tỏng. Meyn vào trong sân và ấn cái bao tải vào một thùng rác. Nhưng vì thùng rác đã đầy tới ba phần tư nên gã nhạc sĩ khó mà đậy nắp lại.

Xưa có bốn con mèo đực, một con tên là Bismarck. Những con mèo đực này thuộc về một nhạc sĩ tên là Meyn. Vì những con mèo đực không bị thiến này phát ra một mùi hừng hực không dẹp nổi, gã nhạc sĩ đã đập chết chúng bằng một cái que cời lửa vào một hôm mà vì những lý do đặc biệt, gã thấy cái mùi đó đặc biệt tởm lợm, nhét xác chúng vào một cái bao tải đựng khoai tây, mang cái bao xuống bốn tầng cầu thang và rất nóng lòng thẩy mau cái bọc vào thùng rác cạnh cái giá đập thảm; chất vải bao tải thấm nước và do đó, thấm máu nên chưa xuống hết nửa cầu thang máu đã bắt đầu nhỏ giọt. Nhưng vì thùng rác đã gần đầy, gã nhạc sĩ phải lèn rác và cái bọc xuống để có thể đóng nắp được. Gã vừa rời khỏi sân đi ra phố vì gã không muốn quay về phòng, cái căn phòng mặc dầu không còn mèo nhưng vẫn sực mùi mèo - thì khối rác bị lèn bắt đầu phình ra, đẩy cái bọc và cả nắp thùng lên.

Xưa có một nhạc sĩ, anh ta giết bốn con mèo của mình, vùi chúng vào một thùng rác, ra khỏi nhà và đến chơi nhà bạn.

Xưa có một bác thợ đồng hồ ngồi trầm tư bên cửa sổ, trông thấy gã nhạc sĩ Meyn nhét một cái bao khoai tây ních gần đầy vào thùng rác rồi nhanh chóng rời khỏi sân. Vài phút sau khi Meyn đi khỏi, bác thấy nắp thùng rác bắt đầu ngẩng lên và tiếp tục từ từ ngẩng lên.

Xưa có bốn con mèo đực, vì chúng nồng nặc một mùi đặc biệt vào một ngày đặc biệt nào đấy, chúng đã bị đánh chết, nhét vào một cái bao tải đựng khoai tây và vùi vào một thùng rác. Nhưng lũ mèo, trong đó có một con tên là Bismarck, chưa chết hẳn; như người ta nói, chúng có những bẩy vía. Chúng ngọ nguậy trong bao tải, làm chuyển động nắp thùng rác và đặt ra cho bác thợ đồng hồ Laubschad vẫn đang ngồi trầm tư bên cửa sổ câu hỏi như sau: có gì trong cái bao tải mà Meyn đã ném vào thùng rác?

Xưa có một bác thợ chữa đồng hồ không thể dửng dưng nhìn một cái gì ngọ nguậy trong một thùng rác. Bác bèn ra khỏi căn hộ trên tầng hai, xuống sân, nhấc cái nắp thùng rác, mở cái bao tải, mang bốn con mèo đực bị đánh tơi tả nhưng vẫn còn sống về nhà mình và chạy chữa cho chúng. Nhưng đêm sau chúng vẫn chết dưới những ngón tay thành thạo chữa đồng hồ của bác. Điều đó khiến bác không còn cách nào khác ngoài việc trình lên Hội Bảo vệ Súc vật mà bác là một thành viên và báo cho tổ chức đảng của địa phương về một trường hợp đối xử tàn bạo với súc vật có thể làm hại đến thanh danh của đảng.

Xưa có một gã SA đã giết bốn con mèo bằng một cái que cời lửa. Nhưng vì lũ mèo chưa chết hẳn nên chuyện bị lộ và một người thợ đồng hồ đã tố cáo gã. Vụ này được đưa ra xử và gã SA đã phải nộp phạt. Nhưng câu chuyện cũng được bàn luận trong nội bộ SA, kết quả là gã SA kia bị khai trừ vì hành vi không xứng đáng. Ngay cả sự dũng cảm nổi bật của gã vào cái đêm 8 tháng 11, sau này gọi là Đêm Pha Lê, khi gã góp phần đốt cháy ngôi đền Do Thái giáo ở đường Thánh Michel, ngay cả hoạt động đáng khen của gã ngày hôm sau khi một số cửa hàngđược chỉ định trước) phải đóng cửa vì lợi ích quốc gia, cũng không ngăn nổi việc khai trừ gã khỏi Kỵ đoàn SA. Vì sự tàn bạo vô nhân đạo đối với súc vật, gã bị gạch tên khỏi danh sách hội viên. Phải một năm sau, gã mới được kết nạp vào đội cảnh vệ mà về sau được sáp nhập vào Waffen SS.

Xưa có một người chủ hiệu tạp hóa, một hôm vào tháng 11, đóng cửa hàng vì trên phố đang có chuyện; dắt tay đứa con trai Oskar, ông đáp chuyến xe điện số 5 đi đến cổng Langasse vì ở đó cũng như ở Zoppot và Langfuhr, ngôi đền Do Thái giáo đang cháy. Ngôi đền đã gần như cháy trụi và lính cứu hỏa đang cố giữ sao cho ngọn lửa khỏi lan sang các nhà khác. Bên ngoài ngôi đền tan hoang, những đám người vận đồng phục hoặc dân sự đang chất những đồ thờ, sách vở và những tấm vải kỳ lạ thành đống. Gò đang cháy và người chủ hiệu tạp hóa thừa cơ sưởi ấm cả tay lẫn tình cảm bằng ngọn lửa công cộng. Nhưng Oskar con trai ông, thấy cha mình đang bận bịu và bừng bừng như thế, liền lẻn đi và hối hả chạy về phía Ngõ Binh Công Xưởng vì nó lo cho đám trống thiếc sơn hai màu trắng-đỏ của mình

Xưa có một người chủ hiệu đồ chơi tên là Sigismund Markus. Trong số các mặt hàng, có những cái trống thiếc sơn đỏ trắng. Chú bé Oskar nói trên là khách hàng chính của những cái trống đó, vì chú là người đánh trống chuyên nghiệp và chú không thể cũng như không muốn sống thiếu trống. Vì lý do đó, Oskar vội vã rời khỏi ngôi đền Do Thái giáo đang cháy, chạy đến Ngõ Binh Công Xưởng bởi vì người giữ những cái trống của nó ở đấy; nhưng nó thấy ông ta trong một tình trạng khiến mãi mãi từ nay về sau ông không còn có thể bán trống trên đời này.

Bọn chúng - chính đám lính cứu hỏa mà tôi, Oskar, tưởng mình đã trốn khỏi - đã đến chỗ Markus trước tôi; nhúng một cái bút lông vào sơn, chúng đã viết bằng mẫu tự Sütterlin bốn chữ: "Đồ lợn Do Thái" chạy chéo suốt mặt kính cửa hàng của bác; rồi, có lẽ ghê tởm dòng chữ viết tay của chính mình, chúng đã lấy gót ủng đập vỡ tan mặt kính thành thử cái từ định tính chúng gán cho Markus chỉ có thể đoán ra được mà thôi. Coi khinh cửa chính, chúng vào trong nhà bằng tủ kính vừa đập vỡ và ở đó, chúng chơi với đám đồ chơi theo cách đặc biệt của chúng.

Tôi bắt gặp chúng vẫn đang chơi khi tôi bước vào cửa hiệu cũng qua lối tủ kính. Một số đã kéo quần xuống và trút những thỏi xúc xích nâu trong đó còn thấy lổn nhổn những hạt đậu mới tiêu một nửa lên những chiếc thuyền buồm, những chú khỉ kéo vĩ cầm, lên cả những cái trống của tôi nữa. Tất cả bọn chúng trông giống như Meyn-t’rompét, chúng mặc đồng phục SA như Meyn, nhưng Meyn không có ở đó; cũng như những tên ở đó thì không ở chỗ khác.

Một tên đã rút dao găm ra. Hắn đang mổ bụng những con búp-bê và hắn có vẻ thất vọng mỗi lần thấy chẳng có gì ngoài mạt cưa phòi ra.

Tôi lo cho những cái trống của tôi. Chúng không thích những cái trống của tôi. Cái trống hiện tôi đang dùng ắt không thể chịu nổi cơn điên loạn của chúng; nó đành chỉ cúi đầu và im tiếng. Nhưng Markus đã thoát khỏi cơn điên khùng của chúng. Khi chúng đến thăm bác trong văn phòng riêng, chúng không gõ mà xô vỡ toang cửa, mặc dầu cửa không hề khóa.

Người bán đồ chơi ngồi sau bàn giấy của bác. Như thường lệ, bác xỏ những ống tay bảo vệ bên ngoài cái áo màu "ghi" sẫm thường ngày. Những vẩy gầu vương trên vai áo chứng tỏ đầu tóc bác mắc chứng tật gì đó. Một tên SA, với mấy con rối trên các ngón tay, thọc cái đầu gỗ của bà nội gã Kasperl vào người Markus, nhưng bác đã ở bên kia mọi cảm quan: không ai có thể đả thương hoặc làm nhục bác được nữa. Trước mặt bác, trên bàn là một cốc nước đã cạn; chắc là tiếng đập vỡ tủ kính đã làm bác khát.

Xưa có một thằng bé đánh trống, tên nó là Oskar. Khi chúng mang người bán đồ chơi của nó đi và phá phách cửa hàng, nó ngờ rằng thời kỳ gian khó sắp đến với những tay trống tí hon như nó. Cho nên khi rời cửa hàng, nó ọn ra trong đống đổ nát một cái trống còn nguyên vẹn và hai cái chưa đến nỗi hư hại lắm, quàng qua cổ và đi khỏi Ngõ Binh Công Xưởng tới Chợ Than để tìm ông bố lúc này chắc cũng đang tìm nó. Bên ngoài là một buổi sáng tháng mười một. Cạnh Nhà hát thành phố, gần bến xe điện, mấy bà sùng đạo và mấy cô gái xấu lạ xấu lùng đang phân phát truyền đơn tôn giáo, quyên tiền và giơ cao giữa hai cái cọc một tấm biểu ngữ mang dòng chữ trích từ chương mười ba của Thánh Thư thứ nhất gửi người xứ Corinthian: "Lòng tin... Hy vọng… Tình yêu". Oskar đọc và chơi với mấy từ đó như một tài tử xiếc diễn trò tung hứng với chai lọ: tin lành, cả tin, hi hữu, Mũi Hảo Vọng, yêu tinh, yêu quái... Cậu có tin là mai có mưa không? Cả một dân tộc cả tin ở ông già Nô-en. Nhưng ông già Nô-en chính là nhân viên của sở cung cấp khí "ga". Tôi tin rằng niềm tin của tôi có mùi hồ đào và hạnh đào. Nhưng nó lại có mùi "ga". Người ta nói sắp đến ngày Chủ nhật, thứ nhất của mùa Vọng. Và ngày Chủ nhật thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ Tư đều được mở như người ta mở vòi "ga" để tạo ra một mùi hồ đào và hạnh đào đáng tin cậy để cho tất cả những ai thích đập hột hồ đào hay hạnh đào đều có thể thoải mái và tin tưởng.

Người đang đến! Người đang đến! Ai đang đến? Chúa Jêxu hài đồng, Đấng Cứu Thế? Hay là lão nhân viên sở cung cấp "ga” trên trời với cái đồng hồ "ga" không ngừng tích-tắc tích-tắc cắp nách? Và lão nói: Ta là đấng cứu thế trên đời này, không có ta, các người không thể nấu nướng gì được. Và lão không đòi hỏi quá đáng, lão cho những giá đặc biệt, mở những vòi "ga" vừa mới đánh bóng cho Đức Chúa Thánh Thần tuôn ra để ta có thể nấu chín bồ câu hay chim ngói. Và chìa ra hồ đào và hạnh đào cho ta đập hột và chúng cũng tuôn ra cả khí "ga" lẫn thánh thần. Thành thử, trong không khí xanh xanh đậm đặc, chẳng khó gì để khiến những người cả tin nhìn những nhân viên khí "ga" thành những ông già Nô-en và Chúa Jêxu hài đồng đủ các kích cỡ và các giá khác nhau. Họ tin ở sở cung cấp khí "ga", vị cứu tinh duy nhất, biểu tượng của Định mệnh với những cái đồng hồ "ga" lên lên xuống xuống của nó, người tổ chức một mùa Vọng với giá hạ, khiến nhiều người tin rằng l Giáng Sinh sẽ tới, nhưng những người duy nhất sống sót qua những ngày lễ vất vả này là những người hết sạch hồ đào và hạnh đào - mặc dầu ai nấy đều tin rằng có ê hề cho tất cả mọi người.

Nhưng sau khi lòng tin ở ông già Nô-en hóa ra là lòng tin ở gã nhân viên khí đốt, người ta bèn thử, bất chấp thứ tự đã định trong Thánh Thư, xoay sang tình yêu. Ta yêu mình - họ nói - ôi, ta yêu mình. Phải chăng mình cũng yêu ta? Mình có yêu ta không, nói đi, mình có thực sự yêu ta không? Ta cũng yêu bản thân ta nữa. Và xuất phát từ tình yêu, họ gọi nhau là củ cải, họ yêu củ cải, họ cắn vào nhau, xuất phát từ tình yêu thuần tuý, một củ cải cắn đứt cái củ cải của kẻ khác. Và họ kể cho nhau nghe những chuyện tình tuyệt vời trên thiên giới và cả những chuyện tình trần thế nữa, giữa những củ cải, và ngay trước lúc cắn, họ thì thầm vào tai nhau, thì thầm với tất cả cái tươi tắn, sắc bén, đói thèm: củ cải ơi, nói đi, mình có yêu ta không? Ta cũng yêu bản thân ta nữa.

Nhưng sau khi họ đã cắn đứt củ cải của nhau vì tình yêu, và lòng tin ở nhân viên khí đốt đã được tuyên bố là quốc đạo, thì chỉ còn - sau lòng tin và tình yêu chen ngang tranh chỗ - phải, chỉ còn con voi trắng thứ ba trong Thánh Thư gửi người Corinthian: hy vọng. Và ngay cả trong khi họ vẫn còn củ cải, hồ đào và hạnh đào để nhấm nháp, họ đã bắt đầu hy vọng rằng chẳng bao lâu nữa sẽ hạ màn để họ có thể lại bắt đầu hoặc tiếp tục hy vọng sau hoặc thậm chí ngay trong màn cuối rằng cái kết thúc này sẽ sớm chấm dứt. Kết thúc cái gì? Họ cũng chưa biết. Họ chỉ hy vọng sẽ sớm kết thúc, kết thúc vào ngày mai, nhưng không phải hôm nay; bởi vì họ biết làm gì nếu cái kết thúc đến đột ngột như thế? Rồi khi cái kết thúc đến, họ lặng lẽ biến nó thành một sự bắt đầu tràn trề hy vọng; bởi vì ở nước chúng ta, mọi kết thúc đều là bắt đầu và trong mọi kết thúc, kể cả cái kết thúc tối hậu, bao giờ cũng có hy vọng. Nên có câu viết rằng: Chừng nào con người còn hy vọng, nó sẽ luôn luôn lại bắt đầu hy vọng đi đến những kết thúc tràn trề hy vọng

Còn tôi thì không biết. Chẳng hạn, tôi không biết ngày nay, kẻ nào giấu mặt đằng sau bộ râu của ông già Nô-en, hoặc có những gì trong cái tay nải của ông; tôi không biết người ta đóng và làm nghẹt vòi "ga" như thế nào; bởi vì mùa Vọng, thời gian để cầu mong một đấng Cứu chuộc, lại chảy trôi hoặc vẫn còn chảy trôi, tôi cũng không biết. Một điều khác tôi cũng không biết, là: liệu tôi có thể tin rằng họ đánh bóng những cái vòi "ga" mà họ gọi là gà trống với tình cảm yêu thương như để cho chúng gáy, sáng nào, chiều nào, tôi đâu có biết. Và tôi cũng chẳng biết thời gian trong ngày có quan trọng hay không, bởi tình yêu đâu cần biết thời gian trong ngày và hy vọng là bất tận và lòng tin thì không biết đến biên giới, chỉ có biết và không biết là lệ thuộc vào thời gian và biên giới và thường kết thúc trước thời hạn, không râu, không tay nải, không hạnh đào, thành thử một lần nữa tôi lại phải nói: tôi không biết, ồ, chẳng hạn tôi không biết người ta nhồi dồi bằng gì, ruột con gì nhồi thì hợp và nhồi bằng gì, mặc dầu giá công nhồi mỗi lần được ghi rõ ràng, mà tôi cũng không biết họ tính những gì vào giá, tôi không biết họ tìm những cái tên cho các thứ nhân dồi ở những từ điển nào. Tôi không biết người ta lấy gì để nhồi từ điển hoặc món dồi - thịt con gì, ngôn ngữ gì, tôi không biết - chữ thì cốt để truyền đạt, cánh hàng thịt thì chẳng nói, tôi thái ra nhiều khoanh, anh mở sách, tôi đọc những gì tôi thấy khoái, nhưng anh có biết mình thích gì không? Những khoanh dồi, và những trích dẫn từ sách và dồi - và chúng ta sẽ không bao giờ biết được những ai bị bịt miệng, buộc phải im lặng để dồi có thể được nhồi, sách có thể lên tiếng khi được nhồi đầy chữ in, tôi đâu có biết, nhưng tôi phỏng đoán: chắc vẫn là những tay hàng thịt ấy nhồi cả từ điển lẫn dồi bằng chữ và thịt làm xúc xích, làm gì có Paul, tên giả là Saul và giả là một gã Saul, và chính Saul kể với nhân dân Corinthian về một món dồi vô giá gọi là lòng tin, hy vọng và tình yêu, mà giả quảng cáo là rất dễ tiêu hóa và cho đến nay, dưới những lốt dạng không ngừng thay đổi song thực chất vẫn là Saul, giả vẫn tiếp tục khuyến mại ngon lành cho nhân loại

Còn tôi đây, chúng đã cướp đi của tôi người bán đồ chơi, chúng muốn loại tất cả đồ chơi khỏi thế giới này.

Xưa có một nhạc sĩ tên là Meyn, anh chơi t’rompet tuyệt vời không lời nào tả xiết.

Xưa có một người bán đồ chơi tên là Markus và ông bạn những cái trống thiếc sơn hai màu trắng, đỏ.

Xưa có một nhạc sĩ tên là Meyn, anh có bốn con mèo, một con tên là Bismarck.

Xưa có một thằng bé đánh trống, tên nó là Oskar, nó cần người bán đồ chơi.

Xưa có một nhạc sĩ tên là Meyn và anh đã đánh chết bốn con mèo của mình bằng một cái que cời lửa.

Xưa có một người thợ đồng hồ, và ông là thành viên của Hội Bảo vệ Súc vật.

Xưa có một thằng bé đánh trống và chúng đã mang người bán đồ chơi của nó đi.

Xưa có người bán đồ chơi tên là Markus, và ông đã mang tất cả đồ chơi trên thế giới này theo ông ra khỏi thế giới này.

Xưa có một nhạc sĩ tên là Meyn, và nếu anh không chết thì anh vẫn còn sống và một lần nữa lại chơi t’rompet tuyệt vời không lời nào tả xiết.

QUYỂN II

ĐỒ ĐỒNG NÁT

Ngày thăm hỏi. Maria mang đến cho tôi một cái trống mới. Sau khi đưa nó qua bên trên hàng chấn song bao quanh giường tôi, nàng định đưa nốt cái hóa đơn của cửa hàng, nhưng tôi gạt đi và bấm nút chuông ở đầu giường cho đến khi Bruno, gã y tá trông coi tôi, chạy vào và làm cái điều mà bao giờ gã cũng làm khi Maria mang đến cho tôi một cái trống mới. Gã cởi dây buộc, để tờ giấy gói màu xanh lơ tự nó mở ra, trịnh trọng nhấc cái trống lên và gấp giấy lại cẩn thận. Chỉ đến lúc ấy Bruno mới sải bước - tôi nói chính xác là sải bước - mang cái trống mới đến bồn rửa mặt, mở vòi nước nóng và bóc cái nhãn ghi giá, nhẹ nhàng không để xước lớp sơn đỏ-trắng.

Khi, sau một hồi thăm hỏi ngắn chưa đến nỗi chán ngấy, Maria chuẩn bị ra về, nàng nhặt cái trống cũ mà tôi đã quần đến tả tơi khi tấu khúc saga về cái lưng của Herbert Truczinski, về bức tượng gỗ trang trí mũi thuyền cũng như khi trình bày cách diễn giải có phần tùy tiện của tôi về Thánh Thư thứ nhất gửi người Corinthiann. Nàng sẽ mang nó về để chất dưới hầm nhà chúng tôi, sát cánh với tất cả những cái trống xác xơ khác đã phục vụ cho mục đích nghề nghiệp hoặc riêng tư của tôi. "Chẳng còn mấy chỗ ở trong hầm nữa," nàng thở dài nói. "Không biết rồi sẽ để khoai tây mùa đông ở đâu đây."

Tôi tủm tỉm cười, là không nghe thấy lời than phiền của bà nội trợ trong Maria, và dặn dò nàng: cái trống "về hưu" phải được đánh số bằng mực đen và những chi tiết "lý lịch" mà tôi đã ghi vắn tắt trên một mảnh giấy phải được chuyển vào cuốn nhật ký bao năm nay vẫn treo ở mặt trong cánh cửa hầm và trong đó có ghi mọi điều về những cái trống của tôi.

Maria gật đầu, vẻ cam chịu và hôn tạm biệt tôi. Nàng không sao hiểu nổi sự ham thích trật tự này của tôi, thực tế, nàng thấy nó gần như điên khùng. Oskar có thể thông cảm nỗi băn khoăn của nàng vì bản thân hắn cũng bối rối khi phải giải thích về thói câu nệ của hắn trong việc sưu tầm trống thiếc nát. Điều kỳ lạ nhất là hắn không bao giờ muốn để mắt đến cái mớ đồng nát trong hầm khoai tây ấy lần nữa chừng nào hắn còn sống. Bởi vì, qua kinh nghiệm, hắn biết rằng con cái thường coi rẻ những bộ sưu tập của cha chúng và thằng con trai Kurt của hắn khá lắm cũng chỉ nhìn bằng con mắt dửng dưng tất cả những cái trống thảm hại mà một ngày kia nó sẽ được thừa kế.

Vậy thì cái gì khiến tôi cứ ba tuần một lần lại dặn dò Maria những điều mà nếu được thi hành đều đặn thì một ngày kia sẽ chiếm hết chỗ trong hầm nhà chúng tôi và đẩy khoai tây mùa đông ra ngoài?

Cái ý thỉnh thoảng vẫn lóe lên trong đầu tôi, tuy ngày càng thưa thớt hơn, là biết đâu một ngày kia một bảo tàng nào đó lại chẳng quan tâm đến những cái trống rách của tôi, cái ý ấy chỉ đến với tôi sau khi mấy tá trống đã được xếp xó dưới hầm; do vậy nó không thể là khởi nguồn tạo nên đam mê sưu tầm của tôi. Càng nghĩ, tôi càng ngả về một cái động cơ rất đơn giản: nỗi sợ, sợ thiếu, sợ rằng một ngày kia trống thiếc có thể bị cấm, sợ rằng số trống hiện có có thể bị phá hủy. Một ngày kia, Oskar có thể sẽ buộc phải bới lên vài cái ít hư hại nhất đem chữa lại dùng tạm để vượt qua một thời kỳ không trống ảm đạm và

Các bác sĩ ở bệnh viện tâm thần cũng đưa ra một cách giải thích tương tự, tuy họ diễn đạt bằng những lời lẽ khác. Bác sĩ Hornstetter (nữ) thậm chí còn muốn biết đích xác ngày nào tháng nào tôi bắt đầu phát sinh mặc cảm. Tôi nói ngay với bà: ngày 9 tháng 11 năm 1938 vì đó là ngày tôi mất Sigismund Markus, người cung cấp trống cho tôi. Sau khi mẹ tôi chết, việc kiếm một cái trống mới khi tôi cần, cũng đã bắt đầu khó khăn: không còn những chiều thứ Năm đến Ngõ Binh Công Xưởng, Matzerath chỉ quan tâm đến việc cung cấp trống cho tôi một cách rất miễn cưỡng còn Jan Bronski thì ngày càng thưa đến thăm chúng tôi. Giờ đây, khi cửa hàng đồ chơi đã bị đập phá tan tành, tình thế của tôi trở nên cực kỳ tuyệt vọng. Hình ảnh Markus ngồi ở cái bàn giấy trống trơn của bác nói rất rõ với tôi: Markus sẽ không cung cấp trống cho mày nữa, Markus sẽ không bán đồ chơi nữa, Markus đã cắt đứt mọi quan hệ làm ăn với những người làm ra những cái trống đẹp đỏ-trắng của mày.

Tuy nhiên, lúc ấy, tôi chưa sẵn sàng tin rằng những ngày tương đối trong sáng và nghịch ngợm của tôi đã chấm dứt với cái chết của Markus; từ đống đổ nát của cửa hàng đồ chơi, tôi chọn ra được một cái trống còn nguyên vẹn và hai cái chỉ sứt sẹo ở cạnh và chạy về nhà với những vật báu của mình, những tưởng sẽ an toàn trong những ngày khó khăn.

Tôi giữ trống rất cẩn thận, ít khi đánh và chỉ đánh khi nào tuyệt đối cần thiết. Tôi nhịn đánh trống suốt những buổi chiều dài dằng dặc và, rất miễn cưỡng, nhịn cả đánh trống vào giờ điểm tâm, cái thói quen cho đến nay đã khiến những ngày của tôi có thể chịu đựng được. Oskar trở nên khổ hạnh, nó sút cân và phải đưa đến khám ở chỗ bác sĩ Hollatz và Xơ Inge, phụ tá của ông mỗi ngày một thêm xương xẩu. Họ cho tôi đủ các thứ thuốc, ngọt có, chua có, đắng có và cả vô vị nữa và đổ tại các tuyến của tôi mà bác sĩ Hollatz cho rằng đã làm đảo lộn thể tạng, đan xen giữa siêu năng và thiểu năng.

Để thoát khỏi sự kiểm soát của bác sĩ Hollatz, Oskar tiết chế bớt chế độ khổ hạnh và tăng cân. Vào mùa hè 1939, nó lại vẫn là thằng bé Oskar ba tuổi, nhưng nó phồng má lên mà đánh bục hẳn cái trống cuối cùng của Markus, hỏng không cách nào chữa được. Cái vật đeo trước bụng tôi giờ chỉ là một cái xác thảm hại, han gỉ và đầy những lỗ trống hoác; lớp sơn đỏ-trắng gần như tróc hết và tiếng thì cực kỳ ảo não.

Có kêu gọi sự giúp đỡ của Matzerath cũng vô ích thôi, mặc dầu Matzerath là một tâm hồn giàu lòng tương trợ và nhân hậu theo cách của ông. Từ khi mẹ tội nghiệp của tôi mất, ông chẳng còn nghĩ đến bất kỳ cái gì khác ngoài công việc của Đảng; khi cần giải trí, ông chỉ họp mặt với các tổ trưởng. Hoặc giả vào quãng nửa đêm, sau khi uống khá nhiều rượu, ông thường lớn tiếng trò chuyện tâm sự với hai tấm ảnh chân dung lồng khung đen của Hitler và Beethoven trong phòng khách của chúng tôi, bậc thiên tài thì nói về Định mệnh còn vị Führer thì giảng về Thiên cơ. Khi tỉnh rượu, ông coi việc quyên tiền Cứu trợ mùa đông là định mệnh do thiên cơ dành cho ông.

Tôi không thích nhớ lại những ngày Chủ nhật lạc quyên ấy. Chính vào một ngày Chủ nhật như vậy, tôi đã tìm cách kiếm một cái trống mới nhưng không thành công. Matzerath dành cả buổi sáng đi quyên ở ngoài rạp chiếu bóng Nghệ thuật ở Hauptstrasse và cửa hàng tổng hợp của Sterfeld, buổi trưa về nhà hâm nóng mấy viên thịt băm cho bữa trưa của chúng tôi. Ăn xong - tôi còn nhớ là bữa ăn rất ngon - người quyên tiền mệt mỏi nằm xuống đi văng làm giấc ngủ trưa. Tiếng thở của ông vừa chuyển thành tiếng ngáy là tôi vớ ngay lấy cái hộp quyên đầy tới nửa ở trên mặt đàn pianô và biến vào gian cửa hàng. Ngồi thu lu dưới quầy hàng, tôi chăm chú xem xét cái vật kỳ cục tựa như một cái vỏ đồ hộp này. Không, tôi không định ăn cắp lấy một xu. Cái ý ngớ ngẩn của tôi là thử sử dụng nó như một cái trống. Nhưng tha hồ cho tôi muốn đánh thế nào, muốn múa dùi ra sao, nó cũng chỉ phát ra một câu trả lời: Cứu trợ mùa đông, xin hãy đóng góp. Chớ để ai phải ét, phải đói. Cứu trợ mùa đông, xin hãy đóng góp.

Sau nửa tiếng đồng hồ, tôi bỏ cuộc; tôi lấy năm xu trong ngăn kéo đựng tiền, góp vào quỹ Cứu trợ mũa đông, trả cái hộp quyên đã giàu thêm chừng nấy về chỗ cũ trên đàn pianô để Matzerath có thể tìm thấy và giết nốt số thời gian còn lại của ngày Chủ nhật bằng cách xóc nó loẻng xoẻng vì những người rét và đói trong mùa đông.

Cuộc thử nghiệm thất bại ấy làm tôi tỉnh ngộ mãi mãi. Không bao giờ nữa tôi lại có ý định nghiêm túc sử dụng một cái vỏ đồ hộp, một cái xô úp sấp hoặc đáy một cái chậu tắm làm trống nữa. Tôi ráng hết sức để quên những đoạn chẳng vẻ vang gì ấy đi, càng ít nhắc đến chúng trên những trang giấy này càng tốt. Một cái vỏ đồ hộp thì dứt khoát không phải là một cái trống, một cái xô là một cái xô và một cái chậu tắm chỉ tốt để tắm hay giặt đồ mà thôi. Dạo ấy cũng chẳng nhiều thế phẩm hơn bây giờ. Một cái trống thiếc với những ngọn lửa đỏ trên nền trắng tự phát ngôn lấy, chứ không gì nói thay cho nó được.

Oskar cô đơn, bị phản bội, bị bán rẻ. Làm sao nó có thể bảo toàn được diện mạo lên ba của nó nếu nó thiếu thứ cần thiết tối thiểu là cái trống? Tất cả những ngón đánh lừa mà tôi đã thực hiện bao năm nay: thỉnh thoảng đái dầm, bi bô đọc kinh buổi chiều, nỗi sợ ông già Nô-en thực ra tên là Greff, những câu hỏi ngộ nghĩnh điển hình của trẻ lên ba mà tôi băm đi băm lại không biết mệt đại loại như: tại sao ô-tô lại có bánh? - tất cả những thứ vớ vẩn ấy mà người lớn trông đợi ở tôi, giờ tôi phải tự lực làm không dùng đến trống. Tôi đã sắp muốn bỏ cuộc. Trong cơn tuyệt vọng, tôi bắt đầu tìm đến con người không phải là cha tôi song rất có thể đã sinh ra tôi. Oskar bèn đợi Jan Bronski ở gần khu cư xá Ba Lan trên đường Ringstrasse.

Cái chết của mẹ tội nghiệp của tôi đã chấm dứt mối quan hệ đôi khi mấp mé đến tình b giữa Matzerath và ông bác tôi (bác mới được đề bạt làm thư ký bưu vụ). Giữa hai người không hề có sự cắt đứt đột ngột, nhưng mặc dù có những kỷ niệm chung, họ cứ dần dần tách xa nhau khi cuộc khủng hoảng chính trị mỗi ngày một sâu sắc thêm. Sự phân rã của hồn và xác mảnh dẻ và giản dị của mẹ tôi kéo theo sự phân rã của tình bạn giữa hai người đàn ông này, cả hai đều soi mình trong tâm hồn mẹ và nuôi dưỡng mình trên thân xác mẹ. Mất cái nguồn dinh dưỡng ấy và cái gương cầu lồi ấy, họ không tìm được sự thay thế nào khác ngoài những cuộc hội họp với những người dốc lòng dốc sức với những ý niệm chính trị đối lập nhau tuy họ vẫn hút cùng một loại thuốc lá. Nhưng cả Sở Bưu chính Ba Lan lẫn những cuộc họp với các tổ trưởng mặc sơ mi nâu đều không thể thay thế một người đàn bà đẹp, dạt dào tình cảm trong cả chuyện ngoại tình. Tuy cả hai đều cần phải thận trọng - Matzerath phải trông chừng đám khách hàng và Đảng của mình, còn Jan thì phải để ý ban quản trị bưu cục - trong khoảng thời gian từ khi mẹ tội nghiệp của tôi mất đến cái chết của Sigismund Markus, hai ông bố của tôi đã gặp nhau nhiều lần.

Mỗi tháng hai, ba lần, vào khoảng nửa đêm, chúng tôi lại nghe thấy Jan gõ nhẹ lên của sổ phòng khách. Matzerath gạt tấm rèm và mở hé cửa sổ một chút; cả hai đều hết sức lúng túng cho đến lúc một trong hai tìm được câu gỡ bí và gợi ý làm một chầu xì-cạt nửa đêm. Họ đến rủ Greff ở cửa hàng rau của giả, hoặc nếu giả không muốn - điều này thường xảy ra vì giả có ý ngại Jan và vì, với tư cách là cựu huynh trưởng hướng đạo sinh (giả đã giải tán đội), giả phải thận trọng, vả lại giả không thích xì-cạt, hơn nữa lại chơi rất tồi - thì họ thường rủ Alexander Scheffler, chủ hiệu bánh mì, làm chân thứ ba. Bản thân Scheffler cũng không hào hứng ngồi cùng bàn với Jan lắm, nhưng một chút thương mến đối với mẹ tội nghiệp của tôi chuyển qua Matzerath như kiểu thừa kế và một niềm xác tín đinh ninh rằng dân buôn bán lẻ phải sát cánh với nhau, đã khiến tay chủ hiệu bánh mì chân ngắn cũn cỡn vội vã từ phố Kleinhammer-Weg chạy đến phòng khách nhà chúng tôi, hưởng ứng lời k gọi của Matzerath, để trang bài bằng những ngón tay trắng bị bột bánh ăn mòn và chia những quân bài như phát chẩn.

Vì những cuộc bài bị cấm ấy thường chỉ bắt đầu sau nửa đêm và giải tán vào quãng ba giờ sáng khi mà lò bánh cần đến Scheffler, nên rất hiếm khi tôi có thể ra khỏi giường không mang theo trống và lặng lẽ chui vào một góc tối dưới gầm bàn mà không ai nhìn thấy hoặc nghe thấy.

Như quý vị hẳn đã nhận thấy, bao giờ tôi cũng thấy gầm bàn là nơi thoải mái nhất để suy nghĩ: tôi làm những đối chiếu so sánh. Tình hình đã thay đổi biết mấy từ khi mẹ tội nghiệp của tôi mất! Chẳng còn một Jan Bronski thận trọng ở bên trên mà vẫn thua hết ván này đến ván khác, nhưng lại không biết sợ ở bên dưới, phái cái chân đi tất vừa rút khỏi giày vào cuộc thám hiểm giữa hai đùi mẹ tôi. Tình dục - nói chi đến tình yêu - đã biến khỏi bàn xì-cạt. Sáu cái ống quần với những mô-típ xương cá khác nhau bao bọc sáu cẳng chân đàn ông, để trần hay mặc quần đùi, lông rậm rì hoặc lưa thưa ở mé gần mắt cá. Bên dưới, cả sáu đều ráng hết sức để tránh chạm vào nhau dù chỉ là tình cờ, trong khi bên trên, những phần nối dài của chúng - mình, đầu, cánh tay - thì bận bịu với một trò chơi mà lẽ ra đã bị cấm vì những lý do chính trị bởi mỗi ván thua hay được đều tạo cớ cho những suy nghĩ buồn bã hay đắc thắng kiểu như: Ba Lan mất một ván không có chủ bài, hoặc Thành phố Tự do Danzig được một bộ ca-rô vì Đại Đế chế Đức.

Người ta có thể tiên đoán rằng một ngày kia, những kiểu tập trận giả ấy sẽ chấm dứt để trở thành những thực tế thảm khốc - như những trò chơi chiến tranh thường vẫn thế.

Đầu mùa hè năm 1939, qua những cuộc họp Đảng hằng tuần, Matzerath mới vỡ lẽ ra rằng các đồng chí của mình là những bạn chơi xì-cạt ít thỏa hiệp hơn nhiều so với những viên chức bưu điện và cựu huynh trưởng hướng đạo sinh. Jan Bronski nhớ li (bác buộc phải nhớ) cái trại mà số phận đã dồn đẩy bác tới; bác bắt đầu gần gũi với những người cùng ở sở bưu điện như bác gác cổng thọt chân Kobyella; bác này, từ độ phục vụ trong đội lê dương huyền thoại của Marszalek Pilsudski, đã bị một chân ngắn hơn chân kia vài ba phân gì đó. Mặc dầu tập tễnh, Kobyella là một người gác cổng xuất sắc, ngoài ra còn là một thợ sửa chữa khéo léo - biết đâu bác chẳng sẵn lòng điều trị cho cái trống đau ốm của tôi. Đường đến Kobyella đi qua chỗ Jan Bronski. Đó là lý do duy nhất khiến tôi quyết định đợi Jan ở gần khu định cư Ba Lan vào quãng sáu giờ chiều, cả trong thời tiết tháng tám nóng bức ngột ngạt, tôi vẫn đợi, nhưng không thấy Jan xuất hiện. Bình thường, bác là người đúng giờ giấc, cứ tan sở là lên đường về nhà. Không hề tự đặt cho mình câu hỏi rõ ràng: Cái ông-có-thể-là-bố mày làm gì sau khi tan sở? nhiều khi tôi cứ chờ đến bảy giờ, bảy rưỡi. Thế nhưng vẫn không thấy Jan đâu. Kể ra tôi có thể đến chỗ bác gái Hedwig. Có thể bác Jan ốm. Có thể bác sốt cao hay gẫy chân phải bó bột. Oskar cứ đứng nguyên tại chỗ và đành chỉ thỉnh thoảng nhìn về phía những cửa sổ che rèm căn hộ của người thư ký bưu vụ. Một nỗi ngại ngùng kỳ lạ khiến Oskar không muốn đến thăm bác gái Hedwig mà đôi mắt bò cái ấm áp tình mẹ làm nó nẫu người. Với lại, nó không mê lắm tụi trẻ con nhà Bronski, những đứa có thể là anh chị em cùng cha khác mẹ của nó. Bọn này ứng xử với nó như với một con búp-bê. Chúng muốn dùng nó như một thứ đồ chơi. Cái thằng Stephan, vừa tròn mười lăm tuổi, chỉ hơn nó chút đỉnh, có quyền gì mà lên mặt kẻ cả với nó như một ông bố hay một ông thày như vậy? Lại còn cái con Marga mười tuổi ranh nữa, cái con tóc đuôi sam, mặt tròn vành vạnh như mặt trăng rằm, ai cho nó cái quyền coi Oskar như một thứ ma-nơ-canh ở tiệm may để nó thử đồ, chải đầu, chải áo quần và giảng giải hàng giờ liền? Dưới mắt chúng, tôi chỉ là một đứa dị dạng, một thằng lùn thảm hại, trong khi chúng đều bình thường và đầy hứa hẹn. Chúng còn là cháu cưng của bà ngoại tôi nữa, nhưng về điểm này, tôi phải công nhận là tôi đã làm khó cho bà. Tôi tỏ ra chẳng mấy thích thú các truyện cổ tích cũng như sách tranh. Điều tôi chờ đợi ở bà ngoại tôi, điều mà đến giờ tôi vẫn mơ đến với từng chi tiết khoái thú nhấ cái điều ấy rất rõ ràng và đơn giản, do đó khó mà đạt được: hễ thấy bà, là Oskar lại muốn thi đua với ông ngoại Koljaiczek náu bên dưới bốn tầng váy của bà và, nếu có thể, chẳng bao giờ thở hít bên ngoài nơi trú ẩn yên tĩnh này nữa.

Tôi sẵn sàng làm tất cả để được vào trong cái lều ấy! Tôi không tin rằng bà thực sự không thích để Oskar ngồi ở đó. Nhưng bà ngần ngại và thường là từ chối; tôi nghĩ bà ắt vui lòng cho bất kỳ ai hơi hơi giống Koljaiczek được phép trú; tôi không có tầm vóc của ông, cũng không có đôi bàn tay mau mắn xòe diêm của ông, tôi buộc phải nghĩ ra mưu mẹo.

Tôi hình dung Oskar chơi một quả bóng cao su như một thằng bé lên ba chân chính; hoàn toàn do tình cờ, trái bóng lăn vào dưới váy bà và Oskar, trên đà đuổi theo cái có hình cầu đó, chui tọt vào trước khi bà kịp đoán ra mẹo của nó và trả lại quả bóng.

Khi có mặt người lớn, bà tôi không bao giờ cho tôi ở lâu dưới váy bà. Đám người lớn ắt sẽ trêu bà, nhắc lại cuộc hứa hôn của bà ở cánh đồng khoai tây, thường là với những lời lẽ sống sượng, kỳ đến khi bà đỏ nhừ mặt rất lâu, tuy nhiên, dưới mái tóc gần như bạc trắng (bà đã ngoài sáu mươi), sắc diện đó không phải là không phù hợp với bà.

Nhưng khi bà ngoại Anna của tôi có một mình - điều này hiếm thấy và từ khi mẹ tội nghiệp của tôi mất, tôi họa hoằn mới gặp bà, thậm chí hầu như không gặp kể từ khi bà buộc phải bỏ quầy hàng tại phiên chợ hằng tuần ở Langfuhr - bà thuận tình hơn để tôi núp dưới những cái váy màu khoai tây của bà và cho phép tôi ở lại đó lâu hơn. Thậm chí tôi không phải giở đến cái mẹo trái bóng cao su dấm dớ kia nữa. Trườn qua sàn nhà cùng với cái trống, một chân co, chân kia dận vào các đồ đạc đẩy người đi, tôi tiến về phía trái núi bà tôi; tới chân núi, tôi lấy dùi trống nhấc bốn tấm màn lên và khi đã vào bên trong, buông cả bốn xuống cùng một lúc. Tôi ngồi im phăng phắc một lúc, hít cái mùi ngai ngái của bơ hơi ôi, cái mùi, bất chấp sự chuyển mùa, vẫn tràn ngập không gian chọn lọcến lúc đó, Oskar mới bắt đầu đánh trống. Biết bà tôi thích nghe gì, tôi gợi lên tiếng mưa tháng mười, giống như thứ âm thanh mà hẳn bà đã nghe bên đống lửa vỏ khoai tây lom rom, khi ông Koljaiczek, kẻ phóng hỏa bị săn đuổi, đến nấp dưới váy bà. Tôi tạo một cơn mưa nhỏ rơi nghiêng trên cái trống của tôi cho đến khi tôi nghe thấy trên đầu mình những tiếng thở dài và những tên thánh; và quý vị có thể nhận ra đó là những tiếng thở dài và những tên thánh thốt ra vào buổi chiều tháng mười năm 1899 khi bà ngồi dưới mưa và ông Koljaiczek ngồi khô ráo trong túp lều váy của bà.

Trong khi chờ Jan Bronski bên ngoài khu định cư Ba Lan hồi tháng tám năm 1939, tôi thường hay nghĩ đến bà ngoại tôi. Có thể bà đang ở thăm bác gái Hedwig cũng nên. Nhưng dù cái mong muốn được ngồi dưới váy bà mà hít cái mùi bơ hơi ôi có hấp dẫn đến mấy, tôi cũng không trèo hai tầng cầu thang để bấm nút chuông dưới tấm biển ghi "Jan Bronski". Oskar có gì để làm quà cho bà ngoại nó? Trống của tôi hỏng rồi, nó không tấu nhạc nữa, nó quên mất tiếng mưa rồi, cái tiếng mưa nhỏ rơi nghiêng nghiêng trên một ngọn lửa vỏ khoai tây. Và vì hiệu quả của những âm thanh mùa thu ấy là cách duy nhất để tiếp cận bà ngoại nó, nên Oskar đành đứng ngoài đường Ringstrasse, nhìn các chuyến xe điện số 5 tiến đến hoặc rời khỏi, vừa rung chuông vừa phóng đi dọc con phố Heeresanger.

Có phải tôi vẫn đứng chờ Jan không? Phải chăng tôi đã bỏ cuộc và, nếu tôi vẫn đứng nguyên ở chỗ cũ, đó phải chăng chỉ vì tôi chưa tìm ra một cái cớ khả dĩ nghe lọt tai để bỏ đi? Chờ lâu có thể có tác dụng giáo dục. Nhưng chờ lâu cũng có thể khiến người ta mường tượng ra cuộc gặp gỡ mong đợi với những chi tiết làm tiêu tan mọi khả năng của một bất ngờ thú vị. Tuy nhiên bác Jan đã thộp tôi bất ngờ. Định bụng "đột kích" bác, ve vãn bác bằng âm thanh của cái trống tàn tạ, tôi đứng đó, căng thẳng, với đôi dùi trống ở tư thế sẵn sàng. Nếu như những tiếng rên rỉ và kêu than của trống tôi có thể khiến bác thấy rõ tình thế tuyệt vọng của tôi, thì sẽ không cần phải dài lời giải thích nữa. Đợi thêm năm chuyến xe điện, tôi tự nhủ, thêm ba chuyến nữa, chỉ một chuyến này nữa thôi. Cụ thể hóa nỗi lo của mình, tôi tưởng tượng là gia đình Bronski, theo yêu cầu của Jan, đã được chuyển về Modlin hoặc Vacxava. Tôi hình dung bác làm trưởng bưu cục ở Brmberg hoặc Thorn. Rồi bất chấp những lời tự hứa, tôi đợi thêm một chuyến xe điện nữa, và đã quay gót định lên đường về nhà thì có ai nắm lấy Oskar từ phía sau. Một người lớn lấy tay bịt mắt Oskar.

Tôi cảm thấy đôi bàn tay mềm mại thơm nức mùi xà phòng đắt tiền, những bàn tay đàn ông khô ráo một cách dễ chịu; tôi cảm thấy đó là Jan Bronski.

Khi bác buông tôi ra và xoay người tôi lại đối mặt bác với một tiếng cười quá to, thì đã quá muộn để trình bày tình thế thảm hại của tôi trên mặt trống. Bởi thế, tôi nhét cả hai chiếc dùi trống dưới đai đeo của cái quần bẩn, bẩn và xờn ở quanh hai túi vì dạo ấy không có ai chăm nom tôi. Như vậy, tôi rảnh tay để nâng cái trống lên, nâng cao nó lên như một lời kết tội, như Cha Wiehnke nâng bánh thánh trong lễ Mi-xa, cũng như Cha, tôi có thể nói: đây là thân xác ta và máu ta, nhưng tôi không nói một lời; tôi chỉ giơ cái mảnh kim loại tả tơi ấy lên. Tôi không cầu ước một biến thể cơ bản hay kỳ diệu; tôi chỉ muốn người ta chữa cái trống cho tôi, không hơn.

Tiếng cười của Jan rành là cuồng loạn. Hẳn bác cũng cảm thấy nó lạc lõng vì bác dừng ngay lại. Bác trông thấy cái trống của tôi, bác không thể không nhìn thấy, nhưng rồi bác quay đi để tìm đôi mắt sáng trong của tôi dạo ấy vẫn còn nguyên cái vẻ chân thật của tuổi lên ba. Thoạt đầu, bác không thấy gì ngoài hai đồng tử xanh lạnh lùng đầy tia lấp lánh và phản quang; tóm lại, tất cả những gì mà người ta bảo là con mắt thường chứa đựng. Rồi sau khi buộc phải thừa nhận rằng những gì phản chiếu trong đó cũng rưa rứa như trong bất kỳ vũng nước nào ngoài phố - không hay hơn, cũng chẳng dở hơn - bác huy động tất cả thiện chí, tập trung trí nhớ và tự cưỡng mình, phải tìm cho ra trong nhãn cầu của tôi đôi mắt xám của mẹ mà trong nhiều đã từng long lanh những tình cảm dạt dào đối với bác, từ ân cần đến nồng nàn say mê. Có lẽ bác cũng bối rối khi tìm thấy trong đó một thoáng bóng của mình, tuy điều đó không nhất thiết có nghĩa rằng Jan là cha tôi hay, chính xác hơn, người tác tạo ra tôi. Bởi vì mắt bác, mắt mẹ tôi và mắt tôi đều có đặc điểm là cái vẻ đẹp sắc sảo một cách hồn nhiên, long lanh một cách ngây ngô như có thể thấy trong mắt hầu hết thành viên của dòng họ Bronski - mắt Stephan, mắt Marga (kém rõ nét hơn một chút), nhất là mắt của bà ngoại tôi và ông anh Vincent của bà. Tuy nhiên, mặc dù mắt tôi màu xanh và có hàng mi đen, cũng không thể bỏ qua một chút xíu máu phóng hỏa Koljaiczek ở trong tôi - nếu không thì làm sao giải thích niềm khoái thú của tôi trong việc dùng tiếng hát để đập vỡ thủy tinh? - trong khi thật khó mà phát hiện ra được bất kỳ nét nào của Matzerath ở nơi tôi.

Lúc này, khi tôi nâng cái trống lên và để cho mắt tôi phát huy tác dụng, bản thân Jan, nếu được hỏi trực tiếp (mặc dầu bác rất muốn né tránh những câu hỏi như thế), ắt phải thú nhận: Chính là Agnès, mẹ nó, đang nhìn tôi. Hay có lẽ tôi đang nhìn chính mình. Mẹ nó và tôi có quá nhiều cái chung. Nhưng cũng có thể là ông chú Koljaiczek của tôi, hiện ở Mỹ hay dưới đáy biển. Dù sao đi nữa cũng không phải Matzerath đang nhìn tôi và thế càng tốt.

Jan cầm cái trống lên, xoay các chiều, vỗ vỗ thử. Ông là người chúa vụng, gọt cái bút chì cũng không nên, thế mà lúc này lại làm ra vẻ một người cũng biết chút gì đó về việc chữa trống. Rõ ràng là đã đi đến một quyết định, điều hiếm thấy ở ông, Jan dắt tay tôi qua đường đến bến xe điện Heeresanger, khiến tôi ngạc nhiên vì tôi không ngờ là mọi sự lại tiến triển nhanh thế. Xe điện đến, ông kéo tôi lên toa hút thuốc.

Như Oskar đã ngờ ngợ, chúng tôi vào thành phố, đến Quảng trường Hevelius, đến Sở Bưu chính Ba Lan gặp bác gác cổng Kobyella, bác ấy có dụng cụ và kỹ năng mà cái trống của Oskar đang rất cần.

Chuyến xe điện số 5 với tiếng chuông leng keấy đã có thể là một chặng hành trình êm đềm thú vị nếu như nó không xẩy ra vào trước ngày 1 tháng 9 năm 1939. Đến Quảng trường Max-Halbe, từ bãi biển Brösen những người đi tắm mệt mỏi nhưng to mồm tràn lên đầy xe điện. Buổi chiều cuối hè đang chờ đợi chúng tôi sau khi giao trống cho bác gác cổng - uống xô-đa chanh qua một cuộng rơm ở tiệm cà phê Weitzke - có thể đã thú vị biết bao nếu các tàu chiến Scheswig và Schleswig-Holstein không bỏ neo ở cửa cảng, đối diện với Westerplatte, phô những sườn thép, tháp súng quay kép, pháo hầm ngầm dữ tợn của chúng. Và sẽ tốt đẹp biết bao nếu chúng tôi đã có thể bấm chuông nhà bác gác cổng của Sở Bưu chính Ba Lan và để lại đó một cái trống trẻ con ngây thơ cho bác Kobyella chữa nếu Sở Bưu chính trong mấy tháng qua không bị biến thành một pháo đài bọc thép trấn giữ bởi những nhân viên bưu điện xưa nay vốn ôn hòa nhưng gần đây đã dành những ngày nghỉ cuối tuần để tập quân sự ở Gdingen và Oxhoft.

Chúng tôi tới gần Cổng Oliva. Jan Bronski, mồ hôi đầm đìa, đăm đăm nhìn hàng cây xanh bụi bặm ven đường Hindenburg và hút thuốc vượt xa mức mà ý thức tiết kiệm của ông cho phép. Oskar chưa bao giờ thấy ông bố không chính thức của mình đổ mồ hôi nhiều như thế, trừ vài ba lần nó quan sát Jan ở trên đi văng với mẹ nó.

Nhưng mẹ tội nghiệp của tôi chết lâu rồi. Tại sao Jan Bronski đổ mồ hôi dữ như vậy. Khi tôi nhận thấy rằng đến gần bến đỗ nào ông cũng chuẩn bị xuống nhưng rồi đến phút chót lại nhớ ra sự hiện diện của tôi, rằng chính vì tôi và cái trống của tôi mà ông quay lại chỗ ngồi, thì tôi hiểu ra tại sao ông đổ mồ hôi. Đó là vì Jan, với tư cách là viên chức Nhà nước, có nhiệm vụ phải tham gia bảo vệ Sở Bưu chính Ba Lan. Ông đã bỏ trốn, nhưng rồi gặp tôi với cái đồ đồng nát này ở góc đường Ringstrasse và đường Heeresanger, ông quyết định nghe theo tiếng gọi của bổn phận. Ông kéo tôi theo lên xe điện, mà tôi thì không phải là viên chức cũng chẳng thích hợp với việc bảo vệ một sở bưu điện, cho nên ông mới hút thuốc liên hồi và đổ mồ hôi dữ thế. Tại sao ông không xuống? Chắc chắn tôi chẳng ngăn ông đâu. Ông đang ở tuổi tráng niên, chưa đến bốn mươi lăm, mắt xanh, tóc nâu. Đôi bàn tay run rẩy của ông được làm móng chau chuốt và nếu ông không toát mồ hôi một cách thiểu não như thế, thì cái mùi lọt vào lỗ mũi Oskar khi nó ngồi cạnh ông bố không chính thức, ắt phải là nước thơm Cologne thay vì mồ hôi lạnh.

Đến Chợ Gỗ, chúng tôi xuống và đi bộ xuôi phố Altstädrischer Graben. Đó là một đêm hè yên tĩnh. Từng hồi chuông vẳng lên trời như mọi đêm vào quãng tám giờ, kéo theo những đám mây bồ câu.

"Hãy Trung Chính cho đến khi xuống mồ", chuông ngân nga như vậy. Thật là đẹp đến muốn khóc. Nhưng xung quanh chúng tôi toàn là tiếng cười. Phụ nữ với trẻ con da rám nắng, áo tắm bằng vải bông xù, bóng màu và thuyền buồm, bước xuống từ những chuyến xe điện chở hàng ngàn người vừa mới tắm ở các bãi biển Glettkau và Heubude. Những cô gái, còn ngái ngủ sau một ngày phơi nắng, nhấm nháp kem phúc bồn tử. Một cô khoảng mười lăm tuổi đánh rơi chiếc kem hình nón, định nhặt lên song lại lưỡng lự và cuối cùng bỏ cái món giải khát mau tan chảy ấy cho những phiến đá lát đường và đế giày của những khách qua đường sắp tới; chẳng bao lâu nữa, cô sẽ thành người lớn và sẽ thôi ăn kem ngoài đường.

Đến phố Schneidermühlen-Gasse, chúng tôi rẽ trái. Quảng trường Hevelius, ở đầu đằng kia con phố nhỏ này, kín đặc những cảnh vệ SS đứng thành từng nhóm: thanh niên và trung niên với băng đeo tay và súng trường của cảnh sát an ninh. Kể ra, nếu đi vòng rồi từ khối phố Rähn vào sở, thì cũng dễ thôi. Jan Bronski đi thẳng đến chỗ bọn SS. Mục đích của bác đã rõ ràng: bác muốn để bọn này ách lại trước mắt các cấp trên của mình (họ chắc chắn phải theo dõi quan sát Quảng trường Hevelius từ Sở Bưu chính) và bắt quay lui. Bác hy vọng tự tạo cho mình một hình ảnh tương đối đàng hoàng - một anh hùng bị ngăn trở - để sau đó trở về nhà vẫn bằng chuyến xe điện số 5 đã chở bác đến.

Bọn cảnh vệ để chúng tôi qua; có lẽ họ không bao giờ nghĩ rằng con người sang trọng ăn mặc lịch sự dắt một thằng lên ba lại có ý định đến Sở Bưu chính. Họ lễ phép khuyến cáo chúng tôi nên cẩn thận và chỉ đến khi chúng tôi qua cổng ngoài có rào sắt và tới gần cửa chính của sở, mới hô: Đứng lại! Jan ngoảnh lại, phân vân. Cánh cửa nặng nề hé mở và người ta kéo chúng tôi vào bên trong và đây, chúng tôi đã ở trong sảnh chính mờ mờ tối và mát rượi của Sở Bưu chính.

Các đồng nghiệp chào đón Jan Bronski không lấy gì làm thân ái cho lắm. Họ nghi ngờ ông, có lẽ họ đã coi như bác "biến" rồi. Thậm chí một số tuyên bố rất thẳng thắn rằng họ đã bắt đầu nghi ngờ là thư ký bưu vụ Bronski muốn đào nhiệm. Jan khó mà thanh minh. Không ai nghe cả. Ông bị đẩy vào một hàng người đang chuyển những bao cát từ dưới hầm nhà lên. Những bao cát này cùng nhiều đồ vật linh tinh khác được chất lên đằng sau những cửa sổ; các tủ hồ sơ và những bàn ghế nặng được chuyển lại gần cửa chính để chèn lại thành chiến lũy trong trường hợp khẩn cấp.

Có người hỏi tôi là ai, song không có thì giờ đợi Jan trả lời. Ai nấy đều bồn chồn đứng ngồi không yên. Có lúc họ quát nhau rồi đột nhiên lại thầm thì, thận trọng quá đáng. Cái trống của tôi và sự cùng quẫn của nó đã bị quên lãng. Không thấy bác gác cổng Kobyella đâu, người mà tôi trông cậy, người mà tôi hy vọng sẽ phục hưng cái mớ đồng nát lủng lẳng nơi cổ tôi; chắc bác đang ở trên tầng hai hay tầng ba của tòa nhà, tất bật như những nhân viên văn phòng và bưu tá xung quanh tôi đang chất những bao cát để chống đạn. Rõ ràng là sự có mặt của Oskar gây bối rối cho bác Jan của nó. Cho nên, khi cái ông mà những người khác gọi là Tiến sĩ Michon tiến đến dặn dò Bronski, tôi thừa cơ lỉnh đi.

Sau khi thận trọng tránh ông Tiến sĩ Michon này - ông đội một chiếc mũ sắt Ba Lan và hiển nhiên là sếp sở - tôi nhìn quanh và cuối cùng tìm ra cầu thang dẫn lên tầng hai. Phía cuối hành lang cầu thang tầng hai, tôi phát hiện thấy một căn phòng tầm trung bình không có cửa sổ, ở đó không có ai chuyển hòm đạn hoặc chất bao

Trong căn phòng vắng ngắt, nhiều giỏ quần áo có bánh xe đựng đầy thư với những con tem đủ màu sắc được đẩy sát vào nhau. Đó là một phòng trần thấp dán giấy phủ tường màu đỏ son. Tôi ngửi thấy loáng thoáng mùi cao su. Một cái bóng điện không có chụp rủ từ trần xuống. Oskar quá mệt không thiết tìm nút bật tắt nữa. Xa xa, tiếng chuông các nhà thờ Đức Bà, Nữ Thánh Catherine, Thánh Jean, Thánh Bridget, Nữ Thánh Barbara, Chúa Ba Ngôi và Thân Xác Chúa Kirixitô, đồng thanh báo hiệu: Mười giờ rồi. Mày phải đi ngủ thôi, Oskar. Vậy là tôi nằm vào một trong những cái giỏ thư, đặt cái trống cũng mệt như tôi bên cạnh mình và ngủ thiếp đi.

SỞ BƯU CHÍNH BA LAN

Tôi ngủ trong một cái giỏ quần áo đầy những thư gửi từ Lodz, Lublin, Lemberg, Thorn, Krakau và Tschenstochau hoặc gửi cho những người ở Lodz, Lublin, Lwow, Torun, Krakow và Czestochowska. Nhưng tôi không mê thấy Đức Mẹ Matka Boska Czestochowska hay Đức Mẹ Đen. Trong mơ, tôi không nhấm nháp trái tim của Marszalek Pilsudski được lưu giữ tại Krakow hay cái thứ bánh gừng đã làm thành phố Thorn nổi tiếng. Thậm chí tôi cũng không mê về cái trống chưa được sửa chữa của mình. Nằm không mộng mị trong một giỏ quần áo có bánh xe lăn, Oskar không hề nghe thấy tiếng trò chuyện thì thào, líu ríu, lao xao mà người ta nói là tràn ngập không gian khi thư được chất thành đống. Những bức thư này không hề nói với tôi một lời nào, tôi không chờ thư ai, không ai có lý do gì để coi tôi như một người nhận thư hay gửi thư. Kiêu hãnh và tự mãn, tôi cụp ăng-ten xuống yên ngủ trên một núi thư đầy thông tin, một núi thư có thể là cả thế giới.

Do vậy, tôi không bị đánh thức bởi lá thư của một tay Lech Milewczyk nào đó ở Vacva gửi cho cháu gái ở Danzig-Schidlitz, một lá thư xáo động đến mức có thể đánh thức một cụ rùa nghìn tuổi, mà cái đã đánh thức tôi là tiếng súng máy gần kề hoặc tiếng gầm xa xa từ những tháp pháo quay kép trên các tàu chiến ở cảng Tự Do.

Súng máy, tháp pháo quay kép - viết ra thì dễ ợt. Liệu cũng có thể là một trận mưa đá, một trận mưa rào, những khoảnh khắc trước một cơn dông cuối hè giống như cái cơn dông đón tôi ra đời? Tôi đang quá buồn ngủ và cái kiểu suy luận này không phải là sở trường của tôi. Với những tiếng ấy còn đầy tai, tôi đoán đúng và, giống như mọi kẻ ngái ngủ, gọi sự vật bằng tên của nó: thế đấy, họ đang bắn, tôi tự bảo.

Oskar trèo ra khỏi cái giỏ quần áo và đứng đó ngất ngư trên đôi chân. Đầu tiên, nó nghĩ ngay đến số phận cái trống nhạy cảm của nó. Bằng cả hai tay, tôi bới cho nó một hốc giữa đám thư đã ấp ủ cho giấc ngủ của tôi, nhưng tôi làm nhẹ nhàng không thô bạo, không làm rách, không gập cũng không làm nhàu cái nào hết; không, tôi thận trọng chọn ra những bức thư bị xới lộn, chăm chút từng cái phong bì mang dấu bưu điện "Poczta Polska” phần lớn đều màu tím - và thậm chí cả những bưu thiếp. Tôi chú ý không để một cái phong bì nào bị mở ra bởi vì ngay cả trước những sự kiện nghiêm trọng khả dĩ có thể thay đổi bộ mặt thế giới, bí mật thư tín vẫn phải là thiêng liêng.

Cùng với hỏa lực súng máy tăng lên, cái hốc trong giỏ quần áo cũng sâu thêm. Cuối cùng, tôi thấy bằng lòng, tôi đặt cái trống trọng thương vào cái giường mới khoét của nó, và đắp cho nó cẩn thận bằng mười, không, hai mươi lớp phong bì xếp ken lại với nhau như thợ nề sắp gạch để xây tường vậy.

Tôi vừa hoàn thành những biện pháp đề phòng, hy vọng bảo vệ được cái trống khỏi hòn tên mũi đạn, thì quả đạn chống tăng đầu tiên nổ trúng mặt tiền nhà bưu điện về phía Quảng trường Heve

Sở Bưu chính Ba Lan, một tòa nhà gạch đồ sộ, có thể chịu đựng được nhiều đòn như vậy. Xem ra lực lượng cảnh vệ không dễ gì sớm mở được một đột phá khẩu đủ rộng để tiến hành cuộc tiến công chính diện mà họ đã bao lần diễn tập.

Tôi rời căn phòng-kho thư khá an toàn, không cửa sổ, nằm giữa ba văn phòng và một hành lang, để đi tìm Jan Bronski. Trong khi tìm Jan, ông bố-khả-thể của tôi, đương nhiên là tôi cũng tìm luôn cả bác gác cổng thọt chân Kobyella nữa, có khi còn hăm hở hơn là đằng khác. Bởi vì chả phải là tôi đã nhịn ăn tối, chả phải là tôi đã đi xe điện đến tận Quảng trường Hevelius, bất chấp bọn lính và vào cái tòa nhà bưu điện chẳng có gì hấp dẫn này, chỉ cốt được bác chữa cho cái trống đó sao? Nếu tôi không tìm thấy Kobyella kịp thời, nghĩa là trước khi nổ ra cuộc tấn công tổng lực - điều tất yếu phải tới - thì xem chừng khó có khả năng cái trống lâm trọng bệnh của tôi có được sự điều trị cao tay mà nó cần tới.

Vậy là Oskar tìm Jan mà đầu óc lại nghĩ về Kobyella. Hai tay khoanh trước ngực, nó bước đi trong cái hành lang lát gạch hoa dài hun hút và chẳng tìm thấy gì ngoài sự cô đơn. Giữa tiếng súng đều đặn nếu không muốn nói là xả láng của phía cảnh vệ SS, nó có thể phân biệt những phát súng lẻ chắc là từ bên trong ngôi nhà này bắn ra; những người bảo vệ sở đầy ý thức tiết kiệm chắc chỉ ở ngay trong văn phòng, sau khi đã đổi những con dấu cao su lấy những công cụ khác cũng có thể làm công việc đóng dấu. Không thấy ai ngồi, đứng hoặc nằm ở hành lang, sẵn sàng cho một cuộc phản kích có thể. Oskar đi tuần tra một mình, không trống, không bảo vệ, trước cuộc nhập lễ lịch sử vào một giờ quá sớm, kẻ hành lễ không có vàng trong miệng như trong câu ca mà chỉ khạc ra chì.

Những văn phòng bên mé sân cũng trống không. Rất bất cẩn, tôi nghĩ. Lẽ ra phải bố phòng cả mặt này nữa, vì chỉ có một hàng rào gỗ ngăn đồnảnh sát ở phố Schneidermühlen-Gasse với sân nhà bưu điện -          một sự sắp xếp quá ngon cho những kẻ tấn công. Tôi lộp cộp đi qua cả dẫy văn phòng, phòng thư bảo đảm, phòng chuyển ngân, phòng quỹ lương, phòng điện báo. Và họ nằm đấy. Đằng sau những bao cát, đằng sau những tấm thiết giáp, đằng sau những bàn ghế lật ngửa, họ nằm trong tư thế chiến đấu, bắn ra rất thưa thớt.

Ở phần lớn các phòng, các cửa sổ đều đã nếm mùi đạn súng máy của lực lượng cảnh vệ. Tôi nhìn lướt qua những thiệt hại, so sánh với những ô kính vỡ vụn dưới tác động của chất kim cương giọng tôi trong thời kỳ mà hòa bình đang thở sâu rất êm đềm. Ờ, tôi tự nhủ, nếu họ yêu cầu mình góp sức bảo vệ Sở Bưu chính Ba Lan, nếu cái ông Tiến sĩ Michon gày nhẳng tiếp cận tôi không phải với tư cách giám đốc sở mà như là chỉ huy quân sự của tòa nhà bưu điện, nếu ông muốn chiêu mộ tôi để phục vụ Ba Lan, thì giọng tôi đây sẽ làm bổn phận của nó. Vì Ba Lan và vì nền kinh tế vô chính phủ nhưng bao giờ cũng phì nhiêu của Ba Lan, tôi sẵn sàng hát vỡ tan những cửa sổ của tất cả các nhà ở phía bên kia Quảng trường Hevelius, những mặt tiền bằng kính dọc phố Rähm, các cửa sổ trên phố Schneidermühlen-Gasse kể cả đồn cảnh sát; đưa kỹ thuật công phá tầm xa của tôi lên đỉnh cao mới, tôi sẽ khoái trá biến mọi ô cửa kính lấp lánh trong khu phố cổ và trên các đường Altstädtischer-Graben và Rittergasse thành những lỗ đen ngòm cho gió lùa. Điều đó sẽ gây hỗn loạn trong đám cảnh vệ cũng như bọn hiếu kỳ đứng xem. Điều đó sẽ đạt hiệu quả bằng nhiều cỗ súng máy và ngay từ đầu cuộc chiến, đã khuấy lên dư luận về những vũ khí bí mật, nhưng cũng sẽ không cứu nổi Sở Bưu chính Ba Lan.

Nhưng khả năng của Oskar không được đem ra thử nghiệm. Cái ông Tiến sĩ Michon với bộ mặt giám đốc và với cái mũ sắt Ba Lan trên đầu không chiêu mộ tôi; trái lại, khi chạy xuống cầu thang, tôi làm quẩn chân ông, ông đã bợp tai tôi một cái đau điếng và liền sau đó, vừa lớn tiếng chửi thề bằng tiếng Ba Lan vừa tiếp tục nhiệm vụ quân sự của mình. Tôi chỉ còn biết nuốt nỗi buồn tủi của mình. Hiển nhiên là tất cả những con người đó, đặc biệt là Tiến sĩ Michon, đang bị kích động mạnh và đang khiếp sợ; tôi phải tha thứ cho họ thôi.

Đồng hồ ở sảnh chính chỉ bốn giờ hai mươi phút. Khi kim chỉ sang bốn giờ hai mươi mốt, tôi kết luận rằng những hành động chiến tranh đầu tiên đã không gây hại cho bộ máy đồng hồ. Đồng hồ vẫn chạy và tôi phân vân không biết nên coi thái độ thản nhiên này của thời gian như một điềm lành hay gở.

Dù thế nào đi nữa, tôi vẫn ở lại sảnh chính. Tôi tìm Jan và Kobyella, né tránh Tiến sĩ Michon. Tôi không thấy bác tôi cũng như bác gác cổng, chỉ thấy những cửa sổ kính bị hư hại, cùng những vết nứt toác, những lỗ hổng ở lớp vữa tường cạnh cửa chính; và tôi có vinh dự chứng kiến hai người bị thương đầu tiên được khiêng vào. Một người là một ông lớn tuổi tóc hoa râm vẫn rẽ ngôi ngay ngắn, ông phấn khích nói luôn miệng trong khi người ta băng vết thương cho ông - một viên đạn xượt vào cánh tay trên. Cánh tay vừa được bó trong lớp băng trắng, ông đã vùng dậy vớ lấy cây súng trường định quay trở lại công sự bao cát của mình mà, theo tôi nghĩ, không có khả năng chống đạn hiệu quả cho lắm. May sao một cơn ngất xỉu nhẹ do mất máu buộc ông lại phải nằm xuống và nghỉ ngơi đủ thời gian cần thiết cho một ông già vừa bị thương.

Hơn nữa, cái ông nhỏ con gầy nhẳng năm mươi tuổi đội một cái mũ sắt nhưng ở túi ngực lại thò ra một chiếc mù-soa lụa, cái ông có những cử chỉ thanh lịch của một hiệp sĩ trong cơ quan chính phủ, chính cái ông tiến sĩ Michon đã nghiêm khắc tra hỏi Jan Bronski tối qua, ra lệnh cho ông già bị thương phải nghỉ ngơi nhân danh đất nước Ba Lan.

Người bị thương thứ hai nằm thở nặng nhọc trên một nệm rơm và không hề tỏ ý muốn quay lại với những bao cát. Chốc chốc anh ta lại kêu lớn, không chút xấu hổ; anh ta bị một viên đạn vào bụng

Đúng lúc Oskar đang định rà lại hàng người nằm đằng sau những bao cát một lần nữa xem có thấy hai người nó vẫn đang tìm không, thì hai quả đạn nổ gần như đồng thời ở phía trên và bên cạnh cửa chính, làm các thứ trong sảnh rung lên loảng xoảng. Mấy cái tủ được kê chặn cửa bật mở toang, làm những chồng hồ sơ bay tán loạn rồi rơi lả tả xuống sàn gạch hoa, lần đầu tiên tiếp xúc với những phiếu thu, chi và hóa đơn mà bình thường ra, theo nguyên tắc kế toán, chúng không được phép làm quen. Khỏi cần phải nói, những ô kính cửa sổ còn lại đều vỡ nốt trong khi những mảng vữa lớn, nhỏ từ trần và tường rơi xuống rào rào. Một người bị thương nữa được mang vào sảnh giữa bụi mù vôi vữa, nhưng sau đó, theo lệnh của ông tiến sĩ đội mũ sắt Michon, được chuyển lên tầng hai.

Cứ mỗi bước, tay nhân viên bưu điện lại rên ầm ầm. Oskar theo sau anh ta và những người khiêng anh ta. Không ai gọi nó trở lại, không ai hỏi nó đi đâu hoặc bợp tai nó như Tiến sĩ Michon đã làm thế một lúc trước, vả chăng nó đã làm hết sức mình để khỏi vướng chân những người lớn bảo vệ tòa nhà bưu điện.

Khi tôi lên tới tầng hai đằng sau những người khiêng chậm rề rề, thì ra điều tôi đã ngờ ngợ là đúng: người bị thương được đưa đến cái buồng kho không cửa sổ do đó hóa an toàn mà tôi đã tự dành cho mình. Vì không có chiếu nệm chi cả nên người ta quyết định là những giỏ thư, tuy có hơi quá ngắn, nhưng vẫn có thể cung cấp chỗ nghỉ tương đối thoải mái cho thương binh. Tôi thấy tiếc là đã đặt cái trống của mình nằm vào một trong những cái giỏ quần áo di động đầy những thư không chuyển được ấy. Liệu rồi máu của những bưu tá và nhân viên bưu điện bị thủng da rách thịt có thấm qua mười hoặc hai mươi lớp giấy và nhuộm cho nó một sắc màu mà cho tới nay nó chỉ biết dưới hình thức vẹc-ni? Cái trống của tôi thì có gì chung với máu của Ba Lan? Họ cứ việc lấy máu mình mà nhuộm những hồ sơ và giấy thấm của họ! Họ cứ việc trút hết xanh từ những bình mực của họồi lại đổ đầy đỏ vào! Họ cứ việc nhuộm đỏ một nửa những chiếc mù-soa và sơ mi trắng hồ cứng của họ rồi biến chúng thành cờ Ba Lan! Nói cho cùng, họ quan tâm đến Ba Lan, chứ thiết gì cái trống của tôi! Nếu họ nhất quyết rằng Ba Lan, dẫu có mất, vẫn phải nguyên vẹn hai màu trắng-đỏ, thì đó có phải là lý do để cái trống của tôi, bị lớp màu mới nhuộm biến thành khả nghi, cũng phải đi tong như vậy?

Một ý nghĩ dần dần bắt rễ trong tôi: vấn đề không phải là Ba Lan, mà là ở như cái trống của tôi đây. Jan đã kéo tôi đến tòa nhà bưu điện này cốt để đem lại cho các đồng nghiệp (đối với họ, Ba Lan chưa đủ là động lực tập hợp mạnh mẽ) một ngọn cờ khiến nhuệ khí của họ bùng cháy. Đêm hôm ấy, trong khi tôi ngủ trong một chiếc giỏ quần áo trên bánh xe lăn, tuy tôi không lăn cũng chẳng mơ mộng gì, những nhân viên bưu điện không ngủ đã thì thào với nhau rằng: Một cái trống đồ chơi hấp hối đã tìm đến nương náu nơi chúng ta. Chúng ta, những người Ba Lan, chúng ta phải bảo vệ nó, nhất là vì Anh và Pháp đã ký hiệp ước tương trợ với chúng ta.

Trong khi, bên ngoài cánh cửa hé mở của buồng kho chứa thư chưa gửi những suy nghĩ vô ích và trừu tượng ấy ngăn trở tôi tự do hành động, thì lần đầu tiên, tiếng súng máy vẳng lên từ dưới sân. Như tôi đã tiên đoán, bọn cảnh vệ đã tiến hành đợt tấn công đầu tiên của chúng từ phía đồn cảnh sát trên đường Schneidermühlen-Gasse. Một lát sau, tất cả chúng tôi đã sẵn sàng. Bọn cảnh vệ đã phá được cửa vào kho bưu kiện phía trên bệ dóc chất hàng cho xe thư. Một phút sau, chúng vào kho bưu kiện rồi phá cửa vào hành lang dẫn tới sảnh chính.

Những người vừa khiêng người bị thương và đặt y vào cái giỏ thư có chứa cái trống của tôi, lúc này lao ra, kéo theo một số người khác. Bằng vào tiếng động, tôi đoán là họ đang đánh nhau ở hành lang cửa chính rồi trong kho bưu kiện. Bọn cảnh vệ buộc phải rút lui.

Thoạt đầu còn chần chừ, si quả quyết, Oskar bước vào buồng kho. Mặt người bị thương xám ngoét; y nhe răng và sau mi mắt khép hờ, có thể thấy nhãn cầu cồn cộn. Y nhổ ra những tia máu. Tuy nhiên, vì đầu y ngửa ra bên ngoài mép giỏ nên không có nguy cơ vấy máu vào các bức thư. Oskar phải kiễng chân lên để với tay vào trong giỏ. Mông người bị thương đè nặng lên đúng chỗ Oskar đã giấu cái trống. Mới đầu Oskar kéo nhè nhẹ, thận trọng không làm đau người bị thương cũng như các bức thư; rồi nó lôi mạnh hơn; cuối cùng, sau một cú giật xé bạo liệt, nó moi ra được mấy tá phong bì từ bên dưới người đàn ông đang rên rẩm.

Hôm nay, tôi vui thích kể lại rằng ngón tay tôi đã chạm vào thành trống khi có tiếng người rầm rập chạy lên cầu thang và dọc theo hành lang. Họ đang trở lại, họ đã đánh bật bọn cảnh vệ khỏi kho bưu kiện. Tạm thời lúc này đây, họ đang chiến thắng. Tôi nghe thấy tiếng họ cười.

Nấp sau một giỏ thư cạnh cửa, tôi đợi cho đến khi họ xúm quanh người bị thương. Mới đầu nói bô bô và khoa chân múa tay, sau rồi chửi thề khe khẽ, họ băng bó cho y.

Hai quả đạn chống tăng trúng vào tường mặt tiền ở tầng dưới, rồi hai quả nữa, sau đó là im lặng. Những loạt súng từ hai tàu chiến đậu ở cảng Tự Do đối diện với Westerplatte ầm ì đằng xa - một kiểu làu bàu đều đều khiến ta quen dần với nó.

Không để những người trị thương trông thấy tôi lẻn ra ngoài buồng kho thư, bỏ lại cái trống để tiếp tục tìm kiếm Jan, ông bác và có thể là bố tôi, và cả bác gác cổng Kobyella luôn thể.

Ở tầng ba, có căn hộ của chánh thư ký bưu vụ Naczalnik; ông này rõ ràng đã kịp thời cho gia đình sơ tán về Bromberg hay Vacxava rồi. Đầu tiên, tôi soát mấy buồng kho về mé sân rồi tôi tìm thấy Jan và Kobyella trong phòng trẻ của căn hộ Naczalnik.

Đó là một phòng sáng sủa, dễ thương với giấy phủ tường vui mắt; tiếc thay, đã có mấy chỗ bị đạn lạc làm xây xát. Thời bình, đứng ở cửa sổ phòng này mà nhìn ra Quảng trường Hevelius thì tuyệt. Một con ngựa bập bênh chưa bị hư hại, những quả bóng nhiều cỡ khác nhau, một lâu đài Trung cổ lỏng chỏng những lính kỵ và lính bộ bằng chì, một cái hộp đầy đường ray và toa chở hàng, mấy con búp-bê ít nhiều tơi tả, những nhà búp-bê với nội thất lộn xộn, tóm lại, những đồ chơi la liệt chứng tỏ ông chánh thư ký bưu vụ Naczalnik là cha của hai đứa con rất được nuông chiều, một trai một gái. May biết bao là hai đứa đã được sơ tán về Vacxava để tôi khỏi phải gặp một cặp anh em thuộc loại như anh em nhà Bronski mà tôi đã biết. Với một chút thích thú bạo ngược, tôi nghĩ thằng bé chắc xót lắm khi phải để lại đám lính chì. Có thể nó đã bỏ vào túi quần mấy chú lính kỵ để sau này tăng viện cho đoàn Kỵ binh Ba Lan trong trận đánh bảo vệ pháo đài Modlin.

Oskar đã hơi quá lan man về các chú lính chì, song có một điều nó phải thú thật luôn thể. Ở ngăn trên cùng một tủ đầy đồ chơi và sách ảnh, nó thấy một lô nhạc cụ thu nhỏ. Một cái t’rompet màu mật ong nằm im bên cạnh một bộ chuông hòa âm rất nhiệt tình, hưởng ứng trận chiến, có nghĩa là cứ mỗi quả trái phá trúng tòa nhà, nó lại reng reng liên hồi. Một cái ắc-coóc sơn màu sáng rũ xuống ở tít đâu bên phải, ông bố bà mẹ này cũng khá ngông nên mới sắm cho con cả một cây vĩ cầm thật với bốn dây vĩ cầm thật. Và ngay cạnh cây vĩ cầm, phô cái thân tròn trắng lành lặn, dựa trên một khúc gỗ chèn cho nó khỏi lăn khỏi ngăn tủ - quý vị ắt không tin! - là một cái trống đồ chơi với lớp vẹc-ni đỏ-trắng.

Tôi không tìm cách tự lực kéo cái trống xuống khỏi giá. Oskar ý thức quá rõ về tầm với hạn chế của mình và không ngần ngại cầu xin ân huệ của người lớn trong những trường hợp mà kĩch cỡ quỷ lùn của nó tỏ ra bất lực.

Jan Bronski và Kobyella nằm sau một công sự bằng bao cát chiếm tới một phần ba mé dưới các cửa sổ dài xuống tận sàn nhà. Jan trấn bên phải cửa sổ còn Kobyella ở bên trái. Tôi hiểu ngay ra rằng bác gác cổng hẳn không kiếm đâu ra thì giờ để thu hồi cái trống của tôi từ chỗ ẩn náu của nó bên dưới tay nhân viên bưu điện bị thương khạc máu đang mỗi lúc một đè dí nó xuống, và đem về chữa. Kobyella đang rất bận rộn; qua một kẽ giữa công sự bao cát, với cây súng trường của bác, theo những quãng cách đều đặn, bác nhằm bắn một khẩu pháo chống tăng bố trí ở bên kia Quảng trường Hevelius, cách phố Schneidermühlen-Gasse và cầu Radaune không bao xa.

Jan nằm co quắp, giấu đầu và run rẩy. Tôi chỉ nhận ra ông ở bộ com-lê "ghi" sẫm rất "mốt" tuy giờ đây đã phủ đầy vôi vữa. Dây giày bên phải (cũng màu “ghi”) của ông đã tuột. Tôi cúi xuống và thắt lại cho ông. Khi tôi chỉnh múi dây cho chặt, Jan rùng mình, ngước đôi mắt xanh kỳ dị lên trên ống tay áo và gửi về phía tôi một cái nhìn ươn ướt, xanh veo không tưởng tượng nổi. Mặc dầu không bị thương (như Oskar mau chóng xác định), ông đang lặng lẽ khóc. Ông sợ. Tôi lờ đi như không thấy tiếng thút thít của ông, chỉ cái trống của Naczalnik-con đã sơ tán và bằng những cử chỉ khá rõ ràng yêu cầu ông bước tới chỗ cái tủ, tất nhiên phải hết sức thận trọng và lợi dụng góc chết của phòng trẻ và lấy cái trống xuống cho tôi. Ông bác tôi không hiểu tôi. Ông bố-khả-thể của tôi không thấy tôi nhắm nói điều gì. Người tình của mẹ tôi thì bận bịu với nỗi sợ choán đầy tâm trí đến nỗi những cử chỉ khẩn cầu của tôi không có tác động nào khác ngoài việc làm tăng nỗi sợ ấy. Oskar những muốn thét vào mặt ông, nhưng sợ làm phân tán Kobyella lúc này dường như chỉ biết đến cây súng trường của mình.

Và như thế, tôi nằm xuống cạnh Jan, đằng sau những bao cát và áp sát vào người bác, hy vọng truyền một phần cái chất tỉnh bơ thường ngày của mình cho ông bác và có thể là bố. Một lúc sau, ông có vẻ bình tĩnh hơn. Bằng cách thở đều đặn đến mức tối đa, tôi truyền cho mạch ông một nhịp gần như đều đều. Nhưng khi tôi thử một lần nữa - tôi phải công nhận là hơi quá sớm - lôi kéo sự chú ý của ông vào cái trống của Naczalnik-con bằng cách nhẹ nhàng xoay đầu ông từên quyết về phía cái tủ, thì ông vẫn không hiểu ra tôi muốn cái gì. Nỗi sợ xâm nhập ông bằng đường chân, dâng lên tràn khắp người, rồi lại rút xuống, nhưng không thoát ra được, có lẽ vì đế giày của ông bao giờ cũng có miếng lót tăng cường nên nó quay trở lại xâm chiếm dạ dày, lá lách, gan, xông lên đầu và bành trướng mạnh mẽ đến nỗi đôi mắt xanh của ông trố ra khỏi hốc mắt và lòng trắng vằn lên những tia máu, điều mà trước đây, Oskar chưa bao giờ có dịp quan sát thấy nơi mắt ông bác.

Tôi phải cố gắng hồi lâu mới hồi chỉnh mắt bác tôi lại như cũ và làm cho tim bác ổn định một chút. Nhưng mọi nỗ lực có tính chất thẩm mỹ của tôi đều đổ xuống sông xuống biển khi bọn cảnh vệ bắt đầu bắn loại súng phóng không giật dã chiến của chúng và, với một độ chính xác chứng tỏ chất lượng rèn tập cao, san bằng cái hàng rào sắt trước cửa tòa nhà bằng cách lần lượt bắn tan các trụ gạch mà nó bám vào. Chắc phải có đến mười lăm-hai mươi trụ gạch như thế và mỗi lần một trụ đổ, ông bác tội nghiệp của tôi lại đau nhói cả trái tim lẫn linh hồn, như thể không phải chỉ là những cái bệ bị bắn nát thành bụi, mà cùng với chúng là những pho tượng tưởng tượng của những vị thần tưởng tượng quen thuộc với bác và cần thiết cho sự tồn tại của bác.

Chỉ bằng cách suy luận như thế tôi mới giải thích được tiếng kêu bật ra từ Jan mỗi khi khẩu súng phóng không giật bắn trúng đích, một tiếng kêu the thé xé tai đến nỗi nó có thể đạt được hiện quả cắt kính của kim cương như cái giọng diệt-thủy-tinh của tôi nếu như nó được thốt ra một cách có ý thức và có mục đích. Trong tiếng kêu của Jan có nhiệt tình nhưng thiếu kế hoạch và hệ thống; rút cục, tất cả những gì nó làm được là thu hút sự chú ý của Kobyella; từ từ, bác gác cổng gày gò, tàn tật trườn về phía chúng tôi, nghếch cái đầu chim trụi hết lông mi như thây ma và quan sát nỗi cùng quẫn tay đôi của chúng tôi bằng đôi mắt xám ươn ướt. Bác lay lay Jan. Jan thút thít. Bác vạch áo sơ mi của Jan và đưa tay lướt nhanh trên mình Jan, tìm xem có vết thương nào không - tôi phải cố nhịn cười. Không tìm thấy một vết xước nhỏ nà bác lật ngửa người Jan lên, nắm lấy hàm ông mà lắc đến độ kêu răng rắc, gườm gườm nhìn vào mắt ông, chửi thề bằng tiếng Ba Lan làm bắn cả nước bọt vào mặt ông và cuối cùng, ném cho ông cây súng trường mà cho đến giờ Jan vẫn chưa đụng đến; thực tế, nó vẫn chưa được mở chốt an toàn. Báng súng va vào đầu gối Jan đánh bịch một cái. Cú đau ngắn ngủi, cú đau thể xác đầu tiên sau bao nỗi đau tinh thần, lại tốt cho ông, bởi vì ông nắm lấy cây súng, hoảng lên khi cảm thấy cái lạnh của kim khí trong những ngón tay và, thoáng sau, cả trong máu nữa, nhưng rồi, được Kobyella động viên bằng những câu chửi thề xen lẫn dỗ dành, ông bò tới vị trí của mình.

Mặc dầu có một trí tưởng tượng phì nhiêu của phụ nữ, ông bố-khả-thể của tôi lại nhìn chiến tranh với con mắt hiện thực đến nỗi ông khó mà có thể - thực tế là không thể - dũng cảm được. Thay vì quan sát tầm nhìn bao quát qua khe ngắm giữa các bao cát để chọn ra một mục tiêu đích đáng, ông lại chếch cây súng lên, chĩa về phía những mái nhà trên Quảng trường Hevelius, vội vã bắn bừa bãi cho kỳ hết ổ đạn rồi, trắng tay, lại co quắp đằng sau những bao cát. Cái nhìn ngượng ngập ông hướng về Kobyella để cầu xin tha thứ làm tôi nghĩ đến cậu bé học sinh đang thú nhận là mình đã không làm bài tập ở nhà. Kobyella nghiến răng giận dữ, và khi thấy nổi cáu như thế là đủ, bác phá lên cười ngặt nghẽo như thể không bao giờ ngừng được. Thế rồi, đột ngột một cách dễ sợ, bác ngừng bặt và đá một cái nên thân vào ống đồng viên thư ký bưu vụ Bronski, cấp trên của bác. Bác vừa rụt cái chân khập khiễng lại toan lấy đà đá thêm cái nữa vào mạn sườn thì một loạt đạn súng máy nổ toang những ô kính còn lại phía trên cùng cửa sổ và sạt vào trần. Chiếc giày chỉnh hình trở về chỗ; bác gieo mình xuống sau cây súng và bắt đầu bắn với một nhịp độ hối hả cuồng khấu như để bù lại thời gian phí hoài vì Jan, góp một phần nhỏ bé, dù chỉ ở mức vi lượng, vào số đạn dược tiêu phí trong Thế Chiến.

Phải chăng bác gác cổng không nhận thấy tôi? Thường ngày, bác thuộc loại người cộc cằn; như mọi phế binh, bác cối ứng xử để giữ khoảng cách khá xa với mọi người. Tại sao, tôi tự hỏi, bác lại chịu bỏ qua cho sự có mặt của tôi trong căn phòng hút gió này? Phải chăng Kobyella nghĩ rằng: dù sao đây cũng là một phòng trẻ, vậy tại sao Oskar không thể ở lại đây và chơi trong những khoảng ngưng nghỉ giữa hai đợt chiến đấu?

Tôi không biết chúng tôi đã nằm bẹp như thế bao lâu, tôi thì ở giữa Jan và bức tường bên trái của căn phòng, cả hai núp sau những bao cát, Kobyella đằng sau cây súng của bác, bắn cho cả hai suất. Khi tiếng súng ngừng, chắc là vào quãng mười giờ. Xung quanh trở nên tĩnh lặng đến nỗi nghe thấy cả tiếng ruồi bay; tôi nghe thấy cả tiếng lao xao và những hiệu lệnh chỉ huy từ phía Quảng trường Hevelius và thỉnh thoảng lắng tai theo dõi tiếng pháo ầm ì từ những tàu chiến ngoài cảng. Một ngày tháng chín, trời trong đôi lúc vẩn mây, nắng trải một lớp sơn láng vàng già, không khí mỏng tang, nhạy cảm song hơi điếc. Chỉ còn mấy hôm nữa là đến sinh nhật lần thứ mười lăm của tôi. Và như mọi năm vào tháng chín, tôi lại cầu ước một cái trống mới, không hơn không kém; khước từ mọi vật báu trên thế gian, tâm nguyện tôi một mực hướng về một cái trống thiếc sơn đỏ và trắng.

Jan nằm không động đậy. Kobyella thở đều đều đến nỗi Oskar ngỡ bác ta đã ngủ, lợi dụng khoảng ngưng ngắn ngủi giữa trận đánh để làm một giấc; bởi vì, chẳng phải là mọi người, kể cả những anh hùng, thi thoảng đều cần làm một giấc lấy lại sức sao? Riêng mình tôi là tỉnh như sáo, chăm chăm nhắm vào cái trống với tất cả sức tập trung không nhân nhượng của tuổi tôi. Xin đừng nghĩ rằng đến lúc này, khi im lặng mỗi lúc một dày và con ruồi mệt nhoài vì cái nóng mùa hè đã thôi vo ve, tôi mới nhớ đến cái trống của Naczalnik-con. Ồ, không, ngay cả trong trận đánh, ngay cả giữa lúc đạn nổ ầm ầm, Oskar vẫn không rời mắt khỏi cái trống.

Nhưng chỉ đến bây giờ tôi mới thấy cái cơ hội vàng mà mọi thớ thần kinh trong người đều lệnh cho tôi phải nắm

Oskar từ từ đứng dậy, từ từ di chuyển, tránh những mảnh kính vỡ, nhưng kiên định mục đích và không chệch hướng, về phía tủ đồ chơi. Nó đang nghĩ cách chồng hộp đồ chắp hình xây dựng lên một cái ghế vườn trẻ thành một chỗ đứng đủ cao và chắc chắn để giúp nó thành chủ nhân của một cái trống mới toanh, thì tiếng Kobyella và liền đó, bàn tay chai sạn của bác giữ tôi lại. Tôi tuyệt vọng giơ tay chỉ cái trống đã gần kề. Kobyella kéo tôi trở lui. Bằng cả hai cánh tay, tôi với về phía cái trống. Bác gác cổng đã muốn nhượng bộ; bác đang sắp sửa với tay lên để trao hạnh phúc cho tôi thì một băng liên thanh nã vào phòng trẻ và mấy quả đạn chống tăng nổ ngay trước cửa vào. Kobyella quăng tôi vào góc phòng cạnh Jan Bronski và trở lại vị trí đằng sau cây súng. Tôi vẫn còn nhìn lên cái trống thì bác đã bắt đầu bắn đến ổ đạn thứ hai.

Oskar nằm đấy và Jan Bronski, ông bác mắt xanh dịu hiền của tôi, thậm chí không nghếch mũi lên khi lão thọt-chân-đầu-chim-mắt-ướt-nhoèn-không-lông-mi lẳng tôi vào góc đằng sau những bao cát giữa lúc tôi áp sát mục tiêu. Oskar khóc ư? Đừng hòng. Một cơn cuồng nộ tích lại trong tôi. Những con ròi béo xanh xanh trăng trắng, không mắt ngọ nguậy, sinh nở nhung nhúc, đang tìm một cái xác bõ ăn. Ba Lan là gì đối với tôi? Và cả những người Ba Lan nữa? Họ chả có kỵ binh đó sao? Thì cứ để cho họ phóng ngựa! Họ luôn hôn tay phụ nữ và không bao giờ kịp thời nhận ra trước khi quá muộn rằng cái mà họ đang hôn không phải là những ngón tay lả lơi của một quý nương mà là một cái đầu nòng pháo không son phấn. Và cô tiểu thư con gái nhà Krupp[42] bèn bộc lộ tình cảm của mình. Cô chẹp môi, bắt chước những tiếng chiến trận một cách thô thiển nhưng thuyết phục như trong những đoạn phim thời sự. Cô vãi đạn như rắc hạt tiêu vào cửa trước nhà bưu điện, xông vào sảnh chính và cố ngoạm đứt một phần cầu thang để không ai lên hoặc xuống được. Tiếp đến là tùy tòng của cô: súng máy các cỡ và hai xe trinh sát bọc thép gọn nhỏ với những cái tên mỹ miều sơnmình: Ostmark (Đông tiến) và Sudeteland (Đất Sudete). Bọn này tha hồ xả láng nhá! Họ lái xe đi tới đi lui, bắn tằng-tằng-tằng đằng sau tấm thiết giáp và xem xét mọi thứ: hai cô tiểu thư ham chuộng văn hóa, háo hức muốn vào thăm tòa lâu đài nhưng lâu đài còn đóng cửa. Vốn là những cô gái được nuông chiều, họ không thể chờ được, sốt ruột phát cuồng, họ phóng những cái nhìn xuyên sâu bằng chì xám, tất cả đều cùng một cỡ, vào mọi phòng nhìn thấy được trong lâu đài, khiến cho những người trong lâu đài nơm nớp hết nóng lại lạnh.

Đúng lúc một trong hai chiếc xe trinh sát - tôi nghĩ đó là chiếc Ostmark - vừa từ phố Rittergasse quay về phía chúng tôi, thì bác Jan của tôi từ ít phút đã hoàn toàn bất động, bỗng dưa chân phải về phía kẽ ngắm mà lẽ ra bác phải bắn ra từ đó, và giơ nó lên thật cao, hẳn là hy vọng có kẻ nào trông thấy mà cho nó một phát súng hoặc một viên đạn lạc rủ lòng thương mà xẹt vào gót hay bọng chân, gây nên vết thương ơn phước cho phép người lính được tập tễnh rời khỏi chiến trường.

Một tư thế khó mà duy trì được lâu. Thỉnh thoảng Jan lại phải thư giãn. Nhưng rồi bác tôi thay đổi tư thế. Bằng cách nằm ngửa và dùng cả hai tay đỡ, bác có thể phơi bọng và gót chân ra thật lâu, do đó cải thiện rất nhiều cái triển vọng trúng đạn, dù là đạn có nhằm trước hay đạn lạc.

Mặc dù đã từng và vẫn còn rất quý mến Jan, tôi vẫn dễ dàng hiểu sự giận dữ của Kobyella khi bác trông thấy thư ký bưu vụ Bronski, cấp trên của bác trong cái tư thế tuyệt vọng, nếu không muốn nói là lố bịch, này. Bác gác cổng nhảy dựng lên và với cú nhảy thứ hai, đã đứng bên chúng tôi. Bác túm lấy áo Jan và cả Jan luôn thể, kéo dựng lên rồi lại dận xuống, a-lê hấp! lên-xuống, lên-xuống, lên-xuống; buông hắn ra rồi, bác lại bạt trái, bạt phải và, vẫn chưa hả giận, hai tay bác chắp vào nhau, riết chặt thành một nắm đấm to tướng sắp nện xuống ông bố-khả-thể của tôi thì - vèo đến một tiếng như tiếng vỗ cánh của thiên thần, một tiếng như tiếng ê-te hát rào rào trong ra-đi-ô. Nó không trúng Bronski, không, nó trúng Kobyella, lạy Chúa, cái quả đạn này mới có đầu óc hài hước làm sao! Gạch cười vỡ bụng tự tan thành từng mảnh và mảnh tan thành bụi, vữa biến thành bột tinh, gỗ nếm lưỡi rìu, cả cái phòng trẻ ngớ ngẩn xoay ra nhảy lò cò, những con búp-bê Käthe Kruse vỡ toác, con ngựa bập bênh chạy lồng (nếu có người cưỡi thì nó đã hất lộn nhào!), kỵ sĩ Ba Lan đồng loạt trấn cả bốn góc phòng và cuối cùng ngăn đồ chơi đổ nhào: bộ chuông hòa âm vang lên mừng lễ Phục sinh, cái ắc-coóc rít lên, cây kèn t’rompet pồm pem, như cả dàn nhạc lên dây rồi đồng loạt dạo chủ đề chính: la hét, hí, ùng oàng, reng reng, xèn xẹt, líu ríu, thành một tạp âm hỗn hợp từ cao vút, the thé đến trầm tới đáy cùng. Còn tôi thì, đúng như một đứa trẻ lên ba, tôi ở ngay dưới cửa sổ, đúng góc chết, khi quả đạn nổ và thế là cái trống rơi ngay vào lòng tôi. Không một lỗ thủng nào và lớp sơn chỉ hơi xước tí gọi là: đó, cái trống mới của Oskar.

Khi tôi ngước mắt lên khỏi vật sở hữu mới của mình, tôi thấy mình cần phải giúp ông bác lúc này đang bị thân hình nặng nề của bác gác cổng đè lên: rõ ràng ông không thể tự lực thoát ra khỏi. Thoạt đầu, tôi ngỡ Jan cũng bị trúng đạn vì tôi thấy ông thút thít khóc rất chi là thật. Cuối cùng, khi chúng tôi lăn được Kobyella sang một bên - bác ta đang rên cũng rất chi là thật - thì hóa ra những vết thương của Jan chả có gì đáng ngại. Má phải và một mu bàn tay ông bị mảnh thủy tinh vỡ làm xước da, có thế thôi. Một thoáng so sánh cho tôi thấy rằng máu ông bố-khả-thể của tôi nhạt màu hơn dòng máu sẫm và dinh dính thấm qua phía trên đùi ống quần của bác gác cổng.

Không biết Kobyella hay trái nổ đã xé toạc và vặn xoắn cái áo vét-tông xám sang trọng của Jan. Nó rũ xuống tả tơi từ trên vai ông, lần lót xổ ra, khuy biến đi đâu hết, các đường chỉ đứt tung và các túi lộn từ trong ra ngoài.

Xin quý vị hãy khoan dung một chút với ông bác Jan Bronski tội nghiệp của tôi về chuyện ông cố gom vét thu nhặt lại tất cả những gì trong túi ông văng ra trước khi cùng tôi kéo Kobyella ra khỏi phòng trẻ. Ông tìm lại được cái lược, những tấm ảnh người thân yêu - trong đó có một tấm chụp mẹ tội nghiệp của tôi - cái ví nguyên xi không bị mở tung. Vất vả và không phải không nguy hiểm - hơi nổ đã quét phăng một bộ phận công sự bao cát - ông tập hợp những quân bài xì-cạt vung vãi khắp phòng; ông muốn thu hồi đủ cả ba mươi hai quân và ông thật sự khổ sở khi không tìm thấy quân thứ ba mươi hai. Khi Oskar tìm thấy nó ở giữa hai cái nhà búp-bê tan nát và đưa cho ông, Jan mỉm cười, dù đó chỉ là quân bảy pích.

Chúng tôi kéo Kobyella ra khỏi phòng trẻ. Khi, cuối cùng, chúng tôi đưa được bác ra tới hành lang, bác đã gom đủ sức để ú ớ mấy câu mà chỉ Jan Bronski nghe ra được. "Vẫn còn nguyên chứ?" câu hỏi của bác là thế. Jan thò tay vào trong quần Kobyella, kiểm tra giữa hai đùi ông già, thấy cả một nắm và gật đầu.

Tất cả chúng tôi đều sung sướng: Kobyella giữ được vẹn toàn niềm tự hào nam nhi của mình, Jan Bronski tìm được đủ các quân bài xì-cạt, kể cả quân bảy pích, và Oskar có một cái trống mới. Cứ mỗi bước, nó lại đập vào đầu gối tôi, trong khi Jan và một người mà ông gọi là Victor khiêng bác gác cổng xỉu đi vì mất nhiều máu xuống tầng dưới về buồng kho chứa thư chưa chuyển.

NGÔI NHÀ BẰNG QUÂN BÀI

Mặc dầu mỗi lúc một mất thêm máu, bác gác cổng cứ nặng dần lên. Victor Weluhn giúp chúng tôi khiêng bác ta. Victor cận thị rất nặng, nhưng dạo ấy anh hãy còn kính và có thể leo các bậc thang đá mà không vấp. Công việc của Victor là giao tiền gửi bằng thu chuyển ngân, một điều trái khoáy đối với một người cận thị như thế. Bây giờ, mỗi khi nhắc đến tên anh, tôi đều gọi anh Victor tội nghiệp. Cũng như mẹ tôi thành mẹ tội nghiệp vì cuộc đi chơi gia đình ở đập chắn sóng ngoài cảng, Victor, nhân viên chuyển ngân của bưu điện, trở thành Victor tội nghiệp vì bị mất kính, tất nhiên cũng vì những lý do khác nữa.

"Cậu có lần nào gặp lại Victor tội nghiệp không?" tôi thường hỏi Vittlar vào những ngày thăm bệnh nhân. Nhưng từ sau cái chuyến xe điện từ Flingern đi Gerresheim - tôi sẽ kể chuyện này sau - Victor Weluhn đã mất tăm đối với chúng tôi. Chỉ còn hy vọng rằng chính những kẻ khủng bố cũng không tìm ra anh; rằng anh đã tìm lại được cặp kính của mình hoặc một cặp khác vừa mắt; rằng, nếu không phải là yêu cầu quá đáng, anh lại làm công việc giao trả tiền, nếu không phải cho Sở Bưu chính Ba Lan - điều này là bất khả - thì là cho Sở Bưu chính Cộng Hòa Liên Bang và rằng, cận thị nhưng có kính đeo, anh lại đi phát hạnh phúc dưới hình thức những tờ giấy bạc nhiều màu và tiền đồng leng keng.

"Thật khủng khiếp," Jan vừa nói vừa thở hổn hển, ông đang khiêng Kobyella bên mé tay trái.

"Và có Chúa biết là kết cục sẽ ra sao, nếu người Anh và người Pháp không tới," Victor nói, anh khiêng phía bên kia.

"Ồ, họ sẽ tới thôi. Mới hôm qua, Rydt-Smigly[43] vừa nói trên đài: ‘Chúng ta có lời đoan ước của họ’, ông ta nói. ‘Nếu xảy ra chiến tranh, cả nước Pháp sẽ đứng dậy như một người.’ Jan phải khó khăn mới giữ được giọng tự tin cho đến hết câu: một mặt, nhìn thấy máu của chính mình trên mu bàn tay, ông không nghi ngờ gì về hiệp ước tương hỗ Pháp-Ba Lan, mặt khác, nó lại khiến ông sợ mình mất hết máu trước khi cả nước Pháp đứng dậy như một người và, trung thành với lời cam đoan, tấn công chiếm chiến lũy Siegfrie

"Chắc là bây giờ họ đã lên đường rồi. Và ngay phút này, hạm đội Anh hẳn đang cày biển Baltic”. Victor Weluhn thích những cụm từ mạnh và kêu. Anh dừng lại trên cầu thang, tay phải mắc khiêng bác gác cổng bị thương, còn tay trái rảnh vung cao chào những người cứu viện bằng cả năm ngón: "Hãy tới đây, các bạn Ăng-lê kiêu dũng!"

Trong khi hai người vừa từ tốn và thành khẩn cân nhắc các mối quan hệ giữa Ba Lan và các đồng minh phương Tây, vừa vận chuyển Kobyella đến trạm cấp cứu, Oskar lần giở trong óc những trang sách của Gretchen Scheffler, tìm những đoạn phù hợp. Cuốn Lịch sử thành phố Danzig của Keyser: "Trong cuộc chiến tranh 1870 giữa Đức và Pháp, chiều ngày 21 tháng 8 năm 1870, bốn tàu chiến Pháp vào vịnh Danzig, tuần tiễu trong vùng và đã chĩa các nòng pháo vào cảng và thành phố. Tuy nhiên, đêm hôm sau, tàu hộ tống Nymph do thuyền trưởng Weickhmann chỉ huy, đã buộc đội tàu kia phải rút."

Một lát trước khi tới buồng kho chứa thư chưa chuyển ở tầng hai, đã hình thành trong tôi cái ý kiến (sau này được xác nhận là đúng) rằng trong cái giờ phút tuyệt vọng này đối với Sở Bưu chính Ba Lan cũng như đối với toàn Ba Lan. Hạm đội Anh đang trú ngon lành ở một vịnh hẹp nào đó ở phía Bắc Xcốtlen, còn Đại quân của Pháp thì đang ăn trưa và tin rằng, với việc phái mấy đội tuần tiễu trinh sát đến vùng lân cận chiến lũy Maginot, họ đã thực thi hiệp ước tương hỗ Pháp-Ba Lan và hoàn thành nghĩa vụ đối với Ba Lan.

Ra khỏi buồng kho và trạm cấp cứu, chúng tôi gặp Tiến sĩ Michon; ông vẫn đội cái mũ sắt và ở túi ngực ông, vẫn thò ra cái mù-soa; ông đang nói chuyện với một tay Konrad, sĩ quan liên lạc do Vacxava phái đến. Với nỗi sợ chợt biến hóa muôn hình vạn dạng, Jan cố trình bày rằng mình bị thương nặng. Victor Welulm không bị thương và có thể là một tay súng tàm tạm chừng nào anh chưa mất kính, nên được điều xuống sảnh chính, Jan và tôi được phép ở lại căn phòng không cửa sổ chỉ có ánh nến chiếu sáng vì nhà máy điện thành phố đã tuyên bố, và thực hiện lời tuyên bố, không cung cấp điện cho Sở Bưu Chánh Ba Lan.

Đúng ra, Tiến sĩ Michon không mắc lừa về những vết thương của Jan, nhưng mặt khác, ông chả mấy tin vào tài năng quân sự của ông bác tôi. Tạm thời chuyển ngạch viên thư ký bưu vụ thành nhân viên y tế, ông giao cho Jan nhiệm vụ chăm sóc thương binh và đồng thời - đến đây ông sếp bưu điện và chỉ huy trưởng hạ cố xoa đầu tôi một cái thật nhanh và, theo cảm giác của tôi, có phần tuyệt vọng - để mắt đến thằng bé tội nghiệp đừng để nó dính vào trận chiến.

Khẩu pháo không giật dã chiến lại bắn trúng sảnh chính ở tầng dưới. Chúng tôi nháo nhác cả lên. Tiến sĩ Michon với chiếc mũ sắt, Konrad, viên sĩ quan liên lạc từ Vacxava và Weluhn bổ nhào xuống vị trí chiến đấu. Còn lại Jan và tôi cùng với bảy, tám thương binh trong một gian phòng kín mít trong đó tiếng chiến trận bặt hẳn đi. Những ngọn nến chỉ hơi lắt lay khi quả đạn trúng đích. Im lặng ngự trị, bất chấp, hay có lẽ chính vì, những tiếng rên xung quanh chúng tôi. Một cách lóng ngóng, Jan quấn vội những mảnh vải xé từ đra giường quanh đùi Kobyella rồi quay sang săn sóc những vết thương của mình, nhưng má và mu bàn tay ông đã ngừng chảy máu. Những chỗ rách da đang mím miệng, nhưng hẳn vẫn còn đau và cái đau nuôi dưỡng cho cái sợ không có chỗ để xì ra trong căn phòng thấp trần ngột ngạt này. Ông bèn cuống cuồng lục tất cả các túi và tìm thấy cỗ bài còn nguyên vẹn. Thế là từ bấy giờ cho đến lúc vỡ trận, chúng tôi chơi xì-cạt.

Ba mươi hai quân bài - trang, cúp, chia, đánh, ăn, bỏ, đủ các nước. Vì tất cả các giỏ thư đều đã có thương binh nằm ở trên, chúng tôi đặt Kobyella ngồi dựa vào một cái giỏ. Nhưng vì bác cứ ngả nghiêng đe dọa ngã đổng kềnh bất cứ lúc nào, chúng tôi bèn cột bác ngay ngắn lại bằng đai đeo quần của một thương binh khác. Chúng tôi dựng bác ngồi thật thẳng, chúng tôi cấm bác không được đánh rơi bài, vì chúng tôi cần một người thứ ba mới đủ chân. Những tay đang nằm trên giỏ thư hầu như không phân biệt nổi đen với đỏ, họ chẳng còn muốn chơi xì-cạt nữa. Thực ra Kobyella cũng vậy, bác chỉ muốn nằm thôi. Mặc cho mọi sự xuôi theo dòng, lúc này Kobyella chỉ muốn có thế. Với đôi tay lần đầu tiên trong đời được nhàn rỗi, bác chỉ muốn nhìn qua đôi mí mắt không lông mi khép hờ xem công cuộc hủy hoại này hoàn tất như thế nào. Nhưng chúng tôi không chịu nổi cái thái độ định mệnh chủ nghĩa ấy. Chúng tôi cột chặt bác lại và bắt bác làm chân thứ ba trong khi Oskar chơi chân thứ hai - và chẳng ai mảy may ngạc nhiên là Bé Tí Hon lại biết chơi xì-cạt.

Khi tôi cất giọng để lần đầu tiên nói ngôn từ người lớn và xướng nước: "Mười tám" thì Jan quả có như người chợt tỉnh, ngước mắt khỏi bài mình ném về phía tôi một cái nhìn xanh không tưởng tượng nổi và gật đầu. "Hai mươi?" tôi nâng mức. Và Jan không chút lưỡng lự: "Theo". Và tôi: "Hăm hai? Hăm ba? Hăm tư?" Không, Jan không theo nổi. "Cho qua." Còn Kobyella? Mặc dầu được đai đeo quần néo giữ, bác lại gục xuống lần nữa. Nhưng chúng tôi dựng bác dậy và chờ cho đến khi tiếng một quả đạn bắn vào một điểm cách xa phòng đánh bài của chúng tôi tắt hẳn. Rồi trong im lặng bục nổ, tiếng Jan thi thào: "Hăm tư, Kobyella. Bác không nghe thằng bé vừa đánh à?"

Ai mà biết được bác gác cổng ngoi lên từ vực thẳm nào. Tôi có cảm giác như bác phải dùng đòn bẩy để kích mí mắt lên. Cuối cùng, cái nhìn ướt đẫm của bác lướt trên mười quân bài do Jan kín đáo đặt vào tay bác mà không nhìn trộm.

"Cho qua" Kobyella nói, hay đúng hơn, chúng tôi đọc được câu nói đó trên môi bác, đôi môi khô kiệt không còn hơi để nói.

Ván sau, Kobyella được, nhưng bác lại gục xuống. Bác không đòi tiền thắng cuộc và cả đến quả đạn chống tăng đầu tiên trúng vào cầu thang cũng không còn nghĩa lý gì với bác gác cổng tội nghiệp mặc dầu đó là cái cầu thang của bác, cái cầu thang mà bác đã không ngừng lau chùi và đánh bóng hàng bao năm nay.

Cái sợ lại xâm chiếm Jan khi cánh cửa vào buồng thư của chúng tôi kêu răng rắc và những ngọn nến không còn biết rạp theo hướng nào nữa. Thế rồi cầu thang lại tương đối yên tĩnh và quả đạn chống tăng tiếp theo trúng vào mặt tiền, tức là khá xa. Nhưng ngay cả như thế, Jan Bronski vẫn hoảng loạn khi trang bài và chia nhầm hai lần nhưng tôi bỏ qua. Chừng nào còn vang rộn tiếng súng thì Jan không nghe thấy gì khác nữa và đôi khi ngồi ngây ra bất động, giỏng tai về phía bên ngoài trong khi chúng tôi sốt ruột chờ ông đánh tiếp nước bài. Tuy nhiên, trong khi Jan càng lúc càng trở nên lơ đẽnh, thì Kobyella lại chơi khá tập trung mặc dầu thi thoảng vẫn phải thúc vào sườn để ngăn bác khỏi gục xuống. Bác chơi không đến nỗi tồi như thể trạng của bác lúc này. Bác hoàn toàn không quan tâm đến chuyện được, thua. Bác chơi để có cái mà tập trung chú ý vào. Khi chúng tôi tính điểm, bác ngồi rũ ra trên chiếc đai đeo quần mượn, nếu không có những co giật dễ sợ của trái hầu thò lên thụt xuống thì dễ tưởng là chết rồi.

Cuộc chơi bài này cũng là một thử thách căng thẳng đối với cả Oskar nữa. Không phải là những tiếng động liên quan đến cuộc bao vây và phòng thủ Sở Bưu chính Ba Lan làm nó đặc biệt khó chịu. Đối với tôi, cái phần gay go là lần đầu tiên, tôi đã trút bỏ mọi lốt giả trang, tuy chỉ là tạm thời, tôi nghĩ thế. Cho đến lúc bấy giờ, tôi mới chỉ phô bộ mặt thật không tô vẽ của mình với sư phụ Bebra và nàng mộng du Roswitha mà thôi. Và bây giờ tôi tự bộc lộ, không những trước ông bác và có thể là bố, mà cả trước một người gác cổng tàn tật (đành rằng cả hai đều khó có thể là nhân chứng sau này), như là một thiếu niên mười lăm tuổi - xin xem khai sinh - biết chơi xì-cạt rất liều mà không phải là thấp, ý chí thì có thừa, song thể lực và tầm vóc tí hon lại không kham nổi, mới chơi được khoảng một tiếng, chân tay, đầu óc tôi đã đau ghê gớm.

Oskar cảm thấy muốn bỏ cuộc; đối với nó, lỉnh đi trong khoảng giữa những phát nổ vẫn kế tiếp nhau làm rung chuyển tòa nhà, không phải là khó nếu một tình cảm chưa từng thấy tựa như ý thức trách nhiệm không ra lệnh cho nó phải giữ vững và chống lại cái sợ nắm bắt ông bố-khả-thể của tôi bằng phương pháp duy nhất hiệu nghiệm chơi xì-cạt.

Và như thế chúng tôi chơi và không chịu để cho Kobyella chết. Bác dứt khoát không có thì giờ để làm điều đó vì tôi cố hết sức làm sao cho các quân bài luôn luôn quay vòng. Khi một quả đạn nổ ở cầu thang, làm mấy cây nến đổ nhào và tắt ngấm, chính tôi là người đã nhanh trí làm cái điều hiển nhiên phải làm - móc túi Jan lấy ra một que diêm và cả những điếu thuốc lá đầu vàng của ông luôn thể; chính tôi đã khôi phục lại ánh sáng cho thế giới, châm cho Jan một điếu Regatta trấn an, xuyên thủng đêm tối bằng những ngọn lửa kế tiếp nhau trước khi Kobyella kịp lợi dụng bóng đêm để ra đi.

Oskar cắm hai cây nến lên cái trống mới, để mấy điếu thuốc lá ở trong tầm tay mình. Nó không muốn cho bản thân nó, nhưng để thỉnh thoảng đưa cho Jan một điếu và đặt một điếu khác giữa cặp môi rệu rệch của Kobyella. Như vậy, mọi sự dễ chịu hơn, thuốc lá xoa dịu và an ủi, tuy nó không thể ngăn Jan Bronski thua hết ván này đến ván khác. Jan đổ mồ hôi và thè đầu lưỡi liếm môi trên như ông bao giờ cũng làm thế khi dồn hết tâm trí vào cuộc chơi. Ông nhập đồng say sưa hào hứng đến nỗi có lúc đã gọi tôi là Alfred hay Matzerath và bắt đầu tưởng Kobyella là mẹ tội nghiệp của tôi. Khi ở ngoài hành lang, có người kêu: "Konrad bị rồi!", ông quay sang nhìn tôi, vẻ trách móc: "Lạy Chúa, Alfred, làm ơn tắt hộ cái đài một tí. Không còn nghĩ được gì nữa hết."

Jan bực mình thật sự khi người ta mở toang cửa và kéo xác Konrad vào.

"Đóng cửa vào, kẻo gió lùa!" ông phản đối. Quả là có gió lùa thật. Những ngọn nến lập loè hoảng loạn và chỉ trấn tĩnh lại khi những người kia quăng Konrad vào một góc rồi đi ra và đóng cửa lại sau lưng mình. Chúng tôi họp thành một bộ ba kỳ quái. Ánh nến hắt từ dưới lên khiến chúng tôi có vẻ như những phù thủy đầy pháp thuật. Mắt Kobyella long sòng sọc lạ thường và trong vai phải bác có cái gì như muốn chòi ra, run rẩy và giãy giụa như điên. Cuối cùng nó ngừng lại, nhưng Kobyella thì đổ sấp mặt vềước, kéo theo cả cái giỏ thư mà bác bị cột vào, cùng với người chết bị tước đai đeo quần nằm bên trên. Jan thu hết sức đẩy ngược lên, dựng Kobyella và giỏ thư trở lại như cũ, và Kobyella lại một lần nữa bị ngăn, không thoát nổi chúng tôi.

Bây giờ thì Jan gọi tôi là Agnès trong khi Kobyella trở thành Matzerath, tình địch của ông. Trở thành mẹ tội nghiệp của tôi trong mắt ông chứ không còn là Matzerath, tôi bằng lòng hơn nhiều, tôi chẳng muốn bị tưởng nhầm là Matzerath một tí nào. Jan sốt ruột chờ Matzerath ra bài mà kỳ thực đó là một lão gác cổng tàn tật tên là Kobyella; mất thì giờ quá, Jan bèn vật quân át cơ xuống và hoàn toàn không muốn cũng như không thể hiểu, thật tình ông không bao giờ hiểu đầy đủ, xưa nay ông vẫn chỉ là một gã mắt xanh, sực mùi nước thơm Cologne, và không đủ sức hiểu một số điều, và giờ đây ông dứt khoát không thể hiểu được tại sao Kobyella lại đột ngột buông tất cả bài mình xuống, ra sức kéo cái giỏ quần áo đựng đầy thư với một người chết nằm trên, cho đến khi tất cả đổ ụp xuống, mới đầu là người chết, rồi đến một chồng thư và cuối cùng là toàn bộ cái giỏ đan rất khéo, tuôn tới chúng tôi một đợt sóng thư, như thể chúng tôi là những người nhận, như thể việc của chúng tôi bây giờ là gạt những quân bài sang một bên và bắt đầu đọc những lá thư gửi cho chúng tôi hoặc thu thập tem làm sưu tập. Nhưng Jan không muốn đọc, cũng chẳng muốn sưu tầm tem, ông đã sưu tầm bao nhiêu từ hồi còn nhỏ, ông muốn chơi cờ, ông muốn chơi nốt quắn bài lớn của mình, ông muốn được, Jan này muốn thắng, ông dựng Kobyella dậy, đặt cái giỏ lại ngay ngắn trên bánh xe, nhưng vẫn để người chết nằm đấy và cũng không xếp lại thư vào trong giỏ. Bất cứ ai cũng có thể thấy là cái giỏ quá nhẹ, thế mà Jan tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi Kobyella, ngật ngưỡng với cái giỏ nhẹ tênh, không thể ngồi cho thăng bằng được mà cứ chúi xuống mỗi lúc một thấp hơn. Cuối cùng, Jan quát vào mặt bác: "Tôi xin anh đừng có phá đám. Nốt ván này thôi, rồi chúng ta ai về nhà nấy. Alfred, anh có nghe tôi không đấy?"

Oskar mệt mỏi đứng dậy, cố nén cơn đau nhức mỗi lúc một tăng nơi chân tay và đầu, đặt mảnh dẻ của thằng bé đánh trống lên vai Jan Bronski và gắng gượng nói, nhỏ nhẹ nhưng đầy uy quyền như ra lệnh: "Để bác ấy yên, cha ạ. Bác ấy không chơi được nữa. Bác ấy chết rồi. Nếu cha thích thì chúng mình chơi sáu-mươi-sáu vậy.”

Jan, mà tôi vừa gọi bằng cha, buông cái vỏ thế phù du của bác gác cổng, hướng về tôi một cái nhìn tràn trề xanh và khóc khôngkhôngkhôngkhông... Tôi vỗ vỗ ông, nhưng ông vẫn khôngkhông. Tôi hôn ông một cách đầy ý nghĩa, nhưng ông vẫn không thể nghĩ đến điều gì khác ngoài ván bài bị cắt ngang giữa lúc sắp thắng của mình.

"Lẽ ra anh đã thắng, Agnès ạ. Chắc như đinh đóng cột," ông than thở như vậy với mẹ tội nghiệp của tôi trong lốt của tôi, và tôi - con trai ông - đành lòng phải vào vai, phải, ông có lý, tôi nói, tôi thề là lẽ ra ông đã thắng, rằng xét cho cùng kỳ lý thì thực tế ông đã thắng, rằng ông phải tin những gì Agnès của ông đang nói với ông. Nhưng Jan không tin; ông không tin cả tôi lẫn mẹ tôi. Mới đầu, ông khóc to và nghe rõ lời, rồi nhỏ dần thành một thứ thút thít đơn điệu không thành tiếng; rồi ông bắt đầu thu hồi các quân bài xì-cạt từ dưới trái núi Kobyella đang lạnh dần; một số quân moi từ giữa hai chân bác và dưới đống thư. Jan tìm được kỳ đủ ba mươi hai quân mới thôi! Ông làm vệ sinh cho từng quân một, lau sạch máu dính nhơm nhớp trên bài. Xong xuôi, ông trang bài, chuẩn bị chia. Đến lúc đó, cái trán đẹp dáng, tuy hơi quá nhẵn, hơi quá bí hiểm của ông mới chịu thừa nhận rằng trên đời này không còn chân thứ ba để chơi xì-cạt.

Buồng kho thư chưa chuyển trở nên rất yên tĩnh. Bên ngoài cũng dành một phút im lặng kéo dài để mặc niệm chân-xì-cạt-thứ-ba cuối cùng trên đời. Tuy nhiên, Oskar cảm thấy như cửa phòng đang từ từ mở. Ngoái nhìn qua vai, chờ đợi một sự hiện hình siêu phàm nào đó, nó trông thấy bộ mặt mù lòa trống trơn lạ lùng của Victor Weluhn. "Jan, tôi mất kính rồi. Anh còn đấy không? Tốt nhất là mình chạy đi thôi. Quân Pháp không đến hoặc nếu họ có đến thì cũng đã quá muộn. Đi với tôi đi, Jan. Dắt tôi với, tôi mất kính rồi.

Có thể Victor tưởng mình đã vào nhầm phòng vì khi không thấy ai trả lời và không có cánh tay nào chìa ra dắt mình, anh bèn rút lui bộ mặt mất kính và đóng cửa lại. Tôi còn nghe thấy mấy bước đầu tiên của Victor khi anh dò dẫm xuyên qua đám sương mù tìm đường tẩu thoát.

Có trời biết điều gì ngộ nghĩnh lóe lên trong cái đầu nhỏ bé của Jan khiến ông phì cười, mới đầu còn khe khẽ và có phần ảo não, rồi vang to vui vẻ, rung cái lưỡi nhỏ hồng hồng tươi tắn như cái quả lắc chuông. Ông tung bộ bài lên không rồi bắt lấy và cuối cùng, khi một tĩnh lặng ngày Chúa nhật trùm lên căn phòng với những con người im lặng và những lá thư im lặng, bắt đầu, bằng những động tác thận trọng, cân nhắc và gần như nín thở, xây một ngôi nhà cực kỳ mỏng mảnh bằng quân bài. Hai quân: Bảy pích và Đầm nhép được dùng làm nền. Xoè bên trên là quân Vua ca-rô. Chín cơ và Át pích với Tám nhép úp lên trên hợp thành nền thứ hai bên cạnh. Sau đó, ông lấy con Hai nối những con Mười và con Bồi dựng đứng, dùng những con Đầm và Át làm xà ngang, để bộ phận này đỡ bộ phận kia. Rồi ông quyết định xây thêm một tầng thứ ba trên tầng hai và làm việc đó với đôi bàn tay mê hồn mà mẹ tôi chắc đã biết quá rõ trong những động tác khác. Và khi ông dựa con Đầm cơ vào con Vua có trái tim đỏ chói thì tòa nhà không đổ, không, nó đứng nhẹ lâng lâng, thở dịu dàng, khe khẽ trong cái căn buồng mà ở đó những người chết không thở nữa và người còn sống thì nín thở. Ngôi nhà bằng quân bài này cho phép chúng tôi khoanh tay ngồi thư thái lại; nó khiến cho Oskar-hoài-nghi, vốn biết những quy tắc tĩnh học chi phối việc xây nhà quân bài, có thể quên đi làn khói khét lẹt cùng mùi thối rữa luồn qua khe cửa thành từng vệt cuồn cuộn, tạo cảm giác như thể căn buồng nhỏ với ngôi nhà quân bài này ở ngay cạnh vách sát vách với địa ngục vậy.

Chúng đã đem súng phun lửa tới; không dám tiến hành một cuộc tấn công trực diện, chúng quyết định hun khói cho những người cố thủ cuối cùng phải chui ra. Thành công của thủ đoạn này dồn Tiến sĩ Michon đến chỗ phải quyết định đầu hàng cái mũ sắt, ông cầm một tấm đra giường vẫy rối rít và khi cảm thấy chưa đủ, ông rút nốt chiếc mù-soa lụa, vẫy kèm bằng tay kia.

Khoảng ba mươi người xém lửa khói, gần như mù, cánh tay giơ lên, bàn tay chắp sau gáy, rời khỏi tòa nhà qua cửa bên trái và xếp hàng cạnh tường sân chờ lực lượng cảnh vệ đang từ từ tới. Sau này, người ta kể rằng trong khoảng thời gian ngắn khi đám cảnh vệ chưa tới, ba, bốn người đã trốn thoát: qua nhà để xe của Sở Bưu chính và nhà để xe của đồn cảnh sát kề bên, họ đến được một ngôi nhà đã sơ tán, do đó trống không, ở phố Rähm; tại đây, họ kiếm được quần áo kèm theo cả huy hiệu Đảng nữa. Tắm rửa xong, thay đồ, họ biến mất tăm vào thinh không, từng người một. Vẫn theo lời kể đó, một trong những kẻ trốn chạy đã đến một cửa hàng kính ở Alstädtischer Graben, thử và mua một cặp kính mới, kính cũ của anh ta đã mất trong khi chiến đấu bảo vệ nhà bưu điện. Với cặp kính mới, Victor Weluhn - vì đó chính là anh ta - theo người ta kể, dám đến tận Chợ Gỗ làm một vại bia, rồi một vại nữa, vì súng phun lửa đã làm anh khát cháy cổ. Rồi, nhờ cặp kính mới xua đi phần nào đám sương mù trước mắt, tuy không bằng cặp kính cũ, Victor bắt đầu cuộc chạy trốn mà vì sự quyết liệt dai dẳng của những kẻ săn đuổi, đến hôm nay vẫn còn tiếp tục.

Những người khác - tôi muốn nói đến khoảng ba mươi người không quyết định chạy trốn - đang đứng cạnh bức tường đối diện với cửa bên khi Jan dựa quân Đầm cơ vào quân Vua cơ và sung sướng ngây ngất buông tay ra.

Tôi phải nói thêm gì nữa? Họ tìm thấy chúng tôi. Họ mở toang cửa, quát: “Rauss[44]!" khuấy động không khí và ngôi nhà quân bài đổ xụp. Họ không ưa loại kiến trúc này. Chất liệu của họ là bê tông. Họ xây dựng cho vĩnh cửu. Họ chả để ý gì đến vẻ mặt bất bình và cay đắng của thư ký bưu vụ Jan Bronski. Họ không thấy là Jan, trước khi đi ra, đã với tay vào chồng quân bài và nhặt lên cái gì đó. Họ cũng không thấy là tôi, Oskar, đã rứt mấy mẩu nến khỏi cái trống mới sở hữu, nhặt lấy trống mà bỏ lại nến lúc này không còn cần thiết vì có rất nhiều đèn pin xói vào mắt chúng tôi. Thậm chí họ cũng không nhận thấy rằng những đèn pin của họ đã làm chúng tôi lóa mắt khó tìm thấy cửa ra. Từ đằng sau những chiếc đèn pin và những cây súng trường, họ hô: "Rauss!" và họ vẫn còn hô "Rauss!" khi Jan và tôi đã ra tới hành lang. Những tiếng "Rauss" ấy nhằm vào những Kobyella, Konrad từ Vacxava đến, Bôbek và Wischnewski nhỏ bé khi còn sống làm việc ở quầy điện báo. Bọn tấn công đã hoảng sợ vì tinh thần ngoan cường không chịu khuất phục của những người này. Tôi cười lớn mỗi khi bọn cảnh vệ hô "Rauss" và sau một hồi, thấy mình đang làm trò cười, họ ngừng hô và nói: "À!" Rồi họ dẫn chúng tôi ra chỗ ba mươi người đang đứng khát khô cổ, tay giơ lên và chắp sau gáy ở trong sàn cho người ta quay phim thời sự.

Máy quay đặt trên một chiếc ô-tô. Khi chúng tôi bị giải qua cửa bên, các phó nhòm quay nó về phía chúng tôi để quay cái đoạn phim ngắn mà sau đó được chiếu ở tất cả các rạp xi-nê.

Người ta tách tôi ra khỏi đám ba mươi người đứng cạnh tường. Đến đây, Oskar nhớ ra mình là một thằng lùn, nó nhớ ra rằng một đứa trẻ lên ba có thể được miễn mọi trách nhiệm. Nó lại cảm thấy đau ở đầu và chân tay; nó quỵ xuống đất cùng với cái trống, bắt đầu giẫy giụa và cuối cùng lên một cơn động kinh nửa thật nửa giả vờ, nhưng ngay cả trong khi lên cơn nó vẫn giữ chặt lấy cái trống. Họ bế nó lên một chiếc xe của SS địa phương. Khi chiếc xe phóng đi, đưa nó về Bệnh viện thành phố, Oscar trông thấy Jan, Jan tội nghiệp, đang gửi vào khoảng không một nụ cười ngu dại và hạnh phúc. Một tay giơ lên mấy quân bài xì-cạt và với tay kia cầm quân Đầm cơ (tôi nghĩ thế), ông vẫy chào vĩnh biệt Oskar, con trai của ông.

ÔNG ẤY NẰM Ở SASPE

Tôi vừa đọc lại đoạn cuối. Tôi không hài lòng lắm, nhưng ngòi bút của Oskar là thế - ngắn gọn và khúc triết; như đa phần những báo cáo ngắn gọn và khúc triết, nó đã làm được điều này: phóng đại và đánh lạc hướng, nếu không phải là nói dối.

Để bám chắc lấy sự thật, tôi sẽ tìm cách khắc phục ngòi bút của Oskar và đính chính vài điểm: thứ nhất, ván cuối cùng mà Jan chẳng may bị tước mất cơ hội hạ bài và ù, không phải là một bộ đồng hoa không chủ bài mà là một bộ ca-rô thiếu hai; thứ hai, Oskar, khi rời buồng kho thư, không chỉ mang theo cái trống mới, mà còn nhặt luôn cả cái cũ rách nát đã rời ra khỏi giỏ quần áo cùng với thư từ và người chết mất đai đeo quần. Ngoài ra, còn có một chỗ bỏ sốt cần phải điền thêm vào: Jan và tôi vừa ra khỏi buồng kho thư chưa chuyển, theo lệnh của bọn cảnh vệ với những tiếng hô "Rauss", những súng ống, đèn pin của họ, là Oskar liền xán đến hai tay cảnh vệ nom có dáng ông-chú-hiền-hậu hòng tìm sự che chở, giả vờ khóc lóc thảm thiết và chỉ vào Jan cha mình với những cử chỉ tố cáo, biến con người tội nghiệp thành một tên ác ôn đã kéo một đứa bé vô tội đến Sở Bưu chính Ba Lan để làm bia đỡ đạn đúng với tính cách vô nhân đạo điển hình Ba Lan.

Oskar tính làm thế sẽ có lợi cho cả hai cái trống và sự chờ đợi của nó đã tỏ ra không phải là hão huyền: hai tay cảnh vệ đá đít Jan và lấy báng súng đánh ông, nhưng để lại cho tôi cả hai cái trống. Một trong hai tay cảnh vệ này, một người đứng tuổi với những nếp nhăn lo nghĩ của một ông bố gia đình chạy từ cánh mũi xuống mép, vuốt má tôi, trong khi tay kia, một gã tóc vàng rơm lúc nào cũng cười híp cả mắt, thì bế tôi lên, khiến Oskar thấy bối ối và ơn ớn.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy xấu hổ khi thỉnh thoảng nghĩ đến cách ứng xử ghê tởm của mình, nhưng tôi tự an ủi bằng ý nghĩ rằng Jan không nhận thấy gì hết, ông còn đang để hết tâm trí vào những quân bài của ông và cứ thế cho đến giờ phút cuối, rằng không gì còn có thể kéo ông ra khỏi tâm thái đó, kể cả những cơn hứng tức cười nhất hay quỷ quyệt nhất của bọn cảnh vệ. Jan đã sang tận cái vương quốc vĩnh cửu của những ngôi nhà và lâu đài bằng quân bài ở Tây Ban Nha, nơi đó con người tin ở hạnh phúc, trong khi bọn cảnh vệ và tôi - vì lúc đó Oskar kể như mình đang ở trong hàng ngũ cảnh vệ - đứng giữa những bức tường gạch, trong những hành lang đá, dưới những trần nhà với những gờ thạch cao xoắn xuýt với những tường và vách ngăn nhằng nhịt đến nỗi có thể một ngày kia điều tệ hại nhất sẽ xẩy ra khi mà, do một sự cố nào đó, toàn bộ cái sự chắp vá mà ta gọi là kiến trúc này sẽ bong ra, rơi rụng lả tả.

Dĩ nhiên, nhận thức muộn màng này không thể biện minh cho tôi, nhất là khi người ta nhớ lại rằng tôi không bao giờ nhìn một công trình đang xây dựng mà không hình dung đến lúc nó bị phá hủy và rằng tôi luôn luôn coi những ngôi nhà bằng quân bài là chỗ ở duy nhất xứng đáng với nhân loại. Và ngoài ra, còn một nhân tố khép tội nữa. Buổi chiều hôm ấy tôi cảm thấy tuyệt đối chắc chắn rằng Jan Bronski không phải chỉ là bác hoặc bố-khả-thể, mà là bố thật của tôi. Điều đó đặt ông lên trên Matzerath, một lần cho mãi mãi, vì Matzerath thì hoặc là cha tôi, hoặc chả là gì cả.

Ngày 1 tháng 9 năm 1939 - tôi chắc quý vị, vào cái buổi chiều bất hạnh ấy, cũng đã nhận ra Jan Bronski, người xây nhà-quân-bài đầy ơn phước, là cha tôi - đánh dấu sự mở đầu gánh nặng tội lỗi thứ hai của tôi.

Ngay cả khi tôi cảm thấy ái ngại nhất cho bản thân mình, tôi cũng không thể phủ nhận điều này: chính cái trống của tôi, không, chính tôi, Oskar tên đánh trống đã tống khứ, đầu tiên là mẹ tội nghiệp của tôi, rồi đến Jan Bronski, bác và cha tôi, xuống mồ.

Nhưng vào những ngày mà một cảm giác phạm tội không sao xua đi được khiến tôi nằm bẹp đầu trên chiếc gối của cái giường bệnh viện, tôi thường hay, như mọi người khác, chiếu cố đến sự dốt nát của mình - cái sự dốt nát đã trở thành mốt vào thời kỳ ấy và ngay cả bây giờ, một số công dân của chúng ta vẫn trưng trổ như một kiểu mũ ngồ ngộ.

Oskar, thằng dốt xảo trá, nạn nhân của sự man rợ Ba Lan, được đưa đến Bệnh viện thành phố vì sốt do động kinh. Matzerath được thông báo. Đêm qua, ông đã trình việc tôi biến mất, mặc dù quyền sở hữu của ông đối với tôi chưa bao giờ được chứng minh.

Còn về ba mươi người đứng giơ tay lên và chắp sau gáy, trong đó có Jan, thì sau khi được quay phim thời sự, họ bị giải đi, đầu tiên đến ngôi trường Victoria đã sơ tán, sau đến Trại giam Schiesstange. Cuối cùng, họ được giao cho lớp cát xốp thấm nước đằng sau bức tường của cái nghĩa trang cũ hoang phế ở Saspe.

Làm sao Oskar biết được những thông tin này? Do Leo Schugger kể. Bởi vì dĩ nhiên, chẳng có thông báo chính thức nào cho chúng tôi biết là ba mươi người ấy bị bắn dưới chân bức tường nào và vùi dưới bãi cát nào.

Hedwig Bronski thoạt đầu nhận được một giấy báo phải dọn khỏi căn hộ ở Ringstrasse để nhường chỗ cho gia đình một sĩ quan không quân cao cấp. Trong khi đóng gói đồ đạc với sự giúp đỡ của Stephan và chuẩn bị về Ramkau - nơi bác sở hữu một ngôi nhà cùng mấy mẫu rừng và đất canh tác - bác nhận được tờ thông báo chính thức biến bác thành quả phụ. Bác nhìn vào nó bằng đôi mắt vốn chỉ phản chiếu chứ chưa thấm sâu những khổ đau trên đời và phải rất từ từ, với sự của đứa con trai Stephan, bác mới thấm được ý nghĩa của nó.

Đây là nội dung tờ thông báo:

Tòa án quân sự, nhóm Eberhardt st. 41/39

Zoppot 6-10- 1939

Bà Hedwig Bronski,

Xin báo để bà biết: Bronski, đã bị kết án tử hình vì hoạt động quân sự chống đối.

ZELEWSKI

(Thanh Tra Tòa án Quân Sự)

Quý vị thấy đó, không một chữ nào về Saspe. Vì sự quan tâm đối với gia đình những người chết, nhà chức trách muốn tránh cho họ khỏi è cổ dưới những khoản chi cần thiết cho một nấm mồ tập thể lớn đến thế, tốn hoa đến thế; đồng thời, để đỡ phải lo bảo trì và có thể cả cải táng sau này, họ cho san phẳng mặt đất pha cát và thu dọn tất cả các đầu đạn, trừ một - bao giờ chả có chuyện bỏ sót - vì vỏ đạn là thứ không đúng chỗ ở một nghĩa trang, dù là một nghĩa trang bỏ hoang.

Nhưng cái vỏ đạn duy nhất, mà bao giờ người ta cũng bỏ sót, mà chúng tôi quan tâm, lại do Leo Schugger tìm thấy; không một cuộc chôn cất nào, dù kín đáo nhất, là bí mật đối với anh ta. Anh biết tôi từ đám tang mẹ tội nghiệp của tôi, rồi sau đó, đám tang anhạn Herbert Truczinski lưng đầy sẹo của tôi. Chắc chắn anh biết nơi chôn Sigismund Markus, mặc dầu tôi không bao giờ hỏi anh. Và anh rất khoái, gần như sướng ngây ngất khi có dịp đưa cho tôi cái vỏ đạn đầy chứng tích tố cáo vào cuối tháng 11, ngay sau khi tôi ra viện.

Nhưng trước khi dẫn quý vị theo chân Leo Schugger đến nghĩa trang Saspe với cái vỏ đạn đã hơi ốc-xy hóa có lẽ đã mang cái đầu chì dành cho Jan, tôi phải xin quý vị cho phép so sánh, hai cái giường bệnh viện, cái tôi đã nằm ở phòng nhi Bệnh viện thành phố Danzig và cái tôi đang nằm bây giờ. Cả hai cùng bằng kim loại, cả hai cùng sơn trắng, thế nhưng có một điểm khác nhau. Cái giường ở phòng nhi ngắn hơn nhưng lại cao hơn nếu lấy thước đo những chấn song. Mặc dù cảm tình của tôi ngả về cái lồng ngắn hơn nhưng cao hơn của năm 1939, tôi lại thấy bình tâm thư thái hơn trong cái giường tạm bợ hiện giờ, nó được thiết kế cho người lớn, và tôi đã hiểu ra rằng không nên đòi hỏi quá mức. Mấy tháng trước, tôi đã kiến nghị đòi một cái giường cao hơn mặc dầu tôi hoàn toàn bằng lòng về chất kim loại và màu sơn trắng. Nhưng bây giờ, dù ban giám đốc có đồng ý hay bác bỏ, tôi cũng chả cần.

Hôm nay, chẳng hạn, tôi hầu như không có gì chống đỡ trước những khách đến thăm, còn như dạo ấy, vào những ngày thăm bệnh nhân ở phòng nhi, một hàng rào cao ngăn tôi khỏi Vị Khách Thăm Matzerath, khỏi các Vị Khách Thăm Greff (ông và bà) và các Vị Khách Thăm Scheffler (ông và bà). Và vào những ngày cuối đợt nằm viện của tôi, những chấn song giường tôi chia cái trái-núi-bốn-lớp-váy-di-động mang tên bà ngoại Anna Koljaiczek của tôi thành từng ngăn thở phì phò đầy lo âu. Bà đến, thở dài, giơ đôi bàn tay to với hàng nghìn nếp nhăn, phô lòng bàn tay hồng hồng, nứt nẻ, rồi buông phịch xuống, cả bàn tay lẫn lòng bàn tay, ngao ngán, tuyệt vọng đập chan chát vào đùi, dữ dội đến nỗi tận hôm nay tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng đó, mặc dầu tôi chỉ có thể mô phỏng nó tàm tạm trên trống.

Ngày đầu tiên đến thăm, bà đưa theo ông anh Vincent Bronski. Ông Vincent cứ nắm chặt lấy chấn song giường tôi mà nói (hay hát?) tràng giang đại hải về Đức Mẹ Maria Đồng Trinh Nữ Hoàng Ba Lan bằng một giọng nhỏ nhẹ nhưng sắc như dao. Oskar lấy làm mừng khi thấy có một nữ y tá ở gần đó. Bởi vì hai vị đó đang kết tội tôi: họ chĩa đôi mắt trong xanh của dòng họ Bronski vào tôi, quên hẳn rằng tôi đang phải nếm trải cơn sốt động kinh, hậu quả của cuộc chơi xì-cạt kéo dài ở Sở Bưu chính Ba Lan, chờ đợi tôi an ủi họ bằng một lời ân cần, kể lại những giờ phút cuối của Jan chia sẻ giữa nỗi sợ và cuộc bài. Họ muốn nghe từ miệng tôi một lời thú tội, giải oan cho Jan, cứ như là tôi có quyền năng rửa tội cho ông, cứ như là lời chứng của tôi có trọng lượng lắm!

Ừ, giả sử như tôi gửi một tờ khai đến Tòa án quân sự của Nhóm Eberhardt thì tôi nói gì trong đó nào? Tôi, Oskar Matzerath, xin thú nhận và khai rằng tối hôm 31 tháng 8, tôi đã đứng bên ngoài nhà Jan Bronski chờ ông về nhà và, lấy cớ là cái trống của tôi cần sửa chữa, đã dụ dỗ ông quay lại Sở Bưu chính Ba Lan, nơi ông đã rời bỏ không muốn bảo vệ.

Oskar đã không làm thế; nó chẳng làm gì để minh oan cho ông bố-khả-thể của nó. Cứ mỗi lần quyết định nói, định kể cho hai ông bà già nghe những gì đã xẩy ra, nó lại lên cơn co giật khiến nữ y tá trưởng phải đề nghị rút ngắn thời gian thăm; riêng bà ngoại Anna và ông-nội-giả-định Vincent của nó thì bị cấm vào thăm.

Hai ông bà già từ Bissau đến, mang cho tôi táo, rời phòng nhi với cái dáng đi rón rén, bỡ ngỡ của người nhà quê ra tỉnh. Và cứ mỗi bước bốn cái váy của bà tôi và bộ com-lê hộp màu đen phảng phất mùi phân bò của ông anh bà lùi xa thêm, cái gánh nặng tội lỗi của tôi, cái gánh nặng tội lỗi mênh mông của tôi lại tăng lên.

Biết bao điều xẩy ra cùng một lúc. Trong khi Matzerath, vợ chồng Greff, vợ chồng Scheffler xúm quanh giường tôi với hoa quả và bánh ngọt, trong khi bà ngoại tôi và ông Vincent từ Bissau đến theo đường Goldkrug và Brenntau vì đường xe lửa từ Karthaus đến Langfuhr chưa thông, trong khi các nữ y tá vận đồ trắng vô trùng líu lo bàn tán chuyện bệnh viện và thay thế các thiên thần trong phòng nhi, thì Ba Lan chưa mất, sắp mất và cuối cùng, sau mười tám ngày chiến dịch trứ danh ấy, Ba Lan đã mất tuy rằng không bao lâu sau, lại hóa ra là Ba Lan vẫn chưa mất; cũng như hiện nay, mặc dầu có những hội ái quốc Silesia và Đông Phổ, Ba Lan vẫn chưa mất.

Ôi đoàn kỵ binh điên rồ! Hái những quả dâu xanh trên lưng ngựa. Với những ngọn giáo mang cờ hiệu trắng-đỏ. Những kỵ đoàn trầm uất, những kỵ đoàn truyền thống. Những đợt công kích như trong truyện tranh. Băng qua những cánh đồng trước Lodz và Kutno. Đến Motlin thay thế pháo đài. Chao, dáng ngựa phi oai hùng biết mấy! Bao giờ cũng đợi đến hoàng hôn rực đỏ. Cả tiền cảnh lẫn hậu cảnh đều phải hoàn hảo trước khi kỵ binh tấn công bởi lẽ chiến trận phải đẹp như tranh và cái chết là mẫu cho họa sĩ, tư thế hiên ngang giữa đà phi, rồi ngã xuống, gặm dây tầm xuân, những bụi đậu kim răng rắc, gây ngứa, không ngứa ngáy thì làm sao khiến được kỵ binh chồm lên phi nước đại. Đây đám kỵ binh đánh thuê, họ lại ngứa rồi, họ quặt ngựa giữa những đụn cỏ khô - lại một bức tranh đẹp - họ xúm quanh một người, tên ông ta ở Tây Ban Nha là Don Quixote, những ở đây ông là Pan Kichot, một người Ba Lan chính gốc, thuần huyết, một nhà quý tộc mặt buồn, ông đã dậy các kỵ binh đánh thuê hôn tay các nàng từ trên lưng ngựa, chao, họ sẽ hôn tay thần chết với dáng tự tin biết bao, cứ như thể thần chết là một công nương vậy; nhưng trước hết, họ tập hợp lại, với mặt trời hoàng hôn đằng sau lưng - vì màu sắc và tình ca là lực lượng dự trữ của họ - và trước mặt là xe tăng Đức, những ngựa giống từ những trại ngựa Krupp von Bohlen và Halbach, khắp thế giới không có giống ngựa nào quý hơn. Nhưng Pan Kichot, người hiệp sĩ lập dị phải lòng cái chết, người hiệp sĩ tài năng, quá tài năng, nửa Tây Ban Nha, nửa Ba Lan, hạ cây giáo với lá cờ hiệu đỏ-trắng trên đầu và kêu gọi quân mình, hôn tay người đẹp. Đàn cò quang quác kêu trắng-đỏ trên những nóc nhà, và mặt trời hoàng hôn nhổ những hạt anh đào khi ông kêu lớn với đoàn kỵ binh của mình: "Hỡi các bạn, những người Ba Lan cao quý trên lưng ngựa, kia không phải là những chiến xa thép, mà chỉ là những cái cối xay gió hoặc một đàn cừu, tôi mời các bạn hôn tay người đẹp."

Và thế là các kỵ đội xông tới kẻ thù bằng thép xám, bổ sung thêm cho ánh hoàng hôn một sắc đỏ tươi.

Oskar hy vọng được miễn thứ về những hiệu quả thơ của đoạn này. Kể ra hắn có thể cho những con số thương vong của Đoàn Kỵ Binh Ba Lan, kỷ niệm cái gọi là Chiến dịch Ba Lan bằng những thống kê khô khan nhưng hùng hồn thì tốt hơn. Hoặc giả một giải pháp khác: cứ để nguyên bài thơ nhưng thêm vào một ghi chú cuối trang.

Cho đến ngày 20 tháng 9, nằm trong bệnh viện, tôi có thể nghe thấy tiếng gầm của đại bác từ những cao điểm của các khu rừng Jeschkental và Oliva. Thế rồi ổ đề kháng cuối cùng trên bán đảo Hela cũng đầu hàng. Thành phố Tự do Danzig ăn mừng việc phong cách Gôtích gạch của mình trở về trong lòng Đại Đế Chế Đức và hân hoan nhìn vào đôi mắt xanh (có một điểm chung với đôi mắt xanh của Jan Bronski là sức chinh phục phụ nữ) của Adolf Hitler, Führer và thủ tướng, khi ngài đứng trong chiếc Mercedes đen phân phát những cái chào vuông góc cho dân chúng.

Khoảng giữa tháng 10, Oskar ra viện. Lòng tôi nặng trĩu khi phải chia tay với các nữ y tá. Khi một trong số họ - tên nàng là Berni hay Erni gì đó - phải, khi Xơ Erni hay Berni đưa cho tôi hai cái trống, cái rách tươm đã khiến tôi phạm tội và cái nguyên lành mà tôi đã chiếm được trong trận đánh ở Sở Bưu chính Ba Lan, tôi mới sực nhận ra rằng đã nhiều tuần, tôi không hề nghĩ đến những cái trống của mình, rằng trên đời cũng còn cái gì khác ngoài trống, cụ thể là: nữ y tá.

Tay trong tay Matzerath, tôi rời Bệnh viện thành phố, vẫn còn chệnh choạng trên đôi chân mãi mãi ba tuổi, với hai cái trống và điều tự ý thức mới mẻ, hướng về căn hộ ở phố Labesweg để đối mặt với những ngày thường tẻ nhạt và những ngày Chủ nhật còn tẻ nhạt hơn của năm đầu chiến tranh.

Một ngày thứ ba cuối tháng 11, tôi được phép ra ngoài lần đầu tiên sau nhiều tuần dưỡng bệnh. Đang rầu rĩ đánh trống qua các phố, chẳng mấy để ý đến cơn mưa lạnh, đến góc đường Brosener gặp Quảng trường Max-Halbe, Oskar bỗng chạm trán một người và đó không ai khác ngoài Leo Schugger, gã cựu chủng sinh.

Chúng tôi đứng một lúc, bối rối mỉm cười với nhau và mãi đến khi Leo rút từ túi áo vét-tông ra một đôi găng da dê và kéo lớp màng trắng ngà ấy trượt trên những ngón tay và lòng bàn tay anh, tôi mới nhận chân ra là tôi đã gặp ai và cuộc gặp gỡ này sẽ mang lại gì cho tôi. Oskar bỗng thấy sợ.

Trong một lúc, chúng tôi nhìn những cửa sổ của hiệu Kaiser, dõi theo mấy chuyến xe điện của các tuyến số 5 và số 9; chúng tôi xuyên qua Quảng trường Max-Halbe, đi vòng những ngôi nhà đồng dạng trên phố Brösener-Weg, lượn nhiều vòng quanh một cột dán quảng cáo, xem kỹ một tờ thông báo thời gian và phương thức đổi đồng gulden Danzig sang đồng reichmark, cạo cạo một tờ quảng cáo bột xà phòng Persil và thấy một chút đỏ dưới lớp xanh và trắng, nhưng bỏ lửng thế thôi. Chúng tôi vừa bắt đầu quay lại Quảng trường Max-Halbe thì đột nhiên Leo Schugger dùng cả hai tay đẩy Oskar vào một lối cửa vào, luồn những ngón tay trái đeo găng dưới vạt áo vét, thục vào túi quần, lựa lọc những thứ trong đó, tìm thấy cái gì đó, soát kỹ một lúc, rồi hài lòng với cái đã tìm thấy, rút bàn tay nắm lại ra khỏi túi, để những vạt áo rơi về chỗ, ngay ngắn. Chậm rãi, anh đưa nắm tay đeo găng về phía trước, dấn thêm và dấn thêm nữa, đẩy Oskar vào sát tường lối vào; cánh tay anh vươn dài, dài nữa nhưng bức tường không lùi. Cánh tay đó, tôi bắt đầu nghĩ là nó sắp bật ra khỏi ổ xương vai, chọc thủng ngực tôi, xuyên qua nó, xuyên nữa, qua giữa hai xương bả vai, tới bức tường của lối cửa vào ẩm mốc. Tôi đã bắt đầu sợ rằng Oskar sẽ không bao giờ thấy cái mà Leo nắm trong tay, rằng điều tối đa nó biết được ở bức tường này chỉ là bản nội quy, nó cũng chẳng khác nội quy khu chung cư của nó ở Labesweg lắm. Thế rồi miếng da có năm ngón mở ra

Áp chặt vào một chiếc khuy mỏ neo trên áo lính thủy của tôi, chiếc găng của Leo mở ra nhanh đến nỗi tôi nghe thấy cả tiếng khớp ngón kêu khục. Và đây, nằm trên lớp da cứng bóng bảo vệ lòng tay Leo, là chiếc vỏ đạn.

Khi Leo nắm tay lại một lần nữa, tôi đã sẵn sàng theo anh. Cái mẩu kim loại đó đã tác động trực tiếp đến tôi. Chúng tôi đi cạnh nhau xuôi đường Brösener-Weg, lần này không la cà trước những mặt kính cửa hàng, cũng chẳng nán lại với những cột dán quảng cáo nữa. Chúng tôi đi qua Magdeburger, bỏ lại sau lưng hai tòa nhà hộp cao tầng ở cuối đường Brösener mà ban đêm lập loè trên đỉnh những ngọn đèn cảnh báo máy bay cất cánh hay hạ cánh, men theo hàng rào sân bay một lúc rồi rẽ ra con đường nhựa khô hơn và đi theo đường ray của tuyến xe điện số 5 về hướng Brösen.

Chúng tôi không nói gì nhưng Leo vẫn nắm cái vỏ đạn trong bàn tay đi găng. Trời ẩm ướt và rét tệ hại, nhưng khi tôi ngập ngừng định về thì anh mở nắm tay, tung lên tung xuống mẩu kim loại trong lòng tay, nhử tôi đi tiếp, một trăm bước, rồi một trăm bước nữa, và thậm chí giở đến cả âm nhạc khi, gần đến khu dành riêng của thành phố, tôi quyết định quay lại thật sự. Anh xoay gót, cầm cái vỏ đạn quay miệng lên trên, áp cái lỗ tựa như đầu một cây sáo dọc vào cái môi dưới thưỡi ra, nhỏ dãi của mình và phát ra một âm lúc the thé, lúc tịt như bị sương mù dìm đi, hòa vào tiếng rào rào mỗi lúc một tăng của cơn mưa. Oskar rùng mình. Không phải chỉ khúc nhạc vỏ đạn làm nó rùng mình; thời tiết khốn nạn, dường như được tạo ra cho hoàn cảnh này, cũng góp phần không nhỏ vào đó, khiến tôi hầu như không cần phải giấu là mình đang run nữa.

Cái gì đã lôi kéo tôi đến Brösen? Dĩ nhiên là Leo, kẻ thổi sáo dụ chuột, thổi sáo bằng cái vỏ đạn của anh ta. Nhưng còn có một cái gì khác nữa. Từ vụng tàu và từ Neufahrwasser khuất sau màn sương mù, tiếng còi của những con tàu chạy hơi nước và tiếng hú đói của một tàu phóng ngư lôi đang vào hay rời cảng, vọng tới chúng tôi qua Schottland, Schellmuhl và Reichskolonie. Tóm lại, đối với Leo, được sự trợ giúp của còi tàu trong sương mù cộng thêm tiếng sáo vỏ đạn, thì việc lôi kéo một thằng Oskar rét cóng theo mình là trò trẻ.

Gần đến chỗ hàng rào dây thép ngoặt về phía Pelonken và ngăn chia sân bay với thao trường mới, Leo Schugger dừng lại và đứng một lúc, nghiêng nghé cái đầu, dãi nhỏ xuống cái vỏ đạn, ngắm cái thân hình bé nhỏ run rẩy của tôi. Anh mút cái vỏ đạn, giữ nó trên môi dưới rồi, tuân theo một cơn nổi hứng đột ngột, vung tay loạn xạ, cởi bỏ cái áo ngoài nặng trịch có vạt sau dài ngoằng và thoảng mùi đất ẩm, vứt nó lên đầu lên vai tôi.

Chúng tôi lại lên đường. Tôi không biết Oskar có bớt lạnh đi tí nào không. Thỉnh thoảng, Leo nhảy năm bước về phía trước rồi dừng lại; đứng đó trong chiếc sơ mi nhàu nát nhưng trắng khủng khiếp, nom anh ta như vừa bước thẳng từ một hầm ngục Trung cổ ra - có khi là từ Tháp Công Lý cũng nên - để minh họa cho một bài thuyết trình về Trang phục của người điên vậy. Hễ khi nào Leo quay mắt nhìn Oskar lặc lè dưới cái áo ngoài vạt dài là anh ta lại phá lên cười, hai cánh đập đập như con quạ. Thực vậy, tôi hẳn nom giống như một con chim quái dị, một con quạ kiểu gì đó, nhất là với hai cái vạt sau kéo lê trên đường cái nhựa như một cái chổi lớn, để lại một vệt rộng hùng vĩ khiến Oskar tràn đầy tự hào mỗi khi ngoái lại nhìn; cái vệt đó dự báo một số phận bi thảm còn ngủ trong tôi, nếu không muốn nói là nó tượng trưng cho cái số phận chưa thành hiện thực ấy.

Ngay từ lúc rời khỏi Quảng trường Max-Halbe; tôi đã ngờ ngợ rằng Leo không hề có ý định đưa tôi đến Brösen hay Neufahrwasser. Ngay từ đầu, cái đích đến của chúng tôi đã rành rành: nghĩa trang Saspe mà gần đó, người ta đã xây dựng một khu bắn tập hiện đại cho cảnh sát An ninh.

Từ tháng Chín đến tháng Tư, các tuyến xe điện phục vụ các trung tâm nghỉ mát bên bãi biển chỉ chạy ba mươi lăm phút một chuyến. Khi chúng tôi rời khu ngoại ô Langfuhr, một chiếc xe điện không kéo theo toa từ phía Brösen tiến lại và vượt qua chúng tôi. Một lát sau, chiếc xe đã chờ ở điểm tránh Magdeburger tới đằng sau chúng tôi và lại vượt qua. Mãi khi chúng tôi sắp tới nghĩa trang, mà gần đó có một điểm tránh tàu thứ hai, thì một chuyến khác mới leng keng đằng sau chúng tôi và lát sau, chuyến xe mà từ nãy chúng tôi đã trông thấy chờ trong lớp sương mù phía trước, băng tới và vượt qua chúng tôi theo chiều ngược lại.

Gương mặt bẹt và quàu quạu của người lái tàu vẫn còn đậm nét trong trí Oskar khi Leo Schugger đưa nó rẽ khỏi đường cái nhựa, bước trên một lớp cát tơi không khác mấy với những cồn cát ở bãi biển. Nghĩa trang hình vuông có tường bao quanh. Chúng tôi vào từ bên phía nam qua một cửa nhỏ với những vệt gỉ ngoằn ngoèo như hình trang trí và chỉ khóa hờ làm vì. Phần lớn các bia mộ đều bằng granít đen Thụy Điển, đẽo thô ở mặt sau và hai cạnh và mài nhẵn ở mặt trước. Một số tấm nghiêng ngả dễ sợ, một số khác đã đổ hẳn. Đáng tiếc là Leo không để tôi có thì giờ nhìn kỹ chúng. Cây cối lơ thơ, tất cả chỉ có năm, sáu gốc thông còi sứt sẹo. Sinh thời mẹ tôi đã mến mộ cái bãi tha ma đổ nát này; như mẹ thường nói khi đi xe điện qua, đây là nơi yên nghỉ cuối cùng ưa thích của mẹ. Nhưng bây giờ, mẹ lại nằm ở Brenntau. Tại đó đất mầu mỡ hơn, du du và cây thích mọc đầy.

Qua một cái cửa mở đã mất chấn song ở tường phía bắc, Leo dẫn tôi ra ngoài nghĩa trang trước khi tôi kịp hòa đồng ý nghĩ của mình với chất lãng mạn tiêu điều nơi đây. Ngay đằng sau tường là một vạt đất cát phẳng. Giữa đám sương mù, những rặng thông lùn, đậu chổi và tầm xuân chạy dài về phía bờ biển. Ngoái nhìn lại về phía nghĩa trang, tôi nhận thấy ngay là một mảng của bức tường phía bắc mới được quét vôi trắng toát.

Leo chợt hoạt động hẳn lên bên cạnh cái mảng tường có vẻ mới ấy, trắng khốn trắng khổ như cái áo sơ mi nhàu nát của anh. Anh sải những bước rất dài, vừa đi vừa cao giọng đếm, hình như bằng tiếng La-tinh, Oskar nghĩ thế. Bất kể bài kinh ấy là g, Leo đọc nó theo cách đã từng học ở chủng viện. Anh đánh dấu một điểm ở cách tường độ gần mười mét và cũng đặt một miếng gỗ ở cách không xa mảng tường quét vôi trắng (tôi chắc chỗ này đã được sửa). Anh làm tất cả những cái đó bằng tay trái vì tay phải mắc cầm cái vỏ đạn. Cuối cùng, sau khi tìm kiếm đo đạc rất lâu, anh cúi xuống gần cái miếng gỗ và đặt ở đó cái ống kim loại rỗng, hơi thuôn ở đầu đằng trước, đã từng mang một lõi chì cho đến khi một ngón tay đáng nguyền rủa bóp một cái vừa đủ mạnh để làm bật cái lõi chì ra cho nó lao đi gieo chết chóc trong khi kiếm tìm nơi ở khác.

Chúng tôi cứ đứng sững đó. Dãi từ miệng Leo Schugger nhỏ xuống ròng ròng. Vặn xoắn đôi găng trong tay, anh đọc kinh đối đáp bằng tiếng La-tinh một hồi, rồi dừng lại vì không có ai ở đây thuộc những lời đáp. Thỉnh thoảng anh quay lại và ném một cái nhìn hờn dỗi, sốt ruột, qua bức tường về phía đường cái lớn, nhất là khi những chuyến xe điện, thường là vắng ngắt, dừng ở chỗ quành, tránh nhau, rung chuông khi lướt qua nhau theo những chiều đối nghịch. Leo hẳn đang đợi những người đưa tang. Nhưng không có ai đến, bằng xe hơi cũng như đi bộ, để anh chìa ra một chiếc găng phân ưu.

Một lần, mấy cái máy bay rít trên đầu chúng tôi, chuẩn bị hạ cánh. Chúng tôi không ngẩng lên nhìn, chúng tôi chịu đựng tiếng gầm gào mà không buồn ngó nghiêng để biết chắc đó là ba chiếc máy bay loại Ju-52 với đèn nhấp nháy ở đầu cánh đang chuẩn bị hạ cánh.

Một lát sau khi tiếng động cơ tắt - im lặng cũng nhức nhối như màu trắng bức tường trước mặt - Leo Schugger thò tay vào bên trong áo sơ mi, lôi ra một vật gì. Lát sau, anh đứng bên cạnh tôi. Giựt cái áo qua khỏi vai Oskar, anh lao về phía bờ biển, và trước khi đi vào đám thông lùn, đậu chổi và tầm xuân, buông rơi một cái gì đó với một cử chỉ có tính toán nhằm gợi ý là tôi phải tìm cho ra.

Chỉ đến khi Leo đã khuất dạng hẳn - một hồi, anh vẫn di đN ở phía trước như một bóng ma cho đến khi những đám sương mù trắng nhờ nhờ như sữa là là mặt đất nuốt chửng lấy anh - chỉ đến khi chỉ còn độc trọi mình tôi với cơn mưa, tôi mới với tay nhặt cái vật đang nằm trên cát: đó là một quân bài xì-cạt, quân bẩy pích.

Mấy ngày sau cuộc gặp gỡ ở nghĩa trang Saspe ấy, Oskar gặp bà ngoại Anna Koljaiczek trong phiên chợ hằng tuần ở Langfuhr. Giờ đây, khi không còn biên giới ở Bissau, bà lại có thể mang trứng, bơ, bắp cải và táo vụ đông của mình đến chợ. Thiên hạ mua nhiều, họ bắt đầu tích trữ vì sắp sửa hạn định khẩu phần lương thực đến nơi rồi. Cùng lúc Oskar trông thấy bà nó ngồi sau mớ hàng, nó cảm thấy quân bài xì-cạt trực tiếp trên làn da trần của nó, dưới các lớp áo măng-tô, pu-lô-vơ và nỉ lót. Thoạt đầu, trên đường từ Saspe về Quảng trường Max-Halbe, sau khi một người lái xe điện mời tôi đi không mất tiền, tôi đã định xé quân bảy pích ấy đi. Nhưng rồi Oskar đã không xé. Nó đem cho bà ngoại. Bà hồ như phát hoảng lên đằng sau mớ củ cải khi trông thấy nó. Có lẽ bà thoáng nghĩ rằng sự hiện diện của Oskar có thể là điềm chẳng lành. Nhưng rồi bà ra hiệu cho thằng bé lên ba khuất nửa người sau mấy sọt cá, tiến lại. Oskar cứ nhẩn nha tí đã; đầu tiên, nó ngắm nghía một con cá thu sông dài đến gần một mét nằm trên đám mạt cưa ướt, rồi lại xem mấy con cua bò nghểu ngoảo trong một cái rổ; cuối cùng, bắt chước kiểu cua bò, sáp lại quầy của bà nó, xoay cái lưng áo lính thủy đi trước và chỉ quay lại phô bộ khuy mỏ neo vàng với bà, khi nó xô vào một trong những cái niềng kê dưới phản hàng của bà, làm cho táo lăn lông lốc.

Schwerdtfeger tới với những viên gạch hơ nóng bọc trong giấy báo, đẩy chúng vào dưới váy bà tôi, dùng cào thu hồi những viên đã nguội như ông vẫn làm từ xưa đến nay, theo trí nhớ của tôi; ông vạch một dấu lên tấm bảng đeo ở cổ và đi tiếp sang quầy sau trong khi bà ngoại chìa cho tôi một quả táo bóng lộn.

Oskar có gì để biếu bà khi bà cho nó một quả táo? Nó tặng bà, trước hết, quân bài xì-cạt và sau đó là cái vỏ đạn mà nó cũng không bỏại ở nghĩa trang Saspe. Trong một lúc, bà Anna Koljaiczek trân trân nhìn hai vật quá khác biệt ấy không hiểu gì. Thế rồi Oskar bèn ghé miệng vào cái tai già toàn sụn dưới chiếc khăn trùm đầu và, chẳng giữ gìn gì nữa, bụng nghĩ tới cái tai nhỏ hồng hồng nây nẩy thịt của Jan, tôi tiết lộ: "Ông ấy nằm ở Saspe", Oskar thì thào và chạy đi, xô đổ một rổ bắp cải.

MARIA

Trong khi Lịch sử, trong rùm beng những thông cáo đặc biệt, đang lao nhanh như một chiếc xe thủy-lục trơn dầu mỡ trên các đường thủy, bộ và cả đường không của Châu Âu, chinh phục mọi thứ trên đường đi của nó, thì công việc riêng của tôi, vốn chỉ quanh quẩn với những cái trống đồ chơi con trẻ, vẫn chậm rề rề. Trong khi những người làm nên lịch sử phóng tay ném qua cửa sổ biết bao kim khí đắt tiền, thì tôi một lần nữa lại lâm vào tình trạng thiếu trống. Phải, phải, Oskar đã kiếm được một cái trống mới hầu như không bị một vết xước nào ở Sở Bưu chính Ba Lan, đem lại một chút ý nghĩa cho cuộc phòng thủ nhà bưu điện, nhưng cái trống của Naczelnik-con phỏng có nghĩa gì đối với Oskar này khi mà vào những ngày yên hàn, tôi chỉ cần chưa đầy tám tuần là đã biến một cái trống thành đồ đồng nát?

Sầu não vì phải giã từ các nữ y tá của mình, tôi bắt đầu nện trống điên cuồng sau khi xuất viện. Cái đêm mưa ở nghĩa trang Saspe không làm giảm cường độ đánh trống đó; trái lại, Oskar càng gia tăng cố gắng hủy hoại vật chứng cuối cùng về ứng xử đáng xấu hổ của nó đối với đám cảnh vệ, cụ thể là cái trống ấy.

Nhưng nó kháng cựại; mỗi lần tôi đánh nó, nó đều đánh trả. Kỳ lạ thay trong khi tôi thẳng tay nện, với mục đích duy nhất là xóa đi một mảng nhất định trong quá khứ của tôi, hình ảnh Victor Weluhn, tay nhân viên chuyển ngân cứ trở lại trong tâm trí tôi, mặc dù, với độ cận thị như thế, anh ta khó lòng thấy được gì nhiều để thành nhân chứng buộc tội. Nhưng mặc dù cận thị nặng, anh ta đã chẳng trốn thoát được đó sao? Liệu có thể là người cận thị lại nhìn thấy nhiều hơn những người khác được chăng? Liệu có thể là Weltuhn, mà tôi gọi là Victor tội nghiệp, đã đọc những cử chỉ của tôi như động tác của một cái bóng đen, đã nhìn thấu suốt sự phản bội của tôi và giờ đây, đang mang bí mật của Oskar, nỗi nhục của Oskar theo anh đi khắp thế giới?

Mãi đến giữa tháng 12, những lời kết tội của cái lương tâm sơn màu đỏ-trắng theo đường răng cưa đeo ở cổ tôi mới bớt phần xác tín; lớp sơn bắt đầu nứt và bong ra, vỏ thiếc mỏng dần và trở nên dễ vỡ. Như bao giờ cũng thế khi người ta buộc phải chứng kiến một cảnh lâm chung, tôi muốn rút ngắn những đau đớn cho kẻ hấp hối, đẩy nhanh đến kết thúc. Trong những tuần cuối của mùa Vọng, Oskar làm dữ đến nỗi Matzerath và hàng xóm phải giữ tay nó lại, vì nó đã hạ quyết tâm phải thanh toán mọi khoản vào trước đêm Giáng Sinh. Tôi hy vọng nhân dịp Giáng Sinh sẽ nhận được một cái trống mới và sạch tội.

Tôi đã hoàn tất ý đồ. Vào đêm hai mươi bốn tháng chạp, tôi đã có thể rũ bỏ khỏi thể xác và tâm hồn mình một cái gì han gỉ, méo mó, tả tơi gợi đến một cái ô-tô nát rúm; với việc thải bỏ nó, tôi hy vọng có thể xóa luôn cả cuộc phòng thủ nhà bưu điện trong ký ức tôi.

Chưa bao giờ có con người nào - nếu quý vị sẵn lòng thừa nhận tôi là một con người - từng nếm trải vào dịp Giáng Sinh một thất vọng cay đắng hơn Oskar: nó thấy tất cả mọi thứ có thể tưởng tượng được trên cây thông Nô-en, trừ một

Có cả một hộp đồ chơi lắp ghép mà tôi không bao giờ mở ra. Một con thiên nga bập bênh, mà người lớn coi là thứ quà sáng giá nhất, bộc lộ ý đồ của họ muốn biến tôi thành một Lohengrin[45]. Hẳn là để chọc tức tôi, họ còn cả gan đặt ba, bốn quyển tranh truyện trên bàn tặng phẩm. Những món quà duy nhất mà tôi thấy còn tạm gọi là hữu dụng theo một nghĩa nào đó, là một đôi găng, một đôi ủng và một cái áo chui đầu do Gretchen Scheffler đan. Bàng hoàng, Oskar đưa mắt nhìn từ hộp đồ lắp ghép đến con thiên nga và dừng lâu trên một cái tranh trong một cuốn tranh truyện vẽ một lũ gấu nhồi bông ôm đủ mọi thứ nhạc cụ trong tay. Thậm chí một trong những con vật xinh xẻo giả dối ấy còn có cả một cái trống nữa; nom như nó biết chơi trống và sắp sửa bắt đầu biểu diễn một bài độc tấu trống, trong khi tôi đây, tôi có một con thiên nga mà không có trống, tôi có thể được cả ngàn hộp đồ lắp ghép, nhưng một cái trống nhỏ nhoi thì không; tôi có bao tay để dùng trong những đêm đông buốt rét, nhưng giữa hai bàn tay đi găng của tôi chẳng có cái vật tròn tròn bằng kim loại, sơn mịn màng và lạnh giá để tôi có thể mang ra ngoài đêm đông để làm ấm những trái tim giá lạnh của họ.

Oskar nghĩ thầm: Chắc Matzerath đã giấu cái trống. Hay là Gretchen Scheffler (đến cùng với ông chồng chủ hiệu bánh mì để chuẩn bị con ngỗng Nô-en cho chúng tôi) đã ngồi lên nó. Họ muốn được hài lòng thấy tôi hài lòng với con thiên nga, hộp đồ xây dựng, những cuốn truyện tranh, trước khi nhả ra vật báu chân chính. Tôi nhượng bộ; tôi lật giở những quyển tranh truyện như điên, nhảy lên lưng con thiên nga và, cố dẹp nỗi ghê tởm mỗi lúc một tăng, phí ít nhất là nửa tiếng. Bất chấp căn phòng nóng sực, tôi vẫn chiều họ mặc thử áo chui đầu; đi thử giày với sự giúp đỡ của Gretchen Scheffler. Trong khi đó vợ chồng nhà Greff đã đến, vì con ngỗng làm cho sáu người ăn và sau khi chén con ngỗng nhồi quả khô do Matzerath chế biến rất khéo, chuyển sang tráng miệng gồm mận và lê, tuyệt vọng đón nhận một quyển truyện tranh nữa mà Greff bổ sungốn quyển trước; sau những xúp, ngỗng, bắp cải đỏ, khoai tây luộc, mận và lê, dưới cái hơi hầm hập phả ra từ một cái bếp lò sứ có thừa hơi nóng, chúng tôi, kể cả Oskar, cùng hát một bài thánh ca Nô-en và thêm một đoạn nữa, Hãyvuimừng, và ôicâythôngnôen, ôicâythôngnôen, và xanhbiếtmấytiếngchuôngcủangườibínhboongbinhboong nămnàysangnămkhác, và tôi ớn với tất cả những trò này; ngoài kia chuông đã bắt bắt đầu vào cuộc, và tôi muốn cái trống của tôi; cái ban kèn đồng nghiện rượu, mà dạo trước Meyn tham gia, thổi đến rụng cả những nhũ băng ngoài cửa sổ... nhưng mà tôi muốn cái trống của tôi, mà họ không đưa cho tôi, họ không chịu nôn nó ra. Oskar: "Có!" Những người khác: "Không!" Thế là tôi hét, đã lâu lắm tôi không hét, sau một thời kỳ nghỉ dài, một lần nữa tôi lại giũa giọng mình thành một công cụ cắt kính sắc bén; tôi không giết bình, cốc hoặc bóng đèn; tôi không mở toang những mặt cửa hàng, không tước bỏ thị năng của cặp kính nào - không, nỗi uất hận thanh âm của tôi chĩa vào những quả cầu, chuông, bong bóng xà phòng óng ánh, tất cả những gì trang hoàng cho cái Ôicâythôngnôen với những loongcoong và lengkeng, những thứ trang trí cho cây Giáng Sinh, tất cả đều tan thành bụi. Đồng thời, một cách hoàn toàn không cần thiết, hàng loạt quả thông tự động rụng xuống, xúc mấy sẻng cho vừa. Nhưng nến thì vẫn cháy, lặng lẽ và thần thánh, vậy mà Oskar vẫn không được trống.

Matzerath chả có chút tinh nhạy nào. Tôi không biết có phải ông định làm cho tôi cai hẳn thứ nhạc cụ của tôi hay đơn giản là ông không hề nghĩ đến chuyện cung cấp trống cho tôi một cách rộng rãi và đúng thời hạn. Tai họa sắp ụp xuống đầu tôi. Và chỉ nhờ cái hoàn cảnh trùng hợp là đúng dịp ấy, sự lộn xộn ngày càng tăng của cửa hàng chúng tôi đã đến độ không thể nhắm mắt bỏ qua, mà tôi được giải nguy cùng với cửa hàng.

Vì Oskar vừa dứt khoát không chịu vừa không đủ cao lớn để đứng sau quầy hàng để bán bánh quy giòn, macgarin và mật ong tổng hợp nên Matzerath - mà từ nay tôi sẽ lại gọi là cha tôi cho đơn giản - bèn mướn Maria Truczinski, em gái út anh bạn Herbert tội nghiệp của tôi, làm công việc bán hàng.

Cô không chỉ tên là Maria; cô là một Maria. Không phải chỉ vì chỉ trong mấy tuần, cô đã khôi phục lại được uy tín của cửa hàng chúng tôi; ngoài tác phong kiên quyết nhưng thân tình trong quản lý kinh doanh mà Matzerath sẵn sàng quy thuận, cô còn tỏ ra hoàn toàn thông cảm với tình thế của tôi.

Ngay cả trước khi Maria vào vị trí của mình sau quầy hàng, cô đã mấy lần đưa tôi một cái chậu giặt cũ để thay thế cái mớ đồng nát mà tôi dùng để tấu bản tự kiểm thảo trong khi lên lên xuống xuống hơn trăm bậc cầu thang nhà chúng tôi. Nhưng Oskar không muốn đồ thế phẩm. Nó kiên định từ chối không chịu gõ trên đáy một cái chậu giặt. Nhưng ngay sau khi có được một chỗ đứng chắc chân ở cửa hàng, cô liền thuyết phục được Matzerath chiều theo nguyện vọng của tôi. Thực tình Oskar chẳng muốn vào một cửa hàng đồ chơi cùng với cô. Nội thất của những cửa hàng đó, đầy những mặt hàng đủ màu sắc, chắc chắn gợi cho nó những so sánh đau đớn với cửa hàng bị tàn phá của Sigismund Markus. Maria quả là hiện thân của ân cần, cô để tôi đứng ngoài trong khi một mình cô lo chuyện mua bán; cứ bốn hay năm tuần, tùy theo nhu cầu của tôi, cô lại mang cho tôi một cái trống mới. Và trong những năm cuối của chiến tranh, khi mà cả đến trống cho trẻ con chơi cũng trở nên khan hiếm và bán theo phiếu cung cấp, cô phải dùng đến cách đổi chác - biếu người bán hàng một lạng cà phê nguyên chất hay đường và, đổi lại, nhận cái trống của tôi đưa lén dưới quầy. Tất cả những cái đó, cô làm không hề thở dài, không lắc đầu cũng không ngửa mặt lên trời, mà nghiêm túc và chăm chú, đồng thời cũng tự nhiên như khi mặc quần mới giặt, đi tất mới mạng tươm tất cho tôi vậy. Mặc dù trong những năm tiếp theo, quan hệ giữa Maria và tôi luôn luôn biến động và cho đến nay vẫn không hoàn toàn ổn định, cái cách cô đưa tôi một cái trống vẫn y nguyên không thay đổi, tuy giá cao hơn rất nhiều so với năm 1940.

Hiện giờ, Maria mua năm một tờ tạp chí thời trang. Từ lần đến thăm trước đến lần tiếp theo, nàng đã ăn mặc "mốt" hơn rồi. Nhưng dạo ấy thì

Maria có đẹp không? Mặt nàng tròn, sạch bong và cái nhìn trong đôi mắt xám hơi lồi với rèm mi ngắn nhưng dày và cặp lông mày đen rậm giao nhau phía trên mũi, không lạnh mà dịu mát. Đôi gò má cao, mà vào những kỳ rét đậm, da thường bị căng đỏ và nẻ, đem lại cho cấu trúc mặt phẳng của mặt một sự cân bằng không hề bị phá vỡ bởi cái mũi bé xíu nhưng không hề xấu hoặc buồn cười - nhỏ nhưng khéo nặn, có thể nói về cái mũi ấy như thế. Vầng trán nhỏ và tròn, sớm hằn những nếp nhăn dọc đầy ưu tư phía trên cuống mũi. Vồng lên từ hai bên thái dương, mái tóc nâu hơi quăn, anh ánh như thân cây ướt, ôm thật khít cái đầu tròn nhỏ hầu như không lộ chỏm, chẳng khác gì đầu Mamăng Truczinski. Hồi Maria mới bắt đầu mặc chiếc "blu" trắng và đứng vào chỗ của mình sau quầy hàng nhà chúng tôi, nàng còn tết tóc vắt đằng sau đôi tai hồng hào, khỏe mạnh; tiếc thay dái tai không thõng rời mà dính thẳng vào lớp thịt của hàm dưới, tuy không hằn nếp nhăn xấu nhưng dấu hiệu thoái hóa đủ rõ để khiến người ta có thể suy đoán về tính cách của Maria, về sau, Matzerath thuyết phục nàng làm tóc gợn sóng lâu bền để che hai tai. Bây giờ, dưới mái tóc xoăn cắt ngắn hợp thời trang, Maria chỉ để lộ dái tai, nhưng giấu cái khuyết tật làm bợn sắc đẹp của mình bằng đôi kẹp lớn không lấy gì làm sang nhã lắm.

Cũng như cái đầu nhỏ của nàng phô đôi má đầy đặn, đôi lưỡng quyền cao, đôi mắt to hai bên cái mũi bé xíu, thân thể nhỏ nhắn của Maria, theo cách của nó, phô đôi vai tương đối rộng, cặp vú đầy vồng lên từ nách và một cỗ xương chậu rộng tương xứng với cặp mông trên đôi chân chắc khỏe nhưng thanh mảnh đến nỗi ta có thể nhìn xuyên giữa chúng dưới nạm âm mao.

Có thể là hồi đó chân Maria hơi vòng kiềng. Hơn nữa, tôi cảm thấy là, tương phản với thân hình mãn khai của đàn bà, hai bàn tay nhỏ bé đỏ hồng của nàng lại như tay trẻ con với những ngón khiến tôi nhớ đến những thỏi xúc xích. Cho đến giờ, hai bàn tay ấy vẫn có một cái gì trẻ con. Nhưng đôi chân nàng (hồi ấy đi giày bộ hành to gộc và ít lâu sau, thừa hưởng đôi giày cao gng trọng nhưng lỗi mốt của mẹ tôi, chẳng mấy hợp với nàng) thì đã dần dần mất đi cái sắc đo đỏ ngồ ngộ rất trẻ thơ khi chúng xỏ đại vào những đôi giày cũ không vừa, và dần dần thích ứng với những mốt giày hiện đại của Tây Đức và thậm chí của Ý nữa.

Maria ít nói nhưng thích hát trong khi rửa bát đĩa hoặc đóng đường vào các túi một ‘pao’ hay nửa ‘pao’. Khi cửa hàng đóng và Matzerath bận làm sổ sách kế toán hay vào những hôm Chủ nhật khi nàng ngồi nghỉ, Marria thường chơi chiếc ácmônica mà người anh trai Fritz đã cho nàng khi anh bị gọi quân dịch và đưa đi Gross-Boschpol.

Maria chơi đủ mọi thứ trên chiếc ácmônica: những bài hát hướng đạo mà nàng học được trong những cuộc họp Liên đoàn Thiếu nữ Đức, những giai điệu trong các vở ôpêrét và những bài nổi tiếng mà nàng nghe trên đài hoặc học ở Fritz khi anh có công vụ về Danzig mấy hôm vào dịp lễ Phục sinh năm 1940. Oskar còn nhớ nàng chơi bài Giặt Mưa với những cú đánh lưỡi và cả bài Gió Thì Thầm Với Tôi Một Bài Ca mà không hề bắt chước Zarah Leander trứ danh. Nhưng Maria không bao giờ rút chiếc "Hohner" ra trong giờ làm việc. Ngay cả khi không có khách, nàng cũng gác âm nhạc sang một bên mà cặm cụi viết những nhãn giá và bảng kê các mặt hàng bằng nét chữ tròn trặn như của trẻ con.

Mặc dù ai cũng thấy rõ ràng chính nàng là người điều hành cửa hàng và đã kéo lại được một số khách hàng bỏ chạy sang các cửa hàng cạnh tranh với chúng tôi sau khi mẹ tội nghiệp của tôi mất, thái độ của nàng đối với Matzerath bao giờ cũng lễ độ đến mức quỵ lụy, nhưng điều đó không hề làm Matzerath lúng túng bởi ông không bao giờ thiếu tin tưởng ở giá trị của mình.

"Nói cho cùng," ông lập luận khi Greff-Rau-Quả và Gretchen định chọc ông, "thì chính tôi đã thuê con bé và đào tạo nó chứ ai vào đây." Quá trình tư duy của con người này đơn giản như thế đấy, tuy nhiên phải thừa nhận rằng ông trở nên tinh tế hơn, nhạy cảm hơn và, nói tóm lại, chỉ hay hơn khi bắt tay vào công việc ưa thích của ông: nấu ăn. Oskar này phải công nhận rằng khỉ giỏi leo cây: món sườn lợn hun khói ăn với dưa bắp cải, món cật lợn xốt mù-tạc, món thịt rán rắc vụn bánh mì theo kiểu Vienna và nhất là món cá chép nấu kem và củ cải đỏ của ông thì tuyệt vời về đủ mọi phương diện: đẹp mắt, sướng cái lỗ mũi và ngon miệng, ông chẳng thể dậy gì nhiều cho Maria về việc trông nom cửa hàng vì cô gái vốn có khiếu kinh doanh bẩm sinh, còn bản thân Matzerath thì đâu biết gì mấy về việc bán hàng, tuy ông cũng có đôi chút năng khiếu trong việc giao dịch với cánh bán buôn; nhưng quả là ông có dậy Maria nấu, nướng, quay, hầm, ninh; vì mặc dầu nàng đã làm việc cho một gia đình công chức ở Schidlitz, giỏi lắm nàng cũng mới chỉ biết đun nước sôi khi đến với chúng tôi.

Chẳng bao lâu, Matzerath lại có thể tổ chức đời sống y hệt như thời mẹ tội nghiệp của tôi còn sống: ông thống trị trong bếp, không ngừng nâng cao chất lượng món quay từ Chủ nhật này sang Chủ nhật khác, và khoan khoái rửa bát đĩa hàng giờ liền. Ngoài ra, xem như việc tay trái, ông lo chuyện đặt hàng, mua và thanh toán với các nhà bán buôn và Phòng Thương Mại - những công việc ngày càng phức tạp theo đà chiến tranh tiếp diễn - giao dịch thư từ với sở thuế (cũng không kém phần khôn ngoan), trang hoàng tủ kính cửa hàng giàu tưởng tượng và rất có "gu", và thực hiện chu đáo cái gọi là bổn phận đảng viên của mình. Nói chung - trong khi Maria bình thản đứng sau quầy - thì ông rất bận rộn.

Quý vị hẳn thắc mắc: tôi rào trước như vậy nhằm nói gì, tại sao tôi lại tả chi tiết đến thế về gò má, lông mày, dái tai, bàn tay và bàn chân của một cô gái? Tôi hoàn toàn đồng ý với quý vị, tôi cũng chống cái kiểu mô tả ấy. Oskar thừa biết rằng cùng lắm nó chỉ làm méo mó, thậm chí có thể là bóp méo vĩnh viễn, hình ảnh của Maria trong đầu quý vị mà thôi. Vì lý do đó, tôi xin nói thêm một câu duy nhất khả dĩ có thể làm sáng tỏ tất cả: nếu bỏ qua tất cả những nữ y tá vô danh thì Maria là mối tình đầu của Oskar.

Tôi bừng ý thức được điều đó vào một hôm họa hoằn mới xảy ra, tôi lắng nghe tiếng trống của mình. Tôi không khỏi nhận thấy một nốt mới đầy đam mê da diết mà Oskar, bất chấp mọi sự thận trọng giữ gìn, vẫn một mực truyền cho cái trống của mình. Maria cảm nhận tiếng trống ấy theo khía cạnh tốt. Nhưng tôi không mấy hài lòng khi nàng đặt chiếc ácmônica lên môi với một cái nhíu mày khó coi và cảm thấy có nhiệm vụ đệm theo. Tuy nhiên, nhiều lúc, trong khi mạng tất hay đóng đường vào túi, cặp mắt lặng lẽ của nàng dán vào tôi và đôi dùi trống một cách chăm chú và nhiệt thành rồi trước khi trở lại công việc, nàng đưa tay từ từ, và như buồn ngủ, vuốt mái tóc cắt ngắn của tôi.

Oskar bình thường không chịu nổi bất kỳ một đụng chạm nhỏ nào dù là âu yếm, trìu mến nhưng riêng bàn tay của Maria thì nó chấp nhận; và nó trở nên nô lệ cái cử chỉ vuốt ve ấy đến nỗi nhiều khi nó cố ý dạo hàng giờ liền trên trống những tiết tấu khêu gợi cho đến khi, rút cục, bàn tay của Maria đành tuân theo và mang lại sung sướng cho nó.

Thời gian sau, Maria bắt đầu cho tôi đi ngủ. Nàng cởi quần áo cho tôi, tắm cho tôi, mặc đồ ngủ cho tôi, dặn tôi phải đi tè lần cuối trước khi vào giường, đọc với tôi, mặc dầu nàng theo đạo Tin Lành, một lần bài kinh Cha Chúng Ta, ba lần bài Kính Mừng Maria và thi thoảng cả bài Jêxu-vì-Người-con-sống-Jêxu-vì-Người-con-chết, cuối cùng dắt chăn cho tôi với một vẻ mặt thân ái, ru ngủ.

Mặc dù những phút cuối trước khi tắt đèn rất chi là đẹp - dần dà tôi thay thế bài Cha Chúng Ta và bài Jêxu-vì-Người-con-sống bằng những bài ám chỉ âu yếm Chào-Ngôi-Sao-Biển và Maria-ta-yêu-Người - phần chuẩn bị trước khi vào giường vẫn làm tôi bối rối, thậm chí làm tôi mất hết tự chủ, khiến Oskar - xưa nay vẫn tự hào là bao giờ cũng làm chủ được sắc diện mình - bỗng dưng nhiễm cái kiểu đỏ dừ mặt lạy-ông-tôi-ở-bụi-này của các cô gái mắt sao hoặc những chàng trai mắc cỡ. Oskar này phải thú thật là mỗi lần Maria cởi quần áo cho tôi, đặt tôi vào trong chậu tắm, lấy bàn chải, bọt biển và xà phòng cọ đi người tôi lớp bụi của một ngày làm việc với trống, mỗi lần hiểu ra rằng tôi đây, suýt soát mười sáu tuổi, đang đứng tồng ngồng trần như nhộng trước một cô gái chỉ lớn tuổi hơn mình tí chút - gần mười bảy - tôi đều đỏ nhừ cả người hồi lâu.

Nhưng Maria dường như không nhận thấy sự thay đổi màu sắc của da dẻ tôi. Liệu có phải nàng nghĩ rằng bàn chải và bọt biển chà xát đã làm má tôi hồng lên chăng? Hoặc giả Maria, đoan trang và kín đáo, tuy hằng ngày vẫn thấy hừng ánh dương tà trên người tôi, nhưng tế nhị bỏ qua?

Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn bị cơn đỏ mặt bất thần ấy, không sao giấu nổi, có khi kéo dài đến năm phút hoặc lâu hơn. Giống như ông ngoại tôi, tên phóng hỏa Koljaiczek, hễ nghe thấy chữ " diêm" là đỏ mặt tía tai, tôi đây, hễ có ai, dù hoàn toàn không quen biết, nói chuyện trước mặt tôi về những đứa bé, đêm đêm, được tắm rửa, kỳ cọ trước khi đi ngủ, là máu dồn lên mặt tôi. Oskar đứng ngây đó như một người da đỏ. Những người xung quanh cười bảo tôi là kỳ cục nếu không phải là có tật, vì đối với họ thì việc xát xà phòng, tắm rửa cho bọn con nít, lấy khăn tắm kỳ cọ cho chúng vào chỗ kín, thì có nghĩa lý quái gì?

Mặt khác, Maria rất tự nhiên; nàng làm những điều táo bạo nhất trước mặt tôi mà chẳng ngượng ngùng gì hết. Trước khi cọ sàn phòng khách hay phòng ngủ, nàng thường xắn váy lên và cởi bỏ đôi tất dài, quà tặng của Matzerath, vì sợ dây bẩn. Một tối thứ Bảy, sau khi đóng cửa hàng - Matzerath bận việc ở trụ sở Đảng khu phố - Maria trút cả váy, áo, đứng cạnh tôi trong chiếc váy lót thiểu não nhưng sạch, và bắt đầu lấy xăng tẩy mấy vết trên váy và trên chiếc áo bằng lụa nhân tạo của nàng.

Làm sao mà, hễ khi nào Maria cởi bỏ áo, váy ngoài và ngay sau khi mùi xăng tan đi, là người nàng lại tỏa ra một mùi va-ni hồn nhiên, dễ chịu đến ngây ngất? Nàng có xoa một chất chiết xuất nào như thế không? Có thứ nước hoa rẻ tiền nào có kiểu mùi tương tự không? Hay cái mùi ấy là đặc trưng của nàng, tỷ như mùi a-mô-ni-ắc là đặc trưng của bà Kater hay mùi bơ khăn khẳn là đặc trưng của váy bà ngoại tôi? Oskar, vốn thích đi đến tận cùng của sự vật, bèn điều tra đến cùng về mùi va-ni: Maria không xoa va-ni. Đó là mùi của Maria, thế thôi. Phải, đến bây giờ tôi vẫn tin rằng thậm chí nàng không hề biết gì về cái mùi thơm tỏa ra từ người nàng; bởi vì, trong một bữa ăn ngày Chủ nhật, sau món bê quay với khoai tây nghiền và súp lơ sào bơ nâu, khi một cái bánh pút-đinh va-ni rung rinh trên bàn vì tôi đá phải chân bàn, Maria, mặc dù rất thích những loại pút-đinh khác, chỉ ăn tí ti và hiển nhiên là ớn ra mặt, trong khi Oskar cho đến nay vẫn mê cái món đơn giản này, có lẽ là thứ bình thường nhất trong tất cả các loại pút-đinh.

Tháng 7 năm 1940, ít lâu sau khi các thông cáo đặc biệt loan tin về thắng lợi nhanh chóng của chiến dịch tiến công Pháp, mùa tắm ở biển Baltic bắt đầu. Trong khi Fritz, anh trai Maria, giờ là một hạ sĩ, gửi về tấm bưu ảnh đầu tiên từ Paris, Matzerath và Maria quyết định, là Oskar phải đi tắm biển vì không khí biển chắc chắn là tốt cho sức khỏe của nó. Maria sẽ đưa tôi đến bãi tắm Brösen vào giờ nghỉ trưa - cửa hàng đóng cửa từ một giờ đến ba giờ - và nếu nàng phải ở lại ngoài đó đến bốn giờ cũng không sao - Matzerath nói thế - ông cũng thích thi thoảng đứng quầy để ra mắt khách hàng.

Một bộ đồ tắm màu xanh lơ có đính hình mỏ neo được mua cho Oskar. Maria thì đã có sẵn cái áo tắm màu lục thêu đỏ, quà của bà chị Guste nhân dịp nàng chịu lễ lần đầu. Chúng tôi nhét một áo choàng len xù màu trắng từ thời mẹ tôi cùng với mấy thứ hoàn toàn không cần thiết - một cái xô và xẻng xúc cát, mấy cái khuôn nặn cát - vào một cái túi đồ tắm cũng từ thời mẹ tôi. Maria khoác túi, còn tôi mang cái trống của tôi.

Oskar sợ đi xe điện qua nghĩa trang Saspe. Phải chăng nó sợ rằng cơn thèm tắm (thực ra cũng vừa phải thôi) sẽ xẹp đi khi nó trông thấy cái nơi câm lặng nhưng lại rất hùng hồn này? Hồn ma của Jan Bronski sẽ làm gì, Oskar tự hỏi, khi kẻ sát hại mình vận đồ tắm đi xe điện leng keng qua mộ mình

Chiếc xe điện số 9 đỗ lại. Người lái xe báo là đã đến Saspe. Tôi nhìn trân trân qua Maria về phía Brösen, từ đó chiếc xe ngược chiều đang từ từ tiến lại, mỗi lúc một lớn dần lên. Không được nhìn ngang nhìn ngửa! Xét cho cùng thì có cái gì mà nhìn chứ? Những cây thông lùn, những chấn song sắt gỉ, ngổn ngang những bia mộ xiêu vẹo với những dòng chữ mà chỉ có cỏ gai đọc được. Tốt hơn là cứ phóng mắt qua cửa sổ và nhìn lên trời: trên đó, những chiếc Ju-52 kếch xù bay vè vè như chỉ những máy bay ba động cơ hoặc những con nhặng xanh to tướng mới vè vè cách ấy trong một bầu trời tháng Bảy không một gợn mây.

Xe chúng tôi chuyển bánh trong tiếng chuông rung inh ỏi và chiếc xe kia che khuất tầm nhìn của chúng tôi. Lúc vượt qua toa moóc của nó, đầu tôi tự động quay ngoắt và toàn bộ khu nghĩa trang đổ nát ùa vào mắt tôi, cả một phần bức tường phía bắc nữa; cái mảng quét vôi trắng nằm trong bóng tối, nhưng nó vẫn trắng nhức nhối...

Rồi khu nghĩa trang lùi lại sau, chúng tôi tới gần Brösen và một lần nữa tôi nhìn Maria. Nàng mặc một chiếc áo hoa mỏng mùa hè. Quanh cái cổ tròn với nước da anh ánh, nàng đeo một sợi dây chuyền gồm những trái anh đào gỗ bằng nhau chằn chặn, nom như chín mọng. Tôi tưởng tượng hay tôi thực sự ngửi thấy? Maria như mang cái mùi va-ni theo nàng đến biển Baltic. Oskar hơi cúi về đằng trước, hít thật sâu cái mùi ấy và lập tức chế ngự được mùi thây ma Jan Bronski. Cuộc phòng thủ Sở Bưu Chính Ba Lan đã lùi vào lịch sử ngay cả trước khi thịt da của những người phòng thủ rã khỏi xương. Oskar, kẻ sống sót, giờ có trong lỗ mũi những mùi khác hẳn mùi của người cha-khả-thể của nó, xưa hào hoa phong nhã là thế mà nay đã thành cát bụi.

Đến Brösen, Maria mua một "pao" anh đào, nắm tay tôi - nàng biết chỉ mình nàng mới được phép làm thế - và dắt tôi qua những rừng thông đến nhà quản lý bãi tắm. Mặc dầu tôi đã gần mười sáu tuổi - người phụ trách đâu có thấy thấy điều đó - tôi vẫn phép vào khu nữ. Nước: 18; không khí: 80; gió: đông; dự báo: trời đẹp - một tấm bảng đen ghi vậy. Cạnh đó là một tấm áp-phích giới thiệu phương pháp hô hấp nhân tạo: các nạn nhân mặc đồ tắm kẻ xọc, những người cứu nạn có ria mép, những chiếc mũ rơm lềnh bềnh trên làn nước hung dữ, phản trắc.

Cô phục vụ chân đi đất tiến tới. Như một kẻ sám hối, cô ta buộc quanh mình một sợi thừng đeo lủng lẳng chiếc chìa khóa to tướng mở tất cả các cửa ca-bin. Những ván gỗ bắc cầu. Tay vịn. Dọc theo các ca-bin, một tấm thảm dài bằng xơ dừa. Chúng tôi được ca-bin số 53. Vách gỗ ca-bin khô, ấm, có màu trắng xanh tự nhiên mà tôi muốn gọi là màu mù. Cạnh cửa sổ là một chiếc gương đã đến nước không tự coi mình ra gì nữa.

Trước hết, Oskar phải cởi quần áo đã. Tôi quay mặt vào vách làm việc đó và mãi sau mới miễn cưỡng để cho Maria giúp. Rồi Maria xoay người tôi lại theo cái cách khỏe khoắn, tự nhiên của nàng, đưa cho tôi bộ đồ tắm mới và, không chút gượng nhẹ, ấn người tôi vào bộ đồ len vừa khít. Tôi vừa cài khuy dây đeo vai xong, nàng đã nhấc tôi lên chiếc ghế băng sát vách sau ca-bin, đặt trống và dùi lên lòng tôi và bắt đầu cởi đồ với những động tác nhanh nhẹn và mạnh mẽ.

Thoạt tiên, tôi dạo trống một chút, đếm những chỗ lõm do mắt gỗ bị khoét đi trên ván sàn. Rồi tôi ngừng trống, ngừng đếm. Tôi không hiểu tại sao Maria, môi chúm lại một cách kỳ cục, lại phải huýt sáo trong khi cởi giày - hai nốt cao, hai nốt thấp - và trong khi tháo tất. Huýt gió như một gã lái xe chở đồ giải khát, nàng cởi chiếc áo váy hoa, huýt gió khi vắt chiếc váy trong lên trên áo váy ngoài, buông rơi cái xú-chiêng, tiếp tục huýt lung tung mà chưa tìm ra được một giai điệu nào nhất định trong khi kéo chiếc quần lót (thực ra là một chiếc quần đùi tập thể dục) xuống đến đầu gối cho nó tụt xuống sàn, bước ra khỏi hai ống quần cuộn tròn lại và đá nó vào một góc.

Maria làm Oskar giật thót khi thấy nạm lông tam giác của nàng. nhiên, qua mẹ tội nghiệp của nó, Oskar biết là đàn bà không trọc lốc ở chỗ đó, nhưng đối với nó, Maria không phải là đàn bà theo cái nghĩa mà mẹ nó đã thể hiện mình là đàn bà đối với Matzerath hoặc Jan Bronski.

Và tôi nhận ra nàng ngay lập tức. Cuồng giận, xấu hổ, bất bình, thất vọng và cái vòi ô-doa của tôi bắt đầu cương lên, nửa đau đau, nửa tức cười, trong cái quần bơi khiến tôi quên cả trống lần dùi vì cái dùi mới vừa phát triển nơi tôi.

Oskar bật dậy và chồm tới Maria. Nàng đón nó bằng nạm lông của mình. Nó vùi mặt vào đấy. Lông mọc tua tủa giữa đôi môi nó. Maria cười và định kéo nó ra. Tôi hít thêm hơi nàng vào trong tôi, hít nữa, cố tìm nguồn gốc của mùi va-ni. Maria vẫn cười. Nàng thậm chí mặc kệ tôi với mùi va-ni của nàng, hình như nàng thấy hay hay vì nàng cứ cười không dứt. Chỉ khi tôi trượt chân làm nàng đau - vì tôi không chịu nhả mớ lông của nàng ra hay có lẽ nó không chịu nhả tôi ra - chỉ khi mùi va-ni làm tôi chảy nước mắt, chỉ khi tôi bắt đầu nếm thấy vị nấm hoặc một thứ gia vị gì hăng hắc, dù sao cũng không phải là va-ni nữa, chỉ khi cái mùi đất mà Maria giấu đằng sau mùi va-ni nhắc tôi nhớ đến mùi đất nơi Jan Bronski đang nằm rữa dần và nhiễm độc tôi bằng cái vị của những gì dễ mục rữa - chỉ đến lúc đó, tôi mới nhả ra.

Oskar truội xuống sàn gỗ màu mù của ca-bin và khi Maria, vẫn cười, bế nó lên, vuốt ve nó và áp chặt nó vào chuỗi dây chuyền anh đào gỗ, thứ trang phục duy nhất còn trên người nàng, Oskar vẫn còn khóc.

Nàng lắc đầu, gỡ những sợi lông còn dính ở môi tôi và nói bằng một giọng ngạc nhiên: "Cậu thật cà chớn! Cậu khơi chuyện ra, cậu chẳng biết cái gì ra cái gì rồi bây giờ cậu lại khóc."

BỘT SỦI

Cái đó có nghĩa gì với quý vị không? Dạo xưa, người ta có thể mua nó vào bất cứ lúc nào trong năm, đóng trong những gói nhỏ bèn bẹt. Ở cửa hàng chúng tôi, mẹ tôi bán "Bột sủi Waldmeister[46]" trong một loại gói màu xanh nom phát ớn. Một loại gói khác có màu cam-chưa-chín-hẳn gọi là "Bột sủi vị cam." Cũng có loại vị phúc bồn tử và một loại nữa đổ nước mát vào là kêu xèo xèo, sủi bọt, xáo lộn và uống vào trước khi lắng xuống thì phảng phất vị chanh và trong cốc, màu chanh còn rõ hơn: một màu vàng nhân tạo, có vẻ độc hại.

Ngoài vị ra, còn có gì khác được ghi trên bao bì? Sản phẩm tự nhiên. Nhãn hiệu trình tòa. Bảo đảm chống ẩm. Và dưới một đường chấm chấm: Xé ở đây.

Còn có thể mua bột sủi ở nơi nào khác? Không chỉ ở cửa hàng mẹ tôi, mà ở tất cả các cửa hàng tạp hóa, trừ cửa hàng của Kaiser và các hợp tác xã. Ở các cửa hàng và tất cả các quầy giải khát, mỗi gói giá ba xu.

Maria và tôi được uống không mất tiền. Chỉ khi nào không đợi được đến lúc về nhà, chúng tôi mới buộc phải ghé vào một hiệu tạp hóa hoặc một quầy giải khát, trả ba xu hoặc thậm chí sáu xu vì hai đứa uống chung không đã, thường phải gọi hai gói.

Ai đã đầu têu chuyện bột sủi? Cái thói cãi lộn muôn thuở giữa những cặp tình nhân. Tôi bảo tại Maria. Maria thì không bao giờ đổ tại Oskar. Nàng để ngỏ câu hỏi và, nếu bị hỏi dồn, nhiều lắm nàng cũng chỉ nói: "Bột sủi đã gây nên chuyệ

Tất nhiên, mọi người đều đồng ý với Maria. Chỉ riêng Oskar là không thể chấp nhận phán quyết ấy. Không bao giờ tôi chịu thừa nhận rằng Oskar lại bị quyến rũ bởi một gói bột sủi nhỏ nhoi giá có ba xu bọ. Tôi đã mười sáu tuổi, tôi thà buộc tội chính mình hoặc Maria, nếu cần, chứ nhất quyết không đổ cho một thứ bột đòi hỏi được bảo vệ để chống ẩm.

Chuyện bắt đầu sau sinh nhật tôi mấy ngày. Theo lịch thì mùa tắm biển sắp kết thúc. Nhưng thời tiết thì lại không buồn để ý gì đến tháng Chín. Sau một tháng tám mưa rền, mùa hè cần chứng tỏ nhiệt huyết và ta có thể đọc những thành tích muộn màng của nó trên tấm bảng đen bên cạnh tờ áp-phích hô hấp nhân tạo: không khí: 84; nước: 20; gió: tây nam; dự báo: nói chung trời đẹp.

Trong khi Fritz Truczinski, một hạ sĩ trong không đoàn, gửi những bưu ảnh từ Paris, Copenhagen, Oslo và Brussels - anh luôn phải đi xa làm công vụ - thì Maria và tôi đã có được một nước da rám nắng. Đến tháng Bảy, chúng tôi chiếm được một chỗ ở bãi biển gia đình. Nhưng ở đây, Maria bị sự quậy phá của đám thanh niên từ Conradinum và sự tỏ tình không dứt của một sinh viên trường Petri; giữa tháng tám, chúng tôi chuyển về bãi biển dành cho nữ, ở đó chúng tôi kiếm được một chỗ yên tĩnh gần bờ nước. Những bà béo tròn hào hển, phì phò, nhúng đôi chân bị chứng giãn tĩnh mạch xuống ngập đầu gối và những thằng nhóc trần truồng khai chiến với định mệnh, có nghĩa chúng đắp cát thành những lâu đài thô sơ cứ đổ ụp suốt.

Bãi tắm nữ: khi những phụ nữ có một mình và tưởng không bị ai nhòm ngó, thì một thanh niên - và Oskar ý thức rõ rằng dưới vẻ bề ngoài, nó là một thanh niên - tốt nhất là nên nhắm mắt lại chứ đừng nên là nhân chứng, dù là vô tình, của chất nữ không che đậy.

Chúng tôi nằm trên cát, Maria trong bộ đồ tắm màu xanh láền đỏ, tôi trong bộ đồ xanh lơ. Cát ngủ, biển ngủ, những vỏ ốc, sò... đã bải hoải và không thiết nghe. Hổ phách, được cho là có đặc tính làm cho tỉnh ngủ, thì ở nơi khác; gió, mà bản tin báo là thổi từ hướng tây nam, cũng dần dần buồn ngủ; cả bầu trời mênh mông, chắc chắn đã làm việc quá sức, giờ chỉ ngáp hoài. Maria và tôi cũng hơi mệt. Chúng tôi đã tắm và sau (chứ không phải trước) khi tắm, đã ăn. Những trái anh đào của chúng tôi, giờ chỉ còn là những hột ướt, nằm trên cát bên cạnh những hột anh đào đã trắng trợt ra từ năm ngoái.

Nhìn thấy bao cảnh phù du như vậy, Oskar bèn xoay ra bốc từng nắm cát lẫn với những hột anh đào tươi mới và những hột khác đã một tuổi hoặc nghìn tuổi và cho chảy xuống cái trống; như vậy nó hiện thân cho cái đồng hồ cát và đồng thời cố hình dung mình trong vai thần chết chơi với những lóng xương. Dưới lớp da thịt âm ấm và buồn ngủ của Maria, tôi tưởng tượng ra các bộ phận của bộ xương chắc là tỉnh như sáo của nàng; tôi khoái nhìn giữa xương quay và xương trụ, chơi trò đếm dọc xương sống nàng hết lên lại xuống, xuyên qua hố xương chậu và nghịch xương mỏ ác của nàng.

Tôi đang khoái đóng vai thần chết với cái đồng hồ cát và bộ xương của tôi thì Maria cựa quậy, vẫn nhắm mắt, tin tưởng hoàn toàn vào những ngón tay của mình, nàng với tay vào trong túi đồ tắm, tìm cái gì đó, trong khi tôi trút nốt chỗ cát và hột anh đào còn lại xuống cái trống lúc này đã bị vùi đến nửa phần. Một lát sau, khi không thấy vật nàng định tìm, có lẽ là chiếc ácmônica, Maria lộn cái túi ra và một cái gì nằm ềnh trên tấm khăn trải trên bãi biển. Nhưng đó không phải là một chiếc ácmônica mà là một gói bột sủi Waldmeister.

Maria làm ra vẻ ngạc nhiên. Hay có khi nàng ngạc nhiên thật. Còn tôi thì ngạc nhiên thật: tôi cứ tự hỏi hoài (đến bây giờ vẫn thế): làm sao cái túi bột sủi này, cái đồ rẻ thối này mà chỉ có con cái đám công nhân cảng và bọn thất nghiệp mới sài vì không có tiền mua nước ngọt thứ thiệt, làm sao cái của không bán được cho ai này lại lọt và trong túi đồ tắm của chúng tôi?

Trong khi Oskar băn khoăn suy nghĩ thì Maria nổi cơn khát. Và dứt khỏi dòng suy tư, cả tôi nữa, trái với ý muốn của mình, tôi cũng phải thú nhận là mình khát không chịu nổi. Chúng tôi không có cốc tách gì cả, và từ đây đến chỗ vòi nước uống, phải mất ba mươi lăm bước nếu Maria đi và năm mươi bước nếu tôi đi. Muốn mượn nhân viên phục vụ một cái cốc và dùng cái vòi nước cạnh nhà quản lý bãi tắm, phải đi qua bãi cát nóng bỏng chân giữa những núi thịt bóng nhãy dầu tắm nắng Nives, người nằm ngửa kẻ nằm sấp.

Cả hai chúng tôi đều ngại đi nên cứ để gói bột sủi nằm trên khăn trải. Cuối cùng, tôi nhặt nó lên trước khi Maria tỏ dấu hiệu gì muốn nhặt nó lên. Nhưng Oskar đặt nó trở lại trên khăn trải để Maria có thể với tay ra lấy. Maria không với tay ra. Thế là tôi với tay ra và đưa nó cho Maria. Maria trả nó lại cho Oskar. Tôi cảm ơn nàng và tặng nó cho nàng. Nhưng nàng không muốn quà tặng của Oskar. Tôi lại phải để nó trở lại trên tấm khăn. Nó nằm đó hồi lâu không động cựa.

Oskar muốn nêu rõ rằng chính Maria, sau một hồi ngưng nghỉ ngột ngạt, đã lại nhặt cái gói lên. Nhưng không phải chỉ có thế; nàng còn xé luôn một vạt theo đường chấm chấm, đúng ở chỗ có ghi: Xé ở Đây. Rồi nàng giơ cái gói đã mở ra - cho tôi. Lần này, Oskar cảm ơn và từ chối. Maria tỏ vẻ phật ý. Nàng kiên quyết để cái gói đã mở xuống khăn trải. Tôi còn biết làm gì ngoài việc nhặt cái gói lên trước khi cát tràn vào trong, và đưa cho Maria.

Oskar muốn nói rõ rằng chính Maria đã đút cả một ngón tay vào miệng gói rồi lại rút ra và dựng thẳng lên xem xét: có thể thấy một cái gì trăng trắng xanh xanh - bột sủi - ở đầu ngón tay. Nàng chìa ngón tay cho tôi. Dĩ nhiên là tôi nhận. Mặc dù nó làm mũi tôi nhột nhột, tôi vẫn làm vẻ mặt thích thú. Chính Maria đã ngửa ra một bàn tay khum khum. Oskar khó lòng không đổ một chút bột sủi vào cái bát da hồng hồng ấy. Nàng không biết phải làm gì với dúm bột. Cái đống ấy trong bàn tay khum lại như cái chén của nàng là một cái gì quá mới, quá lạ lẫm.. Tới đây, tôi ngả người về đằng trước, huy động tất cả trữ lượng nước bọt và nhổ vào đống bột. Tôi lặp đi lặp lại thao tác đó và chỉ ngả người về đằng sau khi đã cạn nước bọt.

Trong bàn tay Maria, bắt đầu sèo sèo và sủi bọt. Chất waldmeister nổ như hỏa diệm sơn, sôi như cơn cuồng nộ xanh của một dân tộc ngoại lai nào đó. Một cái gì đang diễn ra mà Maria chưa từng nhìn thấy và có lẽ chưa từng cảm thấy, vì tay nàng rung lên, run bần bật, và định bay đi vì chất waldmeister đang cắn nàng, waldmeister thấm vào da nàng, waldmeister kích thích nàng, đem lại cho nàng một cảm giác, một cảm giác nó, một cảm giác mà...

Màu xanh xanh đậm hơn, còn Maria thì lại đỏ dừ, nàng đưa tay lên ngang miệng và thè một cái lưỡi dài liếm lòng bàn tay mình. Nàng làm nhiều lần như thế, một cách cuồng khấu đến nỗi Oskar gần như ngờ rằng, chẳng những không làm dịu cái cảm giác mà chất Waldmeister khuấy lên trong nàng, lưỡi nàng còn đẩy nó lên đến giới hạn quy định cho mọi cảm giác, thậm chí còn vượt qua cả giới hạn đó nữa.

Rồi cái cảm giác ấy lụi đi. Maria cười khanh khách, nhìn quanh để chắc chắn là không có ai chứng kiến cảnh vừa rồi, và khi thấy đám bò cái biển hổn hển trong những bộ đồ tắm vẫn nằm bất động, dửng dưng, nàng bèn nằm xuống tấm khăn trải. Trên nền trắng ấy, sắc đỏ ở nàng tiêu tan dần.

Có lẽ không khí ven biển trưa nay lại làm cho Oskar buồn ngủ và nó đã suýt thiếp đi nếu, mấy phút sau, Maria không ngồi dậy và một lần nữa với tay ra lấy cái gói vẫn còn đầy tới nửa. Tôi không biết có phải nàng đấu tranh với bản thân hay không trước khi đổ chỗ bột còn lại vào lòng bàn tay giờ đây đã không còn lạ gì tác động của waldmeister. Trong khoảng thời gian đủ cho một người lau mục kỉnh, nàng cầm cái gói bên tay trái và giơ bàn tay phải khum lại như cái bát lên ngang tầm, bất động và đối lập. Nàng không nhìn hẳn về phía cái gói h cái tay-bát, hoặc đưa mắt qua lại giữa đầy-một-nửa và trống-không. Không, Maria nhìn thẳng, giữa gói và tay, với một cái cau mày nghiêm nghị. Nhưng rồi chẳng mấy chốc, sự nghiêm nghị của nàng tỏ ra yếu hơn cái gói còn đầy một nửa. Cái gói sáp lại gần bàn tay khum, bàn tay tiến đến gặp cái gói, mắt nhìn mất vẻ nghiêm nghị chớm buồn, trở nên tò mò, rồi hau háu thật sự. Cố hết sức làm ra vẻ dửng dưng, nàng dốc chỗ bột sủi waldmeister còn lại vào lòng bàn tay đầy đặn, khô ráo bất chấp trời nóng bức. Rồi vứt luôn cả vẻ dửng dưng cùng với cái túi rỗng, nàng lấy bàn tay giờ trống không đỡ lấy bàn tay đầy, dán đôi mắt xám vào mớ bột một lúc, rồi nhìn tôi, gửi đến tôi một cái nhìn xám, đôi mắt xạm của nàng đang yêu cầu tôi một điều gì. Nàng cần nước bọt của tôi, tại sao nàng không dùng nước bọt của mình, Oskar chả còn mấy tí, chắc chắn nàng có nhiều hơn, nước bọt đâu có thể hồi hoàn đầy lại nhanh như thế được, nàng nên dùng nước bọt của mình, cũng tốt như thế, có khi còn tốt hơn, dù sao đi nữa chắc chắn nàng còn nhiều hơn tôi, bởi vì tôi không thể chế nước bọt nhanh thế được và cũng bởi vì nàng to hơn Oskar.

Maria cần nước bọt của tôi. Ngay từ đầu, đã rành rành là chỉ có nước bọt của tôi là đáng kể. Nàng không rời mắt khỏi tôi, đôi mắt đăm đăm đòi hỏi. Và tôi gán nguyên nhân sự ngoan cố độc ác ấy cho những cái dái tai đáng lẽ thõng xuống tự do thì lại dính thẳng vào hàm dưới. Oskar nuốt đánh ực; nó nghĩ đến những thứ mà bình thường vẫn làm nó nhỏ nước miếng, nhưng - hay là tại không khí biển, không khí muối, không khí biển mặn - các hạch nước bọt vẫn đình công. Bị đôi mắt của Maria đốc thúc, tôi đứng dậy và bắt đầu đi. Lao dịch của tôi là đi hơn năm mươi bước qua cát bỏng, không nhìn ngang nhìn ngửa, leo những bậc còn nóng bỏng hơn lên đến nhà quản lý bãi tắm, vặn vòi nước, ngoẹo đầu ghé miệng vào đó mà uống, mà xúc miệng, mà nuốt để cho Oskar có thể được nạp đầy lại.

Khi tôi đã hoàn tất cuộc hành trình bất tận với những ảnh dễ sợ hai bên đường từ nhà quản lý bãi tắmấm khăn trải màu trắng của chúng tôi, tôi thấy Maria nằm sấp, đầu rúc vào cánh tay. Những bím tóc trễ nải vắt trên cái lưng tròn của nàng.

Tôi chọc chọc nàng vì Oskar đã có nước bọt. Maria không động đậy. Tôi lại chọc. Không ăn thua. Tôi khẽ khàng mở bàn tay trái của nàng ra. Nàng không cưỡng lại: bàn tay trống không như thể chưa bao giờ biết đến chất waldmeister vậy. Tôi uốn thẳng lại những ngón của bàn tay phải: lòng bàn tay hồng hồng, ấm nóng và trống trơn.

Phải chăng Maria đã dùng nước bọt của chính mình? Phải chăng nàng đã không thể chờ? Hay nàng đã phủi chỗ bột sủi ấy đi, bóp nghẹt cái cảm giác nọ trước khi cảm thấy nó? Phải chăng nàng đã chùi sạch tay vào khăn trải cho bàn tay quen thuộc của Maria xuất hiện trở lại?

Một lát sau, chúng tôi trở về nhà. Và Oskar sẽ không bao giờ biết là Maria có làm cho bột sủi sủi lần thứ hai trong cùng ngày hôm ấy hay phải đến mấy hôm sau, việc trộn bột sủi với nước bọt của tôi, qua lặp đi lặp lại, mới trở thành một thói xấu của nàng và của tôi.

Tình cờ - hay nếu quý vị muốn, do một sự tình cờ phù hợp với mong muốn của chúng tôi - vào bữa tối của cái ngày tắm biển vừa được mô tả - thực đơn: xúp dâu xanh, bánh kếp khoai - Matzerath thông báo chi tiết cho Maria và tôi biết rằng ông đã gia nhập một câu lạc bộ xì-cạt gồm toàn tổ trưởng của phân bộ Đảng địa phương; rằng mỗi tuần, câu lạc bộ này sẽ họp mặt hai tối ở tiệm ăn của Springer, rằng Sellke, sếp mới của phân bộ, thỉnh thoảng cũng sẽ dự, và chỉ riêng điều đó đã khiến ông bắt buộc phải có mặt, có nghĩa là phải để chúng tôi ở nhà một mình. Theo ông, cách thu xếp tốt nhất là để Oskar ngủ ở nhà Mamăng Truczinski vào những đêm xì-cạt.

Mamăng Truczinski tán thành ngay, nhất là vì giải pháp này hợp ý bà hơn nhiều so với đề nghị mà Matzerath đã đưa ra với bà hôm qua mà không hềi ý kiến Maria, cụ thể là: mỗi tuần hai đêm, Maria sẽ ngủ trên đi văng phòng khách nhà chúng tôi, thay vì Oskar qua đêm bên nhà Mamăng Truczinski.

Cho đến bấy giờ, Maria vẫn ngủ trên cái giường rộng, nơi trước kia anh bạn Herbert của tôi vẫn ngả tấm lưng đầy sẹo của mình. Cái đồ gỗ nặng ngoại cỡ này chấn giữ căn phòng nhỏ phía trong cùng. Giường của Mamăng Truczinski kê ngay trong phòng khách. Guste Truczinski, vẫn hầu bàn ở quầy ăn uống trong Khách sạn Eden, ở luôn tại khách sạn, thi thoảng mới về nhà vào ngày nghỉ nhưng họa hoằn mới qua đêm, và khi nào ngủ lại, đều nằm trên đi văng. Khi nào Fritz Truczinski về phép, mang nặng quà cáp từ những miền xa lạ, anh ngủ ở giường của Herbert, Maria chiếm giường Mamăng và bà già chuyển sang đi văng.

Sự sắp xếp ấy bị đảo lộn bởi những yêu cầu của tôi. Thoạt đầu, người ta định xếp tôi nằm ở đi văng, điều mà tôi bác bỏ thẳng thừng. Thế rồi Mamăng Truczinski đề nghị nhường giường của bà cho tôi. Còn bà thì nằm đi văng. Lần này, đến lượt Maria phản đối, nàng muốn mẹ già ngủ ngon, không bị thao thức vì thiếu tiện nghi. Rất giản dị và thẳng thắn, Maria tuyên bố sẵn sàng chia sẻ với tôi chiếc giường cũ của Herbert. "Con nằm chung giường với Oskar là ổn," nàng nói, "cậu ta chỉ chiếm một phần tám chỗ thôi."

Vậy là bắt đầu từ mấy ngày sau đó, mỗi tuần hai lần, Maria mang chăn, nệm và khăn trải giường của tôi từ căn hộ tầng trệt của chúng tôi lên nhà Truczinski ở tầng hai và chuẩn bị một đêm trọ cho tôi và cái trống của tôi ở phần bên trái giường của nàng. Đêm đầu tiên Matzerath sinh hoạt với câu lạc bộ xì-cạt mới, không có chuyện gì xảy ra cả. Cái giường của Herbert có vẻ to khủng khiếp đối với tôi. Tôi đi nằm trước, Maria vào sau. Nàng đã tắm rửa ở trong bếp và vào phòng ngủ trong một chiếc áo ngủ kiểu cổ hồ gột cứng quèo và dài một cách kỳ cục. Oskar đã chờ đợi thấy nàng khỏa thân và lông lá nên mới đầu cũng thất vọng, nhưng rồi nó mau chóng hài lòng vì cái áo ngả màu gia truyền hóa ra lại là chiếc cầu êm dịu nối mạch cho nó liên tưởng đến bộ đồ trắng của những nữ y tá dạo nào.

Đứng trước bàn trang điểm, Maria vừa tháo gỡ những bím vừa huýt gió. Maria bao giờ cũng huýt gió trong khi mặc hay cởi quần áo, tết hay gỡ tóc. Ngay cả khi chải tóc, nàng vẫn không ngừng chúm môi phát ra hai nốt không bao giờ thành điệu ấy.

Đặt lược xuống một cái là Maria thôi huýt sáo liền. Nàng xoay người, rũ tóc một lần nữa, xếp gọn bàn trang điểm bằng vài động tác mau lẹ. Sự ngăn nắp khiến nàng trở nên nhí nhảnh: nàng gửi một cái hôn tới ông bố rậm ria trong tấm ảnh có sửa thêm lồng khung gỗ mun rồi với một đà hưng phấn thái quá, nhảy tùm vào giường và nhún nhún liền mấy cái. Đến cái nhún cuối cùng, nàng vớ lấy tấm nệm nhồi lông chim và chui tọt vào trái núi ấy, trùm kín đến tận cằm. Tôi nằm dưới tấm nệm của mình và nàng không hề đụng đến tôi; nàng vươn một cánh tay tròn trặn từ dưới tấm nệm lông chim, quờ quờ trên đầu tìm cái dây công tắc điện, sờ thấy nó và giật tắt đèn. Chỉ đến khi tối om, nàng mới nói khá to: "Ngủ ngon nhé!"

Chỉ lát sau, Maria đã thở đều đều. Tôi không nghĩ là nàng giả vờ; việc nàng lăn ra ngủ ngay là hoàn toàn tự nhiên vì khối lượng công việc nàng làm mỗi ngày tất phải đòi hỏi một lượng giấc ngủ tương đương.

Hồi lâu, những hình ảnh hấp dẫn lướt qua trước mắt Oskar khiến nó không ngủ được. Bất chấp bóng tối dày đặc giữa những bức tường và những cửa sổ dán giấy phòng không, các nữ y tá vẫn cúi xuống xem xét tấm lưng đầy sẹo của Herbert; từ chiếc sơ mi trắng nhàu nát của Leo Schugger bay lên một con hải âu (liệu quý vị có thể chờ đợi cái gì khác?), nó bay mãi đến khi đâm sầm vào một bức tường nghĩa trang tan xác và bức tường bỗng có vẻ vừa mới được quét vôi trắng xóa. Cứ như thế, như thế. Mãi đến khi mùi va-ni ru ngủ không ngừng tăng lên làm cho cuốn phim trở nên chập chờn trước mắt nó, Oskar mới bắt đầu thở bình yên như Maria đã làm thế

Ba ngày sau, tôi lại được ngắm vẫn cái cảnh màu mè thiếu-nữ-sửa-soạn-đi-ngủ ấy. Nàng bước vào, vừa gỡ bím tóc vừa huýt sáo, vừa chải đầu vừa huýt sáo, đặt lược xuống và thôi huýt sáo, xếp gọn bàn trang điểm, hôn gửi tấm ảnh, nhảy đại vào giường, vớ lấy tấm nệm lông chim và chợt nhìn thấy - lúc này tôi đang ngắm lưng nàng - nhìn thấy một gói nhỏ - tôi đang chiêm ngưỡng mớ tóc dài yêu kiều - phát hiện thấy một cái gì xanh xanh trên nệm trải giường - tôi nhắm mắt, quyết định chờ đến khi nàng quen mắt với gói bột sủi. Lò-xo giường cót két dưới trọng lượng của một nàng Maria ngật ngửa người xuống giường. Tôi nghe thấy tiếng ’tách’ và khi tôi mở mắt ra vì tiếng đó, Oskar có thể xác nhận được điều mà tôi đã biết trước: Maria đã tắt đèn và đang thở đứt quãng trong bóng tối; nàng chưa thể quen được với việc nhìn thấy bột sủi ở đó. Tuy nhiên, rất có thể là bóng tối do chính nàng thiết lập chỉ làm nổi bật thêm sự tồn tại của bột sủi, khiến chất waldmeister nở rộ và pha trộn bọt xôđa vào với đêm đen.

Tôi gần như tin rằng bóng tối về hùa với tôi. Bởi vì sau mấy phút - nếu như người ta có thể tính phút trong một căn phòng tối đen như mực - tôi nhận thấy những chuyển động ở đầu giường: Maria đang mò tìm sợi dây công-tắc, sợi dây giật và thoắt cái, tôi lại được chiêm ngưỡng một lần nữa mớ tóc dài yêu kiều xõa xuống chiếc áo ngủ ở tư thế ngồi của Maria. Đằng sau cái chao đèn xếp nếp, cái bóng điện mới sáng đều và vàng làm sao! Tấm nệm lông chim vẫn lù lù một đống dưới chân giường. Trên cái đống ấy, gói bột sủi vẫn nằm im không dám động cựa trong đêm tối. Chiếc áo ngủ gia truyền của Maria xột xoạt, một ống tay giơ lên cùng với bàn tay nhỏ trong đó và Oskar tập hợp nước bọt trong miệng.

Trong những tuần tiếp theo, hai chúng tôi rốc cạn hơn một tá gói bột sủi, phần lớn có vị waldmeisster, rồi khi hết waldmeisster, thì vị chanh hoặc phúc bồn tử, vẫn tiến hành theo cách cũ: dùng nước bọt của tôi làm cho nó sủi và đem lại cho một cảm giác mà nàng ngày càng đánh giá cao. Tôi phát huy một kỹ thuật tập hợp nước bọt, nghĩ ra những mẹo làm nước ứa ra nhanh và nhiều trong miệng và chẳng bao lâu đã có thể, mỗi gói ba lần, mang lại cho Maria cái cảm giác mong muốn đó.

Maria hài lòng với Oskar; đôi khi sau cuộc giao hoan với bột sủi, nàng ghì chặt lấy nó và hôn hai ba lần lên bất kỳ chỗ nào trên mặt. Rồi cười khúc khích một lúc trong bóng tối và mau chóng ngủ thiếp đi.

Tôi thì càng ngày càng khó ngủ. Tôi đã mười sáu tuổi, đầu óc năng nổ và đầy ắp một nhu cầu đối nghịch với giấc ngủ là đem lại cho tình yêu của tôi đối với Maria những khả năng khác kỳ thú hơn những khả năng ngủ yên trong bột sủi phải chờ nước bọt của tôi đánh thức mới gây nên một cảm giác không thay đổi, trước sau vẫn thế.

Những suy nghĩ của Oskar không chỉ bó hẹp trong thời gian sau khi tắt đèn. Suốt ngày, tôi ngẫm ngợi đằng sau cái trống, lật giở những trang trích từ cuốn Rasputin, cố nhớ lại những cuộc giao hoan đầy tính chất giáo dục dạo xưa giữa Gretchen Scheffler và mẹ tội nghiệp của tôi, tham khảo Goethe mà tôi có một số trích đoạn từ Những ái lực chọn lọc tương tự như những đoạn trích từ Rasputin; vậy là tôi mượn của tay pháp sư cái xung lực vũ bão, điều hòa nó bằng tình cảm phổ quát đối với tự nhiên của đại thi hào; đôi khi tôi gán cho Maria dáng vẻ của Nữ hoàng Nga hoặc những nét của Nữ quận công Anastasia, chọn lựa các nàng trong đoàn quý tộc lập dị bám theo Rasputin; nhưng rồi mau chóng phát ớn vì thói dâm dục thái quá của họ, tôi hình dung Maria với vẻ trong veo thiên giới của một nàng Ottille hay với niềm đam mê trong trắng biết kiềm chế của một nàng Charlotte. Oskar lần lượt thấy mình là đích thị Rasputin, là kẻ sát hại ông, nhiều lúc lại là một đại úy, hãn hữu hơn là anh chồng hay dao động của Charlotte và một lần - tôi phải thú nhận vậy - là một thiên tài với những nét quen thuộc của Goethe rập rờn trên một nàng Maria thiêm thiếp giấc nồng.

Kểạ, tôi trông chờ những gợi ý từ văn học nhiều hơn là từ đời sống thực, trần trụi. Jan Bronski, mà tôi đã bao lần thấy vần vò da thịt mẹ tôi, hầu như chả dậy tôi được điều gì. Đã đành, tôi biết cái mớ xoắn vào nhau ấy - lúc thì là mẹ và Jan, khi lại là Matzerath và mẹ - cái nút bùng nhùng hết thở dài lại rên, rồi hổn hển vì mệt và cuối cùng rời nhau ra nhầy nhụa ấy, có nghĩa là tình yêu. Tuy nhiên, Oskar không muốn tin rằng cái tình yêu ấy là tình yêu; bản thân tình yêu khiến nó loay hoay đi tìm một thứ tình yêu khác, thế nhưng quanh đi quẩn lại, nó vẫn trở về với cái thứ tình yêu xoắn nút mà nó ghét cay ghét đắng cho tới khi chính nó thực hành cái đó trong tình yêu và buộc phải bênh vực cái đó trước mắt chính mình như là tình yêu duy nhất khả thể.

Maria xài bột sủi trong tư thế nằm ngửa. Bột vừa sủi bọt một cái là hai chân nàng bắt đầu rung lên bần bật, giãy giụa và đôi khi ngay sau đợt khoái cảm đầu tiên, chiếc áo ngủ đã cuốn lên đến tận đùi. Đến lần sủi thứ hai, chiếc áo ngủ thường leo tới quá bụng và cộn lên bên dưới vú. Một đêm, sau nhiều tuần toàn rốc bột vào lòng bàn tay trái nàng, tôi hoàn toàn tự phát – bởi lẽ làm gì có thì giờ để thỉnh vấn Goethe hay Rasputin trước - vâng, một cách hoàn toàn tự phát, tôi đổ nốt chỗ bột phúc bồn tử trong một gói vào hõm rốn Maria rồi nhổ nước bọt lên đó trước khi nàng kịp phản đối. Khi miệng núi lửa bắt đầu sôi, Maria quên tiệt mọi lý lẽ làm cơ sở để phản đối: bởi vì chất lượng sủi ở vùng rốn có nhiều ưu điểm hơn là ở lòng bàn tay. Vẫn là thứ bột sủi ấy, nước bọt vẫn là nước bọt của tôi và quả là khoái cảm vẫn không khác, nhưng mãnh liệt hơn, mãnh liệt hơn nhiều. Khoái cảm lên đến mức độ Maria không chịu nổi. Nàng rướn người về đằng trước như thể muốn thè lưỡi rạp mớ bột phúc bồn tử đang sủi bọt trong rốn như đã từng làm thế với chất waldmeisster trong lòng bàn tay, nhưng lưỡi nàng không đủ dài; rốn nàng ở xa tít, xa hơn cả Châu Phi hoặc Tierra del Fuego (Vùng Đất Lửa). Nhưng tôi thì ở gần kề rốn của Maria; tôi sục lưỡi mình vào đó tìm phúc bồn tử và càng lúc càng thấy nhiều hơn; tôi lang thang xa hơn, đến những nơi không có tay kiểm lâm nào soát nổi giấy hái quả; tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải càn quét cho đến trái phúc bồn tử cuối cùng, trong mắt, trong tai, trong đầu và trong tim tôi không có gì khác ngoài phúc bồn tử, tất cả những gì tôi ngửi thấy trên đời chỉ là phúc bồn tử và tôi săn lùng phúc bồn tử ráo riết đến nỗi Oskar chỉ nhân tiện mà tự nhủ: Maria hài lòng với nhiệt tình hăng say của mình đấy. Chính vì thế mà nàng tắt đèn. Chính vì thế mà nàng buông mình vào giấc ngủ một cách tin cẩn đến thế và cho phép mày tiếp tục hái; vì Maria rất giàu phúc bồn tử.

Và khi tôi không tìm thấy phúc bồn tử nữa, thì như thể do tình cờ, tôi lại tìm thấy nấm ở chỗ khác. Và vì nấm ẩn sâu bên dưới lớp rêu, nên lưỡi tôi đành bỏ cuộc và tôi mọc thêm một ngón tay thứ mười một vì mười ngón tay của tôi tỏ ra không đủ tầm để đạt mục đích. Và như vậy Oskar có thêm một cái dùi trống thứ ba - nó đã đến tuổi thích hợp với chuyện đó. Và thay vì nện trống trên thiếc, dùi tôi gò trên rêu. Tôi không còn biết người đánh trống là tôi hay là Maria nữa, hoặc đó là rêu tôi hay rêu nàng. Phải chăng đám rêu và ngón tay thứ mười một thuộc về một người nào khác và chỉ có nấm là thuộc về tôi? Không biết cái me-xừ dưới hạ bộ có đầu óc và ý chí riêng không nhỉ? Ai đang làm cái chuyện này, Oskar, xừ ấy hay là tôi?

Và Maria, phần trên đang ngủ còn phần dưới thì tỉnh táo tất bật, phần trên ngào ngạt mùi va-ni hồn nhiên ngây thơ còn dưới lớp rêu thì nồng mùi nấm hăng xè, Maria muốn bột sủi chứ đâu phải cái xừ nhỏ con mà tôi cũng chẳng muốn ấy, tự dưng y tuyên bố độc lập, y chỉ làm theo ý thích riêng, y làm những điều tôi chẳng hề dậy y, y đứng dậy khi tôi nằm xuống, y có những giấc mơ khác tôi, y chẳng biết đọc biết viết nhưng lại ký thay tôi, y đi con đường riêng của mình cho đến tận hôm nay, y đoạn tuyệt với tôi ngay cái hôm tôi nhận thấy y lần đầu, y thành kẻ thù của tôi mà tôi vẫn buộc phải liên minh với y hết lần này đến lần khác, y phản bội tôi và bỏ rơi tôi, tôi những muốn bán quách y đi cho rồi, tôi gột rửa y, tôi xấu hổ vì y, y chán ngấy tôi, y bôi nhọ tôi, y chẳng nhìn thấy gì nhưng ngửi thấy tất cả, y xa lạ vớiến mức tôi những muốn gọi y bằng Ngài, y có một trí nhớ khác hẳn với trí nhớ của Oskar vì hôm nay, khi Maria vào phòng tôi và Bruno kín đáo lỉnh ra ngoài hành lang, thì y không nhận ra nàng nữa, y không thể, không muốn nhận ra, y nằm chềnh ềnh phớt Ăng-lê trong khi tim Oskar nhẩy thót lên khiến tôi đâm lắp bắp: "Nghe này, Maria, những gợi ý êm đềm: anh có thể mua một chiếc com-pa và khoanh một vòng tròn quanh chúng ta, anh có thể đo góc nghiêng của cổ em trong khi em đọc, khâu may hoặc như lúc này đây khi em vặn những núm trên cái đài xách tay của anh. Hãy để mặc cái đài đấy, những gợi ý êm đềm. Anh có thể tiêm chủng cho mắt anh và tìm lại được nước mắt. Oskar có thể đến cửa hàng thịt gần nhất, cho trái tim mình vào máy nghiền thịt nếu em bằng lòng làm y như thế với tâm hồn em. Chúng mình có thể mua một con vật nhồi rơm để có cái gì đó yên tĩnh đặt giữa hai đứa. Nếu anh có sâu làm mồi và em có đức kiên nhẫn, chúng mình có thể đi câu và sẽ sung sướng hơn. Hay là quay lại trò bột sủi ngày xưa? Em còn nhớ không? Em gọi anh là waldmeisster, anh sủi liền, em muốn nữa, anh cho em nốt - Maria, bột sủi, những gợi ý êm đềm."

“Tại sao em cứ vặn hoài những cái núm đài ấy, bây giờ em độc chỉ quan tâm đến cái đài, cứ như thể em đâm mê cuồng những thông báo đặc biệt vậy."

NHỮNG THÔNG CÁO ĐẶC BIỆT

Thật khó mà làm thí nghiệm trên mặt đĩa trắng của trống tôi. Lẽ ra tôi phải biết rõ điều đó. Trống của tôi đòi hỏi bao giờ cũng được làm bằng cùng một loại gỗ. Nó muốn đối thoại với dùi trống và trả lời những câu đích đáng hoặc bỏ lửng các câu hỏi/đáp. Cho nên, quý vị thấy đấy, trống tôi không phải là một cái xoong để rán thịt cho giònếp, cũng chẳng phải sàn nhảy cho những cặp thậm chí không biết mình có hợp cạ hay không. Do đó, ngay cả trong những giờ cô đơn nhất, Oskar cũng không bao giờ rắc bột sủi lên mặt trống, trộn với nước bọt của mình để tạo nên cái cảnh tượng đã bao năm không được thấy lại, mà tôi nhớ vô cùng. Quả thật là Oskar không thể không thử làm một thí nghiệm với loại bột nói trên, song nó tiến hành một cách trực tiếp hơn, để trống ngoài cuộc; làm vậy là tôi đánh bài liều vì không có trống, bao giờ tôi cũng thấy bơ vơ, trơ trọi.

Kiếm được bột sủi đâu phải là chuyện dễ. Tôi phái Bruno đi khắp các cửa hàng tạp hóa ở Grafenberg, đi xe điện đến tận Gerresheim. Tôi nhờ anh ta lên thành phố lùng, nhưng ngay cả ở những quầy giải khát ở cuối các tuyến xe điện, Bruno vẫn không tìm ra bột sủi. Các cô gái trẻ bán hàng chưa bao giờ nghe nói đến thứ đó, những chủ hiệu lớn tuổi thì hồi nhớ lại dông dài; khi nghe Bruno mô tả, họ bóp trán tư lự và nói: "Chú muốn cái gì? Bột sủi ư? Cái đó là từ hồi xửa hồi xưa rồi. Người ta bán thứ đó dưới thời Wilhelm và hồi đầu thời Adolph[47]. Đó là những ngày vàng son thủơ trước. Nhưng nếu chú thích một chai xôđa hay Côca thì có ngay."

Vậy là gã y tá quản lý tôi uống mấy chai xôđa hoặc Côca bằng tiền của tôi mà không kiếm ra cái tôi cần. Tuy nhiên, cuối cùng, Oskar cũng có được bột sủi: hôm qua, Bruno mang cho tôi một gói nhỏ màu trắng không có nhãn; một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm của bệnh viện chúng tôi, một cô Klein nào đó, đã thông cảm mở ngăn kéo, lấy các bình, ống, giở sách tham khảo, đóng vài gam chất này, vài gam chất kia và cuối cùng, sau mấy lần thử, đã trộn thành một thứ bột sủi mà, theo lời Bruno, có thể sủi, gây nhột nhột, chuyển thành màu xanh và phảng phất có vị waldmeisster.

Và hôm nay là ngày thăm hỏi. Maria đến. Nhưng người đến đầu tiên là Klepp. Chúng tôi cười với nhau khoảng bốn mươi lăm phút về một cái gì đó đáng quên đi. Tôi phải lựa lời với Klepp đNỏi xúc phạm những tình cảm cách mạng của hắn, tránh không nhắc đến những sự kiện thời sự và không đả động gì đến thông báo đặc biệt về cái chết của Stalin mà tôi đã hay tin qua cái đài xách tay - quà của Maria tặng cách đây mấy tuần. Nhưng hình như Klepp đã biết vì một mảnh băng tang đã được khâu một cách vụng về trên ống tay áo măng-tô nâu kẻ ca-rô của hắn. Rồi Klepp đứng dậy và Vittlar bước vào. Hai bạn hình như lại cãi nhau vì Vittlar chào Klepp bằng một tiếng cười lớn và giơ ngón tay làm sừng trên đầu: "Tin Stalin chết làm mình sửng sốt sáng nay giữa lúc đang cạo mặt," hắn trịnh trọng nói và giúp Klepp xỏ tay áo ngoài.

Với một vẻ thành kính bóng nhẫy trên gương mặt to rộng, Klepp giơ mảnh vải đen trên ống tay áo: "Chính vì thế mà mình để tang đây," hắn thở dài và, bắt chước tiếng t’rompet của Armstrong[48], dạo mấy phách đầu tang khúc của New Orleans Function: pòm-pà-pòm-pí-pom- rồi lách qua cửa chuồn thẳng.

Vittlar ở lại, hắn không chịu ngồi mà cứ tí tởn trước tấm gương và trong mấy phút, chúng tôi trao đổi với nhau những nụ cười thông đồng chẳng dính dáng gì đến Stalin cả.

Tôi cũng không biết là mình định tâm sự với Vittlar hay muốn đuổi hắn đi. Tôi vẫy hắn lại gần, bảo hắn ghé tai và thì thầm vào cái cùi dìa ấy của hắn: "Bột sủi! Cái đó có nghĩa gì với cậu không, Gottfried?" Hốt hoảng, Vittlar nhảy phốc một cái ra cách xa cái giường cũi của tôi; hắn chĩa ngón tay trỏ và cất giọng kép hát quen thuộc mần tuồng: "Bớ Xatăng, mi định lấy bột sủi cám dỗ ta đó sao? Mi không biết ta là một thiên thần ư?"

Và lấy dáng như một thiên thần bay rập rờn, Vittlar tếch, trước khi đi không quên soi lần cuối vào tấm gương bên trên bồn rửa mặt. Cái bọn thanh niên ngoài bệnh viện tâm thần quả là một lũ kỳ dị và điệu đàng.

Thế rồi Maria tới. Nàng mặc một bộ đồ mùa xuân may đo ở tiệm và đội một chiếc mũ sang nhã màu xám da chuột điểm những nét vàng rơm vừa tinh vi vừa kín đáo. Ngay cả khi đã vào phòng tôi, nàng vẫn không bỏ đồ mỹ phẩm ấy ra. Nàng chào tôi một tiếng ngắn gọn, chìa má cho tôi hôn và ngay lập tức, bật cái đài xách tay mà tuy nàng đã tặng cho tôi, nhưng dường như chỉ dành riêng cho nàng sử dụng vì chức năng của cái hộp đáng ghét bằng chất dẻo đó là chiếm một phần cuộc trò chuyện của chúng tôi vào những ngày thăm hỏi. "Anh có nghe tin sáng nay không? Giật gân nhỉ? Hay là anh không nghe?" "Có, Maria," tôi kiên nhẫn đáp. "Họ không giấu tôi cái tin Stalin chết, nhưng thôi tôi xin, hãy tắt hộ cái đài đi."

Maria lẳng lặng làm theo, ngồi xuống, đầu vẫn đội mũ và chúng tôi nói chuyện về bé Kurt như thường lệ.

"Anh thử tưởng tượng coi, Oskar, thằng ranh không chịu đi tất dài nữa, mà bây giờ mới là tháng ba và đài nói là sắp sửa có đợt rét nữa." Tôi không biết tin dự báo thời tiết, nhưng về chuyện đi tất dài thì tôi đứng về phe Kurt. "Thằng bé đã mười hai tuổi rồi, Maria, nó ngượng, sợ đi tất len đến trường, chúng bạn cười."

"Dào, với em, sức khỏe của nó là trên hết, nó phải đi tất cho đến lễ Phục Sinh."

Thời hạn ấy được tuyên bố một cách dứt khoát đến nỗi tôi phải thay đổi chiến thuật: "Vậy thì Maria phải mua quần trượt tuyết cho nó vì những cái tất len ấy quả thật là xấu. Thử nghĩ lại hồi mình bằng tuổi nó mà xem. Trong sân chung cư chúng mình ở phố Labesweg ấy. Cũn Cỡn bao giờ cũng phải đi tất dài cho đến tận lễ Phục Sinh, Maria có nhớ bọn chúng đã làm gì nó không? Nuchi Eyke (nó bị giết ở Crete), Axel Mischke (chết ở Hà Lan ngay trước khi chiến tranh kết thúc) và Harry Schlager, chúng nó đã làm gì Cũn Cỡn? Chúng bôi hắc ín vào những chiếc tất len dài của thằng bé cho nó dính vào da đến nỗi ải đưa Cũn Cỡn đi bệnh viện."

"Đó không phải lỗi tại tất, lỗi tại Susi Kater," Maria giận dữ kêu lên. Mặc dầu Susi đã tham gia đội nữ điện báo viên ngay từ đầu chiến tranh và nghe đồn sau đó đã lấy chồng ở vùng Bavaria, Maria vẫn mang một mối hiềm kéo dài đối với cô hàng xóm hơn mình mấy tuổi, theo cái kiểu giữa đàn bà với nhau, như chỉ đàn bà mới có thể hiềm nhau dai đến thế, từ lúc ấu thơ cho đến tuổi làm bà. Tuy vậy việc tôi nhắc đến những chiếc tất bị phết hắc ín của Shorty cũng có một hiệu quả nào đó. Maria hứa sẽ mua quần trượt tuyết cho Kurt. Chúng tôi có thể tiếp tục trò chuyện theo một hướng khác, ở trường học, Kurt được điểm tốt. Ông hiệu trưởng đã khen nó trong cuộc họp mặt giữa các thày giáo và phụ huynh học sinh. "Anh thử tưởng tượng xem, nó xếp thứ nhì trong lớp. Và nó còn giúp em ở cửa hàng, đắc lực hết chỗ nói.”

Tôi gật đầu tán thưởng và lắng nghe nàng tả những thứ mà cửa hàng đặc sản vừa mới mua. Tôi khuyến khích Maria mở một chi nhánh ở Oberkassel. Thời kỳ này đang thuận lợi, tôi nói, đợt phát đạt sẽ còn tiếp tục - tôi vừa bắt mạch được cái xu thế ấy qua tin tức trên đài. Thế rồi tôi quyết định là đã đến lúc rung chuông gọi Bruno. Gã bước vào và đưa tôi cái gói nhỏ màu trắng đựng bột sủi.

Oskar đã vạch sẵn kế hoạch. Không giải thích dài dòng, tôi yêu cầu Maria đưa tay trái cho tôi. Mới đầu, nàng định đưa tay phải, nhưng rồi sửa lại ngay. Vừa cười vừa lắc đầu, nàng chìa mu bàn tay trái cho tôi, hẳn là chờ đợi tôi hôn lên đó. Nàng không hề tỏ vẻ ngạc nhiên cho đến khi tôi lật ngửa bàn tay đó lên và rốc bột trong gói ra thành một đống nhỏ giữa gò Trăng và gò Vệ Nữ. Nhưng ngay cả đến lúc đó, nàng cũng không phản đối. Nàng chỉ phát hoảng khi Oskar cúi xuống và nhổ như mưa lên đống bột sủi.

"Ủa, cái gì vậy?" nàng bất bình kêu lên, đẩy bàn tay ra thật xa mình và kinh hãi nhìn trân trân vào lớp bọt xanh đang vồMặt Maria đỏ bừng từ trán đỏ xuống. Tôi đã bắt đầu hy vọng thì nàng bỗng bước nhanh ba bước đến bồn rửa mặt. Nàng để cho nước, dòng nước ghê tởm, thoạt đầu lạnh sau rồi nóng, chảy tràn lên chỗ bột sủi. Đoạn, nàng lấy xà phòng của tôi rửa tay.

"Oskar, anh thật không chịu nổi. Anh muốn ông Münsterberg nghĩ gì về chúng mình?" Như để xin bỏ qua cho ứng xử điên rồ của tôi, nàng quay về phía Bruno, gã này trong khi tôi làm thí nghiệm, đã đến chiếm vị trí ở chân giường. Để Maria khỏi phải bối rối thêm, tôi bảo gã y tá ra khỏi phòng và khi gã vừa đóng cửa lại sau lưng, gọi nàng trở lại bên giường. "Em còn nhớ không? Hãy nhớ lại đi, anh xin em. Bột sủi! Ba xu một gói. Hãy nghĩ về ngày xưa. Waldmeister, phúc bồn tử, nó sủi bọt lên đẹp biết bao và cái cảm giác, Maria, cái cảm khoái nó gây cho em."

Maria không nhớ. Bỗng dưng sợ tôi một cách phi lý, nàng giấu bàn tay trái, cuống cuồng tìm đầu đề trò chuyện khác, một lần nữa nói về việc học hành tấn tới của Kurt ở trường, về cái chết của Stalin, về cái tủ lạnh mới ở cửa hàng đặc sản Matzerath, về dự định mở chi nhánh ở Oberkassel. Nhưng tôi thì vẫn trung thành với bột sủi, bột sủi, tôi nói. Nàng đứng dậy, bột sủi, tôi van nài, nàng vội vã nói tạm biệt, vân vê chiếc mũ, phân vân không biết nên đi ngay hay nán lại, và bật đài, và đài bắt đầu léo nhéo. Nhưng tôi quát to hơn tiếng đài: "Bột sủi. Maria, nhớ lại đi!"

Rồi nàng đứng ở cửa ra vào, khóc, lắc đầu và để lại mình tôi với cái đài léo nhéo, lạo xạo, đóng cửa rón rén như thể đang để tôi lại trên giường lâm chung vậy.

Và thế là Maria không còn nhớ bột sủi nữa. Tuy nhiên đối với tôi, chừng nào tôi còn thở được và đánh trống được, cái đó - bột sủi – sẽ không bao giờ thôi sủi và ngầu bọt; vì chính nước bọt của tôi, vào cuối hè 1940, đã khuấy động chất waldmeister và phúc bồn tử, đánh thức những cảm giác, thúc giục xác thịt tôi đi tìm, khiến tôi trở thành kẻ sưu tầm mùi nấm sữa ngai ngái cùng những thứ nấm hương khác tôi chưa từng biết, khiến tôi thành bố, phải, thật vậy, mới tí tuổi đầu mà tôi đã thành bố, bởi vì đến đầu tháng 11 thì không còn nghi ngờ gì nữa, Maria đã mang thai, cái thai trong bụng Maria đã sang tháng thứ hai và tôi, Oskar đây, chính là người bố.

Điều đó, cho đến nay, tôi vẫn tin chắc vì chuyện với Matzerath mãi về sau mới xảy ra; ba tuần, không, mười lăm ngày sau khi tôi làm Maria thụ thai trong khi nàng ngủ trên chiếc giường cũ của người anh cả Herbert lưng đầy sẹo, ngay trước những bưu ảnh do người anh thứ hai hạ sĩ gửi về, phải, mười lăm ngày sau, trong bóng tối, giữa những bức tường và cửa kính dán giấy phòng không, tôi bắt gặp Maria, lần này thì không ngủ mà hổn hển trên đi văng nhà chúng tôi; nàng nằm bên dưới Matzerath và nằm bên trên nàng là Matzerath.

Oskar, sau những phút suy tưởng trên tầng áp mái, đeo trống đi xuống dưới nhà, theo hành lang vào phòng khách. Hai người không nhận thấy tôi đến. Họ quay đầu về phía cái bếp lò gạch tráng men. Thậm chí họ cũng không cởi quần áo cho tử tế nữa. Cái quần đùi của Matzerath tụt đến đầu gối, quần dài thì lù lù một đống trên thảm. Váy ngoài và váy lót của Maria cuốn lên trên xú-chiêng đến tận nách. Quần lót của nàng lòng thòng quanh bàn chân phải lủng liểng nơi đầu cái cẳng chân vặn vẹo một cách tởm lợm bên rìa đi văng. Chân kia của nàng gập lại trên chiếc gối như thể không liên quan. Giữa hai chân nàng là Matzerath. Tay phải ông xoay nghiêng đầu nàng sang một bên, còn tay kia dọn đường cho ông hành sự. Qua những ngón tay doãng ra của Matzerath, Maria nhìn trân trân vào tấm thảm, như đang theo dõi những họa tiết trên đó đến tận dưới gầm bàn. Ông cắn ngập răng vào một cái gối bọc nhung và chỉ nhả ra khi họ nói chuyện. Bởi vì đôi lúc họ cũng nói chuyện mà vẫn không ngừng hành sự. Chỉ khi đồng hồ điểm ba khắc, hai người mới nghỉ cho đến tiếng chuông cuối cùng, và rồi tiếp tục nhiệm vụ, ông nói: "Kém mười lăm." Rồi ông hỏi nàng có thích cách làm của ông không. Nàng nói có mấy lần liền và xin ông hãy cẩn thận. Ông hứa sẽ chú ý. Nàng ra lệnh, không, cầu xin ông hãy đặc biệt cẩn thận. Rồi ông hỏi đã đến lúc chưa. Và nàng nói ừ, sắp rồi. Tiếp đó, chắc là nàng bị chuột rút ở bàn chân thõng ra ngoài đi văng vì thấy nàng đá hất lên nhưng chiếc quần lót vẫn lủng lẳng ở đó. Rồi ông lại cắn vào chiếc gối bọc nhung và nàng kêu lên: rút ra và ông cũng muốn rút nhưng không được vì Oskar đã phốc lên trên hai người trước khi ông kịp rút, vì tôi đã dằn mạnh cái trống lên mông ông và đang vung dùi nện trống, bởi vì tôi hết chịu nổi, không thể tiếp tục nghe họ bảo nhau rút ra rút ra, bởi vì tiếng trống của tôi át tiếng rút ra của họ, bởi vì tôi sẽ không cho phép ông rút như Jan Bronski bao giờ cũng rút khỏi mẹ tôi, vì mẹ bao giờ cũng bảo Jan rút ra và bảo Matzerath rút ra, rút ra, rút ra. Và thế là họ rời nhau ra, để cho tinh trùng rớt xuống bất kỳ chỗ nào, trên một chiếc khăn đặt sẵn ở đó, hoặc nếu không có khăn, thì trên nệm đi văng, có khi trên thảm cũng được. Nhưng tôi thì chẳng chịu nổi phải nhìn cái cảnh tượng đó. Bởi vậy tôi đã không rút ra. Chính vì thế mà tôi mới là bố chứ không phải cái ông Matzerath bao giờ cũng tin đến cùng rằng ông là cha tôi. Nhưng cha tôi là Jan Bronski. Jan Bronski đã đi bước trước Matzerath và đã không rút ra mà trụ lại nơi đang chiếm lĩnh và trao gửi tất cả những gì mình có; tôi đã thừa kế phẩm chất đó từ Jan Bronski: đi bước trước Matzerath và trụ lại; và sản phẩm là con trai tôi chứ đâu phải con trai ông. Ông không bao giờ có con. Ông không phải là một người cha đích thực, cho dù ông có cưới mẹ tội nghiệp của tôi đến mười lần, cho dù ông có cưới Maria vì nàng có mang. Và ông nghĩ chắc chắn mọi người xung quanh nghĩ thế. Cố nhiên, họ nghĩ rằng Matzerath đã xơi tái Maria và vì thế nên mới cưới nàng mặc dù nàng mới mười bảy còn ông đã sang tuổi bốn mươi lăm. Nhưng nàng rất già dặn so với tuổi, còn về phần bé Oskar, nó rất vui thích có được một người mẹ kế như vậy; vì Maria không đối đãi với đứa bé tội nghiệp theo cách một người mẹ ghẻ mà như một bà mẹ đích thực, ngay cả nếu bé Oskar đầu óc có không bình thường và đáng ra, phải đưa vào nhà thương điên ở Silberhammer hay Tapiau.

Theo lời khuyên của Gretchen Scheffler, Matzerath quyết định cưới người tôi yêu. Nếu coi ông bố hờ này là cha tôi, thì tất phải suy ra rằng cha tôi đã cưới người vợ tương lai của tôi, gọi con trairt của tôi là con trai ông và chờ đợi tôi nhận cháu nội ông là em cùng cha khác mẹ, chấp nhận và chịu đựng sự có mặt, với tư cách là mẹ kế, của Maria, người yêu dấu thơm mùi va-ni của tôi, trên cái giường tanh mùi trứng cá của ông. Nhưng nếu, phù hợp hơn với sự thật, tôi nói: ông Matzerath này thậm chí không phải là bố hờ của mày, mà hoàn toàn là người dưng đối với mày, không bõ quý mến cũng chẳng đáng ghét, làm bếp giỏi và với tài nấu nướng đã chăm sóc mày như một người cha cho tới nay bởi vì mẹ tội nghiệp của mày đã để mày lại cho ông ấy; nhưng giờ đây trước mắt mọi người, đã phỗng mất của mày người đàn bà ưu tú nhất, bắt mày phải chứng kiến hôn lễ của ông ta và, năm tháng sau, một lễ rửa tội, biến mày thành khách mời trong hai nghi lễ gia đình mà đáng ra mày phải là chủ, vì đúng ra, mày phải đưa Maria đến phòng giá thú của tòa thị chính, đúng ra, mày mới là người chọn cha và mẹ đỡ đầu cho đứa bé. Nhìn lại sự phân vai nhầm trong vở bi kịch này, tôi đâm ngán cái nghiệp sân khấu, vì nỗi Oskar, nhân vật chính đích thực, lại bị phân cho một vai phụ có bỏ đi cũng chả sao.

Trước khi tôi đặt tên cho con trai tôi là Kurt, trước khi đặt cho nó cái tên mà lẽ ra không bao giờ nên đặt - bởi lẽ tôi có thể cho thằng bé mang tên cụ nội Vincent Bronski của nó - trước khi tôi đành chọn cái tên Kurt, Oskar cảm thấy cần phải kể lại nó đã tự vệ như thế nào trong quá trình Maria mang thai để chống lại sự kiện chờ đợi.

Vào buổi tối của chính cái hôm tôi bắt quả tang hai người trên đi văng, cái hôm tôi ngồi nện trống trên cái lưng đẫm mồ hôi của Matzerath và phá hỏng biện pháp phòng ngừa mà Maria yêu cầu, tôi đã làm một cố gắng tuyệt vọng nhằm giành lại người tôi yêu.

Matzerath hất được tôi xuống khi đã quá muộn. Vì thế, ông bạt tai tôi. Maria bênh vực tôi và té tát mắng Matzerath vì tội cẩu thả. Matzerath tự bào chữa như một ông già. Đó là lỗi tại Maria, ông cãi, lẽ ra nàng nên bằng lòng với một lần thôi, đằng này, nàng lại chưa đã cơ. Maria khóc và nói là với nàng chuyện ấy không phải cho vào rút ra đánh xoẹt một cái là xongếu vậy thì ông kiếm người nào khác còn hơn, phải, nàng thừa nhận rằng nàng thiếu kinh nghiệm nhưng chị gái nàng là Guste làm ở khách sạn Eden thì thông thạo ngọn ngành chị ấy bảo không mau thế đâu, tốt nhất là Maria cứ nên cảnh giác, lắm gã chỉ muốn phóng cái chất nhớt của mình càng sớm càng tốt và có vẻ như Matzerath cũng là một gã kiểu đó, nhưng từ giờ trở đi nàng sẽ không giây với ông ta nữa, nàng cũng phải rung chuông chứ, như lần vừa rồi. Nhưng dù sao, đáng ra ông cũng nên cẩn thận, ông phải dành cho nàng chút trân trọng tối thiểu như vậy chứ. Rồi nàng khóc thêm chút nữa và vẫn ngồi trên đi văng. Và Matzerath trong chiếc quần xà lỏn quát tướng lên rằng ông hết chịu nổi cái kiểu bù lu bù loa của nàng; rồi ông xin lỗi vì đã nổi cáu và lại phạm lỗi lần nữa, có nghĩa là định luồn tay vào dưới váy xoa cái mông trần của nàng và điều đó khiến nàng nổi cơn lôi đình thịnh nộ.

Oskar chưa bao giờ thấy nàng như thế. Những vết đỏ cháy lên khắp mặt nàng và đôi mắt xám mỗi lúc một tối sẫm thêm. Nàng gọi Matzerath là đồ “em chã”, thế là ông vớ lấy quần, xỏ chân vào và cài khuy, ông có thể biến đi đâu thì biến - nàng rít lên hết cỡ giọng - đi mà nhập bọn với các tổ trưởng Đảng của ông, một lũ hoạt tinh, cả bầy đều thế tuốt tuồn tuột. Matzerath cầm chiếc áo vét lên và nắm quả đấm cửa, ông cam đoan với nàng rằng mọi sự sẽ thay đổi, ông ngấy đàn bà đến tận cổ rồi; nếu nàng nóng máy đến thế, tại sao không bẫy lấy một cha nào đó trong đám lao công ngoại quốc, chẳng hạn cái gã người Pháp đi giao bia chắc chắn là thiện nghệ hơn. Còn đối với ông, Matzerath đây, tình yêu có nghĩa là một cái gì cao hơn cái trò con heo ấy, ông đi đánh vài ván xì-cạt đây, ở bàn xì-cạt chí ít người ta cũng biết phải chờ đợi cái gì.

Và thế là còn một mình tôi với Maria trong phòng khách. Nàng đã thôi khóc và đang mặc quần lót vào, vẻ tư lự, miệng vẫn huýt sáo, nhưng rất dè dặt. Hồi lâu nàng vuốt phẳng lại chiếc áo váy đã bị làm nhàu trên đi văng. Rồi nàng mở đài, làm bộ nghe thông báo mực nước trên sông Vistula và sông Nogat. Sau khi báo mực nước ở hạ lưu sông Mottlau, phát thanh viên giới thiệu một đi van-xơ và bài van-xơ lập tức bắt đầu, bấy giờ, đột nhiên nàng lại tụt quần lót ra, vào trong bếp, dằn mạnh một cái chậu xuống và mở vòi nước; tôi nghe thấy tiếng ga xì xì và đoán là Maria quyết định làm một chầu tắm ngồi.

Để xóa đi cái hình ảnh không mấy thú vị ấy, Oskar tập trung chú ý vào bài van-xơ. Nếu tôi nhớ không lầm, thì thậm chí tôi còn dạo trên trống mấy nhịp phách của Strauss và thấy khoái nữa. Thế rồi bài van-xơ bị ngắt quãng để nhường chỗ cho một thông cáo đặc biệt. Oskar dám chắc đó là tin từ Đại Tây Dương và nó đã không lầm. Mấy chiếc tàu ngầm đã đánh chìm được ngoài khơi bờ biên phía tây Ailen bảy-tám tàu trọng tải ngần nấy, ngần nấy tấn. Một nhóm tàu ngầm khác cũng đã cho ngần nấy tấn hải hạm xuống chầu Hải Vương. Một chiếc tàu ngầm dưới quyền chỉ huy của trung uý Schapke -    hoặc có thể là trung uý Kreischmar, dù sao sao đi nữa cũng là một trong hai người, trừ phi đó là một thuyền trưởng tàu ngầm thứ ba không kém trứ danh - đã tỏ ra đặc biệt xuất sắc: không những đạt kỷ lục về trọng tải tàu địch bị đánh chìm, mà còn hạ một khu trục hạm Anh hạng XY nữa.

Trong khi tôi biến tấu trên trống bài "Hạm đội tấn công nước Anh" tiếp nối bản tin và thiếu chút nữa thì chuyển nó sang nhịp van-xơ, Maria trở lại phòng khách, một chiếc khăn xốp vắt trên tay. Nàng nói khe khẽ: "Có nghe thấy không, Oskar, lại một thông cáo đặc biệt nữa. Nếu cứ tiếp tục như thế này thì..."

Không nói cho Oskar biết chuyện gì sẽ xẩy ra nếu cứ tiếp tục như thế này, Maria ngồi xuống cái ghế mà Matzerath thường vắt chiếc áo vét lên. Nàng vặn xoắn chiếc khăn ướt thành dạng cuốn thừng và, hòa với đài, huýt sáo bài Hạm đội tấn công nước Anh khá to và đúng nhịp. Nàng còn láy lại đoạn hợp xướng kết thúc một lần nữa sau khi đài đã ngừng hát và tắt đài ngay khi bài van-xơ bất tử lại nổi lên. Nàng để chiếc khăn cuốn thừng lên bàn, ngồi xuống và đặt đôi bàn tay xinh xắn lên đù

Im lặng trầm sâu bao trùm phòng khách, chỉ có cụ cố đồng hồ quả lắc là nói mỗi lúc một to và Maria dường như đang tự hỏi có nên mở đài lại hay không. Nhưng rồi nàng có một quyết định khác. Nàng áp mặt vào chiếc khăn vặn cuốn thừng để trên bàn, buông thõng hai cánh tay xuống giữa hai đầu gối về phía tấm thảm và lặng lẽ khóc đều đều.

Oskar tự hỏi không biết có phải Maria xấu hổ vì bị tôi bắt gặp trong cái tình huống oái oăm nọ hay không. Tôi quyết định khích lệ cho nàng khuây khỏa. Tôi lẻn ra khỏi phòng khách; trong cửa hàng tối om, bên cạnh mớ giấy sáp và những gói pút-đinh, tôi tìm thấy một gói nhỏ mà khi ra hành lang sáng hơn, tôi nhận ra là một gói bột sủi có vị waldmeisster. Oskar lấy làm hài lòng về sự chọn mò của mình vì lúc bấy giờ tôi cho rằng Maria thích waldmeisster hơn tất cả các vị khác.

Khi tôi trở vào phòng khách, má phải của Maria vẫn áp trên chiếc khăn cuộn xoắn. Hai cánh tay vẫn đu đưa ẽo ợt giữa hai đùi. Từ phía bên trái, Oskar tiến lại gần nàng và thất vọng thấy mắt nàng nhắm lại và ráo hoảnh. Tôi kiên nhẫn chờ đến khi những mí mắt dấp dính của nàng mở ra mới chìa cái gói ra, nhưng nàng không nhận thấy cái nhãn waldmeisster và dường như nhìn xuyên qua cái gói, xuyên qua cả tôi nữa.

Hẳn nước mắt đã làm nhòa mắt nàng, tôi nghĩ vậy, ý muốn biện minh cho nàng; sau một lúc suy tính, tôi quyết định chọn một cách tiếp cận trực tiếp hơn. Oskar bò xuống gầm bàn và ngồi thu lu dưới chân Maria - với những ngón hơi xoay vào trong cầm lấy một trong hai bàn tay buông thõng của nàng, lật ngửa lên, dùng răng mở gói bột, rốc một nửa vào cái hõm bất động và bắt đầu nhổ nước bọt. Đúng lúc bột bắt đầu sủi bọt, một cú đá vào giữa ngực làm Oskar lăn kềnh dưới gầm bàn.

Mặc dù đau điếng, tôi vẫn nhổm dậy ngay và chui ra khỏi gầm bàn. Maria đứng dậy và chúng tôi đối diện nhau, thở hổn hển. Maria v lấy chiếc khăn xốp, lau sạch tay rồi vứt chiếc khăn xuống chân tôi; nàng gọi tôi là đồ lợn ghê tởm, là giống lùn nham hiểm, là tên quỷ lùn điên đáng lý phải tống vào nhà thương điên. Nàng túm lấy tôi, bợp vào sau đầu và rủa mẹ tôi đã cho ra đời một thằng nhãi ranh như tôi. Khi tôi sắp sửa cất tiếng thét, tuyên chiến với tất cả thủy tinh trong phòng khách và trên thế giới, thì nàng nhét cái khăn vào miệng tôi; tôi cắn vào khăn, nó rắn hơn cả thịt bò bạc nhạc.

Chỉ đến khi Oskar đỏ mặt tía tai do dồn máu, nàng mới buông ra. Tôi có thể thét tan tành tất cả các đồ thủy tinh và ô kính cửa sổ trong phòng và tái diễn cuộc công kích thời ấu thơ nhằm vào mặt cụ cố đồng hồ quả lắc. Song tôi không thét, tôi mở cánh cửa tim tôi đón vô một mối uất hận bắt rễ sâu đến nỗi cho tới tận bây giờ, mỗi khi Maria bước vào phòng, tôi vẫn cảm thấy nó giữa hai hàm răng như chiếc khăn xốp ngày nào.

Vốn tính đồng bóng, Maria quên ngay cơn giận dữ của mình. Nàng cười hồn hậu và bằng một cái ngoắt tay, lại mở máy thu thanh. Huýt sáo theo điệu van-xơ trong đài, nàng tiến lại phía tôi, định vuốt tóc tôi làm lành. Chả là tôi vốn thích được nàng vuốt tóc mà.

Oskar để cho nàng lại thật gần. Rồi bằng cả hai nắm tay, đấm móc lên vào đúng cái chỗ nàng đã để cho Matzerath thâm nhập. Nàng nắm lấy hai tay tôi trước khi tôi kịp đánh nữa, thế là tôi bèn cắm ngập răng vào chính cái chỗ đáng nguyền rủa ấy và, vẫn bám thật chặt, gieo mình xuống đi văng cùng với Maria. Tôi nghe thấy đài loan báo một thông cáo đặc biệt nữa, nhưng Oskar chẳng thiết nghe, do đó nó không thể nói cho quý vị biết ai đánh chìm cái gì và bao nhiêu chiếc, vì một cơn nức nở khiến hàm tôi buông lỏng ra và tôi nằm không động cựa trên Maria và nàng khóc vì đau trong khi Oskar khóc vì căm ghét, vì mối tình tuy không chết nhưng đã trở thành một nỗi đơn côi nặng như chì.

ĐEM NỖI ĐƠN CÔI ĐẶT DƯỚI CHÂN BÀ GREFF

Tôi không thích Greff. Greff cũng không thích tôi. Ngay cả về sau, khi Greff làm cho tôi cái máy đánh trống, tôi cũng không thích ông ta. Cả đến bây giờ, khi mà Oskar thực sự không còn đủ kiên cường để duy trì những mối ác cảm dai dẳng, tôi vẫn không ưa gì Greff mặc dù ông ta đã ra khỏi cõi sinh tồn.

Greff là người buôn bán rau quả. Nhưng xin đừng mắc lừa. Giả không tin gì ở khoai tây cũng như bắp cải, song lại rất thạo nghề trồng rau, thích tự coi mình là người làm vườn, bạn của thiên nhiên và ăn chay. Nhưng chính vì Greff không ăn thịt nên giả không phải là một lái buôn rau quả đích thực. Giả không thể nói về rau quả như là rau quả. "Xin quý khách hãy nhìn kỹ củ khoai tây khác thường này," tôi thường thấy giả nói với khách hàng. "Cái chất thịt thực vật phổng phao, ngồn ngộn này không ngừng tạo những hình thù mới, thế mà vẫn trong trắng. Tôi yêu thích khoai tây vì nó nói với tôi."

Hiển nhiên là chẳng có tay lái buôn rau quả chân chính nào lại nói năng như thế làm khách hàng đâm bối rối. Ngay cả trong những năm được mùa khoai tây nhất, bà ngoại Anna Koljaiczek của tôi, người đã bạc đầu trên những cánh đồng khoai tây, cũng không bao giờ nói gì vượt quá một câu như thế này: "Chà, củ năm nay to hơn năm ngoái một tị." Vậy mà bà và ông anh trai Vincent Bronski thì trông chờ vào những vụ mùa khoai tây hơn Greff nhiều vì trong lĩnh vực kinh doanh của giả, một năm được mùa mận có thể bù lại một năm mất mùa khoai tây.

Ở Greff, mọi thứ đều thái quá. Thử hỏi giả có nhất thiết phải mặc một chiếc tạp-dề xanh trong cửa hiệu không? Con người ngạo mạn! Cái nụ cười sành sỏi khi giả giảng cho khách hàng bằng một giọng triết lý rằng miếng vải màu xanh rau dền giả mang chính là "cái tạp-dề xanh của người làm vườn của Thượng Đế". Tệ hơn cả là giả không sao bỏ được cái cung cách hướng đạo của mình. Năm 1938, giả đã buộc phải giải tán đội hướng đạo sinh của mình - người ta bắt bọn trẻ mặc sơ mi nâu hoặc đồng phục đen mùa đông - nhưng đám cựu hướng đạo sinh, dù vận đồng phục mới hay đồ dân sự, vẫn đều đặn đến thăm huynh trưởng cũ của chúng để cùng hát những bài ca buổi sáng, những bài ca buổi tối, những hành khúc, những bài hát nhà binh, những ca khúc ngày mùa, những bài ca ngợi Đức Mẹ Đồng Trinh, những khúc dân ca trong nước và ngoài nước. Vì Greff đã kịp thời gia nhập Đoàn Cơ Giới Quốc Xã trước khi quá muộn và từ năm 1941 trở đi, không chỉ là chủ hiệu rau quả mà còn tự xưng là kiểm soát viên phòng không; hơn nữa, vì giả được sự ủng hộ của hai cựu hướng đạo sinh thời gian qua đã thăng tiến trong hàng ngũ Đoàn Thanh Niên Hitler - một gã là tiểu đội trưởng, gã kia là trung đội trưởng nên những cuộc hội hát dưới hầm chứa khoai tây của Greff được Đảng bộ quận bỏ qua, nếu không phải là chính thức cho phép. Thậm chí Löbsack, trưởng ban huấn luyện của quận, còn đề nghị Greff tổ chức những cuộc liên hoan ca hát trong những lớp huấn luyện ở Lâu đài Jenkau. Đầu năm 1940, Greff và một giáo viên được quận Danzig-Tây Phổ giao nhiệm vụ biên soạn một tập ca khúc cho thanh niên dưới tiêu đề "Hát với chúng ta". Cuốn sách rất thành công, ông chủ hiệu rau quả nhận được một bức thư từ Berlin do thủ lĩnh Thanh Niên Đế Chế Đức ký và được mời dự một cuộc hội nghị quản ca ở Berlin.

Greff rành là người có năng lực. Giả thuộc tất cả lời của tất cả các bài hát, giả có thể dựng lều, nhóm và tắt lửa trại mà không gây cháy rừng và tìm thấy đường đi trong rừng bằng một cái la bàn, giả thuộc tên cái của mọi vì sao nhìn thấy được và có thể thao thao bất tuyệt tuôn ra các truyện vui tếu cũng như ly kỳ hồi hộp; giả biết vô số huyền thoại của vùng đất Vistula và đã nhiều lần thuyết trình về đề tài "Danzig và Liên đoàn Hanse". Giả có thể liệt kê tất cả các đại sư của dòng Hiệp sĩ Tơtông cùng những niên đại tương ứng và thậm chí như vậy cũng chưa đã; giả còn có thể nói hàng giờ liền về đoàn truyền giáo Nhật Nhĩ Man trong những lãnh thổ của Dòng, và họa hoằn lắm mới thấy lộ ra những cụm từ sặc mùi hướng đạo trong những bài thuyết trình của giả.

Greff thích đám trẻ. Giả thích con trai hơn con gái. Nói cho đúng, giả chẳng thích con gái, mà chỉ khoái con trai. Nhiều khi giả thích con trai tới mức mà ngay cả tiếng hát cũng không đủ để biểu đạt. Cũng có thể chính bà Greff, một phụ nữ nhếch nhác, đồ lót thủng lỗ chỗ, xú-chiêng nhờn mỡ, đã khiến đức ông chồng phải đi tìm một khía cạnh tinh khiết hơn của tình yêu ở nơi những cậu con trai mảnh dẻ, tươm tất. Nhưng mặt khác, có lẽ cái cây mà mỗi mùa trong năm, những đồ lót nhớp bẩn của bà Greff vẫn nở trên cành của nó, có một nhánh rễ khác. Nghĩa là có lẽ bà Greff trở thành một phụ nữ nhếch nhác là vì ông chủ hiệu rau quả và kiểm soát viên phòng không thiếu nhãn quan cần thiết để đánh giá cái nét phốp pháp cẩu thả và có phần ngẩn ngơ của bà.

Greff thích những gì rắn, căng, cuồn cuộn cơ bắp. Khi giả nói "tự nhiên", đó có nghĩa là "khổ hạnh". Khi giả nói "khổ hạnh", đó có nghĩa là một kiểu thể dục đặc biệt. Greff rất có ý thức về thân thể của mình. Giả chăm sóc nó chi li từng tí một, không những phơi nhiệt mà còn phơi lạnh với một tinh thần hết sức sáng tạo. Trong khi Oskar dùng tiếng hát tầm xa hay tầm gần đập vỡ thủy tinh, đôi khi làm tan chảy những đoá hoa băng giá trên cửa kính và làm những cục băng nhũ rơi lanh canh xuống đất, thì Greff-Rau-Quả là người đánh áp sát băng giá với khí cụ trong tay.

Greff đục lỗ vào băng. Trong ba tháng Chạp, Giêng và Hai, giả dùng rìu đục lỗ vào băng. Khá lâu trước khi rạng sáng, giả đã vác chiếc xe đạp từ dưới hầm nhà lên và bọc chiếc rìu phá băng vào trong một cái bao tải đựng hành. Rồi giả đạp xe qua Saspe đến Brösen, từ đấy giả theo con đường đi dạo dọc biển phủ đầy tuyết về phía Glettkau. Đến quãng giữa Brösen và Glettkau, giả xuống xe. Trong khi trời dần dần sáng, giả đẩy chiếc xe đạp trên bãắm băng giá rồi quá nữa, thêm hai-ba trăm mét trên mặt biển Baltic đóng băng, cảnh vật chìm trong sương mù ven biển. Từ bãi tắm, không ai có thể trông thấy Greff đặt cái xe đạp nằm xuống, tháo rìu ra khỏi bao tải, và đứng im lặng thành kính một lúc, lắng nghe những hồi còi báo sương mù của những con tàu chở hàng bị kẹt băng trong vụng. Rồi giả cởi áo va-rơi, tập vài bài thể dục và, cuối cùng, bằng những nhát rìu mạnh mẽ, đều đặn, bắt đầu khoét một lỗ tròn trên biển Baltic.

Greff mất khoảng bốn mươi lăm phút để hoàn thành cái lỗ. Xin đừng hỏi làm sao mà tôi biết được. Oskar biết hầu hết mọi chuyện hồi đó. Kể cả việc Greff mất bao nhiêu thời gian để đục một cái lỗ vào lớp băng. Những giọt mồ hôi muối đọng trên vầng trán dô, cao của giả và rơi xuống tuyết. Giả quai rìu thành thạo, bổ sâu thành một đường tròn. Rồi khi vòng tròn khép kín lại, giả dùng đôi tay không đi găng nhấc một cái đĩa dày bằng cả gang tay lên khỏi lớp băng mênh mông, dễ thường trải dài đến Hela, nếu không muốn nói là đến tận Thụy Điển. Nước trong lỗ này già và xám, loáng thoáng những mảnh băng, bốc hơi chút đỉnh tuy không phải là suối nước nóng. Cái lỗ thu hút cá. Có nghĩa người ta nói là những lỗ đục xuyên qua băng thường thu hút cá. Kể ra Greff đã có điều kiện bắt được nhiều cá mút đá hoặc một con cá tuyết ngót mười kí. Nhưng giả không câu. Giả bắt đầu cởi đồ và lát sau đã trần như nhộng vì một khi Greff đã cởi quần áo là cởi tuốt tuồn tuột.

Oskar không muốn gợi cảnh đông hàn để làm quý vị rùng mình lạnh sống lưng. Chỉ xin nói vắn tắt: trong những tháng mùa đông, Greff-Rau-Quả tắm mỗi tuần hai lần ở biển Baltic. Ngày thứ Tư, giả tắm một mình vào lúc rạng đông - ra khỏi nhà lúc sáu giờ, sáu rưỡi đến, khoét lỗ xong là bảy giờ mười lăm. Tiếp đó, giả cởi bỏ quần áo bằng những động tác nhanh thoăn thoắt, xát tuyết khắp người, nhảy tùm xuống lỗ và bắt đầu la. Hoặc đôi khi tôi nghe thấy giả hát: "Ngỗng trời bay xuyên qua màn đêm” hay "Ta yêu bão dông..." Giả hát, la và tắm độ hai phút hay cùng lắm là ba. Rồi bằng một cú nhảy gọn ghẽ, giả đã đứng trên mặt băng, rõ nét một cá dễ sợ: một khối thịt đỏ như tôm luộc bốc hơi ngùn ngụt, chạy quanh cái lỗ, hừng hực, vẫn la hét. Cuối cùng, giả mặc đồ trở lại và lên xe đạp ra về. Trước tám giờ một chút, giả đã về tới Labesweg và mở cửa hàng không sai một phút.

Buổi tắm lần hai hằng tuần của Greff được tiến hành, tập thể, cùng với đám thiếu niên hoặc thanh niên choai choai. Điều này, Oskar không được mắt thấy, cũng không hề có ý mạo nhận là mình đã mục kích. Nhưng chuyện đã lan truyền khắp. Meyn-t’rompet biết nhiều chuyện về tay chủ hiệu rau quả và đã đem loa lên um xùm khắp trong khu phố. Một trong những chuyện anh loa lên um xùm là trong những tháng đông khắc nghiệt nhất, Chủ nhật nào Greff cũng tắm cùng mấy chú choai choai. Tuy nhiên, ngay cả Meyn cũng không bao giờ nói rằng Greff đã bắt bọn chip ấy trần truồng nhẩy xuống cái lỗ khoét giữa lớp băng như chính giả. Dường như đối với giả, được thấy chúng, gần như trần truồng hoặc nửa mình trần, mềm mại và dẻo dai chạy nhảy trên băng và lấy tuyết kỳ cọ cho nhau, là đã thỏa mãn rồi. Cái cảnh đám choai choai trong tuyết quyến rũ Greff đến nỗi trước hoặc sau khi tắm, giả thường nhảy tung tăng với chúng, giúp chúng cọ tuyết cho nhau hoặc để cho cả lũ xúm vào cọ tuyết cho giả. Meyn-t’rompét cả quyết rằng có lần đi dạo dọc biển từ phía Glettkau, mặc dầu trời mù sương, anh đã thấy Greff trần truồng dễ sợ, vừa hát vừa la, bế bổng hai tên đệ tử trần truồng và cứ thế, trần truồng bồng bế trần truồng, như một chiếc xe trượt ba ngựa t’roika, vừa gào rú vừa lao như điên trên mặt băng rắn chắc của biển Baltic.

Mặc dầu ở Brösen và Neufahrwasser có nhiều dân chài mang họ Greff, ta vẫn dễ dàng đoán ra rằng Greff không phải con trai một người đánh cá. Nguyên quán Greff-Rau-Quả ở Tiegenhof, nhưng, giả gặp Lina Bartsch ở Praust. Tại đây, giả đã giúp một cha xứ trẻ năng nổ điều hành một câu lạc bộ học việc và Lina, cũng để giúp vị cha xứ này, thứ Bảy nào cũng đến nhà giáo xứ. Bằng vào một tấm ảnh chụp chớp nhoáng mà chắc bà đã cho tôi (vì nó còn ở trong cuốn album của tôi), thì Lina, ở tuổi hai mươi, là một cô gái khỏe mạnh, tròn trĩnh, có vẻ nhẹ dạ và hơi đần. Cha Lina khai thác một vườn rau quả lớn ở Sankt Albrecht. Theo lời bà kể lại sau này vào bất kỳ lúc nào thuận miệng, khi bà lấy Greff ở tuổi hai mươi ba theo lời khuyên của cha xứ, bà hoàn toàn ngờ nghệch, chưa từng trải. Bằng tiền của cha bà, hai vợ chồng mở một cửa hàng rau quả ở Langfuhr. Vì phần lớn rau và hầu hết trái cây đều do ông già cung cấp với giá rẻ, công việc kinh doanh của họ hồ như cứ thế tự động vận hành và Greff không gây tổn hại gì lớn.

Nếu Greff không có cái sở thích trẻ con là hí hoáy chế tác vặt, thì hẳn giả đã có thể biến cái cửa hàng rất đắc địa ở một khu ngoại ô đông trẻ con, hoàn toàn không bị cạnh tranh này, thành một mỏ vàng. Nhưng khi viên thanh tra Phòng Đo Lường xuất hiện lần thứ ba hay thứ tư gì đó để kiểm tra việc bán hàng và tịch thu những quả cân, quyết định một loạt khoản phạt, một số khách quen bèn bỏ cửa hàng của Greff mà ra mua rau ngoài chợ. Rau của Greff thuộc loại hảo hạng, họ nói, và giá cũng không quá cao, nhưng một khi thanh tra cứ đến hoài như vậy, chắc phải có điều gì khuất tất.

Tuy nhiên, tôi dám chắc Greff không hề có ý định lừa lọc ai. Chuyện đã xảy ra là thế này. Sau khi Greff ’cải tiến’ vài chi tiết ở bàn cân to cân khoai tây, kết quả giả lại đâm thiệt. Do đó, ngay trước khi chiến tranh bùng nổ, giả gá vào chính cái bàn cân ấy một bộ chuông hòa âm cứ sau mỗi mẻ cân, lại tấu lên một nét giai điệu coi như phần thưởng cho khách mua hàng và giai điệu này thay đổi tùy theo trọng lượng cân được. Phần thưởng cho hai mươi ’pao’ là điệu Bờ sông Saale tươi nắng, cho năm mươi ’pao’ là Hãy mãi mãi thật thà và chính trực; một mẻ nửa tạ khoai tây mùa đông khiến bộ chuông ngân lên những nốt say đắm một cách hồn nhiên của bài Nàng Annchen von Tharau.

Tôi dễ dàng thấy là Phòng Đo Lường không ưa gì những trò ngông âm nhạc ấy, tuy nhiên cái ngón tiêu khiển này của ông chủ hiệu rau quả lại hợp ’gu’ tôi. Ngay cả Lina Greff cũng rộng lượng đối với những trái thói của chồng bởi lẽ, phải, bởi lẽ cốt lõi và nội dung cuộc hợp hôn Greff là chịu đựng những nhược điểm của nhau. Xét từ góc độ ấy, cặp vợ chồng Greff có thể gọi là tốt đôi. Greff không đánh vợ, không bao giờ phụ bạc vợ vì những người đàn bà khác, không rượu chè cũng chẳng chơi bời trác táng; giả là một người đàn ông vui tính, ăn mặc chải chuốt và, do tính cách thích giao tiếp và hay giúp đỡ, được nhiều người cảm mến, không riêng gì bọn thanh thiếu niên choai choai mà cả những khách hàng đến mua khoai tây kèm theo nhạc.

Cũng như vậy, bằng con mắt độ lượng, Greff bình thản nhìn cô ả Lina của mình, năm này sang năm khác, trở thành một mụ nhếch nhác càng ngày càng hôi hám. Tôi thường thấy giả mỉm cười khi nghe những người bạn đồng cảm nói toẹt ra rằng vợ giả là một mụ nhếch nhác. Đôi khi, tôi nghe thấy Greff đáp lại Matzerath khi ông chê vợ giả: "Cố nhiên, anh nói hoàn toàn đúng, Alfred. Lina nhà tôi quả có phần buông thả. Nhưng tất cả chúng ta ai chả có khuyết tật." Giả xoa vào nhau hai bàn tay thường xuyên vần vò khoai tây nhưng vẫn rất trau chuốt. Nếu Matzerath còn vặn vẹo thêm, Greff liền chấm dứt cuộc tranh, cãi bằng một giọng thân ái nhưng kiên quyết: "Anh có thể đúng ở một số điểm, nhưng Lina cơ bản rất tốt bụng. Tôi hiểu Lina của tôi."

Có thể là giả hiểu thật. Nhưng Lina thì hầu như không hiểu gì về giả. Cũng giống như những người hàng xóm và khách hàng, bà chẳng nhìn thấy ở quan hệ của Greff với đám thiếu niên thường xuyên đến thăm bất cứ điều gì khác ngoài sự nhiệt thành của lớp trẻ đối với một người bạn và thày dậy tuy không chuyên nghiệp nhưng hết lòng hết sức vì tuổi trẻ.

Riêng phần tôi, Greff chẳng thể dậy gì cho tôi, cũng không cách gì khơi được lửa nhiệt tình trong tôi. Thực ra, Oskar không thuộc ’týp’ của giả. Giá như trước đây tôi đã quyết định lớn thì có thể tôi đã trở nên hợp cạ với giả đấy, bởi vì thằng con trai Kurt mảnh dẻ và dong dỏng của tôi, nay đã mười ba tuổi, đúng là hiện thân cho ’týp’ của Greff, mặc dầu nó giống Maria là chính, chỉ hơi nhang nhác tôi và chả giống Matzerath tí

Greff là một người làm chứng trong lễ thành hôn của Maria Truczinski và Alfred Matzerath, người kia là Fritz Truczinski về phép vào dịp ấy. Vì Maria, cũng như chú rể, theo đạo Tin Lành nên họ chỉ đăng ký ở phòng hộ tịch tòa thị chính thôi. Đó là vào giữa tháng chạp. Matzerath mặc đồng phục Đảng nói "Tôi đồng ý". Maria đã có mang ba tháng.

Bụng người tôi yêu càng tròn căng, mối hờn ghét của Oskar càng lớn. Tôi chẳng phản đối gì việc nàng có chửa. Nhưng việc cái thai do tôi gieo mầm mai đây sẽ phải mang họ Matzerath, tước đi hết của tôi niềm vui chờ đợi đứa con trai thừa tự. Khi Maria sang tháng thứ Năm, tôi thực hiện cú đầu tiên trong mưu toan làm nàng xảy thai. Đó là vào dịp Hội hóa trang. Maria đang buộc những dải hoa giấy và một số mặt nạ hề có mũi bằng khoai tây vào thanh đồng phía trên quầy, nơi treo xúc xích và thịt xông khói. Mọi khi chiếc thang được bắc vững chắc vào những giá gỗ, lúc này lại chỉ dựa hờ vào quầy. Maria ở tít trên, tay đầy những dải hoa giấy. Oskar ở dưới chân thang. Dùng đôi dùi trống làm đòn bẩy, với sự hỗ trợ của đôi vai và lòng quyết tâm không lay chuyển, tôi nhấc chân thang lên rồi đẩy sang một bên. Bùng nhùng giữa mớ hoa giấy và mặt nạ, Maria khẽ kêu lên một tiếng khiếp hãi. Cái thang chao di, Oskar nhảy sang một bên và Maria ngã nhào xuống cạnh nó, kéo theo cả giấy màu, mặt nạ lẫn xúc xích.

Nom thì dễ sợ nhưng hậu quả thực tế không đến nỗi tệ hại. Nàng chỉ bị sai mắt cá chân, phải nằm và giữ gìn cẩn thận, nhưng không có tổn thương nghiêm trọng nào khác. Nàng ngày càng sồ sề và thậm chí không hề nói cho Matzerath biết ai đã làm nàng sai mắt cá chân.

Mãi đến tháng Năm năm sau, khoảng ba tuần trước hạn kỳ sinh nở, tôi mới làm cú thứ hai; lần này thì nàng có hơi hé ra với đức ông chồng Matzerath. Ngồi ngay trước mặt tôi trong một bữa ăn, nàng nói: “Oskar dạo này thô bạo ghê gớm. Đôi khi cậu ta đánh vào bụng tôi. Hay là ta để cậu ta ở với mẹ tôi một thời gian cho đến khi đứa bé ra đời. Chỗ bà còn rộng chán.

Matzerath nghe vậy thì biết vậy. Thực tế, một cơn khùng đầy sát khí đã gây ra một cuộc đụng độ khác hẳn giữa Maria và tôi.

Nàng nằm dài trên đi văng sau bữa ăn trưa. Matzerath đã rửa xong bát đĩa và đang ở ngoài cửa hàng bày biện tủ kính. Phòng khách tĩnh lặng. Họa chăng chỉ có tiếng một con ruồi vo ve, tiếng đồng hồ tích tắc như thường lệ, tiếng đài vặn nhỏ loan tin chiến thắng của lính dù ở Crete. Tôi chỉ giỏng một tai lên khi họ truyền lời phát biểu của võ sĩ lừng danh Max Schmeling. Theo như tôi hiểu láng máng, thì nhà vô địch thế giới đã bị trẹo chân khi đáp xuống mặt đất đầy đá rắn cấc của đảo Crete và giờ đây phải nằm dài tự điều trị, giống như Maria phải nằm dài sau cú ngã từ trên thang vậy. Schmeling nói với giọng khiêm tốn bình thản; tiếp đó là những lính dù kém nổi tiếng hơn và Oskar thôi không nghe nữa; tịch lặng, họa chăng chỉ một tiếng ruồi vo ve, tiếng tích tắc đồng hồ như thường lệ, tiếng đài vặn nho nhỏ.

Tôi ngồi trên chiếc ghế băng nhỏ bên cạnh cửa sổ quan sát cái bụng của Maria trên đi văng. Nàng thở nặng nhọc, mắt nhắm nghiền. Thi thoảng tôi gõ trống một cách bực dọc. Nàng không hề động đậy, tuy nhiên tôi vẫn buộc phải thở hít cùng một làn không khí với cái bụng của nàng. Cái đồng hồ vẫn đó và con ruồi vo ve giữa ô kính cửa sổ và rèm trên nền của tiếng đài phát thanh vẫn nói về cái đảo đá Crete. Nhưng tất cả những cái đó nhanh chóng bị chìm lấp: tôi chỉ còn nhìn thấy cái bụng ấy. Tôi không còn biết cái bụng căng phồng ấy đang ở trong phòng nào, cũng như nó thuộc về ai, hay ai đã làm cho nó to thế. Tôi chỉ còn biết là tôi không thể chịu nổi nó: phải trừ bỏ nó đi, đó là một sai lầm, nó chắn tầm nhìn của mày, mày phải đứng dậy, làm một cái gì đó! Thế là tôi đứng dậy. Mày phải tìm hiểu xem có thể làm gì được. Thế là tôi tiến lại gần cái bụng và tiện tay vớ lấy một cái gì đó. Đây là một khối sưng phồng ác tính cần phải làm cho xẹp đi. Tôi giơ cao cái vật tôi vừa vớ được và nhằm tìm một chỗ giữa hai bàn tay Maria đang nằm thở cùng một nhịbụng nàng. Đã đến lúc rồi đấy, Oskar, hành động đi kẻo Maria mở mắt ra bây giờ!

Lúc này, tôi đã cảm thấy bị theo dõi, nhưng tôi vẫn đứng ngây nhìn trân trân vào bàn tay trái hơi rung lên của Maria, tuy tôi có thấy tay phải nàng chuyển động, phải, tôi có thấy nàng định làm gì đó bằng bàn tay phải; cho nên tôi không quá ngạc nhiên khi bàn tay phải ấy giật lấy cái kéo khỏi tay Oskar. Có thể tôi đã đứng đó thêm mấy giây nữa, tay vẫn giơ lên nhưng không cầm gì cả, tai bất giác lại nghe thấy tiếng tích tắc đồng hồ, tiếng con ruồi vo ve, tiếng người phát thanh viên báo là bản tin về đảo Crete đã kết thúc. Tôi quay đằng sau và trước khi chương trình tiếp theo - nhạc nhẹ từ hai đến ba giờ - bắt đầu, tôi đã rời khỏi cái phòng khách trở nên quá chật đối với tôi vì cái bụng choán hết không gian kia.

Hai hôm sau, Maria mua cho tôi một cái trống mới và đưa tôi lên căn hộ tầng ba sực mùi cà phê thế phẩm và khoai tây rán của Mamăng Truczinski. Mới đầu tôi ngả ở xôfa, không chịu nằm trên cái giường cũ của Herbeirt vì sợ cái mùi va-ni còn vương lại đâu đó. Một tuần sau, già Heilandt mang cái giường tí hon bằng gỗ của tôi lên. Tôi đành để cho họ kê nó bên cạnh cái giường đã từng chứa chấp tôi, Maria và cái món bột sủi của hai chúng tôi.

Ở nhà Mamăng Truczinski, Oskar trở nên bình tĩnh hơn hay dửng dưng hơn, do khỏi phải nhìn thấy cái bụng kia vì Maria sợ phải leo cầu thang. Tôi tránh tất cả: căn hộ của chúng tôi, cửa hàng, đường phố, thậm chí cả sân chung cư, ở đó người ta lại bắt đầu nuôi thỏ vì thức ăn ngày càng trở nên khan hiếm.

Phần lớn thời gian, Oskar ngồi ngắm những tấm bưu ảnh do trung sĩ Fritz Truczinski gửi hoặc trực tiếp mang về từ Paris. Tôi hình dung thành phố Paris theo cách của mình và khi Mamăng Truczinski đưa cho một tấm bưu ảnh có hình Tháp Eiffel, tôi bèn lấy đó làm chủ đề và bắt đầu thể hiện Paris trên trống, dạo một khúc muyzét[49] mặc dầu tôi chưa bao giờ được nghe một bản nhạc nào theo thể loại này.

Ngày 12 tháng Sáu - sớm hai tuần so với tính toán của tôi - Kurt con trai tôi ra đời, cầm tinh Song Nam chứ không phải Bắc Giải như tôi dự đoán. Cha sinh vào một năm sao Mộc, con sinh vào một năm sao Kim. Cha thuộc cung xử Nữ, sao Thủy chiếu mệnh, tính hoài nghi và mưu trí, con cũng sao Thủy chiếu mệnh: nhưng lại cầm tinh Song Nam, do vậy được phú cho một trí thông minh lạnh lùng, đầy tham vọng. Những gì ở tôi được sao Kim cung Thiên Xứng trong phổ hoàng đạo đầu đời nơi chân trời đằng đông làm giảm nhẹ đi, thì ở con trai tôi lại đậm nét hơn bởi cung Dương Cưu trong cùng một phổ hoàng đạo; tôi sẽ gặp rắc rối với sao Hỏa của nó.

Phấn khích và lăng xăng như một con chuột nhắt, Mamăng Truczinski báo tin: "Này Oskar, con cò vừa mang đến cho cháu một đứa em trai đấy. Thế mà bác đã bắt đầu lo rằng ngộ nhỡ là một Thị Mẹt thì sau này lại sinh chuyện." Tôi hầu như không ngắt quãng khúc độc tấu trống của mình về Tháp Eiffel và Khải Hoàn Môn, chủ đề mới vừa chợt đến trong đầu. Cả ở cương vị mới là bà ngoại, Mamăng Truczinski dường như cũng không chờ đợi tôi ngỏ lời chúc mừng. Mặc dầu hôm đó không phải là Chủ nhật, bà vẫn quyết định tô tí phấn hồng theo lối cổ truyền bằng cách lấy giấy gói rau diếp quăn thoa lên má và sau khi trang điểm như thế, xuống dưới nhà để giúp ông bố hờ Matzerath một tay.

Như tôi đã nói, đó là vào tháng Sáu. Một tháng xảo trá. Chiến thắng trên khắp các mặt trận - nếu ta muốn gán cái tên kêu như vậy cho những thắng lợi ở vùng Balkan - nhưng người ta đang chờ những chiến thắng lớn hơn trên mặt trận phía Đông. Một đạo quân lớn đang di chuyển theo hướng đó. Các tuyến đường sắt đang rất bận rộn. Fritz Truczinski, từ trước đến nay vẫn vui chơi thoải mái ở Paris, cũng buộc phải lao vào một cuộc Đông tiến có thể sẽ rất dài và không thể tưởng lầm là một chuyến đi phép được. Trong khi đó, Oskar bình thản ngồi ngắm những bưu ảnh bóng loáng, đắm mình trong tiết xuân êm dịu của Paris và khẽ dạo bài Ba chú bé đánh trống; chẳng hề có quan hệ gì với quân đội chiếm đóng, nó không có lý do gì để sợ du kích ném nó qua thành cầu sông Seine. Không, tôi mặc đồ dân thường mà leo lên Tháp Eiffel cùng với cái trống của tôi, thoải mải thưởng ngoạn toàn cảnh thành phố; tôi cảm thấy rất khoan khoái và mặc dầu ở độ cao đầy cám dỗ như vậy, không hề bị ám ảnh bởi cái ý nghĩ tự sát vừa ngọt ngào vừa cay đắng, đến nỗi mãi tới khi xuống đứng ở chân tháp với tầm vóc chưa đầy một mét của mình, tôi mới nhớ ra rằng con trai tôi đã ra đời.

Thế đấy, tôi nghĩ thầm, một đứa con trai. Khi nào lên ba, nó sẽ được một cái trống thiếc. Để xem ở đây ai là cha, cái ông Matzerath kia hay là tôi, Oskar Bronski.

Trong cái nóng tháng Tám - đâu như người ta vừa loan tin cuộc bao vây Smolensk đã kết thúc thắng lợi - lễ rửa tội cho con trai Kurt của tôi được tiến hành. Nhưng bà ngoại Anna Koljaiczek của tôi và ông anh Vincent Bronski của bà đã được mời tới dự như thế nào nhỉ? Dĩ nhiên nếu quý vị chấp nhận như tôi rằng Jan Bronski là cha tôi và ông lão Vincent Bronski lầm lì và ngày càng trái tính là ông nội tôi thì việc mời họ là có lý. Vì nói cho cùng, ông bà tôi là cụ cố của Kurt con trai tôi.

Nhưng đương nhiên là Matzerath, người đứng ra mời, không hề nghĩ đến cách biện luận như vậy. Ngay cả trong những khoảnh khắc hồ nghi bản thân nhất như sau một chầu xì-cạt thua liểng xiểng, ông vẫn tự coi mình hai lần là người cha, người sinh thành và nuôi nấng. Còn có những lý do khác khiến Oskar có dịp được gặp bà ngoại và ông nội mình: hai cụ đã thành dân Đức, không còn là người Ba Lan nữa và chỉ còn nói tiếng Kashubes trong mơ mà thôi. Người ta gọi họ là công dân Đức, nhóm 3. Hơn nữa, Hedwig Bronski, vợ goá của Jan, đã tái giá với một người Đức gốc Baltic là thủ lĩnh địa phương của nông dân Ramkau. Họ đã làm đơn xin cho Marga và Stephan Bronski được mang họ của bố dượng. Stephan, hiện mười bảy tuổi, đã tình nguyện nhập ngũ, đang được đào tạo tại Trại Huấn luyện Bộ binh ở Gross-Boschpol và có triển vọng được thăm nhiều chiến trường của châu Âu trong khi Oskar, cũng sắp đến tuổi nghĩa vụự, đành phải ôm trống chờ đến khi nào hé mở cơ may cho một chú bé đánh trống lên ba có thể được nhận vào bộ binh hay hải quân, hoặc thậm chí không quân.

Chính thủ lĩnh nông dân địa phương Ehlers đã chủ động đi bước trước. Hai tuần trước lễ rửa tội, ông ta đã lái một chiếc xe hai ngựa cùng Hedwig đến phố Labesweg. Ông ta chân vòng kiềng, đau dạ dày và không thể chịu nổi bất cứ ai nhắc đến mình cùng lúc với Jan Bronski. Thấp hơn Jan cả một cái đầu, ông ta ngồi cạnh Hedwig-mắt-bò-cái ở bàn phòng khách nhà chúng tôi. Cung cách của ông ta khiến cho ngay cả đến Matzerath cũng phải ngạc nhiên. Cuộc trò chuyện không cách nào bắt đầu được. Họ nói về thời tiết, nhận xét rằng ở phương Đông đang xảy ra đủ mọi thứ chuyện, rằng quân ta đang đánh rất cừ - cừ hơn thời kỳ 1915 nhiều, theo như Matzerath, người đã từng tham chiến hồi đó, nhớ lại. Tất cả đều cố hết sức tránh nhắc đến Jan Bronski cho đến khi tôi giở quẻ phá thối cái trò rởm của họ bằng cách dẩu mỏ theo kiểu con nít ngộ nghĩnh mà lớn tiếng hỏi đi hỏi lại thế còn bác Jan của Oskar thì sao. Matzerath phải gồng mình lên nói đôi điều suy tư thương mến về người bạn cũ đồng thời là tình địch của mình. Ehlers nồng nhiệt phụ họa mặc dầu ông ta chưa bao giờ thấy người tiền nhiệm của mình. Hedwig thậm chí còn chắt ra được mấy giọt nước mắt chính hiệu từ từ lăn trên má và cuối cùng tìm được lời để khép lại đề tài Jan: "Anh ấy là một con người tốt, không làm đau đến cả một con ruồi. Ai ngờ một người sợ đến cả cái bóng của mình như anh ấy lại phải chịu một kết cục như vậy."

Sau những lời đó, Matzerath bảo Maria đang đứng đằng sau ông mang ra mấy chai bia và hỏi Ehlers có chơi xì-cạt không. Không, Ehlers lấy làm tiếc là mình không biết chơi, nhưng Matzerath hào hiệp bỏ qua cho tay thủ lĩnh nông dân cái thiếu sót nhỏ ấy. Thậm chí ông còn vỗ vai ông này và, sau khi bia đã rót đầy cốc, cam đoan rằng họ vẫn có thể là bạn tốt mặc dù Ehlers không biết chơi xì-cạt, cái đó chả thành vấn đề.

Thế làedwig Bronski, với tư cách là Hedwig Ehlers, tìm lại được đường trở về với chúng tôi và đưa đến dự lễ rửa tội của Kurt con trai tôi không chỉ vị thủ lĩnh nông dân địa phương của mình, mà cả ông bố chồng cũ và em gái Anna của ông nữa. Matzerath ồn ã và vồn vã chào đón hai ông bà già từ ngoài phố, ngay dưới cửa sổ các nhà hàng xóm và vào đến phòng khách, khi bà ngoại tôi lôi từ dưới bốn lần váy ra một con ngỗng béo đẹp, quà mừng nhân lễ rửa tội, ông nói: “Bà không phải làm thế. Bà cứ đến tay không, con cũng sung sướng lắm rồi." Nhưng bà ngoại tôi không chịu thế, bà muốn mọi người thấy rõ giá trị con ngỗng của bà. Đập tay vào con chim quý tộc, bà phản đối: "Đừng có vớ vẩn, Alfred. Đây không phải là một con ngỗng Kashubes, đây là một con ngỗng quốc tịch Đức, anh sẽ thấy thịt của nó có vị y hệt như hồi trước chiến tranh."

Như vậy, mọi vấn đề về quốc tịch được giải quyết và mọi sự đều trôi chảy cho đến giờ cử hành nghi lễ, thì Oskar nhất định không đặt chân vào nhà thờ Tin Lành. Họ lấy cái trống của tôi ra khỏi tắc-xi, định dùng nó để dụ dỗ tôi, cam đoan với tôi, không phải chỉ một lần mà nhiều lần, rằng người ta cho phép mang trống vào nhà thờ Tin Lành. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên trì bám chắc lấy đạo Thiên Chúa. Tôi thà, ngay lúc này, rót vào lỗ tai thánh tông đồ của Cha Wiehnke một lời xưng tội tổng quát và chi tiết còn hơn phải nghe một bài thuyết pháp Tin Lành trong lễ rửa tội. Matzerath đành nhượng bộ, có lẽ vì sợ tôi cất giọng gây đổ vỡ khiến ông phải bồi thường thiệt hại. Trong khi con trai tôi đang chịu lễ rửa tội, tôi ngồi lại trong tắc-xi, nhìn trân trân vào sau đầu người lái xe, xem xét kỹ từng nét mặt của Oskar trong gương chiếu hậu, nhớ lại lễ rửa tội của chính mình đã lùi vào quá khứ xa xăm và những cố gắng dũng cảm của Cha Wiehnke nhằm đuổi quỷ Xa-tăng ra khỏi hài nhi Oskar.

Sau đó là bữa ăn. Hai cái bàn được kê sát lại. Đầu tiên là món xúp giả ba ba. Những người ở quê ra húp xùm xụp. Greff cong ngón tay út. Gretchen Scheffler khẽ đụng răng vào nước xúp. Guste cười toét miệng trên chiếc cùi dìa của mình. Ehlers tiếp tục trò chuyện bên trên thìa xúp, ông già Vincent run run lisang bên cạnh. Chỉ có hai bà già, bà ngoại Anna và Mamăng Truczinski, là toàn tâm toàn ý với cùi dìa của mình. Riêng Oskar thì buông thìa và, mặc cho những người khác vẫn múa cùi dìa, lỉnh đi tìm cái nôi của con trai nó trong phòng ngủ vì Oskar muốn nghĩ về con trai mình trong khi, đằng sau những chiếc muỗng, những người kia càng ních đầy xúp vào bụng thì càng đắm sâu vào một trống rỗng cạn kiệt mọi ý nghĩ.

Bên trên chiếc giỏ có bánh xe là một tán che bằng vải tuyn màu xanh da trời. Mép giỏ quá cao, nên thoạt đầu, tôi chỉ nhìn thấy một cái đầu xanh xanh đỏ đỏ nhăn nhúm, bé tí tẹo. Đặt cái trống xuống sàn nhà và đứng lên đó, tôi có thể quan sát con trai tôi đang thiêm thiếp, chốc chốc lại giật thon thót trong giấc ngủ. Ôi lòng kiêu hãnh của kẻ làm cha luôn luôn háo tìm những lời chữ to tát! Ngắm đứa con trai sơ sinh, tôi chẳng nghĩ ra điều gì khác ngoài câu này: Khi nó lên ba, nó sẽ có một cái trống. Con trai tôi không chịu hé cho tôi thấy chút gì về tình hình trí tuệ của nó, và tôi chỉ có thể hy vọng rằng, cũng như tôi, nó thuộc vào loại hài nhi thính tai. Bối rối không biết làm gì tiếp, tôi nhắc lại lời hứa sẽ tặng nó một cái trống vào dịp sinh nhật thứ ba, bước xuống khỏi cái bệ-trống và một lần nữa, thử cơ may với những người lớn ở trong phòng khách.

Họ vừa ăn xong món xúp giả ba ba. Maria mang tiếp vào món đậu cô-ve hộp với bơ nước. Matzerath, phụ trách món lợn quay, tự tay sắp thịt lên đĩa; ông cởi bỏ áo ngoài, mặc sơ mi trần đứng thái từng miếng, cúi xuống đĩa thịt mềm dịu một gương mặt mềm dịu đến nỗi tôi phải quay mắt đi.

Greff ăn chay kiêng thịt, được phục vụ riêng: măng tây hộp, trứng luộc và củ cải đỏ trộn kem, cũng như mọi người, giả lấy một tảng khoai tây nghiền nhưng không rưới bằng nước thịt mà bằng bơ nâu mà Maria ân cần mang từ trong bếp ra trong một cái xoong kêu xèo xèo. Trong khi những người khác uống bia, giả xài nước táo. Người ta bàn tán về chuyện bao vây Kiev, tính số tù binh bắt được bằng đầu ngón tay. Ehlers, vốn quê gốc ở vùng Baltic, tỏ ra có năng khiếu đặc biệt trong việc đếm tù binh Ngaứ được mười vạn, ông ta lại giơ một ngón tay lên; khi cả hai bàn tay xòe ra thành trọn một triệu, ông tiếp tục đếm bằng cách lần lượt cụp từng ngón một. Khi không còn gì để nói về đề tài tù binh do tổng số tăng vùn vụt khiến nó trở nên vô bổ và vô vị, Scheffler xoay sang nói chuyện tàu ngầm ở Gotenhafen và Matzerath thầm thì vào tai bà ngoại Anna rằng ở Schichau mỗi tuần, người ta hạ thủy hai chiếc. Thế là Greff-Rau-Quả bèn giải thích cho tất cả những ai có mặt rõ tại sao tàu ngầm khi hạ thủy lại phải xoay ngang chứ không lao đằng mũi xuống trước. Để trình bày thật rõ ràng, cụ thể, giả minh họa từng thao tác bằng những điệu bộ mà các vị khách mê thích tàu ngầm đều ra sức bắt chước một cách vụng về. Mô phỏng một chiếc tàu ngầm đang lặn, tay trái ông Vincent Bronski hất đổ cốc bia của mình. Bà ngoại tôi đã lên tiếng cự nự ông, nhưng Maria bèn xoa dịu, nói không sao, đằng nào khăn bàn cũng đã đến lúc phải giặt, tiệc tùng ăn mừng làm sao tránh khỏi giây bẩn. Mamăng Truczinski mang khăn vào lau sạch chỗ bia đổ; tay trái bà cầm một cái bát pha-lê lớn đầy bánh pút-đinh sô-cô-la rắc hạnh đào giã vụn.

Ôi chao, giá như cái bánh pút-đinh sô-cô-la có một thứ nước xốt nào khác hoặc đừng có nước xốt gì hết! Nhưng lại là nước xốt va-ni cơ chứ. Vàng vàng, đặc quánh: xốt va-ni! Có lẽ trên đời này không có gì vui bằng mà cũng không có gì buồn bằng xốt va-ni. Rất nhẹ nhàng, mùi va-ni lan tỏa khắp, bao bọc tôi mỗi lúc một sâu trong Maria đến nỗi tôi không đủ sức nhìn nàng đang ngồi cạnh Matzerath, tay nắm tay ông ta, nàng, nguồn gốc của mọi thứ va-ni.

Oskar bám lấy váy của Lina Greff tụt xuống khỏi chiếc ghế cao con nít dành cho nó, nằm dài dưới chân bà trong khi bà múa thìa ở bên trên. Lần đầu tiên tôi hít vào cái mùi đặc biệt của Lina Greff; nó lập tức át hẳn, nhận chìm và diệt sạch mọi mùi va-ni.

Bất chấp mùi hương mới có cay nồng đến mấy, tôi vẫn bám riết lấy nó cho đến khi mọi hồi ức liên quan đến va-ni dường như nhoà đi. Một cơn buồn nôn như sự giải cứu từ từ xâm chiếm tôi, lặng lẽ, không chút co thắt. Trong khi ói ra nào xúp gi ba ba, nào thịt lợn quay thái từng miếng, nào đậu cô-ve hộp gần như còn nguyên cùng mấy thìa bánh pút-đinh sô-cô-la với xốt va-ni, tôi chợt nhận chân trọn vẹn nỗi đơn côi của mình. Tôi đằm mình trong đơn côi. Nỗi đơn côi của Oskar trải ra dưới chân Lina Greff - và tôi quyết định từ đây trở đi, hằng ngày, tôi sẽ đem nỗi đơn côi của mình đến đặt dưới chân Lina Greff.

BẢY MƯƠI LĂM KÍ

Vyazma và Briansk; thế rồi những bùn là bùn. Vào giữa tháng Mười năm 1941, Oskar cũng bắt đầu bì bõm trong bùn. Mong quý vị hãy tha thứ cho tôi đã dám so sánh những chiến thắng ngập ngụa bùn của Trung tâm Tập đoàn quân với những chiến thắng của tôi trên chiến địa hiểm trở và cũng ngập ngụa bùn của bà Lina Greff. Giống như những xe tăng và xe tải bị sa lầy chững lại trước Moxkva, tôi cũng sa lầy; giống như những bánh xe cứ quay trượt hoài, khuấy lộn bùn nước Nga, tôi cũng tiếp tục cố thủ - có thể nói tôi đã khuấy tơi được bùn nhà Greff thành một thứ bọt xà phòng – những phân đất tôi chiếm được không phải là ngoại biên Moxkva mà cũng chẳng phải trong phòng ngủ nhà Greff.

Tôi vẫn muốn duy trì lối ẩn dụ quân sự: cũng như các nhà chiến lược trong tương lai sẽ phải rút ra bài học từ những cuộc hành quân trong bùn, tôi cần rút ra những kết luận từ cái hiện tượng thiên nhiên tên là Lina Greff. Ta không nên đánh giá thấp những cố gắng của hậu phương trong Thế Chiến. Oskar mới mười bảy tuổi vậy mà Lina Greff, cái bãi tập đầy những bẫy không sao phát hiện hết ấy, đã luyện nó thành một con đực sung mãn. Nhưng thôi, so sánh kiểu nhà binh như vậy là đủ. Ta hãy thử đánh giá tiến bộ của Oskar bằng thước đo nghệ thuật: nếu Maria, với lớp lớp mây va- ni mê hồn một cách nhiên của nàng, đã dậy cho tôi biết giá trị của cái nhỏ bé, cái tế nhị và khai tâm cho tôi về tính trữ tình của bột sủi và hái nấm, thì có thể nói làn hơi cay nồng do nhiều mùi hợp thành phả ra từ bà Greff đã đem đến cho tôi hơi thở anh hùng ca khoáng đạt khiến tôi hôm nay có thể liền một hơi nhắc đến cả chiến thắng quân sự lẫn thành công chăn gối. Âm nhạc! Từ tiếng ácmônica thơ trẻ, đa sầu đa cảm nhưng xiết bao dịu ngọt của Maria, tôi được bốc thẳng tới bục nhạc trưởng của phòng hòa nhạc, bởi vì Lina Greff tặng tôi cả một dàn nhạc phong phú cung bậc theo chiều sâu cũng như chiều rộng đến mức ngay cả ở Bayreuth[50] hay Salzbourg[51] cũng khó tìm thấy một dàn nhạc nào quy mô hơn. Tại đây, tôi học đủ thứ: bộ hơi - cả kèn đồng lẫn kèn gỗ - bộ gõ và bộ dây - cả kéo vĩ lẫn gảy. Tôi học hòa âm và đối âm, cổ điển và gam nguyên, khởi tấu của scherzo và nhịp độ của andante. Phong thái đánh nhịp của tôi có thể chính xác chặt chẽ hay êm dịu chảy trôi; Oskar tận dụng tối đa nhạc khí của mình, cụ thể là bà Greff, vậy mà, như một nghệ sĩ chân chính, nó vẫn chưa hài lòng, nếu không muốn nói là bất mãn.

Cửa hàng rau quả của Greff ở cách cửa hàng chúng tôi dăm bước, kế bên kia đường. Một vị trí thuận lợi, tiện cho tôi hơn nhà của Alexander Scheffler chủ hiệu bánh mì ở Kleinhammer-Weg. Có lẽ địa điểm thuận lợi là lý do chính khiến tôi tiến bộ trong việc nghiên cứu cơ thể đàn bà hơn là trong việc học tập các sư phụ Goethe và Rasputin của mình. Nhưng có lẽ ta có thể cắt nghĩa và phần nào biện minh cho sự so le trong học vấn của tôi bằng sự khác nhau giữa hai cô giáo của tôi. Trong khi Lina Greff không hề có chủ định dậy dỗ gì tôi mà chỉ đơn giản và thụ động, bày tất cả những của quý của mình ra cho tôi quan sát và thử nghiệm, thì Gretchen Scheffler lại quá coi trọng thiên chức sư phạm của mình. Bà muốn mục kích kết quả, muốn nghe thấy tôi cao giọng đọc, nhìn thấy những ngón tay đánh trống của tôi cần mẫn tập viết, muốn thip quan hệ hữu hảo giữa tôi và bà tiên Ngữ Pháp và nhân đó bồi bổ cho chính mình về mặt này. Khi Oskar không chịu tỏ ra có dấu hiệu tiến bộ nào, Gretchen Scheffler đâm hết kiên nhẫn; ít lâu sau khi mẹ tội nghiệp của tôi mất - cho tới lúc đó, bà đã dạy tôi được bảy năm - bà quay trở về với công việc đan lát của mình. Từ đó trở đi, sự quan tâm của bà đối với tôi chỉ thi thoảng mới biểu hiện ra bằng những chiếc áo, bít tất và bao tay mà bà tự tay đan để tặng tôi vào những dịp lễ, vì vợ chồng bà vẫn không có con. Hai chúng tôi thôi không đọc cũng chẳng bàn về Goethe và Rasputin nữa, và sở dĩ Oskar không quên hết mọi điều thuộc lĩnh vực học tập này, là nhờ những trích đoạn từ các tác phẩm của hai bậc thày mà tôi vẫn cất giấu ở nhiều chỗ khác nhau, chủ yếu là trên tầng áp mái của khu chung cư. Tôi tự trau dồi kiến thức và xây dựng những nhận định riêng của mình.

Đau yếu nằm bẹp trên giường, Lina Greff không thể thoát khỏi tôi, cũng chẳng thể bỏ tôi bởi lẽ bệnh của bà, tuy mãn tính, nhưng không đủ nặng để sớm cướp đi Lina, cô giáo Lina của tôi. Nhưng vì trên đời này không có gì là vĩnh tồn, nên chính Oskar là người đã bỏ cô giáo liệt giường khi nó cảm thấy việc học tập của mình đã hoàn tất.

Quý vị sẽ nói: cái thế giới mà trong đó gã trai này khoanh học vấn của mình lại, mới hạn hẹp làm sao! Một cửa hàng tạp hóa, một hiệu bánh mì và một cửa hàng rau quả giới định phạm vi trong đó gã buộc phải góp nhặt hành trang cho cuộc đời mai sau. Vâng, tôi phải thừa nhận là thế. Oskar đã thu gom những ấn tượng đầu tiên tối quan trọng của mình, trong một môi trường tiểu tư sản mốc xì. Tuy nhiên, tôi có một người thày thứ ba nữa. Chính ông là người mở thế giới ra cho Oskar và tạo cho nó thành người như ngày nay, một nhân vật mà vì chưa tìm được chữ nào đắt hơn, tôi đành định tính bằng hình dung từ thế giới chủ nghĩa.

Như các vị theo dõi chăm chú nhất hẳn đã nhận ra, tôi muốn nói đến ông thày và sư phụ Bebra của tôi, hậu duệ trực hệ của Hoàng tử Eugene, dgiống vua Louis XIV, anh hề lùn âm nhạc Bebra như người ta thường gọi. Khi tôi nói Bebra, đương nhiên là tôi cũng nghĩ đến người đàn bà bên cạnh ông, Roswitha Raguna, người mộng du vĩ đại và giai nhân phi thời gian. Trong những năm đen tối sau khi Matzerath cướp mất Maria của tôi, ý nghĩ của tôi thường hay hướng về Signora này. Không hiểu nàng có thể bao nhiêu tuổi nhỉ? tôi tự hỏi. Một thiếu nữ mơn mởn mười tám đôi mươi? Hay một lão phụ chín mươi chín tuổi đầy duyên sắc khả dĩ suốt một thế kỷ vẫn bền vững làm một tiêu bản nhỏ hiện thân cho thanh xuân vĩnh cửu?

Nếu tôi nhớ không lầm thì tôi gặp con người gần gũi với tôi về cả thể hình lẫn tinh thần này ít lâu sau khi mẹ tội nghiệp của tôi mất. Chúng tôi cùng uống môka trong tiệm cà phê Bốn Mùa rồi mỗi người một ngả. Về thái độ chính trị, có những điểm khác nhau nho nhỏ nhưng không phải không đáng kể. Bebra thân cận với Bộ Tuyên Truyền và, như tôi có thể dễ dàng suy ra từ một vài câu lấp lửng của ông, thường qua lại văn phòng riêng của hai ngài Goebbels và Goering[52] - một ứng xử đồi bại mà ông tìm đủ mọi cách để giải thích và thanh minh với tôi. Ông nói đến thế lực của những tay hề cung đình ở thời Trung cổ và cho tôi xem những phiên bản tranh Tây Ban Nha vẽ một vị vua Philip hay Carlos gì đó cùng với đông đảo tùy tùng; ở giữa những đám tụ hội phô phang ấy, người ta có thể thấy những tay hề tầm vóc như Bebra hoặc thậm chí Oskar, để râu dê, mặc áo có cổ xếp nếp và quần ống thụng. Tôi thích những bức tranh đó - vì tôi có thể tự nhận không chút quá lời rằng mình là một kẻ nhiệt thành ngưỡng mộ Diego Velasquez[53] - nhưng cũng chính vì lý do đó, những luận điểm của Bebra không thuyết phục được tôi và sau một hồi, ông từ bỏ chủ đề so sánh địa vị của anh hề trong triều vua Philip IV của Tây Ban Nha với vị trí của ông trong đám cận thần của tay Joseph Goebbels hãnh tiến miền Rhine, ông tiếp tục nói về thời buổi khó khăn, về những kẻ yếu phải tạm thời nhượng bộ, về sức đề kháng nở rộ trong vòng bí mật, tóm lại, đề xuất khẩu hiệu "di cư vào trong"; đó là điều khiến chúng tôi đành chia đôi ngả.

Đâu phải tôi giận hờn gì ông thày. Trong những năm sau, tôi vẫn tìm tên Bebra trên mọi tờ quảng cáo tạp kỹ và xiếc. Hai lần tôi thấy nó bên cạnh tên Signora Ragona, song tôi không tìm cách gặp các bạn mình.

Tôi trông chờ vào tình cờ, nhưng tình cờ không chịu giúp, vì nếu con đường của Bebra và của tôi giao nhau vào mùa thu năm 42 chứ không phải vào năm sau thì hẳn Oskar sẽ không bao giờ trở thành học trò của Lina Greff, sẽ thành môn đồ của đại sư Bebra. Như vậy, ngày lại ngày, tôi qua đường Labesweg, đôi khi vào lúc sáng sớm, vào cửa hàng rau quả, quanh quẩn khoảng nửa giờ bên cạnh ông chủ hiệu cho phải phép. Thời gian này, Greff trở nên bẳn tính và ngày càng dốc hết tâm trí và thì giờ vào việc sáng chế. Tôi đứng xem Greff lắp những cái máy kỳ cục, cái kêu leng keng, cái gào, cái thét và khẽ huých ông khi thấy có khách vào mua hàng vì ông đã thôi không còn để ý gì đến thế giới xung quanh. Điều gì đã xảy ra vậy? Điều gì đã khiến con người làm vườn trước kia xiết bao cởi mở và chan hòa, trở nên lầm lì như thế? Điều gì đã biến ông thành một người trung niên cô độc, lập dị và khá lôi thôi lếch thếch?

Đám thanh thiếu niên đã thôi không đến thăm ông. Thế hệ mới không biết ông. Đám tùy tùng của ông từ thời hướng đạo sinh đã bị chiến tranh tung hê đi các ngả. Từ các mặt trận khác nhau, thư gửi về, rồi chỉ có bưu thiếp và một hôm, qua một nguồn gián tiếp, Greff được tin cục cưng của ông, Horst Donath, mới đầu là hướng đạo sinh, rồi tiểu đội trưởng, sau lên trung uý, đã ngã xuống bên bờ sông Donetz.

Từ hôm ấy, Greff bắt đầu già đi, không thiết đến vẻ bề ngoài và chỉ dồn hết mình vào công việc sáng chế, đến nỗi trong cửa hàng, các loại máy kêu leng keng, máy gào rú trở nên nhiều hơn cả khoai tây hoặc bắp cải. Cố nhiên, điều đó phần nào cũng do tình hình thiếu lương thực nói chung, những đợt giao hàng ngà càng thưa thớt và nhỏ giọt và trên thị trường bán buôn, Greff không phải là một khách mua sộp có nhiều quan hệ tốt như Matzerath.

Cửa hàng nom thật thiểu não; cũng may là còn có những cái máy to mồm dấm dớ của Greff chiếm lĩnh không gian như một nét trang trí dị biệt tức cười. Tôi thích những sáng tạo nảy ra từ đầu óc ngày càng lộn xộn của Greff. Bây giờ đây, mỗi khi nhìn những hình dây thắt nút của gã y tá Bruno, tôi lại nhớ đến những đồ trưng bày của Greff. Và hệt như Bruno thích thú khi thấy tôi tủm tỉm cười nhưng thực sự quan tâm đến những trò tiêu khiển nghệ thuật của gã, Greff, theo cái cách ngu ngơ của mình, cũng sướng rơn khi tôi tỏ ra khoái một trong những cái máy khí nhạc của ông. Con người bao năm nay không mảy may để ý đến tôi, nay bỗng thất vọng ra mặt khi, sau nửa tiếng đồng hồ, tôi tạm rời cửa hàng rau quả kiêm xưởng chế tác của ông để vào thăm vợ ông, Lina Greff.

Về những cuộc đến thăm người đàn bà liệt giường này - thường mỗi lần kéo dài từ hai giờ đến hai giờ rưỡi - tôi nên kể gì với quý vị đây? Khi Oskar bước vào, bà vẫy tay từ trên giường: "A, Oskar đấy ư? Nào lại đây, hãy chui vào chăn nếu cậu thích, trời rét thế mà Greff chất củi đốt lò sưởi chả được bao nhiêu." Thế là tôi chui vào với bà dưới tấm chăn lông chim, để trống và cập dùi vừa mới dùng bên ngoài, chỉ cho phép cái dùi thứ ba (hơi khẳng khiu và mòn) theo tôi vào thăm Lina.

Tôi không cởi đồ trước khi lên giường với Lina. Cứ nguyên cả áo len, quần nhung và giày da, tôi chui vào chăn. Và, vài giờ sau, mặc dầu lao động đến nóng ran người, tôi vẫn nguyên bộ như thế, hầu như không xộc xệch, chui ra khỏi lớp chăn nệm lông chim nhàu nát.

Thế rồi, ra khỏi giường Lina, với hơi hớm của bà còn bám trên da thịt, tôi lại ghé thăm Greff một lần nữa. Sau mấy bận như thế, ông khởi đầu một nghi thức mà tôi rất hoan hỉ tuân theo: trước khi tôi ra khỏi giường Lina, ông mang vào phòng một chậu nước ấm, đặt lên một chiếc ghế đẩu cùng với xà phòng và khăn rồi lặng lẽ đi ra, thậm chí không buồn liếc mắt về phía giường.

Oskar mau lẹ bứt mình ra khỏi cái tổ đầm ấm, lon ton đến bên chậu nước rửa ráy thật kỹ mình mẩy cùng cái dùi trống dùng trên giường; tôi có thể hiểu được là, ngay cả qua trung gian, Greff cũng không chịu nổi mùi của vợ mình.

Rửa ráy sạch sẽ rồi, tôi lại được nhà sáng chế tiếp đón niềm nở. Ông giải thích cho tôi về các máy móc của ông cùng các âm thanh khác nhau chúng phát ra và cho đến nay, tôi vẫn lấy làm lạ là sự gần gũi muộn màng này vẫn không làm nẩy nở một tình bạn giữa Oskar và Greff: Greff vẫn là một người xa lạ đối với tôi, chỉ khiến tôi quan tâm chứ không hề có thiện cảm.

Tháng 9 năm 1942 - sinh nhật lần thứ mười tám của tôi vừa mới qua đi không kèn không trống và đài vừa báo tin Quân đoàn 6 đánh chiếm Stalingrad - Greff chế ra cái máy đánh trống. Một cái khung gỗ, bên trong là hai đĩa cân đầy khoai tây ở thế cân bằng; hễ lấy đi một củ, bàn cân liền chao đi và kích vào một đòn bẩy khởi động cơ chế đánh trống lắp trên chốc khung; thế là reng reng, tùng tùng, cắc cắc, chiêng trống vang lên đồng loạt và cuối cùng là một tạp âm kết thúc, loẻng xoẻng đến độ bi thảm.

Cái máy hấp dẫn tôi. Năm lần bảy lượt, tôi đề nghị Greff thao diễn lại. Vì Oskar ngỡ là ông chủ hiệu rau quả đã sáng chế và lắp đặt nó cho tôi. Chẳng bao lâu, tôi thấy rõ là mình đã lầm. Có thể Greff đã tiếp thu một vài ý của tôi, nhưng cái máy thì được chế tác cho chính ông bởi cái kết thúc loẻng xoẻng của nó cũng chính là kết thúc của bản thân ông.

Đó là một buổi sáng tháng Mười trong xanh như chỉ có gió tây bắc mới hào hiệp cho không như vậy. Tôi rời căn hộ của Mamăng Truczinski từ sớm và bước ra phố khi Matzerath vừa kéo tấm rèm sắt của cửa hàng lên. Tôi đứng bên cạnh ông trong khi những tấm mành xanh lạch xạch dâng lên; một luồng hơi chở các mùi rau quả tù đọngphả tới tôi, rồi Matzerath hôn tôi thay lời chào buổi sáng. Trước khi Maria xuất hiện, tôi đi qua đường Labesweg, đổ một cái bóng dài về phía tây trên nền đá lát vì bên phải tôi, đằng đông, mặt trời đã tự lực nhô lên trên quảng trường Max-Halbe-Platz, kiểu như Nam tước Münchhausen[54] túm lấy đuôi sam của mình tự kéo lên khỏi đầm lầy.

Bất cứ ai hiểu Greff-Rau-Quả như tôi đây hẳn đều ngạc nhiên khi thấy cửa chính cũng như cửa rèm mặt hàng nhà ông, vào giờ này, vẫn đóng im ỉm. Đành rằng những năm gần đây, Greff đã thay đổi, càng ngày càng trở nên kỳ quặc. Nhưng cửa hàng ông bao giờ cũng mở đúng giờ. Có lẽ ông ta ốm, Oskar nghĩ, nhưng rồi gạt ngay giả thuyết ấy đi. Bởi vì mới mùa đông vừa rồi, tuy không thường xuyên đều đặn như những năm trước, Greff vẫn còn đục lỗ vào biển Baltic để tắm, làm sao con người yêu thiên nhiên ấy, mặc dầu có vài dấu hiệu già đi, lại có thể đột nhiên một sớm một chiều ngã bệnh như vậy? Cái đặc quyền nằm liệt giường là dành cho vợ ông và bà này sử dụng nó cho cả hai. Hơn nữa, tôi biết rằng Greff coi khinh nệm mềm, chỉ thích ngủ trên phản cứng và ván gỗ. Không bệnh nào có thể cột chặt ông chủ hiệu rau quả vào giường.

Tôi đứng trước cửa hàng đóng kín, ngoái lại nhìn cửa hàng chúng tôi để chắc chắn là Matzerath đã vào bên trong; đến lúc đó tôi mới dạo vài nhịp trống, hy vọng lọt vào đôi tai thính của bà Greff. Chỉ cần nhè nhẹ thôi là cánh cửa sổ thứ hai bên phải cửa chính đã hé mở. Bà Greff mặc áo ngủ, đầu đầy cuộn uốn tóc, tay ôm một chiếc gối trước ngực, ló ra bên trên bồn hoa thu hải đường ở thành cửa sổ. "Oskar đấy à, vào đi, còn đợi gì nữa, ngoài ấy rét thấy mồ."

Tôi gõ một chiếc dùi trống lên tấm rèm sắt thay lời giải thích.

"Albrecht!" bà gọi. "Albrecht, mình đâu rồi? Có chuyện gì thế?"

Miệng vẫn gọi chồng, bà biến khỏi khung cửa sổ. Tiếng cửa rập sầm sầm, tôi nghe thấy bà lạch cạch trong cửa hàng rồi lại bắt đầu la thét. Bà la thét dưới tầng hầm, nhưng tôi không hiểu tại sao bà la, bởi vì cửa sổ tầng hầm, qua đó khoai tây được trút vào, vào những hôm giao hàng càng ngày càng thưa thớt trong những năm chiến tranh, cũng đóng chặt. Dán mắt vào những tấm ván quét hắc ín bịt kín cửa sổ tầng hầm, tôi thấy bên trong sáng đèn. Tôi cũng nhận thấy một cái gì trăng trắng trên những bậc cầu thang trên cùng của tầng hầm, có lẽ là chiếc gối của bà Greff.

Chắc hẳn bà đã đánh rơi chiếc gối trên cầu thang vì bà không còn ở trong hầm nữa mà đang tiếp tục la thét trong cửa hàng và lát sau, trong phòng ngủ. Bà nhấc máy điện thoại lên, la thét và quay số; bà hét vào máy điện thoại nhưng Oskar không hiểu bà nói những gì, chỉ nghe được hai tiếng tai nạn và địa chỉ Labesweg 24, mà bà hét đi hét lại nhiều lần. Bà đặt máy xuống và một lát sau, vẫn la thét, vẫn nguyên áo ngủ tuy không còn gối, vẫn đầy cuộn uốn tóc trên đầu, bà lại lấp đầy khung cửa sổ, bộ ngực đồ sộ rất quen thuộc đối với tôi tràn ra bên trên bồn hoa thu hải đường, hai tay thọc vào đám lá dày dặn phơn phớt đỏ. Bà kêu vọng lên trời khiến con phố trở nên chật hẹp và Oskar có cảm giác như thủy tinh sắp sửa bay tán loạn. Nhưng không có ô kính nào vỡ cả. Các cửa sổ mở toang, những người hàng xóm ló đầu ra, đàn bà í ới hỏi nhau, đàn ông chạy tới, bác thợ đồng hồ Laubschad vừa chạy vừa mặc nốt chiếc áo vét, già Heilandt, ông Reissberg, bác thợ may Libischewski, ông Eisch nhào ra từ những cửa nhà gần nhất; cả Probst-bán-than (chứ không phải Probst-hớt-tóc) cũng đến cùng con trai. Matzerath lướt tới như gió trong chiếc áo "blu" trắng trong khi Maria bế Kurt đứng trong khung cửa ra vào của cửa hàng chúng tôi.

Tôi dễ dàng trà trộn vào đám người lớn nháo nhác và thoát khỏi Matzerath đang tìm tôi. Ông và bác thợ đồng hồ Laubschad là những người đầu tiên bắt tay vào hành động. Họ định vào nhà bằng lối cửa sổ. Nhưng bà Greff không chịu để cho ai trèo lên, chứ đừng nói gì đến vào nhà. Vừa đấm đá vừa cào cấu và cắn, bà vẫn còn thì giờ để kêu to hơn bao giờ hết và phần nào có thể hiểu được. Người đầu tiên vào phải thuộc đội cấp cứu; bà đã gọi điện thoại từ lâu rồi; khỏi cần ai gọi lại nữa, bà biết phải làm gì trong trường hợp như thế này. Các người hãy lo cho cửa hàng của mình, các người không xen vào tình hình cũng đã đủ tồi tệ rồi. Hiếu kỳ, độc chỉ hiếu kỳ thôi, chẳng là gì khác, cháy nhà ra mặt chuột, lúc họan nạn mới rõ ai là bạn. Giữa lúc than vãn như thế, hẳn bà đã nhìn thấy tôi bên ngoài cửa sổ vì bà lên tiếng gọi tôi và, sau khi đẩy lùi đám người lớn, vươn hai cánh tay trần về phía tôi, và một người nào đó - đến nay, Oskar vẫn nghi đó là bác thợ đồng hồ Laubschad - nhấc bổng tôi lên và, bất chấp sự phản đối của Matzerath, cố ấn tôi vào trong nhà. Đứng ngay cạnh cửa sổ, Matzerath suýt tóm được tôi, nhưng Lina Greff đã với tay ra ghì chặt tôi vào chiếc áo ngủ ấm áp và thôi la hét. Sau đó, bà chỉ thút thít khóc bằng một giọng the thé xen lẫn tiếng thở hổn hển.

Nếu trước đó một lát, những tiếng la thét của bà Greff đã kích động mạnh những người hàng xóm, biến họ thành một đám cuồng dại, khoa chân múa tay trơ tráo, thì lúc này, tiếng khóc thút thít, the thé của bà lại khiến đám người xúm quanh bồn hoa thu hải đường im bặt, bối rối giậm chân tại chỗ, hồ như sợ không dám nhìn thẳng vào bộ mặt than khóc của bà và đành dồn hết hy vọng, tò mò và thiện cảm vào chờ đợi xe cấp cứu tới.

Oskar cũng thấy ớn tiếng khóc của bà Greff. Tôi cố tụt xuống thấp hơn chút nữa để khỏi quá kề sát điểm phát ra những tiếng nức nở. Tôi gỡ được tay ra khỏi cổ bà và ghé mông ngồi vào mép bồn hoa trên thành cửa sổ. Nhưng rồi Oskar cảm thấy có người để mắt theo dõi mình: Maria, tay bồng con, đang đứng trong khung cửa ra vào của cửa hàng. Một lần nữa, tôi quyết định di chuyển vì tôi hiểu rõ mình đang ở thế cực kỳ bất tiện. Nhưng tôi chỉ nghĩ đến Maria thôi, còn hàng xóm tôi bất cần. Tôi rời bến tách khỏi bờ biển Lina Greff đang chuyển rung quá dữ dội khiến tôi nhớ đến những giờ phút trên gi

Lina Greff không nhận thấy tôi bỏ trốn, hoặc giả bà không đủ sức níu giữ cái thân hình bé nhỏ đã bao lâu mang lại sự bù đắp cho bà. Hay có lẽ bà đã ngờ ngợ rằng Oskar đang tuột khỏi tay bà mãi mãi, rằng những tiếng la thét của bà đã làm nảy sinh một âm thanh có tác động kép: một mặt, nó dựng lên một bức tường rào kiên cố giữa gã đánh trống với người đàn bà liệt giường, mặt khác nó làm sụp đổ bức tường ngăn cách Maria với tôi.

Tôi đứng trong phòng ngủ nhà Greff, cái trống đeo xệch xẹo, hờ hững. Oskar quá biết căn phòng, nó có thể đọc thuộc lòng toàn bộ giấy phủ tường màu ve nhẵn mịn theo đủ mọi chiều. Cái chậu nước rửa còn vương bọt xà phòng xam xám từ ngày hôm trước vẫn ở nguyên chỗ. Mọi thứ đâu vẫn đấy, vậy mà tôi thấy đồ đạc trong phòng, những thứ đã mòn vì nằm, ngồi và va chạm, bỗng như mới, hay chí ít đã được làm mới lại, cứ như thể tất cả những gì đứng cứng đơ trên bốn chân dọc bốn bức tường này đã phải cần đến những tiếng la thét kèm theo tiếng khóc the thé của Lina Greff để bừng lên một vẻ rực rỡ mới, lạnh đến ghê người.

Cửa dẫn ra cửa hàng để mở. Ngoài ý muốn của mình, Oskar tự buông trôi vào cái căn phòng sực mùi hành và đất khô ấy. Lọt qua các kẽ ở cánh cửa sổ, ánh ngày làm nổi rõ những dải sáng trong đó xoáy lộn những hạt bụi. Phần lớn các máy nhạc và tạp âm của Greff chìm trong khoảng nhập nhoạng tối, trừ một vài chi tiết: một cái chuông nhỏ, một thanh gỗ chống, phần dưới của cái máy đánh trống, với những củ khoai tây được giữ ở thế cân bằng.

Khoang cửa sập dẫn xuống hầm, y hệt như ở cửa hàng chúng tôi, cũng để ngỏ. Cánh cửa bằng gỗ ván không có gì chống, chắc bà Greff đã mở toang trong cơn vội vã cuống cuồng la hét; bà cũng chẳng cài cái móc vào chốt gắn ở quầy. Chỉ cần đẩy khẽ một cái là Oskar có thể sập nó xuống và đóng hầm

Tôi đứng sững không động đậy đằng sau ván cửa ấy, hít cái mùi bụi và mốc của nó, trân trân nhìn cái hình chữ nhật sáng loáng đóng khung một phần cầu thang và một mảng sàn hầm lát bê tông. Trong hình chữ nhật ấy, từ mép trên bên phải, nhô ra một phần của một cái bục có bậc để bước lên, rành là Greff mới mua gần đây thôi, vì những lần trước xuống hầm, tôi không hề thấy. Nhưng nếu chỉ vì một cái bục thì ắt hẳn Oskar đã chẳng nhìn lâu và chăm chú đến thế; điều thu hút sự chú ý của nó nằm ở góc bên phải phía trên của hình ảnh: hai chiếc tất len xỏ trong đôi giày đen thắt dây, bị thu ngắn lại một cách kỳ lạ do nhìn từ đằng trước trở lại. Tuy không nhìn thấy đế, tôi vẫn biết ngay đó là đôi giày bộ hành của Greff.

Đó không thể là Greff đang đứng trong hầm, sẵn sàng khởi đầu một cuộc dạo bộ, tôi nghĩ thầm, bởi vì đôi giày không chạm đất mà lại lủng lẳng trong không trung, ngay bên trên cái bục gỗ, mặc dù có thể là những mũi giày chĩa xuống phía dưới còn hơi chạm ván bục, chút xíu thôi, nhưng vẫn là chạm. Trong một thoáng, tôi hình dung ra một ông Greff trong tư thế kiễng chân, một bài tập ngộ nghĩnh và căng thẳng, nhưng hoàn toàn có thể chờ đợi ở nhà lực sĩ yêu thiên nhiên này.

Để kiểm định giả thuyết này, có nghĩa, nếu đúng là như vậy, để có dịp cười giễu ông chủ hiệu rau quả một mẻ, tôi rón rén bước xuống những bậc cầu thang dốc, tay dạo trống theo một điệu nhạc vốn để tạo ra và đồng thời xua tan nỗi sợ, hình như là "Đâu rồi mụ phù thủy đen như hắc ín?", nếu tôi nhớ không nhầm.

Chỉ đến khi đứng chắc chân trên nền hầm lát bê tông, Oskar mới tiếp tục cuộc điều tra - theo đường vòng, qua những chồng bao tải đựng hành lép kẹp, qua những đống hòm đựng hoa quả trống không - cho đến lúc, lướt mắt theo một cái giàn gỗ trước đó nó chưa bao giờ thấy, tia nhìn của nó tiến gần tới chỗ đôi giày bộ hành của Greff đang lủng lẳng hoặc rướn trên đầu ngón chân.

Cố nhiên là tôi biết Greff bị treo. Đôi giày lơ lửng, do đó đôi tất đan thô màu xanh thẫm cũng lơ lửng. Hai đầu gối trần trên mép tất, cặp đùi lông lá tới gấu quần cộc; đến đây, một cảm giác giậm giựt, nhói buốt từ từ dâng lên từ chỗ kín của tôi, từ từ trườn theo hông lên đến lưng làm nó đột nhiên tê dại, bò dọc cột sống, bám trụ ở gáy, khiến tôi hết nóng bừng lại lạnh toát, rồi lại chạy xuống hạ bộ, làm cái giống vốn đã bé tí của tôi sun lại đến độ gần như không còn gì, rồi lại vọt trở lên lưng, lên gáy và co lại - cho đến tận bây giờ, Oskar vẫn cảm thấy cái tắc nghẹn ấy, cái cú dao đâm ấy mỗi khi có ai nói đến chuyện treo, bất cứ cái gì, kể cả treo quần áo. Không phải chỉ đôi giày bộ hành, đôi tất len, cặp đầu gối và cái quần lót bị treo; toàn thân Greff bị treo bằng một sợi dây thắt ở cổ và bên trên sợi dây, vẻ mặt căng thẳng không khỏi có bộ điệu mần tuồng.

Lạ thay, cái cảm giác giậm giựt, nhói buốt tắt rất nhanh. Tôi đâm quen mau với hình ảnh đó của Greff, vì, về cơ bản, tư thế của một người bị treo cũng bình thường và tự nhiên như tư thế của một người trồng cây chuối hoặc đi bằng hai tay, hay của một người đặt mình vào vị trí thật sự không may khi trèo lên lưng một con ngựa bốn chân để tập cưỡi.

Ngoài ra, còn có sự dàn cảnh nữa. Chỉ đến lúc đó Oskar mới đánh giá hết công sức Greff đã bỏ ra. Cách bài trí khung cảnh trong đó Greff tự treo cổ được nghiên cứu đến độ ngông cuồng, ông chủ hiệu rau quả đã nhằm một hình thức chết phù hợp với chính mình, một cái chết rất cân bằng, ông, người suốt đời đã gặp khó khăn và phiền toái trong quan hệ với Phòng Cân Đo, đã nhiều lần bị tịch thu bao quả cân, người đã bị phạt lên phạt xuống vì cân rau quả không chính xác, giờ đây ông tự cân mình thật chuẩn đến từng gam bằng những củ khoai tây.

Sợi dây thừng bóng nhờ nhờ, được xát xà phòng, chạy theo những con ròng rọc, vắt trên hai cái xà chính mà, để chuẩn bị cho ngày cuối cùng của đời mình, Greff đã ghép thành một giàn gỗ với mục đích duy nhất là dùng làm giàn treo cổ. Hiển nhiên là ông chủ hiệu rau quả đã không hề dè xẻn trong việc chi tiêu, ông đã dùng loại gỗ thượng hảo hạng. Trong hoàn cảnh thời chiến, vật liệu xây dựng thiếu thốn, kiếm được những xà và ván gỗ như thế này hẳn là khó khăn lắm. Chắc Greff đã đem hoa quả đổi lấy gỗ. Cái giàn không thiếu những thanh néo và giằng mang tính chất trang trí mặc dù không cần thiết. Cái bục với những bậc dẫn lên đó (mà từ trên cửa hàng, Oskar đã nhìn thấy một góc) đem lại cho toàn bộ công trình một tính chất gần như trác tuyệt.

Giống như trong cái máy đánh trống, mà hẳn là nhà sáng chế đã lấy làm mẫu, Greff và vật đối trọng của ông cũng treo bên trong một bộ khung. Tương phản sắc nét với bốn thanh xà ngang quét vôi trắng, một cái thang nhỏ xinh xắn màu xanh dựng giữa ông và những củ khoai tây làm đối trọng cho ông. Bằng một nút tinh xảo như kiểu các hướng đạo sinh vẫn quen làm, ông cột những giỏ khoai tây vào sợi dây chính. Vì bên trong giàn có thắp bốn bóng điện sơn trắng nhưng vẫn rất sáng, nên không cần phải đặt bước chân uế tạp của mình lên cái bục thiêng liêng, Oskar vẫn có thể đọc được dòng chữ ghi trên một tấm các-tông buộc bằng dây thép vào cái nút hướng đạo sinh bên trên giỏ khoai tây: Bảy mươi lăm kí (thiếu một trăm gam).

Greff treo mình trong trang phục một huynh trưởng hướng đạo sinh. Vào cái ngày tối chung của mình, ông đã mặc lại bộ đồng phục thời trước chiến tranh, nhưng giờ đây, nó quá chật đối với ông. Ông đã không thể cài được hai chiếc khuy quần trên cùng và chiếc thắt lưng, một nét đối chọi làm xộc xệch bộ đồ lẽ ra rất đỏm dáng. Theo đúng nghi thức xì-cút, Greff bắt chéo hai ngón của bàn tay trái. Trước khi tự treo mình, ông đã buộc chiếc mũ xì-cút vào cổ tay phải, nhưng chiếc khăn quàng thì ông đành phải bỏ. Ông cũng không thể cài cổ áo sơ mi, để thòi ra một túm lông ngực đen xì.

Mấy bông cúc tâèm vài cọng mùi tây lạc lõng, vương trên các bậc của bục gỗ. Vẻ như ông không còn hoa để rải trên bục, vì ông đã dùng phần lớn cúc tây và mấy bông hồng để kết quanh bốn tấm ảnh nhỏ treo ở bốn xà chính của giàn. Phía trước, bên trái, lồng kính, là ảnh Baden Powell, người sáng lập ra hướng đạo sinh. Đằng sau, bên trái, không khung, là Thánh George. Phía sau, bên phải, không lồng kính, là đầu David trong tranh của Michelangelo. Trên cột trước bên phải, đủ cả khung cả kính, là tấm ảnh chân dung của một thiếu niên khôi ngô tuấn tú, chừng mười sáu tuổi, một tấm ảnh ngày xưa của cục cưng của ông, Horst Donath, sau này là trung uý Donath đã ngã xuống bên bờ sông Donets.

Có lẽ tôi phải nói đôi lời về bốn mảnh giấy trên các bậc bục, giữa những bông cúc tây và những nhánh mùi tây. Chúng được sắp đặt sao cho có thể dễ dàng chắp lại với nhau. Oskar chắp lại và đọc ra đó là một trát gọi hầu tòa về tội vi phạm thuần phong mỹ tục.

Tiếng còi xe cấp cứu kéo tôi ra khỏi những suy ngẫm về cái chết của ông chủ hiệu rau quả. Một lát sau, họ lộp cộp xuống hầm rượu, bước lên bục và bắt tay vào gỡ người tự treo xuống. Họ vừa nhấc bổng ông lên, những giỏ khoai tây làm vật đối trọng liền đổ đánh ầm, khởi động một cơ chế tương tự như ở cái máy đánh trống, đặt trên chốc giàn nhưng gắn thẳng vào ván gỗ dán. Trong khi ở dưới, khoai tây lăn lông lốc trên bục hoặc rơi thẳng xuống sàn bê tông, thì ở phía trên, vang lên những tiếng gõ dồn dập vào thiếc, vào gỗ, vào đồng và thủy tinh, cả một dàn nhạc trống: chương nhạc kết hùng vĩ của Albracht Greff.

Oskar thấy rất khó có thể tái hiện trên trống của mình tiếng thác khoai tây ào ào đổ - ngẫu nhiên lại thành một món hời cho mấy tay cáng thương - và khúc tạp âm có tổ chức tạo nên bởi cái máy đánh trống của Greff. Tuy nhiên, có lẽ vì cái trống của tôi đã góp phần không nhỏ gợi ý cho Greff dàn dựng cái chết của mình, nên thi thoảng tôi có thể tấu trên trống một bài thơ-âm-thanh diễn tả khá trung thành cái chết của Greff. Khi các bạn tôi hoặc gã y tá Bruno hỏi tên của tấu kh đó là gì, tôi trả lời: Bảy mươi lăm kí.

ĐOÀN VĂN CÔNG TIỀN TUYẾN BEBRA

Giữa tháng 6/1942, Kurt con trai tôi tròn một tuổi. Oskar, cha nó, có phần xem nhẹ kỳ sinh nhật này; để hai năm nữa đã, gã nghĩ bụng. Tháng 10-1942, Greff, chủ hiệu rau quả, tự treo mình trên một cái giá được chế tác thần tình đến nỗi từ đó trở đi, tôi, Oskar đây, luôn luôn coi tự vẫn là một trong những hình thức chết cao quý nhất. Tháng giêng 1943, khắp thành phố xôn xao bàn tán về Stalingrad. Nhưng vì Matzerath nói tên thành phố này với cái giọng y hệt như khi nhắc đến Péarl Harbor, Tobruk và Dunkerque trước đây, nên những sự việc diễn ra ở đó chẳng làm tôi chú ý gì hơn những chuyện ở các thành phố khác mà tôi đã quen tên nhờ những thông cáo đặc biệt; bởi lẽ những thông cáo và bản tin của Wehrmacht[55] đã trở nên một thứ giáo trình địa lý đối với Oskar. Nếu không thì làm sao tôi biết được những con sông Kuban, Mius và Don ở đâu, ai có thể dậy tôi về các cù lao Aru, Kiska và Adak trong quần đảo Aleutian tường tận hơn những bài bình luận trên đài về những sự kiện ở Viễn Đông? Như vậy, vào tháng giêng 1943, tôi học được là thành phố Stalingrad ở bên bờ sông Volga; nhưng tôi không hề quan tâm đến số phận của Quân đoàn VI mà chỉ lo cho Maria hồi đó đang bị cúm nhẹ.

Trong khi cơn cúm của Maria rút dần, những bài học địa lý vẫn tiếp tục trên đài: cho đến nay, Oskar vẫn có thể nhắm mắt mà định vị ngay ra Rzev và Demyansk trên bất cứ bản đồ Nga Xô-viết nào. Maria vừa khỏi, lại đến Kurt con trai tôi bị ho gà. Trong khi tôi phấn đấu để ghi lại trong bộ nhớ những cái tên lủng cà lủng cấy ốc đảo đang bị tranh chấp dữ dội của Tunisie thì chứng ho gà của Kurt chấm dứt đồng thời với số phận của Afrika Korps.

Ôi, tháng Năm vui vẻ: Maria, Matzerath và Gretchen Scheffler chuẩn bị cho sinh nhật lần thứ hai của bé Kurt. Oskar cũng rất quan tâm đến cuộc lễ mừng sắp tới; bởi vì tính từ 12/6/1943, sẽ chỉ còn có một năm ngắn ngủi thôi. Nếu hôm sinh nhật lần thứ hai của Kurt, tôi có mặt, tôi sẽ nói nhỏ vào tai con trai tôi rằng: "Ráng chờ nhé, chẳng bao lâu con cũng sẽ đánh trống." Nhưng nào ngờ vào hôm 12/6/1943, Oskar lại không còn ở Danzig-Langfuhr nữa, mà ở Metz, một thành phố cổ do người La Mã dựng nên. Sự vắng mặt này kéo dài đến nỗi Oskar phải khó khăn lắm mới trở về thành phố quê hương vào ngày 12/6/1944, vừa kịp sinh nhật lần thứ ba của Kurt và trước khi xảy ra những cuộc không kích lớn.

Công chuyện gì đã khiến tôi phải đi xa? Tôi sẽ không vòng vo. Tôi đã gặp sư phụ Bebra của tôi bên ngoài trường Pestalozzi, giờ đã thành một doanh trại không quân. Nhưng chỉ một mình Bebra ắt đã không thuyết phục nổi tôi ra ngoài nước. Khoác tay Bebra là Raguna, Signora Roswitha, nghệ sĩ mộng du vĩ đại.

Oskar từ Kleinhammer-Weg đến thăm Gretchen Scheffler và đã đọc lướt cuốn Chiến đấu vì Roma, qua đó đã khám phá ra rằng ngay từ thời Belisarius, lịch sử đã có những thăng trầm, ngay từ hồi đó, người ta đã ăn mừng hoặc sầu than những chiến thắng hoặc thất bại trên sông và các thành phố trên phạm vi địa lý rộng lớn.

Tôi đi qua đồng cỏ Frobel, nơi mấy năm qua đã biến thành một khu trại của Tổ chức Todt[56]; tôi đang nghĩ về Taginae - tại đây, năm 552, Narses[57]  đã đánh bại Totila - nhưng không phải chiến thắng lái dòng suy nghĩ của tôi hướng về Narses, vị tướng tài gốc Armenia; khôngđiều tôi quan tâm là vóc dáng của vị tướng này; Marses là một người dị dạng, lưng gù, Marses nhỏ bé dưới mức bình thường, một chú lùn, một gã tí hon. Có lẽ Narses cao hơn Oskar một cái đầu trẻ con, tôi nghĩ thầm. Lúc đó tôi đang đứng bên ngoài trường Pestalozzi. Háo hức muốn tìm cái để so sánh, tôi đưa mắt nhìn những tấm huy hiệu của mấy tay sĩ quan không quân lớn quá nhanh.

Chắc chắn, Narses không đeo huy hiệu gì hết, tôi tự bảo, ông đâu có cần. Và kia, ngay giữa cổng chính vào trường, đích thân vị tướng đang đứng, khoác tay một nàng - tại sao Narses lại không thể khoác tay một nàng? Họ bước về phía tôi, lọt thỏm bé xíu giữa đám sĩ quan không quân khổng lồ, tuy nhiên họ vẫn là mấu chốt và trung tâm, quanh họ ngời lên một vòng hào quang của lịch sử và huyền thoại, họ già như những trái đồi giữa đám yêng hùng phi công non choẹt - có nghĩa lý gì cái trại đầy những Totila và Teja này, đầy những gã sếu vườn người Đông Gôtich bên cạnh một mình chú lùn người Armenia tên là Narses? Bằng những bước từ tốn, Narses tiến lại gần Oskar; ông vẫy tay ra hiệu và cả công nương khoác tay ông cũng làm thế. Đám phi công kính cẩn né ra nhường đường. Bebra và Signora Roswitha Raguna chào tôi. Tôi ghé môi vào sát tai Bebra, thì thầm: "Thày thân yêu, em cứ tưởng thày là tướng quân Narses vĩ đại. Em đánh giá ông ta cao hơn anh chàng lực sĩ Belisarius[58] nhiều".

Bebra khiêm nhường xua tay khước từ lời ca ngợi. Nhưng Raguna thì lại khoái sự so sánh của tôi. Đôi môi nàng mấp máy mới dễ thương làm sao khi nàng nói: "Kìa, Bebra, amico trẻ của chúng ta nói đâu có sai? Chẳng phải là dòng máu của Hoàng tử Eugene vẫn chảy trong huyết quản anh đó sao? ELodovico quattor dicesimo? Ngài chẳng phải là ông tổ của anh sao?"

Bebra nắm lấy cánh tay tôi, kéo riêng ra một chỗ vì cánh không quân cứ ngắm nghía chúng tôi, nhìn chòng chọc đến phát phiền, chẳng khác một con chó nhìn miếng dồi. Sau khi một trung uý rồi hai trung sĩ chào Bebra theo kiểu nhà binh - sư phụ tôi đeo lon đại úy và trên cánh tay một dải băng với dòng chữ "ội tuyên truyền" - sau khi mấy phi công xin được chữ ký của Raguna - Bebra vẫy người tài xế lái chiếc xe công vụ của ông và chúng tôi lên xe. Xe chúng tôi chuyển bánh trong tiếng vỗ tay hoan hô nồng nhiệt của cánh không quân.

Chúng tôi đi qua các phố Pestalozzi, Madgeburger, khu bãi tập. Bebra ngồi cạnh tài xế. Đến phố Magdeburger, Raguna mượn cái trống để khơi chuyện: "Vẫn trung thành với cái trống chứ, bạn thân mến?" nàng khẽ hỏi với cái giọng Địa Trung Hải mà đã bao lâu tôi không được nghe. "Và nói chung, bạn trung thành tới mức nào?" Oskar không trả lời, gã không muốn bắt nàng phải nghe kể dông dài về những chuyện phong nguyệt phức tạp của mình, nhưng tươi cười để cho nữ tài tử mộng du vĩ đại vuốt ve hết cái trống đến đôi bàn tay co quắp trên trống với một niềm âu yếm càng lúc càng rõ chất miền Nam.

Khi xe chúng tôi rẽ vào khu bãi tập, theo đường xe điện tuyến số 5, tôi thậm chí đã đáp lại, có nghĩa tôi đưa tay vuốt ve bàn tay trái của nàng trong khi tay phải nàng vẫn âu yếm tay trái tôi.

Lúc này chúng tôi đã đi quá Quảng trường Max-Halbe, Oskar không xuống được nữa và, nhìn vào gương chiếu hậu, tôi thấy đôi mắt nâu nhạt tinh quái, già trăm tuổi của Bebra đang quan sát chúng tôi vuốt ve nhau. Vì trân trọng người bạn và thầy, tôi những muốn rụt tay lại, nhưng Raguna cứ nắm riết lấy. Bebra tủm tỉm trong gương chiếu hậu, rồi ngoảnh mắt đi, quay sang nói chuyện với người lái xe trong khi, về phần mình, Roswitha vừa vuốt ve và riết chặt tay tôi, vừa rót thẳng vào tim tôi những lời lẽ trữ tình, thoạt đầu thì có phần thực tế sau rồi mỗi lúc một dịu ngọt hơn với cái giọng Địa Trung Hải của nàng, làm tôi hết áy náy và hết muốn trốn tránh. Xe đến Reichkolonie, rẽ về hướng Bệnh viện phụ khoa, và Raguna thú nhận với Oskar rằng suốt những năm qua, nàng không ngừng nghĩ đến gã, rằng nàng vẫn còn giữ cái cốc của tiệm cà phê Bốn Mùa mang "âm" tích của tôi tặng nàng, rằng Bebra là một người bạn và cộng sự tuyệt vời nhưng không thể nghĩ đến chuyện hôn nhân với ông được. Bebra phải sống độc thân, Raguna nói, đáp lại một câu của tôi; nàng để cho ông hoàn toàn tự do và ông cũng vậy, mặc dầu bản chất cực kỳ ghen tuông, nhưng qua năm tháng, ông đã hiểu ra rằng không thể ràng buộc Raguna, vả chăng, với cương vị đứng đầu Đoàn Văn công quân đội, Bebra chẳng có mấy thời gian để làm bổn phận người chồng, nhưng còn đoàn thì số dách, bình thời đoàn hoàn toàn có thể biểu diễn ở Vườn Mùa Đông hoặc Scala, liệu tôi, Oskar đây, có muốn thi thố cái tài trời cho đang bị bỏ phí chăng, thử nghiệm một năm xem sao, rành là tôi đã đến tuổi góp mặt với đời, thử sức một năm, nàng cam đoan là tôi sẽ thích, nhưng có lẽ tôi, Oskar, đã nhận lời với chỗ khác, phải không? Không ư, thế thì tốt, vừa khéo hôm nay đoàn lên đường. Đoàn vừa biểu diễn buổi cuối cùng ở quân khu Danzig-Đông Phổ, giờ chuẩn bị đi Lorraine rồi sang Pháp, hiện không còn lo bị phái đi Mặt trận phía Đông, ơn Chúa, đã qua được cái đận ấy rồi, tôi, Oskar, có thể vui mừng vì phương Đông đã lui vào quá khứ, giờ đây chắc chắn chúng ta sẽ đi Paris, tôi, Oskar, đã đến Paris bao giờ chưa? Vậy thì, amico, nếu Raguna không thể cám dỗ trái tim sắt đá của người đánh trống thì hãy để Paris làm việc đó, andiamo!

Đúng lúc nữ nghệ sĩ mộng du vĩ đại nói những lời cuối cùng này, xe dừng lại. Cây mọc xanh rờn Đại lộ Hindenburg, từng quãng đều tăm tắp. Chúng tôi xuống xe, Bebra bảo tài xế đợi. Tôi không muốn vào tiệm cà phê Bốn Mùa, đầu óc tôi đang quay cuồng và cần khí trời thoáng mát. Chúng tôi dạo quanh công viên Steffens, tôi đi giữa, Bebra bên phải và Roswitha bên trái. Bebra giải thích: tính chất và mục đích của Propaganda-Kompanie (Đội Tuyên truyền). Roswitha kể những giai thoại xung quanh cuộc sống hằng ngày của Propaganda-Kompanie. Bebra nói về các họa sĩ và phóng viên chiến tranh, về đoàn văn công quân đội của mình: Từ cặp môi Địa Trung Hải của Roswitha, tuôn ra các tên của những thành phố xa xôi tôi mới chỉ được nghe trên đài qua những thông cáo đặc biệt. Bebra nói Copenhagen, Roswitha thì thầm Palermo. Bebra ca Belgrade, Roswitha than Athens bằng giọng của một nữ diễn viên bi kịch. Nhưng cả hai đều trầm trồ tán dương Paris; ngay cả nếu tôi không bao giờ được thấy các thành phố kể trên, họ cam đoan với tôi, chỉ riêng Paris cũng sẽ đủ để bù lại thiệt thòi ấy. Và cuối cùng, Bebra, với tư cách một đại úy đoàn trưởng một đoàn văn công tiền tuyến, nới tôi như một lời mời chính thức: "Bạn trẻ ạ, hãy tham gia cùng bọn mình, hãy đánh trống và hát cho vỡ tan những cốc bia và bóng đèn. Quân đội Đức chiếm đóng ở nước Pháp tươi đẹp, ở Paris thành phố mãi mãi thanh xuân, sẽ thưởng công cho chú bằng những tràng vỗ tay và lòng biết ơn."

Một cách chiếu lệ, Oskar xin được có thời gian suy nghĩ. Suốt nửa tiếng đồng hồ, tôi đi dạo giữa những hàng cây mơn mởn sắc xuân, tách khỏi Raguna, tách khỏi Bebra, bạn và sư phụ của tôi. Tôi làm ra vẻ trăn trở suy nghĩ, bóp trán, lắng nghe những con chim nhỏ hót trong lùm cây - một điều trước nay tôi chưa từng làm - như thể chờ lời khuyên hay mách bảo của một chú chim ức đỏ nào đó. Bỗng nhiên, một giọng hót vút cao hơn tất cả và tôi nói: "Thày kính mến, Mẹ Thiên Nhiên sáng láng và phúc hậu khuyên em nên nhận lời đề nghị của thày. Từ giờ phút này, thày có thể coi em như một thành viên của đoàn."

Thế rồi rốt cuộc, chúng tôi cũng đến tiệm Bốn Mùa, uống một ly môka nhạt thếch và bàn bạc chi tiết về cuộc đào tẩu của tôi, nhưng chúng tôi không gọi đó là đào tẩu mà là một cuộc ra đi.

Ra khỏi tiệm cà phê, chúng tôi rà soát lại mọi chi tiết của kế hoạch. Rồi tôi tạm biệt Raguna và đại úy Bebra của Propaganda-Kompanie, ông này một mực dành chiếc xe công vụ cho tôi sử dụng. Trong khi hai người nhẩn nha đi dọc Đại lộ Hindenburg về phía thành phố, người lái xe cho Đại úy, một hạ sĩ đứng tuổi, đưa tôi về Langfuhr. Bác ta để tôi xuống chỗ Quảng trường Max-Halbe: một gã Oskar ngồi xe công vụ của Wehrmacht xịch tới Labesweg ắt sẽ thu hút quá nhiều con mắt tò mò.

Tôi không còn mấy thì giờ. Tạt qua tạm biệt Matzerath và Maria. Đứng hồi lâu trước chiếc giường cũi của Kurt con trai tôi. Nếu tôi nhớ đúng, thì thậm chí tình phụ tử còn nhen lên trong đầu đôi ba ý nghĩ khiến tôi toan đưa tay vuốt ve thằng ôn tóc vàng, nhưng Kurt không chịu. Trái lại, Maria thì không từ chối: hơi ngỡ ngàng, nàng chấp nhận những vuốt ve của tôi - những biêu hiện âu yếm đầau bao năm - và trìu mến đáp lại. Kỳ lạ thay, tôi thấy bịn rịn khi chia tay với Matzerath. Ông đứng trong bếp làm món cật lợn xốt mù-tạc; nhập thân hoàn toàn với chiếc muôi nấu ăn, có thể là ông đang sung sướng. Tôi sợ mình sẽ làm rầy ông. Nhưng khi ông với tay ra sau, sờ sẩm tìm cái gì đó trên bàn bếp, Oskar đoán được ý đồ của ông, bèn nhấc cái thớt nhỏ với chút mùi tây thái nhỏ trên đó và đưa cho ông; cho đến nay, tôi vẫn tin rằng hồi lâu sau khi tôi rời khỏi bếp, Matzerath vẫn đứng ngây ra sững sờ với chiếc thớt mùi tây bởi vì trước đó, chưa bao giờ Oskar đưa cho ông bất cứ cái gì.

Tôi ăn bữa tối với Mamăng Truczinski; tôi để cho bà tắm cho tôi và đặt tôi vào giường, đợi cho bà vô phòng và bắt đầu ngáy khò khè tựa tiếng huýt gió. Bấy giờ tôi mới tìm đôi dép lê, vơ vội bộ quần áo, rón rén đi qua căn phòng có bà chuột nhắt tóc bạc đang ngáy khò khè và mỗi ngày một già thêm; ngoài hành lang, tôi bị trục trặc với cái chìa khóa một chút, song cuối cùng cũng lựa được lưỡi khóa ra khỏi ổ. Vẫn thùng thình trong chiếc áo ngủ, tôi ôm bộ đồ leo cầu thang lên đến tầng áp mái. Trật trưỡng bước qua đống cát và xô phòng không, tôi đến chỗ ẩn náu của mình đằng sau những chồng ngói và những bó báo được trữ ở đó bất chấp những quy định về phòng không. Tại đây, tôi khui ra một cái trống mới toanh mà tôi đã cất riêng ra, không cho Maria biết, đồng thời cũng thấy luôn cả cái thư-viện-nhất-quyển của Oskar: Rasputin và Goethe. Tôi có nên mang theo các tác giả yêu thích không nhỉ?

Trong khi mặc quần áo, xỏ giày vào, chỉnh dây đeo trống quanh cổ, dắt dùi trống dưới đai đeo quần, Oscar tiếp tục thương lượng với hai vị thần của mình, Dyonysus và Apollo. Vị túy thần không mấy trọng suy nghĩ khuyên tôi đừng mang sách đi làm gì hoặc nếu tôi nhất thiết muốn có cái đọc, thì một xấp Rasputin là đủ. Mặt khác, khôn ngoan và tỉnh táo, Apollo cố thuyết phục tôi từ bỏ hẳn chuyến đi Pháp này, nhưng khi thấy Oskar đã quyết định, bèn dặn đi dặn lại là phải chọn hành trang cho thỏa đáng. Được, tôi sẽ phải mang theo cái ngáp tao nhã của Goethe cách đây hàng thế kỷ, nhưng do ý muốn thách thức và cũng vì tôi biết Những ái lực chọn lọcải quyết được mọi vấn đề tình dục của tôi, nên tôi đem theo luôn cả Rasputin cùng những mỹ nữ khỏa thân của ông, khỏa thân hoàn toàn trừ những đôi tất đen. Nếu Apollo tìm kiếm sự hài hòa và Dionysus sự say sưa và hỗn độn, thì Oskar là một tiểu á thần có nhiệm vụ làm hài hòa sự hỗn độn và làm cho lý trí say mềm. Cộng với tính khả vong của người trần thế, gã còn có một ưu thế so với tất cả các vị thần thực sự mà tính cách đã được khuôn định từ ngàn xưa: Oskar có thể đọc những gì gã thích, trong khi các vị thần phải tự kiểm duyệt mình.

Ở lâu, người ta đâm quen xiết bao với khu chung cư cùng những mùi bếp của mười chín hộ thuê nhà! Tôi chào tạm biệt từng bậc cầu thang, từng tầng gác, từng cánh cửa gắn biển tên của các căn hộ. Ôi Meyn, người nhạc công bị trả về vì không đủ sức khỏe phục vụ trong quân đội, lại chơi t’rompet, lại uống rượu gừng và chờ người ta lại đến bắt đi - và quả nhiên, về sau họ đến bắt đi thật, nhưng lần này không cho mang theo chiếc kèn t’rompet. Ôi bà Kater sồ sề có đứa con gái Susi tự xưng là nhân viên phụ động trong ngành vận tải. Ôi Axel Mischke, cậu đánh đổi cây roi của cậu lấy cái gì? Hai vợ chồng ông Woiwuth vẫn ăn su hào. Do bị đau dạ dày, nên thay vì phục vụ trong bộ binh, Heinert được làm việc ở Schichau. Và cha mẹ của Heinert ở căn hộ bên cạnh vẫn mang cái tên Ba Lan Heinowski. Ôi Mamăng Truczinski, bà chuột nhắt ngủ yên bình đằng sau cánh cửa căn hộ của mình. Áp tai vào ván cửa gỗ, tôi nghe thấy tiếng ngáy như huýt gió của bà. Cũn Cỡn, tên thật là Retzel, nay đã thành thiếu úy mặc dù hồi bé, bao giờ nó cũng phải mang tất len dài màu đen. Con trai của Schlager đã chết, con trai Eyke chết, con trai Kollin cũng chết. Nhưng bác thợ đồng hồ Laubsschad vẫn còn sống, vẫn đánh thức những cái đồng hồ chết sống lại. Và già Heilandt cũng còn sống để gõ những cái đinh cong queo thẳng lại. Và bà Schwerwinski ốm đau bệnh tật và ông Schwerwinski khỏe mạnh hồng hào, thế mà ông lại chết trước. Còn tầng trệt thì sao? Có những ai ở đó? Là Alfred và Maria Matzerath và một thằng ôn con gần hai tuổi tên là Kurt. Và ai đang rời cái khu chung cư thở phì phò này? Đó là Oskar, cha của bé Kurt. Gã mang theo những gì vào trong phố tối? Một cái trống và một cuốn sách bự để họ hỏi. Tại sao gã lại đứng im giữa những ngôi nhà che đèn kín bưng, giữa tất cả những ngôi nhà đặt lòng tin vào những quy định phòng không, tại sao gã dừng lại trước một trong những ngôi nhà che đèn phòng không đó? Bởi vì ở đó có bà góa Greff mà gã mang nợ không phải về mặt giáo dục, mà về một số kỹ năng khá tế nhị. Tại sao gã lại ngả mũ trước ngôi nhà đen? Bởi vì gã nghĩ đến Greff-Rau-Quả, tóc xoăn, mũi dọc dừa, người đã tự cân và tự treo mình cùng một lúc, và, ở tư thế treo lơ lửng, vẫn tóc xoăn và mũi dọc dừa, mặc dù đôi mắt nâu, bình thường đăm chiêu náu trong hốc mắt, giờ lồi ra trong sự căng thẳng tột độ. Tại sao Oskar lại đội trở lại chiếc mũ lính thủy có dải bay phất phơ đằng sau và hấp tấp bỏ đi? Bởi vì gã có cuộc hẹn. Ở ga tàu hàng Langfuhr. Liệu gã có đến kịp không? Kịp.

Có nghĩa là vào phút cuối, tôi tới đoạn đường sắt gần cầu chui Brünshofer-Weg. Không, tôi không dừng lại trước phòng khám của bác sĩ Hollatz gần đấy. Trong tư tưởng, tôi tạm biệt Xơ Inge và vợ chồng ông chủ hiệu bánh mì ở Kleinhammer-Weg, nhưng tôi vừa đi vừa làm tất cả những cái đó, và chỉ có Nhà thờ Thánh Tâm mới buộc tôi phải dừng lại mất một lúc, khiến tôi suýt trễ giờ. Cửa nhà thờ đóng im ỉm. Song con mắt ký ức của tôi thấy rõ mồn một tay Jêxu nồng nỗng, hồng hào trên đùi trái của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Mẹ tội nghiệp của tôi đã lại ở đó, quỳ trong phòng xưng tội, trút những tội lỗi của mình với tư cách là nữ chủ hiệu tạp hóa vào tai Cha Wiehnke y như trút đường vào những cái bao màu xanh lơ một pao hoặc nửa pao. Và Oskar thì quỳ ở ban thờ bên trái, cố dậy Jêxu hài đồng đánh trống, nhưng cu cậu không chịu đánh, không cho tôi chứng kiến phép mầu. Hồi ấy, Oskar đã thề, và giờ đây, đứng bên ngoài cửa nhà thờ đóng kín, gã lại thề một lần nữa: mình vẫn sẽ dậy cho cậu ta đánh trống. Sớm hay muộn.

Vì trước mắt còn có chuyến đi xa, nên tôi tạm gác quyết định ấy và quay cái lưng nghệ sĩ đánh trống của mình lại với cửa nhà thờ, tin chắc rằng Jêxu sẽ không thoát khỏi tay tôi. Đến gần cầu chui, tôi hì hụi leo lên sườn dốc đường tàu, rớt mất chút ít Goethe và Rasputin trong khi leo, nhưng phần lớn hành trang văn hóa vẫn còn nguyên khi tôi lên tới đường tàu. Rồi tôi trật trưỡng bước dăm bảy bước trên những thanh tà-vẹt và đá vụn trước khi suýt đâm sầm phải Bebra đang đứng đợi tôi trong đêm tối mịt.

"Nghệ sĩ đánh trống kỳ tài của chúng ta đây rồi!" đại úy hề lùn reo lên. Dặn nhau phải cẩn thận, chúng tôi mò mẫm vượt qua những đường tàu và nhánh rẽ, mất phương hướng giữa mê cung những toa chở hàng, và cuối cùng tìm thấy đoàn tàu chở quân nhân đi phép, trên đó có một buồng toa dành cho đoàn của Bebra.

Oskar trước đây đã nhiều lần đi xe điện, bây giờ gã sắp sửa được đi tàu hỏa. Khi Bebra đẩy tôi vào buồng toa, Raguna mỉm cười ngước mắt lên khỏi một cái gì nàng đang khâu dở và hôn vào má tôi. Vẫn mỉm cười, nhưng không ngừng khâu, nàng giới thiệu hai thành viên khác của đoàn: các nghệ sĩ nhào lộn Felix và Kitty. Kitty tóc vàng như mật ong, tầm vóc xấp xỉ Raguna và không thiếu sức hấp dẫn mặc dù da hơi xam xám. Cái giọng Xăcxông lơ lớ lại càng tăng thêm nét duyên ở cô. Nghệ sĩ nhào lộn Felix chắc hẳn là người cao nhất trong đoàn. Anh ta chắc phải cao gần một mét hai. Tội nghiệp anh chàng mặc cảm vì kích thước quá khổ của mình. Sự xuất hiện của tôi với tầm vóc thon thả chín mươi tư xăngtimét càng khiến anh ngượng nghịu hơn bao giờ hết. Khuôn mặt nhìn nghiêng của anh từa tựa như mặt một con ngựa đua thuần chủng, khiến Raguna gọi anh là "Cavallo" (ngựa) hay "Felix Cavallo". Giống như Đại úy Bebra, anh chàng tài tử nhào lộn mặc một bộ quân phục màu xám, nhưng chỉ đeo quân hàm trung sĩ thôi. Hai nàng cùng mặc đồ xám cắt theo kiểu y phục đi đường, nom không hợp lắm. Cái mà Raguna đang khâu cũng màu xám; hóa ra đó là bộ quân phục tương lai của tôi. Felix và Bebra đã mua vải, Roswitha và Kitty thay phiên nhau khâu, càng lúc càng xén bớt vải cho đến khi cả quần áo lẫn mũ đều vừa vặn khổ người tôi. Còn về giày thì có lục khắp các kho quân nhu của Wehrmacht để kiếm một đôi vừa cỡ Oskar, cũng vô ích. Tôi đành phải bằng lòng với đôi giày dân sự của mình và chẳng bao giờ được phát ủng của quân đội.

Giấy tờ của tôi là giả mạo. Felix tài tử nhào lộn tỏ ra rất thông minh trong công việc tế nhị này. Chỉ vì lịch sự mà tôi không lên tiếng phản đối khi nữ nghệ sĩ mộng du vĩ đại nhận tôi là anh trai - xin nhớ là anh trai chứ không phải em trai: Oskarnello Raguna, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1912 tại Napoli. Cho đến nay, tôi đã dùng đủ mọi loại tên và Oskarnello Raguna chắc chắn không phải là cái tên kém êm tai nhất.

Tàu chuyển bánh. Qua Stolp, Stettin, Berlin, Hanover và Cologne, tàu đưa chúng tôi đến Metz. Chúng tôi dừng lại ở Berlin năm tiếng đồng hồ mà tôi hầu như không xem không thấy được gì. Tựa hồ do tình cờ, một cuộc không kích xảy đến. Chúng tôi phải trú trong hầm Thomaskeller. Đám lính đi phép bị lèn như cá hộp trong những phòng có mái vòm. Tất cả ồn lên khi một quân cảnh lách lối cho chúng tôi vào. Mấy gã vừa từ Mặt trận phía Đông về biết Bebra và đoàn từ những cuộc biểu diễn trước dây, họ vỗ tay, huýt sáo và Raguna gửi những chiếc hôn gió về phía họ. Người ta yêu cầu chúng tôi biểu diễn. Chỉ trong mấy phút, họ đã ứng biến tạo nên một sân khấu tạm thời ở đầu hầm bia cũ. Bebra khó lòng mà từ chối, nhất là khi một thiếu tá không quân, với thái độ thân ái và kính cẩn quá đáng, đứng nghiêm xin ông "cho anh em thưởng thức một chầu văn hóa văn nghệ".

Lần đầu tiên, Oskar phải xuất hiện trong một cuộc trình diễn sân khấu thật sự. Tuy không phải hoàn toàn thiếu chuẩn bị - ngay trong khi tàu chạy, Bebra đã nhiều lần cùng tôi ôn tập tiết mục của tôi - tôi vẫn run đến nỗi Raguna phải vuốt ve tay tôi để động viên.

Nhanh như điện, lính ta chuyển đồ nghề của chúng tôi vào và một lát sau, Felix và Kitty bắt đầu trình diễn. Cả hai đều là người cao su. Họ xoắn vào nhau thành búi, hết thắt vào lại gỡ ra, quấn quít, xáo đổi chân người nọ tay người kia, làm cho đám lính trố mắt, xô đẩy nhau đâm nhức cơ và đau khớp dữ dội đến mấy ngày sau. Trong khi cặp Felix và Kitty vẫn còn đang xoắn-xoắn-gỡ-gỡ, thì Bebra vào cuộc với tiết mục hề âm nhạc của ình. Trên những chai bia từ rỗng đến đầy ở nhiều mức độ khác nhau, ông chơi những bản nhạc được ưa chuộng nhất trong những năm chiến tranh; ông chơi bài Erika và Mamatchi, cho tôi một con ngựa, làm cho Những ngôi sao quê hương lấp lánh và vang lên từ những cổ chai, rồi khi thấy công chúng không hưởng ứng nồng nhiệt lắm, bèn quay trở lại bài "tủ" của mình: Jimmy-Mãnh-Hổ lồng lộn, gầm gào giữa đám chai. Khúc nhạc này không những chinh phục đám quân nhân mà còn thỏa mãn lỗ tai sành điệu của Oskar nữa. Và khi, sau vài ngón ảo thuật nhố nhăng nhưng thành công, Bebra giới thiệu Roswitha Raguna, nữ nghệ sĩ mộng du vĩ đại và Oskarnello Raguna, nghệ sĩ đánh trống diệt thủy tinh, thì cử tọa đã được hâm nóng đủ độ; thành công của Roswitha và Oskarnello là điều chắc chắn. Tôi mở đầu cuộc trình diễn của chúng tôi bằng một hồi trống nhè nhẹ, rồi đưa lên cao trào bằng những hồi dồn dập crescendo và sau và sau mỗi hồi lại điểm một tiếng "bùm" lớn, dõng dạc, đúng lúc, làm dậy lên những tràng vỗ tay hoan hô. Raguna mời một người lính, hoặc một vài sĩ quan, bước lên phía trước, yêu cầu một trung sĩ lớn tuổi da nhám, hay một chuẩn úy trẻ rụt rè song lại ra vẻ ngổ ngáo, đến ngồi cạnh nàng. Đoạn, nàng bắt đầu nhìn vào tâm can họ - phải, Raguna nhìn thấu được tim người - và đọc ra vanh vách những dữ kiện chính xác trong lý lịch quân nhân của họ, cũng như những chi tiết mùi mẫn trong đời tư của họ. Những tọc mạch ấy của nàng, tuy nhiên lại rất tế nhị và hóm hỉnh. Để kết thúc nàng thưởng cho một trong những nạn nhân của mình một chai bia và đề nghị anh ta giơ cao lên cho cử tọa trông thấy. Đoạn, nàng ra hiệu cho tôi, Oskarnello: tôi bèn thúc trống crescendo và cất cái giọng vốn dành cho những kỳ công đòi hỏi uy lực hơn nhiều: đối với nó, làm nổ đùng cái chai bia nọ chỉ là trò trẻ con. Bộ mặt ngơ ngác, lấm tấm những giọt bia bắn vào của một trung sĩ dày dạn hay của một chuẩn úy non choẹt - tôi không nhớ đích xác là ai - đánh dấu chấm hết cho màn trình diễn của chúng tôi. Tiếp đến là những tràng vỗ tay như sấm kéo dài, hòa lẫn với tiếng ầm ầm của một cuộc không kích vào thủ đô.

Cuộc biểu diễn của chúng tôi không thuộc đẳng cấp quốc tế, nhưng nó mua vui cho các quân nhân, làm cho họi mặt trận và kỳ nghỉ phép đã hết và nó làm cho họ cười hoài không dứt; bởi vì khi những trái bom rơi trên đầu chúng tôi, làm rung chuyển và vùi lấp căn hầm cùng mọi thứ trong đó, dập tắt điện, kể cả điện dự phòng, khi quanh chúng tôi, mọi thứ đều lộn tùng phèo, tiếng cười vẫn vang lên khắp cỗ áo quan lớn tối mịt, ngột ngạt, kèm theo những tiếng hô: "Bebra! Chúng tôi muốn Bebra!” Và Bebra đôn hậu, bất khả vong đáp lời, diễn hề trong bóng tối, làm bật ra những tràng cười thoải mái từ đám người bị vùi lấp. Và khi có những tiếng yêu cầu Raguna và Oskarnello, ông cất giọng oang oang: "Các bạn lính chì của tôi, Signora Raguna rất mệt rồi. Và Oskarnello cũng phải đánh một giấc dành sức phục vụ Đại Đế Chế Đức và tháng 10 cuối cùng."

Roswitha nằm cạnh tôi, nàng sợ. Còn Oskar thì không sợ, gã nằm bên Raguna. Nỗi sợ của nàng và lòng can đảm của tôi gắn những bàn tay chúng tôi lại với nhau. Tôi cảm thấy nỗi sợ của nàng và nàng cảm thấy lòng can đảm của tôi. Dần dà, cái sợ lây sang tôi và nàng trở nên can đảm. Và sau khi tôi đuổi cái sợ khỏi nàng và truyền can đảm cho nàng, đảm lược nam nhi của tôi lại ngóc đầu dậy một lần nữa. Trong khi lòng can đảm của tôi đã trải mười tám năm vinh quang, thì nàng, ở tuổi bao nhiêu tôi không rõ, ngả mình lần thứ bao nhiêu tôi không hay, lại một lần nữa bị xâm chiếm bởi nỗi sợ đã đánh thức lòng can đảm của tôi. Bởi vì, giống như mặt nàng, thân hình có kích thước nhỏ nhoi nhưng mãn khai của nàng không hề mang dấu tích của thời gian. Với lòng can đảm phi thời gian và nỗi sợ phi thời gian, Roswitha tự dâng hiến cho tôi. Và sẽ không bao giờ có ai biết được người nữ tí hon trong hầm Thomaskellerr bị vùi, cái người đã tiêu hết nỗi sợ của mình vào lòng can đảm của tôi giữa cuộc không kích dữ dội vào thủ đô bữa ấy, đúng ra là mười chín hay chín mươi chín tuổi. Điều khiến cho Oskar càng dễ giữ kín hơn, là chính bản thân gã cũng không biết đích xác người đã ban cho gã cuộc ân ái này - sự ôm ấp đầu tiên thực sự hợp với tầm vóc gã - là một bà già can đảm hay một cô gái trẻ vì sợ hãi mà nhắm mắt buông xuôi.

THỊ SÁT BÊ TÔNG HAY MAN RỢ, HUYỀN BÍ, CHÁN NGẮT

Trong ba tuần, đêm nào chúng tôi cũng biểu diễn trong những hầm pháo đáng kính của Metz, từ lâu vốn là một thành phố đồn trú và đã từng một thời là tiền đồn La Mã. Chúng tôi tiếp tục vẫn chương trình ấy trong hai tuần ở Nancy. Châlons-trên-sông-Marne đón tiếp chúng tôi nồng nhiệt một tuần. Dăm ba câu tiếng Pháp đã bắt đầu líu ríu trên môi Oskar. Tại Reims, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng tác hại của Thế Chiến I. Bầy thú bằng đá của ngôi nhà thờ nổi tiếng thế giới, buồn nôn vì nhân loại, không ngừng khạc nước trên nền đá lát xung quanh, có nghĩa là ở Reims mưa suốt ngày, kể cả ban đêm. Ngược lại, chặng tiếp theo, chúng tôi gặp ở Paris một tháng Chín dịu êm và lộng lẫy. Suốt buổi sinh nhật lần thứ mười tám của tôi, tôi khoác tay Roswitha dạo trên các bến tàu. Mặc dầu đã biết Paris qua các bưu ảnh của thượng sĩ Fritz Truczinski, tôi không hề thất vọng. Khi Roswitha và tôi - nàng cao chín mươi tám phân, hơn tôi gần năm phân - lần đầu tiên đứng dưới chân Tháp Eiffel ngước nhìn lên, chúng tôi - lại cũng lần đầu tiên - giác ngộ ra tầm lớn lao và sự độc đáo của mình.

Đến đâu chúng tôi cũng hôn nhau, nhưng cái đó là chuyện bình thường ở Paris.

Tuyệt diệu thay những giờ khắc kề cận với Nghệ thuật và Lịch sử! Vẫn khoác tay Roswitha, tôi đi thăm Dôme des Ivalides[59], lòng nghĩ tới vị hoàng đế vĩ đại và cảm thấy rất gần gũi với ông vì mặc dù vĩ đại, ông không hề cao lớn. Nhớ lại khi đứng trước mộ Frederick Đại Đế (cả ông này nữa cũng chả phải là hộ pháp), Napoléon đã nói: "Nếu ông còn sống thì chúng ta ắt đã chẳng ứng đây được", tôi âu yếm thì thầm vào tai Roswitha: "Nếu gã người Corse[60] còn sống thì chúng ta ắt đã chẳng đến đây được mà hôn nhau dưới những cây cầu, trên những bến tàu, sur le trottoir de Paris[61].

Với sự cộng tác của mấy nhóm khác, chúng tôi dựng những chương trình đồ sộ ở Salle Pleyel và Nhà hát Sarah Bernharrdt. Oskar nhanh chóng làm quen với phong cách sân khấu của thành phố lớn này, hoàn thiện bảng tiết mục của mình, tự điều chỉnh để thích ứng với thị hiếu khắt khe của quân chiếm đóng Paris. Tôi không phung phí âm lực tuyệt xảo của mình vào những chai bia Đức tầm thường nữa; tại đây, thành phố ánh sáng, tôi đập tan những chiếc bình mỹ lệ vô giá, những chiếc bát đựng hoa quả bằng thủy tinh thổi mỏng tang lấy từ những lâu đài Pháp. Tiết mục của tôi đi theo tuyến lịch sử, bắt đầu bằng những đồ thủy tinh thời Louis XIV và, cũng giống như bản thân lịch sử, tiếp tục với đồ thủy tinh thời Louis XV. Với nhiệt tình cách mạng, tôi tấn công những cốc tách của ông vua Louis XVI bất hạnh cùng bà vợ không đầu Marie Antoinette của ông. Cuối cùng, sau khi láng cháng qua Louis Philippe, tôi chuyển trận địa sang những sản phẩm tân kỳ của ngành thủy tinh Đệ Tam Cộng Hòa.

Dĩ nhiên, ý nghĩa lịch sử hàm chứa trong sự trình diễn của tôi nằm ngoài tầm nhận thức của đám công chúng mặc đồng phục màu xám dã chiến ngồi ở sau khoang dàn nhạc và bao lơn; họ hoan hô những mảnh vỡ tôi gây ra như những mảnh vỡ thông thường; nhưng thi thoảng cũng có những sĩ quan tham mưu hoặc ký giả của Reich thưởng thức được ý thức lịch sử sắc bén của tôi. Một nhân vật có vẻ học giả mặc quân phục ca ngợi nghệ thuật của tôi sau một gala trình diễn phục vụ Kommandantur (Bộ tư lệnh). Oskar đặc biệt tri ân tay phóng viên của một tờ báo Đức quan trọng, chuyên gia về các vấn đề Pháp, đã kín đáo lưu ý tôi đến mấy lỗi nhỏ, nếu không muốn gọi là thiếu nhất quán về phong cách, trong chương trình của tôi.

Chúng tôi qua cả mùa đông ở Paris. Họ xếp chúng tôi ở những khách sạn hạng nhất và tôi sẽ không chối cãi rằng suốt mùa đông, Roswitha đã cùng tôi tìm hiểu chất lượng tuyệt hảo của các loại giường Pháp. Oskar có hạnh phúc ở Paris không? Gã có quên những người thân - Maria, Matzerath, Gretchen và Alexander - ở bên nhà không? Oskar có quên thằng con trai Kurt và bà ngoại Anna Koljaiczek không?

Tôi không quên họ, nhưng tôi cũng chẳng cảm thấy nhớ ai thật sự. Tôi không gửi tấm bưu ảnh quân đội nào về nhà, biệt vô âm tín; ngược lại, tôi cho họ cơ hội sống trọn một năm không có mặt tôi. Từ lúc ra đi, tôi đã quyết tâm trở lại, do vậy tôi vẫn muốn biết họ xoay sở ra sao trong khi tôi vắng nhà. Trên đường phố hoặc trong các buổi biểu diễn, đôi khi tôi rà soát những khuôn mặt lính để tìm những nét quen thuộc. Có thể, Oskar suy đoán, Fritz Truczinski hay Axel Mischke đã được chuyển từ Mặt trận phía Đông về đây cũng nên, và một vài lần, gã ngỡ đã nhận ra người anh ruột điển trai của Maria giữa một đám bộ binh, nhưng không phải: cái màu xám dã chiến dễ làm người ta nhầm lẫn.

Chỉ có Tháp Eiffel là làm tôi nhớ nhà. Xin đừng tưởng rằng tôi trèo lên đỉnh và viễn cảnh trải ra trước mắt khiến tôi mơ về cố quốc. Oskar đã lên Tháp Eiffel trong ý nghĩ và trên bưu ảnh thường xuyên đến nỗi một cuộc leo tháp thực sự chỉ có thể làm gã thất vọng mà thôi. Đối với tôi, những lúc đứng hay ngồi ở chân Tháp Eiffel, không có Roswitha ở bên, một mình dưới những dầm thép vút lên của công trình xây dựng tiên phong, thì cái vòm lớn tựa hồ khép kín mặc dù khắp bốn xung quanh là những khoảng không ấy, trở thành cái vòm chở che của bà ngoại tôi: ngồi dưới Tháp Eiffel là ngồi dưới bốn tầng váy của bà, Champ de Mars (Đồng Tháng Ba) biến thành một cánh đồng khoai tây Kashubes, những giọt mưa tháng mười Paris chênh chếch rơi hoài bất tận giữa Bissau và Ramkau, và vào những ngày như thế, cả thành phố Paris, thậm chí cả dưới đường xe điện ngầm, đều khăn khẳn mùi bơ. Tôi đâm trầm lặng và đăm chiêu. Những lúc ấy, Roswitha tôn trọng nỗi buồnôi và tỏ ra chăm chút rất ân cần; nàng vốn là một tâm hồn nhạy cảm.

Tháng Tư năm 1944 - thông cáo từ khắp các mặt trận cho biết các tuyến của quân ta rút ngắn lại một cách mỹ mãn - chúng tôi phải thu xếp hành trang rời Paris để đi diễn lưu động dọc Phòng tuyến Đại Tây Dương. Chặng dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Le Havre. Tôi cảm thấy Bebra trở nên lầm lì và lơ đãng. Mặc dầu trong những buổi biểu diễn, ông vẫn tỏ ra đầy bản lĩnh và làm cho khán giả cười thoải mái, nhưng hễ màn cuối vừa buông xuống là gương mặt Narses trăm tuổi của ông lại như biến thành đá. Thoạt đầu, tôi tưởng là ông ghen hoặc tệ hơn thế, đã đầu hàng trước sức thanh xuân của tôi. Những lời thì thầm của Roswitha khiến tôi vỡ nhẽ; nàng không biết đích xác chuyện gì đang diễn ra nhưng nàng đã để ý thấy là sau mỗi cuộc biểu diễn, Bebra thường đóng kín cửa gặp một số sĩ quan. Xem vẻ như ông thày tôi đã dứt ra khỏi cuộc di trú nội tâm và, kích thích bởi dòng máu của ông tổ Hoàng tử Eugene, đang dự định làm một hành động trực tiếp nào đó. Những kế hoạch của ông đã cuốn ông đi xa biệt chúng tôi, đã khiến ông đắm trong những bận tâm rộng lớn đến nỗi việc Oskar dan díu với bồ cũ Roswitha của ông chỉ gợi lên một nụ cười mệt mỏi trên khuôn mặt đầy nếp nhăn. Một hôm ở Trouville - người ta xếp chúng tôi ở khách sạn Kursaal - ông bắt gặp chúng tôi quấn chặt lấy nhau trên tấm thảm phòng hóa trang chung cho cả ba. Chúng tôi đã toan rời nhau ra thì ông xua tay ra ý không cần phải thế và nói với tấm gương hóa trang của mình: "Cứ vui vẻ đi, các con, ghì nhau đi, hôn nhau đi, ngày mai chúng ta sẽ thị sát bê tông và ngày kia, sẽ chỉ có bê tông ở giữa môi các con thôi. Hãy tận hưởng những nụ hôn khi còn có thể."

Đó là vào tháng 6/1944. Khi ấy, chúng tôi đã tua khắp Phòng tuyến Đại Tây Dương, từ Vịnh Biscay đến Hà Lan, nhưng phần lớn thời gian, chúng tôi ở trong nội địa, nên ít được thấy những công sự phòng thủ trứ danh. Mãi khi tới Trouville, chúng tôi mới biểu diễn trực tiếp ngoài bờ biển. Tại đây, chúng tôi được mời tham quan Phòng tuyến Đại Tây Dương. Bebra nhận lời. Sau buổi biểu diễn cuối cùng ở Trouville, người ta cho xe đưa chúng tôi đến làng Bavent gần Caen, cách những cồn cát ven biển khoảng bốn cây số. Chúng tôi được xếp ở nhà những nông dân. Đồng cỏ, hàng rào, vườn táo. Đây chính là nơi chưng cất loại rượu táo gọi là calvados. Chúng tôi uống calvados rồi đi ngủ. Không khí trong lành lọt vào qua cửa sổ, và một cái ao đầy ếch ộp oạp cho tới sáng. Có mấy con là những tay trống cừ. Tôi nghe chúng trong giấc ngủ và tôi tự nhủ: "Oskar, mày phải về nhà thôi, con trai Kurt của mày sắp ba tuổi rồi, mày phải cho nó cái trống mày đã hứa." Bị dằn vặt như vậy, Oskar, người cha đau khổ, thức giấc từng giờ, đưa tay mò mẫm trong bóng tối để biết chắc rằng Roswitha vẫn đó, hít cái mùi của nàng; Roswitha thoang thoảng mùi quế, mùi đinh hương giã nhỏ và mùi hạt hồi; cái mùi gia vị tiền-Giáng sinh đó vẫn lưu lại ở nàng cả trong mùa hè.

Buổi sáng, một chiếc xe tải bọc thép đến trại. Chúng tôi đứng ở cổng, chuyện gẫu trong gió biển; sáng sớm, trời lạnh bọn tôi đều hơi run rẩy. Chúng tôi lên xe: Bebra, Raguna, Felix và Kitty, Oskar và một trung úy tên là Herzog đưa chúng tôi đến khẩu đội của anh ta ở phía tây Cabourg.

Nói rằng miền Normandie xanh rờn là không đếm xỉa đến những con bò lốm đốm nâu-trắng đang nhai lại trên những cánh đồng mờ mờ, ướt sương dọc theo hai bên xa lộ thẳng tắp. Chúng chào đón chiếc xe bọc thép của bọn tôi một cách dửng dưng đến nỗi, giá như không được sơn ngụy trang từ trước, thì lớp vỏ thép ắt phải đỏ mặt vì xấu hổ. Những hàng dương, những bờ rào, những cây leo, những khách sạn bãi biển đầu tiên, đồ sộ mà trống rỗng, với những cánh cửa sổ lách cách trước gió. Chúng tôi rẽ vào con đường đi dạo ven biển, xuống xe và hì hụi đi theo viên trung úy (tay này biểu lộ với đại úy Bebra một vẻ kính trọng chiếu cố tuy đúng quy cách nhà binh) qua những cồn cát, ngược một con gió đầy cát và bụi sóng.

Đây không phải là biển Baltic xanh mướt, dịu dàng, thổn thức như một cô gái ủy mị, chờ đón tôi. Đây là Đại Tây Dương đang tiếp tục cuộc thao diễn vĩnh hằng của nó - tiến công lúc triều lên và rút lui khi triều xuố

Và đây, bê tông ở ngay gần kề. Chúng tôi có thể ngắm nó, thậm chí vuốt ve nó thỏa thích; nó trơ trơ, không động đậy. "Nghiêm!" ai đó ở trong khối bê tông hô. Và người đó, cao như cái sào, nhảy ra từ cái công sự phòng thủ có hình dáng một con rùa bèn bẹt, nằm giữa những cồn cát, được đặt tên là "Dora-7", đang chĩa những lỗ châu mai, những khe ngắm và những nòng súng máy về phía thủy triều lên xuống. Đó là trung sĩ Lankes đến báo cáo trung úy Herzog và đại úy Bebra.

LANKES (chào): Dora 7, một trung sĩ và bốn binh nhì. Tình hình không có gì đặc biệt.

HERZOG: Cảm ơn. Nghỉ, trung sĩ Lankes. Ngài có nghe thấy không, đại úy Bebra? Không có gì đặc biệt. Cứ thế đã hàng năm rồi.

BEBRA: Vẫn có thủy triều lên lên xuống xuống đấy thôi. Sự đóng góp của thiên nhiên mà.

HERZOG: Đó chính là cái làm người của chúng ta bận rộn. Chính vì thế mà chúng ta đi xây dựng hết công sự này đến công sự khác đến nỗi cái nọ nằm trong phạm vi hỏa lực của cái kia. Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ phải phá đi một số để có chỗ xây bê tông mới.

BEBRA (gõ gõ lên bê tông, các thành viên trong đoàn làm theo): Và ông tin tưởng ở bê tông?

HERZOG: Tin tưởng không phải là từ chính xác. Chúng ta không còn tin tưởng nhiều vào bất cứ điều gì nữa. Anh thấy thế nào, Lankes?

LANKES: Đúng, thưa ngài. Không còn niềm tin nữa.

BEBRA: Nhưng họ vẫn trộn, vẫn

HERZOG: Nói riêng với nhau, thưa đại úy, chúng ta đang thu được những kinh nghiệm quý báu. Trước khi đến đây, tôi chưa bao giờ xây dựng cái gì. Khi chiến tranh bắt đầu, tôi còn đang đi học. Giờ đây, tôi đã học được một đôi điều về xi-măng và tôi hy vọng có thể đem áp dụng sau chiến tranh, cả nước Đức rồi đây sẽ phải xây dựng lại. Hãy nhìn kỹ chỗ bê tông này (Bebra và đoàn của ông dí mũi vào đó). Các vị thấy gì nào? Vỏ sò, vỏ ốc, vỏ hà. Chúng ta có tất cả những gì chúng ta cần ngay trước cửa nhà. Chỉ cần nhặt lấy và nhào trộn. Đá, vỏ sò, vỏ hến, vỏ hà, cát, xi-măng... Tôi có thể kể thêm gì nữa, thưa đại úy, ngài là một nghệ sĩ, ngài thừa biết thế nào đấy. Lankes, hãy nói cho đại úy hay chúng ta trộn những gì vào xi-măng.

LANKES: Vâng thưa ngài, tôi sẽ trình ngài đại úy. Chó con, thưa ngài. Trong mỗi công sự của chúng tôi, có một con chó con. Chôn dưới móng.

CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Một con chó con?

LANKES: Chẳng bao lâu, sẽ không còn chú chó con nào trong khắp vùng từ Caen đến Le Havre.

CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Không còn chó con nữa!

LANKES: Bọn tôi làm việc rất năng nổ.

CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Năng nổ!

LANKES: Chẳng bao lâu, chúng tôi sẽ phải dùng đến mèo con.

CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: meeooo!

LANKES: Nhưng mèo không tốt bằng chó. Chính vì thế mà chúng tôi hy vọng sắp có chiến sự ở nơi

CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Cuộc trình diễn lớn! (Họ vỗ tay).

LANKES: Bọn tôi diễn tập đủ rồi. Và nếu bọn tôi hết chó con...

CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: ôi!

LANKES: ...chúng tôi sẽ phải ngừng xây dựng. Mèo là điềm gở.

CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Meeooo! Meeooo!

LANKES: Nếu ngài đại úy muốn tôi giải thích ngắn gọn tại sao chúng tôi bỏ chó con...

CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: chó con!

LANKES: Cá nhân tôi cho đó là chuyện tào lao...

CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: thật xấu hổ!

LANKES: Nhưng lính của tôi ở đây phần lớn là dân quê. Và ở nông thôn, khi xây nhà ô hoặc kho lúa hoặc nhà thờ làng, người ta có tục lệ là bỏ một cái gì còn sống vào móng... và...

HERZOG: Thôi đủ rồi, Lankes. Nghỉ. Như ngài vừa nghe đó, trên Phòng tuyến Đại Tây Dương này, chúng tôi đâm mê tín dị đoan mất rồi. Cũng giống như trong giới sân khấu các vị, người ta kiêng huýt gió trước đêm công diễn, hoặc phải nhổ nước miếng qua vai trước khi mở màn...

CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: phì-phì-phì! (Nhổ qua vai nhau).

HERZOG: Nhưng thôi không nói đùa, cũng phải để quân ta vui vẻ một chút chứ. Gần đây, họ bắt đầu trang trí các cửa hầm phòng thủ bằng những hoa văn bê tôngẫu hứng hoặc những môzaic-vỏ-sò-vỏ-ốc, và cấp trên đã bỏ qua. Lính ta thích có việc để bận bịu mà. Những cái dùi xoắn bằng bê tông làm sĩ quan chỉ huy của chúng tôi khó chịu nhưng tôi nói với ông. Thưa ngài, dùi xoắn xiên vào bê tông còn hơn là vào đầu. Người Đức chúng ta không giỏi ngồi nhàn tản. Đó là một thực tế.

BEBRA: Và cả chúng tôi nữa, chúng tôi cũng góp phần giải trí cho quân ta trên Phòng tuyến Đại Tây Dương.

CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: đoàn văn công tiền tuyến của Bebra hát phục vụ các bạn, diễn phục vụ các bạn, nâng cao tinh thần các bạn vì thắng lợi cuối cùng!

HERZOG: Vâng, quan điểm của các vị là đúng. Nhưng chỉ văn công thì không đủ. Phần lớn thời gian, chúng tôi chỉ biết trông cậy vào bản thân và chúng tôi phải xoay sở hết sức mình. Tôi nói có đúng không, Lankes?

LANKES: Đúng, thưa ngài. Chúng tôi xoay sở hết sức mình.

HERZOG: Ngài thấy đấy. Và nếu ngài bỏ quá cho, thì bây giờ tôi phải chạy qua chỗ Dora-4 và Dora-5. Xin cứ thư thả, hãy xem kỹ công sự bê tông của chúng tôi. Nó cũng đáng xem đấy. Lankes sẽ chỉ dẫn cho các vị tất cả.

LANKES: Vâng, tất cả, thưa ngài.

(Herzog và Bebra chào nhau theo kiểu nhà binh. Herzog ra phía tay phải. Raguna, Oskar, Fritz và Kitty, từ nãy vẫn đứng đằng sau Bebra, giờ bước lên. Oskar mang trống, Raguna xách một giỏ thức ăn. Felix và Kitty leo lên mái bê tông của lô cốt và bắt đầu tập nhào lộn. Oskar và Raguna chơi với những cái xô và xẻng, chơi yô-yô, tỏ rõ là đang yêu nhau và trêu chọc Felix và Kitty)

BEBRA (mệt mỏi, sau khi xem xét lô cốt từ khắp phía): Này, hồi còn là dân thường, anh bạn làm gì?

LANKES: Vẽ sơn, thưa ngài, nhưng đã từ lâu rồi.

BEBRA: Có nghĩa là sơn nhà cửa?

LANKES: Sơn nhà cửa cũng có, nhưng chủ yếu là vẽ tranh.

BEBRA: Chà chà! Anh muốn nói là anh đua tài với Rembrandt vĩ đại hoặc có thể là Velasquez?

LANKES: Đại khái là ở quãng giữa hai người đó.

BEBRA: Chu cha! Vậy thì tại sao anh lại đi nhào trộn và đổ bê tông, và canh giữ bê tông? Chỗ của anh là ở Cục Tuyên Truyền mới phải. Chao, chúng ta đang cần những họa sĩ chiến tranh.

LANKES: Đó không phải khuynh hướng của tôi. Tranh của tôi quá chênh so với "gu" bây giờ. Nhưng nếu ngài đại úy có một điếu thuốc lá...

(BEBRA đưa cho anh ta một điếu thuốc lá)

BEBRA: Quá chênh? Ý anh muốn nói là hiện đại?

LANKES: Ngài hiểu hiện đại là thế nào? Dù sao đi nữa, trước khi người ta đưa bê tông lên ngôi, thì chênh đã từng một thời là hiện đại.

BEBRA: Ra thế!

LANKES: Vâng.

BEBRA: Tôi chắc anh trát màu khá dày. Anh dùng bay?

LANKES: Vâng, cách đó tôi cũng có làm. Tôi ấn cả ngón tay cái vào, cứ như tự động ấy, tôi ch cả đinh và khuy vào, và trước năm 1933, có dạo tôi đã gắn dây thép gai lên thần sa. Có nhiều bài báo khen. Hiện những cái đó thuộc một bộ sưu tập tư nhân ở Thụy Sĩ. Tay này làm xà phòng.

BEBRA: Ôi, cuộc chiến tranh này! Cuộc chiến tranh gớm ghiếc này! Và bây giờ anh bạn đi đổ bê tông! Bán rẻ thiên tài của mình để xây công sự! Đành rằng ở thời mình, Leonardo và Michelangelo cũng làm như vậy: thiết kế máy quân sự và công sự khi không có ai đặt vẽ hình Đức Mẹ.

LANKES: Ngài thấy đấy! Bao giờ cũng có một cái gì trái khoáy. Mọi nghệ sĩ đích thực đều phải tự thể hiện mình. Nếu ngài hạ cố nhìn những trang trí bên trên cửa vào lô cốt, đó là do tôi làm.

BEBRA (sau khi xem xét kỹ): Kỳ diệu! Hình thức mới phong phú làm sao! Sức biểu hiện mạnh mẽ làm sao!

LANKES: Tôi gọi đó là hình thể cấu trúc.

BEBRA: Thế sáng tác của bạn, bức tranh, hay đúng hơn, bức phù điêu này, có tên không?

LANKES: Tôi vừa nói với ngài: Hình Thể, hay nếu ngài thích, Hình Thể Chênh. Đó là một phong cách mới. Trước đây chưa ai làm thế.

BEBRA: Ngay cả thế, bạn vẫn phải đặt cho nó một cái tên để tránh ngộ nhận. Nói cho cùng, đó là tác phẩm của bạn mà.

LANKES: Để làm gì ạ? Tên thì ăn nhằm gì? Trừ phi để đưa vào ca-tơ-lốc khi mình triển lãm.

BEBRA: Lankes, bạn đang điệu bộ đấy. Hãy xem tôi như một người yêu nghệ thuật chứ không phải là một đại úy. Làm điếu thuốc? (LANKES nhận điếu thuốc) Vậy bạn nghĩ thế nà

LANKES: À, vâng, nếu ngài nói cách ấy. Tôi hình dung như thế này: khi chiến tranh chấm dứt - cách này hay cách khác, một ngày kia nó cũng sẽ chấm dứt - vâng, khi chiến tranh chấm dứt, những lô cốt này sẽ vẫn còn đây. Những thứ này vốn bền lâu. Và lúc đó sẽ đến thời của tôi... Các thế kỷ...(Anh ta vứt điếu thuốc) Ngài còn thuốc lá không ạ? Cảm ơn, đại úy... các thế kỷ nối nhau trượt trên chúng như không và những lô cốt này vẫn sừng sững như những Kim Tự Tháp. Rồi một ngày đẹp trời, một tay khảo cổ nào đó sẽ đến đây và tự bảo: giữa Thế chiến I và Thế chiến VII, có cả một khoảng trống nghệ thuật lớn, trống huơ trống hoác! Toàn bê tông xám xì; đây đó, bên trên một cái cửa lô cốt, mấy cái hoa văn ngoằn ngoèo, vụng về, "a-ma-tơ", theo kiểu dân gian. Tất cả chỉ có thế. Thế rồi anh ta bỗng phát hiện thấy Dora-5, 6, 7 và trông thấy những Hình Thể Cấu Trúc Chênh của tôi, và anh ta tự nhủ: Kìa, nhìn cái này xem, rất rất lý thú, có thể nói thần diệu, đe dọa mà lại đầy chất trí tuệ sâu sắc. Ở những tác phẩm này, một thiên tài - có lẽ là thiên tài duy nhất của thế kỷ XX - đã tự thể hiện mình một cách rành rọt, kiên quyết và cho mọi thời. Không biết - nhà khảo cổ học của chúng ta tự hỏi - không biết tác phẩm này có tên không nhỉ? Một chữ ký để ta biết bậc thày đó là ai? Vâng, thưa ngài, nếu ngài nhìn kỹ và nghiêng nghiêng đầu đi một tí, ngài sẽ thấy giữa những Hình Thể Chênh này...

BEBRA: Kính của tôi. Đỡ tôi lên cao chút nữa, Lankes.

LANKES: Vâng, dòng ghi đây này: Herbert Lankes, năm một chín bốn bốn. Tựa đề: man rợ, huyền bí, chán ngắt.

BEBRA: Bạn đã đặt đúng tên cho thế kỷ của chúng ta.

LANKES: Ngài thấy đấy!

BEBRA: Có lẽ, năm trăm năm hay một nghìn năm nữa, khi phục chế lại tác phẩm của bạ sẽ tìm thấy một ít xương chó con trong bê tông.

LANKES: Cái đó sẽ chỉ tăng thêm sức mạnh cho đầu đề của tôi.

BEBRA (xúc động): Ôi thời thế, chúng ta là cái gì, bạn thân mến, nếu tác phẩm của chúng ta không... nhưng hãy nhìn Felix và Kitty, các nghệ sĩ nhào lộn của tôi, kìa. Họ đang biểu diễn trên bê tông.

(Đã một lúc, hai cặp Oskar-Roswitha và Felix- Kitty cứ truyền qua truyền lại một mảnh giấy và luân phiên như viết trên đó)

KITTY (lơ lớ giọng Xắc-xông): Thày Bebra, nhìn coi bọn em làm được gì trên bê tông này (Cô đi bằng hai tay).

FELIX: Trước nay, chưa có ai nhảy lộn nhào trên bê tông cả (Anh ta làm cú nhảy lộn nhào hai chiều, cả đằng trước lẫn đằng sau).

KITTY: Chúng ta cần có một sân khấu như thế này.

FELIX: Có điều là quá gió đối với anh.

KITTY: Nhưng không nóng và hôi xì như ở trong rạp chiếu bóng (xoắn người thành một búi).

FELIX: Và chúng tôi vừa làm một bài thơ trên đó.

KITTY: Chúng tôi? Đâu phải. Oskarnello và Roswitha làm đấy chứ.

FELIX: Nhưng chúng mình có giúp đỡ khi họ bí một vần.

KITTY: Còn thiếu có mỗi một chữ là xong.

FELIX: Oskar muốn biết những cái cọc cắm vào cát g gì.

KITTY: Vì chữ đó cần cho bài thơ.

FELIX: Một từ rất quan trọng không thể bỏ qua được.

KITTY: Chắc ông trung sĩ có thể cho chúng tôi biết những cái cọc đó gọi là gì?

FELIX: Có khi ông ấy không được phép nói vì sợ lọt vào tai kẻ địch.

KITTY: Chúng tôi xin hứa sẽ không nói cho ai biết.

FELIX: Đó là vì nghệ thuật.

KITTY: Oskarnello đã loay hoay rất vất vả.

FELIX: Anh ta viết chữ mới đẹp làm sao. Theo mẫu tự Sütterlin.

KITTY: Không biết anh ta học ở đâu ra.

FELIX: Ồ, Oskar là người có học. Anh ta biết đủ mọi thứ, trừ tên gọi của những cái cọc ấy.

LANKES: Tôi sẽ nói cho các bạn biết nếu ngài đại úy không phản đối.

BEBRA: Nhưng có thể đó là tuyệt mật.

FELIX: Nhưng Oskar cần phải biết.

KITTY: Nếu không thì hỏng cả bài thơ.

ROSWITHA: Và tất cả chúng tôi rất tò mò

BEBRA: Anh bạn có thể nói cho chúng tôi hay. Đây là mệnh lệnh.

LANKES: Vậy thì được. Chúng tôi cắm những cọc ấy để phòng thủ chống chiến xa và tàu đổ bộ. Nom chúng giống như măng tây, phải không nào? Vì vậy chúng tôi gọi là măng tây Rommel.

FELIX: Măng tây...

KITTY: Rommel. Có vần không, Oskarnello?

OSKAR: Vần đấy! (Gã viết chữ đó lên mảnh giấy, đưa bài thơ cho Kitty đang đứng trên nóc lô cốt. Cô xoắn mình thêm vòng nữa và đọc những dòng dưới đây như một em bé học sinh)

KITTY: TRÊN PHÒNG TUYẾN ĐẠl TÂY DƯƠNG

Trùng trùng súng ống, ngụy trang

"Măng tây Rommel“ dăng hàng

Mà mơ giường êm nệm ấm

Cá bơn, gà ninh nhồi nấm

Sống giữa bê tông, thép gai vẫn mơ về chốn lâu đài

Tay chôn mìn trong hố xí

Lòng mơ lầu son gác tía

Hoa đăng rực rỡ bốn

Sơn hào hải vị ê hề

Sống giữa bê tông, thép gai vẫn mơ về chốn lâu đài

Bao thây sẽ phơi ngập đồng

Bao mẹ già tan nát lòng

Tử thần uy nghi giáp trụ

Cắm thêm chiếc lông trên mũ

Lòng vẫn ước mơ dài dài

Đời vương giả chốn lâu đài

(Mọi người vỗ tay, kể cả Lankes)

LANKES: Nước triều đang xuống.

ROSWITHA: Đến giờ điểm tâm rồi (Vung cái giỏ lớn trang trí bằng ruy-băng và hoa giấy)

KITTY: À phải, một cuộc pích-ních ngoài trời.

FELIX: Thiên nhiên làm ta đói bụng và ăn ngon miệng.

ROSWITHA: Ôi, ăn uống, cái hành động thiêng liêng sẽ đoàn kết các quốc gia chừng nào con người còn ăn điểm tâm!

BEBRA: Ta hãy tiệc tùng trên bê tông. Hãy đặt những nghi thức của con người trên những nền tảng vững chắc (Tất cả, trừ Lankes, trèo lên nóc lô cốt. Roswitha trải một tấm khăn bàn vải hoa rực rỡ. Từ cái giỏ sâu hun hút như không có đáy, nàng lôi ra những gối nhỏ có ngù và diềm. Người ta giương một chiếc dù màu hồng và xanh nhạt, mở một cái máy hát có loa, phân phát dĩa, thìa, dao, cốc trứng và khăn ăn)

FELIX: Tôi muốn một ít pa-tê gan.

KITTY: Anh đã thử cái món ca-vi-a chúng ta cứu được từ Stalingrad chưa?

OSKAR: Roswitha, cưng không nên phết bơ Đan Mạch dày thế.

BEBRA: Cậu lo giữ eo cho cô ấy như thế là phải.

ROSWITHA: Nhưng nếu em thích cái gì, tức là nó tốt cho em. Ôi! nghĩ đến những cái bánh và kem đánh tơi đám không quân đãi chúng ta ở Copenhagen mà thèm!

BEBRA: Sô-cô-la Hà Lan trong phích vẫn còn nóng và ngon lắm.

KITTY: Tôi rất mê bánh quy giòn Mỹ.

ROSWITHA: Nhưng phải phết chút mứt gừng Nam Phi lên trên mới thật là ngon.

OSKAR: Vừa vừa thôi, Roswitha, tôi xin mình đấy.

ROSWITHA: Còn anh thì sao? Nhìn những miếng thịt bò Anh tổ bố anh đang gắp kìa.

BEBRA: Còn bạn thì sao, trung sĩ thân mến? Tôi có thể mời bạn một lát bánh nho mỏng với mứt mận chăng?

LANKES: Tôi đang làm nhiệm vụ, thưa ngài.

ROSWITHA: Anh ta c lệnh chính thức.

KITTY: Phải đấy, thày hãy ra lệnh cho anh ta đi.

BEBRA: Được. Lệnh cho trung sĩ Lankes hãy nhận một lát bánh nho với mứt mận Pháp, một quả trứng Đan Mạch luộc mềm, chút ca-vi-a Xô-viết và một cốc sô-cô-la Hà Lan thứ thiệt.

LANKES: Xin tuân lệnh, ngài đại úy (Nhập bọn với những người kia trên nóc lô cốt)

BEBRA: Còn cái gối nào khác cho trung sĩ không nhỉ?

OSKAR: Xin nhường trung sĩ gối của tôi. Tôi sẽ ngồi trên cái trống của mình.

ROSWITHA: Đừng để nhiễm lạnh đấy, cưng. Bê- tông là chúa nguy hiểm mà cưng thì lại không quen.

KITTY: Hay để trung sĩ lấy gối tôi cũng được. Tôi sẽ xoắn nút mình một chút, như thế càng dễ tiêu.

FELIX: Nhưng đừng có ra khỏi khăn bàn kẻo lại ói mật ong ra bê tông đấy. Chúng ta không được làm hỏng hệ thống phòng thủ. (Tất cả cười rộ)

BEBRA: Ôi, không khí biển làm ta sảng khoái!

ROSWITHA: Sảng khoái!

BEBRA: Lồng ngực nở ra.

ROSWITHA: Nở ra!

BEBRA: Trái tim trút bỏ lớp vỏ cứng.

ROSWITHA: Vỏ cứng!

BEBRA: Tâm hồn như tái sinh.

ROSWITHA: Tái sinh!

BEBRA: Tầm mắt bay bổng.

ROSWITHA: Bay bổng!

BEBRA: Bay trên biển, biển mênh mông vô tận... Này, trung sĩ, tôi thấy có gì đó ở mé dưới bãi biển, năm cái bóng.

KITTY: Em cũng nhìn thấy. Với năm cái ô.

FELIX: Sáu.

KITTY: Năm! Một, hai, ba, bốn, năm!

LANKES: Đó là những nữ tu sĩ ở nhà dòng Lisieux. Họ phải di tản cùng với trường mẫu giáo của họ.

KITTY: Tôi chẳng thấy đứa trẻ nào cả. Chỉ thấy năm cái ô.

LANKES: Họ để bọn trẻ lại Bavent. Thỉnh thoảng, khi triều xuống, họ đến đây bắt cua, sò mắc kẹt trong đám măng tây Rommel.

KITTY: Tội nghiệp!

ROSWITHA: Ta có nên biếu họ ít thịt bò ướp và bánh quy?

OSKAR: Hôm nay là thứ Sáu, các nữ tu sĩ không được phép ăn thịt bò. Tôi đề nghị biếu họ bánh nho với mứt mận.

KITTY: Họ đang chạy kìa. Trông họ giương ô chạy như thuyền buồm lướ

LANKES: Bao giờ họ cũng làm thế sau khi bắt cua, sò xong. Rồi họ bắt đầu chơi. Đặc biệt là Agneta, vừa bắt đầu cuộc đời tu hành, còn như con nít chẳng biết xuôi ngược ra sao. Liệu ngài còn điếu thuốc nào không ạ? Cảm ơn ngài đại úy. Còn cái bà ở đằng sau, bà to béo không chạy ấy, đó là Xơ Scholastica, Mẹ nhất. Bà ta không thích họ chơi trên bãi biển, cho thế là trái với quy tắc dòng tu.

(Những nữ tư cầm ô chạy ở hậu cảnh. Roswitha đặt đĩa ’Xe trượt tuyết ở St Petersburg’ lên máy hát. Các nữ tu vừa nhảy múa vừa hú)

AGNETA: Hú-ú-ú, Xơ Scholastica!

SCHOLASTICA: Xơ Agneta!

AGNETA: Hú-ú-ú, Xơ Scholastica!

SCHOLASTICA: Quay lại đi, bé con! Xơ Agneta!

AGNETA: Con không thể. Con bị cuốn đi.

SCHOLASTICA: Vậy thì hãy cầu nguyện đi. Cầu xin một sự cải giáo.

AGNETA: Đau đớn?

SCHOLASTICA: Khoan dung.

AGNETA: Vui vẻ?

SCHOLASTICA: Thì cứ cầu nguyện đi đã, Xơ Agneta!

AGNETA: Con vẫn cầu nguyện hoài đấy chứ. Vậy mà vẫn cứ bị cuốn đi.

SCHOLASTICA (giọng bà xa dần và nhỏ đi): Agneta, Xơ Agneta

(Các nữ tu sĩ biến mất, nhưng thi thoảng vẫn thấy những cái ô của họ thấp thoáng ở hậu cảnh. Đĩa hát chấm dứt. Chuông điện thoại réo bên cạnh cửa lô cốt. Lankes nhảy xuống, nhấc ống nghe; những người khác tiếp tục ăn)

ROSWITHA: Điện thoại, đi đâu cũng thấy điện thoại. Giữa biển và trời, cũng không thoát điện thoại.

LANKES: Dora-7 đây. Trung sĩ Lankes.

HERZOG (từ bên phải thong thả đi ra, tay cầm một máy điện thoại, kéo theo sợi dây đằng sau. Chốc chốc lại dừng và nói vào máy) Cậu có ngủ không đấy, Lankes? Có cái gì chuyển động ở phía trước Dora-7, tôi dám chắc thế.

LANKES: Đó là các nữ tu sĩ, thưa trung úy.

HERZOG: Nữ tu sĩ làm gì ở đằng ấy? Ngộ nhỡ đó không phải là nữ tu sĩ thì sao?

LANKES: Nhưng đúng là những nữ tu sĩ thật mà. Tôi thấy rõ như ban ngày.

HERZOG: Cậu chưa bao giờ nghe nói đến cải trang ư? Chưa bao giờ nghe nói đến đội quân thứ Năm hay sao? Người Anh đã dùng mẹo này hàng thế kỷ rồi. Họ đến với cuốn Kinh Thánh trên tay và khi ta chưa hiểu đầu đuôi xuôi ngược ra sao thì đã bùm!

LANKES: Họ bắt cua, thưa trung úy...

HERZOG: Quét sạch bãi biển ngay, rõ chưa?

LANKES: Vâng, thưa ngài, nhưng họ chỉ bắt cua thôi mà.

HERZOG: Lankes, vào vị trí đằng sau súng máy!

LANKES: Nhưng giả sử họ chỉ đi mò cua vì nước triều đang xuống và bọn trẻ ở trường mẫu giáo đang...

HERZOG: Đây là một mệnh lệnh chính thức, trung sĩ Lankes.

LANKES: Vâng, thưa trung úy (Lankes biến vào trong hầm, Herzog ra từ phía tay phải với chiếc máy điện thoại)

OSKAR: Roswitha, bịt tai lại, sắp nổ súng như trong phim thời sự đấy.

KITTY: Eo ơi, kinh khủng! Em phải xoắn mình chặt hơn nữa mới được.

BEBRA: Chính ta cũng hồ như tin rằng chúng ta sắp nghe thấy tiếng đì đòm.

FELIX: Ta hãy mở máy hát tiếp đi. Như thế sẽ đỡ phần nào. (Mở máy hát.)

Ban nhạc The Platters hát bài "The Great Pretender". (Tiếng súng máy tằng-tằng-tằng điểm xuyết bản nhạc lê thê buồn bã. Roswitha bịt tai. Felix chổng hai chân lên trời, ở hậu cảnh, năm nữ tu sĩ cùng những chiếc ô tung lên trời. Chiếc đĩa hát vấp rãnh, lặp đi lặp lại một câu. Felix trở lại tư thế đứng bình thường. Kitty thôi không xoắn mình. Roswitha bắt đầu dọn dẹp, thu các thứ vào giỏ. Oskar và Bebra giúp nàng. Họ rời nóc lô cốt. Lankes hiện ra ở cửa hầm)

LANKES: Ngài đại úy có còn điếu thuốc nào không?

BEBRA (Cả đoàn sợ hãi nép vào nhau đằng sau ông): Anh bạn hút nhiều quá đấy, trung sĩ.

CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Anh ta hút nhiều quá

LANKES: Đó là tại bê tông thưa ngài.

BEBRA: Thế giả sử một mai không còn bê tông nữa?

CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Không còn bê tông nữa.

LANKES: Bê tông là bất tử thưa ngài. Chỉ có chúng ta và những điếu thuốc lá của chúng ta...

BEBRA: Ta biết, ta biết, chúng ta tan biến như một làn khói.

CẢ ĐOÀN CỦA BEBBA (Từ từ đi vào): Như một làn khói!

BEBRA: Nhưng một ngàn năm nữa, người ta vẫn còn đến xem bê tông.

CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Một ngàn năm nữa!

BEBRA: Người ta sẽ tìm thấy xương chó con.

CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Xương chó con.

BEBRA: Và những Hình Thể Chênh của anh bạn trên bê tông.

CẢ ĐOÀN CỦA BEBRA: Man rợ, huyền bí, chán ngắt!

(Còn lại một mình Lankes đứng hút thuốc)

Mặc dù Oskar hầu như không hé răng suốt trong bữa điểm tâm trên bê tông ấy, nhưng chỉ riêng việc những lời này được nói ra đúng vào ngày hôm trước cuộc đổ bộ đã buộc tôi phải ghi lại đầy đủ. Giả dĩ, chúng ta chưa trung sĩ Lankes, bậc thày của nghệ thuật "bê tông"; chúng ta sẽ còn gặp lại anh ta ở đoạn kể về thời kỳ hậu chiến và cao trào của tiện nghi tư sản.

Chiếc xe tải bọc thép vẫn chờ chúng tôi trên lối đi dạo dọc biển. Trung úy Herzog sải những bước dài quay lại chỗ cấp dưới của mình và hổn hển xin lỗi Bebra về "sự cố nho nhỏ" vừa xảy ra; tuy nhiên, y nói thêm rằng bãi biển là khu vực cấm dân thường và nhấn mạnh: "Khu vực cấm là khu vực cấm". Y đỡ các nữ khách lên xe, dặn dò tài xế và chúng tôi trở về Bavent. Chúng tôi phải khẩn trương, không còn thì giờ ăn trưa, vì hai giờ chiều, chúng tôi có buổi diễn ở cái lâu đài nhỏ mỹ lệ vùng Normandie náu giữa những hàng dương ở bìa làng.

Chúng tôi chỉ có không đầy nửa tiếng đồng hồ để thử ánh sáng. Sau đó, Oskar dóng một hồi trống hùng tráng mở màn. Chúng tôi biểu diễn cho một cử tọa gồm toàn lính. Chúng tôi cường điệu, không ngớt khuấy lên những nhịp cười sảng khoái. Tôi phóng giọng hát vào một cái bô đái bằng thủy tinh trong đựng một cặp xúc xích với mù-tạc. Bebra, nhem nhuốc dầu sơn trắng, tuôn những giọt nước mắt hề xiếc trên cái bô vỡ, bới đôi xúc xích từ những mảnh thủy tinh, quệt mù-tạc lên và ăn ngấu nghiến, khiến đám người mặc quân phục màu xám dã chiến được một mẻ cười hoan hỉ. Felix và Kitty ít lâu nay đâm quen xuất hiện trong trang phục ’soóc’ da và mũ Tyrol, mang lại cho tiết mục của họ một nét đặc sắc. Roswitha mặc một chiếc áo dài kim tuyến bó sát người, tay đi găng dài màu xanh nhạt, đôi chân nhỏ xíu xỏ trong đôi giày cao gót thêu vàng. Cặp mí mắt xanh khép hờ cùng cái giọng Địa Trung Hải ngái ngủ của nàng vẫn phát huy ma lực mê hoặc của chúng. Oskar thì khỏi cần trang phục đặc biệt - không biết tôi đã nói điều này chưa nhỉ? Tôi vẫn đội cái mũ lính thủy cũ in nhãn S.M.S. Seydlitz, mặc chiếc sơ mi xanh nước biển và chiếc va-rơi khuy vàng chạm hình mỏ neo; dưới nữa là cái quần cộc đến đầu gối, đôi tất cuộn thò trên đôi ủng rất tã. Quàng qua cổ, là cái trống hai màu trắng và đỏ, nó rất yên tâm vì biết mình còn năm đứa em trong hành trang

Đêm ấy, chúng tôi diễn lại chương trình ấy cho các sĩ quan và nữ điện báo viên của trung tâm truyền tin Cabourg. Roswitha hơi căng thẳng. Nàng không mắc lỗi gì nhưng giữa chừng tiết mục của mình, nàng bỗng đeo đôi kính râm gọng xanh và đột ngột đổi giọng và đến đây, những lời phán của nàng trở nên trực tiếp hơn. Chẳng hạn, với một nữ điện báo viên mặt mày xanh xao, lúng ta lúng túng, nàng nói toẹt ra rằng cô ta đang tình tang với sĩ quan chỉ huy của mình. Điều đó, theo tôi, là bất nhã, nhưng lại gây cười nhiều vì có một sĩ quan ngồi cạnh cô ta và người ta có lý do để nghĩ rằng...

Sau buổi diễn, các sĩ quan tham mưu trung đoàn đóng tại lâu đài mở cuộc chiêu đãi. Bebra, Kitty và Felix ở lại, còn Raguna và Oskar thì lặng lẽ chuồn về giường nằm. Đó là một ngày căng thẳng, chúng tôi nhanh chóng thiếp đi và ngủ đến 5 giờ sáng thì cuộc đổ bộ đánh thức chúng tôi dậy.

Tôi phải kể gì với quý vị về sự kiện này? Quân Canada đổ bộ vào khu vực chúng tôi, cửa sông Orne. Phải di tản khỏi Bavent. Hành lý của chúng tôi đã được chất lên xe tải. Chúng tôi rút cùng ban tham mưu trung đoàn. Một xe bếp dã chiến đậu ở sân lâu đài. Roswitha nhờ tôi kiếm cho nàng một tách cà phê. Căng thẳng và sợ lỡ chuyến xe, tôi từ chối. Thậm chí tôi còn hơi thô lỗ với nàng nữa. Thế là nàng bèn tự mình chạy ra xe bếp dã chiến trên đôi giày cao gót và tới chỗ bình cà phê nóng bốc hơi cùng lúc với một trái đại bác từ tàu chiến bắn vào.

Ôi Roswitha, tôi không biết em bao nhiêu tuổi, tôi chỉ biết rằng em cao chín mươi tám phân, rằng Địa Trung Hải nói qua môi em, rằng em thơm mùi quế và hạt hồi và em có thể nhìn thấu tim người; song em không thể nhìn thấu tim mình, nếu không em đã ở lại bên tôi thay vì chạy đi kiếm tách cà phê quá nóng ấy!

Đến Lisieux, Bebra xoay được một công lệnh về Berlin. Chúng tôi đợi ông ở ngoài Bộ Tư Lệnh và chỉ đến khi ra gặp lại chúng tôi, ông mới nhắc đến cái chết của Roswitha lần đầu tiên: "Bọn lùn và hề xiếc chúng ta lẽ ra không nên nhảy múa trên kết cấu bê tông dành cho người khổng lồ. Giá như chúng ta cứ ở lại bên dưới khán đài, nơi chẳng ai ngờ tới sự hiện diện của chúng ta!”

Đến Berlin, tôi chia tay với Bebra. "Ờ," ông nói với một nụ cười mỏng như mạng nhện, "không có Roswitha, chú mày sẽ làm gì trong những hầm phòng không nhỉ?" Rồi ông hôn lên trán tôi. Ông tặng tôi cả năm cái trống còn lại và cử Kitty và Felix mang giấy thông hành chính thức đi tháp tùng tôi đến tận Danzig. Vậy là, với sáu cái trống và "cuốn sách" của mình, ngày 11 tháng sáu năm 1944, trước sinh nhật lần thứ ba của con trai tôi một hôm, tôi trở về thành phố quê hương vẫn còn nguyên vẹn và trung cổ, vẫn từng giờ vang lên những tiếng chuông mọi cỡ từ những gác chuông ở mọi tầm cao khác nhau. 

KẾ TỤC CHÚA KIRIXITÔ

Nào, hãy nói chuyện trở về nhà! Vào lúc tám giờ bốn phút tối, đoàn tàu chở lính về phép vào ga Danzig. Felix và Kitty tiễn tôi đến tận Quảng trường Max-Halbe. Kitty òa khóc khi hai người nói lời chia tay. Rồi - lúc đó là gần chín giờ tối - họ về trụ sở Đội Tuyên Truyền ở Hochstriess trong khi Oskar ì ạch xách hành lý xuôi phố Labesweg.

Về nhà! Ngày nay, mọi gã thanh niên từng làm giả một tấm hối phiếu, xung vào đội Lê-dương và, khi về nhà sau vài năm, huênh hoang dăm ba câu chuyện, đều có thể được coi như một Ulysse[62] hiện đại. Có thể trên đường về, anh bạn trẻ của chúng ta lên nhầm tàu đi Oberhausen thay vì Frankfurt và dọc đường, trải qua vài cuộc phiêu lưu - tại sao không? - và về tới nhà là luôn miệng nhắc đến những cái tên thần thoại: Circe, Penelope, Telemaque[63].

Oskar không phải là một Ulysse, trước hết vì khi trở về nhà, gã thấy chẳng có gì thay đổi cả. Maria yêu dấu của gã không hề bị bủa vây bởi kẻ dâm đãng rắp ranh ve vãn, có thể ví như một nàng Penelope nếu gã là Ulysse, nàng vẫn ở với Matzerath mà nàng đã quyết định chọn từ lâu trước khi Oskar ra đi. Và tôi hy vọng những vị có đầu óc cổ điển trong số các độc giả của tôi không vì thuật mộng du của nàng mà tưởng lầm Roswitha tội nghiệp của tôi là một Circe, người đẹp mê hồn biến đàn ông thành thú vật. Sau rốt, thằng con trai Kurt của tôi không hề giơ lên đến một ngón tay để chào người cha trở về, do vậy, nó đâu phải là Telemaque, cho dù nó không nhận ra tôi.

Nếu cần phải so sánh - và tôi hiểu rằng những kẻ đi xa trở về nhà phải chịu đôi điều so sánh - thì tôi những muốn được ví với Đứa Con Hư trong Kinh Thánh; bởi lẽ Matzerath đã mở cửa và hoan hỉ đón tôi như một người cha thật chứ không phải cha hờ. Thực vậy, ông tỏ ra sung sướng thấy Oskar trở về đến mức ứa những giọt nước mắt thật sự và lặng lẽ, đến nỗi từ hôm ấy trở đi, tôi không chỉ tự gọi mình là Oskar Bronski mà còn là Oskar Matzerath nữa.

Maria đón tôi bình thản hơn nhưng không phải là không thân ái. Nàng đang ngồi ở bàn, dán những tem thực phẩm cho Phòng Thương mại; trước đó nàng đã xếp mấy gói quà sinh nhật cho bé Kurt sang bàn hút thuốc, vốn là người có đầu óc thực tế, nàng nghĩ trước tiên đến sự thoải mải thể chất của tôi, cởi quần áo cho tôi và tắm cho tôi như ngày xưa, mặc cho tôi đỏ mặt vì ngượng ngùng, rồi đặt tôi ngồi vào bàn trong bộ đồ pyjama trước một đĩa trứng ốp-la và khoai tây rán mà Matzerath đã dọn sẵn cho tôi. Tôi uống sữa và trong khi tôi ăn uống, cuộc tra hỏi bắt đầu: "Anh đã ở những đâu. Bọn tôi -        và cả cảnh sát nữa - đã tìm anh như điên khắp mọi nơi; thậm chí bọn tôi đã phải ra tòa thề rằng đã không thủ tiêu anh. Thôi được, giờ anh đã về đây, đội ơn Chúa. Nhưng anh đã gây cho chúng tôi bao nhiêu rắc rối và sắp tới sẽ còn tiếp tục phiền toái nữa; bởi vì chúng tôi sẽ phải báo cáo là anh đã trở về. Tôi chỉ hy vọng họ đừng bắt anh vào một trại cải huấn. Mà có thế cũng đáng kia, ai bảo trốn biệt chẳng nói một lời!"

Maria nói đúng. Quả là lắm thứ rầy rà. Một tay ở Bộ y Tế đến nói chuyện riêng với Matzerath, nhưng Matzerath quát to đến nỗi cả nhà nghe thấy: "Không thể thế được. Tôi đã thề với vợ tôi trên giường lâm chung của bà ấy. Tôi là cha nó chứ không phải là cảnh sát vệ sinh y tế."

Vậy là tôi không phải vào trại cải huấn. Nhưng cứ hai tuần họ lại tống xuống một công văn, yêu cầu Matzerath ký vào; Matzerath không chịu ký, nhưng trán ông hằn những nếp nhăn lo âu.

Oskar đã nói hơi sớm; giờ thì gã phải tạm xóa những nếp nhăn trên trán Matzerath đi đã, vì tối hôm tôi về, ông tươi như hoa; ông ít lo lắng hơn Maria nhiều, ít lục vấn hơn và thấy tôi về là sướng rồi. Tóm lại, ông ứng xử như một người cha thực sự. "Kurt gặp lại anh trai chắc thích lắm!" ông nói khi bọn họ đặt tôi vào giường trong căn hộ của Mamăng Truczinski (bà có vẻ hơi ngỡ ngàng). "Và đúng vào hôm trước sinh nhật lần thứ ba của nó!"

Trên bàn sinh nhật của nó, con trai Kurt của tôi thấy một cái bánh ga-tô với ba ngọn nến, một chiếc áo chui đầu đỏ thắm do Gretchen Scheffler đan, mà nó chẳng buồn để ý tới, cùng nhiều thứ khác. Có một quả bóng gớm ghiếc màu vàng cho nó cưỡi lên nhong nhong ếp ếp để rồi cuối cùng chọc thủng bằng một con dao gọt khoai tây. Nó ghé miệng vào vết thương, mút lấy cái chất nước lờ lợ tụ lại bên trong mọi trái bóng thổi bằng hơi; chán rồi, nó bắt đầu quay sang phá cái thuyền buồm đến tơi tả. Con quay cùng cây roi đánh quay không được nó đụng đến, nhưng nằm ngay trong tầm tay đến dễ sợ

Từ lâu, Oskar đã nghĩ đến dịp sinh nhật này. Gã đã hối hả lao về phía Đông giữa một trong những cơn cuồng phong dữ dội nhất của lịch sử, quyết không lỡ dịp mừng đứa con trai thừa kế mình tròn ba tuổi. Giờ đây, gã đứng né một bên theo dõi những nỗ lực phá hoại của thằng bé, thán phục ý chí quyết tâm của nó, so sánh kích thước, tầm vóc của hai cha con. Tôi phải nhìn thẳng vào sự thật. Trong khi mày đi xa, tôi hơi lo lắng tự bảo, Kurt đã cao lên hơn một cái đầu. So với cái mức chín mươi tư xăngtimét mà mày đã giữ nguyên từ ngót nghét mười bảy năm nay, nó đã vượt hai hoặc ba xăngtimét; đã đến lúc phải luyện nó thành một tay trống và chặn đứng sự tăng trưởng vô độ này lại.

Tôi lên tầng áp mái, nơi tôi đã cất bộ trống và cuốn sách duy nhất của mình, chọn ra một cái trống mới toanh, bóng lộn. Vì những người lớn khác không ai nghĩ đến điều đó nên tôi quyết đem lại cho con trai tôi cùng một cơ hội như mẹ tội nghiệp của tôi đã đem lại cho tôi, đúng như mẹ đã hứa, vào dịp sinh nhật lần thứ ba của tôi.

Từ hồi tôi còn thơ ấu, Matzerath đã muốn tôi sau này sẽ kế nghiệp ông trông nom cửa hàng. Dự định ấy không thành, giờ đây tôi có lý do để nghi rằng ông đã chuyển kỳ vọng của mình sang Kurt. Tôi tự nhủ phải ngăn điều này bằng mọi giá. Nhưng tôi không muốn quý vị nhìn tôi như một kẻ thù không đội trời chung với ngành bán lẻ. Nếu như người ta định cho con trai tôi sở hữu một xí nghiệp hay thậm chí một vương quốc kèm theo những thuộc địa, tôi cũng sẽ ứng xử y hệt như thế. Oskar không muốn nhận những gì đã dùng rồi cho bản thân mình và cũng không muốn con trai mình nhận đồ "xê-cần-hen". Điều Oskar muốn - và đây là chỗ yếu trong lô gíc của tôi - là biến Kurt thành một thằng bé đánh trống mãi mãi ba tuổi, cứ như thể, đối với một thiếu niên có triển vọng, việc tiếp nhận một cái trống thiếc còn đỡ tởm lợm hơn là thừa kế một cửa hàng tạp hóa có sẵn vậ

Đó là ý kiến bây giờ của Oskar. Nhưng hồi ấy, gã chỉ nung nấu một ước muốn: được thấy một trống sĩ con bên cạnh một trống sĩ cha, hai tay trống tí hon quan sát những hành vi của thế giới người lớn; thiết lập một triều đại trống sĩ có khả năng trường tồn và truyền từ đời này sang đời khác sự nghiệp của tôi trên trống thiếc sơn hai màu đỏ-trắng.

Cuộc đời trước mặt chúng tôi biết bao hứa hẹn! Đáng ra chúng tôi đã có thể hòa trống, cánh sát cánh, hoặc riêng rẽ ở hai phòng khác nhau, mà cũng có thể là nó ở Labesweg và tôi ở phố Luisen, nó dưới hầm rượu, tôi trên tầng áp mái, Kurt trong bếp, Oskar trong toa-lét, cha và con, kẻ đây người đó nhưng cũng đôi khi bên nhau; và khi gặp dịp, hai cha con có thể chui vào tạm trú dưới những tầng váy của Anna Koljaiczek, bà ngoại tôi và cụ ngoại nó, để đánh trống và hít cái mùi bơ hơi khăn khẳn. Ngồi xệp bên cửa váy bà, tôi sẽ nói với Kurt: "Hãy nhìn vào trong, con trai. Chúng ta từ đó mà ra. Và nếu con là một đứa bé ngoan, chúng ta có thể trở lại đó một vài giờ, thăm những người đang đợi chúng ta."

Và bé Kurt sẽ cúi xuống ghé mắt nhòm. Và rất lễ phép, nó sẽ đề nghị tôi, cha nó, giải thích.

Và Oskar sẽ thì thầm: "Người thiếu phụ yêu kiều ngồi ở giữa đang múa đôi bàn tay đẹp kia, người thiếu phụ yêu kiều mà gương mặt trái xoan dịu dàng làm ta - và có thể cả con nữa - ứa nước mắt, đó là mẹ tội nghiệp của ta, bà nội của con; bà chết bởi món xúp lươn vì tim bà quá mềm yếu."

"Kể nữa đi, cha, kể nữa đi," bé Kurt ắt sẽ gặng thêm. "Thế cái ông có ria là ai?"

Với một vẻ bí ẩn, tôi sẽ hạ thấp giọng hơn nữa: "Đó là Joseph Koljaiczek, cụ ngoại của con. Hãy nhìn kỹ đôi mắt lóe chớp bốc lửa kia, nhìn kỹ sự dữ dằn thần thánh rất Ba Lan kia và cái ch Kashubes tinh quái thực dụng của vầng trán kia. Hãy quan sát những cái màng giữa các ngón chân cụ. Vào năm 1913, khi hạ thủy tàu Columbus, cụ đã trốn dưới gầm một bè gỗ. Sau đó cụ phải bơi một chặng đường dài; cụ bơi mãi, bơi mãi cho đến khi tới Mỹ và trở thành triệu phú. Nhưng thi thoảng, cụ lại xuống nước, bơi trở về và hụp lặn ở đây, nơi lần đầu tiên trong khi trốn chạy, cụ tìm thấy sự che chở và góp phần tạo ra mẹ ta."

"Nhưng còn cái ông đẹp trai nấp sau cái bà mà cha bảo là bà nội của con, cái ông giờ đang ngồi xuống cạnh bà nội và vuốt tay bà? Mắt ông ấy cũng xanh y hệt mắt cha, cha à!"

Bấy giờ tôi, đứa con ngoại hôn và phản trắc, sẽ phải lấy hết can đảm để trả lời con trai yêu quý của tôi: "Chính là những con mắt xanh mơ mộng của dòng họ Bronski đang nhìn con đó. Mắt con màu xám, giống mắt mẹ con. Tuy nhiên, cũng như ông Jan (người đang hôn tay mẹ tội nghiệp của ta kia) hay cụ Vincent thân sinh ra ông, con cũng là một thành viên của dòng họ Bronski, một kẻ mơ mộng tuyệt đối nhưng với một khía cạnh thực tế rất Kashubes. Một ngày kia chúng ta sẽ trở lại đó, một ngày kia ta sẽ ngược về nguồn, nơi phả ra cái mùi bơ khăn khẳn ấy. Đó là điều mong đợi."

Hồi ấy, tôi cảm thấy cuộc sống gia đình đích thực chỉ có thể có được trong "nội vi" hay, theo cách tôi gọi đùa, trong cái hũ bơ của bà ngoại tôi. Bây giờ, nhiều cái đã thay đổi. Với một cái búng tay, tôi có thể sánh ngang, nếu không muốn nói là vượt, Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và, quan trọng hơn nữa, Đức Chúa Thánh Thần. Kế tục Chúa Kirixitô đã trở thành một công việc mà tôi thực thi một cách ngán ngẩm y như khi làm các công việc khác. Và mặc dầu ngày nay, lối vào bà tôi đã xa tít mù tắp, những cảnh gia đình đẹp đẽ nhất mà tôi mường tượng ra vẫn là ở giữa các bậc ông bà cha mẹ.

Những hoang tưởng ấy đến với tôi đa phần vào những ngày mưa: bà ngoại tôi gửi giấy mời và tất cả chúng tôi gặp nhau bên trong bà. Jan Bronski đến với những bông hoa, phần lớn là cẩm chướng, cắm ở những lỗ đạn xuyên thủng bộ ngực người-bảo-vệ-sở-bưu-chính-ba-lan của ông. Maria rụt rè tiến lại gần mẹ tôi (theo yêu cầu của tôi, nàng cũng nhận được một giấy mời); cầu cạnh xu nịnh, nàng đưa trình mẹ những sổ sách kế toán do mẹ lập nên một cách hoàn hảo không chê vào đâu được và được Maria kế tục một cách hoàn hảo không chê vào đâu được, và mẹ phá lên cười, cái cười điển hình Kashubes, kéo cục cưng của tôi lại hôn lên má và nháy mắt, nói: "Có gì mà phải xấu hổ, bé em. Chẳng phải cả hai chúng ta đã cưới một tay Matzerarh và nuôi ẵm một thằng Bronski đó sao?"

Tôi phải kiên quyết tự cấm mình tiếp tục liên tưởng theo hướng đó, chẳng hạn như suy biện về một đứa con trai do Jan gieo giống, được mẹ tôi đặt vào trong bụng bà ngoại Koljaiczek và cuối cùng ra đời trong hũ bơ. Những ý tưởng như vậy tất yếu sẽ dẫn đi quá xa. Rất có thể thằng em trai cùng cha khác mẹ Stephan Bronski của tôi - nói cho cùng, nó cũng là người trong gia đình - chợt nảy ra ý nghĩ liếc nhìn Maria một cái, rồi sau đó toan tính những gì khác có trời biết. Do vậy, trí tưởng tượng của tôi dừng lại ở một cuộc xum họp gia đình vô hại. Khước từ một tay trống thứ ba, thứ tư, tôi đành tự bằng lòng với Oskar và bé Kurt mà thôi. Mua vui cho những người có mặt, trống tôi kể đôi điều về cái Tháp Eiffel, mà tôi xem như thay thế bà tôi ở nơi đất khách quê người. Tôi vui mừng thấy các khách mời và cả nữ chủ nhân Anna Koljaiczek đều khoái bài trống và vỗ vào đùi nhau bồm bộp theo nhịp.

Cho dù có là điều kỳ thú khi được thấy thế giới cùng những mối quan hệ của nó triển khai bên trong bà ngoại của chính mình, đạt tới chiều sâu trong một phạm vi hạn hẹp, Oskar vẫn phải quay về - vì cũng như Matzerath, gã chỉ là một ông bố giả định thôi - với những sự kiện ngày 12 tháng Sáu năm 1944, với buổi mừng sinh nhật lần thứ ba của Kurt.

Tôi nhắc lại: người ta đã cho thằng bé một chiếc áo chui đầu, một quả bóng, một cái thuyền buồm, một con quay sáo cùng cây roi đánh quay và nó lại sắp được một cái trống sơn hai màu đỏ-trắng nữa. Khi nó hoàn thành việc tháo tung chiếc thuyền buồm, Oskar bèn tiến đến, chiếc trống mới làm quà tặng giấu sau lưng, còn chiếc cũ đã tã thì lủng lắng trước ngực. Chúng tôi đứng mặt đối mặt, chỉ cách nhau một bước ngắn. Oskar, người chim chích, Kurt cũng chim chích tuy có cao hơn hai xăngtimét. Vẻ mặt nó dữ dội và tập trung vì nó vẫn đang bận phá nốt chiếc thuyền buồm. Đúng lúc tôi giơ cái trống lên, nó bẻ gẫy cột buồm cuối cùng của con thuyền Pamir, vì đó là tên của món đồ chơi gió này.

Kurt buông rơi cái xác thuyền, vớ lấy cái trống và lật ngửa lên. Dường như nó đã dịu đi một chút, nhưng vẻ mặt nó vẫn căng thẳng. Đã đến lúc dưa dùi trống cho nó. Thật không may, nó hiểu sai ý nghĩa động tác kép của tôi, cảm thấy bị đe dọa và đẩy cái trống ra khiến cạnh của nó làm văng đôi dùi trống khỏi tay tôi. Trong khi tôi cúi xuống nhặt, nó với tay ra sau lưng. Tôi lại thử đưa cặp dùi trống cho nó một lần nữa, thế là nó lùi lại với cái tặng phẩm sinh nhật và đánh tôi. Nó không quất con quay mà quất Oskar, không quất con quay sáo vốn được làm ra để bị quất, mà quất cha nó. Quyết tâm dậy cha nó quay, Kurt quất tôi, bụng nghĩ: hãy đợi đấy, anh trai. Như vậy Cain quất Abel[64] cho đến khi Abel bắt đầu quay cuồng, thoạt đầu lảo đảo, rồi nhanh hơn và chính xác hơn, cho đến khi gã bắt đầu hát, thoạt đầu âm ừ nho nhỏ, rồi cao dần lên và rền hơn, cuối cùng thành tiếng huýt gió của con quay sáo. Và với cây roi của nó, Cain khiến tôi hát mỗi lúc một cao, như một ca sĩ tê-no hát bài nguyện buổi sáng, như những thiên thần bạc, như dàn đồng ca thành Vienna, như một hợp xướng hoạn quan - tôi hát như Abel hẳn đã hát trước khi gục xuống; và tôi cũng gục xuống dưới ngọn roi của Kurt con trai tôi.

Khi nó thấy tôi nằm lăn ra đấy, rên rĩ như một con quay hết đà, nó bèn quất vào không khí như thể chưa hả cơn giận. Rồi nó xem xét thật kỹ cái trống trong khi vẫn giám sát tôi bằng con mắt hoài nghi. Đầu tiên, nó đem cọ vào cạnh gờ một chiếc ghế cho bong sơn ra; rồi nó ném món quà tặng của tôi xuống sàn nhà, vớải thân to gộc của cái vừa mới đây còn là thuyền buồm và bắt đầu nện trống. Nhưng những thanh âm nó tạo ra đâu phải là tiếng trống, thậm chí không thể nhận ra một tiết tấu nào, dù là thô sơ nhất. Với một vẻ tập trung cuồng khấu, nó phũ phàng bổ xuống cái trống vốn không chờ đợi một nhạc công như thế, vốn được tạo ra để tấu thật rền, thật bay bướm chứ không phải dành cho mưa dập gió vùi. Cái trống oằn xuống, cố vùng ra khỏi đai để thoát thân, cố cải dạng bằng cách rũ bỏ lớp sơn đỏ-trắng để trơ chất thiếc xám xịt, cầu xin tha mạng. Nhưng thằng con trai không hề mủi lòng đối với món quà tặng sinh nhật của cha. Và khi người cha ráng cầu hòa, cắn răng nuốt những cơn đau buốt lê qua tấm thảm đến chỗ thằng con, nó lại vung roi lên một lần nữa. Con quay mệt đừ đành xin hàng, thôi không quay, không rên, không huýt gió nữa và cái trống từ bỏ mọi hy vọng được trao vào tay một nhạc công nhạy cảm với ngón dùi tuyệt kỹ, mãnh liệt mà không thô bạo.

Khi Maria bước vào, cái trống đã có thể đem ra vứt ngoài đống rác được rồi. Nàng bế tôi lên, hôn vào đôi mắt sưng vù và vành tai rách tướp, liếm máu và những vết roi lằn trên tay tôi.

Ôi, giá như Maria đừng hôn đứa trẻ bị ngược đãi, chậm phát triển, bất bình thường một cách thảm hại, mà là nhận ra người cha bị xúc phạm, nhận ra người tình qua từng vết thương! Nếu vậy thì trong những tháng đen tối sau đó, tôi đã có thể là một niềm an ủi lớn biết bao, một người chồng giấu mặt nhưng trung hậu biết bao đối với nàng!

Đầu tiên là cái chết của người anh em cùng cha khác mẹ của tôi, mặc dù tổn thất này không trực tiếp đụng chạm đến Maria. Stephan Bronski hay, nếu quý vị muốn, Ehlers, vì cậu ta đã lấy họ của ông bố dượng, ngã xuống trên trận tuyến Bắc cực sau khi vừa được thăng chức thiếu úy; cái chết đánh dấu chấm hết cho binh nghiệp của cậu. Khác với Jan, cha cậu, khi bị hành quyết ở nghĩa trang Saspe vì tội tham gia bảo vệ Sở Bưu chính Ba Lan còn giấu trong ống tay áo một quân bài, chàng thiếu úy được chvới huân chương Thập Tự sắt hạng nhì, huy hiệu Bộ binh và cái gọi là huy chương Đông Lạnh.

Cuối tháng 6, Mamăng Truczinski bị một cơn đột quỵ nhẹ khi người bưu tá mang đến cho bà tin dữ: Trung sĩ Fritz Truczinski đã hy sinh cùng một lúc cho ba điều lớn: đức Fuhrer, Nhân Dân và Tổ Quốc. Chuyện này xảy ra ở Quân khu Trung tâm và tư trang của Fritz - cái ví đựng những tấm ảnh các cô gái xinh đẹp, phần lớn đều tươi cười, chụp ở Heidelberg, Brest, Paris, Kreuznach và Saloniki, huân chương Thập Tự sắt hạng nhất và hạng nhì, nhiều huy chương cho những vết thương khác nhau, tấm giáp đồng cận chiến, hai cầu vai binh chủng chống tăng, một số thư riêng - được một viên đại úy Kanauer nào đó gửi trực tiếp từ Tổng hành dinh Quân khu Trung tâm về Labesweg, Langfuhr.

Matzerath giúp đỡ hết mình và chẳng bao lâu Mamăng Truczinski đã đỡ tuy không bao giờ bình phục lại hoàn toàn, cả ngày bà ngồi trên chiếc ghế bên cửa sổ, chốc chốc lại hỏi tôi hay Matzerath (mỗi ngày hai, ba bận, ông mang đồ ăn thức uống lên) cái "Quân khu Trung tâm" ấy ở đâu, có xa không và liệu có thể đi tàu hỏa đến vào một ngày Chủ nhật nào đó không.

Với tất cả thiện ý trên đời, Matzerath vẫn không soi sáng được gì cho bà. Tuy nhiên, Oskar đã học được chút kiến thức địa lý qua các phim thời sự và những thông cáo của Wehrmacht. Tôi bỏ ra mấy buổi chiều đằng đẵng cố gắng dùng ngôn ngữ trống thuật lại cho Mamăng Truczinski ngồi im như tượng trên chiếc ghế, trừ cái đầu hơi lắc lư, nghe tất cả những gì tôi biết về Quân khu Trung tâm và những di chuyển ngày càng cấp tập của nó.

Maria rất yêu quý người anh trai tuấn tú của mình. Nàng trở nên sùng đạo. Suốt tháng 7, nàng hành đạo theo cái tôn giáo nàng đã được dậy từ bé; Chủ nhật nào nàng cũng đến nghe mục sư Hecht giảng ở Nhà thờ Chúa Kirixitô; một đôi khi Matzerath đi cùng nàng tuy rằng nàng ưng đi một mình hơn.

Những buổi hành lễ Tin Lành không thỏa mãn Maria. Một hôm - thứ Nhay thứ sáu gì đó - Maria giao cửa hàng cho Matzerath trông, dắt tay tôi, tín đồ Chính giáo, ra khỏi nhà. Xuất phát về phía Chợ Mới, chúng tôi rẽ vào Elsenstrasse, rồi theo đường Đức Bà, đi qua cửa hàng thịt của Wohlgemuth, tới tận Công viên Kleinhammer - đây rồi, Oskar nghĩ thầm, chúng ta ra ga Langfuhr lên tàu làm một chuyến du lịch nho nhỏ, có thể là đến Bissau ở Kashubes chăng. Nhưng rồi chúng tôi rẽ trái, dừng lại gần cầu chui theo thói quen mê tín chờ cho một đoàn tàu chợ đi qua rồi đi tiếp vào một đường hầm ri rỉ nước. Đến đầu hầm đằng kia, thay vì đi thẳng về phía Cung Điện ảnh, chúng tôi quẹo trái dọc theo chân đường tàu. Hoặc là nàng kéo tôi đến phòng khám của bác sĩ Hollatz, tôi đoán, hoặc là nàng định đến Nhà thờ Thánh Tâm để cải giáo.

Cửa nhà thờ trông ra đường xe lửa. Chúng tôi dừng một lát giữa rệ đường tàu và khung cửa mở. Một buổi chiều cuối tháng tám đầy tiếng côn trùng bay vo ve. Đằng sau chúng tôi, mấy người phụ nữ Ukraina chít khăn trắng đang cuốc và xúc đá ba-lát. Chúng tôi đứng đó, dòm vào cái bụng râm mát của nhà thờ. Tận trong cùng, như một lời mời chào khéo léo, lấp lánh một con mắt rực lửa: ngọn đèn vĩnh hằng. Đằng sau chúng tôi, trên rệ đường tàu, mấy người phụ nữ Ukraina thôi cuốc và xúc. Một tiếng còi rúc, một đoàn tàu đang đến, nó đây rồi, vẫn đây, chưa qua, qua rồi, còi rúc, và những người phụ nữ lại làm việc. Maria tần ngần, như không biết đưa chân nào lên trước, và dồn tất cả trách nhiệm lên tôi vì từ lúc ra đời và được rửa tội, tôi vốn gần gũi hơn với Nhà thờ Cứu rỗi; lần đầu tiên sau nhiều năm, lần đầu tiên kể từ hai cái tuần lễ bột sủi và tình yêu ấy, nàng tự ký thác cho sự dẫn dắt của Oskar.

Chúng tôi để lại đường tàu và những âm thanh của nó, tháng tám và những tiềng rì rào của nó ở bên ngoài. Tư lự, tôi uể oải dạo những ngón tay trên trống dưới lần áo khoác, trong khi bề ngoài phô một vẻ mặt dửng dưng. Tôi nhớ lại những lễ mi-xa, những buổi lễ trọng do đức Giám mục chủ tế, những buổi kinh chiều và những buổi xưng tội ngày thứ Bảy bên cạnh mẹ tôi - ít lâu trước khi chết, cuộc dan díu cuồng nhiệt với Jan làm cho mẹ trở nên ngoan đạo, và đều đặn các ngày thứy, mẹ trút gánh nặng bằng xưng tội, Chủ nhật lại củng cố thêm bằng phép bí tích để rồi, vơi tội và được củng cố như vậy, thứ Năm sau lại gặp Jan ở phố Thợ Mộc. Vị linh mục hồi đó là ai nhỉ? Phải, Cha Wiehnke hiện vẫn là linh mục của Nhà thờ Thánh Tâm, những bài thuyết giảng của Cha nhỏ nhẹ êm ái mặc dầu chẳng ai hiểu gì cả, Cha tụng kinh Credo bằng một giọng mảnh và não nùng đến nỗi ngay cả tôi hồi ấy cũng suýt cảm thấy bị xâm chiếm bởi một cái gì từa tựa như niềm tin nếu không có cái ban thờ bên trái với Đức Mẹ Đồng Trinh, Chúa hài đồng Jêxu và thánh Jean Bastiste hồi nhỏ.

Tuy nhiên chính cái ban thờ ấy đã thúc tôi kéo Maria khỏi ánh mặt trời để đi qua cửa, bước trên sàn lát đá vào gian giữa giáo đường.

Oskar cứ thủng thỉnh, lặng lẽ ngồi bên Maria trên chiếc ghế dài gỗ sồi, cảm thấy mỗi lúc một thoải mái hơn. Nhiều năm đã trôi qua, vậy mà tôi có cảm giác như vẫn những người ấy đang lần giở cuốn sách lễ, sắp sẵn những điều sẽ rót vào tai Cha Wiehnke. Chúng tôi ngồi hơi chếch sang bên lối đi giữa. Tôi muốn để Maria lựa chọn nhưng tạo điều kiện cho sự lựa chọn của nàng dễ dàng hơn. Một mặt, phòng xưng tội không ở gần nàng đến mức khiến nàng rối trí, như vậy nàng có thể lặng lẽ cải giáo một cách không chính thức; mặt khác, nàng có thể thấy những người khác ứng xử ra sao trong khi chuẩn bị xưng tội và, trong khi quan sát như vậy, đi đến quyết định. Nàng chỉ đi một quãng là có thể gặp Cha Wiehnke trong phòng xưng tội và thỉnh Cha về những chi tiết cho phép nàng chuyển sang Chính giáo duy nhất cứu rỗi. Tôi ái ngại cho nàng; nom nàng thật bé nhỏ, vụng về khi nàng quỳ giữa khói hương, bụi, xtuých-cô, những thiên thần uốn éo, ánh sáng khúc xạ, các vị thánh co giật, khi nàng quỳ dưới và giữa sự ngọt ngào đau khổ của Thiên Chúa giáo và lần đầu tiên làm dấu thánh giá lộn. Oskar bấm Maria, bày cho nàng làm dấu thánh giá lại cho đúng cách. Nàng sốt sắng học. Oskar chỉ cho nàng Cha và Con và Thánh Thần ngự ở đâu - trên trán, đáy tim, hai khớp vai - , phải chắp tay thế nào để nói amen. Maria làm theo, chắp hai tay lại như khi nói amen và bắt đầu cầu nguyện.

Thoạt đầu, Oskar cũng thử cầu nguyện cho một số người chết, nhưng trong khi cầu xin Thượng Đế cho Roswitha được an tĩnh và hưởng những niềm vui thiên giới, gã lại lạc vào những chi tiết trần tục đến nỗi rút cục, an tĩnh và những niềm vui thiên giới đậu xuống một khách sạn ở Paris. Vậy nên tôi bèn náu vào Phần Mở Đầu vì đoạn này tương đối trôi chảy; đời đời chẳng cùng, tôi cầu, sursum corda, dignum et justum - xứng phẩm cách và công bằng. Rồi tôi bỏ lửng và ngó sang bên quan sát Maria.

Sự cầu nguyện Thiên Chúa giáo thật hợp với nàng. Lòng mộ đạo làm cho nàng xinh đẹp như một bức tranh. Lời cầu nguyện khiến hàng mi nàng như dài thêm, cặp lông mày nhướn cao lên, đôi má hây hây, vầng trán trang nghiêm, cổ mềm mại hơn và đôi cánh mũi phập phồng. Nét mặt Maria, bừng nở trong đau buồn, suýt khiến tôi bày tỏ tình cảm. Nhưng không nên quấy rầy người đang cầu nguyện, không nên quyến rũ họ hoặc để họ quyến rũ mình, ngay cả nếu người đang cầu nguyện có hài lòng khi biết ai đó đang ngắm mình.

Oskar tụt xuống khỏi cái ghế dài nhẵn bóng và chuồn khỏi Maria. Dưới lần áo ngoài, hai tay tôi vẫn ngoan ngoãn chắp trên cải trống trong khi chúng tôi - tôi và trống - bước trên sàn đá lát, qua các chặng dừng trên hành trình của Thánh Giá ở lối đi bên trái của gian giữa; chúng tôi không dừng lại với ông Thánh Antoine - cầu cho chúng tôi - vì chúng tôi không đánh mất túi tiền cũng chang đánh rơi chìa khóa nhà, cũng không dừng lại với Thánh Adalbert thành Praha bị bọn Phổ vô đạo giết hại. Chúng tôi cứ đi tiếp, nhảy chân sáo từ phiến đá này sang phiến đá kia như trên những ô bàn cờ, và chỉ dừng lại khi tới những bậc rải thảm dẫn đến ban thờ bên trái.

Quý vị có tin hay không thì tùy, nhưng quả là chẳng có gì thay đổi trong cái Nhà thờ Thánh Tâm xây bằng gạch theo kiểu Tân-Gôtích này, nhất là ở ban thờ bên trái. Chúa Jêxu hài đồng hồng hào và trần truồng vẫn ngồi trên cặp đùi hồng hào của Đức Mẹ Đồng Trinh - tôi không gọi người là Đức Mẹ Maria Đồng Trinh vì sợ lẫn với Maria của tôi lúc này đang bận cải giáo. Chú bé Jean Baptiste, quấn độc một tấm da sống màu sô-cô-la, vẫn nép bên đầu gối phải của Đức Mẹ Đồng Trinh. Bản thân Đức Mẹ vẫn chỉ ngón trỏ của bàn tay phải vào Jêxu, nhưng mắt lại nhìn Jean.

Tuy nhiên, sau nhiều năm vắng mặt, Oskar lại không mấy quan tâm đến niềm tự hào hiền mẫu của Đức Mẹ Đồng Trinh, mà chú trọng hơn đến thể chất của hai chú bé. Jêxu vào tầm Kurt con trai tôi hôm sinh nhật lần thứ ba của nó, nói cách khác, cao hơn Oskar khoảng hai xăngtimét. Jean - lớn tuổi hơn Jêxu, theo tài liệu để lại - thì vào tầm tôi. Nhưng cả hai đều có cái vẻ già trước tuổi như tôi, kẻ vĩnh viễn lên ba. Chẳng có gì thay đổi. Vẫn cái vẻ xảo trá trên khuôn mặt như nhiều năm trước, vào hồi tôi thường xuyên đến Nhà thờ Thánh Tâm cùng mẹ tội nghiệp của tôi.

Leo lên những bậc rải thảm mà không đọc bài Nhập lễ, tôi xem xét từng nếp vải, chậm rãi và thận trọng khảo sát lớp thạch cao bên ngoài hai chú bé theo chủ nghĩa khỏa thân bằng cái dùi trống, nó nhạy cảm hơn tất cả những ngón tay của tôi cộng lại, không bỏ sót tí gì. Tôi cứ soát mọi chỗ, đùi, bụng, cánh tay, đếm từng nếp thịt, từng lúm đồng tiền. Jêxu đúng là hình ảnh của Oskar, da thịt lành mạnh của tôi, đôi đầu gối khỏe khoắn hơi bụ bẫm của tôi, đôi cánh tay ngắn nhưng cuồn cuộn cơ bắp của người đánh trống là tôi và tư thế của cu cậu cũng là tư thế của người đánh trống. Cu cậu ngồi trên đùi Đức Mẹ Đồng Trinh, oánh tay và nắm tay giơ lên như thể định đánh trống, như thể Jêxu, chứ không phải Oskar, là trống sĩ, như thể cu cậu chỉ chờ cái trống của tôi, như thể lần này, cu cậu có ý định nghiêm chỉnh muốn đãi Đức Mẹ Đồng Trinh, Jean và chính tôi một tiết tấu mê ly trên trống. Tôi lại làm cái điều tôi đã làm nhiều năm trước đây. Tôi nhấc, cái trống ra khỏi bụng mình để cho Jêxu đánh thử. Thận trọng, không làm xước lớp thạch cao sơn, tôi đặt cái trống sơn đỏ-trắng của Oskar lên cặp đùi hồng của cu cậu. Nhưng lần này đơn thuần là trò tinh nghịch, tôi đã mất niềm tin ngu xuẩn vào những phép màu, tôi chỉ muốn cho cu cậu biết tay thôi. Bởi vì tuy cu cậu ngồi giơ hai nắm tay lên, cu cậu có kích thước và tầm vóc rắn rỏi như tôi, tuy cu cậu là bản sao bằng thạch cao của đứa trẻ lên ba mà tôi vẫn giữ được mình nguyên vẹn là thế bằng giá của biết bao cố gắng, biết bao mất mát thiếu thốn, nhưng cu cậu lại không đánh trống được, cu cậu chỉ làm ra vẻ biết đánh trống mà thôi. Nếu tớ có một cái trống, tớ sẽ đánh được, có vẻ như cậu ta đang nghĩ thế; ha-ha, tôi nói, thì bây giờ cậu có rồi đấy, để xem cậu làm gì nào? Cười ngặt nghẽo, tôi ấn cả hai dùi trống vào những ngón tay của cu cậu, mười ngón như mười thoi xúc xích nhỏ - hỡi Jêxu thạch cao yêu mến, nào, đánh trống đi! Oskar bước giật lùi, xuống ba bậc, rời tấm thảm sang sàn đá lát, nào, đánh trống đi chú bé Jêxu. Oskar lại lùi một bước dài để mở rộng tầm nhìn. Oskar bắt đầu cười đau cả bụng vì tất cả những gì Jêxu có thể làm là ngồi đó, không biết đánh trống mặc dầu có lẽ cu cậu cũng muốn. Sự ngán ngẩm đã bắt đầu gặm nhấm tôi như con chuột nhắt gặm miếng thịt sấy thì kia - xin thề độc - cậu ta bắt đầu dóng trống.

Trong khi quanh chúng tôi không có gì động đậy, thì cậu ta khởi đầu bằng dùi phải, rồi một, hai nhát bằng dùi trái, rồi cả hai cùng một lúc. Thế rồi cậu bắt chéo dùi, phải nói là hồi trồng rền không đến nỗi tồi. Cậu đánh rất nghiêm túc và cách chơi khá đa dạng. Cậu trổ mấy ngón rất phức tạp, và khi chuyển sang tiết tấu đơn giản cũng rất thành công. Không có gì giả tạo trong lối chơi, cậu tránh mọi thủ thuật và chỉ chú trọng vào tiếng trống của mình. Phong cách của cậu thậm chí không nhuốm màu tôn giáo, cũng không hề vướng chất nhà binh tầm thường. Cậu là một nhạc công thuần tuý, không chút đua đòi. Cậu thuộc tất cả các bài thời thượng. Cậu chơi bài Es geht alles vorüber (Mọi sự đều qua đi) mà hồi đó, ai cũng hát, và dĩ nhiên cả Lili Marlene nữa. Từ từ, có phần hơi cà giựt, cậu quay cái đầu tóc xoăn với đôi mắt xanh nhà Bronski về phía tôi, tủm tỉm cười hơi ngạo mạn (tôi có cảm giác thế) và trộn những bài ưa thích của Oskar thành một thứ nộm: bắt đầu là Tan tành ô kính cửa sổ, rồi lướt qua Thời gian biểu một tí; cũng như tôi, cu cậu đem Rasputin đối chọi với Goethe, cùng tôi leo lên Tháp Công Lý, trườn dưới khán đài, bắt lươn ở đê chn sóng, cùng tôi đi sau cỗ quan tài thuôn thuôn đằng chân của mẹ tôi và, điều làm tôi sửng sốt nhất, liên tục tìm đến náu dưới bốn tầng váy của Anna Koljaiczek bà ngoại tôi.

Oskar bước lại gần hơn. Một cái gì hút gã về phía trước. Gã muốn đứng trên thảm chứ không muốn ở trên sàn đá lát nữa. Bậc này tiếp bậc kia, tôi leo lên, mặc dầu trong bụng muốn cậu ta bước xuống. "Jêxu," tôi nói, huy động hết chút giọng tàn còn lại, "đó không phải giao ước của chúng ta. Trả lại trống cho tớ ngay đi. Cậu đã có cây thánh giá, thế là đủ rồi.” Cậu ta từ từ kết thúc tấu khúc không chút đột ngột và bắt chéo cặp dùi đặt lên trống một cách cẩn trọng quá đáng và không một lời cãi lại, trao trả cái mà Oskar đã nhẹ dạ cho cậu mượn.

Tôi đã sắp lao xuống các bậc không một lời cảm ơn và chạy trốn khỏi Thiên Chúa giáo với toàn bộ tốc lực có thể của đối chân, thì một giọng tuy hách dịch nhưng êm ái chạm vào vai tôi: "Ngươi có yêu ta không, Oskar?" Không ngoái lại, tôi đáp: "Tôi không biết." Cậu nhắc lại, không cất cao giọng: "Ngươi có yêu ta không, Oskar?" Lần này, giọng tôi sẵng hơn: "Xin lỗi, mình e rằng không." Lần thứ ba, cái giọng khó chịu của cậu phóng vào tôi: "Oskar, ngươi có yêu ta không?" Tôi quay phắt lại, nhìn thắng vào mặt cậu: "Đồ con hoang, tao ghét mày, mày và trò bịp của mày!"

Lạ thay, sự hằn học của tôi không làm cậu chưng hửng, mà lại khiến cậu đắc thắng. Giơ ngón tay trỏ lên như một cô giáo tiểu học, cậu giao nhiệm vụ cho tôi: "Ngươi là Oskar, tảng đá, và trên tảng đá ấy, ta sẽ xây Nhà thờ của ta. Hãy theo ta."

Quý vị có thể tưởng tượng được nỗi bất bình của tôi. Tôi phát khùng đến nổi cả da gà. Tôi bẻ một ngón chân thạch cao của cậu, nhưng cậu không hề nhúc nhích. "Nhắc lại coi," Oskar rít lên, "tao sẽ cạo tuột sơn khỏi người mày."

Sau đó, không một lời nào nChỉ có ông già mọi khi, ông già muôn thủa lệt xệt đôi dép lê khắp các nhà thờ trên thế giới, ông liếc mắt về phía ban thờ bên trái nhưng không trông thấy tôi, và lại lệt xệt đi tiếp. Ông đã đến chỗ thánh Adalbert thánh Praha khi tôi lật đật xuống các bậc, rảo bước từ thảm sang sàn đá lát và, không ngoái lại, vượt qua nhưng ô bàn cờ tới chỗ Maria đúng lúc ấy đang làm dấu thánh giá đúng theo cách tôi đã chỉ dẫn.

Tôi nắm tay nàng dẫn đến bồn nước thánh; đến đúng trước cửa ra vào, tôi bảo nàng làm dấu thánh giá một lần nữa hướng về phía ban thờ chính, nhưng tôi không làm theo và khi nàng định quỳ gối, tôi kéo tuột nàng ra ngoài ánh mặt trời.

Trời đã ngả chiều. Đám phụ nữ Ukraina đã rời khỏi đường tàu. Nơi họ làm việc ban nãy, một chuyến tàu hàng đang rẽ sang đường ray khác, ngay gần ga Langfuhr. Lơ lửng trên không từng đàn muỗi. Từ trên cao, vắng xuống những hồi chuông, hòa lẫn với những tiếng động trên đường sắt. Muỗi vẫn túm tụm từng đám. Mặt Maria đầm đìa nước mắt. Oskar những muốn gào lên. Tôi phải làm gì để đối phó với Jêxu đây? Tôi cảm thấy muốn nạp năng lượng cho giọng mình. Tôi phải làm gì với cây thánh giá của cậu ta? Nhưng tôi thừa biết giọng tôi hoàn toàn bất lực đối với những cửa sổ nhà thờ của cậu ta. Cậu ta cứ việc xây giáo đường của mình trên những người tên là Pierre. "Cẩn thận đấy, Oskar, đừng động đến những cửa sổ nhà thờ," Xa-tăng thì thầm bên trong tôi. "Kẻo tay ấy sẽ làm tiêu giọng của cậu đó." Tôi phóng một tia nhìn lẻ loi lên thử đo kích thước của một trong những cửa sổ kiểu Tân Gô-tích kia rồi kiên quyết dứt mắt ra khỏi đó. Tôi không cất giọng, tôi không đi theo Jêxu, mà chỉ lon ton bên Maria đến cầu chui ở Bahnhofstrasse. Qua đường hầm rỉ nước, đi ngược lên đến Công viên Kleinhammer, rẽ phải vào phố Đức Bà, qua cửa hiệu bơ của Wohlgemuth, rẽ trái vào phố Elsenstrasse, băng qua Striessbach đến Chợ Mới, nơi người ta đang xây một bể nước phòng không. Phố Labesweg dài dằng dặc nhưng rồi chúng tôi cũng đến nhà. Tách khỏi Maria, Oskar leo chín mươi bậc thang lên tầng áp mái. Người ta phơi nệm trải giường và đằng sau đó, là một đống cát phòng không. Đằng sau đống cát cùng những xô nước, đằng sau những xấp báo và những chồng ngói, là nơi cất giấu cuốn sách và lô trống của tôi. Ngoài ra, còn có mấy cái bóng điện đã cháy nhưng vẫn giữ nguyên hình trái lê, cất trong một hộp đựng giầy.

Oskar chọn ra một cái và cất giọng diệt tan nó. Gã lấy một cái nữa, biến nó thành thủy tinh vụn, còn cái thứ ba thì cắt gọn làm đôi. Trên cái thứ Tư, giọng gã khắc chữ JESUS bằng mẫu tự Sütterlin, rồi đập nát cả bóng lẫn chữ khắc. Gã muốn tiếp tục nhưng không còn bóng nào nữa. Kiệt lực, tôi gieo mình xuống đống cát phòng không. Oskar vẫn còn giọng! Có thể Jêxu vẫn còn người kế tục. Còn tôi, những thánh tông đồ đầu tiên của tôi là băng Quét Bụi.

BĂNG QUÉT BỤI

Oskar vốn không được tạo sinh để nối dõi Chúa Kirixitô vì một lẽ: gã không có năng khiếu thu nạp môn đồ. Tuy nhiên, lời kêu gọi của Jêxu "Hãy theo ta" đã nhập vào tim tôi một cách gián tiếp, theo đường vòng và tôi trở thành người kế tục của Chúa Kirixitô mặc dù tôi không tin ở Người. Nhưng, như người ta thường nói, kẻ nào ngờ tức là tin, và chính kẻ không tin lại tin lâu bền nhất. Jêxu đã cho tôi chút phép màu nho nhỏ trong Nhà thờ Thánh Tâm và tôi không thể chôn cái phép màu ấy dưới những nghi ngờ; trái lại, tôi còn tìm mọi cách để khiến Jêxu lặp lại màn trình diễn của mình.

Sau đó, Oskar còn trở lại Nhà thờ Thánh Tâm nhiều lần không có Maria đi cùng. Chuồn khỏi Mamăng Truczinski ngồi đóng đinh ở ghế đâu phải là chuyện khó khăn gì. Tôi có thể chờ đợi gì ở Jêxu đây? Tại sao tôi ở lại trong gian bên trái gần như suốt đêm và để ông bõ nhà thờkhóa cửa nhốt tôi bên trong? Tại sao Oskar đứng mãi ở ban thờ bên trái cho đến khi chân tay phát cóng và hai tai đông cứng lại? Với tất cả sự nhịn nhục ê chề cũng như những lời báng bổ không kém ê chề, tôi vẫn không làm sao nghe được trống tôi hay tiếng của Jêxu vang lên một lần nữa.

Miserere[65]! Cả đời, tôi chưa bao giờ nghe thấy rằng tôi đánh đàn như trong những giờ khuya khoắt ấy ở Nhà thờ Thánh Tâm. Đã có gã hề nào kiếm được một chiếc phách giòn hơn Oskar này? Ran ran như một ổ súng liên thanh, giữa hàm trên và hàm dưới tôi là cả một bầy thư ký đánh máy. Đàn răng tôi vang đi khắp phía, làm dậy lên những hồi âm và tiếng hoan hô. Những hàng cột rung lên, những mái vòm nổi da gà và khi răng tôi không đánh đàn thì tôi lại ho. Tiếng ho của tôi nhảy lò cò trên những ô bàn cờ của sàn đá lát, xuôi theo hai cánh, ngước lên chính điện, đánh đu vào dàn đồng ca, nhân lên sáu mươi lần như một Hội J. S. Bach không hát mà lấy ho làm nghiệp vụ chuyên môn và đúng lúc tôi bắt đầu nghĩ rằng cơn ho của mình đã chui vào những ống của đại phong cầm và im tiếng, thì kìa, một tiếng ho vang lên trong phòng mặc áo lễ rồi một tiếng khác từ chỗ bục giảng kinh cho đến khi, chung cuộc, tiếng ho tắt dần, trút hồn đằng sau ban thờ chính, cách chỗ Lực sĩ Vác Thánh giá không xa. Xong rồi, cơn ho của tôi nói; nhưng chưa có gì xong cả. Chúa hài đồng Jêxu ngồi đấy, cứng đơ và kiêu kỳ, kẹp cái trống của tôi giữa hai đùi thạch cao, tay cầm dùi mà không chơi, khước từ việc xác nhận sứ mệnh của tôi. Vì Oskar muốn có sự xác nhận bằng văn bản.

Thời kỳ ấy để lại trong tôi một thói quen hay một thói xấu: cứ đến giáo đường, kể cả những nhà thờ lớn nổi tiếng, là tôi bắt đầu ho, ngay cả những lúc sức khỏe tôi tốt nhất. Đặt chân vào chính điện một cái là một cơn ho xâm chiếm tôi; nó có thể mang phong cách Gô-tích, hay Rô-man hay thậm chí Ba- rốc, tùy theo kiểu kiến trúc của ngôi nhà thờ. Tôi dám chắc rằng nhiều năm nữa tôi vẫn có thể dùng trống thể hiện cơn ho của Oskar trong Nhà thờ lớn ở Ulm hay Speyer. Tuy nhiên, hồi ấy tôi đang chịu tác động của một thứ Thiên Chúa giáo cực kỳ băng giá; chẳng có cơ hội nào để thăm những nhà thờ ở những vùng đất xa xôi, trừ phi anh là lính tham gia những cuộc rút lui nằm trong kế hoạch của Reichswhr, mỗi lần rút lại ghi trong nhật ký, chẳng hạn: "Hôm nay, rút khỏi Orvieto; nhà thờ tuyệt mỹ. Sau chiến tranh phải quay lại cùng Monica ngắm cho đã.”

Với tôi, trở thành một người chăm đi nhà thờ là chuyện dễ ợt, vì chẳng có gì níu chân tôi ở nhà. Có Maria. Nhưng Maria còn có Matzerath. Có thằng Kurt con trai tôi. Nhưng nó ngày càng trở nên không chịu nổi, nó ném cát vào mắt tôi, cào cấu tôi hung đến nỗi những mảnh móng tay gẫy của nó mắc lại trong thịt cha nó. Nó còn dứ hai nắm đấm về phía tôi và chỉ nhìn những khớp ngón căng đến trắng ra, tôi đã muốn đổ máu mũi..

Lạ thay, Matzerath lại bênh vực tôi, tuy có vụng về nhưng đầy thương mến. Trong một tâm thái ngỡ ngàng, Oskar để cho con người vốn chẳng quan trọng gì với gã, bế lên lòng ghì lấy, nhìn ngắm và thậm chí có lần còn hôn hít nữa. Nước mắt lưng tròng, Matzerath nói, cho riêng mình hơn là với Maria: "Không thể được. Tôi không thể cho con tôi đi. Mặc cho các bác sĩ muốn nói gì thì nói. Tôi dám chắc rằng họ không có con nên mới thế."

Maria đang ngồi ở bàn dán những tem thực phẩm vào sổ cái như mọi tối, nghe vậy, nàng ngẩng lên: "Bình tĩnh nào, Alfred. Mình nói như thể tôi không thiết ấy. Nhưng khi người ta bảo đó là cách làm hiện đại, tôi chả còn biết nghĩ sao nữa.”

Matzerath chỉ vào cây dương cầm đã ngừng thánh thót từ khi mẹ tội nghiệp của tôi mất: "Agnes ắt không bao giờ làm thế, cô ấy ắt không cho phép làm thế."

Maria liếc mắt về phía cây dương cầm, nhún vai và chỉ hạ vai xuống khi nàng mở miệng để nói: "Dĩ nhiên, vì bà ấy là mẹ, bà ấy vẫn hy vọng nó sẽ đỡ hơn. Nhưng mình thấy đấy: chẳng có gì khả quan, đâu đâu cậu ta cũng bị c từ, không còn biết sống như thế nào, chết như thế nào nữa."

Không biết có phải bức chân dung Beethoven vẫn treo trên cây dương cầm, rầu rầu nhìn lão Hitler cũng rầu rầu, đã tiếp thêm sức mạnh cho Matzerath không? "Không!" ông quát. "Không bao giờ!" và đấm mạnh xuống bàn, xuống mớ giấy ướt dính, ông bảo Maria đưa ông bức thư của viện, đọc đi đọc lại, rồi xé nát, vung vãi những mảnh vụn giữa những tem bánh mì, tem mỡ, tem thực phẩm, tem đi đường, tem lao động nặng, tem lao động cực nặng, tem phụ nữ có thai và nuôi con thơ. Mặc dầu, nhờ có Matzerath, Oskar không rơi vào tay các bác sĩ SS đó, gã vẫn giữ trong trí một hình ảnh, và cho đến nay, mỗi lần nhìn Maria, gã vẫn thấy hình ảnh một bệnh viện đẹp giữa không khí miền núi trong lành, một phòng phẫu thuật hiện đại sáng, thoáng, thân mật; bên ngoài cánh cửa có đệm, một Maria rụt rè nhưng tươi cười, tin cậy trao tôi cho một nhóm bác sĩ hạng nhất, cũng tươi cười và đáng tin cậy, tay cầm những ống kim tiêm hạng nhất, đáng tin cậy và hiệu nghiệm tức thì dưới nhưng áo blu trắng sát trùng.

Vậy là toàn thế giới đã bỏ rơi tôi. Chính cái bóng của mẹ tội nghiệp của tôi đổ xuống những ngón tay của Matzerath làm chúng tê liệt mỗi khi ông ta định ký vào tờ giấy cho phép do Bộ Y Tế thảo sẵn, đã cứu sống tôi.

Oskar không muốn là kẻ vô ơn. Tôi vẫn còn cái trống, còn cái giọng hát diệt-thủy-tinh-giờ đây, khi quý vị đã biết mọi chiến tích của giọng tôi, nó trở thành vô bổ đối với quý vị và có lẽ đã bắt đầu làm những ai thích cái mới lạ trong số quý vị chán ngấy, nhưng đối với tôi, giọng của Oskar, thậm chí còn hơn cả cái trống, là bằng chứng sự tồn tại của tôi và do đó, vĩnh viễn mới; chừng nào giọng tôi còn đập nát được thủy tinh, tôi vẫn tồn tại.

Thời kỳ này, Oskar hát-đập rất nhiều. Gã hát bằng nghị lực của tuyệt vọng. Mỗi lần tôi rời Nhà thờ Thánh Tâm vào một giờ muộn, tôi lại hát-đ một cái gì đó. Tôi không đi tìm những mục tiêu gì đặc biệt hay ho. Trên đường về nhà, tôi chọn một cửa sổ ở tầng áp mái nào đó che sáng phòng không chưa đúng quy định hoặc một ngọn đèn đường sơn xanh theo quy định. Mỗi lần ở nhà thờ về nhà, tôi lại chọn một đường khác. Một buổi tối, Oskar đi đường Anton-Möller rồi rẽ theo phố Đức Bà. Tối khác, gã qua tháp Conradinum và đập vỡ kính cửa chính. Một hôm vào cuối tháng tám, tôi tới nhà thờ quá trễ và thấy cửa khóa chặt. Muốn đi dạo cho hả cơn về nhà. Xuất phát từ phố Ga, ở đó cứ ba bóng đèn đường tôi đập một, tôi đi qua Cung Điện ảnh và rẽ phải vào phố Adolf Hitler. Tôi tha cho các cửa sổ của doanh trại bộ binh để trút cơn giận vào một chuyến tàu điện gần như trống rỗng từ Oliva chạy về phía tôi, lột toàn bộ kính che đèn tù mù của một bên sườn tàu.

Phanh rít, tàu đỗ lại, người túa ra, chửi rủa một hồi rồi lại lên tàu. Có thể coi đó là một chiến tích, nhưng Oskar không mất thì giờ nghĩ nhiều đến nó. Gã lại đi tìm một món tráng miệng cho cơn khùng. Một miếng khoái khẩu trong cái thời kỳ nghèo nàn vị khoái khẩu này, và chỉ dừng lại khi, gần tới Langfuhr, gã trông thấy Xí nghiệp Sô-cô-la Baltic trải ra dưới ánh trăng giữa xưởng mộc của Berendt và những hăng-ga rộng thênh thang của sân bay.

Tuy nhiên, lúc này, cơn cuồng nộ của tôi đã giảm phần nào cường độ. Thay vì tự giới thiệu ngay với xí nghiệp, tôi lại thủng thĩnh đếm những cửa sổ lấp lánh ánh trăng. Làm xong việc đó, tôi đã sẵn sàng để tự giới thiệu, nhưng trước hết, tôi muốn xem thử cái bọn nhóc đi theo tôi từ Hochstriess, mà có khi suốt từ phố Ga đến đây, định giở trò gì. Sáu bảy đứa đang đứng cạnh hầm trú ẩn gần bên tầu điện và tôi còn phát hiện ra năm đứa nữa sau hàng cây trên đại lộ.

Tôi đã quyết định hoãn cuộc thăm xí nghiệp sô- cô-la lại, giữ một khoảng cách an toàn với chúng và về nhà theo lối cầu vượt, qua nhà máy bia Akrien, thì bỗng nghe thấy những hiệu lệnh bằng sáo miệng từ phía cầu vượt. Không còn nghi ngờ gì nữa: cuộc điều binh này đích thị nhằm vào tôi.

Tôi đã trông thấy những kẻ đuổi bắt tôi, nhưng cuộc săn chưa bắt đầu. Trong những tình huống như thế này, người ta thường khoái kể những khả năng thoát thân tối hậu. Oskar có thể gọi cha, gọi mẹ. Tôi có thể dóng trống kêu cứu bất cứ ai, chẳng hạn một cảnh sát viên. Tầm vóc tôi chắc chắn tranh thủ được sự ủng hộ của người lớn, nhưng ngay cả Oskar cũng có những nguyên tắc riêng của mình và đôi khi tuân thủ chúng triệt để. Và như vậy tôi quyết không nhờ đến sự giúp đỡ của cảnh sát hoặc bất kỳ người lớn nào ở trong tầm nghe. Kích thích bởi tò mò và khoái trí thấy mình được chú ý đến như vậy, tôi quyết định cứ để sự tình diễn biến tự nhiên và làm điều ngu xuẩn nhất có thể tưỏng tượng được: tôi đi tìm một cái lỗ ở hàng rào hắc ín bao quanh xí nghiệp sô-cô-la. Chẳng thấy một lỗ nào. Từ từ và điềm đạm, bọn cướp nhí dồn về điểm tập kết: từ hầm trú ẩn cạnh bến xe điện, từ sau hàng cây trên đại lộ và cuối cùng, từ cầu vượt. Oskar di chuyển dọc hàng rào, vẫn tìm lỗ nấp. Chúng để cho tôi vừa đủ thời gian để phát hiện thấy một chỗ khuyết mất mảnh ván. Nhưng khi tôi lách người qua với hậu quả là rách toạc quần, thì phía bên kia đã có bốn đứa mặc áo gió chờ sẵn, tay đút túi quần trượt tuyết.

Nhận thấy không thể làm gì để cứu vãn tình thế, tôi đưa tay rờ rờ quần tìm chỗ rách. Nó ở đít quần. Tôi xoè ngón tay ra đo, thấy nó rộng đến tệ hại, nhưng vẫn làm bộ dửng dưng; và, sẵn sàng đón nhận hậu quả, tôi chờ đến khi cả bọn từ bến xe điện, từ đại lộ và cầu vượt trèo qua hàng rào, vì chúng to xác quá không lách qua khe hở được.

Đó là vào cuối tháng tám. Thi thoảng, mặt trăng khuất sau một đám mây. Tôi đếm được khoảng hai mươi đứa. Đứa bé nhất độ mười bốn tuổi, đứa lớn nhất mười sáu, hoặc gần mười bảy. Mùa hè năm 44 nóng và khô. Bốn thằng to con nhất mặc đồng phục bổ trợ quân của Luftwaffe[66]. Tôi nhớ năm ấy được mùa anh đào. Chúng đứng quây quanh Oskar thành từng nhóm nhỏ, trò chuyện khe khẽ, dùng một thứ biệt ngữ mà tôi chẳng hơi đâu mà cố gắng hiểu. Chúng gọi nhau bằng những cái tên kỳ quái, mà tôi chỉ nhớ được một phần nhỏ. Chẳng hạn, một thằng trạc mười lăm tuổi có đôi mắt nai được mệnh danh là Lướt, hoặc đôi khi là Choi Choi. Thằng đứng cạnh nó là Mát-Tít. Thằng nhỏ con nhất, tuy chắc chắn không phải ít tuổi nhất, trều môi và có tật nói đớt, được đặt tên là Ăn Cắp Lửa. Trong đám bổ trợ quân của Luftwaffe, một thằng được kêu là Me-xừ, một thằng khác có cái tên rất hợp là Gà Nấu Xúp. Cũng có những tên lịch sử như Sư Tử Tâm và Râu Xanh - thằng này có vẻ mặt thỏ đế - và cả những bạn cũ của tôi nữa như Totila và Teja. Thậm chí có hai thằng trâng tráo tự xưng là Belisarius và Marses. Thằng cầm đầu, mười sáu tuổi, lấy tên của trùm hải tặc khét tiếng Störtebeker. Nó đội một chiếc mũ phớt nhung thứ thiệt với phần chỏm bóp võng xuống cho giống một cái ao vịt và mặc một cái áo mưa quá dài đối với nó.

Không đứa nào mảy may chú ý đến Oskar; chúng đang tìm cách làm Oskar rời rã trong trạng thái nơm nớp. Nửa buồn cười, nửa bực mình vì dây với những tên thiếu niên lãng mạn này, tôi ngồi lên cái trống của mình, ngắm vầng trăng đã gần tròn và cố hướng ý nghĩ quay về Nhà thờ Thánh Tâm.

Ngày hôm nay, lẽ ra Cậu đã có thể chơi trống và nói một đôi lời. Thế mà tôi lại ngồi đây, trong cái sân của Xí nghiệp Sô-cô-la Baltic, tiêu phí thì giờ vào cái trò chơi cảnh sát và kẻ trộm này. Rất có thể Cậu đang chờ tôi, có thể sau một khúc dạo đầu ngắn, Cậu sẽ mở miệng một lần nữa, nói rõ thêm về sứ mệnh kế tục Chúa Kirixitô. Thất vọng vì không thấy tôi, có lẽ chính lúc này đây, Cậu đang nhướn cặp lông mày lên theo cái cách ngạo mạn của Cậu. Không biết Jêxu sẽ nghĩ gì về lũ nhãi ranh này nhỉ? Liệu Oskar, hình ảnh của Cậu, môn đồ và đại diện của Cậu, phải làm gì với cái lũ này? Liệu gã có thể lấy lời của Jêxu "Các con nhỏ, hãy chịu khó đến với ta!" để nói với lũ tiểu yêu tự mệnh danh là Mát-Tít, Râu Xanh, Ăn Cắp Lửa và Störtebeker này không?

Störtebeker tiến lại, theo sau là Ăn Cắp Lửa, cánh tay phải của nó. Störtebeker: "Đứng dậy!"

Mắt Oskar vẫn còn dán vào mặt trăng, ý nghĩ còn quanh quẩn nơi ban thờ bên trái của Nhà thờ Thánh Tâm. Gã không đứng dậy và Ăn Cắp Lửa, theo một hiệu lệnh của Störtebeker, đá cái trống tôi đang ngồi lên văng ra.

Tôi dứng dậy vì không còn cái để ngồi lên và thu cái trống vào dưới áo blu để bảo vệ cho nó khỏi hư hại thêm.

Cái thằng Störtebeker này xinh trai đấy chứ, Oskar nghĩ thầm. Mắt nó hơi quá sâu và kề nhau, nhưng miệng nó sinh động và gợi cảm.

"Mày từ đâu tới?"

Vậy là chúng bắt đầu tra hỏi tôi. Khó chịu vì cách vào đề đó, tôi lại nhìn trăng, chợt nghĩ vầng trăng giống như cái trống (muốn nghĩ gì thì nghĩ, trăng đâu có quan tâm!) và ý tưởng vĩ cuồng vô hại đó khiến tôi tủm tĩm cười một mình.

"Nó đang nhăn nhở cười kìa, Störtebeker!"

Ăn Cắp Lửa nhìn tôi từ đầu đến chân và đề xuất một hoạt động mà nó gọi là "quét bụi". Những đứa khác ở phía sau - Sư Tử Tâm mặt đầy mụn trứng cá, Me-xừ, Choi Choi và Mát-Tít - cũng tán thành "quét bụi"

Hồn vẫn ở cung trăng, tôi thầm đánh vần từ "quét bụi". Một từ hay đấy, nhưng chắc chắn nó mang một ý nghĩa chẳng thú vị gì.

Störtebeker khẳng định uy quyền của nó: "Tao lquyết định quét bụi ai và vào lúc nào." Rồi nó quay sang tôi: "Chúng tao thấy mày rất nhiều lần ở phố Ga. Tại sao? Mày ở đâu đến?"

Hai câu hỏi liền một lúc. Chí ít Oskar phải trả lời một nếu muốn vẫn làm chủ tình thế. Tôi rời cung trăng, quay lại nhìn nó bằng đôi mắt xanh đầy sức thuyết phục và bình thản nói: "Nhà thờ."

Đằng sau cái áo mưa của Störtebeker, bọn nó bình luận câu trả lời của tôi. Ăn Cắp Lửa giải thích nhà thờ đây có nghĩa là nhà thờ Thánh Tâm.

"Mày tên gì?"

Một câu hỏi tất yếu, một câu hỏi xuất hiện bất cứ khi nào người gặp người và đóng một vai trò sống còn trong đối thoại giữa người với người. Nó cung cấp cốt lõi cho các vở kịch, thậm chí cả ôpêra nữa - như Lohengrin chẳng hạn.

Tôi chờ cho vầng ngọc thỏ ló ra giữa hai đám mây, để ánh trăng long lanh trong mắt tôi tác động đến Störtebeker trong khoảng thời gian đủ để húp ba thìa xúp. Rồi tôi lên tiếng, chăm chăm gây hiệu quả, tôi xưng danh - nếu tôi nhận tên mình là Oskar, ắt chỉ chuốc lấy một tràng cười - "Tên ta là Jêxu." Im lặng kéo dài. Cuối cùng, Ăn Cắp Lửa hắng giọng: "Ta phải quét bụi cho nó thôi, sếp."

Lần này, Ăn Cắp Lửa không vấp phải sự phản đối nào. Störtebeker búng tay cho phép và Ăn Cắp Lửa túm lấy tôi, thúc các khớp ngón vào cánh tay tôi ngay trên khuỷu và nhay đi nhay lại, làm tôi đau nhói và rát như phải bỏng, cứ thế cho đến khi Störtebeker lại búng tay ra hiệu dừng lại- vậy ra quét bụi là thế đó!

"Nào, bây giờ tên mày là gì?” Tên trùm đội mũ phớt nhung làm ra bộ ngán ngẩm, làm một động tác đấm bốc khiến ống tay áo mưa xốc lên tới khuỷu, và giở đồng hồ ra ánh trăng. "Mày có một phút để suy nghĩ," nó khẽ nói. "Sau đó, tao sẽ bật đèn xanh cho bọn nó.”

Oskar có cả một phút để yên ổn nghiên cứu mặt trăng, để tìm một lối thoát giữa những hố mặt trăng, để xem xét lại cái ý định xỏ chân vào giày của Chúa Kirixitô. Tôi không thích cái cụm từ "bật đèn xanh" và chắc chắn là tôi sẽ không để cho bọn tiểu yêu này định đoạt hành động của tôi từng giờ từng phút. Tôi chờ khoảng ba mươi lăm giây; rồi Oskar nói: "Ta là Jêxu."

Điều xảy ra tiếp theo thật tuyệt vời, nhưng tôi không thể nhận là do tôi dàn dựng nên. Ngay sau khi tôi tuyên bố lần thứ hai rằng tôi là Jêxu trước khi Störtebeker kịp búng tay ra hiệu hoặc Ăn Cắp Lửa kịp quét bụi, còi báo động phồng không rú lên.

“Jêxu," Oskar nói và hít một hơi dài. Lập tức, danh tính tôi được xác nhận liên tiếp bởi các nhịp còi, còi ở sân bay gần đó, còi ở tòa nhà chính của doanh trại bộ binh Hochstriess, còi trên mái trường trung học Horst-Wessel, còi trên cửa hàng bách hóa tổng hơp Sternfeld và tận đằng xa từ phía đại lộ Hindenburg, còi của trường Cơ khí. Chỉ một lát là tất cả các còi trong khu ngoại ô này, như một hợp xướng của những thượng đẳng thiên sứ cuồng nhiệt, phổi thép, cất lên hưởng ứng thông điệp tôi vừa tuyên bố, làm cho đêm phập phồng, những giấc mơ xoè ra như pháo hoa; tiếng còi luồn vào tai những người đang ngủ và biến vầng trăng lạnh lẽo, thờ ơ thành một ánh sáng tàn bạo không cách nào che đi được.

Oskar biết cuộc báo động về hùa với gã; với Störtebeker thì ngược lại, tiếng còi làm nó lo lắng. Đối với một số tay chân của nó, báo động là hiệu lệnh gọi đi làm bổn phận. Bốn tên bổ trợ quân Luftwaffe phải trèo qua hàng rào, chạy cho nhanh về mâm pháo 88 của chúng ở giữa bến xe điện và sân bay. Ba thằng khác, trong đó có Belisarius, tối nay trực gác ở trường Oonradinum. Störtebeker tập hợp số còn lại, khoảng mười lăm đứa. Thấy trên trời không xảy ra chuyện gì nữa, nó tiếp tục tra hỏi tôi: "Được lắm, nếu tai tao không đánh lừa tao, thì mày là Jêxu, phải không? ô-kê. Mộ câu hỏi nữa: mày giở cái ngón gì với những ngọn đèn đường và những ô kính cửa sổ, mày làm thế nào? Đừng có quanh co. Chúng tao biết cả rồi."

Dĩ nhiên là chúng chẳng biết gì hết. Chúng đã chứng kiến một, hai chiến tích âm thanh, của tôi, có thế thôi. Oskar tự nhủ mình không nên quá nghiêm khắc trong việc đánh giá lũ tiểu yêu này hay thiếu niên phạm pháp, theo cách gọi hiện nay. Cách hành động của chúng là tài tử, quá hăm hở, quá trực tiếp, nhưng trẻ con vẫn là trẻ con, tôi quyết định phải kiên nhẫn với chúng. Vậy ra chúng là bọn Quét Bụi nổi tiếng mà ai ai cũng nhắc đến trong mấy tuần qua, cái băng mà cảnh sát và nhiều đội tuần tra Thanh niên Hitler đã ra sức truy tìm. Sau này mới vỡ ra chúng đều là học sinh các trường trung học Conradinum, Petri và Horst-Wassel. Có một nhóm Quét Bụi thứ hai ở Neufahrwasser chủ yếu gồm các thợ học việc ở xưỏng đóng tàu Schichau và nhà máy toa xe, nhưng cũng do học sinh cầm đầu. Hai nhóm hoạt động riêng rẽ và chỉ hợp tác vào những đêm lùng sục Công viên Steffens và đại lộ Hindenburg, mai phục bọn nhóm trưởng của Liên đoàn Thiếu nữ Đức từ các lớp học tối trở về nhà. Hai nhóm tránh đụng độ nhau; ranh giới lãnh thể được phân định rõ ràng và Störtebeker coi tên trùm của nhóm Meufahrwasser là bạn chứ không phải kình địch. Bọn Quét Bụi chống lại tất cả. Chúng tấn công các trụ sở Đoàn Thanh niên Hitler, lột huân chương, huy chương của những gã lính đi phép mà chủng vớ được đang mân tình với gái ở công viên và, với sự hỗ trợ "tay trong" của các thành viên là bổ trợ quân Luftwaffe, ăn trộm vũ khí, đạn dược, xăng dầu của các đơn vị pháo phòng không. Nhưng dự định lớn, chủ yếu mà chúng nung nấu từ đầu là một cuốc tập kích tổng lực vào Phòng Phân phối Lương thực Thực phẩm.

Hồi ấy, Oskar chẳng biết gì về bọn Quét Bụi, về tổ chức và những kế hoạch của chúng, nhưng gã đang cô đơn, phiền muộn và ở giữa đám thiếu niên này, gã bỗng cảm thấy an toàn như trong gia đình. Bất chấp sự chênh lệch về tuổi tác - tôi sắp hai mươi - tôi đã thầm tự coi mình là một thành viên của nhóm. Tại sao, tôi tự nhủ, không trổ một ngón làm mẫu cho chúng thấy nghệ thuật của mày như thế nào? Tuẻ bao giờ cũng ham học. Bản thân mày cũng đã từng có lần mười lăm, mười sáu tuổi. Hãy nêu gương cho chúng, hãy cho chúng thấy những thành quả của mày. Chúng sẽ kính trọng mày. Có thể chúng sẽ chọn mày làm lãnh tụ. Rồi cuối cùng, mày sẽ có thê gây ảnh hưởng để trí thông minh và kinh nghiệm của mày phát huy tác dụng; đây là cơ may cho mày tuân theo thiên hướng thu nạp môn đồ và tiếp bước Chúa Kirixitô.

Có lẽ Störtebeker linh cảm thấy sự suy tư của tôi thực sự có cơ sở. Nó để cho tôi có thì giờ suy nghĩ và tôi cảm ơn nó về điều đó. Một đêm sáng trăng cuối tháng tám. Loáng thoáng mây. Báo động phòng không. Hai ba ánh đèn pha tìm máy bay địch dọc bờ biển. Có lẽ một máy bay trinh sát. Quân ta vừa rút khỏi Paris. Trước mặt tôi, tòa nhà chính của Xí nghiệp Sô-cô-la Baltic rất nhiều cửa sổ. Sau một cuộc rút lui dài, Tập đoàn quân trung tâm cố thủ bên bờ sông Vistula. Xí nghiệp Sô-cô-la Baltic không cung cấp cho thị trường bán lẻ nữa, toàn bộ sản lượng dành cho Luftwaffe. Oskar đang tập làm quen với ý nghĩ là lính của Tướng Patton vận quân phục Mỹ đang dạo chơi dưới chân Tháp Eiffel. Điều đó làm tôi đau lòng - ôi! những giờ hạnh phúc với Roswitha - và Oskar giơ một chiếc dùi trống lên. Störtebeker nhận thấy cử chỉ của tôi, nó nhìn theo cái dùi hướng về xí nghiệp sô-cô-la. Trong khi giữa thanh thiên bạch nhật, bọn Nhật Bản bị quét sạch khỏi một hòn đảo ở Thái Bình Dương, thì ở bên này trái đất, ánh trăng lấp lánh trên những cửa sổ của một nhà máy làm sô-cô-la. Và với tất cả những ai lắng tai nghe, Oskar nói: "Jêxu sắp hát cho thủy tinh vỡ vụn đây."

Trước khi tôi đập ba ô kính đâu tiên, tôi nghe thấy một con ruồi vo ve trên đầu tôi. Trong khi hai ô kính nữa giã từ ánh trăng, tôi nghĩ: con ruồi này chắc sắp chết nên mới vo ve to thế. Tiếp đó, tôi hát cho đen ngòm những khung cửa sổ còn lại của tầng trên cùng. Những tia đèn pha trắng bệch kia thật gớm ghiếc, tôi nghĩ thầm trước khi chùi sạch mọi phản quang (có lẽ từ khẩu đội pháo gần Trại Narvik) khỏi các cửa sổ của tầng một và tầng hai. Các khẩu đội ven biển khai hỏa và tôi hoàn tất công việc ở tầng hai. Lát sau, các khẩu đội ở Altschottland, Pelonken và Schellmuhl nổ súng theo. Thêm ba cửa sổ tầng trệt và máy bay tiêm kíất cánh, rà thấp trên nhà máy. Trước khi tôi kết thúc tầng trệt, pháo phồng không ngừng để cho máy bay tiêm kích săn sóc một chiếc máy bay oanh tạc bị ba chùm đèn pha ở Oliva phát hiện cùng một lúc.

Thoạt đầu, Oskar sợ rằng những cố gắng ngoạn mục của pháo phòng không có thể làm phân tán sự chú ý của các bạn mới của tôi. Nhưng khi hoàn tất công việc, tôi vui mừng khôn xiết khi thấy cả bọn há hốc miệng ngắm những cải cách tôi mang lại cho xí nghiệp sô-cô-la. Ngay cả khi những tiếng vỗ tay và "Hoan hô!" dậy lên từ Hohenfriedberger-Weg gần đấy như trong rạp hát vì chiếc máy bay oanh tạc đã bị bắn rơi và bốc cháy bên trên khu rừng Jeschkenthan, cũng chỉ có vài đứa, trong đó có Mát-Tít, ngoảnh mặt khỏi nhà máy bị lột hết kính cửa sổ. Cả Störtebeker lẫn Ăn Cắp Lửa - hai đứa này mới là đáng kể - đều không quan tâm gì đến chiếc máy bay oanh tạc bị hạ.

Một lần nữa, bầu trời lại vắng ngắt, chỉ còn vầng trăng và những vì sao vụn. Các máy bay tiêm kích đã hạ cánh. Từ rất xa, vẳng lại tiếng xe cứu hỏa. Störtebeker quay lại, phô cái vành miệng khinh khỉnh, và giơ nắm tay lên tháo chiếc đồng hồ, đưa cho tôi không nói một lời. Rồi nó thở dài, toan nói gì đó, song phải chờ còi báo yên tắt hẳn. Cuối cùng, giữa những tiếng vỗ tay của thủ hạ, nó bật ra: "Ô-kê, Jêxu. Nếu cậu ưng thì bọn tớ kết nạp cậu vào băng. Chúng mình là những kẻ Quét Bụi, nếu điều ấy có ý nghĩa gì đối với cậu."

Oskar nhấc nhấc chiếc đồng hồ trong tay, một đồ vật xinh xẻo có cái mặt dạ quang và đôi kim chỉ hai mươi ba phút sau nửa đêm, và đưa nó cho Ăn Cắp Lửa. Thằng này đưa mắt nhìn sếp, dò hỏi. Störtebeker gật đầu đồng ý. Chuyển cái trống sang một vị trí thuận tiện để cử hành khúc về nhà, Oskar nói: "Jêxu sẽ dẫn dắt các con. Hãy theo Người."

TRÒ CHƠI NÔ-EN

Dạo ấy, người ta nói nhiều đến vũ khí bí mật và thắng lợi cuối cùng. Băng Quét Bụi chúng tôi chẳng bàn bạc gì về cả hai đề tài đó, nhưng chúng tôi có vũ khí bí mật của mình.

Bước đầu tiên của Oskar sau khi tiếp nhận quyền lãnh đạo băng (gồm 30-40 thành viên) là bảo Störtebeker giới thiệu mình với Moorkähne, thủ lĩnh băng ở Neufahrwasser. Đó là một thiếu niên mười sáu tuổi, con trai một viên chức Phòng hoa tiêu ở Neufahrwasser; khuyết tật cơ thể - chân phải gã ngắn hơn chân trái khoảng hai xăngtimét - đã khiến gã không được tuyển quân dịch hoặc vào Bổ trợ quân Luftwaffe. Tuy hơi phô cái chân tập tễnh, nhưng Moorkähne lại là người rụt rè và nói năng nhỏ nhẹ, với một nụ cười tinh tế thường trực trên môi. Gã được coi là học sinh xuất sắc nhất lớp hết cấp của trường Conradinum. Gã hoàn toàn có triển vọng đỗ tú tài loại ưu, nếu quân đội Nga không phản đối; gã định sau đó sẽ học triết.

Cũng như Störtebeker mà tôi đã tranh thủ được sự tôn trọng hoàn toàn, Moorkähne công nhận tôi là Jêxu đứng đầu toàn băng Quét Bụi. Ngay lập tức Oskar yêu cầu cho xem kho chứa và quỹ chung, vì cả hai nhóm đều tập trung chiến lợi phẩm vào cùng một chỗ, căn hầm rộng rãi của một biệt thự yên tĩnh, sang trọng ở đường Jeschkenthaler thuộc khu Langfuhr. Ngôi nhà phủ đầy dây leo và trường xuân này là chỗ ở của ông bà Von Puttkamer, bố mẹ của Mát-Tít. Ông von Puttkamer, một quý tộc gốc Pomerania, Ba Lan và Phổ, huân chương Hiệp sĩ, đang viễn chinh ở nước Pháp tươi đẹp, chỉ huy một sư đoàn; bà Elisabeth von Puttkamer, mấy tháng gần đây, an dưỡng ở vùng cao nguyên Bavaria vì lý do sức khỏe. Wolgang von Puutkamer, tên thật của Mát-Tít, được giao cho trông nom nhà; còn bà vú già nghễnh ngãng lo việc hầu hạ cậu chủ nhỏ, thì không bao giờ xuống đến dưới tầng trệt, và chúng tôi chẳng bao giờ trông thấy bà vì chúng tôi vào hầm qua lphòng giặt.

Trong kho, chất đống các loại đồ hộp, thuốc lá sợi và nhiều dùi cui bằng vải dù. Treo ở một cái giá, là hai tá đồng hồ của quân đội mà Störtebeker ra lệnh cho Mát-Tít phải giữ cho chạy đúng giờ. Một nhiệm vụ khác của Mát-Tít là giữ cho hai khẩu súng liên thanh, một khẩu súng trường và các súng ngắn luôn luôn sạch bóng. Chúng còn cho tôi xem một khẩu ba-dô-ka, một lô đạn súng máy và hai mươi lăm quả lựu đạn. Tất cả những thứ đó và rất nhiều can xăng là để chuẩn bị cho cuộc tập kích vào Phòng Phân phối Lương thực Thực phẩm. Mệnh lệnh đầu tiên của Oskar-Jêxu là: "Chôn các loại súng và các can xăng trong vườn. Giao các dùi cui cho Jêxu. Chúng ta dùng vũ khi loại khác kia.”

Khi bọn chúng đưa tôi xem một hộp xì-gà đựng đầy các huân chương, huy chương và huy hiệu ăn cắp được, tôi mỉm cười bảo chúng có thể giữ những thứ đó. Nhưng đáng ra tôi nên tịch thu loại dao của lính dù. Về sau, quả nhiên chúng dùng những lưỡi dao lắp vừa khít vào chuôi như thể chỉ cầu xin được phục vụ.

Rồi chúng đem hòm quỹ đến. Oskar bảo chúng đếm, rồi tự mình kiểm tra lại toàn bộ. Quỹ tiền mặt của Qúet Bụi lên tới hai nghìn bốn trăm hai mươi reichmark. Đó là vào đầu tháng chín 1944. Đến giữa tháng giêng 1945, khi Koniev và Joukov[67] chọc thủng phòng tuyến sông Vistula, Mát-Tít thú nhận và chúng tôi buộc phải nộp quỹ của băng cho chính quyền. Ba mươi sáu nghìn reichmark được xếp thành từng chồng, từng bó trên chiếc bàn dài của Tòa án Quận.

Đúng với bản chất của mình, trong mọi hoạt động, Oskar chỉ đứng ở hậu trường. Ban ngày, tôi đi ra ngoài, một mình hoặc cùng với Störtebeker, để kiếm những mục tiêu đáng đánh cho những cuộc ra quân đêm. Còn việc tổ chức thực tế, tôi giao cho Störtebeker hay Moorkähne. Sau khi đêm xuống, tôi không bao giờ ra khỏi căn hộ của Mamăng Truczinski. Phương pháp đó dẫn chúng tôi đến vũ khí bí mật. Tôi đứng ở phòng ngủ của mìnhgiọng tới một tầm xa chưa từng thấy, nhằm vào vào những cửa sổ tận đầu đằng kia thành phố. Tôi hủy diệt kính cửa của nhiều trụ sở Đảng, một xưởng in in các tem và thẻ phân phối lương thực-thực phẩm và một lần, miễn cưỡng chiều theo yêu cầu của các chiến hữu, phá tan những cửa sổ bếp của nhà một tay hiệu trưởng trường trung học đã xúc phạm họ.

Đó là vào tháng 11. Trong khi các rốc-két V-l và V-2 bay sang Anh quốc, thì giọng tôi bay cao trên Langfuhr, dọc theo những hàng cây ở đại lộ Hindenburg, vượt qua Nhà ga Trung tâm và Khu phố cổ, tìm đến Viện Bảo tàng ở phố Hàng Thịt. Tôi đã lệnh cho quân của tôi vào đó kiếm bức tượng gỗ Niobe.

Họ kiếm không ra. Ở phòng bên, Mamăng ngồi bất động, chỉ có cái đầu hơi lúc lắc. Cách nào đó, chúng tôi có một cái gì chung, bởi vì trong khi Oskar đang hát tầm xa thì bà bận bịu với những ý nghĩ tầm xa. Bà sục sạo Thiên đường của Chúa tìm con trai Herbert và chiến tuyến của Quân khu Trung tâm tìm con trai Fritz. Bà còn phải bay đến một nơi xa khác tìm con gái cả Guste lấy chồng hồi đầu năm 1944, rồi theo chồng về tít tận Düsseldorf vì đó là quê của trưởng bồi bàn Köster, mặc dù anh này phần lớn thời gian phải ở Courland. Guste chỉ được ở bên chồng cho quen hơi bén tiếng trong vỏn vẹn có hai tuần khi anh về phép.

Đó là những tối bình yên. Oskar ngồi dưới chân Mamăng Truczinski, ứng tấu một đoạn trên trống, lấy một quả táo nướng trong bếp lò rồi mang cái quả nhăn nhúm dành cho bà già và trẻ con ấy vào phòng ngủ. Gã nhấc lớp giấy che sáng phòng không ra, mở hé cửa sổ, để cho một chút đêm băng giá lọt vào, rồi nhằm mục tiêu và bắt đầu phóng giọng hát tầm xa. Gã không nhằm các vì sao, dải Ngân Hà không phải là đường đi của gã. Tiếng hát của gã hướng tới Quảng trường Winterfeld, không nhắm vào Đài Phát thanh, mà vào cái nhà hộp dùng làm trụ sở Quận của Đoàn Thanh niên Hitler.

Vào lúc trời quang đãng, công việc của tôi chỉ mất không đầy một phút. Trong thời gian đó quả của tôi đã nguội đi một chút bên cạnh cửa sổ mở hé. Tôi vừa nhai vừa quay lại với Mamăng Truczinski và cái trống của mình. Lát sau, tôi về giừơng, tin chắc rằng trong khi Oskar ngủ thì băng Quét Bụi, nhân danh Jêxu, đang vơ vét của cải của Đảng, lấy đi các thẻ phân phối thực phẩm, những con dấu, những mẫu đơn in sẵn hoặc danh sách đoàn viên của một đôi tuần tra Thanh niên Hitler.

Tôi rộng lượng cho phép Störtebeker và Moorkähne dùng giấy tờ giả để tiến hành nhiều vụ áp-phe gian lận. Kẻ thù số một của băng là Sở Tuần tra. Tôi không phản đối nếu họ ưng bắt cóc kẻ địch, quét bụi cho chúng và - nói theo cách của Ăn Cắp Lửa, người phụ trách loại hoạt động này - "đánh bóng chim" cho chúng một tí.

Vì tôi không trực tiếp tham gia các cuộc ra quân ấy (đó chỉ đơn thuần là khúc dạo đầu, qua đó khó bề hình dung ra những kế hoạch thực sự của tôi), nên tôi không thể nói chắc có phải băng Quét Bụi, vào tháng chín 1944, đã trói gô hai sĩ quan cao cấp của Sở Tuần tra, trong đó có tên Helmut Neitberg hung dữ, và dìm chết chúng ở sông Mottlau, mé trên cầu Bò Cái.

Tuy nhiên, với tư cách là người ra mệnh lệnh cho những kẻ Quét Bụi, tôi, Oskar-Jêxu, thấy cần phải bác bỏ một số chuyện được lan truyền sau đó: chẳng hạn chuyện băng Quét Bụi có liên lạc với bọn hải tặc Edelweiss ở Cologne hay du kích Ba Lan ở Tuchlerheide đã có ảnh hưởng đối với chúng tôi, thậm chí đã chỉ đạo những hành động của chúng tôi nữa. Tất cả những cái đó hoàn toàn là bịa đặt.

Tại phiên tòa xử chúng tôi, người ta còn kết tội chúng tôi có dính líu đến vụ âm mưu ngày 20 tháng bảy vì cha của Mát-Tít, Agust von Puttkamerlaf, từng là người thân cận của Thống chế Rommel và đã tự sát. Từ khi bắt đầu cuộc chiến, Mát-Tít chỉ gặp cha không quá năm, sáu lần và mỗi lần chỉ vừa đủ lâu để nó quen với sự thay đổi phù hiệu cấp bậc trên quân phục của ông. Mãi tới khi chúng tôi bị ra tòa, nó mới lần đầu tiên nghe nói đến sự khờ dại của vị sĩ quan đó, mà thật tình, chúng tôi chẳng hề quan tâm. Khi nghe vậy, nó khóc thảm hại đến nỗi Ăn Cắp Lửa, ngồi kề bên, phải quét bụi nó ngay trước mặt các quan tòa.

Trong quá trình hoạt động của chúng tôi, chỉ có độc một lần người lớn tiếp cận chúng tôi. Một số công nhân đóng tàu - đảng viên cộng sản, tôi chỉ liếc nhìn một cái là biết ngay - tìm cách gây ảnh hưởng với chúng tôi qua các thợ học việc của xưởng đóng tàu Schichau trong băng chúng tôi và biến chúng tôi thành một phong trào đỏ bí mật. Đám thợ học việc có phần ngả theo. Nhưng cánh học sinh trung học trong chúng tôi khước từ mọi khuynh hướng chính trị. Me-xừ, bổ trợ quân Luftwasse, cây lý luận khuyển nho của băng chúng tôi, tuyên bố quan điểm của mình trong một cuộc họp băng như sau: "Chúng ta chẳng dính dáng gì với các chính đảng cả. Chúng ta đấu tranh chống cha mẹ chúng ta và tất cả những người lớn khác, bất kể họ ủng hộ hay chống cái gì."

Đúng là nó dùng lời lẽ hơi quá mạnh, nhưng cả đám học sinh đều đồng ý; kết quả là đi đến chỗ phân liệt. Đám thợ học việc đóng tàu tách ra lập một câu lạc bộ riêng - tôi rất buồn vì đó là những gã rất tốt. Bất chấp sự phản đối của Störtebeker và Moorkähne, họ vẫn tiếp tục lấy tên là Quét Bụi. Tại phiên tòa - bọn họ bị bắt cùng lúc với bọn tôi - họ bị khép tội đã đốt cái tàu-ngầm-trường-huấn-luyện ở trong lưu vực của xưởng đóng tàu. Hơn một trăm học sinh sĩ quan đã chết thảm khốc. Đám cháy bùng ra ở trên boong; đoàn thủy thủ bị mắc kẹt và khi các học sinh sĩ quan - những thanh niên mười tám đôi mươi - tìm cách thoát thân qua những lỗ bên sườn tàu, hông họ không lọt và lửa bắt vào họ từ phía sau; họ cứ chới với ở đó mà la thét và cách duy nhất để chấm dứt đau đớn cho họ là đưa một cái xuồng máy đến xả súng vào họ.

Chúng tôi không liên quan gì đến vụ cháy đó. Có thể là đám thợ học việc ở Schichau, cũng có thể là Hội Westerland. Băng Quét Bụi không phải là những kẻ đốt nhà mặc dù tôi, người dẫn dắt tinh thần của họ, có thể thừa kế một chút gien phóng hỏa từ ông ngoạ Koljaiczek.

Tôi nhớ rõ người thợ cơ khí đến gặp chúng tôi ở hầm kho ít lâu trước khi băng tách đôi - hắn ta vừa từ xưởng Deutsche Werke ở Kiel chuyển tới Schichau. Erich và Horst Pietzger, hai con trai của một công nhân bốc dỡ ỏ Fuchswall, đưa hắn ta đến. Hắn ta xem xét kho của chúng tôi với một vẻ chuyên nghiệp, lấy làm tiếc là không có vũ khí tiện dụng, nhưng rồi cũng nặn ra vài lời khen ngợi miễn cưỡng. Khi hắn ta ngỏ ý muốn nói với sếp, Moorkähne hơi ngần ngừ còn Störtebeker thì dứt khoát chỉ sang tôi. Thế là hắn bật ra một tràng cười xấc xược và kéo dài đến nỗi Oskar gần như muốn ra lệnh cho anh em quét bụi hắn một trận.

"Các cậu gọi cái chú lùn này là gì?" hắn nói với Moorkähne, ngón tay cái chĩa qua vai về phía tôi.

Moorkähne mỉm cười, rõ ràng là bối rối. Trước khi cậu ta kịp nghĩ ra điều gì để nói, Störtebeker trả lời với một vẻ điềm tĩnh dễ sợ: "Đó là Jêxu của chúng tôi."

Đến đây thì tay thợ cơ khí tên là Walter này hết chịu nổi; hắn tự cho phép mình lăng mạ chúng tôi ngay tại sở chỉ huy của chúng tôi. "Này, các cậu là những người cách mạng hay một bày trẻ trong ban hát nhà thờ chuẩn bị làm một trò chơi Nô-en?"

Lưỡi của một con dao lính dù bật ra từ ống tay áo Störtebeker; gã mở cửa hầm, ra hiệu cho Ăn Cắp Lửa và nói với băng mình hơn là với tay thợ cơ khí: " Chúng ta là ban hát nhà thờ và chúng ta đang chuẩn bị cho một trò chơi Nô-en."

Nhưng không có gì hung bạo xảy ra cho tay thợ cơ khí cả. Hắn bị bịt mắt và dẫn đi khỏi. Ít ngày sau, chính cái tay Walter này tổ chức các thợ học việc đóng tàu thành một câu lạc bộ riêng và tôi dám chắc chính họ đã phóng hỏa đốt con tàu-ngầm- trường-huấn-luyện.

Theo quan điểm của tôi, Störtebeker đã có câu trả lời đúng. Chúng tôi không quan tâm đến chính trị. Sau khi đã làm cho bọn tuần tra thuộc Đoàn Thanh niên Hitler sợ vãi đái, đến mức hầu như không dám rời trụ sở, trừ một vài lần ra xét giấy bọn gái lẳng lơ lảng vảng ở ga xe lửa, chúng tôi bèn chuyển diện hoạt động sang các nhà thờ và bắt đầu - như tay thợ cơ khí cộng sản nói - chuẩn bị những trò chơi Nô-en.

Trước hết, chúng tôi phải lo bổ sung lực lượng thay thế đám thợ học việc bị tha hóa. Cuối tháng mười, Störtebeker kết nạp hai anh em Felix và Paul Rennwand, cả hai đều là thành viên ban đồng ca của Nhà thờ Thánh Tâm. Störtebeker đã làm quen với hai cậu này qua Lucy, cô em gái mười sáu tuổi của họ. Bất chấp sự phản đối của tôi, Lucy đã được phép dự lễ tuyên thệ kết nạp. Đặt tay trái lên cái trống của tôi - mà hai chàng lãng mạn này ưa coi như một thứ biểu tượng - anh em nhà Rannwand nhắc lại lời thề trung thành, một bài văn ngớ ngẩn đầy từ ngữ hẩu lốn, bí ẩn đến nỗi tôi không tài nào nhớ nổi.

Oskar quan sát Lucy trong lễ tuyên thệ. Một miếng xăng-đuých hơi rung rung trong tay, cô ta nhún vai và cắn môi dưới: Bộ mặt cáo ba góc của cô ta trống trơn vô biểu cảm, đôi mắt xoáy vào lưng Störtebeker. Tự dưng tôi bỗng thấy lo cho tương lai của băng Quét Bụi.

Chúng tôi bắt đầu trang hoàng lại căn hầm. Với sự cộng tác chặt chẽ của anh em Rennwand, từ căn hộ của Mamăng Truczinski tôi chỉ đạo việc kiếm trang thiết bị. Chúng tôi lấy của điện Nữ thánh Catherine một tượng Joseph thế kỷ 16 nửa cỡ (sau đó, qua giám định thì đúng là đồ "gin"), mấy đài nến, nhiều bình, ly thờ các loại và một cờ Mình Thánh Chúa. Một cuộc thăm viếng Nhà thờ Chúa Ba Ngôi vào ban đêm mang lại cho chúng tôi một tượng gỗ thiên thần thổi kèn không mấy giá trị về nghệ thuật và một bức thảm màu sao lại một bản gốc cổ, trên đó dệt hình một cô nàng rất yểu điệu thục nữ và giả dối và một con vật huyền thoại gọi là kỳ lân phủ phục dưới chân nàng. Nụ cười của nàng, như Störtebeker nhận xét, có gì na ná như cái vẻ đùa cợt nanh ác bao trùm bộ mặt cáo của Lucy và tôi mong rằng người phụ tá của tôi đừng để cô ta khuất phục như con kỳ lân kia. Chúng tôi treo bức thảm lên mảng tường cuối căn hầm, trước đó được trang trí bằng những thứ vớ vẩn như "Đầu Tử Thần", "Bàn Tay Đen" v.v... và chẳng bao lâu cái môtip kỳ lân dường như trở thành chủ đạo trong mọi cuộc thảo luận của chúng tôi. Trong khi đó, Lucy cứ thoải mái giữa chúng tôi như ở nhà mình, cười mũi sau lưng tôi, muốn đến lúc nào thì đến, muốn đi lúc nào thì đi. Tại sao, tôi tự hỏi, tại sao chúng ta lại phải rước về thêm một cô Lucy thứ hai, cái cô Lucy dệt này; cả hai đang biến những phụ tá của mày thành những con kỳ lân; dù thật hay dệt, cả hai đều đang nhằm vào mày, Oskar, là chính, bởi vì trong toàn băng Quét Bụi, chỉ mình mày là thực sự huyền thoại và duy nhất, mày là người-kỳ lân.

Nhưng rồi Mùa Vọng tới và đó là dịp làm ăn tốt cho chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu thu gom các tượng về đề tài Giáng sinh từ khắp các nhà thờ trong vùng và chẳng bao lâu, chúng che lấp bức thảm đến nỗi ảnh hưởng của câu chuyện huyền thoại bị chìm đi - hoặc là tôi nghĩ thế. Giữa tháng 12, Rundstedt mở cuộc tấn công ở vùng núi Ardennes và chúng tôi cũng hoàn tất việc chuẩn bị cho Cú Đòn lớn của mình.

Mấy Chủ nhật liền, tôi dự buổi lễ chầu mười giờ cùng với Maria giờ đây đã hoàn toàn đắm mình vào Thiên Chúa giáo, khiến Matzerath rất buồn. Theo lệnh của tôi, anh em trong băng Quét Bụi cũng thường xuyên đi lễ nhà thờ. Đó là cách thám thính trận địa của chúng tôi. Cuối cùng, đêm 18 tháng chín, chúng tôi đột phá vào Nhà thờ Thánh Tâm. "Đột phá" là một cách nói thôi vì nhờ hai anh em Rennwand, thành viên ban hát lễ, chúng tôi chẳng cần phải phá gì cả. Thậm chí Oskar cũng không lần nào phải cất giọng để đập thủy tinh.

Đêm ấy có mưa tuyết, nhưng tuyết vừa rơi đã tan liền. Bọn tôi dúi ba chiếc xe ba gác đằng sau phòng để đồ lễ. Rennwand-em có chìa khóa cửa chính.

Oskar vào trước, dẫn các chiến hữu lần lượt đến trước bồn nước thánh và bảo h quỳ gối hướng về ban thờ chính. Rồi ra lệnh lấy tấm mền đánh cắp ở Sở Lao động phủ lên pho tượng Thánh Tâm để Chúa Kirixitô khỏi cản trở công việc của chúng tôi bằng cái nhìn xanh lơ của Người. Choi-Choi và Me-xừ mang dụng cụ đến khu vực hành động - ban thờ bên trái. Phải dọn sạch cái máng cỏ với những tượng Giáng sinh cùng những cành thông xanh cho khỏi vướng. Chúng tôi đã có các mục đồng và thiên thần, cừu, lừa và bò đủ số cần thiết. Căn hầm của chúng tôi ê hề vai chạy cờ, chỉ thiếu những nhân vật trung tâm. Belisarius cắt bỏ hoa khỏi ban thờ. Totila và Teja cuộn tấm thảm lại. Ăn Cắp Lửa giở gói đồ nghề. Quỳ sau một cái ghế nguyện, Oskar giám sát các công đoạn.

Đầu tiên là phải cưa rời chú bé Jean Baptiste quấn tấm da thuộc màu sô-cô-la ra khỏi bệ. May sao chúng tôi lại có cái cưa kim khí vì bên trong lớp thạch cao có cốt sắt to bằng ngón tay nối liền chú ta với đám mây. Ăn Cắp Lửa làm nhiệm vụ cưa. Nó thực thi việc này như một nhà trí thức, nghĩa là rất vụng về. Một lần nữa, tôi lại cảm thấy tiếc các tay thợ học việc ở xưởng đóng tàu Schichau. Störtebeker thay phiên Ăn Cắp Lửa. Gã có khéo hơn một chút và sau nửa tiếng đồng hồ kẽo kẹt, chúng tôi ngả được Jean xuống và bọc cu cậu vào một cái chăn len. Rồi chúng tôi thỗ hổn hển một lúc trong im lặng giáo đường lúc nửa đêm.

Việc cưa rời Chúa Jêxu hài đồng mất nhiều thời gian hơn một chút vì cả cặp mông dính vào đùi Đức Mẹ Đồng Trinh. Choi-Choi, Rennwand-anh. và Sư Tử Tâm hì hục cả bốn mươi phút đồng hồ. Nhưng Moorkähne đâu nhỉ? tôi tự hỏi. Cậu ta đã đề xuất ý kiến là sẽ đưa quân từ Neufahrwasser đến thẳng nhà thờ gặp chúng tôi, như vậy sẽ đỡ thu hút sự chú ý hơn. Störtebeker có vẻ bồn chồn và bực bội. Mấy lần gã hỏi anh em Rennwand về Moorkähne. Khi, cuối cùng, như tất cả chúng tôi đều chờ đợi, cái tên Lucy được thốt ra, thì Störtebeker không hỏi gì nữa mà giựt phắt cái cưa kim khí từ đôi tay lóng ngóng của Sư Tử Tâm và cưa như điên, giáng coup de grâce[68] cho Chúa Jêxu hài đồng.

Khi ngả Jêxu xuống, vòng hào quang trên đầu bị vỡ. Störtebeker xin lỗi tôi. Khó khăn lắm mới tự kiềm chế được - vì bản thân tôi cũng bị lây tâm trạng bực bội chung - tôi bảo anh em nhặt những mảnh vỡ gom vào hai cái mũ cát-két. Ăn Cắp Lửa cho rằng vòng hào quang có thể gắn lại được. Jêxu được gói trong mền có gối đệm .

Kế hoạch của chúng tôi là cưa Đức Mẹ Đồng Trinh ở chỗ eo, làm một nhát cắt thứ hai giữa đám mây và gan bàn chân của Người. Chúng tôi sẽ để đám mây lại nguyên chỗ, chỉ lấy đi những hình người: Jêxu, hai nửa của Đức Mẹ Đồng Trinh và chú bé Jean Baptiste, nếu còn chỗ trong một chiếc xe ba-gác. Chúng tôi lấy làm mừng khi thấy các bức tượng nhẹ hơn chúng tôi chờ đợi. Cả nhóm tượng đều được đổ rỗng. Thành tượng không dày quá hai phân và phần nặng duy nhất là cốt sắt.

Anh em đều mệt nhoài, nhất là Ăn Cắp Lửa và Sư Tử Tâm. Phải tạm ngừng công việc cho họ nghỉ một chút vì những người khắc, kể cả anh em nhà Rennwand, không biết cưa. Mọi người ngồi run rẩy trên những ghế nguyện, Störtebeker đứng vò nhàu chiếc mũ nhung mà gã đã cất khỏi đầu khi bước vào nhà thờ. Tôi không thích cái không khí này. Phải làm một cái gì. Anh em đang bị tác động bởi kiến trúc tôn giáo đầy khoảng trống và đêm tối. Một số băn khoăn về sự vắng mặt của Moorkähne. Anh em Rennwand có vẻ sợ Störtebeker; họ đứng né một bên thì thầm cho đến khi Störtebeker ra lệnh cho họ im.

Tôi thở dài và từ từ đứng dậy khỏi chiếc đệm lót đầu gối, đi thẳng đến chỗ Đức Mẹ Đồng Trinh vẫn đang ở nguyên chỗ cũ. Mắt Người, vừa nãy hướng về Jean, giờ nhìn xuống những bậc ban thờ trắng xóa bụi thạch cao. Ngón trỏ bên tay phải, ít phút trước vẫn còn chỉ Jêxu, giờ chĩa vào khoảng không, hay đúng hơn vào lối đi bên trái tối om của gian giữa. Tôi lên từng bậc một, rồi ngoái lại, tìm cách thu hút sự chú ý của Störtebeker. Đôi mắt sâu của gã đang ở tận đâu đâu. Mãi tới khi Ăn Cắp Lửa híchã một cái, gã mới nhìn tôi nhưng với một vẻ thiếu tự tin mà tôi chưa bao giờ thấy ở gã. Thoạt đầu, gã chưa hiểu ý tôi, rồi gã hiểu ra, hoặc hiểu một phần và chậm rãi, rất chậm rãi tiến lên. Nhưng đến các bậc ban thờ thì gã nhảy có một bước rồi nhấc bổng tôi đặt lên vết cưa vụng về trăng trắng, lờm xờm trên đùi Đức Mẹ Đồng Trinh, khuôn gần đúng hình mông Chúa hài đồng Jêxu.

Störtebeker lập tức quay lại và chỉ một bước, gã đã đứng trên sàn đá lát. Suýt nữa gã lại buông mình vào trạng thái mơ mộng lúc nãy, nhưng rồi gã tự lay mình dậy và nheo mắt lại. Cũng như số còn lại ngồi rải rác ở các ghế nguyện, gã không giấu nổi xúc động khi thấy tôi ngồi hết sức tự nhiên vào chỗ của Jêxu, sẵn sàng cho thiên hạ thờ phụng.

Gã nhanh chóng hiểu ra ý đồ của tôi và còn đẩy thêm lên nữa. Gã ra lệnh cho Narses và Râu Xanh chiếu mấy chiếc đèn bấm quân đội vào tôi và Đức Mẹ Đồng'Trinh. Thấy ánh sáng trắng làm tôi lóa mắt, gã bảo họ dùng tia đỏ. Rồi gã gọi hai anh em Rennwand đến và thì thầm hội ý với họ một lúc. Thấy họ chần chừ không muốn làm theo lời Störtebeker, Ăn Cắp Lửa tiến lại và giơ những khớp ngón, sẵn sàng quét bụi. Hai anh em nhượng bộ và biến vào trong nhà để đồ lễ cùng với Ăn Cắp Lửa và Me-xừ. Oskar bình tĩnh chờ, dịch cái trống vào vị trí và không hề ngạc nhiên khi anh chàng Me-xừ cao lêu đêu trở ra trong bộ áo tế theo sau là hai anh em Rennwand trong trang phục trắng-đỏ của ban đồng ca. Ăn Cắp Lửa mặc đồ cha xứ mang ra tất cả những thứ cần thiết cho một buổi lễ chầu, đặt lên đám mây rồi rút lui. Rennwand-anh mang bình hương, Me-xừ bắt chước Cha Wielnhke khá giống. Mới đầu, còn pha chất trâng tráo học sinh vào, nhưng rồi bốc đồng lên bởi lời lẽ và động tác, Me-xừ cho chúng tôi, nhất là bản thân tôi, thưởng thức không phải là một kiểu nhái ngớ ngẩn, mà là một lễ Mixa hẳn hoi mà ngay cả tại phiên tòa xử chúng tôi, người ta vẫn nhất quán gọi là một lễ Mixa, dĩ nhiên là lễ đen.

Ba gã bắt đầuằng bài kinh ở chân ban thờ; quân ta ở các ghế nguyện và trên sàn đá lát quỳ gối và làm dấu thánh giá và Me-xừ, đã tương đối thuộc lời nguyện, bắt đầu hành lễ với sự hỗ trợ thành thạo của hai thành viên ban đồng ca. Tôi bắt đầu dạo trống khẽ khàng vào bài Nhập lễ, nhưng rồi mạnh hơn khi sang bài Kyrie. Gloria in excelsis Dea - tôi ngợi ca Chúa Lời trên trống, kêu gọi giáo đoàn đến cầu nguyện, thay phần Thánh Thư bằng một đoạn solo trống. Bài Halleluja của tôi thành công mỹ mãn. Đến bài Credo, tôi nhận thấy là anh em đặt lòng tin vào tôi. Sang phần Cúng, tôi ghìm nhỏ tiếng trong khi Me-xừ dâng bánh mì và hòa rượu vang với nước. Chia sẻ khói hương với ly rượu thánh, tôi quan sát Me-xừ rửa tay ra sao. Orate, fratres, tôi dạo trống trong ánh sáng đỏ của đèn bấm, rồi đến phần lễ Thánh Thể. Đây là Thân Thể của Ta. Oremus, Me-xừ hát, đáp lại lời thánh từ trên trời - anh em ở các hàng ghế nguyện đọc hai dị bản khác nhau của kinh kính mừng Cha Chúng Ta, còn Me-xừ thì dung hoà Tin Lành và Thiên Chúa trong một lễ Thánh Thể. Trống tôi bắt vào kinh Xám Hối. Đức Mẹ Đồng Trinh chỉ ngón tay vào Oskar người đánh trống. Quả là tôi đã kế tục thành công Chúa Kirixitô. Lễ Mixa tiến hành rất trôi chảy. Giong Me-xừ lên lên xuống xuống trầm bổng.

Gã đọc lời ban phước mới tuyệt làm sao: tha thứ, khoan dung và xá tội. "Ite, missa est - Đi đi, cho con lui." Khi những tiếng cuối cùng ấy vang lên trong âm u của nhà thờ, tất cả chúng tôi - tôi tin thế - đều cảm thấy một sự giải phóng tâm linh; cánh tay thế tục không thể cầm tù một cộng đồng Quét Bụi đã được Oskar và Jêxu ban lễ Thánh Thể.

Trong lúc hành lễ, tôi đã nghe thấy tiếng ô-tô và Störtebeker cũng đã ngoảnh đầu lại. Chỉ có hai chúng tôi là không ngạc nhiên khi có tiếng người lao xao và tiếng gót giày nặng nề tiến về phía chúng tôi từ cửa trước, cửa nách và nhà để đồ lễ.

Störtebeker định nhấc tôi khỏi đùi Đức Mẹ Đồng Trinh. Tôi xua tay. Gã hiểu ý, gật đầu và ra lệnh cho anh em cứ quỳ như cũ. Mọi người ai ở chỗ nấy, run rẩy đợi cảnh sát đến. Một số mất thăng bằng, có cậu khuỵu cả hai gốinhưng vẫn im lặng đợi cho đến khi bọn cớm, chia làm ba tốp vây quanh ban thờ bên trái.

Cảnh sát cũng chiếu đèn bấm, nhưng không dùng tia đỏ. Störtebeker đứng dậy, làm dấu thánh giá, tiến vào giữa vùng sáng, đưa chiếc mũ nhung cho Ăn Cắp Lửa vẫn đang quỳ. Đi vòng thật nhanh qua một cái bóng béo phị không cầm đèn bấm - Cha Wiehnke - Störtebeker túm lấy một cái bóng khác gầy mảnh, nó giãy giụa, cố tự vệ - Lucy Rennwand. Gã tát và đấm túi bụi vào bộ mặt ba góc nhăn nhó dưới chiếc mũ bê-rê cho đến khi một cú đòn của một cảnh sát quật gã lăn vào giữa hàng ghế nguyện.

Vẫn vắt vẻo trên đùi Đức Mẹ Đồng Trinh, tôi nghe thấy một tên cớm kêu lên: "Lạy Chúa, Jeschke, đó là con trai của sếp!"

Oskar cảm thấy khá mãn nguyện khi được biết người phụ tá xuất sắc của mình là con trai viên chánh cẩm. Rồi không hề chống cự, tôi vào luôn vai một thằng bé lên ba khóc thút thít vì bị bọn găngxtơ dụ dỗ. Tôi chỉ muốn được dỗ dành và che chỏ. Cha Wiehnke bế tôi lên.

Tất cả đều im lặng trừ đám cảnh sát. Các thành viên Quét Bụi được giải đi. Cha Wiehnke chóng mặt, phải ngồi xuống, nhưng trước đó Cha đặt tôi xuống sàn, gần chỗ đám đồ nghề của chúng tôi. Đằng sau những búa và xà beng, tôi thấy một giỏ đầy xăng-đuých do Choi Choi chuẩn bị từ trước khi chúng tôi ra quân.

Tôi cầm lấy cái giỏ, đi đến chỗ Lucy đang run rẩy trong chiếc áo mỏng, và đưa cho cô ta mớ xăng-đuých. Cô ta bế hai chúng tôi lên (tức là Oskar và cái giỏ). Lát sau, một miếng xăng-đuých nằm giữa hai hàm răng cô. Tôi nhìn kỹ bộ mặt đỏ bừng bị đánh sưng vù: đôi mắt liên láo giữa hai cái khe thâm quầng, một cái hình tam giác đang nhai, một con búp-bê, một mụ phù thủy độc ác ngấu nghiến xúc xích và càng ăn càng gầy đét, càng đói, càng chành ba góc, càng giống búp-bê. Hình này in dấu đậm trong tôi. Ai sẽ xóa cái hình tam giác ấy khỏi tâm trí tôi? Nó sẽ sống trong tôi bao lâu nữa, nhai xúc xích, nhai người và phô cái nụ cười mà chỉ những hình tam giác hoặc những nàng thuần phục kỳ lân trên tranh thảm mới có thể cười như thế.

Trong khi bị hai thanh tra cảnh sát điệu đi, Störtebeker quay bộ mặt bê bết máu về phía Lucy và Oskar. Tia mắt tôi vượt qua gã, có nghĩa không nhìn vào gã. Tôi không công nhận gã nữa. Khi tất cả bọn mới đây còn là môn đồ của tôi đã đi khỏi, tôi cũng được đưa đi, vẫn trên tay cô ả Lucy nhồm nhoàm nhai xăng-đuých.

Còn ai ở lại? Cha Wiehnke giữa hai cây đèn bấm của chúng tôi, vẫn chiếu tia đỏ, và những áo lễ mà Cha Me-xừ cùng những người phụ lễ đã trút vội trút vàng xuống đất. Ly và bình đựng rượu thánh nằm trên những bậc dẫn lên ban thờ. Jean và Jêxu bị cưa rời ra vẫn đó bên cạnh Đức Mẹ Đồng Trinh mà chúng tôi định mang về làm đối trọng với cô nàng dắt kỳ lân trong hầm tổng hành dinh của chúng tôi.

Oskar được đưa ra xử ở một phiên tòa mà tôi vẫn gọi là vụ án Jêxu lần hai, một phiên tòa kết thúc bằng việc tha bổng Oskar, do đó cũng là tha bổng Jêxu.

ĐƯỜNG CỦA KIẾN

Xin quý vị hãy tưởng tượng một cái bể bơi lát gạch men xanh da trời. Một số thanh niên da rám nắng, dáng dấp lực sĩ vùng vẫy dưới nước và quanh bờ, nhiều nam nữ khác ngồi hoặc nằm trước những ca-bin. Nhạc êm nhẹ từ loa phóng thanh. Buồn tẻ lành mạnh, một chút gợi dục nhẹ nhàng mà lấp lửng. Gạch men nhẵn bóng nhưng không ai trượt ngã. Chỉ có vài cái biển cấm, nhưng không cần thiết vì những người tắm chỉ đến đây một, hai giờ, họ có chỗ khác những gì bị cấm. Thi thoảng, một người nào đó lao xuống từ cầu nhảy ba mét nhưng không thu hút được sự chú ý của những người trong bể , cũng chẳng khiến được những người nằm trên lớp gạch men rời mắt khỏi những quyển họa báo hằng tuần. Đột nhiên, một thiên thần bay ngang! Không, không phải một thiên thần, mà là một chàng trai đang từ từ nhưng kiên quyết vươn tay nắm từng bậc leo lên cái thang dẫn tới tháp nhảy mười mét. Họa báo rơi xuống, những con mắt ngước lên, những người đang nằm dướn lên, một cô gái khum khum bàn tay trên trán cho khỏi chói mắt, một người nào đó quên phắt mình đang nghĩ gì, một lời nói bỏ lửng, một cuộc tán tỉnh vừa bắt đầu bỗng đột ngột kết thúc giữa một câu dở chừng - vì kìa, chàng đang đứng, lực lưỡng và cường vượng nam tính, nhún lên nhún xuống trên ván cầu, dựa vào ống lan can cong cong, ném một cái nhìn ngán ngẩm xuống phía dưới, tch rời khỏi lan can với một cái lắc mông duyên dáng, mạnh bạo tiến ra trên cái ván nhảy cứ rung lên theo từng bước của chàng, nheo mắt nhìn tập trung vào cái bể bơi xanh da trời, bé dễ sợ, đầy những mũ bơi trộn lẫn vào nhau: vàng, xanh, trắng, đỏ, vàng, xanh, trắng, đỏ, vàng, xanh... Chắc là các bạn chàng ngồi ở chỗ kia, Doris và Erika Schiller, và Jutta Daniels với tay bồ chẳng hợp với cô ta chút nào. Họ vẫy kìa, cả Jutta cũng vẫy. Thận trọng giữ cho thăng bằng, chàng vẫy lại. Họ la to. Họ muốn gì vậy? Dấn tới đi, họ la to, nhảy đi, Jutta kêu. Nhưng chàng leo lên đây không phải với ý đồ ấy, chàng chỉ muốn xem nhìn từ trên này, mọi thứ ra sao rồi từ từ xuống, từng bậc từng bậc một, thế thôi. Vậy mà bây giờ họ lại đang la ầm lên cho tất cả mọi người nghe thấy: nhảy đi, dấn tới và nhảy đi. Tiến lên.

Đây - quý vị hẳn sẽ thừa nhận, mặc dù từ tháp nhảy cầu chỉ còn một bước nữa là tới trời - quả là một tình thế cùng quẫn. Vào tháng giêng năm 1945, mặc dù đó không phải là mùa tắm, băng Quét Bụi và tôi đã ở trong một tình thế tương tự. Chúng tôi đã mạo hiểm lên cao , tất cả bọn tôi chen chúc trên tháp nhảy cầu, và bên dưới, ngồi thành hình móng ngựa quanh một cái bể bơi không có nước là các quan tòa, các nhân chứng và các thư ký tòa.

Störtebeker bước ra cái cầu nhảy mềm không có tay vịn. "Nhảy đi!" các quan tòa kêu.

Nhưng Störtebeker không thích thế.

Thế rồi từ hàng ghế nhân chứng, một dáng người thanh mảnh mặc một chiếc váy xám xếp nếp và một cái áo vét kiểu Bavaria đứng lên. Một bộ mặt trắng nhợt nhưng không mờ - tôi vẫn khẳng định là nó chành ba góc -ngước lên như một tấm biển chỉ bia tập bắn: Lucy không la, cô ta chỉ thì thầm: "Nhảy đi, Störtebeker, nhảy đi!”

Thế là Störtebeker nhảy và Lucy ngồi xuống chiếc ghế băng nhân chứng và kéo tay áo vét Bavaria xuống trùm kín cổ tay.

Moorkähne tập tễnh bước ra cầu nhảy. Các quan tòa ra lệnh cho gã nhảy. Nhưng Moorkähne không thích thế. Mỉm cười bối rối với những móng tay mình, gã chờ cho Lucy vén tay áo lên để thò hai nắm tay ra và phô cái hình tam giác với khung tóc đen, mắt như hai sợi chỉ. Thế là gã giận dữ lao vào hình tam giác nhưng trượt.

Ngay cả trong khi leo lên, Ăn Cắp Lửa và Mát-Tít đã lườm nguýt nhau; trên cầu nhảy, họ đấm nhau; Ăn Cắp Lửa phủi bụi Mát-Tít và đến lúc nhảy vẫn không chịu buông.

Choi Choi nhắm đôi mắt nai sâu và buồn có hàng lông mi dài óng ánh trước khi nhảy

Hai bổ trợ quân Luftwaffe phải cởi bỏ quân phục trước khi nhảy.

Cả anh em nhà Rennwand cũng không được phép mặc đồng phục ban hát nhà thờ trong cú nhảy lên trời của họ. Điều đó là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với em gái họ là Lucy đang ngồi ở hàng ghế nhân chứng trong chiếc áo vét len thời chiến mòn xơ và đang khuyến khích đám con trai nhảy cầ

Bất chấp lịch sử, Belisarius và Narses nhảy trước, rồi mới đến Totila và Teja. Râu Xanh nhảy, Sư Tử Tâm nhảy, rồi đến đám tốt đen. Thính Mũi, Người Rừng, Tàu Chở Dầu, Sáo Sĩ, Bình Mù-tạc, Yatagan và Thợ Thiếc.

Người nhảy cuối cùng là Stuchel, một học sinh trung học mắt lác đến nỗi chỉ nhìn cậu ta đã đủ chóng mặt. Cậu ta chỉ gia nhập băng một cách nửa vời và do tình cờ thôi. Rồi trên ván nhảy chỉ còn một mình Jêxu. Các quan tòa gọi gã là Oskar Matzerath và yêu cầu gã nhảy, nhưng Jêxu kông chịu làm theo. Bấy giờ, Lucy, con người kiên định phụng sự công lý, bèn đứng dậy từ hàng ghế nhân chứng, hai bím tóc khẳng khiu lúc lắc giữa đôi vai, hai cánh tay dang ra và thì thầm, hồ như không thấy mấp máy môi: "Nhảy đi, Jêxu thân yêu, nhảy đi!" Lúc đó tôi mới hiểu sức cám dỗ của một cái cầu nhảy từ trên cao mười mét. Một lũ mèo con màu xám bắt đầu ngọ nguậy trong các khớp đầu gối tôi; nhím phủ nhau dưới gan bàn chân tôi; én con tập bay trong nách tôi và nhìn xuống phía dưới, tôi thấy không phải chỉ Châu Âu mà cả thế giới. Những người Mỹ và Nhật đang múa đuốc trên đảo Luzon, họ nhảy hăng dến nỗi mất cả khuy quần. Nhưng đúng vào lúc ấy, một thợ may ở Stockholm đang đính khuy cho một bộ quần áo dạ hội sang trọng. Mountbatten[69] đang cho voi Miến Điện ăn đạn đủ các cỡ. Một bà góa ở Lima đang dậy con vẹt của mình, chửi thề: "Caramba". Giữa Thái Bình Dương, hai hàng không mẫu hạm kếch xù, trang hoàng như những nhà thờ Gôtích, đối mặt nhau, phóng máy bay lên và cùng một lúc đánh chìm nhau. Các máy bay không còn chỗ hạ cánh, lượn lờ bơ vơ như những thiên thần bất lực trong không trung, tiêu cạn nhiên liệu trong tiếng gầm rú khủng khiếp. Tất cả những cái đó không làm bận tâm một tay lái xe điện ở Haparanda vừa hết giờ làm việc. Anh ta đang đập trứng vào chảo, hai quả cho mình và hai quả cho vợ chưa cưới, cô ta có thể đến bất cứ lúc nào vì họ đã định trước kế hoạch cho cả buổi tối. Hiển nhiên là các đạo quân của Koniev và Joukov có thể lại ồ ạt tiến; trong khi mưa rơi ở Ailen, th đột phá ở sông Vistula, chiếm Vacxava quá muộn và Königsberg quá sớm, và mặc dù thế vẫn không ngăn nổi một phụ nữ năm con một chồng ở Panama khỏi làm khê xoong sữa mà chị ta đang hâm trên bếp ga.

Một cách tất yếu, sợi chỉ các sự kiện xoắn vòng và thắt nút, cuối cùng cũng dệt thành Lịch sử. Tôi lấy làm lạ thấy vô vàn hoạt động (như vân vê đầu ngón tay, cau mày, nhìn lên nhìn xuống, bắt tay, sinh con đẻ cái, làm bạc giả, tắt đèn, đánh răng, bắn người, thay tã...) đang được thực hành trên khắp thế giới, tuy ở những mức độ khéo léo khác nhau. Đầu óc mụ mị vì những suy nghĩ ấy, tôi quay lại tòa án vẫn tiếp tục phiên xử tôi ở dưới chân tháp nhẩy cầu. "Nhảy đi, Jêxu thân yêu, nhảy đi," Lucy Rennwand thì thầm, Lucy-nhân-chứng-đồng-trinh-và-kẻ-cám-dỗ. Cô ta ngồi trên lòng Xa-tăng, do đó càng nổi bật nét trinh trắng. Xa-tăng đưa cho cô ta một chiếc xăng-đuých. Cô ta cắn ngập răng khoái trá nhưng không mảy may mất vẻ trinh bạch. "Nhảy đi, Jêxu thân yêu, nhảy đi?” cô ta vừa nhai vừa nói, phô với tôi cái hình tam giác nguyên vẹn.

Tôi không nhảy và quý vị sẽ không bao giờ bắt gặp tôi nhảy hoặc lao đầu xuống từ một tháp nhảy cầu. Đây không phải là phiên tòa cuối cùng xử Oskar. Người ta đã nhiều lần tìm cách thuyết phục tôi nhảy và lần cuối cùng rất gần đây thôi. Tại phiên tòa Ngón Tay Đeo Nhẫn - mà tôi ưng gọi là vụ án thứ ba của Jêxu - cũng có rất đông khán giả quanh cái bể bơi không có nước. Họ ngồi trên hàng ghế nhân chứng, quyết một lòng thưởng thức vụ án của tôi.

Nhưng tôi quay đằng sau, bóp nghẹt những con én non trong nách tôi, giầm bẹp cặp nhím phủ nhau dưới gan bàn chân tôi, bỏ chết đói lũ mèo con xám trong các khớp gối tôi. Coi khinh cái thú nhảy cầu, tôi bước những bước cứng ngắc đến lan can, bắt đầu xuống thang và mỗi bậc thang lại củng cố thêm trong tôi niềm tin rằng người ta có thể không chỉ leo lên những tháp nhảy cầu mà còn có thể tụt xuống mà không cần nhảy.

Bên dưới, Maria và Matzerath đang đợi tôi. Cha Wiehnke ban phước cho tôi mặc dù tôi không yêu cầu. Gretchen Scheffller mang đến cho tôi một cái áo măng-tô nhỏ và ít bánh ngọt. Kurt đã lớn và không chịu nhận tôi là bố hoặc ahh cùng mẹ khác cha. Bà ngoại Koljaiczek của tôi khoác tay ông anh Vincent, ông lão này hiểu biết thế giới và nói chuyện chẳng đâu vào đâu.

Trong khi chúng tôi rời tòa án, một quan chức mặc đồ dân sự lại gần Matzerath, đưa cho ông một tờ giấy và nói: "Ông cần phải suy nghĩ về chuyện này, ông Matzerath. Thằng bé cần được cách ly khỏi đường phố. Ông thấy đấy, nó yếu đuối và khờ dại, lúc nào cũng có thể bị những phần tử bất hảo lợi dụng."

Maria khóc và đưa cho tôi cái trống mà Cha Wiehnke đã lo bảo quản trong thời gian xử án. Chúng tôi đi đến bến xe điện cạnh Ga trung tâm. Matzerath bế tôi đi nốt quãng đường cuối. Tôi ngoái nhìn qua vai ông, tìm trong đám đông một khuôn mặt tam giác, tự hỏi thầm: cả cô ta nữa, liêu cô ta có phải leo lên tháp và nhảy, sau Störtebeker và Moorkähne không? Hay cũng như tôi, cô ta đã chọn cái khả năng tụt xuống thang?

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa bỏ được cái thói quen đảo mắt quanh phố xá hoặc những nơi công cộng tìm một thiếu nữ gày gò, không xinh mà cũng chẳng xấu, nhưng luôn luôn cắn đàn ông. Ngay cả khi nằm trên giường của bệnh viện tâm thần này, tôi vẫn hoảng hốt mỗi khi Bruno báo có khách lạ. Cơn ác mộng của tôi là bỗng nhiên Lucy Rennwand xuất hiện dưới dạng một mụ phù thủy độc ác và, lần cuối cùng, ra lệnh cho tôi nhảy.

Trong mười ngày liền, Matzerath suy nghĩ xem có nên ký và gửi tờ giấy đó lên Bộ Y Tế hay không. Khi, vào hôm thứ mười một, ông ký và bỏ nó vào thùng thư bưu điện, thì thành phố đã bị pháo kích và không ai dám chắc rằng bức thư của ông có tới nơi hay không. Những mũi nhọn thiết giáp thuộc đạo quân của Nguyên soái Rokossovski đã tới Elbing. Quân đoàn 2 của Đức do Weiss chỉ huy chiếm lĩnh những cao điểm xung quanh Danzig. Như mọi người khác, chúng tôi bắt đầu sống trong

Như quý vị đã biết, hầm rượu của chúng tôi ở ngay dưới cửa hàng. Có thể xuống bằng lối cửa trong hành lang, đối diện phòng vệ sinh. Đi xuống mười tám bậc, qua hầm nhà ông Heilandt và hầm nhà bà Kater là đến, sau đó là hầm nhà Schlager. Ông già Heilandt vẫn ở lại, nhưng bà Kater, bác thợ đồng hồ Laubchad, gia đình Eyke và gia đình Schlager đã khăn gói gió đưa trên đường di tản. Nghe nói về sau, họ cùng với Alexander và Gretchen Scheffler, vào phút cuối, đã lên được một con tàu của tổ chức "Sức Mạnh thông qua Niềm Vui"; theo hai lời đồn khác nhau, thì con tàu hoặc đã tới được Stettin hay Lubeck gì đó, hoặc đã vấp phải mìn; dù thế nào đi nữa, quá nửa số căn hộ và hầm rượu đã trống không.

Hầm nhà chúng tôi được cái thuận lợi là có một lối vào thứ hai: đó là cái cửa xập ngay đằng sau quầy trong cửa hàng, như quý vị cũng đã biết. Do đó, người ngoài không ai có thể thấy Matzerath đưa xuống hầm những gì hoặc lấy từ hầm lên những gì. Nếu không thì người ta ắt đã chẳng để yên cho đống lương thực thực phẩm mà Matzerath tích trữ trong những năm chiến tranh. Căn hầm ấm áp, khô ráo đầy ắp những đậu khô các loại, mì sợi, đường, mật ong nhân tạo, bột mì và mác-ga-rin. Những hộp bánh quy Thụy Điển chồng chất trên những hòm Grisco. Matzerath rất khéo tay. Ông đã tự tay đóng những cái giá để chứa hoa quả hộp. Nhờ có những cột chống mà theo lời khuyên của Greff, Matzerath đã dựng vào quãng giữa cuộc chiến, hầm kho trở nên an toàn như một hầm phòng không đúng quy cách. Nhiều lần, Matzerath đã nghĩ đến việc dỡ những cột chống vì không có cuộc không kích nào ghê gớm. Nhưng khi Greff, trưởng ban phòng không khu vực, không còn nữa để chỉnh đốn ông, đến lượt Maria đòi ông phải để nguyên các cột chống. Nàng đòi hỏi ông phải đảm bảo an toàn cho Kurt và đôi khi cho cả tôi nữa.

Trong những cuộc không kích đầu tiên vào cuối tháng giêng, ông già Heilandt và Matzerath hợp lực lại để khiêng Mamăng Truczinski cùng cái ghế của bà xuống hầm nhà chúng tôi. Sau đó, có lẽ theo yêu cầu của bà, cũng có lẽ để tránh hao tổn sức vào ệc khiêng bà, họ để bà lại ngồi cạnh cửa sổ trong căn hộ của bà. Sau cuộc oanh kích lớn vào nội thành, Maria và Matzerath thấy bà già hàm dưới trễ xuống, mắt trợn ngược như có con muỗi mắt dính vào tròng con ngươi.

Người ta phải nhấc cánh cửa phòng ra khỏi bản lề. Ông già Heilandt mang đồ nghề và mấy mảnh ván hòm đến. Ông vừa đo đạc vừa hút thuốc lá Derby của Matzerath cho. Oskar phụ việc cho ông. Những người khác biến xuống hầm vì các cuộc pháo kích lại bắt đầu.

Ông già Heilandt vội. Ông định làm môt cỗ áo quan hình chữ nhật đơn giản thôi. Nhưng Oskar một mực đòi làm theo hình dạng truyền thống. Tôi giữ ván cho ông cưa theo những chỉ dẫn cụ thể của tôi và kết quả là một cỗ quan tài thuôn thuôn đằng chân như mọi thi thể người đều có quyền đòi hỏi như vậy.

Cuối cùng, chúng tôi có một cỗ áo quan đẹp. Lina Greff rửa ráy cho Mamăng Truczinki, mặc cho bà một chiếc áo ngủ tươm tất lấy từ tủ quần áo, cắt móng tay cho bà, soạn lại búi tóc và lấy chiếc kim đan chống lên, tóm lại cố làm sao cho Mamăng Truczinski, ngay cả khi chết, vẫn giống một con chuột nhắt xám thích ăn bánh khoai tây và uống cà phê hạt muồng.

Con chuột nhắt cứng đơ trong khi cuộc ném bom chưa dứt nên đầu gối không duỗi ra được nữa. Trước khi đậy nắp áo quan, lợi dụng lúc Maria ra ngoài, ông già Heilandt đã phải bẻ gãy chân bà.

Thật không may, chúng tôi không kiếm được sơn đen, mà chỉ có sơn vàng. Mamăng Truczinski được khiêng ra khỏi phòng và xuống cầu thang trong quan tài không sơn, nhưng thuôn đằng chân đàng hoàng. Oskar theo sau với cái trống, đọc hàng chữ trên nắp áo quan: Vitello Margarine - Vitello Margarine - Vitello Margarine: cách quãng đều đặn và lặp lại ba lần, những chữ này chứng tỏ khẩu vị của Mamăng Truczinski lúc sinh thời. Vì quả thật, bà thích loại mác-ga-rin Vitello hoàn toàn làm bằng dầu thực vật ấy hơn cả loại bơ tốt nhất vì mác-ga-rin luôn luôn tươi, lành và bổ và làm cho người ta vui tươi

Ông già Heilandt đặt quan tài lên chiếc xe ba-gác của cửa hàng rau quả Greff và kéo qua các phố Louise, Đức Bà, xuôi đường Anton-Möller có hai ngôi nhà đang cháy, hướng về phía Bệnh viện phụ khoa. Bé Kurt ở lại với bà goá Greff ở hầm nhà chúng tôi. Maria và Matzerath đẩy, Oskar ngồi trên xe bên cạnh quan tài, gã những muốn trèo lên trên, nhưng không được phép. Phố xá chật ních người tỵ nạn từ Đông Phổ và vùng châu thổ. Hầu như không thể qua Cầu chui theo lối Cung Thể Thao. Matzerath đề nghị xuyên qua vườn của trường Conradinum. Ý kiến này không lọt tai Maria cũng như ông già Heilandt vốn bằng tuổi Mamăng Truczinski. Tôi cũng phản đối. Tuy nhiên, không thể đến nghĩa trang thành phố được vì từ Cung Thể Thao trở đi, đại lộ Hindenburg bị chặn, không cho bất cứ phương tiện nào qua lại trừ xe quân sự. Vì vậy, không thể chôn bà chuột nhắt bên cạnh con trai Herbert, chúng tôi đành kiếm cho bà một chỗ trong Công viên Steffens, cách Cánh Đồng Tháng Năm không xa.

Đất đông cứng. Trong khi Matzerath và ông già Heilandt thay phiên nhau cuốc và Maria cố nhổ đám cây trường xuân cạnh những ghế đá, Oskar lẻn ra đại lộ Hindenburg. Ôi, sao mà lắm xe thế! Những chiến xa và xe bọc thép rút lui từ những cao điểm và vùng châu thổ, một số phải kéo nhau. Nhiều lính và dân quân bị treo lủng lẳng trên cây - những cây đoạn, nếu tôi nhớ không nhầm. Trên áo ca-pốt của họ, những tấm biển các-tông nêu rõ đó là những tên phản quốc. Tôi nhìn những bộ mặt rúm ró của đám người bị xử giảo đó và làm những so sánh - với những người chết treo nói chung và với Greff-Rau-Quả nói riêng. Trong số những người bị treo cổ, có hàng đám thiếu niên trong những bộ quân phục quá rộng đối với chúng và nhiều lần tôi ngỡ nhận ra Störtebeker - nhưng những thiếu niên lủng lẳng ở đầu một sợi dây thì đứa nào chả giống đứa nào. Tuy nhiên tôi tự bảo: "Vậy là họ đã treo cổ Störtebeker, không biết họ có làm thế với Lucy Rennwand không?"

Ý nghĩ đó chắp cánh cho Oskar. Gã sục các hàng cây bên trái bên phải tìm một một đứa con gái gày gò lủng lẳng và thậm chí còn lách giữa những xe tăng băng qua đường, nhưng bên ấy, gã cũng chỉ thấy toàn lính và dân quân v những thiếu niên nom hao hao như Störtebeker. Thất vọng, tôi lóc cóc đi đến tận tiệm cà phê Bốn Mùa bị phá hủy và chỉ lộn lại một cách miễn cưỡng. Trong khi tôi đứng bên mộ Mamăng Truczinski, giúp Maria rắc lá khô và dây trường xuân lên lớp đất mới đắp, hình ảnh một Lucy lủng lẳng trên cây vẫn hiện lên trong trí tôi, rõ đến từng chi tiết.

Chúng tôi không trả lại cái xe ba-gác cho cửa hàng rau quả. Matzerath và ông già Heilandt tháo nó ra và chất các bộ phận bên cạnh quầy. "Có thể chúng ta sẽ còn cần đến nó nữa," Matzerath nói. "Để đây là an toàn rồi." Đoạn ông cho ông già Heilandt ba gói thuốc lá Derby.

Ông già Heilandt không nói gì, nhưng lấy mấy gói mì sợi và hai túi đường từ những giá gần như chẳng còn gì. Rồi ông bỏ đi, lệt xệt đôi dép dạ mà ông đã mang để đưa đám, để Matzerath dọn nốt những thứ còn lại trên các giá mang xuống hầm.

Sau đó, chúng tôi rất ít khi thò ra khỏi lỗ. Người ta nói quân Nga đã tới Zigankenberg, Pietzendorf và ngoại ô Schidlitz. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ đã chiếm những cao điểm vì họ bắn thẳng xuống thành phố. Nội Thành và Ngoại Thành, Khu Phố cổ, Khu Phố Tân Cổ và Khu Phố Mới, Khu Phố Dưới và Khu Phố Thực Phẩm - những gì đã phải mất bảy trăm năm để xây dựng giờ cháy trụi trong ba ngày. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Danzig bốc cháy. Trong nhiều thế kỷ, người Pomerelia, người Brandenburg, các Hiệp sĩ Tơtông người Ba Lan, người Thụy Điển, rồi lại người Thụy Điển lần nữa, người Pháp, người Nga, và thậm chí cả người Xắc- xông nữa, đã làm lịch sử bằng cách cứ mấy năm một lần lại quyết định rằng Danzig là thành phố đáng đốt. Và bây giờ đến lượt người Nga, người Ba Lan, người Đức và người Anh đồng loạt đốt những kiến trúc Gô-tích bằng gạch của thành phố này lần thứ một trăm có lẻ. Phố Câu Liêm, Phố Dài, Phố Rộng, Phố Thợ Dệt Lớn, Phố Thợ Dệt Nhỏ đều bốc lửa; Phố Tobias, Phố Chó Ngao, Hào Phố Cổ, Hào Ngoại Ô, Luỹ và Cầu Dài cháy tất. Cửa Sếu làm bằng gỗ cháy mới ngon làm sao. Ở Phố Quần Cốc, lửa đã đặt may cho một loạt quần óng ánh. Nhà Thờ Nữ Thánh Mary cháy cả trong lẫn ngoài, nhìn qua những cửa sổ như. ánh sáng ngày hội Những quả chuông nào chưa được sơ tán khỏi các nhà thờ các thánh Catherine, Jean, Brigit, Barbara, Elisabeth, Pierre và Paul, Nhà Thờ Chúa Ba Ngôi đều chảy ra trong gác chuông và nhỏ giọt không kèn không trống Ở cối Xay Lớn, người ta xay bột đỏ rực. Phố Hàng Thịt sực mùi thịt quay cháy. Nhà Hát thành phố công diễn vở kịch một hồi nhưng hai nghĩ nhan đề Giấc mơ của kẻ phóng hỏa. Ở Tòa Thị Chính, người ta quyết định tăng lương cho lính cứu hỏa sau vụ cháy này. Tu viện dòng Thánh Francisco hoan hỉ bùng lên nhân danh Thánh Francisco, người đã yêu lửa và hát ngợi lửa. Phố Đức Bá cháy vì cả Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con cùng một lúc. Khỏi phải nói, Chợ Gỗ, Chợ Than và Chợ Cỏ Khô đã tan thành khói. Phố Bánh Mì, lò và bánh chia lửa với nhau. Phố Bình Sữa, sữa tràn ra ngoài. Chỉ riêng tòa nhà của hãng Bảo hiểm Cháy, thuần tuý vì lý do tượng trưng, là không chịu bốc cháy.

Oskar vốn chưa bao giờ quan tâm nhiều đến lửa. Khi Matzerath chạy lên sân thượng để nhìn quang cảnh Danzig bốc cháy, tôi ắt đã ngồi lại dưới hầm nếu tôi không bất cẩn để mấy vật sở hữu ít ỏi rất dễ bắt lửa trên tầng áp mái. Tôi nhất quyết phải cứu cái cuối cùng trong số trống mà Bebra đã cho tôi và cuốn sách Goethe-Rasputin. Giữa những trang sách, tôi lưu giữ một chiếc quạt nhẹ như tơ với những hình vẽ tinh tế mà lúc sinh thời Roswitha của tôi đã phe phẩy một cách vô cùng duyên dáng. Maria ở lại dưới hầm. Nhưng bé Kurt muốn lên mái nhà với tôi và Matzerath để xem đám cháy. Thoạt đầu, tôi bực mình vì sự phấn khích không kìm nổi của con trai tôi, nhưng rồi Oskar tự nhủ có lẽ Kurt thừa kế tính máu mê lửa ấy từ cụ ngoại nó tức ông ngoại tôi, Koljaiczek-trùm-phóng-hỏa. Maria giữ Kurt ở dưới, còn tôi được phép lên cùng Matzerath. Tôi thu gom tài sản của mình, ghé mắt nhìn qua cửa sổ tầng áp mái và ngạc nhiên thấy cái thành phố cổ kính của chúng tôi lại có thể bùng lên một sức sống mãnh liệt như vậy.

Khi đạn pháo bắt đầu rót vào gần đấy, chúng tôi xuống dưới nhà. Về sau, Matzerath lại định lên nữa, nhưng Maria không để cho ông lên. Ông nhượ. Ông vừa khóc vừa tả lại chi tiết cảnh thành phố cháy cho bà góa Greff nghe. Một lần nữa, ông trở lại căn hộ và mở đài nhưng chẳng nghe thấy gì cả. Thậm chí tiếng lách tách lửa thiêu trụ sở Đài phát thanh cũng không thấy, nói chi đến một bản tin đặc biệt.

Matzerath đứng đó, giữa căn hầm, giựt giựt đai đeo quần, ngơ ngác như một đứa trẻ không biết có nên tin ở ông già Nô-en nữa hay không và lần đầu tiên, nói lên những nghi ngờ về thắng lợi cuối cùng. Theo lời khuyên của bà góa Greff, ông tháo cái huy hiệu Đảng khỏi ve áo nhưng không biết xử trí với nó như thế nào vì sàn hầm lát bằng bê tông. Lina Greff thì không muốn rước lấy cái của nợ ấy, Maria gợi ý nên vùi dưới đống khoai tây vụ đông, nhưng Matzerath thấy chỗ đó không an toàn và ông sợ không dám lên tầng trên, vì họ sắp đến đây bây giờ, họ đang trên đường, khi ông nhìn từ gác thượng thì họ đã tới Brenntau và Oliva rồi và ông lấy làm tiếc đã không để nó lại trên ấy trong đống cát phòng không, vì nếu họ thấy ông cầm cái của nợ này trong tay thì rắc rối to. Ông vứt nó xuống sàn bê tông, định giẫm lên nó, nghiền nát nó, nhưng cả Kurt lẫn tôi cùng nhảy tới. Tôi nhặt được nó trước và giữ chặt lấy khi Kurt bắt đầu thụi như nó bao giờ cũng làm thế mỗi lúc đòi cái gì, nhưng tôi không muốn con trai mình giữ cái huy hiệu Đảng rất nguy hiểm cho nó, vì theo những gì Oskar đọc trong Rasputin, thì đừng có đùa với người Nga. Trong khi Kurt đấm tôi và Maria cố gỡ hai chúng tôi ra, tôi tự hỏi không biết đây sẽ là Nga Trắng nay Nga Lớn, Cô-dắc hay Gru-di-a, Kalmouk hay Tacta vùng Crưm, Ruthenia hay Ukraina hoặc thậm chí có thể là Kirghiz, bọn họ sẽ tìm thấy chiếc huy hiệu Đảng trên người Kurt nếu Oskar nhượng bộ dưới những cú đòn của con trai gã.

Khi Maria, với sự giúp đỡ của bà goá Greff, gỡ được chúng tôi rời nhau ra, tôi đang thắng nghĩa là đang nắm chặt chiếc huy hiệu Đảng trong tay. Matzerath vui mừng vì đã dứt bỏ được nó. Mariạ bận dỗ Kurt đang gầm thét. Chiếc ghim cài bật ra đâm vào tay tôi. Trước đây tôi không bao giờ thích cái vật này và bây giờ cũng thế. Nhưng đúng lúc tôi đang tìm cách gài nó trở lại lưng áo Matzerath - nói cho cùng thì cái đảng của ông ta dính dáng gì đến tôi cơ chứ? — thì họ đã ở trong cửa hàng trên đầu chúng tôi và, bằng vào tiếng phụ nữ la hét, thì ở cả những hầm bên cạnh nữa.

Khi họ nhấc cánh cửa xập lên, chiếc huy hiệu vẫn nằm trong tay tôi. Tôi còn biết làm gì ngoài việc ngồi xuống bên cạnh đôi đâu gối run bần bật của Maria và quan sát hoạt động của đàn kiến trên sàn bê tông? Chúng đã vạch một con đường chiến lược từ đống khoai tây vụ đông, qua suốt sàn hầm, đến một bì đường. Những người Nga hoàn toàn bình thường, hơi lai một chút, tôi nghĩ thầm khi sáu, bảy người tay lăm lăm tiểu liên, mắt giương to, xuất hiện trên cầu thang xuống hầm. Giữa những tiếng la thét, thật là an tâm khi thấy lũ kiến không hề đếm xỉa đến sự xuất hiện của quân đội Nga. Chúng vẫn chỉ quan tâm đến khoai tây và đường, mặc cho những người cầm tiểu liên, đặt những mục tiêu chinh phục khác lên trước. Tôi thấy việc những người lớn giơ tay lên là hoàn toàn bình thường. Cái đó, tôi đã được biết qua những đoạn phim thời sự và tôi đã chứng kiến cái cử chỉ khuất phục như thế sau khi Sở Bưu chính Ba Lan thất thủ. Nhưng tại sao Kurt lại phải bắt chước những người lớn, điều ấy tôi không hiểu. Lẽ ra nó phải noi gương tôi, cha nó hoặc nếu không làm theo cha nó thì chí ít cũng theo đàn kiến. Lập tức, ba trong số những bộ quân phục chữ nhật tập trung chú ý vào Lina Greff và điều đó đem lại chút sống động cho toàn cảnh từ nãy đến giờ vẫn tĩnh lặng. Nàng Greff, sau thời gian dài goá bụa và những năm chay tịnh trước đó, hầu như không chờ đợi một sự săn đón đột ngột thế, thoạt đầu thốt lên mấy tiếng kêu ngỡ ngàng, nhưng rồi mau chóng thích ứng trở lại với cái tư thế nằm ngang mà nàng đã hồ như quên mất.

Tôi đã đọc trong sách Rasputin rằng người Nga rất yêu trẻ con. Điều này, như tôi nhanh chóng nhận thấy, là hoàn toàn đúng. Maria đã run sợ một cách không cần thiết. Nàng không hiểu tại sao bốn gã Ivan không bận bịu với Lina lại để Kurt ngồi lên lòng thay vì thay phiên bọn kia vào cuộc; nàng rất ngạc nhiên thấy họ âu yếm thằng bé, nói đa-đa-đa với nó, vỗ vỗ má nó và thi thoảng cả má nàng nữa.

Có ai nhấc tôi cùng cái trống của tôi lên khỏi sàn bê tông. Tôi không thể quan sát đàn kiến và đo sự trôi chảy của thời gian qua nhịp độ hoạt động của chúng được nữa. Cái trống lủng lẳng trước bụng tôi và gã người Nga to lớn với những lỗ chân lông nở rộng khua những ngón tay chuối mắn gõ mấy nhịp khả dĩ có thể nhảy múa theo. Ờ, người lớn mà đánh thế cũng không dở, tôi nghĩ. Oskar cũng muốn trổ tài, nhưng không thể được vì chiếc huy hiệu Đảng của Matzerath vẫn cồm cộm trong lòng bàn tay trái của gã.

Một không khí bình yên, gần như là ấm cúng, bao trùm căn hầm. Mỗi lúc một lặng lẽ hơn, nàng Greff nằm dạng dưới ba gã Ivan kế tiếp nhau. Khi một gã hoàn tất lượt mình, tay trống tài năng của tôi liền trao Oskar cho gã thanh niên mắt sếch, mình đẫm mồ hôi, một gã Kalmouk chắc thế. Tay trái bế tôi, tay phải gã cài khuy quần, trong khi người tiền nhiệm của gã, tức là tay chơi trống, làm ngược hẳn lại. Tuy nhiên, đối với Matzerath, thì không có gì thay đổi. Ông vẫn dứng bên cái giá đầy thịt hầm hộp Leipzig, hai tay giơ lên, phô rõ các đường chỉ tay; nhưng không ai muốn xem tướng tay cho ông. Trong khi đó, phụ nữ tỏ ra có khả năng thích ứng đáng kể: Maria học những từ Nga đầu tiên, đầu gối nàng không run nữa, thậm chí nàng còn cười thành tiếng và có thể đã chơi ác- mô-ni-ca nếu như nó nằm trong tầm tay.

Oskar, vốn khó thích ứng hơn, nhìn quanh tìm một cái gì thay thế đàn kiến và phát hiện ra một loại côn trùng khác nâu nâu xam xám béo núc đang bò quanh gờ cổ áo gã Kalmouk. Tôi muốn bắt một con để xem cho kỹ vì tôi đã đọc khá nhiều về rận, lác đác ở Goethe, nhưng chủ yếu là ở Rasputin. Nhưng bắt rận bằng một tay thì rất khó, cho nên tôi quyết định dứt bỏ chiếc huy hiệu Đảng. Oskar cảm thấy có thể giải thích cách ứng xử của mình. Ờ, đây là điều tốt nhất gã có thể làm: cái huy hiệu cồm cộm ngăn không cho tôi bắt được rận. Ngực gã Kalmouk thì đã đầy huân chương và huy hiệu rồi. Cho nên nhân Matzerath đang đứng ngay bên cạnh, tôi giơ bàn tay nắm hờ

Quý vị có thể bảo rằng lẽ ra tôi không nên làm như vậy. Nhưng có lẽ tôi cũng có quyền trả lời rằng đáng ra Matzerath không nên nắm lấy tay tôi.

Dù sao mặc lòng, ông đã nắm lấy nó, tôi thoát được của nợ. Một nỗi kinh, hoàng từ từ xâm chiếm Matzerath khi ông cảm thấy cái vật biểu trưng cho Đảng của ông giữa những ngón tay. Giờ đây, khi tay tôi đã tự do, tôi không cần thấy Matzerath làm gì với cái huy hiệu của ông. Tư tưởng còn đang phân tán khó bề bắt được rận, Oskar cố tập trung vào đàn kiến, nhưng một cử động nhanh của bàn tay Matzerath đã không lọt khỏi mắt tôi. Tôi không nhớ lúc đó tôi nghĩ gì, bây giờ nhớ lại, tôi chỉ có thể nói: giá ông cứ giữ cái vật hình thoi nhiều màu ấy trong tay thì khôn ngoan hơn.

Nhưng, trong bước đường cùng, ông lại muốn dứt bỏ nó cơ và mặc dầu ông luôn luôn tỏ ra giàu tưỏng tượng trong việc làm bếp và trang trí quầy hàng, lúc này ông không nghĩ ra chỗ giấu nào tốt hơn là miệng mình.

Có khi một cử chỉ vặt vãnh lại có tầm quan trọng rất lớn. Cái động tác nhỏ từ tay lên miệng đó đủ làm giật mình hai gã Ivan đang bình yên ngồi bên trái và bên phải Maria và khiến họ bật dậy, dí tiểu liên vào bụng Matzerath: ai nấy đều có thể thấy rành rành là ông ta đang định nuốt một cái gì.

Giá như trước hết, ông đã khéo lựa ngón tay đóng lại cái ghim cài! Lúc này, ông nghẹn, mặt ông đỏ tía lên, mắt lồi ra, ông ho, cười, khóc và tất cả những cái đó khiến ông không thể tiếp tục giơ hai tay lên được. Nhưng về điểm này, các tay Ivan rất kiên quyết. Họ quát, họ muốn thấy lòng bàn tay ông. Nhưng Matzerath đang có chuyện với khí quản của mình. Thậm chí ông không thể ho cho tử tế nữa. Ông bắt đầu nhảy và khoa tay loạn xạ, gạt phăng một hộp thịt hầm Leipzig khỏi giá. Gã Kalmouk của tôi, từ nãy đến giờ vẩn lặng lẽ nhìn, thận trọng đặt tôi xuống đất, quài tay ra sau lưng lấy một vật gì, cầm ngang hông ở tư thế nằm ngang và bắn. Gã trút cả một băng trước khi Matzerath hết sặc.

Khi Định Mệnh ập đến, người ta có thể làm những điều thật kỳ quặc! Trong khi ông bố hờ của tôi đang nuốt Đảng và hấp hối, thì tôi bất giác bóp bẹp giữa hai ngón tay một con rận mà tôi vừa bắt được trên áo gã Kalmouk. Matzerath đã ngã nằm ngang con đường của đàn kiến. Đám Ivan rời căn hầm bằng lối cầu thang dẫn lên cửa hàng, lấy theo mấy gói mật ong nhân tạo. Gã Kalmouk của tôi lên sau cùng, gã không lấy gói mật ong nào vì còn bận thay băng tiểu liên. Nàng goá Greff nằm rũ rượi, tóc rối bù giữa những hòm mac-ga-rin. Maria ghì lấy bé Kurt như muốn nghiền nát nó. Một câu của Goethe vụt qua đầu tôi. Đàn kiến đứng trước một tình thế mới, nhưng không naọ núng vì trở ngại, chúng vạch một con đường chiến lược mới vòng quanh cái xác co quắp của Matzerath; vì đường vãi ra từ cái bì rách toạc vẫn không kém ngọt chút nào trong khi Nguyên soái Rokossovski chiếm đóng thành phố Danzig.

NÊN HAY KHÔNG NÊN?

Đến lập cư ở đây đầu tiên là người Rugi, người Goth và người Gepide, rồi đến người Kashubes mà Oskar là hậu duệ trực hệ. Ít lâu sau, người Ba Lan phái Adalbert thành Praha đến. Ông này mang Thánh Giá tới và bị người Kashubes hay người Borussia dùng rìu giết chết. Chuyện đó xẩy ra ở một làng chài tên là Gyddanyze. Gyddanyze trở thành Danczig, rồi Dantzig, sau này trên văn tự bỏ chữ t đi và hiện nay, thành phố này tên là Gdansk.

Nhưng trước khi đi tới sự điều chỉnh chính tả như vậy và kế theo người Kashubes, các quận công của Pomerelia đã tới Gyddanyse. Họ mang những cái tên như Subislaus, Sambor, Mestwin và Swantopolk. Ngôi làngthành một thị trấn. Rồi những người Borussia đến, chỉ chăm chăm cướp phá. Rồi những người Brandenburg từ xa đến, cũng ham cướp phá. Boleslaw người Ba Lan góp phần mình theo tinh thần ấy và những tổn hại vừa được sửa chữa thì các Hiệp sĩ Tơ-tông lại nhảy vào thực hiện truyền thống lâu đời.

Nhiều thế kỷ trôi qua. Thành phố trải mọi trầm luân, hết phá hủy lại tái thiết, lần lượt qua tay các quận công Pomerelia, các đại gia dòng Tơ-tông các quân vương và phản-quân vương của Ba Lan, các bá tước của Brandenburg và các giám mục của Wloclawek. Những người điều hành việc xây và phá tên là Otto và Waldemar, Bogossa, Heinrich von Plotzke - và Dietrich von Altenberg, ông này xây tại chỗ pháo đài của các Hiệp sĩ Tơ-tông sau trở thành Quảng trưởng Hevelius, nơi vào thế kỷ hai mươi, có những người cố thủ Sở Bưu chính Ba Lan.

Những người Hussite đến, đốt vài điểm đây đó rồi đi. Các Hiệp sĩ Tơ-tông bị đánh bật khỏi thành phố và pháo đài bị triệt phá vì dân chúng đã chán ngấy sự hiện diện của một pháo đài giữa thành phố của mình. Người Ba Lan tiếp quản và mọi sự không vì thế mà xấu đi. Ông vua đạt được kết quả đó là Kazimierz, mang danh hiệu Đại Đế, con trai của Wladyslaw Đệ Nhất. Rồi đến Louis của Hunggari và sau Louis là con gái ông, Jadwiga. Nàng lấy Jagiello của Litva, người sáng lập triều đại Jagellon. Sau Wladyslaw Ü đến Wladyslaw ÜI, rồi một Kazimierz khác; ông này thiếu nhiệt huyết thỏa đáng, tuy nhiên trong mười ba năm trường, đã vung phí tiền bạc quý giá của các thương gia Danzig để tiến hành chiến tranh. với các Hiệp sĩ Tơ-tông. Mặt khác, Jean Albert phải để mắt hơn đến bọn Thổ. Kế vị Alexander là Zygmunt Stary, hay còn gọi là Sigismund-già. Trong giáo trình dậy sử, sau chương về Sigismund Augustus, là chương về Stefan Batory mà người Ba Lan thường thích lấy tên đặt cho các tàu xuyên đại dương của mình, ông này bao vây và nã đại bác vào thành phố trong bao lâu có trời biết - xem sách giáo khoa - mà vẩn không chiếm được. Rồi đến người Thụy Điển cũng vậy. Họ đâm khoái bao vây thành phố này đến nỗi họ lặp đi lặp lại vở đó nhiều lần nữa. Cùng thời gian ấy, Vịnh Danzig cũng trở nên rất nổi tiếng đối với người Hà Lan, người Đan Mạch và người Anh, và một số trong những thuyền trưởng các nước ấy trở thành anh hùng biển cả chỉ vì đã tuần tiễu quanh vụng Danzig.

Sự yên bình của Oliva. Cái âm hưởng mới ngọt ngào và thanh bình làm sao! Các cường quốc lần đầu tiên chợt nhận ra rằng đất Ba Lan phù hợp tuyệt vời với việc chia cắt. Thụy Điển, Thụy Điển, lại Thụy Điển - công sự Thụy Điển, rượu punch Thụy Điển, giá treo cổ Thụy Điển. Rồi người Nga và người Xắc-xông kéo đến vì Stanislaw Leszczynski, ông vua Ba Lan tội nghiệp trốn trong thành phố. Vì mỗi một ông vua này, một nghìn tám trăm ngôi nhà đã bị phá hủy và khi Leszczynski tội nghiệp trốn sang Pháp vì con rể Louis của ông sống ở đó, thì nhân dân Danzig phải ho ra một triệu bạc.

Rồi Ba Lan bị chia ba. Người Phổ không mời mà đến; trên tất cả các cổng thành, họ vẽ con chim biểu trưng của họ đè lên con đại bàng Ba Lan. Nhà giáo dục Johannes Falk vừa kịp viết bài hát Nô-en nổi tiếng "O Du frohliche (ôi đêm vui vẻ)"... thì người Pháp xuất hiện. Tướng của Napoleon tên là Rapp và sau một cuộc bao vây khốn khổ, nhân dân Danzig phải vét cho đủ hai mươi triệu franc nộp cho ông ta. Thời kỳ Pháp chiếm đóng thật khủng khiếp, điều đó khỏi phải nghi ngờ, song chỉ kéo dài có bảy năm. Rồi người Nga và người Phổ đến, nã pháo đốt cháy Đảo Kho. Đây là sự cáo chung của Bang Tự Do mà Napoléon đã mơ tưởng. Một lần nữa, người Phổ lại có dịp vẽ con chim của mình lên tất cả các cổng thành. Sau khi làm vậy với tất cả tính triệt để đặc thù Phổ, họ tiến hành lập một doanh trại đồn trú cho Trung đoàn Bộ binh 4, Lữ đoàn Pháo binh 1, Tiểu đoàn Công binh 1 và Trung đoàn Khinh kỵ-Cận vệ 1. Trung đoàn Bộ binh 30, Trung đoàn Bộ binh 18, Trung đoàn Bộ binh Cận vệ 3, Trung đoàn Bộ binh 44 và Trung đoàn Khinh binh 33 chỉ thi thoảng mới đồn trú ở thành phố và không bao giờ đóng lâu. Nhưng Trung đoàn Bộ binh 138 khét tiếng thì mãi đến năm 1920 mới rời đi. Để cho trọn vẹn, có lẽ cũng nên nhắc thêm rằng trong thời kỳ Phổ chiếm đóng, Lữ đoàn Pháo binh 1 đã phình ra, bao gồm thêm Tiểu đoàn Pháo binh Pháo đài 1, Tiểu đoàn Bộ binh 2, Trung đoàn Pháo binh Đông Phổ và Trung đoàn Pháo-bộ Pomerania 2, về sau thay bằng Trung đoàn Pháo-Bộ Đông Phổ 16. Kế tục Trung đoàn Khinh kỵ-Cận vệ 1 là Trung đoàn Khinh kỵ-Cận vệ 2. Trung đoàn Uhlan 8 chỉ ở nội thành một thời gian ngắn, còn Tiểu đoàn Hậu Cần Đông Phổ 17 thì đóng bên ngoài, ở khu ngoại ô Langfuhr.

Vào thời Burckhardt, Rauschning và Greiser, đại diện cho chính quyền Đức ở Bang Tự Do, chỉ có cảnh sát an ninh vận đồng phục xanh. Dưới thời Forster, năm 1939, điều đó đã thay đổi. Các doanh trại xây bằng gạch đầy những chàng trai trẻ vui tươi vận quân phục tung hứng với đủ mọi loại vũ khí. Chúng tôi có thể tiếp tục liệt kê tất cả các đơn vị đã đóng quân ở Danzig và vùng lân cận từ 1939 đến 1945 hoặc đã được chở bằng tàu biển từ Danzig đến mặt trận Bắc cực. Nhưng Oskar miễn cho quý vị khỏi mất thì giờ và chỉ xin nói nói gọn thế này: sau đó, như quý vị đã thấy, Nguyên soái Rokossovski đến. Thấy thành phố vẫn còn nguyên vẹn, ông nhớ tới những vĩ nhân quốc tế đi trước mình và đốt cháy toàn bộ bằng pháo kích để những kẻ đến sau có thể tiêu năng lượng dư thừa vào việc xây dựng lại.

Lạ thay, lần này, kế sau người Nga, không phải là người Phổ, Thụy Điển, hay Xắc-xông, cũng không phải người Pháp, mà là người Ba Lan.

Người Ba Lan đến với tay nải, bạc đà* từ Vilna, Byalistok và Lwow, tất cả đều tìm kiếm chỗ ở. Đến khu chung cư của chúng tôi, là một ông tên gọi Fajngold; ông ta chỉ có một mình trên đời nhưng lại làm như xung quanh có cả một gia đình lớn không thể thiếu sự bảo ban của ông đến một phút, ông Fajngold lập tức tiếp quản cửa hàng tạp hóa và bắt đầu chỉ cho bà vợ Luba (nào có ai trông hoặc nghe thấy bà này) mọi thứ: cái cân, thùng dầu hỏa, cái dóng bằng đồng để treo xúc-xích, cái ngăn kéo đựng tiền rỗng không và (tới đây, niềm phấn khởi dâng lên tột độ) dự trữ lương thực thực phẩm dưới hầm. Ông thuê Maria làm nhân viên bán hàng và bằng rất nhiều lời, giới thiệu nàng với bà Luba tưởng tượng của ông; đến đây, Maria chỉ cho ông Fajngold thấy Matzerath của chúng tôi ba ngày nay vẫn nằm trên sàn hầm, phủ một tấm vải bạt. Chúng tôi không chôn ông được vì phố xá nhan nhản những người Nga hau háu kiếm xe đạp, máy khâu và

Khi ông Fajngold trông thấy cái xác, mà chứng tôi đã lật ngửa lên, ông chắp hai tay lên trán một cách biểu cảm như Oskar đã thấy bác Sigismund Markus bán đồ chơi từng làm nhiều năm về trước. Ông gọi không chỉ riêng bà vợ Luba, mà cả gia đình xuống hầm và rõ ràng là ông thấy cả bọn họ tới vì ông xướng tên từng người một: Luba, Lev, Jakub, Berek, Leon, Mendel và Sonya, ông nói cho cả bọn biết người nằm chết là ai sau đó kể cho bọn tôi là tất cả những người ông vừa gọi cũng như cô em vợ ông cùng anh chồng cô ta (ông này có năm đứa con), đều đã nằm như thế trước khi được đưa vào lò thiêu Treblinka, và tất cả bọn họ đã nằm đó - trừ ông vì ông có nhiệm vụ phải rắc vôi bột lên họ.

Rồi ông giúp bọn tôi khiêng Matzerath lên cửa hàng, cả gia đình lại vây quanh ông và ông đề nghị bà vợ Luba giúp Maria rửa ráy xác chết. Bà ta không đụng đậy đến một ngón tay, nhưng ông Fajngold đâu có thấy vì lúc này ông đang chuyển hàng dự trữ lên cửa hàng. Lần này, Lina Greff, người đã làm việc rửa ráy cho Mamăng Truczinski, không có mặt để giúp chúng tôi; bà ta có khách Nga đầy nhà và chúng tôi nghe thấy bà đang hát.

Già Heilandt, ngay từ những ngày đầu chiếm đóng, đã kiếm được việc làm với tư cách là thợ đóng giày. Ông đang bận đóng lại đế cho những đôi ủng đã mòn vẹt trong cuộc tiến quân cấp tốc của quân Nga và thoạt đầu không muốn đóng áo quan cho chúng tôi. Nhưng sau khi ông Fajngold đi đên một thỏa thuận với ông - thuốc lá Derby ở cửa hàng chúng tôi đổi lấy một động cơ điện ở lán của ông - thì ông lão tạm gác những chiếc ủng và xách đồ nghề cùng những mảnh ván hòm cuối cùng của mình.

Dạo ấy - cho đến khi chúng tôi bị đuổi khỏi đó và được ông Fajngold trả lại căn hầm - chúng tôi ở tạm căn hộ của Mamăng Truczinski đã bị hàng xóm và những người nhập cư Ba Lan vơ vét sạch. Già Heilandt tháo cánh cửa giữa bếp và phòng khách ra khỏi bản lề vì cánh cửa giữa phòng khách và phòng ngủ đã được dùng để đóng quan tài cho Mamăng Truczinski. Dưới sân, ông vừa hút thuốc lá Dby vừa làm việc. Chúng tôi ở lại trên gác. Tôi lấy chiếc ghế duy nhất còn lại trong căn hộ và trèo lên, đẩy cánh cửa sổ vỡ kính ra. Tôi lấy làm buồn thấy ông già chẳng hề gắng công mà chỉ đóng qua quít một cái hòm thô sơ hình chữ nhật không vát ở dưới chân như những cỗ áo quan tự trọng.

Oskar không thấy lại Matzerath nữa, vì khi cái hòm được đặt lên chiếc xe ba-gác của bà goá Greff thì những nắp ván có dòng chữ Vitello Margarine đã được đậy xuống và đóng đinh, mặc dù, sinh thời, Matzerath chẳng những không ăn mác-ga-rin mà còn không thèm dùng để nấu nữa kia.

Maria đề nghị ông Fajngold đi cùng chúng tôi; nàng sợ đám lính Nga ngoài phố. Fajngold đang ngồi xếp bằng trên quầy, ăn mật ong tổng hợp, mới đầu tỏ ý e ngại; ông sợ Luba phản đối nhưng rồi có vẻ như bà vợ đã cho phép, vì ông tụt xuống khỏi quầy và cho tôi chỗ mật ong còn lại. Tôi nhường cho Kurt và nó tắc lẻm hết trong khi Maria giúp ông Fajngold xỏ tay vào chiếc áo măng-tô đen cổ lông thỏ xám. Trước khi đóng cửa hàng và dặn vợ không được mở cửa cho ai hết, ông chụp lên đầu một cái mũ cao thành quá nhỏ đối với ông mà Matzerath thường đội trong các đám cưới và đám tang.

Già Heilandt không chịu kéo chiếc xe ba-gác đến tận nghĩa trang thành phố. Ông không có thì giờ, ông nói, ông còn bao nhiêu ủng phải chữa. Đến Quảng trường Max-Halbe với những đống đổ nát còn âm ỉ bốc khói, ông rẽ trái vào Brösener-Weg và tôi đoán là ông đi về hướng Saspe. Lính Nga ngồi bên ngoài những ngôi nhà dưới nắng tháng hai yếu ớt, chọn lựa trong mớ đồng hồ đeo tay và đồng hồ quả quýt, lấy cát đánh bóng những cùi dìa bạc, thử xem có thể dùng xú-chiêng làm khẩu trang được không; một số tập làm xiếc với xe đạp , dựng một đường đua vượt chường ngại vật tạo nên bằng đủ thứ: tranh sơn dầu, đồng hồ quả lắc cỡ lớn, bồn tắm, ra- đi-ô, giá treo quần áo. Được hoan hô nồng nhiệt vì tài khéo léo, họ biểu diễn vừa lượn hình số 8, hình xoắn, đường trôn ốc, vừa tránh những xe nôi trẻ con, đèn chùm, những thứ này được ném ra từ trước từ những cửa sổ. Khi chúng tôi đi qua, hừng trò chơi lại mấy giây. Một số lính khoác áo thụng mặc trong nhà của phụ nữ bên ngoài quân phục, giúp chúng tôi đẩy xe và định buông lời tán tỉnh Maria, nhưng bị ông Fajngold chỉnh liền - ông nói được tiếng Nga và có giấy thông hành chính thức. Một gã lính đội mũ phụ nữ cho chúng tôi một cái lồng chim trong có một con vẹt xanh đang đậu. Kurt, lon ton bên cạnh xe, định nhổ lông nó. Sợ, không dám từ chối món quà, Maria nhấc cái lồng ra khỏi tầm tay của Kurt và đưa cho tôi đang ngồi trên xe. Oskar, lúc này chẳng có bụng dạ nào chơi vẹt, đặt nó lên cái hòm mác-ga-rin kéo dài của Matzerath. Tôi ngồi mé sau xe, đu đưa chân và nhìn vào những nếp nhăn trên bộ mặt lầm lầm, đăm chiêu của ông Fajngold; có vẻ như ông đang nghĩ cách giải quyết một vấn đề phức tạp mà không ra.

Tôi gõ vài nhịp trống linh họat nhằm xua tan những suy nghĩ u ám của ông Fajngold. Nhưng vẻ mặt ông vẫn không thay đổi, mắt nhìn tận đâu, có lẽ tận Galicia xa xăm, không thấy cái trống của tôi. Oskar bỏ cuộc và sau đó, chẳng có âm thanh nào khác ngoài tiếng khóc của Maria và tiếng bánh xe lọc cọc.

Quả là một mùa đông dịu nhẹ, tôi nghĩ thầm khi chúng tôi đã bỏ những ngôi nhà cuối cùng của Langfuhr lại sau lưng. Tôi cũng hơi để mắt đến con vẹt xanh đang rỉa lông làm dáng khi thấy mặt trời chiều trên sân bay.

Sân bay có lính gác, đường đi Brösen bị chắn. Một sĩ quan nói chuyện với ông Fajngold; ông này, trong suốt cuộc trao đổi, cầm chiếc mũ cao thành trong tay, để mái tóc hung hung lưa thưa phất phơ trong gió. Sau khi vỗ vỗ lên cái hòm của Matzerath một lúc như để xác định chắc chắn về vật chứa trong đó và thọc ngón tay cù nôn* con vẹt xanh, viên sĩ quan cho chúng tôi qua, nhưng giao cho hai gã chắc chưa quá mười sáu tuổi đối mũ quá nhỏ và mang tiểu liên quá lớn đối vơi chúng, tháp tùng chúng tôi, có lẽ là để bảo vệ, mà cũng có lẽ để giám sát chúng tôi.

Già Heilandt kéo, không ngoái lại lấy một lần. Ông có cái mẹo châm thuốc bằng một tay, không cần hãm chậm xe lại. Máy bay lượn trên đầu, tiếng động cơ nghe rất rõ vì bấy giờ vào quãng cuối tháng hai hay đầu tháng ba gì đó. Chỉ có vài đám mây lân la đến gần mặt trời, dần dần ửng đỏ. Những máy bay oanh tạc hướng về Hela, hoặc từ bán đảo Hela trở về, vì ở đó, tàn quân của Quân đoàn Ü vẫn đang cố thủ.

Thời tiết và tiếng máy báy vè vè làm tôi thấy buồn buồn. Không có gì buồn tẻ đến phát ngấy như một bầu trời tháng ba không mây, đầy tiếng động cơ máy bay rộ lên rồi lại lắng xuống. Tệ hơn nữa, hai chú lính nhóc Nga cứ ra sức đi đều bước mà không được.

Có lẽ vài lát gỗ của cỗ quan tài đóng vội đã long ra trong khi xe lọc cọc hết quãng đường đá lại đến đường nhựa đầy ổ gà. Chúng tôi đi ngược gió và như quý vị đã thấy, tôi ngồi đằng sau xe. Dù sao đi nữa, cũng sực mùi xác Matzerath và Oskar nhẹ cả người khi chúng tôi tới Saspe.

Chúng tôi không thể đưa xe đến tận cổng sắt vì một quãng ngắn trước khi đến nghĩa trang, đường bị nghẽn bởi cái xác cháy thui của một xe tăng T-34. Những xe tăng khác, trên đường đến Neufahrwasser buộc phải đi vòng tránh nó, đã để lại vết bánh xích trên cát mé bên trái xa lộ, san bằng một mảng tường nghĩa trang, ông Fajngold đề nghị già Heilandt đi sau. Họ khiêng chiếc quan tài hơi bị võng xuống ở giữa dọc theo vết bánh xích xe tăng, chật vật vượt qua đống đá mới đây còn là tường nghĩa trang và cuối cùng, dồn nốt sức lực bước đi giữa những tấm bia mộ xiêu vẹo hoặc đổ hắn. Già Heilandt rít lấy rít để điếu thuốc và nhả khói trên cỗ quan tài. Tôi xách cái lồng vẹt. Maria kéo hai cái xẻng đằng sau. Bé Kurt cầm, hay đúng hơn, vung một cái cuốc chim, liều mạng tấn công những bia mộ bằng gra-nít xám cho đến khi Maria giằng khỏi tay nó để giúp cánh đàn ông đào huyệt.

May sao đất ở đây là đất cát và không bị đông cứng, tôi tự nhủ trong khi rời đi tìm mộ Jan Bronski đằng sau bức tường phía bắc. Chắc là đây, tôi nghĩ, hay có lẽ kia. Tôi không dám chắc vì các mùa thay đổi đã biến lớp vôi trắng làm chuẩn thành một màu xám long lở như mọi bức tường ở Sa

Tôi trở vào qua cửa sau, ngước nhìn những cây thông quắt queo. Vậy là người ta đang chôn Matzerath, tôi nghĩ, để khỏi nghĩ sang một điều gì không phù hợp. Và tôi thấy cái hoàn cảnh này chí ít cũng có một ý nghĩa nào đó: hai người bạn xì-cạt Bronski và Matzerath cùng nằm ở một khoảnh đất cát, tuy rằng mẹ tội nghiệp của tôi không có ở đây để bầu bạn cùng họ.

Những đám tang bao giờ cũng nhắc ta nhớ đến những đám tang khác.

Đất cát chống cự lại, có lẽ nó đòi hỏi những phu đào huyệt giàu kinh nghiệm hơn. Maria nghỉ tay, hổn hển dựa lên cán cuốc, và lại bắt đầu khóc khi nhìn thấy Kurt ném đá vào con vẹt xanh trong lồng. Kurt ném trượt, nó nhằm quá xa. Maria khóc rất to và hết sức thành thật bởi vì nàng đã mất Matzerath, bởi vì nàng thấy ở Matzerath một cái gì đó mà tôi nghĩ là không hề có nơi ông nhưng đối với nàng, từ nay nó vẫn là có thật và đáng yêu. Ông Fajngold nói một vài lời an ủi, tiện thể nghỉ một lát vì công việc đào đất là quá sức đối với ông. Già Heilandt múa xẻng với sự dẻo dai đều đặn của một người tìm vàng, hất đất ra đằng sau và thở khói thuốc cũng theo nhịp đều đặn như thế. Hai gã nhóc Nga ngồi chồm chỗm trên tường nghĩa trang cách chúng tôi mấy bước, chuyện gẫu trong gió. Trên đầu, máy bay và một mặt trời mỗi lúc một chín nẫu.

Họ đã đào được khoảng một mét sâu. Oskar đứng nhàn rỗi và bối rối giữa đám gra-nít già cỗi, giữa đám thông còi cọc, giữa vợ goá của Matzerath và một thằng bé Kurt ném đá nhằm một con vẹt xanh.

Tôi có nên hay không nhĩ? Mày sắp tròn hai mốt tuổi rồi, Oskar. Mày có nên hay không? Mày là đứa mồ côi. Thực ra, mày nên đấy, đã đến lúc rồi. Khi mẹ tội nghiệp của mày chết, mày mới mồ côi một nửa. Đó là lúc mà đáng ra mày đã phải quyết định rồi. Sau đó, người ta đặt Jan, ông bố giả định của mày dưới một lớp đất, khiến mày thành một đứa mồ côi coi như là toàn phần. Mày đứng đó, trên khu đất cát tên là Saspe này, tay cầm một cái vỏ đạn hơi bị oxy hóa. Trời mưa và một chiếc máy bay Ju-52 đang sắp sửa hạ cánh. Phải chăng câu hỏi "Tôi có nên hay không?" đã văng vẳng lên từ lúc ấy, nếu không phải trong tiếng mưa thì là trong tiếng ầm ì của chiếc máy bay vận tải đang hạ cánh? Mày tự nhủ: đó là tiếng mưa, đó là tiếng động cơ máy bay; những diễn giải thiếu cảm xúc kiểu ấy, mày có thể đưa vào bất kỳ một bài văn nào tùy thích. Mày muốn mọi thứ phải hoàn toàn rõ ràng chứ không chỉ ở mức giả định.

Tôi có nên hay không? Giờ đây, người ta đang đào một cái lỗ cho Matzerath, ông bố giả định thứ hai của mày. Theo chỗ mày biết, thì mày không còn ông bố giả định nào khác. Vậy thì tại sao mày vẫn cứ tung hứng mãi với hai cái chai màu xanh chai tôi-có-nên-hay-không ấy? Còn có ai khác nữa mà hỏi? Những cây thông còi kia ư? Chính chúng cũng đang tự vấn tại sao chúng tồn tại.

Tôi chợt thấy một cây thánh giá gầy guộc bằng gang với những nét trang trí sứt sẹo và dòng chữ chét gỉ: Mathilde Kunkel hay Runkel gì đó. Bấy giờ tôi lại thấy trên cát giữa đám cỏ ké và yến mạch dại (tôi có nên hay không nhỉ?) ba, bốn vòng hoa kim loại gỉ nát (nên chăng?), cỡ chừng bằng cái đĩa ăn, hồi xưa chắc là hình lá sồi hay nguyệt quế (hay không nên?), tôi nhặt lên, nhấc nhấc thử trên tay (nên?), nhằm cây thánh giá gang (không nên?), đường kính của nó chắc độ hơn ba xăng-ti-mét (nên?), tôi đứng cách ra khoảng hai mét và ném (không nên?), trượt rồi (có nên thử lại không?) cây thánh giá hơi nghiêng quá (nên?) Mathilde Kunkel hay Runkel? (tôi có nên không Kunkel, tôi có nên không Runkel?) đây là cú thứ sáu, tôi tự cho phép mình ném bảy lần cơ mà, sáu lần không nên và bây giờ là bảy - nên, vòng hoa đã móc vào thánh giá - nên - tôi đã quàng vòng hoa lên cổ Mathilde - nên - vòng nguyệt quế cho Fraulein Mathilde - tôi có nên không? tôi hỏi Frau Mathilde - nên, Mathilde trả lời, cô chết trẻ, ở tuổi hai mươi bảy, và sinh năm 68. Còn tôi, tôi đang tuổi hai mốt thì với cú ném thứ Bảy thành công, vấn đề của tôi - nên hay không nên? - đã được đơn giản hóa, biến thành một tiếng "Nên!" đắc thắng, được chứng minh, được trao

Trong khi Oskar, với tiếng "Nên!" mới trên đầu lưỡi và trong tim, đang quay trở về với những người đào huyệt, thì con vẹt quác lên một tiếng và rụng liền mấy cái lông vàng-xanh vì một viên đá của Kurt đã trúng đích. Tôi tự hỏi không biết câu hỏi gì đã thôi thúc con trai tôi ném đá vào một con vẹt cho đến khi, rốt cuộc, một cú trúng đích mang lại cho nó câu trả lời.

Họ đã chuyển cái hòm đến mép huyệt lúc này sâu khoảng một mét hai. Già Heilandt đang vội nhưng vẫn phải chờ Maria đọc xong những lời cầu nguyên chính giáo của mình trong khi ông Fajngold đứng chắp chiếc mũ cao thành lên ngực, mắt nhìn tận Galicia. Kurt cũng đến gần. Sau phát trúng hồng tâm, hẳn nó đã đi đến một quyết định; nó tiến lại gần huyệt vì những lý do riêng của mình, nhưng cũng kiên quyết không kém Oskar.

Sự thấp thỏm giày vò tôi. Con trai tôi đã quyết định theo hoặc chống một điều gì đó. Phải chăng cuối cùng, nó đã quyết định công nhận và yêu tôi như người cha đích thực duy nhất của nó? Phải chăng nó đã quyết định - quá muộn! - đồng ý nhận cái trống? Hoặc giả phán quyết của nó là: ông bố giả định Oskar của tôi phải chết vì tội đã giết ông bố hờ Matzerath của tôi bằng cái huy hiệu Đảng vì lý do duy nhất là vì nó đã chán ngấy các ông bố nói chung? Có lẽ cả nó nữa cũng không thể biểu hiện mối tình thương mến thơ dại đáng ao ước giữa cha và con bằng cách nào khác ngoài hành động giết người.

Trong khi già Heilandt hạ - hay đúng hơn là quăng - xuống huyệt cái hòm đựng Matzerath với cái huy hiệu Đảng trong khí quản và cả một băng đạn tiểu liên Nga trong bụng, thì Oskar tự thú nhận với mình rằng gã đã cố tình giết Matzerath bởi vì rất có thể Matzerath không phải chỉ là bố hờ mà là bố thực của gã; cũng bởi vì gã đã chán cái nỗi cứ phải kéo lê một ông bố theo mình suốt cuộc đờ

Vậy, không đúng là cái ghim cài đã bật mở khi tôi nhặt chiếc huy hiệu từ dưới sàn hầm lên. Nó đã được mở trong nắm tay của tôi. Tôi đã chuyển cái hình thoi lởm chởm gai nhọn ấy cho Matzerath với mục đích là để bọn lính Nga thấy chiếc huy hiệu trên người ông, để ông phải bỏ Đảng vào mồm và chết hóc vì thế - hóc Đảng, hóc tôi, con trai ông; bởi lẽ cái tình thế này không thể cứ tiếp tục mãi.

Già Heilandt bắt đầu lấy xẻng xúc đất. Kurt giúp ông, vụng về nhưng hăng hái. Tôi chưa bao giờ yêu Matzerath. Thi thoảng, tôi có thích ông. Ông chăm sóc tôi, nhưng với tư cách một đầu bếp hơn là một người cha. Ông là một đầu bếp giỏi. Nếu ngày nay tôi có nhớ ông là nhớ những món ăn ông làm - món viên bột hấp Königsberg, món cật lợn nấu dấm, món cá chép với kem và củ cải ngựa, món xúp lươn, món sườn với dưa cải bắp và những món quay ngày Chủ nhật mà tôi còn có thể cảm thấy trên đầu lưỡi và giữa hai hàm răng... Họ quên không bỏ một cái muôi nấu bếp vào quan tài của con người biết biến tình cảm thành xúp này. Họ cũng quên không bỏ vào một cỗ bài xì-cạt luôn thể. Ông nấu bếp giỏi hơn chơi xì-cạt. Tuy nhiên, ông chơi vẫn khá hơn Jan Bronski và gần bằng mẹ tội nghiệp của tôi. Tài thiên bẩm của ông là thế, bi kịch của ông là thế. Tôi không bao giờ có thể tha thứ cho ông về tội đã cướp đi Maria của tôi, mặc dù ông đối xử với nàng rất tốt, không bao giờ đánh nàng, và thường nhượng bộ khi nàng gây chuyện cãi cọ. Ông không giao tôi cho Bộ Y Tế và chỉ ký và tờ đơn sau khi bưu điện ngừng chạy thư. Khi tôi ra đời dưới những bóng đèn điện, ông đã tính hướng tôi vào nghiệp buôn bán.

Để tránh khỏi phải đứng sau một quầy hàng, Oskar đã đứng hơn mười bảy năm sau khoảng một trăm cái trống đồ chơi trẻ con sơn đỏ-trắng. Bây giờ Matzerath nằm bẹp đó không đứng được nữa. Già Heilandt vừa hút thuốc lá Derby của Matzerath vừa xúc đất phủ lên Matzerath. Lẽ ra Oskar phải kế tục quản lý cửa hàng. Nhưng ông Fajngold đã tiếp quản cửa hàng cùng cái gia đình lớn vô hình của ông từ lâu rồi. Tôi thừa kế phần còn lại: Maria, trách nhiệm đối với cả hai.

Maria vẫn đang khóc một cách chân chính và cầu nguyện theo cách thức chính giáo, ông Fajngold còn đang nán lại Galicia hoặc đang giải quyết một bài toán hóc búa nào đấy. Kurt đã thấm mệt nhưng vẫn xúc. Hai gã nhóc Nga ngồi trên tường nghĩa trang tán dóc. Một cách đều đặn lầm lũi, già Heilandt xúc đất cát của Saspe phủ lên cỗ quan tài làm bằng hòm mác-ga-rin. Oskar còn kịp trông thấy ba chữ cái của Vitella. Đến đây, gã tháo cái trống ra khỏi cổ, không nói "Tôi có nên hay không?" nữa mà "Cần phải thế" và ném cái trống vào một chỗ lớp đất phủ đã đủ dày để dìm bớt tiếng kêu. Tôi cũng ném luôn cả cặp dùi xuống. Chúng cắm vào lớp đất tơi. Đó là cái trống từ thời kỳ Quét Bụi, cái cuối cùng trong số trống Bebra cho tôi. Không hiểu Sư Phụ sẽ nghĩ sao về quyết định của tôi? Jêxu đã đánh cái trống này cũng như một gã lính Nga với lỗ chân lông to tướng và thân hình như hộ pháp. Nó chẳng còn được mấy nả*. Nhưng khi một xẻng đất trút lên mặt trống, nó vẫn kêu. Đến xẻng thứ hai, nó vẫn thì thùng. Đến xẻng thứ ba thì im bặt, chỉ phô ra chút sơn trắng chẳng mấy chốc cũng bị lấp nốt. Đất cát chất chồng lên cái trống của tôi, cao dần, lớn dần - và tôi cũng bắt đầu lớn, mà triệu chứng là một cơn đổ máu cam dữ dội.

Kurt là người đấu tiên thấy máu. "Anh ấy chảy máu, anh ấy chảy máu," nó la lên, gọi ông Fajngold từ Galicia trở về, gọi Maria ra khỏi lời cầu nguyện và thậm chí khiến cả hai gã Nga từ nãy vẫn ngồi trên tường chuyện tễu về hướng Brösen cũng phải ngoảnh lại nhìn với một thoáng sợ hãi.

Già Heilandt buông xẻng xuống, cầm lấy cái cuốc và ngả gáy tôi dựa vào lưỡi thép xanh đen. Kim khí lạnh tạo ra hiệu quả mong muốn. Máu bắt đầu cầm. Già Heilandt quay lại với công việc xúc đất của mình. Hãy còn một chút đất bên cạnh huyệt khi máu cầm hẳn, nhưng quá trình lớn lên vẫn tiếp tục như tôi có thể nhận thấy qua những tiếng ì ầm, rào rạo, răng rắc bên trong tôi

Khi ông già Heilandt đã lấp xong mộ, ông lấy một cây thánh giá gỗ mọt ruỗng không khắc tên tuổi gì từ một ngôi mộ gần đó, cắm lên nấm đất mới, vào quãng giữa đầu Matzerath và cái trống vừa bị vùi của tôi. "Thế là xong!" ông già nói và xốc Oskar lúc này chưa đi được lên tay. Ông bế tôi dẫn đầu mọi người, kể cả hai gã thiếu niên Nga mang tiểu liên, ra khỏi nghĩa trang, qua bức tường đổ, dọc theo vết bánh xích xe táng đến chiếc xe ba-gác trên đường cái lớn. Tôi ngoái qua vai nhìn về phía nghĩa trang. Maria mang cái lồng với con vẹt xanh, ông Fajngold mang dụng cụ, Kurt không mang gì, hai chú lính Nga mang mũ quá nhỏ và tiểu liên quá lớn đối với chúng và những cây thông còi quằn xuống vì mang quá nhiều.

Hết đoạn đất cát đến đường nhựa vẫn bị chiếc xe tăng cháy chắn ngang. Ngồi trên xe tăng là Leo Schugger. Trên cao, những chiếc máy bay từ Hela về và bay đi Hela. Leo Schugger rất cẩn thận không để đôi găng trắng của mình bị nhuốm đen bởi chiếc T-34 cháy thui. Giữa những đám mây xốp nhỏ, mặt trời xuống dần trên Tháp Núi gần Zoppot. Leo Schugger tụt xuống khỏi xe tăng và đứng rất thẳng.

Trông thấy Leo Schugger, già Heilandt cười rộ: "Thật là chưa từng thấy! Thế giới sụp đổ, mà Leo Schugger thì không cách chi quật đổ hắn!" Rất hồ hởi, ông vỗ vào lưng chiếc áo đuôi tôm đen và giải thích cho ông Fajngold: "Đây là Leo Schugger của chúng tôi. Leo muốn phân ưu cùng chúng ta và bắt tay chúng ta."

Đúng vậy. Leo Schugger múa đôi găng và, vẫn xớt dãi như mọi khi, nói lời phân ưu với tất cả những người có mặt. "Các vị có thấy Chúa Trời không?" cuối cùng anh ta hỏi. "Các vị có thấy Chúa Trời không?" Không ai thấy cả. Maria - tôi không hiểu tại sao - cho Leo cái lồng với con vẹt xanh.

Khi đến lượt Oskar, ông già Heilandt đã đặt lên xe, mặt Leo dường như rã ra, một luồng gió huyền bí thổi phồng quần áo anh ta và đôi chân anh ta nhảy quýnh lên. "Chúa Trời, Chúa Trời!" anh ta kêu lên, lắc cẹt trong lồng. "Xem kìa, Chúa Trời! Người đang lớn, Người đang lớn lên!"

Rồi anh ta bật tung lên cao cùng với cái lồng và anh ta bắt đầu chạy, bay, nhảy, loạng choạng và trốn chạy với con chim kêu quang quác, bản thân anh ta cũng biến thành chim. Cuối cùng, anh ta bay lên, rập rờn trên cánh đồng, hướng về phía Rieselfelder. Và qua tiếng sủa của tiểu liên, người ta nghe thấy anh ta la: "Người đang lớn, Người đang lớn lên!". Khi hai gã thiếu niên Nga nạp lại đạn, anh ta vẫn còn kêu. "Người đang lớn!" Và ngay cả khi hai khẩu tiểu liên lại nổ, ngay cả sau khi Oskar ngã xuống một cái cầu thang không bậc rơi tõm vào một cơn ngất xĩu mênh mông bao trùm tất thảy, tôi vẫn còn nghe thấy con chim, tiếng la, con quạ, tôi vẫn còn nghe thấy Leo tuyên bố với toàn thế giới: " Người đang lớn, Người đang lớn..."

THUỐC TẨY UẾ

Đêm qua, tôi bị vây bọc trong những cơn mê vội vã. Chúng giống như những người bạn trong ngày thăm bệnh nhân. Cơn nọ tiếp cơn kia lần lượt đến rồi đi, sau khi kể với tôi những gì những cơn mê cho là bõ kể; những câu chuyện ngớ ngẩn đầy những điều lặp đi lặp lại; những độc thoại không thể bỏ ngoài tai được bởi vì chúng được trình bày bằng một giọng buộc người ta phải chú ý kèm theo những bộ điệu của những kép hát tồi. Khi tôi cố kể cho Bruno nghe vào lúc điểm tâm, tôi không sao tống khứ được chúng vì tôi đã quên hết mọi chi tiết; Oskar quả không có tài nằm mê.

Trong khi Bruno dẹp bữa điểm tâm, tôi hỏi như thể cho qua chuyện: "Bruno thân mến, chính xác thì tôi cao bao nhiêu

Bruno đặt đĩa mứt lên tách cà phê của tôi và nói với giọng lo lắng: "Chà, ông Matzerath, ông không hề đụng đến đĩa mứt."

Tôi đã thuộc lòng những câu trách móc kiểu ấy. Ngày nào tôi cũng phải nghe chúng sau bữa điểm tâm. Mỗi buổi sáng, Bruno mang cho tôi cái món mứt dâu tây ấy chỉ để tôi lấy một tờ báo đậy lên. Thậm chí nhìn thấy mứt tôi còn không chịu nổi, huống hồ là ăn. Bởi thế, tôi gạt bỏ lời trách cứ của Bruno với một thái độ cương quyết bình thản: “Bruno, anh còn lạ gì tôi ngán mứt như thế nào. Hãy nói tôi cao bao nhiêu đi.”

Mắt Bruno bỗng có cái vẻ của một con tuộc chết. Bao giờ gã cũng ngước cái nhìn tiền sử ấy lên trần nhà mỗi khi có điều gì phải suy nghĩ và nếu có điều gì cần nói, gã cũng hướng lên trần nhà. Vậy thì sáng nay, anh ta nói với trần nhà: "Nhưng đây là mứt dâu tây kia mà." Mãi đến khi sau một quãng ngưng kéo dài - bằng sự im lặng của mình, tôi muốn gặng thêm câu hỏi về kích thước của Oskar - cái nhìn của Bruno rời trần nhà hạ xuống để quấn quanh những chấn song giường tôi, gã mới đặc cách cho tôi biết là tôi cao một mét hai mốt.

"Anh có vui lòng đo lại giúp tôi không, Bruno? Để cho chắc mà."

Không chớp lấy một sợi lông mi, Bruno rút từ túi quần sau ra một cái thước gấp, lật chăn của tôi lên bằng một cử chỉ gần như thô bạo, kéo thẳng cái áo ngủ xuống, giở cái thước gấp màu vàng chói bị gẫy ở độ dài một mét bảy lăm xăng-ti-mét, đặt nó dọc theo người tôi, chỉnh lại, kiểm tra. Đôi tay gã chính xác, hiệu quả nhưng mắt gã vẫn ở tận thời kỳ khủng long. Cuối cùng, cái thước nằm im và gã tuyên bố như thể đọc kết quả: "Vẫn một mét hai mươi mốt."

Tại sao chỉ có việc gấp cái thước lại và cất khay điểm tâm của tôi mà gã làm rầm rầm như thế? Phải chăng kích thước của tôi không làm gã vừa lòng?

Sau khi rời phòng với cái khay điểm tâm, dựng cái thước gấp màu vàng chói bên cạnh màu đỏ phát ớn của đĩa mứt, Bruno còn ghé mắt nhìn lại qua cai lỗ nhòm ở cánh cửa - cái nhìn khiến tôi cảm thấy mình già bằng trái đất. Cuối cùng, gã để cho tôi yên với chiều cao một mét hai mốt của tôi.

Vậy là Oskar đã thực sự cao chừng nấy! Hầu như là quá lớn đối với một chú lùn, một người tí hon, một người chim chích? Sư phụ Bebra, hậu duệ trực hệ của Hoàng tử Eugene, đã giữ được cho mình dừng lại ở độ cao bao nhiêu? Bây giờ thậm chí tôi có thể nhìn Kitty và Felix từ trên xuống. Trong khi tất cả những người tôi vừa nhắc đến có thời đã từng nhìn Oskar - hai mốt tuổi vẫn chỉ hơn chín mươi phân! - từ trên xuống với một vẻ ghen tị thân ái.

Chỉ đến khi hòn đá ấy ném trúng tôi trong đám tang Matzerath ở nghĩa trang Saspe, tôi mới bắt đầu lớn.

Hòn dá, Oskar nói thế ư? Tốt hơn là tôi bổ sung nốt câu chuyện về những sự kiện xảy ra ở nghĩa trang hôm ấy.

Sau khi cái trò chơi ném vòng nọ đã chỉ cho tôi thấy rằng tôi không thể tiếp tục tự hỏi Tôi có nên hay không mà phải dứt khoát Tôi nên, tôi phải, tôi muốn, tôi đã tháo cái trống ra khối cỗ, quăng nó xuống trọn bộ với cả dùi xuống huyệt chôn Matzerath và quyết định lớn. Lập tức tôi cảm thấy một tiếng vo vo mỗi lúc một lớn trong tai tôi. Đúng lúc ấy, một hòn đá bằng cái hột hạt dẻ choang vào chỏm đầu tôi do thằng con trai Kurt của tôi dang thẳng cánh ném với tất cả sức lực tuổi lên bốn của nó. Tuy cú đòn ấy không làm tôi bị bất ngờ - tôi vẫn ngờ là con trai tôi đang âm mưu một điều gì chống tôi - nó đã khiến tôi ngã nhào theo cái trống xuống huyệt. Già Heilandt kéo tôi lên, nhưng để trống và dùi lại nguyên chỗ. Rồi khi tôi bắt đầu đổ máu cam, ông ngả người tôi xuống, cho dựa gáy vào lưỡi cuốc. Cơn đổ máu cam, như ta đã biết, mau chóng dứt nhưng tôi tiếp tục lớn, tuy chậm đến nỗi chi có Leo Schugger nhận thấy, thế là anh ta bay lên như chim và la lớn tuyên bố cho toàn thế giới biết.

Đoạn bổ sung chỉ có thế và thực ra không cần thiết bởi vì tôi đã bắt đầu lớn từ trước khi bị hòn đá ném trúng và ngã xuống huyệt của Matzerath. Nhưng ngay từ đầu, Maria và ông Fajngold chỉ thấy một nguyên nhân khiến tôi lớn lên, mà họ nghĩ là một chứng bệnh, cụ thể là hòn đá ném vào đầu và cú ngã xuống huyệt. Trước cả khi chúng tôi rời nghĩa trang, Maria đã phết cho Kurt một trận nên thân. Tôi thấy thương hại nó. Vì nói cho cùng, có thể nó đã ném hòn đá ấy để giúp tôi, để làm tôi lớn mau hơn. Có lẽ, cuối cùng nó muốn có một ông bố thực sự là người lớn hoặc một thế phẩm thay vào chỗ Matzerath; bởi vì, nói tình thật, nó chưa bao giờ công nhận hoặc trân trọng một người cha ở nơi tôi.

Trong quá trình lớn lên của tôi, diễn ra suốt gần một năm trời, nhiều bác sĩ cả nam lẫn nữ đã xác nhận lời chẩn đoán đổ tội cho hòn đá và cú ngã đâm đầu xuống huyệt của tôi; họ nói và ghi trong hồ sơ bệnh án của tôi như sau: Oskar Matzerath trở thành một Oskar biến dạng vì bị một hòn đá ném trúng chỏm đầu, vân vân và vân vân.

Đến đây, có lẽ cũng nên nhắc lại lần sinh nhật thứ ba của tôi. Những người lớn đã nói gì về đoạn mở đầu tiểu sử đích thực của tôi? Đây là điều họ đã nói: Năm lên ba, Oskar Matzerath đã ngã từ trên cầu thang hầm kho xuống sàn bê tông, do đó không lớn được nữa, vân vân và vân vân.

Những lời giải thích này phản ánh mong muốn dễ hiểu của con người là tìm cách minh chứng mọi cái gọi là phép lạ bằng những lý do vật thể. Oskar phải thừa nhận rằng chính gã cũng xem xét những cái gọi là phép lạ hết sức cẩn thận trước khi bác bỏ chúng như là chuyện vớ vẩ

Ở nghĩa trang Saspe về, chúng tôi gặp những người thuê nhà mới trong căn hộ của Mamăng Truczinski. Họ là những người khá tử tế, họ sẵn sàng để chúng tôi ở cho đến khi nào chúng tôi tìm được chỗ khác, nhưng ông Fajngold không chịu chấp nhận tình trạng chen chúc quá đáng như vậy và tuyên bố trả lại chúng tôi phòng ngủ dưới tâng trệt, còn ông tạm xoay sở với phòng khách. Maria phản đối cách thu xếp ấy, nàng cảm thấy việc ở kề cận một ông độc thân trong tình trạng mình vừa mới góa chồng là bất tiện, ông Fajngold lúc đó không ý thức rằng mình là người độc thân, nhưng rồi sự hiện diện cương quyết của Luba khiến ông đành chịu thua lập luận của Maria. Để cho phải lẽ và cũng vì bà Luba nữa, họ đi đến một cách giải quyết khác: ông trả lại cho chúng tôi căn hầm kho. Thậm chí ông còn giúp chúng tôi sắp xếp lại kho, nhưng không chịu để tôi xuống ở dưới hầm vì tôi đang bệnh, một đứa bé ốm đau tội nghiệp, và thế là một chiếc giường được kê trong phòng khách cho tôi, ngay cạnh cây dương cầm của mẹ tội nghiệp của tôi.

Dạo ấy, thật khó mà tìm được một bác sĩ. Hầu hết các bác sĩ đã chạy cùng với quân đội, vì trong tháng giêng, quỹ bảo hiểm y tế của Tây Phổ đã chuyển về phía tây và bệnh nhân đã trở nên cực kỳ hiếm. Sau khi sục sạo khắp nơi, cuối cùng, ông Fajngold tìm ra được một nữ bác sĩ đang túi bụi cưa chân cưa tay cho các thương binh của cả hai bên, Wetirmacht và Hồng quân, nằm kề bên nhau trong trường Helene Lange. Bà ta hứa sẽ đến và quả nhiên, bốn hôm sau, đến thật. Bà ngồi bên giường bệnh của tôi, hút liền một lúc ba, bốn điếu thuốc lá trong khi khám cho tôi và đến điếu cuối cùng thì lăn ra ngủ.

Ông Fajngold sợ không dám đánh thức bà. Maria rụt rè thúc nhẹ bà một cái. Nhưng bà bác sĩ vẫn không tỉnh dậy mãi cho đến khi điếu thuốc cháy hết, lẹm vào ngón tay bà. Bà đứng dậy và giậm lên cái dầu mẩu trên thảm. Bà nói cộc cằn bằng một giọng bực bội: "Xin lỗi. Suốt ba tuần không nhắm mắt lấy một phút. Tôi ở Käsemark cùng một chuyến xe lửa toàn trẻ con sơ tán từ Phổ. Không cách nào đưa các cháu xuống phà. Chỉ cho lính sang. Bốn nghìn đứa trẻ. Chết sạch, tan xương nát thịt." Vẫn cái vẻ cộc cằn ấy trong cách bà vuốt má tôi. Cắm môt điếu thuốc lá mới vào măt, bà xắn tay áo trái và lấy từ trong cặp ra một ống tiêm. Trong khi tự tiêm cho mình một mũi, bà nói với Maria: “Tôi không thể nói với cô thằng bé có vấn đề gì. Phải đưa nó vào bệnh viện, nhưng không phải ở đây, mà bên phía tây kia. Các khớp cổ tay, đầu gối và vai của nó đều sưng. Cuối cùng rồi sẽ lan lên óc. Đắp băng xấp nước lạnh cho nó. Tôi để cho cô mấy viên thuốc phòng khi nó đau không ngủ được."

Tôi thích bà bác sĩ cộc cằn này, bà không biết tôi bị bệnh gì và thừa nhận là thế. Trong mấy tuần tiếp theo, Maria và ông Fajngold đắp cho tôi hàng trăm lượt băng xấp nước lạnh; điều đó làm tôi đỡ đau nhưng không ngăn được các khớp cổ tay, đầu gối và vai và cả đầu tôi nữa ngừng sưng và nhức nhối. Điều khiến Maria và ông Fajngold hoảng nhất là cái đầu sưng tướng của tôi. Maria cho tôi uống thuốc viên, nhưng chẳng mấy chốc đã hết. Ông Fajngold bắt đầu lấy bút chì và thước kẻ vẽ những biểu đồ sốt, khoanh những hình kỳ ảo, táo bạo quanh thân nhiệt lên xuống của tôi mà ông đều đặn lấy mỗi ngày năm lần bằng một cái nhiệt kế đổi được ngoài chợ đen bằng mật ong nhân tạo. Biểu đồ sốt của tôi nom giống như một dãy núi với những khe nứt dễ sợ - tôi nghĩ đến dãy Alps, đến những ngọn phủ tuyết của dãy Andes. Trên thực tế, thân nhiệt của tôi chẳng có gì kỳ ảo đến thế: buổi sáng thường là ba tám phẩy một độ, buổi chiều lên ba chín và mức kỷ lục trong suốt thời gian tăng trưởng của tôi là ba chín phẩy bốn. Trong những cơn sốt, tôi trông thấy và nghe thấy đủ mọi thứ. Tôi ngồi trên một vòng đu quay, tôi muốn xuống mà không được. Tôi cùng nhiều đứa trẻ khác ngồi trên những xe cứa hỏa, những con thiên nga rỗng, những con chó, mèo, lợn, và hươu, quay hết vòng này đến vòng khác. Tôi muốn xuống nhưng không được phép. Tất cả những đứa trẻ cũng kêu như tôi rằng chứng muốn ra khỏi xe cứu hỏa, thiên nga rỗng, nhảy xuống khỏi lưng những con chó, mèo, lợn, hươu, chúng không được phép xuống. Đức Chứa Trời đứng cạnh vòng đu quay và mỗi khi nó dừng, Ngài lại trả tiền quay tiếp. Và chúng tôi cầu nguyện: "Lạy Đức Chúa Cha Người ở trên Lời, chúng con biết Người rất nhiều tiền lẻ, chúng con biết Người muốn đãi chúng con đi đu quay thật nhiều vòng, chúng con biết Người muốn chứng minh với chúng con rằng quả đất này tròn. Xin Người hãy cất ví đi, bảo xì-tốp, đứng lại, fertig, basta, stoi, đến giờ đóng cửa rồi - chúng con, những đứa trẻ tội nghiệp chóng mặt lắm rồi, bọn họ đã đem chúng con, bốn nghìn đứa, đến Käsemark bên bờ sông Vistula, nhưng chúng con không sang sông được vì cái vòng đu quay của Người, cái vòng đu quay của Người..."

Nhưng Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, chủ nhân chiếc đu quay, mỉm nụ cười hiền hậu nhất của Người và rút từ trong ví ra một đồng tiền nữa để làm cho chiếc đu quay tiếp tục quay, mang theo bốn nghìn đứa trẻ cùng với Oskar trong những xe cứu hỏa và thiên nga rỗng, trên lưng chó, mèo, lợn, hươu, quay tròn quay mãi và mỗi lần con hươu của tôi - đến giờ tôi vẫn dám chắc rằng mình cưỡi một con hươu - lướt qua chỗ Cha chúng ta ở trên Lời, chủ nhân chiếc đu quay, Người lại mang một bộ mặt khác: Người là Rasputin, cười ha hả và cắn cắn đồng tiền dành cho vòng sau bằng hai hàm răng thày mo của ông ta; rồi Người là Goethe, thi bá, tay cầm một túi tiền thêu rất đẹp và những đồng tiền ông rút trong đó ra đều in nổi hình bán diện của Cha chúng ta ở trên Lời; và rồi lại Rasputin say ngất ngư, và lại Herr von Goethe tỉnh táo. Một chút điên khùng với Rasputin và một chút duy lý với Goethe. Những kẻ cực đoan với Rasputin, những lực lượng của trật tự với Gotslhe. Những đám quần chúng rầm rộ quanh Rasputin, những danh ngôn trích in trên lịch với Goethe... cho đến khi, rốt cuộc, chiếc đu quay ngừng lại - không phải vì cơn sốt của tôi dứt, mà vì một sự hiện diện dịu dàng cúi xuống cơn sốt của tôi, bởi vì ông Fajngold cúi xuống tôi và hãm chiếc đu quay lại. Ông hãm những chiếc xe cứu hỏa, con thiên nga, con hươu lại, hạ giá những đồng tiền của Rasputin, trả Goethe về với các Mẹ, để cho bốn ngàn đứa trẻ chóng mặt quay cuồng ở Käsemark bay qua sông Vistula về nước thiên đàng -        và nhấc tôi lên khỏi giường bệnh, đặt lên một đám mây Lysol, có nghĩa là ông tẩy uế

Việc này khởi đầu là vì rận, rồi sau trở thành một thói quen. Đầu tiên, ông phát hiện ra rận ở Kurt, rồi ở tôi, Maria và bản thân ông. Có lẽ đó là kỷ niệm để lại của cái gã Kalmouk đã cướp đi Matzerath của Maria, ông Fajngold đã la trời la đất ầm ĩ khỉ phát hiện thấy chúng, ông triệu tập vợ con, toàn gia; ông ngờ rằng tất cả bọn họ đã bị nhiễm sâu bệnh. Rồi sau khi đem bánh yến mạch và mật ong nhân tạo đổi lấy nhiều loại thuốc tẩy uế khác nhau, ông bắt đầu tẩy uế cho chính ông, cả gia đình ông, Maria và bản thân tôi (kể cả cái giường bệnh của tôi) hằng ngày, ông kỳ cọ cho chúng tôi, rảy nước, rắc bột cho chúng tôi. Và trong khi ông kỳ cọ, rảy nước, rắc bột, cơn sốt của tôi bừng bừng, và ông kể các thứ chuyện qua đó, tôi được biết ông đã phun, rắc, rảy hết hàng toa axít các-bô-líc, Lysol[70] và vôi bột hồi ông làm phu tẩy uế ở trại tập trung Treblinka. Hằng ngày vào lúc 2 giờ chiều, với tư cách là phu tẩy uế chính thức, Mariusz Fajngold có nhiệm vụ rảy nước pha lysol trên các đường phố trong trại, trong các lán, các phòng tắm vòi hoa sen, các lò thiêu, lên các đống quần áo, lên những người đang chờ tắm vòi hoa sen, lên những người nằm còng queo sau khi tắm vòi hoa sen, lên tất cả những người ra khỏi lò và tất cả những người sắp vào đó. Ông kể tên những người ấy vì ông biết hết bọn họ. Ông kể cho tôi nghe về Bilauer, một ngày tháng tám nóng nực anh này đã khuyên người phu tẩy uế nên rảy các đường phố trong trại bằng dầu hỏa thay vì bằng Lysol. Ông Fajngold chấp nhận lời khuyên của anh ta. Và Bilauer có diêm. Tất cả đã tuyên thệ trước ông già Lew Kurland, đại diện của ZOB[71]. Kỹ sư Galewski là người phá cửa vào kho vũ khí. Bilauer bắn chết tên thiếu tá Kutner. Sztulbach và Warynski bóp cổ tên Zisenis; những người khác xử trí với bọn lính gác đến từ trại Trawniki. Một số bị điện giật chết khi cắt hàng rào cao thế. Schöpke, cái tên trung sĩ SS chuyên đùa cợt khi giải mọi người đi tắm vòi hoa sen, đứng ngay cổng trại và nổ súng. Nhưng vô ích, tất cả đ̕ạt xông tới hắn: Adek Kave, Motel Levit, và Henoch Leter; Hersz Rotblat và Letek Zegel cũng có mặt, cả Tosias Baran với nàng Deborah của mình. Và Lolek Begelmann kêu lớn: "Phải đưa Fajngold ra khỏi đây trước khi máy bay chúng tới!" Ông Fajngold còn đang đợi Luba, vợ mình. Nhưng tha hồ cho ông gọi, bà không đến được nữa rồi. Thế là họ cứ xốc nách ông, Jakub Gelernter bên trái và Mordechaj Szwarchard bên phải. Và chạy trước mặt ông là bác sĩ Atlas, ông này, hồi ở trại Treblinka cũng như về sau ở trong rừng xung quanh Vilna, đã khuyến cáo nên rẩy Lysol thật triệt để và khẳng định rằng Lysol còn quan trọng hơn cả sự sống. Điều này, ông Fajngold có thể xác nhận vì ông đã rẩy cho người chết, không phải một mà hàng đống, việc gì phải nêu con số; ông đã rẩy Lysol cho những người đàn ông chết và những người đàn bà chết, thế thôi. Và ông biết hàng mớ tên, nhiều đến nỗi phát nhàm, đến nỗi đối với tôi (giờ cũng đang bơi trong Lysol đây), vấn đề sự sống và cái chết của mười vạn cái tên trở nên không quan trọng bằng vấn đề là liệu sự sống - và nếu không phải sự sống thì là cái chết - của tôi có được tẩy uế chu toàn và kịp thời bằng những thứ thuốc tẩy uế của ông Fajngold hay không.

Dần dà cơn sốt rút khỏi tôi và lúc đó là tháng tư. Thế rồi nó lại trở lại, chiếc đu quay lại quay và ông Fajngold rẩy Lysol lên người sống và người chết. Rồi cơn sốt lại lui và sắp hết tháng tư. Đầu tháng năm, cổ tôi ngắn lại, ngực rộng ra và cao lên, đến nỗi tôi có thể lấy cằm cọ vào xương quai xanh của Oskar mà không phải cúi đầu. Lại sốt và lại Lysol. Và tôi nghe thấy Maria thì thầm những lời bồng bềnh trong nước Lysol: "Miễn sao cậu ta đừng thành dị dạng! Miễn sao cậu ta đừng có gù! Miễn sao cậu ta đừng có bị tràn dịch não!"

Ông Fajngold trấn an Maria, kể với nàng rằng ông biết nhiều người gù hoặc phù thũng nhưng rất thành công trong đời. Chẳng hạn, có một gã Roman Frydrych đã mang cái bườu của mình sang tận Argentina lập cơ sở kinh doanh máy khâu, sau phất lên thành một hãng lớn rất nổi tiếng.

Câu chuyện về thành công của anh gù Frydrych không trấn an được Maria, song lại khiến người kể chuyện hưng phấn đến nỗi ông quyết tâm tân trang lại cửa hàng tạp hóa của chúng tôi. Giữa tháng năm, ít lâu sau khi chiến tranh chấm dứt, những mặt hàng mới xuất hiện, ông bắt đầu bán máy khâu và phụ tùng máy khâu, nhưng để dễ dàng cho việc chuyên tiếp, ông vẫn duy trì các mặt hàng tạp hóa một thời gian. Một thời kỳ hoàng kim! Hàng lấy vào rất ít khi phải trả bằng tiền mặt, mà toàn qua trao đổi. Mật ong tổng hợp, đường, bột, mác-ga-rin, và những bao bột làm bánh cuối cùng của bác sĩ Oetker biến thành xe đạp; xe đạp và phụ tùng xe đạp chuyển thành mô-tơ điện rồi mô-tơ điện thành các loại dụng cụ; những thứ này thành lông thú và như thể phù phép, ông Fajngold biến lông thú thành máy khâu. Bé Kurt đâm được việc trong cái trò chơi đổi chác này; nó đưa khách hàng đến, làm môi giới và thích ứng với hướng kinh doanh mới mau chóng hơn Maria nhiều. Tình hình gần như thời Matzerath. Maria đứng ở quầy, phục vụ những khách hàng cũ còn ở lại thành phố và, đánh vật với dăm câu tiếng Ba Lan, cố hết sức để hiểu xem các khách hàng mới muốn gì. Kurt quả có năng khiếu bẩm sinh về ngôn ngữ. Nó có mặt khắp chỗ trong cửa hàng, ông Fajngold có thể trông cậy vào nó. Mặc dầu chưa đầy năm tuổi, nó đã thành một chuyên gia về máy khâu. Giữa hàng trăm kiểu khác nhau, từ trung bình đến tồi, bày ở chợ đen phố Bahnhofstrasse, nó chỉ liếc mắt một cái đã phát hiện ra những máy Singer hoặc Pfaff hạng nhất, ông Fajngold đánh giá cao tầm hiểu biết của nó.

Cuối tháng năm, bà ngoại Anna Koljaiczek đến thăm chúng tôi. Bà hổn hển gieo mình xuống đi văng. Bà đã đi bộ suốt từ Bissau qua Brenntau. Ông Fajngold khen bé Kurt hết lời và cũng không quên ca ngợi Maria, ông kể dài dòng với bà về bệnh tật của tôi, nhấn đi nhấn lại lợi ích của thuốc tẩy uế. Ông cũng có đôi lời khen Oskar đã tỏ ra rất ngoan, suốt thời gian ốm đau không khóc một lần nào.

Bà tôi cần dầu hỏa vì ở Bissau không có điện. Ông Fajngold kể cho bà nghe trải nghiệm của ông với xăng ở trại tập trung Treblinka và những thứ thuốc tẩy uế đa dạng ông đã dùng với tư cách là phu tẩy uế của trại, ông bảo Maria rót đầy dầu hỏa vào hai chai lít, thêm vào đó một gói mật ong tổng hợp và một xê-ri thuốc tẩy uế. ông lơ đãng gật đầu trong khi nghe bà tôi liệt kê tất cả những thứ đã cháy trụi ở Bissau và mỏ đá Bissau trong thời kỳ đánh nhau. Bà cũng mô tả những thiệt hại ở Viereck nay đã đổi tên thành Firoga như thời xưa. Và Bissau cũng được trả lại cái tên thời trước chiến tranh là Bysew. Gòn Ehlers, dạo xưa là thủ lĩnh nông dân ở Ramkau, cái thằng lấy con dâu của anh trai ba, Hedwig, vợ goá của Jan hy sinh ở Sở Bưu chính, cái thằng ấy, nông dân đã treo cổ nó bên ngoài văn phòng của nó. Thiếu chút nữa thì họ đã treo cổ luôn Hedwig vì tội đã lấy Ehlers trong khi là vợ goá của một anh hùng Ba Lan và cũng vì Stephan là một trung úy và Marga thì tham gia Liên đoàn Thiếu nữ Đức.

"Thế đấy," bà ngoại tôi nói, "họ không thể đụng đến Stephan được nữa bởi vì nó đã chết ở trên Bắc cực rồi. Họ định bắt Marga tống vào trại. Nhưng rồi Vincent đã mở miệng và nói như chưa bao giờ nói hùng hồn thế trong cả đời ông. Và bây giờ, cả hai mẹ con, Hedwig và Marga, cùng ở với chúng tôi, giúp đỡ việc đồng áng. Nhưng Vincent, sau lần nói hăng như thế, đã quỵ và bà nghĩ có thể ông không đậu được bao lâu nữa. Còn bà đây, bà cũng có những rắc rối riêng của bà: đau khắp người, ở tim và nhất là ở đầu, như có ai lấy búa nện vào sọ."

Đó là những lời than thở của Anna Koljaiczzek. Bà ôm đầu mình, xoa cái đầu đang to lên của tôi, ngẫm ngợi sự đợi và đi đến câu triết lý sau đây: "Phải, Oskar ạ, phận của người Kashubes là thế. Họ luôn luôn bị đánh vào đầu. Các con rồi sẽ đi đến nơi nào sự thể tốt đẹp hơn, chỉ có bà ở lại. Người Kashubes không quen di chuyển, họ sinh đâu ở nguyên đó và giơ đầu ra cho mọi người đánh vì chúng ta không phải là người Ba Lan chính cống, cũng chẳng phải người Đức chính cống. Và nếu anh là người Kashubes, thì cả người Đức lẫn người Ba Lan đều coi anh là tép. Họ muốn cái gì cũng phải trăm phần trăm kia."

Bà tôi cười lớn và giấu hai chai dầu hỏa, phần mật ong nhân tạo và thuốc tẩy uế dưới bốn lần váy vẫn giữ nguyên màu khoai tây, bất chấp những xáo động lị sử, chính trị và quân sự kinh thiên động địa nhất.

Bà sắp sửa đi, nhưng ông Fajngold xin bà chờ một lát, ông muốn bà gặp vợ ông là Luba và gia đình ông. Khi Luba không xuất hiện, bà tôi bảo: "Không sao. Tôi cũng cứ gọi người thân luôn ấy mà: Agnes, tôi nói, Agnes, con gái của mẹ, đến giúp mẹ vắt quần áo tí nào. Mà nó chả đến, cũng như cô Luba nhà chú ấy. Và Vincent, ông anh trai tôi, đêm tối thui, ông ấy đứng ngoài cửa, bất chấp bệnh tật, đánh thức hàng xóm bằng những tiếng gào gọi con trai là thằng Jan làm thư ký bưu điện, đã bị giết."

Bà đã ra đến cửa, đang chít khăn lên đầu thì từ giường nằm, tôi lên tiếng gọi: "Babka, Babka," có nghĩa là Bà ơi, Bà ơi. Bà quay lại và nhấc váy lên một chút như cách để cho tôi chui vào và mang theo bà. Nhưng rồi có lẽ bà nhớ ra rằng dầu hỏa, mật ong nhân tạo và thuốc tẩy uế đã chiếm mất nơi trú ẩn đó rồi và bà đành đi mà không mang tôi, không mang Oskar theo.

Đầu tháng 6, những đoàn tàu đầu tiên đi về phía tây. Maria không nói gì, nhưng tôi có thể thấy là nàng đang từ biệt đồ đạc, cửa hàng, ngôi nhà, mồ mả của cả hai bên họ, đại lộ Hindenburg và cái gò ở nghĩa trang Saspe.

Đôi khi, buổi tối, trước khi xuống căn hầm với Kurt, nàng đến ngồi trước cây pi-a-nô của mẹ tội nghiệp của tôi bên cạnh giường tôi, tay trái đưa ắc-mô-ni-ca lên miệng thổi, tay phải thử dạo pi-a-nô đệm theo bằng độc một ngón.

Khúc nhạc làm ông Fajngold buồn, ông yêu cầu Maria ngừng chơi, nhưng rồi khi Maria cất chiếc ác-mô-ni-ca ra khỏi miệng và sắp đậy nắp pi-a-nô lại, thì ông lại yêu cầu nàng chơi thêm tí nữa.

Rồi ông cầu hôn nàng. Oskar đã thấy trước điều đó. Ông Fajngold càng ngày càng ít gọi Luba hơn và một buổi tối mùa hè đầy tiếng côn trùng và tiếng lá rì rào, khi ông chắc chắn là bà đã đi hẳn rồi, ông cầu hôn Maria, ông hứa sẽ chăm nom nàng và hai đứa tr, kể cả đứa ốm, Oskar. Ông tặng nàng căn hộ và dành cho nàng một chân đối tác trong kinh doanh.

Maria đã hai mươi hai tuổi, vẻ đẹp của nàng, trước kia dường như ngẫu nhiên, nay trở nên chững chạc, thậm chí rắn rỏi hơn. Mấy tháng gần đây, trước và sau khi kết thúc chiến tranh, mái tóc lượn sóng mà Matzerath đã chi tiền cho nàng làm ngoài hiệu, đã duỗi. Nàng không tết bím như hồi gần gũi với tôi nữa; nay tóc nàng buông dài trên vai, đem lại cho nàng cái vẻ của một cô gái khá nghiêm trang, có lẽ hơi cay đắng nữa - và cô gái đó nói không, khước từ lời cầu hôn của ông Fajngold. Đứng trên tấm thảm xưa là của chúng tôi, với Kurt bên cạnh, Maria chỉ vào cái bếp lò gạch men. Ông Fajngold và Oskar nghe thấy nàng nói: "Không thể được. Tất cả ở đây đã đổ vỡ cả rồi, hết rồi. Bọn tôi sẽ về vùng Rhine, chỗ chị Guste tôi. Chị ấy lấy một trưởng bồi bàn tên là Köster. Anh ấy sẽ cho chúng tôi tá túc tạm, cả ba chúng tôi."

Ngay hôm sau, nàng gửi đơn và ba hôm sau nữa, chúng tôi đã có đủ giấy tờ. Sau đó, ông Fajngold không hé răng, ông đóng cửa hàng. Trong khi Maria gói ghém hành trang, ông ngồi trên quầy trong bóng tối, bên cạnh cái cân; ông chẳng còn bụng dạ nào mà xúc mật ong tổng hợp. Nhưng khi Maria đến chào tạm biệt, ông tụt xuống khỏi quầy, lấy chiếc xe đạp có moóc ra và bảo ông sẽ đưa chúng tôi ra ga.

Oskar và hành lý - chúng tôi được phép mang mỗi người hai lăm kí - được chất lên chiếc moóc hai bánh cao su. Ông Fajngold đẩy xe đạp. Maria dắt tay Kurt và ngoái nhìn ngôi nhà lần cuối khi chúng tôi rẽ trái vào phố Elsenstrasse. Tôi không thể nhìn lại Labesweg vì ngoái cổ rất đau. Đầu Oskar phải giữ tư thế bất động giữa hai vai và tôi đành chỉ dùng đôi mắt vốn còn giữ được khả năng cơ động để tạm biệt phố Nữ Thánh Marie, suối Striess, công viên Kleinhammer, cầu chui (vẫn rỉ nước đến phát ớn!), phố Ga, Nhà Thờ Thánh Tâm vẫn nguyên vẹn của tôi và ga Langfuhr - Langfuhr nay gọi là Wrzeszcz, nhưng bố ai mà phát âm được cái tên đó?

Chúng tôi phải đợi. Cuối cùng khi một đoàn tàu đến thì đó là tàu hàng. Hàng đống người và trẻ con. Kiểm tra và cân hàng. Những gã lính quăng lên mỗi toa một bì rơm. Không có nhạc. Cũng không mưa. Trời lác đác mây. Gió đông.

Chúng tôi tìm được một chỗ trên toa thứ Tư tính từ dưới lên. Ông Fajngold đứng ở đường tàu bên dưới chúng tôi, mái tóc thưa hung hung bay trong gió. Khi một cú dội mạnh báo cho biết đầu tàu đã đến, ông bước lại gần, đưa cho Maria ba gói mác-ga-rin và hai gói mật ong tổng hợp và khi những lệnh bằng tiếng Ba Lan kèm theo những tiếng kêu khóc báo hiệu tàu đã chuyển bánh, ông đưa thêm một gói thuốc tẩy uế bổ sung vào hành trang của chúng tôi - Lysol còn quan trọng hơn cả sự sống. Rồi chúng tôi đi, để ồng Fajngold lại sau lưng, ông đứng đó, mái tóc hung bay trong gió, nhỏ dần nhỗ dần như vẫn vậy khi tàu rời ga, cho đến khi chỉ còn một cánh tay vẫy và rồi mất hút.

TĂNG TRƯỞNG TRONG TOA HÀNG

Cho đến nay, những cơn đau nhức vẫn hành hạ tôi. Chúng khiến tôi nằm vật xuống gối. Tôi nghiến răng kèn kẹt để khỏi nghe thấy tiếng kèn kẹt trong xương và ở các khớp. Tôi nhìn mười ngón tay và phải thừa nhận là tất cả đều sưng. Tôi thử đánh trống một lần cuối - rõ ràng những ngón tay của Oskar không những hơi sưng mà còn tạm thời không đánh trống được vì không cầm được dùi.

Cái bút máy cũng không chịu tuân theo ngón tay tôi. Tôi sẽ phải đề nghị Bruno kiếm băng xấp nước lạnh. Rồi khi chân tay và đầu gối tôi đã được quấn mát, khi Bruno đã đắp một miếng vải mát lên trán tôi nữa, tôi sẽ đưa cho gã giấy và cây bút chì, bởi vì tôi không thích cho gã mượn cây bút máy của tôi. Liệu Bruno có muốn và có thể lắng nghe cho kỹ không nhỉ? Liệu rồi những ghi chép của có phản ánh được trung thành chuyến đi trên cái toa hàng, bắt đầu từ ngày 12 tháng 6 năm 1945 ấy không? Bruno đang ngồi ở bàn dưới bức tranh cỏ chân ngỗng. Bây giờ, gã quay đầu, phô cái thường được gọi là mặt của gã trong khi với đôi mắt của một con vật huyền thoại, gã nhìn vòng qua tôi, một mắt vòng bên trái, mắt kia vòng bên phải. Gã giữ cây bút chì cheo chéo trên đôi môi mỏng cau cau của gã. Đó là cái cách gã thể hiện sự chờ đợi. Nhưng ngay cả cho rằng gã đang thực sự chờ tôi nói, chờ dấu hiệu bắt đầu ghi lại câu chuyện của tôi đi nữa, thì đầu óc gã vẫn bận rộn với những ý đồ tạo hình bằng nút. Gã sẽ thắt nút những sợi dây, trong khi nhiệm vụ của Oskar là gỡ nút câu chuyện của tôi bằng lời chữ. Và đây, Bruno viết:

Tôi, Bruno Münsterberg, quê ở Altena vùng Saerland, chưa vợ chưa con, là y tá ở khu riêng của bệnh viện tâm thần địa phương, ông Matzerath, điều trị tại đây từ hơn một năm nay, là bệnh nhân của tôi. Tôi còn có những bệnh nhân khác mà tôi không thể nhắc đến ở đây. Ông Matzerath là bệnh nhân vô hại nhất của tôi. Ông không bao giờ lên cơn dữ dội đến mức tôi phải gọi các y tá khác đến giúp. Hôm nay, để cho những ngón tay làm việc quá sức của ông được nghỉ, ông đã yêu cầu tôi viết hộ ông và ngừng việc tạo hình bằng nút của tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn trữ sẵn một số dây trong túi và trong khi ông kể câu chuyện của ông, tôi sẽ bắt đầu hai chi dưới của một nhân vật mà, dựa theo câu chuyện của ông Matzerath, tôi sẽ gọi là "Người tỵ nạn từ phương Đông". Đây không phải là nhân vật đầu tiên mà tôi mượn ý từ những câu chuyện do bệnh nhân của tôi kể. Cho đến nay, tôi đã tạo hình bà ngoại của ông mà tôi gọi là "Khoai tây mặc bốn váy" và ông ngoại của ông, người thợ bè, mà tôi đặt cho một cái tên có lẽ hơi khoa trương là "Columbus"; nhưng sợi dây của tôi cũng đã cách điệu mẹ tội nghiệp của ông thành "Người đẹp ăn cá" và hai người cha của ông, Matzerath và Jan Bronski, đã trở thành "Hai tay chơi bài xì-cạt". Tôi cũng đã thể hiện cái lưng đầy sẹo của Herbert Truczinski bạn ông; tác phẩm này nhan đề là "Gồ ghề". Ngoài ra, tôi còn lấy cảm hứng từ những cảnh và công trình kiến trúc như Sở Bưu chính Ba Lan, Tháp Công Lý, Nhà hát thành phốgõ Binh Công Xưởng, Bảo tàng Hải quân, khu tắm ở Brösen, Nhà Thờ Thánh Tâm, tiệm cà phê Bốn Mùa, Nhà máy Sô-cô-la Baltic, những công sự ở Phòng tuyến Đại Tây Dương, Tháp Eiffel, ga Stettin ở Berlin, Nhà thờ lớn Reims và dĩ nhiên là ngôi hhà chung cư nơi ông Matzerath đã ra đời. Những hàng rào và bia mộ ở các nghĩa trang Saspe và Brenntau thành những mô-típ trang trí. Từ nút này sang nút khác, tôi cho sông Vistula và sông Seine chảy, cho sóng Baltic và Đại Tây Dương xô vào bờ toàn tết bằng dây vụn. Tôi mô phỏng bằng dây những cánh đồng khoai tây Kashubes và những đồng cỏ Normandie. Toàn bộ phong cảnh đó, tôi gọi là Châu Âu cho gọn và làm sống động lên bằng những nhân vật như những người bảo vệ Sở Bưu chính, các chủ hiệu tạp hóa, những người trên khán đài, những người dưới chân khán đài, học sinh với những túi kẹo, người gác bảo tàng hấp hối, bọn tội phạm vị thành niên chuẩn bị lễ Giáng Sinh, kỵ binh Ba Lan lúc hoàng hôn, đàn kiến đang làm lịch sử, đoàn văn công chiến trường, người đứng tẩy uế cho những người nằm ở trại Treblinka. Và giờ đây tôi bắt tay vào "Người tỵ nạn từ phương Đông" mà rất có thể sẽ phát triển thành một nhóm tỵ nạn từ phương Đông.

Ngày 12 tháng 6 năm 1945, vào khoảng 11 giờ trưa, ông Matzerath rời khỏi Danzig, mà hồi đó đã được đổi tên thành Gdansk. Cùng đi với ông, có bà góa Maria Matzerath, mà bệnh nhân của tôi gọi là người tình cũ của mình, và Kurt Matzerath, mà bệnh nhân của tôi cho là con trai mình. Ngoài ra, ông nói với tôi, còn có ba mươi hai người khác trong toa hàng, trong đó có bốn nữ tu sĩ dòng Francisco ăn vận theo quy phạm và một cô gái đầu chít khăn mà ông Oskar Matzerath dám chắc đã nhận ra là Lucy Rennwand. Sau khi tôi hỏi đi hỏi lại nhiều lần, ông thừa nhận rằng tên thật cô gái này là Regina Raeck, tuy nhiên, ông vẫn nhắc đến một bộ mặt cáo vô danh, chành ba góc mà ông tiếp tục gọi đích danh là Lucy. Mặc dù thế, tên thật cô gái, như tôi xin phép ghi ở đây, đúng là Regina Raeck. Cô đi cùng với cha mẹ, ông bà và một ông bác ốm. Ông này, ngoài gia đình, còn mang theo về miền tây một chứng ung thư dạ dày ác tính, ông nói luôn mồm và chưa chi đã xưng là cựu đảng viên Xã hội - Dân chủ.

Theo trí nhớ bệnh nhân của tôi thì trước khi đến Gdynia - nơi này trong bốn năm rưỡi đã mang tên Gotenhafen - chuyến đi không có sự kiện gì đặ biệt. Hai phụ nữ người Oliva, mấy đứa nhỏ và một ông già khóc cho đến khi tàu đi qua Zoppot mới nín, trong khi các nữ tu sĩ xoay ra cầu nguyện.

Đến Gdynia, tàu dừng năm tiếng. Thêm hai phụ nữ và sáu đứa bé được lèn lên toa. Ông Xã hội – Dân chủ phản đối với lý do là ông ốm và với tư cách là đảng viên Xã hội - Dân chủ từ trước chiến tranh, phải được đối xử đặc biệt. Nhưng khi ông không chịu ngồi xuống và im miệng, viên sĩ quan Ba Lan phụ trách đoàn tàu bèn tát vào mặt ông và nói bằng tiếng Đức rất trôi chảy rằng y, sĩ quan Ba Lan, không biết Xã hội - Dân chủ là cái quái gì hết. Trong chiến tranh, y đã phải đến nhiều nơi trên đất Đức và chưa bao giờ cái từ "Xã hội - Dân chủ" lọt vào tai y. Ông Xã hội - Dân chủ bị ung thư dạ dày không có cơ may nào để giải thích mục đích, bản chất và lịch sử Đảng Xã hội - Dân chủ Đức cho viên sĩ quan Ba Lan nghe vì viên sĩ quan Ba Lan đã rời toa xe, đóng cửa toa và khóa trái ở bên ngoài.

Tôi quên chưa viết rằng tất cả mọi người đều ngồi hoặc nằm trên nệm rơm. Khi tàu lại bắt đầu chuyển bánh vào lúc chiều muộn ngày hôm ấy, có mấy người đàn bà tru tréo lên: "Chúng ta lại quay về Danzig." Nhưng họ nhầm. Tàu chỉ chuyển qua một đường tránh, rồi lại đi về phía tây, hướng tới Stolp. Hành trình, đến Stolp, theo lời người kể, kéo dài bốn ngày; đoàn tàu luôn luôn bị ách lại bởi những du kích cũ và bọn găngxtơ trẻ Ba Lan. Bọn này mở những cánh cửa trượt, để một chút khí trời mát mẻ lọt vào và mỗi lần lại lấy đi một phần hành lý của hành khách cùng với chút ít thán khí. Cứ khi nào bọn cướp trẻ xuất hiện ở toa ông Matzerath, bốn nữ tu sĩ lại đứng dậy và giơ thánh giá lên. Bốn cây thánh giá gây ấn tượng sâu sắc đối với bọn này, chúng không quên làm dấu trước khi ném những va-li và ba-lô của hành khách xuống đường.

Khi ông Xã hội - Dân chủ chìa một tờ giấy của nhà chức trách Ba Lan ở Danzig chứng nhận ông đã từng là một đảng viên nộp đảng phí đều đặn của Đảng Xã hội - Dân chủ từ 1931 đến 1937, thì bọn cướp trẻ không làm dấu thánh giá, mà hất tờ giấy khỏi tay ông và lấy đi hai cái va-li của ông và cái ba-lô của vợ ông; cái áo ba-đờ-xuy đẹp kẻ ca-rô to ông trải ra để nằm, cũng được đưa ra hưởng không khí thoáng mát của miền Pomerania.

Mặc dù thế, ông Matzerath nói đám thiếu niên này xem ra rất có kỷ luật và, nói chung, gây một ấn tượng tốt đối với ông. Theo ông, đó là do ảnh hưởng của gã cầm đầu; gã này, mặc dầu mới trạc mười sáu tuổi, đã tỏ rõ tính cách, khiến ông Matzerath vừa thích thú vừa đau lòng nhớ đến Störtebeker, thủ lĩnh của băng Quét Bụi.

Khi gã thiếu niên giống Störtebeker ấy đang giật chiếc ba-lô khỏi tay bà Maria Matzerath, vào giây cuối ông Matzerath với tay ra, lấy lại cuốn album ảnh gia đình may sao nằm ngay trên chốc. Gã cướp trẻ đã sắp nổi khùng, nhưng khi bệnh nhân của tôi giở cuốn album ra, chỉ cho gã một tấm ảnh bà ngoại Koljaiczek của ông, thì gã buông chiếc ba-lô của Maria xuống, hẳn là vì nghĩ đến bà ruột của chính mình. Đưa hai ngón tay lên vành chiếc mũ Ba Lan chóp nhọn theo kiểu chào nhà binh, gã nói: "Do widzenia (tạm biệt)!" về phía gia đình Matzerath, và cùng đồng bọn ròi khỏi toa tàu, mang theo một cái va-li của một người khác thay vào cái ba-lô nhà Matzerath.

Ngoài một vài thứ đồ lót, cái ba-lô được để lại cho gia đình sở hữu nhờ cuốn album ảnh gia đình ấy gồm những sổ sách kế toán, sổ ghi tài khoản, các giấy chứng thực nộp thuế của cửa hàng tạp hóa Matzerath và một chiếc vòng hồng ngọc trước kia của mẹ ông Matzerath mà bệnh nhân của tôi giấu trong một gói thuốc tẩy uế; cuốn cẩm nang văn hóa, gồm một nửa là những trích đoạn từ Rasputin và nửa kia là những đoạn văn tuyển từ Goethe, cũng theo ông Matzerath trong cuộc hành trình về miền tây.

Bệnh nhân của tôi kể rằng trong chuyến đi, ông thường hay xem lại cuốn album ảnh và thi thoảng tra cứu cuốn cẩm nang văn hóa và nhờ đó mà qua rất nhiều giờ thú vị đầy suy tư, bất chấp những cơn đau dữ dội ở các khớ

Ông cũng đề nghị tôi nói rõ rằng tất cả những lắc lư, xóc nẩy, những khúc rẽ và giao điểm, nhịp rung chuyển không ngừng của trục trước mà ông nằm ngay bên trên đó, đã thúc dẩy sự tăng trưởng của ông. Ông thôi không phát triển chiềụ ngang nữa mà bắt đầu dài ra. Các khớp bị sưng nhưng không viêm tấy giờ có cơ hội giãn ra. Ngay cả tai, mũi và bộ phận sinh dục của ông, dưới tác động của những cú sốc, cũng to lên trông thấy. Chừng nào tàu còn chuyên động, ông Matzerath dường như không cảm thấy đau đớn gì cả. Chỉ những khi tàu dừng vì bị du kích hoặc đám thiếu niên phạm pháp ách lại, ông mới bị những cơn đau nhói, nhay nhứt mà ông cố xoa dịu bằng cuốn album ảnh, ông kể với tôi thế.

Ngoài gã Störtebeker Ba Lan, có mấy tên cướp trẻ khác và một tay du kích trung niên cũng quan tâm đến cuốn album. Tay du kích dạn dày chiến trận thậm chí còn ngồi xuống, châm một điếu thuốc lá và trầm ngâm giở hết cuốn album, không bỏ sót một tấm ảnh nào. Giả bắt đầu bằng tấm chân dung ông ngoại Koljaiczek, lần theo sự đi lên được minh họa bằng hình ảnh của gia đình và tiếp tục với những tấm ảnh chụp nhanh của bà Maria Matzerath cùng đứa con trai Kurt hồi lên một, hai, ba, bốn tuổi. Bệnh nhân của tôi thậm chí còn thấy giả tủm tỉm cười khi nhận ra một số chuyện huê tình trong gia đình. Tay du kích chỉ phật ý khi cái huy hiệu Đảng không thể lẫn được trên ve áo của ông Matzerath-cha quá cố và ông Ehlers, cựu thủ lĩnh nông dân địa phương ở Ramkau, kẻ đã lấy vợ goá của Jan Bronski, người bảo vệ Sở Bưu chính Ba Lan. Bệnh nhân của tôi kể rằng ông đã lấy dao nhíp cạo những cái huy hiệu khó coi ấy ngay trước mắt người phê phán khiến giả rất thỏa mãn.

Ông Matzerath thấy cần cho tôi biết rằng, không giống như bao gã khác, tay du kích này là du kích thứ thiệt. Bởi vì - vẫn theo lời bệnh nhân của tôi - không có cái thứ du kích làm việc một phần thời gian. Du kích thứ thiệt là du kích toàn phần và thường xuyên chừng nào họ còn sống. Họ đưa những chính phủ bị đổ trở lại nắm chính quyền và lật đổ những chính phủ vừa được du kích đặt lên ngôi. Ông Matzerath lập luận - và tôi thấy luận thuyết của ông hoàn toàn có lý - rằng trong tất cả những người dấn thân vào chính trị, người du kích bất trị luôn phá những gì mình vừa dựng lên, là gần gũi nhất với người nghệ sĩ vì hắn, trước sau như một, luôn bác bỏ những gì hắn vừa sáng tạo nên.

Bản thân tôi cũng thế. Tôi vừa mới đắp thạch cao lên những tượng nút cho chúng thành hình thì đã muốn đấm nát chúng ra. Liên quan đến điểm này, tôi bỗng nhớ đến cái đề tài sáng tác mà bệnh nhân của tôi đã đặt cho tôi cách đây mấy tháng, ông muốn tôi làm sao chỉ bằng dây thông thường thô sơ, kết hợp được Rasputin, tay thày mo Nga, với Goethe, thi bá Đức, trong một hình tượng duy nhất, hơn thế nữa lại phải giống hệt ông ta. Thậm chí ông biết tôi đã thắt nút bao nhiêu ki-lô-mét dây, để tạo ra một tổng hợp khả di của hai thái cực ấy. Nhưng giống như tay du kích mà ông Matzerath thán phục, tôi vẫn phân vân và không thoả mãn; những gì tôi thắt nút bằng tay phải, tay trái tôi lại gỡ ra, những gì tay trái tôi tạo nên, tay phải lại đập nát.

Nhưng chính ông Matzerath cũng không thể kể câu chuyện của mình một cách nhất quán thẳng băng được Chẳng hạn như bốn nữ tu sĩ, lúc trước ông liệt họ vào dòng Francisco, lúc sau ông lại gọi họ là những bà phước của dân nghèo. Nhưng điều khiến câu chuyện của ông trật đường ray hơn tất thảy, là cái cô gái có hai tên và một bộ mặt cáo. Để cho thật sự công tâm, đáng ra tôi phải viết hai (hoặc hơn nữa) dị bản riêng rẽ về cuộc hành trình của ông từ Đông sang Tây. Song đó không phải nghề của tôi, cho nên tôi ưng tập trung vào ông Xã hội - Dân chủ vốn chỉ có một tên và, như bệnh nhân của tôi bảo đảm, một chuyện duy nhất mà ông ta không ngừng lặp đi lặp lại cho đến tận trước khi tới Stolp một lúc, cụ thể là: cho đến năm 1937, ông đã từng là một thứ du kích dám mạo hiểm sức khỏe của mình và hy sinh thời gian rảnh rỗi để đi dán áp-phích, vì ông là một trong số ít đảng viên Xã hội - Dân chủ đi dán áp-phích cả những lúc trời mưa.

Ông vẫn nói n xì mỗi câu chuyện ấy khi, cách Stolp một quãng không xa, đoàn tàu lại bị một băng cướp trẻ khá đông ách lại không biết lần thứ bao nhiêu. Vì hành lý chẳng còn lại bao nhiêu, nên các vị khách dồn sự chú ý vào áo quần. Nhưng chúng tỏ ra rất biết điều, chỉ muốn quần áo ngoài của nam thôi. Nhưng ông Xã nội - Dân chủ thì nghĩ hoàn toàn ngược lại. Ông nói một người thợ may tài khéo có thể biến những bộ đồ rộng thùng thình (không biết tốn bao nhiêu mét vải len?) của các nữ tu sĩ kia thành nhiều bộ com-lê tuyệt hảo. Ông Xã hội - Dân chủ, như ông nhiệt thành tuyên bố, là kẻ vô thần. Các tiểu lục lâm chẳng nhiệt thành tuyên bố gì, nhưng sự gắn bó của chúng với Nhà thờ Chính giáo duy nhất cứu rỗi là không thể nghi ngờ. Chúng thích bộ com-lê cài thắng của kẻ vô thần hơn những bộ đồ len rộng của các nữ tu sĩ nhiều. Kẻ vô thần không chịu cởi bỏ áo vet-tông, gi-lê và quần. Thay vì làm vậy, ông kể cho chúng nghe về sự nghiệp dán áp-phích tuy ngắn ngủi nhưng xuất sắc của ông với tư cách là đảng viên Xã hội - Dân chủ và khi ông từ chối cả hai điều: ngừng nói và cởi bộ com-lê, một chiếc ủng trước đây thuộc sở hữu của quân đội Đức bèn phóng vào bụng ông.

Ông Xã hội - Dân chủ nôn. Cơn nôn của ông dữ dội và kéo dài, và cuối cùng ông thổ ra máu. Ông nôn cả ra quần áo, khiến các tiểu lục lâm đâm mất hết thích thú đối với bộ com-lê mặc dù chỉ cần giặt khô một lần thật kỹ là dễ dàng xóa sạch dấu vết. Quay lưng lại với y phục đàn ông, chúng lột một chiếc áo blu lụa màu xanh nhạt của bà Maria Matzerath và một chiếc áo đan kiểu Bavaria của cô gái không phải tên là Lucy Rennwand mà là Regina Raeck. Rồi chúng đóng cửa toa lại, nhưng không hoàn toàn và tàu chuyển bánh, trong khi ông Xã hội - Dân chủ bắt đầu hấp hối.

Hai hoặc ba cây số trước Stolp, tàu rẽ vào một đường tránh và nằm lại đó suốt đêm - một đêm trời trong, đầy sao nhưng hơi lạnh đối với một tháng sáu.

Ông Xã hội - Dân chủ, quá gắn bó với bộ com-lê của mình, đã chết đêm ấy. Ông chết lèm bèm, thiếu tư cách, lớn tiếng báng bổ Thượng Đế và h hào giai cấp công nhân đấu tranh. Lời cuối cùng của ông, giống như trong phim, là: "Tự do muôn năm!" Rồi ông ra đi trong một cơn nôn thốc tháo làm cả toa kinh hãi.

Sau đó, bệnh nhân của tôi kể, không có ai kêu khóc. Im lặng kéo dài, chỉ thỉnh thoảng ngắt quãng bởi tiếng răng đánh đàn của bà Maria rét run vì mất chiếc áo blu, cũng bởi còn bao nhiêu quần áo bà đắp cả lên cho đứa con trai Kurt và ông Matzerath. Gần sáng, hai nữ tu sĩ đảm lược vững vàng thấy cửa toa còn mở, bèn quét dọn số rơm ướt, cứt trẻ con và người lớn cùng đống mửa của ông Xã hội - Dân chủ ra ngoài.

Đến Stolp, các sĩ quan Ba Lan lên kiểm tra tàu. Mọi người được phát xúp nóng và một thứ đồ uống tựa như thế phẩm cà phê. Cái xác trong toa ông Matzerath bị tịch thu để tránh nguy cơ lây nhiễm và được mấy người của tổ chức y tế mang đi trên một tấm ván. Theo yêu cầu của các nữ tu sĩ, một sĩ quan cao cấp để cho gia đình có thì giờ đọc một bài kinh cầu nguyện ngắn. Họ cũng được phép cởi bộ com-lê và giày, tất của người chết. Trong khi diễn ra màn giải y này - sau đó, cái xác được phủ bằng bao xi-măng - bệnh nhân của tôi tranh thủ quan sát cháu gái ông cựu đảng viên Xã hội - Dân chủ. Một lần nữa, với một cảm giác ghê tởm pha lẫn với mê muội, cô gái tên là Raeck ấy vẫn nhắc ông nhớ đến Lucy Rennwand mà tôi đã tạo hình bằng nút dây và đặt tên là "Người ăn xăng-đuých". Đúng là cô gái trong toa xe, khi thấy ông bác mình bị lột, không vớ lấy một chiếc xăng-đuych để nhai, nhưng cô có tham gia vào cuộc vơ vét, chiếm chiếc gi-lê trong bộ com-lê, mặc luôn vào thay thế chiếc áo vét đan bị cướp và rút ra một chiếc gương bỏ túi ngắm nghía mình trong món trang phục mới khá hợp ấy. Và rồi - ông Matzerath nói là đến bây giờ ông vẫn kinh hoàng khi nhớ lại - cô thấy ông trong tấm gương ấy và, bằng đôi mắt him him như hai sợi chỉ trong một hình tam giác, cô ta lạnh lùng, rất lạnh lùng quan sát ông.

Từ Stolp đến Stettin mất hai ngày, vẫn còn những chặng dừng ngoài ý muốn và những cuộc thăm hỏi của các thiếu niên phạm pháp được trang bị tiểu liên và dao găm lính dù. Nhưng những đợt thăm hỏi này càng lúc càng ngắn vì hầu như chả còn gì để mà vét.

Bệnh nhân của tôi nói là từ Danzig-Gdansk đến Stettin, ông đã lớn thêm chín, mười phân. Dài ra nhiều nhất là chân, còn ngực và đầu thì ít thay đổi. Tuy nhiên, mặc dầu bệnh nhân của tôi nằm ngửa suốt chuyến đi, điều đó vẫn không ngăn nổi sự xuất hiện của một cái bướu ở khá cao và hơi chếch về bên trái, ông Matzerath cũng thừa nhận rằng từ sau Stettin - trong thời gian đó, nhân viên đường sắt người Đức đã thay thế - những cơn đau càng tăng và phương thuốc giở album ảnh ra xem đã hết công hiệu. Ông kêu luôn miệng và khá to, nhưng không làm vỡ kính ở bất cứ ga nào (Matzerath: "Giọng tôi đã mất khả năng hủy hoại thủy tinh") mà chỉ khiến bốn bà nữ tu đến vây quanh cầu nguyện mãi không thôi.

Đến Schwerin, một nửa số bạn đồng hành của ông, kể cả cô Regina và các thành viên khác của gia đình ông Xã hội - Dân chủ quá cố, xuống tàu. Ông Matzerath lấy làm tiếc, ông đã quen nhìn cô gái và hình ảnh cô ta đã trở nên cần thiết đối với ông đến nỗi khi cô ta đi rồi, ông bỗng lên cơn co giật kèm theo sốt cao. Theo lời bà Maria Matzerath, trong cơn mê sảng, ông hét lớn gọi tên một cô Lucy nào đó, tự gọi mình là một con vật huyền thoại, một con kỳ lân, và hình như sợ ngã, đồng thời lại hăm hở định lao xuống từ một cái tháp nhảy cầu mười mét.

Đến Lüneburg, ông Oskar Matzerath được đưa vào một bệnh viện. Tại đây, trong cơn sốt, ông làm quen với một số nữ y tá nhưng chẳng bao lâu, được chuyển sang Bệnh viện Đại học ở Hanover; tại đây, người ta hạ được cơn sốt của ông. Một thời gian, ông Matzerath rất ít gặp hai mẹ con Maria; mãi sau khi kiếm được chân lao công quét dọn trong bệnh viện, bà Maria mới có thể thăm ông hằng ngày. Bà Matzerath không được xếp cho ở trong bệnh viện. Hai mẹ con bà, cuối cùng, phải vào một trại tỵ nạn ở ngoại vi thành phố và mỗi ngày, bà mất ít nhất ba tiếng vừa đi vừa về trên những chuyến tàu chật như nêm, thường là phải đứng trên bậc. Chẳng bao lâu, bà hoàn toàn kiệt sức và các bác sĩ, mặc dù băn khoăn, vẫn đồng ý cho chuyển ến Düsseldorf, ở đó bà Maria Matzerath có một người chị gái. Người chị gái này tên là Guste, lấy một trưởng bồi bàn mà bà ta gặp trong thời kỳ chiến tranh. Bấy giờ, người trưởng bồi bàn đang được ăn ở miễn phí tận bên Nga[72], nên bà ta có thể nhường cho bà Matzerath một phòng trong căn hộ hai phòng rưỡi của mình, ông Matzerath được nhận vào Bệnh viện thành phố Düsseldorf.

Căn hộ ở một nơi thuận tiện có nhiều tuyến xe điện chạy thẳng tới bệnh viện thành phố.

Ông Matzerath, nằm ở đó từ tháng 8-45 cho đến tháng 5-46. Trong khoảng trên dưới một tiếng đồng hồ vừa qua, ông kể với tôi về nhiều nữ y tá cùng một lúc. Tên của họ là Monica, Helmtrud, Walburga, Ilse và Gertrude, ông nhớ mọi thứ chuyện gẫu nhàm chán nhất và có vẻ bị ám ảnh bởi đồng phục của các nữ y tá và những chi tiết đời sống thường nhật của họ. Không một lời về thức ăn ở bệnh viện hồi ấy (mà nếu tôi nhớ không nhầm, là không thể nuốt được) hoặc về những phòng bệnh rét cóng, ông thuần nói về các nữ y tá thôi, ông nói hoài nói hủy về cái nhóm đáng ngán nhất này trong mọi thành phần xã hội. Hình như Xơ Ilse đã bí mật mách với y tá trưởng, thế là ngay sau giờ ăn trưa, y tá trưởng dám khám chỗ ở của các nữ y sinh. Có vật gì đó đã bị đánh cắp và một nữ y tá quê ở Dormund - tôi nghĩ là Gertrude, ông nói - đã bị buộc tội oan. Lại có những bác sĩ trẻ luôn luôn săn đuổi các nữ y tá và họ chỉ muốn có một thứ - tem thuốc lá của các nữ y tá. Trên tất cả, ông thấy cần kể với tôi về một nữ nhân viên phòng thí nghiệm - riêng lần này không phải nữ y tá - bị buộc tội là đã tự mình phá thai, có lẽ với sự giúp đỡ của một sinh viên nội trú. Tôi quả không hiểu tại sao bệnh nhân của tôi lại tiêu phí thì giờ và đầu óc vào những chuyện tầm phào như vậy.

Ông Matzerath vừa mới đề nghị tôi miêu tả ông. Tôi rất vui lòng làm điều đó. Như vậy, tôi có thể bỏ qua hàng tá chuyện tràng giang đại hải và đầy mỹ tự* về các nữ y tá của ông.

Bệnh nhân của tôi cao một mét hai mươi mốt xăng-ti-mét. Ông ta mang giữa đôi vai một cái đầu mà ngay cả với người tầm vóc bình thường cũng là quá to, trên một cái cổ ngắn đến nỗi tưởng như không có. Mắt ông xanh lơ, sảng lấp lánh, lanh lợi thông minh, thi thoảng mang một vẻ mơ mộng ngây ngất. Tóc nâu sẫm, rậm, hơi lượn sóng, ông thích phô hai cánh tay lực lưỡng so với phần còn lại của cơ thể và hai bàn tay mà ông tự khen là đẹp. Đặc biệt khi ông Matzerath chơi trống - việc này được ban giám đốc cho phép mỗi ngày ba tiếng hoặc nhiều lắm là bốn tiếng - những ngón tay ông dường như tự mình chuyển động và thuộc về một cơ thể khác cân đối hơn. ông Matzerath đã giàu to nhờ những đĩa hát đến bây giờ vẫn còn thu lời. Vào những ngày thăm bệnh nhân, nhiều nhân vật đặc biệt tới thăm ông. Ngay cả trước vụ án của ông, trước khi ông được đưa tới đây, tôi đã nghe danh ông bởi vì Oskar Matzerath là một nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng. Riêng cá nhân tôi tin rằng ông vô tội và tôi không chắc liệu ông sẽ còn ở lại đây với chúng tôi hay sẽ được ra ngoài để tiếp tục sự nghiệp đầy thành công của mình. Bây giờ, ông muốn tôi đo lại cho ông, mặc dù tôi vừa làm điều đó cách đây có hai ngày.

Không buồn xem lại những gì Bruno, gã y tá của tôi, đã viết, tôi, Oskar, lại cầm bút lên.

Bruno vừa đo tôi bằng cái thước gấp của anh ta. Anh ta đã bỏ cái thước nằm bên cạnh tôi và hối hả chạy ra khỏi phòng, lớn tiếng công bố kết quả. Thậm chí anh ta buông rơi cả cái tác phẩm tạo hình bằng nút dây mà anh ta đã bí mật làm trong khi nghe tôi kể chuyện mình. Tôi đoán anh ta đi kiếm (nữ) Bác sĩ Hornstetter.

Nhưng trước khi bà ta đến và xác nhận số đo của Bruno, Oskar xin nói để quý vị rõ điều gì đã xẩy ra: trong ba ngày kể chuyện về sự tăng trưởng của tôi cho y tá của tôi nghe, tôi đã lớn lên cả hai phân rưỡi!

Và như ậy, từ hôm nay, Oskar cao một mét hai mươi ba xăng-ti-mét rưỡi. Bây giờ hắn sẽ kể những gì xẩy đến với hắn sau chiến tranh, khi hắn ra khỏi Bệnh viện thành phố Düsseldorf. Bấy giờ, tôi là một thanh niên với sức khỏe tàm tạm tuy hơi dị dạng, viết thì khó khăn nhưng nói và đọc thì lưu loát. Và giống như mọi người vừa ra khỏi bệnh viện, tôi hy vọng sẽ có thể bắt đầu một cuộc đời mới, cuộc đời của người trưởng thành.

QUYỂN III

ĐÁ LỬA VÀ BIA MỘ

Béo, vui tánh, luôn buồn ngủ. Guste Truczinski, khi trở thành Guste Köster, chả cần phải thay đổi gì, nhất là vì sự kết hợp của chị với Köster lại quá đỗi ngắn ngủi: họ đính hôn được hai tuần thì anh phải xuống tàu biển lên Mặt trận Bắc cực; khi anh về nghỉ phép, họ làm lễ cưới và qua với nhau mấy đêm, phần lớn là dưới hầm tránh máy bay. Mặc dầu không có tin tức gì về Köster từ sau khi quân đoàn Courland đầu hàng, mỗi khi có ai hỏi về chồng mình, Guste đều chỉ ngón cái về phía bếp mà lời chắc như đinh đóng cột: "À, anh ấy bị bắt làm tù binh ở bên Nga. Khi anh ấy trở về, nơi đây sẽ có không ít thay đổi."

Những thay đổi mà chị ám chỉ, có liên quan đến Maria và nhất là bé Kurt. Được xuất viện, tôi chào tạm biệt các nữ y tá và hẹn khi có dịp sẽ tới thăm. Rồi tôi đáp xe điện đến Bilk, nơi hai chị em và Kurt con trai tôi đang ở. Ngôi nhà chung cư dừng lại ở tầng tư; phần còn lại, bao gồm mái, đã bị lửa thiêu. Bước vào căn hộ tầng ba, tôi thấy Maria và con trai tôi đang bận rộn với những hoạt động chợ đen. Kurt, giờ đã sáu tuổi, đang tính toán trên đầu ngón tay. Ngay cả trong chợ đen, Maria vẫn trung thành với Matzerath của mình. Nàng buôn bán mật ong tổng hợp. Nàng đong mật ong từ những thùng không dán nhãn và cân hàng trên cái cân trong bếp. Tôi chưa kịp làm quen với căn hộ chật cứng, nàng đã xếp tôi vào việc đóng gói.

Kurt ngồi sau "quầy” của nó - một cái hòm xà phòng. Nó nhìn về phía ông bố khỏi bệnh trở về, nhưng đôi mắt xám lạnh băng lại như tập trung vào một cái gì quan trọng bên kia tôi. Trước mặt nó, là một tờ giấy trên đó nó đang cộng những dãy số tưởng tượng. Chỉ trong đúng sáu tuần học trong những gian lớp quá đông và không đủ ấm, nó đã có cái vẻ của một người tự lập rất bận rộn.

Guste Köster đang uống cà phê - cà phê thứ thiệt, như Oskar nhận thấy khi chị đưa mời tôi một tách. Trong khi tôi đóng gói mật ong, chị quan sát cái bướu của tôi với vẻ tò mò kèm theo một cái nhìn thương hại về phía cô em gái. Chị phải khó khăn lắm mới ngồi yên, không vuốt ve cái bướu của tôi, vì như tất cả phụ nữ, chị tin rằng sờ, vỗ hoặc vuốt ve một cái bướu sẽ đem lại may mắn. Đối với Guste, may mắn có nghĩa là sự trở về của Köster và anh ấy sẽ thay đổi tất cả. Thay vì, chị dằn lòng vỗ vỗ tách cà phê và trút một tiếng thở dài kèm theo bài kinh mà trong nhiều tháng sau, tôi còn phải nghe mỗi ngày mấy lần: "Khi nào Köster về, tất cả sẽ thay đổi trong nháy mắt. Chú có thể tin chắc thế!"

Guste phản đối chợ đen nhưng không chống việc uống cà phê thứ thiệt đổi được bằng mật ong tổng hợp. Khi có khách hàng đến, chị rời phòng khách, lạch bạch đi vào bếp ở đó chị cố tình khua xoong chảo ra ý phản đối.

Khách hàng không thiếu. Vào lúc chín giờ, ngay sau bữa điểm tâm, chuông cửa bắt đầu réo: ngắn - dài - ngắn. Cứ mười giờ tối là Guste ngắt chuông điện, bất chấp sự phản đối thường xuyên của Kurt, bởi việc học hành lấn quá nhiều sang thời gian kinh doanh của nó.

"Có mật ong tổng hợp không?" khách hỏi.

Maria khẽ gật đầu và hỏi lại: "Một phần tư hay nửa pao? "Nhưng cũng có người không cần mật ong. Họ nói: "Đá lửa?" Thế là Kurt - nó học đan xen hôm buổi sáng, hôm buổi chiều - ra khỏi những dãy số, luồn tay dưới chiếc áo "pul" tìm một cái túi vải và ném cái giọng thách thức trẻ con của nó vào phòng khách: "Ba hay bốn? hay lấy cả năm viên đi. Kẻo nó lên đến hai bốn bây giờ. Tuần trước, có mười tám, mà sáng nay cháu phải lấy hai mươi đấy. Nếu bác đến hai tiếng trước, ngay sau lúc tan học thì cháu có thể để cho bác hai mốt."

Trong một phạm vi dài sáu khối nhà và rộng bốn khối, Kurt là người buôn bán đá lửa duy nhất. Nó có "nguồn cung cấp" riêng mà nó không tiết lộ cho ai biết mặc dù nó không ngừng nhắc đến cái "nguồn" đó. Ban đêm, trước khi đi ngủ, thay vì đọc kinh, nó nói: "Tôi có một nguồn cung cấp."

Với tư cách là cha, tôi đòi quyền được biết "nguồn" của con trai mình. Nó thậm chí không buồn làm ra vẻ bí mật khi nói: "Tôi có một nguồn cung cấp." Nếu giọng nó có biểu hiện một cái gì, thì đó là tự hào và tự tin. "Con kiếm đâu ra những viên đá ấy?” tôi sẵng giọng. "Nói ngay cho ta bi

Cái điệp khúc của Maria dạo ấy, mỗi khi tôi gặng hỏi về cái "nguồn", là: "Để cho thằng bé yên nào. Trước hết đó không phải việc của anh; thứ hai, nếu ai có trách nhiệm hỏi, thì đó là tôi; thứ ba, đừng có làm như thể anh là cha đẻ của nó. Mấy tháng trước, thậm chí anh còn không mở miệng được nữa là."

Khi tôi tỏ ra quá đỉa, một mực đòi truy cho ra "nguồn" của Kurt, Maria bèn đập tay xuống thùng mật ong và phẫn nộ đến tận khuỷu, nàng làm một thôi một hồi vào mặt cả tôi lẫn Guste đôi khi cũng về hùa với Oskar: "Đẹp mặt các người nhỉ! Định phá việc làm ăn của thằng bé đấy hẳn. Hừ, cắn cả vào bàn tay cho mình ăn! Nghĩ đến tí chút ca-lô-ri Oskar được trợ cấp ốm, đớp hai ngày hết xoẳn mà thấy buồn nôn! Không, thực ra là buồn cười chứ!"

Oskar không thể phủ nhận điều đó: dạo ấy, tôi ăn như thuồng luồng và chính nhờ có Kurt và "nguồn" của nó mang lại nhiều lời hơn mật ong, mà Oskar hồi phục được sức khỏe sau chế độ ăn còm cõi ở bệnh viện.

Oskar đành im miệng, xấu hổ. Với món tiền tiêu vặt mà bé Kurt hào phóng chi cho, hắn thường ra khỏi căn hộ ở Bilk càng nhiều càng tốt để tránh phải đối mặt với nỗi nhục của mình.

Ngày nay, có nhiều kẻ giàu xụ phê phán phép màu kinh tế[73], họ thường lên giọng hoài cổ - và càng ít nhớ về tình hình ngày xưa bao nhiêu, họ lại càng tỏ ra hoài cổ bấy nhiêu - mà than: "Ôi, những ngày tốt đẹp trước khi có cuộc cải cách tiền tệ! Mọi người sống hay biết bao! Bụng lép kẹp vẫn xếp hàng chờ mua vé xem hát. Và những cuộc liên hoan bất chợt ngẫu hứng với mấy chiếc bánh quy mặn và một chai rượu khoai tây, mới tuyệt làm sao! Còn vui gấp mấy những pạc-ti linh đình, la liệt ca-vi-a và sâm-banh bây gi

Đó là cái mà quý vị có thể gọi là chủ nghĩa lãng mạn của những thời cơ bị mất. Tôi có thể hòa giọng cùng than với họ nếu tôi muốn, bởi vì vào những ngày mà "nguồn" của Kurt tuôn trào, tôi bỗng trở nên ham học và tích lũy được một số kiến thức văn hóa hầu như miễn phí. Tôi theo những lớp học ban đêm, trở thành khách thường xuyên của British Center còn gọi là "Die Brücke (cây cầu)", tranh luận với cả những người đạo Thiên Chúa lẫn Tin Lành về trách nhiệm tập thể và chia sẻ cảm giác phạm tội của tất cả những ai tự nhủ mình: "Hãy làm phần việc của mình bây giờ đi; rồi khi tình hình bắt đầu khả quan hơn thì ta đã dứt điểm rồi và lương tâm ta sẽ yên ổn."

Dù sao đi nữa, chính nhờ những lớp học đêm mà tôi đã gom nhặt được chút học vấn hiện có. Tôi phải thú nhận ngay rằng nó chưa đi đến đâu mà những lỗ hổng thì thật là vĩ đại. Tôi bắt đầu đọc nghiến ngấu; giờ đây lớn rồi, tôi không còn thỏa mãn với một thế giới quá ư đơn giản hóa chia đều giữa Goethe và Rasputin, hoặc với những thông tin có thể lựa ra từ những số tạp chí Lịch Hàng Hải của Kohler từ 1904 đến 1916. Tôi không còn nhớ tôi đã đọc những gì. Tôi đọc trong cầu tiêu. Tôi đọc trong khi xếp hàng mua vé xem hát, giữa những cô gái để tóc bím kiểu rô-cô-cô cũng đang đọc. Tôi đọc trong khi Kurt bán những viên đá lửa của nó và trong khi bản thân tôi đang đóng gói mật ong tổng hợp. Và khi cắt điện, tôi đọc dưới ánh sáng của những ngọn nến cũng từ "nguồn" của Kurt mà ra.

Tôi lấy làm xấu hổ mà thưa rằng những gì tôi đọc dạo ấy không hề tồn đọng trong tôi, nó vào mắt này, ra mắt kia. Tôi chỉ giữ lại được một số cách đảo câu, vài ba câu cách ngôn, thế thôi. Còn nhà hát? Một số tên diễn viên: Hoppe, Peter Esser, Flickenschildt và cái cách phát âm chữ r rất đặc biệt của nàng. Tôi nhớ một vài sinh viên kịch nghệ ở những nhà hát thể nghiệm tìm cách cải tiến lối phát âm chữ r của Flickenschildt. Tôi nhớ Gründgens trong vai Tasso, ông có mặc đồ đen, nhưng bỏ vòng nguyệt quế do Goethe chỉ định, viện cớ là lá nguyệt quế làm hỏng tóc ông. Và vẫn Gründgens cũng vận đồ đen trong vai Hamlet. Và Flickenschildt quả quyết rằng Hamlet béo. Cái sọ của Yorick gây ấn tượng rất mạnh đối với tôi vì từ đó mà Gründgens rút ra những nhận xét kỳ diệu. Họ diễn Draussen vor der Tur[74] trong những rạp hát không có hệ thống sưởi trước những cử tọa như bị bắt mất hồn; đối với tôi, Beckmann trong vai người đàn ông mang mục kĩnh vỡ chính là Köster, chồng của Guste, người sẽ thay đổi tất cả khi trở về và sẽ vĩnh viễn làm cạn "nguồn" của Kurt con trai tôi.

Giờ đây, khi tất cả đã ở sau lưng, tôi biết rằng một cuộc nhậu sau chiến tranh chỉ là một cuộc nhậu và do đó, kèm theo một cảm giác ngất ngây khó chịu; một triệu chứng của cái ngất ngây đó là những việc làm tốt hay xấu mà mới ngày hôm qua còn tươi nguyên và sống động, nay đã thành lịch sử. Giờ đây, một lần nữa, tôi lại có thể đánh giá những gì Gretchen Scheffler đã dạy tôi giữa những vật lưu niệm du lịch và những đồ đan, móc của bà: không quá nhiều Rasputin, Goethe vừa phải thôi, Lịch sử thành phố Danzig của Keyser, trang bị vũ khí của một chiến thuyền nằm sâu dưới đáy biển từ bao lâu nay, tốc độ (tính bằng hải lý) của tất cả các ngư lôi hạm Nhật Bản đã tham gia trận Tsushima, chưa kể Belisarius và Narses, Totila và Teja như được thể hiện trong Cuộc đấu tranh vì thành Roma của Felix Dahn.

Mùa xuân năm 1947, tôi bỏ lớp học ban đêm, British Center, ông mục sư Niemöller và từ hàng ban-công thứ hai, tạm biệt Gründgens vẫn đóng Hamlet trong chương trình.

Chưa đầy hai năm trôi qua kể từ khi bên huyệt Matzerath, tôi quyết định lớn, thế mà tôi đã hết thú đời sống người lớn. Tôi mơ về cái kích thước ba tuổi đã mất của mình. Tôi lại muốn cao chín mươi tư xăng-ti-mét một lần nữa, thấp hơn bạn và thày Bebra của tôi, thấp hơn Roswitha yêu quý đã ra đi. Oskar nhớ cái trống của mình. Tôi làm những cuộc đi dạo dài, thường là kết thúc ở trước Bệnh viện thành phố. Bất kể thế nào, mỗi tháng tôi cũng phải đến Giáo sư Irdell một lần, ông coi Oskar là một "ca" lý thú. Với những khoảng cách đều đặn, Oskar đến thăm các nữ y tá hắn đã quen trong thời gian điều trị, và ngay cả những lúc họ không có thì giờ dành cho hắn, những bộ đồng phục trắng hối hả của họ, tượng trưng cho sự bình phục hay cái chết, cũng đem lại cho hắn một cảm giác gần như là hạnh phúc.

Các nữ y tá niềm nở với tôi, họ đùa với cái bướu của tôi một cách trẻ con nhưng không hề tinh quái, đãi tôi những món ngon lành và kể cho tôi nghe những chuyện dây cà ra dây muống, ru ngủ một cách dễ chịu về những phức tạp trong đời sống bệnh viện. Tôi lắng nghe, góp ý kiến và thậm chí còn có thể làm trọng tài cho một số cuộc cãi vã nho nhỏ của họ, vì tôi được cảm tình của nữ y tá trưởng. Vào những ngày đó, Oskar là người đàn ông duy nhất giữa trên dưới hai mươi nữ y tá, nói cách khác, hai mươi cô gái không còn trẻ lắm ngụy trang dưới những bộ đồng phục nữ y tá - kể cũng lạ, hắn thành một đối tượng để khao khát.

Như Bruno đã tả, Oskar có đôi bàn tay đẹp, biểu cảm, mái tóc lượn sóng, và đôi mắt Bronski xanh thăm thẳm, đầy sức chinh phục. Rất có thể, sự hấp dẫn của đôi bàn tay, đôi mắt và mái tóc của tôi lại được tô đậm thêm bởi cái bướu và độ xít xao khó coi giữa cái cằm và bộ ngực hẹp vồng lên. Dù sao đi nữa, không phải ít lần, trong khi tôi ngồi trong phòng các nữ y tá, họ nắm tay tôi, nghịch nghịch những ngón tay tôi, vuốt tóc tôi và nói vơi nhau lúc ra khỏi phòng: "Cứ nhìn vào mắt anh ta là quên hết tất cả." Vậy là tôi hơn hẳn cái bướu và nếu như tôi còn có cái trống, nếu như tôi có thể tin cậy vào tài đánh trống của những năm trước, rất có thể tôi đã thử tiến hành một cuộc chinh phục ở bệnh viện. Thực tế, tôi cảm thấy thiếu tự tin và không dám chắc về những phản ứng cơ thể của mình và tôi rời khỏi bệnh viện sau những món khai vị tình cảm ấy mà không dám dấn thêm bắt vào hành động chính. Tôi hít thở khí trời, đi dạo trong vườn hoặc quanh hàng rào dây thép, những mắt lưới nhỏ đều đặn của nó làm tâm tr tôi thư thái đến nỗi bật ra thành tiếng huýt gió. Tôi nhìn ngắm những chuyến xe điện đi về hướng Wersten và Benrath hoặc tha thẩn dọc theo lối đi dạo trong công viên bên cạnh đường cho xe đạp, và với một cảm giác buồn chán khoan khoái, tôi mỉm cười với những cố gắng của thiên nhiên đang sắm vai Mùa Xuân và, tuân thủ chương trình triệt để, làm các mầm, nụ nở bung hồ như nghe thấy được.

Bên kia đường, người họa sĩ Chúa Nhật của chúng ta ở trên Lời mỗi ngày lại thêm chút màu xanh tươi vào rặng cây của nghĩa trang Wersten. Các nghĩa trang bao giờ cũng hấp dẫn tôi. Chúng được bảo quản tốt, rất rõ nét, lô-gich, cường vượng và sống động. Trong nghĩa trang, người ta có thể huy động can đảm để đi đến những quyết định, trong nghĩa trang, cuộc sống hiện ra với đường viền thật nét - đây tôi không nhằm nói những cạnh viền mộ đâu - và, nếu quý vị muốn, mang một ý nghĩa.

Dọc theo tường phía bắc của nghĩa trang, có một con phố tên là Bittweg, lãnh địa của sáu vị sản xuất bia mộ. Có hai hãng lớn: C. Schnoog và Julius Wöbel, còn lại đều là những thợ thủ công nhỏ: R. Haydenreich, J. Bois, Kühn & Müller và P. Korneff. Những xưởng và lán với những tấm biển treo từ trên mái xuống, một số mới kẻ, số khác mờ cũ gần như không đọc nổi, cho biết tên hãng và tính chất của sản phẩm: Bia Mộ - Tang Đài và Viền Mộ - Đá Tự Nhiên và Nhân Tạo - Nghệ Thuật Tang Chế. Biển của Korneff long lở đến nỗi tôi phải đánh vần mãi mới ra: P. Korneff, Thợ Đẽo Đá và Khắc Bia.

Giữa xưởng và hàng rào dây thép bao quanh sân, là những dãy tang đài trên bệ đơn hoặc kép, nhiều kích cỡ khác nhau, được tính toán để tô điểm cho mọi loại, từ mộ một hoặc hai hoặc ba người cho đến hầm mộ gia đình cho bốn người. Ngay sau hàng rào, in bóng cái mô-típ mắt lưới của nó những lúc trời nắng, là một bộ các kiểu bia mộ đa dạng: đệm đá vôi cho người ví lép, đá phiến đi-o-rít mài bóng, bia mộ cho trẻ con với độ cao tiêu chuẩn tám mươi xăng-ti-mét bằng cẩm thạch Silesia hơi vẩn, có đường rãnh viền quanh, phía trên có trang trí hoa văn khắc chìm, phần lớn là những đoá hồng gẫy. Rồi đến một loạt những phiến đá cát kết xoàng xĩnh thu nhặt từ những mặt tiền của các nhà ngân hàng và cửa hàng bách hóa tổng hợp bị bom. Bày ở chính giữa là mặt hàng vua: một tang đài bằng cẩm thạch Tyrol trắng ngả xanh lơ gồm ba bệ, hai tấm phụ hai bên một bia lớn chạm khắc rất phong phú, thể hiện cái mà người trong nghề gọi là thánh thể. Thánh thể này không có râu, với những nét nổi bật là: đầu đội vòng gai, hai bàn tay xòe mở, và hai đầu gối chếch về bên trái, ba chiếc đinh câu rút và máu chảy cách điệu từ vết thương bên mạn sườn Người, năm giọt, theo tôi nhớ mang máng.

Đây không phải là tang đài duy nhất ở phố Bittweg thể hiện một Thánh thể chếch về bên trái - đôi khi có cả chục cái chuẩn bị cho mùa xuân. Nhưng Chúa Jêxu Kirixitô của Korneff đã gây ấn tượng đặc biệt đối với tôi bởi vì, phải, bởi vì Người rất giống tay Lực Sĩ trên Thánh Giá của tôi, bắp thịt cuồn cuộn, ưỡn ngực trên ban thờ chính trong Nhà Thờ Thánh Tâm. Tôi lượn lờ hàng giờ bên hàng rào, lướt một cái que dọc những mắt lưới dây thép, nghĩ về đủ mọi thứ và chẳng về cái gì cụ thể, loay hoay với một đôi điều ước bâng quơ. Một thời gian dài, Korneff không ló mặt. Một cái ống khói bếp lò đầy những đầu gối và khuỷu tay nhô ra khỏi một trong những cửa sổ của xưởng rồi thòi lên mái bằng. Hồi ấy, không thể kiếm được than tốt. Khói vàng phụt lên từng đợt rồi là là xuống lớp giấy lợp mái. Khói lọt ra từ cửa sổ, trườn xuống ống máng và tan lần vào giữa những bia mộ đang làm dở. Bên ngoài cánh cửa trượt của xưởng, một chiếc xe ba bánh phủ mấy lần bạt như thể ngụy trang để tránh những máy bay là thấp tấn công. Những tiếng động từ trong xưởng - gỗ choảng sắt, sắt cắn đá - chứng tỏ ông thợ đẽo đá đang làm việc.

Vào tháng 5, không còn những tấm bạt trên chiếc xe ba bánh, cánh cửa trượt để mở. Tôi có thể thấy màu xám trên màu xám trong xưởng, những phiến đá trên bàn cắt, một cái máy mài nom giống như giá treo cổ, những giá đầy mẫu thạch cao và cuối cùng là Korneff. Ông đi khòng khòng, đầu gối bao giờ cũng gập, đầu chúi về đằng trước, cứng ngắc.áy ông chằng chịt những băng dính trước màu hồng nay đầy bụi. Ông bước ra khỏi xưởng, tay cầm cào và, biết chắc mùa xuân đã tới, bắt đầu làm vệ sinh. Ông cào thật kỹ giữa những tấm bia mộ, để lại những vệt trên sỏi; thỉnh thoảng ông dừng lại để phủi những lá vàng khỏi một số tang đài. Đang nhìn ông cào giữa những đệm đá vôi và những phiến đi-ô-rít gần hàng rào, tôi bỗng giật mình khi ông đột ngột cất tiếng: "Có chuyện gì đấy, cháu, gia đình không chứa chấp cháu nữa chăng?’"

"Cháu thích những bia mộ của bác lắm," tôi đáp. "Không nên nói to điều đó lên," ông nói. "Xui lắm. Nói vậy, khéo rồi có một cái trên đầu mình lúc nào không biết."

Mãi đến lúc này ông mới cử động cái cổ cứng ngắc, liếc nhìn tôi, hay đúng hơn, cái bướu của tôi: "Này, người ta đã làm gì cháu vậy? Thế, nằm ngủ không thấy vướng ư?"

Tôi để cho ông cười dứt. Rồi tôi giải thích rằng một cái bướu không nhất thiết là một trở ngại, rằng, cách nào đó, tôi có thể khắc phục nó, rằng - ông có tin hay không thì tùy - một số phụ nữ, thậm chí cả con gái trẻ, lại có cái tật thích bướu và rất vui lòng được thích ứng với những kích thước đặc biệt và khả năng của một anh gù.

Tựa cằm vào cán cào, Korneff ngẫm nghĩ: "Có thể thế. Ta đã nghe nói vậy."

Rồi ông kể tôi nghe hồi ông ở mỏ đá ba-dan, có một phụ nữ có cái chân gỗ có thể tháo ra được. Cái đó, theo cách suy nghĩ của ông, cũng tựa như cái bướu của tôi, cho dù cái "đồng hồ ga" của tôi (ông cứ một mực gọi thế) không tháo ra lắp vào được. Hồi ức của ông thợ đẽo đá dài, rộng và triệt để. Tôi kiên nhẫn đợi ông kể hết, đợi cho người đàn bà của ông lắp cái chân trở lại. Rồi tôi hỏi ông có thể cho tôi vào thăm xưởng được

Korneff mỏ cánh cổng ở hàng rào và chỉ cái cào về phía cửa trượt ra ý mời. Sỏi kêu rào rạo dưới chân tôi và lát sau, tôi ngập vào trong mùi xuyn-phua, mùi vôi và mùi ẩm.

Những vồ gỗ nặng hình quả lê với những hõm xơ ra chứng tỏ tay quai vồ lão luyện, nhát nào cũng như nhát nào, nằm trên những tấm đá mới đẽo thô. Những dụng cụ đục mới rèn lại, còn xanh nước tôi, các loại đục để làm cẩm thạch, bột đánh bóng sấy khô trên những ghế đẩu vuông và trên những khúc gỗ tròn, một tấm bia mài bóng, vàng rộm, mỡ màng, dành cho một ngôi mộ đôi, đã dựng đứng, sẵn sàng để được chuyển đi.

"Đây là cái búa đột, đây là cái đục khum, đây là cái khoét rãnh, còn cái này," Korneff giơ một thanh ván rộng bằng bàn tay và dài khoảng một mét và xem xét kỹ cạnh của nó, "cái này là thước vạch. Ta cũng dùng nó để đập bọn thợ học việc nếu chúng cứ ì thần xác ra."

Tôi hỏi, không phải hoàn toàn vì lịch sự: "Vậy bác cũng dùng thợ học việc à?"

Korneff cho tôi biết những khó khăn của ông: “Ta có đủ việc cho năm đứa. Song chẳng kiếm được thằng nào. Cái bọn nhãi bây giờ chỉ muốn học kiếm tiền ngoài chợ đen thôi," Giống như tôi, ông thợ đẽo đá chống những hoạt động chợ đen khiến cho bao thanh niên có triển vọng không học được những nghề hữu ích. Trong khi Korneff chỉ cho tôi những loại đá mài từ thô đến mịn và tác dụng của chúng trên một phiến Solnhof, thì tôi cũng mài một ý nho nhỏ trong đầu. Đá bọt, đá cát kết màu nâu sô-cô-la để mài thô, đá tripoli để mài ba lần, ông tiếp tục giới thiệu, và đây, cái ý nho nhỏ của tôi lại chòi ra nhưng đã nhẵn hơn, bóng hơn. Korneff chỉ cho tôi những mẫu chữ, nói về việc khắc chữ nổi và chìm, về mạ chữ vàng. "Không tốn như mọi người tưởng đâu; với một đồng ê-quy thật, ta có thể mạ cả một con ngựa cùng người cưỡi," ông nói. Điều này khiến nghĩ đến tượng đài vua Wilhelm cưỡi ngựa ở Heumarkt, Danzig mà có thể chính quyền Ba Lan sẽ ra quyết định mạ vàng, nhưng cả ngựa lẫn người cưỡi đều không thể khiến tôi từ bỏ cái ý nho nhỏ của tôi, nó hình như càng lúc càng sáng bóng hơn. Tôi tiếp tục vuốt ve nó, rồi đi đến chỗ phát biểu nó thành lời trong khi Korneff đang giải thích cách vận hành của một cái máy đột ba chân và gõ gõ vào một mô hình Chúa Kirixitô bị đóng đinh trên Thánh Giá: "Vậy là bác đang nghĩ đến chuyện lấy thợ học việc?" Đó là bản nháp đầu. Cái ý nho nhỏ của tôi đang triển khai. Thực ra, tôi nói như thế này: "Cháu hiểu là bác đang kiếm một thợ học việc. Hay là cháu nhầm?" Korneff xoa xoa lớp băng dính trên những cái nhọt ở gáy. "Có nghĩa là, liệu bác có lấy cháu làm thợ học việc không, bất kể mọi cái khác?" Câu hỏi đặt không khéo và tôi chữa liền: "Bác đừng đánh giá thấp sức khỏe của cháu, bác Korneff thân mến. Chỉ có chân cháu là kém phát triển thôi. Hai cánh tay cháu rất khỏe." Phấn khởi vì quyết định của chính mình và quyết tâm đi đến cùng, tôi vén tay áo trái lên và đề nghị Korneff nắn thử bắp thịt tôi, nó nhỏ nhưng chắc nịch. Thấy ông không làm gì, tôi bèn nhặt một cái đục nằm lăn lóc trên một miếng dá vôi và đập đập cho phần kim khí nảy lên nảy xuống trên bắp thịt cánh tay tôi. Tôi tiếp tục phô diễn cho đến khi Korneff mở máy mài; một cái đĩa các-bô-răn-đơm chạy sè sè trên bệ của một tấm bia dành cho mộ đôi. Sau một lúc, Korneff, mắt vẫn dán vào máy, quát lên cho át tiếng ồn: "Đêm về nghĩ cho kỹ đi, con. Công việc khó nhọc đấy. Khi nào nghĩ cho chín thì đến gặp ta. Ta sẽ nhận con nếu con còn cảm thấy thích."

Theo lời dặn của Korneff, đêm đêm, tôi suy nghĩ về ý định của mình suốt một tuần. Tôi cân nhắc, so sánh: một bên là những viên đá lửa của Kurt, bên kia là những bia mộ của Korneff. Maria luôn luôn cằn nhằn: "Anh là đồ ăn bám, Oskar. Tại sau anh không thử làm một vụ gì đi? Trà hay cacao, hay sữa bột chẳng hạn." Tôi chẳng thử làm gì sất; thay vì thế, tôi tận hưởng sự tán thưởng của Guste, chị luôn nêu người chồng Köster vắng mặt như một tấm gương để noi theo và khen thái độ tiêu cực của tôi đối với chợ đen. Điều thực sự làm tôi phiền lòng là thằng con trai Kurt của tôi, nó cứ ngồi đó cộng những cột co tưởng tượng và phớt lờ tôi hệt như tôi đã phớt lờ Matzerath trong bao năm.

Chúng tôi đang ăn trưa. Guste đã ngắt chuông điện để các khách hàng khỏi thấy chúng tôi ăn trứng tráng với thịt sấy. Maria nói: "Anh thấy đấy, Oskar, chúng ta có những của ngon vật lạ mà ăn là vì sao? Vì chúng ta không khoanh tay ngồi rồi." Kurt buông một tiếng thở dài. Đá lửa đã hạ xuống mười tám. Guste lặng lẽ ăn thật lực. Tôi cũng thế, tôi ăn khoái khẩu, nhưng mặc dù khoái khẩu, tôi vẫn cảm thấy khổ sở, có lẽ vì món trứng tráng không thực sự ngon lắm và đột nhiên, khi cắn một miếng sụn, tôi cảm thấy khao khát hạnh phúc đến nỗi má tôi nóng ran. Ngược với trí xét đoán khôn ngoan, bất chấp tính hoài nghi thâm căn cố đế của mình, tôi vẫn muốn hạnh phúc. Tôi muốn hạnh phúc vô biên. Trong khi những người khác vẫn ăn, hài lòng với món trứng tráng, tôi rời bàn, đi đến tủ buýp-phê như thể trong đó có hạnh phúc vậy. Bới đảo ngăn tủ của mình, tôi tìm thấy, không phải hạnh phúc, mà là hai gói thuốc tẩy uế của ông Fajngold đăng sau cuốn album ảnh. Tôi lấy ra - không, không phải hạnh phúc - chiếc vòng hồng ngọc đã được tẩy uế triệt để, chiếc vòng xưa kia thuộc về mẹ tôi, chiếc vòng mà nhiều năm trước đây, vào một đêm đông tuyết rơi không ngớt, Jan Bronski đã lấy từ một tủ kính cửa hàng có một lỗ tròn được khoét trước đó một lát bởi Oskar, hồi đó còn hạnh phúc và có khả năng cắt thủy tinh bằng giọng hát của mình. Và với chiếc vòng đó, tôi ra khỏi nhà. Chiếc vòng, tôi cảm thấy, sẽ là sự khởi đầu của tôi, điểm xuất phát của tôi. Tôi đáp xe đến Ga trung tâm, bụng nghĩ nếu mọi sự trôi chảy... và suốt cuộc thương lượng kéo dài, những ý nghĩ ấy luôn luôn ở trong đầu tôi. Nhưng gã cụt tay và gã Xăc-xông mà gã kia gọi là giám định viên, chỉ thấy giá trị vật chất của món hàng của tôi, mà đâu có ngờ rằng họ đã mở ra trước mặt tôi con đường dẫn tới hạnh phúc khi, đổi lấy chiếc vòng của mẹ tội nghiệp của tôi, họ trao cho tôi một cái cặp bằng da thật và mười hai tút thuốc lá Lucky Strikes.

Chiều hôm ấy, tôi trở về Bilk. Tôi mở bọc, bỏ ra mười hai tút Lucky Strikes, một gia sản. Tôi thưởức sự kinh ngạc của họ, đẩy đống thuốc lá vàng ươm cao như núi về phía họ mà rằng: "Cho các người đấy. Từ giờ trở đi, tôi muốn các người để cho tôi yên. Đổi lấy ngần nấy thuốc lá, như vậy đâu phải là yêu cầu quá đáng. Ngoài ra, tôi muốn một cà-mèn đựng bữa trưa hằng ngày, bắt đầu từ mai. Tôi hy vọng các người may mắn với mật ong và đá lửa của các người," tôi nói không chút giận dữ hoặc hờn oán, "về phần tôi, tôi sẽ thực hành một nghệ thuật khác, hạnh phúc của tôi sẽ được viết - hay để nói một cách chuyên nghiệp hơn - được khắc trên bia mộ."

Korneff lấy tôi vào làm chân phụ việc cho ông với số lương một trăm reichmark một tháng. Không nhiều lắm, nhưng tôi vẫn làm rất chuyên cần. Đến cuối tuần đầu thì rõ ra là tôi không đủ sức để làm công việc nặng. Tôi được giao chạm nổi một tấm granít Bỉ, vừa đưa từ mỏ đá về, cho một hầm mộ gia đình. Mới một tiếng đồng hồ, tôi đã hầu như không cầm nổi đục nữa, còn tay cầm vồ thì đã tê dại. Tôi cũng phải để lại việc đục thô cho Korneff, nhưng nhờ khéo tay, tôi có thể nhận việc chạm nét nhỏ và viền răng cưa, làm vuông cạnh những tấm đá và hoàn tất những đường viền. Ngồi trên một khúc gỗ tạm làm ghế, tay phải cầm đục, tay trái cầm một chiếc vồ gỗ hình quả lê hay một cái búa đột bằng sắt (mặc dầu Korneff phản đối vì ông muốn luyện tôi thành thuận tay phải); kim khí kêu vang trên đá, sáu mươi tư mũi nhọn của cái búa đột cùng một lúc cắn vào đá cho nó mềm đi. Đây là hạnh phúc; đành rằng chưa sánh được với cái trống của tôi, chỉ là một thế phẩm, nhưng trên đời cũng có cái gọi là hạnh phúc-thế phẩm chứ. Mà có lẽ hạnh phúc chỉ tồn tại ở dạng thế phẩm mà thôi. Có lẽ mọi hạnh phúc chỉ là một thế phẩm cho hạnh phúc. Vậy thì tôi đang ở trong một nhà kho đầy hạnh phúc-thế phẩm: hạnh phúc cẩm thạch, hạnh phúc đá cát kết. Hạnh phúc rắn: đá cara. Hạnh phúc giòn, vẩn mây: minh ngọc thạch. Hạnh phúc của thép crôm cắt vào đá đi-o-rít. Đá đô-lo-mít: hạnh phúc xanh. Hạnh phúc mềm: đá tufa. Hạnh phúc nhiều màu từ sông Lahn. Hạnh phúc xốp: đá ba-dan. Hạnh phúc lạnh giá từ sông Eifel. Như một hỏa diêm sơn, hạnh phúc phun lên và rớt lả tả thành một lớp bụi và sạn bám giữa những kẽ răng tôi.

Tôi tỏ ra khéo nhất trong việc khắc các dòng chữ. Về điểm này, tôi mau chóng vượt Korneff và ông giao cho tôi toàn bộ công việc trang trí - lá ô-rô, hoa hổng gãy cho mộ trẻ con, những biểu tượng của đạo Thiên Chúa như XP hay INM, lòng máng và hạt, trứng và mỏ neo, đường chỉ đơn và kép. Oskar cung cấp bia mộ với mọi kiểu trang trí, giá nào cũng có. Và khi tôi gò mình tám tiếng đồng hồ trên một tấm bia đi-o-rít đã mài bóng, hơi phả vào làm nhòa mặt đá, để khắc lên đó những dòng chữ như: Nơi đây yên nghỉ trong tay Chúa người chồng yêu dấu của tôi - xuống dòng - Cha, anh và chú thân yêu của chúng tôi - xuống dòng - Joseph Esser - xuống dòng - sinh ngày 3/4/1885, mất ngày 22/6/1946 - xuống dòng - Cái Chết là Cánh cửa vào Sự sống - rồi đọc lại những dòng đó, tôi nhận ra một hạnh phúc-thế phẩm, có nghĩa là tôi cảm thấy sung sướng khoan khoái. Để tỏ lòng cảm ơn Joseph đã qua đời ở tuổi sáu mốt và cảm ơn những đám mây đi-o-rít nho nhỏ màu xanh do mũi đục của tôi khuấy lên, tôi đặc biệt bỏ công vào những chữ O trên mộ chí của Esser; Oskar rất thích chữ cái O và những chữ O của tôi bao giờ cũng đều tăm tắp và liền một nét tuy có hơi quá to.

Cuối tháng 5, tôi bắt đầu làm thợ phụ việc cho một thợ đẽo đá; đầu tháng 10, Korneff có thêm hai cái nhọt mới ở gáy và đã đến lúc phải dựng cái bia bằng đá t’ra-véc-tin dành cho Herbert Webknecht và Else Webknecht, họ gốc là Freytag, ở nghĩa trang phía Nam. Trước đó, vì không tin ở sức lực của tôi, Korneff không đem theo tôi đến nghĩa trang. Khi ông phải dựng một bia mộ, ông thường mượn một thợ phụ của Julius Wobel (ông này thuê những tám người giúp việc), một tay điếc đặc nhưng làm việc tốt. Đáp lại, Korneff sẵn sàng giúp Wobel một tay trong những trường hợp đột xuất. Năm lần bảy lượt, tôi xin tình nguyện phục vụ ngoài nghĩa trang mà không được; nghĩa trang vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn đối với tôi, mặc dầu dạo này tôi không có điều gì cần phải quyết định. May sao, tháng mười là mùa cao điểm ở xưởng của Wobel, ông ta cần tất cả các người làm của mình cho đến kỳ sương giá, nên Korneff đành phải dùng đến tôi

Chúng tôi đặt tấm bia lên những trục lăn bằng gỗ cứng và đẩy nó theo bệ dốc lên phía sau chiếc xe ba bánh. Chúng tôi đặt đế bia ở bên, lấy bao xi-măng không chèn các cạnh, chất dụng cụ, xi-măng, cát, sỏi lên xe cùng các trục lăn và hòm để lát nữa chuyển bia xuống. Tôi đóng ván hậu, Korneff lên xe và nổ máy. Rồi ông thò đâu và cái cổ đầy nhọt ra cửa xe, quát: "Đi nào, nhóc. Lấy cái hộp đồ ăn trưa và lên xe!"

Chúng tôi từ từ đi vòng Bệnh viện thành phố.

Bên ngoài cổng chính, các nữ y tá như những đám mây trắng, trong đó có một nàng tôi quen, Gertrude. Tôi vẫy, nàng vẫy lại. May sao lại thấy nàng, tôi nghĩ, hôm nào mình phải rủ nàng đi chơi, mặc dù lúc này không thấy nàng nữa vì chúng tôi đã rẽ về phía sông Rhine, mời nàng cùng làm một cái gì, hướng tới Kappeshamm; đi xem chiếu bóng hay tới nhà hát xem Gründgens diễn; a, đây rồi, cái tòa nhà bằng gạch vàng, nhưng không nhất thiết là đi xem hát, khói từ lò hóa thân hoàn vũ bay trên hàng cây vào thu, thay đổi khung cảnh có thể tốt cho Xơ, Gertrude ạ. Lại một nghĩa trang khác, những người sản xuất bia mộ khác: Beutz & Kranich, Pottgiesser, đá tự nhiên, Bohm, nghệ thuật tang chế, Gockehn, trồng cây và tạo cảnh mộ địa; hỏi giấy tờ ở cổng vào nghĩa trang, vào một nghĩa trang đâu có dễ: bia đá t’ra-véc-tin cho mộ số 79, khu Tám, Webknecht Hermann. Người gác đưa hai ngón tay lên mũ chào, để hộp đồ ăn trưa lại chỗ lò hóa thân hoàn vũ để hâm cho nóng, và kìa, đứng trước bình đựng hài cốt là Leo Schugger.

"Người đeo găng trắng có phải là Leo Schugger không?" tôi hỏi Korneff.

Korneff sờ sờ đám nhọt: "Không, không, ta chưa bao giờ nghe nói đến một cha Leo Schugger nào cả. Đây là Willem-Nhớt-Dãi; anh ta ở luôn đây."

Làm sao tôi có thể thỏa mãn với cái thông tin này được? Bản thân tôi đây đã ở Danzig và bây giờ tôi ở Düssendorf, thế nhưng tôi vẫn tên là Oskar: "Ở Danzig có một người quanh quẩn ở các nghĩa trang, nom y hệt người này. Anh ta tên là Leo Schugger; trước khi lai vãng các nghĩa trang, tên anh ta chỉ gọn ghẽ là Leo, một sinh viên của chủng viện."

Korneff, tay trái vẫn đặt trên đám nhọt, tay phải vặn lái cho xe vòng quanh lò hóa thân hoàn vũ: "Rất có thể. Ta biết cả một lô bọn họ nom y như nhau, khởi đầu học ở chủng viện rồi bây giờ sống ở các nghĩa trang dưới những cái tên khác nhau. Thằng cha ở đây tên là Willem-Nhớt-Dãi.”

Chúng tôi vượt qua Willem-Nhớt-Dãi. Anh ta giơ một cái găng trắng vẫy chúng tôi và tôi cảm thấy thoải mái trong Nghĩa trang phía Nam này.

Tháng mười, những lối đi trong nghĩa trang, thế giới đang rụng răng, rụng tóc - một cách khác để nói rằng lá vàng từ trên cây vẫn rơi hoài hoài. Im lặng, những con chim sẻ, những người đi dạo, chiếc xe ba bánh của chúng tôi xình xịch chạy về Khu Tám vẫn còn khá xa. Đây đó, mấy bà già xách bình tưới và những đứa cháu nhỏ, nắng trên gra-nít đen Thụy Điển, những bia tưởng niệm, những cột gẫy - tổn thất chiến tranh thật hay tượng trưng - một thiên thần xanh xỉn sau một cây thủy tùng hay một cái gì giống như cây thủy tùng. Người đàn bà đưa bàn tay cẩm thạch lên che mắt bị chói bởi chính ánh cẩm thạch của chính mình. Chúa Kirixitô đi dép đá ban phước cho hàng cây du và ở Khu Bốn, một Chúa Kirixitô khác ban phước cho một cây dương, những phút mơ mơ màng màng kỳ thú giữa Khu Bốn và Khu Năm: chẳng hạn như biển cả. Biển xô giạt vào bờ nhiều thứ, trong đó có một xác người. Từ phía sòng bạc Zoppot, tiếng vĩ cầm và phút mở đầu rụt rè của một cuộc bắn pháo hoa lấy tiền cứu trợ thương binh hỏng mắt. Oskar, lên ba, cúi xuống vật trôi giạt, hy vọng đó là Maria hay có lẽ là Gertrude, người mà tôi sẽ phải rủ đi chơi một hôm nào đó. Nhưng đó lại là Lucy đẹp, Lucy trắng ngần, như tôi có thể nhận ra trong ánh sáng pháo hoa lúc này đang dồn dập tới cao trào. Ngay cả nếu tôi không nhìn rõ mặt, tôi vẫn có thể nhận ra cô ta bằng vào cái áo đan kiểu Bavaria mà bao giờ cô ta cũng mặc khi đang định làm điều ác. Khi tôi cởi nó ra khỏi người cô, chất len ướt sũng, cả cái áo trong cũng ướt. Đây cũng là một c áo vét kiểu Bavaria. Và cuối cùng, khi pháo hoa tắt hẳn và chỉ còn tiếng vĩ cầm, tôi tìm thấy, dưới một, hai, ba lần len, trái tim cô ta bọc trong một cái áo may-ô thể thao in tên Liên Đoàn Thiếu Nữ Đức, trái tim cô ta, trái tim Lucy, một cái bia mộ be bé lạnh lẽo trên có ghi: Nơi đây yên nghỉ Oskar - Nơi đây yên nghỉ Oskar - Nơi đây yên nghỉ Oskar...

"Dậy đi, nhóc," Korneff cắt đứt giấc mơ của tôi, giấc mơ bị sóng biển đánh giạt vào bờ và bừng lên dưới ánh pháo hoa. Chúng tôi rẽ trái và Khu Tám, một khu mới chưa có cây và chỉ lưa thưa mấy tấm bia, trải ra phẳng phiu và đói ngấu trước mắt chúng tôi. Tất cả các mộ ở đây đều giống nhau, quá mới chưa kịp trang trí, nhưng năm ngôi mới thì rất dễ nhận ra nhờ những đống vòng hoa đang rữa chuyển sang màu nâu với những dải băng đẫm nước mưa, bạc phếch.

Chúng tôi nhanh chóng tìm ra số 79 ở đầu dãy thứ Tư, giáp với Khu Bảy, khu này đã có vẻ ổn định hơn với lác đác những khóm cây lớn nhanh và một số lớn bia mộ. Đa phần bằng cẩm thạch Silesia, hàng lối khá đều đặn. Chúng tôi lại gần số 79 từ phía sau, dỡ các thứ xuống - dụng cụ, xi-măng, sỏi, cát và tấm bia đá t’ra-véc-tin bóng loáng. Chiếc xe ba bánh nẩy mạnh một cái khi chúng tôi lăn tấm bia xuống mấy cái hòm chờ sẵn nó. Korneff rút bỏ cây thánh giá tạm thời, mang tên H. Webknecht và E. Webknecht, khỏi đầu mộ; tôi đưa ông cái khoan và ông bắt đầu khoan hai lỗ - sâu một mét sáu, theo quy định của nghĩa trang - cho hai cột bê tông trong khi tôi đi lấy nước từ Khu Bảy về để trộn bê tông. Tôi vừa trộn xong thì ông cũng khoan được một mét rưỡi và bảo thế là xong. Tôi bắt đầu đổ bê- tông vào hai lỗ trong khi Korneff ngồi thở hổn hển trên tấm bia đá t’ra-véc-tin, với tay ra sau gáy sờ mấy cái nhọt. " Chín nẫu rồi," ông nói, "khi nào sắp vỡ là ta biết ngay." Tôi nhồi bê tông, đầu trống rỗng. Từ Khu Bảy, một đám tang Tin Lành chầm chậm đi qua Khu Tám sang Khu Chín. Khi họ đi ngang cách chúng tôi ba dãy, Korneff tụt xuống khỏi tấm bia và, y theo quy định của nghĩa trang, chúng tôi ngả mũ chào đám tang, từ ông mục sư đến họ hàng người thân của tang quyến. Đi ngay sau linh cữu, một mình, là một phụ nữ mặc đồ đen, người lệch sang một bên. Những người đi sau bà đều to lớn hơn nhiều vc lưỡng.

Đám tang tới Khu Chín, chỉnh đốn hàng ngũ và bắt đầu tuôn ra cái giọng lên bổng xuống trầm của ông mục sư. Bê tông đã vón lại và lẽ ra chúng tôi đã có thể đặt đế bia lên. Nhưng Korneff đang nằm sóng soài trên tấm bia đá t’ra-vec-tin. Ông để cái mũ cát-két tụt xuống dưới trán, kéo cố áo vét và áo sơ mi xuống, phơi cái gáy ra, trong khi từ Khu Chín, tiểu sử của người chết vẳng tới chúng tôi. Tôi phải trèo lên tấm bia và ngồi lên lưng Korneff. Chỉ liếc mắt một cái là tôi nắm ngay được tình hình. Có hai cái gần như chồng lên nhau. Một người đến chậm với một vòng hoa to tướng hớt hơ hớt hải lao về phía Khu Chín và bài thuyết giảng lê thê đang đi đến kết thúc. Tôi giựt một cái, lột miếng cao dán, lấy một chiếc lá dẻ gai chùi lớp pom-mát sát trùng và xem xét hai cái nhọt bọc. Chúng to gần bằng nhau, màu nâu hắc ín ngả sang vàng. "Hãy cầu nguyện," ngọn gió từ Khu Chín nói. Coi đó như một hiệu lệnh, tôi quay đầu sang một bên và cùng một lúc vừa bóp vừa kéo chiếc lá dẻ gai xuống dưới những ngón tay cái. "Cha chúng ta..." Korneff rên rỉ: "Đừng ấn, kéo đi" Tôi kéo. "....nhân danh Người.” Korneff hòa cùng lời cầu nguyện: "...cầu sao Nước Chúa tới." Kéo không ăn thua, tôi lại nặn. "...xong xuôi theo ý người, à trên Lời cũng như dưới..." Thật là một phép lạ: không hề nổ. Và lại: "...cho chúng con ngày hôm nay." Và Korneff lại bắt kịp: " ...tội lỗi và không rơi vào cám dỗ." Nhiều mủ hơn tôi nghĩ. "Nước Chúa và quyền năng và sáng danh." Tôi nặn nốt chỗ mủ." ...và đời đời, a-men." Trong khi tôi nặn nhát cuối cùng, Korneff: "A-men," và kéo lần cuối: "A-men." Trong khi bên Khu Chín, người ta đang nói lời phân ưa, Korneff nói một tiếng a-men nữa. Vẫn nằm bẹp trên tấm bia đá t’ra-véc-tin, ông trút một tiếng thở dài nhẹ nhõm. "A-men," rồi tiếp liền: "Có còn chút bê tông nào để lót đế không?" Có, tôi vẫn còn. Và ông: "A- men."

Tôi rải nốt những xẻng bê tông cuối cùng để nối hai cái cột. Rồi Korneff tụt xuống khỏi dòng chữ mài bóng và Oskar đưa ông xem những cái lá dẻ gai mùa thu và đống mủ cùng màu của hai cái nhọt. Chúng tôi đội lại mũ và, trong khi đám tang bên Khu Chín giải tán, bắt tay vào dựng tấm bia đánh dấu ngôi mộ của Hermann Webknecht và Else Webkneà hồi con gái mang họ bố là Freytag.

FORTUNA BẮC

Hồi đó, chỉ những người có chút gì đáng giá để lại sau khi từ giã cõi đời này, mới có khả năng sắm cho mình một tấm bia mộ. Không cần phải là một viên kim cương hay một dây chuyền ngọc trai. Với năm bì khoai tây, anh có thể có một tấm bia xấu xí nhưng khá to bằng đá vôi Grenzheim. Một tang đài gra-nít trên ba đế cho một mộ đôi đã mang lại đủ tiền cho chúng tôi mua vải may hai bộ com-lê có cả gi-lê. Vợ goá của ông thợ may bán vải cho chúng tôi, vẫn thuê một thợ phụ; bà ta đồng ý may cho chúng tôi hai bộ com-lê với giá công là một bờ viền bằng đá đô-lô-mít quanh mộ.

Một tối, sau khi làm việc, Korneff và tôi đáp chuyến xe điện số 10 đến Stockum, vào tiệm của bà goá Lennert để lấy các số đo. Oskar hồi đó mặc một bộ đồng phục bộ binh thiết giáp do Maria sửa lại, nom đến lố bịch. Khuy áo đã phải dịch đi nhưng vẫn không cài được do hình dạng đặc biệt của tôi.

Bộ com-lê mà tay thợ phụ Anton may cho tôi, màu xanh thẫm có xọc nhỏ và lần lót màu xám nhạt; áo vét cài thẳng, độn vai nghiêm chỉnh không giả tạo, không cốt che giấu cái bướu mà tôn nó lên nhưng không quá đáng; quần gấu vắt nhưng không quá cao. Mẫu mực của tôi về y phục vẫn là Sư phụ Bebra, do đó không may đỉa để luồn thắt lưng, mà đính khuy cho đai đeo; gi-lê bóng đằng sau, mờ đằng trước, lót màu hồng già. Tất thảy mất năm lần thử.

Trong thời gian Anton còn đang may bộ com-lê cài chéo của Korneff và bộ cài thẳng của tôi, một tay buôn bán giày dép đến đặt chúng tôi một cái bia mộ cho vợ ông ta bị chết trong một cuộc oanh tạc hồi năm 43. Thoạt đầu, ông ta gạ đổi tem phiếu cung cấp, nhưng chúng tôi đòi lấy hàng. Với một bia cẩm thạch Silesia viền "phăng-te-di" cộng thêm lắp đặt, Korneff kiếm được cho ông một đôi giày dạ hội nâu sẫm kèm một đôi dép đế da và cho tôi một đôi giày đen cao cổ cỡ số 5 kiểu cũ nhưng cực mềm bó rất êm hai mắt cá chân yếu ớt của tôi và tuy hơi cổ nhưng nom vẫn sang trọng.

Đặt một xấp reichmark lên bàn cân mật ong, tôi nhờ Maria mua hộ hai cái sơ mi trắng có xọc nhỏ và hai cái cà-vạt, một xám nhạt, một nâu sẫm. "Còn lại bao nhiêu," tôi nói, "cho Kurt và cô, Maria thân mến, người chỉ lo cho kẻ khác và không bao giờ nghĩ đến bản thân mình."

Đang cơn hào phóng, tôi tặng Guste một cái dù cán bằng xương thật và một bộ bài xì-cạt gần như mới vì chị thích bói bài mà mỗi lần muốn thử xem bao giờ Köster về, phải sang mượn hàng xóm, chị rất ngại.

Maria làm ngay việc tôi nhờ, không chút chậm trễ. Với số tiền còn lại - khá nhiều - nàng sắm cho mình một chiếc áo mưa và cho Kurt một chiếc cặp học sinh giả da, bề ngoài thì xấu xí nhưng được việc. Ngoài sơ mi và cà-vạt, nàng còn mua thêm ba đôi bít tất mà tôi quên không dặn.

Khi Korneff và Oskar đến lấy hai bộ com-lê, chúng tôi rất bối rối khi ngắm mình trong gương, song người nọ đều thấy người kia là oách. Korneff hầu như không dám quay cái cổ chằng chịt sẹo nhọt. Đôi vai khòng khòng làm tay ông thõng về đằng trước và ông cố uốn thẳng đôi đầu gối vòng kiềng. Còn về phần tôi, bộ đồ mới mang lại cho tôi một vẻ vừa ma quái vừa trí thức, nhất là khi tôi khoanh tay trước ngực, khiến chiều ngang phía trên càng bè ra, và dùng chân phải yếu hơn làm trụ đỡ trọng lượng toàn thân mà nhướn chân trái một cách hờ hững. Mỉm cười với Korneff và vẻ ngỡ ngàng của ông, tôi bước đến sát tấm gương, sát đến độ có thể hôn cái hình ảnh lộn trái của mình trong đó, nhưng tôi chỉ hà hơi cho nhòa mặt mình đi và nói với giọng bỡn cợt: "Ê, Oskar, mày hãy còn thiếu cái cài cà-vạt."

Một tuần sau, vào chiều Chủ nhật, khi đến thăm các nữ y tá của mình ở Bệnh viện thành phố, phô bộ cánh mới bảnh bao (không phải là không có chút hợm hĩnh), tôi đã có một chiếc trâm cài cà-vạt bằng bạc có gắn một viên ngọc trai.

Các cô nàng thân yêu há hốc miệng khi nhìn thấy tôi ngồi trong phòng y tá. Đó là vào cuối mùa hè năm 1947. Tôi khoanh tay trước ngực theo cách truyền thống và vân vê đôi găng tay da. Đã hơn một năm nay, tôi phụ việc cho Korneff, trở thành bậc thày trong kỹ thuật đi nét và đục rãnh. Tôi bắt chéo chân, thận trọng không để nhàu "li" quần. Chị Guste đôn hậu chăm sóc bộ com-lê của tôi như thể nó được đặt may cho Köster, người sẽ thay đổi mọi sự khi trở về. Helmtrud muốn sờ mặt vải và dĩ nhiên tôi chiều ý nàng. Mùa xuân 47, chúng tôi đã mừng sinh nhật lần thứ Bảy của Kurt bằng rượu trứng cất lấy và bánh ga-tô cũng của nhà làm (hết gần một kí bơ đấy. Kìa, ăn đi chứ, lấy miếng này này) và tôi tặng nó một cái áo măng-tô màu xám. Trong khi đó, Gertrude đến nhập bọn và tôi đưa kẹo mời suốt lượt - số kẹo này cùng với gần mười kí đường nâu là giá của một tấm bia đá đi-o-rít đấy. Bé Kurt, theo tôi thấy, quá ư ham đi học. Cô giáo nó - trẻ và hấp dẫn, khác hẳn cái mụ Spollenhauer - khen nó lắm; cô bảo nó thông minh nhưng hơi nghiêm trang. Các cô y tá mà được mời ăn bánh kẹo thì cứ là vui như sáo! Khi đứng riêng một lát với Gertrude, tôi hỏi ngày Chủ nhật rỗi rãi nàng làm gì.

"Như hôm nay chẳng hạn, tôi xong việc lúc năm giờ. Nhưng," Gertrude nói, vẻ cam chịu, "thành phố mình chả có gì giải trí hay ho cả."

Tôi nói cứ thử xem. Phản ứng của nàng: "Ích gì?" Nàng cho rằng ngủ bù cho đã còn hơn. Tôi ngỏ lời mời thẳng thắn, không úp mở nữa và khi thấy nàng vẫn lưỡng lự, bèn kết luận: "Hãy phát huy sáng kiến một tí nào, Xơ Gertrude. Chúng ta chỉ có một thời trẻ trung. Tôi biết một người có rất nhiều tem bánh ngọt." Tôi minh họa ý cuối cùng này bằng một cái vỗ nh mang tính cách điệu lên túi ngực mình và mời nàng một cái kẹo nữa. Lạ thay, tôi thấy hơi sờ sợ khi cô gái vùng Westphalie lực lưỡng ngoại cỡ đối với tôi này nói với cái tủ thuốc: "Thôi được, nếu anh thích thế. Vậy thì sáu giờ nhé, nhưng không phải ở đây. Quảng trường Cornelius được không?"

Cứ làm như tôi tính chuyện hẹn gặp Xơ Gertrude hay bất kỳ ai khác ở ngay trong hành lang hoặc gần cổng bệnh viện không bằng! Đúng sáu giờ, tôi đợi nàng dưới cái đồng hồ Quảng trường Cornelius vẫn chưa chịu chạy đúng giờ do hậu quả chiến tranh. Nàng đến đúng giờ, như tôi có thể kiểm định bằng cái đồng hồ bỏ túi không đắt tiền lắm mà tôi đã mua trước đó mấy tuần. Suýt nữa tôi đã không nhận ra nàng. Nếu tôi nhìn thấy nàng trước đó một lát, chẳng hạn vào lúc nàng bước xuống từ xe điện cách đây khoảng năm chục bước, trước khi nàng kịp thấy tôi, thì có lẽ tôi đã lặng lẽ chuồn thẳng; bởi vì Xơ Gertrude đã đến không phải dưới dạng Xơ Gertrude trong bộ đồ trắng cài huy hiệu Chữ Thập Đỏ, mà trong một bộ đồ dân sự may cực xấu, phải, một cô Gertrude Wilms quê ở Hamm hay Dortmund, hay một thị trấn nào đó nằm giữa Dortmund hay Hamm.

Nàng không nhận thấy vẻ thất vọng của tôi, mà nói với tôi rằng nàng suýt đến trễ vì đúng lúc trước năm giờ, bà y tá trưởng, đơn thuần vì thích hành người khác, đã giao cho nàng một việc gì đó.

"Vậy thì, cô Gertrude, tôi có thể đưa ra một vài gợi ý không? Trước hết, ta hãy thư giãn một lúc trong một hiệu bánh ngọt và sau đó thì tùy ý cô: ta có thể đi xem phim, vì bây giờ đã muộn không kịp mua vé xem kịch nữa. Hay là đi nhảy?"

"À, phải, ta đi nhảy đi," nàng phấn khởi reo lên. Khi, với một vẻ sợ hãi gần như không giấu nổi, nàng nhận ra rằng, mặc dù ăn vận bảnh bao, tôi chẳng có thớ gì để là bạn nhảy xứng hợp với nàng, thì đã quá mu

Với một cảm giác thoả mãn nham hiểm - ai bảo nàng không đến trong bộ đồng phục nữ y tá mà tôi xiết bao yêu thích? - tôi duyệt phương án đó. Do thiếu đầu óc tưởng tượng, nàng mau chóng quên nỗi sợ hãi của mình và cùng tôi đả bánh ga-tô - tôi ăn một còn nàng ăn ba - những cái bánh hình như làm bằng xi-măng. Sau khi tôi thanh toán bằng tiền mặt và tem bánh ngọt, chúng tôi đáp chuyến xe điện đi Gerresheim vì, nếu đúng như lời Korneff, thì ở mạn dưới Grafenberg, có một vũ trường.

Chúng tôi thả bộ từ từ đi nốt quãng đường cuối vì xe điện dừng ở chân dốc. Một tối tháng chín như thường thấy tả trong sách. Đôi xăng-đan gỗ của Gertrude, loại có thể mua không cần tem, kêu lách cách như cối xay bên bờ suối. Âm thanh đó làm tôi cảm thấy vui. Những người từ trên dốc đi xuống ngoái lại nhìn chúng tôi. Gertrude có vẻ bối rối. Tôi thì quen rồi, không buồn để ý. Nói cho cùng thì chính những tem bánh ngọt của tôi đã thết nàng ba cái bánh xi-măng ở hiệu bánh ngọt Kürsten.

Vũ trường Wedig còn có tên phụ là Hang Sư Tử. Trước khi chúng tôi rời cửa bán vé, đã thấy tiếng cười khúc khích và khi chúng tôi bước vào, nhiều cái đầu quay lại nhìn. Xơ Gertrude, vướng víu trong bộ đồ dân sự, suýt ngã nhào trên một cái ghế gấp nếu một gã bồi và tôi không kịp đỡ. Gã bồi chỉ cho chúng tôi một bàn gần sàn nhảy. Tôi gọi hai ly giải khát có đá và dặn nhỏ cho riêng gã bồi bàn nghe: "Nhưng xin giỏ mấy giọt rượu vào."

Hang Sư Tử gồm chủ yếu một phòng rộng chắc trước kia là một câu lạc bộ đu quay. Trần nhà hư hại nặng, trơ rui mè đã được trang trí bằng những cờ đuôi nheo và dây hoa từ vũ hội hóa trang năm ngoái. Những ánh đèn màu được giảm độ sáng lia vòng tròn, rọi phản quang trên những mái tóc bết sáp bóng của những thanh niên buôn bán chợ đen, một số ăn mặc rất mốt, và trên những áo vải mỏng của các cô gái mà hình như tất cả đều quen biết nh

Khi nước giải khát được bưng ra, tôi mua của gã bồi bàn mười điếu thuốc lá Mỹ, mời Gertrude một và cho gã bồi một; gã này dắt điếu thuốc vào mang tai. Sau khi châm lửa cho người bạn nhảy, tôi triềng chiếc bót hổ phách của Oskar ra, cắm một điếu Camel vào và hút một nửa. Gác bàn xung quanh chúng tôi lắng xuống dần. Gertrude đánh bạo ngước mắt nhìn. Khi tôi rập nửa điếu Camel còn lại vào cái gạt tàn, bàn tay thành thạo của Gertrude chộp lấy nó, nhét vào cái xắc bằng vải sơn của mình.

"Để phần cho chồng chưa cưới của tôi ở Dortmund," nàng nói. "Anh ấy hút như điên."

Tôi lấy làm mừng vì mình không phải là chồng chưa cưới của nàng và cũng vì nhạc đã bắt đầu nổi lên.

Ban nhạc năm người chơi bản "Đừng quây kín em". Những con đực đi giày đế crếp lao qua sàn nhảy không đụng nhau để xí bạn nhảy và những cô này, khi đứng dậy, gửi xắc cho bạn gái giữ hộ.

Một số cặp nhảy lão luyện lướt ngọt như ba-lê. Nhai kẹo cao su rất nhiều, thỉnh thoảng, một tốp trai chợ đen ngừng nhảy mấy nhịp đe trao đổi bằng thổ ngữ vùng Rhine điểm dăm ba từ lóng Mỹ, trong khi các cô bạn nhảy sốt ruột nhún chân tại chỗ. Những vật nho nhỏ chuyển từ tay người này qua tay người khác: dân chợ đen chân chính không biết có giờ nghỉ.

Chúng tôi bỏ qua bài đầu và cả bài fox-trot tiếp theo nữa. Thỉnh thoảng, Oskar quan sát chân bọn nam. Khi ban nhạc bắt vào bài "Rosamund", người hắn mời nhảy là một nàng Gertrude rất đỗi hoang mang.

Nhớ lại tài khiêu vũ của Jan Bronski và biết mình thấp hơn Xơ Gertrude gần hai cái đầu, tôi đã quyết định chọn một bài tăng-gô: tôi ý thức rõ là hai chúng tôi sẽ nảy một nốt kệch cỡm và tôi quyết nhấn mạnh thêm cái nốt đó. Với thái độ cam chịu, nàng để tôi dẫn bước. Tôi giữ chắc mông nàng, ba mươi phần trăm len; má áp vào coóc-xê, tôi đẩy toàn bộ trọng lượng nàng lùi lại và dấn theo bước nàng. Gạt phăng các chướng ngại bằng cánh tay dang thẳng, chúng tôi băng chéo qua sàn nhảy, từ góc nọ sang góc kia. Mọi sự tốt hơn tôi dám hy vọng. Tôi đánh bạo đưa vào một vài thay đổi. Má vẫn dính vào áo chẽn ngực của nàng, tay vẫn đặt phía trên mông nàng, tôi xoay quanh nàng, không từ bỏ tư thế cổ điển của tăng-gô, có nghĩa là tạo ra cái cảm giác như người nữ sắp ngã ngửa ra đằng sau và người nam sắp ngã đè lên, tuy không ai ngã thật cả vì họ là những vũ công hoàn hảo.

Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã có cổ động viên. Tôi nghe thấy những tiếng reo: "Mình đã bảo cậu mà, đó chính là Jimmy! Này, hãy ngắm nhìn Jimmy! Hê-lô Jimmy! Come on Jimmy! Let’s go, Jimmy!"

Tiếc thay, tôi không thể nhìn thấy mặt Gertrude và đành chỉ hy vọng rằng nàng thoải mái chấp nhận những tràng vỗ tay như là một sự tôn vinh đầy thiện ý. Nói cho cùng, một nữ y tá phải làm quen với những tán tụng nhiều khi vụng về của bệnh nhân chứ.

Khi chúng tôi về chỗ ngồi, những bàn xung quanh vẫn còn vỗ tay. Ban nhạc năm người tấu liền ba hồi tán thưởng rộn rã trong đó người chơi bộ gõ tỏ ra cố gắng vượt bậc. Những tiếng hô: "Jimmy!" Và: "Cậu có thấy cặp ấy không?" Đến đây, Xơ Gertrude đứng dậy, ấp úng nói là đi vệ sinh, cầm cái sắc đựng mẩu thuốc lá dành cho vị hôn phu ở Dortmund và, mặt đỏ như gấc, rẽ lối giữa đám bàn ghế, va vấp lung tung, hối hả về phía nhà vệ sinh nữ ở gần cửa ra vào.

Nàng không quay lại nữa. Trước khi đi, nàng đã làm một hai dài cạn ly nước của mình, một cử chỉ rõ ràng có nghĩa tạm biệt: Xơ Gertrude đã bỏ rơi tôi.

Còn Oskar? Một điếu thuốc lá Mỹ cắm ở chiếc bót hổ phách, hắn gọi một ly schnaps không pha trong khiã bồi kín đáo nhấc đi cái ly đã cạn của Xơ Gertrude. Hắn quyết giữ nụ cười bằng mọi giá, nụ cười có thể là hơi buồn nhưng vẫn là một nụ cưòi. Tay khoanh lại và chân bắt chéo, hắn ve vẩy một chiếc giày đen nhỏ xinh cỡ số 5 và tận hưởng sự ưu việt của kẻ bị bỏ rơi.

Đám trẻ khách quen của Hang Sư Tử rất dễ thương. Đang có một bài swing và mỗi lúc lướt qua trên sạn nhảy, họ lại nháy mắt với tôi. "Hello," đám con trai nói và các cô gái: "Take it easy (Vô tư đi)." Tôi vẫy cái bót thuốc lá cảm ơn những kẻ gìn giữ tinh nhân đạo chân chính và mỉm cười rộng lượng với người chơi bộ gõ khi anh ta dóng một hồi giòn giã và biểu diễn một tiết mục trên trống, chũm choẹ và phách tam giác, làm tôi nhớ thời "khán đài" xa xưa của mình. Bài tới, anh ta thông báo, sẽ đến lượt quý bà quý cô mời bạn nhảy.

Một tiết mục cuồng nhiệt, "Jimmy Mãnh Hổ", hẳn là dành cho tôi, mặc dù không ai ở Hang Sư Tử này có thể hay biết về sự nghiệp phá rối các cuộc mít-tinh quần chúng của tôi. Một cô bé tóc nhuộm đỏ ngúng ngoáy đến trước mặt tôi, tạm ngừng nhai kẹo cao su mà thì thầm vào tai tôi bằng một giọng khàn vì hút thuốc: "Jimmy the Tiger (Jimmy Mãnh Hổ)". Tôi là bạn nhảy lựa chọn của cô. Giữa những đe doạ của rừng thẳm, chúng tôi nhảy điệu Jimmy. Trong khoảng mười phút, Mãnh Hổ bước trên những móng vuốt nhung. Lại một hồi trống tán thưởng, vỗ tay và một hồi nữa; bởi vì cái bướu của tôi diện oách, và chân tôi thoăn thoắt và tôi tạo nên một hình ảnh xuất sắc trong vai Jimmy Mãnh Hổ. Tôi mời cô gái hâm mộ tôi về bàn và Helma - đó là tên cô ta - hỏi liệu Hannelore, bạn gái cô, có thể đến ngồi cùng không. Hannelore trầm lặng, ngồi yên chỗ và uống rất nhiều. Helma thì nghiện thuốc lá Mỹ và tôi phải gọi bồi bàn lấy thêm thuốc.

Một buổi tối thú vị. Tôi nhảy "Hey Bob A Re Bop," "In the Mood," "Shoeshine Boy", tán gẫu giữa hai bài nhảy và thết đãi hai cô gái; họ không đỏi hỏi gì nhiều và kể với tôi rằng họ làm việc ở Trạm điện thoại liên tỉnh trên Quảng tường Graf-Adolf, rằng bọn con gái ở Trạm tối Chủ nhật nào cũng kéo đến Wedig rất đông. Bản thân họ cũng đến đây đều đặn nếu không có phiên trực và tôi cũng hứa sẽ đến đây luôn vì Helma và Hannelore rất dễ thương và vì các nữ điện thoại viên không điện thoại xem ra thật dễ kết thân - một câu đùa mà họ đủ thông minh để cười tán thưởng.

Sau đó một thời gian dài, tôi mới trở lại thăm Bệnh viện thành phố. Khi đó, Xơ Gertrude đã chuyên sang bộ phận phụ khoa. Tôi không bao giờ gặp lại nàng, nếu không kể những lần vẫy chào nhau từ xa. Tôi trở thành một khách quen được biệt đãi ở Hang Sư Tử. Các cô gái "bám càng" tôi nhưng không quá đáng. Thông qua họ, tôi làm quen với một số người trong đội Quân Chiếm đóng Anh và học lỏm được dăm chục từ tiếng Anh. Tôi kết bạn với vài nhạc công, nhưng tôi cố tự kiềm chế, có nghía lánh xa những cái trống và tự bằng lòng với việc khắc chữ ở xưởng của Korneff.

Trong suốt mùa đông 1947-48 khắc nghiệt, tôi giữ liên lạc với những cô gái điện thoại. Không tốn kém bao nhiêu, tôi kiếm được chút ấm áp từ cô nàng Hannelore trầm lặng ngồi yên chỗ, mặc dù chúng tôi chưa bao giờ đi quá giai đoạn giao lưu bằng tay chưa hứa hẹn gì sâu sắc hơn.

Mùa đông, Korneff chăm lo việc củng cố trang thiết bị. Các dụng cụ phải rèn lại, một số khối đá tồn đọng được cắt xén phẳng phiu, sẵn sàng để khắc chữ. Korneff và tôi bổ sung kho dự trữ đã vơi đi trong mùa thu và chế biến một số bã vôi vỏ điệp thành đá nhân tạo. Tôi cũng thử tay nghề dùng máy đột làm đôi ba chế tác điêu khắc đơn giản - những phù điêu với hình đầu thiên thần, đầu Đức Chúa Jêxu đội mũ gai và những con chim bồ câu của Đức Chúa Thánh Thần. Khi tuyết rơi, tôi xúc tuyết và khi không có tuyết, tôi làm tan băng cho thông ống dẫn nước đến máy mài.

Cuối tháng 2-1948, ít lâu sau Lễ Tro[75] - tôi đã sút cân trong dịp vũ hội h trang và hẳn là nom khá thư sinh vì một số cô gái ở Hang Sư Tử gọi đùa tôi là Bác sĩ - những nông dân đầu tiên từ tả ngạn sông Rhine đến coi mặt hàng của chúng tôi. Korneff không có nhà: như mọi năm, ông đi trị bệnh thấp khớp bằng cách làm việc trong một lò cao ở Duisburg. Khi, sau hai tuần, ông trở về, khô đét và hết nhọt, tôi đã bán được với giá hời ba tấm bia, trong đó có một tấm cho hầm mộ ba người. Korneff bán được hai tấm bằng đá vôi điệp Kirchheim. Và đầu tháng ba, chúng tôi bắt đầu mang bia đi dựng - một tấm bằng cẩm thạch Silesia ở Grevenbroich, hai tấm đá vôi điệp Kirchheim ở một nghĩa địa làng gần Neuss, tấm đá cát kết đỏ với những đầu thiên thần của tôi ở nghĩa trang Stomml. Đến cuối tháng ba, chúng tôi chất lên xe tấm đi-ô-rít với đầu Đức Chúa Jêxu đội mũ gai cho hầm mộ ba người và lái rất từ từ - vì chiếc xe ba bánh bị quá tải - về phía Kappes- Hamm, có nghĩa là phải qua sông Rhine ở Neuss. Từ Neuss qua Grevenbroich đến Rommerschen, rồi rẽ trái theo đường đi Bergheim Erft. Bỏ Rheidt và Niederaussem lại sau lưng, chúng tôi tới Oberaussem không gãy một cái trục. Nghĩa trang nằm trên một ngọn đồi thoai thoải dốc về phía làng.

Ôi, một toàn cảnh hùng vĩ! Dưới chân chúng tôi là vùng than mềm Erftland. Tám ống khói của nhà máy Fortuna phun khói lên trời. Nhà máy điện mới Bắc Fortuna rít lên như sắp nổ tung. Hàng núi cứt sắt, bên trên là những đường dây của hệ thống chuyên chở bằng xe điện cáp. Cứ ba phút, một đoàn xe không hoặc đầy than coke, nhỏ như một thứ đồ chơi, chạy về phía nhà máy hoặc từ đó lao đi. Một đồ chơi khác lớn hơn, một đồ chơi của người khổng lồ, là đường dây cao thế vắt qua một góc của nghĩa trang, dăng hàng ba, ro ro băng về phía Cologne. Những đường dây khác hối hả chạy tới chân trời theo những hướng khác nhau, Bỉ và Hà Lan - trung tâm của thế giới.

Chúng tôi dựng bia cho gia đình Flies.

Người đào huyệt và gã giúp việc - cái gã thay thế vai trò của Leo Schugger ở nghĩa trang này - đi qua với những đồ nghề của họ. Cách đó ba dãy, họ bắt đầu đào một cái huyệt chuẩn bị di chuyển người nằm đó - những khoản bồi thường chiến tranh trôường dây điện cao thế - gió mang đến cái mùi điển hình của một cuộc cải táng trước thời hạn - không đến nỗi lộn mửa, mới là tháng ba mà. Giữa những đống than coke, những cánh đồng mùa xuân xanh rờn. Người đào huyệt đeo cặp kính gãy gọng phải buộc lại bằng dây thép, y đang bàn cãi điều gì với gã Leo Schugger của mình. Rồi còi nhà máy Fortuna rú lên đúng một phút, làm chúng tôi hào hển nín thở, nói chi đến người đàn bà mà hài cốt sắp bị di rời, chỉ có những đường dây cao thế là vẫn tiếp tục công việc. Tiếng còi nhà máy lảo đảo, ngã lộn nhào và chìm nghỉm - trong khi từ những mái đá xám của ngôi làng bốc lên những cuộn khói báo giờ ăn trưa, kế theo là những hồi chuông nhà thờ: cầu nguyện và làm việc, công nghiệp và tôn giáo, những bạn tâm giao. Đổi ca ở nhà máy Fortuna. Chúng tôi mở gói xăng-đuých thịt lợn hun khói, nhưng việc cải táng không thể chậm trễ và dòng điện cao thế 220.000 volt không ngừng tuôn chảy về các cường quốc thắng trận để thắp sáng những ngọn đèn của Hà Lan, trong khi ở đây luôn luôn bị cắt điện - nhưng người đàn bà chết lại được thấy ánh mặt trời.

Trong khi Korneff khoan hai cái lỗ một mét rưỡi để đổ móng, bà ta được mang lên thở không khí tươi mát. Bà ta nằm dưới đó trong bóng tối chưa lâu lắm, mới từ mùa thu năm ngoái, vậy mà đã tiến kịp những cải thiện đang được thực hiện khắp nơi. Việc tháo dỡ các nhà máy công nghiệp ở các vùng Ruhr và Rhine đã tiến triển như mọi thứ, trong cái mùa đông mà tôi đã phung phí ở Hang Sư Tử, người đàn bà này đã có những bước tiến quan trọng và giờ đây, khi chúng tôi đang đổ bê tông và đặt cái đế bia vào chỗ, thì người ta phải thuyết phục bà vui lòng cho họ bốc từng bộ phận của bà lên. Nhưng cái loại tiểu bằng kẽm là thế, mục đích của nó là giữ sao cho còn nguyên, không mất gì hết, kể cả bộ phận vặt vãnh nhất của bà. Cũng như khi người ta phát không than ở Fortuna, bọn trẻ con chạy theo sau những xe moóc đầy tú ụ và nhặt những bánh than rơi ra, bởi vì Giáo chủ Prings đã tuyên bố từ bục giảng kinh: "Thật tình, ta nói với các con, ăn cắp than không phải là một tội lỗi". Nhưng người đàn bà này đâu có còn cần than để đốt lửa. Tôi không nghĩ rằng bà ta thấy rét trong cái không khí tháng ba này, bà hãy còn khối da tuy nhiều mảng bị toạc và thủng lỗ chỗ, nhưng bù lại, có những mảnh vải còn sót và tóc nữa, không những thế tóc vẫn nguyên nếp dợn sóng. Các bộ phận của áo quan cũng đáng được chuyển và thậm chí có những mẩu gỗ cũng muốn đi theo sang nghĩa trang kia, ở đó sẽ không có những nông dân hoặc thợ mỏ từ Fortuna: nó nằm trong thành phố, nơi lúc nào cũng có cái để giải trí, với mười chín rạp chiếu bóng cùng hoạt động một lúc. Bởi vì, như người đào huyệt nói với chúng tôi, bà ta không phải người ở đây mà là sơ tán đến thôi: "Bà ta người Cologne và bây giờ người ta đưa bà ta về Mülheim ở bờ bên kia sông Rhine". Lẽ ra y còn nói nữa nếu còi nhà máy không rú lên lần nữa, cũng đúng một phút. Lợi dụng lúc còi đang rú, tôi lại gần huyệt; tôi muốn chứng kiến cuộc cải táng này. Tôi xách theo một vật; khi tôi tới cạnh, cái tiểu bằng kẽm thì hóa ra là cái xẻng của tôi và tôi bèn cho nó hoạt động luôn, không phải để tương trợ, mà là vì tôi có nó sẵn trong tay. Tôi xúc lên một vật gì bị đánh rơi xuống đất. Cái xẻng này trước kia thuộc về Sở Lao động của Reich. Và cái tôi xúc lên bằng cái xẻng của Sở Lao động, là hay đã từng là ngón tay giữa và ngón tay đeo nhẫn - đến giờ tôi vẫn tin là thế - của người đàn bà sơ tán. Chúng không rơi ra, mà bị người đào huyệt tàn nhẫn chặt đứt. Tôi có cảm giác đó là những ngón tay đẹp và khéo léo. Cũng như vậy, cái đầu bà ta (lúc này đã được đặt trong tiểu) vẫn giữ được một vẻ cân đối đều đặn nào đó trong suốt mùa đông 47-48, một mùa đông rất khắc nghiệt như quý vị chắc còn nhớ, và có thể nói là đẹp, cho dù đó là một sắc đẹp đang tàn. Hơn nữa, cái đầu và những ngón tay của người đàn bà này gần gũi với tôi, người hơn là vẻ đẹp của Fortuna Bắc. Có thể nói tôi khoái cái cảnh quan công nghiệp ấy như tôi thưởng thức tài diễn xuất của Gustaf Gründgens ở nhà hát - một vẻ đẹp bề mặt mà tôi không bao giờ tin, mặc dù chắc chắn là đầy tính nghệ thuật, trong khi tác động do người phụ nữ sơ tán này gây ra lại quá tự nhiên. Cứ cho rằng những đường dây cao thế 220.000 volt, cũng như Goethe, cho tôi một cảm giác vũ trụ, nhưng những ngón tay của người đàn bà này lại xúc động tâm can tôi.

Tôi bắt đầu hình dung bà như một người đàn ông bởi vì như thế phù hợp với điều tôi sắp ết định và với trí tưởng tượng đang biến tôi thành Yorick và bà thành Hamlet (một nửa bà vẫn còn nằm trong huyệt, nửa kia đã xếp vào cái tiểu bằng kẽm). Và tôi, Yorick, hồi V, gã hề: “Tôi biết anh ta, Horatio." Lớp I, tôi, như trên mọi sân khấu của thế giới này, đưa cho Hamlet mượn cái sọ của tôi để cho một Gründgens hay Sir Laurence Olivier nào đó trong vai Hamlet có thể suy tư trên đó: "Ôi, Yorick tội nghiệp! Đâu rồi những câu đùa dí dỏm của ngươi? những tung tăng nhảy nhót của ngươi?" Vậy tôi, Oskar, giữ những ngón tay của Hamlet trên lưỡi xẻng Sở Lao động, đứng trên mặt đất rắn của vùng than mềm Rhine giữa những mồ mả của công nhân mỏ, nông dân và gia đình họ, và nhìn xuống những mái nhà lợp đá xám của làng Oberaussem. Khu nghĩa trang của làng này trở thành trung tâm thế giới đối với tôi, trong khi Fortuna Bắc đứng đó như một á thần đáng sợ, đối thủ của tôi. Cánh đồng là cánh đồng Elsenor Đan Mạch; vùng Erft là vùng Belt của tôi, những gì thối rữa quanh đây là thối rữa trong vương quốc Đan Mạch - và tôi là Yorick. Những thiên thần cao thế dàn hàng ba tải điện 220.000 kilovolt, ca hát trong dây cáp trên đường tới chân trời, tới Cologne, tới con quái vật phong cách Gô-tích của nó[76] - những vị khách nhà trời trên những cánh đồng củ cải. Nhưng đất chỉ giao lại than và thi thể, không phải của Yorick mà của Hamlet. Còn những người khác, không có vai trong vở kịch, thì bị chôn hẳn - "Còn lại là im lặng" - bị đè dí dưới những bia mộ như chúng tôi đang đặt tấm bia đi-o-rít này đè lên gia đình Flies vậy. Nhưng đối với tôi, Oskar Matzerath Bronski Yorick, một kỷ nguyên mới đang hé mở, và bất giác, tôi liếc nhìn những ngón tay mòn vẹt của Hamlet trên lưỡi xẻng của tôi một lần nữa - "Anh ta béo và thở hổn hển" - tôi nhìn như thế trong khi Gründgens, Hồi III, Lớp I, loay hoay với câu hỏi hiện hữu hay không hiện hữu; nhưng tôi gạt bỏ lối diễn đạt ấy mà đặt câu hỏi một cách cụ thể hơn: Con trai tôi và những viên đá lửa của con trai tôi, những ông bố giả định dưới trần và trên trời của tôi, bốn cái váy của bà tôi, vẻ đẹp của mẹ tội nghiệp của tôi, được biến thành bất tử trên những tấm ảnh, những vết sẹo chằng chịt trên lưng Herbert Truczinski, những giỏ thư thẫm máu ở Sở Bưu chính Ba Lan, Châu Mỹ - nhưng Châu Mỹ là cái quái gì soới chuyến xe điện số 9 đi Brösen? Tôi đem đối lập cái mùi va-ni đôi lúc vẫn còn thoang thoảng đâu đây của Maria với những hoang tưởng của tôi về bộ mặt tam giác của Lucy Rennwand; tôi nhờ ông Fajngold, người tẩy uế cả cái chết, tìm giúp cái huy hiệu Đảng đã biến mất trong khí quản của Matzerath. Và, sau rốt, quay sang Korneff, hay đúng hơn về phía những cột điện cao thế, tôi nói - phải, tôi đã quyết định, nhưng trước khi nói ra, tôi cảm thấy cần tìm một lời thoại kịch khả dĩ khiến Hamlet thành đáng ngờ, song lại hợp thức hóa tôi, Yorick, thành một công dân - vậy thi nhân Korneff đang gọi tôi vì đã đến luc gắn bia vào đế, tôi quay sang ông và, thôi thúc bởi mong muốn trở thành một công dân lương thiện, tôi nói, hơi bắt chước Gründgens mặc dù ông không bao giờ đóng Yorick, nói qua lưỡi xẻng: "Lấy vợ hay không lấy vợ, đó là vấn đề."

Sau cơn khủng hoảng ấy ở khu nghĩa trang đối diện với nhà máy Fortuna Bắc, tôi thôi đi nhảy ở Hang Sư Tử, cắt đứt mọi liên lạc với các cô gái điện thoại mà ưu điểm chủ yếu của họ là khả năng thiết lập những mối liên lạc.

Tháng năm, tôi đưa Maria đi xem chiếu bóng. Sau đó, chúng tôi đến một nhà hàng và ăn khá ngon. Chúng tôi trò chuyện tâm tình với nhau. Maria lo phát ốm vì nguồn của Kurt đang cạn dần, vì công việc kinh doanh mật ong đi xuống, vì tôi, mặc dầu "yếu đau quặt quẹo" - theo chữ dùng của nàng - vẫn phải gánh vác cả gia đình hàng mấy tháng nay. Tôi an ủi Maria, nói với nàng rằng Oskar lấy làm sung sướng được làm hết khả năng của mình, rằng Oskar không thích gì hơn là được gánh vác một trách nhiệm nặng nề; tôi khen nàng dạo này đẹp ra và cuối cùng, nói lời cầu hôn.

Nàng xin khất để có thời gian suy nghĩ. Hàng tuần liền, đáp lại câu hỏi Yorick của tôi chỉ là im lặng và thoái thác; chung cuộc, chính cuộc cải cách tiền tệ đã mang lại câu trả lời.

Maria nêu ra vô số lý do. Nàng vuốt ve tay áo tôi, gọi tôi là "Oskar thân yêu", nói tôi quá tốt để sống ở cái thế giới tệ hại này; nàng xin tôi thông cảm và hãy mãi mãi là bạn nàng, chúc mọi điều tốt đẹp nhất cho tiền đồ của tôi, dù tôi tiếp tục làm thợ đá hay làm gì khác. Nhưng khi khi tôi hỏi dồn và muốn trắng đen rõ ràng thì nàng từ chối không chịu lấy tôi.

Và thế là Yorick không trở thành một công dân tốt, mà thành một Hamlet, một thằng điên.

MADONNA 49

Cuộc cải cách tiền tệ đến quá sớm, nó biến tôi thành một thằng điên, đẩy tôi đến nước cũng phải cải cách tiền tệ của Oskar. Tôi buộc phải kiếm lời, hay chí ít cũng phải kiếm sống, bằng cái bướu của mình.

Phải, lẽ ra tôi đã có thể là một công dân tốt. Thời kỳ tiếp theo cuộc cải cách tiền tệ - bây giờ đã hoàn toàn rõ ràng là nó mang mọi tiền đề của cái thiên đường trung lưu trong đó chúng ta hiện đang sống - lẽ ra đã có thể tạo ra một Oskar tư sản. Nếu có vợ con, có gia đình, tôi ắt đã tham gia vào công việc tái thiết nước Đức, giờ đây tôi ắt đã là chủ một xí nghiệp làm đá cỡ trung, nuôi sống ba mươi công nhân, cung cấp những mặt tiền đá điệp và t’ra-véc-tin đang rất thịnh hành cho các công sở, các công ty bảo hiểm. Lẽ ra tôi đã là một nhà doanh nghiệp, một người chủ gia đình, một thành viên đáng kính của xã hội. Nhưng Maria đã khước từ tôi.

Chính vào thời điểm ấy, Oskar đã nhớ ra cái bướu của mình và trở thành một nạn nhân của nghệ thuật. Trước khi Korneff kịp thải tôi - bởi đời sống dựa chủ yếu vào việc làm bia mộ của ông cũng bị cuộc cải cách tiền tệ đe dọa - tôi đã nhanh chân rút tr. Những lúc không ngồi tễu vê ngón tay trong phòng khách kiêm bếp của Guste, tôi thường ra đứng ở các góc phố, mài mòn dần bộ com-lê may đo sang trọng. Tôi bắt đầu chểnh mảng vẻ bề ngoài của mình. Tuy chưa hề có chuyện cãi vã với Maria, nhưng vì sợ xẩy ra cãi vã, nên cứ tầm cuối buổi sáng, tôi lại rời căn hộ ở Bilk. Trước tiên, tôi đến xem thiên nga ở Graf-Adolf, rồi chuyển qua thiên nga ở Hofgarten. Nhỏ nhoi, đăm chiêu nhưng chưa đến nỗi chua chát, tôi ngồi trên một cái ghế đá vườn hoa đối diện với Sở Lao Động thành phố và Trường Đại học Mỹ thuật vốn là láng giềng ở Düssendorf.

Thật kỳ lạ, người ta có thể ngồi mọc rễ trên một cái ghế đá công viên cho đến khi biến thành gỗ và cảm thấy cần phải giao lưu với những người gỗ khác: những ông già chỉ đến đây khi thời tiết tốt, những bà già dần dần trở lại thói bẻo lẻo thời con gái, đám trẻ con vừa chơi chạy đuổi vừa la hét, những cặp tình nhân sắp phải chia tay nhưng còn dùng dằng. Những con thiên nga thì đen, thời tiết thì nóng, lạnh hay vừa phải tùy theo mùa. Giấy vứt lung tung, mảnh phất phơ bay, mảnh nằm trên các lối đi cho đến khi một người đội mũ cát-két, ăn lương của thành phố, xiên chúng bằng đầu một cái que nhọn.

Oskar khi ngồi luôn chú ý để hai đầu gối quần phồng đều đặn. Đương nhiên là tôi nhận thấy, hai gã thanh niên gày guộc và cô gái đeo kính trước khi cô này (mặc một chiếc măng-tô da, chít một cái thắt lưng cũ của Wehrmacht) nói với tôi. Hình như sáng kiến là của hai bạn cô, nhưng vì, mặc dầu bề ngoài nom có vẻ dân xã hội đen, họ sợ không dám tiếp cận tôi bởi họ mang máng cảm thấy sự vĩ đại ẩn giấu nơi cái bướu của tôi, nên đùn cho cô. Thu hết can đảm, cô đứng trước mặt tôi, dạng đôi chân chắc như cột nhà cho đến khi tôi mời cô ngồi xuống. Sương mù từ sông Rhine làm nhoà mắt kính của cô. Cô nói, nói lan man hoài cho đến khi tôi đề nghị cô lau mắt kính và trình bày đầu đuôi câu chuyện cho rành rọt dễ hiểu. Cô vẫy hai người bạn dáng dữ dằn lại. Tôi chưa hỏi, họ đã lập tức tự giới thiệu là họa sĩ đi săn người mẫu. Tôi đúng là "tip" họ đang tìm kiếm, họ nói với một vẻ nhiệt thành gầ như rùng rợn. Khi tôi xoa xoa những đầu ngón tay với nhau, họ cho tôi biết Trường Đại học Mỹ thuật trả một mark tám mươi một giờ, hoặc hai mark nếu ngồi mẫu khỏa thân nhưng, cô gái to béo nói chen vào, khả năng đó không nhiều lắm.

Tại sao Oskar trả lời đồng ý? Có phải vì sự hấp dẫn của nghệ thuật? Hay vì hám lợi? Không cần phải chọn lựa. Vì cả hai. Tôi đứng dậy, mãi mãi bỏ lại sau lưng cái ghế công viên cùng những vui, buồn của đời ghế công viên và theo những người bạn mới - cô gái to béo bước đi quả quyết, hai chàng trai thì khòng khòng như vác thiên tài của mình trên lưng - đi ngang qua Sở Lao Động tới. Trường Đại học Mỹ thuật bị phá hủy một phần.

Giáo sư Kuchen - râu đen, mắt đen như than, tóc mềm đen, đầu móng tay đen - nhất trí rằng tôi sẽ là một người mẫu tuyệt vời.

Ông đi quanh tôi một hồi, phóng những tia nhìn đen như than, phì bụi đen từ hai lỗ mũi. Bóp cổ một kẻ thù vô hình bằng những móng tay đen, ông tuyên bố: "Nghệ thuật là kết tội, xuất biểu, đam mê. Nghệ thuật là một cuộc đấu tranh đến cùng giữa chì than và giấy trắng."

Giáo sư Kuchen dẫn tôi đến một xưởng vẽ, tự tay nhấc tôi lên một cái bục quay và xoay nó đi một vòng, không phải để làm tôi chóng mặt, mà để phô bày những kích thước của Oskar từ mọi phía. Mười sáu cái giá vẽ vây quanh tôi. Vị giáo sư thở ra than giảng giải ngắn gọn cho các đồ đệ của mình: điều ông cần là xuất biểu, luôn luôn xuất biểu, một biểu hiện đen ngòm của tuyệt vọng. Tôi, Oskar đây, ông nhấn mạnh, là hình ảnh vỡ nát của con người, một sự buộc tội, một thách thức phi thời gian nhưng lại biểu hiện sự điên loạn của thế kỷ chúng ta. Để kết luận, ông gầm lên bên trên những giá vẽ: "Tôi không muốn các em ký họa con người tàn tật này, sự dị dạng này của thiên nhiên, tôi muốn các em lột da anh ta, đóng đanh câu rút anh ta trên thánh giá, đóng đinh anh ta lên giấy bằng chì than

Đó là hiệu lệnh bắt dầu. Mười sáu cây chì than rào rạo đằng sau mười sáu cái giá vẽ, chì than chộp lấy cái thần thái của tôi, có nghĩa cái bướu của tôi, bôi đen nó, đè nó lên mặt giấy. Các sinh viên của Giáo sư Kuchen nhìn cái thần thái của tôi đen tối đến nỗi họ không thể tránh khỏi phóng đại kích thước cái bướu của tôi: nó không chịu vừa khớp trên mặt giấy mặc dầu họ lấy những tờ mỗi lúc một rộng khổ hơn.

Giáo sư Kuchen bèn cho mười sáu tay nghiền chì than một lời khuyên quý báu: đừng bắt đầu bằng việc đi “công-tua" cái bướu của tôi - xem ra nó quá tải chất biểu hiện đến nỗi không khổ giấy nào chứa nổi - mà trước hết hãy phác cái đầu của tôi ở phần năm trên cùng của tờ giấy, càng lệch về bên trái càng tốt.

Mái tóc đẹp của tôi óng ánh một màu nâu hạt dẻ. Họ biến tôi thành một tên di-gan tóc xõa xượi. Không ai trong bọn họ nhận thấy Oskar có đôi mắt xanh. Trong một lần nghỉ giải lao - mọi người mẫu đều được quyền nghỉ mười lăm phút sau khi làm mẫu ba phần tư tiếng đồng hồ - tôi ngó thử mười sáu bức ký họa. Về mọi mặt, diện mạo thây ma của tôi gào lên lời kết tội, nhưng không ở đâu tôi thấy cái ánh xanh rờ rỡ của cặp mắt tôi; ở chỗ đáng lẽ phải là một sự lấp lánh quyến rũ, tôi chỉ thấy những vòng xoáy lở tở đen kịt của chì than.

Tuy nhiên, bản chất của nghệ thuật là tự do. Phải có cái nhìn rộng lượng. Những người con trai và con gái này của Nữ thần Nghệ Thuật, tôi tự nhủ, đã nhận ra Rasputin nơi mày. Nhưng liệu có bao giờ họ phát hiện ra Goethe đang nằm ngủ trong tâm hồn mày để đánh thức ông dậy, thể hiện ông trên mặt giấy, không phải bằng chì than vũ bão, mà bằng một nét bút kiềm chế và nhạy cảm? cả mười sáu sinh viên kia, cho dù họ có thể là những tài năng, lẫn ông giáo sư Kuchen có độc một ngón võ chì than đều không thể tạo ra được một chân dung Oskar khả chấp nhận. Có điều, tôi làm được khá tiền và được đốãi trân trọng sáu giờ mỗi ngày. Quay mặt về phía cái bồn rửa luôn luôn tắc hay một tấm rèm, hoặc nhìn qua cửa sổ xưởng vẽ thấy trời xanh hơi vẩn mây, tôi ngồi mẫu sáu tiếng một ngày, phô một sắc diện trị giá một mark tám mươi một giờ.

Trong vòng mấy tuần, các sinh viên vẽ được một số ký họa thú vị. Sự "xuất biểu" trở nên có mức độ hơn, các kích thước của cái bướu hợp lý hơn; thậm chí đôi khi họ đưa được cả người tôi vào bức vẽ, từ đầu đến chân, từ khuy áo trên ngực cho đến chỏm sau của cái bướu. Thi thoảng, còn có chỗ cho một bối cảnh; bất chấp cải cách tiền tệ, những người trẻ tuổi này vẫn không quên chiến tranh: đằng sau tôi, họ dựng những cảnh đổ nát với những lỗ hổng, xưa là cửa sổ, đen ngòm như những lời tố cáo. Hoặc giả họ thể hiện tôi như một người tỵ nạn đói khát, bơ vơ giữa những thân cây bị bom xén cụt; hoặc nét chì than của họ giam tôi lại, lồng lộn rạch chằng chịt những dây thép gai tua tủa đằng sau tôi và dựng những tháp canh đầy đe doạ bên trên tôi; họ cho tôi mặc quần áo tù và đặt vào tay tôi một cái bát không, những cửa sổ ngục tối đem lại một chất duyên giàu tính đồ họa. Và tất cả những cái đó đều nhân danh sự biểu hiện nghệ thuật.

Nhưng vì đó là một gã di-gan Oskar tóc đen được tạo ra để nhìn vào tất cả những cảnh khốn cùng này bằng đôi mắt đen như than, chứ không phải đích thị bản thân tôi với đôi mắt xanh, nên tôi cứ đứng (hoặc ngồi) yên không nhúc nhích mặc dù tôi thừa biết dây thép gai không phải là một đề tài thích hợp để vẽ. Tuy nhiên, tôi lấy làm mừng khi các điêu khắc gia mà, như mọi người đều biết, vốn không cần đến bối cảnh phi thời gian, yêu cầu tôi làm mẫu khỏa thân cho họ.

Lần này không phải một sinh viên mà đích thân một ông thày đặt vấn đề với tôi. Giáo sư Maruhn là bạn của ông thày nghiền chì than Kuchen. Một hôm, tôi đang đứng bất động trong xưởng họa riêng của Kuchen, một phòng u ám đầy những ký họa chì than được đóng khung, để cho ông râu đen với nét phóng bút đen không aắt chước được ngả tôi trên mặt giấy, thì Giáo sư Maruhn tạt vào. Một người thấp, chắc nịch trạc ngũ tuần mà chiếc áo blu trắng gọn gàng có thể khiến ta tưởng lầm là một bác sĩ phẫu thuật nếu không có chiếc bê-rê bụi bặm giúp ta nhận dạng ông đích thị là nghệ sĩ.

Maruhn, như tôi có thể thấy ngay, là người yêu thích hình khối cổ điển, ông hoàn toàn không ưng vóc dáng của tôi và bắt đầu trêu chọc Kuchen: phải chăng Kuchen chưa thoả mãn với những mẫu di-gan đã khiến ông có cái biệt danh Ga-tô Di-gan, nên giờ đây lại thử đến những mẫu dị dạng? Sau thời kỳ Di-gan bán khá tốt, liệu ông thày nghiền chì than có ôm ấp hy vọng là thời kỳ người lùn sẽ còn bán ngon lành hơn?

Điếng người vì những lời châm trích của bạn, Giáo sư Kuchen biến nỗi cay cú đó thành những nét chì than giận dữ: trong tất cả những chân dung Oskar của ông, đây là bức đen tối nhất. Toàn một màu đen kịt trừ một chút hé sáng nhờ nhờ trên gò má, mũi, trán và bàn tay - Kuchen bao giờ cũng vẽ bàn tay tôi rất to, sưng đẫn vì thấp khớp, như gào lên biểu cảm, và đặt chúng vào trung tâm những cuộc giao hoan chì than của mình. Tuy nhiên, trong bức vẽ này (về sau rất được ngưỡng mộ tại nhiều cuộc triển lãm), mắt tôi xanh, có nghĩa là cái ánh u tối mọi khi đã nhường chỗ cho một sắc độ sáng hơn rõ rệt. Oskar cho rằng sự đột biến này là do tác động của Maruhn vốn không mê lối xuất biểu đen kịt, mà là người thuộc phái cổ điển, nhạy cảm với sự rạng ngời mang tinh thần Goethe của đôi mắt tôi. Chỉ có thể là đôi mắt của Oskar đã thuyết phục con người yêu sự hài hoà cổ điển này chọn tôi như là mẫu thích hợp cho điêu khắc - điêu khắc của ông.

Xưởng làm việc của Maruhn sáng, bụi bặm và trống trơn không một thành phẩm hoàn tất nào. Nhưng khắp chỗ đều thấy khung cốt cho những tác phẩm điêu khắc dự định, được suy tính hoàn hảo đến mức chỉ riêng những thanh sắt, dây thép và ống chì trần trụi chưa đắp đất nặn đã hứa hẹn sự hài hòa trong tương lai.

Tôi ngồi mẫu khỏa thân mỗi ngày năm giờ và ông trả tôi mỗi giờ hai mark. Một vòng phấn trên bục đánh dấu chỗ tôi phải cắm rễ bàn chân phải. Một đường thẳng đứng tưởng tượng kéo từ mu bàn chân lên phải qua chính giữa hai quai xanh của tôi. Chân trái "cử động tự do". Nhưng đó chỉ là một cách nói. Tôi phải hơi gập đầu gối và hơi ngả chân này sang một bên với một vẻ lơ đễnh, nhưng không được phép cử động. Nó cũng phải cắm rễ trong một vòng phấn vạch trên bục.

Tôi ngồi mẫu cho Maruhn nhiều tuần. Trong suốt thời gian đó, ông không sao tìm được cho tay tôi một tư thế cố định như tư thế chân, ông bắt tôi thử mọi cách: cánh tay trái buông thõng, cánh tay phải vắt lên trên đầu; cả hai tay khoanh trước ngực hay bắt chéo dưới cái bướu; hai bàn tay chống nạnh; vô số phương án và nhà điêu khắc thử tất, đầu tiên với tôi, rồi với bộ khung sắt với những ống chì dẻo uốn được.

Khi, cuối cùng, sau một tháng cố gắng căng thẳng, ông quyết định lấy đất nặn tượng tôi, hoặc với hai tay chắp sau đầu, hoặc không có tay, thì ông đã kiệt sức vì làm đi làm lại bộ khung cốt đến nỗi không thể làm gì thêm nữa. Ông bốc một nắm đất nặn, thậm chí có khi đã vươn tới để đắp nhưng rồi lại buông nắm đất chưa ra hình thù gì xuống hộp. Rồi ông ngồi thừ ra nhìn tôi và bộ khung tượng tôi, run bần bật như lên cơn sốt: bộ khung quá là hoàn hảo.

Ông thở dài, cam chịu, nói ông bị đau đầu và, không hề oán giận Oskar, bỏ cuộc, ông nhấc bộ khung tượng gù lưng với một chân cố định, một chân cử động tự do, với cánh tay ống chì và ngón tay dây thép giơ lên chắp sau cổ sắt, và đặt nó vào trong góc cùng với tất cả các bộ khung cốt sớm hoàn chỉnh khác của ông. Lặng lẽ, không chút giễu cợt, ý thức rõ sự vô dụng của bản thân chúng, những gióng gỗ - còn gọi là bướm - lẽ ra phải đỡ lớp đất nặn, khẽ rung lên trong cái lồng rộng là cái bướu của tôi.

Sau đó, chúng tôi uống trà và trò chuyện khoảng một giờ, được tính là thời gian ngồi mẫu. Ông kể về những thời kỳ trước khi mà, cường lực và không chút ức chế như một chàng Michelangelo trẻ tráng, ông đã phủ hàng toa đất nặn lên bao bộ khung và hoàn thành vô số tác phẩm điêu khắc, mà phần lớn đã bị phá hủy trong chiến tranh. Tôi kể ông nghe về hoạt động của Oskar với tư cách là thợ đẽo đá và thợ khắc chữ trên bia mộ. Chúng tôi tán gẫu một lát rồi ông đưa tôi đến ngồi mẫu cho các sinh viên của ông.

Nếu tóc dài là dấu hiệu chỉ giới tính, thì sáu trong số mười học trò của Giáo sư Maruhn có thể coi là gái. Bốn cô xấu thì có tài. Còn lại hai, xinh đẹp, hoạt bát và nhởn nhơ: những cô gái đích thực. Tôi không bao giờ bối rối khi làm mẫu khỏa thân. Trái lại, Oskar còn thích trí trước vẻ kinh ngạc của hai nữ điêu khắc gia xinh đẹp và nhởn nhơ khi họ nhìn thấy tôi trên bục lần đầu và không khỏi đôi chút hoang mang nhận thấy rằng mặc dầu gù và nhỏ con, Oskar được trang bị một bộ phận sinh dục mà khi cần, có thể đọ được cái khoản ấy của bất kỳ ai khác.

Vướng mắc của các sinh viên có phần khác với cái trục trặc của ông thày. Trong hai ngày, họ đã làm xong bộ khung; với sự cuồng nhiệt của thiên tài, họ đắp luôn đất nặn lên những ống chì gắn vội và vụng, nhưng hình như họ đã không đặt đủ bướm gỗ vào cái bướu, vì lớp đất ẩm vữa trát lên một gã Oskar nom như một dãy núi gập ghềnh, thì trái núi Oskar ấy, hay đúng hơn, mười trái núi đã bắt đầu rụn xuống. Đầu tôi rơi xuống giữa hai chân, lớp đất nặn bong ra khỏi các ống chì, cái bướu của tôi xệ xuống gần ngang tầm đầu gối. Bấy giờ tôi mới thấy rõ giá trị của ông thày Maruhn: những bộ cốt của ông hoàn hảo đến nỗi không cần phải đắp da đắp thịt dung tục cho chúng.

Bốn nữ điêu khắc gia xấu nhưng có tài khóc khi Oskar-đất-nặn tách ra khỏi Oskar-khung. Hai nữ điêu khắc gia xinh đẹp nhưng nhởn nhơ cườ khách khi lớp da thịt dễ rữa nát rụng một cách đầy ý nghĩa biểu tượng khỏi xương cốt tôi. Tuy nhiên, sau mấy tuần, cả lớp cũng cho ra được một số tác phẩm điêu khắc coi được, thoạt tiên bằng đất, rồi bằng thạch cao và giả cẩm thạch. Chúng được trưng bày tại cuộc Triển lãm kết thúc học kỳ và tôi có dịp làm những so sánh mới giữa các nữ điêu khắc gia xấu nhưng có tài với hai cô xinh đẹp nhưng nhởn nhơ. Trong khi các cô xấu nhưng có tài thể hiện đầu, chân tay và cái bướu của tôi hết sức cẩn thận nhưng mặt khác, do e thẹn, lại hầu như lờ cái bộ phận sinh dục của tôi đi hoặc cách điệu nó một cách ngớ ngẩn, thì các cô xinh đẹp mắt xanh to tròn, ngón tay thon thả nhưng vụng về không mấy chú trọng đến những khớp và kích thước của thân thể tôi, mà mô phỏng cái bộ tam sự bề thế của tôi hết sức cụ thể. Nhưng tuy đang mải đề tài này, tôi cũng không nên quên bốn nhà điêu khắc nam giới: họ trừu tượng hóa tôi; dùng những tấm ván nhỏ phăng, có rãnh, họ biến tôi thành một khối vuông. Còn cái vật mà các cô xấu xao lãng và các cô xinh thể hiện với một tính chân thật nhục thể, thì họ, với trí tuệ nam nhi, họ nhìn nó ra hai khối vuông nhỏ giống nhau đội một trụ chữ nhật dài: dương vật theo quan điểm hình học không gian.

Phải chăng vì đôi mắt xanh của tôi hay vì những máy sưởi pa-ra-bôn mà các sinh viên đặt quanh Oskar khỏa thân: dù thế nào đi nữa, một số họa sĩ trẻ đến gặp hai cô sinh viên điêu khắc xinh đẹp phát hiện ra một nét đẹp hội hoạ hoặc ở màu xanh của mắt tôi hoặc ở làn da đỏ như tôm hùm ửng lên toả sáng của tôi. Thế là họ giành lấy tôi, mang lên lớp hội họa đang có giờ học ở tầng trên.

Thoạt đầu, các hoạ sĩ, dưới ấn tượng quá mạnh do đôi mắt xanh của tôi gây nên, nhìn tôi thành toàn xanh. Nước da hồng hào của Oskar, mái tóc nâu lượn sóng, cái miệng tươi tắn hồng hồng của hắn - tất cả chìm ngập trong những sắc xanh ma quái; đây đó, chỉ để đẩy nhanh quá trình thối rữa, một sắc xanh ve chết chóc, một màu vàng lộn mửa len lách vào giữa những mảng da thịt xanh lơ.

Oskar không được thêm màu nào khác cho đến tuần vũ hội hóa trang khi, giữa những hoạt động hội hè tổ chức trong tầng hầm của Trường Mỹ thuật, hắn phát hiện ra Ulla và đưa nàng đến với các họa sĩ để làm nguồn cảm hứng cho họ.

Có phải vào hôm Thứ Hai Giải Tội? Phải, đúng vào ngày Thứ Hai Giải Tội, tôi quyết định tham gia các cuộc vui, góp thêm một gã Oskar hóa trang vào đám đông sặc sỡ sắc màu.

Khi Maria thấy tôi đứng trước gương, nàng bảo: "Tốt nhất là anh ở nhà đi. Họ sẽ giẫm bẹp anh mất." Tuy vậy, nàng vẫn giúp tôi chuẩn bị bộ đồ hóa trang, cắt những mảnh vải để bà chị Guste, bằng đường kim hoạt bát, chắp lại thành một bộ trang phục hề. Ý định đầu tiên của tôi là đóng vai một chú lùn của Velasquez. Tôi cũng thích xuất hiện dưới dạng một Narses hay Hoàng tử Eugene. Cuối cùng, khi tôi đứng trước tấm gương lớn mà hình ảnh phản chiếu trong đó hơi bị xệch xẹo do một vết nứt dài từ góc này sang góc kia còn lại từ hồi chiến tranh, khoác lên người cả bộ đồ loang lổ, lùng thùng, xẻ tà, với những cái chuông nhỏ leng keng, khiến Kurt con trai tôi cười ngặt nghẽo đến nỗi ho sù sụ không dứt, tôi khẽ tự nhủ, không lấy gì làm vui thích lắm: "Nào, Oskar, bây giờ thì mày là anh hề Yorick rồi. Nhưng đâu là đức vua cho mày pha trò trêu chọc?"

Trên chuyến xe diện đưa tôi dến Ratinger Tor, gần Trường Mỹ thuật, tôi mau chóng nhận thấy là Oskar-Yorick không làm cho đám dân dã cười - tất cả những gã cao-bồi và vũ công Tây Ban Nha đang cố quên đi công việc linh tinh thường nhật. Không, tôi làm họ sợ. Họ né tránh tôi, thành thử mặc dù tàu chật như nêm, tôi vẫn dễ dàng tìm được một chỗ ngồi. Bên ngoài Trường Mỹ thuật, cảnh sát vung những chiếc dùi cui thật chẳng có liên quan gì với trò trá hình của hội hóa trang.

Hội trường của sinh viên mỹ thuật chật cứng mà vẫn có nhiều người cố chen vào.

Khi Oskar rung những chiếc chuông nhỏ, đám đông dãn ra như Biển Đỏ và một viên cảnh sát với con mắt được nghề nghiệp mài sắc, thấy ngay kích cỡ thực của tôi. Y Nhìn xuống, chào theo kiểu nhà binh và ve vẩy chiếc dùi cui tháp tùng tôi xuống hầm, nơi diễn ra các trò vui. Khi tôi tới, nồi đã đặt trên lửa nhưng chưa đến độ sôi hẳn.

Không nên tưởng rằng một cuộc hội hè của nghệ sĩ thì mọi nghệ sĩ đều vui chơi thoải mái. Phần lớn nghệ sĩ thật sự, sinh viên của trường, vẻ mặt lo âu và nghiêm trang mặc dầu được tô son vẽ phấn, đứng sau những quầy trang trí vui mắt nhưng rất chông chênh, bán bia, rượu schnaps, sâm-banh và xúc xích, kiếm thêm tí tiền ngoài. Phần lớn những người vui chơi nhảy múa thật sự là đám dân thường một năm mới có một lần được dịp đú đởn chè chén và vung tiền tung tẩy như các nghệ sĩ.

Sau khoảng một giờ xục xạo các cầu thang, xó xỉnh, gầm bàn, làm kinh động những cặp dường như đang sắp tìm thấy khoái thú trong điều kiện thiếu tiện nghi, tôi kết bạn với hai cô gái Trung Quốc đến từ Lesbos - hay tôi có nên nói là hai cô Lesbian[77] từ Trung Quốc sang? Họ rất quấn quít nhau. Mặc dầu họ thám hiểm nhau không thiếu chỗ nào, họ vẫn không xâm phạm đến những vùng gay cấn của tôi và cho tôi thưởng thức một màn có những pha khá thú vị. Chúng tôi cùng uống sâm- banh và cuối cùng, được tôi cho phép, họ dùng cái bướu của tôi vào một thí nghiệm mà kết quả tỏ ra rất mỹ mãn. Điều đó một lần nữa chứng minh thuyết của tôi là đúng: một cái bướu có thể mang lại hạnh phúc cho đàn bà.

Tuy nhiên, lâu dần, những giao tiếp này làm tôi càng lúc càng thêm buồn bã. Nhiều ý nghĩ đến quấy nhiễu tôi, tôi băn khoăn lo lắng về tình hình chính trị; tôi lấy sâm-banh vẽ lên mặt bàn sự phong tỏa Berlin và cầu hàng không bằng vạch chấm chấm. Nhìn hai cô gái Tàu không kết nhập được với nhau, tôi hết hy vọng vào việ thống nhất nước Đức và làm một điều không hợp với tôi chút nào. Oskar, trong vai Yorick, bắt đầu tìm hiểu ý nghĩa cuộc đời.

Khi các cô bạn gái của tôi không nghĩ thêm được gì khác để khoe, họ bắt đầu khóc, để lại những vệt lộ liễu trên lớp son phấn Đông phương của họ. Tôi đứng dậy trong bộ trang phục lùng thùng, xẻ tà, rắc phấn và xủng xoẻng chuông. Hai phần ba thằng tôi muốn về nhà, nhưng một phần ba còn lại vẫn hy vọng biết thêm được một kinh nghiệm hội hè nữa. Chính lúc đó tôi chợt thấy trung sĩ Lankes, có nghĩa là anh ta gọi tôi trước.

Quý vị còn nhớ chứ? Chúng tôi gặp nhau trên Phòng tuyến Đại Tây Dương mùa hè năm 1944. Anh ta canh giữ công sự bê tông và hút thuốc lá của sư phụ tôi Bebra.

Cầu thang đầy những cặp ôm ấp hôn hít nhau. Tôi cố lách qua. Tôi vừa mới châm lửa thì có người chọc ngón tay vào tôi và một cựu trung sĩ từ thời chiến tranh cất tiếng: "Này, anh bạn, còn thừa mẩu nào không?"

Chả có gì là lạ nếu tôi nhận ra anh ta ngay: khẩu khí quen thuộc ấy, lại thêm trang phục vẫn là bộ đồ xám dã chiến. Nhưng dù có thế đi nữa, chắc tôi cũng chẳng hơi đâu nhắc lại mối quan hệ quen biết cũ nếu cô gái ngồi trên đùi xám dã chiến của tay trung sĩ và họa sĩ bê tông không phải đích thực là Nàng Thơ hiện thân.

Hãy để tôi nói chuyện với chàng họa sĩ trước, rồi sẽ tả Nàng Thơ sau. Không những tôi cho anh ta một điếu thuốc lá, mà còn châm lửa cho anh ta nữa. Và khi anh nhả cuộn khói đầu tiên, tôi nói: "Trung sĩ Lankes, anh có nhớ không? Đoàn văn công tiền tuyến Bebra? Man rợ, huyền bí, chán ngắt?"

Chàng họa sĩ giật bắn người khi nghe tôi nói vậy, anh ta vẫn giữ được điếu thuốc trên tay nhưng Nàng Thơ thì ngã nhào khỏi đầu gối anh ta. Tôi đỡ kịp và trao lại cho anh ta cô gái chân rất dài, say mềm, cới chỉ qua tuổi vị thành niên ấy. Trong khi hai chúng tôi, Lankes và Oskar, ôn lại kỷ niệm xưa với đôi ba nhận xét miệt thị đối với trung úy Herzog mà Lankes gọi là một thằng điên, đồng thời nhắc đến cả sư phụ Bebra của tôi cũng như các nữ tu sĩ đi bắt cua giữa đám "măng tây Rommel", tôi vẫn ngỡ ngàng nhìn Nàng Thơ. Nàng đến như một thiên thần, đầu đội một chiếc mũ làm bằng các-tông loại dùng để đóng gói trứng xuất khẩu. Mặc dù rất say, đôi cánh rũ xuống, nàng vẫn toả ra cái duyên của một cư dân trên trời.

"Đây là Ulla," Lankes giới thiệu. "Cô ấy học khâu may, nhưng bây giờ lại muốn thành họa sĩ, nhưng tôi bảo ném cái ý định ấy đi cho quỷ, bởi làm nghề may còn kiếm được chút đỉnh, chứ nghệ thuật thì ăn cám à!"

Oskar, vốn đã kiếm khá tiền nhờ nghệ thuật, liền tình nguyện nhận sẽ giới thiệu Ulla với các nghệ sĩ ở Trường Mỹ thuật, chắc chắn họ sẽ lấy nàng làm người mẫu và nguồn cảm hứng. Lankes phấn khởi với đề xuất của tôi đến nỗi rút liền một lúc ba điếu thuốc của tôi, nhưng bù lại, mời tôi đến thăm xưởng vẽ của anh ta nếu tôi không phản đối trả tiền tắc-xi.

Thế là chúng tôi lấy tắc-xi đi liền, để lại hội hóa trang sau lưng. Tôi trả tiền tắc-xi và Lankes hâm chút cà phê trên bếp cồn mời chúng tôi; cà phê làm Nàng Thơ hồi lại. Sau khi trút nhẹ bao tử với sự giúp đỡ của ngón tay trỏ của tôi, nàng gần như tỉnh táo.

Mãi đến lúc đó tôi mới thấy cái vẻ luôn luôn ngỡ ngàng trong cặp mắt xanh nhạt của nàng và nghe thấy giọng nói của nàng - một giọng hơi líu lo, có phần lanh tanh như sắt tây, nhưng không phải thiếu sức quyến rũ làm ta xúc động. Lankes cho nàng biết đề xuất của tôi là nàng đi làm mẫu vẽ cho Trường Đại học Mỹ thuật, nói ra cách như ra lệnh chứ không phải là gợi ý. Thoạt đầu, nàng không chịu, nàng không muốn làm người mẫu hay Nàng Thơ cho các họa sĩ khác, mà chỉ thuộc về riêng Lankes thôi.

Thế là, như các họa sĩ tài năng đôi khi vẫn làm thế, anh ta tát đánh đốp một cái vào mặt nàng, rồi hỏi lại nàng một lần nữa và khanh khách cười mãn nguyện khi nàng vừa khóc y như cách thiên thần khóc, vừa tuyên bố ý nguyện của mình muốn trở thành người mẫu với thù lao hậu hĩnh, thậm chí là Nàng Thơ, của các họa sĩ Trường Đại học Mỹ thuật.

Nên nhớ rằng Ulla cao một mét bảy lăm, người cực kỳ thon thả, mềm mại và mỏng manh, khiến ta nhớ đến tranh của Botticelli[78] hay Cranach[79], hay cả hai. Chúng tôi cùng làm mẫu khỏa thân. Thịt tôm hùm có cùng màu với làn da mịn màng phủ một lớp lông tơ như trẻ con của nàng. Tóc nàng màu vàng rơm, hơi thưa nhưng dài. Lông cửa mình nàng hung hung và xoăn, thu gọn trong một hình tam giác nhỏ. Ulla cạo lông nách đều đặn mỗi tuần một lần.

Như có thể thấy trước, các sinh viên mỹ thuật bình thường không biết xoay sở thế nào với chúng tôi. Họ vẽ cánh tay nàng quá dài, đầu tôi quá to và không tài nào nhét vừa chúng tôi vào bất kỳ khổ giấy nào. Chỉ đến khi Ziege và Raskolnikov[80] phát hiện ra chúng tôi, thì những bức họa lột tả đúng bản chất của Oskar và Nàng Thơ mới ra đời - nàng ngủ, tôi làm nàng choàng tỉnh dậy: thần đồng nội và nữ thần sông núi.

Tôi ngồi; nàng với cặp vú nhỏ bao giờ cũng hơi phập phồng, cúi xuống vuốt tóc tôi: Giai nhân và quái vật.

Nàng nằm, tôi ở giữa hai chân nàng, mân mê cái mặt nạ một con ngựa có sừng: Người đàn bà với con kỳ lân.

Tất cái đó theo phong cách của Ziege hay Raskolnikov; cái thì nhiều màu, cái thì với những sắc xám tinh tế vờn bằng một ngọn bút nhỏ (Raskolnikov) hoặc với những quệt bay mạnh mẽ thiên tài (Ziege). Một số bức gợi lên vầng bí ẩn bao quanh Ulla và Oskar; đó là tác phẩm của Raskolnikov, tay này, với sự đóng góp của chúng tôi, đã đi đến siêu thực. Mặt Oskar trở thành một vành tròn màu vàng mật ong tựa như mặt cái đồng hồ lớn nhà chúng tôi dạo xưa; trong cái bướu của tôi, xòe nở những bông hồng máy cho Ulla hái; hoặc giả người Ulla mở phanh ở giữa, một đầu là nụ cười, đầu kia là đôi chân dài, và Oskar ngồi trong bụng nàng, giữa gan và lá lách, lần giở một cuốn sách tranh. Đôi khi, họ cho chúng tôi mặc giả trang, Ulla thành một Columbine và tôi thành một diễn viên kịch câm mặt rầu rĩ phủ một lớp trắng mỡ. Chính Raskolnikov - được mệnh danh như vậy vì anh ta không ngừng nói đến tội ác và hình phạt, phạm tội và chuộc tội - là người đẻ ra tác phẩm tiêu biểu nhất: tôi ngồi trên đùi trần trắng muốt như sữa của Ulla, một đứa trẻ dị tật - nàng là Đức Mẹ Đồng Trinh, còn tôi là Jêxu hài đồng.

Bức tranh này, lấy tên là "Madonna 49", được trưng bày tại một số cuộc triển lãm. Dưới dạng áp-phích, nó cũng gây hiệu quả; nó lọt vào tầm mắt trưởng giả của nàng Maria khả kính nhà tôi và làm nổ ra một xì-căng-đan gia đình. Tuy nhiên, nó đã được một kỹ nghệ gia ở vùng Rhine mua với giá rất cao và hiện dược treo trong phòng họp của một hãng kinh doanh lớn, hẳn là có ảnh hưởng không nhỏ đối với ban giám đốc.

Những thứ quái dị tài tình mà người ta tạo ra trên cơ sở cái bướu và khổ người khác thường của tôi làm tôi thấy vui vui. Ulla và tôi nhận được rất nhiều yêu cầu làm mẫu chung với thù lao hai mark năm mươi/giờ cho mỗi người. Ulla rất vui thích với công việc mới của mình. Giờ đây, khi nàng mang tiền về đều đặn, bàn tay sần chai của Lankes chỉ tát nàng khi nào cảm hứng trừu tượng của anh ta đòi hỏi một tâm thái cuồng giận. Anh ta có thể không dùng nàng làm người mẫu, nhưng cả với anh, Ulla cũng là một thứ Nàng Thơ, vì chỉ bằng cách bợp tai nàng, bàn tay anh mới hoàn thành sức sáng tạo thực sự của n

Sự mỏng manh ủy mị của Ulla - thực chất, đó chính là phẩm chất bền vững của một thiên thần - lắm lúc cũng khiến tôi nổi xung muốn bạo hành. Nhưng tôi tự kiềm chế và hễ khi nào ý muốn lấy roi quật nàng trở nên quá mạnh, tôi lại đưa nàng ra một hiệu bánh ngọt. Hoặc giả, với chút hợm hĩnh rởm do tiếp xúc thường xuyên với cánh nghệ sĩ, tôi trưng nàng ra như một loài cây hiếm, được tôn lên bởi sự tương phản với khổ người dị thường của tôi, trên đại lộ Königs tấp nập để thiên hạ há hốc mồm ra nhìn. Cùng lắm thì tôi mua cho nàng đôi bít tất tím nhạt và đôi găng tay hồng.

Với Raskolnikov, lại là một chuyện khác. Gã không bao giờ đụng đến người nàng, nhưng duy trì với nàng những quan hệ thân mật nhất. Gã đặt nàng ngồi xuống bục quay, hai chân dạng thật rộng. Trong những lần như vậy, gã không vẽ, mà ngồi sững trên một cái ghế đẩu cách mấy bước, nhìn chằm chằm vào chỗ kín của nàng và, bằng một giọng thầm thì cuồng nhiệt, khàn đi vì xúc động, nói về phạm tội và chuộc tội. Bộ phận kín của Nàng Thơ trở nên ướt và dãn rộng ra, và sau một hồi nhìn ngắm đồng thời nghe mình nói, Raskolnikov đủ độ khoái và xuất. Bấy giờ gã bèn nhảy bật dậy khỏi ghế và quệt những nhát bút hùng vĩ lên "Madonna 49" trên giá vẽ của mình.

Đôi khi Raskolnikov cũng nhìn chằm chằm vào tôi, nhưng vì những lý do khác. Hình như gã thấy tôi thiếu một cái gì. Gã nói về một sự trống hụt giữa những ngón tay tôi và ấn vào tay tôi hết vật này đến vật khác mà trí tưởng tượng siêu thực của gã nghĩ ra. Chẳng hạn, gã trang bị cho Oskar một khẩu súng lục, bảo Oskar-Jêxu nhằm vào Madonna. Hoặc tôi phải giơ một cái đồng hồ cát hay một tấm gương ra trước mặt Ulla, khiến nàng biến dạng khủng khiếp vì đó là gương cầu lồi. Rồi thì kéo, xương cá, ống nghe điện thoại, đầu lâu, đồ chơi trẻ con như máy bay, xe tăng, tàu chiến... nhưng không gì lấp nổi chỗ trống. Oskar sợ nhất là một ngày nào đó, gã họa sĩ sẽ triềng ra cái vật duy nhất trên đời được tạo ra dành cho tôi. Khi, cuối cùng, gã mang cái trống đến thật, tôi la lên: "Không!"

Raskolnikov: "Cầm lấy cái trống, Oskar. Tôi nhìn thấu gan ruột anh.”

Tôi, run bắn: "Không bao giờ nữa. Mọi chuyện đó đã kết thúc rồi."

Raskolnikov, dữ dằn: "Không có gì là kết thúc cả, mọi sự quay trở lại, phạm tội, chuộc tội, lại phạm tội tiếp."

Tôi, với chút hơi sức cuối cùng: "Oskar đã chuộc tội, hãy tha đừng bắt nó cầm trống. Tôi sẽ cầm bất cứ cái gì anh bảo cầm, bất cứ cái gì trừ cái trống."

Tôi khóc ròng khi Nàng Thơ Ulla cúi xuống tôi. Mắt nhòa lệ, tôi không thể ngăn nàng hôn tôi, tôi không thể ngăn Nàng Thơ cho tôi cái hôn ghê gớm ấy. Tất cả những ai trong số quý vị đã được Nàng Thơ hôn, chắc chắn sẽ hiểu rằng một khi bị đóng dấu bôi nụ hôn ấy, Oskar sẽ mang cái án quyết phải cầm lại cái trống mà hắn đã vứt bỏ từ nhiều năm trước, cái trống mà hắn đã chôn trong cát của nghĩa trang Saspe.

Nhưng tôi không đánh trống. Tôi chỉ ngồi mẫu - nhưng như thế đã là quá nhiều - và được vẽ thành Jêxu-chú-bé-đánh-trống ngồi trên đùi trần của Madonna 49.

Maria trông thấy tôi như vậy trên một tấm áp-phích quảng cáo cho một triển lãm mỹ thuật. Nàng giấu tôi, đến triển lãm xem bức tranh. Hẳn nàng đã đứng đó rất lâu để tích tụ nỗi uất giận vì khi nhắc đến chuyện ấy, nàng đã quật tôi bằng cái thước kẻ học trò của Kurt. Từ mấy tháng nay, nàng đã kiếm được một việc làm lương khá hậu ở một cửa hàng đặc sản loại sang, thoạt đầu làm nhân viên bán hàng, sau nhờ có khả năng rõ rệt, được giao cho giữ quỹ. Giờ đây, nàng đã là một công dân khả kính của Tây Đức, chứ một mụ buôn bán chợ đen từ bên Đông sang tỵ nạn nữa. Cho nên nàng có thể mắng tôi là đồ con lợn, đồ ma cô, đồ suy đồi một cách khá tự tin. Nàng còn đi đến chỗ quát lên rằng nàng không cần cái đồng tiền bẩn thỉu tôi làm ra bằng cái nghề bẩn thỉu ấy, và do đó, cũng không cần cả tôi nữa.

Mặc dầu Maria mau chóng rút cái nhận xét cuối cùng ấy và chỉ hai tuần sau lại nhận một khoản lớn từ tiền thù lao ngồi mẫu của tôi coi như chi phí ăn ở, tôi vẫn quyết định thôi không ở chung với nàng, với chị Guste của nàng và con trai Kurt của tôi nữa. Ý định đầu tiên của tôi là đi xa, đến Hamburg hay có khi ra miền biển, nhưng tuy không phản đối việc tôi dọn đi, Maria, cùng với chị Guste hùn vào, đã thuyết phục tôi nên tìm thuê một cái buồng quanh đây để khỏi quá xa nàng và Kurt, dù sao cũng vẫn là ở Düssendorf.

CON NHÍM

Chỉ đến khi trở thành kẻ đi thuê lại phòng Oskar mới học được nghệ thuật trở ngược lại quá khứ bằng cách đánh trống. Giúp tôi trong việc này, không phải chỉ là căn phòng, mà còn có Con Nhím, cái kho chứa quan tài trong sân và xừ Münzer - đó là chưa kể Xơ Dorothea.

Quý vị có biết tích Parsifal không? Tôi cũng không thuộc lắm. Tôi chỉ nhớ nhất câu chuyện về ba giọt máu trên tuyết. Chuyện này chắc có thật vì nó giống chuyện tôi như đúc. Mà có lẽ đó là chuyện của bất kỳ ai có một ý tưởng.

Tôi vẫn còn là một tên đầy tớ của nghệ thuật. Tôi để cho người ta vẽ tôi xanh lơ, xanh ve và theo các sắc độ của đất; tôi để người ta ký họa tôi bằng chìan và đặt trước nhiều bối cảnh; cùng với Ulla, tôi đem lại cảm hứng cho Trường Mỹ thuật trong suốt học kỳ đông cũng như học kỳ hè tiếp theo, nhưng tuyết đã rơi để nhận ba giọt máu và vừa nhìn thấy ba giọt máu ấy, Oskar liền biến thành đá như anh chàng điên Parsifal mà Oskar biết rất lơ mơ nên chẳng cần phải cố gắng lắm cũng có thể đồng nhất được với anh ta.

Hình ảnh tôi phác ra tuy vụng về nhưng, theo tôi nghĩ, khá rõ ràng. Này nhé: tuyết là bộ đồng phục nữ y tá; chữ thập đỏ mà phần lớn các nữ y tá đều mang ở giữa cái kẹp hoa cài cổ áo, đối với tôi, là ba giọt máu.

Tôi ngồi đó, hút hồn, mắt nhìn trân trân.

Nhưng trước khi tôi có thể ngồi trong căn phòng trước kia là buồng tắm của căn hộ Zeidler, tôi phải săn tìm phòng để thuê đã. Học kỳ đông sắp hết; một số sinh viên không định quay trở lại sau đợt nghỉ lễ Phục sinh, sẽ giả phòng trọ. Người cộng sự của tôi, Nàng Thơ Ulla, đã giúp tôi đắc lực. Nàng đưa tôi đến văn phòng quản lý nhà ở cho sinh viên, tại đó, người ta cho tôi một số địa chỉ kèm theo một giấy giới thiệu của Trường Đại học Mỹ thuật.

Trước khi đi xem các phòng cho thuê, tôi đến thăm ông thợ đẽo đá Korneff tại xưởng của ông ở Bittweg. Đã lâu tôi không gặp ông. Tôi đến vì quý mến ông, nhưng cũng để kiếm chút việc làm trong đợt nghỉ nữa. Tôi có một số giờ ngồi mẫu tư - một mình hoặc cùng với Ulla - nhưng chừng nấy khó mà đủ để nuôi tôi trong thời gian sáu tuần, với lại, tôi còn phải kiếm thêm để trả tiền thuê phòng nữa.

Tôi thấy Korneff vẫn như xưa, chả thay đổi gì - một cái nhọt chưa chín và hai cái sắp khỏi, ông đang cúi trên một khối đá gra-nít Bỉ mà ông đã đẽo thô và giờ đang bắt vào mài nhẵn. Chúng tôi nói chuyện một lúc; tôi bắt đầu mân mê mấy cái đục khắc chữ ra cách gợi ý và nhìn quanh xem có tấm đá nào đã ắt gọt và mài nhẵn chờ được khắc chữ. Có hai tấm, một bằng đá vôi điệp, một bằng cẩm thạch Silesia, có vẻ như đã được bán và đang chờ một chuyên gia khắc chữ. Tôi chúc mừng Korneff đã vượt qua được thời kỳ khó khăn sau cải cách tiền tệ. Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ đó, chúng tôi cũng đã tìm được an ủi trong ý nghĩ là: một cuộc cải cách tiền tệ, dù có mạnh mẽ, thiết yếu và lạc quan đến đâu chăng nữa, cũng không thể ngăn người ta chết và đặt bia mộ.

Tiên đoán của chúng tôi đã ứng nghiệm. Thiên hạ tiếp tục chết và tiếp tục đặt bia. Ngoài ra, cuộc cải cách tiền tệ còn mang đến những "com-măng" trước đây chưa từng có: nhiều chủ hàng thịt đặt lát mặt trước và đôi khi cả bên trong cửa hàng bằng cẩm thạch trang trí; một số ngân hàng và cửa hàng bách hóa tổng hợp, để lấy lại uy tín, buộc phải sửa sang và trang trí lại những mặt tiền bằng đá cát kết và tufa bị hư hại trong chiến tranh.

Tôi khen Korneff cần mẫn xoay sở và hỏi ông có thể một mình đảm đương tất cả công việc không. Mới đầu, ông trả lời qua quít, sau rồi ông thừa nhận rằng đôi lúc ông cũng ước có bốn tay thợ và cuối cùng, ông đề nghị tôi đến làm việc với ông nửa thời gian, giá cả như sau: khắc chìm trên đá vôi, bốn lăm pfennig/chữ cái, trên gra-nít và đi-ô-rít: năm lăm pfennig/chữ cái, còn khắc nổi thì có thể từ sáu mươi đến bảy lăm.

Tôi mần luôn một tấm đá vôi điệp. Nhanh chóng lấy lại được ngón nghề, tôi khắc: Aloys KLifer, 3 tháng 9 năm 1887 - 16 tháng 6 năm 1946. Tôi đã khắc xong ba mươi chín chữ cái và con số trong đúng ba giờ và được trả mười bảy mark năm lăm pfennig.

Chừng nấy là hơn một phần ba số tiền thuê phòng hằng tháng mà tôi ước tính mình có thể kham nổi. Tôi quyết định chi vào khoản này không quá bốn mươi mark vì Oskar vẫn cảm thấy có bổn phận phải đóng góp vào ngân sách gia đình ở Bilk.

quản lý nhà ở đã có nhã ý cho tôi bốn địa chỉ. Lựa chọn đầu tiên của tôi là Zeidler, Số 7 phố Jülicher-strasse vì chỗ đó gần Trường.

Đầu tháng năm, vào một ngày ấm áp lãng đãng sương mù, điển hình của vùng hạ Rhine, tôi xuất hành, với kha khá tiền mặt trong túi. Maria đã là bộ com-lê nên nom tôi cũng bảnh. Mặt tiền trát vữa xtuých-cô long lở, trước cửa là một cây hạt dẻ bụi bám đầy. Vì phố Jülicher-strasse đã đổ nát đến một nửa, nên khỏi phải nói đến nhà bên cạnh hoặc đối diện, ở bên trái là một đống gạch vụn um tùm cỏ và bồ công anh, đây đó lòi ra những dầm sắt hình chữ T, khiến ta có thể đoán ở đây đã từng có một ngôi nhà bốn tầng. Bên phải, một ngôi nhà bị phá hủy một phần nay đã được sửa đến tầng ba, nhưng vẻ như vốn xây dựng đã cạn; mặt tiền bằng gra-nít đen Thụy Điển mài bóng bị nứt rạn nhiều chỗ, cần chữa khẩn cấp. Dòng tên"Schornemarm, Hãng Mai Táng" thiếu nhiều chữ cái, tôi không nhớ là những chữ gì. Cũng may, hai cành cọ khắc trên mặt đá gra-nít nhẵn như gương vẫn còn nguyên vẹn, góp phần giữ cho cửa hàng một vẻ tôn nghiêm khả kính nào đó.

Hãng này đã tồn tại bảy lăm năm nay. Kho quan tài của hãng ở trong sân, đối diện cửa sổ phòng tôi. Tôi thường hay nhìn sang vì thấy có nhiều điều để suy ngẫm. Những hôm thời tiết tốt, tôi quan sát đám thợ khuân một vài cỗ quan tài từ hăng-ga ra và đặt lên giá cưa để làm tươi lại nước láng bóng. Tôi vui thích nhận thấy tất cả những chỗ ở cuối cùng ấy đều thuôn đằng chân theo cách cổ truyền quen thuộc.

Đích thân Zeidler mở cửa khi tôi bấm chuông. Ông đứng giữa khung cửa, béo lùn, thở khò khè, nom giống như một con nhím, ông đeo cặp kính dày như đít chai, phần dưới mặt lấp dưới một lớp dày đặc bọt xà phòng cạo râu, chiếc chổi thoa xà phòng còn áp trên má. Ông có vẻ là một tay nghiện rượu và qua giọng nói, tôi đoán ông là người vùng Westphalie.

"Nếu cậu không thích phòngì cứ nói ngay đi, đừng chần chừ. Tôi đang cạo mặt và sau đó còn phải rửa chân."

Rõ ràng Zeidler không thích khách sáo. Tôi nhìn căn phòng một lượt. Dĩ nhiên là tôi không thích: đó là một cái buồng tắm không sử dụng được nữa, tường một nửa lát gạch men màu ngọc lam, một nửa phủ giấy với những họa tiết dẹo dọ. Nhưng tôi để bụng không nói ra. Bất kể lớp bọt xà phòng đang khô đi và chân ông chưa được rửa, tôi hỏi Zeidler xem có thể đưa cái bồn tắm ra ngoài không, nhất là nó lại không có ống tiêu nước.

Zeidler mỉm cười lắc cái đầu nhím muối tiêu và cố xoa chổi cho lên bọt mà không được. Đó là câu trả lời của ông. Tôi bèn tuyên bố là tôi sẵn sàng thuê căn phòng với cái bồn tắm ở trong với giá bốn mươi mark một tháng.

Khi chúng tôi trở ra cái hành lang hình ống, lờ mờ sáng đủ để soi rõ mấy cánh cửa có lắp kính một phần và sơn mầu khác nhau, tôi hỏi còn ai khác ở đây.

"Vợ và khách trọ."

Tôi vỗ vỗ vào một cánh cửa kính mờ chỉ cách cửa vào căn hộ độ một bước chân.

"Đó là một nữ y tá," Zeidler nói. "Nhưng không bận gì đến cậu đâu. Cậu sẽ không bao giờ thấy chị ta đâu. Chị ta chỉ về đây để ngủ thôi và đôi khi cũng không ngủ nhà nữa."

Tôi không muốn nói với quý vị rằng Oskar nghe thấy mấy tiếng "nữ y tá" là đã run lên rồi. Hắn gật đầu, không dám hỏi về những khách trọ khác, mà ghi nhận vị trí căn phòng với cái bồn tắm của mình: bên tay phải, cuối hành lang.

Zeidler đặt một ngón tay lên ve áo tôi: "Cậu có thể nấu nướng trong phòng nếu cậu có bếp cồn. Tôi cũng sẵn sàng đ̑ cậu dùng nhà bếp, nếu cái bếp lò không quá cao đối với cậu."

Đó là lời bóng gió đầu tiên của ông đến khổ người của Oskar. Ông liếc qua giấy giới thiệu của Trường Mỹ thuật cấp cho tôi. Giấy do Giáo sư Reuser, giám đốc, ký và hình như có tác động tích cực đối với ông. Tôi nhất trí với mọi lời dặn dò "nên" và "không nên" của ông, ghi vào trí nhớ là phòng bếp ở cạnh phòng tôi phía tay trái và hứa sẽ thuê giặt quần áo ở ngoài: ông sợ hơi nước làm hỏng giấy phủ tường. Đó là điều mà tôi có thể hứa chắc như đinh đóng cột: Maria đã đồng ý giặt giũ cho tôi.

Đến đây, đáng ra tôi đã có thể rút, nói là đi lấy đồ lề và làm tờ khai đăng ký hộ tịch ở quận cảnh sát. Nhưng Oskar không làm thế. Hắn không thể rời căn hộ này. Chẳng vì lý do gì, hắn yêu cầu ông chủ nhà tương lai chỉ cho hắn buồng vệ sinh, ông chủ hất ngón tay cái về phía một cái cửa gỗ dán khiến người ta nhớ đến những năm chiến tranh và hậu chiến. Thấy cử chỉ của Oskar có vẻ như đang cần sử dụng nó - tức là buồng vệ sinh - Zeidler, mặc dầu mặt đang ngứa ran vì xà phòng cạo râu rụng từng mảng, vẫn với tay bật đèn cho hắn.

Một khi vào trong rồi, tôi cảm thấy bực mình vì Oskar đâu có cần đi vệ sinh. Tôi bướng bỉnh đợi cho đến khi Oskar dặn ra được tí nước. Do áp suất bọng đái không đủ mạnh và còn vì cái vành gỗ để ngồi lại cao quá nên tôi phải rất cẩn thận không để ướt nó hoặc dây ra sàn đá hoa. Ngay cả như thế, tôi vẫn phải lấy mù-soa lau vài giọt xớt ra cái vành gỗ mòn bóng và lấy đế giày xoá đi mấy vệt tệ hại trên sàn đá hoa.

Zeidler không lợi dụng lúc vắng tôi để rửa mặt cho sạch lớp bọt xà phòng đã cứng lại. Ông ưng chờ ngoài hành lang hơn, có lẽ vì ông đã cảm thấy gã hề trong tôi. "Cậu ngộ thật đấy. Dùng buồng vệ sinh trước cả khi ký hợp đồng thuê nhà.

Ông tiến lại gần tôi với cái chổi thoa xà phòng bết cứng, chắc đang nghĩ một câu đùa ngớ ngẩn nào đó. Nhưng ông không nói gì, chỉ mở cửa cho tôi. Trong khi Oskar đi giật lùi về phía cầu thang, để mắt canh chừng Con Nhím khi đi qua ông, tôi ghi nhận cửa buồng vệ sinh ở giữa cửa buồng bếp và cánh cửa kính mờ mà đằng sau đó, một nữ y tá thường qua đêm nhưng không phải bao giờ cũng ngủ nhà.

Chiều muộn hôm ấy, khi Oslar trở lại với đồ lề gồm cả cái trống mới, quà tặng của Raskolnikov, người vẽ Đức Mẹ Đồng Trinh, tay vung tờ khai đăng ký hộ khẩu, thì một Con Nhím mày râu nhẵn nhụi và chân chắc cũng đã rửa sạch sẽ, dẫn tôi vào phòng khách.

Phòng khách có mùi xì-gà tắt và xì-gà châm đi châm lại nhiều lần. Cũng có mùi thảm, có lẽ là thảm quý, rải chồng nhiều lớp khắp phòng. Còn cả mùi lịch cũ nữa. Nhưng tôi không trông thấy cuốn lịch nào, vậy chắc đó là mùi thảm. Kể cũng lạ, những cái ghế bàn bọc da tiện nghi lại chẳng có mùi gì cả. Điều này làm tôi thất vọng: tuy chưa bao giờ ngồi vào một chiếc ghế da, nhưng Oskar lại có sẵn một ý niệm tiên nghiệm về mùi da đậm nét đến nỗi hắn ngờ thứ da bọc ghế này là giả.

Ngồi trên một trong những chiếc ghế bào nhẵn bóng, không mùi và bọc bằng da thật, như về sau tôi có dịp xác minh, là bà Zeidler. Bà mặc một bộ đồ xám chẳng vừa người bà mấy tí. Cái váy tốc lên quá đầu gối để lộ đến ba đốt tay quần lót. Vì bà không hề sửa lại trang phục và hình như vừa khóc - Oskar cảm thấy thế - nên tôi không dám lên tiếng chào hoặc tự giới thiệu mình. Động tác cúi đầu của tôi lặng lẽ và đến nấc cuối, lại quay sang Zeidler: ông đang chĩa ngón tay cái giới thiệu vợ mình kèm theo một tiếng ho khẽ.

Phòng rộng và vuông vắn. Bóng cây hạt dẻ trước nhà làm cho nó to ra và bé đi. Tôi để chiếc va-li và cái trống ở gần cửa và, gi đăng ký trong tay, tiến lại gần Zeidler đang đứng cạnh cửa sổ. Oskar không nghe thấy tiếng chân của chính mình vì hắn đang bước trên bốn lần thảm - về sau tôi mới đếm - bốn tấm thảm cỡ nhỏ dần rải chồng lên nhau. Với những mép viền màu sắc khác nhau, có tua hay không tua, chúng tạo thành một mô hình màu kỳ lạ: tấm dưới cùng màu đỏ-nâu và bắt đầu từ gần chân tường; tấm tiếp theo, gần như xanh lá cây, bị đồ đạc che lấp phần lớn - tủ buýp-phê, tủ kính đầy ly uống rượu, và cái giường cưới rộng thênh thang; tấm thứ ba xanh lơ chạy từ góc này sang góc kia; tấm thứ Tư màu vang đỏ trải dưới cái bàn ăn có tấm nối dài phủ khăn vải sơn và bốn cái ghế bành bọc da với những ri-vê đồng cách quãng đều đặn.

Vì còn có nhiều thảm không phải để treo mà lại treo trên tường cùng nhiều tấm khác cuộn lại xếp trong góc, nên Oskar đồ rằng Con Nhím, trước cải cách tiền tệ, buôn thảm và sau đó bị kẹt không bán tháo được.

Bức tranh duy nhất là chân dung Bismarck lồng khung kính treo ở tường ngoài, giữa hai tấm thảm hình như là phương đông. Con Nhím ngồi trong một cái ghế bành dưới vị Thủ tướng sắt mà ông có đôi nét hao hao giống, ông cầm lấy tờ giấy đăng ký từ tay tôi, lật cả hai mặt xem xét kỹ bằng con mắt lanh lợi, phê phán và sốt ruột. Bà vợ hỏi nhỏ ông có gì không ổn chăng. Câu hỏi làm ông lên một cơn lôi đình, nom lại càng giống vị Thủ tướng. Chiếc ghế khạc ông ra. Đứng trên bốn tấm thảm, ông giơ ngang tờ giấy, hít không khí vào đầy người, đầy áo gi-lê. Ông nhảy phắt một cái lên tấm thảm thứ nhất và thứ hai, nhìn xuống bà vợ lúc này đã vớ vội lấy đồ khâu, và tuôn ra một thôi một hồi đại loại như sau: Cômuốnhỏicáigì? Ởcáinhànàykhôngaiđượcnóingoàitôi! Câmcáimồmcôđivàđậynólại!

Vì bà Zeidler im cái mồm và bình thản khâu tiếp, một vấn đề nảy sinh với Con Nhím trong khi ông đang giậm chân trên những tấm thảm: làm sao cho cơn thịnh nộ của mình lên cao trào rồi kết thúc nó một cách lô-gích. Chỉ một bước, ông đã ở cạnh tủ kính đựng đồ gốm sứ, thủy tinh; ông tủ mạnh đến nỗi làm tất cả mọi thứ rung lên kêu lanh tanh. Rất cẩn thận xoè rộng ngón tay với một độ chính xác cơ khí, ông chọn tám chiếc ly uống rượu, nhấc chúng nguyên vẹn không xây xát ra khỏi tủ, rón rén như một gia chủ định mua vui cho bản thân và cho bảy vị khách bằng một trò khéo tay - đi về phía cái lò bếp bằng gạch tráng men xanh lục và rồi, bỗng nhiên tung hê đi mọi dè giữ thận trọng, ném cả mớ hàng mỏng manh của mình vào cái cửa gang lạnh của lò bếp.

Điều kỳ lạ nhất là trong suốt màn trình diễn đòi hỏi một độ ngắm chính xác ấy, Con Nhím vẫn không rời mắt kính khỏi vợ; bà này đã đứng dậy ra cạnh cửa sổ bên tay phải mình để xâu kim. Chỉ không đầy một giây sau khi ông tiêu diệt tám chiếc ly, bà cũng kết thúc thành công cái thao tác tinh tế đòi hỏi một bàn tay vững vàng ấy. Rồi bà quay trở lại ghế và ngồi xuồng, chiếc váy lại tốc lên, để lộ ba đốt tay quần lót hồng. Con Nhím đã theo dõi những cử động của vợ mình - đi ra cửa sổ, xâu kim, trở lại ghế - bằng cái nhìn hiểm ác nhưng phục tùng. Bà vừa ngồi lại thì ông đã tới sau lò bếp, lấy xẻng và chổi hót những mảnh vỡ, trút vào một tờ báo đã đầy những ly uống rượu bị đập nát. Chắc không còn đủ chỗ cho một cuộc nổi đóa thứ ba.

Nếu quý vị độc giả đồ rằng Oskar đã nhận ra cái bản ngã diệt thủy tinh ngày xưa của mình ở Con Nhím diệt thủy tinh, thì xin thưa rằng quý vị đã không hoàn toàn nhầm. Tôi cũng đã từng thích chuyển những cơn điên khùng của mình thành hành động đập nát thủy tinh nhưng dạo ấy, không ai thấy tôi dùng đến chổi và xẻng hót bụi bao giờ!

Sau khi xoá bỏ những dấu vết cơn lôi đình của mình, Zeidler lại ngồi xuống. Một lần nữa, Oskar chìa tờ khai đăng ký mà Con Nhím đã buộc phải vứt xuống cho rảnh cả hai tay để xử lý đám ly uống rượu.

Zeidler ký vào tờ khai và nói cho tôi hiểu rằng ông muốn trật tự phải ngự t trong căn hộ của ông, nếu ai muốn làm gì tùy thích thì sẽ đi đến đâu, ông thừa kinh nghiệm để biết. Phải, ông đã làm công việc chào hàng mười lăm năm nay cho một hãng tông-đơ, tôi có biết tông-đơ là cái gì không?

Oskar làm mấy động tác qua đó, Zeidler kết luận rằng tôi có đủ thông tin về vấn đề tông-đơ. Mái tóc "cua" húi rất gọn của Zeidler đủ đảm bảo độ tin cậy của mặt hàng, cũng như tính hiệu quả của ông với tư cách người chào hàng, Sau khi giải thích cho tôi về thời gian biểu của mình - một tuần trên đường, một tuần ở nhà - ông không quan tâm gì đến Oskar nữa. Càng giống nhím hơn bao giờ hết, ông ngồi đu đưa trong chiếc ghế da nâu nhạt kẽo kẹt, mắt kính lấp lánh, và vì một lý do nào đó hoặc chẳng vì gì cả, ông lầm rầm: yayayaya. Đã đến lúc tôi phải đi khỏi.

Trước hết, Oskar cáo từ bà Zeidler. Tay bà lạnh, mềm nhũn như không xương nhưng khô. Từ ghế của mình, Con Nhím vung tay ra hiệu cho tôi đi ra cửa, nơi Oskar để đồ lề tư trang. Tôi đã xách mọi thứ lên, thì tiếng ông vẵng đến: “Cậu có cái gì buộc vào va-li thế?"

"Đó là cái trống của tôi."

" Cậu tính chơi trống ở đây ư?"

"Không nhất thiết. Dạo xưa, tôi chơi thường xuyên."

"Riêng với tôi thì chả sao, cậu cứ việc chơi, vả lại, tôi vắng nhà suốt ấy mà."

"Rất có thể tôi sẽ không bao giờ đánh trống nữa.”

"Thế cái gì khiến cậu cứ bé mãi thế?"

"Một tai nạn không may làm tôi không lớn được nữa.

"Chà, tôi chỉ hy vọng cậu đừng gây rắc rối gì cho chúng tôi - lên cơn hoặc những chuyện đại loại như thế."

"Tình trạng sức khỏe của tôi đã tăng tiến đều đặn trong mấy năm vừa qua. Ông xem tôi dẻo khéo như thế nào đây."

Thế là Oskar liền biểu diễn cho vợ chồng Zeidler xem vài ba miếng nhào lộn sơ đẳng mà hắn đã học mót được trong thời kỳ văn công. Bà Zeidler cười rinh rích trong khi ông Zeidler có cái vẻ như một con nhím sắp sửa vỗ đùi đen đét. Rồi tôi ra hành lang, đi qua cánh cửa lắp kính mờ, cửa buồng vệ sinh rồi cửa bếp và mang đồ lề kể cả cái trống vào phòng tôi.

Đó là vào đầu tháng năm. Từ hôm đó trở đi, tôi bị cám dỗ, ám, ngợp bởi sự bí ẩn của người nữ y tá. Tình cảm của tôi đối với các nữ y tá là một thứ bệnh có lẽ không cách gì chữa trị nổi vì ngay cả bây giờ, khi tất cả đã lùi xa sau lưng, tôi vẫn phản đối Bruno, người chăm nom tôi, khi gã nói rằng chỉ nam giới mới có thể là những y tá thích hợp, rằng mong muốn được săn sóc bởi các nữ y tá chỉ là một triệu chứng nữa của bệnh tật mà thôi. Trong khi - vẫn theo lời Bruno - nam y tá chăm sóc bệnh nhân với lương tâm nghề nghiệp và đôi khi chữa khỏi bệnh, thì nữ y tá, vì họ là phụ nữ, thường dùng sức quyến rũ để đưa người bệnh, đôi khi đến chỗ bình phục, đôi khi đến một cái chết được pha phách chút gia vị khiêu dâm.

Phải, người chăm sóc tôi, Bruno, nói thế. Có thể anh ta có lý, nhưng tôi rất không muốn thừa nhận thế. Một kẻ cứ hai, ba năm lại được các nữ y tá trả lại cuộc sống một lần thì không thể không tri ân; hắn ta không thể cho phép bất kỳ gã nam y tá cộc cằn nào, cho dù gã có dễ thương đến mấy, bôi nhọ hình ảnh các nữ y tá thân yêu của tôi, nhất là khi động cơ duy nhất của gã chỉ là đố kỵ nghề nghiệ

Điều ấy bắt đầu từ cú ngã của tôi xuống cầu thang hầm rượu vào dịp sinh nhật lần thứ ba của tôi. Tôi nghĩ bà tên là Xơ Lotte, người vùng Praust. Xơ Inge, phụ việc cho bác sĩ Hollatz, đã chăm sóc tôi nhiều năm. Sau cuộc phòng thủ Sở Bưu chính Ba Lan, tôi rơi vào tay nhiều nữ y tá cùng một lúc. Tôi chỉ còn nhớ tên một người trong số đó: Xơ Erni hay Berni gì đó. Những nữ y tá vô danh ở Lüneburg, rồi ở Bệnh viện Đại học Hanover. Tiếp đến là các nữ y tá của Bệnh viện thành phố Düssendorf, trước nhất là Xơ Gertrude. Và bây giờ, không cần tôi phải đi bệnh viện, Nàng tự đến. Trong tình trạng sức khỏe tốt nhất, Oskar rơi vào tay một nữ y tá là khách trọ ở căn hộ Zeidler. Từ bữa đó trở đi, thế giới của tôi đầy những nữ y tá.

Sáng sớm, khi đi làm, có nghĩa: đến khắc chữ ở xưởng của Korneff, bến xe điện của tôi có tên là: Bệnh viện Marien. Bên ngoài cái cổng gạch và trên bãi đất đầy nghẹt hoa, các nữ y tá đi đi về về. Nhiều khi tôi ngồi cùng toa xe điện, hoặc cùng đứng chờ ở bến, với nhiều nữ y tá kiệt lực, hay chí ít, có vẻ mệt lử. Thoạt đầu, tôi không thích ngửi mùi của họ, rồi chẳng bao lâu, tôi lại kiếm tìm nó, cố xích lại những bộ đồng phục của họ, càng gần bao nhiêu càng tốt.

Rồi ở Bittweg. Những buổi đẹp trời, tôi làm việc ngoài trời giữa những bia mộ bày hàng và trông thấy họ, từng tốp hai hoặc bốn người, khoác tay nhau đi qua: họ đi dạo vào giờ nghỉ, buộc Oskar phải rời mắt khỏi tấm gra-nít của mình để nhìn lên, chểnh mảng công việc, mặc dù với mỗi cái ngước mắt, tôi mất hai mươi pfennig.

Áp-phích điện ảnh: dân Đức bao giờ cũng mê những phim về nữ y tá. Maria Schell quyến rũ tôi đến các rạp chiếu bóng. Nàng mặc đồng phục nữ y tá, cười và khóc; những ngày của nàng đầy những quên mình tận tụy; nàng tươi cười chơi một bản nhạc u trầm đầu vẫn đội chiếc mũ y tá. Về sau, trong một cơn tuyệt vọng, nàng đã gần như định xé tan chiếc áo ngủ. Nhưng sau lần tự tử không thành, nàng hy sinh tình yêu của mình - chàng bác sĩ do Borsche đóng - tiếp tục trung thành với nghề nghiệp và giữ chiếc mũ cùng chiếc kẹp hoa Chữ Thập Đỏ. Trong khi trí não hữu thức của Oskar cười và văng hàng tràng những lời tục tĩu dè bĩu bộ phim, thì mắt Oskar lại khóc giàn giụa; tôi tha thẩn, mù dở, trong một sa mạc những nàng tiên từ thiện vô danh mặc áo trắng, kiếm tìm Xơ Dorothea, người thuê căn phòng đằng sau cánh cửa lắp kính mờ trong căn hộ Zeidler. Và đó là tất cả những gì tôi biết về nàng.

Đôi khi, tôi nghe thấy tiếng chân nàng khi nàng từ ca trực đêm trở về nhà. Cũng có khi tôi nghe thấy nàng vào lúc chín giờ tối, sau ca ngày. Oskar không phải bao giờ cũng ngồi lại trên ghế khi hắn nghe thấy nàng ở ngoài hành lang. Rất nhiều lần tay hắn xoay xoay quả đấm cửa. Ai mà cưỡng được? Ai mà không ngẩng đầu lên ngó xem cái gì đang xảy ra, mà có khi nó xảy vì chính mình cũng nên? Ai mà có thể ngồi yên trên ghế khi mà mọi âm thanh bên cạnh dường như nhằm độc một mục đích là làm cho mình bật dậy?

Tệ hơn nữa là cái im lặng. Chúng ta đã từng thấy sức mạnh của im lặng liên quan đến bức tượng gỗ người đàn bà nọ - im lặng và thụ động. Người gác bảo tàng đầu tiên nằm đó, trong vũng máu của mình. Và mọi người ai cũng nói là Niobe đã giết anh ta. Ông giám đốc tìm một người gác mới thay thế, vì bảo tàng cần tiếp tục mở cửa. Khi người gác thứ hai chết, mọi người la làng rằng Niobe giết anh ta. Ông giám đốc phải khó khăn lắm mới tìm được một người thứ ba - hay có khi đã là người thứ mười một? Dù sao chăng nữa, một hôm, cái người gác mà ông đã phải vất vả thế mới tìm được ấy lại chết. Và mọi người lại la: Niobe, Niobe với nước sơn xanh và đôi mắt hổ phách; Niobe bằng gỗ, lõa lồ, không thở, không đổ mồ hôi, không run rẩy, không nóng cũng chẳng rét; Niobe không bị mọt vì do bởi giá trị lịch sử của mình, nàng đã được phun thuốc chống mọt. Vì nàng, một nữ phù thủy đã bị thiêu sống, người đẽo tượng bị chặt tay, nhiều hải thuyền bị đắm, nhưng nàng vẫn nổi và sống sót. Niobe bằng gỗ nhưng lửa không bén được, Niobe giết người v nguyên giá trị. Học sinh, sinh viên, một ông linh mục và hàng lô người gác bảo tàng, tất cả đã làm mồi cho sự im lặng của nàng. Anh bạn Herbert Truczinski nhảy nàng và chết. Nhưng Niobe vẫn khô khốc, chỉ đắp dày thêm im lặng.

Khi người nữ y tá rời phòng mình, dãy hành lang và căn hộ của Con Nhím vào sáng sớm, khoảng sáu giờ, tất cả trở nên rất yên tĩnh, mặc dù khi có mặt ở nhà, nàng không hề gây một tiếng động nhỏ nào. Không thể chịu nổi im lặng, Oskar phải cựa mình cho giường mình cọt kẹt vài tiếng, hoặc kéo ghế hay lăn một quả táo về phía cái bồn tắm.

Khoảng tám giờ, có tiếng sột soạt. Đó là người bưu tá bỏ thư và bưu thiếp qua khe cửa ngoài. Không chỉ Oskar, mà cả bà Zeidler cũng chờ đợi tiếng động này. Bà làm thư ký ở văn phòng Công ty Mannesmann, đến chín giờ mới phải đi làm. Bà dành ưu tiên cho tôi. Oskar là người ngó vào mớ sột soạt trước. Tôi đi rất khẽ mặc dù biết là đằng nào bà cũng nghe thấy và để ngỏ cửa phòng để khỏi phải bật đèn. Tôi nhặt tất cả thư từ cùng một lúc. Đều đặn mỗi tuần một lần, Maria gửi thư thông báo đầy đủ về bản thân nàng, thằng bé và chị Guste của nàng. Sau khi giấu nó vào túi áo ngủ, tôi điểm nhanh qua phần còn lại. Tất cả những gì gửi cho vợ chồng Zeidler hay cho một ông Münzer nào đó ở cuối dãy hành lang, tôi để trả lại xuống sàn. Còn thư của Xơ Dorothea, tôi lật đi lật lại, sờ, ngửi và xem kỹ địa chỉ người gửi.

Xơ Dorothea không nhận được thư thường xuyên, nhưng vẫn là nhiều hơn tôi. Họ tên đầy đủ của nàng là Dorothea Köngetter, nhưng tôi chỉ gọi nàng là Xơ Dorothea và đôi khi quên cả họ - thực ra, một nữ y tá thì đâu có cần đến họ. Nàng thường nhận được thư mẹ ở Hildesheim. Còn có những bưu thiếp gửi từ khắp Tây Đức, phần lớn là ảnh những bệnh viện phủ đầy dây trường xuân, do các nữ y tá cùng học với nàng gửi, rõ ràng là để đáp lại thịnh tình của Xơ Dorothea luôn cố gắng giữ liên lạc với các bạn cũ.

Hầu hếtgiao lưu ấy, như Oskar mau chóng nhận thấy, đều qua quít và chẳng tiết lộ điều gì quan trọng. Tuy nhiên, chúng cũng rọi chút ánh sáng vào quá khứ của Xơ Dorothea: nàng đã làm việc tại Bệnh viện Vincent ở Cologne, tại một nhà thương tư ở Aachen, và ở Hildesheim, nơi mẹ nàng vẫn đang sinh sống. Có thể suy ra là hoặc nàng quê quán ở vùng Hạ Sắc-xông, hoặc cũng như Oskar, nàng là một người tỵ nạn từ Đông Đức và đã định cư ở đây sau chiến tranh. Tôi cũng khám phá ra rằng Xơ Dorothea làm việc ở Bệnh viện Marien gần đây, rằng nàng có một người bạn thân tên là Beata vì các bưu thiếp luôn luôn nhắc đến và gửi lời hỏi thăm Xơ Beata.

Việc nàng có một người bạn gái làm tôi nảy ra những ý ngông cuồng. Tôi soạn những bức thư cho Beata; trong một bức, tôi nhờ cô nói hộ cho tôi, trong bức tiếp theo, tôi lại không nói gì đến Dorothea cả, ý đồ của tôi là tiếp cận Beata trước, rồi chuyển qua Dorothea sau. Tôi thảo năm, sáu bức thư và thậm chí đã bỏ vài bức vào phong bì, đề tên người nhận. Nhiều lần tôi đã ra bưu điện, nhưng rút cục vẫn chưa gửi bức nào.

Tuy nhiên, có lẽ trong cơn điên dại của mình, tôi hẳn đã thực sự gửi đi một trong những bức thư khẩn cầu ấy cho Xơ Beata, nếu một sáng thứ hai - đó là ngày Maria bắt đầu dan díu với ông chủ Stenzel của mình, mà lạ thay, chuyện này khiến tôi dửng dưng như không - tôi không thấy trên sàn, dưới cái khe bỏ thư, cái bức thư đã biến nỗi đam mê của tôi từ yêu thành ghen.

Dòng tên và địa chỉ trên phong bì cho tôi biết người viết thư là một ông bác sĩ Erich Werner ỏ Bệnh viện Marien. Thứ ba, lại một bức nữa. Thứ Năm: bức thứ ba. Tôi phải nói thế nào về tâm trạng mình cái hôm thứ Năm ấy nhỉ? Oskar chệnh choạng đi về phòng, gieo mình xuống một trong những chiếc ghế bếp đã góp phần biến cái buồng tắm thành phòng ở, và rút lá thư hằng tuần của Maria từ trong túi áo ngủ ra - mặc dù đã có người tình mới, Maria vẫn tiếp tục thông báo cho tôi đúng kỳ, rõ ràng, đầy đủ. Oskar thậm chí còn mở phong bì, đưa mắt trên những dòng thư mà chẳng đọc thấy gì. Hắn nghe thấy tiếng b Zeidler ngoài hành lang gọi ông Münzer. Ông này không trả lời. Nhưng chắc ông có nhà, vì thấy bà Zeidler mở cửa phòng ông, đưa bức thư và tiếp tục nói với ông.

Bà Zeidler vẫn nói nhưng tôi không nghe thấy bà nữa. Tôi phó mặc mình cho cái điên loạn của lớp giấy phủ tường, cái điên loạn thẳng đứng, nằm ngang, chéo góc, cái điên loạn cong, nhân lên nghìn lần. Tôi thấy mình là Matzerath, ăn miếng bánh bổ dưỡng dễ sợ của kẻ mọc sừng. Và gạt mọi liêm sỉ hay áy náy, tôi thể hiện Jan Bronski của tôi như một kẻ quyến rũ, hóa trang thành Xa-tăng, lần lượt thay đổi trang phục, lúc thì áo bành-tô truyền thống có cổ nhung, lúc thì chiếc blu trắng của bác sĩ Hollatz, và có khi lại là chiếc blu cũng trắng của bác sĩ Werner. Nhưng lúc nào cũng quyến rũ, hủ hóa, mạo phạm, lăng nhục, gây dằn vặt và đau khổ - tóm lại, làm tất cả những gì phù hợp với một kẻ quyến rũ.

Hôm nay, tôi có thể mỉm cười khi nhớ lại cái ý đến với tôi lúc đó, cái ý cũng vàng khè và điên loạn như lớp giấy phủ tường: tôi quyết định học y. Tôi sẽ mau chóng tốt nghiệp. Tôi sẽ thành một bác sĩ, tất nhiên là ở Bệnh viện Marien. Tôi sẽ vạch trần bác sĩ Werner, chứng minh sự kém cỏi về chuyên môn của hắn ta, thậm chí chứng minh rằng do cẩu thả vô trách nhiệm, hắn đã gây ra cái chết của một bệnh nhân trong một ca mổ khí quản: hóa ra cái tay Werner này chưa bao giờ học ở trường y. Hắn đã học mót vài ba kiến thức y học trong khi làm hộ lý ồ một bệnh viện dã chiến trong thời kỳ chiến tranh. Thế là gã lang băm vào Nhà đá. Và Oskar, mặc dù trẻ măng, trở thành bác sĩ trưởng. Một Giáo sư Sauerbruch mới, với Xơ Dorothea bên cạnh, một đoàn môn đồ áo trắng theo sau, đi dọc những hàng lang đầy vang âm, thăm các bệnh nhân, quyết định các ca phẫu thuật vào phút cuối. Thật may làm sao bộ phim ấy không bao giờ thực hiện được!

TRONG TỦ ÁO

Xin đừng tưởng rằng cả đời Oskar chỉ toàn duyên nợ với các nữ y tá. Nói cho cùng, tôi có nghề chuyên môn của tôi. Tôi phải nghỉ việc khắc chữ bia mộ vì học kỳ hè ở Trường Mỹ thuật đã bắt đầu. Một lần nữa, Ulla và tôi lại nhận được những khoản thù lao hậu hĩnh cho việc ngồi yên cho các sinh viên mỹ thuật lột tả bằng những phương pháp cũ hay mới và theo con mắt nhìn tinh tường hay mù lòa của họ. Nhiều người triệt phá sự tồn tại khách quan của chúng tôi, gạt bỏ và phủ nhận chúng tôi, phủ lên mặt giấy hay mặt toan những đường nét, hình tứ giác, hình xoáy trôn ốc, tạo những mô-típ giấy phủ tường trong đó có đủ mọi thứ trừ Oskar và Ulla, hay căng thẳng và bí ẩn; họ đặt cho những thứ nhố nhăng ấy những cái tên rất kêu như: Bện ngược lên, Tụng ca trên Thời gian, Màu Đỏ trong Không Gian Mới.

Cái cách này được các sinh viên trẻ chưa biết vẽ nét đặc biệt ưa chuộng. Chúng tôi may mắn hơn trong tay những người bạn cũ ở xưởng của Kuchen và Maruhn, chưa kể hai sinh viên hàng đầu Ziege và Raskolnikov.

Trong quãng đời trần thế của mình, Nàng Thơ Ulla tỏ ra rất thích nghệ thuật ứng dụng. Lankes đã bỏ nàng, nhưng trong niềm say mê đối với những hoa văn giấy phủ tường mới, nàng mau chóng quên anh ta. Nàng cho những sáng tạo trang trí trừu tượng của một hoạ sĩ đứng tuổi tên Meitel là rất dễ thương, ngộ nghĩnh, xinh xẻo, tuyệt vời và thậm chí sang trọng. Nàng lập tức đính hôn với Meitel, con người đặc biệt thích những hình khối ngòn-ngọt-dìu-dịu như kiểu những quả trứng lễ Phục sinh, nhưng thôi cái đó chả đáng kể. Từ đó đến nay, nàng còn có nhiều dịp đính hôn khác. Và bây giờ - như nàng thông báo hôm kia, khi đến thăm tôi - một lần nữa, nàng lại đang ở ngưỡng cửa của cái mà bao giờ nàng cũng gọi là một quan hệ nghiêm túc và lâu b

Vào đầu học kỳ, Ulla chỉ muốn làm mẫu cho những "khuynh hướng mới" - một kích thích tố mà Meitel, tay họa sĩ trứng-Phục-sinh, tiêm cho nàng; quà đính hôn ông ta tặng nàng là một mớ thuật ngữ mà nàng đem ứng dụng những khi trò chuyện về nghệ thuật với tôi. Nàng nói về tương quan, chòm sao, điểm nhấn, phối cảnh, cấu trúc hạt, quá trình hòa quyện, hiện tượng xói mòn. Nàng vốn hằng ngày chỉ ăn chuối và nước cà chua, mà lại nói nào là tế bào nguyên sinh, nào là những nguyên tử màu mà trên đường đi phẳng năng động của chúng, đã tìm thấy được thế tự nhiên trong trường lực của chúng, nhưng không dừng lại ở đó; không, chúng vẫn tiếp tục và vân vân... Đó là cái giọng điệu nàng dùng khi trò chuyện với tôi trong những giờ nghỉ hoặc khi chúng tôi thi thoảng ra phố Ratinger-Strasse làm một tách cà phê. Ngay cả khi màn đính hôn của nàng với tay họa sĩ trứng-Phục-sinh đã kết thúc, ngay cả khi, sau một đợt giao tình chớp nhoáng với một cô gái đồng tính luyến ái, nàng bắt bồ với một sinh viên của Kuchen và trở lại với thế giới khách quan, nàng vẫn duy trì cái mớ từ vựng ấy, mà để vận dụng nó, khuôn mặt nhỏ bé của nàng căng thẳng đến nỗi hai nếp nhăn hồ như cuồng tín hằn sâu hai bên khoé miệng nàng.

Đến đây, tôi phải thừa nhận rằng cái ý vẽ Nàng Thơ trong trang phục nữ y tá cùng với Oskar không phải hoàn toàn là của Raskolnikov. Sau "Madonna 49", gã đưa chúng tôi vào "Bắt cóc nàng Europa" trong đó tôi là con bò tót. Ngay sau "Bắt cóc" là đến "Hề chữa bệnh cho nữ y tá"

Chính một chữ của tôi đã nhóm lửa cho trí tưởng tượng của Raskolnikov bùng cháy. Mặt lầm lầm, tóc đỏ, bộ dạng nham hiểm, gã vừa rửa bút vẽ vừa ngẫm ngợi. Nhìn chằm chằm vào Ulla, gã bắt đầu nói về phạm tội và chuộc tội. Đến đây tôi khuyên gã vẽ tôi như là hiện thân của phạm tội và Ulla như là hiện thân của chuộc tội. Vẻ phạm tội nơi tôi thì rành rành rồi, tôi nói. Còn Chuộc Tội, tại sao lại không mặc cho nàng như một nữ y tá

Nếu bức tranh tuyệt hảo này về sau mang một cái đầu đề khác, sai lạc, thì đó là việc của Raskolnikov. Bản thân tôi thì muốn gọi nó là "Cám dỗ" vì tay phải tôi đang riết chặt và xoay một quả đấm cửa, mở cửa một căn phòng trong đó Nữ Y Tá đang đứng. Hoặc giả có thể là "Quả đấm cửa", vì nếu ai đề nghị tôi nghĩ hộ một cái tên mới cho sự cám dỗ thì tôi sẽ khuyên dùng chữ "quả đấm cửa”, bởi vì những cái núm lồi lên ấy ở những cánh cửa là để làm gì nếu không phải để cám dỗ chúng ta, bởi vì cái quả đấm ở cánh cửa lắp kính mờ của phòng Xơ Dorothea chính là bản thân sự cám dỗ đối với tôi bất cứ lúc nào Con Nhím đang trên đường, Xơ Dorothea ở bệnh viện và bà Zeidler ở công ty Mannesmann.

Bấy giờ, Oskar bèn ra khỏi căn phòng có cái bồn tắm của mình, tiến đến phòng Xơ Dorothea và nắm lấy quả đấm cửa.

Cho đến khoảng giữa tháng sáu - mà hầu như ngày nào tôi cũng thử làm vậy - cánh cửa vẫn cưỡng lại tôi. Tôi đã bắt đầu nghĩ rằng công việc của Xơ Dorothea đã khiến nàng ngăn nắp đến nỗi tôi nên từ bỏ hy vọng là có lúc nào đấy, nàng lãng đi không khóa cửa. Và chính vì thế mà, một hôm khi cánh cửa mở ra dưới sức đẩy của tôi, phản ứng đần độn, như máy của tôi là đóng nó lại.

Trong mấy phút, Oskar đứng ngây đuỗn trong một bộ da trở nên quá chật, bối rối trước bao ý nghĩ linh tinh nhất khiến hắn hầu như không cách nào sắp xếp lại cho rành mạch được.

Chỉ sau khi tôi chuyên những ý nghĩ của mình sang một luồng khác - Maria và người yêu của nàng, Maria có bồ, bồ cho nàng một bình cà phê, tối thứ Bảy anh ả đến vui chơi ở Apollo, Maria gọi bồ là ông trong giờ làm việc vì bồ là sếp, là chủ nhân của cửa hàng nơi nàng làm việc – chỉ sau khi xem xét Maria và bồ của nàng dưới nhiều góc độ khác nhau, tôi mới tạo được chút trong đầu óc tội nghiệp của mình... và mở cánh cửa lắp kính mờ.

Trước đó, tôi đã hình dung là căn phòng này không có cửa sổ vì chẳng bao giờ phần trên trong mờ của cửa vào để lộ chút dấu vết gì của ánh sáng ban ngày. Với tay sang bên phải, hệt như ở phòng tôi, tôi thấy công-tắc đèn. Chiếc bóng điện bốn mươi oát thừa đủ cho cái khoang nhỏ xíu không đáng gọi là phòng này. Tôi hơi rầu lòng khi đối diện với tượng bán thân của mình trong gương. Tuy hình ảnh lộn trái của hắn chẳng có gì hay ho, Oskar vẫn không né ra: hắn đang bị hút hồn bởi những đồ vật trên bàn trang điểm trước tấm gương.

Có những vệt xanh-đen ở lớp men trắng của bồn rửa mặt. Mặt bàn, với lỗ khoét để gắn bồn xuống cho vừa khít đến thành, cũng có khuyết tật. Góc bên trái khuyết một miếng và miếng khuyết ấy nằm trên mặt bàn dưới tấm gương, phô với gương những đường vân của nó. Những vệt keo bong trên gờ nâu chứng tỏ một cố gắng vụng về nhằm gắn lại mảnh vỡ. Những ngón tay thợ đẽo đá của tôi bỗng thấy ngứa ngáy. Tôi nghĩ đến chất mát-tít do Korneff làm lấy có thể biến những miếng cẩm thạch vỡ vụn thành những phiến bền vững thích hợp để làm đẹp mặt tiền của những cửa hàng thịt lớn.

Khi những ý nghĩ quen thuộc đó đã làm tôi quên đi cái hình ảnh méo mó tệ hại của tôi trong gương, tôi có thể gọi tên cái mùi xộc vào mũi tôi ngay khi bước vào phòng.

Đó là dấm. Sau này, và lại mới cách đây mấy tuần, tôi biện hộ cho cái mùi chua loét ấy bằng cách đoán chừng là hôm trước, chắc Xơ Dorothea gội đầu và đã pha dấm vào nước gội. Tuy nhiên, chẳng có chai dấm nào trên bàn trang điểm. Tôi cũng không phát hiện thấy dấm trong bất kỳ chai lọ nào có dán nhãn khác. Hơn nữa, tôi thường tự hỏi, lẽ nào Xơ Dorothea lại phải cầu kỳ xin phép Zeidler đun nước trong bếp rồi lại mang về phòng mình để gội đầu trong khi bệnh viện có đầy vòi hoa sen và buồng tắm hảo hạng? Tuy nhiên,à nữ y tá trưởng hoặc ban quản trị bệnh viện đã cấm các nữ y tá dùng một số thiết bị vệ sinh ở trong bệnh viện; có lẽ Xơ Dorothea quả đã buộc phải gội đầu ở cái bồn tráng men này, trước cái gương xảo trá này.

Tuy không có chai dấm nào, nhưng lại có rất nhiều chai lọ khác trên mặt bàn đá. Một gói bông và một gói khăn vệ sinh đã dùng hết nửa khiến Oskar hết muốn tìm hiểu xem những cái lọ nhỏ kìa đựng những gì. Nhưng tôi vẫn cho rằng trong đó chẳng có gì khác ngoài những thứ mỹ phẩm thông thường hoặc pom-mát vô hại.

Xơ Dorothea đã cắm cái lược trong bàn chải tóc. Tôi phải so đo một lúc rồi mới quyết định rút nó ra xem cho kỹ. Thật may là tôi đã làm thế, vì chính lúc này, Oskar khám phá ra điều quan trọng nhất: tóc nàng màu vàng, có lẽ là vàng tro, nhưng ta không thể rút ra kết luận vội vàng từ những sại tóc chết mắc vào một cái lược. Chỉ cần nói Xơ Dorothea tóc vàng là đủ.

Thêm vào đó, số tóc mắc giữa những răng lược nhiều đến phát sợ, nó mách tôi rằng Xơ Dorothea bị bệnh rụng tóc; điều này hẳn khiến nàng rất buồn. Chắc là tại cái mũ y tá của nàng, tôi nghĩ bụng, nhưng tôi không lên án nó, bởi lẽ làm sao một bệnh viện có thể vận hành tốt được nếu không có những chiếc mũ y tá?

Dù cái mùi dấm có khó chịu đến mấy đối với Oskar, việc Xơ Dorothea bị rụng tóc, vẫn chỉ khuấy lên trong tôi một tình cảm duy nhất: tình yêu pha lẫn với thương cảm, ân cần. Đặc điểm của tâm trạng tôi lúc đó là tôi nghĩ ngay đến nhiều loại thuốc mọc tóc mà tôi đã nghe giới thiệu và tôi nhất quyết kiếm cho Xơ Dorothea một vài thứ trong số đó ngay khi gặp cơ hội đầu tiên. Mơ tới cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa chúng tôi sẽ diễn ra dưới một bầu trời mùa hè ấm áp giữa cánh đồng lúa dập dờn, tôi bứt những sợi tóc mồ côi khỏi cái lược, xếp thành một túm, buộc lại với nhau. Tôi thổi sạch chút bụi và gầu, rồi thận trọng cất vật báu của mình vào một ngăn ví sau khi dốc bỏ những gì đểó từ trước.

Cất ví vào túi áo xong, tôi mới nhấc cái lược lên - vừa rồi tôi phải để nó trên mặt bàn vì hai tay đều bận - giơ lên ánh sáng của ngọn điện trần, xem xét hai hàng răng, bên to thưa bên nhỏ dày, và nhận thấy thiếu hai cái răng nhỏ. Tôi không cưỡng nổi sự cám dỗ lấy móng ngón trỏ tay trái gại lên đầu những răng to và trong khi chơi nghịch thế, Oskar vui thích thấy óng lên mấy sợi tóc mà hắn cố tình để lại nhằm tránh mọi nghi ngờ.

Cuối cùng tôi cắm lại chiếc lược vào bàn chải và rời bàn trang điểm để khỏi quá thiên lệch. Trên đường tới giường Xơ Dorothea, tôi vấp phải một cái ghế trên đó có vắt một chiếc xú-chiêng - đã giặt nhiều đến sờn và bạc cả mép, tôi nhận xét.

Oskar không có gì ngoài hai nắm tay để làm căng đầy hai chỗ lõm. Không vừa. Quá cứng, quá gân guốc, chúng xa lạ và khổ sở trong hai cái bát úp ấy mà tôi vui lòng dùng cùi dìa xúc ngày này qua ngày khác để tìm hiểu xem chúng đựng cái gì; tôi cũng sẵn sàng chấp nhận thi thoảng nôn oẹ một chút, bởi vì món gì ăn quá nhiều chả làm cho dạ dày óc ách, nhưng sau khi nôn lại thấy dịu ngọt, dịu ngọt đến nỗi khiến người ta khao khát được nôn - nôn như là dấu ấn của tình yêu.

Tôi nghĩ đến bác sĩ Werner và rút hai nắm tay ra khỏi xú-chiêng. Nhưng rồi bác sĩ Werner biến mất và tôi có thể đến gần chiếc giường của Xơ Dorthea. Vậy ra đây là giường của nàng! Đã bao lần Oscar thử cố hình dung ra nó và đây, nó cũng chỉ là thứ cấu trúc xấu xí bằng gỗ, sơn màu nâu, y hệt cái khung gỗ làm nền cho những giờ nghỉ ngơi, hoặc đôi khi mất ngủ của tôi. Điều tôi vẫn thường ước cho nàng là một cái giường kim loại sơn trắng với những núm đồng, một cái khung nhẹ bỗng chứ đâu phải cái vật cồng kềnh vắng mọi hơi thở của tình yêu này. Không động cựa, đầu nặng như chì, trống vắng đam mê, thậm chí không còn sức mà ghen, tôi đứng một lúc nhìn cái ban thờ của giấc ngủ này. Rồi tôi ngoảnh đi để khỏi phải nhìn thêm cái hình ảnh ghê tởm ấ Không bao giờ Oskar có thể hình dung Xơ Dorothea với những giấc ngủ của nàng trong nấm mồ gớm ghiếc này.

Tôi quay về bàn trang điểm, có lẽ với ý định mở thử những lọ mà tôi đoán là đựng pom-mát. Nhưng trên đường đi, cái tủ áo ra lệnh cho tôi phải chú ý đến kích thước của nó, ghi nhận nước sơn của nó là nâu đen, theo dõi đường chỉ của nó và cuối cùng, mở nó ra; vì ở đâu lại có thứ tủ áo không đòi hỏi được mở ra?

Không có khóa; hai cánh cửa tủ được ngoắc hờ vào nhau bằng một cái đinh bẻ cong; tôi xoay đứng nó lên và lập tức, không cần tôi giúp thêm, hai cánh tủ bung ra với một tiếng thở dài, cho tôi một tầm nhìn rộng đến nỗi tôi phải bước lùi lại để nhìn được bao quát toàn bộ. Oskar không muốn đắm vào những chi tiết như ở bàn trang điểm, cũng không muốn để thành kiến ảnh hưởng đến nhận định như trong trường hợp cái giường. Không, hắn quyết hiến mình cho cái tủ áo đã dang rộng hai tay đón hắn với cái tươi mát của Ngày Đầu Cuộc Sáng Thế.

Tuy nhiên, Oskar, nhà thẩm mỹ thâm căn cố đế, không thể hoàn toàn dẹp mọi phê phán: một cha man rợ nào đã cưa chân tủ một cách vội vàng, làm mặt gỗ vỡ toác nhiều mảnh và đặt bệt cái tủ bị xước mặt xuống sàn.

Bên trong tủ cực kỳ ngăn nắp. Bên phải có ba giá gỗ sâu chất đầy quần áo lót và blu - trắng, hồng và xanh nhạt mà Oskar đoán chắc là rất bền màu. Hai cái túi vải sơn màu đỏ và xanh lá cây treo ở phía trong cửa bên phải, một cái đựng những bít tất bị tuột chỉ, cái kia đựng những đôi Xơ Dorothea đã mạng lại. Tôi cảm thấy những đôi bít tất này chất lượng cũng ngang ngửa với những đôi mà ông chủ và bồ của Maria tặng nàng, nhưng dệt dày hơn và bền hơn. Bên trái treo những bộ đồ đồng phục nữ y tá hồ bột trắng bóng, ở ngăn đựng mũ, phía trên cùng, đẹp và giản dị, dăng hàng một loạt mũ mềm nữ y tá mỏng mảnh, tránh xa những bàn tay bất cẩn. Tôi chỉ liếc qua đám quần áo dân sự xếp bên trái chồng đồ lót. Những đồ rẻ tiền chọn một cách đại khái xác nhận hy vọng thầm kín của tôi: Xơ Dorothea không mấy quan tâm đến bộ phận trang phục này của mình. Cũng một cảm giác tương tự toát ra từ ba bốn cái mũ hình chậu cài hoa giả, vứt thành một chồng lộn xộn bên cạnh những mũ mềm, nom như một chiếc bánh ga-tô làm hỏng. Ngăn đựng mũ cũng có mươi mười hai cuốn sách gáy màu dựa vào một hộp giày đựng đầy len vụn.

Oskar phải bước lại gần hơn và nghiêng nghiêng đầu mới đọc được đầu đề sách. Tôi lấy lại tư thế đầu thẳng đứng với một nụ cười rộng lượng: vậy ra Xơ Dorothea của chúng ta đọc tiểu thuyết trinh thám, về khu vực dân sự của tủ quần áo, nói chừng nấy là đủ rồi. Bị những cuốn sách dụ dỗ đến gần, tôi không lùi bước; trái lại, tôi rúc đầu vào tủ và thôi cưỡng lại ý muốn càng lúc càng tăng là thuộc về nó, trở thành một bộ phận của tủ quần áo, nơi Xơ Dorothea trao gửi một phần không nhỏ sự hiện diện hữu hình của mình.

Tôi thậm chí không cần phải xê dịch đôi giày gót bằng ở sàn tủ, đã đánh bóng kỹ và đang chờ được ra ngoài. Như để mời tôi vào, mọi vật trong tủ được xếp gọn đến nỗi Oskar có thể náu vào giữa mà không làm nhàu một thứ gì. Khấp khởi đầy chờ đợi, tôi luồn vào và ngồi xổm đó.

Tuy nhiên, mới đầu, tôi chưa thấy yên trí lắm. Oskar cảm thấy như bị đồ đạc xung quanh và cái bóng điện theo dõi. Muốn thời gian mình lưu lại nơi này được thân mật hơn, tôi cố đóng cửa tủ lại. Điều đó đâu có dễ, chốt cài mòn dơ, hai cánh không chịu đóng lại tử tế. Ánh sáng vẫn lọt vào, nhưng không đủ để quấy rối tôi. Mùi trở nên tập trung hơn. Một mùi sạch sẽ, cũ kỹ, không còn là mùi dấm mà là mùi một thứ sản phẩm chống sâu mọt nào đó, một mùi dễ chịu.

Oskar làm gì khi hắn đã ngồi trong tủ áo? Hắn gục đầu vào bộ đồng phục gần nhất của Xơ Dorothea; điều đó mở ra mọi khía cạnh đời sống. Tay trái tôi, có lẽ nhằm tìm một cáì để ngả người dựa vào, quài ra đằng sau, qua mớ quần áo dân sự, chệch hướng, chới với, chộp vội lấy một cái gì nhẵn mượt và dẻo, và cuối cùng - vẫn giữ cái vật nhẵn mượt - thấy một thanh chống ngang dùng để đỡ ván sau của tủ, nhưng cũng sẵn sàng đỡ tôi luôn thể. Tay đã rảnh, tôi đưa nó ra đằng trước xem nó tìm thấy cái gì đằng sau tôi. Tôi thấy một cái dây lưng da đen, nhưng trong bóng tối nhập nhoạng như thế này, người ta có thể dễ dàng nhầm. tưởng một cái gì khác là một cái dây lưng. Nó cũng có thể là một cái gì hoàn toàn khác, một cái gì cũng nhẵn mượt và dài, một cái gì tôi đã thấy trên đập chắn sóng ở Neufahrwasser hồi lên ba khi còn là thằng bé đánh trống bất trị; mẹ tội nghiệp của tôi mặc chiếc măng-tô mùa xuân màu xanh nhạt với lớp vải phủ ngoài màu quả mâm xôi, Matzerath mặc ba-đờ-xuy nâu, Jan Bronski áo cổ nhung, Oskar đội mũ lính thủy với dải băng thêu dòng chữ vàng S.M.S.Seidlitz; ba-đơ-xuy và áo cổ nhung nhảy từng bước thoăn thắt đằng trước hai mẹ con, mẹ đi giày cao gót không nhảy được từ hòn đá này sang hòn kia đến chỗ lão cửa vạn ngồi dưới chân nhà đèn tín hiệu với sợi dây phơi quần áo và cái bao khoai tây đầy muối và những gì ngọ nguậy.

Nhìn thấy cái bao và sợi dây phơi, chúng tôi hỏi lão già ngồi dưới chân nhà đèn tại sao lão lại câu bằng một sợi dây phơi quần áo, nhưng cái lão già người vùng Neufahwasser hay Brösen này chỉ cười và nhổ bã thuốc nâu lầy nhầy xuống nước, miếng bã thuốc cứ nhấp nhô tại chỗ bên đập chắn sóng cho đến khi một con hải âu đớp lấy mang đi; bởi vì một con hải âu sẵn sàng đớp bất cứ cái gì dưới ánh mặt trời, không như chị bồ câu kén cá chọn canh, càng không như một nữ y tá – chẳng lẽ người ta có thể ăn bất kỳ cái gì trắng dưới một cái mũ rồi ném vào một cái tủ áo, như thế chả hóa ra đơn giản lắm sao? Và với những gì đen cũng vậy, bởi vì hồi ấy tôi không sợ mụ phù thủy Đen độc ác, tôi ngồi không chút sợ hãi trong tủ áo, rồi lại không phải trong tủ áo, mà là trên đập chắn sóng ở Neufahrwasser cũng không chút sợ hãi, một đằng tôi cầm một chiếc dây lưng da đen, đằng kia lại là một cái gì khác cũng đen và trơn nhưng không phải một chiếc dây lưng. Vì tôi đang ở trong tủ áo, ntìm cái để so sánh, bởi tủ áo buộc người ta phải so sánh, gọi mụ phù thủy Đen bằng tên của mụ, nhưng hồi đó, mụ chả có nghĩa gì đối với tôi, tôi đi quá xa trên đề tài trắng, hầu như không thể phân biệt một con hải âu với Xơ Dorothea, tuy nhiên tôi loại trừ bồ câu, cả đực lẫn cái, và những thứ dớ dẩn như thế khỏi ý nghĩ của tôi, nhất là vì đó không phải là dịp lễ Ngũ tuần, mà là ngày Thứ Sáu Thánh khi chúng tôi đến Brösen rồi đi tiếp ra đập chắn sóng - vả lại, làm gì có bồ câu ở đập chắn sóng, nơi lão cửu vạn người Neufahrwasser ngồi với cái dây phơi của lão, ngồi và nhổ bã thuốc. Và khi lão cửu vạn người Brösen kéo sợi dây cho đến lúc sợi dây dừng lại và chỉ rõ tại sao kéo nó ra khỏi dòng nước lợ của sông Mottlau lại khó nhọc đến thế, khi mẹ tội nghiệp của tôi vịn tay lên vai và cổ áo nhung của Jan Bronski, vì mặt mẹ tái xanh đi như phó-mát xanh, vì mẹ muốn bỏ đi nhưng vẫn phải nhìn lão cửu vạn ném cái đầu ngựa xuống những hòn đá, nhìn những con lươn nhỏ xanh màu nước biển chui ra khỏi cái bờm ngựa và lão kéo những con to hơn đen hơn ra khỏi đầu ngựa. Ai đó xé toạc một cái giường nệm lông chim, nhưng đó chỉ là một cách khác để nói là lũ hải âu ào xuống và bắt đầu, bởi vì cái giống hải âu, khi có ba bốn con là có thể dễ dàng làm gọn một con lươn nhỏ, con to thì hơi khó. Lão cửu vạn banh miệng con ngựa ra, ấn một miếng gỗ vào giữa hai hàm răng, làm cho con ngựa cười và luồn cánh tay lông lá vào rờ rẫm và dấn thêm vào, như tôi trong tủ áo, và lôi ra hai con lươn một lúc, như tôi trong tủ áo vừa lôi ra một chiếc dây lưng. Lão quăng chúng lên không trước khi quật chúng vào đá cho đến khi mẹ tội nghiệp của tôi tháo hết bữa ăn sáng của mình, bao gồm cà phê sữa, lòng trắng và lòng đỏ trứng, một ít mứt và mấy miếng bánh mì trắng. Bữa điểm tâm thịnh soạn đến nỗi bọn hải âu liền nghiêng cánh xuống thấp một tầng nữa và đâm bổ - đó là chưa kể những tiếng kêu và việc hải âu có con mắt hung tinh mang họa thì ai cũng biết. Không ai đuổi chúng đi được, huống hồ là Jan Bronski vốn sợ hải âu chết khiếp, chỉ biết giơ cả hai tay che cặp mắt xanh. Chúng cũng chẳng thèm để ý đến tiếng trống của tôi mà cứ nhồi nhét trong khi tôi giận dữ đồng thời cũng phấn hứng tạo ra nhiều tiết tấu mới trên trống. Nhưng mẹ tội nghiệp của tôi thì chả thiết gì nữa, mẹ đang quá bận: mẹ nôn khan, nôn khan hoài mà không ói thêm được gì, mẹ có ăn gì mấy đâu vì mẹ đang tìm mọi cách để giảm cân, một tuần hai lần đến tập thể dục ở Hội Phụ Nữ, nhưng không ăn thua vì mẹ vẫn ăn giấu và quyết tâm của mẹ bao giờ cũng có những lỗ hổng. Còn cái lão người Neufahrwasser, khi tất cả những người có mật đều tưởng đã xong, không còn gì nữa, thì lão, bất chấp mọi lý thuyết, lại lôi ra một con lươn cuối cùng từ tai con ngựa. Con này mình đầy vữa trắng bỏi nó đã xục xạo óc con ngựa. Nhưng lão cửu vạn quay tít nó cho đến khi những mảnh vữa rụng hết, cho đến khi con lươn phô lớp láng bóng của nó và lấp lánh như một cái dây lưng bằng da thật. Điều tôi muốn nói là Xơ Dorothea thắt một cái dây lưng hệt như vậy khi nàng mặc đồ dân sự đi chơi, không đeo huy hiệu Chữ Thập Đỏ.

Chúng tôi lên đường về nhà mặc dù Matzerath muốn nán lại chờ một con tàu Phần Lan một nghìn tám trăm tấn đang vào cảng. Lão cửu vạn bỏ cái đầu ngựa lại đập chắn sóng. Lát sau, con ngựa chuyển sang màu trắng và bắt đầu kêu. Nhưng nó không kêu như ngựa, mà kêu như một đám mây trắng phàm ăn đang xà xuống một cái đầu ngựa. Như vậy càng hay, vì bây giờ người ta không phải trông thấy con ngựa nữa mặc dù vẫn có thể hình dung ra cái gì ở bên dưới đám mây trắng đang lồng lộn điên cuồng kia. Con tàu Phần Lan cũng chuyển hướng chú ý của chúng tôi; nó chở gỗ và gỉ như cái hàng rào ở nghĩa trang Saspe. Nhưng mẹ tội nghiệp của tôi chẳng buồn quay lại nhìn con tàu Phần Lan cũng như đám hải âu. Mẹ đã quỵ hẳn. Mặc dầu trước kia, mẹ không những chơi trên dương cầm mà còn hát "Bay đi, hải âu bé bỏng, hãy bay tới Heligoland", từ giờ mẹ sẽ không bao giờ hát bài đó hoặc bất cứ bài nào khác nữa. Mới đầu, mẹ không chịu ăn cá nữa, nhưng rồi bỗng nhiên mẹ xoay ra ăn rất nhiều cá, cá to cá béo, nhiều đến nỗi một hôm, mẹ không muốn, không thể ăn thêm gì nữa, ớn tất cả, ớn lươn và ớn sống, đặc biệt là ớn người, có lẽ ớn cả Oskar nữa; dù thế nào đi nữa, từ một người ham ăn chơi không từ bỏ một cái gì, mẹ bỗng trở nên thanh đạm, tiết chế và yêu cầu chôn mình ở Brenntau. Tôi đã thừa hưmẹ sự kết hợp của hai nét cá tính đó: xả láng và thanh đạm. Tôi muốn đủ mọi thứ, nhưng không có thứ gì mà tôi không nhịn được, trừ lươn xông khói; dù đắt đến đâu, cũng phải kiếm bằng được, tôi không thể sống thiếu chúng. Một ngoại lệ thứ hai là Xơ Dorothea mà tôi chưa từng trông thấy, mà cái dây lưng da của nàng chưa thực sự làm tôi say mê - vậy mà tôi không tài nào dứt mình ra khỏi nó được, nó bất tận, nó nhân bội lên, và với bàn tay còn rảnh, tôi cởi khuy quần để làm sáng lại hình ảnh của Xơ Dorothea đã bị con tàu buôn Phần Lan và đám lươn lúc nhúc làm nhòa đi.

Cuối cùng, với sự giúp đỡ của đàn hải âu, Oskar rũ bỏ được sự ám ảnh của con đập chắn sóng và tìm lại được thế giới của Xơ Dorothea giữa những bộ đồng phục để không nhưng vẫn hấp dẫn của nàng. Nhưng khi, rốt cuộc, tôi có thể thấy nàng trước mặt và phân biệt được vài nét, thì đột nhiên cửa tủ mở toang với một tiếng kẹt, ánh đèn làm tôi loá mắt khiến tôi phải cố gắng mới không làm bẩn chiếc blu treo gần tôi nhất.

Chỉ cốt để tạo một sự chuyển tiếp, một sự thư giãn sau những phút ở trong tủ áo mà tôi không ngờ lại căng thẳng đến thế, tôi bèn làm cái điều bao năm nay tôi không làm: tôi gõ mấy nhịp, không lấy gì làm xuất sắc, trên vách sau khô khốc của tủ. Rồi tôi chui ra, soát lại bên trong một lần nữa và yên trí rằng mình đã không gây lộn xộn gì, kể cả cái dây lưng cũng vẫn giữ nguyên độ bóng; không, có một vài vết mờ mờ cần hà hơi lên và cọ đi trước khi, một lần nữa, cái dây lưng lại trở thành một vật có thể gợi đến những con lươn một lão cửu vạn bắt được trên đập chắn sóng ở Neufahwasser nhiều năm trước đây.

Tôi, Oskar, ngắt dòng điện khỏi cái bóng bốn mươi oát đã theo dõi tôi suốt cuộc đến thăm và ra khỏi phòng Xơ Dorothea.

a>KLEPP

Vậy là tôi đang ở trong hành lang với một mớ tóc vàng nhạt trong ví. Trong một giây, tôi thử sờ mớ tóc qua lần da thuộc, qua lần lót của áo vét, qua áo gi-lê, sơ mi và may-ô; nhưng tôi đã quá mệt mỏi và cái kiểu tự thỏa mãn tình dục một cách buồn bã ấy khiến tôi không nhận ra rằng vật báu của mình chẳng là gì khác hơn những thứ rơi rụng mắc lại ở một chiếc lược.

Chỉ đến lúc đó Oskar mới tự thú nhận với mình rằng hắn đã định tìm những thứ thuộc một loại hoàn toàn khác. Điều tôi thực sự muốn là bằng chứng về sự hiện diện của bác sĩ Werner đâu đó trong phòng Xơ Dorothea, dù chỉ là một lá thư hay một trong những chiếc phong bì mà tôi quá biết. Tôi chẳng tìm thấy gì cả. Đến cả một cái phong bì cũng không, nói chi đến một tờ giấy có chữ viết trên đó. Oskar thú thật rằng hắn đã lấy từng cuốn tiểu thuyết trinh thám trên ngăn để mũ xuống, giở từng tờ, tìm những dòng đề tặng và những thẻ đánh dấu trang. Tôi cũng tìm xem có tấm ảnh nào chăng, vì Oskar biết phần lớn các bác sĩ ở Bệnh viện Marien, đành rằng chỉ biết mặt chứ không biết tên - nhưng không có tấm ảnh nào của bác sĩ Werner cả.

Có vẻ như bác sĩ Werner chưa hề biết phòng của Xơ Dorothea hoặc nếu y đã từng đến thì cũng không lưu lại được dấu vết gì. Oskar có đủ mọi lý do để hài lòng. Chẳng phải tôi có thuận lợi lớn so với bác sĩ Werner đó sao? Chẳng phải việc không có dấu vết gì của y là bằng chứng xác thực là quan hệ giữa bác sĩ và nữ y tá chỉ giới hạn trong phạm vi bệnh viện, có nghĩa mang tính thuần túy nghề nghiệp và nếu như có gì mang tính cá nhân giữa họ, thì đó chỉ là đơn phương?

Tuy nhiên, lòng ghen của Oskar vẫn đòi c một cái cớ nào đó. Cho dù một dấu vết nhỏ nhất của bác sĩ Werner sẽ là một đòn choáng váng đối với tôi, nó cũng sẽ đồng thời đem lại cho tôi một niềm thoả mãn bội phần lớn hơn so với cuộc phiêu lưu nhỏ, ngắn ngủi của tôi trong tủ áo.

Tôi không nhớ tôi đã trở về phòng mình như thế nào. Tuy nhiên, tôi nhớ là có nghe thấy một tiếng ho giả vờ cốt để lôi kéo sự chú ý, từ đằng sau cửa phòng me-xừ Münzer ở cuối hành lang. Cái xừ Münzer này là gì đối với tôi? Tôi chẳng đang bù đầu với Xơ Dorothea đó sao? Đâu phải lúc bận mình thêm với xừ Münzer này - ai mà biết cái gì ẩn giấu đằng sau cái tên ấy? Và như vậy Oskar không để tai đến tiếng ho mời chào ấy, hay đúng hơn, tôi không hiểu người ta muốn gì tôi, và chỉ đến khi về phòng rồi, tôi mới vỡ nhẽ ra là cái tay Münzer ấy, con người hoàn toàn xa lạ chẳng có nghĩa gì đối với tôi ấy, đã ho để nhử tôi đến phòng y.

Tôi phải thừa nhận điều này: hồi lâu, tôi đâm tiếc là đã không phản ứng với tiếng ho đó, vì phòng tôi dường như bỗng trở nên quá chật đồng thời lại quá lớn đến nỗi một cuộc trò chuyện, dù gượng gạo và buồn tẻ nhất, với xừ Münzer ho giả vờ, ắt cũng làm cho tôi thấy dễ chịu. Nhưng tôi không thể huy động can đảm để thiết lập một quan hệ muộn mằn - chẳng hạn tôi có thể ra hành lang dắng một tiếng ho đáp lại - với cái tay ở đằng sau cánh cửa cuối hành lang. Tôi thụ động nộp mình cho những góc cạnh tàn nhẫn của cái ghế bếp. Như bất cứ khi nào ngồi vào ghế, tôi cảm thấy bồn chồn không yên. Tôi cầm một cuốn sách tham khảo về y học ở giường lên, rồi lại ném cuốn sách đắt tiền ấy xuống đất thành một xấp giấy nhàu nát và đến bên bàn nhấc lấy món tặng phẩm của Raskolnikov - cái trống. Tôi cầm nó trong tay nhưng tôi không thể xuống dùi cũng như Oskar không thể trút xuống cái mặt tròn láng sơn trắng những giọt nước mắt khả dĩ đem lại cho tôi chút nguôi dịu phi tiết tấu.

Đến đây, tôi có thể khởi đầu một tiểu luận về sự ngây thơ bị đánh m một so sánh, giữa hai Oskar - chú bé đánh trống mãi mãi ba tuổi và gã gù không giọng, không nước mắt, không trống. Nhưng như vậy sẽ là một sự đơn giản hóa quá đáng và không đúng sự thật: ngay từ thời kỳ đánh trống, Oskar đã nhiều lần đánh mất rồi lại thu hồi sự ngây thơ của mình, hoặc giả chờ cho nó mọc trở lại, vì sự ngây thơ có thể ví với một loại cỏ sum suê - hãy thử nghĩ về những bà nội bà ngoại ngây thơ đã từng là những hài nhi hằn học, bỉ ổi - không, không phải những suy nghĩ phi lý về sự ngây thơ và sự ngây thơ bị đánh mất đã làm Oskar nhảy bật lên từ chiếc ghế bếp: không, chính tình yêu của tôi đã ra lệnh cho tôi đặt cái trống lại chỗ cũ mà không đánh và rời khỏi phòng, hàng lang và căn hộ để hối hả đến Trường Mỹ thuật mặc dầu cuối chiều mới đến giờ hẹn của tôi với Giáo sư Kuchen.

Khi Oskar loạng choạng ra khỏi phòng, bước vào hành lang, cố tình mở cửa ra vào căn hộ thật ầm ĩ, tôi để một lúc nghe ngóng phía cửa phòng xừ Münzer. Không thấy tiếng ho. Xấu hổ, kinh tởm, vừa no đến chán ngấy vừa đói cuồng, vừa chán sống vừa khát khao sống, tôi gần như muốn oà khóc khi rời khỏi căn hộ và ngôi nhà ở phố Jülicher -Strasse.

Mấy ngày sau, tôi thực hiện một kế hoạch bao lâu ấp ủ mà tôi đã gạt bỏ nhiều lần đến nỗi giờ đây nó được chuẩn bị kỹ đến từng chi tiết. Hôm ấy, tôi có cả một buổi sáng rảnh rỗi. Mãi đến ba giờ, Oskar và Ulla mới phải ngồi mẫu cho Raskolnikov. Tôi sẽ là Ulysse khi trở về tặng nàng Penelope một cái bướu, hắn là đã mọc lúc nào đó trong khi chu du cùng trời cuối đất. Tôi đã hoài công thuyết phục gã họa sĩ từ bỏ cái ý này. Trong một thời gian, gã đã khai thác thành công các thần và á thần Hy Lạp, và Ulla cảm thấy hoàn toàn thoải mái với các đề tài thần thoại. Tôi đành nhượng bộ và để cho người ta vẽ mình thành Vulcan, thành Pluton cùng với Proserpine và cuối cùng, chiều nay, là một chàng Ulysse gù. Nhưng vì tôi quan tâm nhiều hơn đến những sự kiện ban sáng, nên Oskar sẽ không kể cho quý vị nghe Nàng Thơ Ulla-Penelope nom như thế nào. Thay vào đó, xin thưa

Sáng hôm đó, yên tĩnh ngự trị trong căn hộ Zeidler. Con Nhím đang trên đường cùng với những cái tông-đơ của mình, Xơ Dorothea đi làm ca ngày và đã rời nhà từ sáu giờ sáng, và bà Zeidler hãy còn nằm trên giường khi thư từ đến vào lúc sau tám giờ một chút.

Tôi lập tức điểm qua một lượt. Không có gì cho tôi: Maria viết từ hai hôm trước. Nhưng ngay từ cái liếc mắt đầu tiên, tôi đã phát hiện ra ngay một cái phong bì đóng dấu bưu điện thành phố và mang tự dạng không thể lần được của bác sĩ Werner.

Trước hết, tôi trả bức thư lại với những bức khác gửi cho ông Münzer và bà Zeidler, quay về phòng và chờ đến khi bà Zeidler ra cửa, mang cho ông Münzer bức thư của ông ta, vào bếp rồi trở lại phòng ngủ của mình và đúng mười phút sau rời căn hộ vì ngày làm việc của bà ở Công ty Mannesmann bắt đầu từ chín giờ.

Để cho an toàn, Oskar vẫn đợi và chỉ sau khi mặc quần áo rất đủng đỉnh, đánh móng tay với vẻ hết sức bình tĩnh (thực ra là tự diễn với mình), mới quyết định hành động. Tôi vào phòng bếp, đặt một siêu nhôm đổ nước đầy đến nửa lên cái bếp ga lớn nhất trong ba cái, mở ga hết cỡ nhưng giảm dần khi nước bắt đầu sôi. Rồi thận trọng giữ sao cho ý nghĩ thật sát với hành động, tôi bước tới trước phòng Xơ Dorothea, lấy bức thư mà bà Zeidler đã nhét một nửa xuống dưới cánh cửa lắp kính mờ, quay về phòng bếp và thận trọng giơ mặt sau bì thư lên hơi nước sôi cho đến khi có thể bóc ra không xuy xuyển chút nào. Khỏi phải nói là Oskar đã tắt ga trước khi mạo hiểm giơ bức thư của bác sĩ Werner lên trên siêu nước.

Tôi không đọc thư của tay thày thuốc ở trong bếp, mà về nằm dài trên gường đọc. Thoạt đầu tôi hơi thất vọng vì cả câu chào mở đầu "Dorothea thân mến" lẫn công thức kết thúc "Với tình cảm chân thành" đều không rọi chút ánh sáng nào vào mối quan hệ bác sĩ- nữ y tá này.

Đọc hết bức thư, tôi cũng không thấy một từ âu yếm thật sự nào. Bác sĩ Werner tỏ ý tiếc là hôm trước đã không nói chuyện được với Xơ Dorothea mặc dù y đã trông thấy nàng từ cửa khu điều trị riêng cho nam giới. Vì những lý do mà bác sĩ Werner không rõ, Xơ Dorothea đã quay đi khi thấy y nói chuyện với Xơ Beata - bạn thân của Dorothea, như chúng ta còn nhớ. Bác sĩ Werner chỉ xin được giải thích: cuộc nói chuyện của y với Xơ Beata hoàn toàn chỉ có tính chất chuyên môn. Xơ Beata là người sôi nổi, nhưng, như Xơ Dorothea biết đấy, y bao giờ cũng hết sức giữ khoảng cách. Việc đó không phải là dễ, Dorothea chắc cũng hiểu thế vì nàng còn lạ gì tính Beata. Có nhiều lần Xơ Beata không hề giấu giếm tình cảm của mình mà y không bao giờ đáp lại. Câu cuối thư là thế này: "Xin hãy tin tôi, cô có thể thoải mái ghé chỗ tôi bất cứ lúc nào." Mặc dù cái giọng khách sáo lạnh lùng của câu này gần như là kênh kiệu, tôi không mấy khó khăn để nhìn thấu gan ruột bác sĩ Werner và nhận ra tờ giấy này thực sự là cái gì: một bức thư tình.

Tôi nhét trả lá thư vào phong bì như cái máy. Quên mọi ý thức vệ sinh sơ đẳng, tôi thè lưỡi nhấp ướt nắp phong bì mà có lẽ Werner cũng đã liếm. Rồi tôi phá lên cười. Vừa cười vừa lần lượt vỗ trán, vỗ chỏm đầu một lúc, tôi mới mở cửa ra hành lang và nhét nửa lá thư xuống dưới cửa phòng Xơ Dorothea.

Tôi vẫn đang ngồi xổm với một hay hai ngón tay còn đặt trên bức thư, thì có tiếng xừ Münzer ở cuối hành lang, ông ta nói chậm và nhấn giọng như đọc chính tả. Tôi có thể nghe rõ từng chữ một: "Thưa ông hảo tâm, ông có thể mang cho tôi ít nước được không?"

Tôi đứng dậy. Tôi thoáng nghĩ rằng chắc ông ta ốm. Nhưng rồi tôi lập tức hiểu ra rằng người đàn ông đằng sau cánh cửa không ốm, rằng Oskar vớ lấy cái ý ấy chỉ cốt có cớ để mang nước đến cho ông ta mà thôi.

Thoạt đầu định mang chỗ nước vẫn còn ấm đã giúp tôi bóc bức thư của bác sĩ Werner. Nhưng rồi tôi đổ số nước đã dùng ấy vào bồn rửa, vặn nước mát vào siêu và mang cả siêu lẫn nước tới cánh cửa mà đằng sau đó có tiếng người kêu tôi và kêu nước, mà có lẽ chỉ kêu nước mà thôi.

Oskar gõ cửa, bước vào và vấp ngay phải cái mùi rất đặc trưng của Klepp. Bảo cái mùi này chua chua, tức là bỏ qua tính đậm đặc và dịu ngọt của nó. Không khí bao quanh Klepp chẳng có gì chung với, chẳng hạn, cái mùi dấm của phòng Xơ Dorothea. Nói nó chua-ngọt cũng sai. Cái tay Münzer này, hay Klepp, như về sau tôi gọi hắn, cái con người to béo, lười nhác nhưng không phải không hoạt động, dị đoan, mau đổ mồ hôi, hàng tháng không tắm nhưng chưa đến độ cù bơ cù bất này, cái tay thổi sáo và cla-ri-nét cho dàn nhạc jazz này mà bao giờ cũng có chuyện này hay chuyện khác ngăn không cho chết, phải, hắn ta đã và bây giờ vẫn đang có cái mùi của một thây ma không ngừng hút thuốc lá, mút kẹo bạc hà và ăn tỏi. Dạo ấy, hắn đã phả ra cái mùi như vậy, bây giờ hắn vẫn phả ra và thở ra cái mùi ấy. Những ngày thăm bệnh nhân, hắn đến tôi, mang theo niềm vui sống và ý thức về sự phù du cùng với cái mùi ấy như một cơn lũ tràn ngập không gian, đến nỗi ngay sau khi Klepp rối rít chào tạm biệt, hứa sẽ đến nữa và rời khỏi phòng là Bruno phải mở toang mọi cửa ra vào và cửa sổ.

Giờ đây, Oskar nằm bẹp giường. Bữa ấy, trong căn hộ Zeidler, tôi thấy Klepp đang vui vẻ thối rữa trên những dư tàn của một cái giường. Cách hắn một với tay - tôi quan sát - một cái đèn cồn kiểu cổ nom rất ba-rốc, khoảng mười hai, mười ba gói mì spaghetti, mấy hộp dầu ô-liu, mấy tuýp xốt cà chua, một ít muối thô và ướt gói trong giấy báo và một két bia mà hóa ra là có nhiều chai âm ấm. Hắn nằm đái vào những chai bia không, rồi, như hắn tâm sự với tôi khoảng một giờ sau, lại đậy nắp những cái chai xanh xanh mà dung lượng cũng ngang ngang dung lượng của hắn và phần lớn đều đầy đến miệng. Để tránh mọi hiểu lầm phát sinh từ những cơn khát đột ngột, hắn để riêng những chai đó sang một bên, thận trọng phân biệt chúng với những chai bia còn xứng đáng được gọi là thế. Mặc dù có vòi nước máy trong phòng -ới chút ít tinh thần sáng tạo, hắn có thể đái vào bồn rửa - hắn quá lười, hay đúng hơn, quá bận rộn với bản thân, để đứng dậy, để rời cái giường mà hắn đã tốn bao công phu chỉnh đi chỉnh lại cho vừa với người hắn, và để thay nước mới vào xoong spaghetti của mình.

Vì Klepp - tôi muốn nói Münzer - bao giờ cũng cẩn thận nấu mì spaghetti trong cùng một lượng nước ấy, một lượng nước dùng đun đi đun lại, càng ngày càng đặc quánh mà hắn giữ như giữ con ngươi của mắt mình, nên thường khi hắn có thể, với sự giúp đỡ của số chai bia dự trữ, nằm dài bốn ngày liền hoặc hơn thế. Tình hình chỉ trở nên gay cấn khi nào nước dùng spaghetti của hắn đã cạn thành một thứ cặn nhầy dinh dính mặn chát, cố nhiên khi đó, Klepp có thể để mình đói đến chết, nhưng vào những ngày ấy, hắn lại thiếu cơ sở tư tưởng cho loại ứng xử này; hơn nữa, khổ hạnh của hắn được phân định từng chu kỳ bốn-năm ngày một. Nếu không, bà Zeidler, người thường mang thư đến cho hắn hay một xoong spaghetti lớn hơn, có thể dễ dàng giúp hắn càng độc lập hơn với thế giới bên ngoài.

Vào cái hôm Oskar vi phạm bí mật thư tín, Klepp đã nằm độc lập trên giường được năm ngày, cặn nước dùng spaghetti của hắn đã đủ dính để dán áp-phích trên đường phố. Đó là tình cảnh hắn khi hắn nghe thấy bước chân phân vân của tôi ngoài hành lang, bước chân đầy bận tâm về Xơ Dorothea và thư từ giao dịch của nàng. Nhận thấy lần trước Oskar đã không phản ứng gì với tiếng ho giả vờ, hôm tôi mở bức thư tình đam mê một cách lạnh lùng của bác sĩ Werner, hắn bèn ném giọng mình vào cuộc và nói: "Thưa ông hảo tâm, ông có thể mang cho tôi ít nước được không?"

Và tôi lấy cái siêu, đổ nước ấm đi, vặn vòi cho nước chảy vào đầy nửa siêu, rồi thêm một tí nữa và mang nước mới đến cho hắn với tư cách là "ông hảo tâm" như hắn gọi. Tôi tự giới thiệu: Matzerath, thợ đẽo đá và khắc chữ trên đá.

Cũng lịch sự như ai, ất nửa người trên lên vài độ, xưng danh là Egon Münzer, nhạc công jazz, nhưng đề nghị tôi cứ gọi là Klepp, vì cha hắn đã mang cái tên Münzer trước hắn rồi. Tôi rất thông cảm với yêu cầu này: tôi thích người ta gọi tôi là Koljaiczek hơn, hay đơn giản là Oskar. Tôi giữ cái tên Matzerath hoàn toàn là vì khiêm nhường. Năm thì mười họa tôi mới quyết định xưng là Oskar Bronski. Do đó, tôi không khó khăn gì để gọi cái gã trai to béo nằm dài ấy - mới nhìn tưởng ba mươi, nhưng thực ra còn trẻ hơn - bằng cái tên mộc mạc là Klepp. Còn hắn thì gọi tôi là Oskar vì không vặn lưỡi để phát âm Koljaiczek được.

Chúng tôi trò chuyện, mới đầu đều cố sao cho thoải mái và bám lấy những đề tài phù phiếm nhất. Hắn có tin, tôi hỏi, vào sự tiền định không? Có. Hắn có tin rằng tất cả mọi người phải chết không? Có, hắn cảm thấy chắc chắn là tất cả mọi người cuối cùng đều phải chết, nhưng hắn không dám chắc rằng ai cũng phải được sinh ra. Hắn tin chắc rằng bản thân hắn sở dĩ sinh ra là do một lầm lẫn nào đó. Một lần nữa, Oskar lại cảm thấy một mối đồng cảm với hắn. Cả hai chúng tôi đều tin có trời, nhưng khi Klepp nói "trời", hắn cười khẩy một tiếng và gãi gãi bên dưới tấm mền đắp: rõ ràng là ngay từ bây giờ, ở dưới trần, Klepp tiên sinh đã mưu tính những trò tinh quái mà hắn sẽ thực hiện ở trên trời. Khi bập vào đề tài chính trị, hắn bỗng trở nên say sưa; hắn đọc vanh vách tên của khoảng ba trăm gia đình quý tộc Đức mà hắn sẵn sàng giao ngay toàn bộ nước Đức vào tay họ, chỉ trừ miền Hanover mà Klepp hào hiệp nhượng cho Đế chế Anh Cát Lợi. Khi tôi hỏi hắn ai sẽ cai quản nơi trước kia là Thành phố Danzig Tự Do, hắn nói xin lỗi, hắn chưa bao giờ nghe nói về nơi ấy, nhưng ngay cả như thế, vẫn có thể đề cử một vị bá tước vùng Berg, thuộc dòng dõi gần như trực hệ - hắn có thể bảo đảm vậy - của chính Jan Wellem. Cuối cùng, (trước đó, chúng tôi đã thử định nghĩa khái niệm về sự thật và đã tiến triển rõ rệt) nhờ khéo léo xen vào vài câu hỏi, tôi được biết Klepp tiên sinh đã là khách trọ của vợ chồng Zeidler từ ba năm nay. Chúng tôi tỏ ý tiếc là đã không gặp nhau sớm hơn. Tôi nói đó là lỗi tại Con Nhím đã không thông tin cho tôi đầy đủ về vị khách trọ lì ở giường, cũng như ông ta chẳng nói gì về Xơ Dorothea, ngoài một điều là có một nữ y tá ở đằng sau cánh cửa lắp kính mờ.

Oskar không muốn ngay từ đầu đã bắt me-xừ Münzer tức Klepp chia sẻ những điều phiền muộn của mình. Cho nên tôi không hỏi gì về người nữ y tá. Thay vì, tôi hỏi Klepp về chính hắn: "Nhân nói đến y tá," tôi nói, "ông có ốm không đấy?"

Một lần nữa, Klepp nhấc mình lên một độ, nhưng khi thấy rõ là mình sẽ không bao giờ đạt đến góc vuông, hắn lại buông mình xuống và nói riêng với tôi lý do thật sự khiến hắn nằm lì ở giường: hắn đang cố khám phá xem sức khỏe của mình là tốt, trung bình hay kém. Hắn hy vọng vài tuần nữa là có thể xác định nó vào loại trung.

Thế rồi điều đó xẩy đến. Đó chính là điều tôi sợ, nhưng hy vọng rằng một cuộc trò chuyện dài và lan man có thể giúp tôi tránh khỏi. "A, ông bạn thân mến, ông vui lòng ăn với tôi đĩa mì spaghetti chứ?" Làm sao mà từ chối được! Chúng tôi ăn spaghetti bằng nước mới tôi mang đến. Tôi những muốn đem cái xoong nấu mì của hắn ra bồn rửa kì cọ cho thật sạch, nhưng tôi sợ, không dám hé răng. Klepp xoay nghiêng người và lặng lẽ nấu với những động tác chắc chắn của một kẻ mộng du. Khi mì đã chín, hắn gạn hết nước sang một cái hộp không lớn rồi hầu như không thay đổi tư thế nửa người trên, với tay xuống gầm giường lôi ra một cái đĩa bết mỡ và cặn xốt cà chua. Sau một thoáng lưỡng lự, hắn lại với tay xuống gầm giường, moi ra một tờ báo vo viên lau qua cái đĩa, rồi lại ném tờ báo vào gầm giường. Hắn hà hơi vào cái đĩa còn nhờn như để thổi đi nốt một hạt bụi cuối cùng và sau rốt, với một cử chỉ học đòi quý phái, đưa cho tôi món ăn kinh tởm nhất tôi từng thấy và mời Oskar thưởng thức.

"Tiền chủ hậu khách," tôi nói. Nhưng vô phương, hắn là một ông chủ hoàn hảo. Sau khi đưa tôi một chiếc cùi dìa và một chiếc dĩa nhờn đến nỗi dính cả vào gón tay tôi, hắn chất lên đĩa tôi một tảng mì tướng, bên trên đó, với một cử chỉ quý phái khác, hắn bóp thêm một con giun xốt cà chua đóng tuýp, cuối cùng, rưới dầu hộp lên toàn bộ mớ lầy nhầy đó. Bản thân hắn thì ăn luôn ở xoong. Hắn pha dầu và xốt cà chua vào phần của mình, rắc hạt tiêu, rồi trộn đều lên và ra hiệu cho tôi cũng làm thế. "Ôi, ông bạn thân mến," hắn nói khi tất cả đã sẵn sàng, "tôi xin lỗi vì không có pho-mát Parma. Dù sao cũng chúc ông ngon miệng."

Cho đến hôm nay, Oskar vẫn không thể hiểu được làm sao tôi có thể gom đủ can đảm để sử dụng cùi dìa và dĩa của hắn. Thật kỳ kạ, tôi lại thấy món spaghetti ngon. Thực tế, món spaghetti của Klepp từ đó trở thành một chuẩn mực nấu ăn để tôi làm căn cứ đánh giá mọi thực đơn bày ra trước mặt tôi.

Trong khi ăn, tôi đã kín đáo quan sát khá kỹ căn phòng của người nằm lì. Điểm hấp dẫn chủ yếu là một cái lỗ ống khói để ngỏ, ngay dưới trần, qua đó gió lọt vào phòng như một hơi thở đen. Có hai cửa sổ và bên ngoài, gió ào ào. Có vẻ như đây chính là những luồng gió đã thốc những đám mây mồ hóng qua ống khói lò sưởi, xâm nhập căn phòng và phủ lên đồ đạc. Vì đồ đạc chỉ có cái giường ở giữa và mấy tấm thảm cuộn lại, phủ giấy gói hàng nên có thể nói chắc rằng trong phòng không có gì bị nhuốm đen hơn chiếc khăn trải giường xưa trắng bốp, cái áo gối dưới đầu Klepp và một cái khăn mặt mà Klepp bao giờ cũng vớ lấy phủ lên mặt mỗi khi gió xua một đám mây mồ hóng vào phòng.

Cả hai cửa sổ, giống như những cửa sổ phòng khách nhà Zeidler, đều nhìn ra phố Julicher-Strasse, hay chính xác hơn, nhìn ra vòm lá xanh của cây hạt dẻ đứng trước cửa nhà. Bức hình duy nhất trong phòng là tấm ảnh màu chụp nữ hoàng Anh Elisabeth, có lẽ cắt từ một tờ họa báo hàng tuần. Dưới tấm ảnh, những chiếc kèn túi treo ở một cái móc, mà mô-típ trang trí Xcốt-len vẫn còn có thể nhận ra dưới lớp mồ hóng. Trong khi tôi ngắm tấm ảnh màu, mà lòng nghĩ không phải đến Elisabeth và Philip của bà, mà là đến Xơ Dorothea tộệp bị giằng xé giữa Oskar và bác sĩ Werner, thì Klepp cho tôi biết hắn là một người ủng hộ trung thành và nhiệt tình của Hoàng gia Anh và vì thế đã theo một lớp kèn túi do các nhạc công của một trung đoàn Xcốt-len thuộc Quân đội Chiếm đóng Anh; tình cờ thế nào Elisabeth lại là đại tá ở trung đoàn này, khiến hắn càng có lý do để nhận những nhạc công kia là thày. Klepp đã thấy bà trên phim thời sự mặc váy ngắn Xcốt-len, đang điểm binh trung đoàn này.

Kỳ lạ thay, đến đây, con người Chính giáo trong tôi bắt đầu ngọ nguậy. Tôi nói tôi không tin là Elisabeth biết gì về âm nhạc kèn túi, chêm vào một đôi câu về việc hành hình tàn bạo và bất công đối với Mary Stuart theo Chính giáo, và tóm lại, muốn để Klepp hiểu rằng, theo ý kiến tôi, thì Elisabeth điếc nhạc.

Tôi chờ đợi một cơn thịnh nộ của anh chàng bảo hoàng này. Nhưng hắn mỉm một nụ cười kẻ cả và đề nghị tôi giải thích: liệu tôi có cơ sở để vỗ ngực là người có thẩm quyền về âm nhạc?

Một hồi lâu, Oskar nhìn Klepp trừng trừng. Vô tình, hắn đã làm xòe một tia lửa trong tôi và từ đầu tôi tia lửa ấy vọt sang cái bướu. Cứ như thể tất cả những cái trống xưa tả tơi, kiệt quệ của tôi đã quyết định tiến hành một cuộc Phán Xét Cuối Cùng cho riêng chúng vậy. Cả ngàn cái trống tôi đã ném vào đống đồng nát và cái trống tôi đã chôn ở nghĩa trang Saspe bỗng hồi sinh, lại trỗi dậy, tráng kiện; âm vang của chúng tràn ngập cả người tôi. Tôi bật dậy khỏi giường, xin Klepp thứ lỗi cho một lát thôi và lao ra khỏi phòng. Vượt qua cánh cửa lắp kính, mờ của Xơ Dorothea - nửa bức thư vẫn thò ra - tôi chạy về phòng mình, nơi cái trống Raskolnikov tặng tôi hồi gã vẽ bức "Madonna 49" đang đợi tôi. Tôi vớ lấy trống và cặp dùi, tôi quay lại hoặc bị lái quay lại, rời phòng, lao nhanh qua căn phòng cấm, bước vào căn bếp spaghetti của Klepp như một kẻ viễn du trở về nhà. Tôi ngồi xuống giường và, không đợi yêu cầu, đặt cái hình trụ tròn sơn trắng-đỏ của mình vào tư thế. Mới đầu cảm thấy hơi lóng ngóng, tôi xoay xoay đôi dùi một lúc, làm vài động tác nhỏ trên không. Rồi nhìn xuyên qua một gã Klepp ngỡ ngàng, tôi buông một đầu dùi xuống mặt trống như thể hú họa và ôi chao! trống đáp lại Oskar, và Oskar đưa chiếc dùi thứ hai vào cuộc. Tôi bắt đầu chơi, kể lại mọi chuyện theo trình tự: bắt đầu là lúc bắt đầu.

Con bướm giữa hai bóng điện dóng trống báo giờ tôi ra đời.

Cầu thang hầm kho mười sáu bậc, tùng, tùng, tùng, cú ngã trong buổi sinh nhật lần thứ ba đã thành huyền thoại của tôi.

Thời khóa biểu của trường Pestalozzi, tùng các các.

Tháp Công Lý, các tùng tùng. Tôi ngồi cùng cái trống dưới những khán đài chính trị.

Lươn, hải âu, những tiếng đập thảm ngày Thứ Sáu Thánh.

Cỗ áo quan của mẹ tội nghiệp, thuôn đằng chân.

Bản saga về cái lưng đầy sẹo của Herbert Truczinski.

Khi tôi bắt vào chủ đề cuộc phòng thủ Sở Bưu chính Ba Lan, tôi nhận thấy một chuyển động ỏ đầu giường: khẽ liếc mắt, tôi thấy Klepp ngồi dậy, lấy một cây sáo gỗ kỳ cục từ dưới gối, đặt lên môi và thổi lên những âm ngọt ngào, phi phàm và hoà hợp với tiếng trống của tôi đến nỗi tôi có thể dẫn Klepp đến nghĩa trang Saspe giới thiệu với Leo Schugger và sau khi Leo Schugger kết thúc điệu nhảy của anh ta, Klepp giúp tôi làm cho bột sủi của mối tình đầu của tôi sủi bọt vì hắn; thậm chí tôi còn dẫn Klepp vào tận rừng sâu của bà Lina Greff; tôi khiến cái máy đánh trống của Greff-Rau-Quả với vật đối trọng bảy mươi lăm kí chơi khúc kết hoành tráng của nó; tôi hoan nghênh Klepp đến Đoàn văn công tiền tuyến Bebra, làm cho Jêxu nói và đánh trống, buộc Störtebeker cùng các chiến hữu Quét Bụi của gã lao từ cầảy xuống - và Lucy ngồi bên dưới. Tôi để đàn kiến và đám lính Nga chiếm cái trống của tôỉ. Nhưng tôi không đưa Klepp trở lại nghĩa trang Saspe khi tôi vứt cái trống xuống huyệt sau Matzerath, mà bắt vào chủ đề chính bất tận của tôi: những cánh đồng khoai tây Kashubes dưới mưa tháng mười, bà ngoại tôi ngồi với bốn chiếc váy; và thiếu chút nữa, tim Oskar biến thành đá khi tôi nghe thấy mưa tháng mười tí tách từ cây sáo của Klepp khi mà dưới mưa và bốn tầng váy, sáo của Klepp phát hiện ra Joseph Koljaiczek người-phóng-hỏa và ca mừng việc thụ thai mẹ tội nghiệp của tôi.

Chúng tôi chơi mấy giờ liền. Sau một số biến tấu trên chủ đề ông ngoại tôi chạy trốn trên những bè gỗ, chúng tôi, mệt lử nhưng sung sướng, kết thúc cuộc hòa nhạc của mình bằng một khúc tụng ca, một khúc ca nói lên niềm hy vọng rằng có lẽ một phép màu nào đó đã cứu thoát người phóng hỏa.

Trước cả khi nốt cuối cùng rời hẳn cây sáo, Klepp nhảy bật lên khỏi chiếc giường ấm của mình. Những mùi thây ma theo hắn, nhưng hắn mở toang cửa sổ, nhét giấy báo vào cái lẽ ống khói, xé nát bức ảnh của nữ hoàng Anh Elisabeth, tuyên bố kỷ nguyên bảo hoàng đã chấm dứt, vặn nước vào bồn rửa mặt và tắm: phải, Klepp tắm, chẳng có gì mà hắn sợ không dám gột đi. Đây không phải là tắm đơn thuần, mà là một cuộc tẩy rửa. Và khi kẻ tẩy rửa thôi dội nước và đứng trước mặt tôi trần truồng, mập mạp, ròng ròng, dương vật thỗn thện lệch lẹo, và phây phây sức trẻ, nhấc tôi lên, nhấc bổng tôi lên - vì Oskar trước nay vẫn nhẹ cân - khi hắn phá lên cười và tiếng cười vút lên trần nhà, thì tội hiểu rằng không phải chỉ cái trống của Oskar vươn dậy từ cái chết, mà cả Klepp cũng hồi sinh. Và chúng tôi chúc mừng nhau và hôn lên má nhau.

Cùng hôm ấy - đến tối, chúng tôi ra ngoài uống bia nhắm dồi tiết với hành - Klepp đề xuất ý kiến là chúng tôi nên cùng nhau lập một ban nhạc jazz. Tôi đề nghị để tôi suy nghĩ một thời gian, nhưng Oskar thì đã quyết định từ bỏ những hoạt động ngồi mẫu và đẽo đá để trở thành, người chơi bộ gõ trong dàn nhạc jaz

TRÊN TẤM THẢM XƠ DỪA

Phải, vào cái ngày tôi vừa kể lại đó, Oskar đã đem lại cho Klepp đầy đủ lý do để ra khỏi giường. Hắn hoan hỉ tung hê mớ chăn nệm hôi hám mốc meo; hắn cho phép nước máy chảy tràn trên người hắn, hắn là một con người mới thuộc dạng lúc nào cũng sôi nổi hô "A-lê, hấp!" và "Thế giới là của chúng ta!". Vậy mà bây giờ, khi mà đến lượt Oskar được ưu tiên nằm lì trên giường, tôi lại nghĩ thế này: Klepp đang cố trả miếng tôi, hắn đang tìm cách đẩy bật tôi ra khỏi cái giường cũi của bệnh viện tâm thần này vì tôi đã khiến hắn phải rời khỏi cái giường kiêm bếp nấu spaghetti của hắn.

Mỗi tuần một lần, tôi phải chịu đựng cuộc đến thăm của hắn, nghe những thuyết giảng về jazz và tuyên ngôn âm nhạc cộng sản của hắn. Trong những ngày nằm lì trên giường, với tư cách là một kẻ bảo hoàng, hắn đã một lòng một dạ với hoàng gia Anh, thế mà tôi vừa tách rời hắn khỏi cái giường và trường phái kèn túi Elisabeth, hắn liền trở thành một đảng viên đóng nguyệt phí đều đặn. Vừa uống bia và nhậu dồi tiết, hắn vừa rao giảng cho những con người vô thưởng vô phạt đứng tựa ở quầy chăm chú nghiên cứu các nhãn chai về những lợi ích của cố gắng tập thể, của một ban nhạc jazz làm việc toàn phần, của một nông trường tập thể Xô-viết.

Vào thời chúng tôi, một kẻ mơ mộng chẳng thể làm được nhiều nhặn gì. Một khi ra khỏi cái giường chở che, Klepp có thể trở thành một tovarich, thậm chí một tovarich bất hợp pháp, bởi thế lại càng thêm phần hấp dẫn. Jazz là hứ hai trong tầm khả năng của hắn. Ba nữa, vốn được rửa tội theo Tin Lành, hắn có thể cải giáo thành tín đồ đạo Thiên Chúa.

Cần phải thừa nhận là Klepp tỉnh táo: hắn để ngỏ các con đường vào mọi tôn giáo. Sự thận trọng, da thịt đẫy đà bóng bẩy của hắn và một ý thức hài hước tồn tại được nhờ sự tán thưởng đã tạo cho hắn một bí quyết ranh ma để kết hợp những giáo huấn của Cách mạng với huyền thoại jazz. Nếu một ngày kia, tình cờ hắn gặp một linh mục cánh tả thuộc loại linh mục-công nhân, nhất là nếu ông ta có một bộ đĩa nhạc Dixieland, quý vị sẽ thấy một tay Cách mạng mê nhạc jazz đến chịu thánh lễ vào ngày Chủ nhật, đem cái mùi thân thể mô tả trên đây của hắn hòa với hương thơm của một nhà thờ lớn Tân Gô-tích.

Trấn giữa tôi và một số phận như vậy là cái giường này, mà Klepp đang tìm cách nhử tôi thoát ra bằng những hứa hẹn chộn rộn tình yêu đời, hắn liên tiếp, gửi hết kiến nghị này đến kiến nghị khác đến tòa án và cộng tác mật thiết với luật sư của tôi để yêu cầu một phiên xử mới: hắn muốn Oskar được trắng án, được trả tự do - hắn muốn người ta cho tôi xuất viện - chỉ vì lý do duy nhất là hắn thèm muốn cái giường của tôi.

Mặc dù thế, tôi vẫn không hề hối tiếc là trong thời gian trọ ở căn hộ của Zeidler, tôi đã biến một người bạn nằm dài thành một người bạn đứng, khoa tay giậm chân và thậm chí thi thoảng còn chạy nữa. Ngoài những giờ trầm tư dành cho Xơ Dorothea, đời sống riêng của tôi hiện nay hoàn toàn vô tư lự. "Này Klepp," tôi vỗ vai hắn, "chuyện lập ban nhạc jazz ấy ra sao rồi?" Thế là hắn bèn xoa cái bướu của tôi mà hắn cưng gần bằng cái bụng của hắn. "Oskar và tôi," hắn thông báo với toàn thế giới, "chúng tôi sắp lập một ban nhạc jazz. Chúng tôi chỉ còn thiếu một tay ghi-ta cừ mà khi cần có thể chơi cả băng-jô luôn."

Hắn có lý. Chỉ trống và sáo thì chưa đủ, cầ có thêm một nhạc cụ giai điệu thứ hai. Một công-t’rờ-bát gẩy, xét về phương diện thuần túy thị giác, cũng khả dĩ nhưng người chơi đâu có dễ kiếm. Cho nên chúng tôi ráo riết lùng một nhạc công ghi-ta. Chúng tôi đi xem phim thường xuyên, chụp ảnh mỗi tuần hai lần như tôi đã kể và vừa nhậu bia với dồi tiết và hành vừa làm đủ mọi trò ngu xuẩn với những tấm ảnh hộ chiếu của mình. Chính vào đận ấy, Klepp đã gặp cô nàng Ilse tóc đỏ của hắn, quá nhẹ dạ tặng cô ta tấm ảnh và chỉ vì vậy mà phải cưới cô ta. Nhưng chúng tôi vẫn không tìm được người chơi ghi-ta.

Trong thời gian làm mẫu vẽ, tôi đã thu lượm được một số kiến thức về thành phố cổ Düsseldorf với những ô cửa sổ tròn, những mùi phó-mát, mù-tạc và bia, với cái ấm cúng đặc trưng vùng Hạ Rhine của nó, nhưng chỉ với Klepp, tôi mới trở nên thân quen với nó. Chúng tôi tìm người chơi ghi-ta ở khắp vùng xung quanh Nhà thờ Thánh Lambert, ở mọi quán bar và đặc biệt là ở tiệm Kỳ Lân phố Ratinger-Strasse, vì Bobby, người đứng đầu ban nhạc khiêu vũ ở đó, thỉnh thoảng vẫn để chúng tôi hoà sáo và trống cùng họ: anh ta thán phục ngón trống của tôi, tuy anh ta cũng là một nhạc công bộ gõ không xoàng mặc dù thiếu một ngón ở bàn tay phải.

Chúng tôi không tìm được tay ghi-ta nào ở tiệm Kỳ Lân, nhưng tôi đã có một số cơ hội thực hành. Với kinh nghiệm hồi ở đoàn văn công tiền tuyến, lẽ ra tôi đã có thể nhanh chóng quen tay trở lại nếu thỉnh thoảng Xơ Dorothea không làm tôi lỡ nhịp.

Phân nửa những ý nghĩ của tôi vẫn hướng về nàng. Thế cũng được nếu như nửa còn lại tập trung hoàn toàn vào cái trống. Nhưng sự thể lại xoay ra như vầy: những ý nghĩ của tôi bắt đầu với cái trống để rồi kết thúc với chiếc huy hiệu Chữ Thập Đỏ của Xơ Dorothea. Klepp đã xuất sắc bù đắp những hụt hẫng của tôi bằng tiếng sáo của hắn; song hắn lo lắng khi thấy tôi chìm đắm tới nửa trong suy tư. " Cậu đói à? Để tớ gọi ít dồi nhé?"

Con mắt của Klepp nhìn thấy một cơn đói cào cấu đằng sau mọi buồn khổ trên đời này. Mọi nỗi đau của con người - hắn tin thế - đều có thể chữa được bằng một suất dồi tiết. Dạo ấy, Oskar đã phải ngốn biết bao dồi tiết cùng những lát hành chiêu bằng bia để làm cho bạn Klepp tin rằng mình buồn vì đói chứ không phải vì Xơ Dorothea.

Thường thường cứ sáng sớm, chúng tôi rời căn hộ của Zeidler và ăn điểm tâm ở Khu phố cổ. Tôi thôi không đến Trường Mỹ thuật nữa trừ những khi cần tiền đi xem xi-nê. Nàng Thơ Ulla, giờ đây đã đính hôn lần thứ ba hay thứ Tư với Lankes, không còn thời gian dành cho trường nữa vì Lankes đang có những đơn đặt hàng công nghiệp quan trọng đầu tiên của mình. Nhưng Oskar không thích ngồi mẫu mà không có Ulla, vì khi tôi làm mẫu một mình, bao giờ họ cũng bóp méo tôi khủng khiếp và vẽ tôi bằng những màu đen tối nhất. Và như vậy tôi giao phó mình trọn vẹn cho bạn Klepp của tôi. Tôi cũng có thể đến thăm Maria và bé Kurt, nhưng căn hộ ấy không mang bình yên lại cho tôi: me-xừ Stenzel, sếp và lão bồ có vợ của nàng, luôn luôn có mặt ở đó.

Một hôm vào đầu mùa thu năm 1949, Klepp và tôi rời phòng mình và gặp nhau ở hành lang, gần cánh cửa lắp kính mờ. Chúng tôi đã sắp sửa ra khỏi căn hộ thì Zeidler mở hé cửa phòng khách và gọi chúng tôi.

Ông đẩy một cuộn thảm lớn nhưng hẹp ngang và muốn nhờ chúng tôi giúp ông rải trong hành lang. Đó là một tấm thảm xơ dừa dài tám mét hai mươi nhưng hành lang chỉ dài có bảy mét bốn mươi lăm. Klepp và tôi phải cắt đi bảy mươi lăm phân thừa ra. Chúng tôi phải ngồi bệt để làm việc đó vì cắt xơ dừa đâu phải chuyện dễ. Khi chúng tôi cắt xong thì tấm thảm lại hụt mất hai phân nhưng bề ngang thì vừa khít. Tiếp đó, Zeidler nói là ông không cúi xuống được nên nhờ chúng tôi đóng đinh để cố định tấm thảm trên sàn. Oskar nảy ra sáng kiến là vừa đóng đinh vừa kéo căng thảm ra, nhờ đó bù lấp được chỗ hụt chỉ còn hở tí chút không đáng kể. Chúng tôi dùng đinh đầu bẹt và rộng vì đầu nhỏ dễ tuột qua mắt dệt thô của xơ dừa. Cả Oskar lẫn Klepp đều không lần nào nện búa phải ngón cái mình. Tuy nhiên, chúng tôi có làm quằn một số đinh, nhưng đó không phải lỗi tại chúng tôi mà do chất lượng đinh kém - số đinh này lấy từ đống dự trữ của Zeidler, nghĩa là được chế tạo trước cuộc cải cách tiền tệ. Khi đã cố định được nửa tấm thảm, chúng tôi đặt búa xuống bắt chéo nhau và tia về phía Con Nhím đang giám sát công việc của chúng tôi một cái nhìn tuy không đòi hỏi một cách trắng trợn nhưng lộ rõ vẻ thèm khát, ông liền biến vào phòng ngủ kiêm phòng khách của mình và trở lại với một chai rượu shnaps cùng ba ly trong bộ ly uống rượu trứ danh của minh. Chúng tôi nâng ly chúc cho sự lâu bền của tấm thảm. Cạn ly thứ nhất xong, chúng tôi nhận xét - lại với giọng thèm muốn hơn là đòi hỏi - rằng cái giống xơ dừa này đến là mau làm người ta khát khô cổ. Tôi dám chắc rằng những cái ly này hẳn sẽ vui sướng có cơ hội được chứa schnaps mấy lần liền trước khi bị một cơn thịnh nộ quen thuộc của Con Nhím biến thành thủy tinh vụn. Khi Klepp vô ý đánh rơi một chiếc ly xuống thảm, nó chẳng những không vỡ mà thậm chí không phát ra một âm thanh nào. Tất cả chúng tôi đều trầm trồ ca ngợi tấm thảm. Khi bà Zeidler, từ nãy vẫn đứng ở cửa phòng khách kiêm phòng ngủ xem chúng tôi làm, phụ họa với chúng tôi khen tấm thảm xơ dừa có khả năng bảo vệ được những chiếc ly rơi khỏi hư hại, thì Con Nhím liền nổi đóa. Ông giậm chân trên phần thảm chưa được đóng đinh cố định, vớ lấy ba chiếc ly và biến vào phòng ngủ kiêm phòng khách. Tủ ly lanh canh - ông đang lấy thêm ly: ba cái chưa đủ - và một lát sau, Oskar nghe thấy tiếng nhạc quen thuộc và mường tượng ra cái bếp lò gạch men nhà Zeidler, tám cái ly uống rượu vỡ tan dưới cửa gang của nó, Zeidler cúi xuống lấy chổi và xẻng hót bụi, Zeidler hót sạch tất cả những gì Con Nhím đập phá. Bà Zeidler vẫn đứng ở cửa phòng trong khi những chiếc ly loảng xoảng, choang choang đằng sau bà. Bà rất quan tâm đến công việc của chúng tôi; trong khi Con Nhím đang lôi đình thịnh nộ thì chúng tôi lại cầm búa lên. Ông không quay trở lại, nhưng ông đã để lại chai schnaps. Thoạt đầu, chúng tôi hơi bối rối khi luân phiên nhau tu rượu thẳng từ chai trước mặt bà Zeidler. Nhưng bà gật đầu với chúng tôi một cái đầy vẻ thân thiện, khiến chúng tôi cảm thấy thoải mái; t chúng tôi không hề nghĩ đến chuyện đưa chai mời bà tợp một hớp. Dù sao, chúng tôi cũng đã hoàn thành công việc tươm tất, đinh đóng cách nhau đều đặn. Khi Oskar quai búa ngay bên ngoài phòng của Xơ Dorothea, những ô kính mờ cứ mỗi nhát lại kêu lanh tanh. Điều đó làm gã đau nhói, đến nỗi có lúc phải buông búa xuống. Nhưng khi qua khỏi cánh cửa kính mờ, gã và cả cái búa đều cảm thấy dễ chịu hơn.

Mọi sự đều phải đi đến kết thúc và chuyện cái thảm dài này cũng vậy. Những cái đinh đầu to bẹt chạy từ đầu này đến đầu kia, lút sâu vào ván sàn đến tận cổ, chỉ nhú đầu trên mặt xơ dừa xoắn rối, lờm xờm. Hài lòng với bản thân, chúng tôi diễu qua diễu lại trong hành lang, thích thú với chiều dài của tấm thảm, tấm tắc tự khen về công việc của mình, nhân tiện nhấn mạnh rằng trải và cố định một tấm thảm như thế này với cái bụng rỗng trước khi điểm tâm đâu phải là chuyện dễ. Cuối cùng, chúng tôi cũng đạt mục đích: bà Zeidler mạo hiểm bước lên tấm thảm mới toanh, trinh nguyên, đi vào bếp rót cà phê và tráng mấy quả trứng cho chúng tôi. Chúng tôi ăn trong phòng tôi. Bà Zeidler lật đật đi khỏi: đã đến giờ bà phải đến văn phòng Mannesmann làm việc. Chúng tôi để ngỏ cửa, vừa nhai vừa chiêu cái mệt của mình bằng cách ngắm công trình của mình, tấm thảm xơ chạy dài tới chúng tôi như một dòng sông.

Tại sao lại lắm lời thế về một tấm thảm rẻ tiền chỉ có đôi chút giá trị trao đổi trước cuộc cải cách tiền tệ? Câu hỏi đặt ra là có lý. Oskar đã đón trước và xin trả lời: chính trên tấm thảm dài này, đêm hôm sau, Oskar đã gặp Xơ Dorothea lần đầu tiên.

Khi tôi trở về nhà, bụng đầy bia và dồi tiết, chắc đã gần nửa đêm. Tôi đã để Klepp ở lại Khu phố cổ tiếp tục tìm người chơi ghi-ta. Tôi rờ thấy lỗ khóa căn hộ Zeidler, tìm thấy tấm thảm dài trong hành lang, tìm thấy đường qua trước cánh cửa lắp kính mờ tối om tới phòng mình và, sau khi cởi bỏ quần áo ngoài, tìm thấy giường mình. Tôi không tìm thấy bộ đồ ngủ, nó ở trong chậu giặt nhà Maria, thay vììm thấy mảnh thảm thừa ra mà chúng tôi đã cắt bỏ, đặt nó xuống cạnh giường, rồi nằm lên giường nhưng chẳng tìm đâu thấy giấc ngủ.

Khỏi cần phải kể với quý vị những gì Oskar đã nghĩ hoặc không phải đích thực là nghĩ mà chỉ vần vò trong đầu trong khi hắn không tìm thấy giấc ngủ. Giờ đây, tôi nghĩ tôi đã phát hiện ra lý do khiến tôi mất ngủ. Trước khi lên giường, tôi đã đứng chân không trên tấm thảm giường mới, tức là cái miếng dư cắt từ tấm thảm dài. Xơ dừa đâm qua làn da trần và luồn vào mạch máu thành thử sau khi đã nằm một hồi lâu, tôi vẫn cảm thấy như mình đang đứng trên xơ dừa và vì thế không tài nào ngủ được; bởi vì không gì rấm rứt, làm khó ngủ và kích thích suy nghĩ bằng đứng chân không trên một chiếc chiếu xơ dừa.

Hồi lâu sau nửa đêm, Oskar vẫn ở trạng thái vừa đứng trên thảm vừa nằm trên giường. Vào quãng ba giờ sáng, hắn nghe thấy tiếng một cánh cửa rồi một cánh cửa nữa. Có lẽ, tôi nghĩ, đó là Klepp trở về không kiếm được tay ghi-ta nào nhưng bụng thì đầy dồi tiết. Tuy nhiên tôi biết không phải Klepp đã mở cánh cửa thứ nhất rồi cánh cửa tiếp theo. Giả dĩ*, tôi nghĩ, mày đã nằm không chán chê trên giường cho xơ dừa cắn gan bàn chân rồi, thôi thì cứ ra béng khỏi giường đứng thực sự trên thảm xơ cạnh giường chứ không phải trong tưởng tượng nữa xem sao. Oskar làm đúng như thế. Và đây là những hậu quả. Vừa chạm gan bàn chân vào thảm, cái mảnh bảy lăm phân ấy liền nhắc tôi nhớ đến gốc gác của nó là tấm thảm dài bảy mét bốn mươi ba phân ngoài hành lang. Phải chăng vì tôi thương cái miếng dư thừa bị cắt rời này hay vì tôi đã nghe thấy tiếng mở cửa và đoán là Klepp song lại không tin vậy? Oskar trần truồng, bởi lúc vào giường không tìm thấy bộ đồ ngủ, cúi xuống, mỗi tay túm lấy một đầu miếng thảm, dạng hai chân ra cho đến khi hắn không còn đứng trên thảm nữa mà là trên sàn, kéo mảnh thảm bảy lăm phân lên phía trước tấm thân trần một mét hai mốt của hắn. Như vậy là che được tươm tất sự lõa lồ, nhưng từ đầu gối đến vai lại nằm trong vùng ảnh hưởng của xơ dừa. Và ảnh hưởng ấy càng ng lên khi hắn rời căn phòng tối om với tấm lá chắn xơ dừa để ra hành lang cũng tối om và đặt chân lên tấm thảm mẹ.

Ừ, nếu tôi có bước vội đi đến nơi duy nhất không có xơ dừa dưới sàn là buồng vệ sinh đề tìm sự an toàn, thì có gì là lạ?

Nơi này cũng tối như ngoài hàng lang hoặc trong phòng Oskar, ấy thế mà cũng có người: một tiếng kêu khẽ, giọng nữ, chứng tỏ điều đó. Tấm ‘da’ xơ dừa của tôi đụng phải đầu gối một người ngồi. Khi thấy tôi không hề nhúc nhích để rời buồng vệ sinh - vì đằng sau tôi là sự đe dọa của xơ dừa - người ngồi đó bèn cố đẩy tôi ra. “Ông là ai? Ông muốn gì? Ông đi đi!” Đó không thể là giọng của bà Zeidler, có một cái gì rền rĩ trong mấy tiếng “Ông là ai?” ấy.

“Vậy ra là Xơ Dorothea, Xơ thử đoán xem là ai nào,” tôi đánh liều lấy giọng đùa cợt hòng giảm nhẹ cái hoàn cảnh gặp gỡ oái ăm của chúng tôi. Nhưng nàng chẳng có bụng dạ nào mà đoán. Nàng đứng dậy, vươn tay ra về phía tôi trong bóng tối, định đẩy tôi ra ngoài hành lang, nhưng nàng nhằm quá cao, vào khoảng không trên đầu tôi. Nàng chỉnh cho thấp xuống, nhưng lần này vẫn không trúng tôi mà đụng phải cái tạp-dề xơ dừa của tôi. Nàng lại thốt ra một tiếng kêu khe khẽ - ôi, tại sao đàn bà cứ phải kêu luôn mồm thế nhỉ? Có vẻ như Xơ Dorothea đã tưởng lầm tôi là kẻ nào đó vì nàng bắt đầu run cầm cập và thì thào: “Ôi trời, quỷ sứ!” Tôi bật ra một tiếng cười khẽ không kìm nổi nhưng không có ác ý. Nhưng hàng lại nghĩ đó chính là tiếng cười gằn của quỷ sứ. Cái từ quỷ sứ làm tôi phật ý và khi nàng hỏi lại lần nữa với một giọng rất sợ hãi: “Ông là ai?” Oslar bèn đáp: “Ta là Xa-tăng đến thăm Xơ Dorothea đây!” Và nàng: “Ôi trời, tại sao vậy?”

Tôi từ từ nhập vai và Xa-tăng là người nhắc vở cho tôi: “Vì Xa-tăng phải lòng Xơ Dorothea!” “Không, không, không, tôi không muốn!” nàng kêu lên. Một lần nữa, nàng cố tìm cách thoát thân nhưng một lần nữa lại ôm chầm phải tấm lá chắn xơ dừa ma quỷ - chiế của nàng chắc là rất mỏng. Mười ngón tay nàng cũng vớ phải đám rừng rậm cám dỗ và nàng bỗng ngã xỉu. Nàng ngã giúi về đằng trước. Tôi đỡ kịp nàng bằng chiếc áo thảm của mình, giữ được nàng ở tư thế thẳng đứng cho đến khi đi đến một quyết định phù hơp với vai trò Xa-tăng của mình. Tôi nhẹ nhàng và thận trọng đỡ nàng khuỵu gối xuống nhưng không để cho chạm tới sàn gạch hoa lạnh của buồng vệ sinh, mà là trên tấm thảm dài ngoài hành lang. Đoạn tôi đặt nàng nằm ngửa trên thảm, đầu quay về hướng tây, tức là về phía phòng Klepp. Toàn bộ chiều dài mặt sau lưng nàng (nàng phải cao ít nhất là một mét sáu mươi) tiếp xúc với tấm thảm dài. Tôi phủ lên nàng cùng một chất liệu ấy, nhưng tôi chỉ có trong tay bảy mươi lăm phân. Thoạt tiên, tôi đặt mép trên mảnh thảm dưới cằm nàng, nhưng như vậy, mép dưới lại xuống quá thấp, tới tận đùi nàng. Tôi phải nhích nó lên độ năm phân nữa; giờ thì nó phủ lên miệng nàng, nhưng còn để hở mũi để nàng thở. Nàng không chỉ thở, mà hổn hà hổn hển khi Oskar nằm lên cái vừa nãy là thảm chân giường của hắn để cho hàng nghìn sợi xơ bắt đầu rung chuyển: thay vì tìm cách đụng chạm trực tiếp ngay với Xơ Dorothea, hắn muốn trước hết dựa vào tác động của xơ dừa đã. Một lần nữa hắn thử gợi chuyện, nhưng Xơ Dorothea vẫn còn đang hơi xỉu. Nàng chỉ thều thào: “Ôi trời, ôi trời” và cứ hỏi đi hỏi lại tên và gốc gác của Oskar. Có một thoáng rùng mình run rẩy giữa thảm dưới và thảm trên khi tôi xưng danh và phát âm hai tiếng Xa-tăng với một tiếng rít qua kẽ răng rất chi là Xa-tăng và cho biết địa chỉ của mình là Địa ngục kèm theo một vài động tác mô tả ngoạn mục. Đồng thời, tôi quẫy thật mạnh trên mảnh thảm chân giường của mình để cho nó tiếp tục chuyển động: những gì tai tôi nghe thấy chứng tỏ rành rành là xơ dừa đem đến cho Xơ Dorothea một cảm giác y hệt như cảm giác mà bột sủi đã gây cho Maria thân yêu của tôi năm xưa; điều khác biệt duy nhất là bột sủi đã giúp cho tôi giương cao cột buồm chiến thắng, còn ở đây, trên mảnh thảm xơ dừa, tôi đã thất bại nhục nhã: tôi không sao cắm neo được. Cậu bạn nhỏ của tôi, vào thời kỳ bột sủi cũng như sau đó, luôn luôn hiên ngang đứng thẳng, đầy quyết tâm và tham vọng, thì nay lại rũ đầu xuống; trên lớp xơ dừa đây, cu cậu cứ xun lại, mềm oặt,phản ứng gì. Cả những lập luận thuần tuý trí tuệ của tôi lẫn những tiếng thở dài và rên rĩ xen giữa những lời nài nĩ hổn hển “Nào, Xa-tăng, tới đi!” của Xơ Dorothea đều không thể kích động được cậu. Tôi cố an ủi nàng bằng những hứa hẹn. “Xa-tăng đang tới đây!” tôi nói bằng giọng rất Xa-tăng. Đồng thời, tôi đối thoại với tên Xa-tăng đã cư ngụ trong tôi từ buổi tôi chịu lễ rửa tội. Tôi cự nự: Đừng có phá đám làm hỏng cuộc vui, Xa-tăng. Tôi khẩn khoản: Mình xin cậu đấy, Xa-tăng, đừng làm nhục mình như thế. Và dỗ dành: Thật chẳng giống cậu tí nào. Nghĩ lại đi, hãy nhớ đến Maria, hoặc hơn thế nữa, đến bà góa Greff, hoặc đến cái đận hai đứa mình đú đởn với nàng Roswitha yêu dấu của mình giữa Paris hoa lệ như thế nào! Trước sau, Xa-tăng chỉ lặp đi lặp lại một câu trả lời buồn bã: Mình không hứng, Oskar ạ. Khi mà Xa-tăng không hứng, Đức Hạnh ắt chiến thắng. Chẳng phải cả đến Xa-tăng thi thoảng cũng có lúc mất hứng sao?

Viện dẫn những tục ngữ tương tự, Xa-tăng từ chối hỗ trợ tôi. Tôi vẫn day hoài mảnh thảm đến trợt cả da Xơ Dorothea tội nghiệp, nhưng tôi yếu dần đi. “Nào, Xa-tăng,” nàng hổn hển, “ôi, làm ơn, tới đi!” Cuối cùng, đáp lại lời thỉnh cầu của nàng, tôi thọc một mũi tấn công tuyệt vọng, ngớ ngẩn, hoàn toàn vô căn cứ dưới mảnh thảm: tôi nhằm vào hồng tâm bằng một khẩu súng không lắp đạn. Nàng tìm cách giúp Xa-tăng của mình, rút hai cánh tay từ dưới mảnh thảm ra ôm lấy tôi, sờ thấy cái bướu của tôi, thấy làn da ấm nóng hơi người và không chút xơ xớp của tôi. Nhưng đó không phải là tên Xa-tăng mà nàng đang cần. Thay vì thầm thì: “Nào, Xa- tăng, tới đi!” nàng đằng hắng và nhắc lại câu hỏi ban đầu nhưng với một giong hoàn toàn khác: “Lạy Chúa, ông là ai, ông muốn gì?” Tôi chỉ còn nước thu sừng lại mà thừa nhận rằng theo giấy tờ căn cước, tên tôi là Oskar, láng giềng của nàng, Xơ Dorothea, và rằng tôi yêu nàng bằng cả trái tim mình.

Nếu một tâm hồn độc ác nào nghĩ rằng Xơ Dorothea sẽ nguyền rủa và đẩy tôi xuống tấm thảm dài, thì Oskar có thể khẳng định với một niềm thoả mãn pha chút buồn tủi rằng: Xơ Dorothea cất tayỏi cái bướu của tôi rất chậm rãi, thậm chí có thể nói là tư lự nữa, tựa hồ một cử chỉ vuốt ve tiếc nuối, buồn vô hạn. Nàng bắt đầu khóc, thổn thức nhưng vừa phải thôi. Tôi hầu như không nhận thấy lúc nàng lách ra từ dưới mảnh thảm và tôi, khiến tôi lăn xuống sàn. Tấm thâm nuốt hết tiếng bước chân nàng trong hàng lang. Tôi nghe thấy tiếng cửa mở rồi đóng lại, tiếng chìa khóa xoay trong ổ; rồi trên cảnh cửa kính mờ, sáu ô vuông sáng lên từ bên trong và trở nên hiện thực.

Oskar nằm đấy, đắp mảnh thảm thừa còn sót chút hơi ấm Xa-tăng. Mắt tôi dán vào những ô vuông sáng. Thi thoảng, một cái bóng lướt trên mặt kính mờ. Nàng đang đi đến tủ quần áo, tôi tự bảo, và bây giờ lại ra bồn rửa mặt. Oskar liều giở một ngón ma quái cuối cùng. Kéo theo mảnh thảm thừa, tôi bò tới cánh cửa đó, gại vào mặt gỗ, rướn người lên một chút, hoa hoa một bàn tay cầu khẩn trên hai ô kính dưới cùng. Xơ Dorothea không mở cửa; nàng vẫn tất bật đi đi lại lại giữa tủ áo và bồn rửa. Tôi biết và phải thừa nhận sự thật là: Xơ Dorothea đang gói ghém hành lý, chuẩn bị chạy trốn, phải, trốn khỏi tôi.

Cả đến chút hy vọng le lói rằng khi rời khỏi phòng, nàng sẽ để lộ gương mặt dưới ánh điện cho tôi được thấy, cũng tiêu tan. Đầu tiên, đèn tắt sau lớp kính mờ, rồi tôi nghe thấy tiếng chìa khóa, tiếng cửa mở, tiếng giày trên tấm thảm dài - tôi với tay về phía nàng, chạm phải một chiếc va-li, một cẳng chân đi tất. Nàng đá một cái vào ngực tôi bằng một chiếc giày bộ hành mà tôi đã thấy trong tủ áo, và khi Oskar thốt lên lời khẩn cầu cuối cùng: “Xơ Dorothea,” thì cánh cửa căn hộ đóng sầm: một người đàn bà đã bỏ tôi.

Tất cả những ai hiểu nỗi đau của tôi giờ đây sẽ bảo: Đi ngủ thôi, Oskar. Tội vạ gì cậu phải nán lại trong hành lang sau cái pha nhục nhã ấy? Bốn giờ sáng rồi. Cậu nằm trần như nhộng trên một tấm thảm xơ chẳng có gì đắp ngoài một mảnh thảm thừa lờm xờm. Tay và đầu gối cậu trầy cả da, tim cậu rớm máu, của quý cũng đau buốt, hổ nhục kêu không thấ trời. Cậu đã làm ông Zeidler thức giấc. Ông ta lại đánh thức vợ. Chỉ một phút nữa, họ sẽ ra khỏi giường, mở cửa cái phòng ngủ kiêm phòng khách và trông thấy cậu. Đi ngủ thôi, Oskar, đồng hồ sắp điểm năm tiếng rồi.

Đó cũng đích thị là những lời tôi tự khuyên mình. Nhưng tôi chỉ run bần bật và nằm im. Tôi cố hình dung lại thân thể của Xơ Dorothea. Tôi chẳng cảm thấy gì khác ngoài xơ dừa, chỗ nào cũng là xơ dừa, kể cả giữa hai hàm răng tôi. Thế rồi một vệt sáng rọi vào Oskar: cánh cửa phòng ngủ kiêm phòng khách nhà Zeidler hé mở. Bên trên cái đầu nhím của Zeidler là cái đầu đầy những ống cuộn tóc bằng kim loại của vợ ông. Họ trố mắt nhìn, ông chồng húng hắng ho, bà vợ cười rinh rich, ông gọi tôi, tôi không trả lời, bà tiếp tục cười rinh rích, ông bảo bà im đi, bà hỏi có gì không ổn với tôi, ông bảo thế này thì không ra sao cả, bà nói đây là một ngôi nhà khả kính, ông dọa tống cổ tôi, nhưng tôi lặng thinh vì sự tình chưa tới cực hạn. Hai vợ chồng Zeidler mở cửa, ông bật đèn hành lang, họ tiến về phía tôi, mắt gườm gườm, gườm gườm, ông ta đang điên tiết và lần này chắc ông không trút nó lên những chiếc ly uống rượu, ông cúi xuống tôi và Oskar chờ cơn thịnh nộ của Con Nhím. Nhưng Zeidler không có dịp xả cơn giận khỏi lồng ngực: có tiếng ồn ào ở chỗ cầu thang, tiếng rờ rẫm tìm chìa khóa rồi tiếng ổ khóa lách cách và Klepp bước vào, kéo theo một người cũng say khướt như hắn: Scholle, tay ghi-ta bao lâu tìm kiếm.

Hai gã trấn an vợ chồng Zeidler, cúi xuống Oskar, không hỏi han gì mà chỉ nhấc tôi lên, tôi và cái mảnh thảm ma quỷ của tôi, khiêng cả về phòng tôi.

Klepp chà xát người tôi cho ấm lên. Tay ghi-ta nhặt quần áo của tôi và cả hai mặc cho tôi, lau nước mắt cho tôi. Nức nở. Bên ngoài cửa sổ, rạng đông. Chim sẻ. Klepp quàng cái trống vào cổ tôi và triềng cây sáo gỗ của hắn ra. Nức nở. Tay ghi-ta cầm cây đàn của mình lên. Lũ chim sẻ. Bạn bè bao quanh tôi, đặt tôi giữa bọn họ, dắt gã Oskar vẫn nức nở nhưng không chống lại ra khỏi căn hộ, ra khỏi ngôi nhà ở phố Jülicher-Strasse, đi về phía chim sẻ, dắt gã tách xa khỏi ảnh hưởng của xơ dừa, dắt tôi qua những con phố bình minh, qua vườn Hofgarten đến Cung Thiên văn và bờ sông Rhine với dòng nước xám xuôi về phía Hà Lan cùng những con thuyền phất phới quần áo trên dây phơi.

Buổi sáng tháng chín mù sương đó, từ sáu giờ đến chín giờ, Klepp nghệ sĩ sáo, Scholle nghệ sĩ ghi-ta và Oskar, nghệ sĩ bộ gõ ngồi trên bờ bên phải sông Rhine. Chúng tôi chơi nhạc, tập dượt cho vào “phom”, uống chung một chai, nhìn sang những cây dương ở bờ bên kia, và chiêu đãi những chiếc sà-lan chở than từ Duisburg đang hì hụi ngược dòng bằng những khúc jazz cuồng nhiệt hoặc những điệu nhạc buồn Mississippi. Đồng thời chúng tôi tìm một cái tên cho ban nhạc jazz vừa ra đời.

Khi một chút nắng pha màu vào màn sương sớm và tiếng nhạc của chúng tôi đã cồn cào cơn thèm lót dạ, Oskar đứng dậy - giờ đây, đã có cái trống ở giữa ngăn cách bản thân gã với cái đêm hôm trước - lấy ở trong túi áo măng-tô ra ít tiền để chi vào bữa điểm tâm và tuyên bố với các bạn tên của ban nhạc mới thành lập: “Bộ Ba Sông Rhine”, cả bọn nhất trí và chúng tôi rủ nhau đi ăn sáng.

HẦM HÀNH

Chúng tôi yêu những đồng cỏ ven sông Rhine; vừa hay Ferdinand Schmuh, chủ tiệm ăn và hộp đêm, cũng yêu thích cái rẻo từ Düssendorf đến Kaiserswerth trên hữu ngạn con sông này. Chúng tôi thường hay tập nhiều nhất ở mạn phía trên Stockum. Trong khi đó, Schmuh xách một cây súng cỡ nhỏ xục các bụi rậm và hàng rào ven sông săn chim sẻ. Đó là sở thích, là thú tiêu khiển của ông. Những khi gặp chuyện buồn bực trong kinh doanh, Schmuh thường bảo vợ ngồi vào sau tay lái chiếc Mercedes và họ đi dọc sông lên quá Stockum, đỗ xe ở đó. ũi súng chúc xuống đất, ông sải đôi chân bẹt xuyên các đồng cỏ; bà vợ lẽo đẽo theo sau, tuy trong bụng chỉ muốn ngồi lại trong xe. Cuối cuộc việt dã tay đôi, ông đặt vợ ngồi trên một phiến đá phang phiu thoải mái bên bờ sông rồi biến vào trong các hàng rào. Trong khi bọn tôi chơi ragtime[81], ông cũng đòm-đòm trong các bụi rậm. Trong khi chúng tôi tấu nhạc, Schmuh bắn chim sẻ.

Mỗi khi Scholle - cũng như Klepp, gã này quen tất cả các chủ tiệm bar trong thành phố - nghe thấy tiếng súng trong bụi rậm, gã lại thông báo:

“Schmuh đang bắn chim sẻ đấy.”

Vì Schmuh không còn sống, tôi có thể ghi đôi lời cáo phó ở đây luôn: Schmuh là một thiện xạ và có lẽ cũng là một thiện nhân; vì mỗi lần đi săn chim sẻ, ông để đạn trong túi trái áo ngoài, còn túi phải thì đầy thức ăn cho chim mà ông phóng tay phân phát cho lũ sẻ, không phải trước, mà là sau khi đã bắn đòm-đòm, và ông không bao giờ bắn quá mười hai con trong một buổi chiều.

Một buổi sáng lành lạnh tháng Mười Một năm 1949, khi Schmuh hãy còn sống và bọn tôi đã tập được vài tuần trên bờ sông Rhine, lần đầu tiên ông nói với chúng tôi; giọng ông oang oang và xẵng đến mức không thể coi là tự nhiên: “Làm sao tôi có thể bắn chim được khi mà tiếng kèn trống của các cậu làm chúng sợ bay đi hết?”

“Ôi,” Klepp nói ra cách xin lỗi, giơ cây sáo ra như bồng súng chào, “ông quả là con người hào hoa thẩm nhạc tuyệt vời, tiếng súng của ông hòa nhịp hoàn hảo với những giai điệu của bọn tôi. Tôi hết sức kính phục, thưa ông Schmuh!”

Schmuh hài lòng thấy Klepp biết tên khi ông hỏi làm sao hắn biết, Klepp làm ra vẻ bất bình: “Dào, ai mà chả biết ông Schmuh. Ra phố, lúc nào chả nghe thấy người ta nói với nhau: Schmuh kìa, Schmuh đang đi ngả kia, anh hay chị có thấy Schmuh vừa nãy không, hôm nay Schmuh đi đâu nhỉ, Schmuh đi săn chim sẻ...”

Được tôn lên thành một nhân vật quần chúng như vậy, Schmuh bèn mời thuốc lá chúng tôi, hỏi tên chúng tôi và xin được thưởng thức một bài trong bảng tiết mục của chúng tôi. Đáp ứng yêu cầu, chúng tôi chơi một bản taigơ rách[82], thế là ông gọi bà vợ đang ngồi trên một phiến đá, trầm tư với dòng nước sông Rhine. Cuộn mình trong chiếc măng-tô lông thú, bà tới nhập bọn với chúng tôi và chúng tôi lại chơi tiếp, lần này là bài “Xã hội thượng lưu”. Khi bản nhạc vừa dứt, bà nói trong chiếc măng-tô lông thú: “Chao, Ferdy, đây chính là cái mình cần cho Hầm.” Hình như ông cũng đồng ý. Quả vậy, ông có cảm giác như chính ông đã đi tìm chúng tôi khắp nơi và giờ đây đã thấy. Tuy nhiên, Schmuh vẫn trầm ngâm lựa mấy miếng đá bẹt ném thia lia trên mặt sông như để có thì giờ suy nghĩ, tính toán, trước khi đưa ra đề nghị: liệu chúng tôi có đồng ý chơi ở Hầm Hành từ chín giờ tối đến hai giờ sáng, mỗi người mười mark một đêm... chậc, cho là mười hai mark đi... có được không? Klepp nói mười bảy để cho Schmuh hạ xuống mười lăm là vừa, nhưng Schmuh chỉ dừng ở mức mười bốn rưỡi và thế là ngã giá.

Nhìn từ mặt phố, Hầm Hành cũng giống như nhiều hộp đêm mới, nghĩa là chỉ khác những quán bar hoặc quán rượu cũ ở chỗ giá cao hơn. Lý do đặt giá cao hơn: cách trang trí nội thất “tân kỳ” - những hộp đêm này thường tự mệnh danh là “câu lạc bộ nghệ sĩ” - và một phần cũng bởi cách đặt tên độc đáo: Phòng Ravioli[83] (kín đáo và thanh lịch), Húy Kỵ (bí ẩn và hiện sinh), Ớt Bột (cuồng nhiệt) và tất nhiên cả Hầm Hành nữa.

chữ Hầm Hành và “chân dung” hồn nhiên đến mức xót xa của một củ hành được vẽ bởi một bàn tay cố tình làm ra vụng về trên một tấm biển tráng men treo theo cách cổ xưa của người Đức vào một cái giá bằng sắt uốn trước cửa nhà. Cửa sổ duy nhất được lắp những ô kính tròn màu xanh chai. Cánh cửa ra vào bằng sắt sơn chống gỉ hẳn đã được dùng làm cửa hầm phòng không trong những năm chiến tranh. Người gác cửa đứng bên ngoài khoác một tấm da cừu qu mùa. Không phải bất cứ ai cũng được phép vào Hầm Hành. Nhất là vào những ngày Thứ sáu, ngày phát lương, nhiệm vụ của người gác cửa là đẩy lùi một số khách từ Khu Phố cổ mà Hầm Hành là quá đắt đối với họ. Bên trong cánh cửa sơn chống gỉ, những người được phép vào sẽ thấy năm bậc bê tông, rồi đến một chiếu nghỉ rộng khoảng một mét vuông, ở đó tấm áp-phích quảng cáo một cuộc triển lãm tranh Picasso điểm vào một nét độc đáo mang tính nghệ thuật. Xuống bốn bậc nữa là phòng gửi mũ áo với tấm biển các-tông nhỏ “Xin trả tiền sau”; thật vậy, gã thanh niên ở quầy (thường là một sinh viên mỹ thuật để râu) không chịu nhận tiền trước: Hầm Hành đắt đã đành nhưng còn là nơi nghiêm túc có hạng.

Đích thân chủ nhân chào đón từng vị khách bằng những cử chỉ kiểu cách, những cái nhướn mày ý nhị như thể thụ pháp cho khách vào một nghi thức huyền bí nào đó. Như chúng ta đã biết, tên chủ nhân là Ferdinand Schmuh; ông là một người thỉnh thoảng đi săn chim sẻ và có con mắt tinh tường nhanh chóng nhận ra lớp người mới phất lên ở Düssendorf (và cả ở những nơi khác nữa, nhưng không nhanh bằng) sau cải cách tiền tệ.

Hầm Hành - ở đây, ta thấy cái nét chân chính thiết yếu cho một hộp đêm thành công - đúng là một tầng hầm thật, ẩm ướt và lạnh giá dưới chân, đó là một thứ hình ống dài khoảng mười tám mét, rộng bốn mét, được sưởi ấm bằng hai cái bếp lò chân chính. Tuy nhiên xé cùng, về một mặt nào đó, Hầm Hành không phải là một cái hầm. Trần đã bị bóc đi để cho câu lạc bộ thực sự bao gồm cả căn hộ cũ ở tầng trệt, cửa sổ duy nhất không phải đích thực là một cửa sổ tầng hầm, mà là cửa sổ cũ của căn hộ tầng trệt. Nhưng vì người ta có thể nhìn ra ngoài bằng cửa sổ ấy nếu không có những ô kính đít chai mờ xỉn, vì có một đường hầm với một cầu thang rất dốc và rất độc đáo nên người ta vẫn có lý khi gọi Hầm Hành là một tầng hầm “chân chính”, cho dù nó không phải là một tầng hầm đích thực - vả lại tại sao nó lại phải là thế?

Oskar quên không nói với quý vị rằng cái cầu thang dẫn đến đường hầm không phải là một cầu thang đích thực mà tựa như một thứ thang lên ca-bin tàu biển vì ở hai bên các bậc dốc rất nguy hiểm của nó, có hai cái dây phơi quần áo hết sức độc đáo để vịn vào; cầu thang hơi lắc lư một chút nhằm tạo cảm giác như đang viễn du trên đại dương và thêm lý do để đặt giá cao.

Hầm Hành được chiếu sáng bằng đèn đất giống như loại đèn axêtylen của thợ mỏ, nó tỏa một mùi các-bua (lại thêm một lý do để tăng giá) và đưa khách vào không khí một đường hầm mỏ, một mỏ bồ-tạt ở độ sâu chín trăm mười mét dưới lòng đất chẳng hạn: những người thợ bạt vỉa mình trần cuốc vào đá để khai một vỉa mới; người thợ gạt vun đá vụn lại, tời quay ro ro, chất đầy các xe goòng; tít đằng sau, ở chỗ đường hầm ngoặt về phía khoang Priedrichshall 2, một đốm sáng lay động: đó là viên đốc công trưởng, y đến với một tiếng chào Gluck auf! vui vẻ, tay vung vẩy một cái đèn đất giống hệt những đèn đất treo trên các bức vách thô mộc không trang trí, quét vôi trắng một cách cẩu thả của Hầm Hành, tạo nên một không khí độc đáo với thứ ánh sáng và mùi khen khét đặc biệt của chúng, thêm lý do để đặt giá cao.

Ghế ngồi là những cái hòm tầm thường bất tiện, phủ bằng baựng hành, tuy nhiên những bàn gỗ bào nhẵn bóng, sạch bong lại đưa khách từ hầm mỏ trở về một quán trọ nông dân yên bình như ta thường thấy trên phim.

Tất cả chỉ có vậy! Nhưng còn quầy bar? Không có quầy bar. Bồi bàn, cho xem thực đơn nào! Chẳng có bồi bàn, mà thực đơn cũng không nốt. Thực tế, chẳng có ai khác ngoài chúng tôi, Bộ Ba Sông Rhine: Klepp, Scholle và Oskar ngồi dưới cái cầu thang vốn xưa là một cái thang ca-bin tàu biển. Chúng tôi đến vào lúc chín giờ, lấy nhạc cụ ra khỏi túi và bắt đầu chơi vào quãng mười giờ. Nhưng lúc này mới chín giờ mười lăm, hẵng khoan nói về bọn tôi. Bây giờ, hãy quan sát Schmuh đã, con người thỉnh thoảng đi săn chim sẻ bằng một cây súng cỡ nhỏ.

Khi Hầm Hành vừa đầy khách - đầy một nửa coi là đầy - ông chủ Schmuh bèn quàng khăn vào. Tôi nhắc đến chi tiết này vì việc quàng khăn là một nghi thức đầy ý nghĩa. Đó là một chiếc khăn lụa đặc biệt được đặt riêng cho ông, màu xanh cô-ban, với họa tiết là những củ hành màu vàng kim. Hầm Hành chưa thực sự “mở” khi Schmuh chưa quàng khăn.

Các khách hàng - doanh thương, bác sĩ, luật sư, họa sĩ, ký giả, nghệ sĩ sân khấu và điện ảnh, những nhân vật nổi tiếng trong giới thể thao, quan chức trong chính quyền tỉnh và thành phố, tóm lại, một mẫu tiêu biểu của cái giới ngày nay tự xưng là trí thức - đi cùng với vợ, nhân tình, nữ thư ký, họa sĩ trang trí nội thất và có khi với bồ đực, ngồi trên những hòm gỗ phủ bao tải. Trước khi Schmuh quàng khăn vào, mọi người trò chuyện nho nhỏ, gượng gạo, thiếu hào hứng. Những con người này muốn nói chuyện, muốn trút bầu tâm sự, nhưng dường như không cách gì tạo đà được; dù hết sức cố gắng, họ vẫn không nói ra được điều cốt yếu, vẫn men men ở bên rìa. Tuy nhiên, họ rất háo hức thổ lộ can tràng, muốn bộc bạch tim gan, muốn riêng lần này quên hết đầu óc lý trí, phơi trần sự thật không tô vẽ, con người thực bên trong. Đây đó, đôi câu về một sự nghiệp lỡ dở, một cuộc hôn nhân đổ bể, vừa thốt ra đã kìm lạngay. Có thể hiểu rằng cái ông đầu to, gương mặt thông minh, đôi bàn tay mềm mại gần như mịn màng ngồi đằng kia đang gặp khó khăn với con trai vì cậu này bất mãn với quá khứ của cha. Hai bà mặc áo cổ lông chồn, nom vẫn còn hấp dẫn dưới ánh sáng các-bua, tuyên bố họ đã mất niềm tin, nhưng không nói rõ là niềm tin vào cái gì. Cho đến nay, chúng tôi vẫn không biết gì về quá khứ của ông đầu to cũng như về loại khó khăn mà cậu con trai đã gây ra cho ông vì cái quá khứ mập mờ đó; cũng ví như khi đẻ trứng - mong quý vị bỏ qua cho cách so sánh này - người ta bảo: rặn đi, rặn đi...

Những nỗ lực “rặn” trong Hầm Hành chỉ đem lại kết quả nghèo nàn cho tới khi Schmuh xuất hiện với chiếc khăn đặc biệt của ông. Sau khi cảm ơn các vị khách ưu nhã đã chào đón ông bằng một tiếng “A!” hoan hỉ, ông biến mất vài phút đằng sau một tấm rèm ở cuối Hầm, nơi có phòng vệ sinh và buồng kho.

Nhưng tại sao người ta lại “A!” lên một tiếng còn hoan hỉ hơn lúc trước, một tiếng “A!” như tiếng thở phào nhẹ nhõm, khi ông chủ xuất hiện trở lại? Chủ nhân một câu lạc bộ đêm thành công biến sau một tấm rèm, lấy một cái gì đó trong buồng kho, khẽ rầy la người nữ nhân viên coi phòng vệ sinh đang ngồi đọc một tờ họa báo, xuất hiện trở lại trước tấm rèm và được chào mừng như Đấng Cứu Thế, như ông chú huyền thoại từ Australia trở về!

Schmuh trở lại với một cái giỏ trên tay và đi vào giữa đám khách. Cái giỏ được phủ một chiếc khăn kẻ ô xanh và vàng. Trên chiếc khăn, la liệt những  thớt gỗ nhỏ đẽo thành hình lợn và cá. Ông trao những thứ đó cho khách kèm theo những lời chúc tụng và những động tác cúi chào chứng tỏ rõ ràng là ông đã lớn lên ở Budapest và Vienna. Nụ cười của Schmuh giống như nụ cười trên một phiên bản của một phiên bản từ một bức Mona Lisa được coi như là bản gốc.

Tuy nhiên, các vị khách coi bộ rất nghiêm túc khi nhận những thớt gỗ nhỏ nọ. Một số người đánh đổi với người bên cạnh vì lẽ người thích lợn, kẻ lại thích cá (nom nó bí ẩn hơn!). Họ hít hít những miếng gỗ, chuyền quanh. Schmuh, sau khi phân phát cho khách ở đường hầm, chờ cho tất cả những thớt gỗ đã yên chỗ.

Bấy giờ - và mọi con tim đều ngóng đợi - ông lật chiếc khăn lên, rất giống một nhà ảo thuật: bên dưới, lại một chiếc khăn nữa và trên đó, là những con dao bếp nhưng mới thoạt nhìn thì khó mà nhận ra ngay.

Cả những thứ này, ông cũng phân phát suốt lượt. Nhưng lần này ông đi tua nhanh hơn, khuấy lên sự căng thẳng hồi hộp cho phép ông đặt giá cao; ông không chúc tụng nữa và không để cho khách có thì giờ đổi dao cho nhau; động tác của ông biểu hiện một sự vội vàng có tính toán. “Vào vạch, chuẩn bị,” ông hô. Đến hai tiếng “Xuất phát,” ông giựt chiếc khăn ra khỏi giỏ, vục tay vào giỏ và chìa ra, phân chia, phân phát cho đám đông... những củ hành - hệt như những củ hành vẽ trên chiếc khăn của ông, vàng kim, hơi cách điệu, những củ hành tầm thường, không phải loại củ đẹp như hoa uất kim hương, mà là loại các bà nội trợ vẫn mua ngoài chợ, loại các bà hàng rau quả vẫn bán, loại các gia đình nông dân - chồng, vợ hay người làm mướn - vẫn trồng và thu hoạch, những củ hành như ta có thể thấy trên những tranh tĩnh vật của các bậc thày hạng hai của Hà Lan. Vậy là những củ hành loại đó, Schmuh đem phân chia giữa đám khách cho đến khi mỗi người đều có một củ và không còn nghe thấy tiếng động nào khác ngoài tiếng bếp lò ro ro và tiếng đèn đất xè xè. Bởi vì tiếp theo nghi thức trang trọng phân phối hành là im lặng. Giữa im lặng đó, Ferdinand Schmuh cất tiếng: “Xin mời quý bà quý ông!”. Và ông vắt một đầu khăn lên vai trái như một vận động viên trượt tuyết trước khi xuất phát. Đó là hiệu lệnh.

Người ta bắt đầu bóc hành. Nghe nói hành có tới bảy lớp vỏ. Quý bà quý ông bóc hành bằng dao bếp. Họ bóc lớp vỏ thứ nhất, thứ ba, lớp màu vàng rơm, lớp màu vàng kim, lớp màu nâu gỉ sắt, hay chuẩn hơn, màu hành, họ bóc cho đến khi củ hành trở nên trong như thủy tinh, xanh xanh, trăng trắng, âm ẩm, tiết ra một thứ nước dinh dính, cho đến khi hăng sè mùi hành. Rồi họ thái nó như thái hành, khéo léo hay vụng về, trên những mảnh thớt nhỏ hình lợn hoặc cá; họ thái dọc thái ngang cho đến khi nước hành tóe ra, bốc hơi - các ông già không thạo sử dụng dao bếp phải thận trọng để khỏi cắt phải tay, mặc dầu vậy một số vẫn bị đứt tay lúc nào không biết - các bà thì khéo hơn, nhất là những bà nội trợ quen làm những món ăn có hành; nhưng trong Hầm Hành của Schmuh, không làm món ăn và ai muốn ăn thì đến chỗ khác, đến quán Cá chẳng hạn, vì ở Hầm Hành, người ta chỉ thái hành thôi. Nhưng tại sao lại là hành? Bởi vì đó là tên của câu lạc bộ này. Hầm Hành có đặc sản riêng của nó: hành. Và hơn nữa, hành thái nhỏ, khi ta nhìn thật gần... nhưng thôi, nói vậy là đủ. Các vị khách của Schmuh đã thôi không nhìn nữa, họ không thể nhìn thấy gì nữa, bởi vì mắt họ giàn giụa nhưng không phải vì tim họ đầy tràn. Không, không phải hễ tim đầy tràn thì tất yếu mắt phải lã chã giọt châu, một số người không bao giờ nhỏ được một giọt nước mắt, nhất là ở thế kỷ của chúng ta, cái thế kỷ mà bất luận mọi đau buồn và thống khổ, chắc chắn sẽ bị hậu thế coi là thế kỷ ít nước mắt nhất. Chính cái sự hạn hán nước mắt ấy đã thúc đẩy những người còn hạch nước mắt đến Hầm Hành của Schmuh, ở đó ông chủ phát cho họ một cái thớt nhỏ xíu - hình lợn hoặc cá - một con dao bếp với giá tám mươi pfennig và một củ hành bình thường trồng ở vườn với giá mười hai mark để cho họ thái nhỏ ra, nhỏ nữa, nhỏ mãi, kỳ đến khi nước hành bắt đầu phát huy hiệu quả. Hiệu quả gì? Hiệu quả mà thế giới này cùng với tất cả những đau thương của nó không tạo nên được: giọt nước mắt người tròn trĩnh. Phải, nước hành làm người ta khóc. Cuối cùng thì họ lại có thể khóc được. Khóc đến nơi đến chốn, không kiềm chế, khóc như điên. Nước mắt trào ra, cuốn đi tất cả. Mưa ập đến. Sương trong. Oskar hình dung những cửa cống mở, những con đập vỡ tung trong dòng lũ mùa xuân. Tên nó là gì nái dòng sông cứ mùa xuân đến lại tràn bờ mà chính phủ chẳng làm gì để ngăn lại?

Sau trận lũ lụt trị giá mười hai mark tám mươi ấy, những con người đã có dịp khóc thoải mái, bắt đầu mở miệng nói. Vẫn còn dè dặt như thể ngỡ ngàng về sự sống sượng của những lời lẽ do chính mình nói ra, những người vừa khóc giờ bộc bạch tâm can với những người ngồi bên cạnh trên những chiếc hòm tuềnh toàng phủ bao tải, tự nguyện để cho họ hỏi han, lộn trái mình từ trong ra ngoài như lộn áo. Nhưng Oskar, mắt ráo hoảnh, cùng với Klepp và Scholle ngồi sau cái cầu thang vốn là thang lên ca-bin tàu biển, sẽ kín miệng; trong toàn bộ những thổ lộ, tự thú, tự kết tội lọt vào tai, gã sẽ chỉ kể câu chuyện về cô Pioch bao lần mất đi mất lại người tình là ông Vollmer khiến tim thành chai và mắt cạn khô đến nỗi cần phải thường xuyên tới Hầm Hành của Schmuh.

Chúng tôi gặp nhau trên tàu điện, cô Pioch kể sau khi đã khóc thỏa thích. Tôi vừa ở hiệu sách về (cô là chủ một hiệu sách rất tốt mà cô tự điều hành lấy). Tàu chật ních và Willy - tức là ông Vollmer - giẫm lên chân phải tôi. Ảnh giẫm mạnh đến nỗi tôi không đứng nổi trên cái chân đó nữa và chúng tôi yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tôi cũng không đi được nữa nên ảnh đưa tay cho tôi vịn, tháp tùng tôi, đúng hơn là bế tôi về nhà. Và từ hôm ấy, ảnh âu yếm chăm sóc cái móng chân tím bầm lại dưới gót chân ảnh. Ảnh yêu tôi, chứ không chỉ riêng ngón chân tôi, cho đến khi cái móng bong ra khỏi ngón - cái ngón cái bên phải ấy - và không có gì ngăn nổi một cái móng mới mọc thế vào chỗ ấy. Ngay hôm cái móng chết rụng đi, tình yêu của ảnh bắt đầu nguội lạnh, cả hai chúng tôi đều đau khổ vì chuyện ấy. Chính vào thời gian này - cách nào đó, ảnh vẫn còn yêu tôi vì chúng tôi có nhiều điểm hợp nhau - Willy đã nảy ra cái ý ghê gớm ấy. Hãy để anh, ảnh van nài, giẫm lên ngón cái chân trái em cho đến khi nó tím bầm lại. Tôi thuận tình và ảnh giẫm. Một lần nữa, ảnh lại yêu tôi hết mình và tình yêu đó kéo dài đến khi móng cái của ức thị là bên chân trái, rụng đi như một chiếc lá úa. Và thế là mối tình của chúng tôi lại sang thu. Willy muốn tái diễn với ngón cái chân phải của tôi mà móng của nó đã mọc đầy lại. Nhưng tôi không chịu. Nếu tình yêu anh dành cho em thật sự mãnh liệt, tôi nói, thì nó phải bền lâu hơn một cái móng chân. Ảnh có vẻ như không hiểu nổi và bỏ tôi. Mấy tháng sau, chúng tôi gặp nhau trong một cuộc hoà nhạc. Tình cờ, có một ghế trống bên cạnh tôi và sau giờ giải lao, ảnh đến ngồi vào đó. Người ta chơi bản Giao hưởng số chín[84]. Khi chương hợp xướng bắt đầu, tôi rút chân phải ra khỏi giày và giơ ra trước ảnh. Ảnh lấy hết sức bình sinh dận lên đó, vậy mà tôi không hề làm điều gì ảnh hưởng đến buổi hoà nhạc. Bảy tuần sau, Willy lại bỏ tôi. Chúng tôi còn có hai lần tái hồi ngắn ngủi nữa; thêm hai lần tôi chìa ngón chân ra, đầu tiên là chân trái, rồi đến chân phải. Bây giờ cả hai ngón chân cái của tôi đều tàn phế. Móng không mọc lại được nữa. Thi thoảng Willy đến thăm tôi. Run rẩy vì thương cảm cho tôi và cho chính mình, ảnh ngồi dưới chân tôi trên thảm và, bằng con mắt cạn khô cả lệ lẫn tình yêu, trân trân nhìn hai nạn nhân mất móng của cuộc tình chúng tôi. Đôi khi tôi bảo: Lại với em, Willy, rồi chúng ta cùng đến Hầm Hành của Schmuh khóc một chầu cho đã. Nhưng cho đến nay, ảnh vẫn không chịu. Tội nghiệp trái tim đau của ảnh không biết đến sự an ủi của nước mắt.

Về sau - điều này Oskar tiết lộ chỉ để thoả mãn trí tò mò của quý vị mà thôi - ông Vollmer (tiện thể xin nói là ông ta bán ra-đi-ô) cũng có đến Hầm Hành. Họ cùng khóc và hình như, theo Klepp nói với tôi vào buổi đến thăm hôm qua, họ vừa mới làm lễ thành hôn.

Những bi kịch cơ bản của kiếp nhân sinh, những nỗi niềm chất chứa trong lòng được hành đem lại chút xả hơi trong khoảng từ T>ba đến Thứ bảy - Hầm Hành đóng cửa vào Chủ nhật, nhưng những trận khóc dữ dội nhất lại diễn ra vào Thứ hai, khi mà Hầm của chúng tôi được dành riêng cho lớp trẻ: hằng tuần, vào ngày thứ Hai, Schmuh phục vụ sinh viên với nửa giá. Khách lui tới thường xuyên nhất là nam nữ sinh viên y khoa hoặc dự bị đại học y khoa. Một số sinh viên mỹ thuật, đặc biệt những cô cậu dự định sau này sẽ dạy vẽ, cũng chi vào hành một phần thu nhập chính của mình, nhưng, tôi thường tự hỏi, các cô cậu còn đang học năm cuối trung học lấy tiền đâu cho khoản chi này?

Lớp trẻ có cách khóc khác. Họ có những vấn đề hoàn toàn khác với các bậc cha anh, nhưng điều đó không có nghĩa là thi cử là nguồn gốc duy nhất tạo nên những lo âu của họ. Ôi, có biết bao chuyện xung đột giữa cha và con trai, mẹ và con gái đã được thổ lộ trong Hầm Hành! Khá nhiều thanh niên cảm thấy người đời không hiểu mình, nhưng phần lớn đã quen, chả việc gì phải khóc. Oskar lấy làm mừng khi thấy tuổi trẻ vẫn còn có thể khóc vì tình yêu, chứ không phải chỉ vì không thỏa mãn tình dục. Gerhard và Gudrun là một thí dụ.

Hồi đầu, họ ngồi ở tầng dưới; mãi về sau, họ mới cùng nhau khóc trong đường hầm. Nàng cao lớn, lực lưỡng, một vận động viên bóng ném và sinh viên hóa học. Tóc búi sau gáy. Cặp mắt hiền mẫu màu xám luôn nhìn thẳng trước mặt khiến tôi nhớ đến những áp-phích của Hội Phụ Nữ trong thời chiến.

Mặc dầu trán nàng mịn màng, trắng như sữa và ngời ngời sức khất hạnh lại ở chính mặt nàng. Hai má nàng, cái cằm rắn rỏi tròn trĩnh của nàng cho đến cục hầu đều mang dấu vết tệ hại của một bộ râu um tùm bất trị mà cô gái tội nghiệp không sao cạo tiệt đi được. Làn da nhạy cảm của nàng phản ứng mạnh mẽ với lưỡi dao cạo: Gudrun khóc vì những nốt đỏ, những vết nứt nẻ, những mụn trên da mặt, vì bộ râu không ngừng mọc lại. Họ không gặp nhau trên xe điện như cô Pioch và ông Vollmer, mà trên xe lửa. Chàng ngồi trước mặt nàng, cả hai đều trở về từ đợt nghỉ giữa hai học kỳ. Chàng lập tức yêu nàng bất chấp bộ râu. Nàng thì vì bộ râu, không dám yêu chàng, nhưng lại ngưỡng mộ cái mà chàng coi là bất hạnh của mình: cái cằm không râu, nhẵn thín như đít trẻ con, khiến chàng rất bẽn lẽn trước các cô gái. Tuy nhiên, Gerhard lại bắt chuyện với Gudrun và đến lúc xuống tàu ở ga Düssendorf, chí ít họ cũng đã kết bạn với nhau. Sau đó, họ gặp nhau hằng ngày. Họ nói chuyện này chuyện khác và chia sẻ với nhau nhiều ý nghĩ, nhưng không bao giờ đả động đến bộ râu vắng thiếu hay bộ râu ngoan cố hiện diện quá đáng. Gerhard rất ân cần với Gudrun; biết da nàng nhạy cảm, chàng không bao giờ hôn nàng. Tình yêu của họ do vậy vẫn trong trắng, mặc dù cả hai đều không quá coi trọng sự trong trắng bởi nàng theo ngành hóa học còn chàng thì học y. Khi một người bạn gợi ý họ nên đến Hầm Hành, họ mỉm cười khinh mạn với cái vẻ hoài nghi đặc trưng của những người làm nghề hóa và y. Nhưng rồi, cuối cùng, họ cũng đến, nhằm mục đích lấy tài liệu như họ cam đoan với nhau. Chưa bao giờ Oskar thấy những người trẻ tuổi khóc như thế. Họ đến hoài. Họ nhịn ăn để dành sáu mark bốn mươi là phí tổn cho mỗi buổi và họ khóc về bộ râu thiếu vắng và bộ râu hiểm họa cho làn da con gái mềm mại. Đôi khi họ tìm cách tránh xa Hầm Hành. Một hôm thứ Hai, họ không đến, nhưng thứ hai sau, họ lại trở lại. Miết dúm hành thái nhỏ giữa những ngón tay, họ thú nhận là họ đã định hà tiện sáu mark bốn mươi, thử làm điều đó trong phòng mình bằng một củ hành rẻ tiền nhưng kết quả không như vậy. Cần có một cử tọa. Khóc tập thể dễ hơn nhiều: nó đem lại cho ta một ý thức thực sự về tình anh em trong đau buồn khi mà bên phải bên trái ta và ở đường hầm trên đNu ta, các bạn sinh viên của ta đều đang khóc đến rã con tim.

Đây cũng là một trường hợp trong đó Hầm Hành không những đem lại nước mắt mà còn dần dần chữa trị thành công. Vẻ như nước mắt đã cuốn đi mọi mặc cảm ức chế và kéo họ lại gần nhau. Chàng hôn đôi má lởm chởm của nàng, nàng âu yếm xoa cái cằm nhẵn thín của chàng và rồi một hôm, họ thôi hẳn không còn là khách của Hầm Hành, họ không cần nó nữa. Mấy tháng sau gặp lại họ ở phố Königs-Allee, thoạt đầu Oskar không nhận ra. Anh chàng Gerhard nhẵn nhụi giờ phất phơ một bộ râu vàng hung, còn đám bụi rậm xưa um tùm trên mặt Gudrun chỉ còn là một vệt lông tơ loáng thoáng trên môi trên, rất hợp với nàng. Cằm và má nàng nhẵn mịn, ngời ngời, sạch mọi dấu vết cỏ dại. Vẫn còn đi học nhưng đã cưới, một cặp vợ chồng sinh viên hạnh phúc. Oskar có thể hình dung năm mươi năm sau họ nói chuyện với các cháu nội ngoại. Bà Gudrun: “Đó là vào cái hồi Ông nhà mình chưa có râu.” Và ông Gerhard: “Dạo ấy, Bà nhà mình đến là khổ vì bộ râu và thứ Hai nào ông bà cũng đến Hầm Hành.”

Nhưng, quý vị hẳn sẽ hỏi, thế thì ba gã nhạc công còn ngồi dưới chân thang ca-bin hay cầu thang để làm gì? Một cái cửa hàng hành đầy những tiếng khóc than, rền rĩ và nghiến răng kèn kẹt thì cần gì đến một ban nhạc chính quy được trả lương một cách chính quy?

Khi một đợt khách đã khóc xong và trút vợi nỗi lòng, chúng tôi cầm lấy nhạc cụ và bắc một cây cầu âm nhạc đưa họ trở lại trò chuyện bình thường như mọi ngày. Chúng tôi giúp cho họ thanh thản rời khỏi Hầm Hành và nhường chỗ cho đợt khách mới. Bản thân Klepp, Scholle và Oskar thì chẳng khoái gì hành. Với lại, trong hợp đồng có một điều khoản cấm chúng tôi “dùng” hành theo cách của khách hàng. Dù sao đi nữa, chúng tôi cũng không cần đến nó. Scholle-ghi-ta chẳng có lý do gì để đau buồn, lúc nào hắn cũng có vẻ sung sướng và mãn nguyện, kể cả khi hai dây đàn của hắn bựt đứt cùng một lúc giữa chừng một bản rag. Còn Klepp thì cho đến nay, bản thân khái niệm khóc, cười vẫn là một điều nhập nhằng đối với hắn. Nước mắt làm hắn bật cười. Tôi chưa từng thấy ai cười dữ như Klepp trong đám tang bà dì vẫn giặt quần áo và bít tất cho hắn trước khi hắn lấy vợ. Nhưng Oskar thì sao? Oskar có nhiều lý do để khóc. Chẳng phải là gã cũng cần đến nước mắt để cuốn trôi đi ký ức về Xơ Dorothea và cái đêm dài vô bổ trên tấm thảm xơ dừa còn dài hơn cả đêm, đó sao? Và Maria thân yêu của tôi nữa? Rành là nàng cũng là một nguyên nhân khác gây cho tôi buồn tủi. Chẳng phải là Stenzel, lão sếp của nàng, tha hồ đi đi về về căn hộ ở Bilk bất cứ lúc nào hắn thích đó sao? Chẳng phải Kurt con trai tôi đã quen gọi lão chủ hiệu tạp hóa ấy mới đầu là “bác Stenzel” sau đó là “ba Stenzel” đó sao? Và còn những người nằm sâu trong cát của nghĩa trang Saspe hoặc đất sét của nghĩa trang Brenntau: mẹ tội nghiệp của tôi, Jan Bronski ngốc dại đáng yêu và Matzerath, người biểu đạt tình cảm bằng những món xúp? Đúng ra phải khóc thương tất cả những người ấy. Nhưng Oskar thuộc số người may mắn còn có thể khóc mà không cần đến hành. Đã có cái trống giúp tôi. Nó chỉ cần dạo mấy nhịp phách rất đặc biệt là khiến Oskar tan thành nước mắt không hơn mà cũng chẳng kém những giọt nước mắt mà người ta phải trả giá rất cao ở Hầm Hành mới nặn ra được.

Còn ông chủ Snmuh, ông cũng chẳng bao giờ dùng đến hành. Trong trường hợp của ông, những con chim sẻ ông bắn ở những hàng rào, bụi rậm ngoài trời là cách xả hơi. Thi thoảng, sau khi bắn, Schmuh xếp mười hai con chim sẻ chết thành hàng trên một tờ báo, tưới nước mắt trên những nắm lông nhỏ ấy trước khi thân chúng kịp lạnh, và, vẫn không ngừng khóc, rắc thức ăn cho chim trên những đồng cỏ ven sông và ném thia lia trên mặt sông. Ở Hầm, ông còn có một cách khác để trút vợi nỗi đau buồn, ông đã nhiễm thói quen mỗi tuần một lần xỉ vả tàn tệ chị lao công coi phòng vệ sinh bằng những từ cổ lỗ như “đồ giăng há”, “gái thanh lâu khốn kiếp”, “tú bà”... Người t có thể nghe thấy ông quát: “Xéo đi cho khuất mắt, đồ quái vật nhơ bẩn!” Ông đuổi thẳng chị ta tại trận và thuê một người khác. Nhưng chẳng bao lâu ông đâm bí, không tìm đâu ra người trông coi phòng vệ sinh nữa. Ông đành phải thuê lại những người ông đã đuổi. Họ mừng rỡ chấp nhận: những lời chửi rủa của Schmuh chẳng nghĩa lý gì, mà ở đây họ kiếm được tốt tiền. Khách hàng ở Hầm Hành – hẳn là do khóc nhiều - vào phòng vệ sinh luôn xoành xoạch và hơn nữa, người đa lệ thường có chiều hướng hào phóng hơn kẻ mắt ráo hoảnh. Nhất là các quý ông, sau khi xin lỗi “ra ngoài một lát” bằng một giọng nghẹn ngào nước mắt, họ thường dễ thọc tay sâu vào ví. Một nguồn thu nhập khác của các nữ nhân viên coi phòng vệ sinh là bán những chiếc mù-soa trứ danh in hình củ hành với dòng chữ: Trong Hầm Hành. Món hàng này đắt như tôm tươi vì sau khi dùng để lau nước mắt, chúng trở thành vật lưu niệm hấp dẫn và còn có thể chít lên đầu hoặc làm cờ hiệu cho các khách thường xuyên của Hầm Hành treo ở kính chiếu hậu xe hơi của mình, bằng cách đó đem tiếng tăm Hầm Hành của Schmuh, vào những kỳ nghỉ, đi tới Paris, Côte d’Azur, Roma, Ravenna, Rimini, thậm chí đến cả Tây Ban Nha xa xôi.

Ban nhạc chúng tôi cùng các bài nhạc của mình còn có một nhiệm vụ khác: đôi khi một số khách “chơi” liền tù tì hai củ hành, dẫn tới một sự bùng nổ có thể dễ dàng biến thành một cuộc truy hoan. Schmuh đòi hỏi phải kiềm chế; khi các quý ông bắt đầu tháo cà-vạt và các quý bà quý cô bắt đầu cởi áo cánh, ông liền hạ lệnh cho chúng tôi khởi nhạc xen vào ngăn chặn sự khuấy động bản năng dâm đãng. Dù sao, bản thân Schmuh cũng phải gánh phần lớn trách nhiệm về những tình huống gay cấn này do cái thói quen tệ hại là phục vụ tiếp một củ hành thứ hai cho những vị khách quá nhạy cảm.

Cuộc bùng nổ dữ dội nhất, theo trí nhớ của tôi, đã có ảnh hưởng tới toàn bộ sự nghiệp của Oskar, nếu không muốn nói là một bước ngoặt quyết định. Vợ Schmuh, bà Billy sôi nổi,đến Hầm nhưng mỗi lần đến, bà đều đi cùng những người bạn mà Schmuh không ưa lắm. Một đêm, bà xuất hiện cùng Woode, nhà phê bình âm nhạc và Wackerlei, một kiến trúc sư có thói quen hút tẩu. Cả hai người này đều là khách quen, nhưng nỗi buồn của họ thuộc loại đáng chán nhất. Woode khóc vì lý do tôn giáo - y luôn luôn cải giáo hoặc tái cải giáo từ đạo này sang đạo khác. Còn Wackerlei, người hút tẩu, thì đến giờ vẫn còn than tiếc một chức giáo sư mà lão đã từ chối hồi đầu những năm 20 chỉ vì một ả Đan Mạch phóng đãng sau đó đã bỏ lão để lấy một gã người Nam Mỹ và đẻ sáu con với gã; điều này vẫn còn gây buồn bực cho Wackerlel, khiến cho cái tẩu của lão cứ tắt hoài tắt hủy. Chính cái tay Woode quỷ quyệt đã thuyết phục bà Schmuh thái một củ hành. Bà thái, nước mắt trào ra và bà bắt đầu giãi bày. Bà phanh phui Schmuh, kể những chuyện mà Oskar vì tế nhị sẽ không nhắc đến. Phải mấy vị khách lực lưỡng hợp sức lại mới ngăn nổi Schmuh khỏi xông vào vợ mình - xin đừng quên rằng trên mỗi bàn đều có dao bếp. Dù sao mặc lòng, Schmuh cũng bị cưỡng chế cho đến khi bà Billy hớ hênh có thể chuồn khỏi cùng hai người bạn Woode và Wackerlei.

Schmuh rất đỗi bối rối. Điều đó biểu hiện rõ ở cái cách ông không ngừng đưa cả hai tay lên sửa đi sửa lại chiếc khăn quàng in hình những củ hành. Mấy lần ông biến vào sau tấm rèm và chửi rủa chị nhân viên coi phòng vệ sinh. Cuối cùng, ông trở lại với một giỏ đầy và bằng một giọng hân hoan cuồng loạn, tuyên bố với khách rằng ông, Schmuh đây, đang lên cơn hào phóng và sẽ đãi không một chầu hành cho tất cả. Nói rồi, phân phát luôn.

Đối với Klepp, mọi trạng huống của con người, dù đau đớn đến mấy, cũng chỉ là một trò đùa hay ho, nhưng lần này, hắn cảm thấy nghiêm trọng và cầm cây sáo lên trong tư thế sẵn sàng. Bởi vì chúng tôi biết việc cho những con người ở trạng thái căng thẳng cao độ này liên tiếp hai suất tháo dòng lũ nước mắt có khả năng cuốn băng tất cả, là nguy hiểm biết nhường nào.

Thấy chúng tôi cầm c cụ ở tư thế sẵn sàng, Schmuh bèn cấm chúng tôi không được chơi, ở các bàn, dao bếp bắt đầu làm việc. Những lớp vỏ ngoài đẹp đẽ bị vứt bỏ vung vãi, dao xắn vào lớp thịt hành trong nhờ nhờ với những vệt xanh nhạt. Lạ thay, nước mắt không bắt đầu từ phía nữ. Những quý ông ở tuổi tráng niên - ông chủ một xưởng xay bột lớn, một chủ khách sạn cùng bồ trai son phấn nhẹ nhàng, một ông quý phái trong hội đồng của một hãng kinh doanh quan trọng, cả một bàn gồm các nhà sản xuất y phục nam về dự hội nghị ở thành phố, tay kép hói mà ở Hầm, người ta thường gọi là ông Kèn Kẹt vì bao giờ ông ta cũng nghiến răng kèn kẹt khi khóc - tất cả đều lã chã nước mắt trước các bà các cô. Nhưng cả bên nam lẫn bên nữ đều không trút những giọt nước giải thoát và xả hơi như với củ hành đầu tiên. Đây là một cơn khóc co giật, điên dại. Kèn Kẹt nghiến răng nghe rợn đến đông cả máu; nếu ông ta đang ở trên sàn diễn, khéo cả rạp cùng nghiến răng với ông mất. Ông chủ nhà máy xay rũ cái đầu tóc hoa râm chải mượt trên mặt bàn. Ông chủ khách sạn hòa những co giật của mình với những quằn quại của cậu bồ trẻ thanh tú. Schmuh đứng cạnh cầu thang thả chiếc khăn rủ xuống, dõi nhìn đám người gần như lồng lộn với một niềm thỏa mãn hiểm độc. Đột nhiên một bà đứng tuổi xé toạc áo nịt ngực trước mặt anh con rể. Cậu bồ trẻ của ông chủ khách sạn, vốn đã được chú ý do vẻ hấp dẫn hơi khác thường, cởi áo phô cái mình trần da đồng hun và nhảy lên bàn biểu diễn một điệu múa có lẽ của một nước phương Đông nào đó. Cuộc truy hoan đang dậy men. Nhưng mặc dầu khởi đầu khá dữ dội, nó vẫn buồn tẻ, thiếu cảm hứng không bõ mất công mô tả chi tiết.

Schmuh thất vọng, cả Oskar cũng nhướn mày lên ngán ngẩm. Một vài màn thoát y vũ tươi mát; mấy chàng xuất hiện với đồ lót nữ; mấy nàng thắt cà-vạt và mang đai đeo quần; một hai cặp kéo nhau xuống gầm bàn; Kèn Kẹt nhai một cái xú-chiêng và có vẻ như đã nuốt chửng một phần.

Huyên náo dễ sợ, những tiếng gào, húực chất gì đằng sau. Cuối cùng, ngán ngẩm và có lẽ cũng sợ cảnh sát đến, Schmuh rời bỏ vị trí bên cầu thang, cúi xuống phía chúng tôi, khẽ thúc vào Klepp, rồi vào tôi và rít lên qua kẽ răng: “Nổi nhạc lên! Vì Chúa, hãy chơi một cái gì cho chúng dừng lại đi!”

Nhưng sự tình lại xoay ra thế này: vốn tính dễ chiều, Klepp đang khoái. Hắn cười lăn cười lộn, không làm gì được với cây sáo của mình. Scholle, vốn coi Klepp như thày mình, bắt chước mọi hành động của Klepp, bao gồm cả tiếng cười. Còn lại có mình Oskar - nhưng Schmuh có thể trông cậy vào tôi đây. Tôi kéo cái trống từ dưới gầm ghế lên, uể oải châm một điếu thuốc và bắt đầu dạo trống.

Không hề có ý tứ gì trước, tôi vẫn làm cho thính giả hiểu mình. Tôi quên đi mọi lề lối chơi nhạc quán bar. Tôi cũng không chơi jazz. Tôi không muốn người ta coi tôi là một thằng cha mê cuồng bộ gõ. Phải, tôi là một tay trống tốt, nhưng không phải một gã jazz-cuồng. Hẳn nhiên là tôi thích jazz, nhưng tôi cũng thích cả những điệu van-xơ thành Vienna nữa. Tôi biết chơi cả hai, nhưng tôi còn chơi được cả cái khác nữa. Khi Schmuh yêu cầu tôi đưa trống tôi vào cuộc, tôi không chơi những gì tôi đã học được, tôi chơi bằng trái tim tôi. Đây là một chú bé Oskar ba tuổi cầm dùi trống lên. Trống tôi trở ngược về xưa, gợi lên hình ảnh thế giới trong con mắt một đứa trẻ lên ba. Và điều đầu tiên tôi làm đối với những con người hậu chiến không quậy nổi một cuộc truy hoan thật sự này là thắng cương cho họ. Tôi cầm cương đưa họ về phố Posadowski-Weg, đến vườn trẻ của Cô Kauer. Được rồi, nhong nhong, hàm dưới họ đã trễ xuống, họ nắm tay nhau, xoay đầu ngón chân vào trong và chờ tôi, Người Thổi Sáo Dụ Chuột. Tôi rời vị trí dưới cầu thang và đi lên dẫn đầu. “Nướng, nướng, nướng bánh” - đó là tiêu mẫu đầu tiên của tôi. Nhận thấy mình đã thành công - một niềm vui trẻ thơ bao trùm khắp chỗ - tôi quyết định cho họ một mẻ sợ bạt vía. “Đâu rồi mụ phù thủy đen như hắc ín?” Và tôi gõ trống vẽ lên hình ảnh mụ phù thủy đen độc ác thỉnh thoảng vẫn làm tôi khiếp hãi trong thời thơ những năm gần đây càng làm tôi sợ hơn: to đùng, đen như than, mụ lồng lộn khắp Hầm Hành. Bằng cách ấy, tôi đã đạt kết quả mà Schmuh phải cần đến hành mới đạt được. Các vị khách nam và nữ khóc những giọt nước mắt trẻ thơ to tròn. Họ sợ tái xanh tái tử, run cầm cập, xin tôi rủ lòng thương. Thế là để trấn an họ và một phần để giúp họ mặc lại quần áo - nhung, lụa, xa-tanh - và đồ lót, tôi gõ tiếp: “Lơ, lơ, lơ, áo tôi màu lơ,” và “Đỏ, đỏ, đỏ, quần áo tôi màu đỏ,” hoặc “Xanh, xanh, xanh...” và “Vàng, vàng, vàng...” Khi tôi điểm hết các màu quen thuộc, thì những người được tôi chăm sóc đều đã y phục chỉnh tề. Tôi bèn sắp xếp họ thành một đám rước, dẫn họ đi qua Hầm Hành như thể diễu qua đường Jeschkentaler-Weg. Tôi dẫn họ trèo lên gò Erbsberg, vòng quanh tượng đài Gutenberg xấu dễ sợ. Trên đồng cỏ Thánh Jean, trống tôi làm nở rộ những bông cúc tương tư cho các quý bà quý ông tha hồ hái trong niềm vui hồn nhiên ngây thơ. Rồi cuối cùng, muốn đem lại cho tất cả những người có mặt, kể cả ông chủ Schmuh, một cái gì giúp họ nhớ lại thời đi vườn trẻ, tôi cho phép tất cả bọn họ tè. Chúng tôi đang đến gần Khe Núi của Quỷ, một nơi hắc ám, vừa đi vừa nhặt hạt giẻ gai và trống tôi nói: bây giờ, các con có thể mở vòi. Và họ bèn lợi dụng thời cơ. Tất cả các quý ông quý bà, ông chủ Schmuh, cả chị nhân viên coi phòng vệ sinh ở phía sau, tất cả đều tưới, tè-è-è, tè-è-è-tè-è-è, họ cúi gập người, lắng nghe cái âm thanh mình đang phát ra ướt đẫm quần trong quần ngoài. Chỉ đến khi tiếng nhạc đó bặt dần - Oskar chỉ đệm theo khe khẽ bằng một nhịp rền xa vắng để làm bật hiệu quả cái âm thanh tuổi thơ ấy - tôi mới nện một tiếng bùm lớn, chuyển qua khúc vui xả láng. Khắp chung quanh tôi, mọi người reo hò, cười khanh khách, bi bô những chuyện không đâu như trẻ con.

Tan tành ô cửa kính

Uống bia tươi với đường

Cô Hạt Mít má phí

Thổi kèn dưới hàng dương

Tôi dẫn họ ra phòng gửi quần áo, ở đó một gã sinh viên ngỡ ngàng giao trả áo ngoài cho đám học sinh mẫu giáo của Schmuh; rồi, theo tiết tấu của bài đồng dao quen thuộc “Các cô thợ giặt cần mẫn”, tôi dạo trống đưa họ lên các bậc bê tông, qua trước mặt người gác cổng khoác tấm da cừu quê mùa. Tôi tạm biệt các học sinh mẫu giáo dưới bầu trời đêm mùa xuân 1950 lành lạnh, chi chít sao như trong truyện thần tiên tựa hồ được tạo nên cho phù hợp với hoàn cảnh... Quên lối về nhà, hồi lâu họ tiếp tục những trò nghịch ngợm con nít trong Khu Phố Cổ cho đến khi, chung cuộc, cảnh sát phải giúp họ nhớ ra tuổi tác, nhân thân, số điện thọai và địa vị xã hội của mình.

Cười thoải mái và vuốt ve cái trống, tôi quay về Hầm Hành, ở đó Schmuh vẫn đang vỗ tay, dạng chân đứng cạnh cầu thang, hai ống quần ướt sũng, dường như cảm thấy trong vườn trẻ của cô Kauer cũng sung sướng như trên đồng cỏ ven sông Rhine khi xách súng đi bắn chim sẻ ở tuổi thật của mình.

TRÊN PHÒNG TUYẾN ĐẠI TÂY DƯƠNG

Với pha vừa kể, thực tình tôi chỉ muốn giúp ông thôi. Nhưng Schmuh, chủ nhân và linh hồn của Hầm Hành, không thể tha thứ cho tôi về cái khúc độc tấu trống đã biến những khách xộp của ông thành một lũ trẻ bi bô, vui nhộn, tè ra quần rồi khóc vì tự làm ướt quần, tất cả không cần đến hành

Oskar cố thông cảm với ông. Làm sao ông có thể không sợ sự cạnh tranh của tôi khi mà khách hàng của ông bắt đầu gạt sang bên những củ hành truyền thống để hò Oskar, hò cái trống của Oskar vì tôi có thể dùng trống làm sống lại thời thơ ấu của từng người trong bọn họ, bất kể già yếu đến đâu?

Trước đó, Schmuh mới chỉ đuổi các nữ nhân viên coi phòng vê sinh. Giờ thì đến lượt toàn bộ ban nhạc Bộ Ba Sông Rhine. Thay thế bọn tôi, ông thuê một tay vĩ cầm đi rong mà nếu dễ dãi một chút, người ta có thể coi như một gã Di-gan.

Nhưng khi, do việc đuổi chúng tôi, nhiều người trong số những khách hàng trung thành nhất dọa bỏ hẳn Hầm Hành, Schmuh phải chấp nhận một thoả hiệp: tay vĩ cầm chơi mỗi tuần ba lần, còn chúng tôi mỗi tuần có ba buổi biểu diễn với giả được nâng lên theo yêu cầu của bọn tôi: hai mươi DM một đêm. Ngài ra còn có những khoản “puốc-boa” hậu hĩnh. Oskar bắt đầu có một sổ Tiết Kiệm và vui thích thấy tiền lãi tăng lên.

Cuốn số tiết kiệm ấy giúp tôi ra khỏi cảnh túng thiếu rất đúng lúc vì sau đó, Tử Thần đến cướp đi ông Ferdinand Schmuh của chúng tôi, có nghĩa là cả việc làm và thu nhập của chúng tôi luôn.

Tôi đã kể là Schmuh thường đi bắn chim sẻ. Đôi khi ông đưa bọn tôi đi cùng trong chiếc Mercedes cho chúng tôi xem ông bắn. Mặc dầu thỉnh thoảng có mâu thuẫn do cái trống của tôi liên can cả đến Klepp và Scholle vì họ đứng về phe tôi, quan hệ giữa Schmuh và các nhạc công của ông vẫn là hữu hảo cho đến khi, như tôi đã thông báo, cái chết xen vào giữa chúng tôi.

Chúng tôi lên xe. Như thường lệ, bà vợ của Schmuh lái. Klepp ngồi cạnh bà, Schmuh ngồi giữa Oskar và Scholle, đặt cây súng ngang đùi, thi thoảng lại ve vuốt nó. Chúng tôi dừng lại ngay trước khi đến Kaiserswerth. Những hàng cây hai bên bờ sông Rhine: cảnh trí đã sẵn. Vợ Shmuh ngồi lại trong xe, giở một tờ báo ra đọc. Klepp đã mua sẵn ít nho khô, nhai tóp ta tóp tép rất đều đặn. Scholle, vốn trước khi thành nhạc công ghi-ta đã từng là sinh viên khoa gì gì đó, nhớ được bài thơ nào về sông Rhine là đem ra ngâm ráo. Quả thực con sông cũng đang kỳ thơ mộng: ngoài những con thuyền như thường thấy, những vòm lá ven bờ xoã tóc dập dềnh về phía Duisburg và quên bẵng lịch mùa vẫn đang hè đã sớm ngả màu thu. Nếu thi thoảng cây súng của Schcmuh không lên tiếng, buổi chiều này ở mé dưới Kaiserwerth có thể gọi là êm ả thanh bình.

Khi Klepp ăn hết chỗ nho khô và chùi tay vào cỏ, Schmuh cũng bắn xong. Bên cạnh mười một nắm lông đang lạnh dần, ông đặt nắm thứ mười hai - hãy còn phập phồng, như ông nhận xét. Nhà thiện xạ đã bắt đầu bọc gói những con mồi lại - không hiểu vì lý do bí hiểm gì, bao giờ Schmuh cũng mang chúng về nhà - thì một con chim sẻ đậu xuống một gốc cây bị sóng đánh giạt vào bờ cách chỗ chúng tôi không xa. Con chim lông xám này nom rất nghênh ngáo, rõ ra là một bản mẫu tiêu biểu của loài sẻ, đến nỗi Schmuh không thể đừng được: xưa nay không bao giờ bắn quá mười hai con sẻ trong một buổi chiều, giờ đây ông giương súng bắn con thứ mười ba - đáng lẽ ông không nên làm thế.

Sau khi ông đặt con thứ mười ba cạnh mười hai con trước, chúng tôi quay về chiếc Mercedes đen và thấy bà Schmuh đã ngủ. Scholle và Klepp lên ghế sau. Tôi đã sắp ngồi vào cùng họ nhưng lại thôi. Tôi đang muốn đi dạo một tí, tôi nói: tôi sẽ đáp xe điện, khỏi cần lo cho tôi. Và thế là họ phóng xe đi, Oskar không đi cùng họ hóa ra là khôn.

Tôi chậm rãi bước. Tôi không phải đi xa. Có một quãng đường vòng đang sửa. Cạnh đó là một hố sỏi thấp hơn mặt đường độ bảy mét. Và dưới đáy hố sỏi, chiếc Mercedes đen nằm chổng bốn bánh lên trời.

Mấy người thợ làm việc ở hố sỏi đã lôi ba người bị thương và xác Schmuh ra khỏi xe. Xe cấp cứu đang trên đường tới. Tôi tụt xuống hố săn sóc những người bị thương một lát, loáng một cái giày tôi đã đầy sỏi. Mặc dầu đang đau, họ vẫn hỏi dồn tôi, nhưng tôi không nói cho họ biết là Schmuh đã chết. Cứng đơ và như thể ngỡ ngàng, ông trân trân nhìn bầu trời gần như phủ đầy mây. Tờ báo gói mẻ săn đã văng ra khỏi xe. Tôi đếm được mười hai con sẻ, nhưng không tìm thấy con thứ mười ba. Tôi vẫn còn đang tìm nó khi chiếc xe cấp cứu lựa đường xuống hố sỏi.

Tình trạng bà Schmuh, Klepp và Scholle không có gì nghiêm trọng lắm: những vết bầm, mấy cái xương sườn gãy. Khi tôi vào bệnh viện thăm Klepp và hỏi hắn do đâu mà xảy ra tai nạn, hắn kể cho tôi nghe một câu chuyện kỳ lạ: Khi xe đi ngang hố sỏi, rất chậm vì đường xấu, thi hàng trăm, có khi là hàng nghìn, con sẻ từ các hàng rào, bụi rậm và vườn cây ăn quả ào ra phủ một bóng lớn mênh mông lên chiếc Mercedes, đâm sầm vào kính đằng trước và làm bà Schmuh hoảng hồn. Chỉ bằng sức mạnh của mình, chim sẻ đã gây ra tai nạn và cái chết của Schmuh.

"Tùy quý vị muốn nghĩ thế nào về câu chuyện của Klepp thì nghĩ. Riêng Oskar thì không tin lắm, nhất là khi đưa đám Schmuh ở Nghĩa trang phía Nam, gã chẳng thấy có nhiều chim sẻ hơn hồi gã tới đây dựng bia mộ mấy năm trước. Khi tôi cùng với những người đưa đám đi theo linh cữu, đầu đội chiếc mũ cao thành thuê, tôi thoáng thấy Korneff ở Khu Chín đang dựng một tấm bia đi-o-rit cho một mộ đôi cùng với một người giúp việc mà tôi không biết. Khi linh cữu Schmuh qua chỗ Korneff trên đường tới Khu Mười mới được quy hoạch, ông thợ làm bia mộ ngả mũ theo đúng quy định của Nghĩa trang, có lẽ vì cái mũ cao thành, ông không nhận ra tôi; nhưng thấy ông xoa xoa gáy, tôi chắc là mấy cái nhọt đang chín hoặc đã chín nẫu.

Ôi, những đám ma! Tôi đã buộc phải đưa quý vị đến biết bao nghĩa trang! Ở một đoạn nào đó, thậm chí tôi đã nói: những đám ma nhắc ta nhớ đến những đám ma khác. Thôi được, tôi sẽ không kể dài dòng về đám tang Schmuh cũng như về những suy tư hồi cố của Oskar lúc đó. Chỉ cần nói rằng đó là một đám tang bình thường, đàng hoàng và không có gì bất thường xảy ra. Điều duy nhất thực sự cần phải k sau khi chôn Schmuh xong - bà vợ goá đang nằm bệnh viện, nếu không, chắc cũng còn thêm chút ít nghi thức nữa - một ông tiến đến bên tôi và tự xưng là Tiến sĩ Dösch.

Ông Tiến sĩ Dösch này điều hành một hãng hoà nhạc nhưng không phải là chủ hãng, ông là một khách hàng thường xuyên của Hầm Hành, ông nói với tôi. Tuy tôi không bao giờ để ý đến ông, nhưng ông đã có mặt hôm tôi biến toàn thể khách hàng của Schmuh thành một bày trẻ bi ba bi bô hạnh phúc. Thực tế, bản thân Dösch, như ông tâm sự với tôi, cũng đã gặp lại niềm hạnh phục trẻ thơ dưới ảnh hưởng tiếng trống của tôi và ông đã quyết chí làm một cú lớn với cái mà ông gọi là “ngón nghề búa bổ” của tôi. Ông đã được phép đề xuất với tôi một hợp đồng “búa bổ”; tại sao tôi không ký ngay tại chỗ? Bên ngoài lò hóa thân hoàn vũ nơi Leo Schugger đeo găng trắng (ở Düssendorf, anh ta mang tên Wilhem-Nhớt-Dãi) đang đợi những người đi đưa đám, Ts Dösch rút ra một tờ giấy ghi rõ là, đổi lại những khoản chi trả kếch sù, người ký tên dưới văn bản, sau đây gọi là “Oskar Trống”, cam đoan sẽ biểu diễn độc tấu tại những nhà hát lớn trước những cử tọa từ hai đến ba nghìn người. Dösch vô cùng thất vọng khi tôi nói là không thể ký ngay lập tức. Lý do tôi viện ra là cái chết của Schmuh. ông Schmuh, tôi nói, rất gần gũi thân thiết với tôi, tôi không thể ngay lập tức nhận làm việc với một người khác khi ông vừa nằm xuống mồ, xác chưa kịp lạnh, tôi cần có thời gian để suy nghĩ, có thể tôi sẽ làm một chuyến đi ngắn đâu đó. Khi nào trở về, tôi sẽ tìm Ts Dösch và lúc đó có thể tôi sẽ ký cái tờ giấy mà ông gọi là hợp đồng đó.

Tuy nhiên, mặc dù không ký hợp đồng ngay tại nghĩa trang, tình hình tài chính của Oskar vẫn buộc gã phải nhận một khoản ứng trước mà Ts Dösch bỏ vào một chiếc phong bì kèm theo tấm danh thiếp và kín đáo đưa cho tôi bên ngoài nghĩa trang, nơi ông đậu xe.

Và tôi chuẩn bị chuyến đi thật, thậm chí tôi còn tìm được một công ty du lịch nữa. Thực tình, tôi những muốn có Klepp cùng đi, nhưng Klepp đang nằm nhà thương, thậm chí không c được với bốn cái xương sườn gãy. Tôi cũng muốn rủ Maria đi cùng, nhưng đang kỳ nghỉ hè, nàng sẽ phải mang theo cả bé Kurt. Vả lại, nàng còn đang cặp với lão chủ Stenzel, mà ít lâu nay Kurt đã gọi là ba Stenzel.

Cuối cùng, tôi đi với Lankes. Quý vị hẳn còn nhớ y với tư cách là trung sĩ Lankes và đôi ba lần là vị hôn phu của Nàng Thơ Ulla. Khi, với số tiền ứng trước và cuốn sổ tiết kiệm đút túi, tôi đến xưởng họa của anh ta ở phố Sittarder, tôi hy vọng sẽ gặp Ulla, bạn cùng ngồi mẫu với tôi dạo trước; tôi nghĩ có thể mời nàng đi cùng.

Ulla có ở đó. Ngay từ cửa, nàng đã thông báo: bọn em vừa đính hôn. Được hai tuần rồi. Chuyện với Hänschen Krages không ổn, nàng buộc phải cắt đứt. Tôi có biết Hänschen Krages không?

Không, Oskar nói, rất tiếc là gã không biết vị hôn phu cũ của Ulla. Rồi Oskar đưa ra đề nghị hào phóng của mình, nhưng trước khi Ulla kịp nhận lời thì Lankes, từ xưởng họa nhảy ra, đã tự đề cử mình vào vai trò bạn đồng hành với Oskar, chẳng những thế còn bợp tai Nàng Thơ trường túc vì tội không chịu ở nhà khiến nàng thất vọng oà khóc.

Tại sao Oskar không bảo vệ ý kiến của mình? Tại sao gã không đứng về phe Nàng Thơ nếu quả gã muốn đưa nàng đi cùng? Cho dù triển vọng của một chuyến ngao du với Ulla bên cạnh, Ulla thanh mảnh, Ulla lông vàng rơm loăn xoăn, có hấp dẫn đến mấy, tôi vẫn sợ một sự chung đụng quá gần gũi với một Nàng Thơ. Thà cứ giữ một khoảng cách với các Nàng Thơ, tôi tự nhủ, còn hơn để nụ hôn của các Nàng Thơ trở thành thói quen như một đồ gia dụng. Thôi cứ đi cùng Lankes là khôn ngoan hơn, y sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với Nàng Thơ của mình khi nàng định hôn y.

Chẳng phải bàn cãi gì nhiều về nơi đến của chúng tôi: dĩ nhiên là Normandie, còn chỗ nào khác nữa? Chúng tôi sẽ thăm lại các công sự giữa Caen và Cabourg, vì đó là nơi chúng tôi đã gặp nhau trong chiếó khăn duy nhất là việc xin Visa.

Lankes là tay đá xi-măng. Trong việc vung vãi mầu - cũng phải nói rõ rằng đó là loại sơn rẻ tiền hoặc nhiều khi đi xin được - lên những tấm toan chuẩn bị sơ sài, y hoang phí bao nhiêu, thì trong việc tiêu tiền, dù là tiền đồng hay tiền giấy, y lại bủn xỉn bấy nhiêu. Hút thuốc luôn miệng, nhưng không ai thấy y mua lấy một điếu thuốc lá. Một thí dụ điển hình về tính hà tiện có hệ thống của y: hễ có ai cho một điếu thuốc, hắn lại móc ở túi quần trái ra một đồng mười pfennig; giơ lên một thoáng ra ý công nhận, rồi bỏ sang túi quần phải nhập bọn với những đồng khác - số lượng bao nhiêu tùy theo thời gian trong ngày. Như tôi đã nói, y hút suốt ngày và một hôm, đang lúc hồ hởi, y tâm sự với tôi: “Mỗi ngày mình tiết kiệm được khoảng hai mark chỉ nhờ hút thuốc.”

Năm ngoái, Lankes mua được một lô đất bị bom ở Wersten bằng tiền tiết kiệm cách ấy, có nghĩa nhờ những điếu thuốc lá của bạn bè và người quen cho.

Đó, cái tay Lankes đồng hành với Oskar đến Normandie là như thế. Chúng tôi đáp xe lửa - một chuyến tốc hành, cả như Lankes thì cứ làm cái bài vẫy xe đi nhờ cho gọn. Nhưng vì y là khách của tôi và tôi là người trả tiền, nên y đành nhượng bộ. Chúng tôi đi ngang qua những hàng dương đằng sau đó là những đồng cỏ có hàng rào bao quanh. Những chị bò nâu và trắng đem lại cho cảnh đồng quê cái vẻ của một tờ quảng cáo sô-cô-la sữa, mặc dầu nếu nhằm mục đích quảng cáo thì lẽ ra phải xoá đi dấu vết tàn phá của chiến tranh. Các thôn làng, kể cả làng Bavent, nơi tôi đã mất Roswitha của tôi, vẫn đang còn rất hoang tàn.

Từ Cabourg, chúng tôi đi bộ dọc bãi biển đến cửa sông Orne. Trời không mưa. Đến gần Le Home, Lankes nói: “Chúng ta đến nhà rồi, anh bạn. Cho mình xin một điếu nào”. Vừa chuyển đồng tiền từ túi nọ sang túi kia, y vừa vươn cái đầu sói của mình về phía một trong những công sự phòng thủ còn nguyên vẹn giữa những cồn cát. Một tay dài nghêu xách hành trang của mình gồm ba-lô, giá vẽ lư động và cả chục cái khung, tay kia y kéo tôi về phía các khối bê tông. Hành lý của Oskar chỉ có một chiếc va-li và cái trống.

Ngày thứ ba ở trên bờ Đại Tây Dương - trong hai ngày qua, chúng tôi đã dọn sạch cát tràn vào bên trong Dora-7 cũng như những vết tích gớm ghiếc của các cặp trai gái dùng nơi này làm giường chiếu ái ân và đặt túi ngủ cùng một cái hòm vào đó - Lankes mang về từ bãi biển một con cá thu to tướng, quà của mấy người đánh cá thưởng công cho y đã vẽ chiếc thuyền của họ.

Do việc chúng tôi vẫn gọi cái lô cốt này là Dora-7 nên cũng chẳng có gì là lạ nếu Oskar vừa làm cá vừa nghĩ đến Xơ Dorothea. Gan và tinh dịch cá phun đầy cả hai bàn tay tôi. Trong khi đánh vẩy, tôi quay mặt ra ánh sáng, khiến Lankes có cơ hội làm một bức ký họa bằng thuốc nước. Chúng tôi ngồi phía sau lô cốt, khuất gió. Nắng tháng tám rọi xuống vòm mái bê tông. Tôi lấy tỏi ướp cá. Bụng cá, nơi một lát trước là tinh dịch và gan ruột, tôi nhồi bằng hành, phó-mát và húng tây; nhưng tôi không vứt tinh dịch và gan đi vì đó là miếng ngon. Tôi nhét cả hai vào giữa hàm cá, chèn một quả chanh để giữ cho miệng cá mở to. Lankes đi thám thính một vòng. Y biến vào trong Dora-4, Dora-3 và cứ thế tiếp tục suốt lượt. Lát sau, y trở về, mang theo nhiều ván gỗ và mấy cái hộp lớn, bằng các-tông. Các-tông y giữ để vẽ, còn ván dùng làm củi đốt.

Giữ lửa thường xuyên cũng chả khó gì: bãi biển đầy những thanh củi rều khô nhẹ như bấc bị sóng đánh giạt vào, đổ bóng thành nhiều hình, thù khác nhau. Tôi đặt lên trên đống than nóng một mảng chấn song ban-công mà Lankes đã tháo dỡ từ một biệt thự bỏ không bên bãi biển. Tôi lấy dầu ô-liu tẩm cá rồi đặt lên mảng chấn song nóng cũng được rưới dầu trước. Tôi vắt chanh lên mình cá xèo xèo và để nó chín từ từ - nướng cá là không bao giờ nên hấp tấp.

Bàn ăn của chúng tôi là một tấm các-tông lớn đặt lên mấy cái xô. Chúng tôi có dĩa và đĩa đầy đủ. Để cho Lankes đỡ sốt ruột - y cứ lượn quanh con cá như một con hải âu đói mồi - tôi vào lô cấy trống ra. Đặt trống vững chãi trên cát, tôi hoà cùng gió, biến tấu trên những âm thanh của sóng vỗ bờ và nước triều dâng. Đoàn văn công tiền tuyến của Bebra đến thị sát bê tông. Từ Kashubes đến Normandie, Felix và Kitty, hai diễn viên nhào lộn, xoắn vào nhau thành những nút hết cởi ra lại thắt vào trên nóc lô cốt và cất giọng ném vào trong gió một bài thơ mà hai câu điệp khúc của nó, ngay giữa chiến tranh, đã báo trước một thời kỳ êm ấm tiện nghi sẽ đến:

Sống giữa bê tông thép gai

Vẫn mơ về chốn lâu đài

Kitty ngâm bằng cái giọng vùng Saxe và Bebra, nhà thông thái của tôi, đại úy của Đội Tuyên Truyền, gật đầu tán thưởng; và Roswitha, người đẹp Địa Trung Hải Raguna của tôi, xách chiếc giỏ pích-ních lên, bày đồ ăn trên nóc Dora-7; và cả trung sĩ Lankes cũng ăn bánh mì trắng của chúng tôi, uống ca-cao của chúng tôi và hút thuốc lá của đại úy Bebra...

“Này!” Lankes kéo tôi từ quá khứ trở về. “Nay, Oskar! Giá mình có thể vẽ cậu đạt như tiếng trống của cậu! Cho mình xin một điếu.”

Tôi ngừng trống, cho người bạn đồng hành một điếu thuốc, xem xét con cá và thấy là đã chín tới: hai mắt trắng và trong như nước. Tôi chậm rãi vắt một quả chanh cuối cùng lên khắp mình cá không bỏ sót một chỗ nào; lớp da ngoài ửng đều một màu nâu ngon lành, trừ mấy chỗ nứt.

“Tớ đói ngấu,” Lankes nói, nhe hai hàm răng dài nhọn vàng khè và vung cả hai nắm tay, như con vượn, đấm vào ngực qua lần áu sơ mi kẻ ô.

“Đầu hay đuôi?” tôi hỏi và đặt con cá lên một tờ giấy sơn trải trên tấm các-tông thay vì khăn bàn.

“Cậu khuyên tớ thế nào?” Lankes giập thuốc lá và vứt đầu mẩu đ

“Với tư cách là bạn,” tôi nói, “cậu nên lấy khúc đuôi. Với tư cách là đầu bếp, mình chỉ có thể khuyên cậu lấy khúc đầu. Mặt khác, nếu mẹ mình (bà ấy trùm ăn cá) ở đây lúc này, bà sẽ bảo: Cậu Lankes ạ, hãy lấy khúc đuôi rồi cậu sẽ biết mình được cái gì. Một mặt nữa, bác sĩ thường hay khuyên bố mình...”

“Tớ không quan tâm đến bác sĩ,” Lankes nói, vẻ hoài nghi.

“Bác sĩ Hollatz khuyên bố mình bao giờ cũng nên ăn đầu cá thu.”

“Vậy thì tớ sẽ lấy khúc đuôi. Tớ thấy là cậu đang tung hỏa mù cho tớ hoang mang.”

“Càng bở cho Oskar. Đầu chính là cái mình khoái nhất.”

“Được, đã thế, tớ sẽ lấy khúc đầu.”

“Khổ thân Lankes, cậu thấy khó chọn quá, hả?” tôi nói.”Thôi được, khúc đầu phần cậu, mình lấy cái đuôi vậy.” Tôi hy vọng cuộc đối thoại của chúng tôi chấm dứt ở đây.

“Ê, này,” Lankes noi. “Tớ đoán là tớ đã thắng cậu một không.”

Oscar thừa nhận là Lankes đã thắng gã một không. Phải, tôi biết y sẽ ăn không ngon phần của mình nếu không biết chắc rằng y đã thắng tôi một không, bởi đó mới là gia vị thiết yếu. Tôi gọi y là đồ ma lanh ma cuội, đồ con hoang may mắn, rồi chúng tôi bắt đầu đả.

Y vớ lấy khúc đầu. Tôi vắt nốt miếng chanh còn lại lên lớp thịt trắng của khúc đuôi; nó tở ra và mấy củ tỏi mềm như bơ rời ra

Vừa mút kiệt từng chiếc xương, Lankes vừa liếc nhìn tôi và khúc đuôi cá. “Cho mình nếm thử phần đuôi của cậu tí.” Tôi gật đầu, y nếm và có vẻ phân vân mãi cho đến khi Oskar nếm thử một miếng đầu cá và một lần nữa khẳng định rằng như thường lệ, Lankes bao giờ cũng giành được miếng béo bở nhất.

Chúng tôi nhắm vang Bordeaux đỏ với cá. Tôi hơi tiếc: giá trong tách uống cà phê của chúng tôi lúc này là vang trắng thì hơn. Lankes gạt phắt đi, hồi y là một trung sĩ ở Dora-7 này, bọn y chả bao giờ được uống gì khác ngoài vang đỏ. Cả đến khi cuộc đổ bộ bắt đầu cũng vẫn thế. “Chao, lúc ấy, bọn này xỉn hết! Kowalski, Scherbach và cả thằng bé Leuthold đều chẳng nhận thấy có gì không ổn. Bây giờ bọn nó cùng nằm cả ở một nghĩa trang, phía bên kia Cabourg ấy. Mạn kia, gần Arromanches, là quân Anh, còn ở khu vực chúng tôi là bọn Canada, có đến hàng triệu tên. Bọn mình chưa kịp ngoắc dây đeo quần lên, chúng đã xuất hiện, miệng nói: “Hao a iu.”

Lát sau, y vừa nhổ xương cá vừa vung dĩa: “Này, cậu có đoán được mình gặp ai ở Cabourg hôm nay không? Herzog, trung úy Herzog, cái thằng điên mà các cậu gặp trong chuyến thị sát ấy. Cậu còn nhớ hắn ta không?”

Cố nhiên là Oskar có nhớ trung úy Herzog. Vừa tiếp tục ăn, Lankes vừa kể cho tôi hay là năm nào Herzog cũng trở lại Cabourg mang theo bản đồ và dụng cụ đo đạc vì ý nghĩ về những công sự này làm hắn mất ngủ. Hắn cũng dự định ghé qua Dora-7 để đo đạc một chút.

Chúng tôi vẫn còn đang ăn - dần dần xương sống cá đã lộ ra - khi trung úy Herzog xuất hiện. Quần soóc kaki thò hai bắp chân mập, giày ten-nít, một túm lông ngực lộ ra qua cổ sơ mi lụa để mở. Dĩ nhiên là chúng tôi vẫn ngồi. Lankes giới thiệu tôi là Oskar, bạn thời bình và chiến hữu thời chiến của y, và gọi Herzog là trung úy về hưu Herzog.

Viên trung úy về hưu lập tức thị sát Dora-7. Hắn bắt đầu từ ngoài và Lankes không phản đối gì. Herzog ghi đầy những bảng kê và quan sát cảnh quan đất và biển bằng một cái ống nhòm. Rồi hắn vuốt ve những lỗ châu mai của Dora-6 một lúc, âu yếm như mân mó vợ mình. Khi hắn ngỏ ý muốn thị sát bên trong Dora-7, biệt thự của chúng tôi, nhà nghỉ hè của chúng tôi, Lankes không chịu: “Herzog này, ông mắc chứng gì thế? Mà cứ quanh quẩn lọ mọ với đám bê tông này? Nếu là mười năm trước thì còn là thời sự, chứ giờ thì passé[85] rồi.”

“Passé” là từ ưa thích của Lankes. Y có thói quen chia mọi sự trên đời làm hai loại: thời sự và passé. Nhưng viên trung úy về hưu thì không cho cái gì là passé cả; theo hắn, các báo cáo, tường trình còn chưa rõ ràng, nhiều con số cần được đính chính lại, con người cần phải luôn luôn xác định lại mình trước sự phán xét của Lịch sử và chính vì thế nên hắn muốn thị sát bên trong Dora-7. “Lankes, tôi hy vọng là tôi đã nói rõ để anh hiểu.”

Bóng Herzog đổ vắt qua “bàn ăn” với món cá của chúng tôi. Hắn định đi vòng qua chúng tôi để tới cửa vào lô cốt mà phía trên vẫn còn mang những trang trí bằng bê tông do bàn tay sáng tạo của trung sĩ Lankes.

Nhưng Herzog không đi quá được “bàn ăn” của chúng tôi. Đứng phắt dậy, tay vẫn nắm dĩa nhưng không dùng đến nó, Lankes đẩy trung úy về hưu Herzog ngã sóng soài trên cát. Rồi lắc đầu, tiếc bữa ăn bị gián đoạn, Lankes túm lấy áo sơ mi của viên trung úy, lôi sềnh sệch đến chân cồn cát, để lại một vệt rất thẳng, và ném hắn xuống đó. Hắn biến khỏi tầm mắt tôi, nhưng ngán thay, tôi vẫn nghe thấy tiếng hắn. Hắn thu nhặt những dụng cụ đo đạc mà Lankes ném theo và vừa đi khỏi vừa lầm bầm rủa, gọi hồn mọi bóng ma lịch sử bị Lankes vứt bỏ coi là passé

“Hắn tuy là một thằng điên nhưng không phải hoàn toàn không có lý,” Lankes nói. “Nếu bọn này không quá say xỉn khi bắt đầu nổ súng thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra với bọn lính Canada kia.”

Tôi chỉ còn biết gật đầu đồng tình: ngay ngày hôm trước, tôi đã vớ được trong một cái mai cua rỗng một bằng chứng lịch sử hùng hồn - một chiếc khuy từ một bộ quân phục Canada. Mừng như bắt được một đồng tiền cổ quý hiếm, Oskar cất biến chiếc khuy vào trong ví.

Mặc dù ngắn ngủi, cuộc đến thăm của trung úy Herzog đã gợi lại nhiều kỷ niệm. “Cậu có nhớ không, Lankes, khi đoàn văn công của bọn mình đến thăm công sự bê tông của cậu, chúng ta đã cùng ăn điểm tâm trên nóc lô cốt? Gió thổi nhè nhẹ, y như hôm nay. Và đột nhiên, có sáu, bảy nữ tu sĩ đi bắt cua giữa đám “măng tây Rommel” và cậu được lệnh phải “dọn sạch” bãi biển và cậu đã chấp hành bằng một cây súng máy.”

Phải, Lankes nhớ (y vẫn mút xương). Thậm chí y còn nhớ tên nhiều người trong đó: Xơ Scholastica, Xơ Agneta... y mô tả cô nữ tu mới có khuôn mặt hồng hào nhỏ nhắn với rất nhiều đen bao quanh. Bức chân dung y dựng lên sinh động đến nỗi nó che lấp một phần - nhưng chỉ một phần thôi - hình ảnh, luôn hiện diện trong trí tôi, của một nữ y tá và nữ tu không thuộc cộng đồng giáo sĩ: Xơ Dorothea của tôi. Mấy phút sau - tôi chưa ngạc nhiên đến mức gọi đây là một phép mầu - một nữ tu sĩ trẻ từ mạn Cabourg băng qua các cồn cát đi về phía chúng tôi. Khuôn mặt hồng nhỏ nhắn với rất nhiều đen bao quanh, không cách nào lẫn được.

Nàng che nắng bằng một chiếc dù đen giống như loại các ông già thường mang. Cong cong phía trên mắt nàng một vành lưỡi trai bằng xe-lu-lô-ít màu xanh, dữ dằn như kiểu các đạo diễn phim ở Hollywood thường mang. Có ai đó giữa những cồn cát gọi nàng, vẻ như cố nhiều nữ tu khác ở quanh đây. “Xơ Agneta!” người kia gọi. “Xơ Agneta, Xơ đang ở đâu?”

Và Xơ-Agneta nhỏ nhắn mà chúng tôi có thể nhìn thấy bên trên chiếc xương sống cá, trả lời: “Em ở đây, Xơ Scholastica. Chỗ này không có gió.”

Lankes cười toét miệng và đắc trí gật cái đầu chó sói của y cứ như thể chính y đã làm nên cuộc diễu hành Thiên Chúa Giáo này, như thể không gì trên đời này có thể làm y sửng sốt vậy.

Nữ tu sĩ trẻ chợt trông thấy chúng tôi và dừng sững lại bên lô cốt. “Ôi!” khuôn mặt hồng hồng ngớ ra, để lộ hai hàm răng hoàn hảo tuy có hơi nhô ra.

Lankes ngoảnh, đầu và cổ nhưng thân mình vẫn khống động đậy: “Thế nào, Xơ đi dạo đấy ư?”

Câu trả lời đến rất nhanh: “Tu viện chúng tôi mỗi năm ra bờ biển một lần. Nhưng với tôi, đây là lần đầu tiên. Trước đây tôi chưa bao giờ thấy đại dương. Thật rộng lớn biết bao!”

Điều đó thì quả là không thể phủ nhận. Cho đến nay, tôi vẫn coi những lời nàng mô tả đại dương là duy nhất chính xác.

Lankes đóng vai chủ nhân, xắn vào phần cá của tôi một miếng mời nàng: “Xơ có thử một chút cá nướng không? vẫn còn nóng mà.”

Tôi ngạc nhiên thấy y nói tiếng Pháp lưu loát thế và Oskar cũng thử năng lực ngoại ngữ của mình:

“Không việc gì phải lo. Hôm nay là thứ sáu mà.” Nhưng ngay cả việc nhắc khéo đến luật lệ dòng tu của nàng cũng không khích được cô gái khéo giấu mình trong bộ đồ tu hành quyết định chia sẻ bữa ăn với chúng tôi.

“Trước nay các ông vẫn ở đây đấy ư?” mò hỏi. Nàng thấy cái lô cốt của chúng tôi đẹp và hơi ngồ ngộ. Nhưng rồi chẳng may, bà mẹ nhất và năm nữ tu khác, tất cả đều dù đen và vành lưỡi trai xanh, xuất hiện trên đỉnh cồn cát. Agneta chạy vội đi. Theo tôi hiểu qua những tiếng gắt gỏng ngắt đoạn bởi ngọn gió đông, thì nàng bị mắng té tát và bắt trở lại khuôn phép.

Lankes mơ màng. Y đưa chiếc dĩa lộn ngược vào miệng và trân trân nhìn đám người dập dờn trên cồn cát. “Đó không phải những nữ tu mà là những chiếc thuyền buồm.”

“Thuyên buồm thì phải trắng chứ,” tôi cãi.

“Đó là những thuyền buồm đen.” Cãi lý với Lankes không phải là dễ. “Mé ngoài cùng bên trái là thuyền đô đốc. Agneta là một thuyền hộ tống cao tốc. Trời thuận gió. Đội hình hàng dọc. Từ lá buồm tam giác nhỏ phía trước cho đến cột đằng lái, cột chính, cột giữa, cột đằng mũi, tất cả đều căng buồm, hướng tới chân trời và nước Anh. Thử nghĩ coi: sáng mai, bọn Anh thức dậy, nhìn ra cửa sổ và thấy gì? Hai mươi lăm ngàn nữ tu sĩ, tất cả đều rợp cờ. Và đây, loạt súng đầu tiên...”

“Một cuộc chiến tranh tôn giáo mới,” tôi đỡ lời y. Thuyền đô đốc, tôi gợi ý, nên đặt tên là Mary Stuart hay De Valera, hay hơn nữa là Don Juan. Một Armada[86] mới, cơ động hơn trả thù cho Trafalgar. Khẩu hiệu xung trận là “Giết sạch bọn Thanh giáo!” và lần này thì bọn Anh không có sẵn một Nelson[87]. Hãy bắt đầu cuộc đổ bộ. Anh Quốc không còn là một cái đảo.

Cuộc trò chuyện trở nên quá chính trị đối với Lankes. Y ngắt lời tôi:

“Này, các mụ nữổ máy đi thẳng rồi.”

“Căng buồm,“ tôi sửa lại.

Dù nổ máy hay căng buồm thì họ cũng đang dập dờn trôi về phía Cabourg, tay giương dù che nắng. Chỉ có một người tụt lại sau một tí chút, cúi xuống nhặt một vật gì rồi lại bỏ đấy. Phần còn lại của hạm đội từ từ lướt đi ngược chiều gió về phía những phế tích của khách sạn bãi biển.

“Có vẻ như nàng bị hỏng bánh lái hoặc không nhổ neo được,” Lankes vẫn níu giữ những hình tượng hàng hải của mình. “Này, hình như là Agneta, con thuyền hộ tống nhỏ cao tốc.”

Dù là thuyền hộ tống hay gì gì nữa, đó cũng đích thị là Agneta; nàng nữ tu mới đang tiến về phía chúng tôi, vừa đi vừa nhặt vỏ ốc biên và ném đi một số.

“Xơ nhặt cái gì ở đằng ấy đấy?” Lankes thừa thấy là nàng đang nhặt gì.

“'Vỏ ốc biển,” nàng phát âm mấy tiếng đó rất rõ và lại cúi xuống.

“Xơ được phép làm thế ư? Đó chẳng phải là những của cải trần tục sao?”

Tôi đỡ lời Xơ Agneta: “Cậu lầm rồi, Lankes. Vỏ ốc biển chẳng có chi là trần tục cả.”

“Dù thế nào đi nữa, bất kể từ đất hay từ biển mà ra, chúng cũng vẫn là của cải, mà đã là nữ tu sĩ thì không được có của cải. Nghèo nàn, nghèo nàn và nghèo nữa, đó là phận của các nữ tu. Tôi nói có đúng không Xơ?”

Xơ Agneta mỉm cười: “Tôi chỉ nhặt mấy cái cho vườn trẻ thôi. Bọn trẻ rất thích chơi vỏ ốc biển. Chúng chưa được ra bờ biển bao giờ. ”

Agneta đứng cạnh cửa vào lô cốt và ném một tia nhìn vụng trộm kiểu nữ tu vào bên trong.

“Xơ thấy căn nhà nhỏ của chúng tôi thế nào?” tôi hỏi, cố làm thân. Lankes thì trực tiếp hơn: “Xơ vào đi, ngó cái biệt thự của chúng tôi một cái. Sẽ không tốn một xu nhỏ nào đâu.”

Đôi giày mũi nhọn của nàng ngọ nguậy dưới chiếc váy dài, hất tung cát để gió tiếp tay rắc lên con cá của chúng tôi. Phần nào mất tự tin, nàng nhìn chúng tôi và cái “bàn ăn” đặt giữa chúng tôi bằng cặp mắt rõ ràng là màu nâu nhạt. “Làm vậy chắc chắn là không phải phép.”

“Thôi nào, Xơ,” Lankes gạt phắt mọi lời phản đối của nàng và đứng dậy. “Có một điểm quan sát thú vị. Xơ có thể nhìn thấy toàn bộ bãi biển qua những lỗ châu mai.”

Nàng vẫn tần ngần. Giày nàng, tôi chợt nghĩ, chắc dầy cát. Lankes khoát tay về phía cửa vào. Họa tiết bê tông của y hắt bóng sắc nét giàu tính trang trí.

Có lẽ cử chỉ mời mọc ân cần của Lankes đã khiến nàng quyết định vào. “Nhưng chỉ một phút thôi nhé!” Và nàng tót vào trong lô cốt trước cả Lankes.

Y chùi tay vào quần - một động tác điển hình của họa sĩ - và ném về phía tôi một lời dọa dẫm trước khi biến mất: “Liệu hồn, đừng có lấy đi miếng nào ở phần cá của tớ đấy.”

Nhưng Oskar đã đầy một bụng cá rồi. Tôi rời “bàn ăn”, buông thả mình vào gió cát và tiếng gầm gào của biển. Tôi lấy chân khều cái trống lại và nương tiếng trống tìm cách thoát ra khỏi cái cảnh quan bê tông này, cái thế giới công sự này, cái loại “rau” gọi là măng tây Rommel này.

Thoạt đầu, với chút ít thành công, tôi thử đề tài tình yêu. Một thời, tôi cũng đã từng yêu một xơ. Nói cho rành, không phải một nữ tu mà là một nữ y tá, Xơ Dorothea. Nàng ở trọ trong căn hộ của Zeidler, đằng sau một cánh cửa lắp kính mờ. Màng rất đẹp nhưng tôi không bao giờ nhìn thấy nàng. Hành lang nhà Zeidler tối quá. Một tấm thảm xơ dừa xen vào giữa hai chúng tôi.

Sau khi theo chủ đề này đến đoạn kết lỡ dở trên tấm thảm xơ, tôi thử chuyển mối tình đầu của tôi với Maria thành tiết tấu, đem phủ lên bê tông như một loài dây leo mọc nhanh. Nhưng lại thấy Xơ Dorothea hiện ra, xen vào mối tình của tôi với Maria. Một mùi axít cácbôníc từ biên thổi vào, những con hải âu mặc đồng phục nữ y tá vẫy tôi, mặt trời cứ một mực lấp lánh như một chiếc huy hiệu Chữ Thập Đỏ.

Nói thật tình, Oskar lấy làm mừng khi tiếng trống của gã bị ngắt quãng. Xơ Scholastica, tức mẹ nhất, trở lại với năm nữ tu kia. Nom họ mệt mỏi, dù ngả nghiêng thiểu não. “Ông có thấy một nữ tu nhỏ bé đâu không? Cô ta mới tu, còn trẻ măng, trước đây chưa từng thấy biển bao giờ. Chắc hẳn cô ta bị lạc. Xơ Agneta, Xơ ở đâu?”

Tôi chẳng còn cách nào khác là chỉ cho hạm đội nhỏ này xuôi gió về phía cửa sông Orne, Arromanches và cảng Winston, nơi người Anh đã cướp giật của biển cái hải cảng nhân tạo này. Làm sao có đủ chỗ cho tất cả bọn họ trong lô cốt được. Trong một thoáng, tôi phải thừa nhận vậy, tôi đã muốn làm cho Lankes ngã ngửa với cuộc đến thăm bất ngờ của họ, nhưng rồi tình bạn, sự ghê tởm, sự hiểm độc, tất cả hòa làm một, đã xui tôi chỉ ngón tay cái về phía cửa sông Orne. Các nữ tu sĩ tuân theo ngón tay cái của tôi và dần dần biến thành sáu vệt đen bồng bềnh xa dần trên ngọn cồn cát. Tiếng họ rền rĩ gọi “Xơ Agneta, Xơ Agneta” vẳng đến tôi càng lúc càng hòa lẫn với gió để rồi cuối cùng chìm lịm

Lankes ra trước. Lại cái động tác điển hình của họa sĩ: chùi tay vào quần. Y xin tôi một điếu thuốc, đút vào túi áo sơ mi và nhào tới con cá đã nguội lạnh. “Cái trò này nó kích thích con tì con vị,” y vừa nói vừa liếc trộm, đả sang khúc đuôi là phần của tôi. Rồi y nằm ềnh ra dưới nắng.

“Cô ta lúc này hắn là đang khổ sở lắm,” tôi lên giọng kết tội, nhấm nháp hai tiếng khổ sở.

“Làm sao? Có cái gì mà phải khổ sở?”

Lankes không thể quan niệm được cái cách cải thiện quan hệ con người của y lại có thể làm ai khổ sở.

“Giờ cô ta đang làm gì?” tôi hỏi vậy nhưng thực bụng lại muốn hỏi y một điều khác.

“Khâu vá.” Lankes nói, khoa dĩa làm hiệu. “Làm toạc áo có ta chút xíu, bây giờ cô ta phải vá lại. ”

Cô nàng vá áo bước ra khỏi lô cốt. Lập tức nàng giương dù và líu lô vui vẻ, tuy nhiên tôi cảm thấy có chút căng thẳng nào đó. “Góc nhìn thật tuyệt. Thấy toàn bộ bãi biển và cả đại dương nữa.”

Nàng dừng lại bên tàn dư của con cá.

“Tôi ăn được không?”

Cả hai chúng tôi cùng gật đầu.

“Không khí biển làm người ta mau đói,” tôi động viên nàng. Nàng gật đầu, gỡ cá bằng đôi bàn tay sần đỏ, nứt nẻ vì công việc nặng nhọc ở tu viện và tống đầy miệng. Nàng ăn nghiêm trang, vẻ tập trung đăm chiêu, như thể vừa nhai cá vừa nghiền ngẫm về một cái ì nàng vừa nếm trải trước khi ăn.

Tôi nhìn mé dưới mũ trùm đầu của nàng. Nàng đã để cái vành lưỡi trai xanh kiểu ký giả lại trong lô cốt. Những giọt mồ hôi nhỏ, bằng nhau trằn trặn, sắp hàng trên vầng trán nhẵn mịn của nàng; đóng khung trong chiếc mũ trùm trắng hồ bột, vầng trán ấy có một vẻ gì hao hao giống Đức Mẹ Đồng Trinh. Lankes lại xin một điếu thuốc tuy y chưa hút điếu trước. Tôi vứt cho y cả gói. Trong khi y nhét ba điếu vào túi áo sơ mi và cắm một điếu thứ Tư lên miệng, Xơ Agneta quay người, vứt chiếc dù ra xa rồi chạy lên cồn cát - đến lúc đó, tôi mới nhận thấy nàng đã cởi giày từ lúc nào không biết - và biến về phía sóng xô bờ.

“Cứ để cô ta chạy,” Lankes lên giọng tiên tri nói. “Rồi cô ta sẽ trở lại hoặc có thể sẽ không trở lại.”

Tôi chỉ có thể ngồi yên được một lúc nhìn Lankes hút thuốc. Rồi tôi trèo lên nóc lô cốt phóng mắt nhìn ra bãi biển. Nước triều đã dâng lên ngập gần hết bãi biển, chỉ còn chừa lại một khoảng rất nhỏ. “Thế nào?” Lankes hỏi.

“Nàng đang cởi quần áo.” Y chỉ moi được ở tôi có thế. “Có lẽ nàng định bơi một chút cho mát.”

Tôi thấy tắm vào lúc triều lên thế này là nguy hiểm, nhất là ngay sau khi ăn. Nàng đã lội đến đầu gối; lưng cúi về phía trước, nàng dấn mỗi lúc một sâu. Vào cữ này, nước hẳn là chẳng ấm áp gì, nhưng hình như điều đó không làm nàng bận tâm. Nàng bơi, nàng bơi giỏi, nhiều kiểu khác nhau và bổ nhào qua những con sóng.

“Cứ để cô ta bơi, còn cậu hãy xuống khỏi cái lô cốt ấy đi.” Tôi ngoái lại đằng sau và thấy Lankes nằm xoài trên cát, phì phèo hút thuốc. Cái xương sống cá trấn ngự “bàn ăn”, trắng lấp lánh dưới nắng.

Khi tôi ảy xuống, Lankes mở đôi mắt hoạ sĩ và nói: “Lạy Chúa, một bức tranh tuyệt vời! Nữ Tu Sĩ Lúc Triều Dâng.”

“Đồ quái vật,” tôi quát. “Ngộ nhỡ nàng chết đuối thì sao?”

Lankes nhắm mắt lại: “Thì ta gọi nó là: Nữ Tu Sĩ Chết Đuối.”

“Và nếu nàng trở lại và phục xuống dưới chân cậu?”

Mắt mở to, gã họa sĩ mần tuồng: “Thì cả nàng lẫn bức tranh sẽ được đặt tên là Nữ Tu Sĩ Sa Ngã.”

Với y, bao giờ cũng là cực này hay cực kia, đầu hay đuôi, chết đuối hay sa ngã. Y lấy hết thuốc lá của tôi, ném viên trung úy về hưu khỏi cồn cát, ăn phần cá của tôi, dẫn một cô gái nhỏ dành cho Chúa vào bên trong một cái lô cốt, và trong khi nàng còn đang bơi ngoài biển, khua bàn chân to cục mịch phác thảo hàng loạt tranh trong không khí. Thậm chí y còn đặt sẵn tên và định khổ trước: Nữ Tu Sĩ lúc Triều Dâng, 260cm X 160cm, Nữ Tu Sĩ Chết Đuối, Nữ Tu sĩ Sa Ngã, Hai Mươi Lăm Nghìn Nữ Tu Sĩ. Nữ Tu Sĩ ở Trafalgar. Nữ Tu Sĩ Đánh Bại Tử Tước Nelson. Nữ Tu Sĩ Chống Chọi với Gió. Nữ Tu Sĩ trước Gió. Rất nhiều đen; trắng lem nhem và xanh lạnh. Cuộc Đổ Bộ hay Man Rợ, Huyền Bí, Chán Ngắt.

Và khi chúng tôi trở về vùng Rhine, Lankes đã thực sự bắt tay vào vẽ những bức tranh đó, khổ thấp-rộng ngang hoặc cao-hẹp ngang. Y vẽ hàng loạt nữ tu sĩ, kiếm được một tay lái tranh rất mê tranh nữ tu sĩ, triển lãm bốn mươi ba bức về đề tài này, bán được mười bảy bức cho các nhà sưu tầm, doanh nghiệp, bảo tàng và một người Mỹ. Một số nhà phê bình nghệ thuật thậm chí còn cho là có thể ví y, Lankes, với Picasso.

Chính thành công của Lankes đã thuyết phục tôi phải lục tìm tấm danh thiếp của Ts Dösch, ông bầu hoà nhạc, bởi lẽ không phải chỉ có nghệ thuật của Lankes là kêu gào đòi bánh mì. Đã đến lúc Oskar, nghệ sĩ trống lên ba, cũng phải chuyển những kinh nghiệm thời chiến cũng như thời tiền chiến thành những đồng tiền vàng loẻng xoẻng của thời hậu chiến.

NGÓN TAY ĐEO NHẪN

“Thế đấy,” Zeidler nói. “Vậy là các cậu quyết định thôi không làm việc nữa.” Điều làm ông rầu lòng là Klepp và Oskar cứ ngồi cả ngày chẳng làm gì trong phòng của Klepp hoặc của Oskar. Tôi đã trả tiền thuê tháng mười cho cả hai phòng bằng số còn lại từ khoản tiền ứng trước của Ts Dösch, nhưng tiền đồ tài chính cũng như các mặt khác cho tháng mười một xem ra thật ảm đạm.

Tuy nhiên, chúng tôi có ối nơi mời chào. Một số vũ trường và câu lạc bộ đêm muốn thuê chúng tôi. Nhưng Oskar chán ngấy chơi nhạc jazz rồi. Điều đó gây một sự căng thẳng trong quan hệ của tôi với Klepp. Klepp bảo phong cách mới của tôi chẳng có gì liên quan với jazz cả. Hắn nói đúng và tôi không phủ nhận. Hắn nói tôi không trung thành với lý tưởng nhạc jazz. Đầu tháng mười một, Klepp được một người chơi bộ gõ mới, một tay cừ là đằng khác, tên là Bobby ở tiệm Kỳ Lân, đồng thời nhận được một hợp đồng ở Khu Phố cổ. Sau đó, chúng tôi lại là bạn thân thiết mặc dầu bấy giờ Klepp đã bắt đầu nói theo luận điệu cộng sản, tuy thực bụng hắn có suy nghĩ thế không thì tôi chưa dám chắc.

Cuối cùng, tôi chỉ còn một cửa duy nhất là Ts Dösch. Dù có muốn, tôi cũng không thể quay về sống với Maria: Stenzel đang đâm đơn xin ly hôn với ý đồ biến Maria của tôi thành một bà Maria Stenzel. Thi thoảng tôi khắ một tấm bia cho Korneff hoặc tạt vào Trường Mỹ thuật để được bôi đen kịt hoặc trừu tượng hóa trên giấy hay trên toan. Khá nhiều lần tôi đến thăm Ulla, nhưng không nhằm ý đồ cụ thể gì; ít lâu sau khi chúng tôi từ Phòng tuyến Đại Tây Dương trở về, nàng đã buộc phải cắt đứt lời đính ước với Lankes vì y chẳng làm gì khác ngoài việc vẽ các nữ tu sĩ, thậm chí không còn muốn bợp tai Nàng Thơ Ulla nữa.

Tấm danh thiếp của Ts Dösch nằm với tiếng kêu gọi câm lặng của nó trên bàn tôi, bên cạnh cái bồn tắm. Một hôm, sau khi quyết định là không cần gì đến Ts Dösch nữa, tôi xé nó và vứt đi. Tôi kinh hoàng phát hiện ra rằng địa chỉ và số điện thoại trên tấm các ấy đã khắc sâu vào trí nhớ của mình từ lúc nào rồi. Tôi có thể đọc thuộc lòng chúng như đọc một bài thơ. Không những tôi có thể mà tôi còn đọc lên thật sự nữa. Cứ thế liền trong ba hôm. Ban đêm, cái số điện thoại làm tôi mất ngủ. Sáng hôm thứ Tư, tôi đến trạm điện thoại gần nhất. Dösch nói như thể lúc nào cùng chờ tôi gọi đến và đề nghị tôi ghé qua trụ sở ngay chiều nay. Ông muốn giới thiệu tôi với sếp. Thực tế, sếp đang muốn gặp tôi.

Hãng hòa nhạc “Phương Tây” đặt trụ sở trên tầng tám một tòa nhà công vụ mới xây. Sàn rải thảm đắt tiền, crôm bóng loáng khắp chỗ, hệ thống ánh sáng gián tiếp, cách âm, những cô thư ký chân dài thoăn thắt lướt qua tôi trong sột soạt áo váy lụa thoang thoảng mùi khói xì-gà của sếp. Chỉ thêm hai giây nữa, khéo tôi đến phải chuồn mất.

Ts Dösch dang rộng tay đón tôi; cũng may mà ông ta không thực sự ôm hôn tôi. Bên cạnh ông, một cô áo thun xanh đang đánh máy. Khi tôi bước vào, cái máy chữ ngừng nhưng gần như ngay lập tức, lại tăng tốc độ để bù lại thời gian đã mất. Dösch báo với sếp là tôi đã đến. Oskar ngồi lên phần sáu mép ngoài bên trái của một chiếc ghế bành lớn bọc da màu đỏ Ăng-lê. Một cái cửa xếp mở ra, cái máy chữ nín thở, một sức mạnh ẩn tàng xốc tôi đứng dậy, những cánh cửa đóng lại sau lưng tôi, một tấm thảm trôi qua căn phòng rộng sáng trưng, chở tôi về phía cho đến khi một cái mặt bàn gỗ sồi rộng mênh mông được đỡ bởi những ống thép bảo tôi rằng: giờ đây Oskar đang đứng trước bàn giấy của sếp - không biết ông ta nặng mấy tạ? tôi tự hỏi. Tôi ngước cặp mắt xanh tìm sếp đằng sau cái mắt bàn gỗ sồi hoàn toàn trống trơn và thấy trong một chiếc ghế-xe lăn có thể nâng cao hạ thấp và ngả ra sau như một chiếc ghế nha sĩ, ông thày và bạn Bebra của tôi, liệt toàn thân, chỉ còn cặp mắt và những đầu ngón tay là, sống động.

Ôi, đội ơn Chúa, ông vẫn còn giọng! Và cái giọng ấy nói thế này: “Vậy là chúng ta lại gặp nhau, me-xừ Matzerath. Cách đây bao năm, khi chú còn thích đương đầu với thế giới từ cái tầm cao ba tuổi của chú, ta đã chẳng nói: những người như chúng ta không thể mất nhau đó sao? Duy có điều ta rất lấy làm tiếc mà nhận thấy rằng chú đã thay đổi kích thước của mình một cách căn bản không hợp lý và bất lợi. Chẳng phải trước kia chú chỉ cao vừa vặn có chín mươi tư phân sao?”

Tôi gật đầu, nước mắt lưng tròng. Bức tường đằng sau ghế-xe lăn của thầy - chạy bằng một mô-tơ điện phát ra một tiếng ro ro nhỏ và rền - chỉ có độc một tấm hình: một ảnh chân dung bán thân bằng kích cỡ thật của Roswitha, nàng Raguna vĩ đại của tôi, trong một cái khung phong cách ba-rốc. Bebra không cần theo luồng mắt tôi cũng biết tôi đang nhìn gì. Môi ông, khi ông nói, vẫn gần như không động đậy: “À, phải, Roswitha của chúng ta! Không biết, nếu còn sống, nàng có thích anh chàng Oskar mới của chúng ta không nhỉ? Ta nghĩ là không nhiều lắm. Nàng yêu một Oskar khác kia, một Oskar ba tuổi má bầu bĩnh như một thiên thần mà sao nồng cháy ái ân đến thế! Nàng tôn thờ cậu ta - nàng luôn miệng nói với ta thế không biết chán. Nhưng rồi một hôm, cậu ta không chịu mang đến cho nàng một tách cà phê; tự nàng phải đi lấy và thiệt mạng. Và nếu ta không nhầm thì đó không phải là tội sát nhân duy nhất mà cậu bé thiên thần Oskar của chúng ta gây ra. Chẳng phải là cậu ta đã đánh trống đưa mẹ tội nghiệp của mình xuống mồ sao, đúng thế không?”

Tôi gật đầu. Tôi ngước nhìn Roswitha, đội ơn Chúa, tôi có thể khóc. Bebra lấy đà cho cú đòn tiếp theo. “Và còn Jan Bronski, thư ký bưu chính, mà cậu bé Oskar ba tuổi ưa gọi là ông bố giả định? Oskar nộp ông cho bọn đao phủ bắn chết. Và bây giờ, me-xừ Oskar Matzerath, người đã cả gan thay hình đổi dạng, có lẽ bây giờ chú có thể nói cho ta hay ông bố giả định thứ hai của chú, Matzerath chủ hiệu tạp hóa, giờ ra sao rồi?”

Một lần nữa tôi nhận tội. Tôi thừa nhận rằng tôi đã giết Matzerath bởi vì tôi muốn rũ bỏ ông và kể cho quan tòa của tôi hay tôi đã làm ông nghẹt thở đến chết như thế nào. Tôi không trốn sau một khẩu tiểu liên Nga nữa, mà nói: “Chính là em, thưa thày Bebra. Em đã làm thế. Cả cái tội ác đó cũng do em, em không hề vô tội đối với cái chết đó. Xin hãy rủ lòng thương!”

Bebra cười, tôi không hiểu vì cái gì. Chiếc ghế đẩy của ông rung lên, một làn gió từ đâu thổi bù mái tóc quỷ lùn xoã trên hàng chục vạn nếp nhăn tạo thành gương mặt ông.

Một lần nữa tôi cầu xin lòng thương, nạp vào giọng mình một chất dịu ngọt mà tôi biết là hiệu nghiệm và phủ mặt bằng đôi bàn tay mà tôi biết là đẹp và dễ gây xúc động: “Hãy thương em, thày Bebra thân yêu! Xin hãy rủ lòng thương! ”

Bebra, sau khi đã tự chỉ định là quan tòa phán xử tôi và đã sắm vai một cách hoàn hảo, ấn một nút trên cái bảng điều khiển nhỏ mầu trắng ngà kẹp giữa hai tay và hai đầu gối ông.

Tấm thảm đằng sau tôi chở tới cô gái mặc áo thun xanh mang theo một cặp hồ sơ. Cô bày những giấy tờ đựng trong cặp hồ sơ lên mặt bàn gỗ sồi ngang tầm vai tôi, nghĩa là quá cao để tôi có thể nhìn thấy cụ thể những gì cô bày ra. Rồi cô đưa tôi một cái bút máy: tôi phải mua lòng từ bi của Bebra bằng chữ ký của tôi.

Tuy nhiên, tôi cũng đánh bạo hỏi vài câu. Tôi không thể cứ nhắm mắt mà ký.

“Tài liệu trước mặt chú,” Bebra nói, “là một bản hợp đồng làm việc chuyên môn. Phải ghi tên đầy đủ của chú. Chúng tôi cần biết mình giao dịch với ai. Họ và tên: Oskar Matzerath.”

Ngay sau khi tôi ký xong, tiếng ro ro của mô-tơ điện liền tăng cường độ. Tôi ngước mắt khỏi chiếc bút máy vừa kịp để nhìn thấy chiếc xe lăn chạy xuyên ngang phòng và biến mất qua một cửa trượt.

Quý vị độc giả có thể muốn tin rằng bản hợp đồng sao làm hai bản mang chữ ký của tôi là chứng chỉ bán linh hồn của tôi hoặc buộc tôi làm những tội ác gớm ghiếc. Với sự giúp đỡ của Ts Dösch, tôi chang mấy khó khăn để hiểu rằng tất cả những gì Oskar phải làm chỉ là xuất hiện một mình với cái trống trước công chúng và đánh trống như tôi đã đánh hồi lên ba và mới đây, một lần nữa, ở Hầm Hành của Schmuh. Văn phòng Hòa Nhạc “Phương Tây” đảm nhận tổ chức những chuyến đi - lưu diễn của tôi và lo việc quảng cáo trước cho thích hợp.

Tôi nhận một khoản ứng thứ hai rất xôm để sống và chi dùng trong thời gian tiến hành chiến dịch quảng cáo. Thỉnh thoảng tôi ghé qua văn phòng cho nhà báo phỏng vấn và chụp ảnh. Ts Dösch và cô gái áo thun xanh rất ân cần, nhưng tôi không lần nào gặp lại Thày Bebra nữa.

Ngay cả trước chuyến lưu diễn đầu tiên, tôi đã đủ khả năng để kiếm một chỗ ở tốt hơn. Nhưng tôi vẫn ở lại chỗ Zeidler vì Klepp. Klepp giận tôi về chuyện giao dịch làm ăn với “bọn tư bản”. Tôi cố hết sức xoa dịu hắn nhưng không nhượng bộ và thế là không còn những cuộc rong chơi vào Khu Phố cổ uống bia, nhắm dồi tiết tươi với hành. Thay vào đó, để chuẩn bị cho cuộc sống nay đây mai đó, tôi tự đãi mình những bữa ăn tối sang trọng ở nhà hàng Ga.

Oskar không đủ chỗ để mô tả dài dòng v công của gã. Các áp-phích, bích trương quảng cáo, bơm tôi lên thành một người làm phép lạ, trị bệnh bằng lòng tin, thiếu chút nữa thì thành một Đấng Cứu Thế, tỏ ra hiệu quả khủng khiếp. Tôi khởi đầu ở các thành phố vùng Ruhr, trong những rạp từ nghìn rưỡi đến hai nghìn chỗ ngồi. Đèn sân khấu tập trung rọi vào tôi trong bộ đồ xmôkinh, một mình trên nền màn nhung đen. Tôi chơi trống nhưng công chúng của tôi không phải là những thanh niên mê nhạc jazz. Không, những người đổ xô đến nghe tôi là lớp người từ trung niên trở lên, bao gồm cả các cụ già lụ khụ. Thông điệp của tôi chủ yếu gửi đến những người cao tuổi và họ đáp lại. Họ không ngồi im lặng khi tôi đánh thức cái trống tuổi lên ba của tôi dậy. Họ xả hết niềm khoái thú của mình không phải bằng ngôn ngữ của tuổi họ mà bằng những bi ba bi bô của trẻ lên ba. “Rashu, Rashu!” họ líu lo vậy khi Oskar kể lại bằng trống một đoạn đời kỳ diệu của Rasputin kỳ diệu. Nhưng phần lớn các thính giả của tôi chưa thực sự tới tầm của Rasputin. Thành công lớn nhất của tôi đến từ những tiết mục gợi lại không phải những sự kiện đặc biệt mà là những giai đoạn của thời thơ ấu. Tôi đặt cho các tiết mục đó những cái tên như: Những cái răng đầu tiên của Bé, Cơn ho gà tệ hại, Bít tất ngứa. Nằm mê cháy nhà là tè dầm liền...

Những cái đó hấp dẫn người già. Họ bị cuốn hút hoàn toàn. Lợi họ nhức nhối vì cái răng đầu tiên nứt ra. Hai nghìn ông già bà già ho sù sụ khi trống tôi truyền nhiễm chứng ho gà. Tôi đi tất len cho họ và thế là họ gãi sồn sột. Biết bao ông già bà già đã làm ướt đồ lót của mình và cả nệm ghế mình đang ngồi khi tôi cho bọn trẻ con mê thấy cháy nhà. Một lần - tôi không nhớ chính xác là ở Wuppertal hay Bochum, không, đó là ở Recklinghausen - tôi đến với các thợ mỏ già. Buổi biểu diễn do nghiệp đoàn bảo trợ. Suốt đời họ, tôi nghĩ bụng, những người thợ mỏ già này đã lăn lộn với than đen; chắc chắn họ có thể chịu đựng được một màu đen kinh dị. Thế là Oskar chơi bài Mụ phù thủy đen độc ác và kìa, một nghìn rưởi thợ mỏ già dày dạn đã từng trải qua mọi thử thách: xập hầm, khí nổ, ngập lò, đinh công, thất nghiệp, bỗng rú lên những tiếng thét rùng rợn nhất tô nghe thấy. Những tiếng thét của họ - và đây là lý do khiến tôi kể lại chuyện này - phá tan nhiều ô kính cửa sổ được che rèm rất dày. Một cách gián tiếp, tôi tìm lại được cái giọng diệt thủy tinh của mình. Tuy nhiên, tôi rất ít dùng đến nó: tôi không muốn làm hỏng công việc của mình.

Phải, công việc đang phát đạt. Khi chuyến lưu diễn kết thúc và tôi tính toán với Ts Dösch, hóa ra cái trống thiếc của tôi là một mỏ vàng.

Tôi không hỏi đến ông thày Bebra và thậm chí đã từ bỏ mọi hy vọng gặp lại ông. Nhưng ít bữa sau, Ts Dösch báo cho tôi là Bebra đang đợi tôi.

Cuộc gặp gỡ thứ hai của tôi với ông thày hoàn toàn khác lần trước. Lần này, Oskar không phải đứng trước cái mặt bàn gỗ sồi. Thay vì, tôi ngồi trong một chiếc xe lăn chạy bằng mô-tơ điện được đặt theo kích cỡ của Oskar. Ts Dösch đã thu băng những tường thuật, bình luận của báo chí về chuyến lưu diễn của tôi và mở máy cho Bebra và tôi cùng nghe. Bebra có vẻ hài lòng. Riêng tôi, những lời tâng bốc của báo chí làm tôi bối rối. Họ dựng tôi thành thần tượng, Oskar cùng cái trống của gã đã trở thành người chữa trị cho cả thể xác lẫn tâm hồn. Và điều chúng tôi chữa giỏi nhất là bệnh mất trí nhớ. Thuật ngữ “chủ nghĩa Oskar” xuất hiện lần đầu tiên và, tôi lấy làm tiếc mà thưa, còn trở đi trở lại nhiều lần nữa.

Sau đó, cô áo thun xanh mang trà đến cho tôi và đặt hai viên thuốc lên lưỡi ông thày tôi. Chúng tôi trò chuyện, ông thôi không đóng vai người buôc tội tôi nữa. Lại như bao năm trước ở tiệm cà phê Bốn Mùa, chỉ khác cái là thiếu Signora Roswitha của chúng tôi. Khi tôi không thể không nhận ra là Thày Bebra đã ngủ giữa chừng một câu chuyện dài về quá khứ của tôi, tôi bèn bỏ ra mươi mười lăm phút chơi với chiếc xe lăn của mình, vặn mô-tơ chạy ro ro, băng qua sàn, lượn trái lượn phải. Tôi phải khó khăn mới rời bỏ được cái đồ vật đặc sắc này, những khả năng vô tận của nó đem lại cơ hội cho một tật xấu vô hạ

Chuyến lưu diễn thứ hai của tôi rơi vào mùa Vọng trước Giáng Sinh. Tôi dựa theo đó lập chương trình cho phù hợp và được báo chí tôn giáo, Thiên Chúa cũng như Tin Lành, ca ngợi hết lời. Quả vậy, tôi đã biến được những kẻ lầm lỗi thâm căn cố đế thành một bày trẻ hát những bài thánh ca Giáng Sinh bằng một giọng xúc động, đầy nước mắt. “Jêxu, con sống vì Người; Jêxu, con chết vì Người,” lời hát cất lên từ hai nghìn rưởi tâm hồn già nua mà không ai ngờ còn có được những biểu hiện ngây thơ con trẻ hoặc nhiệt thành tôn giáo như vậy.

Chuyến lưu diễn thứ ba của tôi trùng với dịp lễ hội hóa trang và một lần nữa tôi lại chỉnh đốn chương trình. Không một lễ hội hóa trang gọi là cho “trẻ con” nào có thể vui nhộn hơn, ngộ nghĩnh vô tư hơn những buổi tối trong đó các cụ bà run rẩy biến thành những Carmen và những thiếu nữ da đỏ, trong khi các cụ ông hai tay vẩy súng đòm-đòm, dẫn đầu toán cướp của mình xung trận.

Sau lễ hội hóa trang, tôi ký một hợp đồng với một công ty sản xuất đĩa hát. Việc thu thanh được làm trong những phòng cách âm. Không khí vô trùng ở đó mới đầu có làm tôi cảm thấy gò bó, nhưng rồi tôi đề nghị treo lên tường những bức ảnh khổ rất lớn chụp những ông già bà già như ta thường thấy ở các nhà dưỡng lão và trên ghế đá công viên. Bằng cách tập trung chú ý vào những tấm hình đó, tôi có thể đánh trống với niềm xác tín như trong những phòng hoà nhạc đầy hơi ấm tình người.

Đĩa bán chạy như tôm tươi. Oskar trở nên giàu có. Điều đó có khiến tôi từ bỏ căn phòng tồi tàn vốn xưa là buồng tắm trong căn hộ Zeidler không? Không. Tại sao? Vì Klepp bạn tôi và cũng vì căn phòng trống không đằng sau cánh cửa lắp kính mờ, nơi Xơ Dorothea đã từng sống từng thở. Oskar làm gì với cả đống tiền của mình? Gã đưa ra một đề nghị với Maria, Maria của gã.

Đây là điều tôi nói với ia: Nếu em cho Stenzel về vườn, nếu em không những quên chuyện định lấy lão làm chồng mà còn dứt khoát tống khứ lão ra khỏi cửa, tôi sẽ mua cho em một cửa hàng đặc sản với thiết bị hiện đại. Bởi vì xét cho cùng, Maria thân yêu, em sinh ra để làm ăn buôn bán chứ đâu phải dành cho bất kỳ một lão Stenzel vô tích sự nào.

Tôi đã không lầm về Maria. Nàng bỏ Stenzel và với sự tài trợ của tôi, dựng một cửa hàng đặc sản hạng nhất ở phố Friedrich. Công việc làm ăn phạt đạt và ba năm sau, tức là tuần trước - như Maria hớn hở, và không quên tỏ lòng biết ơn, thông báo với tôi hôm qua - nàng đã mở thêm một chi nhánh ở Ober-Kassel.

Đó là vào lúc tôi trở về từ chuyến lưu diễn thứ Bảy hay thứ tám nhỉ? Tôi chỉ nhớ chắc đó là tháng bảy, trời rất nóng. Từ Ga Trung Tâm, sau khi thoát khỏi vòng vây các ông bà già săn chữ ký, tôi nhảy lên một cái tắc-xi về thẳng văn phòng hoà nhạc và lúc xuống xe, lại rơi vào vòng vây của một số người săn chữ ký khác - những ông bà lẽ ra nên ở nhà trông cháu. Tôi nhờ báo sếp là tôi đã đến. Những cánh cửa gấp mở ra, tấm thảm vẫn đưa tôi đến trước cái bàn rộng mênh mông, nhưng đằng sau bàn, không có Bebra cũng chẳng có xe lăn nào đợi tôi. Chỉ có nụ cười của Ts Dösch.

Bebra chết rồi. Ông chết từ mấy tuần trước. Ông không muốn bọn họ cho tôi biết bệnh tình của ông. Ông đã dặn: không được để bất cứ điều gì, kể cả cái chết của ông, làm ngáng trở chuyến lưu diễn của Oskar. Lát sau, người ta đọc di chúc: phần thừa kế của tôi gồm một khoản tiền khá lớn và bức ảnh chân dung Roswitha treo trên bàn giấy của ông. Đồng thời, tôi cũng bị một tổn thất tài chính nặng: vì không còn bụng dạ nào mà biểu diễn, tôi hủy bỏ không báo trước hai chuyến đi - miền Nam nước Đức và Thụy Sĩ - do vậy bị kiện về tội vi phạm hợp đồng.

Tôi không chỉ tổn thất về tài chính. Cái chết của Bebra là một đòn nặng đối với tôi. Tôi không thể hồi phục lại trong một sớm một chiều. Tôi cất trống vào tủ khóa chặt lại và nằm lì không ra khỏi phòng. Tệ hơn nữa, anh bạn Klepp của tôi lại chọn đúng thời điểm này để cưới vợ; hắn chọn một cô gái tóc đỏ bán thuốc lá làm bạn đời chỉ vì đã có lần hắn tặng cô ta một tấm ảnh của mình. Ít ngày trước lễ thành hôn (mà tôi không được mời đến), hắn trả lại căn phòng và dọn đến Stockum. Oskar trở thành khách trọ duy nhất của Zeidler.

Quan hệ của tôi với Con Nhím đã thay đổi. Giờ đây khi báo chí đăng tên tôi bằng những hàng chữ lớn, ông đối xử với tôi trân trọng. Đổi lại một số tiền lẻ, ông còn cho tôi chìa khóa căn phòng cũ của Xơ Dorothea mà ít lâu sau đó, tôi thuê luôn để ngăn bất kỳ ai khác làm điều đó.

Vậy là nỗi buồn của tôi đã có lộ trình riêng. Tôi mở cửa cả hai phòng, lê thân xác mình từ cái phòng-bồn tắm ra ngoài, đi xuôi tấm thảm xơ dừa đến phòng Dorothea, ngó vào cái tủ quần áo trống không, để cho tấm gương trên bồn rửa mặt nhái mình, tuyệt vọng nhìn cái giường thô không chăn không nệm, rút lui ra hành lang và chạy trốn về phòng mình. Nhưng cả ở đó cũng cô quạnh không chịu nổi.

Hẳn là nhắm vào nhu cầu của những người cô độc, một người Đông Phổ bỏ lãnh địa của mình ở miền Masuria tới đây tỵ nạn, một người có đầu óc kinh doanh dám nghĩ dám làm, đã mở một cửa hàng chuyên cho thuê chó cách phố Jülicher không xa.

Tôi thuê Lux ở đấy, một con chó thuộc giống rottweiler lông đen bóng, lực lưỡng, hơi béo một chút. Tôi bắt đầu làm những cuộc đi dạo với Lux, coi đó là phương án thay thế duy nhất cho lộ trình chạy qua chạy lại giữa cái bồn tắm của tôi và tủ quần áo trống không của Xơ Dorothea.

Lux thường dẫn tôi đến bên bờ sông Rhine, sủa tàu thuyền qua lại. Nó cũng hay dẫn tôi đến Rath, đến rừng Grafenberg, sủa các cặp tình nhân. Cuối tháng 7 năm 1951, nó dẫn tôi đến một khu ngoại ô đã nhanh chóng mất đi tính cách thôn dã của nó nhờ sự hiện diện của một số xí nghiệp trong đó có một nhà máy thủy tinh lớn. Qua khỏi Gerresheim, con đường lượn giữa những vườn rau có hàng rào ngăn cách với những đồng cỏ và đồng lúa (hình như là lúa mạch đen) bên ngoài.

Hình như tôi đã nói là vào cái hôm Lux đưa tôi đến Gerresheim và qua Gerresheim, vào giữa những vườn rau và đồng lúa, trời rất nóng, phải không nhỉ? Khi những ngôi nhà cuối cùng của khu ngoại ô đã ở đằng sau chúng tôi, tôi cởi xích cho Lux chạy rông. Tuy nhiên, nó vẫn bám gót tôi; nó là một con chó trung thành, một con chó trung thành khác thường bởi xét theo tiêu chuẩn chó thuê, nó phải trung thành với nhiều chủ khác nhau.

Nói cách khác, nó quá ngoan ngoãn đối với sở thích của tôi, tôi những muốn thấy nó chạy nhông và thậm chí tôi còn đá nó để xua nó đi. Nhưng khi nó chạy đi, rõ ràng là nó cảm thấy lương tâm cắn rứt. Và nó bèn quay lại, rũ cái đầu đen bóng và ngước nhìn tôi bằng cặp mắt chó trung thành đã đi vào ca dao tục ngữ.

“Chạy đi, Lux,” tôi ra lệnh. “Nhổng đi!”

Lux tuân lệnh mấy lần nhưng lần nào cũng chỉ được một thoáng ngắn ngủi đến nỗi cuối cùng, tôi thấy khoan khoái khi thấy nó biến vào cánh đồng lúa mạch đen và ở lì trong đó. Chắc Lux đuổi theo một con thỏ, tôi nghĩ. Hoặc giả có thể đơn giản là nó cảm thấy cần được một mình, được là một con chó, cũng như Oskar đây đang muốn là một con người không có chó nào ở bên, dù chỉ là trong chốc lát.

Tôi chẳng để ý gì đến xung quanh, cả những vườn rau, cả Gerresheim cũng như cái thành phố đồng bằng đằng sau màn sương mù đều không thu hút mắt tôi. Tôi ngồi xuống một cái trụ gang gỉ từng dùng để quấn dây cáp - từ đây trở đi, tôi sẽ gọi nó là trống cáp; bởi vì vừa ngồi một cái, Oskar đã lấy đốt ngón tay gõ lên trống cáp. Trời nóng thiêu. Bộ com-lê của tôi quá ngốt đối với thời tiết như thế này. Lux đã chạy đi và chưa quay trở lại. Dĩ nhiên, không một thứ trống cáp gang nào có thể thay thế cái trống thiếc nhỏ của tôi, nhưng mặc dù thế, tôi vẫn dần dà trôi ngược về quá khứ. Khi tôi mắc kẹt, có nghĩa khi những hình ảnh của mấy năm gần đây, đây những bệnh viện và nữ y tá, cứ một mực trở đi trở lại, tôi liền nhặt hai nhành cây khô và tự nhủ: Hãy chờ một phút, Oskar. Thử xem mày là ai và mày từ đâu tới nào. Và đây, chúng hừng lên, hai cái bóng điện sáu mươi oát lúc tôi ra đời. Giữa hai bóng đèn, chú bướm đêm đánh trống. Đằng xa, cơn giông xê dịch đồ đạc. Tôi nghe thấy Matzerath nói rồi một lát sau, tiếng mẹ tôi. Matzerath hứa cho tôi một cửa hàng, mẹ tôi thì hứa cho đồ chơi; khi nào lên ba, tôi sẽ được một cái trống và thế là Oskar cố làm sao cho ba năm trôi qua thật nhanh. Tôi ăn uống, ỉa đái, lên cân, để cho mọi người bế ẵm, cân kẹo, quấn tã, tắm rửa kỳ cọ, xoa phấn, tiêm chủng và trầm trồ ngắm nghía. Tôi để họ gọi mình bằng tên, cười mỉm theo yêu cầu, cười thành tiếng khi cần thiết, đi ngủ và thức dậy đúng giờ giấc, và khi ngủ phô bộ mặt mà người lớn gọi là mặt thiên thần. Tôi bị đi ỉa chảy mấy lần, cảm lạnh mấy lần, mắc chứng ho gà khá lâu bởi tôi níu giữ nó và chỉ rời ra khi đã nắm vững cái tiết tấu rất khó của nó, tích nhập nó mãi mãi vào trong cổ tay vì, như quý vị biết đấy, “Ho gà” là một cái đinh trong bảng tiết mục của tôi và khi Oskar trình diễn “Ho gà” trước một cử tọa hai nghìn người, thì cả hai nghìn ông bà già đều đồng loạt ho khan hàng tràng không dứt.

Lux ư ử dưới chân tôi, cọ mình vào đầu gối tôi. Ôi, cái con chó thuê mà tôi đã thuê để đánh lừa nỗi cô đơn của mình! Nó đứng đó, bốn chân, vẫy đuôi, dứt khoát là chó, với cái nhìn chó và ngậm một cái gì đó nơi mõm đầy nhớt dãi: một cái que, một hòn đá hay bất kỳ cái gì có thể là hay ho đối với một con chó.

Thời thơ ấu của tôi, thời thơ ấu mang nặng ý nghĩa đối với tôi, từ từ truội đi. Cảm giác đau nhức trong lợi, báo hiệu những cái răng đầu tiên, tan dần. Mệt mỏi, tôi ngả người ra sau; một người trưởng thành, lưng gù, ăn mặc kiểu cách tuy hơi quá ấm, có đồng hồ đeo tayấy tờ căn cước và một sấp giấy bạc trong ví. Tôi cắm một điếu thuốc vào giữa đôi môi, đưa một que diêm lên châm lửa và giao phó cho thuốc lá nhiệm vụ xua khỏi miệng cái vị đầy ám ảnh của tuổi thơ.

Còn Lux thì sao? Lux lại cọ mình vào tôi. Tôi đẩy nó ra và thổi khói thuốc lá vào mặt nó. Nó không thích thế nhưng vẫn đứng nguyên chỗ, tiếp tục cọ vào tôi. Nó liếm tôi bằng mắt. Tôi dõi nhìn những hàng dây điện tín gần đấy tìm chim sẻ mà tôi coi là phương thuốc chống những con chó quấy rầy. Nhưng không có con sẻ nào và Lux không chịu rời. Nó giũi mõm vào giữa hai ống quần tôi, tìm đúng chỗ ấy, chính xác như thể tay chủ người Đông Phổ đã huấn luyện đặc biệt cho nó cái ngón ấy.

Tôi giáng cho nó hai cú gót giày. Nó lùi ra khoảng một mét và run rẩy đứng bốn chân đó, nhưng vẫn tiếp tục vươn về phía tôi cái mõm với chiếc que hay hòn đá gì đó, một cách khăng khăng như thể cái nó đang ngậm trong miệng không phải là cải que hay hòn đá, mà là cái ví (nó vẫn cồm cộm trong tui vét tông của tôi) hay cái đồng hồ (vẫn đang tích tắc ỏ cổ tay tôi đây).

Vậy thì nó đang giữ cái gì? Cái gì quan trọng đến thế khiến nó nhất thiết phải trình cho tôi xem?

Tôi moi giữa hai hàm răng âm ấm của nó và tôi đã có vật đó trong tay. Tôi biết mình đang cầm cái gì nhưng vờ làm vẻ bối rối như thể đang tìm chữ để gọi tên cái vật mà Lux đã mang từ ruộng lúa mạch về cho tôi.

Có nhưng bộ phận cơ thể con người mà ta có thể xem xét dễ dàng hơn, chính xác hơn khi nó được tách rời khỏi trung tâm. Đó là một ngón tay. Một ngón tay phụ nữ. Một ngón tay đeo nhẫn. Một ngón tay đeo nhẫn của phụ nữ. Một ngón tay phụ nữ có đeo một chiếc nhẫn đẹp. Ngón tay đã bị chặt ở giữa xương khu bàn tay và khớp ngón thứ nhất, độ gần hai phân dưới chiếc nhẫn, vết chặt gọn ghẽ, lộ rõ gân của cơ duỗi.

Đó là một ngón tay đẹp, linh hoạt. Mặt đá trên chiếc nhẫn được gắn chắc bằng sáu cái móng vàng. Tôi lập tức nhận ra đó là loại lục ngọc (điều này về sau được xác nhận là đúng). Mặc dầu dưới đầu móng tay có vệt đất bẩn, như tuồng ngón tay buộc phải cào hoặc xục vào đất, móng tay có vẻ như được sửa tỉa, chăm chút rất cẩn thận. Giờ đây, khi được lấy ra khỏi cái mõm ấm của Lux, ngón tay trở nên lạnh toát. Và cái sắc tai tái vàng bệch của nó càng tăng thêm cảm giác lạnh.

Trong nhiều tháng, Oskar mang trong túi ngực một chiếc mù-soa lụa. Gã đặt ngón tay đeo nhẫn lên vuông lụa ấy và nhận xét thấy mặt trong ngón tay từ dưới lên khớp thứ ba, có những đường chứng tỏ đây đã từng là một ngón tay lao động cần cù với một ý thức kiên định về bổn phận.

Sau khi gói ngón tay vào chiếc mù-soa, tôi đứng dậy khỏi chiếc trống cáp, vuốt nựng cổ Lux và lên đường về nhà, tay phải cầm chiếc mù-soa bọc ngón tay, dự định làm điều gì đó với vật vừa bắt được. Tôi đi tới hàng rào một khu vườn gần đấy. Đó chính là lúc Vittlar cất tiếng nói với tôi: nằm trên một chạc cây táo, từ nãy hắn đã quan sát tôi và con chó.

CHUYẾN XE ĐIỆN CUỐI CÙNG HAY THỜ CÚNG MỘT CÁI BÌNH

Chà, cái giọng ấy - the thé, ngạo nghễ, kiểu cách! Mà hắn lại nằm ềnh trên chạc một cây táo nữa chứ. “Ông có con chó nhỏ hay thật,” hắn nói.

Tôi hơi ngỡ ngàng: “Ông làm gì trên ấy”

Hắn uể oải vươn vai: “Đây chỉ là những trái táo để nấu thôi, tôi đảm bảo với ông thế, ông không việc gì mà sợ.”

Hắn đã bắt đầu làm tôi khó chịu: “Ai cần biết ông có loại táo gì? Và ông nghĩ là tôi sợ cái gì?”

“À, thế đấy!” Cái giọng the thé của hắn gần như một tiếng rít. “Là vì ông có thể tưởng lầm tôi là con Rắn ở vườn Địa Đàng bởi từ thời đó đã có thứ táo để nấu.”

Tôi, cáu kỉnh: “Cái thứ ngụ ngôn tầm phào”

Hắn, giảo quyệt: “Tôi đồ rằng ông nghĩ chỉ có táo ăn tươi mới bõ bèn để người ta phạm tội, phải không?”

Tôi sắp sửa bỏ đi. Tôi không mảy may muốn bàn cãi về các loại táo ở vườn Địa Đàng. Bấy giờ, hắn bèn lẹ làng nhảy từ trên cây xuống, thử một phương án tiếp cận trực tiếp hơn. Hắn đứng bên hàng rào, cao và lả lướt: “Con chó của ông tìm thấy cái gì trong ruộng lúa mạch?”

Không hiểu sao tôi lại nói: “Một hòn đá.”

“Và ông gói hòn đá bỏ vào trong túi? Chao, hắn định thẩm vấn tôi chăng!

“Tôi thích mang đá trong túi.”

“Tôi thấy nó có vẻ giống một cái que hơn.”

“Cũng có thể thế. Nhưng tôi vẫn nói đó là một hòn đá.”

“A-ha! Vậy đó là một cái que?”

“Này chứ tôi bất cần: que hay đá, táo nấu hay táo tươi....”

“Một cái que nhỏ mềm?”

“Con chó muốn về nhà. Tôi phải đi đây.”

“Một cái que có màu da thịt?”

“Ông hãy lo chăm chút những quả táo của ông thì hơn. Đi nào, Lux!”

“Một cái que mềm nhỏ, màu da thịt, đeo một chiếc nhẫn?”

“Ông muốn gì tôi nào? Tôi chỉ là một người dắt chó di dạo. Một con chó tôi mượn để đi dạo cùng tôi.”

“Tuyệt. Này, tôi cũng muốn mượn một cái gì đó. Liệu ông có thể cho tôi đeo thử chiếc nhẫn xinh đẹp kia một giây thôi, chiếc nhẫn lấp lánh trên cái que và biến nó thành một ngón tay đeo nhẫn? Tên tôi là Vittlar, Gottfried von Vittlar. Tôi là người cuối cùng của dòng họ chúng tôi.”

Như vậy đó tôi và Vittlar bắt quen với nhau. Trước khi ngày tắt, chúng tôi đã thành bạn và đến nay tôi vẫn gọi hắn là bạn tôi. Mới cách đây mấy hôm thôi, khi hắn vào thăm tôi, tôi nói: “Gottfried thân mến, mình rất mừng rằng người tố cáo mình với cảnh sát là cậu chứ không phải là một thằng cha căng chú kiết nào khác.”

Thiên thần, nếu có thật, ắt phải giống như Vittlar: dài, thướt tha, linh hoạt, ẻo lả, sẵn sàng ôm cái cột đèn cằn cỗi nhất hơn là một cô gái sôi nổi.

Mới thoạt nhìn thì khó mà thấy được Vittlar. Tùy theo môi trường xung quanh, hắn có thể làm cho mình nom giống như một sợi chỉ, một thằng bù nhìn rơm, một cái cọc chống dây phơi quần áo hay một cành cây. Chính vì thế mà tôi không nhận thấy hắn khi tôi ngồi trên chiếc trống cáp và hắn nằm trên cây táo. Lux cũng không sủa vì chó vốn không trông thấy, đánh hơi thấy thiên thần và do đó, dĩ nhiên là không sủa thiên thần.

“Gottfried thân mến,” mới hôm kia, tôi hỏi hắn, ”cậu có vui lòng gửi cho mình một bẳn sao cái tờ khai cậu trình cảnh sát hai năm trước đây không?” Chính tờ khai này đã khiến tôi phải ra tòa và nó làm cơ sở cho lời chứng sau đó của Vittlar.

Đây là bản sao đó. Tôi để hắn nói như hắn đã làm chứng chống lại tôi trước tòa:

Vào cái ngày hôm ấy, tôi, Gottfried Vittlar, đang nằm trên chạc một cây táo mọc ở rìa vườn cây của mẹ tôi, mỗi năm nó ra đủ quả để chất đầy bảy vại táo ngâm. Tôi nằm nghiêng, hông bên trái vừa khít đáy chạc hơi bị rêu. Chân tôi hướng về phía nhà máy thủy tinh Gerresheim. Lúc ấy tôi đang nhìn cái gì? Tôi nhìn thẳng trước mặt, chờ một cái gì xẩy đến trong tầm nhìn của tôi.

Bị cáo, nay là bạn tôi, lọt vào tầm nhìn của tôi. Một con chó cùng đi với y, chạy quanh y, ứng xử như một con chó. Tên nó, như sau đó bị cáo cho tôi biết, là Lux, nó là giống rottweiler và có thể thuê được ở một “cửa hàng cho thuê chó” gần nhà thờ Thánh Roch.

Bị cáo ngồi lên một cái trống cáp rỗng từ hồi chiến tranh vẫn nằm bên ngoài khu vườn nói trên thuộc sở hữu của mẹ tôi, Alice Vittlar. Như quý tòa biết, bị cáo là một người nhỏ bé. Hơn nữa, nếu nói cho chính xác triệt để, y là một kẻ dị dạng. Điều đó làm tôi chú ý. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn nữa là ứng xử của y. Con người bé nhỏ thanh lịch ăn mặc sang trọng ấy bắt đầu gõ lên cái trống cáp gỉ, thoạt tiên bằng ngón tay, rồi bằng hai nhành cây khô. Nếu ta ghi nhận rằng bị cáo là một người chơi trống chuyên nghiệp, rằng, như đã được xác định rõ, y đã hành nghề ở mọi nơi mọi lúc; nếu ta xét thêm rằng một cái trống cáp, như cái tên của nó nói lên, có thể xui khiến người ta gõ lên nó, thì ta hoàn toàn có lý để khẳng định rằng vào một ngày hè oi bức, bị cáo Oskar Matzerath ngồi trên một cái trống cáp bên ngoài vườn cây của bà Alice von Vittlar, đã tạo nên những âm thanh có tiết tấu chặt chẽ bằng hai nhành liễu cái dài cái ngắn.

Tôi xin chứng thêm rằng con chó Lux đã biến vào trong một ruộng lúa mạch đen một lúc, phải, lúa đã sắp gặt được. Nếu hỏi nó biến đi bao lâu, tôi sẽ không trả lời được vì khi tôi đã nằm trên chạc cây táo, tôi mất hết khái niệm về thời gian. Tuy nhiên nếu tôi nói rằng con chó đã biến đi rất lâu, có nghĩa là tôi thấy nhớ nó, vì tôi thích bộ lông đen và đôi tai rũ của nó.

Nhưng bị cáo thì không thấy nhớ nó - tôi nói vậy là có cơ sở.

Khi con chó Lux từ ruộng lúa mạch chín trở về, nó gặm một cái gì đó trong miệng, tôi nghĩ đó là một cái que, một hòn đá hay có lẽ, mặc dầu điều này hơi phi lý, một cái hộp thiếc hay một cái thìa sắt tây. Chỉ đến khi bị cáo lấy cái chứng cứ phạm tội từ mõm con chó ra tôi mới dứt khoát nhận ra nó đích thị là nó. Nhưng từ lúc con chó cọ cái mõm còn ngậm vật kia vào ống quần của bị cáo - cụ thể là ống quần bên trái - cho đến khi bị cáo nắm giữ được nó, nhiều phút đã trôi qua - chính xác là bao nhiêu thì tôi không dám nói liều.

Con chó cố hết sức lôi kéo sự chú ý của ông chủ tạm thời của nó; tuy nhiên, bị cáo vẫn tiếp tục đánh trống theo cái cách đơn điệu, ám ảnh, gây hoang mang và có thể nói là trẻ con của y. Chỉ đến khi con chó dùng đến thủ đoạn bất nhã, thục mõm vào chỗ giữa hai cẳng của bị cáo, y mới buông hai nhành liễu và đá con chó một cái bằng chân phải - điều này thì tôi hoàn toàn chắc chắn. Con chó văng đi một nửa vòng, trở lại, run rẩy như một con chó, và một lần nữa chìa mõm với cái vật ngậm trong đó. Không buồn đứng dậy, bị cáo với tay - lần này là tay trái - moi giữa hai hàm con chó. Nhả được vật tìm thấy, con chó L lùi lại vài bước. Bị cáo vẫn ngồi, cầm vật nọ trong tay, nắm tay lại, mở ra, nắm lại và khi mở ra lần nữa, tôi trông thấy có cái gì lấp lánh. Khi bị cáo đã quen mắt với vật kia, y cầm nó bằng ngón cái và ngón trỏ giơ lên ngang tầm mắt.

Mãi đến lúc ấy, tôi mới nhận dạng được vật ấy là một cái ngón tay và một lát sau, nhờ cái ánh lấp lánh, xác định cụ thể hơn là một ngón tay đeo nhẫn. Tôi không ngờ mình đã thành người đặt tên cho một trong những vụ án hình sự lý thú nhất của thời kỳ hậu chiến. Quả thật, tôi, Gottfried Vittlar, đã luôn luôn được nhắc đến như là nhân chứng ngôi sao trong Vụ án Ngón Tay Đeo Nhẫn.

Vì bị cáo vẫn ngồi yên không động đậy, tôi cũng làm theo như vậy. Thực tế, sự bất động của y truyền sang tôi. Và khi bị cáo cẩn trọng gói cái ngón tay cùng chiếc nhẫn vào một chiếc mù-soa mang sẵn trong túi ngực, tôi cảm thấy rộn lên một mối thiện cảm với con người ngồi trên cái trống cáp: y thật là gọn gàng và quy củ; đây quả là một con người mà tôi muốn quen biết.

Cho nên chính tôi đã gọi y khi y sắp sửa nhằm hướng Gerresheim ra về cùng con chó thuê của y. Tuy nhiên, phản ứng đầu tiên của y là bực bội, gần như kiêu kỳ. Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao, chỉ vì tôi nằm trên cây, y lại coi tôi như một con rắn tượng trưng và thậm chí còn ngờ những quả táo dùng để nấu của mẹ tôi là thuộc loại táo ở vườn Địa Đàng.

Cũng có thể một thói quen ưa thích của Kẻ Cám Dỗ là nằm trên chạc cây. Trong trường hợp của tôi, đó chỉ là buồn chán, một tâm trạng mà tôi dễ dàng rơi vào, một tuần mấy lần nó khiến tôi phải tìm một tư thế ngả lưng trên cái cây nói trên. Có lẽ buồn chán, tự thân nó, là cái ác tuyệt đối. Bây giờ tôi xin hỏi: động cơ nào đã thúc đẩy bị cáo đến Gerresheim ở ngoại vi Düsseldorf vào cái ngày oi bức ấy? Sự cô đơn, như về sau y nói với tôi. Nhưng chẳng phải cô đơn và buồn chán là hai chị em sinh đôi sao? Tôi nêu lên những điểm này chỉ để giải thích tâm lý b chứ không phải để dồn y đến chân tường. Bởi vì điều làm tôi thích y, bắt chuyện với y và cuối cùng, kết bạn với y, chính là cái dạng đặc biệt của cái ác nơi y và cách đánh trống của y, nó hòa tan cái ác thành tiết tấu. Thậm chí cả việc tôi tố cáo y, cái hành động dẫn tới việc chúng tôi phải ra trước tòa đây, y với tư cách là bị cáo, tôi với tư cách là nhân chứng, cũng là một trò chơi do chúng tôi bày đặt ra, một phương cách giải trí và giải nỗi buồn chán và cô đơn của chúng tôi.

Sau một chút lưỡng lự, bị cáo, theo yêu cầu của tôi, rút chiếc nhẫn ra khỏi ngón tay đeo nhẫn - nó tuột ra không mấy khó khăn - và đeo thử vào ngón út tay trái tôi. Hóa ra vừa hin và tôi rất hài lòng. Có lẽ khỏi cần phải nói là trước khi đeo thử nhẫn, tôi đã xuống khỏi chạc cây. Đứng hai bên bờ rào, chúng tôi tự giới thiệu với nhau và trò chuyện một lúc, bàn đến nhiều đề tài chính trị thời sự khác nhau, rồi y đưa tôi chiếc nhẫn. Y giữ lại ngón tay mà y nâng niu hết sức cẩn thận. Chúng tôi nhất trí rằng đó là một ngón tay đàn bà. Trong khi tôi cầm chiếc nhẫn để cho ánh sáng lấp lánh trên đó, bị cáo dùng tay trái gõ lên hàng rào một nhịp điệu nhảy sôi động. Hàng rào gỗ bao quanh khu vườn của mẹ tôi rất ọp ẹp, nó rung lên, kêu răng rắc dưới nhịp gõ của bị cáo. Tôi không biết chúng tôi đứng đó bao lâu, nói chuyện bằng mắt. Giữa chừng trò tiêu khiển ngây thơ đó, chúng tôi chợt nghe thấy tiếng máy bay ở độ cao trung bình. Có vẻ như chiếc máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống Lohhausen. Mặc dù cả hai đều tò mò muốn biết nó hạ cánh bằng hai hay bốn động cơ, chúng tôi vẫn không ngắt quãng cuộc trao đổi bằng mắt, không nhìn lên chiếc máy bay. Sau này, khi có dịp chơi lại trò này, chúng tôi đặt cho nó một cái tên: chủ nghĩa khổ hạnh của Leo-Cà-Lăm. Hóa ra Leo-Cà-Lăm là tên một người bạn thường hay chơi trò này với bị cáo ở các nghĩa trang nhiều năm trước đây.

Sau khi chiếc máy bay đã tìm được chỗ hạ cánh - bằng hai hay bốn động cơ, tôi cũng không rõ - tôi trả lại chiếc nhẫn. Bị cáo xỏ nó vào ngón tay đeo nhẫn, gói lại trong chiếc mù-soa và đề nghị tôi cùng đi với y một đoạn đườ

Đó là ngày hai bảy tháng bảy năm 1951. Chúng tôi đi bộ đến tận trạm cuối xe điện ở Gerresheim nhưng chiếc xe chúng tôi lên là một chiếc tắc-xi. Từ bữa ấy, bị cáo luôn có dịp để đãi tôi hết sức hào phóng. Chúng tôi vào thành phố và bảo tài xế tắc-xi đợi bên ngoài cửa hàng cho thuê chó gần nhà thờ Thánh Roch. Trả con Lux xong, chúng tôi đi dọc thành phố, qua Bilk và Oberbilk tới Nghĩa trang phía Tây. Tới đây, me-xừ Matzerath phải chi ra hơn hai mươi mark tiền tắc-xi. Rồi chúng tôi đến xưởng khắc đá bia mộ của Korneff.

Nơi này bẩn kinh người và tôi lấy làm mừng khi ông thợ đá hoàn thành món hàng đặt của bạn tôi - mất khoảng một tiếng đồng hồ. Trong khi bạn tôi say sưa giảng giải cho tôi về các dụng cụ và các loại đá khác nhau, ông Korneff, không một lời bình luận, bắt tay vào đổ một tượng thạch cao sao đúng hình ngón tay nọ - không có nhẫn. Tôi lơ đãng nhìn ông làm việc. Trước hết, ngón tay phải được chuẩn bị; nghĩa là thoa mỡ khắp và đặt một sợi dây dọc theo gờ của nó. Sau đó, ông đắp thạch cao xung quanh và dùng sợi dây cắt làm hai phần trước khi thạch cao kịp rắn lại. Tôi vốn làm nghề trang trí, nên không lạ gì việc làm khuôn thạch cao. Tuy nhiên, khi ông Korneff cầm ngón tay đó lên, nó bỗng có một vẻ gì đó phi thẩm mỹ; dù sao cảm giác ấy cũng biến mất khi chiếc khuôn hoàn tất. Bị cáo lấy lại ngón tay, chùi sạch mỡ và trả tiền ông thợ đá. Thoạt đầu, ông Korneff không muốn nhận tiền vì ông coi Matzerath như bạn đồng nghiệp, ngoài ra còn nêu rõ rằng dạo xưa Oskar (ông gọi Matzerath thế) đã nặn cho ông mấy cái nhọt mà chẳng lấy xu nào. Khi cốt tượng đã rắn lại, ông thợ đá mở khuôn đúc, đưa bản sao đó cho Matzerath và hứa sẽ làm thêm cho y vài cái nữa trong mấy ngày tới. Đoạn, ông tiễn chúng tôi ra tận phố Bittweg, đi qua dãy bia mộ dăng hàng của ông.

Một chuyến tắc-xi thứ hai đưa chúng tôi về Ga Trung Tâm. Tại đây, bị cáo đãi tôi một bữa ăn tối thịnh soạn ở tiệm ăn Ga hảo hạng. Qua giọng điệu như người nhà của y với các bồi bàn, tôi suy ra: y hẳn là khách thường xuyên ở đây. Chúng tôi ăn thịt bò hấp với củ cải ngựa tươi, cá hồi sông Rhine, và phó-m tất cả “đưa cay” cho một chai sâm-banh. Khi câu chuyện quay trở lại đề tài cái ngón tay, tôi khuyên y coi đó như vật sở hữu của một người nào khác, nên gửi nó đến văn phòng Của Thất Lạc và Tìm Được, nhất là khi y đã có bản sao thạch cao của nó. Bị cáo đáp lại rất kiên quyết rằng y tự coi mình là chủ sở hữu chính đáng, vì vào dịp y ra đời, người ta đã hứa sẽ cho y một ngón tay như thế - đã đành là bằng mật mã với chữ dùng cụ thể là “dùi trống”; hơn nữa, một số sẹo dài bằng ngón tay trên lưng anh bạn Herbert Truczinski của y đã báo trước ngón tay đeo nhẫn này; sau cùng, cái vỏ đạn y tìm thấy ở nghĩa trang Saspe cũng có kích thước và ý nghĩa hàm ẩn của một ngón tay đeo nhẫn trong tương lai.

Mặc dù mới đầu, tôi cười những lập luận của người bạn mới, tôi vẫn phải thừa nhận rằng một người sắc sảo ắt có thể thấu hiểu tính liên quan kết nối đó: dùi trống, sẹo, vỏ đạn, ngón tay đeo nhẫn.

Một chiếc tắc-xi thứ ba đưa tôi về nhà sau bữa ăn tối. Chúng tôi hẹn gặp lại và ba ngày sau, một bất ngờ đón chờ tôi khi tôi đến thăm chỗ ở của bạn tôi.

Trước hết, y đưa tôi đi xem phòng. Đầu tiên, y chỉ thuê một phòng, một cái xó tồi tàn trước kia dùng làm buồng tắm, nhưng về sau, khi những cuộc biểu diễn độc tấu trống mang lại cho y tiền bạc và danh vọng, y đã thuê thêm một xó thứ hai nữa, không có cửa sổ, mà y gọi là phòng của Xơ Dorothea, và cuối cùng, thuê nốt một phòng thứ ba trước đó là chỗ trọ của một me-xừ Münzer nào đó, một nhạc công và cộng sự của bị cáo. Tất cả lên tới một khoản kếch sù, vì chủ nhà, ông Zeidler, biết rõ sự phát đạt của Matzerath và quyết tâm không bỏ lỡ cơ hội lợi dụng.

Chính phòng Xơ Dorothea là nơi bị cáo chuẩn bị sự bất ngờ. Trên mặt đá của bàn rửa mặt kiêm bàn trang điểm có gương soi, sừng sững một cái bình, loại bô-can đựng bệnh phẩm, bằng cỡ những bình mà mẹ tôi, Alice von Vittlar, đựng nước táo chế những trái táo nấu của chúng tôi. Nhưng trong bình này không phải là nước táo mà là cái ngón tay đeo nhẫn ngâm trong cồn. Bị cáo hãnh diện phô với tôi những cuốn sách khoa học dày cộp mà y đã tham khảo để bảo quản ngón tay. Tôi lơ đãng lật giở những trang sách, chỉ dừng lại ở những hình minh họa; nhưng phải thừa nhận rằng bị cáo đã làm rất tốt, giữ được nguyên vẹn vẻ ngoài của ngón tay. Phát biểu với tư cách nhà trang trí, tôi cũng nói với y rằng cái bình thủy tinh với nội dung của nó đặt dưới tấm gương, đã đạt hiệu quả trang trí mỹ mãn.

Khi thấy tôi có thiện cảm vì chiếc bình, bị cáo cho tôi biết thỉnh thoảng y vẫn cúng và cầu nguyện nó. Trí tò mò nổi dậy, tôi đề nghị y đọc cho nghe thử một lòi cầu nguyện làm ví dụ. Đổi lại, y cũng có một thỉnh cầu: đưa giấy, bút cho tôi, y đề nghị tôi ghi lại lời cầu nguyện của y. Trong khi y cầu nguyện, tôi có thể hỏi và y sẽ trả lời trong phạm vi hiểu biết tối đa của y.

Sau đây xin ghi lại một số lời của bị cáo, những câu hỏi của tôi, những câu trả lời của y: Thờ cúng một cái bình: tôi thờ cúng. Ai, tôi? Oskar hay tôi? Tôi, một cách sùng kính; Oskar, một cách lơ đãng. Dốc lòng mãi mãi, không ngại nhắc đi nhắc lại. Tôi, sáng suốt vì không có kỷ niệm; Oskar, sáng suốt vì đầy kỷ niệm. Tôi, lạnh, nóng, âm ấm. Có tội nếu xét hỏi kỹ. Vô tội nếu không xét hỏi. Có tội vì, sa ngã vì, miễn tội, trút tội lên, tranh đấu tới, giữ cho khỏi, cười chê về, khóc cho, về, không, báng bổ ra miệng, lặng lẽ báng bổ, tôi không nói, tôi không im lặng, tôi cầu nguyện, tôi thờ phụng. Cái gì? Một cái bình thủy tinh. Bình loại gì? Một cái bô-can. Bảo quản cái gì trong đó? Một cái ngón tay. Ngón tay gì? Ngón tay đeo nhẫn. Ngón tay của ai? Tóc vàng. Ai tóc vàng? Người tầm thước. Cao một mét sáu mươi? Một mét sáu ba. Đặc điểm nhận dạng? Một nốt ruồi, ở đâu? Nách. Trái, phải? Phải. Ngón đeo nhẫn bên tay nào? Trái. Đính hôn? Có, nhưng chưa cưới. Tôn giáo? Tin Lành. Còn trinh? Còn trinh. Năm sinh? Không biết. Nơi sinh? Gần Hanover. Tháng nào? Mười hai. Cung Nhân Mã hay Nam Dương? Nhân Mã. Tính cách? Nhút nhát. Tốt tính? Siêng năng, bẻo lẻo. Biết điều? Tiết kiệm, thực tế, nhưng ui vẻ. Rụt rè? Thích ăn vặt, trực tính và bảo thủ. Xanh xao, mơ lãng du, kinh nguyệt không đều, lười nhác, thích đau khổ và nói chuyện về đau khổ, thiếu đầu óc tưởng tượng, thụ động, chờ xem cái gì sẽ xẩy đến, biết chăm chú lắng nghe, gật đầu đồng ý, khoanh tay, cụp măt xuống khi nói, mở to mắt khi người ta nói với mình, xám nhạt với nâu gần đồng tử, nhẫn do sếp tặng, sếp có vợ, thoạt đầu không muốn nhận, rồi nhận, trải nghiệm khủng khiếp, xơ dừa, Xa-tăng, ê hề trắng, đi du lịch, di chuyển, trở về, không thể dừng, ghen nữa, nhưng vô cớ. Bệnh mà không, chết mà không, phải, không, chẳng biết, tôi không thể tiếp tục. Hái hoa dại khi sát nhân tới, không, sát nhân cặp kè với nàng suốt...Amen? Amen.

Tôi, Vittlar Gottfried, kèm lời cầu nguyện này vào đây chỉ vì , mặc dù có vẻ rất rối rắm, những dữ kiện liên quan đến chủ nhân chiếc nhẫn có rất nhiều điểm trùng hợp với lời chứng về người phụ nữ bị sát hại, Xơ Dorothea Köngetter. Tuy nhiên, tôi không định gieo nghi ngờ đối với lời khai của bị cáo rằng y không giết Dorothea Köngetter, thậm chi chưa bao giờ trực diện nhìn thấy cô ta.

Điều minh chứng cho bị cáo là sự sùng kính tột bậc của bạn tôi khi y quỳ xuống vừa đánh trống (cái trống kẹp giữa hai đầu gối) vừa cầu nguyện trước cái bình.

Trong một năm tiếp theo hoặc hơn nữa, tôi còn có nhiều dịp được thấy bị cáo cầu nguyện và đánh trống vì ít lâu sau, y đề nghị tôi đi theo y trong những chuyến lưu diễn với tiền lương rất hậu và tôi chấp nhận. Y đã ngừng diễn một thời gian dài, nhưng sau khi tìm được ngón tay đeo nhẫn, lại bắt đầu tái xuất. Chúng tôi đi khắp Tây Đức và nhận được nhiều lời mời sang biểu diễn ở miền Đông và cả ở nước ngoài nữa. Nhưng Matzerath muốn khoanh lại trong biên giới Cộng Hoà Liên Bang Đức; như lời y nói, y không muốn “mắc vào cái vòng bon chen quốc tế”. Y không bao giờ đánh trống hoặc cầu nguyện trước bình trước khi biểu diễn. Nhưng sau khi xuất hiện trước công chúng và sau một bữa tối linh đình kéo dài, chúng tôi rút về phòng khách sạn, bờ y mới đánh trống và cầu nguyện trong khi tôi hỏi và ghi chép; sau đó, chúng tôi so sánh đối chiếu với những bài cầu nguyện của những ngày trước và tuần trước. Những bài cầu nguyện thay đổi về độ dài. Đôi khi lời chữ va nhau chan chát; vào những hôm khác, nhịp điệu lại trôi chầm chậm, gần như suy tưởng. Tuy nhiên, những bài cầu nguyện tôi gom được (mà tôi sẽ kèm theo để trình quý Tòa) không chứa thông tin gì nhiều hơn bản ghi đầu tiên mà tôi gộp vào lời khai này.

Trong năm ấy, giữa những chuyến lưu diễn, tôi đã làm quen sơ sơ với một số bạn bè và bà con của Matzerath. Tôi đã gặp mẹ kế của y, bà Maria Matzerath, mà bị cáo tôn thờ tuy có phần kiềm chế. Cũng trong buổi chiều hôm ấy, tôi làm quen với Kurt Matzerath, em cùng cha khác mẹ của bị cáo, một chú bé mười một tuổi có giáo dục. Bà Augusta Köster, chị gái bà Maria Matzerath, cũng gây ấn tượng tốt đối với tôi. Như lời bị cáo tâm sự với tôi, quan hệ của y với gia đình trong những năm hậu chiến đầu tiên, còn trên cả mức căng thẳng. Mãi đến khi Matzerath giúp mẹ kế của mình mở một cửa hàng đặc sản lớn bán cả các loại quả nhiệt đới và thường xuyên trợ giúp tài chính mỗi khi gặp khó khăn trong kinh doanh, quan hệ giữa họ mới trở nên thực sự hữu hảo.

Matzerath cũng giới thiệu với tôi một số dồng nghiệp cũ của y, phần lớn là nhạc công jazz. Mặc dù thấy ông Münzer mà bị cáo gọi một cách thân mật là Klepp, thuộc “típ” người vui vẻ, dễ thương, cho đến nay, tôi vẫn chưa đủ mong muốn hoặc nghị lực để phát triển mối quan hệ ấy.

Mặc dầu, nhờ sự rộng rãi của bị cáo, trong thời gian ấy, tôi không cần hành nghề chính của mình, lòng yêu nghề vẫn khiến tôi tranh thủ, giữa hai chuyến lưu diễn, trang trí một vài mặt cửa hàng. Bị cáo quan tâm đến công việc của tôi với tình bằng hữu. Nhiều khi, đêm đã khuya, y vẫn đứng ngoài phố, xem tôi thi thố chút tài mọn. Thỉnh thoảng, công việc xong xuôi, chúng tôi rong chơi phố phường, nhưng tránh Khu Phố Cổ vì bị cáo, theo lời y giải thích, không chịu nổi khi nhìn thấy những ô cửa sổ tròn những biển chữ kiểu Gô-tích cổ. Trong một cuộc dạo chơi như vậy - tôi sắp tới phần kết của lời khai này - chúng tôi đi xuyên suốt Unterrath đến xưởng xe điện. Lúc đó đã quá nửa đêm.

Chúng tôi đứng đó, hoà hiếu với thế giới và với nhau, nhìn những chuyến xe điện cuối cùng về xưởng đúng giờ quy định. Quang cảnh thật dễ chịu. Xung quanh, thành phố mờ tối. Xa xa - vì hôm đó là thứ sáu - tiếng la lối của một gã thợ quá chén. Ngoài ra là im lặng vì những chuyến xe điện cuối cùng về xưởng, kể cả khi chúng rung chuông và rít ở những khúc cua, cũng không làm ầm mấy tí. Phần lớn các xe chạy thẳng vào xưởng. Nhưng cũng có một số đậu ở ngoài, quay đầu về đủ mọi hướng, trống không nhưng vẫn sáng đèn như vào hội. Ai đã nẩy ra cái ý ấy? Cả hai chúng tôi, nhưng tôi là người nói lên trước: “Này, bạn thân mến, cậu thấy thế nào?” Matzerath gật đầu, chúng tôi thủng thẳng bước lên, tôi đứng vào chỗ người lái và lập tức cảm thấy thoải mái. Tôi nhẹ nhàng khởi động, nhưng dần dần tăng tốc độ. Tôi đâm ra là một tay lái cừ. Matzerath - lúc này ánh đèn sáng chưng của xưởng xe điện đã ở đằng sau chúng tôi - xác nhận sự tài khéo của tôi bằng một câu thế này: “Gottfried, cậu chắc chắn phải được rửa tội là Chính giáo nên mới lái xe điện ngon lành thế!”

Quả thật, cái công việc bất thường này làm tôi rất khoái, ở xưởng xe điện, xem ra không ai nhận thấy chúng tôi chạy xe đi vì không thấy ai đuổi theo; với lại, họ có thể dễ dàng ách chúng tôi lại bằng cách cúp điện. Tôi cho xe chạy về phía Flingern; sau Flingern, tôi định rẽ trái ở quãng Haniel rồi đi tiếp đến Rath và Ratingen, nhưng Matzerath đề nghị tôi hướng về Grafenberg và Gerresheim. Tuy tôi có ngài ngại quãng dốc mé dưới vũ trường Hang Sư Tử, nhưng tôi vẫn chiều ý bị cáo. Tôi vượt qua đoạn dốc, vũ trường đã ở đằng sau chúng tôi, nhưng tôi phải phanh lại vì có ba người đang đứng trên đường ray.

Matzerath đã vào trong toa để hút thuốc từ lúc xe đi qua Haniel được một quãng, nên chính tôi, người lái, phải kêu: “Mời lên xe!” Hai người trong bọn đội mũ xanh có băng đen, người ba, kẹp giữa hai người kia, không đội gì cả. Tôi nhận thấy khi lên xe, người thứ ba này bước trượt bậc lên xuống mấy lần, hoặc vì vụng về hoặc vì mắt kém. Hai người bạn hoặc bảo vệ đỡ ông hay nói cho đúng hơn, lôi ông sềnh sệch một cách thô bạo lên sàn lái rồi vào trong toa.

Tôi đã cho xe chạy tiếp thì đột nhiên từ phía sau tôi, từ trong toa, tôi nghe thấy tiếng thút thít và một tiếng kiểu như ai bị tát. Nhưng rồi tôi yên tâm trở lại khi nghe thấy giọng quả quyết của Matzerath cự những người mới đến, bảo họ hãy thôi đánh đập một người bị thương, gần như mù vì mất kính.

“Không việc gì đến ông,” tôi nghe thấy một trong hai người đội mũ xanh gầm gừ. “Lần này, phải cho nó lãnh đủ. Trò này kéo dài quá đủ rồi.”

Trong khi tôi cho xe chạy từ từ về phía Gerresheim, bạn Matzerath của tôi hỏi con người khốn khổ kia đã làm gì nên tội. Thế rồi câu chuyện xoay theo một chiều kỳ lạ. Chúng tôi được đưa ngược trở về những ngày, thực tế là chính ngày đầu chiến tranh: 1 tháng 9 năm 1939. Hình như con người cận thị đến mức gần như mù này đã tham gia phòng thủ một Sở Bưu chính Ba Lan nào đó với tư cách là tự vệ. Lạ thay, Matzerath, hồi đó hắn chưa quá mười lăm tuổi, mà lại biết vanh vách mọi tình tiết của câu chuyện. Y thậm chí còn nhận ra con người khốn khổ kia là Victor Weluhn, một bưu tá cận thị phát ngân phiếu, bị mất kính trong trận đánh, chạy trốn khi trận đánh còn đang tiếp diễn và thoát khỏi những kẻ đuổi bắt. Nhưng cuộc săn lùng vẫn tiếp tục cho đến khi chiến tranh kết thúc và thậm chí sau đó họ vẫn không bỏ cuộc. Họ đưa ra một tờ giấy ban bố năm 1939, một lệnh hành quyết, cuối cùng, chúng tôi đã tóm được hắn, một gã mũ xanh reo lên; gã kia tán thưởng: “Và mừng ơi là mừng vì đã dứt điểm với cái tội cái nợ này. Tôi đã phải hy sinh mọi thì giờ rảnh rỗi, kể cả những kỳ nghỉ. Một cái lệnh là một cái lệnh và lệnh này đã ban bố từ năm 39. ông tưởng tôi không có việc gì khác phải làm sao? Tôi còn công việc của tôi chứ.” Hóa ra gã là một tay chào hàng và cộng sự của gã cũng có khó khăn riêng, gã này đã phải bỏ một cửa hàng thợ may phát đạt ở miền Đông té sang đây tỵ nạn và giờ phải bắt đầu lại từ đầu. “Nhưng xong là xong; đêm nay, bọn tôi sẽ thi hành lệnh đó và thế là dứt điểm với quá khứ. May sao lại kịp chuyến tàu cuối!”

Vậy là hoàn toàn ngoài ý định của mình, tôi trở thành người lái chuyến xe điện cuối cùng chở hai tên đao phủ và một kẻ bị kết án tử hình đến Gerresheim. Khu chợ Gerresheim vắng tanh và nom hơi xệch xẹo. Đến đây, tôi rẽ phải, định đổ khách ở trạm cuối gần nhà máy thủy tinh rồi phóng trở về cùng Matzerath. Ba bến đỗ trước trạm cuối, Matzerath bước ra khoang lái và đặt chiếc cặp trong đó dựng đứng cái bình thờ xuống gần chỗ những người lái xe điện chuyên nghiệp vẫn để cà-mèn thức ăn trưa của họ.

“Chúng mình phải cứu anh ta. Đó là Victor, tội nghiệp Victor!” Matzerath có vẻ rất xúc động.

“Anh ta vẫn không kiếm được cặp kính vừa mắt. Anh ta cận thị ghê gớm. Chúng sẽ bắn anh ta và thậm chí đến lúc đó, anh ta vẫn sẽ nhìn trệch hướng.”

Tôi ngỡ bọn đao phủ không có súng. Nhưng Matzerath đã nhận thấy những cục gồ lên bên trong áo măng-tô của chúng.

“Dạo xưa anh ta là bưu tá phát ngân phiếu ở Sở Bưu chính Ba Lan. Bây giờ anh ta vẫn làm công việc đó ở Sở Bưu chính Liên Bang. Nhưng chúng săn lùng anh sau giờ làm việc. Chúng vẫn còn lệnh bắn anh ta.”

Mặc dù tôi không hiểu hoàn toàn những lời giải thích của Matzerath, tôi vẫn hứa sẽ cùng y dự cuộc hành quyết và nếu có thể, sẽ giúp y ngăn chặn điều đó.

Qua nhà máy thủy tinh, ngay trước khi tới những khu vườn đầu tiên - nếu có trăng, tôi có thể trông thấy vườn của mẹ tôi vây táo - tôi hãm phanh và gọi to vào trong toa: “Trạm cuối! Tất cả xuống xe!” Và họ đi ra, mũ xanh băng đen. Một lần nữa Victor lại khốn khổ với cải bậc lên xuống. Rồi đến lượt Matzerath, nhưng trước khi xuống, y lôi cái trống từ bên trong áo măng-tô ra và nhờ tôi giữ hộ chiếc cặp đựng cái bình thờ.

Chúng tôi đi theo những tên đao phủ và nạn nhân của chúng. Đèn trên xe điện vẫn sáng và ngoái lại, chúng tôi vẫn nhìn thấy nó ở đằng xa.

Chúng tôi đi men theo những hàng rào vườn. Tôi bắt đầu cảm thấy rất mệt. Khi ba người đi trước chúng tôi dừng lại, tôi thấy là khu vườn của mẹ tôi đã được chọn làm địa điểm hành quyết. Cả hai chúng tôi phản đối. Không thèm để ý, chúng đạp đổ hàng rào gỗ, một nhiệm vụ chẳng mấy khó khăn vì bản thân nó cũng sắp tự đổ, và trói Victor vào cây táo ngay phía dưới cái chạc của tôi. Khi chúng tôi tiếp tục phản đối, họ soi đèn pin vào tờ lệnh hành quyết nhàu nát. Nó mang chữ ký của một thanh tra tòa án quân sự tên là Zelewski với dòng ghi địa điểm, ngày tháng: Zoppot, ngày 5 tháng 10 năm 1939, nếu tôi nhớ đúng. Ngay cả con dấu cũng có vẻ hợp thức. Tình thế xem ra là tuyệt vọng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn viện ra mọi lý lẽ: Liên Hợp Quốc, Dân Chủ, phạm tội tập thể, Adenauer, vân vân. Nhưng một gã mũ xanh gạt phăng mọi ý kiến phản đối của chúng tôi, cho là không có cơ sở pháp lý bởi vì hòa ước chưa được ký, thậm chí chưa được thảo ra. “Tôi cũng bỏ phiếu cho Adenauer như các ông,” gã nói tiếp. “nhưng lệnh hành quyết này vẫn còn hiệu lực, chúng tôi đã thỉnh thị các cấp cao nhất rồi. Chúng tôi chỉ thi hành bổn phận, và các ông cứ nên đi đường các ông là tốt nhất.

Chúng tôi không làm như thế. Khi hai tên mũ xanh lôi tiểu liên từ dưới áo mărg-tô ra, Matzerath đặt trống vào tư thế sẵn sàng. Đúng lúc ấy, một vầng trăng đã gần tròn, chỉ hơi lẹm một tí, nhô ra khỏi đám mây. Và Matzerath bắt đầu đánh trống với tất cả nghị lực của tuyệt vọng.

Một tiết tấu kỳ lạ, v mà nghe ra lại quen thuộc. Liên tục bao lần, chữ O xòe nở: không, không, Polska[88] không mất. Nhưng đó là tiếng nói của Victor, anh ta biết lời bài trống của Matzerath:

Conam Obca przemocwziela

Szabla odbierzemy

Chừng nào chúng ta còn sống, Polska không thể chết.

Xem ra hai gã mũ xanh cũng biết tiết tấu này, dưới ánh trăng tôi có thể thấy chúng khiếp sợ đằng sau thanh sắt của chúng. Mà chúng sợ cũng là phải thôi. Vì bản hành khúc mà Matzerath và Victor tội nghiệp tấu lên trong khu vườn của mẹ tôi đã đánh thức đoàn kỵ binh Ba Lan sống dậy. Có thể là nhờ ánh trăng, hay có thể là cái trống, vầng trăng và cái giọng rè rè của Victor cận thị tội nghiệp, tất cả gộp lại, đã làm ngàn vạn ky sĩ ấy trỗi lên từ đất: ngựa hí, vó nện như sấm rền, lỗ mùi phì khói, đinh thúc loẻng xoẻng, xung phong, xung phong!...Không, không hẳn thế: không sấm rền, không loẻng xoẻng, không hí cũng không hô xung phong; lặng lẽ họ lướt đi trên những cánh đồng đã gặt bên ngoài Gerresheim, nhưng rõ ràng họ là kỵ đoàn Uhlan của Ba Lan vì những lá cờ hiệu tam giác cắm trên đầu ngọn giáo của họ là màu đỏ-trắng như cái trống của Matzerath; không, chữ cắm không chính xác, chúng phất phới, chúng bồng bềnh trôi và quả thật cả đoàn kỵ binh đang trôi dưới trăng, có lẽ từ mặt trăng đến, trôi đi, ngoặt sang trái, về phía vườn nhà chúng tôi, dường như không phải bằng máu và da thịt, trôi như những đồ chơi mới lấy trong hộp ra, những bóng ma, có lẽ từa tựa như những tượng nút dây quái đản của người y tá trông coi Matzerath; đoàn kỵ binh Ba Lan bằng nút dây, vô thanh mà dậy sấm, không máu không da thịt mà vẫn Ba Lan, ầm ầm lao tới chúng tôi và chúng tôi nằm rạp xuống đất trong khi vầng trăng và các kỵ sĩ Ba Lan lướt trên chúng tôi và trên khu vườn của mẹ tôi và trên tất cả những khu vườn khác được chăm bón cẩn thận. Nhưng họ không làm hại đến vườn cây. Họ chỉ mang theo Victor tội nghiệp và hai tên đao phủ và mất hút vào những cánh đồng rộng mở dưới trăng - mất ư, không, chưa mất, họ phóng về phía đông, về phía Ba lan bên kia mặt trăng.

Hổn hển, chúng tôi đợi cho đêm lắng xuống, cho bầu trời khép lại và cất đi cái vầng sáng duy nhất có thể thuyết phục những kỵ sĩ đã chết từ lâu, thành bụi từ lâu ấy xông lên trong một đợt xung phong cuối cùng. Tôi là người đứng lên trước. Mặc dù tôi không hề đánh giá thấp ảnh hưởng của vầng trăng, tôi chúc mừng Matzerath về màn trình diễn xuất sắc của y; tôi gọi đó là một thắng lợi. Y phẩy tay gạt đi, vẻ mệt mỏi và chán chường: “Thắng lợi ư, Gottfried thân mến? Mình đã có quá nhiều thắng lợi, quá nhiều thành công trong đời rồi. Cái mình muốn bây giờ là không thành công lấy một lần, nhưng cái đó rất khó và đòi hỏi rất nhiều công sức làm việc.”

Cái bài diễn từ này không làm tôi vừa lòng vì tôi thuộc loại cần cù, siêng năng vậy mà chưa bao giờ đạt được chút thành công nhỏ nào chứ chưa nói gì đến thắng lợi. Tôi có cảm giác là Matzerath thiếu lòng biết ơn và tôi bảo y thế. “Cậu rất chi là hợm hĩnh đấy, Oskar ạ,” tôi đánh bạo nói - hồi ấy, chúng tôi đã xưng hô thân mật với nhau. “Tất cả các báo đều nói đến cậu. Cậu đã thành danh, chưa nói chi đến tiền bạc như nước. Nhưng có bao giờ cậu nghĩ rằng đối với mình, một thằng không báo nào thèm nhắc đến, sống bên cạnh một ngôi sao sáng chói như cậu là chẳng dễ dàng gì không? Ôi mình xiết bao khao khát làm được một cái gì lớn lao, duy nhất, ngoạn mục như điều cậu vừa làm, phải, tự làm một mình để được lên báo, được thấy in bằng chữ lớn: Đây là thành quả của Gottfried von Vittlar.”

Tôi cảm thấy bị xúc phạm khi Matzerath cười phá lên. Y nằm ngửa, nhấn cái bướu hõm sâu xuống đất tơi, hai tay bứt từng nắm cỏ rồi ném lên trên không và cười như một vị hung thần có thể làm bất cứ điều gì mình thích: “Không có gì đơn giản hơn, bạn ạ. Đây này, cầm lấy cái cặp này. May thay, kỵ đoàn Ba Lan chưa xéo nát nó. Mình tặng cậu đấy; trong đó có một cái bình đựng một ngón tay. Cầm lấy. Chn Gerresheim, chiếc xe điện vẫn còn đấy, đèn sáng như ban ngày. Nhảy lên và lái thẳng về Firstenwall, đem cái tặng phẩm của mình đến sở cảnh Sát, báo cáo về mình. Và ngày mai, cậu sẽ thấy tên cậu trên tất cả các báo.”

Thoạt đầu, tôi gạt phắt đề nghị của y. Tôi viện lý rằng y sẽ không thể sống nổi nếu thiếu cái bình đựng ngón tay ấy. Nhưng y trấn an tôi; y nói y ngấy cái vụ ngón tay này lắm rồi, vả lại y hãy còn mấy bản sao bằng thạch cao, thậm chí y đã đặt làm một phiên bản bằng vàng nữa. Vậy, y nói, xin cậu hãy quyết định đi: Cầm lấy cái cặp, lên xe điện và lái về Sở cảnh Sát.

Thế là tôi đi. Khá lâu, tôi còn nghe thấy Matzerath cười sau lưng tôi. Y ở lại đó, nằm ngửa ngắm trời đêm trong khi tôi leng keng lái về thành phố. Mãi đến sáng hôm sau, tôi mới tới trình cảnh sát, nhưng nhờ có Matzerath, tờ trình của tôi đã có tiếng vang rộng rãi và các báo đã nhiều lần nhắc đến tôi...

Trong khi đó, tôi, me-xừ Matzerath tốt bụng, nằm cười trong đám cỏ đêm bên ngoài Gerresheim, cười lăn cười lộn dưới cái nhìn của mấy vì sao rất chi là nghiêm nghị, cười đến nỗi cái bướu của tôi khoét sâu hoắm xuống nền đất ấm, và tôi tự nhủ: Ngủ đi, Oskar, ngủ đi một lúc trước khi cảnh sát đến đánh thức mày dậy. Mày sẽ chẳng bao giờ lại được nằm tự do như thế này dưới trăng nữa đâu.

Và khi tôi thức giấc, tôi nhận thấy - trước cả khi nhận thấy trời đã sáng bạch - là có một cái gì, một ai đó đang liếm mặt tôi: âm ấm, ram ráp nhưng không ráp lắm, và ươn ướt.

Có phải là cảnh sát được Vittlar đánh thức từ sớm và giờ đang liếm mặt đánh thức mày dậy? Dù sao đi nữa tôi cũng chả vội gì mở mắt, cứ để được liếm một lúc: âm ấm, ươn ướt, không ráp lắm, thật dễ chịu, chả cần biết ai đang liếm mình. Hoặc là cảnh sát hoặc là một chị bò cái, Oskar đoán. Đến lúc này, ti mới mở cặp mắt xanh của mình ra.

Đốm đen và trắng, nó phà hơi và liếm cho đến khi tôi mở mắt. Trời đã sáng bạch, từ quang đến vẩn mây. Và tôi tự nhủ: Oskar, đừng phí thì giờ với chị bò cái này cho dù đôi mắt chị ta nhìn mày có thần tiên đến mấy chăng nữa. Chớ có để cái lưỡi nham nháp của chị ta xoa dịu, vỗ về bằng cách khép trí nhớ của mày lại. Trời sáng rồi, ruồi đang vo ve, mày phải chuồn thôi. Vittlar đang đi trình báo mày, cho nên mày phải chạy trốn. Nó tố cáo ta thật thì ta cũng phải trốn thật. Mặc chị bò ở lại mà rống, chuồn đi thôi. Cách nào thì họ cũng bắt mày, nhưng mà việc quái gì mà lo.

Thế là sau khi được một chị bò cái liếm, rửa mặt và chải đầu, tôi chạy trốn. Sau mấy bước đầu của cuộc chạy trốn, tôi phá lên cười những chuỗi cười sớm mai tươi trong. Để cái trống lại với chị bò lúc này đã nằm ềnh ra mà kêu bò-ò-ò, tôi cười khanh khách bước vào cuộc đào tẩu.

BA MƯƠI

À, phải, cuộc trốn chạy, cuộc đào tẩu của tôi. Hãy còn chuyện đó để kể với quý vị. Tôi chạy trốn để nâng cao giá trị lời tố cáo của Vittlar. Một cuộc đào tẩu, tôi nghĩ, trước hết đòi hỏi một nơi đến. Đi đâu, ôi Oskar, mày sẽ trốn đi đâu? Những hàng rào chính trị, cái gọi là Tấm Màn sắt chặn đường tôi chạy sang phía Đông. Không thể tìm đến náu dưới bốn cái váy của bà ngoại tôi, Anna Koljaiczek, bốn cái váy cho đến nay vẫn xoè ra chở che trên những cánh đồng khoai tây Kashubes, mặc dù tôi vẫn tự bảo, nếu vạn nhất phải trốn, thì những cái váy của bà ngoại tôi vẫn là nơi đáng tin cậy nhất.

Nhân tiện cũng xin nói rằng hôm nay là sinh nhật lần thứ ba mươi của tôi. Ở tuổi ba mươi, người ta buộc phải xử trí với những vấn đề nghiêm túc như chuyện đào tẩu với tư cách một người lớn chứ không thể như một chú bé. Khi mang chiếc bánh cắm ba mươi cây nến vào, Maria nói: “Hôm nay, anh ba mươi tuổi rồi, Oskar. Đã đến lúc phải có lý trí một chút.”

Klepp, bạn Klepp thân mến của tôi, như thường lệ, tặng tôi mấy đĩa nhạc jazz và dùng năm que diêm để thắp ba mươi cây nến trên cái bánh sinh nhật. “Cuộc đời bắt đầu từ tuổi ba mươi!” Klepp nói.

Hắn mới hai mươi chín.

Vittlar, bạn Gottfried thân yêu nhất với lòng tôi, tặng tôi kẹo và cúi trên những chấn song giường tôi nói với cái giọng the thé của hắn: “Khi Jêxu ba mươi tuổi, Người lên đường và thu nạp các tông đồ quanh mình.”

Vittlar bao giờ cũng thích làm mọi sự trở nên rắc rối với tôi. Chỉ vì tôi bước vào tuổi ba mươi, hắn muốn tôi rời khỏi giường và thu nạp môn đồ. Thế rồi luật sư của tôi đến, vung một tờ giấy và oang oang chúc mừng. Treo cái mũ ni-lông vào cọc giường tôi, ông ta tuyên bố với tôi và tất cả các khách dự sinh nhật của tôi: “Thật là một sự trùng hợp đẹp đẽ làm sao! Hôm nay, thân chủ của tôi mừng sinh nhật lần thứ ba mươi; và đúng hôm nay, tôi nhận được tin vụ án Ngón Tay Đeo Nhẫn mở lại. Người ta đã tìm ra một manh mối mới. Xơ Beata, bạn của Xơ Dorothea, các vị còn nhớ chứ...”

Đúng là cái điều tôi vẫn sợ trong nhiều năm nay kể từ khi tôi đào tẩu: là họ tìm ra kẻ sát nhân thật, mở lại vụ án, tuyên bố tôi trắng án, cho tôi ra khỏi bệnh viện tâm thần này, lấy đi cái giường êm ấm của tôi, đẩy tôi ra ngoài phố lạnh, mưa gió, và buộc một gã Oskar ba mươi tuổi phải thu nạp môn đồ quanh bản thân gã và cái trống của gã

Thì ra là Xơ Beata, vì ghen bầm gan tím ruột, đã giết Xơ Dorothea của tôi.

Có lẽ quý vị còn nhớ chứ? Có cái tay bác sĩ Werner ấy ở giữa hai nữ y tá, một tình huống rất chi là thông thường trong đời sống cũng như trong phim. Một vụ xấu xa. Beate yêu bác sĩ Werner. Bác sĩ Werner lại yêu Dorothea. Và Dorothea thì chẳng yêu ai cả, trừ phi là yêu vụng nhớ thầm Oskar bé nhỏ. Werner ngã bệnh. Dorothea săn sóc giả vì giả được sắp xếp điều trị ở khoa nàng. Beata không chịu nổi. Cô ta dụ Dorothea đi dạo chơi và giết hay - nếu quý vị ưng chữ này hơn - thủ tiêu nàng trong một ruộng lúa mạch đen gần Gerresheim. Giờ thì Beata có thể thoải mái chăm sóc bác sĩ Werner. Nhưng xem chừng cô ta chăm sóc giả theo một cách hơi đặc biệt thành thử giả không đỡ mà trái hẳn lại. Có lẽ cô y tá cuồng si này nghĩ: chừng nào chàng còn ốm, chàng còn thuộc về mình. Phải chăng cô ta cho giả quá nhiều thuốc? Phải chăng cô ta cho giả uống nhầm thuốc? Dù sao đi nữa, bác sĩ Werner đã chết, nhưng khi làm chứng trước tòa, Xơ Beata không nói gì về chuyện quá nhiều thuốc hay nhầm thuốc và không một lời nào về cuộc đi dạo với Xơ Dorothea. Còn Oskar, cũng không thú nhận điều gì Nhưng lại sở hữu một ngón tay-tang vật ngâm trong một cái bồ-can, thì bị kết tội là hung thủ trong vụ án ruộng lúa mạch. Nhưng xét vì Oskar không hoàn toàn ý thức về hành động của mình, nên họ chuyển tôi đến bệnh viện tâm thần để theo dõi quan sát. Dù sao mặc lòng, trước khi họ kết tội gã và gửi gã đến nhà thương điên, Oskar đã đào tẩu vì tôi muốn bằng sự biến mất của mình làm tăng giá trị lời tố cáo của Vittlar bạn tôi.

Vào thời điểm tôi chạy trốn, tôi hai mươi tám tuổi. Cách đây mấy giờ, ba mươi ngọn nến tỉnh bơ nhỏ giọt trên chiếc bánh sinh nhật của tôi. Hôm tôi chạy trốn cũng vào tháng chín như hôm nay. Tôi sinh ở cung xử Nữ mà. Nhưng lúc nãy tôi đang nói về cuộc chạy trốn, chứ không phải về lúc tôi ra đời dưới hai bóng đèn điện.

Như tôi đã nói, hướng tẩu tát sang phía Đông cũng như về rúc váy bà ngoại tôi đều đã khép lại rồi. Do vậy, như tất cả những người khác hiện nay, tôi buộc phải trốn sang phía Tây. Oskar, tôi tự nhủ, nếu cái mớ bòng bong chính trị ngăn mày đến với bà ngoại mày, thì tại sao không chạy sang với ông ngoại mày hiện đang sống ở Buffalo, Mỹ? Hãy chọn Châu Mỹ làm đích đến, rồi xem mày đi dược đến đâu.

Ý nghĩ này về ông ngoại Koljaiczek đang ở Mỹ đến với tôi trong khi tôi còn nhắm mắt và con bò đang liếm tôi trên đồng cỏ gần Gerresheim. Bấy giờ chắc vào khoảng bảy giờ sáng và tôi tự nhủ: các cửa hàng mở cửa vào tám giờ. Tôi cười khanh khách chạy đi, để cái trống lại với con bò cái, nghĩ bụng: Gottfried rất mệt, chắc hẳn không đến trình cảnh sát trước tám giờ hay tám rưỡi cũng nên. Hãy tận dụng chút lợi thế ban đầu này của mày. Ở cái khu ngoại ô Gerresheim ngái ngủ này, tôi phải mất mười phút mới gọi được một cái tắc-xi qua điện thoại. Xe đưa tôi đến nhà Ga Trung Tâm. Dọc đường tôi đếm lại tiền có trong tay; tôi phải đếm lại từ đầu mấy lần vì tôi không nhịn được cười, những chuỗi cười sớm mai tươi trong. Rồi tôi giở hộ chiếu ra xem và thấy rằng nhờ những cố gắng của Văn phòng Hoà nhạc, tôi có Visa vào cả Pháp lẫn Mỹ. Ts Dösch vẫn luôn hy vọng rằng một ngày kia, Oskar Trống sẽ chấp nhận đi lưu diễn ở hai nước đó.

Voilà[89], tôi tự nhủ, ta hãy vù sang Paris, nghe có lý đấy. Có thể hình dung chuyện này xảy ra như trong phim - Gabins[90] hút tẩu thuốc truy lùng tôi đến cùng, ráo riết không khoan nhượng nhưng đôn hậu và thông cảm. Nhưng ai sẽ đóng vai tôi? Chaplin[91]? Picasso? Cười ngất, kích thích bởi những ý nghĩ về cuộc đào tẩu, tôi vẫn còn vỗ đùi đen đét, khi người tài xế đòi 7 DM. Tôi trả tiền rồi ăn điểm tâm trong nhà hàng Ga. Tôi để bảng giờ tàu bên cạnh đĩ trứng “la cóóc” và tìm được một chuyến tàu thích hợp. Sau khi điểm tâm xong, tôi còn thì giờ đổi ngoại tệ và mua một cái va-li da nhỏ loại hảo hạng. Sợ phải triềng mặt ỏ phố Jülicher, tôi sắm luôn một lô sơ mi đắt tiền nhưng rộng thùng thình, hai bộ đồ ngủ màu xanh nhạt, bàn chải, kem đánh răng vân vân chất đầy va-li. Vì không cần phải tiết kiệm, tôi mua một vé hạng nhất và lát sau, thấy mình chễm chệ trên một chiếc ghế nhồi nệm tiện nghi cạnh cửa sổ trong toa hạng nhất, chạy trốn mà khỏe re, không tốn sức gì hết. Nệm ghế giúp tôi suy nghĩ. Khi tàu chuyển bánh, chính thức khai trương cuộc đào tẩu của tôi, Oskar bắt đầu đưa mắt nhìn xung quanh, tìm một cái gì để mà sợ; bỏi vì tôi tự bảo không phải không có lý: chạy trốn mà không sợ thì sao gọi là chạy trốn được? Nhưng, Oskar, mày có thể sợ cái gì đến độ phải trốn chạy nếu như đến cả cảnh sát cũng chỉ khiến mày bật lên những chuỗi cười sớm mai tươi trong?

Phải chăng là do tiếng tàu chạy xình xịch nhịp nhàng, tiếng bánh xe nghiến trên đường ray? Dần dà bài hát hình thành vả một lúc trước khi tới Aachen, tôi đã hoàn toàn nhận ra nó. Những lời đơn điệu. Chúng chiếm lĩnh tôi trong khi tôi ngả người trên nệm ghế hạng nhất. Sau Aachen - tàu qua biên giới lúc mười rưỡi - chúng vẫn ở trong tôi, càng lúc càng rõ và ghê rợn hơn, đến nỗi tôi những muốn cảm ơn các nhân viên thuế quan đã mang đến sự thay đổi. Họ tỏ ra quan tâm đến cái bướu của tôi hơn là tên tôi trong hộ chiếu, và tôi nghĩ thầm: ôi cái tên Vittlar! Cái đồ lười chảy thây! Đã gần mười một giờ rồi mà hắn vẫn chưa mang cái bô-can đến cảnh sát trong khi tôi vì hắn mà phải bận rộn với cuộc chạy trốn này từ tinh mơ sáng, tự lên dây cót mình đến nấc khiếp sợ chỉ cốt để tạo một cái cớ cho cuộc trốn chạy. Nước Bỉ. Ôi, tôi đã khiếp sợ biết bao khi đường ray hát: Đâu rồi mụ Phù Thủy đen như hắc ín? Đây rồi mụ Phù Thủy đen độc ác. Ha-ha-ha...

Hôm nay tôi ba mươi tuổi. Tôi sẽ được tòa xử lại và xem chừng sẽ được trắng án. Tôi sẽ bị ném ra đường phố và ở khắp nơi, trên tàu hỏa và trên tàu điện, những lời hát vẫn sẽ vang lên trong tai tôi: Đâu rồi mụ Phù Thủy đen như hắc ín? Đây rồi mụ Phù Thủy đen độc ác.

Tuy nhiên, ngoài nỗi sợ mụ Phù Thủy Đen mà tôi chờ đợi sẽ xuất hiện ở mỗi ga, chuyến đi khá thú vị. Một mình tôi chiếm cả buồng toa - nhưng có thể mụ đang ở buồng bên cạnh đằng sau vách ngăn cũng nên - tôi làm quen với các nhân viên thuế quan của Bỉ rồi của Pháp, thỉnh thoảng ngủ gà ngủ gật và thức dậy với một tiếng kêu nhỏ. Trong một cố gắng nhằm xua đuổi mụ Phù Thủy, tôi lật giở số báo Der Spiegel mua ở sân ga Düssendorf. Làm sao mà họ biết lắm thế, nhiều nguồn tin thế, tôi nghĩ thầm. Thậm chí tôi còn thấy một bài về ông bầu của tôi, Ts Dösch phụ trách Văn phòng Hoà nhạc “Phương Tây”, xác nhận một điều mà tôi đã biết: Oskar Trống là trụ cột của hãng Dösch (kèm theo một ảnh chân dung rất đạt của tôi). Và lúc này “trụ cột” Oskar đang hình dung sự sụp đổ tất yếu của Văn phòng Hoà nhạc sau khi tôi bị bắt.

Cả đời, tôi chưa bao giờ sợ mụ Phù Thủy Đen. Mãi đến cuộc đáo tẩu này, khi tôi muốn sợ, mụ mới luồn lách vào dưới làn da của tôi. Và mụ ở lì đó cho tới ngày hôm nay, sinh nhật lần thứ ba mươi của tôi, mặc dù phần lớn thời gian, mụ ngủ miết. Mụ dùng một số hình thức khác nhau. Chẳng hạn, đôi khi chỉ một cái tên “Goethe” cũng khiến tôi thét lên và chui vào chăn. Từ thủa bé, tôi đã cố gắng hết mình để học vị thi bá, vậy mà sự bình tĩnh uy nghiêm của ông vẫn làm tôi sởn gai ốc. Ngay lúc này, mất hết vẻ sáng láng và cổ điển, cải trang thành một mụ phù thủy đen còn dữ dằn hơn Rasputin nhiều, ông đang dòm qua chấn song giường tôi và hỏi, nhân dịp tôi tròn ba mươi tuổi: “Đâu rồi mụ Phù Thủy đen như hắc ín?" - làm tôi sợ cứng người.

Ha-ha-ha, con tàu đưa Oskar-kẻ-trốn-chạy đến Paris hát. Tôi đã sẵn sàng giáp mặt cảnh sát Quốc tế khi tàu chầm chậm vào ga Bắc, Gare du Nord như người Pháp gọi. Nhưng không có ai chờ tôi, chỉ có một người phu khuân vác nồng nặc mùi rượu, đến nỗi dù có thiện ý đến mấy, tôi cũng không thể nhầm hắn là mụ Phù Thủy Đen được. Tôi đưa hắn cái va-li và để hắn vác đến cách cửa ga vài bước. Cảnh sát và mụ Phù Thủy, tôi nghĩ bụng, chắc chả thấy cần phí tiền mua vé ke làm gì, họ sẽ đợi cho mày ra cửa rồi mới áp sát và bắt mày. Vậy tốt nhất là mày cứ lấy lại va-li trước khi qua cửa. Nhưng cảnh sát không có ở đó để xách đỡ va-li hộ tôi, thành thử tôi phải hoàn toàn tự lực một mình tha nó đến ga xe điện ngầm.

Tôi sẽ không nói nhiều về cái mùi đặc biệt của xe điện ngầm: cả thế giới đều biết nó rồi. Gần đây tôi có đọc đâu đó rằng người ta chế nó thành một thứ nước hoa đựng trong lọ có bơm xịt. Có điều là: giống như tàu hỏa, xe điện ngầm cũng hỏi mụ Phù Thủy Đen ở đâu, tuy với một tiết tấu khác. Tôi còn nhận thấy một điều nữa: các hành khách khác hẳn cũng sợ mụ không kém gì tôi, vì tất cả đều đổ mồ hôi hột. Tôi định tiếp tục đi xe điện ngầm đến cửa Italie rồi từ đó lấy tắc-xi ra sân bay Orly. Đã không được-bị bắt ở Ga Bắc, thì Orly, một sân bay nổi tiếng thế giới, với mụ Phù Thủy cải trang thành chiêu đãi viên hàng không, tôi nghĩ, sẽ là nơi tuyệt vời để được-bị bắt ở đó. Có một chặng đổi tàu, may mà va- li- của tôi rất nhẹ. Xe điện ngầm đưa tôi về phía nam và tôi ngẫm nghĩ: mày sẽ xuống đâu, Oskar? Lạy Chúa, biết bao nhiêu điều có thể xảy ra trong một ngày, sáng nay, một con bò cái liếm mày ở gần Gerresheim, mày vui vẻ và chẳng biết sợ là gì, và bây giờ mày đang ở Paris - mày sẽ xuống quãng nào, mụ ta, đen kịt và gớm ghiếc, sẽ đến đâu để gặp mày? Ở Quảng trường Italie? hay cửa Italie?

Tôi xuống tàu ở Maison Blanche, ga cuối trước Cửa Italie, nghĩ bụng: chắc hắn họ nghĩ mình nghi họ đợi ở Cửa Italie. Nhưng Mụ biết mình nghĩ gì và họ nghĩ gì. Với lại, tôi đã chán ngấy rồi. Cuộc chạy trốn và những cố gắng để duy trì nỗi sợ làm tôi rất mệt. Oskar hết muốn đi tiếp đến sân bay. Đến lúc này, gã lại thấy Maison Blanche độc đáo hơn Orly. Cái ý này của gã cũng có lý. Vì ga này có một cầu thang cuốn. Một cái cầu thang cuốn, tôi tin vậy, có thể làm cho tôi phấn chấn và tiếng chạịch-rịch của nó sẽ ăn với câu hát “Đây rồi mụ Phù Thủy đen độc ác. Ha-ha-ha!”

Oskar hơi bối rối. Cuộc chạy trốn của gã, và cùng với nó, câu chuyện của gã, sắp kết thúc. Liệu cái cầu thang cuốn ở ga xe điện ngầm Maison Blanche có đủ cao, đủ dốc, đủ tượng trưng để hạ màn cho những hồi ức này một cách xứng hợp không?

Nhưng còn có buổi sinh nhật lần thứ ba mươi của tôi nữa. Với những ai thấy cái cầu thang cuốn là ồn quá và những ai sợ mụ Phù Thủy Đen, tôi xin đề nghị lấy buổi sinh nhật lần thứ ba mươi của tôi làm phương án kết thúc, thay thế, bởi lẽ: Trong tất cả các lần sinh nhật, chẳng phải lần thứ ba mươi là có ý nghĩa nhất sao? Nó có Ba trong đó và nó báo hiệu Sáu Mươi mà do vậy Sáu Mươi trở nên không cần thiết. Khi ba mươi cây nến cháy lung linh trên chiếc bánh sinh nhật của tôi sáng nay, tôi có thể khóc vì vui sướng và phấn khởi nhưng tôi xấu hổ trước mặt Maria: ở tuổi ba mươi, người ta đã mất quyền được khóc.

Ngay khi tôi giẫm lên bậc đầu tiên của cầu thang cuốn - nếu như có thể nói một cái cầu thang cuốn có bậc nào gọi là thứ nhất - và nó bắt đầu đưa tôi lên, tôi bỗng cười phá. Mặc dù sợ, tôi vẫn cười hay chính vì sợ mà tôi cười. Nó từ từ lên dốc - và kìa, họ đang đợi trên đầu dốc. Còn đủ thì giờ hút một điếu thuốc. Trên tôi hai bậc, một cặp tình nhân trơ tráo vần vò nhau. Dưới tôi một bậc, một bà già đội một chiếc mũ với những hoạ tiết trang trí hình quả, mà tôi ngờ là mụ Phù Thủy mặc dù không có căn cứ gì xác đáng. Vừa hút thuốc, tôi vừa cố hết sức tưởng tượng ra những điều mà một cái cầu thang cuốn có thể gợi ý. Oskar là Dante trên đường từ địa ngục trở về; trên kia, ở đầu cầu thang cuốn, những phóng viên năng nổ của báo Der Spiegel đang đợi gã. “Thế nào, Dante” họ hỏi, ’’dưới ấy ra sao?” Rồi tôi lại là thi bá Goethe và các phóng viên hỏi tôi cuộc đến thăm các Mẹ có thú vị không. Nhưng rồi tôi thấy chán các thi sĩ và tôi tự nhủ: đó không phải là phóng viên báo Der Spiegel mà cũng chẳng phải là mật thám đang rình. Đó là Mụ, phải, mụ Phù Thủy. “Đây rồi mụ Phù Thủy đen độc ác. Ha- ha-ha!”

Song song với cầu thang cuốn, có một cầu thang thông thương cho người từ trên mặt phố xuống ga métro. Hình như bên ngoài đang mưa vì những người đi xuống nom có vẻ ướt. Điều đó làm tôi lo lo. Tôi đã không đủ thì giờ mua một cái áo mưa trước khi rời Düssendorf. Tuy nhiên, ngước nhìn lên một lần nữa, Oskar thấy những quý ông quàu quạu kia có cầm ô dân sự - nhưng điều đó chứng tỏ rành rành, sự tồn tại của mụ Phù Thủy Đen?

Tôi sẽ xưng hô với họ như thế nào? tôi tự hỏi, từ từ tận hưởng điếu thuốc của mình trong khi cái cầu thang cuốn từ từ khuấy lên trong tôi nhửng tình cảm cao thượng và làm giàu thêm kiến thức của tôi: người ta trẻ lại trên một cái cầu thang cuốn và trên một cái cầu thang cuốn người ta càng lúc càng già đi. Tôi có sự lựa chọn như sau: bước ra khỏi cầu thang cuốn như một đứa bé lên ba hay như một ông già sáu mươi, gặp các ngài Interpol, chưa kể Mụ Phù Thủy Đen, như một nhi đồng hay như một lão trượng.

Hẳn là đã muộn rồi. Cái cọc giường của tôi nom có vẻ mệt rũ. Và Bruno gã y tá của tôi đã hai lần ghé một con mắt nâu hoảng loạn vào lỗ nhòm. Bên dưới bức tranh màu nước vẽ cỏ lông ngỗng, chiếc bánh sinh nhật của tôi còn nguyên chưa cắt với ba mươi ngọn nến của nó. Có lẽ Maria đã ngủ. Ai đó - tôi nghĩ là Guste, chị gái Maria - chúc tôi may mắn trong ba mươi năm tiếp theo. Tôi thèm muốn ngủ ngon được như Maria. Còn Kurt, chú bé học sinh gương mẫu bao giờ cũng nhất lớp, Kurt con trai tôi đã chúc tôi những gì nhân dịp sinh nhật nhỉ? Khi Maria ngủ, các đồ đạc xung quanh nàng cũng ngủ theo luôn. Tôi nhớ ra rồi: Kurt chúc tôi mau chóng bình phục nhân dịp sinh nhật lần thứ ba mươi. Nhưng điều tôi tự chúc là một xíu giấc ngủ ngon của Maria: tôi mệt và cạn hết chữ rồi. Cô vợ trẻ của Klepp làm bài thơ mừng sinh nhật ngớ ngẩn nhưng đầy thiện ý tặng cái bướu của tôi. Hoàng tử Eugene cũng dị dạng nhưng điều đó không ngăn nổi ông chiếm thành phố và pháo đài Belgrade. Hoàng tử Eugene cũng có hai người cha. Hôm nay, tôi ba mươi tuổi nhưng cái bướu của tôi thì trẻ hơn. Louis XIV là cha hờ của Hoàng tử Eugene. Trong nhiều năm qua, nhiều người đàn bà đẹp ngoài phố đã sờ vào cái bướu của tôi, họ nghĩ nó sẽ mang lại may mắn cho họ. Hoàng tử Eugene dị dạng và vì thế ông chết một cái chết tự nhiên. Nếu Jêxu có một cái bướu thì chắc bọn họ đã chẳng đóng đinh Người lên Thánh giá. Liệu tôi có cần, chỉ vì lý do tôi đã ba mươi tuổi, lên đường và thu nạp môn đồ quanh mình?

Đó là cái loại ý tưởng đến với ta khi đứng trên một cái cầu thang cuốn. Nó đưa tôi lên mỗi lúc một cao. Phía trước tôi và bên trên tôi, đôi tình nhân trơ tráo. Đằng sau và bên dưới tôi, bà già đội mũ. Bên ngoài, trời đang mưa và trên đầu cầu thang, các thám tử của Interpol. Các bậc cầu thang cuốn có những thanh mỏng gối nhau. Đi cầu thang cuốn là dịp tốt để nhìn nhận lại mọi điều: Mày từ đâu tới? Mày đi đâu? Mày là ai? Tên thật mày là gì? Mày theo đuổi cái gì? Những mùi xưa xộc đến bủa vây tôi. Mùi va-ni tươi trẻ của Maria. Mùi dầu cá xác-đin mà mẹ tôi hâm lên và uống nóng sốt cho đến khi mẹ lạnh toát và được đặt xuống huyệt lấp đất lên. Mặc dù Jan Bronski xức đẫm nước thơm Cologne, cái mùi chết yểu vẫn rỉ qua tất cả những khuyết áo của ông. Cái hầm kho cửa hàng rau quả của Greff đã có mùi khoai tây vụ đông. Và một lần nữa, mùi giẻ lau bảng phơi khô của học sinh lớp một. Và Roswitha của tôi sực mùi quế và hạt hồi. Tôi bồng bềnh trôi trên một đám mây axít cácbônic khi ông Fajngold rẩy thuốc tẩy uế lên cơn sốt của tôi. A, và cái mùi Thiên Chúa giáo của Nhà Thờ Thánh Tâm, tất cả những áo lễ không bao giờ được hong ra khí trời, đám bụi lạnh và tôi, trước ban thờ bên cánh trái, chìa cái trống của tôi, cho ai?

Đó là cái loại ý tưởng đến với ta khi đứng trên một cái cầu thang cuốn. Hôm nay, họ muốn đè tôi xuống, họ muốn đóng đinh tôi lên thánh giá. Họ bảo: mày đã ba mươi tuổi. Vậy mày phải thu nạp môn đồ. Hãy nhớ lại mày đã nói gì khi người ta bắt mày. Hãy đếm những ngọn nến trên chiếc bánh ga-tô sinh nhật của mày, ra khỏi cái giường này mà đi thu nạp môn đồ. Tuy nhiên, có ối khả năng còn để ngỏ cho một gã đàn ông ba mươi tuổi. Tôi có thể, chẳng hạn, nế người ta thực sự ném tôi ra khỏi bệnh viện, cầu hôn Maria lần thứ hai. Cơ may của tôi bây giờ khá hơn nhiều rồi. Oskar đã gây dựng cơ sở làm ăn buôn bán cho nàng, gã vẫn còn kiếm được ối tiền với những đĩa nhạc của gã và gã đã già dặn, chín chắn hơn. Đến tuổi ba mươi, một người đàn ông cũng nên lấy vợ.

Hoặc giả tôi cứ sống độc thân và chọn hắn lấy một nghề, mua một mỏ đá vôi, thuê một số thợ đá và trực tiếp giao dịch với những người xây dựng. Đến tuổi ba mươi, một người đàn ông cũng nên khởi đầu sự nghiệp.

Hoặc giả, trong trường hợp công việc kinh doanh của tôi lụn bại do sự cạnh tranh của bê tông đúc sẵn, tôi có thể lại cộng sự với Nàng Thơ Ulla, và cánh sát cánh, chúng tôi sẽ đem lại cảm hứng cho các hoạ sĩ. Thậm chí một ngày nào đó, tôi có thể biến Nàng Thơ thành một người đàn bà lương thiện, cô gái tội nghiệp với tất cả những cuộc đính hôn chớp nhoáng ấy. Đến tuổi ba mươi, một người đàn ông cũng nên lấy vợ thôi.

Hoặc giả nếu tôi thấy chán Châu Âu, tôi có thể di cư sang Mỹ sang Buffalo, giấc mơ xưa của tôi: tôi sẽ đi tìm ông ngoại tôi, nhà triệu phú Joe Colchis, xưa là Joseph Koljaiczek, kẻ đốt nhà. Đến tuổi ba mươi, một người đàn ông nên nghĩ đến chuyện ổn định cuộc sống riêng.

Hoặc giả tôi có thể buông xuôi, để cho họ đóng đinh tôi trên Thánh giá. Chỉ bởi lẽ tôi đã ba mươi, tôi phải lên đường và sắm vai Đấng Cứu Thế mà họ thấy ở nơi tôi; ngược với lý trí sáng suốt, tôi bắt cái trống của mình mang một ý nghĩa lớn hơn thực chất của nó, biến nó thành một biểu tượng, lập một giáo phái, một đảng, hay có khi chỉ là một nơi họp hội.

Những ý nghĩ ấy đến với tôi trên cầu thang cuốn bất chấp cặp tình nhân bên trên tôi và bà già đội mũ bên dưới tôi. Không biết tôi đã nói rằng cặp tình nhân đứng trên tôi hai bậc chứ không phảiậc, rằng tôi đã để cái va-li của mình giữa họ và tôi? Thanh niên ở Pháp đến là kỳ. Trong khi cầu thang cuốn đưa chúng tôi lên, cô gái cởi cúc áo blu-dông da của cậu con trai, rồi đến sơ mi và mân mê làn da trần mười tám tuổi của cậu. Nhưng động tác của cô có vẻ rất chi là “công vụ”, hoàn toàn không gợi dục đến nỗi tôi ngờ rằng chính phủ đã thuê họ để giữ tiếng cho Paris như là thành phố của tình yêu công khai không hổ thẹn. Nhưng khi họ hôn nhau thì nỗi nghi ngờ ấy biến mất vì cậu ta gần như chết nghẹn với cái lưỡi của cô ta và vẫn còn ho khi tôi giập điếu thuốc vì tôi muốn gặp những thám tử với tư cách là người không hút thuốc.

Bà già đứng dưới tôi với chiếc mũ - điều tôi muốn nói là mũ bà ngang tầm với đầu tôi vì hai bậc đủ bù cho vóc người thấp bé của tôi - chẳng làm gì đáng chú ý, ngoại trừ việc bà cứ lẩm bẩm một mình, nhưng mà phần lớn những người già ở Paris đều làm thế cả. Cái tay vịn bọc cao su cũng lên cùng với chúng tôi. Quý vị có thể đặt tay lên đó cho nó trượt thoải mái. Tôi ắt đã làm thế nếu tôi mang găng. Mỗi viên gạch hoa trên tường phản chiếu một giọt điện. Những dây cáp và ống màu kem cùng lên với chúng tôi. Xin đừng nghĩ rằng cái cầu thang cuốn này gây tiếng động khủng khiếp. Bất kể tính chất cơ khí của nó, đây là một dụng cụ nhẹ nhàng, dễ chịu. Mặc đầu mụ Phù Thủy khua loẻng xoẻng, tôi vẫn thấy ga métro Maison Blanche là một nơi thú vị. Gần như ở nhà. Tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái trên cái cầu thang cuốn này: bất luận nỗi khiếp sợ của tôi, bất luận mụ Phù Thủy, tôi vẫn sẽ tự coi mình là sung sướng nếu như những người trên cầu thang cuốn này không phải hoàn toàn xa lạ, mà là bạn bè, thân quyến của tôi, sống và chết: mẹ tội nghiệp của tôi giữa Matzerath và Jan Bronski; Mamăng Truczinski, con chuột nhắt tóc bạc, với các con của bà Herbert, Guste, Fritz, Maria; Greff-Rau-Quả và Lina lôi thôi lếch thếch của ông; và dĩ nhiên là Bebra và Roswitha bé nhỏ và duyên dáng - tất cả những người đã đóng khung cuộc đời đầy nghi vấn của tôi, những người đã mắc cạn nơi cuộc đời tôi. Nhưng trên đầu cầu thang, tôi những muốn được thấy, thế vào chỗ các nhân viên Interpol, đối cực thật sự của mụ Phù Thủy Đen: bà ngoại Anna Koljaiczek đứng đó như một trái và khi cầu thang dừng lại, săn sàng đón nhận tôi và tùy tùng của tôi vào dưới những chiếc váy của bà, vào giữa trung tâm trái núi.

Nhưng đó lại là hai quý ông không mang váy mà khoác áo mưa kiểu Mỹ. Và đến cuối chặng lên thang, tôi đành phải mỉm cười bằng cả mười đầu ngón chân trong giày mà nhận ra rằng cặp tinh nhân trơ tráo đứng trên tôi và bà già lạu bạu đứng dưới tôi chỉ là những thám tử bình thường.

Tôi còn phải nói thêm gì nữa: ra đời dưới hai bóng điện, chủ tâm không lớn nữa từ tuổi lên ba, được tặng cái trống, hát vỡ thủy tinh, ngửi mùi va- ni, ho khù khụ trong nhà thờ, quan sát kiến, quyết định lớn, chôn trống, di tản sang miền Tây, bỏ miền Đông, học nghề khắc đá, làm mầu vẽ, bắt đầu trở lại đánh trống, thị sát bê tông, kiếm tiền, lưu giữ ngón tay, cho đi ngón tay, cả cười mà trốn chạy, lên thang cuốn, bị bắt, bị kết án, bị tống vào nhà thương điên, chẳng bao lâu nữa sẽ được trắng án, hôm nay kỷ niệm sinh nhật lần thứ ba mươi và vẫn còn sợ mụ Phù Thủy Đen.

Tôi vứt điếu thuốc. Nó rơi vào một đường rãnh trên bậc cầu thang cuốn. Sau khi được chở trên thang cuốn lên dốc bốn mươi lăm độ, Oskar bước ba bước nữa theo chiều ngang rồi để cho cặp thám tử-tình-nhân-trơ-tráo và thám-tử-bà-nội đẩy từ cầu thang cuốn sang một sàn bằng đứng tại chỗ. Khi các quý ông Interpol tự giới thiệu và gọi gã là Matzerath, gã bèn trả lời theo dòng suy tư trên thang cuốn, đầu tiên bằng tiếng Đức: “Ich bin Jesus (Ta là Jêxu)”, rồi chợt nhớ ra họ là nhân viên quốc tế, bằng tiếng Pháp và cuối cùng bằng tiếng Anh: “I am Jesus.”

Tuy nhiên, tôi vẫn bị bắt dưới cái tên Oskar Matzerath. Không hề chống cự, tôi tự đặt mình dưới sự che chở của các nhân viên Interpol và, vì trời đang mưa trên Đại lộ Italie, dưới những cái ô của họ. Nhưng tôi vẫn còn sợ. Mấy lần tôi lo lắng nhìn quanh và mấy lần tôi thấy đây đó - phải, đó là một trong những tài của mụ - cái bộ mặt lạnh lùng dễ sợ của m những khách bộ hành trên đại lộ và sau đó trông đám đông xúm quanh xe chở tù nhân.

Tôi cạn lời rồi. Tuy nhiên, tôi không thể không tự hỏi Oskar sẽ làm gì sau khi tất yếu phải ra khỏi bệnh viện tâm thần. Cưới vợ? Tiếp tục sống độc thân? Di cư? Làm mẫu vẽ? Mua một mỏ đá? Thu nạp môn đồ? Lập một giáo phái?

Tất cả những khả năng giờ đây mở ra trước một gã đàn ông ba mươi tuổi đều cần được xem xét, nhưng làm sao mà xem xét được chúng nếu thiếu cái trống của tôi? Vậy tôi sẽ đánh lên cái bài ca nhỏ đã trở nên ngày càng thật hơn đối với tôi, mỗi lúc một thêm hãi hùng. Tôi sẽ gọi mụ Phù Thủy Đen tới, hỏi ý kiến mụ và sáng mai tôi sẽ có thể nói cho Bruno, tay y tá trông nom tôi, biết gã Oskar ba mươi tuổi này dự định sẽ sống theo phương thức nào dưới bóng một con ngoáo ộp mà tuy mỗi ngày một đen hơn, vẫn là người bạn cũ thường nát tôi ở cầu thang hầm kho, thường “hù-ù-ù!” tôi trong hầm than khiến tôi không thể nhịn cười, nhưng dù sao nó vẫn đó, nói chuyện bằng ngón tay, ho khặc khặc qua lỗ khóa, rền rĩ trong bếp lò, rít kèn kẹt cùng với cánh cửa, nhả khói lên từ những ống khói khi những con tầu kéo còi trong sương mù, khi một con ruồi vo ve hàng giờ giãy chết giữa hai lần cửa sổ kép, hoặc khi lươn đòi mẹ và mẹ tội nghiệp đòi lươn và khi mặt trời chìm xuống đằng sau Tháp Zoppot nhưng vẫn le lói ánh hổ phách trong ngần. Herbert nhằm ai khi anh tấn công bức tượng gỗ? Và đằng sau ban thờ chính - thử hỏi Thiên Chúa giáo còn là cái gì nếu không có mụ Phù Thủy Đen trùm bóng đen của mình lên mọi phòng xưng tội? Chính bóng mụ đã đổ dài khi những đồ chơi của Sigismund Markus bị đập tan tành. Bọn nhóc trong sân nhà chúng tôi, Axel Mischke và Nuchi Eyke, Susi Kater và Hänschen Kollin, chúng biết cả: vì chúng hát gì khi nấu món cháo gạch của chúng? “Đâu rồi mụ Phù Thủy đen như hắc ín. Đây rồi Mụ Phù Thủy Đen độc ác. Ha-ha-ha! Tội của mụ. Và mụ nữa. Tội của mụ là chính, Mụ, Mụ, Mụ! Đâu rồi mụ Phù Thủy đen như hắc ín?... ” Bao giờ mụ cũng có mặt, ở đâu mụ cũng có mặt, kể cả trong bột sủi sủi bọt hồn nhiên và xanh ngắt; mụ ở trong tủ quần áo, trong tất cả các tủ quần áo tôi từng chui vào. Rồi mụ mượn ộ mặt chéo ba góc của Lucy Rennwand làm mặt mình, ăn xúc-xích cả da và tống cả băng Quét Bụi lên tháp nhẩy cầu: còn mình Oskar ở lại, gã quan sát đàn kiến và gã biết: chính bóng mụ đã nhân lên thành côn trùng đen đi tìm của ngọt. Mọi từ ngữ: được ban phước, đau buồn, đầy duyên sắc, đồng trinh của đồng trinh... và mọi thứ đá: ba-dan, tufa, đi-o-rít, ổ đá điệp, minh ngọc thạch rất mịn... và tất cả thủy tinh vỡ vụn, thủy tinh trong, thủy tinh thổi đến mỏng như tờ giấy...và tất cả những cửa hàng tạp hóa, những gói bột và đường nửa ‘pao’ và một ‘pao’. Sau nữa, bốn con mèo, trong đó có một con tên là Bismarck, cái bức tường phải quét vôi mới, những người Ba Lan tán dương cái chết, những thông cáo đặc biệt, ai đánh chìm cái gì lúc nào, những củ khoai tây rơi xuống từ bàn cân, những áo quan thuôn đằng chân, những nghĩa trang tôi đã đến, những phiến đá tôi đã quỳ lên, những xơ dừa tôi đã nằm lên....những con chó con trộn vào bê tông, nước hành làm chảy nước mắt, chiếc nhẫn trên ngón tay và con bò cái liếm tôi... Xin đừng hỏi Oskar mụ là ai! Tôi đã cạn lời. Đầu tiên mụ ở đằng sau tôi, về sau mụ hôn tôi mọc bướu, nhưng giờ đây, bây giờ và mãi mãi, mụ ở trước mặt tôi, sáp lại gần.

Luôn ở đằng sau tôi, Phù Thủy Đen    ĐEN

Nay ở trước mặt tôi, đối mặt tôi      ĐEN

Lời đen, áo đen, tiền đen            ĐEN

Không còn là bài ca trẻ con thường hát:

Đâu rồi mụ Phù Thủy Đen như hắc ín?

Đây rồi mụ Phù Thủy Đen độc ác

Ha-ha-ha!

>

[1] Dân tộc Tây Xlavơ đã Đức hóa sống ở vùng Tây Phổ cũ và Đông Bắc Pomerania. Cho đến năm 1945, khoảng 150.000 người vẫn nói tiếng Kashubes như tiếng mẹ đẻ. Tiếng Kashubes thành một thổ ngữ trung gian giao tiếp giữa người Ba Lan và người Tây Pomerania.

[2] Tương truyền tấm hình Đức mẹ Đồng Trinh trong một nhà thờ-tu viện ở Czestochowa là do chính Thánh Luke vẽ và đã phát huy phép màu giải được một cuộc bao vây của quân Thụy Điển trong thế kỷ 17. Nơi đây trở thành một trong những đền đài nổi tiếng nhất ở Ba Lan, hiện nay hàng năm vẫn thu hút hàng đoàn người hành hương.

[3] Màu cờ của Ba Lan.

[4] Tiền Đức bằng bạc.

[5] Tàu của Đức Vua.

[6] Xin chào Người dưới vòng nguyệt quế chiến thắng.

[7] Vương hiệu của nhiều triều vua Ba Lan, trong đó vị đầu tiên là Casimir I (1015-1058) được mệnh danh là “Người Phục Hưng), trị vì từ 1040 đến 1058.

[8] Dòng họ quý tộc ở Hy khởi đầu từ thế kỷ XIII, trong đó thể kể Istvan Bathory (1533-1586) từng làm vua ở Ba Lan.

[9] Kraft durch Frende: một tổ chức của Quốc xã Đức phụ trách các hoạt động giải trí trong khuôn khổ kỷ luật của giai cấp công nhân: sân khấu, thể thao, du lịch… Hồi đó, không một đoàn thể xã hội nào được phép hoạt động ở Đức mà không chịu sự kiểm soát của tổ chức toàn quyền này.

[10] Hai thành phố cổ đại, điển hình của sa đọa và đồi trụy, bị Thượng Đế phóng lưu huỳnh và lửa hủy diệt. (Kinh Thánh. Sáng thế ký, Ch 19)

[11] Tiếng miệt thị chỉ người Ba Lan.

[12] Theo tục lệ, các ông bố bà mẹ, ngày đầu tiên đưa con đến trường, đều mang theo một túi giấy hình phễu với nhiều màu sắc trang trí tượng trưng cho sự phồn thịnh sung túc để cầu chúc điều tốt lành cho con.

[13] Kiểu chữ viết chuẩn của Đức do Ludwig Sütterlin phát triển và được dạy ở các trường học từ 1915 đến 1945.

[14] Một trong những tiểu thuyết tiêu biểu của đại văn hào Đức Johann Wolgang Goethe (1749-1832) được thai nghén và viết trong khoảng thời gian từ 1807 đến 1809. Đầu đề Die Wahlverwandtschaften (Những ái lực chọn lọc) là một thuật ngữ vật lý có gốc La-tinh “attractio electiva duplex” mượn từ Từ điển Vật lý của F. . T. Gehler, và chỉ một hiện tượng hóa học đặc biệt trong đó hai yếu tố kết hợp, dưới tác động của hai yếu tố khác có những đặc tính nhất định, rời nhau ra để kết hợp với những yếu tố kia, cuối cùng thành hai cặp mới. Trong tác phẩm của Goethe, cặp thứ nhất là đôi vợ chồng Charlotte-Edouard và cặp đến sau sinh chuyện là Ottilie-Đại úy. Cuốn sách kết thúc bằng cái chết của Ottilie và ít lâu sau, của Edouard.

[15] Grigori Yefimovich Rasputin (1869-1916): pháp sư Nga được triều đình sủng ái. Mặc dù ít học, ông nổi tiếng trong các tầng lớp nông dân như là một thánh nhân. Thời kỳ 1908-1909, có ảnh hưởng lớn đối với Sa hoàng và hoàng hậu, can thiệp sâu vào chuyện triều chính, nhất là về chính sách giáo hội. Nổi tiếng về “thành tích” với phụ nữ và trụy lạc. Bị một nhóm quý tộc ám sát ngày 29/12/1916.

[16] Anh trai của Marie và Marthe, được Chúa Jêxu hồi sinh từ cõi chết (Kinh Thánh, sách Phúc Âm theo Thánh Jean, chương 11-12)

[17] Đại ý lời Quốc ca Ba Lan (Jeszcze Polska nie zginęła)

[18] Hoan hô, giỏi, cực giỏi!

[19] Arthur Greiser: Chủ tịch Thượng viện Danzig từ năm 1934, ký hiệp ước với Nazi (Quốc Xã), một hiệp ước bình thường hóa quan hệ Ba Lan-Danzig. Sau thế chiến thứ II, bị xét xử là tội phạm chiến tranh và kết án tử hình.

[20] Albert Forster: Quậ trưởng thủ lĩnh Nazi của Danzig từ 1936. Ngày 1/9/1939, tuyên bố những điều khoản của Hiệp ước Tự do là vô giá trị và tuyên bố sát nhập Danzig vào nước Đức Quốc Xã với chính y là người cai quản duy nhất.

[21] Nước Đức Quốc Xã

[22] Bollerman và Wullsutzki: hai nhân vật trong những truyện cười dân gian phổ biến ở Danzig, biểu trưng cho hai thành phần Đức (Bollerman) và Ba Lan (Wullsutzki).

[23] Brandt và Quex: hai nhân vật chính trong các truyện và phim tuyên truyền của Đức Quốc Xã, được tô vẽ như những điển hình lý tưởng của tổ chức Thanh niên Hitler và SA, hy sinh cho sự nghiệp Nazi.

[24] Một điệu nhảy thịnh hành vào những năm 1920.

[25] Một tông đồ người Hêbrơ không tuân lệnh Chúa phái đi Nineveh, trái lại đáp tàu đi Tarshish, giữa đường gặp bão và bị các thủy thủ vứt xuống biển, rồi bị một con cá voi nuốt vào bụng, lưu lại trong đó ba ngày. (Theo sch Jonah, Cựu Ước)

[26] Tiền bạc Hà Lan.

[27] Hiệp sĩ dưới triều vua Arthur, người đi tìm Chén Thánh (do Chúa Jêxu dùng trong bữa ăn tối cuối cùng với các thánh tông đồ và sau đó được dùng để hứng máu Chúa).

[28] Giám mục vùng Maestricht và Liege. Theo truyền thuyết, Hubert được cải giáo trong một chuyến đi săn khi trông thấy một con hươu mang trên sừng một cây thánh giá sáng rực. Do đó, thành Thánh bảo hộ những người đi săn.

[29] Attila (406?-453): vua Hung-nô trị vì từ (433?) đến 453, được mệnh danh là “Mối họa của Thượng đế” vì những cuộc chinh phục và tàn phá khắp châu Âu.

[30] Năm 452, Giáo hoàng Leo I đã thuyết phục được Attila thôi không đánh chiếm Roma.

[31] Lực sĩ Mỹ da đen huyền thoại của mọi thời đại. Tại Thế Vận hội 1936 ở Berlin (Đức) mà một số người gọi là “Thế Vận hội của Hitler”, Jesse Owens đã làm sụp đổ tham vọng của Quốc Xã Đức muốn chứng tỏ với thế giới sự “ưu việt” của nòi giống “Aryen”, khi ông một mình, trong một ngày, đoạt 4 huy chương vàng trong các môn chạy 100m, 200m, chạy tiếp sức 4x100m (trong đó ông là thành viên quyết định thắng lợi) và nhảy xa, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Olympic trước đó.

[32] Lực sĩ người Đức, quán quân thế giới về các môn chạy 400m, 800m và 1000m từ 1939 đến 1941. Riêng kỷ lục về môn chạy 800m của Rudolf Harbig tồn tại suốt 16 năm không bị phá.

[33] Tiếng La-tinh: Bước vào trước ban thờ Chúa.

[34] Vào ngày thứ Năm sau ngày Chủ nhật Lễ Ba Ngôi.

[35] Tiếng La-tinh: Cút đi, Xa-tăng.

[36] Otto Eduard Leopold von Bismarck-Schönhausen (1815-1898), hoàng thân, chính khách Đức. Thủ tướng Đại Đức quốc và Tể tướng Phổ từ năm 1871.

[37] Theo Kinh Thánh, khi đến vùng đất Shinar, các con trai của Noe đã quyết định xây tháp Babel với đỉnh vươn tới tận trời. Để trừng phạt sự ngông cuồng đó, Thượng Đế đã xáo trộn các ngôn ngữ làm cho không ai hiểu ai nữa (Sáng Thế Ký, chương 11)

[38] Arthur Neville Chamberlain (1869-1940): Lãnh tụ Đảng Bảo Thủ Anh. Thủ tướng Anh từ tháng 5/1937. Tuyên chiến với Đức ngày 3/9/1939) sau khi quân đội phát-xít Hitler đánh chiếm Ba Lan. Từ chức Thủ tướng ngày 10/5/1940 sau khi thất bại trong bỏ phiếu tín nhiệm.

[39] Tiếng La-tinh: tôi có tội, tôi có tội lớn nhất.

[40] Hans Memling (1430?-1495): họa sĩ xứ Flandres trường phái Flamang, chuyên vẽ tranh tôn giáo. Tác phẩm chính: tranh bộ ba Đám cưới nữ thánh Catherine, Phán xét cuối cùng, Thánh Christophe, Thomas Portinari và vợ và nhiều chân dung Đức mẹ Maria.

[41] Martin Opitz, nhà thơ và tác giả kịch Đức, sinh năm 1597 ở Bunzlau, chết năm 1639 ở Danzig, có vai trò quan trọng trong sự phát triển sân khấu Đức thế kỷ 17.

[42] Krupp: dòng họ kỹ nghệ gia lớn của nước Đức. Khởi nghiệp là Fried (1787-1820), người sáng lập Xí nghiệp sắt thép Krupp. Kế đến Alfred (1812-1887) bắt đầu sản xuất quân khí, lần đầu chế tạo súng có cơ bấm. Con trai ông Friedrich Alfred (1854-1902) nối nghiệp và khi chết truyền lại cho con gái là Bertha (1886-1957). Chồng bà này, được sự đồng ý của Chính phủ Đức, đổi sang họ Krupp, thành Krupp von Bohlen und Halbach.

[43] Edward Rydt-Smigly (1886 – 1941), thống chế Ba Lan, chỉ huy Lữ đoàn lê dương Ba Lan trong Đại chiến thế giới I (1914-1918)

[44] Tiếng Đức: Đi ra!

[45] Một trong những hiệp sĩ đi tìm Chén Thánh, con trai của Perceval.

[46] Một loại cây thuộc giống Galium Odoratum có hoa trắng rất thơm.

[47] Tức Adolph Hitler.

[48] Daniel Louis Amstrong (1900-1971) nhạc sĩ Mỹ da đen, cây t’rompet cự phách, một trong những ông tổ nhạc jazz New Orleans.

[49] Loại nhạc đồng quê bắt chước tiếng kèn túi.

[50] Thành phố Đức, nơi nhạc sĩ thiên tài Richard Wagner (1813-1883) đã xây dựng một nhà hát opera mẫu mực, khai trương năm 1870 bằng vở Chiếc nhẫn của Nibelungen, một trong những kiệt tác của ông. Bayreuth hiện vẫn là trung tâm quốc tế opera dòng Wagner với những liên hoan hàng năm đã thành truyền thống.

[51] Thành phố Áo, nơi sinh ra nhạc sĩ thiên tài Wolgang Amadeus Mozart (1756-1791). Tại đây hằng năm có Liên hoan quốc tế âm nhạc cổ điển, sáng lập từ năm 1920 để tôn vinh Mozart.

[52] Joseph Paul Goebbels (1897-1945) Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền của Đức Quốc Xã. Hermann Goering (1893-1946), Bộ trưởng Bộ không lực của Đức Quốc Xã. Cả hai đều là trợ thủ đắc lực của Hitler.

[53] Diego Rodriguez de Silva y Velazquez (hoặc Velasquez) (1599-1660), đại danh họa Tây Ban Nha.

[54] Karl Friedrich Hyeronymus hay Nam tước Von Münchhausen (1720-1780), sĩ quan Đức phục vụ trong quân đội Nga chống Thổ Nhĩ Kỳ năm 1740 và, với những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của mình, đã trở thành nhân vật nổi tiếng của truyện Những cuộc phiêu lưu của Nam tước Münchhausen.

[55] Lực lượng vũ trang Đức trước và trong thời kỳ Thế chiến II.

>

[56] Tổ chức do kỹ sư Fritz Todt điều hành, lo việc gom bắt lao động cưỡng bức – nhiều khi là trẻ con – để xây dựng công sự, như Phòng tuyến phía Tây vào năm 1938 và Phòng tuyến Đại Tây Dương vào năm 1940.

[57] Narses (478?-573?): hoạn quan và tướng soái dưới thời Hoàng đế Jusstinian I của Đế quốc Đông Roman; đánh bại Totila, thủ lĩnh của những người Đông Gô-tích vào năm 552 và cuối cùng dẹp tan đạo quân Gô-tích cuối cùng trên đất Italia (553), đặt lại Italia dưới quyền của Justinian I.

[58] Belisarius (505?-565): tướng soái dưới thời Hoàng đế Justinian của Đế quốc Đông Roman, có nhiều công trạng trong việc dẹp bạo loạn và chinh phục Italia, năm 548, bị thay thế bởi Narses.

[59] Dưỡng đường cho thương phế binh ở Paris do vua Louis XIV lập vào cuối thế kỷ XVII

[60] Chỉ Napoleon.

[61] Tiếng Pháp trong nguyên bản: trên vỉa hè Paris.

[62] Anh hùng truyền thuyết Hy Lạp, nhân vật chính trong trường ca Odysse của Homere, đã trải qua rất nhiều gian truân, nhiều cảnh ngộ phi thường trong một chuyến đi dài.

[63] Những nhân vật trong trường ca Odysse của Homere – Circe: nữ phù thủy từng biến Ulysse thành lợn; Penelope: người vợ chung thủy của Ulysse; Telemaque: con trai Ulysse.

[64] Abel là con thứ hai của Adam và Eva, bị anh trai là Cain giết vì ghen tị. (Kinh Thánh, Sáng Thế Ký, chương 4)

[65] Tiếng La-tinh trong nguyên bản: khốn khổ.

[66] Không quân Đức.

[67] Hai tướng lính nổi tiếng của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II.

[68] Tiếng Pháp trong nguyên bản: phát súng/đòn kết liễu.

[69] Bá tước thứ nhất Louis Mountbatten còn gọi là Mountbatten of Burma tức Mountbatten của Miến Điện (1900-1970): đô đốc Anh, con trai hoàng thân Louis de Battenberg. Trong Thế chiến II, từng chỉ huy các tàu sân bay (1941), chỉ huy các chiến dịch không-hải quân kết hợp (1942). Tổng chỉ huy liên quân đồng minh ở Đông Nam Á. Đánh đuổi quân Nhật khỏi Ấn Độ Dương và Miến Điện. Trở thành phó vương Ấn Độ từ 1946 đến 1947. Bị IRA ám sát vào năm 1970.

[70] Các loại thuốc tẩy uế thông thường.

[71] Zydowska Organizacja Bojowa, viết tắt là ZOB, tức Tổ chức Chiến đấu Do Thái, một phong trào bí mật hình thành ở các ghetto trong thời kỳ 1942-43.

[72] Ý nói bị bắt làm tù binh.

[73] Chỉ cuộc cải cách tiền tệ ở Tây Đức năm 1948. Việc đưa đồng Deutsche mark thay thế đồng reichmark đã có một ảnh hưởng tâm lý rất tốt đối với các nhà kinh doanh Đức và được coi là một bước ngoặt trong công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế sau chiến tranh ở Tây Đức.

[74] Trước cửa, một vở kịch của Wolgang Borchest mô tả tình cảnh cùng quẫn tuyệt vọng của các tù binh chiến tranh trở về sau Thế chiến II.

[75] Ngày đầu tiên của tuần chay, rơi vào thứ Tư.

[76] Chỉ nhà máy điện Cologne

[77] Chơi chữ: Lesbian là người vùng Lesbos, đồng thời cũng có nghĩa là phụ nữ đồng tính luyến ái.

[78] Alessandro di Mariano Filipepi, thường gọi là Sandro Botticelli (1445-1510): danh họa Italia thời Phục Hưng. Hai bức Mùa xuân và Sự ra đời của thần Vệ Nữ tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ được kể đến trong số những kiệt tác của ông.

[79] Lucas Cranach (1472-1553): danh họa thời Phục Hưng. Thần Vệ Nữ và Thần Ái Tình là một trong những kiệt tác thể hiện vẻ đẹp phụ nữ của ông.

[80] Tên nhân vật chính trong tiểu thuyết Tội ác và hình phạt của đại văn hào Nga F. Dostoievsky.

[81] Một hình thức nhạc jazz rất giậm giật.

[82] Tiger rag: Một loại nhạc jazz.

[83] Món ăn Ý gồm thịt băm và pho-mát cuộn bột, gần như bánh cuốn của ta.

[84] Tác phẩm bất hủ của L. Beethoven.

[85] Tiếng Pháp: quá khứ, dĩ vãng.

[86] Hạm đội Tây Ban Nha tấn công Anh quốc.

[87] Tử tước Horatio Nelson (1758-1805), đô đốc hải quân Anh, một trong những danh tướng vĩ đại của nước này. ến công hiển hách nhất của ông là trận thủy chiến ở mũi biển Trafalgar thuộc bờ biển Tây Nam Tây Ban Nha (21/10/1805) trong đó ông đã đánh bại hạm đội Tây Ban Nha và hạm đội Pháp, đem lại quyền bá chủ trên biển cho hải quân Anh. Ông đã hy sinh oanh liệt trong trận đánh lịch sử này.

[88] Nước Ba Lan.

[89] Tiếng Pháp trong nguyên bản: thế đấy.

[90] Jean Alexis Moncorge tức Jean Gabin (1904-1976): diễn viên điện ảnh Pháp, từng đóng trên 100 phim, trong đó nhiều phim đã trở thành kinh điển như Ông già biệt danh Le Moko của J Duvivier, Bến cảng sương mù của Marcel Carne…

[91] Charlie Chaplin (1889-1977): người Mỹ gốc Anh, diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất phim, một trong những gương mặt văn hóa lớn nhất của thế kỷ XX, được mệnh danh là vua hề Charlot. Các phim của ông đã trở thành kinh điển của điện ảnh thế giới như Thời hiện đại, Đổ xô đi tìm vàng, Chú Nhóc, Tên độc tài, Ánh đèn sân khấu…

Không có nhận xét nào: