Tập Truyện Ngắn Franz Kafka
Tác Giả: Franz Kafka
Mục Lục
Tôi đã trở về, tôi đã bước vào dưới vòm cổng và đang nhìn quanh. Đây là mảnh sân ngày xưa của cha tôi. Vũng nước ở chính giữa. Những đồ vật cũ kỹ vô dụng chất đống lên nhau làm choáng hết những bậc cầu thang lên tầng gác. Con mèo lấp ló sau dãy lan can. Một miếng giẻ rách, trước kia đã có lần cuộn quanh một cây gậy trong một trò chơi, bây giờ đang phất phơ trong gió. Tôi đã về đến nhà. Ai sẽ ra đón tôi? Ai đang đợi sau cánh cửa bếp? Khói đang bốc lên từ ống khói, cà phê đang được pha cho bữa ăn tối. Mi có cảm thấy thân thuộc, thoải mái như đang ở nhà của mình không? Tôi không biết, tôi cảm thấy rất bối rối. Đây là nhà của cha tôi, nhưng mỗi đồ vật đều đứng lạnh lùng bên cạnh một đồ vật khác, như thể nó chỉ chăm chú vào những chuyện của riêng nó, những chuyện có phần tôi đã quên, có phần tôi chưa hề biết đến. Tôi có ích lợi gì cho chúng, có ý nghĩa gì đối với chúng, dù ngay cả tôi là đứa con trai của cha tôi, người nông dân già nua? Và tôi không dám gõ lên cửa nhà bếp, tôi chỉ lắng nghe từ một khoảng cách, đứng thẳng lưng, với một dáng điệu nghiêm chỉnh để khỏi bất ngờ bị xem là một tên nghe lén. Và bởi tôi đang lắng nghe từ một khoảng cách, tôi không nghe gì cả ngoài tiếng tích tắc mơ hồ của chiếc đồng hồ treo tường vọng lại từ những ngày thơ ấu, nhưng có lẽ tôi chỉ nghe trong ý nghĩ. Bất cứ điều gì khác đang xảy ra trong bếp là bí mật của những ai đang ngồi ở đó, một bí mật họ che giấu trước tôi. Càng ngần ngừ trước cửa lâu chừng nào, tôi càng trở nên xa lạ chừng ấy. Điều gì sẽ xảy ra nếu bây giờ có ai mở cửa và hỏi tôi một câu? Chẳng phải chính tôi lúc ấy sẽ ứng xử như một kẻ muốn giữ bí mật của riêng mình hay sao?
Dịch theo bản Anh ngữ: "Home-Coming" (do Tania và James Stern chuyển ngữ),trong Franz Kafka, The Complete Short Stories of Franz Kafka, ed. Nahum N. Glatzer (London: Vintage, 1999).
Chúng tôi gồm có năm người, một ngày nọ chúng tôi đi ra từ một ngôi nhà, người nọ theo sau người kia, đứa đầu tiên bước ra, tự đặt mình đứng trước cổng nhà, rồi lại đến đứa thứ hai bước ra, đúng hơn là nó lọt qua cổng như một giọt thuỷ ngân, đứng kề ngay đứa thứ nhất, và cứ thế, đến lượt đứa thứ ba, thứ tư, thứ năm. Cuối cùng tất cả bọn tôi xếp thành một hàng. Thiên hạ bắt đầu chú ý đến bọn tôi, người ta chỉ trỏ bọn tôi và nói: năm thằng kia đi từ cái nhà đó mà ra đấy. Kể từ ấy chúng tôi sống cùng với nhau; đó sẽ là cuộc sống bình yên nếu như không có một thằng thứ sáu cứ liên tục muốn xen vào.Hắn chẳng gây hại gì cho chúng tôi cả, nhưng hắn quấy rầy bọn tôi, thế cũng đã là tai hại rồi; sao hắn lại muốn xông vào nơi mà chẳng ai mời hắn đến cơ chứ? Chúng tôi không biết hắn và không muốn hắn nhập bọn. Tất nhiên, cũng có thời năm đứa chúng tôi chẳng thằng nào biết thằng nào và cho đến bây giờ, cũng có thể nói chúng tôi vẫn không biết nhau thế nhưng điều gì là khả dĩ và có thể khoan dung được đối với năm đứa bọn tôi thì lại không thể xem là khả dĩ và có thể khoan dung được đối với trường hợp của thằng thứ sáu ấy. Dù thế nào đi nữa thì chúng tôi là nhóm năm người, chúng tôi không muốn trở thành sáu. Vậy thì việc cứ tiếp tục sống bên nhau như thế có ý nghĩa gì? Thật ra năm đứa bọn tôi cũng chẳng tìm thấy ý nghĩa gì nhưng bây giờ chúng tôi đang sống cùng nhau và sẽ tiếp tục sống cùng nhau; một sự kết hợp mới bất luận ra sao chúng tôi cũng không muốn, lý do của việc này hoàn toàn xuất phát từ kinh nghiệm của chúng tôi thế thôi. Nhưng làm sao có thể để thằng thứ sáu hiểu được điều đó? Những lời lẽ giải thích dài dòng rốt cuộc sẽ đi đến chỗ buộc phải đồng ý cho hắn nhập bọn mà thôi, thế nên tốt hơn là chúng tôi không giải thích và không chấp nhận hắn. Dù hắn có dẩu môi khó chịu thế nào thì chúng tôi vẫn cứ lấy khuỷu tay đẩy hắn đi nhưng bao nhiêu lần chúng tôi đẩy hắn đi là bấy nhiêu lần hắn lại trở về.
Dịch từ bản Anh ngữ: “Fellowship” (do Tania và James Stern chuyển ngữ),trong Franz Kafka: Collected Stories , Gabriel Josipovici biên tập và giới thiệu(Everyman’s Library,1993)
Chúng ta có một luật sư mới, tiến sĩ Bucephalus. Bề ngoài của ông hầu như không còn nét nào khiến bạn có thể nhận ra đã có thời ông là chiến mã của hoàng đế Alexander, vương quốc Macedonia. Tất nhiên, nếu bạn biết chuyện của ông, có thể bạn sẽ nhận ra một điều gì đó. Thế nhưng ngay cả một gã giữ cửa bình thường ở toà án, một tay cá cược loại nhỏ thường xuyên ở trường đua sành sỏi trong chuyện xem ngựa, kẻ mà có lần tôi nhìn thấy trước cửa toà án, cũng ngước nhìn vị luật sư với ánh mắt ngưỡng mộ khi ông nhấc cao chân dẫm lên những bậc thềm làm bằng cẩm thạch khiến chúng phải rung lên thành tiếng dưới chân ông.
Nói chung, Đoàn luật sư chấp thuận việc kết nạp Bucephalus. Với khả năng hiểu biết đáng ngạc nhiên, xã hội hiện đại nó là thế, người ta bảo nhau rằng Bucephalus đang ở trong tình thế khó khăn, đồng thời cũng nghĩ đến tầm quan trọng của ông đối với lịch sử của thế giới này, do đó ông đáng được đón nhận một cách thân mật, chí ít là như vậy. Bây giờ làm gì có Alexander đại đế - điều này không thể chối cãi được. Có nhiều kẻ biết giết người thế nào, cũng không ít người thành thạo cách với tay qua bàn tiệc và đâm chết thằng bạn chỉ bằng một nhát kiếm; và đối với nhiều người, xứ Macedonia này quá là tù túng, vì thế họ nguyền rủa Phillip, ông tổ của mình – nhưng không ai, không một ai cả, có thể vạch đường sang Ấn Độ. Vào thời của mình, khi mà cánh cửa xứ Ấn thậm chí vẫn còn ngoài tầm tay, lưỡi gươm của Hoàng đế vẫn chỉ đường cho họ. Giờ đây, những cánh cửa ấy còn xa xôi, cao vời hơn; không có ai chỉ đường; nhiều kẻ mang gươm nhưng chỉ là để khua khoắng, và cố dõi theo họ thì chỉ tổ hoa mắt mà thôi.
Có lẽ vì vậy cứ làm như những gì Bucephalus đã làm là tốt hơn cả và hãy đắm mình trong những cuốn sách luật. Trong ánh đèn tĩnh lặng, hai bên hông của ông thôi không còn bị kẹp bởi bắp đùi của kị sĩ, tự do và xa cách những âm thanh náo loạn của chiến trận, ông ngồi đọc và lật xem những trang thư tịch cổ của chúng ta.
Dịch từ bản Anh ngữ: "The new advocates" (do Willa và Edwin Muir chuyển ngữ),trong Franz Kafka: Collected Stories , Gabriel Josipovici biên tập và giới thiệu(Everyman’s Library,1993).
Ban đêm, khi bạn đi bộ ngược lên một con đường và, bởi con đường trải dài đến đỉnh đồi và có ánh trăng rằm, bạn có thể nhìn thấy từ rất xa một người đàn ông đang chạy về phía bạn, thế nhưng, bạn lại không túm cổ gã, ngay cả nếu gã là một sinh vật yếu đuối và rách rưới, ngay cả nếu có ai đó đang vừa la vừa đuổi theo gã, bạn cứ để gã chạy tuốt.
Bởi vì lúc ấy là ban đêm, và bạn không thể làm gì khác khi con đường trước mặt trải dài lên đỉnh đồi dưới ánh trăng tuyệt đẹp, và ngoài ra, có lẽ hai người ấy bày trò rượt bắt nhau chơi vui, hoặc cả hai đang rượt bắt một kẻ thứ ba, hoặc có lẽ người chạy trước là người vô tội và người chạy sau muốn giết hắn và bạn vô tình trở thành một kẻ tòng phạm, hoặc có lẽ họ chẳng biết gì về nhau cả và mỗi người đang chạy về nhà của riêng mình để ngủ, hoặc có lẽ đó là những con chim đêm, hoặc có lẽ người chạy trước đang mang vũ khí.
Và dù gì đi nữa, chẳng lẽ bạn không có quyền cảm thấy mệt mỏi hay sao? Chẳng phải bạn đã uống nhiều rượu hay sao? Bạn biết ơn vì bây giờ người chạy sau đã khuất hẳn khỏi tầm mắt bạn.
Dịch từ bản Anh ngữ: "Passers-by" (do Willa và Edwin Muir chuyển ngữ),trong Franz Kafka, The Complete Short Stories of Franz Kafka, ed. Nahum N. Glatzer(London: Vintage, 1999).
Nhiều người đã phàn nàn rằng ngôn từ của bậc hiền triết luôn luôn chỉ là những ẩn ngữ và vô dụng trong cuộc sống hàng ngày, mà cuộc sống hàng ngày lại chính là cuộc sống duy nhất chúng ta có. Khi nhà hiền triết nói: "Hãy vưọt qua", ngài không muốn bảo rằng chúng ta nên băng qua một cái gì đó để đến một nơi nào đó -- một việc chúng ta chắc hẳn làm được nếu nó đáng với công sức bỏ ra -- nhưng ngài lại muốn nói về một điều xa xăm ảo diệu nào đó, một điều chúng ta chưa từng biết, một điều mà ngài cũng không thể diễn tả đơn giản hơn được, và do đó không thể giúp ích cho chúng ta một chút nào cả. Tất cả những ẩn ngữ này được tạo ra cốt để cho chúng ta biết rằng điều bất khả tri là bất khả tri, và chúng ta vốn đã biết như thế rồi. Tuy nhiên những điều chúng ta hàng ngày phải nhọc nhằn lưu tâm đến lại là một vấn đề khác.
Bàn về điều này, có lần một người đã nói: Sao lại còn do dự? Nếu quý vị chỉ đi theo những ẩn ngữ, thì chính quý vị sẽ trở thành những ẩn ngữ và quý vị sẽ gạt bỏ hết những mối lưu tâm hàng ngày.
Một người khác nói: Tôi dám đánh cuộc rằng điều anh nói cũng là một ẩn ngữ.
Người thứ nhất nói: Anh thắng cuộc rồi đấy.
Người thứ hai nói: Nhưng, rủi thay, tôi chỉ thắng trong ẩn ngữ.
Người thứ nhất nói: Không, trong hiện thực; chứ trong ẩn ngữ thì anh đã thua cuộc rồi.
Dịch từ bản Anh ngữ: "On parables" (do Willa và Edwin Muir chuyển ngữ),trong Franz Kafka, The Complete Short Stories of Franz Kafka, ed. Nahum N. Glatzer(London: Vintage, 1999)
Tôi cứng và lạnh, tôi là một cây cầu, tôi nằm ngang trên một lũng nước sâu. Những ngón chân tôi gác lên một bên bờ, những ngón tay tôi bấu lấy bờ bên kia, tôi móc tôi chặt chẽ vào lớp đất dễ tróc lở. Cặp đuôi áo choàng của tôi bay phất phơ hai bên hông tôi. Chảy ầm ĩ bên dưới xa tắp kia là dòng nước lạnh giá nhung nhúc cá hồi. Không du khách nào lạc lối đến độ cao không thể vượt qua này, cây cầu chưa được vẽ trên bất cứ bản đồ nào. Thế nên tôi nằm đợi; tôi chỉ có thể đợi. Một lần đã được bắc lên, nếu không sập xuống, thì không cây cầu nào có thể thôi là cây cầu.
Vào buổi xế chiều của một ngày -- ngày đầu tiên, hay ngày thứ một ngàn? tôi không thể nói -- tư tưởng tôi luôn luôn rối loạn và xoay mòng mòng không ngưng. Vào buổi xế chiều mùa hạ, tiếng gào của dòng nước trở nên trầm hơn, khi tôi nghe tiếng bước chân của một người! Đi về phía tôi, phía tôi. Hãy rướn thẳng người, hỡi chiếc cầu, hỡi những thanh cầu không có chỗ vịn tay, hãy sẵn sàng để giữ vững người hành khách được ký thác cho ngươi. Nếu bước chân của gã loạng choạng, hãy bí mật giúp gã đi vững vàng, nhưng nếu gã vấp ngã, thì hãy cho gã biết ngươi được làm bằng thứ gì, và như một ông thần núi, ngươi hãy hất gã văng qua bờ bên kia.
Gã đến, gã gõ vào tôi bằng cái mũi sắt của chiếc gậy, rồi gã dùng nó để khoèo cặp đuôi áo choàng của tôi và đặt chúng lên lưng tôi. Gã thọc mũi gậy vào mớ tóc bù xù của tôi và để nguyên như vậy thật lâu, hiển nhiên là gã đã quên tôi trong lúc gã chằm chằm nhìn quanh với đôi mắt man dại. Nhưng rồi -- cheo leo trên núi cao và lũng sâu, tôi chỉ đang theo dõi gã bằng ý nghĩ -- gã nhảy cẫng lên và dậm xuống bằng cả hai chân ngay chính giữa thân xác tôi. Tôi oằn người vì đau đớn dữ dội, chẳng biết cái gì đang xảy ra. Ai vậy? Một đứa trẻ? Một giấc chiêm bao? Một khách bộ hành? Một cuộc tự sát? Một tên xúi quẩy? Một kẻ phá hoại? Và tôi xoay mình lại để nhìn gã. Một cây cầu xoay mình! Mới xoay lưng chừng tôi đã bắt đầu rơi, tôi rơi xuống, và trong một khoảnh khắc tôi bị xé toang và đâm nát ngướu bởi những mũi đá nhọn -- những mũi đá vẫn luôn luôn thật bình thản ngước lên đăm đăm nhìn tôi từ dòng nước cuồn cuộn chảy.
Dịch từ bản Anh ngữ: "The bridge" (do Willa và Edwin Muir chuyển ngữ),trong Franz Kafka, The Complete Short Stories of Franz Kafka, ed. Nahum N. Glatzer(London: Vintage, 1999).
Một con kên kên đang bửa vào đôi chân của tôi. Nó đã xé nát đôi ủng và đôi vớ của tôi, và bây giờ nó đang bửa thẳng vào đôi chân của tôi. Nó bửa liên tục, rồi chạy vòng vòng không biết mệt quanh tôi, rồi lại tiếp tục bửa. Một ông lịch sự đi qua, đứng lại nhìn một lúc, rồi hỏi tôi tại sao tôi phải chịu đựng con kên kên. "Tôi chẳng còn cách nào khác", tôi nói. "Khi nó đến và bắt đầu tấn công tôi, tất nhiên tôi cố xua nó đi, ngay cả vặn cổ nó, nhưng loại thú này rất mạnh, có vẻ nó sắp nhảy xổ lên mặt tôi, tôi thà hy sinh đôi chân. Bây giờ đôi chân đã gần nát ra từng mảnh rồi." "Để mình bị hành hạ như vậy thì thật kỳ quái!" ông lịch sự nói. "Chỉ một phát súng là tiêu đời con kên kên." "Thật sao?" tôi hỏi. "Ông sẽ làm điều đó chứ?" "Rất vui lòng", ông nói, "tôi chỉ cần đi về nhà để lấy khẩu súng. Anh đợi chừng nửa giờ được không?" "Tôi không chắc có đợi được không", tôi nói, và đứng đơ người trong chốc lát vì đau đớn. Rồi tôi nói: "Dù gì thì cũng thử xem sao, xin làm ơn." "Tốt lắm", ông lịch sự nói, "tôi sẽ cố gắng nhanh hết sức." Suốt cuộc đối thoại này, con kên kên im lặng lắng nghe với con mắt láo liên nhìn tôi và ông lịch sự. Bây giờ tôi mới nhận ra rằng nó đã hiểu hết mọi chuyện; nó giương cánh, lùi xa về đàng sau để lấy trớn, rồi, như một người phóng lao, đâm thẳng cái mỏ của nó xuyên qua miệng tôi, lọt vào sâu trong người tôi. Ngã ngửa ra sau, tôi thấy nhẹ nhõm khi cảm nhận nó đang chết đuối vô phương cứu vãn trong máu tôi, dòng máu đang tuôn ra ngập mọi vực sâu, lụt mọi bờ bãi.
Dịch từ bản Anh ngữ: "The vulture" (do Tania và James Stern chuyển ngữ),trong Franz Kafka, The Complete Short Stories of Franz Kafka, ed. Nahum N. Glatzer(London: Vintage, 1999).
Tôi chạy qua người canh gác thứ nhất. Thế rồi sợ hãi, tôi chạy ngược trở lại và nói với người canh gác: “Tôi đã chạy qua đây lúc ông đang nhìn đi chỗ khác”. Người canh gác nhìn chằm chằm về phía trước chẳng nói năng gì. “Tôi nghĩ đúng ra mình không nên làm như vậy.” Tôi thưa. Người canh gác vẫn không nói gì hết. “Ông im lặng nghĩa là tôi được phép đi qua phải vậy không?”
Dịch từ bản Anh ngữ: "The watchman" (do Eithne và Ernst Kaiser chuyển ngữ),trong Franz Kafka: Collected Stories, Gabriel Josipovici biên tập và giới thiệu(Everyman’s Library,1993).
“Chao ôi!” Con chuột than, “mỗi ngày cái thế giới này lại trở nên bé nhỏ hơn. Ban đầu nó rộng lớn đến nỗi tôi cảm thấy e sợ, tôi cứ chạy mãi, chạy mãi và mừng làm sao khi cuối cùng tôi cũng đã thấy những bức tường hiện ra xa xa phía bên phải và bên trái, thế nhưng những bức tường dài này lại co hẹp nhanh đến độ rốt cuộc tôi đã ở trong căn phòng cuối cùng mất rồi, và ở góc phòng có một cái bẫy chuột mà tôi phải đâm đầu vào đó”. “Mày chỉ cần đổi hướng là được thôi mà”, con mèo nói rồi xơi tái con chuột.
Dịch từ bản Anh ngữ: "A little fable" (do Willa và Edwin Muir chuyển ngữ),trong Franz Kafka: Collected Stories, Gabriel Josipovici biên tập và giới thiệu(Everyman’s Library,1993)
Có bốn truyền thuyết về Prometheus:
Theo truyền thuyết thứ nhất, ông bị xiềng vào một tảng đá ở vùng Caucasus vì tội đã để lộ những bí mật của thần linh cho loài người, và các thần linh đã cử những con đại bàng đến ăn gan ông mà bộ gan ấy lúc nào cũng được phục nguyên như cũ.
Theo truyền thuyết thứ hai, khổ sở bởi những vết thương do chim mổ, Prometheus tự ấn mình ngày một sâu hơn vào tảng đá cho đến khi ông nhập vào làm một với nó.
Theo truyền thuyết thứ ba, sự phản bội của ông bị lãng quên suốt cả hàng ngàn năm, bị lãng quên bởi các thần linh, bởi những con đại bàng, bị lãng quên bởi chính bản thân ông.
Theo truyền thuyết thứ tư, tất cả mọi người rồi cũng trở nên mệt mỏi bởi câu chuyện vô nghĩa đó. Các thần linh mệt mỏi, những con đại bàng mệt mỏi, vết thương lành lại một cách mệt mỏi.
Chỉ còn đó một khối đá không thể giải thích nổi .Truyền thuyết đã cố giải thích cái không thể giải thích. Bởi truyền thuyết bắt nguồn từ cơ sở của sự thật thế nên đến lượt mình, nó cũng phải kết thúc trong tình trạng không thể giải thích nổi vậy thôi.
Dịch từ bản Anh ngữ: "Prometheus" (do Willa và Edwin Muir chuyển ngữ),trong Franz Kafka: Collected Stories, Gabriel Josipovici biên tập và giới thiệu(Everyman’s Library,1993).
Chúng ta giống như những thân cây vùi trong tuyết. Bề ngoài, chúng nằm trơ ra đó và một cú đẩy nhẹ cũng đủ làm chúng lăn tròn. Không, không làm vậy được đâu, bởi chúng gắn chặt vào mặt đất. Nhưng này, ngay cả điều ấy cũng chỉ là bề ngoài.
Dịch từ bản Anh ngữ: "The Trees" (do Willa và Edwin Muir chuyển ngữ),trong Franz Kafka, The Complete Short Stories of Franz Kafka, ed. Nahum N. Glatzer(London: Vintage, 1999).
Có một triết gia thường lảng vảng ở bất cứ nơi nào trẻ con chơi đùa. Và bất cứ lúc nào hắn thấy một thằng bé với một con vụ, hắn cũng rình rập chờ đợi. Ngay khi con vụ bắt đầu xoay tít, triết gia đuổi theo và cố chộp cho được. Hắn chẳng lấy làm phiền khi lũ trẻ con phản đối ầm ĩ và cố ngăn cho hắn khỏi đụng đến đồ chơi của chúng; mỗi khi chộp được con vụ đang xoay tít, hắn thấy hài lòng, nhưng chỉ trong một thoáng, rồi hắn ném nó xuống đất và bước đi. Hắn tin rằng sự thông hiểu về bất cứ một chi tiết nhỏ nhặt nào, về một con vụ đang xoay tít, chẳng hạn, cũng đủ để thông hiểu về mọi sự. Vì lý do đó hắn không bỏ thì giờ cho những vấn đề lớn, dường như hắn thấy làm thế là hoang phí. Khi đã kiến giải được chi tiết tế vi nhất, thì kiến giải được mọi sự, và vì thế hắn chỉ bận bịu với con vụ đang xoay tít. Và bất cứ lần nào lũ trẻ chuẩn bị quất con vụ, hắn cũng hy vọng lần ấy hắn thành công: ngay khi con vụ bắt đầu xoay tít và hắn bắt đầu hụt hơi chạy theo để chộp lấy nó, niềm hy vọng biến thành niềm xác tín, nhưng đến khi hắn chộp được miếng gỗ vớ vẩn trong bàn tay, hắn lại thấy buồn nôn. Tiếng gào của lũ trẻ con, lúc nãy hắn chẳng nghe, bây giờ thình lình lại chọc xuyên qua tai hắn, đuổi hắn đi chỗ khác, và hắn loạng choạng bước đi như một con vụ văng ra dưới một cú quất vụng về.
Dịch từ bản Anh ngữ: "The Top" (do Tania và James Stern chuyển ngữ),trong Franz Kafka, The Complete Short Stories of Franz Kafka, ed. Nahum N. Glatzer(London: Vintage, 1999).
Ông nội tôi thường nói: "Đời người ngắn đến sửng sốt. Nhìn lại, tôi thấy đời người dường như bị rút ngắn đến mức khó hiểu nổi, thử lấy ví dụ, làm thế nào một chàng trai trẻ có thể quyết định cưỡi ngựa qua làng bên mà không sợ rằng -- chưa kể đến những tai nạn -- ngay cả một đời người may mắn bình thường có lẽ cũng quá thiếu thời gian cho cuộc đi đó."
Dịch từ bản Anh ngữ: "The Next Village" (do Willa và Edwin Muir chuyển ngữ),trong Franz Kafka, The Complete Short Stories of Franz Kafka, ed. Nahum N. Glatzer(London: Vintage, 1999).
Tôi ra lệnh đem ngựa từ chuồng đến cho tôi. Người hầu không hiểu lệnh. Vì thế chính tôi đến tận chuồng, thắng yên cương, và thượng mã. Tôi nghe tiếng kèn đồng từ xa vọng lại, và tôi hỏi người hầu tiếng kèn ấy có nghĩa là gì. Y không biết gì cả và không nghe gì cả. Tại cổng, y níu ngựa tôi lại và hỏi: "Chủ nhân đang đi đâu thế?" Tôi đáp: "Ta không biết, chỉ rời khỏi nơi này, chỉ rời khỏi nơi này. Rời khỏi nơi này, chẳng còn gì khác, đó là cách duy nhất ta đạt được mục đích của ta." Y hỏi: "Vậy ngài biết mục đích của ngài?" Tôi đáp: "Vâng, ta đã bảo ngươi. Rời khỏi nơi này -- đó là mục đích của ta."
Dịch từ bản Anh ngữ: "The Departure" (do Tania và James Stern chuyển ngữ),trong Franz Kafka, The Complete Short Stories of Franz Kafka, ed. Nahum N. Glatzer(London: Vintage, 1999)
(Bản dịch này của Trịnh Y Thư nghe nhuần nhuyễn và khúc chiết hơn bản của Nguyễn Minh Phượng trên tạp chí Văn năm 1974, nhưng không có chất Kafka bằng.)
Những năm gần đây thị hiếu quần chúng đối với màn biểu diễn nhịn ăn giảm sút thấy rõ. Những pha trình diễn như thế, hết sức quy mô và do tư nhân tổ chức, thuở trước thường đem lại mối lợi to, nhưng ngày nay không ai thực hiện nổi nữa. Thời đó khác bây giờ nhiều lắm. Có lúc mọi người trong tỉnh, ai nấy bị gã nghệ nhân làm mê hoặc; trong lúc gã tuyệt thực, sự nô nức trong lòng mọi người càng lúc càng gia tăng, ai cũng muốn tận mắt mỗi ngày một lần trông thấy gã; ở những buổi trình diễn cuối người ta giữ ghế đặc biệt suốt ngày ngồi trước cái cũi nhỏ, có cả những xuất diễn về đêm dưới ánh đuốc để tăng thêm cảm giác; những hôm đẹp trời cái cũi được khênh ra nơi trống trải và đó là lúc đặc biệt thú vị cho lũ trẻ con có dịp tận mắt quan sát gã tuyệt thực, với người lớn tuổi gã chỉ là trò cười họ tham dự chẳng qua vì đó là cái mốt; lũ trẻ đứng chung quanh cái cũi miệng há hốc đầy thán phục, chúng nắm chặt tay nhau để giữ an toàn, mắt nhìn vào chăm chú, gã ngồi trên đống rơm trải dưới đất, chẳng cần ghế ngồi, trên thân thể xanh lướt gã khoác bộ đồ len màu đen nhàu nát, xương sườn lòi ra trông phát khiếp; thỉnh thoảng gã lịch sự gật đầu, trả lời câu hỏi của người nào đó với nụ cười gượng gạo, có lúc gã thò cánh tay qua chấn song cái cũi cho người ta thấy tay gã gầy ốm khẳng khiu như thế nào nhưng rồi gã lại rút vào trong câm lặng, chẳng thèm để ý đến ai, đến điều gì, ngay cả tiếng điểm giờ hết sức quan trọng của cái đồng hồ, đồ vật duy nhất trong cũi, gã cũng chẳng hề bận tâm chú ý, gã nhìn thẳng về phía trước bằng đôi mắt khép hờ và thỉnh thoảng hớp một hớp nước cho đôi môi đỡ khô nứt.
Bên cạnh đám khán giả lố nhố chung quanh, người ta còn cử ra những toán canh gác; thật lạ lùng họ thường là những anh đồ tể, có nhiệm vụ canh chừng gã ngày cũng như đêm—mỗi phiên gác ba người—ngăn ngừa trường hợp gã lén lấy thức ăn bỏ vào miệng. Nhưng đây chỉ là thủ tục không hơn không kém có mục đích bảo đảm với quần chúng tính trung thực của cuộc tuyệt thực, không hề có sự giả trá trong màn biểu diễn nhịn ăn của gã, bởi người ta hiểu rất rõ là trong suốt thời gian tuyệt thực gã không bao giờ bỏ vào miệng miếng bánh nhỏ nào kể cả trường hợp bị ép buộc; danh dự nghề nghiệp gã không cho phép gã làm vậy. Dĩ nhiên không phải người canh gác nào cũng hiểu thấu đáo điều đó; thường bao giờ cũng có những toán gác đêm rất lơ là và họ cố tình ra ngồi ở một góc rõ xa, họ đem bài ra đánh và đặt hết tâm trí vào canh bài, hiển nhiên cố tình cho phép gã có cơ hội bỏ vào miệng chút đồ ăn mà họ chắc mẩm gã lén giấu nơi nào đó. Gã tuyệt thực ghét cay ghét đắng những kẻ canh gác này, gã thật khổ sở, vì họ mà cuộc tuyệt thực của gã trở nên đau đớn không chịu đựng nổi; đôi lúc gã cố nén xuống yếu đuối, mở miệng hát lảm nhảm được chừng nào hay chừng đó để những kẻ ngồi canh gác thấy sự nghi ngờ của họ thiếu công bằng biết bao. Tuy nhiên, chỉ vô ích thôi; họ chỉ tỏ vẻ kinh ngạc về khả năng vừa ăn vừa hát của gã. Gã rất thích những người canh gác ngồi sát ngay bên ngoài chấn song cái cũi và vì không thoả mãn với ánh đèn đêm lù mù bên trong sảnh đường họ đem đèn rọi chạy bằng điện do ông bầu tổ chức cung cấp chiếu vào mặt gã. Ánh đèn điện chói loà không làm gã khó chịu, bởi chẳng lúc nào gã nhắm mắt ngủ được mà chỉ gật gà gật gù bất kể lúc đó là mấy giờ, trời tối hay sáng, ngay cả khi sảnh đường chật ních người nói năng ầm ĩ. Gã sẵn sàng thức trọn đêm ngồi với những người canh gác như vậy; gã vui vẻ pha trò nói chuyện vãn với họ; kể họ nghe những mẩu chuyện về cuộc sống rày đây mai đó của gã và ngược lại lắng nghe họ kể chuyện đời họ, nói chung gã làm bất cứ điều gì khiến họ tỉnh ngủ để họ thấy rõ mười mươi là chẳng có cái gì ăn được bên trong cũi và chỉ có gã mới nhịn đói được như vầy thôi. Tuy thế thời điểm sung sướng nhất của gã là lúc trời rạng sáng và một bữa ăn thịnh soạn—bữa ăn nhờ gã mới có—được dọn ra; mấy người canh gác nhào vào ăn uống ngon lành sau một đêm canh giữ mỏi mệt. Dĩ nhiên vẫn có kẻ dè bỉu cho là bữa ăn như thế chẳng qua chỉ là hình thức gã hối lộ những người canh gác, nhưng nghĩ vậy là đi quá xa, và khi được hỏi có chịu giữ nhiệm vụ canh gác nhưng không ăn bữa ăn sáng không—để làm sáng tỏ nghi vấn—thì họ lẻn ra chỗ khác, nhưng họ vẫn khăng khăng giữ nguyên lời nói ẩn ý bóng gió xa gần.
Những ngờ vực như vậy thật không sao tránh được. Không ai có khả năng một mình canh gác gã suốt ngày đêm, vì thế chẳng ai có thể cả quyết chính mắt mình chứng kiến cuộc tuyệt thực hoàn toàn liền lạc và không thể chê bai vào đâu; chỉ mình gã biết rõ điều đó, và chính vì thế gã là khán giả duy nhất hài lòng với màn biểu diễn nhịn ăn của chính mình. Vậy mà do những nguyên cớ khác gã chẳng bao giờ hài lòng; có lẽ không phải vì nhịn ăn mà thân thể gã trở nên héo hon tiều tụy đến độ nhiều người không dám đến xem gã trình diễn chỉ vì hình ảnh đau đớn của gã khiến họ thấy vô cùng bất nhẫn trong lòng, có lẽ gã gầy yếu như thế bởi gã không bằng lòng với chính mình. Bởi không ai ngoài gã biết rõ một điều: Nhịn đói là cái gì thật dễ dàng. Dễ nhất trên cõi đời. Gã chẳng giữ bí mật này làm gì mặc dù không ai tin lời gã; khá nhất người ta nghĩ gã khiêm nhường khi nói vậy, nhưng hầu hết cho đó là hình thức quảng cáo hoặc nghĩ gã là kẻ gian manh, nhịn đói không chút khó khăn gì nhờ biết cách tráo trở nhưng lại cả gan ít nhiều tự thú nhận mình gian lận. Gã phải chịu đựng tất cả những đau đớn này và sau nhiều năm tháng gã quen dần, nhưng sự bất mãn với chính mình ray rứt gậm nhấm gã khôn nguôi, và chưa bao giờ, sau bất kì cuộc tuyệt thực nào—ít nhất người ta phải công nhận như thế—gã chịu tự ý bước ra khỏi cái cũi một mình. Ông bầu tổ chức xác định thời hạn tuyệt thực là bốn muơi ngày, ông không bao giờ để vượt quá thời hạn này ngay cả ở những thành phố lớn, và lí do không phải không vững chắc. Kinh nghiệm cho thấy ở bất cứ thị trấn nào quần chúng chỉ có thể bị lôi cuốn nhờ quảng cáo mỗi ngày mỗi rầm rộ trong khoảng thời gian bốn muơi ngày thôi, sau đó họ lơ là và số người đi xem giảm sút thấy rõ; dĩ nhiên mỗi nơi mỗi khác, tỉnh này không giống tỉnh kia, xứ này khác xứ nọ, nhưng bốn muơi ngày là thời hạn thông thường. Thế là vào ngày thứ bốn mươi, cái cũi giăng đèn kết hoa được mở ra, sảnh đường chật ních người xem náo nức chờ đợi, tiếng nhạc do ban quân nhạc đảm trách trổi lên, hai bác sĩ chui vào cũi đo nghe gã tuyệt thực những gì cần khám, đoạn dùng loa tuyên bố kết quả cuộc khám nghiệm cho khán giả nghe, cuối cùng hai cô thiếu nữ từ trong đám đông tiến lên, hai cô rất sung sướng được chọn làm vai trò danh dự dìu gã tuyệt thực từ trong cũi bước ra cái bàn nhỏ nơi người ta bày sẵn bữa ăn ê hề nấu riêng cho người bệnh. Và đúng vào thời điểm này gã tuyệt thực luôn luôn trở nên cứng đầu ương ngạnh. Giỏi lắm gã chỉ giơ tay lên nắm tay hai cô thiếu nữ đang cúi người bên cạnh tỏ vẻ ần cần, nhưng đứng dậy ư?—không đời nào. Tại sao mới bốn mươi ngày đã ngưng rồi? Gã có thể tuyệt thực lâu hơn thế chứ, vô thời hạn cũng được; tại sao ngưng ở đây trong khi gã đang ở giai đoạn tuyệt thực sung mãn nhất, hay đúng hơn, chưa đến giai đoạn sung mãn nhất? Tại sao người ta tước đi của gã niềm vinh quang không những gã là người tuyệt thực vĩ đại nhất từ trước đến nay, chính là gã chứ chẳng còn ai khác, mà còn làm mất cơ hội gã đánh đổ kỉ lục của chính gã để đạt tới mức độ không ai tưởng tượng nổi, bởi gã cảm thấy sức mạnh của khả năng tuyệt thực trong người gã không hề biết giới hạn là gì. Tại sao quần chúng hâm mộ gã, những người tự nhận thán phục gã, lại thiếu kiên nhẫn với gã đến thế; nếu gã có thể chịu đựng nhịn đói lâu hơn, tại sao họ không chịu đựng cùng gã được? Và hơn nữa, gã thấy mệt mỏi, ngồi trên đống rơm thoải mái lắm, giờ đây gã phải kéo mình đứng thẳng dậy và bước đến ăn bữa ăn mà mới nghĩ đến gã đã muốn ói mửa, cố hết sức đè nén và vì có hai cô gái bên cạnh nên gã không để cảm xúc đó lộ ra mặt. Đoạn gã ngước mắt lên nhìn trân trối vào mắt hai cô gái, hai cô bên ngoài tỏ vẻ thân thiện nhưng thật ra tàn nhẫn vô cùng, gã lắc đầu, đầu gã nặng chình chịch trên cần cổ yếu ớt. Nhưng rồi, chuyện luôn luôn xảy ra, xảy ra lần nữa. Ông bầu tổ chức lẳng lặng tiến lên—ông không tuyên bố được lời nào vì tiếng nhạc quá lớn—ông đến cạnh gã tuyệt thực đoạn giơ hai tay lên trời như thể xin trời nhìn xuống chứng giám tác phẩm trời tác tạo đang ngồi trên đống rơm, kẻ chịu khổ nhục đáng thương, đúng là gã tuyệt thực đấy nhưng ở một ý nghĩa hoàn toàn trái ngược; ông khe khẽ ôm ngang hông gã tuyệt thực, động tác ông thật cẩn trọng như để nhấn mạnh tình trạng mong manh yếu đuối của gã tuyệt thực đoạn ông giao gã cho hai cô gái—ông không quên bí mật lắc người gã một hai cái để thân trên và hai chân gã duỗi ra—hai cô gái mặt mày tái mét. Đến đây gã tuyệt thực hoàn toàn bị khống chế, đầu gã gục xuống ngực như thể nó tình cờ lăn đến đó và không hiểu sao ngừng lại, người gã ruỗng ra, bản năng tự tồn khiến đầu gối gã như bị siết chặt nhưng đôi chân gã kéo lê trên mặt đất như thể mặt đất không phải là mặt phẳng cứng, toàn thân gã, dù chẳng nặng nề bao nhiêu, gục lên một trong hai cô thiếu nữ, cô nhìn quanh xem có ai giúp mình không, hơi thở cô hơi gấp lên một chút—đây không phải là hình ảnh cô vẽ ra cho vai trò danh dự của cô—thoạt tiên cô cố sức ngửa cổ ra phía sau né tránh để mặt mình khỏi chạm gã tuyệt thực, nhưng rồi, sau khi làm thế mà vẫn không hiệu quả gì và người bạn đồng hành may mắn hơn của cô không giúp được gì mà chỉ biết đưa bàn tay run rẩy ra nắm lấy bó xương, cánh tay của gã tuyệt thực, cô bật lên tiếng khóc oà, đám đông lấy thế làm vui, và một nhân viên trong ban tổ chức hờm sẵn vội nhảy ra thay thế cô dìu gã tuyệt thực. Đến bữa ăn, ông bầu dùng thìa đút những miếng nho nhỏ vào miệng gã tuyệt thực, gã giờ đây như cái xác không hồn, vừa đút ông vừa huyên thiên nói đủ thứ chuyện cốt để che giấu tình trạng kiệt lực cũa gã; sau đó ông nâng li với mọi người, chuyển lời chúc mừng của gã mà ông bảo gã vừa nói thầm vào tai ông, mọi lớp lang đều được ban nhạc phụ hoạ bằng tiếng nhạc vang lừng, đám đông tản mát dần, và không ai có lí do gì không thoả mãn với màn trình diễn; không ai ngoại trừ gã nghệ nhân, bao giờ cũng là gã.
Gã sống nhiều năm tháng huy hoàng như thế xen kẽ là những thời kì nghỉ ngơi, nhưng thật ra thế giới vinh danh gã trong tâm trạng gần như đen tối và càng ngày càng đen tối hơn bởi chẳng ai là người xem trọng việc gã làm. Thật vậy, làm thế nào khích lệ an ủi gã đây? Gã đòi hỏi gì hơn nữa? Và thỉnh thoảng có tâm hồn từ tâm động lòng thương xót gã tìm cách vạch ra cho gã thấy lí do gã buồn bã sầu khổ có lẽ chỉ vì gã nhịn đói mà thôi, đôi khi gã phản ứng, nhất là khi cuộc tuyệt thực đang đến hồi kết thúc, với cơn thịnh nộ lôi đình và gã dộng mạnh chấn song cái cũi, như con dã thú. Nhưng ông bầu có cách trừng trị mà ông ưa dùng mỗi khi gã lên cơn như vậy. Ông xin khán giả tha thứ hành vi của gã, ông bảo hành vi đó nên được tha thứ bởi nhịn đói có thể khiến người ta trở nên bực dọc, một cảm giác những người ăn uống no đủ không thể nào hiểu nổi, đoạn ông chuyển sang tán dương lời tuyên bố quái đản không kém mà ông bảo là của gã, ông bảo mọi người gã có thể tuyệt thực lâu hơn nhiều; ông ca ngợi hoài bão cũng như thiện chí và biết bao ý muốn quên mình hàm chứa trong lời tuyên bố này, nhưng rồi ông tìm cách bôi bác chính điều ông vừa thốt bằng cách trình ra những bức ảnh, lập tức có người đem ảnh đi bán cho đám đông, gã nghệ nhân trong ngày thứ bốn mươi của cuộc tuyệt thực, nằm lả trên giường, gần chết vì kiệt lực. Lần nào nghe ông bầu xuyên tạc sự thật như thế, gã cũng cảm thấy nản chí vô cùng và chịu đựng hết nổi. Hậu quả của cuộc tuyệt thực chấm dứt sớm hơn dự định ở đây được trình bày như là nguyên cớ! Thật hoàn toàn bất lực với sự ngu xuẩn, với cái trần gian ngu xuẩn này. Lần nào cũng thế gã thu hết thiện cảm đứng nắm chấn song cái cũi dóng tai nghe ông bầu nói chuyện nhưng ngay khi những bức ảnh xuất hiện gã chán chường quay về chỗ ngồi trên đống rơm với tiếng thở dài áo não, đám đông được trấn an không có gì xảy ra nữa tiến đến gần và lại giương mắt nhìn vào gã chòng chọc.
Khi những nhân chứng hồi tưởng cảnh tượng đó nhiều năm về sau, họ không sao hiểu nổi hành vi của chính họ. Trong lúc đó, như đã nói, công chúng trở nên thờ ơ, mất hết thú vị với những màn biểu diễn của gã; chuyện đó dường như xảy ra chỉ trong một sớm một chiều; có thể có lí do sâu sắc hơn, nhưng ai là người cất công đi tìm hiểu cho thấu đáo đây; thế là gã nghệ nhân tuyệt thực xưa nay được trọng vọng một hôm thấy đám đông tìm vui quên hẳn mình, họ lũ lượt kéo nhau đi qua mặt gã đến xem những trò trình diễn khác thịnh hành hơn. Ông bầu dẫn gã chu du nửa vòng trời Âu một lần cuối cùng để xem biết đâu vẫn còn có người chú ý đến gã tuyệt thực, tất cả chỉ là vô vọng; làm như có giao ước giữa mọi người và bằng chứng hiển hiện khắp nơi cho thấy quả thật người ta đã hoàn toàn thay đổi thị hiếu với trò tuyệt thực. Công tâm mà nói chuyện đó chẳng thể nào thật sự xảy ra đột ngột như vậy được, và bây giờ ngẫm lại thấy lúc đó quả có những dấu hiệu cảnh báo cho thấy sự xuống dốc tàn lụi nhưng chẳng ai thèm lưu ý hoặc đứng ra làm điều gì bởi họ còn đang say sưa trong men thành công, nhưng hiện giờ thì đã quá trễ để đưa ra bất cứ biện pháp đối phó nào. Dĩ nhiên trò tuyệt thực sẽ có ngày trở lại, nhưng điều đó chẳng đem lại an ủi nào cho những người hiện đang mưu sống. Gã tuyệt thực phải làm gì đây? Một khi đã được cả ngàn người ca tụng khen thưởng gã chẳng bao giờ chịu hạ cố xuất hiện trong một màn trình diễn phụ ở hội chợ dưới làng quê, hay bắt đầu làm lại sự nghiệp khác, gã không những đã già lắm rồi, nhưng hơn hết gã quá nhiệt tâm tin tưởng vào nghệ thuật của gã. Vì thế gã chia tay ông bầu, kẻ đồng hành trong suốt sự nghiệp chưa từng thấy đó, và tìm được việc làm trong một gánh xiệc lớn; không muốn cảm xúc mình bị chi phối, gã không buồn nhìn vào các điều khoản trong bản giao kèo.
Một gánh xiệc khổng lồ, người, thú, đồ thiết bị thường xuyên di chuyển rày đây mai đó, người ra người vào, luôn luôn có chỗ cho bất cứ ai muốn tìm việc làm ngay cả gã nghệ nhân tuyệt thực, dĩ nhiên với điều kiện gã không được đòi hỏi nhiều, ở trường hợp đặc biệt này người ta không phải chỉ muớn gã tuyệt thực thôi mà cả cái tên tuổi danh tiếng bấy lâu của gã nữa; thật vậy nhìn vào tính cách đặc biệt của nghệ thuật gã, vốn không hề suy suyển với tuổi già, không ai có thể bảo gã là người nghệ sĩ hết thời đang tìm nơi dưỡng già hưởng nhàn trong gánh xiệc; ngược lại là đằng khác, gã tuyệt thực hứa hẹn cách đầy tin tưởng—và có đầy đủ lí do để tin gã—là gã vẫn còn khả năng nhịn đói tài giỏi như thuở nào; gã còn tuyên bố nếu được phép, người ta cho phép gã ngay, gã sẽ thật sự làm thế giới sửng sốt kinh ngạc với thành quả ngoài mức tưởng tượng của mọi người, mặc dù lời khẳng định này, gã nói trong lúc hăng hái nhiệt tình, mau chóng đi vào quên lãng, nó chỉ làm những tay chuyên nghiệp nhếch mép mỉm cười.
Nói thế nhưng gã chưa đến nỗi mất hết mọi ý thức về thực tại và gã chấp nhận sự kiện đương nhiên là cái cũi của gã không có vinh dự đặt giữa sân khấu gánh xiệc nơi dành riêng cho những màn trình diễn chính nổi bật, nó nằm khiêm nhường bên ngoài rạp, cạnh chuồng nhốt súc vật, nhưng vẫn có lối đi cho người vào xem. Mấy tấm biển lớn màu mè treo quanh cũi miêu tả vật bên trong. Giờ nghỉ giải lao khán giả túa ra đi xem thú, bắt buộc họ phải đi ngang cái cũi nơi gã tuyệt thực ngồi và họ ngừng lại đôi ba phút; có thể họ sẽ lảng vảng tại đó lâu hơn nếu đám đông từ lối đi chật hẹp đằng sau không xô đẩy họ, đám đông nôn nóng muốn ra xem thú không hiểu chuyện gì khiến dòng người khựng lại, và vì thế không ai có thể đứng lâu nhìn ngắm gã tuyệt thực. Đây cũng là lí do tại sao gã run sợ mỗi lần thấy đám đông tràn tới mặc dù đương nhiên gã trông mong tới giờ mọi người ra chiêm ngưỡng thành tích cả cuộc đời gã tích lũy. Thoạt tiên gã nôn nóng mong tới giờ nghỉ giải lao; gã sung sướng nhìn đám đông đang ùa tới, nhưng rồi ngay lập tức gã thấy rõ—dù gã tự dối lòng cách mấy chăng nữa—đám người này, ít nhất là qua hành vi cùng thái độ của họ, không hề mong muốn gì khác hơn là ra xem bầy thú vật nhốt trong chuồng. Và cảnh tượng đám đông nhìn thấy lần đầu từ khoảng cách xa xa vẫn là hình ảnh đẹp đẽ nhất trong lòng gã. Bởi ngay khi họ túa đến gần, tai gã như ù điếc với tiếng la hét chửi rủa từ hai phe chống chọi nhau, một phe muốn ngừng lại để nhìn gã—gã thấy đám này còn tệ lậu đáng ghét hơn đám kia—chẳng phải vì họ thật sự thích thú gì mà chỉ vì họ là những con người táo tợn và ngạo ngược, còn phe kia là những người chỉ muốn đi thẳng ra chuồng thú. Đằng sau đám đông chen lấn ồn ào là những người chậm chân hơn, và mặc dù họ có thể ngừng lại bao lâu cũng được nhưng họ vẫn sải bước đi nhanh ra phía chuồng thú, khi đi ngang cái cũi họ chỉ ném cho gã cái liếc mắt thật nhanh. Lâu lắm, năm thì mười hoạ, gã mới may mắn được gia đình gồm người cha dẫn bầy con đến xem, người cha chỉ vào gã tuyệt thực, ông giải thích cặn kẽ cho đám con nghe về hiện tượng này, ông kể chuyện thời xưa khi ông từng tham dự những buổi trình diễn tương tự nhưng quy mô hơn nhiều, và đám trẻ, suốt đời chúng và cả trong trường học, chẳng bao giờ nghe nói đến chuyện này nên chúng hoàn toàn mù tịt—chúng không hiểu người nhịn đói là gì—nhưng ánh mắt tò mò nơi đám trẻ hứa hẹn thời sắp tới có thể tốt lành và tử tế hơn. Đôi khi gã tuyệt thực thầm nghĩ hoàn cảnh gã biết đâu sáng sủa hơn nếu người ta đừng đặt gã quá gần chuồng thú. Vì thế mà khách đi xem dễ dàng chọn lựa cái muốn xem, chưa kể chuồng thú hôi hám chịu không nổi, đám thú chộn rộn suốt đêm, từng tảng thịt sống được khuân tới nuôi đám thú ăn thịt, tiếng gầm thét của chúng mỗi lần tới giờ ăn, chừng đó thứ ngày đêm như chọc vào tim óc gã. Nhưng gã chẳng bao giờ dám ngỏ lời than phiền lên ban giám đốc; dù sao gã phải cám ơn bầy thú, nhờ có chúng rất nhiều khán giả đi ngang cái cũi nơi gã ngồi, trong số thể nào cũng có người đến cốt chỉ để xem gã, và hơn nữa chỉ có trời biết họ sẽ dời cái cũi đi đâu nếu gã đánh tiếng cho họ hay biết về sự hiện hữu của gã và sẽ đưa đến sự kiện, không ngoa chút nào, gã chỉ là vật trở ngại nằm trên lối đi dẫn ra chuồng thú, không hơn không kém.
Một trở ngại không đáng kể, chắc chắn rồi và trở ngại đó càng ngày càng không đáng kể. Thời buổi bây giờ người ta thấy lạ lùng khi đề cập đến người nhịn đói, và trong chiều hướng này gã là kẻ lãnh nhận hậu quả không mấy hay. Gã có thể tuyệt thực rất giỏi, và gã giỏi thật, nhưng không ai cứu vớt gã được, người người qua lại không ai thèm để ý đến gã nữa. Hãy thử giải thích cho người nào đó nghe về nghệ thuật tuyệt thực xem! Nếu không có cảm xúc gì về nghệ thuật đó sẽ không thể nào hiểu nổi nó là gì. Mấy tấm biển nhiều màu trở nên dơ bẩn, chữ viết nhoè nhoẹt không đọc được nữa, chúng nằm chỏng trơ dưới đất và chẳng ai buồn nghĩ đến chuyện thay biển mới; tấm bảng nhỏ ghi số ngày tuyệt thực thoạt tiên mỗi ngày tăng một số, nay vẫn nguyên con số cũ, lâu lắm rồi không thay đổi, bởi chỉ sau mấy tuần lễ đầu nhân viên làm việc đã phát chán, chẳng ai thèm dớ tới công việc dù nhỏ nhặt này nữa, và vì thế gã tuyệt thực cứ thế nhịn đói như gã từng mong ước có ngày thực hiện, và điều đó chẳng khó khăn gì với gã, như gã vẫn hằng tiên đoán, nhưng không ai ghi xuống số ngày tuyệt thực của gã nữa, không ai, kể cả gã, biết đích thực thành quả của gã là gì, và tinh thần gã sa sút cực độ. Thảng hoặc có người lảng vảng quanh đó buông lời nhạo báng dè bỉu con số trên tấm bảng, ngầm bảo có sự gian trá trong đó, thật là lời bịa đặt ngu xuẩn nhất, xuất phát từ lòng hiểm ác và sự thản nhiên tàn độc, bởi gã nghệ nhân tuyệt thực không hề gian dối; gã thật tình, trong khi thế gian lường gạt, cướp đi thành quả của gã.
Tuy vậy, nhiều ngày nữa trôi qua và chuyện gì cũng đến hồi kết thúc thôi. Người quản lí một hôm thốt nhiên trông thấy cái cũi, ông quay sang hỏi người phụ tá tại sao cái cũi vô cùng hữu dụng như vầy lại bỏ không với đám rơm rạ mục nát bên trong; không ai có câu trả lời cho đến khi có người, nhờ tấm bảng nhỏ treo trên cũi, sực nhớ ra gã nghệ nhân tuyệt thực. Họ lấy gậy chọc vào đám rơm và tìm thấy gã tuyệt thực đang nằm vùi trong đó. "Anh vẫn còn đang tuyệt thực đấy sao?" Người quản lí cất tiếng hỏi. "Trời đất! Tới chừng nào anh mới chịu ngưng đây?" "Xin mọi người tha thứ cho tôi." Gã tuyệt thực thều thào; chỉ có người quản lí đưa tai ghé sát chấn song cái cũi mới hiểu gã nói gì. "Hẳn nhiên rồi," người quản lí nói, vừa nói ông vừa lấy ngón tay gõ gõ lên thái dương ngầm bảo cho mọi người biết về tình trạng của gã tuyệt thực, "chúng tôi tha thứ cho anh." "Lúc nào tôi cũng mong được các người thán phục tài nhịn đói của tôi." Gã tuyệt thực nói. "Vâng, chúng tôi phục tài anh lắm," người quản lí nói cho gã vừa lòng. "Nhưng mấy người đừng nên thán phục tôi," gã tuyệt thực lại nói. "Vâng, chúng tôi không thán phục anh nữa," người quản lí đáp lời, "nhưng tại sao chúng tôi không nên thán phục anh?" "Bởi vì tôi phải nhịn đói, tôi không thể làm gì khác hơn," gã tuyệt thực trả lời. "Anh quả là người khác thường, tại sao anh không thể làm gì khác hơn?" "Bởi vì," gã tuyệt thực trả lời người quản lí, đầu gã hơi nhỏm dậy, môi gã nhếch lên như định hôn ai, gã nói thẳng vào tai người quản lí để không một lời một chữ nào lọt ra ngoài, "bởi vì tôi chẳng bao giờ tìm ra thực phẩm tôi thèm ăn. Giả như tôi tìm ra thứ tôi thèm ăn, tin tôi đi, tôi sẽ chẳng bao giờ gây chuyện ầm ĩ như vầy làm gì, tôi sẽ nhét đầy bụng giống như ông hay bất cứ ai khác thôi." Đấy là câu nói cuối cùng thốt ra từ miệng gã tuyệt thực, nhưng trong đôi mắt lấp lánh của gã vẫn còn niềm tin chắc nịch, nếu không còn là tự hào nữa, cuộc tuyệt thực của gã vẫn đang tiếp diễn.
"Dẹp! Dẹp sạch chỗ này ngay!" Người quản lí quát bảo nhân viên, và họ đem gã tuyệt thực đi chôn cùng với đống rơm. Sau đó họ nhốt vào cũi một con beo. Thật là mát mắt, người ít chú tâm nhất cũng phải nhận ra, khi thấy con dã thú nhảy lên nhẩy xuống bên trong cái cũi tối tăm buồn bã suốt thời gian quá lâu. Con beo có vẻ ung dung lắm. Người canh gác mang đồ ăn đến cho nó, nó há mõm ăn ngay không do dự; dường như nó chẳng nuối tiếc tự do của nó chút nào; toàn thân nó tràn trề sức sống như chứa đựng tự do; tự do này như chấn ngự nơi hàm răng nó, và nỗi vui sống bốc cháy trong cổ họng nó mãnh liệt đến nỗi người xem không dám nhìn. Nhưng họ cố thu hết can đảm, bu lại chung quanh cái cũi và chẳng bao giờ muốn bỏ đi.
Franz Kafka
Trịnh Y Thư chuyển ngữ
Dịch từ Franz Kafka: The Metamorphosis and Other Stories, ấn bản Anh ngữ của Donna Freed, tủ sách Barnes & Noble Classics, New York, 2003.
NGUYỄN KIM PHƯỢNG dịch
Một trong những nhà văn Âu châu viết ít mà lại có ảnh hưởng nhiều ngang với A. Camus và L. Bonges, chính là Kafka, một nhà văn Do Thái lai Tiệp Khắc. Hai tác phẩm chính của ông là The Trial (1925) (Vụ Án) và The Casile (1926) (Thành Quách) đã đưa ông lên hàng một nhà văn lớn của thế kỷ 20. Hai tác phẩm này thực ra ông dặn là khi ông chết thì đốt đi, nhưng bạn ông là Max Brod đã trái lời, đem xuất bản vì thấy đó là hai kiệt tác của nhân loại.
Truyện "Người Nghệ Sĩ Nhịn Đói" sau đây là một truyện hết sức lạ lùng Kafka đưa ra một ẩn dụ về vị trí của người nghệ sĩ trong xã hội, một xã hội mà Kafka cho rằng nguyên tính là Ác và càng ngày càng đi đến chỗ mọi rợ.
Có lẽ Kafka còn có một ẩn ý gì khác nữa, xin mời quý vị suy đoán qua truyện ngắn sau đây:
Trong những thập niên vừa qua cái thích thú trong nghề trình diễn nhịn đói rõ ràng giảm xuống nhiều. Ngày trước người ta thường trả rất hậu để được riêng xem những trò trình diễn vĩ đại, nhưng ngày nay không thể như thế được. Chúng ta sống trong một thế giới khác đi rồi. Có một thời toàn thể cả thành phố đều quan tâm một cách nhiệt liệt đến người nghệ sĩ làm trò nhịn đói, trong cuộc nhịn đói của anh ta càng ngày cái sự khích động càng lên cao; mọi người đều muốn ít nhất phải đến xem anh ta mỗi ngày một lần; có nhiều người lại mua vé bao hết những ngày sau chót và ngồi từ sáng đến tối trước cái lồng có chấn song của người nghệ sĩ nhịn đói; cả ban đêm cũng có những giờ người ta đến xem, nhất lại dưới ánh đuốc chập chờn càng nhiều kích thích; còn vào những bữa đẹp trời thì cái lồng được để ra ngoài trời và thế là đặc biệt trẻ con xúm lại xem người nghệ sĩ nhịn đói; đối với phụ huynh chúng thì người nghệ sĩ đây chỉ là một trò đùa thời trang, nhưng đối với chúng, chúng là trẻ con, cứ đứng há hốc mồm ra xem, tay chúng nắm với nhau để đỡ sợ và chúng ngó anh ta một cách dị kỳ, trong khi anh ta vẫn ngồi yên, xanh xao trong bộ đồ đen chật bó lấy người, xương sườn nổi hằn lên rõ rệt; mà anh ta không ngồi trên ghế, lại ngồi dưới đất trên một ổ rơm, thỉnh thoảng lại gật đầu chào một cách lịch sự, mỉm cười hết sức nhã nhặn để trả lời những câu hỏi, hoặc thò một cánh tay ra khỏi chấn song cho người ta sờ xem tay anh ta ốm đến chừng nào, rồi lại rút vào thản nhiên, chẳng quan tâm đến ai hay đến sự vật gì, kể cả đến tiếng gõ nhịp rất quan trọng của chiếc đồng hồ, là vật trang bị duy nhất trong chiếc lồng của anh ta; anh ta chỉ nhìn đăm đăm vào khoảng hư vô, đôi mắt lim dim, thỉnh thoảng nhấp một chút nước trong cái ly nhỏ cho ướt môi.
Ngoài những người đến xem bất chợt, thì có những người thay phiên nhau thường trực canh chừng, do công chúng lựa chọn và lạ thay, những người canh chừng này thường là các tay hàng thịt, nhiệm vụ các người này là ngày đêm canh chừng người nghệ sĩ nhịn đói, xem anh ta có bí mật ăn uống gì không; cứ mỗi phiên là ba người. Đây chỉ là chuyện canh chừng cho có hình thức để làm quần chúng tin tưởng, chứ còn những người chủ trương việc đó họ cũng biết rõ rằng suốt trong thời gian trình diễn nhịn đói, nhà nghệ sĩ kia không bao giờ ăn một chút gì, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa; dù bị ép phải ăn đi nữa; là vì danh dự nghề nghiệp cấm anh ta ăn như thế. Tuy vậy không phải người gác nào cũng hiểu được cái danh dự đó, nên có nhiều người gác đêm cố ý chểnh mảng trong việc gác chừng, cố ý xúm vào một góc nào đó đánh bài một cách say mê, ý rằng để cho người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói kia có dịp ăn uống lén lút một chút gì mà anh ta giấu đâu đấy. Thật là không có gì làm khổ người nghệ sĩ bằng mấy ông gác đêm đó; họ làm cho anh khó chịu; họ làm cho anh ta cơ hồ không chịu nổi cơn nhịn đói; đôi khi anh ta phải hát ca lên không ngớt để dằn sự cám dỗ, để chứng tỏ cho các người đó biết rằng họ lầm. Nhưng vô hiệu. Các người đó càng lấy làm lạ là làm sao anh ta tài tình vừa nhịn ăn vừa hát. Người nghệ sĩ chỉ thích thú nhất là với các người gác đêm mà ngồi sát lại trước cái lồng, ánh đèn trong phòng chưa đủ cho họ vừa ý, họ còn dùng đèn pin để soi vào quan sát người nghệ sĩ. Ánh đèn pin chói lòa không làm người nghệ sĩ khó chịu chút nào; vì dù trong trường hợp nào thì anh ta cũng không thể ngủ được, cho dầu ánh đèn thế nào và dù lúc nào, và dù trong phòng đông người xem ồn ào đến đâu đi nữa, anh ta cũng chỉ buồn ngủ chút chút thôi. Anh ta hãnh diện nếu qua được một đêm mà không ngủ chút nào trước mắt người xem biết chú tâm đến anh ta; anh ta sẵn sàng làm trò cười cùng họ, kể chuyện cho họ nghe về cuộc sống vô định của anh ta, một cuộc sống không có gì có thể nói là làm cho họ thao thức cả và anh cho họ thấy là trong lồng của anh ta chả có gì ăn được cả và anh ta nhịn đói trình diễn như thế này họ khó mà làm theo cho được. Nhưng giờ phút thú vị nhất đối với anh ta là lúc sáng sớm ra, anh ta chịu trả tiền để đãi các người gác đêm một bữa điểm tâm đầy đủ, các người này đổ xô lại ăn một cách ngon lành sau một đêm thức mệt nhọc để canh chừng. Dĩ nhiên nhiều người lý luận rằng bữa điểm tâm này là một cố gắng không tốt, nhằm hối lộ các người gác đêm kia. Nhưng họ lý luận như vậy là đi quá xa, đến khi mời chính họ gác đêm, đừng cho họ ăn sáng như vậy thì họ lại chuồn mất, để rồi lại vẫn cứ nghi ngờ một cách ngoan cố.
Dù sao, những sự nghi ngờ như thế không thể không có đối với nghề nhịn đói biểu diễn. Bởi không ai có thể liên tục ngày đêm canh chừng người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói, nên không ai có thể làm chứng hiển nhiên rằng quả thật cuộc trình diễn nhịn đói đã tiếp diễn hết sức đứng đắn; chỉ có chính người nghệ sĩ trình diễn là tự biết điều đó, thành ra chỉ có mình anh ta là kẻ chiêm ngưỡng thỏa mãn nhất về cuộc trình diễn nhịn đói của mình. Tuy thế, có nhiều điều khác, anh ta lại không được thỏa mãn; như có lẽ không phải chỉ vì nhịn đói mà anh ta ốm giơ xương, ốm đến nỗi nhiều người không dám nhìn, đành bỏ qua không dám xem cuộc trình diễn của anh ta, mà anh ta ốm xuống như thế có lẽ còn vì không được toại nguyện với chính mình nữa. Không có ai, ngoại trừ chính nhà nghệ sĩ kia, biết được rằng cái chuyện nhịn đói rất là dễ. Nó là việc dễ nhất trên đời. Nhà nghệ sĩ đã không dùng một bí quyết nào cả, thế nhưng thiên hạ lại không tin như vậy; giỏi lắm là họ tin rằng anh ta nói nhũn nhặn thế thôi. Còn hầu hết thì nghĩ rằng anh ta nói như vậy là nói quảng cáo, hoặc là lường gạt, đã có một bí quyết nhịn ăn, rồi mới nói ầm lên nhịn ăn là dễ này nọ và trình diễn như thế. Nhà nghệ sĩ đã phải chịu đựng những nghi ngờ như thế, lâu rồi thành quen, nhưng trong thâm tâm sự bất mãn luôn luôn ngấm ngầm, và chưa bao giờ sau một cuộc trình diễn nhịn ăn mà anh ta đứng dậy dời khỏi chiếc lồng một cách thỏa mãn - hẳn thế! Cuộc trình diễn ở những đô thị lớn; và dĩ nhiên có lý do để ông bầu quyết định như vậy. Kinh nghiệm cho biết rằng trong khoảng bốn mươi ngày thì sự chú tâm của quần chúng hết sức là dễ khích động nhờ hiệu năng quảng cáo, nhưng sau khoảng thời gian đó thành phố bắt đầu mất dần sự chú tâm thích thú và sự nâng đỡ về mặt cảm tình mất dần đi rõ rệt, dĩ nhiên không phải đến nơi nào cũng thế, mỗi thành phố hay mỗi địa phương đều là có chút ít khác nhau, tuy nhiên lệ chung thì vẫn là trong giới hạn bốn mươi ngày. Tới ngày thứ bốn mươi, chiếc lồng trang điểm nhiều hoa của nhà nghệ sĩ nhịn đói đó được mở ra, các người xem đứng chật cả rạp, một giàn nhạc nhà binh trổi nhạc, hai vị y sĩ bước vào lồng để đo nghiệm những hậu quả của cuộc nhịn đói, các hậu quả đó được đọc to lên máy phóng thanh, và cuối cùng có hai vị phu nhân quý phái, nét mặt tươi vui sung sướng vì được tuyển chọn danh dự, đến đỡ nhà nghệ sĩ bước xuống mấy bậc cấp tới một chiếc bàn nhỏ trên đó đã dọn sẵn một bữa ăn nấu cẩn thận hợp cho người còn yếu. Và cho đến lúc đó nhà nghệ sĩ vẫn tỏ ra chưa chịu. Anh ta có thể đưa đôi cánh tay gầy ốm ra cho hai vị phu nhân đang cúi xuống đỡ lên, nhưng còn chuyện đứng dậy thì anh ta không chịu đứng dậy. Tại sao lại phải ngưng trình diễn nhịn ăn vào ngày thứ bốn mươi đặc biệt như vậy? Anh ta sẽ chịu đựng được một thời gian dài, một thời gian dài không giới hạn; tại sao bây giờ phải ngừng đang khi trình diễn hay nhất, hoặc nói cho đúng hơn đang khi chưa hoàn toàn nhịn đói tới độ hay nhất? Tại sao người ta lường gạt anh, không cho anh được cái danh tiếng là nhịn lâu hơn nữa, không cho anh được cái danh tiếng là một nghệ sĩ trình diễn nhịn đói không những phá kỷ lục từ xưa tới nay mà còn phá được chính kỷ lục của mình bằng một cuộc trình diễn nhịn ăn vượt ngoài sức tưởng tượng của con người, điều mà anh cảm thấy anh có thể làm được đến vô giới hạn? Công chúng giả bộ ngưỡng phục anh quá nhiều, mà tại sao họ không có chút ít kiên nhẫn cùng anh ta; anh ta có thể nhịn ăn lâu hơn thì tại sao họ không chịu đựng xem anh lâu hơn? Vả lại, lúc bấy giờ anh thấy mệt, ngồi trong ổ rơm bấy lâu dễ chịu, bây giờ phải đứng thẳng lên để đi dùng một bữa ăn mà chỉ nghĩ đến bữa ăn đó thôi anh ta đã thấy lợm giọng; cố gắng lắm và nhất là vì sự có mặt của hai vị phu nhân kia, anh mới không nói điều đó ra. Và anh ta nhìn vào mắt hai vị phu nhân, hai người bề ngoài có vẻ thân ái nhưng thực ra rất độc ác, anh ta lắc đầu, chiếc đầu như quá nặng trên cái cổ không còn sức lực của anh ta. Đúng vào lúc đó thì điều luôn luôn xảy đến là: Ông bầu của anh ta bước tới, không nói không rằng gì cả - có nói thì ban nhạc cũng lấp mất tiếng nói - đứng trước mặt chàng nghệ sĩ, đưa hai tay lên trời, như muốn mời Thượng Đế hãy nhìn xuống đứa con của ngài trong ổ rơm đây, một kẻ có thể nói là tuẫn đạo - mà thực ra là kẻ tuẫn đạo thật dù có một ý nghĩa hoàn toàn khác lạ, rồi ông bầu ôm lấy cái eo tiều tụy của người nghệ sĩ, cẩn thận một cách quá đáng như thể rằng ý thức sự yếu đuối mong manh của nghệ sĩ; nâng anh ta lên giao cho hai vị phu nhân đang tái mặt và không quên bí mật lắc người nghệ sĩ một cái, buộc chân anh ta phải cử động bước tới và thân hình anh ta phải di chuyển. Bấy giờ thì người nghệ sĩ hoàn toàn chịu khuất phục; đầu anh ta ngoẹo xuống ngực như nó vô tình mà ngoẹo xuống; thân hình anh ta hốc hác; hai chân anh ta giựt giựt để cố đứng vững, hai đầu gối như dính lại nhau; thế mà cũng quèo quào trên mặt đất như thể đất nghiêng ngả và hai chân anh ta như đang tìm một miền đất vững vàng; toàn thể sức nặng của thân thể anh ta - thực ra chỉ nhẹ như lông - khụy tựa lên một vị phu nhân, vị phu nhân này nhìn quanh để cầu cứu và hơi thở có phần hổn hển - nàng không ngờ cái vị trí danh dự lại là như thế - trước hết nàng ngửa cổ để tránh cho cái mặt mình khỏi chạm tới người nghệ sĩ, rồi thấy không tránh được, mà người bạn gái cùng với mình cũng tay đang run run để đỡ cái bộ xương nghệ sĩ, nàng liền bật lên khóc trước sự đang vui của mọi người và thế là phải đưa một vị phu nhân khác, đã đợi sẵn từ lâu vào thay nàng. Rồi tới bàn ăn, ông bầu tìm cách đưa chút đồ ăn lên môi người nghệ sĩ trong khi anh ta ngồi im như trong một cơn xuất thần ngây ngất và giàn nhạc thì trổi lên ầm ĩ như để làm xao lãng bớt sự chú tâm của công chúng đang để ý đến tình trạng sức khỏe của người nghệ sĩ; sau đó, dường như là do người nghệ sĩ nói khẽ vào tai ông bầu, một ly rượu được anh ta nâng uống chúc mừng công chúng; giàn nhạc lúc đó trổi lên một điệu hết sức rộn rã, các người đi xem lần lượt tan dần và không ai vì lẽ gì mà chẳng vừa ý được, ngoại trừ chính chàng nghệ sĩ trình diễn nhịn đói, luôn luôn chỉ một mình anh ta là không mãn nguyện.
Cứ thế qua bao năm, trừ những khoảng ngắn đều đặn để phục hồi sức khỏe, còn thì người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói luôn luôn chỉ một mình anh ta là không mãn nguyện.
Cứ thế qua bao năm, trừ những khoảng ngắn đều đặn để phục hồi sức khỏe, còn thì người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói sống trong vinh quan trông thấy, sống trong sự được thế giới cảm phục; thế mà tinh thần anh ta vẫn bực bội và càng bực bội vô cùng là không ai coi điều bực bội của anh ta là điều qan hệ. Vậy anh ta cần sự an ủi gì? Anh ta ao ước điều gì hơn nữa? Một người bộc trực nào đó, giá mà cảm thấy thương hại anh ta, đến để an ủi anh ta bằng cách chỉ cho anh ta thấy rằng nỗi buồn trong lòng anh có lẽ do sự nhịn đói mà ra; thì anh ta sẽ bừng bừng nổi giận, nhất là ngay lúc mà anh ta đã nhịn đói được một thời gian, và thế là anh ta rung lắc những chấn song của chiếc lồng, trông tựa một con thú dại. Tuy nhiên ông bầu anh ta có một cách trừng phạt những cơn nổi giận đó và ông rất thú vị mỗi khi đem ra thi hành cách trừng phạt này. Ông ta sẽ xin lỗi công chúng về thái độ nổi giận của người nghệ sĩ, nói là thái độ đó đáng tha thứ và nói là do ở sự nhịn đói gây ra; người ăn uống no đủ khó mà hiểu được tình trạng của anh ta; rồi, một cách rất tự nhiên ông bầu bắt qua nói về cái tính khoe khoang khó hiểu của người nghệ sĩ dám quyết rằng có thể nhịn đói lâu hơn thời gian anh ta đã thực hiện được; ông bầu không phải là không ca ngợi cái ước vọng cao xa, cái thiện chí, cái sự quên mình cao cả hàm chứa trong sự khoe khoang của người nghệ sĩ, nhưng ông đưa ra những bức hình, những hình này cũng để bán cho công chúng, chụp hình ảnh người nghệ sĩ nhịn đói ở ngày thứ bốn mươi nằm trên một cái giường, trông kiệt lực gần chết. Chuyện giải thích sự thật một cách sai bậy như thế tuy người nghệ sĩ chịu đựng quen rồi, nhưng bao giờ cũng cứ làm cho anh ta thêm một lần cảm thấy bải hoải. Cái hiệu quả của việc sớm ngưng cuộc trình diễn nhịn đói của anh ta, lại bị trình bày ở đây như là nguyên nhân! Chiến đấu chống lại sự thiếu hiểu biết như thế, chống lại cả một thế giới không hiểu biết như thế, là một điều vạn nan. Thỉnh thoảng có khi người nghệ sĩ cố tin tưởng, bèn vịn chấn song đứng lên nghe ông bầu của mình nói, nhưng đến khi những bức hình được đưa ra thì anh ta đành thở dài ngồi phịch xuống đống rơm và đám công chúng bị thuyết phục bởi ông bầu liền đến gần để quan sát người nghệ sĩ một lần nữa.
Mấy năm về sau này khi những người đã từng chứng kiến các cảnh trên, nhớ lại các cảnh đó, họ cũng không thể nào hiểu chính mình ngày đó chút nào. Là vì, như đã nói lúc đầu có một sự đổi khác trong quan niệm thưởng thức của công chúng; sự đổi khác đó tựa như xảy ra chỉ qua một đêm; hẳn phải có những nguyên nhân sâu xa của nó, nhưng ai bận tâm làm gì để biết; một ngày đẹp trời, người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói bấy nay được quý mến bỗng hôm nay thấy bị bỏ lơ, những người đi tìm vui lạnh lùng đi lướt qua trước mặt anh ta để tìm những thú hấp dẫn hơn. Lần cuối cùng, ông bầu của người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói đã đưa anh ta đi vội vã qua gần khắp nửa Châu Âu để xem đó đây họa chăng còn sống dậy cái quan niệm thưởng thức cũ kia chăng; nhưng vô ích; khắp nơi như tuồng theo một sự đồng tình bí mật đều rõ ràng từ khước thưởng thức trò trình diễn nhịn đói. Dĩ nhiên, thực ra thì sự kiện không thể nào xảy ra đột ngột nhanh như vậy, đã có những triệu chứng báo trước, nhưng trong lúc còn thành công rực rỡ, những triệu chứng đó đã không được nhìn thấy ra, hoặc đã bị át đi, bây giờ hồi tưởng lại thì thấy rõ nhưng đã quá chậm để mà có biện pháp đối phó. Có thể rằng trong tương lai trò trình diễn nhịn đói lại được thịnh hành nhưng điều đó chẳng có gì an ủi được những kẻ đang sống bấy giờ về nghề đó. Thế rồi, người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói phải làm việc gì đây? Anh ta từng được hoan hô đã nhiều trong đời, thì khó mà hạ mình trình diễn trong một quán nhỏ bên đường vào những lần hội chợ làng; còn tập một nghề mới khác thì không những anh ta đã lớn tuổi mất rồi, mà còn đã quá lỡ hiến mình cho nghề trình diễn nhịn đói. Thành thử anh ta phải từ giã ông bầu của mình, cũng là một người bạn nghề, để đến làm việc cho một gánh xiệc lớn; anh ta đã không đọc hết các điều kiện trong bản giao kèo ký với gánh xiệc, để tránh những cảm xúc của riêng anh ta.
Một gánh xiệc lớn có sự sắp xếp và tuyển mộ người, vật, dụng cụ... một cách quy mô, thì luôn luôn lúc nào cũng có thể thu dụng một người, dù là một nghệ sĩ trình diễn nhịn đói, miễn rằng người đó đừng đòi hỏi gì quá nhiều; và trong trường hợp người nghệ sĩ này, không những người ta thu dụng anh, mà thu dụng cả cái danh tiếng có được từ lâu của anh. Thật vậy, xét tính chất riêng biệt trong sự trình diễn của anh ta, thì thấy không hề kém đi vì tuổi tác; người ta không thể nói rằng anh ta là một nghệ sĩ đã về già, không còn đạt tới mức tuyệt đỉnh của khéo léo nghề nghiệp, muốn tìm một chỗ an thân trong gánh xiệc; mà trái lại, người nghệ này còn quả quyết rằng anh ta có thể trình diễn nhịn đói giỏi như bao giờ, một điều quả quyết hoàn toàn tin được. Anh ta còn quyết rằng nếu được phép nhịn đói theo ý muốn - điều này khó nhọc gì mà người ta không hứa chấp thuận cho anh ta - thì anh sẽ làm ngạc nhiên mọi người bằng cách ghi một kỷ lục chưa từng có; một lời quyết như thế hẳn gây ra một cái cười mỉm giữa những kẻ chuyên nghiệp khác, vì người nghệ sĩ tỏ ra không quan tâm đến sự thay đổi trong quan niệm của quần chúng; trong lúc hăng say anh ta đã quên sự thay đổi kia.
Tuy nhiên, thực ra anh không mất ý thức về hoàn cảnh thực tại, và anh ta coi như một điều dĩ nhiên rằng anh ta và chiếc lồng của anh ta sẽ được đặt không phải giữa sân khấu để lôi cuốn sự chú tâm, mà được đặt bên ngoài, gần những lồng nhốt thú vật, một nơi làm sao cho dễ tới gần. Những tấm bảng quảng cáo lớn, vẽ màu sắc vui tươi làm thành một cái khung cho cái lồng và báo hiệu cho người xem biết trong lồng có gì. Khi công chúng đi ra ngoài rạp để giải trí trong thời gian cách khoảng của các phần trình diễn, họ đến xem các con thú thì phải ngang qua chỗ cái lồng của người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói, họ dừng lại xem một lát. Nhưng họ không thể đứng lại xem lâu vì phía sau có nhiều người ùn tới, ai cũng nôn nóng xem các con thú của gánh xiệc, thành thử không ai đứng cản đường đặng mà mải mê xem người nghệ sĩ nhịn đói. Chính vì lý do đó mà người nghệ sĩ thay vì chờ mong giờ phút khán giả đến xem này, như một sự chờ mong thể hiện nghề nghiệp của mình, thì lại rùng mình ghê sợ khán giả. Lúc đầu anh ta đã hồi hộp đợi cái thời gian khán giả nghỉ giải lao kia, thấy khán giả đi về phía anh ta, anh ta rất lấy làm thú vị, thế rồi liền sau đó, dù ngoan cố tự lừa phỉnh thế nào, anh ta cũng phải nhận ra rằng hầu hết các khán giả không trừ một ai, xét theo các cử động của họ thì họ chủ tâm đi về phía có nhốt các thú của gánh xiệc. Lúc nhìn thấy họ đằng xa thì còn đỡ, chừng họ tới gần cái lồng của người nghệ sĩ thì anh ta điếc tai lên vì tiếng ồn ào om sòm của họ, cãi cọ nhau giữa hai nhóm, một nhóm muốn dừng lại ngắm xem người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói, một nhóm muốn đi thẳng tới xem các con thú. Anh ta ghét cái nhóm thú nhất vì họ dừng lại xem không phải vì thích thú mà vì ương ngạnh trong vị trí của họ. Khi cái đám đông ồn ào này qua hết rồi, thì có một số người lẻ tẻ đi tới, lẽ ra không có gì cản ngăn các người lẻ tẻ này đứng lại lâu để xem người nghệ sĩ trình diễn nhịn đó, thế mà họ cũng không đứng lại xem, mà còn như không để mắt đến nữa là khác, cứ vội vã bước nhanh về phía các con thú của gánh xiệc cho kịp xem. May đâu thì cũng chỉ có một người cha dẫn mấy đứa con dừng lại trước lồng người nghệ sĩ, trỏ vào người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói và giải thích cho các con ông ta một cách rành mạch về ý nghĩa của hiện tượng trình diễn nhịn đói, kể cho chúng nghe những câu chuyện của những năm trước, hồi chính ông ta từng xem những vụ trình diễn như thế này nhưng hồi hộp hơn; mấy đứa trẻ vẫn chưa hiểu, vì ở trong trường hoặc ngoài đời chúng chưa được dạy cho hiểu gì về ý nghĩa của sự nhịn đói cả - tuy nhiên qua các cặp mắt sáng ngời và chăm chú của mấy đứa trẻ, thì có thể là những thời kỳ mới và tốt đẹp hơn sắp đến với người nghệ sĩ. Nhiều lần nhà nghệ sĩ đã tự nhủ rằng có lẽ sự việc hẳn tốt đẹp hơn nếu cái lồng của anh ta không để quá gần với các lồng nhốt các con thú của gánh xiệc. Để gần như thế, như thế, người nghệ sĩ chịu đựng khổ sở cái mùi hôi hám của thú vật, cái ồn ào cựa quậy suốt đêm của chúng, cái cảnh tượng người ta đem thịt tươi đến cho các con vật ăn, cái tiếng hét kêu của chúng khi được cho ăn v.v... đều làm cho người nghệ sĩ khốn đốn miên man. Nhưng anh ta không dám than phiền với ban quản lý; dù sao thì cũng nhờ có các con thú đó mà khán giả mới đi ngang qua lồng của anh ta, trong đám khán giả đó thỉnh thoảng có người chú ý đến anh ta; và nếu anh ta kêu ca than vãn để người ta chú ý đến sự hiện hữu của anh ta, một sự hiện hữu mà nói cho đúng ra như là một trở ngại trên lối đi đến xem các con thú, thì người ta sẽ lại đem anh bỏ vào một góc xó nào ai biết!
Một trở ngại nhỏ, hẳn nhiên là thế; và là một trở ngại nhỏ càng ngày càng nhỏ đi. Người ta đã quen với cái ý tưởng lạ lùng rằng họ bị yêu cầu phải chú tâm đến người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói, vì chính vì quen nghĩ tưởng như thế mà thành ra họ chống lại anh ta. Anh ta cố gắng nhịn được cho thật lâu, nhưng rồi vô vọng, người ta đi qua không chú tâm đến anh ta nữa. Làm sao giải thích cho ai nghệ thuật nhịn đói! Không ai thích nữa thì ai hiểu nữa! Các tấm bảng quảng cáo càng ngày càng bẩn và hầu như không còn đọc được vì bị hư nhiều chỗ; tấm bảng ghi số ngày đã nhịn được thì lúc đầu người ta cẩn thận thay đổi hàng ngày, nay cứ nằm ỳ với nguyên một con số, vì sau vài tuần dường như không ai làm cái việc thay bảng đó nữa; thế là người nghệ sĩ chỉ có việc cứ tiếp tục nhịn đói như đã từng mong muốn; anh ta đã từn bảo là nhịn đói bao lâu cũng không sao; thế nhưng chẳng ai đếm giúp số ngày cho anh ta, chính anh ta cũng không biết mình ghi được kỷ lục là bao nhiêu ngày rồi; nghĩ tới đó chợt lòng anh ta nặng chùng xuống. Thảng hoặc có một người nào lững thững đi ngang qua, đứng lại cười ngạo với con số cũ mèm ghi trên bảng và chơi cái trò ghi một con số lường gạt vào, thì đó là một cái trò ngu si vô ý thức nhất, vì chính ra không phải người nghệ sĩ lường gạt; anh ta đã trình diễn hết sức của mình, để người đời chơi xí gạt công lao của anh mà thôi.
Nhiều ngày trôi qua, sự việc phải đến một lúc cuối. Một hôm một người giám thị trong đoàn xiệc chợt để mắt đến cái lồng của người nghệ sĩ, và ông ta hỏi các người làm trong đoàn rằng tại sao cái lồng còn tốt kia lại để làm gì một cách vô dụng với đống rơm bẩn trong đó vậy; chẳng ai biết để trả lời ông ta cả, cho đến khi một người nhìn thấy tấm bảng dơ bẩn, sực nhớ ra có người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói. Họ liền lấy cây thọc vào đống rơm và thấy người nghệ sĩ trong đó. Người giám thị hỏi: "Anh còn nhịn đói à? Chừng nào thì chịu dừng lại?" Nhà nghệ sĩ thì thầm rất nhỏ, chỉ có người giám thị để tai sát vào chấn song là nghe: "Xin mọi người tha lỗi". Người giám thị một ngón tay đập đập lên trán mình để có ý cho các người đứng đấy biết tình trạng của người nghệ sĩ và nói:"Dĩ nhiên chúng tôi tha thứ cho anh". Người nghệ sĩ nói:"Tôi luôn luôn muốn các ông phải phục sự nhịn đói của tôi". Người giám thị nói một cách hòa nhã:"Chúng tôi phục lắm"... Người nghệ sĩ lại nói:"Nhưng ông không nên phục lắm". Người giám thị bảo:"À, thế thì chúng tôi sẽ không phục lắm, nhưng tại sao chúng tôi lại không nên phục lắm?" Người nghệ sĩ nói:" Là tại vì tôi phải nhịn đói, chứ không làm sao hơn". Người giám thị nói:"Anh bạn là người thật lạ, thế tại sao anh không thể làm khác hơn?" Người nghệ sĩ hơi ngẩng đầu lên, môi anh ta hơi chu ra như để hôn và nói từng tiếng một vào tai người giám thị:"Là tại vì tôi không tìm được thứ thực phẩm tôi thích. Chứ nếu tìm được thực phẩm tôi thích, thì ông cứ tin tôi đi, tôi không làm điệu bộ gì đâu, tôi ngốn như ông hay như mọi người ngay!" Đây là những lời nói cuối cùng của anh ta, nhưng trong đôi mắt lờ mờ của anh ta vẫn còn sự cương quyết, tuy hết sự kiêu hãnh, cương quyết tin tưởng rằng anh ta vẫn tiếp tục nhịn đói.
"Thôi, dọn sạch cái này đi!" Ông giám thị nói xong, mọi người đào chôn người nghệ sĩ, luôn cả rơm anh ta đang lót ngồi. Rồi họ đem một con báo con nhốt vào cái lồng đó. Dù một người lạnh lùng thế nào cũng thấy vui tươi khi nhìn con vật hoang dại nhảy tưng tưng trong lồng, cái lồng bấy lâu nay buồn thảm. Con báo con coi bộ hay quá. Các người làm không ngần ngại mang ngay thức ăn thích thú của nó đến cho nó; mà nó dường như không mất mát gì sự tự do của nó cả; cái thân hình quý đẹp của nó như chứa đầy đủ tất cả gì cần thiết, như đi tới đâu mang tự do tới đó; đâu đó trong cái hàm của nó như ửng lửa; và từ cổ họng nó như tiết ra dòng sống vui đến nỗi như làm cho các người xem khó chống nỗi cám dỗ. Họ kết chặt tay nhau đứng chung quanh cái lồng không muốn bỏ đi.
Chú thích:
(*) Truyện này dịch theo bản Anh ngữ, trích trong tập The Pena Colony của Kafka, do Abraham H. Lass và Leonard Kriegel tuyển chọn cho tập "Master Of The Short Story" nhà NAL in tháng 6 năm 1971, trang 317-325.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét