Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Thằng Cười - Tập I

images

                 

                       Thằng Cười

                   L'Homme qui rit

                                    Tác Giả:  Victor Hugo

  

 

 

 

THẰNG CƯỜI – Tập I

Văn học cổ điển nước ngoài – Văn học Pháp

Hoàng  Lâm và Lệ Chi dịch

                                               Phùng Văn Tửu giới thiệu                       

NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC

Mục Lục

Lời giới thiệu

Phần thứ nhất : BIỂN CẢ VÀ TRỜI ĐÊM

HAI CHƯƠNG MỞ ĐẦU

1.UYÊCXUYT

2. BỌN COMPRASICÔX

I. TRỜI ĐÊM KHÔNG ĐEN TỐI BẰNG LÒNG NGƯỜI

1. MŨI NAM PORLAN

2. CÔ LẬP

3. CÔ ĐƠN

4. NHỮNG CÂU HỎI

5. CÁI CÂY DO CON NGƯỜI SÁNG TẠO

6. GIAO CHIẾN GIỮA THẦN CHẾT VÀ TRỜI ĐÊM

7. MŨI BẮC PORLAN

II. THUYỀN CON TRÊN BIỂN CẢ.

1. NHỮNG QUY LUẬT NGOÀI CON NGƯỜI.

2 NHỮNG HÌNH BÓNG BUỔI ĐẦU ĐƯỢC XÁC ĐỊNH

3. NHỮNG CON NGƯỜI BỒN CHỒN TRÊN MẶT BIỂN ĐỘNG

4. MỘT ĐÁM MÂY KHÁC BƯỚC VÀO SÂN KHẤU.

5. ACQUANON.

6. HỌ TƯỞNG ĐƯỢC GIÚP ĐỠ

7. NỖI HÃI HÙNG THIÊNG LIÊNG

8. NIX ET NOX[72].

9. PHÓ MẶC BIỂN DỮ

10. DÃ MAN NHẤT LÀ BÃO TÁP.

11. CAXKÊ

12. VẬT LỘN VỚI ĐÁ NGẦM.

13. MẶT ĐỐI MẶT VỚI ĐÊM TỐI.

14. ORTASƠ

15. PORTENTOSUM MARE[79]

16.TÍNH CHẤT HIỀN LÀNH ĐỘT NGỘT CỦA BÍ ẨN

17. PHƯƠNG SÁCH CUỐI CÙNG.

18. PHƯƠNG KẾ TỐI HẬU

III. EM BÉ TRONG BÓNG TỐI

1. SEX HIL.

2. HẬU QUẢ CỦA TUYẾT.

3. ĐƯỜNG ĐAU KHỔ NÀO CŨNG CÓ THÊM GÁNH NẶNG.

4. DẠNG KHÁC CỦA HOANG VU.

5. YẾM THẾ GIỄU CỢT

6. THỨC DẬY.

Phần thứ nhì : THEO LỆNH NHÀ VUA

I. QUÁ KHỨ LUÔN LUÔN CÓ MẶT, CON NGƯỜI PHẢN ẢNH CON NGƯỜI.

1. HUÂN TƯỚC CLĂNGSACLI

2. HUÂN TƯỚC ĐÊVÍT ĐIRY-MOA

3. NỮ CÔNG TƯỚC GIÔZIAN.

4. MAGISTER ELGANTARIUM[143]

5. NỮ HOÀNG ANH

6. BACKINPHÊDRÔ

7. BACKINPHÊĐRÔ CHỌC THỦNG

8. INFERI[176]

9. CĂM GHÉT CŨNG MÃNH LIỆT NHƯ YÊU QUÝ

11. BACJINPHÊĐRÔ MAI PHỤC

12. ÊCOX, IÊCLĂNG VÀ ĂNGGLƠTE[190]

II. GUYNPLÊN VÀ ĐÊA

1. TRƯỚC CHỈ THẤY HÀNH ĐỘNG, NAY MỚI RÕ MẶT NGƯỜI.

2. ĐÊA

3. OCULOS NON HABET ET VIDET[204]

4. XỨNG ĐÔI VỪA LỨA.

5. MẦU XANH TRONG MẦU ĐEN.

6. UYÊCXUYT GIÁO VIÊN, VÀ UYÊCXUYT GIÁM HỘ.

7. MÙA LÒA DẠY BÀI SÁNG SUỐT.

8. KHÔNG CHỈ HẠNH PHÚC MÀ CẢ GIÀU SANG.

9. NHỮNG TRÒ VÔ LÝ MÀ KẺ THIẾU THẨM MỸ GỌI LÀ THƠ CA.

10. SỰ VIỆC VÀ CON NGƯỜI DƯỚI MẮT KẺ NGOÀI CUỘC.

11. GUYNPLÊN NÓI ĐÚNG, UYÊCXUYT NÓI THẬTt.

12. UYÊCXUYT NHÀ THƠ LÔI CUỐN, UYÊCXUYT TRIẾT GIA.

Lời giới thiệu

Nếu không kể những cuốn tiểu thuyết đầu tay như Buye Jacgan (1819), Han Đi-xlăngđơ (1823)... thì Thằng Cười là bộ tiểu thuyết lớn thứ tư của Victo Huygô (1802-1885), nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch lớn của Pháp thuộc trường phái lãng mạn. Trước Thằng Cười, Huygô, nhà tiểu thuyết đã lừng danh với các bộ Nhà thờ Đức bà Paris (1831), Những người khốn khổ(1862), Lao động ngoài biển cả (1866). Ông sẽ còn cho ra mắt bộ tiểu thuyết lớn thứ năm nữa là Chín mươi ba (1874).

Victo Huy-go viết xong Thằng Cười năm 1868 dưới thời Napôlêông III, khi đó nhà văn đương sống lưu đày tại hòn đảo Ghecnơxây thuộc lãnh thổ Anh trên biển Măngsơ. Ông sẽ rời hòn đảo trở về tổ quốc thân yêu hai năm sau đó, khi nền Đế chế của Napôlêông sụp đổ.

Bộ tiểu thuyết chia thành ba phần, gồm 101 chương, không kể hai chương mở đầu đưa chúng ta đến với nước Anh cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, chủ yếu dưới các triều đại của dòng họ Xtiua: Giăc II (1685 - 1688) và Annơ Xtiua, lên ngôi từ 1701. Một vài sự kiện được đặt vào bối cảnh nước Anh dưới triều vua Ghiôm III thuộc dòng họ Naxô có xu hướng tiến bộ hơn xen giữa hai triều đại kia. Trải ra trước mắt chúng ta khi là bãi biển Porlan hoang vắng vào một đêm đông giá lạnh, khi là vùng ngoại Ô Luân Đôn ngựa xe, hàng quán dập dìu, có lúc tác giả đưa ta vào chốn cung điện nguy nga, nơi có nữ hoàng Annơ, có nữ công tước Giôzian, em của nữ hoàng, có hội đồng nguyên lão, có tên Backin-phêđrô quỷ quái; lúc khác tác giả lại đưa ta đến với gánh hát rong của "triết gia" Uyêc-xuyt có con sói Ômô, cô gái mù Đêa và "Thằng Cười" mặt mũi méo mó Guynplên.

Guynplên tên thật là Fecmên vốn là con của huân tước Linơx Clăngsacli, một người có tư tưởng cộng hòa, căm ghét nền quân chủ nên đã cam chịu kiếp sống lưu đày bên Thụy Sĩ sau khi vương triều Xtiua được phục hồi. Âm mưu làm cho dòng họ Clăngsacti phải tuyệt diệt để trừ "mầm loạn" về sau,vua Giăc II đã sau tay chân bắt đứa con trai của huân tước khi em mới hai tuổi và bí mật đem bán cho bọn buôn người Comprasicôx, chúng dùng phẫu thuật đặc biệt làm ấy hình đổi dạng bộ mặt vốn xinh đẹp của em, khiến cho bộ mặt trở thành xấu xí lúc nào trông cũng như đương nhăn nhở cười, ngay cả lúc không cười ngay cả những lúc muốn khóc, để dùng cho những gánh xiếc.

Sau khi triều vua Giăc II bị lật đổ, có lệnh truy nã và nghiêm trị bọn comprasicôx. Vào một đêm giông bão năm 1690, chúng liền tìm đường vượt biển chạy trốn, bỏ lại Guynplên trơ trọi trên bờ, lúc đó mới mười tuổi. Chú lang thang suốt đêm, gặp bao cảnh hãi hùng, lại nhặt được một em bé gái mù sắp bị chết vùi trong tuyết, trên bộ ngực gầy giơ xương của người mẹ đã lạnh cứng.

Guynplên cởi áo của mình ra ủ cho em rồi bế em đi, đi mãi, đi mãi trước sự ghẻ lạnh của mọi nhà, cuối cùng may mắn gặp cái lều-xe cua ông già phúc hậu Uyêcxuyt, được ông cưu mang rồi tổ chức thành gánh hát rong.

Mười lăm, mười sáu năm sau, trong triều đình xảy ra bao chuyện kèn cựa và âm mưu đen tối: nữ hoàng Annơ chẳng ưa gì Giôzian. cô em con ngoại tình của đức vua cha, vừa trẻ vừa đẹp hơn mình lại được thừa hưởng bao nhiêu tài sản của huân tước Clăngsacli; Backinphêđrô lại tìm ra tung tích của Guynplên. Thế là nữ hoàng quyết định phục hồi tước vị cho Guynplên và buộc cô em xinh đẹp phải lấy làm chồng người đàn ông xấu nhất trần gian ấy. Guytlplên bị cảnh sát đến bắt, đưa vào triều, còn gánh hát của Uyêcxuyt bị trục xuất khỏi nước Anh. Guynplên lẻn được ra khỏi triều đình nhưng buồn bã, chán chường, định tự tử vì người yêu của anh là Đêa và bố nuôi là Uyêcxuyt không còn đấy nữa. May con sói Ômô tìm được anh, dẫn anh xuống chiếc tàu kịp lúc tàu vừa rời bến. Quá xúc động trước sự xuất hiện bất ngờ của Guynplên, cô gái mù chết trên tay anh; còn Guynplên cũng nhảy xuống sông chết theo, để lại trên đời ông già Uyêcxuyt và con sói Ômô đau khổ.

Victo Huygô đã đưa vào tiểu thuyết Thằng Cười không biết bao nhiêu chi tiết lịch sử có thật của nước Anh thời bấy giờ với tên tuổi các ông vua, các nữ hoàng, nữ công tước, các vị nguyên lão, với việc miêu tả tỉ mỉ chốn cung điện, các nghi thức triều đình, với cả ngày tháng "chính xác", địa điểm "chính xác" của các sự việc xảy ra, nhưng đấy lại không phải là một bộ tiểu thuyết lịch sử mà hoàn toàn do trí tưởng tượng bay bổng lãng mạn của ông hư cấu nên. Những chi tiết xem chừng chính xác chỉ nhằm mục đích làm cho câu cho câu chuyện có vẻ như thật. Vì vậy nhiều khi những chi tiết ấy không nhất thiết hoàn toàn chính xác.

Thằng Cười cũng như các tiểu thuyết khác của Victo Huygô là thế giới riêng của ông do ông sáng tạo, với hệ thống nhân vật được xây dựng theo kiểu riêng của ông, và với một bút pháp độc đáo. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, các văn nghệ sĩ chân chính đều có niềm khát khao cháy bỏng muốn thể hiện chân thực cuộc sống, nhưng không ai muốn biến tác phẩm của mình thành một bản sao chép cuộc sống.

Dường như giữa tác phẩm và đối tượng miêu tả cần phải có một "khoảng cách" nào đấy, một "độ trệch", một sự "biến dạng" nào đấy, nhưng khoảng cách, độ trệch hay sự biến dạng đó lại phải có tác dụng trở lại thể hiện cuộc sống sinh động hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn. Giá trị thẩm mỹ của tác phẩm là ở chỗ ấy và cũng từ đó xuất hiện những phong cách và trường phái khác nhau. Có nhà văn muốn các nhân vật thần thánh để nói lên xã hội loài người, có tác phẩm, thần thánh lại được thay thế bằng thế giới động vật, chủ nghĩa hiện thực giải quyết vấn đề ấy bằng phương pháp xây dựng điển hình; Điđơrô phân biệt cái thật trong tự nhiên và cái thật ở chốn kịch trường; nhiều người phân biệt "cái thật" trong cuộc đời với "cái giống như thật" trong tác phẩm... Victo Huygô đi theo hướng xây dựng cái phi thường.

Trước hết là kiểu nhân vật phi thường. Dưới ngòi bút của Huygô, hầu như các nhân vật chính đều là những mẫu người có một không hai. Nhà văn dùng thủ pháp cường điệu để đẩy một vài khía cạnh nào đấy của nhân vật tới sát ranh giới của cái cực đoan. Ta thử ngắm chân dung nhân vật chính Guynplên: mồm bị rạch rộng hoác đến tận mang tai, môi phanh ra, phô nào răng. nào lợi, mũi bị cắt xẻo hầu như không còn, hai tai căng bạnh, gò má rúm lại, lông mày nhăn nheo; thật là ma chê quỷ hờn. Đã thế lại thêm cái... cười không phải làm cho bộ mặt bớt ghê rợn đi mà trái lại càng kinh khủng hơn. Có lẽ ta chỉ có thể bắt gặp được những bộ mặt xấu xí sánh ngang được với Guynplên trong thế giới nhân vật của chính Huygô mà thôi. Quadimôđô của tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Pari, Tơribulê của vở kịch Nhà vua vui chơi.

Đi sâu vào cõi lòng con người, nói đến tâm hồn đen tối thì ai có được với Băckinphêđrô? Hắn tìm mọi cách để trả thù nữ công tước Giôzian không hề xử tệ với hắn. Giôzian đã giúp cho hắn thỏa mãn yêu cầu được bổ nhiệm vào chức "mở nút chai các đại dương” mà có ngờ đâu đấy là giúp cho hắn làm hại mình nhiều năm về sau. Băckinphêđrô ấp ủ cái tâm địa trả thù năm này qua tháng khác, hắn bố trí những mưu kế ngoắt ngoéo, hắn mai phục lâu đài, hắn đào hàm ngang ngách dọc ngầm dưới chân Giôzian, cuối cùng bao nhiêu tai hoạ lại trút cả lên đầu Guynplên và những người thân yêu của anh!

Victo Huygo thường khắc họa những cái xấu xa đến độ kệch cỡm ở hình dáng bên ngoài hay trong thế giới nội tâm của nhân vật, nhưng bên cái xấu còn có cả cái tốt và các tốt dưới ngồi bút của ông cũng thường được đẩy lên tới mức trác việt. Có thể nói Uyêcxuyt là một tấm lòng vàng. Ai là người không cảm động trước thái độ ân cần, chăm chút của ông già nghèo khổ ấy đối với Guynplên và Đêa? Có lúc ông cáu kỉnh, nhiều khi ông ăn nói cục cằn, nhưng bên trong lồng ngực của ông là trái tim tràn ngập yêu thương của một người cha, một người mẹ và có khi còn hơn thế nữa. Ông là hoá thân của nhân vật Jăng Vănjăng trong tiểu thuyết này. Tên ông là tên một con vật (con gấu), nhưng ông thật sự là một vị thánh!

Đến con sói Ômô, ta cũng có thể gọi nó là một nhân vật chứ nhỉ? Nó không phải chỉ là một con sói khôn mà có trái tim người hẳn hoi. Uyêcxuyt rõ ràng hiểu được điều ấy nên mới đặt tên cho nó là Ômô(Ômô có nghĩa là người). Ai có thể quên được hình ảnh nó ở cuối tác phẩm, đứng cạnh mép thuyền, sủa trong bóng tối mắt nhìn ra biển khơi? Tính chất phi thường của các nhân vật còn được khắc họa bằng nghệ thuật tương phản. Tương phản ngay trong một nhân vật hay tương phản giữa nhân vật này với nhân vật khác. Người ta thường nói "trông mặt mà bắt hình dong", người ngợm làm sao, ruột gan làm vậy. Ở một số nhân vật Victo Huygo rõ ràng có cách nhìn nghệ thuật mới mẻ. Giống như Quadimôđô trong Nhà thờ Đức Bà Pari, mặt mũi Guynplên khủng khiếp bao nhiêu thì tâm hồn anh trong sáng bấy nhiêu. Nhưng diện mạo anh càng ghê rợn càng làm nổi bật tâm hồn cao đẹp phi thường và ngược lại bộ mặt anh đã xấu xí rồi ta càng thấy nó xấu xí hơn đến mức phi lý khi ta biết anh là người thế nào. Nữ công tước Giôzian được nhà văn ban cho một nhan sắc mê hồn chính là để tô cho đậm thêm, đen thêm ruột gan của một con yêu tinh.

Cũng tương tư như vậy cái "mặt nạ" Guynplên được sắp xếp bên cạnh nhan sắc Giôzlan, "thằng hề" gánh hát rong bên cạnh vị nữ công tước, nghèo hèn cực độ bên cạnh giàu sang tột đỉnh. Tính chất cực đoan và tương phản của các mặt vừa đối lập vừa hỗ trợ cho nhau thể hiện cả ở trong văn phong của nhà văn và có mặt hầu như ở từng trang. Chỉ cần lướt qua tiêu đề của chương: "Căm ghét cũng mãnh liệt như yêu quý", "Mầu xanh trong mầu đen". "Trong thù ghét, đối lập lại hoá đồng tâm". "Tưởng nhớ hoá ra quên ". "Mù loà dạy bà sáng suốt"... Và đây là đôi mắt mù của Đêa: "Đôi mắt... đối với cô thì tắt nhưng đối với người khác thì lại long lanh… " Cô ban phát ánh sáng mà bản thân lại không có ánh sáng. Đôi mắt đã biến mất ấy luôn luôn chói ngời. Cô bé tù nhân của bóng tối kia làm bừng sáng cái nơi tăm tối cô sống. Từ tận cùng cõi u minh nan trị của cô. Từ sau bức tường đen gọi là mù loà.

Cô phát toả ra một thứ hào quang. Cô không trông thấy mặt trời bên ngoài. nhưng mọi người lại nhìn thấy trong cô có một tâm hồn. Những nhân vật phi thường được Victo Huygô đặt vào trong những hoàn cảnh phi thường không kém, hầu như không thể xảy ra trong cuộc đời thực. Ta lại bắt gặp ở đây một "khoảng cách", một "độ trệch"; cũng có thể nói nhà văn đã chủ tâm làm "biến dạng" hoàn cảnh đi trong phương pháp thể hiện của ông. Băckinpheđrô chỉ là một viên chức quèn mà lại có thể do ra vào cung điện của nữ hoàng Annơ và dinh cơ của nữ công tước Giôzian!

"Thằng Cười" mặt mũi nom gớm khiếp mà lại được Giôzian đẹp như tiên say đắm "Anh xấu kinh khủng, tôi đẹp tuyệt trần. Anh phường hát rong. Tôi nữ công tước.

Tôi cao sang đệ nhất, anh hèn hạ tột cùng. Tôi ưng anh.

Tôi yêu anh. Anh đến nhé!" Nào có khác gì anh chàng đầy tớ Ruy Blax yêu... hoàng hậu Tây Ban Nha trong kịch của ông!

Cũng trên cơ sở ấy, trong Thằng Cười, nhà văn luôn tạo ra những tình huống đột biến, hết sức bất ngờ, trong giây phút đẩy nhân vật từ thái cực này sang thái cực khác, làm đảo lộn cả số phận. Guynplên đương bị đối chất ở trong hầm tối, từ thân phận kẻ bị bắt bỗng trở thành người được trọng vọng khiến anh choáng váng ngất đi. Khi tỉnh dậy, thấy mình ở trong lâu đài nguy nga, đương hoang mang không biết cạm bẫy nào đây thì có người thưa bẩm: "Đây là tư dinh của ngài". Uyêcxuyt nửa đêm lo lắng đến hầm giam tìm Guynplên vừa đúng lúc người ta đưa quan tài đem đi chôn, nên còn phải nghi ngờ gì nữa. Guynplên sắp lao mình từ trên cầu thang xuống sông thì con sói Ômô ở đâu đến kịp thời liếm vào tay anh! Và bao trùm tên tất cả là sự đột biến, đảo lộn tình thế lớn nhất: anh hề Guynplên từ đáy xã hội bỗng phút chốc trở thành huân tước, nguyên lão nghị viện nước Anh, giàu sang tột tỉnh và là... chồng của nữ công tước Giôzianm nhan sắc tuyệt trần!... Trong lĩnh vực sáng tác văn học, trước Victo Hugo, mỗi nhà văn có cách riêng trong thủ pháp nghệ thuật "biến dạng” tạo ra "khoảng cách” tạo ra "độ trệch” để giải quyết mối quan hệ mang tính thẩm mỹ giữa "cái thật" và "cái giống như thật". Hôme với các nhân vật thần thánh trong các bản anh hùng ca Iliat và Ođixê, Rabơle phóng đại kích thước các nhân vật Găcgăngtuya và Păngtagruyen của ông lên ghê gớm... Victo Huygô không "biến dạng" theo hướng ấy, ông không muốn nhân vật của ông là những bậc siêu nhân hay những đấng khổng lồ. Ông muốn họ là những "con người", con người trần tục, con người với kích thước bình thường của nó, như các nhân vật của Sêcxpia, nhà soạn kịch Anh thời đại Phục hưng mà ông ngưỡng mộ. Thật ra, có thể nói nhân vật của Sêcxpia cũng là những con người "khổng lồ" không phải ở kích thước thân thể mà ở tính cách của chúng. Trí tuệ ai sánh bằng Hămlet, dũng tướng nào bì kịp Ôtelô, còn tên Iagô thì thuộc vào cỡ quỷ sứ... Sêcxpia đã tìm ra cách riêng của ông trong việc sáng tạo "giống như thật" trong tác phẩm của mình. Victo Huygô còn đi xa hơn Sêcxpia trên hướng đó. Ông đẩy tất cả đến mức tuyệt đối, cái xấu, cái đẹp về hình thức và trong nội tâm. Các nhân vật của ông không phải là những mẫu người phức tạp, đa dạng. Trái lại, đã xấu thì xấu kinh khủng, đã tốt thì tốt tuyệt vời.

Trong Thằng Cười, rất hiếm khi nhà văn miêu tả tâm lý giằng xé như trường hợp Uyêcxuyt yêu thương Guynplên và Đêa rất mực nhưng có lúc lại biểu lộ thái độ ghét bỏ đến tàn nhẫn như trong chương Những bộ mặt khác nhau của Uyêcxuyt.

Do đó, các nhân vật trong tiểu thuyết trở thành những biểu tượng đúng như ý đồ nghệ thuật của tác giả mặc dầu ông dụng công làm cho câu chuyện có vẻ như thật bằng cách đặt nó vào khung cảnh không gian và thời gian chính xác. Nhà văn muốn phơi bày ra trước mắt chúng ta một xã hội ở dưới thì lắm cảnh khốn cùng mà bên trên thì xa hoa, bạo tàn và nhiều âm mưu đen tối. Chính Guynplên trong phiên họp của hội đồng nguyên lão đã tự nhận mình là một biểu tượng, biểu tượng của nhân dân. Anh đã thẳng người lên, dũng cảm vạch trần bộ mặt tàn nhẫn và trớ thành nhân vật "nổi loạn".

"Hừ! Các ngài bảo tôi là một biệt lệ! Tôi là một biểu tượng. Hỡi những kẻ ngu ngốc quyền uy rất mực là các ngài, hãy mở to mắt ra. Tôi là hiện thân của tất cả. Tôi tượng trưng cho nhân loại... Các ngài bảo tôi là con quái vật ư? Không, tôi là quần chúng nhân dân... Tôi là "Con Người" “. Victo Huygô mượn nước Anh để nói nước Pháp, tổ quốc thân yêu mà ông buộc phải xa lìa. Giữa độc giả Pháp của ông và câu chuyện kể có một khoảng cách về không gian. Ông mượn thời đại cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII để nói về thế kỷ XIX của ông đương sống.

Bên khoảng cách không gian có khoảng cách thời gian.

Nhưng ông không muốn độc giả mải miết vào câu chuyện xưa mà quên mất ý nghĩa thời sự. Vì vậy ông có ý thức kéo độc giả về với hiện tại bằng cách thỉnh thoảng cho xen vào câu chuyện cũ một số sự việc vừa xảy ra vào thời gian ông đương viết tác phẩm này với đầy đủ các niên đại cụ thể. Do đó trong tác phẩm như có hai bình diện thời gian rõ rệt: thời gian câu chuyện xảy ra và thời gian câu chuyện được kể lại. Về một phương diện nào đấy có thể nói là nhà văn đã sử dụng thủ pháp "gián cách" không để cho độc giả bị mê hoặc bởi câu chuyện cũ mà trái lại tỉnh táo quan sát để có điều kiện hiểu nó sâu sắc hơn.

Hiệu quả "gián cách" càng thể hiện rõ hơn ở nghệ thuật xây dựng cái tương phản, đặc biệt là cái tương phản giữa ngoại hình và nội tâm nhân vật, một nét độc đáo của Victo Hllygô. Rabơle xây dựng các nhân vật khổng lồ, nhưng mọi chi tiết của nhân vật đều được phóng đại với một tỷ lệ tương ứng, hơn nữa giữa tính cách và diện mạo vẫn có mối quan hệ theo lối thường tình, nên vẫn để lại cho chúng ta ấn tượng tự nhiên, hợp lý. Các nhân vật thần thánh trong văn học cổ đại cũng vậy. Nhưng chúng ta không khỏi cảm thấy có cái gì đó kỳ quái khó hiểu ở sự tương phản giữa hai mặt của một Guynplên hay một Giozian. Và chính điều đó đã bắt chúng ta phải suy nghĩ để tìm ra ý nghĩa sâu xa.

Đó là những cái hay, cái đẹp của tiểu thuyết Thằng Cười tuy rằng trong tác phẩm có nhiều trang rườm rà không cần thiết như khi nhà văn kể về các thủ tục bắt bớ của cảnh sát ở nước này nước khác, về lai lịch nguyên lão nghị viện ở Anh, về đá ngầm, bão tuyết trên biển. v. v

PHÙNG VĂN TỬU

10 - 4 – 1985

Ở nước Anh, mọi thứ đều phi thường kể cả cái không tốt, kể cả chế độ đại tộc. Giai cấp quí tộc[1] của Anh mới thật sự là giai cấp quí tộc, trong ý nghĩa tuyệt đối của từ ngữ đó. Không có chế độ phong kiến nào nổi tiếng hơn, khủng khiếp hơn và tồn tại dai dẳng hơn. Chế độ phong kiến ấy đã có tác dụng ở thời điểm của nó, chúng ta phải công nhận điều đó. Hiện tượng ấy, hiện tượng Lãnh quyền, cần được nghiên cứu ngay trên đất Anh, cũng như hiện tượng Vương quyền phải được nghiên cứu ngay trên nước Pháp.

Lẽ ra nhan đề thật sự của cuốn sách này là Chính thể quí tộc[2]. Một cuốn khác tiếp theo có thể lấy nhan đề là Chính thể quân chủ. Cả hai cuốn đó, nếu tác giả hoàn thành được, sẽ ra trước và sẽ dẫn theo một cuốn khác nhan đề: Chín mươi ba.

Hôtơvin-Haozơ, tháng tư 1869

V.H

Phần thứ nhất : BIỂN CẢ VÀ TRỜI ĐÊM

HAI CHƯƠNG MỞ ĐẦU

1.UYÊCXUYT

I. Uyêcxuyt và Ômô gắn bó với nhau bởi một tình bạn thắm thiết. Uyêcxuyt là một con người, Ômô là một con sói. Đôi bên rất tâm đầu ý hợp. Chính con người đã đặt tên cho con sói. Cũng có thể chính ông ta đã tự chọn lấy tên; thấy Uyêcxuyt hợp với mình, nên ông thấy Ômô rất hợp với con vật[3]. Việc kết bạn giữa người này và sói nọ rất có lợi, ở các phiên chợ, ở các hội hè của giáo khu, ở các góc đường có nhiều người qua lại tụ tập, và ở nhu cầu của dân chúng đứng đâu cũng muốn nghe những chuyện lăng nhăng, ngồi đâu cùng muốn mua những thuốc nhảm nhí. Quần chúng rất thích con sói ngoan ngoãn và biết phục tùng một cách rất dễ thương. Còn gì thú vị bằng được xem những trò luyện thú. Thoả mãn nhất là khi chúng ta được nhìn tất cả các kiểu thuần hóa súc vật diễn ra trước mắt. Chính vì vậy mà trên đường đi qua của những đoàn tùy tùng nhà vua, có nhiều người như thế.

Uyêcxuyt và Ômô đi hết ngã tư này đến ngã tư khác, hết các quảng trường Aberixuyt đến các quảng trường Yetbua, hết xứ này qua xứ nọ. Hết lãnh địa nọ sang lãnh địa kia, hết phố phường lại đến thị trấn. Chợ này vãn, thầy trò sang chợ khác. Uyêcxuyt ở trong một cái chòi lưu động, được Ômô, khá văn minh, kéo lệch xệch ban ngày và ban đêm thì canh gác hộ. Ở những đoạn đường khó đi, gặp những đoạn dốc, khi có nhiều vết xe quá và có nhiều bùn quá, người lại đóng đai lên cổ và thân mật sát cánh cùng sói kéo xe. Cứ như thế cả hai cùng già đi. Thầy trò gặp đâu cắm lều đó, trên một bãi hoang, ven một trảng trống, giữa giao điểm của đường sá, ở cổng vào thôn xóm, ngay các cửa ô, trong những đình chợ, giữa đường dạo mát, rìa các công viên, trên sân nhà thờ. Khi các xe dừng bánh ở một bãi chợ phiên nào đó, khi các mẹ há mồm đổ xô đến, khi những kẻ tò mò xúm đen xúm đỏ, Uyêcxuyt lại cất tiếng ba hoa, Ômô lại tán thành. Mõm ngậm một cái bát gỗ, Ômô lễ phép đi xin tiền khán giả. Thầy trò cứ thế kiếm sống qua ngày. Sói biết chữ, mà người cũng biết chữ. Sói được người huấn luyện, hoặc tự luyện lấy một mình, làm được nhiều trò sói rất dễ thương, góp thêm phần thu nhập - Cốt nhất chú mình đừng có thoái hóa thành người đấy - ông bạn nói với nó như thế.

Sói không bao giờ cắn, nhưng người thì cũng thỉnh thoảng. Ít ra, cắn là ước vọng của Uyêcxuyt. Ông vẫn là một người yếm thế, và để tỏ rõ tính yếm thế của mình, ông đã chọn lấy cái nghề múa rối. Cũng cốt là để kiếm sống vì dạ dày hay áp đặt điều kiện của nó. Hơn nữa ông già yếm thế múa rối này, hoặc để cho mình thêm khó hiểu, hoặc để cho mình được thật hoàn chỉnh. Còn làm thêm nghề thầy thuốc. Bảo là thầy thuốc cũng chưa hết đâu. Uyêcxuyt còn nói được giọng bụng. Người ta thấy ông nói ra nhưng mồm thì lại không mấp máy. Ông bắt chước được giọng nói và cách phát âm của bất cứ ai, người nghe rất dễ lầm; ông giả giọng mà cứ tưởng như có người nói thật. Một mình ông có thể làm được đủ tiếng rì rầm của cả một đám đông, vì vậy ông được tôn là thầy nói bằng bụng. Ông nhận luôn danh hiệu đó.

Ông có thể bắt chước đủ mọi tiếng chim, họa mi, cun cút, sơn ca mà người ta còn gọi là bêghinet, sáo yếm trắng, tất cả các loại hay đi lang bạt như ông; thành thử, chốc chốc tùy ý ông, ông lại cho ta nghe một quảng trường đầy tiếng người xôn xao, hoặc một cánh đồng ồn ào tiếng súc vật; lúc thì náo nhiệt như một đám đông, lúc thì nhẹ nhàng, yên tĩnh như giây phút bình minh.

Vả lại, những ngón tài nghệ đó, tuy hiếm, xưa nay cũng vẫn có. Thế kỷ trước, có một người tên là Tuzen, bắt chước được những đám đông hỗn độn cả người và súc vật, nhại được tất cả những tiếng thú, giúp việc cho chính Buyphông[4], với danh nghĩa là vườn thú.

Uyêcxuyt là con người thâm trầm, khó hiểu, và kỳ quặc, ưa những nổi giải thích đặc biệt, mà chúng ta thường gọi là ngụ ngôn. Ông có vẻ như tin vào điểm đó. Cái tính trơ tráo ấy vẫn là nét ranh mãnh của ông. Gặp ai ông cũng nhìn vào bàn tay của họ, nhắm mắt mở sách ra và kết luận, tiến đó số mệnh, dạy cho biết nếu gặp ngựa ô cái là điều rất nguy hiểm và nguy hiểm hơn nữa là nếu lúc sắp lên đường có người không biết mình đi đâu mà lại gọi mình; và ông tự xưng là "dân buôn thần bán thánh". Ông bảo: "Giữa tổng giám mục Cantobêti với tôi, có một điểm khác biệt, là tôi, tôi dám thú nhận".

Đến nỗi ngài tổng giám mục phẫn nộ cũng chính đáng thôi, một hôm cho gọi ông đến; nhưng Uyêcxuyt khôn ngoan, tước ngay vũ khí của ngài bằng cách đọc luôn một bài thuyết pháp của Uyêcxuyt, nghĩa là của chính mình, về ngày lễ Giáng sinh; ngài tổng giám mục, thích quá, vội học thuộc lòng luôn, rồi lên giảng đàn thao thao tuôn ra, và cho phát hành như của chính mình, của ngài tổng giám mục. Nhờ vậy ngài mới xá tội Uyêcxuyt thầy thuốc, cũng chữa được bệnh, bởi lẽ và mặc dầu ông là thầy thuốc. Ông pha chế các thứ hương liệu. Ông tinh thông về dược thảo. Ông lợi dụng hiệu lực tiềm tàng trong vô vàn những cây cỏ bị khinh thường, như trăn nho, xoan trắng, như hacđô, măngxiên, buôcghêpin, hoa kim ngân, hắc mai. Ông chữa lao phổi bằng hoa hướng dương, ông biết lúc nào thì dùng lá đại kích; loại lá này vặt từ dưới lên là một thứ thuốc tẩy, và vặt từ trên xuống lại là chất gây nôn; ông chữa viêm họng bằng mầm cây gọi là tai do-thái; ông biết thứ cói nào chữa bệnh cho bò, thứ bạc hà nào chữa bệnh cho ngựa; ông am hiểu cái đẹp cái hay của độc sâm thảo, thứ cây mà chẳng ai còn lạ gì, vừa là đàn ông vừa là đàn bà. Ông có nhiều phương thuốc bí truyền. Ông chữa bỏng bằng lông rắn mối; theo lời Plin thì Nêrông[5] có một chiếc khăn lông rắn mối. Uyêcxuyt có một cái bầu cong và một cái bình pha-lê dài để pha chế, ông bán thuốc vạn ứng. Người ta kể trước đây có thời gian ông đã bị giam ở Bet-lam; ông đã có vinh dự được liệt vào hạng mất trí, nhưng rồi người ta lại thả ông ra khi thấy ông chỉ là một nhà thơ. Câu chuyện đó chắc hẳn không đúng sự thật, tất cả chúng ta đều biết có những chuyện hoang đường như thế mà phải chịu.

Sự thật Uyêcxuyt là một bậc học giả, một người sành sỏi, và một nhà thơ la-tinh già. Ông uyên bác về hai phương diện; ông học tập Ipôcrat và say mê Panhđa[6]. Ông có thể thi tài về loại văn cầu kỳ khó hiểu với Rapin và Viđa.

Ông có thể sáng tác những vở kịch gia-tô không kém phần thành công hơn Cha Bonua. Nhờ quen với những vần điệu đáng kính của các bậc tiền bối ông tìm những hình tượng riêng biệt của ông, và cả một loại ẩn dụ có tính cổ điển. Ông gọi một người mẹ đi sau hai cô con gái là cây thông ba lá, một người bố đi trước các cậu con trai là anapext, và một em bé đi giữa ông bà là một củ ấu.

Bấy nhiêu kiến thức uyên thâm chỉ có thể dẫn đến chỗ đói nghèo khốn khổ. Trường phái Xa-lec dạy người ta "Ăn ít và ăn luôn" Uyêcxuyt vừa ăn ít lại vừa ít ăn, ông vừa tuân theo vế này của câu châm ngôn vừa bác bỏ vế nọ, nhưng đó là lỗi của công chúng, họ không chịu kéo đến luôn luôn và không chịu hỏi mua đều đều. Uyêcxuyt nói: "Bản án khi đã khạc ra được làm cho con người ta nhẹ nhõm. Con sói được khuây khoả là nhờ tiếng rống, con cừu nhờ lớp lông, rừng núi nhờ con chim bông lau, đàn bà nhờ có tình yêu, và nhà triết học nhờ lời cảm thán kết luận". Lúc nào cần, Uyêcxuyt trương ra những vở hài kịch và diễn tạm; nhờ vậy mà bán được thuốc.

Bên cạnh các tác phẩm khác, ông sáng tác được một bản mục vịnh anh hùng, tặng hiệp sĩ Hiugơ Minđơntơn; năm 1608, ông này đã đưa lại cho Luân-đôn một con sông. Con sông thanh bình này đang nằm trên lãnh địa Hacfo, cách Luân-đôn sáu mươi dặm, bỗng dưng hiệp sĩ Minđơntơn đến và đón rước nó; ông dẫn đến một lữ đoàn sáu trăm người với đầy đủ cuốc xẻng, và bắt tay vào cuốc xới, đào chỗ này, đắp chỗ kia, có lúc hai chục bộ cao, có lúc ba chục bộ sâu làm cầu gỗ treo, và rải rác tám trăm cầu bằng đá, bằng gạch, bằng gỗ phiến, và một buổi sáng nọ, con sông bỗng tiến vào Luân-đôn đang thiếu nước. Uyêcxuyt chuyển tất cả những chi tiết tầm thường ấy thành một bản mục vịnh tuyệt diệu giữa sông Tanh và lạch Xecpăngtin. Sông mời lạch đến nhà, nhường giường[7] cho lạch và nói với lạch: "Tôi nay đã quá già nua, không thể làm đẹp lòng chị em nữa, nhưng tôi có đủ tiền bạc để tiếp đãi chị em". Một cách tài tình và thanh nhã để nói rằng ngài Hiugơ Minđơntơn đã bỏ tiền riêng ra cho tất cả mọi khoản công trình. Uyêcxuyt rất giỏi về khoa độc thoại. Bản chất ghét đời và hay nói, chỉ thích đứng một mình, nhưng lại cần nói với một người nào đó, ông tự giải quyết khó khăn ấy bằng cách nói một mình. Ai đã từng sống cô độc đều biết độc thoại là hiện tượng tự nhiên như thế nào. Lời nói chưa được phát biểu làm ta ngứa ngáy. Nói lên giữa không trung là một kiểu châm cứu. Nói to, nói một mình, có tác dụng như đối thoại với vị thần ngự trị trong người. Đó là thói quen của Xôcrat[8], điều ấy không ai biết. Ông lải nhải cho bản thân mình nghe. Lute[9] cũng vậy. Uyêcxuyt giống hai bậc vĩ nhân đó. Ông có cái tài hai mặt làm thính giả của chính mình. Ông tự hỏi rồi lại trả lời; ông tự đề cao xong rồi lại tự sỉ vả. Đứng ngoài đường người ta thường nghe ông nói một mình trong chòi. Khách qua đường, vốn có lối đánh giá riêng về những người khôn ngoan thì bảo đó là một thằng ngốc.

Như ta vừa nói đôi khi ông tự mắng nhiếc mình nhưng cũng có những giờ phút ông tỏ ra công minh với bản thân. Một hôm nhân một cuộc đối thoại, người ta nghe ông nói to: Tôi đã nghiên cứu tất cả các mặt bí mật của thực vật, trong thân cây, trong mầm non, trong đài hoa, trong tràng hoa, trong nhị hoa, trong tâm bì, trong bầu hoa, trong xác bao, trong bào tử nang và trong tử nang khí. Tôi đã đi sâu vào khoa sắc tố, khoa thẩm thấu và khoa nhũ trấp, nghĩa là vào cấu tạo của màu sắc và mùi vị. Chắc chắn, trong giấy chứng nhận mà Uyêcxuyt cấp cho Uyêcxuyt đó, có đôi chút huênh hoang, nhưng những ai chưa hề nghiên cứu sâu vấn đề sắc tố, thẩm thấu và nhũ trấp, thì xin cứ tha hồ công kích ông.

Có điều may mắn là Uyêcxuyt chẳng bao giờ đi sang đất nước Hà-lan. Nếu không, chắc chắn người ta đã bắt ông lên cân để xem ông có thuộc loại trọng lượng bình thường hay không vì nặng hơn hay nhẹ hơn trọng lượng đó thì đúng là phù thuỷ. Ở Hà-lan trọng lượng này đã được luật pháp ấn định một cách khôn ngoan. Thật chẳng có gì giản dị và tài tình hơn. Đó là một lối kiểm tra. Người ta đặt anh lên một đĩa cân, nếu anh làm mất thăng băng thì thật rõ ràng; nặng quá, anh bị treo cổ; nhẹ quá, anh bị thiêu sống. Ngày nay người ta còn có thể thấy, ở Aođioatơ, cái cân để cân phù thuỷ, nhưng bây giờ lại dùng để cân phó-mát, vì tôn giáo đã biến chất quá lắm rồi! Uyêcxuyt chắc chắn đã phải có chuyện lôi thôi với cái cân đó. Trên đường ngao du ông tránh xa nước Hà-lan vậy là phải. Vả lại, chúng tôi tin rằng ông không hề ra khỏi nước Anh. Dù thế nào đi nữa, vốn rất nghèo và rất sôi nổi nhiệt tình và khi làm quen được với Ômô trong một cánh rừng, máu giang hồ cũng đã nổi lên trong người ông.

Ông đã cho con sói chung vốn với mình, mà không phải chịu trách nhiệm, và cùng với sói đi khắp các nẻo đường, sống đời may rủi giữa trời đất bao la. Ông rất khéo léo lại có nhiều ý riêng và đại tài về mọi mặt để chữa, để mổ, để cứu người ốm, và làm những việc đặc biệt khiến ai cũng phải ngạc nhiên; ông được công nhận như tay hề hay là thầy thuốc giỏi; ông cũng được xem, điều đó dễ hiểu, là nhà ảo thuật, phần nào thôi, không cao siêu lắm; vì thời bấy giờ mang tiếng bạn với quỷ sứ là điều không lành mạnh. Thật tình mà nói, Uyêcxuyt, vì say mê khoa dược và yêu mến cỏ cây, thường mạo hiểm, vì ông hay đi hái lá trong các bụi rậm, nơi có nhiều rau diếp của Ma-vương, nơi có thể gặp, như viên cố vấn của Đơ Lăngcrơ đã nhận thấy, vào lúc chạng vạng, một người từ dưới đất nhô lên, "chột mắt phải, không mặc áo khoác, kiếm đeo bên hông, đi chân đất". Vả lại, Uyêcxuyt tuy điệu bộ, tính tình có kỳ quặc, lại là người lịch sự có thừa, không đời nào lại gọi đuổi mưa đá, lại triệu quỷ hô ma, lại giết người vì họ nhảy múa nhiều quá, lại gây lên những giấc chiêm bao hãi hùng hoặc buồn thảm, và lại làm nở ra những con gà bốn cánh; ông không có những thói ác độc ấy. Ông không thể có một số hành vi bỉ ổi, chẳng hạn như nói tiếng Đức, tiếng Do- thái hay tiếng Hy-lạp khi chưa học những tiếng ấy, đó là biểu hiện của một tính chất đốn mạt đáng phỉ nhổ.

Hay là một thứ bệnh tự nhiên do máu trầm uất gây nên, Uyêcxuyt nói tiếng La-tinh, tức là ông biết tiếng La- tinh. Ông không cho phép mình nói tiếng Cổ Xy-ri vì ông không biết tiếng Cổ Xy-ri. Hơn nữa ông biết đích xác tiếng Cổ Xy-ri là thứ ngôn ngữ dùng trong những đêm hội phù thuỷ. Về y học ông thích Galiêng hơn Cacđăng cũng đúng, vì Cacđăng, tuy là nhà thông thái, chỉ như một con giun, nói vô phép Galiêng.

Tóm lại, Uyêcxuyt không phải là nhân vật bị cảnh sát quấy rầy. Chòi của ông khá dài, khá rộng, ông có thể nằm trên một cái hòm đựng áo quần chẳng lấy gì làm sang trọng. Ông là chủ nhân của một chiếc đèn kính, của nhiều bộ tóc giả, và một ít đồ dùng móc ở đinh, trong số đó có mấy cây đàn. Ngoài ra ông còn một tấm da gấp để khoác những hôm trình diễn quan trọng; ông gọi như thế là ăn mặc lễ phục. Ông thường nói: Tôi có hai bộ da, đây mới là bộ thật. Và rồi ông chìa tấm da gấu ra. Cái chòi có bánh xe là của riêng ông và con sói.

Ngoài cái chòi, cái bình cong và con sói ra. Ông còn một cây sáo và một cây đàn thất huyền, ông chơi rất hay.

Ông tự tay ngâm chế rượu thuốc. Đôi khi ông cũng trở tài xoay lấy bữa ăn. Trần chòi có một lỗ thủng. Làm chỗ thoát khói cho cái lò gang đặt sát chiếc hòm gỗ của ông, khá gần nên làm xạm đen cả gỗ. Lò có hai ngăn; Uyêcxuyt luyện đàn ở một ngăn, còn ngăn kia hầm khoai. Ban đêm con sói ngủ dưới chòi, bị xích một cách thân ái. Ômô có bộ lông đen, Uyêcxuyt có bộ lông xám; Uyêcxuyt năm mươi tuổi, nếu không phải đã sáu mươi.

Ông cam nhận số phận con người đến mức - như ta vừa thấy - ăn toàn khoai, một thứ lương thực bỏ đi, thời ấy dùng để nuôi lợn và tù khổ sai. Ông ăn cái món ấy một cách hằn học và nhẫn nhục. Ông không cao to, ông dài lênh khênh. Dáng người khòm khòm sầu muộn. Tư thế gãy gập của người già vốn là hình ảnh chồng chất của cuộc đời. Thiên nhiên sinh ra ông để rầu rĩ. Đối với ông thật khó nở nụ cười và suốt đời không làm sao khóc nổi.

Ông thiếu hẳn thứ an ủi, là nước mắt, và khoản đón đỡ tạm thời, là niềm vui. Người già như một mớ điêu tàn biết suy nghĩ. Uyêcxuyt chính là mớ điêu tàn đó. Một cái mồm liến thoắng của kẻ bán thuốc rong, một cái xác ve của nhà tiên tri, một bộ mặt cáu gắt nặng như chì, đó là Uyêcxuyt. Thời trai trẻ, ông đã từng là triết gia tại nhà một huân tước.

Sự việc này xảy ra cách đây một trăm tám mươi năm vào cái thời con người có lang sói hơn ngày nay một tí.

Không hiểu nhiều lắm đâu

II. Ômô không phải loại sói thông thường. Nhìn nó ăn sơn tra và táo ngon lành, người ta bảo nó là sói đồng; nhìn bộ lông màu xám của nó, người ta bảo nó là giống sài lang; và qua tiếng rống có giảm dịu thành tiếng sủa của nó người ta bảo nó là sói Nam Mỹ; nhưng người ta chưa được quan sát nhiều về con ngươi của sói Nam Mỹ để khẳng định nó không phải là cáo, và Ômô là sói chính cống. Mình nó dài đến năm bộ[10], một chiều dài đẹp của sói, ngay cả ở Lituyani. Nó rất khoẻ; mắt nhìn nghiêng nghiêng, nhưng đó không phải lỗi của nó; lưỡi nó âu yếm và đôi khi lại liếm Uyêcxuyt; nó có một vệt lông nhỏ, ngắn như bàn chải, trên sống lưng và cái dáng thon thon của rừng rú. Trước khi làm bạn với Uyêcxuyt và có một cái xe để kéo, nó chạy một đêm bốn mươi dặm như không. Gặp nó trong một bụi rậm, cạnh một dòng suối trong. Uyêcxuyt đã có cảm tình với nó ngay khi thấy nó bắt tôm một cách khôn khoan dè dặt, và đã mừng đón nó như đón một con sói Cupara hiền lành, chính cống, gọi là loại chó ăn cua.

Uyêcxuyt thích Ômô hơn một con lừa về phương tiện vật kéo xe. Bắt một con lừa kéo lều của mình là điều ông rất ghê tởm; làm như thế là quá đề cao giống lừa. Ngoài ra, ông lại nhận thấy lừa, một giống mơ mộng vẩn vơ bốn chân ít được con người hiểu, đôi lúc cũng biết vểnh tai lo lắng khi các triết gia nói điều ngu dại. Trong đời sống, giữa chúng ta và tư tưởng của ta, con lừa là người thứ ba; kể thì cũng khó chịu.

Về phương diện bạn bè, Uyêcxuyt thích Ômô hơn một con chó, vì ông cho rằng sói đến với tình bạn từ chỗ xa hơn. Bởi thế, có được Ômô là Uyêcxuyt thấy đầy đủ lắm rồi. Uyêcxuyt xem Ômô còn hơn một người bạn đường nữa, nó là vật tương đồng. Giống hệt ông. Uyêcxuyt vừa vỗ vỗ vào cái hông lép kẹp của nó vừa bảo: Mình đã tìm ra tập hai của mình đây rồi. Ông còn nói: Bao giờ mình chết, ai muốn tìm hiểu về mình, thì chỉ cần nghiên cứu Ômô. Mình để nó lại, sau khi chết, như một tờ sao y bản chính.

Luật pháp nước Anh, vốn ít mềm mỏng đối với thú rừng, có thể đã kiếm chuyện với con sói này và đưa nó ra toà vì tính ngang nhiên quen đi lại trong thành phố.

Nhưng Ômô lợi dụng một điều luật miễn tố gia súc của Êđua đệ Tứ ban hành: Mọi gia súc đi theo chủ đều có thể tự do đi lại. Ngoài ra, có đôi chút lỏng lẻo đối với sói là nhờ cái mốt của mấy phu nhân trong triều: dưới thời các vua Xtiua cuối cùng. Thay cho chó, các bà có những con sói-chồn nho nhỏ, gọi là ađivơ: chỉ to bằng con mèo, đưa từ châu Á sang, tốn kém rất nhiều.

Uyêcxuyt đã truyền cho Ômô một phần tài năng của ông, như đứng hai chân: như hòa tan cơn giận thành thái độ bực tức, đáng lẽ sủa rống lên thì chỉ gầm gừ, vân vân; về phía mình, sói đã dạy cho người những gì mà nó biết, như không cần mái nhà, không cần bàn ăn, không cần phải lửa, thà nhịn đói trong rừng còn hơn làm nô lệ giữa chốn triều ca.

Cái chòi, một thứ xe-lều lộ trình phức tạp nào cũng theo được. Tuy vậy không ra khỏi nước Anh và xứ Ecôx; có bốn bánh, thêm hai cái càng cho sói, và một thanh ngang cho người. Thanh ngang này phòng lúc đường xấu. Chòi chắc chắn, mặc dù chỉ làm bằng ván nhẹ như chuồng bồ câu. Phía trước, có một cửa kính với chút ban công nhỏ để diễn thuyết, một thứ bục thu hẹp của giảng đàn, và phía sau, một cái cửa ván liền có đục thủng một lỗ để thông gió. Chỗ lên xuống có ba bực, xoay bằng bản lề, và nằm sau cái cửa có lỗ thông gió, dùng để bước vào lều. Ban đêm, lều được khóa chết cẩn thận. Biết bao mưa tuyết đã đổ xuống mái lều. Trước kia nó cũng từng được biết mùi sơn, nhưng nay không còn rõ ra mầu gì nữa, vì sự thay mùa đổi tiết đối với xe cộ cũng như những đổi thay triều đại đối với quần thần. Phía trước, bên ngoài, trên cái gọi là mặt tiền bằng ván mỏng, trước đây người ta còn đọc được dòng ghi tích, chữ đen trên nền trắng, dần dần đã nhòa lẫn: "Chia khối lượng vàng ra một nghìn bốn trăm phần, thì hàng năm, do bào mòn, nó mất đứt một phần; chỗ ấy gọi là lượng tiêu hao; do đó, trên mười bốn triệu đồng tiền vàng lưu hành trên toàn quả đất, năm nào cũng mất đi một triệu. Triệu đồng tiền vàng này biến thành cát bụi, bay đi, lơ lửng là nguyên tử, trở nên hít thở được, chồng chất cho đầy, điều hợp cho đúng, dằn thêm cho nặng, làm cho lương tâm nặng trĩu, và kết quyện với linh hồn kẻ giàu, làm cho kẻ giàu thành ngạo mạn, kết quyện với linh hồn dân nghèo, biến họ thành tàn bạo".

Ghi tích này, bị mưa gió và từ tâm của thượng đế gạch xóa may sao lại không đọc ra, vì rất có thể là, vừa bí hiểm vừa trong sáng, cái triết lý vàng bị hít thở này không hợp với khẩu vị các ngài quận trưởng, thị trưởng, tỉnh trưởng, và các ngài đội tóc giả của luật pháp. Pháp chế nước Anh thời bấy giờ không ưa đùa bỡn. Người ta dễ dàng phản bội lắm. Các pháp quan tỏ ra hung dữ vì tryền thống, và tàn bạo lại là thói quen. Lớp quan toà của pháp đình tôn giáo đầy dẫy. Jepfrê[11] đã sinh con đẻ cái.

III. Trong chòi còn hai ghi tích khác. Phía trên cái hòm gỗ, trên mặt ván quét vôi, người ta đọc được những dòng dưới đây, viết tay và bằng mực:

Những điều duy nhất cần biết "Nam tước nguyên lão Anh quốc đội mũ xoắn"[12] có sáu viên ngọc ».

"Tử tước trở lên mới được đội miện.

"Miện của tử tước, số ngọc không hạn chế, miện của bá tước, ngọc nạm trên những đầu trâm xen lẫn với lá dâu thấp hơn; miện của hầu tước, ngọc và lá cao bằng nhau; miện của công tước toàn hoa không ngọc; vương công tước đội một vành thánh giá và hoa huệ; miện hoàng tử xử Galơ giống miện nhà vua, nhưng không khép kín.

"Công tước là tối thượng và tối quyền uy hoàng thân; hầu tước và bá tước là tối cao quí và quyền uy lãnh chúa; tử tước thì cao quí và quyền uy lãnh chúa; còn nam tước thì chân chính lãnh chúa.

"Công tước là đức; các vị nguyên lão khác là ngài.

"Các huân tước đều bất khả xâm phạm.

"Các nguyên lão vừa là nghị viện vừa là pháp viện, con ciliumet curia, cơ quan lập pháp và toà án.

"Tối tôn kính" hơn hẳn "rất tôn kính".

"Các huân tước nguyên lão được gọi là "huân tước đương nhiên"; các huân tước không phải nguyên lão là "huân tước xã giao"; chỉ những nguyên lão mới là huân tước.

"Huân tước không bao giờ tuyên thệ, cả trước mặt vua, cả trước công lý, lời nói của huân tước là đủ. Huân tước nói: trên danh dự của ta.

"Các công xã, là nhân dân, khi bị đòi ra toà án huân tước, phải khúm núm trình diện, đầu trần, trước mặt các vị nguyên lão vẫn đội mũ miện.

"Các công xã đệ trình dự án lên các huân tước do hơn mươi uỷ viên tiến dâng, sau khi cúi chào sát đất ba lần.

"Các huân tước gửi dự án đến các công xã qua một viên thư ký bình thường.

"Trường hợp tranh chấp, hai viện đàm luận trong phòng tranh, các nguyên lão đều ngồi, đầu đội mũ miện, các công xã phải đứng đầu trần.

"Theo một đạo luật của Êđua thứ sáu, các huân tước có đặc quyền sát nhân giản đơn. Một huân tước giết người giản đơn không bị truy tố.

"Nam tước ngang hàng với giám mục.

"Để được làm nam tước nguyên lão, phải được nhà vua ban per baroniam integram, nam tước lãnh địa toàn bộ. Toàn bộ lãnh địa nam tước gồm có mười ba thái ấp quý tộc và một phần tư, mỗi thái ấp quý tộc là hai mươi livơ xteclinh, tổng cộng lên đến bốn trăm mác.

"Đứng đầu lãnh địa nam tước, caput baronioe, là một toà lâu đài do cha truyền con nối quản lý, như chính nước Anh; nghĩa là chỉ di chuyển đi cho con gái khi nào không có con trai, và trong trường hợp đó thì dành cho người con gái đầu lòng, coeterisfiliabus ali- unde satisfactis[13].

"Các nam tước có tư cách là lord (nam tước), do tiếng xăcxơ laford, do tiếng La-tinh thời hưng thịnh dominus, và do tiếng La-tinh thời suy tàn lordus.

"Các con trai đầu và con trai thứ của tử tước và nam tước là những dũng sĩ tuỳ tùng đệ nhất của vương quốc.

"Các con trai đầu của các nguyên lão được đi trước các hiệp sĩ giống Giarơchie[14]. Các con trai thứ không được.

Con trai đầu của một tử tước đi sau tất cả nam tước và đi trước tất cả các tòng nam tước.

"Con gái của huân tước là lady. Các tầng lớp con gái khác của nước Anh là miss. "Tất cả các quan toà đều thấp kém hơn nguyên lão.

"Đầu lại đội mũ bồ đài bằng da cừu; quan toà đội mũ bồ dài bằng da các loại thú nhỏ, de minuto vario, lông trắng, trừ chồn trắng. Chồn trắng dành riêng cho các nguyên lão và nhà vua.

"Không thể ấn định supplicavit đối với một huân tước. Một huân tước không thể bị câu giam. Trừ trường hợp Tháp Luân Đôn[15].

"Một huân tước được nhà vua vời vào cung có quyền bắn chết một hoặc hai con hoãng trong vườn ngự uyển.

"Huân tước có triều đình riêng trong lâu đài của mình.

"Huân tước ra đường và mặc áo choàng, với hai kẻ hầu theo sau là không đúng tư cách. Huân tước chỉ có thể xuất hiện với một đoàn gia nhân quý tộc long trọng.

"Các nguyên lão đến nghị viện bằng xe song mã chạy hàng dọc, các công xã, nhất thiết không. Một số nguyên lão đến điện Oetminxtơ bằng kiệu nằm có bốn cánh. Hình dáng loại kiệu và xe song mã có huy hiệu và hình miện này chỉ dành cho các huân tước và đi đôi với tước vị của họ.

"Chỉ huân tước mới có quyền phạt tiền một huân tước, và không bao giờ phạt quá năm senlinh, trừ công tước có thể bị phạt đến mười.

"Một huân tước được phép có trong nhà sáu người lạ mặt. Mọi người Anh khác chỉ được bốn.

"Một huân tước có thể có tám thùng tô-nô rượu vang không phải thuế.

"Chỉ có huân tước mới được miễn trình diện trước quận trưởng.

"Huân tước không thể bị dân quân bắt thuế.

"Khi nào thích, một huân tước tuyển bắt một trung đoàn và nộp cho nhà vua; đức quận công Atôn, đức quận công Hamintơn và đức quận công Northơmbơlân đều làm như thế.

"Huân tước chỉ tuỳ thuộc các huân tước.

"Trong các cuộc tố tụng dân sự, huân tước có thể đề nghị hoãn vụ án của mình, nếu trong số thẩm phán không có ít nhất một hiệp sĩ.

"Huân tước cứ lấy mục sư của mình. Nam tước cử ba mục sư; tử tước, bốn; bá tước và hầu tước, năm; công tước, sáu

"Huân tước không thể bị tra tấn, dù có phạm tội đại nghịch.

"Huân tước không thể bị in dấu sắt bằng tay.

"Huân tước, dù không biết chữ, cũng là người thông thái. Huân tước đều đương nhiên biết chữ.

“Chỗ nào không có nhà vua, thì mỗi công tước đều có một kiệu hộ tống; mỗi tử tước có một kiệu trong dinh mình; mỗi nam tước có một cái nắp và bắt người hầu phải cầm nó hứng dưới cốc lúc mình uống; mỗi nam tước phu nhân có quyền bắt một người đàn ông nâng đuôi áo cho mình trước mặt một tử tước phu nhân.

"Tám mươi sáu huân tước, hoặc trưởng nam của huân tước, điều khiển tám mươi sáu bàn ăn, mỗi bàn năm trăm suất ăn, để vua ngự hàng ngày trong cung, phí tổn do xứ sở tại có cung nhà vua đài thọ.

"Dân thường nào đánh một huân tước thì bị chặt nắm tay.

"Huân tước gần nhà vua.

"Vua gần như Chúa.

"Quả đất là một thái ấp.

"Người Anh gọi Chúa là mylord (lãnh chúa của tôi).

Bên cạnh ghi tích này, người ta lại đọc được một ghi tích thứ hai dưới đây, cũng viết theo lối ấy:

Những điều đủ để thoả mãn những người tay không.

"Hăngri Ôveckec, bá tước Grantam, trong nghị viện nguyên lão ngồi giữa bá tước Jecxây và bá tước Grinuysơ, có mười vạn livrơ xtecling niên kim. Ngài là chủ nhân toà lâu đài Grantam-Terax, làm toàn bằng đá hoa cương, nổi tiếng về cái gọi là mê-hồn-lang. Một kỳ quan trong đó có hành-lang hồng bằng hoa cương Xărăngcôlin, có hành lang nâu bằng cẩm thạch Axtơracan, có hành-lang trắng bằng hoa cương Lani, có hành-lang đen bằng hoa cương Xtarema: có hành-lang xám bằng hoa cương Xtarema, có hành-lang vàng bằng hoa cương xứ Hex, có hành-lang xanh lục bằng ngọc thạch Tiron, có hành-lang đỏ vừa bằng vân thạch Bôhêm vừa bằng cẩm thạch Corđu, có hành-lang thiên thanh bằng lam thạch xứ Giên, có hành-lang tím bằng đá granít Catalôn, có hành-lang tóc, vân đen trắng, bằng đá Sixtơ Muyaviêđrô, có hành-lang hoa hồng bằng hồng thạch núi Anpơ, có hành-lang ngọc bằng cẩm thạch Nonet, và hành-lang ngũ sắc là hành lang triều- thần bằng đá dăm ngũ sắc.

"Raisa Lothơ, tử tước Loongđên, có toà lâu đài Lothơ tại Oexmorơlen, với công trình phụ cận lộng lẫy, và cái tam cấp lúc nào cũng như mời chào các bậc vương giả quá bộ vào chơi.

"Raisa, bá tước Xcaborop, tử tước và nam tước Lâmli, tử tước Oatơfo xứ lêclăng, lãnh chúa-trung uý và phó thuỷ sứ đô đốc lãnh địa Northơmboclan và Đuyêcham, vừa là thành phố vừa là lãnh địa, có tòa cung điện đôi Xtantet, bao gồm một tòa cổ xưa và một tòa hiện đại, nơi mà mọi người đều phải trầm trồ ca ngợi dãy rào bán nguyệt bao quanh một cái bể cạn với vòi phun nước có một không hai. Ngoài ra, ngài còn có thêm toà lâu dài Lâmli.

"Rôbơc Đacxi, bá tước Honđơnex có cơ ngơi Hondơnex với các vọng lâu nam tước và những khu vườn vô tận kiểu Pháp, trong đó ngài thường dạo chơi bằng xe lục mã với hai kỵ mã dẫn đầu, đúng như nghi thức một nguyên lão Anh quốc.

"Saclơx Bôclec, công tước Sên-anban, bá tước Bơcfo, nam tước Hetđintơn, quan ưng ty[16] Anh quốc, có một toà nhà ở Uynxo, rất nguy nga, bên cạnh cung vua.

"Saclơ Bôtvin, huân tước Rôbac, nam tước Tơrurô, tử tước Bôtmin, có dinh cơ Uympơn tại Kembrit, gồm ba toà lâu dài với ba mi nhà, một cái hình cung, hai cái hình tam giác. Lối vào có bốn hàng cây to.

"Ngài tối cao quý và quyền uy huân tước Philip Eche, tử tước Caeceđip, hầu tước Môngômeri, hầu tước Pembrôc, lãnh chúa nguyên lão và độc áp Canđa, Macmion, Xen Quentin, và Sơclan, giám thư trong các lãnh địa Cornuay và Đivon, thanh tra thế tập trường trung học Giê-xu, có ngôi vườn Uyntơn kỳ diệu trong đó có hai bể cạn với vòi phun nước đẹp hơn cả cung diện Vecxai của đức vua nước Pháp Luy thứ mười bốn.

"Saclơx Ximua, công tước Xômơxet, có gia trang Xômơxet trên sông Tami, có thể sánh ngang với biệt thự Păngphơli ở La-mã. Người ta nhận thấy trên lò sưởi to có hai cái lọ sứ Giang Tây trị giá nửa triệu frăng.

"Tại Yoocsai, Actơ, huân tước Ingơram, tử tước Iêcvin, có ngôi đền Niusam, muốn vào đấy phải đi qua một khải hoàn môn có những mái bằng giống như những sân thượng bên Moritani.

"Rôbơc, huân tước Phetơ Sacli, Buôcsiơ và Lôven, có tại Lixextơsai dinh cơ Xtaotơn - Haron mà khu vườn nhìn từ trên xuống giống như hình một ngôi đền có mi; ở phía trước hồ nước, ngôi nhà thờ có cái tháp chuông vuông cũng là của ngài.

"Trong lãnh địa Hortamtơn, Saclơx Xpenxơ, bá tước Xânđơlan ủy viên hội đồng cơ mật của nhà vua, có dinh cơ Antơrốp; muốn vào đó phải qua một hàng rào bốn trụ có những tượng đài bằng đá hoa cương.

"Tại Xơri, Laorenx Haiđơ, bá tước Rôsextơ, có khu vườn Niu Pac, cực kỳ mỹ lệ nhờ các đỉnh nóc chạm trổ, nhờ bãi cỏ tròn có cây to bao bọc, và nhờ những khu rừng chạy dài đến một dãy núi nhỏ, tròn, rất đẹp, trên chỏm có một cây sồi to từ xa đã trông thấy.

"Philip Xtanhop, bá tước Sextơphin, có dinh cơ Bretbi ở Đơcbisai với một tháp đồng hồ tuyệt đẹp, với những tay nuôi chim ưng, với những bãi nuôi thỏ và những hồ nước rất đẹp, hình dài, hình vuông, hình bầu dục, trong số đó có một cái hình gương soi, với hai vòi nước phun rất cao.

"Huân tước Corvalit, nam tước Ai, có dinh cơ Brôm- Hôn, một lâu đài của thế kỷ mười bốn.

"Ngài tối cao quý Ongiơnon Capơn, tử tước Manđen, bá tước Etxet, có dinh cơ Casbiuri ở Hecfosai, một lâu đài hình chữ H hoa, trong đó có những khu săn bắn rất nhiều thú rừng.

"Saclơx, huân tước Otxunxton, có dinh cơ Đoly ở Mitdơnxêc muốn đi tới đó phải qua những khu vườn kiểu Ý.

"Giêm Xêxin, bá tước Xalixbiuri, cách Luân đôn bảy dặm, có dinh cơ Hacphin - Haozơ, với bốn mái đình lãnh chúa, lầu chuông ở giữa cái sân chính, lát gạch men trắng đen như sân XanhGiecmanh. Cung điện này, mặt tiền dài hai trăm bảy mươi hai bộ, do ngài tổng quản lý ngân khố nước Anh, vốn là tằng tổ của bá tước đương vị, xây dựng dưới thời Giắc đệ Nhất. Tại đấy người ta thấy có cái giường của một nữ bá tước Xalixbiuri, vô giá, đóng toàn bằng gỗ Braxin, thứ gỗ vẫn dùng làm thuốc vạn năng chữa rắn cắn, và được gọi là milombrơ, nghĩa là nghìn người. Trên chiếc giường đó có dòng chữ bằng vàng: Honni soit qui mal y pense[17].

"Eetđua Rits, bá tước Varuyc và Hà-lan, có lâu đài Varuye Catxơn, ở đấy người ta đốt sồi cả cây trong lò sưởi

"Trong giáo phận Xevơn-Ôkơ, Saclơx-Xăcxin, nam tước Bâckhươc, tử tước Cơranphin, nam tước Đorxet và Mitđơnxêc, có dinh cơ Knaolơ, rộng lớn như một thành phố, gồm ba cung điện đứng song song cái trước cái sau như những hàng ngũ pháo binh, với mười đầu trụ cầu thang ở tiền diện chính, và một cái cửa dưới vọng lâu bốn tháp canh.

"Tômax Tin, tử tước Uêmao, nam tước Vaminxtơ, có dinh cơ Loong Lit mà số lượng lò sưởi, đèn lồng, đình tạ, lầu canh, tháp gác, gần bằng lâu đài Sămbo ở nước Pháp của nhà vua.

"Cách Luânđôn mười hai dặm, Henri Haova, bá tước Xơphon, có cung điện Odơlin ở Mitdơnxêc, về quy mô và vẻ nguy nga tráng lệ chỉ hơn kém cung điện Exquyrian của vua Tây Ban Nha.

"Tại Betfosai, biệt thự và trang viên Vrext, y như một đất nước bao quanh bằng hào sâu và tường thành, với rừng cây, sông, ngòi, đồi núi thuộc về Hăngri, hầu tước Kent.

"Hamtơn-Cort, ở Hirơfo, với cái vọng lâu vĩ đại có lỗ châu mai, và khu vườn có hồ nước chắn ngang, ngăn cách nó với rừng cây, thuộc về Tômax, huân tước Coninhbai.

"Lâu đài Grimtorp, ở Linconsai, với mặt tiền dài dằng dặc lô nhô những tháp canh cao, có vườn hoa, đầm nước, chuồng chim trĩ, có khu nuôi cừu, bãi cỏ xanh, có cây cảnh trồng theo hình ngũ điểm, có đường dạo mát, có rặng cây to, có những luống hoa như thêu như vẽ, trồng thành hình ô vuông, quả trám, giống như những tấm thảm to, lại có cả những đồng cỏ đua ngựa, và đường vòng tôn nghiêm cho xe song mã chạy quanh, trước khi tiến vào lâu đài; tất cả những thứ đều thuộc về Rôbơc, bá tước Linxê, huân tước thế tập của cánh rừng Vanham.

"Ấp Phê, tại Xơtxêc, toà lâu đài vuông với cánh đình đối xứng có lầu chuông ở hai bên sân chính, thuộc về ngài Fo rất vẻ vang, huân tước Grây, tử tước Glenđên và bá tước Tăngcacvin.

"Niunham Pađô, ở Vacvicsai, có hai hồ cá vuông, và một hồi nhà bốn mặt lồng kính, thuộc về bá tước Đenbai, tức bá tước Ren fenđơn bên Đức.

"Và thêm, trong lãnh của Beck, với khu vườn kiểu Pháp có bốn vòm cây cắt tỉa, và cái tháp to có lỗ châu mai liền với hai chiếc tàu chiến cao, thuộc về lãnh chúa ở Môntêgơ, bá tước Abinđơ. Là nam tước Ricôt, ngài có thêm dinh cơ Ricốt, mà trên cổng chính người ta thấy có câu châm ngôn: Virtus ariete fortior"[18].

"Uyliam Cavenđis. công tước Đivonsai, có sáu toà lâu dài, trong đó toà Satxuôc hai tầng kiểu Hy-lạp là đẹp nhất, ngoài ra còn có chiêu đãi quán Luânđôn với con sư tử quay lưng lại hoàng cung.

"Tử tước Kinonmiki, bá tước Cooc ở Lêclăng, có dinh cơ Bơclintơn-Haozơ ở Picđili, với các vườn cây rộng mênh mông đến tận những cánh đồng ngoại thành Luândôn; ngài còn có Sixuyc với chín khu nhà lộng lẫy, ngài còn có Lândexbơc, một dinh thự mới bên cạnh một cung điện cũ.

"Công tước Bôfo có dinh cơ Senxi, trong đó có hai lâu đài xây theo kiểu gôtic và một lâu đài theo kiểu Florăngxơ; ngài có cả Batmintơn ở Gôlôxetxtơ, một dinh thự từ đó toả ra nhiều đại lộ như một ngôi sao. Hoàng thân tối cao quý và quyền uy Hăngri, công tước Bôfo, đồng thời là hầu tước và bá tước Vorxextơ, nam tước Raglăng, nam tước Paoơ, và nam tước Ecbe đơ Sepxtô.

"Gion Honlơx, công tước Niucaxơn và hầu tước Clêrơ, có dinh cơ Bonsơvơ với cái vọng lâu vuông uy nghiêm, cộng thêm dinh cơ Hopton ở Notinhgam, với cái bể cạn giữa có một kim tự tháp tròn bắt chước tháp Baben.

"Tại Vacvicsai: Uylia, huân tước Craven, nam tước Craven Hamxtit, có một dinh thự là Cơm-Apbê với vòi phun nước đẹp nhất nước Anh; tại Becsai, ngài còn có hai lãnh địa nam tước là Hamxtit-Macsan mặt tiền khoe năm ngọn đèn lồng kiểu Gôtic bắt chéo, và Axđao- Pac, một lâu đài đứng ở điểm giữa của mấy con đường gặp nhau trong một khu rừng.

"Huân tước Linơx Clăngsacli, nam tước Clăngsacli và Hâncơvin, kiêm hầu tước Corlêon của Xixin, có lâu đài Clăngsacli do Êđua Lão-vương xây dựng năm 914 để chống quân Đan-mạch, thêm cung điện Hâncơvin- Haozơ ở Luândôn, thêm ở Uynxo, Corlêon-Lotgiơ cũng là một cung điện, và tám lãnh địa thành chủ, một cái ở Bruxton, trên Tơrăngtơ, với quyền sở hữu về các mỏ bạch ngọc, rồi Gâmđơret, Hơmbơn, Monricam, Trăngvađrêt, Hen-Kectơ, nơi có một cái giếng tuyệt diệu, Pinlinmo với các đầm than bùn của nó, Ricunvơ gần thành phố Vaniaxê cũ, Vainơcaoton trên núi Moi- Enli, cộng thêm mười chín thị trấn và làng xã cùng với các pháp quan, và tất cả xứ Pennet-Sêzơ, như vậy là toàn bộ thu về cho ngài bốn vạn livrơ xtecling lợi tức.

"Một trăm bảy mươi hai vị nguyên lão dưới triều Giắc đệ Nhị mỗi năm nộp lại có một khoản lợi tức là một triệu hai trăm bảy mươi hai nghìn livrơ xtecling, bằng một phần mười một thu nhập của nước Anh".

Bên lề tên người cuối cùng, huân tước Linơx Clăngsacli, thấy có cây chú thích sau đây tự tay Uyêcxuyt viết:

Phản nghịch, bị đày, tài sản lâu đài, đất đai bị tịch thu. Đáng đời.

VI. Uyêcxuyt lúc nào cũng ca tụng Ômô. Con hát mẹ khen hay. Đó là qui luật.

Tâm trạng Uyêcxuyt bao giờ cũng ngấm ngầm tức bực, và thái độ bên ngoài của ông thì gắt gỏng.

Uyêcxuyt là con người bất bình của tạo hoá. Trong thiên nhiên ông là người chống đối. Ông bất mãn với vũ trụ. Ai ông cũng không vừa lòng, cái gì ông cũng không ưng ý. Việc con ong làm nên mật ngọt không xá được cho nó cái tội chích đốt con người; một bông hồng tung nở không thể xá tội cho mặt trời đã đem lại bệnh sốt rét vàng da và bệnh vomito negro. Chắc hẳn trong thâm tâm Uyêcxuyt cũng đã nhiều lần phê bình chúa. Ông thường nói: - Tất nhiên, quỷ thì phải có lò-xo, nhưng sai trái của Chúa là bấm nút bật. Ông chỉ tán thành lớp vương hầu, nhưng ông có cách hoan nghênh riêng của ông. Một hôm Giắc đệ Nhị cúng cho Đức Bà Đồng-trinh ở một nhà nguyện Thiên Chúa Giáo Lếclăng một cái đèn bằng vàng khối. Nhân đi qua đấy cùng với Ômô, thờ ơ hơn, Uyêcxuyt cứ xuýt xoa thán phục trước toàn thể nhân dân và nói to: - Chắc chắn Đức Bà Đồng-trinh cần một cái đèn vàng hơn lũ trẻ chân đất cần giầy dép.

Chắc chắn, những bằng chứng như thế, và tính "thẳng thắn" và lòng kính trọng hiển nhiên của ông đối với những bậc quyền thế được xác định, cũng góp phần không nhỏ vào việc các pháp quan tha thứ cho lối sống lang thang của ông và sự kết giao không cân xứng của ông với một con sói. Nể nang vì tình bạn, đôi lúc buổi tối ông để cho Ômô duỗi chân duỗi cẳng một tý và tự do tha thẩn quanh lều; con sói không bao giờ lạm dụng lòng tin, và xử sự "rất lịch sự", nghĩa là giữa chỗ đông người, nó thận trọng như một con chó xù; tuy nhiên, nếu gặp phải những quan toà khó tính, việc đó cũng có thể gây nhiều phiền hà; vì vậy Uyêcxuyt phải xích con sói hiền lành lại càng nhiều càng tốt. Về phương diện chính tả, cái bảng viết về vàng, không ai đọc được nữa, vả lại cũng hơi khó hiểu, chỉ là một mớ chữ nguệch ngoạc mặt ngoài, không thể tố cáo được ông. Ngay cả sau thời Giắc đệ Nhị và dưới triều đại "tôn kính" của Ghi-ôm và Mari, những thành phố nhỏ của các lãnh địa nước Anh vẫn thấy chiếc xe của ông lang thang thanh thản, ông chu du khắp nước Anh, bán các thứ bùa yêu thuốc lọ, cùng với con sói làm những trò giả dối buồn cười của thầy thuốc rong, và dễ dàng lọt khỏi lưới cảnh sát thời bấy giờ chăng khắp nước Anh để thanh trừng những bọn người du cư, đặc biệt để bắt bọn "Comprasicôx" lúc chúng đi qua.

Như vậy cũng đúng thôi. Uyêcxuyt không thuộc bọn nào cả. Uyêcxuyt sống với Uyêcxuyt; thui thủi mình tâm sự với mình, thêm một con sói thỉnh thoảng thò mõm vào một cách dễ thương. Ước vọng của Uyêcxuyt là được làm người dân Caribê; không được như nguyện ông thành người cô độc. Người cô độc là một kẻ man di thu nhỏ, được văn minh chấp nhận. Con người càng lang thang càng cô độc. Do đó mà ông phải xê dịch thường xuyên. Đối với ông dường như mỗi lần dừng chân ở một nơi nào là một lần tập cho mình thuần tính. Ông dùng năm tháng đời ông để đi cho hết quãng đường của ông. Nhìn thấy thành phố ông càng thêm ưa thích các lùm cây, các bụi rậm gai góc và hang lỗ trong núi. Nhà riêng của ông là rừng rú. Ông không cảm thấy quá lạc lõng giữa tiếng ồn ào của những nơi công cộng, vì nó gần giống tiếng xào xạc của cỏ cây. Trong chừng mực nào đó, quần chúng làm cho lòng ham thích cảnh sa mạc của người ta được thoả mãn. Trong chiếc lều này, điều làm ông khó chịu là cái cửa to và mấy cái cửa sổ, và nó giống một ngôi nhà. Giá có thể đặt dược một hang đá lên bốn bánh xe và đi chu du trong một cái động, thì ông mới đạt được lý tưởng của ông.

Ông không mỉm cười, điểm đó chúng tôi đã nói rồi, nhưng ông lại cười; thỉnh thoảng, đôi khi cười luôn nữa, một tiếng cười chua chát. Trong cười nụ, có ngụ ý bằng lòng, còn cười to thường là một sự phản kháng.

Vấn đề quan trọng của ông là căm hờn loài người.

Trong mối căm hờn này ông không bao giờ khoan nhượng. Sau khi rút ra kết luận đời người là một điều xấu xa ghê tởm, sau khi xét thấy các thiên tai luôn luôn chồng chất lên nhau, vua chúa đè lên nhân dân, chiến tranh đè lên vua chúa, dịch bệnh đè lên chiến tranh, nạn đói đè lên dịch bệnh, ngu muội đè lên tất cả, sau khi nhận thấy chỉ riêng việc tồn tại cũng đã làm một phần nào của trừng phạt, sau khi công nhận chết là một sự giải thoát, bao giờ người ta đưa đến cho ông một con bệnh là ông lo chữa chạy cho ngay. Ông có những thứ rượu bổ và thuốc uống để kéo dài tuổi thọ cho các cụ già. Ông chữa hộ những người què lê đứng thẳng lại và bốp vào mặt họ câu nói chua chát này: - Thế là cậu đứng được rồi nhé. Mong cho cậu có thể bước mất trong cái bể khổ!

Thấy một người nghèo sắp chết đói, ông vừa cho y tất cả số tiền trong túi vừa lầu bầu: Đồ khốn kiếp, cố mà sống! Cố mà ăn! Cố mà kéo thật lâu cuộc sống! Không phải tao rút ngắn kiếp tù đày của mày đâu nhé!

Nói xong, ông xoa tay và nói: - Mình đem lại cho người đời tất cả tai họa mà mình có thể đem lại.

Khách qua đường có thể, qua cái lỗ cửa áp mái phía sau, đọc được trên trần lều cái bảng hiệu dưới đây, viết ở phía trong, nhưng đứng ngoài có thể nhìn thấy bằng than và chữ to: UYÊCXUYT TRIẾT GIA.

2. BỌN COMPRASICÔX

I. Giờ này có ai biết đến từ ngữ comprasicôx, và có ai biết được nghĩa của từ ngữ đó?

Bọn Comprasicôx hay Comprapêcơnôx, là một thứ hội kín, nay đây mai đó, ghê tởm và lạ lùng, nổi tiếng ở thế kỷ mười bảy, bị quên lãng ở thế kỷ mười tám, và ngày nay không được ai biết đến. Bọn Comprasicôx, cũng như "thuốc độc", là một chi tiết cũ xưa đặc biệt của xã hội. Chúng góp phần làm nên mặt xấu xa ngày xưa của con người. Trước con mắt vĩ đại của lịch sử, quen nhìn khái quát, bọn Comprasicôx liên quan đến sự kiện to lớn là chế độ nô lệ. Giôdep bị anh em bán là một chương trong câu chuyện truyền tụng về chúng. Bọn Comprasicôx còn để lại dấu vết trong những pháp chế hình sự của nước Anh và nước Tây Ban Nha. Đây đó, trong cái đống luật pháp tối tăm rối mù của nước Anh, còn thấy được áp lực của sự kiện quái gở này, như khi người ta tìm thấy dấu chân một con người man rợ trong một khu rừng.

Comprasicôx, cũng như Comprapêcơnôx, là một từ kép của Tây Ban Nha, có nghĩa là "bọn mua trẻ con".

Bọn Comprasicôx làm nghề buôn trẻ con.

Chúng mua trẻ con và bán trẻ con.

Chúng không bao giờ bắt cóc trẻ con cả, ăn trộm trẻ con thuộc một nghề khác.

Và với lũ trẻ con đó, chúng làm gì?

Làm thành quái vật.

Tại sao lại làm thành quái vật?

Để cười. Dân chúng cần phải cười; vua chúa cũng cần được cười. Đầu đường xó chợ cần có người làm trò; cung điện Luvrơ[19] cần có thằng hề. Thằng thì tên là Tuyêcluy- panh, thằng thì tên là Tơribulê.

Những cố gắng của con người để tạo ra niềm vui đôi khi đáng để cho triết gia lưu ý.

Trong mấy trang mở đầu này, chúng tôi phác hoạ gì đây? Một chương của cuốn sách hãi hùng nhất, cuốn sách mà người ta có thể đặt là: Sự bóc lột những người bất hạnh bởi bọn sung sướng.

II. Từ xưa, ý đồ biến trẻ con thành một thứ đồ chơi của người lớn đã từng có (và điều đó ngày nay cũng vẫn còn). Vào những thời kỳ thơ ngây và độc ác, điều đó làm nảy sinh ra một nghề đặc biệt. Thế kỷ mười bảy, thế kỷ vĩ đại là một trong những thời kỳ ấy. Một thế kỷ rất giống thời kỳ Byzănggrơ xa xưa; vừa thơ ngây đồi bại vừa độc ác tinh vi, một di sản kỳ lạ của văn minh. Một con hổ làm bộ khó tính. Bà Đơ Xêvinhê[20] õng ẹo trước dàn thiêu và xa hình[21]. Thế kỷ này bóc lột trẻ con rất thậm tệ; các nhà viết sử, nịnh thần của thế kỷ đó, đã che dấu vết thương, nhưng họ đã cho thấy phương thuốc, Vanhxăng đơ Pôn[22].

Muốn cho thứ người-đồ-chơi đạt hiệu quả, phải nắm được con người thật sớm. Thằng lùn phải bắt đầu từ khi còn bé. Người ta lấy tuổi thơ ra làm trò chơi. Nhưng một đứa trẻ thẳng thớm thì không thú lắm. Một thằng gù, nhộn hơn.

Từ đó nảy sinh ra một nghệ thuật. Sẵn có những tay chăn nuôi. Người ta bắt một con người, làm thành một cái mõm. Người ta ép sự phát triển; người ta nhào nặn diện mạo. Phương pháp sản xuất nhân tạo làm ra những kiểu biến thái này có quy tắc của nó. Đây là cả một khoa học. Thử tưởng tượng một khoa chỉnh hình ngược hướng mà xem. Nơi mà Chúa cho nhìn thẳng, nghệ thuật đó làm thành lác mắt. Nơi được Chúa sắp xếp hài hòa, người ta lại cho dị dạng. Nơi Chúa đã hoàn thiện, người ta lại không khôi phục phác thảo. Và trước con mắt những kẻ sành sỏi, chính phác thảo mới thật hoàn hảo. Đối với súc vật cũng có những chuyện bổ khuyết; người ta sáng tạo ra những con ngựa lang; Tuyren đã từng cưỡi một con ngựa lang. Ngày nay người ta chẳng sơn lam sơn lục những con chó đó sao? Thiên nhiên là bản phác hoạ của chúng ta. Con người luôn luôn thích thêm một chút gì đó vào Chúa. Con người thường sửa sang lại công trình tạo hóa, đôi khi có tốt hơn, đôi khi lại xấu di. Thằng hề trong triều đình chẳng phải gì khác là một trò thử kéo con người trở lại con khỉ.

Tản bộ đằng sau. Kiệt tác giật lùi. Đồng thời người ta cố biến khỉ thành người. Bacbê, nữ công tước Clêvơlan và nữ bá tước Xaohamtơn, có một tên thị đồng là một con khỉ con Nam Mỹ. Tại tư thất Frăngxoađơ Xutơn nữ nam tước Đulây, nữ nguyên lão thứ tám trên hàng ghế nam tước, tên bưng trà mời khách là một giống vượn Phi Châu mặc áo gấm thêu kim tuyến mà Đulây phu nhân gọi là "tên mọi đen của tôi". Catêrin Xitli, nữ bá tước Đorsextơ, đi họp nghị viện trong một chiếc xe song mã có chạm gia huy, sau xe có ba con khỉ Phi Châu mặc đại chế phục đứng nghếch mõm lên trời. Một nữ công tước Mêđina-Xêli, mà hồng y giáo chủ Pôluyx được trông thấy khi ngủ dậy, sai một con đười ươi lồng bít tất vào chân cho mình. Những chú khỉ được phong cấp ấy dùng làm đối trọng với những con người bị ngược đãi và bị biến thành súc vật. Cái trò đảo lộn giữa người và vật này do các ông to bà lớn muốn, rất rõ nét ở thằng lùn và con chó. Thằng lùn không bao giờ rời con chó, con chó luôn luôn lớn hơn hắn ta. Con chó cùng thuộc một bộ với thằng lùn. Cứ như hai cái cổ dề liền nhau. Sự chồng đặt này ta thường thấy trong rất nhiều vật kỷ niệm gia đình, nhất là bức chân dung Jetrê Hâtxân, thằng lùn của Hăngriet nước Pháp, con gái Hăngri đệ Tứ, vợ của Saclơ đệ Nhất.

Từ chỗ hạ thấp con người dẫn đến chỗ làm biến dạng con người. Người ta bổ sung việc cắt bỏ hình thái bằng cách thay đổi bộ mặt. Một số nhà giải phẫu sống thời ấy đã đạt dược kết quả mĩ mãn trong việc xoá bỏ hình tượng Chúa trên mặt con người. Bác sĩ Conquext, thành viên của đoàn thể Amen-Xtrit, và thanh tra tuyên thệ các cửa hàng hoá chất Luânđôn, có viết một cuốn sách bằng tiếng La-tinh về khoa giải phẫu trái ngược này, và ông còn hướng dẫn cả phương pháp nữa.

Theo lời Juytuyt đơ Caric Fecgux, người phát minh ra khoa phẫu thuật này là một tu sĩ tên là Evơnmo, từ ngữ xứ Iêc-lăng có nghĩa là Sông Lớn.

Thằng lùn của tuyến hầu, Peckêô, người có con búp bê hay con ma-từ một cái hộp giật mình[23] trong hầm rượu Haiđenbec nhô ra, là một kiểu mẫu đặc sắc của khoa học đó, vốn rất đa dạng trong các hình thức áp dụng.

Việc này tạo thành những con người mà quy luật tồn tại giản đơn một cách quái gở: được phép sống đau khổ, được lệnh làm trò giải trí.

III. Việc chế tạo ra những quái vật này được thực hành trên một qui mô rộng lớn và chia ra nhiều loại khác nhau.

Có thứ quái vật cần cho quốc vương; có thứ quái vật cần cho giáo hoàng. Bên này để canh gác vợ, bên kia để cầu nguyện Chúa. Đây là một loại riêng biệt không thể truyền giống được. Những kẻ gần như người này được việc cho khoái lạc và cho tôn giáo. Hậu cung cũng như nhà nguyện Xicxtin[24] đều tiêu thụ cùng một giống quái vật ở đây dữ tợn, ở kia dịu dàng.

Thời ấy người ta biết sản xuất ra những thứ mà ngày nay không sản xuất nữa, họ có những tài năng mà ta thiếu hẳn, và không phải không có lý khi những bậc hiền minh kêu gào về sự suy đồi. Ngày nay người ta không biết tạc thẳng vào da thịt con người; nguyên do vì nghệ thuật cực hình không còn; về khoa này xưa kia con người vốn là bậc kỳ tài, ngày nay không được thế nữa. Người ta đã đơn giản hoá nghệ thuật này đến mức sắp tới đây có lẽ nó sẽ mất hẳn. Khi cắt tay chân của người sống, khi mổ bụng họ, khi moi ruột ra, người ta trực tiếp nắm được hiện tượng, và có những phát hiện; vì phải từ bỏ những việc đó nên chúng ta mất hết những bước tiến mà đao phủ giúp cho khoa giải phẫu.

Khoa giải phẫu sinh thể này của người xưa không tự hạn chế trong việc hiến cho quảng trường những mẫu người hiếm có, cho cung đình những thằng hề, vốn là những thứ phụ gia của bọn nịnh thần, cho các quốc vương và các giáo hoàng những tên quan hoạn. Nó có rất nhiều biến thể. Một trong những kỳ tích này là làm được một con gà trống cho vua nước Anh.

Ngày xưa, trong cung vua nước Anh theo tục lệ phải có một thứ người-đêm, gáy hệt như gà. Anh tuần canh này, đứng khi mọi người ngủ, cứ phải lò dò trong cung điện, và từng giờ từng giờ lại cất tiếng gáy như gà, cần bao nhiêu lần thì gáy đi gáy lại bấy nhiêu lượt, thay cho chuông. Con người này, được phong chức gà trống, nhờ thuở nhỏ đã qua một ca mổ họng, nằm trong nghệ thuật được bác sĩ Conquex miêu tả. Dưới triều Saclơ đệ Nhị, vì hậu quả mổ họng luôn luôn sinh ra dãi dớt khiến cho nữ công tước Porxmơt ghê tởm, người ta vẫn bảo tồn chức trách để khỏi làm giảm sút uy - quang của mũ miện, nhưng người ta bắt một người không bị cắt mổ gáy thay cho gà. Thông thường người ta chọn một cựu sĩ quan để giữ cái chức vụ danh giá này. Dưới triều vua Giắc đệ Nhị, viên công chức này tên là Uynliam Xanh xơn Gà-trống, và hàng năm với tiếng gáy của mình, y nhận được chín livrơ hai si linh sáu xu[25].

Hồi ký của Catêrin đệ Nhị kể lại, cách đây gần một trăm năm, ở Pêtecxbua[26], khi sa hoàng hoặc sa hậu không vừa ý một vương hầu Nga nào, liền bắt vị vương hầu đó ngồi xổm trong đại tiền sảnh của cung điện, và cứ ngồi ở tư thế đó một số ngày nhất định, theo lệnh phải meo meo như mèo, hoặc túc túc như gà mái và mổ thức ăn dưới đất.

Những kiểu cách đó đã qua rồi; tuy nhiên vẫn ít hơn người ta tưởng. Ngày nay bọn nịnh thần vẫn túc túc để làm đẹp lòng bề trên, có thay âm đổi giọng đôi chút. Không ít kẻ nhặt những thứ mình ăn ở đất, chúng tôi không nói ở trong bùn.

Rất may mắn là vua chúa không thể nhầm lẫn. Nhờ vậy những mâu thuẫn của các ngài không bao giờ khiến phải bối rối. Cứ tán thành mãi, người ta yên trí là lúc nào mình cũng đúng cả, điều đó dễ chịu thật. Luy XIV không thể nào ưa một vương hầu làm gà tây. Hình như Luy Đại Đế thấy việc tôn cao phẩm giá nhà vua và hoàng hậu ở nước Anh và nước Nga không hợp với vòng vương miện của Thánh Luy[27]. Người ta được biết nhà vua rất bất bình khi Lệnh bà Hăngriet một đêm nọ, quên mất tư thế của mình, đến nỗi nằm mê thấy một con gà mái, quả thật là một chuyện không hợp với tư cách một con người trong lầu son gác tía. Đã là cành vàng lá ngọc thì không được nằm mê thấy điều thấp hèn chứ.

Bôtxuyê[28], người ta còn nhớ, cũng chia sẻ sự phẫn nộ của Luy XIV.

IV. Như vậy là việc buôn bán trẻ con ở thế kỷ thứ mười bảy được bổ sung bằng một nghề nữa, chúng tôi vừa giải thích xong. Bọn comprasicôx mua bán thứ hàng đó và thực hành cái nghề này. Chúng mua trẻ con, gia công một tý vào thứ nguyên vật liệu đó và sau đem bán lại.

Người bán thuộc đủ mọi tầng lớp, từ ông bố nghèo đói muốn trút bỏ gia đình mình, cho đến tên chủ lợi dụng chuồng ngựa người nô lệ của hắn. Bán người là một chuyện đơn giản. Ngày nay người ta còn đánh nhau để duy trì cái quyền đó. Ta còn nhớ, cách đây non một thế kỷ, cử tri Đơ Hetxơ bán gia nhân của y cho vua nước Anh, lúc ấy nhà vua đang cần người đi bắn giết ở bên Mỹ.

Người ta đến nhà cử tri Đơ Hetxơ như đến cửa hàng mua thịt. Cử tri Đơ Hetxơ có thịt để nạp đại bác. Tay hoàng thân này treo gia nhân trong cửa hiệu của y. Xin cứ mặc cả, hàng bày bán đấy. Dưới thời Jêfrê, sau câu chuyện bi đát Monmaothơ có rất nhiều lãnh chúa và nhà quyền quý bị mất đầu và phanh thây; những kẻ bị cực hình này để lại vợ và con gái, góa bụa, côi cút, lớp này được Giắc đệ Nhị đem cho hoàng hậu vợ của nhà vua. Hoàng hậu bán các phu nhân này cho Ghiôm Pen. Hẳn là nhà vua được món hoa hồng và bao nhiêu phần trăm đấy. Điều dáng ngạc nhiên là không phải Giắc đệ Nhị bán những phụ nữ đó đâu, mà tại Ghiôm Pen mua họ.

Việc mua bán của Pen có thể tha thứ, hoặc giải thích được vì Pen có một bãi sa mạc phải gieo giống người nên cần có đàn bà. Đàn bà chỉ là công cụ của hắn.

Các phu nhân này thành món hàng béo bở của lệnh bà Hoàng hậu. Ai trẻ đẹp bán được giá cao. Người ta khó chịu như bị một cảm giác nhục nhã phức tạp, khi nghĩ rằng Pen hẳn vớ được một số nữ công tước già với giá rất rẻ.

Bọn Comprasicox cũng được gọi là bọn Sâylax, từ ngữ Ấn-độ có nghĩa là kẻ lùng tìm trẻ con.

Trong thời gian rất lâu, bọn Comprasicôx chỉ trốn tránh lấy lệ. Trong trật tự xã hội đôi khi có một chỗ tranh tối tranh sáng dung túng cho những ngành nghề đốn mạt, nhờ thế mà chúng vẫn còn tồn tại. Ta đã thấy ngày nay ở Tây Ban Nha có một hội kín kiểu đó, do tay buôn xì-gà Ramông Xenles điều khiển, sống dai dẳng từ năm 1834 đến năm 1806, và suốt ba mươi năm kìm kẹp ba tỉnh Vălăng, Alicăng và Muyêcxi trong tình trạng kinh hoàng.

Dưới triều đại các vua Xtiua, bọn Comprasicôx không hề bị thất sủng. Lúc cần, lợi ích quốc gia vẫn sử dụng bàn tay chúng. Đối với Giắc đệ Nhị, chúng hầu như là một instrumentum regni[29]. Đấy là thời kỳ người ta diệt bớt những gia đình phức tạp và chống đối, cắt đứt những quan hệ cha con, gạt bỏ đột ngột những người thừa tự. Đôi khi người ta tước đoạt chi họ này để làm lợi cho cái họ khác. Bọn comprasicôx có một cái tài làm thay đổi diện mạo; tài này tiến dần chúng với giới chính trị. Thay đổi diện mạo hay hơn là giết chết. Tất nhiên đã có thứ mặt nạ sắt, nhưng phương pháp ấy thô bỉ quá. Không thể để cho châu Âu có những bộ mặt sắt, trong khi bọn múa rối dị dạng đi đầy đường phố, chẳng có vẻ gì là vô lý cả; với lại một mặt nạ sắt còn có thể giật bỏ được, chứ bộ mặt thịt thì không. Mãi mãi tự che mặt bằng chính bộ mặt của anh, còn gì tài tình hơn. Bọn comprasicôx nhào nặn con người như người Trung Quốc uốn tỉa cây cảnh. Chúng có bí truyền của chúng, điều đó chúng tôi đã nói rồi. Chúng có nhiều thủ thuật. Một thứ nghệ thuật đã mai một. Từ bàn tay chúng thoát ra một vật còi cọc kỳ quái. Thật buồn cười và sâu sắc. Chúng biến đổi một em bé, tài tình đến nỗi bố cũng không nhận ra được con. Và có gì đánh lừa được cả mắt người bố, như Raxin[30] nói với một lỗi tiếng Pháp. Đôi khi chúng vẫn để thẳng nguyên cột sống, nhưng chúng làm lại bộ mặt. Chúng đánh dấu một em bé như ta đánh dấu một chiếc khăn tay.

Những sản phẩm dành cho bọn múa rối có những khớp xương quặt quẹo rất thần tình. Cứ tưởng như chúng bị rút mất xương. Thành những tài tử uốn dẻo.

Không những bọn comprasicôx lấy mất bộ mặt đứa trẻ, mà còn lấy cả trí nhớ của nó. Ít ra chúng đã lấy mất cái chúng có thể lấy được. Đứa bé không hề ý thức được việc cắt xẻo nó đã chịu đựng. Trò giải phẫu rùng rợn đó in dấu vết trên mặt, không in dấu trong tâm trí. Giỏi lắm, nó chỉ có thể nhớ là một hôm nó bị người ta tóm được rồi ngủ thiếp đi, sau đó đã chữa được khỏi. Chữa khỏi cái gì?

Nó đâu có rõ. Những chuyện nung đất bằng diêm sinh, cắt xẻ bằng dao kéo, nó chẳng nhớ gì hết. Bọn compra- sicôx, trong thời gian mổ, làm cho em bé bị mổ xẻ ngủ thiếp đi bằng một thứ bột gây mê có tiếng là bột thần làm mất đau đớn. Thứ bột đó ở Trung Quốc thời nào cũng có và đến nay vẫn còn được dùng. Trước chúng ta, ngành in, khoa phóng pháo, ngành chế tạo khí cầu, thuốc mê. Có điều, sáng kiến ở Châu âu lập tức có sức sống, sức phát triển, và trở thành phi thường kỳ diệu, thì ở Trung Quốc vẫn là bào thai, vẫn còn tồn tại trong trạng thái chết.

Trung Quốc là một cái bình ngâm phôi nhi.

Nhân nói về Trung Quốc, chúng ta hãy nán lại ở đây một lúc nữa vì một chi tiết. Ở Trung Quốc, thời nào người ta cũng nghiên cứu về nghệ thuật và ngành nghề sau đây:

đó là nghệ nhào nặn người sống. Người ta bắt một em bé hai ba tuổi, bỏ em vào một cái lọ sứ ít nhiều kỳ quặc, không nắp, không đáy, để cho đầu và chân có chỗ thò ra.

Ban ngày người ta để lọ đứng, ban đêm người ta để lọ nằm cho em bé được ngủ. Cứ như thế em bé to dần mà không lớn, dùng khối thịt bị dồn ép và mớ xương quặt quẹo của mình lấp đầy những chỗ lồi lõm của cái lọ. Sự phát triển trong chai này kéo dài nhiều năm. Đến một lúc nào đấy, không sao cứu vãn nổi. Khi xét thấy đã ăn khuôn và quái vật đã thành hình, người ta đập vỡ cái lọ, em bé thoát ra, thế là có được một con người hình một cái hũ.

Thật tiện lợi; người ta có thể đặt mua thằng lùn của mình với hình dạng mình muốn.

V. Vua Giắc Đệ Nhị dung túng bọn comprasicôx. Vì một lẽ chính đáng, là ông ta sử dụng chúng. Điều đó ít ra đã xảy đến với ông ta nhiều lần. Không phải lúc nào người ta cũng chê cái mà người ta ghét bỏ. Cái nghề hạ tầng này, đôi khi lại là phương tiện tuyệt diệu cho cái nghề thượng đẳng mà người ta gọi là chính trị, đã bị cố tình kìm hãm trong tình trạng khốn khổ, nhưng không bị truy nã. Không có một sự giám sát nào cả, nhưng phần nào có để ý. Như vậy có thể hữu ích. Pháp luật nhắm con mắt này, nhà vua mở con mắt kia.

Đôi khi nhà vua còn dám thú nhận sự đồng loã của mình nữa. Đó là những chuyện to gan của chế độ khủng bố quân chủ. Kẻ bị biến diện còn bị đóng dấu ấn hoa huệ[31] người ta cắt bỏ dấu ấn của Chúa, và đóng dấu ấn nhà vua vào. Trong nhà Giacôp Axlây, hiệp sĩ và tòng nam tước, lãnh chúa Mentơn, cảnh sát trưởng lãnh địa Norfon, có một đứa bé, trên trán nó người bán đã dùng sắt để in một dấu hoá huệ. Trong một số trường hợp, vì những lý do này nọ, nếu muốn chứng minh nguồn gốc không chối cãi được về hoàn cảnh mới của một đứa bé, người ta thường dùng phương pháp đó. Nước Anh đã luôn luôn dành cho ta cái hân hạnh sử dụng hoa huệ trong những việc riêng.

Bọn comprasicôx, với nét khác biệt phân chia một nghề sinh nhai với một cuồng tín, tương tự như những bọn bóp cổ người Ấn Độ; chúng sống với nhau thành đoàn, hơi giống bọn hề, như chỉ để cho có cớ. Việc đi lại của chúng nhờ đó được dễ đàng hơn. Chúng cắm lều chỗ này chỗ nọ, nhưng trầm ngâm mộ đạo, không giống các dân du cư khác về một điểm nào cả, và không bao giờ ăn trộm. Một thời gian rất lâu, nhân dân vẫn lầm lẫn chúng với người Morơ Tây Ban Nha và người Morơ Trung Quốc. Người Morơ Tây Ban Nha là bọn làm bạc giả, người Morơ Trung Quốc là bọn ăn cắp. Cánh bom- prasicôx không bao giờ như vậy. Chúng là những con người lương thiện. Ai muốn nghĩ sao tuỳ ý, đôi khi chúng chu đáo một cách rất thành thật. Chúng đẩy cửa, bước vào, mặc cả mua một em bé, rồi trả tiền và bế em bé đi. Chuyện đó tiến hành rất đúng đắn.

Chúng thuộc đủ mọi nước. Dưới cái tên Comprasicôx đó, người Anh, người Pháp, người Caxti[32], người Đức, người Ý, song thân thiện bên nhau. Cùng một tư tưởng, cùng một mê tín, cùng khai thác chung một nghề, đó là nguyên do của những sự hợp nhất đó. Trong mối tình huynh đệ côn đồ đó, bọn lơvăng đại diện cho phương Đông, bọn pônăngte[33] đại diện cho phương Tây. Vô khối người Baxcơ và người Iêclăng hiểu nhau, họ nói bằng thứ tiếng lóng cổ xưa của người Cactagiơ[34]; thêm vào đó những quan hệ mật thiết giữa xứ Iêclăng chính thống với xứ Tây Ban Nha chính thống. Quan hệ thế nào mà cuối cùng hai xứ cho treo cổ tại Luânđôn một ông gần như là vua Iêclăng, huân tước Đơbrang người xứ Galơ, nhờ đó mà có lãnh địa Lêtơrim.

Bọn comprasicôx là một thứ phường hội chứ không phải một bộ lạc, như một thứ cặn bã hơn một phường hội. Đây là toàn bộ tầng lớp đói rách của trần gian lấy tội ác làm nghề sinh sống. Đây là dân tộc aclơcanh[35] gồm tất cả các thứ áo manh quần vá. Nhận một con người vào hội tức là vá thêm một mảnh vụn.

Lang thang là quy luật tồn tại của bọn comprasicôx.

Xuất hiện đó rồi biến mất đó. Cái gì chỉ được tha thứ thì không bao giờ bám rễ. Ngay cả trong những vương quốc xem chúng là kẻ cung cấp hàng cho triều đình, và khi cần là trợ thủ của vương quyền, đôi lúc chúng cũng thình lình bị ngược dãi. Vua chúa sử dụng nghệ thuật nhưng đày đoạ nghệ nhân. Những chuyện phi lý đó sẵn có trong tính khí bất thường của nhà vua. Vì đó là ý thích của chúng ta.

Hòn đá hay lăn và nghề nghiệp lén lút không bao giờ có rêu bám. Bọn comprasicôx đều nghèo khổ. Lẽ ra chúng có thể nói như mụ phù thuỷ gầy gò rách rưới nhìn thấy dàn thiêu bốc lửa; - Lợi bất cập hại! - Có lẽ, chắc hẳn nữa là khác, những thủ lĩnh của chúng, vẫn không được ai biết đến, những bọn chủ thầu cỡ bự trong nghề buôn trẻ con, cũng giàu có. Điểm này, sau hai thế kỷ, cũng khó làm sáng tỏ lắm.

Như chúng tôi đã nói, đây là một thứ hội kín. Nó có luật lệ, lời thề, thể thức của nó. Hầu như nó có cả yêu thuật. Ngày nay ai muốn biết nhiều chuyện đó của bọn Comprasicôx, xin mời sang Bixcay và Galix. Vì có rất nhiều người Baxcơ trong số, nên truyền thuyết của chúng xuất xứ từ những rặng núi đó. Hiện nay người vẫn bảo là có bọn comprasicôx ở Oiaczun, ở Uyêcbitondô, ở Lêzê, ở Axtigara. Ở nước đó, Aguarđate, nino, que voy a llamaz al comprachicos[36] là câu các bà mẹ thường doạ con cái.

Bọn comprasicôx, cũng như bọn xư-gan và bọn gipxi, hẹn nhau chỗ tụ tập. Thỉnh thoảng bọn thủ lĩnh trao đổi hội đàm. Vào thế kỷ mười bảy chúng có bốn nơi chính để gặp nhau. Một ở Tây Ban Nha, đèo Pancorbe; một ở Đức, khu rừng thưa có tên gọi là Người-đàn-bà-bất-chính, gần Điêkiêc, nơi có hai bức tượng nổi bí hiểm tượng trưng một phụ nữ chỉ có đầu và một người đàn ông không đầu; một ở Pháp, ngôi mộ cổ có bức tượng khổng lồ Cái Chuỳ-Hứa hẹn, trong khu rừng thiêng Borvê Tômôna, cạnh Buôcbon-lê-Banh; một ở Anh, sau bức tường vườn của Uyliam Salenơ, dũng sỹ tuỳ tùng của Gixbrao ở Clevơlan Yooc, giữa hai tháp vuông và cái đầu hồi lớn có một cửa hình cung nhọn.

VI. Ở Anh những luật lệ chống bọn du đãng bao giờ cũng rất khắc nghiệt. Trong pháp chế gô-tích của mình, nước Anh dường như dựa theo nguyên tắc: Homo errans fera errante peer[37]. Một trong những luật lệ đặc biệt của nước Anh xem người vô gia cư "nguy hiểm hơn rồng, rắn độc, mèo rừng và rắn ma" (atrocior aspide, dracone, lynce et basilico). Nước Anh từ lâu lo ngại về bọn jixpi mà họ muốn giũ sạch, cũng như lo ngại về chó sói mà họ đã quét hết.

Về điểm này, người Anh khác người Iêclăng chỉ biết cầu thánh ban sức khoẻ cho sói và gọi sói là "kẻ đỡ đầu".

Tuy vậy pháp luật nước Anh, như ta vừa thấy, đã tha cho loại sói được thuần dưỡng nuôi trong nhà và đã trở thành chó nhà: cũng dung thứ cho kẻ du đãng thực thụ đã trở thành công dân. Người ta không quấy rầy anh hề xiếc, anh cắt tóc rong, nhà vật lý, người phu khuân, nhà bác học ngoài trời, bởi vì họ đã có một nghề sinh sống. Ngoài điểm đó ra, và chỉ trừ những biệt lệ đó thôi, tính chất tự do trong con người lang thang vẫn khiến cho luật pháp phải lo sợ. Một kẻ qua đường có thể là một kẻ thù. Ngày xưa, cái việc hiện đại, gọi là đi nhởn nhơ, chưa được ai biết; người ta chỉ biết có cái việc cổ xưa là rình mò. "Bộ mặt khả nghi" thứ mà mọi người đều hiểu và không ai có thể định nghĩa, đủ để cho xã hội tóm cổ một con người. Mày ở đâu? Mày làm gì? Và nếu hắn không trả lời được, thì có nhiều hình phạt nặng nề chờ đợi hắn. Sắt và lửa đều được ghi trong pháp luật.

Luật pháp thực hành việc đốt cháy da thịt của kẻ lang thang.

Dó đó, trên toàn bộ đất nước Anh, có một "đạo luật tình nghi" thực sự, áp dụng cho bọn lang thang lúc nào cũng có thể trở thành kẻ bất lương, cứ nói thẳng là thế, và đặc biệt áp dụng cho bọn Jipxi mà việc trục xuất đã được so sánh sai với việc trục xuất người Do thái, người Morơ ở Tây Ban Nha và người theo đạo cải lương ở Pháp. Còn chúng tôi, chúng tôi không bao giờ lầm lẫn một việc săn lùng với một việc khủng bố.

Cần nhấn mạnh, bọn comprasicôx không có gì giống bọn Jipxi cả. Bọn Jipxi là một nước, bọn comprasicôx là một hợp thể của tất cả các nước; một cặn bã, như chúng tôi đã nói; cái chậu ghê tởm chứa đựng mọi thứ nước bẩn.

Bọn comprasicôx không có một thổ ngữ riêng như bọn Jipxi; tiếng lóng của chúng là một thứ thổ ngữ hỗn tạp; tất cả mọi thứ ngôn ngữ trộn lẫn thành ngôn ngữ của chúng; chúng dùng một thứ tiếng hổ lốn. Cũng như bọn Jipxi, cuối dùng chúng thành một dân tộc len lỏi giữa các dân tộc, nhưng mối liên hệ chung của chúng là hội kín chứ không phải chủng tộc.

Qua tất cả các thời kỳ lịch sử, người ta có thể nhận thấy trong cái biển cả gọi là nhân loại này có những giòng suối người độc hại chảy riêng rẽ như thế, phần nào gây ô nhiễm xung quanh chúng. Bọn Jipxi là một gia đình, bọn comprasicôx là một thứ hội tam điểm, tam điểm[38] mà không có một mục đích cao cả, tam điểm mà lại có một nghề sống ghê tởm. Điểm khác cuối cùng là tôn giáo. Bọn Jipxi vốn vô đạo, bọn comprasicôx là tín đồ cơ đốc giáo; và còn ngoan đạo nữa; xứng đáng với một hội kín, mặc dầu pha tạp bằng mọi dân tộc, đã nẩy sinh ở Tây Ban Nha, nơi rất sùng đạo.

Bọn chúng không chỉ ngoan đạo; chúng còn theo phái chính thống; và hơn cả chính thống, chúng phục tùng giáo hội La-mã; đa nghi trong tín ngưỡng và thuần tuý đến mức, từ chối không kết bạn với đám du cơ Hungari khu Pext[39] dưới quyền chỉ huy và lãnh dắt của một cụ già cầm quyền trượng núm bạc trên có con đại bàng hai đầu của nước Áo. Đúng, đám dân Hung này là bọn ly giáo đến mức tổ chức lễ Đức Bà lên trời vào ngày 27 tháng tám[40], thật là tồi tệ.

Ở nước Anh, giống họ Xtiua còn trị vì ngày nào thì hội kín comprasicôx còn gần như được che chở, chúng tôi đã nói sơ qua lý do. Giắc đệ Nhị, một người mộ đạo, thường khủng bố dân Do thái và tầm nã bọn Jipxi, lại là một vị hiền vương đối với bọn comprasicôx. Ta đã thấy vì sao rồi. Chính comprasicôx mua cái khoản nhân liệu mà nhà vua lại là người buôn. Chúng có biệt tài trong việc thủ tiêu. Lợi ích nhà nước thỉnh thoảng lại muốn có những việc thủ tiêu. Một người thừa kế này trở ngại, tuổi còn thơ mà được chúng mó đến nhào nặn tất mất hẳn hình dạng.

Nhờ thế những việc tịch thu được dễ dàng. Việc thuyên chuyển lãnh địa cho những người được sủng ái do đó trở thành đơn giản. Bọn comprasicôx lại rất kín đáo và rất ít nói, chúng giao ước im lặng và biết giữ lời hứa, điều rất cần thiết đối với những chuyện quốc gia. Hầu như không có trường hợp nào mà chúng phản bội những điều bí mật của vua. Đó là quyền lợi của chúng, đúng thế. Và nếu vua mất lòng tin thì chúng gặp đại họa ngay. Vì vậy về phương diện chính trị, chúng là một phương tiện. Ngoài ra, bọn nghệ sĩ này còn cung cấp ca sĩ cho giáo hoàng. Bọn comprasicôx được việc khi cần hát bài thánh thi Alêgri. Chúng đặc biệt trung thành với Mari.

Tất cả những việc đó thích hợp với khuynh hướng phục tùng giáo hội La-mã của triều đại Xtiua. Vua Giăc đệ Nhị không thể thù nghịch với những con người mộ đạo, sùng bái Đức Bà Đồng trinh đến mức sáng tạo ra những hoạn quan. Năm 1688 ở nước Anh có sự thay đổi triều đại. Dòng họ Orengiơ thay thế giòng họ Xtiua. Ghiôm đệ Tam thay thế Giăc đệ Nhị.

Giăc đệ Nhị chết ở chỗ đi đày, tại đây ông ta làm phép mầu trên mộ mình, và thánh tích của ông chữa cho giám mục Ôtun khỏi bệnh trĩ, phần thưởng xứng đáng với đức tin của vị vua này.

Ghiôm không có những ý nghĩ và việc làm như Giăc nên tỏ ra nghiêm khắc với bọn comprasicôx. Ông rất cương quyết trong việc tiêu diệt lũ sâu bọ kia.

Một pháp lệnh thời kỳ đầu của Ghiôm và Mari đánh rất mạnh vào hội kín của bọn mua trẻ con. Quả là một chuỳ giáng vào đầu bọn comprasicôx, từ đó bị nghiền nát. Theo các điều khoản của pháp lệnh trên, những kẻ thuộc hội kín đó, một khi bị bắt và xác nhận, phải chịu hình phạt đóng dấu sắt đỏ trên vai có chữ R, tức thief nghĩa là ăn trộm và trên bàn tay phải một chữ M, tức manslay nghĩa là giết người. Bọn thủ lĩnh "được gọi là giàu có, mặc dầu bề ngoài là ăn mày" sẽ bị hình phạt collistrigium tức đài bêu tội nhân, trán bị đóng một chữ P[41], thêm tài sản bị tịch thu và cây cối trong rừng bị đào trốc hết. Kẻ nào không chịu tố giác bọn comprasicôx sẽ bị "phạt tịch thu và tù chung thân" như đối với tội mis- prision[42]. Còn phụ nữ bắt được ở trong bọn này phải chịu hình phạt cucking stool[43] một loại ghế bập bênh mà tên gọi, gồm từ ngữ Pháp coquine[44] và từ ngữ Đức stuhl, có nghĩa là "nghề ".

Luật pháp nước Anh vốn sống dai một cách kỳ quặc, nên hình phạt này vẫn tồn tại trong pháp chế nước Anh đối với mấy "bà hay đánh nhau". Người ta treo loại ghế "cucking stool" này trên một giòng sông hay một cái đầm, cho người phụ nữ ngồi lên, đoạn thả cái ghế tõm xuống nước, rồi lại kéo cái ghế lên, và cứ diễn đi diễn lại ba lần cái trò bổ nhào ấy để làm "mát tính" bà kia, như lời nhà bình luận Sembơclên.

I. TRỜI ĐÊM KHÔNG ĐEN TỐI BẰNG LÒNG NGƯỜI

1. MŨI NAM PORLAN

Suốt tháng chạp năm 1689 và suốt tháng giêng năm 1690, một ngọn gió bấc dai dẳng của phương bắc thổi mãi không ngừng trên lục địa châu Âu, và khi lên đến đất Anh lại còn gay gắt hơn nữa. Vì vậy mà có vụ rét khủng khiếp làm nẩy ra câu nhận xét, đó là mùa đông "đáng ghi nhớ cho dân nghèo" bên lề cuốn kinh thánh cũ tại nhà nguyện phái trưởng lão của nhóm Non Jurors[45] Luân-đôn. Nhờ tính chất bền bỉ ích lợi của loại giấy da cừu cổ xưa trong triều đình, dùng để đóng các loại sổ quan trọng, nhiều bản danh sách dài ghi tên những người bần cùng chết đói và trần truồng ngày nay còn đọc được trong các mục tài sản giáo đường ở Con liber- ty Court của thị trấn Xaothuac, ở Pie powder Court, nghĩa là Toà án nhân dân chân đất, và ở White Chapel Court do viên pháp quan của lãnh chúa mở tại hàng Xtapnây. Hiện tượng sông Tami đóng băng chỉ xảy ra mỗi thế kỷ một lần, vì ở đấy băng rất khó đóng do biến động mạnh. Xe cộ chạy nhanh trên mặt sông đóng băng; trên sông Tami có chợ phiên họp lều, có chọi gấu, có đấu bò; người ta quay nguyên cả con bò mộng trên mặt sông đóng băng. Lớp băng dày này kéo dài suốt hơn hai tháng. Cái năm gian khổ 1690 còn khắc nghiệt hơn cả những mùa đông nổi tiếng đầu thế kỷ mười bảy, mà bác sĩ Giêdêông Đơlôn đã quan sát tỉ mỉ; ông được thành phố Luân đôn tưởng nhớ bằng một pho tượng bán thân có bệ, xem như là nhà bào chế của vua Giăc đệ Nhất.

Một buổi chiều, vào lúc xẩm tối một ngày rét buốt của tháng giêng năm 1690. Tại một trong số rất nhiều tiểu loan không mến khách trên vịnh Porlan, có cái gì đó bất thường, khiến hải âu và sếu biển không dám về tổ, cứ kêu vang trời và bay lượn mãi ở cửa vũng.

Trong tiểu loan này, nguy hiểm nhất trong tất cả các vũng nhỏ trong vịnh mỗi khi có những ngọn gió nào đấy hoành hành, và do đó lại là tiểu loan hẻo lánh nhất, tiện lợi nhất, vì chính tính chất nguy hiểm của nó, cho những tàu bè muốn trốn tránh, một chiếc thuyền con, hầu như cặp sát vào vách biển nhờ nước sâu, đã buộc neo vào một mũi đá. Người ta thường bảo đêm xuống, như thế là sai; lẽ ra phải nói đêm lên, vì bóng tối từ lòng đất kéo đến.

Phía dưới vách biển đã là đêm tối, mà trên cao vẫn còn sáng rõ. Giá có ai đến gần chiếc thuyền buộc neo đó, hẳn đã nhận ra đó là một chiếc thuyền chiến Bixcay.

Mặt trời, suốt ngày bị sương mù che phủ, vừa mới lặn khuất. Người ta bắt đầu cảm thấy cái mối lo sợ thầm kín u uất có thể gọi là niềm ưu tư khi vắng bóng vầng dương.

Gió biển không thổi nên nước trong tiểu loan phẳng lặng như tờ. Đây là một dịp may hiếm có, nhất là về mùa đông. Các tiểu loan Porlan hầu như luôn luôn là những bến cảng có sóng lớn. Những lúc có bão, biển ở đây động rất dữ, phải khéo léo và quen lắm mới qua được đấy an toàn. Các bến nhỏ ấy, có cái vẻ ngoài hơi là thực sự, đón tiếp không lấy gì làm niềm nở. Vào thật dễ sợ mà ra cũng thật hãi hùng. Chiều hôm ấy, trường hợp khác thường, lại không nguy hiểm chút nào.

Thuyền Bixcay là một loại thuyền mẫu cổ xưa không thích dụng nữa. Loại thuyền này, trước kia đã từng được việc cho cả hải quân, là một thứ vỏ tàu kiên cố nhỏ như thuyền, chắc như chiến hạm. Trong hải quân có kể đến nó; thứ thuyền chiến đúng là có lúc trọng tải rất lớn; như chiến hạm trưởng Grand Griffon, do Lốp Đơ Mêđina chỉ huy, trọng tải sáu trăm năm mươi tấn và có bốn chục khẩu đại bác; nhưng loại thuyền hàng và thuyền buôn lậu lại rất nhỏ. Dân miền biển đánh giá và cho rằng loại thuyền mẫu này quá mỏng manh. Dây lèo của nó toàn bằng gai bện, có thứ lõi lại bằng dây thép, như vậy hẳn là có dụng ý, mặc dầu không khoa học lắm, thu nhập tín hiệu trong những trường hợp có từ lực; tính chất nhỏ nhắn của thuyền cụ vẫn không loại trừ những loại dây cáp to, loại dây cabria của thuyền chiến Tây Ban Nha, và loại dây cameli của thuyền chiến La-mã có ba tầng chèo. Cần lái rất dài, lợi về tay đòn to, nhưng bất tiện vì cung hoạt động nhỏ; hai vành quay trong hai lô cốt ở đầu cần lái bổ khuyết cho điểm bất lợi đó và bù lại sự mất mát về lực. La-bàn được gắn cẩn thận trong một cái hộp vuông và đu đưa rất nhạy nhờ hai khung bằng đồng đặt nằm ngang, cái nọ trong cái kia, trên những đinh ốc nhỏ như các đèn Cacđăng. Việc chế tạo loại chiến thuyền này có tính chất vừa khoa học vừa tinh vi, nhưng là thứ khoa học dốt nát và thứ tinh vi thô sơ. Loại chiến thuyền này cổ sơ như loại pháo thuyền đáy bằng bề mặt vững vàng, và giống thuyền độc mộc về tốc độ; cũng như mọi thứ tàu bè nảy sinh từ bản năng hải tặc và ngư ông, nó có những ưu điểm đi biển đáng chú ý. Nó thích hợp cả trong hồ kín lẫn ngoài biển khơi. Hệ thống buồm của nó phức tạp vì có trụ chống và rất đặc biệt, giúp cho nó đi được tí một trong những vịnh kín Axtuyri gần giống những vũng tàu đậu như Patxagiơ chẳng hạn, và tha hồ ra khơi. Nó có thể vòng quanh một cái hồ và đi khắp cả thế giới, đúng là loại thuyền cổ đặc biệt lưỡng dụng, đi trong hồ ao cũng tốt mà đương đầu với bão táp cũng tuyệt. Loại chiến thuyền này trong hàng tàu bè cũng như con chìa vôi trong loài chim, vừa nhỏ nhất vừa xông xáo nhất; chim chìa vôi khi đậu chỉ hơi làm trĩu một cành sậy, mà khi cất cánh lại dám vượt cả trùng dương.

Những chiến thuyền Bixcay, dù nghèo nàn nhất, cũng được mạ vàng và sơn vẽ. Những dân tộc đáng yêu hơi man rợ một tí vốn có tài xâm vẽ mình mẩy, hình ảnh sặc sỡ vĩ đại của núi non quê hương họ, được băng tuyết và đồng cỏ kẻ ô, gợi cho họ thấy được sức mạnh quyến rũ của việc trang trí. Họ nghèo đói nhưng lại xa hoa; họ gắn cả gia huy vào lều lán của họ; họ có những con lừa to mà họ cho đeo nhạc đồng đầy cổ, và những con bò béo được họ đội lông chim lên đầu; xe cộ của họ, đi xa hai dặm đã nghe tiếng bánh lăn, đều được tô vẽ, chạm trổ và đính giải kết tua. Một anh khâu giầy có một bức phù điêu ở cửa ra vào, đó là thánh Grêpanh và một chiếc giày rách, nhưng bằng đá. Họ gắn vào áo những dải da; quần áo rách họ không vá mà lại thêu. Thật là vui tươi sâu sắc và tuyệt vời. Cũng như người Hy-lạp, người Baxcơ là con của mặt trời. Trong khi người Valăng cởi trần và buồn bã quàng chăn len nâu khoét lỗ để chui đầu qua, thì người Ganxi và Bixcay hớn hở với những chiếc áo lót đẹp bằng vài chuội sương trắng muốt. Trên thềm và cửa sổ của họ đầy những bộ mặt nước da nâu, tươi mát, cười vui dưới những giải hoa ngô.

Một vẻ trong sáng tươi vui, kiêu hãnh lộ rõ trong nghệ thuật hồn nhiên, trong nghề nghiệp, trong tập quán, trong trang phục của các cô gái, trong các giọng hát lời ca. Núi non, mái lều khổng lồ đó, ở Bixcay luôn luôn rực rỡ; ánh sáng xuyên vào và thoát ra qua tất cả các khe kẽ. Ngọn Giayviken hoang vu vang rộn những điệu hát huê tình. Bixcay là vẻ đẹp của rặng Pyrênê cũng như miền Xavoa là vẻ đẹp của núi rừng Anpơ. Những vịnh đáng sợ gần Xanh-Xêbaxchiêng, Lêzô và Fôngtaralli, đưa những cô lái đò tóc quấn hoa hồng trà trộn vào mây trời, giông bão, vào bọt nước qua các mũi đất, vào sóng gió điên cuồng, vào cảnh ầm vang khủng khiếp. Ai đã qua vùng đất Baxcơ đều mơ ước có ngày trở lại. Đó là mảnh đất đã được Chúa trời ưu đãi. Một năm hai vụ thu hoạch, những xóm làng tươi vui, vang rộn, một cảnh nghèo cao quý, suốt ngày chúa nhật là tiếng ghi-ta, tiếng sanh, tiếng phách, là nhảy múa yêu đương, những ngôi nhà phong quang, sạch sẽ, những bóng cờ trên đỉnh tháp chuông.

Chúng ta hãy quay lại với Porlan, ngọn núi cheo leo của biển cả.

Bán đảo Porlan, nhìn từ trên xuống, giống hình một cái đầu chim; mỏ hướng ra dại dương và gáy quay về Uêmơt, eo đất là cái cổ.

Porlan, ngày nay tồn tại vì công nghiệp, đã mất hết vẻ hoang sơ của nó. Bờ biển Porlan được những người thợ đá và thợ thạch cao phát hiện vào quãng giữa thế kỷ mười tám. Từ thời kỳ đó, với đá Porlan, người ta làm ra loại xi măng La-mã, một ngành khai thác có lợi làm giàu cho đất nước và làm biến dạng cái vịnh. Cách đây hai trăm năm, những bờ biển này đổ nát như một bờ biển vách đứng, ngày nay chúng điêu tàn như một công trường đá; choòng cuốc cắn tí một và sóng biển ngoạm từng miếng to; do đó mà giảm mất vẻ đẹp. Tiếp theo sức phá phách hùng vĩ của đại dương là sự cắt xén quy củ của con người. Việc cắt xen quy củ này đã làm mất hẳn cái tiểu loan, nơi đã buộc neo chiếc thuyền chiến Bixcay.

Muốn tìm thấy lại một đôi di tích của cái bến nhỏ bị phá huỷ đó, phải tìm ở bờ phía đông bán đảo, về phía mũi nhọn, quá Foli Pia, và quá Điadơn Pia, quá cả Uêcơham, giữa địa điểm gọi là Sơcsơ-hop và địa điểm gọi là Xaothoen.

Cái tiểu loan, từ phía bao bọc bởi những dốc đứng hiểm trở, cao hơn là rộng, đang bị bóng tối lấn dần từng phút một; sương mù mờ đục, đặc điểm của hoàng hôn, mỗi lúc một dày y như một cơn lũ bóng tối dưới lòng giếng sâu. Đường từ tiểu loan ra biển là một thứ hành lang hẹp, in bóng cái nội thất tối gần như đêm này, ở đây làn nước khẽ rung rung một kẽ nứt mờ mờ trắng.

Phải đứng thật gần mới nhận thấy chiếc thuyền neo vào núi đó, và như được giấu kín trong tấm áo choàng to của bóng tối. Một tấm ván vứt vào bờ, ghếch lên một chỗ nhô thấp và bằng ở vách núi, điểm độc nhất có thể đặt chân để cho chiến thuyền liên lạc với đất liền. Dăm bóng đen bước lên, tránh nhau trên chiếc cầu chòng chành đó, và trong bóng tối dày đặc lại có người bước xuống thuyền.

Trong tiểu loan không rét bằng ngoài biển: nhờ dãy núi chắn sừng sững ở phía bắc cái vũng; rét tuy có đỡ nhưng những con người kia vẫn run cầm cập. Họ đang hối hả giục nhau.

Ánh hoàng hôn làm cho các đường nét nổi bật lên như cắt. Trên quần áo của họ thấy rõ có những chỗ tả tơi, tỏ rõ họ thuộc tầng lớp ở Anh gọi là the ragged, nghĩa là bọn rách rưới.

Trên vách núi lồi lõm, mờ mờ ẩn hiện một con đường mòn quanh co. Một cô gái, để lòng thòng và kéo lê giải áo của mình trên lưng ghế sẽ không ngờ mình đã vẽ được gần hết những con đường mòn trên núi và của vách biển. Con đường mòn trên tiểu loan này, có nhiều đoạn ngoằn nghoèo, gấp khúc, gần như dựng đứng, dành cho dê leo hơn là cho người trèo, dẫn đến đúng chỗ đất bằng đã đặt tấm ván. Đường mòn trên vách biển thường thường có một độ dốc không lấy gì làm hấp dẫn lắm; chúng đổ xuống chứ không gọi là đi xuống. Con đường nói đây, hẳn là nhánh nhỏ của một con đường nào đó trong đồng bằng, nhìn thật dễ sợ vì nó dốc đứng quá. Từ dưới trông lên nó vòng vèo chữ chi đến tận đỉnh vách, luồn lách qua các khe sâu để đến tận cái cao nguyên bên trên nhờ một chỗ phạt vào vách nút. Những người khách mà chiếc thuyền chờ đón trong tiểu loan này đã đến bằng một con đường mòn đó.

Xung quanh cái cảnh nhốn nháo xuống thuyền trong tiểu loan, cảnh rõ ràng là hoảng hốt sợ hãi và lo lắng, mọi vật đều vắng vẻ hiu quạnh. Không một bước chân, không một tiếng động, không một hơi thở. Thấp thoáng bên kia lạch, chỉ thấy ở cửa vịnh Rinhxtit lèo tèo mấy chiếc tàu đánh cá mập, tất nhiên là lạc đường.

Những chiếc tàu phương bắc đó bị những chuyện kỳ quặc của biển cả xua đuổi từ hải phận Đan Mạch sang hải phận nước Anh. Gió bắc thường chơi khăm với dân đánh cá những vố như vậy. Họ đến trú ở bến Porlan, đó là dấu hiệu trời xấu và có nguy hiểm ngoài khơi. Họ đang tìm cách thả neo. Chiếc thuyền chỉ huy, đậu riêng lẻ theo tục lệ các hạm đội nhỏ Na-uy, in đen toàn bộ thuyền cụ lên nền biển trắng đục. Phía trước là cái đinh ba đánh cá với đủ các loại móc và lao mấu để dùng khi gặp cá giáo, cá nhám, cá mập, và tấm lưới để đánh bắt cá đuối to. Ngoài mấy chiếc thuyền đó, tất cả đều dạt vào cùng một xó, tịnh không thấy một thứ gì sống động trên chân trời bao la này của Porlan cả. Không một mái tranh, không một bóng thuyền. Bờ biển thời ấy không có người ở, và cái lạnh mùa này lại không ở được.

Bất chấp điểm trời, những con người sắp được chiếc thuyền Bixcay đón đi kia, vẫn hối hả. Trên bờ biển họ họp thành một nhóm người bận rộn, nhốn nháo, thoăn thoắt đi lại. Rất khó phân biệt được từng người. Không thể biết được họ già hay trẻ. Bóng chiều mờ ảo xoá nhoà và làm cho họ lẫn vào nhau. Bóng tối, như một chiếc mặt nạ, đeo trên mặt họ. Đấy là những hình bóng trong đêm tối.

Tất cả bọn có tám người, trong số đó hẳn phải có một hoặc hai phụ nữ, rất khó nhận ra qua mớ xống áo rách mướp mà cả bọn đều mặc, những của nhố nhăng không ra áo đàn ông, không ra váy đàn bà. Giẻ rách thì làm gì có đực có cái.

Một bóng đen nhỏ nhất, đi đi lại lại giữa những bóng to, cho biết có một thằng lùn hay một đứa bé.

Đấy là một em bé.

2. CÔ LẬP

Quan sát gần, sau đây là những gì có thể ghi lại.

Tất cả đều mặc áo choàng dài, thủng lỗ, vá đụp lại lót dạ, và lúc cần, che kín đến tận mắt, rất tốt để chống gió bắc và con mắt tò mò. Trong lớp áo choàng đó, họ cử động rất nhanh nhẹn. Đa số đều đội một chiếc khăn quấn quanh đầu, một kiểu khăn thô sơ, tiền thân của khăn quấn Tây Ban Nha. Thứ khăn đội này chẳng có gì xa lạ trên đất Anh. Thời ấy phương Bắc thích ăn mặc theo kiểu phương Nam. Có lẽ vì phương Bắc đánh phương Nam. Nó chiến thắng, và hâm mộ phương Nam.

Sau chiến bại của hải quân Tây Ban Nha, tại đất nước của Êlizabet, tiếng caxti[46] là một thứ ngôn ngữ thanh lịch của triều đình. Nói tiếng Anh trong cung hoàng hậu nước Anh là gần như "shocking”[47]. Bắt chước phần nào phong tục của những kẻ mà người ta bắt phải quy phục, đó là thói quen của người chiến thắng quê kệch đối với kẻ chiến bại hào hoa; anh Hung-nô thán phục và bắt chước anh Tàu. Vì thế mà những cách ăn mặc kiểu caxti đi sâu vào nước Anh len dần sang Tây Ban Nha.

Một trong những người đàn ông của nhóm xuống thuyền có vẻ là thủ lĩnh. Y mang giày vải, mặc quần áo rách tã có đính tua ren kim tuyến, và một chiếc gi-lê đính những mảng đồng, lấp lánh bên trong tấm áo choàng như một cái bụng cá. Một người khác đội sùm sụp một chiếc mũ dạ rộng vành. Chiếc mũ này không có lỗ để dắt tẩu thuốc, chứng tỏ đó là một tay có học.

Thằng bé, ngoài lớp áo rách còn mặc thêm, theo nguyên tắc áo ngắn người lớn là áo khoác trẻ con, một chiếc áo vải to của dân coi buồm, dài đến tận gối. Tầm vóc nó giúp ta đoán được một thằng bé từ mười đến mười hai tuổi. Nó đi chân không. Toàn bộ thuỷ thủ trên thuyền gồm một người chủ và hai trai bạn.

Chiếc thuyền có vẻ như từ Tây Ban Nha tới và lại trở về đó. Không nghi ngờ gì nữa, nó chuyên lén lút đi lại từ bờ biển này sang bờ biển khác.

Những người nó đang đón chờ thì thầm với nhau.

Câu chuyện họ rì rầm trao đổi rất hỗn tạp. Lúc thì một tiếng caxti lúc thì một tiếng Đức, lúc lại một tiếng Pháp, đôi khi tiếng Galơ[48], đôi khi tiếng Baxcơ[49]. Đây là một thứ thổ ngữ nếu không phải là loại tiếng lóng.

Họ có vẻ người tứ chiếng và cùng một bọn.

Em bé có bố mẹ bà con gì trong nhóm người kia không, điều đó đáng ngờ lắm. Chẳng ai ra một dấu hiệu gì với nó cả. Họ bắt nó làm, không có gì khác. Nó có vẻ như một tên nô lệ trong bộ tộc, chứ không phải là đứa con trong gia đình. Nó hầu hạ tất cả mọi người, nhưng chẳng ai nói với nó nửa lời.

Vả lại nó cũng phải hối hả, và như tất cả tốp người khó hiểu mà nó là thành viên, hình như nó chỉ có một ý nghĩ là làm sao lên được thuyền đi thật nhanh. Nó có biết tại sao không? Hẳn là không. Nó vội vàng như một cái máy. Vì nó thấy mọi người vội vã.

Chiếc thuyền có sàn. Việc bốc xếp hàng vào khoang hoàn thành rất nhanh, giờ phút ra khơi đã đến. Chiếc hòm cuối cùng đã vác qua cầu, chỉ còn chờ người lên.

Hai người trong nhóm dường như là đàn bà đã ở trên thuyền, sáu người kể cả em bé vẫn đứng trên chỗ đất bằng của vách núi. Trên thuyền rục rịch khởi hành, người chủ nắm lấy cần lái, một trai bạn cầm sẵn một cái rìu để chặt dây neo. Chặt là dấu hiệu vội vã; khi nào có thì giờ người ta tháo cởi dây; Anđamôx![50] một trong số sáu người, có vẻ là thủ lĩnh, nói khẽ. Trên bộ quần áo rách của y lấp lánh những mảnh kim khí. Em bé vội lao tới bên tấm ván định xuống trước. Nó vừa đặt chân lên thì hai người đàn ông đã lao tới, xuýt hất nó xuống nước, bước lên trước, một người thứ ba đưa khuỷu tay gạt nó ra và đi qua, người thứ tư tống cho nó một quả, bước theo người thứ ba, người thứ năm, thủ lĩnh, nhảy xuống thuyền hơn là bước xuống. Y vừa nhảy xuống vừa đưa gót đẩy tấm ván rơi xuống biển, một nhát rìu chặt đứt dây neo, cần lái xoay, chiếc thuyền rời khỏi bến, và em bé ở lại trên đất liền.

3. CÔ ĐƠN

Em bé đứng im trên mỏm đá, mắt nhìn đăm đăm.

Nó không gọi. Nó không kêu van. Sự việc thật bất ngờ; nó không nói một lời. Trên thuyền cũng câm lặng như thế. Không một tiếng kêu từ em bé đến những con người kia, không một lời từ biệt từ những con người kia đến em bé. Cả đôi bên đều câm lặng chấp nhận cái quãng cách cứ lớn dần. Y hệt một cảnh chia ly của những vong hồn bên bến Hoàng tuyền. Em bé, như bị chôn chân trên mỏm đá mà triều dâng đang bắt đầu liếm tới, cứ nhìn chiếc thuyền xa dần. Tưởng chừng như nó hiểu.

Sao? Nó hiểu gì? Bóng tối.

Một lúc sau, chiếc thuyền vừa đến chỗ eo biển, cửa ra của tiểu loan, và tiến vào đó. Người ta trông thấy rõ cái đỉnh cột buồm trên nền trời sáng, phía trên những khối đá xẻ đôi để cho eo biển bò ngoằn ngèo ở giữa như lách qua hai bức thành cao. Mũi buồm cứ vẩn vơ trên chóp núi và dường như cắm chặt vào đó. Rồi không nhìn thấy gì nữa. Thế là hết. Chiếc thuyền đã ra trên biển rộng.

Em bé lặng nhìn cảnh tan biến đó.

Nó ngạc nhiên, nhưng thẫn thờ mơ mộng.

Sự kinh ngạc của nó có phần phức tạp thêm bởi một nhận xét đen tối về cuộc sống, hình như trong con người mới bước chân vào đời kia chợt nẩy ra kinh nghiệm. Có lẽ nó đã xét xử. Cuộc thử thách đến quá sớm, đôi khi đã tạo ra trong óc suy nghĩ tăm tối của các em bé một thứ cân đáng sợ để các linh hồn bé bỏng đáng thương kia cân thử. Tự cảm thấy mình vô tội, nó đang cắn răng chịu đựng.

Không một tiếng than van. Người toàn thiện không biết oán trách.

Trước việc bỏ rơi mà người ta vừa mới đối xử với nó, nó không có một cử chỉ nào hết. Lòng nó như thắt lại, trước sự bạo ngược đột ngột của số phận có vẻ muốn kết liễu cuộc tồn tại của nó gần như trước cả lúc bắt đầu, nó không chút nao núng. Nó đứng thẳng, đón nhận đòn sấm sét.

Nhìn nó ngạc nhiên mà không chút buồn khổ, ta thấy rõ là trong đám người bỏ rơi nó chẳng có ai yêu mến nó, và nó cũng chẳng quý báu gì ai.

Trầm ngâm, nó quên cả rét. Thình lình nước làm ướt chân nó. Thuỷ triều đang lên, một làn gió nhẹ vờn mái tóc, trời nổi gió bấc. Nó rùng mình.

Nó đưa mắt nhìn quanh.

Có mỗi một mình nó.

Cho đến hôm nay, trên trái đất, nó chỉ biết có những người hiện lúc này cũng ở trên thuyền. Những người đó vừa mới lẩn trốn.

Cần thêm, một điều kỳ lạ phải nói đến, là những người kia, những con người duy nhất nó biết, cũng đều xa lạ đối với nó.

Có lẽ nó cũng không thể nói rõ những người đó là ai.

Suốt thời thơ ấu nó sống với họ mà không có được cái nhận thức rằng mình là thân thích của họ. Nó đã được đặt ở bên cạnh họ, không có gì hơn.

Chính họ vừa bỏ rơi nó.

Trong lưng không tiền, dưới chân không giầy dép, gần như độc một manh áo trên người, nó không có cả một mẩu bánh mỳ trong túi.

Trời đang tiết đông. Lúc ấy đã chiều tối. Phải đi bao nhiêu dặm đường mới gặp được một nhà dân.

Nó không rõ nó đang ở đâu.

Nó không biết gì hết, ngoài việc những kẻ cùng đến bờ biển này với nó đã ra đi mà không có nó.

Nó tự cảm thấy đã bị gạt ra ngoài cuộc sống.

Nó cảm thấy dưới nó không có con người.

Nó mới mười tuổi đầu. Em bé đang đứng ở một nơi hoang vắng, giữa những vực sâu mà bóng tối đang dâng lên, và những vực sâu mà bóng nước đang gầm réo.

Nó duỗi hai cánh tay khẳng khiu và khẽ ngáp dài.

Rồi đột ngột, như người cả quyết, hăng lên, tỉnh hẳn, nhanh như sóc, có lẽ như hề, nó ngoảnh lưng lại tiểu loan và bắt đầu lần lên vách núi. Nó men theo lối mòn, rời bỏ con đường, rồi lại trở lại, thoăn thoắt và liều lĩnh. Lúc này nó đang vội vã hướng về phía đất bằng.

Tưởng chừng như nó đã có sẵn một lộ trình. Vậy mà thật ra nó chẳng đi về đâu cả.

Nó vội vã không mục đích, như kiểu người chạy trốn số mình.

Con người quen trèo, thú vật quen leo; nó vừa leo lại vừa trèo. Vách núi cheo leo của Porlan nhìn về hướng nam, nên con đường hầu như không có tuyết. Nhưng cái rét khủng khiếp đã chuyển tuyết thành một thứ bụi khô rất bực mình cho người đi. Em bé cố sức xoay xở. Chiếc áo người lớn, rộng quá, hoá ra phiền phức và vướng víu đối với nó. Chốc chốc ở những chỗ nhô hay chỗ dốc nó lại gặp phải một ít băng làm nó trượt ngã. Nó phải bíu vào một cành khô hoặc một mỏm đá, sau khi đu đưa người một lúc trên vực. Có lần nó gặp phải một vỉa đá sụt lở thình lình dưới chân kéo theo cả nó luôn. Những tảng đá kiểu đó rất nguy hiểm. Trong mấy giây em bé như trượt chân trên mái ngói, lăn lông lốc đến tận cùng; một túm cỏ chụp được đúng lúc đã cứu nó. Trước con người nó đã không than van, trước vực thẳm nó cũng chẳng thèm rên rỉ gì hơn. Nó vững tâm và lẳng lặng trèo tiếp.

Núi đá cheo leo cao ngất. Vì vậy nó cũng gặp phải vài ba biến cố thình lình. Bóng tối càng làm cho khe sâu thêm rùng rợn. Ngọn núi dựng đứng này không có chỗ tận cùng.

Trước mặt em bé, ngọn núi cứ lùi mãi vào chỗ thăm thẳm chót vót. Em bé leo thì hình như đỉnh núi cũng leo. Vừa trèo nó vừa ngắm nhìn cái đầu nút đen ngòm, y hệt một bức chắn đặt giữa nó với trời cao. Cuối cùng nó lên đến nơi. Nó liền nhảy lên mặt cao nguyên. Hầu như có thể nói là nó bám được đất liền vì nó vừa thoát khỏi vực.

Vừa ra khỏi chỗ cheo leo, nó bỗng run cầm cập. Nó cảm thấy gió bấc quạt vào mặt, đó là kiểu cắn xé của đêm tối. Ngọn gió tây bắc cay nghiệt đang thổi. Nó vội ôm chặt vào ngực mảnh áo thuỷ thủ.

Đấy là một loại áo tốt. Theo ngôn ngữ thuỷ thủ, đó là một thứ suroit[51], vì loại áo ngoài đó chống được mưa tây nam.

Lên đến cao nguyên, em bé dừng lại, mạnh dạn đặt đôi chân lên mặt đất băng giá và nhìn quanh.

Sau lưng nó là biển, trước mặt nó là đất, trên đầu nó là trời.

Nhưng một khoảng trời không trăng sao. Một lớp sương mù dày đặc che kín đỉnh trời.

Lên đến trên cùng bức tường núi là cảnh đất bằng, nó liền đưa mắt quan sát. Trước mắt nó đất bằng tít tắp, bằng phẳng, giá buốt, đầy tuyết phủ. Dăm bảy bụi cây run rẩy. Không thấy đường sá. Chẳng có gì cả. Đến một cái chòi chăn cừu cũng không. Thỉnh thoảng, những đám xoáy trôn ốc xanh nhợt, đó là những lốc tuyết nhỏ bị gió bốc khỏi mặt đất và đang bay đi. Một loại gò đồng nhấp nhô, thoáng cái đã bị sương mù che phủ, gợn lên phía chân trời. Những cánh đồng lớn buồn tẻ biến mất dưới làn sương trắng. Vắng lặng hoàn toàn lan rộng như vô biên và im lìm như mộ địa.

Em bé ngoảnh lại nhìn về phía biển cả.

Cũng như đất liền, biển cả trắng xoá một màu, bên này trắng tuyết, bên kia trắng bọt. Không gì ảo não như cái ánh sáng do hai sắc trắng kia cùng tạo nên. Ánh sáng của trời đêm đôi khi cho thấy những nét cứng cỏi rất rõ ràng; biển cả là sắt thép, vách núi là gỗ mun. Từ điểm cao em bé đang đứng, vịnh Porlan hiện lên gần như trên bản đồ, trắng nhợt trong vành đồi bán nguyệt của nó; cảnh trời đêm này có cái gì như một cảnh mơ; một khối tròn nhợt nhạt lồng trong một lưỡi liềm tối mịt. Mặt trăng đôi khi cũng giống như thế. Từ mũi này sang mũi kia, trên toàn bộ bờ biển này, không thấy lấp một điểm lấp lánh nào đánh dấu một bếp lửa đang cháy, một cửa sổ được chiếu sáng, một ngôi nhà có người. Dưới đất cũng như trên trời, vắng hẳn ánh sáng, dưới thấp không một ngọn đèn, trên cao không một vì sao. Đây đó, trong vịnh, mặt nước phẳng lặng có những chỗ nhô lên đột ngột. Gió trời xao động và làm nhăn nhúm tấm khăn phủ đó. Xa xa, trong vịnh, vẫn thấp thoáng chiếc thuyền con đang chạy trốn.

Đấy là một hình tam giác đen lướt trên cái khối nhợt nhạt đó.

Xa xa, không rõ lắm, những mảnh nước xao động trong cảnh thê lương mờ ảo của trời biển mênh mông.

Chiếc Matutina lao vun vút. Nó nhỏ dần từng phút từng phút. Không gì nhanh bằng một chiếc thuyền con tan chảy trong cảnh xa xăm của biển cả.

Vào một lúc nào đó, nó thắp ngọn đèn hiệu đằng mũi lên; chắc hẳn tăm tối xung quanh thuyền cũng đáng lo ngại, và người lái thuyền thấy cần phải soi rọi sóng nước. Chấm sáng đó, một điểm lấp lánh thấy rõ từ xa, gắn liền một cách ảm đạm vào cái hình dáng đen, cao và dài của nó. Nom như một tấm vải liệm giăng đứng đang đi giữa biển khơi, dưới nó một người đang rình mò tay cầm một ngôi sao sáng.

Trong không trung rõ ràng là bão sắp đến nơi. Điều đó em bé không hay biết, nhưng một thủy thủ thì đã run sợ. Đây là giây phút đầu tiên mà hình như vạn vật sắp trở thành người, mà ta sắp được chứng kiến sự thay đổi hình dạng bí mật của gió lành ra ngọn bắc phong.

Biển cả sắp hoá đại dương, sức mạnh sắp thành ý chí, cái tưởng là vô tri lại có linh hồn. Sắp thấy đến nơi. Vì vậy mà hãi hùng. Tâm hồn con người e dè sợ sệt sự chạm trán với tâm hồn của thiên nhiên.

Nó đã quay mũi về hướng nam. Nó đã ra khỏi vịnh và đang đứng giữa biển khơi. Thình lình gió bắc ào ào thổi tới; thuyền Matutina, mà ta còn nhìn thì rất rõ, giương hết buồm lên như quyết tâm lợi dụng cơn gió dữ.

Đó là ngọn noroit, mà trước kia người ta gọi là gió tây- bắc, một loại gió lạnh hiểm độc và luôn luôn nổi giận.

Ngọn noroit bắt đầu xoắn chặt lấy chiếc thuyền con. Bị quật ngang mạn, thuyền nghiêng đi, nhưng không do dự, vẫn tiếp tục lao thẳng ra khơi. Chứng tỏ đây là một cuộc chạy trốn, chứ không phải là một chuyến du ngoạn, sợ đất liền nhiều hơn sợ biển cả, lo người theo hơn lo gió đuổi.

Chiếc thuyền cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi chìm sâu vào chân trời; ngôi sao nhỏ nó kéo lê trong bóng tối mờ nhạt dần; chiếc thuyền, mỗi lúc một hoà lẫn với đêm đen, biến mất.

Lần này biến mất mãi mãi.

Điều đó, ít ra em bé có vẻ như hiểu được. Nó thôi không nhìn biển khơi nữa. Đôi mắt nó quay về phía các cánh đồng, các bãi hoang, các gò đống, hướng tới những khoảng không, nơi có lẽ thế nào cũng gặp được một người nào đó. Nó cất bước đi trong cảnh vô định đó.

4. NHỮNG CÂU HỎI

Bọn người chạy trốn bỏ lại em bé kia thuộc vào loại nào?

Bọn chạy trốn đó có phải là bọn comprasicôx không?

Trên đây ta đã thấy những biện pháp xử lý của Ghiôm đệ Tam, và được nghị viện biểu quyết, chống bọn bất lương vừa đàn ông và đàn bà gọi là comprasicôx, hay là comprapêcơnôx, hay là sâylax.

Có những nền pháp chế làm cho tan tác. Đạo luật đánh vào bọn comprasicôx gây lên một cuộc tẩu thoát rộng khắp không những của bọn comprasicôx, mà của tất cả các loại du thủ du thực. Thôi thì mạnh ai nấy trốn, ai nấy lên thuyền. Phần đông bọn comprasicôx chạy sang Tây Ban Nha. Nhiều đứa như chúng tôi đã nói, là người Baxcơ.

Đạo luật bảo vệ trẻ con này có một kết quả kỳ quặc đầu tiên; một loạt trẻ con bỗng dưng bị ruồng bỏ.

Đạo luật này lập tức dẫn đến một đợt trẻ em bắt được, nghĩa là bị bỏ rơi. Chẳng có gì dễ hiểu hơn. Bất cứ bọn du cư nào có trẻ con cũng đều bị tình nghi, riêng việc có mặt của đứa bé đã tố cáo chúng. - Chắc đây là bọn comprasicôx - Đó là ý nghĩa đầu tiên của quận trưởng, của tỉnh trưởng, của cảnh sát. Vì vậy mà có những vụ bắt bớ và truy lùng. Những kẻ chỉ đơn thuần là người cùng khổ buộc phải lang thang ăn xin, cũng hoảng sợ bị liệt vào hạng comprasicôx, dù không phải thể; người yếu hèn không mấy khi yên tâm về những trường hợp có thể lầm lẫn của pháp luật. Vả lại những gia đình lang thang thường nơm nớp hoảng sợ. Điều người ta oán ghét bọn comprasicôx là việc bóc lột con cái người khác. Nhưng đau khổ và bần cùng vốn hay lẫn lộn, đến nỗi đôi khi một ông bố, một bà mẹ cũng khó chứng minh được con họ đúng là con họ. Anh lấy đâu ra đứa bé này? Làm sao chứng thực được là nhờ ơn Chúa mà có nó? Đứa trẻ trở thành một mối nguy; đành phải trút bỏ nó thôi. Trốn tránh một mình dễ hơn. Ông bố và bà mẹ quyết định bỏ rơi con, có lúc trong một khu rừng, có lúc trên một bãi biển. Có lúc trong một giếng khơi.

Người ta tìm thấy cả trẻ con chết đuối trong những thùng đựng nước mưa.

Cần nói thêm là bọn comprasicôx từ đó bị lùng bắt tràn khắp châu Âu, theo gương nước Anh. Lệnh truy nã được ban bố. Không có gì tai hại bằng một cái nhạc đồng đeo ở cổ. Từ nay cảnh sát khắp nơi thi đua bắt chúng.

Và cảnh binh cũng để tâm rình mò không kém gì ông chánh cẩm. Cách đây hai mươi ba năm, người ta còn đọc được trên một phiến đá ở cửa Ôtêrô, một bản ghi ký không thể dịch được - về mặt chữ nghĩa, luật pháp không cần nhã nhặn - trong đó vẫn ghi rõ có sự khác biệt lớn về mặt hình pháp giữa bọn buôn trẻ con và bọn ăn trộm trẻ con. Đây là bản ghi ký bằng tiếng Caxti hơi man di một tý: Aqui quedan las orejas de los com- prachicos, y las bolsas de los rabonikos, mientras que se van ellos al trabaijos de mar. Người ta thấy đấy, tai, vân vân... bị tịch thu vẫn không thoát khỏi tội tào dịch[52]. Do đó mà bọn du đãng mạnh đứa nào đứa ấy trốn. Chúng ra đi hốt hoảng, chúng run rẩy đến nơi. Trên khắp miền duyên hải châu Âu, người ta kiểm soát các vụ cập bến lén lút. Đối với một bọn bất lương, không thể nào xuống thuyền với một em bé, vì lên bến với một em bé rất nguy hiểm.

Bỏ rơi đứa bé là nhanh hơn cả.

Em bé ta vừa thoáng thấy trong cảnh chạng vạng của vùng hoang vắng Porlan bị những kẻ nào hất hủi thế?

Xét theo bề ngoài, đó là bọn comprasicôx.

5. CÁI CÂY DO CON NGƯỜI SÁNG TẠO

Dễ đã vào quãng bảy giờ tối. Gió lúc này có giảm, nhưng đó là dấu hiệu gió lại sắp nổi to hơn. Em bé đang đứng trên cao nguyên cuối cùng ở phía nam mũi Porlan.

Porlan là một bán đảo. Nhưng em bé có hiểu bán đảo là gì và cũng chẳng biết đến cái từ Porlan nữa. Nó chỉ biết mỗi một điều, là có thể bước tới khi nào ngã gục.

Khái niệm là kẻ dẫn đường; nó chẳng có khái niệm.

Người ta đã đưa nó đến đấy và để nó lại đấy. Người ta và đấy; hai điều bí ẩn có tượng trưng cho tất cả vận mệnh của nó; người ta là nhân loại, đấy là vũ trụ. Dưới cõi trần này, nó tuyệt đối không có điểm tựa nào khác hơn chút đất mà nó đang đặt gót lên, chút đất vừa cứng vừa lạnh đối với đôi bàn chân trần trụi của nó. Trong cõi trần rộng lớn này, vào giờ phút hoàng hôn, tứ bề lộng gió, có gì cho em bé? Chẳng có gì cả.

Nó đang bước đến cái chỗ Chẳng-có-gì đó.

Cảnh hờ hững mênh mông của con người đang bao quanh nó.

Nó băng qua cao nguyên thứ nhất, qua cái thứ hai, rồi đến cái thứ ba. Cuối mỗi cao nguyên, em bé thấy một quãng đất nẻ, mặt dốc đôi khi rất đứng, nhưng bao giờ cũng ngắn. Những cánh đồng cao trơ trụi của mũi Porlan giống hệt những phiến đá ghếch lên nhau; đầu phía nam dường như chúi xuống cánh đồng trước và đầu phía bắc gác lên cánh đồng tiếp theo. Hiện tượng đó tạo thành những mái đua mà em bé thoăn thoắt nhảy qua.

Thỉnh thoảng nó lại dừng chân và như thảo luận một mình. Trời đêm đã tối lắm rồi, tầm nhìn thu ngắn lại, nó chỉ trông thấy cách độ vài bước.

Thình lình nó đừng lại, nghe ngóng một lúc, sẽ gật đầu ra ý thoả mãn, quay phắt người lại, rồi hướng về phía một mô đất không cao lắm mà nó trông thấy mờ mờ bên phải ở chỗ gần vách núi nhất. Trên mô đất có một hình bóng trong sương mù giống như một cái cây.

Em bé vừa nghe ở phía bên có tiếng động, không phải là tiếng súc vật. Nó nghĩ chắc ở đấy có một người nào đó.

Nhảy mấy bước nó đã ở chân gò.

Quả là có một người thật.

Cái ở đỉnh mô đất ban nãy còn không trông rõ thì lúc này đã nhìn thấy được.

Đó là một cái gì giống như một cánh tay to từ lòng đất vươn thẳng lên. Chỗ cuối phía trên cánh tay một ngón tay trỏ, được ngón cái đỡ dưới, chìa ngang ra. Cánh tay, ngón cái và ngón trỏ vẽ lên nền trời một hình thước thợ. Giao điểm của cái gọi là ngón trỏ và ngón cái đó có một sợi dây treo lủng lẳng một vật đen đen và dị dạng.

Sợi dây bị gió đu đưa phát ra một tiếng xích sắt.

Đó là cái tiếng mà em bé đã nghe được.

Sợi dây nhìn gần, đúng như tiếng nó phát ra, là một đoạn xích sắt. Loại xích miền biển với những khoanh sắt kín một nửa.

Do quy luật kết hợp bí mật trong toàn bộ thiên nhiên thường chồng chất những cái bên ngoài lên thực tế, địa điểm, giờ khắc, sương mù, biển cả rùng rợn, những mảnh xao động xa xăm mờ ảo của chân trời, thêm vào cái hình dáng kia, làm cho nó thành ra rất to.

Cái khối buộc vào sợi xích giống như một lớp vỏ bọc ngoài. Nó được quấn gói như một đứa trẻ và dài như người lớn. Phía trên có một khối tròn tròn để đầu xích quấn quanh. lớp vỏ bọc rạch ở phía dưới. Qua lỗ thủng đó có những chỗ gầy guộc thò ra ngoài.

Một ngọn gió nhẹ đu đưa sợi xích, vật treo ở đầu xích khẽ lắc lư. Cái khối thụ động đó tuân theo những chuyển động phân tán trong không gian; nó có vẻ hoảng hốt; sự hãi hùng khiến mọi vật đều mất cân đối hầu như lấy mất kích tấc của nó và để lại cho nó hình dáng xung quanh. Đây là một khối đen đông kết có dáng dấp; bên trên đen, bên trong cũng đen; nó sắp chương phềnh như kiểu xác chết. Những lúc chiều tà, những phút trăng lên, những giờ sao lặn sau vách biển, những gì bềnh bồng của không trung, mây gió bốn phương, rốt cuộc đã hợp sức tạo thành cái hư - không mà ta nhìn thấy được đó; cái khối không tên đu đưa trong gió đó góp phần và cái vô-ngã tản mạn xa xa trên trời và trên biển, và u minh đang hoàn chỉnh cái vật trước kia đã là con người.

Đó là cái hiện không tồn tại nữa.

Là một dị vật, điều này vượt ra ngoài ngôn ngữ con người. Thôi không tồn tại nữa mà vẫn còn mãi, nằm trong vực mà lại ở ngoài, tái hiện sau khi chết, như vật không thể dìm được, có chút vô lý lẫn trong những thực tế như vậy. Vì thế mà rất khó tả. Con người kia - có phải là người không? - cái tang chức đen ngòm kia, là một dị vật, một dị vật khủng khiếp. Di vật của cái gì? Trước tiên của thiên nhiên, sau đó của xã hội. Số không và tổng số.

Tàn nhẫn tuyệt đối mặc sức hành hạ nó. Những quên lãng sâu sắc của hoang vắng bao vây nó. Nó sống trong cảnh thăng trầm của kẻ không ai biết đến. Nó chẳng có ai bảo vệ để chống lại u minh, u minh muốn làm gì nó thì làm. Mãi mãi nó là kẻ bị hành hình. Chỉ biết chịu đựng. Bao nhiêu bão táp đổ lên đầu nó. Chức năng bi đát của gió trời.

Cái bóng ma đứng đó mặc cho huỷ hoại. Nó chịu dựng hành động bạo ngược rùng rợn đó, sự thối rữa giữa mưa gió bốn phương. Nó ở ngoài đạo luật quan tài. Nó bị huỷ diệt mà không được hưởng sự yên nghỉ. Mùa hè nó rơi thành cát bụi, mùa đông nó trở thành bùn nhão.

Thần chết phải có khăn che, mộ địa phải biết thẹn thùng. Đây chẳng thẹn thùng, cũng chẳng có khăn che.

Sự thối lừa dâng trào và đang thú nhận. Thần chết vô liêm sỉ dám phô trương công trình của mình. Nó làm nhục tất cả những gì trong sạch của bóng tối khi nó làm việc ngoài phòng thí nghiệm của nó nghĩa là bên ngoài mồ mả.

Con người đã tắt thở kia bị lột sạch. Lột sạch một xác chết là một việc hoàn thiện hết sức tàn nhẫn. Cốt tuỷ không còn trong xương, ruột gan không tròn trong bụng, lời nói không còn trong cổ. Thi hài là một cái túi mà thần chết lộn trái ra và lấy sạch. Nếu thi hài có một cái tôi, thì cái tôi đó ở đâu? Có lẽ còn đó, nhưng ngẫm nghĩ mà đau lòng. Một cái gì lảng vảng xung quanh một cái gì bị xiềng xích. Có thể nào hình dung nổi trong bóng tối một nét nào thảm khốc hơn không?

Dưới trần này có những thực tế giống như những lối thoát vào cõi mông lung vô định, qua đó tư tưởng dường như có thể thoát ra để giả thuyết nhảy vào. Buộc lòng phải phỏng đoán. Nếu người ta đi qua một nơi nào đó và đứng trước một vật nào đó, người ta không thể nào làm khác hơn là đứng lại, trầm ngâm suy nghĩ, và mặc cho trí óc tiến sâu vào đó. Trong chỗ không nhìn thấy có những cánh cửa tối mò hé mở. Không ai có thể gặp con người quá cố ấy mà không trầm tư suy nghĩ.

Sự phân tán mênh mông tiêu hao nó một cách lặng lẽ. Trước kia nó có máu huyết người ta đã uống hết, có da, người ta đã ăn hết, có thịt người ta đã trộm hết.

Không một cái gì đi qua mà không lấy mất của nó một chút gì đó. Tháng chạp đã mượn của nó hơi lạnh, đêm khuya mượn hãi hùng, sắt thép mượn chất dỉ, dịch bệnh mượn uế khí, bông hoa mượn hơi hám. Sự tan rã của nó là một khoản thuế. Thuế của xác ma nộp cho gió, cho mưa, cho sương, cho các loài bò sát, cho mọi giống chim muông. Tất cả những bàn tay đen tối của đêm trường đều lục soát người chết đó.

Đấy là loại cư dân hết sức kỳ lạ. Cư dân của đêm trường. Nó đứng giữa một cánh đồng và trên một ngọn đồi mà lại không ra ở đó. Nó có thể sờ nắm được mà lại tiêu tan. Nó là bóng đen bổ sung cho tăm tối sau lúc ánh ngày biến mất, trong ngày u minh lặng lẽ, nó đồng tình một cách buồn thảm với tất cả. Riêng với sự có mặt của nó ở đó, nó đã tăng thêm phần tang tóc cho bão táp, và phần yên tĩnh cho muôn sao. Cái khôn tả, sẵn có trong cảnh cô liêu hoang vắng, cô đọng lại trong mình nó. Là mảnh rêu trôi giạt của một số kiếp xa lạ, nó tự thêm vào tất cả những gì rùng rợn không nói hết của đêm trường.

Trong cái bí mật của nó có một phản quang mơ hồ của tất cả mọi điều bí hiểm.

Xung quanh nó người ta cảm thấy cuộc sống như thu nhỏ lại đến tận những nơi sâu thẳm cùng cực. Trong những khoảng rộng bao quanh, có một sự giảm sút lòng tin và tính xác thực. Bụi bờ, cỏ cây xao động, mỗi nỗi u buồn ảo não, một niềm lo lắng dường như có ý thức, khiến cho toàn bộ phong cảnh thích hợp một cách bi đát.

Với bộ mặt đen lủng lẳng ở đầu sợi xích. Sự có mặt của một bóng ma trong chân trời càng tăng thêm phần hoang vắng.

Nó là ma quái. Mang trên mình những ngọn gió không bao giờ lặng, nó là kẻ không chịu đứng yên. Sự run rẩy bất tận khiến nó thành khủng khiếp. Trong không trung, dường như nó là một trung tâm, điều đó nói ra thật hãi hùng, và có một cái gì mông mênh dựa vào nó. Biết đâu đấy? Có lẽ đó là chính nghĩa cảm đoán được và bị khinh miệt ở ngoài nên công lý của chúng ta.

Trong thời gian nó ở ngoài mồ, có sự trả thù của con người và sự trả thù của chính nó. Trong cảnh chiều tà và trong chốn hoang địa này, nó như một bản chứng thư. Nó là bằng cớ của thứ vật chất đáng lo ngại, vì thứ vật chất mà khi đứng trước nó ta phải run sợ là sự suy sụp của linh hồn. Muốn cho vật chết rồi còn làm ta bối rối, phải có linh hồn sống trong đó. Nó tố giác pháp luật trần gian với pháp luật trên trời. Bị con người đặt tại đó, nó đợi chờ Thượng Đế. Cùng với tất cả những gì quằn quại không nhìn thấy của mây trời và sóng nước, trên nó bồng bềnh những sự mơ màng to lớn của bóng tối.

Đằng sau cảnh tượng đó, không biết có một bế tắc gì thật thê thảm. Vô biên, chẳng bị gì giới hạn cả, một cái cây cũng không, một khách qua đường cũng không, bao vây người chết kia. Khi mà cái nội tại lơ lửng trên đầu chúng ta, trời, vực, cuộc sống, mồ mả, vĩnh cửu hiện ra hiển nhiên; lúc ấy chúng ta cảm thấy tất cả đều không với tới, tất cả đều bị cấm đoán, tất cả đều bị bưng bít.

Khi vô biên mở ra, thì không có một thứ khoá nào ghê gớm hơn.

6. GIAO CHIẾN GIỮA THẦN CHẾT VÀ TRỜI ĐÊM

Em bé đứng trước vật đó, câm lặng, ngạc nhiên, mắt nhìn chòng chọc.

Đối với một người lớn, có thể đấy là một cái giá treo cổ, còn đối với em bé, đấy là quỉ hiện hình.

Cái mà người lớn có thể xem là xác chết thì em bé cho là bóng ma.

Và nó chẳng hiểu gì hết.

Vực thẳm có nhiều cách lôi cuốn; trên đồi kia là một cách. Em bé tiến tới một bước, rồi hai bước. Nó trèo lên, đồng thời lại muốn đi xuống, nó đến gần nhưng lại muốn lùi xa.

Nó đi đến gần bên, quả quyết, run rẩy, tìm hiểu bóng ma. Đến chân giá treo cổ nó ngẩng đầu lên quan sát. Xác ma được quét nhựa đường. Từng chỗ từng chỗ lấp la lấp lánh. Em bé nhận ra cái mặt.

Nó được quét hắc ín, cái mặt nạ có vẻ nhờn nhờn, dinh dính ấy, dán sát dưới ánh đêm. Em bé thấy cái mồm là một hốc sâu, cái mũi và hai mắt cũng là những hốc sâu. Toàn thân bị quấn bọc và như buộc kỹ trong một thứ vải thô tẩm dầu. Lớp vải đã mốc meo và bục nứt.

Một đầu gối thò ra ngoài. Một chỗ toác để lộ cả xương sườn. Có nơi là xác chết, có nơi là bộ xương- Mặt mẩu đất; dăm ba con sên lò dò ở trên, đã để lại những giải bạc lờ mờ. Tấm vải dán sát vào xương, lồi lồi lõm lõm, như một tấm áo trên pho tượng. Cái sọ, nứt vỡ, nom giống như một quả thối. Bộ răng vẫn là bộ răng người, vẫn giữ được vẻ cười. Một chút gì còn lại của tiếng kêu như đang lào thào trong cái mồm há hốc. Vài ba sợi râu lưa thưa trên má. Cái đầu ngoẹo xuống ra vẻ chăm chú.

Mới đây người ta có sửa sang lại. Bộ mặt mới được quét nhựa đường, cũng như cái đầu gối thò ra ngoài vải, và chỗ xương sườn. Ở dưới hai chân lòi ra.

Ngay phía dưới, trên cỏ, có hai chiếc giày, đã biến dạng trong tuyết và dưới mưa. Mấy chiếc giày đó đã từ người chết kia rơi xuống.

Em bé, chân không, lẳng lặng nhìn những chiếc giày đó. Gió mỗi lúc một đáng lo ngại hơn, có những lúc gián đoạn để chuẩn bị cho một trận bão; nó đã hoàn toàn lặng được một lúc lâu. Xác chết không động đậy nữa. Sợi xích đứng im như một sợi dây dọi.

Như tất cả những kẻ mới vào đời, và quan tâm đến sức ép đặc biệt của số mệnh, em bé chắc hẳn đang thấy bừng dậy trong người những ý nghĩ cố hữu của tuổi trẻ, cố mở đầu óc, và giống như con chim non trong trứng đang mổ vỡ lớp vỏ; nhưng tất cả những gì trong lương tâm nhỏ bé của nó lúc này đều chuyển thành sững sờ kinh ngạc. Quá nhiều cảm giác cũng như quá nhiều dấu, dẫn đến sự tắc nghẹt của tư duy. Một người lớn hẳn đã đặt nhiều câu hỏi, em bé không đặt; nó chỉ nhìn.

Nhựa đường làm cho khuôn mặt kia có vẻ ươn ướt.

Những giọt hắc ín trong những chỗ trước đây là mắt giống như những giọt lệ. Vả lại nhờ thứ hắc ín đó, sự huỷ hoại của thần chết rõ ràng có chậm lại, nếu không được loại trừ hẳn, và ít ra cũng hạn chế khả năng hư nát. Cái mà em thấy trước mắt là một vật mà người ta đang cần. Con người kia chắc chắn là một vật quỉ. Người ta không có ý giữ nó sống, mà có ý bảo tồn nó ở trong trạng thái chết.

Cái giá treo cổ đã cũ kỹ, rêu phong, mặc dầu còn chắc và đã dùng từ nhiều năm.

Ở nước Anh, từ rất lâu đời đã có tục lệ phết nhựa đường lên bọn buôn lậu. Người ta treo cổ chúng lên ở bờ biển, dùng hắc ín quét kín, và để mặc cho chúng lơ lửng như thế. Gương mẫu muốn có cảnh trời động, và những gương quét nhựa đường thường được bảo tồn tốt hơn cả.

Lớp nhựa đường kia chính là lòng nhân đạo. Bằng cách đó ít phải thay đổi kẻ chết treo hơn. Người ta trồng các cột treo cổ cách quãng, trên bờ biển, như ngày nay ta trồng đèn đường. Kẻ chết treo thay thế đèn lồng. Bằng lối riêng của nó, nó soi sáng cho bạn bè buôn lậu của nó.

Dân buôn lậu, từ xa, ngoài biển, nhìn thấy những giá treo cổ. Kia một cột, cảnh cáo lần thứ nhất; rồi một cột khác, cảnh cáo lần thứ hai. Điều đó cũng chẳng ngăn cản được việc buôn lậu; nhưng trật tự vẫn bao gồm những việc như vậy. Đường lối đó ở nước Anh đã kéo dài đến tận đầu thế kỷ này. Năm 1822, người ta còn trông thấy trước lâu đài Đuvrơ ba người treo cổ được quét dầu bóng. Vả lại biện pháp bảo quản không phải chỉ dành riêng cho bọn buôn lậu. Nước Anh còn áp dụng cả cho bọn trộm cắp, đốt nhà và giết người. Gion Pentơ, tên đốt kho hàng hải Porxmơt, bị treo cổ và quét nhựa đường năm 1776.

Tu viện trưởng Coiơ, gọi là Giăng Hoạ sĩ[53] năm 1777 vẫn còn nhìn thấy nó. Gion Pentơ bị treo và xích ngay trên cảnh điêu tàn do nó gây nên, và thỉnh thoảng lại được sơn quét mới. Xác chết này kéo dài, hầu như có thể nói là sống, gần mười bốn năm. Năm 1788 nó vẫn còn tốt. Tuy vậy năm 1790 người ta đành phải thay nó.

Người Ai Cập quan tâm đến xác ướp của vua chúa. Xác ướp của nhân dân, xem ra cũng được việc.

Gió thường hay thổi trên đồi, đã bóc hết tuyết trên đó. Cỏ mọc lại, với đây đó dăm bảy bụi gai. Ngọn đồi được phủ bằng lớp cỏ biển rậm và ngắn, khiến mặt trên vách núi giống như một lớp thảm xanh. Dưới cột giáo, ngay chỗ mà bên trên du đưa hai cẳng chân của kẻ bị tử hình, có một khóm cỏ cao và dày, kỳ lạ, trên mảnh đất khô cằn này. Những xác chết vụn nát ở đấy từ bao thế kỷ giải thích sự tươi tốt của khóm cỏ kia. Đất sống nhờ vào con người.

Một sức mê hoặc rùng rợn giữ chặt lấy em bé. Nó đứng đấy: mồm há hốc. Chỉ có mỗi một lần nó cúi đầu xuống khi bị gai châm vào chân. Làm nó tưởng có con gì cắn. Rồi nó lại ngẩng lên, nhìn bộ mặt bên trên đang nhìn nó. Không có mắt, bộ mặt lại càng hau háu nhìn nó. Đó là một vẻ nhìn mông lung, một kiểu đăm đăm khó tả, vừa có ánh sáng vừa là u minh, dày đặc, và thoát ra từ chiếc sọ, từ hàm răng cũng như từ những vòng cung mi mắt rỗng huếch. Toàn bộ cái đầu người chết nhìn, thật khủng khiếp. Nó không có con ngươi, nhưng người ta vẫn cảm thấy bị nhìn. Cảm giác rùng rợn trước loài sâu bọ.

Dần dần chính em bé cũng trở thành đáng sợ. Nó không nhúc nhích nữa. Nó đang mụ mẫm cả người. Nó không nhận thấy nó đang mất hết ý thức. Người nó tê dại và cứng đờ. Trời đông lặng lẽ nộp nó cho đêm trường; trong trời đông có sự phản bội. Em bé đã gần như một pho tượng. Khí lạnh như đá ngấm vào xương tuỷ nó; bóng tối, cái giống bò sát ấy, trườn lách vào người nó. Trạng thái tê dại từ tuyết thoát ra lan dần vào người như một lớp triều tối tăm; toàn thân em bé dần dần cứng đờ như một xác chết. Nó sắp thiếp đi.

Trong bàn tay giấc ngủ có ngón tay của thần chết.

Em bé cảm thấy đang bị bàn tay ấy tóm chặt. Nó sắp ngã xuống chân giá treo cổ. Nó không biết có phải mình đang đứng hay không nữa.

Giờ phút tận số luôn luôn trước mắt, không có sự nối tiếp nào giữa tồn tại và không tồn tại cả, lại trở vào lò luyện, giây phút nào cũng có thể trượt ngã, chính vực sâu đó là trò tạo hóa.

Chỉ một lúc nữa em bé và người chết, cuộc sống mới phác hoạ và cuộc sống đã điêu tàn, sẽ hòa lẫn vào nhau, cùng bị xóa nhòa.

Xác ma có vẻ như hiểu thế và không muốn thế. Đột nhiên nó bắt dầu cựa quậy. Dường như nó định cảnh cáo em bé. Đó là gió trời đang lại nổi lên.

Không có gì quái gở bằng cảnh người chết kia cử động.

Xác chết ở đầu sợi xích bị ngọn gió vô hình xô đẩy, chuyển thế đứng nghiêng nghiêng, nhô lên bên trái, rồi rơi xuống, lại nhô lên bên phải, lại rơi xuống rồi lại ngoi lên với nhịp độ chính xác thong thả, thảm đạm của một quả lắc. Một kiểu đung đưa tai quái. Tuồng như trước mắt, trong cảnh tăm tối, đấy là quả lắc của chiếc đồng hồ vĩnh cửu.

Cảnh tượng cứ kéo dài một hồi lâu như thế. Trước sự chuyển động của người chết, em bé bừng tỉnh và qua cảm giác rét run, nó thấy khá rõ là nó sợ. Mỗi lần giao động, sợi xích lại rít lên đều đều nghe rõ khiếp. Nó có vẻ như lấy hơi để rồi lại tiếp tục. Tiếng rít bắt chước tiếng ve kêu.

Một trận cuồng phong sắp đến gần khiến nhiều lúc gió mạnh đột ngột. Thình lình gió hiu hiu chuyển thành gió bấc. Giao động của xác chết mạnh lên một cách bi thảm. Không phải đu đưa nữa mà lay giật. Sợi xích từ nãy chỉ cót két, lúc này đang rít lên.

Hình như tiếng rít này đã được nghe thấy. Nếu đó là tiếng gọi thì nó đã được đáp lại.

Từ chân trời thăm thẳm, một tiếng động lớn ào ào đổ tới.

Đó là một tiếng đập cánh.

Một sự kiện đang xảy ra, sự kiện náo động ở bãi tha ma và hoang địa, một bầy quạ bay tới.

Nhiều điểm đen chấp chới lấm chấm trời mây, chọc thủng sương mù, to dần, đến gần, kết hợp với nhau, dày đặc thêm, hối hả lao về phía ngọn đồi, hắt lên những tiếng kêu. Y như một binh đoàn đang ập tới. Đám sâu bọ có cánh đó của u minh sà ngay lên trên giá treo cổ.

Em bé hốt hoảng lùi lại.

Những giống sống thành bầy luôn luôn tuân theo mệnh lệnh. Lũ quạ đã tập họp trên giải dài. Không một con nào đậu lên xác chết. Chúng đang trao đổi với nhau.

Tiếng quang quác nghe thật rùng rợn. Rống, huýt, gầm là dấu hiệu của sự sống; tiếng quang quác biểu thị sự thích thú thừa nhận một vật thối ruỗng. Tưởng như đây là tiếng tan vỡ của lặng lẽ tha ma. Tiếng quang quác là một tiếng trong đó có ý niệm tối tăm. Em bé lạnh toát cả người.

Vì kinh hoàng hơn vì lạnh.

Bầy quạ bỗng im bặt. Một con nhảy lên bộ xương.

Đó là một thứ hiệu lệnh. Tất cả liền sà xuống, một đám mây toàn cánh, rồi bao nhiêu lông vũ cụp lại, thế là kẻ bị treo cổ biến mất dưới những khối đen tròn, lúc nhúc, cử động trong bóng tối. Lúc này người chết chợt rùng mình.

Có đúng nó không? Hay là gió? Nó giật bắn lên một cách khủng khiếp. Cơn phong ba, đang nổi lên, đến trợ lực với nó. Bóng ma quằn quại. Đó là cơn gió to, đã ào ào thổi mạnh đang tóm lấy nó và giật lắc loạn xạ. Nó trở lên khủng khiếp. Nó bắt đầu giẫy giụa. Một con rối quái gở mà dây điều khiển là sợi xích trên giá treo cổ.

Một người làm trò bóng tường nào đó đã cầm dây và giật giật cái xác ướp kia. Xác ướp quay quay, nhảy nhảy như sắp vỡ tung. Bầy chim hoảng sợ vụt bay lên. Tất cả bầy thú ghê tởm kia như tung toé ra. Rồi chúng lại quay về. Thế là mở đầu một cuộc vật lộn.

Người chết dường như sống dậy một cách quái gở.

Gió từng cơn nhấc bổng nó lên như sắp mang nó đi; tưởng chừng nó vùng vẫy và cố sức để trốn; chiếc gông giữ nó lại. Bầy chim phụ hoạ theo tất cả mọi động tác của nó, lùi ra, rồi sà vào, hung dữ và quyết liệt. Một bên, cố gắng kỳ quặc để trốn chạy, một bên, đuổi bắt một kẻ bị xích. Người chết bị tất cả những đợt gió bấc xô đẩy, vùng vẫy, co giật, nổi giận, đi đi, lại lại, vươn lên rơi xuống, xua đuổi đàn quạ tan tác Người chết là chuỳ đàn quạ là bụi. Bầy chim dữ tợn ngoan cố xông vào không chịu bỏ cuộc. Người chết như điên dại trước bầy mỏ kia, càng đánh đấm khoẻ vào khoảng không một cách mù quáng, y hệt một hòn đá buộc vào cái máy bắn đá. Có những lúc bao nhiêu móng vuốt, bao nhiêu cánh đều châu lại trên người nó, rồi hết không còn gì hết; đấy là những lúc bầy rợ tan tác bay đi, rồi lập tức giận dữ quay lại. Cực hình rùng rợn nối tiếp cuộc sống. Bầy chim như điên cuồng. Hẳn là cửa hầm của địa ngục cũng để thoát ra những bầy chim tương tự. Thôi thì cào xé, mổ rứt, quang quác, giằng giật những mảnh không còn là thịt sống nữa, rồi tiếng giảo đài răng rắc, tiếng bỏ xương sột soạt, tiếng sắt thép loảng xoảng, tiếng gió rít ù ù, tiếng nhốn nháo, thật không còn cuộc vật lộn nào ghê rợn hơn. Một vong hồn chống chọi với quỷ dữ. Một cuộc chiến đấu ma.

Đôi khi làn gió mạnh lên, người chết treo xoay mình, nhìn thẳng vào tất cả bầy chim từ bốn phía đến như muốn đuổi theo chúng và tưởng chừng như răng nó cố tìm cách ngoạm. Nó được gió tiếp tay, nhưng bị sợi xích chống lại, dường như hung thần cũng tham dự vào đấy. Phong ba cũng có mặt trong trận đánh. Người chết quằn quại, bầy chim quấn quanh nó theo hình xoắn ốc.

Đây là một đám xoáy giữa một cơn gió lốc.

Dưới xa có tiếng gầm mênh mông vô tận, đó là biển cả.

Em bé đang trong giấc mê đó. Đột nhiên em run rẩy cả tứ chi, ớn lạnh suốt toàn thân, em lảo đảo, rùng mình suýt ngã, ngoảnh lại, ấn hai tay vào trán, làm như trán là một điểm tựa; và hung hãn, tóc rối bời trước gió, bước những bước dài xuống đồi, hai mắt nhắm nghiền, chính bản thân em cũng gần như ma quỷ, em cắm đầu chạy trốn, để lại sau lưng cái hình ảnh đau khổ đứng giữa trời đêm.

7. MŨI BẮC PORLAN

Nó chạy mãi cho đến lúc thở không ra hơi, chẳng cần biết về đâu, cuống cuồng, trên tuyết, giữa đồng, trong không gian. Nhờ chạy như thế mà người nó nóng lên. Nó đang cần được nóng. Không chạy như thế, và không sợ hãi như thế nó đã chết rồi.

Đến lúc không thở được nữa nó mới dừng chân. Nhưng nó không dám nhìn lại sau. Nó cảm thấy hình như bầy chim phải đuổi theo nó, người chết phải cởi xích và chắc hẳn đang đi cùng hướng với nó, và không nghi ngờ gì nữa, bản thân cái cột treo cổ cũng đang xuống đồi chạy theo sau người chết. Nó sợ nhìn thấy những thứ đỏ, nếu nó ngoảnh lại.

Lúc hơi thở đã gần hồi, nó lại chạy trốn nữa. Trẻ con không phải tuổi tìm hiểu sự việc. Nó thú nhận mọi cảm giác qua sự phóng đại của hãi hùng, nhưng không nối liền chúng lại trong trí óc và không kết luận. Nó cứ đi không cần biết đến đâu và như thế nào; nó cứ chạy với mối lo và nỗi nhọc nhằn của giấc mộng. Nó bị bỏ rơi đã gần ba tiếng đồng hồ. Bước đường đi tới mông lung của nó đã thay đổi mục đích; ban nãy nó còn tìm kiến, giờ đây nó đang trốn chạy. Nó không còn thấy đói, cũng không còn thấy rét nữa; nó sợ. Bản năng này đã thay thế bản năng kia. Tất cả ý nghĩ của nó lúc này là phải thoát khỏi. Thoát khỏi cái gì? Khỏi tất cả. Bốn phía xung quanh, cuộc sống đối với nó như một bức tường thành khung khiếp. Giá có thể trốn thoát hết mọi chuyện, nó đã làm rồi.

Nhưng trẻ con đâu có biết cái trò phá ngục mà người ta gọi là tự tử.

Nó cứ chạy.

Nó chạy như thế không biết bao nhiêu lâu. Nhưng hơi thở cạn dần, sợ hãi cũng cạn dần.

Thình lình, nghị lực và trí tuệ như đột nhiên bừng dậy, nó liền dừng lại, tưởng chừng thấy chạy trốn là xấu hổ; nó lên gân, dậm chân, quả quyết ngẩng đầu lên và ngoái lại.

Không còn đồi, không còn giá treo cổ, không còn bầy quạ nữa.

Sương mù đã lại chiếm lĩnh chân trời.

Em bé tiếp tục đi.

Lúc này nó không chạy nữa, nó đi. Có ai nghĩ cuộc gặp gỡ với người chết kia đã biến nó thành người lớn, là hạn chế cảm giác phức tạp và hỗn độn trong đầu óc nó.

Trong cảm giác đó có nhiều mặt hơn, và nhiều mặt kém thế. Cái cột treo cổ, hết sức mơ hồ trong hiểu biết thô thiển gọi là tư tưởng của nó đối với nó vẫn là một thứ ma quỷ hiện hình. Có điều, nỗi kinh hoàng được chế ngự là một sự vững tâm, nó cảm thấy mình mạnh hơn. Giá nó ở vào cái tuổi tự biết dò xét, nó đã thấy mở đầu trong nó hàng nghìn chuyện đáng suy ngẫm, nhưng suy nghĩ trẻ con chưa thành hình, và cùng lắm chúng chỉ cảm thấy đó vị chua chát của điều đối với chúng rất khó hiểu mà sau này lớn lên chúng gọi là lòng căm phẫn.

Cần nói thêm rằng trẻ con có tài chấp nhận rất nhanh sự kết thúc của một cảm giác. Nó không nắm được những đường viền xa thẳm và thoáng qua, tạo nên chiều sâu rộng của mọi đau khổ. Trẻ con bị sức yếu hạn chế nên không có được những cảm xúc quá phức tạp. Nó nhìn thấy sự việc, và nhìn thấy rất ít bên cạnh. Trẻ con không biết bất mãn với những ý nghĩ bộ phận. Bản án cuộc đời mãi sau này mới được biết, lúc kinh nghiệm đến với hồ sơ của nó. Lúc ấy mới có dịp đối chiếu với các sự việc gặp được, trí tuệ được hướng dẫn và đã lớn mạnh mới so sánh, các kỷ niệm tuổi trẻ hiện trở lại qua các say mê như nguyên cáo trên tờ giấy da [54] qua những nét gạch xóa; số kỷ niệm đó, là những điểm tựa cho suy luận và những gì trước kia là hình ảnh trong đầu óc trẻ con thì nay trở thành tam - đoạn - luận trong đầu óc người lớn. Vả lại kinh nghiệm có nhiều mặt, hay dở tuỳ theo bản chất. Người tốt thì chín chắn khôn ngoan, kẻ xấu thì hư hỏng thối nát.

Em bé dễ đã chạy được một phần tư dặm, và đã đi thêm một phần tư dặm nữa. Thình lình nó cảm thấy trong bụng cồn cào. Một ý nghĩ lập tức át mất hình bóng ghê tởm của ngọn đồi, chợt đến đột ngột với nó: ăn. Cũng may, trong con người lại có con vật; con vật dẫn con người về với thực tế.

Nhưng ăn gì? Ăn ở đâu? Và làm thế nào mà ăn?

Nó sờ nắn túi áo. Một cách máy móc, vì nó thừa biết là túi rỗng.

Đoạn nó hối hả bước. Không biết về đâu, nó cứ bước vội đến chỗ mà may ra nó gặp được.

Lòng tin vào quán trọ bắt nguồn từ Thượng Đế vốn sẵn có trong con người.

Tin vào một chỗ trú, tức là tin vào Chúa.

Vả lại, trên cánh đồng tuyết này, chẳng có cái gì giống một mái nhà cả.

Em bé cứ bước, đồng hoang lại tiếp tục, trần trụi tít tắp.

Trên cao nguyên này, chưa bao giờ có nhà của người ở.Chỉ dưới chân vách núi, trong các hốc núi vì thiếu gỗ làm chòi, ngày xưa có những cư dân cổ sơ trú ngụ; vũ khí của họ là cái ná bằng đá, củi đun là phân bò khô, tôn giáo là thần tượng Heil đứng tại một khu rừng thưa ở Đorsextơ, và nghề gọi là plin và người Hy lạp gọi là isidis plocamos.

Em bé cố hết sức hướng theo khả năng của nó.

Toàn bộ vận  mệnh là một ngã tư, việc lựa chọn phương hướng thật đáng sợ, con người nhỏ bé đó đã sớm phải lựa chọn giữa những may rủi đen tối. Tuy vậy nó vẫn bước đi; nhưng mặc dù bắp chân nó tưởng chừng như bằng thép, nó đã bắt đầu thấm mệt. Trên cánh đồng này không có đường mòn; nếu có thì tuyết cũng đã xoá sạch. Theo bản năng, nó tiếp tục đi về hướng đông. Những hòn đá sắc cạnh đã làm hai gót chân nó xây xước. Giá trời sáng thì có thể thấy, trong các dấu chân nó để lại trên tuyết, những vết máu hồng hồng của nó.

Nó chẳng nhận ra gì hết. Nó đang đi xuyên qua cao nguyên Porlan từ nam  lên bắc, và rất có thể cái bọn cùng nó đến đây, không muốn để cho ai gặp, đã đi xuyên cao nguyên từ tây sang đông. Chắc hẳn chúng đã đi trên một chiếc thuyền đánh cá hoặc buôn  lậu, từ một điểm nào đấy trên bờ biển Uggescombe, như Sainte Catherine Chap hay Swancry để đến Porlan gặp chiếc thuyền con chờ họ, và chắc chúng đã phải rời thuyền tại một trong những tiểu đoan[55] Weston, để lại sang thuyền khác tại một trong những vũng eston. Hướng đó cắt ngang hướng đi hiện giờ của em bé. Vì vậy nó không thể nào nhận ra đường đi.

Đây đó cao nguyên Porlan có những chỗ nhô cao đột ngột bị bờ biển tàn phá và cắt thẳng đứng trên biển. Em bé lang thang đi đến một trong những điểm cao này, và dừng lại, tìm cách nhìn ngó, hy vọng gặp được nhiều dấu vết hơn nhờ có nhiều không gian hơn. Trước mắt, chân  trời chỉ là một khoảng mờ đục nhợt nhạt bao la. Nó quan sát thật kỹ và qua đôi mắt hau háu khoảng mờ cũng có kém phần mù mịt. Cuối một vệt đất mấp mô xa xa, về phía đông, dưới cái khối mờ nhợt nhạt đó, một loại núi hiểm trở di động và xanh nhợt như một vách núi của đêm trường, có những mảng rách mơ hồ màu đen đang bò trườn, trôi giạt, những đầu tường, nham nhở không rõ.

Khói đục mờ mờ đó là sương mù, những mảng rách màu đen đó là khói. Đâu có khói, đó có người. Em bé hướng ngay về phía ấy.

Cách đó không xa, nó thấy lờ mờ một lối xuống, và ở chân lối xuống, giữa những đường quanh co nhằng nhịt của núi đã bị sương mù xóa nhoà, có hình dáng một giải cát hay một doi đất, chắc hẳn nối liền cao nguyên vừa đi với những cánh đồng ở chân trời. Tất nhiên phải qua đấy.

Đúng là em bé đã đến eo đất Porlan, giải đất bồi từ thời hồng thủy được người ta gọi là Sex Hil.

Nó lẩn sang phía sườn đó của cao nguyên.

Dốc núi gập gềnh, khó đi. Tuy có kém cheo leo, đây là cảnh trái ngược của lúc đi lên để thoát ra khỏi tiểu loan. Mỗi bận đi lên đều được đền bù bằng một lần đi xuống. Trèo chán, bây giờ nó đang tụt xuống.

Nó nhẩy từ mỏm núi này sang mỏm núi khác, liều cho trẹo chân hoặc lộn cổ xuống vực thẳm. Để bấu víu những lúc gặp đá hoặc băng trượt, nó phải túm chặt lấy những dây dại và những cây kim tước hoa đầy gai, mặc cho những đầu nhọn đâm vào ngón tay. Thỉnh thoảng gặp được quãng dốc thoai thoải, nó vừa đi xuống vừa lấy lại hơi thở, rồi lại đến đoạn hiểm trở, mỗi bước lại phải áp dụng một phương sách khác. Những lúc lần xuống vực, mỗi động tác là cách giải của một bài toán. Phải khéo léo lắm không thì chết. Những bài toán đó, em bé giải bằng một bản năng mà khỉ vượn phải ghi nhớ, và bằng một khoa học mà người leo dây phải khen ngợi. Đường xuống vừa dốc đứng vừa dài. Tuy vậy nó cũng đi hết được.

Dần dần đã sắp đến giây phút được đặt chân lên eo đất, thấp thoáng xa xa.

Từng lúc từng lúc, vừa nhẩy lên hoặc nhẩy xuống từ mô đá này sang mô đá khác, nó vừa dỏng tai như một con hoẵng chăm chú. Nó lắng nghe xa xa, bên tái trái một tiếng động mênh mông và nhẹ nhàng, giống như tiếng kèn đồng văng vẳng. Trong không khí quả đang có một sự xáo động, đi trước ngọn gió hãi hùng của phương bắc từ địa cực ào ào đến như một đội kèn sắp tới. Đồng thời em bé chốc chốc lại cảm thấy trên trán, trên mắt, trên má, một cái gì như những lòng bàn tay lạnh áp lên mặt.

Đấy là những bông tuyết to lạnh buốt, thoạt đầu được gieo rắc nhè nhẹ trong không trung, rồi xoay tít, và báo trước cơn bão tuyết. Em bé bị bông tuyết phủ đẩy người.

Cơn bão từ hơn một giờ đã hoành hành trên biển cả, bắt đầu đi vào đất liền, từ từ xâm nhập các cánh đồng, chênh chếch theo hướng tây bắc vào cao nguyên Porlan.

II. THUYỀN CON TRÊN BIỂN CẢ.

1. NHỮNG QUY LUẬT NGOÀI CON NGƯỜI.

Bão tuyết là một trong những chuyện còn mới lạ trên biển. Đó là khí tượng mù mịt nhất; mù mịt trong mọi ý nghĩ của từ ngữ. Đó là một hỗn hợp của sương mù và bão, và đến nay con người vẫn chưa hiểu rõ hiện tượng này làm. Vì vậy mà còn nhiều tai họa.

Người ta muốn giải thích tất cả bằng gió và nước.

Nhưng trong không khí có một sức mạnh không phải là nước, và trong nước có một sức mạnh không phải là sóng. Sức mạnh này, trong không khí cũng như trong nước vẫn là một, là cái khí âm dương trong trời đất.

Không khí và nước là hai khối lỏng, gần đồng nhất, hoà lẫn vào nhau do sự ngưng tụ và sự giãn nở, y hết thở là uống; khí âm dương riêng lẻ thuộc về thể lỏng. Gió và sóng chỉ đẩy từng lúc, tưng đợt, còn khí âm dương là một dòng chảy liên tục. Nhờ mây trời ta thấy được gió, nhờ bọt nước ta thấy được sóng, nhưng khí âm dương thì không thể thế được.

Tuy nhiên thỉnh thoảng nó cũng lên tiếng; ta đây. Cái Ta đây là một tiếng sét.        

Bão tuyết đặt ra một vấn đề tương tự như sương mù khô. Nếu có thể giải thích được hiện tượng Calina[56] của người Tây Ban Nha và hiện tượng quobar của người Êtiôpia thì chắc chắn việc giải thích ấy phải dựa vào sự quan sát chăm chú từ khí.

Không khí âm dương, một số lớn hiện tượng vẫn còn bí hiểm. Nói cho cùng, chính những thay đổi vận tốc của gió, trong bão táp chuyển từ ba bộ một giây thành hai trăm hai mươi bộ, là nguyên nhân những biến thể của sóng đi từ ba tấc lúc biển lặng, đến ba mươi sáu bộ lúc biển nổi giận; nói cho cùng, cái thế thổi ngang của gió, dù đang lúc giông bão, giúp ta hiểu tại sao một ngọn sóng cao ba mươi bộ lại có thể dài tới một nghìn năm trăm bộ; nhưng tại sao sóng Thái Bình Dương gần Châu Mỹ lại bốn lần cao hơn sóng ở gần Châu Á, nghĩa là ở phía tây cao hơn ở phía đông; tại sao trên Đại Tây Dương lại ngược lại; tại sao ở vùng xích đạo, giữa biển lại cao hơn hết; do đâu mà có sự di chuyển cái bướu của đại dương? Chỉ có từ lực, kết hợp với sự chuyển động của quả đất và sức hút của tinh tú mới giải thích được.

Ta đã chẳng phải viện đến hiện tượng phức tạp bí mật ấy để giải thích một dao động của gió xuất phát từ phía tây đi, chẳng hạn từ đông nam lên đông bắc, rồi đột ngột trở về cung theo vòng tròn to đó, từ đông bắc xuống đông nam, làm một vòng tròn kỳ diệu năm trăm sáu mươi độ trong ba mươi sáu giờ đồng hồ là gì? Đó là hiện tượng mở đầu của trận bão tuyết ngày 17 tháng ba năm 1867.

Những sóng bão của Châu Úc cao đến tám mươi bộ; đó là vì gần địa cực. Bão ở những vĩ tuyến ấy do gió quần thì ít mà do hiện tượng phóng điện liên tục ngầm dưới biển nhiều hơn; năm 1866 hoạt động của đường dây cáp xuyên Đại Tây Dương thường xuyên bị rối loạn mỗi ngày hai tiếng, từ giữa trưa đến hai giờ, bởi một thứ sốt cách quãng. Từ một số hợp lực và một số phân lực nảy sinh ra những hiện tượng, buộc người đi biển phải tính toán nếu không thì bị đắm ngay. Ngày mà ngành hàng hải vẫn dựa vào thói quen, trở thành một môn toán học ngày mà người ta tìm hiểu chẳng hạn vì sao tại những vùng chúng ta ở, đôi khi gió nóng lại từ phương bắc thổi tới và gió lạnh lại từ phương nam thổi lên, ngày mà người ta hiểu rằng nhiệt độ tụt theo tỷ lệ thuận với chiều sâu đại dương, ngày mà người ta luôn luôn ý thức rằng quả đất là một khối namchâm to được phân cực trong vũ trụ bao la, có hai trục, một trục quay và một trục của khí âm dương, cắt nhau ở trung tâm quả đất, rằng các từ cực xoay quanh các địa cực, bao giờ những người liều bỏ cuộc sống sẽ liều một cách khoa học, bao giờ người ta vượt biển trên sự bất ổn định được nghiên cứu kỹ, bao giờ thuyền trưởng là một nhà khí tượng học, bao giờ hoa tiêu là một nhà hóa học, lúc ấy biết bao tai hoạ sẽ được tránh khỏi. Biển cả mang nặng tính chất nước bao nhiêu thì cũng mang đầy đủ từ tính bấy nhiêu, một đại dương của nhiều lực trôi nổi xa lạ, trong đại dương của sóng cả; có thể nói là theo dòng nước cuốn. Chỉ nhìn thấy trong biển cả một khối nước, mà không thấy biển cả; biển cả vừa là một sự đi lại của chất lỏng vừa là sự lên xuống của chất nước; những lực hút làm cho nó phức tạp có lẽ hơn cả những trận cuồng phong; lực dính phân tủ thể hiện, cùng với các hiện tượng khác bởi lực mao dẫn, rất nhỏ đối với chúng ta tham dự trong đại dương vào cái vĩ đại của những khoảng mênh mông; và sóng lực lúc thì giúp ta, lúc thì cản trở sóng không khí và sóng luật về thủy lực học; vì cái nọ lồng vào cái kia. Không có ngành học nào khó hơn, quả thật thế, và mờ mịt hơn; nó gần với kinh nghiệm luận cũng như khoa thiên văn gần với khoa chiêm tinh. Tuy nhiên không có ngành học đó thì không có ngành hàng hải.

Bây giờ, ta qua điểm khác.

Một trong những hợp chất đáng sợ nhất của biển cả là bão tuyết. Bão tuyết, chủ yếu  mang tính chất từ lực. Địa cực tạo ra nó như tạo ra bình minh bắc cực; địa cực nằm trong lớp sương mù ấy cũng như nằm trong màn ánh sáng kia; và trong bông tuyết cũng như trong vằn lửa có thể trông thấy được khí âm dương.

Bão tuyết là những cơn co giật và mê sảng của biển cả. Có những lúc biển cả nhức đầu sổ mũi. Có thể xem bão táp như những thứ bệnh. Có thứ chết ngườỉ có thứ không; người ta qua khỏi bệnh này, không qua khỏi bệnh kia. Bão tuyết thông thường được xem như chết người. Jarabila, một trong số hoa tiêu của Magienlăng[57], gọi nó là “một đám mây thoát từ khía cạnh xấu của quỉ sứ[58]”. Xuyêckuph nói: Loại bão ấy khủng khiếp lắm.

Nhưng nhà hàng hải Tây Ban Nha ngày xưa gọi loại bão tuyết này là lanevada khi còn là bông tuyết, và là lahelada khi thành mưa đá. Theo họ nói thì trên trời có cả giơi rơi xuống cùng với tuyết.  Bão tuyết là đặc điểm của những vĩ tuyến gần đại cực Tuy nhiên đôi khi chúng cũng trườn bò, hầu như có thể nói là chúng đổ xuống đến tận những vùng khí hậu của ta, tàn phá vốn hay xen lẫn với những tình cờ của không khí.

Như ta đã thấy, con thuyền Matutina lúc rời Porlan đã quyết tâm lao vào chỗ may rủi nhất của đêm trường mà một cơn bão gần đang tăng thêm phần nguy hiểm. Nó đã lao vào chốn hiểm nghèo với một khí thế liều lĩnh bi đát. Tuy nhiên ta cần nhấn mạnh sự cảnh cáo đã không nhằm sai nó.

2 NHỮNG HÌNH BÓNG BUỔI ĐẦU ĐƯỢC XÁC ĐỊNH

Chiếc thuyền còn ở trong vịnh Porlan thì biển còn ít động; sóng hầu như lặng. Mặc dù đại dương có ngả sang màu nâu, trời vẫn sáng. Gió chỉ thổi nhẹ vào thuyền. Chiếc thuyền cố men theo vách biển, đó là tấm binh phong tốt của nó.

Có tất cả mười người trên chiếc xuồng Bixcay, ba thuỷ thủ và bảy hành khách, trong đó hai phụ nữ. Nhờ ánh sáng của biển cả, vì vào lúc hoàng hôn ngoài khơi bao giờ cũng bừng sáng, lúc này có thể trông thấy rõ nét tất cả mọi gương mặt. Vả lại không phải trốn tránh nữa, không ngại ngùng nữa, ai cũng được tự do đi lại, cười nói, phô mặt, vì ra đi là giải thoát.

Nổi bật nhất là tính chất ô hợp của nhóm người. Cánh phụ nữ thì khó đoán được tuổi; cuộc sống lang thang thường làm cho con người ta chóng già và đói rách là nét nhăn trên mặt. Một mụ thuộc dân Baxcơ miền Nam nước Pháp; mụ kia, mụ đeo tràng hạt to, là dân Iêclăng. Họ có vẻ mặt dửng dưng của những người cùng khổ. Lúc xuống thuyền họ ngồi cạnh nhau trên mấy cái hòm ở chân cột buồm. Lúc này họ đang gẫu chuyện; như chúng tôi đã nói, tiếng Iêclăng và tiếng Baxcơ là hai ngôn ngữ cùng gốc. Tóc mụ người Baxcơ xức nước hành và hoắc hương. Chủ thuyền người Baxcơ ghipuquăng; một thuỷ thủ người Baxcơ triền bắc Pirênê[59] tên người Baxcơ triền nam, nghĩa là cùng xứ, mặc dù tên thứ nhất là người Pháp, tên thứ nhì là người Tây Ban Nha. Người Baxcơ không bao giờ công nhận có Tổ quốc chính thức. Mimadre se llama montanna, “mẹ tôi tên là núi”, Zalarơx nói. Trong năm tên đàn ông đi theo hai mụ kia, một tên người Pháp miền Lăngơđôc, một tên người Pháp miền Prôvăng, một tên gốc thành phố Giên; một lão già, người đội mũ dạ không có lỗ dắt tẩu, hình như là dân Đức; tên thứ năm, thủ lĩnh, người Baxcơ miền Bixcarôx. Chính tên này, lúc em bé sắp nhảy xuống thuyền, đã dùng gót hất tấm ván cầu xuống biển. Hắn lực lưỡng, nhanh như cắt, ta còn nhớ, đầy ren, rua và những mảnh trang kim khiến bộ cách rách rưới hoá ra rực rỡ, không thể đứng yên chỗ, lúc cúi xuống, lúc ngẩng lên, đi đi lại lại từ đầu này thuyền đến đầu kia, như lo lắng giữa việc hắn vừa làm và điều sắp xảy ra.

Tên thủ lĩnh này, cùng viên chủ thuyền và hai tay thuỷ thủ, cả bốn đều người Baxcơ, lúc nói tiếng Baxcơ, lúc nói tiếng Tây Ban Nha, lúc nói tiếng Pháp, vì ba ngôn ngữ này đều phổ biến trên hai triền núi Pirênê.

Vả lại, trừ hai mụ kia, tất cả đều nói lơ lớ tiếng Pháp, vốn là tiếng gốc lóng của bọn người này. Từ thời ấy tiếng Pháp bắt đầu được các dân tộc chọn làm trung gian giữa miền bắc quá nhiều phụ âm và miền nam quá nhiều nguyên âm. Ở Châu Âu thương mại dùng tiếng Pháp; trộm cắp cũng thế. Người ta còn nhớ Gibby, tên trộm của Luân đôn, hiểu được Cactut.

Chiếc thuyền, thuộc loại thuyền buồm nhẹ, đi rất nhanh; tuy nhiên, mỗi người, thêm hành trang, vẫn quá nặng đối với chiếc xuồng mẫu yếu ớt như thế.

Việc chiếc thuyền này cứu vớt bọn người kia không đòi hỏi nhất thiết cánh thủ thủ phải cùng hội với bọn kia. Chỉ cần chủ thuyền là một vascongado[60], và tên đầu đảng cũng là một kẻ như thế. Tương trợ trong giống người này là một bổn phận, không chấp nhận biết lệ.

Người Baxcơ, chúng tôi vừa nói, không phải là dân Tây Ban Nha, cũng không phải là dân Pháp, hắn là người Baxcơ, luôn luôn và ở tất cả mọi nơi hắn phải cứu giúp dân Baxcơ. Tình huynh đệ Pirênê vốn như vậy.

Suốt thời gian chiếc thuyền còn trong vịnh, bầu trời tuy có âm u vẫn không xấu lắm, khiến bọn đảo tẩu phải lo ngại. Rủ nhau đi trốn, giờ đây thoát được, thôi thì mặc sức vui nhộn. Đứa này cười, đứa kia hát. Tiếng cười khô khan nhưng tự do; giọng hát khe khẽ nhưng vô tư lự.

Tên người Lănggơđôc luôn luôn gào to; caougaguo! “Cõi tiên !” là tột cùng của sự thích thú kiểu nacbone. Hắn là một tay thủy thủ nửa vời, một thổ dân làng vạn chài Gruytxăng trên triền nam Cláp, thạo đi sông hơn đi biển, nhưng quen chèo pê-rít-xoa trên hồ Bagiơ, và quen kéo thuyền cá trên cát mặn ở Xanhtơ Luyxi. Hắn thuộc lớp người đội mũ đỏ không vành[61], làm dấu thánh giá lăng nhăng kiểu Tây Ban Nha, uống rượu da dê, tu nước túi da, cạo dăm bông, qùi gối để bổ báng Chúa và vừa khấn khứa thánh bảo trợ và hăm doạ; Đại thánh hãy ban cho tôi những gì tôi cầu xin, nếu không, tôi sẽ ném đá vào đầu Thánh, “Ou té fég un pic”.

Hắn có thể, khi cần, tiếp sức đắc lực với toàn thể thuỷ thủ. Tên Prôvăng, đứng trong khoang lương thực, đang nhóm ngọn lửa than bùn dưới cái nồi sắt và đang nấu món xúp.

Món xúp này là một món hầm trong đó cá thay cho thịt, lại được tên Prôvăng cho thêm đỗ trắng, mỡ thái quân cờ, và ít quả ớt đỏ, đó là những khoảng ngươi ăn tạp-pí-lù nhượng bộ người ăn món olla podrida[62]. Một bao thực phẩm, mở tung, để bên cạnh. Hắn đã thắp ngay trên đầu, một ngọn đèn kính, lúc la lúc lắc ở cái móc trên trần kho lương thực. Bên cạnh, ở một cái móc khác, con chim bói cá chỉ hướng gió, đang đung đưa. Hồi ấy dân chúng mê tín cho rằng chim bói cá chết, treo mỏ, bao giờ cũng xoay ngực về phía gió.

Vừa để ý nấu món xúp tên Prôvăng thỉnh thoảng lại đưa bầu rượu lên mồm tu một hơi. Đây là loại bầu có bao mây, to, bẹp, có quai, người ta thường đeo bằng dây bên cạnh và gọi là “bầu hông”. Giữa mỗi ngụm hắn lại nhấm nhẳng một đoạn của một bài hát nông thôn mà chủ để chẳng có gì hết; một con đường trũng, một bờ rào; trên cánh đồng, qua một lỗ hổng trong bụi cây người ta thấy cái bóng ngả dài của một chiếc xe và một con ngựa lúc chiều tà, và thỉnh thoảng trên bờ rào ẩn hiện một cái đầu đinh ba xốc đầy rơm rạ. Chẳng cần gì hơn đối với một bài hát.

Mỗi lần ra đi, tùy điều vương vấn trong tâm trạng hay trong đầu óc, là một lần thanh thản hay phiền muộn. Tất cả mọi người đều có vẻ như trút được gánh nặng, trừ một nhân vật, đấy là lão già trong nhóm, người đội mũ không có tẩu thuốc.

Lão già này, có vẻ là người Đức hơn cả, mặc dù lão có một bộ mặt không rõ thuộc nước nào, hói đầu, và hói đến mức tưởng như nhẵn thín. Mỗi lần đi ngang trước tượng Đức Bà Đồng Trinh ở mũi thuyền, lão lại bỏ cái mũ dạ ra, và người ta thấy được những mạch máu càng phồng, lão suy, trên sọ. Lão quấn một loại áo chùng đã sờn và rách thủng, bằng vải chéo nâu Đorsextơ, chỉ che giấu được phần nào cái áo nịt vừa bó vừa chật, và có khuy móc kín đến tận cổ như áo thầy tu. Hai bàn tay thò ra ngoài tà áo và chắp lại một cách tự nhiên do thói quen cầu nguyện. Có thể nói lão ta có vẻ mặt tái nhợt; vì diện mạo chủ yếu là một thứ phản quang, và cho rằng ý nghĩ không có màu sắc là sai. Vẻ mặt này tất nhiên là bề ngoài của một tâm trạng lạ lùng là hợp thành của nhiều mâu thuẫn, một số mang sắc thiện, một số lẫn mẩu ác, và đối với nhà quan sát là biểu hiện một cái gì gần như nhân hậu có thể rơi xuống dưới chân hổ hoặc vượt lên trên con người. Tâm hồn vẫn có những hình thái ô hợp như thế. Trên khuôn mặt này có cái gì rất khó phân tích. Bí mật ở đây đạt đến chỗ trừu tượng. Người ta hiểu con người này đã từng biết tiền vị của cái ác là sự tính toán, và dư vị là số không. Trong nét thản nhiên của lão có lẽ chỉ bề ngoài thôi, có in dấu vết của hai vẻ sắt đá, vẻ sắt đá của con tim, đặc điểm của tên đao phủ, và vẻ sắt đá của đầu óc, đặc điểm của viên quan lại. Có thể khẳng định, vì cái quái đản cũng có kiểu hoàn chỉnh của nó, rằng đối với lão mọi việc đều có khả năng, kể cả xúc động. Nhà bác học nào cũng có phần giống xác chết; con người này là một nhà bác học. Chỉ nhìn thấy lão người ta đã đoán ngay ra cái khoa học in dấu trên cử chỉ và trong những nếp áo của lão. Đó là một bộ mặt hoá thạch mà vẻ nghiêm trang lại trái ngược với vẻ linh hoạt đầy nếp nhăn của con người thông thạo nhiều thứ tiếng đến nỗi hoá ra nhăn nhở. Tuy vậy vẫn nghiêm nghị, chẳng có gì giả dối nhưng chẳng có gì là vô liêm sỉ.

Một con người mơ mộng bi đát. Đây là con người mà tội ác đã bắt phải trầm tư. Lão có cặp lông mày của một tay buôn xì gà đã biến đổi vì vẻ nhìn của một vị tổng giám mục. Mái tóc thưa thớt hoa râm của lão bạc trắng ở hai bên thái dương. Người ta cảm thấy ở lão con người theo đạo Thiên chúa bị các thuyết định mệnh Thổ Như Kỳ biến thành phức tạp. Bệnh thống phong nổi cục làm biến dạng những ngón tay gầy guộc; vóc người cao nhẳng của lão nom rất buồn cười; lão có bàn chân thuỷ thủ. Lão bước thong thả trên boong, không nhìn một ai vẻ tự tin và nham hiểm.

Hai con ngươi lão mơ hồ đầy cái ánh đăm chiêu của một tâm hồn chăm chú nhìn bóng tối, và phụ thuộc vào những lúc lương tâm trỗi dậy. Chốc chốc tên đầu đảng, hấp tấp, nhanh nhẹn, đi theo những hình chữ chi gấp trên thuyền, lại đến nói vào tai lão. Lão già chỉ gật hay lắc đầu để trả lời. Có thể nói đấy là tia chớp hỏi ý kiến trời đêm.

3. NHỮNG CON NGƯỜI BỒN CHỒN TRÊN MẶT BIỂN ĐỘNG

Trên thuyền có hai người đăm chiêu lão già đó và viên chủ thuyền mà ta không nên lẫn lộn với tên đầu đảng; viên chủ thuyền đăm chiêu vì biển cả, lão già đăm chiêu vì điềm trời. Một bên không rời mắt khỏi sóng nước, một bên dán mắt giảm sát trời mây. Luồng nước là mối lo âu của viên chủ thuyền, lão già dường như ngờ vực thiên đỉnh. Lão rình đón tinh tú qua tất cả các khoảng trời mây.

Giây phút này trời vẫn sáng, một số sao bắt đầu lấm tấm le lói trên màn trời trong.

Chân trời thật khác thường. Sương mù ở đây luôn luôn biến đổi.

Trên mặt đất có nhiều sương hơn và trên biển cả nhiều mây hơn.

Ngay trước lúc ra khỏi vịnh Porlan viên chủ thuyền luôn luôn lo ngại về sóng nước đã lập tức lưu tâm tỉ mỉ đến mọi công việc. Y trông chờ ra khỏi mũi vịnh. Y kiểm tra lại dây lèo, dây chằng, dây trục xem có tốt không, đó là những công việc phỏng xa của một người đang định làm những chuyện liều lĩnh về tốc độ.

Thuyền hơi chúi mũi, hơn đàng lái đến gần năm mươi phân, đấy là nhược điểm của nó.

Viên chủ thuyền luôn luôn hết xem la bàn lại cầm com pa, và ngắm qua ống kính các vật trên bờ để xác định chiều gió. Thoạt tiên là một thứ gió hiu hiu thổi ngang; y không có vẻ gì khó chịu về ngọn gió này mặc dù có chệch hướng đi mất độ năm sáu vạch. Y tranh thủ đích thân nắm lấy cần lái, có vẻ như chỉ tin ở mình để khỏi phí hoài sức lực, hiệu quả của bánh lái được duy trì nhờ khéo rẽ nước nhanh.

Thuyền đi càng nhanh khác biệt giữa độ lệch thật sự và độ lệch theo mắt thấy càng lớn, chiếc thuyền hình như hướng nhiều về gốc gió hơn trên thực tế. Thuyền không gặp gió xiên và đi không thật đúng hướng, nhưng người ta chỉ biết được độ lệch thật sự khi gặp gió phía sau. Nếu thấy trên mây có những vết dài châu đầu vào một điểm ở chân trời điểm đó là gốc gió; nhưng chiều hôm ấy có nhiều gió quá, và chiều gió thật mơ hồ; vì vậy tay chủ thuyền không tin vào những ảo giác của chiếc thuyền.

Y vừa rụt rè vừa táo bạo trong tay lái, y lựa theo chiều gió, chú ý những lúc có thay đổi đột ngột, thận trọng khi chệch hướng, không để cho thuyền lao nhanh, quan sát khi thuyền trôi, ghi nhận những lúc tay lái khẽ giật, để mắt đến mọi trường hợp chuyển động, đến những lúc tốc độ rẽ nước không đều, đến những cây gỗ trôi giạt, luôn luôn giữ cách bờ biển đang men theo độ một phần tư góc gió vì sợ xảy ra sự biến, và nhất là giữ cho góc độ giữa chong chóng chỉ gió và sống thuyền được to hơn góc độ của buồm, vì góc độ chỉ trên la bàn luôn luôn đáng ngờ, do la bàn bé quá. Mắt y luôn luôn cúi gằm, quan sát tất cả mọi hình dạng của mặt nước.

Tuy vậy cũng có lần y ngước mắt nhìn khoảng không và cố nhận ra ba ngôi sao trong chòm Thần Nông; mấy ngôi sao đó được gọi là ba vị đạo sĩ, và những hoa tiêu Tây Ban Nha ngày xưa có một tục ngữ cổ: Ai trông thấy ba vị đạo sĩ thì không xa Chúa lắm.

Đúng lúc viên chủ thuyền nhìn trời thì ở đầu thuyền đằng kia lão già cũng lầu bầu một mình.

- Đến giảng đường Vệ binh, và cả sao Tâm cũng chẳng thấy đâu, mặc dầu nó đỏ như thế. Không nhìn rõ một ngôi nào hết.

Những tên chạy trốn khác chẳng có vẻ gì lo lắng cả.

Tuy nhiên khi giây phút vui nhộn đầu tiên của cuộc đào tẩu đã qua, cũng phải nhận thấy là mình đang ở trên biển vào tiết tháng giêng và gió bắc lạnh buốt.

Không thể nào ngồi trong cabin, quá chật lại ngổn ngang hành lý và bao bị. Hành lý của hành khách, và bao bị của thuỷ thủ, vì đâu phải thuyền đi chơi mà là thuyền buôn lậu. Hành khách đành phải ngồi trên boong; điều nhẫn nhục cũng dễ đối với cánh du cư này. Những thói quen sống ngoài trời khiến bọn lang thang cũng dễ thu xếp; ban đêm, trăng sao là bạn bầu của họ; và cái rét giúp cho họ dễ ngủ và đôi khi dễ chết nữa.

Vả lại đêm hôm ấy, như ta vừa thấy vắng bóng trăng sao.

Tên Lănggơdôc và tên gốc thành phố Giên, vừa chờ bữa ăn tối vừa ngồi thu lu bên cạnh mấy mụ ở chân cột buồm, dưới mấy tấm vải che hàng mà cánh thuỷ thủ vứt cho họ.

Lão già hói đứng phía trước trơ trơ như tượng gỗ và như không biết rét là gì.

Viên chủ thuyền, từ chỗ cần lái y đang đứng, cất tiếng gọi khàn khàn gần giống tiếng hót của thứ chim bên Mỹ gọi là Con Kêu than; nghe tiếng hót đó tên đầu đảng vội đến gần và viên chủ thuyền bảo thẳng hắn: Etcheco jaìina! Hai tiếng Baxcơ này có nghĩa là “anh nông dân miền núi”, đối với cánh Pirênê thời xưa ấy, là một lời mở đầu long trọng và ra lệnh chú ý.

Rồi viên chủ thuyền đưa ngón tay chỉ lão già cho hắn, và câu chuyện giữa hai người tiếp tục bằng tiếng Tây Ban Nha hơi sai văn phạm vì là tiếng Tây Ban Nha miền núi. Sau đấy là những câu hỏi và câu trả lời:

- Etcheco jaiina, que es este hombre?

- Un hombre.

- Que lenguas habla?

- Todas.

- Que cosas sabe?

- Todas.

- Qual pais?

- Ningun, y todos.

Qual Dios?

- Dios.

- Como le llamas?

- El Tonto.

- Como dices que le llamas?

- El Sabio.

- En vuestre tropa, que esta?

- Esta lo que esta.

- El gefe?

- No.

- Pues, que esta?

- La alma[63]

Tên đầu đảng và viên chủ thuyền buông nhau, mỗi người trở về với tư tưởng của mình, và chỉ lát sau con thuyền Matutina ra khỏi vịnh.

Biển khởi bắt đầu dao động mạnh.

Giữa những quãng cách của bọt sóng, biển cả có cái vẻ ngoài nhờn nhờn; sóng nước, nhìn nghiêng nghiêng tít tắp, trong ánh chiều hôm, giống như những vũng mật đắng. Đây đó một ngọn sóng, bềnh bồng sát mặt nước, phô ra những vết rạn và những ngôi sao như một tấm kính bị ném đá. Giữa những ngôi sao ấy, trong một lỗ xoáy, lung linh một điểm lân tinh, gần giống tia phản quang nham hiểm của ánh sáng vừa biến mất trong con ngươi những con cú mèo.

Thuyền Matutina, hiên ngang và như một nhà bơi lội dũng cảm, vượt qua quãng lăn tăn dễ sợ của bãi Sămbua. Bãi Sămbua, một chướng ngại vật ngầm ở cửa vịnh Prolan, không phải là một cái đập, mà là một hý trường. Một rạp xiếc bằng cát dưới nước, những bậc ghế do những vòng sóng tạc đẽo nên, một đấu trường tròn, đối xứng, cao như một Yungfrau nhưng chìm dưới nước, một Côlizê[64] của đại dương mà người thợ lặn thoáng nhìn thấy qua lớp nước lung linh của vực xoáy trong đó là bãi Sămbua. Giống giao long thường đánh nhau ở đấy, lũ quái vật lấy đấy làm chỗ gặp nhau, theo truyền thuyết, ở đáy cái phễu khổng lồ, có những xác tàu bị con nhện kếch xù Krakeh, còn gọi là con cá-núi, bắt và nhận chìm. Bóng đen khủng khiếp của biển cả là như vậy.

Những hiện thực ma quái ấy, mà con người không hay biết đến, biểu hiện lên mặt nước như một chút sóng lăn tăn.

Hồi thế kỷ mười chín, bãi Lămbua bị huỷ hoại. Cái đập chắn sóng mới xây dựng đã phá đổ và cắt khúc công trình kiến trúc ngầm vĩ đại này vì sóng hồi dữ quá, cũng như cái đập bảo hộ xây dựng ở Croazi năm 1760 đã làm thay đổi giờ thuỷ triều đến mười lăm phút. Vậy mà thuỷ triều vốn vĩnh cừu; nhưng vĩnh cửu lại tuân theo con người nhiều hơn ta tưởng.

4. MỘT ĐÁM MÂY KHÁC BƯỚC VÀO SÂN KHẤU.

Lão già mà tên đầu đảng trước gọi là Thằng Điên, sau gọi là Nhà Hiền Triết, không rời khỏi mũi thuyền nữa. Từ lúc qua khỏi bãi Sămbua, lão chăm chú hết nhìn trời lại nhìn đại dương. Lão nhìn xuống chán lại nhìn lên; lão quan sát kỹ nhất hướng đông bắc.

Viên chủ thuyền giao cần lái cho một thuỷ thủ, rồi bước qua đống dây cáp, đi xuyên từ lái đến mũi, và tới bên con người đứng ở mũi thuyền.

Y đến cạnh lão già nhưng không đến thẳng trước mặt. Y hơi đứng cách đằng sau, khuỷu tay áp sát sườn, hai bàn tay cách nhau, đầu cúi cúi trên vai, mắt mở to, lông mày dướn cao, nhếch mép mỉm cười, đấy là cử chỉ tò mò lửng lơ giữa châm biếm và kính trọng.

Lão già, hoặc do đôi khi quen nói một mình hoặc do cảm thấy có người sau lưng thúc lão phải nói, liền bắt đầu vừa độc thoại, vừa ngắm nhìn trời biển.

- Kinh tuyến mà ta định ngược thẳng lên, trong thế kỷ này được đánh dấu bằng bốn ngôi sao, Bắc đẩu, ghế Thiên hậu, đầu Tiên nữ, và sao Angiênip, ở trong chòm Phi Mã. Nhưng chẳng thấy sao nào cả.

Những lời đó cứ tự động nối tiếp nhau; dồn dập, gần như trào ra chứ không phải do lão nói lên. Chúng trôi ra khỏi mồm lão và tan biến mất. Độc thoại là khói cua những ngọn lửa bên trong trí tuệ.

Viên chủ thuyền cắt ngang :

- Thưa ngài.

Lão già, có lẽ hơi nặng tai đồng thời đang mải trầm tư, vẫn tiếp tục:

- Chẳng có mấy sao, lại quá nhiều gió. Gió luôn luôn rời khỏi hướng đi để quật vào bờ. Nó quật thẳng vào bờ.

Vì đất liền nóng hơn biển cả. Không khí trong bờ nhẹ Hơn. Gió lạnh và nặng của biển cả xô vào đất liền để thay thế nó. Bởi vậy trong khoảng trời rộng gió thổi vào đất liền từ khắp mọi phía. Vậy cần phải đivát thật dài giữa vĩ tuyến áng chừng và vĩ tuyến trên bản đồ. Khi vĩ tuyến quan sát không khác vĩ tuyến bản đồ quá ba phân giác trên mười dặm, và quá bốn phân giác trên mươi dặm, thì đang đi đúng đường.

Viên chủ thuyền cúi chào, nhưng lão già vẫn không trông thấy y. Con người ấy, hầu như khoác áo trường đại học Ôcxfơc hay Gơtinh, vẫn không thay đổi thế ngồi kiêu ngạo ngang ngạnh của mình. Lão quan sát biển cả theo kiểu người từng trải sóng nước và con người. Lão nghiên cứu sóng, nhưng gần như lão xin đến lượt mình được nói trong tiếng ầm ầm của sóng, và dạy cho sóng một điều gì đó. Trong lão vừa có ông đồ gàn vừa có ông thầy đoán mộng. Lão có cái vẻ của nhà thông thải dởm về đáy biển.

Lão tiếp tục bản độc thoại, có lẽ làm ra cũng để nói cho người khác nghe.

- Cũng có thể chống đỡ được, nếu có một bánh xe chứ không phải một cái cần gỗ. Với tốc độ bốn dặm một giờ, một sức mạnh ba mươi livrơ[65] đè lên bánh xe có thể tạo nên ba mươi vạn livrơ kết quả vào hướng đi. Và hơn thế nữa vì có những trường hợp người ta quay luôn thêm hai vòng.

Viên chủ thuyền cúi chào lần thứ hai và nói:

- Thưa ngài

Mắt lão già nhìn chòng chọc vào y. Cái đầu quay mà người không nhúc nhích.

- Gọi tôi là tiến sĩ.

- Thưa ngài tiến sĩ, tôi là chủ thuyền.

- Được - lão “tiến sĩ” đáp.

Lão tiến sĩ, từ đây ta gọi lão như thế, dường như đồng ý đối thoại:

- Ông chủ, ông có ke Anh 45 độ không?

- Không.

- Không có ke Anh, ông không thể tiến về phía trước, cũng không thể tiến về phía sau.

- Người Baxcơ - viên chủ thuyền đáp lại - đã từng tiến trước khi có người Anh.

- Phải coi chừng gió đấy.

- Tôi giảm dần tốc độ khi cần.

Ông đã đo vận tốc thuyền rồi chứ?

- Vâng.

- Lúc nào?

- Ban nãy.

- Bằng cách nào?

- Bằng máy lôsơ[66]

- Ông có chú ý đến mặt gỗ máy lôsơ đấy chứ?

- Vâng.

- Đồng hồ cát vẫn đổ đúng ba mươi giây?

- Vâng.

- Ông có chắc cát không làm mòn cái lỗ giữa hai ống không?

- Chắc.

- Ông đã thử lại đồng hồ cát bằng chuyển động của một hòn đạn súng hoả mai treo.

- Ở đầu một sợi dây bẹp, bóc ở vỏ gai ngâm kỹ chứ gì? Không có gì phải nghi ngờ cả.

- Ông có vuốt sáp vào sợi dây, phòng nó dài ra không?

- Có.

- Ông có thử lại máy lôsơ không?

- Tôi đã thử lại đông hồ cát bằng viên đạn súng hỏa mai và thử lại máy lôsơ bằng viên đạn đại bác.

- Viên đạn đại bác của ông đường kính bao nhiêu?

- Một piê[67].

- Nặng đấy.

- Đấy là một viên đạn cũ của chiến thuyền cũ, chiếc la Casse de Pargrand.

- Của Hải quân Tây Ban Nha?

- Vâng.

-  Và nó chở được sáu trăm lính, năm mươi bảy thuỷ thủ và hai mươi đại bác?

- Điều ấy thì vụ đắm thuyền biết.

- Ông làm thế nào để đo sức nước đập vào viên đạn đại bác?

- Bằng một lực kế Đức.

- Ông có xét đến mức nước đẩy vào sợi dây treo viên đạn đấychứ?

- Vâng.

- Kết quả ra sao?

- Sức nước đập là một trăm bảy mươi livrơ.

- Nghĩa là thuyền mỗi giờ đi được bốn dặm Pháp?

- Và ba dặm Hà Lan.

- Nhưng đó chỉ là thặng dư của một vận tốc rẽ nước trên vận tốc biển.

- Hẳn rồi.

- Ông đi về đâu?

- Đến một cái tiểu loan mà tôi biết, nằm giữa Lôyôla và Xanh Xêbaxchiêng.

- Đặt gấp vào vĩ tuyến của nơi đến.

- Vâng. Cố chệch hết sức ít.

- Coi chừng gió và nguồn nước. Cái trước kích thích cái sau đấy.

- Trai dores[68].

- Không được chửi bậy. Biển cả hiểu đấy. Không được chửi gì hết. Cứ biết quan sát thôi.

- Tôi đã quan sát và đang quan sát. Thuỷ triều lúc này đang chống lại gió; nhưng chốc nữa, lúc nó chạy cùng với gió thì chúng ta sẽ nguy to.

- Ông có bản đồ không?

- Không. Biển này thì không có.

- Thế ông đi mò?

- Đâu. Tôi có la bàn.

- La bàn là một mắt. Bản đồ là mắt nữa.

- Anh chột vẫn nhìn thấy.

- Ông làm thế nào để đo gốc độ của hướng thuyền và sóng thuyền.

- Tôi có compa thiên sai, và tôi lại đoán thêm.

- Đoán là tốt; biết thì tốt hơn.

- Crixtôp[69] cũng đoán.

- Lúc có sương mù và khi hoa gió quay lung tung thì không còn biết dựa vào đâu mà định hướng gió, thế là cuối cùng chẳng có điểm ước chừng mà cũng chẳng có điểm sửa đổi. Một con lừa có bản đồ vẫn hơn một lão thầy bói với sấm ngữ của lão.

- Chưa có sương mù trong gió bấc, và tôi không thấy có lý do gì phải báo động.

- Thuyền bè là những con ruồi trên tấm mạng nhện của biển cả.

- Hiện giờ tất cả trong gió và sóng đều khá tốt.

- Những chấm đen lung linh trên sóng, đó là những con người trên đại dương.

- Tôi chẳng thấy có điều gì xấu trong đêm nay cả.

- Có thể xảy đến một điều bí ẩn mà ông khó thoát được.

- Đến giờ phút này mọi việc đều tốt.

Mắt lão tiến sĩ nhìn chằm chằm vào hướng đông bắc. 

Viên chủ thuyền tiếp tục:

- Cứ đến vịnh Gaxcôn là tôi bảo lãnh hết. A! Còn gì nữa, ở đấy là nhà tôi. Cái vịnh Gaxcôn của tôi, tôi nắm chắc nó mà. Nó là một cái chậu thường hay nổi giận, nhưng ở đấy tôi biết rõ tất cả những mực nước cao và tất cả những ưu điểm của đáy; bùn trước Xan Xiprianô, vỏ sò trước Xizac, cát ở mũi Pêna, cuội ở Bucô Mimizăng, 133  và tôi biết mầu sắc của tất cả mọi thứ cuội.

Viên chủ thuyền ngừng nói; lão tiến sĩ không thèm nghe y nữa.

Lão nhìn ngắm phía đông bắc. Trên bộ mặt giá lạnh đó có một cái gì ký lạ.

Tất cả hãi hùng có thể có được trên một cái mặt nạ bằng đá đều biểu hiện trên đó. Miệng lão để thoát ra hai tiếng:

- Tốt lắm.

Con ngươi của lão bỗng hoàn toàn trở thành như con ngươi cú vọ, tròn xoe, nở to ra vì kinh ngạc khi quan sát một điểm nhỏ trong không trung.

Lão nói thêm.

- Đúng thế. Còn tôi, tôi đồng ý.

Viên chủ thuyền nhìn lão.

Lão tiến sĩ lại nói tiếp, với bản thân hay với một con người nào đó trong vực thẳm.

Tôi nói phải.  Lão nín lặng, mắt mỗi lúc một mở to thêm để nhìn thật chăm chú vào điểm lão trông thấy, và nói tiếp:

- Nó từ xa đến, nhưng nó biết việc nó phải làm.

Khoảng trời mà mắt và trí óc lão tiến sĩ tập trung Vào, đối diện với phía mặt trời lặn, được soi sáng bởi ánh chiều tà bao la nên cũng gần như bởi ánh ngày. Khoảng trời đó rất nhỏ hẹp và xung quanh có những mảnh hơi nước xam xám toàn màu xanh lơ, nhưng một thứ xanh lơ gần sắc chì hơn sắc thiên thanh.

Lão tiến sĩ ngoảnh hẳn về phía biển cả và từ lúc này không nhìn viên chủ thuyền nữa, đưa ngón trỏ chỉ vào khoảng trời và nói:

- Ông chủ, ông thấy không?

- Gì cơ?

- Cái kia.

- Kia kìa. Một chút xanh lơ. Vâng.

- Gì thế?

- Một khoảng trời.

Đối với những ai lên trời - lão tiến sĩ nói. Còn đối với ai không lên đó lại là việc khác.

Và lão nhấn mạnh những lời bí hiểm trên đây bằng một vẻ nhìn chìm đắm vào bóng tối.

Im lặng một lúc.

Viên chủ thuyền, nghĩ đến hai cái tên mà tay thủ lĩnh gắn cho con người kia, liền tự đặt câu hỏi: Một thằng điên? Hay một nhà hiền triết???Ngón tay trỏ xương xương và cứng đờ của lão tiến sĩ vẫn như dừng lại chỉ về cái góc xanh lơ đùng đục của chân trời.

Viên chủ thuyền nhìn kỹ khoảng trời xanh đó.

- Đúng - y lầu bầu - không phải trời xanh, mà là mây.

- Mây xanh nguy hại hơn mây đen - lão tiến sĩ nói. Và lão tiếp thêm:

- Đó là mây tuyết.

- La nube de la niene - viên chủ thuyền nói, như tìm hiểu rõ hơn bằng cách tự dịch lại câu nói trên.

- Ông có biết thế nào là mây tuyết không? - lão tiến sĩ hỏi.

- Không.

- Chốc nữa ông sẽ biết.

Viên chủ thuyền lại nhìn kỹ chân trời.

Vừa quan sát vầng mây, viên chủ thuyền vừa nói khẽ:

- Một tháng gió to, một tháng mưa rền, giêng kho, hai khóc, tất cả mù đông của người Axtuyri chúng ta là thế. Mưa của chúng ta nóng. Chúng ta chỉ có mây ở trên núi. Coi chừng tuyết lở? Tuyết lở thì tuyết có cần biết gì đâu; tuyết lở là con thú dữ.

- Và cây nước là con quái vật - lão tiến sĩ nói.

Nghĩ một lúc, lão tiếp thêm:

- Kia nó đến kia rồi.

Lão lại nói:

- Nhiều gió cùng hoành hành một lúc. Một ngọn gió to từ hướng tây, và một ngọn gió rất chậm từ hướng đông.

- Ngọn gió kia là tên giả dối - viên chủ thuyền nói.

Đám mây xanh lớn dần.

- Nếu tuyết - lão tiến sĩ tiếp - đáng sợ khi nó từ trên núi lao xuống thì thử nghĩ xem nó thế nào khi nó từ đại cực đổ về Mắt lão mờ đục. Đám mây đường như to dần trên mặt lão cùng như đang to dần ở chân trời.  Lão lại nói tiếp với một âm sắc mơ màng:

- Mỗi giây mỗi phút đều góp phần để làm nên một giờ, ý trời đang hé mở.

Viên chủ thuyền lại thầm đặt cho mình câu hỏi:

- Một thằng điên chăng?

- Ông chủ - lão tiến sĩ lên tiếng, con người luôn luôn xoáy chặt vào đám mây - ông có đi nhiều trên biển Măngsơ[70] không?

Viên chủ thuyền đáp:

- Hôm nay là lần đầu tiên.

Lão tiến sĩ bị đám mây xanh thu hút và, như miếng bọt biển chỉ hút nước có chừng, lão cũng chỉ lo âu có hạn, nghe câu trả lời của viên chủ thuyền, tỏ ra thương hại nhưng không quá một cái nhún vai khẽ:

- Sao thế?

- Bẩm ngài tiến sự tôi chỉ quen đi Iêclăng thôi. Tôi thường đi từ Phôngtarabi đến Blek-Hacbua hoặc Akin, đó là hai hòn đảo. Đôi khi tôi cũng có đến Brasipun, một hải giác của xứ Galơ. Nhưng bao giờ tôi cũng lái qua các đảo Xinli. Tôi không biết biển này.

- Nghiêm trọng đấy. Tai hoạ cho kẻ nào chỉ mới biết bập bẹ đại dương. Biển Măngsơ là một biển cần phải đọc thông thuộc kỹ. Nó là một con nhân sư[71]. Phải coi chừng đáy biển.

- Chúng ta đang ở trong vùng hai mươi lăm sải nước.

- Phải đến cho được chỗ năm mươi lăm sải, nằm ở phía mặt trời lặn, và phải tránh chỗ hai mươi sải ở phía mặt trời mọc.

- Dọc đường chúng tôi sẽ đo mức nước.

- Biển Măngsơ không giống như biển khác. Thuỷ triều dâng cao đến năm mươi bộ đầu tháng, cuối tháng và chỉ hai mươi bộ chỗ nước đứng. Ở đấy, nước rút không phải là triều xuống và triều xuống không có nghĩa là triều lui. Hừ! Tôi thấy ông có vẻ hoang mang thật rồi.

- Đêm nay chúng ta sẽ đo.

- Muốn đo phải đứng lại mà ông lại không thể đứng lại.

- Tại sao?

- Tại gió.

- Chúng tôi sẽ cố.

- Gió to là một lưỡi gươm nhọn thúc vào cạnh sườn.

- Chúng tôi sẽ đo, thưa ngài tiến sĩ.

- Ông không thể chỉ giơ sườn ra một cách khinh suất.

- Tin tưởng vào Chúa.

- Hãy dè dặt trong lời nói. Chớ có nhẹ dạ nói đến cái tên dễ nổi giận.

- Tôi sẽ đo, tôi bảo với ngài thế.

- Nên khiêm tốn. Lát nữa ông sẽ bị gió tát vào mặt cho xem.

- Tôi muốn nói là tôi sẽ cố gắng đo nước.

- Sức nước không cho hòn chì chìm xuống và dây sẽ đứt. Hừ ! Ông mới đến vùng này lần đâu tiên mà?

- Lần đầu tiên.

- Vậy thì, trường hợp này, ông chủ, ông hãy lắng nghe.

Giọng nói của hai từ lắng nghe oai nghiêm đến nỗi viên chủ thuyền phải cúi chào.

- Thưa ngài tiến sĩ, tôi xin lắng nghe.

- Kéo buồm mạn trái lên và đi sát vào bờ mạn phải.

- Ngài muốn nói sao?

- Dóng mũi theo hướng tây.

- Caramba!

- Dóng mũi theo hướng tây.

- Không thể được.

- Tùy ý ông. Điều tôi bảo với ông, là vì những người khác. Còn tôi, tôi chấp nhận.

- Nhưng thưa ngài tiến sĩ dóng mũi theo hướng Tây.

- Vâng, thưa ông chủ.

- Gió ngược mà!

- Vâng, thưa ông chủ.

- Thuyền chồm như quỷ sứ!

- Lựa lời khác. Vâng. thưa ông chủ.

- Thuyền đang cưỡi lưng ngựa.

- Vâng, thưa ông chủ.

- E cột buồm gãy mất!

- Có lẽ.

- Ngài muốn tôi lái về phía tây!

- Phải.

- Tôi chịu thôi.

- Thế thì ông cứ vật lộn với biển cả như ý ông muốn.

- Phải chờ cho gió trở đã.

- Gió sẽ không trở suốt đêm nay.

- Tại sao?

- Đây là một quệt gió dài một nghìn hai trăm dặm.

- Đi ngược con gió đó ư! Không thể được.

- Dóng mũi theo hướng tây, tôi bảo ông!

- Tôi xin cố gắng. Nhưng dù sao chúng ta cũng sẽ chệch hướng.

- Nguy hiểm đấy.

- Gió bấc đuổi ta sang đông.

- Chớ đi sang đông.

- Tại sao?

- Ông chủ, ông có biết hôm nay cái chết của chúng ta tên là gì không?

- Không.

- Cái chết tên là phía đông.

- Tôi sẽ lái sang phía tây.

Lần này lão tiến sĩ nhìn viên chủ thuyền, và nhìn bằng cặp mắt xoáy mạnh như cắm một tư tưởng vào óc. Lão quay hẳn người về phía viên chủ thuyền và thong thả, từng tiếng, từng tiếng một, nói lên những lời sau đây:

- Nếu đêm nay đứng giữa biển khơi mà chúng ta nghe có tiếng chuông thì thuyền đi đứt.

Viên chủ thuyền kinh ngạc, nhìn chằm chằm lão già.

- Ngài định nói sao?

Lão tiến sĩ không đáp. Vẻ nhìn của lão từ nãy giờ thô lỗ, lúc này đã thụt lại. Mắt lão nhìn vào trong. Hình như lão không nhận thấy câu hỏi ngạc nhiên của viên chủ thuyền. Lão chỉ chăm chú vào những gì lão đang lắng nghe bên trong. Môi lão bất giác thốt lên mấy lời sau đây, nhỏ nhẹ như một tiếng thì thầm:

- Đã đến lúc để cho những linh hồn đen tối được rửa sạch.

Viên chủ thuyền bĩu môi rất ý nghĩa khiến cái mũi cúi sát xuống với cả phía dưới mặt.

- Thằng điên hơn là nhà hiền triết - hẳn lầu bầu.

Rồi hắn lảng xa.

Tuy vậy hắn vẫn hướng mũi thuyền về phía tây.

Nhưng sóng gió cứ lớn dần.

5. ACQUANON.

Đủ mọi kiểu căng phồng làm biến dạng lớp sương Mù, đồng thời làm giãn nở tất cả các điểm ở chân trời, y như có những cái mồm vô hình thổi căng những túi da của bão táp. Hình dáng mây trở nên đáng lo ngại.

Đám mây xanh chiếm lĩnh toàn bộ nền trời. Bây giờ, ở phía tây cũng như ở phía đông, đều thấy có mây xanh.

Nó tiến ngược chiều gió bấc. Gió trời vẫn hay có những mâu thuẫn như vậy.

Biển cả vừa lúc nãy có vảy bay giờ lại có da. Con rồng ấy vốn như thế. Không phải cá sấu nữa, mà là trăn. Lớp da mầu chì bẩn thỉu, có vẻ dày dặn, nhăn nhúm, nặng nề. Trên mặt, sóng biển sủi tăm từng đám từng đám như những thứ ung nhọt tròn tròn rồi bục vỡ.

Bọt nước y hệt một loại phong hủi.

Chính vào lúc ấy chiếc thuyền, mà từ xa em bé bị bỏ rơi còn nhìn thấy đã thắp ngọn đèn hiệu của nó lên.

Mười lăm phút trôi qua.

Viên chủ thuyền đưa mắt nhìn lão tiến sĩ. Lão không ngồi trên boong nữa.

Ngay lúc viên chủ thuyền vừa bỏ đi, lão tiến sĩ đã cúi gập cái thân hình hom hem của lão dưới tấm áo khoác mặc trong nhà và bước vào cabin. Tại đây, lão ngồi cạnh bếp lò, trên một thanh gỗ; lão rút ở túi ra một lọ mực bằng da và một cái ví bằng da dê, lão móc ở ví ra một tờ giấy gập tư cũ kỹ, vấy bẩn, ố vàng; lão mở tờ giấy ra, lấy một cây bút trong túi lọ mực, trải ví lên đầu gối, trải tờ giấy lên ví, và dưới ánh đèn soi sáng tên đầu bếp, lão bắt đầu viết trên mặt sau tờ giấy. Sóng biển lắc dữ quá làm trở ngại. Lão tiến sĩ viết rất lâu.

Vừa viết, lão vừa để ý nhìn cái bầu rượu mà anh chàng Prôvăng mỗi lần thêm ớt vào món xúp lại tu, như để hỏi ý kiến về việc cho thêm gia vị.

Lão tiến sĩ để ý đến cái bầu không phải vì nó đựng rượu mà vì một cái tên đan trên nền vỏ mây, bằng cói đỏ luồn giữa mây trắng. Trong buồng khá sáng nên có thể đọc được cái tên đó.

Lão tiến sĩ, dùng tay, đánh vần khe khẽ:

- Acquanon.

Rồi lão nói với tên đầu bếp :

- Tôi chưa để ý đến cái bầu này. Có phải trước nó của Acquanon không?

- Acquanon, thằng bạn đáng thương của chúng tôi ấy ư? - tên đầu bếp hỏi - Đúng đấy.

Lão tiến sĩ nói tiếp:

- Acquanon, người Flamăng xứ Flăngđrơ phải không?

- Phải.

- Hiện đang bị tù chứ gì?

- Phải.

- Trong vọng lầu Satam?

- Bầu rượu của nó đấy - tên đầu bếp trả lời - nó là bạn thân của tôi. Tôi cất giữ cái bầu để tưởng nhớ tới nó. Ôi, bao giờ thì chúng tôi mới lại gặp nó? Phải, cái bầu hông của nó đấy.

Lão tiến sĩ lại cầm bút và lại chật vật viết những dòng chữ hơi ngòng ngoèo trên mảnh giấy. Chắc hẳn lão cũng có ý muốn viết cho thật rõ ràng dễ đọc. Mặc dầu thuyền chòng chành và tuổi tác làm run tay, lão cũng hoàn thành được điều lão muốn viết.

Vừa kịp thời, vì thình lình biển đánh một cái rất mạnh. Một đợt sóng dữ chụp lên chiếc thuyền và người ta cảm thấy sắp mở đầu lớp vũ khúc hãi hùng của thuyền bè đón tiếp phong ba.

Lão tiến sĩ đứng dậy, đến cạnh bếp lò, mỗi lần sóng giật lão lại khuỵu gối một cách thông minh, cố hơ vào ngọn lửa cạnh nồi những dòng chữ vừa viết xong, gập tư giấy bỏ vào ví, rồi bỏ ví và lọ mực vào túi.

Bếp không phải là phòng tồi nhất trong cách sắp xếp nội thất tài tình của chiếc thuyền, nó rất riêng biệt. Tuy nhiên cái nồi vẫn đung đưa. Tên Prôvăng đứng trông chừng.

- Xúp cá đấy - hắn nói.

- Để cho cá nó ăn - lão tiến sĩ đáp.

Nói xong lão quay lên boong.

6. HỌ TƯỞNG ĐƯỢC GIÚP ĐỠ

Suốt thời gian mỗi lúc một thêm bận tâm đó; lão tiến sĩ điểm qua toàn bộ tình thế, giá có người nào ởgần lão thì đã được nghe những lời sau đây thoát ra từ môi lão :

- Lắc dọc nhiều quá, mà lắc ngang lại không có mấy.

Bị cái công việc đen tối của trí óc thức tỉnh, lão tiến sĩ ngồi soát lại tư tưởng như một người thợ mỏ lần xuống giếng sâu.

Tuy trầm tư nhưng lão không phút nào sao nhãng việc quan sát biển cả. Quan sát biển cả là giây phút mơ màng.

Cực hình tối tăm của sông nước lúc nào cũng quằn quại, sắp bắt đầu. Một tiếng than thở thoát ra từ khắp mặt biển. Những việc chuẩn bị buồn thảm mơ hồ, đang được tiến hành trong cảnh trời nước mông mênh. Lão tiến sĩ quan sát những cái trước mắt và không để sót một chi tiết nào cả. Vả lại trong vẻ nhìn của lão chẳng có một tí gì gọi là thưởng ngoạn. Không ai thưởng ngoạn địa ngục.

Một cuộc chấn động rộng khắp hãy còn ngấm ngầm, nhưng đã rõ nét trong xáo động của trời mây sóng nước, làm rõ thêm và ngày càng làm mạnh thêm sức gió, hơi nước và sóng biển. Không gì đương nhiên và phi lý như đại dương. Tính chất phân tán luôn luôn gắn liền với uy lực của nó, và là một trong những yếu tố của sự rộng lớn đó. Lúc nào sóng nước cũng ủng hộ và chống lại. Nó chỉ tự thắt để rồi tự cởi. Phía này sóng tấn công, phía kia sóng giải thoát. Không có ảo ảnh nào như sóng nước.

Làm sao vẽ nổi những chỗ nhấp nhô liên tiếp thật thật hư hư, những thung lũng, nhưng võng nằm, những lồng ngực vỡ, những hình phác thảo ấy? Làm sao diễn tả được những chỗ bọt nước dồn dập, lẫn lộn cả núi non và mộng ảnh. Cái không tả nổi ở ngay đó, ở khắp mọi nơi, trong chỗ rách, trong chỗ nhăn, trong lo âu, trong mâu thuẫn, trong ánh sáng chập chờn, trong những giải mây buông thõng, trong những mái vòm luôn luôn sụp đổ, trong tan rã hoàn toàn và trong đổ vỡ thảm thê của toàn bộ cảnh thác loạn này.

Gió bấc vừa chuyển sang chính bắc. Trong thế hung hăng nó rất thuận và rất cần cho việc rời khỏi đất Anh, đến nỗi viên chủ thuyền Matutina quyết định giương hết buồm lên. Chiếc thuyền lẩn trốn vào bọt sóng, như phi nước đại dong hết buồm, gió đằng sau chồm từ ngọn sóng này sang ngọn sóng khác, điên loạn và vui vẻ.

Bọn tẩu thoát, hớn hở, cười ha hả. Chúng vỗ tay hoan nghênh sóng, nước, gió trời, buồm lái, tốc độ, cuộc trốn chạy, tương lai còn chưa rõ. Lão tiến sĩ dường như không nhìn thấy họ, vẫn trầm ngâm suy nghĩ.

Bao ánh ngày còn lại đã bị che khuất hết.

Phút giây đó là phút giây mà em bé chăm chú đứng trên vách biển xa lạ mất hút chiếc thuyền. Cho đến lúc ấy, mắt nó vẫn chằm chằm và như dán vào chiếc thuyền. Cái nhìn ấy có tham dự gì vào số mệnh không? Khi quãng cách xóa nhòa chiếc thuyền và khi không nhìn thấy gì nữa, em bé liền xăm xăm đi về phía bắc, trong lúc chiếc thuyền đi về phía nam.

Tất cả chìm sâu vào đêm tối.

7. NỖI HÃI HÙNG THIÊNG LIÊNG

Về phía họ, những người trên thuyền, hân hoan vô hạn nhìn mảnh đất thù địch lùi xa sau lưng và bé dần mãi. Vòng cung tối đen của đại dương cứ từ từ cong lên, làm mỏng dần trong ánh hoàng hôn Porlan, Puyêcbêc, Tinsan, Kimorit hai Matorave, những dải vách núi mờ trong sương và bờ biển lốm đốm hải đăng.

Nước Anh mất hẳn. Xung quanh bọn người đào tẩu chỉ còn lại biển cả.

Thình lình trời đêm bỗng tối khủng khỉếp.

Không còn cảnh bát ngát nữa, cũng không còn khoảng không nữa; bầu trời là một khối đen ngòm khép kín trên chiếc thuyền con. Tuyết bắt đầu sa chầm chậm.

Một ít bông tuyết xuất hiện. Tưởng như đấy là những hồn ma. Không còn thấy tí gì trong trường đua của gió lộng nữa. Người ta tự cảm thấy bị bỏ mặc. Tất cả những gì có thể có được đều ở đó, đều là cạm bẫy.

Ở chỗ chúng ta, hiện tượng địa cực rồng lấy nước thường mở đầu bằng cảnh tối sầm như vậy của hang động.

Một đám mây rất to, mờ đục, tương tự phía dưới một con giao long, đè nặng lên biển cả, và có những chỗ cái bụng tím bầm đó lại dán chặt với sóng nước. Một vài chỗ dán chặt đó giống hệt những cái túi thủng, bơm phồng biển lên, xì hơi ra rồi lại hút đầy nước vào. Những điểm hút như vậy làm dâng lên đây đó trên mặt sóng những cột bọt hình chóp nón.

Cơn bão phương bắc ập lên chiếc thuyền con, chiếc thuyền con xông vào gió bão. Gió và thuyền lao bổ vào nhau như để lăng mạ nhau.

Trong cuộc chạm trán mở đầu điên loạn này, không một lá buồm đại nào cuốn lại, không một lá buồm tam giác nào hạ xuống, không một mép buồm nào bị gấp, cuộc đào tẩu là một cơn mê sảng khủng khiếp. Cột buồm kêu răng rắc, oằn ra phía sau như sợ hãi.

Ở bắc cầu chúng ta, gió cuốn thường xoay từ trái sang phải, cùng chiều với kim đồng hồ, di chuyển đôi khi mỗi giờ đến sáu mươi hải lý. Mặc dầu nằm ở trung tâm lực đẩy xoay tròn mạnh mẽ đó, chiếc thuyền con xử sự như đứng giữa vùng bán nguyệt thuận gió, không lo gì khác ngoài việc đứng vững trước sóng và hướng mũi vào ngọn gió trước mặt, đồng thời đón ngọn gió lúc ấy ở bên mạn phải để tránh những ngọn gió sau lưng và thổi xiên. Sự khôn ngoan nửa chừng đó chẳng ích gì nếu gặp phải gió trở liên tục. Trong vùng không thể tới được, gió thổi ào ào rất mạnh.

Không gì có thể so sánh với tiếng gầm rú của vực Sâu. Đó là âm thanh dã thú vô biên của trời đất. Cái mà chúng ta gọi là vật chất, cái cơ thể không thăm dò được, cái hợp chất của những năng lượng không đo nổi, trong đó đôi khi người ta nhận ra một chút ý đồ rất nhỏ không thể thấy khiến phải rùng mình, cái vũ trụ mù quáng tối tăm ấy, vị Thần Vũ trụ không hiểu nổi ấy, có một tiếng kêu, một tiếng kêu kỳ lạ, kéo dài, dai dẳng, liên tục, không bằng tiếng nói nhưng lạ hơn tiếng sét. Tiếng hét đó là cuồng phong. Các âm thanh khác như câu hát, lời ru, tiếng kêu, giọng nói, thường thoát ra từ tổ chim, từ ổ trứng, từ những cuộc giao hợp, từ những buổi tân hôn, từ những căn nhà ấm, còn âm thanh này là cây nước, thoát ra từ cái Không nhưng lại là Tất cả. Những tiếng khác tiêu biểu cho linh hồn vũ trụ; tiếng này tiêu biểu cho quái vật. Đó là giống dị hình đang gào rống. Đó là cái không rõ, được cái mập mờ nói hộ. Thật là bi đát và khủng khiếp. Những tiếng ầm ầm đó đối đáp nhau ngay trên đầu và bên ngoài con người. Chúng dâng cao hạ thấp nhấp nhô, tạo nên những đợt sóng tiếng động, làm tất cả mọi sự bất ngờ hung dữ đối với trí óc, có lúc nổ ngay bên tai ta như tiếng kèn đồng nhức óc, có lúc ồ ồ khản đặc xa xăm; tiếng ồn ào choáng ngợp giống như một ngôn ngữ, mà quả thật là một thứ ngôn ngữ, đó là cố gắng của trời đất để nói lên, đó là tiếng bập bẹ của diệu huyền. Trong tiếng oa oa đó biểu lộ mơ hồ tất cả những gì mà cảnh hồi hộp rộng lớn tối tăm phải hứng nhận, chịu đựng, đau khổ, chấp nhận và vứt bỏ. Thường khi nó mất trí, nó như một cơn đau ác tính, thế mà chỉ là cơn động kinh thông thường chứ không phải chuyện sử dụng sức mạnh; người ta tưởng được xem một cảnh đổ nhào của đại ác vào chốn vô biên. Có lúc thoáng thấy sự đòi quyền uy của vật chất, không biết manh tâm nào đó muốn đòi lại cảnh hỗn mang với tạo hoá. Có lúc lại là tiếng than van, không trung rên rỉ và tự minh oan, một cái gì như trần gian được biện hộ; người ta tưởng vũ trụ là một vụ kiện cáo; người ta nghe người ta cố nắm được lý lẽ, cân nhắc cái phải cái trái đáng sợ; tiếng rên siết của bóng tối đó dai dẳng như phép tam đoạn-luận. Tư duy hoang mang cực độ, lý do tồn tại của những chuyện thần thoại và cả các thuyết đa thần là ở đó. Thêm vào nỗi hãi hùng của những tiếng thì thầm vĩ đại ấy, là những hình dáng phi phàm mơ hồ, là những khe vực lồng lộn trên mây, là những quái vật của Diêm vương hầu như được xác nhận. Không một khủng khiếp nào sánh kịp những tiếng thổn thức đó, những tiếng cười đó những tiếng đổ vỡ êm dịu đó, những câu hỏi và trả lời rối rắm đó, những tiếng gọi thủ hạ không quen biết đó.

Con người không biết sẽ ra sao trước câu thần chú rùng rợn đó. Nó cúi gập trước sự bí hiểm của những âm điệu khắc nghiệt đó. Có điều gì ẩn ý? Chúng nghĩa là gì? Chúng đe doạ ai? Chúng van xin ai? Dường như đây là một cảnh đứt xích xổ lồng. Là tiếng gào thét của khe sâu gửi vực thẳm, của không khí gửi nước nguồn, của gió trời gửi sóng biển, của mưa ngàn gửi cho rừng núi, của đỉnh trời gửi cho lòng đất, của ngàn sao gửi cho bọt sóng, là rọ mõm đứt tung của vực thẳm, tất cả cảnh náo động ấy bị mối bất hoà bí mật nào đó với những lương tâm độc ác làm cho thêm phức tạp.

Cảnh ồn ào của đêm tối cũng không kém phần sâu thẳm hơn cảnh im lặng của nó. Người ta cảm thấy trong ấy có sự phẫn nộ của vô định.

Đêm tối là một sự có mặt. Có mặt của ai? Và lại giữa đêm trường và tăm tối phải phân biệt.

Trong đêm trường có cái tuyệt đối; trong tăm tối có cái phức tạp. Ngữ pháp, kiểu luận lý ấy, không chấp nhận số ít cho tăm tối. Đêm trường chỉ có một, tăm tối thì nhiều.

Lớp sương mù ấy của bí mật đêm trường là cảnh phân tán, cảnh nhất thời, cảnh sụp đổ, cảnh bi thảm.

Người ta không nhìn thấy đấy nữa, người ta cảm thấy cái thực tế kia.

Trong bóng tối vô biên và vô định, có một cái gì đó hay một người nào đó, sống động; nhưng cái sống động đó lại nằm trong cái chết của chúng ta. Sau bước đường trần gian của ta, khi bóng tối đó đối với chúng ta trở thành ánh sáng, cuộc sống bên kia cuộc sống của chúng ta sẽ tóm chặt chúng ta. Trong khi chờ đợi, hình như nó đang sờ nắm chúng ta. Tăm tối là một áp lực. Đêm trường là một thứ xâm chiếm linh hồn chúng ta. Có những giờ phút ghê tởm và trọng đại mà chúng ta cảm thấy cái ở phía sau bức tường phần mộ lấn át chúng ta.

Không bao giờ vô định lại hiển nhiên như trong bão biển. Hãi hùng lúc ấy lại có thêm chất kỳ quặc. Kẻ chặn đứng hành động con người, vị thần Hô phong Hoán vũ thời xưa, nắm trong tay, để nhào nặn sự kiện theo ý riêng, cái nguyên tố không vững chắc, cái rời rạc vô cùng, cái sức mạnh tản mạn không thành kiến. Bí mật đó, tức là bão táp, luôn luôn tiếp nhận và thi hành không biết những thay đổi nào của ý chí, bề ngoài hay thực tế.

Các nhà thơ của mọi thời đại đã gọi đó là giây phút bất thường của sóng nước.

Nhưng làm gì có giây phút bất thường.

Những điều kinh ngạc mà chúng ta thường đặt tên trong thiên nhiên là chuyện bất thường, và trong vận mệnh là ngẫu nhiên, điều là những mẩu định luật cảm đoán được.

8. NIX ET NOX[72].

Đặc điểm của bão tuyết là đêm tối. Vẻ ngoài thông thường của thiên nhiên trong giông bão là đất liền hoặc biển cả tối mù, bầu trời xám xịt, nay bị đảo lộn; bầu trời chợt tối đen, đại dương bóng trắng xoá. Bên dưới, bọt nước, bên trên u minh. Một chân trời khói bủa, một thiên đỉnh phù tang. Bão táp giống như phía trong một toà nhà thờ lớn căng vải. Nhưng không có đèn đuốc trong toà nhà thờ lớn đó. Không có đèn Xanh-Elmơ với những đầu sóng, không có tàn lửa, không có lân tinh, chỉ có bóng tối mênh mông. Cuồng phong địa cực khác cuồng phong nhiệt đới ở chỗ một bên thắp cháy tất cả mọi nguồn sáng, còn một bên dập tắt hết thảy. Trần gian đột nhiên trở thành một cái vòm hầm ngầm. Từ chỗ tối đen đó một thứ bụi cát lấm tấm nhợt nhạt rơi xuống lơ lửng giữa bầu trời và biển cả. Những chấm đó là những bông tuyết, trôi trượt, lang thang, bềnh bồng.

Một thứ gì như nước mắt của một tấm khăn liệm sắp sống dậy và cử động. Thêm vào cảnh gieo rắc đó là một ngọn gió bấc điên cuồng. Một khối đen ngòm nát tan thành bụi trắng, tên hung dữ đứng trong bóng tối, tất cả ồn ào mà mộ địa có thể có được, một cơn phong ba dưới một cái nhà táng, bão tuyết là như vậy đấy.

Bên dưới, đại đương rung chuyển, phủ lên những vực sâu khủng khiếp không lường.

Trong gió địa cực, vốn có điện, bông tuyết lập tức trở thành những hạt mưa đá và không khí bỗng tràn ngập những viên đạn từ đâu bắn tới. Nước nổ lách tách như bị liên thanh quạt.

Không có tiếng sét. Trong cơn bão bắc cực chớp cũng im lặng. Đôi khi người ta bảo mèo “gào” thì với loại chớp đó cũng có thể nói như vậy. Nó là một kiểu nhe răng dọa nạt nghiệt ngã lạ lùng Bão tuyết là thứ bão mù và câm.

Khi nó đã đi qua, thường thường thuyền bè cũng mù và thuỷ thủ cũng câm. Ra khỏi một vực sâu như thế là điều rất khó.  Tuy nhiên người ta sẽ nhầm nếu cho rằng chuyện đắm tàu tuyệt đối không thể tránh được. Những ngư dân Đan Mạch ở Đicxô và Balêzin, những người đánh cá voi đen. Hiêcnơ đi đến eo biển Berinh tìm hiểu cửa Sông mỏ đồng, Huytxân, Mắckenzi. Văngcuvơ, Rôx, Đuymông Đuyêcvin, đã gặp ngay tại địa cực những trận bão tuyết khốc liệt nhất và đã thoát khỏi.

Chiếc thuyền con đã gặp phải loại bão như thế và đã giương hết buồm, đắc chí xông thẳng. Điên cuồng chống với cuồng điên. Lúc Môngômeri thoát khỏi Ruăng, lao chiếc thuyền của ông như bay vào dãy núi chắn ngang sông Xen ở Bui, ông ta cũng liều lĩnh đúng thế.

Thuyền Matutina băng băng lao tới. Lúc căng buồm, có lúc so với mặt nước thuyền nghiêng đến mười lăm độ, một góc độ đáng sợ, nhưng cái sống bè bè của nó rất tốt, dán chặt xuống nước như nhựa đường. Sống thuyền chống chịu với bão giật. Chiếc đèn lồng vẫn soi sáng phía trước. Mây đẩy gió, kéo lê cả khối u trên đại dương, co hẹp và gặm dần biển cả xung quanh chiếc thuyền. Không một bóng hải âu. Không một cánh én biển. Chỉ có tuyết vả tuyết. Hiện trường của sóng rất hẹp và đáng sợ. Chỉ thấy ba hay bốn ngọn sóng, dài vô tận.

Chốc chốc một tia chớp dài mầu đồng đỏ loé hiện sau những tầng lớp tối om của chân trời và thiên đỉnh.

Vệt dài đỏ tươi đó cho thấy cảnh hãi hùng của trời mây.

Vực sâu thình lình đỏ rực, trên đó thoáng nổi lên những tiền cảnh của mây và những hình ảnh trời nước đảo lộn mất hút vào chốn xa xăm, giúp ta thấy được đại dương trên toàn cảnh. Trên cái nền lửa đó, bông tuyết trở thành mầu đen, tưởng như đó là những cánh bướm đen trong một lò lửa rực. Rồi tất cả lại tắt ngấm.

Tiếng nổ đầu tiên vừa dứt, ngọn cuồng phong, vẫn đuổi theo chiếc thuyền con, liền cất giọng trầm đều rống lên. Đấy là đợt gầm đáng sợ khi ầm vang lặng bớt.

Không có gì đáng ngại bằng cuộc độc thoại của bão táp.

Tiếng rì rầm buồn thảm đó giống hệt giây phút tạm ngừng của những lực lượng chiến đấu bí mật, và báo hiệu một đợt rình đợi trong vô định.

Chiếc thuyền con vẫn điên cuồng lao tới. Nhất là hai lá buồm đại phải làm một nhiệm vụ khủng khiếp. Trời biển đều đen như mực, với những tia bọt bắn cao hơn cột buồm. Chốc chốc những tảng nước lại lao qua boong tàu như một trận hồng thuỷ, và mỗi lần thuyền chòng chành, bao nhiêu lỗ thả neo, lúc của mạn phải lúc của mạn trái, trở thành bấy nhiều cái mồm há hốc, lại mửa bọt sóng trả về cho biển cả. Đàn bà vào nấp trong cabin, nhưng đàn ông ở lại hết trên boong. Tuyết vẫn cuốn xoáy bưng lấy mắt. Sóng nước lại khạc nhổ thêm vào.

Tất cả đều lồng lộn điên cuồng.

Đúng lúc ấy tên đầu đảng đứng phía sau trên khoang lái, một tay bám vào dây chằng, một tay giật chiếc khăn quấn đầu ra vẫy trong ánh đèn lồng, kiêu căng thoả mãn, nét mặt tự đắc, tóc tai rõ khiếp, say sưa vì tất cả cái bóng đen kia, hét to:

- Chúng ta tự do rồi!

- Tự do! Tự do! Tự do! tốp người đào tẩu cùng nhắc lại.

Tất cả bọn, tay nắm chặt những dụng cụ trên thuyền, đều đứng thẳng dậy trên boong.

- Hura[73] - tên đầu đảng hét to.

Và cả bọn cùng hét vang trong bão táp:

- Hura!

Tiếng hò reo vừa tắt trong sóng gió ào ào thì một giọng nói oai nghiêm vang động nổi lên ở đầu thuyền đằng kia.

- Im lặng!

Tất cả mấy cái đầu đều quay lại.

Họ vừa nhận ra giọng nói của lão tiến sĩ. Bóng tối dày đặc lão tiến sĩ tựa lưng vào cột buồm, nó lẫn với dáng vóc gầy guộc của lão nên người ta không nhìn thấy lão.

Giọng nói lại cất lên.

- Hãy lắng tai mà nghe!

Tất cả mọi người đều im lặng.

Lúc ấy, trong tăm tối, rõ ràng có tiếng chuông thánh thót tiếng một.  

9. PHÓ MẶC BIỂN DỮ

Viên chủ thuyền vẫn cầm cần lái, cười phá lên.

- Có tiếng chuông? Hay lắm! Chúng ta đang rẽ neo bên trái. Tiếng chuông chứng minh cái gì? Rằng đất liền ở bên phải chúng ta.

Giọng nói rắn rỏi thong thả của lão tiến sĩ đáp lại:

- Đất liền không ở bên phải các người đâu.

- Có! viên chủ thuyền quát lên.

- Không.

- Nhưng tiếng chuông từ đất liền đến.

- Tiếng chuông ấy - lão tiến sĩ nói - từ biển cả lại.

Những con người liều lĩnh kia rợn cả tóc gáy. Bộ mặt hung dữ của hai mụ đàn bà hiện ra trong cái ô vuông ở nắp cabin, như hai con quỉ hiện hồn. Lão tiến sĩ bước tới một bước, bóng dáng lênh khênh của lão tách khỏi cột buồm. Tiếng chuông lại thánh thót trong đêm tối.

Lão tiến sĩ nói tiếp:

- Giữa biển khơi, nửa đường giữa Porlan và quần đảo Măngsơ có một cái phao hiệu, neo bằng xích sắt vào đáy biển và nổi là là trên mặt nước. Trên phao có gắn một giá sắt, ở gióng ngang giá sắt có treo một cái chuông. Lúc nào gió to, sóng biển đu đưa cái phao, thế là chuông rung. Chính các người đang nghe tiếng chuông đó.

Lão tiến sĩ để cho một đợt gió bấc đi qua, chờ cho tiếng chuông nổi lên lại, rồi nói tiếp:

- Trong cơn bão, lúc gió tây bắc thổi, mà nghe tiếng chuông tức là thôi rồi. Vì sao? Vì nếu các người nghe được tiếng chuông tức là nhờ có gió đưa nó đến. Thế mà gió thì từ phía tây đến và bãi ngầm ôrinhi lại ở phía đông. Các người chỉ nghe được tiếng chuông khi đứng giữa phao và bãi ngầm. Gió đang đẩy các người vào đúng bãi ngầm đó. Các người đang ở phía bất lợi của phao. Nếu ở.phía thuận thì các người đã đứng giữa biển khơi, nước cả, trên đường an toàn, và đã không được nghe tiếng chuông. Gió đã không mang tiếng chuông đến cho các người. Các người đã đi cạnh phao mà không biết có gió ở đấy. Chúng ta đã đi chệch hướng rồi. Tiếng chuông đó chính là tiếng cấp báo tầu thuyền sắp đắm. Bây giờ các người hãy suy tính đi?

Trong lúc lão tiến sĩ nói, thì gặp lúc gió bấc hơi dịu, chuông lắng xuống, gõ rất thong thả, từng tiếng, từng tiếng một, và tiếng thánh thót cách quãng đó dường như xác nhận lời nói của lão già. Văng vẳng như tiếng chuông cầu nguyện của vực sâu.

Tất cả mọi người đều lắng nghe, hồi hộp, lúc giọng nói này, lúc tiếng chuông kia.

10. DÃ MAN NHẤT LÀ BÃO TÁP.

Trong khi ấyviên chủ thuyền đã cầm lấy cái loa.

- Cargate todo, hombrres[74]. Nới nút lèo ra, kéo trục buồm xuống, hạ tất cả trên buồm thấp xuống! Nắm chắc, hướng tây! Lại ra khơi thôi! Hướng thẳng vào phao! Hướng đúng tiếng chuông! Ở đấy có biển khơi. Chưa phải hoàn toàn thất vọng đâu.

- Thử xem - lão tiến sĩ nói.

Nhân đây chúng tôi cần nói là cái phao chuông ấy, một thứ tháp chuông ngoài biển, đã bị bỏ đi năm 1802. Những nhà hàng hải già còn nhớ đã có lần nghe được tiếng chuông ấy. Nó báo trước, nhưng hơi muộn.

Lệnh của viên chủ thuyền được thi hành lập tức. Tên Lăngođốc là một thủy thủ thứ ba. Tất cả đều bắt tay vào. Không phải chỉ hạ buồm, người ta cuốn luôn buồm vào cột; siết chặt tất cả dây trên thuyền lại, thắt nút lèo mũi, lèo đáy và lèo giữa; ngoắc dây buồm phụ vào dây quai chèo vì như thế nó có thể dùng làm thừng chằng buồm ngang; ốp thêm cột buồm, đóng thêm lá chắn vào cửa thuyền, đó là một lối bịt kín thuyền bè.

Thao tác tuy thực hiện có hỗn độn nhưng không phải vì thế mà chuệch choạc. Chiếc thuyền con lại bớt nguy ngập. Nhưng thuyền cuốn hết mọi thứ, càng nhỏ lại bao nhiêu thì không khí và nước càng lồng lộn dữ dội bấy nhiêu. Sóng đạt gần đến chiều cao ở địa cực.

Cuồng phong như một tên đao phủ vội vã, bắt đầu phanh xác chiếc thuyền. Trong chớp mắt diễn ra một cuộc giằng xé khủng khiếp, buồm đứt hết dây mép, cạp thuyền bị phá bằng, gỗ bị bạt tung, dây chằng bị giật đứt, cột buồm gãy gập, tất cả những thứ gì gẫy nát đều bay tung té. Các dây cáp to đứt hết, mặc dầu múi buộc dài đến bốn sải.  Sức căng của từ trường, đặc điểm của bão tuyết, khiến cho thừng chão càng dễ đứt. Chúng đứt vì gió bao nhiêu, thì cũng đứt vì khí âm dương bấy nhiêu. Nhiều sợi xích nhẩy ra khỏi ròng ròng không hoạt động được nữa. Phía trước má thuyền, phía sau, hông thuyền, đều oằn xuống trước những áp lực quá mạnh. Một ngọn sóng bốc mất la bàn, mang theo cả hộp.

Một ngọn sóng khác cuốn băng chiếc canô treo ở cột buồm cái, theo phong tục kỳ lạ của người axtuyri. Một ngọn sóng khác cuốn phăng Đức bà ở mũi thuyền và chiếc đèn lồng.

Chỉ còn mỗi cần lái.

Người ta vội thay thế chiếc đèn hiệu bằng một cái vỏ lựu đạn to nhét đầy bùi nhùi và nhựa đường đốt sáng treo ở khoang mũi.

Cột buồm gãy đôi, tua tủa những mẩu giẻ rách bay phần phật, những dây nhợ, ròng ròng và trục buồm, làm cho sàn thuyền ngổn ngang. Lúc đổ, nó đã làm gãy đôi một mảng mạn thuyền bên phải.

Viên chủ thuyền vẫn luôn luôn đứng ở cần lái, hét to:

- Chừng nào còn lái được là vẫn chưa tuyệt vọng. Phần thuyền ngập nước vẫn tốt nguyên. Rìu! Rìu! Hất cột buồm xuống biển? Giải toả mặt boong.

Thủy thủ cũng như hành khách đều say sưa chiến đấu quyết liệt. Chỉ cần mấy nhát rìu. Người ta hất cột buồm qua mạn thuyền. Sàn tàu quang hẳn.

- Bây giờ - viên chủ thuyền nói tiếp - lấy dây buồm buộc tôi vào cần lái.

Người ta trói ngay y vào càng.

Trong lúc được quấn chặt, y cười ha hả, và hét vang với biển cả.

- Rống lên, mụ già kia! Rống to lên! Tao đã từng gặp nhiều trường hợp tệ hại hơn thế này ở mũi Masisacô.

Và khi đã bị trói gô, hắn liền túm chặt cái càng trong tay với niềm vui kỳ dị do hiểm nghèo truyền tiếp.

- Mọi việc đều tốt đẹp, các bạn ạ! Hoan hô Đức bà Bugơlê! Lái sang phía tây !

Một ngọn sóng ngang, rất to, kéo đến đổ ầm ầm xuống phía sau. Trong bão táp luôn luôn có loại sóng cọp, thứ sóng hung dữ và quyết định: Nó đến đúng lúc, bò bò hồi lâu như dán sát bụng trên biển, rồi chồm dậy, rống to, rít lên ập xuống chiếc thuyền lâm nguy và xé tan nó ra từng mảnh. Bọt sóng như nuốt chửng, phủ kín cả đuôi thuyền Matutina; trong cuộc hỗn chiến giữa sóng nước và đêm trường nghe rõ có tiếng tan vỡ răng rắc. Lúc sóng nước tiêu tan, lúc đuôi thuyền lại xuất hiện, thì không còn chủ thuyền, không còn cần lái nữa.

Tất cả đã bị giật phăng.

Cần lái và con người vừa được trói chặt vào đấy đã đi theo sóng biển trong cái mớ hỗn độn gầm hý của bão táp.

Tên đầu đảng nhìn trừng trừng vào bóng tối và hét to:

- Te burlas de nosotros?[75]  Đáp lại tiếng phản kháng đó, một tiếng khác tiếp luôn:

- Vứt neo xuống! Cứu lấy ông chủ.

Người ta chạy đến bên trục tời. Người ta thả neo xuống. Thuyền Bixcay chỉ có một neo. Làm như thế chỉ mất toi neo. Đáy biển toàn đá, mà sóng nước lại điên cuồng. Dây cáp đứt phăng như sợi tóc.

Neo mắc kẹt dưới đáy biển.

Cả mũi thuyền chỉ còn lại có vị thiên thần nhìn qua ống kính.

Từ lúc đó, chiếc thuyền con chỉ là một mảnh lều trôi dạt. Thuyền Matutina đã hết phương cứu vãn. Chiếc thuyền vừa mới đây như được chắp cánh và gần như khủng khiếp trong cuộc chạy đua, lúc này đã hoàn toàn tê liệt. Tất cả mọi thứ đều đứt gãy, sai lệch. Nó ngoan ngoãn vâng lời, cứng đờ và thụ động, tuân theo những sự điên cuồng kỳ quặc của sóng nước. Trong có vài phút, một người cụt cả tay chân thay thế một con đại bàng, điều ấy chỉ thấy ở biển cả. Tiếng thở rốc của không gian mỗi lúc một thêm quái đản. Bão táp là một lồng phổi đáng sợ. Nó không ngừng tăng thêm phần thê thảm cho cái không sắc thái, cho màu đen. Cái chuông giữa biển vẫn rền vang một cách tuyệt vọng như một bàn tay hung thần rung lắc.

Thuyền Matutina mặc cho sóng nước cuốn trôi; mặc cái nút chai cũng rập rình như thế; nó không lướt bằng chèo lái nữa; nó bồng bềnh tưởng chừng lúc nào cũng sẵn sàng ngửa bụng như một con cá chết. Thoát được khỏi nguy cơ đó, chính là nhờ cái vỏ thuyền còn tốt, hoàn toàn không ngấm nước. Không một tấm ván lót nào dưới ngấn nước bục ra cả. Không có khe hở, không có lỗ thủng, và không một giọt nước nào lọt vào hầm thuyền. Đó là điều hết sức may mắn vì bơm đã hỏng, không dùng được nữa. Chiếc thuyền con múa nhảy nom thật duyên dáng trong cơn lo sợ sóng nước. Boong thuyền quằn quại như người muốn mửa. Tưởng chừng như nó đang cố sức để hất tung mấy người bị đắm ra ngoài. Họ đờ đẫn bám chặt vào thừng chão, và cạp thuyền, và xà ngang, và các đầu nút, roi thừng, vào những chỗ vỡ giữa mép thuyền mà các đầu đinh cào nát cả bàn tay, vào ván lót lòng thuyền bị uốn cong, vào tất cả những chỗ lồi lõm hư nát thảm hại. Thỉnh thoảng họ lại lắng tai. Tiếng chuông mỗi lúc một nhỏ dần. Hình như nó cũng hấp hối. Tiếng thánh thót của nó chỉ còn là một tiếng rên rỉ cách quãng. Rồi tiếng rên đó tắt hẳn. Họ đang ở đâu? Họ đang cách cái phao bao xa? Chuông rung đã làm họ sợ hãi, chuông lặng lại làm cho họ hãi hùng. Gió tây bắc khiến họ phải đi theo một con đường có lẽ không thể cứu thoát. Họ cảm thấy bị lôi cuốn bởi một hơi thở cuồng loạn. Tấm mảng trôi dạt chạy vun vút trong đêm đen. Một tốc độ mù quáng, không còn gì dễ sợ hơn. Họ cảm thấy vực sâu ngay trước mặt, ngay dưới chân, ngay trên đầu. Không phải chạy nữa mà là rơi.

Thình lình trong tiếng ồn ào vĩ đại của tuyết mù, một điểm đỏ xuất hiện.

- Hải đăng! - những người đắm thuyền cùng reo lên.

11. CAXKÊ

Đúng, đúng là ngọn hải đăng Caxkê.

Ở thế kỷ mười chín, hải đăng là một hình trụ, chóp xây bằng gạch, trên có máy chiếu sáng, hoàn toàn khoa học. Đặc biệt ngọn hải đăng Caxkê ngày nay gồm ba ngọn tháp màu trắng, đỡ ba cái lầu thắp sáng. Ba nhà lửa ấy xoay chuyển trên một hệ thống bánh xe đồng hồ chính xác đến mức người gác, quan sát hải đăng từ ngoài khơi, bao giờ cũng đi đúng mười bước trên boong tàu lúc đèn sáng và hai mươi lăm bước lúc đèn bị che khuất. Mặt phẳng giao tiêu và vòng xoay của cái trống bát giác gồm tám thấu kính đơn rộng nhiều ngấn và trên dưới lại có hai loạt vòng chiết quang được tính toán kỹ; hệ thống răng bảo đảm chống được gió biển bằng những lớp kính dầy một ly, tuy vậy có lúc vẫn bị vỡ vì chim ưng biển lao vào, đó là giống bướm to của những ngọn đèn khổng lồ kia. Ngôi nhà chứa đựng, chống đỡ và lắp gắn bộ máy kia cũng được tính toán rất kỹ. Mọi thứ ở đấy đều đơn giản, ăn khớp, trần trụi, chính xác, đâu vào đấy. Một ngọn hải đăng là một con số. Ở thế kỷ mười bảy, hải đăng như một chùm lông cắm trên đất liền bên bờ biển. Kiến trúc của một tháp hải đăng thật cầu kỳ tráng lệ. Chỗ nào cũng ban công, bao lơn, tháp nhỏ, hốc con, chuồng chim, hoa gió. Toàn là mặt quỷ, tượng người, hoa lá, trôn ốc, chạm nổi, tượng to, tượng nhỏ, vỏ đạn khắc chữ. Pax in belle[76] ngọn hải đăng Eđixton ghi thế. Nhân thể chúng ta cần nhận xét, lời tuyên bố hòa bình này không phải lúc nào cũng tước được vũ khí của biển cả. Uyxtanlê cũng nhắc lại lời ấy trên ngọn hải đăng do ông bỏ tiền ra xây ở một nơi rất hiểm nghèo, trước Playmơt. Tháp hải đăng làm xong ông đứng vào trong, cho bão táp thử nghiệm. Bão đến và cuốn mất ngọn hải đăng Uyxtanlê. Vả lại những công trình xây dựng quá đáng ấy là mục tiêu cho cuồng phong từ bốn phía giống như những tướng lĩnh lấp lánh huy chương ở trận tiền thu hút tên đạn vào thân. Ngoài những trò cầu kỳ về đá gạch, lại còn những kiểu cách bằng sắt, bằng đồng, bằng gỗ; các ổ khóa đều chạm trổ, kèo, xà đều nổi bật. Khắp nơi, ở mặt bên của ngọn hải đăng, nhô ra, gắn vào tường xen lẫn với những hình chạm trổ kiểu ả rập, đủ loại máy móc, có ích và bỏ đi như tời, pa lăng, ròng rọc, đối trọng, thang, cần cẩu, phao cứu. Trên đỉnh, xung quanh ngọn lửa, có những ổ khóa rất tinh vi đỡ những chân nến bằng sắt, trên đó cắm những khúc cáp dăm nhựa thông, đấy là những cái bấc cháy dai dẳng không một ngọn gió nào thổi tắt được.

Và từ trên xuống dưới tháp còn có thêm cờ biển, cờ hiệu, cờ lệnh, cờ nhỏ, cờ to, cờ đuôi nheo, leo dần từng cán cờ, từng tầng một, kết hợp tất cả các dấu hiệu, tất cả các kiểu ngang tàng nghịch ngợm, lên đến tận cái lồng ánh sáng của ngọn hải đăng và trong bão táp tạo thành một cuộc nổi loạn của giẻ rách xung quanh quang cảnh rực cháy kia. Sự trâng tráo ấy của ánh sáng bên bờ vực thẳm, giống như một thách thức, thúc giục những người đắm thuyền phải hăng hái liều lĩnh.

Những ngọn hải đăng Caxkê hoàn toàn không thuộc loại đó.

Thời kỳ ấy nó chỉ là một ngọn hải đăng già nua, man rợ, đúng như vua Hăngri đệ Nhất đã cho xây sau khi mất chiếc Blăngsơ Nep[77], một thứ dàn lửa cháy trong lưới sắt trên một hòn núi, một đống lửa hồng sau một rào sắt và một mái tóc lửa trong gió lộng.

Từ thế kỷ mười hai, việc bổ khuyết duy nhất cho ngọn hải đăng đó là một cái bễ lò rèn vận hành bằng một thứ dây móc sắt có tạ bằng đá, lắp thêm vào cái lồng lửa năm 1610.

Đối với những loại hải đăng cổ xưa ấy, trò phiêu lưu của chim biển bi đát hơn đối với những hải đăng hiện nay. Chim chóc xô tới, vì ánh sáng thu hút, lao vào và rơi xuống đống lửa hồng, người ta thấy chúng nhảy nhót qua những linh hồn đen tối dãy chết trong cái địa ngục đó; và đôi lúc chúng lại rơi ra ngoài cái lồng đỏ, rớt xuống núi đá, bốc khói, khập khiễng, mù lòa, như những con ruồi cháy dở bên ngoài một ngọn đèn.

Đối với một chiếc tàu đang lúc diễn tập, có đầy đủ thiết bị, và lại dễ vận dụng cho hoa tiêu thì hải đăng Caxkê không có tác dụng; nó quát to; coi chừng! Nó báo hiệu có đá ngầm. Đối với một chiếc tàu lâm nạn, nó chỉ gây khủng khiếp. Vỏ tàu, bị tê liệt và bất động, không có sức chống đỡ với sóng nước lồng lộn điên cuồng, không có tài tự vệ chống áp lực của gió, như cá không vây, như chim không cánh, chỉ còn biết lao đến nơi nào gió bão đẩy tới ngọn hải đăng chỉ cho nó thấy chốn tận cùng, báo hiệu cho nó nơi mất tích, soi sáng cho nó chỗ chôn vùi. Nó là ngọn nến trên phần mộ.

Soi sáng cánh cửa tàn khốc, báo trước điều không tránh khỏi, còn nước châm biếm nào bi dát hơn.

12. VẬT LỘN VỚI ĐÁ NGẦM.

Sự nhạo báng bí mật ấy, thêm vào cảnh đắm thuyền những con người khốn khổ trên thuyền Matutina hiểu ngay tức khắc. Ngọn hải đăng xuất hiện thoạt tiên khiến phấn khởi, sau lại làm cho họ buồn rầu. Không làm cách nào được, không liều cách nào được. Những điều nói về vua chúa đều có thể áp dụng cho sóng nước.

Con người là thần dân của vua chúa, con người là mồi để vua chúa xâu xé. Tất cả những gì vua chúa mê sảng, người ta đều phải chịu đựng. Ngọn gió tây bắc thổi bạt chiếc thuyền con vào bãi Caxkê. Họ đành phải đến đó.

Không có cách nào khác. Họ trôi giạt rất nhanh vào bãi ngầm. Họ cảm thấy đáy biển như trồi lên; giá thả được một cái máy đo cho tử tế thì nó đã chỉ không quá ba bốn sải nước. Đoàn người bị đắm lắng nghe tiếng sóng hút ầm ầm vào những chỗ nước ngầm gặp các mỏm núi dưới sâu. Họ nhận thấy dưới ngọn hải đăng, giữa hai phiến hoa cương sắc cạnh như một nhát chém tối đen, có cái eo biển của cái cảng nhỏ man rợ có lẽ chứa đầy xương người và xác tàu. Đó là một miệng hang hơn một lối vào cảng. Họ nghe tiếng nổ lách tách của giàn lửa cao trong lồng sắt, một sắc đỏ hung tàn soi sáng phong ba, lửa  hồng gặp mưa đá làm rối loạn lớp sương mù, mây đen giao chiến với khói đỏ, rắn chống cự với rắn, than hồng tung bay trong gió lộng, bông tuyết như trốn chạy trước sức tấn công của tàn lửa tung toé. Những mỏm ngầm lúc đầu còn lờ mờ giờ đây hiện lên rõ nét trước mắt ngổn ngang núi đá với những đỉnh nhọn, những chỏm sắt và sống núi. Các góc cạnh hằn lên với những đường nét đỏ rực, còn các mặt nghiêng thì với những cầu trượt loáng máu. Họ càng tới gần, khu vực đá ngầm càng nổi lên rõ rệt, và cao dần, ghê rợn.

Một mụ, cái mụ người Iêchlăng, hốt hoảng lần tràng hạt.

Thiếu tên chủ thuyền hoa tiêu, còn tên đầu đảng vốn là thuyền trưởng. Dân Baxcơ ai cũng biết leo núi và đi biển. Họ rất dũng cảm trước tai biến, và rất tháo vát trong thảm họa.

Đến nơi rồi, sắp đụng vào rồi. Thình lình họ tới sát ngọn núi to phía bắc Caxkê đến nỗi nó che khuất cả ngọn hải đăng. Họ chỉ còn nhìn thấy núi và ánh sáng phía sau nữa thôi. Ngọn núi sừng sững trong sương mù giống hệt một người đàn bà to cao, mặc đồ đen, đầu đội mũ lửa.

Ngọn núi ít người tới lui này tên là Bibơle. Nó chống vào phía bắc bãi ngầm, còn một đỉnh khác, ngọn Êtăcô Ghimê, chống vào phía nam.

Tên đầu đảng nhìn ngọn Bibơle và hét to :

- Cần một người tình nguyện để buộc một sợi cáp nhỏ vào đá ngầm! Đây có ai biết bơi không?

Không ai trả lời. Trên thuyền chẳng có ai biết bơi kể cả thủy thủ; điểm thiếu sót này thế mà lại rất phổ biến của dân miền biển.

Một thanh gỗ ốp gần rời khỏi mạn, đu đưa ở cạp thuyền. Tên đầu đảng vội nắm chặt lấy nó bằng cả hai tay và nói:

- Giúp tôi nào.

Người ta tháo thanh gỗ ốp ra. Thế là có thể sử dụng nó theo ý muốn. Từ một vật để tự vệ nó trở thành một vật tấn công.  Đó là một cái sà dài, toàn bằng gỗ sồi lõi, tốt và chắc, có thể dùng làm dụng cụ tấn công và điểm tựa; gặp vật nặng nó là đòn bẩy, gặp thành trì nó là phi thê[78].

- Chuẩn bị! - Tên đầu đảng hô to.

Họ đứng hàng sáu, gò người bên cái cột buồm gãy, tay ôm thanh gỗ chìa ra ngoài cạp thuyền và lăm lăm như một ngọn mác trước sườn tảng đá ngầm.

Thao tác thật nguy hiểm. Thúc vào núi, một việc làm hết sức táo bạo. Sáu con người đó có thể bị hất tung xuống nước vì sức giật.

Đó là những hình thái khác nhau trong cuộc chiến đấu với bão táp. Sau cuồng phong là đá ngầm; sau gió bão là đá hoa cương. Hết đối mặt với cái không sao tóm bắt được, lại vấp phải cái không gì lay chuyển nổi.

Có những phút giây tóc người bạc trắng.

Đá ngầm và thuyền sắp xáp lại gần nhau.

Một mỏm núi là một tội nhân sắp bị hành hình. Đá ngầm vẫn chờ đợi.

Một ngọn sóng ào ào xô đến. Nó chấm dứt giây phút đợi chờ. Nó bốc phăng chiếc thuyền từ dưới, nâng bổng lên, đung đưa một lúc như cái máy phóng đá đung đưa hòn đạn.

- Chắc vào - Tên đầu đảng hét - Nó chỉ là hòn núi chúng ta là con người.

Thanh gỗ đứng im. Sáu con người với thanh gỗ chỉ là một. Những con xỏ trên thanh gỗ cày vào nách, nhưng họ không cảm thấy đau.

Con sóng ném chiếc thuyền vào ngọn núi.

Cuộc đụng độ diễn ra.

Nó diễn ra dưới một đám bọt nước, không có hình dạng, che lấp hết mọi diễn biến.

Khi đám mây đổ xuống biển, khi sóng nước lại rời xa vách núi, sáu người lăn lông lốc trên sàn thuyền; nhưng thuyền Matutina thì vun vút chạy trốn dọc theo ngọn đá ngầm. Thanh sà đã đứng vững và tạo ra một chuyển hướng. Trong mấy giây đồng hồ, ngọn sóng được buông lỏng cứ thế lướt đi, Caxkê nằm lại phía sau chiếc thuyền con. Thuyền Matutina lúc này đã thoát khỏi tai nạn trước mắt.

Sự việc như thế thường xảy ra luôn. Chính một cú thúc, thẳng bằng cột buồm vào vách biển đã cứu Vut đơ Lacgô ở cửa sông Tê. Trong vùng biển hiểm trở quanh mũi Uyntơtơn, và dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Hamitơn, chính nhờ một cú đòn bẩy tương tự vào ngọn núi Branođu - Um rùng rợn mà tàu Royan - Mari thoát khỏi đắm, mặc dầu nó chỉ là một chiến hạm hạng nhì kiểu Êcôx. Sóng biển là một sức mạnh bị phân giải đột ngột đến nỗi những cách tránh né lại dễ dàng, ít ra thì cũng có thể thực hiện được, ngay cả trong những trường hợp đụng độ dữ dội nhất. Trong bão táp có cái mặt hung thú ; phong ba là con bò mộng, và người ta có thể lừa phỉnh nó.

Cố chuyển từ đường cát tuyến sang đường tiếp tuyến, toàn bộ bí quyết tránh đắm là ở đó.

Thanh gỗ ốp đã giúp con thuyền trong việc ấy. Nó đã làm nhiệm vụ của mái chèo: nó đã thay thế tay lái.

Nhưng một khi thủ đoạn giải thoát thực hiện xong, người ta không thể diễn lại. Thanh sà rơi xuống biển. Thời gian đụng độ làm nó bung ra khỏi tay mấy người đàn ông, văng qua mạn thuyền, và mất tăm trong sóng nước. Tháo gỡ một thanh sà khác tức là phá toang cả sườn tàu.

Phong ba lại cuốn chiếc Matutina đi. Tức thì bãi Caxkê giống như một vật trở ngại vô ích ở chân trời.

Không gì có vẻ ngỡ ngàng lúng túng như một tảng đá ngầm ở trường hợp như thế. Trong thiên nhiên, trong vô định, nơi cái hữu hình bị cái vô hình làm cho thêm phức tạp, có những hình dáng cau có bất động dường như tức giận vì một miếng mồi phải nhả.

Bãi Caxkê trong lúc thuyền Matutina trốn chạy là như vậy.

Ngọn hải đăng lùi dần, tái mét xanh nhợt, rồi biến mất.

Cảnh tắt ngấm đó thật buồn thảm. Những lớp sương mù chồng chất lên màu lửa rực trở thành khuếch tán. Sức phát quang loãng ra trong bao la ẩm ướt. Ngọn lửa bềnh bồng, chống cự, chúi xuống, mất hẳn hình dạng. Tưởng chừng như bị chết đuối. Dàn lửa, trở thành hoa đèn, lúc này chỉ còn là một ánh lửa bập bùng, le lói, mơ hồ . Xung quanh một vùng ánh sáng tan chảy rộng dần. Tưởng như ánh sáng bị đè bẹp trên nền trời đêm.

Tiếng chuông, ban nãy là một mối đe dọa đã lặng; ngọn hải đăng, ban nãy là một mối đe dọa đã tiêu tan .Thế mà khi hai mối đe doạ ấy đã biến mất, lại càng khủng khiếp hơn. Một bên là tiếng nói, một bên là bó đuốc. Chúng có một cái gì của con người. Mất chúng rồi, chỉ còn vực thẳm.

13. MẶT ĐỐI MẶT VỚI ĐÊM TỐI.

Chiếc thuyền con lại chìm ngập trong bóng tối mù mịt vô biên.

Thoát khỏi bãi Caxkê, thuyền Matutina lại cưỡi hết ngọn sóng này đến ngọn sóng khác. Nghĩ ngợi đấy, nhưng trong tình trạng hỗn mang. Bị gió xô qua đẩy lại, bị sóng giằng giật lôi kéo, bốc lên đè xuống đủ kiểu, nó tuân theo tất cả những dồn dập điên cuồng của ngọn nước. Nó không rình rập theo chiều dọc nữa, đó là dấu hiệu đáng lo ngại của một chiếc thuyền trong giờ phút hấp hối. Những vật trôi giạt chỉ chòng chành theo chiều ngang. Rập rình chiều dọc là cảnh quằn quại trong chiến đấu. Chỉ tay lái mới có thể chịu được gió ngược.

Trong bão táp và nhất là trong hiện tượng tuyết sa, biển cả và đêm tối cuối cùng hoà lẫn vào nhau, kết quyện làm một và chỉ thành một thứ khói. Sương mù, lốc xoáy, gió thổi. trôi theo mọi hướng, không một điểm tựa, không nơi căn cứ, không phút nghỉ ngơi, luôn luôn bắt đầu trở lại, hết lỗ hổng này đến lỗ hổng khác, chẳng thấy chân trời đâu cả, một kiểu giật lùi thăm thẳm, chiếc thuyền con bồng bềnh trong đó.

Thoát khỏi bãi Caxkê, tránh được bãi ngầm, đối với lũ người bị đắm đã là một chiến thắng rồi. Nhưng là một sự kinh hoàng. Họ không dám reo hò; ở biển khơi không ai phạm những dại dột như thế hai lần. Khiêu khích cái khôn dò là điều nghiêm trọng.

Đẩy lùi được đá ngầm là đã hoàn thành được việc phi thường. Họ ngơ ngác. Tuy vậy, dần dần họ cũng trở lại hy vọng. Những ảo ảnh không chìm không đắm được của tâm hồn đều như vậy. Không có nguy khốn nào, ngay trong giây phút hiểm nghèo nhất, trong chốn tận cùng của nó, lại không nhìn thấy sáng lên niềm hy vọng khó tả. Những con người bất hạnh kia không đòi hỏi gì hơn là tự nhận rằng mình đã được cứu thoát. Trong thâm tâm họ đang lắp bắp điều đó.

Nhưng thình lình trong đêm tối bỗng lù lù một vật to lớn khủng khiếp. Bên mạn trái nổi lên, rõ mồn một trên nền sương mù, một khối mờ đục cao ngất, sừng sững, vuông góc, một ngọn tháp vuông của vực thẳm.

Họ há hốc mồm ra nhìn.

Gió đang ào ào đẩy họ tới đó.  Họ không biết đấy là gì. Chính là hòn Ortasơ.

14. ORTASƠ

Lại đá ngầm. Sau Caxkê đến Ortasơ. Bão táp đâu phải là nghệ sĩ, nó vốn tàn bạo, quyền lực vô cùng, và không thay đổi thủ đoạn.

Tăm tối không biết kiệt quệ. Nó không bao giờ hết cạm bẫy và phản trắc. Con người chóng hết phương tiện. Con người tự tiêu hoa, chứ vực thẳm thì không.

Lũ người đắm thuyền ngoảnh nhìn tên đầu đảng, niềm hy vọng của họ. Hắn chỉ có thể nhún vai, một thái độ khinh bỉ buồn rầu của bất lực.

Ortasơ là một phiến đá lát nằm giữa đại dương.

Tảng ngầm Ortasơ, nguyên một khối, dày dạn với bốn bề sóng nước, nhô thẳng lên tám mươi bộ cao. Sóng to và tàu thuyền gặp nó đều tan vỡ. Là một khối lập phương bất di bất dịch, nó cản đứng những cạnh thẳng của nó vào những đường cong lượn ngoằn ngoèo vô tận của biển cả.

Ban đêm nó sừng sững như một cái thớt khổng lồ đặt trên những nếp nhăn của một tấm thảm đen to. Trong bão táp nó chờ đợi nhát rìu là sấm sét.

Nhưng trong bão tuyết lại không bao giờ có sét. Đúng, chiếc thuyền đã có vải bịt mắt; bao nhiêu tăm tối đều bưng lấy mắt nó. Nó sẵn sàng như một tội nhân đón chịu cực hình. Còn sét, một cái chết nhanh chóng, thì đừng hòng hy vọng đến điều đó.

Matutina chỉ là một chiếc thuyền mắc cạn, bồng bềnh, lúc này đang hướng tới tảng đá đó như ban nãy nó đã đi, tới tảng đá kia. Những con người bất hạnh, đã một lúc tưởng được cứu thoát giờ đây lại hồi hộp lo lắng. Cảnh đắm thuyền mà họ đã bỏ lại phía sau, giờ đây lại hiện ra trước mắt. Đá ngầm lại từ đáy biển nhô lên. Chẳng có gì xong, chẳng có gì hết.

Caxkê như một cái khuôn bánh nghìn ô. Ortasơ như một bức thành cao ngất. Đắm ở Caxkê thì bị rách tả tơi, đắm ở Ortasơ thì bị nghiền nát vụn.

Tuy vậy vẫn còn một điểm may mắn.

Trên những mặt phẳng, mà Ortasơ là một, sóng không hơn gì đạn cối nó không nẩy thia lia. Nó thu hẹp vào thế giản đơn. Sóng xô vào rồi sóng lại rút ra! Sóng đến thì mạnh sóng hồi thì êm.

Trong những trường hợp như vậy, vấn đề sống chết được đặt ra như sau: nếu sóng đến dẫn thuyền tới sát nút, nó sẽ quật thuyền vào núi vỡ tan và thuyền sẽ không còn nữa; nếu sóng êm trở về trước khi thuyền chạm núi, nó sẽ kéo thuyền ra, vậy là thuyền thoát nạn.

Nỗi lo sợ thật thương tâm. Lũ người lâm nạn nhìn thấy trong bóng tối chập chờn ngọn sóng to quyết định đang tiến đến trước mặt. Nó sắp kéo họ đi đâu? Nếu sóng quật vào thuyền, họ sẽ bị cuốn lăn vào núi và tan xương. Nếu sóng luồn xuống đáy thuyền.

Ngọn sóng lòn qua đáy thuyền.

Họ thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng họ sẽ gặp cái gì trở lại đây ? Ngọn sóng nhào sẽ làm gì họ đây.

Ngọn sóng nhào cuốn họ ra.

Mấy phút sau thuyền Matutina đã ở ngoài tầm nước của bãi ngầm. Ortasơ cũng khuất dần như Caxkê đã mờ khuất.

Đó là chiến thắng thứ hai. Lần thứ hai chiếc thuyền con đã sắp đắm đến nơi và đã lùi lại đúng lúc.

15. PORTENTOSUM MARE[79]

Trong khi ấymột đợt mù dày đặc đã ập xuống những con người bất hạnh đang trôi dạt. Họ không biết họ đang ở đâu. Họ chỉ nhìn thấy lờ mờ vài tầm[80] quanh thuyền. Mặc dầu mưa đá ào ào buộc tất cả họ phải cúi đầu, mấy mụ cũng nhất định không chịu xuống cabin.

Không một kẻ thất vọng nào lại không muốn chết đắm giữa trời. Họ gần cái chết đến nỗi thấy có trần trên đầu là thấy mở đầu cho cỗ áo quan.

Sóng, mỗi lúc một căng phồng, đã ngắn hẳn lại. Sóng ứ là dấu hiệu của tắc nghẹn; trong sương mù, có những quầng nước báo hiệu có một eo biển. Đúng thế, họ không biết đấy thôi, họ đang men theo Ôrinhi. Giữa Caxkê với Ortasơ ở phía tây, với Ôrinhi ở phía đông, đều bị thắt lại, bị ngăn chặn, và chỗ nào biển khó chịu thì chỗ đó gây nên bão táp. Biển cũng đau đớn như mọi thứ khác; chỗ nào biển đau thì biển nổi giận. Eo biển ấy rất dễ sợ.

Thuyền Matutina đang nằm trong eo biển đó.

Ta hãy tưởng tượng ở dưới một cái mu rùa to như Haiđơ Pae[81]  hay Săng-Êlidê[82], mà mỗi rãnh là một hũng sâu và mỗi chỗ bướu là một chỏm núi. Hướng tiếp cận mặt tây Ôrinhi như thế đấy. Biển cả trùm lên và che kín cái bẫy đắm tàu đó. Trên cái mu toàn đá ngầm đó, sóng bị xé nhỏ, nhảy nhót và sủi bọt. Khi yên tĩnh là tiếng róc rách; trong giông tố là cảnh hỗn mang.

Hiện tượng phức tạp mới này, những người đắm thuyền nhận thấy mà không tự giải thích nổi. Rồi đột nhiên họ hiểu ra. Một khoảng trời nhợt nhạt xuất hiện trên thiên đỉnh, một chút mờ xanh tản mạn trên biển cả, cái màu xanh nhợt đó để lộ ra ở mạn bên trái một cái đập chắn ngang phía đông, và gió đuổi thuyền đi đang ào ào thổi vào đó. Cái đập ấy là Ôrinhi.

Là gì? Họ run bần bật.

Họ còn run hơn nữa nếu có tiếng trả lời họ : Ôrinhi.

Không một hòn đảo nào được bảo vệ để chống con người thâm nhập như Ôrinhi. Dưới nước và trên mặt nước, nó có một đội bảo vệ hung dữ, mà Ortasơ chính là tên lính gác. Phía Tây, Buyru, Xôtơriô, Anfrôc, Niangơlơ, Eôngđuy Crôc, LêJuymenm, La Gơrôx, La Clăngkơ, Lêzêkilông, Lơ Vrăc, La Fôx Malie; phía đông Xôkê, Ômmôm, Flôrô, La Brinobote, La Kexlanh, Crôkơlihu, La Fuôcsơ, Lơxô, Noa Puy, Cupi, Crbuy[83]. Tất cả lũ quái vật ấy là gì? Những con giao long, phải không? Phải, thuộc loại đá ngầm.

Một trong những hòn đá tên là Buyt, như để chỉ rõ là mọi cuộc hành trình đều kết thúc tại đấy[84].

Loại đá ngầm nằm ngổn ngang đó nhờ có nước và đêm tối hoá ra đơn giản, hiện ra trước mắt đám người lâm nạn dưới hình thức một giải dài tối om đơn giản, một thứ vạch đen ở chân trời.

Chìm đắm là chỗ tận cùng của bất lực. Gần đất liền mà không đến được đất liền, nổi lềnh bềnh mà lại không chèo không lái được, đặt chân lên một vật có vẻ chắc chắn mà lại mong manh, cùng một lúc tràn đầy sức sống và chết chóc, là tù nhân giữa trời biển bao la, bị bao vây giữa trời mây và biển cả, mang trên người cả cái vô cùng như một hầm tối, quanh mình là gió lộng và sóng nước mông mênh vì bị tóm chặt, trói gô, liệt vị, cái cảnh hành hạ đó khiến phải sừng sờ và phẫn nộ. Tưởng như thấp thoáng ở đó có nụ cười chế nhạo của người chiến sĩ không ai tới gần được. Cái giam giữ anh chính lại là cái tháo bỏ cho chim cá được tự do bay lội. Cái đó hình như chẳng là gì hết mà lại là tất cả, phải phụ thuộc vào lớp không khí mà người ta làm vẩn đục bằng mồm, phải phụ thuộc vào làn nước mà người ta có thể vốc trong lòng bàn tay. Hãy múc đầy cốc thứ bão táp đó, nó chỉ là một mớ đắng cay. Ngụm nước, đó là sự ghê tởm; sóng biển, đó là sự tuyệt diệt. Hạt cát trong sa mạc, chút bọt sóng của đại dương là những hình ảnh choáng ngợp; toàn năng không cần che giấu hạt nguyên tử của mình, nó lấy cái yếu làm sức mạnh, nó lấp đầy hư không bằng cái toàn thể của nó, và cái lớp vô biên nghiền nát anh bằng chính cái nhỏ vô cùng. Chính bằng những giọt nước mà đại dương bóp nát anh.

Con người tự cảm thấy mình là một thứ đồ chơi.

Đồ chơi, ôi từ ngữ đó sao mà khủng khiếp!

Thuyền Matutina ở phía trên Ôrinhi một tí, đó là điểm thuận lợi; nhưng trôi giạt đến mũi bắc thì rất nguy hại. Ngọn gió bấc tây bắc, như một cánh cung căng thẳng buông một mũi tên, bắn chiếc thuyền vào mũi bắc. Ở chỗ cái mũi ấy, ở bên này cảng Corbơlê một tí, có cái mà thuỷ thủ quẩn đảo Normăngđi gọi là “Con khỉ”.

Con khỉ - swinge - là một dòng nước thuộc loại hung dữ. Một tràng phễu ở đáy biển tạo thành một chuỗi xoáy trong sóng nước. Cái này buông ra, cái kia tóm lại. Một con thuyền, bị khỉ tóm, cứ thế lăn từ xoáy ốc này sang xoáy ốc khác cho đến khi một mỏm núi nhọn phá toang vỏ thuyền. Lúc ấy chiếc thuyền vỡ dừng lại, phía sau nhô lên khỏi sóng, phía trước chúi xuống, vực thẳm kết thúc vòng quay, phía sau chìm nghỉm và tất cả khép lại.

Một đám bọt sóng loang rộng và trôi lềnh bềnh, trên mặt sóng chỉ còn thấy đây đó mấy cái bong bóng, từ những hơi thở tắc nghẹn dưới nước nổi lên.

Trong toàn bộ biển Măngsơ, ba con khỉ nguy hiểm nhất là con khỉ ở gần bãi cát nổi tiếng Gơcđơlơ Xen, con khỉ ở Giocxây giữa Pinhonê và mũi Noamông, và con khỉ Ôrinhi.

Một hoa tiêu địa phương, giá có mặt trên thuyền Matutina, đã báo hiệu cho những người bị đắm về nguy cơ mới này. Thiếu hoa tiêu, họ có bản năng; trong những hoàn cảnh cuối cùng, vẫn có nhãn quan thứ hai. Bọt nước quằn quại bắn lên rất cao, bay dọc theo bờ, trong cảnh phá phách điên cuồng của gió. Đó là những thứ con khỉ khạc nhổ ra. Biết bao thuyền bè đã mất tích trong cái ổ phục kích này. Không biết ởđó có gì, họ cứ hãi hùng tiến lại gần.

Làm thế nào để vượt qua mũi này? Không có cách nào cả.

Cũng như ban nãy họ đã thấy xuất hiện Caxkê, rồi xuất hiện Ortasơ, giờ đây họ lại thấy nhô lên cái đỉnh Ôrinhi, toàn núi đá cao.

Giống hệt những tên khổng lồ, hết tên nọ đến tên kia. Một loạt trận quyết chiến rùng rợn.

Sarip và Xinla[85] chỉ mới hai; Caxkê, Ortasơ và Ôrinhi những ba.

Lại vẫn hiện tượng đá ngầm đầy dẫy chân trời với vẻ đơn điệu vĩ đại của vực thẳm. Những trận chiến ngoài đại dương bao giờ cũng lặp đi lặp lại một cách oai hùng như những trận chiến của Hôme[86].

Họ càng đến gần thì mỗi đợt sóng lại tăng thêm hai mươi khuỷu[87] vào cái mũi đá được khuếch đại khủng khiếp trong sương mù. Việc giảm dần quãng cách dường như không thể nào tránh khỏi. Họ đang men đến gần con khỉ. Ngọn sóng đầu tiên tóm được họ sẽ cuốn băng họ đi. Một con sóng nữa là hết cả.

Thình lình chiếc thuyền con bị hất lùi ra sau như bị một quả đấm của khổng lồ. Ngọn sóng hồi lồng lộn dưới lòng thuyền lật nhào nó, vứt trả vật trôi giạt vào cái bờm bọt nước. Nhờ sức đẩy đó, thuyền Matutina rời khỏi vịnh Ôrinhi.  Thứ đồ chơi trẻ con đó của thần chết lại ra khơi.

Nhờ đâu có sự cứu thoát đó.

Nhờ gió.

Luồng gió của phong ba vừa chuyển hướng.

Sóng nước đã đùa giỡn với họ, bây giờ đến lượt gió. Họ đã tự gỡ ra khỏi Caxkê; nhưng trước Ortasơ sóng hồi đã dắt dẫn kịch biến; trước Ôrinhi là gió bấc. Gió đã đột ngột trở từ hướng bắc xuống hướng nam.

Gió tây nam đã tiếp theo sau gió tây bắc.

Triều lưu là gió quện trong nước; gió là triều lưu quện trong không khí; hai sức mạnh đó vừa mới đối chọi nhau, và gió đã giở chứng cướp mất mồi của triều lưu.

Những hành vi thô bạo của đại dương vẫn tối tăm. Có lẽ chúng vẫn thường xuyên như thế. Đã nằm trong tay chúng thì không thể hy vọng, mà cũng không thể thất vọng. Chúng thắt rồi chúng lại mở. Đại dương đùa bỡn. Tất cả mọi cung bực của tàn bạo dã thủ đều có trong biển cả nham hiểm mà Jăng Bar gọi là “tên đần độn”. Đó là cái cào cấu cố tình, cách quãng bằng những cái tát khẽ. Đôi khi bão táp chỉ đánh đắm qua loa, đôi khi nó lại làm rất chu đáo; hầu như có thể nói là nó vuốt ve mơn trớn cái trò đánh đắm. Biển cả có thừa thời gian. Những kẻ đang hấp hối nhận rõ điều ấy.

Phải nói rằng đôi khi những việc trì hoãn cực hình đó lại báo hiệu sự giải thoát. Những trường hợp như thế hiếm thôi. Dù sao kẻ hấp hối cũng vẫn dễ tin vào sự thoát nạn, bão táp chỉ hơi bớt đe doạ là đủ, họ tự khẳng định đã thoát khỏi nguy cơ, sau khi tưởng bị chôn vùi họ lại tin chắc vào việc hồi sinh, họ cuống cuồng đón nhận cái chưa nắm trong tay, tất cả những gì vận rủi chứa đựng đã tiêu tan hết, hiển nhiên là thế, họ tự nhận là thoả mãn, là đã thoát nạn, họ xem như sạch nợ với Chúa. Chớ có vội trao giấy biên nhận cho Đấng Vô danh.

Gió tây nam bắt đầu bằng một cơn lốc xoáy. Người bị đắm bao giờ cũng chỉ có những kẻ cứu vớt cáu kỉnh. Thuyền Matutina bị cuốn ra khỏi một cách thô bạo nhờ những thứ còn lại trên thuyền, y như một người chết bị túm tóc lôi đi. Giống như việc phóng thích mà Tibe ban cho, sau khi hãm hiếp. Gió lại đối xử tàn bạo với những kẻ được nó cứu thoát. Nó làm ơn một cách giận dữ. Đó là sự cứu vớt không có lòng thương xót.

Mảnh rểu, trong sự ngược đãi mang tính giải thoát này, tan rã hoàn toàn.

Những hạt mưa đá, to và cứng đến mức có thể nhồi vào súng thần công được, rơi ầm ầm lên thuyền.

Mỗi lần sóng giật, những hạt mưa đá lại lăn trên mặt boong như những hòn bi.

Chiếc thuyền con, hầu như đứng giữa, mất hết hình dạng dưới những lớp sóng nhào và những lớp bọt tan.

Trên thuyền người nào cũng chỉ nghĩ đến bản thân. Mạnh ai bám được vào đâu thì bám. Sau mỗi lần sóng biển trào lên thuyền, họ lại ngạc nhiên thấy vẫn còn đầy đủ. Nhiều người toạc cả mặt vì bị dăm gỗ quất.

Cũng may thất vọng có những nắm tay vững chắc.

Trong hãi hùng bàn tay con trẻ thường bấu chặt như tay khổng lồ. Lo lắng thường biến ngón tay phụ nữ thành gọng kìm chắc. Một thiếu nữ sợ hãi có lẽ với những móng tay hồng có thể cấu thủng được cả sắt. Họ bấu vào nhau, túm lấy nhau, giữ chặt lấy nhau. Nhưng tất cả các ngọn sóng đều làm cho họ kinh hoàng, sợ bị quét băng.

Thình lình họ thấy nhẹ hẳn người.

16.TÍNH CHẤT HIỀN LÀNH ĐỘT NGỘT CỦA BÍ ẨN

Phong ba vừa dừng hẳn.

Trong không khí không còn gió tây nam, cũng chẳng còn gió tây bắc. Tiếng kèn của không trung đã lặng. Cây nước từ trên trời nhô ra không thu nhỏ trước, không chuyển dần, cứ như chui tuột xuống vực thẳm. Không biết nó ở đâu nữa. Bông tuyết bỗng thay thế mưa đá. Tuyết lại bắt đầu rơi thong thả.

Không còn sóng cuộn. Mặt biển phẳng lì.

Những đợt ngừng tắt đột ngột ấy là đặc điểm của bão tuyết. Luồng điện đã hết, tất cả đều lắng xuống. Kể cả sóng nước vốn hay xáo động khá lâu trong những trận bão bình thường. Ở đây hoàn toàn không thế. Không có phút phẫn nộ nào kéo dài trong nước. Như một người lao động sau một lúc mệt nhọc, sóng lặng ngay tức khắc, điều đó hầu như mâu thuẫn với những định luật của tĩnh lực học, nhưng không làm cho các hoa tiêu lão luyện ngạc nhiên, vì họ biết cả những gì bất ngờ đều có trong biển cả.

Hiện tượng này cũng xảy ra, nhưng rất hiếm, cả trong những trận bão táp thông thường. Cho nên ngày nay, trong trận phong ba đáng ghi nhớ hôm 27 tháng 7 năm 1867, ở Giecxê, sau mười bốn tiếng đồng hồ lồng lộn, gió bỗng lặng hẳn.

Sau mấy phút, xung quanh chiếc thuyền con chỉ có mặt nước lặng lờ.

Đồng thời, vì giai đoạn cuối thường giống giai đoạn đầu, người ta không nhìn thấy gì nữa. Tất cả những cái có thể nhìn thấy trong cơn quằn quại của mây khí tượng đều trở lại mù mịt, những bóng dáng xanh nhợt đều tan ra, loãng ra tản mạn, và cái mầu tối sẫm của bao la từ bốn phía cứ tiến gần đến con thuyền. Bức tường đêm đó, sự bao quanh đó, cái bên trong hình ống đó mà đường kính cứ từng phút từng phút thu hẹp dần, bao bọc lấy thuyền Matutina, và từ từ, ác hiểm như một núi băng khép lại, cứ nhỏ dần một cách khủng khiếp. Trên thiên đỉnh chẳng có gì hết, một cái vung sương mù, một bức rào. Chiếc thuyền con như nằm trong đáy giếng của vực thẳm.

Trong cái giếng ấy, một vũng chì nước đó là biển cả. Nước không xao xuyến nữa. Một trạng thái bất động thảm đạm. Đại dương có bao giờ hung ác hơn hồ ao.

Tất cả đều tĩnh mịch, lắng đọng, mù quáng.

Sự im lặng của vạn vật có lẽ là tính lầm lì.

Những tiếng róc rách cuối cùng trườn theo cạp thuyền. Mặt boong nằm ngang với độ nghiêng không đáng kể. Một đôi chỗ nứt vỡ khẽ rung rung. Cái vỏ lựu đạn, dùng làm kèn hiệu, trong đó bùi nhùi cháy lẫn với nhựa đường, không đung đưa ở cột buồm cái nữa; và cũng không bắn những giọt lửa xuống biển nữa. Những gì còn lại của hơi thở trong mây trời không phát ra tiếng động nữa. Tuyết rơi mau, mềm mại, hơi chênh chếch. Không còn nghe tiếng bọt nước của một mỏm đá ngầm nào cả. Cảnh thanh bình của tăm tối.

Giây phút nghỉ ngơi này, sau những cơn phẫn nộ và cao điểm vừa qua, đối với những kẻ khốn khổ đã bị dồn dập quá nhiều, là một hạnh phúc khó tả. Họ thấy hình như họ không còn bị hành hạ nữa. Họ thoáng thấy xung quanh và trên đầu họ có một sự đồng tình để cứu thoát họ. Họ lại tin tưởng. Tất cả những gì ban nãy lồng lộn điên cuồng thì bây giờ yên tĩnh. Họ thấy như đó là một hiệp ước hòa bình đã được ký kết. Những lồng ngực khốn khổ của họ căng phồng lên. Họ có thể buông mẩu dây hay mảnh ván đang cầm trong tay ra, nhổm dậy, vươn mình, đứng thẳng đi lại cử động. Họ cảm thấy yên tâm một cách khó nói. Trong chốn sâu kín tối tăm, có những hiệu quả thiên đường như vậy, chuẩn bị cho một cái gì khác. Rõ ràng là họ đã dứt khoát thoát khỏi cuồng phong, thoát khỏi bọt sóng, thoát khỏi gió dập, thoát khỏi những sự điên khùng, họ đã được giải thoát.

Từ lúc này họ có đủ mọi may mắn cho bản thân. Trong ba bốn tiếng đồng hồ nữa, mặt trời sẽ mọc, một chiếc thuyền nào đó đi qua sẽ trông thấy và thế là họ sẽ được cứu vớt. Phút gay go nhất đã qua. Họ đang trở lại với cuộc đời. Điều quan trọng là đã đứng vững được trên mặt nước cho đến lúc hết bão.

Họ tự nhủ: lần này thế là hết.

Thình lình họ nhận thấy quả là hết thật.

Một trong số thuỷ thủ, tay người Baxcơ miền bắc, tên là Galđizum, đi xuống khoang để tìm dây cáp, trở lên nói:

Khoang đầy ắp.

Đầy gì? Tên đầu đảng hỏi.

- Nước - người thuỷ thủ đáp Tên đầu đảng hét to:

- Thế nghĩa là thế nào?

- Thế nghĩa là - Galđizum nói tiếp - trong nửa giờ nữa, chúng ta sẽ chìm nghỉm.

17. PHƯƠNG SÁCH CUỐI CÙNG.

Ở sống thuyền có một kẽ nứt. Nước cứ theo đó rò Vào. Từ lúc nào? Điều đó không ai có thể nói được. Có phải lúc đến gần hòn Caxkê không? Có phải lúc đứng trước Ortaso không? Có phải lúc nước róc rách ở bãi ngầm phía tây Ôrinhi không? Có lẽ đúng nhất vì họ đã chạm vào Con khỉ. Họ đã nhận một cú thúc ngầm của lợn lòi. Giữa cơn cuồng phong lồng lộn quăng quật, họ đã không nhận thấy cú húc. Trong cơn sài uốn ván con người không cảm thấy mũi tiêm.

Tay thuỷ thủ kia, anh chàng người Baxcơ miền nam tên là Avê Maria, cũng lần xuống khoang, trở lên và nói:

Nước trong khoang cao đến hai varo.

Quãng sáu piê[88]

- Đúng.

- Phải một người đưa chúng tôi vào - tên đầu đảng lại nói.

- Chúng tôi không có hoa tiêu - Galđizun nói.

- Mày cầm lấy cần lái đi.

- Làm gì còn cần lái. 

- Ta làm tạm một cái với thanh xà nào vậy. Lấy Đinh. Lấy búa. Lấy dụng cụ ra đây mau!

- Thùng thợ mộc đã rơi xuống nước rồi. Không còn dụng cụ nữa.

- Dù sao thì cũng phải chèo lái chứ, đi bất cứ đâu!

- Chúng tôi không còn tay lái nữa.

- Canô đâu? Ta cứ nhảy xuống canô. Ta chèo!

- Chúng tôi không còn canô nữa.

- Ta chèo mảng vậy.

- Chúng tôi không còn bơi chèo.

- Thế thì dùng buồm.

- Chúng tôi không còn buồm, không còn cột buồm.

- Ta lấy thanh gỗ ốp làm cột buồm, lấy bạt che hàng làm buồm. Phải thoát khỏi đây chứ! Cứ phó mặc cho gió!

- Làm gì còn gió.

Quả thật gió đã rời bỏ họ. Bão táp đã đi rồí, và việc ra đi ấy, họ những tưởng cứu thoát họ, lại dẫn họ vào chỗ chết. Ngọn gió tây nam, giá còn sẽ điên cuồng đẩy họ tới một bến bờ nào đó, sẽ thẳng lỗ rò về tốc độ, có lẽ sẽ đưa họ đến một bãi cát nào thuận tiện, và giạt họ lên bờ trước khi họ bị chìm nghỉm. Bão cuốn nhanh có thể đưa họ đặt chân lên đất liền. Không có gió, không còn một hy vọng nào nữa. Họ sẽ chết vì thiếu phong ba.

Hoàn cảnh tối hậu hiện ra.

Gió, mưa đá, cuồng phong, cuốn lốc, là những đấu thủ vô trật tự mà người ta có thể chiến thắng được.

Không có vũ khí vẫn có thể thắng được bão táp. Người ta có nhiều lối đánh trả kẻ hùng hổ lúc nào cũng sơ hở, vận động nhầm, thường đánh hụt. Nhưng chống lại kẻ bình tĩnh thì chịu. Không có chỗ mấu nào để có thể tóm được.

Gió là một kiểu tấn công của người Côzắc; cứ giữ cho vững, tự nó khắc phân tán. Bình tĩnh là gọng kìm của đao phủ.

Nước không vội vã, nhưng không lúc nào ngừng, lại nặng và không ngăn giữ được, cứ dâng lên trong khoang, mà nước càng lên thì thuyền càng xuống. Sự việc đó tiến rất chậm.

Những con người bị đắm thuyền Matutina cảm thấy dưới chân cứ hé mở dần dần cái tai biến vô vọng nhất, cái tai biến đần độn vô tình. Tính thực tế lặng lẽ và thảm đạm của sự việc vô ý thức đó nắm chắc lấy họ.

Không khí không dao động, biển cả không xao xuyến.

Bất động là cái không thể van nài. Việc nuốt chửng lặng lặng làm họ tiêu tan dần dần. Qua lớp nước dày; câm lặng, không giận dữ, không say mê, không muốn thế, không biết thế, không có lợi gì trong đó, cái trung tâm ác nghiệt của quả đất cứ cuốn hút họ. Hãi hùng, cứ thảnh thơi, quện lẫn với họ. Đây không còn là cái mõm toang hoác của ngọn nước, là cái hàm đôi của gió trời và sóng biển đe doạ một cách hung dữ, là cái nhếch miệng của con rồng lấy nước, là con sóng đòi ăn đang sùi bọt mép; dưới những con người khốn khổ kia, đây là cái miệng ngáp đen ngòm nào đó không biết của vô biên. Họ tự cảm thấy đang bước vào một nơi sâu thẳm thanh bình là cái chết. Phần mép thuyền con nhô lên trên mặt nước cứ mỏng dần, có thế thôi. Có thể tính được đến phút nào thì nó sẽ biến mất. Điều này trái ngược hẳn với lối nhận chìm của thuỷ triều. Nước không dâng lên phía họ, mà họ lại đi dần xuống nước. Việc đào mồ của họ do họ tiến hành. Trọng lượng của họ là người đào huyệt.

Họ bị hành quyết không phải bởi luật pháp của con người, mà vì qui luật của vạn vật.

Tuyết cứ rơi, và do mảng thuyền không chòng chành nữa, nên thứ xơ trắng xoá đó hình thành một lớp khăn trải trên sàn tàu và phủ kín thuyền như một tấm vải liệm.

Khoang thuyền ngày càng nặng. Không có cách nào khắc phục lỗ rò. Họ không có cả xẻng múc, vả lại nếu có cũng tạm bợ và không sử dụng được vì thuyền có boong. Phải tìm cách soi sáng; họ thắp ba bốn ngọn đuốc, cắm bừa vào những lỗ thủng, Galđizun mang đến mấy cái xô cũ bằng da; họ định múc cạn khoang thuyền và làm theo lối dây chuyền; nhưng xô không dùng được nữa, da chiếc này bục chỉ, đáy chiếc kia thủng lỗ, nên dọc đường nước chảy hết. Thế chênh lệch thật là hài hước, giữa phần nhận và chỗ trả, một tấn nước tuôn vào một cốc nước múc ra. Không có cách nào khác có hiệu quả. Một kiểu chi tiêu của anh chàng keo kiệt định một xu, xu một, tiêu xài cho hết một triệu.

Tên đầu đảng nói:

- Ta làm cho nhẹ bớt mảng đi.

Trong cơn bão họ có buộc mấy cái thùng trên boong. Chúng vẫn bị cột chặt vào chân cột buồm. Họ vội tháo bỏ dây và lăn số thùng xuống nước qua một chỗ vỡ của cạp thuyền. Trong số đó có một thùng của mụ người Baxcơ, mụ ta không nén được tiếng thở dài;

- Ôi! cái áo choàng mới, lót gấm đỏ của tôi! Ôi! mấy đôi bít tất đăng-ten bằng vỏ phong của tôi! Ôi! đôi hoa tai bằng bạc để tôi đi lễ thánh Đức Bà!

Sàn thuyền đã dọn sạch, còn cái buồng con. Ở đây rất ngổn ngang. Ta còn nhớ, nó chứa các thứ hành lý của hành khách và những balô của cánh thuỷ thủ.

Họ lôi hành lý ra và vứt hết các của đó qua chỗ mép thuyền vỡ.

Họ kéo balô lên và đẩy tất xuống đại dương.

Việc dọn quang cái buồng con thế là xong. Đèn, sà gỗ, thùng gỗ, bao bị, thùng chậu đựng nước ngọt, cái nồi đầy xúp, tất cả đều tung hê xuống nước hết. Họ vặn những đai ốc của cái lò sắt tắt ngấm từ lâu, họ tháo lò ra, lăn nó trên mặt sàn, kéo nó đến tận chỗ mép vỡ, vứt nó ra khỏi thuyền.

Họ quẳng xuống nước tất cả những gì có thể giành giật ra được của lớp ván lót, ván cạp, của dây chằng và của các thứ thuyền cụ bị giập vỡ.

Chốc chốc tên đầu đảng lại cầm một ngọn đuốc đưa qua đưa lại trên những con số chỉ mức nước, sơn ở mũi thuyền, để xem tai hoạ đã tới đâu rồi.

18. PHƯƠNG KẾ TỐI HẬU

Tấm mảng, sau khi được giảm nhẹ, chìm có hơi chậm hơn nhưng vẫn cứ chìm.

Hoàn cảnh tuyệt vọng không còn phương kế gì nữa, cũng không có cách trì hoãn nữa. Họ đã dùng đến sách cuối cùng rồi.

- Còn gì vứt được xuống biển nữa không? - tên đầu đảng hét to.

Lão tiến sĩ, không được ai nghĩ đến nữa, từ một góc nóc cabin bước ra và nói:

- Có.

- Cái gì - tên đầu đảng hỏi.

Lão tiến sĩ đáp:

- Tội ác của chúng ta.

Mọi người đều rùng mình và tất cả đều rống lên.

- Amen.

Lão tiến sĩ, đứng yên, mặt tái nhợt, chỉ một ngón tay lên trời và nói:

- Quì xuống.

Tất cả lảo đảo, chuẩn bị quì gối.

Lão tiến sĩ nói tiếp:

- Hãy vứt bỏ tội ác của chúng ta xuống biển. Chúng nặng trĩu trên người chúng ta. Chính vì vậy mà thuyền chìm. Chúng ta đừng nên nghĩ đến chuyện thoát khỏi đây nữa, mà hãy nghĩ đến việc cứu rỗi linh hồn. Nhất là cái tội ác cuối cùng của chúng ta, cái tội ác mà chúng ta vừa gây nên, hay để nói cho đúng hơn, thêm vào ban nãy, hỡi những con người khốn khổ đang lắng nghe ta nói, nó đoạ đày chúng ta. Định thách thức vực thẳm khi đã dụng tâm để lại sau lưng một tội ác, là một hành vi vô đạo láo xược. Chống lại một trẻ thơ tức là chống lại Chúa. Ta biết là buộc phải ra đi, nhưng việc đó dẫn đến cảnh trầm luân không thể tránh khỏi. Bão táp đã đến vì nó được bóng tối báo cho biết hành vi của chúng ta. Tốt thôi. Tuy nhiên, các người đừng luyến tiếc gì hết. Đây kia không xa lắm, trong cảnh tối tăm này, chúng ta có những bãi cát Vôđovin và mũi Hugơ. Đó là nước Pháp. Chỉ có một chỗ ẩn náu được, nước Tây Ban Nha. Đối với chúng ta nước Pháp cũng không kém nguy hiểm hơn nước Anh. Chúng ta có thoát khỏi biển khơi thì cũng chỉ để kết thúc trên giá treo cổ. Hoặc chết treo, hoặc chết chìm, chúng ta không có cách lựa chọn nào khác. Chúa đã chọn giùm chúng ta. Chúng ta hãy biết ơn Chúa. Người đã ban cho chúng ta nấm mồ để rửa sạch. Hỡi các người anh em, điều không thể tránh khỏi đã kia rồi. Các người hãy nghĩ rằng chính chúng ta ban nãy đã làm hết sức mình để gửi lên trời cao một kẻ là đứa bé đó; và chính lúc này, lúc ta đang nói đây, có lẽ trên đầu chúng ta có một linh hồn đang tố cáo chúng ta trước một vị quan tòa nhìn thẳng chúng ta. Chúng ta hãy lợi dụng cái án treo cuối cùng. Nếu còn có thể, chúng ta hãy cố gắng đền bù tội lỗi của chúng ta, trong chừng mực tùy thuộc chúng ta. Nếu đứa bé sống sót, chúng ta hãy cứu giúp nó. Nếu nó chết, chúng ta hãy cố làm cho nó tha thứ chúng ta. Chúng ta hãy cất bỏ cái tội đại ác trên đầu. Chúng ta hãy trút bỏ cái gánh nặng ấy khỏi lương tâm. Chúng ta hãy cố sao cho linh hồn chúng ta khỏi bị chìm ngập trước Chúa Trời, vì đó mới là nạn đắm khủng khiếp. Thể xác dành cho cá, linh hồn dành cho ma quỉ. Các người hay thương lấy các người. Quì xuống, ta bảo với các người như vậy. Lòng hối hận là con thuyền không chìm đắm. Các người không còn la bàn nữa sao? Sai lầm. Các người có kinh cầu nguyện.

Những con sói dữ kia bỗng trở thành cừu non. Những thay đổi đó hiện rõ trong lo sợ. Có trường hợp hổ báo liếm thánh giá. Khi cánh cửa đen ngòm hé mở, tin cũng khó, mà không tin cũng không được. Những hình thức khác nhau về tôn giáo mà con người thử phác hoạ, dù không hoàn chỉnh đến mấy, ngay cả khi tín ngưỡng không thành hình, ngay cả khi đường viền ngoài của giáo điều không khớp tí nào với những nét đặc biệt của vĩnh cứu cảm đoán, thì vào giây phút lâm chung vẫn có một chút rung động của linh hồn. Sau cuộc sống có một cái gì đó bắt đầu, áp lực đó đè lên giờ phút lâm chung.

Hấp hối là một kỳ hạn. Vào giây phút cuối cùng này, người ta cảm thấy trách nhiệm mơ hồ đè lên người. Việc đã qua làm phức tạp thêm điều sẽ tới. Quá khứ quay trở lại và đi sâu vào tương lai. Chốn đã tường cũng như chỗ chưa biết trở thành vực thẳm, và hai vực sâu ấy, một nơi người ta phạm tội lỗi, một nơi người ta được chờ đợi, hòa lẫn ánh phản quang với nhau. Chính sự kết quyện đó của hai vực thẳm khiến cho kẻ hấp hối phải hãi hùng.

Họ đã tiêu phí lần cuối cùng niềm hy vọng trong cuộc sống. Vì vậy mà họ quay lại phía kia. Họ chỉ còn tìm may rủi trong bóng tối đó thôi. Họ hiểu như vậy. Đó là một lóe sáng ảm đạm, tiếp ngay bằng một nỗi hãi hùng mới. Điều chợt hiểu trong phút giây hấp hối giống cái thấy được trong tia chớp. Tất cả, rồi thẳng có gì hết. Người ta thấy rồi người ta không thấy nữa. Sau khi chết, mắt lại mở ra, và cái trước đây là tia chớp sẽ trở thành mặt trời.

Họ gào to với lão tiến sĩ:

- Ngài! Ngài! Chỉ còn có ngài. Chúng tôi xin nghe theo ngài. Phải làm gì đây? Ngài nói đi!

Lão tiến sĩ đáp:

- Vấn đề là phải đi qua cái vực thắm vô định và tới cho được bờ bên kia cuộc sống, nó ở phía bên kia nấm mồ. Là người biết nhiều nhất nên tôi nặng tội nhất. Các người nên nhường boong thuyền cho kẻ mang nặng nhất.

Lão nói thêm:

- Hiểu biết đè nặng lương tâm.

Rồi lão lại nói:

- Chúng ta cỏn bao nhiêu thời gian nữa?

Galđizun nhìn vào vạch đo mức nước và đáp:

Hơn mười lăm phút một tí.

- Tốt - lão tiến sĩ nói.

Cái mái thấp lè tè của nắp cabin, chỗ lão đang chống khuỷu tay làm thành một thứ bàn. Lão tiến sĩ moi ở túi lọ mực, cái bút và cái ví rồi rút ra một tờ giấy da, vẫn tờ giấy lão đã viết ở mặt trái, mấy giờ trước, độ hai mươi dòng ngoằn ngoèo chi chít.

- Cho ánh sáng đây - lão nói.

Tuyết rơi như bọt thác, đã lần lượt làm tắt hết các bó đuốc. Chỉ còn có một bó. Avê Maria rút nó lên cầm chặt trong tay và đến đứng bên cạnh lão tiến sĩ.

Lão tiến sĩ lại bỏ ví vào túi, đặt lên nắp cabin cái bút và lọ mực, giở tờ giấy da ra và nói:

- Các người nghe đây.

Thế là, giữa biển cả, trên cái cầu nối thu hẹp đó, một thứ sàn rung rinh của mộ địa, bắt đầu giọng đọc trang nghiêm của lão tiến sĩ được toàn bộ bóng tối dường như lắng nghe. Tất cả những con người bị kết án kia cúi đầu xung quanh lão, ánh sáng đỏ rực của ngọn đuốc càng tăng vẻ tái mét của họ. Những điều lão tiến sĩ đọc, viết bằng tiếng Anh. Từng lúc, khi một trong những con mắt thảm hại kia có vẻ như yêu cầu một điều giải thích, lão tiến sĩ lại dừng và nhắc lại, hoặc bằng tiếng Pháp, hoặc bằng tiếng Tây Ban Nha, hoặc bằng tiếng Baxcơ, hoặc bằng tiếng Ý, đoạn văn lão vừa đọc xong. Có tiếng nức nở nghẹn ngào và tiếng đấm ngực thình thịch. Tấm mảng tiếp tục chìm dần.

Đọc xong, lão tiến sĩ đặt tờ giấy lên nóc cabin, cầm lấy bút và trên lề trắng chừa ở dưới chỗ đã viết, lão ký:

TIẾN SĨ GIECNAĐU GIEXTÊMUNĐÊ.

Rồi ngoảnh lại phía mấy người kia, lão nói:

- Đến đây, rồi ký vào.

Mụ người Baxcơ đến gần, cầm bút và ký Axunxi ông.

Mụ chuyển bút cho mụ người Iêclăng. Mụ này không biết viết, làm một dấu chữ thập.

Lão tiến sĩ, viết vào cạnh dấu chữ thập:

BACBARA FECMOA, ở đảo Tirip, trong Ebuyđơ.

Rồi lão chìa bút cho viên đầu đảng.

Tên thủ lĩnh ký GAIĐORA, Captan[89].

Tên người Giên, dưới tên thủ lĩnh, ký Giăngirat.

Tên Lăngơđốc ký GIĂNG CATUÔCZƠ, tức Nacbone.

Tên Prôvăng ký LUYC PIE CAPGARUP, nhà tù Mahông.

Dưới những chữ ký đó, lão tiến sĩ chú thích thêm:

- Trong ba thủy thủ, người chủ thuyền đã bị sóng hất xuống biển, chỉ còn hai, và đã ký.

Hai thủy thủ ghi tên dưới câu chú thích đó; tay Baxcơ miền Bắc ký GALĐIZUN. Tay Baxcơ miền nam ký AVE MARIA, ăn trộm. Đoạn lão tiến sĩ nói:

- Capgarup.

- Có - tên Provăng nói.

- Anh có cái bầu rượu của Acquanen phải không?

- Vâng. Đưa nó cho tôi.

Capgarup uống nốt ngụm rượu cuối cùng và đưa cái bầu cho lão tiến sĩ.

Nước tràn vào khoang càng mạnh. Tấm mảng càng lún sâu xuống biển cả. Các mép boong chênh chếch bị phủ một lớp sóng mỏng, cứ lấn dần, cứ lớn dần.

Tất cả đều tập hợp trên phần thuyền vểnh cong.

Lão tiến sĩ hơ khô mực chữ ký trước ngọn lửa đuốc, gập tờ giấy lại cho nhỏ hơn đường kính cổ bầu, và nhét nó vào trong bầu rượu.

Lão quát:

-  Nút.

- Tôi không biết nó đâu rồi - Gapgarup nói.

- Có mẩu thừng đây - Giăc Catuôzơ nói.

Lão tiến sĩ nút bầu rượu với mẩu thừng và nói:

- Lấy ít nhựa đường.

Galđizun đi tới phía trước, ấn một nắm bùi nhùi vào cái vỏ lựu đạn, làm nó tắt ngấm; hắn tháo khỏi khoang mũi và đưa đến cho lão tiến sĩ cái vỏ lựu đạn vẫn đầy đến một nửa nhựa đường nóng sôi.

Lão tiến sĩ nhúng cổ bầu vào nhựa đường rồi rút ra.

Bầu rượu, đựng tờ giấy da có chữ ký của tất cả mọi người, như vậy là được nút kỹ và gắn nhựa đường.

- Xong - lão tiến sĩ nói.

Từ tất cả mấy cái miệng kia thoát ra, ấp úng mơ hồ, bằng một thứ ngôn ngữ, tiếng lao xao ảm đạm của hầm mộ.

Xin được như nguyện:

- Mea Culpa![90]  - Asi Sea![91].

- Aro rai[92].

- A men!

Người ta có cảm giác như, trước sự từ chối hãi hùng của thượng đế không muốn nghe, đấy là những giọng nói buồn bã của Baben[93] đang tung tán vào tăm tối.

Lão tiến sĩ ngoảnh lưng lại các bạn đồng phạm tội ác và đồng cảnh hoạn nạn, bước mấy bước về phía mạn thuyền. Đến mép mảng lão nhìn vào cõi vô biên và nói bằng một giọng âm thầm sâu sắc:

- Bis du bei mir[94].

Chắc hẳn lão nói với bóng ma nào đó.

Tấm mảng vẫn chìm dần.

Sau lưng lão tiến sĩ, tất cả mọi người đều trầm ngâm. Cầu nguyện là việc bất đắc dĩ. Họ không cúi đầu, họ gập cả người lại. Trong ăn năn hối lỗi của họ có cái gì miễn cưỡng. Họ khuất phục như một mảnh buồm thiếu gió rủ xuống, và lũ người dữ tợn kia, dần dần, chắp tay và đập trán, tỏ thái độ khác nhau, nhưng đau khổ ê chề, phó mặc cho Chúa một cách tuyệt vọng. Không rõ một ánh sáng đáng tôn kính nào đó, từ vực thẳm đến, đang rạng dần trên những bộ mặt gian ác kia.

Lão tiến sĩ trở lại với họ. Mặc dù quá khứ của lão thế nào đi nữa, trước lúc kết thúc lão già này cũng vĩ đại. Cảnh im lặng bao la không nói hết xung quanh làm lão bận tâm, nhưng không làm lão bối rối. Đó là con người không bị bất ngờ.

Trong lão có sự hãi hùng bình tĩnh. Trên gương mặt lão là vẻ uy nghiêm của Chúa Trời được thấu hiểu.

Tên cướp già và trầm tư này có cái tư thế của một vị giáo hoàng mà không biết.

Lão nói:

- Chú ý.

Lão quan sát trời biển hồi lâu rồi nói thêm:

- Bây giờ chúng ta sẽ chết.

Rồi lão cầm lấy bó đuốc từ tay Avê Maria, lắc lắc.

Một ngọn lửa bắn ra, bay vào đêm tối.

Lão tiến sĩ quăng bó đuốc xuống biển.

Bó đuốc tắt ngấm. Mọi nguồn sáng đều tan biến. Chỉ còn bóng tối mông mênh vô định. Một cái gì như nấm mồ khép kín.

Trong cảnh mù mịt đó vang lên tiếng lão tiến sĩ:

- Chúng ta hãy cầu nguyện đi.

Tất cả mọi người đều quì xuống. Họ quì gối không phải trên tuyết nữa, mà trong nước.

Họ chỉ còn có mấy phút.

Chỉ một mình lão tiến sĩ vẫn đứng.

Những bông tuyết dừng lại trên người lão, lốm đốm như những vì sao, như những giọt lệ trắng, khiến lão hiện rõ trên nền trời đêm. Tưởng như đó là pho tượng biết nói của u minh.

Lão tiến sĩ làm dấu thánh giá, và cất tiếng, trong khi dưới chân lão đang bắt đầu cái dao động, gần như không nhận thấy, báo hiệu giây phút một mảnh rều sắp chìm nghỉm.

Lão nói:

- Pater noster qui es in Coelis.

Tên Prôvăng nhắc lại bằng tiếng Pháp :

- Lạy Cha chúng con ở trên trời.

Mụ Iêclăng láy lại bằng tiếng xứ Galơ, được mụ người Baxcơ hiểu.

- Ar nathair ata neamh.

Lão tiến sĩ tiếp:

- Sancti ficetur nemen tuum.

Chúng con nguyện danh Cha cả sáng - tên Prôvăng nói.

- Naomhthar hainm - mụ Iêclăng nói.

- Adveniat regnum tuum - lão tiến sĩ tiếp.

- Nước Cha trị đến - tên Provăng nói.

- Tigeadh de rioghachd - mụ Iêclăng nói.

Nước đã lên đến vai người quì gối rồi Lão tiến sĩ lại đọc:

- Fiat voluntas tua.

- Vâng ý cha - tên Prôvăng ấp úng.

Mụ Iêclăng và mụ người Baxcơ rống lên

- Beuntar do thoil ar an Hhalàmb!

- Sicut in coclo, et in terra - lão tiến sĩ nói.

Không giọng nói nào đáp lại lão.

Lão nhắm mắt. Tất cả mọi cái đầu đã ở dưới nước.

Không một ai đứng dậy. Họ đã cam chịu chết đắm trong tư thế quì gối.

Lão tiến sĩ đưa tay phải ra cầm lấy cái bầu rượu mà lão đã đặt trên mui, và giơ lên trên đầu.

Tấm mảng chìm hẳn.

Vừa chìm xuống, lão tiến sĩ vừa lầm rầm nốt đoạn cuối bài kinh.

Nửa người trên của lão còn ở ngoài nước một lúc, rồi đầu lão, rồi chỉ còn cánh tay cầm cái bầu như đưa cho cõi vô biên nhìn.

Cánh tay biến mất. Biển sâu không gợn tăm hơn một thùng dầu. Tuyết vẫn tiếp tục rơi.

Một vật gì đó nổi lềnh bềnh và theo sóng nước đi vào bóng tối. Đó là cái bầu rượu có nhựa đường nhờ có lớp vỏ mây nâng lên.

III. EM BÉ TRONG BÓNG TỐI

1. SEX HIL.

Bão táp trên đất liền cũng không kém phần mãnh liệt hơn ngoài biển cả.

Xung quanh em bé bị bỏ rơi cũng cái cảnh lồng lộn dữ tợn như thế. Khi mà những sức mạnh mù quáng phúng phí cơn giận vô ý thức thì kẻ yếu hèn và kẻ vô tội đành phó mặc cho may rủi; bóng tối đâu biết phân biệt; và sự vật làm gì có những chuyện nhân từ như người ta vẫn gán cho chúng.

Trên đất liền rất ít gió; rét có một cái gì đó bất động. Không một hạt mưa đá. Tuyết rơi dầy kinh khủng.

Mưa đá đánh quất, túi bụi, làm thâm tím mặt mày, làm ù tai, áp đảo, nhưng bông tuyết còn tệ hơn thế. Bông tuyết nghiệt ngã mà hiền lành, lẳng lặng hoạt động. Chạm vào nó, nó tan ra nước. Nó trong sạch như thằng giả dối ngây thơ. Chính bằng những lớp trong trắng thong thả chồng chất lên nhau mà bông tuyết trở thành băng đổ, và tên giảo quyệt đi đến tội ác.

Em bé vẫn tiếp tục bước trong sương mù. Sương mù là một chướng ngại vật mềm, do đó mà nguy hiểm; nó chịu thua nhưng vẫn dai dẳng; sương mù cũng như tuyết chứa đầy phản trắc. Em bé, như một đấu sĩ kỳ dị giữa tất cả những cảnh nguy hiểm ấy, đã lần được xuống chỗ cuối dốc và lọt vào Sex-hil. Nó đứng trên một eo đất mà không ngờ, hai bên đều là đại dương, và không thể nào lạc đường giữa màn sương đó, dưới lớp tuyết rơi đó và cảnh đêm tối đó, mà lại không lăn xuống nước sâu của vịnh sâu bên phải hay làm mồi cho sóng dữ của triền lên bên trái. Nó cứ lần bước giữa hai vực thẳm, không hay biết chút gì.

Eo đất Porlan thủa ấy hết sức gập ghềnh khó đi. Ngày nay nó không cỏn chút gì của cái hình thể ngày ấy nữa. Từ ngày người ta nẩy ra ý kiến khai thác đá Porlan để làm xi măng, toàn bộ ngọn núi đều bị đục đẽo, mất hẳn cái dáng vẻ xưa kia. Ở đấy ngày nay vẫn tìm được đá vôi thời kỳ Jura, đá Sixtơ, và lục thạch từ những vỉa kết nham đâm ra như răng lòi xỉ; nhưng cuộc xẻng đã phạt đứt và san bằng tất cả những chóp núi lởm chởm gồ ghề đó, nơi mà diều hâu hay đến đậu nom rất ghê tởm. Còn đâu những đỉnh nhọn để cho ó biển và hải tặc[95] có thể là nơi gặp gỡ tụ tập; cũng như những kẻ đố kị, chúng ưa làm ô uế các đỉnh cao. Có tìm cũng chẳng thấy ngọn núi bia Gôđômphanh, một từ ngữ cổ xưa của xứ Galơ, có nghĩa là chim ưng trắng. Mùa hè, trong những vùng đất bị khoan và đào thủng như bọt biển ấy còn hái được mê điệt, bạc hà, bào hương thảo dại, tiểu hồi hương biển, có thể pha uống như một thứ thuốc bổ quí, và thứ thuốc lá có nhiều mầu mọc ở cát dùng để dệt chiếu; nhưng ở đó chẳng bao giờ còn nhặt được hổ phách xám, hay thiếc đen, hay cái thứ đá ba lớp, màu xanh lục, màu xanh lam, màu lá đan sâm. Hồ ly, rái cá, chồn trắng, chồn nâu, đã đi hết; ở những vùng hiểm trở này của Porlan, cũng như ở mũi Cornuay, trước kia có hươu, nay không còn nữa. Trong một vài chỗ trũng vẫn đánh được thờn bơn, và cá pinsa, nhưng cá hồi sợ hãi không ngược sông Uê, giữa Xanh-Misen và Noen để đẻ trứng nữa. Người ta không còn thấy như thời Elizabeth các loài chim lạ ngày xưa, to như diều hâu, mổ vỡ đôi một quả táo ra và chỉ ăn hột. Ở đấy không gặp giống quạ mỏ vàng nữa, gọi theo tiếng Anh là Cornish chough, gọi theo tiếng la tinh lả pyrrocorax; chúng tinh nghịch vứt lên mái tranh những cành nho cháy. Cũng không còn thấy loại chim phù thủy, từ quần đảo Êcôx di cư tới, và vung ở mỏ ra một thứ dầu mà dân đảo thường dùng để thắp đèn.

Chiều chiều cũng không còn gặp trong tiếng triều róc rách, con neitse hoang đường ngày xưa, chân như chân lợn mà lại kêu tiếng như tiếng bê. Thủy triều cũng không còn tấp lên cát, giống hải thát có ria, tai cuốn, răng hàm nhọn, bò lết bằng những bàn chân không móng. Trong vùng Porlan ngày nay không còn nhận ra được này, trước kia chẳng bao giờ có họa mi vìkhông có rừng, nhưng chim ưng, thiên nga, và ngỗng biển thì đã bay đi hết. Cừu Porlan ngày nay thịt béo lông mịn; nhưng cách đây hai thế kỷ giống cừu cái gặm thứ cỏ mặn đắng lại nhỏ bé, thịt dai, lông thô, xứng với những bầy cừu Xentơ chăn dắt bởi những mục đồng ăn tỏi, sống đến một trăm tuổi và đứng xa nửa dặm vẫn có thể bắn thủng áo giáp bằng mũi tên dài hơn thước. Đất cằn cho len cứng. Sex-Hil ngày xưa, vì nó bị phá hoại quá nhiều bởi con người và bởi những ngọn gió dữ Xerlanh gặm mòn cả đá. Ngày nay do đất này có một con đường sắt chạy đến một khu bàn cờ đẹp toàn nhà mới, đó là Sexinhtơn, và có “ga Porlan”. Các toa tàu lăn bánh ở nơi mà ngày xưa những con hải báo quen bò lết.

Eo đất Porlan cách đây hai trăm năm là một cái lưng lừa bằng cát với một cột sống bằng núi đá.

Hiểm hoạ đối với em bé bỗng thay đổi hình thái. Lúc đi xuống, em sợ lăn xuống chân núi cheo leo, trên eo đất, em lại sợ thụt ngã vào các hố sâu. Sau khi gặp vực thẳm, em lại đụng phải vũng lầy. Ở bờ biển mọi thứ đều là cạm bẫy. Núi đá thì trơn, bãi cát thì sụt. Các điểm tựa đều là chỗ mai phục. Cứ như người đặt chân lên kính. Cái gì cũng có thể thình lình rạn nứt dưới chân. Chỗ rạn vỡ là nơi bị mất hút. Đại dương có những chỗ ngồi hạng ba ở tầng dưới, y hệt một nhà hát lớn khéo xây dựng.

Những sông núi hoa cương dài làm chỗ tựa cho hai triền eo đất rất khó leo trèo. Thật khó tìm ra cái mà trong nghề đạo diễn sân khấu người ta gọi là chỗ đặt chân. Con người không trông mong gì được đại dương đón tiếp, núi đá cũng chẳng hơn gì sóng nước; chỉ có chim và cá mới được biển cả dự kiến trước. Đặc biệt các  eo đất đều trơ trụi và lởm chởm. Sóng nước mài mòn và đục ruỗng từ hai phía, thu nhỏ chúng lại theo dạng giản đơn nhất. Khắp nơi đều là góc sắc, đỉnh cao, cưa nhọn, đều là những mảnh núi rách xơ dễ sợ, những lỗ hoác đầy răng như hàm cá mập lởm chởm, đều là rêu phong ẩm ướt dễ ngã, là đá lăn cuội đổ tuồn tuột xuống bọt sóng. Ai có ý định trèo qua một eo đất thì mỗi bước lại gặp những tảng đá dị hình to như những toà nhà. giống xương ống chân, xương bả vai, xương đùi, một kiểu mổ xẻ ghê rợn về những tảng núi bị lột hết da. Không phải ngẫu nhiên mà những đường nét bờ biển ấy lại được gọi là Côt-tơ[96]. Khách bộ hành tùy khả năng của mình mà thoát khỏi chốn ngổn ngang đổ nát đó. Lần bước qua bộ xương của một cái xác khổng lồ, việc khó nhọc đó cũng na ná như thế.

- Bạn cứ đặt một đứa bé vào cái công việc khó khăn đó của Ecquyn[97].

Giá giữa ban ngày thì tốt, nhưng lúc ấy lại là đêm khuya, lẽ ra cần có người dẫn đường thì nó chỉ trơ trọi một thân. Tất cả sức mạnh của một người lớn cũng không thừa, thế mà nó chỉ có chút sức tàn của một đứa bé. Thiếu người dẫn đường, một lối mòn cũng có thể giúp ích cho nó. Vậy mà chẳng có lối mòn nào cả.

Theo bản năng, nó tránh dãy núi nhỏ nhọn hoặc và cứ cố sức lần dọc theo bãi. Ở đấy nó gặp phải các bãi lầy.

Nhẵng bãi lầy trước mặt nó chi chít ba dạng, sụt nước, sụt nước, sụt cát. Đó là nạn sa lầy.

Biết được cái phải đương đầu thì hoang mang lo sợ, nhưng không biết mới thật khủng khiếp. Đứa bé chiến đấu với mối nguy cơ xa lạ. Nó dò dẫm từng bước trên cái có lẽ là mồ chôn nó.

Không chút do dự, nó đi vòng các ngọn núi. Nó tránh các hố sâu, đoán mò những cạm bẫy, cố lần theo những chỗ ngoằn ngoèo của chướng ngại vật nhưng vẫn tiến tới. Không đi được thẳng lưng, nó bước thật thận trọng.

Khi cần, nó kiên quyết quay lui. Nó kịp thời biết rút chân ra khỏi cát chất dính ghê tởm của cát lầy. Nó rũ tuyết bám trên người. Mấy lần nó bị sụt nước đến đầu gối. Ra khỏi nước, manh áo tả tơi ướt sũng của nó lại lập tức đóng băng vì cái lạnh ghê người của đêm tối. Nó bước nhanh trong bộ quần áo cứng. Tuy vậy nó cũng đã khéo giữ được khô và ấm trên ngực chiếc áo khoác thuỷ thủ.

Nó vẫn đói cồn cào.

Những chuyện bất ngờ của vực thẳm không bao giờ có giới hạn, mọi khả năng đều có thể xảy ra, kể cả sự cứu thoát. Lối ra tuy không nhìn thấy nhưng có thể tìm được. Mình quấn một lớp tuyết ngột ngạt, lạc đường trên một đất nhỏ hẹp giữa hai mỏm của vực sâu, chẳng nhìn thấy gì dưới ấy liệu đứa bé có vượt qua được eo đất không, đó là điều chính bản thân nó có lẽ cũng không thể nói ra dược: Nó đã trượt, đã leo, đã lăn, đã tìm, đã bước, đã kiên trì, có thế thôi. Đó là bí quyết của tất cả mọi chiến thắng. Sau quãng không đầy một tiếng đồng hồ, nó cảm thấy mặt đất cứ cao dần, nó đang đến bờ bên kia, đang ra khỏi Sex-Hil, đang đứng trên đất cứng.

Cái cầu hiện nay nối liền Xenfor-cas với Xmonmaoxen hồi ấy không có. Chắn hẳn trong lúc dò dẫm khôn ngoan, đứa bé đã lần đến tận Oaikơ-rêgít, lúc ấy có một cái doi cát, y như một mặt đường tự nhiên thật sự, chạy suốt Ixt-Flít. Nó đã thoát khỏi eo đất, nhưng một lần nữa lại phải đối diện với bão táp, với trời đông, với đêm tối.

Trước mặt nó lại trải ra tít tắp những cánh đồng mù mịt. Nó nhìn xuống đất, cố tìm lấy một lối mòn.

Thình lình nó cúi xuống.

Nó vừa nhận thấy trên tuyết một cái gì như một dấu vết.

Đây là một dấu vết, là nét hằn của một bàn chân: Màu tuyết trắng làm nổi bật ấn tích nên nhìn rất rõ. Nó ngắm kỹ. Đây là một bàn chân đi đất nhỏ hơn chân đàn ông, to hơn chân con trẻ. Hẳn là chân một người đàn bà.

Quá dấu đó, có một dấu khác, rồi lại một dấu khác, các ấn tích cứ nối tiếp cách nhau độ một bước, và đi sâu vào cánh đồng, phía tay phải. Chúng hãy còn mới và có một ít tuyết phủ lên trên.

Một người đàn bà mới đi qua đây. Người đàn bà này đã bước và cùng đi về hướng mà đứa bé nhìn thấy có khói. Đứa bé, mắt nhìn xoáy chặt vào dấu vết, cố lần theo bước chân.

2. HẬU QUẢ CỦA TUYẾT.

Nó lần mò hồi lâu theo dấu chân đó. Không may, dấu vết mỗi lúc một mờ. Tuyết rơi dày đặc và dễ sợ. Đây là lúc chiếc thuyền con hấp hối, cũng dưới lớp tuyết đó ngoài biển khơi.

Đứa bé, cũng lâm nguy như chiếc thuyền, nhưng có khác là trong cảnh tối tăm chằng chịt không gỡ nổi đang sừng sững trước mắt, nó chỉ có mỗi bàn chân in dấu trên tuyết kia, cố bám vào dấu chân đó như đầu mối mê cung.

Đột nhiên, hoặc do tuyết san bằng hoặc do một lý do nào khác, mọi dấu vết đều bị xoá sạch. Tất cả lại bằng phẳng, nhẵn nhụi sát đất, không còn chỗ nhoà, không một chi tiết. Chỉ còn một tấm khăn trắng trải trên mặt đất và một tấm khăn đen chăng kín bầu trời.

Cứ như thể người đàn bà qua đường đã bay hổng.

Đứa bé cùng đường cúi xuống, cố tìm kiếm.

Hoài công.

Đúng lúc vừa ngẩng lên, em bỗng có cảm giác như nghe được một tiếng gì đó không rõ, nhưng chưa chắc đã có nghe. Nó giống tiếng người, giống hơi thở, giống bóng đen. Nó mang tính chất người hơn thú vật và ma quái hơn sống động. Đó là tiếng động, nhưng lại là chiêm bao.

Đứa bé nhìn nhưng chẳng thấy gì hết.

Trước mắt em, hoang vu bát ngát, trần trụi, tái nhợt.

Em lắng nghe. Điều mà ban nãy em tưởng như nghe được đã tan biến mất rồi. Có lẽ em không hề nghe thấy gì cả. Em lại dỏng tai. Tất cả vẫn im lìm.

Trong toàn bộ cảnh sương mù ấy có cái phần ảo mộng. Em lại cất bước đi nữa.

Cất bước hú hoạ thôi, vì từ đây không còn dấu chân kia nữa để dẫn dắt. Đứa bé vừa đi được mấy bước, bỗng tiếng động lại bắt đầu. Lần này em không thể nào nghi ngờ. Đó là tiếng rên rỉ, gần như một tiếng nức nở.

Em ngoảnh lại. Em đưa mắt nhìn khắp không gian của đêm tối. Em chẳng thấy gì hết.

Tiếng động lại nổi lên

Nếu u linh có thể kêu gào được, ắt nó phải kêu gào như thế.

Không gì thương tâm, não lòng và yếu ớt như cái tiếng giọng ấy. Vì đó là một giọng người. Từ một linh hồn vọng đến. Trong giọng than van ấy có riêng phập phồng. Tuy nhiên nó có vẻ hầu như vô tâm. Nó tương tự như một niềm đau khổ đang kêu gọi, nhưng không biết chính mình là đau khổ và mình đang kêu gọi. Tiếng kêu, có lẽ là hơi thở đầu tiên, có lẽ là hơi thở cuối cùng, lơ lửng giữa tiếng khò khè kết thúc cuộc đời và tiếng oa oa mở đầu cuộc sống. Nó thở, nó nghẹn ngào, nó nức nở. Tiếng kêu van thảm thiết trong chốn vô hình.

Đứa bé tập trung chú ý nhìn khắp chốn phía xa, gần, đáy vực trên cao, dưới thấp. Chẳng có ai cả. Chẳng có gì cả.

Em dỏng tai. Giọng đó vẫn văng vẳng. Rõ mồn một. Gần giống tiếng cừu non.

Em bỗng sợ quá và nghĩ ngay đến chuyện chạy trốn.

Tiếng rên rỉ lại nổi lên. Đây là lần thứ tư. Nghe khốn khổ và ai oán một cách kỳ dị. Người ta cảm thấy sau cố gắng cùng cục đó, vô ý thức hơn là dụng tâm, tiếng kêu có lẽ sắp tắt. Đây là một lời đòi hỏi sắp đứt hồ theo bản năng gửi tới vô vàn thế lực còn trơ lơ lửng trong không trung, đó là một lời ấp úng trong giờ phút lâm chung dâng lên thương đế có thể có được. Đứa bé vội vã tiến về phía có tiếng vọng.

Vẫn chẳng nhìn thấy gì.

Em lại vừa tiến vừa nghe ngóng.

Tiếng than lại tiếp tục. Từ chỗ mơ hồ, không rõ, nó trở thành rõ ràng và hầu như rung rung. Đứa bé đã đến sát gần. Nhưng Ở đâu.

Em đang đứng bên một tiếng kêu than, âm vang run rẩy của một tiếng than trong không trung đang lướt qua bên cạnh. Em vừa bắt gặp một tiếng rên rỉ của con người lơ lửng trong chốn vô tình. ít ra đó là cảm giác của em. cũng mờ mịt hưu lớp sương mù sâu thẳm trong đó em đang chìn ngập.

Đang lúc do dự giữa một bản năng thúc đẩy nên chạy trốn và một bản năng bảo nên đứng lại, em bỗng nhận thấy trên tuyết, ở chân nó, cách vài bước phía trước một mô sóng dài bằng thân người. một gò nhỏ thâm thấp, dài hẹp, giống như chỗ hõm của một cái hố, hệt một nấm mồ trong nghĩa địa trắng xoá.

Đồng thời cái giọng đó lại vang lên.

Chính dưới đó thoát ra giọng người.

Đứa bé vội vàng cúi xuống, ngồi xổm trên mô sóng tuyết và đào bới bằng cả hai bàn tay.

Em thấy hằn lên, dưới lớp tuyết gạt ra, một hình dáng, và thình lình, dưới hai bàn tay của em, trong cái hố đang đào, hiện lên một khuôn mặt tái mét.

Không phải khuôn mặt đó phát ra tiếng kêu. Trên mặt, hai mắt nhắm nghiền, cái mồm há mở, nhưng đầy tuyết.

Bộ mặt cứng đờ, không nhúc nhích dưới bàn tay đứa bé. Vì mấy đầu ngón tay buốt cóng, nên lúc sờ vào bộ mặt lạnh, em be rung cả mình. Đó là đầu của một phụ nữ. Tóc tai lẫn lộn với tuyết. Người đàn bà đã chết rồi.

Đứa bé cố công gạt tuyết. Cổ người chết lòi ra, rồi phần trên ngực lộ cả da thịt dưới lớp áo rách.

Thình lình dưới bàn tay dò dẫm của mình đứa bé cảm thấy có một cử động rất khẽ. Một cái gì nhỏ bé bị vùi lấp và đang nhúc nhích. Em lại hối hả bới tiếp và phát hiện ra thân hình khốn khổ của một hình hài ốm yếu và tái ngắt vì rét, nhưng vẫn còn sống, trần trụi trên lồng ngực của người đàn bà đã chết.

Đó là một bé gái.

Nó cũng được quấn lót, nhưng bằng một mớ giẻ quá ít ỏi, và trong khi giãy giụa, nó đã tuột ra khỏi mớ tã rách. Tay chân gầy guộc, hơi thở của nó hơi thở của nó làm tan một ít tuyết bên dưới và phủ trên.

Một người bảo mẫu ắt phải đoán là cháu mới năm sáu tháng, nhưng có lẽ cháu đã đầy tuổi, vì trong đói khổ, sự phát triển bị thu rút một cách thương tâm, đôi khi dẫn đến sự còi cọc. Khi ló được mặt ra khí trời, cháu khóc ré lên và tiếp tục tiếng thổn thức đau khổ. Người mẹ mà không nghe thấy được tiếng thổn thức đó hẳn đã chết từ lâu.

Thằng nhỏ ẵm em bé vào lòng.

Người mẹ cứng đờ nom thật thê thảm. Một cái gì có vẻ ma quái toả ra từ khuôn mặt kia. Cái mồm há hốc không hơi thở dường như bắt đầu trả lời câu hỏi đặt ra cho những người chết trong chốn vô hình bằng thứ ngôn ngữ không rõ ràng của bóng tối. Trên khuôn mặt kia là phản quang nhợt nhạt của những cánh đồng giá buốt. Người ta thấy rõ vầng trán còn trẻ, dưới mái tóc nâu, dôi lông mày hầu như cau có, phẫn nộ, cánh mũi co dúm, mí mắt nhắm nghiền. Lông mi dán chặt vì sương băng, và từ khoé mắt đến khoé môi, nếp nhăn hằn sâu vì khóc lóc. Tuyết chiếu sang người chết. Trời đông và mộ địa không làm hại nhau. Xác chết là cục băng hình người. Hình ảnh đôi vú để trần thật đau lòng. Chúng đã từng có ích cho đời, chúng mang dấu vết héo hon cao cả của cuộc sống đã được chính con người thiếu cuộc sống cống hiến, và ở chúng vẻ uy nghiêm thay thế cho sự trong trắng trinh bạch. Ở đầu vú có một hạt ngọc trắng ngần. Đó chính là giọt sữa đã đóng băng.

Xin nói ngay, cách đấy mấy tiếng, chính tren cánh đồng này, nơi đến lượt đứa bé lạc đường đi qua, một chị ăn mày vừa cho con bú vừa tìm chỗ trú, đã bị lạc. Vì cóng rét chị đã ngã xuống dưới bão táp và không đứng dậy nổi. Băng tuyết phủ kín người chị. Chị cố sức ôm chặt đứa con vào lòng và đã trút hơi thở cuối cùng.

Cháu gái đã bú pho tượng đá đó.

Lòng tin tưởng thảm thương do thiên nhiên sắp đặt, vì hình như người mẹ vẫn có thể cho con bú ngay cả sau khi thở hơi cuối cùng.

Nhưng miệng cháu bé không tìm được vú, nơi đây giọt sữa bị thần chết lấy đi đã đóng băng và cháu bé, vốn quen nôi ấm hơn mộ địa, đã kêu khóc dưới lớp tuyết dày.

Thằng nhỏ bị bỏ rơi đã nghe thấy tiếng cháu bé hấp hối.

Nó đã đào được cháu bé lên.

Nó đã ôm cháu bé vào lòng.

Cảm thấy được nằm trong vòng tay, cháu bé thôi khóc. Hai khuôn mặt trẻ thơ áp sát vào nhau và đôi môi tím ngắt của cháu bé dán chặt vào má thằng nhỏ như vao vú mẹ.

Cháu gái hầu như sắp đến lúc mà máu đông cứng sắp chặn đứng trái tim. Bà mẹ đã để lại cho con một chút gì trong cái chết của mình, tử thi vốn hay lây, đó là cái lạnh dễ nhiễm. Bàn chân, bàn tay, cánh tay, đầu gối cháu bé như bị liệt vì băng đá. Thằng nhỏ cảm thấy lạnh khủng khiếp.

Trên người nó có chiếc áo khoác khô và ấm. Nó đặt vội cháu bé lên ngực người chết, cởi áo khoác của mình ra, quấn cho cháu tôi lại ẵm cháu lên. Bây giờ gần như trần trụi dưới những đợt tuyết do gió bấc thổi tới, ôm cháu bé trong lòng, nó lại cất bước đi nữa.

Cháu bé vớ được má thằng nhỏ, liền áp mồm vào và được ấm hẳn lên, ngủ thiếp luôn.

Đó là cái hôn đâu tiên của hai linh hồn này trong tăm tối. Người mẹ vẫn nằm ở đất, lưng dán xuống tuyết, mặt ngửa lên trời đêm. Những lúc thằng nhỏ cởi áo quần cho cháu bé, có lẽ từ chốn sâu thẳm vô biên của mình, người mẹ cũng đã nhìn thấy nó.

3. ĐƯỜNG ĐAU KHỔ NÀO CŨNG CÓ THÊM GÁNH NẶNG.

Đã hơn bốn giờ đồng hồ một tí, kể từ lúc chiếc thuyền con rời khỏi vũng Prolan, bỏ thằng hé lại trên bờ. Từ những giờ phút đằng đẵng bị bỏ rơi đó, và cứ đi tới mất, nó chỉ mới gặp, trong cái xã hội con người mà có lẽ nó sắp bước vào, có ba người, một nam, môi nữ, và một đứa bé. Một nam, người đàn ông trên đồi, một nữ, người đàn bà trong tuyết, một đứa bé, cháu gái nó đang ẵm trên tay.

Nó đã kiệt quệ vì mệt, vì đói.

Nó bước quả quyết hơn lúc nào hết, bớt mất một phần sức khoẻ và thêm lên một gánh nặng.

Lúc này nó gần như không có quần áo. Chút ít đồ rách còn lại trên người, vì sương băng đóng cứng, sắc như kính và làm xây xước cả da thịt. Mỗi phút nó một lạnh thêm nhưng cháu hé kia lại mỗi giây một thêm ấm áp. Cái nó mất đi đã không mất hẳn, cháu bé lại thu về. Nó nhận thấy hơi nóng đó đối với cháu bé đáng thương là một sự hồi sinh.

Nó tiếp tục bước tới. Thỉnh thoảng vừa ẵm chặt cháu bé, nó vua cúi xuống và, bằng một tay, bốc tuyết xát mạnh vào hai chân cháu bé để chúng khỏi bị tê cóng.

Có lúc, họng rát bừng bừng như cháy, nó lại bỏ vào mồm một ít tuyết, mút mút, nhờ thế mà đánh lừa được cái khát một phút, nhưng lại đổi khát thành sốt. Giảm bớt hoá ra nặng thêm.

Cơn bão tuyết lồng lộn điên cuồng đã mất hết cả hình dạng, có thể có những trận đại hồng thuỷ của tuyết mà đây là một. Có thể đã đảo lộn khu duyên hải đồng thời xáo động đại dương. Hẳn đây là lúc chiếc thuyền con luống cuống đang tan rã trong cuộc chiến đấu chống đá ngầm.

Dưới luồng gió bấc đó, vượt qua đống tuyết bao la, đứa bé cứ hướng đông đi tới mãi. Nó không biết đã mấy giờ rồi. Từ lâu nó không nhìn thấy khói nữa. Nhưng dấu hiệu đó trong đêm tại thường chóng bị xoá nhoà, vả lại cũng đã quá giờ tắt lửa, cuối cùng có lẽ nó nhầm và có thể không làm gì có thành phố làng mạc ở phía nó đang hướng tới.

Trong ngờ vực, nó vẫn kiên trì.

Hai ba lần cháu bé khóc thét lên.

Nó trên vừa bước vừa đu đưa khe khẽ, cháu bé lại dịu đi và nín thít. Cuối cùng cháu ngủ tay một cách ngon lành. Nó vừa run vừa cảm thấy cháu bé được ấm.

Nó luôn tay khép chật những nếp áo khoác quanh.

Không có tiếng người nào cất lên, không có bước chân nào khua động. không ngọn đèn nào thắp sáng.

Nó nghĩ bụng, ở đây người ta cũng chẳng buồn dậy. Trong toà nhà đá và trong túp lều tranh cũng vẫn một kiểu câm điếc trước những người khốn khổ.

Đứa bé quyết định đi xa hơn và bước sâu vào cái hẻm kéo dài trước mặt, tối om đến mức tưởng như đây là quãng cách giữa hai vách biển chứ không phải lối vào một thành phố.

4. DẠNG KHÁC CỦA HOANG VU.

Nó đang đi vào Uêmơt.

Uêmơt ngày ấy không giống Uêmơt vinh dự và lộng lẫy ngày nay. Uêmơt cũ không có, như Uêmơt hiện nay, một bến tàu thẳng tắp tuyệt đẹp với một bức tượng và một lữ quán để tưởng nhót Giorgiơ đệ Tam. Lý do là vì lút ấy Giorgiơ đệ Tam chưa ra đời. Cũng vì lý do đó, ở sườn ngọn đồi xanh phía đông, người ta chưa vẽ trên mặt đất, bằng những mảnh cỏ trồng và đá phấn, con ngựa trắng dài một ac-păng, con "Bạch mã", đỡ một vị vua trên lưng, và chổng đuôi về phía thành phố, cũng vẫn để biểu dương Giorgiơ đệ Tam. Vả lại những vinh dự trên cũng xứng đáng thôi, Giorglơ đệ Tam, lúc về già đã mất hết cái tài tử mà thời trai trẻ ông không bao giờ có, hoàn toàn không chịu trách nhiệm về những tai hoạ dưới triều đại mình ông là một người vô tội. Tại sao lại không dựng tượng.

Cách đây một, trăm tám mươi năm, Uêmơt gần đối xứng như một bàn cờ lộn xộn. Anh chàng Axtarôt trong chuyện thần thoại đôi khi dạo chơi trên mặt đất, lưng đeo một cái bị hai túi trong có đủ mọi thứ, kể cả các bà hiền lành ngồi trong nhà. Một lô lều lán hỗn độn từ cái bị ma đó đổ ra cho ta ý niệm về Uêmơt không lịch sự ngày xưa. Và trong các lều lán, có thêm cả các bà hiền lành nữa. Kiểu nhà như thế, hiện nay còn cái hội quán của các Nhạc sĩ. Một loạt những căn nhà tối tăm táp nham bằng gỗ chạm và rêu phong, đấy cũng là một kiểu trổ chạm khác, những ngôi nhà gạch dị hình xiêu vẹo, một số có cột ngôi nọ dựa vào ngôi kia, để khỏi bị gió biển vặn đổ và chìa ra những quãng cách hẹp hình thành một hệ thống đường sá ngoằn ngoèo vụng về, gồm những ngõ hẻm, và ngã tư thường thường ngập nước triều vào tiết cân phân, một mớ bát nháo những ngôi nhà cũ kỹ quây quần xung quanh một toà nhà thờ có từ thời cụ kỵ, đấy là Uêmơt. Uêmơt giống một kiểu làng Noóc-măng ngày xưa trôi giạt sang bờ biển nước Anh.

Du khách, giá có bước vào cái lữ quán ngày nay đã được thay thế bằng khách sạn, đáng lẽ chi tiền một cách đế vương để có được một con thờn bơn rán và một chai vang hai mươi nhăm phrăng, đã phải nhục nhã xơi hai xu cháo cá, tuy thế cũng rất ngon lành. Thật là thảm hại.

Thằng nhỏ lạc đường bế con bé bắt được đi vào phố đầu tiên, sang phố thứ hai, rồi sang phố thứ ba. Nó ngước mắt nhìn lên các tầng gác và các mái nhà để tìm một ô kính sáng, nhưng tất cả đều đóng kín và tắt ngấm. Chốc chốc nó lại gõ vào cửa. Chẳng người nào lên tiếng cả. Có trái tim nào sắt đá bằng khi đã nằm êm ấm trên chăn dưới đệm. Tiếng động và những rung chuyển ấy cuối cùng đã làm con bé tỉnh dậy. Thằng nhỏ nhận thấy thế vì nó cảm thấy buồn buồn ở má. Con bé tưởng là mẹ nên không khóc.

Nó đánh liều đi rẽ và lần mò có lẽ khá lâu trong những ngõ hẻm ngang dọc của Xkơrembrít, hồi ấy ở đây cây trồng nhiều hơn nhà cửa, và hàng rào gai nhiều hơn chỗ ở, nhưng nó đã may mắn đi vào một hành lang hiện nay vẫn còn cạnh Trimiti- Xcun. Hành lang này dẫn nó tới một bãi biển vốn là một bến cảng thô sơ có bao lơn, và bên tay phải nó nhận thấy một cái cầu.

Cầu này là cầu sông Uê nối liền Uêmơt với Mencâm Rêgix, và qua các vòm cầu Hachua ăn thông với Bek Uotơ.

Uêmơt thôn lúc ấy là ngoại ô của Mencâm Rêgix phố và cảng, ngày nay Mencâm Rêgix là một giáo khu của Uêmơt. Làng xóm, đã thu hút mất thành phố. Quá trình diễn biến đó nhờ ở cái cầu kia. Cầu là loại máy hút đặc biệt, hút dân số và đôi khi làm cho một khu bến bãi to lên nhưng lại gây thiệt hại cho một khu đối diện.

Thằng bé đi đến bên chiếc cầu đó: thời ấy nó chỉ là một chiếc cầu gỗ nhỏ có mái. Nó đi qua chiếc cầu nhỏ đó.

Nhờ mái cầu, trên sàn không có tuyết: Đôi bàn chân trần của nó được một lúc dễ chịu khi bước lên những tấm ván khô đó.

Qua khỏi cầu nó đứng giữa Mencâm Rêgix.

Ở đấy nhà gỗ ít hơn nhà đá. Đấy không phải thị trấn nữa mà là thành phố. Cái cầu dẫn đến một phố khá đẹp, phố Xanh Tôma. Nó đi thẳng vào. Đường phố có những hồi nhà cao chạm trổ, và đây đó những của hàng. Nó bèn gõ vào các cửa. Nó chẳng còn mấy hơi sức nữa để gọi và gào.

Ở Mencâm Rêgix cũng như ở Uêmơt chẳng ai nhúc nhích cả. Nhà nào cũng cửa đóng then cài. Cửa sổ nào cũng có ván ngoài y như mắt thêm mí. Đề phòng rất chu đáo để khỏi bị thức giấc, giật mình khó chịu.

Thằng bé lang thang chịu cái áp lực khó định nghĩa của thành phố ngủ. Những cảnh im lìm kiểu tổ kiến bị tê liệt đó toát lên một cảm giác chóng mặt. Tất cả những trạng thái mê man đó hoà lên ác mộng của chúng, loại giấc ngủ như vậy nhiều lắm và từ những thân hình không cựa quậy đó thoát ra những mộng mị hão huyền. Giấc ngủ có những sự tương tự đen tối không có trong cuộc sống, tư tưởng bị phân tích của những người ngủ chờn vờn bay lên người họ như một thứ hơi nước vừa sinh động vừa đứng im, và kết hợp với cái có thể chắc hẳn cái này cũng đang suy nghĩ trong không gian. Vì vậy mà nẩy sinh những sự rối rắm. Chiêm bao như một đám mây chồng chất những lớp dày đặc và những lớp trong suốt của nó lên cái ngôi sao tinh thần mà. Bên trên những mi mắt khép kín mà ảo giác đã thay thế thị giác, những cái hư và những cái thực tan ruỗng cứ giãn nở trong chốn không thể nào nắm bắt được. Những cảnh sinh hoạt bí mật tản mạn kết hợp với cuộc sống chung ta bên bờ cái chết vẫn dược gọi là giấc ngủ. Sâu bọ và linh hồn quấn quít với nhau trong không khí. Ngay đến con người không ngủ cũng cảm thấy trĩu nặng trên mình cái không khí tràn đầy của một cuộc sống bi đát. Cái ảo tưởng xung quanh, cải thực tế đoán được, làm họ khó chịu. Con người tỉnh táo khi bước giữa những hồn ma trong giấc ngủ của kẻ khác thường dồn đẩy bừa bãi những hình bóng đi qua, họ có, hay tưởng như có, cái cảm giác ghê rợn mơ hồ khi phải hằn học đụng chạm với cái vô hình, và lúc nào họ cũng cảm thấy sức dấy tối tăm của một cuộc gặp gỡ khó tả đang tan biến. Bước đi giữa cảnh tản mạn ban đêm của mộng mị đó, người ta có những cảm xúc của rừng sâu.

Đó là cái người ta gọi là sợ mà không hiểu vì đâu.

Điều một người lớn cảm thấy, một đứa bé còn cảm thấy nhiều hơn.

Cảm giác khó chịu của tâm trạng hãi hùng giữa đêm khuya, bị những ngôi nhà ma quái kia khuếch đại, dồn thêm vào tất cả cái sâu thẳm chung mà nó đang phải chống đỡ kia.

Nó đi vào Conica Lên, và gặp ngay đầu ngõ này Basơ Uotơ mà nó cứ tưởng là đại dương, nó không biết biển ở phía nào nữa, nó quay lại, rẽ sang trái theo phố Maiđơn, vả lùi đến tận phố Xanh Anban.

Ở đây, dựa vào may rủi và không cần lựa chọn, gặp nhà nào nó cũng gõ thật mạnh. Vì nó dồn hết chút sức tàn còn lại, nên những tiếng đáp cửa lúc này nghe loạn xạ và ngắt quãng, với từng hồi từng chập gần như giận dữ. Đó là tiếng cơn run sốt của nó đập vào cửa.

Chợt cố tiếng đáp lại.

Đó là tiếng thời gian.

Ba giờ sáng thong thả vang lên sau lưng nó trên cái gác chuông Xanh Nicôla già lão.

Rồi mọi vật lại chìm sâu vào tĩnh mịch.

Đến một cửa mái cũng không hé mở, điều đó có thể xem như kỳ dị. Tuy nhiên trong một chừng mực nào, sự im tiếng đó cũng có thể giải thích được. Phải nói rằng tháng giêng năm 1690, Luân đôn vừa trải qua một nạn địch lớn, và nỗi lo sợ phải đón tiếp những người ốm lang thang khiến cho khắp nơi lòng hiếu khách đều có phần giảm sút. Người ta không cả hé cửa sổ vì sợ hít thở phải uế khí.

Thằng hé cảm thấy sự lạnh lùng của con người còn khủng khiếp hơn cái lạnh của đêm tối. Đây là một cái lạnh cố tình. Em cảm thấy một nỗi xót xa thất vọng mà em đã không có trong những giờ phút cô đơn vừa rồi. Lúc này em đã trở về với cuộc sống của một người, vậy thà em vẫn cô đơn. Thật quá đỗi cay đắng. Hoang vu tàn nhẫn nó đã hiểu, nhưng thành phố khắc nghiệt thì quá lắm.

Thời gian mà nó vừa đếm từng tiếng lại góp thêm một nỗi thất vọng. Có những trường hợp không gì giá buốt như tiếng chuông thời gian. Đó là một lời tuyên bố về thái độ thờ ơ. Đó là tiếng nói của vĩnh cửu: việc gì đến ta!

Nó đứng lại. Và chắc gì trong giây phút ai oán đó, nó lại không tự hỏi, cứ nằm ra đây mà chết có giản đơn hơn không.

Trong khi ấy con bé ngả đầu và vai nó và lại ngủ nữa. Sự tin cậy khó hiểu đó lại thúc giục nó đi tiếp.

Từ lâu, chỉ gặp xung quanh toàn chuyện sụp đổ, lúc này nó bỗng cảm thấy mình là một điểm tựa. Thôi thúc sâu sắc của nhiệm vụ.

Những ý nghĩ đó, cũng như hoàn cảnh đó đều không hợp với tuổi nó. Có thể là nó không hiểu nổi những thứ đó: Nó chỉ hành động theo bản năng. Nó chỉ biết làm.

Nó bước theo hướng phố Gionxton.

Nhưng lúc này nó không bước nữa, mà nó lết.

Nó bỏ phố Xanh Mêri trên trái, lần mò trong các ngõ hẻm chữ chi và khi ra khỏi một đường ống ngoằn ngoèo giữa hai túp lều nát, nó lại đứng giữa một khoảng trống khá rộng. Đó là một mảnh đất hoang không có nhà cửa, chắc là địa điểm của quảng trường Sextơfin ngày nay. Nhà cửa đến đấy thì hết. Bên phải nó thấy có biển, và bên trái chẳng còn gì là thành phố nữa.

Rồi ra sao đây? Cánh đồng lại bắt đầu. Phía đông, những mái tuyết lớn nghiêng nghiêng đánh dấu những triền núi Radipon. Có nên tiếp tục cuộc hành trình này nữa không? Có nên đi tới và trở lại với những cảnh cô liêu nữa không? hay là lùi bước và trở về với các đường phố. Làm gì giữa hai cảnh im lặng này, giữa cánh đồng câm và thành phố điếc? Trong hai thái độ ruộng rẫy này chọn cái nào

Có cái neo từ bi thì cũng có cái nhìn bác ái. Chính đứa bé thất vọng đang đưa cái nhìn đó ra khắp bốn xung quanh.

Thình lình em nghe có tiếng doạ nạt.

5. YẾM THẾ GIỄU CỢT

Không biết tiếng rít lạ lùng và khẩn cấp nào trong bóng tối đã đến tận tai nó. Có đủ lý do để giật lùi. Nó cứ bước tới.

Đối với những người thất đảm vì vắng lặng thì một tiếng gầm rống lại dễ chịu.

Cái tiếng mỉa mai hung dữ kia bỗng khiến nó yên lòng Tiếng doạ dẫm kia làm một lời hứa hẹn. Ở đấy có một sinh linh đang thức, dù là một dã thú. Nó tiến bước về phía có tiếng rít vẳng tới.

Nó ngoặt theo một góc đường, đằng sau, dưới phản quang của tuyết và biển, một thứ nguồn sáng mênh mông ma quái, nó thấy một vật gì lù lù như được che đậy. Đó là một chiếc xe, nếu không phải một túp lều. Có bánh, thế là một chiếc xe, lại có mái, vậy là một chỗ ở. Từ mái nhô ra một cái ống, và từ cái ống, một làn khói. Làn khói đỏ, như chứng tỏ có lửa hồng ấm áp bên trong. Phía sau mấy bản lề lồi ra cho biết có cửa ra vào, và giữa cửa một lỗ vuông cho thay ánh sáng trong lều.

Nó tiến tới gần.

Tiếng rít ban nãy cảm thấy nó đang đến. Lúc nó vừa tới sát lều tiếng đe doạ ấy trở nên giận dữ. Nó đang đứng trước, không phải một tiếng gầm nữa, mà là một tiếng sủa. Nó nghe có tiếng động đanh gọn như tiếng xích giằng mạnh rồi đột nhiên dưới cái cửa, giữa quãng cách hai bánh xe phía sau, hai ứng răng nhọn, trắng nhởn hiện ra.

Cùng lúc với cái mõm giữa hai bánh xe, một cái đầu thò qua cửa mái.

- Yên nào!

Cái đầu nói.

Cái mõm im.

Cái đầu tiếp.

- Có ai đấy à?

Đứa bé đáp.

- Vâng ạ.

- Ai?

- Cháu.

- Cháu? Là ai? Ở đâu tới?

- Cháu mệt lắm. - Đứa bé nói.

- Mấy giờ rồi?

- Cháu rét lắm.

- Mày làm gì đấy.

- Cháu đói lắm.

Cái đầu đáp lại:

- Không phải ai cũng sung sướng như một nhà quí tộc đâu. Cút!

Cái đầu thụt vào, cánh cửa gió ập xuống. Thằng nhỏ gục đầu xuống, lại ôm chặt con bé ngủ say vào lòng và tập trung sức để lại đi nữa. Nó bước mấy bước và bắt đầu rời xa nơi đó.

Trong khi ấy, đồng thời với cửa mái sắp lại thì cánh cửa mở ra. Bậc xe hạ xuống. Giọng người ban nãy vừa nói với thằng bé từ trong lều hét lên giận dữ:

- Ô hay, sao mày không vào?

Thằng bé vội ngoảnh lại.

- Vào đi! - giọng nói tiếp tục. - Không biết ai dẫn đến cho ta một của nợ thế này, đã đói đã rét lại không thèm vào!

Thằng bé, vừa bị xua đuổi vừa bị kéo lại, vẫn đứng im không nhúc nhích. Giọng nói lại tiếp:

- Tao bảo mày vào, của nợ?

Thắng bé quyết định, đặt một chân lên bậc thang thứ nhất.

Nhưng tiếng gầm gừ ở dưới xe lại cất lên.

Nó vội giật lùi. Cái mõm há hoặc lại xuất hiện

- Yên nào! - giọng người quát.

Cái mõm thụt ngay vào. Tiếng gầm gừ thôi hẳn.

- Lên đi người kia tiếp. Thằng bé trèo một cách vất vả lên ba cái bậc. Nó lúng túng vì con bé cũng quá, buộc kỹ và quấn chặt trong tấm áo đến nỗi không nhận thấy gì cả, chỉ thấy một mớ dị hình bé tẹo.

Nó bước hết ba bậc và, đến ngạch cửa, dừng lại. Không một cây nến nào cháy trong lều, hẳn là do tính tiết kiệm của cảnh nghèo. Lều chỉ được chiếu sáng nhờ ánh hồng từ một cửa lò gang trong đó lách tách ngọn lửa than bùn. Trên mặt lò, một cái bát và một cái hũ đang bốc hơi nom có vẻ đựng thức ăn. Có mùi thơm. Đồ đạc trong nhà gồm một thùng gỗ, một ghế đẩu, một đèn kính, không thắp, treo ở trần. Thêm vào vách ba tấm ván có tay chống, Và một chỗ mắc áo, lủng lẳng những thứ linh tinh. Trên mấy tấm ván và ở mấy cái đinh, lủng củng cốc tách, đồ đồng, một nồi cất, một cái chậu giống những vại để nghiền sáp thành bột gọi là chậu xát và một lô những vật kỳ dị mà thằng bé chẳng hiểu tí gì, đó chính là bộ đồ bếp của nhà hoá học. Lều hình chữ nhật, cái lò nằm phía trước. Không phải là một phòng con, nó chỉ hơn cái hộp to một tí. Bên ngoài nhờ tuyết chiếu còn sáng hơn bên trong được lò soi rọi. Tất cả trong lều đều tù mù không rõ. Tuy nhiên nhờ có ánh lửa hắt lên trần, ta đọc được mấy chữ viết hoa sau đây: UYÊC XUYT TRIẾT GIA

Thằng bé đúng là đã vào nhà của Ômô và Uyêcxuyt.

Ta vừa được nghe bên này nói, bên kia gừ.

Đến ngưỡng cửa, em trông thấy một người đứng cạnh bếp lò, cao lênh khênh, không râu, vừa gầy vừa già, quần áo màu xám, cái trán hói chạm đến mái, ông ta không thể nhón chân. Lều chỉ vừa khít.

- Vào đi! - người đó là Uyêcxuyt, nói.

Thằng bé bước vào.

- Đặt cái bọc của mày xuống kia.

Thằng bé đặt lên mặt hòm cái gánh nặng, rất thận trọng vì sợ làm nó giật mình tỉnh dậy.

Người kia lại nói.

- Sao mày đặt nhẹ nhàng thế. Giá là hộp thánh tích có lẽ may cũng không nâng niu hơn thế đâu Mày sợ làm bục mớ giẻ rách của mày sao. Hả đồ báo cô đáng ghét chưa! Giờ này mà còn lang thang ngoài đường phố. Mày con cái nhà ai? Trả lời đi chứ. Nhưng không, tao cấm mày trả lời. Cần đi vào vấn đề cấp bách hơn, mày đang rét, sưởi đi đã.

Nói xong ông nắm hai vai đẩy thẳng bé đến trước bếp lò.

- Ướt như chuột! Lạnh như ma! Thế này mà định vào nhà người ta đây! Nào. lột tuốt những của thối tha này ra, đồ bất lương!

Rồi bằng một bàn tay run run phũ phàng, ông giật toang những manh áo của thằng bé ra, còn bàn tay kia ông gỡ ở đỉnh xuống một chiếc sơmi đàn ông và một cái áo chun bó sát mà ngày nay người ta còn gọi là áo "hôn em nhanh lên" [98]

- Đấy bộ cánh của mày. - ông chọn trong đống một miếng vải len rồi dùng nó xoa xát trước lò lửa hai cánh tay của thằng bé đang hoa mắt, rã rời, và trong giây phút trần truồng ấm áp này đang tưởng như được nhìn thấy và sờ phải trời xanh. Xát cánh tay xong, ông lau đến chân.

- À, ra cái xác ma của mày chẳng bị cóng chỗ nào cả. Tao cũng khá ngốc nghếch, cứ tưởng mày thế nào cũng cóng ở chân sau hoặc chân trước gì đó! Lần này không què lê đâu. Mặc áo vào. Thằng bé mặc sơmi và ông già lồng ra ngoài cho nó chiếc áo chun.

- Bây giờ - ông lấy chân đẩy cái ghế đẩu tới trước, rồi vẫn ẩy vào vai, bắt thằng bé ngồi xuống và chỉ vào cái bát đang bốc hơi trên bếp lò. Cái mà thằng bé thoáng nhìn thấy trong bát lại cũng vẫn là trời xanh, nghĩa là một củ khoai một ít mỡ.

- Mày đang đói, ăn đi.

- Ông lấy trên tấm ván một miếng cùi bánh cứng và một cái đĩa sắt, đưa cho thằng bé:

Thằng bé do dự.

- Liệu tao có phải bày bàn không đây? - ông nói.

Rồi ông đặt cái bát lên đầu gối thằng bé.

- Nhá hết đi.

Cái đói thắng cái sợ. Thằng bé cắm đầu ăn. Thằng bé thảm hại ngốn ngấu hơn là ăn. Tiếng bánh nhai rau ráu vang vui khắp lều.

Ông già cảu rảu

- Đừng nuốt vội thế, đồ phàm ăn kinh khủng! Cái thằng vô lại này tham ăn quá thể! Nom cái quân chó chết đói khát này ăn mà bực mình quá. Có nhìn một nhà quí tộc ăn mới biết. Đời ta, ta đã từng thấy cảnh công tước ngồi ăn. Họ có ăn đâu, thế mới là cao quí chứ. Lại còn lúc họ uống nữa. Nào, lợn lòi con, tọng cho đầy vào!

Bụng đói làm gì có tai, đặc điểm này khiến thằng bé chẳng may may xúc động trước lô tính từ kia, cộc cằn nhưng lại được xoa dịu bởi những cử chỉ từ thiện, nghịch nghĩa có lợi cho nó. Lúc này, nó đang tập trung vào hai điểm cấp bách và hai điểm say sưa, là ăn no và sưởi ấm.

Uyêcxuyt lại tiếp tục lẩm bẩm bài thuyết giáo:

- Ta đã được thấy đích vua Giắc ăn ở Benkơtinh Hanzơ, lúc ấy người ta đang ngắm tranh của nhà danh hoạ Ruybenx tại đấy, hoàng thượng có động vào gì đâu. Cái thằng khố rách này đớp khiếp quá! Đớp, từ ngữ này gốc ở từ súc vật mà. Sao ta lại nảy ra cái ý đến Uêmơt thế này, đến cái nơi chỉ dành cho ma vương quỉ sứ. Từ sáng ta chẳng bán được tí gì, ta đã nói với tuyết, ta đã thổi sáo cho bạn nghe, mà chẳng bỏ túi được lấy một xu, bây giờ đêm tối lại đem đồ khố rách tới cho ta. Cái đất gì mà gớm ghiếc! Đánh nhau, vật lộn, thi đua giữa ta và lũ qua đường ngu ngốc. Họ tìm cách ấn cho ta toàn tiền lẻ, còn ta lại cố đưa cho họ toàn cao đan hoàn tán. Thế là hôm nay chẳng có tí gì! Không một thằng ngốc nào ở ngã tư, chẳng có xu nào trong két. Ăn đi, đồ quỉ sứ! bẻ ra và nhá khoẻ vào! Chúng ta đang sống trong một thời đại chẳng có gì bì kịp sự trâng tráo của bọn ăn chực. Ăn cho béo vào cho tao chết đồ ăn bám. Cái thằng này nó còn hơn cả đói, nó điên. Có phải thèm khát đâu, đây là dã man. Nó bị suy nhược do vi trùng chó dại. Không chừng nó bị dịch hạch cũng nên. Mày có mắc dịch không thế, đồ kẻ cướp? Nó mà lây cho Ômô thì chết! Không, mày chết đã đồ bần tiện, chứ ta không muốn con sói của ta chết. Chà, ta cũng đang đói đây. Ta tuyên bố đây là một sự kiện khó chịu. Hôm nay ta đã làm việc rất khuya. Trong đời có những lúc người ta phải vội vã. Tối nay ta nóng ăn. Ta có mỗi một mình. Ta nổi lửa, ta chỉ có một củ khoai, một mẩu bánh, một miếng mỡ và một ít sữa, ta cho lên đun, ta nghĩ bụng, tốt, ta sẽ ăn cho no nê. Đúng vào lúc ấy. Xoảng! Con thần trùng này rơi xuống đầu ta. Nó chễm chệ ngồi giữa ta và mâm thức ăn của ta. Vậy là sạch nhẵn phòng ăn của ta. Tọng đi. đồ cá măng, nhét đi, đồ cá mập, mày có mấy hàm răng trong cái máy nhai của thày thế? Đớp đi, đồ sói con. Không, ta rút lui từ ngữ này vì tôn trọng giống sói. Nuốt hết đồ ăn của ta đi, đồ thuồng luồng! Hôm nay ta làm việc rất khuya, dạ dày thì rỗng, cổ họng thì khản, lá lách thì đau, ruột gan rối bời, phần thưởng của ta là được nhìn người khác ăn. Không sao, chia đôi. Nó ăn bánh, ăn khoai, ăn mỡ, còn ta đã có sữa.

Đúng lúc đó một tiếng kêu, thảm thiết và kéo dài, nổi lên trong lều.

Ông già dỏng tai.

- Bây giờ mày lại còn kêu, đồ mật thám! Sao mày kêu?

Thằng bé ngoảnh lại. Rõ ràng nó không kêu. Nó đang đầy một mồm.

Tiếng kêu vẫn không dứt.

Ông già vội đến bên cái thùng gỗ!

- Ra cái bọc này gào! Trời đất quỷ thần ôi! Bây giờ lại đến cái bọc làm om sòm! Cái bọc của mày, sao nó lại quang quác như vậy?

Ông hèn cởi bỏ tấm áo thuỷ thủ. Một cái đầu trẻ em nhô ra, mồm há tướng và kêu bai bải.

- Thế nào, cái gì thế này? - ông hỏi - Thế là thế nào? Lại thêm đứa nữa. Chưa hết sao? Có ai đấy! Cứu tôi với! Phải cận thận! Tai vạ thứ hai! Mày đưa đến cho tao cái gì thế này thằng kẻ cướp? Mày cũng biết là nó khát chứ? Nào, phải cho nó uống. Được- Bây giờ đến sữa ta cũng không có nữa.

Ông vừa lục trong đống táp nham trên tấm ván một cuộn băng, một miếng vải và một cái lọ con, vừa run rẩy lẩm bẩm:

- Đất nước chết tệt!

Rồi ông ngắm nghía con bé.

- Con gái.

Nghe tiếng khóc là biết ngay. Nó cũng ướt đằm.

Cũng như ban này đối với thằng nhỏ, ông giật hết chỗ giẻ rách buộc chặt vào người con bé hơn là mặc. rồi ông quấn cho nó bằng một mảnh vải thô nhưng sạch và khô. Việc gói ghém rất nhanh và thô bạo làm cho con bé hờn gắt.

- Nó meo meo đã khiếp chưa - ông nói.

Đoạn ông lấy răng rứt một mảnh khăn bông, xé ở cuộn băng một miếng vuông vuông, rút ra một sợi chỉ, lấy cái bình sữa trên lò xuống, đổ chỗ sữa vào cái lọ con, nhét mảnh khăn bông vào lưng chừng cổ lọ, phủ vuông vải con lên mảnh khăn, buộc cái nút bằng sợi chỉ, áp cái lọ vào má xem nó nóng quá không và bằng tay trái ẵm con bé vẫn cuống quít khóc sa sả.

- Nào? Mời cô xơi tối cho! Ngậm lấy đầu vú đi.

Và ông ấn vào mồm cháu bé cái miệng cổ lọ. Con bé mút lấy mút để. ông vừa đỡ cái lọ nghiêng nghiêng đúng tầm vừa lẩm bẩm:

- Quân đốn mạt, cùng một duộc cả. Vừa ý là im thin thít.

Con bé bú mạnh và túm chặt cái đầu vú do ông thượng đế cáu gắt kia trao cho, đến nỗi sặc ho mất một lúc.

- Mày đến chết nghẹn mất thôi - Uyêcxuyt mắng. Con ranh này cũng háu ăn đáo để!

Ông rút vội mẩu khăn bông con bé đang mút cho dứt cơn ho, rồi lại vừa ấn cái lọ vào mồm nó, vừa nói.

- Bú đi, con đĩ.

Trong lúc ấy, thằng nhỏ đã đặt nĩa xuống. Nhìn cháu bé bú nó quên cả ăn. Ban nãy lúc nó ăn, trong mắt nó là sự thoả mãn, giờ đây là lòng biết ơn. Nó nhìn cháu bé sống lại. Việc hoàn thành cuộc hồi sinh do nó mở đầu làm cho mắt nó long lanh một thứ phản quang rất khó tả Uyêcxuyt vẫn tiếp tục nhấm nhẳng những lời phẫn nộ.

Thằng nhỏ chốc chốc lại ngước nhìn Uyêcxuyt bằng đôi mắt rơm rớm niềm xúc động khó định nghĩa mà con người đáng thương bị hất hủi và cảm kích cảm thấy, nhưng không sao phát biểu nổi.

Uyêcxuyt giận dữ mắng nó:

- Kìa, ăn đi cho

- Thế còn bác? -

Thằng nhỏ vừa nói vừa run run, mắt long lanh một giọt lệ.

- Bác không ăn gì cả sao?

- Mày có ăn hết đi không, ranh con! Đã không đủ cho tao thì cũng chẳng nhiều nhặn gì lắm đối với mày.

Thằng bé lại cầm nĩa lên, nhưng không chịu ăn.

- Ăn đi - Uyêcxuyt quát. - Có phải vấn đề tao đâu. Ai bảo mày lo cho tao? Mày là thằng nhãi ranh chân đất, lễ sinh tồn của giáo khu Không xu, tao bảo mày phải ăn cho hết. Mày đến đây để ăn, uống, ngủ, ăn ngay, không tao lẳng ra cửa, cả mày cả con bé trơ tráo của mày?

Trước lời đe doạ, thằng nhỏ lại chỉ đầu ăn. Nó cũng chẳng có gì phải vất vả nhiều để thanh toán cho còn lại trong bát.

Uyêcxuyt lẩm nhẩm:

- Nhà không được kín lắm, lạnh vẫn lọt qua khe kính.

Đúng thế, một ô kính phía trước bị vỡ, do xe xóc hay, do trẻ con ném đá, Uyêcxuyt có dán vào chỗ thủng một ngôi sao giấy nhưng nó đã bong mất. Gió bấc lùa vào đấy.

Ông ngồi mớm trên cái thùng gỗ. Cháu bé, nằm nửa trên tay nửa trên đầu gối, say sưa mút mút cái chai, mắt lim dim niềm hạnh phúc của những hài đồng trước mặt Chúa và của trẻ thơ bên vú mẹ.

- Nó no rồi - Uyêcxuyt nói.

Và lại tiếp:

- Bây giờ thì chúng mày thuyết giáo về đức tính điều độ đi! Mảnh giấy dán ở Ô kính bị gió thổi tung, bay lơ lửng trong lều, nhưng việc đó cũng không làm cho hai đứa bé mải nghĩ đến việc sống lại phải bận tâm lo lắng.

Trong lúc con bé bú và thằng nhỏ ăn, Uyêcxuyt vẫn nguyền rủa.

- Thời nghiện rượu bắt đầu từ thuở sơ sinh. Các ngài hãy chịu khó làm giám mục Tiôtxông rồi hò hét chống uống rượu quá độ. Ngọn gió lùa đáng ghét thật. Lại thêm cái bếp lò già nua của mình nữa. Nó phì phì khói um, đến thành lông quặm mất thôi. Đã khổ sở vì rét lại bực mình vì khói. Nhìn không rõ gì nữa. Cái thằng này nó đang lợi dụng lòng hiếu khách của ta. Thế mà ta vẫn chưa nhận rõ được cái mõm của nó. Tiện nghi ở đây còn thiếu nhiều. Nói có Thượng đế, ta rất thích những yến tiệc đầy cao lương mỹ vị trong những căn phòng kín đáo. Ta đã lỗi mất thiên hương của mình, ta sinh ra để làm người say mê khoái lạc. Nhà hiền triết lớn nhất là Philôxênex chỉ ước an có được cái cổ hạc để hưởng thụ dài lâu hơn nữa những lạc thú cỗ bàn. Hôm nay chẳng thu được lấy một xu! Suốt ngày chẳng bán được gì cả. Tai hại thật. Thưa nhân dân, thưa các chú lính hầu, thưa các ngài tư sản, xin giới thiệu đây là thầy thuốc, đây là y học. Mất công toi, anh bạn ơi. Cuốn xếp cái hiệu bào chế của anh lại thôi. Ở đây ai cũng đều khoẻ mạnh. Đây là một thành phố đáng nguyền rủa chẳng có lấy một người bệnh! Chỉ mỗi ông trời bị tháo tỏng. Tuyết gì mà lạ lùng! Anazagorax dạy rằng tuyết màu đen, ông ta nói có lý, lạnh lùng là đen tối. Băng đá là đêm tối. Gió bấc gì mà lạ! Ta tưởng tượng vẻ tuần thú của những người đi biển. Phong ba là lúc quỉ xatăng đi qua, là mẹo thú rừng lừa chó săn chạy thật nhanh rồi quay phắt lại, ở trên đầu chúng ta. Trên mây, cái này có đuôi, cái kia có sừng, cái này là lửa ngọn, cái kia có vuốt ở cánh, cái thì bụng phệ như tể tướng đại thần, cái thì đầu to như hàn lâm viện sĩ, trong mỗi tiếng động, người ta lại nhận ra một hình dáng: Tân phong, tân quỉ, tai lắng nghe, mắt nhìn thấy, mỗi tiếng rền vang là một diện mạo. Lạy Chúa, có người ở ngoài biển, điều đó thì hiển nhiên. Các bạn ơi, hãy liệu mà thoát khỏi bão táp, còn tôi. tôi có thoát được cuộc đời cũng đã là quá lắm rồi. À mà ta có mở quán trọ đâu? Thế tại sao lại có khách tới nhà. Thống khổ của toàn dân bắn vào tận cảnh nghèo của ta. Đống bùn to của nhân loại bắn vào lều ta những giọt thật gớm guốc. Ta bị phó mặc cho tính phàm ăn của khách qua đường. Ta là một cái mồi. Mồi của những kẻ chết đói. Trời đông, đêm khuya, một cái lều giấy, một người bạn tri kỷ dưới chân và đứng ở ngoài trời, bão táp, một củ khoai, bếp lửa to bằng nắm tay, mấy đứa ăn báo cô, gió lùa qua mọi khe hở, không có lấy một xu, và những cái bọc biết sủa! Mở ra, ở trong là đồ khố rách. Thế mà cũng gọi là số phận. Ta phải nói thêm là luật pháp đã bị vi phạm: Hừ! Thằng du thử với con du thực của mày, quân móc túi ranh ma, đồ quái thai độc ác, đã quá giờ tắt lửa mà mày còn lượn ngoài phố! Nếu nhà vua phúc hậu của chúng ta mà biết chuyện này, thị chính Người sẽ tống cổ mày xuống hầm sâu cho mày mở mắt! Ra công tử đi dạo chơi đêm với tiểu thư! Trời rét mươi lăm độ âm mà đầu trần chân đất! Mày cũng phải biết là cấm chứ. Có qui định và chỉ dụ cả đấy, đồ phản loạn! Du đãng thì bị trừng phạt, người lương thiện có nhà riêng thì được bảo vệ trông nom, vua chúa là thân dân chi phụ mẫu. Còn ta, ta có chỗ cư trú! Lẽ ra mày đã bị quất roi giữa nơi công cộng, nếu người ta bắt gặp mày, và như thế cũng đáng đời. Trong một quốc gia thuần phong mỹ tục cần phải có trật tự. Ta đã có lỗi. Không tố giác mày với cảnh sát Nhưng bản chất của ta vốn như vậy, ta hiểu điều thiện, nhưng ta làm điều ác. Hừ! Đồ ma cô! Tình trạng thế mà dám mò đến với ta! Ta không để ý đến tuyết trên người lúc chúng bước vào. Tuyết tan. Thế là cả nhà ta ướt sũng. Ở trong nhà mà bị lụt. Rồi lại phải đốt than không cháy để làm khô cái hồ này. Than thì mười hai đồng một yến! Làm thế nào để nằm ba người trong cái lán này đây? Bây giờ vậy là hết, ta đang mở nhà trẻ đây, ta sắp có trong nhà tương lai đói rách của Anh quốc đang cai sữa. Công việc, nhiệm vụ và chức trách của ta là thu nhỏ cái bào thai để khó của con mẹ Đói Nghèo, là cải thiện vẻ xấu trên con mồi ít tuổi của giá treo cổ, và ban cho bọn ăn cắp ranh con những hình dáng triết gia! Lưỡi gấu là cái dao tạc tượng của Chúa. Phải nói là nếu ba mươi năm nay ta không bị những kẻ nợ như thế này ăn tàn phá hại thì ta đã giàu rồi Ômô đã béo và ta đã có một phòng y học đầy của lạ, đầy những dụng cụ mổ xẻ ngang với bác sĩ Linacơrơ, nhà phẫu thuật của vua Hăngri VIII, đầy đủ các loại thú vật, những xác ướp Ai Cập, và những thứ khác tương tự thế! Ta đã có chân trong Hội Bác sĩ, và ta đã có quyền sử dung cái thư viện xây dựng từ năm 1652 bởi ngài Harvê danh tiếng, và đã đến làm việc trong phòng kính của toà nhà mái tròn, từ trên đó nhìn thấy được toàn cảnh thành phố Luân Đôn! Ta đã có thể tiếp tục công trình tính toán của ta về hiện tượng mặt trời bị ám đen, và chứng minh rằng một lớp hơi có tính chất sương mù đang từ thiên thể thoát ra. Đó là ý kiến của Giăng Kêple, sinh trước ngày Xanh Bactêlêmi một năm, và là nhà toán học của hoàng đế. Mặt trời là một cái lò sưởi đôi khi cũng nhả khói. Bếp lò của ta cũng vậy. Bếp lò của ta cũng chẳng hơn gì mặt trời. Phải, lẽ ra thì ta đã giàu có thân phận ta đã khác, ta đã công thô bỉ, ta đã không làm giám giá trị khoa học ở các đầu đường xó cho. Vì quần chúng không xứng đáng với học thuyết, quần chúng chỉ là một đám đông ngu muội, chỉ là một tập thể nháo nhào đủ loại về tuổi, về giới, về tính khí, về hoàn cảnh, mà các nhà hiền triết của mọi thời đại không do dự trong việc khinh bỉ, và những nhà ôn oà nhất đúng thôi, cũng không ưa cái tính quá khích và hung bạo của nó. Ai ta đã chán ngấy cái đang tồn tại. Để kết thúc, con người sống có bao lăm. Chóng thôi, đời người, à không, dài chứ. Từng lúc một, để chúng ta khỏi tuyệt vọng, để chúng ta ngoan ngoãn chịu đựng và để chúng ta không lợi dụng những cơ hội tuyệt vời để tự treo cổ khi có đủ dây và đủ đinh, thiên nhiên cũng ra vẻ chăm nom săn sóc đôi tí đến con ngươi. Tuy vậy đêm nay thì không. Thiên nhiên nham hiểm làm cho lúa mọc, làm cho nho chín, làm cho hoạ mi líu lo. Thỉnh thoảng một tia sáng bình minh, hay một cốc rượu vang nồng, đó là cái người ta vẫn gọi là hạnh phúc. Một đường viền hạnh phúc thưa thớt xung quanh tấm khăn liệm đau khổ mênh mông. Chúng ta có một vận mệnh, mà vải thì do quỉ sứ dệt, còn đường viền lại do Chúa đảm nhận. Trong khi chờ đợi, mày đã ăn hết bữa tối của tao rồi, đồ kẻ cắp!

Trong lúc ấy thì con bé, mà ông vẫn vừa ẵm trên tay rất nhẹ nhàng vừa nói lải nhải, lim dim đôi mắt, dấu hiệu hoàn toàn thoả mãn. Uyêcxuyt nhìn kỹ cái lọ và lầu bầu:

- Nốc hết nhẵn rồi, con đĩ.

Ông đứng lên, tay trái đỡ cháu bé, tay phải mở nắp thùng gỗ và kéo ở trong ra một tấm da gấu, mà ta còn nhớ ông vẫn gọi là tấm da thật của ông.

Vừa làm ông vừa nghe thằng nhỏ ăn và liếc mắt nhìn nó.

- Từ nay mà phải nuôi cho cái thằng háu ăn kia lớn thì vất vả lắm đây! Đúng là một con sán sơ mít nằm trong bụng công cuộc làm ăn của ta.

Vẫn bằng một tay ông cố trải thật khéo tấm da gấu lên mặt hòm, ông dùng khuỷ tay và gượng nhẹ để khỏi phá giấc ngủ mới thiu thiu của con bé. Đoạn ông đặt cháu lên tấm da thú, ở phía gần lửa nhất.

Xong việc, ông để cái lọ không kên bếp dò và nói to:

- Ta mới thật là người đang khát!

Ông nhìn vào hũ:

- Còn được mấy ngụm sữa kha khá, ông đưa hũ lên gần môi. Vừa định uống thì mắt ông chợt nhìn vào con bé, ông vội đặt hũ lên bếp lò, cầm lấy cái lọ, mở nút ra, dốc nết chỗ sữa còn thừa vào vừa đủ đầy lọ nhét mảnh khăn bông và lại buộc miệng vào lên trên mảnh khăn ở cổ lọ.

- Dù sao ta cũng vừa đói vừa khát - ông nói và tiếp thêm: - Thôi, không được ăn bánh thì ta uống nước lã vây.

Phía sau bếp lò có một cái vò mẻ.

Ông bê cái vò lên, đưa cho thằng hé:

- Mày có muốn uống không"

Thằng bé uống xong lại lúi húi ăn.

Uyêcxuyt lại bưng lấy vò đưa lên miệng. Nhiệt độ nước bên trong thay đổi không đều do để gần bếp lò. Ông uống ưng ực vài ngụm và nhăn nhó.

- Nước tưởng là tinh khiết, mày y hệt lũ bạn bè giả dối. Trên thì ấm dưới thì lạnh.

Trong khi ấy thằng bé đã ăn xong. Cái bát không chỉ hết nhẵn mà phải nói là sạch bong. Thằng bé nhặt bỏ mồm, tư lự, ít vụn bánh vương vãi trên những nếp nhăn của chiếc áo chun và trên đầu gối.

Uyêcxuyt quay lại phía thằng bé.

- Chưa xong đâu. Bây giờ, đến tao với mày. Mồm đâu phải chỉ để ăn, còn để nói nữa chứ. Bây giờ ấm áp rồi, nhét no rồi, đồ súc sinh, liệu hồn, mày phải trả lời những câu tao hỏi. Mày ở đâu đến?

Thằng bé đáp:

- Cháu không biết.

- Sao, mày không biết? Tối nay cháu bị bỏ rơi trên bờ biển.

- À! Thằng bả gà! Mày tên gì? Hư đón đến mức để bố mẹ bỏ rơi.

- Dạ cháu không có bố mẹ.

- Mày cần hiểu tính tao một tí, và chú ý rằng tao không ưa nghe người ta hát những bài gọi là chuyện cổ tích đâu nhé. Mày có bố mẹ, vì mày có con em kia.

- Dạ nó không phải em cháu.

- Nó không phải em mày?

- Dạ không.

- Thế thì là gì?

- Một con bé cháu bắt được.

- Bắt được!

- Vâng.

- Thế nào? Mày nhặt được à?

- Vâng.

- Ở đâu? Mày mà nói dối, tao giết chết.

- Dạ trên một người đàn bà chết trong tuyết.

- Lúc nào

- Dạ cách đây một giờ.

- Ở đâu

- Dạ cách đây một dặm.

Những vòng cung trên trán Uyêcxuyt nhăn lại và gãy góc, biểu thị cảm xúc của lông mày một triết gia.

- Chết! Thế là một người đàn bà hạnh phúc! Phải để chị ta đấy, trong đống tuyết của chị ta. Vậy là tốt. Ở phía nào?

- Dạ phía biển.

- Mày có đi qua cầu không?

- Dạ có.

Uyêcxuyt liền mở cái cửa mái phía sau và quan sát bên ngoài. Thời tiết vẫn không khá hơn. Tuyết vẫn rơi dầy đặc, tiêu điều.

Ông đóng cửa thông gió lại.

Ông đi đến chỗ ô kính và, bịt cái lỗ bằng một miếng giẻ bỏ thêm than vào bếp lò, trải thật rộng tấm da gấu ra trên mặt thùng gỗ, cầm một quyển sách to trong góc, đặt xuống đầu giường để làm gối, và đặt lên cái gối dài đó đầu cháu bé đã ngủ say.

Ông ngoảnh lại phía thằng nhỏ.

- Mày nằm xuống kia.

Thằng nhỏ vâng lời, nằm thẳng xuống bên cạnh con bé.

Uyêcxuyt quấn tấm da gấu quanh hai đứa nhỏ và dắt kỹ dưới chân chúng. Ông với tay lấy trên một tấm ván và thắt vào quanh mình một cái thắt lưng vải có túi to, chắc hẳn trong đó có đồ lề mổ xẻ và ít lọ rượu thuốc.

Đoạn ông nhấc cái đèn kính ở trần xuống, thắp lên. Nó là thứ đèn ló.

Đèn sáng, nhưng lũ trẻ vẫn khuất trong bóng tối.

Uyêcxuyt hé cửa và nói:

- Tao ra ngoài đây. Đừng có sợ. Tao sẽ quay về ngay. Cứ ngủ đi.

Và hạ cái bọc xe xuống, ông gọi

- Ômô?

Một tiếng ư ử thân ái đáp lại.

Uyêcxuyt cầm đèn bước xuống, bậc xe lại rút lên cửa lại đóng vào. Lũ trẻ nằm một mình.

Từ ngoài thột giọng nói, giọng của Uyêcxuyt, hỏi vào:

- Thằng bé vừa ăn mất phần tao, mày chưa ngủ đấy chứ?

- Dạ chưa.

- Thế thì nếu nó rống, mày cho nó nốt chỗ sữa.

Có tiếng mở xích loảng xoảng, và tiếng chân người thêm cả tiếng chân súc vật đi xa dần.

Một lúc sau, hai đứa trẻ ngủ say.

Một cảnh hoà giao nhịp thở rất khó tả, hơn cả trong trắng, đây là cảnh thơ ngây, một đêm tân hôn trước ích phân biệt trai gái. Thằng nhỏ, và con bé, trần truồng, nằm cạnh nhau, ở những giờ phút yên tĩnh này, đang trong trạng thái gần gũi cao thượng của bóng tối, bao nhiều giấc mơ có thể có ở tuổi này đang phảng phất từ đứa này sang đứa kia, dưới những mí mắt nhăm nghiền của chúng chắc hẳn có ánh sáng của tinh cầu, nếu từ ngữ hôn nhân không thích hợp ở đây, thì chúng đang là đôi vợ chồng theo kiểu thiên thần. Những hình ảnh ngây thơ như thế trong bóng tối như thế, một gương trong trắng như vậy trong cảnh ôm ấp như vậy, những chuyện lấn quyền trời đất đó chỉ có thể có ở tuổi thơ mà thôi, và không một mênh mông nào so sánh nổi với nét vĩ đại này của trẻ nhỏ. Trong mọi vực thẳm đây là vực sâu nhất.

Cái án vĩnh viễn khủng khiếp của một người chết rồi mà vẫn bị xiềng xích, cảnh đại dương mông mênh bám chặt một chiếc thuyền đắm, cảnh tuyết trắng bao la phủ kín những hình hài bị chôn vùi, cũng không xúc động bằng hai miệng con trẻ chạm vào nhau một cách hết sức thần tiên trong giấc ngủ và sự gặp gỡ cũng không phải là một cái hôn nữa. Có thể là đính hôn, cũng có thể là thảm hoạ, Kề nhau đó mà vẫn canh cảnh bên lòng điều chưa hay biết. Đẹp đẽ đấy, nhưng biết đâu lại chẳng hãi hung. Người ta cảm thấy lòng thắt lại: Chất thơ ngây còn cao quí hơn cả đức hạnh. Chất thơ ngây do bóng tối thiêng liêng tạo thành. Chúng đang ngủ. Yên tĩnh: ấm áp. Sự trần truồng của thân thể quấn quít nhau hơn hợp với sự trong trắng của tâm hồn. Chúng nằm đó như nằm giữa vực sâu.

6. THỨC DẬY.

Ngày bắt đầu hết sức thê lương. Một ánh sáng nhờ nhờ buồn bã xuyên vào căn lều. Một cảnh bình minh giá buốt. Cái màu nhợt nhạt đó, phác hoạ thành hiện thực bi thảm những đường nét trên các vật bị đêm tối khoác cho một vẻ ngoài ma quái, không thức tỉnh hai đứa bé đang ôm nhau ngủ. Trong lều ấm áp. Hai hơi thở hoà vào nhau nghe như hai làn sóng yên lặng. Ngoài trời không còn bão tố nữa, ánh sáng hoàng hôn từ từ lấn chiếm chân trời. Các chòm sao tắt dần như những cây nến bị thổi tắt ngọn trước ngọn sau. Chỉ còn dăm ba ngôi sao to cố chống lại. Tiếng hát văng vẳng của vô biên đang dâng lên từ biển cả.

Bếp lò chưa tắt hẳn, ánh sáng mờ mờ dần dần sáng rõ. Thằng nhỏ ngủ ít hơn con bé. Trong nó có cả người thức lẫn người canh. Khi một tia sáng chói chang hơn cả xuyên qua ô kính, nó chợt mở mắt ra, giấc ngủ con trẻ chấm dứt thành quên lãng, nó nằm mơ mơ màng màng, không biết mình đang ở đâu, cũng không biết có cái gì bên cạnh, chẳng buồn cố gắng nhớ lại, cứ nhìn mãi lên trần, và phân vân vơ vẩn trước dòng chữ Uyêcxuyt - Triết Gia mà nó chăm chú quan sát nhưng không đọc nổi vì nó không biết đọc.

Có tiếng chìa khoá khua trong ổ khiến nó phải ngóc đầu lên.

Cánh cửa xoay, bức xe hạ xuống. Uyêcxuyt về, ông bước ba bực. Cái đèn đã tắt cầm ở tay.

Đồng thời có tiếng bốn chân thú nhanh nhẹn leo lên bực lên xuống. Đó là Ômô, đi theo Uyêcxuyt, nó cũng về nhà của nó.

Thằng bé tỉnh hẳn, có hơi giật mình một tý.

Con sói, chắc hẳn thèm ăn, ngoác mồm theo thường lệ buổi sáng, nhe tất cả răng ra trắng nhởn.

Lên được nửa chừng nó dừng lại, đặt hai chân trước vào trong lều hai khuỷu chống trên ngưỡng cửa, như một nhà thuyết giáo bên mép toà giảng. Từ xa nó hít hít đánh hơi cái hòm gỗ mà nó không quen nhìn thấy có người như vậy. Nửa mình sói của nó, đóng khung trong cái cửa, nổi lên đen xẫm trên nền sáng ban mai nó quyết định, và bước vào.

Thằng bé vừa trông thấy con sói trong lều, vội nhổm khỏi tấm da gấu, ngồi dậy và đứng chắn trước con bé vẫn ngủ say hơn bao giờ hết.

Uyêcxuyt vừa móc xong đèn vào cái đinh ở trần, ông lẳng lặng, thong thả vô tâm cởi bỏ chiếc thắt lưng có túi đồ nghề ra và lại đặt lên tấm ván, ông không nhìn và dường như không trông thấy gì cả. Mắt ông nhoà đục. Một cái gì sâu lắng đang rung động trong trí óc ông.

Tư tưởng ông cuối cùng xuất hiện, như thường lệ, bật ra một tràng tiếng nói. ông nói to:

- Nhất định là hạnh phúc! Chết, chết thật sự.

Ông ngồi xổm xuống, hất một xẻng xỉ vào lò và vừa cào than vừa lẩm bẩm.

- Vất vả lắm mới tìm được chị ta. Ma quỉ xa lạ đã vùi chị ta xuống, dưới hơn năm mươi phân tuyết. Không có Ômô, bằng cái mũi nhìn tài như Crixtốp Cô lông nhìn bằng đầu óc, thì ta còn là bì họp trong băng tuyết và chơi ú tim với thần chết. Điôgien[99] trước kia cầm đèn đi tìm một người đàn ông, nay cầm đèn đi tìm một người đàn bà, ông ta đã gặp phải lời châm chọc, ta đã tìm thấy tang tóc. Sao mà chị ta lạnh thế! Chạm vào tay, cứ như một hòn đá. Mắt chị ta im lặng cách gì! Tại sao lại có thể ngu ngốc đến mức chết mà còn để lại trên trần một đứa con. Bây giờ ba người mà ở trong cái hộp này thì quả chẳng tiện tí nào! Thật tai bay vạ gió. Thế là bây giờ ta đã có gia đình! Con trai, con gai đủ cả.

Trong lúc Uyêcxuyt nói, Ômô lẻn đến cạnh bếp lò. Bàn tay con bé nằm ngủ thõng xuống giữa bếp lò và cái hòm gỗ. Con sói thè lưỡi liếm liếm bàn tay.

Nó liếm nhẹ nhàng đến nỗi con bé vẫn ngủ không tỉnh giấc.

Uyêcxuyt quay lại.

- Tốt lắm, Ômô. Ta sẽ là bố, mày sẽ là chú.

Rồi ông lại tiếp tục công việc cửa vị triết gia, gần lửa, vẫn không bỏ dở bản độc thoại.

- Nhận làm con nuôi. Xem như xong. Vả lại Ômô cũng rất muốn thế. ông ngẩng lên.

- Ta muốn biết kẻ nào chịu trách là về cái chết này? Có phải là con người không? Hay là… - Mắt ông nhìn lên không trung. như nhìn suốt quá trần nhà và mồm ông thì thầm.

- Có phải chúng không?

Rồi trán ông gục xuống như quá nặng và ông nói tiếp:

- Đêm tối đã chịu khó giết chết người đàn bà này.

Cặp mắt ông vừa ngẩng lên thì gặp ngay bô một thằng hé đã tỉnh đang lắng nghe ông nói Uyêcxuyt đột ngột hỏi nó:

- Sao mày lại cười?

Thằng bé đáp:

- Cháu có cười đâu.

Uyêcxuyt bỗng như run cả người, ông quan sát thằng bé thật chăm chú và im lặng một lúclâu rồi nói.

- Thế thì mày khủng khiếp thật.

Ban đêm trong lều không thật sáng lắm nên Uyêcxuyt gã được thấy mặt thằng bé đâu. Giờ đây ban ngày ông mới nắm rõ.

Ông đặt lòng bàn tay lên vai thằng bé, ngắm nghía bộ mặt nó một lần nữa với một thái độ quan tâm mỗi lúc một thêm xót xa, và quát to:

- Đừng có cười nữa!

- Da cháu có cười đâu - thằng bé nói

Uyêcxuyt bủn rủn từ đầu đến chân:

- Mày cười tao biết.

Rồi túm chặt thằng bé, lay lấy lay để - biểu hiện của giận giữ nếu không phải của yêu thương.

Ông quát hỏi nó một cách thô bạo:

- Ai làm mày thế này?

Thằng bé đáp:

- Cháu không hiểu ông muốn nói gì.

Uyêcxuyt hỏi tiếp:

- Mày có cái cười này từ bao giờ?

- Cháu vẫn thế này ạ - Thằng bé nói.

Uyêcxuyt vừa quay về phía cái thùng gỗ vừa nói khẽ:

- Ta cứ tưởng việc này không còn nữa.

Nói xong ông rút ở đầu giường, rất khẽ để khỏi thức tỉnh nó, quyển sách ông dùng làm gối dưới đầu con bé.

- Nào ta thử xem Conquext - ông nói khẽ.

Đây là một mớ giấy khổ rộng, đóng da mềm, ông dùng ngón tay cái giở từng tờ, dừng lại ở một trang, mở quyển sách ra thật to trên bếp lò và đọc:

- … De Denasatis[100] - Đây rồi.

Ông đọc tiếp:

- Bucca fissa usque ad aures, genzivis denudates, naseque murdridato masca eris, et ridebis simper[101].

- Đúng rồi.

Đoạn ông lại gác quyển sách lên một tấm ván, mồm lẩm bẩm.

- Một chuyện tình cờ mà đi sâu vào sẽ chẳng hay ho gì. Ta dừng lại trên mặt thôi - Nào, cười đi con!

Con bé tỉnh dậy. Nó chào mọi người bằng một tiếng khóc thét

- Nào, bảo mẫu, cho bú đi - Uyêcxuyt nói

Con bé đã ngồi dậy.

Uyêcxuyt vội lấy trên bếp lò cái lọ và đưa cho nó mút.

Lúc này, mặt trời đang lên, mấp mé chân trời. Tia đỏ xuyên qua ô kính và chiếu thẳng vào mặt con bé đang ngoảnh về phía ông. Mắt con bé như hai mảng gương hướng đúng vào mặt trời, phản chiếu lại cái vòng tròn đỏ rực. Đôi con ngươi đứng im mí mắt cũng vậy.

- Kìa - Uyêcxuyt nói - ra nó mù!

Phần thứ nhì : THEO LỆNH NHÀ VUA

I. QUÁ KHỨ LUÔN LUÔN CÓ MẶT, CON NGƯỜI PHẢN ẢNH CON NGƯỜI.

1. HUÂN TƯỚC CLĂNGSACLI

I. Thời ấy có một sự tích cũ.

Sự tích về huân tướng Linơx Clăngsali.

Hầu tước Linơx Clăngsali, người đương thời với Cromoen[102], là một trong số những nguyên lão Anh quốc không lấy gì làm đông, phải nói ngay như vậy, đã chấp thuận nền dân chủ. Việc chấp thuận này có thể có lý do tồn tại của nó, và cùng lắm tụ giải thích được, vì nền dân chủ tạm thời đã chiến thắng. Huân tước Clăngsali theo phái dân chủ khi nền dân chủ thắng thế là việc hết sức đơn giản. Nhưng sau khi cách mạng chấm dứt, và chính thể đại nghị sụp đổ, huân tước Clăngsali vẫn giữ vững lập trường. Nhà quí tộc trở về với thượng nghị viện được khôi phục thì dễ thôi, vì cái thời trùng hưng luôn luôn vui vẻ đón nhận những con người hối cải, nhưng huân tuất. đã không theo thời thế. Trong lúc nước nhà liệt nhiệt chào mừng nhà vua trở lại nắm quyền bá nước Anh, trong lúc toàn thể tuyên bố bản cáo trạng, trong lúc nhân dân chào đón nền quân chủ, trong lúc vương triều trỗi dậy giữa một khúc phản ca chiến thắng và huy hoàng, giữa giờ phút quá khứ trở thành tương lại và tương lại trở thành quá khứ, vị huân tước ấy vẫn ngoan cố. ông da ngoảnh mặt làm ngơ trước mọi cảnh hoan hỉ, ông tự nguyện sống cuộc sống lư vong, trong lúc có thể làm nguyên lão, ông lại thích làm kẻ bị trục xuất, và năm tháng cứ thế trôi qua, tuổi già đã đến, mà ông vẫn một dạ thuỷ chung với nền dân chủ đã trú tàn. Cho nên mọi người đều đánh giá ông là lố bịch, một chuyện tự nhiên gắn liền với trò trẻ con ấy.

Ông lui về ẩn dật tại Thuỵ Sỹ, trong một túp lều cao ráo, bên bờ hồ Giơnevơ, ông tự chọn cho mình chỗ đó, tại góc hồ khắc nghiệt nhất, giữa Sivông có ngục tối của Bôniva và Vêvây có ngôi mộ Lulôvơ. Dãy núi An pơ nghiêm nghị, bốn mùa chìm ngập trong cảnh hoàng hôn, mây trời và gió lộng bao bọc lấy ông, và ông sống ở đó trầm ngâm trong những bóng tối mịt mù từ núi cao đổ xuống. Khách qua đường ít khi gặp ông. Con người ấy sống ngoài đất nước của mình, hầu như ngoài thế kỷ của mình. Dạo ấy, đối với những ai theo dõi và hiểu biết thời cuộc không một sự chống đối với thời cơ nào cỏ thể biện bạch được. Nước Anh hạnh phúc, trùng hưng là cảnh vợ chồng hoà hợp, hoàng tử và quốc gia thôi nằm riêng, còn gì đẹp đẽ và vui tươi hơn, Anh quốc rạng rỡ, có được một nhà vua đã là quí rồi, hơn nữa lại được một nhà vua duyên dáng, Sáclơ đệ Nhị dễ mến, vừa là người thích vui chơi vừa là người có tài cai trị và lại vĩ đại theo gương Luy XIV,[103] vừa hào hoa phong nhã vừa quí tộc thượng lưu. Sáclơ đệ Nhị được toàn thể thần dân ca ngợi, ông tham gia cuộc chiến tranh Hanôvrơ, chắc chắn ông biết rõ vì sao, nhưng chỉ biết một mình, ông đã bán Đoongkec cho nước Pháp, một mưu toan chính trị cao, những vị nguyên lão dân chủ, mà Sembơclên đã đánh giá: "Nền cộng hoà đáng nguyền rủa, với hơi thở thối hoắc của nó, đã làm ô uế nhiều người trong giới quí tộc", đã thức thời theo xu thế tất yếu, đi với thời đại, và đã trở về chỗ ngồi của họ trong thượng nghị viện, muốn thế họ chỉ cần tuyên thệ trung thành với nhà vua. Nghĩ đến tất cả những thực tế ấy, đến triều đại đẹp đẽ ấy, đến nhà vua tuyệt vời ấy, đến các hoàng thân cao cả ấy, được lòng bác ái của Chúa trả về với tình thương yêu của các dân tộc, khi tự nhủ rằng những nhân vật vĩ đại, như Monkơ và sau đó như Jepfrê, đã theo về với ngai vàng, rằng họ đã được xứng đáng ân thưởng vì lòng ngay thẳng và tận tâm của họ bằng những trọng trách vẻ vang nhất và những chức vụ có lợi nhất, rằng huân tước Clăngsali không thể không biết điều đó, rằng chỉ tuỳ thuộc ở ông nếu muốn vinh quang ngồi cạnh họ với mọi quyền cao chức trọng, rằng nước Anh đã nhờ nhà vua lại được nâng lên đỉnh cao của phồn thịnh, rằng Luân Đôn sống giữa hội hè và trường đua ngựa, rằng mọi người đều giàu sang phấn khởi. rằng triều đình lịch sử, vui vẻ, nguy nga, nếu ngẫu nhiên, xa cách những cảnh lộng lẫy ấy trong giây phút hoàng hôn ảm đảm nào đó, như lúc chiều tà, người ta gặp ông già kia ăn vận theo kiểu thường dân, xanh xao, nghễnh ngãng, lưng còng, chắc hẳn gần kề miệng lỗ, đứng bên bờ hồ, chỉ hơi để ý đến bão táp và trời đông, chân bước như dò dẫm, mắt đăm đăm, trong bóng tối, mái tóc bạc vật vờ trước gió, thầm lặng, cô đơn tư lự, thì khó khỏi mỉm cười.

Một thứ bóng dáng của người điên.

Nghĩ tới huân tước Clăngsali, tới địa vị lẽ ra phải có và địa vị thực tế của ông, mỉm cười là thái độ khoan dung. Một số người cười to. Một số khác bất bình.

Việc những người đứng đắn khó chịu về lối sống biệt lập ngạo mạn ấy, cũng dễ hiểu thôi.

Hoàn cảnh giảm khinh, huân tước Clăngsali chẳng bao giờ có tài trí. Tất cả mọi người đều tán thành ý kiến ấy.

II Thật là khó chịu khi thấy có những người chủ trương ngoan cố. Người ta không ưa những thời đó của Rêguyluyx, và vì thế mà trong dư luận quần chúng đôi khi nảy sinh ra thái độ mỉa mai.

Thái độ cố chấp ấy giống như những lời chê trách, và cười nó là phải thôi. Vả lại nói cho cùng, những kiểu ương bướng gai ngạnh đó, có phải là đạo đức cao quý không? Trong những lời quảng cáo quá đáng đó về lòng quên mình và danh dự, liệu có quá nhiều khoe khoang không? Đó là kiểu phô trương chứ không phải gì khác. Tại sao lại sống cô lập, lại thích lưu đày quá đáng như vậy? Không bao giờ thái quá, đây là châm ngôn của bậc hiền nhân quân tử. Chống đối, được, chê bai, nếu cần, nhưng phải đúng tư cách, nó vẫn hô vang, hoàng đế muôn năm! Đạo đức thực sự là phải biết điều. Cái gì đổ đã đổ, cái gì đứng vững đã đứng vững. Thượng đế của lý của Thượng đế, cái gì xứng đáng thì Người ban thưởng. Anh lại có tham vọng muốn biết ơn người sao Khi hoàn cảnh đã lên tiếng, khi một chế độ này thay thế một chế độ khác, khi đã diễn ra sự bù trừ cái thật cái giả bằng thắng lợi, ở đây thảm hoạ ở kia thành công, thì không thể còn nghi hoặc gì nữa, con người lương thiện liên minh với cái thắng thế, và mặc dù có lợi cho tài sản, cho gia đình mình, vẫn để không bị ảnh hưởng bởi lý do đó, và chỉ nghĩ đến sự nghiệp chung, anh ta ủng hộ kẻ chiến thắng.

Nhà nước sẽ ra sao nếu không có ai chịu phục vui. Mọi việc sẽ dừng lại sao? Người công dân tốt giữ vững địa vị mình là phải. Hãy hy sinh những ưa thích thầm kín của anh. Chức vụ cần có người đảm đương. Phải có người tận tuỵ. Trung kiên với công vụ là một sự trung thành. Công chức bỏ việc, nhà nước sẽ tê hệt. Anh tự khai trừ, thật đáng thương. Có phải là tấm gương tết không. Tự kiêu quá! Có phải là lời thách thức không. Táo bạo thật! Anh tưởng anh là nhân vật gì? Nên hiểu rằng chúng tôi không thua kém anh. Chúng tôi, chúng tôi không đào ngũ. Cả chúng tôi nữa, nếu muốn, chúng tôi cũng bất trị, bất khuất, và chúng tôi còn làm những việc tồi tệ hơn anh. Nhưng chúng tôi muốn là những con người thông minh. Vì tốt là Trimanxiông, nên anh tưởng tôi không thể là Catông[104]. Xin anh!

III Chưa bao giờ hoàn cảnh lại rõ ràng và quyết liệt như năm 1660. Chưa bao giờ thái độ lại được vạch rõ hơn cho một. đầu óc khôn ngoan.

Nước Anh đã thoát khỏi tay Cromoen. Dưới chế độ cộng hòa nhiều sự kiện không bình thường đã xảy ra. Người ta đã tạo nên ưu thế của nước Anh, nhờ cuộc chiến tranh Ba mươi năm[105] người ta đã đô hộ nước Đức, nhờ sự giúp sức của La Frôngđơ[106] đã làm nhục nước Pháp, vơi sự giúp đỡ của công tước- Bragăngxơ đã làm suy yếu Tây Ban Nha. Cromoen đã làm cho Mazaranh phải phục tùng, trong các hiệp ước, quan bảo hộ Anh quốc ký tên trên vua nước Pháp, người ta đã phạt các tỉnh Liên hiệp[107] tám triệu, đã ức hiếp An giê và Tuymx, đã chinh phục Giamaic, đã làm nhục Lixbon, đã kích động sự tranh chấp với nước Pháp tại Bacxơlon. và với Mazanielô tại Naplơ, người ta đã cột chặt Bồ Đào Nha vào nước Anh, người ta đã quét sạch dân Bachari từ Gibranta đến Căngđi, người ta đã đặt nền móng cho sự thống trị trên biển dưới hai hình thức, chiến tranh và thương mại, ngày mồng 10 tháng 8 năm 1653, con người ba mươi ba lần chiến thắng, vị thuỷ sư đô đốc già, tự nhận là Thánh tổ thuỷ thủ, vị Mactin Hape Tơromp từng đánh bại hạm w (đội Tây Ban Nha ấy, đã bị hạm đội Anh giết chết, nbơươl ta đã thu hồi Đại Tây Dương của hải quân Tây Ban Nha, Thái Bình Dương của hải quân Hà Lan, Địa Trung Hải của hải quân Vòm, và bằng hoạt động hàng hải đã chiếm toàn bộ duyên hải trên thế giới, bằng đại dương người ta nắm giữa toàn cầu, trên biển cả, cờ Hà Lan phải kính cẩn chào cờ Anh quốc, nước Pháp, qua cá nhân đại sứ Măngxin, gập gối trước Ôliviê Cromoen, Cromoen tung hất Cale và Đoongkec[108] như hai quả cầu lông trên một cây vợt, người ta đã khiến cho lục địa phải run sợ, đã quyết định hoà bình, đã tuyên bố chiến tranh, đã cắm ngọn cờ Anh quốc trên tất cả các đỉnh cao, riêng trung đoàn bờ biển sắt của quan hoả hộ đè nặng Châu âu trong khủng khiếp ngang với một đạo quân, Cromoen thường nới: ta muốn người ta phải kính trọng cộng hoà Anh quốc như người ta đã từng kính trọng cộng hoà La Mã. Còn gì thiêng liêng hơn, ngôn luận tự do, bán chí tự do, giữa đường tuỳ ý muốn nới gì thì nói, muốn in gì thì in không bị kiểm soát, kiểm duyệt, thế thăng bằng của các ngai vàng đã bị xoá bỏ, toàn bộ trật tự quân chủ Châu âu mà các vua Xtiua cũng tham gia đã bị đảo lộn. Cuối cùng người ta đã thoát khỏi cái chính thể khả ố đó, và nước Anh được tha thứ.

Sáclơ đệ Nhị khoan dung, đã ban bố bản Tuyên ngôn Brêđa[109], ông đã hạ dụ quên cho nước Anh thời kỳ mà con trai của một anh làm rượu bia ở Huntinđon đặt chân lên đầu Luy XIV. Nước Anh nhận tội, hối hận và thở ra. Sự cởi mở của mọi trái tim - chúng tôi vừa nói xong - thật hoàn toàn, giá treo cổ những kẻ giết vua thêm vào niềm vui của toàn dân. Trùng hưng là một nụ cười, nhưng một ít giá treo cổ lại không thích hợp, và phải thoả mãn lương tâm công chúng. Tư tưởng vô kỷ luật đã tiêu tan, lòng trung thành được khôi phục. Từ nay tham vọng duy nhất là được làm người dân lành. Người ta đã hết những cơn điên rồ chính trị, ngưu ta nhạo báng nền cộng hoà, người ta chế giễu nền cộng hoà với những thời kỳ đặc biệt mà lúc nào ở cửa miệng cũng có những từ rất kêu. Luật pháp, Tự do, Tiến bộ, người ta cười những giọng điệu khoa trương đó. Việc quay về với lương tri thật đáng khen ngợi, nước Anh đã mơ mộng. Còn gì hạnh phúc bằng thoát khỏi những lầm lạc ấy, Còn gì vô ý thức hơn? Người ta sẽ đi đến đâu nếu ai ai cũng có quyền? Có thể nào hình dung được việc toàn dân thống trị? Có thể nào tượng tượng nổi việc đất nước do toàn thể công dân dẫn dắt? Công dân là cỗ ngựa đóng vào xe và cỗ ngựa đâu phải là anh xà ích. Biểu quyết tức là đem tung tán.[110] Anh có muốn để nhà nước lơ lửng như mây trời không? Đã hỗn loạn thì không thể xây dựng được trật tự. Nếu hỗn mang là kiến trúc sư, công trình sẽ là tháp Baben. Còn gì tàn bạo hơn cái được gọi là tự do đó. Tôi, tôi chỉ muốn vui đùa chứ không muốn cai trị. Bầu với bán làm tôi chán ngấy, tới chỉ thích múa nhảy thôi. Còn gì quý hoa hơn được một nhà vua đảm đương hết mọi việc, ông vua ấy quả là người hào hiệp nên mới chịu vất vả thay cho chúng ta! Hơn nữa, ông ta được nuôi dưỡng để làm cái công việc ấy, ông ta biết nó là cái gì Đó là việc của ông ta. Hoà bình, chiến tranh, pháp chế, tài chính, những việc ấy có quan hệ gì đến các dân tộc? Tất nhiên, nhân dân phải bỏ tiền ra, tất nhiên nhân dân phải phục vụ, nhưng như vậy là đủ rồi. Một phần đã dành cho nhân dân trong chính trị! Chính nhờ nhân dân mà có hai sức mạnh của Nhà nước, là quân đội và ngân sách. Làm người anh và người đóng thuế, thế không đủ hay sao? Còn cần gì nữa? Nhân dân là cánh tay quân sự, là cánh tay tài chính. Nhiệm vụ tuyệt vời Người ta trị vì thay cho nhân dân. Vậy nhân dân phải trả công cho cộng việc đó. Thuế má và thuế phí hoàng gia là những khoản tiền lương do nhân dân trả cho vua chúa hưởng. Nhân dân đóng góp xương máu và tiền bạc, lấy cái đó người ta dẫn dắt nhân dân. Muốn tự dắt mình à? ý nghĩa gì mà kỳ quặc! Nhất thiết phải có người dẫn dắt chứ. Vì ngu muội lên nhân dân là kẻ mù. Người mù chẳng có chó là gì? Có điều, đối với nhân dân, đây là một con sư tử, là nhà vua, vui lòng làm con chó. Phúc đức biết chừng nào! Nhưng tại sao nhân dân lại ngu muội? Vì buộc nó phải thế. Ngu muội là người lính canh của đức hạnh. Chỗ nào không có viễn cảnh, chỗ đó không có tham vọng, kẻ ngu muội đứng trong một cảnh tăm tối bổ ích, nó không cho nhìn và gạt luôn cả thèm khát. Nhờ vậy mà vô tội. Kẻ nào đọc, kẻ đó suy nghĩ, kẻ nào suy nghĩ, kẻ đó phân tích. Không phân tích, đó là bổn phận, đó cũng là hạnh phúc. Những chân lý ấy không thể bàn cãi. Xã hội ngồi lên trên chân lý.

Những lý thuyết xã hội trong sạch bên nước Anh được tái lập như vậy đấy. Quốc gia được hồi phục như vậy đấy Đồng thời người ta quay về với văn chương mỹ lệ Người ta khinh miệt Sêcxpia, và khâm phục Đraiđơn. Draiđơn là nhà thơ vĩ đại nhất của nước Anh và của thế kỷ. Antơ-biuri, người dịch cuốn Acsitophen, nói thế. Chính là thời mà ông Huyê, giám mục Avrắngơ, viết cho Xômedơ, người đã cho tác giả cuốn Thiên đừng bị mất hân hạnh được bác bỏ ông và nhục mạ ông: - Sao ông lại có thể bận tâm vì một của nhỏ mọn như cái ông Mintơn thế? Tất cả đều sống lại, tất cả lại trở về vị trí cũ Đraiđơn ở trên, Sêcxpia Ở dưới, Sáclơ đệ Nhị trên ngai, Cromoen trên giá treo cổ. Nước Anh trỗi dậy từ những nhục nhã và cuồng vọng của quá khứ. Thật là hạnh phúc lớn cho những quốc gia được chế độ quân chủ kẻo về với trật tự trong nước và với thẩm mỹ văn chương.

Những lợi ích như vậy mà không nhận ra thì thật là khó tin. Ngoảnh lưng lại Sáclơ đệ Nhị, lấy vô ơn để thượng cho lòng cao thượng của ông ta lúc bước lên ngôi, chẳng phải là khả Ố hay sao? Huân tước Linơx Clăngsacli đã gây cho những người đứng đắn mối buồn phiền đó. Hờn dỗi với hạnh phúc của Tổ quốc, còn có sai lầm nào hơn nữa!

Người ta được biết rằng năm 1650 nghị viện có ban bố một văn bản: - Tôi hứa trung thành với nền cộng hoà, không vua, không chúa, không quí tộc. Lấy lý do mình đã tuyên thệ quái gở như vậy, huân tước Clăngsacli cứ sống ngoài đất nằm nhà vua, và trước sự hân hoan chung của toàn dân, tưởng mình có quyền buồn bã. ông giữ một lòng quí mến âm thầm đối với cái không còn nữa, một sự quyến luyến kỳ quặc đối với những gì đã tàn tạ. Tha thứ cho ông là việc không thể được, những người có thiện chí nhất xa lánh ông. Bạn bè ông một thời gian lâu dành cho ông cái vinh dự là tưởng ông gia nhập hàng ngũ cộng hoà chỉ để nhìn được gần hơn những chỗ sơ hở của bộ áo giáp công hoà, và để đánh nó chắc ăn hơn khi thời cơ đến, làm lợi cho sự nghiệp thiêng liêng của nhà vua. Những chờ đợi giờ phút thích đáng để giết kẻ thù từ sau lưng thuộc lòng trung thực. Người ta hy vọng như thế ở huân tước Clăngsacli, trong chừng mực người ta còn có khuynh hướng muốn nhận xét ông một cách tốt đẹp. Nhưng trước thái độ lạ lùng khăng khăng với nền cộng hoà của ông, đành phải từ bỏ thiên kiến đó thôi. Tất nhiên huân tước Clăngsacli tin tưởng một cách vững chắc, nghĩa là một cách ngu ngốc.

Những kẻ khoan dung do dự không biết nên giải thích đó là do tính chất ương ngạnh trẻ con hay do tính ngoan cố của người già.

Những người nghiêm khắc, những kẻ chính trực đi xa hơn. Họ làm nhục con người tái phạm kia. Vẫn có quyền ngu dại, nhưng phải biết giới hạn. Người ta có thể là một người cục súc nhưng không được làm một tên phản nghịch. Với lại suy cho cùng, Clăngsacli là ông gì kia chứ. Một kẻ ly khai. ông đã từ bỏ hàng ngũ của ông, từ bỏ giai cấp quí tộc, để sang hàng ngũ địch, hàng ngũ dân chúng. Con người trung thành ấy là một tên phản bội. Đúng, ông "phản bội" kẻ mạnh và trung thành với kẻ yếu, đúng, phe ông bài xích là phe thắng, còn phe ông theo là phe bại, với sự "phản bội này, đúng, ông mất hết. cả đặc quyền chính trị, cả gia đình vợ con, cả tước vị nguyên lão và tổ quốc, ông chỉ được hai chữ lố bịch, ông chỉ lợi có cảnh lưu đày. Nhưng như thế chứng tỏ cái gì? Rằng ông là một tên ngớ ngẩn. Đồng ý thôi.

Vừa phản bội vừa bị lừa, rõ ràng như thế.

Muốn ngớ ngẩn bao nhiều, tuỳ ý, nhưng đừng nêu gương xấu. Người ta chỉ đòi hỏi kẻ ngớ ngẩn phải lương thiện, như vậy chúng có thể tự xem là nền móng của các nền quân chủ. Đầu óc của ông Clăngsacli này không thể tưởng tượng nổi. ông vẫn mù quáng trong ảo ảnh cộng hoà. ông đã để nền cộng hoà lôi cuốn vào và gạt ông ra, ông làm nhục xứ sở của ông. Thái độ ông hoàn toàn phản nghịch. Vắng mặt tức là lăng mạ. Hình như ông xa lánh hạnh phúc của mọi người như xa lánh một thứ bệnh dịch. Trong chuyện lưu đày tự nguyện của ông, có một điều gì như muốn trốn tránh cảnh mãn nguyện của quốc dân. ông xem vương quyền như một thứ bệnh truyền nhiễm. Trên niềm hoan hỉ quân chủ rộng khắp, bị ông xem như một trại hủi, ông là lá cờ đen. Sao! Trên trật tự được lập lại, trên đất nước được chấn hưng, trên tốn giáo được khôi phục, mà mang bộ mặt rầu rĩ như vậy à! Trên cái nền trong sáng ấy mà lại phủ bóng tối như vậy sao! Bất mãn vì đất nước Anh vui sướng. Làm cái chấm đen trên nền trời xanh rộng! Giống như một sự đe đoạt Phản đối ý muốn của đất nước! Từ chối sự đồng tình của mình trước sự tán thành của toàn thể! Thật là khả ố nếu không phải là khôi hài, ông Clăngsacli không nhận thấy là mình có thể đi lầm đường với Cromoen, nhưng phải quay lại với Monkơ chứ. Ta thử xem Monkơ, ông này đang chỉ huy quân đội cộng hoà, Sáclơ đệ Nhị lưu vong, biết ông ngay thẳng, đã viết thư cho ông, kết hợp đức độ với những hành vi khôn ngoan, thoạt tiên Monkơ còn giữ kín, rồi thình tính cầm đầu quân lính lật độ nghị viện phản loạn, và suy tôn nhà vua, thế là Monkơ được phong công tước Alomaclơ có vinh dự cứu thoát xã hội, trở nên giàu có, làm rạng rỡ mãi thời đại mình, và được phong hiệp sĩ dòng Giarơchie với triển vọng được mai táng tại điện Oetminxtơ. Đấy là vinh quang của một người Anh trung thành. Huân tước Clăngsacli đã không đủ trí tuệ để hiểu nổi được lối thi hành nhiệm vụ như vậy. ông say mê và không chuyển biến với cảnh lần đày, ông tự thoả mãn với những câu rỗng tuếch. Con người đó bị tê liệt vì lòng kiêu ngạo. Những từ ngữ lương tâm, phẩm cách, vân vân, nói cho cùng chỉ là những từ ngữ. Cần phải thấy các lõi.

Cái lõi ấy Clăngsacli đã không thấy. Đấy là một lương tâm cận thị, trước khi làm một việc gì cứ muốn nhìn thấy thật gần để ngửi được mùi. Vì vậy mà có những chuyện ghê tởm rất vô lý. Không thể làm thính khách với những trò thanh lịch kiểu ấy. Nhiều lương tâm quá hoá ra tàn tật. Ngần ngại là anh cụt tay trước thanh vương trượng phải nắm lấy, và anh quan thị trước số tài sản phải cưới về. Nên cảnh giác với những chuyện ngần ngại. Chúng dẫn đi xa đấy. trong trung thành vô lý dẫn ta đi xuống sâu như một chiếc thang của hầm ngầm. Một bực, một bực, rồi một bực nữa, thế là ta đứng trong bóng tối. Người khôn ngoan quay lên, kẻ dại dột đứng lại. Không nên nhẹ dạ để lương tâm đi vào chỗ ghét đời. Từng nấc, từng nấc, người ta đi đến những sắc độ đen thẫm của tiết thánh chính trị. Thế là hỏng. Câu chuyện ly kỳ của huân tước Clăngsacli như vậy đấy.

Các nguyên tắc cuối cùng trở thành vực sâu.

ông ta thường dạo chơi tay chắp sau lưng, dọc bờ hồ Giơnevơ, bước tiến hay thật!

Ỏ Luân đôn đôi khi người ta cũng nhắc đến con người vắng mặt ấy. Trước dư luận công chúng, ông hầu như là một kẻ bị kết tội. Ti ta cân nhắc phải trái. Nghe xong câu chuyện người ta dành cho ông cái tiếng ngu ngốc.

Nhiều người, trước đây tích cực với nền cộng hoà quá cố đã quy thuận giống họ Xtiua. Đó là điều phải khen họ. Tất nhiên họ cũng nới xấu nền cộng hoà đôi tí. Những người ương ngạnh thường quấy rầy kẻ dễ tính. Những kẻ tài trí, được vì nể và trọng đãi ở triều đình, bực mình vì thái độ khó chịu của ông, nói một cách không ngại ngùng: - Sở dĩ ông ta không tán thành là vì chưa được trả cao giá thôi... vân vân. ông ta muốn cái cương vị tể tướng mà nhà vua đã ban cho huân tước Haiđơ kia, vân vân. Một trong những "bạn cử của ông còn đi đến chỗ rỉ tai: chính ông ta nói thế với tôi. Đôi khi, mặc dầu cô độc, qua các người bị trục xuất mà ông gặp, qua những người giết vua trước như Andriu Broton, Ở tại Lôzan, Linơx Clăngsacli cũng được nghe phong phanh về những chuyện ấy, Clăngsacli chỉ khẽ nhún vai, dấu hiệu đần độn nặng.

Có lần ông thêm vào cái nhún vai ấy mấy tiếng sau đây nói rất khẽ: Ta thương hại cho những kẻ nào tin vào điều đó

IV Sáclơ đệ Nhị, con người hiền lành, khinh miệt ông ta. Hạnh phúc của nước Anh dưới thời Sáclơ đệ Nhị còn hơn cả hạnh phúc, đó là cảnh sung sướng tuyệt vời. Trùng hưng là một bức tranh đen sạm được quang dầu lại, toàn bộ quá khứ đều hiện trở về. Những thuần phong mỹ tục ngàn xưa lại trở về, các phu nhân xinh đẹp ngự trị và cầm quyền. Evơlin đều có ghi lại cả, trong nhật ký của ông ta viết: "Dâm dật, phạm thánh, khinh thường Chúa. Một chiều chúa nhật nọ tôi thấy nhà vua cùng đám đĩ điếm, Pormơt, Clevơlan, Mazaranh và hai ba ả khác, tất cả hầu như trần truồng trong cung du hí. Trong bức tranh đó người ta cảm thấy có đôi chút bực mình nhưng Evơlin là một tín đồ thanh giáo khó tính, có đôi chút mơ mộng cộng hoà, ông ta không chịu được cái gương sáng có lợi cho vua cháu qua những trò vui chơi kiểu Babilon ấy, những trò rốt cuộc làm cho cảnh xa hoa thêm đậm đà màu sắc, ông ta không hiểu nổi lợi ích của những thói hư tật xấu. Nguyên tắc, muốn có đàn bà đẹp thì không nên triệt bỏ thói hư tật xấu. Nếu không, anh sẽ như những thằng ngu giết hết sâu nhộng nhưng lại thích chơi bướm vàng.

Như chúng tôi vừa nói, Sáclơ đệ Nhị phong thanh biết có một người không chịu phục tùng tên là Clăngsacli, nhưng Giắc đệ Nhị lại để tâm đến nhiều hơn Sáclơ đệ Nhị cai trị một cách mềm dẻo, đó là đường lối của ông, phải nói ông ta không vì thế mà cai trị kém hơn. Để chế ngự gió, người thuỷ thủ đôi khi dùng một kiểu nút lỏng lẻo. mặc cho gió siết chặt. Đó là cái ngu ngốc của bão táp và của nhân dân.

Cái nút lỏng lẻo kia chẳng mấy lúc siết chặt, đấy là lối cai trị của Sáclơ đệ Nhị.

Dưới thời Giắc đệ Nhị bắt đầu việc thắt chặt. Cần phải thắt chặt những gì còn lại của cách mạng. Giắc đệ Nhị có cái tham vọng đáng khen muốn làm một ông vua có hiệu lực. Triều đại Sáclơ đệ Nhất trước mắt ông chỉ mới là bước đầu của trùng hưng, Giắc đệ Nhị muốn phục hồi trật tự hoàn toàn hơn nữa. Năm 1660 ông lấy làm tiếc là người ta đã hạn chế chỉ treo cổ có mười tên giết vua, ông ta là một người tái thiết quyền lực thật sự hơn, ông đem lại hiệu lực cho những nguyên tắc cứng rắn, ông đề cao nền công lý chân chính đứng trên những khoa trương tình cảm, và lo lắng đến quyền lợi xã hội trước tiên. Qua những mặt nghiêm khắc có tính chất che chở ấy, người ta công nhận người cha của nhà nước, ông giao bàn tay công lý cho Jepfri, và thanh kiếm cho Kiêckơ. Kiêckơ bội tăng các gương sáng. Một hôm viên đại tá được việc này sai treo cổ rồi lại tháo xuống liên tiếp ba lần vẫn một người ấy, một chiến sĩ cộng hoà, mỗi lần như vậy y lại hỏi:

- Mày có chịu ly khai nền cộng hoà không? Con người tai ác luôn luôn trả lời không, liền bị kết liễu.

- Tôi đã treo cổ nó bốn lần - Kiêckơ khoái trá nói. Những cực hình tái diễn là một dấu hiệu lớn về sức mạnh trong quyền lực. Phu nhân Lainơ, người đã cho con trai ra trận chống Manmao, nhưng lại giấu trong nhà hai anh phiến loạn, bị xử tử. Một anh phiến loạn khác đã thẳng thắn tuyên bố là một phụ nữ theo phái tái rửa tội[111] đã cho anh ta ẩn náu, nên được tha, còn người phụ nữ kia thì bị thiêu sống. Một hôm khác Kiêckơ có cho một thành phố hiểu là y biết nó theo phái cộng hoà, bằng cách treo cổ mười chín người tư sản. Những việc đàn áp chính đáng, tất nhiên, khi nghĩ đến chuyện dưới thời Cromoen người ta đã cắt tai xẻo mũi cả tượng thánh bằng đá trong các nhà thờ. Giắc đệ Nhị người đã biết chọn Jepfri và Kiêckơ, là một ông vua sùng bái tôn giáo thật sự, ông ta rất buồn phiền về mấy bà nhân tình quá xấu, ông ta nghe cha La Colôngbie, nhà thuyết giáo cũng gần uyển chuyển như cha Somine, nhưng sôi nổi hơn, và có cái vinh quang làm cố vấn cho Giắc đệ Nhị trong nửa đời trước của mình, và nửa sau lại là người cổ suý cho Mari Alacôcơ[112]. Chính nhờ được nuôi dưỡng bằng sức mạnh tôn giáo như vậy, mà sau này Giắc đệ Nhị có thể chịu đựng một cách rất đường hoàng cuộc lưu đày, và khi ẩn dật tại Xanh Giecmanh, cho ta hình ảnh một nhà vua trác việt trong nghịch cảnh, bình thản sờ người mắc bệnh tràng nhạc, chuyện trò với người theo phái Giê-duyt[113].

Người ta hiểu là một ông vua như vậy, trong chừng mực nào đó, phải để tâm đến một người bất kham như huân tước Clăngsacli. Vì tước vị nguyên lão cha truyền con nối vẫn có đôi chút tương lai, nên tất nhiên Giắc đệ Nhị không ngần ngại gì, nếu phải dè dặt với vị huân tước này.

2. HUÂN TƯỚC ĐÊVÍT ĐIRY-MOA

I Huân tước Linơx Clăngsacli không phải lúc nào cũng già và cũng bị ghét bỏ, ông ta đã có một thời thanh niên sôi nổi. Qua Harixơn và Praidơ, người ta được biết Cromoen lúc trẻ rất hiếu sắc, điều này đôi khi (trạng thái khác về vấn đề phụ nữ) là dấu hiệu của một con người phản nghịch. Hãy cảnh giác với cái thắt lưng thắt lỏng Maleproecinctum Juvơnem cavete[114].

Như Cromoen, huân tước Clăngsacli cũng có những chuyện không đứng đắn và những điều không bình thường. Người ta được biết ông có một đứa con trai ngoại tình. Thằng bé này, ra đời vào lúc nền cộng hoà suy tàn, sinh tại nước Anh trong khi bố nó đang sống cảnh lưu đày, cho nên nó chẳng bao giờ được nhìn thấy bố. Đứa con hoang này của huân tước Clăngsacli đã lớn lên với tư cách kiếm đồng trong triều đình Saclơ đệ Nhị. Người ta gọi nó là huân tước Đêvít Điry-Moa, nó là huân tước xã giao, vì mẹ nó dòng dõi quý tộc. Trong khi huân tước Clăngsacli trở thành cú vọ bên Thuỵ Sỹ, người mẹ nhan sắc này quyết định tỏ ra ít bất mãn hơn, và xin người tình thứ hai tha thứ cho người tình man rợ thứ nhất, anh thứ hai tất nhiên là thuần phục, và bảo hoàng nữa, vì đấy là nhà vua. Bà ta phần nào là nhân tình của Saclơ đệ Nhị, đủ để hoàng thượng say sưa vì đã chinh phục được người đàn bà đẹp này của chế độ cộng hòa, ban cho vị huân tước trẻ Đêvít, con trai chiến công của mình, một nhiệm vụ bảo vệ chi họ. Nhờ vậy đứa con hoang được danh hiệu sỹ quan, ăn tại triều, và vì thêm người rất trung thành với dòng họ Xtitua. Trong một thời gian, với tư cách sĩ quan cận vệ, huân tước Đêvít là một trong số một trăm bảy mươi người được mang trường kiếm, sau đó y lại ra nhập lớp người được ân cấp và là một trong bốn mươi người cầm thương vàng. Ngoài ra, vì thuộc đoàn quý tộc do Hăngri đệ Nhất thành lập để bảo vệ mình, y được đặc quyền bày đĩa trên bàn ăn nhà vua. Trong lúc mái tóc bố bạc trắng ở chốn lưu đày, huân tước Đêvít lớn lên dưới trướng Saclơ đệ Nhị như thế.

Hoàng đế băng hà, hoàng đế vạn tuế. Đó là câu: non deficit alter aureus[115]. Chính nhân sự kiện này của công tước York, y được phép gọi là huân tước Đêvít - Moa, nhờ bà mẹ vừa chết để lại lãnh quyền về khu rừng rộng lớn xứ Ecôx, nơi người ta muông thấy giống chim Krag mổ thủng thân những cây sồi để làm tổ.

II Giắc đệ Nhị là vua nhưng lại có tham vọng làm tướng, ông thích được những sĩ quan trẻ bao quanh, ông ưa xuất hiện trước công chúng, ngồi trên lưng ngựa, đầu đội mũ sắt, mình mang giáp bào, với một bộ tóc giả đồ sộ loà xoà dưới mũ sắt, trên áo giáp, một loại tượng đài cưỡi ngựa ngu ngốc thời chiến tranh, ông rất mến phong cách của vị huân tước trẻ Đêvít, ông thông cảm việc anh chàng bảo hoàng kia là con trai của một chiến sĩ cộng hòa, một ông bố ghét bỏ không hại gì cho một vận may cung đình được bắt đầu cả. Nhà vua phong cho Đêvít làm quan ngự thiện, với một nghìn livrơ tiền lương. Đó là một bước tiến thân tốt đẹp. Quan ngự thiện đêm nào cũng ngủ cạnh vua, trên một chiếc giường riêng. Mười hai vị quý tộc thay phiên nhau.

Ở chức vụ ấy, huân tước Đêvít chỉ huy việc coi kho lương nhà vua, người phần phát kiều mạch cho ngựa, và được hai trăm sáu mươi livrơ tiền lương. Dưới quyền y có năm người đánh xe ngựa cho vua, năm người phu trạm của nhà vua, năm mã phu của vua, mười hai lính hầu cận và bốn lính khiêng kiệu vua. Y được quản lý sáu con ngựa đua của vua nuôi tại Hêmacket và tốn kém cho nhà vua mỗi năm sáu trăm livrơ. Y làm mưa làm gió trong kho ngự y, kho này cung cấp lễ phục cho các hiệp sĩ dòng Giarơchie. Y được viên hoàng môn quan đũa đen[116] của nhà vua chào sát đất. Việc này, dưới triều Giắc đệ Nhị, là hiệp sĩ Đupa. Huân tước Đêvít được ông Bêkơ, thư ký nhà vua và ông Brao, thư ký nghị viện kính trọng. Triều đình Anh quốc tráng lệ là một kiểu mẫu về lòng hiếu khách.

Huân tước Đêvít là một trong mười hai người điều khiển những buổi yến tiệc và đón rước. Y được vinh quang đứng sau lưng nhà vua những ngày phụng hiến, khi nhà vua ban cho nhà thờ đồng tiền vàng, byzan- tium, những ngày đeo hạt, khi nhà vua đeo chuỗi hạt phẩm chức của mình, và những ngày rước lễ, khi không ai được chịu lễ, ngoài vua và các hoàng thân. Chính y, ngày thứ năm thánh, dẫn đến trước mặt hoàng thượng mười hai người nghèo khó để nhà vua ban lộc, bao nhiêu tuổi thì được bấy nhiều xu bạc, và triều đại bao nhiêu năm thì được bấy nhiều siling vàng. Lúc nào long thể bất an, y có nhiệm vụ gọi để giúp đỡ trông nom hoàng thượng, hai linh mục ngự tế, và ngăn chặn không để bọn thầy thuốc đến gần khi không được phép của hội đồng tham chính. Ngoài ra, y còn là trung tá của trung đoàn cận vệ Ecôx, trung đoàn nổi trống hành quân. Trong cương vị này, y tham dự nhiều trận rất vẻ vang, vì y là một võ quan anh dũng.

Y là một lãnh chúa can đảm, đẹp người, đẹp mã, độ lượng, tướng mạo đường đường, oai phong lẫm lẫm. Thật là tài đức vẹn toàn. Vừa to cao, vừa dòng dõi quý phái.

Một dạo xuýt nữa y được cử làm Groon of the steol[117], chức vụ cho y đặc quyền mặc áo lót cho vua, nhưng muốn thế thì phải là hoàng thân hoặc nguyên lão.

Đặt thêm một nguyên lão thì nhiều quá. Tức là đặt thêm một lãnh quyền, việc này đẻ ra những kẻ ghen ghét. Đó là một đặc ân, một đặc ân đem lại cho nhà vua một người bạn, và một trăm kẻ thù, không kể người bạn trở thành kẻ vong ơn. Vì lý do chính trị, Giắc đệ Nhị tỏ ra khắt khe trong việc đặt thêm lãnh quyền, nhưng sẵn lòng thuyên chuyển lãnh quyền. Thuyên chuyển một lãnh quyền không gây náo động. Chỉ đơn giản tiếp tục một cái tên. Hàng ngũ lãnh chúa không vì thế mà bị xáo trộn.

Thiện ý của nhà vua không ngại ngùng gì việc đưa huân tước Điry-moa vào thượng nghị viện, miễn là qua cái cửa của một lãnh quyền được thay thế. Hoàng thượng không đòi hỏi gì hơn có dịp để chuyển Đêvít Điry-Moa từ huân tước xã giao thành huân tước đương nhiên.

III Thời cơ ấy đến.

Một hôm người ta được hay có nhiều chuyện xảy đến với ông già vắng mặt, huân tước Lunơx Clăngsacli, việc chính là ông ta qua đời. Cái chết có mặt tốt cho con người, khiến cho họ được nhắc tới. Người ta kể những điều biết được, hoặc tưởng như biết được, về những năm cuối cùng của huân tước Linơx. Có lẽ toàn chuyện đoán phỏng và chuyện hoang đường. Cứ như những chuyện kể lại đó, tất nhiên không chắc chắn lắm, thì quãng cuối đời mình, huân tước Clăngsacli có lúc lại sôi sục ý tưởng cộng hoà đến mức làm một việc ương ngạnh kỳ quái trong đời lưu đày, lấy Ann Bratso, người ta cho biết rõ cả tên, con gái một kẻ giết vua. Bà này cũng chết rồi, nhưng nghe đâu sau lúc sinh được một đứa con, con trai, và nếu mọi chi tiết ấy đều đúng thì đứa con này sẽ là con trai thừa kế hợp pháp của huân tước Clăngsacli. Những lời ong tiếng ve rất mơ hồ đó giống chuyện đồn đại nhiều hơn sự thật. Những gì xảy ra ở Thuỵ Sỹ đối với nước Anh thời ấy cũng xa xôi chẳng khác gì những chuyện xảy ra ở Trung Quốc đối với nước Anh ngày nay. Huân tước Clăngsacli dễ phải đến năm mươi chín tuổi lúc lấy vợ, sáu mươi, lúc đứa con trai ra đời, và chết sau đó một ít thôi, để lại thằng bé kia, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Những khả năng, cố nhiên, nhưng lại là chuyện khó có thật. Người ta còn thêm rằng thằng bé "đẹp như thiên thần, điều vẫn thấy trong mọi chuyện cổ tích. Vua Giắc chấm dứt những lời đồn đại kia, tất nhiên không có chút cơ sở nào cả, bằng cách một sáng nọ tuyên bố huân tước Đêvít Điry-Moa là người thừa kế duy nhất và cuối cùng, vì không có con hợp pháp và do ý muốn nhà vua, của huân tước Linơx Clăngsacli, người bố tự nhiên của y: việc không còn quan hệ cha con và dòng dõi nào khác đã được xác nhận, do đó các khoản chứng thư được đăng ký tại nghị viện nguyên lão. Bằng những chứng thư đó, nhà vua thay huân tước Đêvít Điry-Moa  vào những tước vị quyền lợi và đặc quyền của vị huân tước đã khuất Linơx Clăngsacli, với một điều kiện duy nhất là huân tước Đêvít sẽ lấy một người con gái, khi nào cô này đến tuổi cập kê. Lúc ấy cô gai còn bé tí và chỉ mới được có mấy tháng, nhưng nhà vua đã phong cho làm nữ công tước ngay từ trong nôi, không rõ tại sao. Nếu độc giả muốn, thì xin hiểu là người ta thừa rõ tại sao. Người ta gọi cô bé ấy là nữ công tước Giôzian.

Bấy giờ thời thượng nước Anh rất sính lấy tên Tây Ban Nha. Một trong những con hoang của Saclơ đệ Nhị tên là Caclôx, bá tước Plymơt. Chắc Giôzian do Giôzêpha y Ann rút ngắn lại. Tuy vậy có lẽ Giôzian cũng như Giôziax, một trong những nhà quý tộc của Hăngri đệ Tam tên là Giôziax Đuy Partxagiơ.

Thái ấp Clăngsacli, nhà vua ban cho nữ công tước ấu thơ này. Cô là nữ nguyên lão trong khi chờ đợi có vị nam nguyên lão. Vị nguyên lão này sẽ là chồng của cô. Thái ấp ấy gồm toàn bộ đất đai của hai lãnh địa, lãnh địa của nam tước Clăngsacli và lãnh địa của nam tước Hâncơvin, ngoài ra dòng họ Clăngsacli, nhờ được ân thưởng sau một chiến công cũ và được phép nhà vua, còn là hầu tước Coriêon đảo Xi xin. Theo nguyên tắc, nguyên lão Anh quốc không được mang tước vị nước ngoài, tuy nhiên vẫn có biệt lệ, vì vậy Henry Arơnđen, nam tước Arơnđen Vacđua, cũng như huân tước Clipfor, còn là bá tước Xên Empai, mà huân tước Cao pơ là hoàng thân, bá tước Hamintơn ở Pháp là bá tước Satenlơrô, Bêzin Fênđinh, bá tước Đenbai, ở Đức là bá tước Hapxbua, Lêpfenhua và Raifenđen. Công tước Manhôrô là hoàng thân Minđenhai ở Xuap, cũng như công tước Oenlintơn là hoàng thân Oateclô ở Bỉ. Vẫn huân tước Oenlintơn ấy là công tước Tây Ban Nha Xyuđa-Rôđrigô và bá tước Bồ Đào Nha Vimêra.

Ở nước Anh còn chia ra đất quí tộc và đất thường dân. Tất cả đất đai của dòng họ Clăngsacli đều là đất quí tộc. Số đất đai đó gồm có lâu đài, thị trấn, pháp đình phong thổ, niên lợi, thái ấp và các cơ ngơi dính hèn vào toàn bộ thái ấp Clăngsacli - Hâncơvin, tạm thời thuộc về tôn nữ Giôzian, và nhà vua tuyên bố một khi Giôzian lấy chồng, huân tước Điry-Moa  sẽ là nam tước Clăngsacli.

Ngoài gia tài Clăngsacli, tôn nữ Giôzian còn có tài sản riêng. Tôn nữ có nhiều tài sản lớn, nhiều thứ là quà của phu nhân không đuôi tặng cho công tước York. Phu nhân không đuôi tức phu nhân trơn. Hăngriet nước Anh, nữ công tước xứ Orlêang, đệ nhất phu nhân nước Pháp sau hoàng hậu, vẫn được người ta gọi như thế.

IV sau khi được rạng rỡ dưới trướng của Saclơ và Giác, huân tước Đêvít lại thành công dưới triều Ghiôm. Tuy có tinh thần Giacôbanh nhưng y không bước qua, theo Giắc đệ Nhị đi lưu đày. Vừa tiếp tục yêu quý nhà vua chính thức của mình, y vừa khôn ngoan phục vụ kẻ tiếm đoạt ngai vàng. Vả lại, tuy có phần nào vô kỷ luật, y vẫn là một sĩ quan ưu tú, y chuyển từ lục quân sang hải quân, và tỏ ra xuất sắc trong hạm đội trắng. Y trở nên, như người thời ấy gọi "trung tá hải quân". cuối cùng y thành một con người rất phong nhã, rất mực trai lơ trong thói hư tật xấu, cũng hơi thi sĩ như ai, bầy tôi trung thành của quốc gia, đầy tớ trung thành của hoàng thượng, luôn luôn có mặt các dịp hội hè, mỗi khi yến tiệc, những lúc vua dậy, những buổi triều nghi, những lần chiến trận, nô lệ đứng đắn, ngạo mạn vô cùng, đôi mắt có lúc nhìn xuống có lúc sắc sảo, tuỳ theo vật nhìn, sẵn sàng chính trực, khúm lúm và kiêu căng hợp lúc, mới đầu thẳng thắn thành thật, để sau đó lại che giấu mặt đi, rất tinh ý biết khi nào nhà vua dễ tính, khó tính, không tư lự trước mũi kiếm, luôn luôn sẵn sàng liều thân trước một dấu hiệu của nhà vua một cách anh hùng và tầm thường, có thể làm một điều bậy bạ, nhưng không bao giờ phạm một điều thất lễ, là người chuộng tao nhã và nghi thức hãnh diện được quì gối trong những dịp lớn của chính thể quân chủ, anh dũng một cách vui vẻ, trên là nịnh thần, dưới là giang hồ hiệp sĩ, bốn mươi năm tuổi đời mà vẫn trẻ măng.

Huân tước Đêvít ưa hát những bài hát Pháp, một nét hào hoa lịch sự mà Saclơ đệ Nhị rất thích.

Y khoái trò hùng biện và lối ăn nói văn hoa. Y hết lời ca ngợi những bài văn nịnh hót nổi tiếng mà người ta vẫn gọi là Điếu văn của Bôtxuyê[118].

Nhờ bên mẹ, y cũng tạm đủ sống, có quãng mười nghìn livrơ xteclinh lợi tức, nghĩa là hai mươi năm vạn Phơrăng niên thu. Vậy mà y vẫn mang công mắc nợ. Về mặt xa hoa, ngông cuồng, chuộng mới, không ai bì kịp y. Hễ có người bắt chước là y thay đổi ngay kiểu cách. Đi ngựa, y mang loại ủng thoải mái bằng da bò lộn trái có đinh thúc ngựa. Mũ y đội, không ai có, đăngten y dùng thuộc loại chưa ai thấy, và những kiểu hộ tâm thì chỉ một mình y có.

3. NỮ CÔNG TƯỚC GIÔZIAN.

I Quãng năm 1705, mặc dầu tôn nữ Giôzian đã hai mươi ba tuổi và huân tước Đêvít bốn mươi tư, hôn lễ vẫn chưa được tiến hành, vì những lý do đẹp đẽ nhất đời. Họ ghét nhau? Hoàn toàn không phải thế. Nhưng đã không thể tuột khỏi tay thì việc gì phải vội vã. Giôzian muốn được tự do, Đêvít muốn trẻ mãi. Chỉ trói mình vào lúc muộn nhất, y xem đấy là cách kéo dài tuổi xuân. Những chàng trai muộn vợ nhan nhản ở những thời buổi lẳng lơ ấy, đầu hai thứ tóc mà vẫn thích đỏm dáng như đàn bà, tóc giả là đồng loã, sau đó phấn sáp lại tiếp tay. Năm mươi nhăm tuổi, huân tước Saclơ Giera, nam tước Giera thuộc dòng họ Cliera ở Bromlê, đem tài sản lớn của mình vung vãi khắp Luân đôn. Nữ công tước trẻ đẹp Buyckingam, nữ bá tước Côven-tơri, điên cuồng say đắm sáu mươi bảy tuổi xuân của anh chàng đẹp trai Tôma Benlaxiz, tử tước Fancơmbec. Người ta vẫn nhắc đến những câu thơ nổi tiếng của Cornây thất tuần gửi cho một thiếu phụ đôi mươi, nữ hầu tước, nếu gương mặt tôi. Phụ nữ cũng có những chiến thắng mùa thu, chứng cớ như Ninông và Mairiông. Đấy là những kiểu mẫu.

Giôzian và Đêvít làm dáng với một sắc thái đặc biệt. Họ không yêu nhau, họ say mê nhau thì đúng hơn. Sóng bước bên nhau là đủ. Việc gì phải vội kết thúc? Những tiểu thuyết thời ấy thúc đẩy những trai gái yêu nhau và đã đính hôn, cứ kéo dài thời gian tập sự vốn rất hợp vẻ hào hoa. Ngoài ra, Giôzian, biết mình là con hoang, cảm thấy mình là nữ công tước, nên vẫn tìm cách này cách nọ lên mặt với Đêvít. Tôn nữ thích huân tước Đêvít. Huân tước Đêvít đẹp trai, nhưng hơn thế nữa. Tôn nữ thấy huân tước lịch sự.

Lịch sự trên hết. Calibran lịch sự và cao quý vượt hẳn Arien nghèo khó. Huân tước Đêvít đẹp trai, càng hay, điều trở ngại của đẹp trai là vô duyên, y không vô duyên. Y ham đánh cá, y mê quyền anh, y mang công mắc nợ. Giôzian để ý nhiều đến những con ngựa, những con chó, những lần thua bạc, những bà nhân ngãi của y. Về phía mình, huân tước như ngây ngất trước nữ công tước Giôzian, người con gái hoàn toàn trong trắng, không biết e lệ, hiên ngang, khó vời mà bạo dạn. Y gửi cho cô nàng những bài thơ tình[119], mà đôi khi cô nàng cũng chịu khó đọc chơi. Trong những bài thơ tình đó y khẳng định rằng chiếm được Giôzian khác nào vươn đến cung Hằng, nhưng việc ấy không ngăn cản y luôn luôn hoãn chuyện bay bổng sang năm sau. Y đứng chờ ở cửa tìm Giôzian, và cả hai anh ả đều tán thành như thế. Ở triều đình, mọi người đều ca ngợi tính chất tao nhã tuyệt vời của việc trì hoãn đó. Tôn nữ Giôzian thường nói: thật là chán ngấy khi tôi buộc lòng phải lấy huân tước Đêvít, tôi không đòi hỏi gì hơn khi được ông ta say đắm.

Giôzian là xương là thịt. Còn gì tuyệt mỹ hơn. Người cô cao to, cao to quá. Tóc cô mang ánh sắc có thể gọi là nâu đỏ. Cô đẫy đà, tươi trẻ, khoẻ mạnh, hồng hào, rất táo bạo và rất tài trí. Mắt cô cực kỳ sắc sảo. Của người tình ư, không, của trinh bạch ư, cũng không. Cô nàng thu mình trong kiêu ngạo. Đàn ông à, thèm vào, cùng lắm chỉ nhìn thần thánh mới xứng đáng với cô, hoặc một quái vật Nếu đức hạn dựa trên tính chất cao đạo khó vời thì Giôzian là tất cả cái gì có thể gọi là đức hạnh, không chút mộc mạc. Cô không có những chuyện yêu đương vớ vẩn, do khinh miệt, nhưng người ta làm cô mếch lòng khi nói là cô cũng có những trò đó, miễn sao những cuộc tình duyên ấy phải ly kỳ và xứng đáng với một người như cô. Cô xem thường tiếng tăm, nhưng rất trọng vinh quang của mình. Làm ra vẻ dễ dàng mà hóa ra không thể nào với tới, đấy mới là cao tay. Giôzian tự cảm thấy mình vừa mang tính chất uy nghiêm vừa là vật chất. Cô là một thứ sắc đẹp phiền toái. Cô lấn át nhiều hơn là làm say đắm lòng người. Cô giầy xéo lên trái tim người khác. Cô mang tính chất tầm thường. Người ta có thể làm cô ngạc nhiên lúc bảo trong ngực cô có một tâm hồn, cũng như bảo cô có cánh trên lưng. Cô bình luận về Lôkơ[120]. Cô lễ độ. Người ta ngờ rằng cô biết cả tiếng Ả rập.

Xương thịt và đàn bà là hai vấn đề khác nhau. Yếu điểm của đàn bà, về mặt thương người chẳng hạn, mặt dễ biến chuyển thành tình yêu, thì Giôzian không có. Không phải là vì cô nàng vô tình. Ngày xưa người ta quen so sánh da thịt với đá hoa là hoàn toàn sai. Da thịt đẹp, vì nó không phải là đá hoa, mà vì nó hồi hộp, vì nó run rẩy, vì nó xấu hổ, vì nó có máu huyết, vì nó rắn chắc và không cứng đờ, vì nó trắng ngần mà không giá lạnh, vì nó vừa biết rung động lại vừa bất động, vì nó là sự sống, còn đá hoa là chết chóc. Da thịt, ở mức độ nào đó của sắc đẹp, hầu như có quyền được trần truồng, ánh sáng chói loà bao phủ nó như một lớp vải: ai được nhìn Giôzian trần truồng mới chỉ thấy được các đường nét đó qua một tấm màn giãn nở của ánh sáng. Cô nàng sẵn sàng phô bầy toàn thân trước một vị Dương thần[121] hoặc mộtlão quan thị. Cô nàng có dáng đứng duyên đáng của nhân vật thần thoại. Dùng tấm thân trần truồng của mình như một hình phạt để tránh khéo một thèm khát của Tăng-tan[122], có lẽ làm cho cô nàng rất thích thú. Nhà vua đã phong cô ả làm nữ công tước, và Giupite cho cô ả làm nữ hải thần. Hai sự phát tán hào quang hợp thành cái ánh kỳ dị của con người này. Cứ ngắm nhìn cô ả một lúc, người ta tự cảm thấy mình trở thành đồ vô đạo, một kẻ tôi đòi. Nguồn gốc cô ả là thân phận một đứa con hoang và đại dương. Cô ả dường như thoát thai từ bọt sóng. Mặc cho dòng nước cuốn trôi, đấy là bước đầu của số phận cô ả, nhưng giữa chốn cung đình lộng lẫy. Trong cô cả có cả sóng nước, ngẫu nhiên, tính chất lãnh chúa và bão táp. Cô ả vừa có học thức vừa thông thái. Chưa một đam mê nào chi phối được cô ả vậy mà cô ả am hiểu đủ hết mọi điều. Cô ả vừa chán ghét vừa ưa thích những gì đã thành hiện thực. Nếu cô ả có bị đâm thì cũng như Luy-crex[123], mãi về sau. Mọi hình thức hư đốn ở trạng thái mộng tưởng đều có trong cô nàng trinh bạch ấy. Đó là một Axtactê[124] có thể có được trong một Đian[125] thật, vốn ngạo mạn vì nguồn gốc quyền quý, cô ả mang tính chất khiêu khích và không thể đến gần được. Tuy vậy cô ả có thể thú vị nếu tự tìm được cho mình một kiểu sa đoạ. Cô ả đứng trong cảnh rực rỡ giữa một vầng hào quang, với manh tâm từ đó đi xuống, và có lẽ lấy làm thích thú được từ đó ngã xuống. Cô nàng có hơi nặng với đám mây của mình. Sa ngã thích thật. Tính bất cần của vua chúa cho quyền được thử thách, và nơi một thường dân mất hết thì một bậc công hầu chỉ đùa bỡn. Trên mọi phương diện, nhờ nguồn gốc, nhờ sắc đẹp, nhờ mỉa mai, nhờ ánh sáng, Giôzian gần như một hoàng hậu. Đã có lúc cô ả sùng bái Luy Đơ Bupflê vì ông này dùng ngón tay bẻ gãy được một cái móng ngựa bằng sắt. Cô ả tiếc rằng Ecquyn[126] đã chết. Cô ả sống trong cảnh đợi chờ nào đó không biết về một lý tưởng dâm dật tuyệt đỉnh.

Về mặt đạo đức, Giôzian khiến ta nghĩ đến câu thơ trong sứ đồ thư Pizông: Desimít in piseem[127].

Trên là lồng ngực đẹp đàn bà

Dưới là đuôi của giao long.

Quả là một lồng ngực cao quý, đôi nhũ hoa lộng lẫy được tôn nên một cách hài hoà bởi một trái tim vương giả, một vẻ nhìn sinh động trong sáng, một gương mặt trinh bạch và biết đâu? dưới nước, qua cái vẻ chập chờn vừa đục vừa trong, một cái đuôi uốn khúc, phi thường, có lẽ khắc nghiệt và dị dạng. Đức hạnh tuyệt với kết thúc bằng tật xấu trong tận cùng của mộng mị.

II Thêm vào đó, còn kiểu cách rởm. Thời thượng lúc bấy giờ như vậy. Ta hãy nhớ lại Elizabet[128]. Elizabet là một điển hình, ở nước Anh, đã nổi bật suốt ba thế kỷ, mười sáu, mười bảy và mười tám, Elizabet còn hơn một người Anh, bà theo giáo phái nước Anh. Do đó mà Tân chủ giáo hội rất kính trọng vị nữ hoàng này, giáo hội Gia tô cũng biết thế nên phần nào muốn rút phép thông công đối với bà. Qua mồm Xicxơ-Canh[129], lúc khai trừ Elizabet, lời nguồn rủa biến thành tình ca. Un grancervello di principessa - ngài bảo thế, Mari Xtuya, ít bận tâm về vấn đề giáo hội và chú ý đến vấn đề phụ nữ nhiều hơn, không tôn trọng bà chị Elizabet lắm và viết thư cho chị, với tư cách nữ hoàng viết cho nữ hoàng, người duyên dáng viết cho người đoan trang: "Hiền tỷ khó lấy chồng vì hiền tỷ không muốn nhờ ai làm mối cả". Mari Xtuya tát khẽ bằng quạt, còn Elizabet lại dùng rìu. Trận đấu không cân sức. Vả lại cả hai người ganh đua nhau về văn học, Man Xtuya làm thơ Pháp, Elizabet dịch Horax, Elizabet xấu, nhưng cứ tự cho mình là đẹp, bà thích thơ tứ tuyệt và thơ hồi văn[130], bà bắt người dâng chìa khóa thành phố cho mình phải đẹp trai, bà cắn môi theo kiểu nước Ý, đưa mắt theo kiểu Tây Ban Nha, trong tủ áo bà có đến ba nghìn chiếc áo dài và bộ y phục, trong số đó nhiều bộ để đóng vai Minecvơ[131] và Ămphítơrít[132] bà thích người Iêclăng ở đôi vai nở, bà gắn lên lồng váy mình toàn những lá đồng lấp lánh và những pasequille, bà thích chơi hoa hồng, bà thề bồi, văng tục, dậm chân, đánh thị nữ, bà tống cổ Đulây, đánh cả tể tướng Boclây làm lão già cục mịch này khóc sướt mướt, bà nhổ vào mặt Mathiu, vật cổ Hatton, tát tai Êtxêc, tốc váy vào mặt Batxompie, bà vẫn là gái trinh.

Điều Elizabet làm đối với Batxompie, nữ hoàng Xaba cũng đã làm đối với Xalômông[133]. Như vậy là phải phép vì thánh kinh đã tạo nên tiền lệ, cái gì của thánh kinh đều có thể là của giáo phái Anh quốc. Tiền lệ của thánh kinh còn làm ra một đứa con tên là Ebnehaquen hay Milelechet nghĩa là Con trai của Hiền nhân.

Tại sao lại không thừa nhận những phong tục đó? Vô liêm sỉ và giả dối có khác gì nhau.

Ngày nay nước Anh có một Lôyôla[134] tên là Ôexlây, làm ngơ trước quá khư kia. Nó khó chịu về việc đó, nhưng tự hào.

Trong những phong tục đó, có tính ưa thích cái kỳ quặc, đặc biệt là phụ nữ, nhất là các bà nhan sắc. Đẹp làm gì nếu không có một con khỉ. Nữ hoàng thì ích gì nếu không được một cọn lật đật xưng hô thân mật! Mari Xtuya có nhiều "thiện cử" đối với anh cron là Rítgiô. Mari Têre nước Tây Ban Nha "hơi thân mật" với một người da đen. Do đó có cái tên Tu viện trưởng đen. Trong các phòng khuê của Đại thế kỷ[135], vẫn thấy có kẻ gù lưng: bằng chứng là thống chế Luxămbua.

Và trước Luxămbua, có Công-đê, "con người nhỏ bé xinh xẻo.

Chính các bà nhan sắc cũng có thể làm giả, không hại gì cả. Điều này vẫn được chấp nhận. Ana Đơ Bêlêin có một vú to vú nhỏ, một bàn tay sáu ngón và một chiếc răng khểnh. La Valie thọt chân. Vậy mà Hăngri đệ Thất vẫn điên dại và Luy XIV mê mẩn.

Về phương diện đạo đức cũng có những chuyện lệch lạc như thế. Hầu như không có người phụ nữ nào thuộc tầng lớp cao sang mà lại không nằm trong một trường hợp quái dị. Trong Anhex[136] chứa đựng Môluzin[137]. Có người ban ngày là đàn bà, ban đêm là quỷ cái. Có người đi ra bãi cát hôn những cái đầu mới bị chặt còn bêu trên cọc sắt Maccgơrít Đơ Valoa, một tổ mẫu của mấy bà kiểu cách vẫn đeo ở thắt lưng, trong những hộp sắt tây có khóa đính liền vào váy, tất cả những trái tim tình nhân đã chết của mình. Hăngri đệ Tứ đã nấp dưới cái váy lồng đó.

Ở thế kỷ mười tám, nữ công tước Bary, con gái của một vị nhiếp chính, là hình ảnh thu gọn của tất cả những nhân vật ấy trong một điển hình tục tĩu và vương giả.

Ngoài ra các bà nhan sắc còn biết cả tiếng Latinh. Từ thế kỷ thứ mười sáu, đó là một điểm duyên dáng của phụ nữ. Giêngrê đã nâng nét thanh lịch lên đến chỗ biết cả chữ êbrơ.

Nữ công tước Giôzian nói được tiếng Latinh. Hơn thế một kiểu cách đẹp đẽ nữa, cô nàng theo đạo Thiên chúa. Phải nói dấu, theo kiểu người bác là Saclơ đệ Nhị chứ không như ông bố là Giắc đệ Nhị. Giấc đã mất ngai vua của mình vì đạo Thiên chúa, còn Giôzian thì không muốn mất quyền thế tập của mình tý nào. Vì vậy, trong thâm tâm và giữa những ông những bà khôn khéo tế nhị thì theo đạo Thiên chúa, còn bề ngoài lại theo đạo Tin lành. Để vừa lòng lớp hạ lưu.

Cái lối theo đạo như vậy cũng dễ chịu, người ta được hưởng tất cả những lợi lộc gắn liền với Tân giáo hội của chính phủ, và sau này chết đi Grôxiuyt ngoan đạo và hưởng cái vinh quang được Pêtô ban cho một lễ.

Mặc dầu đẫy đà khoẻ mạnh, Giôzian - chúng ta cần nhấn mạnh điều này - là một người kiểu cách hoàn chỉnh. Đôi lúc cô ả kéo dài ẻo lả và dâm đãng đoạn cuối che câu nói, y hệt lối duỗi chân của một con hổ cái nhẹ bước trong rừng sâu.

Kiểu cách có cái hay là nó xáo trộn nhân loại. Người ta không còn xem việc làm người là vinh dự nữa.

Trước hết không cho loài người đến gần, đó là điểm quan trọng.

Không có được đỉnh Ôlanhpơ[138] thì lấy tạm lâu đài Rămbuiê[139] vậy. Giuynông rốt cuộc trở thành aramanh. Tham vọng thần tiên không đạt tạo ra người đàn bà õng ẹo. Không có lưỡi tầm sét thì có thói xấc xược. Đền thờ thu lại thành phòng khuê. Không thể làm nữ thần, đành đóng vai tượng thờ vậy.

Ngoài ra, trong con người đàn ông kiểu cách còn có một thứ thông thái dỏm mà phụ nữ rất ưa thích. Cô đỏm dáng và cậu thông thái dỏm là đôi bạn hàng xóm. Sự tương liên của họ thấy rõ trong anh chàng hợm mình.

Hơn nữa, phụ nữ thích cảm thấy mình được bảo vệ bằng tất cả mớ lý thuyết vụn của khoa hào hoa phong nhã thay cho những chuyện ngại ngùng của các bà kiểu cách. Đó là một loại công sự bao quanh có thêm hào sâu.

Người đàn bà kiểu cách nào cũng hay làm ra vẻ ta đây ghê tởm. Cái đó có công dụng bảo vệ.

Rồi sẽ đồng ý thôi, nhưng trước mắt hãy khinh miệt đã Trong khi chờ đợi.

Giôzian có một lương tâm đáng lo ngại. Cô nàng có khuynh hướng trơ trẽn đến mức hóa ra quá e lệ. Những bước giật lùi vì kiêu hãnh thường ngược chiều với những thói xấu của ta, uuung dẫn ta đến những thói xấu trái lại Cố gắng quá mức để giữ mình trong trắng lại làm cho cô nàng đoan trang giả tạo. Lúc nào cũng giữ thế thủ, tức là bí mật muốn tấn công. Người hung dữ thường không nghiêm khắc.

Cô nàng vừa tự giam mình trong ngoại lệ kiêu căng do địa vị và dòng dõi của mình, vừa nghiền ngẫm có lẽ, như chúng tôi đã nói, đến một lối thoát đột ngột nào đó.

Bấy giờ đang buổi bình minh của thế kỷ thứ mười tám. Nước Anh đang khởi thảo điều ở Pháp đã thành chế độ nhiếp chính. Vanpôn và Duyboa đứng vững. Manhôrơp đang giao chiến với vị nguyên hoàng đế của y là Giắc đệ Nhị, người đã được y đem bà chị Sơcsin bán cho, như lời đồn đại. Người ta thấy Bôlinhbrêc xuất hiện Risơliơ chớm loé lên. Trong một vài trường hợp xáo trộn hàng ngũ, thói hoa nguyệt lại thấy là thuận tiện, sự đồng đều bắt nguồn từ những thói hư tật xấu. Sau đó nó phải được xây dựng trên tư tưởng. Việc vô lại hoá, khúc dạo đầu quí phái, mở đầu cái mà cách mạng phải hoàn thành. Không còn xa xôi lắm việc Giêliôt công nhiên ngồi giữa ban ngày trên giường của nữ hẫu tước Êpinay. Thật ra thì, vì phong tục thường vang vọng, thế kỷ thứ mười sáu đã từng trông thấy cái mũ đêm của Xmêton trên gối của Ann Đơ Bôlêin.

Nếu đàn bà có nghĩa là tội lỗi, như thông biết hội nghị tôn giáo nào đã khẳng định nhu vậy, thì không bao giờ đàn bà lại đàn bà hơn thời bấy giờ. Chưa lúc nào, lấy sắc đẹp che đậy tính cách mong manh của mình, lấy u quyền che đậy sự yếu đuối của mình. người đàn bà lại đòi hỏi phải tha thứ cho mình một cách hách dịch hơn. Biến quả cấm thành quả được ăn, đó là việc xa doạ của Êva, nhưng biến quả được ăn thành quả cấm, đó là sự toàn thắng của Êva. Êva kết thúc tại đây. Ở thế kỷ thứ mười tám đàn bà chốt cửa không cho chồng vào. Rồi ẩn mình trong Địa đàng với Xa tăng. Ađam đứng ngoài.

III Tất cả mọi bản năng của Giôzian thiên về phía trao thân một cách tao nhã chứ không muốn gửi phận một cách hợp pháp. Trao thân vì lịch sự đòi hỏi tính chất văn hoá, gợi ta nhớ đến Mênancơ và Amarilix, và hầu như là một hành động của người học rộng.

Tiểu thư Xquyđêri, ngoài cái máu say mê điều xấu vì điều xấu, không có lý do nào khác để trao thân cho Pêlixông cả.

Nữ hoàng của mẹ, bầy tôi của chồng, đó là những tập quán ngàn xưa của nước Anh. Giôzian cố hết sức trì hoãn giờ phút làm tì thiếp đó. Nếu phải kết hôn với huân tước Đêvít, vì ý vua đòi hỏi như vậy, thì đó là một điều cần thiết tất nhiên nhưng đáng buồn biết bao! Giôzian vừa ưng thuận và cự tuyệt khéo huân tước Đêvít. Giữa hai người có một sự thoả thuận ngầm với nhau, không quyết định mà cũng không cắt đứt. Họ lẩn tránh nhau. Cái lối yêu đương một bước tới hai bước lùi ấy được biểu thị trong những điệu vũ thời bấy giờ, điệu mơnuyê và điệu gavôt. Mang tiếng gái có chồng, trai có vợ, là điều không hợp với vẻ mặt, như thế nhạt mất màu tơ lụa và làm già trước tuổi. Lập gia đình giải pháp minh bạch thật đau lòng. Giao nộp một người đàn bà nhờ bàn tay một người chưởng khế, ôi sao mà tầm thường thế! Tính chất thô bạo của hôn nhân tạo nên những hoàn cảnh cố định, huỷ diệt ý chí, không cho lựa chọn, đặt thành quy tắc ngữ pháp, thay thế cảm hứng bằng chính tả, biến tình yêu thành một bài viết theo người đọc, làm rối loạn bí mật của cuộc đời buộc những công việc có chu kỳ và không tránh được phải trong sáng, lấy mất của đám mây cái bóng dáng người đàn bà mặc áo lót, ban quyền giảm nhẹ cho kẻ thi hành cũng như cho người chịu đựng, lấy sự nghiêng hẳn một bên của cán cân làm đảo lộn thế thăng bằng đáng yêu giữa phái khoẻ và phái có quyền uy của sức mạnh và sắc đẹp, tạo ra bên này một người chủ, bên kia một nữ tì, trong khi ngoài vòng hôn nhân lài có một kẻ nô lệ và một nữ hoàng. Tầm thường hoá chiếc thường đến mức làm cho nó trở thành hợp thức, ôi còn có thể nghĩ ra một điều gì thô tục hơn thế nữa không? Yêu nhau mà không chút đau khổ, có phải là khá ngu ngốc không!

Huân tước Đêvít ngày càng già. Bốn mươi tuổi đó là giờ phút báo động. Nhưng anh chàng không nhận thấy điều đó Và trên thực tế, luôn luôn anh chàng vẫn có vẻ như đang ba mươi tuổi xuân. Anh ta thấy cứ khao khát Giôzian còn thích thú hơn được ôm ấp cô nàng. Anh ta đã từng ôm ấp nhiều cô khác, anh ta có khối đàn bà.

Về phía mình. Giôzian vẫn luôn luôn nằm mộng.

Mộng mị còn tai hại hơn.

Nữ công tước Giôzian có đặc điểm một mắt xanh và một mắt đen, vả lại điểm này cũng không hiếm như người ta tưởng. Đôi con ngươi của cô ả chứa đựng cả tình yêu lẫn căm hờn, cả hạnh phúc và tai hoạ. Ngày và đêm xen lẫn trong cái nhìn của cô ả.

Tham vọng của cô ả là: tỏ ra dám làm những việc không thể làm được.

Một hôm cô nàng nói với Xuypt:

- Các người, các người tưởng vẫn khinh miệt được kẻ khác đấy.

Các người đây là loài người.

Cô ả chi theo giáo hội La mã ngoài mặt thôi. Đạo Thiên chúa của cô ả không hề vượt quá cái mức cần thiết của sự thanh nhã. Đó là thuyết Puzây[140] ngày nay. Cô nàng mặc những chiếc áo dài rộng bằng nhung, hoặc xa-tanh, hoặc hàng vân, có chiếc rộng đến mười lăm, mười sáu ôn[141], lót vải kim tuyến hay ngân tuyến, quanh thắt lưng có vô khối nơ ngọc xen lẫn với những nơ bảo thạch. Cô nàng rất thích những giải trang sức và đôi khi lại mặc áo dạ viền ren như một cậu tú. Cưỡi ngựa thì ngồi yên đàn ông, mặc dầu có loại yên đàn bà mới sáng chế, được anh vợ của Risac đệ Nhị đưa vào nước Anh hồi thế kỷ thứ mười bốn. Cô ả rửa mặt, lau cánh tay, vai, ngực bằng đường phèn hoà tan trong lòng trắng trứng theo kiểu dân Caxti[142]. Mỗi khi có người đứng kề bên nói chuyện một cách hóm hỉnh, cô ả thường có một nụ cười tư lự đặc biệt duyên dáng.

Ngoài ra, không mảy may độc ác. Nói cho đúng cô ả vốn tốt bụng.

4. MAGISTER ELGANTARIUM[143]

Giô-zi-an thường buồn chán, diều đó chẳng cẩn phải nói.

Huân tước Đêvít Điry-Moa  chiếm được một địa vị tuyệt vời trong.cuộc sống tươi vui của Luân Đôn. Giới quí tộc và giới trung lưu đều sùng bái anh chàng.

Chúng ta hãy ghi nhận một vinh dự của huân tước Đêvít, anh chàng dám để tóc. Lúc bấy giờ đang bắt đầu có phong trào chống đội tóc giả. Cũng như năm 1824 Ơgien Đêvêrya lần đầu tiên dám để râu [144], năm 1702 Praixơ Đêvêrơ là người thứ nhất dám đi giữa công chúng với bộ tóc tự nhiên uốn rất khéo của mình. Mạo hiểm bộ tóc cũng gần như mạo hiểm cái đầu. Toàn thể mọi người đều phẫn nộ, thế mà Praixơ Đêvêrơ lại là tử tước Hirơfơr và nguyên - lão Anh quốc, ông ta bị lăng mạ, và thật ra việc đó cũng đáng như vậy. Cuộc la ó đang lúc dữ dội nhất thì thình lình bản thân Đêvít cũng xuất hiện với cái đầu trần không đội tóc giả. Nhưng việc ấy báo hiệu giờ cáo chung của mọi kiểu cách xã giao. Huân tước Đêvít còn bị làm nhục hơn cả tử tước Hirơfor. Anh ta vẫn đứng vững. Praixơ Đêvêrơ là người đầu tiên. Đêvít Điry-Moa  là người thứ hai. Đôi khi làm người thứ hai còn khó hơn làm người thứ nhất do say sưa vì việc cải cách có thể không biết hiểm nguy, người thứ hai nhìn thấy vực thẳm mà vẫn lao vào. Vực thẳm đó, việc không đội tóc giả nữa, Đevl Điry-Moa  cứ nhảy xuống. Về sau mọi người bắt chước họ, sau hai nhà cách mạng ấy, người ta cả gan để tóc trần, và dùng phấn sáp như trường hợp giảm khinh.

Nhân thể, để xác định điểm lịch sử quan trọng này, chúng ta nên công nhận rằng quyền ưu tiên thật sự trong cuộc chiến tranh chống tóc giả thuộc về một nữ hoàng Crixtin Thuỵ Điển, người đã mặc quần áo đàn ông, và năm 1680 đã xuất hiện đầu trần với bộ tóc tự nhiên màu hung đỏ, rắc phấn và lởm chởm mới mọc. Ngoài ra, Mitxông nói, bà ta còn "lún phún râu" nữa.

Về phía tranh, giáo hoàng với sắc lệnh tháng ba năm 1694 phần nào đã làm giảm thể thống bộ tóc giả khi bỏ nó ra khỏi đầu các vị giám mục, linh mục, và lệnh cho các vị chức sắc trong giáo hội phải để tóc tự nhiên.

Huân tước Đêvít như vậy là không đội tóc giả và lại mang ủng da bò.

Những việc lớn ấy khiến cho anh chàng được công chúng thán phục. Không một câu lạc bộ nào anh không dẫn đầu, không một trận quyền Anh nào người ta không ao ước được anh làm rifiri. Rifiri là trọng tài.

Anh ta đã soạn thảo ra điều lệ của nhiều câu lạc bộ cho giới thượng lưu, anh ta đã sáng lập một số hội phong nhã, trong đó có hội Lady Guinea vẫn tồn tại ở Pall Mall đến năm 1792. Lady Guinea là một câu lạc bộ đầy rẫy quí tộc trẻ. Ở đấy có sòng bạc. Mỗi ván ít nhất cũng phải đặt một cuộn năm mươi ghi-nê, và trên bàn không bao giờ ít hơn hai vạn ghi-nê. Bên cạnh mỗi con bạc là một cái bàn tròn xoay để đặt tách cà phê và cái bát gỗ màu vàng trong đựng những cuộn tiền. Con bạc, cũng như bọn đầy tớ đánh bóng dao, để mang ống tay da để bảo vệ lớp đăng-ten, đều có yếm da để đảm bảo nếp xếp ở cổ áo và trên đầu, để che mắt vì đèn rất sáng, và để giữ nguyên mái tóc uốn, đội những chiếc mũ rơm to dắt đầy hoa. Họ đeo mặt lạ để không ai nhìn thấy cảm xúc của họ, nhất là khi chơi ích xì. Tất cả mọi người trên lưng đều khoác áo trái để thu hút vận may.

Huân tước Đêvít có chân trong "câu lạc bộ Bí-tết". Câu lạc bộ Xơcly, Câu lạc bộ Xplit-facthinh, Câu lạc bộ Cáu gắt và Câu lạc bộ Kều Xu, trong Nơ niêm phong, Xinlơ Kuot, câu lạc bộ bảo hoàng, trong Martinus Scrib- blerus, do Xuypt thành lập, thay cho Rôta do Mintơn thành lập.

Mặc dầu đẹp trai, anh ta cũng có chân trong Câu lạc bộ người Xấu. Câu lạc bộ này được tặng cho tầng lớp dị dạng. Ở đấy người ta đánh nhau, không phải vì một người đàn bà đẹp, mà vì một người đàn ông xấu. Hội quán được trang hoàng những bức chân dung gớm guốc, Tecsit, Tơribulê, Đun, Huđibra, Xcarông, trên lò sưởi là Êdôp giữa hai người chột, Côcơle và Camoen, Côcơle chột mắt trái còn Camoen chột mắt phải, một người được tạo theo phía mắt chột của mình, và hai bức tượng nhìn nghiêng không mắt này đặt đôi diện nhau. Hôm bà Vida xinh đẹp bị bệnh đậu mùa. Câu lạc bộ người Xấu nâng cốc chúc mừng bà. Câu lạc bộ này mãi đến đầu thế kỷ thứ mười chín vẫn phát triển, nó có giữ một tấm bằng hội viên danh dự cho Mirabô[145].

Từ thời trùng hưng của Sáclơ đệ Nhị các câu lạc bộ cách mạng đều bị bãi bỏ. Người ta đã phá huỷ, ở các phố nhỏ cạnh Morfin, quán rượu vẫn dùng làm trụ sở của Can Hid Clơp, Câu lạc bộ Đầu Bê, được gọi thế vì ngày 30 tháng giêng năm 1649, ngày máu của Sáclơ đệ Nhất chảy trên đoạn đầu đài, người ta đã uống rượu chúc mừng sức khoẻ của Cromoen trong một cái xương đầu bê.

Các câu lạc bộ bảo hoàng đã thay thế các câu lạc bộ cộng hoà. Ở đây người ta vui đùa rất lịch sự nhã nhặn. Có Câu lạc bộ Sirâm[146]. Họ ra phố, tóm đại lấy một phụ nữ qua đường thuộc tầng lớp thường dân, càng trẻ càng xinh thì càng tốt, họ dùng sức mạnh đẩy bà ta vào câu lạc bộ, bắt bà ta đi bằng tay, hai chân chổng ngược lên trời, mặt mũi bị váy tụt xuống che kín. Nếu bà này tỏ ý không bằng lòng thì họ dùng roi ngựa khẽ đét vào những chỗ không được che kín. Đó là lỗi của bà ta. Bọn dũng sĩ trong trò chơi này được gọi là "kỵ sỹ".

Có câu lạc bộ Tia chớp nóng, ám chỉ Merry danses. Ở đây họ bắt đàn bà da đen và da trắng nhảy những điệu vũ của các dân tộc Ở Pêru, nhất là điệu Mozamala, "Cô gái hư", một điệu vũ chỉ thành công khi nào người vũ nữ ngồi trên một đống cám, đứng dậy, để lại một dấu vết thật đẹp. Ở đây người ta biểu diễn một câu thơ của Lucơrex.

Tuno Venus in sylvis jungebat corpora amantum[147].

Có câu lạc bộ Hellfire, "Câu lạc bộ Ngọn lửa", ở đây chơi trò chống tôn giáo. Đó là cuộc thi đấu các tội phạm thượng. Lời báng bổ nào xúc phạm nhất thì chiếm được địa ngục.

Có Câu lạc bộ Húc đầu, gọi như thế vì ở đây họ dùng đầu húc vào người. Nhác thấy có tay khuân vác nào có bộ ngực to và vẻ mặt ngu ngốc, họ hèn tặng y và, nếu cần, buộc y uống một hũ bia để y chịu nhận bốn cú húc vào ngực. Thế rồi họ đánh cá. Có lần một người, một anh chàng to lớn cục mịch dân xứ Galơ tên là Gôgângoc, tắt thở ở cú húc thứ ba. Việc xem ra nghiêm trọng. Phải mở cuộc điều tra, và hội đồng tuyên bố. "Chết do giãn tim vì uống rượu quá độ, Gôgângoc quả có uống một hũ bia thật

Có Câu lạc bộ Fun, Fun cũng như Cant, cũng như Huymua, là một từ đặc biệt không thể dịch được. Fun so với trò hề cũng như ớt với muối. Vào một. ngôi nhà, đập vỡ một cái gương quí, rạch mặt những bức chân dung của gia đình, đánh bả giết chó, ấn mèo vào chuồng chim, như thế là ghi thố một trò Fun. Đưa một tin buồn giả khiến người ta phải để tang nhầm, đó là trò Fun. Chính Fun đã khoét một lỗ vuông trên một bức tranh của Holbein[148] ở Hampton-court. Fun hẳn rất kiêu hãnh nếu chính nó làm gẫy hai cánh tay trên bức tượng Vệ nữ Milo. Dưới thời Giắc đệ Nhị một huân tước trẻ triệu phú đang đêm châm lửa đốt một túp lều tranh, khiến cho cả Luân đôn ôm bụng cười, và được tôn là vua Fun. Những người đáng thương trong lều phải chạy tháo thân, mình chỉ mặc áo lót. Cánh hội viên Câu lạc bộ Fun, tất cả đều thuộc tầng lớp đại quí tộc, đi khắp Luân đôn vào giờ dân thường đang yên ngủ, giật tung các bản lề cửa, cắt đứt các ống nước, chọc thủng các thùng chứa, tháo gỡ các biển hàng, phá phác vườn tược, tắt hết đèn đường, cưa đứt xà nhà, đập vỡ kính cửa sổ, nhất là tại các xóm nghèo. Những việc ấy do kẻ giầu sang làm đối với người khốn khổ. Cho nên không thể có chuyện khiếu nại. Vả lại đây chỉ là trò đùa tếu. Những phong tục ấy không hoàn toàn mất hẳn. Nhiều nơi trên nước Anh hoặc trên những thuộc địa Anh, Ở Ghecnoxê chẳng hạn, thỉnh thoảng ban đêm người ta lại phá phách nhà anh một tí, hoặc bẻ rào, hoặc giật mất cái dùi gõ chuông, vân vân... Giá là người nghèo thì đã bị tống vào nhà lao, nhưng đây lại là những con người trẻ trung đáng yêu.

Câu lạc bộ trứ danh nhất được một hoàng đế điều khiển, ông này trán đội một vành trăng lưỡi liềm, và tên là "Môhôc vĩ đại". Môhôc còn hơn Fun. Cương lĩnh của nó là làm điều ác vì điều ác. Câu lạc bộ Môhôc theo đuổi mục đích cao cả là làm hại. Để hoàn thành chức năng ấy mọi phương tiện đều tốt. Khi thành Môhôc, phải tuyên thệ làm hại. Làm hại bất cứ giá nào, đối với bất cứ ai, và bằng bất cứ cách nào, đấy là nhiệm vụ. Bất cứ hội viên nào của Câu lạc bộ Môhôc cũng phải có một tài riêng. Có anh là "giáo sư vũ đạo", nghĩa là dùng kiếm rạch bắp chân dân quê rồi bắt họ nhảy nhót. Có anh biết "làm đổ mồ hôi", nghĩa là ứng biến ra xung quanh một người khốn khổ nào đó một vòng vây từ sáu đến tám vị quí tộc, tay cầm kiếm dài, bị bao vây tứ phía, người kia thế nào cũng phải chìa lưng cho một vị quí tộc nào nhìn thấy lưng người kìa liền chích ngay cho y một mũi kiếm khiến y phải xoay tròn, một mũi kiếm khác vào hông, lại báo cho y biết có một vị quí tộc nào đó sau lưng, và cứ như thế, luôn phiên nhau mỗi vị chích một mũi, khi người kia, bị giam giữ giữa vòng kiếm đó và máu me lênh láng, đã xoáy tròn và nhảy nhót khá nhiều rồi, họ mới cho quân hầu lấy gậy quật túi bụi để làm chuyển hướng ý nghĩ của y. Có anh lại "vỗ sư tử", nghĩa là vừa cười vừa bắt giữ một khách qua đường, đấm cho một quả vào mũi, rồi chọc hai ngón tay cái vào hai mắt anh ta. Nếu hai mắt bị chọc thủng, họ trả tiền mắt cho anh ta.

Đó là những trò tiêu khiển của những kẻ giàu sang vô công rồi việc ở Luân đôn vào đầu thế kỷ thứ mười tám. Cánh vô công rồi nghề Pari lại có những trò tiêu khiển khác, ông Đơ Sarôle vẩy một phát súng vào một người thường dân đang đứng ở ngưỡng cửa nhà mình. Thời đại nào, tuổi trẻ cũng thích nghịch ngợm.

Huân tước Đêvít Điry-Moa  đem đến cho những tổ chức chơi đùa khác nhau đó bọ óc tuyệt vời và phóng khoáng của mình. Cũng như người khác, anh ta vui vẻ đốt một lều gỗ lợp ranh, và thui cháy phần nào những người trong lều, nhưng anh ta xây lại nhà bằng đá cho họ. Có lần anh ta bắt hai người phụ nữ đi bằng tay tại Câu lạc bộ Sirâm. Một người còn con gái, anh ta cấp cho cô một khoản hồi môn, người kia đã có chồng, anh ta cho ông chồng làm mục sư tiểu giáo đường.

Những cuộc chọi gà nhờ anh ta mà có thêm nhiều cải tiến đáng ca ngợi. Thật là thú vị khi được nhìn huân tước Đêvít trang phục cho một con gà sắp vào trận đấu. Giống gà giữ chặt lông nhau cũng như người túm áo nhau. Vì vậy huân tước Đêvít vặt trụi gà mình đến mức tối đa. Anh ta dùng kẻo cắt tất cả lông đuôi, và từ đầu đến vai, tất cả lông cổ. Anh ta nó: Thế là bớt được bằng ấy không cho kẻ thù mổ. Rồi anh xoè cánh gà ra, vót nhọn từng chiếc lông một, thế là cánh có thêm chông. Khoản này dành cho mắt kẻ thù, anh nói. Sau đó, anh ta lấy dao con cạo chân gà, dũa móng cho gà, lồng vào cựa gà một cái đinh thép nhọn và sắc, rồi khạc nhổ vào đầu vào cổ gà, bôi nước bọt vào mình gà như người ta xoa dầu vào lực sĩ, và vừa thả gà ra, khủng khiếp, vừa reo: - Đấy, thế mới gọi là biến gà thành diều hâu và chuyên gia cầm ra sơn thú!

Huân tước Đêvít dự các cuộc đấu quyền Anh, và anh là bộ luật sống của môn đó. Trong những giải lớn, chính anh ta trông nom việc trồng cọc chăng dây và qui định võ đài vuông rộng bao nhiêu toa-dơ[149]. Nếu đi phò tá thì anh theo dõi từng bước võ sĩ của anh, một tay cầm chai, một tay cầm miếng bọt biển, mồm gào thét: Strike fair[150], anh ta gợi mẹo cho võ sĩ, mách nước khi đánh, lau chùi khi đổ máu, nâng dậy khi ngã, đỡ nằm trên gối, ấn cổ chai vào kẽ răng, và mồm ngậm đầy nước anh ta phun một lớp mưa bụi vào mắt, vào tai võ sĩ, nhờ thế mà làm cho người sắp chết tỉnh lại. Nếu làm trọng tài thì anh ta điều khiển cho các cú đấm được thẳng thắn, cấm không cho bất cứ ai, trừ các phò tá, được giúp đỡ đấu thủ, tuyên bố thua cuộc võ sĩ nào không đứng đúng trước mặt địch thủ, để ý cho thời gian các hiệp không quá nửa phút, đứng cản không cho húc đầu, tuyên bố sai kẻ nào dùng đầu húc, ngăn không cho đánh người đã ngã. Toàn bộ hiểu biết đó không làm cho anh ta lên mặt dạy đời và mất vẻ tự nhiên trong xã giao.

Khi anh ta làm rifiri một trận quyền Anh, không bao giờ những người đồng đội rám nắng, non trẻ, mình đầy lông của bên này hay bên kia, dám nhảy qua rào, ùa lên võ đài, làm đứt dây, nhổ cọc và hung hăng can thiệp vào trận đấu, để cứu đấu thủ mất sức của mình và để đảo ngược cán cân đánh cá. Huân tước nằm trong số ít trọng tài mà người ta không dám hành hung.

Không ai huấn luyện giỏi như anh ta. Võ sĩ nào được anh nhận làm huấn luyện viên cũng chắc chắn sẽ thắng trận. Huân tước Đêvít chọn một anh chàng Ecquyn to lớn như một quả núi, cao như một cái tháp, và nhận y làm con. Luyện cho tảng đá ngầm đó chuyển từ thế phòng ngự sang thế tấn công, đó là vấn đề. Trong việc này quả là anh ta có biệt tài. Một khi đã nhận đỡ đầu người khổng lồ, anh không rời y nữa. Anh trở thành người vú nuôi. Anh đo lượng rượu uống, anh cân số thịt ăn, anh đếm giờ phút ngủ cho y. Chính anh nghĩ ra cái chế độ tuyệt vời cho lực sĩ, từ đó được Morơlê cải tiến thêm, sáng một quả trứng sống, một cốc se-ri[151], trưa thịt đùi lòng đào, nước trà, bốn giờ chiều nước trà, bánh mì nướng, tối bánh mì nướng rượu bia. Sau đó anh ta cởi áo cho y, xoa bóp rồi bắt ngủ. Ngoài phố, anh ta không rời mắt khỏi người của anh ta gạt xa giùm cho y mọi chuyện nguy hiểm, từ ngựa xuống đến bánh xe, từ lính say đến gái đẹp. Anh ta để ý đến cả đạo đức của y. Thái độ ân cẩn mẫu tử đó luôn luôn mang lại một tiến bộ nào đó trong việc dạy dỗ đứa con nuôi. Anh ta dạy hắn cách đấm gãy răng, cách dùng ngón tay cái chọc lòi mắt. Không gì cảm động hơn. Anh ta cũng tự chuẩn bị đúng như thế để bước vào đời sống chính trị, nơi mà sau đây anh ta phải được gọi vào. Trở thành một người quí tộc hoàn chỉnh đâu phải là việc nhỏ. Huân tước Đêvít Điry-Moa  rất say mê những trò biểu diễn ở các đầu đường, những sân khấu hát rong, những gánh xiếc có thú lạ, những lều bạt của phường leo dây, những anh hề, những anh múa rối, những trò khôi hài giữa trời và những tiết mục lạ của chợ phiên. Người lãnh chúa thực sự là người biết thưởng thức như thường dân, vì vậy mà huân tước Đêvít thường lui tới các quán rượu và các lớp dạy làm phép lạ của Luân đôn và của Năm Cảng. Để khi cần thiết, mà không làm tổn thương đến địa vị của mình ở hạm đội trắng, có thể vật nhau với một thuỷ thủ giữa buồm hay một thợ xảm thuyền, mỗi khi đi đến những nơi hạ lưu ấy, anh ta cũng chỉ mặc một chiếc áo chẽn của thuỷ thủ. Để thay hình đổi dạng như thế, không đội tóc giả là điều rất tiện cho anh ta, vì ngay dưới triều đại Luy XIV nhân dân cũng còn để tóc như sư tử để bờm. Có như thế anh ta mới được tự do. Những người dân thường mà huân tước Đêvít gặp trong các đám đông, nơi anh thích trà trộn, rất mến anh ta và không biết anh ta là huân tước. Họ thường gọi anh ta là Tom Jim Jack. Mang cái tên đó, anh hoá ra bình dân và rất nổi tiếng trong đám lưu manh. Anh ta đóng vai vô lại như một bậc thầy. Khi cần anh ta giở cả quả đấm. Khía cạnh này trong lối sống thanh nhã của anh ta được tôn nữ Giôzian biết rõ và đánh giá rất cao.

5. NỮ HOÀNG ANH

I. Trên bộ đôi này có Ann, nữ hoàng Anh quốc, nữ hoàng Anh là một người phụ nữ tầm thường. Bà vui vẻ, hào hiệp, oai nghiêm, hơi nửa vời. Không một tính tốt nào của bà đạt đến mức đức hạnh, cũng không một khuyết điểm nào của bà lại đạt đến mức tật xấu. Dáng bà đấy đà béo phị, óc tinh ranh của bà thô lỗ, lòng tử tế của bà ngu ngốc. Bà ngoan cố và nhu nhược. Là vợ thì bà thất tiết, vì bà có những vị sủng thần được bà trao gửi trái tim và một vương phu được bà dành chỗ trên giường. Là tín đồ Cơ đốc thì bà theo tà giáo và sùng đạo một cách ngu xuẩn. Bà cũng có được một nét đẹp là cái cổ lực lưỡng của một ả Niôbê. Phần còn lại trên người bà đều không đạt. Bà làm dáng hết sức vụng về, nhưng thẳng thắn. Nước da bà trắng, mịn, bà rất thích phô nó ra thật nhiều. Chính bà đã nghĩ ra cái kiểu quấn quanh cổ một chuỗi ngọc thật to, bà có vầng trán hẹp, cặp môi dâm đãng, đôi má phinh phính, hai mắt thô lố, cận thị. Bệnh cận thị của bà lan đến cả trí tuệ cửa bà. Ngoài điểm thỉnh thoảng loé lên đôi chút vui tính, hầu như cũng nặng nề như lúc bà nổi giận, bà thường sống trong một trạng thái gắt gỏng lầm lì, và thầm lặng cảu rảu. Bà thường bật ra những lời mà người ta phải phỏng đoán, Đúng là hình ảnh hỗn hợp của một người đàn bà hiền lành với một con quỷ cái độc ác. Bà rất thích điều bất ngờ điểm thầm kín của phụ nữ. Anh là một kiểu mẫu hơi thu nhỏ của Êvơ phổ biến. Thêm vào bức phác hoạ đó lại có vấn đề may rủi, cái ngai vàng. Bà thích uống rượu. Chồng bà là một người Đan mạch chính tống.

Bà thuộc Đảng Bảo thủ nhưng lại dùng những đảng viên Đảng Tự do để cai trị theo lối đàn bà, theo kiểu người điên. Bà thường có những cơn rồ dại. Bà đụng đâu vỡ đó. Không còn ai vụng về hơn về mặt điều khiển việc nước. Bà buông rơi các sự kiện. Toàn bộ đường lối chính trị của bà đều rạn nứt. Bà có cái tài từ những nguyên nhân nhỏ gây nên những tai hại lớn. Khi nào muốn ra oai, bà gọi đấy là "chơi pô-kơ"[152]

Bà nói với một vẻ mơ màng sâu sắc những câu như:

"Không một vị nguyên lão nào có thể đội mũ trước mặt nhà vua cả, trừ Cuôcxy, nam tước Kinxên, nguyên lão xứ Iêclăng. Bà bảo: "Chồng tôi mà không làm lãnh chúa đô đốc là một chuyện bất công, vì phụ thân tôi trước đã từng giữ chức vị đó ". Bà phong cho Giooc Đan Mạch làm đại đô đốc Anh quốc, "and of all Her Majesty's Plantations" [153]. Lúc nào bà cũng toát bồ hôi vì bực mình; bà không phát biểu tư tưởng của mình, bà toát nó ra theo bồ hôi. Trong con ngỗng đó có con nhân sư (3 ý nói: trong con người ngốc nghếch ấy có con người bí hiểm).

Bà không bao giờ căm ghét fun, thứ trò nghịch ngợm không ai ưa đó. Giá bà có thể làm cho thần Apôlông gù lưng, hẳn bà cũng rất thích thú. Nhưng bà cũng vẫn để cho Apôlông làm thần. Vốn tốt bụng, lý tưởng của bà là không để cho ai thất vọng, bà làm phiền tất cả mọi người. Bà thường ăn nói sống sượng và hơn thế một chút, bà có thể văng tục như Êlizabet. Thỉnh thoảng bà móc cái túi đàn ông ở váy, lấy ra một cái hộp tròn tròn nho nhỏ bằng bạc chạm, trên có chân dung nhìn nghiêng của bà, giữa hai chữ Q.A[154]; bà mở hộp, khẽ dùng đầu ngón tay nhón một ít sáp, bôi lên môi cho đỏ Lúc ấy, nghĩa là sau khi đã làm dáng cho cái mồm, bà mới nhoẻn miệng cười. Bà rất thích ăn bánh quế zêlăng. Bà hãnh diện rằng mình béo tốt. Là tín đồ thanh giáo trên hết, nhưng bà lại rất ham mê các trò vui. Bà có ý định thành lập viện Hàn lâm âm nhạc, bắt chước theo Viện Hàn lâm nước Pháp. Năm 1700, một người Pháp tên là Fortơrôs muốn xây dựng ở Pari một "rạp xiếc Hoàng gia" tốn kém bơn mươi vạn livrơ, việc này bị Acgiăngxông phản đối; anh chàng Fortơrôs ấy liền sang Anh và đề nghị với nữ hoàng Anh xây dựng tại Luân đôn một nhà hát máy, đẹp hơn nhà hát của vua Pháp và có một tầng hạng tư ở dưới, việc này có lúc đã làm cho bà rất say sưa. Cũng như Luy XIV, bà thích cho xe song mã của mình phi nước đại.

Đôi khi cả ngựa xe và ngựa trạm của bà chỉ chạy mất không đầy hai tiếng mười lăm phút quãng đường từ Uynxô [155]đến Luân đôn.

II. Từ thời nữ hoàng Anh, mọi cuộc hội họp đều phải có giấy phép của hai vị thẩm phán hoà giải. Mười hai người tụ tập, dù chỉ để ăn sò huyết và uống bia, đã là chuyện phản nghịch rồi.

Dưới triều đại này, mặc dầu tương đối hiền lành, báo chí hạm đội hoạt động rất mạnh; một bằng chứng đáng buồn cho thấy rằng nước Anh là bầy tôi hơn là công dân. Từ nhiều thế kỷ, vua nước Anh vẫn lấy đó làm một công cụ chuyên chế phản đối tất cả các hiến chương cũ, về quyền miễn giảm, chỉ riêng nước Pháp phẫn uất và giành được phần thắng. Thắng lợi này có giảm sút chút ít, vì trước phong trào báo chí thuỷ thủ Anh, ở nước Pháp cũng có báo chí quân đội. Trong tất cả các thành phố lớn của nước Pháp, bất cứ người đàn ông khoẻ mạnh nào có công có việc đi ngoài phố đều có thể bị bọn dụ dỗ đẩy vào một cái nhà gọi là lò. Tại đây anh ta bị giam chung với nhiều người khác, số nào thích hợp với nghề lính thì bị bọn tuyển mộ chọn bán cho cánh sĩ quan.

Năm 1695 ở Pari có ba mươi lò.

Những điều luật chống Iêclăng do nữ hoàng Anh ban bố rất là hà khắc.

Anh sinh năm 1664, hai năm trước vụ cháy thành phố Luân Đôn, việc này các nhà chiêm tinh (thời ấy hãy còn, chứng cớ là Luy XIV sinh ra với sự chứng kiến của một nhà chiêm tinh và được quấn trong một lá số tử vi) đã tiên đoán rằng: vốn là "chị của lửa" bà sẽ làm nữ hoàng. Bà trở thành nữ hoàng thật, nhờ khoa chiêm tinh và cuộc cách mạng năm 1688, bà xấu hổ vì cha đỡ đầu chỉ là Gilbe, tổng giám mục Cantobêry. Ở nước Anh không thể làm con đỡ đầu của giáo hoàng nữa[156]. Một vị giáo trưởng cà khổ là một người cha đỡ đầu tầm thường.

Anh đành phải bằng lòng vậy. Đó là lỗi của bà. Ai bảo bà theo đạo Tin lành.

Nước Đan Mạch đã đền chữ Trinh cho bà, Virginitas empta[157], theo đúng các hiến chương cũ, bằng một món dự tặng[158] sáu nghìn hai trăm năm mươi livrơ xteclinh lợi tức lấy vào quản hạt Vacđinbua và vào đảo Femac.

Không tin tưởng và chỉ vì nếp cũ, Anh làm theo những truyền thống của Ghiêm. Dưới nền quân chủ nẩy sinh từ một cuộc cách mạng đó, người Anh có tất cả những gì có thể gọi là tự do giữ Tháp Luân đôn, nơi người ta tống giam nhà hùng biện, và đài bêu tù, nơi người ta treo cổ nhà văn. Anh cũng nói chút ít tiếng Đan mạch những lúc tâm sự với chồng, và chút ít tiếng Pháp những lúc nói chuyện với Bolinhbrôc. Hoàn toàn nói sai; nhưng nhất là ở trong triều, thời thượng của nước Anh đòi phải nói tiếng Pháp. Chỉ có tiếng Pháp mới có lời hay tiếng nhã. Anh rất quan tâm đến các thứ tiền, nhất là tiền đồng, thứ tiền hèn kém của thường dân; bà muốn được nổi tiếng ở đây. Sáu đồng facthinh đã được đúc dưới triều đại của bà, ở mặt trái của ba đồng đầu tiên, bà chỉ cho in một cái ngai; ở mặt trái đồng thứ tư bà muốn một cỗ xe chiến thắng, và ở mặt trái đồng thứ sáu một nữ thần tay cầm kiếm tay cầm cành ô-liu với dòng chữ Bello et pace[159]. Là con gái của Giăc đệ Nhị, một người ngây thơ và độc ác, nên bà thô bạo.

Nhưng đồng thời bà lại dịu dàng. Mâu thuẫn ngoài mặt thôi. Một cơn giận đủ làm thay đổi bà ngay. Cứ đun đường lên mà xem, nó khắc sôi sùng sục.

Anh được lòng dân. Nước Anh vốn thích đàn bà cai trị. Tại sao thế? Nước Pháp gạt bỏ đàn bà. Đó đã là một lý do. Có lẽ cũng chẳng có lý do nào khác nữa. Đối với các sử gia người Anh, Êlizabet tượng trưng sự vĩ đại, Ann tượng trưng lòng nhân đức. Tuỳ ý thôi. Cứ cho là thế.

Nhưng chẳng có gì tế nhị dưới những triều đại đàn bà ấy cả. Đường nét thật nặng nề. Đó là thứ vĩ đại kệch cỡm, loại nhân đức thô lỗ. Còn mặt đạo đức trong trắng của họ, nước Anh vẫn bảo vệ, chúng tôi không phản đối. Êlizabeth là một cô gái trinh được etxêc tiết chế bớt, còn Anh là một người vợ được Bohnhbrôc làm cho thêm phức tạp.

III. Các dân tộc có một thói quen ngu ngốc là gán việc mình làm cho vua. Họ chiến đấu. Vinh quang thuộc về ai? Về nhà vua. Họ trả tiền. Ai rộng rãi? Nhà vua. Thấy nhà vua bạc vàng đầy kho nhân dân lại thích. Nhà vua nhận của dân nghèo một ê-quy và trả lại cho dân nghèo một li-a[160]. Sao mà đức vua hào phóng thế! Người khổng lồ đứng làm bệ lại chiêm ngưỡng thằng lùn cưỡi trên vai mình. Sao mà thằng bé loắt choắt kia cao thế. Nó ở trên vai tôi. Thằng lùn thường có một cách thần tình để cao hơn người khổng lồ, là cưỡi lên vai anh ta. Nhưng người khổng lồ lại để mặc, thật là chuyện kỳ quặc; và khi anh ta thán phục sự cao lớn của thằng lùn thì đúng là chuyện ngu xuẩn. Con người vốn khờ dại thế đấy.

Tượng người cưỡi ngựa, chỉ dành riêng cho các bậc vua chúa, tượng trưng rất đúng vương quyền; con ngựa là nhân dân. Có điều con ngựa ấy thay hình đổi dạng từ từ. Mới đầu là một con lừa, cuối cùng là một con sư tử.

Lúc ấy nó hất người cưỡi nó xuống đất, thế là nước Anh có năm 1642, nước Pháp có năm 1789; nhiều khi nó còn nuốt sống cả kỵ sĩ, thế là nước Anh có năm 1649, nước Pháp có năm 1793[161].

Chuyện sư tử có thể trở lại thành lừa cũng lạ nhưng vẫn có. Việc này đã thấy ở nước Anh. Người ta đã nhận lại cái yên sùng bái nhà vua. Nữ hoàng Anh, như chúng tôi vừa nói, rất được lòng dân. Để được như thế bà đã là gì? Chẳng là gì hết, đấy là tất cả những gì người ta đòi hỏi ở vua nước Anh. Với cái nhiệm vụ không làm gì đó, mỗi năm nhà vua nhận quãng ba mươi triệu. Nước Anh dưới triều đại Êlizabet chỉ có mười ba tàu chiến và ba mươi sáu dưới triều đại Giăc đệ Nhị, thì năm 1705 có một trăm năm mươi tàu. Người Anh có ba đạo quân, năm nghìn người ở Catalôn, một vạn ở Bồ Đào Nha, năm vạn ở Flăng-đrơ, ngoài ra mỗi năm họ còn chi bốn mươi triệu cho châu Âu quân chủ và ngoại giao, một thứ gái đĩ mà nhân dân Anh luôn luôn phải bao dưỡng. Nghị viện đã biểu quyết một khoản công trái yêu nước ba mươi bốn triệu lợi tức suốt đời, cho nên người ta đã đổ xô tới bộ tài chính để đặt mua. Nước Anh phái một hạm đội sang Ấn độ[162] và hạm đội sang các bờ biển Tây Ban Nha với thuỷ sư đô đốc Likơ, không kể một hạm đội dự bị bốn trăm buồm dưới quyền thuỷ sư đô đốc Sônen.

Nước Anh vừa hợp nhất với Êcôx. Lúc ấy đang thời kỳ giữa Hôtxtet và Ramidi, chiến công nọ cho thấy thấp thoáng chiến công kia. Trong mẻ lưới Hôtxtet ấy nước Anh đã bắt làm tù bình hai mươi bảy tiểu đoàn, bốn trung đoàn long binh, và cắt mất một trăm dặm đất của nước Pháp rút chạy cuống cuồng từ sông Đanuyp, đến sông Ranh. Nước Anh vươn bàn tay về phía đảo Xác-đen[163] và quần đảo Balêa[164], đắc thắng dẫn về các hải cảng của mình mười thiết giáp hạm Tây Ban Nha và vô số tàu vận tải đầy ắp vàng bạc. Vịnh và eo biển Uytxân[165] đã được Luy XIV nhả ra nửa chừng; người ta cảm thấy ông cũng sắp nhả Acađi, Xanh Crixtroph và Tân Địa, và nếu nước Anh tha thứ, để cho vua nước Pháp đánh cá thu tại ngũ Brơtan[166] thì ông đã sung sướng quá rồi.

Nước Anh sắp buộc ông phải chịu cái nhục chính mình phải triệt phá những thành lũy ở Đoongkec[167]. Trong khi chờ đợi, nó đã lấy xong Gibranta[168] và đang chiếm Baxơlon[169] biết bao nhiêu việc lớn đã hoàn thành.

Làm sao mà không ca tụng nữ hoàng Anh, người đã chịu khó sống trong thời kỳ đó?

Về một phương diện nào đấy, triều đại Ann như phản ánh của triều đại Luy XIV. Một lúc được đứng song song với vị vua này, trong cuộc gặp gỡ mà người ta vẫn gọi là lịch sử, Ann mơ hồ giống ông ta như bóng với hình. Cũng như Luy XIV, bà chơi trò triều đại lớn; bà ta cũng có những công trình bất hủ của mình, nghệ thuật của mình, chiến công của mình, tướng lĩnh của mình, nhà văn của mình, quỹ riêng của mình để trợ cấp cho những nhân vật danh tiếng, phòng trưng bày kiệt tác bên cạnh mình. Triều đình của bà cũng có đủ nghi trượng và một vẻ ngoài chiến thắng, một vương huy và một hành khúc. Đúng làm một hình ảnh thu nhỏ của tất cả những vĩ nhân Vécxai[170]. Cũng có bức tranh nhìn xa như thật; nên thêm vào đó bài God save the queen[171] có thể gán bài này cho Lulli[172] và toàn bài khiến người ta thấy như thế. Không thiếu một nhân vật nào. Crixtôp Wren là một Măngxa rất tầm thường: Xômơc có thể ví với Lamoanhông. Anh có một Raxin là Đraiđơn, một Boalô là Pôpơ, một Cônbe là Gôđơnphin, một Luvoa là Pembrôk, và một Tuyren là Macbrô. Tuy nhiên cứ làm to những bộ tóc giả lên, và thu hẹp các vầng trán lại.

Toàn bộ đều trang nghiêm tráng lệ, và Uynxo lúc ấy hầu như có cái vẻ giả tạo của Macly. Nhưng tất cả đều mang tính chất đàn bà, và cha Tenliê của Ann tên là Xara Gieninh. Vả lại, lối nói mỉa mai, bóng gió mà năm mươi năm sau sẽ thành triết lý, bắt đầu chớm nảy nở trong văn học, và anh chàng Tactuyp theo đạo Tin lành bị Xuypt lột mặt nạ, cũng như anh chàng Tactuyp theo đạo thiên chúa đã bị Môlie tố giác. Mặc dầu thời kỳ ấy nước Anh gây sự và đánh nhau với nước Pháp, nó vẫn bắt chước nước Pháp và lấy nước Pháp soi sáng cho mình; cái mà ta nhìn thấy ở mặt tiền nước Anh chính là ánh sáng của nước Pháp. Tiếc thay triều đại Ann chỉ tồn tại có mười hai năm, nếu không, chẳng phải yêu cầu, người Anh cũng đã gọi thế kỷ của Ann như chúng ta gọi thế kỷ của Luy XIV. Ann xuất hiện năm 1702, khi mà Luy XIV suy tàn. Cũng là một trong những điều hiếm có trong lịch sử khi giờ mọc của ngôi sao mờ này lại trùng hợp với lúc tinh cầu đỏ rực lặn xuống, và đúng dịp nước Pháp có vua Mặt trời thì nước Anh cũng có nữ hoàng Mặt trăng. Một chi tiết cần ghi nhớ. Luy XIV, mặc dầu người ta đang gây chiến chống ông ta, lại rất được thán phục ở nước Anh. Người Anh thường nói: Đó là vì vua cần cho nước Pháp.

Kể cũng phức tạp, người Anh yêu chuộng tự do của họ nhưng phần nào lại chịu làm nô lệ người khác. Lòng hào hiệp này đối với những xiềng xích trói buộc người láng giềng đôi khi còn đi đến chỗ sùng bái cả ông vua chuyên chế bên cạnh.

Nói tóm lại, Anh đã làm cho dân tộc mình hạnh phúc, như lời nói được nhắc đến ba mươi lần với một lối nhấn mạnh rất duyên dáng, ở các trang 6 và 9 trong lời đề tặng, và trang 3 trong lời tựa, của dịch giả người Pháp khi dịch cuốn sách của Bivơren.

IV. Nữ hoàng Anh hơi ác cảm với nữ công tước Giôzian vì hai lý do.

Thứ nhất, vì bà thấy nữ công tước Giôzian đẹp.

Thứ hai, vì bà thấy chồng chưa cưới của nữ công tước đẹp. Hai lý do là đủ để cho một phụ nữ ghen tuông; một thôi cũng đủ cho một nữ hoàng.

Nên thêm điểm này. Bà ác cảm với Giôzian vì cô nàng là em bà.

Ann không thích đàn bà mà lại đẹp. Bà cho điều ấy trái ngược với phong tục.

Về phần mình, bà xấu.

Không phải vì bà muốn.

Một phần đạo giáo của bà do cái nét xấu này đưa đến.

Giôzian vừa đẹp vừa hay triết lý, khiến cho nữ hoàng khó chịu.

Đối với một nữ hoàng xấu thì một nữ công tước đẹp không phải là một người em gái đáng yêu.

Có một chuyện không vừa ý khác, là nguồn gốc improper[173] của Giôzian.

Ann vốn là con của Ann Haiđơ, một phu nhân bình thường được Giăc đệ Nhị cưới làm vợ, một cách hợp pháp, nhưng đáng bực, cưới khi ông còn là công tước York[174]. Do mang dòng máu thấp hèn đó trong huyết quản, Ann tự cảm thấy mình chỉ tổn thất có một nửa.

Còn Giôzian, ra đời hoàn toàn không bình thường, lại làm nổi bật thêm mặt thiếu sót, nhỏ hơn, nhưng thực sự về nguồn gốc của nữ hoàng. Người con gái do cuộc hôn nhân thiếu đăng đối không được vui khi nhìn thấy, không xa mình lắm, người con gái do đẻ hoang mà có, ở điểm này có một chỗ giống nhau làm xúc phạm, Giôzian có quyền nói với Ann: mẹ tôi cũng chẳng kém gì mẹ chị.

Ở triều đình chẳng có ai nói tới chuyện đó, nhưng tất nhiên người ta vẫn nghĩ đến. Thật bực mình cho vương uy. Tại sao lại có cái con Giôzian ấy? Nó có ý gì mà lại sinh ra? Cần gì phải thêm một Giôzian? Ở đời có những quan hệ họ hàng làm giảm sút thanh danh uy tín của mình.

Tuy vậy Ann vẫn làm ra mặt vui vẻ với Giôzian.

Có lẽ bà cũng yêu quí cô nàng ấy, nếu cô nàng không phải em bà.

6. BACKINPHÊDRÔ

Biết được hành động của người khác là điều bổ ích, và giám sát thêm đôi chút là chuyện khôn ngoan.

Để theo dõi huân tước Đêvit đôi chút, Giôzian nhờ một người tin cẩn của mình, tên là Backinphêđrô.

Để kín đáo dò xét Giôzian, huân tước Đêvit cũng nhờ một người thân tín của mình, tên là Backinphêđrô.

Nữ hoàng Anh, về phía mình, bắt phải bí mật cho bà hay những hành vi và cử chỉ của nữ công tước Giôzian, người em gái con ngoại tình, và của huân tước Đêvit người em rể tay trái tương lai của bà, qua một người tâm phúc mà bà hoàn toàn tin tưởng, tên là Backinphêđrô.

Thế là anh chàng Backinphêđrô này có dưới bàn tay hắn cả dẫy phím đàn; Giôzian, huân tước Đêvit, nữ hoàng.

Một anh đàn ông giữa hai người đàn bà. Có thể tạo ra biết ban nhiêu hoà âm! Một hỗn hợp tâm hồn thật thú vị!

Backinphêđrô không phải luôn luôn có được cái hoàn cảnh tuyệt vời để nói khẽ với cả ba lỗ tai.

Hắn vốn là một tên đầy tớ cũ của công tước York. Có lúc hắn đã tìm cách làm người của nhà thờ, nhưng thất bại. Công tước York, hoàng thân nước Anh và của La mã, vừa thuộc giáo phái La mã của vua, vừa theo giáo phái Anh quốc hợp pháp, có họ hàng theo đạo Gia tô lại có bà con theo đạo Tin lành, và nếu muốn có thể đẩy Backinphêđrô vào hệ thống này hay sang hệ thống kia, nhưng ông nhận xét hắn không đủ tính chất Tin lành để làm mục sư một tiểu giáo đường. Thành thử Backinphêđrô, đứng giữa hai tôn giáo mà linh hồn vẫn nằm dưới đất.

Đây là một tư thế không có gì xấu xa đối với một số tâm hồn bò sát. Có những con đường phải nằm dán bụng xuống mới đi qua được. Một cảnh tôi đòi tối tăm nhưng béo bở, từ lâu vẫn là toàn bộ kiếp sống của Backinphêđrô. Tôi đòi, cũng đã giá trị rồi, nhưng hắn còn muốn có quyền thế nữa. Có lẽ hắn gần đạt được thì Giăc đệ Nhị đổ. Tất cả đều phải làm lại từ đầu. Chẳng làm gì được dưới triều đại Ghiôm đệ Tam, con người gắt gỏng, và trong lúc trị vì thường làm ra bộ quá nghiêm chỉnh mà hắn cho là thành thực.

Giăc, cái ô che chở của mình, bị phế truất, Backinphêđrô không phải rách dưới ngay tức khắc. Sau khi vua chúa mất quyền vẫn còn một cái gì đó sót lại, nó nuôi dưỡng và nâng đỡ một thời gian những con ký sinh trùng của họ. Chút nhựa khô kiệt còn lại nuôi sống thêm hai ba ngày những chiếc lá đầu cành của cái cây đã bật rễ; rồi thình lình chiếc lá úa vàng, khô héo. Và tên nịnh thần cũng thế thôi.

Nhờ chút nhựa thơm gọi là quyền chính thống, ông vua, mặc dầu bị đổ và vứt bỏ, vẫn sống dai dẳng và tự bảo tồn được mình; kẻ nịnh thần không thế, hắn còn chết hơn nhà vua. Ở kia ông vua như cái xác ướp, ở đây tên nịnh thần y hệt bóng ma. Làm bóng của một cái bóng là một chuyện hèn kém cực kỳ. Cho nên Backinphêđrô thiếu ăn. Hắn liền tự nhận là nhà văn.

Nhưng người ta xua đuổi không cho hắn vào cả nhà bếp. Đôi khi hắn không biết ngủ vào đâu. Hắn nói: Ai sẽ kéo ta ra khỏi bước này đây? Và hắn cố phấn đấu. Tất cả những gì hay ho mà trong hoạn nạn chỉ kiên nhẫn đạt được hắn đều có hết. Hắn còn được cái tài của giống mối, biết đục lỗ từ dưới đi lên. Lợi dụng tên tuổi của Giăc đệ Nhị, những chuyện cũ, tính trung hậu, lòng thương người, vân vân, hắn đục xuyên đến tận nữ công tước Giôzian.

Giôzian thích con người vừa khốn cùng vừa có tài trí, hai điều thường gợi mối thương tâm. Cô nàng giới thiệu hắn với huân tước Điry Moa, cho hắn ở trong các buồng xép, xem hắn như người nhà, đối xử tốt với hắn và đôi khi còn chuyện trò với cả hắn. Thế là Backinphêđrô không đói không rét nữa. Giôzian xưng hô thân mật với hắn. Thời thượng của các bà lớn thường thích xưng hô thân mật với các nhà văn, họ vẫn để mặc cho làm thế. Nữ hầu tước Đơ Maydi vẫn nằm mà tiếp Roa, một người bà chưa bao giờ biết mặt, và nói với ông:

- Chính anh đã làm bài Năm thanh lịch đấy à? Chào anh.

Về sau các nhà văn cũng xưng hô thân mật lại. Một hôm Fabrô Đôlăngtin nói với nữ công tước Rôhăng:

- Cô có phải là cô Cá bóng không?

Đối với Backinphêđrô được xưng hô thân mật là một thắng lợi. Hắn lấy thế làm sung sướng. Hắn vẫn ao ước kiểu thân mật từ trên như vậy.

- Phu nhân Giôzian xưng hô thân mật với mình. - Hắn nghĩ bụng, và xoa xoa hay tay.

Hắn lợi dụng sự xưng hô thân mật này để leo dần.

Hắn trở thành một người quen thuộc trong các phòng riêng của Giôzian, không gây khó chịu, không ai để ý tới; có lẽ nữ công tước có thể thay cả áo lót trước mặt hắn. Tuy nhiên tất cả những chuyện ấy đều không bền.

Backinphêđrô muốn nhằm một địa vị kia. Một nữ công tước, đấy chỉ mới nửa đường. Một đường hầm không dẫn đến tận nữ hoàng là một công trình thất bại.

Một hôm Backinphêđrô nói với Giôzian:

- Phu nhân có sẵn lòng giúp cho tôi được hạnh phúc không ạ?

- Nhà ngươi muốn gì? - Giôzian hỏi.

- Bẩm một việc làm ạ!

- Một việc làm! Cho nhà ngươi?

- Bẩm phu nhân, đúng vậy ạ!

- Sao nhà ngươi lại có ý xin ta một việc làm? Nhà người có làm nên trò trống gì đâu.

- Bẩm chính vì thế.

Giôzian cả cười.

- Trong những chức vụ không thích hợp với nhà ngươi, nhà ngươi muốn chức vụ gì nào?

- Chức nhân viên mở nút các chai lọ của đại dương.

Giôzian càng cười to.

- Thếlà thế nào? Nhà ngươi giễu cợt.

- Bẩm phu nhân không ạ.

- Ta sắp thích thú được trả lời nghiêm chỉnh cho nhà ngươi - nữ công tước nói - Nhà ngươi muốn được làm gì? Nhắc lại xem.

- Bẩm nhân viên mở nút các chai lọ của đại dương.

- Ở triều đình mọi việc đều có thể. Có một chức vụ như vậy sao?

- Bẩm phu nhân vâng.

- Cứ cho ta biết những điều mới lạ. Nói tiếp nghe.

- Đó là một công việc xưa nay vẫn có.

- Nhà ngươi hãy thề trên linh hồn mà nhà ngươi không có xem.

- Tôi xin thề.

- Ta chẳng tin nhà ngươi chút nào.

- Xin đa tạ phu nhân ạ.

- Như vậy là nhà ngươi muốn?... Nói lại xem.

- Mở xi gắn các chai lọ của đại dương.

- Đúng là một chức vụ không khó nhọc gì lắm. Cũng như việc tắm rửa ngựa đồng.

- Bẩm cũng gần như thế.

- Không làm gì cả. Đúng là cái chân thích hợp với nhà ngươi. Nhà ngươi làm việc ấy được đấy.

- Phu nhân thấy tôi cũng làm được việc đấy chứ.

- Hừ! Nhà ngươi chỉ pha trò hề. Chân ấy có thật không?

Backinphêđrô lấy dáng điệu hết sức trang nghiêm:

- Bẩm phu nhân, phu nhân có một người cha cao cả là Giăc đệ Nhị hoàng đế và một người anh rể danh tiếng, Giooc Đan Mạch, công tước Comboclan. Thân phụ phu nhân trước kia, và anh rể phu nhân ngày nay, đều là huân tước đô đốc Anh quốc.

- Có phải đấy là những điều mới mẻ mà nhà người định cho ta biết không? Ta cũng thừa biết như nhà ngươi.

- Nhưng đây là điều phu nhân không biết. Ngoài biển có ba loại đồ vật: những thứ nằm ở đáy nước gọi là Lagon: những thứ nổi trên mặt nước gọi là Flotson; và những thứ mà nước tấp trả vào đất liền gọi là Jetson.

- Sao nữa?

- Ba loại đó, Lagon, Flotson, Jetson thuộc quyền huân tước đại đô đốc.

- Sao nữa?

- Phu nhân hiểu chứ ạ?

- Không.

- Tất cả những gì ở ngoài biển, thứ chìm, thứ nổi, và thứ trôi giạt vào bờ, tất cả đều thuộc quyền đô đốc Anh quốc

- Tất cả. Được rồi. Sao nữa?

- Trừ con cá chiên, thuộc về nhà vua.

- Ta lại nghĩ rằng tất cả những thứ ấy thuộc về Neptuyn[175].

- Neptuyn là một tên ngốc. Y đã thả tất cả. Y đã để mất tất vào tay quân Anh.

- Được rồi.

- Vật bắt được ngoài biển; đó là cái tên đặt cho những thứ tìm được ấy.

- Được rồi.

- Thật là vô tận. Luôn luôn có một vật gì nổi, một vật gì tấp vào bờ. Đây là phần đóng góp của biển cả.

Biển đóng thuế cho nước Anh.

- Ta cũng muốn thế. Nhưng nhà ngươi kết thúc đi.

- Phu nhân hiểu cho, chính vì vậy mà đại dương tạo ra một văn phòng.

- Ở đâu thế?

- Ở bộ tư lệnh hải quân.

- Văn phòng gì?

- Văn phòng đồ vật bắt được ngoài biển.

- Thì đã sao?

- Văn phòng chia làm ba vụ: Lagon, Flotson, Jetson và mỗi vụ đều có một quan chức.

- Sao nữa?

- Một chiếc tàu ngoài biển khơi muốn báo một tin gì đó cho đất liền, rằng mình đang nằm tại vĩ tuyến nào, rằng mình gặp một hải quái, rằng mình trông thấy một bờ biển, rằng mình đang lâm nguy, rằng mình sắp đắm, rằng mình hết hy vọng, vân vân, người chủ tàu liền lấy một cái chai, nhét vào đó một mảnh giấy ghi rõ sự việc, gắn xi miệng chai, và vứt cái chai xuống biển. Nếu chai chìm xuống đáy biển, việc thuộc quan chức Lagon; nếu nó nổi, việc thuộc quan chức Flotson; nêu nó được sóng đưa vào đất liền, việc thuộc quan chức Jetson.

- Và nhà ngươi muốn được làm quan chức Jetson?

Bẩm đúng thế ạ.

- Và đấy là cái mà nhà ngươi gọi là nhân viên mở nút các chai lọ của đại dương?

- Bẩm vì chức vụ đó có thật.

- Tại sao nhà ngươi lại thích cái chân ấy chứ không phải hai chân kia?

- Bẩm vì hiện nay nó đang khuyết.

- Công việc của chức vụ đó ra sao?

- Bẩm phu nhân năm 1598, một cái chai gắn nhựa đường nhờ một người đánh trạch biển trong vòng cát nổi Epiđiom Prômôngtôrium tìm thấy, được đệ lên nữ hoàng Elizabet; một tờ giấy da rút từ trong chai ra cho nước Anh biết rằng Hà lan đã chiếm mà không nói gì một nước lạ, nước Tân Zembơn, Nova zemla, rằng việc chiếm đoạt này xảy ra vào tháng sáu năm 1596, rằng tại nước này người ta đã bị gấu ăn thịt, rằng cách thức sống mùa đông ở đấy được chỉ rõ trên một mảnh giấy đựng trong một bao súng hỏa mai treo trong ống khói ngôi nhà gỗ dựng trên đảo và do những người Hà Lan đã chết hết để lại, rằng cái ống khói đó làm bằng một thùng tô-nô thủng, lồng trong mái nhà.

- Ta chẳng hiểu được mấy tí trong cái bài văn rườm rà khó hiểu của nhà ngươi.

- Bẩm không sao. Đã có nữ hoàng Êlizabet hiểu.

Thêm một nước cho Hà lan, bớt một nước của Anh quốc.

Cái chai đưa tin được xem như một vật quan trọng. Và từ ngày ấy, có lệnh cho bất cứ ai tìm được một cái chai gắn xi ở bờ biển cũng phải đưa nó đến cho đô đốc nước Anh, nếu không sẽ bị treo cổ. Đô đốc uỷ nhiệm việc mở chai cho một quan chức, ông này báo cho nhà vua biết nội dung, nếu có.

- Loại chai như vậy có thường đến tại Bộ Hải quân không?

- Bẩm ít thôi. Nhưng không sao. Cái chân ấy vẫn có.

Quan chức được cấp phòng riêng và chỗ ở tại Bộ Hải quân.

- Thế cái trò không làm gì ấy được bao nhiêu lương?

- Bẩm mỗi năm một trăm ghi-nê.

- Nhà ngươi làm phiền ta chỉ vì thế sao?

- Bẩm đủ để sống.

- Một cách rách rưới.

- Như vậy hợp với những lũ người như chúng tôi.

Một trăm ghi-nê là một làn khói.

- Phu nhân sống một phút đủ cho chúng tôi sống một năm. Đó là điểm lợi của dân nghèo.

- Nhà người sẽ được cái chân ấy.

Tám ngày sau, nhờ hảo tâm của Giôzian, nhờ uy tín của huân tước Đêvit Điry Moa, Backinphêđrô, từ nay được cứu vớt thoát khỏi cảnh tạm bợ, giờ đây đặt chân trên một mảnh đất chắc chắn, có nhà cửa hẳn hoi, được thanh toán mọi chi phí, được trợ cấp một trăm ghi-nê, dọn đến ở tại Bộ Hải quân.

7. BACKINPHÊĐRÔ CHỌC THỦNG

Trước hết có một việc cần kíp; tỏ ra vong ơn bội nghĩa.

Backinphêđrô không chịu bỏ qua việc đó.

Nhận được nhiều ân huệ như vậy của Giôzian, tất nhiên nó chỉ có một tư tưởng: báo thù.

Ta cần nói thêm là Giôzian trẻ, dẹp, cao to, giàu sang, quyền thế, tiếng tăm, còn Backinphêđrô thì nhiều tuổi, xấu xí, thấp bé, nghèo nàn, được che chở, sống trong xó tối. Nó cũng cần phải trả thù vì những chuyện ấy chứ.

Khi người ta chỉ do đêm tối tạo nên thì làm sao tha thứ được bấy nhiêu ánh sáng? Backinphêđrô vốn là một tên Iêclăng đã từ bỏ Iêclăng; giống bất lương.

Backinphêđrô chỉ được mỗi một điểm ưu đãi cho hắn, là có một cái bụng rất to.

Bụng to thường được xem như dấu hiệu của phúc hậu. Nhưng cái bụng đó lại cộng thêm vào tính giả dối của Backinphêđrô. Vì con người ấy rất độc ác.

Backinphêđrô mấy tuổi? Chẳng có tuổi nào cả. Cái tuổi cần thiết cho mưu đồ hiện tại của hắn. Hắn già qua những nếp nhăn và bộ tóc xám, nhưng trẻ vì trí óc linh lợi. Hắn vừa nhanh nhẹn vừa chậm chạp; một loại hà mã vượn. Bảo hoàng, đúng thế; cộng hoà, biết đâu?

Giatô, có lẽ; Tin lành, cố nhiên. Theo Xtiua, có thể lắm; theo Broong-suych, chắc chắn. Tán thành chỉ là một sức mạnh với điều kiện đồng thời là Chống Đối; Backinphêđrô áp dụng sự không khéo ấy.

Cái chân "nhân viên mở nút các chai lọ của đại dương" không có vẻ buồn cười như Backinphêđrô nói.

Những yêu sách, mà ngày nay người ta gọi là phản kháng, của Gacxi Ferăngđe trong cuốn Người lão thành miền biển, chống việc chiếm đoạt những thuyền bè mắc cạn, gọi là quyền mảnh vỡ, và chống sự cướp phá các đồ vật trôi giạt của dân duyên hải, đã khuấy động nước Anh và đã đưa đến cho những người bị đắm một tiến bộ; của cải của họ, đồ dùng và tài sản lẽ ra bị dân quê cướp mất, đều được vị huân tước đô đốc tịch thu. Tất cả những di vật của biển cả, tấp lên bờ biển nước Anh, hàng hoá, xác tàu, bao bị, thùng gỗ, vân vân, đều thuộc về huân tước đô đốc; nhưng đây mới thấu rõ điểm quan trọng của cương vị mà Backinphêđrô nài xin, những vật bồng bềnh chứa đựng những thông điệp và tin tức thường hay gợi sự chú ý của Bộ Hải quân. Những vụ đắm tàu thuộc một trong những điều quan tâm lớn của nước Anh. Hàng hải được xem như sự sống còn của nó thì đắm tàu là nỗi lo lắng của nó. Nước Anh luôn luôn lo ngại về biển cả. Cái lọ thuỷ tinh mà mỗi chiếc tàu lâm nguy vứt xuống sóng nước chứa đựng một chỉ dẫn tối cần, quí báu về tất cả mọi phương diện. Chỉ dẫn về chiếc tàu, chỉ dẫn về thuỷ thủ, chỉ dẫn về địa điểm, thời điểm và loại hình vụ đắm, chỉ dẫn về những luồng gió đã phá vỡ chiếc tàu, chỉ dẫn về những luồng nước đã đưa cái lọ nổi đến bờ biển. Chức vụ của Backinphêđrô đã bị bãi bỏ hơn một nửa thế kỷ, nhưng nó có tầm lợi ích thật sự. Người cuối cùng giữ chức vụ đó là Uynliam Hutxê, Đotđintơn Lincon. Người nắm giữ vụ này là một thứ báo cáo viên về đồ vật của biển cả. Bao nhiêu bình, hũ bịt kín và niêm phong, chai lọ, chum vại vân vân... do sóng nước tấp lên duyên hải nước Anh, đều phải giao lại cho ông ta, ông ta là người duy nhất có quyền mở những vật ấy; ông ta là người đầu tiên được biết điều bí mật chứa đựng trong đó; ông ta sắp xếp và dán nhãn để cho chúng trong phòng hồ sơ của ông ta; thành ngữ xếp giấy tờ vào phòng hồ sơ vẫn còn dùng ở các đảo trên biển Măngsơ do vậy mà có. Thật ra đã có dự phòng. Không được phá niêm phong và mở nút một bình chứa nào nếu không có mặt hai vị bồi thẩm của Bộ Hải quân đã tuyên thệ giữ bí mật; các vị này phải cùng với người giữ chức vụ Jetson ký vào biên bản mở nút chai. Nhưng các vị bồi thẩm này buổi phải im lặng, vì vậy Backinphêđrô phần nào được tuỳ tiện; trong chừng mực nào đó y có thể tuỳ tiện thủ tiêu hoặc đưa ra ánh sáng một sự việc.

Những vật trôi giạt mỏng manh ấy không hiếm hoi và vô nghĩa như Backinphêđrô nói với Giôzian. Có khi chúng đến đất liền khá nhanh, có khi phải sau nhiều năm. Điều ấy tùy thuộc các luồng gió và hải lưu. Cũng như các đồ vật cúng thần, cái lối phó mặc chai lọ cho dòng nước như thế đã hơi lỗi thời; nhưng trong thời đại tôn giáo ấy những kẻ sắp chết sẵn sàng gửi theo lối đó tư tưởng cuối cùng của mình đến Chúa và đến người khác; và đôi khi những thư tín ấy đầy ứ ở Bộ Hải quân.

Một tờ giấy da ở lâu đài Anđlyene (chính tả xưa), và có chú thích của bá tước Xơpfonk, tổng quản ngân khố Anh quốc dưới triều Giăc đệ Nhất, nhận xét riêng năm 1615 có đến năm mươi hai bầu rượu, cái bẹp, cái tròn, và bình toong gắn nhựa đường, chứa đựng những ghi chép về các tàu thuyền bị nạn, được đưa đến và đăng ký tại phòng hồ sơ của huân tước đô đốc.

Chức vụ triều đình như những vết dầu, chúng luôn luôn loang rộng. Chính vì vậy mà người gác cổng trở thành tể tướng và kẻ mã phu trở thành nguyên soái.

Quan chức đặc biệt phụ trách chức vụ mà Backinphêđrô ao ước và đã đạt được thường là một người tin cẩn.

Elizabet muốn như vậy. Ở triều đình nói tin cẩn tức nói tới âm mưu, mà nói âm mưu là nói đến lớn mạnh. Viên chức này cuối cùng trở thành gần như một nhân vật.

Hắn là thư ký, và đứng sau hai tên tiểu đồng của đạo sĩ hoàng gia. Tuy vậy cần phải nói, hắn được vào ra nơi cung cấm, người ta gọi thế là "quyền xuất nhập nhục nhã", humilis introitus, vào tận cả phòng ngủ. Vì thường lệ, gặp trường hợp cần thiết, hắn phải báo tin trực tiếp cho nhà vua biết về những thứ hắn tìm thấy, nhiều khi rất kỳ lạ, di chúc của người thất vọng, lời vĩnh biệt gửi cho tổ quốc, thư phát giác những vụ mưu hại chủ thuyền và những án mạng ngoài biển, vật di tặng cho nhà vua. vân vân... hắn để phòng hồ sơ liên lạc với triều đình, và thỉnh thoảng hắn báo cáo cho nhà vua biết về việc khui mở những chai lọ chẳng lành. Đó là văn phòng đen của đại dương.

Êlizabet, vốn sính nói tiếng La tinh, thường hỏi Tamfel đơ Colêy Becsai, vị quan chức Jetson thời của bà, khi ông ta mang đến cho bà một trong những giấy tờ từ ngoài biển về; Quid mihi scribit Neptunus? Neptuyn viết gì cho ta thế?

Việc chọc thủng như vậy là đã đạt. Con mối đã thành công. Backinphêđrô tiếp cận được nữ hoàng.

Tất cả mong muốn của hắn đều ở đấy. Để xây dựng cơ nghiệp của hắn ư?

Không.

Để phá hoại cơ nghiệp những người khác.

Hạnh phúc lớn hơn.

Làm hại tức là vui hưởng.

Mang trong lòng một ước muốn làm hại, mơ hồ nhưng dai dẳng không nguôi, và không bao giờ sao nhãng, điều ấy không phải dành cho tất cả mọi người.

Backinphêđrô có cái điểm bất di bất dịch đó.

Cái mõm con chó ngao ngoạm chặt như thế nào thì tư tưởng của hắn cũng như thế.

Việc tự cảm thấy mình khắc nghiệt khiến thâm tâm hắn thoả mãn một cách đen tối. Miễn sao hai hàm răng cắn được một cái mồi, hoặc trong tâm hồn chắc chắn có một điều ác để làm, là hắn thấy không thiếu thốn gì nữa.

Hắn run rẩy toại nguyện, trong hy vọng được thấy kẻ khác rét mướt.

Độc ác cũng là một kiểu giàu có. Người mà ta vẫn tưởng là nghèo và nghèo thật sự, lại rất giàu về ác tâm và hắn thích được như thế. Toàn bộ vấn đề dựa trên sự mãn nguyện của con người. Chơi cay một cú cũng như xỏ ngọt một vố, còn hơn cả tiền bạc. Cay cho người gánh chịu, nhưng lại ngọt cho kẻ bày trò. Katexbai, người cộng tác với Ghi Focơ trong âm mưu nổ mìn của phái giáo hội La mã, nói: Tôi không đánh đổi việc được thấy nghị viện nổ tung bốn vó lên trời lấy một triệu xteclinh đâu Backinphêđrô thì sao? Còn nhỏ hơn và khủng khiếp hơn thế nhiều. Một kẻ đố kị.

Đố kị là một mặt hàng luôn luôn có chỗ tiêu thụ ở triều đình.

Triều đình đầy rẫy những tên láo xược, những bọn vô công rồi nghề, những quân lười biếng giàu có, những đói chuyện ngồi lê đôi mách, những kẻ vạch lá tìm sâu, những đứa gieo rắc đau khổ, những thằng thích nhạo báng bị nhạo báng, những người tài trí ngờ nghệch, cần nghe chuyện của một tên đố kị.

Còn gì mát lòng mát dạ bằng được nghe nói xấu về người khác.

Đố kị là một đức tốt để làm thành một tên gián điệp.

Có một sự tương tự sâu sắc giữa tính ham muốn tự nhiên là lòng đố kỵ đó, và cái công việc xã hội gọi là nghề do thám. Tên gián điệp đi săn cho người khác cũng như con chó: tên đố kị lại săn cho bản thân như con mèo.

Một cái tôi độc ác, đó là tất cả tên đố kị.

Thêm những đức tính khác, Backinphêđrô kín đáo, bí mật, cụ thể. Hắn cất giữ tất cả, và tọp má đi vì căm hờn.

Càng hèn mạt lại càng tự cao tự đại. Hắn được những người mà hắn làm trò vui yêu quý, và bị những người khác oán ghét; nhưng hắn lại tự cảm thấy bị những người oán ghét kinh miệt và bị những người yêu quý coi thường.

Hắn cắn răng chịu đựng. Tất cả những chuyện hắn bị xúc phạm cứ lặng lẽ sôi sục trong lòng nhẫn nhục cừu địch của hắn. Hắn phẫn uất, làm như thể quân vô lại cũng có quyền phẫn uất. Hắn bị giày vò âm thầm bởi những cơn giận giữ sôi sục. Nuốt trôi tất cả, đó chính là tài nghệ của hắn. Hắn có những cơn thịnh nộ, thầm lặng trong lòng, những phút điên cuồng ngấm ngầm, những ngọn lửa đen ẩm ỉ mà người ta không nhận thấy; đó là một loài nuốt khói dễ nổi giận. Mặt ngoài cười nụ. Hắn sốt sắng vồn vã, dễ dàng, khả ái, ân cần. Gặp ai hắn cũng chào, đứng đâu hắn cũng vái. Một làn gió thoảng, hắn cũng cúi rạp xuống tận đất. Mang trong xương sống một cây lau, là cả một nguồn tài sản quý báu!

Những của lẩn khuất và độc hại ấy không phải hiếm hoi như người ta tưởng. Chúng ta sống giữa những cách len lách ghê rợn. Tại sao lại có những hạng người ác hiểm? Câu hỏi thật đau lòng. Người mơ mộng không ngừng tự đặt câu hỏi đó, và nhà tư tưởng không bao giờ giải đáp nó. Vì vậy con mắt buồn rầu của các triết gia lúc nào cũng chằm chằm vào ngọn núi đầy tăm tối là số phận, và từ trên ngọn núi ấy tên ác ma khổng lồ thả từng nắm rắn độc xuống đất.

Backinphêđrô có cái thân hình bè bè và một bộ mặt quắt. Thân hình to béo mà mặt lại sát tận xương. Móng tay hắn có ngấn và ngắn ngủn, ngón tay nổi đốt, ngón cái bèn bẹt, tóc cứng rễ tre, quãng cách từ thái dương nọ sang thái dương kia rất dài, và một cái trán của kẻ giết người vừa rộng vừa thấp. Con mắt xếch che dấu một vẻ nhìn ti hí dưới hàng lông mày chổi xể. Cái mũi dài, nhọn, khoằm khoằm mềm mềm, hầu như đặt sát ngay trên mồm. Backinphêđrô mà ăn mặc đàng hoàng theo kiểu hoàng đế hẳn phải giống Đômixiêng. Bộ mặt hắn vàng bủng như nặn bằng một thứ bột nhờn nhờn; đôi má bất động giống hệt chất mát-tít; hắn có đủ tất cả những nét nhăn cứng đờ xấu xí, hàm banh rất to, cái cằm nặng nề, hai tai chuột nhắt. Lúc bình thường, nhìn nghiêng, vành môi trên vểnh thành góc nhọn để lòi ra hai cái răng. Hai cái răng ấy có vẻ như nhìn các bạn.

Răng nhìn mà mắt thì cắn.

Nhẫn nại, điều độ, tự chủ, thận trọng, từ tốn, hiền hậu, nhún nhường, dịu ngọt, lễ phép, thanh đạm, không biết chuyện trai gái, tất cả những thứ ấy bổ sung và hoàn chỉnh chân dung Backinphêđrô. Hắn vừa gièm pha vừa có đủ những đức tính ấy.

Chỉ một thời gian ngắn Backinphêđrô đứng vững ở triều đình.

8. INFERI[176]

Ở triều đình người ta có thể đứng vững bằng hai cách: đứng trên mây thì oai nghiêm, đứng trong bùn thì quyền thế.

Trường hợp thứ nhất, người ta thuộc về Thần sơn.

Trường hợp thứ hai, thuộc ban y thức thị vệ.

Ai thuộc về Thần sơn chỉ có sấm sét; ai thuộc ban y thức thị vệ thì có cảnh sát.

Phòng y thức chứa đựng tất cả mọi dụng cụ của triều đình, và đôi khi cả hình phạt, vì nó vốn ác hiểm.

Hêliôgaban đến chết ở đấy. Thế là nó mang tên là nhà xí [177].

Thông thường thì nó không bi thảm đến thế. Chính tại đó Anbêrôm ngồi chiêm ngưỡng Văngđôm[178], phòng gửi áo dễ thành nơi tiếp kiến của các bậc vua chúa. Nó làm chức năng của ngai vàng. Tại đấy Luy XIV tiếp nữ công tước Buôe-gôn; Philip đệ Ngũ sát cách với nữ hoàng. Cha cố cũng vào đấy. Phòng gửi áo đôi khi còn là một chi nhánh của phòng xưng tội.

Vì vậy ở triều đình có những vận may từ dưới. Mà không phải là những trường hợp kém cỏi nhất.

Dưới triều Luy XI, nếu muốn thành vĩ đại, bạn hãy làm Pie đơ Roăng, thống chế nước Pháp; nếu muốn có quyền thế, bạn hãy làm Ôliviê lơ Đanh, thợ cạo. Dưới triều đại Mari đơ Mêđixit, nếu muốn quang vinh, bạn hãy làm Xilêry, tể tướng; nếu muốn có thế lực, bạn hãy là cô Hanông, nữ hầu phòng.

Dưới triều Luy XV, nếu muốn nổi danh, bạn hãy làm Soazơn, bộ trưởng; nếu muốn người khác sợ hãi, bạn hãy làm Lơben, đầy tớ.

Lấy trường hợp Luy XIV, thì Bôngtăng dọn giường cho vua còn quyền hành hơn cả Luvoa có công xây dựng quân đội nhà vua, và hơn cả Tuyren người đã đem lại biết bao chiến thắng cho vua. Cất mất cha cố Giôdep của Risơliơ, thế là Risơliơ gần như rỗng. Ông ta thiếu hẳn điều bí mật. Đức Ông Hồng y giáo chủ oai vệ mà đức ông mưu sĩ lại khủng khiếp. Sâu bọ, sức mạnh thật là ghê gớm! Tất cả những Nacvaê kết hợp với tất cả các Ôđônen làm được ít việc hơn một bà phước Patơrôxinô.

Thí dụ, điều kiện của thứ uy quyền đó, là sự nhỏ mọn. Nếu bạn muốn làm người có thế lực, thì cứ chịu sống kém hèn. Bạn hãy làm cái không. Con rắn nằm yên, cuộn tròn, tượng trưng cho cả số không, cả vô tận.

Một trong những thời vận rắn độc ấy đã rơi vào tay Backinphêđrô.

Hắn đã tha hồ luồn lách theo ý muốn của hắn.

Những con vật mình dẹp thường chỗ nào cũng vào lọt Luy XIV có cả rệp trên giường của mình và những giáo sĩ dòng Tên[179] trong đường lối chính trị của ông.

Do tương khắc chăng, đâu phải thế.

Trên đời này, mọi vật đều như cái quả lắc. Xoay quanh tức là đu đưa. Cực nọ thu hút cực kia, Frăngxoa đệ Nhất thích Tơribulê; Luy XIV thích Lơben. "Bao giờ cũng có một sút hút sâu sắc giữa cái cao sang tột bực đó và cái thấp hèn cùng cực đó.

Chính kẻ thấp hèn điều khiển. Không gì dễ hiểu hơn. Chính kẻ đứng dưới cầm dây.

Không vị trí nào thuận tiện hơn.

Vừa là mắt lại vừa có tai.

Là mắt của chính quyền.

Có tai của nhà vua.

Có tai của nhà vua thì tha hồ rút đẩy cái chốt lương tâm nhà vua và muốn nhét gì vào lương tâm đó thì nhét. Đầu óc nhà vua như cái tủ của bạn. Nếu bạn làm nghề nhặt giẻ rách, thì đó là cái gùi của ban. Tai vua chúa không thuộc về vua chúa, chính vì vậy mà nói chung những kẻ đáng thương ấy ít khi chịu trách nhiệm. Kẻ nào không làm chủ tư tưởng, kẻ đó không làm chủ được hành động. Một ông vua chỉ biết tuân theo.

Tuân theo gì?

Theo bất cứ một linh hồn xấu xa nào từ ngoài vo ve vào tai mình. Con ruồi đen tối của vực sâu.

Tiếng vo ve kia ra lệnh. Một triều đại y hệt một bài chính tả viết theo người đọc.

Tiếng nói to là Nhà vua; giọng nói nhỏ là Vương quyền.

Trong một triều đại, những người biết phân biệt giọng nói nhỏ nhẹ đó và nghe được những gì nó nhắc to, mới là những sử gia thực sự.

9. CĂM GHÉT CŨNG MÃNH LIỆT NHƯ YÊU QUÝ

Nữ hoàng Anh có quanh mình nhiều giọng nói nhỏ nhẹ đó. Backinphêđrô là một.

Ngoài nữ hoàng ra, hắn còn xúi giục, lung lạc và giao thiệp ngấm ngầm với tôn nữ Giôzian và huân tước Đêvit. Nhưng chúng tôi đã nói, hắn thì thầm với ba lỗ tai. Hơn Đănggiô một tai. Đănggiô chỉ nói thầm với hai tai, ở cái thời mà lách đầu giữa Luy XIV phải lòng cô em vợ là Hăngriet, và Hăngriet phải lòng ông anh rể là Luy XIV vừa là thư ký của Luy mà Hăngiet không biết, vừa là thư ký của Hăngriet mà Luy không hay, khéo đứng giữa tình yêu của hai con rối, hắn vừa hỏi vừa trả lời.

Backinphêđrô tươi cười, tán thành, không bênh vực ai cả, thực chất thì hắn ít trung thành, xấu xí, độc ác đến mức đơn giản là một bực vua chúa không thể không cần đến hắn. Thoạt hiểu được Backinphêđrô, Ann không còn muốn có kẻ nịnh thần nào khác. Hắn nịnh bà ta như người ta nịnh Luy Vĩ đại, bằng cách châm chích kẻ khác.

Bà Đơ Môngsovroi nói:

- Vì nhà vua dốt, nên buộc lòng phải nhạo báng các nhà thông thái.

Thỉnh thoảng lại tẩm thêm chất độc vào nọc, đó là đỉnh cao của nghệ thuật, Nêrông[180] thích xem Lôquyx làm việc Các lâu đài vua chúa rất dễ ra vào; những loại thạch tâm đó có một hệ thống đường sá sớm bị giống gặm nhấm gọi là nịnh thần đoán được, đục khoét, sục sạo và lúc cần thì moi rỗng. Chỉ cần có cớ để vào là đủ.

Backinphêđrô nắm được cái cớ đó, tức là chức vụ của hắn, và chẳng mấy lúc hắn đã trở thành, trong cung nữ hoàng cũng đúng như trong cung của nữ công tước Giôzian, con vật nuôi trong nhà không thể thiếu được.

Một hôm hắn đánh bạo buông ra một câu nói, thế là tức khắc hắn hiểu rõ được bụng nữ hoàng; hắn biết cách nắm được lòng tốt của nữ hoàng. Nữ hoàng rất yêu vị huân tước hầu bàn của mình là Uynliam Cavenđis, công tước Đivơnsai, vốn rất đần độn. Vị huân tước này, có tất cả các học vị Ôcxfoc mà lại không biết chính tả, một sáng nọ bỗng làm một việc ngu ngốc là lăn ra chết. Ở triều đình, chết là hết sức dại dột vì chẳng ai còn ngại ngùng gì mà không nói đến anh. Nữ hoàng, trước mặt Backinphêđrô, cũng than thở, rồi cuối cùng vừa thở ra vừa thốt lên:

- Đáng tiếc là biết bao đức hạnh lại được một trí tuệ nghèo nàn đến thế chứa đựng và phục vụ.

- Bẩm chúa muốn có linh hồn ông ta đấy! - Backinphêđrô lúng búng rất khẽ bằng tiếng Pháp.

Nữ hoàng mỉm cười. Backinphêđrô vội ghi nhận ngay nụ cười ấy.

Hắn kết luận: Bà ấy thích cắn.

Vậy là hắn được độc ác.

Kể từ ngày đó, hắn luồn lách thói tò mò của hắn vào khắp nơi, cả tính độc ác ranh mãnh nữa. Người ta để mặc cho hắn làm vì người ta sợ hắn quá thể. Kẻ nào làm cho nhà vua cười, kẻ đó làm cho những người còn lại run sợ.

Đó là một tên vô lại quyền thế.

Mỗi ngày hắn một đi tới trong lòng đất. Người ta cần đến Backinphêđrô. Nhiều vị tai to mặt lớn dành cho hắn vinh dự được tin cẩn, đến mức khi cần còn giao cho hắn một việc nhục nhã nữa.

Triều đình như một bộ bánh xe răng. Backinphêđrô trở thành động cơ của nó. Bạn có để ý tính chất nhỏ bé của cái bánh xe phát động trong một vài bộ máy không?

Đặc biệt Giôzian, như chúng tôi đã nói, thường sử dụng tài do thám của Backinphêđrô tin dùng hắn đến mức không ngại ngùng giao cho hắn một trong số chìa khoá bí mật của phòng mình. Với chiếc chìa khoá ấy hắn có thể vào phòng Giôzian bất cứ giờ nào. Cái lối giao phó quá đáng cuộc sống riêng tư của mình là mốt thời thượng ở thế kỷ thứ mười bảy. Việc ấy gọi là: giao chìa khoá. Giôzian đã giao hai chiếc chìa khoá tin cẩn như thế, huân tước Đêvit giữ một. Backinphêđrô giữ một.

Vả lại trong phong tục ngày xưa, đột ngột vào tận các phòng ngủ không phải là chuyện đáng ngạc nhiên lắm. Do đó mà có những chuyện tình cờ. La Fertê, thình lình kéo bức màn giường của lệnh cô Lafông, bắt gặp được Xanhxông, viên lính ngư lâm da đen, vân vân.

Backinphêđrô sở trường về những phát hiện nham hiểm khiến cho kẻ quyền quí phải phục tùng và quy thuận kẻ hèn mọn. Bước đi trong bóng tối của hắn quanh co, nhẹ nhàng và khéo léo. Như bất cứ một tên mật thám toàn diện nào, hắn là kết tinh của lòng độc ác đao phủ và tính kiên trì của nhà hiển vi học. Hắn bẩm sinh nịnh thần. Bất cứ tên nịnh thần nào cũng đều giống như một tên mộng du. Hắn mò mẫn trong cái đêm tối mà người ta gọi là toàn năng. Tay cầm một chiếc đèn ló. Hắn soi sáng điểm nào cần, nhưng vẫn đứng khuất trong bóng tối. Với cái đèn đó, hắn tìm kiếm không phải một con người mà một con vật. Cái hắn tìm thấy chính là nhà vua.

Vua chúa không thích quanh mình có kẻ tỏ ra oai quyền. Vua chúa rất ưa việc mỉa mai người khác, Backinphêđrô có biệt tài thường xuyên hạ thấp các vị huân tước và hoàng thân, càng hạ thấp bao nhiêu càng làm cho uy quyền nhà vua thêm lớn mạnh bấy nhiêu.

Chìa khoá thân tín mà Backinphêđrô nắm trong tay có hai đầu vặn khác nhau, có thể mở được các phòng nhỏ ở hai dinh thự ưa thích của Giôzian, là Hâncơvinhaodơ ở Luân đôn, và Corlêonlôtgiơ ở Uynxo. Hai lâu đài này thuộc gia tài Clăngsacli. Hâncơvinhaodơ tiếp giáp với Ônghêt. Ônghêt ở Luân đôn là một cái cổng dẫn từ Hacvic đến, và tại đấy có một bức tượng của Saclơ đệ Nhị trên đầu có một thiên thần, dưới chân tạc một con sư tử và một con kỳ lân. Từ Hâneơvinhaodơ, nhờ gió đông, có thể nghe được tiếng chuông nhà thờ Xanhtơ Merinhon. Corlêonlotgiơ là một lâu đài kiểu Florăng bằng gạch và bằng đá có những hàng cột cẩm thạch, xây dựng theo lối nhà sàn tại Uynxo, ở cuối cái cầu gỗ, và một trong những sân đình lộng lẫy nhất nước Anh.

Tại cung điện sau, kề với lâu đài Uynxo, Giôzian ở ngay bên cạnh nữ hoàng. Song Giôzian cũng thích ở đấy.

Ảnh hưởng của Backinphêđrô đối với nữ hoàng bên ngoài hầu như không có gì đáng kể, nó hoàn toàn như kiểu rễ cây. Không gì khó nhổ bằng những loại cỏ hoang ấy của triều đình; chúng ăn rất sâu mà bên ngoài lại không có chỗ để nắm. Dẫy sạch Rôcơlo, Tơribalê hoặc Bromen hầu như không thể được.

Càng ngày nữ hoàng Anh càng tỏ ra hào hiệp đối với Backinphêđrô.

Xara Gieninh nổi tiếng, Backinphêđrô vô danh; việc ưu đãi của hắn vẫn ở trong tối. Tên tuổi Backinphêđrô không được ghi vào sử sách. Người bắt chuột đâu có bẫy tất cả chuột chũi.

Backinphêđrô nguyên là thí sinh giáo sĩ nên cái gì cũng có học qua một ít; lướt qua tất cả thì kết quả chẳng ra gì. Người ta có thể làm nạn nhân của cái Omnis res scibilis[181]. Mang trong đầu óc cái thùng tô-nô của Đanait là tai hoạ của cả cái giống nòi thông thái mà người ta có thể gọi là những kẻ không sinh sản. Những gì Backinphêđrô đã nhét vào đầu óc làm cho nó rỗng tuếch.

Trí óc cũng như thiên nhiên rất sợ khoảng không.

Trong khoảng không, thiên nhiên xếp đặt tình yêu; trí óc thường thường đặt vào đó căm ghét. Lòng căm ghét choán hết chỗ.

Có thứ căm ghét vì căm ghét. Nghệ thuật vì nghệ thuật nằm trong thiên nhiên, nhiều hơn người ta tưởng.

Người ta căm ghét. Phải làm một việc gì chứ. Căm ghét vô cớ, từ ngữ thật quá quắt. Như vậy có nghĩa bản thân sự căm ghét đã là khoản tiền công trả cho nó rồi.

Con gấu sống bằng tự liếm móng vuốt của mình.

Vô hạn định ư, không. Móng vuốt đó phải tiếp tế cho nó.Phải để một cái gì bên dưới.

Căm ghét một cách vu vơ cũng thích thú và cũng tạm đủ trong một thời gian; nhưng cuối cùng phải có một đối tượng. Lòng căm thù phân tán trong tạo hoá thường làm kiệt sức, cũng như mọi sự hưởng lạc một mình. Căm ghét không đối tượng cũng giống như bắn súng không bia. Cái kích thích hứng thú là một trái tim để bắn thủng.

Người ta không thể căm ghét chỉ vì danh dự. Cần phải có một thứ gia vị, một người đàn ông, một người đàn bà, một kẻ nào đó để tiêu diệt.

Cái ân huệ ấy, cái ân huệ kích thích hứng thú cho trò chơi, cống hiến một mục tiêu, làm say lòng căm ghét bằng cách ổn định nó, làm cho người thợ săn vui thích được trông thấy cái mồi sống, làm cho người nấp rình hy vọng được nhìn giòng máu ấm và bốc hơi, sôi sục sắp chảy, làm cho người bẫy chim tươi tỉnh trước sự nhẹ dạ của con sơn ca có cánh cũng vô ích, được làm một con vật do một trí óc ấp ủ để gây án mạng mà không biết, cái ân huệ tuyệt diệu và khủng khiếp mà người ban phát nó không có ý thức. Giôzian ban cho Backinphêđrô.

Tư tưởng là một viên đạn. Ngay từ ngày dầu Backinphêđrô đã vô ý nhắm bắn Giôzian với những ác ý sẵn có trong đầu óc. Một ý định cũng giống như một khẩu súng lục. Backinphêđrô ngồi rình, chĩa tất cả lòng độc ác ngấm ngầm của hắn vào nữ công tước. Điều đó làm bạn ngạc nhiên sao? Con chim bị bạn bắn một phát súng đã làm gì bạn? Bắn để ăn; bạn nói thế.

Backinphêđrô cũng vậy.

Giôzian khó có thể bị bắn vào tim, nơi chứa đựng điều bí ẩn rất khó bị thương; nhưng cô nàng có thể bị bắn trúng vào đầu, nghĩa là vào lòng kiêu ngạo.

Ở đấy cô nàng tưởng mình mạnh mà hoá ra yếu.

Backinphêđrô đã nhận thấy điều ấy.

Nếu Giôzian nhìn thấy rõ mặt đen tối của Backinphêđrô nếu cô nàng có thể nhận ra những gì nấp sau nụ cười kia, thì con người kiêu ngạo ấy, đứng ở một vị trí cao như thế, hắn phải run sợ. May sao cho những giấc ngủ yên lành của mình, cô nàng hoàn toàn không hay biết có những gì trong con người kia.

Điều bất ngờ thường bùng nổ không biết từ đâu.

Những mặt phía dưới, sâu kín, của cuộc đời thật là đáng sợ. Chẳng bao giờ có căm hờn nhỏ bé cả. Căm hờn luôn luôn to lớn. Nó bảo tồn tầm vóc của nó trong con người nhỏ nhất, và vẫn giữ nguyên hình quái vật. Căm hờn là toàn bộ căm hờn, không chia cắt. Một con voi bị một con kiến căm thù cũng nằm trong vòng nguy khốn.

Ngay cả khi chưa đánh được, Backinphêđrô đã sung sướng cảm thấy trước cái mùi vị của hành động xấu xa mà hắn định nhúng vào. Hắn vẫn chưa biết cần phải làm gì để hại Giôzian. Nhưng hắn đã quyết tâm làm một điều gì đó. Quyết được như thế cũng đã là nhiều lắm rồi. Nếu tiêu diệt được Giôzian thì thành công lớn quá.

Hắn không hy vọng như thế. Nhưng làm nhục cô nàng, hạ thấp cô nàng, làm cho cô nàng buồn tủi, làm cho những con mắt xinh đẹp kia phải đỏ hoe vì những giọt lệ điên cuồng, đó cũng là một thành công. Hắn chắc mẩm như thế. Kiên trì, chăm chú, lúc nào cũng chỉ muốn người khác đau khổ. dai như đỉa đói, thiên nhiên đâu phải vô cớ đã tạo nên hắn như vậy. Hắn quyết tìm cho ra chỗ yếu trên bộ giáp vàng của Giôzian, và làm cho vị nữ thần oai nghi kia phải ròng ròng máu chảy.

Chúng ta hãy nhấn mạnh điểm này, trong việc đó hắn được lợi lộc gì? Một món lợi vô cùng to lớn đấy. Làm điều ác cho kẻ đã làm điều lành cho ta.

Một tên đố kị là như thế nào? Là một tên vong ân bội nghĩa. Nó ghét luồng ánh sáng soi chiếu nó, sưởi ấm nó. Zôylơ[182] căm ghét điều kiện đó, căm ghét Hômerơ.

Bắt Giôzian phải chịu điều mà ngày nay người ta gọi là một ca giải phẫu sống, bắt cô nàng phải quằn quại trên bàn mổ của hắn, mặc sức mổ xẻ cô nàng, khi cô nàng còn tỉnh táo hẳn hoi, trong một ca giải phẫu nào đó rách nát cô nàng ra theo kiểu tài tử, trong lúc cô nàng kêu thét, mơ ước đó khiến cho Backinphêđrô say sưa ngây ngất.

Để đạt được kết quả ấy dù có phải đau đớn đôi chút, hắn cũng thấy không sao. Người ta có thể dùng kìm của mình để cặp vào chính da thịt mình.Con dao díp xếp lại có làm đứt tay chảy máu cũng chẳng việc gì. Dù có bị đau trong việc tra tấn Giôzian, hắn cũng thấy bình thường.

Tên đao phủ, chuyên sờ mó sắt đỏ, có chịu phần rát bỏng, nhưng không cần để ý đến chuyện ấy. Vì kẻ khác đau đớn nhiều hơn nên người ta không cảm thấy gì hết. Trông thấy người bị tử hình quằn quại, anh hết cả đau đớn.

Cứ làm điều ác, rồi muốn ra sao thì ra.

Âm mưu làm cho người khác đau khổ thường trở nên phức tạp thế, vì có cái phần trách nhiệm tối tăm phải gánh chịu. Bản thân cũng có thể nguy khốn trong chỗ hiểm nghèo mà mình định dẫn người khác vào, vì những mắt xích ràng buộc toàn bộ có thể dẫn đến những sụp đổ bất ngờ. Điều này không hề ngăn chặn tên độc ác chính cống. Điều mà tội nhân lo sợ cảm thấy thì nó lại sung sướng cảm thụ. Nó thấy buồn buồn thinh thích trước cảnh đau xót; nụ cười của tên độc ác lúc nào cũng ghê rợn. Cực hình phản chiếu trên người nó thành khoái cảm. Công tước Anbơ hơ tay trên các giàn thiêu cho ấm.

Lò lửa là đau khổ, ánh lửa hắt ra lại là khoái trá. Nếu có thể có những chuyển biến như vậy thì điều đó khiến ta phải rùng mình. Khía cạnh đen tối của chúng ta thật không sao lường hết được. Cực hình tuyệt diệu, thành ngữ của Bôđanh, có lẽ bao hàm ba ý khủng khiếp này: việc tìm kiếm cực hình, nỗi quằn quại của người chịu đau khổ, niềm say sưa của kẻ tra tấn. Tham vọng, thèm khát tất cả những từ ngữ đó có nghĩa là một người chịu hy sinh để cho một người được thoả mãn. Thật đáng buồn khi hy vọng lại trở thành tà tâm, ác cảm với một người tức là muốn điều ác cho họ. Tại sao lại không phải điều lành? Chẳng lẽ chiều hướng chính của ý chí chúng ta lại nghiêng về phía điều ác sao? Một trong những lao khổ cực nhọc nhất của hiền nhân quân tử là không ngừng loại bỏ khỏi tâm hồn mình một ác ý rất khó khô cạn. Hầu hết tất cả những khát vọng của chúng ta, xét kỹ đều chứa đựng phần xấu xa bỉ ổi. Đối với kẻ độc ác toàn diện, sự tuyệt đối ghê tởm này, vẫn có thật, thì Mặc xác người khác có nghĩa là càng tốt cho tôi. Bóng của con người. Toàn hang hốc.

Giôzian hoàn toàn yên tâm nhờ tính kiêu ngạo ngu dốt, do khinh thường tất cả mọi chuyện. Một kiểu khinh miệt thiếu ý thức, không chủ tâm và tin tưởng, đấy là Giôzian. Đối với cô nàng, Backinphêđrô hầu như chỉ là một thứ đồ vật nào đó. Có lẽ người ta làm cho cô ngạc nhiên nếu nói với cô nàng rằng có một nhân vật tên là Backinphêđrô. Cô nàng đi đi, lại lại, cười cười, nói nói, trước mặt con người đang ngắm nhìn cô một cách nham hiểm.

Hắn trầm ngâm, hắn rình chờ một cơ hội.

Hắn càng chờ thì quyết tâm của hắn muốn ném vào cuộc đời người đàn bà kia một nỗi thất vọng nào đó, càng tăng. Một cuộc săn nấp quyết liệt.

Hơn nữa hắn tự gán cho mình những lý do tuyệt diệu. Đừng nghĩ rằng bọn vô lại không tự đề cao. Chúng ta tính sổ trong những cuộc độc thoại kiêu hãnh, và chúng đứng rất cao để nhận định. Sao! Con Giôzian kia mà lại bố thí cho hắn à? Nó nhỏ giọt cho hắn, như cho ăn mày, vài ba xu trong cái tài sản kếch sù của nó! Nó đã tán chặt, đã đóng đinh hắn vào một chức vụ chẳng ra gì! Nếu hắn, Backinphêđrô, suýt nữa trở thành người của hội thánh, có khả năng nhiều mặt về sâu rộng, một nhân vật uyên bác, có tướng là giáo sĩ, mà lại đảm nhiệm việc đăng ký những cái mảnh sành đáng để cạo mụn nhọt cho Jôb[183], nếu hắn hoài phí cuộc đời của hắn trong một căn phòng hồ sơ tồi tàn để long trọng mở nút những cái chai vớ vẩn cáu bám đủ mọi thứ dơ bẩn ngoài biển, và để mò mẫn đoán đọc những mảnh giấy do mốc meo, những câu văn thối hoắc, những di chúc rác rưởi, và biết bao thứ nhảm nhí khó đọc nào nữa, thì đó là tội của con Giôzian này! Hừ! Cái con nỡm ấy mà lại xưng hô thân mật với hắn!

Vậy mà hắn lại không trả thù!

Vậy mà hắn lại không trị cho cái quân ấy!

Ái chà: thế thì ra dưới trần gian này không còn công lý nữa rồi!

10. NHỮNG ÁNH LỬA ĐỂ XEM CON NGƯỜI CÓ TRONG SUỐT KHÔNG

Sao! Con đàn bà đó, cái con điên cuồng đó, cái con mộng mơ dâm dật đó, còn tân vì vẫn chưa gặp dịp, cái miếng thịt chưa giao, cái con trơ tráo đội miện hoàng gia, cái con Đian[184] vì kiêu ngạo, chưa gặp được thằng chiếm đoạt phải, có thể lắm, người ta bảo thế, ta đồng ý thế, vì chưa gặp cơ hội, con hoang của một tên vua chó chết không chịu ngồi một chỗ, cái con nữ hoàng mắc may mà khi làm bà lớn thì lên mặt nữ thần, và giá sa cơ thì đã thành đĩ rạc, cái con tôn thất nửa vời, cái con chiếm đoạt tài sản của một thằng biệt xứ, cái con khốn kiếp kiêu căng đó chỉ vì một hôm, hắn, Backinphêđrô, không có gì ăn, và không có nhà cửa, đã lên mặt đặt hắn ngồi trong nhà, ở một đầu bàn, và ấn hắn vào một chỗ ba vạ trong toà lâu đài đáng ghét của nó ở đâu? Bất cứ chỗ nào, có thể là trên vựa lúa, có thể là dưới hầm rượu, vậy thì ích lợi gì? Hơn bọn đầy tớ một tí, kém bầy ngựa một tý! Nó đã lạm dụng cảnh khốn cùng của hắn, Backinphêđrô, để vội vã ban ơn một cách giả dối cho hắn, việc đó bọn nhà giàu vẫn quen làm để sỉ nhục kẻ nghèo, và để trói buộc họ như những con chó lùn tịt người ta vẫn dắt theo! Vả lại ban ơn làm thế thì có mất gì? Một sự giúp đỡ bao giờ cũng đáng giá ngang với cái công bỏ ra. Nó có nhiều buồng thừa trong nhà. Giúp đỡ Backinphêđrô! Khó nhọc đã khiếp! Nó có phải nhịn bớt thìa cháo rùa nào không?

Nó có thiếu tí gì trong cái đống thừa mứa ngập ngụa đáng căm ghét của nó không? Không. Nó đã thêm vào đống thừa mứa đó một sự phô trương, một món xa xỉ phẩm, một nghĩa cử kiểu chiếc nhẫn trên ngón tay, một người tài trí được cứu trợ, một giáo sĩ được đỡ đầu! Nó có thể lên mặt nói: ta ban phát ân đức, ta bón ăn cho cánh nhà văn, ta làm người bảo trợ cho hắn? Gặp được ta, cái thằng khốn nạn ấy có sung sướng không? Đối với giới văn nghệ, ta là một người bạn vàng quý hóa biết chừng nào! Vẻn vẹn chỉ phải kê có một cái giường vải trong một xó xỉnh chật chội áp nóc. Còn cái chân tại Bộ Hải quân Backinphêđrô nhờ ở Giôzian, phải! Chức vụ mới cao quý làm sao! Giôzian đã làm cho Backinphêđrô thành Backinphêđrô. Cô ả đã tạo nên hắn; cứ cho là như thế.

Phải, tạo nên cái không đáng gì. Kém cả cái không đáng gì nữa. Vì trong cái trọng trách buồn cười này, hắn cảm thấy hắn bị uốn cong, tê liệt và giả tạo. Hắn phải đền bù cho Giôzian cái gì? Lòng biết ơn của thằng gù đối với con mẹ đã sinh ra nó dị dạng. Đấy là những kẻ được ưu đãi, những kẻ đầy đủ, những kẻ hãnh tiến, những kẻ được yêu chiều của bà dì, số phận gớm guốc! Còn con người tài năng, còn Backinphêđrô, thì buộc phải đứng xo ro trong cầu thang, phải cúi chào quân hầu, phải tối tối leo hàng loạt tầng lầu, phải tỏ ra nhã nhặn, vồn vã, duyên dáng, nhún nhường, dễ thương, và luôn luôn trên mõm phải giở trò nhắn nhó kính cẩn! Làm như hắn không có điều gì phải nghiến răng vì sôi gan tím ruột! Thếmà trong khi đó cái con khả ố đó, nó lại quấn ngọc đầy cổ, và lấy điệu lấy bộ si tình với cái tên huân tước ngu si Đêvit Điry Moa của nó. Bạn chớ bao giờ để mình phải hàm ơn người khác.

Họ sẽ lạm dụng chuyện đó. Bạn đừng để bị bắt quả tang khi đang chết đói. Họ sẽ cứu trợ bạn. Chính vì hắn đang lúc không có bánh nêncon đàn bà kia đã có đủ cớ để cho hắn ăn! Từ nay hắn thành đầy tớ của nó! Một phút yếu đuối của dạ dày, thế là suốt đời bị xiềng xích! Mang ơn tức là bị bóc lột. Những kẻ sung sướng, những kẻ quyền thế, lợi dụng thời cơ bạn chìa tay để bỏ một xu vào đó cho bạn, và giây phút hèn hạ của bạn để biến bạn thành nô lệ, nô lệ loại tồi tệ nhất, nô lệ của một cử chỉ từ thiện, nô lệ bắt buộc phải yêu phải quí! ôi còn xấu hổ nào bằng! Còn nhuốc nhơ nào hơn! Còn bất ngờ nào bì kịp, cho lòng kiêu hãnh của ta! Và thế là hết, thế là bạn bị kết án, chung thân, phải công nhận thằng đàn ông này là tốt, con đàn bà kia là đẹp, phải đứng sau lưng kẻ hạ cấp phải tán thành, phải vỗ tay, phải ca tụng, phải tôn sùng, phải phủ phục, phải chai đầu gối vì quì, phải thêm đường vào lời nói khi mà bạn bị căm hờn đục khoét khi mà bạn cắn chặt những tiếng thét điên cuồng, khi mà lòng bạn sục sôi mạn rợ và sủi bọt đắng cay hơn cả trùng dương.

Kẻ giàu sang bắt người nghèo hèn làm tù nhân như vậy đấy.

Chất nhựa dính bết của nghĩ cử bôi nhọ bạn và làm cho bạn mãi mãi sa lầy.

Của bố thí là của không tài nào đền đáp được. Biết ơn là tê liệt ân huệ có một sức dính lầy nhầy, ghê tởm, khiến mọi cử động của bạn mất hết tự do. Những kẻ khả ố, giàu sang, nhồi nhét đến tận họng, mà lòng thương hại đã làm khổ bạn, biết rõ điều đó. Thế là xong. Bạn thuộc về chúng nó. Chúng đã mua được bạn. Bao nhiêu?

Một cái xương mà chúng đã giật ở con chó của chúng để cho bạn. Chúng đã vứt mẩu xương đó vào đầu bạn. Bạn đã bị sỉ vả ngay khi được cứu trợ. Không sao. Bạn có gặm cái xương không, có hay không? Bạn cũng đã có phần trong cũi. Vậy bạn cảm ơn đi. Cảm ơn mãi mãi đi.

Bạn hãy tôn thờ chủ nhân của bạn đi. Gập gối mãi mãi.

Nghĩa cử đòi hỏi một hàm ý thua kém mà bạn chấp nhận. Họ đòi hỏi bạn phải tự cảm thấy rằng mình đáng thương, và phải xem họ là thần thánh. Bạn giảm sút bao nhiêu thì họ được thêm bấy nhiêu. Bạn cúi gập xuống bao nhiêu thì họ càng được nâng cao bấy nhiêu.

Trong giọng nói của họ có chút láo xược nhẹ nhàng.

Nhưng việc xảy ra ở gia đình họ như cưới xin, rửa tội, chửa, đẻ, đều liên quan đến bạn. Nhà họ mới có một con chó mới đẻ, tốt lắm, bạn sẽ làm một bài thơ ca ngợi. Bạn là thi sĩ để đóng vai tầm thường. Nếu không phải để làm cho sao trời sa xuống. Hơn tí nữa, họ sẽ bắt bạn phải làm mòn những đôi giầy cũ của họ!

- Bà chị thân mến, bà chị nuôi cái giống gì trong nhà đây? Sao mà nó xấu xí thế! Con người ấy là thế nào?

- Mình cũng chả biết nữa, đó là một tay văn sĩ quèn vẫn được mình đùm bọc.

Mấy mẹ ngu si chuyện trò với nhau như thế đấy.

Không thèm cả hạ giọng. Bạn nghe, nhưng bạn vẫn cứ làm ra bộ vui vẻ như thường.

Với lại nếu bạn có ốm, chủ nhân của bạn cũng cho thầy thuốc đến. Không phải thầy thuốc riêng của họ đâu. Nhân dịp họ cũng có hỏi thăm hỏi nom. Vì không phải đồng loại với bạn, và không ai đến gần họ được, nên họ làm ra vẻ hoà nhã. Vì khó với tới họ, nên họ trở thành dễ tiếp xúc. Họ biết không thể có chuyện ngang hàng. Khinh khi chán, họ làm ra vẻ lễ độ. Ngồi cùng bàn, họ khẽ gật đầu ra hiệu với bạn. Đôi khi họ cũng viết được đúng chính tả tên bạn. Họ không làm cho bạn cảm thấy họ là những kẻ bảo trợ của bạn một cách khác hơn là hồn nhiên giẫm đạp lên tất cả những gì nhạy cảm và tế nhị của bạn. Họ đối xử với bạn tốt thật?

Thế đã đủ ghê tởm chưa! Thật vậy, cần phải trừng trị Giôzian gấp. Phải làm cho nó biết, nó đã gây chuyện với thằng nào! Hừ! Chúng mày giàu có, vì chúng mày không thể tiêu xài hết, vì giàu sang dẫn đến bội thực, vì dạ dày chúng mày cũng chỉ bé bằng dạ dày bọn tao, nói cho cùng, vì thà chia bớt của thừa còn hơn bỏ phí, chúng mày mới tôn cái món cám lợn đó lên thành món cao lương. Hừ! Chúng mày thí cho bọn tao bánh ăn, chúng mày cho bọn tao trú ngụ, chúng mày cho bọn tao quần áo che thân, chúng mày cho bọn tao việc làm, và chúng mày còn to gan, điên rồ, độc ác, ngu xuẩn, phi lý đến mức tưởng bọn tao là những kẻ mang ơn chúng mày! Miếng bánh đó là một miếng bánh tôi đòi, chỗ trú ngụ đó là một cái xó đầy tớ, quần áo đó là thứ chế phục, công việc đó là một trò sỉ nhục được trả công, đúng, nhưng nó khiến cho người ta u mê đần độn. Hừ! Chúng mày tưởng chúng mày có quyền chà đạp lên phẩm giá bọn tao bằng chỗ ở, bằng miếng ăn, chúng mày nghĩ rằng bọn tao hàm ân chúng mày, và chúng mày chờ đợi lòng biết ơn! Này! Bọn này sẽ ăn gan bà đấy? Này! Bọn này sẽ móc mắt bà ra, bà xinh đẹp ạ, bọn này sẽ ăn tươi nuốt sống bà, và bọn này sẽ dùng răng giằng đứt tim gan bà ra cho xem!

Cái con Giôzian ấy! Nó không quái gở sao? Nó thì tài cán gì? Kiệt tác của nó là sinh ra để chứng kiến cái trò điên rồ của bố nó và sự nhục nhã của mẹ nó; nó ban cho chúng ta cái ơn được tồn tại, và việc nó vui lòng nhận cái vai ô nhục công khai đó được người ta trả bạc triệu cho nó, nó lại có được đất đai, cung điện, đồng cỏ, rừng săn, hồ đầm, rừng rú, bao nhiêu thứ nữa, kể sao cho hết? Thế mà nó lại còn giở trò dởm, người ta lại còn làm thơ ca tặng nó! Còn hắn, Backinphêđrô, một con người chịu học, chịu lao động, đã ngày đêm vất vả, đã nhồi nhét hàng pho sách tướng vào mắt, vào óc, đã mục xương trong đống sách vở và khoa học, tài trí có thừa, có thể chỉ huy quân lính rất hay, và nếu muốn, có thể viết những vở kịch như Otuê, như Đraiđơn, hắn, con người sinh ra để làm hoàng đế, lại buộc phải cho phép cái con chẳng đáng một đồng kia ngăn cản hắn chết đói! Sự tiếm đoạt của bọn giàu sang kia, cái lũ khả ố được thời vận ưu đãi, lẽ nào lại đi xa hơn nữa! Lên cái mặt quảng đại với chúng ta, che chở chúng ta, mỉm cười với chúng ta, những người lẽ ra phải ăn gan uống máu chúng nó và sau đó ngồi liếm mép. Để cho con đàn bà đê tiện của triều đình có cái quyền thế khả ố được làm ân nhân, còn người đàn ông siêu việt thì lại phải đày đoạ nhặt từng tí bánh vụn rơi từ một bàn tay như vậy, ôi còn bất công nào khủng khiếp hơn! Và một xã hội lấy sự chênh lệch và bất công đến thế làm cơ sở là một xã hội gì? Đó chẳng phải là trường hợp để túm tất cả bằng bốn góc, và hất tung lên trần cả khăn bàn, cả mâm tiệc, lẫn lối chè chén đú đởn, cả bọn say sưa lẫn lũ nghiện rượu, cả khách ăn, cả người ngồi chống hai tay trên bàn, lẫn người bò bốn chân bên dưới, cả lũ láo xược ban phát lẫn bọn ngu xuẩn đón nhận, và để khạc nhổ tất cả vào mặt Chúa, để tung hê tất cả trần gian lên trời sao? Trong lúc chờ đợi ta hãy cắm móng vuốt chúng ta vào Giôzian.

Backinphêđrô đang nghiền ngẫm như vậy đấy. Đó là những tiếng gầm rống trong đầu óc hắn. Kẻ đố kị có thói quen tha thứ cho mình bằng cách trộn lẫn đau khổ của quần chúng với bất bình cá nhân của bản thân. Tất cả mọi hình thức hung ác của những dục vọng căm hờn cứ lởn vởn trong cái trí tuệ độc ác đó. Thếkỷ thứ mười lăm ở góc các quả địa cầu ngày xưa có một quãng trống mơ hồ, không hình dáng, không tên, ghi ba chữ Hic sunt leones[185]. Trong con người cũng có cái góc đen tối như vậy. Các dục vọng cũng lảng vảng và gào thét ở một chỗ nào đó trong chúng ta. và người ta cũng có thể nói về khía cạnh tối tăm của tâm hồn chúng ta: Tại đây có Sư tử.

Cái hệ thống lý luận thú dữ ấy có tuyệt đối phi lý không? Có phần nào thiếu xét đoán không? Phải nói thẳng là không.

Nghĩ đến cái mà ta có trong ta, óc xét đoán, lại không phải là công lý, thì thật đáng sợ. Óc xét đoán là cái tương đối. Công lý là cái tuyệt đối. Bạn hãy suy nghĩ về sự khác biệt giữa một quan toà và một bậc chính nhân quân tử.

Kẻ ác dùng quyền hành làm cho lương tâm điên đảo. Có một môn thể thao giả mạo. Kẻ nguỵ biện là một tên giả mạo, và hễ có dịp là tên giả mạo đó hành hạ lương tri. Có một thứ lôgich rất mềm dẻo, rất khắc nghiệt và rất khéo léo, phục vụ cho cái ác và có tài làm tổn thương chân lý trong bóng tối. Đó là những quả đấm độc ác của Xatăng đánh vào Chúa.

Một tên nguỵ biện như thế lại được lũ ngớ ngẩn thán phục, chỉ thấy vinh quang khi nào làm cho lương tâm con người bị thương tổn.

Điều buồn phiền là Backinphêđrô linh cảm thấy một ca đẻ non. Hắn tính một một công trình to lớn, mà tóm lại, ít ra hắn sợ như vậy, chỉ tàn phá được sơ sơ.

Làm một con người phá hoại, chứa đựng trong lòng một ý chí sắt thép, một căm hờn kim cương, một lòng hiếu kỳ mãnh liệt về tai hoạ, mà lại chẳng đốt cháy gì cả, chẳng chặt đầu ai cả, chẳng tiêu diệt một người nào hết!

Là một người như hắn, một sức mạnh tàn phá, một kẻ hung hăng tham lam, một kẻ gặm nhấm hạnh phúc người khác, là Backinphêđrô, được tạo ra (vì có một đấng tạo hoá, quỉ sứ hoặc Chúa, ai cũng thế thôi?) từ đầu đến chân để có lẽ chỉ thực hiện được môi cái búng tay; lẽ nào lại thế! Lẽ nào Backinphêđrô lại đánh hụt!

Là lò xo để bắn những tảng đá to, mà không buông hết sức bật cũng chỉ gây cho một con đàn bà õng ẹo một cái bướu ở trán! Một máy bắn đá mà chỉ gây thiệt hại như một cái búng tay! Hoàn thành một công việc của Xixiph[186] để đạt một kết quả của con sâu cái kiến! Đổ tất cả mồ hôi vào căm thù để hầu như không thu được gì cả!

Có phải khá nhục nhã khi người ta là một bộ máy thù hằn nghiền nát thế gian không! Vận hành tất cả các guồng máy trong bóng tối, làm ầm ĩ như máy Marly, mà có lẽ chỉ như cấu vào một ngón tay út hồng! Nó sắp vần những tảng đá, để biết đâu? Khẽ làm gợn cái bề mặt phẳng lặng của triều đình! Chúa trời vẫn có lối phí phạm công sức như vậy. Lay chuyển cả một quả núi để xê dịch một tổ chuột chù. Ngoài ra, ở chốn triều đình, mảnh đất thật kỳ lạ, không còn gì nguy hiểm bằng nhắm bắn kẻ thù mà lại nổ trượt. Trước hết, anh bị lột mặt lạ trước mặt kẻ thù, làm cho kẻ thù nổi giận; sau đó và nhất là việc ấy không làm cho quan thầy vừa lòng. Vua chúa ít hâm mộ những kẻ vụng về. Không để lại dấu vết; không được đấm trượt. Hãy chọc tiết tất cả, nhưng đừng làm đổ máu cam một ai. Kẻ nào bóp chết mới tài giỏi, kẻ nào làm bị thương là bất lực. Vua chúa không ưa người ta đánh què đầy tớ của mình. Các ngài rất ghét, nếu anh làm sứt mẻ một cái lọ sứ trên lò sưởi, hoặc một tên nịnh thần trong đám tùy tùng của các ngài. Triều đình lúc nào cũng phải sạch sẽ. Cứ đập vỡ đi, rồi thay thế, vậy là tốt. Vả lại việc này dung hoà một cách tuyệt diệu với tính vua chúa ưa nghe chuyện nói xấu. Cứ việc nói xấu, nhưng dừng làm điều xấu. Hoặc giả có làm thì phải cho ra làm.

Cứ dùng dao găm mà đâm, nhưng chớ làm xây xước.

Trừ phi kim đã được tẩm thuốc độc. Trường hợp giảm khinh. Đó là, chúng ta hãy nhắc lại, trường hợp của Backinphêđrô. Thằng lùn căm giận nào cũng như cái lọ đựng rồng của Xalômông cả. Cái lọ bé tí, con rồng rất to. Một sự ngưng tụ ghê gớm chờ đợi giờ phút bùng giãn phi thường. Buồn phiền được an ủi bằng sự tính toán đến chuyện bùng nổ. Vật chứa lại to hơn đồ đựng. Một tên khổng lồ ẩn nấp, chuyện thật kỳ lạ! Trong con ghẻ lại có một con giao long! Làm cái hộp giật mình gớm guốc mang Lêvyatăng[187] trong người, đối với thằng lùn, đó vừa là một cảnh tra tấn vừa là một khoái cảm.

Vì vậy không có gì khiến cho Backinphêđrô chịu buông tha. Hắn vẫn chờ giờ phút của hắn. Giờ phút ấy có đến không? Cần gì? Hắn cứ chờ. Khi người ta rất mực độc ác, lòng tự ái thường xen vào. Đào hố đào hầm dưới chân một vận mệnh triều đình cao hơn chúng ta, bất chấp nguy hiểm và tính mạng để chôn mình vào đó, thì dù có chui rúc dưới đất, có bị che khuất đi nữa, cần nhấn mạnh điều này, cũng vẫn thú vị. Người ta vẫn say sưa với một trò chơi như vậy. Người ta say mê nó như say mê một bản hùng ca do mình sáng tác. Rất bé nhỏ mà lại tấn công vào một kẻ rất to lớn là một hành vi hiển hách.

Hùng vĩ thay khi được làm con rận trên mình sư tử.

Con vật kiêu hùng cảm thấy mình bị chích và hoài phí lôi đình với con vật nhỏ bé. Gặp một con hổ nó cũng không khó chịu bằng. Ấy thế là vai trò thay đổi. Con sư tử nhục nhã mang trong da thịt cái nọc độc của con bọ, và cơn giận có thể nói: ta mang trong mình giòng máu của hùng sự.

Tuy vậy đối với lòng kiêu ngạo của Backinphêđrô đó chỉ mới là xoa dịu nửa vời. Là an ủi. Là biện pháp tạm thời. Trêu ghẹo cũng là một việc, tra tấn vẫn hơn.

Dường như Backinphêđrô sẽ không có thành công nào khác là chỉ xây xước gọi là ngoài da Giôzian, tư tưởng khó chịu đó không ngừng day dứt hắn, hắn có thể hy vọng gì hơn, kẻ quá ư hèn mọn như hắn đối với cô ả, vô chừng rực rỡ? Một vết xước, thật ít ỏi quá, đối với kẻ muốn nhìn thấy cả cái màu đỏ của thịt da rách nát, và những tiếng rống của người đàn bà hơn cả trần truồng, không còn đến cả lớp áp lót là da thịt! Mong muốn như vậy mà bất lực thì thật là cay cú! Than ôi! Chẳng có gì là hoàn mỹ cả.

Tóm lại hắn đành nhẫn nhục. Không thể hơn, hắn chỉ mơ ước đạt một nửa ước mơ của hắn. Làm cái trò hề đen tối, dẫn sau đó cũng là một mục đích.

Trả thù một nghĩa cử, người đâu mà kỳ quặc!

Backinphêđrô là tên khổng lồ đó. Thông thường vong ân tức là quên hết; ở con người được ưu đãi về điều ác này, vong ân biến thành cuồng bạo. Kẻ bội bạc tầm thường thì đầy tro tàn. Còn Backinphêđrô thì đầy gì?

Đầy lửa rực. Lửa rực bưng bít bằng căm hờn, giận giữ, im lặng, thù oán, chờ đợi Giôzian để làm nhiên liệu.

Chưa bao giờ một người đàn ông lại vô cớ căm ghét một người dàn bà đến mức ấy. Điều khủng khiếp quá thể!

Cô ả làm cho hắn mất ăn, mất ngủ, bận tâm, buồn bực, điên cuồng.

Có lẽ hắn hơn phải lòng cô ả cũng nên.

11. BACJINPHÊĐRÔ MAI PHỤC

Vì tất cả những lý do chúng ta vừa nói, tìm được chỗ yếu của Giôzian để đánh, đó là mong muốn ngày đêm của Backinphêđrô.

Muốn không đủ, phải có thể.

Làm thế nào để đạt được điều ấy? Đó là vấn đề.

Bọn vô lại tầm thường bao giờ cũng dàn cảnh thật chu đáo việc đều giả chúng định làm.Chúng tự cảm thấy không đủ tài ba để chớp lấy sự kiện bất ngờ khi nó xảy đến, để nắm lấy nó dù muốn hay không, và bắt nó phải phục vụ chúng. Vì vậy phải có những mưu chước sơ bộ mà những kẻ thâm độc khinh thường. Những kẻ thâm độc chỉ có trước lòng độc ác của chúng; chúng chỉ cần vũ trang thật đầy đủ, chuẩn bị nhiều trường hợp dự bị khác nhau, và giống như Backinphêđrô, cứ thực tình rình đón cơ hội. Chúng biết một kế hoạch vạch sẵn thường có cơ không khớp với sự kiện sẽ xảy ra. Như vậy sẽ không làm chủ được khả năng và không thể nào làm theo đúng ý muốn. Không bao giờ lại có chuyện thương lượng trước với số mệnh. Ngày mai không tuân theo ý chúng ta. Tình cờ thường phần nào vô kỷ luật.

Vì vậy chúng rình đón nó để yêu cầu, không mào đầu một cách hách dịch, và ngay lập tức, nó cộng tác.

Chẳng có kế hoạch, chẳng có đồ án, chẳng có ma-két, chẳng có giầy nào đóng sẵn mà lại không vừa với bất ngờ. Chúng lao thẳng vào chỗ tối. Việc lợi dụng tức khắc và chớp nhoáng bất cứ một sự kiện nào có thể giúp được, đấy là tài khôn khéo phân biệt tên độc ác làm nên việc, và đưa tên vô lại lên tước vị quỉ sứ. Chuyển biến số phận, đấy là biệt tài. Kẻ thực sự nham hiểm đánh anh như một cái súng cao su, bằng bất cứ viên sỏi nào.

Nhưng kẻ bất lương có tài luôn luôn dựa vào bất ngờ, trợ thủ đáng sợ của bao tội ác.

Nắm lấy tình cờ, nhảy lên lưng nó; không có Nghệ thuật thi ca[188] nào khác cho loại tài năng ấy.

Và trong lúc chờ đợi, phải biết mình đương đầu với ai. Phải thăm dò tình thế.

Đối với Backinphêđrô, tình thế đây là nữ hoàng Ann.

Backinphêđrô đến gần nữ hoàng.

Gần đến nỗi đôi khi hắn tưởng tượng như nghe được cả những lời độc thoại của nữ hoàng.

Một vài lần hắn còn tham dự, điểm này phải tính, vào những câu chuyện giữa hai chị em. Người ta không cấm đoán hắn xen vào một đôi câu. Hắn lợi dụng những lúc ấy để tự thu mình lại. Một lối gây tín nhiệm.

Chính nhờ vậy mà một hôm ở Hamtơn Cort, đứng trong vườn, sau lưng nữ công tước, cô ả lại đứng sau nữ hoàng, hắn nghe Ann, bắt chước thời thượng một cách ngu độn, đưa ra những câu cách ngôn. Nữ hoàng nói:

- Loài vật sung sướng thật, chúng không lo phải xuống địa ngục.

- Chúng cũng có xuống chứ - Giôzian đáp.

Câu trả lời ấy, đưa tôn giáo thay thế đột ngột vào triết lý, không làm vừa lòng. Nếu tình cờ mà sâu sắc, thì Ann cảm thấy khó chịu.

- Hiền muội này - bà ta nói với Giôzian - chúng mình nói về địa ngục như hai đứa dở hơi. Ta nên hỏi thử Backinphêđrô. Hắn phải biết những chuyện đó.

- Như quỉ sứ chứ? - Giôzian hỏi.

- Như thú vật - Backinphêđrô đáp. Và hắn cúi rạp xuống chào.

- Hiền muội - nữ hoàng nói với Giôzian - hắn nhiều tài trí hơn chúng ta đấy.

Đối với một kẻ như Backinphêđrô, đến gần nữ hoàng, là nắm được nữ hoàng. Hắn có thể nói: Ta nắm được mụ rồi. Bây giờ hắn phải tìm cách sử dụng mụ.

Hắn đã có chân đứng trong triều. Có được chỗ để nấp để rình, là tuyệt diệu rồi. Không một dịp may nào có thể thoát khỏi hắn. Nhiều lần hắn đã làm cho nữ hoàng mỉm cười một cách độc ác. Thế là có được một giấy phép đi săn rồi.

Nhưng có cấm bắn loại thú rừng nào không. Tấm giấy phép đi săn này có cho phép làm gãy cánh hoặc gẫy chân một người nào như em nữ hoàng không?

Điểm thứ nhất cần làm sáng tỏ. Nữ hoàng có yêu quí cô em gái không?

Một bước lỡ chân có thểlàm hỏng hết cơ đồ.

Backinphêđrô quan sát.

Trước khi quật lá bài đầu tiên, con bạc xem bài đã.

Hắn có trong tay những quân gì nào?

Backinphêđrô bắt đầu bằng việc xem xét tuổi cả hai ả. Giôzian hăm ba tuổi; Ann bốn mốt. Tốt. Hắn có lối đánh rồi.

Thời điểm mà phụ nữ thôi đếm bằng tiết xuân sang, và bắt đầu đếm bằng độ đông về thật là khó chịu. Hận thù đối với thời gian âm ỉ trong tim. Những cô gái trẻ đẹp, tươi vui hương thơm cho người khác, đều là gai nhọn đối với bạn, và bạn cảm thấy bị tất cả những bông hồng ấy chích vào mình. Hình như bao nhiêu xinh tươi đó đều do lấy cắp của bạn, và sở dĩ sắc đẹp của bạn ngày một phai tàn chính là vì nó đang ngày một lộng lẫy ở người khác.

Khai thác nỗi buồn bực thầm kín đó, khơi sâu vết nhăn của một người đàn bà tứ tuần mà lại là nữ hoàng, điều đó như đã được vạch rõ cho Backinphêđrô.

Lòng đố kị có tài kích động tính ghen tuông, cũng như con chuột có tài làm cho cá sấu bò ra khỏi hang lỗ.

Backinphêđrô gắn chặt con mắt mô phạm của hắn vào Ann.

Hắn nhìn thấy trong nữ hoàng như người ta nhìn thấy trong một vũng nước ao tù. Đầm lầy có mặt trong suốt của nó. Trong một vũng nước bẩn, người ta trông thấy những rác rưởi; trong một vũng nước đục người ta rông thấy những chỗ bùn dơ. Ann chỉ là một thứ nước đục. Những phôi thai của tình cảm và những ấu trùng của ý nghĩ đang cử động trong bộ óc đần độn ấy. Không rõ rệt lắm. Chỉ mới có những đường viền xung quanh.

Cũng là những thực tế đấy, nhưng không ra hình thù gì cả. Nữ hoàng nghĩ thế này, nữ hoàng muốn thế nọ. Thật khó xác định là cái gì. Những biến đổi hỗn tạp trong nước tù thật khó nghiên cứu.

Nữ hoàng, thường thường khó hiểu, thỉnh thoảng có những lúc tỏ ra ngu ngốc và lỗ mãng. Đó là điều cần phải nắm lấy. Phải bắt được quả tang bà ta. Trong thâm tâm, nữ hoàng Anh muốn gì đối với nữ công tước Giôzian? Điều tốt hay điều xấu?

Bài tính Backinphêđrô tự ra cho mình.

Giải xong bài tính này có thể đi xa hơn.

Nhiều cơ hội khác nhau giúp cho Backinphêđrô.

Nhất là tính kiên trì rình mò của hắn.

Về phía nhà chồng, Ann có họ xa với nữ hoàng mới cửa nước Phổ, vợ của vị vua có một trăm nội thần; Ann có một bức chân dung của bà ta, vẽ trên men theo phương pháp của Tuyêckê Mayec. Nữ hoàng nước Phổ này cũng có một người em gái bất hợp pháp là nữ nam tước Đrika.

Một hôm, trước mặt Backinphêđrô, Ann hỏi sứ thần Phổ một số câu về tôn nữ Đrika này.

- Nghe nói tôn nữ giàu có lắm, phải không?

- Bẩm rất giàu - vị sứ thần đáp.

- Tôn nữ có lâu đài không?

- Còn nguy nga hơn những lâu đài của nữ hoàng, chị tôn nữ.

- Tôn nữ phải lấy ai?

- Bẩm một nhà quí tộc rất danh tiếng là bá tước Gêrmô.

- Đẹp chứ?

- Bẩm duyên dáng.

- Tôn nữ trẻ chứ?

- Bẩm trẻ măng.

- Cũng đẹp như nữ hoàng chứ?

Vị sứ thần hạ giọng và đáp:

- Bẩm đẹp hơn.

- Thế thì láo xược quá - Backinphêđrô lẩm bẩm.

Nữ hoàng im lặng một lúc, rồi nói to:

- Bọn con hoang ấy!

Backinphêđrô ghi nhớ ngay chữ bọn ấy.[189] Một bận khác, ở một lối ra của tiểu giáo đường, tại đấy Backinphêđrô đang đứng cạnh nữ hoàng và sau hai tiểu đồng - huân tước Đêvit Điry Moa khiến mọi người xôn xao bàn tán trước phong mạo đẹp đẽ của y, khi y tắt ngang qua các dãy phụ nữ. Trên lối đi của y, một loạt thán từ của các bà các cô râm ran nổi lên:

- Lịch sự thật!

- Nhã nhặn quá!

- Cao sang cực kỳ!

- Đẹp trai hết ý!

- Thật là khó chịu! - nữ hoàng lẩm bẩm trong miệng. Backinphêđrô nghe được.

Thế là hắn đã có ý định.

Có thể hại nữ công tước mà không lo mất lòng nữ hoàng.

Bài tính đầu tiên được giải đáp.

Bây giờ đến bài toán thứ hai.

Làm thế nào để hại nữ công tước? Để đạt một mục đích khó khăn như thế, chức vụ khốn nạn của hắn có thể giúp được phương kế gì cho hắn? Rõ ràng chẳng có phương kế gì cả.

12. ÊCOX, IÊCLĂNG VÀ ĂNGGLƠTE[190]

Cần nói rõ một chi tiết: Giôzian có "tủ xoay".

Người ta sẽ hiểu điều này, khi nghĩ đến việc cô nàng, tuy khác mẹ vẫn là em gái của nữ hoàng, nghĩa là người hoàng gia.

Có tủ xoay nghĩa là thế nào? Tử tước Xanh Gion - tức Bolinhbrôc - viết thư cho Tômax Lenna, bá tước Xuxếc: "Có hai việc khiến người ta vĩ đại- ở nước Anh phải có tủ xoay, ở nước Pháp phải được hai chữ dành cho".

Nguồn gốc hai chữ dành cho ở nước Pháp như sau, khi nhà vua du ngoạn, thì tối đến, lúc tới trạm nghỉ, viên sĩ quan tham mưu phải chỉ định chỗ ở cho những người hộ giá nhà vua. Trong số các vị quí tộc này, một số có ưu quyền rất lớn: "Họ được dành cho, theo Biên niên sử năm 1649, trang 6, nghĩa là viên sĩ quan tham mưu, lúc đánh dấu nhà ở, ghi hai chữ Dành cho trước tên của họ, như: Dành cho Hoàng thân Xubiz; còn khi ghi nhà ở của một người không phải hoàng thân thi y không ghi Dành cho, mà chỉ ghi tên, thí dụ: Công tước Giexvrơ, công tước Mazaranh, vân vân". Hai chữ Dành cho trên một cánh cửa chỉ rõ một hoàng thân hay một sủng thần; Sủng thần có kém hoàng thân. Nhà vua ban hai chữ Dành cho cũng như ban huy chương hoặc tước vị nguyên lão.

Ở nước Anh, "có tủ xoay" thì kém phô trương hơn, nhưng thực tế hơn. Đây là một dấu hiệu được thực sự gần gũi nhà vua. Người nào, nhờ dòng dõi hoặc đặc ân, có thân thế được nhận tin tức trực tiếp của nhà vua, thì trong bức tường phòng ngủ của mình có một cái tủ xoay nho nhỏ có gắn chuông. Chuông rung, tủ mở, một bức thư của nhà vua hiện ra trên một chiếc đĩa vàng hoặc trên một cái gối nhung, sau đó tủ đóng lại! Thật là thân tình và trang trọng. Bí mật trong thân tình. Tủ không dùng vào một việc gì khác cả. Tiếng chuông rung báo hiệu có tin tức của nhà vua. Không thấy người mang đến. Vả lại cũng chỉ như một thị đồng của nữ hoàng hoặc của nhà vua. Lêxextơ có tủ xoay dưới thời Êlizabet, và Bơckinham thời Giăc đệ Nhất. Giôzian có tủ xoay thời Anh, mặc dầu ít được mến chuộng. Người có tủ xoay giống như người được liên lạc trực tiếp với cái bưu điện nhỏ trên trời, thỉnh thoảng Chúa lại sai người phát thư đem đến cho một phong thư. Không còn ngoại lệ nào được khao khát hơn. Đặc ân này kéo theo nhiều nô dịch hơn. Vì nó mà người ta trở thành nô bộc hơn. Ở triều đình, cái gì nâng cao thường hạ thấp. "Có tủ xoay" phải nói bằng tiếng Pháp; chi tiết nghi thức này của Anh có lẽ là một điểm thấp hèn ngày xưa của nước Pháp.

Tôn nữ Giôzian, nữ nguyên lão còn trinh, cũng như Êlizabet trước kia là nữ hoàng còn trinh, sống một cuộc đời hết sức vương giả, lúc ở đô thành, lúc ở nông thôn, tuỳ theo mùa, và hầu như luôn luôn có một triều đình riêng mà huân tước Đêvit là cận thần, cùng nhiều người khác nữa. Vì chưa thành vợ thành chồng, nên huân tước Đêvit và tôn nữ Giôzian có thể đi đôi với nhau giữa công chúng mà không sợ mang tiếng lố lăng, điều mà hai anh ả rất thích. Họ thường đi xem hát và đua ngựa, ngồi cùng một xe, cùng một khán đài. Họ được phép và còn bị bắt buộc phải lấy nhau, thế mà chuyện hôn nhân lại làm họ nguội lạnh; nhưng nói chung họ rất thích nhìn thấy nhau. Những chuyện suồng sã được phép của những người đã "Hứa hôn"[191] có một giới hạn dễ vượt qua. Cả hai vẫn giữ gìn không vượt, vì đã dễ dàng thì không lịch sự.

Thời bấy giờ những trận đấu quyền Anh hay nhất vẫn tổ chức ở Lambet; tại giáo khu này huân tước tổng giám mục Cantobery có một lâu đài, mặc dầu không khí ở đấy không trong lành, và một thư viện rất phong phú, mở cửa cho những trang phong nhã vào một số giờ nhất định. Một hôm, vào mùa đông, tại một bãi cỏ có cổng khoá, có cuộc đấu võ của hai người. Giôzian được Đêvit ẫn đến xem. Cô nàng hỏi: Đàn bà có được vào không" Đêvit trả lời: Sunt foeminoe magnates. Dịch phỏng: Đàn bà thường dân thì không. Dịch từng chữ: Các bà lớn thì được. Một nữ công tước chỗ nào cũng vào được. Vì thế tôn nữ Giôzian đi xem quyền Anh.

Tôn nữ Giôzian chỉ nhượng bộ trong việc ăn mặc theo kiểu đi ngựa, rất thông thường lúc bấy giờ. Đàn bà ít khi ăn mặc khác để đi du lịch. Trong sáu người ngồi trên cỗ xe hòm Uynxo, ít khi không có một hoặc hai phụ nữ ăn vận đàn ông. Đấy là dấu hiệu giai cấp trung lưu.

Huân tước Đêvit, đi theo một phụ nữ, không thể có mặt trong trận đấu, và đành đóng vai khán giả bình thường. Tôn nữ Giôzian chỉ để lộ tư cách của mình qua việc nhìn bằng ống dòm, đó là cử chỉ quý tộc.

Cuộc "gặp gỡ cao quý " đặt dưới sự chủ toạ của huân tước Giecmen, tăng tổ phụ hay tăng tổ thác của huân tước Giecmen; ông này, vào cuối thế kỷ thứ mười tám, là đại tá, trong một trận chiến đấu đã đánh bài chuồn, sau đó làm bộ trưởng chiến tranh và chỉ thoát khỏi súng cối quân thù để rơi vào những lời nhạo báng của Sêriđăng, một thứ súng máy tệ hại hơn. Rất nhiều nhà quí tộc đánh cá; Hary Beliu Carleton, có xa vọng được tước nguyên lão Bela qua đã tàn tạ, cá với Henry, huân tước Haiđơ, nghị viện thị trấn Đanhivit, còn được gọi là Laoxextơn; Pêrêgrin Becti tôn kính, nghị viện thị trấn Tơrurô, cá với ngài Tômax Colpipia, nghị viện Međxton; lãnh chúa Lamiêcbô, thuộc biên khu Lôtian, cá với Xamuen Tơrêphuydi, nghị viện Penryn; ngài Bactơlơmiu Gơraxđiơ, thị trấn Xanhyvơ, cá với ngài Saclơ Bôđvin rất tôn kính, vẫn được gọi là huân tước Rôbactơ, và chính là Castos Rotulorum của lãnh địa hầu tước Cornuay. Có nhiều người khác nữa.

Hai võ sĩ, một người Iêclăng ở Typrêry lấy tên của ngọn núi quê hương y là Flemghêmađon, và một người Êcox tên là Hemghên. Thế là hai mềm kiêu hãnh quốc gia gặp nhau. Iêclăng và Êcox sắp choảng nhau; Êrin sắp đấm Gajôten. Vì vậy tiền cá vượt quá bốn vạn ghi-nê, chưa kể những khoản đặt cố định.

Hai đấu thủ đều cởi trần, mặc quần cụt ngắn, cài bên hông, chân mang giày cao cổ, đế đóng đinh, buộc dây ở mắt cá.

Hemghên, anh chàng người Êcox, là một thằng nhỏ trạc mười chín tuổi, nhưng trán đã có vết khâu; vì vậy phần đông ngả về nó. Tháng trước nó đã đấm gãy một xương sườn và chọc thủng hai mắt của võ sĩ Xicxơmai Lơcatơ; điều đó đủ giải thích việc hâm mộ. Những người cá nó được đã vớ bẫm mười hai nghìn livrơ xteclinh, Ngoài cái trán khâu, Hemghên còn cái hàm sứt. Nó nhẹ nhàng, lanh lẹn, chỉ cao như một phụ nữ nhỏ nhắn nhưng gọn gàng, vạm vỡ, dáng vóc lùn lùn, đáng sợ, và không hổ với giòng họ của nó; không một cơ bắp nào không nhằm vào mục đích, là đánh đấm. Trong bộ ngực chắc khoẻ, bóng nhẫy, mầu đồng thau của nó, có cái nét gọn gàng. Khi nó cười, ba cái răng hổng lại thêm vào nụ cười.

Đối thủ của nó người to, bè, nghĩa là yếu.

Đó là một anh chàng bốn mươi tuổi, cao sáu piê[192], ức hải mã, vẻ mặt hiền lành. Y có thể đấm vỡ boong tàu, nhưng lại không biết đấm. Anh chàng Flemghêmađon người Iêclăng này chủ yếu là một cái bia, y có mặt trong các cuộc đấu quyền Anh hình như để đón nhận chứ không phải để đánh trả. Có điều người ta cảm thấy y chịu đựng được lâu. Một thứ thịt bò rán chưa kỹ, khó nhá, và không ăn được. Theo tiếng lóng địa phương, người ta gọi đó là miếng thịt sống, rawfesh[193]. Y lác mắt. Y có vẻ nhẫn nhục.

Đêm hôm trước hai tay này đã nằm bên nhau, cùng giường, và cùng ngủ. Họ đã uống chung một cốc, mỗi người ba ngụm rượu Portô.

Cả hai đều có phe cánh ủng hộ, toàn dân mặt mày dữ tợn, cần thì đe doạ cả trọng tài. Trong nhóm của Hemghên, người ta nhận thấy Gion Grôman, nổi tiếng cõng được một con bò trên lưng, và một anh tên là Gion Brê có hôm đã vác trên vai mười giạ bột, mỗi giạ mười lăm ga-lông[194] thêm ông chủ máy xay: với gánh nặng đó anh ta đi hơn hai trăm bước. Về phía Flemghêmađon, huân tước Haiđơ đã dẫn từ Laoxexton đến một anh chàng Kintơ nào đó, tay này ở Satô-Ve, có thể ném qua vai một tảng đá hai mươi livrơ[195] cao hơn cái tháp cao nhất của lâu đài. Ba tay này, Kintơ, Brê, và Grôma, là người ở Cornuay, điểm đó làm vinh dự cho bá tước lãnh địa.

Một số tay ủng hộ khác đều là dân vô lại, cục súc, lưng cánh phản, chân vòng kiềng, bàn tay hộ pháp nổi đốt, mặt mày ngu xuẩn, ăn mặc rách rưới, chẳng biết sợ hãi là gì, hầu hết đều mang tiền án. Nhiều tên còn rất thông thạo nghề chuốc rượu cảnh sát. Nghề nào cũng phải có những tài hoa của nó.

Bãi cỏ được chọn xa hơn Vườn Gấu, nơi ngày xưa người ta cho đấu gấu, chọi bò, và chó cắn nhau, quá những ngôi nhà cuối cùng đang xây dở, bên cạnh túp lều của tu viện trưởng nhà thờ Đức Bà Mari Ovơ Rai, bị vua Hăngri VIII phá huỷ. Tiết trời hôm ấy gió bắc và sương giá; một làn mưa bụi lất phất, thoáng cái đã đông thành giá. Trong số những người lịch sự có mặt, rất dễ nhận ai là bố gia đình, vì họ đều giương ô.

Phía Flemghêmađon, đại tá Moncrep, trọng tài, và Kinte, để phò tá.

Phía Hemghên, Puygơ Bômari tôn kính, trọng tài và huân tước Đêzecton, người ở Kincary, để phò tá.

Hai võ sĩ ngồi yên trong hàng rào dây một lúc, trong khi người ta lấy lại đồng hồ. Đoạn hai bên tiến đến trước mặt nhau và bắt tay nhau.

Flemghêmadon nói với Hemghên:

- Mình chỉ muốn về nhà.

Hemghên thật thà đáp:

- Cánh trung lưu đã chịu khó đến thì cũng phải cho bõ công họ chứ.

Vì cởi trần nên cả hai đều rét. Flemghêmađon run rẩy, hai hàm răng đánh cầm cập. Tiến sĩ Êlêaneo Sacp, cháu tổng giám mục York, gào to với họ:

- Cứ nện khoẻ vào, các chú mình. Rồi khắc nóng người.

Lời nói nhã nhặn đó khiến hai người hết cóng. Họ xông vào nhau.

Nhưng chẳng bên nào nổi nóng cả. Ba hiệp nhạt nhẽo trôi qua. Tiến sĩ Gâmđrêt tôn kính, một trong bốn mươi hội viên của Onxao Conle giơ hét to: - Tống rượu gin cho chúng nó.

Nhưng hai trọng tài và hai người đỡ đầu, cả bốn đều có quyền phân xử, quyết giữ vững điều lệ. Quả thật trời rét quá.

Chợt có tiếng gào to:

- First blood[196].

Quần chúng đòi hỏi những giọt máu đầu tiên. Người ta cho hai võ sĩ đứng thật đối diện.

Hai bên nhìn nhau, tiến lại gần, vươn cánh tay ra, cùng nắm tay nhau, đoạn lùi lại. Bất thình lình, Henghên, tay trẻ tuổi, chồm tới. Trận đấu chính thức bắt đầu.

Flenghêmađon bị đấm trúng vào trán, ngay giữa sơn căn. Cả bộ mặt anh chảy máu ròng ròng. Đám đông hét:

- Hemghên đã khui rượu Borđô rồi!

Người ta vỗ tay.

Flemghêmađon, xoay xoay hai cánh tay như cối xay quay cánh quạt, bắt đầu khua khoắng may rủi hai nắm đấm.

Pêrêgrin Berti tôn kính nói:

- Mắt mờ rồi. Nhưng vẫn chưa mù.

Lúc này Hemghên nghe tứ phía vang lên lời động viên

- Bung his peepers[197].

Nói tóm lại, người ta đã khéo kén chọn hai đấu thủ.

Và mặc dù thời tiết không thuận lợi lắm, người ta cũng hiểu là trận đấu sẽ đạt kết quả tốt. Những lợi thế của anh chàng khổng lồ Flemghêmađon có mặt bất tiện của chúng; anh cử động nặng nề. Hai cánh tay anh là chùy, nhưng thân hình anh lại là khối đá nặng. Tay thanh niên chạy nhảy, đấm, nghiến răng kèn kẹt, nhân đôi sức mạnh bằng tốc độ, biết nhiều mánh lới. Bên này là cú đấm nguyên thuỷ man rợ không có học, ở trạng thái ngu dốt; bên kia là quả đấm văn minh. Hemghên đánh đấm vừa bằng thần kinh vừa bằng bắp thịt và bằng tất cả độc ác lẫn sức khoẻ của y, Flemghêmađon là một loại đánh đấm u mê, hơi bị nhừ tử rồi.

Đó là nghệ thuật chống lại thiên nhiên. Đó là hung ác chống lại man rợ.

Rõ ràng anh chàng man di sẽ thua. Nhưng không nhanh lắm. Hấp dẫn ở chỗ ấy. Một thằng bé chống lại một người lớn. Phần thắng thuộc về thằng bé. Một con mèo lại được một con chó ngao.

Bọn Gôliat[198] luôn luôn bị những anh Đêvit đánh bại.

Tiếng cổ vũ dội xuống hai võ sĩ rào rào như mưa đá:

- Bravo Helmgail! Good! Well done, highlander.

- Now Phelem![199]

Và phe cánh của Hemghên lại tốt bụng nhắc hắn câu động viên:

- Móc mắt nó ra!

Hemghên còn làm hơn thế. Đột ngột cúi xuống rồi vùng lên như một con rắn uốn mình, nó đấm Flemghêmađon vào chính giữa mỏ ác. Tên khổng lồ lảo đảo.

- Chơi xấu! - Tử tước Bacna hét lên.

Flemghêmađon vừa khuỵu vào đầu gối Kintơ vừa nói:

- Tôi bắt đầu thấy nóng người rồi.

Huân tước Đêzectum vội hỏi ý kiến trọng tài và tuyên bố:

- Tạm nghỉ năm phút.

Flemghêmađon đuối sức rồi. Kintơ lau máu ở mắt và mồ hôi trên người cho anh ta bằng một miếng nỉ và ấn một cái miệng chai vào mồm anh ta. Đang hiệp thứ mười một. Flemghêmađon, ngoài vết thương ở trán, còn bị đấm nhừ cơ ngực, sưng bụng và thâm tím đỉnh đầu.

Hemghên chẳng sao cả.

Trong đám thượng lưu có tiếng rì rầm.

Huân tước Bacna nhắc lại:

- Chơi xấu.

- Cá hoà - huân tước Lamiêcbê nói.

- Tôi đòi tiền đặt của tôi đấy, - ngài Tômax Conpipơ nói lại.

Và vị hội viên tôn kính thay mặt thị trấn Xanh Yvơ ngài Bactơlomiu Graxơđiơ, thêm vào:

- Phải trả lại tôi năm trăm ghi-nê, tôi đi về đây.

- Đình trận đấu thôi, - khán giả gào thét.

Nhưng Flemghêmađon bỗng đứng dậy, lảo đảo gần như một người say rượu, và nói:

- Cứ tiếp tục trận đấu, với một điều kiện. Tôi, tôi cũng sẽ có quyền chơi xấu một quả.

Từ bốn phía người ta hét to:

- Đồng ý!

Hemghên nhún vai.

Năm phút đã trôi qua, lại vào hiệp khác.

Trận đấu, đối với Flemghêmađon là một cảnh hấp hối, đối với Hemghên lại thành một trò chơi.

Khoa học thế đấy! Thằng bé tìm được cách cho anh chàng to xác vào thế sanxơry, nghĩa là thình lình Hemghên dùng cánh tay trái quặp lại như cùm thép khoá cái đầu to của Flemghêmađon, giữ rịt anh ta trong nách, cổ gập, gáy thấp, đồng thời dùng quả đấm phải nện liên hồi như búa nện vào đinh, nhưng lại thúc ngầm từ dưới lên; nó cứ mặc sức đấm nát mặt anh kia. Cuối cùng, đến lúc Flemghêmađon được thả ra ngẩn đầu lên, thì không sao nhận ra bộ mặt anh ta nữa.

Những chỗ trước kia là mũi, là mắt, là mồm nay chỉ còn là một thứ gần như bọt biển đen nhúng vào máu.

Anh ta nhổ toẹt ra đất bốn cái răng. Rồi ngã vật xuống.

Kintơ đỡ anh ta nằm lên đầu gối.

Hemghên chỉ hơi xây xát đôi chút. Nó bị vài ba chỗ bầm không đáng kể và một vài vết xước ở một bên xương quai sanh.

Không anh nào thấy rét nữa. Người ta thấy Flemghêmađon mười phần thua cả mười.

Hary Carlêton gào tướng lên:

- Flemghêmađon hết hi vọng rồi. Tôi cuộc Hemghên được đây, tôi đặt danh vị nguyên lão Benla Aqua và tước vị huân tước Belin của tôi, ăn một bộ tóc giả cũ của tổng giám mục Cantobery đấy.

- Đưa cái mõm của mày đây - Kintơ nói với Flemghêmađon và lùa miếng nỉ đẫm máu vào trong chai, lão rửa mặt cho anh chàng bằng rượu gin. Người ta lại trông thấy mồm, và Flemghêmađon mở một mi mắt ra. Hai thái dương dường như bị rạn.

- Cố hiệp nữa, anh bạn ạ - Kintơ nói và lão tiếp thêm: - Vì vinh dự thành phố đồng bằng.

Cánh xứ Galơ và cánh Iêclăng hiểu nhau; tuy nhiên Flemghêmađon không có dấu hiệu gì tỏ ra là đầu óc anh còn tỉnh táo. Flemghêmađon đứng dậy. Kintơ đỡ anh. Đây là hiệp thứ hai mươi lăm. Qua cách thủ thế của anh chàng Xiclôp[200] này - vì anh chỉ còn một mắt - người ta hiểu là đã đến lúc kết thúc và không còn ai nghi ngờ thất bại của anh nữa. Anh lấy thế thủ trên cằm, tư thế vụng về của kẻ sắp chết. Hemghên chỉ hơi lấm tấm mồ hôi, hét to:

- Tôi cá cho tôi. Một nghìn ăn một đây.

Hemghên, giơ cánh tay lên, đấm một quả, và lạ thay, cả hai cùng ngã vật ra. Có tiếng hồng hộc thích thú.

Chính Flemghêmađon đang hả dạ.

Anh ta đã lợi dụng quả đấm khủng khiếp của Hemghên giáng xuống sọ anh, để đấm một cú, trái luật, vào giữa rốn hắn.

Hemghên nằm thẳng cẳng, rên hừ hừ.

Khán giả nhìn Hemghên ở đất và nói:

- Trừ nợ.

Toàn thể đều vỗ tay, kể cả những người thua.

Flemghêmađon đã đánh một cú trái luật trả đũa một cú trái luật và đã hành động đúng quyền của mình.

Người ta lấy cáng khiêng Hemghên đi. Dư luận cho rằng hắn sẽ không tỉnh lại. Huân tước Rôbac gào tướng:

- Tôi được một vạn hai ghi-nê.

Tất nhiên Flemghêmađon quặt quẹo suốt đời.

Ra cửa, Giôzian nắm cánh tay của huân tước Đêvit, cử chỉ được tha thứ giữa những người "đã giao ước". Cô ả nói với anh chàng:

- Rất hay. Nhưng.

- Nhưng sao?

- Tôi cứ tưởng đi xem thì hết chán. Thế mà, không.

Huân tước Đêvit đứng lại nhìn Giôzian, ngậm mồm, vừa phồng má vừa lắc đầu, thế có nghĩa là: coi chừng!

Và nói với nữ công tước:

- Chán thì chỉ có mỗi một phương cứu chữa.

- Phương gì?

- Guynplên.

Nữ công tước hỏi:

- Guynplên là cái gì?

II. GUYNPLÊN VÀ ĐÊA

1. TRƯỚC CHỈ THẤY HÀNH ĐỘNG, NAY MỚI RÕ MẶT NGƯỜI.

Thiên nhiên đã rất hoang phí về mặt ơn huệ đối với Guynplên. Thiên nhiên đã ban cho nó một cái mõm rộng hoặc đến mang tai, hai tai cúp xuống tận mắt, một cái mũi dị hình để lúc la lúc lắc, đôi nhãn mục của kẻ làm trò khỉ và một bộ mặt hễ trông thấy là không ai nhịn được cười.

Chúng tôi vừa nói rằng thiên nhiên đã ban tặng cho Guynplên quá nhiều. Nhưng có đúng thiên nhiên không?

Con người có tiếp tay thiên nhiên không?

Hai con mắt giống hệt hai cái cửa trổ sang hàng xóm, mồm là một chỗ đứt đoạn, một cục u ngắn, tẹt, với hai lỗ thủng làm mũi, mặt là một cái gì bèn bẹt, và toàn bộ những thứ đó hợp lại thành vẻ cười, những kỳ công như vậy chắc chắn một mình thiên nhiên không thể làm nổi.

Có điều cười có phải đồng nghĩa với hoan hỉ không?

Nếu, trước mặt anh hề rong ấy, vì đúng là một anh hề rong, người ta để tiêu tan mất cái cảm giác vui vẻ đầu tiên, và nếu quan sát kỹ con người ấy, người ta khắc nhận ra nguy dấu vết của nghệ thuật. Một khuôn mặt như thế không thể do ngẫu nhiên, mà phải do ý muốn.

Hoàn chỉnh đến mức ấy không thể có trong thiên nhiên.

Con người không làm được gì cho vẻ đẹp của mình, nhưng lại có thể làm tất cả trong vẻ xấu. Từ một nét mặt xấu xí[201] anh không thể làm nên một dáng mặt La mã, nhưng từ một cái mũi Hy lạp anh có thể làm thành một cái mũi tẹt[202]. Chỉ cần cắt xẻo chân mũi và làm tẹt hai cánh mũi xuống. Tiếng La tinh hạ lưu thời Trung cổ không phải vô cớ đã tạo nên động từ denasare. Guynplên ngày bé có đáng được chú ý để người ta chăm lo đến mức phải thay đổi bộ mặt cho nó không? Tại sao lại không? Dù chỉ nhằm mục đích triển lãm và trục lợi.

Cứ xét bề ngoài, phải có những người mua bán trẻ con tài tình cắt vá bộ mặt ấy. Dường như hiển nhiên, một khoa học khó hiểu, có thể làm huyền bí so với giải phẫu, cũng như khoa luyện đan so với hóa học, đã cắt xẻo mớ thịt kia chắc chắn vào lúc tuổi còn rất nhỏ, và đã có dụng tâm tạo nên bộ mặt đó. Khoa học ấy, có tài cắt, khâu và buộc, đã rạch mồm, phanh môi, lôi lợi, căng tai, tách các phần sụn, làm hỗn loạn lông mày và hai má, làm rộng cơ gò má, xóa nhòa các đường khâu và các vết sẹo lấy da vá lấp các vết thương, đồng thời giữ cho bộ mặt luôn luôn ở trạng thái hoác rộng, và từ công trình điêu khắc có hiệu quả và sâu sắc ấy đã nảy ra cái mặt nạ đó, tức là Guynplên.

Con người đâu có sinh ra như vậy.

Dẫu sao thì cũng phải khâm phục kết quả về Guynplên. Guynplên là một tặng phẩm của thượng đế dành cho buồn phiền con người, Thượng đế nào? Có thể có một Thượng đế Ma Quỷ giống như Thượng đế Chúa Trời không? Chúng tôi đặt câu hỏi mà không giải đáp.

Guynplên là một tên hề múa rối. Nó cho công chúng xem mặt nó. Không hiệu quả nào có thể so sánh với hiệu quả của nó. Chỉ cần chìa bộ mặt ra là nó chữa được bệnh ưu uất tâm thần. Nhưng người đang thọ tang cần tránh nó vì nếu nhìn thấy nó là ngượng ngùng và buộc phải cười một cách khiếm nhã. Một hôm có một tên đao phủ đến, Guynplên đã làm hắn phì cười. Trông thấy Guynplên là người ta ôm bụng, nghe nó cất tiếng là người ta bò lăn ra đất. Nó là đối cực của buồn phiền. U sầu ở đầu này, Guynplên ở đầu kia.

Vì vậy, trong các bãi chợ phiên và tại các ngã tư chẳng mấy lúc nó đã nổi tiếng là con người gớm chết.

Chính nhờ cười mà Guynplên gây được cười. Thế nhưng nó lại không cười. Mặt nó cười, tư tưởng nó không cười. Bộ mặt kỳ dị, mà tình cờ hay một nghề nghiệp hết sức quái đản đã tạo nên cho nó, cười một mình. Guynplên không tham dự gì vào đó cả. Vẻ ngoài không tuỳ thuộc ở nội tâm. Cái cười mà nó không hề để lên trán, lên má, lên lông mày, lên miệng đó, nó không thể cất bỏ nổi. Người ta đã vĩnh viễn gắn cái cười lên mặt nó. Đó là cái cười tự động, và càng cứng đờ lại càng không cưỡng nổi. Không một ai tránh được cái nhếch mép đó. Mồm có hai lối co dúm hay lây, đó là lúc cười và lúc ngáp. Do hiệu lực của cuộc phẫu thuật bí mật mà Guynplên phải chịu có lẽ từ hồi còn bé, tất cả các bộ phận trên mặt nó đều góp phần vào cái nhếch mép đó, toàn bộ diện mạo của nó đều châu vào đấy như một cái bánh xe tập trung vào ổ trục; tất cả mọi cảm xúc của nó, bất luận thế nào, cũng đều tăng thêm, hay nói đúng hơn, đều làm rõ thêm nét vui nhộn của bộ mặt kỳ dị đó.

Một thoáng ngạc nhiên, một nỗi đau khổ, một cơn giận chợt đến, một chút cảm thương, chỉ làm tăng cái vẻ cười nhăn nhở của các cơ bắp; giá có phải khóc nó cũng vẫn cười và dù Guynplên làm gì, muốn gì, nghĩ gì, hễ nó vừa ngẩng đầu lên là đám đông, nếu có đám đông ở đó, cũng có ngay trước mặt cái hình ảnh ma quái, tiếng cười như sấm nổ. Ta hãy hình dung một cái đầu của Mêđuyđơ[203] vui vẻ.

Tất cả những gì đang nằm trong đầu óc đều tan tác trước bất ngờ đó, và người ta cứ phải cười.

Nghệ thuật cổ xưa vẫn gắn lên mi nhà các rạp hát Hy Lạp một cái mặt tươi cười bằng đồng. Bộ mặt đó gọi là Thần Hài kịch. Bộ mặt bằng đồng đó dường như cười và gây cười nhưng lại trầm ngâm. Tất cả chuyện nhại chơi dẫn đến chỗ mất trí, tất cả sự châm biếm lại dẫn đến chỗ khôn ngoan, đều cô đúc lại và kết hợp với nhau trên bộ mặt đó; tổng số những lo âu, những ảo mộng tiêu tan, những chán chường và phiền muộn, được tính toán trên cái trán bình thản đó và cho ta cái tổng số bi đát là sự vui vẻ: một bên nhếch mép lên, phía nhân loại, vì chế giễu, một bên, phía các thần linh, vì báng bổ; mọi người đến đối chiếu cái mẫu mực châm biếm chua chát lý tưởng đó với bản thử mỉa mai mà mỗi người đều có trong lòng mình; và đám đông, luôn luôn đổi mới xung quanh nụ cười cố định đó, ngây ngất vì khoan khoái trước vẻ bất động tang tóc của nụ cười ngạo mạn. Cái mặt nạ buồn thảm cứng đờ đó của nền hài kịch cổ xưa gắn lắp cho một con người sống, hầu như có thể nói đó chính là Guynplên. Cái đầu gớm ghiếc đó của vui cười ngặt nghẽo không dứt, Guynplên mang nó trên cổ. Đối với đôi vai của một con người, cái cười bất diệt là một gánh nặng khủng khiếp.

Cái cười muôn thuở. Chúng ta hãy đồng ý với nhau và hãy giải thích cho rõ. Cứ theo lời phái thiện ác nhị nguyên giáo, cái tuyệt đối đôi lúc cũng nhượng bộ, và chính Chúa trời cũng có những phút gián đoạn. Chúng ta hãy đồng ý với nhau về mặt ý chí. Chúng ta không công nhận có lúc ý chí có thể hoàn toàn bất lực. Mọi cuộc sống đều như một bức thư, mà câu tái bút làm thay đổi ý. Đối với Guynplên, câu tái bút như sau: cố gắng đem hết nghị lực, tập trung toàn bộ chú ý, với điều kiện không một cảm xúc nào làm nó sao nhãng và làm chùng sự cố gắng bất động, nó có thể ngăn chặn cái nhếch mép vĩnh viễn trên mặt nó và có thể phủ lên mặt một thứ khăn trùm bi đát; lúc ấy người ta không cười trước mặt nó nữa mà người ta rung mình.

Cố gắng đó, cần nói rõ, hầu như Guynplên không bao giờ thực hiện vì rất mệt mỏi nhức nhối và căng thẳng không sao chịu nổi. Vả lại chỉ cần nhãng đi một tí xúc động một tí là cái cười đó, thoáng mất trong giây lát không sao cưỡng nổi như một đợt triều lui, lại tái hiện trên mặt; và xúc động, bất kể xúc động nào, càng dữ dội thì vẻ cười lại càng mãnh liệt.

Không kể điểm hạn chế nói trên, Guynplên có cái cười vĩnh viễn.

Trông thấy Guynplên, mọi người đều cười. Cười xong người ta ngoảnh mặt đi. Nhất là các bà thì khiếp đảm. Con người ấy thật khủng khiếp. Cái cười ngặt nghẽo như một khoản cống phẩm phải nộp; người ta vui vẻ chịu, nhưng hầu như máy móc. Sau đó khi nụ cười đã nguội lạnh, một phụ nữ không thể nào chịu nổi và không thể nào nhìn thẳng Guynplên.

Loại trừ bộ mắt quái gở ra, Guynplên to cao, cân đối nhanh nhẹn, chẳng dị dạng tí nào. Thêm một dấu hiệu nữa trong các chuyện phỏng đoán, rằng Guynplên là một sáng tạo của nghệ thuật hơn một tác phẩm của thiên nhiên. Guynplên có thân hình đẹp, hẳn trước kia phải có bộ mặt đẹp. Lúc sinh ra, nó phải là một đứa bé như mọi đứa khác. Người ta đã bảo toàn nguyên vẹn thân thể và chỉ sửa sang bộ mặt. Guynplên đã bị chủ tâm cắt vá.

Ít ra đấy là điều có vẻ hợp lý.

Người ta đã để lại cho nó bộ răng. Răng cần để cười.

Đầu người chết vẫn giữ cả răng.

Việc mổ xẻ trên mặt nó hẳn phải kinh khủng lắm.

Nó không nhớ đến việc đó, nhưng như thế không chứng tỏ rằng nó không bị mổ xẻ. Việc chạm trổ của phẫu thuật chỉ có thể thành công trên một đứa trẻ còn bé, do đó nó ít ý thức đến những việc đã xẩy đến với nó, và có thể dễ dàng ngộ nhận một thương tích là một dị tật.

Ngoài ra từ thời ấy, ta hãy nhớ lại, các phương tiện làm cho người bị mổ xẻ ngủ thiếp và không biết đau đã được biết đến rồi. Có điều thời ấy người ta gọi đó là pháp thuật. Ngày nay người ta gọi là gây mê.

Ngoài bộ mặt đó, bọn người nuôi Guynplên đã dạy cho nó những thủ đoạn của nhà thể thao và lực sĩ; các khớp xương của nó, được khéo léo uốn nắn, và thích hợp trong những lối co gập trái chiều, đã được luyện tập để làm trò hề và có thể, như bản lề cửa, cử động đủ mọi chiều. Trong việc thích nghi với nghề múa rối của nó, không có một việc gì bị bỏ qua.

Tóc Guynplên được nhuộm màu nâu vàng vĩnh viễn; bí quyết mà ngày nay người ta đã tìm được. Các bà nhan sắc vẫn sử dụng nó; cái xưa kia làm cho xấu xí thì ngày nay được xem là tốt để làm duyên. Guynplên có bộ tóc màu vàng. Lối nhuộm tóc đó, bề ngoài có vẻ như hủy hoại, đã làm cho tóc giữ được sắc thái của len và sờ thấy ram ráp. Cái mớ lởm chởm hung hung đó, nom giống bờm thú hơn tóc người, phủ kín một cái sọ to sinh ra để chứa đựng tư tưởng. Cái việc mổ xẻ tầm thường, đã lấy mất vẻ hài hòa của bộ mặt và làm đảo lộn tất cả mớ thịt kia, lại không động chạm đến hộp não. Góc mặt của Guynplên nom hùng dũng và đáng ngạc nhiên. Sau nét cười đó có một tâm hồn cũng biết mở rộng như tất cả chúng ta.

Vả lại cái cười đó đối với Guynplên là cả một tài năng. Nó không thể làm gì nên tài năng đó mà chỉ biết lợi dụng. Nhờ cái cười đó nó làm ăn kiếm sống.

Guynplên - chắc hẳn người ta đã nhận ra nó - là thằng bé bị bỏ rơi vào một chiều đông trên bờ biển Porlan, và được đón nhận trong một chiếc lều tồi tàn lưu động ở Uêmớt.

2. ĐÊA

Thằng bé bây giờ là một người lớn. Mười lăm năm đã trôi qua. Năm ấy là năm 1705. Guynplên sắp hai mươi lăm tuổi.

Uyêcxuyt đã giữ hai đứa bé ở với ông. Thế là thành một nhóm người nay đây mai đó.

Uyêcxuyt và Ômô đều già rồi. Uyêcxuyt đã hoàn toàn hói. Lông con sói đang chuyển sang màu xám. Tuổi sói không được ấn định như tuổi chó. Theo Môlanh, có những con sói sống đến tám mươi tuổi, trong số đó có giống Cupara nhỏ, Cavioe vorus, và giống sói hương, canis nubilus của Say.

Con bé bắt được trên xác người đàn bà chết giờ đây là một cô gái mười sáu tuổi xanh xao với mái tóc nâu, gầy gò mảnh khảnh, gần như run rẩy vì quá yếu đuối, khiến cho người khác không dám chạm vào, xinh đẹp tuyệt vời, đôi mắt đầy ánh sáng, mù.

Cái đêm đông bất hạnh quật ngã người đàn bà ăn mày với đứa con trong tuyết đã làm một công đôi việc.

Nó giết chết người mẹ và làm mù đứa con.

Mù đã vĩnh viên làm tê liệt con người của cháu bé, nay cũng đã thành một người đàn bà. Trên khuôn mặt của nó, nơi mà ánh sáng không hề xuyên qua, hai khoé môi buồn bã trễ xuống biểu thị niềm thất vọng đắng cay chua xót. Đôi mắt, to và sáng, có cái nét kỳ lạ là đối với cô thì tắt, nhưng đối với người khác thì lại long lanh. Đó là những ngọn đuốc sáng bí mật chỉ soi chiếu bên ngoài.

Cô ban phát ánh sáng mà bản thân lại không có ánh sáng. Đôi mắt đã biến mất ấy luôn luôn chói ngời. Cô bé tù nhân của bóng tối kia làm bừng sáng cái nơi tăm tối cô đang sống. Từ tận cùng cõi u minh nan trị của cô, từ sau bức tường đen gọi là mù loà, cô phát toả ra một thứ hào quang. Cô không trông thấy mặt trời bên ngoài, nhưng mọi người lại nhìn thấy trong cô có một tâm hồn.

Vẻ nhìn bất đồng của cô có cái gì chăm chú của thần tiên.

Cô là trời đêm, và từ trong bóng tối vô phương biến đổi đã kết quyện với chính cô, cô bước ra như một thiên thể.

Uyêcxuyt, con người cuồng sinh tên La tinh, đã đặt tên cho cô là Đêa (nữ thần). Ông cũng có tham khảo sơ qua ý kiến con sói, ông nói với nó:

- Mày tượng trưng con người, tao tượng trưng con vật; chúng mình là hạ giới con bé này sẽ tượng trưng cho thượng giới. Bấy nhiêu yếu hèn là sức mạnh toàn năng dấy. Bằng cách đó tất cả vũ trụ, nhân loại súc vật, thần thánh, sẽ ở trong lều chúng ta

Con sói đã không phản đối gì.

Và thế là cô bé bắt được mang tên Đêa.

Còn Guynplên, Uyêcxuyt không phải mất công phát minh ra cho nó một cái tên. Ngay sáng hôm ông nhận thấy việc thay đổi diện mạo của thằng bé và cảnh mù loà của con bé, ông đã hỏi:

- Thằng kia, mày tên gì?

Thằng bé trả lời:

- Người ta gọi cháu là Guynplên.

- Guynplên cũng được đi - Uyêcxuyt nói.

Đêa phụ với Guynplên trong các buổi trình diễn của nó.

Nếu đau khổ của con người có thể tóm tắt được thì nó đã được tóm tắt bằng Guynplên và Đêa. Dường như chúng sinh ra mỗi đứa trong một ô của một địa; Guynplên trong ô khủng khiếp, Đêa trong ô đen tối.

Kiếp sống của chúng được làm bằng những loại tối tăm khác nhau, lấy từ hai mặt ghê gớm của cuộc dời. Tối tăm đó, Đêa chứa đựng trong tâm, còn Guynplên lại mang trên người. Trong Đêa có ma, trong Guynplên có quỷ. Đêa sống trong sầu muộn, còn Guynplên trong một cảnh tồi tệ hơn. Nhờ sáng mắt, Guynplên có khả năng rất đau lòng mà Đêa mù loà không có nổi, là sự so sánh với người khác. Thế mà, trong một hoàn cảnh như hoàn cảnh của Guynplên, cứ cho là nó tìm để biết thôi, càng tự so sánh càng không sao hiểu thấu. Cũng có được, như Đêa, một đôi mắt mù, không nhìn thấy thế gian, là một niềm đau xót tột cùng, tuy có kèm nỗi đau khổ; chính mình lại có điều bí ẩn của mình; cũng cảm thấy thiếu vắng một cái gì đó, và cái đó lại chính là bản thân; nhìn thấy vũ trụ mà lại không thấy bản thân. Đêa có một tấm khăn trùm là đêm tối, còn Guynplên lại đeo một cái mặt nạ là bộ mặt của nó. Điều rất khó diễn đạt.

Guynplên bị che kín bằng chính da thịt của nó. Mặt nó như thế nào, nó không biết. Bộ mặt của nó mãi mãi tan biến. Người ta đã đặt lên nó một cái nó giả tạo. Mặt nó là một cái gì đã biến mất. Đầu nó vẫn sống động nhưng mặt nó đã chết rồi. Nó không nhớ đã có bao giờ nhìn thấy mặt mình. Loài người, đối với Đêa cũng như đối với Guynplên, là một sự kiện bên ngoài; cả hai đều xa cách nó; Đêa cô đơn, Guynplên cũng cô đơn; cảnh lẻ loi của Đêa mang tính chất tang tóc, cô chẳng nhìn thấy gì, cảnh lẻ loi của lại rùng rợn, nó nhìn thấy tất cả. Đối với Đêa, tạo hóa không vượt quá thính giác và xúc giác; thực tại rất hạn chế, có giới hạn, ngắn ngủi, tan biến trong giây phút; cô không có vô biên nào khác ngoài bóng tối. Đối với Guynplên, sống, tức là mãi mãi nhìn thấy đám đông trước mắt và ở ngoài bản thân. Đêa là người bị ánh sáng từ bỏ; Guynplên là kẻ bị loại trừ ra khỏi cuộc sống. Đúng thế, chúng là hai linh hồn tuyệt vọng. Chúng đang đứng ở chốn tận cùng có thể đạt được của tai hoạ. Guynplên cũng như Đêa. Một người quan sát nào nhìn thấy chúng, thì sau phút mơ màng hẳn phải cảm thấy thương tâm vô hạn. Còn thiếu điều gì chúng không phải chịu đựng? Một quyết định tai hoạ rõ ràng đang đè nặng trên hai con người đó, và xung quanh hai kẻ không hề làm gì nên tội, chưa bao giờ định mệnh lại khéo xoay chuyển hơn, biến số kiếp thành hành hạ và cuộc sống thành địa ngục.

Hai đứa đang sống trong một cảnh thiên đàng.

Chúng đang yêu nhau.

Guynplên tôn thờ Đêa. Đêa sùng bái Guynplên và bảo với nó:

- Ôi anh đẹp quá!

3. OCULOS NON HABET ET VIDET[204]

Trên trần gian chỉ có một người đàn bà nhìn thấy Guynplên. Đó là cô gái mù kia.

Những việc Guynplên đã làm cho cô, cô biết được nhờ có Uyêcxuyt, người đã nghe Guynplên kể lại cuộc hành trình vất vả từ Porlan đến Uêmot, và những giờ phút sắp chết xen lẫn với cảnh bị bỏ rơi của mình. Cô được biết là, hồi cô còn bé tí, đang lúc thoi thóp trên người mẹ tắt thở, mồm vẫn bú một xác chết, có một người chỉ nhớn hơn cô một chút đã nhặt được cô; người đó bị loại trừ và như bị chôn vùi trong cảnh ruồng rẫy tối tăm của mọi người, đã nghe tiếng khóc của cô. Cô được biết rằng trong khi thiên hạ đều điếc với người ấy thì người ấy không điếc với cô; rằng thằng bé ấy, cô lập, yếu đuối, bị ruồng bỏ, không nơi nương tựa dưới trần gian này, thất thểu trong sa mạc, kiệt quệ vì mệt mỏi rã rời, đã nhận từ đôi bàn tay của đêm tối cái gánh nặng, một đứa bé khác; rằng nó, không có chút gì để mong chờ trong cuộc chia phần tối tăm gọi là số phận, nó đã đảm nhận một số phận khác; bản thân xác xơ, lo sợ và nguy khốn, nó đã nguyện làm cứu tinh; trong khi cửa trời đóng chặt nó đã mở rộng trái tim của nó; tuyệt vọng, nó đã cứu giúp; bản thân không nhà không cửa, nó đã thành chốn nương thân, nó đã nhận làm mẹ và vú nuôi; bản thân bơ vơ trên đời, nó đã đáp lại sự hắt hủi bằng việc nhận nuôi một người khác; trong cảnh tối tăm nó đã nêu gương sáng như vậy. Cô được biết rằng, không thấy mình đã khá nặng trĩu, thằng bé còn vui lòng nhận thêm nỗi khốn cùng của một kẻ khác; rằng trên trái đất hình như không có một tí gì cho nó, nó đã tìm thấy nhiệm vụ rằng nơi mà mọi người hẳn phải do dự thì nó vẫn bước tới; rằng nơi mọi người hẳn phải lùi bước thì nó đã đứng trụ; rằng nó đã thò tay vào cửa mồ và kéo ra được cô là Đêa. Cô được biết rằng bản thân gần như trần trụi, thằng bé đã nhường cho cô manh áo rách của nó vì thấy cô rét; bản thân đói khát, nó đã nghĩ đến việc cho cô ăn cho cô uống; vì cô, thằng bé đã chiến đấu chống lại thần chết, dưới mọi hình thức, dưới hình thức trời đông gió tuyết, dưới hình thức cô đơn, sợ hãi, dưới hình thức rét run, đói khát, cuồng phong. Cô được biết rằng vì cô, vì Đêa, mà chú khổng lồ mười tuổi ấy đã chiến đấu với cảnh bao la của đêm tối. Cô được biết chú đã làm những việc đó từ hồi còn bé, và bây giờ, thành người lớn, khi cô yếu hèn chính chú là sức mạnh, khi cô nghèo khổ, chính chú là tài sản, khi cô ốm đau, chính chú là thầy thuốc, và khi cô mù lòa chính chú là đôi mắt của cô. Qua những cảnh đen tối dày đặc xa lạ mà cô tự cảm thấy buộc phải đứng xa, cô nhận thấy rõ sự tận tâm đó lòng quên mình đó, đức dũng cảm đó. Tỉnh chất anh hùng, trong lĩnh vực vô hình, vẫn có một đường viền bao quanh. Cô nhận thấy đường viền cao quý đó; trong cảnh trừu tượng không thể diễn đạt nổi của tư tưởng mà mặt trời không hề soi rọi tới, cô vẫn nhìn thấy đường nét bí mật của đức hạnh. Xung quanh những vật tối tăm chuyển động đó, cảm giác duy nhất mà thực tại gợi cho cô trong cảnh khắc khoải, lo âu của con người bị động luôn luôn chờ đón tai hoạ bất thần xảy đến, trong cái cảm giác không được bảo vệ, vốn là toàn bộ cuộc đời của người mù, cô nghiệm thấy trên đầu cô có Guynplên, một Guynplên không khi nào lạnh lùng, không bao giờ vắng mặt, không bao giờ mờ nhạt, một Guynplên trìu mến, hay giúp đỡ và hiền dịu; Đêa xúc động vì tin tưởng và biết ơn; nỗi lo lắng được vững tin của Đêa dẫn đến niềm say sưa ngây ngất, và bằng đôi mắt đầy tăm tối của mình, từ dưới vực thẳm của mình nhìn lên đỉnh trời, cô chiêm ngưỡng tấm lòng nhân hậu đó, một thứ ánh sáng thăm thẳm.

Trong lý tưởng, lòng nhân ái là mặt trời; và Guynplên đang làm Đêa loá mắt.

Đối với quần chúng, có nhiều đầu quá nên không có được một tư tưởng, và nhiều mắt quá nên không có được một cái nhìn, đối với quần chúng, bản thân là diện tích chỉ quen dừng lại trên bề mặt, Guynplên là một thằng hề, một tên xiếc rong, hơn kém thú vật một tí. Quần chúng chỉ biết có bộ mặt.

Đối với Đêa, Guynplên là đấng cứu tinh đã nhặt được cô từ trong mộ địa và đưa cô ra ngoài, là người an ủi làm cho cô thấy cuộc đời đáng sống, là người giải phóng mà cô cảm thấy bàn tay nằm trong tay cô giữa chốn mê cung này tức là giữa cảnh mù loà. Guynplên là anh, là bạn, là kẻ dẫn đường, là đồng loại trên trời, là người chồng có cánh, sáng ngời, và nơi quần chúng nhìn thấy con quái vật thì cô lại nhìn thấy thượng đẳng thiên thần.

Là vì Đêa mù, thấy được tâm hồn.

4. XỨNG ĐÔI VỪA LỨA.

Uyêcxuyt, triết gia, hiểu rất rõ. Ông tán thành tình cảm say đắm của Đêa. Ông nói:

- Người mù nhìn thấy cái vô hình. Lương tâm là thị giác.

Ông nhìn Guynplên và lầm bầm trong miệng.

- Nửa quái vật nhưng lại nửa thần linh.

Về phía mình, Guynplên say sưa vì Đêa. Có con mắt vô hình là tâm linh, và con mắt hữu hình là con người.

Chính bằng con mắt hữu hình Guynplên nhìn thấy cô.

Đêa hoa mắt vì lý tưởng, Guynplên hoa mắt vì thực tế, Guynplên không xấu, nó chỉ khủng khiếp; trước mặt, nó có cái tương phản của nó. Guynplên dễ sợ bao nhiêu, thì Đêa dịu dàng bấy nhiêu. Nó là rùng rợn, cô là duyên dáng, ở Đêa có nét mơ màng. Cô như một giấc mộng mới chớm thành hình. Trong tất cả con người cô, trong thể chất lả lướt như gió thoảng, trong thân hình thanh tú mềm mại lo âu như lau sậy, trong đôi vai có lẽ có cánh mà ta không nhìn thấy, trong những đường nét tròn trĩnh kín đáo của hình dáng biểu lộ giới tính, nhưng cho tâm hồn hơn là cho xúc cảm, trong nước da trắng ngần như trong suốt, trong dáng vẻ trang nghiêm bình tĩnh khép kín như thần linh trước cõi tục. trong nét thơ ngây thiêng liêng của nụ cười. Đêa có một chút gì dịu dàng gần gũi với thiên thần, và lúc này Đêa đang đến tuổi dậy thì.

Guynplên, như chúng tôi đã nói, tự so sánh và so sánh Đêa.

Cuộc sống của nó, như hiện nay, là kết quả của hai sự lựa chọn chưa từng có. Đấy là giao điểm của hai tia sáng từ dưới và từ trên, của tia sáng đen và tia sáng trắng. Một miếng bánh vụn có thể được hai cái mỏ cùng mổ một lúc, cái mỏ ác và cái mỏ thiện, cái này cắn, cái kia hôn. Guynplên là chút bánh vụn ấy, một con bé nhỏ vừa đau khổ vừa được vuốt ve. Guynplên là sản phẩm của một định mệnh phức tạp vì thêm một sự cứu trợ.

Tai hoạ đã đặt ngón tay lên người nó, và hạnh phúc cũng thế. Hai vận mệnh cực đoan hợp thành số kiếp kỳ lạ của nó. Nó vừa bị khai trừ ra khỏi giáo phái vừa được ban phát phước lành. Nó là kẻ bị nguyền rủa được chúa ân chọn. Nó là ai? Nó không biết. Khi tự nhìn, nó lại trông thấy một người xa lạ. Nhưng người xa lạ ấy quái gở quá. Guynplên sống trong một trạng thái bị mất đầu, có một bộ mặt không phải là mình. Bộ mặt ấy thật khủng khiếp, khủng khiếp đến nỗi lại gây thích thú. Nó làm người đời sợ hãi quá đến nỗi lại gây ra tiếng cười.

Nó khôi hài một cách ghê rợn. Đó là bộ mặt người bị dìm trong một hình đầu súc vật. Một làn sóng nhăn nhó đã tràn ngập tất cả. Chưa ban giờ bộ mặt người lại che khuất con người hoàn toàn đến như vậy, chưa bao giờ nốt nhạc chơi lại hoàn chỉnh hơn thế, chưa bao giờ trong một cơn ác mộng lại thấy nhăn nhở một hình ảnh phác hoạ gớm ghiếc hơn, chưa bao giờ tất cả những gì có thể làm cho đàn bà ghê tởm lại được kết hợp ghê tởm hơn trong một người đàn ông; trái tim bất hạnh, bị cái mặt ấy che đậy và vu cáo, dường như mãi mãi bị đày đoạ vào cảnh cô đơn dưới gương mặt ấy như dưới một nắp mồ.

Thế nhưng không! Nơi mà lòng độc ác xa lạ đã kiệt sức thì, đến phiên mình, lòng nhân hậu vô hình lại nỗ lực.

Trong con người đáng thương bị giáng phàm đó thình lình được nâng dậy, bên cạnh những gì xua đẩy, lòng nhân hậu lại đặt cái có sức thu hút; trong hiểm nghèo, nó đặt thỏi nam châm, nó khiến một tâm hồn giang cánh bay đến với con người bị bỏ rơi ấy, nó giao cho bồ câu an tủ kẻ bị sét đánh, và nó bắt sắc đẹp phải tôn thờ dị dạng.

Muốn được như thế, người con gái đẹp phải không nhìn thấy anh chàng dị dạng. Để đạt hạnh phúc này phải có tai hoạ kia.

Thượng đế đã bắt Đêa phải mù loà.

Guynplên mơ hồ tự cảm thấy mình là đối tượng của một sự đền tội. Tại sao lại có chuyện ngược đãi? Nó không hiểu thấu. Tại sao lại phải chuộc tội? Nó không hiểu thấu. Một vầng hào quang đã đến che lên vết nhục của nó: đó là tất cả những gì nó biết được. Khi Guynplên đến tuổi hiểu biết, Uyêcxuyt đã đọc cho nó nghe và giải thích bài De denasatis của tiến sĩ Conquext, và trong một cuốn sách khổ to khác, Hung Plagon, đoạn nares habens nutilas[205] nhưng Uyêcxuyt đã khôn ngoan không đặt "giả thuyết" và không kết luận gì cả. Có thể có những ức đoán, khả năng một việc bạo hành khi Guynplên còn thơ ấu cũng cảm thấy được; nhưng đối với Guynplên chỉ có một điều hiển nhiên là kết quả. Số kiếp của nó là phải sống với một vết sẹo. Tại sao lại vết sẹo ấy? Không có trả lời, im lặng và cô đơn xung quanh Guynplên. Tất cả đều lẩn trốn trước những điều phỏng đoán có thể gắn vào cái thực tế bi đát kia, và trừ sự việc khủng khiếp ra, không có gì chắc chắn hết. Trong cảnh buồn phiền ấy, Đêa xen vào; một sự xen nhập thần thánh giữa Guynplên và thất vọng. Cảm động và như được sưởi ấm, nó đón nhận lòng khoan hậu của cô gái dịu hiền về bộ mặt ghê tởm của nó; sự ngạc nhiên của thiên đường làm xúc động bộ mặt khắc khổ của nó; được tạo ra để gây hãi hùng, nó hướng biệt lệ phi thường là được ánh sáng ngưỡng mộ và tôn thờ trong lý tưởng; là quái vật nó cảm thấy được một ngôi sao chiêm ngưỡng.

Guynplên và Đêa là đôi uyên ương và hai trái tim đầy rung cảm ấy rất mực yêu quý nhau. Một tổ ấm, hai cánh chim non, đó là câu chuyện của chúng. Chúng đã đi vào quy luật chung của vạn vật là làm đẹp lòng nhau, tìm kiếm nhau và gặp được nhau.

Thành thử căm hờn đã nhầm lẫm. Những kẻ hành hạ Guynplên, dù chúng là ai, quyết tâm bí ẩn, dù từ đâu đến, đều bắn sai đích cả. Định tạo nên một kẻ thất vọng thì lại được một con người sung sướng. Người ta gán ghép nó ngay từ đầu cho một vết thương vừa khỏi.

Người ta muốn để cho một sầu thảm an ủi nó. Gọng kìm đao phủ đã dịu dàng biến thành bàn tay phụ nữ, Guynplên thật khủng khiếp, khủng khiếp một cách nhân tạo, khủng khiếp vì bàn tay con người; người ta ao ước cô lập nó mãi mãi, thoạt tiên tách nó khỏi gia đình nếu nó có gia đình, sau đó tách khỏi nhân loại; từ một em bé, người ta biến nó thành vật điêu tàn. Nhưng vật điêu tàn đó thiên nhiên đã thu hồi như vẫn thu hồi mọi vật điêu tàn; kiếp cô đơn kia, thiên nhiên đã an ủi như vẫn an ủi mọi kiếp cô đơn; thiên nhiên thường cứu vớt tất cả những gì bị hắt hủi; nơi mà mọi thứ đều thiếu thốn, thiên nhiên lại một lần nữa tự hiến mình một cách trọn vẹn; thiên nhiên lại đâm hoa nẩy lộc trên mọi đổ nát; thiên nhiên có cây trường xuân cho gạch đá và tình yêu cho con người.

Lòng hào hiệp sâu rộng của bóng tối.

5. MẦU XANH TRONG MẦU ĐEN.

Cứ như thế hai con người bất hạnh sống dựa vào nhau, Đêa được che chở, Guynplên được ưng thuận.

Cô bé mồ côi có anh chàng côi cút. Cô gái tật nguyền có chàng trai dị dạng.

Hai cảnh goá bụa ấy kết duyên với nhau. Một lòng biết ơn khôn tỏ toát lên từ hai cảnh tuyệt vọng. Chúng cảm ơn.

Cảm ơn ai?

Bao la tăm tối.

Cảm ơn phía trước mặt mình, thế là đủ. Lòng biết ơn có cánh và bay đến chỗ phải bay. Lời cầu nguyện của bạn biết nhiều hơn bạn.

Biết bao người tưởng mình khẩn cầu Giuypite[206] nhưng chính đã cầu khẩn Giêhôva[207]! Biết bao người tin tưởng vào bùa chú lại được vô biên lắng nghe! Biết bao người theo chủ nghĩa vô thần không nhận thấy rằng, chỉ một việc ăn ở hiền lành và buồn rầu, họ cũng đã cầu nguyện Chúa rồi!

Guynplên và Đêa biết ơn. Chuyện dị hình xem như bị khai trừ. Cảnh mù lòa xem như vực thẳm. Việc khai trừ được chấp nhận: vực thẳm có thể ở được.

Guynplên thấy sà xuống phía mình, giữa ánh sáng chan hoà, trong một kiểu an bài của số phận giống như viễn cảnh trong mơ, một áng mây trắng đẹp mang hình dáng một người đàn bà, một ảo ảnh sáng người trong đó có một trái tim, và hình bóng ấy, hầu như mây khói nhưng lại là đàn bà, ghì chặt lấy nó, ảo ảnh ấy ôm hôn nó, trái tim ấy rất bằng lòng nó; được yêu, Guynplên không dị dạng nữa; một đoá hồng đòi lấy một con sâu, vì cảm thấy trong sâu có cánh bướm thần; Guynplên, kẻ bị hắt hủi, lại được quyền lựa chọn.

Có được thứ mình cần, tất cả vấn đề là ở đấy.

Guynplên có được thứ nó cần. Đêa cũng đạt được điều cô tha thiết.

Tính chất hèn hạ của con người biến dạng, được giảm nhẹ và như thăng hoa, giãn nở thành say sưa, đắm đuối, tin tưởng; và trong đêm tối một bàn tay chìa ra trước sự do dự tối tăm của cô gái mù.

Đó là sự dung hợp của hai cảnh tuyệt vọng trong lý tưởng, cảnh này hấp dẫn cảnh kia. Hai sức loại trừ dung nạp nhau. Hai thiếu sót phối hợp với nhau để bổ sung cho nhau. Chúng bám vào nhau bằng mặt chúng thiếu.

Mặt nghèo nàn của bên này lại là mặt giàu có của bên kia. Nếu Đêa không mù, liệu cô có chọn Guynplên không? Nếu Guynplên không bị thay đổi bộ mặt, liệu nó có thích Đêa không? Có thể cô gái cũng sẽ không yêu anh chàng dị dạng hơn anh này thích cô tàn tật. Đối với Đêa, còn hạnh phúc nào hơn hình ảnh Guynplên gớm ghiếc! Đối với Guynplên còn may mắn nào hơn việc Đêa mù loà! Ngoài sự an bài của Thượng đế, không thể có được chúng nó. Một đòi hỏi qua lại kỳ diệu, nằm trong chốn tận cùng tình yêu của chúng. Guynplên cứu Đêa, Đêa cứu Guynplên. Chỗ gặp gỡ của tại hoạ lại là nơi gắn bó keo sơn. Vòng tay ôm chặt của những kẻ đang chìm đắm trong vực sâu. Không gì thắm thiết hơn, không gì so sánh kịp, không gì tuyệt diệu bằng.

Guynplên có một suy nghĩ:

- Không có nàng ta sẽ ra sao?

Đêa có một suy nghĩ:

- Không có anh ấy, ta sẽ ra sao?

Hai cuộc sống tha hương kia dẫn đến một tổ quốc, hai định mệnh nan y ấy, vết sẹo của Guynplên, tật mù của Đêa, chắp nối vào nhau trong niềm mãn nguyện.

Chúng tự thấy đầy đủ cho nhau rồi. Ngoài bản thân, chúng không mơ ước đến một điều gì khác; chuyện trò với nhau là hoan lạc, đến gần nhau là diễm phúc tuyệt vời; cứ trực cảm thấy nhau mãi, chúng đi đến chỗ cùng xây dựng một ước mơ, cùng suy tư chung một tư tưởng.

Mỗi khi Guynplên cất bước, Đêa tưởng như nghe tiếng chân thần. Chúng ngồi sát vào nhau trong một cảnh chập chờn của vũ trụ tràn ngập hương thơm, ánh sáng, tiếng nhạc, đầy mộng vàng và công trình kiến trúc rực rỡ: chúng thuộc sở hữu của nhau, chúng biết chúng mãi mãi bên nhau, cùng hưởng một niềm vui, cùng chung một ngây ngất mà không gì lạ lùng như việc hai kẻ đoạ đày đắp xây một cảnh thiên đường trên cõi trần gian.

Chúng sung sướng không sao tả siết.

Với địa ngục của mình, chúng đã tạo nên cảnh trời xanh; ôi tình yêu, đó là sức mạnh của người!

Đêa nghe tiếng Guynplên cười. Guynplên nhìn thấy Đêa chúm chím.

Thế là diễm phúc lý tưởng đã tìm được. Niềm vui hoàn chỉnh của cuộc sống đã thực hiện, bài tính bí mật của hạnh phúc đã giải xong. Và do ai? Do hai kẻ cùng khổ.

Đối với Guynplên, Đêa là cảnh chói lòa rực rỡ. Đối với Đêa, Guynplên là sự có mặt.

Sự hiện diện, điều huyền bí sâu xa tôn cái vô hình lên làm thần thánh, và từ đó nảy sinh ra điều huyền bí khác là lòng tin cậy. Trong các tôn giáo chỉ có diều đó là không thể phân tích nổi. Nhưng điểm không phân tích nổi ấy đủ rồi. Người ta không nhìn thấy nhân vật mênh mông cần thiết; người ta cảm thấy nó.

Guynplên là tôn giáo của Đêa.

Đôi khi, ngây ngất vì yêu đương, cô quỳ xuống trước mặt Guynplên, như một tăng ni xinh đẹp tôn chiếm một con quỷ giữ đền hớn hở. Các bạn hãy hình dung vực thẳm, giữa vực thẳm có mót ốc đảo ánh sáng, trên ốc đảo ấy hai con người ngoài cuộc sống kia làm cho nhau lóa mắt.

Không có sự trong sáng nào trong sáng nổi những tình yêu đó. Đêa không biết thế nào là hôn, mặc dầu có lẽ cô cũng ao ước được hôn; vì cảnh mù loà, nhất là của một người đàn bà, có những ước mơ của nó và mặc dầu run rẩy trước những giây phút gần gũi của xa lạ, vẫn không chê ghét tất cả chúng. Còn đối với Guynplên, tuổi thanh niên phơi phới khiến nó trầm tư; càng cảm thấy lòng mình say đắm, nó càng rụt rè; lẽ ra nó có đủ can đảm dám tất cả với cô bạn đường từ thuở ấu thơ, với cô gái không hề biết tội lỗi cũng như ánh sáng là gì, với cô gái mù chỉ thấy được một việc, là mình tôn thờ Guynplên. Nhưng giá cô có ban cho nó một chút gì thì nó lại nghĩ thế là nó lấy cắp; nó cố nhẫn nhục với một nỗi u hoài thoả mãn được yêu một cách thần tiên, và ý thức về sự dị dạng của nó chuyển thành một nỗi thẹn thùng cao cả.

Hai con người hạnh phúc đó sống trong lý tưởng. Ở đó chúng là đôi vợ chồng Ngâu xa cách như các tinh cầu.

Trong cõi trời xanh, chúng trao đổi cái khí âm dương sâu sắc trong vô biên vốn là sức hút và trên cõi trần vốn là giới tính. Chúng ban cho nhau những cái hôn linh hồn.

Chúng luôn luôn sống chung với nhau. Ngoài cảnh sống bên nhau, chúng không biết có cách nào khác. Tuổi trẻ của Đêa trùng hợp với tuổi trưởng thành của Guynplên. Chúng đã lớn lên bên cạnh nhau. Rất lâu chúng đã ngủ chung một giường, vì cái lều không phải là một phòng ngủ rộng. Chúng nằm trên chiếc thùng gỗ, Uyêcxuyt trên mặt sàn; cách sắp xếp trong nhà như vậy. Rồi một hôm, Đêa vẫn còn bé, Guynplên bỗng tự thấy mình lớn lên, và e thẹn đã bắt đầu từ phía chàng trai. Nó đã nói với Uyêcxuyt: con cũng muốn ngủ đất.

Và tối tối nó nằm cạnh ông già, trên tấm da gấu. Thế là Đêa khóc lóc. Cô bé đòi hỏi người bạn giường. Nhưng Guynplên thấy ngại ngùng vì nó bắt đầu yêu, cứ khăng khăng một mực. Từ đấy nó bắt đầu ngủ sàn với Uyêcxuyt. Mùa hè, những đêm trăng sao, nó ngủ ngoài trời với Ômô. Đêa đã mười ba tuổi mà vẫn chưa chịu nhượng bộ. Thường thường cứ tối đến cô lại bảo:

- Guynplên, lại nằm cạnh em đi; có thế em mới ngủ được.

Tuổi thơ cần có người nằm cạnh mới chịu ngủ. Con người ý thích được sự trần truồng khi tự thấy mình trần truồng; vì vậy cô không biết thế nào là trần truồng. Sự ngây thơ của Arcađi Ôtayti. Đêa trẻ dại khiến cho Guynplên trở thành tàn nhẫn. Gần đến tuổi dậy thì, đôi khi Đêa ngồi chải mái tóc dài trên giường, chiếc áo lót trễ tràng của cô bỗng tuột xuống lưng chừng, để lộ pho tượng đàn bà mới phác, và một sơ khởi mơ hồ của Êva; cô gọi Guynplên lại Guynplên đỏ mặt, nhìn xuống đất, không biết làm thế nào trước tấm thân hồn nhiên kia, chỉ ấp úng, ngoảnh mặt đi, sợ hãi, rồi bước vội; anh chàng Đaphai của u minh chạy trốn trước nàng Clôê của bóng tối.

Đấy là bản tình ca nẩy nở trong một tấn bi kịch.

Uyêcxuyt bảo với chúng:

- Đồ cục súc! Cứ yêu nhau đi.

6. UYÊCXUYT GIÁO VIÊN, VÀ UYÊCXUYT GIÁM HỘ.

Uyêcxuyt nói thêm:

- Rồi một ngày kia ta sẽ cho chúng một vố. Ta sẽ bắt chúng nó lấy nhau.

Uyêcxuyt dạy cho Guynplên lý thuyết về tình yêu.

Ông nói với nó:

- Tình yêu, con có biết Chúa lòng thành thắp cháy ngọn lửa ấy thế nào không? Chúa để người đàn bà đứng dưới, quỉ sứ đứng giữa; người đàn ông đến trên con quỉ.

Một que diêm, nghĩa là một cái đưa mắt, thế là cả ba đều bốc lửa.

- Không cần phải đưa mắt - nghĩ đến Đêa, Guynplên trả lời.

Uyêcxuyt đáp lại:

- Dớ dẩn! Tâm hồn có cần phải mắt mới nhìn được nhau đâu?

Đôi khi Uyêcxuyt là người tốt bụng. Lắm lúc, say mê Đêa đến mức ủrũ, Guynplên lẩn tránh Uyêcxuyt như lẩn tránh một nhân chứng. Có hôm Uyêcxuyt bảo nó:

- Thôi đi? Việc gì mà ngượng. Trong tình yêu gà trống bao giờ cũng dơ mặt ra cả.

- Nhưng đại bàng vẫn lẩn trốn - Guynplên trả lời.

Nhiều lúc khác, Uyêcxuyt lại nói một mình:

- Cũng nên thọc gậy vào bánh xe Xitêrê[208]. Chúng yêu nhau quá. Như vậy có thể có hại. Phải đề phòng hoả hoạn. Phải tiết chế những trái tim này mới được.

Và Uyêcxuyt đã phải dùng đến những lời cảnh cáo loại dưới đây, nói với Guynplên khi Đêa ngủ, và nói với Đêa khi Guynplên ngoảnh lưng lại:

- Đêa, con không nên quấn quít Guynplên quá. Sống trong người khác nguy hiểm lắm. Ích kỷ là một cái rễ vững chắc của hạnh phúc. Đàn ông là giống luôn luôn tuột khỏi tay đàn bà. Với lại Guynplên cuối cùng có thể rơi vào chỗ tự kiêu tự mãn. Nó thành công rực rỡ quá. Con không thể hình dung nổi thành công của nó đâu!

- Guynplên này, cái gì mất cân đối đều chẳng ra gì đâu. Một bên xấu quá thể, một bên đẹp vô chừng, điều ấy ta cần phải suy nghĩ. Con ơi, con nên dập bớt lửa lòng của con lại. Không nên say đắm Đêa quá. Con tưởng con sinh ra là để dành cho nó thật sao? Con cứ thử cân nhắc sự dị dạng của con với vẻ hoàn mỹ của nó xem. Con hãy hình hãy nhìn quãng cách giữa con với nó. Đêa có đầy đủ tất cả! Da trắng làm sao, tóc đẹp làm sao, đôi môi như dâu chín, lại thêm đôi chân! Và đôi bàn tay nữa. Hai vai tròn lẳn tuyệt vời, nét mặt thanh cao, mỗi bước đi như hào quang toả sáng. Lại thêm giọng nói trầm trầm với âm thanh ngọt ngào duyên dáng! Với tất cả những thứ ấy, lại phải suy nghĩ đấy là một người đàn bà! Nó đâu phải ngu ngốc đến thế khi đã là thiên thần. Đấy là sắc đẹp tuyệt đối. Con phải tự nói với mình tất cả những điều ấy để dịu bớt lửa tình đi.

Vì vậy Đêa và Guynplên càng yêu quí nhau hơn, Uyêcxuyt ngạc nhiên về thất bại của mình, gần như một người nào đó nói:

- Lạ thật, mình đã hắt dầu vào lửa mà không ăn thua, mình không dập tắt được lửa.

Dập tắt mối tình ấy, hay kém thế nữa, làm cho nó nguội tàn, liệu ông có muốn thế không? Chắc chắn là không. Giá có thành công thì ông đã lầm to. Thật ra, mối tình kia, đối với chúng là lửa hồng, đối với ông là sức nóng, làm ông say mê thích thú.

Nhưng, cái mà ta ưa thích, cũng phải trêu ghẹo nó tí chút. Lối trêu ghẹo ấy, người đời gọi là sự khôn ngoan.

Đối với Guynplên và Đêa. Uyêcxuyt gần như là bố là mẹ. Vừa thì thầm, ông và dạy bảo chúng; vừa quát mắng ông vừa chăm sóc nuôi dưỡng chúng. Việc nhận con nuôi này đã làm cho cái lều lưu động nặng thêm, buộc ông phải thường xuyên hơn buộc mình vào xe cùng với Ômô để kéo.

Chúng ta cần phải nói rõ rằng, sau mấy năm đầu thì Guynplên đã gần lớn và Uyêcxuyt già yếu quá, đến lượt Guynplên phải kéo Uyêcxuyt.

Thấy Guynplên lớn lên, Uyêcxuyt đã lấy tử vi về sự dị dạng của nó và nói với nó:

- Người ta đã làm nên hạnh phúc của con.

Cái gia đình ấy, một ông già, hai đứa bé và một con sói trên bước đường nay đây mai đó, đã hợp thành một nhóm người ngày càng gắn bó mật thiết.

Cuộc sống lang thang đã không ngăn trở việc giáo dục. Lang thang thúc đẩy trưởng thành, Uyêcxuyt nói vậy. Vì rõ ràng Guynplên được tạo ra để "làm trò ở các chợ phiên".

Uyêcxuyt đã đào tạo nó thành một tên múa rối, và trong tên múa rối này ông đã hết lòng truyền dạy khoa học và khôn ngoan. Đứng trước vẻ mặt khủng khiếp của Guynplên. Uyêcxuyt lẩm bẩm: nó đã được bắt đầu khéo quá. Bởi vậy ông đã hoàn thiện nó bằng đủ mọi thứ trang trí của triết học và kiến thức.

Ông thường nhắc nhở Guynplên:

- Con phải trở thành một triết gia. Khôn ngoan thì không ai động được đến mình. Con cứ xem bố đây này, bố không bao giờ khóc cả. Đấy là sức mạnh của sự khôn ngoan của bố. Con tưởng nếu bố muốn khóc, bố không có dịp nào sao?

Trong những lần độc thoại mà con sói nghe được, Uyêcxuyt thường nói:

- Ta đây dạy cho Guynplên đủ thứ, kể cả chữ La tinh, còn đối với Đêa thì chẳng có gì, kể cả âm nhạc.

Ông đã dạy cho hai đứa hát. Bản thân ông rất giỏi thổi ống rạ, một thứ sáo nhỏ thời bấy giờ.

Ông thổi ống rạ nghe rất hay, cũng như khi ông chơi đàn xiphôni, một thứ đàn quay của hành khất, mà ký sự của Bectơrăng Duyghexcơlanh gọi là "nhạc cụ ăn mày", và được xem như điểm xuất phát của hòa khúc. Những thứ nhạc cụ ấy thường thu hút quần chúng, Uyêcxuyt đưa cái xiphôni của mình cho đám đông xem và nói:

- Tiếng La tinh gọi nó là organistrum.

Ông đã dạy cho Đêa và Guynplên hát theo phương pháp của orphê và Egit Binsoa. Nhiều lần ông phải cắt ngang bài học để thốt lên lời sảng khoái sau đây: orphê, nhạc sĩ Hy lạp! Binsoa, nhạc sỹ Picardi!

Nền giáo dục chu đáo tuy có phức tạp nhưng vẫn không làm cho đôi trẻ bận rộn đến mức sao nhãng việc tôn thờ nhau. Chúng đã khôn lớn, hoà lẫn trái tim, như hai cây non, trồng bên nhau, hoà lẫn lá cành khi trở thành đại thụ.

- Cũng không sao - Uyêcxuyt lầm rầm - ta sẽ cho chúng lấy nhau.

Và ông lại càu nhàu một mình:

- Chúng làm rầy ta với chuyện yêu đương của chúng quá Quá khứ, hay ít ra tí chút quá khứ mà chúng có được, đối với Guynplên và Đêa cũng như không. Chúng chỉ biết được những gì Uyêcxuyt nói cho chúng nghe.

Chúng gọi Uyêcxuyt là "Bố".

Guynplên chỉ nhớ lại quãng đời thơ ấu như một bầy ma quỉ lướt qua trên chiếc nôi của mình. Nó có cảm giác như bị chà đạp trong bóng tối bởi những bàn chân dị dạng. Do cố ý hay vô tình? Nó không rõ. Điều nó nhớ rõ ràng và trong từng chi tiết nhỏ là câu chuyện bi đát bỏ rơi nó. Việc tìm thấy Đêa đối với nó đã biến cái đêm hãi hùng ấy thành một ngày rực rỡ đáng ghi nhớ.

Còn hơn cả trí nhớ của Guynplên, trí nhớ của Đêa như ở trên mây. Bé nhỏ quá nên mọi việc đều tiêu tan.

Cô nhớ đến mẹ như một cái gì giá lạnh. Cô có nhìn thấy mặt trời không? Có thể là có. Cô cố đưa trí óc mình vào sâu trong chỗ tan biến phía sau cô. Mặt trời ư? Nó là cái gì? Cô nhớ đến một vật gì sáng ngời và ấm áp mà Guynplên đã thay thế.

Hai đứa thì thầm với nhau nhiều chuyện. Chắc chắn việc thỏ thẻ với nhau là điều quan trọng nhất trên trần. Đêa bảo với Guynplên:

- Khi anh cất tiếng nói, đấy chính là ánh sáng.

Một hôm, qua ống tay áo voan, Guynplên trông thấy cánh tay của Đêa; không dừng được, nó liền lướt nhẹ đôi môi trên cái hình bóng trong suốt ấy. Miệng dị hình, hôn lên lý tưởng. Đêa cảm thấy đê mê ngây ngất. Cô đỏ ửng mặt. Cái hôn ấy của con quái vật đã làm bừng sáng ánh bình minh trên vầng trán đẹp đầy đêm tối. Trong khi đó Guynplên thở dài với một nỗi hãi hùng, và vừa lúc cổ áo Đêa hé ra, nó không thể không nhìn những đường nét trắng ngần lộ rõ qua cánh cửa thiên thai.

Đêa vén ngay ống tay áo lên, vừa chìa cho Guynplên cánh tay trần của mình vừa nói:

- Anh hôn nữa đi?

Guynplên vội vàng chạy trốn để tìm cách thoát thân.

Hôm sau trò chơi lại tái diễn với chút ít cải biên. Sa ngã của thần linh trong vực thẳm êm đềm của tình ái.

Đây là những việc khiến chúa từ bi, với tư cách triết gia nhiều tuổi, phải mỉm cười.

7. MÙA LÒA DẠY BÀI SÁNG SUỐT.

Đôi khi Guynplên cũng tự trách mắng mình. Nó xem hạnh phúc của nó như một tình thế khó xử. Nó nghĩ rằng để cho một người đàn bà không trông thấy mình yêu mình, đó là đánh lừa người ấy. Nàng sẽ nói sao nếu đôi mắt của nàng đột nhiên mở sáng? Điều quyến rũ nàng sẽ làm nàng hãi hùng biết mấy! Nàng sẽ lùi bước như thế nào trước người yêu khủng khiếp!

Nàng sẽ hét lên như thế nào! Nàng sẽ bịt mắt lại như thế nào? Nàng sẽ chạy trốn như thế nào! Một tâm trạng ngại ngùng đau khổ cứ ngày đêm dằn vặt Guynplên. Nó tự bảo mình là quái vật thì không có quyền được yêu đương. Giao long mà lại được tinh cầu sùng bái, nó có bổn phận phải soi sáng vì sao mù quáng kia.

Có lần nó bảo Đêa:

- Em nên biết là anh rất xấu.

- Em biết anh cao thượng - cô trả lời.

Nó lại nói:

- Khi em nghe thiên hạ cười, đó là họ cười anh, vì anh ghê tởm lắm.

- Em yêu anh - Đêa bảo nó.

Im lặng một lúc, cô tiếp thêm:

- Em đang ở trong cõi chết, anh đã đưa em trở về cõi sống. Anh đứng đó tức là cảnh trời ngay bên cạnh em.

- Anh hãy đưa bàn tay anh cho em, để em dược chạm vào Chúa!

Bàn tay chúng tìm nhau, cùng siết chặt, và chúng không nói gì với nhau nữa, im lặng, lòng tràn ngập yêu đương.

Uyêcxuyt cáu kỉnh đã nghe hết. Hôm sau lúc đủ cả ba người, ông nói:

- Với lại Đêa cũng xấu thôi. Câu nói chẳng đạt kết quả gì hết. Đêa và Guynplên không nghe. Lúc nào cũng chăm chú vào nhau, ít khi chúng nhận thấy những lời cảm thán của Uyêcxuyt.

Ông thâm thuý mà chẳng được gì.

Tuy vậy lần này thái độ thận trọng của Uyêcxuyt khi ông nói "Đêa cũng xấu" cho thấy con người thông thái này có một hiểu biết nào đấy về phụ nữ. Chắc chắn Uyêcxuyt đã ngay thật phạm một điều dại dột. Với một phụ nữ nào khác, và với bất cứ một cô gái mù loà nào khác Đêa: mà nói hai tiếng "Tôi xấu" là có thể nguy hiểm đấy! Mù và phải lòng là hai lần mù quáng. Trong hoàn cảnh ấy, con người thường có những giấc mộng; ảo tưởng là bánh ăn của mộng; cất ảo tưởng khỏi tình yêu tức là lấy mất thức ăn của tình yêu. Tất cả những gì bồng bột đều có tác dụng trong sự hình thành tình yêu; sự khen ngợi có thể chất cũng như lòng cảm phục tinh thần. Vả lại không bao giờ nên nói với đàn bà một lời khó hiểu. Họ hay nghĩ ngợi vẩn vơ vào đó. Và thường họ nghĩ sai. Điều bí ẩn trong mơ mộng hay gây tác hại.

Rung động của một lời nói buông ra làm tan rã những gì khăng khít. Đôi khi không hiểu do đâu, vì một lời nói bâng quơ vô tình chạm phải, một trái tim bỗng dưng giá lạnh lúc nào không rõ.Người đang yêu cảm thấy hạnh phúc của mình giảm sút. Không gì đáng sợ bằng cảnh rò rỉ của chiếc bình rạn nứt.

May sao Đêa không phải thứ đất ấy. Chất liệu để tạo nên mọi người đàn bà không dược dùng để làm thành Đêa. Cô thuộc vào loại hiếm có. Thân hình mảnh mai dễ vỡ, nhưng trái tim lại không thế. Bản chất cô là tình yêu thiêng liêng chung thuỷ.

Tất cả tác hại do lời nói của Guynplên gây nên chỉ khiến cô một hôm phải thốt ra câu sau đây:

- Xấu, xấu là thế nào? Là làm điều ác. Guynplên chỉ làm điều lành. Guynplên đẹp chứ.

Rồi luôn luôn dưới hình thức quen thuộc với trẻ con và người mù, cô lại nói:

- Thấy? Các người bảo thấy là thế nào? Em, em biết là em không nhìn thấy. Hình như thấy là che khuất.

- Em định nói sao? - Guynplên hỏi.

Đêa đáp:

- Thấy là một cái gì che khuất sự thật.

- Không - Guynplên nói.

- Đúng thế! - Đêa cãi lại - vì anh bảo là anh xấu.

Cô suy nghĩ một lúc rồi nói thêm:

- Đồ nói dối!

Và Guynplên sung sướng vì đã thú nhận và đã không được tin. Lương tâm nó yên ổn và tình yêu của nó cũng yên ổn.

Thế là chúng đã đứa tròn đôi tám, đứa gần hai nhăm.

Chúng vẫn không "hơn gì" ngày đầu, như ngày nay người ta thường nói. Kém hơn; vì, ta còn nhớ, chúng đã qua đêm tân hôn lúc con bé mới chín tháng, nó lên mười.

Một tuổi thơ thần thánh vẫn tiếp tục trong mối tình của đôi trẻ; đôi khi hoạ mi ăn muộn vẫn ngân dài tiếng hót đêm khuya của nó đến tận giờ phút bình minh.

Những mơn trớn vuốt ve của đôi trẻ không bao giờ vượt quá những bàn tay siết chặt, và đôi khi khỏi cánh tay trần mơn nhẹ. Một niềm khoái cảm ấp úng dịu dàng cũng đủ cho chúng rồi.

Hai mươi bốn tuổi, mười sáu xuân xanh. Vì vậy mà một buổi sớm mai, Uyêcxuyt, không quên "cái vố" của ông, nói với chúng:

- Này mai các con phải chọn lấy một tôn giáo.

- Để làm gì cơ bố? - Guynplên hỏi.

- Để còn lấy nhau chứ.

- Thì đã lấy rồi thôi - Đêa đáp.

Đêa không thể hiểu rằng có thể làm vợ làm chồng hơn chúng nó hiện nay.

Thật ra sự bằng lòng hão huyền và trong trắng ấy, niềm thoả mãn ngây thơ của một tâm hồn đối với một tâm hồn đó, cảnh độc thân vẫn được xem là nghĩa vợ chồng đó, không hề làm cho Uyêcxuyt thất ý. Sở dĩ ông nói đến vì việc phải nói. Nhưng người thầy thuốc trong ông nhận thấy Đêa, nếu không phải quá trẻ, ít ra cũng quá ốm yếu và quá mảnh dẻ cho cái việc ông gọi là "cuộc hôn nhân bằng xương bằng thịt".

Việc ấy bao giờ cũng sẽ đến khá sớm.

Vả lại chúng chẳng thành vợ thành chồng rồi sao?

Nếu trên đời có cảnh không bao giờ phân ly, họ chẳng phải trong sự gắn bó này, giữa Guynplên và Đêa sao?

Điều thật tuyệt diệu, chúng đã được tai họa đẩy vào lòng nhau một cách đáng yêu và dường như duyên hội ngộ đầu tiên đó chưa đủ, tình yêu đã đến kết hợp, quấn thêm và thắt chặt cùng với tai hoạ. Còn sức mạnh nào có thể bẻ gãy sợi xích sắt được củng cố bằng nút hoa?

Chắc chắn đấy là những tâm hồn keo sơn gắn bó.

Đêa có sắc đẹp, Guynplên có ánh sáng. Mỗi bên đem phần hồi môn của mình đến, và không phải chúng chỉ như một cặp chim non, hơn thế, chúng hợp thành đôi uyên ương, chỉ cách nhau bằng thơ ngây, trong trắng, một thứ trung gian rất thiêng liêng.

Tuy nhiên Guynplên có muốn mơ màng và chìm đắm mãi trong việc chiêm ngưỡng Đêa và trong mối tình sâu kín của nó cũng không được, nó vẫn là đàn ông.

Làm sao tránh khỏi những quy luật tiền định. Cũng như toàn bộ thiên nhiên bao la, nó cũng có những xao xuyến thầm lặng do tạo hoá sắp đặt. Vì vậy mà đôi khi xuất hiện trước công chúng, nó phải nhìn những người phụ nữ trong đám đông; nhưng lập tức nó ngoảnh cặp mắt tội lỗi, và vội vàng hối hận rút lui vào tâm hồn đó.

Chúng ta cần phải nói thêm do thiếu động viên khuyến khích. Trên gương mặt của tất cả những người đàn bà nó nhìn, nó chỉ gặp toàn ghét, bỏ, ác cảm, ghê tởm, hắt hủi.

Rõ ràng không một người đàn bà nào khác Đêa có thể ưng thuận nó được. Việc này càng thúc đẩy nó hối hận.

8. KHÔNG CHỈ HẠNH PHÚC MÀ CẢ GIÀU SANG.

Có biết bao điều thật nằm trong các câu chuyện cổ tích! Vết bỏng do con quỷ vô hình chạm vào bạn, đó là sự hối hận của một tư tưởng xấu.

ở Guynplên, tư tưởng xấu không thể nào nảy nở, cho nên không bao giờ có hối hận. Nhưng thỉnh thoảng cố hối tiếc.

Những phiền muộn không rõ ràng của lương tâm.

Đó là gì? Không là gì cả. Hạnh phúc của chúng thật toàn vẹn. Toàn vẹn đến mức chúng không nghèo khổ như trước nữa.

Từ năm 1689 đến năm 1704 đã có một sự thay hình đổi dạng.

Vào năm 1704 ấy, thỉnh thoảng vào lúc chập tối lại thấy một toa chở hàng rộng và nặng nề, do hai con người khoẻ kéo, đi vào một thành phố nhỏ nào đó của miền duyên hải. Nó giống như một chiếc vỏ tàu úp sấp, sống tàu làm mái, boong tàu làm sàn, và đặt trên bốn bánh xe. Cả bốn bánh đều bằng nhau và cao như bánh xe chở đồ nặng. Bánh, càng và toa, tất cả đều sơn xanh, sắc độ hài hoà chuyển dần từ màu xanh chai ở bánh xe sang màu xanh táo trên mái.

Nhìn mãi cái cảnh xanh ấy cuối cùng mọi người phải chú ý đến chiếc xe, và nó thành ra nổi tiếng trong các bãi chợ phiên; người ta gọi nó là Grin-boc nghĩa là cái hộp xanh. Hộp xanh chỉ có hai cửa sổ, mỗi đầu một, và phía sau một cửa ra vào, với bậc lên xuống. Trên mái, từ một cái ống cũng sơn xanh như các phần còn lại, thoát ra một dải khói. Ngôi nhà lưu động ấy luôn luôn được sơn mới và rửa sạch.

Phía trước, trên chiếc ghế phụ, dính liền vào toa hàng và tất cửa sổ làm lối ra vào, bên trên mông ngựa, cạnh một ông già cầm cương điều khiển đôi ngựa, có hai cô gái không sinh đẻ, người Bô-ê-miêng[209], ăn mặc kiểu nữ thần: ngồi thổi kèn đồng. Dân thành phố ngơ ngác ngắm nghía và bàn tán về cỗ xe do, nó lắc la lắc lư một cách ngạo nghễ.

Đấy là cơ sở cũ của Uyêcxuyt, nhờ thành công và mở rộng, và từ sân khấu rong thăng cấp thành nhà hát.

Một giống vật giữa sói và chó được xích dưới toa hàng. Đấy là Ômô.

Người đánh xe già điều khiển đôi ngựa chính là bản thân vị triết gia.

Nhờ đâu mà có sự phát triển từ chiếc lều khốn khổ thành chiếc xe nhỏ của thế vận hội?

Nhờ Guynplên đã nổi tiếng.

Quả là Uyêcxuyt đã có con mắt tinh đời về sự thành công khi ông nói với Guynplên:

- Người ta đã làm nên hạnh phúc cho con.

Nhưng ta còn nhớ, Uyêcxuyt đã nhận Guynplên làm học trò. Một lũ vô danh cắt vá mặt mũi. Còn ông, ông nhào nặn trí tuệ, và sau cái mặt nạ rất thành công kia ông đã đem hết sức mình để thật nhiều tư tưởng vào.

Khi nhìn thấy thằng bé lớn lên đã đủ tư cách, ông liền đưa nó lên sân khấu, nghĩa là ra phía trước lều. Hiệu quả của việc xuất hiện ấy thật phi thường. Lập tức khách qua đường đều thán phục. Chưa bao giờ người ta được thấy một trò gì có thể so sánh với cái tuồng câm bắt chước cười kỳ lạ ấy. Người ta không biết làm thế nào mà lại đạt dược vẻ cười ngặt nghẽo huyền diệu ấy, người bảo là tự nhiên, kẻ cho là nhân tạo, và các điều phỏng đoán cứ thêm mãi vào thực tế. Khắp nơi, tại các đầu đường, xó chợ, các bãi chợ phiên và hội hè, quần chúng cứ đổ xô đến xem Guynplên. Nhờ "trò lôi cuốn lớn"[210] ấy, tiền bạc cứ vất như mưa vào cái túi khổ, đeo ở lưng nhóm người lang thang, thoạt tiên là tiền Lya, rồi đến tiền xu, và cuối cùng là tiền  xteclinh[211].

Nơi này hết tò mò lại đến nơi khác. Lăn mãi không làm cho đá thêm rêu, nhưng lại giúp cho lều thêm cửa; và năm tháng trôi qua, từ thành phố nọ đến thành phố kia, với sự phát triển về tầm vóc và vẻ xấu của Guynplên, hạnh phúc mà Uyêcxuyt tiên đoán đã đến.

- Con ơi, cực kỳ biết mấy, những việc họ đã làm cho con - Uyêcxuyt nói.

"Hạnh phúc" ấy đã giúp cho Uyêcxuyt, người tổ chức mọi thành công của Guynplên, thuê làm được chiếc xe mà ông hằng mơ ước, nghĩa là một toa chở hàng khá rộng để mang nổi một nhà hát và gieo rắc khoa học nghệ thuật tại các đầu đường. Ngoài ra Uyêcxuyt còn có thể thêm vào cái nhóm gồm có ông, Ômô, Guynplên và Đêa, hai con ngựa và hai người đàn bà, hai ả này thuộc nhóm nữ thần, như chúng tôi vừa nói, và là những đầy tớ gái. Một bộ mặt thần thoại cũng được việc trong một gánh hát rong. Uyêcxuyt nói: "Chúng ta là một ngôi đền nay đây mai đó".

Hai cô ả không con kia, do vị triết gia nhặt được trong đám du cư ô hợp của các thị trấn và ngoại ô, rất xấu và còn trẻ; theo ý muốn của Uyêcxuyt một cô tên là Phêbê[212], một cô tên là Vênuyx[213] các bạn hãy đọc là Fibi và Vinơx. Bởi vì theo phép lịch sự nên đọc đúng cách phát âm của người Anh, Fibi lo bếp nước, còn Vinơx chăm việc quét đền.

Ngoài ra nhưng hôm biểu diễn các cô lo trang phục cho Đêa.

Xong cái mà dân hát rong cũng như các ông hầu gọi là "cuộc sống công khai". Đêa cũng như Fibi và Vinơx, mặc váy Florăng bằng vải hoa và áo capingô đàn bà không tay. Uyêcxuyt và Guynplên mặc capingô đàn ông và như cánh thuỷ thủ chiến đấu, đi những đôi ủng to theo kiểu thuỷ quân. Trong các công việc và các trò phải dùng đến sức khoẻ, Guynplên còn đeo quanh cổ và trên vai một chiếc lá sen bằng da. Nó phải săn sóc bầy ngựa.

Uyêcxuyt và Ômô thì chăm lo lẫn cho nhau.

Do quá quen với Hộp Xanh, Đêa đi đi lại lại trong ngôi nhà lưu động hầu như thoải mái và tưởng như cô nhìn thấy được trong nhà.

Giá có con mắt nào nhìn sâu vào cơ cấu thân mật và cách thu xếp của cái dinh cơ đi rong này hẳn phải nhận thấy, trong một góc, buộc ghìm vào góc và đứng im trên bốn bánh, chiếc lều ngày xưa của Uyêcxuyt đã về hưu được phép gỉ nát, và từ nay khỏi phải lăn bánh cũng như Ômô khỏi phải kéo xe.

Chiếc lều ấy, dẹp vào xó phía sau bên phải cánh cửa ra vào, dùng làm buồng và phòng quần áo của Uyêcxuyt và Guynplên. Bây giờ nó có hai giường. Góc trước mặt là bếp. Lối thu xếp trên tàu thuỷ cũng không thể gọn gàng ngăn nắp hơn cách thu dọn khéo léo bên trong của Hộp Xanh. Mọi vật ở dây đều được sắp đặt theo thứ tự, từ trước: theo ý muốn. Chiếc xe chia làm ba ngăn có vách chắn. Các ngăn thông với nhau bằng những khoảng trống không cửa. Một miếng vải buông thõng che đại khái các ngăn.

Ngăn phía sau làm nơi ở của đàn ông, ngăn phía trước, nơi ở của đàn bà, ngăn giữa chia cách hai giới là sân khấu. Nhạc cụ và máy móc xếp cả trong bếp.

Một gác xép dưới vòm mái chứa đựng các đồ trang trí, và khi mở cánh của sập ở gác xép sẽ thấy lộ ra những ngọn đèn dùng để tạo nên những ánh sáng huyền diệu.

Uyêcxuyt là nhà thơ của các trò huyền diệu ấy.

Chính ông dàn dựng các vở.

Ông có nhiều tài linh tinh, ông làm nhũng trò thủ thuật rất đặc biệt.

Ngoài những trò biểu diễn giọng nói, ông còn tạo được đủ thứ bất ngờ, ánh sáng đột ngột: bóng tối thình lình, những dãy số ngẫu nhiên hay những nhóm từ theo ý muốn trên vách, những mảng tối, sáng xen lẫn những hình thù đột biến, rất nhiều trò kỳ quặc, trong khi ấy, không chú ý đến đám đông kinh ngạc, ông dường như trầm ngâm suy nghĩ.

Một hôm Guynplên bảo với ông:

- Bố ạ, nom bố cứ như một nhà phù thuỷ.

Uyêcxuyt đã trả lời:

- Có lẽ vì bố là phù thuỷ thật.

Hộp Xanh, làm theo mẫu vẽ khéo léo của Uyêcxuyt, có mặt tinh xảo tài tình là giữa hai bánh trước và hai bánh sau, tấm bảng giữa của mặt tiền bên trái có thể xoay trên bản lề nhờ một hệ thống dây và ròng rọc, và hạ xuống theo ý muốn như một cái cầu treo. Lúc hạ xuống, tấm bảng thả ra ba cột chống có bản lề, chống thẳng xuống đất như bàn chân, và đỡ tấm bản nằm trên vệ đường như một cái bục. Tấm bảng trở thành sân khấu. Đồng thời rạp hát xuất hiện, có thêm cái mâm tạo thành phía trước sân khấu. Cái cửa đó hoàn toàn giống một cái miệng địa ngục, như lời các nhà truyền đạo thanh giáo giữa trời, hễ thấy nó các ngài lại ghê tởm ngoảnh mặt đi. Chắc hẳn cũng vì một sáng kiến nghịch đạo loại đó mà Xôlông, đã vác gậy nện Texpi.

Vả lại Texpi tồn tại lâu hơn người ta tưởng. Chiếc xe nhà hát hiện nay vẫn còn. Chính trên những nhà hát lưu động kiểu đó, ở thế kỷ thứ mười sáu và mười bảy ở nước Anh người ta đã trình diễn vũ khúc và thơ tứ khổ của Amne và của Pinkinhtơn, ở nước Pháp những kịch mục đồng của Ginbe Colanh, ở Flăngđrơ trong các chợ phiên, những cặp song ca của Clêmăng, tức Nông Papa, ở Đức tuồng Ađam Êva của Tailex, và ở Ý nhũng trò vui thành Vơnidơ của Animuxya và của Ca Fôtxi. những Sylves của Ghêxuanđô, hoàng thân Vênuz, vở Dương thần của Lora Ghiđixioni, vở Nỗi thất vọng của Filen, cái chết của Ugôlin của Vanhxăng Galilê, thân sinh ra nhà thiên văn học, ông Vanhxăng Galilê này đích thân hát bài hát của mình và đệm thêm vĩ cầm Ý, và tất cả những thử nghiệm đầu tiên về ca kịch Ý, từ năm 1580, đã thay thế thể loại hoa tình bằng thi hứng tự do. Chiếc xe màu hy vọng, chở Uyêcxuyt, Guynplên cùng với cơ nghiệp của họ, phía trước có Fibi và Vinơx thổi kèn đồng như hai tài tử trứ danh, tham dự với toàn bộ cái tập thể to lớn có tính chất giang hồ và văn học đó.

Texpi hẳn cũng không trái ngược với Uyêcxuyt hơn Côngoriô trái ngược với Guynplên.

Mỗi khi đến các bãi làng và các quảng trường thành phố, những lúc điệu kèn của Fibi và Vinơx tạm nghỉ, Uyêcxuyt lại bình luận về kèn đồng, phổ biến những điều bổ ích cho hiểu biết. Ông nói to:

- Khúc nhạc ấy là của Giáo hoàng Grêgoa. Thưa quý vị đồng bào thành phố, lễ thức Grêgoa[214] sự tiến bộ lớn lao ấy, ở nước Ý đã vấp phải lễ nghi của thánh Ămbroa[215], và ở Tây Ban Nha vấp phải lễ nghi của những người Giatô bị quân Morơ đô hộ, và khó khăn lắm mới thắng được.

Sau đó, Hộp Xanh dừng lại ở một nơi nào đó do Uyêcxuyt lựa chọn, và tối đến, tấm bảng sân khấu hạ xuống, nhà hát mở cửa và buổi biểu diễn bắt đầu.

Nhà hát Hộp Xanh tượng trưng một phong cảnh do Uyêcxuyt vẽ - ông lại không biết vẽ - thành thử khi cần, phong cảnh có thể tượng trưng một hầm ngầm.

Màn, cái chúng tôi gọi là phông, là một tấm rèm lụa kẻ ô vuông, màu tương phản.

Công chúng đứng phía ngoài, ngay giữa phố, trên bãi, quây thành hình bán nguyệt trước sân khấu, dưới mưa nắng, một lối bố trí các nhà hát thời ấy không thích bằng các nhà hát hiện nay. Khi có thể, người ta biểu diễn trong sân một quán trọ, thành thử bao nhiêu tầng cửa sổ là bấy nhiêu dẫy ghế lô. Như vậy nhà hát kín hơn, công chúng phải trả tiền nhiều hơn.

Uyêcxuyt làm tất cả mọi việc, viết kịch bản, diễn viên, đầu bếp, dàn nhạc. Với Vinơx đánh caccavô, cô ả vung đũa rất tài nghệ, còn Fibi thì gẩy đàn Morasơ, một thứ lục huyền cầm. Con sói đã được công nhận có công.

Tất nhiên nó là thành viên của "đoàn" và khi cần cũng đóng trò tí chút. Thường thường Uyêcxuyt và Ômô thường xuất hiện bên nhau trên sân khấu. Uyêcxuyt khoác tấm da gấu của ông với dải buộc cẩn thận. Ômô trong tấm da sói của nó vừa vặn hơn, người ta không biết ai trong hai kẻ ấy là súc vật; điều đó làm cho Uyêcxuyt rất thích thú.

9. NHỮNG TRÒ VÔ LÝ MÀ KẺ THIẾU THẨM MỸ GỌI LÀ THƠ CA.

Những vở kịch của Uyêcxuyt là những tiểu phẩm xen kẽ, một loại hình ngay nay đã hơi lỗi thời. Một trong số những vở ấy đã không đến được với chúng ta, nhan đề Uyêcxuyt Ruyêcxuyt. Có thể trong đó ông đóng vai chính. Một cảnh giả vờ bước ra rồi lại quay vào, hình như đó là chủ đề vừa đơn giản vừa đáng khen.

Như ta thấy, nhan đề các tiểu phẩm của Uyêcxuyt đôi khi bằng tiếng La tinh và phần thơ đôi khi bằng tiếng Tây Ban Nha. Những câu thơ Tây Ban Nha của Uyêcxuyt đều có vần như hầu hết tất cả các bài đoản thi Caxti thời bấy giờ. Điều đó không làm cho dân chúng khó chịu. Hồi ấy tiếng Tây Ban Nha là một ngôn ngữ thông dụng, và thuỷ thủ Anh nói tiếng Caxti cũng như lính La mã nói tiếng Cactagiơ. Các bạn cứ thử đọc Plôt thì biết. Vả lại đi xem hát hay xem lễ thì tiếng La tinh hay tiếng nào khác mà cử toạ không hiểu cũng không làm cho ai lúng túng cả. Người ta giải quyết khó khăn bằng cách cứ vui vẻ đệm thêm những lời quen thuộc.

Nước Gôlơ[216] cổ xưa của chúng ta đặc biệt hay có lối sùng bái như thế. Ở nhà thờ, đến một đoạn Immolatus, giáo dân lại hát bài Ta sẽ hoan hỉ, và đến một đoạn Sanctus lại hát bài Cô bạn ơi, hôn ta đi. Phải có hội nghị tôn giáo Tơrăng mới chấm dứt được những kiểu lai căng đó.

Uyêcxuyt đã sáng tác riêng cho Guynplên một vở tuồng xen kẽ mà ông rất thích thú. Đó là tác phẩm chính của ông. Ông đã để hết tâm trí vào đấy. Đem toàn thư của mình đặt vào sản phẩm của mình, đó là thắng lợi của bất cứ người nào sáng tác. Con cóc cái đẻ được con cóc con cũng đã làm nên một kiệt tác. Các bạn hoài nghi ư? Xin cứ thử làm được như thế xem.

Uyêcxuyt đã dày công gọt dũa tiểu phẩm đó. Con gấu con ấy nhan đề là Hồng hoang chiến bại.

Câu chuyện như sau:

Một cảnh đêm. Lúc màn mở ra, đám đông chen chúc trước Hộp Xanh chỉ thấy một màu đen.Trong cảnh đen tối ấy có ba hình thù không rõ lắm đang cử động bò trườn, một con sói, một con gấu và một con người. Sói là con sói, gấu là Uyêcxuyt, người là Guynplên. Sói và gấu tượng trưng các sức mạnh của thiên nhiên, những khát vọng vô ý thức, bóng tối man rợ, và cả hai nhảy xổ vào Guynplên, đấy là cảnh hồng hoang chiến đấu với con người. Không nhận thấy mặt ai cả. Guynplên vùng vẫy, mình quấn một tấm vải liệm, mặt mũi bị bộ tóc dài rủ xuống che kín. Vả lại bốn bề đều tăm tối. Con gấu gầm, con sói rống, con người gào thét. Con người nằm dưới, hai con vật đè lên trên; nó van xin giúp đỡ và cứu vớt, nó hét một tiếng dài giữa cõi mông lung vô định. Nó thở khò khè. Mọi người được xem cảnh hấp hối của con người sơ khai còn hơi khác súc vật một tí; thật là rùng rợn, đám đông hồi hộp nhìn; một phút sau hai con thú đắc thắng, hồng hoang sắp nuốt chửng con người. Vật lộn kêu la, gào thét rồi thình lình im lặng. Có tiếng hát trong bóng tối. Một ngọn gió thoảng qua, có tiếng người. Nhiều tiếng nhạc huyền bí bềnh bồng đệm theo tiếng hát vô hình, rồi đột nhiên không rõ từ đâu và bằng cách nào một bóng trắng xuất hiện. Bóng trắng đó là một ánh sáng, ánh sáng đó là một người đàn bà, người đàn bà đó là tinh thần. Đêa, bình tĩnh, ngây thơ, xinh đẹp, vô cùng trong sáng và dịu dàng, xuất hiện giữa một vầng hào quang. Bóng dáng của ánh sáng trong cảnh bình minh. Giọng nói, chính là Đêa. Giọng nói nhẹ nhàng sâu sắc, không sao tả nổi. Từ vô hình trở thành hữu hình, trong ánh lê minh cô cất cao tiếng hát. Mọi người tưởng như nghe tiếng hát của thần tiên hay tiếng líu lo của chim hót.

Hình bóng vừa xuất hiện thì con người, loá mắt, giật mình, đứng lên, giáng mạnh hai nắm tay, quật ngã hai con vật.

Thế là ảo ảnh, được nâng dậy nhờ một phương pháp trượt khó hiểu và do đó càng được tán thưởng, hát lên những câu thơ sau đây, bằng một thứ tiếng Tây Ban Nha trong sáng, đủ cho những thuỷ thủ người Anh nghe:

Ora! Llora!

De palabra Nace razon.

Daluze el son[217]

Rồi ảo ảnh đưa mắt nhìn xuống phía dưới như chợt trông thấy một vực thẳm và hát tiếp:

Noche quilate de ali El alba canta hallali[218].

Ảo ảnh càng hát, con người càng đứng thẳng dậy, và từ chỗ nằm sóng soài, giờ đây nó đã quỳ gối, hai tay đưa về phía ảo ảnh, hai gối đè lên hai con vật năm im như bị sét đánh, ảo ảnh quay về phía con người hát tiếp.

Es menester a cielos ir.

Y tu que llorabas rur.[219]

Và vừa tiến đến gần, oai nghiêm như một tinh cầu.

Ảo ảnh vừa hát thêm:

Gebra barzon!

Dexa, menstro.

A tu negro.

Caparazon[220]

Rồi ảo ảnh đặt bàn tay lên trán con người.

Thế là một giọng khác cất lên, sâu sắc hơn và do đó êm ái hơn, một giọng vừa ảo não vừa say sưa, trang nghiêm một cách dịu dàng và hung dữ, đó là tiếng hát của con người đáp lại tiếng hát của vũ trụ. Guynplên, vẫn quỳ trong bóng tối, đè lên con gấu và con sói bị đánh bại, mái đầu trong bàn tay của Đêa, hát:

Oven! Ama!

Eres alma Say co razon[221]

Rồi đột nhiên, trong bóng tối, một thủ thuật ánh sáng chiếu thẳng vào mặt Guynplên.

Trong cảnh mịt mù tăm tối đó người ta thấy con quái vật tươi cười.

Thật không tài nào tả nổi chấn động của quần chúng. Một mặt trời cười vui xuất hiện, đó là kết quả.

Tiếng cười vẫn nảy sinh từ chỗ bất ngờ, và không gì bất ngờ hơn đoạn kết thúc đó. Không cảm kích đột ngột nào bì kịp cái tát đó của ánh sáng vào cái mặt nạ hài hước và khủng khiếp kia. Khắp nơi, ở trên, ở dưới, phía trước, phía sau, đàn ông, đàn bà, những bộ mặt già hói, những gương mặt trẻ con hồng hào, dân lành, bọn độc ác, người vui, kẻ buồn, tất cả; và cả người đường người qua lại, những kẻ không trông thấy, nghe tiếng cười, cũng cười.

Và đợt cười kết thúc bằng tiếng vỗ tay, dậm chân. Màn vừa khép kín, người ta cuồng nhiệt đòi hỏi Guynplên phải ra lại. Do đó mà thắng lợi hết sức rực rỡ. Bạn đã xem Hồng hoang chiến bại chưa? Người ta đổ xô đến với Guynplên. Vô tâm đến để cười, ưu sầu đến để cười, ác ý đến để cười. Cái cười không cưỡng nổi đến mức thỉnh thoảng nó có thể như bệnh hoạn, nhưng nếu có một thứ bệnh dịch mà con người không tìm cách trốn tránh, thì đó là bệnh cười dễ lây lan. Gia dĩ thành công lại không bao giờ vượt quá tầng lớp hạ lưu. Phần đông là dân thường. Người ta xem Hồng hoang chiến bại mất có một peni. Người lịch sự không đến những nơi chỉ mất một xu.

Uyêcxuyt không bao giờ chán ghét tác phẩm ấy, một tác phẩm đã được ông dày công ấp ủ, ông nói một cách rất khiêm tốn:

- Nó thuộc thể loại của một người tên là Sêcxpia.

Việc ghép Đêa vào càng tăng thêm kết quả không tả xiết của Guynplên. Gương mặt trắng trẻo đó bên cạnh con quỷ kia tượng trưng cho cái ta có thể gọi là cảnh bất ngờ tuyệt diệu. Dân chúng nhìn Đêa với một nỗi lo âu bí mật. Cô có một cái gì tuyệt vời của cô đồng trinh và của người nữ tu sĩ, chưa từng biết đến con người và lại không hiểu Chúa. Người ta biết rõ là cô mù, nhưng lại có cảm giác cô vẫn trông thấy. Hình như cô đứng ở ngưỡng cửa của phi thường. Dường như cô nửa ở trong ánh sáng chúng ta, và nửa ở trong ánh sáng kia. Cô giáng trần, và hoạt động theo kiểu thần tiên, cùng với bình minh. Cô tìm được một con giao long và biến nó thành một tâm hồn. Cô có vẻ như một đấng tạo hoá, thoả mãn, sửng sốt trước công trình sáng tạo của mình.

Người ta tưởng như nhìn thấy trên bộ mặt kinh hoàng đáng tôn kính của cô ý chí của nguyên nhân và sự ngạc nhiên của kết quả. Người ta cảm thấy cô yêu quí con quái vật của cô. Cô có biết nó là quái vật không? Có, vì cô đang sờ vào nó. Không, vì cô chấp nhận nó. Tất cả tăm tối đó và tất cả ánh sáng đó hoà lẫn vào nhau, trong tâm trí người xem thành một thứ tranh tối tranh sáng làm hiện lên không biết bao nhiêu viễn cảnh. Tính thần thánh gắn liền với phác thảo như thế nào, linh hồn thâm nhập vào vật chất bằng cách nào, làm sao tia sáng mặt trời lại là một cuống rốn, kẻ dị dạng đổi dáng thay hình bằng cách nào, làm sao kẻ dị hình trở thành người của thiên đường, tất cả những điều bí mật cảm đoán được đó làm cho không khí vui cười ngặt nghẽo do Guynplên gây nên thêm phức tạp bởi một tình cảm hầu như nguyên thuỷ. Không tìm hiểu đến cùng, vì khán giả có thích đi sâu làm gì cho mệt, người ta cũng hiểu đôi chút bên kia những điều trông thấy, và vở tuồng kỳ lạ đó có cái vẻ trong sáng của một cảnh giáng trần.

Còn về phần Đêa, điều cô cảm thụ vượt xa ngôn ngữ con người. Cô cảm thấy mình đứng giữa quần chúng mà không phân biệt quần chúng là gì. Cô chỉ nghe có tiếng ồn ào, thế thôi. Đối với cô, quần chúng như một luồng gió và thật ra cũng chỉ như thế. Cái thế hệ là những hơi thở thoảng qua. Con người thở, hít vào rồi lại hắt ra.

Trong dám quần chúng đó, Đêa cảm thấy mình cô đơn, và có cảm giác rùng rợn đang lơ lửng trên một vực thẳm.

Thình lình, trong cảnh bàng hoàng của kẻ vô tội lâm nguy sắp kết tội vô định, trong nỗi bất bình trước việc sa ngã trông thấy. Đêa, tuy vậy vẫn bình tĩnh, và đứng trên nỗi lo mơ hồ về tai hoạ, nhưng trong lòng run sợ về cảnh cô đơn của mình, lại tìm thấy niềm tin và chỗ dựa; cô lại nắm lấy sợi dây cáp cứu của mình trong vũ trụ u minh, cô đặt bàn tay lên mái đầu hùng dũng của Guynplên. Niềm vui chưa từng có! Cô ấn mấy ngón tay ồng lên mái tóc quăn rậm như rừng đó. Mái tóc gợi lên một ý nghĩ êm dịu. Đêa chạm vào một con cừu mà cô biết là sư tử. Tất cả trái tim của cô tan chảy thành một mối tình khôn tả. Cô cảm thấy mình thoát khỏi nguy nan, cô đang gặp được cứu tinh. Công chúng lại tưởng trông thấy điều trái ngược. Đối với người xem, kẻ được cứu vớt là Guynplên, và cứu tinh lại là Đêa. Không sao.

Uyêcxuyt nghĩ, đối với ông, ông nhìn thấy rõ trái tim của Đêa. Và Đêa, yên tâm, vững dạ, hoan hỉ, tôn thờ đấng thiên thần, trong khi dân chúng ngắm nhìn con quái vật và bản thân họ cũng bị thu hút, chịu ảnh hưởng nhưng theo chiều ngược lại, trước cái cười vĩ dại của Prômêtê. Tình yêu thật sự có bao giờ biết chán. Hoàn toàn là tinh thần, tình yêu không thể nào lạnh nhạt. Một cục than hồng tự phủ bằng tro, còn một vì sao thì không thế.

Những cảm xúc êm đềm đó tối nào cũng tái diễn với Đêa, và lúc nào cô cũng sẵn sàng nức nở vì sung sướng trong khi mọi người ôm bụng cười ngặt nghẽo. Xung quanh cô, người ta chỉ biết vui cười, riêng cô, cô hạnh phúc.

Vả lại, kết quả vui cười, nhờ nét mặt bất ngờ và kinh ngạc của Guynplên mà có, chắc chắn không phải là điều Uyêcxuyt mong muốn. Ông thích có nhiều nụ cười hơn, ít tiếng cười hơn và một kiểu tán thưởng mang tính chất văn học hơn. Nhưng thắng lợi vẫn là niềm an ủi.

Tối nào ông cũng tự an ủi với thành công quá sức của mình, khi ngồi đếm những cọc tiền thu được. Rồi ông tự nhủ, suy cho cùng, khi tiếng cười chấm dứt, vở Hồng hoang chiến bại lại hiện lên trong các đầu óc và vẫn còn chút gì đó với họ. Có lẽ ông không hoàn toàn nhầm lẫn, một tác phẩm bao giờ cũng đọng lại trong quần chúng.

Sự thật là đám dân nghèo kia, chú ý vào con sói, vào con gấu, vào con người kia, rồi vào tiếng nhạc, vào những tiếng gào thét được hoà thanh làm cho dịu bớt, vào cảnh đêm tối tan biến trước ánh bình minh, vào tiếng hát phát ra ánh sáng kia, tán thưởng với một cảm tình mơ hồ và sâu sắc, xen lẫn đôi chút kính trọng xúc động nữa, vở kịch thơ Hồng hoang chiến bại, xem đó là chiến thắng của tinh thần đối với vật chất, dẫn đến niềm vui của con người. Những thú vui thô thiển của dân chúng thường chỉ thế thôi.

Như vậy là đủ với dân chúng. Họ không có phương tiện để đi xem những "trận đấu cao quý" của giai cấp trung lưu, và không thể như các đức ông và các ngài quý tộc, đánh cá một nghìn ghinê cho Helmghên gặp Flemghêmađon.

10. SỰ VIỆC VÀ CON NGƯỜI DƯỚI MẮT KẺ NGOÀI CUỘC.

Con người thường muốn trả thù niềm vui mà người khác đưa đến cho mình. Do đó nẩy sinh thái độ khinh miệt diễn viên. Người này làm cho tôi say sưa, khuây khoả, hết buồn, cho tôi bài học, quyến rũ tôi, an ủi tôi, truyền đạt lý tưởng cho tôi, đối với tôi thật dễ chịu và bổ ích, vậy tôi có thể làm gì để hại hắn? Sỉ nhục. Khinh bỉ là một cái tát từ xa. Chúng ta hãy tát hắn. Hắn làm tôi vui bụng, vậy là hắn bần tiện. Hắn giúp đỡ tôi, vậy tôi phải căm thù hắn. Tìm đâu được hòn đá để tôi ném vào mặt hắn? Hỡi giáo sĩ, cho tôi hòn đá của ông. Hỡi vị triết gia, cho tôi hòn đá của vị. Bôtxuyê[222] đâu, hãy rút phép thông công của hắn. Rutxô[223] đâu, hãy chửi cho hắn một trận. Hỡi nhà hùng biện, hãy khạc sỏi vào mặt hắn. Gấu đây hãy ném đá lát đường vào hắn. Chúng ta hãy ném đá lên cây, hãy quật nát hoa quả, và hãy ăn hết hoa quả. Hoan hô! và Đả đảo! Đọc thơ của thi sĩ là lây phải bệnh dịch. Thằng hát rong à! Gông cổ nó lại khi nó thành công. Chúng ta hãy kết thúc thắng lợi của nó bằng la ó! Cho nó thu hút quần chúng và cho nó chuốc lấy cô độc. Chính vì vậy mà các tầng lớp giàu có, gọi là tầng lớp trên, đã sáng kiến cho diễn viên cái hình thức cô lập, là sự hoan hô.

Dân thường ít độc ác hơn. Họ không căm ghét Guynplên. Họ cũng không khinh bỉ nó. Có điều anh thợ xảm thuyền tồi nhất, trong tốp thuỷ thủ xoàng nhất, của chiếc tàu buôn bé nhất neo tại hải cảng nhỏ nhất nước Anh, cũng tự cho mình là hơn nhiều, hơn không thể lường được, so với cái thằng làm trò cho "đám mạt hạng" và thường đánh giá một lãnh chúa hơn một anh xảm thuyền bao nhiêu, thì một anh xảm thuyền cũng hơn một thằng hát rong bấy nhiêu.

Thế là Guynplên cũng như tất cả những diễn viên, được hoan hô và bị cô lập. Vả lại, dưới trần này, mọi thành công đều là tội ác, và đều phải chịu quả báo. Kẻ nào đón nhận huân chương cũng nhận luôn cả mặt trái của nó.

Đối với Guynplên không hề có mặt trái. Theo cái nghĩa nó thích cả hai mặt của thành công. Nó thoả mãn với chuyện hoan hô, và bằng lòng về cảnh cô lập. Nhờ hoan hô nó giàu có, nhờ cô lập nó được hạnh phúc.

Giàu có trong chốn hạ lưu của xã hội này là không nghèo đói nữa. Nghĩa là không có lỗ thủng trên quần áo, không giá lạnh trong lò sưởi, không trống rỗng trong dạ dày nữa. Là có ăn khi đói, có uống khi khát. Là có tất cả những gì cần thiết, kể cả đồng xu để cho kẻ nghèo. Cảnh giàu sang khốn cùng đó vừa đủ cho tự do, Guynplên đã đạt được.

Về mặt tâm hồn nó rất phong phú. Nó có tình yêu.

Nó còn mong muốn gì nữa?

Nó chẳng mong muốn gì cả.

Hình như cất bỏ điểm dị dạng đi có thể là một việc giúp đỡ cho nó. Chắc chắn nó sẽ từ chối việc đó. Trút bỏ cái mặt nạ này và lấy lại bộ mặt thật, trở lại như nó có lẽ trước kia: đẹp trai duyên dáng, chắc chắn nó không muốn. Nó sẽ lấy gì để nuôi Đêa? Cô gái mù hiền lành đáng thương vẫn yêu nó sẽ ra sao? Không có cái vẻ nhăn nhở giúp nó thành thằng hề độc nhất, nó sẽ chỉ là một tên hát rong như mọi tên khác, như bất kỳ một thằng đi dây nào đó và có lẽ Đêa sẽ không có bánh ăn hàng ngày!

Nó sung sướng cảm thấy rất tự hào được làm người che chở nàng tiên tàn tật này. Đêm tối. Cô đơn. Thiếu thốn. Bất lực. Ngu dốt. Đói và Khát, bảy cái mồm há hốc của nghèo khổ sừng sững xung quanh nàng, và nó là thánh Gioocgiơ chiến đấu chống con rồng đó. Và nó chiến thắng cảnh nghèo. Bằng cách nào? Bằng cái mặt dị kỳ của nó. Nhờ vẻ dị hình của mình, nó thành người hữu ích, cứu trợ, chiến thắng, vĩ đại. Chỉ cần nó xuất hiện là tiền bạc đổ vào. Nó là chủ các đám dông; nó tự thấy mình là chúa tể đám dân thường. Nó có thể làm tất cả vì Đêa. Mọi nhu cầu của cô, nó thoả mãn; mọi mong muốn, mọi ước ao, mọi ngông cuồng của cô, trong phạm vi hạn chế của các mong ước có thể của một người mù, nó đều làm vừa ý. Như chúng tôi đã nói rõ, Guynplên và Đêa là ân nhân của nhau. Nó cảm thấy được bay bổng bằng đôi cánh của Đêa, cô cảm thấy được bồng bế trên tay của Guynplên. Che chở người yêu mình, cung phụng mọi thứ cần thiết cho người đã cho mình muôn ánh sao, ôi còn gì êm ái hơn. Guynplên đang nằm giữa nền hạnh phúc tuyệt vời đó. Và nó nhờ vào sự dị dạng của nó. Sự dị dạng đó làm cho nó hơn hẳn. Nhờ cái đó, nó kiếm được miếng ăn cho bản thân và miếng ăn cho những người khác; nhờ cái đó, nó được tự chủ, tự do, nổi tiếng, tự mãn, tự hào. Trong cái dị dạng đó, không gì có thể đụng chạm vào nó. Mọi rủi ro bất hạnh không thể làm gì nổi nó ngoài cái đòn chúng đã bị kiệt quệ, và đã biến nó thành người chiến thắng. Tai hoạ tột cùng đó đã trở thành một đỉnh cao cực lạc. Guynplên bị giam giữ trong cảnh dị hình của mình, nhưng cùng với Đêa. Như chúng tôi đã nói, đó là ngồi trong ngục tối của thiên đường.

Giữa chúng nó và thế giới trần tục có một bức tường thành. Càng hay. Bức tường thành đó bao vây chúng nhưng lại bảo vệ chúng. Người ta có thể làm gì Đêa, người ta có thể làm gì Guynplên, với một kiểu khóa chặt cuộc đời xung quanh chúng như vậy? Cất bỏ thành công của nó ư? Không thể được. Muốn thế phải cất bỏ bộ mặt của nó. Cắt bỏ tình yêu ư? Không thể được. Đêa không hề thấy nó. Tật mù của Đêa nan y một cách thần diệu.

Đối với Guynplên, nét dị hình của nó có gì bất lợi?

Chẳng có gì bất lợi cả. Có lợi gì? Tất cả. Nó được yêu quý bất chấp vẻ rùng rợn đó, và có lẽ còn nhờ chính cái vẻ đó nữa. Tàn tật và dị hình, do bản năng, đã xích lại gần nhau và phối hợp với nhau. Được yêu, như vậy không đủ sao. Guynplên chỉ nghĩ đến bộ mặt biến dạng của mình với một lòng biết ơn sâu sắc. Nó được ban ân phúc với cái sẹo đó. Nó sung sướng tự cảm thấy mình không thể mất được và trường tồn. Còn may mắn nào hơn khi ân đức đó không thểthu hồi! Chừng nào còn có các ngã tư, còn có bãi chợ, còn đường phố để đi tới, còn dân chúng dưới trần, còn trời xanh trên cao, là chắc chắn còn sống được. Đêa sẽ không thiếu thốn một thứ gì, và sẽ có tình yêu! Guynplên hẳn không đánh đổi bộ mặt với Apôlông[224]. Đối với nó, quái vật là hình dáng của hạnh phúc.

Vì vậy chúng tôi nói lúc mở đầu rằng số phận đã ưu đãi chúng nó. Con người bị đày đoạ này là một kẻ được tuyển chọn.

Nó sung sướng đến nỗi lại ái ngại cho những người xung quanh. Nó có thừa lòng thương người, không sử dụng đến.

Vả lại do bản năng, đôi lúc nó cũng nhìn ra ngoài, vì không ai là một khối cố định, bất biến, và bản chất con người không phải là một cái gì trừu tượng; nó vui sướng bị quây kín, nhưng thỉnh thoảng nó cũng nhô đầu qua bức tường. Sau khi so sánh, nó lại thụt vào, càng sung sướng với cảnh cô lập của nó bên cạnh Đêa.

Nó thấy gì xung quanh? Những con người, mà cuộc đời phiêu bạt đã cho nó thấy đủ các kiểu mẫu, luôn luôn thay đổi hàng ngày kia là thế nào? Đám đông luôn luôn đổi mới, nhưng lúc nào cũng vẫn thứ quần chúng ô hợp đó. Luôn luôn có những bộ mặt mới nhưng lúc nào cũng vẫn những con người hẩm hiu cùng khổ. Một mớ pha trộn của tàn tạ. Tối tối tất cả mọi bất hạnh của xã hội lại đến quây tròn xung quanh diễm phúc của nó.

Hộp Xanh được dân chúng rất hâm mộ.

Rẻ tiền thường vẫy gọi tầng lớp dưới. Tìm tới cái rẻ tiền đều là những kẻ hèn kém, nghèo khổ, bé nhỏ. Người ta đến với Guynplên như đến với chén rượu. Người ta tới đây mua hai xu quên lãng. Từ trên sân khấu, Guynplên nhìn lướt qua đám dân chúng tối tăm. Tâm trí nó cứ đầy dẫy tất cả những bóng ma liên tiếp ấy của cùng khổ bất tận. Diện mạo con người là do lương tâm và cuộc đời hợp thành, và là kết quả cả một loạt những đục khoét bí mật.

Không một đau khổ nào, không một phẫn nộ nào, không một ô nhục nào, không một thất vọng nào mà Guynplên không nhìn thấy nếp nhăn. Những cái mồm trẻ con kia không được ăn. Anh kia là một người cha, chị kia là một người mẹ, và sau lưng họ người ta đoán được những gia đình đang gặp nguy khốn. Bộ mặt này vừa từ thói hư tật xấu đi ra và sắp bước vào con đường tội lỗi; và người ta hiểu lý do vì đâu: ngu dốt và đói nghèo. Bộ mặt kia mang một dấu vết nhân hậu buổi đầu đã bị thất vọng xã hội gạch bỏ nay trở thành căm hờn. Trên vầng trán bà lão này thấy rõ sự đói khát; trên vầng trán cô gái kia thấy rõ cảnh truy lạc. Vẫn một sự việc mà ở cô gái là nguồn sống, ở chỗ kia lại bi đát hơn. Trong đám ô hợp đó có nhiều cánh tay nhưng không có dụng cụ, lũ người lao động kia không đòi hỏi gì hơn, nhưng thiếu công ăn việc làm. Đôi khi một người lính, thỉnh thoảng một phế binh, đến ngồi bên cạnh anh công nhân, và Guynplên lại nhìn thấy cái bóng ma chiến tranh. Chỗ này Guynplên đọc được thất nghiệp, chỗ kia bóc lột, tôi đòi. Trên một số vầng trán nó nhận thấy có một sự đẩy lùi trở lại tình trạng súc vật, và cảnh tượng con người thong thả quay về con vật do những trọng lực đen tối của hạnh phúc bên trên đè ép. Trong cảnh tối tăm mù mịt đó, Guynplên có một lối thoát. Nó và Đêa được hạnh phúc, nhờ có cái cửa sổ trổ sang hàng xóm. Còn lại tất thảy đều là đày đoạ.

Guynplên cảm thấy trên đầu mình bàn chân giầy xéo vô ý thức của những kẻ thế lực, giàu có, cao sang, quyền quí gặp thời; bên dưới, hàng đống những bộ mặt xanh xao của những người thiệt thời; nó thấy nó và Đêa, với hạnh phúc nhỏ bé của chúng, vô cùng to lớn giữa hai thế giới; bên trên, lớp người đi đi lại lại, tự do, vui vẻ, múa nhảy, chà đạp; bên trên, lớp người thẳng bước; bên dưới lớp người bị kẻ khác xéo lên đầu. Điều ác nghiệt, nói lên một đau xót của xã hội, là ánh sáng giầy xéo lên bóng tối; Guynplên nhận thấy mặt tang tóc đó.

- Sao! kiếp người mà lại hèn hạ đến thế ư; con người mà phải lê lết như vậy ư! Gắn chặt vào đất bụi bùn lầy ghê tởm như thế, đầu hàng như thế, ti tiện như thế, khiến người ta chỉ muốn dẫm chân lên trên! Vậy cuộc sống trần gian này là con sâu của con bướm nào? Sao! Trong đám đông đói khát và ngu dốt kia, khắp nơi, trước mặt mọi người, lại có dấu hỏi của tội ác, hay của nhục nhã! Luật pháp cứng nhắc làm cho lương tâm phải mềmyếu nhu nhược!

Không một đứa trẻ nào không sống còi cọc! Không một cô gái trinh nào lớn lên mà không phải bán mình! Không một đoá hồng nào nở ra mà không đón nhận đờm dãi!

Đôi mắt Guynplên tò mò vì xúc động, tìm cách nhìn vào tận cùng cảnh tăm tối đó, nơi đang hấp hối biết bao cố gắng vô ích và nơi đang tranh đấu biết bao mệt mỏi, những gia đình bị xã hội cắn xé, những phong tục bị luật pháp giày xéo, những vết thương bị hình phạt biến thành hoại thư, những đói nghèo vì thuế má gặm mòn, những trí tuệ bị bỏ hoài vì ngu dốt chôn vùi, nhùng bè mảng đầy những người đói khát lâm nguy, những cuộc chiến tranh, những nạn đói, những tiếng kêu rên, những lời gào thét, những cảnh mất tích; và Guynplên cảm thấy như mơ hồ bị nỗi lo âu rộng khắp xót xa đó tóm chặt lấy mình. Nó nhìn thấy lớp bọt sóng tai hoạ đó bao trùm lên đám người hỗn độn tối tăm. Nó là người đứng trên bến cảng nhìn cảnh tàu đắm xung quanh đó. Thỉnh thoảng nó lại ôm lấy cái đầu dị dạng của nó và suy nghĩ.

Còn gì điên rồ hơn khi được sung sướng! Biết bao mơ mộng, biết bao ý nghĩ đến với Guynplên! Phi lý tràn ngập đầu óc nó. Vì trước đây nó đã cứu vớt một đứa bé, cho nên nó lại có ý định muốn cứu giúp người đó. Có những đám mây mơ mộng đôi khi che kín cả thực tế của chính nó; nó mất ý thức cân đối đến mức tự nhủ; có thể làm gì cho đám dân chúng đáng thương kia? Đôi khi nó bị thu hút đến mức nói lên thành tiếng. Những lúc ấy Uyêcxuyt nhún vai, nhìn nó chằm chằm.

Còn Guynplên thì vẫn tiếp tục mơ màng:

- Ôi, giá mà ta có thế lực, ta sẽ giúp đỡ kẻ nghèo khổ như thế nào! Nhưng ta là gì? Chỉ như cát bụi. Ta có thể làm gì?

Chẳng làm được gì cả.

Nó nhầm. Nó có thể giúp ích rất nhiều đối với người nghèo khổ. Nó làm cho họ cười.

Và như chúng tôi đã nói, làm cho người ta cười tức là làm cho người ta lãng quên.

Trên trái đất này còn ân nhân nào hơn một người ban phát lãng quên!

11. GUYNPLÊN NÓI ĐÚNG, UYÊCXUYT NÓI THẬTt.

Một triết gia là một tên gián điệp, Uyêcxuyt, chuyên rình mò những phút mơ mộng, nghiên cứu người học trò của mình. Những ý nghĩ thầm kín của ta thường in lên trán ta một phản ảnh mơ hồ mà con mắt người lịch lãm nhìn thấy rất rõ. Vì vậy những gì trong đầu óc Guynplên không thoát khỏi cặp mắt Uyêcxuyt. Một hôm Guynplên đang trầm ngâm, Uyêcxuyt liền kéo áo nó, quát to:

- Thằng ngu! Tao thấy mày ra vẻ một nhà quan sát lắm? Cẩn thận đấy, cái đó không liên quan gì đến mày đâu. Mày có một việc phải làm, là yêu quý Đêa. Mày sung sướng có được hai niềm hạnh phúc; thứ nhất là quần chúng nhìn thấy cái mõm của mày; thứ hai là Đêa lại không nhìn thấy cái đó. Niềm hạnh phúc đó của mày, mày không có quyền được hưởng. Không người đàn bà nào nhìn thấy cái mồm mày, lại muốn nhận cái hôn của mày đâu. Và cái mồm làm nên vận đỏ của mày, cái mặt làm nên giàu có của mày, lại không phải của mày. Mày sinh ra đâu phải với cái mặt đó. Mày đã lấy nó trên bộ mặt nhăn nhó ở tận cùng vô biên. Mày đã ăn cắp mặt nạ của quỉ sứ. Mày ghê tởm lắm, mày nên thoả mãn với cái vận may đó. Trên đời này, có những người có quyền sung sướng, đó là một điều hợp lý thôi. Mày sung sướng nhờ vận may. Mày sống dưới một hầm sâu trong đó có giam giữ một vì sao. Ngôi sao đáng thương đó thuộc về mày.

Mày đừng có tìm cách trốn thoát khỏi hầm, và, đồ dị hình, phải giữ lấy vì sao của mày! Trong cái mạng nhện của mày có viên hồng ngọc Vệ nữ. Mày hãy mãn nguyện đi cho tao nhờ. Tao thấy mày mơ mộng viển vông, thế là ngu ngốc. Mày nghe đây, tao sẽ nói cho mày nghe bằng thứ ngôn ngữ của thi ca thật sự; cứ làm sao cho Đêa có thịt bò và sườn cừu để ăn, sáu tháng nữa nó sẽ khoẻ như một ả Thổ Nhĩ Kỳ; mày cưới phăng nó làm vợ, rồi cho nó một đứa con, hai đứa, ba đứa, một xâu một xốc. Đấy là việc mà tao gọi là đàm luận triết lý. Hơn nữa, thế là hạnh phúc, điều đó không phải ngu dại. Con cái là mầu xanh hy vọng. Mày cứ kiếm lấy mấy đứa tí nhau, lau chùi cho chúng, xỉ mũi cho chúng, cho chúng nó ngủ, bôi nhem chúng, tắm rửa cho chúng, cho chúng nó lúc nhúc xung quanh mày; nếu chúng cười là tốt; nếu chúng gào thét càng hay; kêu gào là dấu hiệu sống, cứ thử nhìn chúng bú tí, ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng lò cò chạy đi, mười lăm tuổi nhớn bổng, hai mươi tuổi yêu đương. Kẻ nào có được những niềm vui như thế là có tất cả. Tao thì tao không được hưởng những cái đó, vì vậy mà tao đâm ra cục súc. Chúa Trời, người làm nên những bài thơ hay, và là nhà văn lớn nhất, đã truyền cho Môydơ, người cộng sự với mình: Hãy sinh nở thêm lên!

Sấm truyền như vậy. Đồ súc sinh, mày cứ sinh năm đẻ bảy đi. Còn trần gian bao giờ cũng vẫn là trần gian, nó không cần đến mày để đi lạc hướng đâu. Mày không phải lo lắng cho nó. Mày chớ có bận tâm đến bên ngoài. Hãy để mặc cho chân trời được yên. Một diễn viên sinh ra cốt để được người khác xem, chứ đâu phải để dòm ngó. Mày có biết bên ngoài có những gì không? Có những kẻ được quyền sung sướng. Còn mày, tao nhắc lại, mày là thằng sung sướng chó ngáp. Mày là thằng ăn cắp hạnh phúc của họ. Họ là kẻ hợp pháp, mày là thằng len lỏi, mày sống kiếp lẻ mọn với vận may. Mày còn muốn gì hơn nữa ngoài cái mày có? Sibôlet đâu, cứu tôi với! Thằng mất dậy này là một thằng xỏ lá. Sinh đẻ bảy với Đêa, dù sao cũng đã là tốt rồi. Một diễm phúc như vậy chẳng khác gì một trò bịp bợm. Những kẻ nào ở trên trần mà lại được hạnh phúc nhờ đặc ân của trời cao đều không thích dưới họ có những người vui vẻ quá. Nếu họ hỏi mày; mày có quyền gì mà sung sướng? Mày sẽ không trả lời nổi đâu.

Mày không có môn bài, còn họ, họ đều có cả, Giuypite, Ala, Visnu, Xabao[225], thần nào cũng được, đã duyệt y cho họ giấy chứng nhận được quyền sung sướng. Mày phải sợ họ. Đừng có dính đến họ để họ đừng động vào mày. Đồ khốn nạn, mày có biết thế nào là kẻ có quyền sung sướng không? Đó là một người khủng khiếp, là lãnh chúa. A! lãnh chúa, phải là một kẻ đã có âm mưu trong cõi vô định của quỉ sứ trước khi giáng trần, mới có thể đi vào cõi đời bằng cái cửa đó! Phải khó khăn ghê lắm hắn mới sinh ra được! Hắn chỉ mất mỗi chút công khó đó thôi, nhưng trời ơi! Thế mà cũng gọi là công khó! Tên thô lỗ mắt mù đó, có số phận cho ăn trên ngồi trốc người khác ngay từ lúc còn ở trong nôi! Mua chuộc tên soát vé ấy để nó dành cho chỗ tốt nhất trong rạp hát! Mày hãy đọc những điều ghi nhớ trong cái lều mà tao đã xếp xó, mày cứ đọc những dòng chữ gối đầu giường đó về hiểu biết của tao, rồi mày sẽ thấy lãnh chúa là gì. Lãnh chúa là kẻ có tất cả, và là tất cả. Lãnh chúa là kẻ tồn tại trên cả bản chất của hắn; lãnh chúa là kẻ, còn trẻ, có những quyền của người già, về già, có những vận may của người trẻ, xấu xa, được người thiện kính trọng, hèn nhát, được chỉ huy người dũng cảm, lười biếng, được hưởng thành quả của lao động, dốt nát, có bằng Kembritgiơ[226]. Và Ôxfơc[227], ngu si, được các nhà thơ thán phục, xấu xí, được phụ nữ cười duyên, Técxit[228] được đội mũ của Asi[229], thỏ đế được đội da sư tử. Không nên xuyên tạc lời nói của tao, tao không bảo lãnh chúa nhất thiết là dốt đặc, hèn nhát, xấu xí, ngu si và già khọm đâu nhé; tao chỉ nói là họ có thể có tất cả những mặt đó mà chẳng hại gì cho họ. Trái hẳn lại. Lãnh chúa là bực vương giả. Vua nước Anh chỉ là một lãnh chúa, vị quí tộc số một trong tầng lớp quí tộc, có thế thôi, và đã là quá nhiều. Vua chúa ngày xưa được gọi là lãnh chúa; lãnh chúa Đan Mạch, lãnh chúa Iêclăng, lãnh chúa Các đảo. Lãnh chúa Na-uy mới được gọi là vua ba trăm năm nay. Luy-xiuyt, vị vua xưa nhất của nước Anh, được thánh Têlexfo gọi là mai lo[230] Luyxiuyt. Các lãnh chúa đều là nguyên lão, nghĩa là ngang hàng. Với ai? Với vua. Tao không lầm lãnh chúa với nghị viện đâu.

Quốc dân nghị viện mà người Xăcxơ trước cuộc chinh phục, gọi là Wittenagemot, thì người Normăng, sau cuộc chinh phục, gọi là parliamentum. Dần dần người ta gạt bỏ nhân dân ra. Những bức thư kín, của nhà vua triệu tập các công xã trước kia có chữ Consilium impenđendum[231] ngày nay có chữ an consentiendum[232].

Các Công xã có quyền ưng thuận, có quyền nói Có. Các lãnh chúa có thể nói Không. Chứng cớ là họ đã nói. Lãnh chúa có thể chặt đầu vua, nhân dân thì không. Nhát rìu chặt cổ Saclơ đệ Nhất là một việc lấn quyền, không phải đối với vua, mà đối với lãnh chúa, và người ta đã làm đúng như treo cổ Cromoen. Lãnh chúa có quyền thế, tại sao? Vì họ có tiền của. Ai đã giở từng trang cuốn Đumxđê-bue[233]? Đó là chứng cớ các lãnh chúa nắm giữ nước Anh, đó là quyển sổ tài sản nhân dân, lập ra dưới thời Ghiôm Chinh phục, và do quốc hội đại thần cất giữ.

Muốn sao chép một điều gì trong ấy, phải trả mỗi đồng bốn xu. Đó là một quyển sách có tiếng. Mày có biết trước kia tao đã làm thầy thuốc trong nhà một lãnh chúa tên là Macmađuc không? Ông ta có chín mươi vạn phơrăng Pháp tiền niên lợi. Đồ ngu như lợn, liệu mà thoát ra khỏi chỗ ấy. Mày có biết chỉ với bầy thỏ nuôi thả của bá tước Linxê cũng đủ nuôi tất cả đám bần cùng của Năm Cảng không? Vì vậy cứ thử động vào mà xem. Ở đấy người ta xắp đặt rất trật tự. Bất cứ tên nào săn trộm cũng bị treo cổ hết. Tao đã thấy chỉ vì hai cái tai dài có lông thò ra ngoài bị đựng thú săn mà một ông bố có sáu con bị treo lên giá treo cổ đấy. Giới quí tộc cha tu viện trưởng Rafôê, cha tu viện trưởng này thuộc giới quí tộc và là người của nhà thờ, một đống lúa toàn hạng tốt nhất, lấy của nông dân quanh vùng, và lúa đó vị tu viện trưởng không mất công gieo trồng. Như vậy là để cho ông ta có thì giờ cầu nguyện Chúa. Con có biết huân tước Macmađiuc, chủ của bố, là huân tước tổng quản ngân khố xứ Iêclăng, và là pháp quan đại thần của Knarexbua trong lãnh đại bá tước York không? Con có biết rằng huân tước thị vệ đại thần, một tước vị cha truyền con nối trong gia đình các công tước Ancaxtơ, mặc áo cho vua ngày đăng quang, và nhờ công khó đó mà được thưởng bốn mươi thước nhung đỏ thêm chiếc giường vua nằm ngủ không; rằng vị hoàng môn quan cầm đũa đen là đại diện của ông ta không? Bố chỉ muốn được xem con chống đối lại việc này, việc vị tử tước xưa nhất của nước Anh là Rôbơc Bren được Hăngri V phong tử tước. Mỗi một tước hiệu của huân tước đều chỉ rõ một chủ quyền trên một lãnh thổ, trừ bá tước Rive mang tước hiệu theo tên gia đình. Thật tuyệt vời các quyền họ được đánh thuế người khác, và được trích ra, chẳng hạn như lúc này, bốn  xteclinh trên một livrơ xtec-linh lợi tức, việc mà người ta vừa tiếp tục làm trong một năm, và tất cả những thứ thuế đẹp đẽ đánh vào các loại tinh dầu, vào các kiểu tiêu thụ rượu và bia, vào trọng tải, vào chiều nghiêng than đá, vào rượu tần, rượu lê, rượu mum, vào mạch nha và đại mạch ủ, vào than đốt và hàng trăm thứ khác tương tự! Chúng ta hãy kính phục những gì hiện đang có. Bản thân giới tăng lữ cũng tùy thuộc vào các huân tước. Giám mục Man là bầy tôi của bá tước Đecby. Các huân tước thường có những giống thú dữ riêng mà họ đặt vào huy hiệu của họ. Vì Chúa Trời không tạo ra đầy đủ thú dữ, nên họ phải sáng tạo thêm.

Họ đã tạo ra con lợn rừng huy hiệu; quí tộc hơn hẳn linh mục thế nào, và lợn rừng hơn hẳn lợn nhà thế nào, thì con này cũng hơn hẳn lợn rừng như thế. Họ đã tạo ra giống ưng sư[234], con này đối với sư tử là chim ưng, còn đối với chim, ưng lại là sư tử; sư tử sợ nó vì bộ cánh và chim ưng sự nó vì bộ vuốt. Họ có con rắn thần, con kỳ lân, con rắn cái, con kỳ nhông, con quái nộm, con đơrê, con rồng, con ưng mã[235]. Tất cả những giống này đều khiến chúng ta hãi hùng, nhưng đối với họ lại là vật trang trí và đồ trang sức. Họ có một chuồng thú gọi là huy chương, trong đó gầm rống các loại quái vật lạ lùng. Về những phép mầu bất ngờ, thì không có cánh rừng nào bì kịp lòng tự phụ của họ. Sự phô trương của họ đầy rẫy bóng ma lượn lờ như trong một cảnh đêm tối tuyệt vời, có vũ trang, đội mũ sắt, mặc áo giáp, mang đinh thúc ngựa, tay cầm vương trượng, mồm nói giọng trang nghiêm:

"Chúng ta là tiên tổ!". Bọ rầy ăn rễ cây, còn bộ võ trang của kỵ sĩ ăn nhân dân. Tại sao lại không? Liệu chúng ta có thay đổi luật pháp không? Giới lãnh chúa tham gia vào trật tự. Con có biết ở Êcôx có một công tước phi ngựa liền ba mươi dặm[236] mà vẫn không ra khỏi dinh cơ của mình không? Chưa kể những lâu đài, rừng rú, đất đai, lãnh địa, ruộng phát canh, thái ấp, lộc thánh, thuế thập phân và tiền tô tức, các khoản tịch thu và phạt vạ vượt quá một triệu xteclinh không? Những người không bằng lòng cũng khó.

- Vâng - Guynplên lẩm bẩm, tư lự - rõ ràng là địa ngục dân nghèo làm nên thiên đường cho kẻ giàu sang.

12. UYÊCXUYT NHÀ THƠ LÔI CUỐN, UYÊCXUYT TRIẾT GIA.

Đúng lúc ấy Đêa chợt bước vào; Guynplên nhìn cô và chỉ còn thấy có cô. Tình yêu thường như thế, người ta có thể trong chốc lát bị một loạt ý nghĩ ám ảnh nào đó xâm chiếm; người đàn bà ta yêu chợt đến và đột ngột làm tan biến tất cả những gì không phải là hình ảnh của mình, và không ngờ đã xoá hết của ta có lẽ cả một thế giới.

Ở đây cần có nói đến một chi tiết. Trong Hồng hoang chiến bại, có một chữ monstro, nói với Guynplên, làm cho Đêa không vừa ý. Thỉnh thoảng, với một ít tiếng Tây Ban Nha mà thời ấy mọi người đều biết, cô cũng tự ý thay nó bằng chữ Quiero nghĩa là tôi muốn thế.

Uyêcxuyt tha thứ những sửa đổi kịch bản như thế, không phải không có đôi chút bực tức. Lẽ ra ông cũng muốn bảo với Đêa, như ngày nay Moetxa nói với Vixô:

- Anh không tôn trọng kịch bản.

"Thằng Cười" Đó là dạng thức nổi tiếng của Guynplên.

Tên thật của nó, Guynplên, gần như không ai biết, đã biến mất dưới cái biệt hiệu kia, cũng như bộ mặt của nó đã biến mất dưới cái vẻ cười. Tiếng tăm của nó, cũng như diện mạo của nó, là một cái mặt nạ.

Tuy vậy, tên nó cũng được ghi trên một cái bảng rộng yết ở phía trước Hộp Xanh, trên bảng quần chúng thấy có mấy câu sau đây của Uyêcxuyt:

"Tại đây khán giả được nhìn thấy Guynplên, bị bọn comprasicôx khốn kiếp bỏ rơi từ thuở lên mười, đêm 29 tháng giêng năm 1690, trên bờ biển Porlan, từ một đứa bé trở thành người lớn, và ngày nay được gọi là Thằng Cười".

Số kiếp của những kẻ hát rong này giống số kiếp của những người hủi trong một trại hủi và của những người có diễm phúc trong một thế giới thần thoại. Hằng ngày vẫn là sự chuyển tiếp đột ngột từ chỗ biểu diễn giữa trời ầm ỹ nhất sang cảnh ẩn dật hoàn toàn nhất.

Tối nào họ cũng rơi khỏi trần gian. Y hệt những người chết ra đi để hôm sau sống lại. Người diễn viên giống như một ngọn đèn biển có bộ phận che chắn, lúc ẩn lúc hiện, và đối với công chúng anh ta chỉ tồn tại như bóng ma và ánh sáng le lói trong cuộc đời có đèn xoay này.

Sau ngã tư tiếp đến nhà tu kín. Buổi diễn vừa dứt, trong khi khán giả phân tán và tiếng ồn ào thoả thích của quần chúng tiêu tan khắp mọi nẻo phố phường thì Hộp Xanh kéo tấm bảng lên, như một pháo đài nhấc chiếc cầu treo, thế là mọi liên hệ với loài người bị cắt đứt.

Một bên, vũ trụ, một bên cái lán kia; và trong lán đó có tự do, có nhân hậu, có dũng cảm, có tận tuỵ, có ngây thơ, có hạnh phúc, có tình yêu, tất cả mọi chòm sao.

Cô mù trông thấy và anh chàng dị dạng được yêu ngồi bên nhau, tay cầm tay, trán chạm trán và say sưa thì thầm rất khẽ với nhau.

Khoảng giữa nhằm hai mục đích; sân khấu đối với công chúng, phòng ăn đối với diễn viên.

Uyêcxuyt vốn thích ví von lợi dụng sự khác biệt về mục đích trên để xem khoảng giữa của Hộp Xanh như khoảng arađas trong một cái chòi của người Abitxini.

Uyêcxuyt đếm xong số tiền thu được, rồi cả nhà vào ngồi ăn tối. Trong yêu đương, chuyện gì cũng đều là lý tưởng cả. Khi người ta yêu, việc cùng uống cùng ăn cho phép đủ mọi thứ gần gũi vụng trộm khiến một miếng ăn lại thành một cái hôn ấu yếm. Người ta uống bia hay rượu chung trong một cốc, mà tưởng như được uống sương mai chung trong một đoá bách hợp. Hai tâm hồn trong bữa ăn thân mật cũng yêu kiều như hai cánh chim non. Guynplên tiếp cho Đêa ăn, cắt thái hộ cô, rót cho cô uống, xích đến quá gần.

- Hừm! - Uyêcxuýt đằng hắng, và ông miễn cưỡng chấm dứt việc quở trách bằng một nụ cười.

Con sói dưới gầm bàn vẫn ăn, không cần để ý đến những thứ không phải là xương xẩu.

Vinơx và Fibi cùng ăn nhưng không gây trở ngại gì lắm. Hai cô ả lang thang này, gần như man rợ và lúc nào cũng hốt hoảng, đang bàn chuyện không sinh đẻ với nhau.

Sau đó Đêa bước vào phòng khuê với Fibi và Vinơx.

Uyêcxuyt đi xích Ômô vào phía dưới Hộp Xanh, còn Guynplên chăm lo con ngựa, từ chàng trai si tình trở thành gã chăn ngựa, tưởng đâu anh là một vị anh hùng của Hôme hoặc một lãnh chúa bảo vệ Saclơman. Nửa đêm mọi người đều ngủ, trừ mỗi con sói, thỉnh thoảng, quán triệt nhiệm vụ của mình, lại mở một mắt.

Hôm sau, ngủ dậy, mọi người lại gặp nhau, cùng điểm tâm, thường thường với giăm-bông, và uống trà; ở nước Anh trà có từ năm 1678. Rồi Đêa, theo kiểu Tây Ban Nha, và theo lời khuyên của Uyêcxuyt thấy cô yếu đuối quá lại ngủ vài giờ, trong khi Guynplên cùng Uyêcxuyt làm những việc lặt vặt bên ngoài và trong nhà mà cuộc sống du cư thường đòi hỏi.

Ít khi Guynplên lang thang ra ngoài Hộp Xanh, trừ khi nó đi vào những con đường vắng vẻ và những nơi hiu quạnh. Ở thành phố nó chỉ ra ngoài ban đêm, với một cái mũ rộng vành bẻ cụp xuống để khỏi lộ mặt ở ngoài đường.

Người ta chỉ trông thấy rõ mặt nó ở trên sân khấu.

Vả lại Hộp Xanh cũng ít khi đi tới các thành phố, đã hai mươi bốn tuổi mà Guynplên chưa mấy khi thấy những thành phố to hơn Năm Cảng.

Tuy vậy tiếng tăm của nó ngày càng lan rộng, bắt đầu tràn qua đám hạ lưu, và lên cao hơn nữa. Trong đám người ham chuộng những trò kỳ quặc của chợ phiên và những người thích tìm kiếm chuyện hiếu kỳ và chuyện phi thường, người ta được biết ở đâu đó đang có một cái mặt nạ kỳ dị, sống lang thang nay đây mai đó.

Người ta bàn tán về nó, người ta tìm kiếm nó, người ta hỏi nhau: ở đâu? Thằng Cười chắc chắn trở thành nổi tiếng. Vì vậy mà đôi chút vinh quang cũng dội vào vở Hồng hoang chiến bại. Đến nỗi một hôm, lòng đầy tham vọng. Uyêcxuyt nói:

- Phải đi Luân Đôn mới được.

HẾT TẬP 1

[1] Nguyên văn Patriciat : danh từ này dùng để chỉ giai cấpvquý tộc thời Cổ La-mã.

[2] Nguyên văn Aristocratie: danh từ này dùng để chỉvchính quyền quý tộc nói chung.

[3] Uyêcxuyt: gấu; Ômô: người.

[4] Buffon: nhà động vật học nổi tiếng của nước Pháp, thếvkỷ XVIII.

[5] Nêron: sinh năm 37, làm hoàng đế La-mã từ năm 55 đến năm 68, nổi tiếng về độc ác, tàn nhẫn, điên rồ.

[6] Hippocrate: thầy thuốc nổi tiếng như Hoa-đà; Pindare, thi sĩ trữ tình, cả hai ông đều của Cổ hy-lạp.

[7] Nguyên văn là lít: từ này vừa có ý nghĩa là lòng sông, vừa có ý nghĩa là giường ngủ

[8] Xôcrát (Socrate): nhà đại hiền triết Hy-lạp sống vào thế kỷ thứ nhất trước Thiên chúa giáng sinh, chỉ lấy lời nói dạy môn đồ.

[9] Lu te (Luther) 1483-1546; triết gia và giáo sĩ người Đức đã đề xướng việc cải cách Cơ đốc giáo và lập ra Tân giáo tức Đạo tin lành.

[10] Bộ: đơn vị đo chiều dài, bằng 0,324m

[11] Jeffreys: tế tướng Anh, nổi tiếng tàn bạo về các bản án của y.

[12] Nguyên văn tortil: loại mũ có những chi tiết đứng xoã.

[13] Nghĩa là: người ta chỉ cấp cho các con gái khác tuỳ theo khả năng (chú thích của Uyêcxuyt bên tể tướng) Victo Huy gô.

[14] Giòng hiệp sĩ gồm có hai mươi lăm người, thành lập năm 1348. Nhân sự kiện sau: nữ bá tước Xalibiury để rơi một chiếc nịt tất (tiếng Pháp là giarơtie-Jarrelière) do đó mà có tên của dòng hiệp sĩ này, Vua Êđua III nhặt trả lại và nói: Honni soit qui mal y pense (Nhục thay kẻ có tà niệm). Câu nói này trở thành châm ngôn của giòng Giarơchie.

[15] Nhà tù quốc gia của nước Anh.

[16] Quan giám sát các sở nuôi chim săn của vua chúa ngày xưa

[17] Nhục thay kẻ có tà niệm. Châm ngôn của giòng hiệp sĩ Giarơchie..

[18] Tiếng La tinh: Lòng can đảm cứng rắn hơn đầu cừu (máy phá thành hình đầu cừu).

[19] Luvrơ (Lovvres) cung điện của vua Pháp ở Paro, xây dựng từ thế kỷ XII, đã nhiều lần bị phá, được làm thêm và sửa sang qua các triều đại cho đến thế kỷ XIX.

[20] Bà Đơ Xêvinhê (De Sévignê) : nữ văn sĩ Pháp, thế kỷ XVII nổi tiếng về tài viết thư.

[21] Hình phạt ngày xưa buộc tội nhân vào bánh xe rồi đánh cho gãy chân.

[22] Vanhxăng đơn Pôn (Saint Vin cent de Paul 1576-1660) : giáo sĩ danh tiếng Pháp, người đã thành lập nhiều hội từ thiện như giòng nữ tu sĩ tháng Vanhxăng đơ Pôn, giòng cha thánh Loza.

[23] Thứ đồ chơi có lò xo làm người xem giật mình.

[24] Tiểu giáo đường của Toà thánh Vaticăng, xây dựng theo lệnh của Xiextơ IV, có những  bức hoạ nổi riêng của Mikel-Ăngiơ

[25] Xem bác sĩ Sembơclên. Tình trạng hiện nay của nước Anh 1688 phần một, chương XIII, trang 179 (V.Hugô).

[26] Tên cũ của Lêningrát.

[27] Luy Đại Đế tức Luy XIV. Thánh Luy (Saint Louis 1215-1270) tức vua Luy XI danh tiếng và hiền đức của nước Pháp.

[28] Bôtxuyê (Bossuet 1627-1704); giáo sĩ và nhà hùng biện của nước Pháp, nổi tiếng về các bài thuyết giáo và điếu văn

[29] Một phương tiện để cai trị

[30] Raxill(Racine 1639 - 1699): thi hào nổi tiếng của nước Pháp chuyên viết bi kịch.

[31] Một hình phạt thời xưa. Tột phạm bị đóng dấu sắt nung đỏ hình hoa huệ vào bả vai hoặc trên trán.

[32] Người Tây Ban nha.

[33] Ngày xưa người vùng Địa Trung Hải gọi dân phương Đông là Lơvăngtanh, và dân miền Đại Tây Dương là Pônangte

[34] Caclagiơ (Carthage): thành phố ở Phi châu do người Phênixi lập ra từ năm 814 trước Thiên chúa giáng sinh trênmột bán đảo gần thành phố Tuynix (Tuynidi) bây giờ.

[35] Aclơcanh: loại hề chuyên mặc kiểu quần áo may chắp loang lổ.

[36] Coi chừng tao đi gọi comprasicôx.

[37] Con người lang thang đáng sợ hơn dã thú lang thang.

[38] (Hội tam điểm (Frane maconnerie): Một hội kín lan rộng ở nhiều nước. Hình như gốc của nó là một hội tương tế của thợ nề (macon: thợ nề) từ thế kỷ VII, dần dần nó mang tính chất chính trị, chủ trương hội cần phải coi nhau như anh em, không phân biệt dân tộc, tầng lớp xã hội. Vào hội phải tuyên thệ không tiết lộ bí mật của hội

[39] Ngày xưa, thủ đô nước Hungari có hai khu vực là Buđa và Pext nay hơn nhái thành Buđapext.

[40] Lễ Đức Bà lên trời lẽ ra phải là ngày 15 tháng tám.

[41] P: chữ đầu của từ pilori nghĩa là đài đê bêu những người phạm tội nặng trước công chúng.

[42] Tiếng Anh: tội không chịu phát giác, không làm tròn nhiệm vụ.

[43] Tiếng Anh.

[44] Con mụ du côn, đểu giả.

[45] Không tuyên thệ.

[46] Castille là vùng trung nguyên bán đảo Tây Ban Nha. Tiếng caxti tức là tiếng Tây Ban Nha.

[47] Tiếng Anh chướng tai.

[48] Galles (Tiếng Anh là Wales): một miền ở phía Tây nước Anh.

Những miền ở gần hai bên sườn phía tây dãy núi

[49] Pyrênê, giữa Pháp và Tây Ban Nha.

[50] Nguyên văn: Andamos (tiếng Tây Ban Nha) có nghĩa là Ta đi thôi.

[51] Loại áo dùng khi có gió tây nam, gió suroit.

[52] Một hình thức ngày xưa phạt tội nhân phải chèo thuyền chiến.

[53] Gion Pentơ (John Painter) dịch ra tiếng Pháp là Jean le Peintre: Giăng Hoạ sĩ.

[54] Ngày xưa người ta viết trên da. Để dùng được nhiều

lần, phải xóa chữ cũ đi rồi viết chữ mới lên

[55] Ghi chú của vaparous (thuvien-ebook.com) : theo sách là «loan », nhưng có lẽ dùng « đoan » mới đúng. Đoan: (khẩu ngữ) Ngành hải quan của chính quyền thực dân Pháp trước CMT8 (trích Từ điển Tiếng Việt – Viện ngôn ngữ học – Nhà XB Đà Nẵng

[56] Ghi chú của vaporuos (thuvien-ebook.com) : Hiện tượng Calina là hiện tượng không khí bị bụi phủ mờ trong suốt mùa hè ở TBN do bụi bị những cơn gió mạnh thổi cuốn lên từ nền đất khô

[57] Magienlăng (Magellan hoặc Magalhaens): nhà hàng hải Bồ Đào Nha đã tìm ra đường biển đi quanh dưới Nam Mỹ và đã tìm ra eo biển Magienlăng (Détroit de Magellan).

[58] Una nube salida del malo del diabolo (V.H).

[59] Pirênê (Pypréneés); dãy núi ngăn cách nước Pháp và nước Tây Ban Nha.

[60] Người Baxcơ (Vùng tây bắc Tây Ban Nha)

[61] Mũ cua phái quá khích trong thơ cách mang Pháp.

[62] Món xà lách dầu giấm nóng - món ăn Tay Ban Nha có thịt, rau và gia vị.

[63] - Anh nông dân miền núi, lão kìa là ai thế?

-  Một con người.

- Lão nói tiếng gì?

- Tất cả

- Lão biết những gì?

- Tất cả.

- Lão người nước nào?

- Tất cả các nước và chẳng nước nào cả.

- Lão thờ gì?

- Chúa.

- Anh gọi lão là gì?

- Thằng  điên.

- Anh bảo anh gọi lão là gì?

- Nhà hiền triết.

- Trong bọn của anh, lão là gì

- Lão là lão.

- Thủ lĩnh à?

- Không

- Thế là gì?

- Linh hồn.

[64] Côlizê (Coliseé): đấu trường ở La-mã, nơi các tín đồ Gia tô thường bị vứt cho thú dữ xé xác

[65] Livrơ (livre) quãng 500gv

[66] Lôsơ (lơch: dụng cụ đo tốc độ thuyền gồm một tấm ván thả xuống nước và một sợi dây treo.

[67] Quãng 32 phân

[68] Quân phản bội.

[69] Tức Crixtop Côlông (Christophe Colomb, 1451-1506) nhà thám hiểm người ý đã tìm ra Châu Mỹ đầu tiên ngày 3-8-1492.

[70] Biển Măngsơ (Manche) ngăn cách nước Anh và nước Pháp

[71] Tượng trưng cho im lặng mang nhiều bí hiểm. Theo thần thoại Hy Lạp,  con nhân sư (đầu đàn bà mình sư tử) nằm ở giữa đường và đặt những câu hỏi bí hiểm cho kẻ qua đường. Ai đáp được thì đi tiếp, ai không đáp được thì bị ăn thịt.

[72] Tiếng la tinh : Tuyết và Đêm.

[73] Hura: hoan hô.

[74] Tiếng Tây Ban Nha: anh em xuống hết

[75] Tiếng Tây Ban Nha: Mày chế giễu chúng ta chứ?

[76] Hòa bình trong chiến tranh.

[77] Tên một chiếc tàu

[78] Dụng cụ để phá thành, đầu chạm trổ giống hình đầu cừu.

[79] Tiếng La tinh: Biển cả khủng khiếp.

[80] Một phần mười hải lý

[81] Hai đơ-pac (Hydep-ark): công viên lớn ở phía Tây Luân đôn.

[82] Săng-Êlidê ( Champs Elyskes): một lâu đài cổ của nước Pháp, nay dùng làm dinh tổng thống.

[83] Trên đây là tên các hòn đảo nhỏ, các tảng đá ngầm.

[84] Buyt ( But, tiếng Pháp) có nghĩa là: đích.

[85] Sarip và Xinla (Charybde et. Scylla) tên ngọn giố lốc và hòn đá ngầm nguy hiểm ở eo biển Messine mà các thuỷ thủ ngày xưa rất sợ. Ý nói: tránh được tai hoạ này là gặp tai hoạ khác lớn hơn.

[86] Hôme (Homère): Đại thi hào cổ Hy lạp, tác giả các thiên anh hùng ca Iliat, Ôđyxê.

[87] Khuỷu (codée): đơn vị chiều dài ngày xưa bằng quãng 50 cm.

[88] Pi-ê (pied): đơn vị chiều dài ngày xưa, là đơn vị foot của Pháp, bằng 0,32484m. Bên Anh 1 foot = 0,3048m

[89] Thủ lĩnh.

[90] Tiếng Tây Ban Nha

[91] Tiếng Baxcơ.

[92] Tiếng La tinh.

[93] Baben: theo Thánh Kinh là cái tháp do con Nôê định xây cao thấu trời để tránh nạn hồng thuỷ, nhưng chúa đã khiến cho những người làm nói khác tiếng nhau, không hiểu nhau, nên việc xây tháp không thành.

[94] Tiếng Đức: Người có ở bên con không?

[95] Một loại hải âu đuổi đánh các loài chim biển khác, bắt phải nhả cá đã ngậm trong mỏ ra cho chúng ăn.

[96] Tiếng Pháp. có hai nghĩa là xương sườn và bờ biển.

[97] Ecquyn (Hercule). Vị thần trứ danh trong thần thoại Hy Lạp là đã biểu tượng của sức khoẻ phi thường đã từng lập mười hai kỳ công khó khăn và nguy hiểm.

[98] Nguyên văn bằng tiếng Anh: Kiss me quick.

[99] Điôgien (Diogène. 413 - 323 trước công nguyên): triết gia danh tiếng của Hy Lạp, thuộc phái khuyển nho. Tục truyền ông hay cầm đèn đi giữa ban ngày. Ai hỏi ông tìm gì ông trả lời: tôi tìm một con người. 

[100] Về vấn đề cắt mũi.

[101] Tiếng La tinh: mồm rạch đến tận mang tai, lợi nhe ra ngoài, mũi bị cắt xẻo. mày sẽ là một cái mặt nạ, và mày sẽ cười mãi mãi.

[102] Crem Well O599 - 1658): một chính khách có tài của nước Anh; đã truất phế vua Sáclơ đệ Nhất và dùng chế độ độc tài để cai trị nước Anh.

[103] Luy XIV (Louis XIV 1638 - 1715): Vị vua danh tiếng, đã làm rực rỡ trước Pháp thế kỷ XVII.

[104] Trimalcion là một nhà lý tài mới mọc thời La mã suy tàn. Ca ton (234 - 159) là một nhà đại hùng biện của Cổ Là mã. ông ngăn chặn thói ăn chơi xa hoa làm cho La mã đồi bại Đồng nghĩa với ngưu chủ trương sống khắc khổ. 

[105] Cuộc chiến tranh tôn giáo trà chính trị giữa nhau nước ở Châu âu (1618 - 1648). Chủ yếu do những mâu thuẫn giữa các phái thiên chúa giáo và các phái tân giáo.

[106] Cuộc khởi nghĩa (1648 - 1653) ở phúz Tây nước Pháp chống chế độ nhiếp chính của Anne ở Autnche và Mazann (triều vua Luy XIV).

[107] Các tỉnh Liên hiệp (Provinces Unies): Tên của bảy tỉnh ở Hà Lan. liên minh chống lại Philíp đệ Nhị năm 1579.  

[108] Calais và Dunkerque là hai hải cảng quan trọng ở bờ biển phía bắc của nước Pháp

[109] Hiệp ước năm 1667 giữa Anh và Pháp, trao trả cho nhau những đất đai xâm chiếm được ở Châu Mỹ. 

[110] Trong đoạn này, Vichto Huy gô mỉa mai quan điểm của phái trùng hưng ở Anh thời ấy (N.D). 

[111] Giáo phái này không thừa nhận lễ rửa tội trẻ con là đủ, nên ai muốn theo phái họ thì phải rửa tội lại lần thứ hai.

[112] Alacoque: nữ tu sĩ được tuyên phúc và phong thánh.

[113] Giáo phái (gốc ở tên của Giê-su) do Ignace de Loyola thành lập năm 1534. Theo nghĩa xấu là bọn giả dối. 

[114] Hãy coi chừng anh chàng mang thắt lưng lỏng.

[115] Không thiếu gì vua khác, bằng vàng khối.

[116] Chức vụ người này là mở đóng cửa mỗi lần vua đi qua. Y luôn luôn cầm một chiếc đũa sắt màu đen. 

[117] Groon of the steol (tiếng Anh): có nghĩa là quan ngự y.

[118] Bossuet (1627-1704): Giáo sĩ và nhà đại hùng biện Pháp, nổi tiếng về các bài thuyết pháp và các điếu văn.

[119] Nguyên văn: Sonnet: một thể. thơ chữ tình. thịnh hành thời Phục hưng. Gồm mười bốn câu chia làm bốn khổ. hai khổ bốn câu và hai khổ ba câu.

[120]  Lockê (1632-1704): triêt gia Anh.

[121] Dươngthần (Satyre) trongthầnthoại, đầu người mìnhdê.

[122] Tăng-tan (Tantale): Người chịu hình phạt gần miệng ăn mà không ăn được, gần nước mà không uống được. mong ước điều gì cũng thành ảo vọng. 

[123] Luycex (Luctèce): Một phụ nữ La Mã. thất vọng. tự sát bằng dao găm. sau khi bị con trai chồng làm nhục. Tượng trưng cho người phụ nữ chung thủy. tiết hạnh, dũng cảm.

[124] Axtactê (artartê): nữ thần được tôn thờ vì những đức tính hy sinh.

[125] Đian: nữ thần săn bắn, con Giupite, xin cha cho ở đây trọn đời không lấy chồng.  

[126] Ecquyn (Hercule): vị thần nổi tiếng nhất trong thần thoại Hy Lạp, có sức khoẻ phi thường.

[127]  Tận cùng là đuôi cá.

[128] Elizabeđ (Elisabeth 1558-1603): Nữ hoàng Anh. rất thông thái đã thiết lập giáo phái nước Anh và đã xử tử Man Xtuya. Bà bảo vệ văn chương thương mại, và đã chỉ định con Mari Xtuya nối ngôi mình với danh hiệu Giắc đệ Nhất. 

[129] Xicxtơcanh (Sixte-Quint): Giáo hoàng từ 1585-1590.

[130]  Thơ hồi văn: loại thơ mà nhưng chữ đầu câu hợp thành đề.

[131] Minecvơ (Minerve): Nữ thần trí tuệ, khôn ngoan, mỹ nghệ và cũng là thần của chiến tranh và nông nghiệp.

[132] Ămphitơrit (Amphitrite): Nữ hải thần, vợ hải thần Neptuyn (Neptune)..

[133] Nữ hoàng Xaba để lộ ống chân trước mặt vua.

[134] Lôyôla (Ignacede Loyola) người sáng lập dòng Gêduyt. (ordre des Jésuites) và được phong thánh.

[135] Tức thế kỷ XVI.

[136] Anhex (Agnès): một nhân vật ngây thơ chất phác trong vở hài kịch Trường học làm vợ (L’école desfemmes) của Môlie.

[137] Mêluzn (Mélusne): một cô tiên cứ thứ bẩy lại hóa thành rắn từ hông trớ xuống. 

[138] Ôlanhpơ (ôlympe): nơi trú ngụ của các thần tục gọi là Thần sơn.

[139] Răngbuiê (Rambouillet): một khách' tính nổi tiếng ở thế kỷ XVII do nữ hầu tước Đơ Răngbuiê mở. làm nơi tụ họp các danh nhân thi sĩ thời bấy giờ, có ảnh hưởng lớn về văn nghệ và phong thượng một thời.  

[140] Puzây (Pusey): nhà thần học người Anh sáng lập phong trào nghi thức của chủ nghĩa. xích giáo hội Anh quốc lại gần đạo Gia-tô.

[141] Ôn (oune): thước đo ngày xưa, dài bằng 1.118m.

[142] Caxti (castlle): vùng trung nguyên Tây Ban Nha.

[143] Quan chức tại triều đình Nê rông (La Mã) chuyên chỉ đạo về phong cách thanh nhã. 

[144] Chân dung của Ơgien Đêvêrya tự hoạ năm 1824.

[145] Mirabô (Minlbeau 1749 - 1791): một chính khách có tài hùng biện thời Cách mạng Pháp, nổi tiếng xấu trai 

[146] Sirâm (Sheromps Club); Nguyên văn tiếng Anh. có nghĩa là Câu lạc bộ Bà vui nhộn.

[147]  Tiếng La tinh: Thêm thần Vệ nữ, trong rừng, ôm ấp các tình nhân.

[148]  Holbesn(1497-1543): hoạ sỹ Đức.

[149]  Toa-dơ (Toise): đơn vị đo chiều dài bằng 1.949mm.

[150] Tiếng Anh: đấm mạnh vào.

[151] Rượu nho trắng Tây Ban Nha.

[152] Pôkơ (Poker): bài tây có 52 con. 

[153] Nguyên văn tiếng Anh: "Và của tất cả các trang ấp của nhà vua".

[154] Hai chữ đầu của Queen Ann (tiếng Anh) có nghĩa là Nữ hoàng Anh.

[155] Uynxô (Windsor): lâu đài của các vua Anh; từ ngày 17- 7-1917 vua Anh lấy tên Windsor làm tên của dòng vua hiện tại: Maison de Windsor (trước gọi là Maison de Hanewe).

[156] vì nữ-hoàng Êlizabet đã tuyên bố ly khai với giáo hội La mã, thành lập giáo phái Anh quốc.

[157] Chữ Trinh được thương nghị

[158] Tiền của chồng khi chết để lại cho vợ.

[159] Thời chiến cũng như thời bình.

[160] ( Ê-quy (Ecu) là thứ tiền quý bằng vàng, còn li-a (hard) là thứ tiền đồng, giá chỉ bằng một phần tư xu.

[161] 1642. 1649, 1789, 1793 là những năm có phong trào cách mạng ở Anh và ở Pháp.

[162] Đông ấn (Indes onentale)  tức Inđônêxya.

[163] Xacđen (sardaigne): đảo lớn của ý. ở Địa Trung Hải.

[164] Balêa (Baléares): quần đảo Tây Ban Nha ở phía tây Địa Trung Hải.

[165] Uytxân (Hudson): ở Bắc Mỹ, lúc bấy giờ thuộc Pháp,nay thuộc Canađa.

[166] Brơtan (Bretagne): một miền ở phía tây bắc nước Pháp.

[167] Đoongkec (Dunkerque): quân cảng lớn ở phía bắc nước Pháp

[168] Gibranta (Gibraltar): quân cảng chiến lược quan trọng, ở cực nam Tây Ban Nha, án ngữ cửa vào Địa Trung Hải.

[169] Bacxơlon (Barcelone): hải cảng lớn của Tây Ban Nha.

[170] Vecxai (Versailles): cung điện gần Pari của Pháp. Đây ám chỉ các danh nhân của triều đình nước Pháp thời Luy XIV.

[171] Tên bài quốc ca nước Anh: Xin Chúa cứu giúp nữ hoàng.

[172] Lulli (1632-/687): nhà soạn nhạc của Luy XIV.

[173] Improper (tiếng Anh): không thích đáng, không xứng hợp.

[174] Từ thế kỷ 16. danh hiệu công tước York dành cho các con thứ của vua nước Anh.

[175] Neptuyn (Neptunel): hải thần.

[176] inferi (Tiếng la tinh): địa ngục.

[177] Danh từ Pháp Garde-robe vừa có nghĩa phòng cất quần áo vừa có nghĩa nhà tiêu, nhà xí.

[178] Văngđôm (Vendôme): Đài ký niệm của Đại quân Napôlêông, hình trụ cao 44 m. và bọc bằng số đồng của 1.200 khẩu đại bác tước được của địch quân năm 1805. Trên đầu trụ có tượng của Napôlêông. Năm 1871 Công xã đã phá đổ đài. Đến năm 1875 đài lại được dựng lại.

[179] Tức dòng Giêduyt (Jésuite), từ tên Giê-su (Jesus)

[180] Nêrông (Claudius Néron): Hoàng đế La mã từ năm 55 đến năm 63. nổi tiếng độc ác, tàn nhẫn, điên rồ.

[181] Cái người ta có thể biết được.

[182] Zôylơ (Zetle): nhà phê bình ở thế kỷ thứ 4 trước công nguyên, nhờ đô kỵ chỉ tính Hômerd mà trở thành nổi tiếng.

[183] Nhân vật nghèo xơ xác trong Kinh thánh.

[184] Nữ thần săn bắn trong thần thoại Hy lạp, lúc đầu quyết không lấy chồng.

[185] Tiếng La tinh: ở đây có Sư tử.

[186] Xixiph (Sisyphe): một vị thần trong thần thoại Hy lạp. Công việc của Xixiph là một việc nặng nhọc không bao giờ làm xong

[187] Lêvyatăng (Léviathan): quái vật khổng lồ.

[188] Nghệ thuật thi ca (L'art poctique); tên tác phẩm lý luận của Boileau nôi về thuật thi ca.

[189] Nguyên văn: Backinphêđrô ghi nhận cái số nhiều đó

[190] Nước Anh (Grande Bretagne); gồm có hai đảo chính, một ở phía Tây là Iêclăng (/rlande) và một ở phía Đông  Đảo.

phía Đông lại chia ra phía Bắc là Êcôx (Écosse) và phía Nam là Ăngglơte (Angleterre).

[191] Tiếng Anh trong nguyên bản: "engagss".

[192] Gần hai mét.

[193] Nguyên văn tiếng Anh.

[194] Ga-/ông (Gallen); đơn vị đong lường của Anh và Mỹ dùng để đong ngũ cốc và đổ nước bằng 4,5 lít ở Anh. 3,78 lít ở Mỹ).

[195] Livrơ (livre): đơn vị trọng lượng khoảng 0kg500.

[196] Tiếng Anh: lần đổ máu đầu tiên (ý nói: phải đánh cho hộc máu đi).

[197] Tiếng Anh: Móc mắt nó ra.

[198] Gôliat (Goliath): tên khổng lồ của dân tộc Philixtanh bị Đêvit (Đavid) nhỏ bé giết chết.

[199] Nguyên văn, chữ đầu câu trên là một thánh từ Pháp; còn lại toàn bằng tiếng Anh:

- Hoan hô Hemghên! Tốt, hay lắm! anh miền núi.

- Nào Flem.

[200] Xiclôp (Cyelope): Thần khổng lồ một mắt.

[201] Nguyên văn Hôtăngtô (Hettentet), một dân tộc da đen ở Nam Phi.

[202] Nguyên văn Canmuc (Kalmouk); một dân tộc trị vì ở miền Nam nước Nga Xô Viết.

[203] Mêduyđơ (Méduse): một nữ thần có mái tóc rất đẹp. nhưng vì xúc phạm đến nữ thần Minecvơ (Minervơ} nên bị trừng phạt: tóc biến thành một bầy rắn, hai mắt hễ nhìn vào vật gì thì vật đó tức khắc hoá thành đá. Tượng trưng cho người hay vật xấu xí, ghê tởm, dễ sợ.

[204] Nàng không có mắt mà nàng vẫn nhìn thấy.

[205] Có cái mũi bị cắt

[206] Gluypite (Jupiter): Thượng đế trong thân thoại Hy Lạp.

[207] Giêhova (Jéhovah): Thượng đế của dân Do Thái.

[208] Bánh xe ái tình.

[209] Chỉ những người sống lang thang tại nhiều nước ở Âu châu chuyên nghề múa hát, bói toán.

[210] Nguyên văn bằng tiếng.Anh: Great attraetion.

[211] Cũng như. từ tiền trinh, đến tiền xu, và cuối cùng là tiền hào.

[212] Phêbê (Phebé): biệt danh của nữ thần săn bắn Diane

[213] Vênuyx (Vénus}: thần Vệ nữ, thần ái tình.

[214] Grêgoa (Crégoire) đệ nhất đã đặt ra một số nghi lễ.

[215] Ămbroa (Ambroise): một vị thánh đã có công sửa đối các lễ nghi ở giáo đường.

[216] Gôlơ (Gaule): tên ngày xưa của nước Pháp.

[217] Cầu nguyện đi! Khóc lóc đi!.

Từ lời nói

[218] Nẩy ra lý trí

Lời ca tạo nên ánh sáng!

[219] Đêm tối: Cút đi!

Bình minh hát lên bài ca chiến thắng.

[220] Phải bay lên trời.

Và cười lên, ngươi. kẻ đã khóc

Bẻ gãy cái gông đi!

Quái vật hãy trút bỏ.

Lớp vỏ

Màu đen của mi

[221] Ôi! đến đây! Yêu đi!

Em là linh hồn.

Anh là trái tim.

[222] Bôtxuyê (Bossuet 1627-1704): giáo sĩ Pháp nối tiếng về những bài thuyết giáo và điếu văn.

[223] Rutxô (J.J. Rousseau 1712-1778): nhà văn lãng mạn và triết gia Pháp, tác giả Khế ước xã hội, Êmin.

[224] Apôlông, trong thần thoại Hy lạp, là vị thần nổi tiếng đẹp trai.

[225] Giuypite (Jupiter): Thượng đế trong thần thoại Hy Lạp.

Ala (Allalo: Thượng đế của Hồi giáo.

Visnu (Vichnou): Thần của người ấn độ.

Xabao (Xabaoth): tên thần Giêhôva của người Hy Bá Lai.

[226] Kembritgiơ (Cambridge): đô thị lớn ở Anh có trường đại học nổi tiếng.

[227] Ôxơfc (Oxford): thị trấn danh tiếng của Anh, nhờ các lâu đài cổ và nhất là trường đại học Oxford gồm hai mươi mốt khoa và nhiều phòng thí nghiệm khoa học.

[228] Teexit (Thersite) nhân vật trong trường ca Hlat, điển hình của hèn nhát láo xược. Nó vừa lác vừa thọt, và cả gan dám chế diễu Asi, nên bị Asi đấm chết.

[229] Asi (Achille): vị anh hùng trong Illiede, đã giết Hector lúc vây thành Toroa, sau bị Parla đâm trúng gót chân chết.

[230] Mai lo(My Lord) tiếng Anh; lãnh chúa của tôi.

[231] Để giải thoát cuộc thảo luận của họ.

[232] Để tán thành (theo ý muốn nhà vua).

[233] Dumsday-book (tiếng Anh).

[234] Ưng sư (Griffon): quái vật tưởng tượng mình sư tử, đầu và cánh chim ưng, tai ngựa, bờm vây cá.

[235] Ưng mã (hippogriffe). quái vật tưởng tượng đầu chim ưng, mình ngựa.

[236] Dặm (lieue): bằng 4.444 km

Không có nhận xét nào: